Đời sống quanh ta

khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Bốn Mươi Năm, Nỗi Niềm Ba Thế Hệ
Khôi An


"Hai mươi năm,
bầy trẻ thơ nay đã lớn
và chàng trai nay đã già"
Tháng Tư 1995, tôi lặng người khi nghe câu hát đó. Rồi bùi ngùi nhận ra mình là một trong bầy trẻ đã lớn. Lớn, nhưng chưa làm được gì nhiều, chỉ đau đau trong lòng những ước mơ cho một quê hương xa vời vợi.

Thoáng một cái, đã 2015. Trong email với những người bạn thân từ thưở học trò, tôi sửa lời của nhạc sĩ Phan Văn Hưng để đùa chơi
"Bốn mươi năm,
bầy trẻ thơ nay đã xế
và chàng trai nay quá già"
Các anh chị, cô chú mà nghe "chàng trai nay quá già" chắc sẽ không vui.
Tôi cũng biết lẽ ra không nên diễu (dở) với sự thật... phũ phàng. Nhưng, thay vì thở dài hoặc chống trả thứ không thể chống trả, có lẽ cách hay nhất là làm theo câu thơ tiền chiến: Tôi nói lòng ra để tự cười.2

*
Khi Bố tôi tự nhận là "tuyến đầu" - tiếng của Bố đặt cho những người đứng mũi, chịu sào cho cả ba thế hệ gồm có cha mẹ, chính mình, và con cái - thì tôi chỉ có vừa đủ trí khôn để gom góp vài ký ức về ông bà.
Ký ức đó gồm có nét thanh lịch của các bà vấn khăn nhung, mặc áo dài lụa, cổ đeo chuỗi cẩm thạch xanh rờn nước lý trong ngày Tết. Có sự ấm áp của hình dáng bà ngoại tôi ra vào, vun vén, trông nom. Có hình ảnh trang nghiêm của các ông, áo the khăn xếp, cầm bó hương cháy nghi ngút đứng khấn thật lâu trước bàn thờ trong những ngày giỗ kỵ. Có những "nụ cười đen nhánh sau tay áo" (3), có các bà luôn luôn mặc áo dài khi ra khỏi nhà và gọi con là "các anh, các chị". Và có cả sự kính cẩn trong cách tôi gọi nhiều người, không bằng tên mà bằng chức vị ở miền Bắc trước khi họ di cư vào Nam: bà Thông, bà Hộ, ông Chánh...

Ngày đó, đối với tôi, tuổi già là những ông bà hay nhắc tới những địa danh, những kỷ niệm ở miền Bắc xa xôi. Họ có cách ăn nói và hỏi chuyện con cháu giống nhau, rất gần gũi, quen thuộc trong gia đình nhưng khác với những ông bà cụ người Nam ở chung quanh. Chỉ như thế. Những điều khác như sự đau yếu, qua đời chỉ lờ mờ đằng sau sự hiện diện vững chãi của Bố Mẹ tôi. Chúng tôi nhởn nhơ trong bóng mát bình yên khi những gay gắt của cuộc đời đã được thế hệ cha mẹ lọc đi.

Bà ngoại tôi mất năm 1974, đem theo niềm mơ ước gặp lại hai người con trai đi kháng chiến chống Pháp từ thập niên 40 và ở lại ngoài Bắc. Tuy vậy, nhiều người vẫn nói là bà có phước vì không phải chứng kiến cảnh lạc đàn tan nghé, con tù cháu tội, nheo nhóc đói khổ sau cuộc đổi đời năm 1975. Các ông bà khác thì một số kẹt lại Việt Nam, một số ôm nỗi nhớ thương miền Bắc còn chưa ráo theo con cháu đi tứ tán. Sau đó, vì chia cắt, tôi không được gặp lại các ông bà. Tôi chỉ nghe nói thời gian đầu ở nước ngoài họ coi nhà, trông cháu cho các con lao ra ngoài kiếm sống. Những gia đình may mắn có ông bà thì các cháu bé không phải lang thang ở những nhà giữ trẻ, nơi mà mọi thứ đều xa lạ.
Ông bà giữ ngọn đèn trong nhà bật sáng, dọn mâm cơm để các cháu ngồi cùng ăn khi cha mẹ đi học lớp tối hay làm thêm giờ về trễ. Họ ru cháu ngủ khi cha mẹ làm ca đêm. Họ là bếp sưởi ấm áp, là hình ảnh đậm đà của quê hương vừa lìa xa...

Khoảng mười lăm năm sau, khi cộng đồng người Việt tạm cứng cáp thì hầu hết các cụ đã yên lặng ra đi. Thời đó bận rộn, xa xôi quá nên tin về các ông bà chỉ được biết qua những lá thư hay những cuộc điện đàm hiếm hoi. Tôi đã không nghĩ nhiều đến các cụ, không thắc mắc họ đã sống tuổi tám mươi, chín mươi như thế nào ở những thành phố của Mỹ, Canada, Pháp, Úc và ra đi trong hoàn cảnh ra sao. Một phần vì tôi còn "trẻ người, non dạ", nhưng lý do chính là vì Bố Mẹ tôi vẫn còn khỏe nên chúng tôi được núp bóng, vô tư trước quy luật đến và đi của đời người.
*
Sau khung kính vuông trên trần là một khoảng trời xanh dịu, hoe chút nắng nhẹ nhàng.
Đó là một buổi sáng mùa Đông ở Bắc California, ba ngày sau khi tôi đến Mỹ. Hôm đó là ngày thứ Hai, mọi người đều đi học, đi làm. Ở nhà chỉ có hai chị em tôi mới từ trại tị nạn sang, vừa được Dì đón về nhà.
Căn nhà vắng vẻ dường như rộng hơn bình thường. Tôi đi ra phòng khách, ngồi trên ghế sofa, nhìn lên tấm skylight trên trần trời, ghi vào óc hình ảnh đang thấy, và thầm nói "Tôi đã đến! Bầu trời nước Mỹ là như thế này đây."

Mới đó, mà hơn ba mươi năm!

Dì là em gái của Mẹ tôi, nhưng trong gia đình gốc Bắc tôi gọi bằng "Cô" và chồng của Dì thì gọi là "Chú". Bây giờ, tôi gọi là "Dì" (để nói rằng đó là người thân lắm, giống như trong câu tục ngữ "Xảy Cha còn Chú, mất Mẹ bú Dì".)

Trong gia đình, Dì qua Mỹ trước tiên, vào tháng Tư năm 1975. Dì kể, ra khỏi trại Pendleton gia đình Chú và Dì được một nhà thờ ở Hayward, Bắc California bảo trợ. Đó là một điều buồn vui lẫn lộn. Vui vì California là nơi khí hậu dịu dàng, không lạnh cóng như những vùng khác, nhưng lại buồn vì bạn bè trong quân đội của Chú phần lớn sang miền Đông Hoa Kỳ qua sự đỡ đầu của những người bạn cố vấn Mỹ ngày trước. Nhưng Dì nghĩ thân tị nạn trên đất nước xa lạ, biết đâu mà lựa chọn, cứ theo duyên phận, rồi "nước chảy tới đâu, bắc cầu tới đó".

Chú cất bộ quân phục có gắn bông mai vàng vào ký ức, ngày ngày mang bộ đồng phục của thợ lắp ráp trong hãng xe hơi. Ở thắt lưng chú đeo nguyên một bộ kềm vặn ốc lớn nhỏ đủ cỡ, sắp xếp theo đúng thứ tự đã thuộc lòng. Khi chiếc xe trên đường dây chuyền trờ tới, chú nhảy phóc lên, rút kềm, gồng tay vặn những con ốc ở những vị trí cũng nhớ nằm lòng. Xe đi khoảng bốn mét là hết khâu, chú phải nhảy xuống, chạy ngược lại đón chiếc xe mới tới. Cứ chạy nhảy liên tục như vậy. Một ngày tám tiếng.

Dì cũng thay áo luật sư bằng áo khoác trắng và lưới trùm tóc của hãng trái cây đóng hộp. Cũng ngày ngày đứng trước một bộ máy dây chuyền gồm những thùng sắt khổng lồ đi chầm chậm. Trái anh đào hay trái dâu từ trên đổ xuống ào ào, hai tay Dì phải lựa thật nhanh những trái xấu, bỏ ra ngoài. Lúc mới làm chưa nhanh tay, nhanh mắt, có đôi khi trái xấu xót lại, bà đốc công lượm ra đem dí vào mặt la xối xả. Dì không dám phân trần nửa lời, chỉ im lặng làm tiếp. Hai tay bốc lia, bốc lịa nên không thể gạt nước mắt chảy ròng ròng.

May mắn cho Chú, Dì và cả cộng đồng người Việt tị nạn ở Bắc California, kỹ nghệ điện tử được phôi thai từ những năm 1965, 1968 đến giữa thập niên bảy mươi bắt đầu cứng cáp. Các hãng bắt đầu cần rất nhiều chuyên viên điện tử và, nhờ ơn trời (như Dì nói), nghề này hợp với rất nhiều người Việt. Kiến thức khoa học: có đủ, vì hầu hết là sĩ quan, công chức ở Việt Nam; sự cẩn thận, chịu khó: có thừa; khả năng học hỏi và lòng cầu tiến: tràn trề. Bắt đầu là những người có sẵn bằng cấp từ Việt Nam lấy một vài lớp học về điên tử rất dễ so với khả năng của họ, rồi được tuyển vào các hãng làm chuyên viên kỹ thuật (technician). Từ đó họ chỉ đường cho gia đình và bạn bè.

Dì và Chú sau giờ đi làm đã ghi danh học lớp tối ở San Jose City College, lấy nhanh tấm bằng hai năm rồi đầu quân vào đội ngũ chuyên viên kỹ thuật đang tăng vọt. Từ các tiểu bang khác, sinh viên Việt Nam đi du học trước năm 1975 mới tốt nghiệp cũng đổ về San Jose tìm việc. Đã có nhiều cuộc gặp gỡ ngỡ ngàng khi những kỹ sư trẻ măng biết ra rằng những techinician tóc loáng thoáng sợi bạc, im lặng, chăm chỉ làm cùng phòng thí nghiệm chính là những nhân vật mà họ từng nghe tên tuổi lẫy lừng trong những trận đánh của Tết Mậu Thân 1968, của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Gia đình Chú Dì cũng như nhiều người Việt khác dần dà khá giả hơn. Nhiều gia đình chồng đi học có bằng làm technician, vợ chưa tốt nghiệp cũng hăng hái đi làm nhân viên khâu lắp ráp (assembler hay assembly line worker).
"Ở đây chồng Tách (technician), vợ Ly (assembly)
Cùng làm một buổi, còn gì sướng hơn"
Hạnh phúc của người tị nạn thời đó đơn giản là vậy. Đầu óc, công sức và sự khéo léo của họ đã chăm chút, hoàn thiện biết bao sản phẩm của các hãng điện tử. Thành công đem lại thành công, các hãng mọc lên ngày càng nhiều, và người Việt tị nạn đã góp công rất lớn vào sự phát triển của Thung Lũng Điện Tử, nơi ra đời của những sản phẩm thay đổi đời sống con người trên toàn thế giới.

Trong guồng máy của thung lũng này, Dì và Chú vừa xây dựng lại cuộc đời trên đất mới, vừa dành dụm gởi về giúp đỡ hàng chục anh chị em trong họ hàng hai bên.

Rồi đại gia đình dần dần đoàn tụ, lúc đầu là những người trẻ đi bằng đường vượt biển, sau đó là người lớn tuổi đi theo diện bảo lãnh. Là con gái út nhưng vì quen gánh vác họ hàng từ sau cuộc đổi đời, Dì đã trở thành người đầu đàn của họ ngoại tôi trên đất Mỹ.
Có một lần tôi mỉm cười và nghĩ rằng Dì không giống với hình ảnh quen thuộc của những người đàn bà Việt Nam trong văn chương: đơn giản, đảm đang, hy sinh, và chịu đựng.

Dì không chỉ vậy, mà hơn vậy.
Dì hy sinh, chịu khó, nhân từ, và can đảm. Dì đẹp và cao. Dì ăn mặc lịch lãm. Hồi tôi mới sang, thỉnh thoảng cuối tuần Dì chở đám cháu đi mua sắm ở những tiệm quần áo clearance. Mấy Dì cháu hí hửng tìm kiếm trong đống quần áo giảm giá tới bảy mươi, tám mươi phần trăm. Phần lớn là mua gởi về Việt Nam, nhưng Dì cũng giữ lại vài thứ để mặc. Những chiếc áo có nơ ở cổ, có kiểu dáng điệu đà, thanh nhã rất hợp với Dì. Và điều đặc biệt nữa là hai bàn tay của Dì. Trải qua bao năm tháng nhặt trái cây, làm việc nhà, vật lộn với những máy móc điện tử, bàn tay Dì vẫn thon đẹp với những ngón búp măng dài muốt.
Ba mươi chín năm qua nhà Dì là nơi nhóm họ. Hàng trăm lần giỗ Tết đến, rồi đi, rồi trở lại. Họp mặt ở nhà Dì đã trở thành một điều tưởng như không bao giờ thay đổi...
Gần đây, có một lần tôi ghé thăm Dì. Khi bước xuống xe, ánh nắng vàng trên con đường, hai dãy nhà màu nâu nhạt dọc hai bên, những bụi hoa và bãi cỏ, chúng quen thuộc đến mức làm tôi ngỡ ngàng! Cánh cổng sắt vẫn sơn màu xám, đưa vào căn nhà nơi Chú và Dì đón hai chị em tôi về sau chuyến bay từ trại tị nạn Galang tới San Francisco. Thời đó bãi cỏ tươi hơn và giàn hoa giấy đỏ mới chập chững leo trên cái giàn tạm nhỏ xíu. Nhưng, nhìn chung căn nhà vẫn rất giống như xưa.
Vậy mà rất nhiều điều đã vô cùng khác.

Kể từ năm nay, ngày 29 Tết Dì không còn gọi điện thoại cho từng đứa cháu, nói "Giao thừa đến nhà Cô cúng ông bà, nghe!" Căn nhà này sẽ không còn là nơi mà mấy chục người trong ba thế hệ bên ngoại gặp gỡ nhau. Vì Chú đã qua đời, còn Dì thì liệt nửa người sau cơn tai biến mạch máu não.
Lần đó tôi vào bệnh viện thăm lúc Dì mới hồi tỉnh. Khi ra về, tôi nắm tay Dì và nói to "Cháu đi về nha. Cô bye cháu đi." Dì bập bẹ "Bye" rồi vẫy vẫy tay. Và, tôi bùi ngùi thấy rằng bệnh tật đã làm Dì thay đổi, nhưng vẫn không cướp được hai bàn tay đẹp của Dì. Chúng vẫn đẹp, như xưa. Nhưng vẻ đẹp ấy như đang dùng sự tương phản để đánh thức tôi, nhắc tôi là đời người ngắn ngủi, là đã đến lúc tôi phải đối diện với lẽ tử sinh.
*
Ở trung tâm thành phố (downtown) San Jose có một cửa tiệm nằm trong một căn phố nhỏ. Từ xa lộ 280 ra hầu như lần nào tôi cũng phải ngừng lại ở đèn đỏ góc đường Mười Một trước khi quẹo trái vào Santa Clara, con đường chính của downtown. Ở chỗ ngừng xe, nhìn xéo qua tay phải là tấm bảng có những ba dòng chữ đỏ bằng tiếng Anh, Hoa, và Việt. Dòng tiếng Việt đề "Vịt Quay Tôn Thọ Tường" nên tôi đoán chủ tiệm là người Việt gốc Hoa. Vẻ hơi tồi tàn, xập xệ của tiệm với cái tên Tôn Thọ Tường gợi nhớ những hàng quán ở Sài Gòn, Chợ Lớn ngày xưa. Tiệm này đã ở đó trên dưới ba mươi năm.
Trong thời gian cộng đồng Việt ngày càng ăn nên làm ra. Khu thương mại Lion được mở ra trên đường Tully. Tiếp theo là khu Grand Century sang đẹp cùng khu Vietnam Town lộng lẫy trên đường Story. Nhiều tiệm Việt Nam đã dời về phía Đông San Jose, và khu downtown không còn là nơi tụ họp chính của các dịch vụ cho người Việt. Trong suốt thời gian đó, tiệm vịt quay vẫn nằm ở góc đường. Cũ kỹ, cô đơn, nhưng kiên trì, tiệm đứng đó như một "chứng nhân" cho thời mở đầu của cộng đồng Việt tại San Jose.

Cho nên, cuối năm 2013, khi ngừng xe ở đường Mười Một, tôi hơi sững sờ khi thấy tiệm treo bảng đóng cửa. Tôi thấy nhớ cửa tiệm như tiếc một thời đã qua.
Nhưng rồi tôi lại "tự cười" và tự nhắc rằng nền tảng của sức mạnh Mỹ quốc là sự hiệu quả. Chủ tiệm vịt quay có lẽ cũng đã đến tuổi về hưu, và một tiệm mới đang trên đà đi lên sẽ làm ăn hữu hiệu hơn ở góc đường này. Bây giờ là 2015. Trong thời đại khi iPhone 6 vừa ra đời đã có người mơ mộng tới iPhone 7, khi mỗi phút có ba triệu người lướt mạng thì lòng hoài cổ của tôi không thể chen chân ở ngay Thung Lũng Điện Tử, cái nôi của máy vi tính và điện thoại di động, đất nhà của Google, Yahoo, Facebook, và mấy ngàn hãng xưởng lớn nhỏ khác.
"Sóng sau dồn sóng trước", không nơi đâu mà câu thành ngữ đó đúng hơn là ở vùng này. Mọi thứ đều tuân theo quy luật sóng, kể cả con người.
*

Tôi quen cô Hòa trong một lần ghé văn phòng Bác Sĩ. Hôm đó chúng tôi phải chờ khá lâu. Cô mệt mỏi dựa lưng vào tường, nhắm mắt lại, hai tay chắp trên bụng. Những móng tay của Cô sơn màu hồng cánh sen có ánh tím trang nhã. Khi Cô mở mắt nhìn tôi mỉm cười, tôi bắt chuyện và khen màu sơn móng tay của Cô. Cô trở nên linh hoạt hẳn lên "Màu sơn này do người đệ tử làm nail ở Hollywood gởi tặng cho cô đó. Mua ở tiệm thường không có đâu nghe! Cô làm Nail mấy chục năm mà, đệ tử của Cô bây giờ ở khắp nơi..."

Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại nói chuyện điện thoại và tôi được nghe cô Hoà kể nhiều chuyện về buổi đầu tị nạn.

"Cô qua Mỹ với Ba Má chồng và đứa con, thằng Tâm, mới hơn một tuổi. Năm 1975, Cô mới lấy chồng được chưa đầy ba năm, ở chung với ông bà nội thằng Tâm. Bữa đó, đang ở nhà thì chồng Cô về, kêu gom góp đồ đạc vô vali rồi chở lên phi trường Tân Sơn Nhất. Ổng biểu cả nhà ngồi chờ để ổng đi đón thêm vài anh em rồi trở lại liền. Cô chờ mỏi chờ mòn, hơn hai ngày ổng không trở lại. Ngày thứ ba, phi trường bị pháo kích, người ở chung quanh nói chuyến bay bữa đó là chuyến cuối cùng. Cô thì "bên dắt Mẹ già, bên nách con thơ", muốn ra cũng không được, ở lại thì sợ bom đạn, nên đành lên máy bay mà nước mắt chứa chan. Em tưởng tượng được không, Cô mới hai mươi hai tuổi đầu, tiếng Anh tiếng U không biết. Từ trong trại tị nạn ở California, Cô nhờ người ta kiếm ổng ở tất cả bốn trại tị nạn trên nước Mỹ. Văn phòng trại đọc loa kêu tên ổng mỗi ngày mà ổng vẫn bặt tăm. Cô khóc sưng mắt nhưng rồi nghĩ mình phải cố gắng lên vì bây giờ mình là người đứng lo cho gia đình. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cũng không biết phải làm sao. Cô không biết đường lối gì hết, không quen biết ai nên ở trại tị nạn lâu nhất. Mà Cô cũng muốn ở lâu, trong đầu cứ nghĩ là một ngày kia chồng mình sẽ xuất hiện trong trại, với lại cứ sợ là đi định cư rồi thì ổng biết đường đâu mà kiếm."

Thấy tôi chăm chú nghe và hỏi thăm chuyện tị nạn, Cô Hoà hào hứng kể chuyện cũ.
"Từ trại ở đảo Guam, gia đình Cô qua Camp Pendleton ở San Diego, rồi lên trại Hope Village ở Sacramento. Mùa hè năm 1975, trại này có tổ chức buổi lễ chào đón năm trăm gia đình Việt Nam đầu tiên đến định cư tại California. Buổi lễ đặc biệt này bắt đầu bằng một lễ chào cờ. Đây là lần đầu tiên Cô thấy lại lá cờ vàng của mình trên đất Mỹ. Khi lá cờ được kéo lên, nhiều ông mặc đồ dân sự mà đứng nghiêm dơ tay chào theo kiểu nhà binh. Sau đó Cô mới biết họ đều là tướng, tá của Việt Nam Cộng Hoà, có cả ông tướng Nguyễn Cao Kỳ nữa. Nhìn họ chào cờ Cô khóc như mưa vì nhớ ông chồng sĩ quan. Nhưng đâu phải mình Cô. Cả ngàn người tị nạn, nhiều người có đầy đủ gia đình bên nhau, vậy mà ai cũng khóc!"
Thình lình cô Hoà hỏi "Em biết cô tài tử Kiều Chinh không?"

Rồi không chờ tôi trả lời, Cô kể tiếp "Sau lễ chào cờ, ngoài mấy người Mỹ, cô Kiều Chinh được mời đọc diễn văn. Nhờ cổ nói thêm bằng tiếng Việt mà Cô hiểu là trại này có một bà tài tử lớn của Hollywood tên là Tippi Hedren làm trong ban quản trị. Trời, bà ta đẹp như thiên thần, tóc vàng óng, dáng người thon thả, sang trọng. Mọi người ai cũng thích bả, có nhiều chị cứ trầm trồ ngưỡng mộ hai bàn tay với móng dài, sơn màu san hô tuyệt đẹp của bả. Có lẽ nhờ bả mà nhiều nam, nữ tài tử từ Hollywood cũng tới thăm, giúp đỡ trại. Riêng cô Kiều Chinh, bạn thân của bà Tippi, thì sau khi đọc diễn văn còn tình nguyện ở lại trại cả tuần lễ để phụ giúp đồng bào. Hàng ngày cô Kiều Chinh cùng bà Tippi đi thăm mọi người. Hồi đó người mình chưa nói tiếng Anh giỏi, nhờ có cô Kiều Chinh mà đôi bên mới hiểu nhau. Theo cô Kiều Chinh nói, Bà Tippi để ý cách các cô, các chị làm tóc, chăm sóc con cái, và bả kết luận là đàn bà Việt rất khéo tay.
Từ đó, bả nảy ra ý định dạy cho người Việt Nam làm nail vì bả tin rằng nghề này rất thích hợp mà lại kiếm khá. Vậy là bả đem bà Dusty, người làm nail cho bả, vào trại dạy những điều căn bản cho hai mươi người Việt. Sau đó, họ đi xe của trại tới trường để học những kỹ thuật mới nhất như làm móng tay giả bằng lụa. Cô có tới lớp coi họ làm. Mèn ơi, nhìn đố ai biết là móng giả! Nhưng mà hồi đó Cô còn lo đi kiếm ông chồng nên không có tâm trí ghi tên học..."
Cô Hòa còn kể cho tôi nhiều chuyện về những đội ngũ "hạt giống" thợ nail Việt Nam xuất phát từ Hope Village đã được sự giúp đỡ của bà Tippi để đi thi lấy bằng ở Sacaramento. Hai mươi người đầu tiên đã chỉ đường cho bạn bè khác và Cô đã vào nghề khoảng giữa năm 1976. Nghề nail đã giúp Cô trang trải cho gia đình và còn đem lại cho Cô sự tự tin "Em biết không, giá làm móng tay thời 1976 là sáu chục đồng một bộ. Mà lúc đó lương tối thiểu là hai đồng rưỡi một giờ! Em nghĩ coi, không có nhiều người Việt vô nghề, làm cách nào mà giá xuống thành vừa phải để cho những người bình thường cũng có thể làm nail? Bởi vậy, thợ Việt đúng là giúp làm đẹp cho đời đó em à!" Cô vừa nói vừa cười.
Rồi Cô kể về thời gian Cô đi làm nail từ sáng tới tối, ông bố chồng đi phụ bếp, cậu con trai ở nhà với bà nội. Rồi chuyện nghe tin chồng Cô bị kẹt lại, đi tù trong trại tập trung ở Việt Nam "Nghe tin ổng bị tù mà vừa khóc vừa mừng. Ít gì ổng cũng còn sống, còn hy vọng có ngày gặp lai." Gia đình Cô đoàn tụ giữa thập niên 80 khi chồng Cô ra khỏi tù và vượt biển thành công.

Bây giờ thì cậu bé Tâm một tuổi ngày mới tới đã là một kỹ sư điện toán, thêm người em sinh tại Mỹ sau này hiện làm cô giáo dạy Anh Văn ở trường trung học. Cả hai đã có gia đình riêng. Bố mẹ chồng và cả ông chồng đã qua đời. Còn một mình, cô Hòa sống trong nhà riêng khang trang nhưng không được khỏe. Cô bảo là mấy chục năm ngồi khom lưng và dùng tay quá nhiều đã làm cho Cô bị đau lưng và đau khớp thường xuyên. Các khớp ngón tay của Cô sưng lên, nhưng Cô vẫn giữ thói quen sơn móng, chỉ khác là bây giờ Cô phải ra tiệm.

Cô Hòa làm tôi nhớ đến Chú, Dì tôi. Ở trong hãng kỹ thuật phức tạp hay ngành nail tưởng như đơn giản nhưng không kém phần vất vả, họ đều là những hạt giống đầu tiên trong hai nghề chính đã chống đỡ và nuôi lớn cộng đồng Việt Nam tại Mỹ.
Người thợ nail hai mươi hai tuổi ngày xưa giờ đã sáu mươi hai. Đôi tay cô không còn đủ sức tự chăm sóc, phải trông cậy vào thế hệ tiếp nối. Nhưng cô vẫn có vẻ mãn nguyện vì đôi tay đó đã kiếm sống cho cả ba thế hệ, đã làm đẹp cho đời, đã cống hiến hết khả năng.
*
Có lần sau khi đọc một bài viết về Hội Chứng Rối Loạn Sau Ác Biến (Post-traumatic Stress Disorder) của những quân nhân sau khi tham chiến, tôi tự nhủ là mình nên cám ơn trời. Những cực khổ tôi trải qua ở Việt Nam chắc vẫn còn rất nhẹ so với nhiều người khác, không phải là traumatic experience. Ký ức ấy, sau chuyến vượt biển may mắn, có lẽ đã được xoa dịu bằng sự đùm bọc của bao người thân thiết. Nhờ vậy, tôi cảm thấy là tinh thần tôi khỏe mạnh, không có triệu chứng khác thường nào cả.
Mãi tới gần đây, tôi mới nhận thấy là có lẽ sự kiện trốn khỏi Việt Nam rồi sang định cư ở Hoa Kỳ đã làm ý niệm về thời gian của tôi hơi bị lệch lạc. Ba mươi năm sống ở Mỹ mà tôi cứ cảm thấy là rất ngắn. Nhiều kỷ niệm và hình ảnh cứ đứng nguyên như lúc tôi mới bắt đầu thu góp những ý niệm về cuộc đời, về người lớn ở chung quanh. Những nhà thơ, nhà văn. Những nhạc sĩ, ca sĩ. Những thầy, cô giáo. Những danh tướng một thời. Và những người thân. Trong đầu tôi, thời gian qua chưa bao lâu, những người ấy vẫn mạnh khỏe, vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày, là hình ảnh của xã hội chung quanh, như trong những thập niên bảy mươi, tám mươi.
Cho tới vài năm gần đây, tôi phải đối diện với sự ra đi và đau yếu của họ. Mỗi khi nghe tin, tôi cảm thấy bâng khuâng, trống trải. Như thể tấm khăn ấm áp, thân thiết bao năm che chở quanh vai tôi đang bị rút bớt, từng sợi, không ngừng. Rồi tôi nhận ra rằng ba mươi năm không ngắn như một giấc mơ. Đã tới lúc tôi nhìn lại và thấy đó là quãng thời gian dài, dài lắm.
*
Tôi đến Mỹ năm 1984. Khi mới đến chưa biết đường lối, lỡ dịp ghi tên khóa mùa Xuân ở trường đại học, nên phải học tiếng Anh gần chín tháng tại trường dạy người lớn (Adult Education Center). Thời đó, số người vượt biển đã giảm bớt so với những năm đỉnh 80, 81 nhưng vẫn còn rất nhiều. Hầu như tuần nào cũng có chuyến bay chở người từ các trại tị nạn Bataan và Galang đến định cư ở Mỹ. Cho nên, vào trường tôi gặp lại rất nhiều người quen ở đảo. Mới tới Mỹ gần một tháng mà ai cũng trắng trẻo và tươm tất hơn nhiều so với thời ở trại. Gặp nhau tít tít hỏi han, trao đổi tin tức về chỗ nào thuê nhà tốt, chỗ nào đang mướn người, cách xin trợ cấp xã hội, ngày giờ ghi danh ở trường đại học... Giờ ăn trưa giở hộp cơm, miếng bánh mì ra mời nhau, ăn xong ra vòi uống nước, chỉ có vài cậu thanh niên trẻ xài sang mới bỏ mười lăm xu vô mua lon nước ngọt trong máy của trường. Mừng rỡ, chia sẻ vậy nhưng người tị nạn mới sang thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi cảnh đời. Người phải đi làm nuôi gia đình, người thích kiếm tiền sớm, người chuyển đi vùng khác, người tiếp tục học lên... Vì thế, chẳng bao lâu là mỗi người mỗi ngả.
Mùa Thu năm đó, hai chị em tôi vào học ở trường College ở thành phố Fremont gần nhà. Ngôi trường nằm trên đồi, biệt lập, và thơ mộng dịu dàng. Lớp học nằm trong những tòa nhà trắng viền gỗ nâu đậm nhìn xuống những bãi cỏ thoai thoải và nhiều hàng cây cao vút. Thời đó người Việt tụ tập nhiều ở phía Đông thành phố, gần downtown San Jose. Vì thế, hai trường Evergreen College và San Jose City College ở vùng đó thu hút đông học sinh Việt nhất. Ngoài hai nơi này, những trường khác ở hạt Santa Clara cũng được nhiều người Việt chọn học. Hạt Santa Clara giàu có nhờ thu được nhiều thuế từ các hãng điện tử, do đó họ có thêm chương trình giúp đỡ sinh viên nghèo, và quỹ cho sinh viên vừa làm vừa học (Work Study) cũng rộng rãi. Ngôi trường tôi học thuộc quận Alameda, không được trù phú bằng Santa Clara nên chỉ có các phúc lợi của liên bang và tiểu bang. Đó là sau khi đã vào trường nghe các bạn học nói vậy chứ thật ra tôi không để ý. Đối với tôi ngày đó, được đi học đã là một hạnh phúc to lớn, được hưởng tiền trong khi xây đắp cho chính tương lai của mình thì là một điều kỳ diệu. Thời đó học sinh tị nạn gồm đủ mọi lứa tuổi và đặc biệt là có rất nhiều anh chị em cùng sang một lúc và cùng đi học với nhau. Năm đó, ngoài "cặp bài trùng" là chị em tôi còn có mấy nhóm ba, bốn anh chị em cùng học một lớp.
Lúc mới sang, tôi nghe nói thời đó sinh viên gốc Việt trong trường đại học chia làm hai nhóm: nhóm di tản năm 1975, đã học trung học ở Mỹ và nhóm mới sang. Nghe thì có vẻ "chia rẽ" nhưng khi vào trường tôi thấy đó chỉ là điều tự nhiên. Những sinh viên lên từ các trường trung học thường rất giỏi tiếng Anh, thường ăn mặc rất thời thượng, theo phong cách của thần tượng âm nhạc thời 80 là Madona và Micheal Jackson. Những chiếc mũ đội lệch, những lớp áo thun và váy ren xòe kết hợp khéo léo, quần jean mặc xệ, chuỗi hột đeo cổ, thánh giá lủng lẳng trên tai, giày cao cổ sành điệu, găng tay đen hở ngón... Cách ăn mặc rất-Mỹ của họ là một điều khác biệt rất dễ thấy và thú vị đối với tôi. Trong lớp họ thoải mái đặt câu hỏi và có khi còn đùa giỡn với thầy. Giờ nghỉ họ đi với nhau, nói tiếng Anh ríu rít rồi cười vang. Họ vui nhộn, rộn ràng. Rất khác với đám sinh viên tị nạn như chị em tôi.
Đám sinh viên thứ hai này ăn mặc đơn giản, thường ngồi im trong lớp. Ngoài giờ học, họ nói chuyện với nhau khẽ khàng, bằng tiếng Việt. Sự khiêm tốn gần như rụt rè đó lẽ ra sẽ làm họ chìm lỉm, nhưng sự thật thì không phải vậy. Người học sinh nổi tiếng, suốt hai năm đứng nhất trên "bảng vàng" với số điểm trung bình cao nhất trường là một trong ba anh em mới sang, đi học chung với nhau. Trong lớp, các sinh viên tị nạn hay đạt điểm tuyệt đối trong các bài thi. Tại Math Lab (Phòng Kèm Toán), những sinh viên tị nạn gốc Việt trong chương trình Work Study thường nổi tiếng là giảng bài dễ hiểu và "giải Toán như làm ảo thuật". Trong số đó, một vài người đã có trình độ cao từ Việt Nam, nhưng hầu hết thành tích của họ đến từ sự chăm chỉ và lòng quyết tâm.

Thời đó, ngoài giờ học, có một nơi tôi đến thường xuyên là tiệm Vinatrade, chuyên gởi đồ về Việt Nam. Lúc ấy việc chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam bị cấm tuyệt đối và những thùng quà này là để người thân đem ra chợ trời bán lấy tiền sinh sống. Mỗi cuối tuần tiệm này đông lắm. Những khách hàng ăn mặc sơ sài, nhiều người da còn chưa nhả hết sắc đen của nắng đảo tị nạn, hăng hái mua vải, dép nhựa, dầu gió xanh, viết Bic... rồi đóng thùng. Mọi người vừa mua sắm vừa chỉ vẽ cho nhau những mặt hàng đang có giá ở Việt Nam. Ở nơi đây tôi đã gặp nhiều bạn học, nhưng tất cả đều là người mới sang Mỹ. Và tôi đã khám phá ra sự khác nhau căn bản nhưng rất khó thấy giữa những sinh viên di tản và sinh viên vượt biên. Không phải là bề ngoài hay cách ăn nói, mà là sự vô tư của những người đến đã lâu bên cạnh sự đau đáu của người mới tới.
Người sang năm 1975 thường có gia đình đầy đủ, họ chỉ cần lo cho tương lai, việc giúp đỡ người thân còn ở lại là chuyện của cha mẹ, của người lớn trong nhà. Ngược lại, đa số sinh viên vượt biên là những thanh niên đến Mỹ một mình. Trách nhiệm, nỗi nhớ thương và lòng biết ơn gia đình đã làm cho họ chỉ chuyên chú vào hai việc: học giỏi để tiến thân và giúp gia đình còn ở lại. Họ im lặng học, cắm cúi học. Sau giờ học thì cần cù làm, chắt chiu gom góp gởi về Việt Nam.

Dù sao thì tuổi trẻ cũng hội nhập nhanh chóng và rất dễ gần nhau. Sau khi tôi từ giã ngôi trường College êm đềm, lên học ở Berkeley rồi ra đi làm, tôi không còn cảm thấy sự khác biệt giữa những người đến Mỹ vào những thời điểm khác nhau nữa. Lý do chính là khi đi làm, tiền bạc không còn là mối ưu tư, và, hơn nữa, gia đình cũng dần dần đoàn tụ.
*
Đã bốn mươi năm.
Thế hệ thứ ba của chúng tôi bây giờ đang vun xới cho thế hệ thứ tư. Cách đây không lâu, tôi dắt các con đi thăm đại học Berkeley.

Tới lúc đó tôi mới được nghe hướng dẫn viên kể về lịch sử của nhiều tòa nhà, và mới thấy rõ rằng ngày xưa tôi chỉ quanh quẩn ở một góc nhỏ trong trường. Ngày đó, Berkeley của tôi, cô sinh viên mới từ đảo tị nạn qua được hai năm, chỉ là những tòa nhà dạy các lớp kỹ thuật, thư viện, computer lab, và phòng thí nghiệm. Nhưng tôi vẫn không cảm thấy mất mát gì. Những tòa nhà cũ vẫn còn đây cho tôi thăm, dù đã hơn hai mươi năm. Và còn mọc lên những tòa nhà mới tinh, hừng hực kỹ thuật tân kỳ... Tất cả đều chào đón tôi trở lại và mở rộng cho bước chân những thế hệ sau khám phá và học hỏi.
Tuổi trẻ bao giờ cũng đẹp. Ước mơ tương lai lúc nào cũng cao. Bởi vì chúng vươn lên từ trên vai của thế hệ cha ông.

Bốn mươi năm qua, hai thế hệ đầu tiên của người Việt tị nạn đã hoàn thành nhiệm vụ đặt những viên gạch làm nền cho gia đình và cộng đồng. Và tôi lại phải tự nhắc - bốn mươi năm là thời gian dài lắm. Như những cây lúa đã dâng hết gạo cho đời, thế hệ trước tôi đã tới lúc đi vào giai đoạn cuối của hành trình.

Chúng tôi đã trở thành "tuyến đầu". Ở trong vị trí này, tôi mới thấm thía hành trình của những người đầu tiên chèo chống con thuyền Việt Nam tị nạn. Họ đã bên dắt cha mẹ, bên nách con thơ đến quê hương mới. Họ đã khai đường mở lối cho hôm nay, cho ngày mai. Họ đã cống hiến tất cả tuổi trẻ và sức lực bằng đầu óc, chân tay.
Sự ra đi của họ, đối với tôi, là kết thúc của cả một thời đại. Thời đại của mấy mươi năm chiến tranh đằng đẵng, của hai lần lìa bỏ quê hương, hai lần làm lại từ đầu. Thời đại của những người đóng và gởi những thùng đồ cứu đói đầu tiên về Việt Nam, những người đã đắp đập be bờ giữ gìn nguồn cội Việt Nam cho tương lai gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới.
"Bầy trẻ thơ" chúng tôi đã lớn trong sự cưu mang và hy sinh của họ. Tôi, và con cháu tôi, mang ơn họ.
Đời sống ở quê hương mới êm đềm và đầy đủ. Nhưng trong tôi vẫn thường xuyên dậy lên nỗi "ruột đau chín chiều"(4) khi nghĩ về quê cũ. Nhất là khi người thân yêu đã già. Nhìn họ và nghĩ đến lúc phải chia tay, tôi bâng khuâng như mất đi thêm một phần của quê hương
"Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
có chút gì nghe rất thốn đau" (5)

Khôi An


(1) Nhạc: Hai Mươi Năm của nhạc sĩ Phan Văn Hưng
(2) Thơ: Cách Xa của thi sĩ Huy Cận
(3) Thơ: Nắng Mới của thi sĩ Lưu Trọng Lư
(4) Ca dao: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"
(5) Thơ: Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi của thi sĩ Du Tử Lê
Hình:
Nữ tài tử Tippi Hedren và lớp học Nail đầu tiên dành cho người Việt do bà tổ chức tại trại Hope Village, Sacramento 1975
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Điều kiện hưởng Medicare

Yến Tuyết

Hỏi: Tôi độc thân, 68 tuổi, có đi làm ở Mỹ nhưng không hội đủ 40 tín chỉ. Hiện chỉ có Medicare phần B mà thôi và đồng thời, cũng có bảo hiểm MediCAL. Thế nhưng tôi phải trả Share of Cost (SOC) của MediCAL là $800/tháng, vì Sở Xã Hội dựa trên lợi tức hiện nay của tôi là $1,500, tiền tôi mượn từ bạn bè và người thân để tiêu dùng trong khi thất nghiệp.

Tôi dư định đi làm việc trở lại vào đầu Tháng Ba và sẽ kiếm được khoảng $2,000/tháng. Khi đó, tôi sẽ không mượn tiền để tiêu nữa.

Tôi đã đi xin phần A vào đầu Tháng H này và được Sở An Sinh Xã Hội cho biết là đến 1/7/2015, Medicare phần A của tôi sẽ có hiệu lực và tôi sẽ phải trả $224 /tháng cho lệ phí phần A.

Tôi muốn biết khi có Medicare cả hai phần A và B, tôi sẽ còn phải trả Share of Cost của MediCAL hay không? Có chương trình nào giúp tôi trả lệ phí của Medicare A và B không?

Ông P. Trần (Orange)

Đáp: Ông vẫn phải tiếp tục trả MediCAL với Share Of Cost nếu lợi tức do việc mượn bạn bè và người thân là $1,500/tháng. Số tiền này ở trên mức lợi tức tối đa để một người độc thân hội đủ điều kiện hưởng MediCAL là $1,203/tháng, bên cạnh điều kiện tiền trong nhà băng của họ chỉ được có tối đa $2,000.

Tuy nhiên, nếu vào đầu Tháng Ba 2015 sắp tới, ông đi làm việc trở lại và lợi tức do việc đi làm mang lại là $2,000/tháng thì ông sẽ có MediCAL toàn phần, không có SOC. Lý do là vì lúc đó, Sở Xã Hội chỉ tính nửa số lương mà ông kiếm được (earned income) là lợi tức hàng tháng của ông mà thôi, tức $1,000/tháng.

Trong trường hợp được hưởng MediCAL toàn phần, ông sẽ còn được quyền xin hưởng thêm chương trình Medicare Saving Programs (MSP), giúp ông trả lệ phí của phần B là $104.90/tháng, và lệ phí của phần A là $224/tháng.

Ông cũng có thể xin hưởng thêm chương trình Extra Help Low Income Subsidy (LIS) để giúp trả thêm tiền thuốc.

HICAP có thể giúp ông xin hai chương trình MSP và LIS nói trên. (Y.T.)


- Yến Tuyết là Cố vấn Medicare có ghi danh với Bộ Cao Niên của tiểu bang California thuộc Chương trình HICAP (Health Insurance Counseling and Advocacy Program), cơ quan tư nhân vô vụ lợi Council On Aging of Orange County.

Những câu trả lời của chúng tôi trong mục này có tính cách tổng quát và áp dụng riêng cho ngừơi đặt câu hỏi mà thôi, vì mỗi cá nhân là một trường hợp riêng biệt. Nếu cư dân quận Cam có thắc mắc liên quan đến Medicare, xin liên lạc với HICAP ở đường giây điện thọai tiếng Việt (714) 560-0035.

Nếu quí độc giả ở ngòai quận Cam, xin gọi Medicare ở số 1-800-633-4227 hay gọi số 1-800-434-0222 để tìm văn phòng SHIP (State Health Insurance Program), cố vấn Medicare, tại địa phương mình cư ngụ. (L.N.)
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Lý do nên ăn trứng thường xuyên

Trứng giúp giảm cân nhờ cảm giác no lâu, ít phải đối mặt với nguy cơ ăn vặt. Phụ nữ ăn ít nhất 6 quả trứng mỗi tuần giảm 44% nguy cơ ung thư vú.

Trứng cung cấp nhiều vitamin và các khoáng chất cần thiết
Vitamin B2 (riboflavin) có chức năng hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vitamin B12 (cobalamin) quan trọng để sản xuất các tế bào máu. Vitamin A (retinol) tốt cho thị lực.

Vitamin E (tocopherol) giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại sự sản xuất dư thừa gốc tự do, chống lại quá trình chết tế bào, kìm hãm quá trình lão hóa, giúp da tóc mịn màng. Vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ canxi, đóng vai trò hỗ trợ phòng ngừa loãng xương.

Chất sắt: Phụ nữ cần nhiều chất sắt trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Không nhận được đủ sắt có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và gắt gỏng. Kẽm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chuyển thức ăn thành năng lượng. Phốt pho quan trọng cho xương và răng khỏe mạnh.
Image
Ảnh: chickenvet


Cần thiết cho sự phát triển não bộ

Trứng dồi dào chất dinh dưỡng choline, cần thiết cho sự phát triển não bộ ở thai nhi, trẻ sơ sinh cũng như các chức năng bộ nhớ ngay cả vào tuổi già. Một quả trứng mỗi ngày sẽ cung cấp 28% nhu cầu choline một người phụ nữ mang thai.

Tốt cho mắt và thị lực

Lòng đỏ trứng chứa một lượng lớn các chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin. Các chất này đóng vai trò quan trọng giữ đôi mắt khỏe mạnh. Trứng làm giảm 20% nguy cơ đục thủy tinh thể và giảm 40% nguy cơ thoái hóa võng mạc, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người cao tuổi.

Trứng chứa nhiều vitamin A. Thiếu vitamin A là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù trên thế giới.

Cung cấp protein và các axit amin thiết yếu cơ thể

Protein là chất làm nên cấu tạo chính của cơ thể con người. Axit amin là nguyên liệu xây dựng protein. Chín trong số các axit amin không thể được sản xuất bởi cơ thể và phải được bắt nguồn từ chế độ ăn uống. Trứng chứa tất cả các axit amin thiết yếu con người cần. Ăn đủ lượng protein cần có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng và duy trì các mô cơ thể, giảm cân, tăng khối lượng cơ, giảm huyết áp, tối ưu hóa sức khỏe của xương...

Giúp giảm cân

Một quả trứng chứa chỉ 70-85 calo và khoảng 6,5 g protein. Trứng có thể giúp giảm cân nhờ cảm giác no lâu, ít phải đối mặt với nguy cơ ăn vặt. Mặc dù chứa cholesterol nhưng không có bằng chứng rằng ăn trứng sẽ làm tăng nồng độ cholesterol trong máu.

Trong một nghiên cứu trên 30 phụ nữ thừa cân, ăn trứng thay vì bánh mì trong bữa ăn sáng làm tăng cảm giác no và làm cho họ ăn ít hơn trong 36 giờ tiếp sau. Một nghiên cứu khác thay thế một bữa ăn sáng với bánh mì tròn bằng trứng làm giảm cân đáng kể trong khoảng thời gian 8 tuần

Ngăn ngừa ung thư vú


Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ ăn ít nhất 6 quả trứng mỗi tuần giảm 44% nguy cơ ung thư vú.

Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Image

"Cô gái chân dài" - món đặc sản "hạ gục" dân sành ăn

Bảo Bình

Do sở hữu thân hình "gợi cảm", món khô nhái được dân ăn nhậu gọi bằng những cái tên rất mỹ miều.

Khô nhái là một loại khô được chế biến từ con nhái cơm. Đây là loài sinh vật thường sống thành đàn và xuất hiện quanh năm
trên đồng ruộng hoặc dưới chân núi, nhiều nhất là mùa mưa.

Khi trời vừa nhá nhem, chúng cất lên bản hợp xướng nên tha hồ soi rồi chụp bắt.

Image
Sau khi lột da nhái xong, cần phải đem đi rửa nước sạch. Ảnh: Zing

Nhái cơm con nhỏ, sau khi lột da, phơi khô chỉ còn bằng ngón tay. Do thơm ngonvà có hình thù "quyến rũ" nên dân nhậu đã tặng cho loài khô này những cái tên mỹ miều như “cô gái chân dài”, “vũ nữ chân dài”, “kiều nữ đại gia”.

Ngoài ra, do sống trong môi trường hoang dã, không nuôi được kiểu công nghiệp như ếch nên thịt của nhái được xem là rất dai ngon và không độc.

Giống như nhiều món đồ khô miền Tây khác, nơi sản xuất khô nhái nổi tiếng cũng là vùng đất biên giới giáp ranh Campuchia, huyện Tịnh Biên, vùng Bảy Núi, An Giang.

Anh Lê Thanh Dũng, một người chuyên săn nhái cho biết trên báo An Giang, món khô nhái xuất phát đầu tiên từ nước bạn Campuchia đưa sang.

Nhờ khéo tay chế biến tinh tế nên không bao lâu khô nhái đã trở thành món ngon nổi tiếng của người miền Tây.

Hiện nay, tại ấp Vĩnh Hạ, xã Vịnh Trung, huyện Tịnh Biên có khoảng 50 người sống bằng nghề soi nhái. Nghề săn bắt nhái cũng như nghề làm khô nhái đều cho người dân trong vùng thu nhập ổn định.
Image
Trước khi phơi, nhái được rửa sạch, ướp với gia vị muối, tiêu, ớt cho thấm đều vào thịt.
Bình quân cứ 4 kg nhái tươi sẽ cho một kg khô với giá khoảng 540.000 đồng/kg, còn vào dịp Tết khô nhái lên 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.

Khi nhái còn tươi thường được bằm vò viên nấu canh chua, kho tiêu, rang với sả nghệ hoặc nấu món cà ri...

Còn khi thành món khô nhái, người ta sẽ chế biến ra nhiều món ăn khá thú vị như nướng hoặc chiên giòn chấm nước mắm me.

Khô nhái ngon nhất là chiên, người ăn có thể nhai cả xương và thịt, vừa thơm ngon, ngọt dịu, vừa cay cay, mằn mặn, béo, giòn, mùi vị rất đặc trưng.

Tổng hợp
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

An vui Tuổi Già
Tác giả: Chu Dung Cơ
Thanh Dũng dịch


Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày .Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lại một ngày...

Hanh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần, bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đùng làm tôi tớ cho nó.

"Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú".

Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh" hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.

Tiền bạc rồi sẽ là của con cái, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.

Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.

Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi.

Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào.

Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ.

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu "cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử". Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư ? chỉ còn cách đấy.

Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình "Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư", biết đủ thì lúc nào cũng vui "tri túc thường lạc".

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu... mọi thứ đều nên "VỪA PHẢI".

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống...) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh...). Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh....ĐỀU LÀ MUỘN.

Chất lượng sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách tư duy : Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

"Chơi " là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

"Hoàn toàn khoẻ mạnh" đó là nói thân thể khoẻ mạnh,tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu...

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình cảm làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu "hay nhớ lại chuyện xưa?" Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

"SINH - LÃO - BỆNH - TỬ" là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.

(Đây là câu kết có tất cả gút mắc và vấn nạn ở đây).

Tác giả: Chu Dung Cơ
Thanh Dũng dịch
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »


Các thực phẩm nóng giúp giảm béo
Rau, củ, quả nướng tốt cho người đang ăn kiêng bởi chứa ít calo, quá trình nướng tiêu hủy nhiều chất béo và một số dinh dưỡng không cần thiết trong thực phẩm.


Soup nóng

Theo Foxnews, với những người đang ăn kiêng, soup sẽ là một lựa chọn tốt cho bữa ăn trưa hơn là là cơm hoặc thực phẩm khác. Soup chứa ít calo hơn sandwich hay bánh quy. Hãy dùng soup không kem, chọn nước dùng chế biến từ rau củ giàu chất xơ, thịt nạc hoặc đậu để cung cấp nguồn protein lành mạnh cho cơ thể.
Image
Người muốn giảm béo nên ăn suop thay vì ăn cơm hay bánh ngọt. Ảnh: Tổ Ấm Việt.


Trà nóng

Khi khát cơ thể có một số triệu chứng thèm ăn như khi đói. Vì vậy, nếu đang giảm cân, hạn chế để cơ thể bạn rơi vào tình trạng khát. Cà phê có thể tốt cho người đang ăn kiêng vì nó chứa ít calo, nhưng caffeine trong cà phê là một chất lợi tiểu, do đó không nên dùng nhiều. Cách tốt hơn là dùng một tách trà xanh hoặc trà thảo dược. Những thức uống này chứa chất chống oxy hóa đồng thời giúp làm giảm cân nhờ vào cơ chế thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Rau củ nướng

Trái cây và rau nướng chứa ít calo do trong quá trình nướng đã làm tiêu hủy rất nhiều chất béo và một số dinh dưỡng không cần thiết. Ngoài ra, nướng còn giúp làm tăng hương vị cho các món ăn. Vì vậy, rau củ quả nướng là lựa chọn tốt cho người đang ăn kiêng.

Gia vị nóng

Các loại gia vị như quế, gừng và nghệ rất tốt cho việc giảm cân vì chúng giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn và thèm ngọt. Capsaicin là hoạt chất gây nóng trong các loại gia vị như tiêu, ớt cũng thúc đẩy sự trao đổi chất. Do đó, bổ sung các loại gia vị này sẽ giúp bạn đốt cháy nhiều calo ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi.

Tắm nước nóng

Stress có thể làm tăng nồng độ cortisol (một hormone gây stress) khiến cơ thể bạn tích mỡ bụng. Tắm nước nóng giúp bạn xoa dịu căng thẳng và tránh mỡ bụng bằng cách hạ thấp nồng độ cortisol trong cơ thể.

Tuyết Nhung
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Image

Ðám Ðông Dưới Chân Thập Giá
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta lkhông thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »


'Boa' đúng cách ở Mỹ
Khi du lịch Mỹ, bạn cần biết cách thức cho tiền "boa" khi sử dụng dịch vụ để không phải chi quá nhiều mà cũng không bị cho là keo kiệt.

Tiền tip (boa) là văn hóa quen thuộc ở các nhà hàng Mỹ. Dưới đây là kinh nghiệm của hướng dẫn viên chuyên đưa khách đi du lịch Mỹ.

Tại sân bay

Ở Mỹ có thói quen bồi dưỡng cho những người phục vụ. Tiền tip ở đây được pháp luật thừa nhận và thu nhập từ tiền tip cũng phải chịu thuế. Nếu cần nhân viên khiêng hành lý, hãy chi cho họ từ 1-2 USD cho mỗi vali hay kiện hàng.

Tip cho nhân viên khách sạn
Image
Trả tiền tip ở Mỹ như một quy luật bất thành văn. Ảnh: traveller


Khi nghỉ ở các khách sạn, bạn nhớ tip cho nhân viên dọn phòng khoảng 2-5 USD mỗi đêm, tùy vào sự phục vụ của họ hay tùy vào hạng sao khách sạn mà bạn nghỉ lại.

Nếu bạn muốn được phục vụ bữa sáng tận phòng, hãy xem trong hóa đơn, nếu hóa đơn đã bao gồm phần phí dịch vụ thì không phải cho tiền thêm nhân viên. Còn nếu không có, bạn phải tính thêm 15% giá trị hóa đơn cho người phục vụ.

Đối với nhân viên gác cửa

Những nhân viên khách sạn sẽ có nhiệm vụ mở cửa cho khách. Bạn sẽ không phải tip cho họ. Còn nếu cần yêu cầu dịch vụ khác, ví dụ như gọi taxi... bạn phải tip từ 1-2 USD. Với nhân viên hành lý, sau khi họ giúp bạn chuyển đồ ra, vào khách sạn, bạn phải chi 1-5 USD cho mỗi va li hành lý hay túi xách lớn hay số tầng khách sạn.

Đi taxi

Ngoài việc trả cước phí cho dịch vụ đi lại tính theo đồng hồ trên xe, bạn phải chi tiền tip cho tài xế, thường cộng thêm 15% giá cước. Trường hợp ở sân bay có xe đón về khách sạn, bạn cũng phải chi 10-20%. Với tài xế đưa đón, bạn cũng nên đưa cho họ khoảng 15 USD mỗi ngày.

Nhân viên nhà hàng

Khi đi ăn ở nhà hàng, tiền tip vào khoảng 15-20% giá trị hóa đơn, nhân viên gói ghém đồ ăn cho bạn mang về 10%. Bạn để ý nếu trong hóa đơn đã có khoản tiền ghi là "service charge" hoặc "gratuity" thì không phải cho thêm tiền tip nữa.

Nếu bạn đi ăn buffet, bạn không phải "tip" trừ khi yêu cầu nhân viên lấy thức ăn đến bàn của bạn. Lúc này, hãy típ cho họ 10% hóa đơn.

Nhân viên quán bar
Image
Người Mỹ rất thích tip và đó là một nét văn hóa đặc trưng. Ảnh: money.cnn


Thưởng thức đồ uống trong các quán bar, bạn phải trả 1-5 USD cho mỗi lần gọi và tùy vào số lần bạn gọi. Nên tip ngay sau khi mỗi lần nhân viên pha chế coktail hay rót thêm rượu cho bạn. Còn nếu muốn thưởng thức cả chai, ngoài giá trị của chai rượu, phải tính thêm 15% - 20%.

Hướng dẫn viên du lịch

Ngoài việc bạn chi trả tiền cho công ty du lịch mỗi chuyến đi, bạn bắt buộc phải tip cho nhân viên hướng dẫn, thường sẽ là 10 - 20 USD.

Anh Phương
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Tắm biển giúp điều trị bệnh tim
Sóng biển vỗ vào người như liệu pháp massage giúp cải thiện hoạt động của mạch máu, giảm huyết áp.

Theo Foxnews, các vấn đề về tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết và bệnh tim bẩm sinh hiện nay khá phổ biến. Bệnh khó phát hiện trước khi xuất hiện các triệu chứng. Vì thế ngay từ bây giờ hãy chủ động ngăn ngừa bệnh bằng các biện pháp sau:

1. Tắm biển

Thiếu vitamin D là mối đe dọa có thể gây đau tim và đột quỵ. Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tăng nồng độ vitamin D trong cơ thể. Các nghiên cứu đã cho thấy khoảng 50% phụ nữ thiếu vitamin D có khả năng bị nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc đột quỵ cao hơn so với người lượng vitamin D bình thường.

Tắm biển vào buổi sáng sớm giúp cơ thể bạn hấp thụ lượng vitamin D lớn từ ánh sáng mặt trời. Hơn nữa sóng biển có tác dụng như massage nhẹ, cung cấp thêm oxy cho cơ thể, cải thiện hoạt động của mạch máu, giảm huyết áp. Vì vậy, tắm biển ở mức vừa phải là điều các bác sĩ chuyên khoa tim thường khuyên bệnh nhân của mình.
Image
Ảnh: Yourshols.

2. Giảm căng thẳng

Bất kỳ vấn đề căng thẳng kinh niên nào cũng có thể gây tổn hại cho sức khỏe tim mạch. Stress khiến bạn ăn nhiều, thiếu ngủ, đồng thời uống rượu và hút thuốc khi căng thẳng làm bạn bỏ bê việc chăm sóc bản thân. Tất cả những gì cần làm là tìm cách giảm stress. Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và tương tác nhiều hơn với gia đình, bạn bè, những người hỗ trợ bạn về mặt tinh thần.

3. Ngưng hút thuốc

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, làm tăng nguy mắc bệnh hoặc tử vong do nhồi máu cơ tim và các bệnh khác. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khẳng định khi bạn ngừng hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm. Cụ thể hơn, một hoặc hai năm sau khi bạn bỏ hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ giảm đáng kể.

4. Đạp xe 20 phút mỗi ngày


Các nhà nghiên cứu khuyên những người bị đau ngực nhẹ hoặc gặp chứng đau thắt ngực nên tập thể dục bằng xe đạp tại chỗ khoảng 20 phút mỗi ngày. Bài tập đơn giản này không chỉ giúp bạn đốt cháy calo mà còn rất tốt cho xương, não, tim và cải thiện tâm trạng của bạn.

5. Kiểm soát huyết áp

Tim phải lao động cật lực hơn bình thường trong tình trạng huyết áp cao sẽ dẫn đến nguy cơ bị tổn thương. Huyết áp cao có xu hướng làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, suy thận, tổn thương mắt, suy tim. Tập thể dục thường xuyên và giải tỏa bớt căng thẳng sẽ giúp bạn giảm huyết áp, từ đó giảm nguy cơ phát triển thành bệnh tim.

6. Ăn chocolate đen

Bạn có biết việc ăn chocolate thực sự có thể giảm nguy bệnh tât? Một nghiên cứu cho thấy những người ăn chocolate giảm được 37% nguy cơ mắc bệnh tim so với người không ăn.

7. Bổ sung vitamin nhóm B mỗi sáng

Một nghiên cứu được tiến hành ở Thụy Sĩ cho thấy những người hấp thu đầy đủ axit folic, vitamin B6 và Vitamin B12 ít có nguy cơ bị bệnh tim hơn.

8. Uống ít nhất hai tách trà mỗi ngày

Không quan trọng là trà xanh hay trà đen, miễn là bạn uống thường xuyên. Theo một nghiên cứu của Hà Lan, những người uống hai tách trà hoặc nhiều hơn trong một ngày giảm được nguy cơ đau tim. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy những người uống nhiều hơn ba tách trà mỗi ngày có thể giảm 11% nguy cơ đau tim.

9. Uống nước cam thay vì nước ngọt có ga


Tình trạng viêm mãn tính gắn liền với bệnh tim, nguyên nhân bệnh này phần lớn là do chế độ ăn uống của bạn. Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học bang New York cho biết, glucose (chất làm ngọt trong nước ngọt) có khả năng cao gây ra tình trạng viêm ở những người uống, trong khi những người uống nước cam thì không bị. Nghiên cứu cũng cho thấy những đặc tính kháng viêm của vitamin C và các phê-non trong nước cam sẽ giúp bảo vệ cơ thể. Do đó, nên uống nước trái cây thay vì loại nước được làm ngọt và tạo hương vị bán sẵn trên thị trường.

10. Xỉa răng bằng chỉ nha khoa


Những người bị bệnh nha chu có nguy cơ tử vong do đau tim hoặc đột quỵ cao hơn. Các trường hợp nhiễm khuẩn nướu răng mãn tính có thể tăng nguy cơ bị viêm trong lòng mạch máu, đây là nguyên nhân dẫn đến cả bệnh tim mạch lẫn nhồi máu cơ tim. Do đó, hãy hình thành thói quen xỉa răng bằng chỉ nha khoa hàng ngày cùng với việc đánh răng sạch sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bệnh tim.

Thanh Hiền
bobinh
Posts: 221
Joined: Fri Feb 26, 2010 1:35 am
Contact:

Post by bobinh »


Văn hóa ứng xử


Minh Văn

Văn hóa ứng xử là hành vi giao tiếp và đối nhân xử thế ở đời. Nó thể hiện mức độ học vấn và nhận thức cá nhân, suy rộng ra là của một cộng đồng dân tộc. Qua đó mà thấy được xã hội văn minh hay lạc hậu. Hành vi ứng xử của con người hình thành do thói quen hằng ngày, được quyết định bởi luật pháp và phong tục, tập quán. Có nghĩa là sự giao thoa giữa hiện tại (luật pháp xã hội họ đang sống) và quá khứ (phong tục, tập quán).

Ở nước ta, tư tưởng Đạo Khổng đã ăn sâu vào nhận thức và văn hóa ngàn đời, cho nên người Việt bị ảnh hưởng rất lớn bởi hệ thống lễ giáo chặt chẽ này. Đó là sự tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, quan hệ quân thần, phụ tử…; tuy mang nặng tính đẳng cấp, nhưng giáo lý nho giáo đề cao cái nhân nghĩa ở đời, rất đáng được xem trọng. Mỗi dân tộc, vùng miền đều có những hành vi giao tiếp khác nhau, tùy thuộc vào văn hóa và tập quán. Ví như người Châu Âu thì ôm hôn và bắt tay khi gặp nhau. Trong hoàn cảnh tương tự, người Trung Hoa thì chắp tay, người Nhật cúi người chào chẳng hạn.

Bên cạnh sự ảnh hưởng nho giáo, người Việt ta cũng coi trọng lối ứng xử tình nghĩa, có trước có sau. Triết lý sống đó đầy nhân ái, thấm đẫm tình người. Cha ông ta luôn đề cao nét đẹp trong giao tiếp. Ca dao Việt Nam có câu:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.


Văn hóa ứng xử của người Việt xưa thể hiện qua tập quán hồn hậu, bằng những câu ca giao, tục ngữ ngắn gọn mà súc tích. Ví như:

“Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.


Hoặc:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.


Hay là:

“Thương người như thể thương thân”…

Đó chẳng phải là nói về cái lẽ sống ở đời sao? Rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc và khắc cốt ghi tâm. Nếu chịu khó tìm tòi ca dao, tục ngữ thì một con người Việt Nam đã có được vốn văn hóa ứng xử rất phong phú. Thiết nghĩ, những quan niệm đó đều rất tiến bộ và nhân văn. Điều mà chúng ta có thể thấy được trong bất kỳ một xã hội dân chủ và văn minh nào thời nay.

Điều đáng buồn là đất nước Việt Nam ta có thời kỳ trải qua chế độ Cộng Sản. Chế độ phi nhân này hủy hoại văn hóa tốt đẹp ngàn năm của dân tộc, đưa người ta đến chỗ hư vô không lối thoát. Nó tạo nên một xã hội vô pháp luật, chỉ có quyền lực thống trị và sự tôn thờ học thuyết Karl Marx. Nó biến con người thành một công cụ thụ động, hoang dã và thiếu tính tự tôn.

Chính vì như vậy, mà cuối cùng người ta chỉ biết tôn thờ sức mạnh của đồng tiền và quyền lực (vì không có luật lệ và những tư tưởng nhân văn chi phối). Điều nguy hại nhất là thói giả dối đã trở nên phổ biến và ngự trị trong đời sống. Nên nhớ là giả dối khác với khôn ngoan. Một đằng là thói xấu phải bị lên án, đằng kia là sự thông minh trí tuệ đáng được coi trọng. Di hại của ý thức hệ Cộng Sản đối với con người Việt Nam là rất lớn, chỉ riêng trong ứng xử, ít nhất nó cũng hình thành mấy thói xấu sau: Giả dối, vô cảm và tàn nhẫn.
Điều đó trái ngược với văn hóa của một xã hội dân chủ, đó là sự bình đẳng, luật lệ và tôn trọng lẫn nhau. Con người sống trong những xã hội thế này luôn nhân ái, vị tha. Nó thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong ứng xử giữa con người với nhau. Tất cả những quan điểm tốt đẹp đó được một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng bảo vệ.

Với một xã hội Việt Nam mất phương hướng ngày nay, những người còn liêm sỉ thì cố bám víu vào chút lễ giáo đạo Khổng để mà duy trì văn hóa giao tiếp. Số đông còn lại cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng giữa một môi trường không lối thoát, đầy rẫy sự hiểm nguy và hận thù gieo rắc. Người ta muốn vươn tới một cái gì đó tốt đẹp và nhân văn, nhưng văn hóa dân chủ thì chúng ta chưa thể với tới, vì môi trường nào văn hóa nấy.

Cũng như nhân loại nói chung, văn hóa ứng xử tương lai của người Việt Nam là dân chủ. Để làm được điều đó, trước hết phải xây dựng một xã hội dân chủ, tạo môi trường nền tảng cho sự tốt đẹp và tiến bộ phát triển. Cái văn hóa giao tiếp đó được hình thành dựa trên sự nhân bản chứ không phải bạo lực, nó không phục tùng quyền lực, mà chỉ tuân theo lẽ phải và luật lệ.

Văn hóa ứng xử là sản phẩm của xã hội và môi trường chính trị, bao gồm yếu tố lịch sử và hiện tại. Nói cách khác, thông qua văn hóa ứng xử, người ta có thể biết được lịch sử và văn hóa dân tộc, cho nên nó là những gì tinh túy nhất của con người vậy.
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Image

Vấn đề hạnh phúc:
Hạnh phúc nơi đâu, lúc nào?

Nếu hạnh phúc là thứ dễ tìm thấy thì có lẽ con người chẳng phải nếm mùi khổ đau nhiều như vậy? Nếu hạnh phúc là thứ ẩn nấp để cùng con người tham gia trò trốn tìm thì cuộc sống này liệu có còn thời gian tìm kiếm?


1/. Hạnh phúc ở nơi đâu?

- Hạnh phúc nằm ở đôi môi của bạn?

Một đôi môi biết mỉm cười và biết nói lời yêu thương chính là cửa ngõ dẫn đến hạnh phúc an nhiên của con người.

Nếu bạn chỉ biết than vãn, chỉ biết oán trách những trớ trêu của cuộc đời, chỉ biết dùng lời nói để chê bai, mỉa mai, công kích người khác thì đừng hỏi “Vì sao tôi không thấy hạnh phúc”. Hãy nói về những yêu thương tốt đẹp, hãy mỉm cười với cuộc sống xung quanh, hãy dành những lời ngọt ngào cho những người bạn yêu quý và bạn sẽ thấy hạnh phúc nảy nở từ đôi môi.

- Hạnh phúc nằm ở sự tha thứ?


Chẳng có ai ôm trong lòng mối hận thù mà cảm thấy vui vẻ và thoải mái cả. Có thể, họ đã làm tổn thương bạn, họ đã phản bội lòng tin và hằn trong lòng bạn một vết thương sâu hoắm và nhức nhối nhưng hãy đặt tay lên ngực mình và dặn với chính mình “Cuộc đời này vốn không đủ dài để yêu thương chỉ sao lại phí hoài nó cho hận thù”.

Vì thế, bằng cách này hay cách khác, hãy quên đi những vết thương và quên đi người để lại vết thương ấy, bạn cho đi sự tha thứ cũng chính là cách bạn tự cho chính mình một món quà chứa đầy hạnh phúc và an nhiên.

Tôi không chắc chúng ta có thể lại tin, lại yêu người ấy như chưa có chuyện gì nhưng chỉ cần bản thân tha thứ được thì ta sẽ lại có thể mỉm cười khi giáp mặt nhau. Như vậy, không phải sẽ tốt hơn sao?

- Hạnh phúc nằm ở chỗ Cho chứ không phải chỗ Đòi.

Hãy cho đi những thứ bạn muốn, rồi cuộc đời sẽ trả lại cho bạn những gì mà bạn muốn, có thể nó không đến từ người bạn cần nhưng chắc chắn rằng trong dòng đời sau này, sẽ có người cho bạn lại những điều như thế.

Đừng đòi hỏi điều gì khi bản thân không làm được. Sự hụt hẫng khi điều mình muốn không được đáp lại rất dễ đẩy bạn vào hố sâu của thất vọng.

Vì thế, đừng tự giết cảm xúc của mình chỉ vì những đòi hỏi cho thỏa mãn cảm xúc của bản thân, hãy học cách cho đi thật nhiều, cuộc sống này không để bạn chịu thiệt thòi đâu.


2/. Hạnh phúc vào lúc nào?


- Hạnh phúc là khi bạn biết Đủ?

Nói theo Đạo học là “Thái quá hay Bất cập đều là dở cả” (thái độ cực đoan là không tốt).

Yêu thương quá sinh ra gò bó, quan tâm quá sẽ khiến mất tự do, ghen tuông quá cũng mất vị tình yêu và cái gì cũng thế, chạm đến chữ Đủ sẽ chạm được hạnh phúc tròn vị.

Đừng chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh và cũng đừng ép bản thân phải trở nên quá hoàn hảo, yêu thương vừa đủ, ấm áp vừa đủ, quan tâm vừa đủ và bên nhau vừa đủ có lẽ sẽ hạnh phúc hơn.


Do đó, chúng ta thấy hạnh phúc chẳng nằm ở đâu xa, mà nằm ngay nơi chính ta, và hạnh phúc cũng chẳng phải là cái đích đặt ra để chúng ta đi đến, mà là thứ luôn hiện hữu song hành bên ta trong cuộc sống, chỉ vì ta quá hướng ngoại mà không quan tâm quên mất nó đi thôi.


Vì thế, hạnh phúc của chúng ta hẳn phải do tự chúng ta xây lấy, chứ chẳng phải chạy theo một ai đó để xin ban. Thứ hạnh phúc xin ban chỉ là thứ hạnh phúc ảo, nó sẽ dần chết theo thời gian.


Nguồn: Góc Trái Tim
MatVit
Posts: 1315
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »


Cần biết khi mất ngủ


Không nên dùng rượu bia như một biện pháp chữa cháy. Nếu dùng thuốc trợ giúp giấc ngủ phải kết hợp song song
với những biện pháp thư giãn, vệ sinh giấc ngủ.

Mất ngủ hiện nay trong y khoa không đơn thuần một loại bệnh mà còn là trạng thái do stress, áp lực công việc gây ra.
Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt ở đô thị, không chỉ người già, trung niên, phụ nữ mãn kinh mà ngay cả đối tượng rất trẻ (23 - 30 tuổi)
cũng thường xuyên phải đối mặt với chứng mất ngủ.

Mất ngủ là biểu hiện thường gặp nhất của trạng thái stress, những lo âu căng thẳng bức xúc trong cuộc sống, công việc, học hành
không giải quyết được ngay mà để tích tụ trong tâm trí và đem vào giấc ngủ.

Image
Mất ngủ có thể là biểu hiện của nhiều bệnh. Ảnh minh họa: avenueacu


Mất ngủ là những thay đổi trong biểu hiện giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, không duy trì được giấc ngủ, ngủ không yên giấc, tỉnh giấc giữa khuya. Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như ngưng thở khi ngủ, thở ngáy, cử động bất thường trong giấc ngủ, ác mộng, hành vi bất thường như mộng du và chứng ngủ ngày quá độ.

Mất ngủ có thể do hay là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Các bệnh thực thể như đau nhức mãn tính, tiểu đêm, cường giáp, bệnh tim phổi, chứng trào ngược thực quản dạ dày… Mất ngủ do thuốc như thuốc trị cao huyết áp, thuốc giảm đau có chứa caffeine… cho đến các bệnh tâm trí đặc biệt là trầm cảm.

Lời khuyên khi mất ngủ


Khi mất ngủ không nên lạm dụng thuốc ngủ. Thuốc ngủ chỉ giải quyết 30-50% vấn đề và chỉ giải quyết được bề nổi của bệnh. Thuốc chỉ trợ giúp nhanh chóng vấn đề mất ngủ trước mắt còn tác hại lâu dài có thể sẽ bị lệ thuộc thuốc. Không nên tự ý sử dụng mà phải có chỉ định rõ ràng của bác sĩ chuyên khoa về cách dùng, liều lượng cũng như thời hạn dùng thuốc.

Nếu dùng thuốc trợ giúp giấc ngủ phải kết hợp song song với những biện pháp thư giãn, vệ sinh giấc ngủ như tập đi ngủ đúng giờ, tạo môi trường xung quanh thoải mái cho giấc ngủ. Tránh các hoạt động có tính kích thích trước khi ngủ như xem phim kinh dị…

Sau khi áp dụng những biện pháp không dùng thuốc mà không thành công hay không được như ý thì bác sĩ sẽ dùng thuốc trợ giúp ngủ. Tùy trường hợp cá nhân cụ thể mà chọn loại nào thích hợp. Thường dùng với liều thấp nhất có thể được mà đạt hiệu quả, tăng dần nếu chưa đạt yêu cầu. Sau đó khi ngủ tốt rồi thì sẽ gỉảm dần cả về liệu lượng lẫn thời gian dùng.

Tùy trường hợp cụ thể mà chọn loại thuốc thích hợp. Ví dụ nếu khó đi vào giấc ngủ thì sẽ dùng loại thuốc có tác dụng nhanh và ngắn hạn để giúp bệnh nhân rơi vào giấc ngủ nhanh. Nếu khó duy trì giấc ngủ như tỉnh giấc giữa khuya thì dùng loại tác dụng chậm và kéo dài. Hoặc nếu cần có thể dùng loại tác dụng kép gồm 2 thành phần, phần phóng thích tác dụng nhanh kết hợp phần còn lại phóng thích từ từ.

Trong mọi trường hợp mất ngủ, không nên dùng rượu bia như một biện pháp chữa cháy mặc dù trạng thái xay xỉn do bia rượu làm người ta buồn ngủ nhưng sẽ ngủ không sâu.

Có thể cải thiện tình hình bằng cách vận động thư giãn, tạo thói quen đi ngủ đúng giờ ngay cả cuối tuần. Không ăn quá no vào buổi tối, tránh dùng các chất kích thích vào buổi chiều tối và không sa đà vào bia rượu như cách để giải quyết stress.

Bác sĩ Đỗ Đức Tín
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Image

Y học cổ truyền

Cải bẹ xanh chữa bệnh gout
Từ xưa đến nay cải bẹ xanh là loại rau rất phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Thế nhưng không mấy ai biết được những tác dụng chữa bệnh thần kỳ từ loại rau này.

Cải bẹ xanh có vị cay, đăng đắng (thường được gọi là cải đắng), lá có màu xanh đậm hoặc xanh nõn chuối. Cải bẹ xanh thường dùng để nấu canh, hay cuốn bánh xèo với rau xà lách.

Theo Đông y cải bẹ xanh có vị cay, tính ôn, có tác dụng giải cảm hàn, thông đàm, lợi khí... Trong cải bẹ xanh có chứa rất nhiều các loại vitamin A, B, C, K, axit nicotic, catoten, abumin...

Cải bẹ xanh được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng vì có nhiều lợi ích đối với sức khỏe cũng như có tác dụng phòng chống bệnh tật. Dưới đây là một số công dụng từ lá cải bẹ xanh:

Chống lão hóa da

Với những thực phẩm rau có màu xanh đậm như cải bẹ xanh thì hàm lượng vitamin càng cao, giàu chất chống oxy hóa và axit folic cần thiết cho tế bào máu, giúp da dẻ hồng hào, tươi tắn. Vì vậy mỗi ngày dùng từ 200 – 300 gr rau cải bẹ xanh trong khẩu phần ăn sẽ giữ được sự tươi trẻ.

Ngoài ra, cải bẹ xanh còn dùng để chữa “phạm phòng” cho quý ông.

Chữa bệnh gout bằng cải bẹ xanh

Bệnh gout hình thành do một chế độ dinh dưỡng nhiều thực phẩm giàu năng lượng nhất là ăn các loại thịt, tim, gan, lòng hay các loại hải sản.

Nam giới ở độ tuổi trưởng thành dễ mắc phải bệnh gout, tuổi càng cao tỉ lệ mắc bệnh này càng nhiều hơn (trên 65 tuổi). Ngoài chế độ dinh dưỡng tránh những thực phẩm giàu purin có trong nội tạng động vật và hải sản, bệnh nhân mắc bệnh gout còn được khuyên dùng nhiều rau xanh, những loại có tác dụng thải ra ngoài chất axit uric gây bệnh.

Các bà nội trợ có thể lưu ý cách chế biến sau: dùng cải bẹ xanh nấu và uống mỗi ngày thay nước. Nhờ uống loại nước này đều đặn có tác dụng giúp thải ra ngoài chất axit uric, phòng trừ bệnh gout rất hiệu quả.

Trị viêm họng với cải bẹ xanh

Phần thân và lá của cải bẹ xanh dùng làm rau ăn, bên cạnh đó phần hạt có tác dụng tích cực trong việc chữa bệnh: viêm họng, ho hen, mụn nhọt, trĩ, các chứng phong hàn…


Có thể sử dụng hạt cải bẹ xanh để chữa bệnh bằng cách tán nhuyễn sau đó cho vào một ít nước, khuấy cho đến khi thấy sền sệt, dùng đắp vào phần hầu, băng lại sẽ thấy hiệu quả và giảm đau họng ngay. Ngoài ra, hạt cải bẹ xanh còn dùng để chữa trị các chứng đau lưng, đau xương sống, bệnh tiêu chảy...

Với cải bẹ xanh khi luộc nên cho nước nhiều.
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Già vẫn (! cứ) yêu?

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
drnguyentranhoang@gmail.com
Hỏi:

Tôi rất thích coi các chương trình “Bác Sĩ Của Bạn” trên Người Việt TV. Trong các chương trình này, các vấn đề sức khỏe và y tế được trình bày một cách rất dễ hiểu, nhẹ nhàng mà thiết thực, bổ ích.

Trong chương trình mới đây, “Tin mới về tình dục ở người lớn tuổi,” bác sĩ đã “bật mí” nhiều chuyện rất hấp dẫn và... quá hay. Một trong nhiều điều hay đó, theo tôi hiểu, thì, bác sĩ có cho biết là một số các nghiên cứu gần đây đã cho thấy là những người lớn tuổi có quan hệ tình dục “hăng hái” hơn thì sẽ tăng chất kích thích tố trong người hơn.

Theo tôi hiểu thì kích thích tố đầy đủ không những giúp mình “sung” hơn về “chuyện này nọ,” mà còn yêu đời, sung sức hơn về chuyện khác. Không biết tôi hiểu như vậy có đúng không?

Tôi năm nay đã hơn bảy nhăm, mà vẫn còn (muốn) “sung.” Nhưng vợ tôi lại không (“sung”) như vậy! Và cũng không muốn tôi “sung” như vậy!!! Tôi phải làm sao ???
(Ông-Già-Mà-Sung)

Tôi năm nay đã gần bảy mươi, sức khỏe rất tốt, nhưng về chuyện sinh hoạt tình dục thì ngay từ trẻ đã không “tích cực” lắm. Gần đây tôi có nghe nói tình dục có lợi cho sức khỏe. Như vậy, không biết tôi có cần phải “cố lên” trong việc đó hay không? Dù là cho tới nay, vợ chồng tôi vẫn rất hạnh phúc với cuộc sống tương đối “chay tịnh.”
(Người-Yêu-Hai-Chữ-Bình-An)

Tui nghe nói thời buổi bây giờ, tuổi cỡ sáu chục, bảy chục, thậm chí tám chục vẫn chưa “nhằm nhò” gì? Vì người ta sống tới chín, mười, hơn mười “bó” là chuyện thường. Và mấy ông bạn cà phê của tôi nói bảy, tám chục bây giờ, theo “thông tin cập nhật,” thì chuyện “mây mưa,” “trăng gió,” là chuyện bình thường, mà có người còn nói càng nhiều thì càng khỏe.

Tôi mới gần bảy “bó,” mà chỉ mới nghĩ đến chuyện đó, đã thấy “hết hơi,” vậy thì thực sự “tình dục” ở mấy vị “cổ lai hi” là như thế nào mà hay quá vậy, có thuốc “hồi xuân” gì đặc biệt mà tui chưa biết hay không?
(Gần-Già-Mà-Vẫn-Ngây-Thơ)

Ðáp:

Từ ngày xửa ngày xưa, đã có “truyền thuyết” rằng tình dục có thể giúp làm tăng tuổi thọ, nhất là khi giao hợp với những thiếu nữ (hay thiếu niên) còn trinh...

(Có phải một phần) vì vậy mà (thường) đã có những ông vua thê thiếp “đầy đàn” trong các tam cung lục viện. Cũng đã có những bà vua muốn trường sinh bất tử theo cách đó, và “nhờ” đó mà được “sống” muôn đời với “danh tiếng” là “hoang dâm vô độ.”

Ngày nay, cũng không phải không có những “ông cụ” (và dĩ nhiên là cả người trẻ hơn) đã bị nhiễm siđa (AIDS/HIV) hoặc “tiêu tán đường,” hoặc thân bại danh liệt, vì đã ham “vui, chơi,” không đúng chỗ, không đúng cách.

Ða số các ông vua muốn trường thọ bằng nhiều thê thiếp hình như đã chết yểu (cả về xác lẫn hồn).

***

Một số nghiên cứu, cho thấy là những người lớn tuổi còn hoạt động tình dục đều đặn, điều độ, có tuổi thọ cao hơn.

Vẫn chưa rõ ràng lắm trong các nghiên cứu đó, là, vì còn mạnh khỏe (cả về tinh thần, thể chất, lẫn trong quan hệ với người phối ngẫu) nên những người trường thọ đó còn hoạt động tình dục, hay vì nhờ hoạt động tình dục mà sống lâu. Có lẽ là vì cả hai, tức là hoạt động tình dục (một cách thích hợp, lành mạnh) có thể vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của một cuộc sống lành mạnh.

Một nghiên cứu mới đây, ở Sydney, Úc, được thực hiện trên 1700 ông tuổi từ bảy mươi trở lên, cho thấy là những người đàn ông có quan hệ tình dục tích cực hơn, có mức hormone testosterone (được dịch là nội tiết tố nam, hoặc kích thích tố nam) cao hơn. Và đúng là ở mức độ cao đầy đủ (bình thường, chứ không cao quá), testosterone góp phần giúp tạo ra cảm giác mạnh mẽ, sung sức hơn về tính dục cũng như sức khỏe chung. (Có thể nghe nhiều chi tiết hơn về sức khỏe tình dục cho cả nam lẫn nữ trên Người Việt TV chương trình “Bác Sĩ Của Bạn” mới nhất.)

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa nổi tiếng “New England Journal of Medicine,” thực hiện trên hơn ba ngàn người từ 57 đến 85 tuổi, đã cho thấy rằng ở lứa tuổi từ 57 đến 64 có 73 phần trăm đã cho biết là họ còn sinh hoạt tình dục trong năm trước đó. Con số này là 53 phần trăm cho lứa tuổi từ 64 đến 75, và 26 phần trăm cho lứa tuổi từ 75 đến 85.

Một điều được quan sát thấy trong nghiên cứu này là những người khỏe mạnh “tích cực” gấp hai lần trong sinh hoạt tình dục. Và khả năng sinh hoạt tình dục là một trong những chỉ dấu quan trọng của tình trạng sức khỏe.

***

Ðiều cần chú ý (mặc dù chắc ai cũng đoán ra được) là phụ nữ phụ nữ ít “tích cực” hơn nam giới trong sinh hoạt tình dục. (Vậy mà phụ nữ lại sống lâu hơn nam giới!)

Theo nghiên cứu vừa trích dẫn, ở lứa tuổi 75 đến 85, chỉ có 37 phần trăm phụ nữ tham gia nghiên cứu còn chồng (chưa chết), trong khi có đến 71 phần trăm các ông còn vợ (đang sống... sờ sờ).

Hình như vẫn chưa có nghiên cứu tìm hiểu xem là việc ít hăng hái hơn trong sinh hoạt tình dục có góp phần vào việc kéo dài tuổi thọ của phụ nữ hơn nam giới hay không.

***

Lại một điều nữa cũng cần chú ý, là trong nghiên cứu này, định nghĩa “tình dục” không giới hạn ở việc giao hợp (thường hình như vẫn được cho là “bình thường” nhất) dương vật-âm đạo. Hơn một nửa những người trong lứa tuổi từ 57 đến 64 tuổi tiết lộ là họ có áp dụng khẩu dâm.

Nếu hiểu “tình dục” theo nghĩa là sự mong muốn biểu hiện cái “tình” của mình với bạn tình, trong đó “tình” là sự giao hòa giữa cho và nhận, là niềm vui trong quá trình đem niềm vui đến cho người tình của mình, thì tình dục (một cách vừa sức và vừa phải) luôn tốt lành, mang lại an lạc cho bất cứ lứa tuổi nào. (Và an lạc là điều rất có lợi cho sức khỏe.)

Tình dục hiểu theo nghĩa như vậy có thể (và nên) biểu hiện bằng những cách khác nhau (miễn là thích hợp với khả năng, sức khỏe, ưa thích riêng, vân vân và vân vân của từng cá nhân khác nhau): Thái độ ân cần, lời nói âu yếm thành thực, vuốt ve, hôn hít, ôm ấp, khẩu dâm, thủ dâm lẫn nhau, giao hợp... đều (có thể) là những “món” (có thể, rất “ngon,” và lành - mà vẫn “ngon”) của “bữa ăn” “tình dục.” Như trong một câu hỏi trên đây, nếu cả hai bên đều cảm thấy hài lòng với cách thức sinh hoạt tình dục đang được áp dụng, thì không có gì phải lo lắng về mặt sức khỏe cả.

Vì “tình” là điều kiện đầu, trước khi bước sang “dục,” nên quan hệ thương yêu, tình nghĩa với nhau có bị “trục trặc” gì hay không, là điều cần chú ý đầu tiên, nếu chỉ có một bên (gọi là) “sung.” Ðịnh nghĩa về tình dục (ở mỗi bên) khác nhau (vì ý thích, tình trạng sức khỏe, quan niệm về tình dục khác nhau), cũng có thể là điều gây ra “lấn cấn.”

***

Tóm lại, tình dục có lợi hay có hại, tốt hay xấu, cho sức khỏe ở người lớn tuổi?

Có lẽ, cũng như hầu như hầu hết tất cả mọi sự trên đời, tình dục vừa lợi, vừa hại, vừa tốt, vừa xấu: Lợi và tốt nếu ta dùng vừa phải, đúng cách, đúng chỗ, đúng lúc, thích hợp với tình trạng của mình. Hại và xấu nếu ngược lại.

Thành thật với nhau, có lẽ ít ai không thích sướng, không thích khoái lạc. Chỉ có điều, rất nhiều khi ta không nhớ rằng, theo một cách nào đó, có hai loại lạc (thú trên đời): an lạc và “lạc-mà-không-an.”

An lạc, sẽ đem lại khoái lạc tức thời cũng như lâu dài.

Còn các loại “lạc không an” có thể đem lại khoái lạc, sung sướng, thích thú, thỏa mãn tức thời, nhưng về lâu về dài có thể (và thường) mang lại những hậu quả xấu, đau khổ, tai họa cho mình, cho người, mà cái “lạc không an” tức thời không thể nào bù lại được.

Cân bằng, đa dạng và vừa phải, là các nguyên tắc của cách dinh dưỡng, cách sống lành mạnh. Ðiều này hình như cũng có thể áp dụng vào lĩnh vực tình dục.

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
nguyentranhoang.com
trinhham
Posts: 133
Joined: Mon Dec 10, 2012 2:07 am
Contact:

Post by trinhham »

Image

Bí Mật Của Những Tu Sĩ Tây Tạng "BIẾT BAY"
Không biết các ảo thuật đường phố biểu diển cho người bay trước mắt thiên hạ, có phải trùng hợp với chuyện nầy không?

Những nhà sư Tây Tạng đã chống lại được định luật hấp dẫn của Newton, họ có thể bay lơ lững mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào, đó là thuật khinh công.

Bí thuật của tu sĩ Tây Tạng

Tây Tạng vùng đất bao quanh bởi mây trắng, nơi này còn là nơi lưu giữ bí quyết của thuật khinh công (Levitation) của các nhà sư Tây Tạng, một bí thuật riêng của các nhà tu hành phương Đông. Đó không phải là huyền thoại như người ta nghĩ.

Trước đây khi chứng kiến các nhà sư bay lơ lững khi ngồi thiền, người ta thường nghĩ các nhà sư này là Chúa Trời hiển linh, hoặc là thánh thần giúp họ làm điều đó. Nhà thám hiểm người Anh Alexandra David Neel một ngày nọ chứng kiến thầy tu Cnang Tang bay lên khỏi mặt đất trên cao nguyên đầy thông ở Tây Tạng. Neel kể lại rằng, vị tu sĩ nọ bật lên khỏi mặt đất nhiều lần như một quả bóng Tennis nảy lên nảy xuống.

Nhiều nhà tu khác cũng có khả năng tự nhấc mình lên khỏi mặt đất đến 90cm. Họ làm việc này không phải để biểu diễn cho công chúng xem mà chỉ nhằm mục đích phục vụ cho những nghi thức tôn giáo.

Neel không khỏi ngạc nhiên với những điều kỳ lạ này. Một thời gian dài Neel sống cùng với các thầy tu, cố gắng tìm hiểu bí mật của họ. Neel nhận ra, các thầy tu thường xuyên tập yoga và võ thuật. Đặc biệt có khả năng giữ thăng bằng rất tốt, nhanh nhẹn trong từng cử động. Để đạt được trình độ khinh công, các thầy tu phải trải qua tất cả mức khinh hành (đi bộ với tốc độ rất lớn). Các môn đồ của khinh hành đi bộ rất nhanh và an toàn ở những nơi núi non hiểm trở, bằng kỹ thuật phi thân (nhảy), thần hành (chạy hằng trăm dặm mà chân không chạm đất) bích hổ du tường (thằn lằn leo tường), thủy thượng phiêu (chạy trên nước).

Tất cả các nhà sư này đều có một thể lực phi thường, cùng sức chịu đựng tốt với tấm thân "mình đồng da sắt". Neel chỉ có thể rút ra kết luận, khinh công là môn võ tập luyện cho thân thể được nhẹ nhàng như bướm trên cành, như chim bay lượn, chạy trên cỏ mà cỏ chẳng hề di động, chạy trên tuyết chẳng hề in dấu chân, băng qua nước, nước không hề gợn sóng. Thậm chí, Neel cũng cố gắng tập luyện cùng các nhà sư, trải qua những bài tập khắc khổ cùng họ để đạt đến ngưỡng có thể nhấc người lên khỏi mặt đất.

Theo lịch sử ghi lại, tu sĩ Daniel Douglas Hewm, một nhà yoga hàng đầu, thuộc thế kỷ 19 là người Tây Tạng đầu tiên thực hiện màn khinh công kỳ bí. Ông được mệnh danh là người nắm giữ nhiều sức mạnh huyền bí, đến nổi có thể đi lại, ăn ngủ trong khi khinh công lơ lững giữa không khí. Vào thời gian đó, người ta chưa biết đến thuật khinh công mà chỉ biết tu sĩ Milarepa là một vị thánh sống có nhiều phép lạ.

Trên một tờ báo Mỹ, một nhà báo đã miêu tả trạng thái bềnh bồng trong không gian của Hewm như sau: "Bất thình lình, Hewm nhấc mình lên khỏi mặt đất khiến những người trong phòng sửng sốt, ngạc nhiên. Tôi thấy chân của ông ta cách mặt đất khoảng 0,3 mét. Ông ta vượt lên và hạ xuống. Đến lần thứ 3 thì ông ta chạm trần nhà...."

Tu sĩ Hewm đã biểu diễn năng lực đặc biệt này trước hàng nghìn khán giả, trong đó có cả những người nổi tiếng như William Makepeace Thackeray, Mark Twain, Napoleon lll cùng những nhà chính trị, bác sĩ, khoa học gia. Ngày nay thuật khinh công được nhắc đến nhiều hơn trong võ thuật, không còn được coi là do thần thánh làm nhưng vẫn là điều bí ẩn đối với khoa học.

Những tuyệt kỹ khinh công dù thực hiện ở bất cứ đâu đều có một điểm giống nhau, đó là xử dụng một kỹ thuật nào đó để giảm hoặc mất hẳn tác động của lực hút trọng trường. Nói về điều này, cần nhắc đến một khái niệm vật lý là trọng lượng biểu kiến. Nó đặc trưng cho lực nén của vật lên mặt sàn hoặc sức căng của lò xo thể hiện sức nặng của một vật nào đó.

Chính trọng lượng biểu kiến tạo cảm giác về sức nặng, nhẹ của cơ thể. Khi không có cảm giác về trọng lượng biểu kiến (rơi từ trên cao xuống mà không có sàn đỡ), trạng thái không trọng lượng sẽ xuất hiện.

Người thường cũng có thể học khinh công

Cho đến nay, người ta không thể chứng minh, ít nhất là về mặt lý thuyết, làm thế nào mà một người có thể thoát ra khỏi tác động lực hút của trái đất trong điều kiện thông thường chỉ bằng cách hít thở, thôi miên để lơ lửng trên không trung. Những người phản bác cho rằng từ xưa đến nay, đó chỉ là trò ảo thuật đánh lừa thị giác của người xem.

Nhà thám hiểm Neel đã cố gắng chứng minh, khinh công hoàn toàn là do luyện tập, không phải là trò lừa đảo. Thời gian sống cùng các thầy tu Tây Tạng, trải qua quá trình luyện tập khắc khổ, cuối cùng Neel cũng đã có thể bay lơ lửng cách mặt đất 40cm. Neel cho biết: "Tôi luyện tập yoga và các môn võ kết hợp hằng ngày. Cái quan trọng nhất chính là tĩnh tâm và cách hít thở của người tập. Khi đạt đến trạng thái vô thức, tôi thấy thân mình nhẹ bẫng cảm giác như đang trên mây. Lúc lấy lại được nhận thức, các nhà sư cho tôi biết tôi đã thành công".

Việc Neel có thể thắng lại được lực hút của trái đất, nhấc mình lên khỏi mặt đất mà không có sự trợ giúp của bất cứ thiết bị nào, đã khiến nhiều người tò mò hơn và muốn tìm ra được bí quyết. Neel vốn là người ngoại đạo mà vẫn có thể học khinh công chứng tỏ bí mật khinh công của các thầy tu Tây Tạng không phải là điều quá huyền bí với con người. Tuy nhiên,khi được hỏi về cách thức thực hiện, Neel lại giữ im lặng, không trả lời, bởi ông muốn giữ lời hứa của mình trước khi học khinh công.

Các nhà khoa học đã thực hiện một số thử nghiệm khoa học và đã có những tín hiệu đáng mừng. Nhà vật lý người Nga Evgeny Podkletnov đã gây chú ý khi ông tuyên bố tạo ra được một hệ thống có thể chiến thắng trọng lực và làm cho các đồ vật bay lên. Podkletnov làm lạnh một chiếc đĩa đặc biệt ở nhiệt độ - 1670 C, để lên đó một vật rồi đặt tất cả vào trường điện tử làm quay chiếc đĩa.

Khi tốc độ quay đạt đến 3000 vòng/phút, đồ vật đặt trên đĩa bắt đầu mất trọng lượng và lơ lửng trên không. Còn các nhà khoa học Mỹ lại làm thử nghiệm khác: Khi đặt các chất siêu dẫn lơ lửng trong từ trường, họ phát hiện, nếu đặt một vật thể lên trên bề mặt của chất siêu dẫn, trọng lượng của nó sẽ giảm đi 5%. Một số thí nghiệm khác, hướng theo mục đích này, đã đạt được những kết quả nhất định.

Các nhà khoa học Hoà Lan thậm chí đã làm cho một con ếch bay lên. Họ hy vọng áp dụng những nguyên tắc tương tự, trong một ngày rất gần, chúng ta có thể bay lên lơ lửng trong không gian mà không cần bất cứ sức mạnh cơ học nào. Nhưng tất cả những thí nghiệm này đều thực hiện trong môi trường đặc biệt, cần sự hổ trợ của các thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Khinh công vẫn khiến nhiều nhà khoa học tranh cãi, về tính xác thực của nó dù đã có bằng chứng cụ thể. Một số nhà nghiên cứu nói rằng, đó là sản phẩm của trường sinh học, được tạo ra bởi một dạng năng lượng tinh thần đặc biệt phát ra từ não người. Bác sĩ Alexander Dubrov chuyên gia về sinh vật học là người ủng hộ giả thuyết này. Ông cho rằng trường sinh học được tạo ra một cách có chủ ý bởi người thực hiện khinh công, bởi vậy họ có thể kiểm soát và thay đổi hướng khi lơ lửng trên không.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests