Bình Luận , Quan Điểm

duynga
Posts: 117
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Post by duynga »

Image

Tại sao lại coi truyền thông là kẻ thù?
Kính Hòa

(RFA) - Khi có sự hình thành nhóm chống đối tuyên bố 258 và ủng hộ đảng cộng sản, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận những người này. Một bạn trẻ được đề nghị phỏng vấn để ghi lại quan điểm của nhóm này về điều luật 258, một sự nghi kỵ bao trùm cuộc nói chuyện khi bạn trẻ ấy liên tục đưa ra cho phóng viên những câu hỏi thay vì trả lời về quan điểm của mình: “Bạn có thể làm cách nào chứng minh cho tôi biết bạn là phóng viên? Có gì đảm bảo cho tôi là cuộc phỏng vấn được chuyển tải trung thực mà không thêm bớt câu chữ, không thêm bớt từ ngữ? Đài của bạn có kiểm tra bài viết trước khi đăng hay không? Có phải là các bạn ủng hộ tuyên bố 258 mà dìm cái bài phản bác của chúng tôi? Đài của bạn chỉ đăng những tin hót tin nóng phải không? Thì có gì khác gì báo lá cải đâu?...”

Địch và ta

Quan niệm về truyền thông của giới chức Việt Nam và nhiều người Việt Nam dưới ảnh hưởng của khái niệm địch và ta, làm cho không những truyền thông trong nước không phát triển mà còn mất đi cơ hội tận dụng những diễn đàn truyền thông bên ngoài.

Cuộc tranh luận về điều luật 258 bộ luật hình sự Việt Nam có thêm một diễn biến mới là nhóm chống điều luật này kêu gọi những đối thủ của họ công khai tranh luận trên diễn đàn truyền thông của nhà nứơc Việt Nam. Blogger Phạm Thanh Nghiên, một nhà bất đồng chính kiến tại Hải Phòng, và cũng là một trong những người tham gia ký tuyên bố chống điều luật 258 nói với đài Á châu tự do:

“Kể từ khi có Tuyên bố 258, sau một thời gian im lặng thì có một nhóm tự xưng là cộng đồng bloggers Việt Nam đã phản bác lại Tuyên bố 258.Và cũng có những cuộc tranh luận trên mạng. Tôi có đưa ra yêu cầu cùng nhau công khai thảo luận Tuyên bố 258 trên chính truyền thông Việt Nam, cụ thể là Đài Truyền hình VN, tôi nhấn mạnh chính Đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan truyền thông Nhà nước chứ không phải một đài quốc tế nào vì như thế họ hay chụp mũ chúng tôi là đài phản động.”

Tuy nhiên bà Phạm Thanh Nghiên cũng không hy vọng gì sẽ có một cuộc tranh luận như vậy diễn ra công khai trên truyền thông do đảng cộng sản kiểm soát.

Tranh luận hình như chưa bao giờ được đưa ra công khai trên báo chí nhà nước Việt Nam. Trên mặt báo thì ngoài các sự kiện xảy ra đó đây thì lúc nào cũng tràn ngập một không khí đồng thuận cao với chủ trương của đảng. Và không phải sự kiện nào cũng được đưa nếu nó không có lợi cho sự định hướng của đảng cộng sản.

Trong những năm qua nhiều nhà báo đã bị cầm tù hay mất việc. Nhiều lý do đã được đưa ra cho những sự bắt bớ hay đuổi việc ấy, nhưng nhiều người hồ nghi lý do chính là những nhà báo đó đã không theo đúng những gì đảng mong muốn. Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh, người được giải Netizen năm 2013, nói:

“Viết những chuyện chính trị thì lạng quạng là bị kỷ luật, thôi thì viết tầm bậy tầm bạ chuyện dân sinh thì không đụng chạm tới ai.”

Không trả lời phỏng vấn từ nước ngoài?

Có một điều gì đó giống như một sự sợ hãi bao trùm lên truyền thông nhà nước. Những sự kiện quan trọng như kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp của 72 nhân sĩ trí thức mà không có một dòng tin. Chỉ sau đó khá lâu là một sự đả kích nhóm 72 ấy với cùng một giọng đồng thuận cao trên những tờ báo nổi tiếng gần gủi với đảng nhất như Quân đội nhân dân, Sài Gòn giải phóng v.v... Nhiều nhà báo cũng từ chối trả lời phỏng vấn từ nước ngoài. Một Tổng biên tập trả lời chúng tôi khi chúng tôi tìm hiểu chuyện kiểm duyệt một quyển sách, rằng anh ta là đảng viên cho nên không được phép trả lời đài nước ngoài.
Image
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Ngô Đức Thắng (phải) trả lời phỏng vấn Biên tập viên Gia Minh của RFA
hôm 25 tháng 9 tại Bangkok, Thái Lan. RFA PHOTO.
Có lẽ lý do quan trọng của sự từ chối này là quan niệm về đài địch phản động như bà Phạm Thanh Nghiên nêu bên trên. Trong ngành tuyên truyền của đảng cộng sản, họ thường phân biệt những khái niệm địch và ta rất rõ. Và như thế, ngành truyền thông cũng phải được xếp hạng địch và ta, chứ không đơn thuần là những người, những tổ chức đưa thông tin. Và những cơ quan truyền thông không do đảng kiểm soát thường đựoc xếp vào lọai phe đối nghịch với đảng, còn tệ hơn nữa thì bị xếp vào phe phản động.

Khi có sự hình thành nhóm chống đối tuyên bố 258 và ủng hộ đảng cộng sản, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận những người này. Một bạn trẻ được đề nghị phỏng vấn để ghi lại quan điểm của nhóm này về điều luật 258, một sự nghi kỵ bao trùm cuộc nói chuyện khi bạn trẻ ấy liên tục đưa ra cho phóng viên những câu hỏi thay vì trả lời về quan điểm của mình:

“Bạn có thể làm cách nào chứng minh cho tôi biết bạn là phóng viên?

Có gì đảm bảo cho tôi là cuộc phỏng vấn được chuyển tải trung thực mà không thêm bớt câu chữ, không thêm bớt từ ngữ?

Đài của bạn có kiểm tra bài viết trước khi đăng hay không?

Có phải là các bạn ủng hộ tuyên bố 258 mà dìm cái bài phản bác của chúng tôi?

Đài của bạn chỉ đăng những tin hót tin nóng phải không? Thì có gì khác gì báo lá cải đâu?”

Nỗi lo sợ sợ bị cắt xén phát biểu của mình có lẽ xuất phát từ sự không bao giờ công khai tranh luận trên báo chí Việt Nam, trong không khí truyền thông của xã hội Việt Nam. Và hơn nữa là một sự nghi ngại về đài địch về bất cứ cơ quan truyền thông nào không phải của đảng nắm giữ.

Gần kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, bạn trẻ ấy cũng nói rằng:

“Bây giờ tôi cũng hiểu ra một số vấn đề.”

Tuy thế sau cuộc nói chuyện, trở về với những người giống với mình, bạn trẻ đó lại cho rằng bạn đã thắng cuộc nói chuyện ấy, đã cướp được diễn đàn, đã quay người phóng viên tội nghiệp kia thay vì trả lời phỏng vấn...

Quan niệm rằng giới truyền thông không do đảng kiểm soát là kẻ thù chính là sự phân biệt địch ta trong sự tuyên truyền của đảng cộng sản bấy lâu nay. Cho nên thay vì để nêu quan điểm trên các diễn đàn truyền thông lớn trên thế giới, giới chức Việt Nam thường tránh né như người đảng viên tổng biên tập được nêu trên kia, hoặc xem truyền thông là một mục tiêu để tấn công, và phải chiến thắng nó, như bạn trẻ chống lại nhóm 258 kia.

Trong cấu trúc của một xã hội hiện đại, truyền thông được coi như đệ tứ quyền, bên cạnh Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp. Nó làm minh bạch xã hội, giúp các nhóm công dân khác nhau trao đổi ý kiến và quan điểm. Vậy thì tại sao lại coi truyền thông là kẻ thù?

Trong một diễn biến gần đây, ông Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan đã vượt qua định kiến kẻ thù ấy, khi ông dành cho Biên tập viên Gia Minh của đài Á châu Tự do một buổi phỏng vấn về quan hệ Việt Nam Thái Lan. Một việc làm hết sức đơn giản để cho mọi người biết về thiện ý của người Việt Nam là như thế nào.

Kính Hòa
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Công lý xảo quyệt, Hà Nội buộc tội Lê Quốc Quân trốn thuế

Võ Long Triều

Tòa án Hà Nội đình xử Luật Sư Lê Quốc Quân ngày 9 tháng 7, 2013 vì lý do rất khôi hài là Thẩm Phán Lê Thị Hợp bị cảm “đột xuất.”

Chẳng lẽ cả thành phố Hà Nội hay cả xứ chỉ có một thẩm phán duy nhứt? Hay là chỉ vì thời gian đó có quá nhiều sự chỉ trích của nghị sĩ, bộ trưởng các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, Pháp và các tổ chức như Phóng Viên Không Biên Giới, Ân Xá Quốc Tế, Human Rights Watch đã gởi thơ hoặc tuyên bố công khai yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho ông Quân, do đó bản án nặng nề định sẵn cần phải duyệt lại? Chờ mãi đến ngày 2 tháng 10, 2013 tòa án thành phố Hà Nội mới tuyên phạt LS Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam và 1.2 tỷ đồng vì tội trốn thuế.

Ðược biết LS Quân sinh năm 1971 tại Nghệ An, bị bắt ngày 27 tháng 12, 2012. Ông là giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Giải Pháp Việt Nam, ông còn cố vấn cho Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Phát Triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Việt Nam. Là một tín đồ Công Giáo, ông thường lên tiếng bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đòi thể chế đa nguyên, và biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng.

Ông tham gia một khóa học của tổ chức “Quốc Gia Hỗ Trợ Dân Chủ” (National Endowment for Democracy) tại Hoa Kỳ.

Khi trở về xứ ông bị bắt ngày 8 tháng 3, 2007. Trước sự bắt giam vô cớ này, Thượng Nghị Sĩ John McCain, và cựu Ngoại Trưởng Madeline Albright viết thơ phản đối Hà Nội. Cơ quan Ân Xá Quốc Tế gọi ông là “tù nhân lương tâm.” Nhà cầm quyền Hà Nội buộc tội ông “có hành động lật đổ chính quyền nhân dân,” nhưng không có bằng cớ nên không thể đưa ông ra tòa. Ba tháng sau Hà Nội đành phải trả tự do cho ông.

Ngày 29 tháng 1, 2009 ông Quân tham dự cuộc diễn hành Công Giáo đòi chính quyền trả lại khu đất thuộc quyền sở hữu của nhà thờ.

Ngày 10 tháng 4, 2011 ông bị bắt cùng với Phạm Hồng Sơn vì lý do “phá hoại trật tự công cộng” khi hai ông đến quan sát vụ án xử Cù Huy Hà Vũ. Chính phủ Mỹ và các tổ chức nhân quyền can thiệp, hai ông được thả về.

Tháng 7, 2012 báo chí nhà nước đe dọa ông vì những hoạt động của ông trong giáo phận Vinh. Công an lục xét văn phòng, định mang ông về đồn nhưng giáo dân ngăn chận.

Tháng 8, 2012 ông bị hành hung trên đường về nhà ở Hà Nội.

LS Quân là một trong số 50 người, được tuần báo Le Nouvel Observateur vinh danh vì đã góp phần làm cho bộ mặt nhân loại thay đổi trong tương lai, 50 người này là nhà chính trị, kỹ nghệ, khoa học, và từng đấu tranh ở các quốc gia bị chế độ độc tài cai trị hà khắc.

Mặc dù lần này Hà Nội không nêu lý do chính trị trong việc bắt và xử ông Quân, nhưng thực tế nhiều chính phủ các quốc gia Tây phương và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng vụ án Lê Quốc Quân liên quan trực tiếp đến vấn đề chính trị.

Những bài viết của blogger Lê Quốc Quân trên Internet luôn luôn kêu gọi thực thi nhân quyền, đòi tự do tôn giáo, chủ trương đa nguyên đa đảng. Ông cũng tiên đoán trước sự tù tội khi viết rằng: “Tôi biết những điều tôi viết sau đây có thể bị đảng Cộng Sản vứt vào sọt rác hoặc thậm chí tệ hơn là có thể bị tống giam, nhưng lòng tin vào con người, sự hệ trọng của vấn đề cùng ý thức công dân thúc bách tôi.” Ông viết thêm: “Tôi muốn làm con ruồi trâu đốt vào mông xã hội để nó nhảy lên phía trước.”

Những lời tâm sự nằm lòng của ông là: “Con vẫn nhớ, trong nhà thờ, đã hứa ‘sẽ đấu trong một cuộc đấu cao đẹp, chạy hết quãng đường và giữ vững niềm tin.’ Con vẫn nhớ, họp gia đình, mẹ nói: ‘Vững tâm đi, khổ đau các con chịu hôm nay vẫn thua xa ông bà mình hồi cải cách nhiều.’ Mẹ là niềm an ủi và động viên con giữ vững lý tưởng mình, con cám ơn mẹ.”

Lá thư ông viết trong tù chuyển được ra ngoài phổ biến trên các trang mạng ngày 6 tháng 7, 2013, ông khẳng định một lần nữa, không phạm tội trốn thuế và việc bắt giam ông là vì mục đích chính trị. Ông cam kết sống đúng sự thật và sự tin yêu của đồng bào, “Tôi nguyện sẽ bảo vệ sự lương thiện và lý tưởng của mình trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong phiên tòa công khai sắp tới.” Do đó sau khi lãnh án, LS Quân tuyên bố trước tòa: “Tôi là nạn nhân của những hành động chính trị.

Ðã từ lâu tôi là người tố cáo và chiến đấu với nạn tham nhũng, bộ máy quan liêu,và sự trì trệ đang làm nguy hại đất nước nầy. Nói thật tôi bị tuyên án chỉ vì tôi yêu đất nước tôi” (theo lời tường thuật của phóng viên Chris Brummitt của thông tấn Associated Press (AP) có mặt tại tòa).

Chủ Tịch Trương Tấn Sang đã tuyên bố tại Ðan Mạch: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.” Thế nhưng ông Quân bị cáo buộc trốn thuế 600 triệu đồng lãnh án 30 tháng tù giam phạt 1.2 tỷ đồng, còn trường hợp của Ðàm Vĩnh Hưng trốn 700 triệu đồng thuế chỉ bị truy thu mà không phải ngồi tù. Nhiều trường hợp các đại gia khác trốn thuế đến 11 tỷ đồng chỉ bị “tù treo” và truy thu. Ðiều đó cho thấy công lý của Cộng Sản Hà Nội là tráo trở, xảo quyệt, một thứ pháp luật tùy cơ đối ứng, nôm na là luật rừng.

Trả lời phỏng vấn đài BBC LS Lê Trần Luật nói bản cáo trạng đối với ông Lê Quốc Quân không đủ cơ sở để khởi tố cũng như buộc tội vì có nhiều lỗ hổng.

Liền sau khi bản án được đưa ra, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ lập tức thông cáo, “Bày tỏ quan ngại sâu sắc. Việc kết án không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và nghĩa vụ của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị.”

Ông Brad Adams, giám đốc khu vực Á Châu của Human Rights Watch, nói Lê Quốc Quân bị kết án vì ông là một nhà chỉ trích có tiếng và có uy tín.

Bà Nani Jansen của nhóm Media Legal Defence Initiative tuyên bố với BBC “kết quả phiên tòa là kết cục rất đáng thất vọng.”

Chung quy có rất nhiều sự phê phán và can thiệp yêu cầu thả ngay Lê Quốc Quân, nhưng không tiện trích dẫn hết nơi đây.
Ðối với Cộng Sản Hà Nội, tổ chức quốc tế hay nhân vật chính trị can thiệp càng nhiều thì tội của đương sự càng nặng vì họ là những “thế lực thù địch.”

Thế giới Tây phương không hiểu rằng đối với cộng sản những người ăn học ở nước ngoài, không phải ở quốc gia cộng sản, đều đáng bị nghi ngờ là phản động hay là tình báo. Những ai được các nhân vật chính trị Tây phương liên lạc, can thiệp đều thuộc về “thế lực thù địch.” Cho nên những lời can thiệp suông chỉ làm hại thêm cho các nạn nhân của cộng sản.
Trừ khi những sự can thiệp đó quyết liệt, có tính cách trao đổi quyền lợi vật chất, ngoại giao, chính trị, quân sự nào đó thì đương nhiên sẽ có kết quả và mau lẹ.

Người ta còn nhớ Blogger Ðiếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải cũng bị bắt về tội danh “trốn thuế” và lãnh án 30 tháng tù, nhưng sau khi mãn án, nhà cầm quyền không trả tự do, biến tội danh thành “tuyên truyền chống phá nhà nước” lãnh thêm bản án 12 năm tù. Người ta có thể tiên đoán rồi đây LS Lê Quốc Quân cũng sẽ bị chuyển án thành “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” để lãnh thêm bản án còn nặng hơn Ðiếu Cày nữa.

Ðiếu Cày được Tổng Thống Barack Obama nhắc nhân Ngày Nhà Báo, còn Lê Quốc Quân được cựu ứng cử viên tổng thống, Thượng Nghị Sĩ John McCain, ngoại trưởng Úc, cựu ngoại trưởng Mỹ và nhứt là hàng ngàn giáo dân xuống đường cầm lá thiên tuế, tượng trưng cho sự hoan nghênh, ngưỡng mộ, quý mến, như ngày lễ Lá của Công Giáo. Ngoài ra còn hàng ngàn giáo dân, tu sĩ, xuống đường ủng hộ, cả trăm biểu ngữ xác quyết Lê Quốc Quân vô tội, dân chúng mặc áo thun mang hình Lê Quốc Quân. Phóng viên báo chí hỏi, bà Thúy Nga, người Hà Nam, trả lời: “Từ trước tới nay tôi đã đi tham dự nhiều phiên tòa xử những người yêu nước, nhưng tôi chưa từng thấy phiên tòa nào có hào khí của người dân tham dự mãnh liệt như phiên tòa này.” Ông Lê Quang Thiều thuộc giáo xứ Vĩnh Hòa thố lộ tâm tư: “Tôi muốn đi tham dự phiên tòa vì chú Quân là một con người tuyệt vời, yêu nước.” Bà Nguyễn Thị Lý thuộc giáo xứ Ngọc Long bồi thêm: “Chú mới thật là một anh hùng yêu nước.”

Sự ủng hộ của quần chúng nhiệt tình mãnh liệt. So với sự mất lòng dân, sự oán hận của nông dân bị cướp đất, đối với đảng viên cộng sản cầm quyền, thì làm sao Hà Nội có thể chấp nhận để cho LS Quân trở thành tự do!

Một người như LS Lê Quốc Quân có đủ tư cách và khả năng lãnh đạo một cuộc cách mạng như ở Tunisia, Ai Cập, Miến Ðiện. Tiếc thay, Cộng Sản Hà Nội quá lo ngại điều đó nên phải bắt giam Lê Quốc Quân càng sớm, càng lâu, càng yên lòng. Dù bị giam hãm trong ngục tù, nhưng uy tín và lòng tin của quần chúng đối với LS Quân cao độ thì ông vẫn có thể hô hào, kêu gọi được quần chúng thông qua bạn bè và người thân khi cần phải biểu tình, đình công bãi thị, bất tuân pháp luật, cô lập người Trung Quốc đang xâm nhập xã hội Việt Nam, v.v... như Nelson Mandela, tù nhân lâu dài nhứt, đã từng làm.

Phải tin rằng dân tộc Việt Nam không thiếu những vị anh hùng, mỗi khi đất nước đòi hỏi, thế nào cũng phải có người xuất hiện. Một chế độ gian ác, thối nát, tàn bạo đến đâu như Liên Xô, Ðức Quốc Xã, Libya, rồi cũng phải sụp đổ khi thời cơ, vận nước đã đến.
huynhtruong25
Posts: 142
Joined: Sun Sep 25, 2011 9:48 pm
Contact:

Post by huynhtruong25 »

Vài suy nghĩ về ông Giáp

Huỳnh Thục Vy

Vị tướng được những người cộng sản xem là “khai quốc công thần” cuối cùng đã trở thành người thiên cổ vào ngày 4 tháng 10 vừa qua. Vậy là, biểu tượng sống về công lao “giành độc lập” và lý tưởng “cách mạng”, tượng đài hữu danh vô thực về một thời “hào hùng” của những người cộng sản đã trở về với cát bụi.

Ông ta đã thực sự rời bỏ cuộc chơi, đã từ giã cõi nhân sinh điên đảo này. Không ai biết ông sẽ đi về đâu nhưng ông đã để lại di sản đầy đau đớn và nhiễu nhương, để lại cho tất cả chúng ta một Việt Nam với tiếng ai oán khắp nơi. Thôi thì cũng cầu chúc ông ra đi trong thanh thản, dù ông đã lặng thinh một cách vô cảm trước biết bao người đã ra đi một cách bi thương khác.

Là người đã có công khai sinh ra một Việt Nam cộng sản, thiết nghĩ không cần bàn đến chuyện ông có lý tưởng hay không lý tưởng và sự cần thiết hay không của những cuộc chiến tranh vô nghĩa mà ông đã đóng vai trò lãnh đạo quân sự tối cao, ông phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự im lặng của mình trước những trang lịch sử bất công, gian trá và đau thương mà người Việt Nam đã trải qua.

Không ít người ca ngợi ông là một trí thức lớn, là nhà văn hoá. Tôi không muốn bàn những chuyện ấy nữa vì đã có nhiều tài liệu lịch sử có sẵn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về ông Giáp. Chỉ xin hỏi: Ông đã làm gì khi luật sư Nguyễn Mạnh Tường kêu gọi dân chủ pháp trị để rồi sau đó bị thất sủng? Nếu là một trí thức lớn thực sự, lẽ ra ông phải biết dân chủ pháp trị cần cho một quốc gia như thế nào trước cả cụ Tường bởi thực tế cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã tàn phá quốc gia như thế nào? Nếu không nhận ra khiếm khuyết của một chế độ độc tài cộng sản, ông có xứng đáng với danh xưng một đại trí thức? Và cứ cho là ông không biết gì về độc tài- dân chủ nhưng khi luật sư Tường lên tiếng về xã hội dân chủ, ông không có động tĩnh gì, đó có phải là biểu hiện của một nhân cách lớn?

Lại nữa, ông đã ở đâu, đã làm gì khi những Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hữu Loan bị đấu tố, bị đọa đày? Ông có chút tủi nhục, cảm thương hay phẫn nộ nào không khi hàng triệu người miền Nam bỏ nước ra đi trong tức tưởi khi Việt Nam Cộng Hoà bị cưỡng chiếm để rồi hàng trăm nghìn người trong số họ đã vùi thân ngoài biển cả? Ông nghĩ gì khi tướng Trần Độ đã dũng cảm lên tiếng rồi bị đàn áp? Ông đã làm gì khi cụ Hoàng Minh Chính đã tỏ thái độ đối kháng để rồi bị bỏ tù? Ông đã đứng bên lề bao biến cố đau thương của đất nước. Đó có phải là vị trí xứng đáng của một trí thức hay không?

Dù họ là ai, một người vừa mới qua đời nên được cầu nguyện cho sự ra đi bình an. Tôi đã rất phân vân khi viết những dòng này. Có nên viết những lời cay đắng cho một người chết không? Có nên kể tội họ khi họ đã mãi mãi không còn khả năng biện bạch? Nhưng quả tình, tôi không viết những dòng này nhắm vào tướng Giáp, tôi viết cho những người còn sống, cho những người còn bị ám thị bởi cái ảo ảnh hào quang mà những người cộng sản đã tạo ra. Đa số thanh niên Việt Nam hiện nay sống trong sự lừa gạt đó mà không biết, và cũng không có ý chí vượt thoát ra.

Ông Giáp, vị “đại tướng quân” trong mắt nhiều thanh niên Việt Nam, là người góp công to lớn để tạo dựng và bảo vệ chế độ độc tài tàn bạo này. Ông đã sống quá xa cái tuổi “cổ lai hy” và ra đi trong tình thương yêu của gia tộc, trong sự ngưỡng vọng của nhiều người. Nhưng ông có biết đâu, một người có công gây dựng nên một tập đoàn tội ác như ông lại ra đi thanh thản và vinh quang, trong khi chính những nạn nhân vô tội của chế độ thì lại hứng chịu thảm trạng bi đát của gia đình để rồi phải ra đi trong uất ức, tủi nhục.

Đó chính là một Đặng Ngọc Viết hiền lành, siêng năng bị chính quyền cướp đất, phẫn uất cùng cực đến mức phải ra tay giết chết một quan chức tỉnh Thái Bình rồi tự sát bằng một viên đạn vào tim. Đó là một Thomas Nguyễn Tự Thành-một thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương về Việt Nam từ Thái Lan, bị sách nhiễu và phong toả kinh tế liên tục bởi chính quyền cộng sản đến nỗi uất ức quá phải tự vẫn bằng cách thắt cổ vào ngày 3 tháng 10, trước ngày ông Giáp chết một ngày. Tại sao ông lại được vinh danh khi chính ông là một phần nguyên nhân của những cái chết đau đớn ấy?

Tất nhiên, ông Giáp không còn là lãnh đạo đất nước từ lâu, các chính sách, hành động của chính quyền này ông không tham gia. Nhưng chính cái quá khứ “oai hùng” và cái hiện tại vô trách nhiệm của ông tạo nên tính chính đáng cho chế độ tàn ác này. Chế độ này vẫn lấy ông ra làm cái bệ đỡ để biện minh cho những hành động bán nước hại dân của họ. Ông là cái phao cứu sinh khi những người lãnh đạo cộng sản đối diện với sự căm phẫn của người dân vì sự tham quyền cố vị của họ. Vậy mà, không hiểu vì tuổi già làm tiêu hao ý chí, vì sự sợ hãi làm xói mòn lương tâm, hay vì danh lợi của con cháu làm tiêu tan tinh thần trách nhiệm mà cho đến những năm cuối đời ông Giáp vẫn lặng thinh trước hiện tình đất nước vật vã dưới chế độ độc tài, vẫn để cho nhà cầm quyền tiếp tục lợi dụng ông cho chế độ bất nhân của họ. (Chỉ có một lần ông lên tiếng yếu ớt cho vấn đề Boxite Tây nguyên)

Giá như ông lên tiếng cổ vũ cho Nhân quyền Tự do thì tiếng nói của ông đã tác động mạnh mẽ đến lương tâm tuổi trẻ và có thể xoay chuyển ý thức của biết bao người dân đang bị ám thị. Một ông Giáp đại tướng quân chắc chắn có khả năng thức tỉnh quần chúng, làm rúng động đảng cộng sản hơn hẳn một Lê Công Định, Phạm Hồng Sơn, Huỳnh Ngọc Tuấn, Phạm Thanh Nghiên hay Phương Uyên chứ? Thế nhưng, ông đã chọn cách sống trong sự co rút và chết trong cờ xí, kèn trống của chế độ cộng sản, hơn là cách sống trong sự phản tỉnh và chết như một chiến sĩ dân chủ. Đáng lẽ tuổi già phải là giới hạn cuối cùng của sự sợ hãi nhưng ông đã để nó đi cùng ông sang tận thế giới bên kia.

Có người nói: chúng ta không ở vị trí của ông nên không thể hiểu hết những gì ông phải đối mặt. Đúng. Chúng ta không hiểu hoàn cảnh và vị trí của ông. Nhưng chúng ta có thể hiểu được hoàn cảnh của những bạn sinh viên vì biểu tình yêu nước mà bị nhà trường đuổi học và mất cả tương lai không? Chúng ta có từng đặt mình vào vị trí Phương Uyên, cô bé sinh viên phải chịu biết bao nhiêu sợ hãi, tổn thương tinh thần khi bị bắt và giam giữ chỉ vì cô bé biểu thị lòng yêu nước? Hay như hoàn cảnh gia đình tôi, ba tôi ở tù khi chị em chúng tôi còn thơ dại và mồ côi mẹ; mười mấy năm trời gia đình tôi sống trong cảnh bần hàn, thất học và sự khủng bố của chính quyền. Hoàn cảnh của ông Giáp có ngặt nghèo hơn hoàn cảnh của những người kể trên hay không? Hay để dễ hình dung hơn, tình huống của ông có khó khăn hơn tình huống của tướng Trần Độ, của cụ Hoàng Minh Chính hay không? Tôi cho rằng, vấn đề là ở lương tâm và bản lĩnh!

Ông đã ra đi để lại tất cả, một chế độ độc tài dai dẳng, những mảnh đời oan khuất, những cuộc đàn áp tiếp diễn, những cái chết oan khiên... Nhưng những dòng này không phải để kể tội ông. Quả thật, thế giới này tồn tại trong trạng thái tương đối của mọi giá trị. Nhưng vẫn có cách để phân biệt những trí tuệ và nhân cách lớn CHÂN THẬT với sự tô vẽ KHÔNG THẬT. Cầu cho ông ra đi được bình an và xin gởi tới ông sự cảm thương cho một kiếp người đa đoan trong thế giới vô minh này nhưng sự tôn kính thì tôi xin giữ lại cho những con người sống với lương tâm, trách nhiệm và ý chí và chết với nỗ lực lên tiếng cho sự thật. Việt Nam còn rất nhiều người để chúng ta thành tâm ca ngợi và kính ngưỡng, nhưng đó không phải là ông.


HTV
Sài Gòn ngày 6 tháng 10 năm 2013
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tướng Giáp, Tướng Về Hưu
Tác giả : Bùi Văn Phú

Hai thập niên qua, câu chuyện chiến tranh Việt Nam không còn là đề tài được truyền thông Mỹ nhắc nhiều đến nữa.

Từ năm 1995, khi hai cựu thù địch nối lại quan hệ thì phát triển thương mại và những quan tâm chung của hai nước được bàn thảo nhiều hơn là quá khứ bom đạn. Cuộc chiến Việt Nam đối với người Mỹ đã lùi vào dĩ vãng.

Cho đến cuối tuần qua. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời thì không thể không nhắc lại cuộc chiến, vì Tướng Giáp đã có được huyền thoại là người đánh bại đế quốc Mỹ năm 1975. Hai mươi năm trước đó tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, đuổi thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam.

Nhắc đến cuộc chiến tranh thì lòng người lại phân chia, giữa người Mỹ với nhau cũng như giữa người Việt với người Việt.

Bài viết của Thượng Nghị sĩ John McCain, cựu tù Hỏa Lò, trên Wall Street Journal cho rằng Tướng Giáp thắng vì không quan tâm đến con số binh lính phải hy sinh đã có hơn 500 ý kiến bênh chống. Bài viết này tóm lược trên VOA tiếng Việt và nhiều bài khác về Tướng Giáp cũng đã nhận được vài trăm ý kiến. Trên BBC và RFA Việt ngữ cũng có hàng trăm góp ý cho những bài viết liên quan đến cuộc đời Tướng Giáp.

Nhưng ở California, thủ phủ của người Việt tị nạn cộng sản thì thật khó tìm ra một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa có lòng kính trọng Tướng Giáp, khi mà qua những thảo luận hay trò chuyện tôi chỉ nghe Điện Biên Phủ là nhờ cố vấn Trung Quốc, không có chuyện xe pháo tuột núi mà dân công đem thân vào chèn, không có chuyện Bắc Việt đánh bại Hoa Kỳ, Việt Cộng thắng vì Mỹ đã quyết định bỏ Việt Nam cho Trung Cộng.

Hơn nữa ở đây đã có tượng đài chiến sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà giữa trung tâm quận Cam. San Jose có Bảo tàng Việt Nam Cộng hòa và Thuyền nhân, có kế hoạch xây đài tưởng niệm những vị chỉ huy quân sự của Việt Nam Cộng hoà đã tuẫn tiết như các tướng tá Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long.

Trước cái chết của Tướng Giáp, truyền thông trong nước viết nhiều về cuộc đời và thành tích của ông. Suốt tuần qua, mỗi ngày đã có nhiều nghìn người đến viếng ông tại tư gia ở Hà Nội. Trang về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do gia đình lập trên Facebook trong vài ngày qua đã có hơn 250 nghìn “Like”.

Trong khi đó báo chí Việt ngữ hải ngoại chỉ loan tin ông qua đời và có rất ít những bài viết hay bình luận về cuộc đời ông.

Những cái chết của lãnh đạo Việt Nam, của cả hai miền Nam và Bắc, không đem đến cho tôi nhiều xúc động. Có chăng là suy tư và hồi tưởng về một thời đã sống qua, nhìn vào hiện tại và nghĩ về tương lai nước Việt với trăn trở.

Khi ông Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, rồi bị giết chết ngay, lúc đó tôi mới 8 tuổi và chỉ nghe loáng thoáng người trong khu xóm nói ông chưa chết mà đã được đưa ra nước ngoài. Người thân của tôi mang hy vọng ông còn sống và một ngày nào đó sẽ trở lại.

Ông Hồ Chí Minh mất năm 1969, tôi đã có những ký ức về chiến tranh. Mới hơn một năm trước là Tổng tấn công Mậu Thân, hai đợt, vào cuối tháng Giêng và đầu tháng Năm 1968.

Lúc đó chiến tranh đã tràn vào Thủ đô Sài Gòn. Lần đầu tiên người dân thành phố biết đến bom đạn và loạn lạc. Đêm nghe tiếng súng mà thom thóp lo. Nhà tôi ở gần phi trường Tân Sơn Nhất, là khu vực có giao tranh nên mẹ cũng đã chuẩn bị khăn gói cho các con và dặn nếu Việt Cộng tràn vào thì chạy lên trung tâm thành phố. Mẹ tôi đã bao lần chạy loạn từ quê lên Nam Định nên có kinh nghiệm gói ghém ít quần áo thành nải xách tay. Khu xóm đêm đêm có Nhân dân Tự vệ canh gác nhưng giấc ngủ không yên. Mẹ bảo hễ hàng xóm kêu chạy là ôm túi quần áo chạy.

Cũng may trận chiến chỉ kéo dài vài hôm rồi yên. Nhưng sau đó nhiều đêm phải giật mình vì Việt Cộng pháo kích vào thành phố. Tiếng hỏa tiễn 122 ly rít trong không khí, xé tan màn đêm yên tĩnh. Nổ ầm. Có hôm đạn rơi gần. Nổ rung cửa nhà. Người chết không toàn thây.

Sống ở miền Nam tôi nghe những cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền rằng Hồ Chí Minh làm tay sai cho Nga Tầu để thôn tính và nhuộm đỏ miền Nam.

Trong xóm ngõ tôi ở, có một bác tên là Hồ nhưng không ai dám gọi như thế cả.

Lớn lên theo chiến tranh, mỗi ngày nhìn xe tang với quan tài phủ cờ, nghe tiếng khóc của thân nhân mà lòng không khỏi xúc động. Rồi người thân, bạn bè hy sinh. Nhiều lần đưa tiễn tôi đã khóc.

Tôi nhận ra chiến tranh đem lại quá nhiều khổ đau, nhưng hiểu rõ được cuộc chiến không dễ. Ai muốn nhuộm đỏ Việt Nam. Ai theo chân đế quốc Mỹ. Để làm gì? Đất nước rồi sẽ đi về đâu khi mà thanh niên cứ phải ra chiến trường. Rồi một hôm “Anh trở về bại tướng cụt chân, anh trở về hòm gỗ cài hoa…” hay “Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên…” như những lời ca vang vang xóm ngõ.

Ngày 27-1-1973 hòa bình đến. Tôi vui mừng. Sau nhận ra đó chỉ là thứ hòa bình giả tạo.

Cho đến 30-4-1975. Mừng chiến tranh chấm dứt nhưng lại buồn vì phải xa rời quê hương. Rồi thấy đất nước thống nhất nhưng lòng người vẫn không và hòa bình cũng chưa có.

Từ bên ngoài nhìn về Việt Nam hiểu biết được nhiều hơn. Những năm chiến tranh sôi động, báo chí miền Nam đưa tin Tướng Nguyễn Chí Thanh, Tướng Trần Độ chết tại chiến trường B như là những chiến tích của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Tin Tướng Giáp chủ trương Tổng tấn công Mậu Thân để rồi thất bại và bị mất chức. Nhưng đó không phải sự thực.

Tướng Giáp không đề xuất tấn công Mậu Thân 1968, cũng không phải là người phát động Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Tướng Nguyễn Chí Thanh chết ở Hà Nội đang lúc cao điểm của cuộc chiến. Tướng Trần Độ vẫn sống sau chiến tranh, rồi lo văn hoá tư tưởng cho cả nước. Khi ông lên tiếng kêu gọi dân chủ hóa thì bị nhà nước trù dập. Ông mất, nhà nước ngăn cản nhiều người muốn đến phân ưu. Tướng Giáp gửi vòng hoa phúng điếu mà bị ban tổ chức cắt bỏ những lời kính viếng trân trọng.

Đã đọc nhật ký của Tướng Trần Độ, tôi cảm phục ông hơn Tướng Giáp; phục hơn cả Tướng Nguyễn Cao Kỳ, một thời là lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa mà tôi đã ngưỡng mộ khi còn là thiếu niên.

Nửa thế kỷ qua, bao nhiêu người cầm quyền trên đất nước đã ra đi: Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Dương Văn Minh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Khánh và giờ đây Võ Nguyên Giáp.

Họ để lại gì cho dân tộc ngoài nước Việt hiện tại, yếu kém về mọi mặt. Số phận đất nước cứ như thế mãi sao.

Cho đến nay giải mã cuộc chiến Việt Nam còn là một bài toán với nhiều ẩn số. Bao nhiêu tấn bom đạn, bao nhiêu xác người, bao nhiêu ruộng vườn, làng mạc bị thiêu hủy mà vẫn chưa tìm ra cách giải cho bài toán đã có đáp số: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Có người đưa giả định nếu Tướng Giáp đã không thắng Điện Biên Phủ, nếu không có chiến tranh Nam Bắc, không có Tết Mậu Thân. Có người nói giá như ông Diệm không bị lật đổ, không có lính Mỹ đổ bộ vào miền Nam; có người mong Bác Hồ còn sống, muốn quay trở lại với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có người sợ bọn phản động khôi phục chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Có người đã tiên đoán chỉ khi những lãnh đạo già nua, giáo điều của Việt Nam chết đi, khi đó đất nước mới vươn lên được.

Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn đã đi theo ông Hồ. Tướng Võ Nguyên Giáp, người sau cùng và là lãnh đạo quân sự cao cấp nhất trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ cũng vừa ra đi.

Ông là biểu tượng của nhiều người Việt Nam vì công lao giành độc lập cho đất nước.

Nhưng bi kịch là sau chiến tranh xã hội lại đầy những tham ô, bất công mà ông không làm gì được và rồi con cháu của ông cũng vào guồng. Ông chỉ như một “Tướng về hưu” mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phác họa chân dung trong tiểu thuyết được dựng thành phim năm 1988.

Nghịch lý nữa là sau chiến tranh, con gái và cháu nội của Tướng Giáp lại theo học ở một đất nước từng là kẻ thù mà ông đã đánh bại. Đó là nước Mỹ.

Dịp Tướng Giáp thọ bách niên, viết về bi kịch hòa bình Việt Nam, tôi muốn hỏi ông về tên của các chị Võ Hạnh Phúc và Võ Hòa Bình mang những ý nghĩa thế nào.

Nay ông không còn. Nhưng tôi vẫn mong có dịp được nghe gia đình kể lại do đâu mà có tên của các anh chị Nguyên Anh, Điện Biên, Hồng Nam, Hạnh Phúc và Hòa Bình.
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Bàn về tẩy não

Trần Trung Đạo

Tẩy não hay kiểm soát tinh thần là một tiến trình làm thay đổi nhận thức và niềm tin trong con người, qua đó một người hay một nhóm người sử dụng các phương pháp phi đạo đức để khuất phục kẻ khác làm theo các quyết định của một người hay của một nhóm người đó. Khái niệm tẩy não được biết đến từ lâu qua các tà đạo, chiến tranh, tình báo, tuy nhiên chỉ dưới các chế độ Cộng Sản kỹ thuật này mới được nâng lên thành quốc sách và được thực hiện một cách triệt để, có hệ thống, bao trùm mọi lãnh vực xã hội và trong mọi tầng lớp nhân dân.

Tẩy não một người

Chính sách tẩy não nhắm vào từng cá nhân được phát hiện lần đầu tiên qua hành vi của các tù binh Mỹ bị Trung Cộng bắt trong chiến tranh Triều Tiên. Một số binh sĩ Mỹ sau khi được trao trả đã thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, thái độ và cả hành động. Tác giả Edward Hunter phỏng vấn nhiều tù binh bị bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tẩy não và ghi lại trong tác phẩm gây tiếng vang lớn Tẩy não tại Trung Cộng (Brainwashing in Red China) xuất bản 1951. Nhà báo Edward Hunter trong tác phẩm Tẩy não, câu chuyện của những người đã thách thức nó (Brainwashing, The Story of Men Who Defied It) xuất bản 1956 cũng mô tả nhiều trường hợp những lính Mỹ bị bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tẩy não.

Một vài trường hợp điển hình như Đại Tá Frank H. Schwable sau khi bị tẩy não đã lên đài phát thanh Trung Cộng tố cáo chính phủ Mỹ phát động chiến tranh vi trùng hoàn toàn tưởng tượng chống lại nhân dân Triều Tiên hay trường hợp Trung Sĩ Claude Batchelor từ chối trở lại Mỹ. Nhiều cựu tù binh, ngoại trừ giọng nói là của họ, từ câu văn đến dấu phẩy, dấu chấm, cách lên giọng, xuống giọng đều giống như vẹt đã được huấn luyện thuần thục.

Năm 1957, nhà xã hội học Albert D. Biderman trong bản tin của Viện Hàn Lâm Y Khoa New York đã liệt kê 8 biện pháp mà các quốc gia Cộng Sản dùng để tẩy não một người gồm (1) cô lập, tước đoạt mọi nguồn ủng hộ, làm cho nạn nhân tùy thuộc vào kẻ tẩy não (2) độc quyền hóa khả năng nhận thức, tập trung sự chú ý vào một mối quan hệ giữa kẻ tẩy não và nạn nhân, (3) làm suy yếu khả năng đối kháng về mặt tinh thần cũng như làm kiệt quệ về thể lực, (4) đe dọa, trồng cấy sự lo lắng, bất an và tuyệt vọng vào ý thức của nạn nhân, (5) ban đặc ân để khuyến dụ sự tuân hành, (6) làm cho thấy việc chống lại chỉ là hành động vô ích mà thôi, (7) phát triển một thói quen tuân phục, (8) chứng tỏ việc phản kháng chỉ làm thiệt hại cho lòng tự trọng hơn là việc đầu hàng có điều kiện.

Các phương pháp tẩy não của Trung Cộng đã làm quốc hội Mỹ phẫn nộ. Edward Hunter và nhiều tác giả khác đã được mời ra điều trần trước quốc hội Mỹ. Dù sao, nhờ cuộc chiến Triều Tiên mà nhân loại mới biết nhiều hơn về tẩy não, được gọi một cách văn hoa là “cải tạo tư tưởng” tại Trung Quốc và các nước CS, trong đó có Việt Nam.

Tẩy não một dân tộc


Những năm sau 1990, nhiều nhà sử học, nhiều nhà phân tích đổ xô đi tìm lý do tại sao phong trào CS thế giới sụp đổ, nhưng cũng có nhiều nhà phân tích, nhà sử học khác cho rằng việc truy tìm hiểu lý do là thiếu khoa học, chủ nghĩa CS sụp đổ là chuyện đương nhiên, câu hỏi đúng nên đặt ra là yếu tố gì đã giúp CS tồn tại đến hơn 70 năm tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Phần lớn đồng ý là chính sách tuyên truyền tẩy não là cây cột chống đỡ chế độ CS. Có người còn cho rằng tẩy não đồng nghĩa với CS, đơn giản vì không có tẩy não, chế độ CS đã sụp đổ từ lâu lắm chứ không đợi đến thập niên 1990.

Hai cơ quan cầm đầu chính sách tẩy não tại các quốc gia CS là Ban Tư Tưởng Trung Ương Đảng (Việt Nam gọi là Ban Tuyên Giáo Trung ương) và Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng. Ban Tư Tưởng Trung Ương Đảng CS kiểm soát toàn bộ đời sống tinh thần của đất nước bằng một chính sách tuyên truyền tinh vi và có hệ thống khống chế tuyệt đối mọi lãnh vực từ truyền thanh, truyền hình, báo chí đến phim ảnh, bích chương, hội họp, nghệ thuật, nhà hát, sách vở v.v… Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng là cơ quan bảo vệ sự sống còn của đảng CS như một tổ chức chính trị và đóng vai trò “tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ của hệ thống chính trị; đồng thời là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên của Trung ương”. Tại các quốc gia CS, không một sinh hoạt xã hội nào thoát khỏi sự kiểm soát của hai cơ quan nêu trên.

Để tẩy não một dân tộc đảng CS thay đổi mọi giá trị và nền tảng văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc, nói chung phải xây dựng những con người tuân phục và đất nước tuân phục. Bộ máy tuyên truyền CS nặn ra nhiều khái niệm chưa từng có trước đó “con người mới”, “xã hội mới”, “văn hóa mới”, “anh hùng lao động”, “lãnh tụ kính yêu”. Cái gì cũng mới nhưng thực chất đều là giả tạo. Tại các quốc gia Đông Âu ngày nay, các “anh hùng” do các đảng CS dựng lên bị khám phá là sản phẩm tuyên truyền và bị xóa bỏ. Đảng không chỉ có khả năng thay đổi hiện tại, vẽ ra một tương lai nhưng còn có khả năng thay đổi cả quá khứ của cả dân tộc. Lịch sử một dân tộc được viết bằng sử quan của đảng CS và được giải thích phù hợp với đường lối, chính sách của đảng CS trong từng thời kỳ chứ không phải là những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ thăng trầm, vinh quang và thống khổ của dân tộc. Bộ máy tuyên truyền CS chi phối không chỉ trong các sinh hoạt nhân văn, xã hội mà cả khoa học tự nhiên như trường hợp lý thuyết kế thừa giống lúa của Trofim Lysenko trong sản xuất lúa tại Liên Xô những năm 1930, tuy không làm sản lượng lúa tăng được bao nhiêu nhưng đảng đánh bóng y thành một thiên tài.

Có người cho rằng chế độ CS thực chất là chế độ phong kiến hiện đại nhưng so sánh đó không hoàn toàn đúng, ít ra về mặt danh xưng. Khác với các triều đại phong kiến, các vị trí xã hội dưới chế độ CS thường được đặt ngược. Những kẻ ăn trên ngồi tróc, thực sự làm chủ đất nước, nắm trong tay quyền sinh sát cả dân tộc lại được gọi là “đầy tớ nhân dân” trong lúc những tầng lớp cùng đinh trong xã hội, sống không một túp lều tranh để ở và chết không một chiếc chiếu để bó xác lại bị gán cho một danh xưng rất đẹp “chủ nhân của đất nước”.


Đặc tính văn hóa của mỗi quốc gia cũng làm cho chính sách tẩy não thực hiện tại châu Âu và châu Á khác nhau chút ít. Châu Âu như Liên Xô và các nước CS Đông Âu đặt nặng yếu tố vật chất, thể xác trong lúc Trung Cộng, Việt Nam yếu tố tư tưởng, tinh thần được chú trọng nhiều hơn. Một đối tượng tẩy não bị bắt tại Liên Xô sẽ bị hành hạ thể xác cho đến khi thú nhận những tội ác dù không làm, thừa nhận là sự thật dù biết đó là giả dối trong lúc tại Trung Cộng và CSVN đối tượng đó sẽ bị “cải tạo tư tưởng” cho đến khi gục quỵ xuống mới thôi.

Tẩy não một quốc gia thù địch

Kiểm soát tạm thời hành vi và ý chí của một cá nhân có thể chỉ cần một thời gian ngắn như trường hợp các tù binh Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên nhưng kế hoạch của Liên Xô nhằm tẩy não nước Mỹ cần nhiều chục năm. Tại sao phải cần đến vài chục năm, theo Yuri Bezmenov cựu nhân viên KGB đào thoát và được định cư tại Canada năm 1970, giải thích đó là thời gian cần có để xây dựng một thế hệ con người trung thành với lý tưởng CS ngay tại Mỹ.

Yuri Alexandrovich Bezmenov là một cựu nhân viên KGB hoạt động tại Ấn Độ trong thập niên 1960. Cha của ông là một lãnh đạo cao cấp của tổ chức KGB. Năm 17 tuổi ông theo học ngành ngôn ngữ học tại đại học Moscow State University do KGB trực tiếp kiểm soát. Nhiệm sở đầu tiên sau khi tốt nghiệp của Yuri Bezmenov là Ấn Độ với trách nhiệm thực thi các chính sách nhằm lật đổ chế độ dân chủ Ấn. Tuy nhiên, sự thán phục của ông dành cho nền văn hóa Ấn và sự bất mãn chế độ Cộng Sản mỗi ngày một gia tăng đã thúc đẩy Yuri Bezmenov đào thoát khỏi ý thức hệ CS.

Năm 1985, trong một buổi phỏng vấn đặc biệt với chủ đề “Làm thế nào để tẩy não một quốc gia”, Yuri Alexandrovich Bezmenov giải thích chiến lược của Liên Xô để thay đổi tư duy của một quốc gia đối nghịch, trường hợp này là Mỹ.

Không giống như các phim ảnh do Hollywood dàn dựng với những màn gián điệp gay cấn, hấp dẫn kiểu James Bond, tẩy não nước Mỹ là một tiến trình được thực hiện từng bước, rất nhẹ nhàng, diễn ra trước mắt và trải qua bốn giai đoạn gồm (1) lũng đoạn nền tảng đạo đức, (2) tạo sự bất ổn, (3) gây khủng hoảng và (4) bình thường hóa. Trong bốn giai đoạn, hủy hoại nền tảng đạo đức của một quốc gia là giai đoạn quan trọng nhất.

Mặc dù mục đích của buổi phỏng vấn nhằm giải thích cuộc chiến tranh văn hóa tư tưởng mà Liên Xô dùng để đánh gục nước Mỹ, tẩy não cũng là chính sách chung mà lãnh đạo các đảng CS trên toàn thế giới áp dụng.

Mỹ chẳng những không bị đánh gục mà trái lại đã góp phần quan trọng trong việc hạ gục toàn bộ hệ thống Liên Xô. Tuy nhiên, phía thế giới tự do, trong thời kỳ chiến tranh lạnh cũng tổn thất khá nặng với Cuba (1959), Congo (1970), Ethiopia (1974), Cambodia (1975), Việt Nam Cộng Hòa (1975), Lào (1975), Angola (1975), Mozambique, (1979), Nicaragua (1979) bị rơi vào quỹ đạo CS.

Tạm gác qua bên cuộc chiến bằng súng đạn, trong bốn giai đoạn mà Yuri Alexandrovich Bezmenov phân tích, giai đoạn thứ nhất, đầu độc một quốc gia, đáng được phân tích để thấy cuộc chiến tranh văn hóa tư tưởng do CSVN phát động đã ảnh hưởng thế nào đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Trong buổi phỏng vấn Yuri Alexandrovich Bezmenov cũng nhắc đến Việt Nam và tiết lộ các chính sách do CSVN thực hiện chẳng phải là sản phẩm riêng gì của đảng CSVN nhưng hoàn toàn rập theo khuôn mẫu của Liên Xô. Do đó, phần còn lại của bài sẽ thay VNCH vào chỗ Mỹ.

Để hủy diệt nền tảng đạo đức văn hóa của VNCH, trước hết phải đầu độc thành phần trí thức. Giới lãnh đạo CSVN đã tiến hành một chính sách quy mô nhằm mua chuộc, lũng đoạn, phân hóa hàng ngũ trí thức miền Nam Việt Nam.

Nhiều người hiểu lầm rằng đối tượng của chính sách tuyên truyền CS áp dụng vào các thành phần ít học, dễ tin, đói khát, cùng khổ, hay “không có gì để mất” nói theo quan điểm Marx. Không phải. Mục tiêu hàng đầu của đảng CS là thu hút thành phần có lý tưởng, có học thức như nhà báo, nhà xuất bản sách, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, nói chung là những thành phần có khả năng hướng dẫn dư luận. Hàng khối trí thức miền Nam đã bị CS tuyên tuyền, đầu độc và trở thành những công cụ của CS trong thời chiến, khi VNCH gục xuống trong máu và nước mắt, và mãi cho đến ngày nay. Những thành phần thân Cộng này không nhất thiết phải được kết nạp vào đảng nhưng là những người biện hộ cho quan điểm của đảng CS bởi vì tiếng nói của họ được xem “khách quan”, “độc lập”. Những trí thức và chính khách này tự nhận là “thành phần thứ ba” như được gọi trong sinh hoạt chính trị tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Thực tế chính trị đã chứng minh, không có quan điểm nào gọi là “độc lập” hay “khách quan” và tại miền nam Việt Nam trước đây cũng không có thành phần nào đúng nghĩa là thành phần chính trị thứ ba, ngoài hai lập trường chính trị quốc gia và cộng sản.

Alexandrovich Bezmenov cũng giải thích xa hơn, thành phần thân Cộng chỉ cần thiết trong giai đoạn làm sụp đổ quốc gia thù địch nhưng khi mục đích của đảng CS đã đạt, thành phần này chẳng những không còn cần thiết mà có thể trở thành một chướng ngại. Nhiều trong số họ phải bị giết, bị tù và bị thanh trừng qua nhiều hình thức. Lý do? Những kẻ thân Cộng trong chiến tranh rất dễ bị bất mãn khi thấy đảng CS nắm hết quyền hành và do đó sẽ trở thành thù địch về mặt quyền lực với chế độ và chống đối về mặt tư tưởng với chủ nghĩa Marx Lenin. Họ bị thanh trừng, ngoài ra, còn vì cái tội biết CS quá nhiều. Yuri Alexandrovich Bezmenov nêu lên trường hợp Nicaragua nơi một phe thân CS trước đó đã hoạt động chống lại tổ chức CS Sandinistas do José Daniel Ortega lãnh đạo. Tại Afghanistan nơi lãnh tụ CS Taraki bị Amin giết, rồi Amin bị Karmal giết, và tại Bangladesh nơi Mujibur Rahman bị chính những người cùng chiến tuyến với y giết.

Để chiến thắng trong trận chiến quân sự và văn hóa, ngoài khối thân CS nêu trên, đảng CS cần một mạng lưới nằm vùng trung thành, dã man, cuồng tín và hữu hiệu. Thành phần này cần thiết để trực tiếp thi hành các chính sách của đảng CS tại các địa phương.

Yuri Alexandrovich Bezmenov nhấn mạnh đến thành phần nằm vùng bởi vì không có mạng lưới nội ứng tại địa phương các lực lượng CS bên ngoài không thể xâm nhập được. Trong buổi phỏng vấn, cựu nhân viên KGB này có nhắc đến trường hợp một thành phố ở Việt Nam, được viết trong văn bản là Hua, có thể ông muốn nói Huế, để nhấn mạnh đến vai trò của mạng lưới CS nằm vùng: “Tương tự, trong một quận của Huế tại Nam Việt Nam, nhiều ngàn người đã bị xử tử trong một đêm khi thành phố bị CS chiếm chỉ trong hai ngày; CIA không thể nào trả lời được câu hỏi, làm thế nào CS có khả năng biết từng cá nhân người bị xử tử, ông ta sống ở đâu, đến nơi nào để bắt ông và để bắt trước bình minh, bỏ ông ta lên xe, lái ra khỏi thành phố và bắn ông ta. Câu trả lời rất đơn giản. Thật lâu trước khi chiếm thành phố đã có một mạng lưới của những CS nằm vùng; họ là dân địa phương và là những người biết một cách tuyệt đối những ai trong thành phố có ảnh hưởng với quần chúng, kể cả những anh thợ hớt tóc và tài xế taxi. Những ai có cảm tình với Mỹ đều bị xử bắn.”

Thước đo của mức độ bị tẩy não


Mức độ bị tẩy não cũng có mức trầm trọng khác nhau. Một người bị tẩy não hoàn toàn sẽ không còn khả năng để đánh giá sự thật. Sự kiện và bằng chứng không có nghĩa gì với họ. Yuri Alexandrovich Bezmenov phát biểu từ kinh nghiệm ở Liên Xô “Ngay cả mang anh ta tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin… cho đến lúc anh ta bị đá ngay vào đít, khi giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu. Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo đức trong con người.” Nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn chịu đựng mức độ tẩy não trầm trọng như vậy.


Tuy nhiên, cũng có những người bị tẩy não ở mức độ thấp hơn. Họ thấy được những hiện tượng sai trái, những bất công, tiêu cực của chế độ nhưng vẫn “chấp nhận đặc ân để sau đó tuân hành”, vẫn cho rằng “chống lại chỉ là hành động vô ích”, vẫn “trải qua nhiều chục năm tuân phục thành một thói quen”, và vẫn nghĩ rằng “phản kháng chỉ làm thiệt hại cho lòng tự trọng hơn là việc đầu hàng có điều kiện” đúng như các điểm mà nhà xã hội học Albert D. Biderman đã liệt kê. Điều đó cho thấy, trên thế giới, chủ nghĩa CS chỉ là một bóng ma hãi hùng của quá khứ, các dân tộc từng bị CS cai trị từ Âu sang Á đã thức tỉnh sau bảy mươi năm chịu đựng chủ nghĩa tàn bạo nhất lịch sử loài người nhưng tại Việt Nam vẫn còn nhiều người bị tẩy não. Giống như đảng CS không bao giờ thừa nhận đã và đang tẩy não cả dân tộc, không ai muốn thừa nhận mình bị CS tẩy não.

Thước đo mức độ tẩy não không phải là quá khó để xác định mà nằm ngay trong câu trả lời cho câu hỏi rất đơn giản “Anh (chị) thật sự muốn gì cho đất nước?”

Con đường duy nhất hiện nay là tập trung sức mạnh dân tộc, gạt bỏ mọi bất đồng, vận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam đến thành công, xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị CS, thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị, hiện đại hóa đất nước toàn diện làm nền tảng cho việc phục hồi chủ quyền đất nước, mở đường cho một Việt Nam thăng tiến lâu dài.

Không có con đường nào khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một câu trả lời dứt khoát và giống nhau như thế. Ngay cả trong tầng lớp có học thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo không ít người vẫn còn nghĩ rằng nói gì thì nói đảng CS trong suốt dòng lịch sử của đảng đã đồng hành với dân tộc, nói gì thì nói chỉ có đảng CS mới có khả năng đưa đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu, nói gì thì nói đảng CS là đảng nắm trong tay ngọn cờ chính nghĩa, nói gì thì nói Việt Nam vẫn cần ổn định để phát triển và mọi thay đổi đột biến sẽ dẫn đến hỗn loạn, nói gì thì nói các lãnh tụ CS vẫn là những người yêu nước, những anh hùng dân tộc và xứng đáng được kính trọng khi họ sống và tôn thờ, tiếc thương, than khóc khi họ chết.

Lịch sử thế giới chỉ riêng từ thế chiến thứ hai cho đến nay có nhiều anh hùng đã đóng góp trí tuệ hay máu xương vào công cuộc bảo vệ tự do cho đất nước họ hay giải phóng dân tộc họ khỏi ách thực dân. Vài trường hợp điển hình như Mahatma Gandhi (Ấn Độ), Winston Churchill (Anh), Charles de Gaulle (Pháp), Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa Dân Quốc), Franklin D. Roosevelt (Mỹ). Nhưng khi họ chết, ngoài tang quyến, không có cảnh “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” như khi Hồ Chí Minh chết và “ôm thật chặt cột nhà khóc cho thỏa nỗi xót thương” như khi Võ Nguyên Giáp vừa chết ở Việt Nam. Bởi vì những lãnh đạo thế giới nêu trên là những anh hùng thật, con người thật, có thành công và thất bại, có điểm tốt và điểm xấu và cuộc đời họ được phô bày trước dư luận chứ không phải là sản phẩm do nhà máy tuyên truyền sản xuất trong một xã hội bị bưng bít thông tin. Tuy mức độ có khác nhau, “khóc lãnh tụ” là đặc điểm của văn hóa CS và chỉ tồn tại tại các nước CS.

Trở lại với thành phần “nói gì thì nói”. Giới hạn trong hoạt động tri thức của thành phần “nói gì thì nói” mỗi thời kỳ có thể được nới rộng hơn chút ít nhưng đó không phải là sự mở rộng thuận theo đà phát triển của văn minh nhân loại mà từ sự thỏa hiệp với đảng CS. Như kẻ viết bài này có lần đã viết, xã hội Việt Nam là một xã hội được khoanh vùng có biên giới rõ rệt giữa các thành phần và các thành phần này cùng tồn tại bằng cách thỏa hiệp với nhau. Không được vượt đèn đỏ, không được lấn lề, vi phạm sẽ bị phạt. Đảng Cộng sản thỏa hiệp với các thành phần trí thức vì mục đích duy trì quyền cai trị đất nước. Giới trí thức thỏa hiệp với đảng để được ban phát bổng lộc, lợi danh. Giới văn nghệ sĩ thỏa hiệp với đảng để các điều kiện sáng tác, in ấn, phát hành được nới rộng hơn, được đi Tây, đi Mỹ dễ dàng. Các bè phái tham ô thỏa hiệp với lãnh đạo đảng để được tiếp tục tham nhũng cho đến khi bị lộ. Chỉ có những người cùng khổ, thấp cổ bé miệng nhưng chiếm đa số trong xã hội, là không ai cần thỏa hiệp mà họ cũng chẳng biết thỏa hiệp với ai ngoài số phận hẩm hiu đầy bất hạnh của mình.

Không có gì đáng hãnh diện. Hồ nước rộng mà thành phần “nói gì thì nói” đang bơi trong đó hôm nay hai chục năm trước là một chiếc ao nhỏ và bốn mươi năm trước là một lỗ chân trâu nhưng dù là lỗ chân trâu, ao hay hồ cũng chỉ là nơi tích tụ của những giọt nước tuyên truyền cùng một nguồn nhỏ xuống suốt hơn nửa thế kỷ qua. Dù thừa nhận hay không, tầng lớp của những người “nói gì thì nói” chính là những người bị CS tẩy não, và Việt Nam hôm nay vẫn còn chịu đựng dưới chế độ độc tài trong khi đại đa số nhân loại sống trong tự do dân chủ không phải vì tài năng của giới lãnh đạo CS nhưng chỉ vì số người bị tẩy não còn quá đông.

Trần Trung Đạo

____________________________________

Tham khảo:

- Albert D. Biderman, Herbert Zimmer, Manipulation of Human Behavior (The), Delhaye, 1961
- Kathleen Taylor, Brainwashing THE SCIENCE OF THOUGHT CONTROL, Oxford University Press 2004
- Transcript of G. Edward Griffin interviews Ex-KGB Soviet Defector Yuri Bezmenov, Wed Jun 3 1985
- EDWARD HUNTER, Brainwashing, The Story of Men Who Defied It, New York, 1956
- Louis R. Stockstill, The Forgotten Americans of the Vietnam War, Prisoners of War—A Special Report, US Air force
- Biderman’s Chart of Coercion
- http://vi.wikipedia.org về Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Ban Tổ chức Trung Ương đảng CSVN
- Former KGB Agent Yuri Bezmenov Explains How to brainwash a nation
- Archie Brown, The Rise and Fall of Communism, HarperCollins, New York, NY 2011
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Bài viết của GS Stephen B. Young. Ông qúa thấu hiểu VN và cũng như sử Việt nói chung nên bài của ông qúa chi tiết mà một người VN chúng ta chắc chưa có một bài tương tự. Nhờ phổ biến rộng đến từng tầng lớp dân tại VN/ PQA.

Ông Young, người Hoa Kỳ, Luật sư, nói tiếng Việt, có vợ là người Việt, đã sang VN nhiều lần. Đọc kỹ bài viết, mọi người sẽ thấy cách hành văn của một người ngoại quốc viết tiếng Việt, tuy rất kinh điển và rành lịch sử Việt Nam.

Stephen B. Young, Global Executive Director of the Caux Round Table, is a lawyer and writer. He has served as Dean of the Hamline University School of Law and as an Assistant Dean at Harvard Law School


Ai thống trị Việt Nam ngày nay:
Đảng Cộng sản hay là Hán Ngụy?


Stephen B. Young
Có một tổ chức hiện nay cai trị Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau như là vua chúa Phong kiến ở Tàu hay ở Âu châu thời Trung cổ . Một bộ máy võ trang tập trung các quyền hành lớn trong tay; không được dân bầu lên, và dân tuyệt đối không có quyền kiểm soát hay phê bình. Tổ chức này mang tên là “Đảng Cộng Sản Việt Nam”.

Nhưng, thực sự, tổ chức nầy có phải là một Đảng đúng nghĩa của một đảng hay không?

Đáng lẽ ra một Đảng chánh trị phải có một chánh nghĩa, một sức mạnh do một lý tưởng, một nền tảng triết lý hay lý thuyết, một khuynh hướng thể hiện nguyện vọng của đảng viên để hành động nhằm phục vụ đất nước và dân tộc
của mình.

Vì vậy, nếu cái gọi là Đảng Cộng Sản mà không phải là một Đảng đúng nghĩa, thì bộ máy đó là cái gi?

Một tập thể những người có chung một chí hướng tôn thờ người ngoài, một công ty làm ăn, một tổ chức mafia khai thác thị trường đất nước của họ chăng?

Như vậy chúng ta có vài tiêu chuẩn để đánh giá cái gọi là Đảng Cộng Sản bây giờ, đó là một đảng phái hay chỉ là một bọn làm ăn thiếu lương thiện?

Tôi đồng ý đã có thời gian cái goi là đảng Cộng Sản ngày nay có những hoạt động như là đảng phái đúng nghĩa. Nhưng những hoạt động ấy tốt xấu, hay dở, có lợi hay có hại cho đất nước Việt nam là chuyện khác .Tôi nói đó là một “thứ đảng phái” vì lúc ấy đảng Cộng Sản theo ý thức hệ Mác-Lê, vận dụng chủ thuyết mác-lê làm cách mạng võ trang cướp chánh quyền thực dân. Tiếp theo, đảng cộng sản phát động cuộc cách mạng xã hội, tiến hành giai cấp đấu tranh, đấu tố địa điền chủ, ám sát công chức, trí thức, lãnh đạo tôn giáo, tịch thâu tài sản của người giàu có để sau cùng đưa giới lao động, những tên du thủ du thực, lên cầm quyền và khi vào Bộ chánh trị, lại lãnh đạo đất nước, dân tộc. Hành động của đảng cộng sản lúc đó có mục đích thi hành "chính nghĩa xã hội chủ nghĩa ” theo ý hệ
Mác-Lê.

Nhưng từ lâu lắm rồi, cái gọi là đảng Cộng Sản không còn giống như trước đó nữa. Nó đã hoàn toàn biến chất để trở thành một cái gì khác hẳn. Tức nó không phải cộng sản, không mang nội dung mác-lê, không chủ trương giai cấp đấu tranh để tiến lên xã hội công bằng, người không bốc lột người, như kinh điển mác-lê dạy người cộng sản.

Cách đây vài năm, ông Đặng Quốc Bảo, Khoa giáo trung ương, trong một báo cáo phổ biến hạn chế cho đảng viên cao cấp, nói rằng “hiện tại đảng Cộng Sản không còn chính nghĩa chút nào vì thuyết Mác-Lê lỗi thời và cũng không đúng, không khoa học”. Theo ông Bảo, thì đảng cộng sản không nên áp dụng thuyết ấy nữa. Hai ông Mác và Lê đã nghĩ sai về vũ trụ, về trời đất, về đời sống nhân loại. Vậy người thông minh phải vứt bỏ chủ thuyết Mác-Lê.

Nếu ông Bảo đánh giá lý thuyết Mác-Lê đúng, thì đảng Cộng Sản không có một chính nghĩa nào để vẫn khẳng định tiếp tục đưa Việt nam đi theo con đường của mác-lê.

Vậy đảng cộng sản là cái gì? Chỉ là một tập hợp những người đầy tham vọng và quyền lực. Họ không khác gì một thứ giặc cướp đối với nhân dân.

Ông Bảo nói thêm rằng “ tổ chức anh chị em cán bộ phải giử quyền cai trị Việt nam vài năm nữa, vì nếu không có một lực lượng mạnh giử ổn định chính trị xã hội, thì nước sẽ loạn và dân sẽ khổ ”.

Lấy sự ổn định làm chính nghĩa của mình không có ý nghĩa tốt đẹp vì hoàn toàn thiếu thuyết phục. Chính nghĩa ổn định, nhiều người bình thường có thể nói và thi hành. Cần gì phải có cái gọi là đảng Cộng Sản với 3 triệu đảng viên, với vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước và xã hội ? Quân Đội làm được. Phật Giáo làm được. Việt Quốc làm được. Ai cũng hy vọng làm được. Cái gọi là đảng Cộng Sản không thể tự cho là chỉ có họ mới làm được.

Theo tuyên truyền của đảng cộng sản, trong quá khứ, họ có công đức lớn để đứng trên và trước mọi người khác. Tức họ cho rằng họ có vai trò lịch sử Có đúng như vậy không?

Để trả lời, giờ đây, Bộ Chính Trị hãy tổ chức gọi hồn các đồng chí của họ đã chết, chết vì hi sinh hay chết oan vì đảng cũng được, để hỏi công việc đảng làm. Rồi, có lẽ họ nên gọi hồn để hỏi cái gọi là đảng cộng sản thật sự có công đức với dân tộc Việt Nam hay không? Rồi, họ có thể gọi hồn để hỏi đảng cộng sản tại sao ngày nay vẫn nói đi theo mác-lê, mà trên thực tế không thấy xã hội việt nam chuyển biến theo mô hình” chính nghĩa Mác-Lê.” một chút nào nữa. Vậy thì cái đảng này nên tự giải tán, và có mang tội với đất nưóc, với dân tộc không?

Chúng tôi cũng có thể gọi hồn như Bộ Chính Trị. Chúng tôi có thể gọi hồn các vị cũng nằm xuống, vì nhiều lý do khác nhau, hỏi họ về công đức của cái gọi là đảng Cộng Sản.

Thí dụ, hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, hỏi ông Trương Tử Anh, Đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng , ông Lý Đông A, Thư ký trưởng Đảng Duy Dân, các nhân sĩ yêu nước Ngô Đình Khôi, Nguyễn văn Bông, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ văn Ngà, Phan văn Hùm, Nguyễn văn Sâm, … và những người dân Huế chết hồi Tết Mậu Thân, vân, vân, … cho đến 1 ,2 triệu người Việt nam bình thường khác, chết trên biển cả, trong rừng sâu, trong các trại tù rải rác khắp cả nước.

Gọi hồn tất cả những người này về và lắng tai nghe họ nói số phận của dân tộc Việt Nam từ khi Đảng Cộng Sản vận dụng “chính nghĩa Mác-Lê” để cướp lấy quyền lãnh đạo đất nước và giử độc tôn cho đảng .

Xin trả lời: Công đức ở đâu?

Bằng chứng thứ hai cho thấy cái gọi là đảng Cộng Sản là một đảngthì đảng ấy có hành động cụ thể như thế nào?

Ngoài sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự tính toán của con người, các hành động của người đó phải cho chúng ta thấy rõ, một cách minh bạch, để kết luận người đó tốt hay xấu, giỏi hay dở, đạo đức hay gian ác, cần tồn tại hay nên vứt
đi thôi ?

Cái gọi là đảng Cộng Sản đó, cách đây 8 năm, đã tự động hiến dâng đất đai của tổ tiên để lại cho Bắc Triều mới . Và cả biển nữa! Tại sao?

Để đáp ứng sự đòi hỏi của Bắc Triều mới? Phải.

Ở điểm này, chúng ta hảy nhìn rõ. Cái gọi là đảng Cộng Sản đó vì nhu cầu tồn tại đã dâng đất, dâng biển cho Bắc kinh. Đây là nhu cầu sanh tử. Đảng cộng sản phải làm một việc tội lỗi như vậy chỉ vì đảng lo sợ nhân dân Việt nam hỏi tội của họ đối với tổ quốc và nhân dân từ trước đến giờ. Mà nhân dân hỏi tội có nghĩa là đảng sẽ bị mất quyền cai trị. Hoặc một vụ Thiên An Môn Việt Nam sẽ xảy ra . Trước nỗi ám ảnh mất quyền lực, đảng cộng sản cần sự ủng hộ, sự tiếp tay của Bắc Triều mới, mặc dầu có tổn hại đến quyền lợi tối thượng của Quốc gia.

Như vậy đảng cộng sản ở Hà nội không thể tự cho là một đảng có chính nghĩa yêu nước được, mà phải bị kết án là một đảng bán nước mới đúng.

Nếu đảng Cộng Sản Hà nội chuyên tâm phục vụ cho đòi hỏi, tham vọng của Bắc Triều mới, thì Việt nam tất nhiên phải lâm nguy làm thân nô lệ cho Hán Tộc. Nếu chỉ có riêng cái đảng cộng sản làm nô lệ hán tộc thì chúng ta hà tất phải tốn lời.

Thực tế ở Việt nam cho ta thấy công an, tình báo của Việt Nam đều do công an, tình báo Trung Quốc đào tạo và cố vấn. Nhờ đó mà công an, tình báo Hà nội mới có đủ bản lãnh đàn áp những người dân chủ ở Việt nam, đàn áp dân oan nạn nhân của những vụ đất đai bị đảng cộng sản tước đoạt, đàn áp những vụ biểu tìng chống Trung quốc xăm chiếm đất đai bằng vũ lực và thô bạo.

Nhìn lại lịch sử Việt nam thì từ thời Ngô Quyền đến nay, chỉ có vài nhà vua Việt nam theo Bắc Triều một cách xấu hổ như vậy. Có Nhà Mạc phải xin sự ủng hộ của Hoàng đế phương Bắc để đối phó với Nhà Lê. Có vua Lê Chiêu Thống xin Trung Quôc gởi binh qua Hà nội để đánh anh em Nhà Tây Sơn. Có vua Gia Long và Minh Mạng lấy y thức hệ Tống Nho của Nhà Thanh bên Tàu để làm nền tảng đạo lý xây dựng uy quyền cho Nhà Nguyễn . Nhưng các ông vua này không làm mất đất, mất biển vào tay ngoại bang chỉ vì quyền lợi riêng tư như đảng cộng sản ngày nay.

Cầu viện thường hay lệ thuộc tư tưởng của kẻ khác, khó tránh khỏi bị dẩn đến mất chánh nghĩa quốc gia. Phải chăng vì thế mà Nhà Mạc đã không thắng Nhà Lê, vua Lê Chiêu Thống thua Quang Trung Nguyẽn Huệ. Riêng Nhà Nguyễn vì chọn lựa sai lầm học thuyết lỗi thời mà cứ khăng khăng ôm giữ nên thua người Pháp. Tức
một thứ lệ thuộc tư tưởng. Khi có được chỗ dựa mạnh là Bắc kinh, cái gọi là đảng Cộng Sản sẽ đánh bại được toàn dân Việt nam chăng? Tức đảng cộng sản vỉnh viễn đàn áp, bốc lột nhân dân chăng?

Mới đây khi nghe tin Bắc Kinh tổ chức Hoàng Sa và Trường Sa trở thành môt đơn vị hành chánh mới trực thuôc Tỉnh Hải nam, lập tức xảy ra nhiều cuộc biểu tình của dân chúng thanh niên, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, ở Hà nội, chống chánh sách xăm lược của Trung Quốc. Cái gọi là Đảng Cộng Sản không dám lên tiếng phản đối kẻ cướp đất, trái lại thô bạo đàn áp dân chúng công khai bày tỏ lòng yêu nước. Khí thế của nhân dân Việt nam bây giờ làm cho đảng cộng sản Hà nội bắt đầu lo sợ. Nếu đảng cộng sản khôn ngoan thì hảy thấy ở đây, tức ở nhân dân, mới là chổ dựa vửng chắc hơn thế của Trung Quốc.

Nhưng cái gọi là Đảng Cộng Sản nghe theo ai?

Buồn mà nói. Vì nói cho đúng thì phải nói lớn và nói rỏ phe nhóm cai trị Việt Nam hiện nay là một bọn Hán Ngụy.

Tiếc vì chúng tôi biết chắc chắn có nhiều đảng viên của cái gọi là Đảng Cộng Sản không muốn như vậy. Họ thương dân, yêu nước thật lòng. Nhưng họ lo sợ, có thể vì bất lực, cho sự an nguy của bản thân và gia đình trước những
thủ đoạn khéo léo, gian ác, đê hèn của lực lượng Công An, Tình Báo đang có mặt khắp nơi rình rặp.

Bọn Hán Ngụy thật sự không có nhiều người, nhưng họ có thế mạnh và nhiều tiền bạc. Họ quyết tâm giữ quyền lực cai trị đất nước mãi mãi. Họ sẽ làm cái gì phải làm để không mất địa vị cầm quyền, tức quyền làm ăn, làm giàu của họ.

Lệ thuộc Bắc Kinh, đối với họ, là một giá phải trả, họ chấp nhận trả, để có phương tiện ổn định xã hội chính trị Việt nam, tức duy trì chế độ độc tài toàn trị. Ổn định là cho quyền lợi của họ. Đất nước đối với họ chỉ là phương tiện trao đổi.

Trung Quốc có một triết lý bình định thiên hạ từ đời Tần Thủy Hoàng. Ông ấy lấy ý kiến của phái Pháp Gia gồm lý thuyết âm dương, ngũ hành để kiến tạo thái hòa. Làm chính trị như vậy không theo sự giảng dạy của Khổng
Mạnh, trái lại, đưa ra chính sách đại đoàn kết, giữ phép nước dưới sự lãnh đạo đọc tôn theo một vị hoàng đế. Đó là thuyết của Mặc Địch.

Cái đạo chính trị này – “ hoàng đế chính thuyết ”– là lý thuyết xây dựng xã hội không cần nghe ý dân. Đi từ trên xuống, không phải từ dân lên. Ngày nay là tập trung dân chủ, tức dân chủ xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ chí minh. Hoàng Đế nghe trời, ra lịnh và thiên hạ phải tuân theo. Dân không nghe theo thì sẽ bị phạt, nặng nhẹ
tùy theo mức độ của sự phản bội, bất hiếu đối với chế độ.

Một ông Hoàng Đế không cần đức, không cần uy tín mà vẫn giữ được ổn định xã hội. Hiếu nghĩa thay thế nhân nghĩa. Cấp trên nói cái gì thì cấp dưới vâng dạ theo răm rắp. Nói vô phép, mất dạy, thì bị phạt, không được phần thưởng.

Đạo làm hoàng đế có mục đích lấy ý trời và qua cơ cấu hành chánh, ép thiên hạ vâng lịnh làm theo ý đó, mặc cho họ muốn hay không.

Trong lịch sử Việtnam, các Nhà Lý, Trần và Lê không lấy đạo Hoàng Đế của Bắc Triều để trị dân. Nhà Lý và Nhà Trần theo đạo Phật. Nhà Lê cho đến Vua Lê Thánh Tôn theo quan điểm nhân nghĩa do Nguyễn Trãi viết ra.

Vua Lê Thánh Tôn bắt đầu theo chủ nghĩa Bắc Triều , tức lấy Tống Nho bênh vực ngôi vị Hoàng Đế một cách mù quáng với đạo hiếu nghĩa cha mẹ, vua chúa. Đến Nhà Mạc, Chúa Trịnh, thì ảnh hưởng Tống Nho ở cấp quan văn và các đại gia đình quan chức mở rộng. Nhà Nguyễn áp dụng Tống Nho và quan điểm hoàng đế, đưa triều đình Huế đi theo gương Nhà Thanh bên Tàu.

Trước đây, cái gọi là đảng Cộng Sản chụp mũ những người Việt nam không Cộng Sản mà hợp tác với Mỹ Quốc để giữ độc lập cho miền Nam Việt Nam là “Mỹ Ngụy” .

Bây giờ, nhìn về quá khứ thì chúng ta có thể đánh giá ai có công lớn hơn cho Dân Tộc Việt nam: Mỹ Ngụy hồi đó hay Hán Ngụy bây giờ?

Người Mỹ khi họ giúp các Chính Phủ Việt nam Cộng Hòa, khi họ làm cố vấn cho Chính phủ và quân đội quốc gia, họ thật sự muốn gì? Họ khuyến khích người Quốc Gia làm gì? Họ đòi hỏi Chính Phủ Sài gòn có chính sách nào?

Nói chung, người Mỹ từ Tổng Thống Eisenhower cho đến Tổng Thống Nixon, từ Đại Sứ Elbridge Durbrow cho đến Đại Sứ Ellsworth Bunker, tất cả đều yêu cầu Chính Phủ Sài gòn lo cho dân, áp dụng chế độ hiến trị, tổ chức các cuộc bầu cử từ xã ấp đến trung ương, trong sạch, dân chủ, cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế, mở rộng giáo dục theo tôn chỉ “nhân bản, khoa học, khai phóng ” …

Đối với Mỹ thì ý dân là hơn ý trời. Mỹ không bao giờ theo “ hoàng đế chính thuyết ”.

Như vậy làm Mỹ Ngụy là chọn phương pháp lo cho dân, cho quê hương Việt nam, cho văn hóa, đạo đức dân tộc. Người Mỹ đến Việt nam, không ở lại Việt nam. Và “dân ngụy.” không hiến dâng đất dai, biển cả cho ngoại bang. Hơn nữa, trong lịch sử, người Mỹ không làm thuộc địa, không làm Thái thú, chỉ làm bạn đồng minh giai đoạn.

Còn người Việt nào bây giờ làm Hán Ngụy thì phục vụ ai? Họ có lo sợ số phận Tổ quốc của họ không? Hay chỉ có chung một thứ Tập hợp những người cùng chí hướng tôn thờ quyền lợi bản thân mà thôi?

Stephen B. YOUNG
duynga
Posts: 117
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Post by duynga »

Toàn bộ Lãnh thổ Việt Nam đã an bài trong tay TQ
Phan Châu Thành

(Danlambao) - Tôi có ông bạn học hiện làm cấp tướng trong hải quân VN, trong một buổi nhậu bạn bè với nhau cách đây gần năm ở HN, tôi hỏi hắn:

“Nếu bây giờ TQ tấn công trên biển, quân của cậu chống được bao lâu?” Hắn cười: “Chắc là chưa đến ba ngày?!”

Tôi ngạc nhiên: “Sao chết nhanh vậy?” Hắn lại cười: “Không phải chết, mà là chạy. Thời đại này ai dại gì chết cho ai?!”

“Đấy là cậu nói về lính hay sĩ quan các cậu?”

“Cả hai, nhưng sĩ quan chạy trước rồi lính mới chạy. Lính không dám chạy trước, chỉ trốn thôi. Sĩ quan mới chạy!”

Tôi thắc mắc: “Tại sao thế? Sĩ quan tinh thần cao hơn và phải làm gương cho lính cơ mà?”

“Ừ, nhưng sĩ quan lại biết mình toàn nói dối và thấy cấp trên cũng toàn nói dối, và ai cũng biết chết thì mình chịu, thắng thì là chiến công của sếp, tội gì chết thế!”

Chúng tôi cười xòa, coi đó là câu chuyện cười nói cho vui, vì ông bạn trong Bộ tổng tư lệnh ở HN, nó đâu có phải ra trận. Nhưng nó cũng không cần phải mua vui với tôi, nó nói có phần nhiều là thật. Thế nên tôi không quên được.

Một bữa khác cách nay khoảng nửa năm, trong chuyến xe đêm từ Sài gòn đi Nha Trang, tôi nằm cạnh anh lính trẻ trả phép ra Cam Ranh. Tôi hỏi chuyện ăn ở sinh hoạt của lính nghĩa vụ ngoài đó, cậu thật thà:

“Cháu mới đi mấy tháng, nhờ có người quen chạy cho nên không phải đi vùng xa hay đảo, chỉ ra Cam Ranh thôi, được về phép đều đặn, nếu biết quà cáp cho sĩ quan còn được kéo dài phép…”

“Thế sĩ quan có về phép thường xuyên không?”

“Sĩ quan của bọn cháu toàn sĩ quan chuyên nghiệp, gia đình họ ở Cam Ranh và Nha Trang luôn, họ đâu cần về phép, và họ có thể về nhà bất cứ lúc nào họ muốn, họ sướng lắm!”

Thế họ có ăn chung với các cháu không?”

“Không, họ có tiêu chuẩn riêng cao gấp mấy lần lính bọn cháu! Họ ăn ở riêng.”

“Thế tiêu chuẩn lính bọn cháu thế nào?”

“Chúng cháu được 35 ngàn đồng ngày. Thế là cao đấy chú ạ, vì chúng cháu gần Ban chỉ huy Vùng. Mấy thằng bạn cháu đóng quân ở xa kêu khổ lắm, chỉ có 28 ngàn đồng ngày thôi…”

“Sao lại 28 ngàn thôi?!” Tôi xót xa nhẩm tính: lính của mình (công nhân và kỹ sư của tôi) ở công trường cảng Vân Phong này được ăn 80 nghìn đồng/ngày mấy năm nay, vừa tăng lên 100 nghìn ngày do giá cả lên, mà tôi vẫn thương chúng khổ, gầy và đen, bắt chúng cố ăn, và lo chúng bỏ về Sài gòn, thế mà chiến sĩ của ta…

Tôi lại đi lạc đề muốn nói rồi. Ý của tôi là, chỉ chuyện ăn ở thôi thì lính của ta cũng thiếu sức chiến đấu rồi, chưa nói đến tinh thần chiến đấu và niềm tin vào cấp trên.

Giờ nói về chủ đề chính, đó là bảo vệ lãnh thổ. Xin kể câu chuyện thứ ba. Cách đây mấy tháng, chúng tôi tổ chức một đoàn “du lịch- thám hiểm” ra điểm Cực Đông trên đất liền của đất nước với mục đích: sống 1 ngày gần với Hoàng Sa Trường sa nhất (về kinh tuyến).

Trên đường ra đó rất khó khăn, chúng tôi không ngờ cả một khu bán đảo rộng lớn bờ biển dài mấy chục cây số không có dân cư (đã bị đuổi đi hết) và chỉ có một đồn biên phòng gần ra đến Cực Đông đã bị bỏ hoang do chuyển vào gần quốc lộ 1 hơn, trong khi đường lớn do các “dự án lớn” của Vinalines làm đến nới cũng bỏ hoang không bóng người. Hỏi ra mới biết đó là tình trạng của hàng loạt đồn biên phòng ven biển và trên các đảo khu vực bắc và nam Vân Phong (thuộc Khánh Hòa và Tuy hòa): họ đã rút hết vào sống trong dân và để quản dân, không quản bở biển nữa. Hàng trăm cây số ven biển không có ai canh giữ, nhưng đã có sẵn đường lớn nhập vào quốc lộ 1… Ngày xưa họ ở đó là để bắt người vượt biên thôi… Biên phòng VN không quay súng ra biển mà quay súng vào dân!

Câu chuyện thứ tư. Đơn vị chúng tôi tham gia rất nhiều công trình lớn dọc biển miền Trung, lắp ráp các thiết bị kỹ thuật hiện đại (rất ít khi là đồ TQ). Từ Dung Quất đến Vũng Áng, Vân Phong… Nhưng ở đâu chúng tôi cũng thấy các đơn vị TQ đấu thầu và thắng thầu thi công phần các cầu cảng. Họ chỉ quan tâm và bỏ mọi giá để nhận phần việc đó dù rất nhiều đơn vị VN làm được, nhưng các nhà thầu VN phải lè lưỡi bỏ ra cho họ vì giá của họ quá thấp… Sau đó họ luôn quây kín cả một vùng biển và bờ biển lớn người khác không được vào để họ thi công trong suốt nhiêu năm trời. Và họ thường là đơn vị làm kéo dài các dự án lớn nhưng không ai làm gì được. Khui họ thi công xong chúng tôi mới lên lắp thiết bị và không ai biết bên dưới và bên trong những khối bê tông cầu cảng lớn đó có những gì. Chúng tôi thường đùa nhau: ngày đầu tiên TQ đánh VN họ sẽ cho nổ tung tất cả những cầu cảng trị giá vài chục đến vài trăm triệu đôla này (có thể cặp mạn những con tàu lớn đến 150.000-300.000dwt)… hoặc họ sẽ khống chế chúng để làm điểm đổ quân tuyệt vời cho họ, ở Dung Quất, Vân Phong, Vũng Áng và nhiều nơi nữa phía Bắc và Nam, nhất là Kiên Giang cũng sắn sàng…

Câu chuyên thứ năm. Tôi về quê ngoại Quảng Ninh, ra Hạ Long gặp mấy thằng bạn cũ, trong đó có thằng đại gia chuyên san đất lấp biển bán nền, giầu không để đâu hết tiền, luôn khoe có đội xe máy húc ủi đào đông như quân nguyên, đã phá không biết bao đồi núi, lấp biết bao bờ vịnh san hô và sú vẹt để bán trên giấy, từ Quảng yên đến Hải Hà… Gặp nó tôi bảo:

- “Tội phá hoại môi trường Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long của mày phải đem ra bắn!”

- Nó cười khẩy: “Bắn tao hơi khó! Mày phải bắn hết các bí thư và chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh và các huyện thị Quảng Ninh này đi đã!” Rồi nó quàng vai người ngồi cạnh: “A, cả thằng này nữa, giám đốc Sở tài nguyên Môi trường mà…” Tôi nhăn mặt nghĩ: Đúng thật, nếu muốn bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long và Bái Tử long mà tôi yêu quí, tôi sẽ phải bắn gần hết các bạn học cũ của mình, vì chúng nó làm quan chức kín cả cái tỉnh quê ngoại của tôi rồi…

Tôi phán tiếp:

“Mày còn một tội lớn nữa! Mày đem xe máy lên Tiên Yên, Ba Chẽ (hai huyện núi biên giới) làm đường từ biên giới xuống cho bọn Ba Tàu sau này tấn công mình lần nữa. Lần trước nó tấn công không có đường xuống, tự vệ dân quan còn cản được. Lần này chỉ mấy giờ là xe nó chạy đến Hạ Long này, lại có cầu bãi chấy rồi, Công chúng mày to quá!”

Thằng đại gia xẹp hẳn xuống lẩm bẩm: “Đéo mẹ bọn Tàu! Chúng nó còn không chịu trả tiền công cho tao nữa! Đau quá!” (Đó là nó chửi mấy công ty Đài loan thuê rừng 50 năm rồi thuế nó làm đương lên “trồng rừng”. Đường làm xong lên các đỉnh núi biên giới, không trả tiền và rừng tất nhiên cũng không…).

Và câu chuyện cuối cùng. Tôi đưa con trai lên Tây Nguyên chơi, mới đây thôi, để nó biết Tây Nguyên là thế nào. Một số đoạn đi qua đường Hồ Chí Minh mới làm lớn mà vô cùng hoang vắng, thằng bé rất ngạc nhiên hỏi: “Bố, sao mình làm đường lớn đẹp dài mà không có người đi thì làm gì vậy?” Tôi thở dài chua chát “Bố chịu!” Chả lẽ nói ra ý nghĩ thật của mình: “Bố sợ rằng người ta làm đường để sau này TQ đánh VN sẽ dễ chiếm và không chế Tây Nguyên và rồi cả đất nước này?”

Sau chuyến đi Tây Nguyên về, tôi đùa với con trai: “Con ơi, hãy học tiếng Anh giỏi để du học rồi ở lại đó luôn, như chị con vậy đó. Bằng không, hãy học tiếng Tàu! Nước mình sắp thay quốc ngữ rồi!”

Vâng, ý của tôi là thế đó. Người Việt nam, chính quyền Việt Nam hiện nay đã chuẩn bị sẵn sàng địa thế và mọi cửa ngõ Lãnh thổ quốc gia để TQ tràn vào dễ dàng nhất. Tinh thần quân đội và sức chiến đấu thì rất bạc nhược rồi, cảnh giác thì… chĩa súng vào dân rồi. Các chiến sĩ Trung Hoa cứ yên tâm mà đến!

Đất nước này dường như đã có chỉ đạo bàn giao nhẹ nhàng để sát nhập vào TQ?

Chỉ còn một điều: Liệu dân Việt ta có chịu thế hay không?

Phan Châu Thành
buikiem
Posts: 504
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Tấm gương Võ Nguyên Giáp
Ngô Nhân Dụng

Một nhà báo ngoại quốc, ông Jonathan Head, đến Việt Nam quan sát và tường thuật đám tang ông Võ Nguyên Giáp cho đài BBC, nhận xét rằng trong số những người đến bày tỏ lòng thương tiếc và ngưỡng mộ ông, ngoài các cựu chiến binh lớn tuổi còn có hàng ngàn thanh niên, nhiều người chưa ra đời khi ông Giáp bị gạt ra khỏi Bộ Chính Trị đảng cộng sản năm 1982.

Jonathan Head viết: "... những hàng dài thanh niên với nét mặt buồn bã chẳng kém vẻ mặt của các cựu chiến binh.” Nhưng Head cũng nhận xét, “Những khẩu hiệu Marxist cũ rích vẫn được đảng Cộng sản Việt Nam rao giảng nhưng không còn gì hấp dẫn với thế hệ trẻ, vốn đã biết sống theo khuynh hướng xã hội tiêu dùng; và biết những cơ hội mà kinh tế thị trường mang lại cho họ.” Trong khi đó, thì “Tướng Giáp đã luôn trung thành với các khẩu hiệu cũ rích đó... Ông không bao giờ đi chệch đường lối chính sách hay nói về bất cứ nghi ngờ hay mối lo khủng hoảng nào của chế độ... Thay vào đó, ông vẫn hùng hồn nói về quy luật tất yếu lịch sử là chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng kinh tế tư bản.”

Võ Nguyên Giáp luôn luôn đóng vai trò một đảng viên cộng sản gương mẫu, tức là lúc nào cũng tin tưởng ở lý thuyết cộng sản và chấp nhận tất cả các quyết định của đảng, như trong mục này đã viết. Nhưng giải thích như vậy cũng không đầy đủ cho câu hỏi, như Huỳnh Thục Vy mới viết, tại sao ông Giáp “lặng thinh một cách vô cảm” trong nhiều trường hợp đáng lẽ phải lên tiếng.

Ông Giáp tuân theo lệnh đảng trước mọi quyết định đối với cá nhân. Vì vậy, ông cắn răng cam chịu khi bị nhóm Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ tước hết quyền hành. Ông Giáp vẫn giữ chức tổng tư lệnh, bí thư Quân Ủy Trung Ương; còn làm phó thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam cho đến năm 1975 nhưng nhiều người chỉ có Lê Duẩn chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam. Ông mất chức bí thư Quân Ủy năm 1977, mất chức bộ trưởng Quốc Phòng năm 1980, rồi năm 1982 bị loại khỏi Bộ Chính Trị.

Sau đó, Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ còn công khai làm nhục ông khi phong Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch Ủy Ban Dân Số và Sinh Ðẻ Có Kế Hoạch, tức chương trình hạn chế sinh sản, còn gọi là cai đẻ. Với chức vụ tổng chỉ huy chiến dịch cai đẻ của ông, dân miền Bắc đã đặt câu ca dao chế nhạo: “Ngày xưa đại tướng cầm quân - Ngày nay đại tướng cầm quần chị em - Ngày xưa đại tướng công đồn, vân vân.”

Không ai nghe ông Giáp than phiền lời nào khi bị nhóm Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ hạ nhục trước mặt cả nước như thế. Nhưng trong chín năm làm phó thủ tướng phụ trách khoa học, kỹ thuật, từ 1982 đến 1991, cũng không ai thấy nước Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể nào về khoa học, kỹ thuật. Ngay cả việc sinh đẻ có kế hoạch cũng không ra gì; bằng cớ là dân số Việt Nam đã tăng vọt từ đó tới nay.

Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ là những người đồng thời với Võ Nguyên Giáp, dù địa vị thấp hơn nhiều. Ông chịu thua họ, cũng là điều chấp nhận được. Nhưng sau đó, cả đám thuộc hạ hàng thứ ba, hạng tư, như Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười lại hạ nhục ông Giáp thêm một lần nữa. Họ phổ biến các tài liệu tố cáo ông từng là con nuôi của chánh sở mật thám Ðông Dương, Louis Marty; từng bán bí mật quân sự cho Ðại sứ Liên Xô Serbakov; còn trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ thì Giáp hèn nhát, sợ chết, quanh quẩn trong hầm, không dám ra ngoài (Gần đây, ông Bùi Tín xác nhận rằng hầm trú ẩn của ông Giáp khá an toàn, nằm ngoài tầm trọng pháo của quân Pháp). Ðó là chưa kể cái tội ăn nằm với một cô giáo tới nhà dạy piano. Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười đã đuổi Võ Nguyên Giáp ra khỏi Trung Ương Ðảng, một hành động trước đó Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ còn tha, chưa nỡ tước bỏ. Bọn Lê Duẩn lột bỏ mũ mãng của Giáp nhưng còn cho mặc cái quần; bọn Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh lột hết. Trong mấy chục năm, Bộ Chính Trị đặt ra những chức cố vấn. Lê Ðức Thọ, Phạm Văn Ðồng, Võ Chí Công, vân vân, rồi sau này tới Võ Văn Kiệt, Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười đều được mời vào chức cố vấn; nhưng không ai ngó tới Võ Nguyên Giáp.

Võ Nguyên Giáp không bao giờ phản đối, cũng không hề cất tiếng than phiền về thân phận của mình. Lúc bị hạ bệ, đẩy xuống phụ trách việc cai đẻ, ông Giáp có thể từ chức, về hưu, vì đã ở tuổi 70 rồi, để tỏ thái độ, và giữ gìn danh tiết của một con người, nhất là của một ông tướng. Nhưng ông không dám cãi. Thái độ chịu đựng đó cũng thấy trong vụ Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ phát động “Vụ Án Xét Lại Chống Ðảng.” Họ nhắm vào ông Giáp nhưng không đánh trực tiếp, mà tấn công vào những người đồng chí trung thành của ông: Thượng tướng Chu Văn Tấn, tư lệnh Quân Khu Việt Bắc; Thiếu tướng Ðặng Kim Giang chỉ huy hệ thống hậu cần trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ; Tướng Lê Liêm; Trung tướng Trần Ðộ; người tiếp nhận việc đầu hàng của tướng de Castries; Ðại tá Ðỗ Ðức Kiên cục trưởng tác chiến; Ðại tá Phạm Quế Dương; ông Hoàng Minh Chính; Ðại tá Lê Minh Nghĩa, chánh văn phòng Bộ Tổng Tham Mưu, trưởng đoàn quân sự Việt Nam trong hội nghị Trung Giá; Ðại tá Ðỗ Ðức Kiên; Ðại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng Cục Quân Báo; Ðại tá Nguyễn Văn Hiếu chánh văn phòng Bộ Quốc Phòng; và Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng, vân vân. Tất cả bị vu cáo tội “chống đảng, xét lại, làm gián điệp cho nước ngoài.” Võ Nguyên Giáp biết những lời cáo buộc đó đều là ngụy tạo, nhưng ông không bao giờ mở miệng, không bênh vực, không bảo vệ, hay giúp đỡ những đồng đội trung thành đang bị bè lũ cầm quyền đàn áp.

Thái độ “chui trong hầm trú ẩn” của ông không biểu lộ trong đời tư mà thôi; trong cả việc công cũng vậy. Ông Giáp không nói một lời nào khi các chính sách kinh tế của đảng làm dân tộc kiệt quệ, nhiều nông dân chết đói, trong lúc ông đang làm phó thủ tướng. Gần đây, ông không hề lên tiếng khi đảng cộng sản đàn áp dân Việt Nam biểu tình chống Trung Cộng lấn chiếm Biển Ðông và đánh giết ngư dân Việt Nam. Ông không bàn một lời nào đến nạn tham nhũng lan tràn, hoàn toàn im lặng khi các nông dân mất ruộng, mất nhà đi biểu tình phản đối khắp nước. Việc ông lên tiếng về vụ bô xít giúp người ta nhớ đến ông; nhưng sau đó ông lại tiếp tục chui xuống hầm; bị coi là chỉ “đánh trống bỏ dùi.” Trước sau, ông Võ Nguyên Giáp vẫn chui dưới hầm, ngoài tầm pháo kích của các đồng chí đang nắm quyền sinh sát.

Giải thích thái độ im lặng của ông Giáp bằng tinh thần kỷ luật của một đảng viên trung kiên thì không đủ. Nhiều đảng viên và tướng lãnh đã từng lên tiếng phản đối chính quyền cộng sản tham nhũng, lệ thuộc Trung Cộng, và bất lực về kinh tế.

Các tướng Trần Ðộ, Nguyễn Văn Vịnh, Ðại tá Phạm Quế Dương, họ đâu có cam ngậm miệng khi thấy lòng dân phẫn uất?

Cho nên, ông Võ Nguyên Giáp lựa chọn chui xuống hầm chỉ vì lo cho chính ông, và con cháu ông.

Ông Giáp biết các đồng chí trong đảng Cộng sản không từ bỏ một thủ đoạn nào khi họ cần bảo vệ quyền hành. Họ cướp được chính quyền là nhờ dám giết người nhiều hơn, tàn bạo hơn những đối thủ chính trị của họ. Chính ông đã chỉ huy các vụ tàn sát các đảng phái quốc gia yêu nước trong năm 1946; ngụy tạo vụ Ôn Như Hầu để bắt, giết các chiến sĩ Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt Dân Chính, những người thoát chết phải sang Trung Quốc lưu vong. Ông đã biết rằng trong đảng bất cứ ai cũng có thể bị thủ tiêu. Ông biết những cái chết bất đắc kỳ tử mờ ám của bộ trưởng Dương Bạch Mai hay Ðại Tướng Hoàng Văn Thái. Sống trong chế độ cộng sản, không ai được an toàn. Ngay sau khi Lê Duẩn chết, các con ông ta còn hỏi Phó Thủ tướng Trần Duy Thành: Liệu “họ” có giết chúng cháu không; theo lời ông Thành kể trong hồi ký.

Mối lo lắng của ông Võ Nguyên Giáp được biểu lộ ngay cả khi chữa bệnh. Bác sĩ Phạm Văn Ngà, người săn sóc sức khỏe cho ông trong 30 năm, kể rằng: “Ðại tướng có một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ uống thuốc của ai đưa cho, kể cả con cái, trừ Bác sĩ Ngà.”

Nhờ biết thân, biết phận, giữ mình như vậy, ông vẫn được chế độ hậu đãi. Ông được cung cấp đủ dinh thự, xe cộ, phụ tá, nhân viên văn phòng, bác sĩ, y tá thường trực, vệ sĩ, người giúp việc, và mọi thứ bổng lộc, phụ cấp. Vì ông biết giữ mồm giữ miệng. Lâu lâu ông lại được các thuộc cấp cũ còn tại chức mời dự tiệc, liên hoan, để thấy mình vẫn còn được trọng vọng. Nhưng luôn luôn giữ mồm, giữ miệng; không nói một lời nào “chệch hướng.” Trong đời tư, ông được người ta kính trọng vì lối sống đơn giản, không chạy chọt cho con em làm giầu quá đáng, như các quan chức lớn khác. Ðó cũng là điều Jonathan Head coi là lý do tại sao nhiều cựu chiến binh và giới trẻ còn ngưỡng mộ, đi viếng tang Tướng Giáp.

Nhà báo Jonathan Head viết: “Ông là người giản dị, lịch thiệp và sống đơn giản, họ nói với tôi.” Lời giải thích này khiến Jonathan Head thấy những người dân đi viếng tang ông Giáp là để phản kháng đám lãnh tụ cộng sản đang cầm quyền, một cách gián tiếp. “Những phẩm chất họ ngưỡng mộ nơi ông cũng chính là điều khiến họ bất bình cực độ với giới lãnh đạo hiện nay. Những người đó đã để nạn tham nhũng và trục lợi cá nhân hoành hành; những người đó không đủ cứng rắn khi đối phó với Trung Quốc,” vân vân. Jonathan Head kết luận, “Sau khi chết, ông Giáp lại được người dân nhìn nhận như một biểu tượng của tất cả những gì mà các lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay không có.” Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang chắc cũng hiểu được thông điệp này. Phản kháng một cách gián tiếp chắc không đủ để bọn họ chuyển lòng, chú ý đến lợi ích của dân Việt Nam hơn. Nhưng trong đám tang ông Giáp, người dân làm được tới đó là quý lắm rồi. Bởi vì con người ông Giáp không thể nào khích lệ cho ai đứng lên phản kháng một cách mạnh mẽ hơn được. Chính ông là tấm gương nhịn nhục, chịu đựng suốt đời, để được sống an thân, khi chết thì được nghe điếu văn, truy điệu. Chắc chắn đó không phải là một tấm gương cho những thanh niên thời nay, như Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Uyên Phương!
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Mất Gốc !!!

Trần-mộng-Lâm
Nhiều khi thành thực quá cũng gây cho mình những bực mình.

Trước đây ít lâu, tôi có viết một bài ngắn mang tựa đề :

Tôi không phải dân Bắc.

Tuần vừa qua, tôi lại viết bài :

Hai nỗi cô đơn.

Với 2 bài viết này, tôi nhận được khá nhiều điện thơ góp ý kiến, có người đồng ý, có người không đồng ý, nhưng cũng không có vấn đề gì quan trọng. Khi mình đã đưa ra một ý kiến, thì phải chấp nhận các lời phê bình.

Mới đây, khi đi ăn cưới cô cháu gái, tôi gặp anh Lâm Văn Bé, anh cười nói với tôi : Tôi hiểu ý anh, nhưng tôi nghĩ anh sẽ bị

phản đối nhiều đó. Một lúc sau, gặp một ông bạn khác, ông này cũng nhã nhặn, nhưng hỏi móc tôi : Anh không sợ bị kết án là mất gốc ??

Tôi hỏi lại ông :

- Theo anh, gốc của tôi là gì?

- Thì anh người miền Bắc. Tuy anh ở trong Nam lâu, lấy vợ miền Nam, nhưng gốc của anh là người Bắc.

Tôi nản quá, nói với ông ta :

- Anh trật lất rồi. Gốc của tôi là Việt Nam Cộng Hoà.

Tôi là công dân của Việt Nam Cộng Hoà.

Những công dân VNCH có người sanh tại Miền Bắc, có người sanh tại Miền Trung, có người sanh tại Miền Nam, nhưng họ đều có chung một nền văn hóa, tôi gọi văn hóa Miền Nam.

Gọi như vậy là để phân biệt với các công dân của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngày xưa gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Ngày nay, trong nước, còn sót lại những công dân cũ của VNCH. Tại Hải Ngoại, đa số là người của VNCH.

Tại Việt Nam, những người sống tại Miền Bắc trước 1975 là công dân của CHXHCNVN.

Hiện nay, đại đa số người Việt Nam trong nước là các công dân của CHXHCNVN.

Người Việt Nam, nói chung, có cùng một tiếng nói, nhưng nói cùng một thứ tiếng không có nghĩa là cùng một tổ quốc.

Người Anh, người Úc, người Mỹ, cùng nói Tiếng Anh, nhưng họ không cùng một tổ quốc.

Cũng vây, người Việt Nam Công Hòa và người của CHXHCNVN không cùng một tổ quốc.

Với tôi, người của CHXHCNVN rất xa lạ : Họ nói khác tôi (tiếng Việt Cộng), họ suy nhĩ khác tôi, sống khác tôi, thậm chí lái xe, chưởi thề, ăn mặc, hát, đóng kịch, mọi thứ đều khác.

Họ có một lá cờ khác, một bài quốc ca khác, những anh hùng khác, những thần tượng khác.

Những người đó là gốc của tôi hay sao ???

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là tổ quốc của tôi hay sao??

Không, gốc của tôi là VNCH, tổ quốc của tôi là Việt Nam Cộng Hòa.

Công dân của VNCH là công dân VNCH

và công dân của CHXHCNVN là công dân của CHXHCNVN.

Hai khối người, nhưng cũng là hai nỗi cô đơn. Hai nỗi cô đơn này hiện hữu tại trong nước, nhưng cũng hiện hữu tại Hải Ngoại.

Bây giờ, giả thử có một ông đảng viên CS nào kêu gọi nới rộng tự do một chút, cởi mở hơn một chút, sửa sai chế độ của họ một chút, thì đó là việc của họ.

Riêng tôi, Cộng Sản phải được xóa bỏ toàn bộ.
Sửa nó? đúng là nằm mơ giữa ban ngày.

Trần Mộng Lâm
bobinh
Posts: 221
Joined: Fri Feb 26, 2010 1:35 am
Contact:

Post by bobinh »

HRW - Việt Nam cần sửa đổi hiến pháp để bảo vệ nhân quyền.

Việt Nam: Sửa đổi Hiến pháp để Bảo vệ Nhân quyền

Quốc Hội cần cải tổ hệ thống nặng tính đàn áp và tiếp nhận các tiêu chuẩn quốc tế
(New York) – Trong một văn thư vừa gửi tới Chủ tịch Quốc Hội, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Quốc Hội Việt Nam cần đảm bảo bản hiến pháp sửa đổi của Việt Nam đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Quốc Hội Việt Nam đang xem xét và dự định sẽ bỏ phiếu về các nội dung sửa đổi hiến pháp trong phiên họp từ ngày 21 tháng Mười đến ngày 30 tháng Mười một năm 2013.


Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng các nghị viên Quốc Hội đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử và, bất chấp các yêu cầu của Đảng Cộng sản đang cầm quyền, nên sử dụng thời cơ này để mang lại những thay đổi có ý nghĩa cho một hệ thống hiến pháp và pháp luật vốn đã cản trở người dân Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản một cách có hệ thống. Lần gần đây nhất bản Hiến pháp Việt Nam 1992 được sửa đổi là vào năm 2001.

“Đây là cơ hội duy nhất trong cả một thế hệ để thay đổi hiến pháp Việt Nam sao cho các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo đảm, ví dụ như quyền kêu gọi dân chủ hay thành lập các công đoàn độc lập và các tổ chức chính trị độc lập”, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Quốc Hội không nên chỉ thực hiện những thay đổi sơ bộ đối với một hệ thống pháp lý mang nặng tính đàn áp, mà cần đáp ứng các yêu cầu của công chúng và bắt tay vào cải tổ hiến pháp một cách cơ bản.

Dù Việt Nam đang là một nhà nước độc đảng và Đảng Cộng sản kiểm soát quá trình nghị sự, nhưng theo luật việc sửa đổi hiến pháp thuộc thẩm quyền của Quốc Hội. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một số nội dung sửa đổi hiến pháp được đề xuất chính thức có thể tạo những tiến bộ về nhân quyền. Cụ thể như, “nhân quyền” chỉ được nhắc tới một lần duy nhất, mang tính hình thức trong bản Hiến pháp 1992, nhưng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bản dự thảo lần này với cách thể hiện cho thấy rằng nhân quyền thuộc về tất cả mọi người ở Việt Nam, bất kể có phải là công dân Việt Nam hay không. Những tiến bộ khác trong bản dự thảo gồm có các điều khoản về phân biệt đối xử, về tiếp cận trợ giúp pháp lý, về xét xử công bằng, về cưỡng bức lao động và điều khoản thành lập Hội đồng Hiến pháp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều khoản loại trừ và các lỗ hổng pháp lý làm yếu đi đáng kể các nội dung về quyền con người cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và hội họp, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Dự thảo sửa đổi nội dung điều 4 Hiến pháp, vốn gây nhiều tranh cãi, lại nới rộng thêm điều kiện cho Đảng Cộng sản tuyên bố về quyền lãnh đạo đất nước – ghi nhận rằng Đảng này là “đội tiên phong” của không riêng gì “giai cấp công nhân” Việt Nam như trong Hiến pháp 1992, mà còn của cả “dân tộc Việt Nam”, khiến cho đa nguyên chính trị và bầu cử chính trị định kỳ thực chất trở nên bất khả thi.

Để thực hiện được một chương trình cải tổ thực thụ, bảo đảm các quyền tự do và nhân quyền cơ bản, bản hiến pháp phải đáp ứng được các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên của các công ước, hiệp ước quốc tế về nhân quyền đồng thời đảm bảo khả năng thực thi pháp lý của các điều khoản đó trong lãnh thổ Việt Nam. Bản hiến pháp cần có các điều khoản quy định rằng bất cứ sự hạn chế nào đối với nhân quyền và quyền tự do chỉ có thể là điều kiện cần thiết trong một xã hội dân chủ, và không cho phép các cơ quan nhà nước hay tòa án được vi phạm các quyền con người đã được quốc tế công nhận.

“Nhân dân Việt Nam đang chất vấn một cách chính đáng rằng liệu một bản hiến pháp mới có mang lại thay đổi cho đời sống của mình hay chỉ là những ngôn từ đẹp đẽ trên giấy tờ”, ông Adams nói. “Có quá nhiều điều khoản loại trừ và lỗ hổng khiến người ta có thể thắc mắc rằng liệu việc sửa đổi hiến pháp lần này có phải chỉ đơn thuần là một bài toán về quan hệ công hay không. Nếu có ý định nghiêm túc về cải tổ, Đảng Cộng sản sẽ để cho Quốc Hội chứng minh rằng những kẻ hoài nghi đã nghĩ sai.”

Dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam được chính thức công khai với công chúng và công chức nhà nước vào ngày mồng 2 tháng Giêng năm 2013, với việc công bố những nội dung dự kiến thay đổi so với bản Hiến pháp 1992 hiện hành. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, chính phủ đã mời người dân đóng góp ý kiến về dự thảo. Hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã viết thư góp ý.

Những người dân Việt Nam có can đảm vận động để thay đổi hiến pháp đã trở thành đối tượng của một chiến dịch chính thức nhằm ngăn chặn những quan điểm không vừa ý nhà nước, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. Điều này có vẻ là một nguyên nhân chính trong vụ bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân vào ngày 27 tháng Mười hai năm 2012, sau đó ông bị xử vào ngày mồng 2 tháng Mười vừa qua với mức án 30 tháng tù về tội danh trốn thuế ngụy tạo. Những người lên tiếng phê bình một cách ôn hòa khác, như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, blogger Nguyễn Hữu Vinh và nhà hoạt động Phật giáo Lê Công Cầu cũng là nạn nhân của chiến dịch này.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa thể hiện các dấu hiệu cho thấy họ nghiêng về giải pháp bớt tính đàn áp hơn trong vấn đề các quyền cơ bản của con người. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong một bài phát biểu ngày 19 tháng Ba về sửa đổi hiến pháp rằng Đảng Cộng sản, nhà nước, và “mọi người dân” phải đấu tranh với các lời nói và việc làm không với tinh thần xây dựng, gây phương hại, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội.” Như để củng cố thêm ý tưởng này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trong ngày 27 tháng Ba rằng bản hiến pháp mới phải thể hiện được tâm nguyện của Đảng Cộng sản.

“Thật là hết sức hài hước khi mời công chúng đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi hiến pháp để rồi bỏ tù những người thể hiện quan điểm riêng của mình,” ông Adams nói. “Nếu bản hiến pháp mới thực hiện được một việc, việc đó phải là chấm dứt tùy tiện sử dụng pháp luật để bỏ tù những người lên tiếng phê bình một cách ôn hòa.”

Nguồn HRW
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

TC Bị Ghét Nhứt Hoàn Cầu

Tác giả : Vi Anh

Hiện thời Hoa kỳ và Trung Cộng là đệ nhứt và đệ nhị siêu cường kinh tế thế giới. Nhưng theo sưu khảo của tổ chức PEW, Trung Cộng là chế độ bị ghét nhứt hoàn cầu, Mỹ bị ít hơn.

Tổ chức PEW chuyên nghiên cứu dư luận trên toàn cầu gần đây có tổ chức một cuộc thăm dò xem các nước nhìn thế nào về hai siêu cường kinh tế này. Thăm dò TC làm trên 37,000 người xuyên qua 39 quốc gia từ tháng Ba đến tháng Năm năm nay.

Kết quả cho thấy đại đa số cho TC là một siêu cường, nhưng bị ghét nhứt thế giới. Ghét TC nhứt là dân Mỹ, kế là Đức, Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bổn. Còn Nga, Pakistan, Chile, Venezuela, Brazil và nhiều nước ở Phi Châu thì đỡ hơn, ít ghét TC hơn những nước vừa kể. Lý do ít ghét của những nước này vì TC mua rất nhiều nguyên liệu như đồng của Chile, đậu tương của Brazil và dầu lửa từ Venezuela. Nhưng lý do kinh tế chưa hẳn là yếu tố cảm tình vì chỉ có 28% người Đức có thiện cảm với TC dù TC mua rất nhiều hàng hoá, máy móc của Đức, dù Đức có phân nửa dân số là người Đông Đức từng sống trong chế độ CS, nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel cũng là người Đông Đức, và Đức kinh tế vững mạnh nhứt ở Liên Âu tin rằng kinh tế TC vượt qua Mỹ.

Không phải riêng Đức mà 4 quốc gia lớn nhất châu Âu – Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh – cũng tin TC đã vượt qua Mỹ.

Còn ở Á châu, các nước Á châu Thái Bình Dương nhứt là Nhựt, Phi luật Tân, Nam Hàn thì quá ghét TC sau những hành động TC ngang ngược xâm lấn tranh chấp biển đảo của các nước Á châu Thái Bình Dương. Ghét TC nhứt là Nhựt, chỉ có 5% người dân Nhựt tỏ ra thông cảm với TC.

Không thấy VN nằm trong danh sách được thăm dò nhưng thời sự VN cho thấy người dân Việt ghét cay ghét đắng TC, coi TC như quân Tàu xâm lăng và thống trị VN qua 1,000 năm ba lần Bắc Thuộc trong lịch sử 4,000 năm của VN.

Phân tích thành phần của cuộc thăm dò, người ta thấy lớp trẻ thuộc lứa tuổi 18-29 có cái nhìn đỡ hơn đối với TC so với lứa tuổi trên 50. Theo lý giải của những người làm sưu khảo thì, một mặt trên phương diện thế giới quan, lớp người dưới 30 tuổi sanh ra, lớn lên và sống trong một thế giới tương đối hoà bình nên ít chú ý tới tình hình các nước. Và mặt khác lớp trẻ được hỏi đa số sống trong các nước tự do, chưa kinh nghiệm chánh trị nhiều, không có kinh nghiệm CS, bản chất ngây thơ, vô tư, tưởng đâu nước nào cũng như nước mình, tự do, dân chủ đương nhiên có như nước mình.

Vả lại từ khi TC gọi là đổi mới kinh tế - thực ra, đúng ra là trở lại kinh tế thời Trung Hoa lấy tư nhân làm gốc - hầu hết các nước trong Thế giới Tự do rất lạc quan về sự tăng trưởng của TC, nhiều năm tỷ lệ tăng trưởng trên 10%, nên báo chí Tây Phương hễ nói tới TC là nói tới tăng trưởng kinh tế,

Nhưng đi sâu vào TC, người ta thấy TC tăng trưởng kinh tế, chớ không phát triễn kinh tế. Đảng giàu mạnh nhưng dân chúng thì không. Đối nội chưa bao giờ đất nước và nhân dân TQ xã hội bị phân hoá, hố sâu ngăn cách nghèo giàu sâu rộng, môi sinh ô nhiễm trầm trọng, tham nhũng tràn lan như bây giờ.

Đối ngoại chưa bao giờ hàng hoá TC sản xuất chánh yếu là rẻ tiền để xuất cảng, thu ngoại tệ mạnh về cho Đảng – hàng hoá đó đang bị hầu như cả thế giới lo ngại là hàng gian, hàng giả, hàng độc; báo chí trên thế giới không ngày nào không có tin báo động coi chừng “Chết vì TC” như tựa cuốn sách xuất bản ở Mỹ thành sách gối đầu giường cho một số chánh khách và doanh nhân trên thế giới. Trong những lý do TC bị ghét cả hoàn cầu có lý do hàng độc, hàng giả của TC.

Nói TC đệ nhị siêu cường kinh tế thế giới trở thành chế độ bị hoàn cầu ghét nhứt, mà không nói tới Mỹ đệ nhứt siêu cường thế giới, là thiếu sót, là chủ quan nhứt là người viết là người Mỹ gốc Việt.

Cũng theo cuộc thăm dò của PEW, kết quả cho thấy có 10 nước thích và ghét Mỹ. Thăm dò này PEW thực hiện trong khi chánh quyền Mỹ đóng cửa từng phần vì cuộc khủng hoảng ngân sách, báo chí la làng lên là Mỹ phá sản, vỡ nợ, mất tự lực thanh toán nếu Hành Pháp và Lập Pháp, hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ ở Hạ và Thượng Viện không thoả hiệp thông qua một ngân sách tạm thời nào đó.

Những nước thích Mỹ nhứt, đứng đầu sổ là Philippines ở Á châu, với 85% dân chúng có thiện cảm với nhân dân và chánh quyền Mỹ. Quá dễ hiểu vì Philippines đang nhờ cậy Hoa Kỳ rất nhiều trước áp lực của Trung Quốc lấn đảo, chiếm biển của Phi Luật tân.

Kế là Do Thái ở Trung Đông, với 81% dân chúng thích, Kenya ở Phi Châu (nguồn cội của TT Obama) với 81%, El Salvador ở Nam Mỹ với 79%. Và Nam Hàn ở Á châu đứng thứ 7 với 78%; Ý 76% ở Âu châu; Uganda ở Phi châu 73%, và Brazil ở Nam Mỹ 73%.

Ở đời có kẻ thương thì cũng có người ghét, nhứt là đối với một nước như Mỹ đệ nhứt siêu cường kinh tế, chánh trị và quân sự từ sau Thế Chiến thứ 2 tới giờ. 10 quốc gia ghét nước Mỹ nhất, vẫn theo thăm dò của PEW, thứ nhất là Pakistan, chỉ có 11% dân chúng có thiện cảm với nước Mỹ. Không có gì khó hiểu, vì Pakistan là nơi Hoa Kỳ có những cuộc không kích bằng máy bay không người lái, giết hại những cốt cán của Al Qaeda và đột kích giết Bin Laden trùm khủng bố quốc tế sống trong một khu quân sự của Quân Đội Pakistan, làm thế giới coi Pakistan là nước chứa chấp đầu não quân khủng bố al-Qaeda.

Kế tiếp là nước Jordan 14%, lãnh thổ Palestine và Ai Cập đều 16%, Thổ Nhĩ Kỳ 21%, Hy Lạp 39%. Đối thủ bên kia bờ Thái Bình Dương là Trung Quốc đứng thứ 7 trong danh sách ghét nước Mỹ với 40%. Kế đến là Argentina 41%, Tunisia 42%, và Lebanon 47%.

Không thấy thăm dò CS Bắc Hàn ở Á châu, có lẽ đó là một chế độ độc tài đảng trị toàn diện, khép kín nhứt thế giới.

Sau cùng thăm dò xã hội học chỉ là khoa học nhân văn, chớ không phải khoa học thực nghiệm hay khoa hoc chính xác như toán 2+2 = 4. Thăm dò luôn có xác suất +, -- 3 %. Giá trị của nó chỉ tương đối thôi./. (Vi Anh)
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

‘Thất vọng về sửa đổi Hiến pháp’
Không ít người tỏ ra thất vọng với Hiến pháp dự kiến sắp thông qua

Việc Quốc hội Việt Nam sắp thông qua Hiến pháp sửa đổi sẽ gây thất vọng lớn trong nhân dân, theo một số nhà quan sát từ Việt Nam.

Lý do của sự thất vọng là hầu như những điều người dân góp ý kiến không được đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc và và đã bị bác bỏ, theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên ban tư vấn Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với BBC hôm 27/10/2013 từ Hà Nội, Tiến sỹ Doanh, người cũng là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:

“Thí dụ như Hội đồng Hiến pháp không được lập, hay lại đưa lại câu kinh tế nhà nước là chủ đạo, mặc dù rằng kinh tế nhà nước bao gồm những gì, doanh nghiệp nhà nước hiện nay như thế nào, cơ chế quản lý như thế nào.”

“Có nước nào quy định như vậy hay không và quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo có phù hợp với quy định rằng các thành phần kinh tế là bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật hay không?”

Tiến sỹ Doanh cho rằng không chỉ có người dân băn khoăn về lần sửa đổi Hiến pháp này, đặc biệt về chất lượng và cách thức, mà ngay trong các đại biểu quốc hội có trách nhiệm cũng có những tâm tư tuy không thể nói ra công khai.

Ông nói: “Hiện nay có thể nói trong rất nhiều đại biểu Quốc hội, họ đang âm thầm phát biểu ý kiến ở tổ, chứ ở hội trường, họ cũng dè dặt, và trong chỗ riêng tư, họ cũng trao đổi.”

“Và người dân rất quan tâm nếu như thông qua Hiến pháp như hiện nay, những vấn đề đang đứng trước Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam, xã hội Việt Nam, sẽ được giải quyết như thế nào.”

‘Không tiếp thu’

Tiến sỹ Doanh nói thêm rằng việc sửa đổi Hiến pháp đã gây rất thất vọng còn vì đã lãng phí 2lớn về mặt ngân sách nhà nước và thời gian trong xã hội nếu tính tới yếu tố hiệu quả.

Về các tổn phí trong đợt lấy ý kiến và thảo luận sửa đổi Hiến pháp, ông nói:

“Các cuộc họp ấy tốn ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, không kể chi phí thời gian, cũng như không kể chi phí của các cấp, các ngành tự chi ra, để dẫn đến là hầu như không có ý kiến nào đóng góp đã được tiếp thu cả.”

Mặt khác, theo Tiến sỹ Doanh, việc kêu gọi một đằng, tiếp thu một nẻo mà hầu như không tiếp thu gì có thể gây nên sự phân vân trong niềm tin của dân với Đảng và chính quyền.

Ông nói: “Khi đưa ra lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp không có bất kỳ sự hạn chế nào, người dân và rất nhiều các giới, kể cả các giới tôn giáo đều đóng góp ý kiến một cách rất chân thành và xây dựng.”

“Sau đó lại bị kết án là suy thoái về đạo đức và suy thoái chính trị và đến bây giờ thì bị bác bỏ hoàn toàn những ý kiến đóng góp đó.”

“Ngay cả dự thảo đầu tiên không có mục, không có câu ‘kinh tế nhà nước là chủ đạo’, thì ngày nay lại được đưa lại nữa, làm cho sự thất vọng của người dân và những người chân thành đóng góp ý kiến là hết sức to lớn.”

Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội nói với BBC trong quần chúng và các giới chuyên môn đã có sự giảm sút sự quan tâm với lần sửa đổi Hiến pháp trong vòng gần một năm qua.

Ông nói: “Hiến pháp sửa đổi không khác gì so với Hiến pháp cũ, mặc dù cũng có một vài điểm sửa đổi có thể bình luận thế này, thế khác, nhưng nói chung đó không phải là những điểm quan trọng với một bản Hiến pháp.”

‘Không còn quan tâm’

3Về sự quan tâm của cộng đồng và người dân với dự thảo sửa đổi và lần sửa đổi hiến pháp, luật sư Hải nói:

“Gần đây người ta cũng không quan tâm lắm nữa, bằng chứng là những bài viết về hiến pháp không được độc giả quan tâm, bình luận nhiều. Có thể người ta thấy không khác gì mấy hoặc ý kiến của người ta không được chú ý, nên cũng không quan tâm so với cách đây khoảng nửa năm.”

Hôm Chủ Nhật, trao đổi với BBC, luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, từ Hà Nội, cho rằng người dân Việt Nam có thể sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa để có thể có được một bản hiến pháp do chính họ làm ra.

Ông nói: “Theo tình hình chính trị hiện nay, chúng ta không thể trông chờ vào những người cộng sản tự nguyện để xây dựng nên một bản hiến pháp phục vụ cho lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam, mà cái này hoàn toàn trông chờ vào người dân Việt Nam thôi.”

“Khi người dân chưa hiểu biết hết về quyền lợi của họ và họ cũng chưa dám đứng lên để đòi hỏi quyền lực của mình, thì đây là một tiến trình rất xa.”

Tuy nhiên, luật sư Đài bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ hội đủ điều kiện để tiếp cận một bản Hiến pháp như ý dân.

“Hy vọng trong tương lai không xa người dân sẽ hiểu mình cần phải làm gì để đất nước Việt Nam có thể phát triển, có thể giàu mạnh cũng như có thể hội nhập quốc tế được.”

“Lúc đó mới hy vọng có được một bản Hiến pháp đáp ứng được đòi hỏi tự do, dân chủ của dân,” ông nói với BBC.

BBC
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

VĂN BÚT QUỐC TẾ HỌP ĐẠI HỘI THẾ GIỚI Ở REYKJAVIK THỦ ĐÔ ISLANDE
ĐỒNG THANH LÊN ÁN CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN HÀ NỘI
Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, Đại Hội Thế Giới kỳ thứ 79 của Văn Bút Quốc Tế vừa diễn ra tại Reykjavik, thủ đô nước Islande từ ngày 9 đến 13 tháng 9 năm 2013. Chủ đề của Đại Hội là Biên giới Kỹ thuật số - Quyền Ngôn Ngữ và Quyền Tự Do Ngôn Luận. Có 70 Trung tâm Văn Bút gởi đại biểu tới ‘’Thành Phố Văn Chương của UNESCO’’. Phái đoàn Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại gồm có nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, đệ nhứt phó chủ tịch (Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm tù), nhà văn Zeki Ergas, tổng thư ký (Ủy Ban Nhà Văn vì Hòa Bình), nữ tiểu thuyết gia Fawzia Assaad, cựu chủ tịch, đại diện Văn Bút Quốc Tế tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và nhà văn nữ Clara Franceschetta (Ủy Ban Nhà Văn Nữ).

Trong phiên họp khoáng đại sáng ngày 12 tháng 9, Đại hội đồng Đại biểu đồng thanh thông qua Bản Quyết Nghị về Việt Nam. Bản Dự thảo Quyết Nghị được Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại đề nghị, với sự tán trợ của ba Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức Thoại, Thụy Sĩ Ý Thoại và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Qua Bản Quyết Nghị, Văn Bút Quốc Tế bày tỏ sự Bất bình và phẫn nộ vì ‘’được khẩn báo về tình trạng sức khỏe và điều kiện giam cầm của nhiều nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử và nhà hoạt động bênh vực nhân quyền bị hành hạ và ngược đãi’’. Văn Bút Quốc Tế nhận xét rằng ‘’Trong 12 tháng qua, tình hình của các nhà văn bị hành hạ và ngược đãi tại Việt Nam càng tồi tệ hơn nữa. Công an đã tăng cường đàn áp quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm, ở trong lẫn ở ngoài không gian mạng Internet bằng cách cho áp dụng những điều luật hình sự nhằm hủy diệt quyền tự do. Đặc biệt là điều 88 ‘’Tuyên truyền chống nhà nước’’ trù liệu những án tù giam đến 20 năm. Hay là điều 258 ’’Lạm dụng các quyền tự do dân chủ’’, án tù giam đến 7 năm’’. Cũng không quên tố cáo cái gọi là pháp lệnh 44 cho phép quản chế hành chính mà không xét xử, và nhứt là việc cho áp dụng kể 1 tháng 9 mới đây, nghị định 72 cấm chỉ người Việt Nam sử dụng Internet để bàn luận về chuyện thời sự và ngăn chận sự phổ biến trên mạng những tài liệu "chống đối’’ chính phủ hoặc ‘’xâm phạm an ninh quốc gia’’. Hiệp Hội Nhà Văn Thế Giới ‘’Cực lực lên án những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm tại Việt Nam và thúc giục nhà nước CHXHCNVN (tức là chế độ Cộng sản Hà Nội)

- Trả tự do, ngay lập tức và không điều kiện, nhà thơ Nguyễn Hữu Cầu, linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà báo Nguyễn Văn Hải, bà Hồ Thị Bích Khương, bà Tạ Phong Tần và tất cả những nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử đang bị nhốt tù, quản chế hoặc giam cứu vì đã hành sử quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm của mình’’.

Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã đích thân trình bày toàn văn bản dự thảo Quyết Nghị lúc duyệt xét tại phiên họp của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù. Trước khi Đại hội đồng Đại biểu thông qua Quyết Nghị, nhà thơ Việt Nam lưu vong đã phát biểu : Giống như các văn thi hữu, chúng tôi, Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, thiết tha gắn bó, trung thành với tinh thần Hiến chương Văn Bút Quốc Tế. Những nỗi đau thương áp đặt một cách quá bất công đối với các nhà văn ở Việt Nam, cũng như ở những nơi khác, tiếp tục tra hỏi chúng tôi và làm chúng tôi thêm lo lắng. Ở đất nước xinh đẹp nhưng xa xôi đó - nước Việt Nam từng bị chia cắt, tan nát bởi nhiều cuộc chiến tranh kéo dài, muốn được sống tự do, độc lập và trung thực, một tác giả phải chiến đấu chống lại cái bóng đen của nhân viên an ninh phường hay quận huyện, ​​chống lại sự dối trá của nhà nước, mối đe dọa bị bắt, bị tra tấn, bị kết án tù và bị lưu đày trong các trại lao động cưỡng bức chỉ vì dám viết ra và nói lên ý kiến ​​của mình. Cảm ơn sự đoàn kết và sự ủng hộ của quý bạn dành cho bản Quyết Nghị này’’.

Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại có đề nghị ghi thêm trong Dự thảo Quyết Nghị lời ‘’Chào đón bà Nguyễn Phương Uyên và ông Phan Thanh Hải được ra khỏi nhà tù và yêu cầu bải bỏ tất cả những sự hạn chế còn lại đối với hai tác giả viết nhựt ký điện tử’’. Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đồng ý với đề nghị nhưng có lưu ý Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù về sự kiện bà Nguyễn Phương Uyên ‘’không được tha bổng’’ và bà bị áp đặt ‘’bản án 3 năm tù treo’’* (có ghi trong Quyết Nghị). Còn về nhà báo Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải, ông chỉ được về với gia đình sau khi mãn hạn 3 năm tù giam, nhưng ông còn bị kiềm tỏa bởi ‘’3 năm tù quản chế’’. Hai bản án tù - kể cả án tù treo hay thử thách và tù quản chế - hoàn toàn vi luật quốc tế, bất công và vô nhân đạo, cho nên chúng ta không thể chấp nhận và bỏ qua được.

Được biết bên cạnh ông chủ tịch Vũ Văn Tùng còn có bà Vũ Tuyết Yên, vợ ông, cũng là đại diện chính thức của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Đại hội đồng Đại biểu đã biểu quyết chấp thuận tất cả 18 Quyết Nghị, gồm có

- 15 Quyết Nghị liên quan đến Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù : Ai Cập, Liên bang Nga, Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Trung Cộng, Cuba, Việt Nam cộng sản, Erythrée, Belarus, Châu Mỹ la tinh, Syrie, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Tạng (bị chiếm đóng) và Sự theo dõi vi phạm quyền Tư riêng, và

- 5 Quyết Nghị liên quan đến Ủy Ban Phiên Dịch và Quyền Ngôn Ngữ : Tiếng Kurde, Tiếng Bồ Đào Nha, Tiếng Basque ở Navarre (Tây Ban Nha), Tiếng Arpitan ở Thụy Sĩ và Hiến chương Âu châu về những ngôn ngữ Vùng hoặc Thiểu số.

Riêng Quyết Nghị về Liên bang Nga, sau khi được biểu quyết, toàn thể đại biểu tuần hành từ Trung tâm Hội Nghị Harpa đến tận tòa đại sứ Nga để văn hữu John Ralston Saul, chủ tịch Văn Bút Quốc Tế, trao Quyết Nghị này cho một nhà ngoại giao Nga.

Chúng tôi có đính theo Bản Tin này Quyết Nghị về Việt Nam với văn bản tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Theo yêu cầu của Văn Bút Quốc Tế, nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã phiên dịch ra tiếng Pháp các Quyết Nghị về Ai Cập, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các văn bản tiếng Anh được tu chỉnh tiếp theo cuộc duyệt xét tại các phiên họp của Ủy Ban liên hệ.

Ngoài các buổi họp công tác, các văn thi hữu còn tham gia chương trình sinh hoạt văn học nghệ thuật, hội thảo chung quanh chủ đề ‘’Giải thoát Tiếng Nói’’ của Văn Bút Quốc Tế, kết hợp với Đại Hội Văn chương Quốc tế. Đông đảo thi văn hữu, kể cả nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, đã đọc thơ văn tại các Thư viện, Trung tâm Văn hóa Pháp và Phòng họp của các khách sạn lớn. Bộ trưởng Văn Hóa, Đô trưởng Reykjavik, Đại sứ Cộng Hòa Liên Bang Đức và thi văn hữu Hội Nhà Văn Islande đã niềm nỡ tiếp đón các đại biểu Văn Bút Quốc Tế.

Đại Hội năm nay là dịp giới thiệu ba nhà văn trẻ được vào chung kết Giải thưởng ‘’Những Tiếng Nói Mới’’ của Văn Bút Quốc Tế : Masande Ntshanga (Nam Phi), José Pablo Salas (Mễ Tây Cơ) và Claire Battershill (nữ sĩ Gia Nã Đại). Nhà văn ‘’Mầm Non’’ Masande Ntshanga là khôi nguyên ‘’Những Tiếng Nói Mới’’ năm 2013.

Đại Hội cũng nồng nhiệt chào mừng hai Trung tâm Văn Bút mới thành lập là Delhi (Ấn Độ) và Miến Điện. Nhân dân Miến Điện nhờ biết đoàn kết, sáng tạo, kiên trì và anh dũng tranh đấu đã vượt thoát được chế độ độc tài quân phiệt bản xứ. Tấm gương đó càng làm chúng ta thêm tin tưởng vào cuộc thắng lợi sau cùng và nhứt định của chính nghĩa những thế hệ trẻ Việt Nam yêu nước, thương đồng bào, quý chuộng Nhân Ái, Công Lý và Hòa Bình.

Chúng tôi rất tiếc khuôn khổ hạn hẹp của bản tin phổ biến trên mạng Internet không cho chúng tôi được giới thiệu cùng quý bạn đọc và diễn đàn bản tường trình đầy đủ về Đại Hội Văn Bút Quốc Tế của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt. Tài liệu được viết bằng tiếng Pháp dành cho Ban Chấp hành và văn thi hữu hội viên Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại. Chúng tôi hy vọng có dịp trở lại vấn đề này vì có nhiều điểm đáng nêu ra liên quan đến Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm tù.


Genève ngày 27 tháng 10 năm 2013
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland

* Nghị định số 61/200/NĐ-CP 30.10.2000 Quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo.


Nguồn tin: nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại (Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù), hội viên Trung tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong, Hội Nhà Văn Liên Hiệp Quốc Genève và Hội Nhà Văn và Nhà Phiên Dịch Vùng Á Châu – Thái Bình Dương.

Tài liệu: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ.

Ghi chú: Bản tiếng Việt của Quyết Nghị về Việt Nam được bà Nguyễn Ngọc và ông Hà Tản Viên thực hiện từ hai bản tiếng Pháp và tiếng Anh của Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại. Văn Bút Quốc Tế cung cấp bản tiếng Tây Ban Nha.

Quyết Nghị về Việt Nam do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại soạn thảo và đề nghị với sự tán trợ của các Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức thoại, Văn Bút Thụy Sĩ Ý thoại và Réto-romanche và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại

Hội đồng Đại biểu của Văn Bút Quốc Tế họp Đại Hội Thế Giới kỳ thứ 79 tại Reykjavik, nước Islande, từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 9 năm 2013

VIỆT NAM : Trong 12 tháng qua, tình hình của các nhà văn bị hành hạ và ngược đãi tại Việt Nam càng tồi tệ hơn nữa. Công an đã tăng cường đàn áp quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm, ở trong lẫn ở ngoài không gian mạng Internet bằng cách cho áp dụng những điều luật hình sự nhằm hủy diệt quyền tự do. Đặc biệt là điều 88 ‘’Tuyên truyền chống nhà nước’’ trù liệu những án tù giam đến 20 năm. Hay là điều 258 ‘’’’Lạm dụng các quyền tự do dân chủ’’, án tù giam đến 7 năm. Ngoài ra, pháp lệnh 44 cho phép quản chế hành chính mà không xét xử và lạm dụng đưa người bất đồng chính kiến ​​vào bệnh viện tâm thần. Các tòa báo in, các cơ quan truyền thông đại chúng (phát thanh và truyền hình), mạng Internet và các cơ sở xuất bản bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ hoặc chịu sự kiểm duyệt gắt gao. Việc hạn chế tùy tiện trắng trợn vẫn còn hiệu lực đối với quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và trao đổi tin tức, nhứt là tin tức nhằm xác định trách nhiệm đối với các hành động vi phạm nhân quyền, tham nhũng và bất công xã hội. Có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 mới đây, nghị định 72 cấm chỉ người Việt Nam sử dụng Internet để bàn luận về chuyện thời sự và ngăn chận sự phổ biến trên mạng những tài liệu "chống đối’’ chính phủ hoặc ‘’xâm phạm an ninh quốc gia’’. Nhiều nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử và các nhà hoạt động bênh vực nhân quyền là nạn nhân của những vụ gây hấn để đánh đập tàn nhẫn, những vụ bắt giữ độc đoán, những sự đối xử hung ác của công an cùng những trận đòn tra tấn, những sự giam cứu kéo dài, những phiên tòa thiếu công minh và những bản án tù bất công. Trong các trại lao động cưỡng bức, tù nhân từ chối nhận tội hoặc tuyệt thực để phản đối các điều kiện giam cầm vô nhân đạo đều bị biệt giam. Tù nhân mắc bệnh nặng bị tước quyền được chăm sóc y tế thích hợp và được gặp gia đình tới thăm nom.

Chào đón bà Nguyễn Phương Uyên và ông Phan Thanh Hải được ra khỏi nhà tù, và yêu cầu bải bỏ tất cả những sự hạn chế còn lại đối với hai tác giả này.

Bất bình và phẫn nộ vì được khẩn báo về tình trạng sức khỏe và điều kiện giam cầm của nhiều nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử và nhà hoạt động bênh vực nhân quyền bị hành hạ và ngược đãi. Trong số những trường hợp nguy cấp nhứt :


- Ông Nguyễn Hữu Cầu là nhà thơ, nhà soạn nhạc và viết lời ca tiếng hát, và nhà hoạt động chống tham nhũng. Ông bị bắt hồi tháng 10 năm 1982 và bị kết án tử hình năm 1983 vì là tác giả của những bài hát và bài ​​thơ bị coi là ''phạm tội''. Ông đã viết những lời tố cáo hai viên chức cấp cao cộng sản hãm hiếp và tham nhũng. Hành vi đó khiến cho ông bị buộc tội ‘’phá hoại’’, gây tổn thương cho hình ảnh của chế độ. Ông không nhận tội. Án tử hình được đổi thành án tù chung thân năm 1985. Kể từ đó ông bị biệt giam trong một trại tù ở sâu trong rừng. Ông bị mù mắt trái hoàn toàn. Thị giác mắt phải của ông ngày càng trở nên mờ đục. Ông gần như điếc. Ông bị suy tim nặng, bệnh tình càng bi đát hơn vì thiếu chăm sóc y tế thích đáng và các điều kiện giam cầm thật tồi tệ.

- Linh mục Nguyễn Văn Lý từng là biên tập viên của tạp chí Tự do Ngôn luận (bất hợp pháp đối với cộng sản). Năm 2007, linh mục bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm tù quản chế. Linh mục không nhận tội. Nhắc lại, linh mục từng bị tù giam 15 năm trong thời gian 1977 - 2005. Tháng 11 năm 2009, linh mục bị tai biến mạch não gây liệt nửa người phải. Tháng 3 năm 2010, sợ linh mục Nguyễn Văn Lý sẽ chết nếu bị tai biến mạch não một lần nữa, Cộng sản quản thúc vị tù nhân giữa thành phố Huế, có công an kiểm soát. Cuối tháng 7 năm 2011, xe công an áp tải linh mục trở về trại tù. Linh mục vẫn bị liệt một phần cơ thể và chân phải.

- Ông Nguyễn Văn Hải (bút hiệu Điếu Cày) là nhà báo và tác giả nhựt ký điện tử, đồng sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Đáng lẽ ông phải được trả lại tự do từ tháng 10 năm 2010 sau khi mãn hạn án tù giam (2 năm 6 tháng) về cái tội mà cộng sản đã gian dối dựng lên gọi là ‘’trốn thuế’’ hồi tháng 9 năm 2008. Thay vì vậy, ông bị chúng nhốt bí mật trong một trại giam. Ông không được gia đình thăm nom, tiếp nhận thuốc men và cung cấp thêm thức ăn cho tới ngày 2 tháng 5 năm 2012. Ông tuyệt thực để phản đối trong năm 2011. Ông không nhận phạm những tội mới mà công an dựng lên, dựa vào những bài ông viết đã phổ biến trên trang thông tin điện tử của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và trên trang nhựt ký điện tử của ông trước khi ông bị bắt năm 2008. Ngày 24 tháng 9 năm 2012, ông bị kết án 12 năm tù giam và 5 năm tù quản chế về cái tội ‘’tuyên truyền chống nhà nước’’. Tình trạng sức khoẻ của ông rất dễ bị suy sụp và rất yếu kém.

- Bà Hồ Thị Bích Khương là tác giả nhựt ký điện tử và nhà bênh vực nhân quyền. Bà còn là tác giả một cuốn hồi ký viết trong tù, nhiều bài thơ châm biếm và bài báo trên mạng. Được các đài phát thanh ngoại quốc phỏng vấn, bà chỉ trích những sự lạm dụng quyền lực chống lại người nông dân nghèo. Bị bắt hồi tháng 12 năm 2010, mãi đến tháng 12 năm 2011 bà mới bị kết án 5 năm tù giam và 3 năm tù quản chế về cái tội ''tuyên truyền chống nhà nước''. Bà không nhận tội. Bà đã bị giam cầm hai lần trong năm 2005 và 2007. Bà bị hành hung gây thương tích nghiêm trọng và nhiều lần bị bắt giữ ngắn hạn. Bà bị tra tấn trong tù. Tháng 11 năm 2012, bốn thường phạm đã đánh vào mặt, vào bụng và vùng chỗ kín của bà. Bà bị thương nặng. Trước đó, những tên gây hấn khác đánh đập bà đến gãy tay trái lúc bà bị giam cứu. Bị biệt giam, bà tuyệt thực phản đối. Tình trạng sức khỏe của bà rất xấu từ tháng 5 năm 2013.

- Bà Tạ Phong Tần là tác giả nhựt ký điện tử có sáng tác phong phú, nhà luật học và hội viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Bị bắt ngày 5 tháng 9 năm 2011, mãi đến ngày 24 tháng 9 năm 2012 bà mới bị kết án 10 năm tù giam và 3 năm tù quản chế về cái tội ''tuyên truyền chống nhà nước''. Bà là tác giả của hơn 700 bài viết về các vấn đề nhạy cảm, bao gồm tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tịch thu độc đoán đất của người dân cô thế và ngược đãi trẻ con. Những bài viết cho nhựt ký của bà được đọc nhiều nhứt trên các cơ quan truyền thông lớn và được phổ biến trên trang thông tin đài BBC. Từ năm 2008, bà bị tạm giam ngắn hạn nhiều lần. Công an đã sách nhiễu bà thật hung bạo. Đảng cộng sản thu hồi tư cách đảng viên của bà. Ngày 30 tháng 7 năm 2012, bà Mẹ tù nhân Tạ Phong Tần qua đời sau khi tự thiêu để phản đối việc giam cầm bất công con gái của mình. Vẫn không nhận tội, bà Tạ Phong Tần bị hành hạ, ngược đãi trong trại tù. Tình trạng sức khỏe của bà rất xấu.

Cực lực lên án những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm tại Việt Nam và thúc giục nhà nước CHXHCNVN :

- Trả tự do, ngay lập tức và không điều kiện, nhà thơ Nguyễn Hữu Cầu, linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà báo Nguyễn Văn Hải, bà Hồ Thị Bích Khương, bà Tạ Phong Tần và tất cả những nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử đang bị nhốt tù, quản chế hoặc giam cứu vì đã hành sử quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm của mình;

- Chấm dứt tất cả những vụ công kích, sách nhiễu, đe dọa bắt bớ hoặc giam cầm độc đoán đối với những người có quan điểm và chính kiến khác biệt hoặc những người cổ xúy cho tự do tư tưởng, tự do về lương tâm, tôn giáo và tín ngưỡng;

- Cải thiện điều kiện giam cầm trong các nhà tù và các trại lao động cưỡng bức, chận đứng việc các tù thường phạm gây hấn và tấn công các tù nhân ngôn luận và lương tâm, nghiêm cấm và trừng phạt mọi hình thức tra tấn, hành hạ ngược đãi, cho phép các tù nhân ngôn luận và lương tâm mắc bệnh được chữa trị tại bệnh viện, được chăm sóc y tế thích hợp, cũng như tạo điều kiện dễ dàng cho gia đình tới thăm nom;

- Xóa bỏ mọi hình thức kiểm duyệt và giải tỏa các cấm đoán về quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin bằng mọi phương tiện kể cả nhứt là Internet, cũng như quyền tự do hội họp và lập hội, phù hợp với các điều 19, 21 và 22 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (PIDCP/ICCPR).

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bản văn đính kèm: Danh sách (không đầy đủ) các nhà văn, nhà báo và tác giả nhựt ký điện tử bị đàn áp ngược đãi :

1. Đang thọ hình với bản án tù giam nặng nề hoặc án tù treo :

- Ông Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù giam, bà Đặng Ngọc Minh 3 năm tù giam, ông Đặng Xuân Diệu 13 năm tù giam, ông Đinh Đăng Định 6 năm tù giam, ông Đinh Nguyên Kha 4 năm tù giam, ông Hồ Đức Hòa 13 năm tù giam, ông Hồ Văn Oanh 2 năm 6 tháng tù giam, ông Lê Thanh Tùng 5 năm tù giam, ông Lê Văn Sơn 4 năm tù giam, ông Lư Văn Bảy 4 năm tù giam, bà Nguyễn Đặng Minh Mẫn 9 năm tù giam, ông Nguyễn Đình Cương 4 năm tù giam, ông Nguyễn Kim Nhàn 5 năm 6 tháng tù giam, bà Nguyễn Phương Uyên 3 năm tù treo, ông Nguyễn Thanh Long (mục sư Nguyễn Công Chính) 11 năm tù giam, ông Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Duyệt 3 năm 6 tháng tù giam, ông Nguyễn Văn Khương 4 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Oai 3 năm tù giam, ông Nguyễn Xuân Anh 2 năm tù giam, ông Nguyễn Xuân Nghĩa 6 năm tù giam, ông Nông Hùng Anh 5 năm tù giam, ông Phan Ngọc Tuấn 5 năm tù giam, ông Thái Văn Dũng 4 năm tù giam, ông Trần Anh Kim 5 năm 6 tháng tù giam, ông Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù giam, ông Trần Minh Nhật 4 năm tù giam, ông Trần Vũ Anh Bình 6 năm tù giam, ông Vi Đức Hồi 5 năm tù giam, ông Võ Minh Trí (bút hiệu Việt Khang) 4 năm tù giam;

2. Đang bị nhốt tù chờ đưa ra tòa:

- Ông Lê Quốc Quân bị bắt hồi tháng 12 năm 2012, ông Trương Duy Nhứt bị bắt hồi tháng 5 năm 2013, ông Đinh Nhật Uy bị bắt hồi tháng 6 năm 2013 và ông Phạm Viết Đào bị bắt hồi tháng 6 năm 2013 ;

3. Bị quản chế từ năm 2003 :

- Hòa thượng Thích Quảng Độ (thế danh Đặng Phúc Tuệ), 84 tuổi, tu sĩ Phật giáo, nhà thơ.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đại biểu các Trung tâm Văn Bút Quốc Tế đã đồng thanh phê chuẫn Quyết Nghị về Việt Nam tại Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế Reykjavik, thủ đô nước Islande

PEN Algérien – PEN Allemand – PEN Américain – PEN Anglais – PEN Asie Centrale – PEN Autrichien – PEN Basque – PEN Belge d’Expression française – PEN Belge d’Expression flamande - PEN Biélorusse – PEN Cambodgien – PEN Canadien – PEN Catalan – PEN Chilien – PEN Chinois Taipei – PEN Coréen – PEN Croate – PEN Danois – PEN Delhi – PEN Ecossais - PEN Egyptien – PEN Espérantiste – PEN Estonien – PEN Ethiopien – PEN Finlandais – PEN Français – PEN Ghanéen – PEN Guinéen – PEN Haïtien – PEN Hongrois – PEN Indépendant Chinois – PEN des Ecrivains Iraniens en Exil – PEN Iraquien – PEN Islandais – PEN Japonais – PEN Kazakhstan – PEN Kurde – PEN Langue d’Oc – PEN Lituanien – PEN Malawite - PEN Melbourne – PEN Mexicain – PEN Myanmar – PEN des Ecrivains Nord-Coréens en exil – PEN Norvégien – PEN Ougandais – PEN Ouïghour - PEN Pays-Bas – PEN Porto Ricain – PEN Portugais – PEN Slovène – PEN Québécois – PEN Russe – PEN San Miguel de Allende - PEN Serbe – PEN Sud Africain – PEN Suédois – PEN Suisse Allemand – PEN Suisse Romand - PEN Sydney – PEN Tchèque - PEN des Ecrivains Tibétains à l’Etranger – PEN de Trieste – PEN Turquie – PEN des Vietnamiens à l’étranger.
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Tuyên chiến với dân tộc

Bùi Tín (Blog VOA)

Quốc Hội Việt Nam đang họp một phiên họp được coi là dài nhất - 33 ngày - và quan trọng bậc nhất, vì sẽ thông qua bản Hiến Pháp mới và Luật Ðất Ðai (sửa đổi), hàng chục năm mới có một lần.

Xem ra Bộ Chính Trị Trung Ương đảng CS và Ban Thường Vụ Quốc Hội quyết tâm thúc ép gần 500 đại biểu Quốc Hội thông qua với tỷ lệ cao các văn kiện cơ bản trên đây, sau khi Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng (Khóa XI) vừa họp lần thứ 8 đã thông qua một cách khá là trôi chảy, dễ dàng. Họ vẫn quen một lỗi nghĩ đơn giản, coi ý đảng là ý trời. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói rõ Hiến Pháp mới được dự thảo là văn kiện bám chặt theo cương lĩnh của đảng CS đã được Ðại hội đảng XI vạch rõ thêm. Có nghĩa là đảng đứng trên nhân dân, quyền lực đất nước này trước hết nằm trong tay đảng CS. Ðiều đó cũng có nghĩa là tổng bí thư ra lệnh cho tuyệt đại đa số đảng viên CS trong gần 500 đại biểu Quốc Hội - chiếm hơn 90% đại biểu - phải bỏ phiếu thông qua các văn kiện sẽ được đưa ra, theo đúng kỷ luật của đảng, không được thắc mắc, trì hoãn, đặt lại vấn đề gì nữa hết.

Nếp nghĩ của Bộ Chính Trị rất dễ hiểu. Vì xưa nay Quốc Hội đã có bao giờ dám bác bỏ những văn kiện cơ bản do đảng đưa ra. Cái điều khoản trong Hiến Pháp coi Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất chỉ là một vòng trang sức hào nhoáng tròng vào cổ các đại biểu. Chuyện Quốc Hội từng trì hoãn chủ trương làm xe lửa cao tốc đã được dự định chỉ là một chi tiết nhỏ, một trục trặc tạm thời.

Trong Bộ Chính Trị, trong Ban Chấp Hành Trung Ương, có ai lo ngại rằng việc thông qua Hiến Pháp mới và Luật Ðất Ðai (sửa đổi) kỳ này sẽ gặp trở ngại, khó khăn, hay vấp váp không? Không, họ đầy tự tin. Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng còn nói rõ là 2 văn kiện này đã được Ban Thường Trực Quốc Hội hoàn thiện sau khi đã tiếp nhận hơn 20 triệu ý kiến đóng góp của công dân cả nước, do đó không thể thảo luận kéo dài thêm nữa.

Tôi vừa đọc lại toàn “Bản dự thảo Hiến Pháp cuối cùng đã được hoàn thiện” được phổ biến trong Quốc Hội, tôi không khỏi giật mình, kinh hãi về thái độ tự tin thái quá của Bộ Chính Trị, về thái độ khinh thường dân chúng, khinh miệt trí thức của nhóm lãnh đạo cao nhất của đảng CS, về thái độ mù quáng đến liều lĩnh của họ. Tôi băn khoăn tự hỏi, họ mê hay tỉnh? Họ khôn hay dại?

Mù quáng, liều lĩnh, Bộ Chính Trị và Ban Thường Trực Quốc Hội vẫn cho ghi nhiều lần “chủ nghĩa Mác-Lênin” vào Hiến Pháp mới, vẫn giữ “điều 4” về vai trò lãnh đạo toàn trị của đảng Cộng sản, vẫn “quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội”, vẫn “lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo cho nền kinh tế”, và vẫn coi “đất đai và mọi tài nguyên là thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý”. Ðây chính là 5 điều phi lý, mơ hồ, sai lầm tệ hại nhất, rõ ràng nhất, 5 xiềng xích giam hãm xã hội ta trong thân phận nô lệ, 5 cản trở đất nước ta phát triển và hôi nhập với thế giới văn minh.

Ðó chính là thông điệp cô đọng của 14,785 công dân, đa số là trí thức có trí tuệ và tâm huyết, tinh hoa của dân tộc, công khai, minh bạch bác bỏ cả 5 điều phi lý trên đây với lập luận chặt chẽ, đầy tính thuyết phục, liên quan trực tiếp đến bản dự thảo Hiến Pháp mới và Luật Ðất Ðai (sửa đổi) trong bản kiến nghị công khai được giao tận tay ban biên tập dự thảo.

Ban Tuyên Huấn Trung Ương đã huy động hàng mấy chục tuyên truyền viên nói theo công thức giáo điều, nói lấy được, nhưng không có một ai bác bỏ được lập luận của tập thể trí thức trên đây, chỉ phơi bầy sự nghèo nàn về lý lẽ, sự xa rời thực tế và căn bệnh tối tăm về kiến thức khi họ bị lòng tham và quyền lực khống chế.

Dứt khoát việc thông qua dự thảo Hiến Pháp mới và Luật Ðất Ðai (sửa đổi) sẽ không thuận buồm xuôi gió, trái lại nó sẽ vấp phải sự phủ định mạnh mẽ của toàn xã hội do một tập thể trí thức tự tin, gan góc dẫn đầu một cách không thể khoan nhượng nữa. Bởi vì Bộ Chính Trị và Ban Thường Trực Quốc Hội đã hoàn toàn đuối lý về cả 5 vấn đề then chốt trên đây, đã quá chủ quan, tin theo nền nếp cũ, đã dám khiêu khích lương tri dân tộc, dám thách đố sự thật và lẽ phải, dám ngang nhiên nhắm mắt trước yêu cầu cấp bách của toàn dân là phải đổi mới hệ thống chính trị theo hướng từ bỏ độc đoán, chuyên quyền, xây dựng hệ thống dân chủ pháp trị đang thiếu vắng một cách tệ hại và nguy hiểm.

Trên thực tế, Bộ Chính Trị và Ban Thường Trực Quốc Hội đã tuyên chiến với cả khối trí thức dân tộc đã thức tỉnh tự lãnh trách nhiệm lịch sử trước toàn dân, thúc đẫy đà chuyển biến đi lên của đất nước, nhằm hòa nhập với thế giới dân chủ văn minh. Ðiều họ không muốn nhận ra là khối trí thức-dân chủ rất trẻ về tư duy chính trị hiện không còn là đàn cừu để họ chăn dắt, dạy dỗ, dẫn đường nữa. Thế lực này luôn được bổ sung lực lượng trẻ khỏe về kiến thức, dồi dào về sáng kiến, gan góc khi dấn thân, siết chặt hàng ngũ chiến hữu trong đấu tranh, có một dự án chính trị rất rõ ràng là: giữ trọn vẹn nền độc lập, chống bành trướng, thực hiện đầy đủ các quyền tự do của công dân, xây dựng xã hội dân sự năng động, trên nền tảng pháp luật công minh cho mọi người, từ bỏ dứt khoát, không thương tiếc chủ nghĩa Mác-Lênin cổ lỗ, chế độ CS không tưởng, chủ nghĩa xã hội mờ ảo, việc nuông chiều sở hữu quốc doanh hư hỏng.

Sự liên kết, liên minh giữa trí thức với nông dân và quần chúng các tôn giáo luôn đề cao thiện tâm chống cái ác bất kỳ từ đâu, sẽ làm cho cuộc đấu tranh thêm quyết liệt và sâu rộng.

Thêm nữa việc các học giả, trí thức, giáo sư, tiến sĩ, sinh viên ưu tú có mặt trong số 14,785 ngôi sao trí tuệ và tâm huyết dân tộc có thừa kiến thức khoa học, lập luận lô-gích biện chứng để đánh đổ và chôn vùi 5 cột trụ lý sự cùn thô vụng của giới cầm quyền hiện tại. Chênh lệch giữa 2 bên khác biệt hẳn nhau như ánh sáng và bóng tối, như ngày và đêm, như khoa học và tà giáo, như sự ngay thật với dối trá, như lòng yêu nước với dã tâm bán nước, như lòng xót xa thương dân với cú đạp giầy vào mặt dân vậy.

Nếu tổ chức tranh cãi công khai trước truyền hình trong nước, một em sinh viên trẻ như Huỳnh Thục Vy, Ðỗ Thị Minh Hạnh hay Nguyễn Phương Uyên ở phía bên này có thể dễ dàng dồn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và cả Trưởng Ban Tuyên Huấn Trung Ương Ðinh Thế Huynh ở phía cường quyền vào tình thế ấp úng, lúng túng, ngậm hột thị cho mà xem.

Thế lực cai trị đất nước ta đã phơi bày hết dã tâm của họ. Họ đã khinh miệt bác bỏ hết mọi ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm của của nhân dân, coi cả 14,785 công dân yêu nước chỉ bằng con số không, họ vẫn định ép gần trăm triệu dân ta phải nuốt 5 món ăn thiu thối chết người đã bị đông đảo loài người loại bỏ dứt khoát.

Tuy nhiên, thời kỳ tan rã của phong trào Cộng sản thực tiễn, giai đoạn mạt vận của học thuyết Mác-Lênin từng cổ xúy bạo lực, chiến tranh, máu đổ đầu rơi, và tình trạng suy thoái toàn diện của đảng CS Việt Nam không có cách gì cứu vãn nổi.
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Hà Nội quyết duy trì Ðiều 4 Hiến Pháp và Luật Ðất Ðai

Võ Long Triều

Quốc Hội khóa 13 khai mạc phiên họp kỳ thứ 6 ngày 21 tháng 10, 2013 kéo dài đến 30 tháng 10. Theo chương trình dự tính sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Hiến Pháp vào ngày 28 tháng 10, công tác quan trong nhứt của khóa họp này.

Dư luận đã tiên đoán “Quốc Hội chỉ làm theo ý đảng,” ông Phan Trung Lý đại diện cho Ủy Ban Dự Thảo Sửa Ðổi Hiến Pháp xác định trước Quốc Hội rằng: Ủy ban chỉ “bám sát cương lĩnh của đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung Ương Ðảng và Bộ Chính Trị thôi.” Nghĩa là vẫn duy trì Ðiều 4 Hiến Pháp và dành cho nhà nước quyền thu hồi đất đai một cách rộng rãi.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chỉ nên sửa những gì đã tạo được thống nhứt cao, còn cái gì có ý kiến khác nhau thì chưa nên sửa, ông nói: “Tôi thấy tất cả nội dung này đã đáp ứng được tư tưởng đó nên tôi tán thành.” Tuy nhiên, ông đề nghị phải viết lại: Ðảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân... thay vì chỉ viết đảng Cộng Sản lãnh đạo thôi là không ổn, vì như vậy là bỏ chủ thể nhân dân.

Ðiều khôi hài là lần này có thêm cho Ðiều 4 một câu thòng như sau: “Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.” Thế mà nhân dân bị cướp đất, mất nhà, không lãnh được tiền bồi thường xứng đáng, kêu oan mà không có sự hiện diện nào của đảng ngoài những kẻ cướp thuộc quyền đàn áp dân oan. Ðảng phục vụ nhân dân bằng cách nào mà ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng than phiền: Bây giờ ra khỏi nhà cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, nhỏ cũng có.

Và bà Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Tôi càng đi càng buồn, đảng viên cầm quyền ăn của dân không từ một thứ gì.”

Còn đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, tại sao Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo chính phủ tồi tệ, bao che cho thuộc cấp làm thất thoát của nhà nước hàng tỷ Mỹ kim, đến nỗi Bộ Chính Trị đề nghị Trung Ương kỷ luật ông Dũng mà đảng vẫn làm ngơ sợ thù oán. Vậy thử hỏi người dân lấy quyền hạn gì, thế lực nào để phê bình, hay đòi truất phế ông Dũng? Người dân đó sẽ bị đi tù chiếu Ðiều Luật 258. Nếu không đi tù thì cũng bị công an hay côn đồ đánh gãy xương bể đầu. Nhân dân đã nhàm chán những thủ đoạn tuyên truyền giả dối của đảng, phản đối tập thể khắp nơi, đến mức độ nhà nước quá sợ dân biểu tình lật đổ, nên công an quân đội đang tập dợt chống biểu tình lật đổ.

Mặt khác Ðiều 51 Khoản 1 bản dự thảo qui định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, và kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, phát ngôn viên của Quốc Hội bồi thêm: “Ðương nhiên kinh tế nhà nước phải chủ đạo, nếu không chỉ đạo thì ai lo an sinh xã hội, đương nhiên kinh tế nhà nước phải lo rồi, vậy phải là chủ đạo.”

Ðã là kinh tế thị trường thì phải tự do cạnh tranh, không có thành phần nào chỉ đạo cả. An sinh xã hội nhờ sự tự do cạnh tranh đó mà hưởng lợi về giá cả, về cung cầu hàng hóa. Không biết ông Phúc này bị ảnh hưởng giáo điều của Mác-Lê, hay vì thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường, hoặc ông có thâm ý dành sự thao túng, lộng hành cho kinh tế quốc doanh để dễ bề bòn rút của công. Thủ tướng và các viên chức nhà nước nhờ kinh tế quốc doanh đó mà trở thành tư bản đỏ.

Thành phần kinh tế quốc doanh đã không chứng tỏ có khả năng hoạt động hữu hiệu làm cho đất nước phồn vinh. Ðó là quan niệm lỗi thời của nền kinh tế “kế hoạch chỉ huy” thời Liên Xô và các nước cộng sản cũ.

Nhiều đại biểu có ý kiến nên đổi tên nước, nhưng Ủy Ban Sửa Ðổi Hiến Pháp thấy cần giữ lại quốc hiệu “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” Nguyễn Phú Trọng cho rằng đảng đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Theo ông, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới không thể được xếp ngang nhau. Ðổi mới chỉ là giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì lâu dài lắm. Ðến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.

Giáo Sư Trần Phương, cố vấn cho nhiều đời thủ tướng, phát biểu trong phiên họp góp ý về bản dự thảo nghị quyết Ðại Hội Ðảng XI nói rằng: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Lê-Nin sai rồi. Tôi đố các ông giải thích được nó là cái gì? Tôi nói các ông bịp người ta mà cứ tiếp tục bịp hoài.”

Bản dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992, được Trưởng Ban Phan Trung Lý báo cáo đã tiếp thu 26 triệu lượt ý kiến và 28,000 cuộc hội nghị và hội thảo. Nhưng các đại biểu Quốc Hội mong muốn cải cách thể chế kinh tế chính trị thất vọng nên mỉa mai hỏi: Tại sao phải lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân làm gì? Khi mình phải làm theo ý đảng, phải bám sát cương lĩnh của đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung Ương Ðảng và Bộ Chính Trị?

Thời báo Kinh Tế Việt Nam, bản điện tử ngày 23 tháng 10 ghi nhận ý kiến sự thất vọng, bất mãn của Ðại Biểu TS Trần Du Lịch, đơn vị ở Sài Gòn ba nhiệm kỳ, chuyên gia kinh tế, ông quả quyết rằng “tôi sẽ không nói gì về Hiến Pháp nữa.” Bởi lẽ ông có chân trong ban biên tập và nhận thiết kế một số nội dung do ông soạn thảo, có nhuận bút, nhưng không được đưa một chữ nào vào bản dự thảo.

Sự láo khoét dối gạt quần chúng còn thể hiện qua báo cáo của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc Hội. Ông Dũng báo cáo rằng: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tình hình kinh tế xã hội năm 2013 tốt, trong 15 chỉ tiêu được Quốc Hội thông qua, chính phủ thực hiện đạt và vượt kế hoạch 11 chỉ tiêu, hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tổng số vốn đầu tư phát triển xã hội so với GDP, đạt 29% (so với kế hoạch là 30%). Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP đạt 5.4% (so với kế hoạch là 4.8%). Hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt được là tăng trưởng GDP 5.4% (so với kế hoạch là 5.5%) và tạo việc làm được 1.54 triệu việc làm (so với kế hoạch là 1.6 triệu).

Những con số thống kê ông Dũng đưa ra, ai kiểm soát được một cách độc lập? Nhưng thực tế hãy xem những lời bình luận của các chuyên gia kinh tế trong Quốc Hội. Ðại biểu tỉnh Thái Bình Cao Sĩ Kim cho rằng ba chỉ tiêu: Ðầu tư, tăng trưởng và việc làm không đạt sẽ tác hại tới tình hình kinh tế năm 2013 mà còn kéo sang 2014. Các doanh nghiệp đang trong tình trạng suy kiệt, sản xuất co hẹp, nợ xấu cao chưa nhìn thấy hướng ra, từ đầu năm đến nay đã có 40,000 doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản, ngưng hoạt động. Mức cầu thấp do thất nghiệp tăng mà thất nghiệp càng tăng mức cầu càng thấp. Nên thực tế chưa nhìn thấy kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi vòng xoáy bằng cách nào. Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, cựu giám đốc ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ, cho rằng, lạm phát thấp không phải do thành công từ sự điều hành của chính phủ, mà do kinh tế suy thoái, mức cầu thấp thì mức cung giảm. Theo các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định thì toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đang ở trong trạng thái suy kiệt, đầu tư và mức tiêu thụ cá nhân bị thu hẹp. Các điểm nghẽn như nợ xấu, hàng tồn kho chưa được khai thông, khu vực bất động sản đóng cứng và suy giảm, môi trường kinh doanh buộc hàng vạn doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường.

Vậy thì sự lạc quan hay lừa bịp dư luận của Nguyễn Tấn Dũng dựa vào đâu? Do sự ỷ thế có độc quyền phê phán, độc quyền dối gạt mà chính Trung Ương Ðảng cũng không kỷ luật được ông. Hay là vừa qua, đồng chí “Tốt” Lý Khắc Cường đã bảo đảm sẽ nâng đỡ, làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển đi lên, do 3 sự hợp tác, cơ sở hạ tầng, tiền tệ và khai thác Biển Ðông, cho nên ông Nguyễn Tấn Dũng mới mạnh dạn bảo đảm kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tốt.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests