Thời Sự, Bình Luân

hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Image

Việt Nam trước viễn ảnh Donald Trump 2.0 hay Kamala Harris sẽ thế nào?
September 27, 20240467

Nhã Duy

Cali Today News – Việt Nam trước viễn ảnh Donald Trump 2.0 hay Kamala Harris sẽ thế nào?Khi Tô Lâm sang Mỹ, một điểm nhỏ trong trang phục của ông ta cùng hầu hết các thành viên phái đoàn là những chiếc cà-vạt màu tím đã đeo khi gặp gỡ Tổng Thống Joe Biden.

Trong chính trị Hoa Kỳ, màu tím biểu tượng cho tính lưỡng đảng và sự trung dung. Có thể nhận thấy đó là ngầm ý của Tô Lâm và phía Việt Nam, mong muốn được hợp tác cùng cả hai bên Cộng Hòa hay Dân Chủ, bất kể ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.Tuy nhiên về phía Hoa Kỳ, việc Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử tổng thống sẽ hoàn toàn khác biệt trong chính sách đối ngoại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và cả khối Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Tháng 1 năm 2017, ngay sau khi Donald Trump nhậm chức, một trong những chính sách đầu tiên là Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi thương ước Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nội các cựu Tổng thống Barack Obama đã bỏ nhiều công sức thiết lập trong chiến lược chuyển trục tại Châu Á. Việc rút khỏi TPP hay huỷ bỏ nhiều hiệp ước quốc tế khác theo sau là một tiền lệ hiếm hoi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vì những hiệp ước và cam kết mang tính chiến lược lâu dài giữa Hoa Kỳ cùng thế giới, không phải là các cam kết mang tính giai đoạn của riêng cá nhân một đời tổng thống tiền nhiệm nào.Có thể nhắc lại TPP là thương ước bao gồm 12 quốc gia thành viên thuộc khối tư bản, ngoại trừ Việt Nam, quốc gia được xem là có lợi nhất trong nhóm này khi được gia nhập vào khối tự do mậu dịch cùng các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Úc…

Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế quan xuất cảng, có triển vọng nhận được các khoản đầu tư ngoại quốc to lớn khác sẽ đổ vào, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân Việt Nam.TPP gạt bỏ Trung Quốc khỏi thương ước này với ý định và chiến lược rõ ràng: cô lập và làm suy yếu sự cạnh tranh cùng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời tạo ảnh hưởng và quyền lực cho Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thông qua mậu dịch.Việc TPP bị hủy bỏ là một thiệt hại cho các quốc gia thành viên nhóm này, nhất là Việt Nam và tạo cơ hội cho Trung Quốc tái lập quyền lực của mình qua thương ước Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực (RCEP) về sau. Theo số liệu từ Ủy ban Thương Mại Quốc Tế Hoa Kỳ (ITC), GDP của các quốc gia thuộc TPP mất khoảng 18,600 tỉ đô la khi không còn Hoa Kỳ. Không có số liệu chính thức cho riêng từng quốc gia nhưng với Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất cảng chủ yếu và quan trọng nhất, mức thiệt hại chắc chắn đã không nhỏ từ quyết định này của Donald Trump.Với chính sách chống lại toàn cầu hóa (anti-globalist) và đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết (America first), nhiệm kỳ thứ nhì của Donald Trump 2.0 chắc chắn sẽ được tiếp tục với các chính sách mà ông ta từng theo đuổi và qua các tuyên bố trong các cuộc tranh cử hiện nay.

Donald Trump nhắm đến việc bảo hộ và thâm thủng mậu dịch, gia tăng thuế quan hàng nhập cảng, không riêng hàng hóa Trung Quốc mà cả từ Việt Nam cùng hầu hết các quốc gia khác. Donald Trump muốn thuyết phục người dân Mỹ là ông đặt quyền lợi nước Mỹ trên hết, dù các cuộc thương chiến dưới nhiệm kỳ của ông đã không mang lại các kết quả khả quan như mong đợi.Cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2018 đã phải đình chiến vào tháng Một năm 2020 vì Trung Quốc trả đũa bằng cách tăng thuế quan nhập cảng từ Mỹ, tìm mua các nguồn hàng thay thế từ các quốc gia khác, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng Mỹ.Các kinh tế gia đã chỉ ra rằng, các cuộc thương chiến chỉ cản trở sự phát triển nền kinh tế quốc gia và gia tăng gánh nặng lên người dân của chính quốc gia đó vì không có bất cứ quốc gia nào có thể vận hành độc lập hay có thể hoàn toàn thủ lợi trong các cuộc thương chiến.Đặt cân bằng mậu dịch là quan trọng, Donald Trump dựa trên vấn đề kinh tế cho quan hệ đối ngoại. Đó là các thỏa thuận song phương với từng quốc gia riêng rẽ và được tin là có lợi nhất cho nước Mỹ, thay vì mối quan hệ đồng minh chiến lược bao gồm cả chính trị, quân sự và các bên cùng có lợi. Các yêu cầu đóng góp hay trả tiền của Donald Trump với các đồng minh lâu đời như khối NATO hay Nhật Bản, Nam Hàn… đã cho thấy điều này. Nội các Trump từng đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ để làm áp lực giao thương và tăng thuế quan nhập cảng.Ngược lại, nếu Trung Quốc đồng ý các thỏa thuận thương mại, dù ở bề mặt, Trung Quốc vẫn có thể trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ dưới thời Trump.

Về phía nhà cầm quyền Việt Nam, việc Donald Trump đắc cử sẽ giúp họ giảm đi các áp lực về chính trị xã hội, các yêu cầu nhân quyền và dân chủ đính kèm để được giao dịch thương mại với Hoa Kỳ.Còn nếu bà Kamala Harris đắc cử tổng thống, quan hệ đối ngoại với vùng Châu Á-Thái Bình Dương hoàn toàn khác biệt với Donald Trump 2.0 nêu trên.Bà Harris và ban tranh cử của bà chưa công bố chính thức về mối quan hệ đối ngoại tại Châu Á nhưng qua các chuyến công du và tuyên bố của bà khi đến Châu Á, và cả Việt Nam trong vai trò một phó tổng thống trước đây cùng các nền tảng chính sách chung, người ta có thể thấy được là bà sẽ tiếp tục chính sách các đời tổng thống Dân Chủ tiền nhiệm hoặc không quá khác biệt.Nếu vậy, bà Kamala Harris sẽ tái lập mối quan hệ đồng minh, cô lập và làm giảm quyền lực cùng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á và trên thế giới, mở rộng mậu dịch với các quốc gia qua chủ trương toàn cầu hóa và các bên cùng có lợi, gia tăng quyền lực lẫn ảnh hưởng chiến lược của Hoa Kỳ thông qua các mối quan hệ đa phương.Việt Nam đã từng nhận được các giúp đỡ, viện trợ về y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật trong nhiệm kỳ Joe Biden, như đã từng nhận được lô viện trợ vaccine Covid quý giá trong đại dịch, điều mà Donald Trump từng cương quyết từ chối tham gia chương trình nhân đạo này.
Các trợ giúp này có nhiều khả năng sẽ được tiếp tục trong chiến lược sử dụng quyền lực mềm của Hoa Kỳ nói chung hay nhiệm kỳ bà Kamala Harris.Tuy nhiên, trái với Donald Trump 2.0 chỉ chú trọng việc đáp ứng các yêu cầu mậu dịch, Việt Nam có thể phải nhượng bộ một số yêu cầu từ phía Hoa Kỳ về mặt dân chủ và nhân quyền cùng các hoạt động xã hội dân sự khác nếu phía Dân Chủ tiếp tục cầm quyền. Việc trả tự do cho một đôi tù nhân lương tâm ngay trước chuyến đi của Tô Lâm không phải là sự ngẫu nhiên.Việt Nam không có bất cứ tác động nào đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 nhưng việc ai sẽ trở thành tổng thống thứ 47 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ có một ảnh hưởng lớn lao không chỉ đến nước Mỹ mà cả với người dân Việt Nam lẫn cục diện thế giới nói chung.Vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn liệu nước Mỹ sẽ là Donald Trump 2.0 hay Kamala Harris cho đến tháng 11 này. Nhưng với người dân Việt Nam thì nếu dùng lý trí thay cho cảm tính, ắt họ đã phải có câu trả lời và mong đợi ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ tương lai.


Nhã Duy
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Tô Lâm làm ‘dậy sóng’ khi yêu cầu ‘đổi mới’
Hiếu Chân
 
 Image
Ông Tô Lâm. (Hình: Kayla Ng)

Ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, vừa làm dậy sóng với bài viết: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng – yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” được báo chí của đảng đồng loạt đăng tải hôm Thứ Hai, 16 tháng Chín.

Mới tháng trước, ngay sau khi ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) mà ông Nguyễn Phú Trọng để lại, ông Tô Lâm đã yêu cầu “cải cách thể chế nhằm đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…” Bài mới của ông Tô Lâm được coi là một “tín hiệu” về cải cách chính trị mà Việt Nam sẽ thực hiện.

Đổi mới như cũ?


Tuy vậy, trong bài báo dài gần 2,800 chữ, ông Lâm không hề đề cập đến thay đổi thể chế như kỳ vọng mà chỉ đưa ra yêu cầu “đổi mới phương thức lãnh đạo” của đảng; thay đổi cách mà đảng CSVN cai trị đất nước sao cho phù hợp với “kỷ nguyên mới.”

Theo ông Tô Lâm, trong 94 năm qua, đảng CSVN không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo; yêu cầu “đổi mới’ mà ông đưa ra hôm nay chỉ tiếp nối truyền thống đó. Ông đặt ra “bốn nhiệm vụ trọng tâm”: “Thứ nhất, thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của đảng.” “Thứ hai, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là ‘bộ tổng tham mưu,’ đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.” “Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các ‘tế bào’ của đảng.” Và cuối cùng, “Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của đảng.” Chỉ có nhiệm vụ thứ nhất là đáng chú ý; ba nhiệm vụ còn lại chỉ là râu ria trong nội bộ của đảng CSVN.

Chung quy, ông Tô Lâm tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, coi đó là điều hiển nhiên, không thể thay đổi. Ông chỉ yêu cầu “đổi mới” mối quan hệ và lề lối làm việc giữa đảng với nhà nước và các đoàn thể nhân dân, thực hiện nghiêm chỉnh cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” (!) đã được ghi trong bản Hiến Pháp năm 2013. Quan trọng nhất, theo ông Tô Lâm là đảng lãnh đạo chứ không làm thay nhà nước; đảng “lãnh đạo” nhà nước và xã hội thông qua hệ thống chính trị, thông qua pháp luật được thể chế hóa từ chủ trương đường lối của đảng, qua sự tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên (!). “Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật,” ông Tô Lâm viết.

Trong chương trình hội luận dài hơn hai tiếng đồng hồ của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) vào sáng Thứ Ba, 17 Tháng Chín, các nhà phân tích thời sự trong nước và hải ngoại hết sức thất vọng khi thấy bài kêu gọi “đổi mới” của ông Tô Lâm chẳng có gì mới cả mà quay lại với những quan điểm từ thời ông V.I. Lênin (1922), Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và những nghị quyết của đảng CSVN nhiều năm về trước. Bài báo của ông Tô Lâm đầy những khẩu hiệu mòn vẹt đã được nhai đi nhai lại nhiều lần trong các diễn văn của các nhà lãnh đạo đảng CSVN.

Đoạn tuyệt với di sản Nguyễn Phú Trọng?

Tại sao ông Tô Lâm yêu cầu “đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng CSVN” vào lúc này, khi ông vừa lên thay nhà lý luận giáo điều Nguyễn Phú Trọng? Tuy yêu cầu “đổi mới” đó không dẫn tới sự thay đổi thể chế, không thực hành dân chủ, như kỳ vọng của giới trí thức và những người quan tâm đến tương lai đất nước, nhưng liệu nó báo hiệu điều gì mới mẻ cho không khí chính trị ở Việt Nam?

Chúng tôi nghĩ rằng, bằng yêu cầu “tách” đảng khỏi nhà nước, tách quyền “lãnh đạo” của đảng CSVN với quyền “quản lý” của nhà nước, ông Tô Lâm muốn đoạn tuyệt với di sản về quản trị quốc gia của ông Nguyễn Phú Trọng và quay trở lại thời kỳ “kỹ trị” (technocracy) của ông Nguyễn Tấn Dũng. Thời ông Dũng làm thủ tướng chính phủ (2006-2011), và trước đó dưới thời các ông “thủ tướng người miền Nam” Phan Văn Khải (1997-2006), Võ Văn Kiệt (1991-1997), quyền lực của “phe chính phủ” có phần lấn át “phe đảng” của các ông Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-1011). Nhiệm kỳ tổng bí thư của ông Phiêu và ông Mạnh hết sức mờ nhạt, bảo thủ và nhiều tai tiếng cả về đối nội lẫn đối ngoại với Trung Quốc


Thời “kỹ trị” là lúc Việt Nam thoát ra khỏi tình thế bị cô lập, bắt đầu hội nhập với thế giới, phát triển kinh tế trong nước và thu hút được đầu tư nước ngoài. Tuy vẫn là một quốc gia độc tài đảng trị nhưng chính phủ Việt Nam khi ấy đã bắt đầu hướng tới nhà nước pháp quyền, tôn trọng pháp luật, đề cao “chuyên” hơn “hồng,” sử dụng người tài thay cho những kẻ giáo điều và bắt đầu sửa đổi hàng trăm điều luật cho phù hợp dần với các định chế quốc tế mà Việt Nam mới tham gia (ASEAN, WTO, TPP…). Nhưng tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” dưới một thể chế độc tài về chính trị đã dẫn tới tệ nạn tham nhũng khủng khiếp. Chỉ riêng cuộc “cổ phần hóa” doanh nghiệp nhà nước và thành lập các “quả đấm thép” (là những tập đoàn quốc doanh, tổng công ty 90, 91) theo chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng đã khiến đất nước phải trả giá vô cùng đắt, di hại đến tận bây giờ.

Năm 2011, ông Trọng lên nắm quyền lãnh đạo đảng đã quyết định cứu đảng, củng cố quyền cai trị tuyệt đối của đảng trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Đi theo bài của ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc (cầm quyền từ 2013), ông Trọng cho tái lập các ban đảng đã bị giải tán trước đó như Ban Nội Chính Trung Ương, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương để “đốt lò,” chống tham nhũng và kiểm soát hoạt động của các bộ ngành trong chính phủ. Thời ông Trọng, đảng CSVN thò tay vào mọi ngóc ngách, quyết định tất cả mọi việc từ lớn đến nhỏ; các vụ án tham nhũng chẳng hạn sẽ không tiến hành điều tra được khi chưa được tổ chức đảng bật đèn xanh. Chính phủ trở thành một thứ “bù nhìn” vì đã được đảng làm thay, đến mức khi lò ông Trọng cháy rừng rực thì guồng máy chính quyền gần như tê liệt, không ai dám làm gì vì sợ sẽ bị biến thành củi. Công an, tòa án hoạt động theo chỉ thị của đảng; pháp luật chỉ là ý muốn của ông Trọng và bộ sậu của ông trong Bộ Chính Trị.

Có điều, “đốt lò” không làm cho tham nhũng giảm đi mà trở thành đòn phép để các phe cánh triệt hạ nhau và lột trần trước mắt dân chúng bản chất của một chế độ tham tàn “ăn của dân không từ thứ gì,” một đảng cầm quyền chỉ là “một bầy sâu lúc nhúc.” Kinh tế có tăng trưởng dưới thời ông Trọng nhưng lại biến thành nền kinh tế làm thuê cho tư bản ngoại quốc cộng với sự trục lợi từ đất đai, tài nguyên quốc gia. Xã hội tan nát, từ y tế giáo dục đến tôn giáo đạo đức đều xuống cấp thảm hại.

Là người thực dụng, ông Tô Lâm không muốn tiếp tục sự nghiệp của ông giáo sư xây dựng đảng Nguyễn Phú Trọng; có vẻ như ông Tô Lâm muốn quay lại với con đường kỹ trị để mong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi phần nào tính chính danh cầm quyền cho đảng CSVN. Đổi mới phương thức “lãnh đạo” của đảng, đảng không bao biện làm thay chính phủ như lời ông Lâm có thể là dấu hiệu cho thấy ông sẽ “trả lại” quyền quản lý kinh tế-xã hội của nhà nước mà các chính phủ thời ông Kiệt, ông Khải, ông Dũng có được. Việc ông “Ba X” Nguyễn Tấn Dũng “tái xuất” bên cạnh ông Tô Lâm trong các sự kiện gần đây có thể không ngẫu nhiên. Ông Tô Lâm đang muốn tạo dấu ấn của riêng mình chứ không muốn là bản sao, là sự nối dài của triều đại ông Trọng.

Dập tắt khát vọng dân chủ

Tuy vậy, trong bài báo thượng dẫn, ông Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “đảng cầm quyền,” cương quyết chống lại thái độ “buông lỏng sự lãnh đạo của đảng.” Đây có thể là phản ứng của ông – nhà lãnh đạo cao nhất của đảng CSVN – trước trào lưu yêu cầu cải cách chính trị, dân chủ hóa xã hội, yêu cầu đảng CSVN chấp nhận đối thoại, chấp nhận sự khác biệt, sự đa nguyên về tư tưởng, dung nạp xã hội dân sự. Yêu cầu đó đã có từ lâu và là khát vọng cháy bỏng trong hàng ngũ trí thức, kể cả trong các đảng viên đảng CSVN, nhiều người đã và đang trả giá cho khát vọng của mình bằng những án tù dài đằng đẵng.

Mới đây nhất, ông Nguyễn Đình Bin, 80 tuổi đời, 60 tuổi đảng, cựu ủy viên Trung Ương Đảng CSVN, cựu thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao, đã gửi tâm thư tới ông Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đảng và toàn thể đồng bào trong và ngoài nước để đề nghị đổi mới chính trị. Ông Bin cho rằng “hệ thống chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa mà đảng đang ra sức xây dựng và kiên trì bảo vệ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng,” và ông tha thiết đề nghị đảng CSVN “phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để, hội nhập toàn diện và thực sự vào dòng chảy chủ lưu tự do, dân chủ, văn minh của thế giới hiện nay.”

Đề nghị của ông Bin không được chấp nhận, những lá thư của ông trên mạng xã hội đã bị xóa sạch, nhưng nó cho thấy nỗi thất vọng về hiện tình đất nước, nỗi bức bối trong hàng ngũ cán bộ đảng viên của đảng CSVN. Nó không có hiệu quả thực tế như mong muốn của tác giả, nhưng có hiệu quả về mặt tiếng vang, đánh thức tâm tư nhiều người.

Bài báo lần này của ông Tô Lâm có thể nhằm phản bác và triệt tiêu những tiếng nói “lạc lõng” như của ông Bin, đi kèm với những chiến dịch bắt bớ, xử tù tràn lan những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam hiện nay. Đừng tưởng “đổi mới” là mở cửa, đừng mơ tới ngày đảng CSVN chấp nhận sự khác biệt hay chia sẻ quyền lãnh đạo với các tổ chức chính trị xã hội khác, ông Tô Lâm có ngụ ý như vậy. Có thể vì ông và đảng của ông đang lo sợ “đổi mới chính trị thật sự” sẽ dẫn tới bất ổn, thậm chí sẽ triệt tiêu vai trò thống trị cực quyền của đảng CSVN như diễn biến ở Liên Xô và Đông Âu ngày trước.

Đồng bào sẽ sung sướng?

Sự “đổi mới” nửa vời như vậy của ông Tô Lâm sẽ mang lại điều gì cho đất nước, xã hội Việt Nam? Chúng tôi đoán, chính phủ Việt Nam dưới sự điều hành của ông Tô Lâm sẽ có không gian hoạt động rộng rãi hơn và giới doanh thương sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ sẽ ít bị “vòng kim cô nội chính” của các ban đảng CSVN chụp xuống biến họ thành củi mà không có điềm báo trước. Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp cũng là cách để làm cho hầu bao, két sắt của các quan chức thêm đầy, củng cố lòng trung thành và sự ủng hộ của họ với đảng và chế độ.

Bài báo của ông Tô Lâm không đề cập nhiều đến nhân dân trong cái cơ chế quái đản: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” (!) Ông lập luận một cách khó hiểu: “Sự lãnh đạo của đảng để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.” Ông nhắc lại những tuyên bố sáo rỗng vẫn thường được cơ quan tuyên giáo ra sức nhồi nhét vào đầu óc dân chúng: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của tổ quốc, thì đảng không có lợi ích gì khác,” “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (!)

Đồng bào có sung sướng hơn không khi đảng CSVN thu mình vào vai trò “lãnh đạo” và trao “quyền quản lý” lại cho nhà nước? Không biết trước được. Có điều, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, dù thời ông Trọng giáo điều hay thời ông Dũng kỹ trị thì người dân Việt Nam vẫn chưa ngẩng đầu lên được khi quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc vẫn chưa thuộc về mỗi người mà nằm trong tay những kẻ cực quyền, lúc nào cũng toan tính trục lợi trên mồ hôi nước mắt người dân mà miệng cứ huênh hoang: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của tổ quốc, thì đảng không có lợi ích gì khác!”
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Nga sẽ thua!
13/10/2024
Đoàn Bảo Châu


Từ trước cuộc chiến, kinh tế của Nga đã không phải là quá mạnh, khi quyết định khởi động một cuộc chiến mới trên lãnh thổ Ukraine, Nga đã làm rung chuyển động lực quân sự, kinh tế và chính trị xã hội của mình.


Chúng ta thường tập trung vào cuộc chiến hiện tại của Nga, hướng tới việc chiếm đóng ở Ukraine. Nhưng quân đội của Putin cũng đang chiến đấu chống lại chính lực lượng của mình.

Ngày 6 tháng 8 khi các lực lượng vũ trang Ukraine phát động một chiến dịch quân sự ở khu vực Kursk. Quân đội Nga, đã kiệt quệ từ đầu cuộc chiến, từ đấy lại phải đối mặt với cuộc tấn công lịch sử của quân đội Ukraine ngay trên biên giới của mình. Lần đầu tiên kể từ thời Liên Xô, lực lượng Ukraine vượt qua đường biên giới Nga, và điều này tác động không nhỏ tới tâm lý Kremlin

Điều này dẫn đến sự hỗn loạn nội bộ ở Nga và khởi đầu của một cuộc nội chiến âm ỉ bên dưới. Thất bại trong việc bảo vệ biên giới, sự đào ngũ và đầu hàng của lính Nga, khoảng 10.000, sự mất dần niềm tin vào Putin trong nhiệm kỳ mới của ông và tất nhiên, những tổn thất quân sự quá lớn của Nga.

Với 190.000 binh sĩ và hàng chục nghìn xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép mà vẫn không thể đạt được mục đích, Putin đã rót thêm 38.000 lính ở Kursk với 38.000. Nga cũng thông báo sẽ ban hành sắc lệnh cho 180.000 quân bổ sung. Tổn thất của quân đội Nga đến nay đã lên tới từ 500.000 đến 750.000 người, quyết định của Putin về việc triển khai thêm quân và tuyển mộ mới đã gây ra hỗn loạn và bất bình trong nước.

Mặc dù Putin vẫn mô tả cuộc chiến ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng những chiến lược gần đây cho thấy mọi thứ thực sự không diễn ra tốt đẹp. Mục tiêu của nhà lãnh đạo Nga là chiếm Luhansk, Donetsk, Zaporizhia và Kherson. Tuy nhiên, chính sách chiếm đóng của Putin ở bốn khu vực chính này đã tạo ra một nhóm đối lập với nguồn nhân lực khổng lồ, bao gồm cả công dân Nga sống ở đó. Khi số lượng họ tăng lên, lực lượng Nga buộc phải rút khỏi Kherson, tiến hành chiến dịch chiếm đóng rất chậm ở Zaporizhia, chịu những thảm kịch không thể tin được ở Donetsk, đặc biệt là ở Pokrovsk, Chasiv Yar và Bakhmut, và đối mặt với các cuộc phản công dữ dội của quân đội Ukraine ở Luhansk.

Nhiều cuộc không kích của quân đội Ukraine ở các khu định cư biên giới như Kursk, Belgorod và Bryansk đã thổi bùng các cuộc nổi dậy nội bộ ở Nga. Quá nhiều công dân Nga hiện cảm thấy rằng cuộc chiến đang làm tổn hại đất nước họ. Đồng thời, số lượng kỷ lục binh sĩ Nga tử chiến đã làm lung lay niềm tin của công dân Nga vào Kremlin. Tất cả những tiêu cực này thực sự đang kéo Nga tới một thời hạn quân sự, kinh tế và chính trị xã hội.

Tuy nhiên, Kremlin đã áp dụng một chính sách rất khắc nghiệt trong nước, áp đặt các hình phạt như 10 năm tù cho những người phản đối chiến tranh. Sự đàn áp này làm người dân Nga xa lánh cuộc chiến. Putin cố gắng áp dụng quyền lực cưỡng chế và chế độ quân sự, nhưng điều này lại như đổ dầu vào lửa với tâm lý vốn đã bất bình của công dân Nga.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, hơn một triệu công dân Nga đã rời khỏi đất nước vì sự đàn áp của Kremlin. Giờ đây, trong giai đoạn quan trọng khi chiến tranh vẫn đang diễn ra, số người rời khỏi Nga đang tăng lên, bởi nếu không rời đi, họ sẽ trở thành “thịt pháo” như các chuyên gia quân sự gọi. 590.000 binh sĩ Nga bị coi là “thịt pháo” đã bị giết bởi bom đạn, bị thương, chạy trốn khỏi tiền tuyến hoặc đầu hàng Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Và sự gia tăng số người rời khỏi đất nước đang tiến triển tỷ lệ thuận.

Putin không nhận ra điều đó, nhưng tất cả những điều này đang gia tăng sự hỗn loạn nội bộ ở Nga, khiến sự bất bình của người dân tăng lên. Do sự bất ổn nội bộ, bộ chỉ huy quân sự của Nga và cấu trúc bên trong quân đội đang dần sụp đổ. Tham nhũng của binh sĩ Nga, sự đối xử khắc nghiệt của chỉ huy Nga với binh lính đã đẩy nhanh sự sụp đổ này. Những tình huống tai tiếng như binh sĩ Nga bán vũ khí của chính họ, tài nguyên dầu diesel và xăng thuộc về quân đội đã tiết lộ sự thoái hoá trong tinh thần và đạo đức binh lính trong quân đội Nga.

Các chỉ huy Nga sử dụng bạo lực đối với binh lính của họ, phá hủy tinh thần yêu nước trong quân đội. Kết quả là, công dân Nga ngày càng phản đối mạnh mẽ việc con trai và con gái họ phục vụ trong quân đội một cách vô nghĩa. Hàng trăm nghìn công dân Nga đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống lại kế hoạch động viên và sắc lệnh triển khai thêm quân của Putin. Số lượng các cuộc biểu tình chống Putin vẫn đang gia tăng trong nước.

Vậy chiến lược mà người Ukraine đã áp dụng trong giai đoạn quan trọng này là gì? Về mặt quân sự, Ukraine đã đưa ra một lựa chọn tuyệt vời cho công dân Nga vì quyết định phản đối chiến tranh của họ. Theo lựa chọn này, những người Nga muốn đầu hàng có thể chào đón một cuộc sống mới. Lựa chọn được hỗ trợ bởi dự án “Tôi muốn sống” đã tạo ra hy vọng mới cho công dân Nga.

Hàng ngàn người Nga mỗi ngày gọi cho các tổng đài viên Ukraine làm việc dưới dự án này, nói rằng họ muốn đầu hàng hoặc quyết tâm đầu hàng. Số công dân Nga đã đầu hàng lực lượng vũ trang Ukraine cho đến nay vẫn là một bí ẩn, nhưng ước tính trên 10.000 người. Bộ Quốc phòng Ukraine không muốn chia sẻ những con số này hoặc thông tin cụ thể về công dân Nga đã đầu hàng. Mục đích ở đây là không đặt những người Nga đã đầu hàng vào nguy hiểm tính mạng.

Khi người Nga đầu hàng, tinh thần chống chiến tranh của họ tăng lên khi họ có một cuộc sống nhân đạo theo Công ước Geneva. Theo thời gian, cảm giác này chuyển thành sự phản đối đối với chiến lược quân sự và chính trị của Nga. Được biết, có tới 3.000 cựu binh sĩ Nga và Belarus, những người đào ngũ tiền tuyến và công dân bình thường cảm thấy như vậy, đang là một phần của các nhóm “Quân đoàn Tự do” trong quân đội Ukraine. Những đơn vị đặc biệt này đã đóng vai trò quan trọng trong việc quân đội Ukraine hiện kiểm soát 1.300 km và hàng trăm ngôi làng ở vùng Kherson.

Sức mạnh quân sự của Ukraine đã phát triển đến mức chưa từng có và cũng nhận được rất nhiều hỗ trợ từ phương Tây. Gần đây nhất, Hoa Kỳ đã công bố gói viện trợ lớn trị giá 7,9 tỷ đô la và thêm 375 triệu đô la viện trợ quân sự. Ngoài Hoa Kỳ, các quốc gia như Đức, Pháp và Anh cũng cung cấp một khoản tài trợ lớn để duy trì sức mạnh quân sự và kinh tế của Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cũng tăng lợi thế của Ukraine trong cuộc chiến. Các lệnh trừng phạt phương Tây được coi là một trong những bằng chứng quan trọng nhất cho thấy kinh tế Nga đang đối mặt với suy thoái sâu sắc do lạm phát. Ngân hàng Trung ương Nga đã tiếp tục tăng lãi suất trong ba năm liên tiếp: 2022, 2023 và 2024. Công dân Nga phải đối mặt với những con số gây sốc: lãi suất trong nước hiện ở mức 18%.

Lạm phát đang tăng do thiếu hụt lao động, đẩy lương lên cao. Điều này gây áp lực lớn lên phía cung, đẩy giá hàng hóa tăng. Vladimir Putin đang đổ thêm dầu vào lửa lạm phát bằng cách bơm thêm tiền vào nhà nước.

Nhà lãnh đạo Nga đã thông qua các quyết định tăng chi tiêu cho quân đội, cho rằng sự mở rộng kinh tế của đất nước. Nhưng sự mở rộng kinh tế của Nga được thúc đẩy bởi chi tiêu nhà nước, không phải bởi mở rộng sản xuất. Tất cả những hoàn cảnh bất lợi này đã khiến nhiều công dân Nga quay lưng lại với Putin. Giờ đây, có khả năng xảy ra một cuộc nội chiến gần như không thể đảo ngược ở Nga. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc, tình hình nguy hiểm này trong nước không được dự kiến sẽ chấm dứt.

Đến giờ phút này, tôi tin chắc là Nga sẽ thất bại và cũng xin nói rằng việc ông Tô Lâm kí phản đối cuộc xâm lược của Nga là một bước đi sáng suốt tuy khá muộn.
bichphuong
Posts: 635
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by bichphuong »

Quân của Kim Jong Un vừa đưa tới Ukraine đã trốn
Mai Nguyễn
20 tháng 10, 2024

 Image
(Ảnh: Kiyv Independent)

Có tin khoảng 18 binh sĩ Bắc Hàn đã bỏ trốn khỏi tiền tuyến của Nga, mặc dù các lực lượng phối hợp của Nga và Bắc Hàn đang tìm kiếm khắp nơi.

Các binh sĩ của Bắc Hàn đã được triển khai ở Kursk và Bryansk oblasts của Nga, cách biên giới với Ukraine khoảng bốn dặm, từ đó xuất hiện các trường hợp đào ngũ, hãng tin Suspilne cho hay.

Đài truyền hình trích dẫn lời các quan chức tình báo cho biết quân đội Nga đang truy lùng các binh sĩ Bắc Hàn, trong khi các chỉ huy thì đang cố gắng che giấu việc đào ngũ với cấp trên của họ.


Theo tin tức, lúc này Moscow đang lên kế hoạch tập hợp một tiểu đoàn quân do Kim Jong Un cử đến để giúp đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk.

Hãng tin LIGA của Ukraine hôm thứ Ba 15 Tháng Mười đưa tin rằng các binh sĩ Bắc Hàn sẽ tham gia vào các nhiệm vụ chiến đấu ở các khu vực Tây Nam, nơi Nga vẫn đang chiến đấu với sự xâm nhập của Ukraine.

Các nguồn tin của LIGA cho biết binh lính Bắc Hàn đã được thiết lập để thành lập một “tiểu đoàn Buryat đặc biệt”, được đặt tên theo nhóm dân tộc Mông Cổ bản địa ở khu vực Siberia cũng như miền bắc Mông Cổ và Trung Quốc.

Một nguồn tin khác cho biết có thể lực lượng của Bắc Hàn có mặt tại vùng chiến, đã lên đến 3.000 người.

Bình Nhưỡng và Nga đã cam kết mối quan hệ tầm cao mới, qua đó sẽ cung cấp viện trợ cho nhau nếu bị tấn công.


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Bắc Hàn lần đầu tiên trong 24 năm vào tháng 6, khi ông và Kim ký kết một cái gọi là “Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện” với một điều khoản tương tự như Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nói rằng một cuộc tấn công vào bên nào là một cuộc tấn công vào tất cả.

Nếu một trong hai quốc gia ” rơi vào tình trạng chiến tranh do một cuộc xâm lược vũ trang” thì quốc gia khác “sẽ ngay lập tức cung cấp sự trợ giúp quân sự và các phương tiện khác với tất cả các phương tiện theo ý của mình,” hiệp ước được công bố bởi truyền thông nhà nước Bắc Hàn.

Để đổi lấy từ sự hỗ trợ quân sự, Bắc Hàn có thể nhận được hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật từ Nga và tích lũy kinh nghiệm chiến đấu. Mặc dù về mặt kỹ thuật, Bắc Hàn đang có chiến tranh với Đại Hàn nhưng nước này đã không tham gia vào các hoạt động chiến đấu thực tế kể từ năm 1953. Ukraine trên thực tế có thể là một nơi thử nghiệm các khí tài quân sự của nước này.

Tướng Charles Flynn, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phát biểu trong một hội nghị gần đây ở Washington rằng không nên xem nhẹ việc triển khai quân của Bắc Hàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì giới quan sát nói khả năng huấn luyện và chiến đấu của Bắc Hàn đang bị đặt dấu hỏi. Những người lính gần như chỉ là hơn bia đỡ đạn một chút.

Không rõ liệu Bắc Hàn có cố gắng tiếp cận phòng tuyến của Ukraine hay không, nhưng vị trí này được coi là cơ hội duy nhất để họ trốn thoát khỏi sự kềm kẹp của liên minh Nga-Bắc Hàn.

Rất ít công dân Bắc Hàn được phép đi ra nước ngoài, và những người cố gắng thoát ra nước ngoài sẽ phải đối mặt với hình phạt khắc nghiệt. Các vận động viên Olympic phải trải qua một cuộc ‘thanh lọc ý thức hệ’ kéo dài hàng tháng sau các trận đấu để loại bỏ mọi ảnh hưởng của nước ngoài. Các vận động viên và một số ít người khác được phép đi ra ngoài Bắc Hàn hiếm khi đào tẩu vì sợ gia đình và thậm chí cả bạn bè của họ bị trả thù.

Tờ Kyiv Post và Interfax-Ukraine trích dẫn nguồn tin tình báo cho biết sáu sĩ quan Bắc Hàn đã thiệt mạng trên tiền tuyến của Nga gần khu vực Donetsk ở Ukraine vào 3/10.

Theo kênh Telegram của Nga Kremlin Snuffbox, có thêm ba sĩ quan Bắc Hàn bị thương trong cuộc không kích và được đưa đến Moscow để điều trị.

Năm ngoái, Tổng cục Tình báo Ukraine, đơn vị tình báo quân sự của Kyiv, đã báo cáo về sự xuất hiện của một số quân nhân Bắc Hàn, bao gồm cả nhân viên kỹ thuật, đến vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng gần Donetsk.

Trước đó, Trung tâm Kháng chiến Quốc gia – do Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của quân đội Ukraine thành lập – đã có báo cáo vào tháng 9 năm 2023, rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thuyết phục nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un cử quân nhân đến các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng là Donetsk và Luhansk để làm công việc xây dựng.
dailien
Posts: 2476
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by dailien »

Việt Nam giữa lằn ranh lịch sử: Cải cách hay làm nô lệ cho Bắc Kinh?
Vũ Đức Khanh
24-10-2024

Phân tích chính trường Việt Nam từ Đại hội Đảng XIII đến nay

Từ đầu năm 2021, sau Đại hội Đảng XIII, chính trường Việt Nam đã trải qua nhiều biến động lớn, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng ở các vị trí lãnh đạo cấp cao. Chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm, đất nước đã có bốn Chủ tịch nước khác nhau, một điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Việc thay đổi liên tục ở vị trí Chủ tịch nước cho thấy sự xung đột mạnh mẽ giữa các phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, sự kiện gần đây nhất là việc ông Tô Lâm, người giữ chức vụ Chủ tịch nước từ ngày 22/05/2024, bị thay thế bởi ông Lương Cường vào ngày 21/10/2024 chỉ sau 4 tháng 29 ngày tại vị.

Quyền lực và những biến động nội bộ

Tại Đại hội Đảng XIII, quyền lực tiếp tục tập trung vào tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã giữ chức vụ này từ năm 2011. Tuy nhiên, bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam, sự giằng co quyền lực giữa các phe phái đã trở nên rõ ràng hơn. Một phe ủng hộ mô hình chính trị độc đảng bảo thủ, gần gũi với Trung Quốc, còn một phe khác ủng hộ cải cách và mở cửa với phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Ông Tô Lâm, một nhân vật mạnh mẽ (được cho là) với tầm nhìn cải cách, đã bước lên giữ vị trí Chủ tịch nước vào ngày 22/05/2024 và Tổng Bí thư Đảng từ ngày 03/08/2024, một dấu hiệu cho thấy xu hướng cải cách đang gia tăng. Với việc nắm giữ hai vị trí quyền lực cao nhất, ông Tô Lâm đã có ý định đẩy mạnh cải cách toàn diện, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả chính trị. Các chuyến công du đến New York và Paris vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2024 của ông Tô Lâm đã thể hiện rõ quan điểm ngoại giao mở cửa với phương Tây, tạo ra những cam kết mạnh mẽ đối với Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc và sự giằng co ảnh hưởng

Sự xuất hiện của ông Tô Lâm trên trường quốc tế với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư, một vị trí như một nguyên thủ quốc gia có tầm ảnh hưởng trong các diễn đàn đa phương, đã gây lo ngại cho Trung Quốc. Với việc công khai ủng hộ quan hệ sâu sắc hơn với phương Tây, ông Tô Lâm dường như đang đi ngược lại lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tìm cách giữ Việt Nam trong quỹ đạo ảnh hưởng của mình, tránh để Việt Nam rơi vào tay các liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Một giả thuyết hợp lý là Trung Quốc đã sử dụng ông Lương Cường, người được cho là thân cận với ông Nguyễn Phú Trọng và có mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, để ngăn cản đà tiến của ông Tô Lâm. Ông Lương Cường, với vai trò là một nhân vật quân đội, đã được bầu làm Chủ tịch nước vào ngày 21/10/2024, thay thế ông Tô Lâm trong một quyết định không phải là hoàn toàn đột ngột nhưng cũng không phải là không có nghi vấn vì Đảng đã không đưa ra một lý do nào cụ thể. Việc thay thế này có thể là một động thái nhằm cô lập ông Tô Lâm khỏi các diễn đàn quốc tế, đồng thời giữ Việt Nam dưới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Các yếu tố quốc tế và kế hoạch cải cách của ông Tô Lâm

Ông Tô Lâm không chỉ giới hạn các mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và châu Âu. Ông đã có kế hoạch công du tới Seoul và Pyongyang (theo một nguồn tin khả tin), một bước đi có thể thay đổi cục diện địa chính trị trong khu vực. Việt Nam, với vị thế trung lập, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải vấn đề Bán đảo Liên Triều, tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh, với sức mạnh chi phối Bắc Hàn, rõ ràng không muốn điều này xảy ra, và việc ông Tô Lâm bị loại bỏ có thể liên quan trực tiếp đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát những động thái ngoại giao của Việt Nam.

Việc ông Lương Cường lên thay Tô Lâm vào đúng thời điểm này có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã thành công trong việc cô lập “phe cải cách” ở Việt Nam. Trung Quốc không muốn Việt Nam tiến gần hơn với phương Tây và sẽ tìm mọi cách để duy trì ảnh hưởng của mình tại Hà Nội. Sự thay đổi nhanh chóng ở vị trí Chủ tịch nước, từ một nhân vật cải cách sang một người thân cận với quân đội và có mối liên hệ gần gũi với Trung Quốc, có thể là một phần trong chiến lược dài hơi của Bắc Kinh nhằm bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực Đông Nam Á.

Cuộc chiến thầm lặng giữa Trung Quốc và Mỹ tại Việt Nam

Việt Nam đang trở thành một chiến trường thầm lặng giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi Trung Quốc tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình thông qua các mối quan hệ kinh tế và chính trị với các nhóm thân Bắc Kinh trong ĐCSVN, Mỹ và phương Tây lại muốn kéo Việt Nam vào liên minh nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Ông Tô Lâm, với tầm nhìn “cải cách” (kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?), đã bị ngăn cản không chỉ bởi các lực lượng bảo thủ trong ĐCSVN mà còn bởi áp lực từ Trung Quốc. Việc thay thế ông Tô Lâm bởi một nhân vật thân cận với Bắc Kinh cho thấy rằng Trung Quốc đang giành ưu thế trong cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì sự độc lập và cân bằng giữa các thế lực lớn.

Con đường cho tương lai Việt Nam

Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ lịch sử quan trọng, và không thể phủ nhận rằng Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp và trực tiếp của dân tộc. Trung Quốc không chỉ muốn kiểm soát Việt Nam về kinh tế, mà còn muốn thao túng chính trị để giữ Hà Nội trong quỹ đạo của mình. Do đó, các lực lượng yêu nước cần tỉnh táo nhận diện rõ ai là bạn, ai là thù. Chúng ta không thể để Trung Quốc tiếp tục lợi dụng các nhóm thân Bắc Kinh trong ĐCSVN để tác động đến vận mệnh đất nước.

Cần phải xây dựng một lực lượng chính trị mạnh mẽ, quyết tâm cải cách chính trị toàn diện, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Các nhà cải cách trong ĐCSVN, những người sẵn sàng trở về với nhân dân và bảo vệ chủ quyền quốc gia, cần nhận được sự ủng hộ từ các lực lượng dân chủ trong nước. Chỉ có cải cách, với dân tộc và chủ quyền làm trung tâm, mới có thể giúp Việt Nam giữ vững độc lập và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nếu không hành động kịp thời, Việt Nam sẽ tiếp tục bị Trung Quốc thao túng, và các lực lượng dân chủ trong nước sẽ không có tiếng nói trong những quyết sách quan trọng của đất nước. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào sự đoàn kết của các lực lượng yêu nước, trong đó dân chủ và chủ quyền phải là những giá trị cốt lõi dẫn dắt sự phát triển của đất nước.

Một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng phải là mệnh lệnh của thời đại, kim chỉ nam hành động của tất cả các lực lượng yêu nước và dân chủ Việt Nam.
dailien
Posts: 2476
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by dailien »

Ngay cả khi Harris thắng cử, cuộc bầu cử của nước Mỹ vẫn là một thảm kịch
Ban Biên tập EAF
Song Phan chuyển ngữ

28-10-2024
Bên ngoài nước Mỹ, người ta thường nghe rằng khả năng tiếp tục tranh cử của Donald Trump — bất chấp việc ông ngày càng kêu gọi tới sự cố chấp và khinh miệt rõ ràng đối với pháp quyền và các chuẩn mực của sự công bằng dân chủ — cho thấy rằng có điều gì đó đặc biệt bị phá vỡ trong xã hội Mỹ.

Đây là một quan điểm vừa quá bi quan vừa quá nhuốm màu bởi chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ. Trong mọi nền dân chủ lớn, luôn có một nhóm cử tri có sở thích chính trị phi tự do hoặc thậm chí là độc đoán, và thường có phần lớn những người giảm nhẹ hoặc bào chữa cho những hành vi sai trái của một nhà lãnh đạo mà họ cảm thấy đang bảo vệ lợi ích của họ. Ở châu Á, những thành công trong bầu cử của Joko Widodo ở Indonesia (và người kế nhiệm ông, Prabowo Subianto), Rodrigo Duterte ở Philippines và Narendra Modi ở Ấn Độ đều là minh chứng cho động lực này.


Rõ ràng là rất đáng buồn khi thấy chủ nghĩa dân túy độc đoán này ăn sâu vào một trong những đảng lớn ở quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất thế giới, dù Trump thắng hay thua. Quan điểm lạc quan của nhiều người Mỹ về một chính trị gia bị chính cựu chánh văn phòng của mình dán nhãn là phát xít, thật đáng lo ngại. Nhưng điều này không phải là duy nhất khi xem xét trong bối cảnh chính trị phi tự do toàn cầu — và đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng những đe dọa đối với nền dân chủ ở phương Tây chủ yếu xuất phát từ bên trong, không phải từ Bắc Kinh hay Moscow.

Hoa Kỳ đặc biệt không may mắn trong số các nền dân chủ giàu có trên thế giới khi có một số đặc điểm trong hệ thống chính trị của mình — một hệ thống sơ bộ không có điều khoản loại trừ, trong đó một người ngoài cuộc theo chủ nghĩa dân túy có thể đánh bại đa số ủng hộ chế độ nhưng chia rẽ, và hệ thống đại cử tri đoàn có thể tạo ra những chiến thắng bất ngờ cho người thua cuộc ở phiếu phổ thông — phù hợp với các chiến lược của Trump. Các phân tích về những gì Trump ‘nói về nước Mỹ’ cần phải tính đến cách mà sự bất bình và phân cực vốn đã đưa Trump lên bản đồ chính trị tương tác với các yếu tố thể chế này.


Điều này không nhằm giảm nhẹ thiệt hại mà Trump phải gánh chịu nếu ông ta thắng cử vào ngày 5 tháng 11. Lý lẽ (tương đối) bình tĩnh về Trump luôn là, khi đưa ra những hứa hẹn kỳ quặc ông ta không thật sự có ý như vậy, hoặc ông sẽ không bao giờ có thể thực hiện chúng vì bản thân bất tài và lười biếng, hoặc vì có sự cản trở của những nhà kỹ trị bảo thủ chính thống hơn xung quanh ông.

Quan điểm đó bị phá vỡ bởi thực tế là Trump thực sự đã thực hiện các lời hứa kinh tế cốt lõi của mình vào lần trước — một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cắt giảm lớn thuế và những nỗ lực chính trị hóa tình trạng luật lệ và tư pháp của Hoa Kỳ. Cay đắng vì thất bại năm 2020 và khả năng phải chịu hậu quả pháp lý cho những nỗ lực lật ngược nó, và tách xa với những nhân vật chính sách kinh tế và an ninh quốc gia của Đảng Cộng hòa thông thường đã từng xuất hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, sự bất tài và tội phạm của Trump có khả năng sẽ được đưa ra một cách nguyên vẹn trong một nhiệm kỳ thứ hai.


Đó là lý do tại sao những suy nghĩ bốc đồng của Trump về kinh tế, từ thuế quan toàn diện đến trục xuất hàng loạt, đến làm suy yếu tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang, cần được xem xét nghiêm túc như một bản kế hoạch kinh tế tiềm năng — một kế hoạch sẽ làm lạm phát tồi tệ hơn, kìm hãm tăng trưởng và gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tất cả những ai quan tâm đến nền dân chủ Hoa Kỳ và muốn duy trì sự phục hồi chủ nghĩa quốc tế của Hoa Kỳ như một triển vọng thực tế, sẽ cầu mong chiến thắng — và càng có tính quyết định càng tốt — cho Kamala Harris và Tim Walz.

Nhưng như Peter Drysdale và Liam Gammon viết trong bài báo chính của tuần này, một cuộc tính sổ trung thực về những rủi ro dính dáng đến cuộc bầu cử này đối với châu Á trong ngắn hạn đến trung hạn, đặc biệt là về kinh tế, sẽ kết luận rằng cuộc bầu cử này không như những gì chúng ta thấy.


Họ nói rằng, ‘Ngay cả khi Hoa Kỳ xoay xở để tránh thảm họa – cho các thể chế dân chủ, sự gắn kết xã hội và vị thế quốc tế – một nhiệm kỳ thứ hai của Trump, thì ‘thực tế khắc nghiệt vẫn là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đã thay đổi cơ bản cách các nhà chiến lược chính sách kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương phải suy nghĩ về vai trò của Hoa Kỳ trong chế độ thương mại toàn cầu’, theo những cách cũng sẽ định hướng cho chính sách của chính quyền Harris.

Chính sách thương mại ‘lấy người lao động làm trung tâm’ (worker-centric) hiện đang được Joe Biden áp dụng chỉ đơn giản là một sự đổi tên có tính tiến bộ của chủ trương ‘Nước Mỹ trước hết’ (America First). Trước đây, ngoại giao kinh tế quốc tế ‘lấy người lao động làm trung tâm’ chỉ có nghĩa là nhấn mạnh vào sự hội tụ trong tiêu chuẩn lao động giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại đa phương, như người ta đã thấy trong cách tiếp cận của chính quyền Obama đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Giờ đây, tất cả dường như là một kỷ nguyên vàng cho sự lãnh đạo của Hoa Kỳ về thương mại và sự tham gia kinh tế với Châu Á – Thái Bình Dương. Sự tập trung được cho là vào người lao động trong chính sách thương mại ‘lấy người lao động làm trung tâm’ ngày nay không bao hàm việc sử dụng quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ như một con bài mặc cả để thúc đẩy các cải cách thân thiện với lao động ‘phía sau biên giới’ ở nước ngoài trong khuôn khổ tự do hóa đa phương, theo kiểu những năm thời Obama. Thay vào đó, nó có nghĩa là “sự đồng thuận Washington mới” do Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đưa ra – được đánh dấu bằng thuế quan, chính sách công nghiệp và việc sử dụng lá bài thoát khỏi nhà tù an ninh quốc gia dể bảo vệ các khu vực ‘chiến lược’.

Điều đó đã áp đặt nhiều chi phí lên nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và sẽ áp đặt chi phí cao lên Hoa Kỳ trong dài hạn, dù trong ngắn hạn có thúc đẩy một số nền kinh tế trong khu vực của chúng ta từ ‘việc tích hợp sản xuất các nước bạn vào hệ chuỗi cung ứng trong nước’ (friend-shoring) và sự thúc đẩy việc làm tại Hoa Kỳ và đầu tư vào khu vực tư nhân được ghi nhận là nhờ ‘chuyển việc làm về nước’ (re-shoring) của các ngành công nghiệp được trợ giúp bởi chính sách công nghiệp và bảo vệ thương mại thời Biden.

Bình Luận từ Facebook
lengoi
Posts: 493
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by lengoi »

Hòa bình sẽ đến
Trần Thế Kỷ
 7 tháng 11, 2024

 Image
(Hình minh họa: Nelly Denysova/Unsplash)
Trong tình hình xung đột Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng, Moscow nói chỉ chấp nhận đàm phán hòa bình nếu Kyiv công nhận bán đảo Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas thuộc chủ quyền của Nga.

Về phần mình, Kyiv luôn tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán nếu Moscow trả lại cho Ukraine bán đảo Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas. Nghĩa là cả hai, không ai chịu ai.

Song mới đây, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine là ông Andrii Yermak nói rằng, để đàm phán giải quyết xung đột, cần quay trở lại biên giới năm 2022 (lúc đó Crimea đã trong tay Nga). “Sau đó chúng tôi sẽ nói về cách lấy lại chủ quyền của mình cho tới đường biên giới năm 1991 (lúc đó Crimea đang trong tay Ukraine).


Theo ông Yermak, Tổng Thống Zelensky chưa bao giờ bày tỏ sẵn sàng thỏa hiệp về lãnh thổ, nhưng sẵn sàng đàm phán với Nga dựa trên tình hình trước khi diễn ra cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.

Vậy có thể nói Kyiv đang có một sự uyển chuyển, nếu không nói là có chút nhượng bộ với Moscow, khi không còn yêu cầu Nga phải trả lại cho Ukraine toàn bộ Crimea và 4 tỉnh vùng Donbas thì mới ngồi vào bàn đàm phán. Nghĩa là với Ukraine, xung đột có thể chấm dứt mà không nhất thiết Crimea đã được Nga trả lại cho Ukraine, dù trên danh nghĩa, Ukraine vẫn xem Crimea thuộc chủ quyền của mình.

Tổng Thống Zelensky từng nói: “Chiến tranh đã khởi đầu ở Crimea thì sẽ kết thúc ở Crimea.” Nay, với sự mềm mỏng trong đối sách của Kyiv, chiến tranh vẫn có thể kết thúc, nhưng không nhất thiết phải kết thúc ở Crimea.

Sau gần 3 năm chinh chiến, cả Nga và Ukraine đều đang trong tình trạng sức lực mỏi mòn. Cả hai có thể sẽ phải chấp nhận có nhượng bộ nào đó với đối phương. Tổng Thống Zelensky không ít lần nói Ukraine muốn chiến tranh sớm kết thúc. Tổng Thống Putin nhiều lần muốn Ukraine đàm phán hòa bình. Điều này cho thấy cả Nga và Ukraine đều đã thấm mệt vì cuộc chiến.

Người ta còn nhớ năm 2014, khi Nga bất ngờ chiếm bán đảo Crimea của Ukraine, thì Phương Tây đã tỏ ra không mấy sốc. Dường như trong suy nghĩ của Phương Tây, Crimea vốn là của Nga. Của Nga thì cứ để Nga lấy lại. Chiến tranh làm gì cho máu me, tốn kém. Thiết nghĩ, nếu Ukraine chấp nhận không lấy lại Crimea (nhưng vẫn xem Crimea thuộc chủ quyền của mình) mà chỉ lấy lại 4 tỉnh vùng Donbas để kết thúc chiến tranh với Nga, thì xem ra đây là một giải pháp tương đối chấp nhận được cho Ukraine.

Nhưng không chắc Nga sẽ dễ dàng chấp nhận giải pháp này, bởi như thế khác nào chấp nhận đầu hàng, vì trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt,” thì Crimea vốn đang trong tay Nga. Song sau khi tính đi tính lại, tính tới tính lui, rất có thể Nga sẽ phải chấp nhận giải pháp này. Vì, giống như Ukraine, Nga cũng không còn mấy sức lực để theo đuổi cuộc chiến.

Quốc Hội Nga mới đây vừa thông qua ngân sách quốc phòng cho năm sau, tăng gần 30% so với năm nay. Ngân sách mới được cho là sẽ đưa chi tiêu quốc phòng lên $145 tỷ vào năm 2025, nhiều hơn cả chi cho phúc lợi và giáo dục cộng lại. Con số này chưa bao gồm các nguồn lực khác, như chi tiêu cho an ninh nội địa.

Vì cuộc chiến Ukraine, Nga đã tăng chi tiêu quân sự lên mức chưa từng thấy kể từ thời Liên Xô. Liệu Nga có thể kham nổi gánh nặng quốc phòng được bao lâu nữa trong tình hình nền kinh tế Nga đang bị bóp nghẹt bởi cấm vận của Phương Tây?

Thiết nghĩ, hòa bình sẽ đến với người dân Ukraine và Nga một khi Moscow nhận ra rằng nước Nga không còn có thể chịu đựng được nữa trước áp lực của cuộc chiến, và rằng được Crimea vẫn tốt hơn là chẳng có gì.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests