Thơ Tình

Thơ nhạc trữ tình, thơ nhạc lính, video...
Post Reply
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Image

Tóc thề trong mưa

Bỗng dưng mưa đổ bên thềm
Hoen đôi mắt ướt theo em tan trường
Chỉ trời mưa dệt sợi thương
Ta mang nối lại tìm đường sang sông

Trời thương bắt nhịp cầu vồng
Giúp người khác họ phải lòng tìm nhau
Dẫu không là mối tình đầu
Em đừng cởi áo qua cầu gió bay

Vô tình sợi tóc vướng tay
Ngỡ rằng con gái gió lay tóc thề
Trời sinh ta lỡ ngô nghê
Đuổi hoài theo mái tóc thề trú mưa.


Văn Quốc Thanh
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

Tô Thùy Yên, thơ như người bị bức tử

Nguyễn Mạnh Trinh
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc /như người bị bức tử canh khuya? Xé toang từng mảnh đời tê điếng/ Mà gửi cùng mây đỏ thảm thê/… Trong buổi chiều gió giật loạn cuồng của những cơn bão kéo tới, tôi đọc những câu thơ ấy mà nghe dường như có điện giật trong châu thân. Thơ như u uất của đất trời. Thơ như lòng người đang cơn phẫn nộ. Bây giờ, cả dân tộc Việt Nam đang đau đớn với sự hiếp đáp của đế quốc phương bắc mà những người lãnh đạo lại hèn nhát yếu mềm cam chịu… Thơ như lời tiên tri, như những vết hằn trên đá từ năm tháng.

Trường Sa Hành. Bài thơ viết vào tháng 3 năm 1974 của Tô Thùy Yên sau trận hải chiến Hoàng Sa hơn một tháng. Lúc ấy, thời cuộc như lò nung hơi chờ bùng vỡ. Ơû trong thì nội chiến, ở ngoài thì ngoại xâm. Thế mà, những chiến sĩ vẫn giữ gìn từng tấc đất của tổ quốc. Tô Thùy Yên trong một chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa đã làm những câu thơ như tiên đoán một định mệnh tàn khốc:

”Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời
Mùa gió xoay chiều gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?”

Thơ như nỗi ngậm ngùi. Thơ như nỗi niềm u uất của những người đi tìm kiếm những điều xa xôi khó lý giải. Làm một bài thơ có phong vị hành chỉ là một cái cớ, để mượn thiên nhiên độc thoại với mình, để thấy kiếp người với nỗi niềm mãn khai và thời gian sẽ thành ngôi mộ với tấm bia kết từ đời u tịch.

Thật là khó giải nghĩa một bài thơ, nhất là một bài thơ có không gian rộng mênh mông như Trường Sa Hành. Trích một vài câu, diễn giải một vài đoạn, sẽ chẳng làm rõ ràng thêm được những điều tác giả muốn nói, muốn trao gửi trong thơ. Mà, chỉ làm vụn vặt đi cái vời vợi khôn cùng của cảm xúc

Cho nên phải đọc một hơi để những hình ảnh nối tiếp nhau để thấy tràn ngợp một nỗi cô đơn của con người nhỏ nhoi trước cao rộng của thiên nhiên và tiềm thức Ngôn ngữ của Tô Thùy Yên không có những từ khó hiểu và thơ bảy chữ ấy cũng man mác âm điệu của những bài hành của thời kỳ Hành Phương Nam của Nguyễn Bính hay Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. Thế mà, có một điều gì mới mới, cũng không hẳn từ ngôn ngữ mà cũng chẳng phải là hình ảnh, cảm giác ấy có từ những liên tưởng từ tất cả : ý thơ, tứ thơ, âm vận thơ, hình tượng thơ tạo thành.

Có một điều rõ ràng trong thơ Tô Thùy Yên là cái hứng cảm hiện ra trong một lúc hòa hợp với những suy tư tích chứa mỗi ngày mỗi tháng nên có sức truyền cảm mạnh. Lý Chất, một phê bình gia đời Minh trong Tạp Thuyết đã viết về hiện tượng này. Người làm thơ tích lũy vốn liếng sống ỡ mức độ dồi dào thì một sớm “tức cảnh sinh tình, xúc động thở than, giựt cả chén rượu của người khác, dốc nỗi oán giận ở trong lòng, thở lời bất bình từ trong bụng, từ số phận đau khổ của mình, liên hệ tới biết bao nhiên chuyện xa xưa muôn thuở... Khi đã viết là nhả ngọc phun châu, ánh sáng soi rọi tận vân hán, như nét đẹp giữa trời, thế rồi bèn tự phụ, giữa cõi đất trời hét vang, khóc lóc như điên không tự chế được“. Tóm lại, cái hứng cảm được nảy sinh từ cuộc sống hiện thực và trong một phút giây nào đó đã tạo thành xúc động của một người lên cơn đồng thiếp.

Trong thơ Tô Thùy Yên, thơ có phải là những vần điệu vang vọng trong cơn đồng thiếp ?

Làm thơ về Trường Sa, để thấy được cái hữu hạn của con người cũng như niềm cô đơn của những người luôn đi kiếm tìm một đích đến dường như rất xa xăm nhưng lại có lúc gần gũi. Mỗi một bài thơ, có phải là một cơ duyên, để con người cất lên tiếng nói của mình, của những nỗi niềm u uẩn khó lý giải…

Trở lại với thi sĩ Tô Thùy Yên, tôi trong cái chủ quan của mình vẫn cho rằng ông làm mới thi ca trong những nét cổ điển. Nhắc tới Tô Thùy Yên, mà những bài thơ bảy chữ như Ta Về, như Quỷ Xướng Thi, hay Hề, Ta Trở Lại Căn nhà Cỏ… hay tám chữ như Chuyện Tình Người Lỡ Vận… đã tạo thành một thế giới thi ca riêng, mà trong đó cái đời sống đã tượng hình trong cái chưa rõ nét, mà cái cảm xúc làm nền tảng hơn là những sự kiện thật. Ở đó, Tô Thùy Yên đã phả lên một lớp sương mù của suy tư và đã làm thay đổi cả hiện thực trong ngôn ngữ và vần điệu…

Trong suốt bao nhiêu năm làm thơ ở trong nước, ông chưa in một tập thơ nào cho mình. Để đến khi ra định cư ở hải ngoại, mới in Thơ Tô Thùy Yên và Thắp Tạ. Những bài thơ, chọn lọc suốt bao nhiêu năm sáng tác, có nhiều bài chỉ không những tiêu biểu cho riêng Tô Thùy Yên mà còn cho cả văn chương Việt Nam nữa.

Khi mới xuất hiện trên Sáng Tạo, với những bài thơ, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, … đã tạo một khí hậu mới cho thi ca. Thơ tiền chiến đã thành những tiêu điểm để vượt qua. Thanh Tâm Tuyền viết “Trèo lên cây bưởi hái hoa“ để làm rõ ràng hơn những ý tưởng làm mới. Nguyên Sa mang lại những khí hậu phương tây vào văn chương với những bài thơ mượt mà, những hình ảnh mới lạ. Còn Tô Thùy Yên, thì như “Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu”:

“Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cánh đồng a cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngữa ngã lăn mình mướt như cỏ
Như giữa nền nhung một vết nâu”

Đọc xong bài thơ có lẽ sẽ có nhiều ý tưởng ập đến. Tôi độ chừng tâm tư mình xuôi ngược theo những trục thời gian. Rượt đuổi, gắng rượt đuổi nhưng vô vọng. Có phải chúng ta đang trong một lộ trình hào hển, với đích đến gần kề nhưng lại vời xa. Bây giờ, sống trong ngày tháng mà vòng quay nhân sinh mù mịt đến chóng mặt thì những hình ảnh như chuyến tàu như con ngựa lại mở rộng ra biết bao nhiêu liên tưởng, gợi ý biết bao nhiêu tâm tư để rồi trong cái hữu hạn để chấm dứt một vô cùng. Hình ảnh thật đẹp “ ngựa ngã lăn mình mượt như cỏ/như giữa nền nhung một vết nâu/...”

Bài thơ ấy Tô Thùy Yên làm thời tuổi trẻ nhưng đã có sự suy tư già trước tuổi, với những hình ảnh hiện thực gợi hình chuyên chở được những tâm ý gửi theo. Thơ như một ám ảnh, của những nỗi muộn màng, của những nỗi niềm dìm sâu từ qúa khứ. Dù chỉ là vài hình tượng có chất đặc trưng, những ý niệm siêu hình đã làm bước chân người đọc đi xa hơn vào những lãnh địa mà chất động và chất tĩnh nhòa nhạt với nhau, để thành một cảm giác rung động trong lòng người đọc.

Chiến tranh với Tô Thùy Yên, có lúc là những ám ảnh, có khi là niềm phẫn nộ, nhưng cũng là hiện thực của một đời sống binh lửa. Những câu thơ hào sảng, những ý nghĩ bất cần, những ngày sống chỉ biết cho hiện tại:

“...Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ
nhưng mà trông mặt thấy quen quen
hề chi ta uống cho say đã
nào có ra gì một cái tên.
Tới đây toàn những tay hào sĩ
sống chết không làm thắt ruột gan
cũng không ai nhắc gì thân thế
có vợ con mà như độc thân
bạn hỏi thăm ta cho có lệ
cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung
còn mươi tháng nữa lên trung úy
có thể ngày mai chửa biết chừng...”

những câu thơ của “Anh Hùng Tận“ có cái thô nhám nhưng chân thực của cuộc sống. Thời tên bay đạn lạc, biết đâu ngày mai thành cố trung úy lên bàn thờ ngồi cho nên : “Giờ cất quân, đưa tay bắt/ Ước cõi âm còn gặp để say.”

Tô Thùy Yên đã nhìn cuộc chiến với những hình ảnh của gian khổ, của những ngày tháng vô định, những cái chết trẻ đau thương. Bài Qua Sông có những câu tả chân, phác họa lại một không gian đầy tử khí:

”Giặc đánh lớn- mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trện mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
tiếp tế khó- đôi lần phải lục
trên người bạn gục đạn mươi viên
di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
trong vết thương người bạn nín rên
người chết mấy ngày chưa lấy xác
thây sình, mặt nát, lạch mương tanh...”

Một thời làm lính rồi một thời đi tù, cía mẫu số chung của cả một thời đại ấy đã được thi sỉ viết thành nỗi niềm riêng, tuy cũng là chung của nhiều người.

Một bài thơ, có mang chút thời thế vào trong vần điệu trầm buồn. Ngồi hái rau, giữa cái thinh lặng của đất trời để nghe như trong thiên nhiên có hồn người lẩn khuất.

“Chiều ra đồng hái rau hoang
Nghe sầu theo gió thổi tràn mặt ta
Ơn trời ơn đất bao la
Hái đi này những xót xa kiếp người
Cổ kim chung một mái trới
Kinh Thi cũng có bóng người hái rau
Cúi mình khổ lụy như nhau
Tập tàng mót nhặt trả hần nợ thân
Cơ trới núi đổ sông dâng
Miếu đường bay mái, thánh thần lạc thây
Ta nhìn ta, lạ lùng thay

Tả tơi, đâu chỉ hình hài thấy đây…”

Trong phần ghi chú ở cuối tập thơ, tác giả đã viết khá nhiều về bài thơ Hái Rau này. Nếu ở ý định làm rõ xuất xứ của câu thơ htì thật không cần thiết nhưng nếu để làm rõ ra những ý nghĩ của mình thì có lẽ còn tác dụng.

“Sống đong bữa một, tâm chèn khổ sao.

Một cực hình cấp địa ngục: phải đối diện chăm chăm với mỗi cảnh khổ duy nhất thường trực bất biến, triền miên sao đồ lại. Phải chăng sự luân phiên chuyển đổinhưng cảnh khổ khác nhau trong đời người phần nào cũng giúp được cho con người chịu đựng nổi đời sống”

Sau đó tác giả viết về xuất xứ của những câu thơ như:

“miếng ăn đắng nuốt nghẹn ngào
chỗ sân thấp biết nơi nào sạch dơ”

gợi ý từ bài thơ Paradiso của Dante Alighieri.

Hay câu thơ ”quán xanh còn mở cho chàng về qua?” gợi ý từ thơ trong Comedie De La Soif của Rimbaud.

Theo suy nghĩ của tôi, thi sĩ quá cẩn thận và làm cho người đọc mất đi cái thú tìm kiếm.

Đọc hai tập thơ, hai bài viết về những tháng ngày lao ngục chuyên chở được nhiều ý hướng của Tô Thùy Yên nhất là Tàu Đêm và Ta Về. Một đi, trong nửa đêm tranh tối tranh sáng, trong những toa tàu đặc nghẹt người, trong nỗi ê chề của những người thất trận. Một về, trong nỗi chán chường của một người lưu lạc, như một kẻ lạ trở về quê cũ của mình.

“Tàu đi như một cơn điên đảo
sắt thép kinh hoàng va đập nhau
ta tưởng chừng nghe thời đại động
xô đi ấm ĩ một cơn đau
ngồi đây giữa những phân cùng bụi
trong chuyến đời xung sát bạo tàn
ta trở thành than thành súc vật
tiếng người e cũng đã quên ngang…”

Chuyến đi như một ác mộng kinh hoàng chuyến về lại ngậm ngùi của những năm hoang phế.

“Ta về như bóng ma hời tủi
lục lại thời gian kiếm chính mình
ta nhặt mà thương từng phế liệu
như từng hài cốt sắp vô danh
ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
đọc lại bài thơ thuở thiếu thời
ai đó trong hồn ta thổn thức?
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
Ta về như hạc vàng thương nhớ
một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta. ”

Viết về thơ Tô Thùy Yên, có lẽ còn phải dài hơn. Có những bài thơ như Chiều Trên Phá Tam Giang, như Mùa Hạn, như Hề, Ta Trở Lại Căn Nhà Cỏ, như Thắp Tạ... đều có những đoạn thơ hay, đều có những ý tưởng thích thú. Và để tổng kết lại những cảm nghĩ, tôi đã viết một bài thơ, mà rất lâu, khi nhà thơ còn ở Việt Nam. Bài thơ “ Chiều trên xa lộ đọc thơ Tô Thùy Yên“, viết lại ở đây như một chia sẻ:

“buổi chiều lái xe trên xa lộ
sao nghe tiếng sóng Phá Tam Giang
tâm tư cánh cửa vừa bung mở
khuôn trời xanh biếc tận ngàn năm
Mỏi bánh xe đời lăn miết miết
Lạnh buốt trong tâm quỷ xướng thi
Gần xa quanh quẩn vòng sinh diệt
Sao ta vẫn sống thật lạ kỳ
Lòng cứ mênh mang ngàn câu hỏi
Mặt trời phương đông hay phương tây
Hay như ghềng đá thiên thu đợi
Bọt nước rêu loang những gót giày
Sống qua thế thời này chẳng dễ
Vút lao muôn sóng cửa Thần Phù
Trôi theo vạn kiếp từ hạt lệ
Dấu vết còn hằn đá vọng phu
Nói với thinh không vài chuyện phiếm
Đèn chưa vàng nhem nhuốc hoàng hôn
Đến khi bạc tóc đành sương điểm
Vỡ lẽ chưa xong nỗi mất còn
Bỗng dưng tay nhỏ che trời đất
Làm gã cuồng rảo đến vô cùng
Có gã vương tôn miền trí tuệ
Hoài hoài chưa hết ý vô chung
Lái xe mà tưởng qua Vàm Cống
Thân thế mênh mang đến mấy đời?
Xưa cũ đành hanh vài huyễn mộng
Tràng thành trống điểm nguyệt còn soi
Chiều chủ nhật một mình xa lộ
Bên cạnh dường như có một người
Chân dung mờ nhạt như không rõ
Thơ hoài giọng đọc mãi khôn vơi

Nguyễn Mạnh Trinh
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Image

Tiếng Guốc Trong Sân Trường Cũ


Mây vẫn xanh một khoảng trời tháng Chạp
Anh về đây bỡ ngỡ trước sân trường
Chiều bình yên làm lòng anh bỗng nhớ
Hành lang dài khua tiếng guốc anh thương.

Em chắc hẳn đã đi vào cổ tích
Dấu chân xưa còn in lại nơi này
Góc sân trường còn âm vang tiếng guốc
Của một thờ em cắp sách thơ ngây.

Anh vẫn nhớ mỗi lần em đến lớp
Là tim anh xao xuyến một khung trời
Anh vẫn nhớ mỗi lần em mang guốc
Anh vụng về khen đôi guốc... đẹp đôi!

Chiều hôm nay dưới sân trường đứng lặng
Một mình anh với những tấm lá bàng
Nhớ không em ngày xưa hoa sứ trắng
Nở chan hòa trong đôi guốc em mang?


Nguyễn Hữu Chung
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Image

CÒN NGÀY THÁNG CUỐI


Ngày mai hai đứa rồi xa cách
Mình tiễn nhau đi được mấy lời
Em đến phương trời xa diệu vợi
Tôi về chốn cũ sống đơn côi

Ngày mai ly biệt đời đôi hướng
Trao lại cho nhau vạn nỗi buồn
Phương lạ em đi, đong hờn dỗi
Đường về tôi chở đầy đau thương

Tình sẽ lìa xa vùng kỷ niệm
Lòng rồi ray rứt vòng tay êm
Thuyền hoa lưu luyến xa lìa bến
Bến nhớ thuyền xưa, tôi nhớ em

Còn ngày tháng cuối đến bên nhau
Hãy tạm yêu thương như buổi đầu
Những tiếng thở dài, xin cất dấu
Những lời chia biệt, xin chôn sâu

Xưa vẫn dìu nhau qua suối mộng
Mộng rồi tan vỡ theo hư không
Ta đưa nhau đến vùng hoa thắm
Hoa thắm rồi tàn theo gió đông

Mong được cho em tròn nụ cười
Nụ cười che dấu phút chia phôi
Ngày mai bên gối hoa hờn tủi
Hờn tủi chảy đầy trong máu tôi

Còn lại bên nhau là tháng ngày
Tháng ngày vun vút tựa chim bay
Chim qua xứ lạ quên đường cũ
Đường cũ cây xưa đứng đọa đày

Nhạc nào trầm bổng gợi yêu đương
Hai tiếng tình yêu, mấy đoạn trường
Trên bến ngày mai, thuyền lạc hướng
Nỗi niềm cay đắng, chở đầy khoang .



hoangthuongdung
Last edited by hoanghoa on Wed Jan 30, 2008 11:42 am, edited 2 times in total.
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Image

Yêu Anh Muộn Màng !


Từng giọt café với nỗi buồn
Hồn hoang lạnh vắng giữa chiều buông
Mưa đan thấm nhẹ làn môi mọng
Quay quắt niềm đau ngấn lệ tuôn .

Lời yêu mới hé mở lên môi
Đã vội tàn phai ước mộng rồi
Quặn thắt tim hồng cơn buốt nhói
Khi người từ tạ mối tình tôi .

Tóc vẫn còn xanh hồn nhuốm bạc
Vai gầy lạnh thấm những hơi sương
Hồn đơn chuyên chở niềm tê tái
Mắt trĩu u buồn dạ xót vương .

Em mãi ngồi đây dạ nhớ mong
Từng đêm khắc khoải rối tơ lòng
Hồn xuân thổn thức bao tâm sự
Nỗi nhớ nhung đầy ..anh biết không ?

Em biết yêu anh đã muộn màng
Nhưng lòng trót lỡ dạ vương mang
Tương tư ấp ủ nghìn thương mến
Chẳng trách đời em lắm lỡ làng
.



KhangNhii

Nov - 07
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Image

Tình Xanh


Em trao anh những dòng thơ ,
Tình xanh ngan ngát mong chờ .
Hương tình ấp yêu dào dạt,
Tình xưa ngỡ tưởng giấc mơ

Ai qua một thời thương yêu ,
Tình say như cơn gió chiều ,
Ngập ngừng trao nhau nỗi nhớ ,
Cho ngày xanh hết cô liêu .

Ngày qua tình không hư hao ,
Lời trao nhau , lòng xôn xao ,
Đường đời phân chia hai lối ,
Ta về trong giấc chiêm bao .

Em mãi tìm anh trong thơ ,
Mây bay ngày tháng hững hờ
Mộng đầu vẫn hoài tha thiết,
Tình xanh xao thưở mộng mơ


Hoa Tím Ngày Xưa
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Hoa Đào Trong Những Áng Thi Ca

Lê Kim Anh
Sinh hoạt cảnh vui Tết đón Xuân không có bức tranh nào linh hoạt bằng bài thơ tả cảnh “ông đồ” của thi sĩ Vũ đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng baỵ
Hoa đào nở, báo hiệu mùa xuân sắp tới Tết Nguyên đán đã cận kề, ông đồ xách bút nghiên bày ra ngay trên hè thành phố Hà Nội (hay bất cứ thành phố nào khác trên đất nước Việt Nam) để viết câu đối Tết, ông đồ viết thuê cho khách vãng lai khi ngồi trên chiếc chiếu hoa, khom lưng phóng bút vào những mảnh giấy đỏ trải ngay trên vỉa hè.
Cảnh thanh bình của mùa xuân ở nước Việt ta vào dịp Tết Nguyên Đán thuở xưa thật thanh nhàn hạnh phúc chính là lúc muôn hoa đua nhau khoe sắc mầu thắm tươi nở rộ, đủ loại hoa được trưng bày khắp mọi nhà tạo ra cho ngày Tết. Một phong vị khá đặc biệt là tục lệ chơi hoa đào ngày Tết ở xứ Bắc đã có từ lâu đời, vì chẳng những hoa đào có màu hồng rực rỡ là mầu “hỉ tín”, rất phù hợp với không khí vui tươi, tràn trề hy vọng của những ngày đầu năm mới. Người ta lại còn tin rằng cây hoa đào khi đem về trưng trong nhà có thể trừ được ma quỉ quấy phá nữa cho nên mọi nhà đủ mọi thành phần trong xã hội thảy đều mua hoa đào về chưng trong nhà để đuổi hết tà ma quỉ dữ để hy vọng năm mới sẽ có cuộc sống tốt lành hơn.
Sở dĩ người ta tin như vậy là do sự tích Ngọc Hoàng Thượng Đế có sai hai vị thần Trà và thần Lũy giao cho trọng trách bảo vệ người trần không cho quỉ dữ và yêu tinh quấy phá, và Ngọc hoàng ra lệnh rằng cứ cuối năm thì các vị thần nói trên phải về trời tâu những việc đã làm được nơi dân gian. Lợi dụng những lúc hai vị thần vắng mặt thì yêu tinh quỉ quái ra hoành hành phá phách. Vào dịp này người ta trưng một cành đào trong nhà để bọn quỉ tưởng những vị thần này vẫn đang hiện diện nên sợ không dám sớ rớ tới.
Ven đô thành phố Hà Nội có làng Nhật Tân nằm ở phía bắc Hồ Tây nổi tiếng về nghề trồng bích đào để cung cấp hoa đào cho dân Hà Thành vào dịp Tết. Chẳng những dân Hà nôi thích hoa đào mà dân miền Nam Việt có thành phố Đà Lạt nổi tiếng về nơi trồng và cung cấp cho thị trường những loại bích đào hoa to, mỗi cụm có chừng dăm bông, mỗi bông 12 hoặc 14 cánh rất đẹp và quí phái.
Hoa đào có sắc hồng rực rỡ, đẹp như thiếu nữ xuân thì nên cũng đã làm cho nhiều nhạc sĩ cảm hứng lấy làm nền cho nhiều bài ca. Ta hãy nghe nhạc sĩ Hoàng Nguyên trong bài “Ai Lên Xứ Hoa Đào “ ca ngơi thành phố Đa Lạt, thành phố được mệnh danh là “xứ hoa đào”:
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.


Hoa đào đã khởi hứng cho nhạc sĩ niềm cảm xúc khi ông dừng chân bên bờ Hồ Xuân Hương mơ mộng khi chiều xuống gió hơi se lạnh len vào hồn người rồi nhìn cánh hồng rơi theo gió. “Hoa bay dến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai . . .” đúng là hình bóng người thiếu nữ xuân thì thẹn thùa mộng mơ trên đường đời – lòng trần mơ bướm hoa – Lòng nàng lâng lâng trong sương khói khi tỉnh mộng thì thấy mình như bàng hoàng theo khói sương, như những cánh hoa đào màu hồng đỏ thật đep đang rung theo làn gió. Người nhạc sĩ yêu mầu hoa đào đã đem ví von môi hồng của người mình yêu hay môi những thiếu nữ xuân thì đẹp tựa mầu hoa đào đã khiến người lữ khách khi nhìn thấy đã phải dừng chân lãng du để tâm hồn mình lắng đọng tâm tư cho hồn thơ lai láng.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.

Người nhạc sĩ thấy cảnh nhớ người dặn rằng : Ai lên Đà lạt, xứ hoa anh đào thì đừng quên mang những cành hoa anh đào ấy về, nếu không mang về được nhiều thì cũng nên mang về ít nhất một cành hoa, hay mang hoa đào về trong tâm tư để chiều chiều nhìn mây trôi mà tưởng nhớ. Hoa đào mầu sắc đẹp, đẹp đến nỗi đã: bao nhiêu năm tháng rồi mà tâm hồn người cứ vương vấn mãi, lưu luyến bóng hình xưa cho đến giờ này nhìn sương khói phủ bầu trời mịt mùng mà lòng người vẫn còn thầm mơ thấy mầu hoa hồng trên má người mình yêu !
Ôi! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào.
Ôi! màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.
Nước Nhật Bản được mệnh danh là xứ của hoa anh đào, vì quê hương hoa đào chính là nơi đây. Hoa anh đào được nước Nhật coi là “quốc hoa” tức là hoa anh đào là loài hoa đại diện cho nước Nhật và dân tộc Nhật Bản. Người Nhật trồng hoa đào trên khắp nước trải dài từ miền đồng bằng đến miền cao nguyên núi non hiểm trở, không chỗ nào vắng bóng cây hoa anh đào. Nhạc sĩ Thanh Sơn vào năm 1964 khi ông có dịp qua thăm xứ Hoa Anh Đào lại gặp dịp mùa hoa anh đào nở rộ, gợi hứng nên đã sáng tác bài “Mùa Hoa Anh Đào”
Mùa xuân sang có hoa Anh Đào
Màu hoa tôi trót yêu từ lâu
Lòng bâng khuâng, nhớ ai năm nào
Hẹn hò nhau dưới hoa Anh Đào
mình nói chuyện ngày sau

Còn tìm đâu phút vui ban đầu!
Bụi thời gian cuốn trôi về đâu?
Để cho ai nhớ thương ai nhiều
Vì đã xa cách nhau lâu rồi,
dù nói không nên lời!
Nhạc sĩ Thanh Sơn không vì tâm hồn mình lãng mạn mà vì lòng yêu hoa đào mà ông sáng tác bài Mùa Hoa Anh Đào này mà có thể vì duyên cớ khác, ông đã từng hẹn hò với người yêu dưới gốc cây hoa anh đào, ông ngồi từ dưới gốc cây nhìn lên thấy cả một trời hoa lồng lộng, nhìn ra tứ phía, một màu hồng bát ngát bao phủ khắp không gian. Đúng là cảnh Thiên Đàng hạ giới thế mà lòng mình vẫn cô đơn!
Chuyện đời như một giấc chiêm bao mà thôi
Tìm về quá khứ thấy xuyến xao lòng thôi
Gió xuân đến bao giờ,
Ngỡ như bước chân ai qua thềm hay là mơ?

Rồi Xuân sang thấy hoa Anh Đào
Màu hoa đây, dáng xưa còn đâu?
Niềm tâm tư khép kín trong lòng
Và tôi yêu bóng ai năm nào
Như đã yêu bóng hoa Anh Đào!
Kiếp hoa đào thật mỏng manh, từ lúc hoa nở đến lúc hoa tàn chỉ trong khoảng ba ngày ngắn ngủi, cả mùa hoa cũng chỉ kéo dài được ba tuần. Phải chăng vì mầu hoa đào thắm tươi, nồng nàn, quyến rũ, hay vì kiếp hoa đào mỏng manh bạc mệnh; hay vì vườn hoa đào đẹp một cách thanh thoát, thần tiên nên đã khiến gây được nhiều mỹ cảm cho người đời, nhiều thi hứng cho các tao nhân mặc khách kẻ yếm thế cũng như người lạc quan đều có những cảm xúc riêng tư để sáng tác những dòng thơ dòng nhạc vui hay buồn bất tận. Chẳng thế trong kho tàng thi ca phong phú của Nhật Bản, của Trung Hoa cũng như của Việt Nam đã không hiếm những áng thơ văn tuyệt mỹ, những trang tình sử diễm lệ có liên quan tớí hoa anh đào.
Nhật Bản ai cũng biết trước Thế chiến thứ hai đã có một đường lối giáo dục rất nghiêm khắc nên đã tạo ra một quân đội hùng mạnh, can cường từng đi chinh phục được nhiều dân tộc trên thế giới với những lời thề độc bách chiến quyết thắng, ấy vậy mà dân họ lại có một cái nhìn rất bi quan về kiếp người khi đem cuộc đời ngắn ngủi của hoa đào ra so sánh, như hai câu thơ tiêu biểu dưới đây:
Anh đào nở chị nở ba ngày
Khác chi một kiếp con người phù du.
Dân ca Nhật Bản cũng mang một quan niệm yếm thế của kiếp nhân sinh miêu tả dưới đây:
Rượu nồng ta uống say một đêm ngất ngây
Thả hồn theo gió heo may, đến hôn hoa, những cánh hoa anh đào say
Nhạc nghe xa vắng những tiếng buồn, đường tơ héo hon, đường tơ héo hon
Chạy theo ánh sáng lung linh, ánh trăng thanh đến mơn man cuộc tình trinh.
Trời xuân man mác những mối sầu, tình theo gió mau
Cánh hoa tươi tốt không lâu, một đêm nào sẽ rớt mau về đời sau.
Rượu nồng ta uống choáng cõi đời để quên nắng phai, để quên nắng phai
Đời người mỏng quá đi thôi, hỡi ai ơi hãy quên đi, rượu đầy vơi...
Người Nhật thì bi quan yếm thế còn người Trung Hoa và người Việt Nam chỉ một số ít người có cái nhìn bi quan còn phần đông lại có cái nhìn rất phong phú và yêu đời về cây đào và hoa đào nên ví nhân tài như cây đào.
Lúc mà Địch Nhân Kiệt làm tể tướng đời Đường ông là người đắc nhân tâm nên thâu dụng được nhiều nhân tài, người đương thời bảo là “cây đào, cây lý trong nước ở cả cửa tướng công” ý nói bao nhiêu người tài giỏi trong nước tướng công họ Địch đều gom được hết cả.
Về thi ca Trung Hoa, ta thấy “kinh thi”, một tập thơ dân gian cổ nhất đã do đức Khổng Tử san định khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, mục Chu nam, thơ Đào Yêu có bốn câu :
Đào chi yêu yêu
Chước chước kỳ hoa
Chi tử vu qui
Nghi kỳ thất gia.
...........
Tạm dịch là:
Nõn nường đào tơ
Xinh xắn nở hoa
Nàng ta lấy chồng
Cửa nhà ấm êm
. Cây đào đẹp cho nụ hoa tươi thắm nên đã được ví với người thiếu nữ trẻ trung đến tuổi xuân thì trước khi cô kết hôn. Trong Tả truyện, chương thập tứ niên, hoa đào lại được biểu hiệu cho người phụ nữ có nhan sắc diễm lệ. Hoa đào cũng làm nền cho chuyện ái tình thì giai thoại Hoa Đào Thôi Hộ là một sự tích tình ái văn chương cần nhắc tới, vì hoa đào ở đây đã tô điểm cho một câu chuyện tình lãng mạn nhất trong văn chương thi phú Trung Hoa.
Truyện kể rằng Thôi Hộ là một danh sĩ đời Đường (618-907), nhân hội Đạp Thanh chàng đi tham dự rồi ngao du sơn thuỷ lạc bước đến Đào Hoa Thôn rồi ông ghé vào Đào Hoa Trang gõ cửa xin nước giải khát thì một thiếu nữ ra mở cổng, với cử chỉ rụt rè nàng đưa cốc nước cho chàng. Nàng có sắc đẹp mặn mà chim sa cá lặn nhưng khi thấy chàng thì vẻ mặt lại thẹn thùng e lệ, hai má đỏ hây như màu hoa đào. Chàng cũng ngượng ngập không kém, đưa tay đỡ lấy cốc nuớc uống rồi hối hả xong rồi từ giã thẳng một mạch ra về . Năm sau đến ngày hội Đạp Thanh chàng cũng đi trẩy hội Thôi Hộ háo hức vì mến người nhớ cảnh đã trở lại Đào Hoa Trang hy vọng tìm đươc cảnh cũ người xưa, nhưng khi chàng tới nơi đây thì thấy cửa đóng then cài, người xưa vắng bóng nhưng những cây đào vẫn rực rỡ trổ bông và như đang cười đùa giỡn mặt trước gió đông. Thấy cảnh nhớ người chàng đã phóng bút đề bài thơ tứ tuyệt trên cửa nhà nàng:
Khứ niên, kim nhật, thử môn trung
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Tạm phỏng dịch
Năm ngoái tại đây cũng cửa này
Mặt đẹp hoa đào, má đỏ hây
Thục nữ năm xưa sao chẳng thấy
Chỉ thấy hoa đào nở ngất ngây
Khi cha con người thục nữ sau khi đi vãng cảnh chùa nơi xa trở về thì trời đã chiều tà xế bóng, nàng chợt nhìn vào khung cửa thấy bài thơ thật tình tứ nét chữ như phượng múa rồng bay nàng đoan chắc là văn nhân ngày nào đã trở lại. Chàng tiếc nuối vì không gặp nàng nên thất vọng cất bước ra đi. Nàng chờ mong chàng trở lại nhưng tháng ngày cứ lặng lẽ trôi qua hết mùa hoa đào này đến mùa hoa đào khác, nở rồi tàn nối tiếp hoài mà người xưa đâu chẳng thấy nên sinh lòng ốm tương tư.
Lão ông thấy con ngày không ăn đêm không ngủ, chạy thầy chạy thuốc, ai nói ở đâu có thầy giỏi thuốc hay lão cũng tới, nhưng bệnh con gái quí của ông chẳng những không thuyên giảm mà càng ngày càng nguy kịch! Kịp lúc Thôi Hộ đến thì nàng đang trong cơn hấp hối, thấy chàng nàng chỉ kịp liếc nhìn qua một lần rồi nhắm nghiền mắt lại thở hắt ra trút hơi thở cuối cùng.
Nhược hữu lương y viên tuyệt vọng
Tùng lai vô dược liệu tương tư
Tạm phỏng dịch:
Thầy giỏi chữa bệnh cứu đời
Thách ai dám nói cứu người tương tư
Thôi Hộ cảm thương nàng nên đã quỳ gối xuống bên giường, áp mặt mình vào mặt nàng và khóc lóc thảm thương. Nước mắt chàng vừa nhỏ xuống mặt nàng thì lạ thay người thiếu nữ từ từ mở mắt, nàng đã tỉnh lại sống trọn đời với chàng Thôi Hộ là môt thi nhân yêu hoa đào.
Mới hay tình nghĩa dạt dào
Tương tư chữa khỏi người nào có hay
Từ đó thiên tình sử Hoa Đào Thôi Hộ đã khép lạ ở đây, nhưng dư âm của nó vang vọng mãi đến muôn đời sau.
Tại Việt Nan thi sĩ Tản Đà sống vào giữa đầu thế kỷ 20, cảm hứng chuyện cổ tích Từ Thức nhập Thiên Thai nên đã sáng tác nên bài từ khúc “Tống Biệt” :
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi.
Cánh hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động đầu non, đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Nghe xong bài “Tống Biệt” ta nhớ lại truỵện cổ tích Từ Thức: ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, gần núi Thần Phù, có đông Bích Đào là di tích một câu chuyện thần tiên. Tích xưa kể rằng, Từ Thức nguyên là tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Một hôm vào ngày hội hoa mẫu đơn tại ngôi chùa nổi tiếng trong miền, lễ hội đang vui chơi thì bất ngờ một thiếu nữ đánh gẫy cành hoa mẫu đơn quý.giá, nàng không có tiền đền nên sắp bị quan viên trong ban tổ chức lễ hội phạt va. Thấy cảnh ấy Từ Thức liền bỏ tiền ra bồi thường sự tổn thất để cứu nàng . Sau đó ít lâu Từ Thức treo ấn từ quan để có thời gian rảnh rang ngao du sơn thủy. Một hôm chàng chèo thuyền ngoài cửa biển Thần Phù cho thuyền ghé vào bến ven bờ núi để làm thơ ngâm vịnh, thế rồi chàng lạc đến một động tiên. Tiên chủ phu nhân nhận ra chàng là ân nhân trước kia của con gái mình nên quyết định gả con gái yêu là nàng tiên Giáng Hương để đền cái ơn chàng đã cứu nàng khi làm gẫy cành mẫu đơn.

Từ nay Từ Thức được sống trên cảnh tiên giới, tuy sống ở Đào Nguyên sung sướng nhởn nhơ nhưng Từ Thức không nguôi lòng nhớ cố hương, chàng xin phép nhạc mẫu cho trở về trần thế. Biết rằng không thể lưu giữ người được lâu hơn một khi đã quyết trở về dương gian. Nhạc mẫu của ông nhận lời và ban cho chàng vân hạc đưa về chốn thế trần, còn Giáng Hương thì trao cho chàng một phong thư khi vợ chồng sắp tiễn biệt nhau, nàng dặn chàng chỉ được mở ra để đọc khi đã về dương thế. . .
Từ Thức về đến quê, xiết bao bỡ ngỡ vì cảnh cũ người xưa đã hoàn toàn thay đổi. Chàng hỏi thăm ông già bà cả trong xóm thì có người cho biết, cụ tổ ba đời của ông ta tên là Từ Thức, đi vào núi không thấy về, nay đã trên dưới một trăm năm rồi.
Trở về cõi trần sống bơ vơ lạc long lại buồn vì số kiếp cô đơn nên Từ Thức tính quay lại cõi tiên nên tới chỗ cũ níu lấy cánh hạc để trở về tiên động sống với Giáng Hương, nhưng chàng đến chỗ hạc hạ cánh khi xưa thì hạc đã bay vút trời cao từ lúc nào rồi. Buồn bã chàng mở thư của vợ đưa ra xem mới hay nàng đã viết:
“Anh Từ Thức thân yêu, tình duyên giữa chàng cõi trần và em cõi tiên đã dứt đoạn, bây giờ anh muốn tìm lại động tiên xưa thì chỉ còn là trong giấc mộng . Thôi vĩnh biệt chàng từ đây – Ký tên: Giáng Hương”.
Sau đó ít lâu, Từ Thức vì buồn bã chàng đi vào núi Hoành Sơn (gần Thanh Hoá), người ta không thấy chàng trở lại nữa.
Bài từ khúc của Tản Đà cho Từ Thức hướng về quê hương hạ giới, cốt làm nổi bật hai khía cạnh trong đời sống tâm lý muôn thuở của thế nhân: Con người ta sống ở nơi nào, dù được sung sướng đến đâu như ở chốn thiên tiên vẫn không thể quên được cố hương, và sẽ có ngày tìm về.
Ngược lại cho dù được trở về sống ở quê hương, nhưng người xưa cảnh cũ không còn nữa, vì tất cả đã hoàn toàn đổi thay thì con người tìm về đó lại cảm thấy như mình bơ vơ lạc lõng thì thế nào cũng sẽ tính chuyện bỏ xứ ra đi.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều được sáng tác cuối thế kỷ 18 ảnh hưởng sâu đậm bởi văn học Trung Hoa về mầu sắc và hình ảnh của mầu đào, hoa đào thường dùng để tả nhan sắc của người phụ nữ, nhưng Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có phần hơn ở thuật dụng ngữ để ca ngợi sức quyến rũ phi thường của hai má đào của người phụ nữ:
Áng đào kiểm đâm bông não chúng
Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành.
Bóng gương lấp ló trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
(câu.15-18)
Má đào không thuốc mà say
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long.
(câu 167-168)

Thi hào Nguyễn Du, trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh viết hồi đầu thế kỷ 19, thì mượn cây đào làm bối cảnh cho cuộc tình của đôi tài tử giai nhân Kim Trọng – Thuý Kiều. Thật vậy cây đào ở cuối vườn nhà Kiều, bên kia tường là hiên Lãm Thúy, Kim Trọng ngày ngày ghé mắt nhìn sang. Lần đầu tiên Kim thoáng nhìn thấy Kiều dưới tàn cây đào:
Cách tường phải buổi êm trời
Dưới đào dường có bóng người thướt tha.
Kim Trọng đã với để lấy được chiếc kim thoa của nàng vướng trên một cành đào:
Lần theo tường gấm dạo quanh
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa
Giơ tay với lấy về nhà.
Nhờ đó Kim Trọng đã được gặp lại Thuý Kiều. Lại nhân một hôm cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều làm hiệu gọi Kim bằng cách hắng giọng, lại cũng xẩy ra ở bên gốc cây đào này:
Dưới hoa sẽ dặng tiếng vàng
Cách hoa đã thấy có chàng đứng trông.
Thi hào Nguyễn Du rất khéo léo, cho Kim Trọng lúc nào cũng quanh quẩn ở gần cây đào để chờ Kiều. Thì ra cây đào đã gắn liền với những kỷ niệm về mối tình đầu giữa Kim và Kiều. Sau nửa năm xa vắng (vì Kim Trọng phải về Liêu Dương thọ tang người chú), khi mà Kim Trọng trở lại vườn Thúy, chàng thấy mọi vật đều đã thay đổi chỉ riêng có cây đào năm xưa vẫn tưng bừng nở hoa như ngày nào, như muốn trêu ghẹo nỗi cô đơn của chàng.
Tâm trạng Kim Trọng lúc này chẳng khác nào Thôi Hộ khi trở lại Đào Hoa Trang, không được gặp lại người thiếu nữ đã cho chàng bát nước giải khát trong ngày hội xuân năm trước. Thế nên, Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ cuối trong bài tứ tuyệt của Thôi Hộ để tả cảnh ngộ và tâm trạng Kim Trọng:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Như đã diễn tả ở trên cây đào, hoa đào đã làm nền cho thi ca, khơi ra những cảm xúc khiến người nhạc sĩ và thi sĩ cảm nguồn sáng tác. Người ta cũng còn khéo léo đưa hoa đào, mầu đào vào văn chương bình dân qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ hay những tiếng nói thông thường ở cửa miệng mỗi người:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
(Ca dao)
Lụa đào ở đây chỉ người con gái lúc đi lấy chồng không biết duyên phận mình ra sao, hạnh phúc hay bất hạnh chẳng khác gì tấm lụa đào bán ở chợ, gặp hên thì người mua về trang hoàng nhà cửa, phận hẩm hiu thì bị mua về may áo, may quần khi cũ thì làm giẻ lau.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã
(Tục ngữ)
Ý nói bà con chung một huyết thống, dẫu rằng xa mấy đi chăng nữa vẫn còn hơn người dưng.
Liễu yếu đào tơ: Người thiếu nữ đẹp mảnh mai.
Mơn mởn đào tơ: Người thiếu nữ tuổi dậy thì, đầy sức sống và tươi mát.
Số đào hoa: Có duyên, được nhiều người ưa thích
(Thành ngữ)
Cây đào, vườn đào, màu hoa đào đã làm nền cho thi nhân sáng tác ra những thi phẩm tuyệt vời để đời. Gợi hứng cho nhạc sĩ sáng tác những bài tình ca bất hủ, chẳng những thế nó còn làm nền cho cả văn chương bình dân nữa mà một vài câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trên đây đã đủ minh chứng thực chất của hoa anh đào thật tuyệt diệu trong đời sống của dân gian, ta phải coi là một đặc ân Tạo Hoá trao ban.


Lê Kim Anh
Last edited by khieulong on Mon Mar 09, 2015 10:41 pm, edited 1 time in total.
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Image

Xuân cảm


Đông tàn, hoa lá đón nàng xuân
Khởi sắc thiên nhiên rũ bụi trần
Nắng lụa thêu hồng mầu cẩm tú
Sương tơ dệt thắm nét thanh tân

Mai, đào e nụ chồi xanh biếc
Lan, huệ khoe hương đóa trắng ngần
Hạnh phúc miên man lời chúc nguyện
An vui trăm họ đẹp tình thân



Tiểu Vũ Vi
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Image


Nắng có còn xuân
Nhạc: Đức Trí
Tiếng Hát : Quang Linh
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Image

Em mãi mười lăm

Em còn mãi tuổi mười lăm
Tôi còn mãi ánh trăng rằm đêm xưa.
Cái thời thích những chiều mưa
Chạy rông trong xóm rào thưa mặc rào!

Em cười răng khểnh xinh sao
Tôi đem răng khểnh ấp vào đêm mơ.
Vườn em câu đợi, câu chờ
Vườn tôi vụng dại tình thơ ban đầu.

Lời yêu chưa kịp đổi trao
Đã mờ mịt nửa địa cầu xa xăm.
Em còn nguyên tuổi mười lăm
Tôi ngơ ngẩn tiếc trăng rằm đêm xưa.


Mai Hữu Phước
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Image

Mưa Xuân Phương Đó


Mưa xuân phương đó em còn
Về trong kỷ niệm với con đường tình
Ở đây anh vẫn riêng mình
Ngẩn ngơ ngày tháng linh đinh cơn sầu

Dù em áo đã thay màu
Làm sao mình nỡ quên nhau bao giờ
Biển xưa hiu quạnh đợi chờ
Sóng xô trên những dòng thơ chúng mình

Ngoài kia lời gió tự tình
Giọt hờn trên những lời kinh vô thường
Từng đêm giấc ngủ miên trường
Tìm em cơn mộng buồn vương chập chùng


Khieu Long
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Image


Gió xuân nơi này


Bên trời xứ lạ anh còn
Chờ xuân gió khóc nỉ non cuộc tình
Nơi này cõi vắng chỉ mình
Thoáng nghe lạnh giá hồi kinh gọi sầu

Áo xưa nay đã nhạt màu
Mà sao tim vẫn rỉ đau đến giờ
Bên thềm lặng lẽ ngóng chờ
Tả tơi nước mắt ngẩn ngơ riêng mình

Tìm đâu vạn hạt mưa tình
Rơi trên nỗi nhớ trắng trinh vô thường
Ru em khắc khoải canh trường
Tìm người trong mộng yêu thương ngàn trùng….


Tiểu Vũ Vi
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Post by tiendung »

Image


Tôi còn yêu
Nhạc: Phạm Duy
Trình bày; Tuấn Ngọc


Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu mãi mãi mãi!
Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người,
Tôi còn yêu tôi!

Cho dù tôi đã chết rồi!
Cho dù ai đã giết tôi
Cho dù xương trắng vẫn chất núi
Cho dù sông ngòi vẫn hoen máu người
Oán thù vẫn dài.

Vâng! Tôi còn yêu!
Tôi còn lẽo đẽo mang nhiều mộng nghèo.
Đường về cõi tiên xa vời
Nhạc trời đứt dây tơ rồi
Thần đồng gẫy đôi cánh vàng tả tơi.

Vâng! Tôi còn yêu!
Bên bờ suối vắng lạnh lẽo tiêu điều.
Dòng lệ hết vơi lại đầy
Ngập lụt thế gian đêm ngày
Chập chờn bóng ma kêu bầy cuồng quay.

Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Cho hào quang chiếu khắp thế giới
Cho giải oan rồi, cho tình ra đời cho tình lên ngôi.

Ơi tình ơi! Tôi cố nuôi
Chờ ngày mai sẽ thoát thai
Xin thành cơn gió mới, chới với
Trong nhiều đêm dài
Bay về cõi đời
Bên người yêu người.

Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu mãi mãi mãi
Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người
Tôi còn yêu ai.

Cho dù ai xa lánh tôi
Cho dù ai oán trách tôi
Cho dù duyên mới đã chắp nối
Cho tình xa vời, đã tan vỡ rồi
Tôi còn yêu hoài.

Vâng! Tôi còn yêu
Tôi còn nhớ mãi thân hình gầy yếu
Một dòng tóc mây yêu kiều
Một cặp mắt ngây hương chiều
Nụ cười đắm say tâm hồn người yêu.

Vâng! Tôi còn yêu
Tôi còn nhớ mãi làn môi ngọt ngào
Một vòng cánh tay mỹ miều
Còn lại chút hương tiêu điều
Và mộng đắng cay đi về, đìu hiu.

Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu mãi mãi mãi
Tới ngày mai rồi, xa lìa cõi đời
Tôi còn yêu ai.

Ơi người ơi! Hãy lắng tai
Nghe hồn tôi trong nắng mai
Trong làn gió mới, trong đêm tối
Trong giọt mưa dài, suốt năm tháng ngày
Yêu người, yêu hoài.

Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ... yêu!
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Một câu lục bát không thành

Một câu lục bát không thành
Hai vế thơ chợt giật mình lẻ nhau
Bên này trăng lệch hàng cau
Lẻn sang bên ấy giàn trầu đong đưa

Giao câu lục bát ngày xưa
Thấy người quan họ ngẩn ngơ đi tìm
Mất nhau từ độ Hội Lim
Đến ngàn năm vẫn đi tìm dáng ai?

Gieo câu lục bát ngày mai
Nghe lòng cũng được một vài bâng khuâng
Vẩn lên chống chếnh mấy tầng
Lại im vệt sáng lại vầng trăng xinh!

Một câu lục bát không thành
Chung quy cũng tại vì mình không đôi
Một chút em một chút tôi
May ra cũng chỉ vãn hồi chuông ngân


Khúc Hồng Thiện
hoanghoa
Posts: 2264
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Image


Đợi Chờ
Nhạc: Thuận Yến
Trình Bày: Thanh Lam


PTMC
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests