Tin Tức Hoa Kỳ

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

Mỹ - Iran sẽ đối thoại trực tiếp về nguyên tử
Saturday, October 20, 2012 4:07:10 PM
WASHINGTON D.C. - Hoa Kỳ và Iran đồng ý, lần đầu tiên, sẽ đối thoại trực tiếp, mặt đối mặt, về các chương trình nguyên tử của Iran. Tờ New York Times đưa tin.

Theo bản tin, thông tin này được các quan chức chính quyền Obama đưa ra, và có thể là nỗ lực ngoại giao cuối cùng để tránh được một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Iran.

Phía Iran thì nói rằng họ muốn đợi cho đến sau bầu cử mới bắt đầu đối thoại, vì cần biết họ sẽ phải nói chuyện với ai, tức đương kim Tổng Thống Barack Obama hay ứng cử viên Mitt Romney, tùy người nào thắng cử.

Thỏa thuận đối thoại trực tiếp này là kết quả của một một loạt gặp gỡ bí mật, căng thẳng, giữa các giới chức hữu trách Iran và Hoa Kỳ. Và điều thú vị là, sự đồng ý đối thoại đến giữa lúc cuộc bầu cử đang vào hồi gay cấn nhất, chỉ một ngày trước cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên. Chủ đề của cuộc tranh luận lần này tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Bản tin của NY Times viết rằng, tin tức về cuộc đối thoại có thể có lợi hoặc có hại cho đương kim Tổng Thống Obama. Ban vận động tranh cử của ông Obama có thể nói rằng các vận động ngoại giao bắt đầu có hiệu quả; nhưng phía Iran cũng có thể lợi dụng tình thế để “mua thời gian.”

Không rõ là ông Romney, nếu thắng cuộc tranh cử này, có sẽ tiếp tục đối thoại với Iran hay không. Trong suốt cuộc vận động tranh cử, ông Romney liên tục chỉ trích Tổng Thống Obama “yếu” trong vấn đề Iran và đã không có quan điểm mạnh mẽ để cùng với Israel chống lại chương trình hạt nhân của Iran.

Bản tin cũng nói là vẫn còn một vài điểm nhỏ có thể khiến cuộc đối thoại không thành, ngay cả trong trường hợp ông Obama tái đắc cử. Phía Iran rất hay dùng những lời hứa hẹn suông trong ngoại giao để giảm nhẹ áp lực quốc tế. Giới chức Hoa Kỳ nói rằng họ có nói chuyện với các quan chức cao cấp của Iran, là những người báo cáo trực tiếp cho giáo chủ, lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei. (Ð. B.)
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Nạn nhân vụ nổ súng trại Fort Hood đòi coi hành động này là khủng bố
Sunday, October 21, 2012 2:24:55 PM


FORT HOOD, Texas (AP) - Gần ba năm sau vụ nổ súng loạn đả làm nhiều người thiệt mạng ở trại Fort Hood, Texas,
nhiều người trong số các nạn nhân và gia đình đang đòi hỏi chính phủ Mỹ phải công nhận đây là cuộc tấn công của khủng bố,
nói rằng các quân nhân bị thương và thân nhân của các nạn nhân thiệt mạng sẽ không được hưởng các quyền lợi giống như trên chiến trường.

Image
Thiếu Tá Nidal Hasan, nghi can vụ nổ súng tại căn cứ Fort Hood. (Hình: Bell County Sheriff's Office via Getty Images)

Có khoảng 160 người, kể cả thân nhân 13 người bị giết tại căn cứ Bộ Binh Fort Hood, cùng một số trong khoảng hơn hai chục người bị thương và gia đình họ, đưa ra một cuốn video hồi tuần qua, trong đó bày tỏ sự bất mãn của mình.

Những người này nói rằng các quân nhân bị thương hay bị giết xứng đáng được hưởng quyền lợi và được trao tặng Chiến Thương Bội Tinh (Purple Heart) cũng như những quân nhân nơi chiến trường.

“Các nạn nhân đang bị lãng quên và điều này thật đáng buồn,” theo lời Kimbertly Munley, một trong số hai cảnh sát viên đầu tiên đến hiện trường nơi xảy ra cuộc nổ súng hôm 5 Tháng Mười Một năm 2009.

Các quân nhân bị thương hay bị giết chưa được hưởng một số quyền lợi và không được trao tặng huy chương vì bộ trưởng Quốc Phòng chưa xác định đây là cuộc tấn công của quân khủng bố.

Thiếu Tá Nidal Hasan, một người sinh ra ở Mỹ và theo Hồi Giáo, có thể bị án tử hình nếu bị kết tội giết 13 người và làm bị thương 32 người khác.

Vụ xử nay bị đình hoãn vì các luật sư của Thiếu Tá Hasan, đang tìm cách chống lại lệnh của thẩm phán xử án buộc ông ta phải cạo râu trước khi ra trước tòa theo như quân lệnh, hay sẽ bị cưỡng bách cạo râu. (V.Giang)
caolynh
Posts: 317
Joined: Wed Dec 17, 2008 7:21 pm
Contact:

Post by caolynh »

Giới chức lập pháp Mỹ đòi chấm dứt mua quân phục nước ngoài
Wednesday, October 24, 2012 4:23:35 PM

WASHINGTON (AirForce Times) - Một nhóm các nhà lập pháp ở cả hai đảng tại Quốc Hội Mỹ nay đang đòi hỏi Bộ Quốc Phòng
chấm dứt mua quân phục làm tại ngoại quốc để cấp cho các quân nhân.

Image
Quân phục của quân nhân Hoa Kỳ đa số sản xuất ở trong nước. (Hình: AFP/Getty Images)


Bộ Quốc Phòng hiện phải mua quân phục và giày chế tạo 100% ở Mỹ, dù rằng cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Nhưng có nhiều nhân viên trách nhiệm việc mua hàng cho quân đội không tuân theo điều này và cũng có một số quân nhân tự bỏ tiền mua quần áo họ muốn thay vì dùng các món do quân đội cấp phát.

Các nhà lập pháp ở các vùng có nhiều công ty may đang thúc đẩy phải thi hành chặt chẽ lệnh mua 100% hàng Mỹ này và không mua từ các công ty ngoại quốc.

Vấn đề này gây sự chú ý thời gian gần đây khi một quân nhân Không Quân Mỹ từ chối nhận giày làm ở Trung Quốc và được cho hay là chỉ có giày này để cấp phát mà thôi. (V.Giang)
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Hillary Clinton quyết 'dứt áo' dù Obama 'van nài'

Tổng thống Barack Obama cho biết bà Hillary Clinton vẫn cương quyết rời ghế Ngoại trưởng Mỹ dù ông có tái đắc cử vào Nhà Trắng hay không.

Image
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ rời ghế Ngoại trưởng Mỹ vào năm sau. Ảnh: secretaryclinton wordpress

"Bà ấy đã làm việc rất tuyệt vời. Bà ấy đã đi rất nhiều nơi, làm việc vô cùng chăm chỉ", ông Obama nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình "Tonight Show", một chương trình hài kịch đêm khuya, nổi tiếng của đài NBC.

Chưa đầy hai tuần nữa trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ chính thức 6/11, thời điểm quyết định liệu ông Obama có giành được nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng hay không. Ông dành nhiều lời ca ngợi cho bà Clinton, người từng là đối thủ cạnh tranh vị trí ứng viên tổng thống đảng Dân chủ với ông cách đây 4 năm.

Bà Clinton, cựu đệ nhất phu nhân và nghị sĩ Mỹ, đã chứng minh mình chính là một tài sản vô giá đối với chính quyền Obama 4 năm qua. Bà được xem là một trong những nhân vật quyền lực và nổi tiếng nhất thế giới.

"Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu bà ấy ở lại", AFP dẫn lời ông Obama. "Nhưng dù tôi đã nài nỉ, bà ấy vẫn nhất quyết ra đi. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc bà ấy muốn dành thời gian cho gia đình của mình. Tôi không thể tự hào hơn về những gì bà ấy đã làm".

Bà Hillary Clinton được xem là đã "giơ đầu chịu báng" thay cho chính quyền Obama hồi đầu tháng này, khi đứng ra nhận lỗi về cách xử lý của Nhà Trắng trong vụ tấn công của phiến quân vào lãnh sự quán Mỹ ở Libya hôm 11/9, khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Chris Stevens.

Đối thủ của ông Obama, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney, lên án chính quyền Obama phản ứng yếu kém, thể hiện một chính sách Trung Đông thất bại, trong khi các nghị sĩ đảng này chỉ trích Nhà Trắng cố tình bao che vụ việc.

Chồng bà Clinton, cựu tổng thống Bill Clinton, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chiến dịch tranh cử của ông Obama, tháng trước cũng có bài phát biểu cổ vũ nồng nhiệt cho tổng thống tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở bang Bắc Carolina. Bài phát biểu đã giúp tỷ lệ ủng hộ cho ông Obama trong các cuộc thăm dò tăng lên đáng kể và vượt nhẹ so với tỷ lệ ưu ái Romney trên cuộc đua vào Nhà Trắng.

Anh Ngọc
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Bão Sandy đe dọa Ðông Bắc Hoa Kỳ
Friday, October 26, 2012 3:57:55 PM


MIAMI (Reuters) - Hurricane Sandy, trận bão lớn di chuyển chậm, chiều tối Thứ Năm đã đi qua quần đảo Bahamas
và hôm Thứ Sáu tiếp tục tiến về hướng Bắc-Ðông Bắc với vận tốc dưới bảy dặm/giờ.
Sức gió gần tâm bão trên 75 dặm/giờ tương đương hurricane cấp một, theo dự đoán sẽ còn duy trì trong mấy ngày sắp tới.

Image
Hình chụp từ vệ tinh hôm Thứ Sáu cho thấy bão Sandy đang ở ngoài khơi phía Ðông Florida. (Hình: NOAA via Getty Images)



Chiều Thứ Sáu, bão còn cách bờ biển Carolinas khoảng 400 dặm nhưng với quỹ đạo hiện nay, có lẽ bão sẽ đổ bộ vào vùng Ðông Bắc trong khoảng từ Virginia đến New England tối Thứ Hai hay sáng Thứ Ba đúng vào ngày Halloween.

Vùng ảnh hưởng bởi gió bão rộng tới 550 dặm và bão Sandy bắt đầu phối hợp với khối không khí lạnh tạo nên những nhiễu loạn trầm trọng và phức tạp hơn một trận bão nhiệt đới bình thường. Hậu quả của hiện tượng thời tiết này bao gồm gió mạnh, sóng biển dâng tràn và mưa lớn gây lũ lụt.

Khu vực sẽ chịu tác động nặng nề trải rộng từ Virginia tới Maine, bao gồm các thành phố lớn như New York và Boston. Tuy nhiên với những biến đổi bất thường khác, người ta chưa thể nào dự đoán chắc chắn tình hình trong những ngày sắp tới.

Năm ngoái trận bão Irene cũng vào thời gian cuối mùa hurricane này đã gây thiệt hại vật chất $4.3 tỷ, được coi là một trong 10 trận bão đem đến tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. (HC)
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Hoa Kỳ: GDP tăng trưởng 2% trong quý 3
Friday, October 26, 2012 6:01:40 PM

WASHINGTON (AP) - Bộ Thương Mại hôm Thứ Sáu cho biết mức tăng trưởng trong năm của GDP là 2% ở quý 3,
thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, so với 1.3% ở quý 2.

Image
Thị trường chứng khoán New York ngày Thứ Sáu. (Hình: AP Photo/John Minchillo)



Kinh tế gia Kathy Bostjancic của Conference Board nhận định rằng tăng trưởng còn thấp nhưng không chậm lại. Dự đoán trước đây là 1.7%.

Kết quả này do gia tăng của giới tiêu thụ, đầu tư địa ốc và chi tiêu chính quyền, nhưng phần nào bị giới hạn vì xuất cảng và đầu tư xây dựng cơ sở thương mại kém.

Hôm Thứ Sáu trước khi báo cáo của Bộ Thương Mại được công bố, thị trường chứng khoán đã yếu từ mấy ngày trước tiếp tục xuống nhưng sau đó hồi phục vào buổi trưa. Vào giờ đóng cửa cuối tuần ở Thị trường Chứng khoán New York, chỉ số Dow Jones kỹ nghệ tăng được 3.53 điểm lên tới 13,107.21. S&P's 500 index xuống 1.03 còn 1,411 điểm và Nasdaq composite tăng 1.83 điểm lên 2,987.95.

Vào thời gian quyết định của cuộc bầu cử, những dữ kiện này được hai ban tranh cử giải thích và khai thác khác hẳn nhau.

Phía Dân Chủ nhấn mạnh rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng liên tục qua 13 quý liền và mặc dầu chưa mạnh mẽ nhưng vững vàng trong tình thế còn nhiều khó khăn tại quốc nội cũng như trên thế giới. Phát ngôn viên Adam Fletcher ban tranh cử Obama tuyên bố: “Tuy rằng chúng ta còn nhiều điều phải làm nhưng báo cáo về GDP ngày hôm nay là thêm một bằng chứng là dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama, nền kinh tế tiếp tục hồi phục sau thời kỳ suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Ðại khủng hoảng thập niên 1930.”

Ngược lại bên phía Cộng Hòa, ban tranh cử Romney đưa ra một bản thông cáo: “Hôm nay, chúng ta lại nhận được thêm một tin tức đáng thất vọng nữa về kinh tế. Quý vừa qua, tăng trưởng chỉ có 2%, chưa được phân nửa con số 4.3% mà tòa Bạch Ốc đã dự phóng sau khi thông qua đạo luật kích thích kinh tế. Tăng trưởng chậm có nghĩa là công việc làm tăng chậm và thu nhập giảm. Ðó là kết quả chính sách kinh tế trong 4 năm của Tổng Thống Obama.” (HC)
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Bão Sandy đánh vào Ðông Bắc Hoa Kỳ
Monday, October 29, 2012 6:07:37 PM


NEW YORK (AP) - Sandy, một hurricane cuối mùa, xuất phát từ miền nhiệt đới Ðại Tây Dương,
sau khi đi qua vùng biển Carribean đến ngoài khơi Hoa Kỳ, phối hợp với tác động của những khối không khí lạnh,
tạo thành một hệ thống thời tiết phức tạp gây đe đọa nặng nề trên một vùng rộng lớn với 60 triệu dân cư ở các tiểu bang Ðông Bắc.

Image
Sóng biển tràn vào Winthrop Shore Drive ở Massachusetts hôm Thứ Hai khi bão Sandy sắp vào tới đất liền.
(Hình: Darren McCollester/Getty Images)

Bão di chuyển theo một quỹ đạo ngoằn ngoèo và đổi hướng rất khó dự đoán khiến cho tất cả các nơi trong vùng đều phải tích cực chuẩn bị đề phòng với tình thế.

Theo NHC (Trung Tâm Theo Dõi Bão Tố ở Miami), cho đến 5 giờ EDT chiều Thứ Hai, bão hãy còn ở ngoài biển, cách Atlantic City khoảng 40 dặm về phía Nam nhưng đang di chuyển nhanh trên 20 dặm/giờ theo hướng Tây-Tây Bắc và như vậy sẽ vào đất liền ở giữa khoảng Delaware và New Jersey trong một vài giờ sau.

Sandy là một trận bão rất lớn, gió mạnh cấp hurricane tác động khắp khu vực từ Virginia lên đến Massachusetts. Sức gió cho tới khi đổ bộ khoảng 90 dặm/giờ sẽ yếu đi chút ít nhưng sẽ còn đủ khả năng sẽ gây nhiều tàn phá. Những nguy hiểm khác của bão bao gồm sóng biển dâng tràn, mưa lớn gây lũ lụt và bão tuyết trong nội địa từ Ðại Hồ xuống tới Kentucky.

Tổng Thống Obama hủy bỏ cuộc vận động tranh cử ở Florida trở về Washington và vài giờ sau phát biểu tại phòng họp báo Tòa Bạch Ốc, khuyến cáo dân chúng hãy tuân theo hướng dẫn của các chính quyền địa phương, “nếu có lệnh di tản, hãy đi ngay”. Ông từ chối các câu hỏi của phóng viên về cuộc tranh cử, nói rằng lúc này chỉ có an toàn cho dân chúng mới là ưu tiên hàng đầu.

Thống Ðốc Romney và Dân Biểu Ryan cũng hủy bỏ nhiều cuộc tập trung vận động tranh cử. Ông Romney lên tiếng kêu gọi các ủng hộ viên hãy “nghĩ tới và cầu nguyện cho những người trong vùng ảnh hưởng bão” và đóng góp vào quỹ cứu trợ của Hồng Thập Tự.

Tổng thống cho biết đã liên lạc nói chuyện với tất cả các thống đốc trong vùng và cũng cảnh giác rằng mọi người phải sẵn sàng thích ứng với tình trạng gián đoạn giao thông và mất điện có thể kéo dài trong nhiều ngày. Ông cũng tuyên bố ban hành tình trạng khẩn trương ở Massachusetts, Connecticut, Rhode Island, New York, New Jersey và Pennsylvania.

Các văn phòng chính phủ ở Washington nghỉ việc ngày Thứ Hai. Những trường học khắp miền Ðông và Ðông Bắc Hoa Kỳ đóng cửa. Hệ thống vận tải công cộng ở các thành phố lớn từ Washington, đến New York, Boston đều ngưng hoạt động, xe lửa xe bus, xe điện ngầm không chạy. Giao thông cũng không được phép trên nhiều xa lộ lớn. Hàng ngàn chuyến bay bị hủy bỏ tại các phi trường quốc tế cũng như địa phương khiến nhiều hành khách bị kẹt ở các nhà ga phi cảng.

Tại New York cũng như các thành phố lớn khác, dân chúng được khuyến cáo không nên đi ra ngoài. Phố xá vắng hoe chỉ có các xe cảnh sát, xe cấp cứu, các toán công tác khẩn cấp chạy qua các đường ngập nước. Thị trường chứng khoán New York đóng cửa ngày Thứ Hai, lần đầu tiên ngoài dự tính kể từ 9/11. Các phòng phiếu cho cử tri đi bầu sớm ở Virginia và Maryland cũng nghỉ việc.

Cho đến này Thứ Hai chưa có báo cáo về tổn thất nhân mạng do thiên tai. Nhưng tối Chủ Nhật, chiếc tàu buồm HMS Bounty trên đường từ Connecticut đi St. Peterburg, Florida, bị sóng lớn đánh chìm ngoài khơi cách mũi Hatteras, North Carolina, khoảng 90 dặm. Hải quân duyên phòng vớt được 14 người trên các xuồng cứu nan nhưng còn 2 người mất tích. Ngày Thứ Hai một máy bay C-130 và một trực thăng MH-60 hãy còn tiếp tục tìm kiếm trên mặt biển nhưng gặp khó khăn vì gió mạnh và sóng lớn chưa có kết quả.

HMS Bounty là chiếc tàu 3 cột buồm đã nổi tiếng trong hai bộ phim của Hollywood: “Mutiny on the Bounty” với Marlon Brando năm 1962, và “Pirates of the Caribbean: Dead Man's Chest”.

Cho đến bây giờ người ta chưa thể biết trận bão Sandy có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử sắp tới. Khó có tình huống cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11, hơn một tuần nữa, phải hoãn lại. Tuy nhiên cũng có thể nếu xảy ra thiệt hại nặng về đường giao thông và mất điện thì việc bầu phiếu và đếm phiếu có thể bị ảnh hưởng. Theo nhiều thăm dò dư luận Tổng Thống Obama và Thống Ðốc Romney vẫn ngang ngửa 47%, nhưng chưa ai có thể dự đoán hậu quả từ trận bão Sandy sẽ như thế nào trong thời gian cuối cùng trước bầu cử. (H.C.)
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Obama, Romney dừng chạy đua để đối phó siêu bão

Tổng thống Barack Obama đã rời chiến dịch tranh cử để trở về vai trò lãnh đạo, đối thủ Mitt Romney cũng hoãn chạy đua để
chia sẻ khó khăn với các cử tri, khi siêu bão Sandy đang hoành hành làm ít nhất 13 người thiệt mạng.

Image
Ông Obama phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang về bão Sandy hôm 28/10. Ảnh: AFP

Hai ứng viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tuyên bố hủy bỏ các cuộc vận động tranh cử khi những cơn gió to, sóng lớn và mưa ào ạt trút xuống làm tê liệt đông bắc nước Mỹ. Giới chức các địa phương cho biết đến nay bão đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng và khiến 6,5 triệu người tại 13 bang phải sống trong cảnh không có điện.

Nước biển đã len lỏi vào giữa những khu nhà chọc trời của New York, gây ngập các hầm đường bộ, khiến 200 bệnh nhân ở bệnh viện thành phố phải sơ tán. Hệ thống tàu điện ngầm 108 tuổi của thành phố này chưa bao giờ hứng chịu một trận thiên tai khủng khiếp như đêm qua, giới chức cho hay. Nhà máy điện hạt nhân ở New Jersey bị ngập, trong khi một vụ nổ xảy ra ở nhà máy điện Con Edison ở New York khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình và cơ sở kinh doanh bị mất điện.

Khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ chính thức 6/11 đang đến gần, cơn bão lịch sử đã khiến các chiến dịch tranh cử rơi vào tình trạng lộn xộn, cản trở việc bỏ phiếu sớm và có thể nhấn chìm nỗ lực cạnh tranh với đối phương của hai ứng viên.

"Đây là một cơn bão lớn và mạnh", ông Obama cảnh báo sau cuộc họp với các quan chức về thiên tai và đối phó khẩn cấp tại Nhà Trắng hôm qua, khi ông hủy bỏ các sự kiện tại những bang trọng yếu Florida, Ohio, Virginia để quay về Washington.

"Có một điều tuyệt vời về nước Mỹ đó là khi cùng trải qua những thời điểm khó khăn như thế này, tất cả chúng ta xích lại gần bên nhau", ông nói. "Cuộc tranh cử sẽ tiếp tục vào tuần tới. Còn bây giờ, ưu tiên số một của chúng ta là đảm bảo tính mạng cho người dân".

Trong khi tổng thống Mỹ đang chỉ đạo chính phủ ứng phó với cơn bão từ phòng Tình huống ở Nhà Trắng, đối thủ của ông lại lăn lộn cùng với các cử tri của nhiều bang.

Ông Romney đã hủy các sự kiện tranh cử cuối ngày hôm qua ở Winconsin và tất cả các sự kiện hôm nay như một cách hướng về hàng triệu người dân nằm trên đường đi của bão. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục lịch trình dự kiến tại Iowa và Ohio. Ứng viên đảng Cộng hòa nói với những người ủng hộ tại Ohio rằng người Mỹ ở Bờ Đông đang đối mặt với "thời điểm vô cùng khó khăn" trong cơn bão.

"Có những gia đình nằm trên đường đi của bão sẽ phải hứng chịu những tổn thất, có thể là về tài sản hoặc nghiêm trọng hơn", ông nói và kêu gọi những sự quyên góp về Hội Chữ thập đỏ Mỹ.
Image
Ông Romney tại Davenport, Iowa hôm qua. Ảnh: AFP

Romney đang ở tình thế khó khăn, bởi ông buộc phải cân bằng giữa tham vọng tận dụng những ngày cuối cùng để thu hút cử tri, và nguy cơ bị đánh giá là thờ ơ trước những người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi bão Sandy. Ông từng bị cáo buộc lợi dụng thảm kịch để đạt được mục đích chính trị quanh vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi tháng trước.

Tương tự, bất kỳ sai lầm nào của ông Obama trong thời gian đối phó với siêu bão cũng có thể là mục tiêu chỉ trích để đối thủ Romney giành ưu thế. Các nhân viên thuộc nhóm tranh cử phàn nàn rằng họ không thể lường trước được sự cố bất ngờ này và có khả năng cơn bão sẽ làm thay đổi giai đoạn cuối của cuộc bầu cử. Dù ông Obama có thể tận dụng vị trí cầm quyền để thể hiện tài năng lãnh đạo, nhưng ông cũng có thể mất điểm nặng nề nếu xử lý thiên tai chậm chạp và yếu kém.

Những quan chức hàng đầu của Mỹ đã thực sự thấm thía về mối liên hệ giữa thiên tai và chính trị, sau vụ việc cựu tổng thống George W. Bush ứng phó vụng về trước cơn bão Katrina cách đây 7 năm. Thông tin hỗn loạn và lãnh đạo không nhất quán đã khiến hàng nghìn người mắc kẹt ở New Orleans lúc đó. Chính quyền Obama sau này đã phải tiến hành các cải cách về dịch vụ cứu hộ và ứng phó khẩn cấp.

Tình trạng mất điện lan rộng ở các bang quan trọng như Virginia cũng sẽ gây ảnh hưởng cho cả hai chiến dịch tranh cử, khi hai bên đã lên kế hoạch thu hút cử tri bằng những quảng cáo không ngừng nghỉ trên tivi trong suốt những ngày cuối cùng.

Ông Romney hiện dẫn trước một vài điểm tại một số cuộc thăm dò toàn quốc nhưng ông Obama lại có lợi thế trong cuộc chạy đua giành 270 phiếu đại cử tri cần có để đảm bảo vị trí ông chủ Nhà Trắng.

Cuộc thăm dò hôm qua của GWU/Politico/Battleground cho thấy tổng thống đang dẫn trước một điểm. Cuộc thăm dò của CNN/ORC ở Florida, bang tranh cử lớn nhất, lại cho thấy cuộc đua diễn ra sít sao khi ông Romney chỉ dẫn trước đối thủ một điểm.

Anh Ngọc
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Bão Sandy chuyển hướng cuộc tranh cử tổng thống
Wednesday, October 31, 2012 4:54:52 PM

WASHINGTON - Hôm Thứ Tư, sau khi họp với các giới chức lãnh đạo FEMA (cơ quan liên bang cứu trợ khẩn cấp),
Tổng Thống Obama đến New Jersey quan sát những tổn thất do bão Sandy, với sự hướng dẫn của Thống Ðốc Chris Christie.

Image
Tổng Thống Obama đúng bên Thống Ðốc Chris Christie, nói chuyện với nạn nhân bão Sandy tại một trung tâm tạm trú ở Briganatine,
New Jersey, hôm Thứ Tư, 31 tháng 10. (Hình: Jewell Samad/AFP/Getty Images)

Ông chính thức hủy bỏ các cuộc vận động tranh cử đến ngày Thứ Tư để giành mọi nỗ lực cho việc chỉ đạo công tác cứu trợ và tái thiết của dân chúng và các tiểu bang.

Tiểu bang New Jersey bị nhiều thiệt hại nhất vì là nơi bão Sandy đổ bộ. Tổng thống và thống đốc bay 1 giờ trên trực thăng quan sát các vùng bị tàn phá. Tuyên bố trong buổi họp báo sau đó, ông nói với dân chúng: “Chúng tôi đến đây với quý vị và sẽ theo dõi để bảo đảm rằng quý vị tiếp tục nhận được trợ giúp cho đến khi tái thiết.”

Tổng thống cho biết 2,000 nhân viên FEMA đã được đưa đến và mọi công tác cứu trợ sẽ tiến hành nhanh chóng. Ông cũng ghi nhận là tái lập hệ thống điện là ưu tiên hàng đầu lúc này và hôm qua đã nói chuyện với ban giám đốc các công ty điện lực trên toàn quốc, yêu cầu gởi ngay các toán nhân viên và trang thiết bị đến vùng bị nạn.

Mặc dầu tổng thống và thống đốc New Jersey nói đây không phải là một sinh hoạt chính trị nhưng sự hiện diện của một người Cộng Hòa đã từng nỗ lực ủng hộ Romney và mạnh mẽ công kích Obama, có ý nghĩa đáng kể cho cuộc vận động tranh cử. Thể hiện sự hợp tác lưỡng đảng một cách chính đáng trong hoàn cảnh cần thiết, Thống Ðốc Chris Christie nhiều lần ca ngợi tổng thống về cách hành xử trong tình thế thiên tai xảy ra cho dân chúng. Dù không phải là một tuyên bố chính trị hay tuyên bố ủng hộ, nhưng những lời này có giá trị quan trọng trong thời gian cuối cùng của cuộc bầu cử đang trong tình hình ngang ngửa.

Theo thăm dò dư luận mới nhất của Quinnipiac University/New York Tinmes/CBS News, Tổng Thống Obama đang dẫn trước tại 3 tiểu bang tranh chấp quan trọng nhất: 49%-47% ở Virginia, 48%-47% ở Florida, 50%-45% ở Ohio. Mặc dầu con số chênh lệch chỉ rất nhỏ chưa đủ để kết luận đứng về mặt thống kê nhưng giám đốc ban vận động Jim Messina giải thích là ông thấy Obama đang ở vị thế chế ngự trong mấy ngày đi đến bầu cử vì “chúng tôi dẫn trước hay ngang bằng ở mỗi chiến trường tranh cư.Ư”

Ban tranh cử của Romney nói rằng kết quả thăm dò này không đáng tin cậy. Thống đốc Romney sau hai ngày ngưng các cuộc vận động trong tình hình không thuận lợi vì có bão Sandy, ngày Thứ Tư hoạt động trở lại đầy đủ theo lịch trình đã định. Ông tham dự hai cuộc tập họp dân chúng ở Florida có sự hiện diện của bà cựu Ngoại Trưởng Condolezza Rice và Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio.

Ðảng Cộng Hòa nói rằng theo thăm dò dư luận, Romney dẫn đầu trên số cử tri toàn quốc, do đó có triển vọng thắng ở những tiểu bang được coi là “thiên về Dân Chủ.” Vì vậy ban vận động Romney và các siêu ủy ban chính trị (Super PAC) đang tung tiền mở rộng cuộc vận động tại Minnesota, Pennsylvania và Michigan. Ban tranh cử Romney cũng hy vọng tình thế đang tiến triển tốt và có thể thắng tại Iowa.

Ðối với trận bão Sandy, không ở vị trí và có điều kiện hành động cụ thể như Tổng Thống Obama, ban tranh cử Cộng Hòa cho biết Thống Ðốc Romney đã gởi tiền đến Hồng Thập Tự Hoa Kỳ và kêu gọi những người ủng hộ đóng góp tài vật cho công cuộc cứu trợ. (HC)
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Obama và Romney ngang ngửa trong cuộc tranh cử tổng thống
Thursday, November 01, 2012 6:20:24 PM

WASHINGTON - Các thăm dò dư luận cho thấy chỉ còn mấy ngày cuối để vận động và tình hình bầu cử tổng thống vẫn ngang ngửa,
trên toàn quốc cũng như ở những tiểu bang được coi là chiến trường quan trọng nhất.


Image
Thống Ðốc Mitt Romney, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, bế một em bé trong cuộc tập họp
vận động tranh cử tại Meadow Event Park ở Doswell, Virginia, hôm Thứ Năm. Virginia là một chiến trường gay go
mặc dầu theo thăm dò dư luận Romney đang hơn Obama 2%. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Tại Florida, hơn một tuần trước, đã có lúc Romney dẫn 5 điểm: 50%-45%. Tới ngày Thứ Tư vừa qua, Obama vượt hơn Romney nhưng tới Thứ Năm thì Romney vượt trở lại. Chênh lệch 1% trong hai trường hợp này coi như không có ý nghĩa gì quyết định. Còn theo thăm dò Ipsos/Reuters thì hai người bằng nhau: Obama 47% - Romney 47%.

Tuy nhiên trong số khoảng 1/3 cử tri ghi danh ở Florida đã đi bầu sớm, chênh lệch đáng kể hơn: Obama 53% - Romney 48%.

Tại một số tiểu bang ngang ngửa khác: North Carolina: Obama 49 - Romney 49; Colorado: Obama 50 - Romney 47; Virginia: Obama 47 - Romney 49; Ohio: Obama 49 - Romney 46.

Cộng Hòa mở rộng thêm cuộc vận động với hy vọng có thể thắng ở 3 tiểu bang từ trước đến nay được coi là thiên Dân Chủ: Minnesota: Obama 50 - Romney 43; Michigan: 48-45; Pennsylvania: Obama 48 - Romney 44.

Trên toàn quốc, theo thăm dò Rasmussen đưa ra hôm Thứ Năm, Romney hơn Obama 2 điểm và cũng là một con số chênh lệch không có tính cách gì quyết định. Romney 49% - Obama 47%.

Hôm Thứ Năm, Tổng Thống Obama được sự hỗ trợ của hai cơ quan truyền thông có giá trị lớn: tuần báo The Economist và hãng tin Bloomberg.

The Economist là tạp chí chuyên về tin tức kinh tế và các vấn đề quốc tế, trụ sở chính đặt tại London, phát hành hàng tuần 1.5 triệu ấn bản trong đó phân nửa tại Hoa Kỳ. Tờ báo này nói là 4 năm trước đã nhiệt thành ủng hộ Obama vào tòa Bạch Ốc, và cho rằng nước Mỹ còn cần nhiều cải tiến nhưng ông Mitt Romney không hợp với vai trò ấy. Trong quá khứ từ 1980 mỗi kỳ bầu cử Hoa Kỳ, tờ Economist đều công khai ủng hộ một ứng cử viên: 1980 Ronald Reagan; 1992 Bill Clinton; 1996 Bob Dole; 2000 George W. Bush; 2004 John Kerry.

Ðồng thời Thị Trưởng Michael Bloomberg thành phố New York cũng bất ngờ tuyên bố ủng hộ Tổng Thống Obama và mạnh mẽ đả kích Romney. Ông cho rằng Thống Ðốc Romney không xác định được vị trí lãnh đạo ở tầm cỡ quốc gia và thế giới. Theo lời ông: “Tôi tin Mitt Romney là con người tốt, đoan chính, có thể đem kinh nghiệm quý báu về kinh doanh vào tòa Bạch Ốc. Trong quá khứ ông đã có lập trường đúng đắn về nhiều vấn đề nhạy bén bao gồm di dân, dùng súng, phá thai và bảo hiểm y tế. Nhưng ông đã đảo ngược thái độ tất cả và thậm chí tranh cử đi ngược lại mẫu mực cải tổ y tế mà ông ta đã ký thành luật ở Massachusetts.”

Việc Bloomberg ủng hộ Obama cũng làm cho vấn đề “biến đổi khí hậu Ðịa Cầu” trở thành đề tài. Theo tờ The Christian Science Monitor, “đây là tác động trực tiếp nhất của bão Sandy vào chính trị,” bởi vì các giới môi trường vẫn nghi ngờ thiên tai này một thể hiện về tình trạng biến chuyển của khí hậu Ðịa Cầu. (HC)
nguyenvsau
Posts: 1135
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

New York hủy cuộc đua marathon vì bị chỉ trích
Friday, November 02, 2012 6:04:25 PM

NEW YORK (AP) - Gặp phải sự chống đối mãnh liệt của dân chúng thành phố,
Thị Trưởng New York Michael Bloomberg tuyên bố hủy bỏ cuộc đua Marathon.

Image
Thị Trưởng Michael Bloomberg quyết định hủy cuộc đua marathon vào cuối tuần này, vì gặp phải sự chống đối mạnh mẽ
của các chính trị gia lẫn người dân ở New York City. (Hình: AP/Louis Lanzano)

Nhiều nơi ở New York City hiện sống lạnh lẽo vì không điện, và số tử vong lên đến hơn 40, do hậu quả của bão Sandy.

Nhiều cư dân ở đây tỏ ra khó chịu về cuộc thi Marathon vì nhiều cảnh sát được điều động để tăng cường an ninh cho cuộc chạy đua marathon này.

Người ta bực mình khi thấy nạn nhân của trận bão bị đuổi ra khỏi các khách sạn, nhường chỗ cho người ngoài đến thành phố tham dự cuộc đua, kể cả hình ảnh các máy phát điện chạy rì rầm ở các trại lều dựng lên ở Central Park, nơi dùng làm chặng cuối của cuộc đua.

Thị Trưởng Michael Bloomberg nói, ông hy vọng đây là cơ hội giúp làm lên tinh thần cho thành phố, khi quyết định cho tiếp tục cuộc đua vào cuối tuần này như đã dự liệu. Thay vì vậy, ông gặp phải sự phản kháng của cả các chính trị gia lẫn người dân New York, lý luận rằng bây giờ không phải là lúc để tổ chức chạy đua.

Tại một cuộc họp báo trước đó, Thị Trưởng Bloomberg bênh vực cho quyết định của mình khi nói rằng, đây là cách để gây quỹ tái thiết cho thành phố và nâng cao tinh thần, sau khi bão Sandy gây lụt lội khắp nơi và làm mất điện cho hằng trăm ngàn tư gia lẫn cơ sở thương mãi.

Khoảng 40,000 người từ khắp thế giới dự trù xuống đường chạy đua trên chặng đường dài 26.2 dặm, nhưng nay vì không được cư dân địa phương hoan nghênh nên chương trình phải hủy bỏ. (TP)
phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Post by phidao »

Thị Trưởng Thành Phố Santa Ana Miguel Pulido Công Bố Pháp Lệnh:
Ngăn Cản Cán Bộ CSVN Đến Thành Phố Santa Ana


Kim Phạm

Image
Thị Trưởng Santa Ana Miguel Pulido (giữa) đang cầm micro phát biểu trong cuộc họp báo
trước tiền đình tòa thị chánh Santa Ana. (Photo VB)

Lúc 12 trưa Thứ Năm, ngày 1 tháng 11 năm 2012 trước tiền đình toà thị chánh Santa Ana, Thị Trưởng Miguel Pulido mở cuộc họp báo công bố Pháp Lệnh nhằm ngăn cản cán bộ CSVN đến thành phố Santa Ana với sự tham dự của đông đảo dân cử và các cơ quan truyền thông Việt Mỹ.

Ông Kenneth Khanh Nguyễn, Đại Sứ Thành Phố Santa Ana trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Santa Ana, giới thiệu thành phần tham dự gồm: Dân Biểu Tiểu Bang California Jose Solorio; Thị Trưởng Santa Ana Miguel Pulido; Phó Thị Trưởng Santa Ana Claudia Alvarez; Phó Thị Trưởng Westminster Tyler Diệp Miên Trường; Hòa Thượng Thích Minh Nguyện trong Hội Đồng Liên Tôn; Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California; Joe Đỗ Vinh, Ủy viên Kế Hoạch Thành Phố Garden Grove.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Thị Trưởng Miguel Pulido, đang tái tranh cử chức vụ Thị Trưởng với nhiệm kỳ thứ 9, kể rằng vài ngày trước đây khi tham dự lễ cầu nguyện và đấu tranh chống án cho hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, ông thấy một phụ nữ khóc vì bức xúc trước tình hình đàn áp tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam của CSVN, mà lòng cảm động và tự hỏi mình có thể làm gì được cho công cuộc đấu tranh của người Việt là cư dân trong thành phố Santa Ana. Chính đó là động lực để ngày hôm sau ông đệ trình Pháp Lệnh ngăn cản cán bộ CSVN đến Santa Ana.

Thị Trưởng Pulido nói rằng các thành phố lân cận như Westminster và Garden Grove đều có pháp lệnh như vậy để ngăn cản cán bộ CSVN đến các thành phố đó, nhưng Santa Ana là thành phố đầu tiên đón người Việt tị nạn cộng sản đến định cư tại Hoa Kỳ thì chưa có pháp lệnh như vậy. Thị Trưởng Pulido với nét mặt hân hoan nói rằng hôm nay chúng ta đã có Pháp Lệnh này, đây là điều rất quan trọng. Ông hy vọng rằng các nghị viên khác trong hội đồng thành phố Santa Ana sẽ đồng thuận Pháp Lệnh này. Thị Trưởng Pulido cho biết ông không thể để cho các cán bộ CSVN tự do đến đây để làm tổn thương đến cộng đồng người Việt tị nạn. Cho nên, theo ông, “Chúng ta phải đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam vì Hoa Kỳ là đất nước có truyền thống bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền.”

Phó Thị Trưởng Santa Ana Claudia Alvarez nói rằng thành phố Santa Ana đã có nghị quyết chấp thuận cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng tự do, dân chủ và nhân quyền của cộng đồng Việt Nam, nhưng Santa Ana chưa có pháp lệnh ngăn cản cán bộ CSVN đến thành phố này.

Dân Biểu Tiểu Bang California Jose Solorio nói rằng chúng ta đã có nghị quyết công nhận cờ vàng của người Việt tị nạn thì nay chúng ta có thêm pháp lệnh ngân cản cán bộ CSVN đến thành phố này.

Phó Thị Trưởng Westminster Tyler Diệp phát biểu nói rằng pháp lệnh rất quan trọng vì Santa Ana là thành phố lớn nhất của Quận Cam cũng là nơi có người Việt tị nạn sinh sống đông đảo. Phó Thị Trưởng Tyler Diệp nhấn mạnh rằng Santa Ana có quá trình cùng với cộng đồng Việt Nam tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam thì việc có pháp lệnh này là điều quan trọng.

Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California Nguyễn Xuân Nghĩa nói rằng ông rất vinh dự được hiện diện tại cuộc họp báo công bố pháp lệnh ngăn cản cán bộ CSVN đến thành phố này, nơi mà có khoảng 40,000 người Việt tị nạn đang sinh sống. Luật Sư Nghiã nhấn mạnh rằng qua hành động này cho thấy “Chúng ta cùng nhau đẩy mạnh việc ngăn cấm CSVN đến đây.” Ông kêu gọi cử tri người Mỹ gốc Việt đi bầu đông đủ vào ngày 6 tháng 11 tới đây để thể hiện quyền công dân, và đến đây vào ngày 19 tháng 11 tới đây để ủng hộ Pháp Lệnh được hội đồng thành phố thông qua.

Hòa Thượng Thích Minh Nguyện, thành viên Hội Đồng Liên Tôn tại Hoa Kỳ, phát biểu rằng, “Tất cả chúng ta có mặt là để ủng hộ pháp lệnh của ông Thị Trưởng Pulido không hoan nghênh cán bộ CSVN đến đây.” Hòa Thượng cũng kêu gọi đồng hương Việt đến ủng hộ pháp lệnh vào lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 19 tháng 11 tại cuộc họp của hội đồng thành phố Santa Ana “để nói rằng chúng ta không chấp nhận CSVN đến đây.”

Theo ông Khanh Nguyễn, pháp lệnh khác với nghị quyết, vì một khi được hội đồng thành phố thông qua thì pháp lệnh có hiệu lực như một đạo luật có tính chế tài về pháp lý, chứ không phải chỉ có tính cảnh báo như nghị quyết. Ông Khanh Nguyễn cũng cho biết thì hiện nay trong số 5 nghị viên đã có 2 nghị viên chấp thuận pháp lệnh là Thị Trưởng Pulido và phó thị trưởng Claudia, còn lại 3 nghị viên khác có thể cũng sẽ OK. Theo ông Khanh Nguyễn thì xác suất thông qua của pháp lệnh là tới 70%.
huynhtruong25
Posts: 142
Joined: Sun Sep 25, 2011 9:48 pm
Contact:

Post by huynhtruong25 »

Bất ngờ cuối cùng nằm trong ngày bầu cử
Saturday, November 03, 2012 2:57:07 PM

WASHINGTON - Chỉ còn mấy ngày cuối cùng, các quan sát viên đều tin rằng sẽ không còn bất ngờ gì lớn trong cuộc tranh cử,
mà nếu có, chỉ còn bất ngờ ở ngày bầu cử và đêm kiểm phiếu, Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012.

Image
Thống Ðốc Mitt Romney trên máy bay riêng đến Milwaukee, Wisconsin, vận động trước khi bay về Ohio, hôm Thứ Sáu 2 tháng 11.
(Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Cho đến nay, phải nói là khó có ai dám tin rằng sẽ dự đoán đúng kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Không còn tranh luận, không còn thay đổi nào trong chiến lược của hai ban vận động, đa số cử tri đến bây giờ đã có quyết định và những người được xem như còn do dự thì đến giờ này thật ra trong lòng đã sẵn thiên về phía nào khó có gì làm đảo ngược suy nghĩ.

Báo cáo cuối cùng của Bộ Lao Ðộng về việc làm và tỷ lệ thất nghiệp ngày Thứ Sáu không có yếu tố nào lớn để Tổng Thống Obama hay Thống Ðốc Obama có thể lập luận thêm ngoài cách và những điều đã nói ra nhiều lần.

Tuy nhiên cả hai ứng cử viên không để mọi chuyện xảy đến một cách tự nhiên được và mỗi người đều không ngừng những chuyến đi vội vã ghé qua các tiểu bang vẫn được gọi là chiến trường tranh chấp chính, để hy vọng chiếm được con số đại biểu cử tri đoàn quý báu cho tổng số 270 cuối cùng phải đạt tới.

Hầu hết thăm dò dư luận đều ghi nhận Obama và Romney ngang ngửa, chênh lệch một vài phần trăm là hoàn toàn nằm trong sai số, không đủ mang ý nghĩa quyết định. Nhưng Obama rõ ràng có ưu thế hơn, tuy không lớn, ở những tiểu bang sẽ đưa đến con số quyết định 270.

Thăm dò hàng ngày của Reuters/Ipsos hôm Thứ Ba cho biết hai ứng cử viên ngang nhau 46% trên toàn quốc, nhưng Obama dẫn Romney 3 điểm ở Virginia, 2 điểm ở Ohio và Florida, Ðây là ba tiểu bang quan trọng và tranh chấp gay go nhất. Obama vẫn luôn luôn giữ vững ở Ohio trong khi tiến tới tại Virginia và Florida. Virginia là tiểu bang vẫn thiên về Cộng Hòa cho đến năm 2008 và kỳ này Obama có vẻ tiếp tục giữ được. Hai người ngang nhau ở Colorado.

CBS News nhận định là Obama có lợi thế nắm vững được những tiểu bang lớn như California, New York, Illinois - tính theo đơn vị thì chỉ có 18 tiểu bang trong khi Romney có 23 nhưng là tiểu bang nhỏ ít phiếu đại cử tri, ngoại trừ Texas và Georgia.

Do đó nếu 237 phiếu đại cử tri nghiêng về Obama thì chỉ có 206 nghiêng về Romney.

Giả dụ mọi chuyện sẽ diễn ra như vậy không có bất ngờ nào khác thì ở 9 tiểu bang tranh chấp Obama chỉ cần kiếm thêm 33 trong khi Romney cần tới 64. Ohio, Wisconsin, Iowa, là những nơi Obama có nhiều triển vọng thắng, cung cấp 34 đại cử tri.

Do đó nếu Romney thua tại Ohio thì ông sẽ cần phải thắng ở hầu hết các tiểu bang khác. North Carolina là nơi Romney hy vọng thắng cũng như Florida có thể thắng, tuy nhiên Romney cần giữ được Colorado và Virgnia.

Romney đã cố gắng mở rộng vận động tới Pennsylvania, Michigan và Minnesota mặc dầu thăm dò cho biết Obama hơn hẳn ba tiểu bang này.

Theo Reuters/Ipsos cử tri có vẻ cũng đồng ý với sự lượng giá ấy, cho nên dù ủng hộ người nào, 52% nói Obama sẽ thắng và 32% nói hy vọng Romney thắng.

Còn một bất ngờ cuối cùng là thời tiết ngày bầu cử. Dự báo khí tượng cho biết một đợt bão Mùa Ðông sẽ đến vùng Ðông Bắc đúng ngày này. Chưa thể rõ tình hình nhưng nếu thời tiết quá xấu, số cử tri đi bầu sẽ giảm và Cộng Hòa có lẽ đôi chút được lợi. (H.C.)
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

81% thế giới 'bầu cho Obama'

Một cuộc thăm dò ý kiến của những người nước ngoài cho kết quả rằng đa số người dân trên thế giới
mong muốn ông Barack Obama tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Image
Đương kim tổng thống Mỹ trong vòng tay những người ủng hộ tại Madison, bang Wisconsin, hôm 5/11. Ảnh: AFP

Khi được hỏi bạn sẽ chọn Barack Obama hay Mitt Romney làm tổng thống Mỹ, 81% trong số 570.000 người tại 36 quốc gia ngoài Mỹ tham gia cuộc thăm dò của MSN trả lời họ chọn Obama. Chỉ có 19% số người được hỏi lựa chọn ông Romney.

Tại Anh, Obama nhận được 85% sự ủng hộ, trong khi tại Trung Quốc, người dân lại ưa thích ông Romney hơn với 52% lựa chọn Romney và 48% lựa chọn đương kim tổng thống Mỹ.

"Mitt Romney hoàn toàn mất chỗ đứng trong trái tim người Anh khi nói rằng nước Anh không sẵn sàng để làm chủ nhà Olympics. Romney đã nói hớ rất nhiều trong chuyến thăm tới London và bị người dân ở đây gọi là 'Romney lóng ngóng'", Duncan Hopper, biên tập viên quản lý của MSN News & Sport, cho biết.

"Trong khi đó, ông Obama vẫn được nhớ đến với hình ảnh người đại diện cho sự cải cách, thay đổi, sau hai nhiệm kỳ bị chỉ trích nặng nề của ông George W. Bush trong Nhà Trắng. Ông Obama đã nỗ lực nhiều cho các công việc quốc nội và cũng biểu hiện tốt trong các công việc đối ngoại", đại diện MSN nói thêm.

Ngoại trừ Trung Quốc, không có người dân nước nào bầu cho ông Romney nhiều hơn Obama. Tại một số nước, tỷ lệ ủng hộ Obama áp đảo như tại Áo, Bỉ, Đức, Singapore... số người ủng hộ Obama lên đến 92-94%. Tại Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, tỷ lệ ủng hộ đương kim tổng thống Mỹ thấp hơn, nhưng cũng ở mức 65-75%.

Theo thăm dò của VnExpress từ đầu tháng 10 đến nay, có 23.120 lượt bình chọn với kết quả là 73,4% số người tham gia dự đoán chiến thắng cho ông Obama, 26% đoán ứng cử viên đảng Cộng hòa Romney thắng, còn lại là các ứng cử viên khác. Tỷ lệ này cũng bằng ở Nga, với 73% chọn ứng cử viên đảng Dân chủ Obama.
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Obama rơi lệ trong ngày cuối vận động tranh cử

Vào đêm cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama trở lại bang Iowa,
nơi ông giành chiến thắng để trở thành ứng viên tổng thống hơn 4 năm trước, trong sự xúc động và những giọt lệ.


Image
Ông Obama xúc động trước giờ bầu cử. Ảnh: AP

Đám đông hàng chục nghìn người đứng trên các đại lộ hướng về tòa nhà chính quyền của bang Iowa, hò reo và vẫy cờ ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ. Sau lời cầu nguyện và lời giới thiệu của vợ ông, bà Michelle Obama, tổng thống bước ra sân khấu như những buổi vận động tranh cử khác.

Tuy nhiên, đêm nay, ông Obama xuất hiện gần gũi và thân thuộc hơn, dành nhiều thời gian để nói chuyện với các cử tri, thay vì lặp lại những khẩu hiệu của chiến dịch tranh cử, Yahoo News cho hay. Ông Obama hồi tưởng lại những ngày tranh cử cho nhiệm kỳ trước và khơi lại trong lòng cử tri những kỷ niệm trong quá khứ. Đương kim tổng thống khá xúc động và phóng viên đã ghi lại được khoảng khắc giọt nước mắt lăn trên má ông.

"Tôi trở lại đây để đề nghị các bạn giúp tôi hoàn thành việc mà chúng ta đã bắt đầu, bởi vì đây chính là nơi bắt nguồn cho sự thay đổi", ông Obama nhắc đến việc giành chiến thắng trước thượng nghị sĩ Hillary Clinton chính tại bang Iowa để trở thành đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống năm 2008. Việc đề cử bà Clinton gần như chắc chắn, tuy nhiên sau khi các thành viên đảng Dân chủ Iowa họp kín, họ lại chọn Obama.

Bốn năm sau, Obama lại chọn Iowa và điểm lại các chính sách và những việc mình đã làm trên cương vị tổng thống. Ông Obama thừa nhận ông biết đôi khi những người ủng hộ cũng cảm thấy "thất vọng về tốc độ của sự thay đổi". Ông cho biết sẽ thúc đẩy các tiến trình và phản đối việc "giữ nguyên hiện trạng" trong nhiệm kỳ thứ hai. "Tôi hứa với các bạn", ông Obama phát biểu.

Không phải là bang có nhiều phiếu đại cử tri, tuy nhiên Iowa lại có vị trí quan trọng trong cuộc bầu cử lần này. Cả hai ứng cử viên đều tìm cách để giành chiến thắng ở đây. Trong khi ông Mitt Romney tranh thủ những giờ phút cuối cùng để vận động tranh cử trong cả ngày 6/11 thì ông Obama có bài phát biểu cuối cùng tại Iowa. Ông Obama dành ngày bầu cử để chơi bóng rổ. "Mọi việc đã không nằm trong tay tôi nữa. Quyết định ở trong tay các bạn và phụ thuộc tất cả ở các bạn", ông nói với các cử tri.

Vũ Hà (Video: CNN)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests