Đời sống quanh ta

thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Image


XA LỘ HOA KỲ
Trần Quốc Sỹ
Nói đến Hiệp Chủng Quốc, chúng ta không thể nào không nói đến hệ thống xa lộ, tiếng Anh gọi là super highways hay giản dị hơn: freeways ( chúng được gọi là "freeway" vì xa lộ không có ngã tư, người lái xe được "free" không phải bị đột nhiên dừng lại), một hệ thống giao thông có thể được xem là hoàn hảo nhất thế giới.

Hầu hết mọi người trong chúng ta hằng ngày đều xử dụng hệ thống xa lộ này để đi làm, đi học, đi chơi, đi thăm người yêu, bạn bè…tuy nhiên, rất ít người biết về lịch sử của chúng hoặc dùng một vài phút để suy nghĩ hoặc cảm ơn công sức của hằng trăm ngàn người đã chung sức để tạo nên công trình tuyệt diệu này mà chúng ta là những người may mắn đang được thụ hưởng ngày hôm nay.

Tác giả xin được mạn phép trình bày cùng bạn đọc sau đây một vài vấn đề liên quan đến hệ thống xa lộ tại Hoa Kỳ, một hệ thống giao thông xuyên thành phố hoặc tiểu bang được xem như an toàn và hữu hiệu nhất.

Lịch sử hệ thống Freeway Liên Tiểu Bang (Interstate Highways):

Vào tháng 7 năm 1919, một viên đại uý trẻ tên Dwight David Eisenhower cùng 294 bạn đồng đội đã thực hiện một cuộc hành trình xuyên bang đầu tiên từ đông sang tây bằng xe hơi khởi hành từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Vì đường xá quá xấu, đoàn xe chỉ đạt được tốc độ trung bình là 5 dặm một giờ và phải mất hết 62 ngày mới đến được Union Square tại San Francisco.


Sau khi Thế giới Đại Thế Chiến lần thứ Hai chấm dứt, tướng Eisenhower rất thán phục hệ thống xa lộ Autobahn của người Đức khi nghiên cứu về những báo cáo tổn thất trong trận chiến. Trong khi một quả bom có thể cắt đứt và làm tê liệt sự chuyển vận của hệ thống hoả xa, thì hệ thống xa lộ Autobahn của Đức có thể được sửa chữa và xử dụng ngay tức khắc. Bom đạn khó có thể huỷ hoại hoàn toàn một con đường rộng được tráng với một lớp nhựa đường thật dày.


Hai kinh nghiệm trên đã giúp tướng Eisenhower nhận thức ra sự quan trọng của hệ thống xa lộ. Sau khi đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1953, ông đã vận động và đẩy mạnh dự án xây cất hệ thống Xa lộ Liên Bang gồm 42 ngàn dặm đường xuyên qua 50 tiểu bang. Tổng thống Eisenhower và các nhân viên của ông làm việc ròng rã 2 năm trời và đệ trình dự án công cộng lớn nhất thế giới để Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn.

Vào ngày 29 tháng 6 năm 1956, bộ luật Federal Aid Highway Act (FAHA) được ban hành và hệ thống Xa lộ Liên Tiểu bang bắt đầu được thành hình. Theo bộ luật này, chính phủ liên bang sẽ đài thọ 90% kinh phí xây cất và mỗi tiểu bang phải đóng góp 10% còn lại.

Tiêu chuẩn của xa lộ đã được quy định rõ ràng. Mỗi lối đi phải rộng 12 feet, lề đường phải rộng 10 feet, chiều cao tối thiểu dưới gầm cầu là 14 feet, độ dốc không quá 3% và được nghiên cứu để xe hơi có thể chạy an toàn với vận tốc 70 dặm một giờ.
Không đầy 5 tháng sau khi bộ luật FAHA được phê chuẩn, đoạn xa lộ đầu tiên dài 8 dặm, thuộc thành phố Topeka, Kansas được khánh thành ngày 14 tháng 11 năm 1956.
Dự án xây cất hệ thống Xa lộ Liên Tiểu bang (Interstate Highways), gọi tắt là Liên bang, được dự tính hoàn thành trong 16 năm (1956-1972) nhưng trên thực tế nó đã kéo dài đến 37 năm khi đoạn xa lộ cuối cùng trong dự án, xa lộ I-105, nối liền xa lộ I-605 và phi trường Los Angeles được khánh thành năm 1993. Chỉ riêng đoạn xa lộ dài 17.3 dặm này, Cal Trans đã mất gần 35 năm (24 năm đề án và 11 năm xây cất) để hoàn thành với tốn phí lên tổng cộng lên đến 2.22 tỷ đô la.


Một vài dữ kiện khá lý thú về đoạn xa lộ được xem là tối tân nhất của Hoa Kỳ này:

- Xa lộ 105, còn được gọi là Century Freeway hay Glenn Anderson Freeway, được đề án vào năm 1958, và được thêm vào dự án Interstate Highways cuối thập niên 1960s. Một đơn kiện của cư dân địa phương và các nhà hoạt động bảo vệ môi sinh được nạp năm 1972 xin huỷ bỏ dự án này. Dầu vậy, một phát quyết của thẩm phán Harry Pregerson đã được phê chuẩn và ban hành năm 1979, sau đó được tu chính năm 1981, đã cho phép khởi công xây cất xa lộ I-105.
- Lễ đặt viên đá đầu tiên diễn ra ngày 1 tháng 5 năm 1982 và đoạn xa lộ này được chính thức khánh thành cho công chúng xử dụng lúc 3 giờ 13 phút ngày 14 tháng 10 năm 1993, sau 11 năm 5 tháng và 13 ngày xây cất. Từ sáng sớm ngày hôm đó, cả ngàn người đã đậu xe sắp hàng để chờ được "cắt chỉ" khai trương, để được vinh dự là những người đầu tiên được lái xe trên xa lộ I-105.
- Xa lộ I-105 có 3 lối (lanes) chính mỗi chiều, cộng thêm hai lối phụ dành cho những người đi chung xe, thường được gọi là diamond lanes hay car pool lanes. Ngoài ra, chính giữa xa lộ còn được thiết bị với hệ thống đường xe điện hai chiều.
- Tổng số xe cộ xử dụng xa lộ I-105 những ngày sau khi khánh thành là 155,000 chiếc mỗi ngày. Con số này đang trên đà gia tăng và Cal Trans ước lượng rằng vào năm 2010, tổng số xe cộ xử dụng xa lộ I-105 sẽ lên đến 230,000 chiếc mỗi ngày.
- Trong 17.3 dặm của xa lộ I-105, chỉ có 0.5 dặm của xa lộ được xây bằng mặt đường. Còn lại, 10.7 dặm được xây cao hơn mặt đường và 6.1 dặm thấp hơn mặt đường.
- Xa lộ I-105 có 4 giao điểm nối với xa lộ I-405, I-110, I-710, và I-605. Riêng chỗ giao điểm của xa lộ I-105 và xa lộ I-405 là một công trình xây cất giao điểm xa lộ lớn nhất tại California. Giao điểm này rộng 100 mẫu, gồm 5 tầng và có độ cao hơn một cao ốc 7 tầng, với kinh phí xây cất lên đến 134 triệu đô la. Chỉ riêng đoạn xa lộ tạm thời trên xa lộ I-405 để xe cộ có thể lưu thông trong thời gian xây cất giao điểm, tốn phí đã lên đến hơn 20 triệu đô la.
- Để hoàn thành xa lộ I-105, Cal Trans đã mua lại nhà, đất của 25,000 cư dân địa phương.
- Cal Trans đã xử dụng 930 mẫu đất, 2.3 triệu cubic yards xi-măng, 115,000 tấn thép, đào xới 16 triệu cubic yards đất và lấy đi 500,000 cubic yards đất bị ô nhiễm.
- Công trình này là công sức của 200 nhân viên tiểu bang, và hơn 1500 nhân viên thuộc các hãng thầu.
- Công trình xây dựng xa lộ I-105 đã mang lại hơn 18,000 công việc, cùng gián tiếp hỗ trợ hơn 27,000 công việc khác.

Những quy luật về đặt danh số cho xa lộ:

Có khi nào bạn tự hỏi những danh số đặt tên cho Xa lộ Liên bang và Tiểu bang có ý nghĩa gì không ? Xin thưa, chúng đều có ý nghĩa và buộc phải theo một hệ thống nhất định. Vào năm 1957, dấu hiệu và danh số dành cho Xa lộ Liên bang được phổ biến. Theo quy luật này, dấu hiệu của Xa lộ Liên bang sẽ có hình khiên, mũi nhọn quay xuống, gồm ba màu xanh dương, trắng và đỏ (màu đỏ ở trên, xanh dương ở dưới, nền trắng, chữ trắng). Cũng theo quy luật này, những Xa lộ Liên bang mang hai con số sẽ được xem như những xa lộ chính. Nếu một xa lộ chính chạy theo hướng Nam-Bắc, nó sẽ mang số lẻ, và ngược lại, nếu một xa lộ chính chạy theo hướng Đông Tây, nó sẽ mang số chẵn. Số nhỏ dành cho những xa lộ bắt đầu từ miền Tây và miền Nam và số lớn dành cho những xa lộ bắt đầu từ miền Đông và miền Bắc. Thí dụ như xa lộ liên bang 5 (số zero được hiểu ngầm), sẽ chạy theo hướng Nam-Bắc và bắt đầu từ Nam California, trong khi đó, xa lộ liên bang I-10, sẽ chạy theo hướng Đông-Tây và cũng bắt đầu từ Nam California.

Những xa lộ liên bang có 3 con số là những xa lộ vòng đai hoặc xa lộ phụ thuộc vào xa lộ chính. Chẳng hạn như xa lộ liên bang I-405 là xa lộ phụ của xa lộ liên bang I-5 và xa lộ liên bang I-210 là xa lộ vòng đai của xa lộ liên bang I-10. Xa lộ vòng đai hoặc xa lộ phụ cũng phải theo quy luật chẵn, lẻ như xa lộ chính, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ. Trường hợp ngoại lệ điển hình là Xa lộ Liên bang I-110 hoặc Xa lộ Liên bang I-710, hai xa lộ phụ của Xa lộ Liên bang I-10, tuy mang số chẵn nhưng chúng lại chạy theo hướng Bắc-Nam.

Dấu hiệu cho Xa lộ Tiểu bang có hình dáng và màu sắc tùy mỗi tiểu bang quyết định. Tại California, xa lộ tiểu bang có màu xanh lá cây trên nền trắng, chữ trắng, cũng hình khiên nhưng với mũi nhọn chỉ lên trời, như xa lộ tiểu bang CA-91 hoặc xa lộ tiểu bang CA-22. Xa lộ Tiểu bang không nhất thiết theo quy luật chẵn lẻ, điển hình là xa lộ Tiểu bang CA-91, tuy mang số lẻ nó lại chạy theo hướng Đông-Tây.

Ngoài hai hệ thống xa lộ liên bang và tiểu bang như đã đề cập, chúng ta còn có một hệ thống xa lộ nữa được gọi là Xa lộ US (US Highways). US Highways là một loại hệ thống Xa lộ Liên bang nhưng đã tồn tại trước khi bộ luật Federal Aid Highway Act (FAHA) ra đời. Hệ thống xa lộ này được thành lập đầu tiên vào năm 1925 bởi Federal Aid Highway Act để thay thế sự lẫn lộn của những xa lộ dùng tên gọi (chẳng hạn như xa lộ Lincoln Highway nối liền New York với San Francisco, đã được thay thế bằng US40, sau này trở thành Xa lộ liên bang I-80 tại California). Xa lộ Hoa Kỳ có dấu hiệu cũng hình khiên, màu trắng, viền đen, chữ đen với mũi nhọn quay xuống. Hiện nay, phần lớn những Xa lộ Hoa Kỳ đã được thay thế bằng những Xa lộ Liên bang hay Tiểu bang, nhưng một số vẫn còn tồn tại, chẳng hạn như xa lộ US-101, hoặc xa lộ US-395.

Nhiều người thường lầm tưởng rằng Xa lộ Liên bang (Interstate Highways) là xa lộ nối liền các tiểu bang còn Xa lộ Tiểu bang (State Highway) là xa lộ chỉ chạy trong phạm vi tiểu bang mà thôi. Điều này không hoàn toàn đúng như vậy. Chỉ có xa lộ chính mới chạy xuyên tiểu bang, thí dụ như xa lộ Liên bang I-10 hoặc I-40. Còn những xa lộ Liêng bang phụ hoặc xa lộ vòng đai chỉ chạy trong phạm vi tiểu bang. Điển hình là Xa lộ liên bang I-105 chỉ chạy từ Norwalk đến El Segundo, thuộc tiểu bang California.

Sự khác biệt giữa Xa lộ Liên bang và Xa lộ Tiểu bang ở chỗ Xa lộ Liên bang được tài trợ và chi phối bởi liên bang, trong khi đó Xa lộ Tiểu bang hoàn toàn do tiểu bang chi chuẩn. Một điều đáng được ghi nhận là tiểu bang Alaska không có xa lộ Liên bang nhưng tiểu bang Hawaii thì có, được biết dưới tên là xa lộ Liên bang H1.

Những điều cần biết khi xử dụng xa lộ:

Như đã thưa ở trên, xa lộ tại Hoa Kỳ được xem như con đường an toàn và hữu hiệu nhất cho những người lái xe ô tô. Đúng vậy, so với các đường trong thành phố, số tai nạn tử vong trên xa lộ rất thấp và thời gian để đi từ điểm A đến điểm B rất ngắn. Thời gian di chuyển trên xa lộ so với đường trong thành phố, nhất là nếu bạn phải đi xa, thường chỉ bằng một nửa hoặc ngắn hơn. Tuy vậy, lái xe trên xa lộ không phải là không nguy hiểm vì tốc lực xe chạy trên xa lộ rất cao, có thể lên đến 75 hay 80 dặm/giờ. Với một tốc lực cao như vậy, nếu bạn lạc tay lái đâm vào thành xi măng chắn hoặc đâm vào xe ngược chiều thì kể như tiêu đời.

Với tư cách là một giảng viên của National Traffic Safety Institute (NTSI), tác giả xin được đóng góp một vài ý kiến thô thiển cùng những kinh nghiệm thâu thập được trong nghề ngõ hầu có thể giúp bạn đọc lái xe an toàn hơn và tránh được bị các ông bạn dân chiếu cố:


1. Luôn giữ xe trong tình trạng toàn hảo. Chiếc xe của bạn là một trong bốn yếu tố khiến 6,300,000 tai nạn đã xảy ra hằng năm, đưa đến sự tử vong của gần 50,000 người. Bảo trì xe là một trong những phương cách có thể giúp giảm thiểu sự nguy hiểm trong việc lái xe. Hãy kiểm soát hệ thống thắng xe của bạn thường xuyên, ít nhất mỗi 15,000 dặm. Đừng để mực dầu thắng xuống thấp hơn mực tối thiểu. Nên thay vỏ bánh xe nếu chúng đã mòn quá 1/32 của một inch.

2. Tránh xử dụng những xa lộ được mệnh danh là xa lộ tử thần (killer highways), nếu bạn có thể xử dụng những xa lộ khác. Xa lộ tử thần là những xa lộ tiểu bang, chạy xuyên qua những tỉnh lẻ, thường được gọi là những xa lộ đồng quê (country highways), thí dụ như Xa lộ Tiểu bang CA-71. Loại xa lộ tiểu bang này chỉ có hai lối (lanes) đi và về, không có tường chắn ở giữa. Chúng chỉ được ngăn đôi bằng hai vạch vàng liên tục, hoặc đôi khi, một vạch liên tục và một vạch đứt đoạn một bên. Đây là dấu hiệu cho phép tài xế được lấn sang phần đường bên kia để qua mặt xe đằng trước. Lý do những xa lộ này được mệnh danh là xa lộ tử thần vì số tử vong hằng năm trên những xa lộ này rất cao, phần lớn do tài xế qua mặt một cách bất cẩn, hoặc do tài xế mệt mỏi, ngủ gục và đâm qua lối đi ngược chiều.


Những điều cần ghi nhớ nếu bạn buộc phải xử dụng những xa lộ này:

1. Nếu bỗng dưng bạn thấy xe ngược chiều đâm sang lối của bạn, việc đầu tiên là hãy giữ bình tĩnh, bóp kèn hoặc pha đèn để cảnh giác người tài xế với hy vọng anh ta sẽ trở về lối của anh ta. Nếu đèn và kèn không mang lại kết quả, hãy lạng xe về hết bên phải để tránh tai nạn. Không bao giờ lạng về bên trái vì người tài xế xe ngược chiều có thể giật mình và trở về lối của anh ta.

2. Chỉ qua mặt khi lằn kẻ vàng bên phần đường của bạn đứt đoạn. Không bao giờ qua mặt tại những khúc quanh, trên dốc và nhất là không bao giờ qua mặt vào ban đêm nếu bạn có thể thấy được hai ánh đèn xe ngược chiều, mặc dù chúng rất nhỏ. Lý do rất dễ hiểu là bạn sẽ không ước lượng chính xác được khoảng cách giữa xe của bạn và xe bên kia, do đó bạn sẽ không đủ thì giờ để vượt xe đằng trước bạn một cách an toàn.

3. Luôn luôn giữ khoảng cách an toàn đối với xe đằng trước. Khoảng cách giữa xe của bạn và xe đằng trước được xem là an toàn khi xe đằng trước bạn bất chợt thắng gấp mà bạn vẫn có thể thắng kịp để không gây ra tai nạn. Khoảng cách này được đo bằng thời gian, được đề nghị là 3 giây cho điều kiện thời tiết bình thường. Nếu trời đang mưa hoặc có sương mù, khoảng cách này phải được tăng lên, 4 hoặc 5 giây hoặc lâu hơn nữa. Để biết được khoảng cách an toàn giữa xe của bạn và xe đằng trước, hãy để ý chiếc xe trước mặt. Khi chiếc xe này đến một điểm cố định, chẳng hạn như cột đèn, thì bạn bắt đầu đếm thầm, chậm rãi: một ngàn lẻ một, một ngàn lẻ hai, một ngàn lẻ ba. Nếu sau khi đếm tới một ngàn lẻ ba mà xe của bạn chưa đến điểm cố định đó, bạn đã giữ được khoảng cách an toàn. Bằng không, bạn đang đánh bài với sinh mạng của mình.

4. Đừng vượt quá vận tốc giới hạn. Tốc lực tối đa của tiểu bang California là 65 dặm/giờ, ngoại trừ trong những trường hợp điều kiện an toàn cho phép, tốc lực tối đa được tăng lên 70 dặm/giờ. Trên lý thuyết, nếu bạn vượt quá vận tốc giới hạn dầu chỉ 1 dặm, cảnh sát có quyền cho bạn ticket vì tiểu bang California, cùng 31 tiểu bang khác, áp dụng luật "tốc lực giới hạn tuyệt đối" (absolute speed limit). Tuy nhiên, trên thực tế, cảnh sát thường không viết ticket cho bạn nếu bạn chỉ vượt quá khoảng 5 hoặc 7 dặm. Trong mọi trường hợp, tác giả thành thật khuyên các bạn đừng lái xe quá tốc lực, nhưng nếu bạn là người thích lái xe nhanh, thích tìm cảm giác mạnh, các bạn cần ghi nhớ những điều sau đây để tránh khỏi bị ăn ticket của những ngài cảnh sát:
- Tránh xử dụng lane số 1 (lane sát giữa đường hoặc cạnh diamond lane)
- Tránh đổi lane nhiều lần
- Tránh bám đuôi xe khác quá gần
- Đừng dán kính màu cửa kính trước của xe (phần ghế tài xế và hành khách kế bên)
- Đừng sơn sửa xe để nó có hình dạng quá nổi bật như cắt ống nhún cho xe thấp gần sát đất, dùng bánh xe có đường kính 20 inch, sơn xe màu thật nổi như xanh lá cây lợt hoặc vàng, xi bô xe, cảng xe bóng loáng, gắn đèn neon chung quanh hay dưới lườn xe…

Khi có nhiều người vi phạm cùng một lúc, cảnh sát sẽ cho ticket những người nào mà họ cho là dễ bắt nhất, nổi bật nhất và vi phạm lộ liễu nhất.

- Đừng bao giờ qua mặt cảnh sát. Khi lái xe trên xa lộ, bạn hãy để ý đến những xe cảnh sát chạy chậm trong lane trong cùng. Đây là những ông bạn dân đang làm nhiệm vụ của họ là canh bắt những người vi phạm vận tốc giới hạn. Nếu không muốn bị ăn ticket, bạn hãy giữ cùng vận tốc với họ. Khi thấy họ exit ra khỏi freeway, đừng vội nhấn ga đi tiếp vì nghĩ rằng bạn đã thoát nạn. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ vờ exit nhưng thật ra họ rẽ vào con đường nhỏ bên cạnh và bọc lên freeway trở lại.
Và cuối cùng…

5. Đừng lái xe trên car pool lanes nếu bạn chỉ đi một mình. Car pool lanes hay diamond lanes là những lối đi đặc biệt trên xa lộ, hoặc lối ra xa lộ, chỉ dành riêng cho những xe có hai, hoặc ba người trong xe trở lên. Tiền phạt tối thiểu cho những người vi phạm car pool lanes cho tiểu bang California là 271 đô. Đừng ra hoặc vào car pool lanes ở những nơi mà những đường kẻ màu vàng liên tục. Chỉ ra và vào khi nào những đường kẻ đứt đoạn. Vi phạm điều này, bạn cũng sẽ ăn một ticket giống như trường hợp của lái xe trên diamond lane một mình.

Để chấm dứt bài viết này, tác giả xin kể cho các bạn một chuyện vui mà tác giả thường kể cho các học viên trong lớp xoá ticket. Có một bà Mỹ sồn sồn, dòng dõi luật sư (bố là luật sư, chồng là luật sư, anh em có nhiều người làm luật sư). Bà bị lãnh một ticket cho tội lái xe trên diamond lane một mình. Thay vì đóng phạt rồi xin đi học traffic school, bà chọn việc ra toà tranh cãi cho sự vi phạm của bà. Đứng trước mặt quan toà, khi được hỏi: "Có tội hay không có tội?" bà đã anh dũng thưa với quan toà rằng: "Không có tội".

Quan toà tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi bà:
- Bà lái xe trên diamond lane một mình bị cảnh sát bắt, xin bà hãy giải thích về sự vô tội của bà?

Bà liền lôi trong cặp táp ra tờ giấy do bác sĩ cấp, chứng nhận rằng bà đang mang thai 4 tháng, đưa cho quan toà xem. Quan toà liếc mắt nhanh qua tờ giấy, trả lại cho bà mỉm cười:
- Theo luật pháp, đây chỉ mới là thai nhi, không tính là một người. Bà vẫn có tội. Sorry.

Nhưng bà không chịu thua, lớn tiếng thưa:
- Thưa quan toà, ông sai rồi.

Quan toà vẫn cười:
-Tôi sai ? Xin bà hãy chứng minh chỗ tôi sai. Tôi rất muốn nghe sự trình bày của bà.

Bà trả lời một cách tự tin:
- Được, tôi sẽ chứng minh cho ông xem.

Nói xong, bà lại mở cặp, lôi ra một quyển sách luật, mở đến trang đã đánh dấu sẵn, đọc lớn:
- Trong phiên toà ngày ….tại toà án tối cao tiểu bang …. , vị thẩm phán phiên toà đã tuyên án tù chung thân một người đàn ông về tội đã giết chết hai người, đó là người đàn bà mang thai và đứa con còn trong bụng của bà ta.

Đọc xong, bà giơ quyển sách luật lên cao, dõng dạc:
-Vì thế, chiếu theo phiên toà này, đứa bé trong bụng tôi là một người.

Xong bà đắc ý cười lớn:
-Haha, tôi đã bảo ông, tôi sẽ chứng minh cho ông xem mà. Ông thua rồi.

Vị quan toà sau khi nghe bà trình bày, gật gù:
-Tôi có lời khen ngợi bà và xin cảm ơn về sự khảo cứu của bà. Hôm nay tôi được học một điều mới. Bà nói đúng, chiếu theo phiên toà này, đứa bé trong bụng bà là một người. Vì lý do này, tôi sẽ tha bà tội lái xe trên diamond lane, nhưng …

Ngưng một vài giây, ông tiếp:
-Tôi buộc phải phạt bà tội …HAI NGƯỜI NGỒI MỘT GHẾ.

Tác giả xin chúc các bạn một ngày thật vui và xin lái xe thật cẩn thận.

Trần Quốc Sỹ
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

24 Món Ăn Kỵ Nhau

Bạn đã biết gan lợn không nên xào chung với giá? Không uống sữa bò với các loại quả họ cam, quýt… nhưng còn những loại thực phẩm khác nữa?
Và làm sao để dễ nhớ? Nào, hãy cùng nhẩm đọc thuộc bài thơ dưới đây nhé!
Mật ong, sữa, sữa đậu nành?
Ăn cùng tắc tử - phải đành xa nhau!

Gan lợn, giá, đậu nực cười?
Xào chung, mất sạch bổ tươi ban đầu!

Thịt gà, kinh giới kỵ nhau?
Ăn cùng một lúc, ngứa đầu phát điên!

Thịt dê, ngộ độc do đâu?
Chỉ vì dưa hấu, xen vào bữa ăn!

Ba ba ăn với dền, sam
Bụng đau quằn quại, khó toàn vẹn thân!

Động kinh, chứng bệnh rành rành?
Là do thịt lợn, rang chung ấu Tầu!

Chuối hột ăn với mật, đường?
Bụng phình, dạ trướng, dọc đường phân rơi!

Thịt gà, rau cải có câu?
Âm dương, khí huyết thoát vào hư vô!

Trứng vịt, lẫn tỏi, than ôi?
Ăn vào chắc chết, mười mươi rõ ràng!

Cải thìa, thịt chó xào vô?
Ăn vào, đi tả, hôn mê khôn lường!

Sữa bò, cam, quýt, bưởi, chanh?
Ăn cùng một lúc, liên thanh sấm rền!

Quả lê, thịt ngỗng thường thường?
Ăn vào cơ thể đùng đùng sốt cao!

Đường đen pha sữa đậu nành?
Đau bụng, tháo dạ, hoành hành suốt đêm!

Thịt rắn, kị củ cải xào?
Ăn vào, sao thoát lưỡi đao tử thần!

Nôn mửa, bụng dạ không yên?
Vì do hải sản ăn liền trái cây!

Cá chép, cam thảo, nhớ rằng?
Ăn chung, trúng độc, không cần hỏi tra!

Nước chè, thịt chó no say?
Thỉnh thoảng như thế, có ngày ung thư!

Chuối tiêu, môn, sọ phiền hà?
Ruột đau quằn quại, như là dao đâm!

Khoai lang, hồng, mận ăn vô?
Dạ dày viêm loét, tổn hư tá tràng!

Ai ơi, khi chưa dọn mâm?
Nhắc nhau nấu nướng, sai lầm hiểm nguy!

Giàu Vitamin C chớ có tham (1)
Nấu cùng ốc, hến, cua, tôm, nghêu, sò!

Ăn gì? ăn với cái gì?
Là điều cần nhớ, nên ghi vào lòng!

Chẳng may ăn phải, vài giờ?
Chúng tạo chất độc bảng A chết người!

Quý nhau mời tiệc lẽ thường!

Thức ăn tương phản, trăm đường hại nhau!


Sưu tầm
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Image

J. KRISHNAMURTI
(11th May 1895 -- 17 February 1986)
CUỘC ĐỜI và TƯ TƯỞNG

Jiddu Krishnamurti chào đời trong một gia đình Bà-la-môn trung lưu tại ngoại ô tỉnh Madanapalle, miền nam Ấn Độ. Mẹ chết sớm từ khi ông mới lên mười. Tuổi ấu thơ, ông thường xuyên đau yếu, học hành thì lơ đãng, tâm hồn thường chìm đắm trong mơ mộng và có khuynh hướng về tâm linh, về lòng nhân ái, tình thương người, thương vật và yêu thiên nhiên.

Cha của Krishnamurti là một viên chức của chính quyền. Khi về nghỉ hưu, ông cụ đề nghị với bà Annie Besant, chủ tịch hội Thông Thiên Học (The Theosophical Society), mà ông cụ là một thành viên, xin vào làm việc cho Hội. Do đó, ông cụ cùng bốn người con dọn về Trụ Sở chính của hội tại Madras, vào lúc Krishnamurti mười bốn tuổi.

Hội Thông Thiên Học do bà Helena P. Blavatsky người Nga và một cựu đại tá Hoa Kỳ là ông Steele Olcott thành lập vào năm 1875, là một hội có mục tiêu tìm hiểu các tôn giáo, các nguồn tư tưởng, minh triết, các sự huyền nhiệm trên thế giới cổ kim và các năng lực thần bí nơi con người. Khi đó, hội đang có mục tiêu sửa soạn cho sự hạ sanh của bồ tát Di Lặc, xuống thế để làm nhiệm vụ Thế Giới Đạo Sư (World Teacher).
Cơ hội gần gũi của gia đình Krishnamurti và bà Annie Besant đã tạo nên một sự gắn bó khắng khít giữa bà và cậu bé mười bốn tuổi yếu ớt, lại có khuynh hướng tâm linh thần bí, và đã khiến cho bà và Bishop Leadbeater phát hiện ra cậu bé Jiddu Krishnamurti chính là vị hóa thân mà họ đang tìm kiếm, với những kinh nghiệm về đột biến tâm linh của cậu, khi đó Krishnamurti mới mười lăm tuổi.

Để chuẩn bị chu đáo cho sự xuất hiện của Thế Giới Đạo Sư, hội Thông Thiên Học thành lập một hội đoàn tôn giáo lấy tên là Ngôi Sao Phương Đông (The Order of the Star in the East) và tôn Krishnamurti làm Đạo Trưởng. Nhóm này có nhiều chục ngàn hội viên ở khắp nơi trên thế giới, với nhiều tiền bạc, nhà cửa đất đai tại Âu Châu, Úc châu, Ấn Độ, v.v...

Năm 1912, Khishnamurti được hội Thông Thiên Học chính thức tấn phong làm Thế Giới Đạo Sư. Nhưng đến năm 1929, bỗng nhiên ông giải tán hội Ngôi Sao Phương Đông, đọc bản tuyên ngôn "Thực Tại (Chân Lý) là nơi không có lối mòn để vào" (Truth is a Pathless Land). Làm việc này, ông đã đương nhiên liệng bỏ những tài sản, đất đai, tiền bạc, quyền lực và tất cả mọi vinh dự mà thế nhân dành cho nhân vật có thẩm quyền, vị Đạo Sư.

Từ đó cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời ở tuổi 91, ông đáp ứng lời mời từ khắp nơi trên thế giới, thân hành tới ngồi chung trên thảm cỏ, trong nhà hội, trong phòng họp, đến bất cứ nơi nào có người quan tâm để thảo luận với họ những vấn đề về tự do, về sự tự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi tiềm ẩn từ trong tiềm thức, về sự tự gỡ bỏ gông cùm của những lề thói trói buộc con người, gỡ bỏ sự sợ hãi về các loại địa ngục do các tổ chức thần quyền tạo ra để khống chế tín đồ, về tình yêu thuần khiết, về lòng từ bi thương xót, kêu gọi mỗi người phải là nguồn ánh sáng của bản thân, v.v... Những lời thuyết giảng của ông không phải là những kiến giải trong sách vở, nhưng là từ kinh nghiệm nội tâm. Ông không "thuyết lý", nhưng ôn tồn tâm tình với thính giả về những điều mà tất cả chúng ta quan tâm trong đời sống hằng ngày, nói về những trăn trở, băn khoăn của con người thời đại mới với sự suy sụp tinh thần và bạo lực, nói với từng cá nhân đi tìm sự an lạc, nói với người đang bồn chồn tìm cách giải thoát ra khỏi cái chướng ngại của sự giận dữ , thù hận, sợ hãi, đau khổ đang ám ảnh trong nội tâm anh ta. Ông luôn luôn tha thiết với việc gỡ con người ra khỏi sự sợ hãi, một hành động "vô úy thí" cao quý.

Điểm then chốt đặc biệt của ông là, ngay như khi đang nói về các vấn đề xã hội, chính trị, hoặc kinh tế đang xẩy ra, lời giải đáp của ông cũng từ cái nhìn tận gốc rễ và vượt thời gian. Ông chỉ ra cái nguyên nhân tạo vấn đề nó nằm phía sau như thế nào, và nguồn gốc của mâu thuẫn và bạo lực đã tiềm ẩn trong tâm con người ra sao. Ông không tặng chúng ta một cách giải quyết kiểu "mì ăn liền" cho những vấn đề của thời đại, mà là ông nhìn rõ được rằng những vấn đề này chỉ là triệu chứng của một chứng bệnh thâm căn cố đế, nằm sâu trong tâm não của mỗi người trong chúng ta. Luôn luôn, ông nhắc mọi người về sức mạnh tinh thần của chính bản thân họ, luôn nhắc mọi người nhìn vào nội tâm, tự giải thoát ra khỏi những xiềng xích tư tưởng rập khuôn của người khác. Ông nhắc nhở mọi người đừng tự làm nô lệ cho bất cứ loại tư tưởng nào của bất cứ ai, dù đó là những "thẩm quyền (authority), không những thế , nên tự thanh lọc những ô nhiễm do bị những loại "thẩm quyền" nhồi nhét vào tâm não từ vô thủy. Ngay cả đến những lời nói của ông, ông cũng yêu cầu mọi người hãy chỉ coi đó là những lời trò chuyện tâm tình giữa những người bạn với nhau, đừng coi như là những lời của bậc thầy, vì chỉ riêng sự coi ai là bậc thầy thì chính cái hào quang tiềm ẩn trong cái ý nghĩ về bậc thầy đã gián tiếp tước đoạt tự do của chính mình, đã làm cho chính mình nhắm bớt mắt trên con đường đi tìm chân lý rồi.

Đối với ông, mọi người không cần đạo sư, mà cần tự thức tỉnh. Bởi vì mỗi người đều có khả năng vô biên về sự tự thức tỉnh này, nếu họ không bị những xiềng xích của truyền thống về sự sợ hãi, không bị những "đạo sư" che mất ánh sáng của chính họ tự chiếu. (This Light in Oneself). Ánh sáng này không ai có thể "cho" người khác, không thể nhận được từ người khác truyền qua như truyền lửa từ ngọn nến này qua ngọn nến khác. Nếu ánh sáng mà có được nhờ sự từ người khác truyền qua thì chỉ là ánh sáng của ngọn nến, nó sẽ tắt. Chính sự tĩnh lặng, quán chiếu thâm sâu nội tâm, người ta sẽ thức tỉnh, sẽ xuất hiện ánh sáng của chính bản thân.

Dù được cả Đông Phương và Tây Phương nhìn nhận như là một trong những đạo sư uy tín nhất, bản thân ông không tùy thuộc vào tôn giáo, môn phái hay quốc gia nào, đồng thời, cũng không tham dự vào bất cứ một trường phái chính trị hoặc ý thức hệ nào. Ngược lại, ông cho rằng chính những hình thức tổ chức ấy đã chia rẽ con người, đã là nguồn gốc của chiến tranh.

Ông luôn luôn nhắc nhở sự tĩnh tâm, tự thanh lọc những kiến chấp đã tích lũy trong tâm trí qua thời gian, để tự giải thoát.

Trải dài khoảng sáu chục năm đi khắp đó đây, ông được coi như là người nói nhiều nhất trong thời đại thâu âm. Phần lớn các buổi thuyết giảng, thính chúng lên tới hàng ngàn người, thường ngồi ngoài trời, nhất là tại các thành phố lớn.

Ông cũng thường có những buổi thảo luận riêng với các nhân vật danh tiếng thế giới như ba vị thủ tướng Ấn Độ là Jawaharlal Nehru, Indira Gandhi và Rajiv Gandhi, nhà tôn giáo học Huston Smith, Walpola Rahula, Chogyam Trungpa Rinpoche, nhà vật lý học Dr David Bohm, nhà văn Aldous Huxley, v.v...

Hầu hết các buổi thảo luận này đều có ghi âm, thâu hình, và sau đó được in ra thành sách.

Thật là sai lầm đáng tiếc nếu cho rằng những lời thuyết giảng của Krishnamurti chỉ dành cho người lớn tuổi hoặc giới trí thức uyên bác. Trái lại, đó là những điều rất dễ thẩm thấu vào giới trẻ mà ta có thể cảm nhận được sự sống động nơi thính chúng trong video và trong các cuộc thảo luận với học sinh còn được lưu giữ trong nhiều trường học. Là một bậc thầy cao cả, ông tìm cách tạo nên tại những trường này một bầu không khí thoải mái, không sợ hãi và kèn cựa lẫn nhau, khuyến khích các em tự tìm về nội tâm, tìm hiểu chính bản thân mình, thức tỉnh cảm quan của họ về cái đẹp của thiên nhiên, về sự cảm thông , bi mẫn với nỗi thống khổ của kiếp người, khuyến khích họ đi vào những đề tài sinh động, ngay cả đến vấn đề phức tạp nhất như là hoạt động của tâm não con người. Ông kiên trì, tận tụy với lý tưởng "để cho mọi người được tự do, giải thoát vô điều kiện".

Cho đến cuối đời ông, vào lúc thế hệ mới của thời đại kỹ thuật tân tiến nở rộ, nhiều người trẻ đã tìm về ông như là tới ngồi dưới một tàng cổ thụ rủ bóng để ươm tẩm phần tâm hồn.

Mặc dầu Krishnamurti nói và viết bằng Anh ngữ, các tác phẩm của ông đã được dịch sang gần năm chục thứ tiếng và ấn hành tại nhiều nước. Trên ba triệu ấn bản đã lưu hành khắp thế giới. Các tuyển tập của ông bao gồm trên một trăm ngàn trang viết tay, 2.500 audiotapes và 600 videotapes.

Đó là nói về di sản nhìn thấy được. Nhưng đáng kể phải là phần di sản sống động tiềm ẩn trong trái tim và khối óc của biết bao nhiêu con người đã có dịp thấm nhuần tư tưởng uyên áo và tấm lòng trắc ẩn của ông đối với muôn loài

Xin ghi lại một vài cảm nhận về ông:

* Đức Đạt Lai Lạt Ma:
--Krishnamurti là một trong những tư tưởng gia vĩ đại nhất của thời đại.
* Deepak Chopra:
-- Krishnamurti đã ảnh hưởng sâu sắc vào chính cuộc đời tôi, đã giúp tôi vượt qua được sự tự trói buộc đã kiềm chế tôi trên con đường tới tự do, giải thoát.
* Anne Morrow Lindbergh :
-- Nghe và đọc sách của ông (Krishnamurti) là tự quán chiếu chính mình và thế giới trong một sự tươi mát chan hòa.

Xin giới thiệu website có những tài liệu về các bài thuyết giảng của Krishnamurti:
http://www.krishnamurti.org
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Người đi bộ nhanh sống lâu hơn

Image
Tốc độ đi bộ phản ảnh sức khỏe. (Hình: Stan Honda/AFP/Getty Images)
(LiveScience.com) - Những bác sĩ quan tâm đến chuyện đo lường tuổi thọ hiện giờ có thể sử dụng một phương cách giản dị để thực hiện điều đó: Các nhà nghiên cứu đã khám phá rằng vận tốc đi bộ có thể là một dự đoán hữu ích về chuyện những người già sẽ sống được bao lâu.

Những người đi bộ được một mét mỗi giây (khoảng 2.25 dặm một giờ), hoặc nhanh hơn, thường sống lâu hơn những người thuộc lớp tuổi và giới tính của họ nhưng đi bộ chậm hơn, theo cuộc nghiên cứu.

“Chúng tôi có thể chứng tỏ rằng khả năng của một người trong việc di chuyển một cách mạnh bạo phản ánh sức sống và tình trạng sức khỏe của họ,” theo lời nhà nghiên cứu, Bác Sĩ Stephanie Studenski, một giáo sư y khoa tại Ðại Học Pittsburgh.

Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu của cuộc nghiên cứu này không phải là khuyên người ta đi bộ nhanh hơn với hy vọng sống lâu hơn.

“Cơ thể của bạn lựa chọn vận tốc đi bộ tốt nhất cho bạn, và đó là vận tốc của bạn, chỉ dấu sức khỏe của bạn,” bà Studenski nói. “Ði ra ngoài và đi bộ nhanh hơn không nhất thiết có nghĩa bỗng nhiên bạn sẽ sống lâu hơn. Bạn vẫn cần phải đối phó với những vấn đề sức khỏe ở bên dưới.”

Các nhà nghiên cứu cho thấy họ có thể tiên đoán một cách đáng tin tưởng tỉ lệ sống còn trong 10 năm của một nhóm người căn cứ vào vận tốc đi bộ của họ trên một quãng đường dài 4 mét.

Ðối với những người có tuổi thọ trung bình, vận tốc đi bộ khoảng 0.8 mét một giây (khoảng 1.8 dặm một giờ) cho hầu hết các nhóm tuổi thuộc cả hai phái. Cuộc nghiên cứu cho thấy vận tốc đi bộ là một chỉ dấu chính xác hơn về tuổi thọ so với tiêu chuẩn tuổi tác hoặc giới tính.

Các con số đặc biệt chính xác đối với những người trên 75 tuổi. Ðiều này ngụ ý rằng đối với những người già, vận tốc đi bộ có thể là một dấu hiệu về sức sống, giống như huyết áp và nhịp tim, các nhà nghiên cứu nói.

“Bạn thử nghĩ coi, một người bệnh sẽ không có một sức bật nào đó trong các bước đi của họ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi vận tốc đi bộ có thể cung cấp một cái nhìn đơn giản vào tuổi già và tình trạng sức khỏe,” bà Studenski nói.

Các kết quả nghiên cứu được căn cứ vào sự phân tích của chín cuộc nghiên cứu trước đây, đã quan sát vận tốc đi bộ, giới tính, tuổi tác, chỉ số trọng khối thân thể, tiểu sử y khoa và tỉ lệ sống còn của gần 34,500 người.

Cung cách chúng ta đi bộ và mức độ nhanh chậm mà chúng ta có thể bước đi tùy thuộc vào năng lượng của chúng ta, sự kiểm soát và phối hợp việc di động, điều mà ngược lại đòi hỏi sự hoạt động thích hợp của nhiều hệ thống trong cơ thể, kể cả tim mạch, các hệ thần kinh, bắp thịt và xương, bà Studenski nói. Vì vậy, trong quá khứ những nhà nghiên cứu đã liên kết vận tốc đi bộ với sức khỏe.

Bà Studenski nói kết luận này sẽ có nhiều áp dụng thực tế. Ðó là một đường lối nhanh chóng và không tốn kém cho những người già để đo lường sức khỏe của chính họ. Vận tốc đi bộ, và do đó, khả năng di động, sẽ là một đường lối hữu ích để đo lường liệu một người nào đó có còn duy trì một lối sống lành mạnh, năng động và độc lập hay không.

Cuộc nghiên cứu này được đăng tải trong số ra ngày 5 Tháng Giêng của Tạp Chí Hiệp Hội Y Khoa Mỹ. (n.n.)
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Câu chuyện về Sự Cảm Kích
(TG chuyển ngữ)

Một cậu thanh niên có trình độ học vấn cao, thành phần ưu tú,
đi xin một công việc trong ngành quản trị tại một công ty lớn.
Anh qua khỏi chặng phỏng vấn đầu tiên; người giám đốc phụ
trách cuộc phỏng vấn cuối cùng và sẽ là người quyết định có
nên mướn cậu hay không.
Ông ta khám phá ra trong học bạ của cậu thanh niên là các điểm
số từ những năm trung cho đến cao học, anh thanh niên đều đạt
điểm xuất sắc. Không có năm nào xuống thấp.

Người giám đốc hỏi "Thế anh có lãnh học bổng gì không?" Cậu
trả lời "Không".
Ngưởi giám đốc hỏi "Có phải cha anh đã trả mọi học phí phải
không?" Cậu thanh niên trả lời, "Cha tôi đã qua đời khi tôi vừa
được một tuổi, chính mẹ tôi là người trả học phí cho tôi".
Người giám đốc hỏi "Thế mẹ cậu làm việc ở đâu?"
Cậu thanh niên trả lời "Mẹ tôi làm nghề giặt đồ mướn".
Người giám đốc bảo cậu thanh niên đưa hai bàn tay cho ông
xem, cậu thanh niên đưa hai bàn tay ra, da dẻ mịn màng
không sứt mẻ gì.
Người giám đốc hỏi "Thế có bao giờ cậu giúp mẹ cậu giặt
giũ gì không?"
Cậu thanh niên trả lời "Không bao giờ, mẹ tôi muốn tôi
học hành và đọc thêm nhiều sách, và hơn nữa, mẹ tôi có
thể giặt giũ nhanh hơn là tôi làm"
Người giám đốc nói "Tôi có một yêu cầu, khi cậu trở về
nhà hôm nay, hãy đi giúp mẹ cậu và rửa hai bàn tay của
bà, và hãy đến gặp tôi vào sáng ngày mai".

Người thanh niên cảm thấy cơ hội được việc làm của cậu
gần như chắc chắn, khi về đến nhà cậu vui sướng muốn
gặp mẹ để rửa tay cho bà. Người mẹ của cậu lấy làm lạ,
vừa sung sướng nhưng cũng hơi sợ hãi, bà đưa hai bàn tay
ra cho con.

Cậu con trai rửa hai bàn tay của mẹ một cách chậm rãi.
Trong khi rửa bàn tay của mẹ, những giọt nước mắt rơi
xuống. Đây là lần đầu tiên cậu khám phá ra bàn tay mẹ
thật nhăn nhúm, và có nhiều vết trầy xước sâu trên da.
Có vài vết thương đã làm bà đau đớn đến nỗi phải run
lên khi bàn tay nhúng vào nước.

Đây là lần đầu tiên cậu thanh niên nhận ra và cảm nghiệm
được rằng chính đôi tay này đã giặt giũ mỗi ngày để kiếm
tiền nuôi mình ăn học. Những vết thương trên bàn tay là
cái giá mẹ anh phải trả để cho anh tốt nghiệp đại học, để
đạt được những điểm cao trong các kỳ thi cử, và có lẽ cả
tương lai về sau của cậu đã tùy thuộc vào hai bàn tay này.

Sau khi rửa xong hai bàn tay của mẹ, cậu thanh niên lẳng
lặng giặt tiếp cho mẹ những quần áo còn lại. Đêm ấy hai
mẹ con nói chuyện với nhau thật lâu.

Sáng hôm sau cậu lại đến văn phòng gặp người giám đốc.
Thấy những giọt lệ long lanh trong đôi mắt của cậu thanh
niên, ông hỏi "Anh có thể thuật tôi nghe những gỉ anh đã
làm và học được tại nhà ngày hôm qua hay không?"
Cậu thanh niên trả lời "Tôi rửa tay cho mẹ tôi và giặt số
quần áo còn lại cho mẹ tôi".
Người giám đốc nói "Anh vui lòng kể tôi nghe cảm tưởng
của anh như thế nào?"
Cậu thanh niên nói:
Điều thứ nhất: tôi đã hiểu thế nào về sự cảm kích; không có
mẹ tôi thì đã không có một thanh niên thành công trong học
vấn như tôi ngày hôm nay.
Điều thứ hai: tôi đã biết làm việc chung với mẹ tôi ra sao, rất
khó khăn để có thể hoàn tât một công ciệc.
Điều thứ ba: tôi đã hiểu tầm quan trọng và sự thiêng liêng của
những quan hệ gia đình.
Người giám đốc nói: "Đấy chính là điều tôi đòi hỏi. Tôi muốn
mướn một nhân viên biết cảm kích về sự giúp đỡ của kẻ khác,
một người có thể cảm thông được những nhọc nhằn mà người
khác trải qua để hoàn thành công việc của họ, một người không
theo đuổi tiền bạc như một cứu cánh duy nhất của cuộc đời, và
như vậy mới đúng là người quản trị mà tôi đòi hỏi. Bạn đã được
chấp nhận vào cong ty!"

Về sau, người thanh niên trẻ này làm việc rất siêng năng và được
sự nể nang của thuộc cấp. Mỗi nhân viên đều chuyên cần làm việc
trong tinh thần đoàn kết, do đó công ty đã có nhiều thành quả tiến
triển vượt bực.

Một đứa trẻ được cha mẹ cưng chiều và cho mọi thứ nó đòi hỏi sẽ
phát triển một tinh thần "Muốn Gì Được Nấy" sẽ tự đặt mình trên
hết. Nó không biết được những lao khổ của cha mẹ.
Khi lớn lên và đi làm việc, nó giả định là mọi người đều phải nghe
theo nó, và khi thành một quản lý hay giám đốc, nó sẽ không biết
được những nhọc nhằn của những người thuộc cấp và luôn luôn
đổ thừa họ khi có những thành quả không ưng ý.

Đối với những hạng người này, có thể họ đạt thánh quả cao về học
vấn, thành công trên đường đời một lúc, nhưng không thực sự cảm
thấy thỏa mãn trong sự nghiệp của mình, họ sẽ lầm bầm và đầy sự
ganh ghét, và họ sẽ tranh đấu để dành lợi lộc nhiều hơn. Nếu chúng
ta là loại cha mẹ cưng chìu con, chúng ta đã thực sự yêu nó hay vô
tình phá hủy cuộc đời của một đứa trẻ?

Bạn có thể cho con bạn sống trong một căn nhà rộng, ăn những bữa
ăn ngon, học đàn dương cầm và xem một máy TV lớn. Nhưng khi bạn
ra sân cắt cỏ, hãy để cho con bạn nhúng tay vào để biết sự cực nhọc
khi phải làm việc ấy. Sau bữa ăn hãy để nó tự rửa lấy chén bát cùng
với anh chị em của nó. Đó không phải vì bạn không đủ tiền mướn
người giúp việc, nhưng chỉ vì bạn yêu con bạn đúng cách. Bạn muốn
chúng hiểu rằng dù cha mẹ chúng có giàu đến bao nhiêu, nhưng một
ngày kia tóc cũng điểm hoa râm trong mùa thu của cuộc đời giống
như người mẹ của cậu thanh niên kia.

Điều quan trọng nhất là con của bạn phải biết cảm kích những lao
khổ của người khác và phải từng trải qua những khó khăn của cuộc
sống. Và nó phải học hỏi để có một khả năng biết làm việc chung
với những người khác hầu đạt được thành quả cho những đề án nào đó.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Tình Yêu Là Sức Mạnh Vạn Năng


Ngày 30 Tháng Giêng cách đây đúng 40 năm, Mahatma Gandhi, người cha già của dân tộc Aán Ðộ đã vĩnh viễn ngã gục sau mấy nhát gươm của một thanh niên Aán Giáo quá khích.

Hôm đó, như thường lệ, Gandhi được hai người cháu dìu đi cầu nguyện. Cả một đám đông đang đi theo đằng sau Ngài. Bỗng nhiên, một thanh niên từ trong đám đông sấn tới đâm bổ vào Người của vị cha già dân tộc. Ba nhát gươm đâm xới xả vào một thân thể khô gầy vì không biết bao nhiêu hy sinh cho đất nước.

Thinh lặng bao chùm lấy đám đông. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng từ miệng của vị thánh "Rama, Rama" nghĩa là "Chúa ơi, Chúa ơi". Với một cố gắng cuối cùng, Ngài giơ hai tay lên, đan lại trong một cử chỉ cầu nguyện và tha thứ, rồi ngã gục.

Người thanh niên Aán Giáo quá khích đã sát hại Gandhi vì anh không thể chấp nhận ssược sự kiện Gandhi bày tỏ lòng quảng đại yêu thương ngay cả với những người Hồi Giáo.

400 triệu người Aán Ðộ đã than khóc và để tang cho vị cha già của dân tộc. Không khí buồn thảm cũng bao trùm khắp thế giới. Mọi người đều cảm nhận rằng ngày hôm đó trái đất trở nên cằn cỗi, nghèo nàn hơn, bởi vì đã mất đi một người con vĩ đại, một người con đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không cần dùng đến khí giới của bạo động và hận thù. Chính Ngài đã từng nói: Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có.

Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay.

Chiến tranh và không biết bao nhiêu vấn đề mà thế giới ngày nay đang phải giải quyết, dường như thế giới chỉ muốn giải quyết bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay là tình yêu, chỉ có một số ít người đang dùng đến.

Mục sư Luther King, người da đen, đang sử dụng khí giới của tình yêu. Oâng đã ngã gục, nhưng hàng triệu người da đen được đứng lên làm người như người da trắng. Giám mục Desmond Tutu, người Nam Phi da đen cũng đang đi theo vết chân của Gandhi và Luther King. Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình thương để cho những người không nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người.

Tất cả những mẫu gương trên đây chỉ là những phản ánh của một tình yêu trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của Ðấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã nói: Khi nào Ta chịu treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo tất cả mọi người về với Ta.

Người Kitô chúng ta đang ở trong sức kéo ấy. Ngài đã cho chúng ta được sát nhập vào thân thể của Ngài và truyền cho chúng ta chính sức sống của Ngài. Người Kitô chỉ có thể là người Kitô khi họ sống bằng chính Sức Sống và Tình Yêu của Ngài.
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Vợ, Người Tình
và Hồng nhan tri kỷ
Thế nào là vợ? Vợ là người con gái mà bạn tình nguyện giao cả gia tài cho cô ấy cất giữ.

Thế nào là người tình? Người tình là người con gái mà bạn hẹn hò vụng trộm với cô ấy và sợ vợ phát hiện.

Thế nào là hồng nhan tri kỷ? Hồng nhan tri kỷ là người con gái mà bạn có thể nói với cô ấy tất cả mọi bí mật kể cả điều mà bạn không thể nói được với vợ hay người tình.
Vợ là một sự ràng buộc, ràng buộc bạn không thể tùy tiện cặp bồ với một người con gái khác; người tình là một sự bù đắp, bù đắp cho bạn những tình cảm mãnh liệt mà ở người vợ còn thiếu hoặc bạn không tìm được ở người vợ; hồng nhan tri kỷ là sự chỉ rõ, chỉ rõ sự mê say trong trái tim bạn.

Vợ sống cùng bạn từng ngày,người tình tiêu tiền cùng bạn, hồng nhan tri kỷ nói chuyện cùng bạn. Vợ không thể thay thế người tình, vì vợ không điều khiển được tình cảm như người tình; người tình không thể thay thế vợ, vì người tình không có được tình thân như vợ; vợ và người tình đều không thay thế được hồng nhan tri kỷ, vì đó nhu cầu của tâm linh.
Vợ là người con gái không hề có chút quan hệ máu mủ nào với bạn nhưng lại bồn chồn mong nhớ mỗi khi màn đêm đã xuống mà bạn chưa về nhà; người tình là người con gái không hề có chút quan hệ gia đình với bạn nhưng lại làm cho bạn thỏa mãn mùi vị ái tình của đấng nam giới; hồng nhan tri kỷ là người con gái chẳng có quan hệ gì với bạn cả nhưng lại có thể chia sẻ với bạn những vui buồn phiền muộn,

Vợ là một ngôi nhà, là một bến cảng mang cho trái tim nông nổi của bạn sự vỗ về an ủi; người tình là gánh nặng của ngôi nhà, chẳng qua chưa đến nỗi vạn bất đắc kỷ, bạn không muốn vứt bỏ; hồng nhan tri kỷ là vật tô điểm cho ngôi nhà, không có cô ấy bạn không thấy cô đơn, nhưng bạn sẽ cảm thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì.

Sự quan tâm của người vợ như một ly nước lọc, có lúc trở thành sự lảm nhảm,chỉ khi bị ốm mới trở thành sự ôn hòa; sự quan tâm của người tình như cốc nước lọc đó bỏ thêm chút đường, dần dần qua một đêm rồi mà vẫn chưa thỏa mãn; sự quan tâm của hồng nhan tri kỷ giống như cốc cafe khi bạn đang làm việc lúc nửa đêm, càng uống càng tỉnh.
Khi vợ có bầu thì sẽ hỏi bạn muốn có con gái hay con trai một cách rất tình cảm; khi người tình có bầu với bạn thì sẽ khóc và hỏi bạn phải làm sao bây giờ? đối với hồng nhan tri kỷ, bạn sẽ kể cho cô ấy nghe chuyện người tình của bạn có bầu và sẽ hỏi cô ấy bạn nên làm thế nào. Ngay đối với người vợ, chỉ sau khi bị cô ấy phát hiện bạn mới nói rằng "Thật ra, anh đã muốn nói với em sớm hơn" sau đó cố gắng hết sức để giải thích, và giả bộ rất đáng thương.
Khi vợ về nhà mẹ đẻ một tuần không quay lại bạn cũng không thấy nhớ; khi người tình mới 3 ngày không gặp bạn liền gọi điện cho cô ấy: Em đi đâu đó? Tối nay chúng mình đến nơi cũ uống cafe được không? Khi trong lòng cảm thấy buồn khổ, bạn chỉ muốn tìm hồng nhan tri kỷ để trò chuyện, nói với cô ấy chuyện vận mệnh của bạn giữa vợ và người tình, thực tế không thể chịu đựng được nữa.
Cái mà làm đàn ông không chịu nổi đó là sự lảm nhảm của người vợ, nước mắt của người tình và sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ. Sự lảm nhảm của người vợ làm đàn ông thấy đã rối cả lòng lại càng thêm rối hơn, nước mắt của người tình làm cho trái tim của đàn ông mềm yếu hơn, sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ làm cho đàn ông thấy bị tổn thương, hụt hẫng.
Người vợ tốt nhất là người mà đàn ông có thể tìm thấy ở cô ấy người tình và hồng nhan tri kỷ, chỉ là cảm giác thôi mà đàn ông khó có thể tìm thấy. Người tình tốt nhất là người mà khi mối quan hệ của bạn và cô ấy bị vợ bạn phát hiện, cô ấy sẽ chủ động rút lui mà không có một yêu cầu gì hết, nhưng khó mà tìm được điểm này của người tình. Hồng nhan tri kỷ tốt nhất là người đến một ngày nào đó sẽ trở thành người tình, thậm chí thành vợ của bạn, chỉ là cái suy nghĩ này chẳng có chút hiện thực gì cả.
Nếu như có thể, đàn ông rất muốn biến hồng nhan tri kỷ thành người tình, nếu có thể nữa thì sẽ muốn cô ấy thành người vợ. Nhưng

nếu hồng nhan tri kỷ trở thành vợ rồi thì sẽ không còn là tri kỷ nữa, bởi vì rất ít đàn ông muốn biến vợ thành tri kỷ. Trái tim đàn ông có rất nhiều bí mật không thể tuỳ tiện nói cho vợ nghe, không thế thì làm sao gọi là đàn ông nữa.
Lấy vợ là vì sợ người khác nói ra nói vào, tìm một người tình là vì muốn thêm chút gia vị vào để điều chỉnh cái cuộc sống tẻ nhạt, muốn có hồng nhan tri kỷ vì muốn tưới cho tâm hồn trống rỗng của họ một chút canh。

Đàn ông cả đời đi tìm không phải là vợ, cũng không phải là người tình mà là hồng nhan tri kỷ (*).

(Trích đâu đó từ Internet)
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

CHUYỆN CÁI CẦU!

Trần Bình Nam
Cái cầu đây không phải cái cầu bắc qua sông qua suối mà là cái cầu… tiêu.

Năm 2004 tôi đi du lịch Trung quốc với công ty du lịch Saigon Voyages của ông Trần Chính. Chuyến đi đó ông Trần Chính đích thân hướng dẫn. Ông Chính có lối kể chuyện duyên dáng. Chuyện nghe rồi ông kể lại vẫn thấy hay.
Đến Bắc Kinh nơi thưởng ngoạn chính của du khách là Cấm Thành. Gọi là Cấm Thành vì đó là trung tâm quyền lực, nơi các vua Trung quốc từ triều nhà Minh qua triều Mãn Thanh ngồi trị vì cả nước, dân chúng không được ra vào.
Mỗi ngày sau hồi trống thu không (trống điểm ngày hết, đêm về) mọi người thuộc phái nam, trừ con cái của hòang tộc và các hoạn quan, đều phải ra khỏi thành. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1910 Cấm Thành không còn bị cấm nữa, và trở thành một địa điểm du lịch ăn khách nhất của Trung quốc.
Trong Cấm Thành lối đi không rộng, kiến trúc này chen lấn kiến trúc kia. Từ quảng trường Thiên An Môn du khách vào Cấm Thành bằng cổng trước rồi theo lối một chiều định sẵn đi thăm lâu đài vua chuá và các di tích lịch sử của hằng trăm năm để lại rồi ra khỏi Cấm Thành bằng cổng sau.
Sắp ra cổng, ông Trần Chính hỏi chúng tôi:
“Đi qua bao nhiêu nhà cửa dinh thự, nơi làm việc và ăn ngủ của bao nhiêu con người quý vị có nhận xét gì không?” Không ai có câu trả lời ngay. Ông Chính nói:
“Trong Cấm Thành không có cầu tiêu!” Du khách ai cũng ngạc nhiên nhận ra quả thật là vậy. Một câu hỏi hiển nhiên đến với mọi người.
“Vậy người xưa đã giải quyết làm sao?”
Ông Chính giải thích: Trong Cấm Thành người ta dùng tro đựng trong những thùng nhỏ bằng gỗ, tiêu tiểu trong đó phủ tro lên, rồi đậy nắp lại. Kín đáo và không có mùi. Mỗi buổi sáng khi cửa thành mở, hằng đoàn người quang gánh vào dọn tro trong các hộp gỗ gánh đổ vào một khoảng đất rộng sau Cấm Thành. Từ triều đại này qua triều đại khác, tro chất thành một ngọn đồi càng ngày càng càng cao trông như một ngọn núi nhỏ. Người Trung quốc thi vị hoá ngọn đồi và đặt tên là Đồi Hương. “Hương” nào cũng là hương!
Dưới thời Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh, vợ cưng một thời của Mao, biến Đồi Hương thành một thắng cảnh tô điểm cho Cấm Thành và làm nơi nghỉ ngơi giải trí khi bà gặp điều phiền muộn.
Bây giờ hầu hết nhà cửa của người Trung quốc ở thành phố đều có phòng vệ sinh. Nhưng có một điều khó hiểu là Trung quốc ngày nay có đủ kỹ thuật để xây dựng cầu tiêu theo tiêu chuẩn Tây phương và sản xuất đủ các chất hóa học sát trùng bán ra cho cả thế giới dùng, nhưng các cầu vệ sinh tại Trung quốc, ngay cả trong các khách sạn 3 hay 4 sao vẫn thoang thoảng có mùi.
Ngoài phố thì khỏi nói. Muốn tìm một phòng vệ sinh chỉ cần thính mũi một chút là biết nó nằm ở đâu. Hình như đối với người Trung quốc cầu tiêu không hôi thì không phải là cầu tiêu! Và không có mùi nó làm cho người dùng cảm thấy mất hứng … tiêu tiểu.
Một người bạn tôi đi du lịch nhiều có một nhận xét: Muốn sắp hạng trình độ chung của một quốc gia bạn chỉ cần sắp hạng các phòng vệ sinh của quốc gia đó. Tôi không đi du lịch nhiều nên không biết nhận xét đó đúng bao nhiêu phần. Nhưng tôi thấy nói chung nơi công cộng cũng như tư gia phòng vệ sinh của Trung quốc thua Nga, Nga thua Pháp, Pháp thua Đức thua Anh, Đức thua Nhật, Nhật thua Mỹ, Mỹ thua Thụy Điển và Na Uy
Không ai sắp hạng cầu tiêu của Ấn Độ, vì Ấn Độ đang trải qua một cuộc “cách mạng cầu tiêu”.
Những năm gần đây Ấn Độ phát triển nhanh và người phụ nữ Ấn Độ có một đòi hỏi. Họ đòi hỏi cái cầu tiêu. Thanh niên Ấn muốn lấy vợ cần phải có một cái nhà có phòng vệ sinh tươm tất. Nếu muốn cuới vợ cho con thì bố mẹ phải có nhà có cầu tiêu. Nếu không thì đừng hòng.
Người phụ nữ Ấn Độ đã chán cái thời dùng cầu tiêu công cộng và tắm ngoài sông hay suối. Trước đây 10 năm khỏang 665 triệu, tức nửa dân số Ấn Độ không có cầu tiêu riêng trong nhà (theo Emily Wax, trong bài viết “The New Seat of Power for Women in India ”, The Washington Post National Weekly Edition số ngày 2-8/11/2009).
Với tiến bộ về vật chất và phong trào “phi xí sở, bất thành phu phụ” (No Toilet, No Bride) trong hai năm qua chỉ riêng trong tiểu bang Haryana đã có thêm 1.4 triệu cầu tiêu trong nhà. Và phong trào xây dựng cầu tiêu đang lan tràn nhanh chóng đến các tiểu bang miền Nam và thôn quê.
Người thiếu nữ Ấn Độ vốn là một gánh nặng trong gia đình. Ít được bố mẹ cho đi học, và khi lấy chồng phải có của hồi môn. Nhưng hiện nay người phụ nữ Ấn Độ được đi học, đi làm, có khả năng tự túc kinh tế, và lấy chồng họ không cần hồi môn mà ngược lại ra điều kiện cho giới nam nhi biết: Muốn lấy vợ phải có nhà có cầu tiêu đàng hoàng chứ không còn để vợ dùng nhà vệ sinh công cộng và tắm ngoài sông ngoài suối nữa.
Tại Ấn Độ có nạn phá thai nữ vì vậy có tình trạng trai thừa gái thiếu và phong trào đòi hỏi cầu tiêu của phái nữ như là điều kiện chọn chồng lại có thêm sức mạnh. Thanh niên Ấn Độ không còn tự ái hỏi “cô ấy muốn lấy mình hay lấy cái cầu tiêu?”. Họ biết muốn lấy vợ, tốt hơn là âm thầm sắm cái cầu tiêu.
Người phụ nữ Ấn Độ đang lao mình vào một cuộc cách mạng giải phóng. Tại thôn quê người ta không còn thấy những người thiếu nữ xó ró, nhút nhát đi đâu phải nhờ cha hay anh em trai chở đi. Bây giờ họ có thể học hành đỗ đạt, sắm xe, trang điểm, ngồi làm việc trong phòng giấy của chính phủ hay của các hãng tư. Và họ đang đứng tuyến đầu của phong trào đòi cầu tiêu để tối thiểu sống sạch sẽ và tránh bệnh tật. Nạn không quan tâm đến cầu tiêu cho phụ nữ tại Ấn Độ là nguyên nhân sinh ra các thứ bệnh đường tiểu chưa nói đến các bệnh khác nguy hiểm hơn như tiêu chảy và thương hàn.
Trước đây có một số chính khách tiến bộ tung ra phong trào tạo điều kiện tiêu tiểu có tiện nghi cho người phụ nữ nhưng không thành công. Một phần do điều kiện vật chất chưa cho phép, một phần do cản trở tâm lý.
Năm 2001 Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) có kế hoạch giúp Ấn Độ xây chung cư cho người lợi tức thấp với phòng vệ sinh tươm tất và thấy rằng đa số người Ấn Độ biến các phòng vệ sinh trong nhà thành kho chứa.
Hiện nay WB thấy rằng phong trào “No Toilet, No Bride” rất có kết quả. Cả nước lên cơn sốt xây cầu … tiêu. Ở nhiều vùng quê thấp thoáng biểu ngữ “Không gả con gái về làm dâu nhà nào không có phòng vệ sinh”, một yêu sách công khai không thể tưởng tượng được cách đây chừng một thập niên. Các tay pha trò nhà nghề tại các rạp hát đã dùng khẩu hiệu “No Toilet, No Bribe” để chọc cười khán giả và vô tình quần chúng hoá phong trào … xây cầu tiêu.
Ông Bindeshwar Pathak, một người Ấn Đô sáng lập phong trào “xây cầu tiêu” nói khi ông mới tung phong trào ra dư luận quần chúng bĩu môi xem như ông khui một hũ mắm. Nhưng nay khác, người Ấn Độ nam cũng như nữ xem chương trình của ông là “một cuộc cách mạng không đổ máu.”
Ông Pathak bây giờ có thể mạnh dạn nói với các nhà lãnh đạo Ấn Độ rằng: muốn Ấn Độ trở thành cường quốc việc trước tiên là có kế hoạch xây đủ cầu tiêu cho dân, trong nhà cũng như ngoài đường phố.
Tôi nghĩ nhà lãnh đạo chính trị nước nào cũng nên nghe lời khuyên đơn giản đó chứ không riêng gì Ấn Độ.
Viết đến đây tôi nhớ và thương Mẹ và hai Chị của tôi quá. Cứ lấy một năm cho cụ thể. Năm 1940 tôi lên bảy, trong nhà tôi có Mẹ và hai Chị. Nhà không có cầu. Phần tôi mỗi buổi sáng tôi giải quyết nhu cầu bằng cách chạy ra bờ sông Hương (nhà tôi cách bờ sông Hương 100 mét, giữa nhà và sông là một thửa ruộng nhỏ) ngồi trên bờ ruộng thong thả nhìn trời nhìn đất và giải quyết nhu cầu. Cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ tự hỏi Mẹ và hai Chị tôi đã giải quyết như thế nào.
Bây giờ Mẹ và Chị đầu của tôi đã qua đời chỉ còn Chị kế của tôi còn sống ở Huế. Chị kế tôi có chồng – ông ta đã qua đời – từng làm ăn khá giả nên xây được một ngôi nhà gạch khá lớn bên bờ sông An Cựu nơi khu Nhà Đèn.
Một dịp về Việt Nam tôi lại thăm và ngủ lại ở nhà Chị. Nhà cao cửa rộng nhưng cái cầu vẫn luộm thuộm. Cầu xây chung với nơi giặt áo quần, nên lúc nào nền cầu cũng ươn ướt. Và dùng xong phải múc nước dội cầu. Tôi biết Chị tôi có khả năng làm một cái cầu trong nhà theo tiêu chuẩn Tây phương.
Tôi hỏi, Chị tôi trả lời: Cậu ơi (cậu là cậu em) Chị thấy cầu như vậy là được rồi. Làm cầu tiêu khô ráo người ta cười cho “cầu tiêu gì mà khô như một cái phòng ngủ”. Xưa kia ở với Ba Mẹ có cầu trong nhà đâu mà cũng xong cả.
Tôi biết nói gì hơn. Có lẽ cuộc cách mạng của người phụ nữ Ấn Độ hôm nay cũng phải là cuộc cách mạng của những nhà lãnh đạo Việt Nam .
Phải bắt đầu cuộc cách mạng từ cái nhỏ nhất như cái …. cầu tiêu.
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Châu Á rộn ràng đón Tết

Màu đỏ, sắc hồng rực rỡ của hoa, đèn, bánh kẹo, thư pháp, váy áo đã ngập tràn khắp châu Á, xen lẫn giữa những gương mặt lo âu và dòng người hối hả lo cho Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

Image
Trẻ em ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, mặc đồ có thư pháp chữ "Thỏ". Năm âm lịch tới đây ở Trung Quốc được cho là năm con Thỏ.

Image
Vì thế Thỏ hiện diện khắp nơi khi Tết Nguyên đán gần kề.
Trong ảnh, hai người đàn ông nói chuyện phía trước một hình nộm thỏ to tướng tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh.


Image
Trên sân ga Bắc Kinh, cũng như vô số nhà ga khác ở Trung Quốc, người người đang hối hả đổ về quê hương để ăn tết sum họp với gia đình.
Nhà chức trách Trung Quốc cho hay sẽ có tới 2 tỷ lượt di chuyển tại nước này trước trong và sau Tết,
tạo thành cuộc di cư lớn nhất của loài người mỗi năm.

Image
Cây hoa mùa xuân được bày bán ở Jakarta, Indonesia. Một số người nước này cũng ăn tết âm lịch.

Image
Bên cạnh hình trang trí là Thỏ cũng có cả hình Mèo. Người Việt Nam ta gọi năm nay là năm con mèo.

Image
Một nhân công đang được hai đồng nghiệp giữ để treo đèn lồng đón Tết tại Bắc Kinh, ngày 21/1.

Image
Những ngày này, thỏ là con vật nuôi được tìm mua nhiều. Tuy nhiên các nhà hoạt động vì quyền động vật e ngại rằng sau Tết sẽ có nhiều con thỏ bị bỏ mặc không được chăm sóc.
Trong ảnh là những con thỏ dễ thương được bày bán trên vỉa hè ở TâyJava, Indonesia.

Image
Các bà các chị Đài Loan chen chân chọn bánh kẹo trong chợ Tết.

Image
Một cửa hàng bán độ trang trí Tết ở Đài Loan.

Image
Các em thiếu nhi Đài Loan trang điểm và chơi đồ có hình ảnh đẹp đẽ của con vật tượng trưng cho năm mới.

Mai Trang (Ảnh: AFP)
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

7 vật dụng nhỏ trong túi có thể cứu bạn khi nguy cấp
Ngoài ví, đồ trang điểm, tiền lẻ, trong túi của bạn nên có một vài vật dụng khác như: keo dán, nhíp, một túi trà... Chúng có thể giúp bạn khỏi bị lạnh, chữa vết cắt nông, thậm chí ngăn một cơn đau tim.
Trang ABCnews đưa ra danh sách 7 vật dụng cần thiết bạn nên mang theo bên mình:

1. Keo dán vết cắt ngoài da
Nếu vết cắt không quá sâu và dài thì bạn có thể dùng keo dán da. Căn hai mép da chỗ vết thương bị cắt lại với nhau, chà một lớp keo mỏng lên đó và giữ trong 30 giây.

2. Một túi trà
Nếu miệng vết thương bị nứt, nẻ, bạn hãy lấy một túi trà đen ẩm xoa lên khu vực đó. Nó có tác dụng giúp ngăn chảy máu trong miệng và nướu răng.

3) Thuốc aspirin, loại viên nén nhai được
Đây không chỉ là giải pháp đối phó với những cơn nhức đầu. Nếu bạn có dấu hiệu đau tim thì nó thể là cứu cánh của bạn. Bạn hãy nhai một viên thuốc và đi cấp cứu ngay lập tức.

4) Cồn rửa tay
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong tình huống một mầm bệnh đang lan truyền và tay phải sạch sẽ, lúc đó bạn sẽ thấy một chai dung dịch rửa tay hữu dụng đến thế nào.

5) Thuốc xịt mũi
Để ngừng chảy máu mũi một cách nhanh chóng, bạn hãy dùng một loại thuốc xịt mũi có chứa oxymetazoline (có tác dụng giảm sung huyết), sau đó giữ chặt hai bên cánh mũi trong khoảng 10 phút.

6) Nhíp
Vật này sẽ rất hữu dụng khi bạn cần lấy dằm hoặc mẩu kính... từ vết cắt.

7) Các loại băng để bó vết thương
Nếu đang trên đường tập chạy, bạn bị một vết xước ở bàn chân, bạn có thể dán một miếng băng ở chân.

Phương Trang
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tại Sao Về Nước Làm Từ Thiện?

Vi Anh

Phóng sự của Đài BBC của Anh, Alastair Leithead từ Hà nội gởi về nói về dân nhà giàu ăn chơi. Tựa đề phóng sự là “Ăn Phở 35 Đô Ở Nước Việt Nam Cộng Sản”. Chơi[ xe máy dầu Harley Davison mà một thành viên người ngoại quốc của câu lạc bộ nhận xét "Ông sẽ không bao giờ nhìn thấy nhiều xe hạng sang như thế này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới." Chơi xe hơi mắc, mới, lạ không thể tưởng. Xe Porsche hai cầu dù Alastair Leithead là nhà báo đi nhiều nhưng chưa biết có loại xe đó; xe Rolls-Royce Phantom chế tạo theo ý người đặt hàng mua.

Tin RFA, thống kê của Bộ Công thương của CS Hà nội công bố trong năm 2010, Việt Nam CS đã “nhập khẩu“ những mặt hàng xa xỉ lên đến10 tỷ đô la. Ô tô và xe máy chỉ chiếm khoảng 1 tỷ đô la, trong khi “hàng hiệu” được xem là xa xỉ phẩm như: điện thoại di động loại mới, mỹ phẩm, rượu bia, thuốc lá, đồ trang sức, đá quý và quần áo loại sang chiếm 9 tỷ đô la.


Số triệu, tỷ phú Đô la nổi ở trong nước mỗi năm đều tăng lên. Có người chẳng những mua xe sang mà mua luôn máy bay để đi nữa. Số triệu, tỷ phú chìm ắt còn nhiều hơn nữa nhưng họ dấu kín. Đó là những cán bộ đảng viên có quyền khi tham nhũng trở thành quốc nạn. Tài sản họ cướp được của đất nước và nhân dân thôi vô số kể.

Làm gì trong bối cảnh tham nhũng là quốc nạn, một thiểu số 3 triệu 6 cán bộ đảng viên CS không hối mại quyền thế, tham ô nhũng lạm, dĩ công vi tư khi họ đang cầm quyền, nắm tiền, nắm của của nước Việt Nam. Họ giàu có, thừa mứa, mỗi năm xài hết 10 tỷ Mỹ kim cho hàng “nhập” xa xí. Họ là những người làm giàu nhờ nguời dân trong nước thì khi người dân gặp thiên tai thì họ là người phải gíup trả lại một phần cho cộng đồng chớ.


Người Việt hải ngoại đâu có giàu như họ, phải làm việc một tuần 40 giờ, hàng chục thứ hoá đơn phải trả, đóng thuế cao, đâu có được hưởng quyền lợi gì ở VN như họ, tại sao khi có thiên tai thì lại bị kêu gọi góp tiền đem về cứu trợ.


Hỏi có người Việt Hải ngoại nào ăn tô phở bò 35 Đô mắc như vàng, đi xe máy dầu loại dầu Harley Davison hạng sang, xe hơi Porsche hai cầu, Rolls-Royce Phantom chế tạo theo ý người chủ mua. Có mấy người mua Iphone 4 mới ra giá tương đương 900 Đô.


Thử tính sơ đi, sẽ thấy cán bộ, đảng viên và những người ăn theo trong nước VNCS giàu thế nào trong thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cái thời Đảng Nhà Nước và bọn tài phiệt theo cướp của quốc gia, bóc lột công người lao động như thời kinh tế tư bản hoang.


Từ hải ngoại, người Việt hải ngoại cũng đóng góp cho cái giàu của đảng viên, cán bộ và bọn tài phiệt ăn theo trong nước. Mỗi năm “Việt Kiều” gởi về nước 8 tỷ Đô và về chơi mang theo để xài tối thiểu cũng 6 tỷ nữa ( 300,000 người về, mỗi người tốn 2000$ để xài). Liên Hiệp Quốc viện trợ 3 tỷ. Sơ sơ Đảng Nhà Nước thu được 17 tỷ là giá chót. Đó là chưa nói số ngoại tệ Đảng Nhà Nước bòn vét tài nguyên dầu khí, cao su, gạo, v.v đem bán thô cho ngoại quốc. Phải hàng chục tỷ nữa.


Nếu so sánh với chánh quyền Việt Nam Cộng Hoà thời trước 75 ở Miền Nam mới thấy CS họ hoang phí vô độ. Việt Nam Cộng Hoà khi xưa chỉ nhận viện trợ dân sự 700 triệu Mỹ Kim mà phải lo cho 17 triệu dân với giáo dục công lập, y tế công cộng miễn phí. Tài trợ cho đồng bào Miền Trung ăn gạo giá có thể chịu được.


Thế nhưng khi có thiên tai bão lụt, nhân dân và chánh quyền đùm bọc lấy nhau, đâu có ngửa tay xin ngoại quốc. Và công dân VNCH lên máy bay đi ngoại được các nước xem là công dân của một nước có nền kinh tế phát triển, hơn Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan.


Còn bây giờ, Đảng Nhà Nước CS Hà nội là cơ quan có nhiệm vụ pháp lý và đạo lý phải lo cứu trợ. Luật CS Hà nội qui định không tổ chức nào trong và ngoài nước được phân phối tiền cứu trợ tại Việt Nam ngoại trừ cơ quan cứu trợ có thẩm quyền từ Trung Ương tới địa phương do Mặt Trận Tổ quốc lãnh đạo (Thông tư số 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính & Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ). Thế mà Đảng Nhà Nước giàu nức đổ vách lại lơ là không làm. Mà người Việt Hải ngoại đi làm một việc Đảng Nhà Nước CS cấm không cho làm.

Người Việt hải ngoại làm là trái luật của CS Hà nội. Nên đa số thu tiền ở hải ngoại đem về nước làm từ thiện đều tuyên bố khi thu rằng sẽ giúp trực tiếp cho dân. Nhưng kinh nghiệm cho thấy tất cả đều phải qua nhà cầm quyền CS ở địa phương mới đi đứng, gặp gỡ người cần gíup được. Ở trong xứ CS không thể họp dân mà nhà cầm quyền không hay biết.

Trong việc cứu trợ nhà cầm quyền địa phương có uyển chuyển với những người ngoại quốc vì có lợi cho họ. Họ không đòi hỏi phải giao tiền và quà cứu trợ cho họ vì họ biết đòi hỏi như thế “Việt Kiều” sẽ không đồng ý. Họ cho Việt Kiều đứng ra phát để chụp hình đem về chứng minh và làm thành tích của hội đoàn ở hải ngoại. Nhưng họ nắm quyền lợi của CS bên trong. Họ được “Việt Kiều” phải quấy với họ, làm “thủ tục đầu tiên” khi gặp để xin phát cho dân. Họ chọn người được phát đa số là thân nhân, bè bạn của họ.
Số tỷ, triệu phú Đô la ở VNCS hiện rất nhiều. Đảng Nhà Nước CS Hà nội rất giàu. Họ quá giàu đến đổi phải hoang phí. Không lý do gì người Việt hải ngoại lại đi làm vú sữa cho họ nữa. Mấy mươi năm đã quá thừa rồi. Không lý do gì để CS và những người chuyên sống bằng nghề từ thiện lợi dụng tình đồng bào, khai thác tai nạn của dân chúng để móc túi người Việt hải ngoại nữa.

Người Việt có thương ai, giúp ai cứ gởi trực tiếp, đường dây chuyển tiền bây giờ quá dễ./
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Tuổi Già Đất Khách

Image
Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện
Huy Phương

Trong chúng ta, đến tuổi xế chiều, nhiều người đang sống với con, còn vợ, còn chồng bên cạnh còn thấy buồn, nhưng nghĩ đến những vị cao niên, cô độc trong những căn nhà già thiếu sinh khí, nhiều khi không nghe một tiếng nhạc, không nghe một tiếng nói, một tiếng cười trẻ thơ, nỗi buồn ấy càng lớn biết bao !

Ông già cô độc : 27 năm tù, 25 năm xa xứ

Toà nhà màu hồng 11 tầng mang số 901 nằm ở góc đường First-Flower, thành phố Santa Ana, như những bao diêm xếp đều đặn, trông có vẻ thiếu sinh khí, buồn nản. Cũng như những chung cư dành cho người cao niên khác, trong những toà nhà này, vì sống đơn lẻ một mình, nhiều người đã qua đời mà không ai hay biết. Hầu hết chủ nhân những căn phòng trong cư xá là người Việt Nam, một ông hay bà đơn độc hơn là có đũa có đôi. Ðây là loại “nhà già” cho những người cao niên còn đủ sức khoẻ, không cần người hỗ trợ hay chăm sóc về y tế hằng ngày. Qua phòng khách, tôi thấy có 4 bà đều là dân Nam Mỹ, đang ngồi móc hoặc đan len với nhau. Chúng ta ít thấy người Việt tụ tập trò chuyện hay ngồi với nhau trong phòng khách, hình như người mình thích sống một mình và có những sinh hoạt riêng tư, thường đi ra ngoài hay ở trong phòng một mình. Trên đường lên thang máy, tôi gặp một bà cụ đi walker chậm rãi, yên lặng trên dẫy hành lang đèn sáng. Hành lang dẫn đến những căn phòng trải thảm sạch sẽ, không kém gì những khách sạn hạng sang ở Las Vegas, đèn đuốc sáng trưng, nhưng im lìm, vắng lặng.

Ở chung cư Flower Park Plaza này có một ông già người Việt đơn độc, sống ở đây đã hơn 5 năm ở tầng lầu thứ 10. Ông không có gia đình, con cái hay thân thích ở quanh đây, tuổi già đau yếu, lại sống một mình trên đất khách, ông mang nỗi buồn tha hương, dù là sống giữa một cộng đồng người Việt đông đúc nhất nước Mỹ.

Tôi muốn nhắc tên một người mà độc giả có lẽ ai cũng biết hay đã từng gặp ông, đó là ông Nguyễn Chí Thiện, một người làm thơ và đã trải qua một đoạn đường cay đắng, chông gai, không có tuổi thanh xuân, không có tình yêu và ngay cả những ngày cuối cuộc đời khi ông được đến Mỹ, xứ sở của tự do, Nguyễn Chí Thiện cũng phải chịu nhiều cơn sóng gió, vùi dập ông như một cánh bèo trôi giạt trên sông những ngày mưa bão.

Ông chưa bao giờ lập gia đình như những người bình thường khác, vì năm 22 tuổi đã vào tù lần đầu 2 năm rưỡi, lần thứ hai 11 năm rưỡi, lần thứ ba khi Trung Cộng đánh vào biên giới Việt Bắc, chính sách tập trung những người nguy hiểm đã đưa ông vào lại nhà tù thêm 14 năm nữa, tổng cộng 27 năm. Thuộc thành phần phản động, chống chế độ, lại bệnh tật thường xuyên, cuộc đời của ông không hề có chỗ cho một cuộc hôn nhân, có quyền được một mái gia đình riêng êm ấm. Ông Nguyễn Chí Thiện thổ lộ, ông chẳng còn thời gian để yêu ai, mà trên đời này cũng chẳng có ai đem lòng yêu ông. Tấm thân ông, cuối đời lại lang bạt quê người, liệu còn ai cô đơn hơn ông nữa.

Trong những thời gian cách khoảng khi ông không ở trong nhà tù là những ngày đói khổ phải lo miếng ăn, mơ ước chuyện vượt biên vào Nam, nhưng phương tiện không có, nghìn người ra đi thì may ra chỉ có một người bơi được qua sông trót lọt. Ý nghĩ của ông Nguyễn Chí Thiện ngày đó là một người đang sống mất tự do không khác gì hơn là một người đang bị chôn sống.

Ra tù năm 1991, bốn năm sau ông được người anh ruột là cựu trung tá ngành tình báo Nguyễn Công Giân, bị tù « cải tạo » 13 năm, đi Mỹ theo chương trình H.O. bảo lãnh cho ông đến Virginia. Năm 1998, cùng với nhà văn Vũ Thư Hiên, ông được cơ quan Nghị Viện Quốc Tế Các Nhà Văn ( International Parliamentary Writers) đài thọ sang “bồi dưỡng” để lấy lại sức khoẻ ba năm tại Paris. Cuốn hồi ký Hoả Lò được viết trong thời gian này. Năm 2001, ông Nguyễn Chí Thiện trở về Virginia với gia đình ông Giân, nhưng khí hậu ở đây không thích hợp với bệnh tật kinh niên của ông là bệnh phổi, nên ông quyết định về sinh sống tại Nam Cali, nói rõ hơn la tại vùng Little Saigon. Ông trôi nổi đời ở trọ từ căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Hồ Văn Sinh, rồi tới căn Mobilhome với nhà văn Phan Nhật Nam, rồi trở lại với Hồ Văn Sinh, ở đâu cũng có một chiếc giường nhỏ, cái TV và cái bàn viết. Ông tự giặt giũ và thổi cơm lấy cho hai bữa ăn của mình, lẽ cố nhiên là đơn giản đến mức như một người chay tịnh. Cuối năm 2009, ông Nguyễn Chí Thiện được về trú ngụ trong căn chung cư này trên đường First, một căn studio, sở hữu một cái tủ lạnh và tiện nghi bếp núc, phòng tắm riêng cho mình.

Một ngày của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

06 giờ sáng đã thức giấc, nhưng đến 09 giờ mới ra khỏi giường, vì đêm nào cũng phải phải ba giờ sáng ông mới ngủ được. Làm vệ sinh cá nhân xong, pha cho mình một bình trà, ông ngồi vào máy computer đọc báo và nhận gởi thư tín cho đến trưa. Khoảng 1300 ông mới vo gạo nấu nồi cơm điện rồi hâm thức ăn đã làm sẵn để trong tủ lạnh. Tí bắp cải, tí cà chua, chút cá, chút trứng cho qua bữa, nhiều khi mệt mỏi, buồn bã ông không muốn gượng dậy vào bếp để nấu và ăn cho xong bữa cơm. Tôi đến thăm ông lúc 1500 giờ, vào căn bếp để quan sát ông ăn uống ra sao, cho bài phóng sự, chứ không phải tò mò nhìn vào nếp sống riêng tư của ông. Bên bếp chỉ có một nồi cơm nhão khoảng một « cup », chưa có dấu cơm được bới ra, trên bếp là một chiếc « xoong » nhôm để không, còn sạch sẽ. Như vậy là hôm nay, từ sáng ông chưa ăn gì, chỉ mới gượng gạo vò cúp gạo, nấu nồi cơm, rồi ... để đó. Nhà báo chưa đám mở tủ lạnh ra để xem chiều nay ông có gì để ăn không.

Ông cho rằng bây giờ ăn chỉ còn là « nghĩa vụ », không còn thấy thích, vì vậy mỗi ngày phải thường uống thêm nhiều thứ thuốc bổ và ăn bột protein. Ăn trưa xong thì ông đọc sách hay mặc áo quần thật ấm, xuống đường đi bộ loanh quanh vài vòng cho giãn gân cốt. Ông có nhiều bạn bè trong giới văn chương còn nhớ đến ông, thinh thoảng ghé qua chở ông đi dự một hai sinh hoạt cộng đồng cần thiết hay ra ngoài ăn bát phở để thay đổi không khí tù túng của một căn phòng chật hẹp.

Những lúc cần đi mua ít thức ăn, ông xuống đường, lấy chuyến xe bus trên đường First đi về hướng West xuống chợ ABC mua ít thức ăn rồi trở về. Ông cũng chọn bác sĩ gia đình và nhà thuốc ngay trên tuyến đường này.

Từ xưa đến nay, ông chưa bao giờ lái hay sở hữu một chiếc xe hơi vì mắt ông rất kém. Mười lăm năm nay, ông chỉ đi nhờ xe bạn bè, dùng xe bus hay cuốc bộ.

Tôi hỏi ông, là một nhà thơ nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ, có ai ưu ái, thấy ông sống một mình, không vợ không con, đem thức ăn đến nuôi ông không. Ông Thiện cho biết có vài vợ chồng đến thăm, cũng như một cô cháu xa, thấy ông vụng chuyện nấu nướng nên thỉnh thoảng mang lại cho một món ăn, chứ không có « bà già » nào thuộc « diện tình cảm » cả. Buổi chiều, mệt mỏi, ông Nguyễn Chí Thiện lên giường khoảng 10, 11 giờ nhưng không ngủ được trước ba giờ đêm. Trong câu chuyện không lúc nào tôi không thấy ông cười. Ông có vẻ mệt mỏi, gầy yếu, da xanh mướt và hình như ông đang có một nỗi buồn lớn lao nào đó chế ngự tâm hồn ông.

Tuổi già đất khách : « Ðêm nảo đêm nao tớ cũng buồn ! »

Ông Nguyễn Chí Thiện không có bệnh tật gì trầm trọng, cũng cao máu, cao mỡ như những vị cao niên khác, nhưng cuộc đời ông đã phải 27 năm nằm trong nhà tù, mà lại nhà tù Cộng Sản, 15 năm ra hải ngoại sống một mình, ăn uống thất thường, tình cảm lại cô đơn, lúc nào ông cũng cảm thấy mệt mỏi, buồn bã. Về Mùa Ðông, ông lại hay bị cảm, chóng mặt, nhưng có lẽ tinh thần làm ông xuống sức. Ðó là nỗi buồn dai đẳng theo ông..

Không những thấy buồn, ông Nguyễn Chí Thiện tâm sự lúc nào lòng cũng thấy bồn chồn lo lắng, phải chăng đó là dấu hiệu của bệnh trầm uất, nhất là của một người sống một mình, không có ai bên cạnh để chia sẻ nỗi vui buồn, và càng ngày càng đắm chìm trong nỗi buồn riêng tư ấy. Có khi người ta buồn những cái buồn vô cớ, nhưng cũng có những nỗi buồn có tên đeo đẳng chúng ta suốt cuộc đời. Ðối với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ông canh cánh bên lòng nỗi buồn về quê hương.

Năm 1991 khi Liên Bang Xô Viết tan rã, ông Thiện tiên đoán “chậm lắm là năm 2001, nghĩa là 10 năm sau, đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ đi vào bóng tối và Việt Nam sẽ được dân chủ hoá”.

Bây giờ đã năm 2011, chưa có dấu hiệu gì đất nước thoát khỏi sự cai trị của đảng Cộng Sản, mà thân nhân, bà con, bạn bè lần lượt ra đi. Việc hy vọng có một ngày nào được trở lại để thăm làng quê, mồ mả, thân quyến họ hàng càng ngày càng xa, trong lúc đó, tuổi càng ngày càng cao, sức khoẻ mỗi ngày một yếu. Cả một thời tù đày, vất vả, ngay cả miền Bắc ông cũng không biết nhiều, cả cố đô Huế cũng chưa được đến. Nhưng lẽ cố nhiên, nhà thơ chống Cộng này sẽ trở lại Việt Nam khi đất nước có được dân chủ tự do, nhưng với tuổi đời và bệnh tật của ông, hy vọng này càng ngày càng mong manh, vì vậy mà nỗi buồn lớn vẫn còn. Nhận định về tình hình tranh đấu dân chủ trong nước, ông Nguyễn Chí Thiện cho rằng, cá nhân thì có, nhưng tạo được một phong trào quần chúng thì chưa. Nói về những công việc trước mắt và những chuyện chưa làm được, cá nhân nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mong sẽ hoàn thành cuốn hồi ký, nhưng chỉ cô đọng trong vòng 300 trang. Trở ngại là khi ông ngồi trước máy computer lâu để đọc hay viết, mắt đau nhức và ông có cảm tưởng như mắt bị lồi ra.

Ðời sống của một người già ở Mỹ được săn sóc thuốc men, trợ cấp, nhà cửa, thực phẩm đầy đủ, nói chung là không còn phải lo đến cái ăn, cái mặc, nhưng về mặt tinh thần, một người già sống xa quê hương, không gia đình, bà con, thân thích như ông, phải nói là đơn độc, buồn nản. Ðêm nào khó ngủ, ông cũng buồn như nỗi buồn thế sự của nhà thơ Trần Tế Xương : “Ðêm nảo đêm nao tớ cũng buồn !”.

Cũng chịu cảnh tù đầy 27 năm, Nelson Mandela của Nam Phi ra tù, ông có đủ gia đình, vợ con và danh vọng của một tổng thống. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng ở tù vì tranh đấu chống cường quyền, ra tù, ông chịu cảnh lưu vong, ốm đau và cô đơn trên xứ người.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Vài thực phẩm tẩy độc cho cơ thể

1. Mùa hè nóng bức, ăn chè đậu xanh để giúp thanh nhiệt, giải độc. Đậu xanh có thể giải “bách độc” như: ngộ độc kim loại nặng, ngộ độc thuốc, ngộ độc thực phẩm...; giúp tăng tốc chất độc trong cơ thể chuyển hóa đào thải, xúc tiến xổ độc từ bên trong cơ thể ra ngoài.
2. Nấm mèo đen chứa một chất keo đặc thù, có sức bám hút hơi mạnh, giúp hút bụi than và tạp chất lưu lại trong hệ tiêu hóa và hô hấp rồi tống ra ngoài cơ thể. Đây là thức ăn không thể thiếu cho người hành nghề dạy học, dệt vải, xây dựng, những người thường xuyên sống trong môi trường khói bụi và hút thuốc lá.

3. Tỏi có mùi vị khiến nhiều người không thích, tuy biết nó có ích cho sức khỏe. Tỏi là “siêu sao” xổ độc.
4. Bí rợ có nhiều pectin, chất này sau khi vào cơ thể, có thể kết dính chung với cholesterol thừa, rồi bài chúng ra ngoài cơ thể.
5. Khóm (dứa) có tác dụng giải độc rượu, chống khô miệng, chóng mặt váng đầu sau khi uống rượu.
6. Bí đao có tác dụng lợi tiểu, giúp xúc tiến xổ độc cơ thể thông qua đường tiểu.
7. Thủy ngân là một kim loại nặng có độc, tích đọng trong cơ thể, không dễ bài ra. Cà rốt có hiệu quả giảm hàm lượng thủy ngân trong máu, bài ra ngoài cơ thể chất độc kim loại nặng.
8. Rau cần chứa nhiều chất xơ, xúc tiến nhu động đường ruột, xúc tiến đại tiện bài độc ra ngoài. Hơn nữa còn giúp giảm cholesterol, có tác dụng giảm huyết áp thấy rõ.
9. Nước là “chất vận chuyển” bài độc tốt nhất, có thể làm loãng độc tố, hơn nữa theo thể dịch tuần hoàn, mang độc tố ra ngoài. Hằng ngày nên uống 8 ly nước. Tốt nhất mỗi sáng ngủ dậy uống 1 ly nước.
10. Rất nhiều thức ăn ngon, vì cần chế biến đẹp hơn, hay cần thời gian bảo quản lâu hơn, hay tạo mùi vị độc đáo hơn, người ta thường thêm vào sắc màu, hương liệu, chất chống mốc... Những thứ tạo sự khoái khẩu cho chúng ta lại là “độc tố” đối với cơ thể. Cho nên, một trong những biện pháp xổ độc quan trọng nhất là dự phòng, bằng việc mỗi ngày nên dùng thực phẩm thiên nhiên, không chế biến nhiều...

B/S LIMA
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Thiếu nữ mất mạng vì nụ hôn đầu


Jemma Benjamin trước khi chết được biết đến là một cô gái rất khỏe mạnh, thể thao. Ảnh: Telegraph.
Một cô gái trẻ đã sụp xuống rồi tử vong chỉ vài phút sau khi hưởng nụ hôn đầu tiên trong đời, do hội chứng chết đột ngột vì loạn nhịp (SADS).
Telegraph cho biết cô thiếu nữ Jemma Benjamin, 18 tuổi, đã hôn cậu sinh viên Daniel Ross, 21 tuổi tại nhà của cậu này sau một tối đi chơi cùng nhau.

Nhưng ngay sau đó, Benjamin đột ngột sụp xuống và chết trước mắt Daniel. Cuộc điều tra khẳng định cô gái trẻ qua đời vì SADS - hội chứng tử vong hiếm gặp do loạn nhịp đột ngột, căn bệnh vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 500 người Anh mỗi năm.

Hội chứng này thường xảy ra mà không rõ nguyên nhân cụ thể, tương tự những ca tử vong đột ngột ở trẻ nhỏ.

Daniel cho biết hai người quen nhau 3 tháng và đây là lần đầu tiên họ hôn nhau. Họ cũng chưa hề quan hệ tình dục.

Cô gái trẻ không có tiền sử bệnh tim, cũng không có lý do nào đặc biệt dẫn đến tử vong theo cuộc kiểm tra sức khỏe trước đó. Bản thân cô rất khỏe mạnh và ưa thể thao, tuy vẫn thường "căng thẳng" trước mỗi cuộc kiểm tra thể dục.

T. An
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Image

Lễ Tình Yêu “Valentine”
Và Ngôn Ngữ Của Các Loài Hoa


Lê Hoàng Thanh
Tương tự như người Việt tị nạn cộng sản lâu nay lấy ngày 30.4.75 làm ngày quốc hận để nhắc nhở nhau đừng quên ngày Việt Nam Cộng Hoà bị cộng sản VN cưỡng chiếm, hay như ở Mỹ có ngày "Lễ Tạ Ơn" thì người La Mã từ mấy thế kỷ nay đã chọn ngày 14-2 làm ngày "Lễ Tình Yêu" và từ đó người ta cổ xúy, duy trì ngày Lễ Valentine cho đến ngày nay.

Có vài giả thuyết đã được đưa ra để giải thích nguyên nhân tại sao có ngày lễ Valentine. Có giả thuyết cho rằng ngày Lễ Valentine là ngày kỷ niệm và tưởng nhớ đến bà hoàng Juno là người đã bảo vệ cho hôn nhân và gia đình. Họ đã tặng cho "người đàn bà" những bó hoa, được xem như là biểu tượng cho sự biết ơn của người đàn ông. Một giả thuyết khác thì bảo rằng ngày lễ Valentine là ngày kỷ niệm Thánh Valentine vì cũng vào ngày 14.2, hai thế kỷ sau Thiên Chúa là ngày mà Đức Hồng Y (ĐHY) Valentine của Terni, một thành phố thuộc miền trung nước Ý, xưa gọi là Interamna bị vua La Mã thời đó là Claudius Goticus xử tử hình lí do Hồng Y Valentine vẫn một lòng giữ vững niềm tin đối với Thiên Chúa Giáo. Và sau đó vì có truyền thuyết cho rằng ĐHY Valentine đã từng tặng hoa cho những đôi nhân tình khi Ngài còn sống nên để nhớ ơn, dân chúng đã chọn ngày 14.2 làm ngày Lễ Tình Yêu để tưởng niệm đến ĐHY Valentine!

Chúng ta tạm thời không bàn đến nguyên nhân tại sao có ngày Lễ Valentine và hãy chấp nhận ngày 14 tháng 2 là ngày Lễ Valentine, được gọi là Lễ Tình Yêu và Hoa, vì ngày 14.2 đã trở thành thông lệ từ hàng trăm năm qua cho người phái nam và họ không thể quên được "tục lệ" là đến ngày lễ này đi mua hoa tặng vợ, tặng người yêu hay bạn gái.

Một điều mà tôi nói riêng ghi nhận được kể từ lúc bắt đầu sống kiếp sống lưu vong đến nay là sau Tết Dương Lịch, kể từ trung tuần tháng giêng trở đi thì người ngoại quốc từ Âu Châu đến Mỹ và Úc Châu nói chung quảng cáo rất rầm rộ ngày lễ Valentine, Lễ Tình Yêu. Theo dòng thời gian, người đàn ông không phải chỉ mua hoa thôi mà họ còn mua nhiều tặng vật khác làm quà tặng cho "vợ, cho người yêu lí tưởng" hay bạn gái của mình. Qua hệ thống Internet hiện đang thông dụng thiên hạ quảng cáo rùm beng nhiều loại quà khác nhau, tương xứng tùy theo túi tiền của mỗi người, nhưng quan trọng hơn hết vẫn đề cập đến những bông hoa, những bó hoa đủ loại. Tôi tò mò tìm hiểu và hôm nay xin được phép giới thiệu với quí đồng hương vài nét đặc biệt về "ngôn ngữ của các loài hoa" liên quan đến ngày lễ này, để nếu ai đã "sang ngang", đang yêu hay có bạn gái muốn mua hoa tặng có thể tùy theo đó mà chọn loại hoa thích hợp.

Nếu bạn mua loại hoa (sau đây) thì hoa này biểu hiệu cho một (sự) ….
Hay có nghĩa ..

- Acacia Tình yêu thanh khiết
- Alpine rose Khi nào chúng ta gặp lại
- Anemonne Vui mừng hay Tin tưởng
- Aster Không tin vào sự trung thành (của người yêu) - Belladonna Em đẹp nhưng không kém nguy hiểm
- Nettle (Anh đã nhìn thấy) em hay ghen tuông
- Chrysanthemum Tim anh còn trống vắng
- Dahlia Tôi đã có người yêu! - Edelweiss Em quá đẹp
- Erica Tôi thích sự cô đơn
- Feathered pink Em rất nhẹ dạ
- Lilac Em cũng trung thành
- Geranium Anh chờ em ở chỗ hẹn cũ
- Bell flower Tim chúng ta cùng một nhịp đập
- Wallflower Anh sầu nhớ đến em
- Immortelle Tình yêu vĩnh cửu
- Jasmin Em đẹp quyến rũ, mê hồn
- Comflower Anh (tôi) chưa mất hy vọng
- Crocus Tôi cần thời giờ để suy nghĩ
- Lime-tree blossom Hãy mơ đẹp và nghĩ đến anh (tôi)
- Lily Tin tưởng, trong sạch
- Mayflower Ngây thơ, vô tội
- Mallow Em lạnh nhạt
- Marguerite Hãy để anh (tôi) yên
- Myrtle Chúng ta sẽ làm đám cưới nay mai
- Black nightshade Em ghen vô lí
- Daffodil / narcissus Em làm điệu
- Orchid Em còn ham chơi đối với anh
- Parsley Anh thích tính ở nhà (hay nội trơ)
- Red rose Anh yêu em hơn tất cả
- Yellow rose Không trung thành
- Rhododentron Khi nào chúng mình gặp lại?
- Rosemary Từ biệt em, anh bỏ cuộc
- Yarrow Anh kiên nhẫn
- Cattail Em phải quyết định
- Iris Anh sẽ tranh đấu vì … em
- Sunflower Em quá đòi hỏi, đối với anh
- Tulip Em không có 1 sự cảm xúc chân thật
- Blue viola Kiên trì chịu đựng
- Forget-me-not Hãy nghĩ đến anh (tôi)
- Morning glory Em sẽ thuộc về anh
- Feverfew Hãy để tôi yên
- Cypress Anh đau khổ chết đi thôi!


Vậy thì, bạn sẽ chọn hoa để nói giùm những ý tưởng thầm kín của bạn và khi người nhận hoa cũng đừng quá vô tình, và cố hiểu lời nhắn gửi không lời qua những cành hoa mình nhận được!

Khi vướng vào đường tình, người ta thường hay mơ mộng, nghi ngờ…. Biết bao nhiêu văn nghệ sĩ đã viết văn, ra nhạc hay làm thơ để vinh danh tình yêu cũng có và chua chát vì tình cũng chẳng thiếu. Riêng thi sĩ Xuân Diệu đã thố lộ:

Yêu là chết trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hay thờ ơ giả dối!

Vâng, khó mà phân biệt đâu thật đâu giả. Dầu vậy, thiên hạ vẫn ngập lặn trong tình yêu, không ngừng nghỉ. Hãy nhìn sang Holywood thì thấy ngay, nghệ sĩ yêu nhau vội vã và chia tay nhau cũng rất nhanh, nhưng sau đó họ lại lao đầu vào những cuộc tình khác. Cứ thế mà tiếp nối…. Một trong những món quà thường được mua tặng cho người yêu vẫn là những bông hoa hay bó hoa.

Quí vị nào chưa quyết định mua gì để tặng trong dịp Lễ Tình Yêu, tôi nghĩ có thể mua bó hoa toàn hoa hồng đỏ (Red Rose), vừa sang trọng vừa ngấm ngầm bày tỏ "anh yêu em hơn tất cả". Ai còn độc thân, con tim vẫn còn trống vắng và muốn kín đáo hẹn hò với người yêu hay bạn gái thì có thể chọn mua bó hoa gồm Chrysanthemum và Rhododentron. Người nào biết bạn gái của mình có nhiều chàng trai theo đuổi nhưng không sờn lòng thì có thể mua tặng bó hoa "Iris kèm theo Blue Viola và vài cành Cattail" kín đáo muốn nói là anh kiên trì chịu đựng, sẽ tranh đấu vì em, nhưng em phải có một quyết định hoặc để nhắc nhở đối tượng đừng quên mình thì hãy mua tặng một bó hoa Forget-Me-Not !



Người viết không phải là người có thú "trồng hoa", "biết hoa" sành điệu hay "thông thạo về hoa" nhưng muốn góp phần nhỏ vào ngày Lễ Tình Yêu nên đã sưu tầm, mạo muội phóng dịch "ngôn ngữ của các loài hoa" để giới thiệu đến bạn đọc bốn phương như là một gợi ý để quí vị tùy theo đó mà chọn mua loại hoa thích hợp để "riêng tặng ai đó" mà bạn muốn tặng, thay cho lời tỏ tình (nếu bạn rụt rè), cho tâm trạng hay ý nghĩ thầm kín của bạn. Vì thế chắc chắn không làm sao tránh khỏi thiếu sót nên kính mong các bậc thức giả và quí vị am hiểu về hoa rộng lòng thông cảm và chỉ giáo cho. Trân trọng cám ơn.

Lê Hoàng Thanh
(Nhân dịp Lễ Valentine)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests