Chân Dung Người Lính VNCH

Quân sử, những bài viết, ký sự, ...
Post Reply
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Góc chiến trường xưa: Một cái chết trong tù

LTS: Bao nhiêu người tù trong các trại tập trung cải tạo của CS sau 30 tháng 4, 1975 đã chết, chết vì rất nhiều lý do. Người chết vì bị CS xử tử hình. Người chết vì uất ức muốn vùng lên. Người chết vì không chịu được cảnh đọa đầy từ tinh thần đến vật chất. Nhưng dù vì gì thì nguyên nhân chính cũng từ chính sách chủ trương tiêu diệt “ngụy quân, ngụy quyền” của Cộng Sản khi chiếm được toàn cõi Việt Nam. Những cái chết ấy đã được nhiều “hồi ký cải tạo nhắc đến”, nhưng chúng ta vẫn chưa có được một danh sách tương đối đầy đủ, ngoài danh sách mà Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị sưu tầm mới được hơn 100 cái chết mà Nguyệt San KBC Hải Ngoại đã đăng tải. Cần phải nói lên để nhắc nhở các thế hệ sau rằng đất nước chúng ta một thời đã được cai trị bằng hận thù sắt máu vô nhân đạo với ngay chính đồng bào của mình để rồi giết hết không được, tha ra làm phúc cho đi định cư và nay thì lại kêu gọi họ và con cháu họ trở về đem tiền bạc và khả năng giúp đỡ quê hương cho họ rảnh tay tham nhũng vơ vét và tiếp tục đầy ải những người dân đòi hỏi tự do no ấm ở trong nước.

Dưới đây là bài viết của người cựu tù Bảo Thái viết về cái chết của bạn đồng tù Lê Trí Hổ cùng trại Văn Bàng với ông, trong cuốn hồi ký “Bước Chân Tù” phát hành vào năm 2002.

Cái chết của Lê Trí Hổ
Bảo Thái

Hầu hết anh em chúng tôi đều đã theo nhau đi qua nhiều trại tù nên ở trại 4 Văn Bàng này, chúng tôi đều biết nhau. Không những thế, chúng tôi còn rõ tâm tình và thái độ của nhau, những ai là hiền lành chân thật, những ai là thay dạ đổi lòng, những ai mưu mô thủ đoạn, những ai kiên tâm vững chí, những ai thay dạ đổi lòng, những ai còn đứng chung với nhau trong hàng ngũ, những ai cam tâm làm chó săn cho Cộng Sản... Ðối với những người làm chó săn, dù trên cấp bậc nào, dù tuổi tác nào, anh em cũng khinh bỉ, chẳng xem ra gì. May mắn thay, những thành phần bán linh hồn cho quỉ không có bao nhiêu.

Trong nhiều cái chết của anh em trại Văn Bàng, cái chết của Lê Trí Hổ làm cho chúng tôi cảm xúc và bàng hoàng vô cùng. Tôi biết Lê Trí Hổ khá rõ, vì anh là người trong đội tăng gia trồng rau xanh với tôi, hằng ngày vẫn lao động trong khu đất bên bờ suối. Anh cũng là người đã cùng tôi đi qua nhiều trại tù giống như trường hợp của Hoàng Y Vư, Nguyễn Văn Tròn, Huỳnh Văn Lẹ, Nguyễn Văn Phúc...

Tôi mang bệnh sốt rét từ khi đến trại 1 Yên Bái, bệnh tiêu chảy kiết lỵ từ sau khi đến trại 11 Yên Bái. Nhưng bệnh dai dẳng không làm tôi chết được. Lê Trí Hổ chỉ bị tiêu chảy có ba hôm đã qua đời. Hình như anh cũng đã sống trong tình trạng mất hẳn cảm giác. Những hôm đầu, anh còn mang quần áo xuống suối giặt, vẫn đi lao động bình thường vì không dám khai bệnh nghỉ ở nhà mất phần ăn thường chỉ được 1 chén cháo nhỏ xíu. Hổ chết trong sự mong đợi quà thăm nuôi 3 kí của gia đình từng ngày một. Nếu quà thăm nuôi có thuốc trị tiêu chảy cho anh đến kịp thời, có lẽ anh còn sống được và không xuôi tay một cách nhanh chóng như vậy. Tiếc thay quà mang tên anh có đến 5 gói mãi đến 1 tuần sau ngày anh chết mới tới. Mỗi người tù chỉ được trại phát cho một phiếu quà gửi về cho gia đình tiếp tế, nhưng tại sao anh lại có đến 5 gói? Chỉ có thể hiểu là phiếu quà mà trại phát cho tù, ở các bưu điện bên ngoài cũng có bán chợ đen nên gia đình đã mua thêm gửi vào cho anh. Năm gói quà thăm nuôi của anh, không có người nhận lúc này được sung vào ban ẩm thực của nhà bếp. Anh em buồn cho anh không được hưởng phần, đã chết trong sự thiếu thốn.

Ðội chúng tôi được cử khiêng quan tài của anh lên núi chôn. Toán gồm 12 người, 6 người thay nhau gánh, 6 người mang cuốc xẻng và búa chim để đào đất. Nhưng sao quan tài của anh quá nặng. Anh em khấn vái: “Hổ ơi, mi sống khôn thác thiêng, cho anh em tụi tao gánh quan tài mi nhẹ chút chứ nặng như vậy chúng tao không gánh nổi”. Tôi không rõ lời van xin có linh nghiệm không, chứ sau đó, chúng tôi thấy đi nhẹ nhàng hơn. Khởi đi từ trại lúc 2 giờ chiều, vừa ra khỏi cổng trại đã thấy đàn quạ rừng có đến hàng trăm con bay nhào lộn trên trời và kêu lên inh ỏi, chát chúa. Chúng sà xuống theo đoàn người gánh quan tài. Chúng tôi không hiểu được tại sao đoàn quạ đen lại ngửi thấy mùi xác chết một cách bén nhậy đến thế. Chúng liên tục kêu: “Quạ! Quạ!” như mừng rỡ vì sắp có của ăn cho chúng.

Chúng tôi khiêng ì ạch đến cả tiếng đồng hồ mới đến nơi cán bộ chỉ định cho đào huyệt. Ðây là một khu đất bằng đá nằm chênh vênh trên sườn đồi được gọi là nghĩa địa trại cải tạo Văn Bàng. Ðã có hơn 6 ngôi mộ của anh em được chôn ở đây, chỉ là những nấm một trơn, không có bia ghi tên tuổi và năm tháng mất của người chết. Ðàn quạ đen cũng đã theo chân chúng tôi đến đây. Chúng dạn dĩ và lì lợm, không hề sợ người, cứ sà đến gần chỗ để quan tài. Tôi nghĩ bụng nếu quan tài không chôn thật sâu, biết đâu đàn quạ này không đến đào bới lên để rỉa xác người bạn tù xấu số của chúng tôi! Mười hai người chia nhau làm hai nhóm đào liên tục gần hai tiếng đồng hồ thế mà vẫn chưa đạt được chiều sâu 1 thước rưỡi như điều anh em muốn. Chúng tôi ai nấy đều mệt nhoài, mồ hôi tuôn không ngớt nhưng tốc độ đào đất vẫn quá chậm vì gặp đất đá, phải dùng búa chim nậy ra từng tảng một. Gần 6 giờ, rừng đã về chiều, nắng đã bắt đầu nhạt dần, không thể ở lại lâu hơn, cán bộ vũ trang cho lệnh bắt hạ huyệt để anh em ra về trước khi trời tối.

Vẫn biết chết là giải thoát, lúc này, chết còn là cái gì nhẹ nhàng hơn phải sống cuộc đời tù đày, thế nhưng tất cả anh em chúng tôi đều bùi ngùi xúc động. Nấm mồ chỉ được un lên sơ sài, không có gì ghi dấu tên tuổi người xấu số, đôi ba năm sau làm sao thân nhân có thể đến đây để bốc mộ? Còn ai biết chỗ an nghỉ của anh? Còn ai biết đường đi để vào nơi này? Từ ga Bảo Hà vào, đã mất hai ngày đi bằng đường bộ, chẳng có xe cộ nào có thể vào đến đây... Nghĩ đến chỗ đó, chúng tôi đã thấy trước bao nhiêu khó khăn cho gia đình người bạn.

Thôi cũng đành vĩnh viễn giã từ người bạn tù khổ hạnh. Chúc Linh Hồn bạn an giấc ngàn thu với núi rừng.

(Trích trong hồi ký “Bước Chân Tù” của người cựu tù Bảo Thái)
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Truyện Người Lính Nhỏ
Mà Chính Khí Lớn Vũ Tiến Quang

TRẦN ÐẠI SỸ
(Trích Trong Bộ Lịch Sử Thiếu Sinh Quân Việt Nam)



Image


Vũ Tiến Quang sinh ngày 30 tháng 9 năm 1956 tại Kiên Hưng, tỉnh Chương Thiện. Thân phụ là Hạ Sĩ Ðịa Phương Quân Vũ Tiến Ðức. Ngày 20 tháng 3 năm 1961, trong một cuộc hành quân an ninh của quận, Hạ Sĩ Ðức bị trúng đạn tử thương khi tuổi vừa mới 25. Ông để lại bà vợ trẻ với 2 con. Con trai lớn, Vũ Tiến Quang, 5 tuổi. Con gái tên Vũ thị Quỳnh Chi mới tròn một năm. Vì có học, lại là quả phụ tử sĩ, bà Ðức được thu dụng làm việc tại Chương Thiện, với nhiệm vụ khiêm tốn là thư ký tòa hành chánh. Nhờ đồng lương thư ký, thêm vào tiền tử tuất cô nhi, quả phụ, nên đời sống của bà với hai con không đến nỗi thiếu thốn.

Quang học tại trường tiểu học trong tỉnh. Tuy rất thông minh, nhưng Quang chỉ thích đá banh, thể thao hơn là học. Thành ra Quang là một học sinh trung bình trong lớp. Cuối năm 1967, Quang đỗ tiểu học. Nhân đọc báo Chiến Sĩ Cộng Hòa có đăng bài: "Ngôi Sao Sa Trường, Thượng Sĩ Sữa: Trần Minh - Thiên Thần U Minh Hạ".

Bài báo thuật lại: Minh xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Sau khi ra trường Minh về phục vụ tại Tiểu Ðoàn Ngạc Thần (tức Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 31, Sư Ðoàn 21 Bộ Binh). Mà Tiểu đoàn đang đồn trú tại Chương Thiện. Quang nẩy ra ý đi tìm người hùng bằng xương bằng thịt. Chú bé lóc cóc 12 tuổi, được Trần Minh ôm hôn, dẫn đi ăn phở, bánh cuốn, rồi thuật cho nghe về cuộc sống vui vẻ tại trường Thiếu Sinh Quân. Quang suýt xoa, ước mơ được vào học trường này. Qua cuộc giao tiếp ban đầu, Minh là một mẫu người anh hùng trong ước mơ của Quang. Quang nghĩ: "Mình phải như anh Minh".

Chiều hôm đó Quang thuật cho mẹ nghe cuộc gặp gỡ Trần Minh, rồi xin mẹ nộp đơn cho mình nhập học trường Thiếu Sinh Quân. Bà mẹ Quang không mấy vui vẻ vì Quang là con một, mà nhập học Thiếu Sinh Quân rồi sau này trở thành anh hùng như Trần Minh thì ... nguy lắm! Bà không đồng ý. Hôm sau bà gặp riêng Trần Minh, khóc thảm thiết xin Minh nói dối Quang rằng muốn nhập học trường Thiếu Sinh Quân thì cha phải thuộc chủ lực quân, còn cha Quang là Ðịa Phương Quân thì không được. Minh từ chối:

- Em không muốn nói dối cháu. Cháu là Quốc Gia Nghĩa Tử thì ưu tiên nhập học. Em nghĩ chị nên cho cháu vào trường Thiếu Sinh Quân thì tương lai của cháu sẽ tốt đẹp hơn ở với gia đình, trong khuôn khổ nhỏ hẹp.

Chiều hôm ấy Quang tìm đến Minh để nghe nói về đời sống trong trường Thiếu Sinh Quân. Ðã không giúp bà Ðức thì chớ, Minh còn đi cùng Quang tới nhà bà, hướng dẫn bà thủ tục xin cho Quang nhập trường. Thế rồi bà Ðức đành phải chiều con. Bà đến phòng 3 Tiểu Khu Chương Thiện, có Trung Sĩ Nhất Cao Năng Hải, cũng là cựu Thiếu Sinh Quân. Hải lo làm tất cả mọi thủ tục giúp bà. Sợ bà đổi ý thì mình sẽ mất thằng em dễ thương. Hải lên gặp Thiếu Tá Lê Minh Ðảo, Tiểu Khu Trưởng trình bầy trường hợp của Quang. Thiếu Tá Ðảo soạn một văn thư, đính kèm đơn của bà Ðức, xin Bộ Tổng Tham Mưu dành ưu tiên cho Quang. (Ghi chú: Thiếu Tá Lê Minh Ðảo hồi 1974 được thăng Thiếu Tướng, giữ chức Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Sau biến cố 1975, ông bị tù một thời gian dài. Hiện ông định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1966, Thiếu Tá Ðảo giữ chức Giám Ðốc Trung Tâm Hành Quân Quân Ðoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật. Bấy giờ tôi có dịp thăm Cần Thơ, được ông tiếp tại căn nhà tranh nổi bên sông, rồi ông đánh đàn cho nghe. Tôi mắc nợ ông món nợ văn nghệ từ hồi đó đến giờ mà chưa trả được. Nếu tính cả lời, chồng chất lên, e không trả nổi).

Tháng 8 năm 1968, Quang được giấy gọi nhập học trường Thiếu Sinh Quân mà không phải thi. Bà Ðức thân dẫn con đi Vũng Tầu trình diện. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Quang trở thành một Thiếu Sinh Quân Việt Nam.

Quả thực trường Thiếu Sinh Quân là thiên đường của Quang. Quang có nhiều bạn cùng lứa tuổi, dư thừa chân khí, chạy nhẩy vui đùa suốt ngày. Quang thích nhất những giờ huấn luyện tinh thần, những giờ học quân sự. Còn học văn hóa thì Quang lười, học sao cho đủ trả nợ thầy, không bị phạt là tốt rồi. Quang thích đá banh và học Anh Văn. Trong lớp, môn Anh Văn, Quang luôn đứng đầu. Chỉ mới học hết Ðệ Lục mà Quang đã có thể đọc sách báo bằng tiếng Anh, nói chuyện lưu loát với cố vấn Mỹ.

Giáo Sư Việt Văn của Quang là Phạm Văn Viết, người mà Quang mượn bóng dáng để thay thế người cha. Có lần thầy Viết giảng đến câu:

"Nhân sinh tư cổ thùy vô tư,
Lưu thủy đan tâm chiếu hàn thanh."

(Người ta sinh ra, ai mà không chết.
Cần phải lưu chút lòng son vào thanh sử.)

Quang thích hai câu này lắm, luôn miệng ngâm nga, rồi lại viết vào cuốn sổ tay.

Trong giờ học sử, cũng như giờ huấn luyện tinh thần, Quang được giảng chi tiết về các anh hùng: Hoài Văn Vương Trần Quốc Toản, Thánh Tổ của Thiếu Sinh Quân, giết tươi Toa Ðô trong trận Hàm Tử. Quang cực kỳ sùng kính Báo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, từ chối công danh, chịu chết cho toàn chính khí. Quang cũng khâm phục Nguyễn Biểu khi đối diện với quân thù, không sợ hãi, lại còn tỏ ra khinh thường chúng. Ba nhân vật này ảnh hưởng vào Quang rất sâu đậm.

Suốt các niên học từ 1969 - 1974, mỗi kỳ hè được phép hai tháng rưỡi về thăm nhà, cậu bé Thiếu Sinh Quân Vũ Tiến Quang tìm đến các đàn anh trấn đóng tại Chương Thiện để trình diện. Quang được các cựu Thiếu Sinh Quân dẫn đi chơi, cho ăn quà, kể chuyện chiến trường cho nghe. Một số ông anh uống thuốc liều, cho Quang theo ra trận. Quang chiến đấu như một con sư tử. Không ngờ mấy ông anh cưng cậu em út quá, mà gây ra một chuyện động trời, đến nỗi Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam, Bộ Tư Lệnh MACV cũng phải rởn da gà! Sau trở thành huyền thoại. Câu truyện như thế này:



Hè 1972, mà quân sử Việt Nam gọi là Mùa Hè Ðỏ Lửa, giữa lúc chiến trường toàn quốc sôi động. Bấy giờ Quang đã đỗ chứng chỉ 1 Bộ Binh. Ðược phép về thăm nhà, được các đàn anh cho ăn, và giảng những kinh nghiệm chiến trường, kinh nghiệm đời. Quang xin các anh cho theo ra trận. Mấy ông cựu Thiếu Sinh Quân, trăm ông như một, ông nào gan cũng to, mật cũng lớn, coi trời bằng vung. Yêu cậu em ngoan ngoãn, các ông chiều... cho Quang ra trận. Cuộc hành quân nào các ông cũng dẫn Quang theo.

Trong một cuộc hành quân cấp sư đoàn, đánh vào vùng Hộ Phòng, thuộc Cà Mau. Ðơn vị Quang theo là Trung Ðội Trinh Sát của Trung Ðoàn 31. Trung Ðội Trưởng là một Thiếu Úy cựu Thiếu Sinh Quân. Hôm ấy thông dịch viên cho cố vấn bị bệnh, Quang lại giỏi tiếng Anh, nên Thiếu Úy Trung Ðội Trưởng biệt phái Quang làm thông dịch viên cho cố vấn là Thiếu Úy Hummer. Trực thăng vừa đổ quân xuống thì hiệu thính viên của Hummer trúng đạn chết ngay. Lập tức Quang thay thế anh ta. Nghĩa là mọi liên lạc vô tuyến, Hummer ra lệnh cho Quang, rồi Quang nói lại trong máy.

Trung Ðội tiến vào trong làng thì lọt trận địa phục kích của Trung Ðoàn chủ lực miền, tên Trung Ðoàn U Minh. Trung Ðội bị một Tiểu Ðoàn địch bao vây. Vừa giao tranh được 10 phút thì Hummer bị thương. Là người can đảm, Hummer bảo Quang đừng báo cáo về Trung Tâm Hành Quân. Trận chiến kéo dài sang giờ thứ hai thì Hummer lại trúng đạn nữa, anh tử trận, thành ra không có ai liên lạc chỉ huy trực thăng võ trang yểm trợ. Kệ, Quang thay Hummer chỉ huy trực thăng võ trang. Vì được học địa hình, đọc bản đồ rất giỏi, Quang cứ tiếp tục ra lệnh cho trực thăng võ trang nả vào phòng tuyến địch, coi như Hummer còn sống. Bấy giờ quân hai bên gần như lẫn vào nhau, chỉ còn khoảng cách 20-30 thước.

Thông thường tại các quân trường Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, dạy rằng khi gọi pháo binh, không quân yểm trợ thì chỉ xin bắn vào trận địa địch với khoảng cách quân mình 70 đến 100 thước. Nhưng thời điểm 1965-1975, các cựu Thiếu Sinh Quân trong khu 42 chiến thuật khi họp nhau để ăn uống, siết chặt tình thân hữu, đã đưa ra phương pháp táo bạo là xin bắn vào phòng tuyến địch, dù cách mình 20 thước. Quang đã được học những phương pháp đó. Quang chỉ huy trực thăng võ trang nả vào trận địch, nhiều rockets (hỏa tiễn nhỏ), đạn 155 ly nổ sát quân mình, làm những binh sĩ non gan kinh hoảng. Nhờ vậy mà trận địch bị tê liệt.

Sau khi được giải vây, mọi người khám phá ra Quang lĩnh tới 7 viên đạn mà không chết: trên mũ sắt có 4 vết đạn bắn hõm vào; hai viên khác trúng ngực, may nhờ có áo giáp, bằng không Quang đã ô hô ai tai rồi. Viên thứ bẩy trúng hạ thể.


Image

Trung Tá J. F. Corter, Cố Vấn Trưởng Trung Ðoàn được Trung Ðội Trưởng Trinh Sát báo cáo Hummer tử trận lúc 11 giờ 15. Ông ngạc nhiên hỏi:

- Hummer chết lúc 11:15 giờ mà tại sao tôi vẫn thấy y chỉ huy trực thăng, báo cáo đến lúc 17 giờ?

Vì được học kỹ về tinh thần trách nhiệm, Quang nói rằng mình là người lạm quyền, giả lệnh Hummer chỉ huy. Quang xin lỗi Corter. Trung Tá J. F. Corter tưởng Quang là lính người lớn, đề nghị gắn huy chương Hoa Kỳ cho Quang. Bấy giờ mới lòi đuôi chuột ra rằng các ông cựu Thiếu Sinh Quân đã uống thuốc liều, cho thằng em sữa ra trận.

Ðúng ra theo quân luật, mấy ông anh bị phạt nặng, Quang bị đưa ra tòa vì "Không có tư cách mà lại chỉ huy." Nhưng các vị sĩ quan trong Sư Ðoàn 21, Trung Ðoàn 31 cũng như cố vấn đều là những người của chiến trường, tính tình phóng khoáng nên câu truyện bỏ qua. Quang không được gắn huy chương, mà mấy ông anh cũng không bị phạt. Hết hè, Quang trở về trường mang theo kỷ niệm chiến đấu cực đẹp trong đời cậu bé, mà cũng là kỷ niệm đẹp vô cùng của Thiếu Sinh Quân Việt Nam. câu truyện này trở thành huyền thoại. Huyền thoại này lan truyền mau lẹ khắp năm tỉnh của khu 42 chiến thuật, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Chương Thiện. Quang trở thành người hùng lý tưởng của những thiếu nữ tuổi 15-17!

Năm 1974, sau khi đỗ chứng chỉ 2 Bộ Binh, Quang ra trường mang cấp bậc Trung Sĩ. Quang nộp đơn xin về Sư Ðoàn 21 Bộ Binh. Quang được toại nguyện. Sư đoàn phân phối Quang về Tiểu Ðoàn Ngạc Thần, tức Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 31, Tiểu Ðoàn của Trần Minh sáu năm trước. Thế là giấc mơ 6 năm trước của Quang đã thành sự thật.

Trung Ðoàn 31 Bộ Binh đóng tại Chương Thiện. Bấy giờ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện là Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thời. Cả hai đều là cựu Thiếu Sinh Quân cao niên nhất vùng Chương Thiện bấy giờ (36 tuổi) . Các cựu Thiếu Sinh Quân trong Tiểu Ðoàn 2 - 31 dẫn Quang đến trình diện Anh Hai Cẩn. Sau khi anh em gặp nhau. Cẩn đuổi tất cả tùy tùng ra ngoài để anh em tự do xả xú bắp.

Cẩn bẹo tai Quang một cái, Quang đau quá nhăn mặt. Cẩn hỏi:

- Ê! Quang, nghe nói mày lĩnh bẩy viên đạn mà không chết, thì mày thuộc loại mình đồng da sắt. Thế sao tao bẹo tai mày, mà mày cũng đau à?

- Dạ, đạn Việt Cộng thì không đau. Nhưng vuốt anh cấu thì đau.

- Móng tay tao, đâu phải vuốt?

- Dạ, người ta nói anh là cọp U Minh Thượng... thì vuốt của anh phải sắc lắm!

- Hồi đó suýt chết, thế bi giờ mày ra trận có sợ không?

- Nếu khi ra trận, anh sợ thì em mới sợ. Cái lò Thiếu Sinh Quân có bao giờ nặn ra một thằng nhát gan đâu?

- Thằng này được. Thế mày đã trình diện anh Thời chưa?

- Dạ, anh Thời Thẹo không có nhà.

Thiếu Tá Nguyễn Văn Thời, Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu, uy quyền biết mấy, thế mà một Trung Sĩ 18 tuổi dám gọi cái tên húy thời thơ ấu ra, thì quả là một sự phạm thượng ghê gớm. Nhưng cả Thời lẫn Quang cùng là cựu Thiếu Sinh Quân thì lại là một sự thân mật. Sau đó anh em kéo nhau đi ăn trưa. Lớn, bé cười nói ồn ào như không biết tới những người chung quanh. (Ghi chú: Thiếu Tá Thời, cựu Thiếu Sinh Quân, gốc người Huế, tính tình ôn nhu văn nhã, nhưng rất can đảm, hiện ông định cư tại Boston, Hoa Kỳ) .

Bấy giờ tin Trần Minh đã đền nợ nước tại giới tuyến miền Trung. Sự ra đi của người đàn anh, của người hùng lý tưởng làm Quang buồn không ít. Nhưng huyền thoại về Trần Minh lưu truyền, càng làm chính khí trong người Quang bừng bừng bốc lên.

Tại Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, tất cả các hạ sĩ quan cũng như các Thiếu Sinh Quân mới ra trường, thường chỉ được theo hành quân như một khinh binh. Ðợi một vài tháng đã quen với chiến trường, rồi mới được chỉ định làm Tiểu Ðội Trưởng. Nhưng vừa trình diện, Quang được cử làm Trung Ðội Phó ngay, dù hầu hết cả Tiểu Ðội Trưởng đều ở cấp Trung Sĩ, Trung Sĩ Nhất, mà những người này đều vui lòng tuân lệnh Quang răm rắp!

Sáu tháng sau, đầu năm 1975 nhờ chiến công, Quang được thăng Trung Sĩ Nhất, nhưng chưa đủ một năm thâm niên, nên chưa được gửi đi học sĩ quan. Quang trở thành nổi tiếng trong trận đánh ngày 1-2-1975, tại Thới Lai, Cờ Ðỏ. trong ngày hôm ấy, đơn vị của Quang chạm phải Tiểu Ðoàn Tây Ðô. Ðây là một Tiểu Ðoàn được thành lập từ năm 1945, do các sĩ quan Nhật Bản không muốn về nước, trốn lại Việt Nam... huấn luyện. Quang đã được Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn giảng về kinh nghiệm chiến trường:

"Tây Ðô là Tiểu Ðoàn cơ động của tỉnh cần Thơ. Tiểu Ðoàn có truyền thống lâu đời, rất thiện chiến. Khi tác chiến cấp Ðại Ðội, Tiểu Ðoàn chúng không hơn các đơn vị khác là bao. Nhưng tác chiến cấp Trung Ðội, chúng rất giỏi. Chiến thuật thông thường, chúng dàn ba Tiểu Ðội ra, chỉ Tiểu Ðội ở giữa là nổ súng. Nếu thắng thế, thì chúng bắn xối xả để uy hiếp tinh thần ta, rồi hai Tiểu Ðội hai bên xung phong. Nếu yếu thế thì chúng lui. Ta không biết đuổi theo thì sẽ dẵm phải mìn, rồi bị hai Tiểu Ðội hai bên đánh ép. Vì vậy khi đối trận với chúng, phải im lặng không bắn trả, để chúng tưởng ta tê liệt. Khi chúng bắt đầu xung phong thì dùng vũ khí cộng đồng nả vào giữa, cũng như hai bên. Thấy chúng chạy thì tấn công hai bên, chứ đừng đuổi theo. Còn như chúng tiếp tục xung phong ta phải đợi chúng tới gần rồi mới phản công."

Bây giờ Quang có dịp áp dụng. Sau khi trực thăng vận đổ quân xuống. Cả Ðại Ðội của Quang bị địch pháo chụp lên đầu, đại liên bắn xối xả. Không một ai ngóc đầu dậy được. Nhờ pháo binh, trực thăng can thiệp, sau 15 phút Ðại Ðội đã tấn công vào trong làng. Vừa tới bìa làng, Thiếu Úy Trung Ðội Trưởng của Quang bị trúng đạn lật ngược. Quang thay thế chỉ huy Trung Ðội. Trung Ðội dàn ra thành một tuyến dài đến gần trăm mét. Ðến đây thì phi pháo không can thiệp được nữa, vì quân hai bên chỉ cách nhau có 100 mét, gần như lẫn vào nhau. Nhớ lại lời giảng của Cẩn, Quang ra lệnh im lặng, chỉ nổ súng khi thấy địch. Ngược lại ngay trước mặt Quang, khoảng 200 thước là một cái hầm lớn, ngay trước hầm hai khẩu đại liên không ngừng nhả đạn. Quang ghi nhận vị trí hai khẩu đại liên với hai khẩu B40 ra lệnh:

"Lát nữa khi chúng xung phong thì dùng M79 diệt hai khẩu đại liên, B40, rồi hãy bắn trả."

Sau gần 20 phút, thình lình địch xả súng bắn xối xả như mưa, như gió, rồi tiếng hô xung phong phát ra. Chỉ chờ có thế, M79 của Quang khai pháo. Ðại liên, B40 bị bắn tung lên, trong khi địch đang xung phong. Bấy giờ Trung Ðội của Quang mới bắn trả. Chỉ một loat đạn, toàn bộ pòng tuyến địch bị cắt. Quang ra lệnh xung phong. Tới căn hầm, binh sĩ không dám lại gần, vì bị lựu đạn từ trong ném ra. Quang ra lệnh cho hai khẩu đại liên bắn yểm trợ, rồi cho một khinh binh bò lại gần, tung vào trong một quả lựu đạn cay. Trong khi Quang hô:

- Ra khỏi hầm, dơ tay lên đầu! bằng không lựu đạn sẽ ném vào trong!

Cánh cửa hầm mở ra, mười tám người, nam có, nữ có, tay dơ trên đầu, ra khỏi hầm, lựu đạn cay làm nước mắt dàn dụa.

Ðến đây trận chiến chấm dứt.

Thì ra 18 người đó là Ðảng Bộ và Ủy Ban Nhân Dân của Huyện Châu Thành Cần Thơ. Trong đó có viên Huyện Ủy và viên Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện.

Sau trận này Quang được tuyên dương công trạng trước quân đội, được gắn huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Trong lễ chiến thắng giản dị, Quang được một nữ sinh trường Ðoàn Thị Ðiểm quàng vòng hoa. Nữ sinh đó là Nguyễn Hoàng Châu, 15 tuổi, học lớp Ðệ Ngũ. Cho hay, anh hùng với giai nhân xưa nay thường dễ cảm nhau. Quang, Châu yêu nhau từ đấy. Họ viết thư cho nhau hàng ngày. Khi có dịp theo quân qua Cần Thơ, thế nào Quang cũng gặp Châu. Ðôi khi Châu táo bạo, xuống Chương Thiện thăm Quang. Mẹ Quang biết chuyện, bà lên Cần Thơ gặp cha mẹ Châu. Hai gia đình đính ước với nhau. Họ cùng đồng ý: Ðợi năm tới, Quang xin học khóa sĩ quan đặc biệt, Châu 17 tuổi thì cho cưới nhau.


Nhưng mối tình đó đã đi vào lịch sử...


Tình hình toàn quốc trong tháng 3, tháng 4 năm 1975 biến chuyển mau lẹ. Ban Mê Thuột bị mất. Quân Ðoàn 2 rút lui khỏi cao nguyên, Quân Ðoàn 1 bỏ mất lãnh thổ. Rồi các sĩ quan Bộ Tổng Tham Mưu được Hoa Kỳ bốc đi. Ngày 29 tháng 4, trung Ðội của Quang chỉ còn 10 người. Tiểu Ðoàn Trưởng, Ðại Ðội Trưởng bỏ ngũ về lo di tản gia đình. Quang vào bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Chương Thiện trình diện Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn. Cẩn an ủi:

- Em đem mấy người thuộc quyền vào đây ở với anh.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh phát thanh bản văn ra lệnh cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng. Các đơn vị quân đội Miền Nam tuân lệnh, cởi bỏ chiến bào, về sống với gia đình. Một vài đơn vị lẻ tẻ còn cầm cự. Tiếng súng kháng cự của các đơn vị Dù tại Sàigòn ngừng lúc 9 giờ 7 phút.

Ðúng lúc đó tại Chương Thiện, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng là Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, ông đang chỉ huy các đơn vị thuộc quyền chống lại cuộc tấn công của cộng quân. Phần thắng đã nằm trong tay ông. Lệnh của Dương Văn Minh truyền đến. Các Quận Trưởng chán nản ra lệnh buông súng. Chỉ còn tỉnh lỵ là vẫn chiến đấu. Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn ra lệnh

"Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống trái với hiến pháp. Ông ta không có tư cách của vị Tổng Tư Lệnh. Hãy tiếp tục chiến
đấu."


Nhưng đến 12 giờ trưa, các đơn vị dần dần bị tràn ngập, vì quân ít, vì hết đạn, vì mất tinh thần. Chỉ còn lại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, có một Ðại Ðội Ðịa Phương Quân cùng nhân viên Bộ Tham Mưu. Ðến 13 giờ, đạn M79 hết. Tới 14 giờ 45, thì đạn hết, làm sóng cộng quân tràn vào trong Bộ Chỉ Huy. Cuối cùng chỉ còn một ổ kháng cự từ trong hầm chiến đấu, nơi đó có khẩu đại liên. Một quả lựu đạn cay ném vào trong hầm, tiếng súng im bặt. Quân Cộng Sản vào hầm lôi ra hai người. Một là Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng, kiêm Tiểu Khu Trưởng và một Trung Sĩ mới 19 tuổi. Trung Sĩ đó tên là Vũ Tiến Quang.

Bấy giờ đúng 15 giờ.

Kẻ chiến thắng trói người chiến bại lại. Viên Ðại Tá Chính Ủy của đơn vị có nhiệm vụ đánh tỉnh Chương Thiện hỏi:

- Ð.M. Tại sao có lệnh đầu hàng, mà chúng mày không chịu tuân lệnh?

Ðại Tá Cẩn trả lời bằng nụ cười nhạt.

Trung Sĩ Quang chỉ Ðại Tá Cẩn:

- Thưa Ðại Tá, tôi không biết có lệnh đầu hàng. Ví dù tôi biết, tôi cũng vẫn chiến đấu. Vì anh ấy là cấp chỉ huy trực tiếp của tôi. Anh ra lệnh chiến đấu thì tôi không thể cãi lệnh.

Cộng quân thu nhặt xác chết trong, ngoài Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Viên Chính Ủy chỉ những xác chết nói với Ðại Tá Cẩn:

- Chúng mày là hai tên ngụy ác ôn nhất. Ð.M, chúng mày sẽ phải đền tội.

Ðại Tá Cẩn vẫn không trả lời, vẫn cười nhạt. Trung Sĩ Quang ngang tàng:

- Ðại Tá có lý tưởng của Ðại Tá. Tôi có lý tưởng của tôi. Ðại Tá theo Karl Marx, theo Lenin; còn tôi, tôi theo vua Hùng, vua Trưng. Tôi tuy bại trận, nhưng tôi vẫn giữ lý tưởng của tôi... Tôi không gọi Ðại Tá là tên Việt Cộng. Tại sao Ðại Tá lại mày tao, văng tục với chúng tôi như bọn ăn cắp gà, phường trộm trâu vậy? Phải chăng đó ngôn ngữ của Ðảng Cộng Sản?

Viên Ðại Tá rút súng kê vào đầu Quang:

- Ð.M. Tao hỏi mày, bây giờ thì mày có chính nghĩa hay tao có chính nghĩa?

- Xưa nay súng đạn trong tay ai thì người đó có lý. Nhưng đối với tôi, tôi học trường Thiếu Sinh Quân, súng đạn là đồ chơi của tôi từ bé. Tôi không sợ súng đâu. Ðại Tá đừng dọa tôi vô ích. Tôi vẫn thấy tôi có chính nghĩa, còn đại Tá không có chính nghĩa. Tôi là con cháu Hoài Văn Vương Trần Quốc Toản mà.

- Ð.M. Mày có chịu nhận mày là tên Ngụy không?

- Tôi có chính nghĩa thì tôi không thể là Ngụy. Còn Cộng quân dùng súng giết dân mới là Ngụy, là giặc cướp. Tôi nhất quyết giữ chính khí của tôi như Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, như Nguyễn Biểu.

Quang cười ngạo nghễ:

- Nếu Ðại Tá có chính nghĩa tại sao Ðại Tá lại dùng lời nói thô tục với tôi? Ừ! Muốn mày tao thì mày tao. Ð.M. tên Cộng Sản ác ôn! Nếu tao thắng, tao dí súng vào thái dương mày rồi hỏi: Ð.M. mày có nhận mày là tên Việt Cộng không? Thì mày trả lời sao?

Một tiếng nổ nhỏ, Quang ngã bật ngửa, óc phọt ra khỏi đầu, nhưng trên môi người thiếu niên còn nở nụ cười. Tôi không có mặt tại chỗ thành ra không mường tượng ý nghĩa nụ cười đó là nụ cười gì? Ðộc giả của tôi vốn thông minh, thử đoán xem nụ cười đó mang ý nghĩa nào? Nụ cười hối hận? Nụ cười ngạo nghễ? Nụ cười khinh bỉ? Hay nụ cười thỏa mãn? (Ghi chú: Nhân chứng quan trọng nhất chứng kiến tận mắt cái chết của Vũ Tiến Quang thuật cho tác giả nghe là cô Vũ Thị Quỳnh Chi. Cô là em ruột của Quang, nhỏ hơn Quang 4 tuổi. Lúc anh cô bị giết, cô mới 15 tuổi (cô sinh năm 1960). Năm 1999, cô là phu nhân Bác Sĩ Jean Marc Bodoret, học trò của tôi, cư trú tại Marseille.)

Cái lúc mà Quang ngã xuống thì trong đám đông dân chúng tò mò đứng xem có tiếng một thiếu nữ thét lên như xé không gian, rồi cô rẽ những người xung quanh tiến ra ôm lấy xác Quang. Thiếu nữ đó là Nguyễn Hoàng Châu. Em gái Quang là Vũ Thị Quỳnh Chi đã thuê được chiếc xe ba bánh. Cô cùng Nguyễn Hoàng Châu ôm xác Quang bỏ lên xe, rồi bọc xác Quang bằng cái Poncho, đem chôn.

Chôn Quang xong, Châu từ biệt Quỳnh Chi trở về Cần Thơ. Nhưng ba ngày sau, vào một buổi sáng sớm, Quỳnh Chi đem vàng hương, thực phẩm ra cúng mộ anh thì thấy Châu trong bộ y phục trắng của nữ sinh, chết gục bên cạnh. Mặt Châu vẫn tươi, vẫn đẹp như lúc sống. Ðích thân Quỳnh Chi dùng mai, đào hố chôn Châu cạnh mộ Quang.

Năm 1998, tôi có dịp đi công tác y khoa trong đoàn Liên Hiệp Các Viện Bào Chế Châu Âu (CEP - Coopérative Européenne Parmaceutique). Tôi đem J. M. Bodoret cùng đi. Quỳnh Chi xin được tháp tùng chồng. Lợi dụng thời gian nghỉ công tác 4 ngày, từ Sàigòn, chúng tôi thuê xe đi Chương Thiện, tìm lại ngôi mộ Quang-Châu. Ngôi mộ thuộc loại vùi nông một nấm dãi dầu nắng mưa, cỏ hoa trải 22 năm, rất khó mà biết đó là ngôi mộ. Nhưng Quỳnh Chi có trí nhớ tốt. Cô đã tìm ra. Cô khóc như mưa, như gió, khóc đến sưng mắt. Quỳnh Chi xin phép cải táng, nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, cuối cùng có tiền thi mua tiên cũng được. Giấy phép có, Quỳnh Chi cải táng mộ Quang-Châu đem về Kiến Hưng, chôn cạnh mộ của ông Vũ Tiến Ðức. Quỳnh Chi muốn bỏ hài cốt Quang-Châu vào hai cái tiểu khác nhau. Tôi là người lãng mạng. Tôi đề nghị xếp hai bộ xương chung với nhau vào trong một cái hòm. Bodoret hoan hô ý kiến của sư phụ.

Ngôi mộ của ông Ðức, của Quang-Châu xây xong. Tôi cho khắc trên miếng đồng hàng chữ:
"Nơi đây AET Vũ Tiến Quang, 19 tuổi.
An giấc ngàn thu cùng
Vợ là Nguyễn Hoàng Châu, 15 tuổi
Nở nụ cười thỏa mãn vì thực hiện được giấc mộng"
Giấc mộng của Quang mà tôi muốn nói, là được nhập học trường Thiếu Sinh Quân, rồi trở thành anh hùng. Giấc mộng của Châu là được chết, được chôn chung với người yêu. Nhưng người ta có thể hiểu rằng: Quang thỏa mãn nở nụ cười vì mối tình trọn vẹn.¨
Image
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Tưởng Nhớ Mũ Đỏ Niên Trưởng Đại Tá Nguyễn Chí Hiếu

Mũ Đỏ : PHAN NHẬT NAM .
Một lần nơi An Lộc, Quảng Trị,

Khắp chiến trận Miền Nam...

Với Người Lính Nhẩy Dù Nguyễn Chí Hiếu...

1961.. Sau tiếng quát tháo dồn dập của bốn sinh viên sĩ quan khóa đàn anh (Khoá 16), vây bốn góc, đám Tân Khóa Sinh Khoá 18 (mới nhập trường) chạy luống cuống lộc xộc lên cầu thang sau phạn điếm vào một căn phòng mà giờ ấy sau một ngày bị hành xác tận lực họ không biết là nơi nào và để làm gì.. Cho các anh đúng mười phút để ăn bánh, uống nước. Sau mười phút tất cả phải đứng yên sát vào tường để nghe lệnh! Đám người chạy nhanh đến những quầy bánh và nước ngọt.. Không tiếng trò chuyện, không động tác thừa, đám lính mới ăn ngốn ngáo những chiếc bánh lớn bằng nửa bàn tay, dốc vội chai nước ngọt vào miệng, xong săm sắp đứng nép vào tường như những khối gỗ trước khi tiếng hô lớn ở cuối phòng vang dội.. Mười phút giải lao chấm dứt! Ngưng ăn! Những âm tiếng ừng ực nghe rõ ấp úng, nghèn nghẹn từ những thân người chen chúc, cố rút nhỏ lại.. Anh nào đang ăn, vừa nuốt, bước ra khỏi hàng.. Hai mươi cái hít đất! Những thân người tự động tiến ra khỏi hàng người đứng, nằm sấp lên mặt sàn nhà với tiếng đếm phì phọp chen hơi thở.. Một..hai.. ba.. Tân khoá sinh Trần... danh số 102 thi hành lệnh phạt xong.. Tân khoá sinh Lê.. danh số 49.. Tân khoá.. Xưng danh lại.. Anh là tân khoá sinh hay là con mèo ướt.. Anh hít đất mà sợ đất bay mòn hay sao.. Cúi thấp xuống.. Căn phòng bày ra một hoạt cảnh hỗn độn vừa buồn cười vừa tội nghiệp.. Có những giọt nước mắt uất ức lưng tròng che dấu.. Hít lại cho đúng thế.. Hai mươi hít đất vì tội ăn chậm, hai mươi nhảy xổm vì tội uống không hết chai nước ngọt! Màn bi hài tạm ngưng khi viên Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc đi vào.. Dáng gầy nhỏ, đôi mắt đứng sửng, tròng tròn ửng gân máu đỏ nhìn vào ai như muốn lột truồng kẻ ấy.. Anh, tại sao anh gia nhập quân đội? Viên cán bộ tiểu đoàn trưởng xỉa ngón tay vào ngực gã lính mới xấn xổ, tàn nhẫn.. Dạ, thưa..em.. Tiếng quát bật ra tưởng như kèm cái tát.. Không có "em" trong quân đội! Tại sao đi lính? Được thúc đẩy do bực tức vì thấy bị áp bức, vùi dập, hết sợ hãi, gã lính mới cấm cẳng (đúng như yêu cầu): Tôi.. đi lính vì thấy.. nhẩy dù! Thấy ở đâu? Thấy nhảy xuống sông Hương.. Nhảy ở Huế! Tại sao nữa? Và thấy mấy niên trưởng kia! Gã tân khóa sinh chỉ tay lên trường nơi có treo những tấm hình các sĩ quan thuộc Khóa 14 vừa mãn khóa năm trước khi trường còn ở bên Khu Quang Trung. Hai mươi hít đất vì xưng "em"! Hai mươi nhảy xổm vì tội báo cáo sai - Đi lính trước khi thấy ảnh các sĩ quan Khoá 14!

Sau nầy, lên năm thứ hai khi được quyền đi "cầu thang giữa - lối dành riêng cho khóa đàn anh", và tự do vào những căn phòng đặc biệt của trường, gã sinh viên sĩ quan Khoá 18 thường đến Phòng Truyền Thống sau phạn điếm nhìn lên bức ảnh (được đặt chung một nhóm) của những Tân Thiếu Úy thuộc Khoá 14 chọn binh chủng nhảy dù.. Nguyễn Đình Bảo, Trần Hoài Châu, Nguyễn Chí Hiếu, Trần Trọng Hợp, Võ Tín, Nguyễn Bình Thuận, Đào Thiện Tuyển, Vương Mộng Hồng.. Hắn nhớ chính xác với một quyết định không ngần ngại, chọn lựa. Nhảy dù! Nhảy dù!

1960, 63, 66, 68.. Có thể xác định không sợ sai lầm là: Truyền thống tình nguyện (cũng bởi có được ưu tiên do tốt nghiệp mãn khóa với thứ hạng cao, những thủ, á khoa) chọn các binh chủng tác chiến, những đơn vị bộ chiến trừ bị, tổng trừ bị của quân lực: Biệt Động, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn Bộ Binh, Lực Lượng Đặc Biệt.. với những khóa Võ Bị Quốc Gia (Sau năm 1960, cải danh, và biên chế từ Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt) có bắt nguồn từ Khóa 14 với tám sinh viên sĩ quan thuộc hàng ưu tú đồng chọn Binh Chủng Nhảy Dù - Cũng bởi họ được nung đúc với lý tưởng quốc gia mạnh mẽ. Đây không phải là điều võ đoán, bởi tất cả tám người thuần là những thanh niên sinh trưởng tại miền Bắc, theo gia đình di cư vào Nam 1954 - Thế hệ thanh niên năm 1955 đã xông vào khách sạn Majestic, Đường Tự Do Sàigòn để hỏi tội viên Thiếu Tướng Văn Tiến Dũng, đại diện Hà Nội trong Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến. Những người thanh niên hằng trào dâng giòng lệ bi phẫn mất quê hương (vừa phải rời bỏ) khi tiếng hát Thúy Nga cất lên tại Trại Định Cư Phú Thọ, bài hát về Hà Nội của Vũ Thành.

Trong tám người kể trên, Thiếu Úy Nguyễn Chí Hiếu là một danh tính nổi bật với những người bạn chí thiết của anh.. Sau nầy là, Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhẩy Dù, người ở lại với cao điểm Charlie trong trận chiến Mùa Hè 1972.

Tình nguyện về Binh Chủng Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 8, tiểu đoàn tân lập nhưng thật sự đã có sẵn một chiều dài chiến đấu từ chiến tranh Việt-Pháp lần thứ nhất (1946-1954), Thiếu Úy Hiếu, cùng ngừời bạn cùng khóa, Thiếu Úy Tuyển nhận lãnh ngay khó khắc khắc nghiệt của đời lính tác chiến: Trung đội trưởng Đại Đội 81 do Trung Úy Phạm Huy Sảnh chỉ huy, thành phần xung kích dẫn đầu tiểu đoàn trong suốt các cuộc hành quân bình định, lùng giặc qua các mật khu Bời Lời, Hố Bò, Rừng Cò Mi.. giải cứu tiền đồn Bổ Túc. Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù cũng là một trong những đơn vị phải gánh chịu nặng nề hậu quả (tinh thần) của cuộc binh biến dậy non 1 tháng 11, 1960 - Nhưng đơn vị không hề mất sức chiến đấu bởi đã được những sĩ quan kiệt liệt chỉ huy biết tránh cho đơn vị những khoảng trống lãnh đạo - Những Người Lính tưởng như huyền thoại do cách hy sinh tận hiến bền bỉ cao thượng cho quê hương, quân đội mà không hề nói ra lời: Những Tiểu Đoàn Trưởng mang danh tính: Thiếu Tá Trương Quang Ân, Thiếu Tá Đào Văn Hùng. Với kinh nghiệm trả với máu xương nhận được từ Tiểu Đoàn 8, Đại Úy Nguyễn Chí Hiếu chuyển tiếp về Tiểu Đoàn 3 Nhẩy Dù - Đơn vị mang Giây Biểu Chương Màu Tam Hợp - Tập thể chiến đấu được Tổ Quốc Ghi Công.

Đi từ cấp chỉ huy tác chiến thấp nhất của hệ thống chỉ huy quân đội không một nhiệm vụ bỏ sót: Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Sĩ quan Ban 3 (Ban Hành Quân), Tiểu đoàn phó.. Đại Úy, tiếp nên Thiếu Tá Nguyễn Chí Hiếu với Tiểu Đoàn 3 Dù đã hợp cùng đơn vị bạn dựng nên những kỳ tích mà dẫu báo chí ngoại quốc (cụ thể báo chí Mỹ) cũng không thể muối mặt xuyên tạc.. Hành quân giải tỏa Pleime, tiếp cứu Trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ (tháng 10, 11/1965) trong khuôn khổ toàn Lữ Đoàn Nhảy Dù do Tham Mưu Trưởng, Trung Tá Ngô Quang Trưởng chỉ huy với Thiếu Tá Norman Schwarzkopf giữ chức cố vấn trưởng, bẻ gảy kế hoạch Đông-Xuân đánh chiếm Tây Nguyên của Tướng Võ Nguyên Giáp.. Mà phải mười năm sau, tháng 3/1975 Hà Nội mới thực hiện lại được với năm sư đoàn nặng có pháo, tăng yểm trợ dưới quyền chỉ huy của Văn Tiến Dũng - Viên tướng mà hai mươi năm trước đã bị anh và các bạn trẻ đuổi ra khỏi miền Nam.

Phải đợi đến Mậu Thân, 1968, khi toàn miền Nam đồng bị dìm trong lửa và bộ đội cộng sản vào đến 28/44 thành phố tỉnh lỵ.. Sức chiến đấu của quân dân VNCH mới hiện thực ở mức độ tưởng chừng như không thực. Từ biên giới cực Bắc của quê hương Miền Nam, nơi tiền đồn Khe Sanh, chốn chờ đợi cuộc thư hùng giữa Sư Đoàn 325, lực lượng tổng trừ bị cộng sản Bắc Việt với Trung Đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Tiểu Đoàn 3 ND và Tiểu Đoàn 37 BDDQ có mặt từ khi trận đánh mở màn (1/1968) để xác chứng: Đây là cuộc chiến của quân dân Miền Nam chứ không hề là một chiến tranh riêng của quân đội Mỹ. Tiểu Đoàn 3 với Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Chí Hiếu là đơn vị người Việt đầu tiên và độc nhất mở đường vào cứ điểm Khe Sanh vốn đã bị Sư Đoàn 325 vây chặt và chờ diệt gọn để biến Khe Sanh nên thành một Điện Biên Phủ thứ hai. Kết quả trận đánh, ba trong số bốn đại đội trưởng tác chiến đồng bị thương trận và ba mươi ba chiến sĩ mũ đỏ bị hy sinh. Tiểu Đoàn 3 trở lại Sàigòn, bảo vệ mặt Bắc thủ đô, hợp cùng các tiểu đoàn Dù, và lực lượng liên quân thủy, bộ bạn mở rộng vòng đai an ninh từ vùng Xóm Mới, Gò Vấp lên tiếp giáp vùng Nhị Bình, Thạnh Lộc qua bên kia sông Sàigòn nối tới Lái Thiêu, Bình Dương - Đường xâm nhập chính của lực lượng cộng sản.

Trận chiến mặt Bắc Sàigòn tạm yên, Tiểu Đoàn 3 và 6 Dù lại trở ra miền Hỏa Tuyến, phối hợp hành quân với lực lượng Đệ Nhất Sư Đoàn Không Kỵ (1st CAV)và TQLC Mỹ trong hai cuộc hành quân có tính chất chiến lược: HQ Pegasus (Lam Sơn 207) và HQ Delaware (Lam Sơn 216) có nhiệm vụ giải toả Khe Sanh, thông Đường số 9 (ngã qua Lào) để sau nầy, 1971 làm đầu cầu cho Hành Quân Lam sơn 719 quyết định chiến tranh Việt Nam về mặt quân sự. Đánh giá Hành Quân Delaware, Tướng Rosson, Tư Lệnh Lực Lượng Tiếp Ứng/Su+ Đoàn 1 Không Kỵ (1st CAV) đã có lời tán dương như sau: .. Một trong những trận đánh khốc liệt, được thực hiện một cách tài tình và thâu đạt thắng lợi lớn của chiến tranh Việt Nam.. Điều ấy có nghĩa là HQ Delaware đã phối hợp được nổ lực của Sư Đoàn 1 Không Kỵ (1st CAV), Trung Đoàn 3 Bộ Binh và Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù - Nhắc lại một điều cần thiết: Chiến Đoàn 3 được chỉ huy bởi Đại Tá Nguyễn Khoa Nam và trận đánh đã lấy đi một quân y sĩ của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù: Bác Sĩ Đỗ Vinh. Trận chiến gây tử thương đến bác sĩ của đơn vị hẳn không phải là một trận chiến bình thường.

1972. Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu được chỉ định nhiệm vụ chỉ huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, đơn vị hàng đầu của Binh Chủng, cũng của chung Quân Lực Miền Nam như một sự chọn lựa chính xác của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù. Chúng tôi không nói quá lời, chỉ nêu lên sức chiến đấu thần kỳ có thật của một đơn vị, và người chỉ huy xứng đáng với đơn vị kiệt liệt ấy. Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù là một trong những đơn vị nhảy dù đầu tiên của Quân Đội Việt Nam - BPVN, Bataillon Parachustistes Vietnamiens, đơn vị đã khai sinh ra những tướng lãnh nhiều hơn bất cứ đơn vị (cấp tiểu đoàn) nào của quân lực thế giới: Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Hồ Trung Hậu, Ngô Quang Trưởng, và Lê Quang Lưỡng. Tiểu Đoàn 5 Dù là đơn vị nhận lãnh nhiệm vụ khắc nghiệt nhất của trận chiến Điện Biên Phủ (1953-1954) với hai lần nhảy xuống trận địa mà số tổn thất, thương vong hầu như xóa sạch quân số đơn vị qua các trận đánh trong giai đoạn cuối cùng, tháng 5/1954.

Và chiến trận Mùa Hè 1972, định mệnh khắc nghiệt lại thêm một lần xẩy đến với Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu chỉ huy.

..Tháng 4, 1972, Thị Xã An Lộc bị vây bởi ba Công Trường (sư đoàn) 5, 7, 9 tăng cường thêm công trường địa phương Bình Long, xe tăng đã vào thành phố, và thị xã co lại trong một chu vi có bề ngang, bề dài do đúng một ngàn thước hay một cây số để nhận 8000 quả đạn chỉ trong một đêm 11 tháng 5.. Lữ Đoàn I Nhẩy Dù với ba tiểu đoàn 5, 6, 8 cùng một tiểu đoàn pháo binh có nhiệm vụ mở nút thoát hơi cho An Lộc.. Đoạn đường 60 cây số từ Lai Khê (nơi đặt bộ chỉ huy hành quân) đến An Lộc, ba tiểu đoàn dù đi mất hết một tuần (từ ngày 7 đến ngày 14 tháng 4) cũng chỉ đến phía nam Suối Tàu Ô, cách An Lộc 10 cây số.. Bởi một hàng rào lửa của cối, pháo chận lại.. "55" (Danh hiệu truyền tin của Trung Tá Hiếu) chậm rãi, đỉnh đạc báo cáo cùng Lê Lợi ( Đại Tá Lưỡng, Lữ Đoàn Trưởng): "Trình Lê Lợi, tôi chưa kịp có vị trí, pháo binh theo tôi cũng thế.. Tụi nó pháo quá dữ.. Chúng pháo từ xa, cối gần hơn, và B40, 75Ly Không Giật (những vũ khí bắn thẳng) thì chỉ cách tôi dưới 50 thước!! Cả một lữ đoàn nhảy dù bị kẹt cứng ớ Bắc Chơn Thành, tiểu đoàn pháo binh (Dù) thì bị bắn tan nát không cơ may phản pháo.. Lữ Đoàn trở lại Chơn Thành dùng trực thăng vận theo ngã Đồi Gió tiếp cứu An Lộc bằng cách thế khẩn cấp nhất.. Hai Tiểu Đoàn 5 và 8 Nhẩy Dù (do hai người bạn cùng khóa năm xưa chỉ huy, hai Trung Tá Hiếu và Tuyển) vào được An Lộc theo ngã Đồi Gió, nhưng khi đến ngã ba Xa Cam thì khựng lại - Lính đặc công cộng sản đào hầm sâu cố thủ từ bao ngày...

Ngày 8 tháng 6, tôi theo Tiểu Đoàn 6 tiến vào An Lộc lần thứ hai, đến khu đồn điền Xa Cam, qua khu vục tiểu đoàn 5, tôi đứng trên miệng hầm chỉ huy gọi nhỏ.. Niên trưởng! niên trưởng!! Trung Tá Hiếu từ hầm chui lên.. Moa ở tu dưới đó suốt hơn tháng nay, cả tiểu đoàn từ hôm vào đây chỉ nằm chịu pháo.. Nó pháo 130ly từ xa không cách gì tiêu diệt được, nhưng moa cũng không cho tụi nó trở lại An Lộc bằng đường phía nam nầy. Moa và ông Tuyển (TDD 8) khoá chặt chúng nó lại. Toa xuống dưới nầy, moa cho hộp bia của bà vợ vừa gởi ra.. Khi vào trong hầm, tôi nói giữa bóng tối lờ mờ.. Niên trưởng, anh Bảo chết rồi! Moa biết, Bảo với moa ngày trước cùng đi tập judo, rũ nhau vào trường và đi nhảy dù. Anh nhìn lên cổng hầm không lộ vẻ cảm xúc trong âm nói. Tôi thấy ảnh của niên trưởng với anh Bảo từ ngày mới vào trường. Tôi nói câu thừa thải không thật với lòng đang phiền muộn.

Tiểu Đoàn 5 không phải chỉ giải cứu An Lộc, tháng sau, đơn vị ra vùng Trị-Thiên và ngày 25 tháng 7, 1972 Đại Đội 51, thành phần xung kích của tiểu đoàn đã chiếm được bờ Cổ Thành Quảng Trị. Nhưng như số mệnh khắc nghiệt luôn xẩy đến cho kẻ hào kiệt.. Một trái bom của không quân Mỹ đánh nhầm vào đội hình Đại Đội 51, tiểu đoàn mất đà dội ngược lại.. Toàn bộ Sư Đoàn Dù rút về hướng núi, tây Quốc Lộ I nhường phần trách nhiệm lại cho TQLC. Phải đến 14 tháng 9, lá Cờ Vàng Ba Sọc được dựng lại trên Cổ Thành Đinh Công Tráng.

Riêng Tiểu Đoàn 5 sau tai nạn ngày 25 tháng 7, hợp cùng Tiểu Đoàn 8 thêm một lần dựng kỳ tích, đánh chiếm Đỉnh Động Ông Đô-Đỉnh núi cao nhất vùng Đông/Ta^y Trường Sơn, khống chế cả đồng bằng Trị-Thiên.

Tiểu Đoàn 8 - Tiểu Đoàn 5 Nhẩy Dù, đơn vị đầu đời và cuối đời lính nhẩy dù của Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu - Niên Trưởng đã đi từ chức vụ thấp nhất đến cao nhất của một tiểu đoàn tác chiến với hết tuổi trẻ, suốt Miền Nam.

Để nhớ ngày 5/12/07

Mũ Đỏ Niên Trưởng

Nguyễn Chí Hiếu trở lại với trời xanh

Phan Nhật Nam.
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Trận hải chiến Hoàng Sa lịch sử năm 1974

Image
Sơ đồ trận hải chiến ở Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng 1974.

Image
Thủ khoa Ngụy Văn Thà quì phía trước với kiếm trong lễ tốt nghiệp khóa 12 Hải Quân VNCH.

Image
Hộ tống hạm Nhật Tảo dù hư một máy và radar bất khiển dụng cũng nhận được lệnh ra Hoàng Sa bảo vệ đất nước.


Trận hải chiến ngày 19 Tháng Giêng 1974 ở Hoàng Sa đã trở thành lịch sử. Ðây là trận đánh bảo vệ lãnh hải đầu tiên của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ðề Ðốc Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Hồ Văn Kỳ Thoại, là người ra lệnh nổ súng trong cuộc “tử chiến” Hoàng Sa cho rằng “Lịch sử sẽ đánh giá quyết định đó”. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã phải chiến đấu hết sức đơn độc dù Hạm Ðội 7 của vị “đồng minh lớn” vẫn đang ở ngoài biển Ðông.

Dưới đây là tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa của wikipedia-Tiếng Việt:


Bối cảnh


Sau khi Pháp rút khỏi Ðông Dương, Việt Nam Cộng Hòa đã đảm nhiệm chủ quyền trên quần đảo này cho đến khi cuộc hải chiến xảy ra. Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo, được gọi là nhóm Nguyệt Thềm (Crescent group) và nhóm Bắc đảo hay An Vĩnh/Tuyên Ðức (Amphitrite group). Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đã có đài khí tượng do Pháp xây, trực thuộc ty khí tượng Ðà Nẵng và được bảo vệ bởi một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Năm 1956, hải quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm ( Woody Island ) thuộc nhóm Bắc đảo. Năm 1958, Trung Quốc cho công bố bản tuyên ngôn lãnh hải 4 điểm, trong đó có tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bao gồm các đảo Ðài Loan, Ðông-sa/Tây-sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam-sa (tức Trường Sa của Việt Nam), đảo Macclesfield, quần đảo Bành Hồ (Pescadores) .

Vào giai đoạn này, Trung Quốc vẫn là đồng minh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ.

Ngày 22 Tháng Chín năm 1958, báo Nhân Dân đăng công hàm của Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Ðồng gửi thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 Tháng Chín năm 1958 của chính phủ Trung Quốc quyết định về hải phận.

Năm 1961, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ban hành sắc lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam Cộng Hòa.

Trong thời gian 1964-1971, hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam Cộng Hòa chạm súng liên tục trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong. Trong thời điểm đó, Việt Nam Cộng Hòa cũng thiết lập một sân bay nhỏ tại đảo Hoàng Sa. Năm 1973, với Hiệp Ðịnh Paris, Hoa Kỳ và Ðệ Thất Hạm Ðội sau khi rút quân và thiết bị ra khỏi quần đảo Hoàng Sa đã xem việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1974 khi một phái đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa trong việc chuẩn bị thiết lập phi trường có khả năng chuyên chở vận tải cơ hạng nặng C-7 Caribou thì khám phá ra sự hiện diện của hải quân Trung Quốc, và giao tranh xảy ra sau đó.


Tương quan lực lượng


Phía Việt Nam có tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), một đại đội hải kích thuộc hải quân Việt Nam Cộng Hòa, một số biệt hải (biệt kích hải quân) và một trung đội địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.

Phía Trung Quốc có Liệp Tiềm Ðĩnh Số 274, Liệp Tiềm Ðĩnh Số 271, Tảo Lôi Hạm Số 389, Tảo Lôi Hạm Số 391, Liệp Tiềm Ðĩnh Số 282, Liệp Tiềm Ðĩnh Số 281 và hai chiến hạm số 402 và số 407 chở quân (không rõ loại), Tiểu Ðoàn 4 và Tiểu Ðoàn 5 thuộc Trung Ðoàn 10 Hải Quân Lục Chiến, và hai đội trinh sát. Ngày 16 Tháng Giêng, 1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt sau khi đưa một phái đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa phát hiện hai chiến hạm số 402 và số 407 của hải quân Trung Quốc gần Cam Tuyền, và phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng hoặc cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc. Sau khi cấp báo về bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải tại Ðà Nẵng, HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Quốc rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Quốc không rời vùng, và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng Hòa rời lãnh hải Trung Quốc. Ngày 17 Tháng Giêng, 1974, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa đổ bộ một toán biệt hải và một đội hải kích xuống Cam Tuyền để nhổ cờ Trung Quốc. Sau đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa rút trở lên tàu. Cùng trong ngày Liệp Tiềm Ðĩnh Số 274 và Liệp Tiềm Ðĩnh Số 271 của Trung Quốc xuất hiện. Soái hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), ngày 18 Tháng Giêng, 1974, Ðề Ðốc Lâm Ngươn Tánh, tư lệnh phó hải quân Việt Nam Cộng Hòa bay ra bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải tại Ðà Nẵng để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc. Lực lượng hành quân Hoàng Sa 1 được tăng cường thêm tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) làm soái hạm cho cuộc hành quân, và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10). Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy bất khiển dụng, chỉ còn một máy hoạt động.Ngày 19 Tháng Giêng, 1974, biệt hải và hải kích Việt Nam Cộng Hòa từ HQ-5 đổ quân lên mặt Nam đảo Quang Hòa và hải quân Trung Quốc đổ quân xuống mặt Bắc đảo. Hai bên giao tranh và phía Việt Nam Cộng Hòa có 3 chết và 2 bị thương. Do quân Trung Quốc quá đông, quân Việt Nam Cộng Hòa rút trở lên HQ-5. Ngay sau đó chiến hạm hai bên triển khai đội hình gần đảo Quang Hòa và chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa khai hỏa trước. Hai bên chạm súng từ 30 đến 45 phút, cùng thời điểm đó bộ tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hòa nhận được thông báo của văn phòng tùy viên quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar đệ thất hạm đội ghi nhận một số phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hòa sau đó yêu cầu đệ thất hạm đội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.


Kết quả


Theo tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa thì 274 trúng đạn, tay lái bất khiển dụng phải ủi vào bãi san hô để thủy thủ đoàn đào thoát, 271 hoặc 389 bị chìm tại trận, và 389 và 391 bị hư hại nặng. HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, HQ-5 và HQ-4 bị hư nhẹ. Gần 50 thủy thủ và hạm trưởng Ngụy Văn Thà của HQ-10 tử vong. Ngoài ra HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương. Hai ngày sau trận hải chiến, ngày 20 Tháng Giêng, tàu chở dầu Hòa Lan “Kopionella” vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Ðến mười ngày sau, ngày 29 Tháng Giêng, ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng Hòa gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến.

Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ. Số tù binh đó sau này được trao trả tại Hồng Kông qua Hội Chữ Thập Ðỏ Quốc Tế. Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm này. Sau trận chiến, Việt Nam Cộng Hòa đã ra nhiều tuyên bố cũng như trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của mình và đã được chính phủ Cộng Hòa Pháp ủng hộ vì trước đây theo hòa ước Pháp-Thanh thì người Pháp đã thực hiện chủ quyền ở quần đảo này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt để áp đặt chủ quyền của họ trên quần đảo này.
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

Biệt Hải trên vùng biển bão tố


Phạm Phong Dinh


Sau khi hay tin 15 Biệt Hải thuộc Tuần Dương Hạm HQ 16 Lý Thường Kiệt được một ngư thuyền cứu vớt tại eo biển Qui Nhơn, cách đảo Cù Lao Xanh (hay còn gọi là Mũi Yến) 55 cây số về phía Đông và vẫn còn ở ngoài hải phận quốc tế, nhiều phóng viên quân đội đã chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để đến gặp và nhìn tận mắt những người lính biển đầu tiên đã viết những dòng hải sử chiến đấu chống quân Trung cộng, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 15 người lính, các anh đã phải đối đầu với một lực lượng hung hãn địch gấp gần 20 lần hơn trên đảo Vĩnh Lạc. Trong lúc những chiến hạm của Hải Quân Việt Nam còn đang giáp chiến với hải quân Trung cộng, tiếng đại bác của hai bên nổ rền mặt đại dương, thì 15 chiến sĩ Biệt Hải đã kiệt liệt đối súng với hàng trăm lính bộ chiến của Trung cộng trên hòn đảo nhỏ này. Giữa cơn lửa đạn mù rời, toán Biệt Hải nhận được lệnh rút bỏ Vĩnh Lạc, vì cấp chỉ huy mặt trận Hoàng Sa không thể hy sinh oan uổng những đoàn viên ưu tú nhất của quân chủng. Không có một chiếc tàu nào đến đón, vì lúc đó 14 tàu chiến Trung cộng đang vây đánh Tuần Dương Hạm HQ 16 Lý Thường Kiệt, Tuần Dương Hạm HQ 5 Trần Bình Trọng, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 và Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ 4. Chiếc xuồng đổ bộ giờ đây đã trở thành chiếc phao cứu sinh duy nhất của toán chiến sĩ lạc loài này. Cuộc hành trình vượt chết trên vùng biển bão tố bắt đầu.



Một toán thám sát Biệt Hải được chiếc HQ 16 Lý Thường Kiệt thả xuống gần đảo Vĩnh Lạc, rồi các anh dùng thuyền nhỏ chèo vào và đổ bộ lên bờ biển. Đảo Vĩnh Lạc (còn gọi là đảo Quang Ảnh hay Money) thuộc chủ quyền Việt Nam từ thời triều đình nhà Nguyễn, nhưng đã bị hải quân Đài Loan lợi dụng lúc ra giải giới quân Nhật khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh ngày 21.8.1945, đã ngang ngược chiếm lấy và tuyên bố chủ quyền từ năm 1946. Đến lượt Trung cộng đoạt lấy đảo Vĩnh Lạc cuối năm 1949, sau khi đánh bại quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa ở lục địa. Đảo Vĩnh Lạc, cũng như hầu hết các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (còn gọi là Paracel) có cấu tạo san hô rất kiên cố, nên địa thế rất khó khăn cho tàu bè cặp bến. Đây là đảo có nhiều cây cối và là nơi chim biển đến sinh sống nhiều nhất. Số phân phosphate từ phân chim ước lượng phải gần 1,200,000 tấn. Đó là một trong những lý do tại sao thu hút lòng tham lam bất chính của cả Đài Loan và Trung cộng.



Trung Úy Lâm Trí Liêm, Trưởng Toán Biệt Hải, khi anh dẫn 15 chiến sĩ đổ bộ lên Vĩnh Lạc, đã khám phá bốn ngôi mộ với bốn cái bia đá do Trung cộng dựng nên để xác nhận chủ quyền của chúng. Những ngôi mộ chẳng biết có bộ xương nào ở dưới hay không, nhưng những tấm bia chỉ là biểu trưng của sự giả trá quỉ quái của bọn cộng sản, với dụng ý chứng tỏ đã có dấu chân của chúng từ lâu. Trung Úy Liêm ra lệnh cho đoàn viên Biệt Hải nhổ những tấm bia đá này chuyển xuống HQ 16 để chuyên viên của ta dịch sang Việt ngữ xem chúng khắc cái quái gì trên đó, rồi đem về Sài Gòn. Ngoài nhiệm vụ phá hủy những di chứng giả tạo của Trung cộng, Toán Biệt Hải còn có công tác cắm cờ Việt Nam và bảo vệ cờ để xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.



Khi Trung Úy Liêm cùng chiến sĩ Biệt Hải của anh đặt chân lên đảo Vĩnh Lạc, hòn đảo hoàn toàn hoang vắng không một bóng người, chỉ có mỗi bốn nấm mộ nằm chơ vơ giữa vùng trời nước. Quân ta nằm bố trí trên đảo chờ chuyến tiếp tế, nhưng vì các chiến hạm còn đang theo dõi thám sát những hành động của tàu Trung cộng, nên mãi đến chiều ngày 17.1.1974 mới có tàu đến đổ xuống một khối lượng lương khô cho 93 ngày, có nghĩa là Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Hoàng Sa của Hải Quân Đại Tá Hà Văn Ngạc đã dự định phải giữ đảo ít nhất là ba tháng. Tiếng súng hải chiến bắt đầu nổ trên vùng biển Hoàng Sa ngày 19.1.1974. Lúc đó là 10 giờ 25 sáng. Lúc 10 giờ 22 phút, một hộ tống hạm Trung cộng loại Kronstadt đã hướng mũi tàu đâm thẳng vào Khu Trục Hạm HQ 4 Trần Khánh Dư đang giữ chặt đảo Quang Hòa. HQ 4 nhận được lệnh khai hỏa từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở Sài Gòn, quả đại bác đầu tiên được bắn ra sau nhiều ngày sẵn sàng tác chiến đã trúng ngay chiếc tàu giặc. Chiếc Kronstadt bị chìm xuống đáy biển. Chiếc HQ 4 bị hư hại nhẹ. Với chiến thắng nức lòng đó, những HQ 5, HQ 10 và HQ16 tuần hành chung quan các đảo Quang Hòa và Duy Mộng đồng nổ súng đánh đuổi địch. Cả một vùng Hoàng Sa ầm tiếng sấm phẫn nộ của người nước Nam. Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 trúng một chiếc hỏa tiễn Styx từ chiến hạm Trung cộng bị hư hại rất nặng và chìm dần. Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà trúng đạn giặc ở cầu thang chỉ huy, đã anh dũng hy sinh, 32 chiến sĩ trên tàu bị mất liên lạc. Những thủy thủ của HQ 10 bềnh bồng giữa đại dương đến 6 giờ 30 chiều ngày 22.1.1974 thì được thương thuyền Hòa Lan KOPIONELLA vớt được 23 người, cách phía Đông Đà Nẵng 287 cây số. Sáng hôm sau, chiến hạm Việt Nam đến tiếp nhận số chiến sĩ lưu lạc này, trong số đó có thân xác của Hải Quân Đại Úy Nguyễn Mạnh Trí, Hạm Phó HQ 10, đã chết và 2 chiến sĩ bị thương.



Những chiến sĩ Biệt Hải nằm trên đảo Vĩnh Lạc nhìn về hướng Duy Mộng và Quang Hòa cách đảo chừng 34 cây số đã thấy những đốm lửa sáng lóe lên. Đoàn viên truyền tin liên lạc với Đài Khí Tượng thì được biết một tàu Trung cộng đã bị quân ta bắn trúng đang từ từ chìm xuống biển cả. Những người lính Biệt Hải reo hò vang dậy chào mừng chiến công của đồng đội. Dẫu biết rằng Hải Quân Việt Nam ở thế hạ phong về tàu chiến và vũ khí, nhưng ngay phát súng đầu, HQ 4 Trần Khánh Dư đã nhắc cho giặc Bắc nhớ lại trận hải chiến kinh hoàng ở cửa biển Vân Đồn năm 1287, Tướng Quân Trần Khánh Dư đã đánh chìm hàng trăm chiến thuyền của tướng Ô Mã Nhi và tên hải tặc Trương Văn Hổ, mà đã đẩy đạo quân 20 vạn của Thoát Hoan trên bộ vào thảm cảnh chết đói và hoàn toàn chiến bại. Giao chiến bằng tàu thường không thắng nỗi bốn chiếc HQ thời Đệ Nhị Thế Chiến của ta, Trung cộng phải hối hả điều thêm những chiến hạm tối tân Komar trang bị hỏa tiễn tầm xạ Dù vậy, các HQ của Hải Quân Việt Nam cũng đã hủy diệt thêm một tàu và làm hư hại hai chiếc khác, trước khi nhận được lệnh rút ra khỏi quần đảo Hoàng Sa sau hai giờ pháo chiến. Một kế hoạch đánh tập kích lực lượng địch vài ngày sau đó của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam được phác họa, nhưng đã không được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.

Image


Cuộc hải hành bằng xuồng cao su trên đại dương



Ba ngày trấn giữ Vĩnh Lạc không thấy có Toán Thám Sát nào đến thay thế, hướng Hoàng Sa đã im tiếng súng mà trên không luôn có nhiều phi cơ rất lạ bay lượn vòng vòng, Trung Úy Liêm nhận định rằng tình hình ngày càng rất bất lợi cho đảo Vĩnh Lạc, với một nhúm chiến sĩ ít ỏi như thế này. Có tin Trung cộng đã điều chiến hạm đến tấn công Cam Tuyền và Vĩnh Lạc. Từng đợt hải pháo của tàu giặc dội ì đùng xuống một diện tích nhỏ bé của hòn đảo, rồi bốn chiếc Mig 21 và Mig 23 xuất phát từ đảo Hải Nam bay đến oanh kích dọn bãi để lính địch đổ bộ. Con số chiến hạm Trung cộng tham chiến đã lên đến 40 chiếc. Trung Úy Liêm quyết định chờ đêm tối dùng xuồng cao su thoát ra khỏi Vĩnh Lạc. Thật không may mắn cho những người lính cô đơn này, chiếc xuồng cao su lại bị lủng một lỗ nơi miệng cao su lót đáy, không biết có phải là do bởi mảnh pháo địch, nước biển tràn vào, các Biệt Hải xé vải nhét lại. Tình thế thật bi đát. Các chiến sĩ phải ngồi rải chung quanh thành ca nô, tránh ngồi tập trung ở giữa tránh tình trạng quá nặng. Trong khi quân ta âm thầm chèo ra ngoài khơi thì bỗng có quang hiệu của tàu Trung cộng gọi trở lại, nhưng Trung Úy Liêm ra lệnh cho các chiến sĩ tiếp tục hướng mũi ra biển. Thà chết vinh giữa biển cả, còn hơn là sống nhục trong lao tù cộng sản.



Chiếc xuống tiếp tục di chuyển về hướng Tây Nam. Sáu mái chèo thay nhau quạt nước. Một cái mền được dùng làm buồm căng trên một cái cột buồm bằng một cành tre tìm thấy trên đảo. Sức gió đã đẩy chiếc xuồng ọp ẹp đó xa dần đảo Vĩnh Lạc. Thêm một mảnh đất của Việt Nam đã lọt vào tay giặc. Tình hình ngày càng tồi tệ, khi lương thực đem theo đã dần cạn, quân ta phải hạn chế ăn uống, bi đát đến nỗi mỗi người chỉ có 6 muỗng nước mỗi ngày. Đến ngày thứ ba, số nước dự trữ chỉ còn có 30 lít, nhưng vì bị sóng nhồi nên đã bị đổ mất 10 lít, nên đành phải chịu giới hạn đến tối đa. Đến ngày thứ năm cuộc hành trình, chỉ uống nước mà không còn thức ăn, chiếc xuồng cao su nhấp nhô trên vùng biển động cấp 5, 6 chỗ bị lủng vẫn luôn luôn là mối đe dọa chết chóc của 15 người lính đã rất yếu sức. Ngày nắng như nung, lượng nước trong cơ thể bốc hơi nhanh chóng tạo ra hiện tượng mất nước (dehydration)., đêm thì lạnh buốt đến tận xương tủy. Chỉ có sức chịu đựng phi thường của những người lính cứng như thép Biệt Hải mới có thể sống sót qua thử thách này.



Ở giữa trùng khơi mênh mông không thấy đâu là bến bờ, dưới những cơn thịnh nộ của thủy thần đại dương, con người bé nhỏ chỉ có thể nguyện cầu xin được che chở. Thật mầu nhiệm, lời cầu nguyện đó của 15 Biệt Hải dường nhưng đã được nghe nhận từ cõi thiêng liêng. Theo lời kể của Trung Sĩ Nguyễn Trọng Tuấn, nhân viên điện tử, lúc đặt chân xuống thuyền, nhiều Biệt Hài đã khấn nguyện xin cho được an lành trở về với đất liền, với đồng bào và với quân đội để tiếp tục chiến đấu. Phép huyền diệu đó đã bắt đầu hiện ra từ ngày thứ sáu, mà tất cả chiến sĩ trên ca nô đều nhận biết như nhau.



Theo Trung Sĩ Tuấn, khi đến vùng biển động, sóng lượn theo chiều ngang rất nguy hiểm. Kinh nghiệm hải hành cho thấy rằng tàu nào gặp những con sóng ngang kiểu này cũng đều lắc lư rất dễ sợ. Nhưng có một điều kỳ dị rất khó giải thích là chiếc xuống lại lướt rất nhẹ nhàng một cách rất bình thản trên đầu ngọn sóng chết người đó. Hơn thế, nó còn chạy vo vo một mạch với tốc độ 40 cây số / giờ. Lợi dụng hiện tượng quái lạ này, anh em Biệt Hải gác mái chèo nghỉ xả hơi. Đặc biệt khi gặp sóng cao thì một lực nào đó giúp hóa giải sức giật ngaỵ Trung Sĩ Tuấn và nhiều Biệt Hải đã thấy một cái gì đó không phải thuyền chài, mà nó gần giống như cái kỳ cá nhú lên khỏi mặt biển, mà họ tin là cá voi, hay cá ông, những vị thần cứu mạng trong huyền thoại trên biển Nam Hải của giới thuyền bè qua lại trên vùng biển này. Có những con cá voi bị bão tấp vào bờ chết, đã được dân chài vùng biển chôn và lập đền thờ để nhớ ơn chúng đã cứu giúp ghe thuyền lúc hoạn nạn. Nhiều lúc các chiến sĩ nghe thấy nhiều tiếng lục cục dưới đáy chiếc xuồng ca nô, mái chèo thấy nhẹ hổng. Có lẽ một chú cá voi lạc loài nào đó tránh sóng bão đã tựa lưng vào cùng tồn tại với con người, mà nhờ sức mạnh thần kỳ của nó đã đưa chiếc xuồng vượt qua những con sóng chết. Hay đó có phải là phép nhiệm mầu của tạo hóa xót thương những người lính chân chính của một dân tộc tang thương vì nạn xâm lược của loài ác quỷ cộng sản. Không ai có thể giải thích được sự kiện nàỵ Nhưng sáu mái chèo kiệt lực không thể nào đưa chiếc xuống đi phom phom 40 cây số giờ như vậy được.



Giữa cơn bão giật, nhóm chiến sĩ Biệt Hải dường như trông thấy hình dáng một chiếc thuyền, quân ta vui mừng khấn nguyện cho nó tiến đến gần hơn, thì thình lình nó quày đầu chạy ngược trở lại. Vài chiến sĩ quá nóng lòng bèn bắn vài phát súng báo động. Nhưng càng nghe tiếng súng thì chiếc thuyền đó càng phóng dữ. Chẳng mấy chốc nó đã biến mất giữa những con sóng. Nhìn lại đã thấy một dải đất mờ, đối chiếu với hải đồ, thì có lẽ chiếc xuống đã dạt về đến vùng biển Mũi Cù Lao Ré ngoài hải phận Quảng Nam. Nhưng lưỡi hái của thủy thần vẫn còn treo đung đưa trên đầu, thấy đất liền đó mà sóng vẫn kéo chiếc xuồng ra xa dần ngoài khơi, không chèo vào được. Chiến sĩ trên xuồng chắc lưỡi tiếc hùi hụi, nếu đừng bắn súng cho cá ông sợ chạy mất, thì biết đâu ngài đã đưa anh em vào gần bờ hơn. Như vậy, Toán Biệt Hải đã được cá ông đưa vào hướng Đà Nẵng trọn một đêm dài, nhưng định mệnh vẫn còn thử thách chí quật cường của những người lính Hải Quân. Cuộc hành trình về với tổ quốc tiếp diễn.



Chiếc xuống càng lúc càng đến gần hải phận Việt Nam Cộng Hòa hơn. Qua đến ngày thứ bảy, các chiến sĩ Biệt Hải trông thấy nhiều ghe thuyền xuôi ngược liền bắn súng xin tiếp cứu, nhưng những chiếc tàu này hoặc là không nghe được tiếng nổ, hoặc là do một lý do nào khác đã chạy lảng ra xa. Tình trạng sức khỏe của những Biệt Hải trên ca nô đã trở nên rất tồi tệ, các anh như những cái xác còn cử động là nhờ ở ý chí tìm sống, nước uống trên xuồng đã hết sạch từ lâu. Qua đến ngày thứ chín cuộc hải hành chiến sĩ Biệt Hải đã phải uống nước tiểu của mình. Có lúc xuồng chỉ còn cách bờ biển Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi chừng 100 hải lý, nhưng không thể nào chèo vào được, ca nô vẫn bị cuốn trở ra ngoài khơi. Chiếc buồm được điều chỉnh về hướng Đông Bắc để gió có thể thổi tạt các anh về hướng Tây Nam, hy vọng tấp vào được gần bờ hơn. Mỗi đêm các chiến sĩ Biệt Hải có trông thấy nhiều máy bay lượn vòng thật cao, có lẽ đang hoạt động không ảnh, vì ánh sáng cứ lóe lên từng hồi chiếu xuống mặt biển. Mặc dù không biết những phi cơ này thuộc quốc tịch nào, nhưng quân ta vẫn bám víu vào một hy vọng mỏng manh, nên đã bắn lên nhiều hỏa hiệu để đánh dấu mục tiêu cùng điểm đứng của chiếc ca nô. Nhưng tất cả đều vô hiệu, có lẽ vì phi cơ bay với vận tốc nhanh và quá cao nên không thể thấy rõ những trái sáng.



Sự cố gắng đó cuối cùng rồi cũng được đền bù, ngày thứ mười, chiếc xuống đã giạt vào hải phận tỉnh Bình Định, cách đảo Cù Lao Xanh thuộc xã Phước Ninh, quận Nhơn Bình chừng 30 hải lý. Với khoảng cách này cái sống đã hiện ra rõ nét, nhưng chiếc xuồng vẫn còn nằm ngoài hải phận quốc tế. Trung Úy Lâm Trí Liêm, Trưởng Toán Biệt Hải, là người còn có thể đứng vững trong tình thế tuyệt vọng nhất, anh thật xứng đáng là một cấp chỉ huy tài ba, mà đã cứu được mạng sống của tất cả đoàn viên. Anh đã trông thấy có ba chiếc ghe đánh cá đang hoạt động gần đó, mừng quá anh bắn mấy phát súng cầu cứu. Hai chiếc ghe đầu tiên hoảng sợ bỏ chạy mất, nhưng chiếc ghe thứ ba, trời ơi, nó đã lừng lững tiến đến. Các chiến sĩ Biệt Hải đã có thể trông thấy những khuôn mặt Việt Nam đen rám vì nắng gió biển khơi, những ánh mắt xúc cảm và những nụ cười quá thánh thiện. Toán ngư phủ trên ghe vội vã ném dây cột chiếc xuồng cao su kéo về Qui Nhơn. Lúc đó là khoảng 12 giờ 30 trưa ngày 21.1.1974. Những người lính Biệt Hải sẽ nhớ mãi cái ngày hồi sinh này.



Trong lúc kéo xuồng cao su trở vào hải cảng Qui Nhơn, thì các ngư phủ đã giúp chừng phân nửa số chiến sĩ leo lên thuyền của họ, số còn lại quá mệt mỏi đành phải nằm nghỉ dưới xuồng. Hạ Sĩ Nhứt Nguyễn Văn Duyên, nhân viên Quản Kho hoàn toàn kiệt sức vì hiện tượng mất nước và thiếu ăn, anh đã từ từ chìm vào cơn kích sốc, khi được đưa lên thuyền đánh cá, thì anh đã nhắm mắt ra đi.



Điều dưỡng tại Quân Y Viện Qui Nhơn



Hải Quân Trung Tá Nguyễn Ngọc Tĩnh, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Hải Quân Qui Nhơn khi hay tin một chiếc ghe đánh cá đã vào gần đến hải cảng Qui Nhơn với 15 chiến sĩ Biệt Hải, đã lập tức cho tàu ra đón tại ngọn hải đăng đưa vào Căn Cứ và chờ phương tiện chở các anh về Quân Y Viện Qui Nhơn. Toán Biệt Hải đã được chở vào và được nằm điều dưỡng trong Trại Nội Thương 9. Bây giờ, các Biệt Hải đã đi đến cuối cuộc hành trình của mình sau hơn mười một ngày đêm tham dự cuộc hải chiến Hoàng Sa lịch sử. Nhiều chiến sĩ mê man nằm thiêm thiếp, mặc dù đã được các nhân viên Quân Y truyền cho loại huyết tương màu vàng để bổ sung nguồn protein, khoáng và nước bị mất. Các anh đã được bón cho những loại thức ăn nhẹ. Nửa căn phòng của Trại Nội Thương 9 đã được dành riêng cho nhóm 14 chiến sĩ Biệt Hải, dưới sự chăm sóc tận tụy của Quân Y và đồng đội thuộc Căn Cứ Hải Quân Qui Nhơn.



Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Xuân Cẩm, Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Qui Nhơn đích thân ra lệnh cho nhân viên Quân Y dành cho các Biệt Hải sự chăm sóc đặc biệt, vì các anh xứng đáng được đối xử như vậy. Mỗi ngày, mỗi chiến sĩ được truyền một chai huyết tương, uống sữa trứng gà ngày hai lần, cam vắt hai lần, uống nước súp xương thịt. Cuộc điều trị sang đến ngày 1.2.1974 thì các Biệt Hải được ăn cháo nấu với tim và cật, tình trạng sức khỏe của các anh đã rất khả quan. Những con người thép mà đã từng vượt qua chương trình huấn luyện “địa ngục” của Người Nhái, chẳng mấy chốc đã có thể ngồi dậy nói chuyện thoải mái và vui vẻ với tất cả những phái đoàn quân và dân tấp nập kéo nhau vào thăm hỏi, tặng quà khích lệ. Đặc biệt, các chiến sĩ Biệt Hải luôn nhớ ơn Bác Sĩ Cẩm Chỉ Huy Trưởng đã túc trực ngày đêm săn sóc các anh.



Phái đoàn đầu tiên đến thăm các chiến sĩ Vĩnh Lạc, Hoàng Sa, do Hải Quân Đại Tá Trịnh Quan Xuân, Tư Lệnh Vùng II Duyên Hải, đã dùng trực thăng đến an ủi và ủy lạo các anh với nhiều tặng vật trong ngày 31.1.1974. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, Đại Tá Hoàng Đình Thọ, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Định hướng dẫn một phái đoàn khác vào thăm. Sang ngày 1.2.1974, đến lượt Hải Quân Đại Tá Nguyễn Đức Vân, Trưởng Phòng Kế Hoạch Bộ Tư Lệnh Hải Quân, đại diện Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân, đã đến thăm hỏi chiến sĩ trong buổi chiều và trao tặng mỗi anh số tiền 5,000 đồng. Món tiền tuy nhỏ nhưng nói lên cái tình giữa chiến hữu huynh đệ với nhau, và nó còn bày tỏ lòng tri ân của người hậu phương dành cho những chiến sĩ ở mãi tận ngoài đại dương.



Huy chương trao tặng cho những ân nhân



Một trong những cuộc viếng thăm có ý nghĩa nhất do Phó Đề Đốc Tư Lệnh Phó Hải Quân, hướng dẫn buổi sáng ngày 1.2.1974. Tư Lệnh Phó đã đại diện Tư Lệnh Hải Quân đến thăm hỏi, khích lệ và ủy lạo 14 chiến sĩ Biệt Hải. Tất cả các Biệt Hải đều vinh dự được tuyên dương công trạng, hãnh diện nhận mỗi người một huy chương cao quí Anh Dũng Bội Tinh. Phòng Tổng Quản Trị Hải Quân cũng trình Bộ Tư Lệnh Hải Quân đề nghị Bộ Tổng Tham Mưu thăng cấp đặc cách cho tất cả 14 Biệt Hải. Không quên những người ngư phủ đã cứu sống chiến sĩ Hoàng Sa, phái đoàn của Tư Lệnh Phó dùng tàu nhỏ di chuyển sang Căn Cứ Hải Quân Qui Nhơn để thay mặt chính quyền và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bày tỏ lòng tri ân với năm công dân Việt Nam Cộng Hòa. Năm vị ân nhân này đã cảm xúc nhận năm chiếc huy chương cao quí của Hải Quân là Hải Vụ Bội Tinh. Buổi lễ tri ân được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng. Có thể là năm người ngư dân bình thường và vô danh này nghĩ rằng việc cứu sống những người lính Việt Nam Cộng Hòa là một việc bình thường trên biển cả với nhau. Nhưng chính là ở nghĩa cử này đã nói lên được một ý nghĩa cao cả, thắm thiết từ tận đáy lòng của họ. Đó là Tình Quân Dân gắn bó mà người lính gian nan của chúng ta qua những năm tháng phơi xương trải thịt chiến đấu bảo vệ đất nước và dân tộc đã chiếm được mối tình cảm của đồng bào ở hậu phương. Hải Vụ Bội Tinh vẫn chưa thấy đủ lòng tri ân, Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thì, Trưởng Phòng Tổng Quản Trị, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, đã làm tờ trình xin Bộ Tổng Tham Mưu ân thưởng cho ông Dư Thanh Long, chủ nhân chiếc thuyền đánh cá mang số 3874, huy chương Nhân Dũng Bội Tinh. Cuộc trao gắn chiếc Bội Tinh sẽ được tổ chức ngay sau khi nhận được Quyết Định của Bộ Tổng Tham Mưu. Ngoài ông Long là chủ nhân chiếc thuyền, còn lại là những thủy thủ Dư Thanh Dũng, Nguyễn Tâm, Nguyễn Ngọc, Lý Luông, tất cả đều cảm thấy sung sướng khi chính các anh đã cứu vớt kịp thời các chiến sĩ Biệt Hải. Câu chuyện tàu 3874 tìm thấy chiếc xuồng ca nô mà trên đó 14 chiến sĩ của chúng ta đã gần như kiệt lực đã do chính ông chủ tàu kể lại như sau.



Ông Dư Thanh Long đang lái chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi Qui Nhơn, lúc đó khoảng 12 giờ 30 trưa. Ông Long chợt nhìn thấy một điểm đen ngoài xa, cách chiếc thuyền đánh cá của ông độ hai cây số. Lúc đầu ông Long tưởng là dân chài đánh cá gặp tai nạn nên dùng thúng chai chèo vào đảo Cù Lao Xanh, nhưng khi đến gần ông nhận thấy không phải, nên đã gọi những thủy thủ thức dậy để sẵn sàng cứu người, vì lúc đó anh em đang ngủ. Chiếc tàu đánh cá càng đến gần, thì nhóm ông Long đã có thể thấy rõ nhiều người ăn mặc rất lôi thôi, nếu không muốn nói là tơi tả, nhiều cánh tay đưa cao lên những khẩu súng. Là một người đánh cá từng trải và gan dạ, ông Long cẩn thận cho tàu của mình cặp sát vào chiếc xuồng cao su, ông đã nhận thấy trong số người lạ mặt này những bộ quân phục quen thuộc, nhưng tất cả kiệt sức nằm rũ riệt trong xuồng. Ông Long nghiêng mình hỏi vói xuống, rằng lại sao lại đến nông nỗi như thế. Trung Úy Liêm còn tỉnh nhất đã gào to lên:


- Tụi tôi đánh Hoàng Sa thoát về đây, xin cứu nhanh và đưa về Căn Cứ Hải Quân.



Ông Long phái mấy thủy thủ khỏe mạnh nhất nhảy xuống chiếc ca nô bồng lên từng người, những chiến sĩ nào còn có thể leo được thì tự leo lấy, nhưng phần lớn các anh đều phải nhờ sự giúp sức của các ngư dân. Khi đã leo lên được hết trên tàu, các Biệt Hải chỉ còn có thể nằm sải tay ra thở dốc và đòi nước như điên. Nhân có ấm nước đang sôi, anh em thuyền chài thi nhau thổi cho nguội bớt và trao cho các Biệt Hải nhấp từng ngụm cầm chừng. Đồng thời, các thủy thủ cũng dùng số thuốc cấp cứu mang theo trên tàu để cho các chiến sĩ dùng tạm. Nhận thấy tình trạng các Biệt Hải quá yếu, ông Long gọi bốn thủy thủ đem nồi cháo hồ đổ cho mỗi người nửa chén. Được một lúc, thấy những người lính có vẻ tươi tỉnh hơn, ông lại cho người đổ cháo tiếp, cứ mỗi nửa giờ đút cháo một lần. Tình hình sức khỏe các anh đã khả quan rất nhiều, trong lúc chiếc thuyền chỉ còn cách hải cảng Qui Nhơn chừng mười cây số. Ông Long đã rất lấy làm xót xa là đã không cứu được Biệt Hải Nguyễn Văn Duyên, vì khi anh được khiêng lên tàu, thì thân thể của anh đã bị tê liệt, anh đang thở những hơi cuối cùng. Chiếc ghe đánh cá đã xả hết tốc lực phóng vào bờ, với một hy vọng mỏng manh chạy đua với thời gian và thần chết, nhưng đã không còn kịp nữa rồi. Biệt Hải Nguyễn Văn Duyên đã anh dũng đền nợ nước. Chắc anh linh của anh cũng đã thanh thản bốc lên trên khoảng trời trong xanh và trên mặt sóng của quê hương. Anh đã về đến hải phận Việt Nam và đã ra đi trong những giọt nước mắt nghẹn ngào của anh em.



Một vài khoảnh khắc sau, một chiếc giang đỉnh của Căn Cứ Hải Quân Qui Nhơn đi tuần đã bắt gặp chiếc thuyền, được biết tự sự, đã khẩn cấp gọi về Bộ Chỉ Huy để chuẩn bị phương tiện cấp cứu. Nhiều chiến đỉnh xuôi ra khơi để hộ tống chiếc tàu đánh cá tiến vào Căn Cứ. Cuộc hành trình của 15 Biệt Hải vượt thoát từ mặt trận Hoàng Sa đã chấm dứt. Tuy rằng các anh và những chiến hạm HQ 4 Trần Khánh Dư, HQ 5 Trần Bình Trọng, HQ 10 Nhật Tảo và HQ 16 Lý Thường Kiệt đã phải đớn đau rút bỏ Hoàng Sa, nhưng ít nhất Hải Quân Trung cộng đã kinh hãi khi phải đối đầu với cơn phẫn nộ của hậu duệ Ngô Vương Quyền, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, dù chúng có tạm thời chiếm được Hoàng Sa nhưng cũng đã phải trả cái giá rất đắt. Hai chiến hạm bị chìm và hai chiến hạm bị hư hại.



Lịch sử bốn ngàn năm chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, chưa từng có đế quốc Hán tộc nào có thể hùng cứ lâu dài trên mảnh đất Hoa Lục mà không bị sụp đổ. Trung cộng không ra ngoài định lý ấy. Nền kinh tế của nó hiện nay đang phụ thuộc rất nặng nề vào tư bản Hoa Kỳ, đó là cái tiền đề để dẫn đến một cuộc sụp đổ không tốn một giọt máu kiểu Liên Sô năm 1989. Trung cộng đang giẫm vào vết xe đổ của Liên Sô qua những cuộc chạy đua võ trang và không gian với người Mỹ, ấy vậy mà bọn chúng đang rất kiêu hãnh đẩy mạnh tốc độ cuộc thi tài. Cũng tốt cho nhân loại. Càng chạy nhanh thì cái hố địa ngục càng đến gần hơn. Rồi cũng có một ngày quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ trở về với dân tộc Việt Nam. Đến lúc đó, thế hệ con cháu Việt Nam sẽ giở lại những trang sử hào hùng của cuộc hải chiến Hoàng Sa ngày 19.1.1974, và sẽ thêm một lần cúi đầu ngợi ca ông cha của mình đã đánh giặc phương Bắc kiệt liệt đến như thế nào.



Phạm Phong Dinh
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Trận Hoàng Sa, 34 năm về trước: Lệnh khai hỏa


Image

Giao Chỉ
Lời nói đầu.

Tuần vừa qua, hai chiến hữu già của tôi ghé thăm Viện Bảo Tàng. Các bác Lương văn Ngọ và Võ Đại. Quí vị hỏi thăm qua loa nhưng thực tình là yêu cầu yểm trợ để cùng đánh trận Trường Sa. Sẽ tổ chức gây quĩ, đăng báo Mỹ để tuyên ngôn cho thế giới biết là quần đảo và hải phận Đông Hải muôn đời phải là của Việt Nam ta. Vâng, chúng tôi sẽ chuẩn bị tài liệu để triển lãm, duyệt lại cuốn phim đem chiếu và xin viết bài này để góp phần giới thiệu với độc giả. Lẽ dĩ nhiên cần sự giúp đỡ của các chiến hữu hải quân về các tài liệu. Chuyện Hoàng Sa và Trường Sa nếu không có anh em hội Bạch Đằng là không xong. Trưa thứ bảy, cuối tuần, hội hải quân đến họp tại Viện Bảo Tàng để thảo luận về việc thiết lập một sa bàn Hoàng Sa. Các bạn trao tặng bộ quân phục thủy thủ cùng rất nhiều hình ảnh và tác phẩm liên quan đến trận hải chiến 34 nằm về trước. Những tác phẩm viết về Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và đặc biệt có trên mười tác giả viết về biến cố Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974. Hồi ký của tư lệnh hải quân vùng 1, của vị chỉ huy hải đội Hoàng Sa, của trung tâm trưởng hành quân biển tại Sài Gòn, các hạm trưởng, sỹ quan trên chiến hạm tham chiến số 4, 5, số 10 và 16, của biệt kích trên đảo, sĩ quan truyền tin trên soái hạm, của thủy thủ trôi giạt trên biển, của anh em đoàn viên và địa phương quân bị bắt tù binh đưa về Trung Quốc. Khối tài liệu hết sức phong phú trên ngàn trang phải đọc suốt cả tuần lễ chưa hết. Đặc biệt trong khi quí vị cấp trên viết còn dè dặt thì anh em cấp dưới viết ra tất cả mọi chi tiết hết sức chân thật và rõ ràng. Những anh em mang đến tài liệu cho chúng tôi, ngày xưa vốn là các thiếu tá và cấp úy trẻ trung của biển cả, ngày nay tuổi đã về chiều mà tấm lòng nặng chĩu tâm tư khi nghe tin các hải đảo xa xôi lại một lần nữa rơi vào tay địch. Trong số các chiến hữu có mặt tại San Jose, chúng tôi đã gặp được một người, hết sức tình cờ và hết sức đặc biệt.

Người chỉ huy pháo HQ 16

Đó là Hải quân đại úy Đoàn viết Ất, nguyên sĩ quan pháo thủ của HQ 16 mang tên danh tướng Lý thường Kiệt. Năm 1974, khi con tàu rẽ sóng đi Hoàng Sa, trung úy Ất tưởng chỉ làm một chuyến hải hành tiếp tế như thường lệ, nào ngờ ông đã tham dự vào trận đánh lịch sử. Chuyến về trên con tàu bị thương với cõi lòng tan nát vì đã bỏ lại đồng đội trên hải đảo và biển cả. Trung úy Ất cùng một số hải quân được tuyên dương anh hùng, thăng cấp đặc cách tại mặt trận. Ngày nay, ông Ất đang đóng vai một người dân tỵ nạn hiền lành sống rất bình dị bên cạnh chúng ta. Ai biết đâu con người ấy, ngày xưa cũng đã từng là một chiến sĩ dũng cảm của hải quân. Trong chiến trường, binh thư viết rằng khi lâm trận, cấp úy ở ải địa đầu là những người quyết định thắng bại. Trên các chiến hạm vào ngày đầu năm 74, sống chết của con tàu trông cậy vào các trung úy chỉ huy pháo thủ. Trên chiến hạm HQ 16 vào buổi sáng hôm đó, số mạng trong tay Trung úy Ất, ngồi bên cây đại bác 127 ly, nạp đạn chạm nổ, hướng thẳng vào đài chỉ huy của con tàu địch trước mắt. Sẵn sàng chuẩn bị bắn trực xạ.

Cuộc đời Đoàn viết Ất


Sau trận Hoàng Sa, miền Nam ca ngợi chiến công của hải quân anh hùng. Trong số các sĩ quan con sống mà được vinh thăng có trung úy Đoàn viết Ất. Ất người Nam Định, 54 theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn. Sinh viên đại học Vạn Hạnh. Năm 20 tuổi vào hải quân. Học thêm anh văn tại Sài Gòn rồi thụ huấn căn bản quân sự tại Quang Trung. Năm 70 được gửi đi học tại trường hải quân Hoa Kỳ khóa 4-OCS. Vào thời kỳ đó Sinh viên sỹ quan hải quân Đoàn viết Ất đã có dịp học lái tàu Mỹ tại vùng Vịnh Cựu Kim Sơn. Khi về nước, chuẩn úy Ất nhờ có đệ tam đẳng Thái cực đạo nên được làm huấn luyện viên võ thuật. Cuộc đời đưa đẩy, trải qua các đơn vị, lên thiếu úy rồi trung úy thì bắt đầu xuống HQ 16 làm sỹ quan trách nhiệm dàn pháo cho chiến hạm. Các vũ khí dưới tay gồm có cây 127 ly, lớn hơn cả đại bác 105 của bộ binh. Những cây 40 ly một nòng và cây 40 ly nòng ghép đôi. Các bách kích pháo. Súng cá nhân, áo giáp và nón sắt. Cùng với các đoàn viên xạ thủ đầy kinh nghiệm, trung úy Ất chỉ huy anh em vào nhiệm sở tác chiến với một tinh thần hăng hái rất hào hùng. Khi con tàu Lý thường Kiệt phải đoạn chiến về đến bến bờ quê hương, nhớ lại cảnh chiến hữu bị bỏ lại, lòng dạ hết sức não nề. Một năm sau theo hạm đội hải hành chuyến cuối cùng anh bỏ lại vợ con, vì vậy đại úy Ất quyết định từ giã hải quân tại Côn Sơn, xuống tàu trở lại Việt Nam. Đây là một quyết định sai lầm phải trả giá 6 năm tù cải tạo trên miền biên giới Bắc Việt. Ngay sau khi được trả tự do, cựu đại úy hải quân đã có nhiều nơi móc nối để lái tàu vượt biên. Năm 1983 cả gia đình đến Bidong và sau cùng về định cư tại San Jose. Hai mươi năm qua chỉ làm một việc, cho một hãng. Nghề sửa máy điện tử. Bây giờ ông già 60 tuổi theo phái tu thiền tại gia, tuyệt thực mỗi buổi chiều. Buổi tối ngày15 tháng giêng năm 2008 đúng 34 năm trước sắp đến giờ khai hỏa trận Hoàng Sa, công dân Mỹ gốc Việt tên Ất Đoàn ngồi nhớ lại lúc con tàu lướt sóng vào vùng hải chiến giữa các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền, Quang Hòa và Duy Mộng.

Di chúc của tiền nhân.

Với ngàn năm đô hộ giặc Tàu, Việt Nam trải qua bao phen chống xăm lăng. Từ nhà Hán, nhà Ngô cho đến giặc Mông Cổâ. Rồi nhà Minh, nhà Thanh. Quân dân ta phải chống giặc Bắc phương suốt 4 ngàn năm lập quốc. Trận hải chiến cuối cùng vào đời nhà Trần cách đây 7 thế kỷ. Vua Trần Nhân Tông đã để lại di chúc như sau:" Các người chớ quên nước lớn thường làm điều trái đạo. Họa muôn đời của ta là Trung Hoa. Họ không tôn trọng quy ước và biên giới. Luôn luôn bày đặt chuyện để gây hấn. Không thôn tính được thì gặm nhấm đất đai của ta. Vậy các ngươi phải nhớ lời ta dặn. Một tấc đất cũng không để lọt vào tay kẻ thù. Đây là di chúc cho con cháu muôn đời." Trần Nhân Tông (1279-1293)

Trận Hoàng Sa

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974, trận Hải chiến lịch sử giữa Hải quân Việt nam Cộng Hòa và Hải quân Trung Cộng diễn ra tại Hoàng Sa. Nguyên do vì sao? Di chúc của vua Trần Nhân Tông để lại hơn 700 năm đúng từng chữ một. Vẫn là họa phương Bắc. Nước lớn không tôn trọng quy ước. Bày đặt chuyện gây hấn. Gặm nhấm đất của ta. Trận hải chiến hết sức anh hùng của lực lượng hải quân nhỏ bé VNCH đã khai diễn với anh khổng lồ Trung Quốc. Trước khi nổ súng, chiến hạm hai bên đã cài răng lược, vì vậy chỉ vài giây phút đầu tiên là quyết định trận đánh. Gần đến nỗi đại bác của ta bắn trượt tàu địch đã xéo qua tàu bạn. Trong vòng 30 phút đầu tiên, bên ta chiến hạm HQ 10 bị trúng đài chỉ huy và hoàn toàn bất khiển dụng. Hạm trưởng từ trần chết theo tàu, hạm phó ra lệnh đào thoát, sau đó ông chết trên xuồng cấp cứu vì vết thương quá nặng. HQ 16 sau khi hạ được một chiến hạm của địch cũng bị thương rất nặng. Hạm trưởng và thủy thủ đoàn cố cứu con tàu ra khỏi chiến trường. Bên địch có hai chiến hạm bốc cháy và hai tàu còn lại chịu thương vong nhưng vẫn còn chuyển vận. Những hình ảnh sau cùng ghi nhận được hết sức hào hùng nhưng đồng thời cũng hết sức thương cảm. Hải quân đào thoát từ HQ 10 ngồi trên bè cấp cứu bị tàu địch bắn theo. Nhưng đặc biệt còn thấy chiến hữu từ chiến hạm không bỏ tàu vẫn tiếp tục tác xạ qua tàu địch. Bút ký của người còn sống có ghi rõ cả tên các thủy thủ Việt Nam đang bắn những viên đạn sau cùng. Nước biển trên đầu ngọn sóng làm nhạt nhòa nước mắt của những lính bỏ tàu. Truyện kể của những anh em từ hải đảo xuống bè di tản khi thấy bên ta bắn chiến hạm địch bốc cháy đã cùng nhau cất tiếng hát trên biển Hoàng Sa.

Bài ca bất hủ đó là bản Việt Nam, Việt Nam.

Hãy tưởng tượng giây phút lạ lùng giữa trùng khơi dậy sóng với lửa đạn vang trời, ai cất được tiếng hát.. nghe tự vào đời..Việt Nam nước tôi...

Năm 74, năm dầu sôi lửa bỏng.

Tháng giêng năm 1974 không phải là lúc Miền Nam thái bình thịnh trị. Hiệp ước Ba Lê đã ký xong nhưng hai bên vẫn còn chiến đấu trong trận giành dân lấn đất. Với chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh, Hoa kỳ đã rút hết quân về. Xa hơn nữa, ngay từ năm 1970, Mỹ đã tuyên bố dứt khoát không tham dự vào cuộc tranh chấp các hải đảo ở biển Đông. Trong khi quân Mỹ rút thì Việt Nam Cộng Hòa bùng lên tia hy vọng mới. Tin biển Đông có dầu làm tổng thống Thiệu nói với nội các là dường như Trời ngó lại. Một thùng dầu thô được lệnh đem lên đốt tại Nghĩa trang quân đội Biên Hòa trong buổi lễ tưởng niệm để linh hồn 16 ngàn tử sĩ phù hộ cho đất nước một tương lai tốt đẹp. Nhưng chính niềm vui ngắn ngủi đã nằm trong thiên tai. Trường Sa là nơi có nhiều triển vọng của kho tàng đáy biển. Muốn lấy Trường Sa thì Trung Cộng phải thôn tính Hoàng Sa. Trong lúc VNCH còn phải lo trong nội địa thì Trung Quốc cho hải quân đóng vai ngư phủ xâm nhập phía đông của quần đảo. Đúng như vua Trần đã nói, chúng cứ gặm nhấm dần dần. Căn cứ vào địa lý nhân văn, căn cứ vào di tích lịch sử, căn cứ vào hiện trạng thềm lục địa, dứt khoát toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Nhưng đất nước đang chiến tranh, sức đâu mà có đủ phương tiện trấn giữ cả trăm hải đảo cô quạnh giữa trùng khơi. Vì vậy, thừa nước đục thả câu, các quốc gia lân bang xâu xé. Từ Trung Hoa đỏ của Bắc Kinh cho đến Trung Hoa vàng của Đài Bắc. Rồi Mã Lai, Indo và Phi luật tân đều nhào vô giành hải đảo. Nhưng có kế hoạch và tham lam nhất vẫn là người Tàu. Từ Trung Hoa ngày xưa cho đến Trung Cộng ngày nay, mộng bá quyền của người phương Bắc luôn luôn là cơn ác mộng của phương Nam.

Châu chấu đá voi

Ngày 15 tháng 1 năm 1974 chiến hạm HQ 16 lên đường ra Hoàng Sa đưa địa phương quân Quảng Nam ra thay phiên trấn thủ lưu đồn. Ngày 17 tháng 1 khi đổ bộ lên đảo đã gặp Hồng quân. Từ trước đến nay vẫn gặp dân đánh cá xua đuổi là chúng bỏ đi, những lần này lại là hải quân Trung Cộng. Đềâ đốc Hồ văn Kỳ Thoại tư lệnh hải quân vùng I cảm thấy chuyện bất thường. Nhân lúc tổng thống Thiệu ra kinh lý, nội vụ được trình trực tiếp. Sau phần trình bày của vị tướng hải quân, ông Thiệu ngồi xuống lấy giấy bút viết tay trong 15 phút một bản văn lịch sử. Đây là chỉ thị căn bản của trận hải chiến duy nhất đã xảy ra giữa Việt Nam và Trung Hoa trong thế kỷ thứ 20. Tướng Thoại đã ghi lại trong tác phẩm "Can trường trong chiến bại" chương 16 đại ý như sau. Lệnh viết tay của trung tướng Thiệu chỉ thị áp dụng các biện pháp xua đuổi ôn hòa, bắn dọa cảnh cáo và sau cùng thì dùng vũ khí để bảo vệ lãnh thổ. Quyết không để mất một tấc đất nào. Tất cả mọi người hiện diện đều không có ý kiến. Các tướng lãnh và phái đoàn chính phủ tháp tùng không ai lên tiếng. Không có bàn thảo gì hết. Xem ra ông Thiệu hết sức cô đơn và cương quyết trong quyết định lịch sử rất có thể bùng nổ lớn mà không ai tiên đoán được. Vẫn theo bản tính của ông, không ra lệnh chi tiết về việc khai hỏa. Không cần thảo luận về việc khả năng hùng mạnh của toàn thể hải quân Trung Cộng. Chỉ riêng Hạm đội Hải Nam cũng có thể tung ra 10 chiến hạm phục kích vây chung quanh hạm đội Việt Nam và diệt gọn. Rõ ràng là một quyết định châu chấu đá voi, dựa trên tình tự dân tộc với mối thù từ ngàn năm trước. Sau cùng châu chấu cũng đành phải đá voi.

Hạm đội Hà văn Ngạc lên đường.

Từù Sài Gòn đại tá Hà văn Ngạc bay ra Đà Nẵng nhận lãnh chức vụ chỉ huy cuộc chiến lấy lại Hoàng Sa. Đềâ đốc Hồ văn Kỳ Thoại tiễn ông đại tá Sài Gòn lên HQ 5, mang hiệu kỳ soái hạm lên đường. Chia tay trên cầu tàu căn cứ Đà Nẵng, ông Thoại viết lại rằng đôi mắt chiến hữu nhìn nhau, cùng cảm thấy sắp có biến cốù lịch sử. Lệnh phải bảo vệ đất nước được ghi rõ ràng từ tổng tư lệnh. Quân xâm lăng lần này đâu có dễ thuyết phục. Hoàng Sa là con đường đi xuống Trường Sa, mỏ dầu tương lai của cả Đông nam Á. Hoa Kỳ lại xác nhận là không can thiệp. Giặc Tàu chắc chắn sẽ không bỏ đi. Lính thủy Việt Nam với 4 con tàu cũ sẽ lâm chiến trong hoàn cảnh hết sức cô đơn trên biển cả mênh mông. Từ tướng cho đến quân, ai nấy đều biết rằng phải khai hỏa trước. Không thể bắn cảnh cáo dọa dẫm gì hết. Tiên hạ thủ vi cường. Điều quan trọng là khai hỏa vào lúc nào và ai sẽ là người ra lệnh khai hỏa. Đại tá Hà văn Ngạc xuống con tàu mang tên danh tướng Trần bình Trọng, phen này nếu chẳng may sa vào tay địch chắc lại phải làm quỉ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc.

Khói lửa biển san hô.

Buổi sáng hôm đó trời trong sáng, vào lúc 10 giờ thì tàu hai bên đã gần nhau. Bên địch bên ta kèm nhau từng chiếc một. Ngẫu nhiên mỗi bên đều có 4 chiến hạm. HQ 16 có HQ 10 bên tay mặt làm thành phân đội số 2. Soái hạm HQ 5 đi với HQ 4 là phân đội 1 vòng xuống phía đông nam đánh vào đảo Quang Hòa. Lập tức 2 tàu địch tách ra ứng chiến. Hỏa lực của hai bên tương đương, nhưng tàu địch tối tân hơn, chạy nhanh hơn, thân nhỏ sàn tàu thấp tạo thành mục tiêu di động và nhỏ bé hơn chiến hạm của Việt Nam. Các vị chỉ huy của bên ta đều dự trù sẽ nổ súng trước khai thác yếu tố bất ngờ. Vả lại, địch là kẻ xâm lăng, chiếm đất ta, ta có quyền nổ súng. Lúc đó Trung úy Ất 24 tuổi, ngồi trấn thủ cạnh cây đại bác quyết định chiến trường 127 ly nòng dài. Phía trước mặt là 2 tàu chiến của Trung Cộng chế ngự trước đảo Duy Mộng. Trung tá Lê văn Thự với con tàu Lý Thường Kiệt đã xoay trở mấy ngày qua nên quen thuộc với khu vực đầy bãi đá ngầm với san hô. Pháo đội trưởng rất tin tưởng vào dàn xạ thủ nhiều kinh nghiệm với những năm yểm trợ hải pháo cho bộ binh vùng duyên hải Trung phần. Các hạ sĩ quan đều vững tay nghề và tinh thần hết sức cao. Cũng có thể chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Thực sự thì cả hai bên đều chưa hề có kinh nghiệm hải chiến trên biển cả. Sách vở và chỉ thị dùng đạn xuyên phá nhưng trung úy Ất cho nạp toàn đạn chạm nổ. Gần thế này mà xuyên phá thì hỏng hết. Phải chạm nổ mới có kết quả. Lại có lệnh bắn yểm trợ cho bộ binh trên đảo trước. Mấy bác hạ sĩ quan thâm niên đến bên cạnh thì thào vào tai anh trung úy trẻ. Ta cứ nhằm vào đài chỉ huy mà ra tay trước. Nếu cứ phơi mình ra mà bắn yểm trợ lên đảo thì chết hết còn đâu mà yểm trợ bộ binh. Nhớ lại chuyện 34 năm trước, ông Ất kể rằng, chúng tôi cứ hướng vào đài chỉ huy của tàu địch. Địch di chuyển là các nòng súng 125 và 40 ly theo sát. Phía bên địch cũng quay súng hướng về chúng tôi như vậy. Giây phút nghẹt thở kéo dài. Lệnh từ soái hạm cho HQ 10 bắn trước. Nghe tiếng nổ là các tàu khai hỏa đồng loạt. HQ 16 hạ được một tàu địch và phía bên phân đội 2 của HQ4 và 5 bắn cháy một tàu. Ngay sau đó thì HQ 10 bị địch bắn xập đài chỉ huy. Trong hải chiến, mục tiêu chính là đài chỉ huy, nơi tập trung bộ phận lái tàu, hệ thống điện, truyền tin. Kế tiếp là dàn pháo của tàu địch. Phần còn lại nằm dưới mặt nươcù, phải tấn công bằng thủy lôi nhưng chiến hạm không được trang bị. Súng bắn qua lại như mưa. Trung úy Ất thấy rõ hai chiến hạm địch bốc cháy. Bên HQ 10 có lệnh bỏ tàu, tình thế rất bi thảm. Cùng lúc đó HQ 16 bị trúng thương nặng, lệnh bỏ tàu đã ban hành những sau đã kịp thu hồi và cố gắng xoay trở để rời khỏi chiến trường. Hai chiến hạm của phân đội 1 cũng đã trên đường triệt thoải khỏi vùng hải chiến. Hai chiến hạm địch còn lại cũng bị thương nặng nên không đủ sức truy kích. Nếu không chắc chắn HQ 16 không thể tiếp tục chiến đấu để tồn tại. Con tàu chỉ còn một máy, không có điện phải vận chuyển bằng tay, cố lết ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Rời khỏi trận địa khoảng 11 giờ sáng, đại úy Ất còn nhớ lúc 3 giờ chiều chưa ra khỏi chiến trường. Nhìn về phía sau thật xa vẫn còn thấy chiến hữu trên đảo vẫy tay gọi tàu vào đón. Con tàu không còn khả năng tự xoay trở nên đã đành đoạn bỏ lại đoàn viên tuyệt vọng mỗi lúc một xa dần. Sang ngày hôm sau toàn thể hạm đội Hải Nam của Trung Cộng mới ào ạt tiến đến và bắt tất cả các quân nhân của ta đem về lục địa. Sau đó trao trả tại Hồng Kông. Còn các chiến binh thả trôi trên bè cấp cứu đã nhơ øøngọn gió Đông thổi vào đất liền, trôi giạt cho đến khi tàu buôn và ghe chài vớt được trả về cho đơn vị.

Giấc mơ của Đại úy Ất

Trung úy Đoàn viết Ất với chiến công trên HQ 16 trong trận Hoàng Sa đã được đặc cách lên đại úy. Chính vì cấp bậc này, cộng thêm khả năng lái tàu Mỹ, ông được cộng sản gia tăng thêm 3 năm thành 6 năm cải tạo. Khi ra tù, lại nhờ khả năng lái chiến hạm nên bà con móc nối cho lái ghe vượt biên mới có cơ hội trở lại vịnh Cựu Kim Sơn quen biết từ năm 70.

Ba mươi tư năm sau, bác Ất quê Nam Định ngồi nhớ lại hình ảnh con tàu HQ 10 nằm trên biển san hô. Biết rằng bây giờ ta đánh thì không lại quân Tàu, những vật đổi sao rời, cũng có ngày nước Trung Hoa chia năm xẻ bảy. Việt nam hậu sinh lấy lại được Hoàng Sa sẽ trục con tàu anh hùng lên làm thành một đài kỷ niệm như người Mỹ đã làm ở Trần châu Cảng xứ Hạ Uy Di. Ai mà biết giấc mộng đó sẽ không phải là thực. Trong khi chờ đợi, đại úy Đoàn viết Ất sẽ cùng đại úy hải quân Phạm bách Phi làm một sa bàn Hoàng Sa cho viện Bảo tàng để con cháu thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đến xem ông cha ta ngày xưa châu chấu đá voi ra làm sao.

Lệnh khai hỏa


Khi đặt bút viết bài này có tựa đề là Lệnh Khai Hỏa. Tác giả là một chiến binh lục quân chân đất, hoàn toàn không có kiến thức hải quân nên chỉ xin lạm bàn chút đỉnh. Lệnh khai hỏa thực sự bắt đầu từ đâu và vào lúc nào? Đềâ đốc Kỳ Thoại viết trong chương sách về trận Hoàng Sa có ghi rằng đại tá Ngạc chỉ huy hạm đội xin ông lệnh khai hỏa. Qua máy truyền tin tiếng súng bắn tại Hoàng Sa, đại tá Ngạc mở lớn cho ông Thoại nghe thấy. Bút ký của sĩ quan truyền tin trên HQ 5 cũng ghi rõ đoạn này. Tài liệu bằng Anh ngữ của đại tá Đỗ Kiêm thuộc bộ tư lệnh hải quân Sài Gòn lại ghi rằng đại tá Ngạc điện thoại về xin lệnh khai hỏa của đô đốc tư lệnh hải quân. Lúc đó tư lệnh đang trên đường bay ra Vùng I. Vì chuyện khẩn cấp nên đại tá Đỗ Kiểm xin lệnh của đề đốc Diệp quang Thủy có mặt tại bộ tư lệnh Sài Gòn. Nhận lúc họp bạn với anh em hải quân để viết lại câu chuyện làm phim, chúng tôi có dịp nói chuyện thêm chi tiết với đô đốc Thủy. Bây giờ đại tá Hà văn Ngạc không còn nữa. Người viết chuyện tò mò muốn tìm hiểu đành phải suy nghĩ rằng trước khi nổ súng ông đã gọi bộ tư lệnh hải quân để xin phép trước. Qua đô đốc Diệp quang Thủy ông được lệnh Sài Gòn. Sau đó ông cẩn thận xin lệnh Đà Nẵng qua đô đốc Hồ văn KỳThoại, và lệnh khai hỏa bắt đầu. Tuy nhiên dù lệnh ra sao thì cũng chỉ qua giấy tờ và máy truyền tin. Lệnh khai hỏa đích thực sau cùng trên chiến hạm bằng khẩu lệnh là của cấp úy như ông trung úy Đoàn viết Ất. Lúc đó Trung úy Ất mới 24 tuổi, dân Nam Định. Ông là người tin vào những chuyện số mệnh linh thiêng huyền bí. Dù rằng lệnh xuống theo hệ thống quân giai từ tổng thống, tư lệnh hải quân, tư lệnh Vùng, chỉ huy hạm đội, hạm trưởng rồi mới đến tai ông. Nhưng theo tiếng gọi từ nơi xa thẳm thì cái lệnh khai hỏa đã bắt đầu từ vua nhà Trần. Bẩy trăm năm về trước Đức Trần Nhân Tông đã ra lệnh bắn quân Tàu. Tư lệnh quân đội thời đó là Đức Hưng Đạo đại vương Trần quốc Tuấn. Có phải ngẫu nhiên hay không, vua quan nhà Trần thời đó cũng là người quê ở Nam Định, chẳng khác gì ông tỵ nạn vô danh Đoàn viết Ất ngày nay đang lưu lạc ở San Jose. Mỗi sáng vào sửa vài cái máy điện toán, bữa ăn trưa là lần cuối trong ngày. Chiều chiều ghé vào nhà con trai kèm bài cho cháu nội. Ông pháo thủ hải quân bỏ lại dàn đại bác từ hơn ba mươi năm trước ở cuối chân trời. Từ ngày đó đến nay chẳng bao giờ còn nghe thấy lệnh khai hỏa của các cấp chỉ huy.

(Giao Chỉ-San Jose)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN
VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA


Giao Chỉ – San Jose (Gửi đến độc giả nhân tin đại tướng mới qua đời), Jan 22, 2008
Suốt 33 năm qua, quân dân miền Nam đã trải qua các hoàn cảnh bi đát đau thương và luôn luôn tự hỏi về nguyên nhân thất bại mau chóng của VNCH trong những ngày của tháng 4-1975.

Đại tướng Cao Văn Viên năm nay 86 tuổi, trước khi qua đời đã sống hoàn toàn cô đơn trong một viện cao niên tại miền Đông Hoa Kỳ, cũng có các suy tư khắc khoải của riêng ông.

Trong phần Lời Bạt của một tác phẩm xuất bản 2003, vị Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Quân lực VNCH đã giãi bày rất nhiều điều quan trọng: Về vai trò của ông và nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham Mưu. Sự liên hệ cá nhân giữa Tướng Cao Văn Viên và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại sao ông xin từ chức và tại sao Tổng thống Thiệu không chấp thuận. Những diễn tiến quân sự liên quan đến việc di tản Quân Đoàn II và Quân Đoàn I. Ông cũng viết về việc chuẩn bị thuốc độc cho chính mình và sau cùng ông đã ra đi vào lúc nào.

Phần quan trọng là Đại tướng Cao Văn Viên bác bỏ một số tin tức liên quan đến ông và Bộ Tổng Tham Mưu trong một tác phẩm đã được Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, vị cố vấn đặc nhiệm của ông Thiệu xuất bản gần 25 năm về trước.

Để có thể theo dõi dễ dàng những diễn tiến theo thời gian, chúng tôi xin liệt kê tài liệu thứ tự như sau:

Thứ nhất: Ngay sau khi miền Nam thất thủ 1975, bắt đầu từ năm 1976, Trung Tâm Quân Sử của Lục Quân Hoa Kỳ đã mời các sĩ quan cao cấp của Việt – Miên – Lào viết về kinh nghiệm của cuộc chiến Đông Dương. Đại tướng Cao Văn Viên cùng 5 vị tướng và Đại Tá VNCH đã hoàn tất 16 tác phẩm bằng Anh ngữ về các đề tài khác nhau. Trong đó có cuốn the Final Collapse ấn hành năm 1983. Tài liệu biên khảo vào thời gian 1976 hoàn toàn có tính cách nghiên cứu các diễn tiến, nhưng chưa đủ các dữ kiện đầy đủ như hiện nay. Trong đó tác giả ghi rằng không muốn nói nhiều đến chuyện cá nhân. Cuốn The Final Collapse nguyên tác Anh ngữ phổ biến hạn chế và chưa từng dịch ra Việt ngữ.

Thứ hai: Khởi sự từ năm 1977, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nguyên là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Thiệu bắt đầu soạn tài liệu để hoàn tất tác phẩm the Palace File. Chủ đề của tác phẩm viết về những năm cuối cùng tuyệt vọng của Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả viết bằng các dữ kiện trực tiếp ghi nhận được qua vai trò giao thiệp với chính phủ Mỹ và các bức thư trao đổi với các Tổng Thống Hoa Kỳ liên quan đến cuộc chiến Việt Nam.

Trong tác phẩm này Tiến sĩ Hưng có đề cập đến nhiều giới chức gồm cả Bộ Tổng Tham Mưu và Đại tướng Cao Văn Viên, The Palace File nguyên tác Anh ngữ xuất bản năm 1986 và ấn bản Việt ngữ xuất bản năm 1987. Có một số dữ kiện trong tác phẩm này cũng cần phải được duyệt lại vì thực sự tác giả hoàn tất vào đầu thập niên 80 nên không đủ các tin tức như hiện nay.

Cuốn Palace File bản Anh ngữ và Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập bản Việt ngữ được phát hành tương đối rộng rãi và đã phổ biến những điều mà Đại tướng Cao Văn Viên cho là không đúng và ông ghi nhớ từ 17 năm qua.

Thứ ba: Cho đến năm 2003, Đại Tướng giao cho một chuyên viên sử học là ông Nguyễn Kỳ Phong chuyển ngữ cuốn The Final Collapse thành tác phẩm Việt ngữ với tựa đề Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa.

Trong tác phẩm Việt ngữ vừa phát hành này có nhiều ghi chú đặc biệt của dịch giả và của chính tác giả nhằm làm sáng tỏ những điểm mà nguyên tác The Final Collapse năm 1976 chưa đề cập đến.

Và đặc biệt là những lời đính chính mạnh mẽ của tướng Cao Văn Viên liên quan đến The Palace File của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng mà ông đã lưu tâm từ năm 1986 khi sách này phát hành.
***

Đại tướng Cao Văn Viên nguyên là Tư Lệnh Nhảy Dù, Tư Lệnh Quân Đoàn III và chức vụ sau cùng là Tổng Tham Mưu Trưởng. Có lúc ông kiêm cả Tổng Trưởng Quốc Phòng. Vợ của ông đã qua đời nhiều năm trước. Ông có người con gái là giáo sư luật khoa Lan Cao đã thành danh và có gia đình riêng. Ông sống một mình trong viện cao niên tại miền Đông. Tuy sức khỏe suy yếu nhưng tinh thần vẫn minh mẫn và còn giọng nói vẫn mạnh mẽ khi chúng tôi có dịp diện kiến năm 2005. Tướng Cao văn Viên mới qua đời ngày 22 tháng 1-2008 tại Thủ đô Hoa thịnh đốn, hưởng thọ 86 tuổi.

Dịch giả Nguyễn Kỳ Phong được ông Cao Văn Viên tin cậy giao cho việc chuyển ngữ cuốn The Final Collapse là một chuyên viên sử học tại Hoa Kỳ. Hơn 30 năm trước ông là một sinh viên trẻ, có thể chưa biết nhiều về cuộc chiến và VNCH. Nhưng suốt thời gian tại Hoa Kỳ ông đã nghiên cứu và đọc hầu hết các tài liệu về chiến tranh Việt Nam bằng Anh ngữ và Việt ngữ. Ông Phong sưu tầm các tác phẩm, hồi ký đã xuất bản và cả các tài liệu phổ biến hạn chế trong các thư khố đặc biệt của Hoa Kỳ liên quan đến Việt Nam.

Năm 2001, Nguyễn Kỳ Phong đã xuất bản tác phẩm đặc biệt tựa đề: Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam. Một cuốn sách làm ngạc nhiên độc giả lưu tâm đến đề tài này về sự uyên bác của tác giả.

Sau đây là phần trích dẫn từ tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên đối với những sự kiện chưa từng được nói tới 30 năm qua.

Theo nguyên văn tài liệu, danh từ tác giả ở đây thay cho chữ tôi và xin hiểu đây là Đại tướng Cao Văn Viên.

1.Trước hết về vấn đề đại tướng Cao Văn Viên xin từ chức Tổng tham mưu trưởng. Ông viết như sau:

Đại tướng Cao Văn Viên: Trong những năm 1970 và 1971, tác giả đã đệ đơn xin Tổng thống Thiệu cho về hưu ít nhất là 3 lần. Lý do là vì tác giả đã ở chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng quá lâu đã đủ thâm niên quân vụ cùng sức khỏe kém. Lý do tác giả hành động như vậy vì vào khoảng giữa năm 1970, sau một buổi họp với Đại tướng Creighton Abrams (tư lệnh MACV) ông ta cho biết, theo tin Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Tổng thống Thiệu có ý định cho Trung tướng Đỗ Cao Trí thay thế tác giả. Chờ đợi mãi không thấy lệnh thay thế, tác giả cảm thấy mình không còn được “sủng ái” nên đã xin về hưu.

Trong thời điểm đó, các đối lập chính trị và tay chân thân tín của họ bị loại hay vô hiệu hóa. Với đa số dân biểu, nghị sĩ thân chánh quyền trong Quốc Hội cùng sự thành lập đảng Dân Chủ, ông Thiệu ở vào thế mạnh. Ngoài ra một số phụ tá trẻ của ông nêu ý kiến nên thay thế các phần tử mà họ cho là già nua và quan liêu. Họ thường nói, muốn có một căn nhà tốt cần thay thế các viên gạch cũ hay các bộ phận vô dụng, và nếu cần, hủy bỏ luôn căn nhà cũ.
***
2.Trải qua nhiều năm, vẫn một câu hỏi được nêu lên là tại sao Tổng Thống Thiệu lại không cho phép đại tướng Viên từ nhiệm, chính ông Cao Văn Viên cũng tự hỏi như vậy.

Đại tướng Cao Văn Viên: Tại sao ông Thiệu không thay tác giả như đã có ý định? Có thể ông Thiệu nghĩ rằng tác giả không có tham vọng chính trị, và trong quá khứ không phản ông Diệm nên cố giữ lại để có sự ổn định trong quân đội. Nhưng những gì tác giả nghĩ chỉ là giả thuyết mà thôi. Ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, ở vào một hoàn cảnh mập mờ, tác giả không thể nào hăng say phục vụ như trước nữa. Nhưng vì lương tâm nghề nghiệp, tác giả vẫn làm việc như thường, chờ ngày thay thế.
***
3.Trong tác phẩm của ông, đại tướng Cao Văn Viên có dành 1 phần giải thích về nhiệm vụ của bộ tổng tham mưu đặc biệt là lãnh vực điều hợp các quân đoàn trên lý thuyết. Còn trên thực tế ông giải thích thêm bắt đầu từ thời điểm 1973 như sau.

Đại tướng Cao Văn Viên: Khi Hiệp Định Ba Lê 1973 được ký kết, quốc sách “Bốn Không” ra đời, lúc mà tất cả hoạt động quân sự có ảnh hưởng đến chính trị, thì các buổi họp bất thường hay hàng tháng với các tư lệnh Quân Đoàn, Quân Khu, cùng với các tư lệnh Binh Chủng như Không Quân và Hải Quân... được diễn ra trong Dinh Độc Lập, thay vì ở Bộ Tổng Tham Mưu như thường lệ. Buổi họp được đặt dưới quyền chủ tọa của Tổng thống Thiệu như là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó Tổng thống Thiệu hoàn toàn lấy mọi quyết định, và ra lệnh thẳng cho các nơi. Như vậy, Tổng thống Thiệu đã đạt được thế thượng phong tuyệt đối, tập trung mọi quyền Hành Pháp, Lập Pháp và quân đội vào một mối duy nhất.
***

4.Viết về những ngày bi thảm của tháng 4-1975 cho đến khi đại tướng Dương Văn Minh lên nhận chức, tướng Cao Văn Viên cho biết.

Đại tướng Cao Văn Viên: Sau cuộc rút lui thất bại ở quân đoàn II và quân đoàn I, và khi tình hình quân sự trở nên bi đát, tác giả có xin bác sĩ Phạm Hà Thanh (Cục Trưởng Cục Quân Y) thuốc độc (loại Cyanid), vì biết chắc chắn nếu bị bắt sẽ bị cộng sản hành hạ một cách tàn bạo. Bác sĩ Thanh sau khi đi cải tạo về, hiện nay vẫn còn sống ở ngoại ô Sài Gòn.

Tối Chủ Nhật 27 tháng 4, sau khi Quốc Hội biểu quyết trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh, vì thời gian quá gấp rút, theo hệ thống quân giai, tác giả trình miệng với Trung tướng Trần Văn Đôn, đang là Tổng Trưởng Quốc Phòng trong Nội Các của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, trình lên Tổng thống Trần Văn Hương nguyện vọng được về hưu của tác giả đã xin từ năm năm về trước. Tổng thống Hương biết rõ chuyện này nên đã ký sắc lệnh cho tác giả về hưu. Ông Nguyễn Thạch Vân, phụ tá tổng thống, hiện đang sống bên Pháp, biết rõ chuyện này.

Tác giả không hợp tác với tướng Minh vì ông ta có ý định giết tác giả trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11-1963. Tác giả cũng không thể phục vụ cho một chính phủ liên hiệp, và lý do quyết định nhất là đã ở chức vụ này quá lâu (gần 10 năm), sức khỏe kém và đã xin về hưu 3 lần rồi. Khi biết đã được phép giải ngũ, tác giả liên lạc với Phòng Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ (DAO) để xin di tản ra Đệ Nhất Hạm Đội.
***

5.Đề cập đến chuyện cũ, đại tướng Viên nói về thời gian gặp tướng Minh trong kỳ đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 như sau.

Đại tướng Cao Văn Viên: Trưa ngày 1 tháng 11-1963, khi trình diện Tổng Bộ Tham Mưu (BTTM) để nhận lệnh hành quân (lúc đó tác giả là Đại Tá, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù) tác giả được đưa lên gặp tướng Dương Văn Minh thay vì tướng Trần Thiện Khiêm (Tham Mưu Trưởng Liên Quân) như thường lệ.

Tướng Minh hỏi: “Tụi Moi đảo chánh, Toa nghĩ sao?”

Tác giả trả lời: “Đảo chánh là một quốc gia đại sự, sao tới giờ phút này Trung Tướng mới cho tôi hay?”

Đó là nguyên văn câu hỏi và câu trả lời, không hơn không kém. Trong khi đó, một sĩ quan tùy viên của tướng Minh chĩa súng Carbine vào lưng tác giả. Vài phút sau, Đại tá Đỗ Mậu (Giám Đốc An Ninh Quân Đội) kêu tác giả lên đài phát thanh tuyên bố theo phe đảo chánh. Tác giả trả lời là không có gì để tuyên bố cả. Tác giả bị giam giữ tại BTTM và chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhờ cảm tình của một số Tướng Tá (theo phe đảo chánh) và sự can thiệp của vợ mình.
***

6.Nói đến liên hệ của ông với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tướng Cao Văn Viên nhắc lại giai đoạn 1974 và 1972 như sau:

Đại tướng Cao Văn Viên: Hai năm 71 – 72 là khúc quanh quan trọng trong đời sống quân ngũ của tác giả. Như đã nói phần trước, tác giả đãû xin Tổng thống Thiệu về hưu ba lần nhưng không được nên phải làm việc như thường tuy kém phần hăng say như năm năm về trước. Vai trò của BTTM vẫn không thay đổi trong thời gian này.
Cuối năm 1971 là năm bầu cử Tổng Thống. Lần này Tổng thống Thiệu ra ứng cử với ông Trần Văn Hương. Các liên danh khác bị loại ra vì không đủ điều kiện ấn định bởi luật bầu cử, nên báo chí rêu rao đây là màn “độc diễn” của Tổng thống Thiệu.
Trước ngày bầu cử, sau một buổi họp quân sự với các Tư lệnh Quân Đoàn, Tư lệnh các Quân chủng Không và Hải quân, TTMT, và Tổng trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng thống Thiệu hỏi các tướng lãnh về cuộc bầu cử sắp tới. Các tướng lãnh có mặt đều nhiệt liệt ủng hộ liên danh Thiệu – Hương. Khi được hỏi, tác giả trả lời là Tổng Thống đã có quyết định, nên không có ý kiến gì thêm.
***

7.Một trong các vấn nạn then chốt của việc sụp đổ nhanh chóng tháng 4-1975 là vấn đề quân viện và nhu cầu tái phối trí các đơn vị. Trong chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, Đại tướng Cao Văn Viên có viết lại như sau:

Đại tướng Cao Văn Viên: Vào khoảng tháng 1-1974, Bộ Tổng Tham Mưu được phía Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự trong tài khóa 74 – 75 bị cắt giảm 300 triệu Mỹ kim. Tổng Cục Tiếp Vận phụ trách việc cung cấp quân trang, quân dụng, xe cộ, vũ khí và đạn dược cho toàn thể quân lực VNCH đã nghiên cứu một kế hoạch để đối phó với tình hình mới. Một cách tổng quát, kế hoạch nhận định là, chương trình quân viện bị cắt giảm chỉ có thể thỏa mãn một quân đội với số quân ít hơn; và số quân đó chỉ có khả năng phòng thủ một lãnh thổ tương xứng của VNCH mà thôi. Kế hoạch này rất hợp lý trên thực tế. Nhưng Tổng thống Thiệu, với tư cách Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Lực VNCH, đã đề ra đường lối quốc gia “Bốn Không” (một trong nhũng cái không đó là không cắt đất cho cộng sản). Thấy kế hoạch của Tổng Cục Tiếp Vận trái với quốc sách trên nên tác giả không chỉ thị trình lên Tổng Thống một cách chính thức. Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, được phép trình miệng kế hoạch trên cho Tổng Thống. Theo lời tướng Khuyên trình lại, sau khi nghe thuyết trình, Tổng Thống Thiệu không có chỉ thị gì thêm, và Tổng Thống cũng không có chỉ thị nào trực tiếp cho tác giả. Vì những lý do trên, kế hoạch bị bỏ qua một bên.
***

8.Tiếp theo, Đại tướng Viên viết thêm trong trang 130 gồm cả phần chú thích. Ông cho biết:

Đại tướng Cao Văn Viên: Tổng thống Thiệu bình thản tiếp tục độc thoại về chính trị địa lý của miền Nam, nhưng khi nói đến Vùng I và II, ông không tỏ vẻ lạc quan hay tự tin. Chỉ vào vùng Cao Nguyên trung phần, Tổng thống Thiệu nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai tỉnh Kontum và Pleiku nhập lại, vì tài nguyên và dân số của Ban Mê Thuột. Miền duyên hải của Vùng II cũng quan trọng với tiềm năng dầu hỏa chứa đựng ở thềm lục địa. Về Vùng I, ý kiến của Tổng thống Thiệu là “giữ được phần nào thì giữ.” Ông phác họa kế hoạch phòng thủ ở Vùng I bằng những tuyến cắt ngang duyên hải từ Bắc xuống Nam. Nếu chúng ta có đủ lực lượng, Tổng thống Thiệu nói, chúng ta sẽ giữ đến Huế và Đà Nẵng. Nếu không được, chúng ta sẽ tái phối trí quân lại ở Chu Lai, hay thấp hơn là Tuy Hòa. Kế hoạch này, Tổng thống Thiệu nói tiếp, cho chúng sắp đặt lại khả năng để có nhiều hy vọng giữ được những vùng đất quan trọng cho miền Nam trường tồn như một quốc gia vững mạnh.
Sau này tác giả mới biết, trước buổi họp ngày 11 tháng 3-1975 tại Dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu đã có trong tay 3 đề nghị về việc này: Đề nghị số 1 vào năm 1974, tướng Đồng Văn Khuyên, tham mưu trưởng liên quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, đệ trình lên Tổng Thống ý niệm phải thu hẹp lãnh thổ VNCH thế nào tương xứng với sự cắt giảm viện trợ quân sự như chúng ta đã thấy. Thứ 2: Thiếu tướng John Murray thuộc phòng tùy viên quốc phòng Hoa Kỳ (Defense Attache Office-Vietnam) có cung cấp cho Tổng thống Thiệu qua Tòa Đại Sứ Mỹ một sơ đồ tương tự như Tổng Cục Tiếp Vận đề nghị. Thứ 3: Chuẩn tướng Úc Đại Lợi Ted Sarong cũng đề nghị qua một giới chức Phủ Tổng Thống một kế hoạch tương tự.
***

9.Sau đây là đoạn quan trọng nhất Đại tướng Viên kể lại những quyết định lịch sử của hội nghị cao cấp nhất tại Dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3-1975 về việc tái phối trí:

Đại tướng Cao Văn Viên: Như thường lệ, Tổng thống Thiệu chủ tọa buổi họp dưới sự có mặt của Thủ tướng Khiêm, tác giả, và Trung tướng Đặng Văn Quang. Sau khi tướng Trưởng chấm dứt tường trình về tình hình Vùng I, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Vùng III, được mời vào báo cáo vùng trách nhiệm của ông. Theo tướng Toàn, tình hình Vùng III tương đối yên tĩnh, không có biến chuyển quan trọng xảy ra.

Sau tướng Trưởng và Toàn, đến lượt Tổng thống Thiệu lên tiếng. Ông phân tích tình hình chung và những khó khăn VNCH đối đầu về vấn đề quân viện. Tổng thống Thiệu thú nhận ông không tin Hoa Kỳ sẽ can thiệp dù cho CSBV mở cuộc tổng tấn công vào miền Nam. Ông tỏ ý thông cảm về tình trạng thiếu thốn, khó khăn ở các quân đoàn. Ông cho biết trong thời gian gần đây ông ra nhiều quân lệnh nhưng ông biết các tư lệnh gặp nhiều khó khăn khi thi hành.

Trong hoàn cảnh như vậy, Tổng thống Thiệu tuyên bố, quân đội không thể làm gì khác hơn là thay đổi chiến lược, tái phối trí lực lượng để giữ các vùng đất phì nhiêu, có tài nguyên. Nếu chúng ta phải bỏ một số rừng núi cho cộng sản để giữ lại lãnh địa màu mỡ, nhiều khoáng sản gồm có thềm lục địa, thì chúng ta cũng chấp nhận. Thà vậy hơn là đứng chung một chánh phủ liên hiệp với cộng sản. Vùng đất mà Tổng thống Thiệu nói đến là Đà Nẵng. Về vấn đề tái phối trí quân – chuyện này tự Tổng thống Thiệu nghĩ ra một mình, chưa hề tiết lộ trong một buổi họp nào – Sư đoàn Nhảy dù sẽ rời Vùng I, theo sau là Sư đoàn TQLC, nếu tình hình phòng thủ của Vùng I không bị ảnh hưởng khi hai đơn vị trên rút đi. Rút hai đơn vị trên khỏi Vùng I cho phép quân đội tái lập lại các lực luọng tổng trừ bị. Cùng với những cuộc rút quân khỏi Vùng I, Tổng thống Thiệu cho phép tướng Toàn rút quân khỏi An Lộc, và sử dụng lực lượng đó vào những kế hoạch phòng thủ nơi nào cần nhất ở Vùng III.

Sau khi Tổng Thống chấm dứt thì đến lượt tác giả. Với tư cách Tổng Tham Mưu Trưởng, tác giả nhắc các tư lệnh quân đoàn phải cẩn thận khi rút quân. Buổi hợp ngày 13 tháng 3 chấm dứt sau ba tiếng rưỡi đồng hồ, mặc dù các tham dự viên đã không bàn cãi dài dòng.

Như vậy buổi hợp ở Dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3-1975 đã được thuật lại rõ ràng ở trên. Trong dịp đó Tổng thống Thiệu đã cho hai vị tư lệnh quân đoàn I và III (tướng Trưởng và tướng Toàn) biết ý định sắp xếp lại lãnh thổ VNCH sao cho phù hợp với sự cắt giảm viện trợ quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Thiệu chưa cho lệnh rút quân ở bất cứ nơi nào vào lúc đó, trừ việc bỏ An Lộc ở Vùng III. Buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3 xảy ra sau khi Ban Mê Thuột mất, và tại Cam Ranh Tổng thống Thiệu ra lệnh tái phối trí lực lượng của Quân đoàn II để chiếm lại Ban Mê Thuột.
***

10.Đoạn sau đây Đại Tướng nói rõ thêm về việc ông được phép từ chức và ra đi:
Đại tướng Cao Văn Viên: Trước khi từ chức, Tổng thống Trần Văn Hương đã ký một sắc lệnh giải nhiệm tác giả chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng. Trong khi chờ đợi tân Tổng thống Dương Văn Minh chính thức bổ nhiệm Tổng Tham Mưu Trưởng mới, tác giả chỉ định Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng BTTM, xử lý thường vụ chức Tổng Tham Mưu Trưởng. Sau đó tác giả được di tản ra Hạm Đội 7 vào trưa thứ Hai, 28 tháng 4-1975.
***

11.Sau cùng một trong các chi tiết rất nhỏ nhưng có thể rất quan trọng giữa 2 cuốn sách xuất bản cách nhau 17 năm chúng tôi xin ghi lại:

Trong cuốn hồ sơ dinh Độc Lập trang 557 tác giả Nguyễn Tiến Hưng đă viết về buổi họp các tướng lãnh với tổng thống Thiệu (nguyên văn) như sau khi ông đề cập đến vấn đề tín nhiệm.

Thiệu kể lại rằng không có một ai nói một lời và như vậy là đã rõ là họ không muốn ông ngồi lại ghế tổng thống nữa. Giữa lúc đó Thiệu tuyên bố từ chức và để phó Tống Thống Trần Văn Hương lên làm tổng thống. Tướng Cao Văn Viên theo Thiệu về văn phòng nước mắt chảy quanh và nói: Thưa tổng thống, tôi không bao giờ nghĩ sẽ có ngày hôm nay.

Đại tướng Cao Văn Viên rất bất bình về đoạn văn ngắn ngủi này. Sự thực do ông Thiệu kể lại cho ông Hưng ra sao, câu trả lời đã đem xuống thuyền đài.

17 năm sau khi những trang sách của ông Hưng được in ra. Trong cuốn sách xuất bản năm 2003, phần ghi chép của trang 219, đại tướng Cao Văn Viên viết nguyên văn như sau: “tác giả (tức đại tướng Viên ghi chú của người dẫn) nhớ rõ ràng, sau buổi họp tác giả ra về ngay không theo tổng thống Thiệu về phòng làm việc của ông ta. Đây là lần chót tác giả gặp ông Thiệu trước khi mất nước. Tác giả không khi nào rưng rưng nước mắt và nói không thể tưởng tượng có thể xảy ra ngày hôm nay.

Đây chỉ là chuyện của ông Nguyễn Tiến Hưng viết trong The Palace File. Mối liên quan giữa tác giả và Tổng thống Thiệu hoàn toàn đặt trên căn bản quân vụ, nên không có những giờ phút cởi mở tâm tình.
***

Qua các tài liệu trích dẫn được trình bày, chúng tôi muốn ghi lại và gửi đến quý vị các nét chính của lịch sử đã diễn ra qua các nhân vật khác nhau về những ngày cuối của VNCH.

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta có thể quên dần chuyện cũ, nhưng các dữ kiện mới lại xuất hiện. Càng nhiều tin tức thì sự suy luận lại phải thêm dè đặt. Chúng tôi xin ghi lại các tin tức lấy từ tài liệu được chính thức xuất bản của các tác giả để chúng ta cùng suy ngẫm. Chân lý trong lịch sử sẽ chẳng bao giờ toàn vẹn và sự lên tiếng muộn màng của Đại tướng Cao Văn Viên có thể sẽ là lời nói sau cùng về những nỗi bất bình mà ông cảm nhận từ nhiều năm nay cần được giải tỏa. Có lẽ tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cũng cần xem lại để phân biệt những gì ông trực tiếp nhìn thấy, với những gì ông nghe nói lại dù là nghe được từ Tổng Thống về những giọt nước mắt mà Đại tướng Cao Văn Viên chia sẻ với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu. Đôi khi những chuyện nhỏ như vậy có xảy ra hay không, cũng là những chi tiết quan trọng của lịch sử.

Giao Chỉ – San Jose
Last edited by dailien on Wed Jan 23, 2008 7:01 am, edited 1 time in total.
TRA-MAI
Posts: 20
Joined: Sun Jun 03, 2007 7:27 pm
Location: San Diego
Contact:

C

Post by TRA-MAI »

Image

Image
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Tang lễ Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên

Tuyết Mai


Virginia.- Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH đã ra đi lúc 6:15 sáng ngày 22 Tháng Giêng , 2008 tại Virginia. Tang lễ được Cử hành vô cùng trọng thể theo lễ nghi quân cách trong ba ngày. Lễ phủ kỳ được tổ chức vào lúc 4:30 chiều ngày 25 Tháng Giêng 2008. Ngày 26/1 thăm viếng. Nghi lễ tiễn biệt, Xếp Kỳ và lễ hoả táng sẽ được tổ chức vào lúc 12:30 trưa ngày 27 Tháng Giêng, 2008.



Có nhiều cựu quân nhân thuộc các quân binh chủng trong QLVNCH đến tham dự tang lễ Cựu Đại Tướng Viên, trong đó có Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ Tướng; Đại Sứ Bùi Diễm, Trung tướng Lữ Lan, Trung Tướng Tôn Thất Đính, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Thiếu Tướng Trần Đình Thọ, Thiếu Tướng Phan Hòa Hiệp, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Ông Bùi Cữu Viên, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng; Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Ông Lê Tùy Đại Diện Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội HK Jim Webb…



Trong ngày đầu, mở đầu là lễ chào Quốc Quân Kỳ trước quan tài, toán quốc quân kỳ gồm có năm người, một người cầm Quốc Kỳ, một người cầm cờ Tổng tham Mưu và một người cầm cờ Đại Tướng, bốn sao, hai người đi hai bên cầm súng. Sau đó là lễ phủ cờ, trước sự hiện diện của các đại diện Quân Binh Chủng Hải, Lục, Không Quân, Sư Đoàn Dù, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Địa Phương Nghĩa Quân, Trường Võ Bị Quồc Gia Đà Lạt, Trường Bộ Binh Thủ Đức, Thiếu Sinh Quân… Toán phủ kỳ gồm có chín cựu quân nhân thuộc Sư Đoàn TQLC, Sư Đoàn Nhảy Dù, Hải Quân và Không quân…



Phía sau quan tài có rất nhiều cờ, gồm có quốc kỳ Mỹ, Việt, cờ của bốn Quân Đoàn I, II, III và IV, cờ các quân binh chủng như Hải Quân, Không Quân, Dù, TQLC, và cờ của các Sư Đoàn SĐ5, SĐ25, SĐ 18 …Thêm vào đó gần bốn mươi vòng hoa tươi thật đẹp của các đoàn thể phúng điếu đã trang hoàng cho căn phòng có thật nhiều màu sắc.



Trong ngày thứ hai, thăm viếng tang lễ có Cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Ông nói, Đại Tướng Viên là người lãnh đạo toàn thể Quân Lực VNCH cho nên sự ra đi của Đại Tướng đã làm cho anh em trong Quân Đội cảm thấy một sự mất mát lớn lao . Ông Đảo nhắc lại, khi ông được anh em quân nhân giao phó cho việc thành lập Đại Hội Toàn Quân 2003, thì ông đến viếng Cựu Đại Tướng Viên đầu tiên, chính Đại Tướng Viên cho ông lời khuyên và nhắn nhũ nên làm việc gì. Đại Tướng Viên đã viết một lá thư cho toàn thể anh em, thư đó đã được Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm đọc cho toàn thể anh em trong Đại Hội Toàn Quân đó. Chính lá thư đó đã động viên tinh thần

anh em rất mạnh để tất cả đã ngồi lại và cảm thấy rằng mình vẫn còn có một vị chỉ huy, một con chim đầu đàn trong Quân Đội.



Nhận định của ông đối với vị chỉ huy cao cấp, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo nói, theo Ông Đại Tướng Cao Văn Viên là một vị tướng không có liên quan về chính trị. Có thể nói ông là một vị tướng trung thành, chẳng hạn trong cuộc đảo chánh của các vị tướng lãnh Đệ Nhất Cộng Hòa, Đại Tướng vẫn trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau đó ông chỉ đặc trách chỉ huy quân đội mà thôi.



Sau này Đại Tướng Viên có viết sách về chiến tranh Việt Nam, đó là một tài liệu quý giá. Mặc dầu sống cuộc đời ẫn dật, nhưng đại tướng lúc nào cũng ưu tư, nghĩ tới anh em, chứng tỏ cái tiềt tháo của một vị tướng lãnh của quân lực VNCH. Đại Tướng Cao Văn Viên đã để lại trong lòng anh em trong Quân Đội một điều, có thể nói là một điều rất đặc biệt về tấm gương, về trách nhiệm của thượng cấp đối với tất cả binh sĩ .



Trong ngày thứ ba, sau nghi lễ tôn giáo do Thầy Thích Trí Tuệ và ban hộ niệm tụng niệm, Cựu Trung Tướng Lữ Lan đã đọc điếu văn. Ông nói, để tiễn đưa một vị đại tướng, người anh cả của mọi binh chủng VNCH, giờ phút chia tay với chúng ta để hội nhập cùng anh hồn muôn vàng tử sĩ vị quốc vong thân, hôm nay chúng ta không có quân lệnh đại bác dàn chào , không có phi đoàn phản lực cơ phi diễn qua lễ đài, nhưng sự hy sinh cao cả của đại tướng trước đây cùng với sự hy sinh trời biển của bao thế hệ chiến sĩ quốc gia, đều được khắc ghi để lưu danh muôn thuở.



Cựu Trung Tướng Lữ Lan nhắc lại hình ảnh Cố Đại Tướng Viên, dáng oai nghiêm mà bình dị, thường lái trực thăng bay trong vùng lửa đạn để có mặt bên cạnh anh em chiến sĩ trong giờ phút một mất, một còn với quân thù. Với kiến thức và trình độ văn hóa ưu hạng, Đại Tướng từng đảm trách một cách đắc lực chức vụ Biệt Bộ Tham mưu trưởng cho Cố Tổng Thông Ngô Đình Diệm, kế đến tám năm dài giữ chức Tham Mưu Trưởng QLVNCH. Vào thời kỳ giao tranh khốc liệt nhất, vừa Nhảy Dù, vừa lái trực thăng, Đại Tướng Vien có mặt khắp các chiến trường. Kể sao cho xiết dòng quân sử Bình Giả, Kontum, An Lộc, Cam Lộ , Đông Hà…từ thời muôn ngàn liên quân đồng minh đến từ Hoa Kỳ , Âu, Á, Úc Châu…cho đến những năm tháng VNCH cô đơn chiến đấu , đối đầu với giặc Cộng lẫn Nga Tàu, mặc dầu thế giới phủ phàng làm ngơ…



Cựu Trung Tướng Lữ Lan nhắc lại những kỷ niệm với Đại Tướng Cao VănViên trong Quân Đội. Hai mươi năm sau, niềm hy vọng bất khuất của chúng ta còn tiếp diễn trên đường lưu vong tại Thủ Đô HTĐ với sự ra đời của Hội Cựu Chiến Binh VNCH và Đại Tướng vẫn là người lãnh đạo. Sau bao nhiêu năm dài Đại Tướng vẫn quan tâm đến hiện tình đất nước, luôn theo dõi mọi sinh hoạt của Tập Thể Cựu Quân Nhân. Người đã ra đi, để lại cho toàn quân gương sáng về tinh thần bất khuất của một quân nhân thuần túy, không bị cám dỗ bởi những tham vọng chính trị, bè phái, tạo cho đối phương, bạn cũng như thù có cơ hội thao túng. Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau kính cẫn nghiên mình tiễn chào người chiến hữu đàn anh và cầu nguyện cho hương hồn Đại Tướng an giấc ngàn thu…và xin ơn trên phù hộ cho Việt Nam trên đường tiến đến tự do, dân chủ.



Kế đến Cựu Đại Tá Hoang Ngọc Lung , Nguyên Trưởng Phòng 2 Tổng Tham Mưu, nói lời tiễn biệt. Ông nhắc lại những diễn tiến chính trị quân sự trước ngày mất nước. Cố Đại Tướng thấy không thể hành xử chức vụ của ông được nữa nên đã xin từ chức và được Tổng Thống Trần Văn Hương chấp thuận ngày 27/4/1975. Cựu Đại Tá Lung nói thêm một chi tiết có lẽ ít người được biết đó là Tân Chính Phủ của Đại Tướng Dương văn Minh, dưới áp lực chính trị mới, đã có kế hoạch bắt giữ năm nhân vật đầu não của Bộ Tổng Tham Mưu và đứng đầu danh sách là Cố Đại Tướng Cao Văn Viên. Kính cẫn, chân thành cầu chúc hương linh cố Đại Tướng sớm tiêu diêu miền cực lạc…



Theo sau là lễ di quan, Toán thu kỳ gồm chín cựu quân nhân thuộc Hải, Lục Không Quân, Dù, TQLC…tiến vào vị trí hành lễ. Các cựu quân nhân toán thu kỳ đi song song hai bên quan tài. Tới địa điểm rộng hơn ở phòng ngoài, quan tài được để dừng lại. Tại đây cờ các quân binh chủng được giương cao, vài chục quân nhân thuộc các quân binh chủng trong quân phục đứng chung quanh quan tài nghiêm chào.



Trong tiếng kèn mặc niệm rất cảm động, các cựu quân nhân trong toán thu cờ nâng lá cờ lên khỏi quan tài, kéo thẳng ra, rồi xếp lá cờ làm ba theo chiều dọc rồi xếp hình tam giác nhỏ theo lễ nghi quân cách xếp cờ. Lá cờ được trao cho trưởng toán thu cờ là Cựu Đại Uý Nguyễn Văn Mùi, Chi Hội Trưởng Dù vùng Hoa Thịnh Đốn. Sau đó Đại Uý Mùi trao cờ cho Cựu Đại Tá NguyễnVăn Tường, Chủ Tịch BCH Trung Ương Dù và Cựu Đại Tá Tường đã trao cờ lại cho Cô Cao Phương Lan là trưởng nữ của Cố Đại Tướng CaoVăn Viên. Trong lúc trao cờ , Cựu Đại Tá Tường nói :” Kính thưa tang quyến, đây là hồn thiêng sông núi, gói ghém tất cả tinh thần của người quốc gia đã hy sinh vì tự do và dân tộc, trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Đại Tướng, Đại Tướng đã tôn thờ và phục vụ dưới quốc kỳ này. Hôm nay tôi xin được trao lại lá cờ linh thiêng này cho trường nữ của Đại Tướng Cao Văn Viên là Cao Phương Lan”.



Sau đó quan tài được đưa đến phòng hỏa táng, trên đường đi hai bên có các quân nhân các quân binh chủng đứng dàn chào rất trang nghiêm. Nhiều người cùng cầu nguyện Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn hưong linh Có Đại Tướng về cõi Phật.



Gia đình cho biết, Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên sinh ngày 11 Tháng 12, 1921 tại Vientiane (Lào).

Ông xuất thân Khóa Sĩ Quan Trường Bộ Binh Cap Saint Jacques với cấp bực Thiếu úy (1949).

Ông tốt nghiệp khóa đào tạo cấp Chỉ Huy Tiểu Đoàn tại Trung Tâm Huấn Luyện Cao Đẳng Chiến Thuật tại Hà Nội (Bắc Việt ) 1952.

Tốt nghiệp Trường Chỉ Huy Tham Mưu U.S. Army Command and General Staff College, Ft.Leavenworth, Hoa Kỳ (1956-1957).

Tốt nghiệp Khóa Nhảy Dù Cao Cấp (1960). Bằng Phi Công Trực Thăng (1966)

Bằng Cử Nhân Văn Khoa, Đại Học Saigon.



1951 Trưởng Phòng Báo Chí và Thông Tin , Bộ Quốc Phòng.

1958-1960 Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ, Phủ Tổng Thống (Chánh Phủ Ngo Đình Diệm)

1960-1964 Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù.

Tháng ba , 1964 Ông bị thương nặng trong cuộc hành quân tấn công vào mật khu của VC thuộc biên giới Việt Miên và được thăng cấp Thiếu Tướng. Sau đó ông rời Binh chủng Dù và giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân (1964)

1964-1965 Tư Lệnh Quân Đoàn 3 Vùng 3 ChiếnThuật (gồm SĐ5, SĐ 18, SĐ 25 Bộ Binh)

1967 Tổng Tham Mưu Trưởng , Bộ Tổng Tham Mưu, QLVNCH

1967 Tổng Ủy Viên Chiến Tranh.

1967-1975 Tổng Tham Mưu Trưởng, Bộ Tỏng Tham Mưu QLVNCH

27/4/1975 giải ngũ do sắc lệnh của Tỏng Thống TrầnVăn Hương.



Cựu Đại Tướng Cao VănViên được 16 huy chương và Tưởng Lục, trong đó có US Silver Star, 3 huy chương của Hàn Quốc, 1 huy chương của Cộng Hòa Phi Luật Tân, 2 huy chương của Vương Quốc Thái Lan, 2 huy chương của Trung Hoa Dân Quốc.



Ông có viết hai quyển sách“The Final Collapse” và “Leadership” do Centre of Millitary History, U.S. Army Washington, D.C. xuất bản năm 1983.

Tang lễ được chấm dứt l úc 1:30Pm

VIDEO BINH NGHIỆP







TANG LỄ (NGHI L Ễ THU CỜ)






tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Image


Tết Mậu Thân - TQLC, Sư Đoàn Thiện Chiến…

TUYẾT MAI
Cách đây bốn mươi năm, vào Tết Mậu Thân 1968, trong lúc người dân Miền Nam đang vui Xuân đón Tết, tối 29 Tháng 1, Giao Thừa Mậu Thân, bất ngờ VC đã điều động khoảng một trăm tiểu đoàn, đồng loạt tấn công 28 tỉnh và thị trấn.

Mặc dầu ở thời điểm này VC không có vũ khí nặng như xe tăng đại bác,

họ chỉ có vũ khí cá nhân, nhưng rất tối tân như AK-47, B-40, B-41.Giao Thừa 29/1 rạng 30/1/1968, VC đồng loạt pháo kích tấn công 6 tỉnh và thị xã Vùng 1 và 2. Tại vùng 1 VC pháo kích phi trường Đà Nẳng, đặc công đột nhập Bộ Tư Lệnh QDD 1 và Thị xã Hội An . Tại vùng 2, Thị Xã Nha Trang bị tấn công nửa đêm mùng 1 Tết (30/1). Lần lượt Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku, Tuy Hòa, Qui Nhơn… bị tấn công trong đêm đó. Khi VC tấn công các tỉnh Cao nguyên và duyên hải, Quân Khu 1 đã ban lệnh hủy bỏ hưu chiến từ sáng 1 Tết, nhưng v ẫn không ngăn được bộ đội CS tiến vào Huế.

Trong trận Tổng công kích Mậu Thân, Vùng I bị tấn công sớm nhất, đúng Giao Thừa. VC thành công mặt trận Huế hơn ở các tỉnh khác, địch chiếm ưu thế về quân sự trong bốn năm ngày đầu, nhưng từ ngày mùng 8 trở đi cường độ trận chiến giảm xuống.

Mặt trận Bắc Huế: Đặc công phá cổng phía Tây cho một tiểu đoàn chính qui CS vào Thành Nội đêm mùng Một Tết. Tại khu vực An Hòa một tiểu đoàn địch tấn công . Tại Đồn Mang Cá Tiểu Đoàn Dù được điều động về giải tỏa. Khu Đại Nội bị VC chiếm, VC treo cờ trên kỳ đài cho tới 24/2/1968.

Quân Đội VNCH đã bắt đầu phản công từ mùng 3 Tết. Tại tả ngạn chiến đoàn Dù và Thiết Giáp tăng cường tiến về Huế, địch rút vào Thành Nội.

Mùng 5 Tết Dù giải tỏa phi trường Tây Lộc, tái chiếm An Hòa. Trận chiến kéo dài 3 –4 ngày không tiến triển, VC phá cầu Trường Tiền và bắt đầu hết đạn dược. Từ mùng 5 Tết TQLC Mỹ cũng tham chiến và TQLC của VNCH hành quân cùng với Mỹ.

Ngày 19/2, hai tiểu đoàn VC tấn công một tiểu đoàn TQLC VNCH. VC và TQLC tranh nhau từng cao điểm, trận đánh vô cùng khốc liệt. Từ 22/2 các cấp chỉ huy CS bắt đầu rời Thành Nội.

Quân Đoàn 1 cho lệnh tổng phản công tái chiếm, hai tiểu đoàn BDDQ được tăng cường, TQLC chiếm cửa hữu, tiến đánh Nam Đài. Đến 26/2 những tên cán binh CS cuối cùng rời Huế. Trận chiến Huế thê thảm và tàn khốc nhất trong cuộc Tổng công kích, tổn thất tại đây cao nhất vì bị địch chiếm gần một tháng. VC tàn sát, chôn sống rất nhiều tù binh gồm quân nhân, công chức và người tình nghi trên đường rút lui.

Trong trận Tết Mậu Thân tất cả các Tiểu Đoàn của TQLC đều lập nhiều chiến công. Mặt trận Saigon từ mùng 2 Tết đến mùng 9 Tết, VC tấn công Dinh Dộc Lập, Tòa Đại Sứ Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng Tham Mưu, Phi trường Tân Sơn Nhất…với các đơn vị chủ lực, tổng cộng là 14 trung đoàn. Phía QLVNCH, bảo vệ Thủ Đô có quân nhân các Binh chủng Dù, TQLC, SDD 25, SDD 5, SDD 18, Địa Phương Quân, Cảnh Sát…VC tấn công Trường Bộ Binh Thủ Đức, Hàng Xanh…TQLC ở Cai Lậy kéo về, VC thảm bại. Quân Đội VNCH và Cảnh Sát đã chận đứng các cuộc tấn công tự sát của địch. Không quân đã yểm trợ hữu hiệu, từ mùng 3 Tết, VC bắt đầu nao núng, đặc công bị tiêu diệt gần hết.

TDD 6 TQLC đã đánh tan đơn v ị VC xâm nhập vào khu vực Bình Hòa, bắt sống nhiều tù binh và thu nhiều vũ khí. Tiểu Đoàn 2 TQLC được tăng phái cho Biệt khu Thủ Đô, Tổng Nha Cảnh Sát QG. Bộ Tư lệnh Lữ Đoàn TQLC trực tiếp chỉ huy. TDD2 tiêu diệt hầu hết những đơn vị đã xâm nhập vào những nơi trọng yếu mà TDD 2 trách nhiệm trong Thủ Đô như Trường Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu, Cầu Chữ Y, Đài Phát Thanh Saigon, Chùa Ấn Quang, Trường Đua Phú Thọ. Tiểu Đoàn 2 chận đứng và tiêu diệt các đơn vị vào Saigon theo ngả Phú Lâm, Cầu Thị nghè, Cầu Xa Lộ.

Nói về mặt quân sự, VNCH thắng VC ngay từ tuần lễ đầu, mặc dầu Hà Nội tung vào mặt trận tới 84 ngàn quân , nhưng từ mùng 5 trở đi VC bị dồn vào thế bị động, phải rút lui và chịu thiệt hại nhiều về nhân mạng.

Nhân dịp tưởng niệm Tết Mậu Thân 40 năm, chúng ta cũng nên tìm hiểu về tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Mũ Xanh và Binh chủng TQLC, một trong những binh chủng thiện chiến nhất của QLVNCH.

Được biết binh chủng TQLC là một lực lượng Tổng Trừ Bị của QLVNCH, được chính thức thành lập ngày 1 Tháng 10, năm 1954. Tuy nhiên vào Tháng 8, 1954 Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu, con cọp biển đầu đàn được thành hình ở Nha Trang. Bộ Tư Lệnh TQLC đặt tại đường Lê Thánh Tôn, Saigon.

Qua năm 1955 Tiểu Đoàn 2 “Trâu Điên” ra đời tại Rạch Dừa, sau di chuyển về Cam Ranh, Khánh Hòa. Song song với đà phát triển của QLVNCH, từ năm 1958 Tiểu đoàn 3 “Sói Biển” ra dời. Kế đến Tiểu Đoàn 4 “Kình Ngư” được thành lập năm 1960. TQLC được cải tiến thành Lữ Đoàn năm 1961.

Để yểm trợ đặc biệt cho những cuộc hành quân thủy bộ, Đại Đội Yểm Trợ Thủy Bộ, Đại Đội Vận Tải, ĐDD Truyền tin, ĐDD Quân Y…kế tiếp nhau ra đời. Năm 1962 Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh thành hình. Năm 1963 TQLC được tách rời khỏi sự yểm trợ tiếp vận của Bộ Tư Lệnh Hải Quân, trực thuộc thẳng Bộ Tổng Tham Mưu, QLVNCH về chỉ huy, điều động tác chiến và yểm trợ tiếp vận. Tiểu Đoàn 5 Hắc Long ra đời năm 1964, rồi năm 1966 Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng, kế đến 1969 Tiểu Đoàn 7 Hùm Xám được thành hình.

Ngày 1 Tháng 10 1968 TQLC được cải danh thành cấp Sư Đoàn. Trung Tướng Lê Nguyên Khang là Tư Lệnh đầu tiên và là vị Tư lệnh lâu nhất. Ngày 3 Tháng 5, 1972, Trung Tuớng Lê Nguyên Khang bàn giao cho Thiếu Tướng Bùi Thế Lân là vị Tư Lệnh cuối cùng. Hai Bộ Chỉ Huy Chiến đoàn A và B được chuyển thành hai Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 147 và 258. Với thời gian binh chủng TQLC phát triển, gồm có 12 Tiểu đoàn tác chiến, trực thuộc bốn Lữ đoàn. Để yểm trợ hữu hiệu, TQLC có một Tiểu đoàn Tổng Hành Dinh, ba Tiểu Đoàn pháo binh và bốn đơn vị yểm trợ là Tiểu đoàn Truyền tin, Tiểu đoàn Quân y, Tiểu đoàn Công binh và Tiểu đoàn Yểm Trợ Thủy Bộ.

Đại đội Huấn Luyện trở thành Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn, cung cấp hằng ngàn tân binh cho các Tiểu Đoàn. Các cấp chỉ huy của TQLC thường xuất thân từ hai trường Sĩ Quan Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt hay Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, 80% các vị chỉ huy đã tốt nghiệp các khóa Căn bản, Trung Cấp hoặc Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. ( ở Quantico, Virginia).

Từ năm 1960 , các đơn vị TQLC đều đồn trú tại khu rừng cấm phía Tây Bắc Thị Xã Thủ Đức, giáp ranh quận Dĩ An, Biên Hòa. Ngoại trừ Tiểu Đoàn 4 tại Thị Xã Vũng Tàu, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn cùng một vài đơn vị yểm trợ ở Thị Nghè và Saigon.

Là lực lượng Tổng Trừ Bị, TQLC luôn được tăng phái riêng rẻ từng Lữ Đoàn đến các Quân đoàn, Vùng Chiến Thuật để hành quân tác chiến theo nhu cầu từng chiến dịch.

Những chiến tích vẻ vang của TQLC nổi bật là Đầm Dơi (10/9/1963), Tiểu Đoàn 2 “Trâu Điên” đã đánh tan Tiểu Đoàn U Minh của VC. Chiến thắng Bình Giả ngày 31/12/1964 là một huyền thoại của Tiểu đoàn 4 “Kình Ngư”, đã thư hùng với cả một trung đoàn chính quy Bắc Việt. Bên cạnh là những chiến tích lẫy lừng khác như Phụng Dư (8/4/1965) đánh tan một Trung Đoàn của SDD 3 Sao Vàng của CS và nhiều chiến công oai hùng khác như Cái Nước, Đức Cơ…

Nói đến tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết một lòng hy sinh bảo vệ từng tấc đầt quê hương của các anh hùng TQLC, người dân Miền Nam còn nhớ rất rõ chiến thắng Mùa Xuân Mậu Thân 1968. Tất cả các Tiểu Đoàn TQLC đều lập nhiều chiến công trong trận Tết Mậu Thân.

Và người dân Miền Nam vẫn còn khắc ghi sâu đậm hình ảnh dựng cờ trên Cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị. Trận chiến mùa Hè 1972 là trận chiến đầu tiên với quân Bắc Việt có chiến xa trên chiến trường Quân Khu I.

Cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị bắt đầu ngày 28 Tháng 6, 1972, do Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến trực tiếp chỉ huy. Ngay khi Tiểu Đoàn 1 TQLC nhảy xuống Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị ngày 11/7/1972, Tư lệnh Sư Đoàn TQLC ra lệnh trong 48 tiếng đồng hồ TDD2 TQLC phải tiến quân thần tốc bằng mọi giá để bắt tay với TDD1 TQLC đang bị địch bao vây.

Mặc dầu dưới hoả lực yểm trợ dữ dội của ta, địch vẫn ngoan cố dàn hàng ngang nấp sẳn trong bụi cây nằm chờ. Những con trâu điên đã nhanh chóng tràn qua từng thửa ruộng, và xe tăng địch nhào ra khai hỏa tối đa vào đoàn Cọp biển. Những con trâu điên của T Đ4 và T Đ5 thi nhau thổi hỏa tiễn 66 ly M 72 vào chiến xa địch, xe tăng địch thi nhau bốc cháy và xác địch cùng cháy thê thảm. Trận chiến vô cùng khốc liệt. Xương máu và xác của anh em đã tăng theo từng tấc đất chiếm lại, từng tấc đất đã thấm đẩm dòng máu hùng anh của các anh em TQLC. Biết bao nhiêu xương máu của anh em TQLC đã đổ ra để dựng lại ngọn cờ vàng trên Cổ thành Quảng Trị, biết bao nhiêu xương máu của anh em TQLC đổ ra để đánh bật VC ra khỏi Thành Nội Huế. TQLC đã quét sạch CS Bắc Việt ra khỏi Cổ Thành Đinh Công Tráng vào l úc 17 giờ ngày 15 Tháng 9.

Cuối cùng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ đã giương lên, ngạo nghễ tung bay trên bầu trời Cố đô Huế.

Với lòng yêu nước thiết tha, không để một tấc đất lọt về tay địch quân , những chàng trai kiêu hùng của nướcViệt đã hiên ngang chiến đấu, sẳn sàng đem xương máu mình, sinh mạng mình ra để bảo vệ Tổ Quốc, quê hương.

Chiến công lẫy lừng này nay vẫn còn được khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm người dân Miền Nam, và “Cờ Bay” là một nhạc phẩm bất hủ, nói lên tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất của người chiến binh TQLC nói riêng và của các quân binh chủng trong QLVNCH tham dự trong trận chiến này nói chung.

Trong tinh thần quả cảm, với châm ngôn nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, trở lực nào cũng vượt qua, chiến trường nào cũng thích hợp, người lính TQLC không quản ngại gian nan, hiểm nguy đã hiên ngang vác ba lô hành quân khắp bốn vùng chiến thuật, đã làm rạng danh TQLC, một trong những binh chủng thiện chiến nhất của QLVNCH. Người lính TQLC rất tự hào là những “Cọp Biển” kiên cường, những đứa con yêu của Tổ Quốc, đã đem xương máu mình ra tô thắm màu cờ và viết nên những trang sử oai hùng của dân tộc Việt.

Mặc dầu cuộc chiến đã chấm dứt hơn ba mươi năm nhưng người lính TQLC luôn giữ tình huynh đệ chi binh, cứ mỗi hai năm thì các anh em tổ chức một Đại Hội Toàn Quốc, địa điểm được thay đổi. Trong dịp này các cựu quân nhân TQLC nhiều nơi trên thế giới về gặp lại nhau, thắm thiết trong tình chiến hữu, hồi tưởng lại những ngày kiêu hùng, dọc ngang trên khắp bốn vùng chiến thuật.

Hiện nay hội trưởng của TQLC vùng Hoa Thịnh Đốn là Ông Nguyễn Trấn Quốc. Trong ngày Thánh tổ Trần Hưng Đạo, cũng là Thánh Tổ của Hải Quân, các anh em TQLC ở HTDD đã phối hợp với các chiến hữu Hải Quân tổ chức lễ húy nhật Thánh Tổ vô cùng trang trọng. Ngưng cầm súng không có nghĩa là ngưng chiến đấu, ngưng tranh đấu, nhiều cá nhân TQLC ở HTDD vẫn tiếp tục hăng hái tham gia sinh hoạt chính trị trong cộng đồng để tranh đấu Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho đồng bào và tích cực giúp đỡ anh em thương phế binh ở quê nhà.
HÌNH ẢNH NGUỜI CHIẾN SĨ MŨ XANH

hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

KHÓC NGƯỜI THIÊN THU

Trần Thị Bông Giấy

(Tặng những anh chiến sĩ Sư Đoàn II Bộ Binh đã sát cánh với cố thiếu úy Nguyễn Ngọc Thùy trên chiến trường Quảng Ngãi 1968 xa xưa.)



Một đời, anh yêu vùng tóc mây huyền ảo đó
Đã vắng xa rồi, ai vuốt tóc em
khi chiều xuống cô liêu?

I.

Nha Trang 30/7/1968, thứ tư.

Đi Nha Trang sau cái quyết định đột ngột từ bỏ hẳn Vũ, từ bỏ luôn Sàigòn với muôn ngàn kỷ niệm. Cũng không hiểu tại sao lại làm điều ấy? Có lẽ tôi yêu những bước bay nhảy của đời mình nhiều hơn yêu tình yêu của Vũ. Hay cũng có lẽ vì sự nát tan trên khuôn mặt Thùy buổi sáng vừa mới đây đã đưa tôi đến cái quyết định kia? Tôi không biết được. 18 tuổi, tôi không thuộc loại con gái đẹp, nhưng như mọi người nhận xét, đã có một cái gì man dại quyến rũ nơi tôi khiến tôi trở nên đặc biệt và được rất nhiều bạn trai ưa thích. Vũ và Thùy là hai trong số đó. Cả hai đều yêu tôi, tôi biết. Cả hai đều muốn trao gửi cuộc đời mãi mãi cho tôi. Về phần tôi, với cái tuổi 18 ngây thơ, và với cái chết cách đây vài tháng của người trung úy Dù tôi thương quý vẫn hằn sâu trí nhớ, tôi chưa thực sự “muốn” yêu ai. Trong tôi còn nhiều nông nổi. Sự nông nổi không đến từ những ước mơ vật chất, mà chính từ sự tự do yêu dấu, tôi không muốn cùng chia xẻ với ai.

Một chặng đời mới bắt đầu với nhiều ngần ngại; nhất là bâng khuâng vì sự buồn bã của mẹ hôm tiễn đưa tôi ra phi cảng. Có lúc tâm tư mềm yếu lại để chỉ muốn trở về nằm bên cạnh mẹ như trong những ngày còn nhỏ dại. Tuy nhiên rồi mọi sự cũng qua khi máy bay đáp xuống Nha Trang. Nếu đổi tình yêu của các người đàn ông và cả một trời kỷ niệm Sàigòn để tìm thấy sự an bình thoải mái trong ngôi biệt thự xinh xắn bỏ trống của gia đình trên con đường Quang Trung thơ mộng, tôi nghĩ cũng không tệ lắm. Và tôi vui với những gì đang nắm được trong tay.

Nha Trang, ngày 1/8/1968, thứ năm.

Lần đầu gặp Long, em trai độc nhất của Thùy lúc cậu Huế mời về nhà ăn cơm tối. Tôi sửng sốt vì sự giống nhau như tạc trên cả hai khuôn mặt. Một nỗi nhói lòng dấy lên khi nghĩ về người lính tác chiến đang đồn trú nơi xa xôi ấy. Ôi! Anh có đã thật thất vọng về con người tôi trong vài ngày phép Sàigòn ngắn ngủi với sự gặp gỡ Vũ vừa qua?

Nha Trang, ngày 3/8/1968, thứ bảy.

12 giờ trưa, đi làm về, cậu Huế chợt nói:

“Thằng Thùy nó chết rồi!”

Tôi đang ngồi bên nhà dì Túy, thốt nghe như mình bị nghẹn thở trong một lát. Lại nghe dì la lớn:

“Cậu đừng nói thiên gia, không nên. Thằng Thùy, tôi mới thấy nó hôm nào đây?”

Cậu cười:

“Ừ! Vậy mà nó đã chết!”

Trong tôi như ngừng thở hẳn.

Cậu kể:

“Một công văn từ Quảng Ngãi đánh về, báo tin tử trận của nó trong cuộc hành quân Núi Dẹp hôm 1 tây tháng 8. Chính thằng Long hồi sáng sớm đến cho tôi hay.”

Rồi thêm:

“Bọn lính đã báo cáo an toàn, vậy mà nó vẫn cứ tự ý lang thang qua vùng cấm địa. Không biết nó nghĩ gì khi làm điều ấy?”

Trái tim tôi thắt lại, cúi nhìn xuống đất. Hình ảnh một buổi sáng Sàigòn mới 5 ngày trước đây khi anh từ giã gia đình tôi để trở về Quảng Ngãi, hiện ra trong óc. Buổi sáng đó, cả hai đứng trong phòng khách, anh không nhìn tôi, chỉ lơ đãng ngó lên các cuốn sách trên kệ, tần ngần hồi lâu, sau cùng rút ra một cuốn của Hemingway, cúi đầu nói nhỏ: “Cho anh mượn đem theo đọc!” Ngay khi ấy, nét u uẩn nhuốm tràn đôi mắt đã cho tôi biết rằng anh đang rất tuyệt vọng. Muốn nói với anh những lời giã từ thân ái, nhưng rồi chẳng làm gì cả, chỉ nhìn anh lặng lẽ khoác ba lô lên vai. Khi anh chào mẹ tôi, tôi nghe bà hỏi: “Bao giờ Thùy lấy vợ?”Anh lắc đầu cười, cái cười như một cái mếu khiến tôi không dám nhìn lâu vào đó: “Chẳng bao giờ đâu chị ạ. Mà nếu có, chắc lúc đó chị đã phải ăn trầu bằng cái ống ngoáy rồi.” Và anh theo cậu Tân ra xe.

Dì Túy cứ luôn miệng than:

“Nó thương con Mây. Nó nói với tôi như vậy. Nó nói con Mây có nhiều cá tính lạ, ít đứa có. Nó thương con Mây ghê lắm!”

Rồi dì quay qua tôi:

“Thôi, đừng quen ai nữa con ơi! Đi tu đi! Ai thương mày rồi người đó cũng chết! Tội lắm!”

Phải, tội lắm! Cái “tội” lớn nhất của tôi chính là đã vô tình xuất hiện trên đường đời bước đi của những người đàn ông yêu tôi mà không nhận được từ tôi một tình yêu đáp trả. Với anh cũng vậy, chính tôi là kẻ đã giết anh, giết sự tin tưởng trong anh, đến nỗi đẩy anh vào sự chết. Ngay từ những ngày đầu yêu tôi, tôi đã biết điều tuyệt vọng này sẽ xảy ra cho anh nhưng không thể nào ngăn cản. 18 tuổi còn quá ngây thơ, dẫu rất dè dặt mà tôi vẫn không biết cách gì tỏ bày cho anh thấy tình cảm trong tôi chỉ là của một đứa em gái nhỏ thương anh từ khi thơ ấu. Đó không phải tình yêu của một người con gái như anh chờ đợi. Vì vậy, sự nát tan hẳn nhiên phải có khi anh bất ngờ đối diện với những thực tế bao quanh người con gái (là tôi)...

Từ buổi chia tay ở Sàigòn, tôi đã phải sống trong tâm trạng đợi chờ một tin dữ... Nhưng sao lại là sự chết? Định mệnh nào quá khắc nghiệt với anh -và cả với tôi- để tạo nên cái chết như vậy? Chết lẹ làng đau đớn, xác không toàn thây, phần dưới thân thể và một cánh tay bay phăng mất vì mìn Việt Cộng?

Buổi chiều.

Một mình trên phố Độc Lập, tôi như kẻ mộng du bước đi vô hồn qua các cửa hàng tấp nập. Chỉ trong vòng một năm mà đã hai lần nhận tin chết trận của hai người đàn ông yêu tôi! Trong đầu cứ quay quay mãi một đoạn thư anh viết:

“Trận chiến của chúng ta ngày nay không giới tuyến nên rất khó phân biệt ai là thù, ai là bạn, bởi vì tất cả đều cùng nói tiếng mẹ đẻ. Bà mẹ VN lúc trước vụng tu nên con cháu ngày nay xoay lưng chống lại nhau, tranh giành nhau từng bờ hào tấc đất. Một con người trong suốt cuộc đời phải qua vài lần chinh chiến; giờ đây bọn trẻ mình cũng phải vướng vào cái vòng khói lửa. Chả trách ai được. Chỉ biết ngậm ngùi cho số phận mình và cho bao lớp người đã ngã xuống trước kia.”

Phải rồi! Chẳng biết trách ai theo một dọc dài lịch sử mà hai chữ “chiến tranh” là điển hình đậm nét. Giờ đây, một buổi chiều thứ bảy đẹp trời trên các nẻo phố của quê hương anh, tôi đã thật ngậm ngùi thương cho anh và cho cả chính tôi. Mãi mãi rồi, mắt anh đã khép, tim anh ngừng đập và đôi chân anh thôi bước trở lại trên lớp cát biển trắng phau anh từng nghịch đùa từ khi niên thiếu. Còn cánh tay anh? Nó đã bay phăng mất để thật khó nhọc, các người lính bạn anh mới moi được từng lóng, từng lóng vùi sâu dưới cát.

Ôi! Những ngón dài cô độc tôi từng yêu mến; đôi tay đã bao lần tạo nên cho riêng tôi những âm thanh rung cảm; đôi tay từng viết gửi về tôi những tờ thư hy vọng; và đôi tay chưa hề một lần dám nắm lấy tay tôi!

Nha Trang, ngày 4/8/1968, chủ nhật.

Sáng chủ nhật trời lạnh. Tâm tư tôi càng lạnh hơn khi tỉnh giấc sớm và chợt nhớ đến cái chết của anh. Nha Trang quê hương anh, có ai hiểu rằng chính tôi là người đã gián tiếp tạo nên cho anh điều ấy? Câu hỏi cứ xoáy hoài trong óc như một mặc cảm tội lỗi, càng nhiều hơn khi nhìn cái vẻ sửng sốt của bà ngoại và các anh em công nhân trại gỗ trước cái tin dữ đột ngột này. Tất cả đều kêu lên rằng mới hôm nào anh còn ngồi nơi cái bàn này, cái ghế kia, còn uống rượu, chuyện trò, cười cợt... Thật vậy! Có ai ngờ chỉ mới một tuần lễ trước ở Sàigòn, anh còn đưa tôi đi phố Lê Lợi mua sách, còn hiện diện bên tôi trên các con đường có nhiều cây cao? Vậy mà giờ đây anh nằm nơi xa kia, bình thản lạnh lùng và không còn biết chút nào đến từng tấc lòng tôi đang bị dày vò đay nghiến.

Trước một hiệu sách, tôi đã thốt ngơ ngẩn khi nghĩ rằng không bao giờ nữa còn dịp gửi tặng những tác phẩm mới in cho một người lính nghèo đồn trú nơi vùng hỏa tuyến. Ôi! Quảng Ngãi! Vòm trời ngập tràn khói lửa, trọn kiếp này đã trở thành một ám ảnh cho tôi! Nơi đây ghi đầy những bước chân gian truân của anh và đồng đội, nơi đã đón nhận những cánh thư xa từng đem cho anh niềm hạnh phúc. Cũng nơi đây, anh nằm xuống với trái tim tan vỡ, hai tiếng yêu tôi, anh chưa kịp một lần được thốt! Và mối tình câm lặng, anh đành đem theo về thế giới âm u.

Sao tôi lại mất anh dễ dàng như vậy?

II.

Nha Trang, thứ hai, 5/8/1968

Hai ngày nay chẳng làm gì được khi tâm tư cứ bị đảo điên vì nỗi chờ mong gia đình anh sẽ đem xác anh về từ Quảng Ngãi, tôi lôi xấp thư cũ của anh ra đọc, vừa đọc vừa ứa nước mắt thương anh.

Xứ Quảng ngày 2/3/1968

Mây,

Hôm nay là đúng một tuần lễ ở xứ Quảng này. Thay vì nghỉ 10 ngày phép, anh lỡ tiêu hơn 40 ngày nữa. Kết quả, hôm trình diện anh suýt bị phạt và phải đổi về một tiểu đoàn có tiếng nhất ở đây, hành quân liên miên và đụng địch mãi.

Bây giờ anh mới cảm thấy mình là lính, ăn giữa trời, ngủ lô cốt, luôn luôn bất ly thân với khẩu M16 và một dây đạn, thêm cái nón sắt trên đầu, chưa kể những đêm thức trắng để đi tuần các vọng gác và những lần báo động vì địch pháo kích.

Phố xá nhỏ hơn Nha Trang nhưng dân chúng lại đông vô kể. Họ từ những vùng quê tị nạn trong trận chiến Mậu Thân kéo tới. Thành phố đã nhỏ mà các trại lính lại ở gần nên trên mọi con đường lúc nào như cũng có màu kaki. Hầu hết các bộ mặt tà tà trên phố đều là lính. Các cô gái Quảng trông cũng khá, da trắng môi hồng và nhất là bạo không chê được. Kẹt cái giọng nói... không mê nổi! Dân Nha Trang và Sàigòn rất hiếm, chỉ dân Huế là đa số. Có hai rạp ciné, hai tiệm kem, độ bốn hàng sách tương đối đủ. Đài phát thanh cũng tàm tạm như ở Qui Nhơn. Trong những giờ xen kẽ chương trình, có một ban chơi violon làm anh rất thích nên cứ chờ đón nghe. Để rồi thật nhớ Sàigòn!

Lúc đầu nghe tiếng Quảng Ngãi, anh cũng ớn lắm. Nhưng dần quen đi. Đâu cũng dân mình và đâu cũng là quê hương chung.

Lính của anh chịu chơi và chiến đấu hăng lắm. Anh về thay người bạn chỉ huy trung đội nổi tiếng này, bởi anh ta (khóa 24) đã “hy sinh vì tổ quốc”. Nghe nói, trong các cuộc tấn công, anh ta luôn dẫn lính chạy đầu. “Chạy” có nghĩa là “xung phong” chứ không phải trốn đâu em! Bây giờ đến phiên anh. Bàn tay mà Mây khen là đẹp, lúc này phải luôn ghì khẩu M16, ngón trỏ hờm sẵn nơi cò súng, bao giờ cũng trong tư thế sẵn sàng xông trận. Chẳng biết “đôi tay buồn buồn” này có làm gì được không? Rồi cũng qua hết. Mình chỉ có thể kết luận bằng câu ấy để tự an ủi.

(Lạc mất 4 trang)

Bọn lính chỉ còn lưa thưa vài đứa trực. Chắc bọn kia đều dù hết ráo. Những đứa sống gần nhà mà chẳng được về, cứ cằn nhằn mãi. Nhớ lại khi sáng vừa đổi đến đây, họ la hét om sòm vì mừng rỡ. Nhưng vài phút sau có lệnh cắm trại 100%. Gần 80 bộ mặt bí xị trông đến thảm. Anh bấm nhỏ với xừ đại đội trưởng: “Thôi, cứ cho bọn nó về rồi có ai hỏi, mình nói rằng chưa nhận được lệnh. Tội nghiệp! Xa nhà, nhớ vợ con, nhịn gần cả tháng rồi nghe thiếu úy.” Thiếu úy Hồng người Huế, đã sống tại xứ Quảng này hơn hai năm, tính tình chịu chơi, đồng ý: “OK, cho bọn bây về thăm bà xã, tối tập họp!” Một tràng pháo tay, hàng chục chiếc mũ sắt đưa cao lên: “Thiếu úy chịu chơi!”

Hồng vỗ vai anh: “Ê! Toa trực hôm nay nhé? Nhưng trưa ghé nhà, còn một chai whisky để dành phần toa.”

Anh gật lẹ đầu: “Chịu gấp!”

[]

“Hồng Hà đây, Bắc Bình gọi. Trả lời? Có gì lạ?”

“Báo cáo vô sự.”

Nhìn đồng hồ tay, đã 4h chiều. Thằng Tánh, hạ sĩ truyền tin đang liên lạc. Anh hỏi: “Có gì không?”

“Dạ, thiếu úy có thư của cô Mây nào đó ở Sàigòn, phong bì dày lắm.”

Anh chồm dậy: “Đâu, đâu?” và chụp vội bức thư. Đúng là của Mây! Cầm lá thư áp vào ngực, anh nằm dài trên ghế bố, mắt nhắm lại, thầm nghĩ: “Mây viết những gì đây?” Hồi hộp không thể tả. Nói sao cho hết niềm vui trong suốt lá thư ấy.

Đầu tiên là anh phải cảm ơn bản nhạc 24 Giờ Phép em gửi. Anh đã từng tuyên bố với bọn lính: “Các anh nên nhớ phép tắc là một ân huệ chứ không phải một quyền lợi. Vậy các anh hãy nghĩ rằng mình có công thì sẽ được tưởng thưởng.”

“Hai mươi bốn giờ phép” thật đầy ý nghĩa. Công việc, gia đình thu gọn trong chỉ bấy nhiêu giờ! Nhớ lại khi mãn khóa, 10 ngày phép đối với anh sao thật vô vị. Ngày cứ lang thang các đường phố với Hoàng và Đặng, hoặc ngồi nghe nhạc ở các tiệm kem nhìn các cô thu ngân mà chảy nước bọt! Giờ đây thằng Hoàng (chắc em còn nhớ, anh hay dắt về nhà ngủ mỗi bận dù đêm về Sàigòn?) hắn hết được hưởng những thú vui ở đời, hết bị phạt, hết bị những tầm thường phiền phức. Hắn chết rồi! Một câu ngắn gọn chỉ ba chữ đã làm anh buồn và mất ngủ suốt mấy ngày sau đó. Mây ơi, anh khóc bạn bằng một lít rượu đế và ngủ ngay cái quán đầu làng nơi anh đồn trú. Rồi đâu cũng lại vào đấy. Thời gian sẽ làm vơi đi hết mọi thương nhớ trong tim.

Nhớ lại (lúc nào cũng là nhớ lại!) hôm đầu cầm quân, một đứa bị chết là thằng Nhung. Tên đẹp mà người cũng rất dễ thương. To, cao, đàn guitare khá. Hồi mới về anh đã để ý, định hôm nào làm thân, trò chuyện. Nghe bọn bạn nói: “Thằng Nhung nó hiền và tốt, ít nói, lại dễ mến.”

Tội nghiệp nó quá! Bây giờ thì nó cũng đã... có giòi rồi! Mỗi lần rảnh rỗi, anh và bọn lính cùng khóc nó bằng vài xị đế.

Lính của anh hiền, chịu chơi và nhậu rất được. Sự cực khổ gian nguy đã tạo nên cho bọn anh những mối thâm tình. Tình đồng đội không thể nói ra cho hết. Nó thật bao la rộng rãi. Người ta có thể hy sinh cho nhau, chết hay sống cho nhau. Thời bình, đời lính đã cực. Giờ đây trong tình trạng hiện tại, cuộc sống của người lính thật không bút mực nào có thể diễn tả cho vơi.

Trời mưa đã gần nửa giờ. Buồn vui lẫn lộn. Anh ngồi trong quán này viết cho Mây. Trên bàn đã có bốn cái vỏ chai không. Từ hôm gửi đến em lá thư thứ nhất, anh sống trong chờ đợi. Chẳng hiểu tại sao nữa? Những người tình cũ giờ đây đã xa xôi quá. Muốn bắt đầu lại với bất cứ ai (dù ở ngay tại xứ Quảng) nhưng sao vẫn thấy như thiếu thốn trọn vẹn, dẫu cũng có đáp lại đôi chút. Và anh cần một người thật hiểu anh, tâm hồn nghệ sĩ hạp nhiều như Mây. Anh mong thư em không tưởng được, nghĩ rằng chắc chẳng bao giờ anh nhận được bức thư nào đề tên Mây cả, vì ở nơi xa vời kia đã có biết bao đối tượng... Còn mình? Chỉ là một tên chuẩn úy quèn! Nhiều đêm, một phần nghĩ đến địch có thể tấn công bất ngờ, phần nghĩ chuyện mai sau, anh đâm buồn. Buồn nhiều không nói được.

Gần 6 giờ rồi mà trời vẫn mưa như trút. Bác chủ quán già người Nam nên thích dân Nam lắm, hỏi anh: “Nữa thôi thiếu úy?” “Cho con thêm một chai đi ba!” Ông đã già, lại vui tính nên đứa nào cũng gọi là ba.

Nhớ những mùa mưa ở Sàigòn và Nha Trang, biết bao giờ mình mới được hưởng lại những giờ phút êm đềm ấy? Cái gì rồi cũng phải qua đi. Cái gì đến sẽ đến. Như hôm nọ khi trung đội của anh bị địch bao vây, súng nổ như mưa, anh thầm nghĩ: “Không lẽ đời mình đến đây là hết?”Mất liên lạc với đơn vị, bọn anh phải mở đường máu mà rút. Khi gặp lại đơn vị, mới tin mình còn sống!

Đời lính, sống phải thật hùng và chết cũng phải thật dũng. Những quãng đời chưa mặc áo kaki, muốn tiêu một ngày thật khó. Ăn cũng chọn, mặc cũng chọn, đầu tóc phải phân vân, luôn thay đổi từng chút. Nhưng nay thì hết (thời oanh liệt còn đâu!). Hôm nọ có thằng bạn hỏi rất thành thật nhưng bọn anh cười ngất: “Ủa, hôm nay chủ nhật, bọn mày không nghỉ sao?”

Bây giờ, những phiền muộn tan ra trước công việc. Lúc nào anh cũng thấy như có bóng dáng địch trước mặt. Trận chiến của chúng ta ngày nay không giới tuyến nên rất khó phân biệt ai là thù, ai là bạn, bởi vì tất cả đều cùng nói tiếng mẹ đẻ. Bà mẹ VN lúc trước vụng tu nên con cháu ngày nay xoay lưng chống lại nhau, tranh giành nhau từng bờ hào tấc đất. Một con người trong suốt cuộc đời phải qua vài lần chinh chiến; giờ đây bọn trẻ mình cũng phải vướng vào cái vòng khói lửa. Chả trách ai được. Chỉ biết ngậm ngùi cho số phận mình và bao lớp người đã ngã xuống trước kia.

Buồn thì nói vậy thôi, chứ viết thì biết bao giờ cho hết?

Cách đây hai hôm, anh nhận thư ông Tân, thật mừng hết cỡ. Giọng văn của ổng lúc nào cũng trầm buồn, gẫy gọn. Đọc đến đoạn kết mà chẳng thấy đề cập gì đến Mây nên anh không biết em còn ở Sàigòn hay đã đi Nha Trang. Chỉ một câu chót: “Có điều, chắc mày cũng hiểu, 8 năm trước và bây giờ phải có thay đổi. Với lại hai đứa mày đều lớn. Tao nghĩ chúng mày có quyền cùng nhau giao tiếp, dù trên khía cạnh nào, dĩ nhiên là những điều riêng lẻ. Như vậy mày đừng băn khoăn vì tao.”

Đó là câu trả lời cho việc anh “xin phép” ổng được viết thư cho em. Anh phải viết vậy vì chuyện tình cảm dở dang dành cho Kiều trước kia ở Nha Trang vẫn còn ám ảnh anh với bao mặc cảm. Chỉ có ổng là người hiểu anh đến tận tâm khảm.

Dạo này anh khỏe ác rồi. Hôm mới ra trường chịu không nổi. Nhưng giờ thì đâu cũng vào đó. Nắng xứ Quảng này thích anh lắm, thui anh hằng ngày làm cho anh đen còn hơn dạo ở Thủ Đức. Dân ở đây, kể cả các cô, muốn nói về anh, chỉ cần bảo: “Cái ông chuẩn úy đen đen người Nam” là ai cũng biết.

Anh thường chơi với lính, được nghe họ tâm sự, thấy mình còn sướng hơn nhiều bậc. Còn mấy sĩ quan bạn anh, mỗi người mỗi tánh, vui lắm. Trừ ông thiếu úy đại đội trưởng ra, còn có anh và hai ông chuẩn úy khác, coi ba trung đội tác chiến; cả bốn người đều dân Nam chịu chơi. Đầu tiên là ông Thiếu úy Tâm chưa vợ, hiền và vui, lấy đạo đức dạy lính. Chuẩn úy Bảo người Vĩnh Long rất dễ dãi, nhậu cũng được, nhưng thích mục “o các cô!” Chuẩn úy Khá (ông này thật khá!), sống mực thước, hồi nhỏ quy y theo phái Tịnh Xá, tức là phái đi khất thực, luôn luôn nói chuyện đạo đức. Dạo này nếu có dịp, anh cũng hay theo ổng về chùa lễ Phật ăn chay. Ổng còn cho anh một lô kinh Phật, và nói: “Thứ này, chú mày có thể xài được.” Hôm nọ sau cuộc đánh lớn, ổng bàn: “Chú mày biết tại sao bọn Việt Cộng bắn như mưa mà chú mày vẫn không hề hấn? Tại chú mày mang bộ kinh sau lưng nên đạn bắn vào mà chú mày vẫn cứ... nô sì-ta!” Mặc dù đạo đức, ổng lại phạm cái tội khoái đánh bạc, hễ lãnh lương xong là ít gặp mặt! Người cuối cùng là anh, chắc khỏi kê lý lịch, em cũng thuộc?

Ba đứa anh mỗi tên thích một món. Thằng Bảo thích tán đào, xừ Khá thích bạc, còn anh thích nhậu lai rai và đọc sách. Trong lưng anh lúc nào cũng có vài cuốn sách và người lính mang hành trang cho anh bao giờ cũng kèm theo một chai thuốc ho đầy... nước mắt quê hương! Lính nghèo lắm em ơi, chỉ có rượu đế thôi chứ chẳng còn whisky như dạo trước. Dĩ nhiên là bọn lính khoái anh nhất. Nhiều khi nhận công tác tấn công mục tiêu xong, anh đưa mỗi đứa mần một hớp cho hăng máu, rồi a lê, xông vào bất kể. Trung đội anh có một ông hạ sĩ chịu chơi lắm. Đạn bắn như mưa, địch xuất hiện rồi mà chẳng thấy ổng đâu. Anh mò đi tìm thì, eo ôi, ổng ngồi dưới hố, tay cầm súng, tay cầm chai rượu tu liên tục. Anh la om xòm, ổng cười ngõn ngoẽn: “Làm một chút cho ấm người, thiếu úy!” Thế là anh hết giận sau khi cũng mần vài hớp từ chai rượu ông ta đưa.

Chuyện của anh tràng giang đại hải, thôi cho nó stop đi. Giờ đến chuyện em? Em vẫn còn luyện piano? Lần này, nếu có về thăm, anh sẽ bớt đi chơi với ông Tân để dành thật nhiều thì giờ cho em, nghe em đàn, nghe các dĩa nhạc và đọc lô sách mới. Chịu chứ?

Dạo này anh cũng hay tin dị đoan, nhất là về những vật hộ mạng. Vậy nếu được, em tặng cho anh một vật với lòng thành để anh mang trong người làm thần độ mệnh? Nghe em!

Nhớ và rất mong thư em.

Nguyễn Ngọc Thùy.

[]

Mỹ Khê 26/4/1968

Mây thương,

Đơn vị anh hành quân tại đây lần thứ hai rồi. Lần đầu cách đó một tuần lễ. Khởi hành từ lúc 5 giờ sáng, di chuyển đến bãi đáp để chờ trực thăng nên anh có nhiều cảm giác mạnh, lạ. Đợi mãi tới 7 giờ, sáu chiếc trực thăng mới chịu hạ cánh. Đến bãi đáp hành quân là Mỹ Khê. Chắc em cũng có nghe mang máng tên của một bờ biển đẹp nhất nhì so với Nha Trang? Chiều dài hơn 5 cây số với những hàng dừa xanh tươi và những rừng dương cao vút. Có nhiều dinh thự của các quan bự được xây cất dọc theo bờ biển. Trước kia, nhà cửa dân chúng thật đông đảo sầm uất, đa số sống bằng nghề cá. Nhưng giờ đây chẳng còn gì nữa, tất cả đều đổ nát tiêu điều. Lúc bọn anh vào chẳng thấy bóng người hay thú vật. Có lẽ họ di tản hết vì sợ sẽ mang họa nếu hai bên đụng lớn. Bọn anh phải lội bộ luôn mấy cây số cát, trời nắng như thiêu, khát khô cả họng mà chẳng có tí nước, bụng đói meo vì được lệnh đi quá gấp, không mang theo thực phẩm. Ai nấy mệt nhoài!

Nhìn màu biển xanh, anh thèm quá. Giá được cởi bộ đồ kaki ướt đẫm mồ hôi này mà nhảy xuống bơi lội một hồi cho đã giận! Chịu không nổi, anh bảo một người lính đem cái nón sắt múc đầy một nón nước biển. Bọn lính ngạc nhiên. Chẳng nói chẳng rằng, anh vục đầu vào nón sắt và cười với họ: “Đây là mùi vị của xứ tôi!”

Nhớ những mùa hè trước, anh đi chơi với bọn em ở Hòn Chồng, Đồng Đế. Nhớ thật nhiều những kỷ niệm cũ. Nào những sáng săn cá hào hứng, những chiều lang thang trên bãi cát trắng phau... Năm nay anh đã lạc mất một mùa biển ở Nha Trang. Anh hẹn với bọn bạn là sẽ cố về để được ngâm mình dưới làn nước mát. Anh sẽ kiếm cớ về rồi vào Sàigòn thăm Mây và các em luôn. Có lẽ một ngày nào đó, Mây sẽ ngạc nhiên khi thấy anh ngồi đàn nơi đầu giường cậu Tân.

À! Dạo này nhà cửa có gì thay đổi? Anh phải chịu rằng ngôi nhà em quá ư là nghệ sĩ, cứ vài hôm lại thấy thêm một kiểu trang trí mới. Dạo còn học ở Thủ Đức, một kỳ phép vào sáng chủ nhật, anh về nhà thật sớm. Cả nhà đang ngủ. Anh lấy đàn ngồi đàn nho nhỏ, bỗng nghe tiếng Mây kêu: “A, anh Thùy!” Tự dưng anh thấy xúc động vì biết Mây vừa mới ở Nha Trang về. Vài hôm sau em lại ra đi... Từ đó cứ đến ngày phép chủ nhật, anh cố gắng về nhà thật sớm, ngồi đàn và chờ đợi tiếng “anh Thùy” êm ái, để rồi thất vọng mãi. Dạo vào Thủ Đức, chẳng biết sao anh lại cứ hay suy nghĩ về em, nhưng cố dằn xuống. Anh cảm thấy Mây rất hạp với anh trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, câu chuyện của 8 năm về trước cứ mãi ám ảnh, làm anh ngần ngại, sợ rằng ông Tân sẽ bị rắc rối thêm lần nữa. Anh cũng biết ông Tân rất thương anh, nhưng anh yên lặng để dò xét lòng mình. Những lần sau về nhà, anh lục tìm những bản nhạc anh và Mây thường nghe rồi cứ ngồi mãi không chán trước cái phono. Thấy anh buồn, ông Tân giới thiệu anh với cô Uyên, nhưng anh vẫn nghe không hạp. Chẳng phải vì anh chê cô ta là ca-ve hay gì gì đó, nhưng chính vì phần sâu sắc tâm tư, anh đã không tìm được nơi cô ta.

(Lạc mất 2 trang).

“Đường xá gì xấu tệ. Anh ngồi ở cabin với tài xế mà đôi lúc phải bị dội đầu suýt đụng tới nóc. Phần bọn lính mặt đứa nào đứa nấy nhăn nheo như cái bánh xèo để nguội, miệng chửi thề ỏm tỏi. Nghĩ lại lúc trước đi xe đò Sàigòn & Nha Trang có trần che, có nệm lót. Còn đây chẳng có gì ráo! Trời nắng hay mưa thì vẫn lãnh đủ cả bụi và lạnh. Mỗi bận đi về, mặt mũi đứa nào cũng đều đầy phấn, tóc tai bạc phếu, đến lông nheo lông mày cũng đổi trắng ra.

Mọi lần chỉ đến Chu Lai, còn lần này đi xa mãi hơn Tam Kỳ, tức là Quảng Tín, ngày nay đã đổi khác. Phố phường đông đúc tấp nập, nhà cửa xây cất theo kiểu mới, đường xá rộng rãi. Chả bù cách nay năm năm, dạo anh còn dạy ở Qui Nhơn, theo cô bạn cùng khóa về đây chơi, quận lỵ lúc ấy toàn nhà tranh vách đất, chỉ có vài công sở là được đàng hoàng xây cất. Không có điện, mà chỉ là một dãy đèn măng xông nóng bức. Hồi đó, ai mà nghe đến Quảng Tín, cũng phải le lưỡi lắc đầu!

[]

Mộ Đức, ngày 9/5/1968

Mây thương,

Đơn vị anh về tại xã này đã được 4 hôm. Mộ Đức là một quận khá lớn, cách hơn 20 cây số đường về Quảng Ngãi. Xứ này có món đặc biệt là mì Quảng. Gần nhà anh ở Nha Trang cũng có một quán nhưng không ngon như ở đây. Trong đó gồm mì sợi to, rau ghém, giá sống, thịt heo nước lèo, ớt. Còn nơi phát hành ra nó là cầu sông Vệ, một xóm rất đông dân cư, ở cạnh một cây cầu bắc ngang sông Vệ.

Bây giờ thì anh cũng đã quen nhiều với mọi gian khổ nên chỉ biết trói chặt những ham muốn, giải trí sống động của tuổi trẻ vào công việc, biến đổi tất cả thành những giờ phút nóng bỏng chạm trán địch, những công tác hồi hộp như phim Hít-cốc, còn lại là hưởng thụ thật nhiều nét đẹp của Tạo Hóa, ngắm nhìn từng biến đổi của ánh mặt trời mọc với những tia sáng đầu tiên sưởi ấm lòng người. Nhiều lúc, anh cảm thấy rất gần với thiên nhiên, anh quý từng ngọn cây, đám cỏ, nâng niu từng sinh vật nhỏ bé. Cũng nhiều lúc anh thấy mình như thật giàu với những gì đã được chứng kiến. Giá cuộc đời chỉ là như thế thì còn gì bằng em nhỉ? Đôi lúc anh như quên hẳn chiến tranh tàn khốc khi đứng ngắm cánh đồng lúa óng ánh như rừng kim cương dưới những tia sáng của vầng thái dương đang rọi xuống. Hay cảnh mục đồng lùa trâu về trên con đường khúc khuỷu, những bác nông phu lửng thửng vác cầy ra ruộng, miệng phì phèo điếu thuốc vấn.

“Đời lính làm cho con người trở nên lì lợm chai đá” chỉ đúng về phần xác thịt, chứ đa số các người lính đều giống như trong bài hát “anh là lính đa tình” diễn tả xác thực cuộc đời của dân mặc kaki. Mỗi người lính mang trên vai quá nhiều thứ tình, tình gia đình, tình tổ quốc, tình sông hồ, tình bè bạn... từng ấy cũng đủ làm cho người lính trở nên đa tình thật sự.

Có nhiều khi sau giấc ngủ chập chờn, chợt thức giấc nghe văng vẳng giọng ca cổ nhạc của người lính đang gác, anh cảm thấy buồn và nhớ nhà không tưởng được. Hay những buổi trưa vắng lặng, trời nắng gay gắt, thoáng nghe giọng ru em của một bà nhà quê: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”, tự dưng nước mắt trào ra lúc nào chẳng hay!?

Anh muốn viết nhiều, thật nhiều để phơi bày hết mọi cảm xúc, nhưng khả năng chỉ có vậy, nên đành chịu.

Hôm nay là ngày lịch sử rồi, ngày mà cuộc chiến ở VN bước sang giai đoạn quyết định. Bọn lính ở đơn vị anh xôn xao lắm, mà cũng có thể là toàn quốc, toàn thế giới nữa. Cuộc chiến cùng màu da kéo dài đã hơn 20 năm, ai cũng cầu mong đến ngày kết thúc để mọi người được về thăm lại quê xưa, đoàn tụ cùng gia đình, xứ sở, cho bớt đi những vành khăn tang ảm đạm, vơi đi những dòng nước mắt vĩnh biệt và tránh bắt gặp những vũng nước đỏ kinh người.

Đã gần 10 ngày mà chưa nhận được thư em, anh nóng lòng lắm. Chắc mai mốt gì đây có chuyến tiếp tế, anh sẽ có thư. Khỏi nói là anh giống như bắt được của. Cuộc sống anh vẫn đều đều, phần lớn dành cho bổn phận, còn thì hưởng thụ thiên nhiên, đọc sách và một đôi lúc nhậu nhẹt với những người bạn đồng sanh đồng tử; đêm đêm nghe những tiếng “tắc cù” chói tai hay những tiếng gầm giận dữ của khẩu 105 ly vỗ về từ triền đồi cao xuống làng xóm, làm thành những bản nhạc giật gân đến mất ngủ.

[]

Mộ Đức, 14/4/1968

Mây thương,

Sau một đêm mệt phờ vì công tác, trưa nay định tìm một giấc ngủ thật no để bù lại những giờ phút gay go của đêm trước, nhưng sao cứ thao thức mãi? Ai dè chương trình nhạc tuyển của đài Tiếng Nói Tự Do chiều nay thật tuyệt, toàn những khúc nhạc xưa, làm anh tỉnh hẳn. Nào Bến Cũ, Giấc Mơ Hồi Hương... Bây giờ Mai Hương đang thì thầm Nỗi Lòng, tiếng hát tựa như gió thoảng, nói lên tâm sự tủi hờn buồn trách: “Yêu ai, ai hiểu được lòng? Thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta, ấp ủ lạnh lùng tình yêu kia mà người nào hay?”

Gần 4 giờ chiều, anh thầm ước bài chót sẽ là Tình Nghệ Sĩ, thế mà đúng thật. Lại do chính Ngọc Long hát. Giọng ca trầm buồn như kể lể kiếp sống và những mối tình của người nghệ sĩ, dễ gặp mà cũng dễ tan như mây khói. Anh nhớ đến những ngày xưa còn ở Sàigòn, nghe em đàn. Không hiểu sao em lại có nhiều sở thích giống anh quá? Những bản nhạc, những quyển sách, những mẩu chuyện... Trong cuốn nhật ký cũ có một đoạn anh ghi: “Hồi ở Qui Nhơn, một đêm thao thức vặn nghe đài Sài gòn, gặp toàn một lô nhạc quen thuộc như Bến Cũ, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Nỗi Lòng, và nhất là Tình Nghệ Sĩ. Lòng ta bồi hồi xao xuyến nhớ lại thật nhiều những ngày còn ở Sàigòn nghe Mây kéo violon, đi chơi với đám bạn xừ Jacques, Mây và bà Bích trên đường Lê Văn Duyệt. Nhiều khi ta chẳng hiểu được lòng ta!?”

Chờ mãi chẳng thấy thư Mây, anh buồn quá. Thư vừa rồi, anh có gửi kèm một quyển sách của Nguyên Vũ tặng em và cũng là lá thứ ba của anh.

Những ngày vừa qua tinh thần thật căng thẳng, nhưng chẳng hề hấn gì vì chỉ là đụng sơ sơ với địch. Mùa nắng ở xứ Quảng thật kinh người, nắng như thiêu đốt, nhất là những ngày phải kéo quân di chuyển hàng cây số ở bãi biển hay trên những đồi núi trọc, trên nóng dưới nóng, ở đâu cũng nóng. Và khát nước thì thôi khỏi nói. Tội nghiệp cho bộ giò chẳng còn cảm giác gì nữa. Quần áo thì ướt sũng mồ hôi. Bọn lính đứa ao ước được ly trà đá, đứa café đá, đứa nước cam... Còn anh dân nhậu, khoái một ly cối lave với thật nhiều đá và chỉ làm một hơi cho đã! Nghĩ mà thèm quá xá! Ở trỏng, nếu có ăn uống thứ gì, em và các em hãy dành một phút “mặc niệm” nghĩ đến những lúc đói khát của dân mặc kaki để ăn cho thật sạch, dừng vất bỏ tí nào mà mang tội phung phí với trời đất và với cả bọn anh nhé?

Chắc còn lâu anh mới được về tỉnh bỏ thư, vậy anh sẽ viết thật dầy để em đọc mệt luôn. Mỗi lần có chuyến tiếp tế là anh như bắt được của. Nhưng mấy chuyến vừa qua chẳng có thư nào đề tên Mây cả. Rầu quá! À, mấy người bạn vừa đặt thêm cho anh cái tên Mây vì chúng thấy bì thư em hay đề Mây. Trước kia tên anh là “Ráo Thùy” bởi anh khai trong lý lịch nghề “godautre”. Vui lắm! Bọn anh thân và thương nhau như ruột thịt. Hôm nào anh sẽ kể em nghe vài nhân vật nổi tiếng để em cười lăn thôi.

[]

Mộ Đức 21/5/1968

Mây của anh,

Cả một buổi sáng dẫn cánh quân di chuyển gần 5 cây số ruộng đồng, vượt hết một ngọn đồi, nắng thật dữ, mới 10 giờ mà đã như 12 giờ trưa vậy. Bụng trống vì khởi hành lúc 4 giờ khuya khi trăng chưa lặn. Trăng cuối tháng buồn khô và lạnh lẽo, như những chiếc lá cây trổ về cuối mùa. Mùa này đi hành quân chỉ tổ khát. Áo quần thì khỏi phải nói, giống y như tắm. Vừa được lệnh dừng chân là bọn lính vứt ba lô, chạy bung ra con sông nhỏ để... uống nước! Mộ Đức là vùng thật khô khan, toàn đồng bằng đá sỏi. Lưa thưa vài chòm nhà, vắng lặng, chẳng có bóng sinh vật, ngay cả đến chó, gà.

Ưu, binh sĩ đeo máy truyền tin trung đội anh, vừa mang một bi đông đầy nước sông, tay kia cầm một xấp thư, gọi lớn: “Thiếu úy! Có thư của cô Mây ở Sàigòn. Cha! Tình quá thiếu úy!”

Anh vội chụp lấy. Đúng là vật mình mong đợi hằng mấy chục ngày qua. Sao lâu thế hả em? Chắc cô nàng ưa rắc rối? Mà không hẳn vậy. Có lẽ Sàigòn đang lộn xộn nên thư từ cũng bị kẹt vì ông ẹ Giao Chỉ? Đang khát, tự dưng anh cảm thấy như được uống một cốc bière đầy đá. Tìm một chỗ thật mát, anh xé bì thư.

Anh như thấy lại những hình ảnh và nhân vật của ngôi nhà xây tường màu gạch trên con đường Yên Đỗ. Đầu tiên là Mây với làn tóc rối rủ xuống trên cái dương cầm và cây vĩ cầm. Mỗi lần nghe thoáng một bản nhạc có tiếng violon hay tiếng piano là anh đều nghĩ đến em. Tự hỏi không biết giờ này cô bé đang làm gì? Đánh đàn? Đọc sách? Hay rong phố? Trọng Thủy vẫn còn tắm ở hồ Chi Lăng mỗi sáng thứ bảy? Các em gái hẳn đã nghỉ hè? Đệ tử Hùng có về Nha Trang thả bớt những con ghẻ xuống biển? Ông Tân chắc gạo được nhiều cho kỳ thi tới? Và dì Tư, nữ tướng nội trợ có khỏe không?

Còn một nhân vật chót, đố Mây biết là ai? Đoán ra chứ? Hắn là kẻ bị Mây và mọi người đều ghét. Đó là chú Miu của anh. Thấy không? Hắn cũng là một nhân vật trong ngôi nhà Yên Đỗ. Tên Miu chắc vẫn còn làm bồi cho nhà hàng Ba Tôm mỗi tối? Kể ra hắn cũng tháo vát, chịu khó chạy chọt nên được một chân rửa chén nơi này. Chắc hắn phải áp phe mạnh với đám đàn anh thường làm cả nhà mất ngủ nhiều đêm vì chúng mở hội để tranh tài cao thủ võ lâm?

Nè, hỏi nhỏ cô bé! Nhớ anh nhiều ít mà khoe mãi thế? Em ở nhà còn có âm nhạc, văn chương, TV, pick-up, lại còn Sàigòn với biết bao vui thú. Còn anh, há chẳng nhớ em? Nhớ mà chẳng biết làm sao, đành đọïc lại những xấp thư đã mấy chục bận vào mỗi khi thức giấc, hay những lúc cảm nghe buồn, góp nhặt niềm nhớ mong thành những dòng chữ, từng xấp thư mà gửi về em.

(Lạc mất ba trang)

...Khúc dân ca làm anh xúc động nhiều: “Mẹ quê vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu!”

Trong các vùng hành quân, gặp toàn những bà cụ già nua cằn cỗi mà nụ cười chợt xuất hiện trên khuôn mặt nhăn nheo mỗi lần bọn anh đến, anh chợt thấy chán nản và buồn vô kể. Từng ấy tuổi vẫn phải vất vả! Cuộc sống của người dân quê trăm bề gian khổ, vậy mà trời xanh còn không thương hại, gieo chiến tranh tang tóc xuống đám người mộc mạc hiền lành suốt đời chỉ biết chiếc cày, con trâu; lại chẳng bao giờ hiểu thế nào là nền văn minh đô thị. Họ có được hưởng gì đâu ngoài sự làm lụng cực khổ, quanh năm cấy cầy mệt nhọc. Biết bao giờ mới hết nạn binh đao để các người dân quê được trở về vùng đất mẹ, cho những vườn tược trổ hoa màu và để bớt đi những vành khăn tang, những khuôn mặt hốc hác vì trăm ngàn đau đớn?... Đâu đây một giọng ca cổ nhạc vang lên nghe buồn cách lạ! Anh bước ra khỏi lô cốt. Trên dốc cao, bóng thằng Đặng, đứa gác phiên chót, in lờ mờ trên nền trời sắp sáng. Nó đang nghêu ngao bài hát trữ tình Lan và Điệp: “Em Lan ơi, tội tình chi mà em đầy em đọa? Một nấm mồ chôn xác bướm khô!”

Mùa này trời mau rạng quá. Gần 5 giờ mà phương Đông như muốn vươn mạnh lên khắp làng xóm núi đồi.

[]

Quán Lác 28/5/1968

Mây thương,

Sáng nay ngồi buồn, đem chồng thư cũ của em ra đọc. Hôm nay nhằm ngày anh trực, phải ở lại trông coi cả đại đội trong khi mấy người bạn dù về thăm bà con bè bạn. Gần trưa, định làm một giấc phờ râu cho hết ngày thì người bưu tín viên vào trao thư em. Tự dưng anh tỉnh người, khỏi phải ra phố làm chi. Mình đã có nguồn an ủi đây rồi! Đó là những trang thư mang tên người em gái từ thành đô xa tít, cố gắng vượt mấy trăm cây số ngàn đến để xoa dịu những nỗi buồn của người anh nơi đây.

Viết cho Mây thế này, anh khỏi phải viết nhật ký, vì hễ rỗi rảnh phút nào là anh vội lôi xấp giấy pelure fort trắng mà ngoáy lia lịa để kịp ngày gửi. Em giữ giùm, hôm nào về phép, anh em mình cùng soạn đọc cho vui.

Ngày nghỉ phép của anh còn xa, phải đợi tới tháng 8 lận. Những ba tháng nữa. Nhưng nếu gia đình kịp đổi về Nha Trang thì anh hứa chắc chúng mình sẽ được hưởng những ngày hè thật lý thú, vì tháng 8 vẫn còn là mùa hè ở Nha Trang. Mùa vui nhộn nhất trong năm, mùa của tuổi trẻ chơi đùa ngơi nghỉ.

(Lạc mất 4 trang).

[]

Núi Dẹp 10/6/1968

Mây thương,

Vừa nhận được thư em, lại thêm ông Trung úy Tâm đại đội trưởng của anh mới lên trung úy, về Sàigòn học khóa đại đội trưởng, anh vội “thảo” thêm cho kịp nhờ anh ta chuyển. Ảnh cũng còn céliba- taire. Em coi có cô bạn nào dễ thương, “thưởng công” cho anh ta đi. Ngoài này, anh ca về em nhiều lắm. Nào là đàn hay, học giỏi, nào là đảm đang, nội trợ khéo. Anh ta hứa sẽ xin giáp mặt để nghe em đàn, và sẽ kể cho em biết cuộc sống của bọn anh nơi đây.

Thư em kỳ này, anh nhận thật nhanh, khoảng một tuần kể từ ngày gửi. Từ giờ, chịu khó gửi bảo đảm cho anh, sẽ nhanh và không thất lạc. Đọc thư, có đoạn em nghĩ giống anh hết sức. Niềm vui, hạnh phúc chỉ hiện diện chung quanh, trong tầm tay và ở hiện tại. Vậy thì tội gì phải kiếm tìm xa xôi để rồi chỉ nhận lấy những cô đơn ray rức? Độ rày, biết em vui trở lại là anh mừng lắm. Đừng buồn nữa nhé! Đã có anh an ủi, “cố vấn”, nên cứ tha hồ tâm sự với anh, anh chẳng bao giờ câu nệ, cho dù vừa cầm súng vừa viết cho em. Riêng anh thì rất yêu đời, ngày ngày đánh giặc, bổn phận, trách nhiệm và nhất là đọc thư em. Mỗi lần nhận thư Mây, anh thật xúc động và thầm cảm ơn em mãi. Niềm vui hạnh phúc đây rồi, sao mình cứ hoài tìm kiếm? Bây giờ có em, anh an phận lắm. Thư anh, thư em, chỉ có hai đứa mình đọc và hiểu vì những liên hệ sâu xa, những kỷ niệm đã có với nhau từ thời niên thiếu.

Chẳng hiểu câu chuyện hòa đàm thế nào mà tin tức thế giới rối ren quá? Nào kỳ thị chủng tộc, nào các nước đem thêm quân sang VN, nào cái chết của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy. Bọn anh mong đánh thật mau rồi tới đâu hay đó. Chứ cứ lai rai kiểu này thì thiệt hao quân.

Ngày nào cởi được lớp áo kaki để về “chăn” bầy con nít ngây thơ thì còn gì bằng em nhỉ? Nơi đây cũng chăn vậy. Đám người vợ con 3, 4 đứa cũng hiền lành dễ dạy; nhưng mùi đời đã nhiễm nhiều quá, súng đạn chết chóc nhiều quá, chẳng còn dịp để anh kể cho họ nghe những chuyện cổ tích bắt đầu bằng câu: “Ngày xưa trong một nước nọ, có một vị hoàng tử...”

Những chuyện ngày xưa bao giờ cũng đẹp, cũng nên thơ!

Mãi đến hôm nay anh mới có dịp về tỉnh, chạy vội mua ít kẹo gương gửi về các em, một ít bì thư và giấy viết, thăm vài thằng bạn, cùng rủ nhau vào quán kem nghe nhạc, rồi thuê xe về đơn vị. Những giờ phép, những việc làm để tiêu phí chỉ chừng ấy. Có hôm nào được 24 giờ phép, anh tìm thằng bạn có cái tủ sách mà anh đã viết trong thư trước, nằm lì với đống sách, nghe nhạc “lộn xộn” (vì hễ vặn radio gặp nhạc là ngừng nghe cho đã chứ chẳng ai có pick-up cả.) Có hôm anh đứng ở tiệm radio hằng giờ, năn nỉ họ cho nghe vài cái dĩa clarinette anh thèm quá. Thôi đành nhịn. Để hôm nào về hẵn hay.

Tháng 6 em ra Nha Trang hở? Nhớ báo và cho địa chỉ mới để anh chuyển thư nhé? Nhớ thư cho anh đều đặn, có truyện nào hay, phim nào hấp dẫn, viết kể anh nghe cho đỡ ghiền. Nếu em ở luôn Nha Trang, tháng 8 anh về phép, mình gặp nhau ở đó thì thích quá. “Rendez-vous à Aout? OK?” Mình sẽ đi thăm lại trại cá Ba Ngòi, tắm biển Hòn Chồng, Đồng Đế. Chán gì dịp chơi em hả? Nhớ cho Cào Bé Tí tháp tùng luôn, Trọng Thủy liếp vô càng nhộn.

Thôi cho anh stop để kịp gửi ông Tâm kẻo ổng đợi. Thăm tất cả được vui mạnh. Mong thư em nhiều.

Thương mến,

NNThùy.

TB. Kẹt rồi em ơi! Tin giờ chót, khóa đại đội trưởng bị đình nên ông Tâm phải trả lại thư. Anh đành gửi bảo đảm cho kịp chuyến. Thôi nhịn kẹo gương vậy. Lần sau ổng đi, anh sẽ gửi. Nhớ đàn cho ổng nghe và nhất là chuẩn bị sẵn một cô bạn gái?

Thương lắm. Thùy.

[]

(Lạc mất 2 trang)
“... Sao em hay bi quan quá? Phải vui vẻ hăng hái chấp nhận những gì đã có và đang có

có trong hiện tại. Anh tự hào (le chưa?) là hiểu Mây rất rõ, được Mây an ủi nhiều nhất, nên bù lại, anh sẵn sàng tha thứ. Lần sau chừa nhé? Cái gì cũng có số mệnh, đừng lo chi đến việc xa xôi. Mọi sự đều sẽ an bài và không thay đổi. Chỉ cần biết hiện tại anh quý Mây, nhớ Mây và mong thư em hằng bữa.

Mấy ngày qua anh cảm thấy trong người khó chịu quá, e đau mất vì đã phơi nắng suốt tuần, ăn uống thất thường thiếu thốn. Nhưng không sao! Anh mà bệnh thì cùi luôn. Trời sanh voi sanh cỏ!

[]

Quảng Ngãi ngày 1/7/1968

Anh cùi thật rồi Mây ơi vì anh bị “ngã” ngay từ chiều hôm viết lá thư trước. Nhưng em đừng lo vì nay bệnh đã hết. Hiện anh đang ở nhà người bạn, viết cho em thư này đây. Để anh kể rõ sự tình. Tối hôm viết lá thư vừa rồi, bị một trận mưa, cộng thêm những bần thần ớn lạnh từ những ngày trước nên vào khoảng giữa đêm, anh đành chịu ngã. Sáng hôm sau được đưa vào bệnh viện điều trị. Đó là biến chứng sốt rét nhưng mới sơ khởi ở trạng thái đầu tiên, nhờ phát giác kịp nên trị được tận gốc. Gần 10 ngày ở đây buồn quá, chẳng có ai để xin nhờ giấy bút. Đêm nằm nghe tiếng súng từ xa vọng lại, nhớ ghê gớm đến các bạn cùng chung đơn vị. Này thằng Phát, vua hạ “cóc” với rượu đế, thằng Xy chúa tể loài thỏ nhát, thằng Đặng, thằng Nhân, thằng Trung gan lì trong các công tác nghẹt thở...

Hôm nay là ngày vui nhất của anh vì đã hết bệnh, được trở lại đơn vị gặp bè bạn, nhận thư và sách của em. Khỏi nói là anh thế nào rồi. Mừng và xúc động đến chừng tim muốn vỡ! Mây ơi, nếu có em ở đây, chắc anh sẽ thưởng... Thưởng gì nhỉ? Nếu là bạn trai, anh sẽ cù đi một chầu la-ve. Chứ còn em, chắc chỉ thưởng một buổi ciné hay một hồi kem lạnh. Thôi khất hẹn để khi về, anh sẽ thưởng cả một chục lần hơn nữa, với điều kiện “giấy” xài trong túi anh cho phép. Chịu chứ?

Thư của em dài lắm. Anh phục em chịu khó viết cho anh. Nhưng cộng hai thư, em còn thua những lá trước của anh đến 6 hàng, tức 48 chữ. Hai thư của em chỉ gồm 28 trang, mỗi trang là 1400 chữ, vị chi tất cả là: 1400 x 28=39.200 chữ.

Vậy thư anh sẽ có: 39.200 chữ + 48 = 39.248 chữ.

Đùa thôi! Anh ăn gian em rồi vì anh có nhớ thư của anh là bao nhiêu hàng đâu. Vậy, cho em hơn. Bổn phận làm anh là phải nhường cho em dù gì chăng nữa. Mấy bạn anh, nhất là ông Tâm đại đội trưởng (xếp xì đại đội chứ không phải trung đội như em viết. Hạ chức ổng, coi chừng ổng phạt đó) vỗ vai anh: “Ráo Thùy được cưng quá xá!” làm anh phải nốc một hơi la-ve tổ bố để hạ bớt cơn sung sướng.

Đọc thư em đến đoạn Sàigòn với những đêm pháo kích, có một câu làm anh giật mình sửng sốt. Sao ý nghĩ của em lại giống với ý anh thường hay nghĩ trong những lần đụng trận lớn: “Không lẽ đời mình đến đây là hết?” Và anh khác em đôi chút: “Mình chưa được hưởng hạnh phúc, chưa báo đền công ơn cha mẹ.” Nhờ vậy mà anh tự tin lắm, hăng hái can đảm hẳn trong mọi công tác. Rồi đến đoạn gần chót: “Cái gì đến sẽ đến”, anh thì thêm: “Cái gì qua sẽ qua!” Rõ ràng tụi mình có nhiều tư tưởng thật là trùng giống. Người ta thường nói “Chí lớn gặp nhau”!

Em sao hay lo sợ viễn vông. Đã biết nói câu “Cái gì đến sẽ đến” vậy mà cứ nghĩ này nghĩ nọ mãi. Hãy chấp nhận tất cả ở hiện tại, vì hiện tại, cho hiện tại. Rồi “cái gì đến sẽ đến”. Em cứ nhớ rằng nơi heo hút này có anh đang nghĩ về em, hăng say chiến đấu vì em và mong thư em từng ngày từng buổi. Đến đâu hay đó. Anh cấm em lo nghĩ nhiều để rồi sinh bệnh.

Với anh, chỉ có phần tâm hồn trong sạch là cần thiết, còn bề ngoài chỉ là lớp sơn, dù có lộng lẫy hoa hòe bao nhiêu thì theo thời gian cũng phải mục nát. Người ta quý hoa ở cái hương thơm, ca tụng sách ở cái cốt chuyện. Với em, thành thật anh quý em ở điều hạp tính hạp nết, hạp sở thích, quan điểm sống và hạp cả gout nghệ thuật. Tóm lại, những cái mà em chê là tầm thường thì anh đều ưa thích. Chịu chưa? Còn cãi bướng hết cô nhỏ?

Không bao giờ anh đưa em lên cao đâu vì sợ nếu em có chuyện gì thì lấy ai để anh tâm sự suốt những bước gian truân trong những cuộc hành quân khắp xứ Quảng? Tin cho em biết, khi anh gửi ông lính Thùy về em, anh có đóng thùng, cột xích khóa lại đàng hoàng với thứ khóa đặc biệt hiệu Yales của Đức. Này, chìa khóa anh đã đánh mất rồi. Như vậy là em phải giữ ổng trọn đời. Không chịu thì đốt, thì chôn ổng đi!

Anh còn nhớ dạo ở Quy Nhơn, trong một dịp uống rượu với một người bạn Hồng Mao, người Mỹ này có cái thuyết tam đoạn luận hay lắm. Nhậu đã nhiều rồi, anh ta mới chỉ đống lon bière và chai whisky rỗng mà nói: “Beer and whisky are number ten!” Rồi gật gù nâng ly tiếp: “But I like that number ten!”

Thật chí lý phải không em? Bây giờ đến phiên anh mần tam đoạn luận: “Em (tự cho) là tầm thường xấu xí. Nhưng anh ưa thích cái tầm thường xấu xí ấy từ em.” Thấy chưa? Còn lý luận hết? Anh sẽ viết thêm sau. Giờ tạm ngưng vì cây viết bic lại hư nữa.

Anh của em.

Nguyễn Ngọc Thùy.

(Trên đây là lá thư cuối cùng tôi nhận từ anh).

III.

Nha Trang, thứ tư ngày 7/8/1968

Long đến báo tin đã đưa xác anh về Nha Trang. Trong cuộc chuyện trò, Long cho biết rằng có nghe anh kể rất nhiều về tôi, luôn những lá thư nhận trong kỳ phép vừa rồi, cậu cũng được anh chia xẻ. Cậu lại kể, ở Quảng Ngãi, có một cô gái khóc anh thổn thức và xin được xem mặt lần cuối trước khi quan tài đóng nắp; lại cũng xin giữ tấm thẻ bài của anh như một kỷ vật thân yêu.

Ôi! Sao thật oái oăm!

Những lời tôi viết cho anh ngày nào, trở về trong trí nhớ:

“Em rất cảm kích khi biết anh dành cho các lá thư em một tình cảm sâu đậm. Em chỉ e rằng anh đã đưa em lên cao quá và sẽ thất vọng nếu một ngày anh nhận ra những cái rất tầm thường nơi em. Em là đứa con gái mang trong người nhiều tật xấu. Có lẽ tâm hồn em không được vô tư như phần đông các cô gái khác. Em mong anh hiểu em cặn kẽ. Mãi mãi, em chỉ ước mơ tình cảm chúng mình vẫn như bây giờ và trước đó: thương mến nhau như hai anh em và quý trọng nhau như hai người bạn. Em chưa dám nói đến tình yêu khi mà em biết mình sẽ không có can đảm để nhận một tình yêu từ bất cứ ai. Anh có hiểu em không? Em tin rằng có, bởi vì anh thương em và đã hứa sẽ giúp em san bằng mọi nỗi khó trong óc?”

(Thư viết ngày 18/6/1968 tại Sàigòn)

Và:

“Mẹ thì muốn cho cả bọn đi nghỉ hè Nha Trang nhưng Trọng và Thủy không chịu. Nên có lẽ đầu tháng 8 em sẽ đi và chờ anh về Nha Trang cùng tắm biển luôn. Dù ở đó, em không có piano để đàn cho anh nghe, không có tourne disque để cùng anh thưởng thức nhạc, thì chúng mình cũng sẽ có cả một dòng biển xanh và bầu trời trong vắt.

Chiều nay mưa thật lớn, “mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều”. Em nghe nhớ vô cùng một chuyến đi xa. Em biết thế nào anh cũng tự hỏi em gái anh sao mà mâu thuẫn, đoạn trên bảo không thích rời Sàigòn, đoạn dưới lại đòi từ bỏ. Em cũng không hiểu rõ mình nữa. Em vừa thích thứ này lại cũng ưa thứ khác. Em muốn vâng lời khi nghe mẹ dạy: ‘Dây tình cảm nhiều chỉ khổ cho nó (là anh)’ nhưng cũng không làm được cái điều quay mặt. Không mong một lần xa anh mãi mãi, dẫu cũng tự biết rồi em chỉ là người đem sự đau khổ đến cho anh. Vì vậy mà do dự. Tự nhủ, tất cả đều là định mệnh!

Với anh, dẫu tình thân nảy nở từ khi thơ ấu, nhưng em xin lỗi đã quên mất không nhớ là có bao giờ ‘nghĩ riêng’ đến anh chăng? Có điều, một lần, hôm 21/4/1967 anh vào Sàigòn để trình diện Khóa 25 Thủ Đức, cùng buổi chiều anh Thuận Văn Chàng vừa trở về từ Mã Lai sau ba tháng theo học khóa tình báo; ngồi trò chuyện với anh, em nghe anh nói: ‘Anh cũng như Mây, lúc nào cũng thấy quyến luyến không khí phòng trà ồn ào tiếng nhạc. Bây giờ dù có đi đến đâu, anh vẫn sẽ cố xin một chân nhạc sĩ phòng trà...’ Ngay lúc ấy, em đã bâng khuâng tự hỏi: ‘Làm sao mà chị Kiều có thể hạp với anh khi chị chỉ là người con gái tâm hồn hời hợt và luôn ham chuộng những gì thuộc về vật chất?’ Đó là ý nghĩ rất vô tư của em trong buổi chiều hôm ấy...”

(Thư viết ở Sàigòn ngày 26/5/1968).

Giờ đây, dẫu những lời thư xưa có dè dặt bao nhiêu thì cũng không thể phủ nhận rằng chúng đã dự một phần rất lớn vào sự kiện tạo cho anh hy vọng và rồi cũng đẩy anh vào vòng thất vọng. Rõ ràng số phận oái oăm! Nếu đừng vì yêu tôi để đáp lại mối tình của người con gái ở Quảng Ngãi kia, định mệnh có lẽ không khắt khe với anh và phần số anh chắc cũng chẳng ngắn ngủi như vậy.

*

Lúc 3 giờ chiều, lần đầu tôi đến nhà anh, tâm tư thật xúc động đến dường nghẹn thở. Tấm ảnh phóng lớn đặt trên nắp quan tài đâm thẳng vào tim tôi những cú đau nhói. Đôi mắt đầy nét u uẩn tôi từng biết từ khi còn bé, giờ đây như xoáy vào tận tâm can tôi bằng cái nhìn càng buồn rầu hơn nữa. Tôi không dám ngó lâu vào đó, chỉ cúi đầu trước những người thân anh với toàn những tiếng sụt sùi rấm rứt. Người cha đã già, nhưng không già bằng người mẹ. Anh giống mẹ nhiều hơn, nét trầm tư là do từ bà cụ. Thân hình bà bé nhỏ, vẻ đôn hậu phủ đầy khuôn mặt. Bà khóc. Mọi người ai cũng khóc. Hầu như tất cả đều biết rằng tôi là người con gái được anh dành cho một tình yêu.

Anh nằm đó, giữa các người thân, rất gần gũi mà cũng đúng là nghìn trùng xa cách. Cái ước mơ một ngày đưa tôi đến với gia đình anh đã thành sự thật, nhưng sao lại là cái sự thật vô cùng đắng cay như vậy? Tôi không khóc anh, chẳng một giọt lệ trào ra khỏi khóe, mà thật, cả tấm lòng cơ hồ chết điếng vì cái dáng mỏi mòn tàn úa của người mẹ không ngừng lau nước mắt. Và từ đây, làm sao tôi còn quên được tiếng nấc nghẹn ngào của người cha đang đứng cúi đầu trước tấm ảnh anh.

Ôi! Anh hãy tha thứ cho tôi! Tha thứ tất cả những hạnh phúc hay khổ đau nào tôi từng đưa đến trong cuộc đời anh vô cùng ngắn ngủi. 27 tuổi, còn quá trẻ để phải làm cuộc giã từ vĩnh viễn. Tự hỏi, định mệnh nào đã giáng xuống trên anh, trên các người thân, và cả trên tôi những cú tang thương?!

Nha Trang, thứ năm 8/8/1968

Tôi đi qua nhà anh từ sáng sớm, phụ giúp gia đình những việc vặt vãnh. Sự đón tiếp thân ái của mọi người thật đúng là những cực hình cho tôi.

Người chị dâu anh đã hỏi đứa con gái nhỏ:

“Con gọi cô đây là gì?”

Con bé chưa biết trả lời sao thì chị đã tiếp:

“Là thím Thùy mới đúng nghe con?”

Một người cậu từ Sàigòn ra tiễn đưa cháu lần cuối, đến ngồi cạnh tôi trò chuyện. Tôi nghe cậu kể:

“Cách đây 10 ngày nó lên thăm cậu ở Gò Vấp. Cậu đã hỏi: Sao cháu không đi thẳng Quảng Ngãi, còn dù về Sàigòn làm chi? Có phải để thăm người yêu? Nếu có, sao không đưa lên cậu xem mặt, rồi còn viết thư về cho ba má biết? Thì nó trả lời: Con cũng muốn điều ấy lắm nhưng chưa tiện. Ngày nào chắc rồi, con sẽ dẫn lên.”

Cậu cũng khuyên tôi đừng vì quá buồn mà sinh bệnh. (Lòng nghe sao thật bồi hồi xấu hổ!)

Nha Trang, thứ sáu 9/8/1968

Đám tang đưa đi. Tôi mặc áo dài trắng. Bước chậm theo sau quan tài anh trên đường phố Nha Trang mà tâm tư thật ngẩn ngơ lơ lửng. Mọi sự xảy ra bất ngờ đến dường thảng thốt! Có lúc, tôi cứ ngỡ, nằm trong quan tài kia chỉ là một người già nua nào khác; chừng định thần với tiếng khóc chung quanh, tức thì trọn trái tim như bị kéo trì trong một nỗi buồn sắc nhọn vô biên.

Thật vậy, cái ngày hôm nay, đâu bao giờ tôi nghĩ rằng sẽ có. Chưa một lần trong mấy tháng ngắn ngủi nhận của anh những cánh thư xa mà tôi mường tượng đến cái buổi cuối cùng tôi phải tiễn đưa anh dưới cái nhìn chăm chú của mọi người và trong nỗi đớn đau đè nặng lương tâm.

Quan tài được chôn tận bên kia sông Hà Ra nên phải đưa bằng thuyền máy. Một giàn quân nhạc đứng chào bài vị, tiếng kèn trompette ré lên như những tiếng dao chầm chậm đâm thẳng vào trái tim tôi từng hồi tàn bạo. Trong một giây ngơ ngẩn, tôi đã nghĩ rằng sẽ viết kể với anh về giọng kèn anh hoài yêu thích, như tất cả mọi điều đã kể từ trước...

Bản nhạc Stardust ngày xưa anh thường hát cho tôi nghe, lúc này văng vẳng bên tai như những lời than thở nỉ non:

“And now the purple dusk of twilight time
Steals across the meadows of my heart
High up in the sky the little stars climb
Always reminding me that we’re apart

You wander down the lane and far away
Leaving me a song that will not die
Love is now the stardust of yesterday
The music of the years gone by (...)”

Rồi lại It’s Now Or Never mà đã nhiều lần anh vừa tự đệm guitare vừa hát (như những lời tỏ tình tế nhị tôi nào hay biết):

It’s now or never
Come hold me tight
Kiss me my darling
Be mine tonight
Tomorrow will be too late
It’s now or never
My love wont’ wait.
When I first saw you
With your smile so tender
My heart was captured
My soul surrendered
I’d spend a lifetime
Waiting for the right time
Now that you near
The time is here at last...

Lạ một nỗi, ngay lúc bấy giờ, đứng trước một bối cảnh rất nên thơ của thiên nhiên và trước nỗi đau sắc bén của con người mà âm nhạc vẫn chỉ là đi
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tiểu Ðoàn 88 BÐQ Và Trận Ðánh Tại Dak Pek
Tác giả: Vũ Ðình Hiếu

Căn cứ Dak Pek là một tiền đồn biên phòng nằm gần biên giới Lào Việt, giáp với quận Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi và cách thị trấn Kontum 80 cây số về hướng tây bắc. Lược Lượng Ðặc Biệt (LLÐB) Hoa Kỳ xây căn cứ này vào tháng 4 năm 1962 nhằm mục đích ngăn chận, phá hoại đường xâm nhập từ bắc vào nam của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV). Đến ngày 30 tháng 11 năm 1970, Hoa Kỳ chuyển giao căn cứ này lại cho Việt Nam Cộng Hòa và được Tiểu Ðoàn 88 Biệt Ðộng Quân (BÐQ) Biên Phòng trấn giữ.

Sau khi nhận căn cứ, Tiểu Ðoàn 88 được giao phó thêm nhiệm vụ huấn luyện cho các tân sĩ quan về kỹ thuật trinh sát, viễn thám, trước khi bổ sung cho các đơn vị Biệt Ðộng Quân đang hành quân trên bốn quân khu và Cam Bốt. Trong trận chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972, các đơn vị Bắc Việt tấn công căn cứ Dak Pek nhưng thất bại, một phần vì các binh sĩ Biệt Ðộng Quân chống trả dữ dội, một phần vì vị trí chiến lược của trại có nhiều đồi núi, phân tán, nên tránh được hỏa lực pháo binh của đối phương. Thất bại trong việc đánh chiếm Dak Pek, phía Bắc Việt cho quân đi vòng xuống phía nam đánh chiếm Tân Cảnh và bao vây thành phố Kontum.

Trong năm 1973 chỉ có những cuộc chạm súng nhỏ không đáng kể. Các đơn vị Cộng Sản vẫn không chiếm được Dak Pek mặc dầu các tiền đồn khác như Ben Het, Dak Seang và quận Ba Tơ đã lần lượt rơi vào tay họ. Cuối năm 1973, Tiểu Ðoàn 88 BÐQ kết hợp với Tiểu Ðoàn 95 (từng đóng tại Bến Hết), Tiểu Ðoàn 62 (từng đóng tại Polei Kleng) để trở thành Liên Ðoàn 22 BĐQ. Liên đoàn với hai tiểu đoàn lưu động thường xuyên hành quân trên vùng cao nguyên Kontum, Pleiku,Phú Yên. Còn Tiểu Ðoàn 88 vẫn đóng quân giữ căn cứ Dak Pek. Lúc này căn cứ Dak pek đã bị cô lập hoàn toàn, mọi việc liên lạc với bên ngoài, tải thương, tiếp tế đều bằng trực thăng, ngoài ra tiểu đoàn không còn được sự yểm trợ của pháo binh bạn vì nằm quá xa, sâu trong vùng địch chiếm đóng.


Image
Hình chụp tại căn cứ Dak Pek vào khoảng năm 1968-69 với các binh sĩ Dân Sự Chiến Ðấu VNCH. Căn cứ này được Hoa Kỳ xây vào năm 1962, về sau chuyển giao lại cho Tiểu Ðoàn 88 Biệt Ðộng Quân VNCH vào cuối năm 1970. Trong chiến dịch tổng tấn công mùa hè năm 1972, Bắc Việt đã thất bại trong kế hoạch đánh chiếm Dak Pek. Nhưng hai năm sau với một chiến dịch bao vây triền miên và pháo kích lâu dài, Bắc Việt đã gây tổn thất nặng nề cho đơn vị Biệt Ðộng Quân phòng thủ. Ngày 16 tháng 5/1974, căn cứ Dak Pek thất thủ. Tiểu Ðoàn 88 BÐQ tuy đã chiến đấu cực kỳ dũng mãnh, nhưng kết cuộc cũng tan rã và coi như bị thiệt hại gần 100% quân số. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).

Vào cuối tháng 3 năm 1974, trong khi hai Tiểu Ðoàn 62 và 95 quần thảo với các đơn vị Bắc Việt thuộc Sư Ðoàn 320 và Trung Ðoàn 95B trong vùng Kon Sơ Lu, đông bắc Kontum thì nhận được công điện khẩn của Tiểu Ðoàn 88 gửi về. Thiếu Tá Di (tiểu đoàn trưởng) và sĩ quan tham mưu báo cáo cho biết các toán viễn thám của tiểu đoàn phát hiện sự gia tăng hoạt động của địch. Nào là xe vận tải Molotova, công binh, dân công làm đường, v.v...

"Địch quân đang chuẩn bị tấn công căn cứ chúng tôi. Stop. Yêu cầu bộ chỉ huy khẩn gửi gấp lương thực, đạn dược, mìn claymore, súng phóng hỏa tiễn M-72, thuốc men. Stop." Đó là những lời cầu cứu của các quân nhân thuộc Tiểu Ðoàn 88 BĐQ. Các công điện gửi về liên tục tại trung tâm hành quân liên đoàn. Mọi người đều lo lắng cho số phận của căn cứ Dak Pek, yêu cầu Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân tại Quân Khu 2 yểm trợ cho Tiểu Ðoàn 88. Trong khi đó Liên Ðoàn 22 nhận lệnh di chuyển đến vùng hành quân mới tại Plei Lang Ba thuộc tỉnh Pleiku.

Trong một cuộc chạm súng gần căn cứ vào ngày 27 tháng 4 năm 1974, các binh sĩ Biệt Ðộng Quân tịch thu một tài liệu cho biết Bắc Việt đang chuẩn bị cho một trận đánh dứt điểm căn cứ Dak Pek. Đầu tháng 5 toán viễn thám BĐQ khám phá một hầm chứa 60 viên đạn pháo binh 105 ly (tịch thu được của Việt Nam Cộng Hòa trong chiến trận mùa hè đỏ lửa). Tuy nhiên, một điều mà BĐQ không biết đến là Trung Ðoàn 29 (thuộc Sư Ðoàn 324B) CSBV đã được di chuyển bằng xe vận tải Molotova từ thung lũng A Shau tỉnh Thừa Thiên về vùng tam biên.

Việc xử dụng Trung Ðoàn 29 chứng tỏ khả năng di động của Bắc Việt đã được phát triển cùng với hệ thống đường xá và phòng không. Trách nhiệm dứt điểm căn cứ Dak Pek được trao cho Trung Ðoàn 29. Trung đoàn này đã bí mật di chuyển 75 dặm và đạt dưới quyền điều động của Mặt Trận B3.

Vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng của Tiểu Ðoàn 88 BĐQ có giữ một bức mật thư, chỉ mở ra khi trường hợp căn cứ Dak Pek bị tràn ngập. Ông ta sẽ hướng dẫn các binh sĩ sống sót băng rừng vượt núi chạy về Mang Buk, một tiền đồn cách Dak Pek vào khoảng 60 cây số về hướng đông nam. Nhưng có lẽ Thiếu Tá Di không có dịp mở bức mật thư đó ra để thi hành.

Bắt đầu từ ngày 10 tháng 5/1974, các trung đội BĐQ có nhiệm vụ lục soát bên ngoài căn cứ đã bắt đầu chạm súng lẻ tẻ với các đơn vị tiền phương của địch. Hai ngày sau quân Bắc Việt khởi đầu trận pháo kích lên vị trí phòng thủ của Tiểu Ðoàn 88 bằng đủ loại đạn, hỏa tiễn, và súng cối. Sau đó Trung Ðoàn 29 bắt đầu tấn công các tiền đồn nhỏ bên ngoài.

Ở trong căn cứ, các binh sĩ Biệt Ðộng Quân chống trả mãnh liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Trận đánh kéo dài bốn ngày, thiếu hỏa lực yểm trợ của pháo binh bạn, tuyến phòng thủ của Tiểu Ðoàn 88 thu nhỏ dần, tuy nhiên các binh sĩ vẫn không buông súng.

Đến sáng ngày 16, sau khi tập trung đạn pháo binh bắn vào các vị trí còn lại của Biệt Ðộng Quân, các cánh quân thuộc Trung Ðoàn 29 CSBV có chiến xa T-54 yểm trợ đã siết chặt vòng vây, tiến vào căn cứ. Tất cả lô cốt, công sự phòng thủ trong căn cứ Dak Pek đều bị sập dưới trận mưa pháo của địch. Lúc đó Thiếu Tá Di vẫn còn liên lạc với các phi cơ yểm trợ. Trong trận này Không Quân đã bay hơn 70 phi vụ yểm trợ cho Tiểu Ðoàn 88 BĐQ. Nhưng vì thời tiết xấu và hỏa lực phòng không của Bắc Việt quá mạnh mẽ nên các phi vụ oanh kích đã kém nhiều hiệu quả. Đến trưa, tiếng nói của Thiếu Tá Di trên máy vô tuyến PRC-25 đã im lặng dưới hỏa lực của địch. Quân CSBV đã bắn vào căn cứ hơn 7,000 đạn pháo binh và hỏa tiễn trong vòng 12 tiếng đồng hồ trước khi Tiểu Ðoàn 88 BÐQ và căn cứ Dak Pek thất thủ.

Sau trận đánh căn cứ Dak Pek tháng 5/1974, báo cáo tổn thất về Tiểu Ðoàn 88 BÐQ là 100%. Tiểu đoàn này đã bị cô lập hơn một năm, tất cả các vùng xung quanh như Tân Cảnh, Dakto đã mất vào tay quân Bắc Việt. Tuy đã có kế hoạch cho Tiểu Ðoàn 88 rút về tiền đồn Măng Buk, nhưng Măng Buk lại cách Dak Pek đến 60 km thì đâu thể nào các quân nhân Tiểu Ðoàn 88 có thể tìm đường đến đó khi căn cứ Dak Pek thất thủ.

Vũ Ðình Hiếu
17 tháng 6 năm 1995
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Trận Chiến Phước Long
Tác giả: Vương Hồng Anh

Đầu tháng 10/1974, bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã thu thập được rất nhiều tin tức tình báo tổng hợp về hoạt động của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại miền Đông Nam phần. Nhiều thông tin và tài liệu cho thấy Cộng quân đang chuẩn bị và có kế hoạch tấn công Phước Long. Nguồn tin này cũng được Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Phước Long nắm vững, đồng thời cập nhật hóa thường xuyên, mỗi lần đều có những tín hiệu về sự chuyển biến rõ rệt của địch. Do đó, Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn đã không có sự bất ngờ khi được báo cáo về vụ tấn công của Cộng quân vào Phước Long vào ngày 13 tháng 12/1974.

Theo tài liệu của Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, diễn tiến trận chiến được ghi nhận như sau: Ngày 13 tháng 12/1974, Cộng quân mở cuộc tấn công vào quận lỵ Đôn Luân nhưng đã bị tiểu đoàn Địa Phương Quân với sự yểm trợ của Không quân đánh bật ra khỏi trận chiến. Qua đêm hôm sau, 14 tháng 12/1974, Cộng quân mở trận đánh chớp nhoáng tương tự vào quận lỵ Đức Phong và Bố Đức. Cả hai vị trí này bị tràn ngập nhanh chóng vì lực lượng yểm trợ không tiếp cứu kịp. Ðêm kế tiếp, 15 tháng 12/1974, một trung đội pháo binh diện địa của tiểu khu Phước Long bị Cộng quân tấn công, hai khẩu đại bác 105 ly bị mất vào tay địch quân.

Từ ngày 17 tháng 12/1974 đến cuối tháng 12/1974, Cộng quân gia tăng áp lực quanh tỉnh lỵ Phước Long. Phi trường bị pháo kích liên tục gây khó khăn cho việc tiếp tế bằng không vận. Đêm 30 tháng 12/1974. Cộng quân huy động Sư Ðoàn 7 chính quy CSBV và Sư Ðoàn 3 tân lập thuộc Bộ Chỉ Huy Miền, cộng thêm một trung đoàn thiết giáp và một trung đoàn pháo binh tấn công vào Phước Bình. Cộng quân tiến sát đến hàng rào phòng thủ của các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa. Trận đánh kéo dài suốt đêm và qua chiều hôm sau mới tạm lắng. Quân trú phòng gồm một tiểu đoàn Bộ Binh và lực lượng Địa phương quân của chi khu Phước Bình phải rút lui lập phòng tuyến mới quanh phi trường.

Trận tấn công của Cộng quân vào tỉnh lỵ Phước Long bắt đầu vào 7 giờ sáng ngày 1 tháng 1/1975 khi một thành phần Cộng quân có xe tăng yểm trợ tiến vào phía nam tỉnh lỵ Phước Long, nhưng khi đến chân đồi gần tỉnh lỵ thì bị khựng lại trước sự chống trả quyết liệt của quân trú phòng. Cùng vào thời gian này, Cộng quân bao vây khu vực núi Bà Rá bất chấp các đợt không pháo và xạ kích của Không Quân VNCH bắn chận tối đa. Sau khi chiếm được núi Bà Rá, Cộng quân cho thiết lập ngay đài quan sát pháo binh và sử dụng súng 130 ly bắn ngay vào trung tâm tỉnh lỵ. Tám khẩu đại bác 105 ly và 4 khẩu 155 ly của Việt Nam Cộng Hòa đặt trong tiểu khu Phước Long bị trúng đạn.

Trong suốt ngày 2 tháng 1/1975, lực lượng trú phòng Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu quyết liệt và gây tổn thất nặng cho địch quân, 15 xe tăng của quân Bắc Việt bị bắn cháy. Đến 18 giờ cùng ngày thì trạm liên lạc đặt trên đỉnh núi Bà Rá bị Cộng quân chiếm do đó sự liên lạc viễn thông với thị xã bị mất hẳn.

TƯỚNG DƯ QUỐC ÐỐNG VÀ CUỘC HỌP QUYẾT ÐỊNH SỐ PHẬN PHƯỚC LONG

Cũng trong ngày 2 tháng 1/1975, một cuộc họp khẩn cấp do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa được tổ chức tại Dinh Độc Lập. Theo lời kể của Ðại Tướng Cao Văn Viên ghi lại trong hồi ký, thì thành phần tham dự cuộc họp có: Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang (phụ tá quân sự Tổng Thống), Trung Tướng Trần Văn Minh (tư lệnh Không Quân), Trung Tướng Đồng Văn Khuyên (tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham Mưu), và Trung Tướng Dư Quốc Đống. Đề tài được nêu ra trong cuộc họp là nên tăng cường lực lượng để giữ Phước Long hay không. Nếu phải tiếp cứu Phước Long thì phải điều động thêm bao nhiêu quân và phải yểm trợ như thế nào.

Đại Tướng Cao Văn Viên kể lại rằng: tại cuộc họp, với chức danh là tư lệnh Quân Ðoàn 3 và Quân khu 3, Trung Tướng Đống nhận định rằng Quân Ðoàn 3 cần ít nhất một sư đoàn Bộ Binh hay một sư đoàn Nhảy Dù để giải vây cho Phước Long. Kế hoạch của tướng Đống là mở cuộc hành quân tiếp cứu bằng trực thăng vận để đưa sư đoàn tiếp ứng này vào tỉnh lỵ Phước Long từ hướng phía tây và phải được sự yểm trợ tối đa bằng Không Quân chiến thuật và tiếp vận đạn dược. Sau đó Trung Tướng Đống xin Tổng thống Thiệu cho từ chức vì ông cho rằng ông không có khả năng thay đổi tình hình tại Quân Khu 3 sau ba tháng giữ chức vụ này.

Trung Tướng Dư Quốc Đống được Tổng Thống Thiệu cử giữ chức tư lệnh Quân Ðoàn 3/Quân Khu 3 từ tháng 10/1974, thay thế Trung Tướng Phạm Quốc Thuần được hoán nhiệm chức vụ để giữ chức chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ quan Nha Trang mà tướng Đống đảm nhiệm từ năm 1973. Trước 1973, từ năm 1964 đến năm 1972, tướng Đống là tư lệnh binh chủng Nhảy Dù.

Theo các thông báo về thăng thưởng và bổ nhiệm các sĩ quan cao cấp được Bộ Quốc Phòng VNCH phổ biến trên các bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam và các nhật báo, Trung Tá Dư Quốc Đống được mang cấp đại tá vào giữa tháng 9/1964 ngay sau khi được cử giữ chức Quyền Tư Lệnh Lữ Ðoàn Nhảy Dù thay thế Thiếu Tướng Cao Văn Viên được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn. Tháng 11/1964, ông được đặc cách thăng chuẩn tướng, chính thức giữ chức tư lệnh binh chủng Nhảy Dù vào ngày 19 tháng 12/1964. Ngày Quân Lực 19 tháng 6/1966, ông được thăng thiếu tướng, và đến giữa năm 1970, được thăng trung tướng.

Trở lại với cuộc họp tại Dinh Độc Lập, sau lời trình bày của tư lệnh Quân Ðoàn 3, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ lời xin từ chức của tướng Đống và lo lắng hơn nữa về kế hoạch tăng cường lực lượng để giữ Phước Long. Kế hoạch này được xem xét rất kỹ lưỡng nhưng cuối cùng bị bãi bỏ vì bộ Tổng Tham Mưu không còn đơn vị tổng trừ bị trong tay. Cuối cùng việc giải vây cho Phước Long được bộ Tổng Tham Mưu giao cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 trực tiếp đảm trách với lực lượng và khả năng sẵn có trong tay.

Quân Ðoàn 3 được tăng cường Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù với nhiệm vụ là lực lượng xung kích. Trong khi Trung Tướng Đống và Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 tiến hành kế hoạch hành quân giải cứu Phước Long, thì tại tỉnh lỵ, vào ngày 3 tháng 1/1975, Cộng quân tăng cường áp lực quanh vòng đai phòng thủ ở phía nam. Tuyến phòng ngự của quân đội VNCH tại Phước Long chỉ còn thu hẹp ở chợ, khu hành chánh tỉnh và phi trường dành cho L-19. Tất cả các đạn bác của quân trú phòng đều bị hư hại, không còn tác xạ được do hơn 2 ngàn trái pháo của Cộng quân đã rót vào khu tòa hành chánh và bộ chỉ huy tiểu khu. Hơn 20 tấn đạn dược được tiếp tế thả dù ngay phía bắc tiểu khu nhưng vì Cộng quân pháo kích liên tục nên việc thu hồi số đạn tiếp tế này vô cùng khó khăn.

Ngày 4 tháng 1/1975, Cộng quân gia tăng các đợt pháo kích vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Trung Tá Tiểu Khu Phó bị tử thương ngay tại chỗ. Trung Tá Chi Khu Trưởng Phước Bình bị thương nặng. Cùng lúc đó, xe tăng của Cộng quân xuất hiện từ hai hướng Tây và Nam thị xã. Liên lạc giữa bộ chỉ huy Tiểu khu và Quân Ðoàn 3 bị đứt quãng nhiều lần và sau khi trung tâm hành quân bị phá hủy thì hệ thống liên lạc viễn liên chỉ còn một tần số vô tuyến.

Ngày 5 tháng 1/1975, vào lúc 8 giờ sáng, Không Quân VNCH thực hiện 60 phi vụ chiến thuật để yểm trợ cho cho kế hoạch hình thành một bãi đáp trực thăng tại phía đông tỉnh lỵ để Liên đoàn 81 Biệt kích Dù đổ bộ. Chín giờ sáng ngày 5 tháng 1/1975, một đại đội Biệt Kích Dù đầu tiên đổ bộ an toàn. Ngay sau khi đổ bộ xong, thì lực lượng tiếp ứng và tiểu khu bắt đầu liên lạc với nhau được ngay. Đến 11 giờ phi cơ chuẩn bị cho cuộc đổ bộ thứ hai và bộ chỉ huy dự trù sẽ trực thăng vận xuống phía Bắc khu hành chánh tỉnh.

Khi hoàn tất cuộc đổ bộ vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày, hơn 250 binh sĩ Biệt Kích Dù bị lọt vào ổ phục kích của pháo binh Cộng quân. Rất may chỉ có khoảng hai tiểu đội bị tổn thất. Nhiều trực thăng bị trúng đạn nhưng phi hành đoàn đã cố gắng thoát ra khỏi vùng hỏa lực phòng không của Cộng quân. Tuy nhiên vì địch pháo dữ dội nên Không quân không thể tải thương được như đã dự trù. Trong thế cài răng lược, xe tăng Cộng quân phá vỡ vị trí phòng ngự của Địa Phương Quân tại kho tiếp vận và từ đó tấn công vào thị xã. Đặc công Bắc Việt tùng thiết liền trở lui đặt chướng ngại vật để chận đường trong khi chiến xa của Cộng quân vẫn tiến về dinh tỉnh trưởng, bây giờ là bộ chỉ huy hành quân tiểu khu và bộ chỉ huy đơn vị tăng viện vừa mới đến.

Cộng quân bị đẩy lùi khi các chiến binh Biệt Cách Dù bắt đầu phản công để tái chiếm từng vị trí một, đặc biệt là kho tiếp vận. Mặc dù chiến binh Biệt Cách Dù chiến đấu vô cùng dũng cảm, nhưng do áp lực Cộng quân quá nặng, nên không chiếm lại được các vị trí trọng yếu. Lúc ấy Biệt Cách Dù bị thiệt hại gần nửa quân số.

Trận chiến trở nên kịch liệt hơn khi chiến xa địch kéo đến tăng cường, chiến binh Biệt Cách Dù sử dụng loại vũ khí phóng hỏa tiễn M-72 và đại bác không giật để bắn trả. Đến cuối ngày hôm đó, Bộ Chỉ Huy Biệt Cách Dù báo cáo cho Bộ Tư lệnh Quân Ðoàn 3 về tình hình trận chiến. Tình hình vô cùng nguy kịch không giống như những gì tiểu khu đã báo cáo trước đó. Tuyến phòng thủ của Địa Phương Quân bị vỡ khi chiến xa địch kéo đến. Thấy vậy, vị sĩ quan chỉ huy Biệt Cách Dù quyết định lập hàng rào quanh dinh tỉnh trưởng và tòa hành chánh.

Suốt đêm đó hơn 1,000 trái đại bác của địch rót vào khu vực này và khu vực chợ. Qua 9 giờ sáng ngày 6 tháng 1, bộ đội Cộng quân có xe tăng yểm trợ lại mở trận tấn công tiếp. Giao tranh kéo dài suốt ngày. Đến 23 giờ, liên lạc với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị mất nhưng Biệt cách Dù vẫn còn giữ vững vị trí. Đến 12 giờ đêm, lực lượng Biệt Cách Dù lặng lẽ phân tán mỏng ra khỏi thị xã.

Sau khi Phước Long thất thủ, Trung Tướng Dư Quốc Đống xin từ chức và được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận. Tổng Thống đã cử Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, chỉ huy trưởng binh chủng Thiết Giáp, cựu tư lệnh Quân Ðoàn 2/Quân Khu 2 (từ tháng 5/1972 đến tháng 10/1974), thay thế tướng Đống trong chức vụ tư lệnh Quân đoàn 3/Quân Khu 3.
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Image


Bài Vinh Thăng Cho Một Loài Chim

Sáng tác: Trầm Tử Thiêng
Ca sĩ: Thái Thanh


1. Chào đón cuộc đời gian nan,
Vinh sinh ra trong thời loạn
từng khóc từng cười bao phen
lênh đênh trôi theo vận tối.
anh vẫn tin có một ngày
bao xích gông bao tù đày
Buồn thua ra đi
tên Thương trở về đây.

Đợi giữa một đời … trăm năm
anh em hơn thua … tồi tệ !
Đợi giữa một đời …trăm năm
anh em quên nhau …thật dễ !
Vinh sống non nửa đời người
hoen tuổi xanh hoen nụ cười
Nhiều khi phân vân
người hay ta là người ?

Quê hương ta đó
Anh em ta đó
Trần Thế Vinh
gian nan nhiều rồi
anh mơ mai sớm có nắng ấm.
anh mơ mai sớm có hòa bình.
anh mơ non nước …
Tình chứa chan dưới trời bình minh.

2. Một sớm lửa hờn dâng cao
Nung sôi quê hương mùa hạ
Giục cánh đại bàng tung mây
Lao thân trong sương bạc xóa
anh trút bom trên hận thù
anh rải mây đem mịt mù
và anh hiên ngang như chim sắp trời cao.

từng phút đợi chờ mong manh
Rưng rưng con tim đồng đội
Lệch cánh đại bàng trong mây
âm u không gian lạc lối
anh đuối tay
buông nặng nề …
Ôi kiếp chim quen bội thề …
một giây bay đi
ngàn năm quên bạn bè !

anh lên cao vút
anh lên cao vút
Trần Thế Vinh
Chim Thương về ngàn
anh bay lên cõi có ánh sáng
anh bay lên cõi không hận thù
Anh bay lên mãi
Trần Thế Vinh vĩnh biệt ngàn thu ...

3. Toàn dân ngùi ngùi thương đau,
khi tin chim thiêng lâm nạn.
Toàn dân ngậm ngùi thương đau,
khi tin chim thiêng về tổ.
anh vắng bay trên trời này
nhưng bóng anh sáng ngời hoài
Từ trong tim tôi muôn năm không mờ phai.

Còn thương tình người hôm qua
Xin anh cho tôi cầu nguyện
Còn xót tình người hôm qua
Xin anh cho tôi lời khấn

Đêm lúc trăng sao ngời ngời
Tôi ngước cao lên bầu trời
Gọi to lên câu Việt Nam ơi muôn đời!

Quê hương anh đó
Quê hương tôi đó
Trần Thế Vinh
Anh kêu gọi người
Sao cho mai sớm dưới nắng ấm
Anh em Nam Bắc nguôi hận thù
Tay đón tay nắm
Cùng hát vang dưới trời Việt Nam!
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Trung Tướng Dư Quốc Ðống


Image

Tướng Dư Quốc Đống sinh Tháng 12 năm 1932 tại Minh Lương tỉnh Rạch Giá, Khi còn nhỏ theo học tại trường Tư thục Võ Thành Trứ về sau lên Sài Gòn học tại tư thục Guillerault trên đường Chasseloup Laubat ( Hồng Thập Tự )

Gia nhâp quân đội khóa 5 Hoàng Diệu, Trường Vỏ Bị Quốc Gia Việt Nam khai giảng vào tháng 7/1951 và mãn khóa ngày 24/4/1952. Sau khi tốt nghiệp Ông được đưa về phục vụ tại Tiểu Đoàn 4 Vệ Binh Sơn Cước tai Pleiku đến một năm sau mới tình nguyện thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù.

Khi về Nhảy Dù, Thiếu Úy Dư Quốc Đống giữ chức vụ Trung Đội Trưởng Tiểu Đoàn 1 ND dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Vũ Quang Tài, Tiểu Đoàn Trưởng.

Năm 1954, Ông được thăng cấp Trung Úy và giữ chức vụ Đại Đội Trưởng khi tham gia chiến dịch càn quét lực lượng Binh Xuyên ra khỏi Đô Thành Sài Gòn năm 1955. Sau trận nầy Ông được thăng cấp đặc cách Đại Úy nhiệm chức.

Cũng trong năm nầy, Thiếu Tá Vũ Quang Tài giao quyền chỉ huy Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù cho Đại Úy Trần Văn Đô làm Tiểu Đoàn Trưởng, Ông được chỉ định làm Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù. Trong lúc nầy có một khoảng thời gian ngắn ông được chỉ định xử lý thường vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ6ND trước khi Đại Úy Đổ Kế Giai về nhiệm chức Tiểu Đoàn Trưởng TĐ6ND.

Năm 1957, Ông được Đại Tá Nguyễn Chánh Thi Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm huấn luyện đào tạo Hạ Sĩ Quan Nhảy Dù với các bằng CC1, CC2 (Chứng Chỉ năng lực tác chiến). Đến năm 1959 ông được đề cử giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1ND.
Năm 1958 ông được bổ nhiệm chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù .

Đến năm 1959 ông thuyên chuyển về giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1ND. Ngày đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm 11/11/1960 do nhóm Vương Văn Đông chủ trương ông không có mặt tại Tiểu Đoàn.
Tháng 6 / 1961, sau chiến thắng Kiến Phong ( trận Ấp Mỹ Qúi ) tất cả quân nhân của TĐ1ND đều được đặc cách thăng một cấp và ông được thăng cắp Thiếu Tá tại mặt trận.

Đến năm 1962, chiến cuộc ngày càng gia tăng, và theo nhu cầu phát triển của Quân Đội, Lữ Đoàn Nhảy Dù thành lập hai Chiến Đoàn 1 và Chiến Đoàn 2; ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chiến Đoàn Trưởng đầu tiên của Chiền Đoàn 1 Nhảy Dù và cũng là tiền thân của Lữ Đoàn 1 thuộc Sư Đoàn Nhảy Dù sau nầy.

Sau chiến thắng trận Tân Châu Hồng Ngự, Thiếu Tướng Cao Văn Viên Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù được đề bạt làm Tham Mưu Trưởng Liên Quân tại Bộ TTM/QLVNCH. Trong buổi lể bàn giao, Thiếu Tướng Viên đã trao gắng cấp bậc Đại Tá và trao Quyền Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù lại cho ông vào ngày 19/6/1964.

Đầu tháng 11/1964, ông được vinh thăng Chuẩn Tướng, chính thức nhậm chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù. Ngày Quân Lực 19 tháng 6/1966, ông được vinh thăng Thiếu tướng, và đến Tháng 7 năm 1970, ông được thăng cấp Trung Tướng.

Tướng Dư Quốc Đông có vóc dáng uy nghi, mày rậm, mắt to, cử chỉ hiên ngang. Ông là một sĩ quan can đảm, tài ba, đã từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt trên khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Ngoài tài hành quân tác chiến, Tướng Đống còn là một người rất nghĩa khí.

Có lần trong cuộc họp Đại Hội Đồng Quân Lực ngày 10/3/1966 dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lảnh Đạo Quốc Gia để bầu phiếu buộc tội Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi về việc dung túng những thành phần quá khích ở Vùng I Chiến Thuật, họ biểu tình phản kháng lại Chính Phủ Trung Ương. Hầu hết Tướng lãnh đều bỏ phiếu thuận, chỉ có một phiếu trắng; Trung Tướng Nguyễn Hữu Có đẩy ghế đứng dậy lên tiếng :

-Trong phòng họp nầy, Chúng ta là những người có trách nhiệm trong Đại Hội Đồng với tư cách thay mặt toàn quân, bỏ phiếu thuận hay không thuận, bỏ phiếu trắng trong trường hợp nầy là “lưng chừng” không dứt khoát lập trường. Vậy ai là người bỏ phiếu trắng nên giải thích cho anh em rõ.

Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống đứng lên nói:

- Kính thưa Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lảnh Đạo Quốc Gia, kính thưa qúy vị, tôi là người bỏ phiếu trắng đó. Trung Tướng Thi đã một thời là cấp chỉ huy của tôi trong binh chủng Nhảy Dù nên tôi không thể hành động chống lại Trung Tướng Thi, tôi vẫn biết rằng hành động của tôi không làm thay đổi được quyết định chung cuộc, nhưng tôi vẫn làm vì lẻ đó. Và nếu sau nầy có điều gì xảy ra với Trung Tướng Viên tôi vẫn hành động như tôi vừa làm. Và bây giờ qúi vị toàn quyền quyết định về tôi : “ở hay ra khỏi Nhảy Dù, tôi thi hành ngay” xin cảm ơn qúy vị.

Các tướng lãnh, trong đó có Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Trung Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có ,,, nghe lời nói khí khái hùng hồn của ông ai cũng mến phục (Tướng Thi, Tướng Viên nguyên là Tư Lệnh tiền nhiệm của Sư Đoàn Dù).

Tướng Đống rất thương yêu binh sĩ, nhưng ông lại rất khắt khe với các sĩ quan cao cấp, các vị Tư Lệnh Phó, Lữ Đoàn Trưởng, Trưởng Phòng, Tiểu Đoàn Trưởng rất nể sợ ông. Các sĩ quan cấp tá trở lên mới bị Tướng Đống quở trách, đối với cấp Úy thì ông không nói gì. Nhưng với anh em binh sĩ, ông hết sức nhỏ nhẹ, cặp mắt luôn luôn nhìn họ một cách hiền từ, trìu mến. Ông nghĩ họ là thành phần cực khổ và chịu nguy hiểm nhiều nhất, ông muốn yểm trợ giúp đỡ thật nhiều cho binh sĩ và gia đình họ, giống như người cha lo lắng cho đứa con thân yêu của mình vậy.

Tướng Đống là Tư Lệnh thứ tư của Sư Đoàn Nhảy Dù (từ 1964-1972, sau Đại Tướng Đỗ Cao Trí, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Đại Tướng Cao Văn Viên). Trong binh chủng Dù, ông phục vụ lâu năm nhất, chỉ huy từ cấp Trung Đội Trưởng và không hề có thời gian gián đoạn chỉ huy so với các Tư Lệnh khác.

Thời gian ông chỉ huy SĐND là lúc chiến tranh Việt Nam lên tới cực điểm khốc liệt nhất, những trận đánh dữ dội không giản dị như thời còn quân đội Pháp. Nhiều trận giao tranh ở cấp Sư đoàn và phối hợp hành quân tác chiến với các quân binh chủng khác. Dưới quyền lãnh đạo của Tướng Đống, lực lượng Nhảy Dù đã không những mang lại nhiều chiến thắng mà còn làm cho quân lực Đồng Minh phải ngưỡng mộ. Đại Tướng Lindsay, nguyên là cựu cố vấn TĐ8ND đã nói: "Những chiến thắng gần đây ở Grenada và kinh đào Panama do Nhảy Dù Mỹ đem lại chính là chúng tôi đã học hỏi nhiều kinh nghiệm tác chiến của Nhảy Dù Việt Nam..."

Dưới quyền Tướng Đống, binh chủng Dù từ cấp Lữ Đoàn đã trở thành cấp Sư Đoàn, với quân số trên dưới 12.700 gồm 9 tiểu đoàn tác chiến và ba tiểu đoàn pháo binh. Cũng như vị tiền nhiệm là Đại Tướng Trí, người chỉ huy Dù dẹp loạn Bình Xuyên, lúc Thủ Tướng Diệm mới cầm quyền, Tướng Đống chỉ huy SĐND lập nhiều công lớn trong Tết Mậu Thân, trận Ia Drang, Đồi 1416 ở Dakto, cuộc tiến quân sang Kampuchia, trận Hạ Lào, trận An Lộc...

Sau khi bàn giao chức vụ Tư Lệnh Nhảy Dù lại cho Tướng Lê Quang Lưỡng vào cuối năm 1972, ông được Tổng Thống Thiệu đề cử làm Trưởng đoàn thương thuyết trong Ủy Ban Liên Hơp Quân Sự bốn bên thay thế Tướng Ngô Dzu vào ngày 2/2/1973.

Tháng 11 năm 1973 ông nhận chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang.

Tháng 11 năm 1974, Trung Tướng Dư Quốc Đống được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử giữ chức Tư Lệnh Quân Ðoàn 3/Quân Khu 3 thay thế Trung Tướng Phạm Quốc Thuần được hoán nhiệm chức vụ để giữ chức chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ quan Nha Trang mà tướng Đống đảm nhiệm .
Ba tháng sau đó, ông đã xin từ nhiệm, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ lời yêu cầu của ông gởi quân tăng viện đến mặt trận Phước Long là cửa ngõ dẫn vào tới Sài Gòn, mà sau đó đã bị quân Cộng Sản Bắc Việt tràn ngập.

Tướng Ðống không còn giữ chức vụ nào nữa cho đến khi ông phải rời Sài Gòn vào ngày 29 Tháng Tư, sau khi nhận thức rằng miền Nam Việt Nam khó có thể đối phó được với cuộc tổng tấn công xâm lược của quân Cộng Sản Bắc Việt, và Sài Gòn đã thất thủ một ngày sau đó.

Sau khi đến định cư tại Hoa Kỳ, Tướng Ðống đã có một cuộc sống kín đáo, giản dị, ít khi xuất hiện trước đám đông, và ngay trong gia đình ông cũng ít kể lại chuyện chiến tranh, những chiến công của ông.

Trung Tướng Dư Quốc Ðống qua đời vào lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Ba 22/4/2008 tại Huntington Beach California hưởng thọ 76 tuổi.

Tài liệu tham khảo :
- Tướng Đống Bàn về Tình Hình Quân Sự Tháng Giêng Năm 1975 tại QĐIII (Thông Tin Tình Báo CIA)tre6n trang nhà /www.generalhieu.com
- Đôi dòng ghi nhớ hồi ký của Phạm Bá Hoa.
- Ph ỏng vấn các Niên Trưởng Tạ Thái Bình, Nguyễn Phẫm Bường, Nguyễn Tự Bảo, Lê Văn Phát, Đàm Trọng Toàn…
- Một Cánh Hoa Dù của. Trương Dưỡng
- Phỏng vấn trực tiếp các chiến hữu trong SĐND.

Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests