Góc Phố Cà Phê

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

Tục cúng Ông Táo


Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa. Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.

Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể. Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Và cũng có lẽ do quan niệm mỗi nơi, cộng thêm sự phong phú về nếp sống văn hóa ở mỗi vùng miền mà nghi thức cúng Ông Táo cũng có phần khác nhau ở mỗi địa phương.

Từ Nghệ An trở ra Bắc, người ta thường mua cá chép sống về cúng rồi thả xuống sông, hồ hoặc thả vào giếng, nuôi cá cho đến lớn để cá trông coi gia đình luôn thịnh vượng, con cháu được đỗ đạt, làm ăn được hanh thông. Có gia đình quan niệm nên phóng sinh để cá hóa thành rồng đưa ông Táo lên trời. Riêng vùng Nam Trung Bộ trở vào thì tục lệ này có phần khác, theo quan niệm của họ, để tỏ lòng biết ơn các Táo, họ có thể dâng hoa quả, kẹo, bánh mứt... miễn là đồ ngọt, là cây nhà lá vườn chứ không cần cầu kì, mà chỉ cần lòng thành. Đặc biệt ở các tỉnh Nam Trung bộ thường có bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở, ở miền Nam là món bánh mè hay còn gọi là “thèo lèo”.

Dù phong tục và cách thức tiễn đưa Ông Táo ở các vùng miền có phần khác nhau, nhưng có thể nói tục cúng Ông Táo đã trở nên rất quen thuộc và phổ biến, là một phong tục đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, cũng là một nghi lễ chính thức để bắt đầu cho những ngày Tết cổ truyền của người Việt. Từ đó, cũng thấy được sự trân trọng của nhân dân ta đối với đời sống gia đình, công việc bếp núc, việc chăm sóc dinh dưỡng cho mọi người, cũng như ý thức lối sống nề nếp, cách cư xử đúng mực của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về.

Cẩm Thúy
(Sưu tầm)
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Image

Có Về Đâu Nữa Sài Gòn Ngàn Năm

Hoàng Hải Thủy
Bánh xe lãng tử muộn màng năm 1995 đưa tôi sang Kỳ Hoa, khoảng năm 2000 tôi, ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, viết bài “Như Con Chuồn Chuồn” về bà Dân Biểu Trần Lệ Xuân.

Hôm nay, một ngày đầu năm 2009, tôi trích vài đoạn trong bài viết ấy mời quí vị đọc: * Người sống sót trong tai họa ghê rợn của nhà Ngô Đình là bà Trần Lệ Xuân, bà vợ ông Ngô Đình Nhu. Trước ngày xảy ra cuộc đảo chính một tháng, với tư cách Dân Biểu Quốc Hội VNCH, bà Trần Lệ Xuân rời Sài Gòn đi Pháp, bà nói bà đi làm “cuộc giải độc dư luận các nước Tây phương về tình hình chính trị VN“; bà nói nhiều người Âu Mỹ hiểu sai tình trạng đang xẩy ra ở VNCH. Bà dự định sau thời gian ở Pháp bà sẽ sang Hoa Kỳ. Chín giờ tối một ngày cuối thu ở phòng khánh tiết phi trường Tân Sơn Nhất, trước khi lên phi cơ bay đi, bà Lệ Xuân nói câu cuối với các phóng viên báo chí đến đưa tiễn bà khi có người hỏi bà dự định sẽ ở lại bao lâu ở Pháp, bao lâu ở Mỹ:

Tôi như con chuồn chuồn Khi vui thì đậu, khi buồn thì bay…

Bà đi, và như con chuồn chuồn bay đi, không bao giờ bà trở lại Sài Gòn, nơi một thời gian dài bà là Đệ Nhất Phu Nhân; theo tôi bà là vị Đệ Nhất Phu Nhân duy nhất của Việt Nam Gần bốn mươi năm qua — ( tôi viết bài này năm 2000 ) — tôi vẫn nhớ hình ảnh thanh tú, sắc xảo của bà Lệ Xuân trong những cuộc họp báo của bà. Tôi chỉ gặp bà, đúng hơn là tôi chỉ nhìn thấy bà, nghe bà nói, trong những lần bà mở cuộc hội báo. Tôi không một lần thấy bà ở nơi nào khác.

Thời bà là Đệ Nhất Phu Nhân, tôi là phóng viên nhật báo Sàigònmới, bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận, bà chủ báo của tôi, vì muốn lấy lòng bà Lệ Xuân nên rất chăm đi dự những cuộc hội báo của bà Lệ Xuân. Và tôi, là phóng viên báo Sàigònmới, tôi bắt buộc phải đến dự những cuộc họp báo của bà Trần Lệ Xuân để viết bài tường thuật. Trong những lần xuất hiện nơi công chúng bà Lệ Xuân thường mặc áo dài mầu trắng hoặc mầu hồng nhạt. Ngoài việc “lăng xê” mốt “áo dài hở cổ”, bà là người khởi đầu phong trào các bà mệnh phụ phu nhân Sài Gòn mang nữ trang bằng ngọc thạch. Các bà nhà giầu Sài Gòn trước đó vẫn mang nữ trang kim cang, bắt chước bà Lệ Xuân, các bà mới chơi nữ trang ngọc thạch. Trong một cuộc hội báo ở phòng khánh tiết Tòa Đô Chánh Sài Gòn, tôi thấy bà Lệ Xuân mang ở hai cổ tay mỗi cổ tay một chiếc vòng ngọc thạch. Thường thì các bà, các cô Việt Nam chỉ mang ở cổ tay trái một chiếc vòng ngọc. Bà Lệ Xuân, với tư cách dân biểu quốc hội, là tác giả luật cấm phụ nữ Việt hành nghề mãi dâm và luật cấm đàn ông Việt có vợ bé, cấm ly dị. Bà là người phụ nữ Việt Nam bị người đời phỉ báng nặng nhất lịch sử.
Image
Người cùng thời kháo nhau rất nhiều chuyện không đẹp về đời tư của bà. Anh Đạo Văn Hoàng Trọng Miên viết cả một quyển truyện năm, bẩy trăm trang để mạ lỵ bà. Truyện Đệ Nhất Phu Nhân của anh ăn cắp văn Hoàng Trọng Miên được đăng trên nhật báo Quyết Tiến, Sài Gòn, được in thành sách, được tái bản ở Hoa Kỳ. Tôi thương bà Trần Lệ Xuân. Bà phải sống để chịu quá nhiều kỷ niệm đau thương và ghê rợn. Tối đầu thu, mưa gió trên Rừng Phong, tôi hoài tưởng một buổi tối năm xưa, năm 1963, cũng vào giờ này- 9 giờ tối - tôi lên phi trường Tân Sơn Nhất, không phải để “đưa” mà để “xem” người ta đưa tiễn bà Dân biểu Trần Lệ Xuân đi “giải độc dư luận các nước Âu Mỹ”. Tối ấy, trong phòng khánh tiết phi cảng, bà Lệ Xuân bận áo dài trắng hồng, ngồi trong cái ghế bành da nâu, phóng viên truyền thông bao quanh bà, những ánh đèn cực sáng được rọi vào bà để người ta quay phim bà. Một phóng viên hỏi bà dự định ở Pháp bao lâu, ở Mỹ bao lâu, bà trả lời bà chưa định, bà mỉm cười nói:

Tôi như con chuồn chuồn. Khi vui thì đậu, khi buồn thì bay…

Lúc ấy tôi đứng ngay bên cạnh ghế của bà, nhờ ánh đèn sáng của máy quay phim tôi nhìn rõ những nếp răn nơi đuôi mắt bà, tôi nhìn rõ hàm răng của bà. Có lẽ trên cõi đời này hôm nay chỉ còn tôi là người duy nhất còn nhớ tối năm xưa trước khi đi khỏi nước bà Trần Lệ Xuân nói câu phong dao Như Con Chuồn Chuồn đó. Buổi tối năm 1963 ấy cách buổi tối hôm nay gần bốn mươi năm. Năm ấy bà Trần Lệ Xuân ba mươi tám tuổi, tôi ba mươi tuổi. Ngưng trích Bài Xưa viết năm 2000, tôi viết những dòng mới: Như quí vị vừa đọc, trên giấy trắng, bằng mực đen, tôi kể :

Lúc ấy tôi đứng ngay bên cạnh ghế của bà, nhờ ánh đèn sáng của máy quay phim tôi nhìn rõ những nếp răn nơi đuôi mắt bà, tôi nhìn rõ hàm răng của bà.
Image
Buổi tối ở phi cảng Tân Sơn Nhất ấy — Tháng 10, 1963 — cách hôm nay 45 năm. Nhiều người trong ảnh đã qua đời, bà Trần Lệ Xuận hiện sống trầm lặng ở Paris. Tháng 12 năm 2008, một trong những người từ nhiều năm thích đọc những bài tôi viết, người tôi xưng tụng là Nữ Hiệp Vương Ngọc Anh, cô em của Nữ Hiệp Vương Ngọc Yến, người đẹp Thiên Long biết tất cả những bí kíp võ công trong thiên hạ, gửi cho tôi khoảng 10 tấm ảnh ghi Cuộc Ra Đi Không Về của bà Dân Biểu Trần Lệ Xuân ở phi cảng Tân Sơn Nhất. Dưới tấm ảnh bà Trần Lệ Xuân trả lời phỏng vấn — đăng cùng bài này - Nữ Hiệp Vương Ngọc Anh ghi câu hỏi:

Công Tử kể ông đứng ngay cạnh bà Lệ Xuân! Sao trong ảnh này không thấy ông đâu cả?

Tôi — CTHĐ — hồi hộp xem kỹ bức ảnh trên màn hình computer. Xem đi, xem lại. Đúng là không có tôi đứng cạnh bà Trần Lệ Xuân — bên phải của bà — trong ảnh. Đau quá là đau. Tôi từng tiếc hận vài lần nhưng chưa bao giờ tôi tiếc hận vì chuyện tôi đã không bon chen len vào đứng bên ghế bà Lệ Xuân ngay từ phút đầu, khi phái viên Tạp Chí LIFE chụp bức ảnh này. Tôi có cái tật không giống ai là không thích bon chen. Khi người ta tranh nhau xúm lại quanh bà Trần Lệ Xuân, tôi đứng ở ngoài. Chỉ khi cuộc phỏng vấn đã gần xong, tôi mới đến đứng cạnh ghế bà Trần Lệ Xuân. 50 năm cuộc đời, hôm nay tôi mới biết việc đêm xưa ấy khi bà Trần Lệ Xuân sắp đứng lên đi ra phi cơ tôi đến đứng gần bà là việc tôi thầm lặng chào bà. Trong ảnh, ông bận veston đen, mang kính cận trắng, ngồi bên trái bà Trần Lệ Xuân là ông Trần Tấn Quốc, Chủ nhiệm-Chủ Bút Nhật Báo Tiếng Dội. Người thanh niên bận veston sám đứng sau, bên trái bà Trần Lệ Xuân, bên phải ông Trần Tấn Quốc, là Ký gỉa Phan Nghị, Nhật báo Ngôn Luận. Ký giả Phan Nghị, ông Chủ Báo Trần Tấn Quốc, đã ra người thiên cổ.

Tôi, sống lưu đày ở Xứ Người, tôi tiếc hùi hụi, tôi tiếc ơi là tiếc: 45 năm xưa — trăm năm một thưở — tôi đã dzô dzang đến cái độ lởm khởm không chịu bon chen, nên không có tôi trong bức ảnh tôi cho là Ảnh Lịch Sử. Nếu ảnh có tôi, hôm nay tôi trưng ảnh lên trang báo này để khoe với quí vị — vinh váo chừng bao! Nhưng buổi tối 45 năm xưa làm sao tôi biết, làm sao tôi ngờ, 45 năm sau, trong những ngày cuối đời tôi, tôi tiếc ngẩn ngơ vì buổi tối 45 năm xưa tôi đã không chịu chen vào đứng bên ghế bà Trần Lệ Xuân! Tiếc ơi là tiếc. Cái Tiếc này không có Tiếc nào có thể Tiếc hơn. Tôi từng viết tôi chỉ thấy bà Trần Lệ Xuân bận áo dài Việt Nam, tôi không thấy, dù một lần, bà bận âu phục — robe đầm, jupe, sơ-mi, áo pull, quần jeans — Ấy là tại tôi không được thấy. Bà Trần Lệ Xuân khi bà bận âu phục, như trong ảnh bà đứng với ông Ngô Đình Nhu, ông chồng bà, ở Đàlạt năm xưa. Ảnh xưa gợi nhớ chuyện xưa, tôi đi một đường cảm khái:

Ấy ai như con chuồn chuồn, Khi vui thì đậu, khi buồn thì bay? Đẹp người mà nết lại hay. Nhìn ai, ta nhớ những ngày vàng son. Thương ai biển cạn, non mòn, Có về đâu nữa Sài Gòn ngàn năm!
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Tác giả 'Bông hồng cài áo' qua đời
Sau gần một tháng hôn mê do di chứng tai biến tuổi già, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã qua đời tại nhà riêng ở TP HCM vào lúc 3h sáng, ngày 16/1. Ông hưởng thọ 79 tuổi.

Anh Phạm Thư Sinh, con trai nhạc sĩ, cho biết, ông bị hôn mê từ cách đây một tháng, sau lần cấp cứu tại Bệnh viện Sài Gòn. Cũng khoảng một năm nay, do di chứng từ 3 lần bị tai biến, nhạc sĩ bị liệt nửa người và sức khỏe yếu dần.

Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM từ 7h sáng ngày 17/1. Lễ động quan sẽ diễn ra tại đây hai ngày sau đó. Ông được an táng tại Nghĩa trang Thành phố.
Image
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lúc còn trẻ. Ảnh: S.T.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sinh năm 1930 tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 và sáng tác ca khúc đầu tiên Đường về nhà em, lúc 15 tuổi. Đến năm 29 tuổi, ông tham gia học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ 1959 đến 1970, nhạc sĩ dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường tư thục Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Tân Thanh... ở Đà Nẵng. Kể từ năm 1975, ông công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin quận 4, TP HCM.

Bài hát bất hủ Bông hồng cài áo được ông viết trong thời gian bị giam giữ vì tham gia đấu tranh trong phong trào Phật giáo (1965-1966). Nhạc sĩ sáng tác không nhiều nhưng nổi bật trong các tác phẩm của ông là tình yêu dành cho non sông, đất nước, điển hình như: Thương quá Việt Nam, Đưa em về quê hương, Rạng đông trên quê hương Việt Nam... Đặc biệt, bài hát trữ tình Tóc mây mà ông ca ngợi vẻ đẹp người con gái, đến giờ vẫn được nhiều thế hệ ca sĩ chọn hát.

K.T
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Con trâu
Bàng Bá Lân

Nước ta là nước nông nghiệp, nên con trâu là con vật rất quen thuộc của người dân quê nói riêng, của toàn thể người Việt Nam nói chung. Hình ảnh con trâu gắn liền với hình ảnh đồng quê, với bờ tre ruộng lúa.

Cũng như hầu hết các dân tộc ở Á đông, dân tộc Việt Nam cũng có những thoại để giải thích những sự vật quanh mình như sấm sét thì có Thiên Lôi, mưa ngâu do tích Ngưu Lang Chức Nữ, rồi sự tích tu hú đẻ nhờ tổ bồ các, chim chèo bẻo đánh quạ v.v...

Dĩ nhiên trâu cũng phải có thoại. Và thoại như sau : "Thuở xa xưa Thượng Đế phái một vị tiên đem hai bao hạt giống xuống trần : một bao đựng hạt giống ngũ cốc để nuôi loài người, một bao đựng hạt giống cỏ để nuôi súc vật và dặn phải gieo hạt ngũ cốc trước, sau mới gieo hạt cỏ. Chẳng dè vị tiên lơ đãng nhầm lẫn đem hạt giống cỏ gieo trước... Cỏ mọc dữ quá lấn hết cả đất, làm cho ngũ cốc giao sau bị hạn chế. Hạ giới thiếu thực phẩm, bị đói lại phải vất vả nhổ cỏ. Tiếng kêu than thấu trời, Thượng Đế nổi giận bèn biến vị tiên lơ đãng thành con trâu, đày xuống trần để gặm cỏ và giúp nhân loại canh tác ngũ cốc. Vì thế, con trâu ta suốt ngày nhai hoài và hì hục kéo cày để ... chuộc tội !"

Quả thật trâu làm việc quần quật giúp người ta, mà nuôi trâu lại không tốn kém, nên trâu được coi là con vật hữu ích vô song, nhất là ở những xứ sống về nông nghiệp mà kỹ thuật canh tác còn thô sơ.

Trâu xứng đáng đứng đầu hàng gia súc. Trâu xứng đáng là bạn quý của nông dân. Ở những nước nông nghiệp bán khai, thiếu trâu là thiếu tất cả.

Trâu không những giúp người ta cày bừa mà còn giúp người trong những việc chuyên chở nặng nhọc : trâu kéo mật, trâu chở củi, trâu kéo gỗ v.v...

Trong một quyển sách ấu học của người Trung Hoa, bài nói về trâu ít học sinh nào không biết : "Ngưu lực đại, năng canh điền năng vãn xa" (nghĩa là : trâu có sức mạnh, hay cày ruộng hay kéo xe).

Cũng như mấy chục năm trước đây, trong "Quốc Văn Giáo Khoa Thư", bài tập đọc nói về con trâu là bài được các em học sinh tiểu học thuộc nhất. Và cho đến bây giờ lớp rẻ ấy đã có con cháu đầy đàn mà nhiều người vẫn còn chưa quên : "Ai bảo trăn châu là khổ ? Chăn trâu sướng lắm chứ ! Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lưọn trên đám cỏ …"

Cũng vì thế mà trâu đã được đưa vào ngạn ngữ ca dao, những vần thơ của dân tộc. Trâu đã thành một đề tài thường được nhắc nhở trong thi ca Việt Nam.

Với nông dân con trâu được coi như một sản nghiệp, nên tục ngữ có câu "ruộng sâu, trâu nái" để chỉ người khá giả trong làng. Và anh chàng kia muốn cho người đẹp xiêu lòng, đã tự khoe rằng :

Nhà anh chín đụn mười trâu,
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân.

Làm ruộng mà không có trâu thì đừng hòng nói mạnh, cũng như làm dâu mà không có chồng bên cạnh thì thật là cô thế bơ vơ :

Làm ruộng mạnh có trâu,
Làm dâu mạnh có chồng.

Vì trâu đóng vai quan trọng như thế, nên nhà nông không nói mua trâu, mà nói "tậu trâu". Và việc tậu trâu là một việc vô cùng trọng đại :

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,
Trong ba việc ấy lọ là khó thay !

Sai một li đi một dặm ! Mua lầm phải trâu xấu thì có khi khuynh gia bại sản, nên người ta phải xem khoang khoáy trâu rất kỹ, phải dày công nghiên cứu sách coi tướng trâu, vì :

Con trâu là đầu cơ nghiệp,

và :

Lộn con toán, bán con trâu.

Nhà nông mà phải bán trâu là mất nghiệp, là đời tàn !

Hầu hết các làng quê miền Bắc đều có lệ phạt vạ những ai vi phạm thuần phong mỹ tục của làng, nên cô gái quê đa tình và nhẹ dạ kia đã phải khóc than với mẹ cô rằng :

Phình phình lớn giữa lớn ra,
Mẹ ơi, con chẳng ở nhà được đâu !
Ở nhà, làng bắt mất trâu !

Sợ làng bắt vạ mất trâu mà phải bỏ cha mẹ, bỏ nhà cửa, xóm làng ra đi, thì đủ biết - đối với dân quê Việt Nam – con trâu quý giá như thế nào !

Nuôi trâu còn là một cách làm giàu dễ dàng mau chóng không thua gì nuôi cá (thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc), nên tục ngữ có câu :

Muốn giàu thì nuôi trâu cái,
Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu.

Nói đến trâu, không thể không nói đến lực điền, người bạn thiết của trâu, có khi từ lúc là mục đồng tóc còn để chỏm đến khi thành một lão lực điền đầu hói trán nhăn. Trâu với lực điền luôn luôn sống sát bên nhau như hình với bóng, và lời nói của nông phu nói với trâu mới dịu dàng, trìu mến làm sao :

Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
(ca dao)

Vì liên hệ mật thiết như thế, nên trâu được mặc nhiên trở thành một phần tử trong gia đình nông dân, cộng tác đồng lao, chung lưng đấu cật :

Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu …
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
(ca dao)

Trên đây là những hình ảnh con trâu trong văn chương bình dân. Bây giờ chúng ta hãy đi tìm hình ảnh trâu trong văn chương bác học.

Bà Huyện Thanh Quan – trong bài thơ "Chiều hôm nhớ nhà" có hai câu :

Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

Không nói đến trâu mà thấy trâu, không tả tiếng hát mà nghe có tiếng hát (bằng hai chữ gõ sừng). Ý tại ngôn ngoại, thật tài tình !

Nguyễn Khuyến có hai câu thơ tuyệt hay tả cảnh trưa thôn quê qua hình ảnh con trâu già, con chó nhỏ :

Trâu già nấp bụi phì hơi nắng ;
Chó nhỏ ven ao sủa tiếng người.

Cũng tả cảnh "trưa hè" ở thôn quê và cũng có trâu, một nhà thơ đồng quê đã gợi lên được cái tịch mịch êm đềm nơi thôn dã một buổi trưa hè oi ả, quạnh hiu :

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng,
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai.
Ve ve rung cánh ruồi say nắng,
Gà gáy trong thôn những tiếng dài ...

Nhà thơ của đồng ruộng này còn có nhiều bài thơ tả cảnh quê, trong đó đều có hình ảnh con trâu quen thuộc. Như bài "Chiều quê" sau đây :

Khói chiều nhuốm bạc đầu cau,
Đường quê thưa thớt tiếng trâu gọi đàn.
Buồn thiu trong mảnh ao làng,
Bè rau rút ngủ lá vàng héo hon.

Hay như bài "Đổi thay" này :

Ngõ tre lối cũ ta về,
Thăm cô yếm lụa hái chè trên nương.
Người đi cây nhớ hoa vàng,
Đàn trâu gặm nắng bên đàng quạnh hiu.

Với thời gian, tất cả đã thay đổi, đã khác xưa ! Duy hình ảnh con trâu thì bao giờ cũng như bao giờ, bất biến.

Qua mấy câu ca dao ở đoạn trên, chúng ta đã nghe người nông dân ngày xưa nói với trâu, giờ ta hãy nghe người nông phu ngày nay "nhủ trâu" :

Gà thôn vừa gọi vừng đông,
Ta cùng trâu đã ra đông cày chiêm.
Nước nhà bao lúc ngả nghiêng,
Nhà nông vẫn chẳng hề quên ruộng vườn.
Mồ hôi tầm tã mưa tuôn,
Cho xanh ngọn lúa, cho thơm cánh đồng.
Cho dân ấm cật no lòng...
Đồng quê bát ngát vẫy vùng đôi ta !
(Tiếng Võng Đưa 1957)

Và bây giờ xin mời bạn đọc thưởng thức bài thơ "Con trâu" của nhà thơ quá cố Phạm Ngọc Khuê, bài thơ mà thuở sinh thời nhà văn Lê Văn Trương rất ưa thích :

Nay là lúc mang sức trâu mãnh liệt,
Kéo lưỡi cày rạch vỡ hết ruộng nương,
Khơi mạch sống từ trong lòng đất chết,
Mở đường lên cho hạt thóc đang ươm.

Nay là lúc gặm cỏ khô rơm cứng,
Dẫm bùn lầy và chọi với nắng mưa,
Lấy chí ngang tàng và lòng quyết thắng,
Làm hơi rượu mạnh để say sưa ...

Cho mặt đất lung linh như biển cả,
Gió ngả nghiêng đùa ngọn lúa xanh tươi,
Cho nắng lửa gay go và tàn phá,
Phải bó tay thua sức sống muôn loài...

Trâu là biểu hiệu của sức mạnh dẻo dai, bền bỉ, là hình ảnh của sự nhẫn nại, cần cù. Trâu là phụ tá đắc lực của nhà nông, đã góp nhiều công sức sản xuất thóc gạo nuôi dân tộc ta trường tôn qua bao nhiêu thế hệ. Không có trâu, nhà nông không đành bó tay thì tất phải vô cùng khổ cực như cảnh tả trong bài thơ sau đây :

Trời xám thấp, rặng tre già trút lá,
Đầy ngõ thuôn hun hút gió chiều đông.
Sương mù bay phơi phới tỏa đầy đồng,
Hơi lạnh cắn vào làn da cóng buốt.
Trong thửa ruộng chân đê tràn ngập nước,
Đôi bóng người đang chậm bước đi đi...
Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì,
Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót.
Họ là những nông dân nghèo bậc chót,
Không có trâu nên người phải làm trâu.
Họ bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu,
Nước đến bụng, ôi, rét càng thêm rét !
Áo rách tướp, hở ra từng mảnh thịt,
Tím bầm đen trong gió lạnh căm căm.
Hì hục làm, thỉnh thoảng lại dừng chân,
Véo và ném lên mặt đường từng vốc...
Nhác trông ngỡ là nắm bùn hay đất,
Nhìn lại xem : ô, đống đỉa đen sì !...
Ta rùng mình, quay mặt bước chân đi,
Lòng tê tái một mối sầu u ám.
Trời càng thấp, tầng mây chì càng xám,
Mưa phùn gieo ảm đạm khắp đồng quê,
Gió chiều nay sao lạnh buốt, lê thê ?
(T.V.Ð. Người Trâu)

Hình ảnh con trâu quả là một phần hình ảnh xứ sở ta. Nói đến Quê Hương là phải nói đến trâu. Người Việt Nam xa quê hương, nhớ quê hương có thể tìm thấy hình ảnh Đất Nước qua hình ảnh con trâu. Con trâu là một hình ảnh vừa hiền lại vừa hùng, cái hiền hòa và hùng mạnh của dân tộc Việt ...

(1973)
(trích từ tác phẩm Hương Hoa Đất Nước do NXB Quê Hương ấn hành năm 1982)
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Con cầu Phật .....
" ... phù hộ những người thân cùng bạn hữu của con măi măi được khỏe mạnh và hạnh phúc."

Phật nói: "Chỉ cho 4 ngày thôi".

Chú Tiểu: "Thế th́i` xin Phật cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong những ngày mùa xuân, những ngày mùa hè, những ngày mùa thu và những ngày mùa đông".

Phật nói: "Chỉ cho 3 ngày thôi".

Chú Tiểu: " Nếu chỉ được 3 ngày th́i` con xin họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai".

Phật nói: "Chỉ cho 2 ngày thôi".

Chú Tiểu: "Như vậy con xin cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trọn ngày hôm nay và ngày mai".

Phật nói: "Chỉ cho 1 ngày thôi".

Chú Tiểu: "Vâng, cũng được".

Phật thắc mắc hỏi: "như vậy là ngày nào?".

Chú Tiểu đáp : "con xin cho họ được mạnh khỏe và hạnh phúc từng ngày".

Phật mỉm cười nói: "Tốt lắm. Những người thân và bạn hữu của con bao gồm những người nào nhận được điện thư này sẽ được khỏe mạnh và hạnh phúc mỗi ngày".
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Bước đi thời gian
Tác giả: Phạm Đình Lân

Image
Hồi còn nhỏ, cứ đến những ngày giáp Tết, tôi lại theo ông tôi sang nhà thờ tổ của dòng họ để dọn dẹp, sửa soạn chuẩn bị cho cúng lễ, hương khói đón xuân. Nhà thờ tổ cạnh nhà tôi trong một khu đất khoảng vài ngàn mét vuông dựa lưng vào sườn đồi.

Hồi đó, đời sống khó khăn, cha tôi xin hợp tác xã khu đất đồi này để có điều kiện cải thiện đời sống, vợi bớt khó khăn. Vì ông tôi là trưởng họ cho nên cha tôi chuyển cả nhà thờ họ để dễ bề trông coi.
Image
Chiều sâu năm tháng lắng đọng trong không gian nhỏ hẹp của lòng ấm,
đáy chén và vương vất qua những vết rạn chân chim...

Công việc đầu tiên ông tôi làm là lấy từ trong chiếc hộp gỗ đã ngả màu quá khứ một bộ ấm trà và sáu cái chén bằng sứ với những đường hoa văn uốn lượn tinh xảo.

Chẳng biết bộ ấm trà này có tự bao giờ ông tôi cũng không biết được, vì theo ông nói khi ông bằng tuổi tôi nó đã hiện diện trên bàn thờ trong những ngày rằm tháng Tết.

Chiều sâu năm tháng lắng đọng trong không gian nhỏ hẹp của lòng ấm, đáy chén và vương vất qua những vết rạn chân chim, do ảnh hưởng của thời tiết nóng lạnh, hanh khô, ẩm ướt thổi vào.

Ông tôi cẩn thận dùng nước ấm rửa từng cái một rồi dùng khăn bông lau khô. Bàn tay thô ráp in hằn những tháng năm khó nhọc quen với đào đất phát rẫy, cấy cày, vậy mà giờ đây thật nhẹ nhàng, mềm mại.

Ông nói với tôi đây là một trong những bảo vật ít ỏi còn sót lại của dòng họ, cho nên phải có trách nhiệm giữ gìn. Biết bao thế hệ tổ tiên, ông bà đã nối tiếp nhau gây dựng, trải qua binh đao chiến tranh, hiểm họa thiên nhiên biến cố qua đời này đến đời khác để trường tồn.

Ông vừa làm vừa kể chuyện, mái tóc cước trắng, chòm râu rung rung trong gió se lạnh. Ông nhẹ tâm cả trong chuyện kể và trong từng động tác của mình.

Khi đồng hồ điểm chín giờ sáng, ông từ từ đứng dậy đi đến chiếc tủ chè, mang ra một lọ độc bình độ chừng hai lít nước, rồi từ từ nghiêng bình cho nước chảy vào lòng ấm. Tiếp theo ông lại từ từ chiên nước ra từng chén một.

Chọn thời điểm chín giờ sáng, cũng chỉ là quy ước của dòng họ từ trước tới nay. Cũng có người cho rằng thời điểm này là lúc con người thoáng đạt và thanh tịnh nhất, nên làm những việc có giá trị tâm linh. Ông tôi bảo, đây là nước cúng tổ tiên trong những ngày Tết.
Image
Ngày Tết truyền thống



Nước cúng là nước mưa được ông tích trữ từ lâu. Để có được chừng ấy nước mưa cho những ngày cúng Tết là cả một kì công. Ông chọn những ngày bầu trời xanh trong, gió nhẹ, thoáng đạt mà vẫn có mưa mới tốt.

Chờ mưa một lúc, gột sạch những bụi bẩn trên mái hiên, trong không gian, để hạt mưa như những hạt ngọc, rơi lâm râm đều hạt. Trước lúc hứng nước ông tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, thắp một nén nhang trước hiên nhà xin trời đất.

Công việc này ông tôi thực hiện một cách tỷ mỷ thuần thục hết Tết này qua Tết khác. Tôi lon ton theo ông cả một thời thơ ấu và cùng với thời gian lớn lên tôi mới lờ mờ nhận ra những giá trị tâm linh, sự thành kính của ông tôi cứ nhiều lên, dày thêm, tự thuở nào mà nên mà thành.

Mấy ngày Tết đối với ông tôi thật có ý nghĩa. Sáng ba mươi Tết, mồng một đầu xuân và ngày mồng hai chuẩn bị tắt nến nhà thờ là những lúc ông tôi thay nước.

Vẫn dáng vóc ấy, vẫn những động tác thuần thục nhẹ nhàng ấy, tưởng đơn giản, nhưng là cả tấm lòng đã trải bao năm ông tôi làm, ông tôi neo giữ.

Image
Dẫu bước đi thời gian ta không thể nào níu giữ được,
nhưng những gì để lại phía sau, cái gì mang theo lại do chính ta, tự con người quyết định


Bây giờ ông tôi đã trở thành người thiên cổ. Công việc này cha tôi tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, cuộc sống hiện tại bộn bề lo toan, thời gian như trôi đi nhanh hơn, nên cha tôi chẳng thể tỉ mẩn như ông tôi ngày trước được.

Tôi nhón người vượt khỏi lũy tre làng ra chốn thị thành học tập và mưu sinh, nhưng những kí ức về ông tôi vẫn còn nguyên vẹn.

Những bài học đầu tiên về xã hội nhân văn, về văn hóa tộc Việt, tôi chợt hiểu ra rằng, việc làm của ông tôi, dù chỉ là quy ước của dòng họ, dù chỉ là một thói quen nhưng là một bài học không lời thật cao cả trước tổ tiên mà con cháu như tôi cần níu giữ.

Dẫu bước đi thời gian ta không thể nào níu giữ được, nhưng những gì để lại phía sau, cái gì mang theo lại do chính ta, tự con người quyết định.

Phạm Đình Lân
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Không khí đón Tết âm lịch khắp thế giới

Cùng với Việt Nam, người dân tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia...
và cộng đồng người châu Á tại các nước phương tây đang đón chào ngày đầu tiên của năm theo lịch âm.


Image
Bức tượng trâu khổng lồ tại Jenjarom, Malaysia, đón chào năm con trâu 2009. Ảnh: AP.

Image
Bé trai người gốc Hoa cầm 3 nén hương đi lễ tại một ngôi chùa ở thành phố Richmond,
tỉnh British Columbia của Canada. Ảnh: AP.

Image
Pháo hoa đón chào năm mới âm lịch tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Image
Một phụ nữ cầu nguyện trong đêm giao thừa tại đền Khổng Tử ở Bắc Kinh.
Nhiều người chọn cách lên chùa cầu nguyện vào thời khắc đầu tiên của năm mới. Ảnh: AFP.

Image
Đám đông chen lấn nhau để cắm những que hương khổng lồ tại một ngôi chùa ở Singapore,
quốc đảo có đa số dân là người gốc Hoa. Ảnh: AP.

Image
Múa lân cầu năm mới làm ăn phát tài tại Sở giao dịch chứng khoán Philippine ở thủ đô Manila. Ảnh: AFP.

Image
Các nghệ sĩ Trung Quốc chụp ảnh dưới những chiếc đèn lồng rực rỡ tại một ngôi chùa ở Bắc Kinh,
sau suất biểu diễn mừng năm mới. Ảnh: Getty Images.


Image
Người dân địa phương đổ về chùa Lung Shan ở thành phố Đài Bắc, thuộc đảo Đài Loan Trung Quốc trong ngày đầu năm mới. Ảnh: AFP.

Image
Người dân Trung Quốc đốt pháo hoa trong đêm giao thừa tại Bắc Kinh,
hòa chung không khí đón năm mới âm lịch cùng hàng triệu người khắp châu Á đêm 26/1. Ảnh: AFP.

Image
Một người đàn ông lọt thỏm giữa rừng nến khổng lồ trong một ngôi chùa
ở Jakarta, Indonesia, trong đêm giao thừa. Ảnh: Reuters.

Image
Người đi lễ chùa đang cắm thanh hương loại cực lớn ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters.

Image
Ngôi chùa Thean Hou ở Kuala Lumpur rực sáng nhờ hàng nghìn chiếc đèn lồng
trong đêm chuyển giao giữa năm con chuột sang năm con trâu. Ảnh: AFP.

Image
Hàng nghìn người đổ về một ngôi chùa ở Singapore trong đêm giao thừa. Ảnh: AP.

Đình Chính
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Post by caubennoc »

Giấc ngủ và thi sĩ

Trần Mộng Tú
Ðêm qua tôi mất ngủ, ngủ một giấc ngắn lắm, ngủ chập chờn giữa mơ mơ tỉnh tỉnh.

Chưa sáng hẳn đã thức dậy, thấy người như thiếu thiếu một cái gì, bước xuống giường như hụt hẫng. Nhìn ra ngoài cửa sổ, mặt trời chưa thức, chắc bà Trời đang ngủ ngon lành. Tôi bỗng nhớ đến câu các cụ ngày trước thường nói:

“Ăn được ngủ được là Tiên
Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo.”

Không biết là Tiên sướng như thế nào, nhưng các Cụ mình đã nói ít khi sai lắm. Không có gì sung sướng bằng sau một giấc ngủ ngon trở dậy, dù buổi sáng hôm đó có là Mùa Ðông lạnh giá chăng nữa, ta vẫn thấy thể xác khỏe mạnh, ấm áp, lòng an vui, yêu người, yêu đời, dễ dàng với thế giới chung quanh mình.

Theo thống kê năm 2005 của Viện Y Tế Quốc Gia (National Institute of Health), người Mỹ (adult) có từ 10%-15% bị bệnh mất ngủ.

Giấc ngủ không trăn trở, không mơ những giấc mơ làm ta giật mình, toát mồ hôi, hay nói mê trong giấc ngủ, được coi là một giấc ngủ an bình.

Những bà mẹ ban ngày bận trăm việc quên đi một mối lo nào mình đang có trong lòng, nhưng khi ngả lưng xuống giường thì mối lo đó hiện ra ngay, và nó kéo lan man thêm bao nhiêu mối lo khác nữa, làm cho bà không thể nào ngủ được. Cứ thế, mặt trời mọc ngoài cửa sổ, giấc ngủ vừa chợt đến, đúng lúc bà cần ra khỏi giường cho một ngày mới.

Hoặc có bà mẹ cứ nằm đó, nhưng không ngủ, mở mắt trong đêm tối, canh thức nghe tiếng xe con lái vào garage hay tiếng con mở cửa vào nhà, rồi bà mới thở ra một hơi dài, ngủ được.

Bà mẹ trẻ thời nay có cả trăm lý do làm bà mất ngủ: Con bé mọc răng, ấm đầu; con lớn xao nhãng học hành, nhà giữ trẻ không được tốt; công việc làm ở sở, nhiều quá, làm không hết. Hay công việc không vững chắc, không thích hợp, phải nghĩ đến tìm việc khác; bữa ăn chiều trong bếp hôm nay sao cho vừa miệng cả chồng, con; nhan sắc mình héo úa khi nhìn vào gương sau một ngày mệt nhọc.

Những ông bố phải lo chiếc xe đã cũ, cái mái nhà cần lợp lại; món nợ chưa kịp trả, tiền để dành bắt đầu hao hụt v.v...

Tất cả những linh tinh của một đời thường ban ngày, ảnh hưởng rất nhiều vào giấc ngủ ban đêm. Có thể những bận rộn đó đưa ta tới một giấc ngủ nặng nề hay một đêm thức trắng.

Trong khi đó các cụ già mất ngủ vì: Ði ngủ không đúng giờ mỗi tối, cũng làm cho giấc ngủ không được dài. Có những bệnh đánh thức giấc ngủ của mình như: Nhức mỏi, bệnh bao tử, bệnh xốp xương, bệnh quên lãng (Alzheimer)... Nói chung bệnh tật làm mất ngủ. Uống thuốc về ban đêm để chữa những bệnh trên cũng làm ta mất ngủ.

Một người bạn, hay một người trong gia đình qua đời, hoặc phải dọn nhà đi đến nơi mình không thích, bị căng thẳng tinh thần, xuống tinh thần cũng khó mà có được giấc ngủ ngon. Rồi còn nỗi “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” cũng làm cho các cụ mất ngủ triền miên.

Ngoài ra còn có những người bị bệnh mất ngủ kinh niên vì bất cứ lý do gì.

Dưới đây là những lời của các vị hướng dẫn y tế khuyên những người hay mất ngủ:

- Nên đi ngủ đúng giờ. Cố gắng đi ngủ và thức dậy mỗi ngày cùng giờ giống nhau.

- Chỗ ngủ cần phải thoải mái, tối và yên tĩnh.

- Tạo môi trường ngủ tốt như mở nhạc êm dịu, uống loại trà hoa cỏ (Herbal) nào giúp ngủ ngon (người Việt hay ăn chè hạt sen, uống trà tâm sen). Nên tự nói với mình là bây giờ ngủ đây, không để ý đến gì khác nữa.

- Ngâm mình trong nước ấm, ngồi thiền hay tập thở, hoặc đi bộ. Như vậy sẽ giúp thân thể thư giãn trước khi vào giường.

- Một bữa ăn no quá và nhiều dầu mỡ cũng dễ làm ta mất ngủ. Nên đi ngủ sau bữa ăn ít nhất là ba tiếng. Nếu phải đi ngủ ngay thì nên ăn rất nhẹ thôi.

- Uống một ly sữa ấm trước khi ngủ cũng có khả năng giúp cho giấc ngủ đến nhanh hơn.

- Có cái gì cần nghĩ đến thì nghĩ trước khi leo lên giường đi ngủ, hoặc ngồi xuống viết ra một cái danh sách những điều mình sẽ phải làm trong ngày mai hay cuối tuần. Ðể nó đấy, coi như mình đã nghĩ đến nó rồi “Ði Ngủ”.

- Ðọc sách cho thật mỏi mắt, hay mở băng nghe nhạc, nghe đọc truyện cũng giúp mang ta vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Nếu làm tất cả các biện phát trên rồi mà ban đêm vẫn thường xuyên mất ngủ, ban ngày mệt mỏi thì bạn nên đến gặp bác sĩ của mình để được hướng dẫn và chăm sóc.

Mất ngủ có hại cho sức khỏe thật đấy, nhưng các thi sĩ, văn sĩ không mất ngủ thì làm sao thiên hạ có những bài thơ, những truyện dài, truyện ngắn để đọc. Chính những người viết này đã mất ngủ, thức dậy giữa đêm để viết ra những áng văn chương, giúp cho người mất ngủ khác đi tìm vào giấc ngủ. Ðó mới là một điều nghịch lý.

Các thi sĩ, văn sĩ thức với đêm rằm hay những đêm đổi gió sang mùa. Cơ thể của họ tự đánh thức họ dậy hay môi trường chung quanh đánh thức họ. Trăng sáng quá, hay gió thổi hiên ngoài, làm sao ngủ! Thi sĩ thức dậy, đứng sau song cửa, ngắm trăng:

“Trăng lên, quả bóng xanh lồng lộng
Lơ lửng treo trên mấy xóm nhà
Ta đứng bồi hồi sau song cửa
Nhìn trăng, ai thức hãy cùng ta.”

(Nguyễn Xuân Thiệp)

Có ông thi sĩ luôn luôn đi về nhà vào lúc một, hai giờ sáng, rồi thức suốt đêm uống rượu như ông Mai Thảo. Chắc không phải ông có bệnh Insomnia.

“Sớm ra đi sớm hoa không biết
Ðêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy”

(Mai Thảo)

Ông thi sĩ này nữa, không biết ông đang mất ngủ hay đang ngủ mớ với người tình tưởng tượng:

“Ðêm nay em ngủ một mình
Còn ta vẫn ngủ với hình bóng em
Quờ tay ôm cái gối mềm
Mê man hôn cánh tay mình mê man”

(Luân Hoán)

Ðọc câu thơ khật khờ trên, người miền Nam gọi là “Hết thuốc chữa”.

Thi sĩ đôi khi không muốn mất ngủ một mình, còn muốn kéo thêm người khác thức trắng đêm với mình. Chàng muốn nàng thành vì sao để đi với chàng suốt một đêm trăng:

“Em là một ngôi sao mới băng
Xuống đây, đi với anh đêm trăng”

(Xuân Diệu)

Chắc cô thiếu nữ nào cũng muốn được người tình rủ rê mình đi dạo trong đêm trăng bằng một câu thơ nồng nàn như thế!

Có người cho một đêm mưa nhỏ hạt sẽ giúp cho một giấc ngủ êm ả, nhưng thi sĩ, họ không ngủ ngon trong những đêm mưa như người bình thường, họ thức nguyên đêm, nằm nghiêng, thưởng thức từng giọt mưa, rồi than thở:

“Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”.

(Huy Cận)

Mất ngủ để viết xuống một câu thơ đài các và trữ tình như thế này cũng xứng đáng:

“Tuyết phủ đêm nay một góc giường
Nằm nghe quanh chiếu rộn tang thương
Ta say gọi ngã vầng trăng khuyết
Khanh của Hoàng ơi! Lửa bốn phương”

(Vũ Hoàng Chương)

Như vậy, mất ngủ của thi sĩ, chính là nguyên nhân để những câu thơ được viết xuống. Bóng đêm như chiếc nôi cho họ ru những đứa con “Thơ” của họ. Câu nói “Ăn được, ngủ được là tiên” có một thể nói một cách khac “Ăn không được, ngủ không được là thi sĩ” chắc nghe cũng không sai lắm.

Chẳng có vị bác sĩ nào chữa bệnh mất ngủ được cho những người này. Toa thuốc của thi sĩ là những trang thơ. Họ bỏ vào siêu, sắc nhỏ lửa, rót ra và uống từ từ, một mình.

Họ uống để thức bằng những Giấc Ngủ Thơ của họ.

“Trăng kim nhũ tràn vào cửa sổ
Trải lên giường một tấm chăn vàng
Cởi áo ra đắp trăng đi ngủ
Không dám cựa mình
Chỉ sợ trăng tan”

(tmt)
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Nguyễn Ðình Toàn - Dẫn Em Vào Nhạc

Quỳnh Giao
Ngày còn bé, Nguyễn Ðình Toàn không biết đánh đáo.

Ông đánh mạt chược thuộc loại đáo để và ăn nói còn đáo để hơn trên bàn mạt chược, nhưng Quỳnh Giao nghi là ông không biết đánh đáo. Hoặc có lẽ không thèm đánh đáo. Ở tuổi ấu thơ, Nguyễn Ðình Toàn ham mê chuyện khác, để ý đến chuyện khác, chuyện thi ca chẳng hạn, thơ và nhạc.

Người ta có thể kết luận như trên khi đọc tập bút ký của ông viết về 190 tác giả, có tựa đề là “Bông Hồng Tạ Ơn” vừa được ra mắt tại báo quán Người Việt chiều 28 Tháng Mười vừa qua. Quỳnh Giao không viết về ông trước ngày đó như để giới thiệu sinh hoạt này.

Nguyễn Ðình Toàn là nghệ sĩ không cần được giới thiệu.

Nguyễn Ðình Toàn có lẽ không đánh đáo với chúng bạn đồng tuổi vì ông mải nhìn mây, nghe nhạc, đọc văn và tìm hiểu về thơ. Không vậy, ông đã chẳng có một ký ức đầy ắp về những nghệ sĩ đã nổi danh từ thập niên 1950. Ông biết về họ rất tường tận, trước khi chính mình bước vào thế giới đó.

Giới yêu văn học thì biết Nguyễn Ðình Toàn qua các tác phẩm văn chương. Ông là một nhà văn nổi tiếng, có độc giả và từng được Giải Thưởng Văn Chương với Áo Mơ Phai, tác phẩm làm ông bị khổ sở không ít sau năm 1975.

Ông còn khổ sở hơn vì không chịu cúi đầu, vẫn cứ ngang ngạnh khi gặp cảnh tù đày.

Sau khi được thả ra, ông còn ngang ngạnh (dùng chữ hiên ngang tất sẽ làm ông khó chịu!) và khi chế độ trong nước thay đổi, xin tái bản lại Áo Mơ Phai, ông vẫn ngang ngạnh: “Các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!”

Ðược tái bản sách, nhiều người rất thích và đành nhịn. Nguyễn Ðình Toàn lại có cách từ chối đáo để như vậy thì... ai mà nhịn được!

Giới yêu thơ cũng từng mê thơ Nguyễn Ðình Toàn, đã được đọc lại còn được nghe.

Quỳnh Giao xin nói về chuyện nghe thơ này.

Thời ấy, vào thập niên 1960 trở về sau, các ban tân nhạc trên đài phát thanh đều có xướng ngôn viên của đài hoặc chính các ca sĩ tự giới thiệu lấy trước khi trình bày.

Và người ta không có lời giới thiệu (tiền thân của giới EmXi MC thời nay) để cho tác phẩm một cái mũ, một cái “châpeau” dẫn vào tác phẩm và nghệ sĩ trình bày.Ngoại lệ có tính chất tiên phong là chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc, do Mai Thảo viết châpeau dẫn thính giả vào nhạc. Ông có cách hành văn rất tây, với lối dùng chữ mới lạ, dễ “bắt tai” thính giả. Hàng tuần, thính giả chờ đón để được nghe các ca khúc nghệ thuật mà người hát, hòa âm, và cả lời giới thiệu đều trau chuốt bóng bảy. Người đọc những dòng giới thiệu thường là Anh Ngọc, Mai Thảo, đôi khi Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương và cả Quỳnh Giao.

Người không đội mũ nhưng gắn hoa và thổi mây lên từng ca khúc nghệ thuật là Nguyễn Ðình Toàn, với chương trình gọi là “Nhạc chủ đề”.

Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong của ông cổ điển hơn, khác với lối viết của Mai Thảo hay lời nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc.

Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng điệu nghệ để người nghe chuẩn bị đón nhận...

Lời thủ thỉ ấy đẹp như thơ làm thính giả phái nữ thấy lòng mình chùng xuống.

Ðáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói... “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Ðình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!

Mà ông không cao ngạo như Ðinh Hùng khi xưng là “ta” với người đẹp, ông mộc mạc nhũn nhặn xưng là “tôi”.

Thế mới chết... chị Thu Hồng!

Nhớ lại thì nếu Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc gồm những giọng hát thượng thặng của thời đó trình bày, được chính ông chọn lọc và bầy bán giới hạn tại cửa hàng Au Printemps gần thương xá Tax, đã dẫn tới một ngành sinh hoạt mới là các trung tâm thực hiện băng nhạc, thì chương trình Nhạc Chủ Ðề của Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên những ca sĩ sau này là tên tuổi lẫy lừng, như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu...

Phải nói rằng nhiều ca sĩ thường xuyên cộng tác với đài phát thanh hoặc xuất thân từ các gia đình nghệ sĩ thì đã được... “lăng xê” từ trước và họ thực sự là những người chuyên nghiệp vì sự đòi hỏi của các đài phát thanh. Chương trình của Nguyễn Ðình Toàn lại khác.

Ông mời những giọng hát tài tử trong tinh thần “hát cho vui”, hát vì nghệ thuật.

Luật gia Khuất Duy Trác thuộc thành phần ấy và đóng góp rất nhiều cho chương trình này. Một thí dụ khác là kỹ sư địa chất Võ Anh Tuấn - người tham dự việc tìm ra mỏ dầu đầu tiên - được mời hát Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca với giọng Nam như Trần Văn Trạch. Theo Quỳnh Giao, bài thành công nhất của Võ Anh Tuấn là Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong. Miền Nam không có mưa Thu Hà Nội, Nguyễn Ðình Toàn khơi dậy Mùa Thu ấy trong tâm cảnh của chúng ta ở miền Nam qua cách trình bày của Võ Anh Tuấn.

Không có cái tai thẩm âm, ai lại dám làm điều ngược ngạo ấy vì thời đó và sau này, hát theo giọng Bắc mới được coi là hay!

Cũng qua chương trình Nguyễn Ðình Toàn, mà Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác hay Sĩ Phú, v.v... đã là những tiếng hát vượt không gian. Ra khỏi các sân khấu thành phố mà vang vọng khắp bốn vùng chiến thuật và tạo ra một làn sóng ngưỡng mộ từ đó không nguôi.

Ngay cả những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn cũng đã như cánh vạc bay, và bay mãi, là từ chương trình Nhạc Chủ Ðề, qua tiếng hát Khánh Ly và lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn.

“Những bản tình ca không có hạnh phúc” qua tiếng hát của “nàng góa phụ của cuộc chiến này” là cách Nguyễn Ðình Toàn giới thiệu ca khúc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

Có MC nào của đời nay làm chúng ta xúc động như vậy không?

Nguyễn Ðình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ.

Ông cũng là nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều trong những năm về sau nhưng tác phẩm bị trùm lấp trong biến cố 1975. Khi ông ra đến ngoài này, sự thẩm âm của thiên hạ đã thay đổi. Người ta “hát giọng răng” (nói theo lối ví von của Phạm Duy, vì cô ca sĩ có hàm răng khấp khểnh) và giới thiệu ca khúc bằng vũ khúc...

Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Ðình Toàn chưa cho ra mắt một tác phẩm đáng lẽ phải có tên là “Dẫn em vào nhạc Nguyễn Ðình Toàn”, mà lại viết về những người nghệ sĩ ông sợ là chúng ta sẽ quên.

Ông gửi tới họ những bông hồng tạ ơn qua tài năng cố hữu của ông, là dùng thơ dẫn người đọc vào ngôi vườn hoa của người khác.

Khi viết bài này, trong dư âm của một chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn, (chủ đề cuốn băng là “tình ca”) Quỳnh Giao bồi hồi nghĩ là áo mơ chưa hề phai trong tâm khảm ông.

Nguyễn Ðình Toàn chỉ sợ những kỷ niệm cần trân quý của chúng ta bị phai lạt dần...
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Học tính kiên nhẫn

Oanh Thơ

Hầu như tất cả chúng ta ai cũng trải qua những giờ phút sống một cách hối hả và vội vã. Và chúng ta cũng muốn tất cả mọi người, mọi việc chung quanh cũng phải di chuyển nhanh hơn nữa.

Hãy thử để ý đến những dấu hiệu cho thấy sự mất kiên nhẫn của đời sống ở Mỹ:

Một vài tiệm McDonald's hứa là sẽ có bữa ăn trong vòng 90 giây, nếu không khách hàng miễn trả tiền.

Kodak dựng nhiều tiệm rửa hình trong một tiếng đồng hồ (one hour photo) ở nhiều nơi trong Disney World để khách du lịch có thể có hình chụp trước khi cuộc đi chơi của họ chấm dứt.

Rất nhiều người hiện nay đang bị đau khổ vì chứng bệnh vội vã (hurry sickness), một cái tên được Bác Sĩ Meyer Friedman, M.D. đặt ra để chỉ những loại người có tính mất kiên nhẫn này.

Trong một bài báo trên tờ Good Housekeeping, tác giả M.J.Ryan đã thực hiện những cuộc tìm hiểu về sự mất kiên nhẫn của chính mình và những người chung quanh để đưa ra một vài phương cách giúp chúng ta tập tính kiên nhẫn.

Ryan nói rằng khi chờ đợi thang máy, bà thường bấm nút nhiều lần để mong thang máy lên hay xuống nhanh hơn. Lúc sử dụng microwave thì bà bấm cái nút “một phút” bởi vì như thế mau hơn là bấm nhiều nút để canh giờ.

Có thể nói rằng thế giới chuyển động nhanh chừng nào thì chúng ta sẽ có ít kiên nhẫn chừng ấy. Ðiều đó thật là trái ngược với việc mỗi ngày trong đời sống chúng ta phải đối diện với những sự trì hoãn như phải xếp hàng chờ đợi ở tiệm ăn hay tại phi trường; bị kẹt xe; bị nghe những lời nhắn dài dòng trên hệ thống điện thoại tự động. Thêm vào đó, những mâu thuẫn của mối liên hệ với người khác, bệnh tật, công việc làm bấp bênh đều đòi hỏi sự chịu đựng và kiên nhẫn, không phải chỉ để đối phó mà còn để có thể tăng trưởng lòng yêu thương và sự khôn ngoan.

Nếu không có kiên nhẫn, chúng ta không thể học được những bài học mà đời sống mang đến cho chúng ta; chúng ta cũng khó có thể trưởng thành, khó có thể làm việc hết lòng cho những điều mà mình thật tâm muốn có được. Với sự kiên nhẫn, chúng ta có những quyết định đứng đắn hơn, đỡ tốn thời giờ, có những mối liên hệ tình cảm hạnh phúc hơn, và trở nên những cha mẹ tốt hơn.

Theo M.J.Ryan, nếu chúng ta càng thực hành lòng kiên nhẫn thì chúng ta càng nhìn thấy các nhân tố chính dẫn đến việc có được đời sống sung sướng hay đau khổ. Sự kiên nhẫn giúp chúng ta tính tự chủ, khả năng biết ngừng lại và sống với hiện tại. Và từ đó chúng ta sẽ có được những chọn lựa sáng suốt. Nếu muốn có một đời sống hạnh phúc, chúng ta cần phối hợp ba yếu tố thiết yếu sau đây để hoàn tất một phương thức sống lý tưởng.

1/ Sự bền bỉ, kiên trì

Hãy nhớ là ông Walt Disney đã từng bị từ chối đến 302 lần trước khi ông ta được tài trợ để xây dựng Disneyland. Trong khi việc tiếp tục bất chấp những trở ngại không hứa hẹn là sẽ mang lại phần thưởng to lớn, thì khả năng làm việc một cách kiên nhẫn và bền bỉ chắc chắn làm gia tăng cơ hội biến những ước mơ của chúng ta thành sự thật.

2/ Sự thanh thản

Anthony Mello, một linh mục Thiên Chúa Giáo đã diễn tả thái độ thanh thản khi ông viết: “Rồi sẽ yên bình, rồi sẽ yên bình. Cho dù mọi việc có tệ hại đến thế nào đi nữa, rồi sẽ yên bình” “As it well, as it well. Though everything is a mess, as it well”.

Tính kiên nhẫn mang đến sự bình an trong tâm hồn, sự điềm tĩnh giúp chúng ta không bị tức tối bởi một chuyến bay bị hủy bỏ, lỡ một cuộc hẹn, tiếng ngáy của người phối ngẫu trong đêm trước ngày bạn có buổi phỏng vấn cho công việc mới.

Trong cơn khủng hoảng, con người trầm tĩnh của bạn là nguồn an ủi để cho người khác tìm đến giải sầu. Kiên nhẫn cũng giống như chiếc sườn của con thuyền , giúp chúng ta đứng vững trước phong ba, bão tố để tiếp tục tiến đến đích mà chúng ta nhắm đến.

3/ Chấp nhận

Chúng ta dễ dàng chấp nhận nếu mọi việc xẩy ra êm đẹp và trôi chảy. Nhưng để giữ sự kiên nhẫn khi phải đối diện với sự mất mát, hay trở ngại, có nghĩa là chúng ta đừng nên thêm vào đó sự chua chát, lòng thù ghét, hay là niềm tuyệt vọng. Thay vì than thở hay rên rỉ, chúng ta hãy xắn tay áo lên để khắc phục sự việc ngay tức khắc. Khi bạn trông nom, săn sóc với lòng thương yêu cho một người thân già nua chưa từng biết nói cảm ơn bạn, hay khi bạn bình tĩnh giải thích cho con bạn những điều phải trái, đó chính là lúc bạn chứng tỏ sự chấp nhận.

Nếu chúng ta muốn sống một cuộc đời bao dung và sâu sắc hơn - chứ không phải là vội vã hơn - chúng ta cần nên kiên nhẫn với chính mình, với những người chung quanh, và ngay cả với những tình huống nhỏ hay lớn của đời sống.

Bạn nên hiểu rằng tính kiên nhẫn là một điều gì mà chúng ta làm một cách tự nhiên, chứ không phải là điều mà chúng ta bị bắt buộc làm. Sự kiên nhẫn có thể ví như bắp thịt. Thân thể con người đều có những bắp thịt, nhưng nhiều người mạnh hơn và chịu đựng bền bỉ hơn vì họ tập thể dục. Và cũng giống như luyện tập bắp thịt, ai cũng có thể luyện tập để phát triển tính kiên nhẫn. Sự mất kiên nhẫn là một thói quen và kiên nhẫn cũng chỉ là một thói quen mà thôi.

Dĩ nhiên mỗi người sẽ có một biểu lộ sự mất kiên nhẫn khác nhau tùy một vài nguyên nhân nào đó. Ðối với các bà mẹ là những hình ảnh trước mắt: đồ chơi vương vãi khắp nơi, áo quần đầy dẫy trên sàn phòng ngủ, giường nệm bừa bộn; đối với những ông cha là việc đang muốn nói chuyện với vợ thì mấy đứa con gây ồn ào vì cãi cọ nhau; đối với nhiều người khác thì mất kiên nhẫn chỉ vì khi nào gọi điện thoại cũng gặp cái máy nhắn chứ không phải người thật trả lời.

Hãy để ra một vài phút để ghi nhận khi nào và ở đâu bạn bị mất kiên nhẫn nhất. Khi chúng ta có thể tự cảnh giác việc gì làm cho chúng ta mất kiên nhẫn, chúng ta sẽ cho mình sự chọn lựa về thái độ phản ứng lại sự việc đo,

Trên thực tế, cuộc nghiên cứu mới đây về óc não cho biết là sự cảnh giác tăng gấp đôi thời gian giữa “thôi thúc và hành động”. Ở khoảng cách đó, sự kiên nhẫn được chọn lựa để tồn tại. Kiên nhẫn là một quyết định. Và nếu bạn càng chọn lựa sự kiên nhẫn, nó càng đương nhiên hiện hữu và tồn tại.

M.J.Ryan nhận xét rằng qua kinh nghiệm của chính mình, bà thấy rằng nếu kiên nhẫn chừng nào, bà lại càng nhận thấy sự mất kiên nhẫn quả là một triệu chứng của chủ thuyết toàn hảo. Nếu chúng ta cứ mọng đợi chính mình và mọi người khác đều hoàn hảo hết, thí dụ như chúng ta mong đợi các chuyến máy bay luôn đúng giờ, con cái trật tự ngăn nắp.., chúng ta sẽ mất kiên nhẫn mỗi lần một việc không toàn hảo xuất hiện như khi hành lý bị thất lạc, người bồi bàn dễ ghét, con gái la khóc, ông chủ khó tính.. Ngược lại, nếu chúng ta thấy được rằng đời sống tự nó đã hỗn độn và có vô số những bất ngờ xẩy ra, nhưng người ta vẫn sống được bằng những cố gắng hết sức của họ, thì chúng ta sẽ thấy là sự kiên nhẫn giúp chúng ta rất nhiều trong việc đối phó với thử thách.

Và trước hết, chúng ta phải bắt đầu với sự kiên nhẫn đối với bản thân chúng ta. Nếu chúng ta không chấp nhận những lầm lỗi mà mình phạm phải và nhất định xem như nó chưa bao giờ xảy ra, chúng ta sẽ không bao giờ học hỏi được sự sai trái của mình. Trái lại, nếu chúng ta tha thứ, khoan dung và hối cải về những điều lầm lỗi - kể cả sự mất kiên nhẫn của mình, chúng ta sẽ có cơ hội tạo những quyết định thông minh hơn trong tương lai.

M.J. Ryaan kết thúc bài viết của bà bằng nhận xét: “Dĩ nhiên vẫn có lúc tôi tìm thấy mình rơi vào những trường hợp thiếu bình tĩnh, chẳng hạn như lúc chồng tôi ngừng xe lại ở đèn vàng thay vì đạp ga; hay khi đứa con trai 5 tuổi đòi uống nước cam tới lần thứ 100 trong khi tôi đang lái xe. Ðó chính là lúc tôi tự thử thách xem mình có đủ kiên nhẫn và thông cảm hay không (thay vì mỉa mai và tức giận) trong khi đóng vai người tài xế đang lái chiếc xe của đời mình”. (OT)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Ðàn ông làm công việc gây căng thẳng có nguy cơ đột quị cao hơn

WASHINGTON (TH) - Một cuộc nghiên cứu ở Nhật Bản được thi hành trong suốt 11 năm, cho cả hai giới nam và nữ, nhận thấy rằng những việc làm gây căng thẳng có thể khiến cho những người đàn ông gia tăng một cách đáng kể nguy cơ lên cơn đột quị (stroke).

Cuộc khảo sát - đã xuất bản trong đặc san y khoa Archives of Internal Medicine của American Medical Association (Hiệp Hội Y Khoa Mỹ) - bao gồm 3,190 người đàn ông và 3,363 người đàn bà từ 65 tuổi trở xuống. Họ được phỏng vấn lần đầu tiên trong thời gian từ năm 1992 tới năm 1995, và sau đó được theo dõi suốt 11 năm.

Những người tham gia cuộc nghiên cứu làm những công việc thuộc các nghề nghiệp và chức vụ khác nhau, gồm những quản lý, những người làm nghề chuyên môn, kỹ thuật viên, thư ký, người bán hàng, nông gia, nghệ nhân và công nhân; và họ được chia ra thành bốn nhóm:

(1) Công việc có mức đòi hỏi nỗ lực thấp và người làm việc có quyền kiểm soát cao - đây là loại việc làm có mức căng thẳng thấp (low strain).

(2) Công việc có mức đòi hỏi nỗ lực cao và người làm việc có quyền kiểm soát cao - loại việc làm này có tính cách tích cực (active job).

(3) Công việc có mức đòi hỏi nỗ lực thấp và người làm việc có quyền kiểm soát thấp - loại việc làm này có tính cách tiêu cực (passive job).

(4) Công việc có mức đòi hỏi nỗ lực cao và người làm việc có quyền kiểm soát thấp - loại việc làm có mức căng thẳng cao (high strain).

Trong thời gian 11 năm theo dõi đã xẩy ra 147 ca lên cơn đột quị, trong số đó có 91 người đàn ông và 56 người đàn bà.

Những ca lên cơn đột quị đó đã xẩy ra cho 7 người đàn ông và 11 người đàn bà thuộc nhóm (1) làm những công việc có mức căng thẳng thấp; cho 23 người đàn ông và 15 người đàn bà thuộc nhóm (2) làm những công việc có tính cách tích cực; cho 33 người đàn ông và 15 người đàn bà thuộc nhóm (3) làm những công việc có tính cách tiêu cực; cho 28 người đàn ông và 15 người đàn bà thuộc nhóm (4) làm những công việc có mức căng thẳng cao.

Các nhà nghiên cứu viết trong phúc trình: “Những người đàn ông làm những công việc có mức căng thẳng cao thì có nguy cơ bị đột quị cao hơn một cách rất đáng kể so với những người đàn ông làm những công việc có mức căng thẳng thấp.”

Trong khi đó, họ vạch ra rằng những người đàn bà làm những công việc có mức căng thẳng cao tỏ ra có nguy cơ bị đột quị cao hơn các bà làm những công việc có mức căng thẳng thấp, nhưng tỉ lệ sai biệt trên đây không đáng kể về phương diện thống kê. (n.m.)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

Văn Cao và "Bến xuân"


Đọc những câu chuyện về cuộc đời Văn Cao, nhìn ông ngồi cúi đầu bên chiếc dương cầm, tôi luôn liên tưởng đến hình ảnh Mạc Đại tiên sinh trong "Tiếu ngạo giang hồ" - một vị chưởng bối có vẻ ngoài khắc khổ, với lưỡi kiếm giấu dưới đáy hồ cầm và tiếng hát buồn vời vợi, lang bạt kỳ hồ như một kẻ ăn xin.

Kim Dung mô tả tiếng hát của Mạc Đại và tiếng hồ cầm nghe đau đớn, ngậm ngùi như “mưa nhỏ xuống lá cây, như trăm hoa tàn tạ, như bách điểu chia lìa”. Ấy bởi vì tiếng hát ấy là tiếng lòng của một trích tiên, luôn luôn cảm thấy cô độc giữa thế giới giang hồ đầy những thủ đoạn ác độc.

Văn Cao đến cuối đời mình cũng vẫn là một kẻ cô độc giữa cuộc đời. Không ai có thể hiểu và ông cũng không muốn chia sẻ với ai. Văn Cao lặng lẽ mang nỗi lòng u uẩn theo mình sang thế giới bên kia. Những người ở lại chỉ còn biết suy đoán về ông.

Năm 1954, khi chiến tranh đến hồi khốc liệt và thay vì viết về đề tài Điện Biên Phủ như các văn công Cộng Sản khác, Văn Cao lại về bày tỏ ý tưởng của ông qua một bức tranh sơn dầu lập thể. Bức tranh đó được mô tả như sau:

Một cậu bé thổi sáo bằng 2 cái mồm, một cái được vẽ từ cách nhìn thẳng, và một cái được vẽ bằng cách nhìn nghiêng. Đằng sau cậu bé, trên cái nền đông nghịt những con người trong một tiết tấu đầy chuyển động của nhịp chiến tranh.

Có lẽ, một trong những ví dụ rõ nhất về "cậu bé thổi sáo bằng 2 cái mồm" đó là ca khúc "Bến xuân" của Văn Cao.

Một giai thoại nói rằng thuở trai trẻ khi còn ở Hải Phòng, Văn Cao phải lòng người đẹp Hoàng Oanh. Nhưng trớ trêu thay, hai người bạn thân của ông cũng nặng tình cùng nàng thiếu nữ này. Với suy nghĩ "Đã không giúp được bạn thì không nên là kẻ chen ngang", nên ông cũng không tiến tới một cái gì sâu sắc hơn.

Nhà của Văn Cao nằm gần bến đò Rừng (Quảng Ninh). Hoàng Oanh chỉ đến thăm ông một lần duy nhất ở nơi đó, quạt cho ông cởi trần nằm sáng tác và nghe ông thổ lộ: "Ước gì anh có em để hằng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ", trước khi đi lấy chồng...

Những ấn tượng đẹp của mối tình không thành ấy được Văn Cao (với sự cộng tác của Phạm Duy và Đỗ Hữu Ích) chuyển tải qua ca từ của "Bến xuân" vào năm 1942:

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần...

Chiều nay tôi vẫn còn ngơ ngác
Em đến tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét dáng yêu...



"Bến xuân" có phần nhạc và phần lời đã mềm mại, tuyệt vời đến thế, hơn nữa lại gắn liền với một kỷ niệm đáng trân trọng như vậy, vì cớ gì mà được chính Văn Cao viết lại lời (cứng rắn hơn) rồi đổi tên bài hát thành "Đàn chim Việt" sau 1945?

Lý do của chuyện này, có lẽ là liên quan đến việc Văn Cao quyết định im lặng gần 20 năm trời trước khi thốt lên "Từ nay người biết yêu người..." với "Mùa xuân đầu tiên" năm 1976, rồi tiếp tục lặng lẽ cho đến cuối đời mình...

Image

Bến Xuân

Nhạc: Văn Cao
Lời : Văn Cao ,Phạm Duy , Đỗ Hữu Ích
Tiếng hát : Khánh Ly

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú

Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,

Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.

ĐK:

Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua

Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú

Lệ mùa rơi lá chan hoà!
Chim reo thương nhớ,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đẩu

Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Tinh thần cởi mở và thư giãn giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ
Saturday, January 31, 2009

LONDON (Reuters) - Những người năng động về giao tiếp xã hội và thư giãn tinh thần thì có thể giảm được 50% nguy cơ phát sinh chứng mất trí nhớ, so với những người có đời sống gò bó và thường căng thẳng tâm thần, theo phúc trình từ một cuộc nghiên cứu ở Thụy Ðiển đã đăng trên đặc san Neurology.

“Những cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy rằng tình trạng căng thẳng tinh thần kinh niên có thể ảnh hưởng tới những vùng trong bộ óc, như vùng hippocampus, và dẫn tới chứng mất trí nhớ,” người cầm đầu cuộc nghiên cứu, Tiến Sĩ Hui-Xin Wang thuộc viện Karolinska Institute ở Thụy Ðiển, nói trong một bản tuyên bố và thêm:

“Những điều tìm thấy của chúng tôi ngụ ý rằng những người có cá tính trầm tĩnh và cởi mở, đồng thời có lối sống năng động về giao tế xã hội, thì có thể giảm nguy cơ phát sinh chứng mất trí nhớ.”

Có khoảng 24 triệu người trên khắp thế giới mắc chứng mất trí nhớ, hoặc gặp những trục trặc về khả năng định hướng và những triệu chứng khác liên quan tới bệnh Alzheimer và những loại mất trí nhớ khác.

Các nhà nghiên cứu tin rằng số người mắc chứng mất trí nhớ trên khắp thế giới có thể tăng gấp bốn lần vào năm 2040. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu rõ hơn về bệnh này để có thể ngăn ngừa.

Cuộc nghiên cứu ở Thụy Ðiển gồm 506 người cao niên không có những triệu chứng mất trí nhớ vào lúc khởi đầu. Những người tình nguyện tham gia cuộc nghiên cứu đã trả lời một danh sách gồm những câu hỏi liên quan tới những đặc tính cá nhân của họ, rồi sau đó họ được theo dõi suốt sáu năm.

Trong thời gian theo dõi đó, 144 người đã phát sinh chứng mất trí nhớ, và các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những ai có lối sống năng động về giao tiếp xã hội và ít khi bị căng thẳng thì giảm được khoảng 50% nguy cơ phát sinh chứng mất trí nhớ.

Bà Wang nói: “Ðáng mừng rằng đây là những yếu tố liên quan tới lối sống mà người ta có thể điều chỉnh, chứ không phải là những yếu tố thuộc về di truyền mà họ không thể kiểm soát. Nhưng đây chỉ là những kết quả sơ khởi; vì vậy, chúng tôi chưa biết đích xác thái độ tâm thần ảnh hưởng tới khả năng phát sinh chứng mất trí nhớ như thế nào.” (n.m.)
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »


Image

Bịnh cảm cúm

Hưng Thuận sưu tầm
Cảm là gì?

Cảm là một bịnh hay lây do các vi khuẩn lan tràn trong không khí và qua việc tiếp xúc trực tiếp với người có bịnh. Cảm nói chung phổ biến hơn trong thời tiết lạnh lẽo.


Các triệu chứng của bịnh cảm là gì?

Dấu hiệu đầu tiên của cảm thường là thấy nhột hay ngứa phía sau cổ họng. Người bị cảm có thể khó thở, cảm thấy đàm trào lên, ho, nhảy mũi và chảy mũi.


Ai bị cảm và cảm kéo dài bao lâu?

Cảm hiếm khi lâu hơn hai tuần và thường nhẹ. Người lớn thường bị cảm hai lần một năm. Trẻ em có thể bị cảm nhiều đến tám lần một năm.


Tôi có thể làm gì để hết cảm?

Ðiều tốt nhất để làm khi bạn bị cảm là nghỉ ngơi nhiều và uống thật nhiều chất lỏng. Thuốc bán tự do có thể giúp khỏi các triệu chứng cảm, nhưng cảm thường tự nó sẽ hết ngay cả khi bạn không dùng thuốc. Không nên dùng trụ sinh khi cảm. Trụ sinh sẽ không chữa được cảm. Cảm do vi khuẩn gây ra và trụ sinh thì dùng để chống vi trùng không phải vi khuẩn.

Tôi phải làm gì khi con tôi đau?

Ðứa trẻ bị cảm sẽ cần nghỉ ngơi và dùng nhiều chất lỏng. Nếu bạn cho trẻ uống thuốc bán tự do, bạn nên đọc bản chỉ dẫn kỹ lưỡng và cho uống thuốc đúng theo chỉ dẫn.

Làm sao tôi ngừa bị cảm?

Cách tốt nhất để khỏi bị cảm là thường rửa tay và tránh sờ vào mắt, mũi hay miệng. Tránh xa những người bị cảm, bởi vì cảm có thể lan ra do ho và nhảy mũi. Dùng khăn giấy hay khăn tay khi bạn ho hay nhảy mũi, điều này giúp ngừng sự lây lan cảm sang người khác. Không dùng chung ly, dao ăn và nĩa với người bị cảm. Dùng chất tẩy trùng để lau mặt bàn, tay nắm cửa và điện thoại.

Cúm là gì?

Cúm là một bịnh rất lây lan tràn do vi khuẩn. Triệu chứng của cúm hơi giống cảm, nhưng nặng nề hơn và có thể bao gồm nóng sốt, nhức mỏi toàn thân và mệt. Cúm thường kéo dài không quá hai tuần.

Tôi phải làm gì để hết cúm?

Cách tốt nhất để khỏi cúm là nghỉ ngơi nhiều và uống thật nhiều chất lỏng. Có thuốc cúm bán tự do có thể làm bớt các triệu chứng cúm.

Tôi phải làm gì khi con tôi đau?

Ðứa trẻ bị cúm sẽ cần nghỉ ngơi và dùng nhiều chất lỏng. Trẻ em có triệu chứng cúm nên đi khám Bác sĩ nếu có người bị cúm trong cộng đồng.

Làm sao để tôi tránh cúm?

Hãy rửa tay thường và tránh tiếp xúc với người bị cúm. Dùng khăn giấy hay khăn tay khi bạn ho hay nhảy mũi, điều này giúp ngừng sự lây lan cúm sang người khác. Vì cúm do vi khuẩn gây ra, trụ sinh không chữa trị có hiệu quả. Chích ngừa cúm mỗi năm (thường có sẵn vào đầu Tháng Mười) sẽ giúp bạn tránh được cúm. Chích ngừa cúm được đề nghị nhiều hơn cho:

- người 65 tuổi hay già hơn

- bịnh nhân nhà thương dưỡng lão

- trẻ em hơn sáu tháng tuổi có vấn đề về

(Theo Bộ Dịch Vụ Y Tế và Nhân Sự Hoa Kỳ)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Image


TC Giận Dữ vì Thủ Tướng "Ăn Giày"
Vụ việc xảy ra khi ông Ôn Gia Bảo có bài diễn văn tại đại học Cambridge.

Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ sau vụ một người ném một chiếc giày vào Thủ tướng Ôn Gia Bảo khi ông đang có bài diễn văn tại đại học Cambridge ở Anh.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao nước này, bà Khương Du, nói người đàn ông làm gián đoạn bài phát biểu của Thủ tướng TQ đã có “hành vi đáng khinh bỉ”.

Phản ứng của Trung Quốc mạnh mẽ hơn nhiều so với khi cựu Tổng thống Mỹ George W Bush bị ném hai chiếc giày tại Iraq.

Một thanh niên 27 tuổi đã bị buộc tội gây rối trật tự công cộng sau khi vụ việc này xảy ra tại Anh.

Chiếc giày bị ném vào Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong khi ông đang có bài diễn văn về kinh tế toàn cầu tại đại học Cambridge.

Chiếc giày không ném trúng mục tiêu và cũng không hẳn làm gián đoạn bài diễn văn của ông Ôn. Tuy nhiên Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố đầy giận dữ.

Người phát ngôn Khương Du nói: “Phía Trung Quốc đã bày tỏ thái độ mạnh đối với việc để xảy ra sự cố này”.

Bà Khương Du cho biết chính phủ Anh đã xin lỗi về “hành vi đáng khinh bỉ” của người phản đối, và hành động này sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ song phương.

Những người dùng internet Trung Quốc thì tỏ ra không ngoại giao lắm khi bày tỏ sự giận dữ của họ.

Một người có vẻ có vé vào dự sự kiện đã viết: “Tôi nghĩ rằng tay này rất ngu. Hắn cáo buộc Thủ tướng là nhà độc tài. Điều này chẳng có logic gì cả”.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests