Góc Phố Cà Phê

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Tính chất nhà văn trong nhà báo Lê Thiệp

Du Tử Lê
Lê Thiệp là thế hệ phóng viên báo chí đầu tiên của miền Nam, được đào luyện một cách chính quy, tính tới tháng 4 năm 1975.

Cùng với những tên tuổi như Ngô Ðình Vận, Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Vũ Ánh... ông tốt nghiệp khóa 1 báo chí do cơ quan Việt Tấn Xã, Saigon, tổ chức.

Tôi không biết có phải vì đôi lần tình cờ gặp ông trong một vài cuộc họp báo họa hiếm tôi phải tham dự, hình ảnh một Lê Thiệp với bộ dạng bên ngoài khá khác lạ, cho tôi cảm nhận đó là người nhiều cá tính mạnh mẽ mà nổi bật nhất, rõ nét hơn cả trong tôi là, tính bất cần đời của người phóng viên trẻ tuổi này.

Tôi cũng không biết có phải vì những ký sự hay phóng sự của ông, thường cho tôi nhiều điều khác hơn căn bản của một bài ký sự, phóng sự là nhân vật, sự kiện và con số...

Tôi luôn bắt gặp nơi những bài viết của ông một điều gì, rất gần với căn bản một sáng tác văn chương như, chữ nghĩa, hình ảnh, tư tưởng...
Image
Từ trái qua: Ngọc Hoài Phương, Ðỗ Ngọc Yến, Du Tử Lê, Lê Thiệp, Ðỗ Bảo Anh (Hình: Tác giả cung cấp)
Với thời gian, khi ông cầm bút lại, nhiều năm sau biến cố tháng 4, 1975, với tập bút ký nhan đề “Chân Ướt Chân Ráo” (CƯCR) do Tủ sách Tiếng Quê Hương của Uyên Thao, ở Virginia, xuất bản năm 2003, tôi mới có dịp nhìn rõ hơn, thấy rõ hơn tính chất nhà văn, nơi con người nhà báo này.

Ở đây, tôi không muốn nói tới vốn sống ngồn ngộn rói tươi của ông. Tôi cũng không muốn nhắc tới cái kiến thức sâu rộng của ông về nhiều phương diện, từ văn học tới chính trị, lịch sử, xã hội... Tôi chỉ muốn nói tới khía cạnh văn chương như những nhát dao dứt khoát, sấn sổ trên một khối gỗ xù xì để hình thành chân dung một nhân vật, một sự kiện.

Ðiển hình như khi viết về cha xứ Nguyễn Thành Long ở vùng Hoa Thịnh Ðốn, mở đầu bài “Giấc Mơ Việt Nam,” ông viết:

“Ông cha xứ viền điếu thuốc đặt vào nõ chiếc điếu cổ, ngón tay cái hơi miết nhấn những sợi thuốc nâu sậm xuống và châm lửa. Ông rít một hơi ròn tan, dụi bỏ que diêm, rồi thở ra rất chậm rãi. Khói thuốc lào đậm xanh, như quánh lại không tan nổi trong cái không khí oi bức của một buổi chiều mùa hạ.

“Ông ngồi đó dưới gốc cây mơ màng nhìn xuyên qua làn khói. Những thanh sắt làm khung trơ trọi, những mảnh tường chưa dụng kín, những chiếc mái cong vút vẫn còn phải có cái chống, cái kê nhưng ông biết chắc giấc mơ mà ông gọi là Giấc Mơ Việt Nam của ông nay đã thành.” (CƯCR, trang 214)

Khi viết về họa sĩ Ngọc Dũng, một người ông quý trọng, cũng là người anh kết nghĩa của mình, ông viết:

“Gần anh, nhìn tranh anh, dần dần tôi hiểu cái mềm mại của tranh anh, cái quyến rũ của tranh anh bắt đầu từ cái đẹp không lý luận, cái giản dị của chính sự việc, đề tài. Nó gần gũi với tôi, với những gì quanh tôi, nó nhập vào tôi lúc nào không biết. Bức tranh vẽ cô gái gầy guộc ngồi trên ghế nhìn vào khoảng không bỗng lúc nào trở thành một cái gì không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Một lần tôi dẹp tranh để treo một bức trừu tượng vào thay. Có cái gì bứt rứt khó chịu vào những lần đi qua mảnh tường. Tôi bèn úp bức trừu tượng lại, treo cô gái lên. Cô bé bỗng như cười và tôi có cảm giác mình có thêm một đứa con trong nhà, lúc nào cũng ngồi đó im lặng, nhưng sự hiện diện thì tràn đầy trong tôi.” (Ngọc Dũng, Giọt Nước Hân Hoan, CƯCR, trang 211)

Hoặc khi viết về một loại trái cây rất tầm thường đến độ ít ai để ý là trái ổi, trong bài “Những Quả Ổi Cuối Mùa,” ông viết:

“Tôi cắn vào trái ổi, cắn một cách từ tốn chậm rãi, gặm phần vỏ nhai thật kỹ. Nó hơi đắng chát, cái đắng chát dịu dàng. Tôi ăn đến phần cùi. Giòn, sần sật, nước ngọt ứa ra thấm vào tận chân rằng. Tôi nhai phần ruột có hột. Hột ổi to nhưng không cứng lắm, nhai vỡ ra kẹt vào kẽ răng. Tôi vừa đi vừa hít hà để những hột ổi bong ra.” (CƯCR, trang 121-122.)

Tôi không nghĩ người đọc chờ đợi hay, đòi hỏi nơi người viết ký sự, phóng sự những đoạn văn như tôi vừa trích dẫn.

Với tôi, đó là những đoản văn đượm, tươm chất tùy bút.

Tôi thấy như mình ngửi được mùi thơm của trái ổi, cảm được vị chát của vỏ ổi hoặc, độ ngập của những chiếc răng găm vào phần ruột ổi.

Tôi thấy như mình đang đứng trước bức tranh cô gái gầy guộc, ngồi trên ghế, hướng về khoảng không phía trước, với tất cả cảm nhận lẻ loi của cô, trong đăm đăm dõi theo một mơ mộng bồng bềnh, chưa hẳn rõ chân dung một tình yêu hay, khát khao một bờ vai, một cánh tay ai đó, nơi tranh Ngọc Dũng, qua mô tả của Lê Thiệp.

Tôi cũng thấy như mình ngửi được mùi thuốc lào, nghe được tiếng réo sôi hân hoan của niềm vui, hòa lẫn nỗi buồn của những sợi thuốc cháy nhanh, nơi chiếc điếu cầy lên nước thời gian, nhiều dặm xa xôi quê nhà, của cha Nguyễn Thành Long...

Rải rác đâu đó, trong bút ký của Lê Thiệp, nhiều giải lụa tùy bút, như thế. Nhất là những bút ký nhân vật của ông.

Với giọng văn kể chuyện từ tốn, chậm chạp, đôi lúc gây gỗ, gấp gáp một cách bất ngờ. Trước đây, tôi những tưởng Lê Thiệp với nguyên gốc phóng viên, ông sẽ thích hợp với những bút ký về con người, xã hội hay thời cuộc.

Nhưng càng đọc ông, tôi mới thấy, cõi giới văn xuôi Lê Thiệp còn vươn xa hơn mấy phạm trù vừa kể.

Ông viết về tuổi thơ, kỷ niệm và, ngay cả lãnh vực thi ca cũng dễ dàng, thấu đáo với nhiều “nhân vật, dữ kiện, con số” như khi ông viết tin hay, phóng sự vậy.

Vẫn trong tác phẩm nêu trên, tôi rất thích bút ký nhan đề “Sư Triệt Học lận đận nơi nao?”

Không cần phải đọc hết bút ký này, độc giả cũng đã nhận ra hai chữ “lận đận” mà tác giả dùng trong nhan đề của mình, vốn trích từ câu thơ “cùng một lứa bên trời lận đận” của Phan Huy Vịnh, dịch từ nguyên tác Bạch Cư Dị.

Bỏ qua một bên sự gặp lại người bạn học cũ, trong nhân thân mới, nhân thân của một nhà sư - Nhà sư Triệt Học (thế danh Trần Ðức Giang,) với tất cả tâm trọng, kỳ thú, như một đoản văn tả các trích tiên gặp nhau; khi nói về bài thơ “Tỳ Bà Hành,” ông viết:

“Phải chờ cho đến khi Phan Huy Vịnh dịch thì mới có thơ:

Bến tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu

Chủ xuống ngựa, khách dừng chèo

Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti.

“Bạch Cư Dị sáng tác khỏe với 3487 bài thơ. Ông tự sắp thơ của mình thành 4 loại chính: Phúng Dụ, Nhàn Thích, Cảm Thương và Tạp Luận.

“Gần bốn ngàn bài trong đó ông tự hào nhất là loại Phúng Dụ, nhưng hình như mọi người Việt chỉ nhớ Tỳ Bà Hành. Chính nhờ Phan Huy Vịnh.

“Bài thơ thất ngôn cổ phong 88 câu này được làm khi Bạch Cư Dị bị biếm trích khỏi Tràng An đến nhậm chức Tư Mã ở quận lỵ hẻo lánh Giang Châu. Trong buổi tiễn thiền sư Mãn Thượng Nhân ở bến sông Bồn, hai người đã gặp một kỹ nữ về già. Tỳ Bà Hành thuật lại cuộc gặp gỡ này và bài thơ trở thành bất hủ...”

Nhưng Lê Thiệp không quy kết, không trói buộc bài viết của ông trong những “nhân vật, dữ kiện, con số” mà, ông đẩy ngòi bút, cảm hứng của mình tới những đỉnh cao, những vực sâu khác.

Những đỉnh cao, những vực sâu làm thành bởi những trận “địa chấn” mà bài thơ của Bạch Cư Dị, đúng hơn, bản dịch của Phan Huy Vịnh (như một bài thơ khác, nếu tôi được phép nói như vậy) làm thành.

Tôi muốn nói, sự bước khỏi khuôn-thành-ký-sự, để đi vào lãnh giới “tư tưởng,” một trong ba thành tố căn bản của văn chương.

Lê Thiệp viết:

“...Nhưng sức truyền bá của bài Tỳ Bà Hành thì thấm từ nhiều thế hệ nho gia đến tận Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương...

“Sau Chu Mạnh Trinh đọc Kiều mà ‘giọt lệ Tầm Dương chan chứa’ đến Vũ Hoàng Chương:

Tình nhân thế chưa cay người lịch duyệt

Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu

“Và Xuân Diệu thì:

Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt

.......

Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt

Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi.

Hoặc chỗ khác:

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.(...)

“Tôi ngồi đọc lại một lần nữa. Tờ photocopy lâu ngày đổi màu, nay cũng đã cứng hơn, nham nháp nơi tay.

“Hà tất tằng tương thức? Lọ sẵn quen nhau?

“Bạch Cư Dị và người kỹ nữ đâu có quen biết nhau trước. Họ vẫn là tri âm và chính vì mối tri âm mà có Tỳ Bà Hành:

Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân

Tương phùng hà tất tằng tương thức

......

Cùng một lứa bên trời lận đận

Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau

“Thì ra thế. Cùng một lứa.

“Quan Tư Mã, đại thi hào, kỹ nữ, vợ anh lái trà, có gì khác đâu? Cái giai cấp, cái phân biệt đã xóa nhòa để có Tỳ Bà Hành.

“Phải chăng chỉ chính vì cùng một lứa bên trời lận đận, sư Triệt Học đã đưa tôi bài thơ này trong chiếc ga xép khi chia tay ở Fukuoka?”

Tuy nhiên, người đọc cũng bắt gặp rất nhiều những từ ngữ, những chữ nghĩa bổ bã, rất ấn tượng làm bật lên cảnh tượng sinh hoạt của một giai đoạn xã hội nào đấy. Chính những ngữ cảnh đầy tính chất phóng sự, ký sự này, phần nào cũng đã làm thành nét riêng trong văn xuôi Lê Thiệp.

Du Tử Lê
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »


Image

Những câu truyện cực ngắn đầy ý nghiã.
1. Nó

Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành "Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: "Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn. (Thanh Hải)

2. Vòng cẩm thạch

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: - Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng. (ST)

3. Quà sinh nhật

Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến... (ST)

4. Con Nuôi

Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói: - Mình biết tất cả về con nuôi đấy. Một học sinh khác hỏi: - Thế con nuôi là gì? Cô bé trả lời: - Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng. (ST)

5. Khóc

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: "Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh." (ST)

6. Cua rang muối

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: "Cua rang muối thật đó mẹ." Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: "Còn răng đâu mà ăn?!" (ST)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Người phụ nữ Việt Nam
qua trào lưu Tự Lực Văn Đoàn


Lê Mộng Nguyên
Paris, Pháp
Sau một nghìn năm đô hộ (từ 111 trước Tây lịch đến 931 sau Tây lịch), nước Việt Nam ngày xưa nhiễm văn minh Tàu và nhất là Nho giáo trên mặt luân lý trong và ngoài gia đình. Khổng tử dạy: quân tử (trái lại với kẻ tiểu nhân) là người phải có năm đức hạnh: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… và trong cách đối xử trong xã hội lúc nào cũng phải giữ một tấm lòng trung trực: bầy tôi đối với vua (quân thần), con đối với cha (phụ tử), em đối với anh (huynh đệ), vợ đối với chồng (phu phụ), bạn đối với bạn (bằng hữu)…

Đạo Khổng xem đàn bà như là hư không. Bổn phận người phụ nữ trong nhà là vâng vâng dạ dạ trước đàn ông, nghĩa là tuân theo cha khi còn nhỏ, rồi tuân theo chồng (xuất giá tòng phu) và tuân lời con trai cả khi góa bụa. Áp dụng chủ nghĩa hạn chế nhân khẩu (malthusianisme), một phong tục dã man ở Trung quốc cho phép cha mẹ một hài nhi gái, được từ bỏ con ngay khi mới ra đời bằng cách dìm xuống nước cho chết đuối hoặc ruồng rẫy, không nuôi nấng.

Từ ngày độc lập, trong những Hiến pháp của miền Nam tự do ban hành năm 1956 và 1967, và Hiến pháp Bắc Việt năm 1946, 1959… bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà được công nhận, đặc biệt nhất là trên mặt phổ thông đầu phiếu. Chế độ đa thê cũng được chính thức bãi bỏ.

Trở lại nước Việt Nam ngày xưa, hoàn toàn thấm nhuần Nho giáo, dựa trên quan niệm rằng đời sống con người không thể tưởng tượng ở ngoài xã hội. Durkheim bị ảnh hưởng đạo Khổng 2500 năm sau khi ông nói người chỉ là con người bởi vì sống trong xã hội (1). Người Việt trong cựu An Nam (trước khi tiếp xúc lần đầu tiên với Âu Tây), sống kết hợp chặt chẽ trong gia đình, hoặc trong làng xã với đồng hương một cách hết sức liên đới.

Cũng vì thế mà chính thể quân chủ chuyên chế được củng cố, trong khuôn khổ một nền kinh tế nông nghiệp, chậm tiến và tiền tư bản. Gia đình là một cơ quan mà theo Pierre Gourou, tương tự “một Vương Quốc mà Vua là người gia trưởng”. Người chủ nhà (Père de famille) có quyền chuyên chế (pouvoir absolu) trên mặt giáo dục con cái trong gia đình, quyền sở hữu (droit de propriété) về phần tài sản, dụng sản và ngay đến cả thân phận người con gái (xem như vị thành niên vĩnh viễn) và con trai tuổi ấu thơ. Trưởng nam có bổn phận làm hương hỏa, nghĩa là thờ phụng tổ tiên, đời này qua đời khác, đặng tên tuổi dòng họ được tồn tại.

Về vấn đề hôn nhân, người con trai (nói chung) có bổn phận phải lấy vợ có con, nhằm vĩnh truyền chủng tộc (perpétuation de l espèce). Lẽ dĩ nhiên, sự chọn lựa người dâu tương lai cho gia đình thuộc toàn quyền gia trưởng, không ai được kháng cáo. Cái quan niệm về hôn nhân này trở thành lạc hậu trong xã hội Việt Nam sau thế chiến 1914-1918, nhất là vào những năm 1925-1930, bị ảnh hưởng văn hóa Âu Tây, nếu không đảo lộn hoàn toàn thì cũng có nhiều thay đổi sâu đậm trong lãnh vực luân lý và cải lương phong tục (2).

Trong không khí khủng hoảng luân thường đạo lý này, nhà văn Hoàng Ngọc Phách cho xuất bản “Tố Tâm”, một tiểu thuyết nhắc nhở, gợi hình ảnh sự xâu xé của thế hệ trẻ mới giữa gia phong (nệ cổ gia đình) và tư tưởng mới mà văn minh Pháp đã đem vào xã hội Việt Nam. Theo học giả Đào Đăng Vỹ - trong thuyết trình bằng Pháp ngữ ông làm tại Huế và Sài Gòn năm 1949 – “Tố Tâm là một tài liệu rất quí báu về sự diễn tiến này. Bởi vì Tố Tâm không chỉ là một chuyện tình đau khổ tầm thường. Lần đầu tiên trong văn chương nước ta, nó làm nổi bật quang cảnh chiến đấu giữa cá nhân và gia đình, giữa con người và phong tục Khổng giáo của xã hội Viễn Đông. Nếu Đạm Thủy và Tố Tâm (người thiếu nữ vai chính trong truyện) không lấy nhau được, là vì cha mẹ hai bên đã
lựa chọn từ lúc nhỏ mà không cho hai đứa biết, một vị hôn thê và một vị hôn phu, mà hai đứa trẻ sẽ phải kết hôn, phải thương yêu, bởi vì đó là một tặng vật thiêng liêng của gia đình.

Sự hôn nhân trong xã hội thủ cựu của chúng ta, không phải là một chuyện riêng tư giữa hai người đàn ông và đàn bà, nhưng là một chuyện gia đình ngoài ý kiến của người trai trẻ và thiếu nữ trong cuộc.

Song thanh niên Việt Nam thế hệ 1925 đã bắt đầu biết rõ những tự do mà cá nhân được hưởng thụ trong xã hội Âu Tây và sự tôn trọng con người trong những nước không có Khổng giáo mà con người không bị hy sinh cho gia đình, cho cộng đồng và cho phong tục cổ truyền…”. Và nhà thuyết trình nói lên nỗi thất vọng của mình: “Về phần Tố Tâm, nếu nàng cam chịu và ưng thuận sự hôn phối (ép buộc) để chết trong lòng vì buồn đau, những người trai gái khác thời bấy giờ ưa tự sát hơn đặng thoát khỏi cái số phận mà gia đình định trước. Nếu ta mở những trang báo trong những năm 1925-1930, ta thấy đăng nhiều tin về thiếu nữ tự vẫn bằng cách nhảy xuống nước lãng mạn của hồ Trúc Bạch và hồ Hồn Kiếm ở Hà Nội” (3).

Thanh niên Việt Nam thấm nhuần văn hóa Âu Tây (một phần đã theo học Đại học Pháp khi trở lại quê hương), chỉ có thể lựa chọn giữa hai thái độ: hoặc cam chịu sống trong một xã hội thủ cựu (phi tiến bộ), hoặc theo con đường phản kháng, chống đối phong tục lỗi thời của Nho giáo. Tiền phong trong cuộc chiến đấu này, một nhóm thi văn sĩ thuộc thế hệ mới 1930 (ba anh em họ Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, và Thạch Lam), bắt đầu sáng lập báo Phong Hóa năm 1932 (cuối năm, báo gặp khó khăn, ai cũng sợ không bán được nhiều, thì thân mẫu là bà Nguyễn Tường Nhu nhũ danh Lê Thị Sâm, nóí với ba người con ký giả: “Cái ấy khó gì, nếu không bán hết, mang về cho mợ gói cau càng tiện” (4).

Đó thật là câu nói quả quyết của một người mẹ kính trọng tinh thần chiến đấu bằng ngòi bút của ba người con, một khuyến khích phải tiếp tục mặc dầu những bước đầu gian nan. Sau khi Phong Hóa bị đóng cửa, “Ngày Nay” ra đời khoảng 1935- 1936 là một cơ quan chiến đấu của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn (cùng với Ánh Sáng, một cơ quan xã hội) chính thức thành lập vào năm 1933, với 8 thành viên rường cột: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Dư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Trần Tiêu (em của Khái Hưng). Những nhà văn ngoài TLVĐ nhưng cộng tác trung thành với Nhóm, là: Đoàn Phú Tứ, Huy Cận, Thanh Tịnh, Trọng Lang. Sau nhà in Trung Bắc Tân Văn, sách TLVĐ đều do cơ sở riêng của nhà xuất bản “Đời Nay” phụ trách phát hành cho độc giả người Việt càng ngày càng đông, càng ngày càng say đắm và hâm mộ lối hành văn quốc ngữ rất trong sáng của những nhà văn TLVĐ.

Tôn chỉ của văn phái này như sau: “Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội, chú ý làm cho con người và xã hội ngày một hay hơn lên”, “Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân, không có tính cách trưởng giả, quý phái” (Điều 2-3-6 của Qui ước Hội). Nhóm TLVĐ chỉ trích cách viết bằng sáo ngữ mượn tác giả cổ điển Trung Hoa, cho nên “ngôn ngữ của TLVĐ có sự cách tân theo hướng trong sáng, mộc mạc làm cho người đọc dễ hiểu vì không xử dụng các điển cố - điển tích” (5).

Nhà văn TLVD viết tiếng Việt bằng quốc ngữ (langue nationale) để diễn tả tư tưởng và xúc cảm của mình. Trên mặt biến cải xã hội, TLVĐ – nói một cách tổng quát: gồm những phần tử tinh nhuệ mới (thuộc trung lưu trí thức Âu Tây hóa-Khoa bảng Đại học Pháp-Hà Nội), đề cao bằng ngòi bút chiến đấu chống nệ cổ, thủ cựu mà quan chức ngày xưa là biểu tượng, cũng như các thân hào làng xã, các cha mẹ áp dụng một cách mù quáng đạo Khổng. Thật là một cuộc chiến đấu quyết liệt giữa chủ nghĩa cá nhân Âu Tây và những cộng đồng truyền thống tiếp tục xem là hư không sự hiện thực của cá thể con người nói chung, và người đàn bà trong xã hội nói riêng… Đoạn Tuyệt của Nhất Linh (mà chúng ta sẽ phân tích sau), một trong những nhà chiến đấu “Việt Nam Quốc Dân Đảng” (Parti NationalisteVietnamien), xuất bản năm 1935, với một chủ đề rõ ý nghĩa, là tiếng chuông báo hiệu xuất hành của một cách mạng thực sự chống thành kiến thủ cựu trong xã hội làng xã và Nhà nước Nho giáo.

Qua vai chính truyện là Thị Loan, tiểu thuyết của Nhất Linh là một bản án cáo trạng những quan niệm cũ Á Đông về hơn phối, về nhân sinh và tự do. TLVĐ muốn cắt đứt với cổ tục, đặng cá thể con người được mở mang, mục đích đem lại một cuộc đời mới mà nguyên tắc là hạnh phúc của mỗi người (không phân biệt trai hay gái) và của tất cả mọi người (6).

Thân mẫu của Nhất Linh, bà Nguyễn Tường Nhu, một người đàn bà đã đóng vai trò quan trọng nhất “…phía sau” TLVĐ (7). Góa chồng lúc 37 tuổi, bà đã khuya sớm tần tảo nuôi nấng 7 người con cho đến khi các con học thành đạt, làm việc có lương bổng mới nghỉ ngơi: “Trừ Thạch Lam, và con gái Nguyễn Thị Thế, còn lại 5 người đều có bằng cử nhân, riêng Nhất Linh đỗ cử nhân khoa học Pháp trở về nước làm báo, làm văn chương… Nuôi dưỡng được ngần ấy người, bà Nhu vượt bao nhiêu sóng gió. Nhưng bù đắp lại bà Nhu có những niềm vui. Đó là lúc 3 người con trai Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và bác sĩ Nguyễn Tường Bách đều trở thành đại biểu Quốc
Hội khóa I của nước VN độc lập. Rồi Hoàng Đạo làm Bộ trưởng bộ Quốc dân Kinh tế trong chính phủ liên hiệp lâm thời, sau đến Nhất Linh làm Bộ trưởng Ngoại Giao trong chính phủ liên hiệp kháng chiến” (8).

Bà mẹ VN ở đây không bao giờ làm trở ngại con đường tương lai và hoài bão cao quí của các con: lúc Hoàng Đạo vừa đỗ bằngcử nhân luật, trước khi nhậm chức Tri Huyện, về nhà xin ý muốn người mẹ hiền. Bà âu yếm trả lời: “Nay con, thành đạt rồi mỗi người có chí hướng riêng, tùy con định đoạt. Ông cha ngày xưa nổi tiếng thanh liêm, làm quan thương dân để đức cho con cháu. Các con đừng làm gì hại đến thanh danh tiên tổ…” (9). Một người đàn bà thứ hai ở “phía sau TLVĐ” là phu nhân của nhà văn, chính khách Nhất Linh: “ Đôi mắt bà chớp chớp… Một đôi mắt to mênh mông, có hàng mi dài óng ả. Ánh sáng vừa dịu, vừa như có một cái gì như sẵn sàng vì mọi người… Tôi nhớ mãi cặp mắt ấy. Cặp mắt có vẻ chịu đựng mọi hy sinh, vì người thân yêu của mình. Cặp mắt của người đàn bà Việt Nam, cũ kỹ, tảo tần, không ý thức được rằng những việc mình làm đã đóng góp cho sự nghiệp của chồng không nhỏ” (10).

Làm vợ của một nhân vật nổi tiếng thời TLVĐ khô ng phải là một chuyện thường! Bà Phạm Thị Nguyên đã trải qua nhiều buồn vui, hạnh phúc và khắc khổ. Những năm Nhất Linh lưu lạc xứ người trên đảo Sường Châu - Trung Hoa, là những năm đau đớn nhất… Bà đã không ngần ngại (mặc dầu con đường xa xăm và đầy chông gai) kiếm cách đi thăm và đem lại an ủi và cơm nước cho chồng. “Lo lắng khi thấy chồng sống cơ độc trên đất khách, bà tìm cách nhắc lại một cách khéo léo về thời TLVĐ làm báo, viết sách của chồng. Như một phép lạ, nét mặt Nhất Linh vui, tươi sáng. Ở trang đầu bản thảo tiểu thuyết Xóm Cầu Mới, Nhất Linh viết tại Hương Cảng có mang những dòng chữ: Tặng Nguyên, người rất thân yêu, đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này khởi đầu từ 1940 mới được viết tiếp theo. Hương Cảng trên núi, ngày 16/10/1949. Nhất Linh” (11).

Nói về người phụ nữ Việt Nam qua trào lưu TLVĐ, lẽ dĩ nhiên là chúng ta không thể bỏ qua tiểu thuyết “Đoạn Tuyệt” (như đã nhắc nhở trên) của Nhất Linh. Trong sách, tác giả đưa ra vấn đề cá thể con người và nhất là người đàn bà quyết tâm phản kháng gia đình nệ cổ. Trương Tửu khen ngợi vô cùng: “Cuốn Đoạn Tuyệt là một vòng hoa tráng lệ đặt trên đầu chủ nghĩa cá nhân. Tác giả có đường hoàng công nhận sự tiến bộ và hăng hái tín ngưỡng tương lai. Ông giúp bạn trẻ vững lòng phấn đấu, nghĩa là vui mà sống” (12).

“Đoạn Tuyệt” thuộc trào lưu TLVĐ lãng mạn phản kháng (romantisme de la révolte) và phóng thoát người phụ nữ ra khỏi thân phận làm dâu trong gia đình với mẹ chồng. Vai chính truyện là Loan bó buộc lấy Thân làm chồng, mà nàng không yêu, nhưng phải làm vừa lòng mẹ nàng, đặng trả nợ một số tiền cho gia đình chồng. Nàng hy sinh mối tình với Dũng, một người bạn từ thuở nhỏ, mà nàng khâm phục can đảm và trí óc thông minh. Làm dâu với mẹ ghẻ trong gia đình chồng là bà Phán Lợi, thật khổ sở, cả tinh thần lẫn vật chất. Vì mẹ chồng xem nàng như một vật liệu mà bà đã phải trả một giá rất cao, cho nên phải xử dụng không dặt dè. Bà Phán đã cho Loan biết một cách rõ ràng qua lời bà chủ nhà mắng một người đầy tớ: “Tôi nuôi các người để các người làm giúp đỡ tôi chứ để các người ăn không, ngồi đùa rỡn đấy à?”.

Thật ra, Loan bị đè ép nặng nề (về mặt tinh thần) bởi cay nghiệt của mẹ chồng hơn là sự mệt mỏi thân thể, cọng thêm mối ác cảm của hai người em gái của Thân. Ta có cảm tưởng là trong những gia đình nệ cổ, bởi vì mẹ ghẻ lúc xưa bị đau khổ nhiều trong thời chính mình làm dâu, cho nên bây giờ đến lượt trả thù bằng cách làm đau đớn con dâu của chính mình. Sự liên đới lạ lùng này đoàn kết nhiều thế hệ đàn bà đã trở thành đao phủ thủ sau một thời chịu đựng khổ đau vì mẹ chồng.
Loan có thể đủ sức chịu đựng những bất công và phiền rầy ấy nếu nàng lấy một người chồng biết thông cảm nông nỗi của nàng. Nhưng Thân là một người ngu độn, vô tình vô trí giác, nhu nhược và hèn nhát. Trong những cuộc tranh nghị giữa nàng và gia đình chồng, Thân bao giờ cũng theo phe mạnh nhất, nghĩa là phe mẹ và hai em gái của chàng. Tỷ dụ: sau khi đứa con trai của Loan và Thân chết yểu vì bà Phán Lợi – thay vì chạy chữa theo thuốc Tây– cứ tiếp tục cho uống nước pha kiểu phù thủy, mê tín. Đến lúc trầm trọng, Loan đưa lên nhà thương thì đã quá chậm. Đứa con mất vì dị đoan của bà nội nó, nhưng bà mẹ ghẻ đổ lỗi cho Loan vì đã đưa con gần hấp hối lên nhà thương, nghĩa là chữa bệnh theo kiểu Tây phương. Từ dạo ấy, sự có mặt của Loan trong gia đình chồng trở thành vơ nghĩa. Mất con trai đầu lòng, gia đình không thừa tự, Thân lấy vợ bé sinh hạ một đứa con trai, Loan vì vậy có thêm một kẻ thù trong nhà, luôn xấc xược, vơ lễ với nàng, vì dựa trên gia đình lúc nào cũng cho vợ hai của Thân là nói đúng.

Không khí gia đình trở nên khó thở. Không chịu nổi, Loan ngày đêm chỉ nghĩ đến chuyện phải trốn chạy, nhưng một việc bất chừng (ngoài ý muốn) sẽ chấm dứt nỗi đau khổ của nàng. Trong một cuộc cãi lộn rất náo nhiệt giữa hai vợ chồng, Loan bị Thân đấm mạnh vào ngực và nàng bị ngã lăn xuống đất, bà Phán khuyến khích thêm người con mình: “Đánh chết nó đi cho tôi. Chết đã có tôi chịu tội”. Thấy Thân tay cầm lấy cái lọ đồng sấn lại phía nàng, “… trong lúc hốt hoảng liền vớ ngay con dao díp rọc sách để ở bàn định giơ đỡ, Thân như con hổ dữ đạp đổ một cái lọ đồng đập vào Loan. Loan né mình tránh được và trượt chân ngã xuống giường, con dao cầm chắc trong tay. Thân quá đà cũng ngã mạnh vào người Loan, Loan thấy cái cán dao ấn mạnh lên tay nàng vàThân kêu một tiếng…”

Thân chết vì cây dao mà Loan thật ra không ứng dụng. Bà Phán buộc tội Loan giết chồng. Nhưng Tòa tha trắng án, nhờ lời biện hộ rất hùng hồn và khúc chiết của Trạng sư: “Chính bà mẹ chồng đã giết cháu bà mà không biết. Mà lại còn đổ cho Thị Loan cái tội giết con! Đến nay, bà đổ cho Thị Loan cái tội giết chồng, nhưng bà có biết đâu, con bà chết là lỗi ở bà, lỗi ở cái luân lý trái mùa và quá ư nghiêm ngặt kia. Người có tội chính là bà mẹ chồng Thị Loan và cái luân lý cổ hủ kia. Nhưng nếu vượt lên, và nghĩ rộng ra không kể cá nhân nữa, thì bao nhiêu những việc xảy ra không phải lỗi ở người nào cả, mà lỗi ở sự xung đột hiện thời đương khốc liệt của hai cái mới, cũ…”. Và kết luận: “Các ngài tha cho Thị Loan tức là tha cho một người đã bị tội oan, tha cho một người đau khổ vì đã phí cả một đời thanh xuân và đã đem thân hy sinh cho cái xã hội mới cũ khắt khe này”. Như nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã viết rất xác đáng (13):

“Tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh đều khuynh hướng về gia đình, về việc cải tạo chế độ gia đình để giải phóng cho phụ nữ…”

Sau Đoạn Tuyệt, Nhất Linh cho xuất bản “Lạnh Lùng” với vai chính trong truyện là một người đàn bà góa bụa (Nhung) song còn trẻ, nên yêu lén lút một thầy giáo riêng (Nghĩa) của con mình. Nhưng chẳng qua đó là một hạnh phúc mong manh vì nàng không có đủ can đảm đi đến tận cùng của tình yêu, nghĩa là theo tình nhân khi người này phải ra đi… Bị cấu xé giữa hạnh phúc cá nhân và tiếng thơm một người dâu thảo “Tiết Hạnh Khả Phong”, Nhung cam chịu tiếp tục đời sống cô đơn, trung thành trong kỷ niệm với nguời chồng quá cố. “Lạnh Lùng” đi ngược dòng “Đoạn Tuyệt”, không thuộc loại văn chương lãng mạn “phản kháng”, nhưng hòa điệu một phần nào với tinh thần hy sinh của người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ. Nói về người phụ nữ nước ta qua trào lưu TLVĐ, không thể nào bỏ qua được “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng, thuộc về phong trào lãng mạn liên quan đến sự xung đột giữa ái tình và tôn giáo: Ngọc, một sinh viên Trường Canh Nông Hà Nội nhân dịp hè, đi thăm chùa Long Giáng là nơi Sư cụ (mà cũng là bác của mình) trụ trì, với ý định ở lại đó nghỉ ngơi khoảng hai ba tuần.

Chàng gặp một “… chú tiểu quần áo nâu, chân đi đôi giép quai ngang sơ sài, đầu đội cái thúng đầy sắn, đương lần từng bước leo xuống con đường hẻm. Thốt gặp người lạ, chú bẽn lẽn, hai má đỏ bừng…” (14), nhưng không ngần ngại chỉ dẫn đường cho Ngọc cùng đi về chùa… Bước chân bên chú tiểu (Lan), chàng không khỏi nghĩ thầm: “Quái lạ! sao ở vùng quê lại có người đẹp trai đến thế, nước da trắng mát, tiếng nói dịu dàng, trong trẻo như tiếng con gái” (15). Cảm tình đầu tiên giữa hai người đã trở thành tình bạn thân thiết, và trong những ngày ở lại chùa Long Giáng, Ngọc tìm đủ cách để khám phá cuộc đời bí mật của chú tiểu Lan. Cuối cùng, chính Lan đã phải thú thật rằng nàng là gái giả trai để cĩ thể trọn đời nương nhờ cửa Phật: “Vâng, tôi là gái. Tôi biết thế nào cũng chẳng dấu nổi ông. Nhưng còn câu chuyện vì sao tôi phải cải trang, thì tôi chưa thể thổ lộ cùng ông được. Chỉ xin ông buông tha kẻ tu hành này, kẻ tu hành khốn khổ này ra mà thôi” (16). Một mối tình đã chớm nở lúc đầu mới gặp nhau nay trở thành nồng nhiệt, đắm say của Ngọc đối với Lan, nhưng về phía Lan – vì một lời hứa lúc mẹ nàng hấp hối:

“Quên, phải quên! Lời thề trước linh hồn mẹ, ta hãy còn nhớ đinh ninh trong trí. Đó là cái bùa để trừ bỏ những sự cám dỗ của tình ái nhỏ nhen nơi dương thế” (17). Kết cục, Lan và Ngọc đồng ý – như một nguyện thề - từ bỏ ái tình trần tục bằng cách chia rẽ nhau trong cuộc đời, đặng vươn lên một ái tình cao cả, đẹp đẽ và vĩnh cửu trong tâm niệm: “Yêu là một luật chung của vạn vật, là bản tính của Phật giáo. Ta yêu nhau, ta yêu nhau trong linh hồn, trong lý tưởng, Phật tổ cũng chẳng cấm đoán đôi ta yêu nhau như thế” (18).

Trong Anh Phải Sống, tác giả Khái Hưng thuật chuyện một cặp vợ chồng rất nghèo, ngày ngày với một chiếc thuyền nan, bơi ra giữa dòng sông Hồng vớt củi để nuôi ba đứa con còn thơ dại. Hôm ấy, sau khi thuyền đã chứa đầy những cành khô nặng chĩu, trời bỗng đổ mưa sấm sét, chiếc thuyền với củi nặng bị đắm chìm, hai người cố gắng bơi cho tới bờ. Người vợ quá yếu không chống nổi những làn sóng lớn… nếu tiếp tục vịn vào vai chồng đến lúc chồng không đủ sức bơi một mình cho cả hai người thì chết cả hai. Nàng quyết định buông tay để thân mình chìm xuống đáy sông sau khi nói khẽ với chồng phải nghĩ đến ba đứa con: “Thằng Bị ! Cái Nhớn ! Cái Bé ! … Không? ANH phải sống !”:
“Đèn điện sáng rực xuống bờ sông. Gió đã im, sông đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ song từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.
Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng”.Xin cảm ơn quí vị.

Lê Mộng Nguyên
[Giáo sư-Tiến sĩ Quốc Gia, Viện sĩ Hàn LâmViện Khoa Học Hải Ngoại Pháp, nguyên Luật sư Tòa Thượng Thẩm Paris, Nhạc sĩ - Thành viên SACEM (Hội Những Người Sáng Tác và Xuất Bản Âm Nhạc, Paris]
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »


Image

NGƯỜI “HÁT-Ô” GIÀ… THĂM MỘ BẠN


Người “Hát-Ô” già… chiều nay thăm mộ bạn,
Trời nghĩa trang buồn… lối nhỏ nắng mong manh !
Lớp lớp mộ bia… chữ đề xa lạ,
Mỹ, Pháp, Nga, Tàu… có cả tên anh !


Đốt điếu thuốc thơm… mời linh hồn đó,
Hút cùng nhau… như thưở xuân xanh !
Nhớ buổi tòng quân… chúng mình bé nhỏ,
Súng nặng, thân gầy… khổ với giày đinh !


Đi đứng nghiêm trang… ngay hàng thẳng tắp,
Khi chạy, khi bò… bỏng rát đôi chân !
Tóc hớt ba phân… trông càng bé choắt,
Các bạn trêu cười… lính sữa còn măng !


Thế rồi cuộc chiến… thêm tàn khốc,
Rèn luyện tôi, anh… một dạn dày !
Chí trai hồ thỉ… tang bồng lắm,
Nợ nước nhiều phen… tưởng liệm thây !


Mà không… nghĩa vụ còn đeo đẳng,
Tình của quê hương… của quốc gia !
Gối súng đêm đêm… ngoài chiến trận,
Hai đứa buồn… thầm đếm ánh sao sa !


Cuộc chiến điêu tàn… dai dẳng quá,
Chúng mình hai đứa… lắm phong ba !
Biết bao nghịch lý… đời quân ngũ,
Cũng chẳng làm ta… nản chí ta !


Bởi biết trót sinh… thời loạn quốc,
Làm trai… phải trả nợ non sông !
Chính nghĩa về ta… ta dẫu chết,
Buồn chi thế sự… để đau lòng !


Thế rồi đất nước… tàn binh lửa,
Anh một phương trời… tôi một phương !
Hai đứa ngậm hờn trong cải tạo,

Cùng chung nỗi khổ… với quê hương !


Mười sáu năm dài… trong nghiệp lính,
Tám năm tù tội… bộ xương khô !
Bỗng gặp lại nhau… trời Mỹ quốc,
Tay nắm bàn tay… đất Ngũ Hồ !


Hai tên lính sữa… ngày xưa ấy,
Giờ mái đầu xanh… muối trộn tiêu !
Khốn nỗi… muối nhiều, tiêu quá ít,
Khô cằn thân xác… tuổi thêm chiều !


Chưa sống bao lâu… đời tỵ nạn,
Anh chết vùi chôn… mảnh đất xa !
Bởi đạn trong người… xưa chiến trận,
Và, mấy ngọn đòn thù… nát thịt da !


Tra tấn dã man… loài quỷ đỏ,
Tôi còn chịu được… đến hôm nay !
Rồi cũng theo anh… mà đến đó,
Làm ma vong quốc… não nùng thay !


Thôi nhé… anh nằm yên nghỉ nhé,
Nếu bây giờ còn sống… chắc buồn hơn !
Bởi Ải Nam Quan… giờ không còn nữa,
Giặc Cộng bán rồi… liếm gót Bắc Phương !


Ôi quốc nhục… làm sao gột rửa ?
Dân lầm than… từng bữa đói cơm !
Kể làm sao hết tủi hờn,
Đời lưu vong… nhớ nước non thêm sầu !


Người “Hát-Ô” già… gục đầu than với bạn,
Đời lưu vong… mồ mả cũng tha phương !
Dẫu đã biết… chết là về với đất,
Nhưng đất này… không phải đất quê hương !


Rồi người “Hát-Ô” già… giã từ mộ bạn,
Bước chân run… vì lực bất tòng tâm !
Nhìn tít phương Nam… mây chiều bảng lảng,
Người “Hát-Ô” già… ôm mối hận xa xăm !

Đất Ngũ Hồ, ngày Memorial
Nhật Hồng Nguyễn-Thanh-Vân

quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Chiếc Quan Tài

Tác Giả : Tiến Sĩ Trần An Bài

Một nhà sư nổi tiếng đạo đức tên là Viên Thủ Trung, trụ trì tại chùa Tô Châu, trưng bày một chiếc quan tài nhỏ trên bàn đọc sách.
Chiếc quan tài này có nắp mở ra, đóng lại được, dài khoảng 3 tấc.
Các đạo hữu thắc mắc hỏi ông:
- Bạch thày, chiếc quan tài này có ý nghĩa gì?
Nhà sư giải thích:
- Người ta sống, tất có chết. Chết rồi thì nằm trong chiếc quan tài giống như cái này. Tôi ngạc nhiên là tại sao thiên hạ suốt cả cuộc đời cứ lo lắng, vất vả đuổi theo phú quý, công danh, tài sắc và thị hiếu, mà chẳng ai biết cái chết là gì. Mỗi khi gặp điều không được như ý, tôi liền nhìn ngắm chiếc quan tài này. Tức khắc tâm hồn tôi được yên ổn, mọi âu lo phiền muộn liền biến đi mất.
Chiếc quan tài này là một bài học luân lý đáng giá vậy.
Bạn thân mến,
- Khi nào bạn thấy khổ sở vì thiếu tiền thiếu bạc hoặc làm ăn lỗ lã, hãy bắt chước nhà sư Viên Thủ Trung, nhìn vào chiếc quan tài. Lời Thiên Chúa phán từ 2.000 năm trước như còn vang vọng đâu đây: "Nguơi! Nếu đêm nay Ta bắt linh hồn ngươi thì các của cải chất đống kia, ngươi sẽ để lại cho ai?" (Lc. 12, 20-21).
- Khi nào bạn thấy chán chường thất vọng vì tình duyên trắc trở, ngang trái, chiếc quan tài nhắc ta rằng mọi người rồi sẽ vào nằm trong đây và không còn ai phụ tình ai, không còn ai ruồng bỏ ai nữa.
- Khi nào bạn say men chiến thắng quyền hành, mua quan bán chức hoặc ngược lại, buồn bã vì mất quyền, mất chức thì chiếc quan tài sẽ nhắc nhở bạn rằng mọi vua chúa quan quyền trên thế gian rồi cũng sẽ nằm buông xuôi, yên lặng y hệt như những thường dân nghèo hèn nhất trong xa hội.
- Khi nào bạn thấy tình đời đen bạc, hận thù, ghen ghét, bất công bao vây đời bạn, chiếc quan tài sẽ hóa giải mọi người nằm trong đó để không còn kèn cựa, tranh giành và hạ nhục nhau .

Bài học tuyệt hảo của chiếc quan tài là giàu nghèo, sang hèn, vui khổ trên đời có cũng như không và không cũng như có.

Chết là biểu tượng của bình dẳng, là dấu chỉ của hòa bình. Hãy nhìn xuống lòng đất ở nghĩa trang: Mỗi người, bất kể danh giá, chức phận, đều nằm ngay hàng thẳng lối, đồng đều và yên lặng, để thân xác thẩm thấu và hòa tan với cát bụi.
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

VŨ KHÍ TỐI TÂN CỦA HOA KỲ

Để phục vụ mục tiêu quốc phòng của mình, Mỹ đã và đang trang bị cho quân đội những vũ khí tối tân hiện nay.

Hệ thống phòng thủ hoả tiễn đạn đạo Aegis:

Image

Sinh ra từ kế hoạch phòng thủ Chiến tranh không gian của cựu Tổng thống Ronald Reagan, hệ thống Aegis - sự kết hợp giữa kỷ nghệ radar với các hoả tiễn được đặt trên tàu - được thiết kế nhằm ngăn chặn và phá hủy các thoả tiễn đạn đạo. Khoảnh khắc quan trọng của hệ thống: bắn hạ một vệ tinh do thám bị hỏng và không còn sử dụng nữa của Mỹ, ở phía trên Trái đất hơn 213km vào tháng 2/2008, nhằm ngăn chặn các nhiên liệu độc hại làm tổn thương người trên mặt đất.
Tàu USS Independence:

Image

Con tàu ba thân đặc biệt này được thiết kế nhằm sử dụng trong vùng nước cạn gần bờ. Thân tàu Independence dựa vào một chiếc xuồng cao tốc đang hoạt động ở Đại Tây Dương. Tàu có khả năng thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, từ loại bỏ mìn tới tham chiến trên mặt biển. Nó có thể chở các trực thăng, máy bay không người lái và tới 40 chiếc xe quân sự Humvee.
Máy bay không người lái MQ-1 Predator:

Image

Chiếc máy bay không người lái này đã trở thành một biểu tượng của cuộc chiến chống khủng bố, thực hiện nhiệm vụ bay tấn công những nghi can khủng bố ở Iraq, Afgahnistan và Pakistan. Có thể được điều khiển từ xa ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, máy bay yểm trợ này có thể vừa do thám vừa tấn công. Nó cũng có thể bay nhanh tới 217km/giờ và đạt độ cao tới 7,6km.
Máy bay tàng hình X-47A Pegasus UCAV-N:

Image

Nguyên mẫu của dòng X-47 đã cất cánh lần đầu tiên vào năm 2003. Đây là một máy bay tàng hình không người lái được thiết kế nhằm cất cánh và hạ cánh từ trên boong của một hàng không mẫu hạm. Chiếc Pegasus, như trong ảnh, bay cao hơn chiếc Predator và nhanh hơn nhiều - tốc độ gần bằng âm thanh.
Xe quân sự hạng nhẹ liên hợp (JLTV):

Image

Lục quân, Hải quân và Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt Mỹ đang cùng hợp tác phát triển một mẫu xe quân sự nhẹ hơn và điều khiển dễ dàng hơn xe Humvee. Xe JLTV sẽ có thể chở trọng tải lớn hơn. Hãng Lockheed Martin đã sản xuất 4 mẫu xe JLTV cho tới thời điểm này.
Súng trường XM-25:

Image

Loại súng trường này, hiện dự trù sẽ được sử dụng vào năm 2012, cho phép các xạ thủ bắn trúng mục tiêu trong các hầm hào hoặc bên trong các tòa nhà. Đây được coi là loại vũ khí hoàn hảo cho chiến sự xảy ra ở đô thị. Ví dụ như, một xạ thủ bắn tỉa có thể nã đạn vào bên trong một cửa sổ và đặt một trong những "viên đạn thông minh" do sóng vô tuyến điều khiển của khẩu súng phát nổ bên trong tòa nhà - một công cụ phân tách tuyệt vời hơn nhiều pháo kích hạng nặng hoặc không kích.
Laser chiến đấu:

Image
Được thiết kế để gắn trên phi cơ C-130 trang bị súng máy, loại vũ khí này sẽ bắn ra tia laser hồng ngoại có sức thiêu đốt cao, có khả năng làm tan chảy xe tăng. Loại laser này có tầm bắn xa 8km và theo Không quân Mỹ, đã tập kích thành công một mục tiêu trên mặt đất hồi tháng 6 vừa qua.
Khinh khí cầu:

Image

Mỹ đã chế tạo các phương tiện quân sự nhẹ hơn không khí từ trước đó, kể cả các khinh khí cầu không linh động (đã bị loại bỏ sau nhiều tai nạn hồi những năm 1930) và các khinh khí cầu nhỏ sử dụng để phát hiện tàu ngầm trong Thế chiến lần thứ hai. Sau hàng thập niên gián đoạn, Lockheed Martin hiện đang phát triển loại khinh khí cầu bay cao mới, như trong ảnh, nhằm mục đích tiếp âm các phương tiện thông tin liên lạc, quan sát thời tiết và tiến hành do thám từ trên dòng chảy khí quyển hẹp.
Vũ khí tấn công vác trên vai-NE (SMAW-NE):

Image
Biến thể này dựa trên các vũ khí vác trên vai (SMAW) hiện có của Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ. Nó sử dụng một đầu đạn nhiệt áp bốc cháy trong không khí - do đó gọi là "NE" (chất nổ lạ thường). Các vũ khí nhiệt áp có sức công phá lớn hơn những vũ khí thông thường, và khi các lính Mỹ sử dụng SMAW-NE tại Fallujah năm 2004, nó đã có thể san phẳng một tòa nhà chỉ bằng một phát bắn đơn lẻ.
Hệ thống ngăn chặn tích cực (ADS):

Image
Còn được biết đến như tia gây đau đớn, ADS được sử dụng để thay thế khí hơi cay và các phương tiện kiểm soát đám đông khác. Được đặt trên một chiếc Humvee, hệ thống hướng bức xạ cao tần vào các mục tiêu, tạo ra cảm giác bị thiêu đốt khiến nạn nhân phải tránh xa nhanh chóng. Nó có thể xuyên qua quần áo và các rào chắn mỏng nhưng không thể xuyên qua tường. Loại vũ khí này đã gây ra tranh cãi về việc liệu chúng có thực sự an toàn hay mang tính nhân văn.
Robot hỗ trợ tải thương trên chiến trường (BEAR):

Image

Là một trong những loại robot đang được phát triển nhằm giảm thiểu tối đa thương vong của con người, BEAR được thiết kế nhằm đưa các binh sĩ bị thương ra khỏi chiến trường. Loại robot này sẽ được đưa vào sử dụng trong vài năm tới. Robot được cân bằng bằng các con quay hồi chuyển và có khả năng leo lên các bậc thang. Các cánh tay của robot có thể nâng được trọng tải tới 227kg. Nhà sản xuất Vecna Robotics hy vọng loại robot này không chỉ được sử dụng trên các chiến trường mà còn trong những tình huống nguy hiểm, từ rò rỉ chất thải độc hại tới các tòa nhà bị động đất làm hư hại, không còn chắc chắn. Đặc điểm đáng yêu nhất của robot: Mặc dù có hình dáng gần giống con người nhưng nó vẫn thực sự là một robot có khuôn mặt giống gấu bông, nhằm trấn an các nạn nhân bị thương.
Xe Bò mộng:

Image

Mặc dù được đặt tên là Bò mộng nhưng chiếc xe tải 6 bánh này, vốn được sử dụng để gỡ bỏ các thiết bị gây nổ, trông giống một con côn trùng máy khổng lồ hơn là một động vật có vú. Đặc điểm nổi bật của phương tiện này là một cánh tay dài hơn 9m có gắn một móng vuốt và một camera, giúp nó có thể nhặt và di dời các quả bom gài bên đường. Ngoài việc được bọc sắt dày, xe Bò mộng còn có thân hình chữ V để giảm thiểu sự công phá của chất nổ. Phương tiện này đã được triển khai ở Afghanistan và Iraq kể từ năm 2003.
Robot TALON:
Image

Với thiết kế đi trên dây xích và gắn nhiều súng máy, robot TALON đa dụng cùng những robot anh em khác trông giống như các bản sao thu nhỏ của xe tăng. Tuy nhiên, đây không phải là một đồ chơi điều khiển từ xa. TALON nặng khoảng 56kg, đặc điểm giúp loại robot này có thể được di chuyển tương đối dễ dàng. Theo nhà sản xuất, loại robot này có thể bắt kịp một binh sĩ đang chạy. Các robot được triển khai lần đầu tiên ở Bosnia vào năm 2000 nhằm dò tìm vật liệu quân sự chưa phát nổ. Kể từ đó, người ta thấy chúng được sử dụng ở khu vực Ground Zero sau thảm họa khủng bố 11/9 và làm nhiệm vụ vô hiệu hóa các thiết bị gây nổ ở Iraq. Giá của loại robot này chỉ vào khoảng vài chục ngàn USD - một cái giá tương đối rẻ trong lĩnh vực quốc phòng.
Robot nhảy rào Precision Urban Hopper:

Image
So với loại TALON, thoáng nhìn loại robot này trông có vẻ vô hại, thậm chí khôi hài. Tuy nhiên, quân đội Mỹ hy vọng nó có thể giảm thiểu được thương vong khi được triển khai trên chiến trường vào năm tới. Được DARPA tài trợ, loại robot này có hệ thống định vị toàn cầu GPS dẫn đường và có kích cỡ của một hộp giày. Trong chiến trận, robot Hopper sẽ lăn khắp các chiến trường để tiến hành do thám, bảo vệ các binh sĩ trước những nhiệm vụ trinh sát nguy hiểm. Dẫu vậy, đặc điểm nổi bật nhất của loại robot này và cũng là đặc điểm khiến nó đặc biệt với các cuộc chiến tại đô thị là khả năng nhảy cao (hơn 7,6m).
Máy bay CV-22 Osprey:

Image
Sau nhiều năm thí nghiệm, chiếc Osprey với khả năng cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng như trực thăng, cũng như lăn bánh trên đường băng như máy bay thông thường, đã được phép phát triển toàn diện vào năm 2005. Với dáng vẻ kỳ dị, máy bay Osprey được thiết kế để hoạt động như một trực thăng với tầm bay xa hơn. Tuy nhiên, nhiều trục trặc rơi chết người cùng giá cao đã làm xấu đi danh tiếng của loại máy bay này

Tác Giả : Thanh Bình (Theo Newsweek)
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Image


VẾT SẸO TỪ TIỀN KIẾP

...Dấu tích luân hồi là những gì khả dĩ giúp chứng minh Luân Hồi là có thật, hay ít ra cũng là hình ảnh của dấu ấn một thời quá vãng nào đó ở con người. Ðể dễ hiểu hơn chúng ta thử đọc câu chuyện có thật sau đây đã xẩy ra ở Ấn Ðộ, mà báo Inda Today đã đăng tải như sau:

Titu là một cậu bé con mới 5 tuổi có cha mẹ là Samti và Makhavia Pratxa ở làng Varkhe... Lúc cậu bé vừa lên năm thì người mẹ rất ngạc nhiên khi nghe cậu lập đi lập lại câu nói lạ lùng:

- "Tôi chính là người đàn ông chủ cửa hàng bán máy phát thanh ở Agra. Vợ tôi là Uma, tôi phải đến đó. Tôi chính là Suresh Verma". Cha cậu bé cũng rất ngạc nhiên khi nghe con nhắc lại câu nói này, người cha kéo con lại phía bên mình và hỏi:

- "Con có thể nói rõ thêm cho ba nghe về điều con nói không?". Cậu bé chậm rãi ngước mắt nhìn vào cõi xa xăm rồi nói:

- "Câu chuyện xẩy ra từ thuở xa xưa, nhưng tôi nhớ rõ như mới ngày hôm qua... Hôm ấy tôi lái xe hơi về nhà. Vừa bước xuống xe, tôi đã cất tiếng gọi vợ tôi Uma đâu ! Uma đâu ra xem quà này... Bỗng nhiên tôi thấy có hai người lao về phía tôi và bắn hai phát súng vào đầu tôi. Tôi ngã nhào ngay giữa sân... Trời ơi !..."

Vừa kể đến đây, cậu bé Titu ôm đầu kêu thét lên:

- "Quân giết người ! Quân khốn kiếp!". Rồi liệng đồ đạc vào người cha với vẻ mặt hằn học lạ lùng. Sợ quá, cha mẹ cậu bé vội vã cùng với cậu tìm đến vùng Agra và dò hỏi xem nhà của người bán máy phát thanh ở đâu. Dân chúng vùng đó đã chỉ cho họ một căn nhà ở dưới chân một ngọn đồi . Hai vợ chồng liền đến ngay căn nhà ấy và gặp một người đàn bà ra mở cửa . Vừa trông thấy người đàn bà, Titu chạy lại kêu lên vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ:

- Trời ơi ! Uma !

Người đàn bà ấy chính là Uma. Cha mẹ cậu bé sợ quá đến nổi gai ốc đầy mình. Ngạc nhiên và kinh hãi hơn nữa là khi họ hỏi về người chồng của bà ta (bà Uma) thì bà này cho biết như sau:

- Chồng tôi đã qua đời từ lâu rồi. Lúc ấy chồng tôi lái xe về nhà thì bị hai người đàn ông nấp sẵn đâu đó bắn chết. Tôi sống với hai con từ đó đến nay.

Ðiều kỳ lạ hơn nữa là cậu bé Titu đã bất thần hỏi bà Uma một câu khi thấy chiếc xe hơi đậu cạnh nhà:

- Chiếc xe này của ai? Còn chiếc xe của tôi đâu?

Bà Uma vô cùng kinh ngạc và sợ sệt, bà nhìn hai con và trả lời cậu bé với đôi mắt ngơ ngác:

...Chiếc xe cũ bán rồi... nhưng sao cậu bé này lại có cử chỉ và lời nói lạ lùng quá vậy?

Sau khi cha mẹ cậu bé Titu kể hết mọi chuyện cho người đàn bà có tên là Uma nghe thì người đàn bà này lại càng kinh ngạc hơn nữa...

Câu chuyện có thật này mà báo chí Ấn đã đăng tải làm xôn xao mọi người và đã gây kinh ngạc cho giới khoa học không ít. Tại Ấn Ðộ, tiến sĩ Narender Chadha (đại học Delhi) là giáo sư chuyên nghiên cứu về các vấn đề khoa học và siêu hình đã lưu ý đến câu chuyện này. Ðặc biệt giáo sư Eminde ở Ðại Học Virginia Hoa Kỳ cũng đã tìm gặp gia đình cậu bé Titu. Ðiều kỳ lạ được phát hiện sau đó là vết đạn ở gần thái dương nơi đầu cậu bé. Hỏi cha mẹ cậu thì từ ngày sanh ra cho đến lúc 5 tuổi, cậu bé Titu không có một vết thương nào trên người do té ngã hay bị đâm, bắn gì cả. Vết sẹo tìm thấy trên, theo lời kể của cha mẹ cậu bé, có ngay từ khi cậu bé Titu chào đời. Ðể chắc chắn hơn, các nhà nghiên cứu đã đến ngay nhà hộ sinh ở làng Varkhe để yêu cầu được xem lại hồ sơ sinh sản của cậu bé. Trong hồ sơ có ghi một câu "Cháu bé có vết sẹo lạ ở thái dương khi mới lọt lòng mẹ."

Lạ lùng hơn nữa là khi được thân nhân đồng ý để cơ quan điều tra khai quật mộ chí của người chủ tiệm Suresh Verma để khảo nghiệm tử thi thì thấy dấu vết viên đạn xuyên qua đầu ở ngay vị trí tương ứng với vêt' sẹo xuất hiện nơi đầu cậu bé Titu..... ./.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Điềm Báo Những Cái Chết Bất Đắc Kỳ Tử

Nghệ sĩ thường sở hữu tâm hồn đa cảm, phải chăng vì điều đó mà họ có thể cảm nhận được “bước chân tử thần”?

Image
Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga.
Theo quan niệm người phương Đông, những người trước khi chết thường linh cảm về sự ra đi của mình nên hay nói điều chẳng lành. Lật lại những trang nhật ký đau thương của nghệ sĩ Việt, nhiều người không khỏi bàng hoàng khi bắt gặp những cái chết trùng hợp đến đáng sợ.

Thanh Nga: “Dự cảm về sự ra đi”

38 năm trước, cái chết đột ngột của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga đã làm xôn xao giới nghệ sĩ sân khấu cũng như khán giả ái mộ trong và ngoài nước. Trước lúc án mạng xảy ra, ngôi nhà riêng của Thanh Nga bị rải đầy thư nặc danh với lời lẽ hăm dọa, khiến những ngày tháng cuối đời của nữ nghệ sĩ tài sắc này luôn phải sống trong nỗi lo âu và sợ hãi. Tâm hồn đa cảm của Thanh Nga không ít lần dự cảm được trước về sự ra đi của mình.

Người thân của bà kể lại, một tháng trước khi bị sát hại, Thanh Nga thường hay nói nửa đùa nửa thật về cái chết. Và vào cái đêm định mệnh ngày 26.11.1978, trước giờ diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng, Thanh Nga còn nói đùa với em gái Lư Ánh Mai: “Nếu chị chết, Chín phải xức dầu thơm cho chị. Chín phải làm mặt cho chị, đừng để chị xấu”. Không ngờ câu nói ấy lại chính là lời trăng trối cuối cùng trước khi bà vĩnh viễn rời xa thế giới.

Nỗi lo âu bủa vây gia đình Thanh Nga trong một thời gian dài đã kết thúc bằng những tiếng súng đầy oan nghiệt của kẻ bắt cóc, cướp đi sinh mạng của vợ chồng người nữ nghệ sĩ tài hoa. Những người bạn của Thanh Nga cho biết, lúc còn sống bà rất thích một chiếc áo tuồng màu đỏ và muốn khi chết sẽ được liệm bằng chiếc áo đỏ đó. Thật trùng hợp là đêm xảy ra án mạng, nhà nghệ sĩ Thanh Nga bị phong tỏa hiện trường, người nhà không thể lấy quần áo nên liệm bà bằng chính chiếc áo đỏ diễn tuồng mà bà mê mẩn khi còn sống.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ “tiên đoán cái chết"

Đã hơn 20 năm kể từ ngày “chuyến xe định mệnh” cướp đi của làng văn nghệ một gia đình nghệ sĩ rất đỗi tài hoa. Nhớ về nhà thơ - kịch tác gia Lưu Quang Vũ, nhiều người vẫn không khỏi giật mình khi nhận ra đâu đó trong một số câu thơ, đôi dòng tâm sự hay một đoạn nhật ký của ông những “le lói” tiên đoán về cái chết bất thường sẽ xảy ra trong tương lai. Phải chăng nhà thơ đã có linh cảm chẳng lành nên mới khẩn cầu: “Thần chết ơi! Ta chẳng cần nhiều đâu. Độ 20 năm khi ta đã trả xong nợ, khi đã có thể coi làm được một chút gì đó cho đời, ta sẽ chẳng ân hận gì khi nhắm mắt…” (trích nhật ký viết ngày 8.1.1964 của nhà thơ Lưu Quang Vũ). Thật không thể ngờ, những dòng nhật ký của một chàng trai khi mới 17 tuổi đã vận vào cuộc đời anh một cách lạ lùng đến khó tin.
Image
Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Không chỉ có nhật ký, những bài thơ của ông cũng không ít lần “chạm” đến cõi hư vô như trong Bài hát ấy vẫn còn dang dở - một trong những bài thơ cuối cùng Lưu Quang Vũ viết tặng người vợ thương yêu. Ông viết: “Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/ Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên/ Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt”. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lưu Khánh Thơ – em gái của Lưu Quang Vũ đã trích dẫn những câu thơ này để khẳng định cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đều linh cảm được về cái chết, trước khi thực sự trở về với cát bụi.

Một năm trước ngày mất, trong bức thư Lưu Quang Vũ gửi cho Xuân Quỳnh đã có những dòng tâm sự khá “gai gợn” như định mệnh đang hối thúc anh. “Bây giờ làm được việc tốt gì cho bạn, cho mọi người thì phải cố mà làm em nhỉ. Từ tuổi 40 trở lên là bạn bè, người thân sẽ rơi rụng dần và rồi sẽ đến lượt mình. Anh nghĩ vậy nên cố sống thật hiền hòa, thanh thản và cố sức viết...". Nhắc đến việc Lưu Quang Vũ đặt tên cho vở kịch đầu tiên của ông là Sống mãi tuổi 17 và vở cuối cùng còn đang viết dở Chim sâu cầm đã chết, nhiều đồng nghiệp của ông cho rằng đó là điềm chẳng lành. Có thể vì mọi người quá thương xót Lưu Quang Vũ mà suy diễn ra như vậy? Nhưng nếu dựa vào những gì Lưu Quang Vũ đã nói, thì đúng là "một lời mà vận vào thân".

Chàng diễn viên Thanh Phương

Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn chưa quên được cái ngày buồn cuối năm 2007 (Âm lịch), khi biết tin nam diễn viên Thanh Phương qua đời vì đột quỵ. Số phận nghiệt ngã đã cướp đi sinh mạng của một chàng trai trẻ giàu nhiệt huyết và đam mê với nghề. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng Thanh Phương đã chọn Sài Gòn làm nơi nuôi dưỡng ước mơ nghệ thuật. Mười năm âm thầm cố gắng và phấn đấu, Thanh Phương đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả qua những vai diễn ấn tượng như Dũng của Công ty thời trang, Lợi trong Miền đất phúc…
Image
Thanh Phương “vai diễn thành sự thật”.
Ở tuổi 31, anh ra đi khi những dự định vẫn còn dang dở, ly rượu mừng còn chưa kịp uống với người thân, bạn bè, những người ở lại một lời từ biệt. Xem lại vai diễn con ma vui vẻ của anh trong vở hài kịch Hoàng tử Ai Cập, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những câu hát được cất lên với giọng hát vô tư rất đặc trưng của Thanh Phương: “Hai anh có bị ngu không? Em chết lâu rồi mà. Hai anh có bị điên không? Em có chết được đâu. Em đây chính là ma, một con ma vui vẻ đó…”. Ai ngờ vai diễn ấy đã trở thành sự thật, khi anh giờ đây đã trở thành "con ma vui vẻ" nơi suối vàng.

Danh hài Hữu Lộc

Một trường hợp khác đó là cố nghệ sĩ hài Hữu Lộc, vừa vĩnh biệt thế giới sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vài ngày sau khi Hữu Lộc đột ngột qua đời, người hâm mộ bàng hoàng khi xem lại clip hài cuối cùng của anh trong liveshow Một thoáng quê hương của ca sĩ Dương Ngọc Thái. Trong vở hài kịch, anh đóng vai ban giám khảo chấm điểm cho các thí sinh ở phần thi tài năng, và vô tình đã minh họa cho cái chết của chính mình diễn ra nửa năm sau đó. Nhiều người sợ hãi khi xem đến đoạn thí sinh kia nói “Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức"… và tiếng kèn ò í e cất lên khiến cả Hữu Lộc cũng phải hốt hoảng. Sự trùng hợp đến khó tin khiến không ít người đặt câu hỏi: phải chăng đó là điềm báo cho cái chết của anh?

Thế giới tâm linh luôn tồn tại nhiều điều bí ẩn. Người ta đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc con người có khả năng linh cảm được cái chết hay không, tuy nhiên đến nay câu hỏi đó vẫn là chưa tìm được lời giải đáp. Nhưng không ít người vẫn tin rằng, những người sắp chết thường hay có điềm báo…
aogiap
Posts: 14
Joined: Sat May 29, 2010 11:10 pm
Contact:

Post by aogiap »

Nhân Viên QC Bia Tranh Đua... Bán Thân
Các hãng bia quốc tế lớn hoạt động ở Campuchia bị tố cáo góp phần bóc lột, lạm dụng tình dục nhân viên giới thiệu bia, hãng thông tấn Đức DPA đưa tin. Lời tố cáo này được tổ chức phi Chính phủ Care International và một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Guelp đưa ra.
Image
Các hãng bia quốc tế lớn hoạt động ở Campuchia bị tố cáo góp phần bóc lột, lạm dụng tình dục nhân viên quảng cáo bia.
Theo Care International, hết các cô gái trẻ được các hãng bia quốc tế thuê làm nhân viên quảng cáo và bán bia có những hành động tương tự các cô gái bán thân nuôi miệng. Sharon Wilkinson thuộc tổ chức Care International khẳng định, nơi làm việc của những phụ nữ này xảy ra nhiều hiện tượng quấy nhiễu và lạm dụng tình dục.

Trong báo cáo mới đây của Care International, các hãng bia quốc tế bóc lột nhân viên nữ khi cho phép các đại lý phân phối tại địa phương trả lương họ thấp. Theo đó, 57% trong 122 cô gái quảng cáo bia tại tỉnh Siem Riep hồi năm ngoái bị thúc ép đi vào đường bán thân với khách uống bia để kiếm thêm tiền, vì lương hàng tháng chỉ là 81 USD, không đủ chi tiêu cho gia đình họ.

Giáo sư Ian Lubek, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết, lương của 4.000 cô gái quảng cáo bia phải được tăng gấp đôi thì mới có thể giảm bớt tình trạng họ mắc bệnh AIDS khi hành nghề bán dâm trá hình.

Báo cáo của ông Lubek cho biết, 80 trong số 900 cô gái bán bia từng được phỏng vấn trong 7 năm qua tại Siem Riep qua đời. Giáo sư Lubek khẳng định, họ chết vì mắc bệnh AIDS dù không có giấy xác nhận họ mang bệnh này và điều đáng nói là các cô đều còn trẻ, tuổi trung bình là 25.

Mại dâm trá hình

Trong 10 năm qua, tại nhiều tỉnh thành Campuchia, đặc biệt ở Thủ đô Phnom Penh, nổi lên phong trào trong giới nữ còn trẻ nhưng nghèo là đi quảng cáo và bán bia tại các quán nhậu, nhà hàng, tiệm karaoke, quán súp…

Mỗi ngày, khoảng 16 giờ, xe các hãng bia chạy đến đón các cô gái này tại các địa điểm ấn định trước, sau đó đưa họ tới các nhà hàng trong và ngoại ô Phnom Penh. Họ mặc đồng phục tương đối đẹp mắt, công việc hàng đêm là mời khách ăn hãy dùng bia của hãng họ.

Nếu khách uống nhiều bia, họ sẽ được hãng thưởng thêm một ít tiền tính trên số lượng bia bán đêm đó, không kể lương căn bản mỗi tháng. Vì thế, các cô gái trẻ cố mời khách uống nhiều, có cô đến ngồi chung và uống với khách.

Khách càng uống càng say lại có cô gái đẹp ngồi kế bên rót mời, chiều chuộng nên hai bên dễ dàng hẹn hò đi chơi qua đêm. Theo quy định, các cô gái này chỉ được phép rời nhà hàng đi với khách sau 21 giờ (nếu có khách mời đi chơi đêm) vì buổi chiều họ phải ở tại nhà hàng bán bia cho hãng.

Hầu hết các cô gái này thuộc gia đình túng thiếu, có người góa bụa sớm nên đi làm nuôi con nhỏ. Thực tế họ cũng cần khách cho tiền riêng nên việc làm vui lòng khách là đương nhiên. Việc đòi hỏi hãng bia phải trả thêm lương cho nhân viên nữ là điều rất khó.

Trong khi đó, người dân nước này có thói quen ăn nhậu, cứ mặt trời vừa lặn là các quán bia lớn hay nhỏ, sang trọng hay bình dân tấp nập người đến ăn nhậu, vừa được nghe ca sĩ ca hát nhảy múa giúp vui. Điều này giúp nhiều hãng bia quốc tế kiếm được nhiều tiền tại Campuchia dù dân nghèo phải đi mua từng ký gạo hàng ngày.
Image
Nhiều cô gái trẻ làm mại dâm trá hình.
Phản pháo

Các hãng bia lớn trên thế giới không đồng ý với tố cáo của các nhà nghiên cứu trên. Họ khẳng định không phải vì lương thấp mà các phụ nữ bán bia phải đi vào con đường bán thân.

Theo các tập đoàn sản xuất bia, nhân viên nữ nhận được lương đủ sống chứ không quá thấp. Vào năm 2006, do bị chỉ trích trước đó, các hãng bia thành lập hiệp hội để nâng cao điều kiện làm việc cho nhân viên như bảo đảm khi vào làm được ký hợp đồng, được huấn luyện…

Bà Berky Kong, nữ phát ngôn viên của hãng bia Carlsberg cho biết, cuộc thăm dò của hiệp hội chứng tỏ lương của nữ nhân viên quảng cáo bia là 110 USD. Ngoài ra, họ làm việc một ngày chỉ từ 4 đến 6 tiếng, trong khi lương công nhân xí nghiệp may mặc chỉ có 50 USD và phải làm nhiều giờ hơn.

Tuy nhiên, dù hiệp hội các hãng bia ngăn cấm nhân viên uống bia chung với khách nhưng thực tế khi khách mời thì họ phải uống, nếu muốn bán được bia nhiều.

Vu Lan (theo RFI)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Nhà Thờ Mộ Chúa ở Jerusalem

Bài: TRỊNH HẢO TÂM
Ảnh: PHÙNG KHẢI TUẤN


Image
Nhà Thờ Mộ Chúa với hai mái vòm trong thành cổ Jerusalem
Nhà Thờ Mộ Chúa (Church of the Holy Sepulchre) được hoàng đế La Mã Constantine cho xây vào khoảng năm 326 trên ngọn đồi trong cổ thành Jerusalem nơi các tín đồ Thiên Chúa Giáo tin rằng đó là ngọn đồi Golgotha theo Thánh Kinh Tân Ước là nơi Chúa Jesus chịu nạn trên cây thánh giá. Người ta cũng tin tại nơi đây là nhà mộ an táng xác Chúa Jesus. Cả ngàn năm nay Nhà Thờ Mộ Chúa được nhiều giáo phái Chính Thống (Orthodox) tranh giành quyền quản lý và cũng là địa điểm hành hương quan trọng nhất ở thánh địa Jerusalem nay do Israel kiểm soát.

Rời vườn Gethsemane nhiều cây Olive ở phía Đông Jerusalem chúng tôi lên xe đi vào khu cổ thành qua cửa chính ở hướng Tây là cửa thành Jaffa. Sau đó xuống xe đi bộ trên đoạn đường Chúa Chịu Nạn mà người Công giáo gọi là Đàng Thánh Giá gồm có 14 chặn và điểm cuối cùng là Nhà Thờ Mộ Chúa được xây ở địa điểm của 4 chặn cuối cùng. Nhà Thờ Mộ Chúa tọa lạc trong khu Thiên Chúa Giáo trong thành cổ Jerusalem, là điểm hành hương nổi tiếng nhất ở đây, người ta thường nghĩ rằng đó là một vương cung thánh đường đồ sộ với tháp chuông cao sừng sững, có nhiều cửa ra vào rộng lớn. Nhưng đến nơi mới thấy hoàn toàn khác hẳn, nhà thờ không đứng một mình trong sân rộng mà nằm chen chúc với những kiến trúc khác, nhiều nhà thờ bằng đá xây xung quanh che kín nhà thờ. Nhà thờ có hai vòm mái (dome) ở gần khó thấy vì vòm không cao, nhưng nếu đứng từ phía xa như đồi Olives người ta sẽ thấy ngôi nhà thờ với 2 mái vòm màu xám. Nhà Thờ Mộ Chúa xây lần đầu vào thời La Mã cai trị khoảng năm 326, sau đó bị hỏa hoạn, chiến tranh tàn phá nhiều lần và nhà thờ hiện nay được xây dưới thời đế quốc Thập Tự Chinh (Crusaders) vào năm 1099 và được tôn tạo lần cuối năm 1808. Bình đồ (Floor Plan) nhà thờ theo hướng Đông Tây nhưng cửa chính ra vào hiện nay ở hướng Nam và rất khó thấy vì hai bên là những vách tường của các nhà thờ khác che khuất chỉ chừa một khoảng sân hẹp trước cửa vào nhà thờ. Nhìn kỹ nhà thờ có 2 cửa nhưng cửa bên phải bị bít kín bằng đá là do người Hồi xây bít sau năm 1187 sau khi đánh bại Thập Tự Chinh và giành quyền sở hữu Jerusalem.
Image
Cửa vào Nhà Thờ Mộ Chúa với cửa bên phải bị bít kín sau năm 1187

Nhà thờ theo kiểu Chính Thống giáo nhưng cửa ra vào nhà thờ lại do người Hồi giáo kiểm soát và giữ chìa khóa, đó là truyền thống mấy trăm năm nay vì các giáo phái Chính Thống tranh giành nhà thờ chưa phân định rõ ràng nên họ thỏa thuận để…Hồi giáo giữ chìa khóa nhà thờ cho công bằng. Nhà thờ lớn nhưng chỉ có một cửa hẹp ra vào nên rất nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn như đã từng xảy ra làm thiệt mạng nhiều tín đồ hành hương. Người ta dự định làm thêm một cửa ra vào nữa nhưng đến nay vì còn tranh chấp nên chưa thực hiện được. Hiện nay cai quản nhà thờ được chia cho 3 tôn giáo: Chính Thống Hy Lạp, đạo Armenian Apostolic và Công Giáo La Mã và còn 5 giáo phái Chính Thống khác chia nhau lịch trình làm lễ trong nhà thờ.

BỆ ĐÁ XỨC DẦU

Khi mới bước vào khung cảnh bên trong hơi tối mặc dù được thắp bằng những chùm đèn từ trên trần thả xuống. Hai bên vách cẩn nhiều loại đá màu sắc và kích cỡ khác nhau rất cổ xưa. Dưới nền nhà thờ cũng lát bằng nhiều loại đá như trên vách. Gian phòng đầu tiên gần cửa ra vào có một bệ đá chữ nhật là nơi đã từng đặt xác Chúa để xức dầu (Stone of Unction), tẩm liệm trước khi an táng trong nhà mộ. Nơi đây khi chúng tôi đến rất nhiều tín đồ thành kín cầu nguyện, có nhiều phụ nữ khóc lóc, người ta đặt tràng hạt, thánh giá lên bệ táng xác để “thánh hóa” các món thờ tự này. Có người đặt những chai nước uống để mang về nhà như nước thánh chữa lành những chứng bệnh dai dẳng, ngặt nghèo. Để ý trên mặt đá có vài đường nứt theo chiều dọc, nhiều người cho rằng do động đất xảy ra sau khi Chúa trút hơi thở cuối cùng trên cây thánh giá. Theo thánh kinh ghi lại khi ấy trời đất bổng sầm u tối, mây đen vần vũ và mặt đất rung chuyển khiến những người lính La Mã đang canh xác phải bỏ chạy và họ tin rằng người bị giết trên thánh giá chính thật là con của Chúa Trời mà trước đây họ không tin cho là lộng ngôn, phạm thượng! Phía trên tường của gian phòng đặt bệ đá xức dầu là một bức tranh cẩn đá màu (mosaic) diễn tả cảnh Đức Mẹ và các môn đệ chuẩn bị tẩm liệm Chúa.

Image
Bên trong nhà thờ ngay nơi Chúa chịu đóng đinh
NGÔI MỘ CHÚA JESUS

Bên hướng trái bệ đá xức dầu là địa điểm chính của nhà thờ là nơi có Mộ Chúa, nơi đây là một nhà nguyện hình hộp chữ nhật nằm ngay phía dưới vòm mái tròn (dome of rotunda) của nhà thờ lớn, các khung cửa kính tỏa ánh sáng từ bên trên xuống. Nhà nguyện Mộ Chúa gọi là “Edicule” có 2 phòng: phòng thứ nhất chứa Tảng Đá Thiên Thần (The Angel’s Stone) là một phần của tảng đá người ta tin rằng là cửa che kín nhà mộ sau khi đã táng xác Chúa vào bên trong. Phòng thứ nhì là mộ Chúa được tìm thấy từ thời vua Constantine nay bên trên là nấm mồ bằng đá cẩm thạch xây từ thời Trung cổ. Mỗi lần vào viếng mộ Chúa chỉ được 4 người nên tín đồ sắp hàng nơi đây khá đông để chờ đến lượt mình.

Phía tay phải của bệ đá xức dầu là những bậc thang dẫn lên nơi xưa kia là đồi Calvary (hay còn gọi là đồi Golgotha, Núi Sọ) là nơi Chúa chịu đóng đinh. Nơi đây ngày nay là một nhà nguyện với các bàn thờ trang trí bằng vàng nguy nga lộng lẫy. Bàn thờ chính thuộc Chính Thống Hy Lạp, nơi đây nhìn xuyên qua tấm kính phía dưới là tảng đá với lỗ sâu là nơi chân thánh giá được chôn trong đó. Công giáo La Mã qua dòng tu Franciscan có bàn thờ bên cạnh tên là Bàn Thờ Kính Đinh Thập Giá là chặn thứ 11 của suy gẫm Chặn Đàng Thánh Giá. Phía trái về hướng bàn thờ của giáo hội Chính Thống Đông Phương có tượng Đức Mẹ Mary, người ta tin rằng là nơi đưa xác Chúa Jesus từ trên thánh giá xuống để trao trả cho thân nhân của Chúa là Đức Mẹ (Chặn thứ 13). Đi qua các nơi trong Nhà Thờ Mộ Chúa khung cảnh đượm vẻ thiêng liêng với tường đá cổ xưa, ánh nến lung linh huyền ảo và tín đồ thành tâm cầu nguyện, nhiều nữ tu xúc động không ngăn được dòng nước mắt khiến tôi nhớ lại lời Chúa nói với các phụ nữ thành Jerusalem đi theo Ngài trên con đường khổ nạn: “Chớ khóc thương tao mà chi, mà hãy khóc thương cho chúng bây và con cháu chúng bây mà chớ!”
Image
Nhiếp ảnh gia Phùng Khải Tuấn vác thánh giá trên đoạn đường Chúa chịu nạn

LỊCH SỬ NHÀ THỜ MỘ CHÚA

Nhà thờ Mộ Chúa có lịch sử gần 2 ngàn năm và nhà thờ hiện nay là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất còn giữ nguyên kiến trúc cách nay gần một ngàn năm. Tiên khởi vào đầu thế kỷ thứ 2 nơi đây là đền thờ nữ thần Aphrodite trong huyền thoại Hy Lạp là người có sắc đẹp như nữ thần Venus. Đến thời hoàng đế Constantine là người mộ đạo, vào khoảng năm 326 ông truyền lệnh phá bỏ ngôi đền nữ thần để xây nhà thờ kính nhớ cuộc đời của Chúa Jesus. Constantine nhờ mẹ mình là bà Helena đứng ra trông coi việc xây nhà thờ. Trong lúc đào móng bà Helena phát hiện được cây thánh giá và ngôi mộ chôn Chúa Jesus mà theo ông Eusebius: “kiểu cách ngôi mộ với những bằng chứng rõ ràng đây là mộ chôn Jesus” mặc dù có những phản bác từ các đạo sĩ thời ấy. Nhà thờ Constantine xây là hai nhà thờ liền nhau trên 2 địa điểm là đồi Golgotha và Mộ Chúa với tảng đá cửa mồ được lấy ra đặt bên cạnh mộ. Vòm mái bên trên được hoàn tất vào thế kỷ thứ 4.

Nhà thờ bị hỏa hoạn vào năm 614 khi đạo quân “tiền Hồi giáo” Persians dưới quyền chỉ huy của vua Khosrau II chiếm Jerusalem và ông này đã giữ lại được cây thánh giá. Đến năm 630 vua Heraclius của Byzantine đánh bật quân Persians ra khỏi thành, lấy thánh giá và xây lại nhà thờ. Năm 638 quân Hồi giáo trở lại vẫn giữ nguyên khu Thiên Chúa giáo và nhà thờ Mộ Chúa vẫn là nhà thờ Thiên Chúa giáo, đến năm 966 các cánh cửa và mái nhà thờ bị cháy vì một vụ nổi loạn. Năm 1009 nhà thờ bị phá sập vì vua Hồi lúc đó là Al-Hakim bài xích Thiên Chúa giáo. Thời gian sau đó giữa Al-Hakim và đế quốc Byzantine thủ đô đặt ở Constantinople thương lượng để xây lại nhà thờ Mộ Chúa, bù lại Hồi giáo sẽ xây lại các đền thờ ở Constantinople. Thương thuyết hai bên chưa thành thì năm 1099 quân Thập Tự Chinh Lần Thứ Nhất chiếm Jerusalem và họ xây lại nhà thờ những năm sau đó. Nhà thờ bị cháy và được tu bổ nhiều lần, gần đây nhất vào năm 1994 đến 1997 trùng tu mái vòm có từ năm 1870 cũng như tân trang lại toàn bộ nhà thờ.

VÀI NÉT VỀ ĐẠO CHÍNH THỐNG

Nhà Thờ Mộ Chúa cũng như hầu hết nhà thờ xây dựng trên các thánh tích Thiên Chúa giáo ở Jerusalem đều thuộc quyền cai quản của giáo hội Chính Thống còn được gọi là Chính Thống Đông Phương bao gồm Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Nga. Hiện đạo Chính Thống có khoảng từ 150 đến 350 triệu tín đồ phổ biến nhất ở Nga và các nước Đông Âu trong Liên Bang Sô Viết cũ. Từ ngữ “Chính Thống” muốn nói lên đó là giáo hội Kitô giáo nguyên thủy xem mình như giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Kitô giáo phát xuất từ đất Do Thái sau ngày Chúa Jesus tử nạn và được truyền bá sang Tây phương (Tây Âu) và Đông phương (Nga Sô).
Image
Phái đoàn hành hương trước Nhà Thờ Mộ Chúa

Trong thiên niên kỷ (1,000 năm) đầu của Kitô giáo, Chính Thống Đông Phương và Công giáo La Mã cùng là một giáo hội, mặc dù có một số khác biệt giữa Đông phương và Tây phương. Chính Thống chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp có trung tâm là Constantinople (nay là Istanbul) còn giáo hội La Mã ảnh hưởng văn hoá Latin, trung tâm đặt ở Roma.Vào thế kỷ thứ 11, các khác biệt này dẫn đến cuộc ly giáo giữa Đông và Tây vào năm 1054, phân chia thành Chính Thống giáo Đông Phương và Công giáo La Mã. Sự chia hai tôn giáo dẫn đến cuộc thánh chiến Thập Tự Chinh Lần Thứ Tư vào năm 1204 quân Tây Âu theo giáo hội La Mã chiếm đóng và cướp phá thành Constantinople của đế quốc Byzantine tạo một mối hiềm khích giữa hai tôn giáo cho đến ngày nay. Năm 2004, Đức Giáo Hoàng John Paul II chính thức xin lỗi việc tàn phá Constantinople năm 1204 và lời xin lỗi được Thượng Phụ Bartholomew chấp nhận. Ngày nay hai giáo phái có vẻ xích lại gần nhau vì cùng có chung hầu hết tín điều như tin Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Đồng Trinh, thiên đàng và hỏa ngục (đạo Chính Thống không tin Luyện Ngục là nơi đền tội nhẹ trước khi đuợc lên thiên đàng), tin Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Còn sự khác biệt nữa là quyền hạn của Đức Giáo Hoàng, đối với Chính Thống quyền này có giới hạn. Chức sắc Chính Thống giáo chỉ có giám mục phải sống độc thân, còn linh mục và phó tế có thể kết hôn trước khi được chịu chức.

Về kiến trúc nhà thờ, đạo Chính Thống xem nhà thờ là biểu tượng của con thuyền Noah từng cứu nhân loại trong cơn Đại Hồng Thủy, nay hội thánh cứu con người khỏi bị nhấn chìm trong cơn lũ của nhiều cám dỗ. Vì vậy hầu hết nhà thờ Chính Thống giáo bình đồ được xây theo hình chữ nhật hay hình thập tự giá. Về việc thờ tự ảnh tượng, Chính Thống chống lại việc thờ các bức tượng nên trong nhà thờ không có tượng mà chỉ có tranh ảnh để thờ kính và trang trí chung quanh bằng đèn dầu hoặc những ngọn nến sáp. Ngoài công dụng chiếu sáng, nến và đèn dầu còn biểu tượng cho sự sáng của thế gian.

Đã in xong quyển Ký Sự Du Lịch “Miền Đông Nước Mỹ Và Canada” dầy 348 trang, tập hợp những bài trên Du Lịch Người Việt gần suốt một năm qua với nhiều hình ảnh và chi tiết thú vị về du lịch và các cộng đồng người Việt địa phương. Văn cách vui tươi, dí dỏm và bổ ích, có bán tại các nhà sách, độc giả ở xa muốn mua sách xin gởi ngân phiếu 15 USD về địa chỉ tác giả, sách có chữ ký sẽ gởi đến tận nhà:

TRINH HAO TAM
3683 Hawks Dr.
Brea CA 92823
Tel. 714-528-1413
Email: trinhhaotam@ hotmail.com
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Image

Những Bí Ẩn Về Nguyễn Tấn Dũng
Sau ngày 30/04/1975 tôi được phân công nhiệm vụ kiểm soát việc tiêu hủy những thứ mà lúc ấy được người ta gọi là “văn hoá phẩm đồi trụy”. Sài Gòn những ngày ấy còn hỗn loạn, bề bộn, lòng người thì hoang mang, bất ổn. Song trong mắt bọn chúng tôi – những kẻ chiến thắng vừa từ rừng núi tiến vào – Sài Gòn đúng thật là “hòn ngọc viễn đông”. Nhà cửa thành phố hiện đại, hàng hoá nhiều vô kể, đặc biệt là sách báo, tranh ảnh, băng đĩa và những thứ sản phẩm bị coi là “tàn dư của chế độ cũ”.

Lúc ấy chúng tôi được ủy ban quân quản bố trí ở tại một ngôi biệt thự bỏ hoang ở khu Phú Thọ. Mặc dù là bỏ không nhưng thật ra đây là một biệt thự mới tinh chưa có người đến ở, chủ nhà có lẽ là một người giàu có, xây dựng mới xong thì bộ đội giải phóng vào nên có thể đã đi di tản hoặc không dám đến nhận nhà. Ngôi nhà có tới 13 phòng, mỗi phòng đều có trang bị đồ dùng đầy đủ và rất sang trọng. Một số những chiến sỹ trẻ lúc ấy thích đọc truyện tranh, truyện tuổi hoa niên thì mang về đầy phòng đủ các loại sách truyện từ Tây Du ký, Tam Quốc chí, đến cả Đát Kỷ – Trụ Vương, rồi chuyện kiếm hiệp không biết cơ man nào. Đối với những người sống ở miền Bắc nghèo khó và những người bao năm hoạt động ở trong rừng núi thiếu thốn thì đúng quả là bị choáng ngợp với các loại sách báo Sài Gòn ngày ấy.

Trong công việc hàng ngày tôi cũng thỉnh thoảng lần giở xem xét một số những cuốn sách cũ, một số tiểu thuyết lịch sử để hiểu thêm về chế độ Việt Nam Cộng Hoà, đặc biệt nhiều nhất là sách viết về nền đệ nhất cộng hoà như cuốn “Bên giòng lịch sử” của linh mục Cao Văn Luận, hay “Những ngày chưa quên” … Lúc ấy việc đọc sách chẳng qua cũng chỉ để cho dễ buồn ngủ vào mỗi buổi tối chứ thật ra cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi đều cho rằng đó là những sách báo nhảm nhí, viết không đúng sự thật. Một cuốn sách hình như có tựa đề là “Những bóng ma trong hồng trường” viết về những câu chuyện thâm cung bí sử trong Quảng trường đỏ thời Xô Viết, nói về chuyện dâm ô, loạn luân của các lãnh đạo Xô Viết, lúc bấy giờ đọc những chuyện ấy chỉ xem như những chuyện tiếu lâm, những hư cấu không có thật, chứ tuyệt nhiên không thể tin được.

Thế rồi thời gian thấm thoát trôi qua với bao nhiêu biến chuyển, đổi thay của xã hội. Sài Gòn ngày ấy bây giờ chỉ còn trong ký ức của mỗi con người mà đã gắn bó, đã trải qua vào những giai đoạn lịch sử ấy. Tôi cũng đã luân chuyển qua nhiều vị trí, công việc khác nhau. Trong quá trình công tác tôi có may mắn được làm việc một khoảng thời gian ngắn với cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Khoảng thời gian này không dài nhưng lại là khoảng thời gian rất quý báu đối với tôi bởi vì đã học được nhiều điều và hiểu được nhiều điều từ cơ quan quyền lực cao nhất, từ người đứng đầu bộ máy lãnh đạo Việt nam. Trong đó có những câu chuyện mà qua hàng chục năm giữ kín, “đào sâu chôn chặt”, suy xét, kiểm nghiệm đến ngày hôm nay mới dám nói ra, bởi vì nó có liên quan đến những con người và hoàn cảnh lịch sử của đất nước ta trước đây, ngày hôm nay, và có thể nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai dân tộc ngày mai.

Trước khi giữ chức vụ Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt nam cụ Nguyễn Văn Linh đã từng hoạt động và làm việc tại miền Nam gần 50 năm (cụ vào Sài Gòn hoạt động từ 1939), và đã từng đảm nhiệm hầu hết các chức vụ lãnh đạo cao nhất tại miền Nam trước và sau chiến tranh. Vì thế dù sinh trưởng trên quê hương Hưng Yên miền Bắc nhưng cụ đã thực sự như một người con của Nam bộ. Đến khi lên giữ chức Tổng bí thư cụ Nguyễn Văn Linh vẫn rất thường xuyên làm việc tại Sài Gòn, cụ sinh hoạt rất giản dị, khiêm tốn và kín đáo. Cụ ở trong khu vực riêng của Ban quản trị tài chính Trung ương, gọi là T78, khu vực này là một đoạn đường Trần Quốc Toản được đơn vị cảnh vệ ngăn lại hai đầu phố tiếp giáp với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Trần Quốc Thảo, thành một khu vực riêng biệt, có lối ra thông với đường Lý Chính Thắng (sau này mở thêm khách sạn Dạ Lý Hương). Có những hôm cụ vẫn xuống ăn cơm chung với cánh cán bộ chúng tôi ở nhà ăn tập thể cũng nằm trong khu vực này, cụ ăn uống đơn giản và không đồng ý có thêm bất cứ chế độ đặc biệt gì phục vụ.
Hồi ấy phương tiện đưa đón cụ chỉ là loại xe Vonga đen của Nga sản xuất, mỗi lần xe của cụ đi thì trước đó lại có mấy cậu cảnh vệ mặc thường phục ngồi sẵn trên mấy chiếc xe Honda 67 “xoáy nòng” bí mật chạy trước chạy sau để xem xét, bảo vệ, chứ không phải dùng xe Police “còi hụ” hay xe “bồ câu trắng” bảo vệ như các cán bộ lãnh đạo sau này. Thế mà có lần tôi còn nghe cụ nhắc anh lái xe “chạy chậm chậm một tí không mấy cậu bảo vệ phải đuổi theo lại đụng vào dân thì khổ”, cụ biết và quan tâm đến tất cả những chuyện nhỏ như thế.

Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1988 có lần phải xuống làm việc với đặc khu ủy Vũng tàu (lúc ấy Vũng tàu vẫn còn là đặc khu Vũng tàu-Côn đảo), làm việc xong vào cuối buổi chiều cụ lại muốn đi tắm biển một chút cho khoan khoái. Thế là đám cán bộ địa phương và lực lượng bảo vệ lại phải cuống quýt lo bố trí địa điểm kín đáo, an toàn. Đến khi cụ xuống tắm lại phải bố trí hàng chục cán bộ bảo vệ cùng tắm quanh khu vực, thậm chí có người không kịp chuẩn bị đồ tắm đã phải mặc cả đồ lót đi tắm và mặc luôn đồ ướt đi về. Sau khi biết chuyện ấy cụ mới tự trách : biết các cậu phải lo lắng kỹ lưỡng như vậy thì tôi tắm luôn trong phòng cho xong.

Những ai đã sống trong thời điểm đó thì chắc đều không thể quên được chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của cụ viết ký với bút danh N.V.L. Ngay từ khi những sự việc được báo chí đăng tải cụ đã trực tiếp đôn đốc hoặc phân công cho những cán bộ trực tiếp phụ trách theo dõi và phải hàng ngày báo cáo kết quả công việc cho cụ biết. Đúng theo tinh thần “Nói Và Làm”.
Tiếc rằng lãnh đạo đất nước ta từ đó đến nay đã không xuất hiện thêm một ông “Nói Và Làm” nào nữa . Tôi vẫn thường nghĩ rằng nếu các lãnh đạo sau này và các lãnh đạo chính quyền cấp dưới có được quan điểm làm việc, đạo đức và cách sống như cụ thì chắc rằng người dân Việt nam sẽ có được cuộc sống no đủ và công bằng hơn rất nhiều.
Vào khoảng thời gian trước khi về nghỉ, có lẽ nhận thấy sức mình không thể làm thay đổi được cả một bộ máy, một cơ chế cồng kềnh và bảo thủ, cũng lại do hiểu được tính bè phái và sự lộng quyền của những kẻ lãnh đạo cơ hội trong Đảng, cụ càng trở nên trầm tư hơn. Nếu ai có điều kiện lui tới gặp cụ tại nhà riêng thời gian này sẽ nhận thấy sự thất vọng và u uất thể hiện rõ trên khuôn mặt và thái độ của cụ. Ngoài quan hệ công việc tôi lại có quan hệ rất thân tình với cô Bình (Nguyễn Thị Bình) con gái cụ, tôi quen Bình từ lúc còn đang học ở Liên Xô, Bình cũng rất quý tôi, coi tôi như người anh . Có lẽ cũng vì thế mà mỗi lần tôi đến nhà cụ chơi hay có công việc gì đều thấy tự nhiên như người nhà.

Sau này khi cụ Nguyễn Văn Linh thôi giữ chức Tổng bí thư Đảng, tôi không còn được làm việc với cụ nữa, nhưng thỉnh thoảng có dịp ra vào công tác tôi vẫn ghé thăm cụ, hoặc là ghé thăm Bình, vài tháng một lần. Mỗi lần gặp cụ lại hỏi thăm tình hình công việc, tình hình tổ chức nội bộ, tình hình các địa phương. Cụ tỏ thái độ than phiền với những người kế nhiệm và đặc biệt kêu ca về khâu tổ chức cán bộ và quy hoạch lãnh đạo cao cấp.
Vài năm sau đó nữa, lúc này sức khỏe của cụ tỏ ra đã yếu hơn trước rất nhiều, cụ ít đi lại hơn. Một buổi tối tôi đến thăm cụ, thấy cụ có vẻ không được khỏe, tôi không dám nói chuyện nhiều, sau khi hỏi thăm cụ vài câu tôi định đứng dậy ra về, nhưng cụ bỗng khoát tay ra hiệu bảo tôi hãy ở lại chơi và sau đó lại kéo tôi vào buồng trong. Tôi hiểu là cụ muốn trao đổi một chuyện gì đó, chắc là quan trọng hơn.

Vừa ngồi xuống là cụ hỏi ngay : mấy hôm nay cậu có theo dõi vụ Tổng công ty Tracodi mà báo chí vừa đưa tin không ?
Tôi đáp : Dạ, có biết chứ ạ ! Nhưng cũng chưa rõ lắm đúng sai thế nào ?
Cụ lại quay sang hỏi : Thế cậu có biết cái tay Tổng Giám đốc Phan Thanh Nam là người như thế nào không ?
Tôi chợt hiểu ra có điều gì đó quanh vấn đề này, thời gian trước đó đã có dư luận xôn xao quanh chuyện Phan Thanh Nam là con rơi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cánh cán bộ văn phòng chúng tôi đều có nghe nhưng vẫn không biết thực hư thế nào, nên cũng chỉ coi như một tin đồn nhảm.
Bỗng cụ ghé sát gần tôi và nói : Những chuyện này mà tao không nói cho các cậu thì sau này sẽ chẳng có ai được biết đến nữa.
Thế là bỗng nhiên tôi trở thành một nhân chứng để ghi nhận những sự kiện ghê ghớm thế này, những sự kiện đã gắn liền với lịch sử Cách mạng Việt nam nhưng không bao giờ được chép trong sử sách và nó là một bộ mặt thật hoàn toàn khác với những gì mà nhân dân được biết về lãnh đạo Việt nam, nhất là về lãnh tụ tối cao nhất : Hồ Chí Minh, con người mà bản thân tôi cũng từng ngưỡng mộ và tôn kính từ khi còn rất bé.

Theo cụ Nguyễn Văn Linh kể thì Bộ chính trị lúc bấy giờ, (tất nhiên đứng đầu là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chỉ đạo, điều này thì sau này không ai là không biết), biết rằng cụ Hồ gặp những thiếu thốn và khó khăn về tình cảm cá nhân, như chuyện muốn nối lại mối tình duyên với người vợ cũ ở Trung quốc nhưng đã bị phản đối (đây là một câu chuyện có thật đã được phía Trung quốc công bố từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Về việc này tôi lại nhớ về sự kiện bài báo “Bác Hồ có vợ ?” được đăng trên báo Tuổi Trẻ của tác giả Kiến Phước – Trưởng đại diện báo Nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh, chính vì bài báo này mà sau đó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ là Nguyễn Kim Hạnh, cũng chính là vợ ông Kiến Phước, bị mất chức. Sau này có lần đến chơi với hai vợ chồng Kiến Phước – Kim Hạnh ở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cũng gần khu T78, nhắc lại chuyện này họ lại buồn và phản ứng ghê lắm). Do vậy sau đó Bộ chính trị có bí mật sắp xếp nhiều người phụ nữ khác để chăm sóc và phục vụ cụ Hồ về mặt sinh hoạt tính dục. Đặc biệt, từ thuở còn thanh niên cụ Hồ đã có một mối tình đầu rất đẹp với một người con gái miền Nam (sự thật này đã được nhà văn Sơn Tùng sưu tầm và công bố trong bài viết “đi tìm Út Huệ”), do vậy cụ Hồ có một ấn tượng và thiện cảm đặc biệt với những người phụ nữ Nam bộ. Biết thế nên Bộ chính trị đã chỉ đạo cho Trung ương cục miền Nam, mà lúc này Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương cục, phải kín đáo tìm kiếm trong số những cán bộ, du kích miền Nam một vài cô gái còn trẻ, đẹp để đưa ra miền Bắc phục vụ cụ Hồ và các vị trong Bộ chính trị. Thời điểm đó thì Võ Văn Kiệt đang là ủy viên Trung ương cục được cụ Nguyễn Văn Linh tin tưởng tuyệt đối và giao cho trực tiếp phụ trách nhiệm vụ đặc biệt này. Trong số vài cô gái tuyển lựa được lúc đó đang chuẩn bị bố trí bí mật đưa ra miền Bắc, có một cô còn trẻ và rất sắc sảo họ Phan. Giữa lúc đó thì tình hình chiến sự đang diễn ra khá ác liệt nên không thể đưa các cô đi ngay được và rồi không hiểu thế nào mà ông Kiệt lại quan hệ dan díu với chính cô gái họ Phan kia. Đến lúc sự việc vỡ lở thì cô gái đã có thai được mấy tháng rồi. Thế là cô ta phải ở lại và cái bào thai đó chính là vị tổng Giám đốc Tracodi : Phan Thanh Nam sau này.
Nghe đến đây tôi cảm thấy vô cùng sửng s
ốt và bỗng thấy rùng mình hết cả người. Rõ ràng người đang kể ra những sự việc đó là một người đã từng giữ trọng trách cao nhất trong Đảng cộng sản Việt nam, một người trong số vài ba người được biết rõ nhất, chính xác nhất về câu chuyện này, một người trong số vài ba người hiếm hoi biết được những chuyện thâm cung bí sử nhất trong Trung ương Đảng cộng sản, một người mà cái tuổi đã vượt quá ngưỡng “cổ lai hy” rồi . Như vậy không thể là nói thiếu chính xác hoặc vô căn cứ được, càng không thể là nói xấu tổ chức Đảng và lãnh tụ được. Như vậy những chuyện tày trời kia là có thật ư ?

Tôi đang bần thần như người ngủ mê và còn chưa biết phải nói thế nào, cụ Linh lại nói tiếp : … cũng không phải chỉ riêng có Sáu Dân đâu (bí danh của Võ Văn Kiệt), mấy ông tướng nhà ta cũng đầy con rơi ra đấy, còn thằng Ba Dũng là con Nguyễn Chí Thanh, rồi thằng Trần Nam là con Trần Văn Trà hiện đang làm bên Học viện lục quân ấy.
Thế là cụ lại kể cho tôi biết thêm những sự thật khác.
Theo cụ Nguyễn Văn Linh thì trong thời gian tướng Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư liên khu ủy khu IV khoảng từ năm 1948 đến 1950 đã có quan hệ với một cán bộ phong trào ở đây và sinh ra Nguyễn Tấn Dũng, và cụ còn cho biết là sau Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn một người em trai nữa cũng là con của tướng Thanh.
Còn tướng Trần Văn Trà thì có quan hệ với một người phụ nữ quê ở miền Bắc (hình như là họ Hoàng, điều này tôi không còn nhớ rõ) rồi sinh ra Trần Nam, cũng là một sỹ quan quân đội đang công tác tại Học viện lục quân Đà lạt.
Về Trần Nam thì hồi đó tôi không hề được biết một thông tin liên quan nào, chưa hề nghe đến danh tính. Rất gần đây tình cờ đọc báo về vụ công ty Rusalka của siêu lừa Nguyễn Đức Chi rồi hỏi thăm cán bộ ở dưới mới được biết Trần Nam chính là giám đốc công ty Lâm Viên thuộc Học viện lục quân – Bộ quốc phòng, có liên quan đến vụ án này.
Sau buổi tối hôm ở nhà cụ Nguyễn Văn Linh ra về tôi bàng hoàng và băn khoăn nhiều lắm. Như vậy những thứ được gọi là tư cách, đạo đức, mẫu mực của các lãnh đạo cao cấp của Đảng ta thật ra chỉ là những thông tin tuyên truyền thôi ư ? Và những kẻ bày ra những trò này chắc cũng không ngoài mục đích nhằm thao túng cụ Hồ và thao túng cả Bộ chính trị ? Vậy thì đã có biết bao cô gái trẻ đã bị đánh mất tuổi thanh xuân và sự trinh trắng ở đó, và để đảm bảo tuyệt đối bí mật những thông tin này, dứt khoát phải có nhiều người đã bị thủ tiêu hoặc làm cho mất trí nhớ hoàn toàn. Như vậy những câu chuyện đồn thổi về những bóng ma trong quảng truờng Ba đình phải chăng cũng là có thật ? Thật bi thảm và khủng khiếp quá !
Bắt đầu từ câu chuyện đó nên sau này tôi đã cố tìm hiểu thêm những thông tin khác liên quan đến Ba Dũng.

Khoảng năm 2000, trong cuộc trò chuyện với một thiếu tướng Quân đội đã nghỉ hưu có quan hệ khá thân thiết với tôi, ông này có thời gian đã công tác tại liên khu IV và V, ông ta cũng lại khẳng định với tôi rằng Nguyễn Tấn Dũng chính là con của Nguyễn Chí Thanh. Hiện nay vị tướng này vẫn còn sống và là ủy viên của Hội cựu chiến binh Việt nam, để tránh gây phiền phức cho ông nên tôi không dám nêu danh tính cụ thể lên ở đây
Tôi đã tìm xem trong số những tài liệu lưu ở văn phòng có liên quan đến Nguyễn Tấn Dũng nhưng không thấy lộ ra chi tiết nào nói về chuyện này. Thế nhưng nhìn vào lý lịch và quá trình công tác của Ba Dũng rõ ràng có những điều bí ẩn sau đó. Ông ta chỉ là một cán bộ tầm trung bình, không có chuyên môn nghiệp vụ (thật ra được đào tạo làm y tá quân đội), trình độ văn hoá thấp, chưa được đào tạo cơ bản chính quy, không có thành tích đặc biệt, không có năng khiếu gì xuất chúng, thế nhưng lại có quá trình thăng tiến nhanh vượt bậc ( ?).

Sau này, trong những lần làm việc với Nguyễn Tấn Dũng tôi lại càng thấy rõ những điều đó hơn và càng thất vọng rất nhiều. Quả là ông ta là một người năng lực rất kém. Về hình thức bề ngoài, từ trước đến nay ít có lãnh đạo Việt nam nào có được dáng dấp và khuôn mặt sáng láng như Ba Dũng, cái hình thức đó rất dễ làm cho những ai không biết tưởng rằng đó là một người rất thông minh, nhanh nhẹn. Thật ra tương phản với hình thức sáng láng đó là một não trạng rất tối tăm, dốt nát. Hồi mới về Trung ương có những lần nghe ông phát biểu mà mọi người đều không hiểu ông định diễn đạt điều gì, rất lủng củng, tối nghĩa, lại lúng túng, cụt lủn. Nhiều lần tham dự những cuộc họp do Ba Dũng chủ trì, tôi thấy ông ta không dám phát biểu gì, chỉ ngồi nghe các cơ quan cấp dưới phát biểu sau đó ông ta cũng chẳng dám có ý kiến kết luận gì cả. Phải trải qua năm, sáu năm “thực tập” ở cái ghế Phó thủ tướng thì ông ta mới tỏ ra là tự tin, biết chủ trì những cuộc họp lớn của cơ quan Đảng, Chính phủ, nhưng vẫn chỉ là cái kiểu nói lúng túng, nước đôi, nói hùa theo các ý kiến khác chứ không thấy tự tư duy được điều mới mẻ cả. Mặc dù có cả một cơ quan tham mưu giúp việc rất đồ sộ “mớm” cho từng văn bản, từng câu chữ nhưng mỗi lần phải “nói vo” anh ta đều phát biểu rất khó khăn, không có đầu đuôi gì cả. Suốt cả quá trình dài là người đứng đầu Chính phủ và phụ trách tất cả những mảng quan trọng nhất nhưng ông ta chưa làm được một việc gì đáng kể. Đặc biệt, Ba Dũng rất dốt ngoại ngữ, trong cuộc họp mà phát biểu những từ gì tiếng Anh thì toàn nói sai hoặc nói lung tung cho qua. Một con người năng lực yếu kém như vậy mà lại lên đến chức Phó thủ tướng, và nay là Thủ tướng Chính phủ thì quả là không hiểu nổi ? Quả là có một bí ẩn khủng khiếp !

Một dịp may khác ngẫu nhiên đến để tôi được kiểm chứng thêm lời nói của cụ Nguyễn Văn Linh. Đó là khoảng năm 2001, trong một lần tiếp xúc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tại ủy ban thành phố có một vị khách đến làm việc theo lịch đã hẹn, và tôi được giới thiệu người khách đó là Tư Thắng (Nguyễn Tiến Thắng), em ruột Ba Dũng. Người này nhìn bề ngoài giống hệt Ba Dũng, từ chiều cao, dáng người đến nét mặt, mái tóc và kể cả giọng nói, thậm chí kể cả cử chỉ, dáng điệu (Ba Dũng hay có thói quen hất cằm và khuôn mặt ra phía trước). Tư Thắng giống Ba Dũng đến mức chỉ nghe giới thiệu là có thể tin ngay rồi, chỉ khác một chút là nước da đen hơn Ba Dũng một chút và khuôn mặt có vài vết rỗ. Riêng về cách ăn mặc thì ngược hẳn với ông anh, phóng khoáng tự do, thể hiện là người không làm việc trong cơ quan chính quyền. Có lẽ đã nghe tên tôi từ trước, Tư Thắng chủ động tự giới thiệu trước và đưa danh thiếp có số điện thoại cho tôi (tôi vẫn còn giữ danh thiếp ấy và số điện thoại di động là 090845846, lúc ấy ĐTDĐ chỉ có 9 con số, hiện nay đều đã thêm số 3 nên sẽ là 0903845846), sau đó Tư Thắng còn mời tôi lúc nào rảnh rỗi thì đến chỗ anh ta chơi.
Vì muốn tìm hiểu kỹ sự thật, có một buổi chiều sau giờ làm việc tôi đã lững thững đi bộ đến chỗ Tư Thắng. Theo địa chỉ Tư Thắng cho tôi biết thì đó là một căn nhà mặt tiền đường 3/2, gần ngã tư Cao Thắng (phía bên Nhà hát Hoà Bình), đó là một ngôi nhà lớn, vị trí rất đẹp, nhưng sau này tìm hiểu ra tôi mới được biết Tư Thắng có rất nhiều đất đai và biệt thự ở khắp các tỉnh Nam bộ, ngôi nhà này cũng chỉ là chỗ đi lại mà thỉnh thoảng ở Sài Gòn Tư Thắng mới ghé qua. Chính vì Tư Thắng muốn nhờ tôi giới thiệu thêm với một số lãnh đạo để giúp cho các công việc làm ăn của anh ta, tôi mới được biết là có rất nhiều công ty nằm dưới tay anh ta, đa phần là công ty TNHH. Các công ty này đều chỉ dựa vào thế lực và các mối quan hệ của Ba Dũng để tham gia vào rất nhiều lãnh vực khác nhau như : tài chính, ngân hàng, bất động sản, thương mại, xây dựng, tham gia các dự án nhà nước … Điều làm tôi quan tâm nhất là anh ta có quan hệ với rất nhiều người Đài Loan, đặc biệt trong mạng lưới các chân rết của Tư Thắng có một ngân hàng Đài loan hoạt động chui tại Việt nam là First China Bank (một đàn em tin cậy của ông ta được giao phụ trách việc này cũng tên là Dũng có số ĐTDĐ là 0913950661). Như vậy có thể hiểu được đây chính là những “sân sau” của Ba Dũng, và để tránh đụng chạm với các thế lực khác cạnh tranh, anh em ông Ba Dũng đã nhằm vào địa bàn hoạt động chủ yếu ở miền Trung và Nam bộ, sau đó việc rửa tiền và chuyển ngân lậu được thực hiện qua ngả Đài loan. Liệu có thế lực nào khác và bàn tay của cơ quan tình báo Đài loan nhúng vào những chuyện này không ? Chưa ai biết được chuyện đó !
Như vậy, đường đi và vị thế của ông tân thủ tướng Việt nam quả là có một quá trình đầy bí ẩn, đầy những bàn tay sắp đặt, chắc chắn đứng đằng sau ông ít nhất còn có hai người em là Nguyễn Tiến Thắng và Nguyễn Chí Vịnh (tổng cục trưởng Tổng cục tình báo quân đội, con trai chính thức được thừa nhận của tướng Nguyễn Chí Thanh) để lo thu xếp mọi việc từ tài chính đến an ninh chính trị.

Lại cũng dễ hiểu khi con đường quan lộ của Nguyễn Tấn Dũng rộng mở song hành với sự thao túng và lộng quyền của Tổng cục hai trong tay Nguyễn Chí Vịnh (sự lộng quyền này, trong mấy năm gần đây có rất nhiều cán bộ cao cấp và cán bộ lão thành đã phản ánh đến các cơ quan Đảng). Nó là hai mệnh đề luôn bổ sung và giải nghĩa cho nhau. Từ mệnh đề đó có thể giải đáp được rất nhiều những câu hỏi khác. Sự liên quan và ràng buộc này nếu nhìn trên góc độ thực tế chắc chắn đã và sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến tương lai của đất nước. Bởi vì sự bè phái và những âm mưu thâu tóm quyền lực là những nguyên nhân lớn nhất gây nên đổ vỡ tan rã trong Đảng, đây là điều mà Hồ Chí mInh đã cảnh báo từ rất sớm. Trong thực tế chế độ ta chỉ chấp nhận một Đảng duy nhất lãnh đạo, những chia rẽ và yếu kém trong Đảng dứt khoát có nguy hại đến sự phát triển của đất nước, đến đời sống nhân dân. Nhất là trong tình hình hiện nay hai căn bệnh lớn nhất tồn tại trong Đảng đang bị xã hội lên án rất gay gắt và là nguy cơ thật sự , đó là tham nhũng và tranh giành quyền lực.
Nếu những căn bệnh này còn tồn tại, không được giải quyết triệt để, sự tan rã chế độ sẽ là tất yếu. Rồi tập đoàn Dũng – Thắng – Vịnh sẽ đưa đất nước ta đến bờ vực thẳm nào ?

Những sự việc cụ Nguyễn Văn Linh đã kể lại cho tôi chắc chắn cũng phải còn ít nhất là một vài người khác được biết, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai dám công khai nêu lên. Trước thực trạng đầy bất ổn của tình hình chính trị đất nước cùng với tấm lòng cảm mến và kính trọng cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi nhận thấy chính mình phải có trách nhiệm nói ra những điều này, tôi xin hoàn toàn đảm bảo về tính trung thực và chính xác của sự việc này. Tôi cũng mong rằng sau khi sự thật này được đưa ra ánh sáng thì sẽ có thêm nhiều bằng chứng khác của các vị lão thành Cách mạng, của những ai có may mắn được biết đến những sự việc trên sẽ bổ sung đầy đủ hơn để bạch hoá hoàn toàn những bí ẩn này.

Thứ nữa, tôi muốn thông báo đến giới trẻ, những người chủ tương lai của đất nước được biết rằng : có rất nhiều những sự thật mà các bạn không có cơ hội được biết đến, mà lẽ ra trong xã hội hiện đại truyền thông đa phương tiện ngày nay các bạn cần phải biết tất cả những sự thật, những điều trắng đen rõ ràng để tự xây dựng cho mình những tư duy sống, những quan điểm tự nhiên chứ không phải những ý thức hệ bị cưỡng bức, những tư tưởng bị chỉ đạo.
Cuối cùng, tôi muốn gửi thông tin này đến tất cả mọi người dân với mong muốn rằng nhân dân chúng ta đều càng ngày càng được cởi mở hơn trong tiếp nhận thông tin, tiếp nhận sự thật. Những sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và dần dần cần được giải mã trước công chúng. Những sự việc gây ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước cần phải được minh bạch và công khai. Từ đó mỗi người dân cần có thái độ và đóng góp trách nhiệm của mình một cách rõ ràng trước những điều hệ trọng của đất nước. Nhân dân cần phải thay đổi thói quen chấp nhận để đời sống chính trị bị lệ thuộc bởi một cá nhân nào, một đảng phái nào, hay một thể chế nào, một chính phủ nào, mỗi người phải có quyền và nghĩa vụ tự quyết định cho riêng mình trong một xã hội văn minh, dân chủ.

Hà Nội ngày 09/10/2006
Hoàng Dũng, Cán Bộ VPTƯ
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Ðèn khuya hiu hắt

Huy Phương
Tôi thật tình không muốn chọn những đề tài kiểu “năm Dần nói chuyện Cọp” nhưng hình như mỗi mốc thời gian thường để lại trong lòng chúng ta những cảm xúc, có khi thoáng qua, nhưng cũng có khi dai dẳng. Ngày Memorial giờ đây thực đã qua rồi, những nén nhang trên những nấm mồ đã tắt, còn lại những chân hương lạnh lẽo, những bó hoa thắm sắc trong nghĩa trang đã héo tàn dưới cơn nắng và gió của Santa Ana. Mọi người đã trở lại với đời sống hằng ngày, chạy theo những bánh xe quay, và hình ảnh những người chết không còn để lại gì trong ý nghĩ của chúng ta, lẽ cố nhiên chúng ta không thể đắm mình trong tưởng nhớ mà bỏ quên đời sống thực tại hiện hữu mỗi ngày.

Bản tin mới nhất, loan báo trong tuần qua, người lính Mỹ thứ 1,000 đã nằm xuống trong trận chiến tại Afghanistan. Ôi, con số 1,000! Một nghìn đồng bạc, không nhỏ tuy nhiên không là một số tiền lớn. Một nghìn đóa hoa, đã nhiều, nhưng chưa đủ để kết một cái xe hoa trong ngày Rose Parade. Một nghìn người trong một cuộc biểu tình, di chuyển, đi lại, đã là đông. Chúng ta chưa tưởng tượng ra được một nghìn người chết vì bom đạn, “chết thật tình cờ, thịt da nát tan”. Họ nằm xuống ở xa, trước khi lìa đời không nắm được bàn tay người thân. Một nghìn cái quan tài bọc kẽm được đưa về quê hương trên những chuyến bay dài qua những đại dương. Một nghìn ngôi mộ “đều như nấm” có cắm cây Thánh Giá trong nghĩa trang quốc gia Arlington. Một nghìn gia đình buồn khổ vấn khăn tang.

Thế mà trong cuộc chiến Việt Nam, nước Mỹ đã mất 58,000 người. Trong số người tử trận có đến 61% là những thanh niên dưới 21 tuổi, người trẻ nhất chỉ mới 17. Cũng trong ngày 6 tháng 6 cách đây 66 năm, trong cuộc đổ bộ tại bờ biển Normadie, nước Mỹ đã mất 2,499 quân nhân mà xương cốt của họ đã nằm lại trong lòng đất nước Pháp, nhiều người không còn tên tuổi, họ chết như những người lính vô danh, không có đến một cái tên khắc trên bia mộ. Tuổi của họ cũng còn rất trẻ. Người ta ghi nhận ngay phút đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Omaha Beach, 19 thanh niên của một thành phố nhỏ của tiểu bang Virginia là Bedford đã ngã xuống vì hỏa lực và mìn bẫy của địch. Những người này còn quá trẻ để người ta gọi họ là “boys” trong tác phẩm “The Bedford Boys” của Alex Kershaw. Những người lính này là những chàng trai trẻ, vừa rời khỏi ghế nhà trường, chưa hề hưởng được chút thú vui của cuộc đời đã hiến tuổi xuân xanh theo tiếng gọi của tổ quốc.

Ðể bảo vệ miền Nam, 220,357 người lính VNCH đã tử trận mà không phải ai cũng được trở về “trên chiếc băng ca” hay “trên chiếc trực thăng sơn màu tang trắng”. Máu họ đã thấm vào lòng đất trên những địa danh vẫn nghe trong những bài hát chinh chiến xót xa của một thời. Cũng có những người lính lấy con tàu và đại dương ôm ấp hình hài như 58 chiến sĩ hải quân đã chết cho vùng biển máu thịt của quê hương.

Ðể quyết xâm chiếm miền Nam 1,176,000 người lính Bắc quân Cộng Sản “sinh Bắc tử Nam” đã không còn cơ hội sống còn. Một vài trăm cái nghĩa trang sơn xanh quét đỏ trên khắp đất nước, từ tỉnh lỵ đến xã ấp xa xôi không đủ chỗ cho con số hơn triệu xương cốt, hầu hết đã tan nát theo cỏ cây trên núi rừng, lạch suối trên cả hai miền Nam Bắc cho tham vọng của chủ nghĩa của một số người.

Người chết thường bị chóng lãng quên. Người chết là lá vàng ủ mục cho những hạt nẩy mầm nhú lên mặt đất, làm phân bón cho những cây con chóng lớn lên. Ðã nhiều người lính chết cho chiến công của một người. Ðã nhiều người lính chết cho những người sau lưng họ được sống. Ðã nhiều người lính chết chỉ là phương tiện cho cứu cánh của một thiểu số cầm quyền. Chỉ với một cái gật đầu trên bàn hội nghị, một nét bút chì mỡ trên bản đồ hành quân, bao nhiêu xương máu phải đổ ra ngoài trận địa.

Thế giới đã trải qua nhiều thế kỷ dài và triệu triệu người lính đã chết, họ chết trong hy vọng tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn, hòa bình, hạnh phúc hơn nhưng cuối cùng thế giới lại đắm mình trong những cơn xâu xé tàn nhẫn, với bom đạn tối tân hơn, kỹ thuật giết người tinh vi hơn và với những lý do nghe qua có nhiều sức thuyết phục hơn. Chiến tranh máu lửa chưa hề có một ngày ngơi nghỉ, lụi tàn trên trái đất này và cái chết của những người lính chỉ là những con số vô hồn, ở nơi này hay ở nơi khác, trên một góc nhỏ khiêm nhường của một tờ nhật báo hay trên môi người xướng ngôn viên xinh đẹp của màn ảnh nhỏ vào tối hôm nay, trong lúc gia đình đang quây quần với nhau trong bữa cơm chiều.

Chúng ta có thể nào hiểu nỗi tâm trạng của những gia đình có chồng, có cha, có con đang đi “vào nơi gió cát”. Những bản tin làm nhói nỗi đau, gây muộn phiền và lo sợ cho những người thân của mình, đêm nay không biết ở đâu trên những vùng đất xa lạ, ngút lửa tranh chấp, hận thù. Trong thời đại với kỹ thuật thông tin ngày nay, tin xấu về còn nhanh hơn những tia chớp ngoài kia, nhưng đã có một thời, người mẹ Việt Nam, nuôi đứa con lớn lên trong nghèo khó, nhọc nhằn, đã gởi đứa con đi theo tiếng gọi, nhân danh cho những điều cao đẹp trên đời, để cuối cùng thay vì nhận lại đứa con rắn rỏi, tự tin, trưởng thành, tươi cười rạng rỡ bên mẹ sau những ngày xa cách, là những tờ “biên lai” ghi công vô hồn.

Trên mặt địa cầu này đã có bao nhiêu tượng đài ghi công, bao nhiêu vòng hoa tưởng niệm, bao nhiêu bài diễn văn vinh danh, ca ngợi nhưng không có gì bền bỉ, trung kiên bằng tấm lòng người mẹ nghĩ đến đứa con mất. Tôi biết chuyện một người mẹ, từ ngày đứa con ra đi chiến trường và không bao giờ trở lại, mỗi đêm đi ngủ bà vẫn để lại ngọn đèn chong. Trong ý nghĩ của người mẹ, đứa con về trong đêm sẽ biết hướng trở lại nhà. Sẽ không bao giờ có tiếng đập cửa và tiếng kêu: “Mẹ ơi, con về đây!” nhưng ngọn đèn khuya mỗi đêm vẫn còn đó.

Trên những xóm làng mà bạn đã đi qua, bạn đã có dịp nhìn thấy những ngọn đèn khuya hiu hắt trong đêm, bạn đã thấy những đốm lửa thấp thoáng bên kia sông như những nỗi buồn xa. Hãy hình dung đó là những ngọn đèn của những người mẹ thắp lên mỗi đêm để chờ đứa con về, những đứa con chết ngoài chiến trường trong lúc còn rất trẻ.
caolynh
Posts: 317
Joined: Wed Dec 17, 2008 7:21 pm
Contact:

Post by caolynh »

Hãy Quên Quá Khứ Để Hướng Về Tương Lai ???
Võ Trang

Tôi đã đọc câu này ra rất nhiều lần - cả trăm lần - để chắc mình không hiểu lầm!

Hãy quên quá khứ...
Tại hải ngoại, CSVN không ngừng kêu gọi người Việt hãy quên quá khứ để hướng về tương lai. Trong Tâm Sinh Lý học, quên quá khứ là chuyện không thể làm được. Cái gì đã đi vào bộ não thì sẽ ở đó cho đến khi con người lìa đời? Một đôi khi chấn thương sọ nảo hay tinh thần có thể làm gián đoạn dẫn truyền của hệ thống thần kinh. Nhưng khi hồi phục thì người ta vẫn nhớ lại. ...

Ngày nay, với tất cả thành tựu của con người trong mọi lãnh vực, văn minh trong cả khía cạnh vật chất lẫn tinh thần là nhờ quá khứ đấu tranh của cả mấy ngàn năm không chỉ qua những thành công mà chính là nhờ những thất bại. Thế thì tại sao phải quên quá khứ?

Nhưng "hãy" quên cái quá khứ nào? - Có phải người cọng sản muốn nói đến cái quá khứ tù đày trong những trại học tập không biết ngày mai, bị sĩ nhục mỗi ngày mà vẫn phải cám ơn "cách mạng" đã khoan hồng? Có phải người cọng sản muốn nói đến cái quá khứ của gia đình bị hăm dọa đẩy lên vùng kinh tế mới để nhà cửa còn lại cho "cách mạng" tịch thâu và khi trở về phải ngũ dưới hầm cầu, trên vĩa hè của chính nhà của mình? Quá khứ hải hùng hể bị chụp mũ là tư sản thì đời kể như tiêu tùng, thân bại danh liệt, tài sản tịch thu, thân tù đày? Quá khứ hãi hùng trên biển cả, khiếp đảm trong bìa rừng Thái, Lào mà mỗi gia đình người Việt ngày nay ở hải ngoại đều có 1 câu chuyện như là một phần đời... xa hơn nữa, có phải người cọng sản muốn nói đến cái quá khứ của cuộc cách mạng địa chủ năm 1954 đã hành quyết hàng chục ngàn người hay là cuộc chôn sống tập thể cả 5 ngàn người vào Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968? Ngược lại, có những quá khứ không nên quên bao giờ chẳng hạn như cuộc cách mạng muà Thu, Đại Thắng Mùa Xuân, những hy sinh vô bờ bến của Hồng Quân Liên Sô và Trung Quốc...?

Mỗi lần nghĩ về lịch sữ oai hùng của dân tộc và những hy sinh của tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nuớc là tôi thấy hãnh diện và sung sướng. Nhưng không phải quá khứ nào cũng huy hoàng và không có lý do gì tôi chỉ nên nhớ những huy hoàng ấy và bỏ qua những sai lầm như một trốn chạy. Còn như để quên quá khứ như một người mất trí thì hướng về tương lai để làm gì?

Ngay tại Việt-Nam ngày nay, nhiều người đã muốn quên quá khứ như mượn rượu để giải sầu. Có người còn muốn quên cả hiện tại. Phải chăng đây cũng là phản ảnh của hiện tượng hút xách, ăn nhậu, chơi ngông ? thêm vào đó chính quyền còn giúp cho đại đa số dân chúng một cuộc sống phải vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày một và một hệ thống giáo dục tẩy não để họ không có thời giờ nhớ về quá khứ hay phương tiện để tra cứu?

Hãy xoá bỏ hận thù...
Có lẽ người nói câu hãy quên quá khứ để hướng về tương lai muốn nói là hãy xóa bỏ hận thù để hướng về tương lai? Vì quá khứ là một "hiện thực" khách quan nên không thể quên được. Nhưng hận thù là sản phẩm của tâm tư con người nên con người có thể khắc phục được. Hận thù đưa đến trả thù sẽ làm cuộc sống máu me dơ bẩn. Hận thù làm tâm linh ta khốn khổ, cuộc sống mất đi cái hồn nhiên vô gía và hướng thượng... và ngay cả sau khi trả được mối thù, cái bàn tay nhuốm máu ấy vẫn không bao giờ rửa sạch...

Nhưng chính người cọng sản Việt-Nam đã lấy hận thù để làm cách mạng. Có cái lòng hận thù nào để giáo dục cho con cháu như thế này: hôm qua dân quân ta bắn rơi 2 máy bay của Mỹ Nguỵ. Hôm nay dân quân ta lại bắn rơi thêm 3 chiếc nữa. Vậy tổng cọng ta đã bắn rơi bao nhiêu chiếc cả thảy? Họ đã lấy hận thù để tiêu diệt tất cả các đảng phái không cùng chính kiến với họ. Sau khi toàn thắng ở miền Nam, thay vì dùng cái cơ hội bằng vàng này để nêu cao chính nghĩa dân tộc và hòa giải quốc gia, họ nhìn ở đâu cũng thấy toàn kẻ thù. Cái tâm lý bệnh hoạn và sợ hãi củng cố chế độ đã làm họ phải quyết định bế môn tỏa cảng trong cả 10 năm đầu. Hậu quả thì như ai cũng biết, nước Việt-Nam đã trở thành 1 trong 10 nước nghèo đói nhất của thế giới. Đánh động được lương tâm của con người qua những viện trợ nhân đạo, chính họ cũng phải nới lỏng nền kinh tế chỉ huy thiếu hiện thực, như đã từng được chứng minh qua các cuộc cách mạng ở Liên Sô và Trung Quốc. Nhưng khi tình hình đã được khả quan hơn nhờ những trao đổi với bên ngoài, họ trở lại nhìn thấy thêm kẻ nội thù, từ chính người dân của họ, những đồng chí mà cách đâu không lâu đã hy sinh cuộc đời cho sự nghiệp "giải phóng" dân tộc do họ chủ xướng. Ngoài những lực lượng thù nghịch, họ đã đặt để thêm những kẻ thù trong những "diễn tiến hoà bình" - nỗi lo sợ và lời buộc tội đã mâu thuẩn với chính danh xưng của những biến chuyển mà nghe ra rất khách quan trong phát triển tự nhiên của con người. Họ khuyên người ta hảy quên quá khứ, xóa bỏ hận thù nhưng chính họ thì không bao giờ, - vì hận thù vốn là sức sống, là linh hồn, là nền tảng của sự an toàn trong tư tuởng và lý luận của những người cọng sản Việt-Nam khi đi làm các mạng!

Nhưng có những hận thù nào ta không nên quên chăng? cho dù cả ngàn năm sau? như hận thù của 2 bà Trưng Trắc Trưng Nhị trước cảnh nước mất nhà tan mà rồi cuối cùng vẫn phải nhảy xuống sông tự vẫn? Trong đấu tranh cho Chủ Nghĩa Xã Hội, người vô sản có nên quên mối thù không đội trời chung với bọn tư bản bóc lột?

Không hận thù thì làm gì có cách mạng? những ai còn phân vân với tính chuyên chính vô sản này thì cứ tìm đến ông Tô Huy Rứa để nghe lời giải thích. ... Hay là chỉ có người cọng sản mới được quyền hận th

Mới đây thôi, trong bài diễn văn đọc trước Quốc-Hội Hoa Kỳ, bà Thủ Tướng nước Đức đã nói gì? Cần nhắc lại, bà Merkel đã sống và lớn lên trong xã hội cọng sản Đông Đức mà vẫn trở thành Thủ Tướng của nước Đức thống nhất là một bằng chứng của sự xóa bỏ hận thù: "Nhưng đừng có ai nhầm lẫn: Khoan dung không có nghĩa là thế nào cũng được. Không khoan dung với những ai không tôn trọng và chà đạp các quyền vô giá của con người".

Xóa bỏ hận thù không có nghĩa là đồng lõa với tội ác. Không chịu nhìn thẳng vào cái gì đã gây ra hận thù nhưng chỉ biết kêu gọi xoá bỏ, cũng như họ kêu gọi đoàn kết nhưng không chỉ cho thấy cái gì đã gây ra chia rẽ là một sự lường gạt ấu trĩ và rẽ tiền !.

Để hướng về tương lai...
Có ai trong chúng ta sống mà không để hướng về tương lai?. Ngay cả trong tu dưỡng cá nhân cũng đễ cho một sự ra đi thanh thảng khi từ giả cuộc đời. Tất cả người Việt chân chính đều mong muốn thấy được một nước Việt-Nam giàu mạnh, công bằng và nhân bản. Nhưng một lần nữa chúng ta đang nói về một tương lai nào? Một sự thành cộng của Chủ Nghĩa Xã Hội tại Việt-Nam và trên toàn thế giới? Quên quá khứ để hướng về tương lai trong diễn dịch của nhà cầm quyền CSVN là quên hết (như người mất trí?) và chấp nhận trở về làm việc cho họ. "Bằng lòng đi em về với quê hương". Những người cọng sản Việt-Nam đã nói rõ ràng rồi: yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội. Danh từ "đoàn kết" có nghĩa là từ bỏ vị trí chống đối hoặc không đồng chính kiến để trở về dưới sự lãnh đạo của họ. Không có hòa hợp hòa giải gì cả. Hãy thành thật với nhau như chút liêm sĩ còn lại mà chúng ta đều hiểu: không ai có tư cách mặc cả với chế độ CS hiện nay cả!

Tôi không tin là cho đến bây giờ những người gọi là Việt Kiều Yêu Nước vẫn chưa biết mình đang nói cái gì? Xin các Việt-Kiều Yêu Nước đừng lừa dối thế hệ trẻ ngày nay vì họ không có cơ hội để kiểm chứng. Xin đừng tiếp tục làm dơ bẩn những ý tưởng cao đẹp của lòng nhân đạo, tình quê hương là những giá trị cao quí của dân tộc. Nhắm mắt lại như con đà điểu chui đầu vào cát? - những người tự gọi là Việt Kiều yêu nước đi về Việt-Nam xây vài lớp học, đào vài cái giếng rồi giáo dục những người Việt khác cũng nên yêu nước như mình... Chính người viết bài này cũng đã và đang gởi tiền về Việt-Nam để giúp đở bạn bè thân nhân khốn khổ của mình... nhưng yêu nước và "chỉ là" lòng nhân đạo khác nhau rất nhiều!. Hãy nhìn cho rõ cái nguyên nhân chính đã đưa đến tình trạng hiện nay. Đó là hậu quả của một chế độ chính trị lỗi thời đang ngự trị trên cái quê hương khốn khổ này. Con đường đi đã sai lầm rồi thì càng đi càng xa cái đích dù đi bằng cách nào đi nữa. Trong mặt tiêu cực, càng đi càng lãng phí, càng phá hoại như chúng ta đã nhìn thấy xã hội hiện nay. Dù có bao nhiêu nghị quyết, bao nhiêu "rà soát" cũng chỉ là "mị dân" mà thôi.

Chính cái chế độ chính trị này trong hơn 30 năm qua đã đưa đất nước thụt lùi, cụ thể là so với các nước khác trong vùng. Trong lãnh vực xã hội, chính cái chế độ chính trị này đã tạo ra 1 giai cấp thống trị mà giờ đây chẳng khác gì một loại băng đảng, bao che cho nhau và sống trên mồ hôi nước mắt của tuyệt đại đa số người dân còn lại. Cái hậu quả của chế độ chính trị này đã và đang thấy tại các quốc gia đi theo cùng một chế độ chính trị. Tại Việt Nam, để bảo tồn quyền lực, băng đảng này đối với các thế lực cường quốc thì lạy dạ run sợ nhưng đối với chính người dân khốn khổ của mình thì thẳng tay đàn áp. Người cọng sản nói rất rõ: chế độ nào cũng là chế độ độc tài của giai cấp thống trị. Trong chế độ XHCN, đó là giai cấp vô sản. Cho nên chế độ XHCN là chế độ độc tài của giai cấp vô sản. Người cọng sản cười thầm khi những kẻ theo đuôi họ cứ ráng giải thích tính dân chủ tư sản của chế độ cọng sãn.

Nhưng thực tế chúng ta thấy gì? - chế độ của họ ngày nay quả là chế độ độc tài của 1 giai cấp lãnh đạo, nhưng không phải vô sản mà là 1 loại siêu tư sản, được bảo vệ một cách công khai bởi hệ thống chính trị và chính quyền. Điều này không chỉ thấy ở Việt-Nam mà trong hiện thực của tất cả các nước cọng sản ngày nay. Trong kinh tế , nhờ vào quyền lực sẵn có, họ hội tụ tài sãn của cả quốc gia vào trong tay tập đoàn lảnh đạo của họ. Cho nên nhóm bè đãng lãnh đạo của bọn họ rất giàu trong khi quốc gia thì vẫn èo ọt và tuyệt đại đa số người dân thì vẫn nghèo đói. Trong chính trị, băng đảng của họ có quyền lực không khác mấy thời của những lãnh chúa... cái chế độ như cha truyền con nối là những ngạo mạn, thách thức đối với lương tri của con người. Nếu họ vẫn còn đó và có lẻ phải còn chờ lâu nữa cho đến khi trình độ dân trí của dân ta đủ mạnh để chiến thắng những khó khăn và sợ hải của cuộc sống thì xã hội sẽ tiếp tục như vậy. Đó là cái tương lai mà Người Việt Yêu Nước muốn hướng về? Còn nếu không, hãy quên bất cứ quá khứ nào cũng được để hướng về 1 tương lại vô định thì nếu người nói không mù quáng là có ý xem thường khả năng phán đoán của người nghe rồi. Một số người Việt khác quả quyết họ vẫn yêu quê hương bằng một con đường hợp tác khác, như con đường của một Tôn thọ Tường thì tôi chỉ còn biết tặng họ lại hai câu thơ của cụ Phan văn Trị:

Anh hởi Tôn Quyền anh có biết?
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng...

Vào lứa tuổi của tôi có bạn đã chết, đang bị đày đoạ trên chính quê hương của mình, đã vùi thây trong Thái Bình Dương bao la, trong những bìa rừng âm u ở Thái, Lào hay đang lạc lỏng trên những mãnh đất xa lạ nào đó ở Châu Phi, ở Trung Đông... so với họ tôi may mắn hơn nhiều. Hơn 30 năm đã qua. Vì nhiều lý do: an ninh bản thân và gia đình, an toàn khi có dịp về thăm quê nhà, miếng cơm Tây, manh áo gấm khiến tôi đã vô tình im lặng và tránh né. Giờ đây tóc đã hai màu, còn chút tình mà vẫn không dám nói thì đợi đến bao giờ? Riêng đối với các chiến sĩ VNCH trong đó có hàng cha anh chú bác của tôi, những người đã chết cho cho một chính nghĩa đã bị chối bỏ và chưa bao giờ được nhìn nhận, họ sẽ được những người CSVN viết lại trong lịch sữ như những tội đồ ... tôi có thể nào quên họ, quên cái quá khứ có sự hy sinh vô bờ và cô đơn của họ? Trong tự do của hôm nay toi vẫn nên tiếp tục "hy sinh", không nên nói lên những khát vọng của những người bạn, của đại đa số đồng bào kém may mắn hơn tôi đễ giữ an toàn và phồn vinh cho thiểu số còn lại chấp nhận đổi đời? Tôi không có tư cách để khuyên mọi người nên nói như tôi nói. Nhưng tôi sẽ cảm thấy hổ thẹn khi khuyên họ không nên làm như thế bởi vì với tôi, viết là để công bằng trả lại cho đời chút ân tình mà tôi đã nhận, dù chỉ là ngọn lữa của một que diêm, như một người bạn của chúng tôi có nói, sẽ không đủ sức để sưởi ấm cho cả một mùa đông băng giá này!.

Võ Trang
caolynh
Posts: 317
Joined: Wed Dec 17, 2008 7:21 pm
Contact:

Post by caolynh »

Mỹ treo thưởng cao nhất ở World Cup 2010
Mức thưởng cho tuyển Mỹ bỏ xa con số mà các ứng viên nặng ký như Tây Ban Nha, Anh, Brazil hay Đức được treo cho mục tiêu lên ngôi vô địch ở Johannesburg, Nam Phi ngày 11/7 tới.

Tổng quỹ thưởng mà tuyển Mỹ sẽ nhận nếu vô địch World Cup năm nay là 20,6 triệu USD (14 triệu bảng), tương đương với trung bình 895.000 USD cho mỗi cầu thủ. Đây là mức hứa thưởng cho một đội tuyển cao chưa từng có trong lịch sử các vòng chung kết Cup bóng đá thế giới.
Image
Landon Donovan và đồng đội có thêm động lực thi đấu ở Nam Phi. Ảnh: US Soccer.
Tuyển Mỹ hiện đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng FIFA và từng gây ấn tượng mạnh khi vào tới chung kết Confederations Cup năm ngoái. Thành tích đáng khích lệ ấy cộng với mức thưởng kỷ lục mà Liên đoàn bóng đá Mỹ (USSF) vừa đưa ra được xem là động lực lớn cho thầy trò HLV Bob Bradley trước chuyến đi Nam Phi.

Nhưng để tránh tiếng cho cầu thủ "leo cột mỡ", USSF còn đặt ra các mức thưởng cụ thể hơn trong buổi làm việc với Mark Levinstein, luật sư đại diện cho các tuyển thủ Mỹ, hôm 2/6. Theo đó, cứ mỗi điểm giành được ở vòng bảng sẽ đồng nghĩa với việc có thêm 180.000 USD nạp vào quỹ thưởng của cả đội. Ngoài ra, số tiền thưởng cho tuyển Mỹ sẽ tăng tỷ lệ thuận với việc họ tiến sâu đến đâu tại giải.

Theo tờ Sporting Intelligence (Mỹ), ngay cả khi không toàn thua và bị loại ngay sau vòng bảng, mỗi tuyển thủ Mỹ cũng sẽ lĩnh trung bình gần 78.500 USD.

Xếp sau tuyển Mỹ về tiền thưởng tại World Cup 2010 là tuyển Tây Ban Nha, với trung bình 725.000 USD cho mỗi tuyển thủ, nếu đăng quang trên sân Soccer City ngày 11/7 tới. Tuy nhiên, trong trường hợp Tây Ban Nha chỉ đoạt ngôi Á quân, mức thưởng sẽ giảm nhiều, chỉ còn trung bình 144.000 USD mỗi người.
Image
Tây Ban Nha cũng treo thưởng to để khích lệ các tuyển thủ tái hiện kỳ tích vô địch ở Euro 2008 trên đất Nam Phi. Ảnh: Sky.
Liên đoàn bóng đá Anh chưa công khai mức thưởng cho chức vô địch World Cup 2010, dù đã thống nhất về con số cuối cùng với các tuyển thủ. Nhưng theo tờ Sport Mail tìm hiểu, sau khi đã trừ đi các khoản tiền làm từ thiện, mỗi tuyển thủ Anh sẽ bỏ túi 652.000 USD (450.000 bảng) nếu nâng cao Cup vàng.

Trong khi đó, cũng theo tờ Sporting Intelligence, mức thưởng mà các đội tuyển Brazil và Đức được treo cho chức vô địch World Cup 2010 chỉ dừng ở mức khiêm tốn lần lượt là 362.000 bảng và 307.000 bảng.


Bạn có thể tham gia dự đoán World Cup để nhận giải thưởng tại đây thantai.vnexpress.net

Phương Minh
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

'Cửa vô địch World Cup của Mỹ rộng nhất'

Không phải Brazil hay Tây Ban Nha, gần một nửa số người được hỏi ở Bắc Mỹ tin vào khả năng gây sốc của đội tuyển Mỹ ở World Cup 2010.

Image
Đội tuyển Mỹ được mời đến Nhà Trắng, trước khi lên đường đến Nam Phi.
Cuộc điều tra do hãng Nielsen Media Research tiến hành qua mạng internet với khoảng 27.000 người Bắc Mỹ tham gia. Theo đó, có đến 46% lựa chọn đội vô địch là Mỹ.

Năm ngoái Mỹ từng gây bất ngờ khi đánh bại Tây Ban Nha trong trận chung kết giải tiền World Cup - Confederations Cup ở Nam Phi.

Tuy nhiên, thực tế thì Mỹ mới một lần vượt qua vòng bảng trong một kỳ World Cup diễn ra bên ngoài lãnh thổ của mình.

Một điều tra diện rộng trên toàn cầu mới đây cho thấy, có khoảng 34% người được hỏi tin tưởng vào khả năng vô địch của Brazil. Trong khi đó, Mỹ ở vào nhóm thứ hai với 9% như Argentina, Anh và Đức.

Một cuộc điều tra khác của Nielsen, thông qua khán giả truyền hình ở Mỹ, cho thấy rằng 34% người thừa nhận là CĐV bóng đá nhưng chỉ có 18% sẽ theo dõi World Cup.

Một lần nữa, điều này trái ngược với xu hướng trên thế giới. Khoảng 34% người được hỏi trên thế giới cho biết họ là người yêu thích bóng đá nhưng lượng người khẳng định theo dõi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay lên tới 51%. Ở Trung Quốc, khoảng cách giữa hai chỉ số này còn chênh lệch hơn nhiều (19% so với 60%).


Bạn có thể tham gia dự đoán World Cup để nhận giải thưởng tại đây thantai.vnexpress.net

Hà Uyên
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests