Thời Sự, Bình Luân

KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Ðảng tan rã từ nền tảng

Ngô Nhân Dụng

Ông Nguyễn Phú Trọng không phải là người duy nhất báo động tình trạng đảng cộng sản đang nằm trên giường bệnh, có thể chết bất cứ lúc nào, mà ông gọi là nguy cơ “đe dọa sự sống còn của chế độ.”

Ông Trọng nói thì người ta có thể tin, vì ông là tổng bí thư, một người nhận được tin tức có lẽ đầy đủ nhất để kết luận mạng sống của đảng cộng sản đang bị đe dọa. Nhưng việc chẩn bệnh của ông Nguyễn Phú Trọng không đầy đủ. Ông cho là nguyên nhân khiến sinh mạng của đảng bị đe dọa là do cán bộ, trong đó có cả những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Theo ông chẩn bệnh, họ bị “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”

Chẩn bệnh như vậy là chỉ thấy các triệu chứng bên ngoài, không nhìn ra gốc của căn bệnh nằm từ bên trong. Ðịnh bệnh sai thì không thấy được thuốc chữa đúng; chỉ lo chuyện chữa các triệu chứng là không tìm hiểu tại sao lại sinh ra các triệu chứng này. Không khác gì cứ cho một bệnh nhân uống thuốc thông cổ, tiêu đờm, giảm chứng ho hen mà không tự hỏi tại sao bệnh nhân ho. Không tìm hiểu nên không biết hắn đã bị ung thư phổi từ lâu rồi.

Tại sao các cán bộ bị “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống?” Trong cơ cấu tổ chức của các đảng cộng sản, trong phương cách đảng chiếm lấy chính quyền và sử dụng quyền hành để cai trị, mà ông Trọng gọi là lãnh đạo và quản lý, phải chứa đựng những căn bệnh trầm kha cho nên mới nẩy sinh ra những cán bộ như vậy. Mà cái triệu chứng ho hen này cứ kéo dài mãi mãi, càng ngày càng nặng nề hơn, cho thấy nếu cứ chữa trị loay hoay ở bên ngoài thì không bao giờ hết bệnh cả.

Chúng ta sẽ phân tích những vấn đề cơ cấu gây nên căn bệnh của các đảng cộng sản khắp thế giới. Nhưng nguyên nhân đầu tiên không phải chỉ nằm trong cơ cấu tổ chức, mà thực ra đã có sẵn từ khi các chế độ cộng sản đầu tiên ra đời. Ðó là những bệnh gọi là “tiên thiên.” Giống như những đứa trẻ bị tật bẩm sinh, người Việt gọi là “tiên thiên bất túc.”

Các đảng cộng sản ra đời dựa trên một niềm tin, tin vào chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Họ lập ra những chế độ gọi là cộng sản; chế độ dựa trên một trật tự tinh thần do hai ông Karl Marx và Lenin đặt nền tảng. Ông Marx cho họ niềm tin vào lý thuyết của ông về lịch sử, ông bảo lịch sử đã diễn biến theo những quy luật mà ông tìm ra, và sẽ đi theo đúng bản lộ trình đó. Cho nên, cứ theo ông mà đấu tranh thì đi đúng đường của lịch sử. Marx đã dựng lên một thứ tín ngưỡng, cống hiến cho người ta một niềm hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn. Nhiều người đi theo chủ nghĩa cộng sản đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì niềm tin vào hy vọng tương lai; không khác gì những người ôm bom tự sát bây giờ.

Ông Lenin đặt nền móng để thiết lập một giáo hội, huấn luyện các giáo sĩ để thực hiện và truyền bá niềm tin đó. Ông chủ trương dùng quyền lực nhà nước để thực hiện những điều Marx đã tiên tri; thiết lập chế độ chuyên chính. Một niềm tin cộng với một guồng máy chuyên chế, đó là căn bản của các chế độ cộng sản.

Nhưng chỉ cần bình tâm suy nghĩ một chút, người ta đã thấy những lý thuyết của cả Marx lẫn Lenin đều đưa người ta vào ngõ cụt. Bản Tuyên ngôn Cộng sản do ông Marx viết mở đầu bằng một định đề nói rằng “lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp.” Dựa trên ý tưởng đó, ông đã lý luận một hồi để bảo rằng nếu cứ đi theo ông, sẽ đến lúc xã hội loài người không còn giai cấp nữa. Kết luận này hoàn toàn trái ngược với định đề đầu tiên của ông về bản chất của lịch sử. Nếu kết luận của ông đúng, thì cái định đề đầu tiên sai; còn nếu cái định đề đó đúng thì câu kết luận chỉ là một ảo tưởng.

Ông Lenin thiết lập một kiểu mẫu chính quyền gọi là “chuyên chính vô sản,” với giả thiết rằng guồng máy chuyên chế đó sẽ tới lúc tự nó giải tán, theo đúng lời tiên tri của Marx. Giống như lập ra một giáo hội, tuyển chọn những tay dám giết người và dám chết làm giáo sĩ; rồi ban cho các giáo sĩ đó toàn quyền quyết định đời sống với cái chết của tất cả mọi người; nhưng lại hứa hẹn rằng sẽ có ngày tất cả giáo đoàn này sẽ tự giải tán. Ðó là một ảo tưởng, còn hoang đường hơn cái ảo tưởng của Karl Marx. Và độc hại hơn, vì ông Marx chỉ nói suông thôi chứ chưa nhúng tay vào máu. Cuối cùng, ai cũng biết là những chế độ độc tài toàn trị không bao giờ tự giải tán được. Thay vì tiến tới một xã hội không có giai cấp, người ta chỉ thấy hệ thống cấp bực chia chác các đặc quyền đặc lợi ngày càng phức tạp và kiên cố hơn.

Chúng ta bây giờ đã sống hơn trăm năm kể từ ngày ông Marx thuyết giáo, gần 100 năm kể từ lúc ông Lenin cướp được chính quyền. Khi nhìn lại, phải tự hỏi không hiểu tại sao đã có những người tin tưởng vào những lý thuyết mơ hồ và đầy nghịch lý như vậy. Nhiều đảng viên cộng sản sau này hay nêu ra những “nghịch lý” trong xã hội họ đang sống; khi thấy lý thuyết và thực tế trái ngược nhau. Nhưng phải biết từ căn bản, chủ nghĩa Mác-Lê Nin đã đầy mâu thuẫn ngay trong tư tưởng. Chính vì thế mà ngay từ lúc thành hình các chế độ cộng sản đều chứa sẵn cái mầm tự hủy diệt; vì những mối mâu thuẫn càng ngày càng nặng hơn, không thể tự cởi bỏ được. Cho nên, các chế độ cộng sản ở Nga và các nước Ðông Âu đã tự giải thể. Các đảng cộng sản tự tan rã mà không ai tiếc nuối, kể cả các đảng viên. Trên thế giới không còn ai coi những lý thuyết của Marx và Lenin là chuyện đứng đắn nữa. May mắn cho các nước trên, những cuộc cách mạng diễn ra trong hòa bình, không đổ máu vô ích.

Nhưng “diễn biến hòa bình” là con đường tốt nhất để giải quyết những tai họa cho xã hội mà chế độ cộng sản đã tạo nghiệp. Trong khi ai cũng biết một chế độ dẫu đầy mâu thuẫn không thể nào tồn tại được nữa thì con đường tốt nhất là cho chúng giải tán một cách hòa bình.

Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng của ông lại lo sợ về “diễn biến hòa bình.” Khi đã biết thế nào cũng phải giải tán, nếu không muốn tan rã một cách hòa bình tức là chọn con đường tan rã trong hỗn loạn. Các lãnh tụ cộng sản chống “diễn biến hòa bình” vì họ nghĩ rằng có thể tìm một con đường khác để tiếp tục cai trị, coi như tất cả mọi người đều ngu dốt hoặc hèn nhát, hoặc vừa ngu lại vừa hèn. Cảnh tan rã của các đảng cộng sản ở Âu Châu đã xóa sạch niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Sau hơn 20 năm, các nước Ðông Âu trở lại cuộc sống bình thường đã xây dựng dân chủ tự do và kinh tế phồn thịnh, ai cũng trông thấy. Cho nên, chính các đảng cộng sản ở Trung Quốc cũng như Việt Nam trên thực tế đang tự thực hiện một diễn biến hòa bình! Họ đã biết không còn dùng chủ nghĩa Mác-Lê Nin vào việc gì nữa. Thay vì tin vào cách mạng vô sản toàn thế giới, ngày nay họ chỉ mong theo gót những chế độ độc tài kiểu tư bản thời hoang sơ. Họ cố gắng bảo vệ độc quyền chính trị với một hệ thống chia chác quyền lợi, nuôi một bộ máy kìm kẹp dựa hoàn toàn trên lợi lộc. Tất cả những tuyên ngôn về chủ nghĩa Mác-Lê Nin đưa ra trong các kỳ đại hội chỉ là cái màn che đậy cho sự thật nhem nhuốc ở bên trong. Như chúng ta đang chứng kiến, những màn tranh chấp, đấu đá giữa Ba Dũng với Tư Sang, giữa Nguyễn Phú Trọng với Nguyễn Tấn Dũng, giữa Dũng với Nguyễn Bá Thanh hoàn toàn không liên quan gì đến các vấn đề như chủ nghĩa Mác-Lê Nin hay tư tưởng Mao Trạch Ðông! Tất cả đều là những cuộc cãi cọ về hệ thống chia chác quyền ban phát đất để làm ra tiền.

Chế độ độc tài mới của đảng cộng sản dựa trên một cơ cấu chia chác quyền lợi mà chính cơ cấu đó cũng chứa đựng những mâu thuẫn không thể đứng vững được. Cả Nguyễn Tấn Dũng lẫn Nguyễn Phú Trọng đều nói đến các cán bộ, đảng viên suy thoái. Nhưng mọi người biết họ chỉ dùng chiêu bài đó để tìm cách đá lẫn nhau, nếu được thì lật đổ nhau. Tất cả đều tham nhũng như nhau, anh này đưa tay lên chỉ trỏ bảo anh kia là tham nhũng. Vì vậy các anh giành nhau cái chức trưởng ban bài trừ tham nhũng, để dùng khí cụ đó hại lẫn nhau.

Những cảnh tranh quyền giành lợi lộc đang diễn ra cho thấy sợi dây cấu kết các lãnh tụ cộng sản lớn nhỏ với nhau đang rạn nứt. Mối rạn nứt ngày càng nặng nề hơn và càng khó thỏa hiệp hơn. Vì vậy, cảnh tan rã của đảng cộng sản đang diễn ra trước mắt chúng ta.
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Sửa Đổi Hiến Pháp

Tác giả : Trần Khải

Nhà nước CSVN có thật tâm muốn sửa đổi Hiến Pháp? Có thật tâm muốn nghe ý kiến người dân?

Có muốn nghe lời nói thẳng, hay chỉ muốn dàn cảnh để sắp xếp những ý kiến phe ta trong các nhóm quan chức đưa ra, và sẽ đè bẹp các ý kiến từ phe người dân thuộc quần chúng thực sự?

Trên nguyên tắc, nhà nước qua Nghị quyết của Quốc hội đã chính thức kêu gọi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hiến Pháp này, cần ghi nhận, trái nghịch với Hiến pháp đa đảng đa nguyên 1946 của thời ông Hồ Chí Minh (cũng trên nguyên tắc) liên minh, liên hiệp đa đảng để mời gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp.

Như thế, góp ý cho Hiến pháp 1992 nếu chỉ thuần túy về văn phạm hay văn chương thì có ý nghĩa gì?

Nếu góp ý xin sưả đổi nội dung thì sẽ có dám thảo luận về sửa đổi các cấm kỵ hay không?

Một bản văn có tên là Kiến Nghị về Sửa Đổi Hiến Pháp đã được phổ biến đầu tiên trên mạng Bauxite VN và trong vòng vài ngày (tính tới chiều Thứ Năm 24-1-2013) đã thu hút tới 850 chữ ký của nhiều trí thức nổi tiếng trong và ngoài nước.

Điển hình trí thức tham gia, trong nhóm đầu tiên ký tên có Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội; Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu, Hà Nội; Nguyễn Huệ Chi, GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học, Hà Nội; Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động, TPSG; Nguyễn Xuân Diện, TS, Hà Nội; Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội; Lê Hiền Đức, Giải thưởng Liêm chính 2007, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Hà Nội... và nhiều nữa.

Họ là những người trước giờ đã quan tâm, xuất hiện trong hầu hết các diễn biến quan trọng mấy năm gần đây, từ những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lấn biển, lấn đaỏ, cho tới kêu gọi chính phủ ngưng cho các công ty Trung Quốc thuê rừng nguyên sinh đầu nguồn, kêu gọi nhà nước giải quyết cho dân oan bị giải tỏa đất kiểu cướp sạch, và gần nhất là viết thư kêu gọi cho toàn dân hưởng các quyền con người căn bản như tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình...

Một cách nhìn sau này của lịch sử: họ là những người đi các bước đầu tiên, sau lượt ngưoòi đầu tiên đòi dân chủ như Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhà báo tự do Điếu Cày Nguyễn Văn Hải -- những người bị đẩy vào tù chỉ vì đơn độc đi đầu.

Người ta không rõ rồi việc ký tên chung như thế, có sẽ bị tách rời từng người để trù dập hay không.

Bản Kiến Nghị Về Sưả Đổi Hiến Pháp của các trí thức đã nói lên rất minh bạch rằng họ không chấp nhận những cuộc đàn áp phi lý nữa, khi quyền con người bị đè ép hơn nửa thế kỷ trên cả nước, và khi rất nheiìu quốc gia trên thế gióới đã gỡ bỏ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, và bi thảm như Miến Điện cũng đã tỉnh thức để rời bỏ độc tài.

Bản Kiến Nghị này có thể trích vài ý quan trọng như sau, trước tiên là cần đa đảng, thu1ứ nhì là quyền con người (tức nhân quyền theo Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ), thứ ba là sở hữu đất đại, và vân vân:

“...Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước....

Dự thảo đã điều chỉnh thứ tự để đề cao các quyền này so với Hiến pháp hiện hành, nhưng lại có nhiều điểm chưa phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế về quyền con người; như các quy định trong Dự thảo về giới hạn quyền (Điều 15), “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân” (Điều 16), “quyền không tách rời nghĩa vụ” (Điều 20). Dự thảo còn quy định quá nhiều nghĩa vụ một cách tùy tiện (Điều 41, Điều 42, Điều 49,…). Việc nhấn mạnh trong Dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ “theo quy định của pháp luật”, ... nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế những năm qua ở nước ta.

Chúng tôi yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Nếu các quyền này được ghi trong Hiến pháp mà không được thực thi nghiêm túc như hiện nay, thì việc quy định các quyền ấy cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy chúng tôi yêu cầu Hiến pháp quy định thành lập một Ủy ban Quốc gia về Quyền Con người hoạt động độc lập.

Kiến nghị thứ ba về sở hữu đất đai..

...Điều 57 Dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” là duy trì quy định sai trái, bỏ qua những vấn đề ngày càng trầm trọng do quy định này gây ra mà hàng triệu khiếu nại, khiếu kiện về đất đai trong những năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hết sức nguy hiểm.

Không thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai cùng tồn tại với sở hữu nhà nước là tước đoạt một quyền tài sản quan trọng bậc nhất của người dân. Đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai là tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân.

Dự thảo còn “hợp hiến hóa” việc thu hồi đất, trong đó lại mở rộng phạm vi áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội; đây là một sự thụt lùi so với Hiến pháp 1992 và có thể gây bùng nổ bất ổn xã hội...”(hết trích)

Bản văn đầy đủ ở: http://boxitvn.blogspot.com.

Tuy nhiên, có thể tin rằng Hà Nội muốn sửa đổi thực sự?

Trí thức đã lên tiếng rồi đó. Rất dõng dạc. Cần đa đảng đa nguyên. Cần quyền con người tôn trọng. Cần sở hữu đất để xóa sổ tình hình cán bộ cướp đất của dân.

Đó là những gì khẩn cấp phải thay đổi, để toàn dân đoàn kết được nhằm đối phó hiểm họa mất đất, mất biển, và mất nước vậy.
huynhtruong25
Posts: 142
Joined: Sun Sep 25, 2011 9:48 pm
Contact:

Post by huynhtruong25 »

Ai là tác giả hiệp định Paris

Ngô Nhân Dụng

Khi hiệp định Paris được ký kết, trước đây 40 năm, nhiều người vui mừng, vì ít nhất dân Việt Nam sẽ không chết vì chiến tranh nữa. Nhiều người còn hy vọng đó là một bước rẽ, mở con đường mới cho miền Nam Việt Nam.

Sau cùng, ai cũng biết, đó chỉ là một thủ thuật, dùng trong một giai đoạn, của đảng Cộng Sản Việt Nam trong chương trình chiếm quyền cai trị trên cả nước Việt Nam, với mục đích “đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Nhưng ngay cả nỗi vui mừng vì cảnh chết chóc chấm dứt cũng biến mất. Người Việt Nam trong vài năm tiếp theo không chết vì chiến tranh thường xuyên nữa, nhưng nhiều người vẫn chết vì sau đó cuộc chiến lại tiếp tục. Số quân nhân hai bên bị tử thương trong cuộc tổng tấn công của Cộng Sản năm 1975 cũng lớn gấp nhiều lần so với khi chiến tranh còn tiếp diễn. Số người chết trên đường vượt biển còn lớn hơn số thường dân chết trong một năm chiến tranh. Chưa kể nỗi đau thương của bao nhiêu gia đình bị đẩy đi vùng kinh tế mới hoặc có người bị đi tù cải tạo. Và chiến tranh lại tiếp diễn ở Campuchia với 50 ngàn thanh niên Việt Nam bỏ xác, và ở biên giới Hoa-Việt, mà con số thương vong không bao giờ được công bố.

Số phận của những người dân miền Nam Việt Nam đã được quyết định trước đó nhiều năm. Năm 1968, trong khi đang tranh cử tổng thống Mỹ, ông Richard Nixon đã cho cố vấn là Henri Kissinger đến gặp đại sứ Nga ở Washington đề nghị giới lãnh đạo Nga Xô đừng làm trò gì ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Kissinger trình bày trước lập trường của ông chủ mình về bang giao Nga-Mỹ; trong đó ông ta đặc biệt nhấn mạnh: Nếu đắc cử, ông Nixon sẽ rút quân khỏi Việt Nam; sau đó chế độ chính trị ở miền Nam ra sao không quan trọng, dù có một chính quyền Cộng Sản. Ðiều này, ông Kissinger còn lập lại khi đến thăm Ðại Sứ Anatoly Dobrynin sau khi ông Nixon thắng và chưa tuyên thệ nhậm chức.

Hiệp định Paris cũng chỉ là một văn kiện để giúp Tổng Thống Richard Nixon rút quân ra khỏi Việt Nam một cách chính thức, nghĩa là vẫn giữ được thể diện. Năm 1972 nước Mỹ bầu tổng thống, và ông Richard Nixon cần tái đắc cử, nhờ thành tích chấm dứt cuộc chiến tranh quá dài mà dân Mỹ bắt đầu thấy chán. Nixon sai Kissinger thu xếp để tiến tới hiệp định Paris trước khi dân Mỹ bỏ phiếu.

Trong cuộc thu xếp này, Nixon được Mao Trạch Ðông hỗ trợ. Trước năm 1970, Mao rất căm hận Nixon vì ông tổng thống Mỹ chỉ chú ý nói chuyện với Moskva mà không quan tâm đến Bắc Kinh; coi Mao chỉ là một lãnh tụ Cộng Sản hạng nhì. Trong một cuộc chuyện trò với Phạm Văn Ðồng, Mao hỏi: “Tại sao bọn Mỹ không làm rùm beng lên về chuyện có 100,000 quân đội Trung Quốc đang xây dựng đường xe lửa, đường bộ, và phi trường ở Việt Nam, mặc dù chúng biết sự kiện này?” Phạm Văn Ðồng nói vuốt đuôi: “Vì chúng nó sợ!” Nhưng chúng ta cũng biết rằng ngay từ khi chiến tranh bắt đầu, các chính quyền Mỹ đã cam kết với Trung Quốc là họ sẽ không bao giờ gửi quân đội Mỹ và cũng không để cho quân đội miền Nam tiến ra Bắc Việt. Chính quyền Mỹ lờ đi như không biết có quân đội Trung Cộng ở ngoài Bắc, vì nói ra sẽ làm cho bài toán rắc rối hơn, ngay trong khung cảnh chính trị nội bộ của Mỹ. Mao Trạch Ðông còn tỏ ý bất bình, nói với Phạm Văn Ðồng rằng “Tại sao bọn Mỹ chúng nó lại ước tính số binh sĩ Trung Quốc ở Việt Nam ít hơn sự thật như vậy?”

Tháng 11 năm 1970 Chu Ân Lai được lệnh bắn tin qua các nhà ngoại giao Rumania là nếu Nixon muốn thăm Trung Quốc thì sẽ được mời. Nixon bảo Kissinger đừng tỏ ý muốn đi vội vàng quá, cuối tháng 2 Kissinger mới bắn tiếng lại, tỏ ý thân thiện nhưng không nói gì đến việc Nixon có thể sang Tàu. Tháng 3 năm 1971, các cầu thủ bóng bàn Trung Quốc gặp các cầu thủ Mỹ ở Nhật Bản, và khi đi chung một chuyến xe buýt, tay vợt Mỹ Glenn Cowan đã bắt tay nhà vô địch Trung Quốc Trang Tắc Ðống (Zhuang Zédòng), nói muốn sang thăm Trung Quốc. Mao Trạch Ðông đã bắt lấy ý đó, ra lệnh mời các cầu thủ Mỹ qua Tàu! Sau đó, Kissinger đi đêm để chuẩn bị chuyến Nixon sang Tàu năm đầu 1972.

Trong chuyến thăm bí mật năm 1971, Kissinger đã hứa hẹn với Chu Ân Lai rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Trung Quốc các tin tức tình báo về hoạt động của quân Nga ở vùng biên giới Nga-Hoa. Ông cũng cam kết Mỹ sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, mà ông phác họa một thời biểu là trong vòng 12 tháng. Lúc đó là tháng 7 năm 1971, sáu tháng trước khi Mỹ ký hiệp định Paris, mà chính Kissinger cũng không biết chắc là sẽ có một hiệp định hay không. Vì vậy, Kissinger đã nói thẳng với Chu Ân Lai là dù không có thỏa hiệp nào thì chính phủ Nixon cũng đơn phương rút quân, và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, bỏ rơi luôn chính quyền miền Nam Việt Nam. Kissinger nói rõ ràng: “Sau khi hòa bình rồi, người Mỹ chúng tôi sẽ ở xa Việt Nam cả vạn dặm, còn Hà Nội thì vẫn ở đó.” Những chi tiết này được kể lại trong một sách của William Burr, năm 2002 (The Bejing - Washington Back Channel); kể chuyện các chuyến đi bí mật của Kissinger năm 1970, 71; sách này nằm trong tài liệu điện tử của cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA; được thuật lại trong sách MAO, của Jung Chang và Jon Halliday, 2005.

Nixon đã toại nguyện, vì Mao sẵn sàng giúp ông tái đắc cử. Dưới sức ép của Mao, Bắc Việt chịu ký tên vào bản hiệp định Paris. Quân Mỹ rút về “trong danh dự”. Nhưng số phận Nixon lại bị quyết định do một xì căng đan chính ông ta gây ra; khiến ông phải từ chức khi Quốc Hội Mỹ chuẩn bị đàn hạch và truất phế, vào năm 1974. Người thương tiếc Nixon nhất lại là Mao Trạch Ðông. Mao nhắn tin qua bà Imelda Marcos mời Nixon qua chơi. Năm 1975, Mao sai mời con gái Nixon là Julie và chồng qua Tàu, Mao lại nói với cô con bảo nói với bố rằng “Tôi nhớ ông ấy lắm.” Tháng 2 năm 1976, Mao đưa một chiếc máy bay Boeing 707 sang tận Los Angeles đón Nixon qua uống trà; bảy tháng sau thì Mao chết.

Bản hiệp định Paris cuối cùng là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa Nixon và Mao. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thể làm gì được, khi nước đồng minh lớn nhất đã bỏ rơi. Cộng Sản miền Bắc đã được Moskva và Bắc Kinh báo cho biết trước Mỹ sẽ rút quân, trong khi vũ khí của Nga vẫn đổ sang ngày càng nhiều, họ nắm chắc phần thắng. Nhưng họ vẫn phải đặt bút ký vì Mao Trạch Ðông muốn tặng Nixon một món quà. Cộng Sản miền Bắc cũng cần một thời gian chuẩn bị để đánh một trận chót, cho nên hiệp định Paris cũng là một bước nghỉ chân.

Những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chắc không ai biết gì về những lời Kissinger đã hứa với Dobrynin hay với Chu Ân Lai. Người dân miền Nam lại càng không biết gì cả. Bao nhiêu chiến sĩ đã bỏ mình trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Bao nhiêu đồng bào tử nạn trên đường vượt biển. Nhắc lại 40 năm hiệp định Paris, chúng ta hãy thắp nhang tưởng nhớ họ, đó là cách kỷ niệm có ý nghĩa nhất. Bài học của một dân tộc nhược tiểu là đừng bao giờ vì các lý thuyết, tư tưởng trừu tượng, ngoại lai mà để đồng bào tàn sát lẫn nhau. Trong cuộc chiến tranh nào, người dân cũng đau khổ.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Tây Tạng, Việt Nam

Tác giả : Trần Khải

Hãy hình dung rằng, nếu Việt Nam trở thành một Tây Tạng thứ nhì, hay một Tân Cương thứ nhì. Nghĩa là lại một thời Bắc Thuộc, là nằm trong bàn tay sắt của Trung Quốc.

Hãy nhìn Tây Tạng và Tân Cương để thấy rằng, quốc tế sẽ không can thiệp được gì, ngay cả khi Liên Hiệp Quốc có họp, có lên án thì cũng như không.

Sẽ không hề có nước nào trừng phạt kinh tế Trung Quốc để phản đối các đợt đàn áp nhân quyền, sắc tộc hay tôn giáo tại Tây Tạng và Tân Cương. Đơn giản, quốc tế có thể trừng phạt Iran, trừng phạt Syria... nhưng thị trường 1.3 tỷ dân TQ đã quá hấp dẫn, quá tuyệt vời để các nước quên hằng nhiều triệu dân Tây Tạng và Tân Cương ngày ngày bị nhà nước Bắc Kinh đồng hóa bằng mọi thủ đoạn.

Như thế, nếu Việt Nam trở thành một Tây Tạng hay Tân Cương thứ nhì, cơ may vùng vẫy để thoát ra rất là hiếm. Hãy nhìn cuộc chiến tuyệt vọng của dân Tây Tạng thì biết.

Sikyong Dr Lobsang Sangay, người được bầu làm Thủ Tướng lưu vong cuả cộng đồng Tây Tạng hải ngoại, hôm Thứ Năm 24-1-2013 phổ biến bản văn kêu gọi tất cả những người Tây Tạng trong và ngoaì nước tẩy chay các lễ hội trong Lễ Losar (Năm mới Tây Tạng), năm nay sẽ rơi vào ngày 11-2-2013 vì “tình hình tiếp tục bi thảm” ở Tây Tạng.

Bản văn của Thủ Tướng lưu vong này nói rằng, thay vì tham dự Lễ Hội Losar ngày 11-2, hãy nên thực hiện các nghi lễ tôn giáo như thăm chùa và cúngd ường.

Ngài Sikyong Sangay nhắc rằng mọi người nên mặc trang phục truyền thống Chuba để bày tỏ bản sắc dân tộc, “hãy cầu nguyện cho tất cả những ai đã hy sinh thân mạng và cho bất kỳ ai tiếp tục bị đau khổ ở vùng Tây Tạng bị chiếm đóng.”

Khi tính từ năm 2009, đã có 98 người Tây Tạng tự thiêu trong lãnh thổ Tây Tạng để phản đối việc TQ chiếm đóng Tây Tạng và đòi hỏi tự do và sự trở về của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Riêng trong năm 2013 đã có 3 người tự thiêu, trong đó gần nhất là Kunchok Kyab, 26 tuổi, ở khu vực Labrang, phía Tây Tây Tạng.

Chính phủ Tây Tạng lưu vong, bản doanh ở thành phố Dharamshala, lập lại lời kêu gọi hãy biến năm 2013 là năm “Đoàn Kết Với Vận Động Tây Tạng.”

Theo chương trình, nhiều ngàn người Tây Tạng sẽ đổ về New Delhi các ngày từ 30-1-2013 tới 2-2-2013 để dự chiến dịch 4 ngày -- một phần của chiến dịch đoàn kết Tây Tạng.

Tương tự, vào ngày 10-3-2013, dân Tây Tạng từ khắp Châu Âu cũng sẽ đổ về Brussels, thủ đô Liên Âu, để tưởng niệm lễ Ngày Nổi Dậy Toàn Quốc Tây Tạng năm thứ 54.

Ngài Sikyong Sangay cũng kêu gọi tất cả mọi người trên thế giới, mọi hội đoàn toàn cầu giúp tăng nỗ lực vận động các chính giới, viết thư, lên tiếng, tìm gặp các chính giới, các dân cử điạ phương để nói giùm dân tộc Tây Tạng đau khổ.

Ông cũng kêu gọi “các anh, các chị người Trung Hoa” hãy liên kết với người Tây Tạng để hỗ trợ cuộc chiến chính đáng của dân Tây Tạng.

Ông cũng nói rằng chính phủ lưu vong giữ lập trường trung đạo để giải quyết vấn đề Tây Tạng qua đối thoại ôn hòa.

Tết của dân Tây Tạng thường là tháng 2 hay tháng 3 mỗi năm, theo âm lịch Tây Tạng.

Và kể từ cuộc đàn áp đẫm máu năm 2008, năm nay là năm thứ 5 liên tục người Tây Tạng ăn Tết Losar thầm lặng.

Hãy thấy đó mà sợ, nếu Việt Nam trở thành một Tây Tạng thứ nhì.

Thế giới bênh vực được gì không?

Hãy nhìn Tây Tạng và Tân Cương mà biết sợ.

Tuần lễ này cũng là tròn 40 năm ngaỳ ký Hòa Ước Paris 1973. Xin noí rõ là Hòa ước, nghĩa là để tìm hòa bình, chứ không đơn giản là Hiệp định Ngưng bắn hay thứ gì tương tự. Đó cũng là ý kiến nhấn mạnh của GS Nguyễn Ngọc Bích khi Giáo Sư ghé thăm Việt Báo để nói về những ngày chuyển biến lịch sử của VN.

Đài RFI hôm Thứ Sáu cũng ghi nhận về dấu mốc này:

“Hôm nay, 25/01/2013, tại Hà Nội, các lãnh đạo Việt Nam đã dự lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris 27/01/1973, chấm dứt sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ ở Việt Nam và tạm dừng chiến sự giữa hai miền Nam - Bắc.

Phát biểu tại buổi lễ, chủ tịch nước Truơng Tấn Sang mô tả các cuộc đàm phán về Hiệp định Paris là "đấu tranh ngoại giao khó khắn nhất, lâu dài nhất đối với Việt Nam". Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ca ngợi Hiệp định Paris là "thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến chiến thắng năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được mở ra tại Paris ngày 10/05/1968, nhưng đàm phán đã kéo dài đến 5 năm và trong khoảng thời gian đó, chiến tranh đã leo thang, vì bên nào cũng chủ trương "vừa đánh vừa đàm", với hy vọng biến chiến thắng quân sự thành lợi thế ngoại giao.

Chiếu theo Hiệp định Paris, các bên đồng ý ngừng bắn và Hoa Kỳ cam kết rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 60 ngày và trong cùng thời gian các tù binh sẽ được phóng thích. Hai miền Nam Bắc cũng cam kết sẽ đi đến thống nhất đất nước trong hòa bình.

Theo nhận định của AFP, do không có giải pháp chính trị nào, chiến sự lại bùng nổ, Hà Nội phá vỡ Hiệp định Paris, tung lực lượng chính quy dùng vũ lực để chiếm trọn miền Nam.

Tuy gọi là "Hiệp định Hòa bình Paris", nhưng hiệp định này đã không mang lại ngay hòa bình cho Việt Nam và chiến tranh chỉ chấm dứt vào tháng 4/1975, với kết quả hoàn toàn không giống như dự trù của Hiệp định Paris.”(hết trích)

Đúng vậy, đó là Hiệp định Hòa bình Paris, nhưng không hề hòa bình tí nào.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích hôm Thứ Sáu tại tòa soạn Việt Báo đã nói rằng, lúc đó Giáo sư giữ chức Cục Trưởng Cục Thông Tin Đối Ngoại, văn phòng ở Sài Gòn, nên quan sát tình hình hòa đàm Paris rất kỹ.

GS Bích nói rằng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu phía Mỹ cung cấp bản Việt ngữ của bản văn dự thảo nhưng Kissinger liên tục lờ đi. Tuy nhiên, TT thiệu cũng có được một bản dự thảo Việt ngữ là nhờ tình báo VNCH lấy một bản từ Cục R đưa ra.

Nhờ bản Việt ngữ để đối chiếu đó, phía VNCH mới đưa ra yêu cầu Mỹ phải sửa 72 điểm trong bản văn, bởi vì bản Việt Ngữ và bản Anh Ngữ khác biệt tới 72 điểm -- trong đó có 20 điểm quan trọng, theo lời GS Nguyễn Ngọc Bích.

GS Bích nói,trong Chương 4 Hòa Ước, Điều 9-A nói rằng các nước phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ VN theo Hiệp Định Geneva 1954, trong đó Hoàng Sa và Trường Sa là của VN. GS Bích nói, chính ông Nguyễn Tấn Dũng cũng công nhận như thế năm 2011, khi nói 3 lần rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của VNCH (nói rõ, VNCH, lời ông Dũng).

Và Điều 9-B trong Chương 4 nói rằng dân Miền Nam có quyền tự quyết qua bầu cử, và sau đó kế tiếp còn có một định ước 1973 gồm 12 quốc gia ký tên, có cả Trung Quốc, cùng ký vào.

Và bây giờ thì Hoàng Sa mất luôn, Trường Sa mất một phần.

Và bây giờ, tròn 40 năm ngày ký Hiệp định Hòa bình Paris.

Không khéo, quê nhà sẽ tới một lúc mất trọn vào tay Trung Quốc -- hung hiểm là thế.

Một Tây Tạng thứ nhì là cơ nguy có thật vậy.
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

“Bên Thắng Cuộc” lột trần hậu trường chính trị Việt Nam

BS Ngọc

Phải nói cho rõ là “hậu trường chính trị của chế độ Việt Nam theo chủ nghĩa xã hội, hay cộng sản”. Đã có nhiều người viết bài điểm sách, tôi không có gì để viết thêm. Tôi chỉ muốn rút ra vài điểm chính sau khi đã đọc xong bộ sách. Theo tôi nghĩ những câu chuyện Huy Đức thuật lại trong sách có thể giải thích tại sao nước ta nghèo hèn như hiện nay. Tôi cũng nghĩ các lãnh đạo thuộc phe XHCN của miền Bắc phải chịu trách nhiệm lớn trước lịch sử về những sai lầm của họ.


Một nhà văn hoá Âu châu từng nói rằng lịch sử chỉ là một chuỗi câu chuyện về gia đình và thế giới. Bởi thế, kể chuyện là một phương tiện có hiệu lực cao để giải thích những gì đã và đang xảy ra. Có thể khẳng định ngay rằng bộ sách Bên thắng cuộc của Huy Đức không phải là sách lịch sử. Huy Đức cũng nói rằng anh không viết sử. Tôi xem Bên thắng cuộc là một chuỗi câu chuyện hậu trường chính trị Việt Nam. Tất cả chúng ta cần phải biết những câu chuyện mà Huy Đức kể lại, bởi vì những câu chuyện đó sẽ thấp lên một que diêm trong cái lịch sử mờ ảo của Việt Nam vào những năm giữa thế kỷ 20 cho đến ngày hôm nay.

Đọc phần I của tập sách tôi như xem một cuốn phim quay chậm. Những kẻ một sớm chiều biến thành “Cách mạng 30/4”. Đốt sách. Cạo râu, cắt ống quần. Cải tạo. Kinh tế mới. Đánh “tư sản mại bản”. Đổi tiền. Vượt biên. Tất cả những biến cố đó là sự thật. Là người ở lại trong khi các đồng nghiệp tìm được vượt biên tôi có thể nói rằng tất cả những gì Huy Đức ghi chép đều đúng. Huy Đức không phải là người đầu tiên ghi lại những biến cố đau thương sau 1975. Trước Huy Đức đã có cụ Nguyễn Hiến Lê viết lại cẩn thận những sự kiện và biến cố làm cho miền Nam suy sụp sau ngày “giải phóng” trong tập Hồi Ký nổi tiếng nhưng bị nhà xuất bản cắt xén khá nhiều. Chúng ta thử đọc vài trích đoạn trong Hồi Ký của cụ Nguyễn Hiến Lê trước khi đọc sách của Huy Đức.

Kẻ “thắng trận” muốn biến miền Nam nghèo như miền Bắc:

“Sự thất bại hiển nhiên của chế độ là sự suy sụp của kinh tế như tôi đã trình bày sơ lược ở trên. Hậu quả là Việt nam trước thế chiến tự hào là “tiền rừng bạc bể”, có những đồng lúa, đồn điền cao su mênh mông ở miền Nam, những mỏ than, mỏ phốt phát phong phú ở miền Bắc mà bây giờ thành một trong vài nước nghèo nhất thế giới.

Nhưng một người Balan trong Ủy ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bảo chỉ trong 5 năm, miền Nam sẽ “đuổi kịp miền Bắc”, nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt. Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực phẩm, quầ áo… về giúp bà con ở đây thì chúng ta hiện nay cũng điêu đứng như anh em miền Bắc rồi”.

Trong cùng lúc ra tay hành hạ dân miền Nam:

“Khổ nhất là bọn đi kinh tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài gòn, sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni lông, một miếng sắt rỉ, một quai dép mủ… để bán cho “ve chai”. Trông thấy đống túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá”.

Trong khi đó bản thân những kẻ “thắng cuộc” thì ăn hối lộ và tham nhũng:

“Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân công nhân viên, phải nộp bao nhiêu… Cái tệ đó còn lớn hơn thời trước”.

Họ tạo nên một xã hội trong đó con người mất nhân phẩm:

“Một cán bộ tài chánh xã mà không biết chia 72 cho 24. Trong một buổi hội họp của Hội trí thức thành phố Hồ Chí Minh, một kĩ sư già bực mình vì tình trạng cán bộ đa số dốt nát, bảo: “Tôi chấp nhận vô sản chuyên chính, mà không chấp nhận vô học chuyên chính”. Ngay chiều hôm đó ông ta bị bắt giam; sau cũng được thả ra”.

“Sống dưới chế độ cộng sản, con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng làm việc điểm chỉ đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó”.

Tình trạng phân chia Nam Bắc càng nặng:

“Thất bại lớn nhất, theo tôi, là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hòa bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc. Tôi nhớ như ở phần trên tôi đã nói năm 1976, trong một cuộc hội nghị ở Sài gòn, bàn về vấn đề thống nhất quốc gia, một học giả lão thành miền Bắc, ông Ðào Duy Anh (đã có hồi sống ở Nam nhiều năm, có nhiều bạn thân ở Nam) khi được mời phát biểu ý kiến, chỉ nói mỗi một câu đại ý là thống nhất cái gì cũng dễ; quan trọng nhất là phải thống nhất nhân tâm đã. Cả hội trường sửng sốt và làm thinh.

Ông Anh đã nhận xét đúng và dám nói. Quả thực là lúc đó có sự chia rẽ nặng giữa người Nam và người Bắc, Nam đã không muốn thống nhất với Bắc rồi. Từ đó, tinh thần chia rẽ cứ mỗi ngày mỗi tăng, năm nay (1980) có thể nói 90% người miền Nam hay hơn nữa, muốn tách khỏi miền Bắc”.
bởi vì một trong những nguyên nhân là:

“Người Bắc coi người Nam là ngụy, đối xử với người Nam như thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là ngụy thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa.

Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hóa, kĩ thuật -điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học- thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẫy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú…”.

Nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê ghi chép thời cuộc, tình hình chung, còn Huy Đức thì cung cấp cho chúng ta những câu chuyện hậu trường, những suy nghĩ cá nhân của những người nặn ra những chính sách ác ôn dẫn đến tình hình mà cụ Nguyễn Hiến Lê nhận xét. Có thể nói rằng cuốn sách của Huy Đức là một bổ sung quý báu cho hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê.

Bây giờ chúng ta thử đọc xem Huy Đức đã cho chúng ta chứng từ để giải thích cho những nhận xét của cụ Nguyễn Hiến Lê. Đọc xong bộ sách tôi thấy những thông điệp sau đây lắng đọng trong tôi:

1.- Đó là một chế độ độc tài và toàn trị. Người cộng sản nói rằng chế độ do họ dựng lên là dân chủ tập trung. Nhưng trong thực tế chúng ta thấy rằng chẳng có gì là dân chủ trong chế độ cộng sản. Tất cả các chính sách đều do một nhóm người trong Bộ chính trị quyết định. Nhưng qua Bên thắng cuộc, chúng ta còn biết rằng rất nhiều chính sách có ảnh hưởng đến hàng triệu người chỉ do một người quyết định, bất chấp những lời khuyên của người khác. Điển hình cho tính độc tài là quyết định mở cuộc tổng tấn công vào Tết Mậu Thân. Rõ ràng, đó là một chế độ độc tài, sao gọi là dân chủ tập trung được.

Điều mỉa mai nhất là họ cáo buộc rằng chế độ VNCH là do Mỹ dựng lên và tay sai của Mỹ, nhưng chính người lãnh đạo cao cấp nhất trong chế độ CS là Lê Duẩn khẳng định rằng họ đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Cộng. Hình như chưa một lãnh đạo miền Nam chưa ai trơ tráo nói rằng họ là tay sai của Mỹ. Nói cách khác, chế độ CS ngoài Bắc thời đó là một chế độ toàn trị tay sai của ngoại bang.

Tính toàn trị còn thể hiện qua việc Bộ chính trị kiểm soát cả hành vi xã giao của các đồng chí họ. Đọc đoạn Huy Đức tả cái bắt tay hờ hững của cựu thủ tướng Phan Văn Khải với ông Bill Clinton mà buồn cười về sự trẻ con và thiếu văn hoá của lãnh đạo CS. Ông Khải không mở miệng cười với Bill Clinton. Khi được hỏi tại sao lại có hành vi kém xã giao như vậy, ông Khải thú nhận: “Không được đâu mày ơi, Bộ chính trị đã thống nhất là không được cười”. Đoạn viết về một ông tướng công an “làm việc” với ban giám hiệu Đại học Quốc gia Hà Nội để chỉ đạo lúc nào nên cười, lúc nào nên vỗ tay, thậm chí những hành vi xem thường ông Bill Clinton như để cho sinh viên đọc báo trong lúc ông nói. Tất cả những hành động và sự giật dây đó là những minh chứng hùng hồn cho thấy chế độ toàn trị kiểm soát tất cả hành vi sống của người dân.

2.- Nội bộ thiếu đoàn kết. Thoạt đầu, ấn tượng của tôi về các vị lãnh đạo phe CSVN là họ rất đoàn kết với nhau. Nhưng đọc qua Bên thắng cuộc và kinh nghiệm cá nhân, tôi mới thấy ấn tượng đó rất sai lầm. Người CSVN, đặc biệt là trong giới lãnh đạo thượng tần, rất ganh ghét và đố kỵ lẫn nhau. Huy Đức qua những câu chuyện cá nhânphác hoạ một bức tranh rất xấu về Lê Đức Thọ và Lê Duẩn, hai người không ưa tướng Võ Nguyên Giáp. Từ một tướng vang danh thế giới bị hạ xuống người đi đặt vòng ngừa thai cho phụ nữ! Những ganh ghét và đố kỵ rất con người cũng giống như các lãnh đạo thuộc phe VNCH. Nhưng có cái khác biệt căn bản là các lãnh đạo VNCH hành xử có văn hoá hơn và có phần tế nhị hơn so với các lãnh đạo phe CS.

Họ sẵn sàng dựng nên những câu chuyện để bôi xấu lẫn nhau. Vụ án “Năm Châu – Sáu Sứ” được Huy Đức mô tả khá rõ và cho thấy các đồng chí thượng tầng CS có thể lập mưu mô để hạ bệ những ai họ không ưa thích. Họ còn dám dùng cả những thủ đoạn thấp như photoshop để nguỵ tạo hình ảnh trai gái để tố cáo ông Lê Khả Phiêu lúc đó là tổng bí thư đảng.

3.- Tàn nhẫn. Sự hành xử của một số lãnh đạo CS cấp cao có thể nói là tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn thể hiện ngay giữa các đồng chí. Chúng ta thử đọc qua đoạn mô tả Võ Chí Công, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Tâm trả thù Võ Viết Thanh sau khi tướng Thanh bắt Năm Châu và Sáu Sứ:

“Tôi tới phòng làm việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm nói ngắn gọn: ‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo đồng chí hai nội dung. Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính trị: Đồng chí là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng, nhưng rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai việc: Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khóa VII’.”

Ông Võ Viết Thanh phản ứng như ssau:

“Tôi hết sức bất ngờ. Khi nghe xúc phạm đến ba má tôi thì tôi không còn kiềm chế được. Trong cặp tôi lúc đó có một khẩu súng ngắn, tôi đã định kéo khóa, rút súng ra bắn chết cả ba ông rồi tự sát. Nhưng, tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi cố nuốt cơn tức giận.”

4.- Lừa gạt và dối trá. Người dân đã bị bộ máy tuyên truyền của chế độ định hướng suy nghĩ và cảm nhận. Những trẻ em mới lớn lên đã bị bộ máy tuyên truyền nhồi nhét rằng các vị lãnh đạo đáng kính suốt đời hy sinh hạnh phúc cá nhân để đấu tranh cho bình đẳng xã hội. Họ còn bị nhồi nhét rằng chế độ VNCH là chế độ ác ôn, với những con người ăn trên ngồi trốc, trong khi phần lớn người lao động phải sống khổ cực. Nhưng Bên thắng cuộc lột trần “huyền thoại” cao cả của các lãnh đạo CS. Sự thật nói lên rằng họ chính là những người ăn trên ngồi trốc. Trong khi người dân không đủ cơm ăn thì họ phè phỡn với bơ sữa từ Đông Âu. Họ có những vườn rau riêng. Họ có một đội quân bác sĩ chăm sóc sức khoẻ dưới danh xưng “Ban bảo vệ sức khoẻ trung ương”. Người dân không có thuốc điều trị nhưng lãnh đạo CS thì có thừa. Nếu lấy cái nền lãnh đạo VNCH có đặc quyền đặc lợi là 1 thì những người lãnh đạo CS có đặc quyền đặc lợi phải lên đến 100. Do đó, tất cả những gì người CS phỉ báng giới lãnh đạo VNCH thì cũng chính là những gì họ phỉ báng chính họ với cường độ cao hơn 100 lần. Một cách ngửa mặt lên trời phun nước bọt.

5.- Đạo đức giả. Báo chí miền Bắc thường ra rả tuyên truyền rằng lãnh đạo VNCH là những kẻ ăn chơi, đa thê đa thiếp, chỉ biết suốt ngày nhảy đầm chứ chẳng có kiến thức chính trị gì cả. Họ còn viết hẳn một cuốn sách về các tướng lãnh VNCH. Đọc cuốn này cũng là một phương thức giải trí tốt vì các tác giả có khả năng tưởng tượng khá tốt. Nhưng còn các lãnh đạo CS thì sao? Họ là những kẻ nhiều vợ. Lê Duẩn. Nguyễn Văn Linh. Lê Đức Thọ. Võ Văn Kiệt. Có thể cả ông Hồ. Tất cả đều có hơn 1 vợ. Tất cả đều sẵn sàng bỏ vợ lại sau lưng để “theo đuổi sự nghiệp cách mạng”. Nhưng cũng có thể họ xem phụ nữ như là những người để họ giải quyết vấn đề tình cảm sinh lý. Không phải ai trong giới lãnh đạo CS đều sống vô đạo đức, nhưng nhìn qua những nhân vật cao cấp chúng ta thấy nói rằng thói đạo đức giả rất phổ biến trong giới thượng tầng của chế độ.

6.- Dốt nát. Chúng ta biết rằng những người cộng sản thế hệ thứ nhất như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (không tính đến những người như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ) là những người có trình độ học vấn khá và có bản lãnh. Nhưng Bên thắng cuộc tiết lộ rằng những người thuộc thế hệ đàn em của những người tiền phong toàn là một nhóm người ít học. Những lãnh đạo như ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh … đều xuất thân từ thành phần không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Sự dốt của lãnh tụ có khi đến mức hài hước. Trong phần viết về sức khoẻ lãnh đạo, chúng ta được biết ông Đỗ Mười nói về bệnh trạng của tướng Đoàn Khuê, qua lời thuật của ông Nguyễn Văn An, như sau: “Đoàn Khuê nói với tao, uống tam thất nó tan hết rồi mà. Đoàn Khuê còn vạch bụng cho tao xem. Tôi bảo: thưa anh, theo chuyên môn thì đấy là khối u nó chạy chứ không phải tan đâu ạ”. Thật kinh hoàng khi những con người như thể được đặt ở vị trí chót vót lãnh đạo một đất nước 90 triệu dân!

Qua Bên thắng cuộc chúng ta biết rằng các lãnh đạo CS có tầm nhìn rất hạn hẹp. Có thể do bị nhào nặn bởi tuyên truyền cộng với kém học thức nên các lãnh đạo CS có kiến thức rất nghèo nàn về thế giới ngoài các nước XHCN và Trung Cộng. Từ đó dẫn đến những nhận định sai lầm và những lựa chọn bất lợi cho đất nước. Điển hình là câu chuyện đằng sau việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Câu chuyện cho thấy giới lãnh đạo CS thiển cận và làng xã trong những nhận xét của họ về một đối thủ rất quan trọng.

Chúng ta thử đọc một đoạn “Cứu chủ nghĩa xã hội” để thấy ông Nguyễn Văn Linh có tầm nhìn và hành xử đầy kịch tính ra sao. Đọc cũng để thấy Gorbachev chẳng những mỉa mai mà còn khinh Nguyễn Văn Linh như thế nào:

Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh:

Tháng 10-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Quyết địng đi dự 40 năm Quốc Khánh CHDC Đức là quyết định trực tiếp của cá nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn với Bộ Chính trị về việc phải triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Anh sang Berlin là để gặp các đồng chí để bàn về việc ấy và gặp Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.

Bị đối xử như thương gia tầm thường:

Ngày 4-10-1989, từ Hà Nội, hãng Interflug của Cộng hòa Dân chủ Đức dành cho ông Linh một ghế hạng thương gia, các thành viên cao cấp khác – Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Xuân Tùng, Phó Ban Đối ngoại Trịnh Ngọc Thái, Đại sứ Tạ Hữu Canh và thư ký Lê Đăng Doanh – chỉ ngồi khoang hành khách thường.

Bị xem thường:

Một lễ đón đơn giản được tổ chức tại sân bay Berlin-Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách sạn. …. Trong suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC Đức không thu xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker hay một nhà lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không làm ông Nguyễn Văn Linh từ bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội.

Đến nơi ở của các nhà lãnh đạo khác mới thấy cách đối xử của Erich Honecker với ông Nguyễn Văn Linh. … Trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng đôi lớn hơn phòng các thành viên khác trong đoàn một chút thì chỗ ở của Ceausesscu là một khu vực gồm nhiều phòng. Ông Linh và tùy tùng phải đi qua một sảnh lớn nơi có một đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng gập đứng chào. Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh nói: “Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó”. Tôi bảo: “Tính thằng này nó hình thức thế”. Một lúc sau thì Ceausesscu ra, chính ông ta lại là người tỏ ra hăng hái ủng hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất. Ceausesscu thậm chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả Ceausesscu và các nhà lãnh đạo cộng sản khác đều nói với ông Linh: “Vấn đề là ông kia, nếu ông ấy không đồng ý thì rất khó”. “Ông kia” đề cập ở đây là Gorbachev.

Dù ông Linh rất nhiệt tình cứu XHCN nhưng người ta làm ngơ:

Trong ngày 6-10-1989, giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra: triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông Linh nói: “Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết”.

Đa số các đảng cộng sản làm ngơ đề nghị của ông Linh, chỉ có Batmunkho Tổng Bí thư Mông Cổ, Phó Thủ Tướng Hernandez của Cuba, Tổng Bí thư Ceaucescu của Rumania, Tổng Bí thư Đảng vừa thất cử của Ba Lan Jaruzelski, Chủ tịch Đảng Cộng Sản Tây Đức (DKP) Herbert Mies là chấp nhận gặp. Chỉ có Helbert Mies, lãnh tụ của một đảng không cầm quyền và Phó thủ tướng Cuba Hernandez là tự tới nơi ông Linh ở. Theo ông Lê Đăng Doanh, những người khác chỉ tiếp ông Nguyễn Văn Linh tại phòng riêng của họ.

Sau nhiều cuộc trì hoản thì ông Linh cũng được Gorbachev cho một cuộc gặp mặt. Nhưng đó là một cuộc gặp mặt để Gorbachev khinh miệt ông Linh. Chúng ta hãy đọc tiếp:

Từ 19 đến 21 giờ tối 6-10-1989, sau phần đọc diễn văn, cuộc mit-tin được chuyển từ trong một lâu đài ra một lễ đài ngoài trời duyệt quần chúng, thanh niên rước đuốc. Ông Lê Đăng Doanh kể: Đám thanh niên tuần hành sôi lên sùng sục kêu tên Gorbachev, “Gorby! Gorby!”. Anh Linh chỉ mặc bộ complet, tối nhiệt độ xuống khoảng 8 C, cận vệ quên mang áo lạnh, ông Nguyễn Văn Linh đứng run bần bật, kêu tôi: “Tao lạnh quá”. Tôi phải nói với một viên tướng Đức đứng cạnh đấy: “Tổng Bí thư của tôi quên mang áo ấm”. Viên tướng cho mượn tạm tấm áo choàng của ông ta.

Sáng hôm sau, 7-10-1989, theo lịch trình, mười giờ sẽ có duyệt binh, nhưng tám giờ, ông Nguyễn Văn Linh triệu tập họp Chi bộ Đảng thông báo tình hình sức khỏe: “Mình thấy có gì đó không bình thường, không nhắm được mắt, miệng cứng, không ăn được”. Về sau bác sỹ xác định đó là triệu chứng liệt dây thần kinh số 7. Mọi người đề nghị ông Linh không ra lễ đài, ông Nguyễn Khánh thay ông Linh dự duyệt binh rồi báo với “bạn”. Phía CHDC Đức mời ông Linh ở lại khám chữa bệnh và khuyên ông không nên về trong lúc này. Tuy bệnh tình càng ngày càng nặng, nước mắt chảy ra nhiều, miệng có biểu hiện bị méo và nói bắt đầu khó khăn, ông Nguyễn Văn Linh vẫn hy vọng rất nhiều vào cuộc gặp với Gorbachev.

Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.

Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”.

Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: “Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước”.

Cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”.

Đọc những đoạn trích dẫn rất sống động này tôi phải nói là rất nhục. Là lãnh tụ một đất nước 90 triệu dân mà không nắm được tình hình thế giới để bị các lãnh đạo của chính thế giới XHCN xem thường như thế. Ông Nguyễn Mạnh Cầm có lẽ là người ngoại giao nên còn biết được tình hình thế giới. Ông đưa ra nhận xét rằng “Nhận thức của một số đồng chí trong Bộ chính trị lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình hình thế giới”. Không theo kịp tình hình thế giới có nghĩa là sống trong cái ao làng. Chẳng biết ông Linh có hiểu những câu nói của Gorbachev hay không. Thật là nhục nhã. Tất cả cũng vì cái dốt.

Cái dốt của lãnh đạo CS còn thể hiện qua lần tiếp kiến giữa ông Lê Khả Phiêu và Bill Clinton. Trong buổi tiếp kiến, trong khi Bill Clinton nói về tương lai hợp tác, ông Lê Khả Phiêu lại tận dụng chuyện Bill Clinton “trốn lính” làm cho ông Bill Clinton rất giận và chắc chắc cũng rất khinh thường người đối diện mình:

“Bill Clinton nhớ lại: “Lê Khả Phiêu cố gắng sử dụng hành động phản đối chiến tranh Việt Nam của tôi để cáo buộc những gì Mỹ đã làm là hành vi đế quốc. Tôi đã rất giận dữ nhất là khi ông ta nói vậy trước sự có mặt của Đại sứ Pete Peterson, một người đã từng là tù binh chiến tranh. Tôi nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng khi tôi không tán thành các chính sách đối với Việt Nam, những người theo đuổi nó cũng không phải là đế quốc hay thực dân, mà là những người tốt chiến đấu chống cộng sản. Tôi chỉ Pete và nói, ông đại sứ không ngồi sáu năm rưỡi trong nhà tù ‘Hà Nội Hilton’ vì muốn thực dân hóa Việt Nam”.

“Ông Phan Văn Khải nhớ lại: “Ông Phiêu nói như thời chiến tranh làm cho họ rất khó chịu. Ông ấy muốn tỏ rõ thái độ của một chính quyền cộng sản. Nhưng, ông Phiêu không hiểu tình hình thế giới giờ đây đã khác. Phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã. Vấn đề là mối quan hệ giữa hai quốc gia, chúng ta cần Mỹ. Nếu người Mỹ không vào thì những công ty lớn trên thế giới không có ai vào cả”. …

Clinton nhận xét, dường như những người mà ông gặp ở Việt Nam, chức vụ càng cao hơn thì ngôn ngữ càng “sặc mùi” cộng sản theo kiểu cũ hơn”.

Sự dốt nát chính là một nguyên nhân chính dẫn đến những cuộc bỏ lỡ cơ hội để phát triển đất nước. Câu chuyện xung quanh ký hiệp định thương mại song phương BTA cho thấy giới lãnh đạo thượng tầng CS rất sợ Trung Cộng. Ông Nguyễn Mạnh Cầm nói “Tôi tiếc đứt ruột. Năm 1999, Bill Clinton muốn ký trước mặt các nhà lãnh đạo đủ cả phương Tây lẫn phương Đông. Khi ấy các tập đoàn sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chờ có hiệp định là nhảy vào Việt Nam. Mình quyết định không ký, mất biết bao nhiêu cơ hội”. Không chỉ BTA, ngay cả những chần chừ để trở thành thành viên của ASEAN cũng phản ảnh sự kém hiểu biết của những người lãnh đạo CS chóp bu.

Sự dốt nát và kém hiểu biết của người CS không phải chỉ biểu hiện trong giới lãnh đạo mà còn ở những người trong giới học thuật và chuyên môn. Sau 1975 tôi đã có nhiều “tiếp cận” với những đồng nghiệp y khoa từ Bắc vào. Tôi có thể nói một cách không ngần ngại rằng trình độ của họ quá kém. Có lần một anh bác sĩ nghe nói là cấp cao ngoài đó mà viết tên thuốc trụ sinh còn sai. Không phải sai một lần mà nhiều lần. Chỉ nhìn nét chữ cũng có thể biết được anh chàng này thuộc thành phần bác sĩ gì. Ngay cả những người được “chi viện” để tiếp thu trường y Sài Gòn cũng là những người rất kém cỏi về kiến thức và kỹ năng lâm sàng. Họ bị các thầy trong Nam khinh ra mặt. Do đó tôi không hề ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ viết về phản ứng của giới trí thức trong Nam trước những chính sách quái đản được áp dụng sau 1975. Họ vận hành theo tư duy rặt mùi cộng sản. Cứ đến ngày kỷ niệm nào đó họ hỏi có thành tích khoa học gì để chào mừng và nhận được câu trả lời của thầy Phạm Biểu Tâm: “Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả”. Sau này trong một lần họp bàn về cách giải quyết hệ thống nước bị đục, giáo sư Phạm Biểu Tâm không phát biểu gì cả. Đến khi bị ông Võ Văn Kiệt gặn hỏi, giáo sư Tâm vốn rất quý ông Kiệt, chỉ nói đơn giản “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khoẻ, vì cái gì cũng đã có các anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh đâu phải chuyện tụi tui”. Đối với giới trí thức miền Nam ngày ra mắt đầu tiên của chính quyền không hề thuyết phục được họ. Cho đến bây giờ tình hình vẫn thế.

Bên thắng cuộc đã trở thành một tác phẩm bán chạy. Nếu được công bố ở trong nước tôi nghĩ chắc chắn bộ sách sẽ qua mặt bất cứ cuốn sách nào đang có trên thị trường. Đọc xong bộ sách tôi hiểu được tại sao nó nổi tiếng. Theo tôi, Bên thắng cuộc được nhiều người quan tâm vì trong đó có rất nhiều những câu chuyện hậu trường chính trị. Đặc biệt hơn là tất cả những câu chuyện hậu trường đều nói lên những hình ảnh tiêu cực của giới lãnh đạo CSVN. Khó tìm một câu chuyện nào mang tính tích cực trong sách. Trong đó có những con người ít học nhưng ngạo mạn. Đó là những con người đạo đức giả. Đó là những con người sẵn sàng chấp nhận đớn hèn để sống trong môi trường tàn ác. Đó là những con người tàn nhẫn và xảo trá. Những cá tính lãnh đạo như thế là tác giả của những quyết sách đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Họ dẫn đất nước bỏ mất cơ hội hết năm này sang năm khác. Những câu chuyện như thế giúp cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn cái tâm kém và cái trí thấp của một số đông lãnh đạo chóp bu và giải thích tại sao đất nước và dân tộc chúng ta đã quá bất hạnh trong suốt 70 năm qua. Họ là nguyên nhân gần và tác nhân trực tiếp đã đưa đất nước nghèo hèn như hiện nay. Họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Một cơ cấu đang tan rã
Ngô Nhân Dụng


Ðầu năm 2013 một nhà kinh tế mới qua đời nhưng ít được báo chí ở Mỹ loan tin. Ông là một người đã tiên đoán tình trạng khiếm hụt ngân sách và nợ chồng chất gây tê liệt trong chính quyền và Quốc hội từ hai năm nay; tháng tới lại sẽ tái diễn.

Chỉ phân tích cách quyết định việc chi thu của Quốc hội trong ngân sách quốc gia, James Buchanan đã báo trước là chính phủ liên bang sẽ càng ngày càng thiếu hụt, các món nợ công sẽ lên ngập đầu. Lý do chính là vì các đại biểu Quốc hội phải lo đáp ứng những đòi hỏi của các cử tri đã giúp họ đắc cử, tiêu biểu là những nhóm quyền lợi riêng biệt (tư lợi, special interests). Các ý kiến của ông được đặt tên là Lý thuyết về Lựa chọn Tập thể (Public Choice Theory); ông được trao giải Nobel về Kinh tế học năm 1986 về những đóng góp này.

Buchanan thường được coi như một nhà kinh tế bảo thủ, vì ông chủ trương phải giảm bớt luật lệ và thu gọn vai trò của chính phủ đến mức tối thiểu. Nhưng ông cũng là người chủ trương nên đánh thuế di sản tới 100%, một điều mà giới bảo thủ kịch liệt chống, vì họ thấy suất thuế 35% đã là quá cao rồi! Buchanan lý luận rằng việc thừa hưởng di sản là trái với quy tắc bình đẳng trong cơ hội, vì những người hưởng di sản được chiếm địa vị ưu đãi so với người khác. Ông viết, “Bảo đảm một số quyền bình đẳng về cơ hội là triết lý căn bản của một xã hội tự do,” trong cuốn The Limits of Liberty, năm 1975 viết chung với Robert P. Tollison. Cho đến khi qua đời, thọ 93 tuổi, ông vẫn là một người suy nghĩ tự do và độc lập, mối quan tâm chính là ích lợi chung.

Người Việt Nam nên biết cách suy nghĩ của James Buchanan. Cách phân tích của ông có thể giúp chúng ta hiểu rõ nguyên ủy của nạn tham nhũng lan tràn hiện nay cũng như tình trạng đấu đá tranh quyền trong nội bộ đảng Cộng sản. Tất cả bắt nguồn từ những Lựa chọn Tập thể sai lầm ngay từ đầu.

Trong cuốn “Bài toán về Thỏa thuận,” The Calculus of Consent, viết cùng Gordon Tullock năm 1962, Buchanan đặt tựa nhỏ: “Những Nền tảng Luận lý của Chế độ Dân chủ Hiến định,” Logical Foundations of Constitutional Democracy. Ông phân biệt hai cấp bậc của lựa chọn tập thể trong một quốc gia. Thứ nhất là ấn định các “luật chơi,” thứ hai là tham dự trong cuộc chơi, dựa trên các luật lệ “hiến định” đó.

Lý thuyết Lựa chọn Tập thể buộc mọi người phải chú ý nghiên cứu vai trò của nhà nước trong sinh hoạt kinh tế. Trong khi các nhà kinh tế khác chỉ lo tìm hiểu cách vận hành của cơ chế thị trường rồi đề nghị những giải pháp đáng được thi hành, Buchanan chú ý đến cơ chế chính trị, là nơi nắm quyền và được trao trách nhiệm áp dụng các chính sách kinh tế. Cho nên, phải dùng phương pháp kinh tế học soi sáng hành động của các nhà chính trị cũng như guồng máy công quyền; nhờ đó đặt ra các “luật chơi” nhằm bảo vệ các nguyên lý chung của cả xã hội như tự do, bình đẳng.

Bởi vì trong thực tế, các chính sách kinh tế đều chịu ảnh hưởng của những nhóm, những người nắm quyền quyết định, mọi người đều nhắm đến tư lợi. Trong kinh tế học người ta vẫn giả thiết là con người hành động vì tư lợi. Buchanan nhấn mạnh rằng những công chức và các đại biểu do dân bầu lên đều không phải sinh ra đã là những người vô vị lợi. Trong khi làm nhiệm vụ được mô tả là phục vụ công ích, họ cũng tự nhiên lo cho chính mình. Con người ai cũng muốn gia tăng quyền hành và lợi lộc. Các đại biểu Quốc hội bao giờ cũng muốn được đắc cử và tái đắc cử. Cử tri và những người có thể ảnh hưởng trong việc bỏ phiếu cũng có những quyền lợi riêng. Bỏ quên giả thiết này thì sống trong ảo tưởng.

Do đó, việc đầu tiên của một hệ thống chính trị là ấn định các “luật chơi chung,” để ngăn ngừa không cho tư lợi lấn lướt, làm chệch hướng, có khi làm hại công ích. Một luật chơi căn bản là bảo vệ tính công bằng trong xã hội, quan trọng nhất là bảo đảm mọi người đều có cơ hội bình đẳng. Phải bảo vệ lợi ích chung của xã hội bằng cách vạch rõ ranh giới giữa công và tư; khi nào quyền lợi công và tư xung khắc thì phải đạt công ích lên trên tư lợi. Ðó là những luật chơi căn bản mà một xã hội tự do dân chủ không thể thiếu được.

Phân tích theo lối của James Buchanan, chúng ta thấy đảng cộng sản đã “gian lận” ngay khi thiết lập các định chế làm “luật chơi” cho đời sống kinh tế. Thí dụ, họ đặt ra một luật chơi: “Ðất, ruộng thuộc quyền sở hữu của toàn dân;” không một cá nhân hay một tập hợp nào được hưởng quyền sở hữu. Kèm theo, là một luật chơi thứ nhì: “Ðảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và xã hội.”

Với hai “luật chơi” này, đảng Cộng sản đã gian lận, giành quyền thủ lợi tối đa cho những kẻ nắm quyền trong đảng. Gian lận, vì họ hô hào nông dân giết địa chủ, rồi biến đảng thành chủ nhân duy nhất của tất cả đất đai, ruộng, rừng, sông, biển. Họ nắm quyền ban phát, cho ai được phép sử dụng các tài nguyên đó, ai được dùng nhiều hơn ai, còn đảng đóng vai thu tô, thu thuế. Họ nắm quyền cho nên có thể trao đất, trao rừng, trao quặng mỏ cho người Trung Quốc khai thác, không cần biết dân Việt Nam muốn thế nào. Ngày xưa quyền của các địa chủ còn bị giới hạn. Quyền hành của ông địa chủ đời nay là tuyệt đối và vô giới hạn.

Ông địa chủ đảng Cộng sản lại có quyền biến đổi giá trị của đất đai tùy thích, không theo một quy tắc giá cả nào theo lối kinh tế thị trường. Họ có thể chiếm lại một vùng đất ruộng của nông dân, đền bù với giá bồi hoàn rất rẻ, biện minh rằng đó là “thời giá” trong thị trường. Ðiều này có thể đúng, vì một thửa ruộng sinh lợi được bao nhiêu mỗi năm có thể kiểm chứng được. Nhưng ngay sau khi cướp đất hợp pháp rồi, với quyền hành vô hạn, họ biến mảnh đất thành khu công nghiệp, khu thương mại, cư trú hay du lịch. Trong chớp mắt, giá trị đất tăng lên hàng chục, hàng trăm, hay ngàn lần. Ðọc những lời biện minh của đảng Cộng sản ở thành phố Ðà Nẵng, chúng ta thấy lúc nào họ cũng biện minh rằng họ tính giá đất theo “thời giá” cả. Nhưng ai cũng biết các cán bộ nắm quyền lúc nào cũng nắm những pháp thuật biến đất thành vàng. Pháp thuật nào đã tạo ra giá trị gia tăng đó? Quyền. Ai được hưởng những giá trị gia tăng? Những kẻ nắm quyền.

Với những “luật chơi kinh tế” như vậy, cả guồng máy đảng Cộng sản là một hệ thống chia chác quyền hành cho nhau, để kiếm lợi trên đất đai, rừng biển của dân tộc Việt Nam. Ðảng Cộng sản đã tước đoạt tài sản của quốc gia để cho một tập đoàn tham ô làm giầu. Ngay từ khi họ đặt ra những luật chơi kinh tế bắt toàn dân phải chấp nhận, không ai được từ chối. Giống như một chủ sòng bài có quyền bắt cả nước phải tham dự trò đen đỏ với họ, với một quy luật: “Chẵn thì tôi ăn, lẻ thì anh thua.” Chưa bao giờ có một vụ cờ gian bạc lận rộng lớn và kéo dài như thế.

Những phân tích của James Buchanan đã dẫn tới những cải tổ về luật chơi trong đời sống chính trị và kinh tế ở nước Mỹ. Ông yêu cầu mọi người phải đề phòng những xung khắc giữa tư lợi và công ích; khi trao quyền cho ông tổng thống, các đại biểu Quốc hội hay các viên chức nhà nước, phải biết rằng họ đều có những quyền lợi riêng, không thể giả thiết là ai cũng chỉ nghĩ đến công ích. Chế độ Cộng sản không quan tâm đến vấn đề này. Trước hết, chủ nghĩa Cộng sản đặt trên một ảo tưởng. Trên lý thuyết, họ giả thiết là các người nắm quyền, từ giới lãnh đạo cho tới các cán bộ, sẽ thi hành các quyết định của đảng, không cán bộ nào nghĩ tới tư lợi cả. Họ đưa ra những cương lĩnh, những nghị quyết, chỉ tiêu, vân vân. Họ giả thiết các cán bộ sẽ thi hành những quy tắc hay khẩu hiệu trừu tượng đó; không bao giờ lo ngại để đề phòng là mọi người, mọi nhóm người đều chứa sẵn những động cơ riêng tư. Tất nhiên, giả thuyết đó sai lầm, hoàn toàn trái ngược với thực tế. Khi kết quả hoàn toàn trái ngược với các chỉ tiêu và khẩu hiệu, cả chế độ phải nói dối quẩn quanh, dối lẫn nhau và dối người ngoài, một tình trạng dối trá có hệ thống. Gốc rễ của chế độ tham nhũng, lạm quyền hiện nay là do một sai lầm căn bản, sai lầm nằm trong cốt lõi của hệ thống, ngay từ khi thiết lập các chế độ cộng sản đầu tiên.

Một chế độ đặt trên một giả thiết hoàn toàn trái ngược với bản tính con người, cuối cùng phải tan rã, như chúng ta đã chứng kiến ở Ðông Âu và Nga Xô.

Ðáng lẽ ra khi các đảng Cộng sản còn sống sót phải quay ngược đầu, bắt chước lối tư bản, gọi là kinh tế thị trường, thì những người cầm đầu phải chấp nhận một giả thiết thực tế, là trong phạm vi kinh tế mỗi người thường lo cho lợi ích của riêng mình trước hết. Nhưng để tiếp tục nắm quyền, họ vẫn giả bộ như không biết. Họ tiếp tục bảo vệ cái chủ nghĩa đầy ảo tưởng như cũ, vẫn coi lý thuyết Mác-Lê Nin là kim chỉ nam. Ðứng trước các hành động tham ô rừng rú, họ vẫn chỉ hô khẩu hiệu phải “cải tạo tư tưởng” các cán bộ. Họ không dám thay đổi cơ cấu để tác động ngay trên hành vi và thái độ của các cán bộ đang nắm quyền. Mà quyền hành của những người này thường vô giới hạn, hoặc chỉ giới hạn rất mơ hồ.

Quyền hạn mơ hồ cũng là một “luật chơi” căn bản của các chế độ Cộng sản. Vì mỗi lãnh tụ, cho đến mỗi cán bộ, đều bất chấp các quy tắc hành chánh và pháp lý. Xưa nay, “luật chơi” của chế độ Cộng sản là “không cần luật.” Các lãnh tụ cộng sản biết rằng khi nào luật lệ còn mơ hồ, lỏng lẻo, còn có thể thay đổi tùy tiện, thì họ còn có cơ hội thủ lợi. Vì vậy, những nhà kinh doanh thành công, như Trần Huỳnh Duy Thức, cũng thấy không thể sống được trong một xã hội mà ngay trong bước đầu ấn định luật chơi kinh tế đã không công bằng, không ngay thẳng. Khi một nhà kinh doanh thành công như Trần Huỳnh Duy Thức lên tiếng đòi thay đổi luật chơi, anh cũng biết là anh sẽ phải vào tù.

Nhưng kẻ dùng gươm sẽ chết bằng gươm. Ðảng Cộng sản bắt đầu tan rã khi chính những luật chơi họ đặt ra cũng quay ngược mũi dao, đâm vào chính họ. Chúng ta đang chứng kiến cảnh các lãnh tụ tranh giành nhau, cấu xé nhau, vì những luật chơi mơ hồ đang đưa tất cả vào bế tắc, sắp đến ngày tan rã.
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Post by lengoi »

Xã hội dân sự ở Việt Nam: Bức tranh lệch lạc và dang dở

Nguyễn Hưng Quốc
(Nguồn: VOA)
Hầu hết các tài liệu viết về xã hội dân sự ở Việt Nam, chủ yếu bằng tiếng Anh đều nhấn mạnh: Xã hội dân sự chỉ mới manh nha tại Việt Nam từ giữa thập niên 1980, khi chính phủ và đảng cầm quyền công bố chính sách đổi mới. Thật ra, không phải. Theo tôi, đó chỉ là một cái nhìn phi lịch sử và đầy thiên kiến chính trị: Một cách vô tình hay cố ý, người ta hư vô hóa sự tồn tại của một nửa nước tương đối tự do trong thời kỳ 1954-75.

Từ những góc nhìn khác nhau, người ta có thể phê phán chế độ Việt Nam Cộng Hòa về nhiều điểm, từ chính trị đến quân sự, từ kinh tế đến xã hội. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận được: ở miền Nam, từ 1954 đến 1975, xã hội dân sự được phát triển một cách mạnh mẽ. Số lượng các tổ chức (chính thức và không chính thức) có tính chất tự nguyện, phi lợi nhuận, độc lập với nhà nước, của những người có cùng sở thích hoặc lý tưởng chung, nhiều vô cùng.

Không những nhiều mà còn đa dạng. Hầu như ở lãnh vực nào cũng có. Có những tổ chức có gốc gác từ ngoại quốc như: Hội Hồng Thập Tự (bây giờ gọi là Hội Chữ Thập Ðỏ) hay Hướng Ðạo. Có những tổ chức liên quốc gia như Hội Việt-Mỹ hay Hội Việt-Pháp, Việt-Ðức. Các tôn giáo, ngoài một tổ chức thống nhất chung, còn có nhiều tổ chức nhỏ, như Công giáo thì có Phong trào Thiếu nhi Thánh thể, Hùng tâm Dũng chí và Thanh niên Sinh công; Phật giáo thì, ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, có Hội Phật Học Việt Nam, Gia đình Phật tử, Thanh niên Phật tử... Ðịa phương nào cũng có các Hội đồng hương, Hội tương trợ hoặc Hội tương tế. Với người già thì có các Hội cao niên; với người trẻ thì, ngoài Hướng Ðạo, còn có các tổ chức như Ðoàn Thanh niên Thiện chí, Du Ca, Ðoàn Văn nghệ Thanh niên Tiên Rồng, Ðoàn Văn nghệ Thanh niên Học sinh (còn có tên là Phong trào Nguồn sống), Thanh niên Phụng sự Xã hội, Ðoàn Công tác Xã hội Sinh viên Học sinh. Ở các đại học đều có Hội Sinh viên; ở Sài Gòn và Huế còn có Tổng hội Sinh viên. Trong lãnh vực văn hóa cũng có rất nhiều tổ chức dân sự như: Cơ quan Khảo cứu Văn hóa Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Khổng học Việt Nam, Tổng hội Việt Nam cổ học, Hội Việt Nam Văn hóa Á châu, Hội Giáo dục Bình dân Việt Nam... Về báo chí, có Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, Hội Ái hữu Ký giả Việt Nam, Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam... Về văn học thì có Trung tâm Văn bút và vô số các thi văn đoàn ở mọi nơi. Một số tạp chí lớn hoạt động như một nhóm với một số cây bút chính làm hạt nhân, từ đó, chúng ta có nhóm Văn hóa Ngày nay, nhóm Sáng Tạo, nhóm Quan Ðiểm. Về mỹ thuật, ngoài Nghiệp đoàn Hội họa Việt Nam, còn có Hội Họa sĩ trẻ. Về âm nhạc thì lại càng phong phú.

Một số tổ chức trên có thể nhận được sự tài trợ của chính quyền, nhưng ngay cả trong trường hợp ấy, họ cũng có tự do để hoạt động một cách độc lập, theo quy chế tự quản. Ngoài ra, còn có vô số tổ chức được thành lập chỉ với mục đích chống chính quyền như Ủy ban Cải thiện Chế độ Lao tù (của Linh Mục Chân Tín), Phong trào Phụ nữ đòi Quyền sống (của bà Ngô Bá Thành), Ủy ban Tranh đấu cho Tự do Báo chí và Xuất bản (của Nguyễn Văn Bình), Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Người lao động (của Linh Mục Phan Khắc Từ), Lực lượng Hòa hợp Hòa giải Dân tộc (của Vũ Văn Mẫu), v.v...

Không những ở miền Nam thời 1954-75, ngay cả trước đó nữa, từ đầu thế kỷ 20, dưới thời Pháp thuộc, xã hội dân sự cũng đã phát triển khá mạnh mẽ. Ngoài các tổ chức chính trị chống Pháp, một cách công khai hay bí mật, còn có vô số các tổ chức xã hội, văn hóa, giáo dục rải rác khắp nơi, đặc biệt tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội và Huế. Nông dân thì lập các Nông hội; học sinh sinh viên thì lập các Học hội; phụ nữ cũng lập các Hội phụ nữ dưới nhiều danh xưng khác nhau; phần lớn các tổ chức Phật giáo hoạt động sau này đều có tiền thân từ trước năm 1945: Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1930), Hội An Nam Phật học (1932), Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934)... Về phương diện văn hóa, nổi bật nhất là Ðông kinh Nghĩa thục (1907), Hội Khai trí Tiến Ðức (1919-45), nhóm Tự lực Văn đoàn (nhóm này cũng tổ chức Phong trào Ánh sáng nhắm vào các hoạt động xã hội), và Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938-45, do Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng).

Nếu đi ngược thời gian, trước thế kỷ 20, dưới thời phong kiến, chúng ta cũng có thể bắt gặp một hình thức phôi thai của các tổ chức xã hội dân sự. Ở các trường học vốn có chút tính chất thương mại (để nuôi sống các thầy đồ) nhưng nhiều hơn, tính chất văn hóa, nơi thầy trò và các đồng môn gặp gỡ và trao đổi với nhau về các chuyện học thuật, văn chương cũng như thế sự. Ở các tao đàn (trừ Tao Ðàn Nhị thập bát tú vốn có tính quan phương do vua Lê Thánh Tông thành lập và làm Ðô nguyên súy) như Chiêu Anh các của Mạc Thiên Tứ, Tùng Vân xã (còn được gọi là Mặc Vân thi xã) của Tùng Thiện vương. Vân vân.

Trong cuốn Civil Society in China (1), Timothy Brook phác họa sự phát triển của xã hội dân sự - qua các tổ chức có tính chất tự trị - ở Trung Quốc qua hai thời kỳ, từ thế kỷ 16 đến năm 1911 (thời nhà Thanh) và từ 1911-1949 (thời Cộng Hòa).

Mô hình trên có thể gợi ý cho chúng ta trong việc tìm hiểu về sự hiện diện của xã hội dân sự tại Việt Nam trước thế kỷ 20 vì dù sao, ngày trước, giữa Việt Nam và Trung Quốc, vẫn có rất nhiều điểm tương đồng. Ở Việt Nam ngày xưa, chắc chắn cũng có mầm mống của các tổ chức tự trị theo ba nguyên tắc đầu được Brook đề cập: theo địa phương, nghề nghiệp và sở thích. Tuy nhiên, đây là những vấn đề lớn, cần nhiều tài liệu hơn trước khi đi đến bất cứ kết luận nào.

Ở đây, với cái nhìn thoáng qua như trên, chúng ta có thể thấy được một số điểm:

-Thứ nhất, xã hội dân sự đã manh nha ở Việt Nam từ trước thế kỷ 20.

-Thứ hai, từ đầu thế kỷ 20 trở đi, nó đã thực sự hình thành và phát triển.

-Thứ ba, ở miền Nam, trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, nó nở rộ.

-Thứ tư, chỉ ở miền Bắc, từ sau 1954 và ở cả nước, sau năm 1975, xã hội dân sự mới bị triệt tiêu.

Ở đây lại nảy ra hai vấn đề:

-Thứ nhất, xã hội dân sự dưới thời Pháp thuộc cũng như ở miền Nam có đóng vai trò gì đáng kể trong quá trình dân chủ hóa xã hội hay không?

-Thứ hai, tại sao đảng Cộng sản lại cấm đoán xã hội dân sự?

Ðể trả lời một cách thuyết phục cho câu hỏi thứ nhất, cần có những công trình nghiên cứu công phu và công tâm. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có. Ðành chờ.

Với vấn đề thứ hai, câu trả lời tương đối dễ: Ðó là chính sách. Chính sách ấy gắn liền với các quan điểm quan trọng trong chủ nghĩa Mác, được Karl Marx đề cập và được Antonio Gramsci, một nhà Mác-xít lỗi lạc ở đầu thế kỷ 20, khai triển, từ đó, được áp dụng rộng rãi trong tất cả các chế độ xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Cho đến ngày các chế độ ấy bị sụp đổ.

Chú thích:

(1) Timothy Brook & B. Michael Frolic (1997), Civil Society in China, New York: M.E. Sharpe, tr. 25.
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »


Image

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo lên án vụ bắt giữ blogger Việt Nam Lê Anh Hùng

Thanh Phương (RFI)


- Hôm qua, 01/02/2013, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ( CPJ ) đã ra một thông cáo tại Bangkok lên án Việt Nam về vụ bắt giữ blogger độc lập Lê Anh Hùng, đưa về giam trong một trại tâm thần. Tổ chức CPJ kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho anh Hùng và những nhà báo khác đang bị giam giữ với những tội danh « ngụy tạo ».

Trong thông cáo nói trên, CPJ nhắc lại là sáu nhân viên an ninh đã bắt giữ blogger Lê Anh Hùng ngày 24/01 tại thành phố Hưng Yên, miền Bắc Việt Nam, lấy cớ là để hỏi về những vấn đề liên quan đến giấy tạm trú. Anh Hùng bị đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2, một trại tâm thần ở Hà Nội. Sau đó giám đốc trung tâm này nói rằng anh Hùng đã bị đưa vào đây theo yêu cầu của mẹ anh và anh không được phép gặp ai vào thăm.

Nhưng trong một tuyên bố đưa ra ngày 30/01, Đài Quan sát bảo vệ các Nhà bảo vệ Nhân quyền, một nhóm quy tụ Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, có trụ sở tại Pháp, khẳng định là mẹ của blogger Lê Anh Hùng không hề yêu cầu đưa con vào tâm thần.

Bản tuyên bố nói trên cũng cho biết là trước khi bị bắt, anh Hùng đã thường xuyên bị công an sách nhiễu, tra hỏi và đe dọa, lý do là vì blogger này đã viết nhiều bài trên mạng tố cáo nạn tham nhũng của các quan chức cao cấp và nạn lạm quyền trong Đảng Cộng sản.

Đại diện khu vực Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Shawn Crispin tuyên bố : « Vụ bắt giam anh Lê Anh Hùng cho thấy các quan chức nay trở nên nhạy cảm như thế nào đối với những lời chỉ trích trên mạng. Thay vì dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến trên mạng, chính quyền Việt Nam nên lắng nghe nỗi bất mãn ngày càng tăng đối với chế độ, được bày tỏ trên các trang blog độc lập. »

Trong bản thông cáo hôm qua, CPI nhắc lại là ngày 09/01/2013 vừa qua, năm blogger độc lập ở Việt Nam đã bị kết án từ 3 đến 13 năm tù với tội danh liên quan đến an ninh quốc gia, do những bài viết chỉ trích được đăng trên mạng. Việt Nam hiện đang giam giữ 14 nhà báo, đưa nước này trở thành quốc gia đứng hàng thứ sáu trong số các nước giam giữ phóng viên nhiều nhất thế giới.

Thanh Phương

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/2013020 ... e-anh-hung
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Thời cơ không thể để mất

Bùi Tín
(Nguồn: VOA)
Hiệp định Paris ký đã được tròn 40 năm. Lẽ ra đây phải là dịp toàn dân ta cùng nhau nhìn lại quãng đường dài vừa qua để rút ra những kinh nghiệm thiết thực quý báu nhất cho chặng đường sắp đến. Làm được như vậy chứng tỏ dân tộc ta đã trưởng thành và khôn ngoan.

Nhưng hình như chúng ta đã không cùng nhau làm như thế. Cuộc tranh luận để xác định ai thắng ai thua trong cuộc chiến tranh thực tế là huynh đệ tương tàn, là Bắc chinh Nam chiến, làm quân cờ phụ cho cuộc chiến tranh ý thức hệ vừa nóng vừa lạnh giữa hai trận tuyến thế giới Dân Chủ và Cộng Sản, cuộc tranh luận đáng buồn ấy vẫn diễn ra dai dẳng. Kẻ thắng không phát huy được thắng, còn lao đao lo sợ, bị dân khinh ghét, thì thắng cái gì? Mây mù tồn đọng của thế kỷ hỗn loạn vừa qua vẫn phủ mờ, làm lạc hướng nhận thức và tình cảm của cả một dân tộc được coi là có bản chất tinh anh, nhân bản.

Thật ra đây cần phải là dịp để nhìn lại cho minh bạch tình hình 40 năm trước để biết tiếc nuối một thời cơ hiếm có đã bị bỏ qua, từ đó không để vuột mất thời cơ hiếm có trước mắt hiện nay.

Bốn mươi năm trước đã có thời cơ lớn xuất hiện để thể hòa hợp dân tộc, thống nhất lòng dân, khôi phục và phát triển đất nước với tốc độ cao, cải thiện cuộc sống cho toàn dân, bù lại những năm tháng chiến tranh tàn khốc. Nhưng lãnh đạo duy ý chí, chủ quan, bị chiến thắng làm cho đầu óc quay cuồng, sinh ra mù quáng, đã có những chủ trương sai lầm có hệ thống: Bỏ tù không phân biệt quân nhân viên chức cũ, cải tạo vội vã công thương nghiệp, sáp nhập vội các tỉnh, quận, huyện, đổi tiền, tiến công chiếm đóng mười năm dài Campuchia, thất bại trong chống giặc nội xâm tham nhũng, lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng trong quản lý các tổng công ty quốc doanh, kết quả là xã hội bị băng hoại, đảng CS thoái hóa bị khinh miệt và uy tín cầm quyền.

Nếu như lãnh đạo đảng CS hồi ấy tỏ ra thận trọng, sáng suốt, khôn ngoan, biết học tập kinh nghiệm hòa giải dân tộc ở Hoa Kỳ khi chiến tranh Bắc-Nam kết thúc, biết áp dụng bài học liên minh bền chặt giữa những kẻ thù truyền thống như Pháp-Ðức hay Mỹ-Nhật... thì tình hình nước ta hiện nay đã khác hẳn, quan hệ quốc tế sớm được mở rộng và thắt chặt với các nước dân chủ, và thế quốc tế của nước ta cũng đã khác hẳn.

Ðến những năm 1989, 1990, khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô tan vỡ, nếu như lãnh đạo đảng CS sáng suốt, tỉnh táo, biết nhận ra sai lầm về đường lối, học thuyết đã quá rõ ràng, chủ động từ bỏ ý thức hệ Mác-Lênin đã phá sản, trở về với dân tộc, thì tình hình cũng đã đổi khác hẳn. Lại một dịp tốt bị bỏ lỡ, chỉ vì tất cả Bộ Chính Trị bị nhiễm nặng bệnh giáo điều, cổ hủ, không một ai có tư duy đổi mới mạnh mẽ, dân chủ và sáng tạo. Trong hàng ngũ lãnh đạo không có một ai có tư duy độc lập, biết lùi để tiến khi cần, biết rẽ sang trái hay sang phải tùy theo chặng đường, cho nên cứ cắm đầu cắm cổ tiến lên với mục tiêu xã hội chủ nghĩa, dưới lá cờ Cộng Sản, trong khi không một ai hình dung được chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng Sản hình thù ra sao, bao năm nữa sẽ đạt, con đường quá độ như thế nào, cũng không ước lượng nổi là qua mấy kế hoạch năm năm, mấy chiến lược mười năm. Nghĩa là mục tiêu lờ mờ, mơ hồ, huyền ảo ở phía trước.

Ðến nay lại một thời cơ mới được mở ra, nhân việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 được đặt ra, dự định hoàn thành trong năm nay, có thể gọi là Hiến pháp 2013, Hiến pháp của thế kỷ XXI. Bản dự thảo được đưa ra có 95 điều khoản được sửa đổi viết lại, 13 điều hoàn toàn mới, chỉ giữ nguyên 18 điều. Ban dự thảo cho rằng đã làm được nhiều việc, thay đổi đến 108 điều khoản, nhưng thật ra chỉ sửa những vấn đề thứ yếu, có thể nói là lặt vặt.

Thay đổi lớn nhất là Ðiều 70 trong bản dự thảo mới nói về lực lượng vũ trang nhân dân. Trong các Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 ghi “Lực lượng vũ trang nhân dân là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc...” và “lực lượng vũ trang nhân dân trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu...” không có chỗ nào nói trung thành với đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) và có nhiệm vụ bảo vệ đảng CS cả. Trong dự thảo hiện nay ghi rõ: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với đảng CS Việt Nam, tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đảng, nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Những chữ không hề có trong cả 4 bản hiến pháp cũ. Vì sao vậy? Có thể hiểu là lãnh đạo đảng CSVN đang sợ quân đội và công an khi có khủng hoảng chính trị gay gắt xảy ra, như ở Rumania, Liên Xô, Tunisia, Ai Cập... quân đội và an ninh đã đứng hẳn về phía nhân dân xuống đường và nổi dậy. Trong lo sợ họ đang đặt đảng của họ lên trước tổ quốc và nhân dân.

Hiện đang có chuyện hệ trọng hơn nhiều. Ðó là nhân việc tu sửa Hiến pháp, một nhóm trí thức có uy tín xã hội cao đã đưa ra kiến nghị chuyển từ chế độ duy nhất một đảng sang chế độ đa đảng. Sáng kiến đưa ra vài ngày đã có hàng ngàn người đồng tình nhiệt liệt. Ðây là một đề nghị mạnh dạn, đúng đắn, khoa học, thiết thực, hoàn toàn trong sáng, vì dân vì nước, với những lý lẽ rất rõ ràng, rất khó bác bỏ.

Chưa có một chế độ độc đảng độc quyền đảng trị nào mang lại tự do no ấm cho nhân dân cả. Một nền “dân chủ độc đảng” là một nền dân chủ không thể có, một nền dân chủ mơ hồ, hoang tưởng. Chẳng lẽ thiên hạ ngu ngốc, điên dại cả chăng khi tất cả các nước giàu có, văn minh, phát triển cao đều theo chế độ dân chủ đa đảng? Họ lầm lẫn, mê muội dại dột cả chăng? Họ muốn tự sát cả chăng?

Ở nước ta, rõ ràng những yếu kém, sai lầm trong quản lý kinh tế-tài chính, quản lý xã hội, trong lựa chọn nhân tài, thất bại trong chống quan liêu lãng phí tham nhũng đều có nguyên nhân thiếu vắng dân chủ, thiếu lực lượng chính trị ganh đua với đảng cầm quyền, thiếu thế lực kiểm soát làm đối trọng với đảng Cộng Sản.

Nguyên nhân cơ bản làm Liên Xô, các nước CS Ðông Âu sụp đổ là gì nếu không phải là chế độ độc tài đảng trị phi dân chủ kiểu Mác-Lênin? Nguyên nhân sụp đổ của chế độ độc tài ở Tunisia, Ai Cập, Libya là gì nếu không phải là chế độ độc đoán đàn áp và tham nhũng, gây nên sự phẫn nộ, khinh ghét, căm thù của quần chúng đông đảo, tạo nên cuộc xuống đường hùng hậu do một bộ phận trí thức và thanh niên tiên phong lãnh đạo và làm lực lượng xung kích?

Nhất nguyên và đa nguyên, độc đảng và đa đảng, độc tài và dân chủ đang là hai quan điểm đối lập, hai trận tuyến lý luận và thực tiễn đối kháng nhau gay gắt, khi cần rất nên đặt ra trong một cuộc trưng cầu dân ý có quan sát của truyền thông quốc tế, của Liên Hiệp Quốc, trong không khí bình tĩnh tự tin của một dân tộc đã trưởng thành.

Ai cũng thấy lãnh đạo của đảng CS hiện nay là trở ngại chính cho việc chuyển đổi lịch sử theo hướng tiến bộ này. Họ sẽ viện ra đủ cớ, nhưng ai cũng thấy cái nguyên cớ thật sự là ở những đặc quyền đặc lợi quá lớn nhưng phi pháp mà họ đã thu được đang nuôi dưỡng lòng tham không đáy của họ. Mong rằng số người đặt tiền bạc cao hơn nhân dân ấy hãy ngẫm nghĩ về chữ “đủ”. Họ đã giàu gấp trăm ngàn lần người dân bình thường rồi. Hãy tự coi là quá đủ, để còn biết lẽ phải và trí khôn, lấy nền dân chủ đích thực, tân tiến của toàn dân làm trọng.

Về nhiệm vụ thuyết phục những đồ đệ trung kiên của học thuyết nhất nguyên độc đảng nên tự nguyện đi theo con đường cách mạng chân chính của nhân dân, không gì bằng xin để cho trong nội bộ đảng khuyên bảo, thuyết phục nhau, sẽ có hiệu quả hơn. Tôi mạn phép kể ra không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng đã sẵn sàng chủ trương thực hiện nền dân chủ đa đảng trong trật tự theo một đạo “Luật về các chính đảng” sẽ được xây dựng. Ví dụ như ông Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc Hội; ông Trần Phương và ông Vũ Khoan, nguyên phó thủ tướng; ông Nguyễn Ðình Hương, nguyên ủy viên Ban Bí Thư Trung Ương; các tướng lãnh quân đội Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Quốc Thước, Ðặng Quốc Bảo; tướng anh hùng công an Nguyễn Tài; các giáo sư, tiến sĩ Phan Ðình Diệu, Hoàng Tụy, Chu Hảo,Tương Lai, Việt Phương, Nguyễn Quang A, Ngô Bảo Châu, Lê Ðăng Doanh, Trần Ðình Thiên, Ðào Công Tiến, Ðào Xuân Sâm; các nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, Dương Thu Hương, Nguyễn Trung; các nhà văn hóa Nguyên Ngọc, Phạm Toàn, Phạm Xuân Nguyên; các luật sư Lê Hiếu Ðằng, Trần Quốc Thuận...

Sẽ được hoan nghênh nếu như báo Nhân Dân mở một chuyên mục “Nên độc đảng hay đa đảng?” để cho cuộc tranh luận được công khai, ngay thật, sôi nổi, vừa mang tính lý luận, hàn lâm, vừa mang tính quần chúng rộng rãi.

Bất cứ ai quan tâm đến vận mệnh của Tổ Quốc, cuộc sống có nhân phẩm và nhân quyền của toàn dân không thể bỏ qua thời cơ hiếm có hiện nay để nước ta có một hiến pháp tiến bộ xứng đáng với biết bao hy sinh gian khổ đã qua.

Phương án thuận lợi nhất có thể gọi là “Sự chuyển đổi có điều khiển trong luật pháp từ độc đảng sang đa đảng”,vừa từ dưới toàn dân đồng thuận đòi hỏi bằng được quyền tự do của mình đưa lên trên, vừa từ trên chủ động thấu hiểu nguyện vọng của bên dưới để có phương án lãnh đạo cụ thể có hiệu quả cao.

Ðảng CS cùng toàn dân hợp sức chuyển đổi cả hệ thống chế độ chính trị là một cuộc cách mạng ôn hòa mà sâu sắc nhất, là thắng lợi thật sự vĩ đại mang tính chất dân chủ đầy đủ và trọn vẹn, mở ra kỷ nguyên Dân Chủ trong lịch sử nước ta. Làm như thế, đảng CS sẽ được ghi nhận có công lao và vinh dự to lớn trong sự nghiệp cao quý này.

Nếu như lãnh đạo đảng vẫn một mực nhắm mắt bịt tai trước nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ chối phương án “Chuyển đổi có điều khiển”, cùng nhân dân làm trọn cuộc cách mạng dân chủ dân quyền, thì nhân dân quyết không cam tâm thất bại.

Lực lượng của cuộc cách mạng dân chủ sẽ đòi một cuộc trưng cầu dân ý công khai về vấn đề này. Nếu không đạt phương án này, nhiều cuộc xuống đường ôn hòa nhưng cực kỳ rộng lớn sẽ được đặt ra, hòa bình nhưng bền bỉ và quyết liệt để giành bằng được Quyền Con Người, quyền Tự do khao khát suốt mấy thế kỷ dồn nén lại. Tại sao nhân dân Liên Xô và Ðông Âu làm được, nhân dân Tunisia, Ai Cập, Libya làm được, nhân dân Miến Ðiện cũng làm được, mà nhân dân và sỹ phu Việt Nam ta lại không làm được?

Nhất định cuộc tranh đấu chính nghĩa này sẽ toàn thắng khi lòng dân đã đồng, lại đúng thời cơ, hợp thời đại.
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Những người đã chết không chết uổng

Ngô Nhân Dụng

Nhắc đến Tết Mậu Thân tôi phải nhớ đến Nghị Sĩ Trần Ðiền. Có hai người tôi quen biết được tìm thấy trong những mồ chôn tập thể.
Tôi có làm việc ở Tổng Hội Sinh Viên với Lê Hữu Bôi nhưng không thân lắm.

Image
Thi hài nạn nhân thảm sát đã được nhận diện và được đưa vào khâm liệm.

Còn Trần Ðiền là một người anh tinh thần lòng tôi luôn kính trọng. Trong Hướng Ðạo, Trần Ðiền là một tấm gương ngay thẳng, chính trực, và có tài lãnh đạo. Chúng tôi thường gọi các huynh trưởng là “trưởng,” không kể tuổi tác; tôi xin phép được tiếp tục gọi cụ là Trưởng Trần Ðiền.

Luật số một của phong trào Hướng Ðạo khắp thế giới viết: “Hướng đạo sinh trọng Danh Dự; ai cũng có thể tin ở lời nói của hướng đạo sinh”. Vị linh mục, cũng là trưởng Hướng Ðạo với “tên rừng” Sói Mơ Mộng (Loup Rêveur), nói với gia đình trong lễ cầu nguyện: “Ông Trần Ðiền bị sát hại vì ông không nói dối.”

Sau mấy ngày quân Cộng Sản chiếm Huế, một trái đại bác rớt ngay trước cửa nhà Trưởng Trần Ðiền, đào một hố sâu, trưởng và gia đình cùng hàng ngàn người khác vào tạm trú ở Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế để tránh bom đạn. Lúc đầu ban giám đốc mời cụ lên trên lầu ở, vì ở nhà dưới quá nhiều đồng bào vào nhà thờ tị nạn, nhưng trưởng đã lắc đầu từ chối. Trưởng muốn chia sẻ số phận chung với tất cả mọi người. Khi các cán bộ Cộng Sản lùa mọi người ra ngoài sân, họ hỏi ai làm nghề gì để chia thành phần, trưởng đứng chung trong nhóm mấy trăm người đàn ông. Trưởng có thể nhận mình chỉ là một giáo sư. Mà trưởng đã là giáo sư dạy ở Dòng Chúa Cứu Thế thật. Linh mục giám đốc Nguyễn Ðình Lành cũng nói với đám quân Cộng Sản rằng đây là một giáo sư của nhà dòng, tại sao các ông lại bắt? Nhưng khi cán bộ cộng sản hỏi nghề nghiệp, chính trưởng đã nói mình là nghị sĩ. Người con trai của cụ có mặt tại đó, ông Trần Tiễn San nghe cán bộ Việt Cộng hỏi tiếp: “Nghị sĩ làm công việc gì?” Cụ vẫn nói sự thật: “Tôi làm đại diện cho dân.” Trưởng bị trói lại ngay, đưa ra một chỗ riêng.

Ông Trần Tiễn San, lúc đó là một trung úy đại đội trưởng Biệt Ðộng Quân đang được nghỉ phép về nhà ăn Tết, vào nhà dòng cùng với gia đình; sau đó kiếm được cách lẻn trốn ra ngoài, trở về với đơn vị. Người em trai, một sinh viên sĩ quan trường Chiến Tranh Chính Trị đang có mặt tại ở đó cũng trốn thoát. Khi quân Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại thành phố Huế, mới biết tin đã tìm thấy xác cha mình ở một trong số những hố chôn tập thể, ở vùng Lăng Xá Cồn.

Một hướng đạo sinh tập thói quen không nói dối từ thủa nhỏ. Khi phải nói dối người ta tự thấy hổ thẹn với lương tâm mình. Ðó cũng là một quy tắc sống của những gia đình dạy con theo Nho học, lấy chữ Tín làm đầu. Phong trào Hướng Ðạo khi vào nước ta đầu thập niên 1930 đã tiếp tục truyền thống trọng chữ Tín của các nhà Nho. Gia đình họ Trần theo Nho học, dòng dõi vị phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành đời Vua Tự Ðức. Trần Ðiền gia nhập Hướng Ðạo khi phong trào tới Huế; đời sống của trưởng thể hiện sự hòa hợp giữa luật Hướng Ðạo và luân lý Nho Giáo. Trong lúc nước ta còn bị người Pháp cai trị, Hướng Ðạo là nơi duy nhất để các thanh thiếu niên có thể đưa tay lên tuyên thệ “Tôi xin hứa sẽ Trung Thành với Tổ Quốc,” rồi hứa tiếp sẽ “Giúp Ích Mọi Người” và “Tuân Theo Luật Hướng Ðạo”. Bao nhiêu thanh niên có tâm huyết khắp nước đã gặp nhau trong phong trào Hướng Ðạo; tại Huế có những người nổi tiếng sau này có Võ Thành Minh, Tạ Quang Bửu, vân vân. Các thanh niên yêu nước cũng bí mật tham gia các đảng cách mạng, Trần Ðiền sau này vào đảng Ðại Việt. Khi đảng Cộng Sản bắt đầu khủng bố thanh trừng các đảng không theo phái Ðệ Tam, mặc dù đang làm thẩm phán ở quận Hương Trà, trưởng đã về Huế làm việc với chính quyền quốc gia.

Năm 1954 trưởng làm tỉnh trưởng Quảng Trị, tổ chức việc đón đồng bào di cư từ bên kia sông Bến Hải vào Nam. Cũng vì liên hệ với đảng Ðại Việt, năm 1955 trưởng bị chính phủ Ngô Ðình Diệm bắt giam ba tháng và đưa ra tòa án quân sự. Trước tòa án, trưởng tự biện hộ mà không nhờ luật sư, xứng đáng với danh hiệu Gà Hùng Biện; trong Hướng Ðạo gọi là Tên Rừng. Nhờ uy tín ở đất Thừa Thiên về đức độ và tấm lòng ngay thẳng, chính trực, dù kết án 6 năm nhưng trưởng được sống ngoài nhà tù, làm hiệu trưởng trường tư thục Bình Minh. Trưởng được cử làm giám đốc Viện Hán Học ở Huế sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm.

Lần đầu tiên tôi được gặp Trưởng Trần Ðiền là trong Hội nghị Huynh trưởng và đại hội đồng Hướng Ðạo Việt Nam vào cuối năm 1965. Chỉ vì các biến cố tình cờ mà tôi có mặt. Vào Hướng Ðạo như một thiếu sinh ở Hà Nội, tôi vẫn chỉ yêu thích ngành Thiếu, nơi giáo dục các em từ 11, 12 đến 18 tuổi. Năm 1964 tôi đang coi một thiếu đoàn thuộc “Ðạo” Cửu Long ở Sài Gòn. Bỗng nhiên anh đạo trưởng, cũng là người cầm tráng đoàn bị bắt, và đi tù vì hoạt động cho Cộng Sản; tôi được cử lên thay thế anh, cho nên phải đi dự đại hội. Lúc đó Trưởng Trần Ðiền đang là ủy viên ngành Tráng, cho các thanh niên từ 18 tuổi trở lên.

Tôi họp trong tiểu ban ngành Tráng vì trong đạo Cửu Long không có ai khác để tham dự. Trong tiểu ban này, chúng tôi đã bàn nhiều vấn đề mà nay tôi đã quên, chỉ nhớ đã bàn việc thay đổi cách diễn tả các lời hứa Hướng Ðạo. Sau đó, Trưởng Trần Ðiền được đại hội đồng tín nhiệm bầu làm Tổng Ủy Viên, người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động giáo dục của phong trào. Tôi ngạc nhiên khi Trưởng Trần Ðiền gọi tới, bảo: “Chú làm ủy viên ngành Tráng”. Tôi từ chối ngay, nêu lý do tôi chưa bao giờ điều khiển tráng đoàn. Tôi xin trưởng cứ tiếp tục kiêm nhiệm ủy viên ngành Tráng, tôi sẽ còn phải lo cho tráng đoàn trong đạo Cửu Long, sau khi anh tráng trưởng bị tù. Trưởng Trần Ðiền là người khó thay đổi ý kiến; nói như ra lệnh: “Tôi đã thấy chú trong số các trưởng họp tiểu ban ngành Tráng. Tôi giao nhiệm vụ. Chú phải làm.” Khi tôi cố nêu nhiều lý do để từ chối, Trưởng Trần Ðiền nói lời cuối cùng: “Chú nhớ điều luật thứ bảy: Hướng đạo sinh vâng lời huynh trưởng.” Tôi không tìm được lý do nào để từ chối nữa. Từ lúc 13, 14 tuổi tôi đã học luật Hướng Ðạo, và mỗi tuần cùng đọc lại với anh chị em. Trưởng Trần Ðiền tuổi cao hơn hai lần tuổi tôi, con của trưởng lớn hơn tôi. Và tôi thật sự kính trọng người huynh trưởng có bản lãnh và chính trực đứng trước mình. Lòng kính trọng đó khiến tôi không dám cãi nữa. Mà ai cũng biết, rất khó thay đổi một quyết định của Trưởng Trần Ðiền. Khi ra trước đại hội đồng, rất nhiều huynh trưởng đứng dậy phản đối việc bổ nhiệm ủy viên ngành Tráng mới, trong đó có những người tôi rất thân. Ngồi bên cạnh trưởng, tôi cũng đồng ý với tất cả những ý kiến phản đối của họ; chỉ mong trưởng nghĩ lại. Nhưng Trưởng Trần Ðiền khó bị lay chuyển; một đặc tính của những người tự tin, nhất là tin rằng mình quyết định vì ích lợi chung. Quả thực, suốt đời trưởng sống chính trực, đặt công ích trên hết.

Một hướng đạo sinh phải sống chính trực. Một biểu hiện của tinh thần chính trực là phân biệt giữa hai phạm vi công và tư. Trong một bài viết về Trần Ðiền, Trưởng Tôn Thất Hy đã kể một câu chuyện cho thấy cách cư xử ngay thẳng chính trực của một người Hướng Ðạo. Khi làm giám đốc Thông tin Trung phần, một lần Trưởng Trần Ðiền mặc đồng phục Hướng Ðạo tới dự một buổi lễ, ngồi trong hàng quan khách. Trong buổi họp huynh trưởng sau đó, Trưởng Dương Vân đã công khai phản đối Trưởng Trần Ðiền, là “đem chính trị vào phong trào Hướng Ðạo”. Trần Ðiền vốn là một người rất cứng rắn, thường kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình, đã hùng hồn tự biện hộ. Nhưng sau đó, trưởng đã ngưng, không mặc đồng phục Hướng Ðạo nữa, cho tới khi “từ quan” mới mặc lại để tiếp tục làm việc Hướng Ðạo. Chúng ta còn biết trưởng không đặt tự ái cá nhân trên ích lợi chung. Khi một huynh trưởng khác hỏi nếu có dịp lãnh đạo quốc gia thì chọn ai làm phụ tá, Trưởng Trần Ðiền đã nói ngay: Chọn anh Dương Vân. Sau này hai huynh trưởng Hướng Ðạo đã làm việc mật thiết với nhau, dù khác nhau về chính trị và tôn giáo. Họ thể hiện một tấm lòng tương kính mà chúng ta đã thấy giữa các nhà Nho đời trước, như Trần Tiễn Thành và Phạm Phú Thứ trong cùng một triều đình giữa thế kỷ 19.

Phong trào Hướng Ðạo Việt Nam đã nhiều lần bị chính trị can thiệp, gây nên chia rẽ. Khi Việt Nam mới độc lập, một số huynh trưởng theo Cộng Sản đã đề nghị lập Hướng Ðạo Cứu Quốc để gia nhập Việt Minh. Nhưng nhiều người phản đối vì muốn giữ tinh thần độc lập của Hướng Ðạo, họ phản đối ý định đó. Sau này chế độ Cộng Sản không bao giờ cho phép hội Hướng Ðạo được hoạt động. Trong vùng “quốc gia” nhiều huynh trưởng Hướng Ðạo tham gia các đảng chính trị, có những người cũng theo Cộng Sản. Trưởng Tôn Thất Hy kể lại, tại Ðạo Thừa Thiên, Huế, các huynh trưởng theo nhiều đảng phái chính trị khác nhau, nhưng vẫn bỏ qua khuynh hướng chính trị của mình khi cùng sinh hoạt, vì “cùng tôn thờ chung một lý tưởng Hướng Ðạo”. Trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, có lúc đã định buộc Hướng Ðạo phải gia nhập Thanh Niên Cộng Hòa. Vị hội trưởng lúc đó đã đích thân giải thích với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là nếu làm như vậy thì sẽ không còn Hướng Ðạo nữa. Vì căn bản của phong trào là tinh thần tự nguyện vô vị lợi, của huynh trưởng cũng như của các đoàn sinh.

Tôi được thấy Trưởng Trần Ðiền biểu lộ tinh thần phân biệt công và tư trong phiên họp Bộ Tổng Ủy Viên đầu tiên, tại văn phòng Luật Sư Phan Thanh Hy, hội trưởng hội Hướng Ðạo. Trưởng hỏi tôi: Chú được mời họ vào làm ở Bộ Thanh Niên phải không? Tôi cho biết tôi đã từ chối rồi. Trưởng nói: Ðang làm Hướng Ðạo thì không làm chính trị. Nếu chú vào làm Bộ Thanh Niên thì không làm Hướng Ðạo nữa.

Trưởng Trần Ðiền đã bảo vệ tính chất độc lập của phong trào Hướng Ðạo tới cùng. Khi được bầu làm nghị sĩ, năm 1967, ông đã rút khỏi chức tổng ủy viên, trao cho người khác. Tôn Thất Hy nhắc lại lời Trưởng Trần Ðiền nói trước đại hội đồng Hội Hướng Ðạo Việt Nam năm 1966, những lời nhắn nhủ sau cùng: “Hướng Ðạo là một sợi nước trong nhỏ ở giữa dòng nước đục (của xã hội bây giờ). Mong rằng anh chị em hãy gìn giữ lấy sợi nước mong manh đó.”

Tôi được gặp trưởng lần sau cùng trong một cuộc họp gọi là Hội Thảo Mục Tiêu Quốc Gia; vào Mùa Hè năm 1967. Chúng tôi đi bộ khá lâu, thở không khí buổi trưa êm đềm trong khuôn viên Ðại Học Ðà Lạt. Tôi được nghe trưởng nói về thời cuộc, nghe nhận xét về các nhân vật; nhưng quan trọng nhất là một lời, như khuyên bảo một người con: Phải giữ lấy tư cách người Hướng Ðạo. Nửa năm sau, là Tết Mậu Thân. Trưởng Trần Ðiền đã chết với danh nghĩa một nghị sĩ. Một đại biểu của dân. Trưởng chết như một chiến sĩ, giống như những người lính khác bị bắn trước mũi súng bên địch. Trong cuộc nội chiến vì ý thức hệ bất đồng diễn ra tại nước Việt Nam trong thế kỷ 20, Trần Ðiền đã chọn đứng về một phe vì trưởng tin vào lý tưởng mọi người có quyền sống tự do, bình đẳng, sống chính trực không cần gian dối; trong dân tộc không cần phân biệt giai cấp, không được gây chia rẽ hận thù. Lịch sử đã sang trang. Ngày nay, lý tưởng tự do dân chủ lại đang trỗi dậy trên đất nước chúng ta, trong khi chế độ Cộng Sản đang tan rã.

Tưởng niệm Trưởng Trần Ðiền và những đồng bào đã chết, các chiến sĩ tử vong trong Tết Mậu Thân, chúng ta có thể nhớ lại một câu của Abraham Lincoln, trong bài diễn văn ngắn ngủi tại Nghĩa Trang Gettysburg, năm 1863, cuối thời nội chiến Nam Bắc ở Mỹ. Lincoln ca ngợi các tử sĩ: “Chính chúng ta, những người còn sống, phải hết sức làm tiếp những việc đang làm dở mà những người chết ở đây đã chiến đấu để cố đạt được... Chúng ta phải quyết tâm làm sao cho những người đã chết không chết uổng... để một chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ không tàn lụi trên trái đất này.”

Một mai, khi người Việt được sống trong tự do dân chủ, chúng ta sẽ nhắc lại: “Những người đã chết không chết uổng!”
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Cuộc đấu giữa những nhóm quyền lợi

Ngô Nhân Dụng

Trong một bài mới phổ biến gần đây, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A bàn về việc sử dụng từ “nhóm lợi ích,” hiện nay đảng Cộng sản đang gán cho nó một nghĩa xấu, mà theo ông thì mấy chữ đó vốn không có nghĩa xấu hay là tốt nào cả.

Nguyễn Quang A nhìn thấy hai căn bệnh lớn trong hiện tượng này. Một là bệnh theo đuôi trong giới làm báo, hai là bệnh độc quyền suy nghĩ của đảng Cộng sản. Danh từ “nhóm lợi ích” là một khái niệm mới mẻ. Ông viết: “Có sự lạ đời ở Việt Nam là, hễ có một vị lãnh đạo to nào đó, hay một người có uy tín nào đó, phát ra một thông điệp gì đó với một khái niệm ‘mới’ thì truyền thông ào ào ‘ăn theo,’ giới trí thức không chịu động não để phân tích và ủng hộ hay phản bác với lý lẽ, nên nghiễm nhiên cái khái niệm ‘mới’ ấy được phổ biến rộng rãi dẫu bản thân nó có thể hết sức méo mó thậm chí sai hoàn toàn.”

Theo Nguyễn Quang A thì chắc có một ông “lãnh đạo” lớn nào đó lên tiếng đả kích những “nhóm lợi ích,” gán cho danh từ đó một nghĩa xấu. Báo chí “ăn theo,” không ai chịu suy nghĩ tìm hiểu cho rõ nghĩa, vẫn theo thói quen mà các chế độ độc tài tập cho dân chúng chỉ biết “hô khẩu hiệu.” Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nguyễn Quang A; nhưng thấy cần khai triển ý kiến của ông cho rõ hơn.

Thoạt nghe ai cũng biết ngay “nhóm lợi ích” là dịch danh từ “interest group” trong tiếng Anh, và dịch sát từng chữ, group dịch là nhóm, interest là lợi ích, đo đó “interest group” là “nhóm lợi ích.” Dịch máy móc, cũng giống như một đại tá công an viết trên báo Nhân Dân đã kích “Xã hội dân sự - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình.” Ông ta đã theo gót lãnh đạo, thấy chữ “civil society” thì dịch là xã hội dân sự, vì civil là dân sự. Không ai chịu “động não” tìm hiểu rõ nghĩa hơn xem gốc tích các danh từ này có ý nghĩa nào.

Ðể hiểu nghĩa danh từ “nhóm lợi ích,”cần đặt nó vào nơi đang thông dụng nhất, là khung cảnh chính trị và xã hội nước Mỹ. Người Mỹ hay đả kích các chính trị gia chỉ lo bảo vệ quyền lợi của các “interest groups” mà không lo đến công ích. Trong tiếng Anh, interest group cũng được gọi bằng nhiều từ tương đương, như advocacy group (nhóm cổ động), lobbying group (vận động hành lang quốc hội), pressure group (tạo áp lực), or special interest (quyền lợi riêng). Tóm lại, đó là những nhóm công dân chia sẻ những ý kiến, thái độ, quyền lợi chung của họ, và muốn gây ảnh hưởng trên chính sách của cả quốc gia để thực hiện các điều họ mong muốn. Những điều họ chia sẻ có thể là quyền lợi kinh tế, như các công đoàn, hội các nhà trồng nho, trồng bắp, hội các người về hưu ((AARP), hội các bác sĩ (AMA), hay hội các công ty bán lẻ, vân vân. Nhiều nhóm áp lực không quy tụ và vận động vì quyền lợi kinh tế mà vì các ý tưởng. Như Ủy Ban Quyền Sống (NLRC) chống phá thai, đối nghịch với Liên Ðoàn Bảo Vệ Tự Do Sinh Sản (NARAL) đòi tự do phá thai; Hội Súng (NRA) đối lập với Chiến dịch Brady ngăn ngừa bạo lực, Hội Bảo Vệ Tự Do Dân Sự (ACLU), vân vân.

Một người sống ở nước Mỹ, hay ở một nước tự do dân chủ, tự nhiên sẽ gia nhập rất nhiều nhóm với mục tiêu khác nhau. Mỗi ngày mở thùng thư ra có thể thấy mấy lá thư mời gia nhập hoặc xin ủng hộ, của các nhóm bảo vệ môi trường, của ủy ban vận động chính trị thuộc một đảng, hay là mời ký một kiến nghị. Mỗi nhóm này gồm những người cùng theo đuổi các mục tiêu, dù là kinh tế, đạo đức, chính trị hay xã hội. Nếu dịch cho đủ nghĩa thì gọi “interest group” là “những người chung quyền lợi,” chữ quyền lợi hiểu theo nghĩa rộng, không nhất thiết là quyền lợi kinh tế. Nói giản dị là “Nhóm quyền lợi.”

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A hiểu ý nghĩa của danh từ “nhóm lợi ích,” cho nên ông viết: “Ðảng cộng sản Việt Nam là một nhóm lợi ích lớn ở Việt Nam hiện nay. Tập thể những người dân khiếu kiện về đất đai tạo thành một nhóm lợi ích. Giới lao động dệt may, chẳng hạn, cũng tạo thành một nhóm lợi ích. Những người bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên là một nhóm lợi ích.” Ông thấy những luận điệu chống các “nhóm lợi ích” là vô lý. Ngược lại, ông đề nghị, “Phải tạo điều kiện để cho các nhóm lợi ích tồn tại, phát triển, tạo môi trường cho chúng thể hiện, tranh luận, phê phán và qua đó thúc đẩy các lợi ích chung phục vụ cho sự phát triển đất nước.”

Ý kiến trên diễn tả một nền tảng của thể chế dân chủ tự do.

Trong một quốc gia dân chủ, người dân có một quyền bất khả xâm phạm là quyền bất đồng ý kiến với nhau, cũng như quyền không đồng ý với nhà nước. Những khẩu hiệu như “nhất trí,” “đồng thuận” thường được các chế độ độc tài sử dụng, nấp sau lý tưởng “đoàn kết.” Nhưng mục đích che giấu đằng sau các khẩu hiệu của họ là muốn buộc mọi người phải cùng theo một ý kiến, không được cãi, thậm chí không được bàn.

Ngược lại, bản chất của chế độ dân chủ là chấp nhận ý kiến bất đồng, ai cũng có quyền theo một chủ nghĩa, cổ động cho một chính sách mình tin tưởng. Phải cho phép các nhóm người có ý kiến khác nhau được lên tiếng, ai cũng có quyền như ai. Chỉ cần một điều kiện là tất cả cùng tôn trọng luật chơi dân chủ, ai dùng bạo lực bắt ép hay dùng tiền tài mua chuộc người khác là vi phạm luật chơi.

Các nhóm quyền lợi đều muốn lái hành động của guồng máy nhà nước vào mục tiêu mà họ theo đuổi. Vì mỗi quyết định của Quốc Hội hay chính phủ đều có ảnh hưởng tái phân phối tài nguyên chung của quốc dân, hoặc ấn định lại các ưu tiên về luân lý, đạo đức và các giá trị chung của cả xã hội. Thí dụ ở Mỹ người ta đang bàn về việc cải tổ thuế vụ. Hiện nay luật thuế cho trừ tiễn lãi khi vay mua nhà vào lợi tức phải đóng thuế cá nhân. Lợi tức 100 đồng mà phải trả lãi 10 đồng vì vay mua nhà thì sẽ chỉ phải đóng thuế trên lợi tức 90 đồng thôi. Nếu bãi bỏ điều khoản này thì chính phủ Mỹ sẽ thu thêm được rất nhiều thuế, bớt khiếm hụt. Nhưng không những các chủ nhà không muốn thay đổi luật mà các công ty xây cất nhà cũng sẽ phản đối.

Ngược lại, sẽ có những người khác vạch ra là luật lệ hiện nay bất công, vì ưu đãi những người mua nhà, cho họ được hưởng một đặc quyền giảm thuế mà các người đi thuê nhà không được hưởng. Giới chủ nhà và các công ty xây cất sẽ vận động bằng lý luận rằng ưu đãi này tạo ích lợi chung cho cả xã hội. Vì khi thêm nhiều người mua nhà thì các công nhân sẽ có thêm việc làm, kinh tế cả nước sẽ lên cao, chính phủ sẽ thâu được thêm thuế. Mỗi nhóm có quyền lợi riêng sẽ vận động với Quốc Hội và chính phủ để bảo vệ quyền lợi của mình. Cuối cùng, các đại biểu Quốc Hội phải quyết định, và mỗi người sẽ cân nhắc xem các cử tri sẽ thích hay không thích khi mình bỏ phiếu thuận hay chống. Họ có thể tìm một giải pháp trung dung, ấn định một “mức trần” trên số tiền lãi được miễn thuế. Thí dụ, ai cũng được miễn thuế trên số tiền trả lãi 20,000 hay 30,000 đô la, trên số đó thì thôi. Làm như vậy, được lòng đa số các chủ nhà, vì chỉ tăng thuế những người giầu, mua nhà rất lớn mà thôi.

Trong cuộc chơi dân chủ, các nhóm quyền lợi giao đấu với nhau, họ tìm cách gây ảnh hưởng trên những người nắm quyền hành. Cuối cùng, chính lá phiếu của người dân sẽ quyết định kết quả cuộc giao đấu.

Nhưng muốn cho cuộc chơi công bằng, mọi người đều có quyền được góp ý kiến và được nghe ý kiến của người khác. Như vậy thì tất cả phải minh bạch công khai. Các nhóm quyền lợi đều ra mặt công khai trình bày ý kiến của mình. Báo chí, và người dân có quyền biết danh sách các nhóm đang vận động quốc hội và chính phủ, và giới truyền thông tự do phổ biến các ý kiến đối nghịch. Tất nhiên, những người nắm quyền phải do dân chúng tự do bầu lên. Khi đó, các cuộc tranh luận giữa những nhóm quyền lợi góp phần xây dựng ích lợi chung, không nhóm nào độc quyền thao túng guồng máy quyết định của quốc gia.

Ðảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn không chấp nhận cho dân được tham dự những cuộc chơi tự do dân chủ theo lối này. Cho nên họ lớn tiếng đả kích các “nhóm lợi ích” mà không biết rằng chính họ là một nhóm với nhiều đặc quyền đặc lợi nhất, trùm khắp đất nước, như Tiến Sĩ Nguyễn Quang A đã chỉ ra. Ðảng Cộng sản cũng đang nằm trong tay nhiều “nhóm lợi ích” đang chia nhau quyền hành và những lợi lộc do quyền hành sinh sản. Nhưng không có gì minh bạch, công khai cả. Các nhóm quyền lợi này đều giấu mặt, các hành động của họ cũng nằm trong hậu trường, người dân không ai có quyền biết. Nhà báo nào đi tìm hiểu, loan tin, đều bị tù.

Một nhóm quyền lợi ở nước ta là những công ty xây dựng, họ muốn chiếm đất của nông dân để xây khu giải trí, xây cao ốc hay biệt thự. Các quan chức được “đấm mõm” để làm ra luật, thay đổi luật cho nhóm này được hưởng. Mỗi khi nhà được xây lên, đều có những căn đem tặng các quan chức nắm quyền quyết định. Con một ông bộ trưởng hoặc một ủy viên Trung Ương Ðảng bỗng được một công ty mời làm phó tổng giám đốc, mà không phải làm gì cả, tối ngày đi chơi. Có cậu con bộ trưởng xây dựng còn được mời làm phó tổng giám đốc một công ty bên Trung Quốc nữa mới quý! Ðối nghịch với nhóm quyền lợi này là những nông dân đang bị cướp đất. Cuộc giao đấu của hai bên đã diễn ra từ hàng chục năm qua, nhiều lần đã đổ máu. Nhưng ai cũng thấy luật giao đấu không công bằng, và không có gì minh bạch, công khai cả.

Người Việt Nam biết tình trạng này phải chấm dứt thì đất nước mới tiến lên được. Nhưng đảng Cộng sản sẽ bảo vệ quyền lợi của họ đến cùng. Cuộc đấu sẽ còn tiếp diễn.
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »


Image


Blogger Điếu Cày tố cáo các vi phạm trong vụ án của mình

Trà Mi
(VOA) - Một blogger nổi tiếng bị lãnh án 12 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” từ trong trại giam gửi thư tố cáo rằng phiên tòa đối với anh là một vết nhơ thêm nữa cho nhân quyền Việt Nam.


Thủ bút của blogger Điếu Cày tố cáo những sai phạm trong quá trình điều tra, tố tụng tại phiên sơ thẩm ngày 24/9/12 vừa được nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, phổ biến ra công luận. Cuối tháng giêng vừa qua, Hà Nội phóng thích và trục xuất ông Quân về Mỹ trước áp lực quốc tế sau 9 tháng giam cầm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Tiến sĩ Quân đã gửi bản sao lá đơn tố cáo của Điếu Cày đến Ban Việt ngữ đài VOA.

Trong đơn, Điếu Cày, thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, nêu rõ phiên tòa xử ông là “bằng chứng rõ nhất cho sự thất bại của việc xây dựng một nền dân chủ tại Việt Nam”, “làm đổ vỡ hình ảnh một nhà nước pháp quyền trong mắt bạn bè quốc tế.”

Trong ba ngày hôm qua, hôm nay, và ngày mai mẹ con tôi vẫn trên đường đi tìm ông Hải. Vì họ đưa ông ấy đi, ngày hôm qua thì ở trại giam Chí Hòa, hôm nay thì ở trại giam Bố Lá, ngày mai thì đi trại giam Xuyên Mộc. Chúng tôi đến mỗi nơi đều bị người ta nói là đã chuyển ông ấy đi... Blogger Điếu Cày (tức Nguyễn Văn Hải) nói vụ án của ông có rất nhiều vi phạm từ quá trình điều tra cho tới tố tụng, nhưng luật sư và bị cáo đã bị tòa tước đoạt hầu hết quyền được trình bày quan điểm tại phiên xử sơ thẩm.

Bà Dương Thị Tân, vợ của blogger Điếu Cày, nói với VOA Việt ngữ rằng thư tố cáo của chồng bà đã không được chuyển tới tay luật sư trước phiên phúc thẩm hôm 28/12 vừa qua:

“Cái đơn đó họ không có chuyển ra. Ông Hải phải viết đến 3 lần. Lúc gặp ông Hải trước phiên phúc thẩm, ông Hải nói là ông đã phải viết đơn kháng cáo đến 3 lần. Cả 3 lần đó, luật sư và gia đình đều không nhận được.”

Luật sư của Điếu Cày cho hay tuy không nhận được thư tố cáo của chính thân chủ mình, nhưng luật sư đã trình bày tất cả những sai phạm trong vụ án tại phiên phúc thẩm và dù tòa có ghi nhận, bản án vẫn không thay đổi.

Luật sư Hà Huy Sơn:


“Tôi không có được bản kháng cáo sơ thẩm đó. Dù không có, nhưng tôi có trao đổi với ông Hải và nắm bắt được tinh thần yêu cầu của bản kháng cáo đấy và tại phiên phúc thẩm, chúng tôi cũng đã nói đầy đủ những sai phạm của bên công tố, bên Viện Kiểm sát. Nhưng cuối cùng Hội đồng Xét xử không chấp nhận ý kiến của luật sư. Tôi nói rất rõ tại phiên tòa, nhưng rất tiếc không có báo chí độc lập tham gia phiên tòa đấy. Bên công tố và Hội đồng Xét xử cũng đã thừa nhận những điều tôi nói. Họ chỉ thừa nhận tại phiên tòa thôi, nhưng trong bản án, người ta không thừa nhận. Tại tòa, tôi nói rằng Câu lạc bộ Nhà báo Tự do không phải là một tổ chức; ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) không phải là người chỉ huy và ông cũng không viết một bài báo nào khác; và Hội đồng Xét xử, Viện Kiểm sát, bên công tố cũng không chứng minh được hậu quả ông Điếu Cày gây ra như thế nào theo như luật Việt Nam quy định. Nhưng cuối cùng, người ta vẫn kết án ông ấy như vậy.”

Luật sư Sơn nói tiếp:

“Ở nhà nước Việt Nam chúng tôi, vai trò luật sư rất bị hạn chế. Nhiều khi cơ quan tố tụng cũng không thực hiện đúng quy định của luật tố tụng hình sự do chính họ ban hành. Chúng tôi cũng đấu tranh nhưng nhiều khi cũng không được giải đáp.”

Bà Dương Thị Tân, vợ blogger Ðiếu Cày.Theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, trong quá trình điều tra, truy tố, hay xét xử có những sai phạm rõ ràng thì bị cáo có quyền yêu cầu xem xét lại bản án ở cấp Giám đốc thẩm. Bà Tân, vợ Điếu Cày, cho biết gia đình bà sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý lên tới cấp cao hơn:

“Chúng tôi luôn luôn vẫn tiếp tục và chúng tôi đang tiến hành việc kháng án lên Tòa án Nhân dân Tối cao đi tìm công lý. Sau Tết, chúng tôi sẽ tiến hành việc kháng án để Giám đốc thẩm vì tất cả những điều họ làm trong phiên xử này hoàn toàn ngụy tạo hầu trói buộc cho người ta những cái tội danh.”

Tuy nhiên, luật sư của Điếu Cày cho rằng:

“Về cơ hội Giám đốc thẩm, xét xử lại theo thủ tục Giám đốc thẩm, với pháp luật Việt Nam thì cái đấy quy định cũng rất không rõ ràng. Chúng tôi cũng không biết dựa vào đâu để mà đấu tranh. Tôi không hy vọng điều đó mà tôi sợ rằng cái này tốn kém, phiền phức cho gia đình thân chủ của chúng tôi thôi.”

Thân nhân blogger Điếu Cày cho biết hiện ông đang liên tục bị chuyển trại giam mà chính quyền không hề thông báo với người nhà.

“Trong ba ngày hôm qua, hôm nay, và ngày mai mẹ con tôi vẫn trên đường đi tìm ông Hải. Vì họ đưa ông ấy đi, ngày hôm qua thì ở trại giam Chí Hòa, hôm nay thì ở trại giam Bố Lá, ngày mai thì đi trại giam Xuyên Mộc. Chúng tôi đến mỗi nơi đều bị người ta nói là đã chuyển ông ấy đi. Nhưng họ không hề thông báo cho gia đình theo luật pháp quy định.”

Vợ blogger Ðiếu Cày.Trước đó, giới hữu trách có chỉ thị cấm người nhà được thăm gặp blogger Điếu Cày cho tới sau Tết Nguyên Đán, viện dẫn lý do “không tuân thủ mệnh lệnh của cán bộ tổ chức thăm gặp”. Theo quy định, người thân được phép thăm gặp Điếu Cày vào mỗi thứ tư đầu tiên trong tháng.

Bà Dương Thị Tân, vợ Điếu Cày, nói tiếp:

“Cái lệnh đó có hiệu lực ở trại giam Chí Hòa. Còn khi đi trại giam khác thì nó hết hiệu lực. Nhưng đến trại giam khác thì họ vẫn cản trở bằng cách là thuyên chuyển ông Hải liên tục.”

Trong vụ án của ba thành viên chủ chốt thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, blogger Điếu Cày và blogger Tạ Phong Tần bị giữ y án lần lượt là 12 và 10 năm tù sau phiên phúc thẩm ngày 28/12/12, khiến cộng đồng quốc tế mạnh mẽ chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam. Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, chỉ có blogger AnhbaSG nhận là phạm tội và lãnh án nhẹ nhất, từ 4 năm còn 3 năm tù.

Nhà báo tự do Điếu Cày từng được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới hồi tháng 5 năm ngoái.

Trà Mi
http://www.voatiengviet.com/content/blo ... 98940.html
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Image

Đảng trị hay pháp trị

QuảnTrị21
(Danlambao) - Luật Sư Lê Công Định tin rằng đảng CSVN không thể duy trì vị trí lãnh đạo nếu tiếp tục áp dụng chế độ đảng trị thay vì pháp trị.

‘Theo Hiến pháp Việt Nam, Điều 84.7, Quốc hội – vốn do toàn dân bầu ra – có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.’

Rất tiếc ‘Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là “đảng trị”, chứ không phải “pháp trị”.’ (Định)

Ông lý luận như sau. Chế độ đảng trị là phạm hiến vì đã loại bỏ nguyện vọng của người dân và quyền lợi dân tộc. Như thế đảng CSVN không chính danh, nên không được sự ủng hộ của người dân. Để tiếp tục vị trí lãnh đạo, đảng CSVN phải thay đổi từ thể chế đảng trị sang pháp trị.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để thay đổi và “di cư” từ chế độ đảng trị sang pháp trị?

Trong lịch sử các quốc gia áp dụng chế độ XHCN, thực tế cho thấy, các đảng cộng sản không hiểu, hoặc không biết làm thế nào để thay đổi từ thể chế đảng trị sang pháp trị hầu duy trì vị thế lãnh đạo. Đây là một trong những lý do dẫn tới sự tự hủy diệt của đảng Cộng Sản Liên Sô và Đông Âu.

Cựu Thủ Tướng Trung Hoa Ôn Gia Bảo đã nhiều lần cảnh báo, nếu không có tự do và dân chủ, Trung Hoa sẽ đi thụt lùi trong tương lai. Đảng Cộng Sản Trung Hoa cũng đang loay hoay tìm cách thay đổi từ thể chế đảng trị sang pháp trị, nhưng họ cũng không biết làm cách nào vì giữa sự thực dụng từ thể chế đảng trị sang pháp trị là một khoảng cách lớn. Càng cố gắng, họ càng thấy sự mâu thuẫn về quyền lợi. Nạn tham nhũng như căn bệnh không thuốc chữa. Sự giàu nghèo và hố sâu ngăn cách giữa đảng và người dân càng ngày càng to.

Đảng CSVN cũng nhìn nhận sự yếu kém của thể chế đảng trị. Chủ Tịch Trương Tấn Sang cảnh báo, căn nhà XHCN Việt Nam đang mục nát vì một bầy mối. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bào chữa, không phải lỗi tại tôi, vì tôi chỉ làm theo lệnh của đảng. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ngậm ngùi, thôi đừng kỷ luật Đồng Chí X, kẻo đồng chí ấy trả thù. Còn Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh thì khuyên, đừng biểu tình chống Trung Quốc, họ tức lên thì chết cả lũ.

Luật Sư Lê Công Đình đã nói lên một sự thật về sự phạm hiến pháp của đảng CSVN, và hy vọng đảng CSVN thay đổi từ thể chế đảng trị sang pháp trị để tránh cảnh nước mất nhà tan. Dù ông có bị tù, đó cũng chỉ là tạm thời, vì đảng CSVN sẽ tự hủy diệt. Năm 2013 sẽ là một năm đầy hy vọng cho những người Việt cùng khổ. Lịch sử sẽ lập lại và đứng bên cạnh những người dũng cảm như Lê Công Định.

QuảnTrị21
buikiem
Posts: 504
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Giám mục, tu sĩ, giáo dân đòi chấm dứt độc tài độc đảng

Võ Long Triều

Nhân cơ hội Hà Nội tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho bản dự thảo Hiến Pháp mới, đông đảo quần chúng khắp nơi trong xứ ủng hộ bản kiến nghị do 72 nhà trí thức cộng sản yêu cầu bỏ độc quyền cai trị với điều 4 Hiến Pháp.

Hàng ngàn người không dè dặt, sợ hãi, họ công khai ký tên kêu gọi đảng chấm dứt độc tài trả lại các quyền căn bản cho người dân như Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Quốc tế quy định mà Hà Nội đả cam kết tôn trọng nhưng không khi nào thi hành. Trong số đông người ký tên đó có giám mục, tu sĩ và giáo dân Công Giáo.

Sự kiện nêu trên chứng minh nhiều đảng viên cao cấp đã ý thức được sự tai hại của độc tài độc đảng, dẫn đất nước vào thế suy đồi, đưa dân tộc đến chỗ diệt vong, bị Tàu đô hộ. Bản kiến nghị là sự phản đối công khai, là hình thức cảnh cáo, là sự thúc giục quần chúng dấy lên phong trào đòi quyền sống. Sự hướng ứng nhanh chóng của hàng ngàn người là dấu hiệu của quần chúng không còn chấp nhận bị lừa đảo và đàn áp nữa.

Bộ Chính Trị và Trung Ương đảng chắc chắn biết rõ điều đó, nhưng các tập đoàn lãnh đạo cộng sản vẫn tiếp tục chìm đắm trong sai lầm, chủ quan, dùng bạo lực đàn áp để tồn tại. Họ không còn đường thối lui dù biết rằng phải có ngày tàn, nên manh ai nấy vơ vét, cất giấu.

Dù có kiến nghị hay thỉnh cầu gì đi nữa, người ta vẫn biết rằng, đảng và nhà nước bất chấp, không nghe, không hiểu, vì lý do họ không thể “Tự Sát” như cựu Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: “Bỏ điều 4 Hiến Pháp là tự sát.”

Vấn đề còn lại là nhà cầm quyền sẽ không ngần ngại, thẳng tay dùng bạo lực đàn áp khi cần để tồn tại. Và nhân dân sẽ nổi dậy đòi quyền sống, nếu không sẽ chết dần trong đói khổ và tù đày. Bên nào thắng cuộc? Vận nước sẽ chứng minh.

Người ta còn nhớ ngày Chủ Nhật, 1 tháng 7 năm 2012, công an, quân đội và bọn côn đồ hành hung tàn bạo linh mục và giáo dân mang thương tích trầm trọng tại Con Cuông. Ngày đó Ðức cha Nguyễn Thái Hợp, giám mục địa phận Vinh đang công tác ở nước ngoài tuyên bố với báo Eglise d'Asie của Pháp: “Chúng tôi sẽ đòi công lý cho những nạn nhân vụ bạo hành.” Ngài còn giải thích: “Những vụ xẩy ra quá đặc biệt, khiến đa số người Công Giáo không thể khoan nhượng. Nhà cầm quyền đi quá xa. Tại xứ tôi người ta thường nói: Khi vượt quá một ranh giới nào đó người ta phải phản ứng.” Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã phán như vậy mà tại sao giáo dân còn khoan nhượng?

Nhà cầm quyền đã luôn luôn đi quá xa, vượt quá ranh giới, chừng nào người Công Giáo chúng ta mới phản ứng? Chừng nào sẽ có năm trăm ngàn giáo dân Công Giáo xuống đường một lần nữa? Chừng nào có một vị giám mục tuyên bố như cựu Giám Mục Cao Ðình Thuyên? Ông nói: “Có 500,000 Cao Ðình Thuyên chứ không phải có một.” Ý nghĩa là ông gián tiếp biểu đồng tình với giáo dân xuống đường rồi.

Ðã có dấu hiệu cho thấy lần phản bác điều 4 Hiến Pháp nầy có ba vị giám mục ký tên vào bản kiến nghị đòi bỏ độc quyền cai trị. Ðó là các vị Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, người đã từng tuyên bố xấu hổ khi di chuyển ra nước ngoài với hộ chiếu người Việt Nam, công dân của một chế độ cộng sản bạo tàn, bị người ngoại quốc khinh khi xem thường, Giám Mục Ngô Quang Kiệt được giáo dân sùng kính, vâng phục cho nên nhà cầm quyền Hà Nội lo sợ đến nỗi phải kiện cáo tới Vatican để yêu cầu ông phải nghỉ hưu tại tu viện Châu Sơn. Ngài đã im hơi lặng tiếng lâu rồi, bây giờ mới xuất hiện đòi chấm dứt độc tài độc đảng. Hai vị giám mục khác cùng ký tên là Giám Mục Nguyễn Chí Linh, phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục và Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình. Cùng với khoảng năm mươi linh mục và nhiều giáo dân Công Giáo khác đồng ký.

Ðối với các tu sĩ Công Giáo, họ không thể trực tiếp tham gia hoạt động chính trị vì giáo luật phân biệt đạo và đời rõ rệt. Các ngài chỉ có thể bày tỏ ý kiến đúng sai, nhưng không thể trực tiếp lãnh đạo phong trào chính trị. Ðiều đó là nhiệm vụ của giáo dân. Kinh Thánh so sánh người Công Giáo như hạt muối trong xã hội, có trách nhiệm làm cho môi trường sống tốt lành hơn. Năm 1957 tôi được hân hạnh dự Ðại Hội Sinh Viên Á Châu tại La Mã, Ðức Giáo Hoàng Piô thứ XII trực tiếp giảng và khuyến khích giáo dân nên dấn thân vào chính trị, làm cho xã hội tốt lành. Giáo dân Việt Nam ngày nay sẽ có ai là những người dấn thân lãnh đạo phong trào đòi công lý, tự do nhân quyền cho dân tộc?

Người ta phá nhà thờ, dẹp tu viện, người ta đập phá cây thánh giá ở Ðồng Chim, viện cớ vì sự an toàn của đê điều trong khi hàng ngàn căn nhà cao từng sát bên cạnh, xây trái phép vẫn được tôn trọng và an toàn.

Cây Thánh giá là tượng trưng “Thần Thánh” của đạo Công Giáo. Người ta đập phá sao năm trăm ngàn giáo dân ở đâu không bảo vệ? Ngày xưa Kinh Thánh chép lại rằng: Trước cửa đền thờ Jerusalem có bọn con buôn lộng hành, chính Chúa Giêsu rút thắt lưng đánh đuổi bọn chúng không cho phép làm ô nhiễm nơi thờ phượng Chúa Cha.

Ngày nay người ta phá nhà thờ, đập nát Thánh giá, quăng tượng và chén thánh ra đường, giáo dân đâu?

Sẽ có những ai theo gương Chúa Giêsu và nghe lời dạy của Giáo Hoàng Piô thứ XII, dấn thân lãnh đạo Phong trào đòi Công lý và Hòa bình, đòi quyền sống và quyền làm người tự do cho dân tộc Việt Nam?
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Post by caubennoc »

Trung Quốc bắt nạt láng giềng ở biển Ðông

Sĩ quan Hải Quân Mỹ báo động

SAN DIEGO (NV) - Một sĩ quan cao cấp Hải Quân Hoa Kỳ báo động Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động bá quyền trên biển,
gây mất ổn định và an ninh khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

Image
Tàu Hải Giám 75 của Trung Quốc (trọng tải 1,000 tấn) tuần tra ở biển Ðông. (Hình: Hải Quân Trung Quốc Navy81.com)

“Chắc chắn là Hải Quân Trung Quốc đang đặt trọng tâm vào hải chiến và nhằm đánh chìm hạm đội đối phương”. Ðại Tá Hải Quân James Fanell, phó trưởng ban tham mưu hành quân đặc trách tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, phát biểu trong một cuộc hội thảo về quốc phòng tổ chức ở San Diego ngày cuối Tháng Giêng 2013 vừa qua nhưng mới được tường thuật trên báo chí gần đây.

Lời bình luận của một viên chức cao cấp của ngành tình báo Hải quân Mỹ diễn ra trong bối cảnh của các căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực từ quần đảo Senkaku trên biển Hoa Ðông với Nhật Bản và khu vực biển Ðông với Việt Nam và Philippines.

Ông Fanell cho biết Trung Quốc sử dụng các lực lượng “ủy nhiệm” thay cho tàu hải quân để leo thang các hoạt động kiểm soát và khẳng định chủ quyền ở các khu vực biển tranh chấp.

Ðó là đội tàu Hải Giám và Hải Tuần rất đông đảo và lớn mạnh, một số là chiến hạm biến cải. Trừ Nhật Bản có khả năng đối phó, các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines thì lép vế hoàn toàn. Cùng với các đội tàu vừa kể, các tài hải quân Trung Quốc thường xuyên mở các cuộc tập trận và tuần tiễu, thách đố sự hiện diện của tàu hải quân các nước khác.

Tàu Trung Quốc “thường xuyên thách thức khu đặc quyền kinh tế mà Nam Hàn, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Burnei, Indonesia, Việt Nam, từng được cho là được bảo đảm theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển”, theo lời ông Fanell.

“Trung Quốc thách thức quyền của các nước khác”, ông Fanell nói Bắc Kinh xác định “cái gì của tao là của tao, còn cái gì của mày thì phải đàm phán”.

Cho tới nay, Trung Quốc mới chỉ chiếm được 7 bãi san hô ngầm ở quần đảo Trường Sa nhưng đã thiết lập tới 8 căn cứ quân sự trên đó.

Ông Fanell gọi đoàn tàu Hải Giám của Trung Quốc là “lực lượng sách nhiễu thường trực chủ quyền các nước trong khu vực chứ không có phận sự gì khác”.

Ông dùng từ “bành trướng” để mô tả các hành động của Trung Quốc. Theo ông nếu quan sát các hoạt động của Trung Quốc trong thập niên qua, không có gì mô tả đích xác hơn là dùng từ đó.

Hành động mới nhất của Trung Quốc khi uy hiếp, đẩy tàu Philippines ra khỏi khu vực bãi đá Scarborough Shoal mà Bắc Kinh gọi là Hoàng An đảo, rồi củng cố chiếm đoạt nơi này hồi năm ngoái là một thí dụ điển hình về chủ trương bành trướng, chiếm đoạt.

Theo ông Fanell, Trung Quốc “chèn ép” các nước khác là một phần trong chủ trương và hành động được tính toán kỹ lưỡng.

“Người ta có thể nhìn thấy trước là các hành động của Trung Quốc đang làm mất ổn định vùng biển Á Châu”, theo ông Fanell.

Trung Quốc gấp rút cải tiến và gia tăng lực lượng hải quân của họ 5 năm qua để kiểm soát không những các vùng biển gần bờ mà còn vươn ra các vùng biển xa. Chủ đích là đối phó với hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông Fanell cho biết trong năm 2012, Trung Quốc đã đưa 7 đoàn chiến hạm và một lực lượng tàu ngầm đông đảo vào biển Ðông, một hành động chưa từng có trước đây.

Ông lên án ở cuộc hội thảo tại San Diego về những gì Trung Quốc nêu ra làm bằng chứng lịch sử để cả quyết gần hết biển Ðông là của Trung Quốc là “bịa đặt lịch sử” nhằm hậu thuẫn cho chủ trương bá quyền bành trướng khi tự thấy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước khỏ ở khu vực.

“Trung Quốc đang kiểm soát các vùng biển mà họ chưa từng kiểm soát hay bảo vệ trong lịch sử 5,000 năm của Trung Quốc”. Ông nói.

Ông coi Trung Quốc là sự đe dọa chính yếu đối với an ninh và hòa bình của khu vực biển Ðông.

Trong bản tin ngày Thứ Hai 11 tháng 2 năm 2013, Tân Hoa Xã loan tin là hai đoàn tàu Hải Giám của họ đang thi hành các nhiệm vụ tuần tra ở biển Hoa Ðông và biển Ðông (họ gọi là Nam hải).

Ba tàu Hải Giám mang số 50, 51 và 137 tuần tra khu vực Ðiếu Ngư quần đảo (tức Senkaku Nhật Bản). Ðồng thời, các tàu Hải Giám mang số 75 và 167 tuần tiễu khu vực biển Ðông.

Mới mấy ngày trước, một viên chức Bộ Canh Nông Trung Quốc loan báo các tàu “ngư chính” của họ tuần tiễu thường xuyên hàng ngày trên biển Ðông.

Ngày 22 tháng 1, 2013, Philippines đưa Trung Quốc ra kiện tại Tòa Án Quốc Tế theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển với hy vọng giải quyết dứt điểm cái vạch “Lưỡi Bò” ngang ngược của Bắc Kinh chiếm gần hết biển Ðông. (T.N.)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests