Thời Sự, Bình Luân

hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

THƯ NGỎ của GS Tương Lai gửi ông Nguyễn Phú Trọng

“Anh Trọng ạ, nếu thật sự muốn chỉ ra sự suy thoái ấy thì phải tìm vào trong những kẻ vong ân bội nghĩa với đồng bào, đồng chí từng ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới cách đây 34 năm! Vong ân bội nghĩa bằng sự câm lặng trong ngày 17 tháng 2 để khỏi phải phạm vào “điều cam kết” với những kẻ đã từng xua hơn nửa triệu quân xâm lược tràn vào các tỉnh biên giới năm 1979, tàn sát dân lành, tiêu hủy nhà cửa, đốt phá làng mạc, kể cả việc đặt bom phá khu di tích Păc bó.”
THƯ NGỎ gửi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCHTƯĐCSVN

Kính thưa anh Nguyễn Phú Trọng,

Tôi dùng cách xưng hô này để tiện cho nội dung thư sẽ viết với tư cách của một người có hân hạnh được quen biết Anh. Đúng hơn là biết, chứ chưa dám nói là quen, vì tôi cũng chỉ gặp và nói chuyện với anh đôi ba lần kể từ dạo anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và có mặt trong buổi tôi báo cáo với Tổng bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị về cuộc Khảo sát xã hội học về Cơ cấu xã hội và Phân tầng xã hội, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Theo lời thuật lại của Chu Hảo, lúc ấy là Thứ trưởng Bộ KH và CN ngồi cạnh Anh, thì anh đã nhận xét về tôi “Tay này báo cáo với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mà cứ nói khơi khơi như nói trước Hội đồng Khoa học của Viện không bằng !”.

Lần gặp gần đây nhất là ngày 17 tháng 1 năm 2011 tại Hội trường Hội nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Hà Nội. Có thể Anh quên vì bận nhiều việc nên tôi xin được nhắc lại : Hôm ấy, khi tôi đi đăng ký phát biểu ý kiến với Đoàn Chủ tịch Hội nghị, ngang qua chỗ Anh ngồi, Anh đã chủ động đứng dậy chào gọi và bắt tay tôi. Tôi cảm kích về cử chỉ thân thiện này, biết rằng thế là Anh vẫn nhớ tôi, nên đã bắt tay Anh rất chặt và nói “Xin chúc mừng Tân Tổng Bí thư“.

Anh cười và hỏi : “Chúc mừng cơ à?”. Tôi đoán biết và mang máng hiểu ra Anh đang nghĩ gì và định nói gì, nên cũng vui vẻ trả lời “Phải chúc mừng chứ. Hãy cứ chúc mừng đã. Và rồi tôi sẽ dõi theo công việc của Anh làm, hành động và ứng xử của Anh với tư cách Tổng Bí thư, để rồi có tiếp tục chúc mừng hay không là chuyện về sau, còn bây giờ thì phải chúc mừng đã”. Cả Anh và tôi cùng cười. Những người đứng cạnh cũng cười vì tôi vốn nói to, mọi người đều nghe và nhìn thấy. Nhắc lại chuyện này để nói rằng, hai năm qua, dõi theo những công việc Anh làm, quả thật tôi nghĩ là phải rút lại lời chúc mừng đã đưa ra với Anh hai năm trước. Vì sao?

Vì chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay khi mà bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước,của đời sống đất nước ta. Chính vì thế, chưa bao giờ uy tín của Đảng xuống thấp đến vậy. Điều này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Tổng Bí thư. Thực trạng này được phơi bày quá rõ ràng mà chính Anh, cũng như nhiều người giữ vị trí cao trong bộ máy cầm quyền, đã nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp nói ra, chứ chẳng phải do “những phần tử thù địch” nào bôi nhọ cả!

Đành rằng với nguyên tắc “lãnh đạo tập thể“, cả Bộ Chính trị, và toàn thể BCHTƯĐ phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, với trách nhiệm là người đứng đầu BCHTƯ, Tổng bí thư là người phải gánh vác, không thể đổ cho ai được cả.

Trong bức thư này chưa thể nói nhiều về thực trạng của đất nước mà người Tổng bí thư phải chịu trách nhiệm, xin chỉ nêu lên hai điều trực tiếp nhất và gần đây nhất đã làm trầm trọng thêm sự mất uy tín của Đảng, gây bức xúc trong lòng dân : Một là phát biểu tùy tiện của Tổng Bí thư tại Vĩnh Phúc gây phẫn nộ trong công luận, và hai là sự câm lặng của Đảng, Nhà nước và cả Hệ thống chính trị trong ngày 17 tháng 2! Cái ngày mà cách đây 34 năm, hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược theo lệnh của Đặng Tiểu Bình đã tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, gây nên tội ác tày trời đối với đồng bào ta, hàng van chiến sĩ ta đã hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân xâm lược, buộc chúng phải tuyên bố rút quân.

Trong phạm vi bức thư ngắn này, tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề nói trên để mong được Anh xem xét và cho tôi câu trả lời.

Quả thật, tôi quá sửng sốt khi nghe anh nói : “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”

Sửng sốt vì không thể hình dung được đây là lời của Tổng Bí thư, một người vốn tính thận trọng, lại tùy tiện quy kết một cách hồ đồ như vậy. Sẽ quá dài dòng và có lẽ cũng chưa là thật sự cấp bách vào lúc này để chỉ ra sự lẫn lộn, nếu không muốn nói là đánh tráo khái niệm, khi Tổng Bí thư nói đến “các luồng ý kiến” được nêu lên trong dịp các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp theo Nghị quyết và lời kêu gọi của Quốc hội, lại là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống“.

Là một trong những người đã ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, tham gia vào đoàn đại biểu do ông Nguyễn Đình Lộc làm trưởng đoàn đến 34 Hùng Vương Hà Nội để trao bản Kiến nghị đó cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo một Dự thảo Hiến pháp mới để tham khảo, tôi hết sức bất bình về quy kết hồ đồ của Tổng Bí thư đối với một số điểm trong nội dung của 7 vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi đã chuyển cho Ủy ban Dự thảo nói trên. Tuy vậy, trong thư ngỏ này, tôi chỉ nói ý kiến của riêng tôi và chịu trách nhiệm về những điều tôi nói trong bức thư này.

Phải nói thêm là, đoàn đại biểu chúng tôi đã được Ủy ban Dự thảo tiếp đón trọng thị và tiếp nhận Kiến nghị có 72 chữ ký cùng với Dự thảo Hiến pháp 2013. Một số phóng viên báo đến dự và sau đó một số báo đã đưa tin về cuộc gặp này. Trong thư gửi ông Nguyễn Đình Lộc, người dẫn đầu đoàn đại biểu đến trao Kiến nghị, ông Ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập đã cho biết là “những điều nêu trong Kiến nghị nói trên sẽ được tập hợp, nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp”. Vậy thì, khi Tổng Bí thư quy kết ” vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? ” liệu có phải là nhằm vào những vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi nêu lên không? Nếu vậy thì Nghị quyết và lời kêu gọi toàn dân góp ý kiến vào việc Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội còn có giá trị gì nữa khi mà những ý kiến trái tai lãnh đạo thì bị quy là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống! Là một đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư phải trả lời với Quốc hội và với cử tri về kết luận hồ đồ nói trên. Ít nhất, Tổng Bí thư cần giải thích rõ những ý kiến mà Tổng Bí thư dẫn ra, vì sao gọi đó là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Là nhà lý luận, lại từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổng Bí thư cần giải thích rõ nội hàm của khái niệm đạo đức, lối sống và tư tưởng chính trị để từ đó mà nói rõ những “kiến nghị…” dẫn ra ở trên là suy thoái đạo đức, lối sống,suy thoái về tư tưởng chính trị như thế nào? Một nhà lý luận sao lại có thể giải thích tùy tiện và hồ đồ rằng : “Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!“. Vậy thì đã thừa nhận người ta nêu lên “quan điểm” thì cần phải tranh luận để làm sáng tỏ đúng sai, sao lại quy kết đó là “suy thoái” và đòi phải “ xử lý“? Sẽ không đúng lúc nếu lại đưa ra tất cả những điều mà Tổng Bí thư cho đó là suy thoái về tư tưởng, đạo đưc, lối sống, xin chỉ đề cập đến mấy vấn đề sau đây:

Ở đâu thì tôi không rõ, chứ trong 7 điểm nêu trong Kiến nghi về sửa đổi Hiến pháp 1992, thì kiến nghị bỏ Điều 4 của Hiến pháp không đồng nghĩa với “phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng” theo cách hiểu của Tổng Bí thư. Xin nhắc lại nguyên văn nội dung của kiến nghị đó trong văn bản đã được trao cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 :” … Chính vì vậy chúng tôi đề nghị bỏ Điều 4 của Dự thảo. Việc tiếp thu đề nghị này tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận“.

Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư nêu lên: “Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả?” và quy kết đó là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” thì lại càng hồ đồ hơn nữa. Xin nhắc lại rằng, đây là quan điểm chúng tôi đã nêu hơn mười năm trước trong nhiều Hội thảo Khoa học do các cơ quan Nhà nước tổ chức và đã đăng công khai trên nhiều tờ báo.

Xin chỉ dẫn ra một ví dụ ; trong bài “Nhà nước pháp quyền và Xã hội dân sự” đăng trên báo “Người Đại biểu Nhân dân“, tiếng nói của Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân, ngày 26.5.2006 và bài “Hành trình từ “chuyên chính vô sản” đến “Làm chủ tập thể” và “Nhà nước pháp quyền“ cũng đăng trên “Người Đại biểu Nhân dân” ngày 10.6.2013, tôi đã trình bày về vấn đề “tam quyền phân lập” như sau :

“Vấn đề cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Mục đích của sự phân quyền đó là trong cơ cấu quyền lực phải có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn dân thì được làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm, thể hiện rõ nguyên lý quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân có quyền tham gia vào việc hoạch đinh pháp luật, giám sát và kiểm soát hoạt động và nhân sự của bộ máy nhà nước. Đây là điểm quy chiếu để xác lập sự khác biệt giữa nhà nước pháp quyền và nhà nước không pháp quyền…Ở các kiểu loại nhà nước không pháp quyền thì quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân [nhà vua] hay một nhóm người định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền [gia đình, dòng tộc, các nhóm quyền lực cùng chung lợi ích, nhân dân đứng ngoài tiến trình này, hoặc chỉ là vật trang sức để lừa mị mà thôi".

Vậy thì dựa vào cơ sở nào để quy kết rằng nói đến "tam quyền phân lập" là " suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" xin Tổng Bí thư chỉ rõ ra đặng chúng tôi nâng cao nhận thức. Cũng xin nói thêm rằng, hai bài báo nói trên lại nằm trong cụm bài trong mục "Đàm luận sáng thứ hai" của tôi đã được tặng thưởng báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2006. Ban tổ chức đã động viên tôi bay ra Hà Nội nhận giải thưởng bằng việc cho biết là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ là người đứng ra trao giải thưởng đó. Tôi đã gửi thư cám ơn và in lỗi đã không ra Hà Nội được, và bức thư đó đăng trên báo. [Xin nói thêm là tiếp năm sau, tôi lại được tặng thưởng lần thứ hai giải báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2007 cùng với hai tác giả khác là ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội và hòa thượng Thích Chơn Thiện, đại biểu Quốc hội] ! Vậy mà nay tôi lại bị Tổng Bí thư quy kết là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống” vì đã có tư tưởng về “tam quyền phân lập” thì xem ra tôi khó mà tiếp thu sự khiển trách của Tổng Bí thư về sự “suy thoái” của mình.

Đành tự an ủi với quan điểm tôi đã viết trong bức thư nói trên [đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 31.12.2006 với đầu đề do Tòa soạn đặt : "Dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho lý tưởng cao cả". Quan điểm đó là : "Nhằm giữ cho ngòi bút của mình không thẹn với chính mình, phải có sự lao tâm khổ tứ để chọn ý, chọn lời, chọn cách diễn đạt để sao cho những cá nhân nào đó khỏi động lòng, khiến họ có thể dùng thói độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết, gây khó khăn cho tờ báo đã đăng bài của mình...Nhưng rồi nghề nào cũng có nghiệp ấy, "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì cũng phải bằng mọi cách mà đi cho trọn con đường đã chọn...tôi sẽ tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút trung thực của chính mình...!".

Vả chăng, thưa anh Nguyễn Phú Trọng, tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong biển cả nhân dân, sự bị xúc phạm của tôi chưa là gì so với điều mà anh đã xúc phạm đến nhân dân, trong đó có những bậc lão thành cách mạng đáng kính, những trí thức tâm huyết, những người từng giữ trọng trách, nay tuy đã về hưu, tuy tuổi cao sức yếu, vẫn cố gắng tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992.

Họ làm điều ấy với lòng mong mỏi đóng góp vào việc soạn thảo một Hiến pháp ngang tầm với đòi hỏi của thời đại, đáp ứng được khát vọng của cả dân tộc muốn hội nhập vào quỹ đạo phát triển của thế giới trong bối cảnh của nền văn minh mới thế kỷ XXI. Trong số đó, có người từng được Anh mời đến góp ý kiến với Hội đồng lý luận Trung ương, mà nếu tôi nhớ không nhầm, thì rất nhiều lần Anh tỏ ý kính phục và trân trọng trí tuệ và tâm huyết của những đóng góp ấy với tư cách là Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ. Những người như vậy mà Anh dám quy cho họ là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" sao?

Anh Trọng ạ, nếu thật sự muốn chỉ ra sự suy thoái ấy thì phải tìm vào trong những kẻ vong ân bội nghĩa với đồng bào, đồng chí từng ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới cách đây 34 năm! Vong ân bội nghĩa bằng sự câm lặng trong ngày 17 tháng 2 để khỏi phải phạm vào "điều cam kết" với những kẻ đã từng xua hơn nửa triệu quân xâm lược tràn vào các tỉnh biên giới năm 1979, tàn sát dân lành, tiêu hủy nhà cửa, đốt phá làng mạc, kể cả việc đặt bom phá khu di tích Păc bó. Vì vậy, nói về "suy thoái tư tưởng chính trị" thì không thể chỉ quy chiếu vào sự trung thành hay không trung thành với một hệ tư tưởng được áp đặt, khi mà thực tiễn đã chứng minh những giáo điều từng được học thuộc lòng về hệ tư tưởng ấy đã gây tai họa cho sự nghiệp của đất nước ghê gớm như thế nào. Thì chẳng phải "Đổi Mới" được xem là một cột mốc trong đời sống của dân tộc ta vì nó đã đưa đất nước vượt qua thảm họa của sự sụp đổ những năm 80 do sự áp đặt mô hình được xây nên bằng những giáo điều tai hại đó sao!

Cho nên, trung thành vơi truyền thống không có nghĩa là quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại phải đem hết sức mình tiến về phía trước, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó. Còn nói về tư tưởng chính trị của Đảng thì có lẽ nên tham khảo cách định nghĩa về "đảng chính trị" của Đại Bách khoa Toàn thư Pháp :" Nhìn chung, một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Định nghĩa này vận dụng ba yếu tố: nền tảng của đảng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của nó mà người ta xem xét trước khi xem xét những đảng được định nghĩa như vậy đã hình thành trong lịch sử như thế nào".

Ấy vậy mà, đã từ lâu, ở ta, thường quen dùng và thích dùng khái niệm "Đảng ta", xem đấy như là một lời phong tặng về uy tín của Đảng trong lòng dân, biến khái niệm đảng chính trị thành một thứ "bái vật giáo", mà quên mất rằng, khi là đảng cầm quyền, thì cũng như mọi thực thể quyền lực khác, đều không tránh khỏi sự tha hóa. Biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa ấy chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị : ngày càng xa dân, cưỡi lên đầu lên cổ dân do cơ chế toàn trị, không muốn và không dám tiếp nhận sự phản biện xã hội [vì không có tự do tư tưởng, không có tự do báo chí, không cho phép quyền tư do lập hội...]. Và sự tha hóa ấy bộc lộ rõ quy luật đã được lịch sử đúc kết “quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối“! Câu chuyện về “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất cứ ngày càng to dần lên, càng chống càng phình to ra như một căn bệnh ung thư đã di căn vô phương cứu chữa, mới đích thực là sự “suy thoái về tư tưởng chính trị” gắn liền với “suy thoái về đạo đức lối sống” đáng sợ nhất.

Thưa anh Nguyễn Phú Trọng.

Sự suy thoái mà Anh vừa nói, trước hết được biểu hiện quá rõ mà “triệu con mắt đều nhìn vào, triệu ngón tay đều chỉ vào” trong ngày 17.2. 2013 vừa rồi : Đó là sự quay lưng lại với đồng chí, đồng bào đã chết dưới họng súng của quân Trung Quốc xâm lược. Máu của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ ta đã thấm đẫm giải đất biên cương. Máu người đâu phải là nước lã, ấy vậy mà để giữ “cam kết” với thế lực hiếu chiến Bắc Kinh, người ta đã chỉ đạo quán xuyến từ trên xuống dưới không có một nén hương, một vòng hoa tưởng niệm? Cần phải nói thêm rằng, thế lực hiếu chiến mà ai đó đã “cam kết” lại đã ngang nhiên tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm về ngày 17.2, ngày chúng mở cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng lại rao rêu khắp cả nước, đưa cả vào sách giáo khoa dạy trẻ em Trung Quốc, rằng đó là cuộc chiến tranh tự vệ nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”! Thế lực hiếu chiến mà ai đó “cam kết” lại đang dung dưỡng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, công nhiên đưa lên bảng hiệu trong cửa hàng Beijing Snacks tại Bắc Kinh dòng chữ ngạo ngược :” không phục vụ người Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và chó!”.

Vậy thì ai đã đưa ra lời “cam kết” với bọn xâm lược là “không nhắc lại quá khứ” để tuyệt đối câm lặng trong ngày 17.2 vừa rôi? Ai đã làm chuyện xấu hổ và dại dột ấy? Ai? Xin Tổng Bí thư chỉ ra.

Thực hiện sự “cam kết” đó, cùng với hương tàn khói lạnh trên các nghĩa trang liệt sĩ trong ngày 17.2, là sự câm lặng trên toàn bộ báo chí chính thống và hệ thống truyền thông theo một cây gậy chì huy thống nhất, là sự ngăn chặn, cản trở, đe dọa bắt bớ và trấn áp những ai đã dâng hương hoa tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam, ở Hoàng Sa năm 1974 và ở trận Gạc Ma, Trường Sa năm 1988. Còn sự suy thoái tư tưởng nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa anh Nguyễn Phú Trọng. Có sự sa đọa về đạo đức và lối sống nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa Tổng Bí thư?

Mặt khác, nếu muốn rao giảng về đạo đức thì chính là đạo đức đích thực khi dám vượt qua mọi sự đe dọa, trù dập, trấn áp cho đến những thủ đoạn thấp hèn quen thuộc là đuổi việc, đuổi học, vẫn quyết theo tiếng gọi của lương tâm, phạm trù cơ bản nhất của đạo đức, quyết dâng vòng hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, thắp nén hương tại tượng Quang Trung nơi Gò Đống Đa, giương cao vòng hoa trắng quyết không cho những bọn vô sỉ giành giật và bóc xé dòng chữ tưởng niệm tại tượng đài Cảm Tử bên hồ Hoàn Kiếm, vượt qua mọi sự rình mò và soi mói để trang trọng dâng hoa và những dòng chữ tưởng niệm nhân ngày 17.2.2013 dưới chân tượng Đức Thánh Trần gần bến Bạch Đằng, quận I, thành phô Hồ Chí Minh. Chính là đạo đức, khi trong mỗi ngôi nhà, không phân biệt là nhà cao tầng, biệt thự hay nhà tranh vách đất, người ta thành tâm thắp một nén hương, bày bình hoa trên ban thờ với dòng tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhân ngày 17.2. Cũng chính là đạo đức, khi nêu cao một lối sống không chịu khuất phục, dám ngẩng cao đầu để biểu thị chính kiến của mình như nhà báo trẻ nọ ” làm báo từ năm 2006 đến giờ. Tôi nhận thức được hệ quả sẽ đến với tôi.” Biết rõ như vậy, nhưng nhà báo ấy vẫn nói lên tiếng nói trung thực của chính mình, “hoàn toàn do mệnh lệnh đạo đức của tôi ” như anh khẳng định.

Thưa anh Nguyễn Phú Trọng,

Liệu sau khi nhỡ lời, anh có thấy hối tiếc vì mình đã xúc phạm đến những người được nhân dân kính trọng, vị tướng lão thành từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc, năm nay đã 97 tuổi, đã suy nghĩ, nghiền ngẫm từng chữ từng lời, thêm bớt, bổ sung trước khi ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, và ngày 17.2 vừa qua đã cùng với một số người đáng kính khác ký vào Kiến nghị ấy đã mang hoa đến tưởng niệm các liệt sĩ ngã xuống vì sự tồn vong của Tổ quốc? Nếu có, thì Anh nên xin lỗi họ, cũng tức là xin lỗi nhân dân. Chuyện nhất thời có sự hồ đồ thiếu tỉnh táo cũng là chuyện thường tình, cho nên xin lỗi là một cử chỉ văn minh trong lối sống của người có hiểu biết và có đạo đức. Người có “tư tưởng chính trị” vững vàng chính là người có bản lĩnh dám nhận sai lầm.

Vả chăng, hơn lúc nào hết, khi con thuyền của đất nước đang chao đảo, là người giữ trọng trách lèo lái thì biết thu phục nhân tâm, trân trọng hiền tài phải là cái đức của người biết mình, biết người. Trót hồ đồ, nói thiếu cân nhắc, xúc phạm những người đáng lý phải trân trọng, gây phẫn nộ trong công luận, thì việc lắng nghe để bình tĩnh nhận ra chân lý, có ứng xử thích hợp, luôn là điều đáng làm.

Đến một vị vua từng nằm gai nếm mật, mười năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh, lên ngôi đại định, mở đầu cho một triều đại vẻ vang thế kỷ XV, vua Lê Thái Tổ vẫn một lòng khiêm nhường kính cẩn : “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bờ vực thẳm chỉ vì chưa kiếm được hiền tài giúp đỡ việc trị nước…”. Còn vua Lê Thánh Tông, gặp khi có thiên tai đã chỉ dụ rằng “Bởi chính trị có thiếu sót, nên trời chỉ cho bằng tai biến. Đó là do lỗi lầm của trẫm mà chuốc lấy họa chứ trăm họ có tội gì đâu? Có phải vì trẫm đức tin chưa đến dân, lòng thành chưa thấu tới trời mà đến nỗi như thế chăng?”. Cũng trên cái mạch tư duy ấy, vua Minh Mạng thế kỷ XIX khi nghe tâu về vỡ đê, dân tình cơ cực đã xót xa tự vấn :” Nghĩ tấm thân lạm ở trên trăm họ, không biết tu đức để trời cho hòa khí, đến nỗi dân ta bị tai họa ấy, thực là một điều lỗi lầm của ta“! Thì ra, cha ông ta xưa đã không mắc phải điều mà ngày nay đã trở thành ca dao hiện đại : “mất mùa bởi tại thiên tai, được mùa bởi tại thiên tài đảng ta“!

Gợi lên vài dòng lịch sử chi nhằm nói thêm với người gánh vác trọng trách quốc gia rằng : phải biết “kính cẩn, lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bên bờ vực” chứ không thể tùy tiện phán bảo và quen thói bịt miệng dân, chỉ muốn dân cúi đầu tuân phục “chỉ thị, nghị quyết”, cho dù thực tiễn cho thấy có quá nhiều chỉ thị nghị quyết sai lầm gây bao tai họa cho dân. Và rồi, cái cách lớn tiếng đe dọa “lợi dụng việc góp ý kiến vào Hiến pháp để phá hoại đường lối chính sách, làm mất uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng” của một vài người có trọng trách trên báo chí và trên tivi mấy ngày qua đã không hù dọa được ai! Trái lại, chỉ làm cho lòng dân thêm phẫn nộ. Điều này mong Tổng Bí thư cần lưu ý.

Đối với riêng tôi, khi tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Tổng Bí thư đã phê phán nặng lời, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã thực hiện lời chỉ dẫn của Các Mác “ trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”.

Cho nên dù bị quy kết thế nào đi chăng nữa, tôi cũng thấy là chẳng có gì đáng bận tâm. Bởi lẽ, là người am hiểu và tôn trọng phép biện chứng, chắc Tổng Bí thư nhớ nằm lòng ý tưởng của Hégel được Ph. Angghen dẫn ra để nói về biện chứng của sự phát triển : “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.

Người am hiểu về biện chứng như Tổng Bí thư chắc sẽ bình tâm suy nghĩ về “những bước tiến mới” mà đời sống đất nước đang chứng kiến, để với cương vị của mình, thúc đẩy cho những ý tưởng mới phát triển nhằm đẩy lùi trạng thái cũ đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa. Làm được như vậy thì dấu ấn để lại trong lòng người và cho lịch sử sẽ không là sự cáo chung của lực lượng bảo thủ cố duy trì cái cơ chế đã đưa đất nước vào ngõ cụt, mà là người đem lại sự canh tân, thuận với quy luật phát triển, đáp ứng được lòng dân.

Kính gửi Tổng Bí thư lời chào trân trọng.

TP Hồ Chí Minh ngày 28.2.2013

Tương Lai
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Post by lengoi »


Image


Thư ngỏ của nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên
Nguyễn Ðắc Kiên

LTS: Nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên, trước đây làm cho báo Gia Ðình & Xã Hội, là người viết thư trên Internet chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, sau khi ông này cho rằng những người đóng góp ý kiến, yêu cầu bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp là thoái hóa tư tưởng. Ngay sau đó, ông bị tờ báo cho thôi việc vì “vi phạm hợp đồng lao động”. Ông được nhiều cư dân mạng ủng hộ vì hành động này. Sau đây là thư ngỏ ông gởi cho họ.


Thưa các bạn!

Tôi viết thư này để trả lời một số câu hỏi các bạn gửi đến tôi mấy ngày qua.

Về lo lắng cho sự an nguy của tôi. Tôi hiểu, càng nhiều người quan tâm, ủng hộ tôi, sự an toàn của tôi càng bị đe dọa cao hơn, nhưng cũng có thể ngược lại. Tôi biết trong đội ngũ lãnh đạo của ÐCSVN hiện nay cũng có rất nhiều người có suy nghĩ tiến bộ.

Tôi cũng tự dặn mình, phải hết sức thận trọng trong lời nói và hành động. Tôi không muốn đẩy người khác vào hành động phi nghĩa, vì tôi hiểu nỗ lực đẩy người khác vào hành động phi nghĩa tức là đang làm một việc phi nghĩa. Dân tộc chúng ta đã có quá nhiều sự thù hằn, tức giận rồi, tôi hy vọng, bản thân và tất cả chúng ta sẽ không cố gắng để tạo thêm những sự thù hằn và tức giận như thế nữa.

Cụm từ “sát cánh bên nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên”, khiến tôi ngại ngùng khi ký vào bản “Tuyên bố Công dân Tự do”. Tôi sẽ gửi thư đề nghị các bạn khởi xướng bỏ cụm từ đó đi, để tôi được ký tên mình, cùng với hàng nghìn, triệu đồng bào. Tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta không sát cánh cùng anh Kiên hay bất cứ người nào khác, chúng ta ký tên vì chính chúng ta, vì tổ tiên ngàn đời, vì con cháu tương lai. Vì thế tôi kêu gọi tất cả, không phân biệt trong hay ngoài nước, còn hay không còn quốc tịch Việt Nam, miễn là mang trong mình dòng máu Việt, ký tên vào bản tuyên bố công dân này.

Có người chất vấn tôi về chuyện làm sao để tha thứ và hòa giải, đó là chất vấn xác đáng. Tuy tôi e rằng, nói điều đó ra bây giờ là sớm, nhưng vì không biết ngày mai sẽ ra sao nên cứ nói ra thì vẫn hơn. Chúng ta cứ nhìn sang Myanmar thôi, không cần nhìn đâu xa, họ làm được, tôi tin chúng ta cũng làm được, có khi còn tốt hơn. Sao không lập một ủy ban hòa giải dân tộc, với thành viên là các nhân sỹ, trí thức trong và ngoài nước, kể cả một số lãnh đạo tiến bộ của ÐCSVN? Tôi nghĩ rất nhiều người sẵn sàng tham gia. Sao không lập một chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho đến khi tổ chức xong hội nghị lập hiến, ban hành hiến pháp mới, bầu Quốc Hội mới? Tôi tin tưởng có nhiều người, kể cả trong đội ngũ lãnh đạo ÐCSVN hiện nay có thể đảm nhận tốt vị trí trong chính phủ lâm thời để giữ vững sự thống nhất quốc gia trong giai đoạn chuyển giao.

Nhưng để làm được điều đó, trước tiên tôi nghĩ, không chỉ nhân dân, những người đấu tranh cho dân chủ tự do mà cả các vị lãnh đạo của ÐCSVN, cần vượt qua sự sợ hãi, vượt qua sự tức giận, thử một lần thôi, tôi xin các ngài đặt mình là một người Việt Nam bình thường, lắng nghe những ý kiến khác biệt.

Tôi nghĩ rằng, một điều kiện tiên quyết khác cho sự hòa giải là một điều khoản bắt buộc, trong đó, không cho phép hồi tố, truy cứu trách nhiệm những tội phạm làm tổn hại lợi ích dân tộc, quốc gia hay bất cứ hành động mang tính trả thù nào với những người ở chế độ cũ. Tôi cho rằng đây là điểm quan trọng trong việc giúp giới lãnh đạo ÐCSVN hiện nay vượt qua sự sợ hãi. Tôi cũng như tất cả các bạn đều đau xót vì những khoản tiền tỷ đô la bị thất thoát, tham nhũng, nhưng cứ thử nghĩ đến xương máu có thể đổ, thử nghĩ đến tương lai hàng trăm nghìn năm nữa của dân tộc, những khoản nợ đó chẳng phải là rất nhỏ sao? Vậy sao chúng ta không mạnh dạn xóa nó đi để bảo vệ cái toàn cục lâu dài. Hơn nữa, chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù ngoại bang, sao không thể tha thứ cho đồng bào, anh em ruột thịt mình?

Có nhiều người cho rằng, tôi chỉ là một kẻ cơ hội, tự bản thân tôi thấy không cần phải trả lời chất vấn này, nhưng tôi nói chuyện này ở đây để bàn sang chuyện khác xa hơn. Bác Nguyễn Quang A có nói là sẽ sắp xếp cho tôi một công việc biên tập ở một nhà xuất bản. Ðó là công việc mơ ước của tôi, tôi sẽ có điều kiện vừa làm việc, vừa đọc và tìm hiểu thêm các vấn đề mình quan tâm. Tôi chỉ mong ước có thế và không gì hơn, những người đã có thời gian quen thân tôi lâu có thể làm chứng. Tôi hiểu, một sự chuyển đổi nếu có, thì đằng sau nó còn rất nhiều việc phải làm, mà một việc quan trọng bậc nhất là phổ biến tinh thần dân chủ tiến bộ đến toàn thể nhân dân, công việc đã nói ở trên có thể giúp tôi thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Nhưng một điều quan trọng hơn tôi muốn bàn là suy nghĩ về những người tài và trọng dụng người tài. Nền nho học tuyển cử hàng nghìn năm đã khiến chúng ta đặt định vị trí hiền tài khi nào cũng gắn với việc làm quan. Ðiều đó sẽ thay đổi trong một xã hội dân chủ. Tôi hiểu, một đất nước muốn phát triển cần phải có thật nhiều người tài làm thương gia, nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, công nhân lành nghề, nông dân thạo việc... không phải dồn hết người tài vào làm mỗi công việc quan, việc chính trị. Tôi thích cách người Mỹ thiết kế bộ máy nhà nước của họ, đó là một bản thiết kế không hoàn hảo, nhưng nó là bản thiết kế để cho mọi sai lầm có thể sửa chữa với ít hao tổn nhất cho nhân dân, đất nước.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh, mỗi khi lòng dân ly tán là lúc vận mệnh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Theo cảm nhận của tôi, đất nước chúng ta đang vào ở trong tình thế lâm nguy đó. Hơn khi nào hết, chúng ta cần sự đồng lòng, nhất trí của tất cả người dân Việt Nam, để đưa đất nước tiến lên.

Trân trọng,

Nguyễn Ðắc Kiên
buikiem
Posts: 504
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng
Đức Tâm

Image
Quân đội Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa, với ngân sách quốc phòng sẽ tăng mỗi năm gần 20%.
Reuters

Hàng loạt các vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng sẽ thúc đẩy Trung Quốc gia tăng chi phí quốc phòng. Hồ sơ này sẽ được Quốc hội Trung Quốc thông qua, trong khóa họp, khai mạc vào thứ Ba, ngày 05/03 tới đây.

Sau gần ba thập niên liên tục tăng chi phí quốc phòng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc giờ đây có thể thách thức các đối thủ đang có tranh chấp chủ quyền ở những vùng biển có tầm quan trọng chiến lược và trữ lượng lớn về dầu khí, như Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hải quân Trung Quốc hiện đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ về mặt quy mô, có đủ khả năng hoạt động ở vùng biển sâu, xa bờ, và tiếp tục tuần tra, luyện tập tại những nơi đang có tranh chấp.

Các vụ đối mặt giữa tàu Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tại biển Hoa Đông, kéo dài hơn sáu tháng qua, đang trở nên nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc có tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, với Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.

Để thực hiện kế hoạch triển khai lực lượng hải quân, giới chuyên gia quân sự cho rằng ngân sách quốc phòng năm nay của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng ở mức hai con số, tức là trên 10%.

Ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia về quân sự ở khoa Khoa học Chính trị và Luật pháp, đại học Thượng Hải, nhận định, theo các dự báo thì ngân sách quốc phòng còn tăng mạnh và « với thái độ như hiện nay, Trung Quốc sẽ không để cho bất kỳ nước nào đe dọa mình ».

Song song với các hoạt động tuần tra để khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại các nơi đang có tranh chấp chủ quyền, như ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc còn điều tàu chiến tới vùng Vịnh Aden và ở ngoài khơi Somalia, tham gia vào kế hoạch của Liên Hiệp Quốc ngăn chặn hải tặc. Tháng trước, Bắc Kinh thông báo đợt điều động tàu chiến lần thứ 14 đến khu vực này, kể tháng 12 năm 2008.

Các động thái nói trên cho thấy Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự, mở rộng tầm hoạt động ra xa hơn, thay vì chỉ tiến hành các luyện tập ở bên trong lãnh thổ và tuần tra tại các vùng biển gần bờ, như trong các năm gần đây. Sự phát triển bộ máy quân sự như vậy cần phải có ngân sách lớn cho kế hoạch hiện đại hóa vũ khí, các thiết bị quân sự, đặt mua hoặc đóng tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tiêm kích và tên lửa.

Năm 2012, Bắc Kinh thông báo ngân sách quốc phòng là 106 tỷ đô la, tăng 11,2% so với năm trước. Thế nhưng, nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng một số chi tiêu quân sự của Trung Quốc không nằm trong ngân sách được công bố. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định là các khoản chi thực của Trung Quốc có thể dao động trong khoảng từ 120 đến 180 tỷ đô la. Như vậy, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc quản lý ngân sách quốc phòng, vào lúc giới lãnh đạo chính trị và quân sự lên tiếng báo động về nạn tham nhũng và phí phạm trong quân đội, hiện có tới 2,3 triệu binh sĩ. Quân đội Trung Quốc vừa đưa ra một loạt các quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn các khoản chi tiêu, như trong lĩnh vực xây dựng, cung ứng vật tư, tổ chức hội thảo và đón tiếp khách, nhằm giảm lãng phí và chống tham nhũng.

Các quy định mới này, đã được ông Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng sản, chủ tịch Quân ủy Trung ương thông qua, cũng hướng các khoản chi ngân sách quốc phòng vào việc nâng cao khả năng tác chiến, trang bị vũ khí công nghệ cao và tăng cường luyện tập và điều này càng làm cho các nước láng giềng lo ngại.
buikiem
Posts: 504
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

CS Hà Nội: Cá Cắn Câu TC

Tác giả : Vi Anh


Ca dao Việt Nam có câu ”Cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Chim vào lồng biết thuở nào ra.” Câu ca dao này thể hiện rất đúng hoàn cảnh cá chậu chim lồng và thân phận bị mắc bẫy do Trung Cộng đã giăng mà CS Hà nội phải chịu.

Đau đớn lắm, trong vấn đề Biển Đông bị TC xâm chiếm và lấn chiếm, VNCS là nước bị mất đất mất biển nhiều nhứt: mất 80% Biển Đông và hầu hết quần đảo Trường sa và Hoàng sa. TC coi vùng biển đảo này như ao nhà của họ. Họ lập huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam, đặt bộ chỉ huy quân sự, cơ quan hành chánh, ra lịnh cấm đánh cá vào mùa trúng nhứt, tuần tra liên tục, lục soát tàu VN, bắn giết ngư dân VN bám biển, vùng biển ngàn đời của đất nước ông bà VN để lại. Dân chúng VN lên tiếng kêu ca, biểu tình phản đối TC, CS Hà nội trấn áp người Việt theo lịnh “định hướng dư luận” của quan thầy CS Bắc Kinh.

Trước bất mãn ngày càng cao độ của người dân Việt chống lại thái độ “bất động” gần như thông đồng với CS Bắc Kinh, CS Hà nội có lên tiếng phản đối, nhưng chỉ cho qua tang lề, nói bằng miệng, thốt bằng lời, chẳng dám có một hành động nhỏ nào trong việc bảo vệ biển đảo.

Phí luật tân nước nhỏ dân ít, quân yếu hơn VN nhiều, mới bị TC lâm le chiếm vùng bãi cạn Scarogorough, là đưa tàu chiến, máy bay ra chống chỏi. TC dùng chiến thuật nước chảy đá mòn, liên tục dưa tàu và máy bay ra khuấy rối. Phi luật tân kiên trì bám đất, bám biển, thể hiện tinh thần toàn dân, toàn quân đoàn kết tạo nội lực dân tộc quyết bảo vệ bờ cõi, của nhân dân Phi qua chế độ tự do, dân chủ. TC cũng không dám làm càn, làm ẩu sợ phản ứng của Mỹ và của công luận thế giới và phản ứng của cộng đồng thế giới công chính không để yên cho một nước lớn ỷ mạnh hiếp yếu.

Gần đây ngày 22/01/2013, Phi luật tân dùng thêm một vũ khí mới, vũ khí pháp lý, thượng luật pháp quốc tế, đâm đơn kiện TC ra trước toà án quốc tế về luật biển. Với tư cách một trong 164 nước trong đó có TC đã công nhận và ký kết gia nhập Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, Phi luật tân đưa TC ra Tòa án Quốc tế, chiếu Luật Biển ITLOS trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Theo thủ tục của toà và luật biển này, có thể nói TC rất khó nếu không muốn nói là không thể cả vú lấp miệng Phi Luật tân được ở toà án quốc tế này. Và nhứt là không thể tránh né một thứ toà án lợi hại hơn là công luận thế giới được.

Theo thủ tục toà án quốc tế về luật biển, khi một hội viên nộp đơn chính thức khởi tố, như trường hợp Phi đang làm chống TC. Phi là nước nguyên cáo sẽ đề nghị một trong 5 vị thẩm phán cho phiên tòa. Còn bên bị cáo là TC sẽ đề nghị một vị thẩm phán thứ hai, trong vòng có 30 ngày. Còn ba vị thẩm phán còn lại, toà dành cho hai bên có thêm 60 ngày để đồng ý trong việc chọn lựa.

Thủ tục cũng đã dự trù trường họp bế tắc trong việc chọn lựa của hai bên. Giả sử bên bị cáo không đề nghị một vị thẩm phán, hay cả hai bên không đồng ý trong việc chọn ba vị còn lại, thì chủ tịch của tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ITLOS sẽ chọn các vị thẩm phán còn lại và Toà sẽ tự động lên lịch, đăng đường xét xử. Nói tóm gọn lại, Toà luật biển sẽ xử vụ Phi kiện TC về hành động lấn chiếm biển đảo. Thắng thua chưa biết, nhưng Toà vẫn xử TC, Phi luật tân có một diễn đàn nói lên hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp mà chính TC đã ký tham gia.

Chắc chắn TC sẽ thua trước toà án công luận thế giới. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. TC sẽ bị coi là một nước ỷ mạnh ăn hiếp nước nhỏ. TC sẽ bị coi là một nhà cẩm quyền mạnh mới trổi dậy mà thiếu văn minh, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng thế giới và Nhân loại, bất chấp luật pháp mà chính TC đã thò tay mặt, đặt tay trái vào để ký.

Chắc chắn TC hiểu rõ bất lợi này khi trong Chiến Tranh VN, TC đã “gạ bài” cho Mỹ dội bom xuống Hà nội, một số lớn bom, người dân Hà nội phải chịu nhiều hơn số bom Mỹ dội trong Thế Chiến 2 ở Âu châu. Chính Phản Chiến Mỹ và các nước Tây Âu nhứt là Bắc Âu chống chánh quyền Mỹ vì những loại tuyên truyền như thế này.

Con người chánh trực trên thế giới cũng như ngay ở Trung Hoa, ai cũng ghét mạnh hiếp yếu, ỷ chúng hiếp cô. Đó là tinh thần đạo lý của Loài Người: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả. Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” mà chính người Hoa chánh trực đã viết thành đạo ở đời. Nó cao hơn chánh trị; là người Hoa ắt CS Bắc Kinh phải biết.

Trở lại VN, như đã phân tích ở trên, VN là nước bị TC xâm lấn, xâm chiến nhiểu biển đảo nhứt, trong vùng Biển Á châu Thái Bình Dương. Nhưng nhà cầm quyền CS Hà nội không có một hành động nào bảo vệ nào coi cho được như Phi luật tân, nước nhỏ và yếu hơn VN.
Nếu nói theo truyện chưởng của Kim Dung, thì Đảng Nhà Nước CSVN đã bị CS Bắc Kinh của TC cấy sinh tử phù vào toàn thân rồi và TC đã quá thành công hơn Nhạc Bất Quần trong hành động ngụy quân tử kiếm với tình đồng chí, sơn son thếp vàng với 16 chữ vàng và 4 cái tốt đối với CS Hànội.

Nói theo phim giả tưởng của Tây Phương, trên phương diện bảo vệ giang sơn gấm vóc của đất nước ông bà VN để lại cho con cháu, Đảng Nhà Nước CSVN chỉ còn là những “zombies”, những xác chết biết đi, sống dở chết dở mà thôi, đâu còn làm gì đuợc trước hành động xâm lăng của TC.

CS Hà nội phải đổi hồn thay xác, trở về với nhân dân VN, trả quyền “làm chủ” đất nước lại cho người dân Việt, để VN có một chánh quyền dân chủ khả dĩ huy động và phát huy được nội lực dân tộc cứu nguy Tổ Quốc.

Không có nước nào có thể cứu nguy dân tộc VN khi VN không hành động tự cứu. Chưa trễ đâu. Tổ tiên chúng ta, anh hùng liệt nữ VN đánh quân Tàu cả ngàn năm vẫn đánh, đánh chừng nào lấy lại được chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc mới thôi. Ba lần quân Tàu xâm lược VN, ba lần quân dân VN đánh đuổi quân Tàu thắng lợi./.( Vi Anh)
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Hoa-Mỹ cùng xoay vào nhau

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ở giữa một chu kỳ điều chỉnh và sẽ gặp nhau khi kẻ đi xuống, người đi lên.

Một cuộc gặp gỡ nháng lửa.

Sau 10 ngày đọc diễn văn và vỗ tay, Quốc Hội Trung Quốc của khóa 12, nhóm họp từ Thứ Ba mùng năm, sẽ trao ấn tín cho thế hệ lãnh đạo thứ năm, đã được đại hội đảng khóa 18 đưa lên từ Tháng Mười Một năm ngoái. Trong khi ấy lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục trò chơi bi hài về ngân sách, với sự dọa nạt về 85 tỷ Mỹ sẽ tự động bị cắt suốt năm nay, một ngân khoản “vĩ đại”, tương đương với số tiền được Ngân Hàng Trung Ương bơm ra mỗi tháng. Ðó là thời sự hàng ngày.

Nhìn trong viễn cảnh dài và tập trung vào khía cạnh kinh tế, người ta thấy là toàn cầu, và riêng hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới, đang phải tái lập một thế quân bình mới. Vì kinh tế cũng là chính trị, tiến trình điều chỉnh và chuyển hướng đó của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ báo hiệu nhiều thay đổi, thậm chí đột biến. Trong khuôn khổ một bài viết chừng 1,500 chữ, ta sẽ tìm hiểu về hiện tượng này, để thấy ra bài toán của lãnh đạo hai nước.

Mọi sự đã tích lũy từ 30 năm và chỉ đi đến ngã rẽ từ năm năm qua để sẽ dẫn đến hướng khác...

Hoa Kỳ có nền kinh tế tự do và rộng mở nhất địa cầu với ưu điểm là lấy sức tiêu thụ làm chính - và nhược điểm như mặt bên kia của đồng bạc là tiết kiệm suy giảm. Hậu quả của hai mặt âm dương đó là mắc nợ ngập đầu nên đến hồi trả nợ. Bên kia địa cầu, hay quầy hàng, là tình trạng tiêu thụ kém mà tiết kiệm cao của các nước đang phát triển. Ðó là ấn bản kinh tế của truyện ngụ ngôn con ve sầu và con kiến, với ba hậu quả.

Thứ nhất là các nước này xuất cảng vào Mỹ, thu tiền về thì cho Mỹ vay để tiếp tục mua hàng của họ. Thứ hai là Hoa Kỳ duy trì lãi suất thấp nhờ thanh khoản cao từ ngoài đẩy vào nên thổi sinh khí cho thị trường cổ phiếu và gia cư, khiến người người đều thấy giàu hơn trước nên càng tiêu thụ mạnh. Thứ ba là khi hữu sự vì chiến tranh thì lại đi vay để tài trợ chiến phí. Thất quân bình phi lý ấy đã nghiêng rồi đổ từ năm 2008 khiến chính quyền lại tăng chi để bù vào số giảm chi của người dân nên càng mắc nợ và cãi cọ lung tung.

Thật ra, năm năm qua, Hoa Kỳ đi vào tiến trình điều chỉnh rất nhọc nhằn. Giảm tầm can thiệp quân sự, dựng lại sức tiết kiệm của doanh nghiệp và tư nhân, và giảm chi ngân sách - dù chính quyền Obama không muốn. Nhưng chuyện thu vén ấy lại gây vấn đề cho bên kia quầy hàng.

Bên kia quầy hàng có Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc lấy đầu tư, chứ không phải tiêu thụ, làm lực đẩy, nuôi bằng tín dụng do sức tiết kiệm rất cao của người dân được các ngân hàng của nhà nước hút vào và bơm ra. Mà bơm cho các dự án cũng do nhà nước thực hiện, chủ yếu là đầu tư vào loại tư bản cố định với sự khích lệ của đất đai, “thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý”! Ðảng cộng sản đang làm cuộc cải cách ruộng đất ngược, với hậu quả là tập trung tài sản vào tay một thiểu số là đảng viên cán bộ và thân tộc. Thần dân là con sâu cái kiến ở dưới thì hì hục lao động và xuất cảng bất kể lời lỗ. Lời là nhà nước với số dự trữ ngoại tệ rất cao, lỗ là các doanh nghiệp có mức doanh lợi cực thấp nhưng tạo thành tích là đem lại công ăn việc làm cho dân chúng.

Tình trạng thất quân bình ấy không thể kéo dài. Kinh tế Trung Quốc “không ổn định, không cân đối, không phối hợp và không bền vững” như các cấp lãnh đạo đã xác nhận từ lâu. Nhưng họ cải sửa không kịp, lại còn tái tục mô hình tăng trưởng ảo từ cuối năm 2008, khi kinh tế toàn cầu đi vào bước lật. Ðó là lại tăng chi 586 tỷ (Mỹ kim) rồi bơm thêm khoảng bốn ngàn tỷ tín dụng, lấy đó làm thành tích tăng trưởng và quả nhiên là qua mặt Nhật Bản vào năm 2010, với một núi nợ vĩ đại.

Tức là 10 năm sau khi Hoa Kỳ thổi lên trái bóng đầu tư vừa bị bể, đến lượt Trung Quốc cũng lại vay tiền thổi bóng.

Tổng kết lại, Trung Quốc đã trì hoãn việc cải cách được trung ương khởi xướng từ năm 2007 và trong năm năm liền còn châm thêm liều thuốc đổ bệnh để đạt mức tăng trưởng biểu kiến mà thiếu thực chất. Trong khi Hoa Kỳ công khai dằn vặt nhau và cuối cùng thì cũng đành uống liều thuốc đắng để lên khỏi đáy vực thì Trung Quốc lại chậm rãi lao xuống hố. Và vì là một hố rất sâu nên phải vài năm mới đụng đáy!

Giới nghiên cứu và suy diễn kinh tế lạc quan - trường phái này có thật! - vẫn cho Trung Quốc là ngoại lệ. Ba chục năm trước, họ cũng từng nói đến ngoại lệ Nhật Bản khi tư bản Nhật lừng lững đi vào làm chủ nhiều cơ sở tại Hoa Kỳ. Rồi suy sụp mất hai chục năm. Nhưng Nhật là một xứ dân chủ, trường vốn và có dân trí cao nên khủng hoảng kinh tế không dẫn tới khủng hoảng chính trị hay... cách mạng. Trung Quốc thì khác vì không có dân chủ mà cũng chẳng có thể chế liên bang để điều tiết việc phân phối tài nguyên giữa trung ương với các đảng bộ địa phương.

Một vụ vỡ nợ của hệ thống ngân hàng và mất ngàn công ty đầu tư “tư nhân” do các đảng bộ địa phương lập ra để vay tiền ngân hàng sẽ là một chấn động chính trị.

Người ta có thể tranh luận về kịch bản “điều chỉnh” của Trung Quốc là hạ cánh tan tành hay hạ cánh nhẹ nhàng. Nhưng chuyện hạ cánh đã bắt đầu và tốc độ tăng trưởng rồng cọp của mấy thập niên qua chỉ là chuyện đã qua. Giải pháp lý tưởng trên lý thuyết là phải tìm đà tăng trưởng thấp hơn với phẩm chất cao hơn, nhờ sức tiêu thụ của thị trường nội địa.

Ðến nay, sức tiêu thụ này vẫn chỉ ở mức 34-37% của tổng sản lượng so với tỷ trọng quân bình hơn của các nước Ðông Á là 50-55% và so với tỷ trọng quá lớn là 72% của Hoa Kỳ trước khi gẫy đổ. Khi tiêu thụ của tư nhân gia tăng, phần đóng góp - và trưng thu - của khu vực nhà nước sẽ giảm và đấy là kịch bản lý tưởng cho người dân Trung Quốc lẫn kinh tế toàn cầu. Nhưng là cơn ác mộng của các đại gia và đảng viên cán bộ.

Ðấy cũng là bài toán nan giải cho thế hệ lãnh đạo thứ năm đang chuẩn bị ấn tín...

Khi cả thế giới bị đẩy vào một chuyển động lớn lao như vậy, tất nhiên là ai cũng nghĩ đến sự lợi hại cho mình. Mình đây là từng hộ gia đình, doanh nghiệp, địa phương hay từng quốc gia....

Chế độ dân chủ ồn ào, tèm lem và thường xuyên bất ổn có ưu điểm lớn là công khai hóa cuộc tranh luận về lợi hại của ai cho ai. Nhờ đó người ta dễ tìm ra giải pháp dung hòa giữa công và tư, chung và riêng. Chế độ độc tài thì có sự ổn định của nhà tù cho tới ngày xảy ra hiện tượng phá tù nổi loạn, hay cách mạng, là kịch bản kinh hoàng cho Trung Quốc huy hoàng.

Lãnh đạo xứ này sẽ lại đánh lạc hướng bằng một cuộc đấu tranh khác. Ðòn phép quân sự là một phần của hướng này. Trong kinh tế, tranh chấp hối đoái và ngoại thương sẽ là một diện khác. Khi Hoa Kỳ ngoi lên và Trung Quốc tuột xuống, cuộc gặp gỡ sẽ tóe lửa: Xin Hà Nội cài dây lưng an toàn dưới một núi nợ cũng đang sụp lên đầu...
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

ĐẠI TÁ VIỆT CỘNG VẠCH MẶT VIỆT CỘNG
(Tài Liệu: Học Giả Phùng Tất Thông)


Chống cộng sản bằng cách đòi tự do dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, bãi bỏ điều 4 hiến pháp...nếu chỉ kêu gọi bằng mồm, ký kiến nghị xuông sẽ chẳng đi tới đâu.
Hãy mở loa cho lớn để nghe đại tá cộng sản Đào văn Nghệ kêu gọi quân đội, đảng viên hãy thức tỉnh và quay họng súng về phía những tên chóp bu cộng sản để nhả đạn.

http://xa.yimg.com/kq/groups/21543331/1 ... 20Cong.mp3
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

CSVN Vô Thẩm Quyền

Vi Anh

Điều 4 Hiến Pháp của CSVN qui định Đảng CSVN lãnh đạo trên toàn xã hội VN là một tiếm quyền, mạo nhận vô đạo lý và bất hợp pháp, do chính Đảng CSVN tự chuyên và đơn phương soán đoạt. Không có đảng phái nào có thẫm quyển làm một việc như vậy. Không có tổ chức hay cá nhân nào có quyền soán đoạt quyền làm chủ đất nước của người dân như vậy. Vì tính vô đạo lý, phi pháp đó mà Đảng CSVN gây ra vô vàn tai hại cho nước và dân VN.

Nên mới đây lại có thêm phong trào nhân dân VN, trí thức, chuyên môn, tôn giáo hàng chục ngàn nhứt tề đòi hỏi Đảng Nhà Nước CSVN hủy bỏ điểu 4 Hiến Pháp ấy. Nói rõ ràng nhứt là Hội Đồng Giám Mục «Để tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của quyền bính chính trị chính là nhân dân.»

Và cãi chày, cãi cối, lý sự cùn cho việc làm phi pháp và vô đạo lý dó của CSVN là Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn phú Trọng. Tại tỉnh ủy Vĩnh Phúc ngày 25/02/2013, người cầm đầu Đảng CSVN nói, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, có thể được quy là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Và cả một phong trào nhân dân VN quạt cho y tơi bời hoa lá, làm y cứng họng luôn.

Và tai hoạ rõ ràng của việc tiếm quyền, mạo nhận của CSVN gây ra cho đất nước nhân dân VN, là Đảng CSVN cắt đất dâng biển của VN cho quân thầy TC. Và người làm chuyện trời không dung đất không tha, nhân dân nguyền rủa ấy gần đây nhứt cũng là Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn phú Trọng.

Tin tức truyển thông quốc tế cho biết, ngày 15/10/2011, tại Bắc Kinh thủ đô của Trung Cộng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng CSVN và Chủ Tịch Đảng CS Trung Quốc Hồ cẩm Đào đã ra một tuyên bố chung sau chuyến Hoa du của Ô. Trọng. Rằng hai bên khẳng định «quyết tâm chính trị» thông qua «đàm phán và hiệp thương hữu nghị» để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Hai bên cam kết không để «các thế lực thù địch» phá hoại quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Như vậy rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa, người dân Việt bị loại ra ngoài, quốc tế không có quyền can dự. Chỉ có hai Đảng CS, VN và TQ, giải quyết tay đôi với nhau đối với các vấn đề trên Biển Đông của VN mà TC đã lấy hai đảo Hòang sa và Trường sa của VN làm huyện Tam Sa trực thuộc tình Hải Nam thuộc lãnh thổ của TC và chiếm 80% Biển Đông của VN bằng bản đồ hình lưỡi bò mà TC gọi là Nam Hải.

Hành động này của Ô. Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn phú Trọng là hành động vô thẩm quyền, phản dân hại nước VN.

Một, Ô. Trọng hành động vô thẩm quyền về đối nội. Đảng CSVN không có quyền đơn phương giải quyết vấn đề chủ quyền biển đảo của quốc gia dân tộc VN với Trung Cộng. Giang sơn gấm vóc VN là xương máu của người Việt, hình hài, diện mạo của Tổ Quốc VN, hồn thiêng sông núi VN, không thể, không bao giờ là một vấn để thương lượng. Không ai có quyền thương lượng. Một tấc đất cũng không được nhường.

Chính Ông Trọng đã phá bể nguyên tắc “tổ chức chánh quyền” của Đảng CS mà Ông là Tổng Bí Thư. Đảng không thể thay thế những chức chưởng nhà nước trên phương diện công quyền.

Hai, Ô. Trọng hành động vô thẫm quyến về đối ngọai. Tuy Ông là Tổng Bí Thư của Đảng CSVN là đảng cầm quyền độc tài, đảng trị tòan diện, nhưng theo tập tục ngọai giao hiện hành trên thế giới, Ông không phải là quốc trưởng, Ông không thể ký kết một văn kiện ngọai giao chi phối lãnh thổ, lãnh hải, quyền lợi tinh thần và vật chất của nhân dân được.

Ba, Ông Trọng đã đã tạt ly nước vào mặt Ô. Chủ Tịch Nước Trương tấn Sang, Nguyễn minh Triết và Nguyễn tấn Dũng mặc thị đại diện cho phe CS ở Miền Nam. Trong khi Ông Trương tấn Sang đi Ấn độ vận động được nước đông dân hạng nhì của Á châu vào Biển Đông của VN khai thác dầu lửa hơi đốt trong vòng ba năm, thì Ô. Trọng lại chấp nhận nguyên tắc giải quyết mọi tranh chấp Biển Đông song phương với TC mà thôi.

Ông Trọng dùi vập những nỗ lực của của Ông Nguyễn minh Triết khi làm Chủ Tịch luân phiên của ASEAN đi tận Mỹ, ngồi đồng chủ tọa với TT Obama, trong phiên họp thượng đỉnh ASEAN +, vận động Mỹ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Ông Trọng cũng phế nỗ lực của một lãnh tụ CS ở Miển Nam khác là Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đi Ấn Độ trước Ông Sang để vận động Ấn Độ, một cựu thù trong chiến tranh biên giới với TC, vào Biển Đông; điều mà sau này hội nghị San Francisco gồm Mỹ, Úc, Nhựt, Ấn, Phi đã khuyến nghị Ấn nên “hướng đông”.

Tánh kỳ thị Miền Nam, lập trường thân TC đã làm cho Ô. Nguyễn phú Trọng coi quyền lợi đất nước và nhân dân VN thấp hơn phe phái, phe đảng.

Bốn, Ông Trọng đã đùa đẩy quốc tế ra rìa, biến VN thành cô đơn và Ông Trọng trao thân VN vào tay tướng cướp TC. Việc Ô. Trọng cam kết giải quyềt vấn đề Biển Đông trên nguyên tắc song phương với TC, không để «các thế lực thù địch» phá hoại quan hệ giữa hai Đảng, hai nước – là hành động Ông “phế võ công của quốc gia dân tộc VN” trên trường quốc tế. Ai cũng biết trong ngọai giao không bao giờ một nước nhược tiểu mà thắng nối nước lớn. Giải cái thế yếu này nước nhỏ phải nhờ nhiều nước tiếp tay để “mãnh hổ nam địch quần hố”.

Ông Trọng cam kết giải quyết vấn đề biển đảo của VN tay đôi với TC là coi như Ông cắt đất dâng biển mà TC đã xấm lấn, chiếm đóng. Ông coi như mặc thị hợp thức hóa cho TC trong khi Ô. Trọng ở Bắc Kinh. Chính trong thời gian Ông Trọng ở Bắc Kinh, CS Bắc Kinh vẫn trước sau như một tuyên bố khẳng định chủ quyền "không thể chối cãi" của TQ đối với nguồn tài nguyên ở Biển Đông.

Nói tóm lại nếu người Việt Nam trong ngòai nước coi công hàm Thủ Tướng Phạm văn Đồng gởi cho Thủ Tướng Chu Ân Lai của TC, thừa nhận chủ quyền của TC trên lãnh hải trong đó có đảo Hòang sa -- là công hàm CS Hà nội bán nước cho TC; thì bây giờ những gì Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng CSVN làm, cam kết giải quyết vấn đề Biển Đông song phương với TC là mặc thị, gián tiếp cắt đất dâng biển cho TC.

Quốc gia dân tộc VN, người Việt ở Bắc, ở Nam, ở Trung, ở hải ngọai đương thời và lịch sử VN không dung tha cho tội lỗi tày trời này./.
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Nghị sĩ Mỹ cảnh cáo Triều Tiên: 'Tấn công là tự sát'

Một nghị sĩ hàng đầu của Mỹ cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nào nhằm vào Mỹ đều là hành động tự sát,
sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ tấn công hạt nhân và cho Washington 'chìm trong lửa'.

Image
Thượng nghị sĩ Bob Menendez. Ảnh: TPM

"Tôi không nghĩ chế độ ở Bình Nhưỡng muốn tự sát, và hẳn nhiên là họ hiểu rõ rằng (tự sát) chính là hệ quả của bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ", thượng nghị sĩ Bob Menendez phát biểu trước Ủy ban quan hệ đối ngoại ngày 7/3.

Phát biểu của ông được đưa ra khi Liên hợp quốc thống nhất nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do nước này tiến hành thử vũ khí hạt nhân tháng trước, và Triều Tiên đe dọa rằng một cuộc chiến tranh mới là "không thể tránh khỏi" bởi Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục các cuộc tập trận ở Hàn.

Hôm qua Bình Nhưỡng nói sẽ mở cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân "nhằm vào hang ổ của những kẻ gây hấn"; trong khi một viên tướng của Triều Tiên nói các tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này đã sẵn sàng và sẽ nhấn chìm thủ đô của Mỹ trong "biển lửa".

Nghị sĩ Menendez nhận xét lời đe dọa của Triều Tiên là "kỳ cục", nhưng cũng cảnh báo thêm rằng: "Chúng ta hiển nhiên có đủ quyết tâm, ý chí và khả năng để vô hiệu hóa và chống bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên".

Triều Tiên được cho là đã tích trữ được 20 đến 40 kg plutonium, đủ để chế tạo 6 đến 8 đầu đạn hạt nhân, nghị sĩ nói. Trong cuộc thử hạt nhân lần thứ ba mới đây, Triều Tiên khẳng định đã sử dụng các thiết bị hạt nhân nhỏ và nhẹ hơn, ám chỉ việc chế tạo đầu đạn để lắp vào tên lửa.

Triều Tiên cũng vừa tuyên bố hủy Hiệp định đình chiến 1953 với Hàn Quốc. Đây là động thái rất đáng chú ý trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Ở miền nam, Hàn Quốc và đồng minh Mỹ bước vào hai cuộc tập trận, trong đó có diễn tập quân sự có quy mô hàng đầu thế giới với sự tham gia của hơn 200.000 quân nhân. Ở miền bắc, Triều Tiên được cho là đã bắt đầu tập trận trên toàn quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong un đi thị sát các vị trí tiền tiêu ở miền tây nam, khu vực từng chứng kiến những cuộc đụng độ đổ máu với nước láng giêngf.

Các diễn biến này tiếp theo loạt hành động gây chú ý toàn thế giới của Triều Tiên, trong đó có vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 và phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 12.
Image
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên được phóng hôm 12/12. Ảnh: KCNA/Xinhua

Ánh Dương
tranphuongdong
Posts: 526
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »

Image

Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do

6000 chữ ký. Cập nhật 6h00, 09.03.2013

Chúng tôi, những người khởi đầu ký tên sau đây, kêu gọi những công dân khác cùng với chúng tôi đồng tuyên bố:


1. Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà chúng tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.

2. Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.

3. Chúng tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.

4. Chúng tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.

5. Chúng tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Chúng tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản ban cho, nên đảng cộng sản không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, chúng tôi có thể xem những lời phán xét nào nếu có hướng đến chúng tôi là một sự phỉ báng chúng tôi. Và chúng tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.

Xin hãy chung tay để cho LỜI TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO này trở thành sợi dây bền vững kết nối hàng triệu triệu trái tim Việt Nam. Xin cùng lên tiếng nói bằng cách đăng ký tham gia ký tên theo địa chỉ email: tuyenbocongdantudo@gmail.com
MatVit
Posts: 1315
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »

Bao giờ Việt Nam có dân chủ?
Nguyễn Hưng Quốc
(Nguồn: VOA)

Mỗi lần gặp bạn bè hay người quen, trong các cuộc nói chuyện gẫu, đề tài tôi thường nghe nhất là chuyện chính trị Việt Nam; và trong đề tài ấy, câu hỏi tôi thường nghe nhất là: Bao giờ thì chế độ toàn trị sụp đổ và/hoặc bao giờ thì Việt Nam có dân chủ? Nếu câu hỏi trực tiếp nhắm vào tôi, không thể im lặng được, câu trả lời của tôi bao giờ cũng là: Không biết.

Mà thật ra thì không ai biết cả. Giới phân tích chính trị không biết, đã đành. Ngay cả giới làm chính trị, đặc biệt những người đang nắm quyền ở các quốc gia lớn, với đầy tin tức tình báo trong tay, cũng không thể biết được. Nếu chính trị là một nghệ thuật của cái khả dĩ (politics is an art of the possible) như Otto von Bismarck đã nói, việc tiên đoán một cách chính xác các diễn biến chính trị gần như là một điều bất khả.

Liên quan đến Việt Nam, có mấy điều chúng ta có thể biết chắc chắn là:

Thứ nhất, thế nào Việt Nam cũng có dân chủ. Vấn đề chỉ là thời gian. Dân chủ là xu hướng chung của cả nhân loại. Trong vòng bốn mươi năm vừa qua, đã có trên 80 quốc gia từ toàn trị tiến dần đến dân chủ, hoặc hoàn toàn dân chủ hoặc chỉ một phần dân chủ. Lý do cũng rất dễ hiểu.

Một, chế độ toàn trị, chuyên chế và độc tài nào cũng sớm già cỗi và mục nát. Ở các chế độ dân chủ, việc tuyển chọn giới lãnh đạo thay đổi theo nhiệm kỳ, do đó, giống như cơ thể thường xuyên được thay máu, hết người này đến người khác; hơn nữa, họ được dân chúng chọn lựa qua các cuộc bầu cử tự do nên ít nhiều đều xứng đáng: Nếu họ không phải là lãnh tụ giỏi nhất trong lịch sử thì ít nhất cũng là người giỏi nhất trong những người cùng chạy đua với họ, nghĩa là những người thuộc thế hệ của họ. Ở các nước độc tài thì khác: Họ được chọn lựa chủ yếu theo tiêu chuẩn hoặc dòng tộc hoặc phe nhóm. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy, dưới các chế độ độc tài, giới lãnh đạo càng lúc càng yếu kém. Nhìn vào đảng Cộng sản Việt Nam thì thấy ngay. Trong giới lãnh đạo, những người thuộc thế hệ đầu tiên, từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn và Trường Chinh đều ít nhiều có khả năng; từ Nguyễn Văn Linh trở đi, càng ngày họ càng kém. Ðỗ Mười kém. Lê Khả Phiêu càng kém. Nông Ðức Mạnh lại càng kém. Nguyễn Phú Trọng không hề chứng tỏ là khá hơn Nông Ðức Mạnh. Giới lãnh đạo già cỗi không phải vì càng ngày càng kém tài mà còn vì họ rất dễ sa vào tham nhũng. Và vì cả hai lý do ấy, càng ngày họ càng xa rời quần chúng. Càng xa rời quần chúng, họ lại càng trở thành yếu ớt. Thời hiện đại, tuổi thọ cao nhất của các chế độ độc tài và chuyên chế là 74 năm (chế độ cộng sản ở Liên Xô, 1917-1991). Hai, chế độ chuyên chế và độc tài sớm sụp đổ còn vì những thay đổi trong xã hội. Trình độ dân trí cao, thu nhập cao và xu hướng thành thị hóa là những kẻ thù của chuyên chế. Trừ những quốc gia giàu có vì dầu khí, không có quốc gia giàu có nào là hoàn toàn chuyên chế cả. Với hai lý do vừa nêu, việc Việt Nam, một ngày nào đó, được dân chủ hóa gần như là một điều tất yếu.

Thứ hai, mặc dù chúng ta không thể biết được lúc nào Việt Nam có dân chủ, chúng ta cũng có thể biết quá trình dân chủ hóa ở một quốc gia độc tài và nhỏ như Việt Nam thường xảy ra theo một trong ba trường hợp.

Một là do sức ép từ bên ngoài. Trong bài “Bao nhiêu ý dân thì đủ?” nhà văn Phạm Thị Hoài kể bản Hiến Pháp ở Ðức năm 1949 được soạn thảo dưới sự giám sát ngặt nghèo của các thống đốc quân sự Anh, Pháp và Mỹ: “Bản Hiến Pháp được coi là hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Ðức ấy không do ý nguyện dân chủ từ dưới lên sinh ra, mà do ý chí chính trị từ trên xuống, thậm chí với áp đặt từ các thế lực ngoại bang.” Bản Hiến Pháp năm 1946 (bổ sung năm 1947) của Nhật lại càng đặc biệt: Lúc ấy Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ Hai vừa kết thúc, Nhật nằm dưới sự cai quản của Lực Lượng Ðồng Minh. Tướng Douglas MacArthur, người chỉ huy Lực Lượng Ðồng Minh, đã ra lệnh cho nhóm tùy viên của ông soạn thảo bản Hiến Pháp cho Nhật thời hậu chiến. Hai mươi bốn người Mỹ, cả quân sự lẫn dân sự, chỉ trong vòng một tuần, đã hoàn tất bản thảo. Sau đó, nó được Quốc Hội Nhật thông qua với vài thay đổi nho nhỏ. Dù vậy, cho đến nay, Hiến Pháp Nhật vẫn được xem là một trong những bản Hiến Pháp tiến bộ nhất thế giới.

Hơn nữa, nó còn là nền tảng vững chắc nhất của nền dân chủ tại Nhật. Có thể nói, ở cả Ðức lẫn Nhật, sau Ðệ Nhị Thế Chiến, dân chủ chủ yếu đến từ bên ngoài.

Hai là sự xuất hiện của một Gorbachev, nghĩa là một nhà lãnh đạo sáng suốt, can đảm, biết nghĩ đến tương lai của đất nước hơn là những quyền lợi trước mắt của bản thân hoặc của đảng phái mình. Các lý thuyết gia Mácxít hay nói đến sức mạnh của quần chúng, cho chỉ có quần chúng mới thay đổi được lịch sử, tuy nhiên, trong lịch sử chế độ Cộng sản, cả việc hình thành lẫn việc kết thúc đều nằm trong tay của một số cá nhân: Ở Nga, nó bắt đầu với Lenin và Stalin rồi kết thúc với Gorbachev và Yeltsin. Chúng ta có thể hy vọng, nếu ở Việt Nam xuất hiện một lãnh tụ giống Gorbachev, vận mệnh của Việt Nam chắc chắn sẽ đổi khác hẳn. Ðó là sự thay đổi từ bên trong. Trong nội bộ đảng Cộng sản.

Và ba là sự xuất hiện của một cái gì tương tự như Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring), tức sự nổi dậy của quần chúng đã làm sụp đổ hàng loạt các chế độ độc tài kéo dài cả mấy chục năm ở Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen; và làm lung lay nhiều chế độ chuyên chế khác ở Syria, Algeria, Jordan, Kuwait và Sudan. Các cuộc nổi dậy này có mấy đặc điểm: hoàn toàn mang tính tự phát; do dân chúng tạo nên chứ không có bất cứ một tổ chức nào phía sau cả; thậm chí, chúng cũng không có cả người lãnh đạo; cuối cùng, chúng hoàn toàn bất ngờ: ngay cả giới lãnh đạo và tình báo Tây phương cũng đều không thể đoán trước được. Do tính chất tự phát và bất ngờ ấy, không ai có thể dám chắc là những gì đã xảy ra ở Trung Ðông và Bắc Phi vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011 sẽ hoặc sẽ không thể xảy ra ở Việt Nam. Ranh giới giữa cái sẽ và sẽ không ấy rất mong manh.

Thứ ba, phân tích ba trường hợp trên, chúng ta có thể đoán, dĩ nhiên một cách khá mơ hồ, quá trình dân chủ hóa tại Việt Nam.

Ðầu tiên, chúng ta cần loại trừ ngay trường hợp thứ nhất. Việt Nam hiện nay không có chiến tranh và nếu có chiến tranh, có lẽ chỉ có chiến tranh với Trung Quốc. Dù thắng hay thua trận, cũng sẽ không có một siêu cường dân chủ nào giúp Việt Nam viết lại Hiến Pháp để thừa nhận chế độ dân chủ cả như những gì đã xảy ra tại Ðức hoặc tại Nhật sau Ðệ Nhị Thế Chiến.

Trường hợp thứ hai có thể sẽ xảy ra, nhưng nếu xảy ra, cũng không hy vọng gì thành công. Lý do chính: chắc chắn Trung Quốc sẽ can thiệp. Khi Trung Quốc chưa chấp nhận dân chủ trong nước họ, chắc chắn họ cũng sẽ không thể chấp nhận việc đảng Cộng sản Việt Nam tự giải thể hoặc cho phép sự xuất hiện của các đảng phái đối lập để dân chủ hóa trước Trung Quốc. Mà việc can thiệp của Trung Quốc đối với tình hình chính trị Việt Nam, hầu như ai cũng biết, rất dễ dàng. Bởi vậy, có thể nói, theo cách này, Việt Nam chỉ có thể dân chủ hóa nếu Trung Quốc đã được dân chủ hóa. Việt Nam lúc nào cũng là một kẻ đi sau đàn anh. Nhưng khả năng dân chủ hóa của Trung Quốc lại không có gì chắc chắn cả. Có thể năm năm. Có thể mười năm. Có thể mười lăm năm. Giới bình luận quốc tế tiên đoán: Có lẽ sẽ không quá mười lăm năm. Nhưng dù sao đó cũng là một quãng thời gian dài. Ít nhất so với một đời người.

Trường hợp thứ ba, sự nổi dậy của dân chúng, tránh được nguy cơ can thiệp của Trung Quốc. Trung Quốc có thể trấn áp một lãnh tụ muốn cải cách triệt để nhưng chắc chắn không thể và không dám can thiệp để trấn áp quần chúng Việt Nam đang xuống đường đòi dân chủ. Nhưng lúc nào ở Việt Nam mới có một cuộc nổi dậy dữ dội như ở Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya? Không ai có thể biết được. Nhưng tiền đề đã có: sự bất mãn của quần chúng. Sự bất mãn ấy vốn thường âm ỉ sôi sục dưới mọi chế độ độc tài, kể cả ở Việt Nam. Vấn đề là cần có một mồi lửa để làm cho sự bất mãn ấy bùng nổ. Mồi lửa ấy ở Ai Cập là việc cảnh sát đánh chết một thanh niên hiền lành và vô tội, hơn nữa, việc hình ảnh nạn nhân nhanh chóng được chuyền đi qua mạng lưới Internet. Chúng ta có thể tưởng tượng: nếu việc tự thiêu của bà Ðặng Thị Kim Liên, mẹ của Tạ Phong Tần, vào ngày 30 tháng 7, 2012, thay vì diễn ra ở Bạc Liêu lại diễn ra tại Sài Gòn, ngay trước tòa án, nơi con gái bà bị xét xử một cách oan ức và tàn bạo, trước cả hàng chục ống kính của các phóng viên quốc tế và quốc nội, kể cả của các blogger độc lập, tình thế có thể sẽ đổi khác. Hoặc, trong tương lai, chỉ cần một công an thô bạo nào đó đánh quá tay một người biểu tình, ngay trước mắt giới truyền thông, ngọn lửa phẫn uất có thể sẽ bùng cháy mạnh mẽ. Tất cả những điều đó, không ai có thể đoán trước được.

Ðối với trường hợp thứ hai, điều kiện của dân chủ ở Việt Nam là một nền dân chủ ở Trung Quốc; đối với trường hợp thứ ba, điều kiện của dân chủ là: một, cách suy nghĩ mang tính chiến lược của những người đấu tranh cho dân chủ; và hai, một tình huống bất ngờ, với những hình ảnh cụ thể, có thể gây phẫn nộ trong quần chúng. Như những mồi lửa.
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »


Image

Nhiệm kỳ

Tiểu Vũ
(Danlambao) - Không phải tự nhiên mà người ta sinh ra cái gọi là “nhiệm kỳ”. Thời mà “ghế ít, đít nhiều” thì phải chia ra nhiệm kỳ mà quay vòng, mà lần lượt ngồi chứ, ông nào tham ngồi lâu, kéo cái nhiệm kỳ dài mãi thì lấy đâu chỗ cho ông khác ngồi?

Cũng là nhờ có cái “nhiệm kỳ” mà “cơ hội” có vẻ tăng nhiều hơn, người tài đức mới có cơ ló rạng, có cơ hội được... khai quật; cũng nhờ thế mà kẻ bất tài cũng chẳng dám “độc tài”, làm gì cũng cần cẩn trọng, theo phép tắc vì lo sợ có làm sai thì nhiệm kỳ sẽ... ngắn lại và khi rời ghế sẽ chẳng biết sao... Thế là, cái ghế có nhiệm kỳ nó giúp cân bằng nhau, khắc chế lẫn nhau, tạo ra cái thống nhất và phải theo cái chung được đồng thuận, ai cũng có trách nhiệm với cái ghế, cái nhiệm kỳ của mình cả.

Hỡi ôi! Các ông muốn giữ điều 4 Hiến pháp, tức là muốn đảng “luôn” lãnh đạo. Cái ghế lãnh đạo có mỗi một chiếc các ông mặc nhiên ngồi mất rồi, chẳng có nhiệm kỳ gì cả là sao nhỉ? Thế này, tôi phát biểu hơi quá, nhưng nếu theo cái lối suy nghĩ ấy, có ngày ông Nguyễn Phú Trọng cho sửa điều lệ đảng ghi “họ Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội đời đời là tổng bí thư đảng” có được chăng? Các ông có đồng ý không? Vâng! Nếu tài đức thật thì làm mãi được như thế có mà tốt quá ấy chứ, ai chẳng ủng hộ cả hai tay, tôi cũng ủng hộ ngay. Nhưng, nếu không có tài đức, hoặc có con cháu nhà bác Nguyễn Sinh Hùng tài đức hơn chẳng hạn, sẽ làm thế nào? Đảng sẽ sửa đổi điều lệ đảng ghi là “họ Nguyễn Sinh Hùng ở Nghệ An đời đời là tổng bí thư đảng” cho... phù hợp à? Vậy đấy! Tự các ông có câu trả lời rồi, sao còn phải nói lời không thật lòng với nhân dân chúng tôi?

Thái cực

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nguyên tử chỉ có hạt mang điện tích âm hoặc chỉ có hạt mang điện tích dương? Trái đất sẽ thế nào nếu chỉ có ngày hoặc chỉ có đêm? Và loài người sẽ ra sao nếu chỉ có đàn ông mà không có đàn bà hoặc ngược lại?

Các phạm trù trong phép biện chứng duy vật của các ông sao lại tồn tại thành từng cặp mà không thể tách rời riêng lẻ?

Tách rời đối tượng xem xét là biện chứng hay siêu hình? Tại sao thừa nhận rõ rằng tất cả sự vật, hiện tượng đều có đối lập và mâu thuẫn mà không gắn nó vào thực tiễn?

Các ông đã biết đơn phương, độc quyền, độc cực là nguy hại sao còn tự ru ngủ mình và làm tổn hại cả dân tộc, cả non sông đất nước bằng cách giữ độc quyền chính trị?

Những điều giản dị như thế không biết bao nhiêu đảng viên hiểu? Và hiểu rồi thì có sống thật với tâm của mình hay chấp nhận sống làm đảng viên, chết làm ma cộng sản, còn con cháu, còn tương lai giống nòi thì sao?

Tiểu Vũ
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Sự mong muốn trở lại Cam Ranh của Nga
Hà Tường Cát


Chuyến viếng thăm vịnh Cam Ranh đầu Tháng Ba vừa qua của Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đã dấy lên nhiều dự đoán
của các cơ quan truyền thông và quan sát viên quốc tế về địa danh nổi tiếng thế giới này.

Image
Chiến hạm Hải Quân Nga thuộc hạm đội Bắc Hải diễn hành trên sông Neva, thành phố St. Petersburg.
(Hình: Kirill Kudryavtsev/AFP/Getty Images)



Người ta tin rằng, khác với chuyến thăm hồi Tháng Sáu năm ngoái của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, Bộ Trưởng Shoigu có thể có đề nghị cụ thể và Nga có những kế hoạch khả thi hơn ở Cam Ranh, tuy vậy sự trở lại căn cứ này chưa thể xảy ra trong ngắn hạn.

Trên cả ba mặt quân sự, ngoại giao, chính trị, sự trở lại Cam Ranh của Nga thích ứng hơn là Hoa Kỳ.

Chính quyền Obama đã công khai loan báo chiến lược trở lại Á Châu và từ ba năm qua lời phát biểu của Ngoại Trưởng Hillary Clinton tại hội nghị ASEAN ở Hà Nội cho thấy Hoa Kỳ coi Biển Ðông không chỉ giới hạn là vấn đề của khu vực. Mặc dầu một cách chính thức, Hoa Kỳ khẳng định là đứng ngoài những tranh chấp chủ quyền tại đây, nhưng Trung Quốc rất khó chịu vì cho rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ các quốc gia Ðông Nam Á trong chủ trương quốc tế hóa vấn đề này. Trong ý đồ bành trướng của Trung Quốc, nhiều hành động khiêu khích đã và đang tiếp tục xảy ra trên Biển Ðông, tuy vậy vẫn còn trong giới hạn thăm dò, cũng như phản ứng của các nước ASEAN - đặc biệt là Philippines và Việt Nam - vẫn chỉ ở mức độ dè dặt kiềm chế.

Hoa Kỳ trở lại căn cứ Cam Ranh sẽ là một sự kiện bị Trung Quốc xem như can dự vào khu vực và dẫn đến sự đối đầu trực tiếp mà cả hai phía đều chưa muốn có. Việt Nam cho dù muốn có sự hiện diện của Hoa Kỳ như một bảo đảm an ninh, nhưng không thể để Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự, vì thế đã nhiều lần xác định là sẽ không để Cam Ranh cho bất cứ nước nào sử dụng. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Hoa Kỳ không có chủ trương phát triển một hệ thống căn cứ quân sự như thời kỳ Chiến Tranh Lạnh chưa kể hạn chế về ngân sách sẽ không thích hợp với những phí tổn để xây dựng căn cứ tiếp liệu khổng lồ ở Cam Ranh như trong chiến tranh Việt Nam.

Vịnh Cam Ranh cũng không phải là một căn cứ tối cần thiết để Hải Quân Hoa Kỳ hiện diện trong Biển Ðông. Có thể trở lại với căn cứ Subic ở Philippines, trong chừng mực nào đó dễ dàng hơn, ít tốn kém và hiệu quả hơn, bảo đảm được sự phòng thủ an toàn mà không bị lôi cuốn vào các hệ quả ngoài ý muốn. Hơn nữa với các căn cứ ở Nhật, Guam và phương tiện hậu cần đặt tại Singapore, hạm đội Hoa Kỳ với hàng không mẫu hạm và tiềm thủy đĩnh nguyên tử là hai lực lượng căn bản, có thừa đủ sức mạnh để hoạt động hữu hiệu trên toàn thể khu vực tây Thái Bình Dương qua tới Ðông Ấn Ðộ Dương.

Sau khi Liên Xô tan rã đầu thập niên 1990, nước Nga lui xuống thành một cường quốc hàng nhì cho tới gần đây chính quyền của Tổng Thống Vladimir Putin mới đang có hoài bão tái lập phần nào ngôi vị cũ. Trên bước đường tiến dần đến mục tiêu này, trong hiện tại Nga muốn giữ quan hệ êm ả với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, không đứng về bên nào nếu hai nước kia có tranh chấp. Vì vậy ngay tức thời Nga trở lại gắn bó quá mức với Việt Nam thì không gây khó khăn gì với Hoa Kỳ nhưng sẽ làm Trung Quốc hoài nghi.

Mối quan hệ Việt Nam với Nga ngày nay khác với Liên Xô trước kia, không có ràng buộc quan điểm ý thức hệ hay nợ nần về viện trợ. Việt Nam cũng không có ám ảnh của tranh chấp xung đột quá khứ hay hiện tại như với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trên mặt tinh thần, quan hệ hữu nghị với Nga của nhà cầm quyền đương thời tại Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển và hai nước đều đang tìm cách tăng cường bang giao trên nhiều mặt.

Tổng Thống Vladimir Putin và Thủ Tướng Dmitri Medvedev đều đã qua thăm Việt Nam. Ngược lại Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đã đến Nga trong mấy tháng gần đây. Ðài Tiếng Nói nước Nga loan tin hôm 11 Tháng Ba, Thủ Tướng Dmitri Medvedev và Chủ Tịch Hội Ðồng Liên Bang Valentina Matviyenko đã gặp Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng tại Moscow. Bản tin cho biết hai bên đã thảo luận về triển vọng hợp tác kinh tế và khẳng định tính chất chiến lược của mối quan hệ Nga-Việt. Theo đài này, việc suy giảm trầm trọng kim ngạch và sự khiếm khuyết những dự án liên doanh tiềm năng sau sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết nay đã đi vào quá khứ và hai bên sẽ gia tăng hợp tác về kinh tế, thương mại, năng lượng cùng những khía cạnh chủ chốt của các vấn đề quốc tế. Ðài này dẫn lời của nhà phân tích chính trị Alexei Vlasov nhận định rằng, “Việt Nam là đối tác tốt nhất trên quan điểm bước ra thị trường khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.”

Với tất cả những động thái ấy, tiềm năng Nga trở lại căn cứ Cam Ranh có thể là một thực tế, chỉ còn lại vấn đề thời điểm. Việc này có lợi cho Nga đang cần một đầu cầu quân sự và kinh tế ở Ðông Nam Á, trong khi đó Việt Nam sẽ có được một đối trọng trong sự đương đầu với bất cứ ý đồ nào của Trung Quốc. Sự hiện diện của Nga ở Cam Ranh sẽ giúp gia tăng ý nghĩa cho nguyên tắc tự do giao thông hàng hải trên Biển Ðông mà Hoa Kỳ vẫn luôn luôn nhấn mạnh.

Theo thỏa hiệp năm 1979 ký với Việt Nam, Liên Xô được thuê Cam Ranh trong 25 năm. Trong 10 năm đầu căn cứ đã được mở rộng thành một căn cứ Hải quân và Không quân quan trọng, tuy nhiên trên mặt chính thức Liên Xô và Việt Nam đều phủ nhận sự hiện diện quân sự này. Từ 1990, Nga bắt đầu triệt thoái khỏi Cam Ranh và chỉ còn giữ nơi đây làm một căn cứ do thám điện tử, theo dõi các liên lạc vô tuyến trong vùng Ðông Á. Sau đó Việt Nam đòi Nga phải trả mỗi năm $200 triệu nếu muốn tiếp tục sử dụng căn cứ này, Nga không đồng ý với giá thuê và ngày 2 Tháng Năm năm 2002 lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng.

Bạch thư của Bộ Quốc Phòng Việt Nam tuyên bố chính sách “3 không” năm 2004 và tái xác định năm 2009: không tham gia một liên minh quân sự nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không tham gia hoạt động quân sự sử dụng hay đe dọa vũ lực với nước khác.

Giáo Sư Carlyle Thayer, Học Viện Quốc Phòng Australia, do đó không tin rằng Nga sẽ được phép trở lại thành lập căn cứ ở vịnh Cam Ranh. Từ đầu thập niên 2000, Hoa Kỳ đã thương lượng với Việt Nam mở cửa Cam Ranh cho các chiến hạm ngoại quốc ghé cảng. Ngày 31 Tháng Mười, 2010, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo Cam Ranh sẽ mở cho tất cả mọi chiến hạm nước ngoài, tàu nổi cũng như tàu ngầm, sử dụng từ 2014 sau khi hoàn thành xây dựng một cơ sở sửa chữa vời sự cố vấn kỹ thuật của Nga.

Hiện nay Cam Ranh là căn cứ Hải quân quan trọng nhất của Việt Nam với Lữ Ðoàn Hải Quân 162 đóng tại đây. Lữ đoàn này được trang bị những chiến hạm hiện đại nhất như khinh hạm 2,100 tấn Gepard 3.9 (hai chiến hạm Ðinh Tiên Hoàng HQ-011 và Lý Thái Tổ HQ-012), các loại hộ tống hạm gắn hỏa tiễn và tàu tuần tra cao tốc Svetlyak - tất cả đều do Nga chế tạo.

Những nhận định dè dặt cho rằng chuyến thăm viếng Cam Ranh đầu Tháng Ba của Bộ Trưởng Shoigu có mục đích chính là kiểm tra tiến độ thi công căn cứ tàu ngầm Kilo do các chuyên viên Nga hướng dẫn. Cũng có thể là với nhãn quan quân sự, Tướng Shoigu muốn thị sát tận mắt về giá trị chiến lược của vịnh Cam Ranh mà Thủ Tướng Medvedev đã xác nhận là Nga và Việt Nam đang “thảo luận nghiêm túc” việc sử dụng chung. Mikhail Denisov, phó trưởng ban tiếng Nga của BBC cho rằng, “Chắc chắn nhất là hai bên đang thảo luận về những hợp đồng mua bán vũ khí mới, chẳng hạn sau khi giao hàng đủ 6 tàu ngầm Kilo máy diesel, rất có thể Nga còn muốn bán cho Việt Nam tàu ngầm nguyên tử” vì “trong bối cảnh tình hình Biển Ðông ngày càng phức tạp, Việt Nam rất cần nâng cao khả năng Hải quân sau khi đã đạt tới trình độ là nước ASEAN có lực lượng tàu ngầm mạnh nhất.”

Về phía Nga, căn cứ trong vùng Ðông Nam Á là điều mong muốn và nhu cầu từ lâu của Hải quân nước họ. Sau Chiến Tranh Lạnh, Hải Quân Nga không đủ ngân sách để phát triển nên các chiến hạm của họ hầu hết đã lỗi thời, ngoại trừ một số ít khu trục hạm và tàu ngầm nguyên tử mới. Có thể rằng Trung Quốc đã vượt qua Nga về số chiến hạm, tuy nhiên Hải Quân Nga vẫn còn được coi là đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ.

Nga có khoảng 250 chiến hạm lớn nhỏ, không kể thủy đội trong vùng biển nội hải Caspian, chia thành 4 hạm đội: Biển Bắc, Baltic, Hắc Hải và Thái Bình Dương. Ðiểm đáng chú ý là với một lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới, Hải Quân Nga bị phân tán ra những khu vực rất xa nhau. Hơn nữa hầu hết các hạm đội Nga đều dễ dàng bị chặn đường ra đại dương bởi phải đi qua những vùng biển hẹp, từ Hắc Hải, Baltic cho đến cảng Vladivostok, căn cứ của hạm đội Thái Bình Dương.

Vịnh Cam Ranh vừa là một địa điểm chiến lược quan trọng ở Ðông Nam Á và Thái Bình Dương, vừa là một căn cứ tiếp liệu cần thiết cho hoạt động của Hải Quân Nga. Trong lịch sử hơn 100 năm trước đây, trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905, hạm đội Baltic được điều động để tăng cường cho lực lượng Hải quân ở Viễn Ðông đã phải trải qua một cuộc hải trình dài gần 9 tháng. Một phần do sự mỏi mệt của thủy thủ qua đoạn đường quá dài như vậy, vì chỉ có một thời gian rất ngắn ghé vào vịnh Cam Ranh, lúc đó thuộc Pháp, để được tiếp tế than và nghỉ ngơi, hạm đội của Ðô Ðốc Zinovy Rozhestvensky bị Nhật Bản đánh tan trong trận hải chiến tại eo biển Ðối Mã.

Sự trở lại với Cam Ranh lần thứ ba, nếu có được, thì cũng đáng xem là tình cờ lịch sử của người Nga đối với vịnh thiên nhiên, một cảng nước sâu đẹp hàng đầu trên thế giới này. Từ mấy năm gần đây, dân Nga đã là thành phần du khách đông đảo nhất đến miền bờ biển miền Nam Trung Phần. Phi trường Cam Ranh bây giờ thuộc thành phố Nha Trang, hiện là phi trường quốc tế duy nhất tại Việt Nam có các chuyến bay thẳng nối liền với Vladivostok, Moscow và Almaty của Kazakhstan. Và các quân nhân Nga chắc chắn sẽ không cảm thấy Cam Ranh là nơi xa lạ đối với họ. (HC)
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Mở mắt vẫn bị... mờ
Wednesday, March 13, 2013 5:35:03 PM

Ngô Nhân Dụng

Nhờ các phóng viên báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn mọi người mới biết trẻ em Việt Nam đã được tập thói quen nhìn cờ Trung Quốc treo trên mái trường học. Bài báo đăng cả hình ảnh trong tập sách “Bé Tập Kể Chuyện” do nhà xuất bản Dân Trí ấn hành.

Ngay trang bìa là hình hai em gái đi học, trên nóc ngôi trường phấp phới lá cờ đỏ năm sao. Một bìa khác viết trên đầu trang, quảng cáo mục đích của sách học: Nắm bắt hệ thống các kiến thức trước tuổi đi học.

Nếu trước khi lên 5 hay 6 tuổi, trước khi đến trường học, mà trẻ em biết hình lá quốc kỳ các nước trên thế giới thì cũng không hại gì. Nhưng cuốn sách “Bé Tập Kể Chuyện” lại không giới thiệu đó là cờ của Trung Quốc; mà chỉ giới thiệu nó là cờ mà thôi. Ðể một lá cờ nước khác trên ngôi trường, cho trẻ em nước mình tập đọc, thì thật không hiểu nổi! Các em sẽ tập một thói quen, là coi cờ Trung Quốc là cờ, lá cờ duy nhất, và lầm tưởng đó là cờ của chính các em.

Nếu họ in lá cờ một quốc gia khác như cờ Mexico, cờ Campuchia, thì chỉ chứng tỏ là nhà xuất bản ngu dốt, không hiểu tâm lý trẻ em mà thôi. Nhưng để lá cờ Trung Quốc thì đáng bị kết tội phản quốc. Bởi vì chính phủ Cộng sản Trung Quốc đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của nước ta, sau khi đem quân tấn công đổ máu năm 1974. Cộng sản Trung Quốc cũng đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa của chúng ta vào năm 1988. Cả hai lần, các chiến sĩ Việt Nam đã bỏ mình vì nước. Trung Cộng còn ngang ngược đặt ra một đơn vị hành chánh Tam Sa để chính thức hóa việc cướp nước của họ. Sau vụ Hoàng Sa năm 1974, vụ Trường Sa năm 1988, sau cả vụ tấn công biên giới năm 1979, chính quyền hai nước chưa hề chính thức ký một hiệp ước ngưng chiến nào cả. Có thể coi như hai quốc gia vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, đem lá cờ của Trung Quốc dậy cho trẻ biết đó là “cờ,” mà không nói rõ, có thể đưa ra tòa về tội phản nghịch.

Sau khi hành động phản nghịch đó được phô bày trên bài báo, người ta kinh ngạc về phản ứng của các cơ quan nhà nước phụ trách về giáo dục. Trước hết, Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo không hề hay biết gì về cuốn sách dạy trẻ này, cho tới khi nhà báo vạch ra. Họ mở mắt hay nhắm mắt? Sau khi báo chí phanh phui, các quan giáo dục chỉ cho biết họ sẽ “rà soát!” Sẽ, chứ chưa làm gì ngay cả! Hình ảnh những lá cờ bay phấp phới trên trang sách, mở mắt ra thì phải nhìn thấy và hành động ngay lập tức chứ? Nó đâu phải mấy trái mìn chôn dưới đất mà cần phải rà soát mới thấy? Hay họ mở mắt nhưng mắt vẫn mờ vì những lý do mờ ám? Cái nhà nước này ngồi đó ăn cơm của dân để làm cái gì? Tại sao khi một bác sĩ chỉ dịch bản tài liệu “Dân chủ là gì” thì bị bắt bỏ tù ngay; còn khi một nhà xuất bản nhồi sọ trẻ em bằng lá cờ ngoại quốc thì còn phải đi rà soát ?

Càng ngạc nhiên hơn nữa khi chúng ta nghe những lời chạy chữa của bà Bùi Thị Hương, người chịu trách nhiệm xuất bản của nhà xuất bản Dân Trí. Bà giải thích: “Ðây là sách dịch, mua bản quyền của đối tác nước ngoài... Chúng tôi đã kiểm tra hợp đồng bản quyền thì thấy các điều khoản trong đó rất chặt chẽ, đơn vị phát hành sách phải giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc, không được phép thay đổi.” Bà còn bào chữa: “Hình ảnh trong sách là hình ảnh trường của Trung Quốc thì phải treo cờ Trung Quốc chứ không thể treo cờ Việt Nam được. Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì nặng nề.”

Công tác chữa chạy này theo đúng mô hình quen thuộc, đúng đường lối của Ðảng Ta. Thứ nhất, là chối tội. Thứ hai là gian trá.

Chối tội rằng “nội dung và hình ảnh cuốn sách rất bình thường.” Nhưng đem dạy trẻ em ba, bốn tuổi về lá cờ, cho trẻ em thấy hình ảnh đầu tiên trong sách của lá cờ, mà lại dùng cờ một quốc gia đang xâm chiếm nước mình, thì đó là hành động rất “nặng nề,” không thể coi là bình thường được! Gieo rắc những hạt giống đầu tiên vào trí óc trẻ em, trắng tinh như những trang giấy mới, thì phải thận trọng! Làm sai rồi sẽ không thể dễ dàng xóa đi được. Lối chối tội này giống hệt như sau cuộc cải cách ruộng đất tàn sát hàng trăm ngàn đồng bào. Như nhà văn Lưu Quang Vũ viết: “Có những cái sai không thể sửa được!”

Gian trá, cho nên mới nói đây là sách dịch, cho nên họ vẽ cờ gì mình phải giữ, không thể sửa chữa được; như bà Bùi Thị Hương nói “phải giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc, không được phép thay đổi.” Người đọc chỉ cần coi một trang trong cuốn sách cũng thấy đây không phải là sách dịch.

Trang 14 trong một cuốn sách cho trẻ em tập đọc chữ C. Phần trên có các hình ảnh như Cây, con Cua, con Cá, lá Cờ, trái Cam, vân vân. Dưới là những chữ viết để tập đọc.

Nếu đây là một cuốn sách tập đọc của trẻ em Trung Hoa thì chắc chắn không thể có từng trang cho mỗi chữ A, B, C được. Chữ Tàu không dùng mẫu tự ABC. Trẻ em bên Tàu sẽ tập đọc từ những chữ ít nét, dần dần đọc đến chữ nhiều nét. Như vậy thì không thể nào có vấn đề “giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc” như bà Hương nói. Cam đoan trong bản gốc, nếu có, không có trang nào dạy trẻ em Trung Hoa tập đọc mà lại vẽ hình quả cam cùng với con cua và lá cờ được. Ðó là những chữ rất nhiều nét, khó nhớ, chắc học hết bậc tiểu học các em mới tập nhớ được.

Khi bà Bùi Thị Hương quả quyết, “...chắc sẽ không thể sửa nội dung sách,” và “không thể thay cờ Trung Quốc thành cờ Việt Nam bởi như thế là vi phạm hợp đồng” thì chính mắt bà có biết nội dung bản chữ Hán thế nào không? Có trang nào dạy trẻ em Trung Hoa học các chữ A, B, C hay không? Họ có thay đổi nội dung khi chuyển sách của họ thành sách dạy trẻ em nói tiếng Việt hay không?

Cho nên phải nghi ngờ: Không biết thật sự có một bản gốc nào hay không; hay là đây là một sáng tác của các đồng chí Trung Quốc giúp dạy trẻ em nói tiếng Việt? Nếu có bản gốc, nó đã được dịch “nguyên xi” hay là được phóng tác? Nếu khi phóng tác, người ta đã phải đã sửa tất cả thứ tự trong nội dung, biến đổi lối dậy chữ Hán sang dạy chữ Việt được, thì tại sao không thay đổi được một cái hình lá cờ? Ai làm công việc dịch hoặc phóng tác mấy cuốn sách dạy trẻ em 3, 4 tuổi này? Với mục đích nào? Tại sao một nhà xuất bản của Hội Khuyến Học Việt Nam mà lại khuyến khích cho trẻ em tập nhìn lá cờ Trung Quốc, tập gọi đó là cờ, ngay từ khi các em chưa vào lớp Một? Họ có nằm trong một âm mưu nhồi sọ để đồng hóa trẻ em Việt Nam hay không?

Ngày xưa có ông thi sĩ của đảng cộng sản hân hoan khi được nghe: “Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin.” Nếu sau này có thể sẽ thấy những em bé Việt Nam khi nhìn thấy lá cờ Trung Cộng treo trên trụ sở huyện Tam Sa bèn reo lên: Cờ! Cờ! Yêu biết mấy mấy khi nghe con tập nói!

Công việc nhồi sọ trẻ em Việt Nam này đã có dụng ý man trá ngay từ đầu, khi nhà xuất bản tự giới thiệu, “Cuốn sách được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo Dục Ðào Tạo,” nhưng không nói đó là Bộ Giáo Dục Ðào Tạo đóng tại Bắc Kinh. Nguồn gốc Bắc Kinh của cuốn sách chỉ là một minh chứng cho câu nói nổi tiếng của ông Lê Duẩn: “Ta Ðánh Miền Nam là Ðánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc...”

Nhờ các nhà báo lanh mắt và có lương tâm, một âm mưu nhồi sọ và đồng hóa đã bị vạch ra. Như nhà thơ Bùi Chí Vinh đã viết:

Nhân dân ngửi ra mùi bá quyền qua Luật biển năm 1982...

Thi sĩ đánh hơi mùi bành trướng qua Tuyên bố ứng xử biển Ðông... đã hóa trò hề

Tất cả đã ngửi, đã đánh hơi, đã báo động nhiều lần nhưng chẳng ai nghe

Ðã không nghe lại còn bịt miệng Tú Xương, khóa mồm Cao Bá Quát

Hèn chi đến hôm nay mở mắt vẫn bị... mờ!
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Hiến pháp: Con dao hai lưỡi
Nguyễn Hưng Quốc
Các quốc gia trên thế giới có rất nhiều điểm khác nhau. Khác về địa lý. Về diện tích. Về dân số. Về kinh tế. Về văn hoá. Về chế độ chính trị. Về sức mạnh quân sự. Về chỉ số dân chủ, minh bạch cũng như hạnh phúc. Rất nhiều. Hầu như chỉ có một điểm chung dễ thấy nhất: Nước nào cũng có hiến pháp. Không có hiến pháp thành văn thì có hiến pháp bất thành văn (như trường hợp Anh, Israel và New Zealand). Không những phổ biến, hiến pháp còn là một điều khẩn cấp và thiết yếu: Trong thời hiện đại, bất cứ quốc gia mới nào được ra đời - từ nội chiến hoặc từ sự tan rã của chế độ thực dân hay, gần đây, chế độ Cộng sản - cũng đều xem việc viết hiến pháp là một trong những công việc được ưu tiên hàng đầu.

Tính chất phổ biến, khẩn cấp và có vẻ như thiết yếu ấy cho thấy hai mặt tích cực và tiêu cực của hiến pháp.

Tích cực: Hầu như ở đâu người ta cũng nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của hiến pháp.

Tầm quan trọng ấy thể hiện ở mấy điểm chính:

Thứ nhất, hiến pháp là khung pháp lý căn bản nhất để xây dựng cấu trúc của các thiết chế chính quyền với những cơ quan và những chức danh lớn nhất - những nơi có nhiều quyền hành nhất trong một quốc gia.

Thứ hai, hiến pháp là cơ sở tạo nên tính chính đáng của nhà cầm quyền. Nó giống như lễ rửa tội cho một chế độ. Được hiến pháp công nhận, trên nguyên tắc, là được nhân dân trong nước và được quốc tế công nhận. Có thể nói, hiến pháp và việc thực thi theo hiến pháp, làm cho giới lãnh đạo vừa có thẩm quyền (authority) vừa có quyền lực (power).

Thứ ba, hiến pháp là nền tảng và là tiêu chí để dựa theo đó nhà cầm quyền soạn thảo các bộ luật khác nhằm điều hành đất nước cả trong quan hệ đối nội cũng như đối ngoại. Không có nền tảng và tiêu chí chung ấy, không thể có sự nhất quán trong các chính sách; không có sự nhất quán, chế độ không thể có một bản sắc riêng được.

Thứ tư, hiến pháp nêu lên một số lý tưởng và giá trị mà cả dân tộc đồng thuận và theo đuổi không những trong hiện tại mà còn cả trong tương lai. Những lý tưởng và giá trị ấy vừa có chức năng tạo nên bản sắc cho quốc gia vừa có chức năng nối kết các công dân lại với nhau thành một cộng đồng. Chính ý niệm về bản sắc và sự nối kết ấy là những thành tố quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh của đất nước.
Thứ năm, hiến pháp là khế ước giữa những người cai trị và những người bị trị.

Trong khế ước ấy, những người cai trị biết được giới hạn quyền lực của mình và những người bị trị chấp nhận vị thế bị trị của mình: Một mặt, họ thừa nhận quyền lực của giới lãnh đạo; mặt khác, họ tự nguyện tuân thủ các quy định trong hiến pháp.

Một hiến pháp lý tưởng, trong một quốc gia dân chủ thực sự, thường bao gồm các yếu tố chính:

Một, nhắm đến mục tiêu chính là giới hạn quyền lực của giới lãnh đạo. Quyền lực bao giờ cũng có khuynh hướng trở thành độc tôn và sẵn sàng chà đạp lên người khác. Hiến pháp được đặt ra, trước hết, là để ngăn chận tình trạng lạm quyền và lộng quyền ấy. Nó ngăn chận bằng cách đặt ra những quy trình đi đến quyền lực, sự phân bố quyền lực, những giới hạn của quyền lực và những sự kiểm soát nghiêm nhặt mà những người có quyền lực phải chấp nhận.

Hai, nhắm đến mục tiêu bảo vệ những người bị trị. Xin lưu ý: Hiến pháp, tự bản chất, được viết là để nhằm bảo vệ những người bị trị chứ không phải bảo vệ những người cai trị. Giới cai trị không cần được bảo vệ: Họ đã có sẵn mọi quyền lực để tự bảo vệ họ. Chỉ có những người bị trị, những người dân thường, những người có quyền (right) và đã ủy thác thẩm quyền (authority) cho những kẻ có quyền lực (power), mới cần được bảo vệ, trước hết và quan trọng hơn hết, bảo vệ quyền sống như một con người, quyền tự do như một cá nhân và quyền ủy thác như một công dân (thể hiện qua việc bầu cử một cách tự do, minh bạch và bình đẳng).

Ba, những giá trị được đề ra trong hiến pháp phải có tính chất phổ quát, nghĩa là đặt trên nền tảng tôn trọng nhân quyền với ba nội dung chính là: tôn trọng sự bình đẳng của con người, tôn trọng quyền tự do của cá nhân và tôn trọng quyền tham gia của mọi công dân trong quá trình điều hành đất nước.

Bốn, nó là một sự chỉ dẫn và cũng là một sự bảo đảm cho một hệ thống pháp quyền (rule of law) thực sự. Quan hệ giữa hiến pháp và pháp quyền là một quan hệ hai chiều: Hiến pháp tăng cường sức mạnh cho pháp quyền và pháp quyền, ngược lại, làm cho hiến pháp có hiệu lực và giá trị. Không có hiến pháp (thành văn hoặc bất thành văn), pháp quyền sẽ không có nội dung cụ thể, từ đó, không có ý nghĩa. Không có pháp quyền, hiến pháp chỉ là những sự tuyên truyền suông.

Ở trên là những ý nghĩa tích cực của hiến pháp. Nhận ra ý nghĩa ấy, trong thời hiện đại, hầu như mọi chính trị gia, một cách thực lòng hay chỉ giả vờ, đều bày tỏ sự quan tâm đến hiến pháp. Đó là lý do chính giải thích tính chất phổ thông, khẩn cấp và có vẻ thiết yếu của hiến pháp ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, chính sự kiện nước nào cũng có hiến pháp, dân chủ có hiến pháp, đã đành; độc tài cũng có hiến pháp, và hiến pháp của họ có khi cũng rất hay, cho thấy là hiến pháp không nhất thiết gắn liền với dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp quyền. Bản hiến pháp Mỹ năm 1789 đã trở thành nền tảng để xây dựng chế độ dân chủ ở Mỹ, và từ đó, ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng cũng với các bản hiến pháp dày cộm và đẹp đẽ trên tay, Stalin, Hitler và Mao Trạch Đông đã giết chết cả hàng chục triệu người, không thua kém bất cứ tên bạo chúa khát máu nào trong lịch sử nhân loại, kể cả ở các thời chưa từng có ý niệm hiến pháp. Trong ba người vừa kể, hầu hết các nạn nhân của Stalin và Mao Trạch Đông đều là chính dân chúng nước họ, những kẻ, trên nguyên tắc, được xem là đồng-tác giả của hiến pháp nước họ.

Điều đó cho thấy, một, tuy trên lý thuyết, hiến pháp ra đời cùng với ý niệm dân chủ, nhưng trên thực tế, tự bản thân nó, hiến pháp không là gì cả; và hai, hiến pháp có những mặt tiêu cực: được/bị sử dụng như một công cụ để trấn áp nhân dân.
Hiến pháp được/bị sử dụng cho những mục tiêu xấu như thế nào?

Thứ nhất, nó chỉ nhắm đến mục đích trao quyền nhưng lại làm ngơ trước vấn đề phân quyền và hạn chế quyền lực. Bằng cách ấy, nó chỉ có tác dụng củng cố chế độ độc tài và toàn trị.

Thứ hai, với dân chúng, nó chỉ đặt ra vấn đề bổn phận và trách nhiệm nhưng lại không nhấn mạnh vào các quyền chính trị, xã hội và pháp lý của họ. Bằng cách ấy, nó tước đoạt các quyền căn bản của người dân, biến dân chúng thành những tên nô lệ hiện đại nhằm phục vụ cho giới cầm quyền tham lam và tàn bạo.

Thứ ba, ngay cả khi được viết bằng một thứ ngôn ngữ rất tiến bộ, phù hợp với các yêu cầu chung trên thế giới, nhưng nếu không được thi hành, một bản hiến pháp cũng không có giá trị gì trừ việc trở thành cái cớ pháp lý để chính quyền đàn áp nhân dân.

Trong ba mục tiêu trên, hai mục tiêu đầu có thể được nhìn thấy ngay trên văn bản; mục tiêu thứ ba chỉ có thể được nhìn thấy bằng cách phân tích chu cảnh chính trị (political context) của quốc gia. Ở khía cạnh này, Việt Nam cũng giống hầu hết các quốc gia độc tài khác, thường sử dụng hiến pháp như một cách để biện chính cho quyền lực của mình và để tạo thế chính đáng cho chế độ của mình. Khi họ biết dân chúng đánh mất niềm tin ở họ, khi trong nước càng ngày càng có nhiều người phản đối họ, họ bèn bày vẽ ra chuyện viết lại hoặc sửa đổi hiến pháp, sau đó, thông qua hiến pháp để có thể lu loa với mọi người, trong cũng như ngoài nước, là họ đã được nhân dân ủy thác cả thẩm quyền và quyền lực. Tệ hơn nữa, sau đó, họ có thể sử dụng hiến pháp ấy như một công cụ để trấn áp dân chúng và duy trì sự độc tài của mình.

Nói hiến pháp là một con dao hai lưỡi là vì thế.
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

10,000 Cán Bộ CS Ra Hải Ngoại

Tác giả : Vi Anh

Tin Việt Báo, dẫn nguồn của Đảng Ủy Ngoài Nước, cơ quan phụ trách về “công tác Đảng” hải ngoại, tiết lộ hiện đang có “hơn mười nghìn đảng viên đang sinh hoạt trong các tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Ngoài nước.” Và báo Nhân Dân, tiếng nói chánh thức của Đảng CSVN, ngày 6-3-2013 cũng không giấu diếm hiện nay có “hơn mười nghìn đảng viên đang sinh hoạt trong các tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Ngoài nước.” Báo này cũng nói “có hơn 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 500.000 lao động xuất khẩu, hơn 100.000 lưu học sinh,

Nếu tính về hoạt động sách động của CS, số 10.000 cán bộ này rất lớn. Vi trùng tuy nhỏ nhưng hoạt động, năng động nên có thể gây bịnh giết người nếu con người lơ là không phòng vệ, thiếu kháng thể. Ngày xưa trong làng xã VN Cộng Hoà, Việt Cộng chỉ có vài người. Nhưng VC đầu hôm bắn chỗ này vài phát, gần sáng đền chỗ kia bắn vài phát, anh em dân vệ, bảo an phải đối phó, mất ăn, mất ngủ, dân làng ngán đi chợ, không dám cho con đến trường, đợi chánh quyền mở đường rồi mới dám đi.

Với CS, kiểm soát người dân là công tác chính. Kiểm soát người dân ở ngoại quốc càng quan trọng hơn. Vì ở nội địa CS có nhiều định chế kềm kẹp, che dấu, tuyên truyển một chiều, người dân khó động tịnh, khó bày tỏ bất mãn, chống đối.

Còn ở ngoại quốc, nhứt là ở những nước Tây Phương văn minh, xã hội tự do, người dân tự do tìm đường mưu sinh, hạnh phúc. Người Việt ra khỏi nước đễ tìm cách ở lại qua hôn nhân, đầu tư nhập cư, hay sống không giấy tờ cũng có thể được như cả chục người Hispanics ở Mỹ,v.v...

Nên CS phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ. Nhứt là ở những nước có người Việt tỵ nạn CS định cư như ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc đại đa số đã thành công dân sở tại như Mỹ, Úc, Pháp, người Việt “xuất cảng lao động”, công tác, du học, đầu tư, du lịch rất dễ tìm cách ở lại, do bà con giúp đỡ và luật pháp cũng dể dàng.

Bên cạnh công tác kiểm soát người Việt “xuất cảnh” (500 ngàn xuất khẩu lao động, 100 ngàn du học, hàng 100 ngàn du lịch, cán bộ đảng viên đi công tác), cán bộ CS ở hải ngoại còn phải làm công tác “địch vận” nữa – tức chống lại tập thể người Việt tỵ nạn CS mà CS Hà nội gọi là “lực lượng thù địch”.

Số người Việt tỵ nạn CS nay đã gần 40 năm rồi, quá một thế hệ xã hội học rồi. Số người này trên thực tế đã lập được kỳ tích: một Việt Nam Hải Ngoại rồi. Về tinh thần và chánh trị, tập thể Việt Nam Hải Ngoại này đã trở thành như “Pháp Quốc Hải Ngoại” thời nước Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng.

Nhờ tiến bộ khoa học, kỹ thuật của Tin Học, truyền thông tiếng Việt trong đó có phát thanh, phát hình, báo chí chuyển qua cable, satellite và Internet, các cộng đồng người Việt tỵ nạn CS ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc châu đã kết nối dễ dàng với nhau. Tuy không có chánh quyền, chưa có chánh phủ lưu vong cấp trung ương, không có riêng một lãnh thổ, nhưng nhờ có cảm nghĩ thuộc về nhau (sense of belonging), cùng chung một căn cước tỵ nạn CS, và chánh nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN nên đã cùng làm ra một Việt Nam Hải ngoại.

CS Hà nội là những người chuyên môn lũng đoạn hàng ngũ người Việt Quốc gia và chuyên nghiệp cướp chánh quyền đâu có dễ gì buông tha cho những người Việt Nam hải Ngọai. Nên việc CS đánh phá các cộng đồng VN ở hải ngoại và VN hải ngoại là chuyện đương nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên cả. Chuyện họ tung hàng chục ngàn cán bộ đảng viên CS ra hải ngoại để làm công tác dân, địch vận, tuyên truyền đen trắng xám là chuyện bình thường trong chánh trị “địch và ta” của CS.

Một mặt CS dùng nhiều chiêu bài chiêu dụ như hòa giải hòa hợp, để quá khứ ra sau hướng về tương lai phía trước, đem tiền tài, tri thức, kinh nghiệm về xây dựng quê hương. Mặt khác lên án ai không theo CS là “lực lượng thù địch”, móc nối người trong cộng đồng bôi tro, trét trấu, hề hóa nhân vật công đồng và người Việt hải ngọai kiên định lập trường chống CS. Như CS tuyên truyền đen, trắng, xám rằng chống Cộng là “chống gậy”, biểu tình chống Cộng chỉ còn có ”bảy tám người”, đi biểu tình tranh dấu cho tự do tôn giáo, tự do, dân chủ, nhân quyền VN, tòan vẹn lãnh thổ VN bị chụp hình thì khó “tránh đâu” khi hữu sự xin visa về VN, v.v...

Nhưng hầu hết người Việt tỵ nạn CS là thành phần ưu tú của Việt Nam Cộng Hoà, thừa hưởng tinh thần quốc gia của quốc gia dân tộc VN, với cả triệu người Miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.

Tinh thần quốc gia đó đã giúp cho tập thể người Việt tỵ nạn trong xã hội tự do tuy có khi bất đồng nhưng không bất hoà. Lúc nào cũng đứng chung trong mẫu số chống Cộng và bảo tồn văn hoá Việt.

Nhờ vậy nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng là nhiệm vụ chung, nhiệm vụ của mỗi một người. Một em học sinh thấy cô giáo đưa cờ CS VN ra nói cớ VN, cũng thưa cô không phải và vế nhà thưa với ba má, ba má báo động với cộng đồng để can thiệp với trường trong việc bảo vệ màu cờ sắc áo của VN.

Đa số phê bình thái độ đứng ngòai chờ các tổ chức cộng đồng, hội đòan, đòan thể làm cho mình hưởng là thiếu tinh thần công dân giáo dục, thiếu tinh thần cộng đồng, thiều tình liên đới, và quên nguồn gốc của mình.

Và nhờ vậy mà mấy chục năm qua CS Hà nội không làm gì được Việt Nam Hải ngoại. Lãnh đạo nhà nước CSVN là những người bị đồng bào biểu tình chống đối nhứt thế giới. Cờ của CS chỉ treo được ru rú trong sứ quán. Vấn đề nhân quyền VN trở thành trở ngại trung tâm trong ngoại giao giữa Hà nội và các nước. Người Việt hải ngoại và đồng bào trong nước hết sợ CS, đang “bám thắc lưng địch” mà đấu tranh để giành lại quyển sống và quyền làm chủ đất nước./.( Vi Anh)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests