Bình Luận , Quan Điểm

khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tập Cận Bình “vỗ mặt” giới lãnh đạo Việt Nam


SINGAPORE (NV) - Tuy được giới lãnh đạo Việt Nam tiếp đón nồng hậu nhưng ngay sau khi rời Việt Nam, sang Singapore,
ông Tập Cận Bình tuyên bố, từ lâu, biển Đông vẫn là của Trung Quốc.

Image
Đại biểu Quốc Hội Việt Nam chào đón ông Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nhà nước Trung Quốc đến thăm Việt Nam trong hai ngày 5 và 6 Tháng Mười Một.

Trước đó đã có hàng trăm người ký tên vào một thư ngỏ, đề nghị chính quyền Việt Nam hủy việc tiếp đón ông Tập Cận Bình - với vai trò người đứng đầu nhà nước Trung Quốc, nhân vật này đã vài lần khẳng định với cộng đồng quốc tế: “Biển Đông là của Trung Quốc!” Thậm chí hồi hạ tuần Tháng Mười, trong cuộc trò chuyện với Reuters, ông ta từng nhấn mạnh, từ xưa, các đảo và bãi đá ở biển Đông vốn đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Đó là tài sản do tổ tiên của người Trung Quốc để lại. Cũng vì vậy, Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ ai vi phạm chủ quyền, các quyền và lợi ích của Trung Quốc tại biển Đông.

Thư ngỏ này khẳng định, Trung Quốc đang là hiểm họa trực tiếp, gây nguy hại cho Việt Nam về mọi mặt. Cũng vì vậy, người Việt cần nói “không” với những nhân vật như Tập Cận Bình. Cũng theo thư ngỏ này, đã đến lúc cả dân chúng lẫn chính quyền Việt Nam phải xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, xét lại “tinh thần bốn tốt” và “16 chữ vàng,” xét lại những văn kiện bất bình đẳng mà chính quyền Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc, đồng thời chấm dứt đối thoại song phương với Trung Quốc.

Giống như nhiều kiến nghị, thư ngỏ khác, thư ngỏ vừa kể giống như “tiếng kêu trong hoang mạc,” chính quyền Việt Nam vẫn tổ chức đón tiếp tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc kiêm chủ tịch nhà nước Trung Quốc một cách trọng thể.

Trong cuộc hội đàm với ông Bình, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng CSVN tha thiết đề nghị Trung Quốc “phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cao cấp hai Đảng, hai nước, duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình” và “cùng Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 'Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông' (DOC), sớm xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông' (COC), gia tăng xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển,' triển khai hiệu quả, thực chất các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, tích cực trao đổi tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài hai bên đều chấp nhận được.”

Tại diễn đàn Quốc Hội, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội bày tỏ với ông Bình lòng biết ơn về “sự giúp đỡ của Đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến cứu nước cũng như công cuộc xây dựng bảo vệ Việt Nam.” Ông Hùng hy vọng “quan hệ hai bên tiếp tục phát triển đúng với tinh thần mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Chủ Tịch Mao Trạch Đông đã định hướng: Hòa bình - hữu nghị - hợp tác.”

Các viên chức Việt Nam tỏ ra hoan hỉ khi ông Bình loan báo, Trung Quốc chấp thuận cho Việt Nam sử dụng khoản vay ưu đãi trị giá 300 triệu Mỹ kim vào dự án xây dựng đường cao tốc Móng Cái - Vân Đồn. Cho vay ưu đãi thêm 250 triệu Mỹ kim để hoàn tất dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra còn tuyên bố viện trợ một tỷ nguyên (nhân dân tệ) trong năm năm để giúp Việt Nam xây dựng và sửa chữa các công trình dân sinh như: Trường học, bệnh viện.

Để chứng tỏ thiện chí, đảng Cộng Sản Việt Nam ký thỏa thuận “hợp tác đào tạo cán bộ giữa đảng cộng sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020.” Chính phủ Việt Nam thì ký thêm “Hiệp định về đi lại của tàu thuyền tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân” và “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc.”

Ông Bình rời Việt Nam ngày 6 Tháng Mười Một, ngày 7 tháng này, khi đến thăm Singapore, phát biểu tại Đại Học Quốc Gia của Singapore, ông Bình lập lại những tuyên bố mà ông đã từng nêu trước đó: Từ xưa, biển Đông đã là của Trung Quốc. Tại biển Đông, Trung Quốc hiện có một số đảo đang bị các quốc gia khác “chiếm đóng.” Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ “tiếp tục tìm giải pháp cho các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông thông qua thương lượng.” (G.Đ)
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Dân tộc Miến Ðiện đáng kính phục

Ngô Nhân Dụng
Người Việt Nam phải ngả mũ tỏ lòng kính phục dân tộc Miến Ðiện. Cuộc bỏ phiếu ngày Chủ Nhật vừa qua là một bước lớn trên tiến trình dân chủ hóa. Cả nước Myanmar đáng ca ngợi, từ những người dân nghèo nàn, ít học ở thôn quê cho tới các nhà tranh đấu vận động dân chủ; và cả đến đảng cầm quyền mới bị thất cử. Cả ba, chính quyền, đối lập và dân Miến cùng chung một bước vững chắc trên đường xóa bỏ chế độ độc tài lạc hậu đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, qua một cuộc bỏ phiếu trong sạch và tự do, hiếm đạt được ở những nước n mới bắt đầu thí nghiệm “luật chơi dân chủ” lần đầu.

Phóng viên báo Washington Post phỏng vấn một ngư dân, ông Sein Kyaw Thee, 45 tuổi. Mỗi ngày ông Thee bán cá được số tiền tương đương với 15 đô la Mỹ. Ông nói ông bỏ phiếu cho đảng NLD vì ông kính trọng bà Suu Kyi. Ông hy vọng bà sẽ đem Miến Ðiện tới tương lai phồn thịnh.

Phóng viên hãng thông tấn Al Jazeera của Qatar, một nước Á Rập, thuật lời ông Kyi Win, một thường dân ở thủ đô Rangoon khi nghe tuyên bố đảng của bà Aung San Suu Kyi thắng 70% số ghế trong Quốc Hội: “Chúng tôi đã chờ suốt 50 năm nay! Kết quả này vượt trên cả điều tôi mong đợi!” Ông Kyi Win, 70 tuổi, đã chờ đợi gì? Ông không chỉ chờ ngày bà Suu Kyi chiến thắng. Năm mươi năm trước thì bà Suu Kyi chưa hoạt động chính trị. Ông Kyi Win và những người dân Miến cùng tuổi đã chờ 50 năm, kể từ năm 1962 khi các tướng lãnh cướp chính quyền rồi công bố một thứ chủ nghĩa xã hội bắt dân chúng phải theo, tới ngày hôm nay được sống tự do dân chủ!

Nhà báo cũng phỏng vấn bà Daw Khin Myo Sett, bà đi bỏ phiếu lần đầu tiên. Trong cuộc bỏ phiếu tự do sau cùng mà đảng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo toàn thắng trước đây 25 năm thì cô mới 14, chưa đến tuổi được đi bầu. Nhóm quân nhân cầm quyền đã xóa bỏ kết quả cuộc bầu cử, bà Suu Kyi bị quản thúc, và từ đó đảng NLD tẩy chay không tham dự bầu cử, cho tới năm 2011. Cử tri Khin Myo Sett năm nay 39 tuổi, mong mỏi điều gì khi đi bỏ phiếu lần đầu? Bà nói: “Tôi hy vọng chính quyền mới sẽ cải thiện giáo dục và hệ thống y tế để cho cuộc sống của con cháu tôi tốt đẹp hơn thế hệ tôi.”

Ðó là niềm ước vọng của 30 triệu người dân Myanmar khi họ dùng lá phiếu hòa bình lật đổ chế độ độc tài trong ngày Chủ Nhật vừa qua! Mà đó cũng là ước vọng của mọi phụ nữ ở khắp Á Châu, đặc biệt ở Việt Nam: cải thiện giáo dục và y tế, vì thế hệ tương lai!

Hơn hai phần ba dân Myanmar sống ở thôn quê, kiếm ăn bằng vườn ruộng và sông hồ, nhiều nơi lợi tức dưới hai đô la một ngày. Phần lớn họ không biết chữ, thua xa nông dân và ngư dân Việt Nam. Phòng bỏ phiếu phải niêm yết những bảng chỉ dẫn bằng hình ảnh cho cử tri biết cách thi hành quyền công dân. Nhưng 80% các cử tri đã đi bày tỏ ý kiến của họ qua lá phiếu, trừ hơn một triệu người thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo bị coi không phải là công dân. So với dân Việt Nam, các cử tri Miến Ðiện không phải là những người hiểu biết về chính trị nhiều lắm, họ cũng chưa có kinh nghiệm sống dân chủ bao giờ. Nhưng rõ ràng họ biết một điều: Phải thay đổi chính trị thì đất nước mới tiến bộ! Phải chấm dứt một chế độ tham nhũng bất công và bất lực, chế độ độc tài đã kìm hãm dân trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu hơn nửa thế kỷ.

Dân Myanmar may mắn vì những người cầm quyền còn theo luân lý cổ truyền, các tướng lãnh cai trị chuyên chế với các chính sách ngu dốt nhưng vẫn biết tôn trọng các quy tắc đạo lý do tổ tiên để lại chứ không thờ phụng một chủ nghĩa ngoại lai hủy diệt tôn giáo và gia đình. Các ông tướng trong đảng cầm quyền đã nghĩ lại, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên quyền lợi đảng phái và cá nhân. Cho nên năm 2011, các tướng lãnh đã quyết định thay đổi hệ thống chính trị, dù biết họ sẽ mất những quyền hành, lợi lộc mà họ đã từng hưởng. Tổng Thống Thein Sein và bà Suu Kyi tin tưởng và hợp tác với nhau cùng hướng dẫn nước Myanmar trên đường dân chủ hóa.

Chính quyền và quân đội sẵn sàng tôn trọng kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua. Kết quả bầu cử công bố trên màn ảnh truyền hình cho toàn dân coi. Ngay tại thủ đô Naypyidaw do các ông tướng mới lập ra đảng NLD cũng thắng thế mặc dù đa số dân ở đó là gia đình các công chức và quân đội, thân chính quyền. Kết quả bất ngờ này chứng tỏ công việc bỏ phiếu và kiểm phiếu hoàn toàn trong sạch. Cả tờ báo của đảng cầm quyền cũng viết bài ca ngợi, gọi cuộc bỏ phiếu vừa qua là “Rạng đông mở đầu một thời kỳ lịch sử mới!” Ông Shwe Mann, chủ tịch đảng Liên Minh Ðoàn Kết và Phát Triển, USDP, đang nắm quyền, cũng là chủ tịch Quốc Hội đương nhiệm, gọi điện thoại chúc mừng đối thủ U Than Nyunt thuộc đảng NLD để chấp nhận thất cử. Gần đây ông còn có nhiều hy vọng sẽ lên làm tổng thống, nếu thỏa hiệp được với đảng NLD.

Bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD chiến thắng, Nhưng cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của họ, và của dân tộc Myanmar, chưa chấm dứt. Trong những ngày sắp tới, Liên Minh NLD và bà Suu Kyi sẽ tiếp tục đấu tranh, nhưng phải chấp nhận “giao đấu theo luật chơi,” mặc dù luật chơi chưa hoàn toàn dân chủ như họ mong muốn. Ðây cũng là một hiện tượng tự nhiên, vì thực ra dân chủ tự do là một cuộc vận động liên tục không biết bao giờ chấm dứt, vì xã hội loài người thay đổi và không một chế độ dân chủ nào có thể coi là đã hoàn hảo.

Một vết đen trong cuộc bỏ phiếu vừa qua là 1,300,000 người không được coi là công dân, vì họ thuộc sắc dân Rohingya và theo Hồi Giáo, đã từ bán đảo Ấn Ðộ chạy qua sống ở Miến Ðiện. Ðảng NLD cũng chưa dám lên tiếng bênh vực cho những người Rohingya bởi vì không dám chống lại đầu óc kỳ thị của những người không hiểu biết. Ðây là một điểm khiến dư luận quốc tế chỉ trích người dân Miến và đảng NLD cũng như bà Suu Ky. Nhưng họ đành phải chịu, không thể làm gì hơn được, vì cần phải nhiều thời gian mới có thể thay đổi dân trí.

Các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng NLD và bà Suu Kyi còn phải làm việc trong khuôn khổ một bản Hiến Pháp do chế độ quân phiệt soạn ra. Chỉ có một cách xóa bỏ óc kỳ thị nhanh chóng là ghi thêm một tu chính án vào Hiến Pháp, xác định quyền bình đẳng giữa các chủng tộc, tôn giáo; đồng thời Quốc Hội phải làm lại luật về quyền nhập tịch của các di dân. Cả hai điều này sẽ còn bị trở ngại vì dù thắng 70% số phiếu, đảng NLD chưa nắm được toàn quyền hành động.

Trước hết, trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc Hội vào Tháng Ba năm tới đảng NLD không thể bầu bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống. Vì bản Hiến Pháp hiện hành cấm những người có vợ, hay chồng, và con quốc tịch nước khác được ứng cử tổng thống. Bọn quân phiệt trước đây đã ghi điều này vào Hiến Pháp chỉ cố để ngăn cản bà Suu Kyi, vì chồng con bà đều quốc tịch Anh. Ðảng NLD cũng không thể bỏ phiếu thay đổi Hiến Pháp, vì muốn tu chính Hiến Pháp cần hội đủ hơn 75% số đại biểu trong Quốc Hội. Hiến Pháp hiện hành lại dành sẵn 25% số ghế cho quân đội, nghĩa là do các tướng lãnh chọn. Do đó, nếu khối đại biểu quân nhân đó không chịu thì không thể nào sửa Hiến Pháp.

Do đó, đảng NLD phải đưa ra mọt ứng cử viên tổng thống khác bà Suu Kyi. Trong năm qua họ đã điều đình với phe quân nhân tìm một người được họ chấp nhận để bầu làm tổng thống, có thể là ông Thein Sein, hoặc ông Shwe Mann, nếu phe quân nhân đồng ý sẽ tu chính Hiến Pháp. Cuối cùng họ không đồng ý. Ðảng LND cũng có thể đưa ra một tướng lãnh khác, như cựu tổng tư lệnh, Tướng Tin Oo, một người vẫn ủng hộ bà Suu Kyi; nhưng ông Tin Oo đã 88 tuổi.

Dù sang năm ai sẽ lên làm tổng thống thì cũng không thay đổi được bản Hiến Pháp, trong đó các chức vụ bộ trưởng quốc phòng, nội an và an ninh biên giới phải do ông tướng tổng tư lệnh chọn! Muốn sửa đổi điều này, cũng cần trên 75% số phiếu trong Quốc Hội!

Bà Suu Kyi và đảng NLD cũng sẽ phải làm việc trong khuôn khổ chật hẹp của bản Hiến Pháp; chờ đến ngày có cơ hội thay đổi Hiến Pháp. Dù chiếm đa số, đảng NLD cũng còn phải hợp tác với các đảng chính trị nhỏ, tổng cộng gần 90 đảng, rất nhiều đảng chỉ đại diện cho các nhóm thiểu số ở địa phương.

Tóm lại, dù thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật, Aung San Suu Kyi sẽ còn phải hoạt động trong khuôn khổ một Hiến Pháp do chế độ cũ soạn ra.
Bà sẽ phải tôn trọng Hiến Pháp đó cho tới khi có thể thay đổi. Ðảng NLD quyết định tham dự cuộc bầu cử vừa qua cho thấy họ và bà Suu Kyi tin tưởng hai điều. Thứ nhất, cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong sạch, thẳng thắn, phe quân nhân không tìm cách gian lận. Thứ hai, dân chúng Miến Ðiện muốn thay đổi chế độ. Cả hai đều diễn ra như họ mong đợi.

Bây giờ, đảng NLD phải đóng vai trò mới, trở thành một đảng cầm quyền, dù quyền hành còn bị hạn chế. Họ không thể dành hết thời giờ cho việc tranh đấu đòi sửa Hiến Pháp. Dân bầu họ vào Quốc Hội để lo cho cả 30 triệu người, chứ không phải chỉ lo cho một số chính trị gia. Khi chấp nhận tham gia tranh cử, họ cũng chấp nhận các luật chơi, theo đúng luật chơi, chờ tới ngày có thể sửa luật chơi cho tiến bộ hơn. Dân chủ hóa là một con đường rất dài, tiến từng bước một, được một bước rồi lại tính thêm tiến thêm các bước khác.

Trong mấy năm tới đảng NLD sẽ phải chứng tỏ khả năng cai trị. Phải đưa ra những đạo luật thay đổi cuộc sống của người dân, cải thiện giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, bảo vệ công bằng xã hội. Cầm quyền là một thử thách lớn, còn khó hơn khi đóng vai đối lập tranh đấu cho dân chủ tự do. Tranh đấu nhằm cổ động nâng Dân Khí lên cao. Qua những cuộc bầu cử vừa qua, dân tộc Miến Ðiện cho thấy Dân Khí đã rất cao. Dân tộc đang phục sinh. Bây giờ có quyền bính trong tay, đảng NLD còn phải lo nâng cao Dân Trí và phục vụ Dân Sinh nữa. Người Việt Nam nhìn tấm gương Miến Ðiện để tính sao cho dân tộc mình có thể cùng tiến bước được như họ.
buikiem
Posts: 504
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Tổng thống Myanmar Thein Sein: "Gorbachev và tôi không giống nhau"

Thành công của kinh tế Myanmar và cuộc bầu cử 2015 có dấu ấn sâu đậm của Tổng thống Thein Sein - vị tướng cởi bỏ quân phục để tiến hành cải cách.

Tổng thống Thein Sein của Myanmar, một cựu tướng của nước này, có lẽ sẽ đi vào lịch sử với tư cách một nhà lãnh đạo
của công cuộc đổi mới không thể đảo ngược ở quốc gia Đông Nam Á này.

Image
Tổng thống Thein Sein (trái) và nhân vật đối lập San Suu Kyi.
Ông Thein Sein cam kết trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào năm 2012 rằng Myanmar (còn gọi là Miến Điện) đang đi trên con đường mà nó không thể lùi bước. Chuyến thăm của ông tới Mỹ là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Myanmar trong suốt gần nửa thế kỷ.

Ông Thein Sein, sinh năm 1945, nhậm chức Tổng thống vào tháng 3/2011 sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2010 – cuộc bầu cử đầu tiên ở quốc gia này trong khoảng 20 năm (kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1988). Kể từ đó, ông trở thành người tiên phong trong tiến trình cải cách ở Myanmar. Trước đó quân đội nắm toàn quyền ở Myanmar trong nhiều thập kỷ. Giai đoạn quân đội chấp chính, ông Thein Sein là một trong các nhân vật chủ chốt trong chính quyền quân sự.

Dưới chính thể do ông lãnh đạo, Myanmar đã trả tự do cho hàng trăm tù nhân, kể cả tù chính trị. Chính phủ Myanmar cũng ký kết các thỏa thuận hòa bình với các nhóm dân tộc thiểu số, đồng thời giảm bớt mức độ kiểm duyệt đối với truyền thông.

Tổng thống Thein Sein đã góp phần quan trọng vào việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Myanmar, đồng thời thu hút đáng kể đầu tư của nước ngoài. Hơn 500 doanh nghiệp đã đầu tư hơn 50 tỷ USD vào Myanmar kể từ khi nước này tiến hành tự do hóa kinh tế vào năm 2011. Cả Coca-Cola, MasterCard, Ford và Hilton đều đã đổ xô vào thị trường tiềm năng hơn 50 triệu dân này.

Trên trường quốc tế, ông Thein Sein được hoan nghênh, dù rằng giới phê bình vẫn cảnh báo rằng tiến trình cải cách của Myanmar vẫn còn phải trải qua nhiều cuộc kiểm nghiệm.

Lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi, đã gióng lên lời cảnh báo đó một lần nữa vào tháng 11/2014 khi bà cho rằng tiến trình cải cách đã ngưng trệ.

“Nhân vật hiền lành”

Sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở vùng châu thổ sông Irrawaddy, ở thị trấn Ngapudaw, Thein Sein xuất thân hết sức bình thường. Theo lời của chính ông thì cha mẹ ông làm nghề nông.
Image
Tổng thống Myanmar Thein Sein hội kiến với Tổng thống Mỹ Obama.
Thein Sein tốt nghiệp học viện quân sự Myanmar vào năm 1968. Ông đều đặn thăng tiến trong sự nghiệp 40 năm của mình.

Ông bắt đầu tham gia giới lãnh đạo vào thập niên 1990 khi ông trở thành thành viên của Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia, theo cách gọi của chính quyền quân sự lúc đó.

Thein Sein được chỉ định làm Thư ký thứ nhất của Hội đồng này sau khi cựu trùm tình báo Myanmar Tướng Khin Nyunt rời bỏ chức vụ này vào năm 2004. Thein Sein cũng là chủ tịch Hội nghị Quốc gia – chuyên về soạn thảo Hiến pháp mới của Myanmar.

Khi vị Thủ tướng tiền nhiệm, Soe Win, đổ bệnh, Thein Sein đã trở thành quyền Thủ tướng vào tháng 5/2007.

Chính thức thành Thủ tướng vào tháng 10 năm đó, Thein Sein trở thành gương mặt đối ngoại của chế độ - ông xuất hiện và đại diện cho Myanmar tại các hội nghị của ASEAN và Liên Hợp Quốc. Ông làm Thủ tướng trong 4 năm.

Đến tháng 4/2010, như nhiều quan chức hàng đầu khác trong chính quyền quân sự, ông cởi bỏ quân phục để chuyển sang khối dân sự và lập ra một chính đảng.

Chính Thein Sein đã nộp đơn xin đăng ký lập Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP). Đảng này chiếm thế áp đảo trong các cuộc bầu cử vào tháng 11/2010 và kiểm soát được quốc hội nước này.

Giới phân tích tại thời điểm đó cho rằng việc bổ nhiệm ông Thein Sein là do lãnh đạo chính quyền quân sự Than Shwe dàn dựng, vì ông Than Shwe muốn có một gương mặt được các bên chấp nhận trong quá trình chuyển tiếp.

Aung Zaw, biên tập viên của tạp chí Irrawaddy có trụ sở ở Thái Lan phát biểu vào thời điểm Thein Sein nhậm chức: “Ông ấy sẽ không phá bỏ thông lệ... Ông ấy không phải con rồng phun lửa, vì thế ông không tạo ra mối đe dọa nào đối với tướng Than Shwe, người tiếp tục thực thi quyền lực tuyệt đối”.

“Lặng lẽ nhưng đầy quyết tâm”

Nhưng khi Thein Sein lên nhậm chức, chính quyền của ông đã bắt đầu một tiến trình thay đổi khiến những người chỉ trích ông cũng phải ngạc nhiên.

Thein Sein đã gặp lãnh đạo phong trào dân chủ, bà Aung San Suu Kyi, người sau đó quyết định đưa đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) quay trở lại tiến trình chính trị sau khi đã tẩy chay các cuộc bỏ phiếu vào tháng 11/2014.

Hồi đó NLD phản đối các cuộc bầu cử phụ mà giới quan sát cho là tự do và công bằng.

Trong các năm sau khi bà San Suu Kyi được trả tự do, có vẻ như ông Thein Sein đã phát triển được một mối quan hệ công việc tốt đẹp với bà này. Truyền thông phản ánh nhiều về thực tế ông đã gặp bà, chúc mừng bà khi bà được trao tặng Huân chương Danh dự


“Chúng tôi không cải cách vì tôi muốn cải cách. Đơn giản là chúng tôi chỉ đáp ứng mong muốn cải cách của người dân. Do vậy tương lai của tôi phụ thuộc vào người dân và nguyện ước của họ”- Thein Sein

của Quốc hội Mỹ. Ông cũng công khai nhắc đến việc bà đoạt giải Nobel Hòa bình.

Vốn là một người trầm tính, ông Thein Sein trên thực tế lại tiếp xúc nhiều với truyền thông quốc tế. Ông bắt đầu hối thúc phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt – điều ông coi là cần thiết cho nền dân chủ và cho việc nâng cao mức sống của người dân Myanmar.

Vijay Nambiar, cố vấn cao cấp của Liên Hợp Quốc về Myanmar, nói với hãng tin Bloomberg: “Ông ấy trầm tính, ăn nói nhẹ nhàng, nhưng trong sự lặng lẽ đó ẩn chứa một lòng quyết tâm – ông ấy không lùi bước trước bất cứ vấn đề nào mà ông gặp phải”.

Trong một cuộc phỏng vấn, BBC có hỏi ông rằng liệu ông có sợ bị các cơn gió cải tổ cuốn đi giống như sau sự sụp đổ của Liên Xô hay không, Thein Sein đã trả lời: “Tôi muốn nói với quý vị rằng Gorbachev và tôi không giống nhau”.

Ông Thein Sein nói tiếp: “Chúng tôi không cải cách vì tôi muốn cải cách. Đơn giản là chúng tôi chỉ đáp ứng mong muốn cải cách của người dân. Do vậy tương lai của tôi phụ thuộc vào người dân và nguyện ước của họ.”

Nhưng mặt khác, Tổng thống Thein Sein cũng chỉ rõ rằng quân đội Myanmar sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị nước này. Ông không đưa ra lời xin lỗi về các hành động trong quá khứ của quân đội, như là cầm tù các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến.

Tổng thống Thein Sein nói: “Họ hành động theo niềm tin của họ, còn chúng tôi theo niềm tin của chúng tôi. Mỗi người đều hành động vì đất nước theo cách của riêng mình”./.

BBC, HuffingtonPost
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Thách đố Thủ Tướng Dũng và Diên Hồng đời nay

Nguyễn Thị Thanh Bình

(Danlambao) -
Coi như Bốn Lừa “Hùng Trọng Sang Dũng” và cả “dòng họ” đều không muốn và không dám “tỏ bày” khi gặp Đại Hán. Những người Việt Nam đã lên tiếng, đổ máu vì lên tiếng và những người dân thầm lặng nuốt ta thán vào lòng mà chúng ta đã gặp đâu đó trên những nẻo đường đất nước, nếu được hỏi về một cơ hội phải “diện kiến” vua Tập, thì câu nói đầu tiên họ muốn “xả” vào mặt y hẳn là: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!” Còn chúng ta, mỗi người chắc cũng thủ sẵn những câu khẩu hiệu đầy cay đắng để tặng y chăng.... Hành động của mỗi người trong chúng ta sẽ là gì đây, khi lũ ngợm “còn đảng còn mình” vẫn luôn tỏ ra vừa câm vừa điếc?...


Mấy ngày qua trái đất nóng dần lên tưởng vỡ tung mới phải. Trước chuyến du hí đầu môi chót lưỡi toan tính và tuồng như muốn qua mặt Ngài Obama, dằn mặt những đứa con hoang của Tập. Kể cả cử chỉ mang hoa hòe hoa sói đến viếng cái xác khô đồng chí lăng Ba Đình, như một nhắc nhở cùng nhau chung sống “canh thức hòa bình thế giới”, đến thác xuống âm ty thứ ý thức hệ cũ càng của Đảng C.S. Lại đòi được ngang nhiên, như đã ngang ngược trên Biển Đông, một cú 20 phút dậm đôi giày bậm trợn made in China (ma) lên phòng Diên Hồng ở nhà Quốc Hội. Dĩ nhiên không chỉ để mang điển tích và đọc thơ Vương Bột lẫn Hồ Chủ Tịt, mà còn được dịp chơi bài ba lá úm-xì-bùa hình hài chữ S teo tóp lại, bèn hô ngay một tỉ nhân dân tệ. Thật thảm hại và tệ hại, khi nguồn tài nguyên phong phú nhất của nhân dân Việt Nam chính là lòng yêu nước cũng bị mang ra đánh tráo và tước sạch. Đổi lấy bằng một tràng pháo tay rước tròng nô lệ của lũ tay sai bù nhìn, cam phận được mua chuộc, sẵn sàng thua đậm thuộc hạng đĩ rạc hết thời, phải nói chỉ có và chỉ thấy ở mấy gã lãnh đạo nòi giống tiên rồng “lộn” Hùng Trọng Sang Dũng. Từ chỗ chỉ giỏi vuốt đuôi ngoại bang, tứ trụ này mỗi người một vẻ đều cóc biết một chút hổ thẹn giống nòi, nhục nhã quốc thể. Ông chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì lại qua loa khoác lác: “Tôi mong dù còn có ý kiến khác nhau nhất định nào đó, nhưng đón khách đến nhà chúng ta cần tỏ thái độ hiếu khách và ứng xử văn hóa”. À thì ra chúng ta không được tỏ thái độ “lễ độ” với vua Tập, vì những lời huấn thị dạy dỗ con dân Việt phải biết hiếu với kẻ giặc là “khách” Tập.

Có hay không một tinh thần Diên Hồng?


Nghe được lắm, bước vào nơi chốn mang tên Diên Hồng quả là một điềm gỡ định mệnh thật chứ không giỡn. Một người nào đứng gần đó hôm ấy chắc cũng thấp thỏm nhịp đập của từng hồi trống Mê Linh, hay vang vọng lời hịch Sát Thát “toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến”.


Khá khen một sự sắp xếp ngộ nghĩnh. Tôi chỉ thấy hai chữ Diên Hồng gợi nhớ mà thương. Không khéo lạy trời bắt đầu vận vào nhân dân tôi, chứ nào phải thứ nhân dân tệ, Mao tệ mà quý “Ngài” Đại Hán tử tế vác sang cho. Còn nhớ năm 2011, “tình cho không chưa hẳn biếu không” này có con số gấp đôi kia mà. Nghe đâu tương đương với 300 triệu đô, và đã được đổi lấy bằng một màn dàn chào lịch sử có thêm một ngôi sao nhỏ chư hầu, tung tới tung lui trên tay những đứa bé Việt đứng trưng cờ Đại Hán… thấy mà rầu thúi ruột!

Với tôi, có thể là vì sốt ruột và hẳn nhiên không ai không thấy chúng ta chẳng còn nhiều thời gian vì họa diệt vong, tiêu vong mất nước đã quá cận kề, cho tôi thêm một lần nữa tự hỏi đâu là những khuôn mặt Diên Hồng hôm nay?

Chỉ biết đau thật đau, khi cơ hội ngàn năm một thuở để biểu dương tinh thần yêu nước và thái độ dân tộc cũng đã bỏ lỡ.

Thời gian trì trệ không khá được cứ thế trôi tuột đi, một khi chúng ta vẫn tự buộc mình ở trong thế bị động, dậm chân tại chỗ cũng là đồng nghĩa với ù lì có hạng, lỏng lẻo nhuệ khí và ý chí sờn lòng.
Dù sao trong cái rủi có cái may, kiểu thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Nhìn những sự kiện đàn áp và manh động dã man của C.S độc tài toàn trị thi nhau nối đuôi, chúng ta biết lực lượng nẩy mầm của những phong trào XHDS đã bắt đầu đơm trái, và không còn chần chờ được nữa.

Bạn có thể cho rằng vẫn còn chín ú, chín bất đắc dĩ vì vẫn còn non trẻ. Nhưng phải công nhận chính những yếu tố bão tố bất ngờ và lòng người bật máu dứt khoát đã thêm hương thêm hoa, và gây thêm men ủ.

Thì đã đành cây trái vẫn còn xanh non, nhưng rõ ràng là mỗi người trong chúng ta đang tìm cách cùng nhau tưới thêm bằng những giọt nước mắt gắn kết hy sinh lẫn thương đau. Biết đâu đấy, con người Việt Nam với truyền thống tôn trọng luân thường đạo lý phải chống lại cái ác, lối hành xử bạo ngược và đi ngược lại tính người sẽ giúp đại đa số khắc phục được sợ hãi, vô cảm, và lòng tự trọng trách nhiệm.

Những Trần Bang với những tiếng thét hô vang biểu tình chống quân xâm lược, hay thậm chí phải ôm mặt máu kêu la “Đây là vết máu của Tập Cận Bình”, thì thật tình Diên Hồng đời nay vẫn còn… thừa cả máu.

Có thể tôi không chỉ muốn nói chúng ta còn nhiều lưỡng lự cần phải thách thức chính mình, là vẫn còn dư đầy máu nóng để đổ. Hãy thử nhìn những dân tộc khác quanh mình vùng lên chống độc tài để học hỏi. Dân tộc Ukraine, sinh viên Hồng Kông đấu tranh cho tự do dân chủ, và ngay cả Hoa Lục cũng đã hơn một lần còn lưu lại vết nhơ Thiên An Môn khủng khiếp cho chế độ, nhưng là vết son anh hùng tự do trong lòng dân tộc Trung Quốc và thế giới. Tự do nào mà không phải trả một giá xứng đáng, và không nỗ lực tranh đấu gian khổ mới hòng có được!

Chúng ta đã từng khựng lại bao nhiêu lần, và thật buồn khi coi lại những thước phim vẫn mãi những khuôn mặt cũ, những tiếng hô của nhóm tuần hành đã khản giọng thân quen đến xót xa, những bước chân lắm khi sai nhịp chỉ vì vừa đụng phải dòng người con dân đồng bào mình vẫn thản nhiên đi qua trước mắt và dòng đời xe cộ vẫn đuổi theo những chén cơm manh áo mà quên mất rằng chính họ đang tự nguyện làm thân trâu cày, nô tì cho chế độ này.

Nhiều người và còn có quá nhiều người vẫn còn bị vây khổn trong thứ tâm thức tẩy não nô lệ, mà không hề biết không hề hay ngoài kia bầu trời xanh tự do sẽ tươi đẹp biết mấy. Ở trong này chỉ giới hạn trong một khoanh sân có hàng rào bọc sắt, như bầy heo bầy gà vịt chỉ chực chờ có người ra lịnh “cởi trói” cho.

Thấy cũng lạ, bao lâu rồi khởi đi từ tù đày Nguyễn Phương Uyên, bây giờ chúng ta mới có lại một Facebooker cũng ở tuổi 20 là Vân Thiên, tên thật Văn Trung, đã không thể ngồi yên và tự cắt sâu ngón tay mình để viết biểu ngữ phản đối thái độ luồn cúi của những kẻ dám nghênh đón giặc vào nhà. Dĩ nhiên chúng ta thấy se sắt và thấm thía hơn, khi nghe em nói với người phỏng vấn Khúc Thừa Sơn: “Máu em đổ không quan trọng, máu Tổ Quốc và nhân dân đổ mới quan trọng”.

Có điều những hạt cát như em chỉ vừa đủ để làm một vài người trong chúng ta cay mắt, nhưng phải đến khi mỗi người trong chúng ta phải tự biết soi gương mỗi ngày, để thấy rằng mình không thể không tập hợp lại những hạt cát để trở thành một nhúm cát, một đụn cát, một thành trì cát có cơ may thổi bay như một cơn bão cát.

Thêm một khuôn mặt dấn thân độc đáo nữa, có thể do trực giác mách bảo, tôi bỗng muốn nhắc đến tên một luật sư danh tiếng, dũng cảm. Đó không ai khác hơn là luật sư Trần Vũ Hải, người vừa tạo ra chất xúc tác mạnh của thay vì 200 người trở thành hàng ngàn người tay trong tay bảo vệ nhau, dập tắt cái ác không có cơ may hoành hành và trả lại sự công bằng độc lập cho một nền tư pháp Việt Nam. Một người có tầm có tâm như vậy nếu chịu khó đứng ra thành lập Hội Luật Sư Độc Lập Việt Nam thì hay biết mấy. Mong lắm thay!

Khi ông chột sắp làm vua Giao Chỉ bỗng câm miệng hến

Lúc này phải nói trong thế giới mù ở quê hương tôi, kẹt lắm cũng đến lúc buộc nhờ tới một ông chột làm vua. Nhưng giá mà với một nụ cười hiền lành biết thương dân chứ không phải nụ cười bí hiểm như Ba X. Nụ cười bí hiểm, nên khi vừa nhếch môi một nụ đã thấy câu nói hứa hẹn vi vút vụt bay đi mất. Ví dụ: “Nếu tôi không trừ được tham nhũng, tôi sẽ xin từ chức ngay.” Đã thế, không thấy ai chỉ giỏi nói theo kiểu tung hứng vô trách nhiệm như ông. Qua Đức, ông vua ở truồng cứ tưởng đang mặc áo đẹp tha hồ lả lướt: “Tình hình dân chủ là không thể đảo ngược.” Cũng như khi ghé qua Myanmar, với cương vị chủ tịch ASEAN, ông vua tương lai sắp phá lệ tuổi hưu đã có dịp dạy dỗ thiên hạ: “...mong muốn Myanmar triển khai có hiệu quả lộ trình dân chủ vì Hòa Bình và Hòa Hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó để sớm ổn định và tập trung phát triển đất nước.”

Một người năng nổ như “Ngài” đương kim Thủ Tướng, có nhiều lúc tôi ước gì cũng bài bản đó, “Ngài” cứ tự nhiên độc thoại với chính mình. Một cách nhập vai và tự kỷ ám thị thì càng tốt.

Vậy mà chẳng hiểu sao trong cuộc gặp gỡ Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình của ngày đầu tiên thăm viếng, nghe đâu ở Trụ sở Chính Phủ Việt Nam, một người đã từng nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn và khá nẩy lửa như: “Không thể đánh đổi hòa bình bằng thứ hữu nghị viển vông” lại trở nên ít nói, và cách nói xem ra còn khẽ khàng, du dương hơn cả “Ngài” Tổng Lú.

Một số người ghi nhận “Ngài” Ba X cũng chỉ nhấn mạnh một ý chung với Chủ Tịch nước “khòm lưng” Trương Tấn Sang, cùng “xin xỏ” đối phương “không quân sự hóa Biển Đông”. Xin xỏ vô ích, lâu lâu vờ vịt chống trả qua loa thiếu đảm lược, thôi thì chui đầu tiếp vào rọ bản Tuyên Bố củng cố tình đồng chí “4 tốt, 16 chữ vàng” thế là xong!

Thái độ thụ động gần với câm như hến, ngậm miệng ăn tiền khi trước chuyến đi “sát nhập” Việt Nam của Tập Cận Bình, chúng ta đã từng nghe ông Tập tuyên bố ở Luân Đôn, Hoa Kỳ: “Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là của tổ tiên Trung Quốc từ thời cổ đại”, nhưng dường như không ai trong bốn “Ngài” có sẵn bất cứ một lời lẽ nào để đối đáp lại. Đó là lý do vừa rời khỏi Việt Nam đến Singapore, ông Tập đã đá song phi vào mặt những người lãnh đạo Việt Nam một cú tuyên bố áp đảo xanh rờn tương tự. Nhất là đúng thời điểm sự có mặt thăm viếng của vua Tập, dân chúng của Manila vui mừng trong hy vọng vì đơn kiện của Phillipines về đường lưỡi bò của Trung Cộng đã được Tòa Trọng Tài chấp nhận. Điều này càng khiến cho sự đón tiếp trịnh trọng vua Tập trở thành những vết gai đâm vào lòng dân tộc Việt, vì chính Việt Nam cũng đã từng tuyên bố sẽ nộp đơn kiện, một khi Tòa Trọng Tài hứa cứu xét cho Phillipines, nhưng rồi tất cả vẫn hiện ra rõ ràng chỉ là những lời hứa suông, nói cho qua chuyện, lối nói mị dân.

Tại sao Ba X có những động thái im lặng?

Mới đầu tháng 11, ra ngõ chỉ gặp toàn xỏ lá với ba que. Tay xỏ lá “trùm” cứ của Việt Nam khi đụng tay xảo ngôn xấc láo của Tàu Chệt cũng phải chào thua, vì hội chứng nói ra mắc quai và đành cười giả lả theo kiểu ngậm bồ hòn khen ngọt.

Thấy Tổng Lú đề nghị “duy trì nguyên trạng”, Ba X cũng chẳng buồn nhân cơ hội này “nói thêm cho rõ”. Vậy là coi như tứ cột triều đình và triều thần lơ láo đều toa rập, bị Tàu Phù mua chuộc phủ dụ, nên hùa theo cả một tập đoàn hèn nhát quỵ lụy. Lại cứ vờ vịt cả tin ngây thơ cụ để hưởng chút bã lợi danh quyền thế, dựa hơi Tàu Chệt chống đỡ thể chế độc đảng, nên cứ để Tàu Chệt chèn ép, cưỡng chiếm biển đảo của cha ông mình xong xuôi, rồi dã tâm xây đảo nhân tạo quân sự này nọ mà đếch dám hó hé một câu cho rõ mặt cộng đồng thế giới. Đã vậy, “Ngài” Tổng Lú còn đòi “duy trì nguyên trạng hiện trạng này, và đừng làm phức tạp thêm tình hình” thì thật là hết thuốc chữa, hết nước nói. Xin ân huệ cúi đầu như thế thì ê mặt cho Việt Nam quá thể! Nếu không ai nuốt nổi “cái đại cục” của vua Tập đưa ra, chí ít Ba X cũng nên giấu bớt những lộ liễu, để không hẳn xóa tan hình ảnh muốn bắt tay với Âu Mỹ mà nhiều người tưởng lầm, bằng lối ngoại giao ôm hôn nịnh bợ, và không dám gởi lại một chút “tiểu cục” phản đối gọi là tham chiếu “cái cổ đại” của vua Tập nói là ở đâu, tài liệu nào, ai kiểm chứng, ai công nhận… nếu không là chứng cớ đã rành rành, sờ sờ tươi rói của cuộc chiến đấu giành lại Hoàng Sa và Trường Sa của những tử sĩ Việt Nam.

Có phải vì lý do thầm kín và bài bản thuần phục đã được đối phương bắt mạch, ban bố lời mời chỉ có ở những lãnh đạo cao cấp với nhau: “Hoan nghênh Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Trung Quốc vào thời điểm thích hợp.”

Thời điểm thích hợp phải chăng là thời điểm nội bộ đảng gấu ó tranh giành quyền lực, cách chức hoặc bị yêu cầu từ chức cần cứu vãn tình thế của vị Thủ Tướng vốn mang tiếng chửi Mỹ đầu năm, thân Mỹ cuối năm?

À thì ra khi vua Tập nói rằng: “Về chính trị hai bên cần tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược.”, và nêu đích danh chọn Ba X để gởi lời mời sang chầu Bắc Kinh, thì không ai không thấy ý đò co rúm lại của Ba X. Phát biểu lấy lệ và hoàn toàn “hợp tác mà không phấn đấu, đấu tranh”, hầu đổi lại lá phiếu có trọng lượng, như một giao hảo ngầm với ông vua bất hảo Trung Nam Hải. Kỳ thực đằng sau những mặt bàn và khuôn mặt bóng lộn, không ai thực sự biết rõ bọn họ đã đi đêm như thế nào. Hẳn nhiên Ba X thừa khả năng kịch cỡm đu dây, nên chúng ta sẽ không chờ có những tuyên bố hợp thời hay lên tiếng ủng hộ tàu chiến Mỹ USS Lassen tuần tra ở Biển Đông, rơi đúng lúc Ba X đang cần vua Tập đoái hoài đến, để người thì mở đường cho voi chạy, kẻ thì vác về dày mã tổ. Tiếp đón trọng thể trọng thị khách Tàu lạ, vào thời điểm nhạy cảm Biển Đông đủ nói rõ lòng dạ hai mang và bản chất CSVN.

Khỏi cần trẹo quai hàm. Cứ để hôm nay Myanmar, ngày mai Việt Nam!

Rõ ràng tôi nào dám chúc “Ngài” Ba X trẹo xương hàm. Có gì tôi nghĩ vẫn còn phải để cho “Ngài” ra oai những bài diễn văn có cánh, nghe cứ như được nao nao trong lòng. Sự kiện Burma, Miến Điện dù gì “Ngài” cũng đã đóng góp được một lời khuyên kích hoạt hữu hiệu. Nếu quả thật bây giờ “Ngài” đang cứng họng thì đó cũng là một triệu chứng tốt hứa hẹn một chuyển biến tâm tư rất cần thiết cho tình hình đất nước lúc này. Từ chuyển biến tâm tư đến đột biến lịch sử đất nước liệu phải mất bao lâu?

Nếu chúng tôi buộc phải chấp nhận một ông chột làm vua (dĩ nhiên chúng tôi muốn được dịp biết ơn ông-hai-mắt cơ) thì xin “Ngài” hãy giả ơn bằng cách lột xác giùm và soi sửa con mắt còn lại và mở tầm nhìn hướng đến tương lai một Việt Nam biết tôn trọng Dân Chủ.

Không biết Ngài Ba X đồng ý bao nhiêu phần trăm khi nghe Tổng Lú tuyên bố trong chuyến công du Mỹ: “Chưa bao giờ dân Việt hưởng được không khí dân chủ như bây giờ”, trong khi người dân càng nghĩ càng tủi phận phản đối. Dân chủ nào phải là số phận an bài cho một đất nước, mà là một đánh đổ số phận. Muốn đánh đổ không chỉ cầu nguyện điều kỳ diệu bất ngờ xảy đến, mà còn là một vượt thắng đòi hỏi trường kỳ.

Ba X làm được hay không còn tùy thuộc vào lòng “Ngài” có muốn đủ cho một đất nước đã có quá nhiều bất hạnh thống khổ. Không có gì là không thể xảy ra dưới ánh mặt trời, nhưng nhân dân Việt Nam dường như đã quá thấm mệt để gởi đến Ba X một lời thách đố có dám làm như Myanmar hay không. Có dám giữ lời ban phát luật biểu tình, để còn nghe còn thấy ý chí và tiếng nói chưa tắt của con dân Việt, và Điều 25 của HP mới đã ghi rõ quyền được biểu tình cũng như lập hội chắc Ba X cũng chưa quên(?)

Những phụ nữ chân yếu tay mềm trông có vẻ như chỉ nói nhiều hơn là dám làm thật (nghe sao giống nghề chính khách hơn là nghề của nàng). Mấy thuở mới có một tâm hồn, một khối óc sắt thép yêu nước tuyệt vời, gác bỏ tình nhà cho nợ nước như Daw Aung San Suu Kyi.

Chỉ hy vọng những anh thư và tuổi trẻ nước Việt sẽ học được ở bà lòng quả cảm, cùng ý chí sáng tạo hoạt động, để ước mơ không còn là mơ ước cho Việt Nam!

Thật ra cách đây không lâu, tuổi trẻ Việt Nam cũng đã gào lên để ủng hộ Cách Mạng Dù của Hồng Kông: “Đêm nay Hồng Kông, sớm mai thức dậy Việt Nam!” Nhiều người trong chúng ta đã nhìn thủ lãnh biểu tình tuổi trẻ tài cao Joshua Wong Hoàng Chí Phong như một niềm cảm hứng bất tận của Tự Do Dân Chủ, và ngưỡng mộ hết mình đường lối liên kết làm việc có tổ chức qui mô. Vì sự lên đường của tuổi trẻ, chúng ta không lấy làm lạ, khi bên họ luôn luôn có những doanh nhân trí thức có lòng và có ruột như Benny Tài sát cánh tài trợ, và ủng hộ. Còn chúng ta? Bao giờ chúng ta sẽ kêu gọi được những tấm lòng vàng có uy tín thành lập được cái gọi là quỹ cứu nguy cách mạng?

Chúng ta đã yêu biết mấy hình ảnh của những cánh dù được che chung dưới một cơn mưa trút xuống bất ngờ, giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông. Hình ảnh cảm động nhất không hẳn là những bó hoa tặng những người bạn dân bên đường, mà chính là thái độ giúp đỡ những nạn nhân xuống đường vừa trúng lựu đạn cay.

Chẳng bù nước mình lúc này còn mọc thêm “tiền lệ” sử dụng bạo hành để uy hiếp, áp đảo tinh thần của những luật sư muốn vinh danh bảo vệ công lý của những nạn nhân thân chủ và cả cho chính mình, lẫn đồng nghiệp.

Điều khôi hài nhất cũng vẫn là những ngụy biện rẻ tiền không còn qua mặt được ai như “phóng ô tô gây bụi bẩn bị đánh chảy máu”, “rửa chén bát bẩn bị đánh chết”…

Phải nói chúng ta đang có quá nhiều sự kiện cần chiêm nghiệm để thích nghi, nhưng có lẽ bài học bối cảnh đột biến dân chủ của Myanmar là mãi gây ấn tượng sâu sắc nhất. Các nhà làm chính trị thông thái không biết sẽ rút tỉa ra những kinh nghiệm gì. Và có lẽ cho đến bây giờ, chúng ta cũng không biết Ba X đang nghĩ gì, hay ngày đêm chỉ mơ màng đến chức vị Tổng Thống dù đã quá tuổi đã định, để ôm ấp một thể chế độc tài kiểu gia đình trị, thay vì phải “cắt máu ăn thề” với Tổ Quốc, nguyện mở cho Việt Nam một sinh lộ tiến tới Dân Chủ và không Cộng Sản.

Nói đi rồi cũng nói lại, một lần nữa chính mỗi người trong chúng ta đã để yên, đã cho lướt qua từng cơ hội, như thể lỡ bị tọng vào người một liều lượng thuốc ngủ, thuốc tê, thuốc mê quá độ. Chính thái độ mê ngủ của đại đa số dân chúng khiến CSVN tha hồ tự tung tự tác, thẳng tay dùng đường lối lãnh đạo cai trị đất nước bằng bạo lực thô bạo để tồn tại, và thống trị toàn diện từ dân đen cho đến thành phần trí thức, học giả, đảng viên phản tỉnh…

Ở đây chúng ta không chỉ muốn đặt nặng vai trò dẫn dắt và trách nhiệm cần có của một bậc trí thức trong thời thế “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Lý do không phải chỉ có giới trí thức mới biết đương đầu và thấy cần chống lại cái ác, cho dẫu nhiều phần họ là người biết dùng lý lẽ, tìm phương cách hữu hiệu để đứng ra chỉ đạo, bảo vệ hợp lý những thứ quyền căn bản con người cho những người dân, với dân trí vẫn còn kém cỏi.

Dĩ nhiên chúng ta không chủ trương phương thức bạo động. Những bàn tay biết nối kết lại sẽ tự nhiên trở thành những nắm đấm. Những người dân ở hải ngoại không hẳn chỉ đóng được vai trò khiêm tốn hỗ trợ, nhưng chính những bộ óc đầy chất xám sáng tạo của chúng ta sẽ còn biết hòa nhịp trong nhiều cách thế với anh chị em trong nước. Con số 14 tỉ hàng năm của hải ngoại đóng góp còn nói lên được sự quan tâm với đồng bào ruột thịt, nhưng cùng một lúc chúng ta tự hỏi bao lâu rồi chúng ta đã vô tình vực dậy nền kinh tế suy sụp chỉ biết lệ thuộc, tham nhũng lũng đoạn và như thế không lẽ chúng ta cứ tiếp tục nuôi dưỡng những con người ỷ lại, tham lam và một guồng máy chỉ được điều khiển bởi những kẻ vừa bất tài vừa bất lương? 40 năm không làm nổi cái đinh vít, nhưng thật buồn khi đâu đó đã xuất hiện những bom xăng bom lửa tự chế tự vệ, sau 70 năm toàn trị của đảng quang vinh, để thấy rằng đây là dấu hiệu cần lưu tâm của những phẫn nộ tuyệt vọng cuối cùng.

Chúng ta không khuyến khích những hành động trả đũa tức giận thiếu sáng suốt, nhưng có điều khi những người dân uất ức tự phát, thì đừng hòng kềm chế nổi. Sự bất chấp của những người dân yếu thế có thể hiểu được rằng họ không còn gì để mất, nên chẳng còn gì để sợ. Mọi sự chắc phải để tùy cơ ứng biến theo phản ứng tự nhiên của trời đất xem sao.

Những người dân trong một nước bị kềm kẹp bạo lực, có lẽ chúng ta cũng chẳng thể chờ cho một lãnh tụ xuất đầu lộ diện để hô hào quần chúng. Chính họ cũng sẽ bị dẹp ngay từ trứng nước và do đó chúng ta tin rằng, khi gió Đông thổi tới thì mồi lửa bất khuất tự do sẽ dẫn cho Việt Nam một đấng minh quân đúng lúc, xứng đáng không làm cho cộng đồng thế giới ghẻ lạnh và tiếp sức.

Sự thay đổi cuộc diện của Myanmar hôm nay, phần công sức cũng phải kể đến tầng lớp trí thức trẻ Miến Điện ở hải ngoại. Nhân lực và tiềm lực của đất nước chúng ta càng ngày càng yếu đi vì “tinh hoa” của nước Việt khi được đi du học bôn ba nước người, cứ 12, 13 người thì chỉ có một người trở về lại quê hương. Cả hàng trăm ngàn, hàng trăm vạn chất xám của Việt Nam bị uổng phí, tản mác, và phải chăng con dân Việt vẫn sẵn sàng để những tay lọc lừa ít học cưỡi lên đầu cả một vận mệnh dân tộc quốc gia?

Kết


Coi như Bốn Lừa “Hùng Trọng Sang Dũng” và cả “dòng họ” đều không muốn và không dám “tỏ bày” khi gặp Đại Hán. Những người Việt Nam đã lên tiếng, đổ máu vì lên tiếng và những người dân thầm lặng nuốt ta thán vào lòng mà chúng ta đã gặp đâu đó trên những nẻo đường đất nước, nếu được hỏi về một cơ hội phải “diện kiến” vua Tập, thì câu nói đầu tiên họ muốn “xả” vào mặt y hẳn là: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!” Còn chúng ta, mỗi người chắc cũng thủ sẵn những câu khẩu hiệu đầy cay đắng để tặng y chăng.

Vâng, với hiểm họa Thành Đô khệnh khạng trở về, chúng ta cũng đã hơn mấy lần muốn dõng dạc nói: “Việt Nam là của Việt Nam! Tàu Khựa cút xéo!”

Với những ai không muốn nói gì, không cần nói gì, cho tôi xin chia sẻ câu trả lời của Joshua Wong Hoàng Chí Phong, năm ấy chỉ vừa tròn 18 tuổi và đang dẫn đầu cả hàng trăm ngàn sinh viên biểu tình. Khi đài CNN hỏi: “Nếu được gặp ông Tập, em sẽ nói điều gì với ông ấy bây giờ?” Câu trả lời thật đơn giản mà ý nghĩa, thích hợp vô cùng với tạng người “coi trời bằng vung” của đối phương: “Tôi chỉ muốn thuyết phục ông Tập bằng hành động hơn là lời nói.”

Hành động của mỗi người trong chúng ta sẽ là gì đây, khi lũ ngợm “còn đảng còn mình” vẫn luôn tỏ ra vừa câm vừa điếc?

17/11/2015
Nguyễn Thị Thanh Bình
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Cuộc cờ chống IS thay đổi

Ngô Nhân Dụng
Bốn ngày sau khi quân khủng bố IS tấn công giết 129 người ở Paris, hôm qua chính phủ Nga lên tiếng công nhận chiếc máy bay Airbus A321 rớt ở bán đảo Sinai trong tháng trước trên đường từ Sharm al-Sheikh bay về St. Petersburg là do bị đặt bom. Ông Vladimir Putin treo giải thưởng 50 triệu Mỹ kim cho ai cung cấp tin tức truy tầm thủ phạm làm chết 224 người, đa số là người Nga.

Vụ đánh bom có quy mô lớn xẩy ra tại Paris tạo cơ hội cho ông Putin và chính quyền Ai Cập chấp nhận chính quân khủng bố IS ở Sinai chủ mưu vụ tấn công máy bay Nga mà không bị mất mặt, sau khi điện Kremlin đã bác bỏ giả thuyết này tới sau khi quân khủng bố IS thừa nhận họ đánh chiếc máy bay và chính phủ Anh cũng đồng ý. Ngay từ đầu Nga công ty hàng không Metrojet đã mặc nhiên công nhận chiếc máy bay của họ bị tấn công, khi khẳng định chiếc máy bay đã được bảo trì và kiểm soát hoàn hảo; nhưng ông Putin vẫn muốn bác bỏ vì không muốn dân Nga nhận ra họ đang trở thành mục tiêu bị IS tấn công vì cuộc phiêu lưu của ông ở Syria nhằm bảo vệ chính quyền Bashar Assad. Chính phủ Ai Cập cũng phụ họa với Nga vì không muốn cơ quan an ninh của họ bị mang tiếng không bảo vệ được một khu du lịch quan trọng. Nhưng bây giờ ông Vladimir Putin thấy có thể chấp nhận quân IS đang nhắm vào thường dân Nga, trong khi cả thế giới đang kinh ngạc và đau đớn với cuộc tấn công có kế hoạch và chuẩn bị công phu của quân IS ngay tại thủ đô Pháp. Công bố thủ phạm là quân IS, ông Vladimir Putin ra lệnh Không Quân Nga đánh mạnh hơn vào thành phố Raqqa, được coi là thủ đô của IS, và còn tuyên bố sẽ đánh quân IS “bất chấp các luật lệ và giới hạn.”

Ðây cũng là một cơ hội để Vladimir Putin nhắc lại lời kêu gọi các nước Châu Âu và Mỹ đứng chung với Nga trong cùng một mặt trận đánh lại quân IS, lời kêu gọi vẫn chưa được đáp ứng trong gần hai tháng qua. Quân IS đã chiếm được một phần ba mỗi xứ Iraq và Syria, tự nhận là một “quốc gia Hồi Giáo” (caliphate) với tham vọng thay thế tất cả các chính quyền Hồi Giáo khác trong vùng Trung Ðông, nhưng IS nhắm lôi kéo những người cực đoan theo giáo phái Sun Ni để đánh các người theo phái Shi A mà Iran đóng vai trò lãnh đạo.

Nga cùng các nước Tây phương và Iran đang họp ở Wien, thủ đô nước Áo, bàn về một giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm ở Syria. Nhưng cuộc thảo luận không có kết quả vì lập trường của Mỹ và Châu Âu là ông Bashar Assad phải ra đi, trong khi Nga muốn Assad giữ được một chỗ ngồi trong một chính quyền liên hiệp kéo dài trong hai năm. Cuộc thương thuyết đang bế tắc thì vụ IS tấn công Paris làm thay đổi cuộc cờ, thúc đẩy các nước Châu Âu và Mỹ phải tích cực hơn trong việc tấn công tiêu diệt quân IS chứ không thể chỉ chờ coi quân IS và quân chính quyền Assad giết nhau, trong khi Tây phương chỉ tham gia một cách giới hạn. Mặt khác, giới lãnh đạo các nước Châu Âu cùng Nga và Mỹ đang có cơ hội gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong hội nghị G-20; cùng với đại diện các chính phủ Sau đi và Thổ Nhĩ Kỳ, là hai đồng minh của Mỹ đang góp phần tích cực giúp các lực lượng chống IS và Assad.

Cuộc cờ thay đổi vì quân IS chứng tỏ họ có khả năng tổ chức những cuộc tấn công quy mô lớn, như ở Paris. Một ngày trước cuộc tấn công đó, tình báo Iraq đã báo cho các nước liên hệ biết lãnh tụ IS Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh thủ hạ tấn công vào các quốc gia Tây phương cũng như Nga và Iran; trong đó nước Pháp được nói rõ tên. Cuộc tấn công Paris có ít nhất 24 tên khủng bố tham dự, bẩy tên đã chết khi bom nổ. Nhưng việc huấn luyện những người này ở Syria, việc gửi họ qua Pháp, liên lạc với “tay trong” đang có mặt ở Pháp cùng với các thứ vũ khí tấn công, tất cả đòi hỏi một hệ thống tổ chức, thông tin, do thám, một mạng lưới yểm trợ, và khả năng hoạch định cao; chứ không phải chỉ gồm những tay quyết tử lẻ loi như đám tàn quân của al-Qaeda trước đây.

Cuộc cờ cũng thay đổi trên mặt trận truyền tin qua Internet mà các cơ quan tình báo Mỹ và Tây phương không hoàn toàn nắm thế mạnh. Các tổ chức khủng bố không còn sử dụng các mạng như Google hay Yahoo, cả hai có thể bị tình báo Mỹ theo dõi. Hiện có những mạng hỗ trợ thông tin khác mới mọc lên, chưa kể những mạng của Nga, cũng được các nhóm khủng bố sử dụng. Quân khủng bố cũng dùng các nhu liệu mới, như “Tor” khiến cho tình báo Tây phương khó thâm nhập. Tình báo Mỹ công nhận họ đang dự một “cuộc chạy đua” với quân khủng bố trên mặt trận thông tin.

Cuộc cờ thay đổi vì quân khủng bố IS đã mở nhiều cuộc tấn công bên ngoài lãnh thổ Iraq và Syria. Trước vụ đặt bom vào máy bay Nga, Quân IS ôm bom tự tử đã làm chết hàng trăm người tại Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, một nước láng giềng đang tích cực huấn luyện và vũ trang những dân quân Syria chống IS và Assad. Sau đó, quân IS ôm bom tự sát còn tấn công khu vực do tổ chức Hezbollah kiểm soát trong thành phố Beirut, thủ đô nước Lebannon. Hezbollah gồm những người theo đạo Shi A ở Lebanon, vừa là một đảng chính trị, vừa là một đạo quân thường chống Israel nhưng đang tham chiến tại Syria, đánh quân IS để ủng hộ chính quyền Assad. Vụ tấn công cùng một lúc trên nhiều địa điểm ở Paris cho thấy quân IS vừa có tham vọng vừa có khả năng mở những “cuộc hành quân” ở xa và có quy mô lớn. Hiện có hàng trăm người quốc tịch Mỹ và hàng ngàn người từ Châu Âu đang được IS huấn luyện ở Syria, có thể đang sẵn sàng trở về.

Với tình trạng IS đang bành trướng, Mỹ và các nước Châu Âu sẽ phải thay đổi nước cờ của họ. Nhân lúc cuộc cờ thay đổi này, ông Putin có thể lập lại lời kêu gọi hợp tác cùng đánh IS, mà trong đó Không Quân Nga có vai trò quyết định, tạo được hiệu quả cao hơn vì, đúng như ông Putin nói, họ không bị giới hạn bởi một quy luật nào. Ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mới nhắc lại các nước can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria phải “tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền con người.” Các nước Châu Âu và Mỹ đã theo quy tắc đó cho nên tìm cách tránh gây thiệt hại và chết chóc cho thường dân Syria. Trong khi đó, quân Nga đã bất chấp cả “luật pháp quốc tế lẫn quyền con người” cho nên có thể tấn công quân IS một cách dã man hơn; đồng thời đánh cả các lực lượng vừa chống IS vừa chống chính quyền Assad, vẫn được Mỹ cùng các nước Á Rập và Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ.

Ông Putin nhấn mạnh đến chủ trương “bất chấp” này để cho các nước Tây phương thấy có lợi khi cộng tác với Nga, bởi vì quân Nga sẵn sàng làm những hành động “nhơ bẩn” nhưng được việc, thay cho quân các nước khác. Trong lúc ông Putin nhắc nhở điều đó thì báo Der Spiegel ở Ðức mới đăng một “tin mật” từ Nga mới tiết lộ. Bản tin này cho biết một công văn lưu hành trong chính quyền Nga, trong đó ông Putin cho biết ông sẵn sàng loại bỏ quân bài Bashar Assad, thay thế bằng một chính quyền Syria thân Nga khác, miễn là các nước phương Tây đồng ý Syria vẫn thuộc vùng ảnh hưởng của Nga.

Việc tiết lộ tin mật trên một tờ báo Ðức có ý nghĩa, vì Thủ Tướng Ðức Angela Merkel và ông Putin nói chuyện với nhau thường xuyên. Bà Merkel trước là một giáo sư ở Ðông Ðức nói thông thạo tiếng Nga, còn ông Putin đã đóng vai sĩ quan mật vụ KGB ở thành phố Dresden, nói giỏi tiếng Ðức. Mặt khác, nước Ðức và các nước Châu Âu khác đang bị làn sóng dân tị nạn tràn ngập, cũng muốn giải quyết vấn đề Syria sớm.

Nhưng ông Putin còn một hậu ý khác trong khi kêu gọi các nước Tây phương hợp tác ở Syria, là nhân dịp cộng tác mật thiết này sẽ đạt được một thỏa thuận ngầm ở Ukraine; công nhận ảnh hưởng của Nga trong miền Ðông của xứ này. Tuy nhiên, điều này Putin khó đạt được. Ngay khi máy bay Nga bắt đầu đến Syria và tấn công quân IS, bà Angela Merkel, thủ tướng Ðức đã cảnh cáo trước rằng Syria và Ukraine là hai vụ tách biệt, các nước Châu Âu sẽ không nhượng bộ gì ở Ukraine, dù cùng Nga tìm cách tiêu diệt quân Iraq. Vụ Ukraine còn rắc rối lâu, và những biện pháp phong tỏa kinh tế trên nước Nga sẽ còn kéo dài.

Dù ông Putin không đạt được mục tiêu ở Ukraine, thì ông vẫn có thể thi hành được kế hoạch ở Syria, lôi kéo chính phủ Mỹ vào một thỏa hiệp cùng tiêu diệt quân IS, mà từ trước đến nay chính quyền Mỹ vẫn dửng dưng dù bên ngoài vẫn hô hào việc chống khủng bố. Vụ tấn công ở Paris khiến chính quyền Mỹ phải thay đổi, tích cực dấn thân vào Syria để giải quyết vấn đề IS nhanh hơn, không chờ đến ngày quân IS tấn công vào cả nước Mỹ. Chính phủ Mỹ vẫn từ chối không gửi bộ binh vào Syria, nhưng vẫn có thể gia tăng lực lượng không quân oanh kích, đủ để giảm khả năng tổ chức và điều động của nhóm lãnh đạo IS. Việc thỏa hiệp một giải pháp chính trị tại Syria lại là vấn đề khác, vì Mỹ sẽ phải tôn trọng ý kiến của các đồng minh lâu đời như Sauđi và Thổ Nhĩ Kỳ.
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Mỹ - Nhật không để Trung Quốc "né tránh" tranh chấp Biển Đông



Image
Hải quân Mỹ - Philippines tập trận trên Biển Đông.
Trung Quốc đang cố gắng để những vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không trở thành nội dung chính được thảo luận trong các cuộc họp thượng đỉnh ngoại giao châu Á trong tuần này song Mỹ và Nhật Bản sẽ không để Bắc Kinh thỏa nguyện.

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo sẽ tham gia hàng loạt cuộc họp thượng đỉnh tại châu Á bao gồm Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Philippines từ ngày 18 – 19/11 sau đó là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á ở Malaysia.

Trong đó, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo trong khu vực.

Trước đó, Trung Quốc nêu rõ quan điểm rằng APEC không phải là nơi thích hợp để bàn thảo về chủ đề Biển Đông.

Cụ thể, trong chuyến thăm tới Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh không muốn chủ đề tranh chấp hàng hải trên Biển Đông là nội dung trong các phiên nghị sự.

Trong khi đó, giới chức Philippines cho hay Manila sẽ không nhắc tới vấn đề này nhưng sẽ không ngăn cản các nước khác làm như vậy.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, dù không chính thức công bố nhưng dường như Mỹ vẫn muốn khơi gợi chủ đề Biển Đông để các nhà lãnh đạo trong khu vực đưa ra bàn thảo.

Hồi tuần trước, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice tuyên bố Biển Đông "sẽ trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận ở cả hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng như hội nghị ASEAN – Mỹ trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới châu Á".

Thực tế đã chứng minh ngay sau khi đặt chân tới Manila, Tổng thống Barack Obama đã tới thăm tàu chiến BRP Gregorio del Pilar, tàu khu trục hiện đại của Hải quân Philippines.

Con tàu này trước kia thuộc quyền sở hữu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.

Theo ông Obama, tàu BRP Gregorio del Pilar chính là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác hàng hải giữa Mỹ và Philippines.

"Chuyến thăm của tôi một lần nữa thể hiện cam kết đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển và tự do hàng hải trong khu vực", ông Obama phát biểu sau chuyến thăm tàu chiến BRP Gregorio del Pilar.

Trong chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố chuyển giao thêm 2 chiếc tàu khác cho Hải quân Philippines bao gồm "một tàu nghiên cứu phục vụ việc vẽ bản đồ hải phận và một chiếc xuồng của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ nhằm hỗ trợ Hải quân Philippines khả năng thực hiện các cuộc tuần tra dài ngày".

Trong thời gian qua, dù Tổng thống Obama không nhấn mạnh cụ thể tới các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng trong các tuyên bố của giới chức Mỹ thường nêu bật mối quan ngại về hoạt động tự do hàng hải trên tuyến đường biển đạt giá trị hơn 5 ngàn tỷ USD/năm này.

Đây cũng chính là lý do khiến Washington đẩy mạnh tăng cường năng lực hàng hải cho các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực.

Trước đó, trong cuộc họp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ông Obama cũng đã đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, "điều quan trọng là duy trì các quy tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp theo quy định và luật pháp quốc tế cũng như trong hòa bình".

Trong ngày 19/11, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ người đồng cấp Philippines Benigno Aquino III và chắc chắn, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ là trọng tâm của phiên nghị sự.

Trước đó, hôm 17/11, ông Obama cũng nhấn mạnh Washington "cam kết chắc chắn bảo vệ quốc gia đồng minh Philippines".

Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất muốn đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đang đưa chủ đề này ra bàn thảo trong các cuộc họp song phương như bên lề hội nghị G20 diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tuần này.

Cụ thể, trong các cuộc họp song phương với Thủ tướng Hà Lan và Australia, ông Abe đã bày tỏ hy vọng thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước để đảm bảo quy định pháp luật và tự do hàng hải được thi hành ở khu vực Đông Á.

Về phần mình, Trung Quốc lại có những lý lẽ bao biện để né tránh vấn đề Biển Đông.

Phát biểu trước giới báo chí hôm 17/11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nhấn mạnh Bắc Kinh muốn các cuộc họp thượng đỉnh tập trung vào thảo luận tăng trưởng kinh tế thay vì những tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Lưu thừa nhận mong muốn của Trung Quốc khó trở thành sự thật.

"Mặc dù Trung Quốc không muốn đề cập tới vấn đề Biển Đông và không muốn Biển Đông trở thành trọng tâm thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh nhưng không thể tránh được việc một vài quốc gia nhắc tới vấn đề này", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lưu.

Thậm chí, Trung Quốc còn tự nhận mình là nạn nhân trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

"Trung Quốc đã vô cùng kiềm chế khi không giành lại các thực thể bị những quốc gia láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp.

Chính phủ Trung Quốc có quyền và khả năng để giành lại các hòn đảo và bãi đá bị các nước láng giềng xâm chiếm nhưng Bắc Kinh đã không làm như vậy", Thứ trưởng Lưu ngang nhiên bào chữa cho hành động Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông.

Theo ông Lưu, các công trình mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông chủ yếu phục vụ mục đích dân sự cũng như an ninh quốc gia trong bối cảnh "một số láng giềng triển khai lực lượng quân sự trên vùng biển này".

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ những quan điểm mà Nhật Bản đưa ra trong các vấn đề liên quan tới chủ quyền Biển Đông.

Hôm 17/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh "không hài lòng" với việc Thủ tướng Abe thường xuyên đề cập tới tình hình Biển Đông đồng thời cáo buộc Tokyo đang "thổi phồng" vấn đề.

"Chúng tôi mong muốn Nhật Bản ngừng đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ liên quan tới Biển Đông", ông Hồng nói.
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Image


Chống khủng bố ở Paris - những nét tình người
Bùi Tín

Thứ sáu ngày 13, vốn là ngày xui theo truyền thuyết dân gian phương Tây cũng như tấn công khủng bố lớn nhất xưa nay ở nước Pháp, do lực lưọng cực đoan theo Hồi giáo mang tên Nhà Nước Hồi giáo (Islamic State - IS) thực hiện. Tổ chức này hiện chiếm khoảng 1/3 lãnh thổ 2 nước Trung Đông Iraq và Syria, có tham vọng mở rộng dần ra khắp vùng Trung Đông.

Mấy tháng nay các cơ sở của IS đã bị các lực luợng vũ trang của chính quyền Iraq và Syria tấn công, đồng thời còn bị không quân của Pháp, Anh, Hoa Kỳ, và Nga oanh kích trên quy mô ngày càng lớn. Một liên minh chống IS trên thực tế đã hình thành gồm Hoa Kỳ, Liên Âu cùng với Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Yemen, Jordan… Nga đã tham gia cuộc chiến nhưng với mục đích riêng là bảo vệ chính quyền của Tổng thống al-Assad, các cuộc không kích nhằm phần lớn vào các lực lượng nổi dậy chống al-Assad.


Hoa được đặt trước nhà hàng Le Petit Cambodge và Le Carillon để tưởng nhớ các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố. Nhưng sau khi một máy bay hàng không dân dụng của Nga bị IS phá hủy trên không làm trên hơn 200 người thiệt mạng, và sau cuộc khủng bố lớn ở Paris nói trên, Tổng thống Putin thay đổi thái độ, đồng ý gia nhập cuộc chiến đấu chung nhằm trước hết tiêu diệt IS, kẻ thù chung của toàn thế giới. IS đe dọa sẽ trả đũa bằng các cuộc khủng bố ở Nga và các nước Đông Á thuộc Liên Xô cũ, với số dân theo đạo Hồi khá lớn. IS tuyển mộ hàng chục nghìn thanh niên Hồi giáo khắp thế giới đến Syria học tập về tôn giáo và luyện tập các biện pháp khủng bố nhằm gây nhiều thương vong.
Cuộc khủng bố ngày thứ sáu 13/11 ở Paris do 3 nhóm gồm 8 phần tử IS được vũ trang bằng súng tự động và chất nổ thực hiện ở 5 điểm. Cũng may là nhóm định lẻn vào sân vận động Stade de France, trong lúc diễn ra trận đấu giữa 2 đội bóng đá Pháp - Đức, với 80 ngàn người xem, đã thất bại, chỉ kích nổ tự sát ở phía ngoài sau khi trận đấu diễn ra được 20 phút. Tổng thống Pháp Francois Hollande và bộ trường Công an có mặt được thông báo liền ra lệnh «đóng chặt cửa không cho ai vào cũng không cho ai ra», để tránh gây hoảng loạn. Cuộc đấu bóng vẫn tiếp tục cho đến lúc kết thúc, sau gần 2 giờ nhiều người trong sân vận động cũng không hiểu điều gì xảy ra khi nghe 2 tiếng nổ lớn bên ngoài. Tổng thống Hollande cùng bộ trưởng Công an bí mật về ngay điện Élysée triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng và loan báo với cả nước: IS đã khai chiến với nước Pháp, và «nước Pháp trong tình trạng chiến tranh chống khủng bố».

Sau đó, bọn khủng bố tấn công nhà hát Bataclan và 2 quán ăn trong Quận X và Quận XI, nổ súng bừa bãi giết chết gần 100 người, phần đông là các bạn trẻ dưới 30 tuổi đang mê say nghe một ban nhạc Hoa Kỳ sang biểu diễn. Tại đây 1 tên khủng bố đã bị một cảnh sát bắn chết, một tên trốn thoát đang bị truy lùng.

Đến nửa đêm 13, vùng Quận X và Quận XI vẫn còn đông người. Vì xe bus và métro công cộng tạm ngừng hoạt động, lập tức nhiều gia đình các khu phố ở quanh mở rộng cửa mời bà con vào nghỉ chân, sưởi ấm, uống cà phê, trà nóng, ăn nhẹ. Trên điện thoại cá nhân, trên Ipad, Facebook phát đi rất nhiều lời mời người chưa có chỗ trú tạm về nhà mình, ghi rõ đường đi, địa chỉ, với phong trào «mở cửa» - Porte ouverte. Nhiều gia đình niêm yết ở cửa nhà «Porte Ouverte » mời khách vào nhà, có nước nóng, cà phê, nuớc chè, súp, nhà tắm bồn nước ấm và giường có chăn nệm. Rất nhiều người có người thân, bạn bè chết vì trúng đạn, trong cơn buồn đau khôn cùng lại bị bơ vơ trên đường phố giữa đêm đông lạnh buốt, được an ủi ấm cúng như thế.

Tình người còn biểu hiện sinh động là các nhóm và công ty taxi của cả 4 quận ở quanh đã lên đường sẵn sàng chở bà con đang mệt mỏi đau buồn về nhà miễn phí, khi các phương tiện công cộng tạm ngừng vì lý do an ninh. Có đến hơn 1.000 xe taxi tự đông rủ nhau làm việc thiện này, ở trước xe có ghi giòng chữ «Taxi miễn phí, xin mời!».

Xin ghi lại vài nét sơ sơ mà cao quý về tình người trong cơn hoạn nạn để gửi về nước cho người Việt thấy rõ trong một xã hội dân chủ văn minh, cuộc sống xã hội và trong từng gia đình đã hun đúc nên tình thương yêu nhau tự phát trong cơn hoạn nạn.

Còn ở nước Việt Nam mang danh là chế độ XHCN, người yêu nước bị chính người có nghĩa vụ bảo vệ mình bắt vào cơ quan công an và đánh đập, tra tấn cho đến chết, các luật sư bênh vực cho dân oan cũng bị đánh cho tóe máu, khi chính công an bị dân gọi là côn an. Chỉ trong vòng 2 năm đã có hàng trăm người dân bị thiệt mạng và bị thương tật trong trụ sở công an và trong trại giam do công an quản lý. Vậy mà cả 500 người mang danh đại biểu Quốc hội không dám hé răng chất vấn bộ trưởng Công an lấy một lời.

Trong các cuộc biểu tình xuống đường, nhiều người lớn tuổi vẫn bị đánh đập, chửi bới, bắt đi; nhạc sỹ cao tuổi Tạ Trí Hải, chỉ vì lòng yêu nước thương dân qua tiếng đàn nơi công cộng, đã bị đánh cho gẫy một ngón tay và đàn bị đập vỡ tan tành, thật không còn có gì để nói thêm về một chế độ mất hết nhân tính như thế.

Xin được phép biểu dương tình người cao quý của các chiến sỹ đòi Nhân quyền, Dân chủ ở quê nhà đã thương yêu đùm bọc, an ủi nhau, bảo vệ nhau trong cơn hoạn nạn bị bọn công an mất hết tình người đầy đọa, anh chị em lên tận trại giam đón bạn mình được tư do, có khi đứng cả đêm trước trụ sở Công an, đòi thả người bị bắt một cách phi pháp, đến thăm hỏi nhau khi bị thương do công an hành hạ.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Hạ giá hay xóa bỏ môn lịch sử?
Ngô Nhân Dụng

Ngày Chủ Nhật tuần rồi, 15 Tháng Mười Một, 2015, Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo trong đó nhiều vị giáo sư báo động học sinh nay mai sẽ không còn được học môn lịch sử đầy đủ, theo dự thảo chương trình bậc Trung Học Phổ Thông, mà Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo có thể thi hành. Theo chương trình soạn thảo, từ năm 2018 các học sinh sẽ không được học riêng môn Lịch Sử, mà môn này sẽ được gộp chung vào thành một môn học mang tên là “Công dân với Tổ quốc;” trong đó có thêm hai môn khác là Giáo Dục Công Dân và An Ninh Quốc Phòng. Trước đó hai tuần, Bộ Giáo Dục đã họp các nhà giáo để giải thích việc cải cách này; nhưng giới sử học nghe không xuôi tai!

Các viên chức Bộ Giáo Dục đã giải thích và bênh vực chủ trương của họ, nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn nghĩ khác. Sử gia Phan Huy Lê cho rằng dù Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo có giải thích thế nào thì chương trình mới này đã khai tử, đã xóa bỏ môn Lịch Sử trong thực tế. Giáo Sư Kiều Thế Hưng khẳng định: “...dù với bất cứ lý do nào thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn Lịch Sử ở trường phổ thông.” Một cuộc thăm dò cho biết hơn 80% học sinh chống lại ý kiến bãi bỏ môn lịch sử như một môn học riêng.

Lời báo động của vị chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam nói đến tương lai khi môn học lịch sử có thể bị xóa bỏ. Nhưng thật ra trước khi chính quyền Cộng Sản đưa ra chương trình cải tổ này thì môn học Lịch Sử đã bị họ bỏ rơi, bỏ rớt, bỏ xó từ lâu rồi! Một bằng cớ là hiểu biết của các em học sinh về lịch sử Việt Nam rất kém. Năm ngoái, cả nước đã bàn tán về tình trạng “dốt lịch sử” được biểu lộ trong một cuộc thi đố trên màn ảnh truyền hình trên đài VTV.

Chương trình tivi này phỏng vấn bảy em học sinh, đặt một câu hỏi về vua Quang Trung, tức Nguyễn Huệ, vị anh hùng áo vải đại thắng quân Thanh năm 1789. Trước mặt các khán giả tham dự để cổ võ, tất cả bảy em học sinh trên không em nào trả lời đúng và đầy đủ. Có em nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con, có em đoán đó là hai anh em, nhưng sau đó em này còn muốn tỏ ra mình biết nhiều, nói thêm rằng, “Ông Quang Trung chính là ông Nguyễn Du.”

Chúng ta không nên căn cứ vào một chương trình giải trí trên tivi mà phán đoán trình độ hiểu biết về lịch sử của học sinh Việt Nam. Nhưng có thể đoán rằng những em được chọn đưa lên đài truyền hình dự thí chắc đã được coi là khá về môn này, ít nhất theo thẩm định của cha mẹ và thầy, cô giáo các em - trừ khi nhân viên đài truyền hình đã chọn các em dự thi theo tiêu chuẩn ai trả nhiều tiền nhất thì được... lên đài! Nếu phụ huynh và giáo sư nghĩ rằng các em này học giỏi môn sử nên đồng ý cho đi thi, mà trình độ các em dốt như vậy, thì chính những “người lớn” này cũng hoàn toàn không biết gì về lịch sử! Tức là có hai thế hệ dốt sử chứ không phải chỉ có một lớp trẻ! Thật đáng buồn!

Bây giờ, theo dự thảo chương trình tổng thể của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo, môn Lịch Sử riêng biệt không còn tồn tại trong hệ thống các môn học bắt buộc nữa. Không biết trình độ hiểu biết về lịch sử của các thế hệ sau sẽ xuống đến mức nào?

Một lý do khiến trẻ em dốt lịch sử là từ lâu nay học sinh đã chán học môn sử. Một năm gần đây khi nghe tin kỳ thi sắp tới không phải thi môn lịch sử nữa cả đám học sinh đã reo hò sung sướng đem vứt các cuốn sách giáo khoa từ trên lầu xuống sân trường, náo động, vui tươi như một ngày hội. Theo Giáo Sư Phan Huy Lê, lý do khiến học sinh chán là vì “...chương trình và sách giáo khoa nặng kiến thức, dày đặc sự kiện, kiểu dạy một chiều thiếu sinh động lại còn đòi hỏi thuộc lòng thì... Chán học sử đang là điều tất yếu.”

Giáo Sư Phạm Phụ nói rõ hơn về “kiểu dạy một chiều” này, “Ðáng lý ra môn Sử là môn cực kỳ hấp dẫn đối với học sinh, thế nhưng tại sao không đến mức say mê môn Sử mà thậm chí lại còn chán ghét ? Là vì cách dạy của ta, chương trình của ta, sách giáo khoa và cách truyền thụ của thầy giáo làm cho nó khô cứng. Trong một thời gian dài môn Sử bị xơ cứng, chính trị hóa thế này thế khác thì đâm ra nhàm chán.”

Môn học bị chính trị hóa thành xơ cứng như thế nào? Vẫn theo Giáo Sư Phạm Phụ thì phần lịch sử sau 1945 chiếm tỷ lệ rất lớn “trong đó nhiều phần lồng vào sử của đảng Cộng Sản Việt Nam, học trò học mãi những thứ đó nó nhàm chán thôi chứ có gì đâu... môn Sử không trình bày bằng những sự kiện mang màu sắc khoa học mà như là cái môn nhằm mục đích tuyên truyền vậy thì người ta nghe mãi người ta chán thôi.” Khi biết như vậy, chúng ta hiểu rằng cảnh các học sinh đua nhau ném các cuốn sách giáo khoa lịch sử xuống sân thì chính là các em đang vứt bỏ các tài liệu tuyên truyền của đảng Cộng Sản!

Chỉ sử dụng môn Lịch Sử như một phương tiện tuyên truyền cho nên chế độ Cộng Sản đã coi nhẹ các cuộc chiến đấu của tổ tiên chúng ta chống những cuộc xâm lăng của đế quốc Hán tộc. Giáo Sư Phạm Phụ nhận xét: “Lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc cũng có chứ không phải không nhưng tổng số rất ít.”

Giảm bớt không cho dạy phần lịch sử ngàn năm Bắc thuộc chính là một chủ trương của đảng Cộng Sản, từ năm 1950 cho tới bây giờ. Với đường lối ngoại giao coi Trung Cộng “vừa là đồng chí, vừa là anh em;” với sự có mặt của các “cố vấn Trung Quốc vĩ đại” kèm bên các chiến dịch cải cách xóa bỏ nền nếp xã hội Việt Nam cổ truyền, chế độ Cộng Sản Việt Nam tất nhiên phải tìm cách che lấp các tội ác bành trướng của các triều đại Hán, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đối với nước ta.

Khi còn học bậc tiểu học và trung học, ở Hà Nội trước năm 1954 và tại Sài Gòn sau đó, bản thân tôi đã thấy môn học lịch sử đã đào luyện tấm lòng yêu nước; càng học càng say sưa về truyền thống bất khuất của dân tộc. Trước năm 1975, tôi làm nghề dạy học, tuy phụ trách môn Quốc Văn nhưng nhiều lần phải dạy môn lịch sử cho bậc trung học, khi nhà trường không đủ giáo sư chuyên về sử. Kinh nghiệm cho tôi thấy các học sinh rất thích những bài lịch sử về công cuộc chống xâm lăng phương Bắc. Có lúc dạy tới đoạn Lê Lợi kháng Minh, tôi khuyến khích các em học sinh đọc bài Bình Ngô Ðại Cáo, bản dịch của Bùi Kỷ in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Rất nhiều em đã học thuộc lòng cả bài văn dài với rất nhiều chữ Hán mà không thấy chán. Sau đó 50, 60 năm, nhiều em gặp lại vẫn còn cảm ơn thầy giáo đã cho mình cơ hội thưởng thức một áng văn trác tuyệt, hào hùng đó. Trong hai ngàn năm qua, lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã được đào luyện qua lịch sử kháng cự các cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Bất cứ người Việt nào học lịch sử cũng trào lên một tấm lòng yêu nước khi biết đến những Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Phùng Hưng, cho tới Trần Bình Trọng, Quang Trung!

Cho nên, việc hạ thấp vai trò của môn học lịch sử trong cấp trung học phổ thông là một dụng ý chính trị của đảng Cộng Sản, theo Nghị Quyết 29 NQ/TW của Hội Nghị Trung Ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Bản dự thảo chương trình bậc Trung Học Phổ Thông của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo ở Hà Nội được đưa ra trong lúc phong trào chống Trung Cộng xâm lược đang cuồn cuộn sôi lên trên cả nước Việt Nam. Hạ thấp giá trị của môn Lịch Sử là một cách khiến cho các thế hệ sau này không thấy cần học sử nữa. Không học lịch sử dân tộc thì cũng lòng yêu nước cũng mờ nhạt. Ðó là một chủ trương trong chính sách giáo dục của đảng Cộng Sản Việt Nam. Như Giáo Sư Văn Như Cương nêu ra, “Ví dụ trong sách giáo khoa lịch sử không nói đến Biển Ðông, không nói đến Gạc Ma, không nói đến Tàu không nói đến Hoàng Sa, Trường Sa của ta bị chiếm đóng thì cũng không tôn trọng lịch sử.”

Tất nhiên, sách giáo khoa môn Sử của Việt Cộng thì không thể nào nhắc đến các tội xâm lược của Trung Cộng. Bởi vì nếu không có Trung Cộng bao bọc thì Việt Cộng cũng không tồn tại từ năm 1950 đến giờ! Không những lờ đi không nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Gạc Ma, Biển Ðông, mà Việt Cộng còn muốn tránh không nói đến cả Hà Hồi, Ngọc Hồi, Chi Lăng, Chương Dương, Hàm Tử nữa! Như Giáo Sư Hà Sĩ Phu đã từng nhận xét, Việt Cộng theo Trung Cộng đem ảo tưởng về chủ nghĩa Cộng Sản vào nước ta gây nên hậu quả là “Ảo tưởng Cộng Sản đã nhốt chung con sói và bày hươu vào chung một chuồng, cái chuồng sơn son rất đẹp có tên ‘đại gia đình Xã hội chủ nghĩa, bốn phương vô sản đều là anh em!’” Ông Hà Sĩ Phu cho biết thời Lê Khả Khiêu đang làm tổng bí thư, có đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm, trao đổi về những vấn đề lý luận, và “Phía Trung Quốc nói Việt Nam cần sửa lại lịch sử của mình!” Công cuộc “tẩy não” đã kéo dài qua mấy thế hệ, từ thời Hồ Chí Minh đến Lê Khả Khiêu. Cho nên hậu quả tất nhiên là học sinh bây giờ dốt sử, không biết Quang Trung cũng là Nguyễn Huệ!

Bàn về dự thảo chương trình mới của Bộ Giáo Dục, Giáo Sư Phan Huy Lê lo lắng: “Lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí là biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên,... thì làm sao có thể viết tiếp trang sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?” Nhưng đảng Cộng Sản muốn bảo vệ tổ quốc hay chỉ lo bảo vệ chế độ để họ tiếp tục nắm quyền và tham nhũng?

Gần đây ông Phùng Quang Thanh tỏ ra hoảng hốt khi thấy nhiều người Việt Nam đang chống Trung Quốc! Dân Việt mà chống Trung Quốc thì ông Thanh rất lo lắng cho tiền đồ dân tộc! Chúng ta phải đặt câu hỏi: “Phùng Quang Thanh có được ai dạy lịch sử nước Việt Nam hay không?” Ông ta có biết Hai Bà Trưng là ai không? Hay ông ta được các cố vấn vĩ đại dạy bài học khác: “Ðồng chí Mã Viện qua Giao Chỉ tổ chức cải cách ruộng đất, vận động nhân dân đứng lên đấu tố bọn địa chủ ác ôn Thi Sách và chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị!”
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Một bài học cho ông Putin

Ngô Nhân Dụng
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới cho ông tổng thống Nga một bài học. Hai máy bay F-16 do Mỹ chế tạo đã bắn hạ một chiếc Sukhoi Su-24 của Nga xâm phạm không phận Thổ trong khi oanh kích các lực lượng chống chính quyền Assad ở Syria. Máy bay Thổ đã cảnh cáo máy bay Nga 10 lần trong vòng năm phút trước khi bắn; một máy bay Nga khác đã trở về căn cứ ở Syria.

Ông Vladimir Putin nổi giận, tố cáo Thổ “đâm sau lưng” Nga trong khi cả hai nước cùng đánh địch thủ chung là lực lượng IS, “Quốc Gia Hồi Giáo” tại Syria. Ông Putin lại phân trần rằng phi cơ Nga chưa vào nước Thổ, còn bay cách xa biên giới một cây số (1 km). Oanh tạc cơ Su-24 có thể đạt tốc độ 2,320 km một giờ, nếu bay chậm cũng nháy mắt là có thể bay chệch một, hai cây số như không. Theo đài CNN, một quân nhân Mỹ phân tích rằng máy bay Nga chỉ lọt vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 30 giây.

Ðiều đáng chú ý là địa điểm của cuộc chạm súng trên không này. Ðó là vùng núi non nằm giữa hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thường gọi là “Núi Người Thổ,” (Turkmen Mountain) vì dân cư đều là người gốc Thổ (Turk), sắc dân chính ở quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc nội chiến “năm phe bẩy phái” ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Á Rập Saudi, Qatar, Mỹ ủng hộ nhiều đoàn quân nổi dậy chống chính quyền Assad. Họ cũng chống cả lực lượng IS cùng các nhóm hậu thân của phong trào al-Qaeda, cả hai đều đang chống Assad và cũng đánh lẫn nhau.

Lực lượng nổi dậy chống Assad trong vùng núi này là những người Syria gốc Thổ, mang danh nghĩa “Binh Ðoàn Số 10” trong tập hợp “Quân Ðội Syria Tự Do.” Trước khi xẩy ra vụ máy bay Nga bị hạ, quân chính phủ Assad và không lực Nga đã tấn công các đám quân nổi dậy trong vùng mặc dù không hề có quân IS hoạt động tại đó. Ðã có 1,700 thường dân chạy tị nạn khỏi vùng núi non này trong ba ngày giao tranh. Họ đều là người gốc Thổ. Tuần trước, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi đại sứ Nga ở Ankara tới để phản đối máy bay Nga bỏ bom các làng người gốc Thổ, đồng thời yêu cầu Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp. Ông Putin chắc chắn sẽ dùng quyền phủ quyết không cho Liên Hiệp Quốc dính vào, để máy bay Nga tiếp tục giết các thường dân vô tội không chịu thần phục Assad. Một tổ chức trung lập sưu tập tài liệu (VDC) ở Syria cho biết trong 45 ngày đầu tiên có mặt ở Syria, máy bay Nga đã giết 526 thường dân, trong đó có 137 trẻ em và 71 phụ nữ.

Kể từ khi ông Putin cho quân sang Syria để bảo vệ chính quyền Assad, máy bay Nga đã nhân cơ hội đi bỏ bom các đám quân nổi dậy khác do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Á Rập Saudi hỗ trợ. Putin nghĩ rằng như vậy là khôn: Mượn cớ đánh IS để tiêu diệt bớt các lực lượng nổi dậy khác, giúp cho Assad có thế lực mạnh hơn khi ngồi vào bàn thảo luận lập một chính phủ liên hiệp để cùng đánh IS. Các nước Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng tố cáo rằng máy bay Nga không đánh quân IS nhiều bằng đánh các nhóm quân chống Assad khác. Ông Putin bỏ qua những lời chỉ trích đó, không trả lời; ông gọi chung tất cả các lực lượng chống Assad là “quân khủng bố,” giống như quân IS. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã “lật tẩy” Putin bằng hành động. Khi máy bay Nga bị bắn hạ tại vùng “Núi Người Thổ” thì ông Putin không thể làm ngơ được nữa. Ông đã nhận được một bài học: Không thể giết người rồi cãi “bài bây” mãi được.

Một điều đáng chú ý khác là các đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếu hình ảnh chiếc máy bay Nga bốc cháy và cảnh hai phi công Nga nhảy dù bị bắn trong khi còn trên không. Ai đã sẵn sàng tại chỗ để quay phim các cảnh tượng đó? Chính “Binh Ðoàn Số 10” đã cung cấp video cho hãng thông tấn Reuters và các đài ti vi. Trong đoạn phim có người nói “đừng bắn, bắt sống lấy hắn” bằng tiếng Thổ. Binh Ðoàn Số 10 đang đề nghị đổi xác phi công Nga thiệt mạng lấy các binh sĩ của họ đang bị chính quyền Assad bắt giữ.

Ngay sau khi bắn hạ máy bay Nga, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu khối NATO họp khẩn cấp để họ trình bày vụ đụng độ. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên khối NATO, Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương, được lập ra từ thời Chiến Tranh Lạnh. Vào đầu Tháng Mười, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu khối NATO họp khẩn cấp sau khi máy bay Nga nhiều lần xâm phạm không phận; sau đó khối NATO đã lên tiếng lên án và cảnh cáo Nga. Lần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động trước khi báo tin cho các đồng minh. Theo Ðiều Số Năm trong minh ước, nếu một trong 28 nước thành viên bị tấn công thì các nước kia cũng coi như mình bị tấn công. Kể từ khi thành lập, chỉ có một lần duy nhất Ðiều Số Năm được viện dẫn là sau khi quân khủng bố tấn công hai tòa nhà ở New York, ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Trong lời phản đối chính phủ Thổ, ông Vladimir Putin đã trách rằng họ nói chuyện với khối NATO trước, thay vì đem chuyện đụng độ này bàn ngay với chính phủ Nga! Ðây là lần đầu tiên kể từ thập niên 1950 máy bay của một nước trong khối NATO bắn hạ một máy bay của Liên Xô hay của Nga. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là một tiền đồn của thế giới tự do đương đầu với khối Liên Xô, đã cho Mỹ đặt căn cứ hỏa tiễn. Nhưng trong các thế kỷ trước, đế quốc của các Nga Hoàng đã nhiều lần tranh chấp với đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều mặt trận, từ Châu Âu qua Châu Á, vì Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát con đường thủy nối Hắc Hải với Ðịa Trung Hải, coi như chặn giữa yết hầu của đế quốc Nga.

Mặc những lời phản đối của Putin, Tổng Thống Tayyip Erdogan nói giản dị rằng máy bay Thổ phải bắn vì máy bay kia nghe cảnh cáo mà không trả lời. Ông giải thích: “Ở chỗ đó không có quân IS mà chỉ có người Thổ!” Chúng ta biết rằng dân chúng và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn bênh vực những sắc dân cùng chủng tộc, từ các nước ở miền Trung Á cho tới ở Trung Quốc. Dân chúng Istanbul đã từng tấn công các du khách Trung Hoa khi chính quyền Trung Cộng đàn áp dân Uyghur ở Tân Cương.

Thủ Tướng Ahmet Davutoglu tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại làm bất cứ biện pháp nào để bảo vệ lãnh thổ, ông gọi đó là một “bổn phận quốc gia.” Ðại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington nói rõ hơn, “Hãy hiểu như thế này: Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia mà mọi người phải lắng nghe những lời cảnh cáo của quốc gia đó một cách nghiêm chỉnh! Ðừng ai tính thử thách đức kiên nhẫn của Thổ Nhĩ Kỳ!” Người Việt Nam nghe những lời lẽ này chắc cũng ước mong chính quyền Cộng Sản nước ta dám nói được những lời đanh thép như thế!

Mặc dù la lối ồn ào, ông Putin chắc sẽ đấu dịu. Các cơ quan truyền thông ở Nga không nhắc gì tới Thổ Nhĩ Kỳ mà khi tường thuật vụ máy bay rớt chỉ quy tội cho các quân nổi dậy ở Syria. Ông Putin không muốn dân Nga biết cuộc phiêu lưu của ông ở Syria gây ra những hậu quả tai hại như thế nào. Viên phi công Nga và một thủy quân lục chiến đi giải cứu bị chết là hai quân nhân Nga đầu tiên được công nhận thiệt mạng ở Syria. Sau vụ chiếc máy bay dân sự Nga rớt ở Sinai chính phủ Nga khăng khăng nói đó chỉ là tai nạn, không muốn dân Nga nhìn thấy hậu quả của hành động của ông Putin ở Syra. Họ chỉ công nhận máy bay bị đặt bom sau vụ khủng bố tàn khốc ở Paris.

Tổng Thống Pháp Francois Hollande đã tới Tòa Bạch Ốc để thúc giục chính phủ Mỹ tích cực hơn trong việc đánh quân IS. Ông Hollande đang dẫn đầu trong chủ trương đánh mạnh hơn, nhưng Tổng Thống Mỹ Obama nói rằng Mỹ đã đóng góp vừa đủ phần mình vào chiến dịch này, và kêu gọi phải tìm một giải pháp chính trị. Pháp, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều đòi phải loại bỏ ông Assad trong khi Nga muốn giữ quân cờ này trong một chính phủ liên hiệp với thời hạn hai năm.

Cuộc chiến ở Syria kéo dài thì chỉ bất lợi cho ông Putin; trong khi Mỹ chỉ cần tiếp tục oanh tạc quân IS và ngồi chờ một cuộc đàm phán để thành lập một chính quyền lâm thời. Ðiều bất lợi nhất cho nước Nga là cuộc chiến càng kéo dài thì dân các nước Hồi Giáo theo phái Sun Ni càng nhìn Nga như một nước thù địch. Nga liên kết với Iran, một quốc gia đa số theo phái Shi A, đối nghịch với Sun Ni. Không lực Nga tấn công quân IS nhưng cũng chủ tâm giết hại các dân quân nổi lên chống chính quyền Assad, một người thuộc phái Shi A; và máy bay Nga giết rất nhiều thường dân Syria theo phái Sun Ni, kể cả những người thiểu số gốc Thổ. Lâu nay chính phủ Nga vẫn phải đối phó với các tín đồ Sun Ni trong các nước thuộc Liên Bang Nga. Trong số các người ngoại quốc sang Syria tòng quân cho IS, đông đảo nhất đến từ hai nước Pháp và Nga. Cuộc chiến kéo dài thì dân theo phái Sun Ni càng căm thù nước Nga.

Trong bản thông cáo của cánh quân IS ở Sinai về vụ đặt bom chiếc máy bay Nga, họ tự nhận đã “giết 240 tên quân thập tự;” nhắc lại hình ảnh các đoàn thập tự quân từ Châu Âu qua đánh quân Hồi Giáo vào thế kỷ 11 đến 13. Quân IS đã cố ý gán ghép nhầm, vì dân Nga theo Chính Thống Giáo, không hề có mặt trong các đoàn thập tự chinh xưa kia. Nhưng chủ ý của họ là kêu gọi các đồng đạo Sun Ni chống Nga, trong đó có dân các nước Hồi Giáo trong Liên Bang Nga. Trong cuốn video quay cảnh máy bay Nga bị hạ vừa qua, có tiếng người nói: “Binh Ðoàn Số 10 đã bắt được một phi công Nga!” Kèm theo, họ còn hô một khẩu hiệu quen thuộc của người Hồi Giáo: “Thượng Ðế Vĩ Ðại!” Cuộc phiêu lưu của ông Putin ở Syria sẽ đưa tới một hậu quả là nước Nga sẽ bị dân Hồi Giáo Sun Ni coi là kẻ thù truyền kiếp. Họ sẽ hỗ trợ dân Hồi Giáo trong Liên Bang Nga chống chính quyền Nga.

Trong khi chờ đợi chắc ông Putin không dám làm to chuyện vụ máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rớt chiếc Sukhoi Su-24. Trước khi xảy ra vụ này, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov đã có kế hoạch qua thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm nay Thứ Tư, 25 tháng 11. Tổng Thống Thổ Erdogan cũng dự tính sẽ qua Nga gặp Putin trong tháng 12. Trong tuần này, Tổng Thống Pháp Hollande cũng qua Nga gặp ông Putin. Erdogan và Hollande sẽ bàn với Putin chuyện đánh quân IS, và họ sẽ yêu cầu Nga đánh quân IS thật chứ không nên đi giết các lực lượng khác chống chính quyền Assad nữa. Ông Putin đã nhận được một bài học thấm thía.
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »


Biển Đông Sóng Ngầm


Trần Khải

Sóng Biển Đông trôi dạt về đâu...

Nhật báo Hoa Kỳ Journal Sentinel hôm Thứ Hai cho biết rằng Hải quân Mỹ đang đưa tàu chiến USS Milwaukee vào Biển Đông.

Lễ trao nhiệm vụ cho taù này xuất quân tổ chức hôm Thứ Bảy ở hồ Lake Michigan tại Milwaukee's Veterans Park, với khoảng 4,000 người tham dự lễ ra quân, trong một ngày có tuyết rơi.

Journal Sentinel ghi lời Hạm Trưởng Kendall Bridgewater rằng tàu chiến USS Milwaukee này là sức mạnh tối tân kỹ thuật Hoa Kỳ, có thể hoạt động sát bờ, và chạy nhanh hơn trong khi lặng lẽ hơn các tàu chiến khác.

Tàu chiến này có khả năng dò mìn đáy biển, có thê tác chiến chống tàu ngầm và các tàu chiến khác trong nhiều điạ hình.

Đô đ6c Michelle Howard, Phó Tư Lệnh Hành Quân hải Quân, nói nhiệm vụ tàu chiến này ở Biển đông là bảo đảm thông thương hải hành cho thế giới.

Trong khi đó, thông tấn Bloomberg nói rằng các công ty Nhật đang mời goị các quôc gia trong khôi ASEAN mua vũ khí -- và đó là lần đầu kể từ Thế Chiến 2, các hãng Nhật được phép xuất cảng vũ khí.

Mục tiêu các vũ khí này: xung đột Biển Đông.

Các công ty Nhật đang tìm khách mua vũ khí là: Mitsubishi, Kawasaki, Hitachi và một số công ty khác.

Bộ Trưởng Quôc Phòng Nhật Bản, Tướng Nakatani, nói rằng chuyện chế tạo vũ khí và rao bán vũ khí cho các nước trong khu vực chủ yếu là vì hòa bình Biển Đông, và vì cần thông thương hải hành.

Thông tấn Reuters cũng ghi nhận lời Trung Quốc hô hào “Tránh quân sự hoá Biển Đông”...

Chớ nghe mà tưởng thiệt. Nhưng cũng cần phải nghe vậy.

Phát ngôn viên Hong Lei của Bộ ngoại giao Trung Quốc tỏ ý hy vọng mọi quốc gia tham gia nỗ lực tránh quân sự hoá Biển Đông – trả lời câu hỏi về việc bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng phi đạo tại Trường Sa, ông Hong nói: liên kết công việc xây dựng cơ sở với quân sự hoá là vô căn cứ.

Ông Hong nhấn mạnh: Trung Quốc theo đuổi chính sách phòng thủ, và bản chất của chương trình xây dưng đảo nhân tạo là phòng thủ, các nước liên quan nên góp phần duy trì an toàn và ổn định tại Biển Đông.

Ông Hong nhắc lại chủ trương của Beijing là thuơng luợng song phương để giải quyết tranh chấp, không quốc tế hoá vấn đề, cũng như không công nhận thảm quyền của toà trọng tài quốc tế tại The Hague là định chế quốc tế nhận đơn kiện của Philippines.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi rằng Trung Quốc tuyên bố tiếp tục xây cơ sở quân sự ở Biển Đông.

Bất chấp phản đối của quốc tế, Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự tại Biển Đông. Theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân các công trình đó «cần thiết cho chính sách phòng thủ» của Bắc Kinh nhưng Trung Quốc «không quân sự hóa» vùng biển này.

Hãng thông tấn Bloomberg trích lại phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) ngày 22/11/2015 tại Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 10 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Nhân vật số 2 trong ngành ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: «Xây dựng và duy trì cơ sở quân sự cần thiết nhằm mục đích phòng phủ và bảo vệ đảo và các bãi đá (…) Không nên gắn liền các cơ sở đó với việc quân sự hóa các hòn đảo và bãi đá trong vùng Biển Đông».

RFI cũng ghi lời một số nhà phân tích cho rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ lặp lại quan điểm « không quân sự hóa » Biển Đông, điều từng được Chủ tịch Tập Cận Bình nêu lên khi hội kiến với Tổng thống Barack Obama hồi tháng 9/2015.

Trong khi đó, VOA ghi rằng báo chí Việt Nam hôm Chủ nhật loan tin Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nhận lời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mời ông sang thăm Việt Nam khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 ở Malaysia.

Những tờ báo này nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã nhận lời mời đi thăm Việt Nam trong tương lai gần, nhưng thời điểm của chuyến đi thăm không được loan báo.

Vẫn theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp ở thủ đô của Malaysia hôm thứ Bảy 21/11, Tổng thống Obama nói Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Bao giờ Obama thăm Hà Nội?

Tháng 12-2015 là khó lắm đấy, vì phaỉ giữ truyền thống Lễ Giáng Sinh ở Bạch Ốc.

Tết Tây thì hiển nhiên là không rồi. Vì là dịp cho các gia đình Mỹ đoàn tụ.

Tết Ta có thể chăng? May ra.

Nhưng không hẳn để thăm Việt Nam đâu. Haỹ nhớ rằng Tết Ta dự kiến là ngày 8 tháng 2-2016 (dương lịch).

Tuyệt vời, Obama sẽ nghĩ rằng tuyệt vời. Vì truyền thống Lễ Tình yêu Valentine là khoảng giữa tháng 2 dương lịch năm 2016 -- chính xác là ngày 14 tháng 2-2016.

Tại sao chính phủ Hà Nội không mời cả ông bà Obama sang mừng Valentine Day ở Hà Nội nhỉ?

Ông Obama có thể lắc đầu, lấy cớ bận rộn, nhưng bà Obama sẽ gật đầu ngay chớ... may ra.

Vâng, may ra.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Cuộc cờ Nga Thổ

Hùng Tâm

Ðằng sau vụ hai máy bay Nga bị bắn hạ trên xứ Thổ

Ngày 24 Tháng Mười Một, một oanh tạc cơ Sukhoi Su-24 của Nga bị bắn hạn trên lãnh thổ của xứ Turkey (xưa kia ta gọi là Thổ Nhĩ Kỳ, và vì cận ngày Thanksgiving với tục ăn thịt turkey, xin dùng chữ Thổ... cho tiện).

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Thổ Nhĩ Kỳ, rồi chính phủ Ankara với bản đồ làm bằng chứng, thì phi cơ Nga xâm phạm không phận Thổ, và được hai chiến đấu cơ F-16 của Thổ cảnh báo 10 lần trong năm phút mà vẫn bay trên thị xã Yaylidagi của tỉnh Haty nên đã bị bắn hạ. Ngược lại, Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định rằng việc khách quan theo dõi phi vụ chứng minh là chiếc Su-24 chỉ bay trên lãnh thổ Syria, ở cao độ sáu ngàn thước.

Người ta chưa có chi tiết chính xác về số phận của hai phi công Nga trong chiếc Su-24, một vấn đề ngoại giao lý thú.

Các nhóm võ trang người Thổ chống chế độ Bashar al Assad thì loan tin là bắt được hai phi công khi họ bật khỏi máy bay nhảy dù xuống đất, một người bị thương và người kia không bị hề hấn. Một số hình ảnh được phổ biến lại làm người ta nghĩ rằng hai phi công đã bị toán võ trang hạ sát. Nhưng nhiều viên chức Thổ thì tin là họ vẫn còn sống.

Tiếp theo đó, một trực thăng Nga được phái đi tìm kiếm phi hành đoàn của chiếc Sukhoi thì cũng bị lực lượng dân quân người Thổ bắn trung liên từ dưới đất làm một Thủy quân Lục chiến Nga thiệt mạng. Sau đó, chiếc trực thăng bị hỏa tiễn chống chiến xa loại TOW của nhóm võ trang kia bắn tan. Hỏa tiễn TOW là do Hoa Kỳ chế tạo và cung cấp cho các nhóm võ trang chống chế độ Bashar al Assad, dưới lá cờ Quân Ðội Syria Tự Do.

Nghĩa là Nga vừa có hai máy bay bị hạ trên lãnh thổ xứ Turkey. Hồ Sơ Người Việt tìm hiểu chuyện nhức tim này thì thấy ra chuyện nhức đầu khác.
Image
Nga Thổ trên đất Syria

Ngay sau khi chiếc Sukhoi bị bắn hạ hôm Thứ Ba 24, Tổng Thống Nga Vladimir Putin giận dữ bảo rằng đây là “một vụ đâm sau lưng từ những kẻ đồng lõa với quân khủng bố (ISIL). Và rằng “ISIL được quân đội của cả một quốc gia bảo vệ.” Diễn giải: nước Thổ yểm trợ khủng bố ISIL! Ông cũng bày tỏ mối quan tâm và sự kinh ngạc, rằng Thổ không tìm cách liên lạc với Nga sau sự biến mà lật đật họp hành với Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương NATO, trong khi “Liên Bang Nga coi nước Thổ không chỉ là lân bang mà còn là một quốc gia bạn.

Sự thật thì Nga và Thổ đang tranh hùng trên một vùng đất có lắm người bay. Hồ Sơ phải trở lại bối cảnh sâu xa của chuyện tranh hùng ấy.


Xứ Thổ Nhĩ Kỳ có lãnh thổ tiếp cận với tám quốc gia. Ngược chiều kim đồng hồ, tại miền Nam có hai nước Syria và Iraq đang bị nội chiến. Từ hướng Ðông có Iran và đất Nakhchivan của xứ Azerbaijan. Lên hướng Ðông Bắc là Georgia đã bị Liên Bang Nga uy hiếp từ năm 2008. Miền Tây Bắc có Bulgaria và tại hướng Tây thì đấy là Hy Lạp. Then chốt hơn cả, phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ là biển Hắc Hải và phía Nam là biển Ðịa Trung Hải, còn hướng Tây có biển Aege.

Từ năm 2011, khi chế độ Bashar al Assad đàn áp đối lập và tàn sát thường dân thì nội chiến bùng nổ tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ các lực lượng võ trang chống al Assad, trong đó có các nhóm nổi dậy thuộc sắc tộc Thổ. Ngày 22 Tháng Sáu năm 2012, hơn ba năm trước rồi, dàn phòng không của al Assad bắn hạ một phi cơ của Thổ khiến hai phi công thiệt mạng. Từ đấy, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng cảnh giác và canh phòng nghiêm mật biên giới miền Nam với Syria. Kết quả, ngày 16 Tháng Chín 2013, chiến đấu cơ Thổ bắn hạ một trực thăng Mi-17 của Syria khi bay vào không phận của mình. Sáu tháng sau, một máy bay MiG-23 của Syria cũng gặp số phận tương tự.

Từ 30 Tháng Chín vừa qua, khi Liên Bang Nga của Putin nhập cuộc để bảo vệ chế độ al Assad thì những rủi ro đụng độ như vậy gia tăng đáng kể. Chính quyền Thổ tại Ankara nhiều lần khiếu nại việc Nga và Syria vi phạm không phận của mình và còn uy hiếp phi cơ Thổ trong vùng biên giới. Ðến tuần qua thì quân binh Nga yểm trợ các đơn vị của al Assad tấn công phe nổi dậy ở vùng biên giới với đất Thổ. Trong phe nổi dậy có các lực lượng võ trang người Thổ do Ankara yểm trợ.

Vì vậy quan hệ giữa Ankara và Moscow càng căng thẳng, cho tới vụ hai phi cơ Nga bị Thổ quyết định bắn hạ chứ không khiếu nại than van nữa. Việc Putin cho rằng Thổ là một nước bạn của Nga chỉ là một cách nói ngoại giao, tức là không thật.


Nước Thổ đóng chốt


Vấn đề trong quan hệ Nga-Thổ không chỉ có Syria hay số phận chính trị của Bashar al Assad. Vấn đề nó nằm ngoài biển.

Do vị trí địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên đường Tây tiến của hạm đội hay các thương thuyền Nga muốn từ Hắc Hải xuống Ðịa Trung Hải. Và Thổ giữ hai cái chốt là eo biển Dardanelles và Bosphorus. Là thành viên của Minh Ước NATO từ thời Chiến Tranh Lạnh, Thổ là cái khóa của NATO khiến Nga khó đi xuống vùng biển nóng. Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc thì xứ Thổ hết còn thiết tha với nhu cầu khóa cửa cho NATO.

Nhưng khi Putin đưa quân vào Syria ở miền Nam nước Thổ thì có lẽ hai nước đang đóng chốt vào lưng nhau.

Ðịa dư đã vậy, về lịch sử, Nga-Thổ từng là hai đế quốc tranh hùng trong năm thế kỷ với mâu thuẫn quyền lợi bao trùm lên các khu vực Balkan, Caucasus, Trung Ðông và Trung Á. Khi Putin đưa quân chiếm đóng hai vùng tự trị của Georgia vào Tháng Tám năm 2008 rồi bán đảo Crimea của Ukraine vào đầu năm 2004, chính quyền Ankara không mấy yên tâm.

Như trong một ván cờ vi, hai nước đang vây nhau!


Là một nước yếu hơn, chỉ có gần 80 triệu dân, lại cần khí đốt của Nga để giải quyết hơn phân nửa nhu cầu của mình, Thổ lững lờ nhích qua một bên để NATO và các nước như Hoa Kỳ, Ba Lan, Romania cùng nhiều xứ khác lãnh đạo việc be bờ chống Nga. Cho đến khi Nga đưa quân vào Syria và còn gây rối trong vùng đang có tranh chấp với Thổ là Nagorko-Karabakh thì Thổ phải có phản ứng. Hai phi cơ của Nga bị bắn hạ cho thấy phản ứng mới của Ankara. Nước Thổ đã dứt khoát chống Nga chứ không dập dình ở giữa như xưa.

Trong vụ này, khi một trực thăng của Nga lại bị hỏa tiễn POW của Mỹ bắn hạ, vào lúc Tổng Thống Pháp ve vãn Putin sát cánh với mình để cùng chống lực lượng ISIL thay vì bênh vực chế độ al Assad, rõ ràng là quốc tế có một cuộc cờ quá rắc rối!

Nhìn lại toàn vụ

Thế giới đang gặp một lúc ba thách đố sinh tử là thứ nhất, phong trào Thánh Chiến của các phần từ Hồi Giáo cuồng tín; thứ nhì làn sóng di dân từ Trung Ðông và nhiều nơi khác đổ vào Âu Châu, bên trong có nhiều đặc công khủng bố của al-Qaeda hay ISIL; và thứ ba là những hạt mầm khủng bố Hồi Giáo trong xã hội của các nước không bị nội chiến. Thổ Nhĩ Kỳ là một nước Hồi Giáo, thuộc hệ phái Sunni, nằm tại giao điểm của ba thách đố ấy và cũng từng bị khủng bố phá tác bên trong.

Giữa hoàn cảnh nguy ngập như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn gặp bài toán cổ điển là tranh chấp quyền lợi đại cường. Chính quyền Ankara muốn củng cố thế lực Sunni tại Syria bằng cách lật đổ chế độ al Assad, một nhánh Allawite của hệ phái Shia thân Iran thì gặp sự cản trở của một đối thủ xa xưa là nước Nga. Nhưng Thổ không đứng một mình vì là thành viên của NATO, là đồng minh của Hoa Kỳ và có quan hệ chặt chẽ với các nước Ðông Âu chống Nga.

Thành thử, ngoài bài toán khủng bố, di dân và mầm loạn vì lý do tôn giáo, ta còn thấy bài toán địa dư chính trị trong trận đụng độ Nga-Thổ. Trong trận thế xen kẽ rất nhiều động lực phức tạp, hiểu ra ưu tiên của từng phe vào từng lúc cũng là điều khó.

Chẳng hạn như đã có lúc các nước liên hệ bàn đến một giải pháp chính trị cho Syria: lãnh tụ Bashar al Assad rút lui mà không bị thảm sát hay truy tố trước Tòa án Quốc tế tại The Hague, để các nước thiết lập một chính quyền liên hiệp nhiều thành phần Hồi giáo. Mục tiêu là ổn định Syria để giải trừ mối nguy ISIL. Nhưng bây giờ, sau khi phi cơ Nga bị lực lượng võ trang Thổ bắn hạ, có khi hai phi công đã bị họ sát hại, Chính quyền Putin khó chấp nhận đại diện của lực lượng võ trang này trong hội nghị quốc tế về Syria. Putin mà tỏ ra mềm yếu thì bị nguy ở nhà!

Nhờ vậy, ISIL vẫn sống khi các kẻ thù bắn vào nhau.

Trong khi chờ đợi một giải pháp chính trị quốc tế thì tại chỗ, súng đạn vẫn có chức năng giải quyết qua tàn phá. Thổ nhất quyết yêu cầu thiết lập vùng cấm bay ở phía Bắc Syria làm vùng trái độn chống ISIL và cũng là nơi tạm cư nạn dân Syria. Ðồng thời, Ankara triệt để yểm trợ các lực lượng võ trang người Thổ chống chế độ al Assad tại Damascus và canh chừng sự lớn mạnh của dân Kurd.

Dù có lần lữa nói lảng, chính quyền Barack Obama cũng đang cần một nước Thổ mạnh mẽ tham gia việc diệt trừ ISIL và ổn định được miền Bắc Syria. Vì vậy, Obama tuyên bố là Ankara có quyền tự vệ mà vẫn ra giọng chủ hòa, kêu gọi đôi bên xuống thang chiến tranh.

Quân đội Mỹ và Nga thi đã có thỏa thuận về thông tin để các phi cơ của mình khỏi bắn vào nhau, nước Thổ thì không và lần này không chịu lép.

Những ưu tiên ấy gây khó cho Putin, là người chẳng thể lùi tại Syria. Ông đã ra lệnh cho chiến đấu cơ từ nay sẽ tháp tùng các oanh tạc cơ truy kích các lực lượng võ trang chống al Assad. Có gì là phải nổ súng! Trên vùng trời có quá nhiều máy bay như vậy, một vụ đụng độ Nga Thổ nữa là điều rất dễ xảy ra.

Kết luận ở đây là gì?

Từ hai tháng qua, người ta thấy Putin có vẻ quả cảm vì lâm trận để bảo vệ các chư hầu tại Syria, Iran và Beirut cho tới khi chuyến bay Metrojet của Nga bị ISIL cho nổ tung trên đất Ai Cập. Lần này, sự quả cảm ấy của Putin lại bị Thổ bắn hạ.

Phản ứng quyết liệt của Thổ khiến người ta tự hỏi về sức mạnh của NATO. Ðiều 5 Hiến chương NATO quy định là khi một thành viên bị tấn công thì cả Minh ước phải bảo vệ. Nếu Putin lại bày tỏ sự quả cảm và liều lĩnh với nước Thổ thì NATO sẽ làm gì?

Nhức đầu và nhức tim!
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Image

Tình trạng Hồi Giáo tại Pháp

Lữ Giang

Qua cuộc khủng bố do Nhà Nước Hồi Giáo gây ra ở Pháp vừa qua, hai cách nhìn nhìn dưới đây về tình trạng Hồi Giáo ở Pháp hiện nay có thế giúp chúng ta có khái niệm chính xác hơn về những gì đang và sẽ xảy ra cho nước Pháp.

I.- Đại nạn di dân nhập cư

Trúc Giang ở Minesota trong bài “Đại nạn di dân nhập cư: Châu Âu trước thử thách giữa tình người và mối đe dọa khủng bố” đã viết:

Làn sóng người đổ vào Châu Âu
Image
Dân tị nạn tập trung bên ngoài ga tàu hỏa Budapest chờ một chuyến đi tới các nước Châu Âu khác.
Hồi đầu năm nay, 2015, nhà ga quốc tế Budapest của Hungaria bỗng nhiên tràn ngập người di cư đang tìm mọi cách rời Hung để đến các nước Tây Âu, nhất là Đức.

Mỗi ngày có trên 2.000 người vào Hung, cao nhất là 5.809 vào ngày 14.9.2015.

Cảnh hỗn độn xảy ra. Mọi người chen lấn tràn ngập khu vực, họ vượt qua các trạm anh ninh. Cảnh sát bó tay.
Theo số liệu của Frontex, cơ quan giám sát biên giới Liên Âu, thì trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 565.000 đơn xin tỵ nạn ở Liên Âu.

Theo số liệu mới nhất của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thì trong 7 tháng đầu năm nay có 126.232 người Syria xin tỵ nạn ở các nước với số lượng như sau: 39.254 ở Đức, 38.002 xin tỵ nạn ở Serbia và Kosovo, 10.847 người xin tỵ nạn ở Hungary. Đó là đơn xin nhưng chưa biết số lượng được thu nhận là bao nhiêu.

“Pháp sẽ bị Hồi Giáo hóa trong 20 năm nữa”.

Nhà báo Mỹ Christopher Caldwell trả lời phỏng vấn của báo Le Figaro (Pháp), cho biết:

“Dân ngoại quốc nhập cư, dù trong hoàn cảnh lịch sử nào cũng tạo ra xung đột kinh tế, văn hoá, xã hội. Sự khác biệt về văn hóa không phải là sự phong phú như một số chính trị gia hô hào.

“Ở Mỹ cũng có phong trào di dân nhập cư, nhưng họ đến từ Mexico, Trung Mỹ, Nam Mỹ, họ chịu ảnh hưởng của văn hóa Công Giáo. Cách sống của họ cũng giống như người Mỹ gốc Ý nên không có những vấn đề như ở Pháp và các nước Châu Âu”.

Ông Caldwell nêu nhận xét: “Nước Pháp sẽ vở tung trong máu và nước mắt trong vòng 15 hay 20 năm nữa”. Ông giải thích, những người cai trị hiện nay và trong tương lai không có khả năng ứng phó trước hiểm họa Hồi Giáo. Và rồi, mọi người Pháp sẽ cam chịu luật Shariah của đạo Hồi, do các chính trị gia thỏa mãn những yêu sách của cử tri Hồi Giáo.
Ông giải thích, trong nền dân chủ người ta biết chia xẻ những luật lệ với nhau nhưng Hồi Giáo châu Âu có quan niệm sống khác biệt của họ, mà rất khó khăn trong hội nhập. Ví dụ, một ngày nào đó, phụ nữ Hồi Giáo vùng lên đòi quyền phụ nữ được che mặt chẳng hạn.

Thất nghiệp gia tăng, du đảng, tội phạm xã hội ở các khu vực đông người Á Rập nhập cư, vẫn cao hơn ở những nơi của các sắc tộc khác, như Việt Nam chẳng hạn…

Pháp có tín đồ Hồi Giáo đông nhất châu Âu, 5 triệu Hồi Giáo trên 65 triệu dân. Sở dĩ có đông người Hồi Giáo là do trước kia thực dân Pháp chiếm và cai trị các nước Bắc Phi như Ma Rốc, Algeria, Tunisia, Senegalia, Trung Phi…. 5 triệu cử tri là con số đáng kể trong các cuộc bầu cử. Chính phủ Pháp hiện nay phải gánh cái di sản của chế độ thực dân trong lịch nước Pháp.

II.- Tại sao Hồi Giáo làm cho người Pháp hoảng sợ?

Du Sinh ờ Giáo Xứ Việt Nam Paris đã nói về tình trạng Hồi Giáo tại Pháp như sau:

“Tại sao Hồi Giáo làm cho người Pháp hoảng sợ?” (Pourquoi l’Islam fait peur aux Français ?’), là đầu đề của bài viết trong tuần báo Valeurs actuelles (Jeudi, 20-26 Janvier 2011, p. 9-18).

Bài báo được coi là quan trọng vì tiêu đề được in chữ lớn ngay trên mặt bìa thứ nhất và trên nhiều tờ quảng cáo dán khắp nơi. Đây cũng là một vấn đề mà những người sống trên đất Pháp như chúng ta phải biết. Vì thế chúng tôi hân hạnh lược ý và gửi đến quý độc giả, với hy vọng giải đáp phần nào bảy câu hỏi: (1) Người Pháp nhận định thế nào về người Hồi Giáo đang sống trên đất Pháp? (2) Tại sao người Hồi Giáo làm cho người Pháp hoảng sợ? (3) tại sao 68% người Pháp cho rằng người Hồi Giáo khó hội nhập vào xã hội Âu châu?. (4) Nhận định về Hội Đồng Pháp về Phụng Tự Hồi Giáo (Conseil Français du Culte Musulman). (5) Liệu người Hồi Giáo có hội nhập được ‘chế độ thế tục’ hiện nay của Pháp không?. (6) Chống hay chấp nhận luật ‘cấm trùm khăn toàn thân’ (voile intégral)? . – (7) Còn chuyện ‘Hồi Giáo cầu nguyện ngoài phố’ thì sao?

Người Pháp nhận định thế nào về Hồi Giáo đang sống trên đất Pháp?

Hiện nay người Hồi Giáo chiếm 8-9% dân Pháp. Nói về hội nhập vào xã hội Pháp thì họ ‘rất dè dặt trên nền tảng’, ‘rất phê phán về hình thức’ và ‘rất xao xuyến cho tương lai’. Vì thế, theo cuộc thăm dò của hãng Ifop thực hiện cho báo Le Monde, thì đa số người Pháp mỗi ngày thêm thù nghịch với Hồi Giáo, cách riêng từ năm 1990 tới nay. Những điểm thăm dò dư luận của dân Pháp đối với Hồi Giáo về bốn điểm tiêu cực và bốn điểm tích cực, kết quả như sau:

Theo bảng trên đây, chúng ta thấy ‘phán đoán của người Pháp rất nghiêm khắc: 72% người Pháp cho Hồi Giáo là ‘từ chối tây phương’ (31%), ‘cuồng tín’ (18%), ‘quy phục’ (17%) và ‘bạo động’ (6%). Riêng câu đầu tiên ‘Từ chối Tây phương’ hiện nay dư luận lên gần gấp đôi sánh với năm 2001 (17%). Bốn câu hỏi tiếp theo: Hồi Giáo có ‘bảo vệ nữ giới’ không? có ‘Công bằng’ không?, có ‘dân chủ’ không? Và có ‘tự do’ không? cũng bị phán đoán ‘rất tiêu cực’!


‘Đó là chưa kể 55% người Pháp cho rằng ‘ảnh hưởng và hiện diện của Hồi Giáo là quá đáng’ (trop importantes). Do đó cách thực hành tôn giáo của họ mang tính cách ‘chinh phục quá đáng’ (trop conquérante), và 68% người Pháp phán đoán rất tiêu cực rằng: người Hồi Giáo không có ý muốn hay không có khả năng hội nhập vào xã hội tây phương. Theo nhận định của ông Jérôme Fourquet, ‘người Pháp ý thức rằng cộng đồng Hồi Giáo không có ‘ơn gọi đi tới’ (vocation de partir), họ đòi hỏi chỗ đứng của họ và người ta phải ‘đồng cư’ (cohabiter) với họ’. Bởi vậy, không lạ gì, chỉ 22% người Pháp cho rằng ‘Hồi Giáo là nguồn phong phú về văn hóa’ đang khi 42% (tức gần gấp đôi) người Pháp cho rằng ‘Hồi Giáo là một sự đe dọa’ (une menace).

Từ những những kết quả thăm dò ở trên, hãng Ifop tiên đoán rằng: Hồi Giáo là một trong những đề tài sôi nổi trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới’.

Nhận xét:

Hoa Kỳ với diện tích 9.526.468 km2 và chỉ có 1.548. 500 người Việt cư trú, thế mà đi đâu cũng thấy cờ vàng, tuyên ngôn, tuyên cáo, kháng thư, những bài tố cáo nhau là tay sai cộng sản hay cộng sản nằm vùng, và tiếng hát “cờ bay cờ bay trên thành phố Bolsa, vừa chiếm lại đêm qua bang máu” vang lên khắp nơi… Pháp chỉ có diện tích 674.843 km2, nhưng lại có đến 5 triệu người Hồi Giáo cư ngụ, lại có nhiều mặt trái đàng sau, những chuyện như vậy xảy ra, đâu có gì lạ?
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Image


Tấn công khủng bố tại Paris là đụng độ giữa hai nền văn minh?


Lê Mạnh Hùng

Ảnh: James Ferguson/FT
Kể từ khi nhà chính trị học Samuel Huntington hồi năm 1993 đưa ra lý thuyết rằng chính trị quốc tế sẽ bị chi phối bởi sự “đụng độ giữa các nền văn minh” (clash of civilisations), lý thuyết này đã trở thành thời thượng, và có lẽ không ai ủng hộ nó hơn là những người Hồi giáo cực đoan cuồng tín. Những kẻ khủng bố tạo ra cảnh giết người hàng loạt tại Paris tuần trước là thành viên của một phong trào cho rằng Hồi Giáo và phương Tây là hai kẻ thù trong một cuộc chiến một mất một còn.

May mắn là những chính khách hàng đầu của phương Tây hầu như luôn luôn bác bỏ phân tích của Huntington. Ngay cả cựu tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng khẳng định “Không hề có đụng độ giữa các nền văn minh.” Và cuộc sống thường ngày tại những thành phố lớn ở phương Tây như Luân Ðôn vốn có một thiểu số đông đảo những người Hồi Giáo đã cho một bằng chứng bác bỏ triệt để luận điệu rằng những người thuộc các tôn giáo và văn hóa không thể sống và làm việc một cách hòa hợp bên cạnh nhau.

Với vụ thảm sát tại Paris, người ta cần khẳng định lại cái ý tưởng cốt lõi đó. Và hành động này lại càng cần thiết hơn nữa khi nhìn vào một số chiều hướng đáng lo ngại trên thế giới. Sự kiện là tinh thần Hồi Giáo cực đoan đang lấn lên so với Hồi Giáo ôn hòa ngay tại những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia hay Bangladesh vốn trước đó vẫn được coi như là gương mẫu của những xã hội Hồi Giáo hiện đại. Ðồng thời những lời tuyên bố thể hiện một thiên kiến chống lại Hồi Giáo cũng xuất hiện trong dòng chính chính trị chứ không phải chỉ ở biên duyên cực hữu tại Hoa Kỳ hay một số nước Châu Âu.

Hai khuynh hướng đó họp lại càng làm khó hơn cố gắng của những ai muốn chống lại việc biến cuộc chiến chống khủng bố này trở thành một cuộc “đụng độ giữa các nền văn minh”

Các cuộc tấn công khủng bố tỷ như sự kiện vừa xảy ra tại Paris làm gia tăng những căng thẳng giữa những người Hồi Giáo và không Hồi Giáo. Ðó chính là một mục đích của những kẻ khủng bố. Nhưng bên cạnh đó còn có những yếu tố khác, dài hạn hơn thúc đẩy việc cực đoan hóa trong Hồi Giáo. Một trong những phát triển nguy hiểm nhất là cung cách mà các quốc gia Hồi Giáo vùng Vĩnh, đặc biệt là Saudi Arabia dùng tiền bạc của mình để truyền bá một thứ Hồi Giáo hẹp hòi và thiển cận của họ vào phần còn lại của thế giới Hồi Giáo.

Hậu quả của các hành động này có thể thấy rõ tại Ðông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Ðộ cũng như Phi Châu và Âu Châu. Malaysia từ lâu vẫn được ca tụng như là một bằng chứng của một xã hội thành công và phồn thịnh; một xã hội đa văn hóa vói một đa số người Mã Lai theo Hồi Giáo và một thiểu số quan trọng người Hoa theo các tôn giáo khác. Nhưng ngay tại chính Malaysia tình hình đang thay đổi. Bihari Kausikan, một cựu bộ trưởng ngoại giao tại nước láng giềng Singapore đã chỉ ra “một tình trạng càng ngày càng đáng kể làm hẹp không gian chính trị và xã hội cho những người không phải là Hồi Giáo tại Malaysia.” Và ông nói thêm, “Ảnh hưởng của những người Arab từ Trung Ðông trong nhiều thập niên qua đã xói mòn bản chất Mã Lai của Hồi Giáo,” thay thế nó với một “Hồi Giáo khắc khổ và thiếu bao dung hơn.” Vụ bê bối tham nhũng đang ám ảnh chính phủ của Thủ Tướng Najib Razak đã làm gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng vào lúc mà chính phủ Malaysia đã quay lại một nền chính trị tôn giáo để lấy sự ủng hộ. Ngay cả một vị bộ trưởng trong chính phủ Malaysia lúc gần đây đã tấn công những người đối lập là một thành viên trong “âm mưu Do Thái toàn cầu” chống lại Malaysia. Tại Bangladesh, một nước Hồi Giáo với một Hiến Pháp thế quyền, những người Hồi Giáo cực đoan đã ám sát chết nhiều nhà trí thức, blogger và nhà báo trong năm qua. Các cuộc tấn công vào những người Thiên Chúa Giáo, Ấn Giáo và cả Hồi Giáo Shia cũng gia tăng. Hầu hết những hành động khủng bố này được thực hiện bởi chi nhánh địa phương của al-Qaeda hay ISIS, nhưng cũng như tại Malaysia mầm mống của Hồi Giáo cực đoan này có vẻ như phát xuất từ các nước vùng Vịnh qua việc họ tài trợ những trường học Hồi Giáo cũng như qua các công nhân Bangladesh di cư sang các nước vùng này làm việc.

Ðối với nhiều người tại Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là điển hình tốt nhất của một xã hội Hồi Giáo mà cũng là một xã hội dân chủ thế quyền thành công. Cuộc cách mạng Thổ do Kemal Ataturk thực hiện đã loại bỏ tôn giáo ra khỏi chính trị. Nhưng trong thời đại của Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan, tôn giáo đã càng ngày càng xâm nhập vào chính trị. Ông Erdogan đã được tạp chí The Economist và một số khác ca tụng như là một người Hồi Giáo ôn hòa, Nhưng không có gì là ôn hòa trong lời tuyên bố của ông trước các thân hữu năm 2014 nói rằng “người phương Tây nói là bạn chúng ta nhưng họ muốn chúng ta chết, muốn thấy con cháu chúng ta chết.”

Tại Châu Âu, ngay trước khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố tại Paris, cuộc khủng hoảng di dân đã dẫn đến sự nổi lên của các đảng và phong trào chống Hồi Giáo. Vào lúc Ðức mở cửa đón nhận các dân tỵ nạn từ vùng Trung Ðông, các cuộc bạo động chống những nơi chứa người tỵ nạn đã gia tăng, Tại Pháp đảng cực hữu Front National đã được rộng rãi chờ đợi sẽ lấy được nhiều ủng hộ hơn trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng tới. Hành động và lời nói chống Hồi giáo cũng gia tăng tại Mỹ và trở thành lời nói cửa miệng của những ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Donald Trump ứng cử viên đang dẫn đầu trong sự ủng hộ của cử tri Cộng Hòa tuyên bố ông sẽ trục xuất bất kỳ một người tỵ nạn Syria nào được cho nhập cảnh vào Hoa Kỳ nếu ông trúng cử tổng thống.

Sự trùng hợp của những diễn biến tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Dông và châu Á nuôi dưỡng ý tưởng một cuộc dụng độ giữa các nền văn minh. Nhưng thực tế là thế giới Hồi Giáo và không Hồi Giáo nay đã quyện lại trên khắp thế giới. Ða văn hóa không phải là một nguyện vọng mà là một thực tế của thế giới hiện đại. Phá hủy thực tế đó như những người chủ trương “đụng độ giữa các nền văn minh” chỉ dẫn đến bạo động, chết chóc và đau khổ.

__._,_.___
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Erdogan và Putin tranh hùng

Ngô Nhân Dụng

Ðộc giả Người Việt rất bén nhậy trước tin thời sự. Sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ hạ máy bay Nga trên vùng biên giới Thổ-Syria, độc giả ký tên oldcanon nhận xét: “Sau vụ này nếu mà Nga không kéo một mớ hỏa tiễn phòng không S-300 hoặc S-400 qua đặt bên Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì mới là chuyện lạ.” Quả nhiên, trong khi ông “đại bác già, oldcanon” viết thì Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã làm việc đó. Hỏa tiễn Sam có tầm xa 400 cây số, đặt ở một căn cứ Nga cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 50 cây số. Chiến hạm Moskva mang hỏa tiễn tiến vào gần bờ biển, và từ nay máy bay oanh tạc của Nga sẽ có phi cơ chiến đấu đi bên bảo vệ!

Ít khi chính phủ Nga đưa hỏa tiễn Sam tới một vùng tranh chấp xa như vậy, kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Ðáng lẽ khối NATO phải phản đối ầm lên khi Nga đưa Sam tới bên bờ Ðịa Trung Hải; nhưng không thấy. Nhưng họ chỉ nói mấy câu lấy lệ. Ðiều đó chứng tỏ mấy tên đạn này không thay đổi cục diện. Ông Putin phải điều động tên lửa để chứng tỏ cho dân Nga thấy ông vẫn là “người hùng,” thế thôi.

Một vị độc giả khác, Kevin Nguyên thì lo lắng cho Thổ Nhĩ Kỳ: “Putin chứ không phải Obama, sẽ không có chuyện nhẹ nhàng khi Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò 'đâm sau lưng...” Ông Nguyễn Lai Châu lo ngại hơn: “Ðây là một bài học nhờ đời cho Thổ không chừng... Thổ coi chừng bị hỏng cẳng vì tính cốc láo của Putin là làm rồi mới nói...”

Nhưng cuối cùng thì ông tổng thống Nga làm gì? Phản ứng quan trọng nhất phải diễn ra trong vòng một, hai ngày sau khi máy bay Nga bị hạ, nếu không tức là không có gì quan trọng. Ông Putin không triệu hồi đại sứ ở Ankara về nước. Hai sĩ quan Nga đã tới Bộ Quốc Phòng Thổ để hỏi cho ra lẽ, và được nghe những gì tổng thống Thổ đã nói: Bắn máy bay Nga vì cảnh cáo 10 lần mà không trả lời. Phát ngôn viên quân sự Nga đã nói ngay sẽ không có phản ứng quân sự nào cả, ngoài việc chấm dứt các cuộc gặp gỡ đã định trước đó. Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov bãi bỏ chuyến thăm viếng và khuyên du khách Nga ngưng sang Thổ-Thổ Nhĩ Kỳ là nơi người Nga hay đi du lịch nhất.

Hai nước sẽ không lâm chiến. Nghĩa là khối NATO sẽ không phải đụng độ Nga, sau hơn nửa thế kỷ được thành lập chỉ để ngăn đế quốc Liên Xô bành trướng. Chiến tranh sẽ rất tốn kém, trong khi chính quyền Nga đang mang nhiều mối lo khác: Putin đã cho đám quân nổi dậy ở Ukraine vào tủ lạnh, chấm dứt giấc mộng ly khai không biết đến bao giờ. Kinh tế Nga tiếp tục suy yếu, giá dầu lửa ngày càng xuống sẽ làm ngân sách kiệt quệ. Các nước Âu Mỹ tiếp tục cấm vận vì vụ chiếm Crimea; trong khi dân vùng này đang thất vọng vì du khách ngưng tới, mỗi ngày chỉ có điện trong mấy giờ, bị dân Tartar phá vì họ bị kỳ thị. Cuộc phiêu lưu tại Syria không biết bao giờ ngừng. Nếu không được Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước Á Rập và Tây phương hợp tác thì những cuộc oanh kích của máy bay Nga sẽ không bao giờ tiêu diệt được lực lượng “Quốc Gia Hồi Giáo IS.” Nghĩa là không thể nào cứu nổi chế độ Bashar al-Assad.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga quá quan trọng, không thể cắt đứt. Hai phần ba khí đốt Thổ nhập cảng đến từ các mỏ bên Nga. Các hợp đồng bán hơi đốt vẫn được thi hành, dù máy bay S-24 đã bị bắn hạ. Kết cục, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ tiếp tục “đấu võ mồm” để cho dân chúng hai nước nức lòng ái quốc, giúp cho hai ông tổng thống tăng thêm uy tín!

Khi ông Tayyp Erdogan nhảy từ chức vụ thủ tướng, ra ứng cử lên làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập đã chế nhạo là ông ta đang bắt chước ông Putin. Hai người rất giống nhau; đều lấn áp các phe đối lập, hạn chế tự do ngôn luận, cùng mua chuộc hàng giáo phẩm Hồi Giáo ở Thổ và Chính Thống Giáo ở Nga. Cả hai đều muốn đóng vai “người hùng” bằng cách kích thích lòng yêu nước của dân chúng. Ông Erdogan thì đàn áp các nhóm người Kurd đòi tự trị trong nước. Ông Putin phô trương sức mạnh quân sự ở bên ngoài.

Bây giờ hai người đụng độ nhau, và không ai chịu xuống nước, không thể để hình ảnh “người hùng” tan biến. Ông Putin dọa sẽ không nói chuyện với Erdogan trước khi Thổ xin lỗi và bồi thường. Erdogan từ chối nhưng đã dịu giọng bằng cách nói rằng máy bay Thổ khi bắn “máy bay lạ” đã không biết đó là máy bay Nga. Nhưng ông vẫn cứng rắn, nói: “Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ chịu nhịn khi biên giới và quyền hạn của mình bị xâm phạm. Khối NATO, kể cả Mỹ, tuyên bố sẵn sàng đoàn kết với Thổ, bảo vệ lãnh thổ một nước thành viên.”

Ông Erdogan còn nói mạnh hơn: “Thổ Nhĩ Kỳ phải bảo vệ những người sắc tộc Thổ khác.” Nguyên nhân gây ra cuộc máy bay đụng độ vừa qua là không quân Nga đã tấn công những làng dân Syria gốc Thổ, trong vùng đó không có quân IS. Nhưng lời tuyên bố này có nghĩa rất rộng và có thể gây hậu quả rất sâu xa.

Bởi vì giống dân gốc Thổ sống rải rác khắp vùng Trung Á, từ sắc dân Uyghur trong tỉnh Tân Cương, qua Iran, Iraq, Afghanistan, sang tới Syria. Họ là một sắc dân du mục, từ hai ngàn năm trước đã kéo nhau sang phía Tây trong nhiều đợt, khi biết không thể bành trướng sang phía Ðông vì đụng phải Ðế quốc Hán tộc. Ðây là một giống dân thiện chiến, đã gia nhập hoặc chống cự những đoàn quân của các đế quốc, từ thời Alexander qua Thành Cát Tư Hãn và sau cùng là đế quốc Hồi Giáo.

Từ thế kỷ 11, đạo quân Thổ Seljuk, cũng thuộc giống Tarar, đã được vị Caliph đứng đầu Hồi Giáo ở Baghdad sử dụng bành trướng về phía Tây, chống Ðế quốc Byzantine và đánh cả các đoàn quân Thập tự chinh. Ðến thế kỷ 15, hậu duệ của người Seljuks đã thành lập Ðế quốc Ottoman sau khi chiếm Constantinople, nay là Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai đế quốc Nga và Ottoman (cũng được gọi là đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) đã tranh hùng suốt từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20; mỗi cuộc chiến trong tổng cộng 12 lần đều dính tới các nước Châu Âu. Cuộc tranh hùng kéo dài nhất là Chiến tranh Crimea (1853-56), Nga thua liên quân Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp và Ý. Trước thế kỷ 20, giống dân Thổ không có ý lập quốc, vì quen sống trong những đế quốc rộng lớn. Sau khi Ðế quốc Ottoman tan vỡ, một quốc gia mới ra đời, quyết tâm canh tân theo kiểu mẫu các nước Châu Âu. Họ quyết định tách tôn giáo khỏi chính trị; bỏ cả lối viết chữ cũ để dùng mẫu tự La tinh.

Từ khi cầm quyền, ông Erdogan đã gia tăng liên lạc với các nước Trung Á cùng gốc Thổ. Những quốc gia Hồi Giáo này mới được độc lập sau khi tách khỏi Liên Bang Xô Viết nhân chế độ Cộng Sản tan rã. Ðất đai của họ kéo dài từ núi Thiên San, Trung Quốc, tới Hắc Hải. Dân chúng đều nói một ngôn ngữ gần với tiếng dân Thổ, có thể hiểu nhau được; trừ 8 triệu dân Tajikistan nói giống tiếng Ba Tư. Dân chúng các nước lớn như Uzbekistan, Azerbaijan đều hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và muốn có ngày sẽ kết hợp với nhau trong một liên bang.

Một cuộc tranh hùng ở vùng Trung Á trong thế kỷ 21 sẽ diễn ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ tham dự. Chưa hết, trong nội địa Liên Bang Nga, các vùng Chechnya và Dagestan cũng đang sôi sục vì dân chúng ở đây theo Hồi Giáo và họ căm thù các chính quyền Nga từ thời Xô Viết đã kỳ thị và đàn áp họ. Ðại đa số dân Hồi Giáo ở Nga và vùng Trung Á đều theo phái Sun Ni; trong khi Nga đang ủng hộ một chính quyền theo phái Shi A ở Syria. Hơn 3,000 người từ Nga đã sang Syria gia nhập quân IS, một phần ba đến từ Dagestan. Tình báo Nga đã ám sát một người Chechnya đang đi quyên góp gây quỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, từng gây ra căng thẳng giữa hai nước.

Ông Putin chỉ nhắm cứu vãn chế độ Assad trong một thời gian ngắn, để có thể tham dự cuộc bàn luận chia sẻ nước Syria sau khi Assad ra đi. Putin rất nóng lòng muốn liên kết với các nước Tây phương trong công việc cùng tiêu diệt lực lượng IS, vì đó chính là một lò huấn luyện người Sun Ni Hồi Giáo từ Nga sang. Trong khi tuyên bố chống Thổ Nhĩ Kỳ, Putin vẫn hân hoan tiếp ông Francois Hollande, tổng thống Pháp, cả hai hô hào tiến hành cuộc liên kết này.

Biến cố máy bay Thổ bắn hạ máy bay Nga có thể là một cơ hội cho các nước NATO và Nga phải thảo luận với nhau để phối hợp trên chiến trường Syria, như Putin vẫn chờ đợi. Vì vậy, ông Putin sẽ không thể giữ tình trạng thù nghịch quá lâu với Thổ Nhĩ Kỳ, một nước kỳ cựu trong khối NATO. Nên mời ông Francois Hollande đóng vai trò trung gian hòa giải!
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Việt Nam và Trung Quốc


Nguyễn Hưng Quốc



Image
Bầy con hoang Ba Đình được Tập thuần hóa. Tranh Babui.

Lâu nay, để biện hộ cho chính sách nhường nhịn đến nhu nhược trước những hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc, chính phủ Việt Nam thường nêu lên ba lý do chính: Thứ nhất, về địa lý, Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc nên ít nhiều phải chịu đựng Trung Quốc để có được hoà bình; thứ hai, về ý thức hệ, Việt Nam và Trung Quốc đều theo chủ nghĩa xã hội, và do đó, đều là “đồng chí” của nhau; và thứ ba, về lịch sử, Việt Nam từng chịu ơn Trung Quốc rất nhiều trong hai cuộc chiến tranh (chống Pháp, 1949-54, và chiến tranh Nam Bắc, 1954-75) trước đây.

Những sự biện hộ ấy liệu có sức thuyết phục?

Theo tôi thì không.

Trước hết, không ai phủ nhận Việt Nam vốn có hơn 1000 cây số chung biên giới với Trung Quốc, do đó, không thể không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên ở đây có hai điều nên nhớ: Một, ngày xưa, cha ông chúng ta cũng từng chung biên giới với Trung Quốc nhưng vẫn giữ được độc lập và chủ quyền của quốc gia. Không kể một ngàn năm Bắc thuộc, chỉ tính từ ngày độc lập (thế kỷ thứ 10), Trung Quốc từng âm mưu thôn tính Việt Nam gần cả chục lần, nhưng tất cả đều bị đánh bại. Hai, không phải nước nào gần Trung Quốc cũng đều cam chịu những sự ngang ngược của Trung Quốc. Đất rộng, ngoài Việt Nam, Trung Quốc có chung biên giới với 13 quốc gia khác, trong đó, trừ hai nước lớn là Nga và Ấn Độ, tất cả các nước khác, nhỏ hơn, vẫn giữ được vị thế độc lập với Trung Quốc. Tấm gương rõ nhất là Miến Điện, nước có hơn 2000 cây số chung biên giới với Trung Quốc, từng chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng mấy năm gần đây, vẫn thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc để bắt đầu dân chủ hoá. Ngay cả Bắc Hàn, nước có đường biên giới dài nhất với Trung Quốc, lệ thuộc Trung Quốc rất nhiều về kinh tế, vẫn giữ được ít nhiều sự độc lập với Trung Quốc về phương diện chính trị. Bởi vậy, sự gần gũi về phương diện địa lý không hề là yếu tố tất yếu dẫn đến sự lệ thuộc.

Thứ hai, việc hai quốc gia cùng theo chủ nghĩa xã hội không bảo đảm hoà bình và tôn trọng chủ quyền của nhau. Trước đây, các quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa, kể cả hai nước đứng đầu là Trung Quốc và Liên Xô, cũng thường xuyên xung đột, có khi là xung đột vũ trang, với nhau. Hai cuộc chiến tranh gần đây nhất của Việt Nam cũng là hai cuộc chiến tranh với hai nước xã hội chủ nghĩa: Campuchia (1978) và Trung Quốc (1979). Trong cuốn Imagined Communities: Reflections on the Origins and Spread of Nationalism (1983), Benedict Anderson cho hai cuộc chiến tranh ấy là bằng chứng rõ nhất cho thấy, đối với mọi quốc gia, quyền lợi dân tộc quan trọng hơn hẳn vấn đề ý thức hệ. Hầu hết các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay đều có kinh nghiệm trực tiếp về hai cuộc chiến tranh ấy, họ không thể không biết điều đó. Hơn nữa, hầu như ai cũng biết, cái gọi là chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, thật ra, chỉ là một chiêu bài nhằm nguỵ trang một chế độ độc tài toàn trị mà thôi. Nó không còn là những niềm tin thực sự để người ta, vì nó, bỏ qua những mâu thuẫn về quyền lợi với nhau.

Thứ ba, về chuyện ân nghĩa. Quả thật, từ năm 1950 đến 1975, Trung Quốc từng giúp đỡ Bắc Việt rất nhiều. Họ không những cung cấp vũ khí, quân trang, quân dụng mà còn cung cấp cả thực phẩm cho dân chúng và bộ đội miền Bắc. Họ đưa phi công sang Việt Nam để huấn luyện các phi công Việt Nam. Trong vòng mấy năm, từ 1965 đến 1969, họ còn đưa cả mấy trăm ngàn kỹ sư và công nhân sang để giúp Việt Nam xây dựng cả trăm cây số đường sắt, xây dựng cả hàng chục chiếc cầu và đường hầm, v.v… Theo thoả ước giữa giới lãnh đạo hai bên, nếu lính Mỹ chỉ giúp quân đội miền Nam chống lại các cuộc tấn công của miền Bắc, Trung Quốc chỉ giữ vai trò là hậu phương của miền Bắc, chủ yếu là cung cấp toàn bộ những gì miền Bắc cần để tiến hành chiến tranh. Nếu Mỹ dùng hải quân và không quân để tấn công miền Bắc, Trung Quốc cũng sẽ đưa hải quân và không quân sang Việt Nam. Nếu Mỹ xua quân sang đánh chiếm miền Bắc, Trung Quốc cũng sẽ đưa bộ binh sang để trực tiếp đối đầu với Mỹ. Nói chung, Trung Quốc xem cuộc chiến tranh ở Việt Nam như là cuộc chiến tranh của chính họ. Có thể nói, nếu không có những sự trợ giúp tích cực của Trung Quốc, Việt Nam (hiểu theo nghĩa là miền Bắc) sẽ không có Điện Biên Phủ và ngày 30 tháng Tư 1975. Giới lãnh đạo cộng sản biết ơn Trung Quốc kể cũng phải.

Tuy nhiên, quan hệ chính trị giữa hai quốc gia khác quan hệ ân tình giữa các cá nhân trong đời thường. Trong quan hệ liên cá nhân, người ta giúp đỡ nhau có khi chỉ vì lòng tốt. Trong quan hệ liên quốc gia, mọi sự giúp đỡ đều xuất phát từ quyền lợi. Nói cách khác, Trung Quốc giúp miền Bắc chủ yếu là vì chính họ hơn là vì miền Bắc. Theo Chen Jian, trong bài “China’s Involvement in the Vietnam War, 1964-69” (đăng trên The China Quarterly, số 142, 1995), lý do khiến Trung Quốc nhiệt tình giúp miền Bắc có thể tóm gọn vào ba điểm chính:

Một là, sau sự thất bại của chiến dịch Đại nhảy vọt vào cuối thập niên 1950, uy tín của Mao Trạch Đông xuống thấp. Để củng cố lại quyền lực của mình, Mao muốn đóng vai trò một người kiên quyết chống lại chủ nghĩa đế quốc và người thúc đẩy cuộc cách mạng vô sản đến cùng qua việc ủng hộ cuộc chiến tranh “chống chủ nghĩa thực dân mới” ở Việt Nam. Qua động thái ấy, ông cũng đồng thời phê phán một số nhân vật lãnh đạo trong đảng, như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, là theo chủ nghĩa xét lại và muốn hoà hoãn với Mỹ.

Hai là, qua việc giúp đỡ Việt Nam, Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô. Tuy là cùng theo chủ nghĩa xã hội, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô từ giữa thập niên 1950, kể từ sau đại hội đảng lần thứ 20 của đảng Cộng sản Liên Xô, càng ngày càng căng thẳng. Dưới mắt Mao Trạch Đông, việc phê phán Stalin của Nikita Khrushchev là một hành động “xét lại”, nhằm tái phục hồi chủ nghĩa tư bản ở Nga. Sang đầu thập niên 1960, hai bên công kích nhau kịch liệt. Qua việc giúp đỡ miền Bắc, Trung Quốc nhắm đến hai điều: lôi kéo miền Bắc vào quỹ đạo của Trung Quốc và chứng minh cho Liên Xô và cả thế giới thấy Trung Quốc mới thực sự là cộng sản với chủ trương cách mạng không ngừng.

Ba là, cũng qua việc giúp đỡ miền Bắc, Trung Quốc muốn đóng vai người lãnh đạo của khối xã hội chủ nghĩa trong công cuộc chống lại “đế quốc” Mỹ ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Họ muốn chuyển trục của chủ nghĩa xã hội từ Moscow sang Bắc Kinh. Họ cũng muốn xuất khẩu học thuyết lấy nông thôn bao vây thành thị trong sách lược chiến tranh của Mao Trạch Đông sang Việt Nam, và từ đó, đến các nước khác.

Tôi muốn thêm một lý do này nữa: Trung Quốc bảo vệ miền Bắc để bảo vệ biên giới phía Nam của Trung Quốc. Điều Trung Quốc sợ nhất là các chế độ được Mỹ ủng hộ tiến sát đến biên giới nước mình. Đó là lý do tại sao Trung Quốc tung quân ra bảo vệ Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh kéo dài ba năm với Nam Triều Tiên vào đầu thập niên 1950. Trung Quốc giúp miền Bắc tấn công miền Nam Việt Nam cũng cùng một lý do.

Nói một cách tóm tắt, việc Trung Quốc tận lực giúp miền Bắc trong cuộc chiến chống lại miền Nam chủ yếu xuất phát từ quyền lợi của chính Trung Quốc. Đó không phải là một ân nghĩa để khiến Việt Nam bây giờ phải nhường nhịn trước những hành động lấn chiếm hay gây hấn ngang ngược của Trung Quốc trên biển và đảo của Việt Nam. Hơn nữa, ngay cả đó là ân nghĩa thật, không ai có quyền đem độc lập và chủ quyền quốc gia để đền đáp.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests