Đời sống quanh ta

khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Những hình ảnh lan truyền nhiều nhất trên Facebook năm 2012

(Dân trí) - Likester là một công ty chuyên phân tích các hoạt động và xu thế trên mạng xã hội, đã liên tục quan sát hơn 10 triệu hình ảnh
được chia sẻ trên Facebook trong suốt năm 2012, bao gồm cả số lượng nhấn “Thích”, số lượng chia sẻ và bình luận trên những hình ảnh này.

Dưới đây là 10 hình ảnh được “Thích” và chia sẻ nhiều nhất trên Facebook trong năm qua, trong đó có cả những hình ảnh đáng nhớ,
vui nhộn và cả những hình ảnh cảm động khiến người xem phải có những cảm xúc khác nhau.

Image
Bức ảnh với tiêu đề “Thêm 4 năm” được tổng thống Mỹ Barack Obama đăng tải lên trang Facebook của mình sau khi giành chiến thắng
trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 vừa qua đã nhanh chóng lập được kỷ lục trên Facebook về số lượng “Thích”
và số lượt chia sẻ (Share). Hiện bức ảnh có hơn 4,4 triệu lượt “Thích” và hơn 580 ngàn lượt chia sẻ.

Image
Bức ảnh chụp Adalia Rose bên cạnh mẹ của mình. Rose là một cô bé 5 tuổi bị mắc chứng bệnh với tên gọi Projeria,
khiến cho cơ thể của cô bé phát triển nhanh hơn so với số tuổi thực tế của mình, khiến gương mặt cô bé giống như một bà lão và tóc bị rụng.

Mẹ của cô bé cũng đã hy sinh để cạo đi mái tóc của mình, giúp cô bé không bị lạc lõng.

Bức ảnh được đăng tải lên Facebook với nội dung chú thích “Mình và mẹ là một cặp song sinh.
Mình yêu mẹ”. Bức ảnh này sau đó đã thu hút hơn 2,2 triệu lượt “Thích” và hơn 31 ngàn lượt chia sẻ và 54 ngàn lượt bình luận.


Image
Trang Facebook “All About Women” đăng tải một câu chuyện về một lái xe taxi được một người phụ nữ lớn tuổi
thuê để chở bà vào trại dưỡng lão, nơi bà sẽ sống phần đời còn lại của mình ở đây.

Người lái xe taxi này đã dành ra 2 giờ để lái xe của mình để chở người phụ nữ đi thăm những địa điểm quan trọng nhất của bà lần cuối cùng.

“Một bài học ngọt ngào về sự kiên nhẫn. Tôi không nghĩ rằng tôi đã làm được điều gì quan trọng hơn thế trong cuộc đời mình”,
người lái xe taxi cho biết về chuyến hành trình lý thú cùng người phụ nữ lớn tuổi.

Bức ảnh đã nhận được hơn 2 triệu lượt thích và hơn 234 ngàn lượt bình luận.

Image
Một bức ảnh khác của Tổng thống Mỹ Obama được chia sẻ rộng rãi trên Internet trong năm qua.
Đó là bức ảnh với tiêu đề “Thank you” (Cám ơn) được đăng tải sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Bức ảnh đã có hơn 2 triệu lượt “Thích” và gần 85 ngàn lượt bình luận.

Image
Trang Facebook có tên gọi Stronglite đã đăng tải một bức ảnh về cảnh biển tuyệt đẹp cùng lời mời gọi: “Có ai khác muốn ở đây ngay bây giờ?”

Bức ảnh thú vị này đã thu hút hơn 1,8 triệu lượt “Thích” và hơn 231 ngàn lượt bình luận.

Image
Ca sĩ Matt Rogers đã cho đăng tải lên trang Facebook của mình một bức ảnh người lính Mỹ đang ẵm trong tay đứa bé mới sinh
của mình để chào tạm biệt trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

“Người cha sắp lên đường thực chiện nhiệm vụ và phải nói lời chào tạm biệt với bé gái mới sinh của mình.
Sự hy sinh như thế này diễn ra mỗi ngày và nhắc nhở chúng ta rằng tự do luôn có cái giá của nó mà những người lính và gia đình
của họ phải trả. Cám ơn những người lính Mỹ”, chú thích đi kèm với bức ảnh viết.

Bưc ảnh đã thu hút hơn 1,6 triệu lượt “Thích” và hơn 128 ngàn lượt chia sẻ.

Image
Trang Facebook với tên gọi Paw Justice đã cho đăng tải một câu chuyện cảm động về lòng trung thành của một chú chó.

Chú chó chăn cừu giống Đức với tên gọi Capitan đã nằm ngủ bên mộ chủ của mình suốt 6 năm qua. Chủ của chú chó,
Miguel Guzman đã qua đời từ năm 2006 và chú chó Capitan đã đột nhiên biến mất khỏi đám tang chủ của mình.
Tuy nhiên, một tuần sau đó, người thân của Guzman phát hiện ra chú chó đang nằm cạnh mộ chủ nhân của mình.

Bức ảnh và câu chuyện đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt “Thích” cùng hơn 77 ngàn lượt bình luận.

Image
Bức ảnh và một câu chuyện cảm động khác về tình nghĩa vợ chồng đã được lan truyền nhanh chóng trên Facebook.

Bức ảnh được chụp vào đêm trước khi chôn cất James Cather, một lính thủy đánh bộ của Mỹ bị thiệt mạng tại Iraq.
Vợ của anh, Katherine Cathey đã từ chối rời xa quan tài trong đêm này và muốn được nằm cạnh chồng mình lần cuối cùng.

Các đồng đội của James đã làm cho cô một chiếc giường để có thể nằm cạnh quan tài.
Trước khi ngủ, Katherine đã mở laptop và mở một ca khúc gắn liền với kỷ niệm của vợ chồng cô.

Một người lính sau đó đã hỏi Katherine rằng cô có muốn anh tiếp tục đứng canh khi cô đang ngủ hay không,
Katherine đã trả lời: “Sẽ thật tốt nếu anh vẫn tiếp tục đứng đó. Tôi nghĩ rằng anh ấy (chồng Katherine) cũng muốn điều đó”.

Nhiều người đã hỏi rằng không biết chi tiết nào cảm động hơn trong hoàn cảnh này,
người vợ đau đớn trước sự ra đi của người chồng, hay việc người lính đứng canh cho cả 2.

Bức ảnh và câu chuyện đã có gần 1,5 triệu lượt “Thích” và hơn 55 ngàn lượt bình luận.

Image
Bức ảnh chụp sinh nhật lần thứ 116 của người lớn tuổi nhất thế giới, bà Besse Cooper được đăng tải lên Facebook vào ngày 27/8 vừa qua.
Tuy nhiên, bà Besse Cooper hiện đã qua đời vào 4/12 vừa qua.

Bức ảnh này có hơn 1,3 triệu lượt “Thích” và hơn 35 ngàn lượt bình luận.

Image
Trang Facebook với tên gọi Nu92 đã cho đăng tải một hình ảnh cuốn sách được bao bọc bằng giấy một cách cẩn thận,
kèm lời chú thích: “Có ai còn nhớ rằng mình đã phải làm điều này với sách giáo khoa?”

Bức ảnh sau đó đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt “Thích” và hơn 98 ngàn lượt bình luận.


Phạm Thế Quang Huy
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Image

Có những hạnh phúc vô biên
khi mang lại hạnh phúc cho người khác

Có những hạnh phúc vô biên khi mang lại hạnh phúc cho người khác bất chấp hoàn cảnh của riêng mình. Nỗi khổ được sẻ chia sẽ vơi đi nửa, nhưng hạnh phúc được sẻ chia sẽ được nhân gấp đôi.

Hai người đàn ông đều bệnh nặng, được xếp chung một phòng nhỏ tại bệnh viện. Một người được phép ngồi dậy mỗi ngày trong một tiếng vào buổi chiều để thông khí trong phổi. Giường ông ta nằm cạnh một cửa sổ bé ở rất cao duy nhất trong phòng. Người bệnh kia phải nằm trên giường suốt ngày. Hai người đã nói với nhau rất nhiều. Họ nói về vợ con, gia đình, nhà cửa, công việc, những năm tháng trong quân đội và cả những kỳ nghỉ họ đã trải qua.

Mỗi buổi chiều, khi được ngồi dậy, người bạn ở cạnh cửa sổ dành hết thời gian để tả lại cho người bạn cùng phòng những gì ông thấy được ngoài cửa sổ. Người bạn kia, mỗi buổi chiều lại chờ đợi được sống trong cái thời khắc một tiếng đồng hồ đó - cái thời gian mà thế giới của ông được mở ra sống động bởi những hoạt động và màu sắc bên ngoài.


Cửa sổ nhìn ra một công viên với một cái hồ con vịt nhỏ xinh xắn. Vịt, ngỗng bơi nhẹ trên mặt hồ trong khi bọn trẻ con thả những chiếc thuyền giấy. Những cặp tình nhân tay trong tay đi dạo giữa ngàn hoa và ráng chiều rực rỡ. Những cây cổ thụ sum suê toả bóng mát, và xa xa là đường chân trời của thành phố ẩn hiện.

Khi người bạn bên cửa sổ mô tả bằng những chi tiết tinh tế, người bạn nằm kia có thể nhắm mắt và tưởng tượng ra cho riêng mình một bức tranh êm đềm sống động. Một chiều, người bạn bên cửa sổ mô tả một đoàn diễu hành đi ngang qua. Dù không nghe được tiếng nhạc, người bạn kia vẫn như nhìn thấy được trong tưởng tượng qua lời kể của người bạn cùng phòng.

Ngày và đêm cứ dần trôi đi...

Một sáng sớm kia, cô y tá vào phòng phát hiện người đàn ông bên cửa sổ đã qua đời êm ái trong giấc ngủ. Người ta lặng lẽ đưa ông ta ra khỏi phòng.

Người đàn ông còn lại yêu cầu được chuyển đến cạnh cửa sổ. Cô y tá đồng ý để ông được yên tĩnh một mình. Chậm chạp, gắng sức, ông nhổm dậy bằng hai cùi chỏ và cố nhón để đứng lên ngắm nhìn thế giới bên ngoài. Ông căng thẳng nhìn ra cửa sổ. Đằng sau của cái cửa sổ chỉ là một bức tường gạch xám xịt cũ kỹ rêu mờ. Ông hỏi cô y tá cái gì khiến cho người bạn khốn khổ cùng phòng của ông đã mô tả cho ông nghe những điều tuyệt diệu qua cửa sổ.

Cô y tá cho biết rằng người đàn ông đó bị mù và thậm chí ông ta cũng không thấy được cả bức tường nữa. Cô nói:

"Nhưng có lẽ ông ta muốn làm cho ông vui tươi hơn lên..".

Sưu tầm.
Noel 2012
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

ÔNG NOEL KHÔNG MẶC ĐỒ ĐỎ

Hai bố con lái xe xuống khu thị tứ để mua sắm. Cô bé học lớp 4 hỏi bố:

- Nhiều bạn trong trường nói không có ông Noel. Các bạn nói con là ngốc khi tin rằng ông có thật, nhưng con tin vào những gì bố bảo với con phải không bố ?

Xe ghé vào bên đường tắt máy. Cô con gái bé bỏng vẫn đang ngốn ngang bao suy nghĩ.

- Các bạn ở trường đã sai, con yêu ạ ! Ông Nole là có thật. Nhưng bố cần kể cho con nghe thêm v6è ông Noel. Bố nghĩ con đã đủ lớn để hiểu những gì bố sẽ chia sẻ với con

Người cha nhìn con trìu mén và tiếp

- Ngày xưa có một người đàn ông đi đây đó khắp thế giới thưởng quà cho những đứa trẻ trên đường ông qua. Ông được biết đến ở nhiều nơi với nhiều tên gọi khác nhau nhưng tình thương trong tim ông đều như nhau dù ở bất cứ đâu. Ông là tâm hồn thương yêu tuyệt đối và mong muốn chia sẻ tình thương đó bằng cách tặng quà với cả con tim của mình.

Khi con đến độ tuổi nào đó, con sẽ nhập ra ông Noel thật sự không hẳn phải là người vào nhà bằng ống khói trong đêm trước ngày lễ Giáng sinh. Tinh thần và cuộc sống thật sự của ông già thần thoại đáng yêu này mãi mãi nằm ở trong tim con, tim của bố, tim của mẹ cũng như trong tim của tất cả những người tin vào việc mang lại niềm vui cho người khác. Tinh thần thật sự của ông Noel là những gì con mang tặng thay vì những gì con nhận được. Khi con nhận thức được điều này và khi nó trở thành một phần trong con, Giáng sinh sẽ trở nên thú vị hơn và huyền ảo hơn vì con đã lĩnh hội được điều kỳ ảo về ông Noel khi ông tồn tại trong con. Con có hiểu những gì bố nói không ?

Cô bé nhìn ra ngoài của sổ vào hàng cây phía trước. Cô sợ nhìn vào bố, người từng bảo cô rằng ông Noel có thật. Cô muốn tin như cô đã tin hồi năm ngoái rằng ông Noel là một ông già vui tính, to béo, mặc đồ đỏ. Cô không muốn phải trưởng thành và nhận thức bất kỳ điều gì khác.

- Nhìn bố này - người bố chờ và cô bé quay sang nhìn ông.

Người bố đang khóc, những giọt nước mắt sung sướng. Khuôn mặt ông ngời sáng bằng ành sáng của cả ngàn dải Ngân hà và cô bé như thấy trong mắt ông đôi mắt của ông Noel. Ông Noel thật sự, người đã bỏ nhiều thời gian chọn lựa những món quà đặc biệt mà cô mong ước trong những mùa Giáng sinh đã qua kể từ khi cô có mặt trên đời này. Ông Noel đã dùng món bánh mà cô bỏ công trang trí cũng như uống sữa nóng cô pha. Cô đã nhận ra niềm hạnh phúc, sự chia sẻ, tình thương. Người bố ôm ghì con trong vòng tay ấm áp của mình và cứ ôm như thế rất lâu. Cả hai đều khóc.

- Giờ thì con đã thuộc về một nhóm người đặc biệt. Kể từ bây giờ con sẽ được chia sẻ niềm vui Giáng sinh mỗi ngày của năm chứ không còn chỉ trong một ngày đặc biệt nữa. Từ giờ, ông Noel sống trong tâm hồn con cũng như ông sống trong tâm hồn bố. Trách nhiệm của con là tuân theo tinh thần mang đến niềm vui cho người khác như con là một phần của ông Noel đang sống trong con. Đây là điều quang trọng nhất xảy ra với con trong cuộc đời mình, vì bây giờ con đã hiểu rằng ông Noel không thể nào tồn tại nếu không có những người như con và bố, những người khiến ông được sống mãi. Con có thể chu toàn việc nào không ?”.

Tim cô bé muốn vỡ ra vì hãnh diện và cô tin mắt mình đang tỏa ra niềm hạnh phúc. Cô đáp:

- Thưa bố, con muốn ông mãi trong tim con như ông đã sống trong tim bố. Con yêu bố. Bố là ông Noel tuyệt vời nhất trên thế giới này. Ông Noel không mặc đồ đỏ của con.

nguồn: DaiHocVanKhoaSG
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Chai Dầu Gió Xanh
Võ Quách Thị Tường Vi
(Houston, Texas. USA)

Tôi là người hành khách cuối cùng bước vào cửa phi cơ của chuyến bay #1490 Singapore Airline với hành trình sẽ đi về Việt Nam qua ngã Mạc Tư Khoa, Singapore, rồi Tân Sơn Nhất. Cánh cửa phi cơ đóng ngay sau khi tôi đi vào. Cả một ngày mệt mỏi, chạy đôn chạy đáo, sau khi quyết định sẽ về Việt Nam lo cho một chương trình y tế và văn hoá giữa các trường đại học bên Việt Nam và trường đại học nơi tôi giảng dạy; tôi đã đi tìm mua những món quà hay đồ vật mà tôi nghĩ là những người bà con hay bạn bè bên nhà sẽ ưa chuộng và thích thú.

Khi vào đến ghế của mình, tôi lã người, mệt muốn ngất đi được. Thò tay vào giỏ xách tôi lấy ra chai dầu gió xanh. Tôi nhón ngón tay trỏ vào đầu chai, chấm một tí dầu và xoa vào hai đầu thái dương của mình. Trong chốc lát, tôi đã thấy khoẻ lại. Thật cảm ơn chai dầu xanh này, nó đã theo tôi từ không biết bao nhiêu năm nay rồi, như một người bạn chân thành, nó lúc nào cũng có ở bên cạnh tôi. Mùi dầu xanh quen thuộc làm tôi chợt nhớ đến những chuyện cũ năm xưa…


ooOoo

Mẹ tôi mất khi tôi vừa 16 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Tôi nhớ rất rõ nhà tôi lúc ấy ở gần phi trường quân sự Biên Hoà, đêm đêm tiếng bom đạn pháo kích nghe rất gần. Ban đầu rất sợ, tôi đã tung mền và trốn dưới ...gầm giường và làm mồi cho những con muổi đói mà không biết rằng với những tấm ván vạc giường mỏng manh đó sẽ không có hiệu quả gì nếu mà bom đạn vô tình rớt xuống nhà tôi. Riết rồi cũng quen, mỗi lần pháo kích thì tôi đã không nhảy xuống gầm giường nữa mà vẫn tỉnh bơ nằm ngủ. Con người ai cũng có số, nếu tới số chết thì ở đâu cũng chết ... Tôi thầm biện hộ cho cái tính làm biếng của mình như thế.

Rồi một buổi sáng kia tôi giật mình thức dậy vì một tiếng động thật to. Mở mắt ra thì thấy trời rất sáng và lổ tai đã ù lên, không nghe gì được hết. Ngước thẳng lên thì trời ơi ... hình như bầu trời trong xanh đang ngó xuống nhìn ngay tôi và nhà tôi với những bức tường hình như đã bay đi đâu mất rồi. Tiếng người la khóc và ồn ào chung quanh tôi. Tôi ngồi dậy thì thấy ba tôi đang ôm mẹ tôi máu chảy đầy người ở nhà bếp, mà mới ngó qua thì không biết là ở đâu nếu tôi không nhận ra cái tủ đựng đồ ăn nay chỉ còn 2 chân bị gảy. Ngay giữa nhà bếp thì có một cái hố thật sâu, khói vẫn còn bốc bụi hơi nghi ngút. Bên cạnh cái hố này thì con chó Tô Tô của tôi cũng đang rên rỉ với máu chảy đầy người nó. Còn con chó Ki Ki thì đứng lẩn quẩn kế bên, miệng nó kêu lên những tiếng gầm gừ rên rỉ nghe cũng thảm thiết lắm. Đây là cặp chó mà ba tôi đã xin về nuôi được chừng 2 năm rồi.

Có cái gì ươn ướt trên mặt tôi. Thò tay lên vuốt mặt thì bàn tay toàn là máu. Thì ra tôi cũng bị thương trên trán và nhà của tôi cũng đã bị pháo kích rồi...
Sau đó, ba tôi đưa mẹ tôi vào nhà thương Biên Hoà, rồi lại chuyển lên nhà thương Cơ Đốc ở Phú Nhuận Sài Gòn vì bệnh không thuyên giảm, sau khi 2 tuần ở nhà thương Biên Hoà.
Tôi ở lại trong nhà thương Cơ Đốc với mẹ tôi, có dịp tiếp xúc với các y tá điều dưỡng và các vị bác sĩ hằng ngày đến chăm sóc cho mẹ tôi. Và tôi đã bắt đầu có cảm tình với ngành y sĩ ngay từ dạo đó.

Bệnh mẹ tôi cũng bớt dần nhưng mẹ không còn khoẻ mạnh như xưa. Mẹ tôi hay đau lưng, nhức mỏi, người hay mệt và không làm được nhiều việc như lúc chưa bị thương. Hình như mẹ tôi càng lúc càng yếu dần mà trong đầu óc non nớt của tôi cũng bắt đầu nhận thức được. Trong túi áo bà ba của mẹ tôi lúc nào cũng có một chai dầu gió xanh mà mỗi khi đau hay mệt trong người mẹ thường lấy ra để xoa hay ngửi.

Tôi thường hay tự hỏi là dầu này có công hiệu hay không, vì nói cho đúng ra, tôi cũng “sợ” bị bôi dầu này lắm. Mỗi lần sổ mũi nhức đầu, mẹ tôi hay đè mấy chị em tôi ra mà bôi lên người chúng tôi hay là cạo gió. Trời ơi, mỗi lần thấy mẹ tôi với chai dầu “mắc dịch” này chúng tôi đã chạy trốn, mặc cho mẹ tôi kêu tên từng đứa dỗ dành.

Đến một hôm mà tôi không bao giờ quên được là ngày đó mẹ tôi rất mệt. Khuôn mặt xanh xao, giọng nói yếu ớt, mẹ tôi sai tôi đi chợ, dặn dò mua thức ăn rau cải và nhớ ghé qua hàng thuốc mua cho mẹ một chai dầu xanh, vì chai ở nhà đã sắp hết rồi. Tôi tung tăng đi chợ mua thức ăn như lời mẹ dặn. Trên đường về đầu óc tôi sao vẫn băn khoăn giống như mình đã quên một chuyện gì rất quan trọng. Cá cơm kho tiêu, canh cải bẹ xanh nấu tôm, rau muống xào, chuối tráng miệng ... đâu còn quên gì nữa đâu. Khi đến gần nhà, băng qua cầu Đúc, thì tôi đứng khựng lại vì chợt nhớ ra việc gì mình đã quên. Tôi đã quên mua chai dầu xanh cho mẹ tôi rồi! Tôi lật đật chạy vòng lại, đi lên chợ để mua chai dầu. Đường lên chợ sao bây giờ thấy quá xa, tôi chạy hoài không tới ... Rồi sau cùng tôi cũng về đến nhà, nhưng sao nhà tôi lại đông người như vậy? Các người láng giềng đang bu chung quanh ba tôi. Khi thấy tôi vào, các em tôi chạy lại nắm tay tôi và khóc. Ba tôi ôm tôi vào lòng và nói với tôi trong tiếng nất “má con đã chết rồi” ...Tôi sững sờ nhìn chai dầu xanh mà tôi đang nắm chặt trong tay. Tôi đã về muộn rồi ...Mẹ tôi năm ấy chỉ có 38 tuổi mà thôi.

Rồi từ đó, ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” của mình tôi đã phải đối đầu với thật nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ việc nhà, nấu cơm, giặt giũ đến việc chăm sóc các em, tự lo cho thân mình, và vất vả ngược xuôi lo việc chi tiêu trong nhà với đồng tiền công chức giới hạn và bấp bênh của ba tôi. Tôi phải làm rất nhiều việc mà khi còn có mẹ tôi đã không bao giờ phải bận tâm lo lắng. Và chai dầu này đã theo tôi khắp nơi ...dù qua nhiều dâu bể của cuộc đời, nó vẫn là người bạn đồng hành với tôi từ mấy chục năm qua.


ooOoo

Nghe có tiếng thầm thì tôi mở mắt ra. Trước mặt tôi là mấy giáo sư đồng nghiệp cùng trường và cả đám sinh viên học trò của chúng tôi. Thấy tôi mở mắt ra cả đám cùng vỗ tay và la lớn:
- Chào mừng giáo sư, chào mừng y sĩ. Chúng em vui lắm vì có cô đi cùng. Thật là vui quá. Như vậy là chuyến đi này là hoàn toàn mỹ mãn rồi đó.
Donna, một cô học trò của tôi, gốc người Mễ và rất linh hoạt dễ thương hỏi.
- Cô ơi, khi tới Việt Nam, cô có hồi hợp không cô?

Một em khác hỏi…rồi chúng nó thay phiên mà ôm tôi để chia niềm thương cảm. Số là cách đây 1 tuần tôi có một tai biến rất to lớn trong đời đến nổi tôi không biết chắc là có hoàn thành chuyến đi về Việt Nam này hay không. Chuyến đi này đã có sự chuẩn bị từ lâu rồi. Từ các giáo sư đến các em sinh viên ai nấy cũng nao nức đợi ngày đi. Còn tôi thì muốn về Việt Nam để có dịp thăm lại quê hương bạn hữu và cùng đem lại một chương trình nào đó có lợi ích cho nền y tế của quê nhà. Các sự xếp đặc cũng đã xong, nhưng nếu tôi không đi thì cũng chắc buồn lắm vì kể như bước đầu đã không trọn vẹn. Vào giờ phút cuối, tôi đã quyết định đi nhưng vì mua vé trể, nên không còn chổ để ngồi chung với phái đoàn của mình. Cả đám lăn xăn nói cười ríu rít. Có đứa thì nghe nhạc, coi TV, có đứa thì bắt đầu ngủ gà ngủ gật, còn mấy đứa thì rất là kích động ghi chép trong nhật ký những chi tiết về chuyến đi này hay chụp hình lưu niệm.

Nói “mấy đứa” cho thân tình chứ thật ra phái đoàn chỉ có 12 em sinh viên là trẻ, đang học chương trình cử nhân và phần lớn là dưới 30 tuổi. Trong nhóm này thì có 3 em gốc Việt Nam. Còn bao nhiêu em khác là thành phần lớn tuổi hơn với kinh nghiệm sống già giặn hơn. Có một em sắp xong y sĩ và 17 các sinh viên khác trong phái đoàn đang học chương trình tiến sĩ. Và có 5 em sẽ ra tiến sĩ sau khi trình luận án vào mùa Hè này. Trong nhóm này thì có 2 em đang hành nghề y sĩ ở Dallas và Houston.

Dù thầy bằng trò hay trò bằng thầy về tuổi đời nhưng các em rất lễ phép và rất biết kính trên nhường dưới. Như vậy phái đoàn chúng tôi 33 người cũng có vẻ rất hùng hậu. Hy vọng chuyến đi này sẽ thành công và không có gì không hay sẽ xảy ra.

Từ khi không làm bên bệnh viện nữa, tôi đã nhận làm giảng sư cho trường đại học này đã được 5 năm rồi. Tôi cũng đã dạy bán thời gian cho trường mấy năm trước nữa. Thấy không khí dạy học cũng vui vẻ, nhất là tiếp xúc được nhiều các em sinh viên Việt Nam gồm có các em sinh bên này hay là du học sinh, nên tôi cũng thích vì có dịp hướng dẫn và khích lệ các em. Các em sinh viên người Việt hay gốc Á Châu hay thường tìm đến tôi để hỏi ý kiến hay chỉ để than thở, về việc học hành hay những việc xảy ra trong đời sống hằng ngày. Và không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một giáo sư hướng dẫn cho các sinh viên gốc Á Châu ở trường đại học này. Tôi thật không ngờ mình lại trở thành một bà thầy “gỏ đầu trẻ” mà khi còn nhỏ tôi không bao giờ mơ ước để trở thành.

Năm ngoái, tôi có khai giãng một lớp học mà tôi phụ trách dạy về văn hoá, y học và người Việt Nam. Các sinh viên ghi tên học rất đông: Mỹ có, Việt có. Các em gốc Việt Nam sau đó lại đến để cảm ơn tôi, vì các em đó đã có cơ hội để tìm hiểu thêm về nguồn gốc Việt Nam của mình.

ooOoo

Trạm đầu tiên xuống Moscow nghỉ ngơi chừng nửa tiếng thì chúng tôi lại sắp hàng vào lại máy bay. Cả đám sinh viên vẫn còn hăng hái, tay cầm nhiều túi quà kỷ niệm và nhộn nhịp bước vào máy bay. Máy bay lại cất cánh lần nữa. Qua khỏi chuyến này thì tôi lại gần hơn với Việt Nam. Trong lòng tôi hình dung những bạn bè, trường ốc và những chuyện mà tôi phải làm. Một cảm giác vừa vui mừng, vừa hồi hộp làm tôi nao nao trong lòng. Tôi từ từ thiếp đi với những lo nghĩ chập chờn trong đầu óc. Sáng mai là tôi sẽ có mặt trên quê hương yêu dấu của mình, sẽ có dịp thăm viếng và gặp gở nhưng nơi mà tôi đã hoạch định chương trình để bắt đầu một cuộc hành trình mới.

Bỗng lờ mờ qua cái loa trên trần mui của phi cơ, tôi nghe có lời của cô chiêu đãi viên hàng không kêu gọi bằng tiếng Anh qua giọng Tàu lơ lớ:
- Trường hợp cấp cứu!! Trường hợp cấp cứu!! Chúng tôi đang cần một bác sĩ đang ở trên máy bay gấp. Nếu có ai là bác sĩ xin đứng lên giúp chúng tôi một tay ...
Tôi tỉnh ngủ hẳn, quơ vội cái túi bóp nhỏ và đi lên cabin phía trên, hỏi cô chiêu đãi viên hàng không gần nhất:
- Trường hợp cấp cứu ở đâu vậy? Tôi là Dr. V, tôi sẽ giúp cô.
- Dạ, xin bác sĩ theo tôi. Bệnh nhân đang ở trên cabin hạng nhất phía trên.
Tôi đi theo cô này qua mấy dãy ghế dài đến khu hạng nhất của phi cơ. Những cái ghế ở khu này rộng rãi hơn và phần lớn các hành khách đang ngủ với những chiếc khăn che mắt phủ trên mặt cho dễ ngủ.
Bệnh nhân là một thanh niên trẻ, khoảng chừng 28-30 tuổi, đang nằm sóng sượt trên nền thảm lối đi của phi cơ, cả người co quắp lại như hình con tôm, hai mắt nhắm nghiền và trên mặt thì có những giọt mồ hôi đã bắt đầu đọng lại.
- Hello. Tôi là Dr. V và tôi sẽ giúp anh. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Dạ em đang đau bụng quá, không chịu nổi. Chỉ nằm xuống như vầy mới bớt một chút. Em bị cách đây gần một tiếng đồng hồ, tưởng là bị sình hơi ai dè càng lâu càng nặng.
- Em tên gì vậy? Tôi hỏi.
- Dạ em tên John. Em là chiêu đãi viên hàng không cho hãng máy bay này và thông thường em làm ở khu hạng nhất này.
Lúc này thì hai học trò y sĩ của tôi là Patti và Mai đã đến. Patti thì cặp thuỷ đo nhiệt độ, còn Mai thì đo áp suất máu và hỏi về lượng đau của John.
Tôi hỏi mấy người bạn đồng nghiệp của John:
- Đồ dự trữ cho trường hợp cấp cứu để đâu? Làm ơn đem ra để tôi coi có gì dùng được không. Và cũng đem thêm mấy cái mền nữa để đắp cho John.
Quay qua mấy em y sĩ tôi bảo:
- Hãy giữ cho John ấm và đừng cho ăn uống gì hết. Có thể cho một vài giọt nước vào môi để giữ môi không bị khô mà thôi.
- Dạ, nhiệt độ người của John là 99.8 F. Áp suất là 160 trên 100, nhịp tim 112 và độ đau là 9 trên 10. Mai báo cáo.
- Cảm ơn em. Cứ giữ cho John ấm và lấy áp suất như vậy cứ mỗi 10 phút nhé, hay nếu có sự thay đổi thì cho tôi biết.

Tôi và Patti kiểm soát cái túi cấp cứu mà cô chiêu đãi viên hàng không vừa mới đem đến. Ngoài những giấy tờ lặt vặt, thì có những thuốc cấp cứu về tim như Digoxin, Lasix nhưng không còn gì khác. Trong một túi khác cũng nằm trong cái túi lớn này thì tôi thấy có mấy bịch nước biển se-rum và những kim cùng dây để chuyền dung dịch này vào cơ thể.
- Patti, em chuẩn bị đồ chuyền dung dịch nếu cần nhé. Không làm ngay bây giờ nhưng nên chuẩn bị trước. Tôi nói.

Tôi khám cho John thì bộ phận nào cũng bình thường nhưng chỉ có đau phía dưới bụng chổ tay mặt. Tôi chỉ nhấn hơi mạnh một chút thì John đã nhăn mặt và cố gở tay tôi ra và than là quá đau. Đây có thể là trường hợp đau ruột dư mà ở trên 50000 mét trên không trung, mình làm được gì, làm sao bây giờ ?? Tôi suy nghĩ thật nhanh trong đầu mình. Tôi nói với Tim, xếp của John, là tôi muốn nói chuyện với phi công trưởng của phi hành đoàn là John bị đau ruột dư và phải cần đưa vào nhà thương để mổ và điều trị gấp. Tim đi một lát rồi trở lại.

- Thưa y sĩ, phi công trưởng của chúng tôi nói là bây giờ máy bay đang bay qua lãnh thổ của nước Afghanistan không thể đáp xuống được, mong y sĩ thông cảm.
- Như vậy nước tới là nước nào? Và mình có đáp xuống được không?
- Dạ, để tôi đi hỏi lại phi công trưởng. Tim trở lại lần nữa và nói.
- Nước tới là Ấn Độ và việc đáp xuống có thể được, nhưng xin y sĩ xác định lại việc cần đáp xuống vào lúc ấy, vì hiện thời bây giờ chúng ta phải bay 3 tiếng nữa mới qua khỏi biên giới của Afghanistan. Nếu đáp xuống theo chuyện cấp cứu thì cũng phiền hà và không biết bao giờ thì mình mới bay lên trở lại được.
Lúc ấy thì Patti gọi tôi lại:
- Dr. V, áp suất của John là 92 trên 60, nhịp tim 125 và độ đau là 10 trên 10. Em nghĩ là bệnh tình của John đang bị trở chứng đó giáo sư.
Tôi trở lại chổ John nằm thì đúng như lời Patti nói, John đang ở trong tình trạng trở chứng, máu huyết tuần hoàn bị sụt xuống. Nếu tình trạng này kéo dài thì rất là nguy hiểm cho tính mạng. Mồ hôi John đang ra nhễ nhải, dù rằng Mai đang lau mồ hôi cho anh ta và tay chân thì rất lạnh. Chung quanh John là những đồng nghiệp của anh ta đang quay quần. Ai nấy khuôn mặt cũng rất là lo lắng. Có mấy người hành khách cũng tò mò hỏi nhau coi thử có chuyện gì đã xảy ra.
Tôi nói Tim là nên mời hành khách về lại chổ ngồi để chúng tôi có chổ thở và làm việc.
- Bắt đầu chuyền nước biển vào đi, mở wide open rộng ra, giữ cho John ấm. Tôi nói với Patti. Quay qua John tôi bắt chuyện.
- Hi John, em sao rồi, có đau nhiều không?Bây giờ chúng tôi chuyền nước biển cho em nhé. Mà trước giờ em có bị bệnh gì không? Có bị cao máu, tiểu đường gì không?
- Dạ em đau quá Dr. V ơi. Em trước giờ khoẻ lắm không có bệnh gì hết.
- John có gia đình vợ con gì chưa?
John gượng cười.
- Dạ chưa Dr V. Nhưng em có bồ rồi và cô ấy đang ở Singapore đó.
- A như vậy thì em phải khoẻ lại cho mau để về gặp bạn đó nha.
Tôi nói đùa với John. Mục đích của tôi là làm John quên bớt cái đau và việc cấp cứu bây giờ để có thể duy trì được tình trạng để John không bị nặng thêm. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ một việc.
- John à, tôi có một vị thuốc mà khi nào cần thì tôi lấy ra dùng. Mà nó giúp tôi rất nhiều, rất là hiệu nghiệm. Nếu em muốn thì tôi sẽ chia sẻ với em nhé?
John gật đầu lia lịa.
- Dạ bây giờ y sĩ có gì thì xin đưa ra cho em dùng. Em đau quá. Em đi đường bay này thường lắm nên biết là mình sẽ không đáp xuống đây được đâu. Em lo quá, không hiễu có qua nổi cơn bệnh này không.
Tôi mở cái xách tay nhỏ và lấy chai dầu gió xanh của mình ra và đưa cho John ngửi.
- Đây là chai dầu mà tôi hay dùng. Tôi đi đâu cũng có nó cả và nó rất là hiệu nghiệm. John dùng thử nhé, nếu chịu được cái mùi hơi mạnh một chút của nó.
Tôi đưa chai dầu lên mũi của John. John hít một hơi nhẹ và nói.
- Mùi này cũng dễ chịu lắm mà. Em cũng thích lắm.
- OK, như vậy thì tôi xức dầu cho John nhé.
Tôi bôi dầu này vào bụng ở chổ đau của John, vừa làm tôi vừa nói chuyện. Tôi hỏi chuyện làm, chuyện bạn bè, chuyện đời sống ở Singapore hay Mỹ như thế nào ... Trong lúc nói chuyện thì Mai và Patti vẫn tiếp tục lấy áp suất và nhiệt độ. John vẫn thích thú kể chuyện về đời mình cho chúng tôi nghe.

Khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau thì Patti báo cáo là áp suất của John đã lên cao trở lại, khoảng 140 trên 90 và nhịp tim hạ xuống còn 100 nhịp trong một phút và độ đau thì vẫn không thay đổi, vẫn ở khoảng 8 cho tới 10.
- Như vậy thì tốt quá, em cho nước biển chảy chậm lại một chút đi. Tôi nói chuyện với Patti.
Trong thời gian này thì John có vẻ không thay đổi mấy, sắc diện có phần hồng hào hơn và tỉnh táo hơn một chút. Tôi khám lại John thì thấy không có gì thay đổi lắm về phần ruột dư của John.
Tim, người xếp của John, trở lại.
- Thưa y sĩ, bây giờ chúng ta đang bắt đầu vào biên giới Ấn Độ. Chúng tôi phải làm gì, ngừng lại hay đi thẳng? Nếu ngừng lại thì cũng phải xin phép và cũng sẽ lâu lắm mà chưa biết chừng nào thì máy bay sẽ được cất cánh trở lại.
- Sau Ấn Độ thì sẽ tới nước nào? Tôi hỏi.
- Dạ Miến Điện rồi Thái Lan trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa.
- Để tôi nói chuyện với John xong sẽ trả lời câu hỏi của anh.
Tôi trình bày rõ ràng với John về những chi tiết này. John trầm ngâm rồi hỏi lại tôi:
- Y sĩ nghĩ như thế nào, em có thể chịu nổi để về đến Singapore không?
Thật sự ra thì rất khó mà đoán trước cơ thể của John sẽ chuyển động như thế nào, nhưng tôi nghĩ là sẽ được trong vòng vài tiếng nữa, ít ra thì mình cũng có thể đến Thái Lan và việc chửa trị ở đó cũng tốt nhất nếu so với những nơi khác. Tôi trả lời cho John.
- Như vậy thì y sĩ cứ quyết định cho em đi. Tôi quay lại nói với Tim.
- Cứ tiếp tục bay đi. Khi nào gần đến Thái Lan thì cho tôi biết.
Trong suốt mấy tiếng bay tiếp, John và tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau, và tôi vẫn xoa dầu xanh cho John đều đều. Nhiệt độ và áp suất máu của John vẫn không thay đổi. Chai nước biển vẫn nhỏ giọt đều nhưng chậm hơn lúc trước vì áp suất của John đã cao hơn. Chúng tôi đã đưa John lên nằm trên giường trong phòng dành cho phi công. John có vẻ khoẻ hơn lúc ban đầu một chút.

Khi bay qua biên giới Thái Lan, tôi đã quyết định là không dừng lại nữa vì từ nước này về Singapore thì chỉ còn một tiếng đồng hồ mà thôi và tình trạng của John thì thấy không thay đổi mấy. Cả đêm ấy, 3 thầy trò chúng tôi đã không chợp mắt một chút nào, nhưng vẫn không thấy mệt. Rốt cuộc thì phi cơ cũng đáp xuống phi trường Singapore. Khi xe cứu thương vào phi cơ để đưa John đi vào bệnh viện cứu cấp, cậu ấy đã nắm tay tôi và đã ngập ngừng hỏi tôi:
- Em cảm ơn Doctor V và phái đoàn của doctor nhiều lắm vì đã tận tình giúp em. Em sẽ không bao giờ quên y sĩ V đâu. Chúc y sĩ và phái đoàn thành công trong chuyến đi này. Nếu được, xin y sĩ cho em xin luôn chai dầu gió xanh đó, có được không?
Tôi cảm động đến sững sờ và tự nhiên tôi muốn khóc.

Ở trên đời nếu ai cũng có một chai dầu gió xanh để đem theo bên mình làm hành trang cho cuộc đời, chai dầu gió xanh của mỗi người có thể khác nhau. Có thể là những kỷ niệm thời ấu thơ, một mối tình đơn phương, những mối tình trọn vẹn hay không trọn vẹn, một ánh mặt, một nụ cười, một dáng đi, một tà áo, một câu dỗ dành, bài hát hay một lời thơ ... Đôi khi bất chợt ngửi lại mùi hương thoang thoảng của những chai dầu gió xanh này làm ta có thể sống lại những kỷ niệm thời xa xưa, mơ về dĩ vãng trong giây phút để tâm hồn có thể dịu bớt đi một chút nào đó giữa cuộc sống xô bồ. Những chai dầu gió xanh này, theo ngày tháng, cũng có thể chữa lành cho những vết thương trong lòng của mỗi người.

Trong hành trình dài của mỗi đời người, với những bể dâu gập ghềnh trong cuộc sống, mà mình còn giữ được chai dầu gió xanh làm bạn đồng hành thì âu đó cũng là niềm vui và hạnh phúc vậy.

Võ Quách Thị Tường Vi
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tư thế người trí thức VN hôm nay

Tôi chọn bức ảnh tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận cúi khom đến gập nửa thân người ôm lấy bàn tay ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
trong buổi lễ trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật ngày 27/5/2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội làm bức ảnh của năm 2012.

Nuôi tâm sinh thiên tài.
Nuôi óc sinh nhân tài.
Nuôi thân sinh nô tài.


Bức ảnh thể hiện một tư thế .....của người trí thức Viet Nam hiện nay.

Image

Không biết người Việt Nam hải ngoại có khá hơn không, hay là cũng SAME SAME như rứa

==================================


Để tham khảo, đây là tư thế nhận giải Nobel Y Học từ Quốc Vương Thụy Điển của Giáo sư Yamanaka, 50 tuổi,
người Nhật Bản tại Stockholm ngày 10/12 vừa qua.

Xin ghi thêm, bộ đồ lễ phục GS Yamanaka bận hôm ấy là ông ta đi mướn (rent) ở 1 tiệm muớn quần áo ở Stockholm với giá 200 USD

Image

Image

Image

Image

Image

Image
và đây là tư thế khi escort Công Chúa Thụy Điển vào buổi dạ tiệc sau khi nhận giải thưởng
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Buồn cho cái tuổi già
Cha mẹ và con cái.
Lạc quan hay bi quan ?
Hay cần phải có cái nhìn triết lý ?.

Bài nên đọc để hiểu rằng mình chỉ nên lo cho con cái xong bổn phận rồi thì đừng bao giờ trông cậy ở chúng điều gì.
Mình hãy sẵn sàng khi già không còn làm việc nỗi thì vào nursing home như vậy mình sẽ bớt khổ. Đời sống này ai cũng giống như vậy mà thôi!
Mình cũng còn có phúc hơn rất nhiều người ở Việt nam vì bên này mình được hưởng trợ cấp dù có làm việc hay không cũng được và có cả housing nữa vậy thì chả nên bi quan mà nên chấp nhận những gì cuộc đời đã dành sẵn cho mình rồi!..
Không chừng tới khi già lại cùng các bạn đồng tuổi vào ở chung một nursing home thì lại còn vui nữa đấy!
Mời quí vị đọc và nhớ để đời thân già bớt khổ.....!!!!!

Quí vị thấy những cặp vợ chồng có 9,10 người con, dù là kỹ sư, bác sĩ, họ vẫn khổ vì con cái bạc bẽo!!!
Nói chi quí vị chỉ có 4 hay 5 con!
Chính bản thân tôi đã gặp nhiều cha mẹ khổ vì sự bạc bẽo của con cái ở xứ Mỹ này !
Con họ là những người có học, giầu có, nhưng họ vẫn phải đi "share" phòng hay "get line" sau lưng tôi để xin nhà "low income".
Bài đọc sau rất chính xác và thiết thực. Xin quí vị đọc và nhớ dùm tôi cho đời mình bớt khổ vì chính những đứa con mà mình đã suốt đời hy sinh cho chúng nên nguời.

Tôi đã đọc được 1 bài rất hay: Nếu lỡ sanh con thì : vui với con khi chúng còn nhỏ. Lo cho chúng hoc hành nên người,và khi chúng trưởng thành, có gia đình rồi thì quên chúng đi để sống. Và đây là điều quan trong: Đừng trông mong chúng báo hiếu, kẻo thất vọng nặng nề...!!!!???(sách nói nhé)
Chính vì biết rõ điều này nên bản thân tôi, đã 73 xuân xanh, ngày ngày đi phòng "gym" 3 tiếng để tập thể dục, bơi lội...vì bà xã đã bịnh rồi, tôi bịnh nữa là chỉ còn nước dắt nhau vào "nursing home" thôi???
Thân chào và chúc quí vị nhiều sức khỏe. Một bài rất hay, hãy ráng đọc cho hết, đừng đọc nửa chừng rồi cho qua !!!

Trong truyện cổ, người ta có kể chuyện một ông phú hộ và bốn người con trai. Khi bốn người con này lớn lên lập gia đình, ông phú hộ này đem một phần gia tài chia cho bốn người con, phần còn lại vợ chồng ông giữ để dưỡng già. Mấy năm sau khi vợ ông qua đời, mấy người con sợ rằng ông sẽ tìm vợ mới, lúc có con, gia tài này phải chia cho những đứa con khác. Chúng bàn với nhau thuyết phục cha, về ở với mình, săn sóc cha thật chu đáo, sung sướng để ông không cảm thấy cô đơn, khỏi cần phải tục huyền. Ðược ít lâu, chúng thuyết phục ông phú hộ chia hết tài sản cho chúng. Bùi tai và thấy không cần giữ riêng cho mình một tài khoản nào, ông đồng ý đem gia tài chia hết cho bốn đứa con. Sau đó ông đến ở với đứa con thứ nhất, nhưng đứa con này nghe vợ, chỉ được ít hôm, bảo ông đến ở nhà đứa em kế. Cứ như thế, không ở được với đứa con nào. Không một đồng xu dính túi, người cha bị bỏ rơi, phải đi khất thực từng nhà. Bấy giờ cây gậy cũng còn có ích hơn là những đứa con. Cây gậy đó có thể giúp ông già xua đuổi những con chó, dò dẫm trên đường, tránh những vũng nước và giúp ông những lúc yếu chân sắp ngã.

Câu chuyện này sao giống câu chuyện của một bà mẹ ở Quận Cam. Sau Tháng Tư 1975, hai vợ chồng đem một đàn con vượt biển sang Mỹ. Trong nhiều năm, ông bà vừa nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng cho con, vừa tậu được một căn nhà khang trang trong vùng Bolsa. Sau khi người chồng qua đời ít lâu, bà vợ được con cái thuyết phục nên bán ngôi nhà đi, chia đều cho các con rồi về ở với con cháu cho đỡ cô đơn. Bà nghe theo, và cũng lần lượt ở với nhiều đứa con, chịu cảnh bạc đãi và cuối cùng bà quyết định phải rời khỏi nhà những đứa con ấy. May thay, trên đất Mỹ, bà già cô đơn này còn có chỗ nương tựa, đó là một món trợ cấp nhỏ và ngôi nhà “housing” mà chính phủ đã đành cho bà. Nếu ở một xứ sở khác, chắc bà cũng cần đến một cây gậy.
Những đứa con mua nhà mới có thể đã không tính đến một chỗ cho cha mẹ già khi xế bóng, nhưng tôi biết nhiều bậc cha mẹ khi luống tuổi, con cái lập gia đình đi xa cả rồi, mà vẫn giữ cái nhà cũ nhiều phòng, với ý nghĩ dành cho con lúc trở về thăm viếng. Tôi có một người bạn được con trai bảo lãnh sang Mỹ, nhưng chỉ ít lâu sau cô con dâu muốn chồng bán căn nhà đang ở và đi mua lại một cái nhà nhỏ hơn, lấy lý do để tiết kiệm cũng là lý do để cha mẹ chồng phải dọn ra.

Cha mẹ đối với con lúc nào cũng hết lòng. Mẹ có thể lăn vào lửa để cứu con, cha có thể đổ mồ hôi nhọc nhằn để đứa con có được một nụ cười hạnh phúc, nhưng những đứa con, khi đã có gia đình riêng của mình, không giữ được sự chăm sóc, lo lắng cho đời sống của cha mẹ. Người mẹ nào cũng mỗi đêm kéo chăn đắp cho con, sờ trán con, hạnh phúc theo từng nụ cười của con, nhưng bây giờ con ở xa, thời giờ dùng để gọi về thăm mẹ đôi khi cũng hiếm hoi.

Ông Chu Dung Cơ nói về mối liên hệ giữa cha mẹ già và con cái:
“Cha mẹ thương con là vô hạn, con thương cha mẹ là có hạn.
Con bệnh cha mẹ buồn lo.
Cha mẹ bệnh con đến nhòm một cái, hỏi vài câu thấy là đủ.
Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào.
Nhà của cha mẹ là nhà của con.
Nhà của con không phải là nhà của cha mẹ.
Ốm đau trông cậy vào ai?
Nếu ốm đau dai dẳng có đứa con hiếu nào ở bên giường đâu (cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử)”.


Và lời khuyên đối với các bậc cha mẹ là: “Khác nhau là như vậy!
Người hiểu đời coi việc lo cho con là nghĩa vụ, là niềm vui không mong báo đáp.
Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.”

Cũng có nhiều con cái nuôi cha mẹ.
Luận Ngữ chép, Tử Du hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: “Ngày nay người ta cho nuôi cha mẹ là hiếu, nhưng đến chó ngựa kia, người ta cũng nuôi, nếu nuôi mà không kính hiếu cha mẹ thì có khác chi!”

Người già không khác những đứa trẻ, nhiều khi hay tủi thân, hờn dỗi và dễ phiền muộn, con cái có thể cho cha mẹ ăn uống, hầu hạ cha mẹ khuya sớm nhưng rất khó biết đến nỗi buồn của cha mẹ lúc về già.

Người thợ hớt tóc cho tôi biết về con cái của ông, cả hai đứa con đều có nhà riêng, cùng ở trong quận Cam, nhưng không mấy khi chúng điện thoại hỏi thăm ông. Tháng trước, ông bệnh, nằm nhà một tuần lễ mà cũng chẳng đứa con nào ghé qua thăm. Ông nói thêm: “Chỉ trừ lúc nào chúng cần nhờ đến ông việc gì đó”, và buồn bã kết luận: “Ở Mỹ này, có chín đứa con, cha mẹ già bệnh cũng phải vào nursing home thôi!”

Tuy vậy, nursing home ở Âu Mỹ, mang tiếng là văn minh, hiện đại nhưng liệu rằng đây có phải là nơi yên ổn cho những ngày cuối cùng của tuổi già không? Tại các viện dưỡng lão trên đất Mỹ mỗi năm có hàng chục nghìn trường hợp khiếu nại vì cách đối xử của nhân viên như bỏ bê, đánh đập, đại tiểu tiện, ói mửa mà không dọn dẹp, không cho uống nước, tệ hại nhất là đối với những bệnh nhân Alzheimer. Năm ngoái, phúc trình của Bộ Y Tế Minnesota cho ta thấy chỉ trong vòng 5 tháng đã có 15 trường hợp bệnh nhân mất trí nhớ bị hành hạ, trong đó có những vụ như bị chọc ghẹo liên tục, bị nhổ nước bọt vào miệng. Phải chăng nhà dưỡng lão, chặng cuối đời của người già là chốn địa ngục có thật trên trần gian như thế!

Vậy thì con cái có hiếu tâm, xin cầu nguyện cho các đấng sinh thành sớm ra đi trước khi họ trở thành những người mất trí lú lẫn, nằm suốt ngày một chỗ, tiêu tiểu không kiểm soát được. Thấy cha mẹ lớn tuổi mà còn minh mẫn, mạnh khỏe nên mừng, mà thấy cha mẹ ra đi nhẹ nhàng, trước khi phải chịu những cảnh đau lòng của tuổi già lại càng mừng hơn.

Tuy vậy, rất nhiều gia đình người Việt trên xứ người có được niềm an ủi là họ có những đứa con Việt Nam, nhất là những đứa con của một gia đình nghèo khó, lớn lên trong chiến tranh và thông cảm được nỗi thiệt thòi bất hạnh của cha mẹ.

Tuổi Già
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Người Việt ở Pháp đón Tết Tây ra sao?
Tường An / RFA, Paris

Đặc biệt tại Pháp, một nơi đã từng nổi tiếng với những đầu bếp đẳng cấp thế giới, với những món ăn, thức uống cầu kỳ.
Sang một chương mới

Không có bánh tét, bánh chưng, không thịt kho, dưa giá, không mai vàng, pháo đỏ, và không cả lì xì mừng tuổi dai dẳng ba ngày. Tết ở Pháp nói riêng và ở Âu Châu nói chung là khoảng thời gian chuyển mùa ngắn gọn, như thể người ta chỉ lật sang một chương của quyển sách, thở nhẹ một hơi và lại tiếp tục sang một chương mới.

Nói thế, không có nghĩa là Âu châu thiếu những phong tục đặc thù của mỗi quốc gia: Việt Nam không quét nhà trong 3 ngày Tết vì sợ sẽ quét hết tiền ra cửa cả năm. Ở Đan Mạch thì người ta gom hết những mảnh vỡ trong nhà và đem đặt trước nhà bạn mình như một lời chúc may mắn cho đầu năm. Ở Anh, người ta viết 3 điều ước trên một mảnh giấy rồi đợi đến 12 giờ đêm, họ đốt mảnh giấy đó thành tro và hoà vào sâm-banh để uống, tin rằng các điều ước ấy sẽ thành hiện thực. Người Hà Lan thì sáng mồng một, trong cái rét buốt giá lạnh của mùa đông, hàng ngàn người ùa xuống tắm biển ở thành phố Denhaag để mong một năm mới tốt lành. Người Pháp thì treo một boule de gui (tức là những nhành cây tầm gửi được vòng thành như một quả bóng) trên trần nhà, đến giao thừa mọi người hôn nhau dưới vòng cây tầm gửi (boule de gui) như dấu hiệu của tình hữu nghị và thiện chí, có nơi còn tin rằng sẽ gặp may mắn trong tình yêu và khả năng sinh sản.

Tây có 2 cái khác nhau: đêm Noel là đêm của famille (gia đình) nên nó cũng ăn nhiều, Tết Tây là Tết của bạn bè nên ăn cũng rất là nhiều.( Chị Minh)

Không hổ danh là một quốc gia có nền văn hoá ẩm thực lâu đời, thực đơn đêm Giao thừa của Tây khá cầu kỳ, có rất nhiều món, mỗi món được uống với một thứ rượu khác nhau. Buổi ăn đêm Giao thừa thường gồm 6-7 món, bắt đầu bằng món khai vị như gan ngỗng, cá hồi xông khói, ốc nhồi, xúc xích trắng. Các món này thường được uống với rượu trắng, riêng gan ngỗng được uống với sauternes, một loại rượu trắng ngọt. Sau đó là món chính, người Pháp thường ăn thịt gà tây, heo rừng, nai và cả thịt kangaroo, nói chung họ ăn những thứ thịt lạ mà ngày thường họ ít dùng. Tráng miệng thì có bánh ngọt, salde de fruit (salade trái cây) chocolat. Về thức uống thì thịt gà vịt được uống với rượu trắng, còn các thứ thịt đỏ như bò, nai…. thì uống với rượu đỏ. Riêng Champagne thì có thể uống suốt buổi tiệc. Anh Lê Hữu Thường, một sinh viên du học từ thập niên 60 cho biết thực đơn của người Pháp gồm có:

“Khai vị là foie gras, saumon, escargo, boudin blanc. Còn món chánh có volaille (gà, vịt) trong đó có dinde (gà tây) Gà quay rô-ti, chapon, một loại gà thiến, poularde, một loại gà mái được nuôi cho mập. Thường họ không quay như người Việt Nam mà họ mở bụng farci, tức là nhét nhân vào bên trong, nhân thì gồm gan ngỗng và marron (một loại hạt hạt dẻ). Nhưng có 1 số gia đình ăn thịt nai chevreuil, hoặc là heo rừng. Mấy năm gần đây họ còn ăn thịt kangourou. Họ ăn kangourou, autruche (đà điểu) nữa….”

Đêm dành cho bạn bè
Image
Hình ảnh rượu champagne được chụp ngày 31-12-2012 tại Paris, Pháp. AFP photo.
Tại Pháp, nếu Giáng Sinh là buổi tiệc của gia đình thì Giao thừa là đêm dành cho bạn bè. Họ găp gỡ nhau ăn uống, nhảy nhót, sống hết mình cho thỏa một đêm với bè bạn. Ngày đầu năm ở Âu Châu rơi vào đỉnh điểm của mùa đông nên mọi sinh hoạt được khép kín trong 4 bức tường. Ở vùng quê thì họ tụ họp ở nhà một người bạn nào đó cùng nhau ăn uống, nhậu nhẹt đến sáng. Ở các thành phố lớn thì họ hẹn nhau ở một nhà hàng hay một căn-tin lớn để cùng nhau ăn uống và đón giao thừa. Sáng mùng một là ngày để ngủ trưa, dưỡng sức sau những ngày mệt mỏi vì tiệc tùng của Giáng Sinh và Giao thừa. Ăn thì nhiều như vậy, nhưng đa số du khách đến Pháp vẫn khen các cô đầm ở đây có dáng người rất thon thả, gọn gàng. Ớ Pháp hơn 30 năm, chị Minh ghi nhận:

“Tây có 2 cái khác nhau: đêm Noel là đêm của famille (gia đình) nên nó cũng ăn nhiều, Tết Tây là Tết của bạn bè nên ăn cũng rất là nhiều. Thường thường tết Tây thì phần lớn tổ chức ở những nhà hàng có khiêu vũ như là Lido hay Moulin Rouge, thường đối với Tây thì đó là dịp để họ uống với ăn thôi. Họ dồn hết vô một buổi tối đó, họ sống hết mình, ăn uống, nhảy đầm náo loạn, Tây là uống dữ lắm. Thường là ăn uống thì họ tập trung vô hết Saint Sylvestre rồi sau đó mùng 2 đi làm thì đối với họ là hết tết rồi đó. Họ không có kéo dài 2-3 ngày hay cả tuần như dân Việt Nam mình đâu.”

Thực đơn Giao thừa của người Việt tại Pháp cũng là một hội nhập thú vị : trên bàn tiệc, bên cạnh gan ngỗng, cá hồi còn có chả giò, xôi gấc, heo quay, món ốc nhồi của Tây thay vì được ướp với bơ sẽ được chấm với nước mắm gừng. Phần tráng miệng thay vì bánh bouche de Noel, chocolat thì có chè, có nhãn, bánh chuối... Văn hoá ẩm thực của xứ người được phong phú hoá bằng hương vị á đông, Tây-Việt đề huề:

Thường thường tết Tây thì phần lớn tổ chức ở những nhà hàng có khiêu vũ như là Lido hay Moulin Rouge, thường đối với Tây thì đó là dịp để họ uống với ăn thôi.( Chị Minh)

“Saint Sylvestre thì chị hay đi với bạn bè, hoặc là tổ chức ở nhà một người bạn, hoạc là tổ chức ở một cái restaurant. Ăn thì cũng giống như menu (thực đơn) của Tây, đại khái là foie gras (gan ngỗng) saumon ( cá hồi) , cũng có chapon….marron . Chỗ này thì chủ là người Việt Nam thành ra họ có thêm soupe Thái , salade fruit de mer ( gỏi đồ biển) sau đó thì cũng hơi bắt chước Tây : ăn xong thì cũng nhẩy đầm.”

Nhưng không phải ai cũng thích thức ăn Tây. Có người cũng quay về với thói quen ẩm thực muôn đời của mình:

“Có những gia đình Việt Nam không thích ăn đồ tây trong đêm giao thừa vì họ nói rằng họ đã ăn dồ tây trong đêm Noel, nên họ chỉ thích ăn đồ Tàu.”

Vui chơi thỏa thích

Thực đơn của người trẻ gốc Việt thì Tây hơn, món gà quay được ăn vói khoai tây xào tỏi thay vì xôi, các món ăn được chuẩn bị cầu kỳ, đúng phong cách, món nào, rượu đó. Và phải nói là nhiều, rất nhiều món, món ăn trứớc, dọn trước, món ăn sau, dọn sau, mỗi món dùng đĩa, dao khác nhau chứ không bày tất cả lên bàn cùng một lần như bàn tiệc người Việt. Chúng ta hãy thử xem thực đơn của Mỹ Linh và các bạn trẻ xem họ có gì năm nay?

“Tụi con sẽ ăn huitre au champagne: huitre được ướp với sâm banh và hạnh nhân xắt mỏng và su đó cho vào lò nướng , sau đó tụi con sẽ ăn bulot (ốc), huitre (hào), fruit de mer (đồ biển), sau đó sẽ ăn foie gras frais, (gan ngỗng chưa chín) foie gras được chiên lên ăn với xoài và bơ, ăn với chút xíu salade, và ăn với carpaccio coqui saint jacques: coqui saint jacques được xắt rất mỏng, ăn sống với huile d’olive (dầu ô-li-ve) vinaigre au basilic. Sau đó thì tụi con ăn gibier (1 loại nai), cerfe (nai rừng), biche (nai con) ăn với purée de marron (hạt dẻ nghiền) cái này phải uống rượi đỏ. Sau đó là dessert (tráng miệng): trái cây, salada de fruit, bánh.”

Ngày mồng một đối với Tây Phương không phải là ngày quan trọng mà đêm Giao thừa mới là đêm vui chơi thỏa thích sau 1 năm làm việc. Đêm Giao thừa còn được gọi là đêm Saint Sylvestre. Theo lịch của người Pháp, mỗi ngày trong năm mang tên của một vị thánh. Đêm 31 tháng 12 được mang tên của Thánh Saint Sylvestre. Sylvestre là một người La Mã, con trai của linh mục Rufinus . Sau khi lén chôn xác của Timothy, một thánh tử đạo bị chặt đầu theo lệnh của Thị trưởng thành phố là Tarquinius. Sylvestre bị thị trưởng Tarquinius bắt buộc phải bỏ đức tin của mình và giao tài sản của Timothy cho Thị trưởng Tarquinius, Sylvestre từ chối và bị bắt giam. Sau khi thị trưởng Tarquinius chết vì bị mắc xương cá, Sylvestre được thả và thụ phong linh mục. Sau đó ngài trở thành đức giáo hoàng thứ 33.

Thánh Saint Sylvestre chết ngày 31 tháng 12 năm 335. Ông được chôn cất tại nghĩa trang St Priscilla, thành phố La Via Salaria, nước Ý.

Vào đêm Saint Sylvestre mọi người tụ họp ăn uống cùng bạn bè, đợi đúng 12 giờ đêm thì mở champagne và ôm hôn nhau, chúc nhau “bonne année” tức là một năm mới may mắn. Trong thời đại tin học, hàng triệu tin nhắn được gửi cho người thân ở xa qua điện thoại, email thay cho tấm thiệp chúc Tết nay đã lùi vào quá khứ. Tại Paris, hàng trăm ngàn thanh niên, thiếu nữ chọn đại lộ Champ Elysée hay tháp Eiffel làm nơi giã từ năm cũ và đón mừng năm mới:

“Những người trẻ thì hay đi Champ Elysée hoặc đi tour Effel cũng có hoặc đi Place de la Concorde… cũng đông lắm! Tháp Effel thì 1 trong 2 năm có feu d’artifice (pháo bông), rất là đẹp ở trên tour Effel. Ở Champ Elysée thì cũng có cái truyền hình lớn, cùng nhau làm cái décompte (đếm ngược) làm chung với nhau, đông lắm, hét một lượt với nhau, cũng vui lắm. 10,9,8,7,6,5,4,3,2,1… sau đó là pháo bông thì mỗi người uống champagne, hôn nhau chúc năm mới, ai cũng ôm nhau, ngay cả những người không quen mình, họ cũng ôm mình để chúc giao thừa.”

Ngày đầu một năm, mà Việt Nam chúng ta gọi là Tết, là thời điểm mà mọi người dừng lại trên con dốc thời gian để nhìn lại một chặng đường đã qua, kết toán những vui, buồn, thành công, thất bại trong năm và cùng mong ước những điều tốt đẹp cho chặng đường trước mặt. Giao thừa năm nay, khi cùng bạn bè chúc nhau “bonne année” dưới vòng cây tầm gửi. Tường An cũng xin gửi lời chúc đến quý thính giả của đài Á Châu Tự Do một năm mới tốt lành với mọi ước nguyện sẽ thành hiện thực
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Khử mùi hôi cho hộp nhựa đựng thức ăn

Những chiếc hộp nhựa thường được dùng để cất giữ thức ăn, nhưng trong một thời gian dài sử dụng
sẽ bị ám mùi thức ăn rất khó chịu và khó rửa sạch.

Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn dễ dàng trong việc khử mùi hôi cho những chiếc hộp nhựa này.

- Cách khử mùi cho hộp nhựa dễ dàng nhất là dùng nước rửa chén có mùi hương mạnh. Nhưng có nhiều loại mùi bám rất dai,
bạn cần sử dụng dung dịch tẩy rửa nguyên chất, cho vào hộp nhựa và ngâm trong khoảng hai giờ đồng hồ.
Dùng nước tẩy lau sạch nắp hộp. Sau đó, rửa sạch lại cả hộp và nắp hộp bằng nước sạch và lau khô.

Image
Hạt cà phê rất hiệu quả trong việc giúp bạn khử mùi mồ hôi của hộp nhựa. Anh: I.T.

- Rửa sạch hộp nhựa, cho vào trong hộp ít hạt cà phê và đậy kín nắp lại. Sau vài tiếng đồng hồ, mùi thức ăn trong hộp sẽ biến mất.

- Bạn có thể khử mùi bằng cách rửa sạch hộp, lau khô, cho hộp nhựa vào tủ đông và để trong vòng một ngày hoặc lâu hơn.

- Cách phổ biến nhất là sau khi rửa sạch hộp, thái những lát chanh mỏng để vào trong hộp và đậy nắp lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng bột nở pha với giấm tạo thành một hỗn hợp đặc sệt và dùng chúng để chùi rửa những chiếc hộp bị ám mùi.

Theo Tạp chí món ngon
huynhtruong25
Posts: 142
Joined: Sun Sep 25, 2011 9:48 pm
Contact:

Post by huynhtruong25 »

Image
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Image

TUỔI GIÀ LÀ THỜI SUNG SƯỚNG NHẤT

Khi đã lớn tuổi, thì con người được nhiều tự do hơn, được thong thả hơn để sống. Không còn phải như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ thì muốn làm chi thì làm, muốn thức khuya dậy sớm gì, cũng chẳng còn ai la mắng dọa nạt, rầy la. Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn nhằn chút chút thôi, mình không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn gì.

Không còn phải khổ công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học thêm chi cho mệt trí, biết quá nhiều, biết quá đủ rồi. Nếu đã nghỉ hưu, thì học thêm làm chi. Nếu còn đi làm, thì cũng đã rành nghề, quen tay quen việc, làm việc dễ dàng.
Khi già tình yêu cũng không còn là mối bận tâm, không quan trọng quá, chưa nghe báo đăng các cụ già trên dưới sáu mươi tự vẫn chết vì thất tình. Tội chi mà chết vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp thấy Diêm Vương rồi, việc chi mà đi sớm hơn. Khôn quá rồi, chết vì tình yêu là nông nỗi.
Đời sống tình cảm của tuổi già êm đềm hơn, ít đau đớn ít sôi động, và bình lặng. Tuổi già rồi, các ông không còn tính chuyện mèo mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ khám phá ra chuyện dấu diếm mà nhà tan cửa nát. Đỡ tốn tiền quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật. Hồi hộp, đau tim. Các bà khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải chăm chút nhan sắc làm chi nữa, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc xệch, cũng méo mó. An tâm và chấp nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui.

Cũng có một số ít những cặp vợ chồng già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả hai đều trở thành khó tính. Hậu quả của ly dị trong tuổi già không trầm trọng như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn, đã tự lập, không còn ảnh hưởng nhiều đến tương lai chúng và tương lai của chính mình. Vì còn sống bao lâu nữa mà lo lắng chi cho nhiều. Xa được ông chồng khó tính, độc tài là mừng. Dứt được bà vợ đanh đá, bạc ác là phải sung sướng. Khỏe trí.

Tuổi già, cố giữ cho còn có nhau, khi đã đến nước ly dị, thì hai bên đều đúng, đều có lý. Đây là hành động tự cứu mình, và cứu người ra khỏi cảnh khổ lúc cuối đời, khi mà mộ bia đã thấp thoáng trước mắt, không còn bao nhiêu ngày nữa.

Có điều ít ai nghĩ đến, là càng già, thì càng dễ tìm một người bạn đời để nối lại, để an ủi nhau trong tuổi xế chiều. Vì chung quanh họ, có thiếu chi người đứt gánh nửa đường. Chồng chết, vợ chết, ly dị. Vấn đề là không sao tìm được một người có chung nhiều kỷ niệm, nhiều tình nghĩa, nhiều chia xẻ như người phối ngẫu cũ.

Tình già cũng nhẹ nhàng, thong thả, ít khổ đau, ít sôi nổi hơn tình khi còn trẻ trung. Sức lực cũng có còn bao nhiêu mà ghen tương nhau chi, mà lo lắng chi cho thêm mệt, những người lớn tuổi kinh nghiệm và biết rõ như vậy. Nhiều người trẻ, sau khi gia đình tan vỡ thì xuống tinh thần, uống ruợu đánh bài tìm quên, đôi khi không phải vì họ quá thương yêu người cũ mà tự hủy hoại đời mình, mà chính vì họ tự thương thân, tự ái bị xúc phạm, và rồi sa lầy vào ruợu chè cờ bạc. Người lớn tuổi thì suy nghĩ khác. Họ nghĩ rằng ta cũng đã gần đất xa trời rồi, có sống thêm bao lâu nữa mà sầu khổ cho mệt. Mất củ khoai lang, thì kiếm củ khoai mì bù vào.

Tuổi già biết giá trị tương đối của tình yêu nên không tìm tuyệt hão, không tìm lý tưởng, và nhờ vậy không bị thực tế phũ phàng làm vỡ mộng, đau khổ. Khi già rồi, có ai hỏi tuổi, thì cũng không cần dấu diếm, không cần sụt đi năm bảy tuổi làm chi. Sướng lắm. Vì có sụt tuổi, cũng không dấu được những nếp nhăn, mà chẳng có ích lợi gì. Nếu tự cọng thêm cho mình chừng chục tuổi, thì không chừng được thiên hạ nức nở khen là còn trẻ, trẻ quá, và họ mơ ước được như mình.

Các ông có vợ đẹp, khi lớn tuổi cũng đỡ lo bọn dê xồm dòm ngó, lăm le dụ dỗ vợ mình. Con người, ai mà không nhẹ dạ, ai mà không ưa lời nói ngon ngọt êm tai, ai mà không có khi thiếu sáng suốt. Vợ chồng cũng có khi bất hòa, buồn giận nhau, và những khi nầy, lòng người dễ chao đảo lắm. Bởi vậy, các ông đỡ nghe các bà hăm he ly dị, hăm he bỏ nhau. Tuổi nầy các bà cũng thừa khôn ngoan để biết những tên ngon ngọt, hứa hẹn nhiều, thường chỉ là những tên phá đám, chứ không thể tin tưởng được.

Đàn bà có chồng hào hoa, đẹp trai, khi lớn tuổi cũng bớt lo, vì các ông cũng bớt máu nóng, bớt chộn rộn và khôn ngoan hơn thời trẻ trung. Biết kềm chế hơn, và biết rõ giá trị hạnh phúc gia đình cần gìn giữ hơn là chơi ngông.

Tuổi già, vợ chồng sống chung với nhau lâu rồi, chịu dựng nhau giỏi hơn, quen với cái thói hư tật xấu của nhau. Không còn thấy khó chịu nhiều nữa. Dễ dung thứ cho nhau, chấp nhận nhau, vì họ biết rõ bên cạnh cái chưa tốt của người bạn đời, còn có rất nhiều cái tốt khác.

Vợ chồng, khi đó biết bao nhiêu là tình nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu thân thiết, cho nên hạnh phúc hơn, vui hơn.
Tình yêu trong tuổi già thâm trầm, có thì giờ bên nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Cũng có nhiều ông bà già ưa cãi vã nhau ,cũng dễ hiểu, khi đó tai của cả hai ông bà đều lãng, người nầy nói một đường, người kia hiểu nẻo khác, cho nên buồn nhau giận nhau, không gây gổ sao được? Tuổi già, thì tất cả mộng ước điên cuồng của thời trẻ trung đã tan vỡ, đã lắng xuống, không còn khích động trong lòng, không còn thao thức nhức nhối. Họ biết sức mình đến đâu, và không tội chi mà ôm cao vọng cho khổ thân. Họ còn biết thêm rằng, nếu những cao vọng điên cuồng ngày xưa mà có thành đi nữa, thì e cũng chỉ là hư không, chẳng đáng gì.

Khi tuổi già, thì biết khôn ngoan mà an phận, biết vui với bình thường. Biết đâu là hạnh phúc chân chính. Nhiều người già rồi mới tiếc suốt một thời son trẻ không biết sống, phí phạm thời gian theo đuổi những huyễn mộng, làm đau khổ mình, làm điêu đứng người khác.

Tuổi già, vui khi thấy mình hết nông nỗi, nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn. Ai khen không hớn hở mừng, ai chê không vội vã hờn giận. Vì biết rõ mình không có gì xuất chúng để thiên hạ khen nịnh. Và biết mình cũng có nhiều cố tật không chừa được, đáng chê. Chê thì chê, khen thì khen. Khen cũng thế, mà chê cũng thế, thì ta vẫn là ta, là một kẻ già, đáng được khoan thứ hơn là trách móc.

Lúc nầy, không còn muốn làm giàu, không bị con ma tham lam thúc bách để kiếm và tích trữ cho nhiều tiền nhiều bạc. Con cái cũng đã lớn, không phải chi tiêu nhiều thứ , thì tiền bạc, chỉ cần đủ sống thôi, cũng là thỏa nguyện. Họ cũng không cần se sua, tranh hơn thua với ai, tinh thần họ vui vẻ, dễ chịu và khỏe khoắn hơn.

Mối lo âu về tài chánh cũng nghẹ gánh. Bởi khi đó, nhiều người đã tích trữ được một số tiền nhỏ. Nhà cửa cũng đã có. Nợ nhà, nợ xe cũng ít đi, hoặc không còn nữa. Con cái cũng đã lớn, không còn là gánh nặng cho mình. Chúng nó đã có nghề nghiệp, đã làm ăn được. Chắc chắn tương lai chúng khá hơn mình nhiều. Người già không chi tiêu nhiều, ăn cũng ít đi rồi, chơi cũng không còn phung phí dại dột như tuổi trẻ.

Khi già, thời gian mới là thực sự của mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống nữa. Không còn bị bó buộc bởi trách nhiệm bổn phận. Có thể ngồi mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công viên, thưởng thức thiên nhiên tuyệt thú, có thể tìm được an bình tuyệt đối, không như thời còn trẻ, đi nghỉ mát, mà thỉnh thoảng cũng bị công việc nhà ám ảnh, nhắc nhở.

Tuổi già về hưu, là một mong ước của gần như của tất cả mọi người. Nhiều người gắng làm sao kiếm cho nhiều tiền để dược về hưu sớm hơn. Nhiều thanh niên, ngày về hưu còn xa lắc, xa lơ mà vẫn mơ ước. Người Mỹ, trẻ già chi cũng ngĩ đến hưu trí. Hưu trí trong tuổi già là một phần thưởng của tạo hóa, của xã hội. Cho sung sướng, nghỉ ngơi. Già là nghỉ ngơi, là khỏe khoắn.

Mỗi buổi sáng nằm dài trên giường, sáng nào cũng là chủ nhật trong tuần, muốn dậy lúc mấy giờ cũng được, muốn nằm cho đến trưa đến chiều cũng không sao. Nằm thoải mái, không ai chờ, ai đợi, không có việc gì gấp gáp phải làm, ngoại trừ cái bọng tiểu nó thúc dục, không cho mình nhịn lâu thêm được nữa. Thế thì sao mà không sung sướng.

Nếu chưa về hưu, còn đi làm việc, thì cái tâm của người lớn tuổi cũng nhẹ nhàng, ít bị những sức căng, bị áp lực đè nén. Vì tài chánh cũng quan trọng, nhưng không quá quan trọng đến nỗi khi thất nghiệp thì mất xe, mất nhà, mất vợ mất con như những người còn trẻ. Khi này, nhiều thứ trong cuộc sống đã ổn định, nhu cầu tiền bạc cũng không quá nhiều. Vã lại, già rồi, kinh nghiệm công việc nhiều, cho nên giải quyết mọi sự trong dễ dàng, thong thả.

Bạn đồng sự cũng có chút nể nang, phần vì tuổi tác, phần vì kinh nghiệm. Có trường hợp, còn có việc thì tốt, mất việc thì mừng hơn, vì có lý do chính đáng để về hưu cho khỏe. Vì nếu việc có hoài, việc lại dễ dàng, thì tiếc, không muốn về hưu. Tuổi lớn, không cần thăng tiến, không cần đua chen với ai, cho nên tinh thần thoải mái, được bạn bè chung quanh thương mến hơn. Những người về hưu rồi, trở lại làm việc, thì đi làm, như đi chơi, chứ không phải "đi cày" như nhiều người khác quan niệm. Vui thì làm tiếp, chán thì về nhà nghỉ ngơi.

Người lớn tuổi, thì sức khỏe xuống, bệnh hoạn ồ ạt đến tấn công, không ai thoát khỏi bệnh hoạn. Nhưng họ lại cảm được cái sung sướng của một ngày khi bệnh thuyên giảm. Một ngày khi cảm thấy gân cốt ít nhức mỏi hơn, dễ chịu trong từng khớp xương hơn. Ngưới trẻ đâu có thấy được những nỗi sung sướng này? Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua, nên chưa biết. Họ có sức khỏe, nhưng họ không biết đó là sung sướng, cho nên, xem như chẳng có giá trị gì. Anh chị xem, nếu anh chị có một tảng ngọc to bằng cái bàn nằm trong vườn, mà anh chị không biết đó là chất ngọc, thì không biết quý, không biết mình sung sướng có tảng ngọc, mà chỉ quý và sướng vì viên ngọc nhỏ xíu nằm trên chiếc nhẫn mà thôi. Có người viết sách rằng, tuổi già, buổi sáng ngủ dậy, nghe xương cốt đau nhức mà mừng, vì biết mình chưa chết. Tôi thêm rằng, biết mình còn sống là mừng, biết mình đã chết nhẹ nhàng, càng mừng hơn.

Nầy anh chị có nhớ câu chuyện Thượng Đế khi đuổi tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva xuống trần gian, có chỉ mặt mà phán : “Từ nay chúng mi phải đổ mồ hôi trán mới có hạt cơm vào mồm”. Đó là câu nguyền rủa độc địa nhất, là lời phán ý nghĩa nhất, là con người phải sống trong nhọc nhằn. Sách Phật cũng có viết đời là đau khổ, và tu để tránh khổ. Đó, đời nầy đáng sống lắm, nhưng cũng nhiều khổ đau lắm. Bởi vậy nên tôi nói, được sống là mừng, mà được chết, cũng mừng. Tôi đi đám ma ông bạn già, thấy gia đình khóc lóc, rên rỉ thảm thương, con cháu mếu máo kể lể. Tôi cười trong bụng, nghĩ rằng bọn nầy không biết luật của tạo hóa. Có sinh thì có diệt. Chúng nó muốn thân nhân của chúng sống đời đời sao? Biết đâu chỉ là khởi điểm của một cuôc rong chơi. Nầy, tôi đọc cho anh chị nghe một đoạn thơ của anh bạn tôi:

Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó
Ai thay da mãi mãi sống muôn đời ?
Kẻ trước, người sau xếp hàng xuống mộ,
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi ...

Khi tuổi già, thì xem cái chết như về. Ai không phải chết mà sợ. Sống qua khỏi tuổi năm mươi, là đã lời lắm. Tuổi trung bình của con người trên thế giới này chưa được con số năm mươi. Thì mình nên tự xem như được sống thêm đời thứ hai. Đời trước đã hoàn tất, có cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Đời sau nầy, thì chắc chắn là sung sướng hơn hạnh phúc hơn đời trước. Vì đã từng trải, đã gom được kinh nghiệm của đời trước, để thấy đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là phù du huyễn hão. Chết là về. Nhưng chỉ sợ không về được đến nơi đến chốn, mà như chiếc xe hư máy dọc đường. Làm khổ chủ xe, bắt nằm liệt mê man, không sống mà cũng không chết, đó mới là cái đáng sợ. Tôi biết vậy, nên đã làm di chúc, khi nào tôi bị mê ba ngày, thì xin rút ống cho tôi đi. Đi về bình an.

Này, anh chị nghĩ sao về ông bác sĩ mà người ta đặt cho tên là bác sĩ tử thần? Già rồi tôi không nhớ rõ tên, hình như ông ta tên là “Ki-Vô-kiên” phải không? Cái tên gần gần như vậy. Theo tôi, thì ông nầy là một vị Bồ Tát, cứu độ cho chúng sinh mau qua khỏi khổ đau, để bị ra tòa, bị tù tội. Chỉ có cái tâm Bồ Tát thật lớn mới làm được việc đó. Tôi cố tìm một cái ảnh ông ta để thờ sống, mà không có. Tôi nghĩ, trong tương lai, luật pháp sẽ không ngăn cấm việc cho người đau đớn ra đi sớm hơn, vì đàng nào cũng chết, tại sao phải kéo cái đau đớn ra dài hơn mới được chết. Trừng phạt người ta hay sao?

Trong tuổi già, người ta biết ơn sự nhiệm mầu của tạo hóa. Có bộ máy nào, không phải là gang thép, bạch kim, mà chạy một mạch sáu bảy chục năm không ngưng nghỉ, mà vẫn còn hoạt động như quả tim, buồng phổi, trái thận, cái bao tử, não bộ. Có hệ thống ống dẫn nào hoạt động sáu bảy chục năm mà chưa thay thế như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn. Thì dù có rò rỉ van tim, chất mỡ đọng nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng là sự thường tình, và mừng là còn sống, còn sinh hoạt được. Dù có phải liền liền đi vào cầu tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn sung sướng là cái vòi xài mấy chục năm mà vẫn chỉ mới rò rỉ sơ sơ. Mấy cái vòi nước trong nhà, bằng kim khí cứng, không rỉ sét, thế mà năm bảy năm đã phải thay rồi...

From Paul Van gởi.
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

LỜI ƯỚC ĐẦU NĂM
TRÀ LŨ
Canada là xứ giầu có qúa sức. Chỉ riêng năm ngoái, đầu năm người ta khám phá ra bãi cát dầu ở miền trung, giữa năm khám phá ra bãi cát sắt ở miền đông, cuối năm khám phá ra kho khí đốt mênh mông dưới biển miền tây. Chỉ việc đãi cát là có dầu, đãi cát là có sắt, cho ống xuống đáy biền là có khí đốt. Và Canada có toàn chủ quyền chứ không phải tranh chấp với bất cứ nước nào về những tài nguyên này. Giầu có như vậy lại còn được quốc tế ca ngợi nữa. Chẳng hạn Tap Chí The Economist số vừa qua đã công bố danh sách 5 thành phố đáng sống nhất thế giới, trong số 5 này có 3 thành phố của Canada, đó là Vancouver ở miền tây, Calgary ở miền trung tây và Toronto ở miền đông. Chưa hêt, trong số 50 ngân hàng an toàn nhất thế giới thì Canada có tới 7. Các cụ phương xa muốn giữ tiền bạc cho an toàn thì nên gửi ở ngân hàng Canada nha. Ngân hàng Canada cũng an toàn như ngân hàng Thụy Sĩ vậy.

Dân VN ta sống ở Canada có tới 200 ngàn. Tôi thấy ai cũng cảm thấy mình sung sướng vì đang được sống ở thiên đàng. Ai cũng sống thọ. Chẳng hạn Bà cụ Nguyễn Bách Bằng thọ tới 100 tuổi rồi mới ra đi. Hiện ở thủ đô Ottawa còn Cụ Đào Trọng Cương đã thọ tới 103 tuổi, chắc cụ rồi sẽ đi vào sách kỷ lục thê giới. Các bạn biết cụ Cương chứ. Cụ là kiến trúc sư VN đầu tiên tốt nghiệp trường kiến trúc Hà Nội thuở xa xưa, cụ là cựu hướng đạo sinh VN tiên phong, là nhạc phụ của BS Nguyễn Trùng Khánh nổi tiếng thế giới về quang tuyến… Riêng làng tôi, ngày xưa dân làng ai mái tóc cũng xanh, nay quay đi quay lại mái tóc đa số đã bạc nhưng may qúa tiếng cười vần còn rổn rảng trẻ trung.

Xin trình các cụ tin này : Mọi năm làng tôi chỉ ăn tết ta, tết VN truyền thống của dân tộc, nhưng năm nay các cụ trong làng đã đi một bước mới, các cụ đã quyết định ăn cả tết tây nữa. Các cụ lập luận rằng dù gì đi nữa dân làng đã là công dân của nứớc Canada vĩ đại này, tại sao không ăn tết Canada để cho các con các cháu theo gương. Và làng tôi vừa qua một đêm giao thừa tết tây tuyệt vời.

Nơi họp là nhà anh chị John, bắt đầu lúc 11:30 giờ trước nửa đêm. Theo đúng lối Canada, dân làng ngồi trước máy truyền hình lớn để xem toàn cảnh thủ đô Toronto đón tết. Chao ơi người đâu mà đông thế. Nam thanh nữ tú sao mà nhiều thế. Giới trẻ ở đây có thói quen giao thừa tết tây là phải xuống phố, sau giao thừa thì mới đi dự tiệc rồi mới về nhà xông đất. Giờ quan trọng tới. Làng tôi ai cũng hồi hộp quá. Rồi không ai bảo ai, mọi người đều đếm to 10 giây cuối cùng của năm cũ, đếm cùng với dân chúng trên màn ảnh, đếm ngược nha. 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3 2, 1. Và cả làng hầu như đã hét lên ‘Happy New Year!’ Nghe tiếng hét mà tôi thấy mình trẻ lại. Không ngờ cái máu Canada đã chảy trong chúng tôi mạnh như vậy.

Và chủ nhà đã bày tiệc. Việc đầu tiên là mở champagne. Dân Canada chỉ uống champagne lúc giao thừa chứ không ăn. Vừa uống vừa chúc mừng vừa hò hét vừa ca hát. Điều quan trọng nhất là mọi người phải vui cười. Anh H.O. được Chị Ba Biên Hòa giao trọng trách phải kể một câu chuyện thật vui và phải làm cho mọi người cười như pháo nổ. Va anh đã kể chuyện này :

… Anh Văn và anh Hùng là bạn thân với nhau. Cả hai đều được vợ cho phép đi trượt tuyết ở miền núi. Hai chàng lái chung một xe, lòng vui sướng khôn tả. Nhưng bất ngờ giữa đường gặp cơn bão tuyết lớn. Hai chàng phải táp vào một căn nhà bên đường xin trú bão. Ra mở cửa là một thiếu phụ rất trẻ đẹp. Sau khi hai chàng ngỏ lời xin trú bão qua đêm thì người đẹp từ chối. Nàng nói rằng nàng là một thiếu phụ, vừa góa chồng. nay nếu cho hai chàng vào ngủ qua đêm thì sẽ bị hàng xóm dị nghị, thật không tiện chút nào. Vì cơn bão đã tới gần, hai chàng bèn năn nỉ : Chúng tôi không dám xin ngủ trong nhà này, chúng tôi chỉ xin ngủ trong nhà xe, sáng mai hết bão thì chúng tôi sẽ đi ngay và đi sớm. Người đẹp liền bằng lòng. Và hai chàng đã qua đêm bão tuyết trong căn nhà để xe. Sau đó chuyến đi trượt tuyết của hai người đã thành công rất tốt đẹp. Rồi không ai nhắc tới chuyến đi này nữa.

Chừng chín tháng sau, anh Văn nhận được thư của một luật sư liên hệ tới cuộc ngủ đêm tránh bão trong chuyến đi trượt tuyết. Anh bóp trán mãi mới nhớ ra cuộc ngủ đêm này. Rồi anh gọi cho Hùng và hỏi :

- Mày có nhớ buổi đi trượt tuyết mà chúng mình gặp trận bão nên phải ngủ nhờ nhà xe của một góa phụ trẻ đẹp không ?

- Nhớ chứ

- Tao hỏi thật mày điều này nha : Có phải đêm đó trong lúc tao ngủ say thì mày lẻn lên nhà thiếu phụ và ngủ với nàng phải không? Và khi mày yêu nàng xong có phải mày đã xưng danh, và mày đã cho nàng tên, không phải tên mày mà tên tao và địa chỉ của tao phải không?

- Sorry. Đúng như vậy. Tao xin lỗi mày về việc tầm bậy này. Mà có chuyện gì quan trọng không?

- Có chứ. Tao vừa được thư của một luật sư báo tin góa phụ xinh đẹp đó đã chết và bà ta để hết gia tài cho tao.

- Trời !

Cả làng nghe xong thì phá ra cười, vỗ tay râm ran và khen câu chuyện hay quá. Đầu năm mà nghe chuyện được cho gia tài bất ngờ, thật là hên và vui.

Cô Tôn Nữ gốc Huế thì tỏ ra thích câu chuyện này qúa. Cô nói : Tôi cứ tưởng thư luật sư báo tin goá phụ đẻ con và yêu cầu anh Văn lên nhận trách nhiệm chứ…

Anh H.O. được cả làng khen chuyện tiếu lâm đầu năm hay thì tỏ ra sung sướng hết sức. Cụ B.95 hỏi : Mọi khi anh kể chuyện cười thì chuyện nào của anh cũng mặn hết, cũng dính tới cái ấy. Hôm nay lần đầu tiên được nghe anh kể một chuyện hay mà không mặn chút nào. Anh còn chuyện nào nữa không, xin cho nghe tiếp để cả năm chúng tôi sẽ được cười sảng khoái như vậy. Dân làng ai cũng gật đầu đồng ý về lời xin này.

Thế là anh H.O. được hứng. Anh kể tiếp. Anh bảo đây là câu chuyện trên thiên đàng nha, chứ không phải chuyện dưới trần thế, nên không hề mặn và chạm tới cái ấy.

Rằng có 3 anh kia là bạn thân với nhau từ bé. Bữa đó ba anh rủ nhau đi du lịch. Chẳng may máy bay rớt, cả ba tử nạn. Sau khi chết, ba anh cùng bay lên trời xin Thánh Peter cho vào thiên đàng. Theo Sách Thánh thì khi còn sống Thánh Peter có vợ và được Chúa chọn làm thủ lãnh các tông đồ, và được Chúa giao cho chìa khóa cửa thiên đàng. Thánh Peter nghe lời xin của ba anh thì truyền cho thiên thần gác cổng thiên đàng mở cửa cho cả ba vào. Thiên thần xem hồ sơ cá nhân của ba anh xong liền trình rằng : Ba anh này sống bậy bạ lắm, khi còn ở trần gian thì anh nào cũng hai vợ. St. Peter nghe xong liền bảo thiên thần : Ta khi còn sống ở trần gian, ta chỉ có một vợ mà ta khổ sở vô cùng. Chúng nó chịu đựng được tới hai vợ thì nhân đức của chúng lớn lắm, bởi vậy chúng đáng được vào thiên đàng. Thiên thần bèn tuân lệnh mở cửa cho ba anh này vào. Chúng vào xong, thiên thần lại hỏi thánh Peter : Bây giờ cho ba anh này ở đâu? Thánh Peter đáp ngay : Cho anh A cái căn nhà số 1, anh B cái căn nhà số 2, còn anh C thì cho cái biệt thự sang trọng nhất ở trung tâm. Thấy thiên thần ngạc nhiên về quyết định này, Thánh Peter nói ngay : Sỡ dĩ ta cho anh C cái biệt thự sang trọng là vì lúc nãy, anh A và anh B đều chào ta là ‘ kính chào Thánh Peter’, còn cái anh C này nó đã cung kính chào ta là ‘Con chào Dượng Peter’. Nó gọi ta là Dượng tức là nó có họ với vợ ta. Ta mà không cho nó cái biệt thư đó thì ta sẽ gặp khó khăn to với bà vợ của ta…

Cả làng lại vỗ tay râm ran lần nữa, ai cũng ca ngợi hai chuyện rất hay của anh H.O. Anh nhìn Chị Ba Biên Hòa rồi thưa : Em đã vâng lời chị, đã vất vả trong một tuần lễ, lục cả một đống sách lớn mới tìm ra hai chuyện thánh thiện và trong trắng như vậy. Em xin hết. Bây giờ cho phép em được mời bồ chữ ODP kể chuyện lấy hên cho đầu năm.

Ông ODP nói ngay : Tôi có một câu chuyện, không phải chuyện cười mà là một chuyện về văn hóa, tôi đọc thấy trên điện báo mà tôi cho là hay thấm thía. Nhà văn Nguyên Trần kể về một tấm bia lịch sử. Chuyện như thế này :

… Ở Canada, tháng 11 là tháng kính nhớ các người qúa vãng. Đầu tháng 11, các nhà thờ Công Giáo thường tổ chức các buổi lễ Cầu Hồn và đi viếng nghĩa trang, còn thành phố thì quen tổ chức lễ truy điệu ở đài các chiến sĩ trận vong. Nhà văn Nguyên Trần đã đi viếng nghĩa trang. Sau khi viếng mộ thân nhân xong thì ông đi rảo quanh nghĩa trang. Bỗng ông chợt thấy một tấm bia mộ đặc biệt. Mộ bia làm bằng đá hoa cương, cao một thước rưỡi. Hai bên tấm bia có 2 chân đèn đồng rất lớn, trên có đèn cầy và hai lá cờ Canada và VNCH. Mặt bia ghi ba thứ tiếng Anh văn, Pháp văn và Việt văn với nội dung giống nhau. Lời tiếng Việt như thế này :

… Xin thành kính tưởng niệm và nhớ ơn các chiến sĩ cùng tất cả đồng bào đã bỏ mình vì tự do và nhân quyền cho VN trước và sau 30.4.1975. Xin tưởng niệm đồng bào bị tù đầy chết chóc, tử nạn trên đường vượt biên tìm tự do sau ngày 30.4.1975.

Người VN tỵ nạn CS tri ân đất nước Canada và các nước tiếp nhận tỵ nạn CS trên thế giới. Chúng ta rất hạnh phúc được sống trên mảnh đất đầy tình thương, hòa bình, tự do và nhân quyền. VN, đất nước của tổ tiên chúng ta, sẽ mãi mãi sống trong lòng dân Việt.

Bia mộ này nằm trong nghĩa trang Glen Oaks ở Mississauga, phía tây Toronto.

Kể đến đây xong thì ông ODP hỏi cả làng : các bạn thấy thế nào ? Tôi đọc xong bản tin trên đây mà thấy xúc động qúa. Xin đa tạ nhà văn Nguyên Trần đã nhìn ra tấm bia mộ đầy tính chất lịch sử và văn hóa. Xin đa tạ một vị ẩn danh hay một hội đoàn nào đó đã tạo ra tấm bia lịch sử. Các bạn thật tuyệt diệu. Các bạn đã nói thay cho chúng tôi. Các bạn đã nhắc cho hậu thế lòng biết ơn phải có của con dân VN trên giải đất tự do này.

Thấy cả làng im lặng vì cảm động khi nghe tới lời ghi trên tấm bia, ông ODP nói tiếp : nhân vừa nhắc tới hậu thế, tôi xin nói thêm : Trước đây đôi lúc tôi cũng bi quan nghĩ rằng CSVN đã làm thui chột bao nhiêu thế hệ đang lớn lên, nhưng từ khi nghe được bài nhạc của Việt Khang trong nước, và nghe nói tới những phiên tòa VC xử lớp trẻ bầy tỏ lòng yêu nước thì tôi mừng qúa, vì biết lớp trẻ VN vẫn còn dòng máu hào hùng của cha ông. Tháng trước tôi được đọc một bài viết qúa hay của một nữ sinh viên trẻ trong nước. Đó là cô Nguyễn Thu Trâm. Cô ta viết về tòa án xử Việt Khang, một nhạc sĩ trẻ tài ba đầy lòng yêu nước. Cô viết rằng CSVN là kẻ đang bán nước cho Tàu. Lẽ nào một kẻ bán nước lại được ngồi xử kẻ yêu nước! Rồi cô hỏi : Trên thế giới có nơi nào lòng yêu nước phải giấu kín trong lòng không được bộc lộ ra ngoài, nếu bộc lộ thì sẽ bị bắt, tra tấn, tù đày như Việt Nam hiện nay không ?

Bây giờ là những giây phút mở đầu một năm mới, nào, làng ta vui lên, cười lên để lấy hên cho cả năm. Anh John đâu, Chị Ba đâu, anh H.O. đâu, mang pháo ra đây. Nào ta đốt lên để ăn mừng việc chúng ta thoát nạn ngày tận thế 21 tháng 12 vừa qua.

Ông ODP này chuyển đề khéo qúa, ông đã thay đổi được bầu không khí trang nghiêm sang bầu không khí vui cười. Mấy cô Tôn Nữ và Cao Xuân bây giờ mới lên tiếng : Thật may qúa, tất cả chúng ta đã thoát chết. Trước đây chúng em cũng lo lo vì đây là lời báo động của dân Maya cơ mà. Cách đây mấy ngàn năm thì dân Maya đã lên tới tột đỉnh văn minh, lẽ nào họ viết sai được. Thế mà, may qúa, họ đã viết sai. Chúng em đi nhà thờ thì mấy ông cha đã trấn an con chiên : Trái đất này là một sản phẩm tuyệt hảo của Thượng Đế, việc gì Chúa lại phá đi. Thế mà vẫn còn sợ. Rồi ngày 18.11.2012, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 cũng lên tiếng bài bác tin đồn về tận thế. Ấy thế mà trong lòng vẫn còn âm ỉ một chút sợ.

Đang lúc mấy cô Huế kể chuyện trận thế thì chủ nhà, anh John và Chị Ba Biên Hòa bưng lên mâm cỗ tết tây nóng hổi. Các cụ có đoán cỗ tết tây này gồm món gì không ? Anh John lên tiếng ngay ; Đây không phải là cỗ tây mà là cỗ ta, do nhà tôi nấu : Nồi cháo gà và nồi xôi đậu xanh. Ôi, thật sung sướng qúa. Hai món này đã làm tôi nhớ lại những ngày xưa yêu dấu. Khi còn bé, đêm lễ Giáng Sinh, năm nào tôi cũng theo mẹ tôi đi nhà thờ. Tan lễ về tới nhà thì bà tôi đã nấu xong nồi cháo gà và chõ xôi đậu. Giữa không khí se se lạnh, cùng với cả nhà được ăn cháo gà nóng và xôi nếp nóng, ôi sao mà hạnh phúc thần tiên như vậy.

Như để cám ơn bữa ăn đêm mà Chị Ba Biên Hòa đã nấu, cô Cao Xuân nói : Chị Ba ơi, chị có biết Chợ Đông Ba quê em ngoài Huế, ban đầu cái tên không phải là Đông Ba mà là Đông Hoa, chị có biết tại sao không? Tại vì khi Vua Minh Mạng lấy vợ là Hồ Thi Hoa thì cái tên Đông Hoa phải biến ra Đông Ba. Chợ quê em phải biến tên vì Bà Hồ thị Hoa người gốc Biên Hòa họ hàng nhà chị đấy.

Cả làng cười vang lên : Nào ai ngờ Chị Ba của chúng tôi có liên hệ với hoàng tộc!

Cụ B.95 ăn xong tô cháo gà rồi hỏi anh John : Anh có thấy cháo gà nấu theo kiểu bếp VN quê vợ của anh ngon hơn cháo gà Canada không? Anh John cười ha ha, anh không trả lời thẳng câu hỏi mà nói sang chuyện khác. Thưa Cụ, tuần qua con đọc cuốn hồi ký của Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, con thấy câu chuyện này hay thấm thía. GS Khê kể rằng năm 1982 ông đi Ý tham dự hội nghị quốc tế UNESCO bàn về việc viết lịch sử âm nhạc. Hội nghị đã thảo ra kế hoạch và đặt tên cho kế hoạch này là ‘Âm nhạc trong đời sống con người’, tiếng Anh ghi là ‘ Music in the life of Man’. Cái tên tiếng Anh này bị phong trào phụ nữ phản đối vì tiếng Man chỉ liền ông, tại sao không có liền bà? Để chiều lòng phe liền bà, hội nghị phải đổi ra ‘The Universe of Music : a History’, viết tắt là UMH. Cái tên tắt này thật là khó đọc và chói tai đối với nhiều người ‘ iu em ếch’. Mấy người bạn hỏi ông là có thấy khó khăn khi đọc cái tên tắt UMH này không, GS Khê đã cười hê hê : Không ! Không những không khó đọc mà UMH đọc theo âm VN của nước tôi nghe rất du dương và đầy ý nghĩa ‘ U em hát’, nghĩa rằng ‘mẹ đang hát cho em nghe’.

Thấy mấy người tham dự hội nghị đặt câu hỏi có vẻ sửng sốt thì GS Khê tiện dịp ca ngợi và đề cao luôn âm nhạc VN: Các ông đừng ngạc nhiên vì âm nhạc đã bao phủ đời sống người VN chúng tôi. Này nha, khi đứa con vừa chào đời thì người mẹ đã hát ru, lớn lên chút nữa thì đứa bé được mẹ dạy đồng dao, bài vè, rồi lớn lên đi làm ở ngoài đồng thì nam nữ đối đáp nhau bằng, câu hò, điệu lý, đối ca nam nữ. Rồi các dịp lễ lạc thì đi xem hát ngay trong thôn hay ngoài đình làng , được nghe những bài ca trù ở miền Bắc, ca Huế miền Trung, ca tài tử miền Nam, rồi hát chèo, hát tuồng, hát cải lương, hát bài chòi, ấy là chưa kể các bài ca tụng niệm ở chùa…

Các cụ đã thấy cái anh rể Canada này vừa thông thái vừa dễ thương chưa. Cụ B.95 nghe xong thì có vẻ đẹp lòng và thích qúa. Cụ cám ơn Anh rồi nói tiếp : Tôi thấy cái gì liên hệ tới quê vợ của anh cũng đều nhất hết. Vậy xin anh nói tiếp những cái khác nghe nào. Anh John này qủa là thông minh linh lợi. Anh đáp ngay:

-Những cái nhất về quê vợ con thì nhiều vô số. Nói gì đâu xa, chỉ riêng những tiếng liên hệ tới bộ mặt đã thấy tiếng Việt đặc sắc vô cùng. Ngày xưa lúc cháu bắt đầu học tiếng Việt cháu đã giật mình vì thấy cái mặt của con người VN nhiều chữ M qúa. Cháu xin kể sơ sơ nha : Mặt, mắt, lông mày, lông mi, mí mắt, mắt mơ màng, mắt mờ, mắt mù, mũi, má, môi, miệng, mõm, mỏ, cười mỉm, mếu, bú mớm, méo mặt… Khi giận ai thì chửi đồ mặt mẹt mặt mo! Người Anh thấy chữ M của VN hay qúa nhưng cũng chỉ có thể áp dụng vào cái miệng là chữ Mouth mà thôi!

Cụ B.95 hỏi tiếp : Nói như anh thì cái gì của VN cũng nhất, vậy chứ không có gì xấu sao? Nghe đến đây thì Chị Ba Biên Hòa xin góp lời : Xin cho cháu trả lời thay chồng cháu. Xưa nay chồng cháu thường hết lời khen y phục của phụ nữ VN vì nó đẹp vô cùng, nhưng ít lâu nay thì lời khen bớt đi. Cụ và các bác có biết tại sao không? Thưa vì cái khăn vành giây mà các bà các cô hay đội trong các buổi lễ hay văn nghệ. Thuở xưa, cái khăn này có gốc từ Hoàng hậu Nam Phương. Nó là mấy lớp khăn nhung vàng mà thôi. Chỉ cuốn có mấy lớp, trông nó rất thanh nhã và nhẹ nhàng. Các bác cứ tìm ảnh cũ chụp Hoàng hậu Nam Phương ngày xưa mà coi. Rồi về sau, các người giầu có cũng bắt chước Hoàng hậu Nam Phương mà cho cô dâu đội khăn như vậy trong ngày cưới. Gần đây, thời trang phái nữ là áo dài phải đi với khăn vành. Cái khăn vành ban đầu nhỏ, nhẹ nhàng, thanh thoát thì bây giờ nó hóa ra to đùng, trông như cái rế. Xưa nó là lớp khăn vải nhung, bây giờ nó là cái rế bằng nylon vừa to vừa cứng vừa thô, trông mất thẩm mỹ hết sức. Rồi các nhà thời trang còn vẽ hoa trên cái cái rế nylon này nữa, trông kỳ qúa lẽ. Ngày xưa thì chỉ hoàng hậu hay cô dâu đội khăn vành, bây giờ thì hầm bà lằng, cô gái trẻ đội mà mấy bà già khằng cũng đội. Các nhà thời trang VN ơi, xin bỏ cái kiểu khăn vành nylon to đùng và xấu như cái rế này đi nha. Xin làm bé lại, chỉ mấy vòng thôi, và xin làm bằng vải nha. Các bà các cô ơi, đừng đội cái rế xấu xa đó nha, trông quê lắm.

Chị Ba Biên Hòa nói một hơi về cái khăn vành rồi xin hết.

Cụ Chánh tiên chỉ làng xin góp lời : Tôi rất đồng ý với Chị Ba về cái khăn vành mà hiện nay phụ nữ cả hải ngoại cả quốc nội đều đội. Trông phản mỹ thuật qúa. Tôi cũng vừa được tin Cha Già Cố Đỗ Thanh Hà ở California đã viết thư ngày 12.12.12 xin Hội Đồng Giám Mục VN xét lại bức tượng Đức Mẹ La Vang. Ngài xin đừng bắt Đức Mẹ La Vang đội cái khăn vành rế khó coi đó. Ngài cho biết mỗi lần thấy tượng Đức Mẹ có đội tấm khăn này thì ngài không thể cầm trí cầu nguyện được. Ngoài ra tôi còn thêm ý này nữa về tấm áo dài VN. Hiện nay tôi thấy mấy cô ca sĩ mặc áo dài hai vạt trước sau dài chấm đất, trông xa ta chả thấy ống quần đâu cả. Các cô ơi, vạt áo dài không nên dài qúa như thế, nên để người ta còn thấy mấy cô có mặc quần nha. Áo dài phải đi với quần dài mới đẹp chứ!

Phần phát biểu của Chị Ba và Cụ Chánh được dân làng hoan hô nhiệt liệt.

Thấy tiệc mừng tết Tây đã kéo dài, qúa khuya, cụ Chánh xin được kết thúc. Cụ nói thế này : Theo phong tục xưa nay, ngày đầu năm mới chúng ta nên có lời nguyện ước. Lão có một điều ước, xin ước theo ý ông quan sáng suốt trong một câu chuyện cổ . Rằng thuở ấy có anh nông dân nuôi một đàn chiên. Anh hiền lành nhưng ông hàng xóm rất dữ. Ông này nuôi một bầy chó cũng rất dữ. Bầy chó này thường chạy sang nhà anh và cắn chết nhiều con chiên. Anh phàn nàn việc này với ông hàng xóm nhiều lần mà ông này vẫn bỏ ngoài tai. Sau cùng anh phải đem việc này lên quan. Quan nghe xong việc tố cáo, bèn hỏi ông hàng xóm có nhiều con không. Anh thưa : Nó có 3 đứa con trai rất dễ thương. Nghe xong, ông quan phán : ta có thể phạt anh hàng xóm và bắt anh ta nhốt đàn chó lại, nhưng nếu làm như thế thì anh sẽ mất một người bạn và thêm một kẻ thù. Vậy anh muốn có kẻ thù hay người bạn tốt? Anh nông dân thưa : Tôi muốn một người bạn tốt. Ông quan liền bảo : Vậy anh về nhà, hãy chọn 3 con chiên non rồi mang sang ông hàng xóm tặng cho 3 đứa con của ông ta. Anh ta về nhà và đã làm y như vậy. Ba đứa bé có 3 con chiên non làm bạn thì thích quá chừng. Ông hàng xóm vội làm cái cũi nhốt đàn chó lại, và từ đó cư xử với anh rất tốt. Ông ta là một thợ săn giỏi, nên mỗi lần đi săn về, bao giờ ông ta cũng chia phần săn bắn cho anh. Còn anh thì ngoài việc cho 3 con chiên non, anh ta còn năng đem thịt chiên và sữa chiên sang biếu ông hàng xóm. Hai người trở nên bạn thân, hai gia đình trở nên nghĩa thiết.

Từ câu chuyện này lão xin ước thế này : Xin Trời cho cộng đồng VN ta luôn luôn cư xử với nhau bằng lòng tốt và thiện tâm.

Nghe xong, ông ODP liền gật đầu ngay : Lời ước của Cụ chính là thông điệp Lễ Giáng Sinh. Sách Kinh Thánh chép rằng khi những người chăn chiên ngoài đồng đến chào mừng Chúa Hài Nhi nơi hang Bê Lem thì họ nghe thấy các thiên thần trên trời hát rằng : Bằng an dưới thế cho người thiện tâm.

Cả làng, không ai bảo ai, đã cùng thưa : Amen.

Kính chúc các cụ năm mới 2013 luôn luôn tràn đầy thiện tâm.

Trân trọng.

TRÀ LŨ
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

CÀ RỐT, TRỨNG VÀ CÀ PHÊ


Một cô gái trẻ nói với mẹ của mình rằng cuộc sống thật khó khăn. Cô không biết sẽ tiếp tục như thế nào. Cô muốn buông xuôi vì đã quá mệt mỏi khi mãi phải đấu tranh.

Mẹ cô gái sau khi nghe con nói bèn đưa cô vào bếp. Bà đổ đầy nước vào ba cái bình và đặt chúng lên trên ngọn lửa. Chẳng mấy chốc ba bình nước sôi. Trong chiếc bình đầu tiên, bà đặt vào những củ cà rốt, trong chiếc thứ hai bà đặt những quả trứng, và trong chiếc cuối cùng bà đặt những hột cà phê nghiền. Sau đó bà tiếp tục nấu sôi ba chiếc bình, và không nói một lời nào.
Khoảng 20 phút sau, bà tắt lửa. Bà vớt những củ cà rốt ra và đặt chúng vào một cái bát. Bà lấy những quả trứng ra và đặt vào một cái bát khác. Bà lại lấy muôi múc cà phê ra và đặt vào cái bát thứ ba.

Quay sang cô con gái, bà hỏi:

-“Nào, con hãy nói cho mẹ biết, con nhìn thấy gì?”.
-“Dạ, cà rốt, trứng và cà phê”.

Cô con gái trả lời rồi hỏi:

-“Mẹ, điều đó có nghĩa là gì?”.

Bà mẹ giải thích rằng mỗi một thứ trong đó đã gặp điều kiện khó khăn như nhau, đó là nước sôi. Mỗi thứ có phản ứng khác nhau. Cà rốt khi chưa bỏ vào nước thì cứng, rắn và dai. Tuy nhiên, sau khi bị bỏ vào nước sôi, nó mềm đi và trở nên yếu ớt. Quả trứng vốn rất dễ vỡ. Lớp vỏ ngoài mỏng manh của nó đã bảo vệ lớp chất lỏng bên trong nó, nhưng sau khi được đặt vào trong nước sôi, phần bên trong quả trứng cứng lại. Những hột cà phê nghiền thì khác. Sau khi bị bỏ vào nước sôi, chúng đã biến đổi nước.

Bà mẹ hỏi cô con gái.

- “Con là gì? Khi một hoàn cảnh bất lợi gõ cửa nhà con, con sẽ phản ứng thế nào? Con là củ cà rốt, quả trứng hay hột cà phê?”.

Người mẹ giải thích tỉ mỉ cho cô con gái:

-“Con là củ cà rốt, dường như rất mạnh mẽ, nhưng khi bị đau và gặp hoàn cảnh bất lợi, con yếu mềm và mất đi sức mạnh? Hay con là quả trứng bắt đầu với một trái tim mềm yếu nhưng qua khó khăn lại trở nên cứng rắn? Một số người dễ bị lung lay tinh thần, nhưng sau một cái chết, sự chia ly, những khó khăn về tài chính, họ trở nên cứng nhắc, mặc dù cái vỏ bên ngoài vẫn thế. Hoặc có thể con giống cà phê. Cà phê thực sự làm thay đổi nước nóng, chính là thay đổi hoàn cảnh mang lại nỗi đau. Khi nước bị nóng, cà phê tỏa ra hương vị của nó. Nếu con giống như cà phê, con sẽ sống tốt đẹp hơn và có thể thay đổi tình thế xung quanh con, khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ nhất. Trước những ngày tháng đen tối nhất và trước những thử thách cam go nhất, con sẽ nâng bản thân mình lên một tầm cao mới. Sau này khi con gặp hoàn cảnh bất lợi, hãy nhớ tự hỏi mình: “Tôi sẽ là một củ cà rốt, một quả trứng hay là cà phê?”.


Cầu mong bạn có đủ niềm vui để làm cho cuộc sống của mình thật ngọt ngào, có đủ thử thách để khiến bạn mạnh mẽ, có đủ đau thương để sống có tình người và có đủ hy vọng để hạnh phúc. Người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải có tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất; họ chỉ hoàn thành hầu hết tất cả những gì xuất hiện trên con đường đời của họ. Tương lai tươi sáng nhất sẽ luôn dựa trên một quá khứ bị lãng quên.
Bạn không thể tiếp bước trong cuộc sống nếu như chưa vượt qua những thất bại và nỗi đau trong quá khứ. Khi bạn được sinh ra, bạn khóc và mọi người quanh bạn mỉm cười. Hãy sống cuộc sống của bạn để đến ngày cuối cuộc đời, bạn là người mỉm cười còn mọi người quanh bạn khóc.
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »


Image

Bí quyết nấu Phở

Chúng tôi sưu tầm được một công thức nấu phở rất ngon, xin phổ biến để quý độc giả và thính giả tường lãm:

Nấu phở cho 10 người ăn

VẬT LIỆU

1 ký lô xương ống
1 cái đuôi bò
1 ký thịt bò gân
1 ký thịt bò nát
2 gói bò viên ( nếu muốn)
10 tai vi
2 cây quế
1/.2 câu quả
5 đinh hương
Một muỗng súp hột ngò
50 grams gừng
5 củ hành hương
1 muỗng súp bột ngọt
2 muỗng súp đường
3 muỗng súp muối
6 lít nước.

Cách làm:

-Nấu nước sôi, bỏ xương ống, đuôi bò.. vào rửa khoảng 2 phút. Rồi rửa lại bằng nước nóng trong vòi robinet.

-Nấu 6 lít nước cho sôi, bỏ xương ống, đuôi bò, thịt bò.. vào chờ sôi lên, vớt hết những bọt. Sau đó hâm nhỏ trong 2 tiếng đồng hồ, không đậy nắp, thỉnh thoảng với bọt.

-Hành hương, gừng đem nướng cho vàng cùng với tai vị, quế, hồi, đinh hương, câu quả, hột ngò cũng đem nướng cho thơm.

-Sau hai giờ, vớt hết xương ống , đuôi bò ra. Cho hành, gừng và các gia vị khác vào và đun thêm chừng 45 phút nữa. Không bao giờ bỏ gia vị vào khi còn thịt, vì gia vị sẽ ngấm vào thịt và nước lèo sẽ không có mùi thơm.

Trích từ mạng
buikiem
Posts: 504
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Ốc cuốn lá lốt nướng thơm nức

Thịt ốc bươu được bằm nhuyễn với nấm meo, giò sống... cuộn lại trong lá lốt và nướng chín trên bếp than hồng.
Ốc cuốn lá lốt được ăn kèm với bánh tráng, các loại rau và mắm nêm.

Ốc bươu là con vật quen thuộc nơi đồng ruộng. Ốc thường được người dân bắt về để chế biến các món ăn như ốc luộc, ốc hấp sả, bún riêu ốc...
Bên cạnh đó, thịt ốc bươu còn được bằm nhỏ, kết hợp với các nguyên liệu khác để chế biến thành nhiều món hấp dẫn và lạ miệng như chả ốc,
ốc nhồi thịt, ốc cuốn lá lốt nướng... Trong đó, món ốc cuốn lá lốt nướng đem đến hương vị thơm ngon và lạ miệng cho người ăn.

Image
Ốc nướng lá lốt là món ăn ngon nhưng tương đối còn lạ miệng với nhiều người. Ảnh: Khánh Hòa.

Cách thức chế biến không khác gì so với món bò lá lốt nổi tiếng ở Sài Gòn nhưng lại đem đến cho người ăn một cảm nhận rất riêng.
Chế biến ốc bươu nướng lá lốt không khó nhưng mất nhiều thời gian và sự tỉ mỉ. Ốc bươu ngâm trong nước vo gạo cho hết nhớt, rửa lại bằng nước sạch rồi đem luộc chín.
Vớt ốc ra, loại bỏ phần ruột để tránh mùi bùn, phần thịt rửa lại với nước cốt chanh pha chút muối. Thịt ốc được thái lát mỏng và bằm nhỏ.

Image
Ốc nướng lá lốt có hình dáng và cách thưởng thức giống với món bò lá lốt nổi tiếng của người Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.


Ngoài thịt ốc, ốc nướng là lốt còn có các thành phần khác như giò sống, nấm mèo thái nhỏ... trộn đều hỗn hợp đó với các loại gia vị,
thêm một ít ớt và tiêu để món ăn có hương vị cay nồng thơm ngon. Lá lốt được rửa sạch, cho hỗn hợp thịt ốc lên trên,
cuốn lại thành những đoạn dài bằng ngón tay là được. Sau khi làm xong, đặt lên vỉ và nướng chín trên bếp than hồng.
Những cuốn ốc lá lốt được nướng chín tới tỏa mùi thơm của thịt ốc hòa lẫn trong hương thơm của lá lốt nướng.

Image
Món ăn có mùi vị thơm ngon của lá lốt rất hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa.

Ốc lá lốt được ăn kèm với bún, bánh tráng, các loại rau xà lách, diếp cá, húng quế...
thêm một ít dưa leo và dĩ nhiên không thể thiếu chén mắm nêm. Lấy một lát bánh tráng mỏng, cho lên trên lát xà lách, một ít bún tươi,
vài cọng rau các loại, thêm một miếng chuối chát, dưa leo, sau cùng là ốc cuốn lá lốt, cuốn tròn lại chấm vào mắm nêm và thưởng thức.
Món ăn hấp dẫn với vị thơm của hỗn hợp thịt ốc nướng lá lốt,
hòa trong vị thơm của các loại rau cùng vị đậm đà đặc trưng của mắm nêm làm cho món ăn thêm ngon miệng.

Khánh Hòa
buikiem
Posts: 504
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Con Sáo Sang Sông Trên Đất Mỹ

Khôi An

Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã 2 lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: giải danh dự 2009,
và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010. Đón năm mới 2013, mời đọc bài viết cuối năm của Khôi An kể chuyện về thanh âm, ca nhạc.

Image
Ba cô kỹ sư ca sĩ dân ca ba miền tại tiệc tất niên Hội người Việt trong công ty Intel.

Từ bao năm nay tôi có một cái lệ cho riêng mình: sáng đi làm nghe đài radio Mỹ, chiều về nghe đài Việt Nam. Làm hoài thành thói quen, rồi lâu ngày trở thành chuyện tự nhiên, cho tới gần đây tôi mới tự thắc mắc tìm hiểu lý do. Và tôi nghiệm ra rằng mỗi ngày từ khi lùi xe ra khỏi garage là tôi đã chuẩn bị tư thế ứng phó với việc làm. Những câu hỏi đến từ cấp trên và cấp dưới, từ văn phòng cùng dãy tới phía bên kia địa cầu; những buổi họp với người gặp hàng ngày và qua internet với người chưa bao giờ biết mặt; những khúc mắc giải quyết được trong năm phút hay những vấn đề có thể làm công việc khựng lại cả tháng …. chuyện gì cũng có thể xảy ra trong ngày. Sáng sớm khi nghe những tin tức nóng hổi và gắn liền với đời sống chung quanh từ đài radio Mỹ, đối với tôi, giống như người thợ vô dầu mỗi sáng trước khi đề máy. Còn buổi chiều khi công việc đã xong, tôi chọn tiếng Việt để đồng hành với tôi trở về nơi bình an đang chờ đón. Có những ngày đầu óc mệt mỏi, không cần chú ý lắng tai, tiếng Việt thân thương nghe sơ vẫn hiểu, câu nhạc quen thuộc dù bật lên nửa chừng cũng vẫn đầy âm điệu thân mến, du dương…

Một hôm sửa đường, kẹt xe quá sức. Ngồi trên xe nhích nhích, cứ mười phút radio lại báo “quãng xa lộ 237 West dẫn vào Santa Clara vẫn còn kẹt cứng như bãi đậu”, tôi hết muốn nghe. Vói tay nhấn nút chuyển qua đài Việt Nam, bỗng cái gì đó chụp lấy sự chú ý của tôi. Một giọng nói. Không phải là giọng của xướng ngôn viên chuyên nghiệp mà là một giọng nói địa phương miền Trung.

Nghe tiếp tôi mới biết đó là trích đoạn phỏng vấn một giáo dân tại Cồn Dầu, một giáo xứ nhỏ bé ven sông Hàn, Đà Nẵng. Thêm một chuyện công an và chính quyền địa phương thừa lệnh những thế lực bí mật trên cao ngang nhiên đánh dân tới chết để bật gốc họ khỏi khu đất có vị trí đẹp. Người ta muốn biến những mảnh đất đẹp đó thành khu “sinh thái”, thành đô thị thượng lưu, nơi một căn biệt thự trị giá hơn tài sản của hàng chục thế hệ người dân đã đổ mồ hôi nước mắt khai phá và xây dựng chính khu đất đó. Chuyện Việt Nam bao giờ cũng làm tôi đau lòng, suy nghĩ, nhưng lần đó giọng nói mới là điều đưa tư tưởng của tôi đi xa. Giọng Đà Nẵng tình cờ gặp giữa SanJose sao thân thương quá! Cách phát âm đặc biệt, lâu lắm mới được nghe một cách chân chất, không chút sửa sang, gợi lên cái gì nao lòng bàng bạc mà chính tôi cũng không gọi tên được.

Giống như cảm giác chợt nghe một bài dân ca ở thành phố Berkeley, hơn hai mươi năm trước.

Đêm, gió lớn và trời rất lạnh. Mười một giờ thư viện đóng cửa, tôi lầm lũi ra xe đi về. Đi ngang một quán cà phê nhỏ, bụi bặm, tôi chợt khựng chân. Rõ ràng là bài Lý Chim Quyên của Việt Nam thổi bằng sáo! Tôi đứng lặng. Gió thổi rung các cành cây, cả con phố dài chỉ còn bóng tôi quẩy cái ba lô to hơn nửa người, đổ dài dưới ánh đèn đường vàng vọt. Nhưng tôi vẫn thấy ấm cúng và vui. Tôi lẩm nhẩm hát theo “Chim quyên quầy, quen trái quây… Nhãn lồng … Nhãn lồng ….” Và sực nhớ hôm đó là 29 Tết.

Hồi còn nhỏ ở Sài gòn, thời chiến tranh, Bố Mẹ tôi là nhà giáo nên đủ cơm ăn áo mặc là vui rồi, chẳng dư dả cho con “học đàn, học địch”. Vì theo quan niệm xưa nên Bố Mẹ tôi chỉ muốn chúng tôi học, học, học, chứ không cổ súy chuyện “văn nghệ, văn gừng”. Thỉnh thoảng Bố tôi mới cho nghe nhạc từ vài cái đĩa nhựa qúy. Những bài hòa tấu như Nocturne in C sharp Minor của Chopin, MoonLight Sonata của Bethoveen, Air on G string của Bach đã mê hoặc tôi. Trong trí óc còn non của tôi thời bấy giờ, chỉ có nhạc bán cổ điển Tây phương là hay, là mẫu mực của âm nhạc. Còn mấy bài dân ca “Ví dầu cầu ván đóng đinh…” , mấy bài Lý thỉnh thoảng nghe trên TiVi thì cũng dễ thương nhưng thường quá! Con nít Việt Nam thời đó, có lẽ ít nhiều đều mang tâm trạng “nỗi buồn nhược tiểu”(*). Nói về cô gái đẹp thì phải “đẹp như lai”, nói về lịch sự thì phải “sang như Tây”, còn nét tiểu thư lãng mạn thì phải giống Hàn Ni mong manh bên phím dương cầm trong phim Mùa Thu Lá Bay của Hồng Kông thì mới đủ “quý phái”.

Rồi tôi qua Mỹ, may mắn học được bao nhiêu điều, và càng học tôi càng thấy nước Mỹ là cường quốc thế giới cũng vì họ biết gom cái hay cái đẹp. Từ thời lập quốc, nước Mỹ đã là nơi gặp gỡ của kinh nghiệm và kiến thức đến từ khắp mọi nơi. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hiểu rõ hơn ai hết rằng khi những nét văn hóa cộng lại với nhau thì kết quả là một xã hội sinh động, mạnh mẽ, và nhạy bén với mọi thay đổi. Gắn liền với mỗi dân tộc là một gia sản văn hóa độc đáo, vì thế những gì thuần chất là rất quý. Những điều đó, sống ở Mỹ, tôi cảm thấy và hiểu rõ nhưng vẫn chưa in sâu vào óc tôi…

Cho đến một hôm…

Tôi tham dự buổi trình diễn hôm đó vì cháu David con cô em đánh đàn piano rất giỏi. Hôm đó cháu đại diện cho trường trong một buổi trình diễn tài năng học sinh. Ở Mỹ, con nít quả thật là sướng, hầu như gia đình trung lưu nào cũng cố gắng cho con học ít nhất một nhạc cụ. Chương trình chỉ gồm học sinh trung học trong một học khu mà rất các cháu chơi xuất sắc từ những bài cổ điển tới những tấu khúc nổi tiếng đương thời. Cháu David trổ tài chạy ngón bằng bài Nostaliga vũ bão của Yanni, nhìn tay cháu bay trên phím đàn mà tôi ngẩn ngơ thán phục. Nhưng thú thật, toàn là piano với vài bài violin, tới khoảng tiết mục thứ mười lăm là đầu óc tôi bắt đầu rón rén “đi hoang”. Và, ngay lúc đó, người điều khiển chương trình giới thiệu hai chị em họ Nguyễn song tấu bài Hòn Vọng Phu bằng đàn tranh và đàn bầu.

Cây đàn mười sáu giây đi với cây đàn một giây. Hầu như mọi người đều ngồi thẳng lên, lắng nghe vì tò mò về hai cây đàn lạ. Bây giờ kể lại thì … mắc cỡ nhưng hôm đó ngồi nghe mà tôi muốn khóc. Muốn khóc vì bài nhạc Việt Nam nghe không thua gì những bài nổi tiếng nãy giờ, vì cách trình diễn say mê và trang trọng của hai cháu làm tôi thấy quá tự hào. Tới lúc đó tôi mới nhận thấy rằng trên thế giới không có một nhạc cụ nào có thể chơi những câu “Nơi man khê còn tung gió bụi mịt mùng, Nơi tiêu tương còn thương tiếc ai ngàn trùng, Người đi ngoài vạn lý xa xăm, Người trông chồng còn đứng …muôn năm” ngọt ngào, tình tự hơn tiếng đàn bầu. Tiếng nhạc như bóp vào tim. Khi hai cháu chấm dứt, cả hội trường vỗ tay rào rào. Không phải chỉ mình tôi với nỗi niềm người Việt, mà mọi người đều thấy màn trình diễn này độc đáo nhất.

Tôi để ý nghe dân ca và các nhạc cụ thuần Việt hơn, từ đó. Và tôi thấy rằng mỗi loại nhạc đều có chỗ đứng riêng giống như cội nguồn của chúng là những phần khác nhau trên thế giới. Ngẫm nghĩ cho cùng, cây đàn bầu làm bằng một khúc cây với một sợi dây duy nhất mà vang lên những thanh âm uyển chuyển gần nhất với tiếng người mới quả thật là tuyệt diệu.

Mỗi năm hội người Việt trong hãng Intel đều tổ chức tiệc tất niên. Không chỉ họp mặt ăn uống mà còn trình diễn văn nghệ giúp vui. Toàn “cây nhà lá vườn” nhưng chương trình có đầy đủ ca, vũ, nhạc, kịch và năm nào cũng có ít nhất là một bài múa thuần túy Việt Nam.

Năm đó, để chương trình thêm gần với văn hóa Việt, chúng tôi có một màn dân ca ba miền. Tôi “điếc không sợ súng”, xung phong làm ca sĩ. Chuyện phân chia bài hát cũng đơn giản, nhẹ nhàng. Chị M người xứ Quảng nhưng làm dâu gia đình Bắc Ninh hơn ba mươi năm, rất rành các bài hát quê chồng nên dĩ nhiên chị đảm nhận bài quan họ miền Bắc. Chị P thích một bài có âm hưởng Nghệ An nên hát phần miền Trung, và tôi lãnh vai cô gái miền Nam. Dù hàng ngày nói giọng Bắc nhưng tôi thấy không có chi đáng lo. Ít gì tôi cũng sinh ra ở Tân Định, uống nước từ nguồn sông Đồng Nai mà lớn, nghe cải lương từ bé, và biết nói giọng Sài Gòn. Hát dân ca miền Nam chỉ là chuyện nhỏ, tôi nghĩ vậy.

Vì công việc hãng bận rộn nên chúng tôi đồng ý phần ai nấy tập, cuối cùng mới ráp lại với nhau. Tôi về nhà, lên Internet chọn bài có nhạc sẵn để tập theo. Nghe Bạch Yến hát Lý Ngựa Ô, thích lắm, nhưng hì hục tập rồi tôi mới thấy khó. Âm điệu ngựa ô đi lóc cóc, dồn dập, hát phải thật vững nhịp và trình diễn bài hát vui nhộn này cần phải dạn sân khấu, diễn tả thật linh động, duyên dáng. Lần đầu làm ca sĩ mà phải vừa hát vừa diễn, chắc chắn tôi không đủ sức làm Bạch Yến. Kiếm bài mùi có lẽ chắc ăn hơn…

Nghĩ vậy nhưng bao nhiêu chuyện bận rộn dồn dập, tôi chẳng có nhiều giờ tìm. Tới khi chỉ còn gần hai tuần tôi mới chọn được bài Lý Cái Mơn. Tất tả chạy lên thương xá Grand Century mua một đĩa Karaoke, tôi hối hả tập. Cũng may, bài này không khó. Sau mấy lần tập luyện, ra vô đúng nhịp và hát không sai một note nào, tôi nghĩ sắp xong rồi. Giờ nghỉ trưa tôi hay vào phòng họp, đóng kín cửa, bật nhạc lên vừa ăn vừa nghe Phượng Mai ca thánh thót. Tôi muốn nghe cho nhập tâm, lúc lên sân khấu lỡ có run quá thì còn hát theo … phản xạ.

Một ngày kia, tôi nhờ một người bạn rành về dân ca nghe tôi hát thử. Anh ta lắng nghe rồi góp ý “Hát bài này muốn hay cần láy cho thiệt mùi và phát âm giọng miền Nam thiệt ngọt… Người miền Nam dễ tính, xuề xòa ngay trong cả giọng nói. Họ phát âm lơi lơi, không cần uốn miệng nhiều. Chữ â, chữ ô đớt đớt, nhè nhẹ chứ không rõ ràng như Khôi An nói…” Mấy ngày sau đó, giờ ăn trưa tôi đi dạo trong một bãi đậu xe rộng, ít người qua lại. Nắng đầu Xuân hưng hửng dịu dàng, tôi vừa đi vừa tập hát cho đúng giọng Bến Tre. Trên cành cây, những chú chim ríu rít rồi bay vút lên, lòng tôi cũng bay cao theo câu hát Đôi bờ dẫng nghe chim nhạng tìm nhaaao…

Áp dụng đúng tiêu chuẩn làm việc ở Intel, trước ngày trình diễn chúng tôi phải cho chương trình chạy thử. Màn dân ca ba miền dợt trước năm sáu khán giả, trong đó có một anh từng sinh hoạt văn nghệ lâu năm. Anh nói với tôi “Khôi An hát được rồi nhưng cần diễn tả thêm. Chỗ như tóc em bay theo lòng thủy chung câu hẹn ngày xưa... em phải hát mềm mại chứ đừng căng thẳng vậy. Em làm được mà! Ráng chút nữa thôi!” Tới đây thì bắt tôi đầu lo. Hát dân ca miền Nam lần đầu mà bảo không được căng thẳng, coi bộ anh này nghĩ sau mấy lần vừa ăn trưa vừa tập hát tôi đã hóa thân thành “kỹ sư-ca sĩ”.

Còn hai hôm nữa là tới ngày trình diễn. Áo bà ba đã mượn xong, ngày hôm đó chị H đem cho tôi cái nón lá, thế là đủ bộ. Chiều hôm đó, tôi muốn ráng tập thêm một lần. Đã hơn sáu giờ, phòng lab chỉ còn vài người, nhưng tự nhiên đứng hát thì cũng kỳ. Nhưng nếu bây giờ tôi làm không được với hai người bạn thì làm sao cuối tuần tôi làm được trước hai trăm người? Thế là tôi cắp nón vào phòng lab, mời hai người bạn nghe tôi hát Lý dân ca. Trước hai khán giả mặc lab coat, giữa đám máy móc, tôi mặc quần jean, cầm nón lá, bắt đầu “Đàn cò bay, về nơi thương nhớ…” Tôi tưởng tượng mình là cô thôn nữ hát dưới hàng dừa xanh, trên con đò xuôi trên dòng Cái Mơn. Tôi gởi lòng qua đuôi mắt khi nhắn nhủ thiết tha có sang sông thì chim sáo hát câu hẹn hò làm cô bạn phá lên cười “Coi đưa đẩy ác liệt chưa kìa! Tới lắm!”

Buổi tiệc thành công, ai cũng khen các màn trình diễn. Và tôi tin rằng nếu chúng tôi có quá run mà vấp váp chút đỉnh cũng chẳng ai chấp nhất. Điều quan trọng hơn cả, ai cũng thấy, là các “nghệ sĩ” không chuyên nghiệp đã trình diễn hết sức, hết lòng.

Tôi thật sự không nhớ mình có hát thật đúng giọng miền Nam hay không, không nhớ mình có mỉm cười, liếc mắt khi hát câu hẹn hò hay không, nhưng tôi thấy vui. Vi tôi đã hát dân ca cho mọi người nghe, đã dùng hết khả năng của tôi để nhắn nhủ với bạn Intel rằng dân ca Việt Nam là gia sản quý báu, là một phần làm âm nhạc Việt Nam đáng nhớ trong muôn ngàn thanh âm trên thế giới.

Mới đây tôi nghe cháu David kể lại rằng cô chị đánh đành bầu trong buổi trình diễn năm ấy được nhận vào Stanford. Tôi tin rằng khả năng xử dụng cây đàn độc đáo của cô bé có ảnh hưởng phần nào tới thành quả rực rỡ mà cô đạt được. Bởi vì tất cả các chuyên viên cố vấn cho học sinh (counselors) và các cha mẹ đã trải qua con đường đưa con vào đại học đều đồng ý rằng ở những trường nổi tiếng, cách lựa chọn giữa hàng chục ngàn học sinh xuất sắc là tìm những học sinh có năng khiếu hay thành tích xã hội đặc biệt. Đối với tôi và mọi người được xem hai cô bé biểu diễn, điều cô sinh ra trên đất Mỹ mà xử dụng nhuần nhuyễn một nhạc cụ thuần túy từ quê cha, mà trân trọng nhạc của quê mẹ, đó là một điều hết sức đẹp đẽ và đặc biệt.

Hơn hai mươi năm làm công dân Hoa Kỳ, tôi không còn xem đất nước này là nơi tạm dung hay nơi tôi phải ở vì không có lựa chọn khác. Tôi cảm thấy tôi là một phần của đất nước này, và tôi chia sẻ niềm tự hào, niềm tin Hoa Kỳ - đã từng được chứng minh và lập lại nhiều lần: hoàn thành những sứ mạng khó khăn gần như không tưởng là đặc trưng của đất nước Mỹ, là truyền thống của người dân Mỹ. Tại sao người Mỹ làm được như vậy? Bởi vì họ gom sức mạnh từ các nơi, bởi vì họ hiểu, quý trọng, và phát huy từng cái đặc biệt, từng cái hay của mỗi sắc dân. Ngay từ còn nhỏ, nhà trường đã dạy học sinh tôn trọng sự khác biệt và học hỏi từ người khác bằng những buổi thảo luận, những ngày Diveristy Day.

Người Việt lưu vong như “những phấn hoa tản khắp phương trời” (**). Ở Mỹ, phấn hoa đã rơi xuống mảnh đất vô cùng màu mỡ. Nở thành một nhánh hoa đẹp đẽ, độc đáo hay một bông hoa giông giống các bông hoa khác trong vườn, là tuỳ theo mỗi người. Riêng tôi, tôi mong đó vẫn là những nhánh hoa đầy sắc thái Việt Nam.

Khôi An
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests