Đời sống quanh ta

thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by thienthanh »

Nước mắt, nước biển và Thuyền Nhân Việt

Image
Mắt Nào Không Lệ Chảy.
Bài: Trần Mộng Tú
Hình: Trùng Dương



Chiều hôm ngày 30 tháng 3, chúng tôi, 56 người, gặp nhau ở một phi trường nhỏ trong một tỉnh nhỏ, có tên là Hatyai, của nước Thái Lan. Trong 56 người, chỉ có 4 người: vợ chồng tôi, Trùng Dương, anh Michael ở Texas làm cho đài Truyền Hình Saigon-Houston không phải thuyền nhân. Số đông thuyền nhân tham gia là các anh chị đến từ Úc Châu và rất nhiều người đã từng đi Songkla và Bidong hai, ba lần. Anh chị Dương Phục và Vũ Thanh Thủy cũng là thuyền nhân nhưng đây là chuyến đi đầu tiên của anh chị đến đảo Kra. Cô Ngọc Ân, phóng viên của đài Little Saigon-Radio, Kim Hoàng và Chấn Hồng của đài VietFace TV từ Úc cũng có mặt trong chuyến đi này.

Chúng tôi may mắn có ba Linh Mục , Cha Nguyễn Hùng đến từ Đài Loan, cha Phạm Hồng từ Úc và Phạm Tâm (cũng còn là Bác Sĩ Y Khoa) đến từ Houston, Hòa Thượng Thích Huyền Việt đến từ Houston, Thầy Tây Tạng Geshe Gawa đến từ Úc.

Trong nhóm còn một Bác Sĩ trẻ nữa là Kenneth Nguyễn đến từ California.

Trại Tỵ Nạn Songkla

Chuyến hành hương đầu tiên của chúng tôi, bắt đầu trở lại thăm nền trại tỵ nạn Songkla. Từ thành phố ra tới địa điểm đó khoảng một tiếng lái xe.

Xe đi ra ngoại ô qua những vùng trồng mía, xoài và rất nhiều cánh rừng trồng cây cọ (Palm) dùng cho việc thủ công nghệ. Nhà cửa giống hệt những vùng quê Việt Nam thời chưa đổi mới. Cũng nhà tôn, nhà lá, thỉnh thoảng chen vào một ngôi nhà ngói, bên cạnh bụi chuối, cây hoa sứ. Cũng những con chó trước cửa sủa bâng quơ, những con gà trống nghiêng đầu ngơ ngác, thằng bé ở trần vừa chạy vừa ngã. Chiếc xe như mang chúng tôi trở về quê xưa ngày cũ.

Chiếc xe ca chở hơn 50 người đậu lại, biển xanh trước mặt, nắng gắt trên đầu. Mắt mở to, mọi người xôn xao chỉ tay về phía bên phải.

Cứ đi vào đây, hướng này đúng rồi. Sẽ thấy cái giếng.
Cái giếng mấy năm trước tôi trở lại còn thấy, bây giờ đã bị biển xâm thực rồi. Biển đã mang thêm cát vào, đã chôn mất miệng giếng, nhưng còn cây đa. Chính nơi này là trại tạm cư cho thuyền nhân chờ được định cư ở đệ tam quốc gia. (mặc dù cây đó trông giống một cây thùy dương hơn là cây đa. Có thể họ muốn gọi như thế để có một chút hơi hướm quê nhà) .

Vùng bờ biển, nền lều trại dựng ngày trước đã được dọn sạch không còn vết tích, một con đường trải nhựa, chạy song song với biển đã như có sẵn tự bao giờ. Chúng tôi tới gốc cây đa đó, vẫn thấy dấu thờ cúng chưa cũ lắm, có bát cơm đổ nghiêng ngả, hạt cơm vừa khô, có nhang đèn vứt lăn lóc, những bức tượng đổ vỡ, những đồ thờ cúng kiểu Thái cái gẫy, cái bể.
Image
Tác giả và Miếu Thờ ở Songkhla.

Ba linh mục và nhà sư kêu gọi mọi người tụ họp lại cùng thay nhau đọc kinh, tụng niệm.

Nhang được thắp lên, nước mắt thi nhau ràn rụa. Tên Chúa, tên Phật được thốt trên môi mọi người, để cầu cho người chết , kẻ lưu vong. Sau phần tụng niệm, cha Hồng bắt đầu giọng cho mọi người hát theo.

Giữa buổi trưa nắng chang chang, không một ngọn gió, tiếng hát của hơn năm mươi người hát vang vang như muốn át tiếng sóng biển đang đập vào bờ:

Tự Do ơi Tự Do, tôi trả bằng nước mắt
Tự Do hỡi Tự Do, anh trao bằng máu xương
Tự Do ơi Tự Do, em trả bằng thân xác
Vì hai chữ Tự Do, ta mang đời lưu vong


(Nam Lộc)

Mọi người xúm lại chụp hình. Các anh, chị làm phát thanh, truyền hình bắt đầu công việc của mình. Có người đi tách ra riêng một chỗ thì thầm với biển, với dĩ vãng, với kỷ niệm.

Bao nhiêu người đã được định cư ở nơi êm ấm? Bao nhiêu xác đã trôi giạt

vào bãi bờ này?

Nước mắt, nước biển, trôi đi hai hàng oan nghiệt

Tóc bạc, tóc xanh, chìm sâu một khối tủi hờn.

Tôi cúi xuống vốc lên một nắm cát, nhặt một chiếc vỏ ốc đã vỡ, quay lưng lại với biển, chân thấp chân cao, vừa đi vừa lau nước mắt.

Nơi đây cũng đã dánh dấu bao cuộc tình tỵ nạn. Gặp nhau như rong rêu giạt vào bờ, bám lấy nhau rồi lại phải buông nhau ra vì mỗi người phải đi định cư ở hai nơi khác nhau, hay người đi người vẫn ở lại ngóng trông. Tương lai là một trang giấy trắng chờ tay ai vẽ xuống.

Chúng tôi rời bãi này để tới một bờ khác.

Tha Sala và 11 Cô Gái Việt

Trưởng nhóm, anh Hùng Lê cất tiếng:

Bây giờ Hùng đưa các cô chú đến thăm đền thờ Mười Một Cô.

Đó là chuyện 11 cô gái Việt, không một mảnh áo quần, bị trói cổ vào nhau, thả nổi trên biển. Xác các cô trôi tới bãi Tha Sala này, được người địa phương thương tình vớt vào chôn cất. Ai nghe cũng phải xót thương, rùng mình, uất hận.

Những nàng thiếu nữ như hoa đỏ
Một sớm theo nhau bước xuống thuyền
Hoa bỗng rơi ra từng cánh mỏng
Thả vào lòng biển máu oan khiên


Tha Sala không chỉ vớt Mười Một Cô, Tha Sala còn vớt thêm bao nhiêu cái xác trôi đơn lẻ, trôi hai ba, trôi năm bẩy, giạt vào bờ.

Người đàn bà Thái khoảng 60 tuổi, gia đình hiện sống trên bãi đã lập một miếu thờ cho những vong linh này. Mỗi ngày bà mang ra miếu một bát cơm trắng, một chén nước lạnh và mấy cây nhang.

Đây là câu chuyện của bà: Khi gia đình bà tới ở trên bãi này thì vẫn còn rất hoang vu. Họ đào đất dựng nhà, chạm phải nguyên một chiếc thuyền chôn sâu trong cát. Họ tin là thuyền của người vượt biển bị đắm, sóng đánh vào và cát phủ lên. Bà cũng theo người lớn tuổi hơn ra biển mỗi lần có xác giạt vào. Khi đó tuổi của bà, khoảng tuổi các cô con gái Việt này. Gia đình bà dựng một ngôi đền nhỏ thờ vong linh của thuyền nhân và 11 cô gái. Chiếc thuyền cứ thế để nguyên trước cửa đền. Theo năm tháng, biển xâm thực và bão tố, ngôi đền chỉ còn lại cái nền vỡ và cái thuyền chỉ còn lại một mảnh ván dài, nhưng bà vẫn cơm trắng, nước lạnh và thắp nhang mỗi ngày.

Người Việt bị người Thái giết, thì cũng chính người Thái thờ cúng những oan hồn người Việt. Có phải đó là sự đền bù của đất trời không?

Sau Tha Sala, chúng tôi được đưa tới một địa điểm gần bờ biển phía lên đảo Koh Kra.

Nơi dừng chân là chùa Wat Samphreak, trong chùa còn có một ngôi trường Tiểu Học. Tối hôm đó chúng tôi được ngủ lại trong chùa. Chúng tôi trải chiếu của nhà chùa, nằm bình an trong chánh điện, dưới chân những tượng Phật. Tôi trăn trở vì nóng, vì muỗi hay vì câu chuyện thương tâm của mười một cô gái bất hạnh. Nghe nói tuổi của các cô khoảng từ 19 tới 23. Ôi cái tuổi tinh khôi, mơ mộng và tràn đầy ước vọng!

Biển gọi em hay em gọi biển
Sóng đang reo sao bỗng khóc gọi hồn.


Nước mắt tôi ứa ra, trái tim tôi thổn thức. Tôi thương các em, thương cha mẹ các em, thương cho dân tộc tôi quá đỗi! Chúa ở đâu? Phật ở đâu?

Lên thuyền ra đảo Koh Kra

Bốn giờ sáng ngày mồng 1 tháng 4, từ bãi của làng chài lưới Hua Sai, thuộc Nakhar Si Thammarat, cách đảo Koh Kra 80 cây số, chúng tôi lên thuyền ra biển đi tới đó.
Image
Tại bãi biển.

Trên bãi biển tiếng gọi nhau khe khẽ, tiếng chân trên cát, ánh đèn pin lóe lên, dắt tay nhau, chúng tôi leo lên những chiếc thuyền tam bản của dân đánh cá Thái Lan, thuyền không mui, chạy bằng máy đuôi tôm.

Sao đi sớm thế?
Giờ này biển êm, không có sóng
Chạy bao lâu thì tới?
Khoảng hơn 3 tiếng

Ngồi sát vào nhau, tám người một thuyền. Bắt đầu tách bờ tiến về đảo Koh Kra.

Có tiếng nói khẽ cất lên:

Hồi đi vượt biên, chúng em đi bằng thuyền nhỏ như thế này, gọi là taxi, đưa ra ngoài có thuyền lớn hơn đón.
Nhưng hồi đó phải ngậm miệng, không được nói, và rất sợ bị bắt lại, cộng thêm nỗi sợ bão biển, sợ hải tặc và chúng em chẳng ai có áo phao mặc như thế này.

Tôi ngồi co rúm người lại, thuyền đang chạy, nước biển bắn tung tóe lên mặt, những hạt muối mặn trên môi. Trời vẫn tối chưa nhìn tỏ mặt nhau. Biển mênh mông, biển tối om, tôi bắt đầu hiểu mang máng thế nào là nỗi sợ của người vượt biển. Nếu thuyền lật bây giờ, cũng khó lòng mà tìm cứu được nhau trong bóng tối. Đây thực ra mới là vịnh chưa ra tới biển.

Trời dần sáng. Lên tới bãi san hô của đảo Koh Kra thì sáng hẳn. Bờ biển này không có cát, chỉ toàn những mảnh san hô, nên không thể đi chân trần được. Năm 1979 đã có tới hơn 2000 thuyền nhân bị hải tặc nhốt giam ở đây. Vợ chồng chị Vũ Thanh Thủy và anh Dương Phục cùng nhóm gần 200 người đã trốn hải tặc 21 ngày đêm ở đây. Những con thú mang hình người đã hành hạ thuyền nhân Việt ở mức độ dã man ngoài sự tưởng tượng của một đầu óc bình thường.

Hàng ngàn người đã bị hải tặc giam cầm trên đảo này, con số người chết ở đây không ai biết rõ là bao nhiêu? Bao nhiêu phụ nữ đã bị hãm hiếp, bao nhiêu người chồng, người yêu, cha mẹ, anh trai, bất lực và bất hạnh trước thảm nạn dưới tay hải tặc. Chỉ có Trời mới biết con số chính xác này.

Những cô gái nạn nhân này chịu nhiều khổ hạnh khác nhau. Có người bị bắt đi luôn không biết còn sống hay đã chết. Nếu sống, họ có còn muốn tìm về gặp lại những người thân yêu nữa hay không? Hay họ tự coi như cuộc đời cũ đã chấm hết, đã xóa tên họ. Họ đã chấp nhận sống hai đời trong một kiếp.

Có người khi được cứu đã mang thai nhưng họ can đảm không bỏ đi giọt máu oan khiên đó, nó là một phần xương thịt họ. Họ mang con đến một nơi khuất lấp, xa lánh cộng đồng Việt, không gặp những người thân và tự nuôi con. Họ là những người mẹ vượt lên trên tất cả mọi thử thách mà định mệnh đã đặt vào họ.

Có cô gái chọn nhảy xuống biển chết thay vì bị hải tặc hiếp, nhưng số phận không cho cô chết, cô sống kẹt trong một khe đá, cô đói, khát, lạnh và bị cá tôm rúc rỉa hai chân cô trong 21 ngày. Khi cứu được cô ra, người ta nhìn thấy hai ống xương chân không da thịt.

Tôi đau đớn tự hỏi: Nước mắt nào khóc rửa được những vết thương này.

Nghe bước chân mình trên đá nhọn
nghe trăm gai sắc nhói trong tim
nghe sóng biển đập vào lồng ngực
nghe em gào khóc nỗi oan khiên.


Còn bao nhiêu câu chuyện nữa chưa được kể ra. Những người sống sót không ai muốn nhắc lại ký ức đau thương ấy. Họ im lặng, lãng quên đi hay thậm chí đã mất trí nhớ sau những tai nạn khốc liệt cho cả tâm hồn và thể xác ấy.

Tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã ghi lại trong hồi ký cả ngàn trang “Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” của anh chị một phần nào những thảm cảnh trên đảo Koh Kra, những thảm cảnh mà Việt Nam và Thái Lan ngày nay đều cố tình phủ nhận và lẩn tránh. Tinh thần trách nhiệm và liêm sỉ của một quốc gia là chiếc hộp đen cả hai nước đều né tránh không muốn mở ra, nhìn lại.

Mỗi người bắt tay vào mỗi việc. Căng lều tập thể, căng lều cá nhân. Người lo dựng tượng Phật, tượng Đức Mẹ, Thánh Giá . Chúa thì phải lắp từng mảnh vào với nhau. (Những tượng này và vật liệu cần thiết đã được anh trưởng nhóm và một vài anh mang tới trước mấy hôm). Người lo mắc võng cá nhân, người lo treo những chiếc đèn lồng từ thân cây này sang thân cây kia. Sửa soạn sẵn cho một đêm hoa đăng trên đảo.

Chúng tôi xếp ra từ trong hộp những tấm mộ bia có khắc ghi tên tuổi thuyền nhân và những tấm khắc lời tưởng niệm (Được anh trưởng nhóm đặt mang từ Việt Nam sang), sửa soạn gắn những bia này chung quanh một bức tường tượng trưng cho khu nghĩa trang.

Buổi trưa nắng qua nhanh. Mỗi người được ăn trưa một tô mì gói, trước khi gạch, xi măng được chuyền tay nhau vác lên đồi tôn giáo. Một số người xuống tắm biển, có người leo lên thuyền trở về đất liền mua thêm vật dụng.

Công việc dựng tượng mới làm được một phần.

Buổi chiều, mọi người còn đang tất bật thì có hai chiếc thuyền tuần duyên từ đâu rẽ sóng tới, bốn năm người lính Thái có vũ trang nhảy vào bờ. Cô bé Nhung thông ngôn thiện nguyện (sống ở Thái) được gọi ra để trả lời những câu hỏi. Lính Thái bắt chúng tôi chia ra làm hai hàng, bên nam, bên nữ. Chúng tôi vội cho người đi mời mấy vị sư Thái (hiện tu hành trên đảo) xuống, cắt nghĩa rõ ràng là chúng tôi đến dựng tượng và thăm mộ thân nhân. Đất Thái là đất Phật, đi đến mỗi góc đường đều có am, miếu, thờ cúng, nên người dân Thái rất nể trọng các vị sư. Họ bắt chúng tôi cầm thông hành của mỗi người lên ngang mặt để họ chụp hình trước khi họ xuống thuyền. Sau khi nói chuyện với các nhà sư xong họ mới chịu xuống thuyền, rời bãi.

Khi họ đi rồi, một nỗi hoang mang dậy lên trong lòng những cựu thuyền nhân: Họ nói, không ai có thể biết được hải tặc có thông đồng với lính tuần duyên hay không? Nhưng chúng ta nhờ có các sư và hiện mang thông hành ngoại quốc nên tương đối an toàn.

Buổi chiều, cơn mưa to ập xuống, dù lều được dựng dưới những tán lá cây, nước mưa vẫn làm ướt đầm chúng tôi. Khổ nhất là công việc dựng tượng và gắn bia cho người đã chết không tiến hành được, cả những tấm ghi dòng tưởng niệm, cũng phải xếp vào thùng. Nhang đèn, gạch, xi măng, phải che chắn lại. Đêm “Hoa đăng tưởng niệm” như dự tính đã không thành.

Buổi tối vẫn còn mưa. Trong tình cảnh, dưới lưng là những mảnh san hô lớn, nhỏ, mấp mô, rồi nước chảy vào thành từng vũng, quần áo, dày dép ướt sũng. Nhưng các anh em cũng kéo nhau ra lều tập thể hát dưới những giọt mưa.

Tiếng hát hòa đồng với tiếng mưa. Trong ánh lửa nến nhỏ nhoi xoi không tỏ mặt người, họ hát cho nhau nghe, cho hồn ma bóng quế cùng nghe.

Có hay không! Những hồn ma bóng quế đang rủ nhau cùng về ngồi trong lều với những người đồng hương của mình?

Đêm vẫn rào rào đổ mưa xuống, nhóm 8 người chúng tôi, nằm giữa một tấm bạt to, gấp đôi lại, nửa trải dưới đất, nửa căng trên đầu, buộc hai góc bạt vào hai thân cây. Frank nằm sát ngoài cùng phía bên phải lều, rồi Tú, Trâm, Nguyệt, Trùng Dương, Thủy, Phục và ngoài cùng là Cha Tâm bìa bên trái. Tội nghiệp Cha Tâm và Frank là hai người nằm ngoài bìa lều, ướt như chuột từ đầu tóc, quần áo, đến giày dép.

Chắc chắn những nhóm khác, trong những chiếc lều nhỏ kiểu cắm trại, cũng ướt không kém gì chúng tôi. Nhưng may, sáng ra trời tạnh, phải dậy thu dọn và ra lều tập thể ngay để làm lễ liên tôn cho các vong linh trên đảo.
Image
Lễ Cầu Siêu Trên Đảo Koh Kra.

Các vị chủ tế cùng mọi người cùng quay lưng ra biển, mặt hướng về phía trong đảo, nơi có những nấm mồ của hơn 100 thuyền nhân được biết và thêm bao nhiêu mồ không được biết đích xác, được chôn vùi từ những ngày tháng đó của mấy ngàn thuyền nhân bị hải tặc lùa vào đây.

Chương trình hành lễ được Cha Tâm đề nghị, bắt đầu làm lễ với các Sư Thái đang ở đảo được mời tới cử hành đầu tiên bằng tiếng Phạn, sau đó đến Hòa Thượng Thích Huyền Việt và phần cuối là Cha Hùng, Cha Tâm Cha Hương chia nhau dâng lời nguyện.

Vừa xong hai phần về Phật Giáo, tiếng các Cha bên Công Giáo chưa cất lên thì có tiếng hốt hoảng gọi vào lều.

Xin chấm dứt và sửa soạn ra về ngay, vì có tin báo bão sẽ tới lúc 3 giờ.

Mọi người hấp tấp đứng dậy chạy ra khỏi lều để thu dọn hành lý, riêng các Cha, Hòa Thượng và những người Công Giáo vẫn ở lại.

Cha Hùng vừa cất tiếng lên đã nghẹn ngào:

Giữa biển khơi lồng lộng gió bốn phương

Chúng tôi những người sống sót trong cuộc chiến tranh huynh đệ đau thương, cùng nhau về đây chiêu hồn lưu xứ.

Xin những đấng tối cao mở lòng đón nhận, vớt lên giữa bọt sóng lênh đênh những oan hồn, uổng tử.

Xin hãy mang hồn vào giấc ngủ ấm yên

Vòng tay Đức Mẹ, vòng tay Phật Bà xin hãy là những tấm khăn mềm thấm khô ngàn máu lệ.

Chúng tôi cúi đầu gửi lời kinh tiếng kệ

Tiếng chuông tiếng mõ gọi hồn về.

Giọng Cha trầm trầm, bi thương, nghẹn ngào, Cha đọc hết bốn trang bài “Văn Tế Muộn Màng.”

Rồi các Cha thay nhau đọc tên từng người trên những mộ bia mới làm. Sóng cứ nhô cao, bão cứ tới, mọi người vẫn bình tâm với những dòng kinh nguyện.

Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời


(Kinh Hòa Bình-Thánh Francis)

Chiếc lều cuối cùng được kéo xuống, gấp lại, gấp cả những giọt nước mưa còn đọng đêm qua. Tôi lấy tay quẹt trên giọt nước, nếm thấy mặn như những giọt lệ.

Những chiếc thuyền tam bản, không mui, rẽ sóng trở lại đất liền. Trời không nắng, âm u, nước biển bắn tung từng đợt lên mặt mũi, quần áo. Trưởng nhóm Hùng khóc rưng rức nhìn hòn đảo Koh Kra chìm dần vào những đám mây đen đang từ từ kéo tới. Anh khóc vì nhiệm vụ chưa hoàn tất. Chúng tôi phải mỗi người nói một câu an ủi anh, nhưng thật sự trong lòng chúng tôi cũng đang thổn thức. Mây đen kéo mỗi lúc một dầy sau lưng chúng tôi, hòn đảo như chìm từ từ xuống biển, tiếng kêu của những vong linh không vọng được lên trên tiếng sóng. Hòn đảo như biến mất, giữa kẻ chết và người sống một đường vạch dài và đen chia đôi.

Bidong và Những Ngôi Mộ Tập Thể Ở Mã Lai

Xe ca đi từ Thái Lan sang Mã Lai, mất 8 tiếng, qua những chặng đường biên giới, phải làm thủ tục nhập cảnh. Chúng tôi tới Mã Lai thì đã trời chiều.

Phụ nữ ở đây đa số mặc quốc phục nhiều màu sắc, khăn chùm đầu của họ rất đẹp, đủ màu, đủ kiểu quấn khác nhau chung quanh khuôn mặt. Bạn tha hồ ngắm mắt môi và nguyên khuôn mặt thân thiện, hay cười của họ. Hiếm hoi lắm mới thấy một vài bà đứng tuổi quấn mình kín mít trong tấm vải đen chỉ để lộ hai con mắt đủ nhìn bước chân mình. Đàn ông cũng thân thiện không kém, ông tài xế taxi hay nói về đời sống gia đình cho bạn nghe, về việc họ vẫn cầu nguyện năm lần một ngày, mỗi lần bảy phút.

Mã Lai là nước đã nhận gần 300 ngàn người tỵ nạn Việt Nam trong hai thập niên 1975-1995. Những thuyền nhân đi trong nhóm kể lại: nạn hải tặc Mã ít hơn hải tặc Thái rất nhiều. Lính Mã ban đêm có vào trại kiếm những cô vừa mắt mang về làm vợ, không ai can thiệp được. Nhưng lính Mã không hiếp phụ nữ và giết người ngay trước mặt mình.

Mã Lai cũng là nơi có nhiều xác thuyền nhân tạt vào bờ nhất nên cũng là nơi duy nhất có nhiều mộ tập thể. Những người bạn thuyền nhân trong nhóm nói có khi thuyền gần vào tới bờ vẫn bị lật như thường, người đến trước trên bờ có thể nhìn thấy người chết chìm trước mặt mà không làm gì cứu được. Về sau được người địa phương cho biết là khúc biển gần vào đến bãi, dọc biển đó có nhiều vũng xoáy, có khi thuyền vào trúng chỗ xoáy mà không biết, gặp biển êm thì thoát, khi biển lúc đó động thì chỗ xoáy hút thuyền vào, thuyền lật, không cách nào cứu được. Đó là trường hợp của rất nhiều chiếc thuyền đã nhìn thấy bờ mà không vào được bến.
Image
Viếng Ngôi Mộ Tập Thể Đầu Tiên Ở Kelanta.

Mã cũng là quốc gia duy nhất có nhiều mộ tập thể của thuyền nhân, có đầy đủ lý lịch, vì họ chết gần bờ.

Ngôi mộ tập thể số 1 chúng tôi tới ở Balai Bachock thuộc tỉnh Terengganu, mộ đó có 46 người, trong đó có 3 em nhỏ.

Lần đầu tiên trong đời người, đứng trước một ngôi mộ tập thể. Ngôi mộ chơ vơ trên đồng đất nước người với những cái tên Việt Nam, tôi không cầm nổi lòng mình, nghe nôn nao, quặn đau trong ruột, nước mắt ràn rụa. Từ bao lâu nay chỉ nghe tiếng “Thuyền Nhân” chỉ nhìn “HìnhThuyền Nhân”, cái thương cảm đó có đấy, nhưng chỉ thoáng ngậm ngùi như vết xước ngoài da. Phải tới đó, trên một đất nước xa lạ nhìn thấy nấm mộ đó mới hiểu được tình người trong một nước nó sâu đậm đến đâu, mới hiểu rõ hai chữ “Đồng Bào” cùng một cội nguồn dân tộc với nhau. Mình bỗng chốc thấy thương dân, thương nước mình quá đỗi! Vì đâu, vì ai , vì nghiệp lực nào mà chết thảm, chết khổ, đến thế này! Cá nhân mình có lãnh một phần trách nhiệm nào trong đó không?

Nhang, nến, thắp lên, lời kinh hòa đồng, Phật, Chúa có nhìn xuống chúng sinh không?

Tôi nghĩ tới lời Sư Huyền Việt nói với tôi: Nghiệp lực làm khổ nhau. Cái khổ phải xảy ra một lần trong cuộc đời và cái khổ vẫn tiếp tục xảy ra.

Ngôi mộ thứ hai tại Cherang Ruku, cách nơi này không xa còn to hơn nữa, còn nhiều người hơn nữa, nó cho ta cái cảm tưởng đây là một cái nghĩa trang nhỏ chứ không phải là một nấm mồ. Mộ chôn 123 người, sau nhận thêm 5 người nữa chôn ở nơi khác được đưa về. Tổng cộng là 128 người. Những ngôi mộ tập thể đã được chôn chung như thế nào? Đây là lời kể của bà vợ ông Alcoh Wong Yahao (Sẽ nói đến vị ân nhân này sau)

“Chúng tôi xếp xác từng lớp, không phân biệt nam nữ, tuổi tác. Cứ một lớp xác người xếp lên một lớp khăn liệm, rồi lại tiếp một lớp xác người khác, trên cùng chúng tôi đặt một lớp ván ép, rồi xúc đất đổ lên. Thế là thành một ngôi mộ lớn.

Ngôi mộ thứ hai này và ngôi mộ thứ nhất với 46 người, cộng thêm 5 người mang tới sau, họ cùng đi với nhau trên chiếc tàu khởi hành từ Mỹ Tho, tên tàu là MT- 065, khỏi hành ngày 1 tháng 12, tới gần biển Mã Lai ngày 4 tháng 12 thì bị lật chìm. Tổng số người đi trên thuyền là 300 người.
Image
Mộ Tổng Cộng 128 Người.

Chúng tôi cúi đầu khấn nguyện Chúa, Phật, cầu xin các vong linh về chứng giám cho lòng thành của chúng tôi. Chúng tôi, những phụ nữ dựa vào vai nhau mà đẫm lệ.

Sau đó cha Tâm đề nghị mỗi người cầm nhang đi chung quanh ngôi mộ cắm xuống. Mỗi nén nhang có mang theo những giọt nước mắt.

Hỡi hồn bập bềnh trên biển
Về đây nghe lời kinh an
Trăm ngàn mảnh hồn ướt sũng
Muối nào trong lệ không tan.
Image
Mắt Nào Không Lệ Chảy.

Đừng khóc vội, tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến nấm mộ to như một nghĩa trang nhỏ này.

Trong mấy ngày hôm sau khi chúng tôi đi thăm những nghĩa trang có chôn rải rác thuyền nhân, tôi thấy xuất hiện trong đoàn một thanh niên rất trẻ, tôi hỏi chuyện làm quen, khi em giúp nắm tay tôi dắt bước qua những mô đất. Em tên là Alex Trần, 28 tuổi, em đi thăm mộ ông bà ngoại và các chú, bác, của mẹ em. Vì thời khóa biểu không trùng hợp với nhóm nên em đến chậm một đôi ngày, em phải đi thăm ông bà ngoại một mình.

Tại sao mẹ không đi với con?
Mẹ sợ , mẹ không dám nhìn lại.


Em nói tiếng Việt rất giỏi, rất lễ phép, chứng tỏ em được lớn lên trong một gia đình tốt. Em kể:

Gia đình của mẹ con, tất cả 18 người đi trên chiếc tàu MT-065 này. Lúc đó mẹ con là một cô bé 12 tuổi, dì của con lên 10. Khi tàu lật, họ kẹt trong khoang, dì con 10 tuổi dùng đầu đập vào cửa kính thuyền, hai chị em chui được ra bên ngoài. Cả hai chị em cùng không biết bơi, ngất xỉu. Sóng đánh họ giạt vào bờ, được cứu sống. Cả gia đình chết 13 người, còn lại 5 người trong đó có mẹ con, dì con và ba người họ hàng.

Em thơ dại sao mà em may mắn
Cả một thuyền chết hết chỉ còn em


Sau đó hai chị em được một gia đình Mỹ bảo trợ, nuôi ăn học, cho tới lúc lập gia đình. May mắn gia đình đó ở Orange County, California ngay trung tâm của người Việt nên hai cô bé đó đã vẫn giữ và nói tiếng Việt. (Khi làm mẹ, cô cũng cho con đi học tiếng Việt).

Hai chị em cô bé này quả thật trong bất hạnh có lồng may mắn. Hai cô được cha mẹ Mỹ cho đi học tiếng Việt và lớn lên với cộng đồng Việt.

Nhìn cậu thanh niên khôi ngô, đĩnh ngộ, lớn lên ở Mỹ, nói tiếng Việt rõ ràng, lễ phép trong một gia đình có hoàn cảnh như thế, tôi thấy mình không khóc được nữa. Tôi đứng sững nhìn cậu, nghe cậu kể lại câu chuyện nhiều lần (vì nhiều người hỏi). Tôi hình dung ra mẹ và dì của cậu như những viên ngọc lăn rơi xuống từ những mỏn đá cao và sắc mà không hề xây xát. Không có viên ngọc nào có thể đẹp hơn nữa.

Tôi nghĩ đến đôi ngày vừa qua, khi cậu một mình đứng trước ngôi mộ tập thể, cậu chạm tay mình lên trên tên ông bà ngoại, tôi biết chắc cậu đã khóc bằng đôi mắt của mẹ mình.
Image
Một Mộ Bia Tập Thể Của Người Việt Trên Đất Mã Lai.

Người Chủ của Những Ngôi Mộ Thuyền Nhân


Một khu nghĩa trang của người Hoa cũng ở Terengganu với những ngôi mộ xây theo hình vòng cung như cái bào thai của người mẹ (Người Hoa nói đó là tượng trưng cho ta trở về nơi ta đã từ đó ra đi) Trong nghĩa trang này có 4 khu A, B,C,D. Khu A có hơn 400 thuyền nhân được chôn ở đây. Khu B,C,D có hơn 200. Mộ chôn rải rác, khi thì một người, khi thì ba hay bốn người, tùy theo có bao nhiêu giạt vào bờ lúc đó. Có mộ thấy lên tới bảy người, mười người.

Hỏi anh Lưu Dân, một thuyền nhân ở Úc đã tổ chức tới đây nhiều lần, có gia đình nào về lại Mã Lai cải táng thân nhân đem đi không? Anh nói, có một người đã làm được. Nhưng người Mã ở thành phố này, không muốn cho người Việt đến cải táng mang đi. Họ nêu ra ba lý do:

Thứ nhất, đã chết ở Mã là người Mã.

Thứ hai, mộ ở đây lâu năm đã thành mộ bạn.

Thứ ba, nếu người Việt ai cũng cải táng thì đâu còn ai tới thành phố này (Terengganu là một thành phố cần du khách)

Cha Tâm mặc áo lễ, dâng bánh Thánh ngay trong nghĩa trang này. Tôi và Vũ Thanh Thủy, Ngọc Hân cùng cất tiếng hát: Chúa nhân từ xin lắng nghe linh hồn con tha thiết. Ăn năn kêu van, lạy Chúa xin dủ thương, ban xuống niềm tin ấp ủ cho tâm hồn.
Image
Hình Cha Tâm Dâng Lễ.

Nắng rát da, trời cao vời vợi, những hạt nước mắt rơi trong tiếng hát, rơi nhòe trên trang giấy hát.

Hòa Thượng Huyền Việt đã rời Thái lan sau khi ở Koh Kra về, nên anh Ngô Đức Hữu từ Úc đại diện Phật Giáo mỗi lần tới các phần mộ, anh phụ trách khấn nguyện. Tiếng Việt miền Nam của anh nhẹ nhàng, ấm áp, bài kinh anh rút ra từ đạo Ông Bà, nghe thật cảm động, xin trích một đoạn:

Cầu Thượng đế từ bi hỉ xả. Cho linh hồn ổn thỏa nghe kinh. Cầu xin giảm bớt tội tình. Cho vong nhàn hạ nhẹ mình thảnh thơi. Cảnh ly biệt hỡi ôi thê thảm. Đức Thần Minh phất phưởng tràng phan. Cho hồn noi đó nhẹ nhàng. Trở về cứu vị an nhàn hưởng vui…..

Sau lễ chúng tôi đi thắp nhang trên các ngôi mộ, không phân biệt Hoa, Việt, người địa phương hay thuyền nhân. Nghi thức hóa vàng mã tiếp theo rất phong phú, các anh chị trong nhóm mua ngay tại địa phương nên mua được rất nhiều ( Theo thống kê năm 2010 Mã Lai có 19.8 % theo đạo Phật).

Chúng tôi hóa vàng xong thì xuất hiện một người đàn bà Hoa, được những người trong nhóm giới thiệu đó là bà Alice Wong, vợ của ông Alcoh Wong một vị ân nhân chôn cất gần như là hầu hết những xác thuyền nhân trôi vào bờ bãi Mã Lai.
Image
Chân Dung Ông Wong và Bia Công Đức.

Ông chính là người đã chôn cất những ngôi mộ Tập Thể, hơn thế nữa bao giờ có xác táp vào bờ là người ta đi gọi ông. Ông in ra cuốn sách The Vietnamese Boat People (VBP) along The East Coast Of Malaysia Peninsula để hướng dẫn những người đi tìm mộ thân nhân dọc theo bờ biển phía đông vùng biển Mã Lai. Vùng biển phía đông Mã Lai đối diện với mũi Cà Mau là nơi thuyền nhân tới đông nhất và cũng chết đắm nhiều nhất.
Image
Chân Dung Ông Wong và Bia Công Đức.

Ông để hết thời gian của mình chỉ để lo cho những cái xác của thuyền nhân Việt Nam trôi giạt vào vùng bãi biển Mã Lai, gần nơi ông cư ngụ. Chiếc thuyền đầu tiên của người Việt tỵ nạn ông Wong được nhìn thấy vào ngày 23 tháng 11 năm 1978 đã vào gần tới bãi nhưng chưa được lên bờ. Ông nhìn thấy những khuôn mặt hốc hác, sợ hãi nhưng tràn đầy hy vọng. (Về sau ông được Hội Hồng Nguyệt Red Cresent cho biết, chiếc thuyền đó đã bị lật trong khi được hướng dẫn vào bờ ngay trong cùng ngày. Cả thuyền 137 người bị chết đuối).

Ông và những người bạn của ông ngoài việc chôn cất, còn đi tìm những phần mộ của thuyền nhân rải rác trên đất Mã đem về gần nhau.

Những nấm mộ thuyền nhân tập thể được nhìn như “Mồ vô chủ” thì trên một ý nghĩa nào đó, ông Wong chính là “Chủ” những nấm mồ này.

Cho tới khi ông mất, năm 2006 trước đó một tuần ông vào nghĩa trang thăm mộ thuyền nhân ông đã hát bài “I will follow you forever.”

Nói theo nhà Phật, kiếp trước ông có nợ người Việt Nam hay chính ông là một người Việt Nam trong tiền kiếp?

Tấm lòng của ông Wong đối với thuyền nhân từ năm đầu tiên 1978, khi ông nhìn thấy chiếc thuyền tị nạn 137 người kéo vào vùng vịnh Kuala Terengganu, tới năm ông qua đời 2006 là 28 năm dài.

Đảo Bidong và Những khu mộ

Chúng tôi cũng tới đảo Bidong bằng thuyền. Thuyền này chạy bằng máy cao tốc và từ đất liền ra tới đảo khoảng 20 phút. Đi giữa trưa nắng gắt.

Từ năm 1975- 1991 đã có 250,000 thuyền nhân sống sót tạt thuyền vào sinh sống ở đây. Nhiều người chờ bảo lãnh có thể ở trên đảo từ hai tới bốn năm, nhiều người bị trả lại. Có người bệnh chết, có người tự tử. Họ được mang lên đỉnh đảo chôn cất.

Mộ chia ra từng khu A, B, C… Khu cho trẻ em riêng. Khu F được coi là đông nhất tới hơn 200 ngôi mộ. Chúng tôi kéo nhau lên đó. Bước thấp, bước cao, chống gậy, cầm dao, vừa leo vừa phạt cây rẽ lối. Cuối cùng cũng lên tới tấm bia có ghi 151 người (có bia mộ) Thật ra số mộ ở đây trên con số 200.

Đồi Tôn Giáo nơi trước đây có nhà thờ Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài và Chùa thì nay đã vừa bị phá, vừa xụp đổ theo thời gian, trông vô cùng hoang phế. Đau lòng hơn nữa những tượng Phật, tượng Đức Mẹ đều bị chém cụt đầu (vì một số người cuồng tín tin là mất đầu thì không còn linh thiêng nữa) Thánh giá Chúa thì chỉ còn dấu vết trên tường mà thôi.

Tôi và Thái hai chị em đi lang thang chung quanh đồi, Thái lo chụp hình, tôi lo… buồn. Tôi đứng trên cao nhìn mông lung bao quát bãi cát dưới chân đồi.

Nơi đây bao nhiêu người dân Việt của tôi giạt vào, giạt vào bằng thân xác còn thở được, còn hy vọng sẽ được chuyển tới một quốc gia nào đó để gây dựng lại cuộc đời cho con,cháu hay chính bản thân mình? Bao nhiêu người chỉ còn là những cái xác bập bềnh giạt vào bờ? Bao nhiêu cảnh chia ly của những mối tình vừa nhận được sau những đau thương mất mát? Bao cảnh đời uất hận bị gửi trả về nơi mình đã không sống được phải bỏ đi? Bao nhiêu người đã phải ở đây cả ba, bốn năm trong hy vọng, trong tuyệt vọng trước khi được rời nơi này?

Biển dưới kia đang ập vào từng đợc sóng, nước mắt của mấy mươi năm về trước còn giọt nào pha trong muối đại dương?

Biển phải làm gì để giữ mãi được những giọt lệ, những tiếng khóc, tiếng cười, hy vọng và tuyệt vọng của một dân tộc luôn luôn “Đi không yên ổn, ngồi không vững vàng” ngay trên chính đất nước mình.

Chúng tôi xuống đồi để sửa soạn quay về đất liền. Xuống đến chân đồi ngoái đầu nhìn lại, một cánh bướm đen thật lớn từ trên đồi bay xuống lượn vòng ngay sau lưng tôi. Một thoáng rùng mình, một thoáng rưng rưng, tôi dừng lại, nói thầm trong cuống họng mình. “Thôi nhé, tôi về, nhớ mãi hôm nay.” Giơ tay áo lên, quẹt ngang dòng nước mắt. Cánh bướm bay mất hút lên đồi.

Sau một đêm mắc võng, chùm chăn (cho khỏi muỗi) ngủ lăn lóc trên cầu tàu, chúng tôi trở về đất liền, tiếp tục cuộc hành trình tìm mộ thuyền nhân.

Rải Rác Mộ Thuyền Nhân Dọc Đường

Trên đường sang Kuala Lumpur, trong tỉnh Dungun có hai nghĩa trang. Hai nghĩa trang này có biển trước mặt nên khi xác thuyền nhân giạt vào được vớt lên chôn ngay tại đây. Khi họ vớt được 1 xác, khi được 2,3, khi được 5,7. Có khi cả trên 10 xác vào một lúc.

Nghĩa trang thứ nhất lối vào có đền thờ với hàng chữ Tao Yan Dian Temple, có 80 ngôi mộ thuyền nhân, trong đó 38 mộ có tên. Một ngôi mộ tập thể nằm dưới gốc một cây bàng lớn, chôn trên 100 người, được khắc chung một tấm bia. Bia được Văn Khố Thuyền Nhân xây ngày 23 tháng 3 năm 2007.

Những ngôi mộ trong khu thứ hai được đặt trong một nghĩa trang đặc biệt do nhà thờ Công Giáo St.Thomas trông coi. Những thân xác thuyền nhân được bao quanh bởi ba ngôi thánh đường của: Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo và Hồi Giáo. Còn được gọi là Migrants Cemetery.

Những linh hồn này thật được chúc phúc an ủi biết bao!

Nhang được thắp lên, lời kinh được cất lên, nước mắt lại chảy xuống, Chúa, Phật trên cao được mời xuống dự tiệc bi ai của nhân loại.

Viết tới đây. Tôi tưởng tượng ra, tôi là người dân Mã Lai sống dọc theo miền đông biển Mã Lai, mỗi sáng trở dậy nghe tiếng gọi nhau ơi ới bên ngoài cánh cửa: Ra vớt xác thuyền nhân Việt đang giạt vào bờ. Không phải một xác, hai xác, mà vô số xác. Rồi cùng nhau tẩm liệm, chôn cất, có khi lập miếu thờ.

Tôi tưởng tượng ra trong những cái xác bất hạnh đó, một cái xác của chính mình.

Những cái xác của đồng bào mình (hay của chính mình) đã được những người không cùng chủng tộc xót thương, được ghi lại in thành sách (như sách của ông Wong) để sau chính những người Việt về tìm lại.

Chôn cất cả trăm, ngàn, nấm mộ không phải là chuyện giản dị. Việc xây cất làm sao chu đáo được. Theo thời gian, mưa nắng những ngôi mộ không tồn tại được.

May mắn thay Văn Khố Thuyền Nhân của người Việt (Do ông Trần Đông, từ Úc-Sáng lập 2004), đã tới Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương trùng tu lại hầu hết những nấm mộ này. (Theo VKTN-Trong vùng Đông Nam Á có hơn 2000 nấm mộ vừa tập thể vừa cá nhân).

Tôi Đọc Tên Tôi

Hội Hồng Nguyệt ( Malaysian Red Cresent Societ - Hồng Thập Tự Mã Lai) đã lưu trữ hai trăm ngàn (200,000) hồ sơ của những người sống sót. Để hôm nay những thuyền nhân trong nhóm chúng tôi đến tìm lại. Mỗi khi tìm được tên của mình hay thân nhân mình, họ òa vỡ ra cùng một lúc tiếng cười và giọt lệ:

Tôi vừa đọc tên tôi trên tấm thẻ
Có phải tôi không trên lý lịch này
Ngày tháng đó tưởng vùi chôn đáy biển
Bỗng sóng đánh vào bờ sáng hôm nay


Khi chúng tôi tới viếng Hội, câu chào hỏi đầu tiên của ông Dato’ Sayed A. Rahman,Tổng Thư Ký hội Hồng Nguyệt là: “Chúng tôi không cần biết anh là người nước nào, chúng tôi chỉ biết giúp đỡ một con người.” Nghe mà ứa nước mắt.

Ông Misnan, nhân viên điều hành của Hội, nói được vài câu bằng tiếng Việt rất thân tình. Đặc biệt là ông hát cho chúng tôi nghe bằng tiếng Việt, bài hát “Bài Tình Ca Cho Em” của Vũ Thành An thật hay. Hay một cách bất ngờ!

Thế gian đầy quỷ dữ, nhưng Trời cũng ban phát xuống những thiên thần cứu trợ.

Sau 42 năm nhìn lại, chúng ta có rất nhiều những trang Sử mới. Trên hết, mỗi một cái chết của thuyền nhân, của tù cải tạo, của người Quốc Gia chết cho Tự Do là một trang Sử mới được cộng vào.

Tất cả con dân Việt đều phải học Sử Việt.


Trần mộng Tú
Ngày 20 tháng 4 năm 2017

Viết trong cuộc hành trình về Trại Tỵ Nạn Songkhla, đảo Koh Kra và Trại Tỵ Nạn Bidong từ 30 tháng 3 tới 16 tháng 4-2017

(*) Những câu Thơ trong bài của tác giả Trần Mộ
vuongquan
Posts: 275
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by vuongquan »

6 loại thảo mộc và chất bổ túc chống lại bệnh trầm cảm
May 2, 2021
SAN FRANCISCO, California (NV) – Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đến hơn 17 triệu người trưởng thành chỉ riêng ở Mỹ.

Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn nhiều, do nhiều người bị trầm cảm không tìm cách điều trị vì nhiều lý do khác nhau. Rối loạn trầm cảm được điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý, thay đổi lối sống, bao gồm cả việc ăn uống.
Image
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đến hơn 17 triệu người trưởng thành chỉ riêng ở Mỹ. (Hình: Kat Jayne/Pexel)
Các nghiên cứu cho thấy rằng vitamin, khoáng chất, thảo mộc và một số hợp chất đặc biệt hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng trầm cảm, theo trang mạng Healthline.


1. Acid béo Omega-3

Một số nghiên cứu cho thấy bổ túc omega-3 có thể giúp điều trị chứng trầm cảm. Trong một bảng phân tích năm 2020 về các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên của 638 phụ nữ cho thấy rằng các chất bổ túc acid béo omega-3 cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh.

2. NAC (N-acetylcysteine)

NAC là tiền thân của các acid amin L-cysteine và glutathione, được coi là một trong những chất chống oxy hóa quan trọng nhất trong cơ thể. Bên cạnh đó, L-cysteine và glutathione còn điều chỉnh tình trạng viêm và bảo vệ tế bào chống lại tác hại của quá trình oxy hóa.

Uống NAC đã được chứng minh là mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, bao gồm tăng mức độ glutathione trong cơ thể. Hơn nữa, NAC cải thiện chứng rối loạn điều hòa dẫn truyền thần kinh ở những người bị rối loạn tâm thần.

3. Vitamin D

Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng đóng nhiều vai trò thiết yếu trong cơ thể. Thật không may, nhiều người không có đủ lượng vitamin D, bao gồm cả những người bị trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy rằng những người bị trầm cảm có nhiều khả năng bị thấp hoặc thiếu vitamin D. Vitamin D có thể chống lại chứng trầm cảm thông qua một số cơ chế, bao gồm giảm viêm, điều chỉnh tâm trạng và bảo vệ chống lại rối loạn chức năng nhận thức thần kinh.

Một đánh giá năm 2019 về bốn thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy bổ túc vitamin D dẫn đến lợi ích lâm sàng ở những người bị trầm cảm nặng.
Image
Nghệ tây làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm ở người lớn mắc chứng MDD so với phương pháp điều trị khác. (Hình: Filippo Monteforte/Getty Images)
4. Saffron

Nghệ tây là một loại gia vị chứa các hợp chất chống oxy hóa, bao gồm cả carotenoid crocin và crocetin. Các nhà khoa học từng làm năm thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy rằng việc bổ túc nghệ tây làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm ở người lớn mắc chứng MDD so với phương pháp điều trị khác.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng cần phải có những thí nghiệm sâu hơn với thời gian theo dõi dài hơn để đánh giá tốt hơn khả năng của nghệ tây trong việc giúp điều trị chứng trầm cảm.

5. Rhodiola (Rhodiola rosea)

Rhodiola là một loại thảo mộc có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng khi được dùng ở dạng bổ túc. Chúng bao gồm giảm các triệu chứng trầm cảm và cải thiện phản ứng với căng thẳng, giúp cơ thể bạn thích nghi với các tình huống căng thẳng.

Loại thảo mộc này phát huy tác dụng chống trầm cảm thông qua khả năng tăng cường giao tiếp tế bào thần kinh và giảm hoạt động quá mức của trục dưới tuyến yên-vỏ thượng thận (HPA). Trục HPA là một hệ thống phức tạp điều chỉnh phản ứng căng thẳng của cơ thể con người. Khi trục HPA hoạt động quá mức, nó sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm.

Khi cơ thể nạp chất bổ túc bao gồm rhodiola và nghệ tây có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm và lo lắng ở người lớn bị trầm cảm nhẹ đến trung bình sau sáu tuần.

6. Vitamin nhóm B

Vitamin B đóng vai trò quan trọng trong chức năng thần kinh và điều hòa cảm xúc. Các vitamin B, bao gồm folate, B12 và B6, cần thiết cho việc sản xuất và điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, acid gamma-aminobutyric (GABA) và dopamine.

Khi thiếu hụt vitamin B12 và folate có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, và việc bổ túc những chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm ở một số nhóm dân số nhất định. Ví dụ, bổ túc folate có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm kháng điều trị ở trẻ em và người lớn bị đột biến gene ảnh hưởng đến chuyển hóa folate.

Vitamin B6 cũng được tìm thấy cải thiện các triệu chứng trầm cảm khi được sử dụng kết hợp với các chất dinh dưỡng khác, bao gồm tryptophan và một dạng vitamin B3 được gọi là nicotinamide. (K.D) [qd]
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by bichphuong »

Image

Văn hóa chào hỏi đơn giản của người Nhật (Aisatsu) khiến bất kỳ ai cũng trở nên hòa đồng và dễ mến hơn
Văn hóa chào hỏi đơn giản của người Nhật (Aisatsu) khiến bất kỳ ai cũng trở nên hòa đồng và dễ mến hơn
Văn hóa chào hỏi ở Nhật Bản, hay aisatsu, được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Ngoài lời chào khi mới gặp mặt hay lời chào tạm biệt, mọi người còn nói khi ai đó bước vào nhà hàng, khi họ rời cửa hàng, khi rời khỏi nhà và ngay khi họ về đến nhà.


Hàng ngày, bạn thường dùng kiểu chào nào? Liệu bạn có nói: Buổi sáng tốt lành? Chào buổi tối? Hay những câu nói như: "Tôi về nhà rồi!" và "Rất vui vì ngày hôm nay được làm việc với bạn?

Trên thực tế, lời chào không chỉ là hành động quen thuộc của người Nhật mà nó đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Họ được dạy về văn hóa chào hỏi ở trường học ngay từ còn nhỏ, từ những người thân trong nhà và ngay cả nơi làm việc.

Nhưng tại sao lại như vậy?

Tôi sẽ không thể nào quên người đầu tiên cho tôi thấy tầm quan trọng thực sự của Lời chào ở Nhật Bản (Japanese aisatsu)

Là người gốc Nhật nhưng sinh sống ở New York nên bố mẹ luôn kiên quyết bắt tôi học tiếng Nhật và biết về nền giáo dục Nhật Bản. Vì vậy họ đã đăng ký cho tôi theo học một trường Nhật vào ngày thứ bảy để tôi có thể duy trì khả năng ngôn ngữ của mình. Nhưng vấn đề là, vào thời điểm này tiếng Nhật của tôi đã bị tụt hậu. Vì vậy vào các ngày thứ Bảy, tôi trở thành một cô gái người Mỹ gốc Nhật lập dị và ngu ngốc trong lớp học (vì hầu hết các sinh viên khác đều đến từ Nhật Bản, và là người bản ngữ). Tôi nhanh chóng được biết đến như một cô gái trầm tính, ít nói.

Tôi đã phải chấp nhận trải qua những ngày thứ Bảy không bạn bè, trở nên im lặng và luôn cảm thấy không thoải mái. Cho đến một ngày, một cô bạn trong lớp tiếp cận tôi bằng một lời chào đơn giản: ohayo!

Tôi đã không thể tin cô ấy nói lời chào buổi sáng với tôi, nhưng cô ấy đã mỉm cười và vì vậy tôi trả đáp trả lại lời chào này. Và đó là lần đầu tiên tôi thấy có người biết đến sự tồn tại của mình trong lớp.

Lời chào xác thực sự tồn tại của người khác


Văn hóa chào hỏi đơn giản của người Nhật (Aisatsu) khiến bất kỳ ai cũng trở nên hòa đồng và dễ mến hơn - Ảnh 1.

Kể từ ngày đó, mỗi khi gặp cô bạn kia, tôi đều gửi một lời chào ngắn gọn - ohayo! Điều này giúp tôi cảm thấy tốt hơn khi ở trong lớp học. Cuối cùng, những bạn học khác trong lớp cũng bắt đầu nói lời chào buổi sáng với tôi, và tôi cũng gửi lại những lời chào với họ. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện và chia sẻ về những gì đã làm trong tuần qua hay những điều chúng tôi đang mong đợi. Tất cả đều bắt đầu từ một lời chào đơn giản.

Lời chào khơi nguồn cho cuộc trò chuyện và tình bạn

Chào hỏi là nền tảng cơ bản cho các mối quan hệ.

Nếu như bạn nghiên cứu về nguồn gốc của từ chào trong tiếng Nhật, aisatsu (挨 拶) thì nó được ghép từ hai ký tự ‘thúc đẩy (push)’ và ‘gần nhau’ (close together). Từ này có nguồn gốc từ việc thực hành các giáo lý Thiền Tông (Zen Buddhist), nơi các vị thiền sư thường chắp hai tay lại chào nhau để hiểu và xích lại gần nhau hơn.

Ngày nay, mọi người không chào nhau (aisatsu) với hình thức như vậy, nhưng nguyên tắc thực hành này thì vẫn được duy trì. Đó là việc trở nên gần gũi hơn.

Xin chào làm cho trái tim và tâm hồn rộng mở

Lời chào dường như là một điều quá đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng với tôi thì nó mà một điều vô cùng quan trọng. Lời chào chính là khởi đầu của mọi câu chuyện giúp tôi tiếp cận, giao lưu và hòa nhập với mọi người.

Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm một lý do chính đáng để nói lời chào, thì không cần tìm đâu xa. Bạn hãy thử thay đổi và gửi ngay lời chào đến một một người nào đó.

Lời chào xác thực sự tồn tại của người khác

Lời chào khơi nguồn cho cuộc trò chuyện và tình bạn

Lời chào làm cho trái tim và tâm hồn rộng mở.

Hiệu ứng cánh bướm: Thiếu 0,25 điểm thi làm thay đổi một đời người, tài xế đi nhầm đường dẫn đến đại chiến thế giới?
duynga
Posts: 117
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by duynga »

“Nếu bạn nằm trong số 20% không muốn tiêm vaccine COVID-19, thì thông điệp này dành cho bạn”
Bác Sĩ Tommy Ahlquist

Image
(Hình minh họa: Mat Napo/Unsplash)

Image
Ông Tommy Ahlquist, nguyên bác sĩ phòng cấp cứu và hiện là Giám đốc điều hành của BVA Developmen.
“Từ tháng Năm, tất cả mọi người ở Idaho trên 15 tuổi đều có thể chủng ngừa COVID-19. Đó là một tin tuyệt vời, và phần lớn người Idaho chúng tôi đã được tiêm phòng hoặc mong muốn được tiêm phòng. Nhưng khoảng 20% ​​nói rằng họ sẽ không làm điều đó, và nếu bạn nằm trong 20% ​​đó, thì thông điệp này là dành cho bạn.

Tôi là người đã trải qua COVID-19: tôi và cả gia đình nhiễm virus vào tháng Mười Một năm ngoái. Virus không phân biệt đối tượng nó lây nhiễm cùng các quy định phòng chống với tất cả chúng ta. Cách chắc chắn nhất để vạch ra một con đường mới phía trước là tiêm vaccine. Vaccine là cách an toàn nhất để bảo vệ bản thân khỏi COVID-19 và là cách nhanh nhất giúp đưa chúng ta vượt qua đại dịch.

“Tôi tin vào tự do cá nhân và quyền tự do nói chung. Tôi cũng đã là một bác sĩ phòng cấp cứu, và tôi hiểu rằng trong một đại dịch đối với sức khỏe toàn cầu, tất cả chúng ta đều có vai trò. Ngay bây giờ, điều đó có nghĩa là hãy tiêm chủng khi bạn có thể”- bác sĩ Tommy Ahlquist.

Tất nhiên, việc thắc mắc về một loại thuốc hay vaccine hoàn toàn mới là điều đương nhiên. Trên thực tế, một lý do mà nhiều người thường đưa ra để tránh vaccine là họ muốn chờ xem chắc chắn nó không gây hại cho sức khỏe của họ. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và bác sĩ đã theo dõi điều đó ít nhất trong hơn một năm. Các vaccine này đều đã trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng theo tiêu chuẩn và kỹ lưỡng với sự tham gia của hàng chục nghìn tình nguyện viên. Cho đến nay, gần một triệu liều vaccine COVID-19 đã được đưa đến tiểu bang của chúng tôi và gần 200 triệu liều cho cả nước.

Các nhà khoa học và nhân viên chăm sóc sức khỏe liên tục theo dõi các tác dụng phụ. Các phản ứng nghiêm trọng là cực kỳ hiếm. Một số bệnh nhân bị đau đầu một hoặc hai ngày, số khác bị sốt hoặc đau cơ…

Trong khi đó, các trường hợp nghiêm trọng của COVID-19 đều phải nhập viện và thở máy. Quá nhiều đồng bào của chúng ta đã mất đi những người thân yêu, và tất cả chúng ta đã mất một năm được kết nối bình thường với nhau. Ngay cả những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục đôi khi vẫn tiếp tục bị tổn thương tim, phổi và não.

Mặc dù năm vừa qua đã dạy cho chúng ta một số bài học khó khăn, nhưng chúng ta có thể vui mừng kỷ niệm một thành tựu khi Hoa Kỳ cho phép triển khai các loại vaccine an toàn, hiệu quả cao. Thêm một người được tiêm phòng là sẽ giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển vaccine mới với tốc độ ấn tượng, trong vòng chưa đầy một năm. Điều đó khiến một số người lo lắng rằng chúng đã được đưa vào sản xuất vội vàng. Nhưng trên thực tế, vaccine COVID-19 đã trải qua các thử nghiệm theo ba giai đoạn nghiêm ngặt giống hệt như tất cả các loại thuốc đã được phê duyệt ở nước ta. Nếu bạn tin tưởng các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp hoặc bệnh tim của bạn là an toàn, bạn cũng có thể tin tưởng rằng những loại vaccine này cũng vậy.

Bạn cũng có thể đã nghe những tin đồn chẳng hạn rằng bạn có thể nhiễm COVID-19 từ vaccine. Điều đó đơn giản là hoàn toàn sai, vì vaccine không chứa virus sống gây bệnh.

Nói tóm lại, sự hoài nghi với vaccine là vô ích. Trong khi đó, tất cả chúng ta đều có rất nhiều thứ để đạt được cho đời sống nếu mọi người đều chủng ngừa càng sớm càng tốt.

Tất cả chúng ta đều có thể và phải làm phần việc của mình để cuộc sống trở lại bình thường, để chúng ta có thể tự do đi lại, du lịch khắp đất nước của mình, tổ chức các buổi hòa nhạc, đám cưới, lễ lạc nhà thờ hay các buổi họp mặt đông đúc tùy thích.

Tất cả đều phụ thuộc vào việc mỗi người chúng ta hôm nay có sẵn sàng tiêm chủng hay không”.

Bài viết của bác sĩ Tommy Ahlquist trên IdahoStatesman.com
thuytrieu
Posts: 90
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:09 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by thuytrieu »

CDC chuẩn thuận chích vaccine Pfizer cho người 12 đến 15 tuổi
May 12, 2021

WASHINGTON, DC (NV) – Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) hôm Thứ Tư, 12 Tháng Năm, chuẩn thuận chích vaccine COVID-19 của Pfizer cho thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi, theo Business Insider.

Với quyết định của CDC, thiếu niên độ tuổi trung học trên cả nước có thể được chích ngừa ngay từ Thứ Năm tuần này.

Image
Vaccine Pfizer được chuẩn bị để chích cho thiếu niên 12 đến 15 tuổi ở Decatur, Georgia, hôm Thứ Tư, 12 Tháng Năm. (Hình: AP Photo/Ron Harris)
CDC công bố quyết định sau khi ủy ban cố vấn độc lập về chích ngừa của cơ quan này tranh luận và phân tích kỹ lưỡng dữ liệu suốt một ngày.

Vaccine Pfizer đã được chuẩn thuận cho người 16 tuổi trở lên ở Mỹ, và nay được cho phép sử dụng với lứa tuổi nhỏ hơn sau khi được xác nhận là an toàn và hiệu quả trong cuộc thử nghiệm của hãng này.

Trong cuộc thử nghiệm, hơn 1,000 thiếu niên 12 đến 15 tuổi được chích hai liều vaccine Pfizer.

So với trên 970 người cùng độ tuổi không được chích ngừa trong cuộc thử nghiệm, những thiếu niên được chích ngừa ít nguy cơ nhiễm COVID-19 hơn, theo kết quả thử nghiệm.

Trong số những thiếu niên chích đủ hai liều, không có ca COVID-19 nào, giúp vaccine Pfizer đạt hiệu quả 100% trong cuộc thử nghiệm.

Trong số những thiếu niên không được chích ngừa, 18 người nhiễm COVID-19 trong quá trình thử nghiệm.

Ngoài ra, còn có ba thiếu niên trong nhóm được chích ngừa cũng bị nhiễm COVID-19 vài ngày sau khi chích mũi đầu tiên, tức là chưa đủ sức phòng ngừa đầy đủ.

Ba ca nhiễm này là một dấu hiệu rõ ràng nữa cho thấy vaccine không phải là đũa thần. Người được chích ngừa phải kiên nhẫn, nhất là trong vòng 14 ngày sau khi chích, vẫn nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để phòng ngừa.

Mặc dù thiếu niên ít nguy cơ nhiễm COVID-19 hơn người lớn, đến nay cả nước Mỹ có trên 1.5 triệu thiếu niên nhiễm bệnh, và trên 13,000 em ở lứa tuổi này phải vào bệnh viện.

Ít nhất 127 thiếu niên ở Mỹ chết vì COVID-19, khiến căn bệnh này là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người 13 đến 18 tuổi, so với tỷ lệ tử vong mới nhất từ năm 2019.

Thiếu niên nhiễm COVID-19 cũng có thể làm lây bệnh như người lớn, nghĩa là có nguy cơ lây cho cha mẹ và giáo viên nhiều hơn trẻ em.

Ủy ban cố vấn của CDC nay cũng cho hay có thể chích ngừa COVID-19 cùng lúc với chích ngừa những bệnh khác.

Vaccine Pfizer dành cho thiếu niên hoàn toàn tương tự loại dành cho người lớn, cả về liều lượng lẫn thời gian. Theo khuyến cáo, người 12 đến 16 tuổi cần chích hai liều, cách nhau ba tuần. Thiếu niên có thể được xem là “chích đủ liều” sau mũi thứ nhì bảy ngày, theo dữ liệu của Pfizer. (Th.Long) [qd]
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by thienthanh »

BA LỜI KHUYÊN

Một cặp vợ chồng mới kết hôn rất nghèo và sống trong một nông trại nhỏ. Một ngày, người chồng nói với vợ:
“Em yêu, anh sẽ rời ngôi nhà này… Anh sẽ phải đi rất xa, rất xa, tìm một công việc, rồi làm thật chăm chỉ để có thể trở về và cho em một cuộc sống đầy đủ mà em luôn xứng đáng. Anh không biết đôi ta sẽ biệt ly bao lâu, vì vậy anh chỉ đòi hỏi em một điều này thôi: Hãy đợi anh. Khi anh không còn ở đây, em hãy giữ tấm lòng son, hãy bảo toàn sự thủy chung, bởi anh cũng sẽ như vậy với em.”

Sau đó, người chồng rời đi. Ngày lại ngày trôi qua, anh đã đi một quãng đường rất rất xa, cho đến khi gặp một lão nông bên đường. Ông lão cũng đang cần tìm người phò tá mình. Chàng trai trẻ bước đến và tỏ ý muốn trở thành người hầu cận giúp đỡ ông mỗi ngày. Ông lão chấp nhận, sau đó, họ cùng thảo luận với nhau. Anh nói:
“Hãy để tôi làm việc chừng nào tôi còn có thể, và khi tôi nhận thấy đã đến lúc phải trở về cố hương, xin hãy để tôi đi. Tôi không muốn nhận một đồng lương nào trong lúc này – ngài vui lòng giữ lại giúp tôi cho đến ngày tôi rời đi. Vào ngày ấy, xin hãy đưa lại cho tôi toàn bộ số tiền ấy”.

Họ cùng đồng ý với thỏa thuận này. Và thế là người chồng làm việc trong nông trại của ông lão trong suốt 20 năm – không có ngày lễ, và cũng không có ngày nghỉ ngơi. Thấm thoắt 20 năm đã trôi qua, anh đến gặp ông chủ của mình và nói:
“Thưa ngài, đã đến lúc tôi cần phải trở về nhà, xin ngài hãy gửi lại tôi số tiền lương trong những năm qua”.
Ông chủ của anh trả lời:
“Tốt lắm! Sau cùng, ta đã có thỏa thuận với anh và ta sẽ giữ lời. Tuy nhiên, trước khi anh đi, ta muốn anh hãy cân nhắc điều này: Hoặc là ta sẽ trả lại anh tất cả số tiền và để anh đi; hoặc ta sẽ cho anh 3 lời khuyên và để anh đi. Nếu anh chọn túi tiền, ta sẽ không cho anh 3 lời khuyên ấy; và ngược lại, nếu anh chọn lời khuyên, ta cũng sẽ không đưa tiền cho anh. Bây giờ, chàng trai, hãy trở về phòng và suy nghĩ trước khi cho ta biết quyết định của mình”.
Sau hai ngày suy nghĩ, anh quay lại và nói với ông chủ:
“Thưa ngài, tôi muốn nhận 3 lời khuyên của ngài”.
“Đừng quên rằng, nếu ta cho anh 3 lời khuyên này, ta sẽ không đưa tiền cho anh. Anh còn băn khoăn điều gì không?”
“Thưa ngài, tôi muốn nhận 3 lời khuyên…”
Sau đó, ông chủ nói với anh:
“Một là: Đừng bao giờ lựa chọn đường tắt trong cuộc đời. Những con đường nóng vội có thể tiềm ẩn mối hiểm họa khôn lường!
“Hai là: Đừng bao giờ quá hiếu kỳ, bởi cái giá cho hiếu kỳ có thể là quá đắt… “Ba là: Đừng bao giờ quyết định trong cơn nóng giận hay trong lúc tuyệt vọng, bởi những quyết định mù quáng sẽ khiến anh phải hối hận muộn màng.”
Tiếp đó, ông chủ đưa cho anh ba chiếc bánh mỳ và nói:
“Đây là 3 chiếc bánh mỳ dành cho anh: Hai chiếc trên đường, còn chiếc cuối cùng để anh thưởng thức cùng vợ mình khi trở về nhà”.

Tạm biệt ông lão, người đàn ông lên đường trở về. Con đường 20 năm cách trở trải dài ra trước mắt. Anh hồi hộp mong chờ đến giây phút đoàn tụ với người vợ ở quê nhà.
Sau ngày đầu tiên, anh gặp một hành khách trên đường. Người lạ mặt nói:
“Chàng trai, anh đang đi đâu thế?”
“Đến một nơi rất xa, cách đây 20 ngày đường nếu tôi tiếp tục đi về hướng này”.
Người lạ mặt lại nói:
“Ồ, anh bạn trẻ, đường sẽ rất dài và xa xôi! Tôi biết có một ngã rẽ khác giúp anh sớm trở về nhà”.
Anh hăm hở bước theo con đường mới này. Nhưng rồi sau đó, chợt nhớ lại lời khuyên đầu tiên của ông lão, anh bèn quay trở lại con đường cũ lúc đầu. Nhiều ngày sau đó, anh vô tình biết rằng đoạn đường tắt hôm trước có rất nhiều đạo tặc mai phục.

Nhiều ngày nữa lại trôi qua, anh may mắn tìm thấy một nhà nghỉ ven đường. Anh dừng chân dùng bữa tối rồi ngủ một giấc dài… Đến nửa đêm, anh chợt tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng la hét thất kinh bên ngoài phòng trọ. Anh bước ra khỏi chăn và toan mở cửa xem điều gì đang diễn ra. Bất giác, anh nhớ lại lời khuyên thứ hai nên nén nỗi tò mò và quay trở lại giường.
Sáng hôm sau, khi dùng điểm tâm, người chủ nhà trọ hỏi rằng, liệu anh có nghe thấy tiếng la hét thất thanh đêm qua không. Anh đáp lại là có. Ông bèn hỏi tiếp:
“Anh không tò mò xem chuyện gì đang xảy ra sao?”
“Không, không hề!”
“Thật may mắn, anh là vị khách đầu tiên có thể sống sót mà rời khỏi đây. Trong làng chúng tôi có một con quỷ. Ban đêm, nó thường la hét để gây sự chú ý. Bất kỳ ai nghe thấy tiếng hét mà chạy tới đều sẽ rơi vào nanh vuốt con quỷ này…”

Anh lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Càng gần tới cố hương, anh lại càng hồi hộp và vui sướng. Ngày lại ngày, đêm lại đêm, đôi chân anh đã mệt mỏi rã rời. Cuối cùng anh cũng thấy thấp thoáng ánh lửa bập bùng trong túp lều thân quen.
Bầu trời đã tối lắm rồi, mà mái nhà của anh vẫn còn một quãng dài phía trước. Qua khung cửa sổ, anh thấy bóng dáng người vợ hiền mà anh luôn yêu tha thiết. Nhưng kìa, nàng không ở đó một mình mà còn xuất hiện một gã đàn ông nào đó… Nàng vuốt tóc hắn ta, có vẻ hai người rất tình cảm bên nhau.

Hình ảnh trước mắt khiến trái tim anh tan vỡ và cay đắng. Trong lòng anh sục sôi một nỗi tức giận và tủi nhục. Anh chỉ muốn chạy ngay đến để trút nỗi giận này. Nhưng rồi anh hít một hơi thật sâu để bình tĩnh lại khi nhớ đến lời khuyên thứ ba.
Anh dừng chân và quyết định ngủ lại bên ngoài. Nằm trên bãi cỏ giữa núi đồi và ngắm nhìn sao trời, anh tự nhủ sẽ chờ đến sáng mai.
Khi ánh bình minh ló rạng cũng là lúc anh lấy lại hoàn toàn bình tĩnh. Anh nói với chính mình:
“Ta sẽ không làm hại vợ ta và người tình của nàng. Ta sẽ trở lại bên ông chủ và yêu cầu ông chấp nhận ta làm việc thêm lần nữa. Nhưng trước khi lên đường, ta muốn gặp nàng để nói rằng ta vẫn luôn thủy chung với nàng…”

Anh ngập ngừng gõ cửa… Khi vợ anh mở cửa, cô đã òa lên hạnh phúc và ôm chầm lấy anh. Anh chỉ nhỏ nhẹ:
“Anh luôn một lòng một dạ với em, nhưng tại sao em lại phản bội niềm tin ấy?”
Lời kết tội như làm trái tim thắt lại, cô nói:
“Làm sao em có thể phản bội anh? Em không bao giờ làm điều gì trái với lương tâm mình. Em đã kiên nhẫn đợi chờ anh suốt 20 năm qua…”
“Vậy còn người đàn ông bên cạnh em đêm qua? Anh ta là ai chứ!”
Đến lúc này, cô mới mỉm cười:
“Đó là con trai chúng ta! Khi anh rời đi, em mới phát hiện rằng mình mang thai. Đến nay, con chúng ta đã 20 tuổi rồi”.
Những lời nói ấy như dòng suối mát lành cuốn trôi nỗi buồn lo trong lòng anh. Anh cầu xin cô tha thứ, rồi bước vào phòng gặp người con trai anh chưa từng biết mặt. Sau đó, cả gia đình đoàn tụ trong bữa sáng mà vợ anh mới chuẩn bị. Anh lấy ra chiếc bánh mỳ cuối cùng và đặt lên bàn.
Khi cắt bánh mỳ làm ba phần đều nhau, anh bất ngờ khi nhìn thấy toàn bộ số tiền lương của 20 năm qua được giữ kín trong đó. Số tiền không chỉ là 20 năm mà còn vượt xa gấp nhiều lần.

Thiêng Liêng cũng giống như ông chủ trong câu chuyện kể trên. Khi yêu cầu chúng ta cống hiến, ngài còn dành tặng chúng ta nhiều hơn những gì ta đã làm. Ngài muốn những đứa con của ngài có được trí huệ sáng suốt, và có cả những phúc lành xứng đáng…

MC Sưu tầm
hoangphong
Posts: 365
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by hoangphong »

Cái “tâm” của con người



Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động thấp kém. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương !

Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Ðặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.

“Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ tìm cách kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa, để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại, hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Ðúng là người nhà quê.”

(Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩu môi và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.)

- Xin chào… xin…

Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Ði đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là:

“Xin mọi người giúp đỡ cho tôi.”

Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vờ ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản.

“Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” - Người phụ nữ xót xa nghĩ.

Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Ðúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh.

Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói:

“Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?”

Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ: “Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ?”

Người phụ nữ gật đầu. “Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không?”

Sau khi nghe người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp, vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó.

Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.

“Chị cầm lấy đi. Tôi… tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay, tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.”

Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng: “Cám ơn”.

Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:

“Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.”

- Thế còn cậu thì sao? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.

- Số tiền em vừa đưa cho chị chỉ có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào”.

Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình.

Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé. Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu.

Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:

- Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à ?

Chàng trai lắc đầu:

- Không, chị ạ.

Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói: “Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.”

Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:

- Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.

Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Ðể đi tìm một người trợ lý đáng tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.

Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: “Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó.”

Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái “tâm”. Có cái “tâm” trong cuộc sống thì mới có cái “tâm” trong công việc được. Ðấy là thứ mà công ty tôi cần”.

Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn.

Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của nó.

Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ cái “tâm” của mình cho mọi người xung quanh.

Vô Danh
phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by phidao »

8 sự thật hay ho đến kì lạ về cà phê
1. Tất cả bắt đầu từ những con dê biết nhảy

Theo truyền thuyết, một người chăn dê Ethiopia có tên Kaldi đã phát hiện ra giống cây cà phê đầu tiên nhờ những con dê. Khi thấy đàn dê của mình có những biểu hiện kì quái (nhảy nhót, hưng phấn...) vì ăn những hạt nhỏ từ giống cây lạ, Kaldi đã thử nếm và cảm thấy có sự khác biệt trong cơ thể mình. Ngay sau đó, một vị thầy tu nhận thấy sự thay đổi về sức khỏe của người chăn dê, đã gọi Kaldi tới và hỏi nguyên nhân.

Image

Kaldi nói với thầy tu rằng nhờ có giống cây đó nên cảm thấy khỏe khoắn và phấn chấn hơn. Sau khi biết được câu chuyện của Kaldi, thầy tu đã đi hái lấy hạt của giống cây lạ đó rồi đem chúng về trồng bên trong tu viện.

Image
Tranh vẽ miêu tả cảnh Kaldi và bầy dê phát hiện ra cây cà phê.

2. Cà phê từng là thức uống bất hợp pháp

Các bạn hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng cà phê từng bị tuyên bố là bất hợp pháp 3 lần tại 3 nền văn hóa khác nhau.

Image

Đầu tiên là việc Thống đốc Mecca (một thành phố ở Ả Rập) cấm cà phê năm 1511. Ông nói rằng: "Trong quán cà phê, những người đàn ông và phụ nữ gặp gỡ, chơi violin và cờ tướng, chưa kể là những việc khác trái pháp luật thiêng liêng của chúng ta.". Vì cho rằng quán cà phê là nơi vui chơi không lành mạnh, Thống đốc đã cấm mặt hàng này hoàn toàn.

Lần thứ hai là vào năm 1675, vua Charles II đã cố gắng cấm những quán cà phê bởi ông cho rằng đó là "nơi ươm mầm nổi loạn". Tuy nhiên, ông đã phải rút lại thông báo của mình sau đúng 11 ngày vì sự phản đối kịch liệt từ phía người dân.

Fredrick Đại đế là người thứ ba ban lệnh cấm thức uống này ở Đức năm 1677. Ông cố gắng ngăn chặn việc nhập khẩu cà phê xanh vì cho rằng nó cạnh tranh với các sản phẩm địa phương.

Cà phê từng bị xem là thứ trái luật pháp.

3. Tất cả cà phê trên Thế giới đều được trồng ở "Vành đai Bean"

Nhìn vào bản đồ được khoanh vùng rõ ràng, có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng tất cả cà phê trên Thế giới lại được trồng trên cùng một vĩ độ. Và người ta đặt tên cho vùng đặc biệt đó là "vành đai Bean" (Bean Belt), ý chỉ tập hợp của các khu vực trồng cà phê khác nhau tạo nên một vành đai.

Image
Các nước nằm trên vành đai này đều gần đường Xích đạo, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và hơn cả là đều có loại đất đỏ đặc biệt.

4. Cà phê trắng có nhiều caffeine hơn cà phê đen

Image

Trái với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng những hạt cà phê rang đen có nhiều caffeine, thực tế đã chứng minh ngược lại. Các nhà khoa học kết luận rằng những hạt cà phê được rang vàng (màu sáng) chứa nhiều caffeine hơn. Lý giải cho điều này, nhóm các chuyên gia nghiên cứu cho rằng hơi nóng trong quá trình rang cà phê đã làm giảm lượng caffeine có trong hạt.

Cà phê sẽ mất đi một lượng caffeine trong quá trình rang chín.

5. Khi cà phê biến thành năng lượng

Image

Ngoài tác dụng giúp tinh thần bạn tỉnh táo sau một ngày mệt mỏi căng thẳng đầy áp lực, cà phê còn có rất nhiều công dụng khác, chẳng hạn như trở thành nguồn nhiên liệu tuyệt vời cho chiếc “xế hộp” đấy!

Đây là ý tưởng của một công trình nghiên cứu về việc chế biến bã cà phê thành dầu sinh học Diesel. Vì thế, rất có thể, cà phê sẽ là nguồn nguyên liệu dần dần thay thế cho xăng dầu trong tương lai đấy!


Trong tương lai, cà phê sẽ là "suối nguồn sự sống" cho chiếc xe hơi.

6. Cà phê là... bác sĩ thực vật


Image

Đây là một sự thật khá thú vị về cà phê khi giúp ta cứu sống những cây trồng sắp chết trong nhà. Các bạn chỉ cần chuẩn bị hỗn hợp bã cà phê trộn với ít đường, cho vào bình tưới nước rồi tưới cho cây hàng ngày. Đảm bảo, loại thuốc đặc biệt này sẽ giúp cây phục hồi và trở lại xanh mượt.

Theo các nhà thực vật học, chất caffeine trong cà phê có khả năng kích thích quá trình sinh trưởng, đẩy nhanh sự trao đổi chất của cây trồng, giúp chúng tươi tốt.


Bã cà phê vốn rất giàu chất dinh dưỡng nên có tác dụng giúp cây trồng phát triển tươi tốt.

7. Cà phê có thể phòng bệnh nan y cho con người?

Image

Theo các nghiên cứu công bố năm 2005, các nhà khoa học nhận ra rằng những người uống 4 - 6 tách cà phê mỗi ngày sẽ khó mắc bệnh tiểu đường hơn những người chỉ uống 2 tách trở xuống. Ngay cả cà phê không chứa caffeine cũng cho ta kết quả tương tự.

Tuy nhiên, mặt trái của việc uống cà phê quá nhiều là nguy cơ mắc bệnh loãng xương, hình thành nếp nhăn và tăng cân.

Image
Uống cà phê thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

8. Cà phê là mặt hàng giao dịch "hot" (gần) nhất Trái Đất!

Cà phê không chỉ là thứ đồ uống kỳ diệu mà nó còn là mặt hàng được giao dịch nhiều thứ hai trên Thế giới, chỉ chịu xếp sau "vàng đen" (dầu mỏ).
Image

Cà phê là một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên Thế giới.
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by bichphuong »

Những người sống trên 105 tuổi thường có một nền tảng di truyền độc đáo, giúp họ tránh được nhiều loại bệnh liên quan đến tuổi tác.

Image
Ảnh minh họa: Shutterstock

Nghiên cứu vừa được công bố trên tập san eLife cho biết những người sống trên 105 tuổi thường có một nền tảng di truyền độc đáo, giúp cơ thể họ tự sửa chữa DNA hiệu quả hơn, từ đó tránh được nhiều căn bệnh liên quan đến tuổi tác, chuyên trang ScienceDaily đưa tin.

Thành viên nhóm nghiên cứu, phó giáo sư Paolo Garagnani, chuyên gia về y học thực nghiệm tại Đại học Bologna (Ý), giải thích: “Lão hóa là một yếu tố nguy cơ phổ biến, có thể làm khởi phát nhiều loại bệnh”.

Trước đó, chuyên gia Garagnani và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu với sự tham gia của 81 tình nguyện viên “siêu thọ” (từ 105 tuổi trở lên). Các chuyên gia đã tiến hành giải trình tự bộ gien của nhóm người này và so sánh với bộ gien của 36 người khỏe mạnh khác, có độ tuổi trung bình là 68 tuổi.

Sau đó, nhóm nghiên cứu còn kiểm tra chéo kết quả trên với dữ liệu di truyền từ một nghiên cứu đã được công bố trước đó, có sự tham gia của 333 người Ý trên 100 tuổi và 358 người khoảng 60 tuổi.

Kết quả cuối cùng cho thấy ở những người sống trên 105 tuổi, nhóm nghiên cứu xác định được một số thay đổi di truyền liên quan đến 2 gien COA1 và STK17A.

Trong đó, STK17A liên quan đến 3 lĩnh vực quan trọng đối với sức khỏe của tế bào là điều phối phản ứng của tế bào đối với tổn thương DNA, loại bỏ tế bào bị tổn thương và quản lý lượng ô xy phản ứng nguy hiểm trong tế bào. Đây là những quá trình quan trọng liên quan đến sự khởi phát và phát triển của nhiều loại ung thư.

Còn gien COA1 được coi là “chìa khóa” để duy trì sự kết nối bình thường giữa nhân tế bào và ty thể, vốn được xem là nhà máy năng lượng của tế bào. Rối loạn chức năng ty thể được xem là yếu tố chính dẫn đến lão hóa.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những người trên 105 tuổi cũng có ít đột biến gien hơn so với nhóm đối chứng, từ đó cũng tránh được nhiều nguy cơ bệnh tật do tuổi tác, trong đó có bệnh tim.

Trà Linh
phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by phidao »

Vi khuẩn ‘ăn thịt người’ gây bệnh lở Buruli hoành hành ở Úc
May 22, 2021

Image
Các vết loét của bệnh lở Buruli. Hình: Wikipedia.
Bệnh lở loét Buruli do một vi khuẩn ăn thịt người gây ra, có thể hủy hoại các vùng mô mềm nếu không chữa trị kịp thời.
Bệnh lở Buruli – một căn bệnh mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo là không được chú ý đúng mức, nay đang được nhiều người biết đến ở Úc.

Bệnh gây biến dạng cơ thể
Nhìn vết mẩn đỏ hơi sưng ở phần sau cổ chân, Adam Noel nghĩ anh chỉ bị muỗi đốt. Nhưng vết sưng không đỡ chút nào. Các bác sĩ thì nói đó chỉ là một dạng kích ứng da. Hai tuần trôi qua, cái vết đỏ giờ đã là một…cái lỗ. “Có gì đó rất bất thường đang xảy ra,” anh nghĩ, và lái xe đến Bệnh viện Austin ở Melbourne để khám lại.

Đó là tháng 4-2020 và dịch bệnh COVID-19 sau đó lây lan ở Úc. Bệnh viện quá đông, bác sĩ chỉ khám qua loa cho anh, và nói “vết thương sẽ sớm lành thôi”. Nhưng vết thương đó nhất định…không lành. Cái lỗ nhỏ giờ to bằng trái banh ping-pong, làm cho Noel rất đau đớn. Lo lắng, Noel đến bệnh viện St Vincent’s, một trong những bệnh viện hàng đầu ở Úc. Ở đây, anh được yêu cầu nhập viện một tuần để lấy mẫu sinh thiết trước khi kết luận bệnh gì.

Kết quả, đó là vết lở Buruli: một bệnh do vi khuẩn gây ra có thể tạo thành vết thương hở lớn, và nếu không chữa trị kịp thời, sẽ gây ra tình trạng biến dạng vĩnh viễn. Bệnh lở loét Buruli do một vi khuẩn ăn thịt người gây ra, có thể hủy hoại các vùng mô mềm nếu không chữa trị kịp thời

Mất khoảng sáu tuần kể từ khi Noel để ý thấy có dấu hiệu bất thường ở chân cho đến khi anh có kết quả sinh thiết chắc chắn và uống đúng thuốc điều trị. Các bác sĩ nói, nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn sẽ “ăn” cả bàn chân của anh.

Noel nhờ lại, trước khi thấy vết sưng ban đầu, anh đã dành nhiều thời gian làm việc trong vườn, đào đất để lấy chỗ dựng một nhà kho lớn. “Tôi chặt một số cây đã mọc ở đó mà không ai đụng đến từ khoảng 20 năm nay,” anh kể lại với BBC. “Tôi tin là [mình bị vết lở] trùng hợp với việc phá cây và nơi sinh sống của chồn túi possum.”

Đúng vậy. Chồn túi possum. Các nhà khoa học tin rằng những sinh vật ăn đêm với bộ lông dày này có thể đóng vai trò chính lây truyền bệnh lở ăn da Buruli cho con người. Chúng cũng có thể nhiễm bệnh, và vi khuẩn Buruli – còn gọi là Mycobacterium ulcerans – có trong phân của loài động vật này với số lượng lớn.

Hầu hết môi trường sinh sống tự nhiên của loài thú có túi sống về đêm này đã biến mất vì quá trình phát triển trong những năm gần đây, khiến con người và chồn túi sống gần nhau hơn, cạnh tranh nhau để giành không gian sống, và có thể đây là nguyên nhân làm gia tăng số ca nhiễm bệnh.
Image
Một bệnh nhân bị bệnh lở Buruli. Hình minh họa. (WHO)
Bệnh lan từ nông thôn ra thành thị
Từng chỉ có ở vùng nông thôn, giờ đây bệnh lở ăn da Buruli đã lan gần hơn đến thành phố Melbourne. Hiện nay các bác sĩ và những nhà khoa học đang cố gắng ngăn chặn bệnh trước khi nó tràn đến vùng có dân số 5 triệu người này.

Khi có ca bệnh nghi lở da vì vi khuẩn ăn thịt, hầu hết bệnh nhân được chỉ định đến gặp bác sĩ Daniel O’Brien, chuyên về bệnh truyền nhiễm và là chuyên gia về bệnh lở da Buruli. Bác sĩ O’Brien cho biết, hiện mỗi tuần ông khám khoảng từ 5 đến 10 bệnh nhân mới.

Bệnh lở da Buruli có thể nhanh chóng phá hủy da và phần mô mềm nếu không được chữa trị bằng cách kết hợp một số loại kháng sinh và steroid đặc thù trong nhiều tuần, và với nhiều ca bệnh có thể phải điều trị nhiều tháng. “Dù vết thương nhỏ hay lớn, ai cũng bị ảnh hưởng đáng kể vì căn bệnh này,” O’Brien nói. “Vết lở hung hãn có thể gây biến dạng cơ thể, buộc phải làm đại phẫu và dẫn đến tình trạng khuyết tật về lâu dài. Nó có thể ăn hẳn cả một chi trên người”.

Phương thức chữa trị cũng có thể khiến người bệnh rất mệt mỏi. Các steroid mà Noel dùng khiến anh hết sức căng thẳng. “Khi không phải uống thuốc kháng sinh nữa, tôi mừng quá chừng luôn!” Noel chia sẻ. Các bệnh nhân khác nói kháng sinh khiến họ phát bệnh, bị lở ở miệng và bộ phận sinh dục và bị đau bao tử.

“Khó chịu ghê gớm và chẳng có gì làm tôi vui vẻ được,” Cheryle Michael, một người đã nghỉ hưu và mắc chứng lở da Buruli trên mặt vào tháng 8-2020 và đến giờ vẫn phải dùng thuốc, nói. “Các steroid khiến tôi bị trầm cảm, mệt mỏi và mất hết động lực,” bà kể lại. Kháng sinh khiến bà bị đau bụng và hay hồi hộp lo lắng khi đi ra khỏi nhà. “Tôi thực sự không muốn đi đâu quá xa khỏi nhà vệ sinh,” bà nói.

Chứng lở da ăn thịt Buruli được điều trị bằng cách sử dụng hai loại kháng sinh mạnh liều cao, mà người bệnh phải uống trong nhiều tuần và thường là vài tháng: đó là rifampicin, là loại kháng sinh cũng được dùng để trị các loại nhiễm khuẩn nghiêm trọng khác như bệnh lao và bệnh phong; và moxifloxacin, dùng để trị bệnh dịch hạch.

Tùy thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của vết lở, người ta cũng kê thêm steroid liều cao, cũng như phẫu thuật. “Chẳng có cách chữa trị nào là dễ dàng. [Bệnh nhân] đều phải chịu khổ sở ở mức độ nào đó,” bác sĩ O’Brien nói.

“Chúng tôi chưa có đủ thông tin về căn bệnh này. Có một số câu hỏi khoa học rất quan trọng như bệnh này xuất phát từ đâu trong môi trường, động vật mang vi khuẩn ký sinh ra sao, và con người bị nhiễm bệnh qua đường nào,” O’Brien giải thích, “Nếu ta không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng, chúng ta sẽ thực sự gặp khó khăn khi tìm cách kiểm soát căn bệnh.”

Hiện thời, các nhà khoa học đang tìm hiểu giả thiết rằng vi khuẩn này lây lan nhanh hơn do chồn túi possum và phân của nó. Muỗi và các côn trùng đốt khác mang vi khuẩn này từ chồn túi possum hoặc từ môi trường và lây cho con người, đốt trên da và để lại vi khuẩn gây bệnh lở Buruli.

Nhưng đây vẫn còn là lý thuyết, và không ai biết chắc liệu con người lây bệnh này từ muỗi, từ đất hay từ bản thân loài chồn túi possum.
duynga
Posts: 117
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by duynga »

Chích vaccine ngừa COVID-19 xong là bảo đảm…suốt đời?
ĐƠN DƯƠNG
May 29, 2021

Image
Hình minh họa: CDC/Unsplash)
Các nghiên cứu mới đây cho thấy các tế bào miễn dịch quan trọng có thể tồn tại một thời gian dài, nhiều năm, thậm chí suốt đời.
Các tế bào miễn dịch này có thể trong tuỷ xương của những người bị nhiễm COVID-19, hoặc được chích vaccine.

Chích đủ liều, có cần chích nhắc?

Kết quả hai nghiên cứu mới đây cho thấy khả năng miễn dịch với COVID-19 ở người kéo dài ít nhất một năm, thậm chí có thể là suốt đời (lifetime,) được cải thiện theo thời gian, đặc biệt là sau khi chích ngừa. Theo New York Times. Lâu nay người ta vẫn lo sợ rằng khó có thể phòng vệ được COVID-19, hoặc vaccine chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Phát hiện này có thể giúp xoa dịu nỗi lo âu này.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng hầu hết những người nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh, sau đó còn được chích ngừa đầy đủ thì sẽ không cần phải chích thêm nữa. Tuy nhiên, vẫn có hai nhóm có thể cần chích nhắc vaccine, là những người đã được chích vaccine nhưng chưa từng bị nhiễm bệnh, và số ít người đã bị nhiễm virus nhưng cơ thể không sản sinh ra phản ứng miễn dịch mạnh.

Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu xem xét ở những người đã bị phơi nhiễm COVID-19 khoảng một năm trước.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy, các tế bào B có khả năng ghi nhớ về virus gây ra đại dịch COVID-19 vẫn tồn tại trong tuỷ xương và có thể tạo ra kháng thể bất cứ khi nào cần thiết. Nghiên cứu còn lại, đăng trên trang BioRxiv, chuyên nghiên cứu sinh học, phát hiện rằng các tế bào được gọi là “memory B cell” (tế bào nhớ B) vẫn tiếp tục phát triển và mạnh lên trong ít nhất 12 tháng kể từ lần lây nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Tiến sĩ Scott Hensley, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại đại học University of Pennsylvania giải thích: “Các nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch được tạo ra do lây nhiễm virus và chích ngừa có thể sẽ tồn tại lâu dài.”

Michel Nussenzweig, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại đại học Rockefeller University ở New Yorek, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu về sự trưởng thành của tế bào nhớ B, nói: “Những người đã nhiễm bệnh và được chích ngừa thực sự có phản ứng tuyệt vời, một bộ kháng thể tuyệt vời, bởi vì họ tiếp tục phát triển các kháng thể của mình. Tôi hy vọng rằng chúng sẽ tồn tại trong thời gian dài.” Tuy nhiên, kết quả này có thể không đúng với sự bảo vệ miễn dịch chỉ có nguồn gốc từ vaccine, bởi “trí nhớ miễn dịch” (immune memory) có thể khác sau khi được chích ngừa, so với sau khi bị nhiễm bệnh tự nhiên. Điều đó có nghĩa là những người không nhiễm COVID-19 và đã chích ngừa vẫn cần một mũi tăng cường.
Image
Chích vaccine ngừa COVID-19. Hình chụp tại Long Beach Convention Canter. Credit: Đ.Tr/SGN.

Đã nhiễm COVID-19, có cần chích vaccine?

Để xem xét các tế bào nhớ B đặc trưng cho COVID-19, các nhà nghiên cứu mà đứng đầu là ông Ali Ellebedy thuộc đại học Washington University ở St. Louis, đã phân tích máu của 77 người trong khoảng thời gian ba tháng, và bắt đầu khoảng một tháng sau khi họ bị nhiễm COVID-19. Chỉ sáu trong số 77 người đã phải nhập viện vì COVID-19; số còn lại có triệu chứng nhẹ. Mức độ kháng thể ở những người này giảm nhanh chóng bốn tháng sau khi nhiễm bệnh và tiếp tục giảm chậm trong nhiều tháng sau đó – phù hợp với kết quả từ các nghiên cứu khác.

Một số nhà khoa học đã giải thích sự sụt giảm này là dấu hiệu của khả năng miễn dịch suy giảm, nhưng theo các chuyên gia thì đó chính xác là những gì được mong đợi. Nếu máu chứa một lượng lớn kháng thể chống lại mọi mầm bệnh mà cơ thể từng gặp phải, nó sẽ nhanh chóng chuyển thành một lớp bùn đặc (thick sludge.) Thay vào đó, nồng độ kháng thể trong máu giảm mạnh sau khi kết thúc nhiễm trùng cấp tính, trong khi các tế bào nhớ B vẫn nằm yên trong tủy xương, sẵn sàng hoạt động khi cần thiết.

Nhóm của Tiến sĩ Ellebedy đã lấy mẫu tủy xương từ 19 người khoảng 7 tháng sau khi họ nhiễm COVID-19. Trong đó, 15 người có tế bào nhớ B, và 4 người không có. Điều này cho thấy một số người có thể mang rất ít hoặc không có tế bào nhớ B.

“Nó cho tôi biết rằng ngay cả khi bạn bị nhiễm bệnh, điều đó không có nghĩa là bạn có phản ứng siêu miễn dịch,” Tiến sĩ Ellebedy nói. “Phát hiện này củng cố ý tưởng rằng những người đã khỏi bệnh sau COVID-19 vẫn nên chích ngừa.”

Tuần trước, Thượng nghị sĩ Rand Paul của đảng Cộng hòa cho biết ông sẽ không chích vaccine vì đã bị nhiễm COVID-19 vào tháng Ba năm ngoái và do đó đã được miễn dịch. Nhưng không có gì chắc chắn rằng khả năng miễn dịch như vậy sẽ đủ mạnh để bảo vệ ông Paul trong nhiều năm, đặc biệt là khi sự xuất hiện của các biến thể của COVID-19 có thể vượt qua khả năng phòng vệ của cơ thể.

Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nussenzweig cho thấy những người đã hồi phục sau COVID-19 và sau đó lại được tiêm chủng sẽ tiếp tục có mức độ bảo vệ rất cao chống lại các biến thể mới, ngay cả khi không được chích mũi tăng cường.
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by tramthaiha »

Chocolate đen tốt cho sức khỏe hệ thần kinh
May 30, 2021

LOS ANGELES, California (NV) – Không chỉ có những thực phẩm lành mạnh mới giúp chúng ta khỏe mà ngay cả chocolate đen, loại kẹo thường được đánh đồng là nhiều ngọt, lại rất tốt nếu chúng ta ăn có liều lượng, đặc biệt là cho hệ thần kinh.

Theo trang mạng Mind Body Green, trái tim và bộ não là hai trong số những bộ phận cực kỳ quan trọng của cơ thể. Bên cạnh việc tập thể dục thường xuyên thì việc ăn uống điều độ đóng vai trò rất lớn để duy trì sức khỏe tốt, đặc biệt là thức ăn giàu dinh dưỡng như rau củ, trái cây và các loại thịt ít béo có đạm tốt.
Image
Chocolate đen có tác dụng chống viêm cho cả cơ thể và não bộ. (Hình: Charisse Kenion/Unsplash)
Tiến Sĩ Kristen Willeumier, bác sĩ khoa thần kinh tại trung tâm Cedars-Sinai Medical Center, cho biết cơ thể con người thông thường có 400 dặm mạch máu trong não và 60,000 dặm mạch máu chạy khắp người.


Lợi ích của chocolate đen đối với hệ thần kinh

Chocolate đen giàu chất chống oxy hóa, được gọi là polyphenols, có tác dụng chống viêm cho cả cơ thể và não bộ, đồng thời đóng vai trò là hàng rào giúp bảo vệ các tế bào thần kinh trong não.

Thậm chí, ngay cả vị của chocolate đen được chứng minh là có thể đánh thức và kích hoạt phản ứng hóa học trong não, giúp phát triển các tế bào mới.

Bên cạnh đó, chocolate đen còn kích thích não sản xuất hippocampus, chịu trách nhiệm trong việc giúp não ghi nhớ và giảm nguy cơ bị suy giảm nhận thức. Đó chính là một trong những lý do mà nhiều chuyên gia khuyên những người lớn tuổi nên ăn chocolate đen, đặc biệt là những ai mắc bệnh Alzheimer.

“Ngoài ra, chocolate đen có giúp giải phóng thành phần nitric oxide, làm tăng giãn mạch, bảo đảm cung cấp dồi dào lượng máu giàu oxy đến não,” Tiến Sĩ Kristen Willeumier chia sẻ. “Chính vì điều này mà chocolate đen còn giúp duy trì huyết áp ổn định.

Một cuộc nghiên cứu thực hiện năm 2012 cho thấy, những người ăn chocolate đen mỗi ngày trong suốt hai tháng có tình trạng huyết áp ổn định hơn so với những người không tiêu thụ, và họ cũng cảm thấy tập trung tốt hơn so với những người không ăn chocolate đen.
Image
Người lớn tuổi nên ăn chocolate đen, đặc biệt là những ai mắc bệnh Alzheimer. (Hình: Tetiana Bykovets/Unsplash)

Ăn chocolate đen như thế nào?

Không giống như các loại chocolate khác, chocolate đen nguyên chất sẽ có lượng đường rất thấp, có thể thỏa mãn cơn thèm ngọt của bạn mà không làm thay đổi nồng độ đường huyết. Hãy kết hợp chocolate đen vào thực đơn hằng ngày, không chỉ giúp đổi khẩu vị mà còn tăng vị giác.

-Bạn có thể tự thưởng cho mình một miếng chocolate đen và đắng sau khi ăn tối xong.

-Bạn rắc một ít bột cacao nguyên chất vào ly sinh tố hoặc ăn kèm với bột yến mạch.

-Cắt một miếng chocolate đen ăn kèm với bánh mì cho bữa sáng.

-Làm món trufles chocolate đen. (KD) [qd]
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by hoanghoa »

Cách lau chùi lò vi sóng đơn giản, sạch sẽ
Jun 1, 2021

Image
(Hình: Lisa/Pexels)
NEW YORK CITY, New York (SGN) – Lò vi sóng (microwave) là vật dụng không thể thiếu trong nhà bếp vì những tiện dụng mà nó đem lại. Tuy nhiên, nếu không lau chùi sạch sẽ, microwave sẽ bị tích tụ những thức ăn và dầu mỡ khi hâm đồ ăn, trở thành nơi lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

Dưới đây là hai mẹo đơn giản giúp các chị em lau chùi microwave nhanh chóng, không mất thời gian, bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả gia đình, theo trang mạng MindGreenBody.

1. Rửa bằng baking soda

Baking soda không chỉ là nguyên liệu làm bánh hay dùng để khử trùng tủ lạnh mà còn được dùng để lau chùi và làm sạch microwave. Đầu tiên, bạn cho một nửa cup nước ấm trộn với một muỗng canh baking soda và đánh đều cho đến khi hỗn hợp sệt lại. Sau đó, bạn cho một muỗng canh nước xà bông vào hỗn hợp.

Kế đến, bạn tháo miếng khay thủy tinh ra khỏi microwave rồi cho một lớp mỏng hỗn hợp vừa làm bôi lên thành khung phía trong của lò vi sóng và những chỗ nào bị đóng lớp dầu mỡ dày. Tuy nhiên, bạn lưu ý đừng bôi hỗn hợp lên các chỗ thông hơi trong lò vi sóng. Trong lúc đợi hỗn hợp này thấm vào phía trong microwave vài phút, bạn rửa khay thủy tinh bằng dung dịch baking soda. Dùng miếng bông rửa chén chà nhẹ nhàng phần khay rồi rửa lại bằng nước ấm.

Sau đó, bạn dùng miếng khăn vải khô lau chùi bên trong lò vi sóng, và chà từ trên xuống dưới. Bạn lưu ý chà thật kỹ để cuối cùng hỗn hợp baking soda không còn dính trong microwave.

2. Rửa bằng nước và chanh

Đầu tiên, bạn tháo miếng khay thủy tinh ra khỏi microwave, dùng tay rửa sạch bằng xà bông rửa chén và nước ấm. Sau đó, đặt lại miếng khay vào lại lò khi nó đã khô ráo.

Dùng một cái tô to an toàn để hâm trong lò vi sóng và đổ đầy nước vào đó. Kế đến, bạn vắt chanh và cả những lát chanh tươi vào tô rồi cho vào microwave. Bạn hâm tô đó từ ba đến năm phút cho đến khi hơi nước từ tô bốc lên.

Sau ba đến năm phút, bạn cứ để cái tô trong lò khoảng 15 phút. Nó sẽ giúp các chất bẩn bám vào trong lò từ từ bị tháo ra. Sau 15 phút, bạn mở lò ra và dùng khăn sạch nhúng vào nước trong tô, vắt khô và lau microwave.

Như vậy, chỉ với hai mẹo nhỏ, lò vi sóng nhà bạn lúc nào cũng sẽ sạch sẽ, không có mùi hôi. (NA)
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by hoanghoa »

Đừng vội bỏ khẩu trang, nên đeo khẩu trang là thói quen

LOS ANGELES, California (NV) – Các nhà khoa học khuyên mọi người hãy vẫn cứ giữ lại những hộp khẩu trang của mình, đừng vội vứt đi, vì nghĩ rằng không còn cần dùng tới, theo Statnews.

Những người được chích ngừa đầy đủ sẽ không phải đeo khẩu trang và thực hành giãn cách xã hội. Theo hướng dẫn mới nhất về việc phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 do Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) đưa ra. Hướng dẫn mới này đánh dấu một cột mốc quan trọng nỗ lực của toàn quốc trong việc dập tắt dịch bệnh và báo hiệu sự bắt đầu cuộc sống trở lại bình thường.
Image
Hãy xem việc đeo khẩu trang là thói quen, vì đó vẫn là một trong những biện pháp an toàn hữu dụng. (Hình minh họa: Glen Carrie/Unsplash)
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết có nhiều lý do chính đáng để bạn đừng vội vứt bỏ khẩu trang.

Ông William Hanage, nhà dịch tễ học tại Harvard’s T.H. Chan School of Public Health, cho biết: “Điều quan trọng là không nên coi sự thay đổi này là tín hiệu cho thấy đại dịch đã kết thúc.”

“Hiệu quả của vaccine – đặc biệt là vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna – và tác động đối với việc giảm các ca bệnh, thật đáng kinh ngạc,” ông Hanage nói. Nhưng ông e ngại là tiến độ chích ngừa trong thời gian đây bị chậm lại, và nhiều người đang trì hoãn, không muốn đi chích ngừa dù đã đủ điều kiện, vì nghĩ dịch đã qua.

Chúng ta mong đợi khả năng lây lan dịch bệnh sẽ giảm mạnh trong những tháng mùa Hè. Nhưng mọi người nên chuẩn bị tinh thần cho các hạn chế sẽ được xem xét lại vào mùa Thu, đặc biệt là khi không ai chắc chắn được rằng các biến thể mới của loại virus này sẽ “hoành hành” như thế nào và liệu vaccine có ngăn cản được những virus biến thể ngày càng kinh khủng không.

Tóm lại, theo ông Hanage, trong lúc virus biến thể đang nhởn nhơ ngoài không khí một cách vô hình không ai biết được, hãy xem việc đeo khẩu trang là thói quen, vì đó vẫn là một trong những biện pháp an toàn hữu dụng.
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by tramthaiha »

9 câu nói người già đáng suy ngẫm


Câu thứ 1: đừng mong đợi bất cứ sự giúp đỡ về mặt kinh tế nào từ người khác. Tiền, đối với ai cũng đều không đủ dùng.
(Học cách cho đi).


Câu thứ 2: bạn bè giúp bạn là thiện chí, là tình nghĩa; bạn bè không giúp bạn là lẽ đương nhiên, không nên ghi thù oán hận, người ta cũng không có nợ bạn!
(Học cách cảm thông).


Câu thứ 3: cần phải biết rằng không có ai bắt buộc phải giúp đỡ khi bạn cần, chỉ có tự bản thân bạn mà thôi, vì vậy, khiến bản thân trở nên độc lập, kiên cường, vui vẻ và hạnh phúc, đây mới là điều bạn nên làm, dẫu sao thì thế gian này, chỉ có mình bạn bắt buộc phải đồng cam cộng khổ, cùng sống cùng chết với bạn mà thôi, bạn hiểu chứ? (Học cách kiên cường)

Câu thứ 4: đừng nhìn giàu nghèo để kết giao bạn bè, họ có hàng trăm nghìn tỷ đồng cũng không liên quan tới một cắc của bạn, đừng tự biến mình thành kẻ nịnh hót, theo đuôi. Ngược lại, vẫn có những người dù trong tay không có gì nhưng vẫn chia sẻ với bạn chiếc bánh bao chay duy nhất.
(Học cách nhìn người).

Câu thứ 5: đừng vì “bạn bè giàu có về kinh tế” mà xa lánh “bạn bè giàu có về mặt tinh thần”. Dần dần, bạn sẽ hiểu ra, những người bạn giàu có về vật chất có thể đưa bạn đi ăn chơi hưởng lạc, nhưng cũng có thể đem tới cho bạn những rắc rối, phiền phức rồi bỏ bạn lại một mình với mớ bòng bong.

Còn những người bạn thật sự, những người bạn cổ vũ bạn về mặt tinh thần có lẽ chỉ có thể đưa bạn tới những cánh đồng, những dòng suối, con sông, nơi không có rượu ngon, không có sự hào nhoáng, không có sâm banh, sàn nhảy, nhưng họ có thể cùng bạn chạy, cùng bạn cười như một tên ngốc. (Học cách tự trọng).

Câu thứ 6: có thể tin tưởng rằng trên đời này quả thực tồn tại những tình yêu đơn thuần vĩnh cửu, nhưng nó chỉ thuộc về Ngưu Lang Chức Nữ, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài hay Romeo và Juliet, bởi lẽ họ đều không sống lâu cho lắm, còn chúng ta thì ai cũng muốn sống lâu sống thọ.
(Học cách trân trọng).

Câu thứ 7: bất kể bạn kết hôn vì điều gì, chỉ cần đã có con cái, bạn phải yêu cái nhà này, bất luận có xa cách, lạnh nhạt tới đâu, bạn phải có nghĩa vụ khiến nó ấm áp lên, bởi lẽ bạn là cha mẹ.
(Học cách gánh vác trách nhiệm).

Câu thứ 8: thanh xuân của chúng ta chớp mắt một cái là sẽ qua, nếp nhăn cũng sẽ mỗi ngày một nhiều hơn, chúng ta không thể ngăn cản năm tháng làm phai tàn nhan sắc bên ngoài, nhưng chúng ta có thể khiến cái “tâm” bên trong của mình dần dần được mài giũa theo thời gian, giống như hạt cát bên trong những con trai, theo năm tháng sẽ dần dần trở thành viên ngọc sáng loáng, đợi tới khi chúng ta già đi, bước chân chậm chạp, ta vẫn có thể dùng sự lộng lẫy của viên trân châu thắp sáng lên đoạn hành trình cuối cùng! (Học cách trưởng thành).

Câu thứ 9: đừng chấp niệm, cố chấp, đời người có rất nhiều điều không như ý, thế giới không phải lúc nào cũng chào đón bạn, trái đất cũng không phải vì bạn mà quay, vì vậy đừng quá cố chấp muốn có được thứ gì đó, ngay cả bản thân chúng ta cũng chỉ là người qua đường trong cõi hồng trần, đến với thế giới bằng hai bàn tay không, vậy ra đi rồi còn có thể đem theo cái gì?

(Học cách buông bỏ).
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests