Thời Sự, Bình Luân

dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by dailien »

Donald Trump – nguyên nhân tạo ra sự bất tín trong đảng Cộng hòa
PHẠM THANH GIAO
On May 12, 2021

Image
(Ảnh: news.berkeley.edu)
(Bài viết là chính kiến cá nhân của người viết, một người từng theo đảng Cộng Hòa trong nhiều năm.)

Không ít lãnh đạo đảng Cộng Hòa đã lên tiếng khi Donald Trump được đưa ra tranh cử trong chiến dịch bầu cử năm 2016, trong đó có cả Paul Ryan, Chủ Tịch Hạ Viện thời đó và Lyndsey Graham, nghị sĩ thuộc tiểu bang South Carolina. Hai tay này lớn tiếng chống đối kịch liệt, nhưng dường như không có chọn lựa nào khác nên họ cuối cùng đã im hơi lặng tiếng dần và để rồi phóng lao thì phải theo lao khi chuyển sang bợ đỡ và nịnh nọt đến trắng trợn. Từng bước một ngay sau khi đắc cử, “Chủ Nghĩa Trump” sau đó đã trở thành xu hướng chủ đạo, như bịnh Hắc Lào, ăn lở loét dần đảng Cộng Hòa, trước khi nó tăng tốc độ một cách đáng kinh ngạc sau kỳ bầu cử mid-term năm 2018.

Chủ Nghĩa Trump đã trở nên quan trọng hơn chủ nghĩa của đảng Cộng Hòa, một trong hai đảng phái lớn ở Mỹ, được thành hình và phát triển mấy trăm năm qua. Mức độ thảm hại của đảng Cộng Hòa không dừng lại ở đó. Donald Trump không chỉ lấn lướt nhưng dường như đã dí đảng Cộng Hòa vào tuyệt lộ, sau ngày bạo loạn 6 tháng 1 với chủ trương nhất định không chịu rời bỏ chức vụ sau khi thua cuộc. Gần bốn tháng qua, sau ngày mất ghế, Donald Trump đã dồn từng lãnh đạo đảng Cộng Hòa đến tử lộ – một là phải phục tùng Donald Trump với Chủ Nghĩa Trump cho đến cùng; hai là sẽ thân bại danh liệt, “đường binh nghiệp” tiêu tan nếu dám đứng lên chống đối. Thí dụ điển hình mà tất cả người dân Mỹ đã được chứng kiến và sắp được chứng kiến trong cuộc bỏ phiếu của đảng Cộng Hòa ngày hôm nay là “trục xuất” bà Liz Chenney ra khỏi ghế House Republican Conference.

Việc này đã dẫn đến sự kiện ngày hôm qua, khi một nhóm thiểu số lãnh đạo thuộc đảng Cộng Hòa đứng ra thách thức và trực tiếp chống lại Chủ Nghĩa Trump. Họ đe dọa sẽ đứng ra thành lập một đảng phái mới. Donald Trump đang làm mọi cách để dẹp tan cuộc nội biến này vì Donald Trump vẫn chưa hoàn toàn bỏ ý định sẽ ra quân phục thù vào năm 2024. Donald Trump từng lớn tiếng đe dọa tạo ra một đảng mới, đối nghịch với đảng Cộng Hòa, trong mục tiêu nhằm cho phép Donald Trump duy trì áp lực, nắm trọn sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ bảo thủ bợ đỡ ông ta qua suốt thời kỳ biến động tính từ sau ngày bầu cử vào năm ngoái. Điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu đảng Cộng Hòa một cách trầm trọng, với ba phe trong cùng một đảng.

Ai cũng thấy được một điều là nhóm bảo thủ của đảng Cộng Hòa dưới tay Mitch McConnell đã không còn sự đoàn kết như trước thời Donald Trump. Suốt gần bốn tháng qua, họ vẫn loay hoay hy vọng tìm được cách giải quyết “Vấn Nạn Donald Trump” mà chính họ biết rằng, cho dù muốn, Donald Trump cũng không thể thắng khi ông ta ra tranh cử vào năm 2024. Tuy nhiên, họ lại sợ ảnh hưởng Donald Trump với những lá phiếu ủng hộ ông ta nên cái vạch giới hạn những “thiệt hại” do Donald Trump gây ra cần phải chấm dứt vẫn không được họ giải quyết rõ ràng và ổn thỏa. Cứ thế, Donald Trump vẫn không ngừng tiếp tục tạo áp lực, giựt giây và điều hành đảng Cộng Hòa trong bóng tối.

Donald Trump không chỉ là mối đe dọa cho đảng Cộng Hòa mà còn luôn là mối nguy hiểm cho Nền Dân Chủ của Hoa Kỳ, ngày nào Donald Trump còn tham vọng trong chính trường. Người Mỹ phải nhớ rằng Donald Trump vẫn là mối đe dọa không hề nhỏ. Người dân Mỹ không thể ngừng đấu tranh trong công cuộc gìn giữ tài sản quý giá nhất của mình: Nền Dân Chủ. Nó hết sức mong manh, điển hình nhất là thời gian chuyển giao quyền lực vừa qua. Hơn 81 triệu dân Mỹ đã bỏ phiếu với số lượng kỷ lục, để tống Donald Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc vào năm 2020; và kết quả cũng sẽ tương tự nếu Donald Trump điên rồ ra ứng cử dưới lá cờ của đảng Cộng Hòa vào năm 2024. Donald Trump sẽ phải chịu một thất bại lớn hơn, xấu hổ hơn, nhục nhã hơn nếu ông ta đủ ngu ngốc ôm cái mộng ra tái tranh cử.

Thế nhưng điều nguy hiểm nhất hiện nay, không phải là Donald Trump, cũng không phải là bất cứ ai thuộc đảng Cộng Hòa, mà là những bộ luật mà các nhà làm luật thuộc đảng Cộng Hòa đang đặt ra nhằm o ép và cản trở người công dân Mỹ đi bầu, khi họ bằng mọi giá tìm cách ngăn chặn người Mỹ gốc Hispanic, người da đen và các dân tộc thiểu số khác trong việc bỏ phiếu toàn quốc. Bạn thử nghĩ xem, điều gì sẽ xảy ra, giả sử đảng Cộng Hòa chiếm được Lưỡng Viện Quốc Hội và Donald Trump giựt được cái ghế tổng thống trong kỳ bầu cử vừa qua? Chắc chắn 100% là không thế lực nào hoặc đảng phái nào còn có thể chống lại được họ. Hơn 36% người Mỹ thiểu số sẽ bị thống trị mãi mãi. Điều đó có nghĩa là sự cai trị độc đảng và cuối cùng là một chế độ độc tài sẽ ra đời. Đó chính là chủ trương của đảng Cộng Hòa sau 2016. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển từ Nền Dân Chủ sang Chế Độ Độc Tài và điều tương tự cũng có thể (đã) xảy ra với Hoa Kỳ. Nền Dân Chủ của Mỹ đã thoát trong đường tơ kẽ tóc.

Một Nền Dân Chủ cần phải làm việc liên tục không ngưng nghỉ để luôn được duy trì và hiện hữu. Đảng Cộng Hòa đã không còn tôn trọng Hiến Pháp Hoa Kỳ, không chỉ mới đây thôi, nhưng rõ rệt và trắng trợn nhất là trong suốt bốn năm của Donald Trump. Đảng Cộng Hòa giờ đã thuộc về và đang nằm trong đôi bàn tay nhỏ bé của Donald Trump. Làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng họ một lần nữa? Chừng nào “Đảng của Trump” vẫn ra rả rao bán sự xạo láo (Big Lie) rằng cuộc bầu cử năm 2020 bị “đánh cắp” thì ngày đó đảng Cộng Hòa vẫn không xứng đáng trở lại nắm quyền.
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by bichphuong »

Lindsey Graham: ‘Tôi chấp nhận kết quả bầu cử’
May 18, 2021

Image

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Nam Carolina Lindsey Graham đã nói rằng ông chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 và sẵn sàng đi tiếp. Tuyên bố của Graham được đưa ra trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa tiếp tục tuyên bố vô căn cứ rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp” bởi hành vi gian lận cử tri tràn lan.

“Tôi chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử,” Graham nói sau khi đi tham quan công ty Mauldin Paving Products ở Taylors, South Carolina vào chiều thứ Hai.

“Tôi đã sẵn sàng để bước tiếp,” Graham nói. “Năm 2020 đã qua đối với tôi. Tôi đã sẵn sàng và hy vọng sẽ lấy lại Thượng viện vào năm 2022.”

Graham nói rằng ông không biết nhiều chi tiết của cuộc kiểm tra phiếu bầu cử diễn ra ở Arizona . Ông đặc biệt cam kết hỗ trợ cải cách “hệ thống bầu cử” với luật ID cử tri và các hệ thống xác minh khác.

Graham nói: “Rất nhiều người đã bỏ phiếu qua thư và những con số chưa từng được biết đến trước đây. Georgia đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng bỏ phiếu qua thư. Vì vậy, tôi nghĩ thật khôn ngoan khi cải cách luật của chúng tôi để đảm bảo rằng bạn là chính mình”, Graham nói.

Ban đầu Graham không tin rằng Trump đã thua một cách hợp pháp trong cuộc bầu cử năm 2020. Ngay sau khi báo cáo về lá phiếu quốc gia xác nhận Tổng thống Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng, Graham nói với Trump không được nhượng bộ .

Vào tháng 11 năm 2020, Graham bị cáo buộc cùng Trump đã gọi điện cho Thư ký Đảng Cộng hòa của Georgia, Brad Raffensperger để hỏi liệu Raffensperger có thể làm mất hiệu lực của tất cả các lá phiếu gửi qua thư từ các quận có tỷ lệ chữ ký không trùng khớp cao hay không. Graham nói rằng ông chỉ đang đặt một câu hỏi chứ không phải cố gắng lấy lá phiếu ra để giúp Trump.



Tuy nhiên, vào đêm ngày 6 tháng 1 của cuộc nổi dậy tại Capitol bạo loạn, Graham nói rằng Biden đã được bầu hợp pháp . Trong bài phát biểu của Graham vào đêm đó, ông cũng phản đối những nỗ lực của Đảng Cộng hòa trong việc thành lập một ủy ban điều tra gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Bình luận của Graham hôm thứ Hai được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trump đổ lỗi cho “cuộc bỏ phiếu đàn áp” đã làm giảm tỷ lệ cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử năm 2020. Nhiều tháng trước cuộc bầu cử năm 2020, Trump đã nhiều lần nói rằng ông chỉ có thể thua nếu điều đó bị gian lận chống lại ông.

Trump, các luật sư chiến dịch tranh cử của ông và các viên chức đảng Cộng hòa khác nhau đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp theo nhiều cách. Họ đã cáo buộc máy bỏ phiếu chuyển đổi phiếu bầu của người dân, hội đồng bầu cử tiểu bang và địa phương thay đổi giao thức bỏ phiếu “vi hiến” mà không có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp, quầy bỏ phiếu chấp nhận phiếu bầu của người chết và các tuyên bố không có cơ sở khác.

Hơn 60 phiên tòa về gian lận bầu cử đã bị bác bỏ hoặc rút lại do thiếu bằng chứng. Các bang màu đỏ, bao gồm cả những bang được giám sát bởi các viên chức Đảng Cộng hòa thân Trump, đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra và kiểm phiếu lại để tái khẳng định Trump thua

Hai cựu lãnh đạo Chính quyền Trump — cựu Tổng trưởng lý William Barr và Chris Krebs, người lãnh đạo Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) —cũng nói rằng không có bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.

Trump kể từ đó đã nói rằng cuộc bầu cử đã “diễn ra đúng cách” ở các bang đỏ mà ông đã thắng vào năm 2020 và hành vi gian lận cử tri chỉ xảy ra ở các bang mà ông đã thua .

Trump đã thua cuộc bầu cử năm 2020 với hơn 7 triệu phiếu phổ thông và 74 phiếu đại cử tri.

TH
hoangphong
Posts: 365
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Nước Mỹ trở nên… lại ‘bảnh’!
MINH AN
May 25, 2021

Image
Thiên hạ bắt đầu đi mua sắm rần rần trở lại (target.com)

Chưa bao giờ người Mỹ quan tâm vấn đề vệ sinh cá nhân và làm đẹp bằng lúc này, ít nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Sau khi giấy vệ sinh từng “cháy hàng” vào năm ngoái, bây giờ đến lượt chỉ cạo răng, thuốc làm trắng răng, nước hoa… lại được vét sạch khỏi các kệ hàng – theo Wall Street Journal ngày 24-5-2021…

Chất khử mùi, thuốc làm trắng răng và thậm chí… bao cao su (condom) đang có nhu cầu cao. Không chỉ những mặt hàng trên, doanh số nước hoa, sơn móng tay, đồ bơi, kem chống nắng, tuxedo, hành lý và đồng hồ báo thức cũng tăng nhanh, theo ghi nhận từ các công ty sản xuất và giới bán lẻ. Khi thị trưởng Washington DC thông báo quán xá và câu lạc bộ mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 6, Landen Lama, nhà tư vấn chính trị 25 tuổi, nghĩ rằng “mình có một tháng để chuẩn bị”. Thế là anh đặt mua gel làm trắng răng. Vốn khoái dùng mặt nạ chăm sóc da mặt và kem rám da, Landen Lama nói rằng việc chuẩn bị chăm sóc bề ngoài là cần thiết, vì sau thời gian dài bị “nhốt” bởi dịch bệnh, bây giờ ai cũng muốn mình trông bảnh hơn khi ra ngoài.

Sau khi tiêm vaccine vào đầu tháng này, Jen Richards đã “sung sướng” đi cắt tóc lần đầu tiên kể từ tháng 2-2020. Richards, nhà thiết kế ứng dụng, đã thận trọng trong suốt thời gian đại dịch. Cô chỉ mua hàng tạp hóa trực tuyến và gặp bạn gái. Giờ đây, cô đang lên kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật trong nhà với bạn bè, chuẩn bị rủ rê ăn uống nhà hàng và đặc biệt là chăm sóc ngoại hình… Các sản phẩm làm đẹp và chất làm trắng răng là những mặt hàng bán chạy nhất trong quý gần đây nhất của Walmart, giám đốc tài chính Brett Biggs cho biết. Ngoài ra, tại Walmart, doanh số đồng hồ báo thức cũng tăng gấp đôi trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số vali tăng 400%; đồ dùng tiệc tùng tăng hơn gấp đôi và khinh khí cầu tăng 50%. Nước Mỹ đang muốn thức sớm và xách vali lên đường.

Tuần trước, loạt nhà bán lẻ từ Macy’s đến Target đã chứng kiến doanh số tăng vọt trong quý I. Các sản phẩm may mặc, làm đẹp và du lịch đều bán rất chạy. Giám đốc điều hành Brian Cornell của Target cho biết: “Quý đầu tiên giống như một bước đầu tiên hướng tới một thế giới hậu đại dịch”. Doanh số hàng may mặc tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, công ty cho biết. Đại diện Target nói thêm rằng nhu cầu về váy, mỹ phẩm, đồ chống nắng, đồ thể thao rất lớn. Eric O’Toole, chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Edgewell Personal Care Co., nơi tung ra các thương hiệu dao cạo râu Schick và kem chống nắng Banana Boat, cho biết “cả nam giới và phụ nữ đều đang thích làm sạch lông mặt, lông chân, và chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm dành cho tóc”.

Ngược lại, doanh số đồ nướng, đồ dùng làm sạch, giấy và đồ nhựa – những mặt hàng mà hồi mới xảy ra dịch, thiên hạ đổ xô mua ầm ầm – giờ đang giảm, theo dữ liệu NielsenIQ. Doanh số sản phẩm giấy và nhựa, trong đó có giấy vệ sinh, đã giảm 18,3% trong bốn tuần tính đến ngày 1-5-2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm liên quan làm bánh cũng giảm 35,6%. Giai đoạn ngồi nhà buồn chán bày việc làm bánh cho “qua ngày qua tháng” dường như đã qua. Việc “ngưng làm bánh” lại xảy ra cùng lúc với niềm hưng phấn mới. Theo dữ liệu NielsenIQ, doanh số các sản phẩm liên quan sức khỏe tình dục, trong đó có bao cao su, đã tăng 32%, trong tuần kết thúc vào ngày 1-5-2021 so với một năm trước.
duynga
Posts: 117
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by duynga »

Trò hề bầu cử ở Việt Nam, càng cố càng trơ trẽn
SGN NEWSCHUYỆN ĐÓ CHUYỆN ĐÂYCỬA SỔ MỞ
May 24, 2021

Image
Tù nhân trong trại giam được lệnh phải tham gia đi bầu
Chừng khoảng một tuần ở Việt Nam, trước ngày bầu cử 23/5 ở Việt Nam, không khí chính trị bỗng trở nên sôi động hẳn bởi các trò mèo của nhà cầm quyền. Được biết tổng số tiền mà Quốc hội CSVN tuyên bố đã tiêu phí hơn 3.500 tỷ VNĐ cho việc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (tức các cán bộ cấp địa phương), đã không vá víu nỗi tấm màn sân khấu đã quá sức tồi tàn.

Đôi ba ngày, trước ngày chủ nhật 23/5, đã có hàng trăm vụ nhắc nhở răn đe hoặc triệu tập trực tiếp lên đồn công an để nhắc nhở về “nghĩa vụ” đi bầu và không được dùng việc không đi bầu cử để quảng bá như một phương thức nói xấu chính quyền. Những người phải làm việc với công an về chuyện này, phần lớn đều nằm trong danh sách theo dõi, bị coi là những đối tượng có ngôn luận hay thái độ bất đồng với chính quyền.

Không chỉ thế, nhiều người cho biết là công an vẫn cử người đến canh chừng tại nhà những ai bị coi là thành phần “nguy hiểm”, suốt từ ngày 22 đến hết ngày 23/5.

Bà Trần Thị Thảo sinh năm 1952, trước đây hay xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, kể rằng: “hôm nay 23/5/2021 trước giờ bầu cử, tôi đã thấy an ninh ngồi ở cầu thang chung cư để canh gác tôi. Quá tức giận, tôi liền đi ngay ra phường Bách Khoa nơi tôi sống. Tại cổng ủy ban tôi đã thấy đủ các ban bệ : cán bộ ủy ban, công an, dân phòng,… Tôi nói to: “Hôm nay là ngày bầu cử, ngày hội của toàn dân, ngày đoàn kết các dân tộc… – theo như lời báo chí nói – mà tại sao chính quyền lại cho an ninh tới canh giữ tôi – một công dân đã được phát thẻ cử tri. Vậy sao gọi là ngày hội được? Sao gọi là hoà hợp, hoà giải các tầng lớp nhân dân. Tôi tuyên bố không đi bầu cử nữa!”

Cũng ở Hà Nội, cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết công an và tổ trưởng khu phố cứ ép ông xác định là có đi bầu không, nếu không thì phải làm biên bản xác nhận. Ông Chênh phản ứng dữ dội thì họ mới thôi tra vấn. Nhiều người khác vào bình luận trên trang facebook của ông Chênh, nói mình cũng bị dọa bắt làm biên bản nếu không đi bầu.

Ông Chênh kết luận: “Họ đến nhà hỏi tui có đi bầu hay không, nếu không thì lập biên bản. Tui trả lời đi bầu là quyền lợi của tui, đi hay không là quyền của tui, tui không có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi đó cho bất cứ ai, và việc lập biên bản cho chuyện đó là quá sức sai trái, sai pháp luật nên dĩ nhiên tui phải từ chối”.

Ở Sài Gòn, nhà báo Lê Bảo Liên tuyên bố trên Facebook rằng mình không đi bầu cử, và còn kể lại chuyện hài hước trong thời làm báo của bà, là “có cán bộ đứng trong phòng kín hướng dẫn cử tri bầu cho người này gạch tên kẻ kia. Mình phản đối thì họ nói dân không biết chữ nên cần có người …hướng dẫn. Khi mình dọa quay phim đưa lên TV thì lãnh đạo nơi đó mới kêu người ấy ra, nhưng mình biết chắc khi mình đi khỏi họ lại vào hướng dẫn tiếp.


Cũng kể chuyện đã qua, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng kể rằng một người từng làm trong phòng kiểm phiếu đợt bầu cử trước, nói rằng cả hệ thống phải thức suốt đêm thay phiếu, vì quá nhiều tờ phiếu bầu ghi trên đó khẩu hiệu “ĐMCS”.

Nhìn từ bên ngoài thế giới, tờ Diplomat hôm 19/5 đăng bài viết của tác giả Mu Sochua, hiện là nghị sĩ khối ASEAN về Nhân quyền (APHR) và là cựu nghị sĩ Quốc hội Campuchia, cho rằng cuộc bầu cử ngày 23/5 ở Việt Nam là “vô ích” vì nó chỉ được tổ chức để “để đóng dấu cho sự độc quyền quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

“Cũng như các cuộc bầu cử trước, Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến sẽ thống trị kết quả bầu cử và kéo dài thời gian cầm quyền trong 5 năm tới. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bỏ phiếu dự kiến cũng sẽ cao,” ông Mu Sochua nhận định. Ông cũng cho rằng bầu cử ở Việt Nam không tự do và không công bằng, tương tự như ở Lào, không có một cơ quan độc lập đứng ra giám sát các cuộc bầu cử.

Cũng không sai lắm, nếu nhớ lại, hai ứng viên độc lập là Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng ở phía Bắc sau khi lên tiếng tự ứng cử, đã nhanh chóng bị công an ập vào nhà bắt, ghép cho tội “âm mưu tuyên truyền chống chế độ”. Một nhà thơ người Chăm, ông Đồng Chuông Tử cũng bị công an bắt cóc và ép không được tham gia, nếu không thì sẽ khó về nhà. Tất cả những người này bị bắt, chỉ vì trước đó họ luôn bày tỏ những nhận định cá nhân về các vấn đề xã hội trên facebook.


Ký giả Michael Caster, đồng sáng lập viên của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders, viết trên Twitter hôm 20/5 rằng “việc giam giữ những ứng cử viên tự ứng cử vì họ từng bàn thảo về luật pháp và chính trị của Việt Nam trên mạng xã hội, là thêm bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử sắp tới sẽ không có gì khác ngoài một trò hề.”

Ngày 20/5, tổ chức nhân quyền Article 19 lên án việc chính quyền Việt Nam đã bắt giam và sách nhiễu những người có nguyện vọng tự ứng cử. “Công dân có quyền được cung cấp thông tin và các ứng cử viên có quyền tự do trao đổi với công chúng,” tổ chức này lên tiếng.

Việc tổ chức và ép buộc người dân đi bầu, cho thấy đảng CSVN đang khao khát tính chính danh, khao khát được nhìn nhận như là một chế độ do nhân dân chọn lựa. Nhưng với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, cho thấy cuối cùng, mọi cố gắng cũng chỉ trở thành trò hề tự biên tự diễn của giới chóp bu Ba Đình.
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Image

Đông Nam Á trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc
HIẾU CHÂN
Jun 5, 2021
Ngay từ trước khi lên cầm quyền, Tổng Thống Joe Biden đã xác định cuộc cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á.

Quan điểm đó đã nhiều lần được nhấn mạnh trong các phát biểu và bài viết của ông Biden, của Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan và của Ngoại Trưởng Antony Blinken. Ông Biden cũng đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu, rất am hiểu Trung Quốc là ông Kurt Campbell làm điều phối viên chính sách Châu Á của mình.

Trong xu hướng đó, Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ với Nhật và Nam Hàn. Cho đến nay, Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga và Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in là hai nguyên thủ quốc gia đầu tiên được đón tiếp trọng thị ở Tòa Bạch Ốc. Thế nhưng đối với khu vực Đông Nam Á thì chính sách của Mỹ có phần chậm chạp và kém hiệu quả. Các nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á xếp cuối trong danh sách những nhà lãnh đạo nước ngoài được trò chuyện với tân tổng thống Hoa Kỳ qua điện thoại và còn rất lâu mới có những cuộc tiếp xúc trực tiếp để bàn về chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với lợi ích của Mỹ trong cuộc ganh đua với Trung Quốc. Nếu chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á không được thay đổi theo hướng tích cực hơn thì có thể một lần nữa Washington bỏ lỡ cơ hội.

Những ‘điểm trừ’

Mãi đến tuần này, bốn tháng rưỡi sau ngày tiếp nhận quyền lực ở Washington, chính quyền Biden mới cử một quan chức cấp cao tới Đông Nam Á. Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã viếng thăm Thái Lan, Cambodia và Indonesia, trở thành quan chức đầu tiên của chính phủ Biden đến khu vực này. Nhưng chuyến công du của bà Sherman bị một trục trặc ngoại giao đáng tiếc trước đó phủ bóng.

Số là Ngoại Trưởng Antony Blinken có kế hoạch mở hội nghị trực tuyến, qua điện thoại truyền hình với lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN vào ngày 25-5 vừa qua. Đây là cuộc đàm đạo cấp cao đầu tiên Mỹ-ASEAN mà các nước Đông Nam Á mong đợi. Thế nhưng, đến ngày hội nghị, ông Blinken lại bị vướng vào nhiều việc quan trọng khác như chuyến công du tới Châu Âu để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển G-7 sắp diễn ra tại Anh, rồi đến Trung Đông dàn xếp cuộc ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine – một chuyện không định trước. Hội nghị trực tuyến Mỹ-ASEAN phải hủy bỏ vào phút chót và chưa ấn định được khi nào sẽ được tổ chức lại. Phía Mỹ cho rằng hội nghị không diễn ra được vì một trục trặc về kỹ thuật, nhưng nhiều nhà lãnh đạo Đông Nam Á vẫn cảm thấy mình bị xúc phạm. Trong ngoại giao, vụ này là một điểm trừ cho cách ứng xử của Washington.

Tại Thái Lan, Thứ Trưởng Sherman đã gặp Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha hôm Thứ Tư, 2-6, thông báo Mỹ viện trợ cho Bangkok $30 triệu giúp Thái Lan chống dịch COVID-19 nhưng không cam kết chia sẻ vaccine mà Thái Lan đang cần. Quan hệ Mỹ-Thái Lan hiện thời không còn nồng ấm như trước một phần do chính giới Mỹ vẫn quan niệm chính phủ của ông Prayuth Chan-ocha, lên cầm quyền sau một vụ đảo chính quân sự Tháng Năm, 2014, và một cuộc bầu cử bị coi là không công bằng năm 2019, là không có tính đại diện. Quan điểm đó đã cản trở việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước.

Tại Cambodia, bà Sherman gặp thủ tướng đầy quyền lực Hun Sen và công bố khoản viện trợ $11 triệu giúp Cambodia chống dịch COVID-19. Cuộc đàm luận giữa bà Sherman và ông Hun Sen có tính tượng trưng cao độ vì trong suốt bốn năm nhiệm kỳ Tổng Thống Donald Trump vừa qua không có một quan chức nào của Mỹ, từ cấp thứ trưởng trở lên, đặt chân tới Nam Vang. Tuy nhiên, theo truyền thông, cuộc đàm luận giữa bà Sherman và ông Hun Sen không được suôn sẻ lắm do cái bóng của Bắc Kinh.

Bà Sherman viết trên Twitter rằng cuộc nói chuyện với ông Hun Sen là “thành thật” nhưng theo bản tin của đại sứ quán Mỹ tại Nam Vang, tại cuộc gặp bà Sherman đã bày tỏ “mối quan tâm nghiêm túc” của Washington về “sự hiện diện quân sự” của Trung Quốc tại một căn cứ Hải Quân đang được Bắc Kinh giúp mở rộng trên bờ vịnh Thái Lan.

Hồi Tháng Ba, 2021, điều trần trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương khi ấy là Đô Đốc Philip Davidson cho biết, vào Tháng Chín, 2020, chính phủ Cambodia đã cho san bằng các cơ sở do Hoa Kỳ xây dựng, đang được dùng làm trụ sở Ủy Ban Quốc Gia Về An Ninh Hàng Hải Cambodia, tại căn cứ Hải Quân Ream gần thành phố cảng Sihanoukville. Dẫn báo cáo cho biết hành động của Cambodia là nhằm mở đường cho việc thiết lập một căn cứ Hải Quân của Trung Quốc tại đây, Đô Đốc Davidson nói: “Hoa Kỳ và các nước trong vùng lo ngại về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Cambodia và tác động của nó đối với an ninh khu vực.” Bà Sherman đã chuyển tải mối lo ngại đó của Mỹ tới nhà lãnh đạo Cambodia.

Thứ Trưởng Sherman còn yêu cầu Cambodia hủy bỏ “các cáo buộc có động cơ chính trị chống lại thành viên của các đảng đối lập, các nhà báo và nhà hoạt động xã hội dân sự.” Cả hai mối quan tâm của Washington đều là những chuyện mà phía Cambodia không muốn nghe, không muốn đề cập tới.

Bà Sherman cũng đã đến Jakarta, nơi đặt trụ sở Ban Thư Ký ASEAN, gặp Ngoại Trưởng Indonesia Retno Marsudi để bàn về việc thúc đẩy đầu tư và thương mại. Trong một sự trùng hợp tình cờ hay cố ý, giữa lúc Thứ Trưởng Sherman đàm đạo với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Trung Quốc đã cho 16 chiến đấu cơ bay vào không phận của Malaysia trên Biển Đông, ngụ ý nhắc nhở Bắc Kinh vẫn là một thế lực bao trùm của khu vực mà không ai được quên lãng.

Chậm chân hơn Bắc Kinh

Đông Nam Á đã từng rất thất vọng với cách đối xử của chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Donald Trump. Trong bốn năm cầm quyền, ông Trump đã bỏ qua tất cả các Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia Summit) với các nhà lãnh đạo ASEAN, Nhật và Trung Quốc. Ông Trump đã đến Singapore, Việt Nam nhưng chỉ để tham dự Diễn Đàn Kinh Tế APEC và để gặp nhà lãnh đạo độc tài xứ Bắc Hàn Kim Jong Un chứ không phải để hội đàm với các nguyên thủ ASEAN về những mối quan tâm chung của Mỹ và Đông Nam Á.

Khi người Mỹ vắng bóng thì người Trung Quốc gia tăng sự hiện diện. Với sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Chủ Tịch Tập Cận Bình, với chính sách viện trợ, cho vay và đầu tư mà không ràng buộc với các điều kiện dân chủ nhân quyền, Trung Quốc đã bành trướng rất mạnh ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á.

Cambodia là một ví dụ nổi bật. Chỉ trong vài năm, Cambodia đã chuyển từ một nước nhận viện trợ và ưu đãi thương mại của Mỹ và Châu Âu sang một “chư hầu” của Trung Quốc. Trung Quốc là người bảo trợ chính trị chính, là nguồn cung cấp vốn lớn nhất cho Cambodia, đã đổ hàng tỷ đô la vào các dự án hạ tầng của nước này. Dấu ấn và hình ảnh của Trung Quốc tràn ngập đất nước Chùa Tháp, thủ đô Nam Vang và thành phố biển đã lột xác thành những đô thị Trung Quốc, với cộng đồng cư dân, công nhân và du khách Trung Quốc hết sức đông đảo. Chinh phục được Cambodia, Trung Quốc đã có điều kiện phá vỡ sự đồng thuận trong nội bộ 10 quốc gia ASEAN, ngăn chặn tổ chức này phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và sông Mekong. Sự kiện các hội nghị thượng đỉnh ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung lên án hành động của Trung Quốc do vấp phải sự phản đối của Cambodia là một ví dụ.

Nhưng xét cho cùng, Cambodia có lựa chọn của họ. “Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu tôi không hỏi Trung Quốc thì tôi biết hỏi ai?” Thủ Tướng Hun Sen bộc bạch tại diễn đàn Tương Lai Châu Á do báo Nikkei tổ chức cuối Tháng Năm vừa qua. Ông Hun Sen cho rằng, phê phán ông quá phụ thuộc hoặc khấu đầu trước Bắc Kinh là “không công bằng.”

Ông Joe Biden của đảng Dân Chủ đắc cử tổng thống Mỹ đã mang lại niềm hy vọng cho ASEAN; các thủ đô Đông Nam Á chào đón các nỗ lực của chính quyền Biden thúc đẩy mối quan hệ đồng minh và đối tác với Hoa Kỳ trong lúc Trung Quốc càng ngày càng tỏ ra hung hăng và lấn lướt các nước láng giềng nhỏ hơn. Nhưng, theo nhận định của các nhà phân tích chính trị, ngay cả khi Hoa Kỳ đẩy mạnh chiến lược thu phục nhân tâm thì Washington vẫn bị chậm chân trong lúc Bắc Kinh đã tiến rất xa trên con đường chinh phục của họ.

Cho đến nay, viện trợ và đầu tư của Hoa Kỳ tại khu vực này chỉ là một con số rất nhỏ so với Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 càng làm nổi bật sự chênh lệch giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc hỗ trợ khu vực Đông Nam Á. Sau khi khống chế được về căn bản đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã cử Ngoại Trưởng Vương Nghị (Wang Yi) đi tới chín nước ASEAN, cam kết viện trợ và bán rẻ các loại vaccine do Trung Quốc bào chế, trong cái gọi là chính sách “ngoại giao vaccine.” Đến nay các nước này đã dựa phần lớn vào nguồn vaccine Trung Quốc để thực hiện chương trình tiêm chủng cho dân chúng bên cạnh một số ít vaccine AstraZeneca từ chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc mà Hoa Kỳ hậu thuẫn. Việt Nam, nước duy nhất trong ASEAN không nhận vaccine Trung Quốc, thì rất khốn đốn, đến ngày 3-6 chỉ mới có 1.2% dân số Việt Nam được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine, 0.03% dân số đã tiêm đầy đủ, thấp xa so với cả Lào (12.7% và 3.5% dân số) và Cambodia (29% và 12.7% dân số), vì không tìm được nguồn cung cấp vaccine ngoài Trung Quốc. Chỉ riêng vụ vaccine đủ thấy vai trò của Trung Quốc ở khu vực này quan trọng như thế nào.

Hoài nghi và cay đắng

Bốn năm dưới thời cựu Tổng Thống Trump là thời kỳ Trung Quốc bành trướng ở Đông Nam Á mạnh nhất, từ lấn chiếm và xâm lấn trên Biển Đông xuống tận Indonesia và Malaysia, đến chặn dòng sông Mekong, đẩy mạnh đầu tư và di dân tới các nước láng giềng. Đây cũng là thời kỳ Đông Nam Á cảm thấy rõ ràng họ đang bị Hoa Kỳ bỏ rơi, không chỉ các nước Đông Nam Á lục địa (Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan và Miến Điện) vốn gần gũi về địa lý và gắn kết sâu sắc về lịch sử, về mô hình thể chế với Trung Quốc mà cả các nước Đông Nam Á hải đảo (Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei) vốn xa cách Trung Quốc, cũng cảm thấy suy giảm mạnh lòng tin vào chính sách của Hoa Kỳ.

Trước đó nữa, khi nhận ra Trung Quốc – dưới sự cai trị độc tài của đảng Cộng Sản – không thể là một đối tác tốt của Hoa Kỳ, không hy vọng tăng trưởng kinh tế sẽ đưa đất nước Trung Quốc vào con đường dân chủ hóa, trở thành “một cổ đông có trách nhiệm” trong cộng đồng thế giới, chính phủ của Tổng Thống Barack Obama đã kích hoạt một chiến lược “xoay trục” (pivot) sang Châu Á, còn gọi là chính sách “tái cân bằng” (rebalance) – tập trung hỗ trợ các nước nhỏ ở Đông Nam Á chống lại sự chèn ép của Bắc Kinh. Khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton công bố chiến lược “xoay trục” của Mỹ tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN ở Hà Nội năm 2010, các nước Đông Nam Á đã không giấu được sự hài lòng, làm cho ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy là ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tức giận, xô ghế đứng dậy bỏ ra khỏi phòng họp.

Nhưng rồi, cuộc chiến tranh ở Syria, ở Iraq và Afghanistan, cùng nhiều cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông đã thu hút phần lớn sự quan tâm và nguồn lực của chính phủ Obama. Tận dụng cơ hội đó, Bắc Kinh đẩy mạnh cuộc bành trướng ảnh hưởng tại Châu Á cho tới thời của chính quyền Trump. Nỗ lực cuối cùng của ông Obama nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực là Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership, TPP) cũng bị ông Trump vứt vào sọt rác ngay trong tuần đầu tiên chuyển giao quyền lực.

Tất cả những biến động đó, dù đã đi vào lịch sử, vẫn để lại một nỗi hoài nghi và cay đắng trong giới chính trị và trí thức Đông Nam Á về ý định chiến lược của Hoa Kỳ. Giáo Sư Mohamad Rosyidin, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại đại học Diponegoro University của Indonesia chua chát nhận xét: “Nếu chúng ta nhìn vào khuynh hướng về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới quyền Tổng Thống Joe Biden, chúng ta sẽ thấy dường như Hoa Kỳ ưu tiên cho vùng Trung Đông hơn là khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương… Đó là vì truyền thống ngoại giao Mỹ từ lâu đã luôn đặt Trung Đông thành một chỗ đứng quan trọng trong chính sách đối ngoại.” Ông Rosyidin giải thích, sở dĩ như vậy vì người Mỹ quan tâm nhiều tới dầu mỏ, Israel, Iran và Saudi Arabia hơn là vùng Đông Nam Á chẳng có gì hấp dẫn.

Sự kiện Ngoại Trưởng Antony Blinken hủy bỏ hội nghị với các nguyên thủ ASEAN để bay sang Trung Đông giải quyết vụ xung đột Israel-Hamas vừa qua cũng được nhìn nhận ở quan điểm hoài nghi như vậy.

Để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, trước tiên Washington phải có biện pháp xây dựng lòng tin của các đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á – khu vực “chiến trường” của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc.

Tương lai Đông Nam Á về đâu?

Nhờ thành công sớm trong việc khống chế đại dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế, Bắc Kinh dường như đã đi trước Washington một chặng đường dài trong việc thu phục các nước Đông Nam Á. Trong khi Thứ Trưởng Wendy Sherman là quan chức cao cấp nhất, đầu tiên của chính quyền Biden đi tới Thái Lan, Cambodia và Indonesia sau một thời gian dài Hoa Kỳ vắng mặt thì ngoại trưởng Trung Quốc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á để củng cố các mối quan hệ. Ông Vương cũng đã mời các ngoại trưởng ASEAN đến thành phố Trùng Khánh trong tuần tới để dự hội nghị Trung Quốc-ASEAN, ở đó theo dự kiến Trung Quốc sẽ công bố các chương trình trợ giúp Đông Nam Á khôi phục nền kinh tế từ sự tàn phá của đại dịch. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ đưa ra sự trợ giúp như thế nào nhưng đây rõ ràng là một biện pháp thu phục nhân tâm rất hữu hiệu.

Hoa Kỳ dường như vẫn chưa có một kế hoạch như vậy.

Các nước Đông Nam Á từ lâu đã tuyên bố không muốn lựa chọn theo Mỹ hay theo Trung Quốc nhưng nếu xu hướng hiện thời cứ tiếp diễn thì sẽ không khó biết tương lai của Đông Nam Á sẽ về đâu.
hoangphong
Posts: 365
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Đại bồi thẩm đoàn, cuộc luận tội vô tư và công bằng

Nhã Duy

Image
Cali Today News – Các hoạt động của đại bồi thẩm đoàn trong vụ điều tra hình sự tập đoàn Trump Organization đã tiến vào những giai đoạn sâu hơn khi văn phòng biện lý Manhattan của New York vừa triệu tập phó chủ tịch kiêm người đứng đầu các hoạt động kế toán của tập đoàn này là Jeff McConney ra đối chất. Jeff là một cấp quản trị cao cấp và quan trọng đầu tiên trong tập đoàn Trump được vời ra làm nhân chứng.

Để hiểu thêm về tiến trình của vụ án đang được công luận đặc biệt theo dõi này, có lẽ cũng cần tìm hiểu sơ lược về Đại Bồi Thẩm Đoàn (Grand Jury) là gì và có gì khác hơn với Bồi Thẩm Đoàn (Trial Jury) vốn đã khá quen thuộc với nhiều người từ trước nay.

Các vụ án thông thường tại Hoa Kỳ có thể được xét xử và luận tội dựa theo phán quyết của một bồi thẩm đoàn hay thẩm phán. Bồi thẩm đoàn (BTĐ) là một nhóm từ sáu đến 12 công dân thông thường, được luật sư hai bên nguyên và bị cáo thẩm vấn và đồng ý chọn lựa để theo dõi các chứng cứ, nhân chứng cùng tranh cãi liên quan đến vụ án và đưa ra phán quyết cuối cùng (verdict) là có hay vô tội. Tiến trình này diễn ra dưới phiên tòa được điều khiển và giám sát hoàn toàn bởi một thẩm phán.

Khác với bồi thẩm đoàn chỉ lắng nghe các vụ án rồi đưa ra quyết định, đại bồi thẩm đoàn không nhằm đưa ra phán quyết chung cuộc mà mục đích chính của nó là trực tiếp tham dự các thủ tục tố tụng, điều tra và xem xét các chứng cứ, triệu tập nhân chứng nhằm giúp các công tố viên có thêm cơ sở đưa ra cáo trạng buộc tội các nghi phạm hay một tổ chức tội phạm nào đó hay không. Hoạt động tách biệt với tòa án, không có mặt thẩm phán, các bị can và luật sư đại diện, có thể xem hoạt động của Đại BTĐ là một vụ “tiền xét xử” không chính thức trước khi văn phòng biện lý chính thức đưa ra cáo buộc truy tố (charging) và tiến hành thủ tục nghị án (trial).

Đại BTĐ có thể đến 23 công dân, là những công dân được chọn theo cách chọn BTĐ từ hồ sơ dữ liệu của cơ quan bầu cử, nha công lộ… Tuy nhiên họ không trải qua quá trình thẩm vấn, sàng lọc xem có bị thành kiến như việc chọn BTĐ. Họ sẽ làm việc vài ngày mỗi tuần, có thể kéo dài nhiều tháng trời tùy vụ án. Các hãng sẽ đồng ý cho phép họ được nghỉ việc để tham gia vào bồi thẩm đoàn và được hãng hay tiểu bang trả một phần lương, tùy theo luật mỗi tiểu bang.

Đại BTĐ có những thẩm quyền to lớn đã được luật pháp và hiến pháp trao quyền và thông thường được triệu tập trong những vụ án đặc biệt. Chức năng của Đại BTĐ là luận tội và điều tra. Họ có quyền ra trát triệu tập nhân chứng, xem xét mọi chứng cứ, hồ sơ, giấy tờ liên quan được yêu cầu. Các nhân chứng bị triệu tập không thể nào từ chối ra điều trần để tránh bị ghép vào khinh tội (contempt of court), có thể bị phạt tù.

Thông thường các nhân chứng ra điều trần không có luật sư đại diện, được tiến hành tuyệt mật nhằm bảo vệ và cho phép họ được tự do trình bày mà không chịu bất cứ áp lực nào. Các lời khai, tuyên bố được niêm phong và chỉ có người hiện diện mới biết được các nhân chứng đã khai gì, nói về bị can hay tổ chức đang bị điều tra như thế nào. Tuy nhiên, trong khi các bồi thẩm viên, công tố viên, nhân viên liên quan bị buộc phải giữ bí mật theo luật định, còn các nhân chứng có quyền tuyên bố về cuộc điều trần của họ, cho phép họ phản bác lại các đồn đãi không xác thực.

Nếu BTĐ cần sự đồng thuận tuyệt đối trong phán xét thì thông thường chỉ cần quá bán Đại BTĐ, tức 12 người đồng ý rằng các hồ sơ, chứng cứ, nhân chứng cho thấy bị can đã có dấu hiệu phạm tội thì văn phòng biện lý sẽ chính thức khởi tố và ra thông báo cho bị can hay tổ chức nghi phạm. Các thủ tục tố tụng và xét xử lúc này sẽ tiến hành như các vụ hình án liên bang khác, có các bị can, nhân chứng, luật sư… ra đối chất và được xét xử tại một tòa án liên bang.

Một số người cho rằng việc điều tra hình sự tổ chức Trump Organization là một vụ án chính trị hay để trả thù thì có thể biết thêm rằng, thủ tục tố tụng hay Đại Bồi Thẩm Đoàn theo hiến định nói riêng là nhằm để bảo vệ cho người dân được đối xử công bằng, không bị tấn công vì mục đích riêng tư hay chính trị. Vì trong quá trình điều tra và xem xét hồ sơ do các công tố viên cung cấp, Đại BTĐ cũng có thể đưa ra quyết định là không đủ bằng chứng thuyết phục để truy tố.

Công lý là quá trình đi tìm sự thật và sự thật sẽ được phơi bày sau những tiến trình pháp lý công bằng và bình đẳng. Nữ thần công lý Justitia bịt mắt để chỉ một sự phán xét vô tư và bình đẳng với một người sẽ có hay vô tội, bất kể quyền lực, giàu có hay vị thế của họ như thế nào. Đó là điều cần thiết và một điểm mạnh của một xã hội dân chủ và pháp quyền.

Nhã Duy
duynga
Posts: 117
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by duynga »

Nhật Bản kêu gọi thế giới chống bá quyền bành trướng Bắc Kinh
June 18, 2021
STRASBOURG, Pháp (NV) .- Nhật kêu gọi tất cả mọi nước trên thế giới hợp sức với nhau chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi phát biểu tại cuộc họp của tiểu ban quốc phòng Nghị viện Châu Âu là “Trung Quốc đã và đang tăng cường khả năng quân sự rất nhanh chóng và chúng tôi không hiểu rõ lắm chủ đích của họ. Chúng tôi vô cùng quan ngại chuyện này.” Báo Express tường thuật.
Image
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông hồi Tháng Năm 2021. (Hình: CCTV)
Phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc tại tổ chức Liên Âu bác bỏ cáo buộc sự đả kích của NATO và cho rằng đất nước họ theo đuổi “chính sách quốc phòng tự vệ”.

Ông Kishi nói với các nhà lập pháp Liên Âu rằng các hỏa tiễn tầm xa, quyết định gia tăng ngân sách quốc phòng của họ gấp 4 lần Nhật Bản. Trong khi đó, Bắc Kinh quân sự hóa các đảo họ chiếm giữ tại Biển Đông cần phải được cảnh giác cao độ hầu bảo vệ hòa bình.

“Họ gia tăng ngân sách quốc phòng thật lớn lao.” Ông Kishi nói. “Cộng đồng quốc tế cần phải nói chung một tiếng nói để đối phó với Trung Quốc”.

Ông kêu gọi Bắc Kinh giải thích tại sao họ lại phát triển lực lượng không quân nhanh chóng nay đang lớn hàng thứ ba trên thế giới, theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Hoa kỳ. Lực lượng hải quân Trung Quốc hiện nay cố số tàu nhiều nhất trên thế giới và họ còn đang tiếp tục đóng thêm rất nhiều tàu nữa kể cả hàng không mẫu hạm và tàu ngầm hạt nhân.

Theo các tài liệu của Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện có nhiều hơn 1,250 hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm xa từ 500km đến 5,500km, xa hơn cả những gì Mỹ đang có. Hoa Kỳ hiện không có hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất, theo dữ kiện hiện nay, sau khi ký hiệp định kiểm soát võ khí với Nga, trong khi không có hiệp ước tương tự với Trung Quốc.

Lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản tại Nghị viện Châu Âu diễn ra sau những ngày lực lượng Trung Quốc tập trận liền liền trên Biển Đông, đe dọa cả lực lượng Mỹ và các nước nhỏ phía nam ở khu vực. Mới đây, tin tức cho hay Bắc Kinh đưa tàu và máy bay trinh sát tới đảo nhân tạo Đá Chữ Thập nhằm tăng cường khả năng theo dõi các hoạt động quân sự ở khu vực.

Để theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc, Hải quân Mỹ cũng thường xuyên cho các loại chiến hạm thực hiện những chuyến “tự do hành hành” qua các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng tại quần đảo Trường Sa. Báo chí Bắc Kinh nhiều lần kêu rằng các loại phi cơ trinh sát của Mỹ bay càng ngày càng nhiều sát bờ biển Trung Quốc cũng như các khu vực có căn cứ quân sự của họ trên Biển Đông.
Image
Nhóm chiến hạm Trung Quốc gồm cả mẫu hạm Liêu Ninh tập trận trên Biển Đông hồi năm 2018. (Hình: AP)
Biển Đông và đảo Đài Loan được nhiều nhà phân tích cho là những khu vực có thể dẫn đến bùng nổ chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỗi khi Mỹ tập trận trên Biển Đông, guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đều la lối Mỹ “khoe cơ bắp” và “gây mất ổn định ở khu vực”. Tuy nhiên, trong khi đó, lực lượng quân sự Trung Quốc tập trận liên tục nhiều khi cả tháng trên Biển Đông. Mới thấy trong ngày Chủ Nhật 13 Tháng Sáu, tờ báo Quân Sự Trung Quốc khoe một nhóm tàu của họ vừa diễn ra tập trận bắn đạn thật ở khu vực.

Ngày 10 Tháng Sáu vừa qua, ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc, họp tại thành phố Trùng Khánh, cam kết thúc đẩy nhanh chóng các cuộc đàm phán cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) hầu tránh xung đột võ trang. Nhưng liệu có đạt được một bộ ứng xử với thực chất cụ thể, ràng buộc pháp lý chặt chẽ vẫn là dấu hỏi chưa có trả lời trong khi tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ngày một lộ rõ hơn.(TN)
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by tramthaiha »

Những kịch bản chưa biết về cơn ác mộng COVID-19 dưới thời Trump
June 21, 2021

Kalynh Ngô/Người Việt (tổng hợp)
WASHINGTON, DC (NV) – Nhật báo The Washington Post hôm Thứ Hai, 21 Tháng Sáu, cho biết họ nhận được bản thảo của cuốn sách “Nightmare Scenario: Inside the Trump Administration’s Response to the Pandemic That Changed History” (tạm dịch là “Cốt lõi của kịch bản về cơn ác mộng đại dịch thời Trump làm thay đổi lịch sử”) trước ngày phát hành chính thức, 29 Tháng Sáu. Cuốn sách hứa hẹn một loạt những điều chưa biết bên trong cuộc chiến chống COVID-19 của Tòa Bạch Ốc trong suốt năm 2020.
Image
Cựu Tổng Thống Donald Trump trong cuộc họp báo COVID-19 ở Tòa Bạch Ốc hồi Tháng Bảy, 2020.
(Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)
“Các cuộc xét nghiệm (COVID-19) đang giết chết tôi. Tôi sẽ thua trong cuộc bầu cử vì các cuộc xét nghiệm. Tay ngu xuẩn nào yêu cầu viên chức chính phủ liên bang phải đi xét nghiệm vậy?” cựu Tổng Thống Trump không ngừng gào lên trong điện thoại với ông Alex Azar, lúc đó là bộ trưởng Bộ Y Tế, vào ngày 18 Tháng Ba, 2020.

Từ đầu dây bên kia, ông Trump la lớn đến mức các cộng sự của ông Azar nghe rõ từng từ một, và tất cả được hai ký giả của The Washington Post ghi lại.

Sự thật về năng lực quản lý yếu kém của chính quyền Trump, những nhận định phản khoa học, hỗn loạn, kèm theo sự điên cuồng chính trị hóa COVID-19 và kết quả là hơn 400,000 người Mỹ thiệt mạng, tính đến ngày vị tổng thống thứ 45 rời Tòa Bạch Ốc, được hai ký giả của The Washington Post là Yasmeen Abutaleb và Damian Paletta tổng hợp và ghi nhận.

Cuốn sách được viết dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 180 người, bao gồm cả nhân viên cao cấp của Tòa Bạch Ốc và giới chức y tế hàng đầu của quốc gia. Theo tờ báo, những cuộc phỏng vấn “lật tẩy” một thời kỳ mà vai trò của người lãnh đạo bao phủ và cản trở hợp tác từ các nhà khoa học, sự bất lực của nhiều tiếng nói cố gắng ngăn chặn ông Trump hành xử theo bản năng tồi tệ nhất của ông để đạt mục tiêu quan trọng là tái tranh cử.

Ông Trump cho rằng chính phủ Mỹ không bao giờ nên tham dự vào các cuộc xét nghiệm, và tranh cãi với ông Azar rằng vì sao Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) lại cứ muốn truy tìm dấu vết các ca lây nhiễm.

Tháng Hai, 2020, trước khi virus bùng nổ thành đại dịch ở Mỹ, trong một phiên họp tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump tỏ ý đưa những người Mỹ bị nhiễm COVID-19 ở ngoại quốc đến một hòn đảo thuộc quyền sở hữu của Hoa Kỳ.

“Chẳng phải chúng ta sở hữu một hòn đảo hay sao? Vì sao không sử dụng đảo Guantanamo? Chúng ta nhập cảng hàng hóa chứ không nhập virus?,” ông Trump được trích lời nói.

Sau khi nghe, các phụ tá ở Tòa Bạch Ốc “sững sờ,” theo tiết lộ của hai tác giả cuốn sách. Cho đến khi ông Trump lặp lại ý kiến trên lần thứ hai, họ phải nhanh chóng “suy nghĩ về ý tưởng” đó, và đương nhiên, họ phải lo lắng về phản ứng của người dân nếu cách ly người Mỹ trên lãnh thổ của vùng biển Caribbean, nơi Hoa Kỳ giam giữ các nghi can khủng bố.

Vẫn theo The Post, cuốn sách mới tiết lộ những ngày tháng ông Trump luôn tìm cách “đảo ngược tình thế” khi tiếp nhận tin tức liên quan đến COVID-19. Chưa hết, trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng” đó, nhà lãnh đạo Mỹ còn phải vật lộn với chính mình khi ông bị nhiễm COVID-19. Sự thật về sức khỏe của ông Trump trong thời gian nhiễm COVID-19 cũng sẽ được phơi bày trong cuốn sách sắp phát hành.

Hai nhà báo nhận ra được cơn thịnh nộ của ông Trump làm các giới chức cao cấp chính phủ và những người có trách nhiệm chuyên môn bối rối, mất tập trung trong việc đối phó đại dịch. Cuối cùng, cuộc chiến chống COVID-19 của nước Mỹ bị chậm lại đáng kể. Đó là những lúc, bằng linh cảm chứ không phải từ cố vấn chuyên môn, ông Trump đưa ra những quyết định nhất thời, không theo hướng dẫn từ các khoa học, không giúp ngăn cản sự bùng phát dịch bệnh trong nước.

Ông Robert Kadlec, phụ tá bộ trưởng Bộ Y Tế, là người ký vào lệnh đưa 14 công dân Mỹ trên du thuyền Diamond Princess về Mỹ và cũng là người chịu trách nhiệm mua 600 triệu khẩu trang vào cuối Tháng Ba, 2020, bị ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn cao cấp của ông Trump, mắng vào mặt bằng lời lẽ rất nặng nề: “Ông là thằng khốn đê tiện!” (“You f—ing moron!”).

Sở dĩ ông Kushner phản ứng như vậy vì ông Kadlec cho biết số khẩu trang này đến Tháng Sáu mới có.

Cuốn sách kể ra rõ từng hành động cử chỉ hung hãn của ông Kushner lúc đó, ví dụ như ông ném cây viết vào tường và hét lên: “Tất cả chúng ta sẽ chết trước Tháng Sáu.”

“Phụ họa” cho cơn giận của ông Kushner là ông ông Mark Meadows, người do ông Trump chọn làm chánh văn phòng một cách “tùy hứng,” không báo trước, thay thế ông Mick Mulvaney, ngày 6 Tháng Ba. Ông Meadows cũng liên tục hét lớn với ông Kadlec: “Tôi sẽ đuổi cổ ông nếu ông không giải quyết tốt đẹp chuyện này!” Lúc đó, chính phủ liên bang đang gặp trở ngại trong việc điều phối thuốc remdesivir mà FDA đã chuẩn thuận cho điều trị COVID-19.


Tổng Thống Donald Trump tháo khẩu trang ngay sau khi xuất viện trở về Tòa Bạch Ốc hôm 5 Tháng Mười, 2020. (Hình: Win McNamee/Getty Images)
Trong cuốn sách, người đọc sẽ tìm thấy cả những tình huống rất nhỏ, nhưng lột tả được rõ nét tính chất trọng tâm trong phản ứng của chính quyền Trump – những điều (đã) dẫn đến những sự việc diễn ra không theo bất kỳ quy chế hành chính nào.

Một ví dụ về trường hợp thông báo của Tòa Bạch Ốc vào Tháng Hai, 2020, rằng bà Debbi Brix (có thể) sẽ giữ vai trò điều phối viên Tòa Bạch Ốc ứng phó với COVID-19. Nhưng bà Brix, vốn là một chuyên gia lâu năm về bệnh truyền nhiễm, một cựu sĩ quan quân đội, lại là người “không bao giờ tìm cách sửa chữa sai lầm, ngay cả khi sai lầm đó bị lặp lại,” theo hai ký giả.

Một hình ảnh khó quên của bà Brix là trong cuộc họp báo hàng ngày ở Tòa Bạch Ốc nói về COVID-19, bà ngồi im lặng, “thẫn thờ,” ánh mắt xa xăm khi nghe ông Trump chỉ ra cách tiêm thuốc tẩy vào cơ thể để chống lại virus.

Khi sự tín nhiệm dành cho Bác Sĩ Anthony Fauci tăng lên và lòng tin của công chúng đối với các bác sĩ, chuyên gia khác giảm mạnh, các đồng minh của bà Brix và ông Robert Redfield, giám đốc CDC, cho rằng ông Fauci không bị công chúng trừng phạt vì sai lầm của chính ông, trong đó có cả việc khuyên người dân không cần mang khẩu trang, dù ông đã thay đổi ý kiến chuyên môn vài tuần sau đó.

“Những phản ứng đó là biến (Tòa Bạch Ốc) thành một môi trường độc hại, một nơi mà khi quý vị quay đầu bất kỳ chỗ nào, cũng có ai đó sẵn sàng kéo đầu quý vị lại hoặc đe dọa sa thải quý vị,” hai ký giả của The Post viết trong cuốn sách.

“Nightmare Scenario” còn ghi lại những kịch bản bi hài khác như cựu Phó Tổng Thống Mike Pence – một người hoàn toàn không có chuyên môn về y tế, dịch tễ, lại trở thành “tham mưu trưởng” lực lượng tác chiến chống COVID-19 của Tòa Bạch Ốc vào cuối Tháng Hai, 2020, thay thế ông Azar.

Trong những ngày kế tiếp đó, ông Pence và ông Marc Short, chánh văn phòng của ông, tập trung vào tác động của kinh tế, chính trị từ cách đối phó dịch bệnh của chính phủ. Tuy nhiên, theo cuốn sách, ông Short từng nhiều lần phàn nàn cựu Tổng Thống Trump không thể kềm chế phản ứng bốc đồng của ông khi lắng nghe ý kiến các chuyên gia y tế cộng đồng, đặc biệt là sự kiện ông Trump mở cửa kinh tế vào dịp lễ Phục Sinh 2020 khi đại dịch chưa được khống chế.

Trong những ngày nước Mỹ ngụp lặn trong cuộc chiến chống COIVD-19, ông Short cũng là người phản đối nỗ lực của Bộ Y Tế tặng khẩu trang miễn phí cho mọi gia đình Mỹ. Một số giới chức cao cấp còn so sánh việc mang khẩu trang chẳng khác nào “quấn đồ lót lên mặt” và “trông chẳng khác gì cái nịt ngực.”

Truyền thông Mỹ gần như bị sốc với hình ảnh ông Trump vội vã tháo khẩu trang khỏi mặt khi ông vừa từ quân y viện Walter Reed về đến Tòa Bạch Ốc sau hai ngày điều trị COVID-19.

“Một trong những sai lầm lớn nhất trong phản ứng của chính quyền Trump là không một ai đứng ra chịu trách nhiệm,” theo hai tác giả của cuốn sách. Hai ký giả đặt câu hỏi đó có phải là bà Brix không? Hay đó là ông Pence? Hay đó là ông Trump – vị thủ lĩnh? Hay đó là ông Kushner, người đứng phía sau “lực lượng tác chiến” cho đến ngày nhóm này bị tan rã? Hay đó là ông Marc Short, ông Mark Meadows, những người luôn tạo mâu thuẫn và không bao giờ hợp tác với nhau?

“Cuối cùng, không có ai chịu trách nhiệm và những phản ứng đó là vô phương hướng,” hai tác giả kết luận.

Cuối cùng, thảm kịch và dư chấn tàn khốc của một đại dịch (có lẽ sẽ còn kéo dài) không có người chịu trách nhiệm, cho đến khi có người đứng ra ngăn chặn tiến trình lây lan (dù khá muộn).

Cuối cùng, “Nightmare Scenario” đúng là đã thay đổi lịch sử của một giai đoạn của nước Mỹ, và thay đổi cả tham vọng “Make America Great Again.” [đ.d.]
vuongquan
Posts: 275
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by vuongquan »

Nước Mỹ bao giờ thôi chia rẽ?
June 28, 2021
Hiếu Chân/Người Việt
Sau hơn một năm ai ở yên nhà nấy, người Việt ở California đã bắt đầu tụ tập trở lại; hàng quán, bãi biển bắt đầu đông nghịt người, nhất là trong những ngày cuối tuần qua khi Ngày của Cha (Father’s Day) trùng với Chủ Nhật và đúng dịp tiểu bang mở cửa hoàn toàn.
Image
Nước Mỹ không thể đoàn kết các đồng minh và đối tác thành một khối đối kháng với Trung Quốc và Nga một khi chưa thể đoàn kết các đảng phái và người dân Mỹ nói chung. Trong hình, một người ủng hộ Tổng Thống Donald Trump (trái) và một người ủng hộ ứng cử viên Tổng Thống Joe Biden tại Black Lives Matter Plaza gần Tòa Bạch Ốc hôm 8 Tháng Mười Một, 2020, ở Washington, DC. (Hình minh họa: Samuel Corum/Getty Images)
Hầu như ai cũng mong ngóng ngày “phá cũi sổ lồng” để được gặp gỡ bạn bè người thân, khề khà bên ly bia chén rượu hàn huyên bù lại những tháng ngày “xa mặt cách lòng” vì con virus Corona quái ác. Trong những câu chuyện nổ như bắp rang sau nhiều ngày “cấm khẩu,” không khó để nhận ra nỗi ngạc nhiên khi bỗng nhiên người ta nhìn thấy một nước Mỹ rất khác với thời kỳ trước đại dịch! Trong những câu chuyện mà những người tôi quen biết thường đàm đạo trong những ngày này đang nổi lên một mối băn khoăn lớn: Tại sao lúc này, nước Mỹ lại bị chia rẽ trầm trọng như vậy? Và đâu là lối thoát?

Anh P., tuổi 70, sống ở Mỹ đã 40 năm có lẻ, luyến tiếc một nước Mỹ hiền hòa và đẹp đẽ. “Ra đường chẳng phải lo ngại gì, tối ngủ không cần khóa cửa,” anh nhớ lại và thở dài khi kể ra hàng loạt câu chuyện về người Mỹ gốc Á bị lăng mạ, bị hành hung ở khắp các thành phố lớn mà đài truyền hình và báo chí đều đăng tải.

Anh S. – người được bạn bè ngưỡng mộ vì đã nuôi dạy những đứa con thành đạt từ những ngôi trường mơ ước như Princeton, Yale, Stanford – ngậm ngùi tâm sự về mối bất hòa trong gia đình anh, khi những đứa con lớn lên đã không còn cùng chí hướng với cha mẹ. “Cha con không còn nói chuyện hòa nhã với nhau được nữa. Bọn chúng bây giờ tiêm nhiễm cái tư tưởng liberal (cấp tiến) của mấy ông giáo sư đại học, lúc nào cũng bảo cha mẹ quá conservative (bảo thủ) lỗi thời,” anh S. than thở.

Còn T., một con chiên ngoan đạo, thì trầm lắng hơn: “Nước Mỹ đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Dịch giã khiến nhà thờ phải đóng cửa, giáo dân không còn được rước lễ, không còn nghe cha xứ giảng kinh thì xã hội trở nên rối ren, đạo đức suy thoái. Con virus Corona ngó vậy mà thật kinh khủng, còn gây hại lâu dài,” anh nói.

Rồi theo đà đưa đẩy, câu chuyện chuyển dần sang lên án nhà cầm quyền Trung Quốc, tạo ra con virus và phát tán ra ngoài để phá hoại nước Mỹ, giành vị thế thống trị thế giới…

***

Nước Mỹ quả đang gặp nhiều vấn đề cả về chính trị, kinh tế và đạo đức; trong đó nổi bật lên tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa các sắc tộc da trắng da màu, giữa các xu hướng chính trị xanh và đỏ, Dân Chủ và Cộng Hòa, giữa lớp trẻ và lớp phụ huynh, giữa các đô thị và vùng nông thôn… Tình trạng chia rẽ mà sách báo vẫn thường gọi là sự phân cực (polarization) có trong mọi lĩnh vực đời sống và thấm vào từng gia đình, không ai tránh được.

Trên bình diện quốc gia, hầu như sự đồng thuận chính trị trong việc điều hành đất nước đã biến mất, Quốc Hội gần như tê liệt vì mọi quyết định chính sách vấp phải sự chống đối mạnh mẽ. Dự luật HR.1 chẳng hạn – một đạo luật quan trọng bảo đảm quyền bỏ phiếu của công dân Mỹ – khi đưa ra Thượng Viện xem có nên thảo luận và phê chuẩn hay không, đã nhận được một kết quả đáng kinh ngạc 50-50; toàn bộ các thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ bỏ phiếu thuận, nửa còn lại thuộc đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống trong khi túc số tối thiểu để dự luật được tiến triển là 60/40.

Tương tự như vậy, nhiều dự luật khác liên quan tới quốc kế dân sinh cũng đều bị “xếp xó” mà không được phê chuẩn. Một ví dụ, trước thảm nạn các vụ giết người hàng loạt xảy ra gần đây trên khắp nước Mỹ, những đề nghị siết chặt quy định về sở hữu súng, tăng cường kiểm tra nhân thân người mua súng, cấm mua bán các loại vũ khí tấn công như súng AR-15 vẫn bị bế tắc và dư luận xã hội vẫn chia rẽ trầm trọng.

Theo khảo sát ý kiến mà Pew Research – một hãng thăm dò dư luận có uy tín – thực hiện từ ngày 5 đến 11 Tháng Tư, chỉ có hơn một nửa số người Mỹ được hỏi ý kiến (53%) cho rằng luật lệ về súng nên được siết chặt hơn hiện nay. Trong số 53% này có 81% người thuộc đảng Dân Chủ, 20% thuộc đảng Cộng Hòa. Tương tự, 73% số người đảng Dân Chủ tin rằng siết chặt việc sở hữu súng hợp pháp sẽ làm giảm các vụ giết người hàng loạt, nhưng cũng chỉ 20% người Cộng Hòa tin như vậy, trong khi 65% người Cộng Hòa và 23% người Dân Chủ cho rằng siết chặt quy định sở hữu súng chẳng có ý nghĩa gì cho việc giải quyết vấn nạn thảm sát do súng đạn. Bao nhiêu dự định sửa đổi luật lệ về súng đạn đều không thể thực hiện được, và mỗi ngày qua đi lại có thêm một số mạng người bị tước đoạt vô lý.

Có thể liệt kê rất nhiều ví dụ như vậy cho thấy sự phân cực sâu sắc về chính trị trong các vấn đề quốc gia đại sự như quyền bầu cử, quyền phá thai, sự bình đẳng sắc tộc, giới tính… đã làm tê liệt hoạt động quản trị quốc gia hiện nay.

Đừng nghĩ sự phân cực chính trị đó không có tác động gì tới cuộc sống hằng ngày của cá nhân mình, gia đình mình, chỉ cần “an phận thủ thường,” lo làm ăn và chăm sóc gia đình là được. Không hẳn như thế.

Trong đất nước dân chủ, mọi quyết định chính sách dù nhỏ của chính phủ, quốc hội đều ít nhiều có tác động tới cuộc sống từng công dân. Các chính sách tăng lương tối thiểu lên $15 mỗi giờ, trợ cấp thất nghiệp cho người bị mất việc vì dịch bệnh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người sắp bị đuổi nhà chẳng hạn, đều có ảnh hưởng sâu sắc đến túi tiền, đến bữa cơm, đến thu nhập của từng người chúng ta. Ngay cả những chuyện được coi là “nhỏ nhặt” như có cần phải mang khẩu trang ở những nơi đông người như siêu thị, nhà hàng, trường học… hay không cũng bị “chính trị hóa” với người bênh, người chống, không ai chịu ai dù khoa học cho rằng mang khẩu trang làm giảm tình trạng lây nhiễm virus.

***

Tình trạng phân cực đã có từ lâu trong xã hội Mỹ vì đây là một xã hội đa nguyên đa đảng, tôn trọng tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của từng cá nhân, không ép mọi người dân vào cùng một khuôn khổ để tạo ra cái gọi là “đoàn kết” giả tạo như xã hội Cộng Sản. Nhưng phải nhìn nhận chưa bao giờ sự phân cực lại trầm trọng, rộng rãi như hiện nay và gây ra rất nhiều thiệt hại cho đất nước. Một đất nước bị chia rẽ thì không thể giàu mạnh.

Hãy xem vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Lĩnh vực đối ngoại xưa nay vẫn được coi là “biệt lập” với sự phân cực chính trị; cho dù đảng nào lên cầm quyền ở thủ đô Washington, DC, thì chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn tập trung bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, duy trì vị thế hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên hiện nay, sự chia rẽ đảng phái đã xói mòn uy tín của nước Mỹ trong mắt người dân thế giới.

Ông Joe Biden vừa hoàn thành chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ, chuyến đi đánh dấu sự kiện “nước Mỹ đã trở lại” sát cánh cùng các đồng minh Châu Âu đối phó với sự trỗi dậy của các thể chế độc tài Nga và Trung Quốc. Nhưng, tại những nơi mà ông Biden đi qua, các chính trị gia lại hỏi nhỏ nhau: “Nước Mỹ đã trở lại, nhưng được bao lâu?” Danh tiếng của nước Mỹ như là một đất nước ổn định, đáng tin cậy và có thể dựa vào – một cột trụ làm nên sức mạnh mềm của Mỹ – đã bị xói mòn do những mâu thuẫn và đối kháng ngay trong lòng xã hội Mỹ.

Sự đối kháng chính trị đã lên tới mức mà nhà nghiên cứu Rachel Myrick của Đại Học Duke phải gọi là “tinh thần đảng phái tiêu cực” (negative partisanship), trong đó đảng này ra sức ngăn cản đường lối của đảng kia, thậm chí phá hoại những nền tảng mà đảng đối thủ đã thiết lập.

“Vài người mô tả nghị trình chính sách đối ngoại của Tổng Thống Trump là ‘không nhất quán,’ là thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn nhưng chương trình của ông có một chủ đề thống nhất: xóa bỏ các thành tích của cựu Tổng Thống Barack Obama. Tự đặt mình vào vị trí ‘chống-Obama’ về đối ngoại, ông Trump đã nhanh chóng đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm về di dân, thương mại và biến đổi khí hậu,” bà Rachel Myrick viết trên Foreign Affairs, giải thích cụ thể về khái niệm “tinh thần đảng phái tiêu cực.”

Khi ông Joe Biden lên thay, những quyết định đầu tiên của ông là đảo ngược nhiều chính sách của ông Donald Trump như quay lại Hiệp Định Khí Hậu Toàn Cầu Paris, tái gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), mở lại hòa đàm với Iran về vũ khí hạt nhân…

Những cuộc “xoay trục” theo tinh thần đảng phái như vậy làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ không khỏi phân vân: Tổng Thống Biden cam kết “nước Mỹ trở lại” nhưng rồi sau bốn năm nữa, một nhà lãnh đạo khác lên thay, có thể từ đảng Cộng Hòa, thì những cam kết hôm nay còn có ý nghĩa gì hay lại bị “đảo ngược” như chuyện đã và đang diễn ra ở Washington.

Cuộc đối đầu mang tầm thế kỷ giữa dân chủ và độc tài đã bắt đầu, đòi hỏi Hoa Kỳ phải đứng vững ở vị trí chỉ huy, dẫn dắt các nền dân chủ phương Tây chống lại khối chuyên chế Nga và Trung Quốc trên tất cả các mặt trận từ chính trị, kinh tế, công nghệ đến quân sự. Sự kiện uy tín của Hoa Kỳ sụt giảm trên trường quốc tế là một trở ngại cần vượt qua.

Nước Mỹ không thể đoàn kết các đồng minh và đối tác thành một khối đối kháng với Trung Quốc và Nga một khi chưa thể đoàn kết các đảng phái và người dân Mỹ nói chung. Không những thế, sự phân cực chính trị còn gây ra sự thụt lùi về dân chủ ở Mỹ bởi vì phân cực chính trị xói mòn ý niệm về một bản sắc quốc gia chung, cản trở sự tiến bộ trong những vấn đề quản trị đất nước, theo nhận định của tổ chức Freedom House trong báo cáo dân chủ toàn cầu năm 2021.

***

Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao chính trị Mỹ bị phân cực trầm trọng như vậy, chẳng hạn như sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy mà ông Donald Trump là gương mặt đại diện, sự phát triển của truyền thông xã hội với sự tràn lan của tin giả, tin xuyên tạc, ảnh hưởng chính trị của công cuộc toàn cầu hóa với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, công nghệ và người lao động, sự chia rẽ giữa nông thôn và thành thị.

Sự phân cực chính trị được thấy rõ không chỉ ở Mỹ mà có ở rất nhiều quốc gia khác, nhất là các nước công nghiệp phát triển ở phương Tây có môi trường sinh hoạt dân chủ giống như nước Mỹ. Sự kiện một nửa nước Anh bỏ phiếu Brexit chọn ra khỏi Liên Minh Âu Châu (EU) và một nửa chọn tiếp tục ở lại trong EU là một ví dụ.

Tất cả những nguyên nhân kể trên đều có phần đúng. Nhưng so với các nước Châu Âu, sự phân cực chính trị ở Mỹ trầm trọng hơn rất nhiều, đến mức thành viên của các đảng chính trị nhìn nhau bằng con mắt ngày càng tiêu cực, các quan hệ cá nhân cũng bị biến dạng theo xu hướng chính trị: đa số những người Cộng Hòa chỉ muốn kết thân với bạn bè là người Cộng Hòa cùng chia sẻ quan điểm bảo thủ với họ. Trên mạng xã hội lẫn trong đời sống thực, những người ủng hộ ông Trump lập thành những nhóm riêng, tranh cãi và đối kháng với những nhóm ủng hộ ông Biden và đảng Dân Chủ…

Tuy vậy, sự chia rẽ của nước Mỹ không phải là một định mệnh. Người Mỹ vốn có truyền thống khoan dung và tôn trọng sự khác biệt về mặt quan điểm và lối sống – một đặc điểm tính cách hình thành từ lịch sử chung sống hòa bình các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau.

Thể chế chính trị dân chủ của Mỹ không chỉ tôn trọng sự khác biệt, đa dạng mà đề cao sự thỏa hiệp (compromise) như một nguyên tắc nền tảng của sinh hoạt chính trị. Dù cãi nhau như mổ bò nhưng cuối cùng các đảng chính trị vẫn phải thỏa hiệp với nhau, mỗi bên nhường nhịn một ít, để cùng đi tới một thỏa thuận chung cuộc. Đó là điểm khác biệt về bản chất giữa thể chế dân chủ Mỹ với thể chế độc tài Cộng Sản, vốn chủ trương dùng “bạo lực cách mạng” để trấn áp và dập tắt những tiếng nói đối lập. Có thể nói, sự phân cực làm suy yếu nước Mỹ nhưng chính sự đa dạng lại làm nên sức mạnh của nền Cộng Hòa. Vấn đề là làm thế nào duy trì sự đa dạng nhưng không cực đoan để trở thành chia rẽ.

Một nghiên cứu của cô Vicky Chuqiao Yang ở Viện Santa Fe, cùng với đội ngũ các nhà nghiên cứu của Đại Học Northwestern và UCLA về 150 năm lịch sử chính trị Mỹ cho thấy đa số người Mỹ có quan điểm ôn hòa, nhưng các đảng chính trị thường đưa ra những phát ngôn cực đoan như là cách thu hút lá phiếu của cử tri, nhất là trước những kỳ bầu cử. Tuy nhiên, mỗi đảng đều có những thành phần ôn hòa và cực đoan và trong trường kỳ, thành phần ôn hòa dễ được công chúng chấp nhận hơn.

Sự kiện ông Joe Biden – một chính trị gia được coi là trung dung – đắc cử tổng thống Hoa Kỳ chứ không phải ông Bernie Sanders hay bà Elizabeth Warren – những chính trị gia Dân Chủ được coi là “thiên tả” hơn và được giới trẻ Mỹ ủng hộ nồng nhiệt – là một trường hợp thú vị. Ngay trong đảng Cộng Hòa cũng có những chính trị gia ôn hòa như các Thượng Nghị Sĩ Susan Collins, Lisa Murkowski, Liz Cheney dù họ là thiểu số luôn bị các đồng viện cực đoan ép.

Mới đây, sau nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa, cuối cùng các nghị sĩ ôn hòa thuộc lưỡng đảng và Tổng Thống Biden cũng thỏa thuận được với nhau một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ đô la, công bố hôm 24 Tháng Sáu là một ví dụ cho thấy sự phân cực chính trị có thể được vượt qua vì những điều lớn lao hơn.

Nước Mỹ đang chia rẽ, nhưng kỳ vọng nguyên tắc thỏa hiệp của thể chế dân chủ, cộng với truyền thống bao dung, tôn trọng sự đa dạng về chính kiến và văn hóa sẽ là yếu tố hàn gắn xã hội Mỹ trong thời gian tới. Cũng giống như đại dịch COVID-19 đến rồi đi mà không thể quật ngã nước Mỹ, vết thương rồi sẽ lành, những bữa cơm gia đình rồi sẽ đầm ấm trở lại. Nước Mỹ với nền tảng vững chắc về chính trị, kinh tế, quân sự vẫn sẽ lừng lững đi tới, vượt qua những khó khăn tạm thời để kiến tạo một xã hội bình đẳng hơn, giàu mạnh hơn, đó là điều chắc chắn. [qd]
phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by phidao »

Công ty của Trump bị truy tố khai gian và trốn thuế trong 15 năm
July 1, 2021
MANHATTAN, New York (AP) – Biện Lý Cuộc New York vừa truy tố Trump Organization và ông Allen Weisselberg, giám đốc tài chánh công ty, khai gian và trốn thuế trong 15 năm, đánh dấu một vụ án hình sự đầu tiên đối với công ty kinh doanh của cựu Tổng Thống Donald Trump.

Bản cáo trạng được công bố ngày Thứ Năm, 1 Tháng Bảy, cho thấy Biện Lý Cuộc New York, địa hạt Manhattan District, cáo buộc Trump Organization và Trump Payroll Corporation 10 tội, và ông Weisselberg 15 tội, liên quan đến việc “xào nấu” số liệu để “lách thuế” cho các giới chức quản trị cao cấp của công ty từ năm 2005 đến nay.
Image
Ông Allen Weisselberg (giữa), giám đốc tài chánh Trump Organization, tại tòa án New York ngày 1 Tháng Bảy. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)
Công ty này, do cựu Tổng Thống Donald Trump sở hữu, và ông Weisselberg bị cáo buộc tội lừa đảo, âm mưu, gian lận thuế, và làm hồ sơ kinh doanh giả mạo.

Riêng ông Weisselberg bị thêm tội gian lận tài chánh và ăn cắp tài sản công ty, chỉ riêng tội này có mức hình phạt 15 năm tù.

Theo cáo trạng, công ty Trump Organization trả tiền thuê nhà, điện, nước, và chỗ đậu xe cho căn chung cư mà vợ chồng ông Weisselberg ở trên đại lộ Riverside Boulevard, như là chi phí hoạt động.
Image
Ông Allen Weisselberg bị còng và bị áp giải trình diện tại tòa hình sự địa hạt Manhattan, New York, ngày 1 Tháng Bảy. (Hình: Timothy A. Clary/AFP via Getty Images)
Công ty có một bảng chiết tính theo dõi những chi trả này, để trừ vào phần tiền công của ông giám đốc tài chánh, số tiền còn lại sau đó mới được khai trên sổ lương chính thức.

Qua cách sắp xếp trên, công ty không khai thuế sổ lương cho ông Weisselberg, và ông này khai và đóng thuế thu nhập cá nhân chỉ một phần trong tổng số lương bổng thật.

Cáo trạng cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến Tháng Sáu, 2021, ông Weisselberg được trả lương ngoài sổ lương chính thức khoảng $1.76 triệu bằng cách “lách thuế” như trên.
Image
Ông Allen Weisselberg tại tòa án ở New York. (Hình: Seth Wenig/Pool/AFP via Getty Images)
Ngoài ra, ông Weisselberg còn “né thuế” thành phố New York, khi không khai cư ngụ tại khu chung cư ở đại lộ Riverside Boulevard trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2013.

Các biện lý cáo buộc đương sự trốn tổng cộng hơn $900,000 tiền thuế liên bang, tiểu bang, và thành phố, nhưng lại nhận $133,124 tiền bồi hoàn thuế mà trên thực tế không đủ tiêu chuẩn được hưởng.


Công ty Trump Organization còn trả tiền học trường tư cho các cháu của Weisselberg.

Trong phiên tòa hôm Thứ Năm, Trump Organization, Trump Payroll Corporation, và ông Weisselberg đều không nhận tội.

Ông Weisselberg sau đó được tại ngoại hậu tra sau khi nộp sổ thông hành cho tòa.
Image
Bà Letitia James (phải), bộ trưởng Tư Pháp New York, và ông Cyrus Vance, chánh biện lý địa hạt Manhattan. (Hình: Timothy A. Clary/AFP via Getty Images)
Cũng trong ngày Thứ Năm, sau khi biết sự việc, cựu Tổng Thống Donald Trump tuyên bố vụ truy tố này mang “động cơ chính trị” của những người cực đoan tả khuynh thuộc đảng Dân Chủ.

Ông Trump từng tuyên bố việc làm của công ty là thông lệ trong kinh doanh, không phải là hoạt động phạm pháp.


Luật sư đại diện Trump Organization cáo buộc việc Biện Lý Cuộc Manhattan truy tố ông Weisselberg nhằm làm mất uy tín vị tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Vụ truy tố này sẽ gây ra khó khăn cho công ty của ông Trump trên phương diện tài chánh vì Trump Organization sẽ gặp khó khăn đối với các ngân hàng khi cần tài trợ và các doanh nghiệp khác không muốn điều đình hoặc kinh doanh với một thực thể đang có vấn đề với tòa án.

“Một công ty kinh doanh gặp rắc rối về luật pháp đều phải đối mặt với những hậu quả tài chánh,” Luật Sư Daniel Horwitz, chuyên biện hộ về luật thương mại, nhận xét. “Các nhà tài trợ rất miễn cưỡng làm việc với các công ty trong hoàn cảnh này.” (MPL) [đ.d.]
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by lengoi »

Image

Để hạ đo ván niềm tin của một đế chế…
Minh Tùng
7 tháng 7, 2021


Gần nửa đêm ngày 4 Tháng Bảy, 2021, chuyến bay chở gia đình chúng tôi mới chạm bánh của đường băng, kết thúc hành trình nửa ngày trời vật vạ tại các phi trường lớn của nước Mỹ.

Phi trường quốc tế Ronald Reagan vắng hoe. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là dãy kệ chưng bày hàng của mấy tiệm tạp hóa ở phi trường, được bày trí dọc hành lang lối đi. Nhân viên bán hàng đã kết thúc ca làm việc để về nhà. Hàng hóa nằm im lìm trên kệ, ngay trong tầm tay với của những người qua lại, không người trông coi, cũng không có cửa kính ngăn cách. Nếu như có ai đó muốn lấy bất kỳ món gì thì cũng chẳng có ma nào có thể ngăn cản họ. Rào cản duy nhất hiện hữu giữa mớ hàng hóa và dòng người là một thứ vô hình nhưng chắc chắn và đáng giá: Niềm tin. Niềm tin dựa trên danh dự của từng cá nhân và của cái xã hội từng bị bêu rếu là “gian lận”, mới cách đây chừng hơn nửa năm.

Dọc theo đường lộ ở nhiều vùng làng quê nước Mỹ, thảng hoặc người ta cũng bắt gặp những quầy bán nông sản hay trái cây không người trông coi, với bảng giá nằm cạnh lọ thủy tinh hay rổ đựng tiền. Người mua chọn thứ mình muốn và tự móc tiền bỏ vào lọ hay rổ để trả. Trả thiếu hay không trả cũng chả có ai hay biết. Người ta gọi hệ thống thanh toán này là “hệ thống danh dự” (honor system) và nó hiện hữu dựa vào niềm tin. Tin vào sự thiện lương của người lạ, tin vào lòng tự trọng và danh dự, biết tự chế và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của một xã hội có tôn ti, trật tự và các giá trị tốt đẹp của nó.

Niềm tin, tuy mơ hồ nhưng lại vô cùng hữu hiệu và cần thiết trong chuyển động thường nhật tại các quốc gia văn minh ở thời đại này. Bạn có thể nghi ngờ vào niềm tin của xã hội nhưng bạn sẽ không thể phủ nhận nó và niềm tin này không chỉ hiện hữu ở những quầy bán trái cây dọc các con đường quê hay giữa một phi trường quốc tế với hàng triệu người qua lại. Nó hiện hữu ở cả tầm cao nhất trong mạch sống của một quốc gia: Tiền tệ.

Thật vậy, giá trị của mỗi tờ giấy bạc mà bạn đang có trong túi, dù của bất kỳ quốc gia nào, cũng đều dựa vào niềm tin, cho dù nhà nước của quốc gia ấy phải “cưỡng chế niềm tin” bằng các sắc luật. Tờ $1 và tờ $100 đều có một trị giá ngang nhau trước khi xuất xưởng. Chúng cùng kích cỡ, cùng một quy trình chế tạo, cùng một kỹ thuật và vật liệu. Chỉ cho đến khi xuất xưởng và chính thức đưa vào lưu hành thì giá trị của chúng mới thay đổi, tùy theo con số được in trên đó. Trọng lượng của tờ $1 hay $100 cũng đều là một gram – không hơn, không kém. Khác với thời đại tiền tệ bản vị vàng, khi giá trị của tiền tệ được đặt trên trọng lượng của quý kim (vàng hay bạc), giá trị tiền tệ ngày nay được đặt trên uy tín và chỉ số kinh tế của một quốc gia.

Suy cho cùng, tờ bạc mà bạn đang có trong túi cũng chỉ là một tờ giấy lộn nếu như chúng không được bảo chứng bằng uy tín và các con số thống kê của chính phủ đưa ra: Tổng giá trị hàng hóa quốc gia, chỉ số phát triển kinh tế, chỉ số thất nghiệp, vv… Các thông số quyết định giá trị tài sản mà bạn đang sở hữu ấy, thảy đều là những con số trên giấy và bạn sẽ không có cách nào để kiểm chứng cho được, ngoài việc buộc phải tin tưởng vào chúng.

Dĩ nhiên, một chính phủ không minh bạch thì niềm tin của người dân đối với chính phủ ấy cũng sẽ không cao và giá trị tiền tệ của họ cũng sẽ lao đao. Giá trị của đồng bạc Việt Nam hay đồng đôla Hoa Kỳ trồi hay sụt, đều không phải chỉ dựa vào các thông số do nhà nước công bố không thôi, mà còn phải dựa vào niềm tin của giới đầu tư, kinh doanh, của tất cả những người sử dụng nó.

Không có được niềm tin tối thiểu dành cho một thể chế – nhất là tiền tệ – bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ sụp đổ trong một sớm một chiều.

***

Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giành giật ngôi vị bá chủ thế giới, các đại cường quốc về quân sự và kinh tế cũng luôn nhắm đánh vào niềm tin của người dân dành cho chính phủ của nước đối nghịch, đặc biệt nhắm vào hai trong nhiều cột trụ mấu chốt được xây dựng dựa vào niềm tin công chúng là hệ thống tư pháp và tài chánh. Nga và Trung Quốc đổ nhiều công sức để củng cố niềm tin tài chánh của họ trong nỗ lực đánh sập sự thống trị Hoa Kỳ bằng cách lôi kéo các quốc gia đồng minh tiến tới thành lập một thị trường giao dịch quốc tế, chỉ sử dụng đồng rúp Nga và đồng nhân dân tệ Trung Quốc và không tin vào đồng đôla Mỹ.

Ở phía đối nghịch, Hoa Kỳ cũng có những cố gắng nhằm giữ vị thế mình và kiềm hãm sự hung hăng của hai đối thủ, cũng bằng các phương pháp nhắm đến việc hạ thấp niềm tin vào tiền tệ và luật pháp của kẻ thù. Người Mỹ, cùng với các chuyên gia kinh tế và tài chánh của thế giới, đã từ lâu chỉ ra rằng nếu muốn ngăn chận sự trỗi dậy của Trung Quốc, cách tốt nhất là ngăn chặn việc khuynh đảo tiền tệ của nước này.

Tiếc thay, đây lại là điều mà ông cựu tổng thống một nhiệm kỳ Donald Trump đã không bao giờ dám sử dụng khi chính bản thân ông ta và con cái có quá nhiều thương vụ hái ra tiền ở Trung Hoa lục địa. Thay vào đó, cái gọi là cuộc thương chiến vốn mang nặng tính trình diễn của Trump rốt cuộc đã chẳng thể làm sứt mẻ một cọng lông chân nào của Trung Cộng. Ngược lại, các nhà sản xuất Hoa Kỳ mới chính là những nạn nhân cuối cùng khi Trung Cộng đáp trả bằng những đòn áp thuế tương tự lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Về phía Trung Cộng, ý thức rằng chưa thể có khả năng để đánh sập niềm tin vào đồng đôla Mỹ, họ dồn toàn lực để đánh vào niềm tin đối với thể chế tam quyền phân lập của Hoa Kỳ. Các thế lực đối lập cuội do Trung Cộng dựng lên, như giáo phái Pháp Luân Công, ngay lập tức được tung vào cuộc chiến và thế giới đột nhiên chứng kiến hành động dừng lại đột ngột việc chống đối nhà nước Trung Cộng của tổ chức này. Thay vào đó là một chiến dịch tuyên truyền quy mô, tận tình đánh phá hệ thống bầu cử và nền tư pháp độc lập của Hoa Kỳ.

Chiến dịch tấn công Hoa Kỳ của Pháp Luân Công dường như được sự hậu thuẫn chặt chẽ của một tay “nội gián” ngồi chễm chệ giữa trung tâm quyền lực của đất nước. Chẳng ai có thể ngờ một ông tổng thống, người từng đặt tay lên Kinh Thánh tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp và Công lý Hoa Kỳ, lại là người tích cực bôi xấu tính nghiêm minh và độc lập của tòa án (với các thẩm phán do chính ông ta đề cử và bổ nhiệm), vu khống sự minh bạch của hệ thống bầu cử, chửi rủa các quân nhân đã bỏ mình để xây dựng nên niềm tin mà cả thế giới dành cho Mỹ suốt nhiều thế hệ, hăm dọa giới chức chính phủ phải nghe theo lời của ông ta và sách động bạo loạn tấn công Quốc hội, đòi treo cổ ông phó của mình …

Tất cả những hành động bán nước và đâm sau lưng chiến sĩ ấy, cũng chỉ nhằm vào một mục đích tối hậu: Đánh sập niềm tin của dân chúng Mỹ đối với thể chế và luật pháp Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, điều duy nhất mà bộ ba Trum-Putin-Tập đã không thể nào ngờ tới là bức tường phòng thủ cuối cùng của nước Mỹ, được tạo thành từ niềm tin của hơn 81 triệu người yêu nước, đã chặn đứng lại sự đánh gục một cách trực diện vào niềm tin vốn xây dựng nên thiết chế Hoa Kỳ. Tám mươi mốt triệu con người đủ màu da và sắc tộc đã cùng nhau sử dụng quyền lựa chọn công bộc mà Hiến Pháp đã trao cho để bảo vệ nền Cộng Hòa. Họ đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến với những người yêu chuộng Tự Do trên toàn thế giới, rằng một chính phủ bởi dân, do dân và vì dân, sẽ không thể nào biến mất khỏi địa cầu một cách dễ dàng.

Virginia, 7 tháng Bảy, 2021
phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by phidao »

Không ai được an toàn: thời tiết khắc nghiệt tàn phá các nước giàu

Lũ lụt càn quét nước Đức, hỏa hoạn hoành hành ở miền Tây nước Mỹ và những đợt nắng nóng đang rình rập… tất cả làm nổi bật cái thực tế rằng những quốc gia giàu mạnh nhất thế giới vẫn không chuẩn bị cho các hậu quả ngày càng trầm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Image
Quang cảnh một khu vực bị lũ lụt tàn phá sau trận mưa bão nghiêm trọng và lũ quét đổ bộ vào các bang phía tây Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia, nước Đức – Chụp màn hình video DW News
Cuối tuần này, một số quốc gia giàu có nhất châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các dòng sông hung hãn chảy tràn qua bờ ở Đức và Bỉ, nhấn chìm các thị trấn, làm sụt lở đường giao thông và khiến người dân châu Âu choáng váng với cảnh tàn phá dữ dội của lũ lụt.

Chỉ vài ngày trước ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ – một khu vực nổi tiếng thời tiết mát mẻ, nhiều sương mù – hàng trăm người đã chết vì nắng nóng. Ở Canada, cháy rừng đã thiêu rụi và xóa một ngôi làng khỏi bản đồ. Thủ đô Moscow của Nga quay cuồng trong nhiệt độ cao kỷ lục. Và cuối tuần này, vùng núi Rocky Mountain chuẩn bị đón một đợt nắng nóng khác khi cháy rừng lan rộng khắp 12 tiểu bang miền Tây nước Mỹ.

Các thảm họa thời tiết khắc nghiệt trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã dẫn đến hai sự thật thiết yếu của khoa học và lịch sử: Thế giới nói chung đã không hành động để làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu mà cũng không chung sống với nó. Các thảm họa trong tuần hiện đã tàn phá một số quốc gia giàu có nhất thế giới, những quốc gia có được sự sung túc nhờ hơn một thế kỷ đốt than, dầu và khí đốt – các hoạt động đã bơm vào khí quyển các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đang làm thế giới ấm lên.

Giáo sư Friederike Otto, nhà vật lý tại Đại học Oxford, người nghiên cứu mối liên hệ giữa thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu, cho biết: “Tôi nói điều này với tư cách là người Đức: Ý tưởng rằng bạn có thể chết vì thời tiết là hoàn toàn xa lạ. Thậm chí chúng ta còn không nhận ra rằng thích ứng là điều chúng ta phải làm ngay bây giờ. Chúng ta phải cứu mạng sống của mọi người ”.

Lũ lụt ở châu Âu đã giết chết ít nhất 165 người, hầu hết là ở Đức, nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu. Trên khắp Đức, Bỉ và Hà Lan, hàng trăm người đã được báo cáo mất tích, nghĩa là số người chết có thể tăng lên. Người ta đang đặt các câu hỏi liệu các nhà chức trách có cảnh báo đầy đủ cho công chúng về rủi ro hay không.

Câu hỏi lớn hơn nữa là liệu các thảm họa đang gia tăng ở thế giới phát triển sẽ có tác động đến những việc mà các quốc gia và công ty có ảnh hưởng nhất thế giới sẽ làm để giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh mà chính họ phát ra hay không. Các thảm họa này chỉ xảy ra vài tháng trước các cuộc đàm phán về khí hậu do Liên Hiệp Quốc dẫn dắt ở Glasgow, Vương quốc Anh vào Tháng Mười Một sắp tới – một thời điểm để tính toán liệu các quốc gia trên thế giới có thể đồng ý về các cách thức kiềm chế lượng khí thải đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu hay không .

Thảm họa do sự nóng lên toàn cầu gây ra đã để lại một chuỗi dài chết chóc và mất mát ở hầu hết các quốc gia đang phát triển, xóa sổ mùa màng ở Bangladesh, san phẳng làng mạc ở Honduras và đe dọa sự tồn tại của các quốc đảo nhỏ. Bão Hải Yến (Haiyan) tàn phá Philippines ngay trước cuộc đàm phán về khí hậu năm 2013, khiến đại diện của các nước đang phát triển phải kêu gọi tài trợ để đối phó với những mất mát và thiệt hại mà họ phải gánh chịu vì những thảm họa do khí hậu gây ra mà họ không chịu trách nhiệm. Lời kêu gọi đó đã bị các nước giàu có hơn, bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu, bác bỏ.

Ulka Kelkar, giám đốc tại Ấn Độ của tổ chức Viện Tài Nguyên Thế Giới (World Resources Institute) cho biết: “Các hiện tượng thời tiết cực đoan ở các nước đang phát triển thường gây ra cái chết và sự tàn phá lớn – nhưng đây được coi là trách nhiệm của chúng tôi, chứ không phải là bởi hơn một trăm năm khí nhà kính do các nước công nghiệp phát triển gây ra”. Bà nói, những thảm họa ngày càng trầm trọng này hiện đang tấn công các quốc gia giàu có, cho thấy các quốc gia đang phát triển tìm kiếm sự giúp đỡ của thế giới để chống lại biến đổi khí hậu là điều hợp lý.


Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt 3 mục tiêu: giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1.5 độ C; thích nghi với biến đổi khí hậu và gia tăng đầu tư cho các mục tiêu này. Ảnh Yale University
Thật vậy, kể từ khi Thỏa thuận Paris 2015 đặt mục tiêu ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, lượng khí thải toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên. Trung Quốc là nước phát thải lớn nhất thế giới hiện nay. Lượng phát thải đã giảm đều đặn ở cả Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng chưa đạt tốc độ cần thiết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Mohamed Nasheed, cựu tổng thống của Maldives, một đảo quốc đang có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, nói trong một tuyên bố thay mặt cho một nhóm các quốc gia tự gọi mình là Diễn đàn dễ bị tổn thương do khí hậu (Climate Vulnerable Forum): “Mặc dù không phải tất cả các nước đều bị ảnh hưởng như nhau, biến cố bi thảm này là một lời nhắc nhở, trong trường hợp khẩn cấp về khí hậu, không ai được an toàn, cho dù họ sống trên một đảo quốc nhỏ như đất nước tôi hay một quốc gia phát triển ở Tây Âu” .

Mức độ khốc liệt của những thảm họa này cũng đáng chú ý như thời điểm xảy ra của chúng, trước các cuộc đàm phán toàn cầu sắp diễn ra ở Glasgow để cố gắng đạt được thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu. Cho đến nay, thế giới rất kém về hợp tác, và trong tháng này, những căng thẳng ngoại giao mới đã xuất hiện.

Trong số các nền kinh tế lớn, Ủy ban châu Âu tuần trước đã giới thiệu một lộ trình thay đổi đầy tham vọng. Họ đề nghị ban hành luật cấm bán xe hơi chạy bằng khí đốt và dầu diesel vào năm 2035, bắt buộc hầu hết các ngành công nghiệp phải trả tiền cho lượng khí thải mà họ phát ra, và đáng kể nhất là áp thuế lên hàng hóa nhập cảng từ các quốc gia có chính sách khí hậu ít nghiêm ngặt.

Nhưng những đề nghị đó được cho là sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt ngay từ bên trong châu Âu và từ các nước khác mà doanh nghiệp của họ có thể bị đe dọa bởi sắc thuế nhập cảng mới, gọi là carbon border tax, có khả năng làm phức tạp thêm triển vọng hợp tác toàn cầu ở Glasgow.

Các sự kiện mùa hè này xảy ra sau nhiều thập kỷ khoa học bị lãng quên. Các mô hình khí hậu đã cảnh báo về tác động tàn phá của sự gia tăng nhiệt độ. Một đánh giá khoa học toàn diện vào năm 2018 đã cảnh báo rằng việc không giữ được nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá 1,5 độ C so với khi bắt đầu thời đại công nghiệp có thể dẫn đến những kết quả thảm khốc, từ ngập lụt ở các thành phố ven biển đến mất mùa ở nhiều vùng khác nhau của thế giới.

Báo cáo đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo thế giới một con đường thực tế, dù hẹp, để thoát khỏi tình trạng hỗn loạn. Nó yêu cầu toàn thế giới giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, kể từ đó, lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng lên, nhiều đến mức nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng hơn 1 độ C (khoảng 2 độ F) so với năm 1880, thu hẹp con đường để giữ mức tăng dưới ngưỡng 1,5 độ C.

Khi nhiệt độ trung bình tăng lên, nó đã làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan nói chung. Trong những năm gần đây, các tiến bộ khoa học đã xác định chính xác mức độ mà biến đổi khí hậu gây ra cho các thảm họa cụ thể. Ví dụ, tiến sĩ Otto và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế kết luận rằng đợt nắng nóng bất thường ở Tây Bắc Hoa Kỳ vào cuối Tháng Sáu gần như chắc chắn sẽ không xảy ra nếu không có hiện tượng trái đất nóng lên.

Và mặc dù sẽ cần đến những phân tích khoa học sâu rộng để liên kết hiện tượng biến đổi khí hậu với trận lũ lụt kinh hoàng ở châu Âu tuần trước, người ta đã biết rằng một bầu khí quyển ấm hơn sẽ giữ nhiều độ ẩm hơn và gây ra lượng mưa lớn hơn trong nhiều cơn bão trên khắp thế giới. Ít ai nghi ngờ các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn do hậu quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Một bài báo được xuất bản hôm Thứ Sáu dự báo sự gia tăng đáng kể các trận mưa bão di chuyển chậm nhưng dữ dội trên khắp châu Âu vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

Richard Betts, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Exeter ở Anh cho biết: “Chúng ta phải thích ứng với sự thay đổi mà chúng ta đã gây ra cho hệ thống và cũng tránh thay đổi thêm nữa bằng cách giảm lượng khí thải, giảm ảnh hưởng của chúng ta đến khí hậu”. Thông điệp đó rõ ràng đã không được các nhà hoạch định chính sách và có lẽ cả công chúng thấu hiểu, đặc biệt là ở các nước phát triển, nơi người ta vẫn nghĩ mình bất khả xâm phạm.

Kết quả là thiếu sự chuẩn bị, ngay cả ở những nước có nguồn lực. Tại Hoa Kỳ, lũ lụt đã giết chết hơn 1,000 người chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, theo số liệu liên bang. Ở vùng Tây Nam, tử vong do nắng nóng đã tăng đột ngột trong những năm gần đây.

Theo Jean Slick, người đứng đầu chương trình quản lý thảm họa và khẩn cấp tại Đại học Royal Roads ở British Columbia, Canada, đôi khi đó là do các chính phủ đã ứng phó chậm chạp với những thảm họa mà họ chưa từng trải qua, chẳng hạn như đợt nắng nóng ở miền Tây Canada vào tháng trước. “Bạn có thể có một kế hoạch, nhưng bạn không biết nó sẽ hoạt động được hay không,” bà Slick nói.

Những lần khác, đó là vì các chính phủ không có động cơ chính trị để tiêu tiền vào sự thích nghi với biến đổi khí hậu. Samantha Montano, giáo sư về quản lý khẩn cấp tại Học viện Hàng hải Massachusetts, cho biết: “Vào thời điểm chính quyền xây dựng xong cơ sở hạ tầng lũ lụt mới trong cộng đồng thì họ có thể sẽ không còn tại vị nữa. Nhưng họ phải biện minh cho hàng triệu, hàng tỷ đô la được chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đó.”

(theo The New York Times)
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Đảng Cộng Sản Trung Quốc – Một trăm năm nhục nhã!
Hiếu Chân

Image

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập vào ngày 1 Tháng Bảy sắp tới. Trong nhiều công việc chuẩn bị, có một lĩnh vực mà Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi trọng nhất: viết lại lịch sử của đảng và đất nước Trung Quốc nhằm đề cao những thắng lợi – nhiều phần tưởng tượng hoặc phóng đại – và che giấu những tội ác ghê tởm mà đảng đã gây ra cho nhân dân Trung Quốc suốt 100 năm qua.

Lịch sử ô nhục

Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng như các đồng đảng ở Liên Xô cũ, ở Việt Nam và một số nước khác, có truyền thống xuyên tạc lịch sử để phục vụ các mục đích chính trị trong từng thời kỳ. Những văn kiện được sửa đổi, hình ảnh bị bôi xóa, sách giáo khoa lịch sử và viện bảo tàng được chỉnh lý để ghi dấu cho đời sau những chiến công “hiển hách” chống thực dân đế quốc giành độc lập, những nhân vật anh hùng tưởng tượng sống giản dị khiêm tốn, một lòng một dạ hy sinh cho đất nước quê hương.

Nhưng như nhận định của tạp chí Foreign Policy, nghiên cứu lịch sử dưới chế độ Cộng Sản là “xóa bỏ lịch sử – xóa bỏ mọi dữ kiện trái với câu chuyện về thắng lợi hoàn toàn của đảng.” Không ở đâu thể hiện rõ chân lý đó hơn là công cuộc chỉnh sửa lịch sử đang thực hiện ở Trung Quốc hiện nay.

Cho đến thế kỷ 21, đảng Cộng Sản Trung Quốc tập trung chủ yếu vào lịch sử ô nhục của đất nước Trung Hoa dưới sự chèn ép của các cường quốc phương Tây và Nhật trong cái gọi là “Một Trăm Năm Nhục Nhã” từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, nhằm khơi dậy trong dân chúng nỗi căm thù thực dân đế quốc và ghi ơn công cuộc giải phóng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, lập ra đời nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Đài tưởng niệm, bảo tàng mọc lên như nấm sau mưa trên toàn đất nước Trung Quốc, ghi khắc bằng bê tông cốt thép câu chuyện hào hùng của đảng Cộng Sản Trung Quốc; sách giáo khoa và toàn bộ các phương tiện truyền thông đều tập trung quảng bá câu chuyện này mà không được đề cập đến những thảm cảnh mà người dân phải chịu đựng dưới sự cai trị độc tài toàn trị của đảng, dưới những chính sách “cách mạng” đầy hoang tưởng của các “lãnh tụ anh minh.”

“Bảy phần công, ba phần tội”

Chương trình Đại Nhảy Vọt (Great Leap Forward) năm 1958-1962 dẫn tới thảm họa hàng chục triệu người chết đói; nhiều nơi người dân phải ăn thịt lẫn nhau để sống; hay cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966-1967 phá hủy toàn bộ nền tảng tinh thần và đạo đức của người dân Trung Hoa và thủ tiêu hàng triệu sinh mạng… đều không được đề cập công khai; nếu giới nghiên cứu thỉnh thoảng có bàn tới những biến cố lịch sử khủng khiếp này thì đều cho rằng đó chỉ là những sai lầm, khuyết điểm trên con đường cách mạng và đã được sửa chữa; người khởi xướng ra chúng, ông Mao Trạch Đông, vẫn được đảng Cộng Sản Trung Quốc đánh giá là “bảy phần công, ba phần tội.”

Nhà lãnh đạo có quan điểm cải cách của Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, từng cố gắng diễn dịch lại lịch sử hiện đại Trung Quốc, không ngại phê phán một số sai lầm của cố Chủ Tịch Mao Trạch Đông trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa đầy thảm họa những năm 1966-1967. Nhưng Đặng không chủ tâm lật đổ Mao; hình ảnh của Mao vẫn ngự trị chính trường và xã hội Trung Quốc; chân dung của ông ta vẫn treo cao trên quảng trường Thiên An Môn.

Vạch ra những sai lầm của Mao là cách để Đặng lên án chủ nghĩa sùng bái cá nhân và chế độ cai trị độc tài của một “hoàng đế đỏ;” từ đó đưa ra một mô hình cai trị tập thể và thu hẹp dần sự thống trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong đời sống kinh tế-xã hội Trung Quốc. Biến cố Thiên An Môn năm 1989 – hàng ngàn sinh viên biểu tình ôn hòa đòi cải cách chính trị dân chủ, đã dập tắt ý định cải tổ của Đặng về phương diện chính trị và lịch sử dù ông ta vẫn nỗ lực cải cách về kinh tế và thương mại để đưa Trung Quốc khỏi tình trạng nghèo đói kinh niên dưới thời Mao.

Ông Tập Cận Bình đi xa hơn trong công cuộc củng cố chế độ độc tài toàn trị bằng cách tập trung quyền lực vào tay cá nhân ông và tái lập sự kiểm soát toàn diện của đảng Cộng Sản Trung Quốc, kể cả viết lại câu chuyện lịch sử Trung Quốc để thúc đẩy dân chúng ủng hộ đảng của ông. Tháng Giêng, 2013, tức là chỉ vài tuần sau khi lên làm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập đã chỉ thị cho các cán bộ cao cấp của đảng phải cảnh giác với các thế lực thù địch đang tìm cách lật đổ đảng Cộng Sản Trung Quốc bằng cách bôi nhọ lịch sử của đảng.

Image
Quảng trường Thiên An Môn năm 1988. Hình: Derzsi Elekes Andor/Wikipedia.



Tài liệu mật số 9

Nhờ kinh tế phát triển mạnh dưới thời Đặng và những thập niên sau đó, Tập có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng một thứ chủ nghĩa dân tộc toàn trị, lấy đảng Cộng Sản Trung Quốc làm trung tâm, để chống lại trào lưu dân chủ hóa đang dâng trào như thác lũ trong thế kỷ 21.

Tháng Tư, 2013, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng này đã cho lưu hành một tài liệu mật có tên “Thông cáo về tình trạng hiện hành của ảnh hưởng ý thức hệ” (Communique on the Current State of the Ideological Sphere), gọi tắt là tài liệu số 9. Cũng như mọi văn kiện quan trọng của đảng, toàn bộ đảng viên, cán bộ phải học tập và áp dụng vào công việc của mình.

Văn kiện nhấn mạnh tới việc khẳng định sự đúng đắn của đảng về ý thức hệ, yêu cầu giới truyền thông và mọi cơ quan phải tuân thủ đúng đường lối; ngăn chặn việc “đặt vấn đề sự thật lịch sử” mà phải tin vào quyết định của đảng đối với các sự thật đó. Lần đầu tiên, văn kiện này đưa ra khái niệm “chủ nghĩa hư vô lịch sử (historical nihilism): “Mục tiêu của chủ nghĩa hư vô lịch sử là núp bóng cái gọi là đánh giá lại lịch sử để bóp méo lịch sử đảng và lịch sử nước Trung Quốc mới,” văn kiện viết.

Từ đó lịch sử Trung Quốc hiện đại là câu chuyện do đảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra theo chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, trong đó đảng Cộng Sản Trung Quốc là vị cứu tinh đưa dân tộc Trung Hoa thoát khỏi nỗi ô nhục trăm năm, xây dựng nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và đang trên đường thực hiện “giấc mộng Trung Hoa,” trở thành cường quốc thống trị thế giới.

Những tội ác của đảng này cơ hồ đã được gột sạch khỏi sách vở, truyền thông, sâu xa hơn là loại ra khỏi ký ức của người dân Trung Quốc. Sách vở không nói tới, và việc tìm kiếm thông tin trên mạng trực tuyến về những biến cố gắn liền với tội ác của đảng Cộng Sản Trung Quốc đều bị ngăn chặn triệt để đã làm cho những thảm họa đó phai tàn dần trong trí nhớ của người dân, nhất là khi các thế hệ chứng kiến hoặc nạn nhân của thảm họa đã qua đời mà không thể truyền lại ký ức cho con cháu.

Có một “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Quên Lãng”

Vụ thảm sát Thiên An Môn chấn động địa cầu mới xảy ra chưa lâu (Tháng Sáu, 1989) chẳng hạn, gần như không người trẻ nào của Trung Quốc lục địa còn biết tới, đến nỗi nhà nghiên cứu Lousia Lim phải đặt tên cho công trình khảo cứu về vụ Thiên An Môn của mình là “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Quên Lãng” (The People’s Republic of Amnesia) – cuốn sách được tuần báo The Economist bình chọn là xuất sắc nhất năm 2014.

Hai năm trước, ông Tập cho thành lập Viện Hàn Lâm Lịch Sử với nhiệm vụ “chỉnh đốn quan điểm về lịch sử,” chuẩn bị cho đại lễ 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một trong những công việc chính của viện là chỉnh sửa bộ sách “Lịch sử tóm tắt đảng Cộng Sản Trung Quốc,” xuất bản hồi Tháng Hai, 2021, dùng làm tài liệu học tập trong đảng và trong hệ thống trường học Trung Quốc.


Trong bản sửa đổi này, các chương sách “những bài học lịch sử không nên quên” dưới thời Mao như cuộc Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa – hàng loạt vụ thanh trừng “các phần tử phản cách mạng” tàn phá xã hội Trung Quốc và hàng triệu người chết đều bị cắt bỏ. Thay vào đó các tác giả chỉ tập trung vào những thành tích công nghiệp, công nghệ và ngoại giao dưới thời Mao.

Ngay cả những châm ngôn của Đặng Tiểu Bình về cuộc đổi mới Trung Quốc cũng đã bị loại bỏ, kể cả lời dạy của ông Đặng rằng Trung Quốc phải “thao quang dưỡng hối,” ẩn mình chờ thời. Một phát biểu đáng chú ý của Đặng năm 1989 về cải cách cơ chế chính trị Trung Quốc, từ bỏ sự chuyên chế cá nhân để chuyển sang tập thể lãnh đạo: “Xây dựng số phận của một dân tộc trên danh tiếng của một hoặc hai người là chuyện rất không lành mạnh, rất nguy hiểm,” cũng đã bị ông Tập cho cắt bỏ.

Cuốn sách 531 trang còn dành một phần tư nội dung cho tám năm cầm quyền của ông Tập trong khi chỉ dành một nửa số trang như vậy cho Đặng Tiểu Bình, vị cứu tinh thực sự của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trước ngày kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, đích thân ông Tập đã có nhiều bài phát biểu, bài đăng báo, đòi hỏi người dân Trung Quốc “đóng gói lại quá khứ” (repackage the past) để hướng tới sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tạp chí Cầu Thị – tạp chí lý luận chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc – số 12-2021 ra ngày Thứ Tư, 16 Tháng Sáu, đã đăng trang trọng bài viết của ông Tập “nhấn mạnh nhu cầu hiểu biết lịch sử Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ quá khứ, có cái nhìn đúng đắn về các sự kiện lớn, các nhân vật quan trọng trong lịch sử của đảng và của đất nước,” theo tường thuật của hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã.

“[Bài viết của ông Tập] kêu gọi các đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc, công chúng Trung Quốc nói chung, hãy học tập kỹ lưỡng và hiểu biết sâu sắc lịch sử của đảng và của nước Trung Hoa mới để tiến hành lý tưởng vĩ đại của chủ nghĩa xã hội,” Tân Hoa Xã ca tụng.

Tuyên truyền “công ơn của Đảng”

Ngày nay Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức bên ngoài như áp lực của Hoa Kỳ và những bất đồng nội bộ chung quanh cách thức xử lý đại dịch COVID-19. Trong hoàn cảnh đó đảng Cộng Sản Trung Quốc phải ra sức dập tắt mọi ý định xét lại những tội lỗi của đảng trong quá khứ và cổ vũ cho ý tưởng rằng đảng là một lực lượng “bất khả chiến bại” đã đi qua chiến tranh và hỗn loạn để lèo lái sự trỗi dậy của Trung Quốc.

“Thông qua việc học tập lịch sử, sẽ không khó nhận ra rằng, không có sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đất nước và dân tộc Trung Hoa sẽ không thể có được những thành quả ngày hôm nay, không có được vị thế quốc tế ngày hôm nay,” ông Tập viết và khẳng định “Sẽ không được mơ hồ, dao động về nguyên tắc căn bản là duy trì sự lãnh đạo của đảng.”


Trước thời điểm bài viết của ông Tập đăng trên tạp chí Cầu Thị, báo The South China Morning Post đưa tin các cơ quan quản lý mạng Internet của nước này đã xóa bỏ hai triệu bài đăng trên mạng có nội dung thảo luận “nguy hại” về lịch sử, “đầu độc môi trường mạng” hoặc tấn công vào các nhà lãnh đạo và trái với câu chuyện chính thức của đảng về lịch sử Trung Quốc.

Cơ quan quản lý mạng Trung Quốc còn thiết lập “đường dây nóng” để công chúng tố giác những trường hợp “chủ nghĩa hư vô lịch sử,” tức là những bài viết, phát biểu phê phán các nhà lãnh đạo đảng, các chính sách của đảng hoặc phủ nhận “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến.” Những người vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng theo một đạo luật an ninh mạng năm 2018.

Trong khi đó, cả xã hội Trung Quốc được huy động vào một chiến dịch học tập lịch sử quy mô chưa từng có từ sau thời Mao, thực chất là chiến dịch tuyên truyền về “công ơn” của đảng Cộng Sản. Các nhà hát dàn dựng những chương trình ca nhạc theo chủ đề “Không có đảng Cộng Sản, không có nước Trung Hoa Mới.”

Cán bộ đảng viên và sinh viên tranh nhau trong những cuộc thi tìm hiểu lịch sử đảng. Cơ quan kiểm duyệt soát lại sách báo sắp xuất bản để loại bỏ những câu chữ nói về tội ác độc tài của Mao. Bộ Giáo Dục đưa vào đề thi tuyển sinh đại học những câu hỏi về lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc để “hướng dẫn học sinh kế thừa mạch máu đỏ”…. Ngay cả các công ty tư nhân, văn phòng luật sư, thậm chí một đền thờ Thần Tài ở Thượng Hải cũng tổ chức các lớp học về lịch sử đảng cho nhân viên; các viện bảo tàng và đài tưởng niệm tổ chức các tour du lịch đỏ (red tourism); còn các hãng hàng không tổ chức hát tập thể và đọc thơ trên các chuyến bay về đề tài lịch sử đảng…

Các quan sát viên Trung Quốc và nước ngoài đều bình luận sự phục hồi các quan điểm cộng sản về lịch sử, phục hồi cung cách tuyên truyền thời Mao Trạch Đông hiện nay là nhằm giúp ông Tập Cận Bình biện minh cho chính sách độc tài cá nhân của ông ta và hợp pháp hóa tham vọng làm lãnh đạo trọn đời thay vì hai nhiệm kỳ trong cuộc đại hội sắp tới của đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm sau 2022.

Ông Cao Văn Sảnh (Gao Wenqian), nhà sử học của đảng Cộng Sản Trung Quốc, người viết tiểu sử Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai trước khi đào thoát sang Hoa Kỳ sau vụ thảm sát Thiên An Môn, nhận xét: “Mục đích [của việc viết lại lịch sử] là nhằm bảo đảm sự tồn tại của đảng Cộng Sản Trung Quốc và củng cố sự cai trị cá nhân vào thời điểm đang có những sự thay đổi chóng mặt trong tình hình quốc tế.”

Một số nhà sử học Trung Quốc phản đối việc viết lại lịch sử để phục vụ mưu đồ chính trị. Một giáo sư nổi tiếng ở Bắc Kinh đã từ chối lời mời của Viện Hàn Lâm Lịch Sử mời cộng tác trong dự án viết lại “Lịch sử tóm tắt của đảng Cộng Sản Trung Quốc” vì cho rằng “Họ đã không theo con đường nghiên cứu học thuật. Những người này làm chuyện này [sửa đổi lịch sử] chỉ để kiếm tiền và thăng quan tiến chức,” ông nói. Nhưng cho đến nay chưa có gương mặt nổi bật nào công khai phản đối việc xuyên tạc lịch sử mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đang ráo riết thực hiện nhân kỷ niệm 100 năm thành lập.

Trung Quốc và Đảng Cộng Sản Việt Nam


Những chuyện đang xảy ra ở Trung Quốc cũng có ở Việt Nam, do hai nước theo cùng một ý thức hệ Cộng Sản. Ở Việt Nam lịch sử là do “bên thắng cuộc” nhào nặn theo ý đồ chính trị của họ. Trong cái lịch sử giả tạo ấy, những tội ác của đảng Cộng Sản Việt Nam với đất nước, với dân tộc đều bị bôi xóa và các thế hệ sau sẽ không bao giờ còn biết tới.

Vụ “cướp chính quyền” từ tay chính phủ Trần Trọng Kim hồi Tháng Tám, 1945, cuộc thanh trừng các đảng phái quốc gia năm 1946, cải cách ruộng đất làm hàng trăm ngàn người chết và hủy diệt nền tảng văn hóa của xã hội miền Bắc những năm 1953-1955, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm 1958-1960, vụ “Xét lại chống đảng” năm 1956 và cao điểm là cuộc xua quân xâm lược miền Nam 1959-1975… hoặc đều bị xóa khỏi ký ức hoặc được biện minh bằng những lời lẽ hoa mỹ “giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.”

Trong cả nước sau ngày hòa bình, những tội ác đày đọa hàng triệu quân dân cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cải cách công thương nghiệp và cướp tài sản qua ba lần đổi tiền, chính sách đưa dân thành thị đi ra vùng kinh tế mới, đối xử kỳ thị bằng chủ nghĩa lý lịch, ép buộc hàng triệu người phải vượt biển tìm đường sống… đều không được đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức thừa nhận dù họ luôn rêu rao hòa hợp hòa giải.

Bị nhồi sọ trong một thứ lịch sử giả tạo đó, thế hệ trẻ trong nước đang mất phương hướng, trở thành những con thiêu thân cho ý đồ của đảng. Tương lai của dân tộc thật là mờ mịt.

Ở hải ngoại, một số học giả và nhà nghiên cứu tâm huyết, như các ông bà Trần Gia Phụng ở Canada, Lê Mạnh Hùng ở Anh, Lê Xuân Khoa, Vũ Tường, Liên Hằng ở Hoa Kỳ vẫn nỗ lực tìm hiểu và viết lại lịch sử Việt Nam theo tinh thần khoa học, khách quan hơn. Công trình nghiên cứu lịch sử của họ, cùng với những trước tác đã xuất bản ở miền Nam trước năm 1975 như hồi ký của các cụ Trần Trọng Kim, Cao Văn Luận, Hoàng Văn Chí, biên khảo của Tạ Chí Đại Trường và nghiên cứu của nhiều học giả Mỹ, Pháp, Đức có thể giúp “đính chính” lại những sự bóp méo, xuyên tạc của đảng Cộng Sản ở trong nước.

Đây là những học giả tư nhân, kiến giải của họ có chỗ đúng có chỗ cần thảo luận thêm nhưng dứt khoát không phải là việc bóp méo lịch sử theo những yêu cầu chính trị của kẻ cầm quyền. Những nỗ lực như vậy cần được ủng hộ và nhân rộng.
phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by phidao »

Việt Nam trong thế cờ mới của Mỹ
July 29, 2021

Hiếu Chân/Người Việt
Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang có bước phát triển mới đáng chú ý. Nhưng tương lai của mối quan hệ này như thế nào vẫn chưa biết trước được. Có điều, hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam sẽ khó khăn hơn.
Image
Thêm ba triệu liều vaccine Moderna do Mỹ trao tặng về tới Việt Nam, theo thông cáo báo chí của Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam hôm 25 Tháng Bảy. (Hình: Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ tại Sài Gòn cung cấp)
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ đến thăm Việt Nam trong hai ngày, từ Thứ Tư, 28 Tháng Bảy. Ông là giới chức cao cấp đầu tiên trong nội các của chính phủ Biden đến thăm “quốc gia cựu thù.”

Mỹ đẩy mạnh viếng thăm và hỗ trợ Việt Nam

Trước khi lên đường, Bộ Trưởng Austin cho báo chí biết chuyến đi của ông có mục đích thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng giữa Mỹ và các đối tác Đông Nam Á, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ tự do hải hành, chống lại cái mà ông gọi là “những yêu sách chủ quyền vô căn cứ và không có ích lợi gì” của Trung Quốc trên vùng Biển Đông nhiều tranh chấp.

Phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris được biết cũng sẽ đến Việt Nam vào giữa Tháng Tám, chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của bà từ khi nhậm chức phó tổng thống. Reuters cho biết bà Harris sẽ đến thăm Việt Nam và Singapore nhưng chi tiết của chuyến đi chưa được công bố, chỉ biết bà sẽ tập trung bàn vấn đề kiểm soát đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Đông Nam Á.

Về COVID-19, có lẽ để tạo thuận lợi cho chuyến viếng thăm của Phó Tổng Thống Harris, chính phủ Mỹ mới đây đã gia tăng rất nhanh việc viện trợ vaccine cho Việt Nam giữa lúc Hà Nội choáng váng vì đại dịch hoành hành dữ dội, cả nước đã ghi nhận hơn 100,000 ca nhiễm virus. Cuối tuần qua Việt Nam đã nhận được ba triệu liều vaccine Moderna do Mỹ hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX, nâng tổng số vaccine mà Mỹ viện trợ cho Việt Nam lên đến năm triệu liều, theo thông tin từ Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội hôm 24 Tháng Bảy. Đại Sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết Mỹ cũng đang xem xét viện trợ cho Việt Nam thêm nhiều vaccine nữa trong thời gian tới, trang web của chính phủ Việt Nam đưa tin hôm 25 Tháng Bảy.

Mặc dù hoạt động viện trợ vaccine của chính phủ Mỹ chỉ thuần túy mang tính chất nhân đạo, không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị hoặc kinh tế nào, nhưng sự hào phóng mà Mỹ dành riêng cho Việt Nam giữa lúc nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu bị khan hiếm trầm trọng là điều rất có ý nghĩa.


Nên để ý, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á bị Trung Quốc gạt ra ngoài chương trình “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh; Trung Quốc có viện trợ cho Hà Nội nửa triệu liều vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất nhưng chỉ để chích cho công dân Trung Quốc làm ăn sinh sống ở Việt Nam và những người Việt sinh sống gần biên giới Trung Quốc, có nhu cầu qua lại Trung Quốc để làm ăn chứ không nhằm giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch.

Sự viện trợ vaccine hào phóng của Mỹ, cùng với các nền dân chủ khác như Nhật và Úc, là hết sức ý nghĩa trong thời điểm hiện nay; nó cho người dân Việt Nam nhìn thấy rõ, ai thực sự là bạn của Việt Nam trong lúc nguy nan.

Cũng trong chuỗi hoạt động viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam, báo chí trong nước cho biết tàu Cảnh Sát Biển CSB 8021, nguyên là tàu USCGC John Midgett của Lực Lượng Tuần Duyên Mỹ được Washington chuyển giao cho Hà Nội, đã về tới Việt Nam hôm 23 Tháng Bảy. Con tàu sẽ được bổ sung vào lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, “chứng minh cho hợp tác an ninh hàng hải chặt chẽ giữa hai nước và giúp bảo đảm trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông,” theo thông tin từ Đại Sứ Quán Mỹ.


Trong lĩnh vực thương mại và tiền tệ khá phức tạp và tế nhị, Mỹ dường như cũng ưu ái với Việt Nam khi quyết định không trừng phạt Hà Nội về hành vi thao túng tỷ giá tiền tệ để giành lợi thế cho hàng hóa xuất cảng vào Mỹ. Do giá trị hàng hóa Việt Nam nhập cảng vào Mỹ tăng nhanh, chính quyền Trump trước đây đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước “thao túng tiền tệ” cùng với Trung Quốc và chuẩn bị các biện pháp trừng phạt như tăng thuế lên hàng hóa Việt Nam bán sang Mỹ.

Nhưng mới đây Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen và Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đàm phán và đi đến thỏa thuận “một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề bị điều tra và do đó không có hành động thương mại nào được tiến hành vào lúc này.”

Hôm 23 Tháng Bảy, Đại Diện Thương Mại Mỹ Katherine Tai (Đới Kỳ) ra thông báo tán thành thỏa thuận của Bộ Tài Chính, và sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính để theo dõi việc thi hành của Việt Nam trong những ngày tới thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại. Báo chí quốc tế bình luận rằng đây là một “thắng lợi” của Hà Nội và Việt Nam có thể tiếp tục xuất siêu vào Mỹ mà không lo bị trả đũa do cán cân thương mại mất cân bằng.

Trong một sự việc khá bất ngờ, báo Công An Nhân Dân tường thuật chi tiết buổi tiếp Đại Biện Lâm Thời Đại Sứ Quán Mỹ Christopher Klein. Bài báo có tiêu đề “Hợp tác an ninh giữa Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ ngày càng chặt chẽ,” cho biết “Thứ Trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, Bộ Công An Việt Nam tiếp tục là đối tác tin cậy, quan trọng của nhiều cơ quan hữu quan Hoa Kỳ như Bộ Ngoại Giao, Bộ An Ninh Nội Địa, Bộ Nội Vụ, Bộ Tư Pháp, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI), Cơ Quan Phòng, Chống Ma Túy (DEA), Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA)…”

Nên để ý từ trước đến nay, bộ máy công an Cộng Sản Việt Nam luôn luôn coi các cơ quan tình báo Mỹ như CIA là những kẻ thù nguy hiểm, không đội trời chung vì cho rằng các cơ quan này âm mưu kích động các cuộc nổi dậy ở trong nước để lật đổ chế độ Cộng Sản.

Những động tác ngoại giao và viện trợ dồn dập như vậy chứng tỏ Việt Nam đang là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden vốn đang rất bận rộn với rất nhiều bài toán cả trong nước và quốc tế. Nó cũng cho thấy vị trí của Việt Nam ngày càng được coi trọng trong các tính toán địa chiến lược của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam là đối tác quan trọng ở Đông Nam Á

Những hoạt động như vậy cũng báo trước một biến chuyển mới trong quan hệ Mỹ-Việt, khi chính quyền Biden nỗ lực lôi kéo Việt Nam xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và nếu Việt Nam chưa có thể tham gia liên minh các nền dân chủ chống lại chế độ độc tài đảng trị của Trung Quốc thì ít ra cũng không là vật cản trong cuộc cạnh tranh địa chính trị nóng bỏng hiện nay ở khu vực Đông Nam Á.

Nỗ lực đó đã được xác định trong văn kiện Hướng Dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời (Interim National Security Strategic Guidelines) mà chính quyền Biden công bố hồi Tháng Ba; trong đó Việt Nam và Singapore được xác định rõ là đối tác quan trọng mà Washington cần hợp tác trong cuộc đối đầu với Trung Quốc – “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đặt ra một thách thức lâu dài cho một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở.”

Nhìn lại thời kỳ từ khi Mỹ xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam từ năm 1995 đến nay, quan hệ Việt-Mỹ đã có nhiều bước tiến, nhất là từ sau năm 2009 khi Trung Quốc bắt đầu gia tăng áp lực lên Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Lo sợ trước sự bành trướng ngày càng hung hăng của Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam hồi Tháng Năm, 2014, làm dấy lên những cuộc biểu tình bạo động ở trong nước và một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Việt-Trung thì Hà Nội bắt đầu gia tăng cảnh giác với Bắc Kinh, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ về an ninh quốc phòng với Washington.

Có những lúc dư luận trong nước đã xôn xao về chuyện Hải Quân Mỹ có thể quay lại hải cảng Cam Ranh, lập căn cứ quân sự để theo dõi các căn cứ mới của Trung Quốc ở Trường Sa; tin đồn lan truyền mạnh nhất là sau chuyến viếng thăm bất ngờ tới Cam Ranh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta giữa năm 2012.

Nhưng vẫn hoài nghi dai dẳng

Tuy nhiên, Việt Nam và Mỹ khó có thể tiến xa tới mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như quan hệ hiện thời giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn và một số nước Đông Nam Á. Có nhiều nguyên nhân cản trở mối quan hệ Việt Mỹ, chẳng hạn như sự khác biệt về thể chế chính trị, thiếu sự tin cậy lẫn nhau do quá khứ chiến tranh chưa xa và thành tích nhân quyền kém cỏi của chính thể công an trị tại Hà Nội.

Nhiều nhà quan sát chính trị nhận định, cho đến nay giới lãnh đạo Hà Nội vẫn nghi ngờ Mỹ có mưu toan chấm dứt sự độc quyền quyền lực của đảng Cộng Sản Việt Nam thông qua “diễn biến hòa bình,” tiến tới một thể chế đa đảng theo mô hình phương Tây.


Những năm gần đây, Washington đã có những động tác làm dịu nỗi hoài nghi của Hà Nội. Tổng Thống Barack Obama đã chính thức tuyên bố Mỹ không có ý định làm việc để thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam và ông đã đón tiếp Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến thăm Tòa Bạch Ốc – một việc phá vỡ nghi thức ngoại giao quốc tế vì ông Trọng chỉ là lãnh đạo của một đảng chính trị, không phải là một nguyên thủ quốc gia được người dân bầu lên trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Trong nỗ lực gác lại quá khứ, Mỹ cũng đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam để giải quyết những di sản buồn của chiến tranh như giúp nhau tìm kiếm hài cốt quân nhân tử trận của hai bên, tẩy rửa chất độc dioxin ở Biên Hòa và Đà Nẵng.

Tuy nhiên, nỗi lo sợ “theo Mỹ mất đảng,” mất quyền lực độc tôn đã làm cho giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thận trọng trước mọi hành động hợp tác của Mỹ cho dù các cuộc khảo sát dư luận cho thấy đa số người dân Việt Nam có thiện cảm với Mỹ. Cuộc khảo sát thường niên năm 2020 của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore công bố đầu năm nay ghi nhận 84% người Việt Nam được hỏi trả lời rằng họ tin tưởng vào Mỹ, tỷ lệ cao nhất ở khu vực.

Nỗi hoài nghi đối với chính phủ Mỹ, cộng với bệnh hoang tưởng Cộng Sản đã làm nảy sinh cái quan niệm về “thế lực thù địch,” liên kết “thù trong giặc ngoài” luôn chực chờ để lật đổ chế độ; và từ đó dẫn đến chính sách đàn áp dã man những người hoặc có tư tưởng chống đối, hoặc cổ vũ cho tự do, dân chủ, nhân quyền dù Việt Nam đã tham gia các công ước Liên Hiệp Quốc về quyền dân sự và chính trị.

Chính quyền Biden sẽ chú trọng hợp tác về an ninh

Chính quyền Biden đặt dân chủ, nhân quyền làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại với các nước và sự tiếp cận của Washington đối với các vấn đề toàn cầu. Trong trường hợp Việt Nam, chính quyền Biden đứng trước một lựa chọn khá tế nhị: hoặc gây sức ép buộc chính quyền Cộng Sản ở Hà Nội phải tôn trọng tự do và nhân quyền của người dân như đã ghi trong hiến pháp của họ, hoặc làm ngơ với những vi phạm nhân quyền để tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Điều trần trước Thượng Viện Mỹ hôm 13 Tháng Bảy, ông Marc Knapper, người được Tổng Thống Biden đề cử làm tân đại sứ Mỹ ở Việt Nam, cam kết sẽ thúc đẩy mối quan hệ an ninh với Hà Nội nhưng ông cũng đồng thời thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân quyền, theo tin của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA). Tuy nhiên trong bốn mục tiêu mà ông Knapper nêu ra thì hợp tác về an ninh vẫn là ưu tiên hàng đầu. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc Mỹ mở rộng hợp tác an ninh và giúp tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam giữa bối cảnh hai nước “cùng quan tâm đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế, chống lại hành vi khiêu khích ở Biển Đông và khu vực sông Mekong.”

Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ thái độ thù địch với Mỹ, như những cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai nước gần đây cho thấy. Và Mỹ cũng đang đẩy nhanh tiến trình hình thành khối liên minh dân chủ để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong hoàn cảnh đó, việc Mỹ quan tâm nhiều tới hợp tác an ninh với Việt Nam và có phần “ưu ái” cho Hà Nội là điều dễ hiểu. Suy cho cùng, quyền lợi quốc gia vẫn là tối hậu.

Các chính trị gia có thể đưa ra nhiều lời cam kết về tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng khi phải xử lý những tình huống cụ thể trong thực tiễn chính trị, đa phần họ đều hành động theo lợi ích chiến lược của đất nước. Phong trào đấu tranh của các nhà dân chủ, người bất đồng chính kiến ở trong nước Việt Nam do vậy sẽ phải “đơn thương độc mã” đối đầu với những cuộc đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền Cộng Sản mà không hy vọng có sự hỗ trợ hoặc bênh vực của chính phủ Mỹ trong thời gian tới.

Sự mở rộng hợp tác về an ninh Việt-Mỹ góp phần quan trọng vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, cũng đồng thời có lợi ích sống còn cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông – sinh lộ của dân tộc. Nhưng Hà Nội có vượt qua được nỗi hoài nghi cố hữu để nắm lấy cơ hội và thoát ra khỏi vòng kim cô của anh láng giềng “16 chữ vàng, 4 tốt” hay không là điều chưa biết chắc được. [qd]
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Đây, lẽ phải là quan trọng
Nhã Duy
2 tháng 8, 2021

Image
Ông Alexender Vindman và quyển sách của mình, phát hành ngày 3 Tháng Tám 2021 (Twitter nhân vật)

Một ngày Tháng Bảy năm 2019, Trung Tá Giám Đốc Cơ Quan Âu Châu Sự Vụ thuộc ban Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ là Alexander Vindman bước vào phòng em trai sinh đôi của mình là Trung Tá Luật Sư Eugene Vindman cũng thuộc ban an ninh quốc gia. Anh đóng cửa văn phòng rồi nói nhỏ với em trai, “Eugene, nếu những gì anh đã nghe mà được công bố, tổng thống sẽ bị truất phế”.

Là một trong những cố vấn ban an ninh quốc gia và là người gốc Ukraine, Trung Tá Vindman là cố vấn và có mặt khi diễn ra cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Donald Trump với Tổng Thống Ukraine là Volodymyr Zelensky vào ngày 25 Tháng Bảy 2019. Trong cuộc trò chuyện, Trump đã lạnh lùng áp lực Zelensky phải điều tra cha con Phó Tổng thống Joe Biden để nhận được viện trợ và được mời sang Bạch Ốc. Dù đó là một điều vô cùng cấp thiết với quốc gia có thể mang lại uy tín cho một tân tổng thống trẻ đang đối diện sự đe dọa của Nga, Zelensky đã khôn khéo và im lặng từ chối vì không muốn trở thành một quân cờ can dự vào chính trường Hoa Kỳ.

Điều Trump áp lực Zelensky đã đi ngược lại chính sách và quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ tại Châu Âu, cũng như có dấu hiệu lạm quyền khi yêu cầu quốc gia khác can dự vào vấn đề chính trị và nền an ninh quốc gia. Đó là một tội phản quốc. Donald Trump cùng các thuộc cấp của mình hiểu rõ điều này nhưng Trump vẫn tự tin rằng, trong số những thuộc cấp bao quanh mình, nỗi sợ hãi hay lòng trung thành sẽ buộc họ phải im lặng.


Nhưng điều này không đúng với Trung Tá Alexander Vindman. Dù đó là thử thách một đời người, là sự nguy hiểm cùng rủi ro đánh đổi cả sự nghiệp mà Vindman đã gầy dựng và cống hiến cho quốc gia thứ hai của mình trong nhiều năm trời.

Theo cha cùng người anh cả 11 tuổi sang Mỹ tị nạn từ Kiev năm lên ba tuổi sau khi mẹ mất tại Ukraine, anh em Vindman lớn lên trong gia cảnh rất khó khăn tại New York. Như những người tị nạn tay không đến Mỹ, cha của Vindman là một kỹ sư công chánh ở quê nhà, phải làm nhiều việc tay chân vất vả để nuôi các con nhỏ. Ông làm việc ban ngày, ban đêm học thêm tiếng Anh. Rồi ông cũng trở thành một kỹ sư để chăm lo các con có được một đời sống tốt hơn và ăn học thành tài. Sự hy sinh to lớn của người cha đã được đáp trả.

Anh em Vindman trở thành những người thành công. Hơn mức bình thường. Anh trai Vindman là Leonid Vindman tốt nghiệp cao học, gia nhập lực lượng trừ bị rồi trở thành Phó Chủ Tịch tập đoàn tài chính JP Morgan Chase, hiện là một nhà sáng lập kiêm quản trị một tập đoàn tài chính. Người anh em sinh đôi của Vindman là Eugene Vindman, trở thành luật sư quân đội, giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân pháp và hiện vẫn tại ngũ với cấp bậc Đại Tá. Em út là Alex Vindman là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến. Tất cả anh em nhà Vindman đều chọn con đường binh ngũ và phục vụ quốc gia như vậy.

Riêng Vindman thì gia nhập lực lượng trừ bị ngay từ những năm đại học và đi theo binh nghiệp như một sĩ quan Bộ Binh sau khi tốt nghiệp đại học. Vindman phục vụ tại Nam Hàn và Đức, trước khi được điều sang chiến trường Iraq như người lính tác chiến và bị thương tại đây. Với cống hiến và thành tích như vậy, Vindman đã nhận được huân chương Purple Heart cùng nhiều huân chương khác.

Thông thạo tiếng Nga và Ukraine, tốt nghiệp Cao Học tại Harvard về đối ngoại, trong hơn 20 năm quân ngũ, Vindman tận tụy phục vụ cho quốc gia bất kể đảng phái và đời tổng thống nào. Sau nhiệm vụ tác chiến, anh lần lượt được chọn vào các nhiệm vụ phân tích tình báo, cố vấn đối ngoại cao cấp của quân đội trong các vấn đề liên quan Nga, Ukraine và Châu Âu; sau này còn được cố vấn an ninh quốc gia cấp cao Fiona Hill mời vào ban cố vấn an ninh quốc gia tại Bạch Ốc – một nhiệm vụ thường là của một thiếu tướng trong khi Vindman mới là trung tá.

Khi Vindman bàn bạc với cha về câu chuyện của Donald Trump, cha anh đã hết lòng ngăn cản tiết lộ. Đã sống hàng chục năm dưới chế độ cộng sản, ông hiểu rõ sự bạo tàn của những kẻ độc tài. Ông nói con trai rằng, nếu tiết lộ và còn ở lại trong chế độ Liên Xô cộng sản, Vindman sẽ bị bắn ngay trong tù. Ông khuyên con trai cứ im lặng và phục tùng theo lời tổng thống. Mặt khác, thế hệ thứ nhất của cộng đồng người gốc Ukraine vốn có xu hướng nghiêng về đảng Cộng Hòa và cha anh cũng vậy. Nhưng trong cuộc bầu cử 2020, ông và nhiều cử tri Ukraine khác đã bầu cho Tổng Thống Joe Biden vì thái độ thân thiện của Donald Trump với Putin và Nga đã làm họ chuyển hướng.

Bất chấp lời khuyên của cha, lòng danh dự và trách nhiệm của một người sĩ quan Hoa Kỳ chính trực và can đảm, Vindman đã không im lặng và quyết định báo cáo lại điều anh đã nghe. Đó là lý do khi xuất hiện trong quân phục với đầy huân chương trong phiên điều trần Quốc Hội, anh đã mở đầu một cách đầy cảm xúc khi thưa riêng với cha mình rằng: “Thưa cha, con đang ngồi tại điện Capitol hôm nay để điều trần trước các nhà dân cử chuyên nghiệp, nó là bằng chứng cho việc cha đã quyết định đúng đắn hơn 40 năm trước. Đừng lo lắng, con sẽ ổn khi nói ra sự thật”.

Điều trần của Trung Tá Alexander Vindman là một cú sốc cho nền dân chủ và an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Nó làm sửng sốt người dân Mỹ và cả thế giới khi có một tổng thống Mỹ dám thực hiện những hành động bị xem là phản quốc như vậy. Donald Trump bị đưa ra Quốc Hội luận tội để truất phế. Với thế đa số của đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện cùng Bộ Tư Pháp trong tay mình, Donald Trump thoát tội lần thứ nhất như mọi người đã biết.

Donald Trump thẳng tay trả thù anh em Vindman. Cả hai anh em bị sa thải cùng ngày. Thay vì sẽ được huấn luyện tại Học Viện Quân Sự rồi thăng cấp Đại Tá theo kế hoạch, Vindman hiểu rằng sự nghiệp của mình đã chấm dứt. Anh có thể bị đưa ra một trạm radar lạnh lẽo và hoang vắng tại Alaska và buộc phải chấp nhận theo quân lịnh nếu còn tại ngũ. Vindman quyết định xuất ngũ. Ở tuổi 45, anh quay về đời sống dân sự, trở thành nhà nghiên cứu chính sách, tiếp tục theo học tiến sĩ về đối ngoại tại Đại học Johns Hopkins và viết sách trong hơn một năm qua.

Bên trên là tóm lược những gì người dân Mỹ và thế giới sẽ đọc được trong cuốn hồi ký “Đây, lẽ phải là quan trọng: Một câu chuyện người Mỹ” (Here, Right Matters: An American Story) của Trung Tá hồi hưu Alexander Vindman được nhà xuất bản Harper phát hành tuần này. Cuốn sách được giới thiệu trên Amazon là “câu chuyện của những người hùng thầm lặng đã mang lại an toàn cho chúng ta, nhưng hơn hết, là lời kêu gọi chung tay với những người không phản bội lại nước Mỹ”.

Cho đến khi những tấm màn nhung được lần lượt kéo lên và những kẻ phản quốc phải bị trả giá, những mê muội hay ngộ nhận rằng, ai mới đích thực là người ái quốc hay kẻ phản quốc sẽ rõ ràng hơn với nhiều người. Còn với Trung Tá Alexender Vindman, một sĩ quan Hoa Kỳ yêu nước, người từng đổ máu để bảo vệ quốc gia cưu mang gia đình mình và tiếp tục đánh đổi sự nghiệp để bảo vệ nền dân chủ và an ninh quốc gia Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ được nhớ đến không chỉ ở thời điểm hiện tại…
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests