Bình Luận , Quan Điểm

dailien
Posts: 2476
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by dailien »

Image

Tướng John Kelly cảnh báo Trump phát xít, sẽ cai trị quốc gia như kẻ độc tài
By Thanh Nguyen -
October 22, 20240639

(CaliToday) – Ít có viên chức cao cấp nào dành nhiều thời gian ở Toà Bạch Ốc với ông Donald J. Trump hơn Tướng Thuỷ quân Lục chiến hồi hưu John F. Kelly – Đổng lý lâu năm nhất của cựu Tổng thống.

Khi Ngày bầu cử đang đến gần, và vô cùng lo lắng về những ý kiến gần đây của Trump về việc sử dụng quân đội để đàn áp đối thủ chính trị trong nước, Kelly đồng ý tham gia ba cuộc phỏng vấn được ghi âm và được The New York Times đăng vào thứ Ba, trong đó ông đưa ra một số ý kiến sâu rộng nhất từ trước đến nay về thể lực và tính cách của chủ cũ.

Ông Kelly là Bộ trưởng Nội an dưới thời Trump trước khi chuyển đến Toà Bạch Ốc vào tháng 7 năm 2017. Ông thực hiện chương trình nghị sự của ông Trump trong gần một năm rưỡi, và đó là giai đoạn hỗn loạn mà Kelly phải chịu sự chỉ trích nội bộ về hiệu quả công việc và ngày càng trở nên chán nản và bất mãn trước hành vi của ông chủ, mà đôi khi theo ông, không phù hợp và không hiểu biết về Hiến pháp.

Trong các cuộc phỏng vấn, Kelly nói rõ những lo ngại trước đây, và nhấn mạnh, theo quan điểm của ông, cử tri nên cân nhắc đến thể lực và nhân cách khi lựa chọn tổng thống, thậm chí còn cân nhắc hơn cả quan điểm chính sách của ứng cử viên.

“Trong nhiều trường hợp, tôi đồng ý với một số chính sách của ông ấy,” Kelly nói. Ông cũng nhắc lại, là một cựu sĩ quan quân đội, ông không công khai ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào. “Nhưng một lần nữa, việc bầu nhầm người vào chức vụ cao là một điều rất nguy hiểm.”

Cựu Đổng lý cho biết, theo quan điểm của ông, Trump đáp ứng được định nghĩa về kẻ phát xít, sẽ cai trị như một nhà độc tài nếu được phép, và không hiểu biết về Hiến pháp hoặc khái niệm thượng tôn luật pháp.

Kelly xác nhận những tường trình trước đây về việc Trump đã đưa ra những tuyên bố ngưỡng mộ Hitler, bày tỏ khinh thường đối với thương phế binh, và gọi những tử sĩ của Hoa Kỳ là “kẻ thua cuộc” và “ngu ngốc.”

Phát ngôn nhân chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung, gởi ra tuyên bố chỉ trích Kelly, gọi những câu chuyện của ông về thời gian ở Toà Bạch Ốc “bịa đặt,” và rằng Kelly “tự biến mình thành trò hề.”

Kelly cho biết, Trump đáp ứng đúng định nghĩa một “kẻ phát xít”

Để trả lời câu hỏi về việc liệu có nghĩ ông Trump là một kẻ phát xít hay không, Kelly trước hết đọc định nghĩa về chủ nghĩa phát xít mà ông tìm thấy trên mạng, “Vâng, hãy xem định nghĩa về chủ nghĩa phát xít: Đó là một hệ tư tưởng chính trị và phong trào cực hữu, độc đoán, cực đoan dân tộc chủ nghĩa, đặc trưng bởi một nhà lãnh đạo độc tài, chế độ chuyên quyền tập trung, chủ nghĩa quân phiệt, đàn áp bằng vũ lực đối lập, niềm tin vào một hệ thống phân cấp xã hội tự nhiên.”

Tướng hồi hưu cho biết, định nghĩa đó nói chính xác về ông Trump. “Vì vậy, chắc chắn, theo kinh nghiệm của tôi, đó là những điều mà ông ấy nghĩ sẽ hiệu quả hơn khi quản trị nước Mỹ.” Kelly nói.

“Chắc chắn cựu tổng thống thuộc phe cực hữu, ông ấy chắc chắn là một người theo chủ nghĩa độc tài, ngưỡng mộ những nhà độc tài, ông ấy đã nói như vậy. Vì vậy, ông ấy chắc chắn lọt vào định nghĩa chung của chủ nghĩa phát xít, chắc chắn rồi,” Kelly nói thêm.

Kelly cho biết Trump khó chịu trước những hạn chế quyền lực

“Ông ấy chắc chắn thích cách quản trị độc tài đối với chính phủ,” Kelly nói. Trump “không bao giờ chấp nhận sự thật rằng ông ấy không phải là người đàn ông quyền lực nhất thế giới, và theo tôi, quyền lực có nghĩa là khả năng làm bất cứ điều gì ông ấy muốn, bất cứ lúc nào ông ấy muốn.” “Tôi nghĩ ông ấy muốn giống như ông ấy đang kinh doanh, có thể bảo mọi người làm mọi việc và họ sẽ làm, và không thực sự bận tâm quá nhiều đến hợp pháp hay không,” ông nói.

Kelly lo lắng trước những ý kiến của Trump về việc sử dụng quân đội đàn áp những người đối lập trong nước.

Khi rời Toà Bạch Ốc vào năm 2019, Kelly quyết định sẽ chỉ lên tiếng nếu Trump nói điều gì đó mà ông thấy thực sự đáng lo ngại hoặc liên quan đến ông mà hoàn toàn sai sự thật.

Kelly cho hay, những ý kiến gần đây của ông Trump về việc sử dụng quân đội chống lại “kẻ thù nội gián” nguy hiểm đến mức ông cảm thấy cần phải lên tiếng. “Tôi nghĩ vấn đề sử dụng quân đội để đàn áp công dân Mỹ là một trong những điều tôi cho rất, quá tệ — thậm chí nói ra vì mục đích chính trị để đắc cử — tôi nghĩ đó là một điều rất, quá tệ, chứ đừng nói đến việc thực sự làm điều đó,” cựu Trung Tướng nói.

Kelly cho biết ông Trump ngay từ năm đầu nhiệm kỳ đã nhiều lần được nhắc nhở lý do tại sao không nên sử dụng quân đội chống người Mỹ, và giới hạn thẩm quyền của ông trong việc này. Tuy nhiên, Trump trong thời gian nhiệm kỳ, ông vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề này, thậm chí tuyên bố ông ta có thẩm quyền thực hiện những hành động như vậy.

“Ban đầu, cuộc trò chuyện sẽ là: Thưa Tổng thống, điều đó nằm ngoài thẩm quyền của ông, hoặc ông biết đó là việc sử dụng thường xuyên, ông thực sự không muốn làm điều đó bên trong Hoa Kỳ,” ông nói. “Nhưng bây giờ khi ông ấy nói về điều đó như ‘Tôi sẽ làm điều đó’, một lần nữa, điều đó thật đáng lo ngại.”

Kelly tin Trump là người duy nhất không hiểu biết về lịch sử và Hiến pháp.

Cựu Đổng lý cho biết, Trump thiếu hiểu biết căn bản về các giá trị cơ bản của người Mỹ, và ý nghĩa của nhiệm kỳ tổng thống.

“Ông ta chắc chắn là vị tổng thống duy nhất gần như phủ nhận về những gì của nước Mỹ, và những gì làm nên nước Mỹ, xét về Hiến pháp, xét về các giá trị, cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ, bao gồm cả gia đình và chính phủ, ông ta chắc chắn là vị tổng thống duy nhất mà tôi biết, chắc chắn là trong cuộc đời tôi, như vậy,” ông Kelly cho biết.

“Ông ta chỉ không hiểu các giá trị — ông ta giả bộ, ông ta nói ông ta hiểu biết nhiều về nước Mỹ hơn bất cứ ai, nhưng trên thực tế ông ta không hiểu.”

Trump muốn lòng trung thành cá nhân lớn hơn lòng trung thành Hiến pháp.

Trong những ngày đầu làm Đổng lý cho Trump vào mùa hè năm 2017, Kelly đã phải giải thích với tổng thống rằng, các viên chức chính phủ cao cấp như ông đã tuyên thệ trước Hiến pháp, và sẽ đặt lời tuyên thệ đó lên trên lòng trung thành cá nhân.

Kelly cho biết, Trump đã gây áp lực với ông về cam kết đó, và dường như không đánh giá cao việc các phụ tá cao cấp phải đặt lời cam kết của họ đối với Hiến pháp, và tiếp đó là thượng tôn luật pháp, lên trên hết.

Ông ấy và tôi đã nói về điều đó, đó là một khái niệm mới đối với ông ấy, đó là cách diễn đạt tốt nhất, và tôi không nghĩ ông ấy từng hoàn toàn chấp nhận điều đó.”

Kelly cho biết, lòng trung thành cá nhân “gần như là tất cả đối với” Trump.

Ngay cả khi ai đó trong vòng thân cận của Trump đánh mất lòng trung thành đó, thì người đó sẽ không còn được ông ta ủng hộ và “thời gian của người đó không còn nhiều nữa.”

Trump đã sai lầm khi tin rằng những vị tướng cao cấp hồi hưu, và mặc quân phục mà ông đưa vào làm việc cho mình sẽ trung thành với ông trên hết.

“Chắc chắn, một điều ngạc nhiên lớn đối với ông ấy, một lần nữa, là nếu mọi người nhớ lại thời gian đầu của chính quyền, ông ta sẽ nói về ‘các vị tướng của mình’,” Kelly nói. “Tôi không biết tại sao ông ta lại nghĩ như vậy, nhưng sau đó, một điều ngạc nhiên rất lớn đối với ông ta là chúng tôi, những người trong chúng tôi là cựu tướng lĩnh và chắc chắn là những người vẫn đang tại ngũ, rằng cam kết và trung thành đối với Hiến pháp là điều không nghi ngờ, không bàn cãi.”

“Thật bất ngờ với ông ta khi các vị tướng không trung thành với ông chủ, trong trường hợp này là ông ấy,” Kelly nói thêm.

Trump nói với Kellly rằng “Hitler đã làm một số điều tốt”

Kelly xác nhận tin tức trước đây rằng, có hơn một lần Trump nói những điều tích cực về Hitler.

Ông ấy nhiều lần cho rằng, ‘’Ông biết đấy, Hitler cũng đã làm một số điều tốt.”

Cũng theo Kelly, Trump không đánh giá cao lịch sử. “Tôi nghĩ ông ấy thiếu điều đó,” cựu Đổng lý nói. Kelly tìm cách giải thích với Trump tại sao những ý kiến đó về Hitler lại có vấn đề.

“Trước hết, ông không bao giờ nên nói như vậy,” Kelly đã nói với ông Trump. “Nhưng nếu ông biết Hitler là người như thế nào từ đầu đến cuối, thì mọi việc ông ta làm đều nhằm ủng hộ cuộc sống phân biệt chủng tộc, phát xít của ông ta, ông biết đấy, triết lý, vì vậy không có điều gì ông ta làm, hoặc ông có thể tranh cãi, là tốt — chắc chắn là không được làm vì lý do chính đáng.”

Họ thường kết thúc trao đổi như vậy, nhưng thỉnh thoảng Trump lại lôi chuyện này ra.

Kelly cho biết, Trump coi thường quân nhân thương vong trên chiến trường

Trả lời câu hỏi về những câu chuyện trước đây về việc ông Trump xem thường thương phế binh, Kelly cho biết, Trump không muốn xuất hiện trước công chúng cùng những cựu chiến binh này. “Chắc chắn ông ta không muốn xuất hiện cùng những thương phế binh cụt chân cụt tay – những người mất phần thân thể để bảo vệ quốc gia, chiến đấu vì đồng bào Mỹ, trong đó có cả ông ta, để bảo vệ họ, nhưng không muốn xuất hiện cùng họ. Đó là một góc nhìn lý thú đối với vị Tổng tư lệnh,” Kelly kể. “Ông ấy nói: ‘Nhìn này, trông tôi chẳng ổn chút nào.'”

Kelly xác nhận, Trump gọi thương phế binh hay liệt sĩ là “những kẻ thua cuộc và ngu ngốc”

Xác nhận một tuyên bố được ông chia sẻ với CNN vào năm ngoái, Kelly cho biết, nhiều lần Trump nói với ông rằng, những người lính Mỹ bị thương, bị bắt, hoặc tử trận trên chiến trường là “những kẻ thua cuộc và ngu ngốc.”

“Lần ở Paris không phải là lần duy nhất ông ta nói như vậy,” Kelly nói, ám chỉ đến những tin tức việc Trump không muốn đến thăm nghĩa trang nơi chôn cất những quân nhân Mỹ tử trận trong Thế chiến thứ nhất. “Bất cứ khi nào tên của John McCain được nhắc đến, ông ta lại càu nhàu về việc cố Thượng nghị sĩ là kẻ thua cuộc, và tất cả những người đó đều ngu ngốc, và tại sao mọi người lại nghĩ rằng những người hy sinh là anh hùng? Và ông ta càu nhàu như vậy.”

“Với tôi, tôi không bao giờ hiểu được tại sao ông ta lại như vậy — ông ta có thể là công dân Mỹ duy nhất cảm thấy như vậy về những người đã hy sinh tính mạng, phục vụ quốc gia của họ,” Kelly bày tỏ.

Ngoài ra, Trump thường đặt câu hỏi về quyết định hy sinh vì đất nước của người Mỹ.

Tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington vào Ngày Tưởng niệm năm 2017, khi đến viếng thăm khu vực chôn cất những quân nhân mới hy sinh, trong đó có con trai của ông Kelly là Robert Kelly – quân nhân Thuỷ quân Lục chiến hy sinh năm 2010 trên chiến trường Afghanistan.

Theo Kelly kể lại, Trump lúc đó hỏi những người đã hy sinh tính mạng của mình để được gì. “Và tôi nghĩ, ông ta đang hỏi một trong những câu hỏi tu từ,” Kelly nói. “Tôi không nhận ra ông ấy nghiêm túc – ông ấy chỉ không hiểu mục đích của câu hỏi. Khi tìm hiểu thêm về ông ấy, một lần nữa, sự quên mình là điều ông ta không bao giờ hiểu. Họ được gì chứ?!”

Kelly không nói điều gì tốt đẹp về Trump

Khi được hỏi liệu Trump có bất kỳ sự đồng cảm nào không, Kelly đáp,

“Không!”

Hương Giang
bichphuong
Posts: 635
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by bichphuong »

7 tháng 4 đời chủ tịch nước: Quan đấu, dân khổ
Trần Anh Quân
28 tháng 10, 2024

 
 Image
Thời hoàng kim, bốn ông chủ tịch nước có dịp ngồi cùng với nhau trong phiên họp Bộ Chính Trị Khoá 13, Tháng Hai, 2021. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)
Chỉ trong vòng bảy tháng, tính từ 21 Tháng Ba tới 21 Tháng Mười, Việt Nam có bốn đời chủ tịch nước.

Đầu tiên là ông Võ Văn Thưởng, giữ chức chủ tịch được 1 năm 19 ngày thì bị Quốc Hội phế truất vào ngày 21 Tháng Ba để “chịu trách nhiệm người đứng đầu.” Sau đó bà Phó Chủ Tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân được “trám” vào ghế “quyền chủ tịch nước” 62 ngày để các phe phái chọn ra chủ tịch nước mới.

Tới ngày 22 Tháng Năm, Trung Ương Đảng chỉ định cho quốc hội bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước. Sau 150 ngày, ông Lâm nhường ghế lại cho Lương Cường vào ngày 21 Tháng Mười.


Nhìn rộng ra, từ năm 2018 tới nay, chỉ trong 6 năm, ghế chủ tịch nước Việt Nam đã có 9 lần đổi ngôi với 8 người thay nhau ngồi vào vị trí đứng đầu nhà nước CSVN. Trong đó bà Võ Thị Ánh Xuân có 2 lần nắm quyền chủ tịch nước.

Khai màu cho cuộc chín cuộc đổi ngôi này là vào Tháng Chín năm 2018, ông Trần Đại Quang qua đời sau 2 năm 172 ngày tại vị. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được cho tạm đảm nhiệm quyền chủ tịch nước trong 32 ngày. Tiếp đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giành ngồi vào cái ghế chủ tịch nước được 2 năm 164 ngày.

Tới ngày 5 Tháng Tư 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc được cho thay ông Trọng, ngồi vô ghế này được 1 năm 288 ngày thì ông này bị Quốc Hội phế bỏ. Bà Võ Thị Ánh Xuân tạm nắm “quyền chủ tịch nước” được 43 ngày trước khi giao lại cho ông Võ Văn Thưởng. Và tiếp theo thì như câu chuyện năm 2024 như ở trên đã phân tích.

Cùng với sự thay đổi ở vị trí đứng đầu nhà nước, các vị trí khác cũng bị xáo trộn theo hiệu ứng domino. Như ghế chủ tịch Quốc Hội, thường vụ Ban Bí Thư, trưởng ban Tổ Chức Trung Ương, trưởng Ban Nội Chính, trưởng Ban Kinh Tế, các bộ trưởng, chánh án, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành… Chưa bao giờ hệ thống chính trị CSVN trải qua thời kỳ tranh chấp khốc liệt như những năm nay.

Trong lịch sử, vào những giai đoạn vua chúa bị phế truất, lật đổ liên tục; thì cũng chính là lúc triều đình rối ren, xã hội u tối, người dân khổ sở, đất nước đứng trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm thôn tính. Như thời nhà Nguyễn, sau khi hoàng đế Tự Đức băng hà, thì từ ngày 19 Tháng Bảy tới 29 Tháng Mười Một 1883, Việt Nam có tới 3 lần đổi vua: Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc. Sử gọi là “tứ nguyệt tam vương,” tức bốn tháng có ba vua.


Nếu thời Nguyễn, vương triều bị thao túng bởi các quyền thần và thực dân Pháp, thì hoàn cảnh Việt Nam hiện tại cũng tương tự, bên trong thì các phe công an, quân đội, và sĩ phu Bắc Hà tranh đoạt quyền lợi lẫn nhau, bên ngoài họ đua nhau cầu viện vào những tác động từ phía Trung cộng.

Nếu vấn đề chỉ dừng lại ở sự chia rẽ trong nội bộ đảng cộng sản thì đó cũng là một tín hiệu tốt cho nền dân chủ Việt Nam. Vì ít nhất là khi họ yếu, người dân mới có cơ hội vùng lên. Thế nhưng CSVN càng suy yếu, càng tìm cách dựa dẫm vào “người bạn vàng cùng chung vận mệnh.” Như năm 1990, khi cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, CSVN phải gấp rút sang Trung Quốc ký “mật ước Thành Đô” nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn cho chế độ; với  tư tưởng thà mất nước còn hơn mất đảng.

Giờ đây, lịch sử lập lại. Khi các thế lực trong đảng CSVN đấu nhau thì cũng thường cậy nhờ Trung Quốc. Ví dụ trường hợp Vương Đình Huệ nửa năm trước. Ông Huệ được ông Trọng sắp xếp để chuẩn bị kế thừa ghế tổng bí thư đảng cộng sản. Đứng trước nguy cơ bị ông Lâm phế truất, thì ngày 8 Tháng Tư, ông Huệ mau chóng sang Trung Quốc cầu viện Tập Cận Bình để xin được chống lưng.

Lúc đó ông Huệ đại diện Quốc Hội Việt Nam ký kết hàng loạt thoả thuận bất lợi, nhượng bộ cho Trung cộng. Cuối cùng ông Huệ vẫn thua ông Lâm và người Việt vẫn phải chấp nhận các điều khoản mà chủ tịch Quốc Hội cam kết với Tập Cận Bình.

Quay lại 9 lần đổi ngôi chủ tịch nước trong 6 năm qua. Không một ông chủ tịch nào ngồi quá nửa nhiệm kỳ. Và nay ông Lương Cường cũng sẽ như vậy. Vì đầu năm 2026 CSVN sẽ tiến hành bầu bán xếp ghế cho nhiệm kỳ mới. Tức là Lương Cường sẽ làm chủ tịch nước Việt Nam trong khoảng một năm rưỡi rồi lại nhường ghế cho người khác.

Bây giờ nhận chức chủ tịch nước, chắc chắn ông Lương Cường sẽ sang Trung Quốc “yết kiến thiên triều” như các đời chủ tịch trước đây. Người dân cũng sẽ chẳng biết ông Cường ký cái gì với Trung cộng, nhưng bảo đảm rằng sẽ là những bất lợi cho phía Việt Nam.

Thậm chí, câu hỏi đặt ra là nếu tới khi hết nhiệm kỳ, muốn ngồi lại ghế này, ông Cường có sang Trung Quốc cầu viện theo cái cách của ông Huệ hay không? Hoặc các thế lực sau này muốn lên thay thế lực hiện tại thì sẽ phải sang Trung Quốc thoả hiệp những gì? Dân không biết những thông tin đó, nhưng chắc chắn dân chịu hậu quả; còn các quan cứ hết nhiệm kỳ là lại hạ cánh an toàn, cao lắm xin lỗi rồi từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu, rồi thôi…
MatVit
Posts: 1329
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by MatVit »

Trump và thách thức cho nền dân chủ
Hiếu Chân
–10 tháng 11, 2024

Image
(Hình: donaldjtrump.com)


Cuộc tổng tuyển cử vô tiền khoáng hậu của Mỹ đã kết thúc: Ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc một cách ngoạn mục, đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Thượng Viện và trên đà tiến tới làm chủ Hạ Viện. Cùng với một Tối Cao Pháp Viện do các thẩm phán bảo thủ chiếm đa số tuyệt đối, quyền lực được thu về một mối nằm trong tay ông Donald Trump. Đó là điềm lành hay thách thức mới cho thể chế dân chủ tự do của nước Mỹ?

Cho đến nay, sau 250 năm từ ngày lập quốc, nước Mỹ vẫn là kiểu mẫu cho thế giới về thể chế dân chủ: đa đảng, tam quyền phân lập, truyền thông tự do và độc lập; tạo nên cái gọi là cơ chế kiểm tra và cân bằng. Nước Mỹ có nhiều đảng chính trị, kể cả đảng cộng sản, nhưng hai đảng lớn nhất, đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ, thay nhau điều hành đất nước; hễ đảng này cầm quyền thì đảng kia đối lập, đảng này nắm hành pháp (tổng thống) thì đảng kia nắm lập pháp (quốc hội) và ngược lại…

Cách tổ chức nhà nước như vậy không phải để gây chia rẽ mà nhằm kiểm soát quyền lực, không cho phép một cá nhân, một đảng phái thâu tóm toàn bộ quyền lực để trở thành độc tài chuyên chế. Cũng giống như chiếc xe hơi có động cơ đẩy xe chạy tới đồng thời cần có phanh (thắng) để xe dừng lại đúng lúc đúng chỗ, không chạy quá tốc độ; không có động cơ xe không tiến lên được nhưng nếu không có phanh xe dễ rơi xuống vực.


Trong thể chế tam quyền phân lập, khi tổng thống đối mặt với một Hạ Viện hoặc Thượng Viện do đảng đối lập kiểm soát thì các đạo luật mà ông/bà ấy muốn ban hành có nhiều rủi ro bị ngăn cản, buộc tổng thống phải tìm cách thoả hiệp hoặc ban hành các “sắc lệnh hành pháp” – một thứ quy định dễ dàng bị người kế nhiệm hủy bỏ. Ngược lại, tập trung quyền lực tạo điều kiện thuận lợi cho nhà lãnh đạo và đảng cầm quyền thông qua các đạo luật mà không cần sự chấp nhận của đảng đối lập, tránh được những vụ tranh cãi gay gắt, dai dẳng và nhiều khi thất bại.

Quyền lực tập trung vào một mối cũng có cái hay, các quyết định sẽ được đưa ra nhanh chóng hơn theo ý chí của người lãnh đạo mà không cần trải qua tiến trình bàn luận dân chủ, công việc sẽ được thực hiện nhanh hơn.

Nhưng lợi bất cập hại. Khi không có đối lập, không ai dám có ý kiến khác thì nhà lãnh đạo trở nên chuyên quyền, độc đoán và đưa đất nước tới thảm họa. Quyền lực không kiểm soát sinh ra tha hóa và tham nhũng. Các “thiên tử” trong chế độ quân chủ ở phương Đông xưa kia, các lãnh tụ độc tài trong chế độ cộng sản ngày nay là những ví dụ tiêu biểu cho việc tập trung quyền lực vào tay một cá nhân hoặc một đảng chính trị.

***

Ông Donald Trump sẽ đăng quang nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào ngày 20 Tháng Giêng, 2025, và từ ngày đó quyền lãnh đạo nước Mỹ sẽ hoàn toàn nằm trong tay ông. Quốc Hội do đảng Cộng Hòa kiểm soát sẽ làm ra luật, bộ máy hành pháp dưới quyền ông Trump sẽ thi hành luật. Những người quan sát chính trị lâu năm nhận xét ông Trump đã hoàn toàn kiểm soát đảng Cộng Hòa, kể cả khi ông chưa tái đắc cử mà chỉ là một công dân bình thường ở Florida. Nhiều người than thở đảng Cộng Hòa đã trở thành “đảng Trump,” trong đó ông Trump, con cái ông, tay chân thân tín của ông nắm toàn quyền chi phối. Một đảng như vậy không có năng lực “can gián” hoặc cản trở những ý tưởng nhiều lúc điên rồ và phi lý của ông Trump.

Còn nhánh tư pháp – đóng vai kiểm soát hành pháp và lập pháp – cũng sẽ đồng thuận với hành động của ông Trump sau khi ông đã bổ nhiệm ba trong chín thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, đưa số thẩm phán bảo thủ lên gấp đôi số thẩm phán cấp tiến (6/3), và bổ nhiệm hơn 230 thẩm phán vào các tòa án liên bang và khu vực. Gần đây Tối Cao Pháp Viện đã đưa ra phán quyết gây tranh cãi, ban cho tổng thống quyền lực gần như tuyệt đối để giúp ông Trump vượt qua các vụ kiện về xúi giục bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021, có người ví phán quyết đó như tấm séc trắng (blank check) để tổng thống muốn làm gì tùy ý…


Đảng Dân Chủ sau thất bại cay đắng của cuộc bầu cử ngày 5 Tháng Mười Một chẳng những đã mất quyền mà vai trò đối lập của họ cũng suy yếu thảm hại. Không có đa số ở Quốc hội họ không thể dùng lá phiếu để cản trở những dự luật mà đảng Cộng Hòa đưa ra, thậm chí không khởi xướng được những cuộc tranh luận thực chất về những vấn đề được cử tri quan tâm. Mất quyền kiểm soát Thượng và Hạ Viện, đảng Dân Chủ cũng không thể triệu tập các giới chức chính phủ ra điều trần, thực hiện trách nhiệm giải trình của công chức trước đại diện người đóng thuế. Khi được hỏi về vai trò tương lai của đảng Dân Chủ khi ông Trump lên cầm quyền, một lãnh đạo của đảng này thú nhận: “Chỉ còn có thể tổ chức họp báo!”

***

Có thể nói, khi phần lớn quyền lực điều hành đất nước tập trung vào tay một người như vậy thì cơ chế kiểm tra và cân bằng của nền dân chủ Mỹ đã suy yếu trầm trọng. Ông Donald Trump không giấu giếm mong muốn làm một nhà độc tài. Ông không chấp nhận sự khác biệt, ông mắng chửi bất kỳ ai dám trái ý ông dù đó là những nhân vật lãnh đạo đảng Cộng Hòa, ông đòi bắn bỏ những người chống đối như Đại Tướng Mark Milley, cựu chủ tịch Hội Đồng Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, hay bà Liz Cheney, cựu dân biểu liên bang. Ông muốn có những tướng lãnh quân đội luôn chấp hành mệnh lệnh như các tướng của Hitler. Ông ca tụng các nhà độc tài đương thời, từ Vladimir Putin của Nga, Tập Cận Bình của Trung Quốc cho đến Kim Jong Un của Bắc Hàn. Và ông tuyên bố sẽ là nhà độc tài, chỉ trong ngày thứ nhất cầm quyền…

Nhiều người vẫn hy vọng, ông Trump “nổ” thế thôi chứ các định chế dân chủ lâu đời của Mỹ như truyền thông độc lập và xã hội dân sự sẽ kiềm chế bản năng độc tài của nhà lãnh đạo. Báo chí có thể hoạt động như người giám sát chính quyền và làm một cái phanh để ngăn chính quyền lạm dụng quyền lực. Nhưng niềm tin của công chúng vào báo chí truyền thông đã giảm xuống mức báo động, một phần do sự phát triển ồ ạt của mạng xã hội, một phần do những phát ngôn của ông Trump về “fake news,” về báo chí “kẻ thù của nhân dân.” Hiện người Mỹ, cũng như nhiều nước khác, tiếp nhận tin tức từ các mạng xã hội nhiều hơn là từ truyền hình, báo chí dòng chính mà trên các mạng xã hội tin tức thường không được kiểm chứng cẩn thận như trên báo chí, tràn ngập tin giả, tin xuyên tạc và những thuyết âm mưu vô căn cứ.

Báo chí Mỹ từng có thời huy hoàng khi vạch trần những tệ nạn của nhà cầm quyền, nói tiếng nói của những người thấp cổ bé miệng và thực hiện quyền của những người không có quyền lực. Nhưng thời đó đã xa. Báo chí hiện nằm trong tay các triệu phú, tỷ phú, các tập đoàn công nghệ và thương mại luôn muốn quan hệ tốt với nhà cầm quyền để hưởng lợi từ những hợp đồng béo bở. Hậu quả là hiện chỉ có 31% số người Mỹ trưởng thành nói rằng họ tin rằng báo chí đưa tin “đầy đủ, chính xác và công bằng” trong khi có 36% không có chút lòng tin nào vào báo chí, theo khảo sát của Viện Gallup hồi Tháng Chín năm nay.

Trong khi đó mạng xã hội Truth Social do ông Trump làm chủ, cùng với mạng X (tên cũ là Twitter) của tỷ phú Elon Musk – một Lã Bất Vi thời hiện đại – và hệ thống truyền hình Fox News của gia đình tỷ phú Rupert Murdoch – cũng là người thân cận của ông Trump – đang nỗ lực thao túng không gian truyền thông Mỹ, quảng bá quan điểm của ông Trump đến công chúng và phản bác những ý kiến, tin tức không có lợi cho ông kể cả bằng những cách thức không sạch sẽ như loan truyền tin giả và thuyết âm mưu.

Tất cả những yếu tố kể trên, từ tam quyền phân lập suy yếu đến báo chí bị xã hội quay lưng là môi trường chính trị thuận lợi làm cho cái bản năng độc tài của nhà lãnh đạo được thể hiện. Không phải chuyện thuế khoá, không phải chuyện di dân mà đây mới là nỗi băn khoăn trong xương tủy của người dân Mỹ.

***

Tin tốt là không phải đến bây giờ nước Mỹ mới chứng kiến một tổng thống kiểm soát cả hành pháp và lập pháp. Khi một tổng thống đắc cử không thuộc đảng cầm quyền thì đảng đối lập thường chiếm đa số Quốc Hội. Từ năm 1901 đến nay đã có 16 trong 21 vị tổng thống Mỹ nhậm chức trong điều kiện giống ông Trump hiện nay, tức là tập trung quyền lực, nắm cả hành pháp và lập pháp. Nhưng nước Mỹ chưa bao giờ biến thành một đất nước chuyên chế độc tài.

Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt (FDR) của đảng Dân Chủ là người tập trung quyền lực lâu dài nhất; ông nắm hành pháp và lập pháp suốt 14 năm, từ 1932 đến 1945. Nhờ vậy ông có đủ quyền để ban hành và thực hiện chương trình New Deal, thành lập sở an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và rất nhiều đại dự án công trình công cộng, biến nước Mỹ thành “kho vũ khí của chế độ dân chủ” như nhận định của sử gia Yuval Harari. Nắm toàn quyền nhưng Tổng Thống Roosevelt đã không đưa nước Mỹ tới chế độ độc tài cộng sản kiểu Stalin (cực tả) mà cũng không đi theo chủ nghĩa phát xít kiểu Mussolini, Hitler (cực hữu), thay vào đó ông đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc Đại Suy Thoái 1930-1932, đánh bại phát xít Đức, quân phiệt Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Những tổng thống Mỹ gần đây đều có thời gian nắm cả hành pháp và lập pháp như Bill Clinton năm 1993, Barack Obama năm 2009, Donald Trump năm 2017 và Joe Biden năm 2021, nhưng không kéo dài mà mất đi sau chỉ hai năm đầu tiên. Ông Biden chẳng hạn, nhậm chức năm 2021 khi đảng Dân Chủ chiếm đa số cả hai viện Quốc Hội, nhưng vào năm sau đó đảng Cộng Hòa giành lại Hạ Viện và nhiều chương trình nghị sự của ông Biden bị ngăn cản. Lý do được cho là với quyền hành đầy đủ các tổng thống này vẫn không làm tròn những cam kết họ đã hứa và cử tri muốn có sự thay đổi.

Một lần nữa, cờ lại đến tay ông Donald Trump. Ông sẽ phất như thế nào, quyền lực tối thượng có thể giúp ông Trump thực hiện những điều tốt đẹp cho đất nước như cố tổng thống FDR và đi vào lịch sử với tư cách người “Make America Great Again” hay trở thành nhà độc tài hủy hoại nền dân chủ lâu đời của nước Mỹ. Không ai biết trước được. Vẫn còn cơ may là hai năm nữa cử tri Mỹ lại đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội giữa kỳ và bốn năm nữa có cuộc tổng tuyển cử năm 2028. Cơ hội để sửa chữa sai lầm, nếu có, vẫn còn ở phía trước.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests