Góc Phố Cà Phê

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Image

ĐÔI MẮT

Trần Trung Đạo
Đôi mắt. Vâng, đôi mắt của người con gái đứng bên kia hàng song sắt nhìn về phía tôi. Cô gái vẫn đứng đó mỗi đêm để nghe tôi hát. Một khoảng cách không xa lắm nhưng tôi và cô như đang thuộc về hai thế giới khác nhau. Cô gái đang bị giam trong khu nữ hình sự tối tăm, và tôi ở bên ngoài, còn một chút tự do. Mấy tuần trước đó, tôi chỉ nhận ra bóng mờ của cô gái qua đôi mắt sáng. Mãi cho đến đêm trăng rằm, khi bóng một người con gái với mái tóc học trò chấm ngang vai dần dần hiện ra rõ nét, soi nghiêng nghiêng trên bờ tường vôi loang lỗ của một trường tiểu học được sửa thành trại giam thị xã, tôi mới biết cô là một cô gái còn rất trẻ. Những đêm trăng như thế, tôi thấy bóng cô gái ngã dài ra ngoài song sắt, đôi tay nhỏ vịn vào thanh sắt rỉ, khuôn mặt trái soan nhu hòa đang nhìn về phía có tiếng hát của tôi.

Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió
Sáng lung linh hồn ta khóc bao giờ ….

Bài Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển đi theo tôi từ những ngày còn ở Đà Nẵng. Thành phố đó, ngày xưa, những buổi chiều tôi thường ngồi dưới gốc đây cây đa trước sân phường Thạc Gián, bên hẻm 220 Hùng Vương và khóc tuổi thơ bay.

Khi tôi lớn lên, bài hát theo tôi vào đại học. Những đêm hè không ngủ được trong căn gác trọ trên đường Kiều Công Hai, tôi thường ôm đàn ra ngoài hiên ngâm nga Thu Hát Cho Người. Bài hát có sức thu hút đến nỗi cả phòng bọn tôi đứa nào cũng thích và tập bài hát đó. Một tên bạn cùng phòng, Trần Thanh Liêm, cũng nhờ bài Thu Hát Cho Người mà quen được cô gái cưng con ông chủ một pharmacy đầu phố đẹp tuyệt vời. Sau 1975, Liêm cưới cô ta làm vợ và đưa nhau về lại Đà Nẵng. Tôi ở lại Sài Gòn, kéo lê lết cuộc đời sinh viên trong “thiên đường xã hội chủ nghĩa” với khoai mì và bo bo cho đến 1979 thì bọn tôi bảy đứa cùng rủ nhau vượt biên qua ngã Bạc Liêu.

Dĩ nhiên như đã kể, cả bọn chúng tôi đi hụt và bị bắt một lần. Công an phường Bảy, thị xã Bạc Liêu trói cả nguyên băng đưa về trại giam thị xã, chờ làm thủ tục giải đi trại Cây Dừa. Má tôi từ Sài Gòn khó khăn và tốn kém lắm mới đến thăm được một lần. Tôi khuyên má tôi đừng xuống nữa: “Ở tù thời gian con sẽ về. Thời buổi này, vượt biên ở tù như đi chợ, chẳng phải tội trạng gì nặng nề, má đừng đi xa vất vả”. Má tôi tạm yên tâm ra về. Bọn tôi bảy đứa, cùng với 40 tù nhân khác, bị giam trong một phòng học. Bọn tôi là những kẻ đến sau nên bị tên tù trưởng, tiếng lóng để gọi tên Trật Tự Phòng, xếp nằm sát thùng cầu. Mùi hôi thối bốc lên. Mấy ngày đầu không ăn được, đêm không thể nào chợp mắt được. Thông thường, sau khi làm xong thủ tục, tù vượt biên bị chuyển hết về trại Cây Dừa, một trại tù thật sự, nổi tiếng khắt khe ở miền Tây, có dạo nhốt cả chục ngàn tù vượt biên. Nghe đâu hình phạt đầu tiên trong ngày nhập trại là cạo trọc đầu. Nếu không biết cách đút lót cho đám cán bộ, công an tỉnh, mỗi tù vượt biên sẽ bị giam từ sáu tháng đến một năm trước khi được trả tự do. Nhiều tù vượt biên bị nhốt cả hai ba năm, đơn giản, vì tù quá đông nên tên trong sổ sách tù nhân nhiều khi bị thất lạc.

Không hiểu sao, lần đó, trại trưởng trại giam thị xã đổi ý giữ bọn tôi lại. Một buổi sáng, trại trưởng Nguyễn Văn Ninh tập trung bọn tôi trong sân trại, với giọng Bắc nặng chịch, lên cơn giảng huấn một hồi, đại ý: “Các anh có học và còn quá trẻ, chỉ vì nghe lời dụ dỗ và lường gạt mà cam tâm bỏ tổ quốc ra đi. Lẽ ra các anh bị đưa đi Cây Dừa giam và lao động một năm, nhưng sau khi đọc các bài tự kiểm, nhận thấy các anh có ý thức, biết việc làm sai trái của mình, chúng tôi khoan hồng và giữ các anh lại để lo công việc của trại. Các anh được ở trong căn nhà lá cuối trại, được phân công lao động và kiểm soát lẫn nhau. Sau một thời gian, ít nhất là 4 tháng, nếu các anh chứng tỏ hành vi tốt, lao động tốt, chúng tôi sẽ đề nghị lên Ủy Ban Nhân Dân Thị Xã trả tự do cho các anh”. Trại trưởng Nguyễn Văn Ninh ngừng vài giây trước khi gằn giọng: “Điều quan trọng các anh phải ghi nhớ, bất cứ người nào trong số các anh trốn trại, số còn lại sẽ bị còng 3 tháng trong phòng tối và chuyển đi Cây Dừa. Nếu kẻ trốn trại mà bị bắt chúng tôi sẽ bắn bỏ ngay tại chỗ”.

Thế là nhờ tài viết lách khéo mà bài tự kiểm của bọn tôi lọt được vào mắt xanh của trại trưởng. Trong trường đại học, bọn sinh viên chúng tôi là một nhóm văn nghệ, làm thơ viết lách nên nếu cần phải lách để sống còn, bọn tôi lách không đến nỗi tệ lắm. Nhớ lại, mấy tuần trước đó, bọn tôi bảy đứa bị xếp ngồi một hàng dài như thuở đi thi tú tài, trong văn phòng ban quản lý trại, vừa viết tự kiểm vừa nhìn nhau cười. Một băng bảy thằng gian mắc nạn bóp trán nghĩ ra mọi điều hợp lý và thê thảm nhất trên đời để trả lời câu hỏi số một và quyết định “động cơ nào đã làm cho anh bỏ tổ quốc ra đi”. Không giống như các tội chống phá cách mạng phải biện luận quanh co, liên hệ đến người này người khác, chuyện vượt biên chỉ quanh đi quẩn lại những lý do nghèo nàn, cha mẹ già em đông, chén cơm manh áo, bị bạn bè rủ rê mà bỏ tổ quốc ra đi, bây giờ thì hối hận ơi là hối hận, chỉ mong được cách mạng khoan hồng, thề sẽ làm lại cuộc đời, tình nguyện đi thanh niên xung phong, làm thủy lợi, an phận học hành, làm đúng khẩu hiệu “góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp hơn mười lần hôm nay”, sẽ không bao giờ tái phạm, v.v…và v.v… May mắn thay, dù viết toàn là chuyện vô hại mà kết quả lại thành công ngoài sự tưởng tượng. Về sau, tôi cũng biết thêm, ngoài lý do viết lách, bọn công an còn tin tưởng rằng nếu được phân công nấu ăn, phân phối cơm nước, bọn tôi sẽ không ăn cắp thức ăn như đám tù hình sự đầu trộm đuôi cướp đói rách đã làm từ trước tới nay.

Trại giam chúng tôi ở chỉ có 3 phòng giam, một dành cho nữ và hai phòng dành cho nam. Tổng số tù nhân chỉ vào khoảng 100 người. Trại thuộc quyền quản lý của thị xã và là nơi giam các tội hình sự nhẹ như trộm cắp vặt, đĩ điếm, đánh lộn, buôn bán gian lận chợ trời, móc túi. Những tội đại hình, tội chống phá chính quyền đều bị chuyển qua các trại tù xa xôi trong vùng U Minh rừng sâu nước độc, được gọi bằng cái tên vô cùng nhân hậu là “trại cải tạo” và trực tiếp đặt dưới quyền quản lý của Bộ Nội Vụ Cộng Sản. Việc canh gác ở trại thị xã cũng không có gì gọi là quá chặt chẽ. Mỗi ngày tù nhân phải đi lao động từ sáng đến chiều. Đàn ông thì đi làm ruộng, đàn bà thì nhổ cỏ, tưới rau. Suốt hai mươi bốn giờ, công an thay phiên ngồi canh phía ngoài sân trại. Thỉnh thoảng, anh chàng đứng dậy, thả bộ dọc hành lang mỗi phòng để coi ngó đám tù. Mặc dù an ninh lỏng lẽo nhưng từ ngày trại được thành lập đến nay chưa xảy ra một vụ trốn trại nào. Lý do vì đa số tù nhân là người trong làng, trong xóm, trong thị xã. Từ công an cho đến tù nhân đều biết nhau. Nhiều khi lại còn là bà con giòng họ với nhau nên dù có trốn lên trời cũng không thoát. “Đi mô rồi cũng về Hà Tĩnh” như đám tù nhân thường nói. Hoàn cảnh bọn tôi còn tệ hơn thế. Trốn cả đám bảy thằng thì không được, trốn từng đứa thì không khó nhưng làm sao nỡ bỏ bạn bè ở lại chịu đòn. Mai mốt về Sài Gòn còn mặt mũi nào ngó nhau. Trại trưởng Nguyễn Văn Ninh đã từng cảnh cáo trước đó sao, cứ một thằng trốn được thì cả bọn còn lại mang tội thay. Không đứa nào muốn bị còng 3 tháng và đày đi Cây Dừa thêm một năm. “Phải an toàn rút về lại Sài Gòn rồi mới bày keo khác”. Cả bọn đồng ý như thế và nghoé tay nhau ở lại cho đến ngày được trả tự do.

Tôi ốm yếu nhất trong bọn nên được giao cho công việc dắt người đi nhổ cỏ rau muống. Ban đêm, nếu trời không mưa, tôi thường ngồi trên bệ đá phía cuối sân trại, tay gõ muỗng, miệng ngâm nga những bài hát cũ cho đỡ buồn. Một cán bộ người miền Nam, tên Hoàng, có máu văn nghệ, nghe tôi hát, cũng tới gần nghe. Dĩ nhiên trong những lúc như thế tôi thường hát những bài dân ca hay tình ca vô tội vạ. Khi được đề nghị đóng góp một bài, anh chàng công an gốc du kích Bạch Liêu, chơi ngay bài “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” với gọng Chế Linh đặc sệt. Tôi buồn cười thầm nghĩ anh chàng này không biết và cũng không hiểu gì về nội dung của bài hát. Dù là du kích trở thành công an xã, anh ta sinh ra và lớn lên ở miền Nam, và đương nhiên vẫn thích hát nhạc miền Nam hơn là những giọng ca the thé miền Bắc mà chính anh cũng có lần tâm sự: “tôi không hiểu họ đang hò hét chuyện gì”. Mấy ngày sau, anh chàng công an Hoàng ngứa nghề, ra xóm tìm một cây đàn guitar, đem về nhờ tôi dạy anh đàn. Cây đàn cũ, từ lâu không ai sử dụng, chủ của nó chắc đã vượt biên, đóng đầy bụi nhưng nghe cũng xốn xang trong những đêm khuya thanh vắng. Và cũng từ bệ đá đó, tôi nhận ra đôi mắt Bích Vân như hai ánh sao đêm hiện ra từ khung tối.

Đúng, tên cô gái là Bích Vân. Tôi biết tên nàng trong một buổi chiều đưa đám nữ tù đi nhổ cỏ ở bãi rau muống sau trại. Cô không đẹp như sự tưởng tượng quá sức phong phú của tôi qua ánh trăng lung linh huyền ảo đêm nào nhưng là cô gái dễ thương, đẹp nhu hòa pha một chút hồn nhiên của thời học trò chưa qua hết. Tôi không hỏi nhưng đoán chừng cô ta khoảng hai mươi tuổi. Bích Vân nhìn tôi: “Anh hát rất hay. Bích Vân nghe đến thuộc lòng nhưng không biết bài hát đó tên gì?” Tôi đáp: “Đó là bài Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển”. Bích Vân nhỏ nhẹ: “Bài hát hay, người hát hay và tên của người viết bản nhạc cũng hay”. Những người bạn tù của Bích Vân hình như đã biết chuyện cô ta thường đứng cửa sổ nghe tôi hát, nên mỉm cười nhìn chúng tôi với ánh mắt trêu chọc. Một bà đứng tuổi buột miệng: “Hèn chi mấy ngày nay cổ tình nguyện làm cả công tác đổ cầu tiêu để được ra ngoài”. Bích Vân đỏ mặt cúi đầu.

Và cứ thế, mỗi chiều nhổ cỏ rau muống, trên đường đưa nhóm nữ tù về lại phòng, chúng tôi có vài phút nói chuyện với nhau. Vì sợ công an bắt gặp, chúng tôi không dám nhìn thẳng nhau lâu chứ đừng nói gì là một cái nắm tay. Hai đứa giả bộ nhìn trời và nói những câu ngắn ngủi: “Anh quê ở đâu? ” Tôi đáp:” Quảng Nam Đà Nẵng”. Nàng lại hỏi: “Xa quá nhỉ. Gia đình em cũng gốc miền Trung nhưng vào Nam từ khi em mới ra đời. Ba mẹ anh vẫn còn ngoài Quảng hay đã vào Sài Gòn?” Tôi lại đáp: “Sài Gòn”. Cứ thế, cô ta như một cô giáo đang hỏi bài học trò. Từ chuyện gia đình cho đến chuyện trời mưa trời nắng. Bích Vân thích hỏi nhưng không thích trả lời. Cô không thích nói về mình. Nhiều khi nếu phải nói, cô ta không bao giờ khẳng định, chỉ ầm ừ cho qua chuyện.

Một buổi chiều, trong giờ giải lao, dựa lưng vào tường, Bích Vân chợt khám phá ra những dòng chữ trẻ con còn in dấu dưới hàng rêu trên bờ tường trại giam, mắt nàng chợt sáng lên một cách hồn nhiên đưa tay chỉ vào hàng chữ nguệch ngoạc đã nhạt nhòa theo năm tháng: “Anh biết không, đây là trường tiểu học cũ của em. Hàng chữ kia làm của đám bạn bè em viết hồi lớp năm”. Giọng nàng trầm xuống trong cay đắng: “Trường bây giờ là nhà tù và em về ngồi trong lớp học nhưng không phải là học trò cũ mà như một tù nhân. Mỉa mai quá anh nhỉ?” Nếu đây là quán café hay trong sân trường đại học, có lẽ câu chuyện trường học biến thành nhà tù là một đầu đề để máu Quảng tôi sôi lên, thao thao bất tuyệt về cách mạng, nhân quyền, cơm áo. Nhưng trước mặt Bích Vân, tôi nghẹn lời không nói được. Trước mắt tôi không phải là một đề tài, một câu chuyện, một viễn ảnh mà là một thực tế, một con người bằng xương bằng thịt, một người con gái tuổi hai mươi đang chịu đựng nỗi bất hạnh của một giai đọan lịch sử thảm khốc. Những nạn nhân vô tội đầy thương tích đang quằn quại trong màn cuối của một vở thảm kịch quê hương. Tôi cố làm vơi bớt chút đau xót trong lòng cô bằng những triết lý vụn học được trong những quán café ngoài Thư Viện Quốc Gia ngày nào: “Không ai biết chắc những gì sẽ xảy ra cho đời mình, nhưng một điều mà anh và em có thể biết được, làm được trong hoàn cảnh này là tìm cho mình một hy vọng để sống và phải sống trọn vẹn cho hy vọng đó. Sự kỳ diệu không bao giờ đến nếu không có hy vọng”. Bích Vân trả lời trong lúc vẫn nhìn đăm đăm vào hàng chữ: “Cám ơn anh, em sẽ nhớ những điều anh dặn, hãy hy vọng và rồi sự kỳ diệu sẽ đến”. Tôi muốn cầm tay nàng nhưng không dám. Hai đứa đứng bên nhau dưới chân tường trại giam và cũng là trường học cũ của Bích Vân, lắng nghe tiếng vịt kêu và thầm mong những tia nắng của buổi chiều vàng thơ mộng kia đừng bao giờ tắt.

Một lần trong lúc chờ Bích Vân rửa tay sau buổi chiều nhổ cỏ: “Tại sao Bích Vân phải vào đây?” Bích Vân vẫn cặm cụi rửa tay như không nghe tôi hỏi, mãi đến khi tôi lập lại câu hỏi lần thứ hai, nàng mới đáp thật nhanh và thật nhỏ: “Em buôn thuốc tây và bị bắt”. À ra thế, tôi yên tâm tự nhủ. Một người con gái nhỏ nhắn, xinh đẹp và hiền hậu như Bích Vân không thể nào đi ăn trộm ăn cướp của ai để bị bắt. Thấy tôi không nói gì thêm, nàng ngước mặt: “Anh đang suy nghĩ gì, không tin em sao?” Tôi vồn vã ra mặt: “Anh tin chứ, anh tin chứ, anh tin một người như em không thể làm chuyện gì thương luân bại lý, còn chuyện buôn thuốc tây, rủi gặp xui thì bị bắt, có gì mà ngại, ra tù đi buôn tiếp”. Vai nàng chợt rung lên và hai hàng lông mày cong của nàng nhíu lại nhưng không nói gì. Chuyện ở tù của tôi, Bích Vân hình như đã biết đám sinh viên bọn tôi bị bắt vì tội vượt biên, nên nàng không hỏi lý do, thay vào đó, Bích Vân hỏi về những dự tính sau khi tôi được thả: “Ra tù, anh có tìm cách vượt biên nữa không?” Tôi chẳng chần chừ: “Đương nhiên. Anh không còn đất sống nào khác nữa. Giấy tờ bị tịch thu, hộ khẩu bị cắt. Anh không còn là dân của nước này nữa. Anh chỉ còn một con đường là đi cho đến khi nào đi được mới thôi”. Bích Vân trầm ngâm không nói. Nàng ngước nhìn đám mây xanh như tên nàng đang bay vô định trên bầu trời, mãi một lúc sau mới hỏi: “Anh ước mơ gì nhất bây giờ?” Tôi suy nghĩ khá lâu rồi đáp: “Anh có quá nhiều ước mơ và tất cả gần như đồng hạng”. Và tôi nhìn thẳng vào đôi mắt Bích Vân hỏi nàng một cách nghiêm trang: “Ra tù anh sẽ tìm cách để đi tiếp, Bích Vân, em có thể cùng đi với anh không?” Nàng lắc đầu, nói như vừa đủ tôi nghe: “Không, em còn mẹ và ba đứa em nhỏ. Ba em không biết sống chết nơi đâu. Em phải ở lại để lo cho mẹ và các em”. Và nàng nghẹn ngào: “Anh có biết rằng anh đang tàn nhẫn một cách hồn nhiên không?” Bích Vân không chờ tôi phản ứng hay biện bạch, nàng xoay người bước đi, cố giấu hai giọt nước mắt đang lăn tròn từ đôi mắt buồn như mùa đông. Nàng vội vã bước vô phòng giam nữ như đi tìm một chỗ yên tĩnh để được khóc một mình.

Hai tháng sau, Bích Vân được thả. Trong cảnh nhộn nhịp của ngày thả tù, tôi không nói với Bích Vân được gì nhiều. Vả lại, chẳng biết gì để nói. Tôi còn không lo nổi cho tôi thì còn lo cho ai khác được. Lời hứa hẹn của một tên tù thì có gì giá trị. Hai đứa đứng trong sân trại. Bích Vân nói bâng quơ: “Anh thích được tự do không?” Tôi khẳng định: “Dĩ nhiên, anh cần ra khỏi nơi này gấp”. Bích Vân lắc đầu: “Em thì khác, bỗng dưng em thích ở lại. Anh bảo em phải tìm hy vọng nhưng chẳng thấy hy vọng nào dành cho em phía bên kia hàng rào. Ít ra ở đây em còn có anh”. Tôi đáp: “Em còn mẹ, còn các em, còn tương lai đang chờ Bích Vân. Em phải hy vọng và sống với hy vọng đó”. Bích Vân chua chát: “Tương lai ư, em không thích chữ này, nó có thể là ngày mai và cũng có thể không bao giờ đến”. Nàng nói tiếp như đang mơ: “Em thuộc lòng bài hát rồi. Mai này em sẽ tự hát lấy, không cần anh nữa”. Và nàng một mình hát nhỏ: “Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt”. Tôi nhìn Bích Vân hát và ước gì chúng tôi biến thành hai con chim họa mi, cùng bay ra khỏi nơi này mà không ai hay biết. Chúng tôi sẽ bay đi thật xa, băng qua khu rừng già, đến bên một dòng suối mát, nơi đang có đàn nai tơ đang sống hiền hòa, nơi có những đồi sim tím ngắt, không một bóng con người, nơi đó không có nhà tù, không có chém giết, không có máu chảy. Như sực nhớ ra điều gì hệ trọng, Bích Vân bước thêm một bước gần hơn và nói như dặn dò: “Em sẽ gởi cơm nước cho anh mỗi ngày”. Tôi lắc đầu: “Cám ơn Bích Vân nhưng anh không thiếu lắm..”. Tôi chưa nói hết câu, Bích Vân vụt quay người hôn thật nhanh vào mặt tôi và bước đi ra khỏi cổng trước khi tôi kịp nói năng gì.

Những ngày sau đó, mỗi ngày tôi đều nhận được thức ăn do một người nấu cơm tháng trong thị xã đem đến. Nhưng Bích Vân thì không. Người đàn bà đứng tuổi mang cơm cho tôi biết Bích Vân ghé tiệm cơm của bà, đặt tiền nấu cơm và đem cho tôi hàng tháng. Ngoài ra, nàng không dặn dò gì khác. Bích Vân, người con gái có đôi mắt sáng và buồn hiu hắt như hai bóng sao đêm đó đã không còn trở lại.

Từ đó tôi cũng không còn ngồi hát một mình trên bệ đá cuối trại giam. Tôi không biết đó có phải là tình yêu hay chỉ là tình người, tình thương hại. Tôi chưa bao giờ được hôn nàng, thậm chí chưa một lần cầm lấy bàn tay xinh xinh nhỏ nhắn của nàng. Nhưng lòng tôi, mỗi lúc đêm về, vẫn thấy nhớ dáng Bích Vân trong những buổi chiều, nhớ chiếc nón lá rách viền trên luống rau muống, nhớ mái tóc học trò bay trong chiều vàng, nhớ những giọt mồ hôi chạy dài trên vầng tráng rộng, và nhớ mùi hương tóc nồng nàn. Mỗi đêm, tôi vẫn thẫn thờ nhìn về phía cửa sổ trại giam như để tìm đôi mắt Bích Vân, nhưng hai ánh sao trời kia đã tắt.

Tháng sau tôi được thả. Tuần trước đó, khi vừa được công an Hoàng báo tin, tôi năn nỉ người đem cơm tìm dùm Bích Vân và báo cho nàng biết tôi sẽ chờ nàng ở quán nước của dì Năm ngoài cổng trại sau giờ thả. Người đem cơm hứa sẽ giúp tôi. Nhưng ngày tôi ra tù, Bích Vân vẫn không đến. Tôi ngồi một mình đem tâm sự trang trải cùng dì Năm. Dì Năm lắng nghe chăm chú. Bà nói với tôi bằng tất cả cảm thông và hiểu biết: “Cậu về để tìm cách mà đi. Đừng nghĩ đến cô ta nữa. Tôi cũng biết Bích Vân. Hoàn cảnh cô ấy rất đáng thương nhưng không phải cô ta vì bán thuốc Tây mà bị bắt đâu”. Dì muốn nói tiếp nhưng như chợt biết mình vừa lỡ lời nên dừng lại, khoát tay: “Thôi, sắp hết xe về Sài Gòn rồi. Cậu về đi. Chúc cậu bình an trong lần đi tới. Tôi tin Bích Vân sẽ không bao giờ gặp cậu, dù cậu có ngồi đây suốt đêm nay, hay đi tìm khắp thị xã cũng thế thôi. Hai cô cậu chẳng ai có lỗi gì. Cũng vì hoàn cảnh thôi. Nếu là cậu, chắc cậu cũng không có chọn lựa nào khác. Gặp nhau để làm chi. Cậu chắc hiểu ý tôi”. Tôi đứng dậy trả tiền ly nước. Dì Năm không nhận. Bà dúi tờ giấy bạc vào tay tôi, ôn tồn: “Cậu giữ để uống nước dọc đường”.

Chuyến xe đò chót về Sài Gòn trong khi trời đã tối. Trên bầu trời đầy mây đen, bỗng xuất hiện lên hai ngôi sao rất xa và rất nhỏ. Vâng, đôi mắt Bích Vân, đôi mắt người con gái đáng thương, đáng yêu đang nhìn xuống tôi. Tôi mỉm cười nhìn sâu vào đôi mắt nàng và thầm hát như chỉ để mỗi nàng nghe: “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó, để hái dâng người một đóa đẫm tương tư”.

Trần Trung Ðạo
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

DUI, dzui một giờ, khổ một đời
Người uống rượu - lái xe, kể chuyện kinh nghiệm:
Ðủ thứ chi phí, gần $10,000
WESTMINSTER (NV) - Không hiểu câu “nam vô tửu như kỳ vô phong” của ông bà xưa ở Việt Nam là đúng, sai, đến mức độ nào. Có điều, trên xứ Mỹ này, khi đã “dzô tửu” mà vẫn ngồi cầm tay lái thì dù là nam hay nữ, dù là “cờ có gặp gió” hay không, cũng đều gặp chuyện không hay như nhau.

Bài học đầu tiên mà tất cả những ai chuẩn bị thi lấy bằng lái xe đều phải tâm niệm, đó là, không bao giờ được lái xe khi trong người có chất “ma men,” DUI (Driving Under the Influence).

Tuy nhiên, điều tưởng như nằm lòng đó, đôi lúc cũng bị bỏ ngoài tai một cách bất đắc dĩ, để đến khi thấy ánh đèn xe cảnh sát nhấp nháy phía sau, thì dầu có tỉnh rượu ngay khi ấy, e rằng cũng đã... quá muộn.
Image
Không mấy người say rượu lái xe thoát được cảnh này: bị còng tay đưa về bót cảnh sát.
(Hình: Orchid Lâm Quỳnh/Người Việt)
Có lý do để uống và có lý do để bị bắt

Nếu anh Hiệp, ở San Diego, bị DUI hôm “sinh nhật con thằng bạn,” thì anh Nguyên, ở Westminster, dính DUI hôm “hai vợ chồng đứa bạn giận nhau, tụi nó kêu mình ra uống để dàn xếp cho tụi nó.”

“Trong khi người khác uống rượu thì tôi uống bia, chắc cũng 12, 14 chai gì đó,” anh Hiệp cười hề hề nhớ lại.

Với số bia đó trong người mà nói rằng không say cũng lạ. Thế là, “chắc lúc đó xỉn quá, vừa chạy vừa ngủ nên lủi vô thành rào cản chân cầu lên xa lộ. Một người chạy xe phía sau nhìn thấy, sợ tui chết nên dừng lại rọi đèn xe và gọi 'police'.” Anh Hiệp kể.

“Làm ơn dừng lại. Ở Mỹ, cứ mỗi 45 phút lại có một người là nạn nhân của nạn DUI. Say rượu lái xe làm chết và bị thương khoảng 10 ngàn người mỗi năm. Thật không đáng gì khi phải đối diện với những án phạt về tiền bạc và tù tội. Ðiều quan trọng nhất, bạn sẽ không cách gì thoát khỏi việc bị kết án về tội DUI. Hãy sáng suốt, một khi đã uống rượu rồi, thì đừng bao giờ ngồi sau tay lái.”

Ðại Úy Kevin Baker, Sở Cảnh Sát Westminster

Còn anh Nguyên thì không thể nhớ được số lượng mình đã uống là bao nhiêu, chỉ biết là uống từ 2 giờ trưa hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, khi quán đóng cửa thì mới đứng dậy ra về.

Có điều, anh Nguyên khẳng định: “Tôi bị 'dính' không phải vì tôi không điều khiển được xe mà là do tôi vừa lái vừa 'text messeges' cho hai đứa kia xem tụi nó về nhà có an toàn không. Chính vì vậy mà tôi lạng lái khiến cảnh sát chú ý.”

Thấy cảnh sát nháy đèn, anh Nguyên vẫn còn đủ tỉnh táo để “quẹo vô một cái chợ, đậu vô parking lot đàng hoàng, đồng thời còn nhanh tay lấy luôn cái ví giấy tờ quăng dưới ghế xe, rồi nói là quên đem bằng lái xe.”

Anh Nguyên tả lại: “Sau khi xuống xe, họ bắt dang hai tay ra co một chân lên, xem mình có giữ thăng bằng được không. Rồi cầm cây viết đưa qua trái qua phải, yêu cầu mình liếc mắt theo. Rồi đi tới đi lui vài vòng.”

Sau màn thử “chim bay cò bay,” anh Nguyên được cảnh sát yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ rượu.

Do có người “mách nước” trước, anh Nguyên “phồng má lên thổi, rồi ém hơi lại trong cổ, thành ra máy không đo được nồng độ rượu.” Nhưng, “với người cảnh sát kinh nghiệm, nhìn thấy họ sẽ biết mình xạo, cho nên dù tôi thổi hoài, nồng độ rượu không lên, họ cũng yêu cầu tôi lên xe chở về bót.”

Anh Nguyên “tính toán,” “Sở dĩ tôi muốn 'câu giờ' vì nghe nói khi họ chở mình về bót để thử máu thì mình sẽ có thêm thời gian để làm giảm bớt nồng độ rượu, lại thêm có khi về đến đó đông người quá hay thiếu y tá thì mình lại càng có thêm giờ giã rượu.”

Có điều, “người tính không bằng trời tính,” hôm anh Nguyên bị bắt thì ở đồn cảnh sát “vắng lắm, vừa vô là gặp y tá liền.” Thế là anh Nguyên được thử máu ngay. Kết quả: nồng độ rượu trong máu của anh là 0.14%, vượt xa mức qui định 0.08%.

Còn anh Hiệp, sau khi tông vào thành cầu và nghe cảnh sát hụ còi thì đã tỉnh ra phần nào nên khi nghe cảnh sát “muốn bỏ mình lên ambulance” vẫn còn biết tiếc tiền mà la lên, “I'm ok. I'm ok.”

“Mình nói vậy thì họ coi như mình ok và còng mình lại, không cần thử gì đâu.” Anh Hiệp nhớ lại như chuyện mới hôm qua.

Anh Hiệp kể lại, cảnh sát hỏi theo trình tự, rằng mình có uống không, uống bao nhiêu chai. “Mình uống thì phải nói thiệt thôi chứ mùi rượu nặc nồng như vậy mà nói không uống ai tin. Tui nói tui uống ba chai, năm chai gì đó, quên rồi.”

Thế là anh Hiệp cũng bị còng và đưa về đồn cảnh sát làm giấy tờ.
Image
Một trong những cách cảnh sát thử xem người lái xe có tỉnh táo hay không: cây viết được đưa qua trái qua phải, người bị nghi là say rượu lái xe phải liếc mắt nhìn theo.
(Hình: Orchid Lâm Quỳnh/Người Việt)
Ngày tháng tốn tiền, ngày tháng mệt mỏi

Sau khi được chở về sở cảnh sát, anh Hiệp cũng như anh Nguyên được yêu cầu “làm hết giấy tờ này đến giấy tờ khác. Trừ quần áo, còn lại tất cả những gì có trên người đều phải đưa hết cho cảnh sát. Họ giữ và đưa biên nhận cho mình.”

Anh Hiệp trải qua một đêm ngủ ở bót, “đến 8 giờ sáng họ thả ra, trả lại đồ đạc và cho thêm cái vé đi xe bus về nhà.”

Trong khi đó, anh Nguyên phải ở lại đến 6 giờ chiều hôm sau. Anh kể: “Thấy mọi người lần lượt được thả ra hết, chỉ còn mình, tôi hoang mang và sợ lắm. Sau họ cho biết là vì tôi không có giấy tờ, nên không làm thủ tục cho tôi được. Nhưng sau đó thì họ cũng bắt lăn tay này nọ rồi thả cho về lúc 6 giờ.”

Anh Nguyên gọi người nhà lên chở đi lấy xe. Ðến khi đi kiếm xe, anh mới nhận ra thực sự mình đã “xỉn” đến mức độ nào, bởi anh phải đi qua nhiều khu chợ mới tìm ra được cái xe mình đang nằm nơi đâu!

Còn anh Hiệp thì hôm sau đi nhận xe lại đã “hỏng nhìn ra cái xe của mình luôn.” Anh kêu: “Trời ơi, tui đâu có nghĩ là nó hư dữ vậy, đụng mạnh dữ vậy. May là không đụng trúng ai.”

Trở về nhà sau ngày bị “dính” DUI, anh Hiệp, anh Nguyên bắt đầu đối mặt với những vấn đề rắc rối tiếp theo.

Anh Hiệp tâm sự: “Có chuyện này tôi không biết, nghe người ta nói bị DUI lần đầu học 3 tháng. Trong khi tui bị lần đầu mà phải học 9 tháng và bị giam bằng 1 năm.”

Có lẽ anh Hiệp đã không biết rằng, ngoài những qui định phạt căn bản, hình phạt thật sự còn tùy thuộc vào chuyện anh đã lái xe với tốc độ bao nhiêu, nồng độ rượu trong máu anh khi đó là bao nhiêu, hay anh có từ chối thử nghiệm máu, nước tiểu hay thổi máy hay không, mà bản án sẽ tăng lên.

Trong 9 tháng theo học lớp DUI, với học phí $1,100, mỗi tuần anh Hiệp học vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật. “Vắng 3 ngày bị trả về cho tòa. Một tháng không được vắng quá 2 ngày. Mỗi lần vắng, ngoài chuyện sẽ phải học bù, còn bị đóng phạt $20 nữa.”

Ngoài lớp DUI, những người như anh Hiệp lại phải tham dự thêm các buổi “AA meeting” (Alcoholics Anonymous meeting). “Mới đầu mỗi tuần một buổi. Sau đó 2 tuần một buổi. Mình sẽ phải dự đủ số buổi mà tòa qui định.”

Chưa hết, anh còn “bị phạt lượm rác ở freeway 10 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, và đóng $59 đồng cho việc được đi lượm rác nữa.”

“Ði lượm rác mà tới trễ sau 8 giờ, cổng đã đóng thì coi như phải đi về, rồi hẹn xin làm ngày khác.” Anh Hiệp kể tiếp.

Chưa hết, anh Hiệp phải đóng tiền phạt $1,751, “tiền này hỏng có bớt biết gì hết. Nếu mình cần có thêm người thông dịch thì đóng thêm $200 nữa.”

Chưa hết, vì không rành tiếng Anh, cộng thêm tâm trạng lo lắng nhiều thứ khi dính vào chuyện DUI nên anh Hiệp lại tốn thêm tiền mướn luật sư hết $1,500.

Nhưng chuyện mướn luật sư cũng để lại cho anh Hiệp thêm một “kinh nghiệm đau thương để đời.” Bởi anh phải trả thêm gần $3,000 vì luật sư hứa lấy lại bằng lái cho anh lái xe đi giao hàng, nhưng thực tế khi quan tòa buộc anh “bị giam bằng một năm” thì họ cứ tính từ ngày giữ bằng cho đến lúc trả lại cho mình là đúng một năm. Còn có lấy ra trong vòng một vài tháng thì sau đó cũng bị trừ lại, “muốn chết luôn!” anh Hiệp nói như than.

Anh kể thêm: “Mình không rành tiếng Anh, tòa thì phỏng vấn bằng tiếng Anh. Phụ tá luật sư dặn mình hễ luật sư gật đầu thì mình nói “Yes,” còn không gật thì mình nói “No.”

Ðến khi tòa kết cho mình tội chống cự cảnh sát, mình khiếu nại rằng mình không hiểu tiếng Anh, mình có chống cự gì đâu thì họ đâu có chịu. Họ nói rõ ràng là mình đã trả lời 'Yes, No' đàng hoàng theo từng câu hỏi mà nói không hiểu tiếng Anh là sao.”

“Ðó là cái ngu của mình,” anh Hiệp kết luận. “Kinh nghiệm của tui là khi đã uống rượu lái xe mà bị cảnh sát bắt thì chịu đi, chứ đừng đi mướn luật sư cãi, bởi có cãi cũng không được gì, lại tốn thêm tiền. Lấy tiền đó thêm vài trăm đóng tiền tòa cho lẹ. Mà không biết tiếng Anh thì cứ nói với tòa là mình không biết tiếng Anh, chứ đừng nói lung tung.”

Trường hợp của anh Nguyên thì hơi “ly kỳ” một chút. Bởi anh bị chặn lại bởi cảnh sát của quận (Sherrif) chứ không phải cảnh sát địa phương (police), cho nên khi anh đã đậu xe đàng hoàng vào “parking lot” thì họ không 'tow' xe anh, anh đỡ khoảng tiền phạt đó.

Lại thêm điều “may mắn” là không hiểu lý do gì mà ngày anh Nguyên ra tòa, người ta đã không tìm thấy hồ sơ của anh.

“Tôi nhớ khi đó đang mùa World Cup 2006. Tui nghĩ có lẽ người cảnh sát lúc đó mê coi đá banh nên quên sót hồ sơ của tôi.” Anh Nguyên nói tếu.

Theo hẹn, hai tuần sau anh Nguyên trở lại thì nghe bảo đây là trường hợp “dismissed,” được cho qua. Thế là anh thoát được chuyện buộc tội của tòa, không phải đi học, đi lượm rác, đóng phạt...

Tuy nhiên, niềm vui của anh Nguyên không trọn vẹn, bởi theo luật định, DMV vẫn xếp anh vào hồ sơ DUI và bị treo bằng 3 tháng.

Ðiều ly kỳ và may mắn trong chuyện của anh Nguyên là anh thoát được hình phạt của tòa, không phải tốn chừng $10,000 như anh Hiệp hay những người khác.
Image
Ði trên đường thẳng cũng là một cách cảnh sát áp dụng để thử xem người lái xe có say rượu hay không.
(Hình: Orchid Lâm Quỳnh/Người Việt)
Chuyện tương lai, ai hay ai biết

Khi được hỏi đã rút ra được kinh nghiệm gì sau lần bị DUI đó, anh Nguyên nói ngay: “Khi đã có bia rượu trong người thì đừng nên lái xe.”

Anh Nguyên dẫn ra một số người đã có sự tính toán cẩn thận trước khi đi nhậu, như nhờ người chở, hay ngủ lại, hoặc kêu người nhà hay taxi chở về. “Ðó là cách hay nhất.”

Còn anh Hiệp thì chẳng ngần ngại cho rằng mình biết “sợ” sau lần bị DUI. “Không có bằng lái xe giống như cụt chân vậy. Nhờ người ta chở đi chỗ này chỗ kia mình cũng sợ người ta phiền, cũng ngại lắm.”

Anh Hiệp cho rằng mình “may” là anh bị DUI trong thời gian thất nghiệp nên chuyện đi học lớp DUI, đi lượm rác trên xa lộ, chẳng ảnh hưởng gì đến công ăn việc làm, nhất là khi anh chẳng xin được bằng lái tạm.

Có điều, sau đó, khi có việc làm trở lại thì “mệt à,” bởi mỗi ngày vợ con phải chở anh Hiệp đến nhà người làm cùng hãng, rồi họ cho anh đi carpool chung đến sở làm.

Dù đã được trả lại bằng lái vào năm 2008, anh Hiệp vẫn băn khoăn: “Thực tình tui cũng chưa hình dung sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tương lai. Chỉ thấy là bị ảnh hưởng ngay lúc đó. Mà nghe nói phải sau thời gian 'probation' 7 năm thì hồ sơ DUI mới được clear còn không thì tội tăng nặng gấp đôi.”

Anh Nguyên, dầu không tốn kém tiền bạc nhiều, vẫn bị giam bằng 3 tháng, tiền bảo hiểm cũng tăng trong 3 năm, mỗi năm anh đóng khoảng $2,000.

Và dĩ nhiên, dù là chỉ bị lần đầu, cả anh Nguyên hay anh Hiệp đều có tên trong sổ bìa đen suốt đời (criminal record for life).

Thế mới hay, cái giá của vài chai bia, dăm ly rượu, đôi khi không như mình tính!
Luật California về hình phạt đối với DUI
DUI lần đầu

Tù từ 96 giờ đến 6 tháng
Phạt tiền từ $390 đến $1,000
Tịch thu bằng lái trong 6 tháng. Tuy nhiên, nếu được cho phép, có thể xin được bằng lái xe tạm từ nhà đến nơi làm việc
Phải tham gia chương trình học về DUI

Có thể bị yêu cầu đặt máy kiểm soát nồng độ rượu trước khi khởi động máy xe (IID)
Phải mua một loại bảo hiểm dành riêng cho người DUI.

DUI lần hai (trong vòng 10 năm)

Bị tù 90 ngày đến 1 năm
Phạt tiền từ $390 đến $1,000
Tịch thu bằng lái 1 năm. Nếu được cho phép, có thể xin được bằng lái xe tạm từ nhà đến nơi làm việc
Phải tham gia chương trình học về DUI
Có thể bị yêu cầu đặt máy kiểm soát nồng độ rượu trước khi khởi động máy xe (IID)
Phải mua một loại bảo hiểm dành riêng cho người DUI.


DUI lần 3 (trong vòng 10 năm)

Bị tù 120 ngày đến 1 năm
Phạt tiền từ $390 đến $1,000
Tịch thu bằng lái 2 năm. Nếu được cho phép, có thể xin được bằng lái xe tạm từ nhà đến nơi làm việc sau 1 năm
Bị nhận diện như một người có thói quen phạm tội (đây không phải là một điều tốt)
Phải tham gia chương trình học về DUI
Bị bắt buộc đặt máy kiểm soát nồng độ rượu trước khi khởi động máy xe (IID)

Phải mua một loại bảo hiểm dành riêng cho người DUI.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Việt Nam:
Các Nhà văn được Vinh danh vì Dấn thân cho Tự do Ngôn luận



(New York, ngày 4 tháng Tám, 2010) – Sáu nhà văn Việt Nam nằm trong nhóm 42 nhà văn từ 20 quốc gia giành được giải thưởng uy tín Hellman/Hammett, ghi nhận sự dũng cảm đối mặt với khủng bố chính trị, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố hôm nay.Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – tổ chức quản lý giải thưởng thường niên Hellman/Hammett, tuyên bố, “Các nhà văn Việt Nam thường xuyên bị sách nhiễu, thậm chí bị bỏ tù, chỉ vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.” “Qua việc vinh danh các nhà văn dũng cảm phải chịu đựng sự khủng bố chính trị, mất việc làm, và thậm chí hy sinh cả tự do, chúng tôi hy vọng sẽ hướng sự chú ý của quốc tế tới những tiếng nói mà chính phủ Việt Nam đang cố gắng bắt phải câm lặng.”

Tất cả những người được giải năm nay từ Việt Nam đều là các nhà văn mà tác phẩm và hoạt động của họ bị chính phủ đàn áp trong nỗ lực nhằm hạn chế tự do ngôn luận, kiểm soát các phương tiện truyền thông độc lập, giới hạn việc truy cập và sử dụng internet.

Các hành động của chính phủ Việt Nam nhằm đối phó với những người được giải bao gồm việc sách nhiễu đời sống cá nhân và việc làm của họ, tấn công các trang web, cắt điện thoại và gây áp lực với gia đình để thúc giục họ chấm dứt các hoạt động của mình. Một vài người thậm chí còn bị côn đồ được hợp thức hóa tấn công và đả thương, hoặc bị đấu tố và làm nhục tại các cuộc họp quần chúng đã được dàn xếp sẵn. Cả 6 người đều từng bị bắt và tạm giữ; bốn người hiện đang ở tù.


Những người đoạt giải năm nay từ Việt Nam gồm có Bùi Thanh Hiếu, người viết blog với bút danh Người Buôn Gió; Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger được biết trên internet với bút danh Mẹ Nấm; nhà hoạt động vì nhân quyền Phạm Văn Trội; nhà thơ cựu chiến binh Trần Đức Thạch; nhà giáo Vũ Văn Hùng, và tiểu thuyết gia Trần Khải Thanh Thủy. Phạm Văn Trội, Trần Đức Thạch, Vũ Hùng và Trần Khải Thanh Thủy hiện đang ở tù. (Xem tiểu sử chi tiết bên dưới).


Giải thưởng thường niên Hellman/Hammett được trao cho các nhà văn trên khắp thế giới từng là nạn nhân của đàn áp chính trị hoặc lạm dụng về nhân quyền. Giải thưởng này bắt đầu vào năm 1989, khi nhà biên kịch người Mỹ Lillian Hellman để lại di chúc dành bất động sản của bà vào việc giúp đỡ các nhà văn đang gặp khó khăn về tài chính vì đã bày tỏ quan điểm của mình.


Ý tưởng của Hellman tạo ra chương trình trợ giúp các nhà văn bắt nguồn từ sự khủng bố mà chính bà và bạn đồng hành lâu năm của bà, tiểu thuyết gia Dashiell Hammett, từng phải gánh chịu trong thời kỳ săn lùng cộng sản ở Mỹ vào thập niên 1950, khi mà cả hai bị các ủy ban quốc hội truy vấn về niềm tin chính trị và liên hệ với các nhóm phái. Hellman chịu thiệt thòi về nghề nghiệp và gặp khó khăn khi kiếm việc làm. Hammet phải vào tù một thời gian.


Năm 1989, những người chịu trách nhiệm điều hành bất động sản của Hellman đề nghị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thiết lập một chương trình nhằm giúp đỡ các nhà văn bị đàn áp vì bày tỏ những quan điểm mà chính phủ của họ phản đối, vì chỉ trích các quan chức hoặc các hành động của chính phủ, hoặc vì viết về những đề tài mà chính phủ của họ không muốn đưa ra trước ánh sáng. Trong 21 năm qua, hơn 700 nhà văn từ 92 nước đã nhận giải Hellman/Hammett với giá trị có thể lên tới $10,000 một người, tổng cộng hơn 3 triệu đô la. Chương trình này cũng trao những khoản tài trợ khẩn cấp nhỏ cho những nhà văn đang cần cấp tốc rời khỏi đất nước của họ, hoặc những người cần được điều trị y tế ngay sau khi ra tù hoặc bị tra tấn. “Giải Hellman/Hammett nhằm mục đích giúp đỡ những nhà văn đã dũng cảm bày tỏ ý kiến chỉ trích các chính sách công khai chính thức hoặc những người cầm quyền,” Marcia Allina, điều phối viên của chương trình, tuyên bố. “Nhiều nhà văn chia sẻ mục đích chung với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Bảo vệ nhân quyền cho những người dễ bị tổn thương bằng cách đưa ra trước ánh sáng những vụ lạm dụng và xây dựng áp lực công chúng để thúc đẩy những thay đổi tích cực và lâu dài.”

Tiểu sử tóm tắt của những người đoạt giải từ Việt Nam năm nay:
Image
Bùi Thanh Hiếu , viết blog dưới bút danh “Người Buôn Gió”, là một trong những blogger nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Trang blog của anh chỉ trích chính phủ về chính sách đối với Trung Quốc, về việc chấp thuận cho khai thác bauxite gây nhiều tranh cãi, và về đối sách bất hợp lý về những buổi cầu nguyện của những người Công giáo. Hiếu bị bắt vào tháng Tám năm 2009 và bị giam giữ hơn một tuần vì tội “lạm dụng tự do dân chủ.” Nhà anh bị khám và máy tính bị thu giữ. Vào tháng Ba năm 2010, Hiếu bị công an triệu tập và thẩm vấn suốt mấy ngày. Hiện giờ anh luôn bị theo dõi và có thể bị bắt và tống giam bất kỳ lúc nào.
Image
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người viết blog với bút danh Mẹ Nấm, bị tạm giữ và thẩm vấn vào năm 2009 sau khi bị chụp ảnh mặc chiếc áo với khẩu hiệu “Không Bô Xít, Không Trung Quốc: Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.” Vào tháng Chín năm 2009, cô bị công an bắt giải khỏi nhà vào nửa đêm và bị thẩm vấn về những bài viết trên trang blog chỉ trích chính sách của chính phủ liên quan đến Trung Quốc và những tranh chấp về Quần đảo Trường Sa. Cô được thả sau 10 ngày bị giam giữ, nhưng vẫn bị theo dõi; công an tiếp tục gây áp lực nhằm buộc cô đóng cửa trang blog. Đơn đề nghị cấp hộ chiếu của cô bị bác bỏ.
Image

Phạm Văn Trội sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết về nhân quyền, dân chủ, quyền sử dụng đất đai, tự do tôn giáo và những tranh chấp về lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông là thành viên tích cực trong Ủy ban Nhân quyền Việt Nam. Ông cũng viết cho tập san bất đồng chính kiến Tổ Quốc. Kể từ năm 2006, ông bị công an sách nhiễu và triệu tập nhiều lần. Ông bị bắt vào tháng Chín năm 2008 và bị truy tố với tội danh phát tán tài liệu tuyên truyền chống chính phủ. Vào tháng Năm năm 2009, Nhóm Công tác Liên hợp quốc chuyên Giám sát việc Giam giữ Tùy tiện (the UN Working Group on Arbitrary Detention) xác định rằng Phạm Văn Trội đã bị giam giữ một cách sai trái. Bất chấp kết luận của nhóm này, vào tháng Mười năm 2009, ông bị kết án bốn năm tù giam và bốn năm quản chế.
Image
Trần Đức Thạch là tác giả của một tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, bài báo và các báo cáo lên án tham nhũng, bất công và các vụ lạm dụng nhân quyền. Là cựu chiến binh Quân đội Nhân dân, ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Nghệ An. Tiểu thuyết Đôi Bạn Tù hoàn thành năm 1988 mô tả bản chất tùy tiện của hệ thống pháp lý và tình trạng phi nhân của nhà tù ở Việt Nam. Các bài thơ xuất bản với tiêu đề Những Điều Chưa Thấy viết về cuộc sống không có tự do và công lý. Trần Đức Thạch thường xuyên bị sách nhiễu kể từ năm 1975. Vào năm 1978, áp lực trở nên thô bạo tới mức ông phải tự thiêu và bị bỏng nặng. Kể từ đó, ông đã bị bắt 10 lần và bị đưa ra tòa bốn lần, lần nào tòa cũng phải thả vì thiếu chứng cứ. Năm 2009, Nhóm Công tác Liên hợp quốc chuyên Giám sát việc Giam giữ Tùy tiện xác nhận rằng ông bị giam giữ sai trái và tùy tiện vào lần bị bắt sau cùng hồi tháng Chín năm 2008. Bất chấp điều đó, ông bị kết án ba năm tù giam và ba năm quản chế.
Image
Trần Khải Thanh Thủy là một tiểu thuyết gia và một nhà báo nổi tiếng; bà viết về quyền sử dụng đất của nông dân, nhân quyền, nạn tham nhũng, và đa nguyên chính trị. Bà thường chỉ trích chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào tháng Mười năm 2006, bà bị đấu tố tại một phiên tòa dàn dựng trước hàng trăm người. Tháng sau, bà bị đuổi việc và bị quản chế tại gia. Vào tháng Tư năm 2007, bà bị bắt tại nhà và bị biệt giam tại trại giam B14 ở Hà Nội trong chín tháng. Vào năm 2008 và năm 2009, bà thường xuyên phải chịu sự sách nhiễu của công an và của các băng nhóm khu phố được sắp đặt, bao gồm ít nhất là 14 lần bị côn đồ ném phân và chuột chết vào nhà. Tháng Mười năm 2009, bà bị bắt sau khi cố gắng tới dự phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến khác và bị kết án 42 tháng tù giam. Bà bị bệnh lao và bị tiểu đường, nhưng không được nhận chăm sóc y tế trong tù.

Image

Vũ Văn Hùng là một nhà giáo và cộng tác viên của tập san bất đồng chính kiến Tổ Quốc. Ông bị cơ quan sa thải vì có quan hệ với các nhà hoạt động dân chủ và các nhà văn bất đồng chính kiến. Ông bị tạm giữ chín ngày vào ngăm 2007 và sau đó bị quản chế tại gia. Ông viết Chín Ngày trong Tù, kể lại việc mình bị thẩm vấn. Vào tháng Tư năm 2008, ông bị bắt và bị đánh đập thậm tệ vì tham gia cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc trong thời gian rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng Chín năm 2008, ông lại bị bắt vì đã treo khẩu hiệu trên cầu kêu gọi dân chủ đa đảng. Hiện ông đang chịu án tù giam ba năm, và sau khi ra tù sẽ chịu thêm ba năm quản chế tại gia. Phiên tòa xử ông vào năm 2009 diễn ra chỉ vài tháng sau khi Nhóm Công tác Liên hợp quốc chuyên Giám sát việc Giam giữ Tùy tiện xác nhận rằng ông là nạn nhân của việc giam giữ sai trái và tùy tiện. Có tin rằng ông hiện đang bị giam tại Trại giam Hỏa Lò 2 ở Hà Nội; ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau khi bị đánh đập thậm tệ trong khi thẩm vấn và sau một tháng tuyệt thực.

Để biết thêm thông tin, đề nghị liên hệ:
Tại New York, Marcia Allina (tiếng Anh): +1-212-216-1246
Tại Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động)
Tại Washington, DC, Sophie Richardson (tiếng Anh, tiếng Hoa phổ thông): +1-202-612-4341; or +1-917-721-7473 (di động)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Image

Bệnh Nói Nhiều Của Phụ Nữ
Đàn ông luôn tỏ ra bất mãn với "bệnh nói nhiều" của phụ nữ, thậm chí coi đó là một giấc mộng kinh hoàng nhất trong cuộc đời. Trong khi đó, hầu hết phụ nữ lại cho rằng họ buộc phải nói nhiều để "chiến đấu" với tật xấu của bạn đời.

Theo các chuyên gia về gia đình thì không có gì hoang tưởng hơn là chỉ dùng lời nói mà có thể cải tạo được một người đàn ông. Trái lại, không ít cuộc ly hôn đã là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc tra tấn bằng ngôn ngữ triền miên.

Người ta kể rằng có một người đàn ông bị đi tù hai năm vì tội đánh vợ. Sau khi mãn hạn được tha về đoàn tụ với gia đình mới có một tuần lễ, anh ta lại khăn gói đến xin ban quản lý nhà tù cho được tiếp tục cải tạo đến hết đời. Hỏi vì sao anh không thích ở nhà mà lại muốn vào tù? Anh ta thú thật rằng, tuy ở trong tù mất tự do thật nhưng còn sướng hơn ở nhà, vì không bị vợ nói ra rả suốt ngày đêm!

Một cuộc điều tra 3.000 người đàn ông ở Thượng Hải với câu hỏi: "Tính xấu của vợ mà anh ngán nhất?" thì 86% người trả lời: "Nói nhiều". Các nhà tâm lý học cho rằng, hầu hết đàn ông đều sợ cái tính nói dai của các bà vợ. Nỗi sợ này có nguồn gốc sâu xa từ hồi nhỏ khi anh ta bị mẹ mắng mỏ. Đàn ông lẩn tránh các lời khuyên của vợ cũng giống như khi còn bé họ lẩn tránh lời dạy bảo của mẹ. Hóa ra, đàn ông rất hay bị đàn bà rầy la. Lúc bé thì mẹ mắng. Lớn lên một tí bị chị mắng. Lớn tí nữa, bị người yêu chê trách. Lấy vợ bị vợ đay nghiến. Về già lại bị con gái kêu ca.
Image
Có phải đàn ông bị vợ nói nhiều là đáng đời vì họ lắm tội. Tiếc rằng thực tế cho thấy khó mà có ông chồng nào thoát khỏi những "tội lỗi" ấy. Người làm việc trí óc bị rầy la về đóng cái đinh không nên hồn. Người khéo léo chân tay lại bị chê là viết cái đơn không xong. Người giỏi cả chân tay lẫn trí óc lại bị tra tấn vì không bao giờ biết mua vé đưa vợ đi xem một bộ phim...

Giải thích tại sao phụ nữ nói nhiều, có nhà khoa học cho rằng vì khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ mạnh hơn nam giới. Lại có người cho rằng là từ thời tiền sử, phụ nữ trồng trọt hái lượm nên tha hồ nói chuyện, trong khi đàn ông đi săn bắt phải ẩn nấp không nói được. Thật ra, đàn bà cũng chẳng thích lắm điều nhưng vì đa số việc nhà vẫn rơi vào tay phụ nữ mà những việc đó thì không mấy khi được vừa lòng do chồng con gây ra, vì vậy phụ nữ không nói cũng không được.

Tuy nhiên các nhà tâm lý cho rằng người vợ khôn ngoan nói cái gì chỉ nói một lần thôi. Nếu điều đó không theo ý mình thì cũng không nói đi nói lại hay làm thay anh ta. Bởi vì, cũng theo các chuyên gia về gia đình thì không có gì hoang tưởng hơn chỉ là dùng lời nói mà có thể cải tạo được một người đàn ông. Bây giờ ta hãy đi ngược thời gian xem khi mới quen hơi bén tiếng nhau, phụ nữ có thói quen ấy. Nếu không có lẽ số cuộc kết hôn phải giảm đi 90%. Vậy khi mới yêu nhau, phụ nữ cư xử với đàn ông thế nào?

Thường lúc đó họ khen không ngớt. Nào là: "Anh giỏi quá!"; Anh tài quá!"; "Anh thông minh quá!"... Thì ra mọi chuyện chỉ bắt đầu từ khi kết hôn. Hãy thử nghe một đoạn băng ghi âm xem một cuộc xung đột vợ chồng thường diễn ra như thế nào? Ăn xong, người vợ nhẹ nhàng bảo: "Bữa nay, anh rửa bát nhá". Chồng vừa dán mắt vào ti-vi vừa trả lời: "Được rồi, cứ để đấy!". Mươi phút sau vợ hỏi; "Anh có rửa bát không nào?". Anh ta vẫn không dời mắt khỏi ti-vi, miệng trả lời: "Có". Nhưng đa số phụ nữ không chấp nhận như thế. Họ muốn chồng phải làm ngay, nếu không thì hoặc họ sẽ tự làm, hoặc họ sẽ "trình diễn" một bộ mặt hình sự mà những người đàn ông yếu bóng vía có thể bị chấn thương tâm lý đến mức thấy mình đúng là một tên tội phạm. Bộ mặt ấy sẽ tiệu diệt hết cả mọi thú vui của anh ta trong ngày hôm đó.

Suy cho cùng, ai chả muốn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp nhưng nếu vì thế mà đánh đổi cả bầu không khí gia đình êm ấm có nên không? Không ít cuộc ly hôn đã là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc tra tấn bằng ngôn ngữ triền miên này. Để kết thúc bài viết, xin kể một câu chuyện có thật về một đôi vợ chồng người Nga.

Xecgây Ivanovich kết hôn với Lêna Xêramôva và chỉ còn mấy hôm nữa là đến ngày kỷ niệm đám cưới vàng. Bỗng nhiên bữa nọ đang ăn thì bà vợ phát hiện chồng đánh rơi miếng thịt ra sân nhà, bà ta nghiến răng gầm lên: "Ông ăn uống cái kiểu gì thế?". Xecgây lạnh lùng nhìn vợ, không nói một lời đứng dậy thu xếp khăn gói ra đi. Về sau có người bạn thân của ông kể lại lần gặp cuối cùng, ông ta nói: "Lúc nào bà ấy cũng đay nghiến tôi. Bà ấy nói tôi suốt đời không làm được một việc gì ra hồn. Lần này, ít nhất tôi cũng làm được một việc là... ra đi vĩnh viễn.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Messi chói sáng trong chiến thắng của Barca ở Hàn Quốc

Tiền đạo người Argentina xua tan lo ngại của HLV Pep Guardiola về thể lực bằng hai pha lập công rất đẹp mắt.

Image
Messi đi bóng giữa hai cầu thủ Hàn Quốc.
Hai bàn thắng trong trận giao hữu gặp tuyển các ngôi sao giải vô địch Hàn Quốc tại Seoul tối qua cũng là những pha lập công đầu tiên của Lionel Messi trong mùa hè năm nay. Trước đó, cầu thủ hay nhất thế giới không ghi bàn nào tại World Cup 2010 ở Nam Phi. Barca giành được chiến thắng 5-2 tối qua.

Zlatan Ibrahimovic, một siêu sao khác của nhà đương kim vô địch Liga, cũng lấy lại cảm giác ghi bàn. Tiền đạo người Thụy Điển gỡ hòa 1-1 ở phút thứ 6, khoảng 5 phút sau khi tiền vệ Sung Choi phá thế quân bình cho đội chủ nhà.

Tỷ số được Lee Dong Gook nâng lên 2-1 ở phút 36, trước khi Barca ghi bốn bàn liên tiếp, trong đó có hai bàn của Messi.

Trước trận giao hữu tối qua, HLV Guardiola lo về chuyện Messi không có đủ thể lực để ra sân. Ban đầu, ông từ chối cho anh thi đấu, nhưng quyết định được thay đổi dưới sức ép của nhà tài trợ. Barca nhận được 2 triệu euro ở trận giao hữu này.

Đội hình xuất phát:

K-League All Star: Jung Sung Ryong; Choi Hyo Jin, Kim Sang Sik, Kim Hyung Il, Kim Chang-soo; Kim Doo-hyun, Kim Jae-sung, Molina; Choi Sung-kuk, Lee Dong-kuk, Enio.

Barcelona: Pinto; Maxwell, Milito, Adriano; Jonathan dos Santos, Sergio Roberto, Ilie Sánchez, Víctor Sánchez; Edu Oriol, Benja, Ibrahimovic.

Các cầu thủ dự bị của Barca: Messi, Dani Alves, Miño, Keita, Dalamau, Martí Riverola, Marc Muniesa, Armond Lozano, Eric Abidal, Victor Sánchez y Manuel Agudo (Nolito), Soriano y Tello.

Các bàn thắng: Sung Choi 1', Dong Gook 36' - Ibrahimovic 6', Messi 43', 45', Victor Sanchez 83', Soriano 85'

Thúy An
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Hai đại sứ ướt quần vì thua cá độ
Hai vị đại sứ Anh và Mỹ ở Tajikistan để nguyên cả những bộ vest và cà vạt nhảy xuống bể bơi, vì đều thua cá độ bóng đá World Cup.
Image
Gross (phải) và Moore ngâm mình trong bể bơi. Ảnh: AFP.
AFP hôm qua tiết lộ chuyện ông Kenneth Gross (Mỹ) và Trevor Moore (Anh) hò nhau nhảy xuống đứng trong một bể bơi ở Dushanbe hôm 23/7. Đó là kết quả của việc hai ông đã cá cược về tỷ số trận đấu giữa Anh và Mỹ trong vòng đấu loại World Cup.

Cam kết đặt ra là đại sứ của đội nào thua sẽ phải để nguyên quần áo nhảy xuống nước.

Tỷ số trận đấu trên là 1-1. Và thế là cả hai vị đại sứ đều phải ngâm mình trong bể bơi.

Mai Trang
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Nguyên Khang ra DVD đầu tay ‘Mưa Trên Hạnh Phúc Tôi’

Lê Thụy/Người Việt

Image
Ca sĩ Nguyên Khang ra DVD đầu tay “Mưa trên hạnh phúc tôi” vào ngày 8 tháng 8 tại nhà hàng Regent West, Santa Ana. (Hình: Nguyên Khang cung cấp)

WESTMINSTER - Sau mấy lần hoãn ngày phát hành, ca sĩ Nguyên Khang cho biết đã chọn được ngày ra mắt DVD đầu tay “Mưa trên hạnh phúc tôi” (Tears on my happiness) vào Chủ Nhật 8 tháng 8, 2010 tại nhà hàng Regent West.

Tham dự đêm nhạc này có các ca sĩ: Khánh Ly, Quốc Khanh, Hồ Hoàng Yến, Diễm Liên, Loan Châu, Tâm Ðoan, Bích Vân, Lam Anh, Hoài Phương, Mai Thanh Sơn, Lê Hiếu...

Giá vé: $45, tại Tú Quỳnh (714-531-4284), Bích Thu Vân (714-897-4519), Bolsatickets (714-418-2499).

Trong cuộc tiếp xúc với ca sĩ Nguyên Khang, anh cho biết “Mưa trên hạnh phúc tôi” là DVD đầu tay của anh, như để đánh dấu hơn 10 năm ca hát, sau khi anh đã ra được 4 hay 5 CD solo, không tính nhiều CD hát chung khác.

Nguyên Khang cho biết, trong DVD “Mưa trên hạnh phúc tôi,” anh hát cả những bài nhạc xưa, như bài “Chuyển Bến” của Ðoàn Chuẩn-Từ Linh, hay “Tôi đi giữa hoàng hôn” của Văn Phụng, hoặc những sáng tác mới hơn của các nhạc sĩ Diệu Hương, Trúc Hồ...

Nguyên Khang đến Hoa Kỳ từ năm 1994, theo diện đoàn tụ, và có thể nói rằng chính nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy, hiện làm cho chương trình phát thanh VNCR ở Little Saigon, đã khám phá ra tài năng ca hát của Nguyên Khang, khi đưa các sáng tác của anh cho Nguyên Khang hát, và còn giới thiệu Nguyên Khang cho Trung Tâm Asia, trong khi Nguyên Khang nhìn nhận “chỉ là người thích hát thôi và cũng hát cho vui, chứ không nghĩ sẽ trở thành ca sĩ và nhất là trở thành ca sĩ chuyên nghiệp...”

Chính vì không nghĩ sẽ trở thành một ca sĩ, nên có thời gian Nguyên Khang đi làm nails, “cũng có nhiều tiền, sống được...” cho đến khi ông Thành, chủ tiệm Bích Thu Vân, bên trong Phước Lộc Thọ, Little Saigon, đứng ra thành lập trung tâm băng nhạc World Production và mời Nguyên Khang về hát, và đây là bước đầu đi vào con đường chuyên nghiệp của Nguyên Khang.

Sau đó, Nguyên Khang có thời gian cộng tác với Trung Tâm Biển Tình, trước khi về cộng tác với Trung Tâm Asia cho đến nay.

Ngoài việc hát cho Trung Tâm Asia, hiện nay Nguyên Khang cũng đi cả vào ngành truyền thông, đọc tin tức thời sự hàng tối cho đài truyền hình Việt Ngữ SET của vùng Nam California. (L.T.)
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Cà Phê San Hô Sê


" Chợ Dầu có quán cà phê .... "
Ngày xưa ... không biết dễ mê thế nào ?!
Ngày nay ... mới " đã " làm sao
Các em núng nính ra vào thấy ... thương !
Jô Sê ... lạc mộng Thiên đường
.... Không " GPS " _ Biết phương nào về ?!!!


Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image


vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

ĐẤT NƯỚC TÔI

Đất Nước tôi màu thắm bên bờ đại dương
Bắc với Nam tình nối qua lòng miền Trung
Đất Nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang
Vượt núi rừng già Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam
-- Bên Bờ Đại Dương
(Hoàng Trọng)
Dân tộc Việt Nam có nền văn minh cổ đại lâu đời và tiến bộ nhất Á Châu. Nền văn hóa Hòa Bình rực rỡ của Tổ Tiên ta đã hiện diện từ 15,000 năm trước Tây Lịch kỷ nguyên. Người Việt cổ đã biết trồng trọt sớm nhất, và thuyền bè đã vượt biển Đông Nam Á từ 4000 năm trước Tây Lịch.


Khởi nghiệp dựng nước từ đất Phong Châu ở miền Bắc, Tổ Tiên Việt Nam đã để lại cho chúng ta một giải giang san cẩm tú, trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Dựa lưng trên rặng Trường Sơn, bao nhiêu thế hệ đã tung hoành khắp miền Đông Hải, từ rừng núi hoang vu xuống đến những vùng đồng bằng bát ngát ở miền Nam.

Từ những chốn địa đầu hoang dã, trăm ngàn phen xẻ núi lấp sông, Tổ Tiên ta đã đổ bao xương máu giữ từng tấc đất gang sông, để lại một giang san gấm vóc ngày nay. Quê hương ta đẹp vô cùng!

Quê hương tôi
Có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng ruộng vắng
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng
Trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê

-- Tình Hoài Hương

Image
Tổ Tiên Việt Nam ta đã đánh trống đồng rung chuyển núi rừng, bao phen chiến đấu chống giặc ngoại xâm, lưu danh thiên cổ.

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
song hào kiệt đời nào cũng có

--Bình Ngô Đại Cáo
(Nguyễn Trãi)


Thế kỷ thứ nhất, hai chị em Trưng Trắc khởi binh đánh đuổi quân Tàu xâm lược, khôi phục lại nền tự chủ cho nước nhà.

Thế kỷ thứ 10, Tướng Ngô Quyền hiển hách đánh quân Nam Hán vướng cọc sắt trên sông Bạch Đằng.

Thế kỷ thứ 13, danh Tướng Trần Hưng Đạo lẫy lừng phá tan quân Mông Cổ, ba lần xâm lăng bờ cõi Việt.

Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
Thái Bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu

Image

Tướng Trần Quang Khải đã ngâm bài thơ sang sảng như vậy giữa bàn tiệc, sau khi đã đuổi giặc Mông Cổ khỏi thành Thăng Long.

Thế kỷ thứ 15, anh hùng Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, gian khổ 10 năm kháng chiến, giặc Minh phải lùi khỏi nước Việt, vốn xưng văn hiến đã lâu.

Thế kỷ thứ 18, đại anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đạo quân dân Đại Việt trong trận Đống Đa sấm sét, tiêu diệt gần 300,000 quân Thanh, thần tốc trong 5 ngày, thống nhất Đất Nước trong tinh thần độc lập tự chủ.

Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trong máu xương từng hát ca bài thành công
Dân nước tôi, nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung
-- Bên Bờ Đại Dương
(Hoàng Trọng)


Image
Người Việt tị nạn cộng sản tha thương, xa rời Tổ Quốc Việt Nam nhiều năm dài, vẫn tha thiết với Đất Nước, vẫn khắc khoải hướng về quê nhà.

Tại sao Việt Nam bị liệt vào hàng những quốc gia nghèo đói nhất thế giới, dù Việt Nam là vựa lúa lớn nhất Đông Nam Á, xuất cảng gạo đứng hàng thứ ba trên thế giới? Tại sao một Đất Nước Việt Nam dồi dào tài nguyên thiên nhiên và nhân lực, người Việt thông minh và chăm chỉ, mà Việt Nam vẫn không giàu mạnh được dù đã hết chiến tranh rồi?

Tại sao Việt Nam trở thành một quốc gia xuất cảng nô lệ về lao động và tình dục?
Tuổi trẻ là rường cột và là tương lai của quốc gia. Nhưng tương lai của quốc gia Việt Nam sẽ ra sao khi đại đa số thanh thiếu niên thất học và gần 50% trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng!

Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa Đông thiếu áo, Hè thời thiếu ăn


Tiến tới thế kỷ thứ 21 văn minh, ngành khoa học kỹ thuật và truyền thông điện tử tiến bộ vượt bực, thế giới đang toàn cầu hóa và Á Châu phát triển nhảy vọt với những con rồng kinh tế lẫy lừng.

Nhưng Việt Nam thì đi lùi. Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi sự nghèo khó lạc hậu. Dân chủ không có, nhân quyền bị chà đạp. Còn đâu Hòn Ngọc Viễn Đông của trước năm 1975 với nền kinh tế trù phú hơn hẳn nhiều nước Á Châu, dù bị chiến tranh!

Chế độ cộng sản đang phá hoại con người và Đất Nước Việt Nam, dưới sự cai trị độc tài và tàn ác. Nền kinh tế Việt Nam bị phá sản, giới trí thức bị trù dập, tôn giáo bị đàn áp, trẻ em bị thất học, đạo đức suy đồi, dân tình khốn khổ.

Vẫn còn đây
Vẫn còn đây trái tim Diên Hồng!
Vẫn còn đây
Vẫn còn đây máu xương Việt Nam!
Con không hờn dù đời cay đắng
Tâm không sờn dù lòng trắng khăn sô
Còn hồn Việt Nam là còn Niềm Tin
Còn người Việt Nam sẽ có ngày quang vinh
-- Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ
(Nguyệt Ánh)

Image
Ý thức và niềm hãnh diện về quốc gia dân tộc đã thúc đẩy người dân Việt Nam đứng lên tranh đấu, bất kể tuổi tác.

Thế kỷ thứ 3, Triệu Trinh Nương mới 20 tuổi, đã vào rừng chiêu mộ tráng sĩ, rèn binh luyện võ, nói rằng: Ta muốn cởi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở Biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi cơn đắm đuối.

Thế kỷ thứ 13, Trần Quốc Toản tuổi nhỏ, không được dự bàn Hội Nghị Bình Than, tức giận, bóp nát trái cam không hay, rồi về tập hợp dân chúng, phất cờ khởi nghĩa "phá cường địch, báo hoàng ân".

Image
Mới 25 tuổi, sinh viên Nguyễn Thái Học đã là Đảng Trưởng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, là một tổ chức cách mạng có thanh thế, đã mưu tính việc tổng khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Chưa đầy 20 tuổi, Đức Huỳnh Phú Sổ đã là Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo. 26 tuổi đã là Đảng Trưởng của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, đề xướng việc giải phóng dân tộc, canh tân con người, và cách mạng xã hội.

Cụ Phan Bội Châu cả đời tranh đấu cho nền độc lập dân tộc và canh tân Việt Nam. Trong một bài thơ, Cụ viết:


Sống tưởng công danh, không tưởng Nước
Sống lo phú quý, chẳng lo Đời
Sống mà như thế, đừng nên sống
Sống tủi làm chi, đứng chật Trời!

- Cụ Phan Bội Châu

Image
Tổ Tiên ta đã sống cực khổ, kiên cường, luôn phải tranh đấu chống lại mọi hình thức bạo lực độc tài. Dân ta sống kiên trì, chịu đựng, bao dung, nhân ái, cởi mở và cầu tiến. Đó là những Đức Tính tạo nên sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam.

G hi nhớ công lao của Tiền Nhân muôn đời, tiếp nhận những di sản quý báu của người xưa, người Việt đang nỗ lực cứu Nước.

Khắp nơi trên địa cầu
Giờ in dấu bước chân Việt Nam
Khắp nơi trên địa cầu
Giờ in dấu bước chân Việt Nam
-- Bước Chân Việt Nam
(Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ)

Image
Image
Dân ta ở muôn nơi đang đứng lên tranh đấu! Người Việt thấy rõ nhu cầu cấp cứu nước Việt, để có nền chính trị và kinh tế thị trường tự do, dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội. Trong tương lai không xa, chắc chắn Việt Nam sẽ cùng sánh vai bước vào một thế kỷ mới, tiến bộ và văn minh hơn!

Sơn hà đang nguy biến!
Hỡi những người "vốn dòng hào kiệt"
Xin hãy tự vấn mình xem
Chúng ta cần làm gì ?
Cho nước Việt Nam khốn cùng ngày hôm nay?


Thực hiện:
Truyền Hình Việt Nam Oregon
và Ban Tổ Chức & Điều Hành Trại Xây Dựng,
Trại Họp Bạn Tây Bắc Hoa Kỳ và Canada Kỳ 8,
Oregon 1990
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Siêu kình ngư Phelps thất bại ở cự ly sở trường
Michael Phelps thua trong cuộc đua tay đôi ở cự ly 200 mét với Ryan Lochte, đồng đội trong tuyển Mỹ mà anh trước đó đã đánh bại để trở thành VĐV giành nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử đường đua xanh nước Mỹ.

Trên đường đua 200 mét cá nhân hỗn hợp hôm qua, Phelps chỉ về nhì với thành tích 1 phút 55,94 giây, chậm hơn người về nhất Lochte 1,10 giây.
Image
Phelps về sau Lochte hôm qua. Ảnh: AFP.
Đây là một trong những nội dung sở trường của Phelps, từng đem về cho anh 2 HC vàng Thế vận hội ở Athens 2004 và Bắc Kinh 2008 cùng 3 HC vàng ở giải vô địch thế giới (2003, 2005, 2007). Trong thời gian thống trị ấy, anh chưa một lần thất bại trước Lochte cả ở những giải đấu lớn, lẫn các giải cấp quốc gia ở nội dung 200 mét cá nhân hỗn hợp.

Tại giải vô địch thế giới 2009 ở Rome, khi Phelps không tham dự nội dung này, Lochte mới có thể đoạt HC vàng và thậm chí còn lập kỷ lục thế giới với thành tích 1 phút 54,10 giây. Chiến tích ấy là động lực để Lochte phấn đấu không ngừng nghỉ và anh đã hưởng trái ngọt với thắng lợi lần đầu tiên trong sự nghiệp trước Phelps tại giải vô địch bơi lội Mỹ hôm qua.

"Thật tuyệt vời. Tôi đã cố gắng để vượt qua Phelps từ rất lâu rồi và cuối cùng, tôi cũng đạt được điều mình mong muốn", Lochte chia sẻ sau khi trở xuống từ bục nhận huy chương.

Trong phần thi hôm qua, Phelps vượt lên ở phần bơi bướm rồi bơi ngửa. Nhưng sang phần bơi ếch, Lochte đã bứt phá để vượt qua Phelps và tạo khoảng cách an toàn cho 50 mét cuối bơi tự do để về đích ở vị trí số một.
Image
Sau nhiều năm phấn đấu, Lochte (trái) đã được tận hưởng niềm vui đánh bại Phelps.


"Ở 75 mét cuối, tôi cảm giác cơ thể mình như co hết cả lại", Phelps phân trần.

Đây là mùa giải không thành công của người hùng thể thao Mỹ ở Olympic Bắc Kinh 2008 khi anh không có nhiều thời gian tập luyện. Tuy vậy, Phelps cũng kịp chiến thắng ở 3 nội dung 200 mét tự do, 100 mét và 200 mét bướm để đi vào lịch sử thể thao Mỹ với tư cách VĐV bơi giành nhiều danh hiệu nhất.

Minh Kha
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết về Hoàng Hải Thủy

Image
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn trước 75 là một biên tập viên của đài phát thanh. Ông là người được hàng triệu thính giả của miền Nam ái mộ qua các chương trình “Nhạc Chủ Đề” do ông đề xướng. Năm 1975 ông và gia đình kẹt lại ở trong nước, và chỉ mới đến Mỹ vào cuối thập niên 90, đoàn tụ với người con trai đã vượt biên trước đó hàng chục năm. Ông hiện cư ngụ tại Quận Cam.

Hoàng Hải Thủy là một trong những nhà văn đã nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông nổi tiếng trước nhất như một người viết phóng sự, sau đó, như một dịch giả và một người viết tạp văn.

Từ tạp văn ở đây hiểu theo nghĩa, gặp gì viết nấy, trộn lộn cả phóng sự, văn chương, trích dẫn thi ca, âm nhạc, những ngôn ngữ do ông sáng tạo, bịa đặt ra.

Cái cách viết của ông có thể có nhiều người không thích. Nhưng khi người ta nói không thích cách đùa cợt trớt nhả của ông, có nghĩa là người ta đã đọc ông rồi.
Có phải như vậy chăng?

Phải công nhận rằng, tất cả những gì Hoàng Hải Thủy viết , đều có một sức hấp dẫn, dù nó được ký tên Hoàng Hải Thủy hay Công Tử Hà Đông. Đang viết bình thường, ông thêm vào một chữ “vưỡn“, “em vưỡn yêu anh, mí nị em thơm như múi mít.” Trong ngôn ngữ miền Bắc của chúng ta, hai từ “mí nị“, cũng có người nói là “mí lỵ” là hai tiếng “mới lại” được phát âm trẹo đi. Hoặc, những tiếng “ê, a” không có nghĩa gì, nhấn mạnh vào những chữ ấy chỉ để chê bai, chọc quê. Nghe một người con gái nói: “Em vưỡn yêu anh” thì có lẽ không anh nào dám tin đó là sự thật. Cái phần sự thật có thể có đó, so với cái phần sự thật có thể không trong câu nói nghiêm chỉnh hơn “Em vẫn yêu anh” có gì khác.

Các bông đùa của Hoàng Hải Thủy luôn ở trên lằn ranh vui buồn, thật giả đó.

Đọc “Sống và Chết ở Sài Gòn” người ta được biết những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ, trí thức, như Vũ Hoàng Chương, Thượng toạ Trí Siêu ( Lê Mạnh Thát ), Thanh Nam, Vũ Bằng, Duyên Anh, Thái Thủy, Mai Thảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Uyên Thao.. .., về Trại Giam Phan Đăng Lưu, nơi Hoàng Hải Thủy đã trải nhiều năm tù.
Chương Hoàng Hải Thủy kể lại những năm tù ở Trại Phan Đăng Lưu với nhiều tù nhân khẳng khái được Nhà văn Đặng Trần Huân coi là một chương tuyệt tác.

Người ta nhớ lại những năm sau 1975, hầu hết các văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cũ, đều bị bắt giam.

Hoàng Anh Tuấn sau khi được thả, đã được thân nhân bảo lãnh ra khỏi nước. Hoàng Hải Thủy có mấy câu thơ gửi Hoàng Anh Tuấn được các bằng hữu của ông thỉnh thoảng nhắc lại:

Hai chuyến xe hoa về đất mẹ,
Bây giờ xa-lộ sáng đèn chưa ?
Ở đây thì chán, đi thì nhớ,
Sài Gòn mưa mà Mỹ cũng mưa.

Hẳn nhiều người đều biết Hoàng Anh Tuấn ngoài việc làm thơ còn là một đạo diễn điện ảnh. “Hai Chuyến Xe Hoa” “Đất Mẹ” và “Xa Lộ Không Đèn.” Hoàng Hải Thủy nhắc trong bài thơ tên những cuốn phim Hoàng Anh Tuấn đã thực hiện.
Sống và Chết ở Sài Gòn được viết theo kiểu tùy hứng, nhớ đến đâu viết đến đấy.

Chương ông viết về việc ông bỏ lỡ chuyến di tản năm 1975 là một chuyện cười ra nước mắt.

Khi đó, Hoàng Hải Thủy đang làm việc cho USIS tức Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Trước ngày 30/4 ông Giám đốc USIS cho biết sẽ cho nhân viên đi nhưng con trai các nhân viên phải dưới 17 tuổi mới được đi theo bố mẹ. Nhân viên phàn nàn, ông nói ông phải làm theo lệnh của chính phủ Việt Nam, không thể làm trái luật pháp, cũng khhông thể nhận diện em nào trên hay dưới 17 tuổi. Ngay lúc đó Hoàng Hải Thủy thật thà không hiểu câu nói của ô. Giám đốc Alan Carter, ý ông muốn bảo “các anh cứ khai các con anh 16 tuổi chứ tôi có cần các anh chứng minh đâu“. Y hệt như câu thơ của T.T.K.H, “đến khi tôi hiểu thì tôi đã” muộn mất mấy chục năm rồi.

Trong cuốn sách Hoàng Hải Thủy có nhắc đến cái chết của các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Mạnh Côn, nhà báo Minh Vồ, nhiều chi tiết về những năm đen tối, khốn khổ sau 1975 mà người dân miền Nam đã phải trải qua.

Được biết cuối năm 2002 nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội/Hà Nội đã cho xuất bản cuốn “Hai Mươi Nhăm Năm Một Vùng Tiểu Tuyết” ý muốn nói tiểu thuyết ở miền Nam, nội dung đề cập tới tiểu thuyết miền Nam từ 1887 tới Hồ Biểu Chánh rồi nhẩy vọt qua tiểu thuyết từ 1975 đến 2000 đề cao những tác giả cộng sản nhất là các tác giả từ miền Bắc vào. Tất cả văn học miền Nam ( từ 1954-1975 ) không có một dòng.

Nhà văn Đặng Trần Huân viết: “Với chủ trương rõ ràng của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam hiện nay như thế, thử hỏi nếu không có những bộ sách như Văn Học Miền Nam của Võ Phiến hay những tạp bút như Sống và Chết ở Sài Gòn thì sau này lấy đâu ra tài liệu về văn học và đời sống của văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hoà ? Ta phải cám ơn Võ Phiến, cám ơn Hoàng Hải Thủy đã giúp ta tài liệu để còn nhớ không quên những văn nghệ sĩ một thời sáng chói, dù nhớ cách nào đi chăng nữa.”

Các văn nghệ sĩ của chúng ta sống ở miền Nam trước 1975, cho đến nay, đã mất đi nhiều lắm. Người chết trong tù, chết trong nước, người chết già, chết bệnh, người chết nơi xứ lạ, quê người, số còn lại e rằng ít hơn số đã mất.

Và, trong số những người còn lại, Hoàng Hải Thủy là người duy nhất cho đến nay vẫn viết và viết được một cách đều đặn. Cách viết của ông gần như không có gì thay đổi, pha trộn văn chương với phóng sự, nửa đùa, nửa thật. Nhưng với cái nhìn sâu sắc của người đã ở ngoài cái tuổi “cổ lai hy”, đọc ông, người ta có cảm tưởng mọi sự trên đời đều hình như lúc nào cũng có ha mặt, một mặt bi thương và một hài hước.

Nói đến mọi sự trên đời, bởi vì, Hoàng Hải Thủy đề cập tới rất nhiều chuyện trong các bài viết của ông, bằng hữu, nghề nghiệp, kỷ niệm, tình yêu, chính trị, thời sự, tù đầy, cảm khái trước cái đẹp của thiên nhiên, thời tiết, kiếp sống tha hương.

Loạt bài mới nhất của ông cho đăng trên các báo chí gần đây, những phê phán chua chát của ông đối với chế độ cộng sản, sách báo của các tác giả ở trong nước và những người ông cho là đến bây giờ vẫn còn bị cộng sản mà mắt, được rất nhiều người đọc. Dù có cùng quan niệm với ông hay không, người ta vẫn thấy ở ông một tấm lòng thiết tha với đất nước, yêu cái đẹp, yêu sự thật.

Tập Đất Hồ Ngàn Năm của Hoàng Hải Thủy cho xuất bản mới đây gồm tám đoản văn: Huyền thoại Vương Chiêu Quân, Giang Tả Cầu Hôn, Rồng Nằm, ngựa chạy, Sự Tất Như Thử, Trăm Năm Binh Lửa, Thơ và Sự Khốn Cùng, Mơ Ngày Về Vẽ Lông Mày, Thiên Long Tình Sử.
Hoàng Hải Thủy cho biết ông bắt chước ông Lê Quý Đôn ghi lại những chuyện hay hay đọc được cùng với những suy luận, những nhận xét của mình.

Qua cuốn sách người ta được biết thêm một Hoàng Hải Thủy rất yêu thơ, đọc rất nhiều thơ Đường, dịch nhiều thơ Đường và còn có thể làm thơ bằng chữ Hán nữa.

Đoản văn về “Thơ và Sự Cùng Khổ” của Hoàng Hải Thủy gây nhiều xúc động trong lòng độc giả. Hoàng Hải Thủy viết đoản văn này sau khi đọc một bài thơ của Nguyễn Du trong “Bắc Hành Thi Tập”, chắc Nguyễn Du đã sáng tác trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh và qua nơi có ngôi mộ Đỗ Phủ.

Thi hào Đỗ Phủ trong một chuyến đi xa đã nhuốm bệnh và chết trên một con thuyền trên sông Tương. Vì nhà nghèo, vợ con không đưa được ngay di hài ông về quê nhà, phải tạm chôn ở Nhạc Châu. Bốn mươi năm sau, người cháu của Đỗ Phủ là Đỗ Tư Nghiệp mới rời được hài cốt Đỗ Phủ về Yểm Sư, mai táng trên núi Thú Dương, thuộc Hà Nam.

Tuy vậy ở Lỗi Dương vẫn có ngôi mộ giả của Đỗ Phủ do viên Huyên lệnh Lỗi Dương họ Nhất xây để tưởng niệm nhà thơ lớn.
Người Hoa ngày xưa thường xây những ngôi mộ giả các nhân vật họ kính trọng.

Đỗ Phủ thơ hay tuyệt thế nhưng suốt đời nghèo khổ, nghèo đến độ không nuôi nổi vợ con và thân mình, để đến nỗi một người con nhỏ của ông phải chết vì thiếu ăn.

Nguyễn Du đặt câu hỏi, ông (Đỗ Phủ) cùng khổ đến thế phải chăng vì thơ ? Phải chăng ta có thể quy tội làm ông khổ là thơ ?
Chính Đỗ Phủ khi nhớ tới Lý Bạch, nhớ tới Khuất Nguyên tự trầm mình ở sông Mịch La đã than thở: “Làm thơ hay như Khuất Nguyên, như Lý Bạch mà cuộc đời khổ sở đó là vì văn chương ghen ghét những người mệnh đạt. Văn chương không cho những người làm thơ được thành công trong đời.”

Bàn về thơ và sự cùng khổ Âu Dương Tu, một danh sĩ khác của Trung Quốc viết: “Không phải thơ làm người ta cùng khổ. Chính vì người làm thơ có cùng khổ thơ của người đó mới hay.”
Đỗ Phủ nói: “Văn chương ghét mệnh.”
Nguyễn Du cho rằng: “Làm gì có chuyện văn hương ghét mệnh. Làm gì có chuyện trời ghen với người.”

Nhưng trong truyện Kiều Nguyễn Du lại viết :

Lạ gì bỉ sắc, tư phong.
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Hoàng Hải Thủy viết: “Đây không phải một điều mâu thuẫn trong quan niệm về nhân sinh của thi sĩ. Không phải Nguyễn Du bất nhất trong quan niệm của ông về đời người. Ý thức của chúng ta rất phức tạp, đa dạng. Nguyễn Du tất nhiên là phức tạp hơn người thường.”

Hoàng Hải Thủy lấy trường hợp của ông để nói thêm về câu hỏi được nêu ra: Thơ có làm cho người làm thơ phải khổ sở không ?
“Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc viết truyên. Với tôi, viết là hạnh phúc. Tôi đã sống để viết, viết để sống và trước năm 1975, tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975, ở Sài Gòn, Thủ đo Quốc Gia Việt Nam Cộng hòa của tôi, trong hai mươi năm, tôi đã sống để viết và đã viết để sống. Sau 1975, tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết. Dù vậy tôi vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi: “Thơ có làm cho người làm Thơ cùng khổ hay không ?”

Tôi thấy Nguyễn Du đúng khi thi sĩ nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần.”, “ngu si hưởng thái bình.”

Người có tài thường gặp tai họa. Chuyện đó tôi thấy thường xẩy ra trong đời và trong thời loạn.

Tôi chịu câu nói của Âu Dương Tu: “Thơ không làm cho người làm thơ cùng khổ. Chính vì có cùng khổ thơ mới hay.”

Nguyễn Đình Toàn
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Nên thương vợ ... vì những lợi ích sau đây :


1. Vợ day. cho ta tính phục thiện ( sẵn sàng nhận lỗi tuy mình không làm gì sai cả )

2. Vợ day cho ta tính kiên nhẫn , chờ đợi không biết mệt ( để vợ sửa soạn đi lễ , đi chùa , hay shopping... )

3. Vợ cho ta sức khỏe ( cấm không cho hút thuốc lá , uống rượu , uống bia , đi chơi khuya với mấy thằng bạn cô hồn

4. Vợ day. cho ta sự tế nhị ( không chê bai dù cơm khét , canh mặn )

5. Vợ day. cho ta sự lễ phép ( đi thưa về trình )

6. Vợ day. cho ta sự rộng lượng ( kiếm được bao nhiêu tiền tặng vợ hết )

7. Vợ là huấn luyện viên thể dục tại gia của ta ( làm vườn , cắt cỏ , đổ rác , giặt quần áo , lau dọn nhà cửa , mang vác... )

8. Vợ day cho ta tính gọn gàng , trật tự ( chỉ được bày biện của riêng trong một góc tủ vợ dành cho )

9. Vợ day cho ta sự công chính ( ra đường cứ thẳng đường mà đi , không nhìn ngang , liếc dọc , nhất là chỗ có đông phụ nữ )

10. Vợ giúp ta trở thành người cha gương mẫu ( thay tã , tắm rửa cho con , ru con ngủ , cho con bú , dậy con học , ... )

11. Vợ day. cho ta biết giá trị của hai chữ tự do ( mac du` nay thi` không co`n nua )

12. Vợ day. cho ta biết phấn đấu với nghịch cảnh ( muốn chết mà cứ phải sống! )

Tho^i ddu? ro^` i, chi. hai o*i ............ ...
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Máu nhân - tạo trở thành hiện - thực ..

Một công ty vừa sản xuất thành công máu nhân tạo từ tế bào dây rốn theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Image
Những túi máu thật của Tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ.
Ảnh: wordpress.com.
Physorg đưa tin công ty Arteriocyte ở bang Ohio, Mỹ sản xuất máu nhân tạo cho Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA). Cơ quan này đã tài trợ 1,95 triệu USD cho công ty Arteriocyte ở bang Ohio vào năm 2008 để nghiên cứu máu nhân tạo.
Mới đây Arteriocyte đã sản xuất thành công những mẻ máu đầu tiên. Họ vừa đưa các mẫu máu O lên Cục thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để đánh giá và kiểm tra độ an toàn. Tế bào máu nhân tạo có đặc tính hoàn toàn giống so với tế bào máu thường. Phát minh mới có thể chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện, trên chiến trường và những vùng hẻo lánh.
Đầu tiên các nhà khoa học lấy tế bào gốc ở dây rốn người - thứ thường bị bỏ đi sau những ca sinh. Họ biến tế bào gốc thành tế bào máu với lượng lớn nhờ kỹ thuật mô phỏng chức năng của tủy xương. Nhờ kỹ thuật đó mà từ một dây rốn người ta có thể tạo ra lượng máu đủ để truyền cho ba binh lính bị thương.
Don Brown, một chuyên gia của Arteriocyte, nói rằng chi phí sản xuất máu hiện nay vào khoảng 5.000 USD mỗi pint (0,57 lít). Nếu quy mô sản xuất tăng lên, công ty có thể hạ giá thành xuống tới mức 1.000 USD/pint hoặc thấp hơn nữa. Để tăng quy mô sản xuất, các chuyên gia sẽ cải tiến công nghệ để mỗi dây rốn có thể tạo ra lượng máu lớn hơn mức hiện nay. Một cách khác là tạo ra khoang nuôi dưỡng tế bào gốc - có chức năng tạo máu giống như tủy xương - có khả năng hoạt động hiệu quả hơn.
Theo Brown, tại các vùng chiến sự đôi khi binh lính bị thương phải chờ máu tới vài tuần. Trong khi đó, ngay sau khi ra khỏi cơ thể người máu phải được sử dụng trong vòng một hoặc hai tuần vì nếu để lâu hơn thời gian đó máu có thể gây viêm nhiễm hoặc hỏng các cơ quan nội tạng. Quân đội Mỹ luôn có các ngân hàng máu di động trên chiến trường, nhưng chúng không đáp ứng đủ nhu cầu bởi có rất nhiều binh lính bị thương.
Máu nhân tạo sẽ được thử nghiệm trên người vào năm 2013 và có thể đưa vào sử dụng trong quân đội trong 5 năm sau đó. Sau đó các bệnh viện có thể mua máu nhân tạo. Máu do Arteriocyte sản xuất thuộc nhóm O, nghĩa là có thể tiếp cho mọi bệnh nhân bất kể họ sở hữu nhóm máu nào.

Minh Long,
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

HLV O'Neil bất ngờ chia tay Aston Villa
Nhà cầm quân từng hai lần được nhắm cho chiếc ghế HLV trưởng tuyển Anh bất ngờ từ chức sau 4 năm dẫn dắt đội chủ sân Villa Park.

Martin O'Neil công bố quyết định từ chức trên webstie của CLB: "Tôi đã tận hưởng những khoảng thời gian tươi đẹp cùng Aston Villa, vì thế, phải chia tay CLB tuyệt vời này là một nỗi đau lớn. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các cầu thủ, cộng sự trong ban huấn luyện cùng toàn thể các fan Aston Villa vì sự ủng hộ nhiệt tình của họ với CLB và cá nhân tôi trong 4 năm qua".
Image
Sự ra đi của O'Neil ngay trước thềm mùa giải mới là một cú sốc cho Aston Villa. Ảnh: AFP.
HLV đội dự bị Kevin MacDonald sẽ nắm đội trong khi Aston Villa gấp rút tìm kiếm một nhà cầm quân mới thay thế O'Neil. Truyền thông Anh tin rằng cựu HLV Blackburn, Man City, Mark Hughes đang là cái tên mà họ ưng ý hơn cả. Nhưng cái khó trong thương vụ này là Hughes vừa ký hợp đồng 2 năm dẫn dắt Fulham và Aston Villa sẽ phải mua lại bản hợp đồng ấy. Ngoài ra, cựu HLV tuyển Anh Sven Eriksson, cựu HLV Charlton Alan Cubishley và cựu HLV Tottenham Martin Jol cũng được đưa vào danh sách ứng viên.

O'Neil không hề nhắc tới lý do ông ra đi. Nhưng theo một số nguồn tin từ nội bộ Aston Villa, HLV người Bắc Ireland đang chịu rất nhiều áp lực từ việc hai trong số những cầu thủ tốt nhất của ông rục rịch ra đi - James Milner (sắp sang Man City) và Ashley Young (đang được Tottenham săn đón ráo riết). "Tôi nghĩ bất kỳ HLV nào cũng phải điên đầu khi bất lực chứng kiến những học trò giỏi nhất ra đi", O'Neil từng chia sẻ gần đây khi nói về Milner.

Năm thứ hai liên tiếp O'Neil phải đối mặt với cuộc chiến giữ chân các trụ cột. Hè năm ngoái, ông từng bất lực chứng kiến thủ quân Gareth Barry dứt áo sang Man City. Khả năng tài chính có hạn khiến Aston Villa không thể chạy đua về tiền lương với các đại gia khác và vì thế, bị bòn rút dần những cầu thủ trụ cột. Ngoài Milner và Young, một cầu thủ Aston Villa có thể ra đi trong hè này là Carlos Cuellar, hậu vệ đa năng mà O'Neil tậu về từ Rangers hè 2008.

O'Neil nổi tiếng từ khi giúp Leicester City lên giải Ngoại hạng năm 1996, đoạt 2 Cup Liên đoàn Anh với CLB nhà nghèo này. Sau khi chuyển sang dẫn dắt Celtic, ông đoạt thêm 3 danh hiệu vô địch Scotland và 4 chiếc Cup nội địa khác. Trong 4 năm dẫn dắt Aston Villa, O'Neil đã đưa CLB hạng trung này tiệm cận nhóm tứ đại gia và một lần vào chung kết Cup Liên đoàn (thua MU 1-2 mùa vừa qua).
Image
Milner hay Young (phải) là những học trò mà O'Neil đã dày công huấn luyện,
nhưng ông lại bất lực khi họ bị các CLB giàu hơn chèo kéo khỏi sân Villa Park. Ảnh: AFP.
"Aston Villa cảm ơn những đóng góp to lớn của O'Neil cho CLB suốt 4 năm qua. Ông ấy đã giúp CLB xác lập vị trí trong nhóm những CLB hàng đầu giải Ngoại hạng, lọt vào chung kết Cup Liên đoàn và dự Cup châu Âu trong 3 mùa gần nhất. Aston Villa chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với O'Neil trong chặng đường tiếp theo của ông ấy", Tổng giám đốc Faulkner phát biểu.

Năng lực cầm quân của O'Neil được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông từng hai lần có tên trong danh sách ứng viên làm HLV trưởng tuyển Anh vào các năm 2006 (thua Steve McClaren) và 2007 (thua Capello). HLV 58 tuổi cũng được xem là một gương mặt sáng giá thay thế Alex Ferguson dẫn dắt MU khi nhà cầm quân vĩ đại này kết thúc nghiệp HLV trong một hai năm tới.

Phương Minh
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Bà Bán Rau Vĩ Đại

"Có lòng sốt sắng vì điều thiện thì tốt lắm "
Ngày 29/04/2010, Tạp chí Time công bố danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2010. Những người được chọn chia làm các nhóm: Lãnh đạo (Leaders), Anh Hùng (Heroes) Tư Tưởng (Thinkers), Nghệ Sĩ (Artists)... Năm nay, Hoa Kỳ có 53 người được vinh danh, 47 người đến từ 23 nước khác. Điều đáng ngạc nhiên là, ngoài các nhân vật nổi tiếng đầy quyền lực như TT Hoa Kỳ Barack Obama; Cựu TT Bill Clinton; TT Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva; Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Admiral Mike Mullen; Tổng Giám đốc Apple Steve Jobs; Ứng viên phó TT Hoa Kỳ năm 2008 của Đảng Cộng Hòa, Sarah Palin; Tài tử điện ảnh Lý Liên Kiệt; Hàn Hàn, nhà văn trẻ, tay đua xe hơi, đồng thời là một blogger nổi tiếng của Trung Quốc... còn xuất hiện một bà lão bán rau đến từ Đài Đông, đảo quốc Đài Loan. Danh sách bà đứng thứ 8 trong nhóm Anh Hùng, người đứng đầu nhóm này là cựu TT Bill Clinton.

Bà Trần Thụ Cúc (Chen Shu Chu): 61 tuổi, là người chuyên bán rau xanh ngoài chợ Đài Đông. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không nhiều, bà vẫn đem toàn bộ số tiền kiếm được giúp đỡ những người thiếu thốn. Tiền sinh hoạt một ngày của bà khoảng 1 TWD (Taiwanese new dollar, còn gọi là Đài tệ. Theo hối đoái ngày 11/05/2010, 1 Mỹ kim đổi được 30,50 TWD), nhưng tổng số tiền làm việc thiện của bà lên đến 10 triệu TWD (trên 320.000 Mỹ kim). Số tiền này bà dùng vào việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, xây dựng thư viện. Bà chỉ nghĩ đơn giản rằng hôm nào giúp được ai, tối hôm đó về nhà ngủ ngon hơn. Hằng ngày, bà cảm thấy vui nhất là sau khi làm việc vất vả được ăn một bát mì nóng, thỉnh thoảng có thêm mấy món rau xanh.

Ngày 05/03, bà Trần Thụ Cúc được Tạp chí Forbes Châu Á bình chọn là nhà từ thiện kiệt xuất năm 2010, ngày 29/04, lại được Tạp chí Time chọn là 1 trong 100 nhân vật tiêu biểu của năm 2010. Ngày 03/05, bà Trần Thụ Cúc đã lên đường sang Mỹ lãnh thưởng.

Nhận định về việc một bà bán rau bất ngờ lọt vào 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010, Richard Stengel và Radhika Jones, Giám đốc điều hành Tạp chí Time và Thư ký Tòa soạn phụ trách ấn phẩm Time 100, cho biết hằng năm, khi đưa ra danh sách bình chọn này, ngoài việc giới thiệu các nhân vật nổi tiếng, có quyền lực lay chuyển thế giới thực sự, ký giả của Tạp chí Time còn báo cáo lên tòa soạn những nhân vật đặc biệt. Họ có thể là những người rất bình thường, ít ai biết đến, nhưng nghĩa cử và hành động âm thầm đóng góp cho cuộc đời của họ có khả năng lay động lòng người và thay đổi tư duy cũng như thái độ của rất nhiều người trên thế giới.

Đại sứ Từ thiện Trần Thụ Cúc

Bà Trần Thụ Cúc là người thích giúp đỡ những người thiếu thốn như trẻ mồ côi, bệnh tật. Bán rau ngoài chợ mỗi ngày thu nhập không được bao nhiêu, nhưng bà đã lặng lẽ góp vào quỹ từ thiện tới 10 triệu đồng tiền Đài Loan, tính ra khoảng 320.000 Mỹ kim. Bà Cúc được Tạp chí Time chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2010 và mời đến Nữu Ước tham dự lễ phát thưởng trong một bữa tiệc lớn tổ chức vào tối 04/05/2010. Khi nói về bà Trần Thụ Cúc, Tạp chí Time đã trích dẫn một câu nói của bà: "Tiền phải dùng cho người cần nó mới hữu ích".
Nhận được giấy mời đến Nữu Ước lãnh thưởng, bà Cúc rất bất ngờ. Sức khỏe yếu, chân lại đau và chưa ra nước ngoài lần nào nên bà không muốn đi. TT Trung Hoa Dân Quốc Mã Anh Cửu biết được tin này lập tức gọi điện chúc mừng, khích lệ bà đến Nữu Ước lãnh thưởng. Ông ca ngợi bà là "Đại sứ Từ thiện", khuyên bà đi lãnh thưởng "để cho toàn thế giới đều biết được tấm lòng thương người của dân chúng Đài Loan". Ông cảm ơn bà và chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Đài Loan làm mọi việc để bà có thể đến Nữu Ước dự buổi lễ phát giải thưởng vào tối 04/05.

Bà Cúc chưa hề xuất ngoại, không có giấy thông hành. Bộ Ngoại giao Đài Loan lập tức cử một nhóm người lo làm giấy thông hành cho bà, kết quả chỉ trong 1 tiếng đồng hồ bà đã có tấm giấy thông hành. Khi nhân viên Bộ Ngoại giao đưa tờ đơn cho bà điền và ký tên, bà ngượng ngùng nói xong câu "Tôi viết chữ xấu lắm!" rồi mới ký tên vào lá đơn. Hôm được mời đến gặp TT Mã Anh Cửu, bà Cúc ăn mặc gọn gàng, trước khi đi còn đến tiệm uốn tóc sửa lại mái tóc hằng ngày không được gọn gàng. Bà nói với bạn bè, được đi gặp TT Mã Anh Cửu cần ăn mặc tử tế, đầu tóc phải gọn gàng để tỏ lòng tôn kính người đứng đầu đất nước.

Khi gặp đám ký giả đi theo chụp hình bà Cúc ngượng ngùng vô cùng. Bà Cúc nói với một cô ký giả: "Tôi là người thích làm việc, không thích nghỉ ngơi, càng không thích nói đến chuyện đi chơi. Khi được báo đi lãnh thưởng, tôi định nhờ người nào đó đi lãnh hộ, nhưng TT Mã Anh Cửu và ông huyện trưởng Đài Đông khuyên tôi nên đi. Thật là khó xử. Lúc đó tôi nghĩ không có việc gì làm thì đến đó làm gì? Tối hôm đó tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Lúc nào cũng nghĩ có nên đi hay không?".

Bà Cúc chưa hề nghe nói đến mấy chữ Tạp chí Time, cũng không biết lần này đi lãnh giải thưởng gì? Tại sao lại được thưởng? Tuy nhiên, bà vẫn trách ông hiệu trưởng đã nói việc bà giúp trẻ mồ côi tiền ăn học và xây dựng thư viện nhà trường cho báo chí nghe, mới nên nông nỗi này. Một ký giả hỏi cảm tưởng của bà khi được ca ngợi là "Đại sứ Từ thiện", bà nói không có gì đáng ca ngợi.

Tuy sắp lên đường đi Nữu Ước dự buổi tiệc phát thưởng vào tối 04/05, sáng sớm ngày 02/05 bà Cúc vẫn ra chợ Đài Đông tưới rau và thu dọn sạch sẽ sạp rau. Những loại rau dễ hỏng đều được bà cất giữ cẩn thận để khi trở về vẫn còn dùng được. Sạp rau này thân mẫu bà để lại đến nay đã được 48 năm. Trong 48 năm qua, ngoại trừ một lần bà phải đến Đài Bắc chữa bệnh mấy ngày, bà chưa hề xa rời nó một ngày. Hằng ngày bà Cúc chỉ quanh quẩn tại 3 nơi: Nhà ở, chợ rau người trồng mang đến bán và sạp rau của bà.

Ông Hoàng Kiện Đình " huyện trưởng huyện Đài Đông " cùng vợ đã đến nhà đưa bà Cúc đi sắm hai bộ quần áo mới để mặc sang Mỹ nhận giải. Bộ Ngoại giao còn cử một nhân viên nữ tháp tùng bà Cúc qua Mỹ, một nhân viên khác phụ trách việc đi lại, ăn nghỉ của bà.

Những ngày xa lạ trên đất Hoa Kỳ

Tối ngày 03/05, bà lão bán rau Trần Thụ Cúc đã từ Đài Bắc bay đến Nữu Ước, vào trú ngụ tại khách sạn Hinton ở khu Queens. Ở nhà bà ngủ trên cái giường kê bằng một tấm gỗ cứng, nay ngủ trên giường đệm hoàn toàn xa lạ, giờ giấc lại bị đảo lộn nên suốt đêm không chợp mắt được. Tuy vậy, sáng sớm ngày 04/05, bà đã thức dậy nhìn phong cảnh xa lạ xung quanh khách sạn. Một lúc sau lại đi ăn sáng cùng một số quan chức Sở Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc (cơ quan đại diện chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Nữu Ước) cùng phu nhân của các vị. Bà nói cho các vị biết, ngủ không quen trên giường đệm rộng rãi nên không sao chợp mắt được, bà ngồi dậy xem đài truyền hình phát bằng tiếng Hoa. Tuy nhiên, bà lại không đọc được những dòng chữ phụ đề tiếng Hán trên TV, chỉ xem cho vui thôi. Thái độ thật thà bộc trực đó khiến cho mọi người càng mến bà hơn. Bà còn ngượng ngùng kể cho mọi người biết tại sao bà thích làm việc thiện. Năm 13 tuổi, mẹ bà qua đời, bà là chị hai đành phải thay mẹ nuôi các em. Từ đó bà trông coi sạp rau mẹ để lại lấy tiền nuôi các em ăn học. Thấy hoàn cảnh nhiều đứa trẻ khổ sở như các em của mình, hễ kiếm được tiền, bà dành dụm giúp đỡ các em. Bà không hề nghĩ việc mình làm là việc thiện, chỉ biết giúp được người nào là bà sung sướng vô cùng.

Sau bữa ăn, bà xin đi xem chợ rau ở phố Tàu Nữu Ước. Nhìn những cây rau quen thuộc, nét mặt bà vui vẻ vô cùng. Sau khi đi xem chợ rau, nhân viên Sở Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc đưa bà đi chải tóc chuẩn bị tham dự buổi tiệc lãnh thưởng tối 04/05. Các cô phòng uốn tóc đề nghị bà chải hết kiểu tóc này đến kiểu tóc khác, nhưng bà chỉ muốn buộc gọn ở phía sau như hằng ngày bà vẫn chải. Bà nói: "Chải như vậy thoải mái hơn".

Tối 04/05, bà Trần Thụ Cúc đã đến dự bữa tiệc phát giải thưởng cho 100 nhân vật xuất sắc năm 2010 được Time bình chọn. Cùng đi với bà có ông Tống Thân Vũ, tổ trưởng chính trị Sở Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc. Khi bước chân lên thảm đỏ và đối diện những ánh đèn sáng chói của máy chụp hình, lúc đầu bà cảm thấy căng thẳng vô cùng, phải một lúc sau mới quen dần. Khi chờ trước thang máy, bà Cúc gặp Sarah Palin, Tống Thân Vũ giới thiệu bà Cúc với Palin. Là người biết rõ việc làm từ thiện của bà Trần Thụ Cúc, nay lại được gặp mặt, Sarah Palin vui vẻ bắt tay bà nói: "Rất hân hạnh được gặp bà”. Tối hôm đó hai người đã chụp hình lưu niệm. Một số người nổi tiếng như: David Chang, đầu bếp nổi tiếng gốc Hàn; một số nhà thiết kế quần áo nổi tiếng: Elton John, Rachael Ray, Betty White, Suze Orman cũng được mời đến tham dự.

Năm mươi ba nhân vật được Tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm 2010 đã đến tham dự bữa tiệc lãnh thưởng. Mọi người đều có ấn tượng sâu sắc với việc làm từ thiện của bà Trần Thụ Cúc, một người đã "bỏ quên" cuộc sống hằng ngày của mình lo cho người khác. Tinh thần lo cho người khác trước, sau đó mới nghĩ đến bản thân mình của bà đã khiến cho nhiều người xúc động.

Lý An, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Đài Loan, đã được Tạp chí Time mời viết bài giới thiệu bà Trần Thụ Cúc đăng trên Tạp chí Time 100 và đọc trong bữa tiệc. Giáo sư Michael Sherraden của trường Đại học Washington vô cùng kính trọng bà đồng thời ca ngợi TT Mã Anh Cửu đã cử "Đại sứ Từ thiện" giới thiệu cho mọi người biết việc làm tốt đẹp của đảo quốc Đài Loan.
Dịp này nhiều nhà báo, học giả đã viết bài ca ngợi "Đại sứ Từ thiện" Trần Thụ Cúc. Chúng tôi xin trích một đoạn trong bài "Trần Thụ Cúc, anh hùng Đài Loan" của giáo sư Lâm Đăng Thu, giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Đài Bắc: "Bà bán rau Đài Đông Trần Thụ Cúc được Tạp chí Time bình chọn là 100 nhân vật của năm 2010. Bà được xếp hàng thứ 8 trong nhóm Anh Hùng. Bà xứng đáng là một anh hùng. Những người biết được việc làm cao cả của bà đều cho đó là một vinh dự, nhưng bà Trần Thụ Cúc lại nói lãnh giải gì cũng không quan trọng, bán được nhiều rau có nhiều tiền giúp đỡ người khác mới là điều quan trọng... Việc làm của bà Trần Thụ Cúc là một bài học vô cùng quý báu đối với dân chúng Đài Loan. Lòng hảo tâm của bà là sức mạnh và giá trị thúc đẩy xã hội Đài Loan tiến lên. Nó có giá trị gấp trăm ngàn lần tiếng nói suông của người học giỏi tài cao... Trước khi báo chí loan tin bà Cúc được thưởng, những người đi qua sạp rau không ai nghĩ bà là anh hùng chân chính của Đài Loan. Nhiều người trong xã hội Đài Loan cần phải noi theo tấm lòng từ thiện của bà... góp phần vào việc xây dựng xã hội Đài Loan tốt đẹp".
Last edited by khieulong on Thu Aug 12, 2010 1:36 am, edited 1 time in total.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests