Thời Sự, Bình Luân

khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Cơ sở pháp lý xác lập chủ quyền VN tại Hoàng Sa

(VietNamNet) - Cơ sở pháp lý quốc tế và các hành động xác lập và thực thi chủ quyền rất cụ thể của VN suốt từ đầu thế kỷ XVII là những bằng chứng hiển nhiên, bất khả tranh nghị về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Mọi sự tranh giành chủ quyền với Việt Nam là hành động trái phép với luật pháp quốc tế - Bài viết của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã.

Phản đối TQ lập thành phố hành chính quản lý Hoàng Sa

Cơ sở pháp lý quốc tế về sự thiết lập chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo

Trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, các nước Hà Lan, Anh, Pháp cũng phát triển dần trở thành cường quốc, bị đụng chạm quyền lợi, không chịu chấp hành sắc lệnh của Giáo Hoàng Alexandre VI ký ngày 4 tháng 5 năm 1493 xác định nguyên tắc phân chia các vùng lãnh thổ mới phát hiện ngoài Châu Âu. Từ thực tế này, các nước đã tìm ra nguyên tắc mới về thiết lập chủ quyền trên những vùng lãnh thổ mà họ phát hiện. Đó là thuyết "quyền ưu tiên chiếm hữu" một vùng lãnh thổ thuộc về quốc gia nào đã phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Đó chính là thuyết "quyền phát hiện".

Trên thực tế, việc phát hiện như trên chưa bao giờ tự nó đem lại cho quốc gia phát hiện chủ quyền lãnh thổ vì rất khó xác định chính xác thế nào là phát hiện, xác nhận việc phát hiện và xác định giá trị pháp lý của việc phát hiện ra một vùng lãnh thổ. Vì thế việc phát hiện đã mau chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu vết trên vùng lãnh thổ mà họ phát hiện.

Sau hội nghị Berlin về châu Phi năm 1885 của 13 nước Châu Âu và Hoa Kỳ và sau khoá họp của Viện Pháp Luật Quốc Tế ở Lausanne ( Thụy Sĩ) năm 1888, nguyên tắc chiếm hữu thật sự trở thành quan điểm chiếm ưu thế trên thế giới. Điều 3, điều 34 và 35 của Định ước Berlin ký ngày 26 tháng 6 năm 1885 xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự như sau:

- “Phải có sự thông báo về việc chiếm hữu cho các nước ký định ước trên".

- "Phải duy trì trên những vùng lãnh thổ mà nước ấy chiếm hữu sự tồn tại của một quyền lực đủ để khiến cho các quyền mà nước ấy đã giành, được tôn trọng…”

Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh “mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên một danh nghĩa sở hữu độc quyền … thì phải là thật sự tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”.

Chính tuyên bố trên của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thật sự của định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế chứ không chỉ có giá trị với các nước ký định ước trên.

Nội dung chính của nguyên tắc chiếm hữu thật sự là :

1.Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành. Tư nhân không có quyền thiết lập chủ quyền lãnh thổ vì tư nhân không có tư cách pháp nhân quốc tế, vì quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia.

2. Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hoà bình trên một vùng lãnh thổ thật sự là vô chủ (res nullius) hoặc là đã được quốc gia làm chủ chủ động từ bỏ (derelicto). Dùng võ lực để chiếm một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp.

3. Quốc gia chiếm hữu trên thực tế phải thực hiện những hành động chủ quyền ở mức độ tối thiểu phù hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.

4. Việc thực hiện chủ quyền phải liên tục trên vùng lãnh thổ đó.

Ngày 10 tháng 9 năm 1919, công ước Saint Germain đã được các cường quốc lúc bấy giờ ký tuyên bố hủy bỏ định ước Berlin năm 1885 với lý do là trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa và như thế nguyên tắc chiếm hữu thật sự không còn giá trị pháp lý nữa. Song do tính hợp lý của nguyên tắc này, các luật gia trên thế giới vẫn vận dụng nó khi phải giải quyết các vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. Như phán quyết của toà án trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4 năm 1928 về vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, phán quyết của toà án quốc tế của Liên Hợp Quốc tháng 11 năm 1953 về vụ tranh chấp các đảo Minquiers và Écrehous giữa Anh và Pháp.

Những thay đổi trong pháp luật quốc tế nửa đầu thế kỷ XX đã làm thay đổi phương pháp thủ đắc chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Hợp Quốc được thành lập tiếp theo Hội Quốc Liên. Từ các cuộc chiến tranh xâm lược, Hiến Chương Liên Hợp Quốc đưa ra nguyên tắc (điều 2 khoản 14) có giá trị như một nguyên tắc pháp lý áp dụng cho tất cả các quốc gia.

Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trên đã được phát triển và tăng cường trong Nghị Quyết 26 – 25 năm 1970: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với “các quy định của Hiến Chương”. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Nghị quyết trên cũng qui định: “Các quốc gia có bổn phận không dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế , kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia.”

Năm 1982, Công ước về luật biển Liên Hợp Quốc gọi là “United Nations Convention on Law of Sea" ,viết tắt là UNCLOS Convention công bố ngày 10-2-1982 tại Montego Bay ở Jamaica đã được 159 quốc gia ký nhận. Sau khi có đủ 60 quốc gia duyệt y (ratification), kể từ ngày 16-11-1994 thoả ước UNCLOS hay LOS Convention trở thành luật quốc tế đối với các quốc gia phê chuẩn và được mang ra, thi hành, đã xác định về chủ quyền trên biển của mỗi quốc gia …

Như thế trước khi bị các nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tức đầu thế kỷ XX trở về thế kỷ XVII, theo pháp lý quốc tế theo kiểu Phương Tây lúc bây giờ, sự xác lập chủ quyền Việt Nam một cách thật sự, liên tục, hoà bình là cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Đến khi chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm, vào thời đểm 1909, pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888.

Sau đó Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Luật Biển 1982 cũng là cơ sở pháp lý quốc tế mà các thành viên ký kết bao gồm các nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei đều phải tôn trọng.

Tính pháp lý quốc tế của sự xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa

Vào đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, năm 1909, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hoà bình và thực thi liên tục theo đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế lúc bấy giờ với những chứng cứ sau đây:

Một là với tính cách nhà nước, đội Hoàng Sa, một tổ chức bán quân sự đã được giao nhiệm vụ, riêng một mình kiểm soát và khai thác định kỳ, liên tục và hoà bình hải sản quý cùng các sản vật kể cả súng ống của các tàu đắm tại các đảo Hoàng Sa suốt thời Đại Việt, trong thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, tức từ đầu thế kỷ XVII đến năm 1801 và sau đó là buổi đầu triều Nguyễn từ 1802 – đến trước 1815. Từ năm 1816, đội Hoàng Sa phải phối hợp với thủy quân. Hàng năm, đội Hoàng Sa hoạt động trong 6 tháng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch (tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) để phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng biển của quần đảo Hoàng Sa.

Hai là suốt thời nhà Nguyễn, bắt đầu từ 1816, thủy quân được giao trọng trách liên tục kiểm soát, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.

Ba là về mặt quản lý hành chánh liên tục suốt trong 4 thế kỷ từ thế kỷ XVII đến năm 1974 (khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm), Hoàng Sa được các chính quyền ở Việt Nam để thể hiện quyền lực tối thiểu của mình, đặt dưới sự quản lý hành chánh của Quảng Ngãi (khi là phủ hoặc là trấn hay tỉnh qua từng thời kỳ lịch sử) hoặc của tỉnh Thừa Thiên (thời Pháp thuộc) hoặc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thời chia cắt Nam Bắc) rồi đến thành phố Đà Nẵng (thời thống nhất đất nước).

Việc xác định sự quản hạt này hoặc đựợc ghi trong các sách địa lý của nhà nước biên soạn như bộ Hoàng Việt Địa Dư Chí hoặc Đại Nam Nhất Thống Chí dưới triều Nguyễn, hoặc do chính hoàng đế hay triều đình (Bộ Công) như thời vua Minh Mạng khẳng định, hoặc bằng các dụ, sắc lệnh, quyết định của chính quyền ở Việt Nam như dụ của Bảo Đại, triều đình Huế, Toàn Quyền Đông Dương ở thời Pháp thuộc, hoặc tổng thống, tổng trưởng trong thời kỳ Việt Nam bị chia cắt, hoặc quyết định, nghị quyết của nhà nước, quốc hội thời độc lập thống nhất. Điều này khác với Trung Quốc, chỉ xác định sự quản lý hành chánh sau năm 1909 tức vào năm 1921 và rồi vào năm 1947… có nghĩa là sau Việt Nam hơn 3 thế kỷ. Còn tất cả chỉ là suy diễn không có bằng chứng cụ thể rõ ràng.

Chính quyền ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, ngay cả thời Pháp thuộc, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, nên ngay cả khi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép sau chiến tranh thế giới thứ 2 hay năm 1974, quần đảo Hoàng Sa vẫn được tỉnh Quảng Nam và từ năm 1997 đến nay là thành phố Đà Nẵng quản lý.

Bốn là trước thời kỳ bị xâm phạm, bất cứ dưới thời đại nào, nhà nước ở Việt Nam cũng có những hành động tiếp tục khẳng định và thực thi chủ quyền hàng năm như đo đạc thủy trình, để vẽ bản đồ do đội Hoàng Sa cuối thời chúa Nguyễn hay do thủy quân từ năm 1816 dưới triều Nguyễn (bộ Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên hoặc Đại Nam Hội Điển Sự Lệ của Nội Các, hoặc Châu Bản triều Nguyễn đã ghi rất rõ, đã được trình bày trong phần tài liệu). Sau này, từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1974, Việt Nam cũng tiếp tục tổ chức các đoàn thám sát, đo đạc, vẽ bản đồ.

Năm là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Nguyễn, nhất là từ năm 1836 trở thành lệ, hàng năm đều luôn luôn tổ chức xây dựng bia chủ quyền từng hòn đảo. Trong thời bị xâm phạm cũng thế, các chính quyền ở Việt Nam luôn tiếp tục cho dựng bia chủ quyền thay thế bia bị hư hỏng.

Sáu là trước thời kỳ bị xâm phạm, các triều đại Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng của triều Nguyễn đã cho dựng miếu thờ làm bằng nhà đá (đá san hô), đào giếng mà năm 1909 các đoàn khảo sát đầu tiên của Trung Quốc ở Hoàng Sa đã trông thấy và khẳng định không biết có từ thời nào. Riêng tại đảo Phú Lâm, tài liệu Trung Quốc [ ghi có miếu ghi rõ Hoàng Sa Tự của Việt Nam. Sau khi có sự xâm phạm, chính quyền ở Việt Nam cũng tiếp tục cho xây miếu và nhà thờ.

Bảy là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Nguyễn nhất là thời vua Minh Mạng đã cho trồng cây tại các đảo để cho thuyền bè ở đàng xa nhận thấy, tránh bị nạn, và các nhà nghiên cứu thực vật như La Fontaine cũng thừa nhận các thực vật cây cối ở Hoàng Sa phần lớn có nguồn gốc ở Miền Trung Việt Nam.

Tám là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Gia Long như tài liệu phương Tây của Gutzlaff viết trong The Journal of The Geographical Society of London, vol 19, 1849, trang 97, đã cho biết Việt Nam đã thiết lập trại binh nhỏ và một điểm thu thuế. Đến thời kỳ bị xâm phạm từ năm 1909, các chính quyền Việt Nam lại là chính quyền sớm nhất đã tổ chức các trại lính đồn trú ở đảo Hoàng Sa (Patlle). Trong khi Trung Quốc chỉ cho quân chiếm đóng một thời gian ngắn sau chiến tranh thế giới lần 2 rồi rút đi (năm 1956, Trung Quốc chiếm lại đảo Phú Lâm (Ile Boisée). Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm trái phép các đảo còn lại trong các trận đánh trên đảo và ở biển với hải quân Việt Nam Cộng Hoà, kết thúc vào ngày 20 –1-1974).

Chín là chính quyền ở Việt Nam đã cho xây trạm khí tượng đầu tiên tại đảo Hoàng Sa (Pattle) vào năm 1938 hoạt động trong thời gian dài cho đến khi Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực năm 1974.

Mười là trước thời kỳ bị xâm phạm tức năm 1909, chính các hoàng đế Việt Nam như vua Minh Mạng và triều đình, cụ thể là Bộ Công đã lên tiếng khẳng định Hoàng Sa là nơi hiểm yếu trong vùng biển của Việt Nam, nằm trong cương vực của Quảng Ngãi.

Mười một là trước khi bị xâm phạm, chưa có một hải đảo nào được nhiều tài liệu chính thức của nhà nước, từ chính sử địa lý của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, hoặc địa dư như Hoàng Việt Dư Địa Chí, Đại Nam Nhất Thống Chí, hoặc sách hội điển, một loại pháp chế ghi những điển chương pháp chế của triều đình như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ. Cũng chưa có một hải đảo nào tại Việt Nam lại được những nhà sử học lớn của nước Việt Nam đề cập đến như Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục (1776), Phan Huy Chú (1821) trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí , Dư Địa Chí, hay Nguyễn Thông trong Việt Sử Cương Giám Khảo Lược. Đặc biệt việc xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa lại còn do sách của chính người Trung Hoa viết như Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán viết năm 1696. Đó là chưa kể nhiều tác giả tây Phương như là Le Poivre (1749), J Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849)… cũng đã khẳng định rõ ràng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam!

Mười hai là bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ Của Giám mục Taberd trong cuốn Tự Điển Việt – La Tinh, nhan đề Latino – Anamiticum xuất bản năm 1838 đã ghi rõ : Paracel Seu Cát Vàng ở Biển Đông. Trong khi bản đồ "An Nam" này chỉ vẽ có Paracel Seu Cát Vàng, lại không có vẽ Hải Nam của Trung Quốc trong biển Đông. Rõ ràng bản đồ An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ đã minh chứng Cát Vàng tức Hoàng Sa chính là Paracel nằm trong vùng biển của Việt Nam.

Như thế với chức năng kiểm soát sự khai thác các sản vật ở Biển Đông và những hành động cụ thể trực tiếp khai thác các sản vật của Đội Hoàng Sa, một tổ chức dân binh liên tục gần hai thế kỷ suốt từ đầu thế kỷ XVII cho đến năm 1816 cùng những hành động xác lập và thực thi chủ quyền rất cụ thể như nêu cột mốc, dựng bia, xây miếu, trồng cây, đo đạc thủy trình vẽ bản đồ của thủy quân Việt Nam từ năm 1816 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vua và triều đình cũng như những lời tuyên bố của vua , triều đình nhà Nguyễn và sự quản hạt hành chánh vào Quảng Ngãi từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX là những bằng chứng hiển nhiên, bất khả tranh nghị về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Mọi sự tranh giành chủ quyền với Việt Nam là hành động trái với luật pháp quốc tế.

Nguyễn Nhã (Tiến sĩ sử học)

http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2007/12/758497/
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

TRUNG QUỐC VÀ PHẢN QUỐC
Trần Gia Phụng
1.- CHUYỆN DÀI TRUNG QUỐC

Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt, vì không thể nào thay đổi khu vực địa lý chính trị. Các nhà cầm quyền Trung Quốc, dù bất cứ chế độ nào, luôn luôn tìm cách thôn tính Việt Nam, bành trướng xuống Đông Nam Á. Điều nầy không cần chứng minh, người Việt Nam nào cũng biết.

Gần đây, ngày 2-12-2007, Trung Quốc công bố rằng quốc vụ viện (quốc hội) của họ đã phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa). Trong ba quần đảo nầy, tài liệu lịch sử Việt Nam cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam từ lâu đời. (Tài liệu của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời Trần Văn Hữu trong Hội nghị San Francisco (8-9-1951), thời Việt Nam Cộng Hòa…)

Tức thì, tin Tam Sa gây phản ứng từ nhiều phía người Việt. Trước hết, phải kể đến nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) ở trong nước. Ngày thứ Hai, 3-12-2007, Thông tấn xã Việt Nam đã thuật lại lời của ông Lê Dũng, phát ngôn viên bộ Ngọai giao Việt Nam, như sau: “Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của VN, không phù hợp với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên…VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…Trước sau như một, VN chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông và khu vực.” (Tuổi Trẻ, 4-12-2007.)

Phản ứng của dân chúng Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước rất sôi nổi. Ở ngoài nước, người Việt phản ứng mạnh mẽ đã đành, mà ở trong nước, tại Hà Nội và Sài Gòn, cũng xảy ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Đây là những cuộc biểu tình hết sức đặc biệt dưới chế độ CSVN, mà theo nhà văn Hoàng Hưng: “Trong cuộc đời hơn 50 năm sống dưới chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một cuộc biểu tình tự phát của người dân. Người “tổ chức” cuộc biểu tình là các blogger đã truyền đi trên internet lời kêu gọi từ mấy hôm trước. Và bất chấp những ý kiến cảnh cáo răn đe, rằng kẻ kêu gọi là phần tử phản động, rằng tham gia biểu tình là chống lại đường lối giải quyết mâu thuẫn bằng con đường chính thống của nhà nước, là bị “bọn dân chủ” lợi dụng để chống chính quyền… cuộc biểu tình đã diễn ra suốt ba tiếng đồng hồ ở trung tâm thành phố trước sự chứng kiến của đông đảo lực luợng an ninh mà không có sự cố gì xảy ra… (Hoàng Hưng, “Khi lòng yêu nước không bị áp đặt”, Talawas, 11-12-2007)

Ở Sài Gòn, “9h sáng đến 12h30 trưa, ngày 9 tháng 12 năm 2007 - Ðây sẽ là một ngày có ba tiếng rưỡi thật đáng nhớ đối với riêng tôi và những người đã có mặt trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn hay tại Ðại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Những người mà tôi không biết tên tuổi, gia cảnh, nhưng chắc chắn họ cũng như tôi, cùng trưởng thành dưới môi trường xã hội chủ nghĩa, dưới sự điều hành duy nhất của Ðảng Cộng sản trong suốt hơn 32 năm. đoàn kết bên nhau trong cùng một tiếng nói chung… Ðối với những người thuộc thế hệ tôi, thế hệ 8x, thì cuộc biểu tình này là lần biểu tình đầu tiên của cuộc đời, trong suốt hai mươi mấy năm sinh ra trên quê hương Việt Nam. Ðây, cuộc mở miệng đầu tiên của chúng tôi. Ðây, lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một trong những quyền cơ bản của con người. Ðây, chúng tôi cảm nhận được nhiệt huyết sôi sục trên gương mặt nhau. Ðây, chúng tôi nhắc nhở cho chính phủ Việt Nam biết nhân dân Việt Nam còn tồn tại và biết họ cần làm những gì cho đất nước. Còn đối với những thế hệ xx khác ở miền Nam, có lẽ từ thời Ngô Ðình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu, thì mãi đến bây giờ họ mới có dịp sống lại cảm giác hãnh diện của tình yêu nước trong một tập thể. Còn đối với những người ngoài Bắc, có lẽ họ cũng đang thử ôn lại xem đã bao nhiêu năm rồi mới sống một ngày trọn vẹn và có ý nghĩa như ngày 9/12 hôm đó.” (Lynh Bacardi, “Hãy tự cho chúng ta thêm nhiều lần lên tiếng”, Talawas, 12-12-2007.)

2.- TRUNG QUỐC VÀ PHẢN QUỐC

Chuyện dài Trung Quốc chia thành hai tập rõ rệt. Tập thứ nhất, từ thời lập quốc đến thế kỷ 19, là những thiên anh hùng ca giữa nước của dân tộc, với các chương nổi bật như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Quang Trung... Tập thứ hai, từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, chuyện dài Trung Quốc hoàn toàn đổi chiều, chỉ là những trang thảm sử nhục nhã do đảng CSVN dựng nên. Tập hai nầy có thể chia làm hai chương chính từ 1924 đến 1954 và từ 1954 đến 1975.

Chương thứ nhất bắt đầu với Nguyễn Ái Quốc. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc (người Việt Nam có tên Nga là Lin hay Linov), ủy viên Đông phương bộ, phụ trách cục phương Nam, một cán bộ lãnh lương của Đệ tam Quốc tế Cộng sản (QTCS), từ Liên Xô qua Trung Hoa để phát triển cộng sản xuống vùng Đông Nam Á. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc với đảng Cộng Sản Trung Hoa (CSTH) và mời Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai đến giảng dạy tại những khóa huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc lập ra để đào tạo cán bộ. Nguyễn Ái Quốc chính là người đại diện QTCS đứng ra thành lập đảng CSVN tại Hương Cảng ngày 6-1-1930 (Sau vâng lệnh đảng CS Liên Xô, đổi thành ngày 3-2-1930.)

Cuộc giao du giữa hai đảng CSVN và CSTH bắt đầu từ đây. Khi đến Trung Hoa lần thứ ba, Nguyễn Ái Quốc đến căn cứ Diên An, nơi đặt bộ chỉ huy CSTH, trong nhiều tuần lễ vào mùa thu năm 1938, có thể để học tập và huấn luyện. Trong giai đọan đầu của cuộc chiến chống Pháp, Việt Minh (một mặt trận của CSVN) thất bại, phải co cụm lên rừng núi và về nông thôn.

Vì vậy, vừa được tin Mao Trạch Đông chiến thắng và thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 1-10-1949, Hồ Chí Minh gởi liền hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy đến Bắc Kinh vào cuối năm đó để xin viện trợ. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tt. 10-15.)

Tiếp theo, đích thân Hồ Chí Minh qua Bắc Kinh và Moscow vào đầu năm 1950. Tại Moscow, Hồ Chí Minh lãnh chỉ thị về thực hiện Cải cách ruộng đất sắt máu theo kiểu cộng sản. Trên đường về, trở lại Bắc Kinh, Hồ Chí Minh ký với các nhà lãnh đạo Trung Quốc Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương giữa hai bên. Từ đó, CSTH cử La Quý Ba sang làm cố vấn cho Hồ Chí Minh, và ào ạt viện trợ cho VM.

Từ tháng 4 đến tháng 9-1950, Trung Quốc viện trợ cho VM 14,000 súng, 17,000 súng tự động, 150 trọng pháo đủ lọai, 2,800 tấn lúa, cùng đạn dược, quân phục, máy truyền tin, thuốc men…(Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập B, Houston: Văn Hóa, 1997, tr. 191.)

Theo tài liệu của CSVN, từ tháng 12-1950 đến tháng 6-1954, “chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng Hòa đã nhận được viện trợ của quốc tế là 21,517 tấn vật chất, bao gồm vũ khí, đạn dược, nguyên liệu quân giới, vận tảixăng dầu, gạo, thực phẩm, quân trang, quân y, thông tin, công binh (trong đó vũ khí đạn dược là 4,253 tấn; vận tải xăng dầu là 5,069 tấn; gạo, thực phẩm – 9,590 tấn.) Tổng số viện trợ trị giá 136 triệu đồng nhân dân tệ (34 triệu rúp) theo thanh tóan giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong số đó, vũ khí trang bị kỹ thuật gồm có 24 khẩu sơn pháo 75 ly, 24 khẩu lự pháo 105 ly, 76 khẩu pháo cao xạ 37 ly (của Liên Xô), 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6 (của Liên Xô, 715 xe ô tô vận tải (trong đó có 685 xe của Liên Xô).” (Lê Mậu Hãn chủ biên, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Hà Nội: Giáo Dục, 2001, tr. 103.)

Viện trợ nhiều, thì ân tình nhiều. Sau năm 1954, Bắc Việt tiến lên xã hội chủ nghĩa, càng ngày càng nghèo đói, lấy gì trả nợ ân tình? Để đền ơn đáp nghĩa, nhà cầm quyền Hà Nội không có gì ngoài việc lấy của gia bảo là đất đai do cha ông để lại, để hiến dâng cho Bắc Kinh.

Theo tài liệu về phía Trung Quốc, "Vào tháng Sáu năm 1956, hai năm sau khi chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã thành lập tại Hà Nội, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Ung văn Khiêm đã nói với ông Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, rằng theo dữ liệu của Việt Nam thì đảo Tây Sa (tức Paracels, Hòang Sa) và đảo Nansha (tức Spratleys, Trường Sa) là một phần thuộc Trung Quốc theo lịch sử." (Quan điểm của Bắc Kinh về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, RFA 12-12-2007.)

Tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc có thể không đáng tin, nhưng thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng đề ngày 14-9-1956, gởi cho thủ tướng Chu Ân Lai, thì là thật đáng tin vì chứng tích rõ ràng còn để lại, nguyên văn như sau:

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1959 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Chương hai tập hai chuyện dài Trung Quốc từ 1954 đến 1975 được tiếp nối bằng viện trợ của Trung Quốc để tấn công Việt Nam Cộng Hòa. Trung Quốc chẳng những viện trợ súng ống, đạn dược mà cả quân viễn chinh nữa. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 30-7-1979, một viên chức ngọai giao Trung Quốc cho biết tứ năm 1954 đến 1971, 300,000 binh sĩ Trung Quốc đã chiến đấu bên cạnh binh sĩ Bắc Việt, trong đó hàng ngàn người đã tử trận và hàng chục ngàn người đã bị thương..(Jacques Massu, Jean-Julien Fonde, L’aventure Viet-Minh, Paris: Plon, 1980, tr. 293, phần chú thích.)

Tiết lộ của của viên chức ngọai giao Trung Quốc được một tài liệu của một cựu cán bộ CSVN là ông Nguyễn Minh Cần xác nhận khi ông cho biết Bắc Việt đã mời quân Trung Cộng vào đóng giữ từ khu Việt Bắc xuống tới Hà Nội. (Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, California: Văn Nghệ, 1997, tr. 114.)

Trở lại cuộc họp báo của viên chức bộ Ngọai giao Trung Quốc, ông ta còn xác định số lượng võ khí Trung Quốc viện trợ cho CSVN từ 1950 đến 1977 lên đến 2,000,000 súng hạng nhẹ, 27,000 đại pháo, 270 triệu băng đạn, 18 triệu đạn đại pháo, 179 chiếc máy bay và 145 chiến hạm.(Jacques Massu, Jean-Julien Fonde, sđd. tr. 293, phần chú thích.)

Các số liệu viện trợ của Trung Quốc chuyển cho đảng CSVN được trích dẫn trên đây có thể còn thiếu sót so với thực tế. Đó là chưa kể những giúp đỡ về chính trị và ngọai giao trên trường bang giao quốc tế. Tuy nhiên tất cả những tài liệu tạm dẫn đó cũng đủ để giải thích vì sao, CSTH rất tức giận khi CSVN quay mặt với Trung Quốc, để chạy theo Liên Xô năm 1978. Sau đó, vì Liên Xô sụp đổ năm 1991, CSVN đành trở lại quy thuận Trung Quốc.

Từ đó, trước mặt Trung Quốc, đảng CSVN trở nên mềm nhủn, nhu nhược, và liên tiếp ký hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển cho Trung Cộng. Thứ nhất là “Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc” ngày 30-12-1999 (mất ải Nam Quan) và thứ hai là “Hiệp ước phân định lãnh hải” ngày 25-12-2000 (mất khoảng 10,000 Km2 mặt biển Vịnh Bắc Việt). Chuyện biên giới là chuyện dai dẳng cả trăm năm chưa giải quyết, mà vì quá nhu nhược trước mặt Trung Quốc, đảng CSVN ký liền hai hiệp ước, làm mất đất đai do tổ tiên dày công xây dựng.

Như thế, vì tham vọng quyền lực, vì muốn duy trì sự lãnh đạo của đảng CSVN, nên CSVN chạy theo cầu cạnh Trung Quốc, phục vụ quyền lợI Trung Quốc, nhượng đất cho Trung Quốc và phạm tội phản quốc. Nói ngắn ngọn: Đi với Trung Quốc nên phản quốc. Chuyện Tam sa ngày 2-12-2007 chỉ là diễn biến mới trong câu chuyện phản quốc của CSVN. Câu chuyện nầy chắc chắn sẽ chưa kết thúc nếu CSVN cứ tiếp tục cầm quyền tại Việt Nam

3.- DẸP PHẢN QUỐC ĐỂ CHỐNG TRUNG QUỐC

Trung Quốc là một trong những đại nạn của lịch sử Việt Nam. Đại nạn nầy càng gia trọng khi những kẻ phản quốc cầm quyền, luôn luôn manh tâm bán đứng đất nước để mưu đồ quỵền lực và quyền lợi riêng tư. Hãy trở lui với phản ứng của nhà cầm quyền CSVN đối với vụ Tam Sa.

Lê Dũng, phát ngôn viên bộ Ngọai giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nói: “Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của VN, không phù hợp với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên…VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…Trước sau như một, VN chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông và khu vực.”

Có ba điều cần nhấn mạnh: 1) Trong sinh họat dân chủ, cấp cao nhất là Quốc hội. Việc Tam Sa do Quốc hội Trung Quốc quyết định. Vậy cấp cao hơn là ai? Phải chăng là Bộ Chính trị đảng CSTH? Bộ Chính trị đảng CSTH cũng nằm trong Quốc hội và điều khiển Quốc hội, thì còn ai cao hơn? 2) Đúng là lịch sử Việt Nam có đủ bằng chứng rằng các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, TRUNG QUỐC nói rằng họ cũng có đủ bằng chứng cho thấy Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, và đảng CSVN đã nhượng các vùng đất và biển nầy cho Trung Quốc. Đảng CSVN trả lời sao đây? Đối với người Việt Nam, những bằng chứng nầy là bằng chứng PHẢN QUỐC của đảng CSVN. 3) Nói đến công ước Liên Hiệp Quốc, thì hiện nay, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vừa mới giữ ghế không thường trực hai năm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Giải quyết những vụ tranh chấp, xâm lăng lãnh thổ giữa các nước trên thế giới, nằm trong chức năng của HĐBALHQ. Việt Nam đang ngồi trong Hội đồng mà không dám đưa vấn đề ra Hội đồng. Việt Nam cũng không đưa ra kiện tụng ở Tòa án Quốc tế đặt tại The Hague (Hòa Lan). Thế thì nói công ước quốc tế làm gì?

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Thế mà CSVN quá sợ nhà cầm quyền Bắc Kinh, nên không dám đánh. Quân đội Nhân dân “anh hùng” của CSVN đứng bất động. Không lẽ “anh hùng” là nhờ Quân đội nhân dân chỉ là công cụ để CSVN đàn áp dân chúng, giúp CSVN bán dần và bán rẻ đất đai của tổ tiên cho Trung Quốc?

Cộng Sản Việt Nam sợ Trung Quốc đến nỗi ở trong nước không cho phép dân chúng biểu tình phản đối Trung Quốc. Một ví dụ cụ thể là thông báo của Trường Đại Học Công Nghệ thuộc Viện Đại Học Hà Nội được đưa lên mạng lưới thông tin quốc tế, khuyên sinh viên không nên tổ chức hay tham gia biểu tình mà phải chờ đợi chủ trương của nhà nước theo đường lối ngọai giao.

Trong khi đó, mặt khác CSVN vẫn sợ bị lên án là khiếp nhược trước sự xâm lăng từ phương Bắc, nên tuy cấm biểu tình, nhưng nhà cầm quyền CSVN không đàn áp, bắt giam những người phản đối và biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn ngày 9-12-2007, mà chỉ theo dõi, duy trì trật tự, khác với những cuộc tụ họp khiếu kiện gần đây của dân oan.

Cũng có thể CSVN cũng cần những cuộc biểu tình nầy vì hai lẽ: Thứ nhất, dựa trên cơ sở lòng dân, Hà Nội sẽ kiếm cách thương thuyết với Bắc Kinh, xin nhẹ tay để khỏi bị tai tiếng phản quốc. Thứ hai, việc chống Trung Quốc sẽ giúp đánh lạc hướng dư luận dân chúng trong nước và trên thế giới, hiện đang xôn xao đòi hỏi tự do dân chủ, đòi tự do chính trị, tự do báo chí, đòi thả những người bất đồng chính kiến, thả những tù nhân lương tâm, đòi giải quyết những vụ khiếu kiện của dân oan. Nghĩa là trong cơn bối rối, Hà Nội muốn chuyển mục tiêu tranh đấu và lòng căm giận của dân chúng về phía Bắc Kinh, nhằm làm giảm nhẹ áp lực của dư luận đối với CSVN. Do đó, chúng ta cần thận trọng tránh cạm bẫy nầy của CSVN.

Khi tổ chức và tham gia biểu tình, các anh chị em thanh niên, sinh viên chẳng những dạy cho đảng CSVN một bài học thực hành đích đáng về lòng yêu nước, mà các anh chị em còn nhắc nhở việc thực hành bài học yêu nước nầy cho những nhà khoa bảng, trí thức, giáo sư, giáo viên, không phải chỉ nói chuyện lý thuyết suông, mà cần phải chuyển hóa lòng yêu nước thành hành động cụ thể. Trong biến cố vừa qua, với những điều kiện của mình, giới khoa bảng trí thức, giáo sư chắc chắn biết rõ tin tức nầy. Giới trí thức, giáo sư thường đứng trên bục giảng, dạy cho con em lòng yêu nước, nhưng không “thức” mà đã “ngủ” hết, nên không thấy lên tiếng. Các “Việt kiều yêu nước” ở hải ngoại, được Hà Nội ồn ào khen thưởng, mời về nước phong tặng huy chương mấy năm gần đây, cũng lặn đâu mất rồi? Chỉ có giới trẻ trong nước can đản đứng lên hành động!

Phải nói ngay là hành động của thanh niên, sinh viên học sinh trong nước nhanh chóng phản ứng đối với vụ Tam Sa, thật đáng hoan nghênh và cảm phục. Hành động của anh chị em cho thấy dầu bị CSVN áp bức, kềm kẹp về chính trị, anh chị em luôn luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước vốn tiềm ẩn luân lưu trong dòng máu Việt.

Hy vọng cuộc biểu tình ngày 9-12-2007 sẽ tiếp tục bằng những cuộc phản kháng sắp đến. Chúng ta cần chú ý rằng nguồn gốc của vụ Tam Sa, hay của những hành động xâm lăng ngang ngược của CSTH, chẳng những do bản chất hiếu chiến và xâm lăng của tập đòan lãnh đạo Bắc Kinh, mà còn bắt nguồn từ kẻ nội thù của người Việt. Kẻ nội thù đó chính là đảng CSVN, kẻ đã thụ ơn Trung Quốc, làm tay sai cho Trung Quốc, sợ sệt Trung Quốc, từ từ nhượng bộ Trung Quốc hết điểm nầy đến điểm khác.

Trong khi nhu nhược với Trung Quốc, CSVN hết sức độc tài ở trong nước. Cho đến nay, vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam vẫn chưa có tự do chính trị, chưa có tự do bầu cử, chưa có tự do báo chí, nghĩa là CSVN vẫn duy trì chế độc độc tài. Ở trong nước càng độc tài, càng đàn áp, CSVN càng bị phản đối từ nhiều phía, từ dân chúng trong nước, đến dư luận thế giới. Càng bị phản đối, CSVN lại càng bám gót Trung Quốc để tiếp tục tồn tại. Càng bám gót Trung Quốc, CSVN càng nhượng bộ, càng PHẢN QUỐC.

Hồ Chí Minh đã từng mượn biệt hiệu ÁI QUỐC của các nhà cách mạng yêu nước chân chính để làm tên riêng, nhưng khi qua Liên Xô, lãnh lương của ĐTQT, lãnh sứ mạng phát triển cộng sản xuống Đông Nam Á, đưa chủ nghĩa Mác-xít về làm hại đất nước, ÁI QUỐC trở thành PHẢN QUỐC.

Học trò của Hồ Chí Minh trong đảng CSVN tiếp tuc sách lược của ông ta, làm tay sai cho TRUNG QUỐC, tiếp tục PHẢN QUỐC không khác gì lãnh tụ của họ. Vì vậy, muốn chống TRUNG QUỐC hữu hiệu, trước tiên phải dẹp bỏ PHẢN QUỐC. Chỉ khi nào kẻ PHẢN QUỐC không còn, thì mới chấm dứt tình trạng nhượng bộ đất đai, mới có thể nói chuyện tập hợp tổng lực toàn dân, chống TRUNG QUỐC một cách hữu hiệu, như trước kia nhà Lý, nhà Trần đã làm.

TRẦN GIA PHỤNG(Toronto, 10-12-2007)
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tổ Quốc Lâm Nguy
Thưa quý vị cùng các bạn trẻ,

Dù muốn dù không, con người cũng phải có nguồn gốc, do sự hiện diện của mình trong cộng đồng dân tộc, con người không thể thoát khỏi sự chi phối của lịch sử. Họ không thể đóng vai trò bàng quang trước các vấn đề chính trị. Những vấn đề có ảnh hưởng sâu xa đến cái thiêng liêng căn bản tối cao của con người là Tổ Quốc.

Thưa quý vị cùng các bạn,
Ðứng trước tình trạng Trung Cộng ngang nhiên xâm chiếm quần đảo Trường sa, Hoàng Sa, và nhiều vùng đất, vùng biển của nước ta với một sự ngạo mạn ghê gớm đến như vậy, một sự thách thức như vậy đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, ta có thể tiếp tục im lặng và nhẫn nhục được nữa không?

Thưa quý vị cùng các bạn,
Sứ mệnh thông thường của người công dân là bảo vệ Tổ Quốc, không thể ích kỷ sợ hãi. Hơn 84 triệu đồng bào Việt Nam không phải là con số vô cảm, vô hồn. Vì không thể chấp nhận chúng ta là một con số không, tôi tin rằng vận mệnh của đất nước là do hành động của chúng ta, và thuộc về quyền định đoạt của toàn dân, chứ không thuộc một nhóm người nào.

Tôi ví nhân dân như là một dòng sông nước chẩy mạnh, khi bị chặn lại lâu ngày, nước dâng lên cao sẽ đến ngày giờ tràn ngập, cuốn phăng đi các vật cản trở nó. Vân mệnh của một dân tộc cũng vậy, nó chỉ cho thấy sức mạnh vô địch của nó tàng ẩn trong lòng quần chúng, một sức mạnh không ai chối bỏ được, một sức mạnh có thể thấy được và rờ mó được đó là nhân dân
.
“Trong Vương triều nhà Trần luôn luôn bị sức mạnh từ bên ngoài đè nặng không thể tưởng tượng được. Nhưng sự thống nhất trong nội bộ của nó luôn luôn được ổn định và nhân dân đều cùng một lòng, thì cho dù giặc Mông Cổ có sức mạnh mẽ, hùng cường đến đâu cũng chẳng làm gì nổi. Trên thực tế, chưa bao giờ có một sức mạnh đáng kể bên ngoài nào uy hiếp được triều đại nhà Trần. Ðây là một bài học được rút ra từ thực tế của lịch sử chứ không phải bằng lý thuyết”(1).

Trong hiện tại qua cuộc biểu tình của sinh viên và nhân dân ngày 9-12 trước cửa Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn, để phản đối việc Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta, chúng ta chứng kiến thấy luồng sinh khí ái quốc vẫn luân lưu trong lòng người Việt Nam.

Ôi Hoàng Sa, Hỡi Hoàng Sa yêu dấu
Ðất đai ta một mảng cũng thịt sương
Tổ Quốc ta một tấc cũng tim gan
Xương thịt đứt thì tim gan đau sót!
(Thơ của Phạm Lê Phan Tết Giáp Dần 1974)

Hỡi đồng bào,
Hoàng Sa, Trường Sa không thể phân chia khỏi lãnh thổ Việt Nam, cũng không thể nhượng lại cho bất cứ kẻ nào. Hơn 84 triệu đồng bào cùng một lòng bảo vệ. Trọng trách bảo vệ Tổ Quốc được giao phó cho mọi người dân Việt, không phải chỉ cho một nhóm người nào.

Ðối với những người cộng sản Việt Nam, giờ phút này nhiều người có thể biết được con người thực sự của họ. Nhân đây tôi cũng muốn nói với các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt nam rằng: Lúc này, hơn lúc nào hết các anh chỉ có hai lựa chọn, hoặc là theo giặc, hoặc là cùng đứng trong hàng ngũ nhân dân để giữ nước.

Tổ Quốc réo gọi các anh thức tỉnh, thời gian không chờ đợi lâu, phải xuất hiện, và các anh sẽ được đón tiếp với một tình thương bao dung. Không có một cánh cửa nào đóng lại đối với những ai biết hối cải. Các anh phải hiểu rằng, tất cả nhân dân đều căm ghét và chán ngán bọn bám đít ngoại bang từ lâu rồi.

Giặc đã vào nhà bắng bạo lực, mà chủ trương đối phó của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam vẫn là: “Trước sau như một Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.”(2). Ðây là một chủ trương trước sau như một đầu hàng vô điều kiện của những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.

Muốn nắm giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cần phải dựa vào nhân dân, vì những hiệp định mà không có cây gươm cũng chỉ là từ ngữ thôi. Hãy chấm dút nhắc lại 16 chữ vàng, lặp lại theo lời phát biểu của Tề Kiến Quốc đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội ngày 14-1-2005. : “Láng giềng hữu nghị hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tương lai”.

Ðừng có hy vọng hão, tấm gương lớn các hòa ước của triều đình nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp đấy. Năm 1878 triều đình Tự Ðức dẫu đã dâng cho Pháp Lục Tỉnh để cầu hòa và chỉ tin vào vài ba cái hòa ước là mất cả nước. Trước mắt là nước Tây Tạng, quốc tế làm gì được kẻ cướp? Tất cả sự thật lịch sử đã bày ra trước mắt, mà ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam còn muốn ký hiệp ước hòa bình với Bắc Kinh gì nữa đây, hay các anh muốn giữ: “Mối tình thắm thiết Việt Trung vừa là đồng chí vừa là anh em” như lời nói của Hồ chí Minh.

Ðây là một tinh thần phản lịch sử, phản quốc, nhu nhược mù quáng. Các anh đừng có tự an ủi và hy vọng vào sự thiện chí của Trung Quốc, chó sói không chịu ăn chay đâu. Tin ở họ, nếu các anh chết chìm, định kéo cả toàn dân chìm theo các anh hay sao? Tôi phải lưu ý các anh trong phần kết này: Các anh dâng Hoàng Sa, Trường Sa giặc lấn nữa, các anh dâng đất, dâng biển giặc lại lấn nữa, rồi lại ký hiệp định nữa sao? Không hề có một hiệp ước nào, không hề có một quy ước nào có giá trị đối với kẻ cướp cả.

Mất Trường Sa, Hoàng Sa sẽ ảnh hưởng đến những biến cố khác theo ý muốn của Bắc Kinh… Nếu chúng ta không thoát khỏi được tình trạng này Trung Cộng sẽ chiếm hết các tỉnh phía Bắc và họ đang làm việc đó. Họ không phải chỉ muốn có Hoàng Sa, Trường Sa, mà họ cũng như cha ông của họ thèm muốn cả nước Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam, chỉ có thể thoát khỏi tình trạng này bằng cách đoàn kết toàn dân thành một khối, và loại bỏ hẳn những tên đầu xỏ bán nước… Chúng cản trở tình cảm bảo vệ Tổ Quốc của nhân dân. Yêu nước, biểu thị lòng yêu nước, không cần có giấy phép.

Trong lúc tổ quốc lâm nguy, ta không thể để cho con người nhu nhược, ngập ngừng khi phải đương đầu với một vấn đề sanh tử, mất còn của Tổ Quốc. Con người đó sẽ trở thành đầu mối cho mọi hiểm họa của dân tộc. Họ hèn hạ và tủi nhục, nay mất đất, mai mất biển, nhưng vẫn kiên trì nhẫn nhục “theo đuổi tình hữu nghị.” Ðó là một loại ngôn ngữ của kẻ bề tôi, lúng túng không thuyết phục được ai.

Hãy trả lại cho nhân dân sự can đảm và niềm tin yêu tổ quốc, sự khao khát nhân bản của con người và sự thăng hoa của dân tộc luôn luôn hướng về phía có ánh sáng, đang bị chà đạp đảo lộn.

Nhân đây: Chúng tôi cũng muốn nói với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh rằng, chúng tôi chán ghét sự thù nghịch, và cực kỳ chán ghét chiến tranh. Nếu phải lựa chọn, thì đó là sự đại bất hạnh.

Các ông thừa biết rằng, từ trước đến nay chiến tranh hay thù hận không phát sinh từ nơi dân tộc Việt Nam. Người Trung Quốc hãy đọc nơi chính mình. Chúng tôi có thể chịu đựng được điều sỉ nhục nhỏ như việc lính Trung Quốc vô cớ bắn giết ngư phủ Viêt Nam trên lãnh hải của Tổ Quốc mình sao? Nhưng điều sỉ nhục này rất lớn và chúng tôi sẽ phải trả giá, như ông cha chúng tôi đã chống trả quyết liệt quân xâm lăng. Chúng tôi có liều thuốc dũng cảm, anh dũng. Những tư tưởng đó từ nguyên thủy đến ngày nay vẫn còn là một niềm tin giống nhau và rất rõ ràng: phải bảo vệ tổ quốc với bất cứ giá nào!

Việt Nam muôn năm!
Việt Nam muôn năm!
Việt Nam muôn năm

Công dân Trần Nhu.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Quan hệ Việt-Trung và vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA, Dec 22, 2007

RFA - Mới đây, chính phủ Trung Quốc vừa phê chuẩn việc thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa, trực tiếp quản lý ba hòn đảo ở Biển Ðông là Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa. Việc làm này đã khơi dậy ngọn lửa phẫn nộ vốn âm ỉ trong lòng người Việt khắp nơi.

Trước các hành động của Bắc Kinh, nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc được thực hiện ở trong cũng như ngoài nước, và điều không thể chối cãi là quan hệ Việt-Trung đang ở giai đoạn rất tế nhị. Ðó cũng là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi đưa ra thảo luận với vị khách mời tuần này.

Khách mời là Giáo Sư Tiến Sĩ Edmund Malesky của trường đại học University California of San Diego. Ông hiện đang thực hiện cuộc nghiên cứu về Việt Nam ở Ðại Học Harvard.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, và Ban Việt Ngữ chúng tôi xin được gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam

Nguyễn Khanh: Cám ơn Tiến Sĩ đã nhận lời nói chuyện với chúng tôi. Nếu được yêu cầu đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tiến Sĩ sẽ đánh giá như thế nào?

TS Edmund Malesky: Trong vài năm vừa qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có vẻ vẫn tiến triển tốt. Trao đổi mậu dịch tăng thấy rõ. Trung Quốc đầu tư nhiều chương trình lớn tại Việt Nam, nhất là ở miền Bắc. Hai quốc gia cũng đang tiến hành đàm phán nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế khác.

Ngoài ra, chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia tiến triển rõ rệt.

Tuy nhiên, Việt Nam có vẻ cẩn trọng trong việc phát triển mối quan hệ này trong bối cảnh quan hệ với Hoa Kỳ cũng đang phát triển. Việt Nam có vẻ thận trọng trong việc cân bằng mối quan hệ của mình với Trung Quốc và với Hoa Kỳ. Nói chung, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vài năm vừa qua tiến triển rõ rệt. Như vậy, vụ Tam Sa hơi có vẻ không phù hợp với tình hình hiện tại, vì mối quan hệ đang tiến triển tốt.

Nguyễn Khanh: Mối quan hệ tiến triển thấy rõ, vậy tại sao có vụ Tam Sa? Có phải Trung Quốc muốn hành xử tay trên?

TS Edmund Malesky: vụ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn cứ luôn luôn tồn tại. Năm 2000, lúc ông Lê Khả Phiêu còn là Tổng Bí Thư Đảng, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến biên giới. Nhưng vụ Tam Sa đã không được giải quyết. Việt Nam muốn đẩy mạnh việc khai thác dầu khí tại khu vực này, và đã tiến hành làm việc với nhiều công ty khai thác dầu khí và khí đốt thiên nhiên quốc tế.

Trung Quốc đã chỉ trích Việt Nam về chuyện này. Như tôi đã nói, xét trên nhiều phương diện, mối quan hệ song phương tiến triển tốt, nhưng Tam Sa sẽ chẳng bao giờ có thể dứt điểm, vì có nhiều quốc gia khác cũng có tiếng nói trong việc này.
Nguyễn Khanh: Giáo Sư mới nhắc đến việc khai thác dầu khí, có phải ông muốn nói đến vụ BP bị Trung Quốc áp lực phải rút khỏi các khu vực đã ký hợp đồng khai thác với Việt Nam?

TS Edmund Malesky: Không chỉ BP, mà cả Conoco, và gần đây nhất, cách đây chỉ vài tháng, có một công ty dầu khí Ấn Độ cũng được phía Việt Nam tiếp xúc. Rồi năm 2004, Việt Nam dự tính mở đường bay du lịch đến các đảo này. Việt Nam có quyền để làm như vậy. Việt Nam càng khai triển mạnh, đặc biệt ở các đảo lớn, Trung Quốc càng gặp khó khăn trong việc rút lui. Đó cũng là lý do Trung Quốc mạnh tay lần này, trước khi Việt Nam kịp khai thác khu vực.

Nguyễn Khanh: Việt Nam và Trung Quốc vẫn thường gọi nhau là “anh em.” Thưa Giáo Sư, nếu đã là “anh em” thì đâu có đối xử với nhau như vậy?

TS Edmund Malesky: Việt Nam và Trung Quốc, trong quá khứ hàng ngàn năm qua, đã căng thẳng với nhau. Việt Nam luôn e ngại Trung Quốc có sức mạnh; Việt Nam quan tâm những gì Trung Quốc có thể làm tại khu vực. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi hai bên tranh cãi; họ đã tranh cãi lâu lắm rồi. Hai quốc gia có chung biên giới, và việc phát triển của từng bên dẫn đến các mâu thuẫn.

Tôi không cho đây là chuyện lớn. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ là cả hai bên đều khó chịu về chuyện này. Nhưng điều thú vị là chúng ta thấy dân Việt Nam biểu tình. Điều này chứng tỏ người Việt Nam khó chịu. Xét cho cùng, trên nhiều phương diện khác nhau, tôi không nghĩ là hai chính phủ lại để chuyện này rơi vào tình trạng không kiểm soát được.

Giải pháp cho vụ Tam Sa?

Nguyễn Khanh: Theo Giáo Sư, làm sao có thể giải quyết vụ Tam Sa? Có giải pháp khả thi nào không?

TS Edmund Malesky: Tôi không biết! Nhưng tôi nghĩ cần có một hội thảo quốc tế liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, vì mỗi quốc gia đều tuyên bố chủ quyền của mình. Tôi không phải là một chuyên gia về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.

Tôi không thể biết được những gì nằm phía sau chuyện này, ngoài chuyện khai thác dầu khí. Nhưng vì có chuyện khai thác dầu khí, vì có chuyện nhiều quốc gia đều tuyên bố chủ quyền, tôi nghĩ cần có hội thảo quốc tế, và tất cả các bên đều nên ký vào thoả ước. Còn không thì tất cả đều tiếp tục tranh cãi, cả Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia, đều tiếp tục tranh cãi.

Nguyễn Khanh: Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị lên Việt Nam từ nhiều năm nay, hiện giờ họ vẫn tiếp tục có ảnh hưởng như thế hay không?

TS Edmund Malesky: Trong vấn đề kinh tế, Việt Nam thường lấy Trung Quốc làm mẫu, đặc biệt là giai đoạn đầu. Trung Quốc cải cách kinh tế thành công, họ mở cửa ra thế giới, họ cải cách nông nghiệp. Trong nhiều phương diện, Việt Nam làm theo phương thức của Trung Quốc.

Ở Việt Nam thì có nhiều suy nghĩ khác nhau. Có người bảo rằng nên theo công thức của Trung Quốc, người khác thì nói không nên. Nhưng gần đây có chuyện thú vị, về mặt chính trị. Bầu cử quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, Việt Nam có vẻ qua mặt Trung Quốc về cải cách chính trị.

Chẳng hạn, có nhiều ứng cử viên cho một vị trí Tổng Bí Thư Đảng; có người còn tự ứng cử vào quốc hội. Nhiều tờ báo tại Trung Quốc cũng đưa tin này, và gợi ý rằng đây là ý tưởng hay, và Trung Quốc nên theo Việt Nam. Đây rõ là điều thú vị.
Về câu hỏi ảnh hưởng ngầm, từ phía sau, của Trung Quốc lên Việt Nam, tôi không biết nhiều về chuyện này. Có vẻ như hầu hết các chính trị gia Việt Nam đều rất thận trọng trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Họ muốn phát triển thương mại, nhưng nói chung không muốn quá gần với Trung Quốc.

Yếu tố Mỹ trong quan hệ Việt-Trung

Nguyễn Khanh: Giáo Sư có nghĩ vụ Tam Sa là tín hiệu từ Trung Quốc, rằng Việt Nam hãy nhìn vào sức mạnh Trung Quốc và đừng có mà xích lại quá gần với Hoa Kỳ?
TS Edmund Malesky: Trong 5, 6 năm vừa qua, sự phát triển của Trung Quốc có ý nghĩa với nhiều quốc gia láng giềng tại Á Châu. Thể hiện sức mạnh là điều ngạc nhiên. Tôi thực sự nghĩ rằng tranh cãi tại Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với những dự án phát triển đang được hoạch định cho khu vực này.

Tôi nghĩ Trung Quốc muốn giải quyết và có sự đồng thuận về chuyện tranh cãi, trước khi quá muộn. Tôi muốn nói lại cho rõ điều này. Trung Quốc và Việt Nam xích lại gần nhau trên nhiều phương diện, vậy tại sao lại đe doạ Việt Nam để làm ảnh hưởng những chuyện quan trọng khác?

Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn như vậy. Tôi không muốn nói về chuyện ai có, và ai không có, chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa. Cuối cùng, quốc gia nào có chủ quyền thì tôi không biết. Tôi nghĩ là cần có hội thảo quốc tế, có các luật sư quốc tế, đứng ra giải quyết dứt điểm vụ này. Tôi không nghĩ là Trung Quốc có đủ sức mạnh theo hướng ấy. Và tôi ngạc nhiên về chuyện họ đang làm.

Những chuyện họ đang làm, theo tôi, không phải là ý tưởng hay. Việt Nam rất cẩn trọng trong việc cân bằng mối quan hệ của mình với Trung Quốc và các quốc gia khác tại Đông Nam Á. Và tôi nghĩ việc thể hiện sức mạnh như vậy có thể khiến Việt Nam xích lại gần với các quốc gia khác.

Nguyễn Khanh: xin cám ơn Giáo Sư Malesky.
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Đôi điều suy tư
Trong sự kiện Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa


Trong sự kiện Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa đã dấy lên một cơn thịnh nộ của người dân Việt Nam. Riêng Việt Cộng thì muốn che đậy hành vi bán nước nên chỉ lên tiếng lấy lệ về mặt ngoại giao để xoa dịu lòng căm phẩn của người dân Việt Nam. Vì đã bán đất và biển cho Trung Cộng, nên ngày nay dù cho người dân có phẩn nộ đến tột cùng, thì đảng CSVN cũng phải bằng mọi cách đàn áp dẹp tan người dân Việt Nam trong nước chứ làm sao đòi lại đất đã bán cho Trung Cộng. Chính vì lý lẽ này mà Trung Cộng yêu cầu Việt Cộng phải đàn áp và dẹp các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh và đồng bào trong nước. Việc làm này đối với CSVN dễ như trở bàn tay, vì CSVN có một đội ngũ Công An còn đông hơn dân biểu tình và có đủ mọi phương tiện và vũ khí trong tay.

Đảng CSVN ngày nay tứ bề thọ địch, nhưng không phải vì thế mà CSVN ngồi yên trong thế lúng túng, mà ngược lại CSVN bàn tính âm mưu quỉ kế, tương kế tựu kế, mượn gió bẻ măng.

Một mặt lên tiếng cho rằng các cuộc biểu tình ở trong nước là “tự phát”, nhưng cũng gửi đến Trung Cộng một tín hiệu là dân Việt Nam phản đối hành động xâm chiếm lãnh thổ của Trung Cộng, để Trung Cộng giảm bớt tham vọng đòi hỏi thêm những phần đất và biển khác. Tuy nhiên Việt Cộng cũng đàn áp các cuộc biểu tình để làm vừa lòng theo sự đề nghị của Trung Cộng. Như vậy cái thế của Việt Cộng giải quyết lưỡng nan ở trong và ngoài vẹn toàn. Nhưng cái ngại của CSVN là đồng bào người Việt ở hải ngoại không nằm trong vòng cương toả nên CSVN bó tay. Tại hải ngoại, đồng bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, các cuộc biểu tình nở rộ khắp các quốc gia có toà đại sứ hay toà lãnh sự của Trung Cộng. Điều này cũng giống như kim đâm vào tử huyệt làm cho Trung Cộng bực dọc, nhức nhối và mất mặt với thế giới. Trung Cộng lại phàn nàn và bắt Việt Cộng phải giải quyết bài toán đau đầu này. Việt Cộng rất thâm độc và nham hiểm, họ đã mang chiêu bài “dẹp bỏ dị biệt về chính trị để cùng nhau đoàn kết chống ngoại bang xâm lược”. Cờ đỏ sao vàng cùng với cờ vàng 3 sọc đỏ cùng nhau giương lên tại hải ngoại trong các cuộc biểu tình trước các toà đại sứ hay toà lãnh sự Trung Cộng. Nếu người Việt ở hải ngoại đồng ý đứng chung với cờ đỏ sao vàng thì xem như CSVN đã thắng thế trong chiến lược nhuộm đỏ cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Các ký giả ngoại quốc sẽ chụp hình, Việt Cộng cũng sẽ chụp hình để làm tư liệu về sau như một vi bằng cho những cuộc tranh cải về cở đỏ sao vàng hay cờ vàng ba sọc đỏ, nhất là Việt Cộng sẽ có chứng cớ để xin treo cờ trong các trường học có du học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đó. Nếu đồng bào ở hải ngoại nhất định không đồng ý những du học sinh mang cờ đỏ sao vàng cùng biểu tình thì một làn sóng phẩn nộ của đồng bào nổi lên chống lại cờ đỏ sao vàng tại hải ngoại, như vậy thì sẽ sai lạc mục tiêu chống Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa vì phải bận tâm chống cây cờ đỏ sao vàng đang được du học sinh xử dụng. Như vậy Việt Cộng cũng sẽ giải quyết được những bế tắc mà quan thầy Trung Cộng giao nhiệm vụ để giải quyết bài toán hóc búa này.

Chính vì lẻ đó, chúng ta cần phải nhận định một cách rõ ràng giữa DIỆN và ĐIỂM:

DIỆN:

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Làm sáng tỏ vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa để toàn dân biết được sự thật về hành vi bán nước của đảng CSVN.

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Làm sáng tỏ hành vi ngang ngược của Trung Cộng xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải nước Việt Nam. Lên án trước dư luận quốc tế hành vi xâm phạm lãnh thổ nước Việt Nam. Yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải chú ý đến sự kiện này.

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Kêu gọi Đoàn Kết Dân Tộc chống ngoại bang. Nhưng cần phải cảnh giác ý đồ thâm độc của CSVN. Nhất là ý đồ muốn nhuộm đỏ cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Không chấp nhận ngay từ đầu việc dùng cờ đỏ sao vàng trong các cuộc biểu tình, yêu cầu các du học sinh tham gia biểu tình chống Trung Cộng với tinh thần là một người Việt Nam, không được mang cờ đỏ sao vàng của Việt Cộng. Ở hải ngoại chỉ có một ngọn cờ vàng ba sọc đỏ.

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Đồng bào càng biểu tình chống Trung Cộng càng bền bỉ thì sự xức mẻ giữa Trung Cộng và Việt Cộng càng rạn nức. Đây là một cuộc đấu tranh chính nghĩa của người dân Việt Nam.

ĐIỂM:

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Toàn dân lên án hành vi phản quốc và buôn dân bán nước của đảng CSVN.

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Kêu gọi toàn dân đứng lên đòi lại quyền Tự Quyết Dân Tộc.

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Thay thế chế độ độc tài đảng trị bằng một chế độ Tự Do, Dân Chủ và Nhân Bản.

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Đồng bào trong và ngoài nước đồng tâm sát cánh đấu tranh và vạch mặt, bẻ gảy các âm mưu thâm độc của CSVN đối với dân tộc và đất nước Việt Nam.

<!--[if !supportLists]-->- <!--[endif]-->Việt Cộng ngày nay dựa vào Trung Cộng làm hậu thuẩn để tồn tại. Khi không còn hậu thuẩn thì Việt Cộng sẽ hoàn toàn bị suy yếu và phá sản.



Muốn lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa, người dân Việt Nam phải thay đổi sinh mệnh đất nước, thay thế chế độ độc tài đảng trị CSVN bằng một chế độ Tự Do, Dân Chủ và Nhân Bản. Xây dựng một quốc gia độc lập, cường thịnh và có nền pháp trị nghiêm minh. Từ đó sẽ tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước bán đất và biển của CSVN với Trung Cộng. Đem tất cả nội vụ tranh chấp này ra toà án quốc tế để phân xử, lúc đó Việt Nam sẽ mang những chứng cớ về lịch sử, địa lý và các hiệp ước mà nhà nước bảo hộ Pháp đã ký kết với triều đình nhà Thanh… Việt Nam phải tranh tụng trong một tư thế bình đẳng với Trung Cộng trước công pháp quốc tế.

Cầu nguyện hồn thiêng sông núi phù hộ cho công cuộc đấu tranh Tự Do Dân Chủ được thành công.

Nguyễn Thanh Nam
Giáng Sinh 2007
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

BÊN THỀM NĂM MỚI
Trần Khải

Thêm một năm bước tới. Thế giới sẽ chứng kiến thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hơn, các quốc gia sẽ bước mạnh thêm vào biển lớn toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn, nhân loại sẽ gần gũi nhau thêm nhờ những bước tiến cách mạng truyền thông không ngừng nghỉ. Và câu hỏi mỗi năm vẫn được lặp lại là: quê nhà Việt Nam có sẽ dân chủ hóa kịp trong năm mới này hay không?

Dù có lạc quan theo truyền thống khi đón xuân mới, chúng ta cũng không thể quên các nhắc nhở bi quan mới đây về nạn hâm nóng toàn cầu, về những dòng sông sắp khô cạn ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam, về nạn ngập nước triều cường gần như thường trực tại nhiều quận nội thành Sài Gòn, về bản chất quan liêu phi dân chủ của chế độ, và nhức nhối là tình hình mất đảo ở Biển Đông.

Năm mới rồi mọi chuyện sẽ có mới? Cả trong và ngoài nước? Và rồi những cuộc biểu tình của tuổi trẻ Việt Nam trong và ngoài nước có làm thế giới thức tỉnh về một hiểm họa Trung Quốc bành trướng hay không? Hay là khi cả thế giới nhìn thấy tuổi trẻ Việt biểu tình thì lại thở dài một tiếng, mà nói, "Xưa rồi Diễm, chuyện anh Tàu bành trướng thì ai cũng biết cả rồi. Cứ xem Tây Tạng là biết cả, biết từ lâu rồi…"

Đúng vậy, thế giới biết chuyện Tây Tạng bị "hẩu xực" từ lâu rồi. Thậm chí hồi nửa thế kỷ trước, CIA còn tài trợ một đạo binh du kích bí mật ở Tây Tạng mà rồi cũng thôi. Cho nên, có biểu tình đòi giữ biển, giữ đảo thực tế chỉ là để quy tội cho nhà nước Hà Nội thôi, vì có ai làm gì được Trung Quốc đâu, ít nhất là lúc này.

Hãy nhớ, cả thế giới đều biết đảng CSTQ không hiền lành gì, nhưng chỉ vì thiện tâm muốn đưa TQ vào biển lớn toàn cầu hóa, nơi các giá trị nhân quyền buộc phải tôn trọng, nên đã dễ dàng cho giữ vai tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Vậy đó, nhưng vẫn cứ vi phạm nhân quyền thì đã ai làm gì được Hoa Lục? Thực tế, phải nhận là có đỡ hơn đôi chút. Và như thế, đại đa số nhân loại đã hoan hỉ gạt qua một bên các cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay Thế Vận Bắc Kinh. Tư bản quốc tế như Airbus, Boeing, Microsoft, Yahoo, Google… chạy vào Hoa Lục kiếm tiền thì đã đành, nhưng các chính phủ thường kêu gọi tôn trọng nhân quyền cũng vẫn hoan hỉ đưa phái đoàn vào Bắc Kinh tranh tài Thế Vận 2008. Không tẩy chay nổi Trung Quốc. Thế giới chỉ bày trò tẩy chay Cuba hay Iran thôi, nhưng nhắc tới Trung Quốc là ú ớ liền. Đơn giản, vì Hoa Lục là xưởng đồ chơi giá rẻ cho toàn cầu, là xưởng may áo quần và giày dép giá rẻ cho khắp thế giới.

Đã như thế, mà lại nghe chuyện biểu tình vì Biển Đông với Trường Sa, Hoàng Sa… dân chúng Au-Mỹ có thể dễ dàng lắc đầu than thở vài phút, mà nói rằng ngay như Tây Tạng ở tận các đỉnh núi tuyết còn mất nữa là, huống gì là vùng biển nằm ngay tuyến đường sinh tử Thái Bình Dương. Nói xong, người bạn Au-Mỹ đó của bạn có thể sẽ quơ tay, cầm remote và bấm sang kênh truyền hình khác liền.

Bởi vậy. Hoạt động nhân quyền thời này khó là vậy. Chúng ta có thể dễ dàng phóng một link trên YouTube.com về nhân quyền tệ hại ở TQ, về biểu tình của tuổi trẻ Việt ở toàn cầu… mời người bạn Au-Mỹ này xem. Nhưng anh này xem hay không thì chúng ta chưa rõ, mà chỉ biết rằng anh bạn này có cả trăm đài truyền hình trước mắt, và anh thấy chuyện biểu tình chống Tàu thực sự là thường quá rồi. Bi đát là thế. Thế nên, đối với Hoa Lục, chúng ta sẽ phải đánh toàn lực mới may ra làm tỉnh thức toàn cầu, và cũng để làm tỉnh thức toàn dân Việt được.

Còn thực tế nữa. Không phải cứ gần tới Thế Vận Bắc Kinh 2008 là chính phủ TQ nhân đạo hơn đâu. Như bản tin nhan đề "Protesters Worldwide to Rally against China's 'Flagrant' Human Rights Violations" (Biểu Tình Toàn Cầu Phản Đối Việc Vi Phạm Nhân Quyền Thô Bạo của TQ) của phóng viên Ruby Hwang, đăng ngày 29-11-2007 trên báo Christian Post của Tin Lành, trong tuần lễ cuối tháng đó đã có hàng loạt cuộc biểu tình, thắp nến cầu nguyện trước các tòa đại sứ TQ ở các thành phố lớn toàn cầu, trong đó có ở Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Hòa Lan, Nhật, Na Uy, Tây Ban Nha, Nam Hàn, Anh và Mỹ. Biểu tình để xin Cao Uy Tị nạn LHQ cứu khẩn cấp người Bắc Hàn tị nạn đang trốn trên lãnh thổ Trung Quốc, ước tính là từ 100,000 người tới 300,000 người. Nơi đó, Trung Quốc đang thi hành chính sách bắt được ai, là trục xuất về lại Bắc Hàn cho đàn em Kim Jong-Il trừng trị làm gương để người khác đừng vượt biên.

Vậy đó. Như thế là Tin Lành đã biểu tình rầm rộ hơn người Việt mình biểu tình mấy tuần qua, bởi vì các hội thánh Tin Lành toàn cầu là thế lực lắm, mà lại không chia rẽ như người Việt mình. Lúc đó, Bắc Kinh im lặng, không cần thanh minh thanh nga làm gì. Chỉ riêng chuyện Việt Nam, khi tuổi trẻ biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, là phát ngôn nhân Tần Cương của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc mới 'tằng hắng' là cơ nguy quan hệ tổn thương, thế là phát ngôn nhân Lê Dũng của VN liền 'thanh minh' rằng đó là do tuổi trẻ tự phát.

Mới biết, gây sự với Trung Quốc là khó. Huống gì là người Việt mình lại chia rẽ nhau. Không tin nhau. Và lại thường cố ý hay vô tình làm hại nhau. Trong nước, chính phủ CSVN nhìn đâu cũng thấy 'phản động hải ngoại' thò tay quậy phá, nên vây bủa công an mọi ngả đường. Bất kể một thực tế là đa số người tuổi trẻ biểu tình đều sinh sau 1975, trong đó nhiều thanh niên mang cờ sao vàng xuống đường để gây ý thức chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa, chứ không hề thấy biểu ngữ nào ở Hà Nội và Sài Gòn thách thức quyền lực của Đảng CSVN. Thậm chí, rất nhiều biểu ngữ trước khi vẽ đều tham khảo ý kiến các luật sư, để không bị công an quy chụp là 'bị khủng bố hải ngoại xúi giục.'

Trong khi đó, ngoài nước, các cộng đồng người Việt hải ngoại lại cứ vỡ ra hoài. Thảy ra một nón cối giữa phố, là cộng đồng vỡ đôi. Thảy ra thêm một chiếc dép râu, là cộng đồng lại vỡ làm tư.

Các cộng đồng tôn giáo cũng thế. Thảy ra một chữ 'làm từ thiện,' là giáo hội vỡ đôi. Thảy ra thêm một chữ 'làm giáo dục,' là giáo hội vỡ làm tư. Thảy ra một chữ 'Về Nguồn', bảo là hãy về theo Lý Trần chứ đừng theo Tây, Tàu, Mỹ, Nhật, Paris, La Mã, London, Bắc Kinh… thì bom sân si nổ liền.

Thấy đó, cả Đức Giám Mục của Công Giáo, cả Hòa Thượng của Phật Giáo đều bị chụp mũ là thường. Thậm chí quý ngài còn bị làm thơ giễu, làm thơ chọc quê.

Trong khi đó tuổi trẻ biểu tình thì hiện rõ hai lằn ranh: cờ vàng và cờ đỏ. Có tương nhượng để không ai mang cờ như ở London tuần trước, thì cũng không chắc gì lập lại lần thứ nhì được nữa. Không chỉ nhiều nhà hoạt động hải ngoại sợ mắc mưu sứ quán CSVN, mà có thể là Bộ Ngoại Giao Hà Nội cũng chưa chắc hài lòng vì sinh viên ở London không ai mặc áo đỏ và cầm ảnh Hồ. Trời ạ, mà ngay tới phe biểu tình cầm cờ đỏ, mang ảnh Hồ khi tới Paris cũng chia rẽ: cô Hoàng Lan, người du học sinh từ Hà Nội và là một trong những người sáng lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, bị các du học sinh khác cấm biểu tình chung trên hè phố Paris.

Còn Văn Bút nữa thì mịt mù sương khói. Tới nỗi quên theo dõi chừng một tháng, rồi có muốn tìm hiểu lại thì vẫn thấy bí ẩn ngàn đời chữ nghĩa. Văn Bút phe nào là chính thống, phe nào tiếm quyền? Không hiểu nổi. Chuyện Văn Bút vỡ ra vẫn bí ẩn còn hơn là tranh Picasso, khó hiểu hơn là thơ hậu hiện đại, thơ tân hình thức…

Và thế đó, các diễn đàn Internet tưng bừng phóng ra đầy phi tiêu, bay đủ mọi hướng, có mặc áo giáp ra đường cũng bảo đảm là không trúng mũi tên trước mặt thì cũng lãnh mũi giáo sau lưng. Cuối cùng rồi, có lẽ đành phải xem như chuyện chia rẽ là nét đẹp của dân chủ đa phương?

Thực tế phải thấy, dù tất cả chúng ta có đoàn kết được, và dù chính phủ CSVN có chịu đa đảng, có chấp nhận một lộ trình dân chủ để thực tâm hợp sức toàn dân cho một hội nghị Diên Hồng mới, thì ngăn chận làn sóng bành trướng của Trung Quốc hiển nhiên là một nan đề không dễ. Đơn giản vì thế giới không xóa sổ nổi anh TQ, cũng không làm vỡ nổi anh này, ít nhất cũng là nhiều thập niên nữa. Mà dù anh TQ có vỡ ra thì với bộ nanh nguyên tử và tâm thức hung hãn Mác Lê Mao cũng không dễ gì đã nhân đạo hơn, trừ phi dân chủ hóa được TQ thì các sức mạnh nhân quyền mới thuần hóa nổi đại ca phương Bắc này.

Tất nhiên là VN mình cần có thêm tàu ngầm, cần thêm phi đạn, thậm chí cần cả bom nguyên tử, vân vân… để khi gặp biến động Biển Đông dậy sóng, hay khi có Thế Chiến thứ 3, thì có sẵn đồ chơi hộ thân. Nhưng dù có đủ thứ như thế, và dù có dân chủ hóa kịp để tăng tốc phát triển, thì vẫn không bao giờ tự mình làm biến mất nổi anh hàng xóm khổng lồ TQ này. Đóng vai nhà ảo thuật để hô biến anh TQ phải là chuyện của cơ may toàn cầu. Dân tộc mình rồi phải sống với anh khổng lồ hàng xóm này hoài thôi. Mỗi khi anh nhúc nhích, hay khi anh thở mạnh, là tường vách của mình cũng phải rung chuyển.

Chính trong hoàn cảnh như thế này, nếu nhà nước CSVN không thực tâm mở hội Diên Hồng để có thêm sức toàn dân, thì tương lai sẽ lại càng khó gỡ hơn. Mà nếu đảng CSVN cứ lì lợm như hiện nay, nhiều phần sẽ có thể xảy ra một cuộc nổi dậy. Vậy đó, bây giờ thì, không lẽ cứ mỗi dịp năm mới, lại đem bàn lại chuyện rất là cũ?

TRẦN KHẢI
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Trung Quốc - Việt Nam Điều điếm nhục về biên giới

của Sylvaine Pasquier
Image

Bia chủ quyền của Việt Nam (hình trên) bị thay thế bằng bia Trung cộng (hình dưới)

Image
Bắt chẹt bỉ ổi, phản bội tổ quốc” - tại Việt Nam lòng dân dấy lên niềm phẫn uất đối với các nhân vật lãnh đạo chế độ cọng sản, tố cáo họ đã bán rẻ những phần đất đai và biển cả cho Trung Cọng. Sau những vụ chỉ trích của các phần tử đối lập và của chính những đảng viên ly khai…rồi nay lại tới phiên trong nội bộ Đảng, sự bất bình đã lan tràn ra khỏi những cơ cấu chánh trị, tràn ngập tới đại đa số quần chúng, biến thành một thách thức đối với cơ quan tuyên truyền nhà nước đang lo dập tắt ngọn lửa căm hờn của dân tộc. Lý do của luồng chống đối : hai hiệp ước phân chia lãnh thổ và lãnh hải, đã được ký kết với Bắc Kinh vào cuối năm 1999 và trong năm 2000. Ngày 20 tháng 12 vừa qua, nhật báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng CSVN, loan báo việc cắm dựng những cột mốc đầu tiên - buổi lễ được diễn ra 8 ngày sau đó tại Mong Cáy, về phía đông-bắc của Hà Nội. Cho tới lúc này, viên chức nhà nước không hé môi về những gì liên quan đến hai hiệp ước kia. Nội dung của những hiệp ước là một điều cấm kỵ không ai dám nói ra – dấu hiệu cho thấy đây là những nhượng bộ hèn yếu tủi nhục cần che dấu. Mà với mức độ quan trọng như thế nào ? “Những phỏng định tại chỗ cho biết cỡ chừng 900 cây số vuông đất đai”, theo đại tá Bùi Tín, cựu chủ bút tờ Nhân Dân, sống lưu vong từ 1990. Một nhóm các đảng viên ly khai còn trưng thêm những bằng cớ. Thí dụ như : mốc cột cũ số 1 đã được cắm lên trong thời Pháp thuộc ở ngay trước “Cửa ngõ Trung quốc” (ải Nam Quan) – là một thành lũy cổ xưa thuộc tỉnh Lạng Sơn – đã được dời vô bên trong lãnh địa của Việt Nam. Từ 4 tới 5 cây số.“ Nhưng có những chỗ trong phần lấn chiếm ấy lại dài đến cả bốn chục cây số, đây là sự tiết lộ của ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Nhân quyền tại Việt Nam. Phần đất lấn chiếm đó chạy dài theo 1 300 km biên giới giữa hai nước, thì theo nguồn tin của chúng tôi được biết, lên đến cả 15 000 cây số vuông.” Con số không được mọi người đồng ý. Nhưng dù thế nào đi nữa, trong vịnh Bắc Việt - một vùng biển tối yếu của hoạt động thủy sản, mà cũng là một khu chiến lược, rất giàu về khoáng chất và dầu khí – Hà Nội đã bỏ đi 10 000 cây số vuông, mà có thể gấp hai lần như thế nữa. Hồi năm 1885, hoà ước Patenôtre đã phân nhượng quyền khai thác vùng biển này 38% cho Trung quốc, và dành 62% cho Việt Nam, lúc đó vào thời bảo hộ của Pháp. Ngày hôm nay, phần khai thác lãnh hải nầy của Bắc Kinh đã lên tới 47%.... Còn lại bây giờ là một vụ tranh chấp gay go, trên những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã bị Trung Cọng lần lượt cưỡng chiếm vào năm 1974 và 1988 : không có một giải pháp ổn thỏa nào cả, vụ tranh chấp vẫn dây dưa còn đó.


Tờ bạch thư và những câu hỏi rõ ràng


Ở trong kỳ Đại hội thứ 9 của Đảng CSVN, mùa xuân vừa qua, không một lời ám chỉ bóng gió nào cả trong vụ này. Hồi tháng Sáu, ông Đỗ Việt Sơn, một bô lão gần 80 tuổi, và cũng là một đảng viên kỳ cựu 54 tưổi đảng, đã chất vấn công khai các nhà lãnh đạo chính quyền CSVN, bằng cách gửi cho họ một lá thư. Không ai trả lời hết. Một tháng sau đó lá thư đã được đăng trên Internet, trở thành một bạch thư.- một luật gia trẻ tuổi tại Hà Nội, anh Lê Chí Quang, 30 tuổi, cũng tham gia vào công cuôc chất vấn đó với những câu hỏi rất chi tiết và rõ ràng. Anh liền được công an mời đi, và từ đó bị quản chế rất chặt chẻ, anh bị cáo buộc về tội “thông tin thất thiệt nhằm vi phạm an ninh quốc gia“. Vào cuối tháng Mười một, để phản ứng lại, 26 nhân vật chính trị từ Nam chí Bắc – trong đó có tướng Trần Độ, cựu phó Chủ tịch Quốc hội, nhà địa chất vật lý học Nguyễn Thanh Giang, ông Hoàng Minh Chính, hồi xưa là Viện trưởng Viện Triết học, trung tướng Nguyễn Ngọc Diệp…- cùng lên tiếng lưu ý Quốc hội, là chớ nên phê chuẩn các hiệp ước. Chuyện đã xong từ năm 2001, ít nhất là theo những tin tức góp nhặt từ nước ngoài, nhưng lẽ đương nhiên là tại Việt Nam mọi việc hoàn toàn được giữ kín. Khi việc cắm mốc được loan báo, vẫn còn những người chống đối trì chí, nhất định đòi hỏi những lời giải thích công khai thỏa đáng.


Trước một người đàn anh khổng lồ phương Bắc, nước Việt Nam sẽ phải chịu đựng những gì mà chính họ đã áp đặt cho Cambodge – họ đã gặm nhắm đất đai ở biên giới một cách bất chính. Nhưng ai sẽ lo lắng và cưu mang mọi bề ? Ngay trong vụ tranh chấp ngàn đời với Trung quốc, vụ việc đã dẫn đến một tình huống dầu sôi lửa bỏng. Nó xuất hiện trở lại ngay trong Bộ chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng.- cơ quan quyền lực tối hậu, đã bị người dân càng ngày càng đông phủ nhận bác bỏ. Bị thất sủng từ cuối tháng Tư vừa qua, ông Lê Khả Phiêu, cựu Tổng Bí Thư đảng, là người bị cho là thần phục Trung Cọng, không còn ở đó nữa, nhưng trong cơ cấu chiều sâu, không có gì thay đổi : “Các phần tử bảo thủ, mất hết các điểm tựa, chỉ còn trông chờ vào “những người đàn anh” chung ý thức hệ Bắc Kinh với mình là những đồng minh thân thiết, là những kẻ duy nhất có thể giúp họ tiếp tục nắm giữ quyền lực.” Trên đây là nhận định của ông Bùi Tín. Có vài cán bộ cao cấp trong ngành ngoại giao dính líu đến những thương thảo các hiệp ước thổ lộ rằng đã phải chịu nhiếu “sức ép khủng khiếp” của nhóm (lobby) thân Tàu của thế lực cầm quyền Hà Nội, đã khuyến cáo họ phải tuân thủ theo thời hạn và những điều kiện áp đặt bởi Trung Cọng.


Bức tường của sự im lặng đã rạn nứt, cả đất nước đang nguyền rủa xót xa cho một sự nhục nhã của quốc gia dân tộc. Mà đó có phải là những dấu hiệu của một khủng hoảng chính trị hay không?

Pháp quốc, ngày 03 tháng 01 năm 2008
T.C. lược dịch
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Giọt Nước Mắt của Hillary Clinton
Hôm 7 tháng 1, Hillary Clinton đã không kìm được những giọt nước mắt trong giây phút tuyệt vọng. Sang ngày hôm sau 8 tháng 1, bà đã có lý do để khóc một cách sung sướng. Việc bộc lộ cảm xúc của cựu đệ nhất phu nhân có vẻ như đã có tác dụng khi làm thay đổi chiều hướng của cuộc bầu cử.

Khi thượng nghĩ sĩ tiểu bang New York thực sự cảm nhận được nỗi đau của riêng mình thì phản ứng của bà trước kết quả bỏ phiếu ở New Hamsphire sẽ như thể là người ta đã phát hiện ra cuộc sống trên sao Hoả. Sự kinh ngạc thực sự pha lẫn với niềm vui sướng.

Không riêng gì bà, nhiều học giả, nhà phân tích và các công ty thăm dò ý kiến cũng hoàn toàn bất ngờ trước cú trở lại ngoạn mục của cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton. Rõ ràng, với đà chiến thắng ở Iowa, ứng cử viên da màu Obama có mọi lý do để tiếp tục giành chiến thắng ở cuộc bỏ phiếu thứ hai. Các cuộc trưng cầu dân ý đều cho thấy ông Obama đang dẫn đầu. Thậm chí, một số cuộc trưng cầu còn cho ứng của viên này lợi thế 2 con số trước ứng cử viên Hillary. Nhưng bất ngờ đã xảy ra. Bà Clinton đã giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Obama với số phiếu chênh lệch 39% so với 36%.

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến cú lội ngược dòng ngoạn mục của nữ ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống? Hầu hết mọi người đều cho rằng đó là do giây phút xúc động của bà Hillary và những nỗ lực của Bill Clinton. Cựu Tổng thống Clinton đã tức giận nói rằng báo chí đã không công bằng khi theo dõi chặt chẽ nhất cử nhất động của vợ ông trong khi lại tỏ ra quá dễ dàng đối với ứng cử viên Obama. Và dường như các cử tri New Hampshire không thích bị báo chí điều khiển khi bảo họ nên bỏ phiếu cho ai. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất đem đến chiến thắng cho bà Hillary đơn giản lại chỉ là những giọt nước mắt và giọng nói nghẹn ngào đầy xúc động của chính bà.

Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cư dân mạng vẫn đang băn khoăn với một loạt câu hỏi: Liệu nước mắt của bà Hillary có phải là những giọt nước mắt thật sự? Liệu đây có phải là một trò đánh trận giả nhằm vào một nhóm đối tượng? Liệu có phải Bill đã bảo Hillary làm vậy? Hay Hillary thực sự suy sụp vì những căng thẳng của cuộc chạy đua?

Có thể nói, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton gần như đã tuyệt vọng và kiệt sức khi tờ Bưu điện New York đăng trên trang nhất tờ báo này số ra ngày 7 tháng 1 hình ảnh bà Hillary đang kêu lên: HOANG MANG! Người ta cho rằng bà đã thua trong cuộc đua của cả cuộc đời.

Và đây không chỉ là ý kiến của những nhà báo có đầu óc hẹp hòi - những người đã nhảy múa ăn mừng trên nấm mồ chính trị của bà Hillary kể từ khi có kết quả cuộc bỏ phiếu ở Iowa.

Đó còn là sự công nhận từ chính phe của bà Clinton. Một Chelsea câm lặng như thể cô vừa ăn một bao tải chanh, và thậm chí một Bill thường ngày vốn luôn có tài hùng biện đã xua tay ra dấu từ chối nói chuyện với báo chí và cử tri. "Đây là câu chuyện thần kỳ lớn nhất mà tôi đã từng chứng kiến," cựu Tổng thống Bill Clinton nói về chiến thắng của Obama.

Tuy nhiên, mọi sự đã đảo ngược hoàn toàn khi bà Hillary không kiềm chế được cảm xúc. Những giọt nước mắt đã đem đến chiến thắng bất ngờ và ngoạn mục cho cựu đệ nhất phu nhân đang mong muốn trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

Có thể nói, khi những người phụ nữ sắt đá khóc, sức mạnh của những giọt nước mắt của họ quả thật là kỳ diệu.

Khi bà Hillary khóc, mặc dù là khóc thương bản thân, nhưng nó đã trở thành những giọt nước mắt của CHÚNG TA. Vì thế, các cử tri là nữ giới đã đổ xô về các điểm bỏ phiếu ở New Hampshire để chìa tay ra giúp đỡ người chị em của mình.

Nếu như ở Iowa nhiều phụ nữ bỏ phiếu cho ông Obama vì tình yêu thì ở New Hampshire phụ nữ đến với bà Hillary để thể hiện sự đoàn kết. Michelle, một nữ thư ký tạm thời đứng bên ngoài điểm bỏ phiếu ở Concord, phát biểu: "Họ đẩy bà ấy đi quá xa. Bà ấy cần sự giúp đỡ của chúng tôi!" Và những người phụ nữ như thế đã cứu ứng cử viên Hillary khỏi một sự thất bại thứ hai liên tiếp, đem đến cho bà hy vọng mới để tiếp tục con đường chạy đua vào tòa Bạch Ốc.

Hải Yến - (Theo BBC, Economist)
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Hẹn một ngày giành lại Hoàng Sa

Trần Trung Đạo
Hôm nay tại Việt Nam, những ngày biểu tình nóng bỏng đã lắng dịu nhiều, những ngày hồi hộp, đợi chờ đã qua đi. Cỗ xe ngựa già nua lại tiếp tục lăn đôi bánh nặng nề đưa 83 triệu dân Việt Nam chậm chạp đi về phía trước. Dù sao, đối với những người Việt Nam có mặt trong các cuộc biểu tình ngày 9 tháng 12 và những ngày sau đó tại Hà Nội, Sài Gòn, sẽ là một ngày khó quên trong đời. Sau này khi về già, các bạn trẻ hôm nay ít nhất có một điều hãnh diện để kể lại cho con, cho cháu. Ngày 9 tháng 12 năm 2007 cũng sẽ đi vào lịch sử như là ngày tuổi trẻ đứng lên bảo vệ chủ quyền đất nước ngay giữa lòng chế độ độc tài. Mặc dù số người trẻ tham gia biểu tình còn rất ít so với thế hệ trẻ tại Việt Nam nhưng đó là những bước đầu tích cực. Dăm con én không làm nên mùa xuân nhưng là tin vui cho chúng ta biết mùa xuân đang đến.

Tuổi trẻ Việt Nam đã đứng lên, không nhân danh một ý thức hệ, một chủ nghĩa nào mà chỉ vì lòng yêu nước thiêng liêng trong sáng. Các em đã giảng cho ba vạn ông bà tiến sĩ, 890 ông bà hội viên Hội Nhà văn, 493 ông bà đại biểu Quốc hội thế nào là sự khác nhau giữa lòng yêu nước thuần khiết chân thành và yêu nước theo chỉ thị, nghị quyết. Các em cũng nhắc cho giới lãnh đạo Đảng biết rằng một ngàn năm sống trong bóng tối không làm dân tộc Việt Nam mù mắt thì ba mươi ba năm trong triết học Mác-Lê làm sao có thể thui chột đi tình yêu nước thiết tha trong lòng người dân và nhất là trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Nghĩ đến lịch sử là nghĩ đến những điều kỳ diệu, là nghĩ đến sức sống của dân tộc mình. Đất nước bốn ngàn năm nhưng vẫn còn rất trẻ bởi vì lịch sử dân tộc ta đã, đang và sẽ được viết từ bàn tay tuổi trẻ. Không phải chỉ một Phù Đổng Thiên Vương ngồi trên ngựa sắt, một Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, một Trần Quốc Toản phá cường địch báo hoàng ân mới được gọi là trẻ, mà bao nhiêu anh hùng dân tộc đã đóng vai trò quan trọng trong các lãnh vực chính trị, quân sự quốc gia ngay khi còn trong tuổi 20. Trần Hưng Đạo mới 27 tuổi đã đem đại quân ra bảo vệ biên giới phía bắc và góp phần quan trọng trong việc đánh bại quân Nguyên lần thứ nhất. Nguyễn Huệ đã xuất hiện như lãnh đạo chính thức của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn khi mới vừa 23 tuổi. Và còn bao nhiêu nữa, bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã âm thầm dâng hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ nắm đất nhuộm bằng máu và nước mắt của tổ tiên.

Theo dõi các blog từ trong nước, tôi được biết nhiều em đã thét lên trong căm giận “Tần Cương câm miệng lại!” Vâng, sự phẫn nộ là điều đúng nhưng nghĩ cho cùng các lời tuyên bố đầy trịch thượng của Tần Cương mới đây:"Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Nam Trung Hoa" chỉ có giá trị với giới lãnh đạo Đảng mà thôi. Những lời phát biểu ngông cuồng, nước lớn đó chẳng những không có một giá trị gì đối với dân tộc Việt Nam mà chỉ làm sục sôi thêm lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Một nhóm nhỏ người đang nắm quyền cai trị dân tộc Việt Nam bằng súng đạn và nhà tù hôm nay không đại diện cho 83 triệu dân Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là đảo Việt Nam, là biển Việt Nam, là đất Việt Nam của hàng ngàn năm trước và sẽ của nhiều ngàn năm sau.

Như số phận một nước nhỏ, dân tộc chúng ta đã phải chịu đựng rất nhiều hy sinh xương máu trong hàng trăm cuộc chiến bảo vệ đất nước qua các thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần để chống lại các triều đại phong kiến Trung Hoa nói riêng và các thế lực xâm lăng từ phương Bắc nói chung đông hơn gấp nhiều lần, nhưng tổ tiên chúng ta luôn luôn thắng những trận cuối cùng và quyết định. Vinh dự biết bao khi được sinh ra trên một đất nước, nơi đó tên gọi của mỗi ngọn núi, mỗi con sông, mỗi gò đất cũng gợi lại trong lòng chúng ta niềm hãnh diện. Nhiều trăm năm qua đi nhưng tiếng thét của quân Nam anh hùng ở Chi Lăng, Bạch Đằng, Chương Dương, Ngọc Hồi, Đống Đa như vẫn còn nghe. Lời hịch của Hưng Đạo Vương: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm” hay của vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn” như vẫn còn vang lên trong mỗi tâm hồn Việt Nam. Sau bao nhiêu thăng trầm vận nước, Việt Nam vẫn còn là một dân tộc như Thượng tướng Trần Quang Khải dặn dò: “Thái bình nên gắng sức, non nước đấy ngàn thu”. Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc không biết điều đó. Họ không thuộc sử Việt Nam đã đành mà cũng không thuộc sử của chính nước họ.

Trung Quốc có nhiều lý do để khinh thường giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, những đàn em phản trắc, thuở bần hàn đã từng sống dưới sự che chở của đàn anh Trung Quốc, đã được Trung Quốc trang bị cho từng khẩu súng trường, được nuôi dưỡng bằng túi lương khô ngay trong thời kỳ hàng chục triệu dân Trung Quốc phải chết đói đầy đường, chẳng những thế, miền Bắc Việt Nam còn được bảo vệ bằng hàng trăm nghìn quân Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình đã oán trách trong buổi tiếp Lê Duẩn ngày 13 tháng 4 năm 1966: ”Phải chăng vì chúng tôi quá nhiệt tình đã làm cho các đồng chí nghi ngờ? Hiện nay chúng tôi đã có 130 ngàn người tại Việt Nam. Công trình quân sự tại vùng đông bắc cũng như các công trình đường xe lửa là các đề án mà chúng tôi đã đề xướng, và ngoài ra, chúng tôi đã gởi nhiều ngàn quân sang biên giới. Chúng tôi cũng đã thảo luận khả năng liên hiệp quân sự bất cứ khi nào chiến tranh bùng nổ. Các đồng chí nghi ngờ phải chăng vì chúng tôi đã quá nhiệt tình?… Các công trình trên các đảo phía đông bắc đã hoàn tất. Hai bên cũng đã thảo luận các công trình dọc bờ biển sẽ được quân đội Trung Quốc thực hiện. Vừa qua, đồng chí Văn Tiến Dũng đã đề nghị rằng sau khi hoàn tất các công trình vùng đông bắc, quân đội chúng tôi sẽ giúp xây các trạm tên lửa trong vùng trung châu…”

Mặc dù với nhiều tỉ đô-la cộng với máu xương đổ xuống miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc cũng biết khuynh hướng thân Liên Xô trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam mạnh hơn phe thân Trung Quốc, và ngày cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt cũng là ngày anh đi đường anh tôi đường tôi, nên họ đã dựa vào công hàm của Phạm Văn Đồng quyết định chiếm Hoàng Sa trước để làm điểm tựa chiến lược ngoài biển Đông sau này.

Cuộc chiến tranh ngắn mà Đặng Tiểu Bình gọi là “dạy cho Việt Nam bài học” vào tháng Giêng năm 1979 đã để lại vô số thiệt hại cho cả hai bên. Cũng giống như khi Mỹ bàng quang đứng nhìn hải quân Trung Quốc đổ bộ Hoàng Sa, và Liên Xô, ngoài việc kết án lấy lệ theo thủ tục ngoại giao hay vài giúp đỡ thông tin lén lút, gần 700 ngàn quân Liên Xô dọc biên giới phía bắc Tân Cương đã không bắn một viên đạn dù chỉ bắn lên trời. Trên bình diện yêu nước, người Việt có mọi ý do chính đáng để đứng lên bảo vệ lãnh thổ của cha ông và đã thật sự dạy cho quân xâm lăng một bài học đích đáng thay vì học bài học của Đặng Tiểu Bình. Ngay cả Tân Hoa xã cũng phải thừa nhận Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã chiến đấu một cách tệ hại. Tuy nhiên xét về mặt nguyên nhân của cuộc chiến, không phải tự nhiên mà họ Đặng xua quân sang đánh nước ta. Nợ máu xương, tham vọng và những tranh chấp quyền lực trong khối cộng sản đã được trả bằng thân xác của tuổi trẻ Việt Nam và cả tuổi trẻ Trung Hoa vô tội. Một lần nữa, “lá cờ vẻ vang của Đảng” đã nhuộm bằng máu và cắm bằng xương của hàng chục ngàn thanh niên và đồng bào Việt Nam sống dọc vùng biên giới phía Bắc.

Có người thắc mắc, tại sao từ nhiều năm nay, lúc nào ông Lê Dũng hay các phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn cứ lặp đi lặp lại chỉ một lời phản đối giống nhau: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Mặc dù sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam lần này nghiêm trọng hơn nhiều nhưng ông Lê Dũng một lần nữa cũng chỉ thay đổi ngày tháng trên một tờ thông cáo báo chí đã viết từ hơn hai mươi năm trước. Thế những khẩu hiệu đầy tính xách động như “Sông có thể cạn núi có thể mòn” hay “Dù đốt cháy cả dải Trường Sơn” v.v… đâu hết rồi? Nhưng nghĩ cho cùng nếu không nói như thế, ông Lê Dũng cũng chẳng biết nói gì khác. Tâm trạng của các cấp lãnh đạo Đảng đối với Trung Quốc giống như trong câu hát “Tôi xin người cứ gian dối nhưng xin người đừng lìa xa tôi” mà một độc giả talawas có lần ví dụ, thì làm sao dám nói khác hơn.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc là chỗ dựa duy nhất và cũng là cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan hệ giữa hai đảng sau khi bình thường hóa ngày 6 tháng 11 năm 1991 đến nay không khác bao nhiêu so với thời kỳ ông Phạm Văn Đồng ký công hàm nhượng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nửa thế kỷ trước. Không còn đường thoát, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại tìm về nương náu dưới chiếc bóng của đàn anh Trung Quốc. Các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ các đổi mới kinh tế, xã hội cho đến các quan điểm chính trị, tư tưởng gần như rập khuôn Trung Quốc. Các lãnh đạo Đảng cũng ý thức rằng học lóm không bao giờ giỏi hơn thầy. Họ cũng biết rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không còn tin tưởng họ như thời Điện Biên Phủ và cũng không bao giờ tha thứ cho tâm phản trắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng nếu tách ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và mở rộng quan hệ mật thiết về kinh tế chính trị với các nước dân chủ phương Tây, không sớm thì muộn Đảng Cộng sản sẽ mất đi vai trò lãnh đạo đất nước. Đó là điều tối kỵ của Đảng. Lãnh đạo Đảng chọn hy sinh quyền lợi dân tộc như họ đã làm nhưng nhất định không hy sinh quyền lợi Đảng.

Đầu óc của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc là đầu óc thiên triều. Họ xem các nước nhỏ chung quanh, trong đó có Việt Nam là chư hầu truyền thống của họ. Họ luôn lợi dụng sự suy yếu nội bộ hay sự cô thế của các quốc gia láng giềng để thực hiện âm mưu xâm lược. Có giọt nước mắt nào của nhân loại nhỏ xuống cho Nội Mông? Tây Tạng thỉnh thoảng còn được nhắc chỉ vì đức độ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng một mai khi ngài viên tịch, số phận của Tây Tạng cũng sẽ rơi vào quên lãng. Trong cuộc tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc ngoài miệng luôn nhấn mạnh đến việc “đối thoại nhằm duy trì ổn định ở biển Nam Trung Hoa và vì quyền lợi toàn diện đôi bên” và nghiêm khắc trách cứ Việt Nam đã tạo ra bất ổn, nhưng lịch sử cho thấy Trung Quốc mới là cha đẻ của chiến lược tạo ra sự bất ổn thường trực không phải chỉ vùng Đông Nam Á mà bất cứ nơi nào trên thế giới, nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Trung Quốc không muốn bị bất ổn nhưng lại hay chủ động tạo ra sự bất ổn cho các nước khác. Tháng 4 năm 2005, lợi dụng việc Bộ Giáo dục Nhật bản liệt kê biến cố tàn sát Nam Kinh năm 1937 như một tai nạn rủi ro, nhà cầm quyền Trung Quốc đã khuyến khích hàng chục ngàn thanh niên sinh viên Trung Quốc biểu tình suốt 3 tuần lễ trước tòa đại sứ Nhật. Mục đích thật sự của các cuộc biểu tình chống Nhật là chỉ nhằm ngăn cản cố gắng của Nhật để trở thành hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Mặc dù được xem như là lãnh tụ của khối được gọi là thế giới thứ ba sau hội nghị Bandung 1955, Trung Quốc chẳng những không giúp đỡ được gì cho các quốc gia nghèo khó vừa bước ra khỏi thời kỳ thực dân bóc lột nhưng đã trực tiếp gây ra không biết bao nhiêu đau thương tang tóc bằng việc nuôi dưỡng các phong trào Maoist, các chế độ độc tài khát máu như Pol Pot, Kim Nhật Thành cai trị các dân tộc bất hạnh bằng dao, búa và phòng hơi ngạt. Tội ác của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với nhân dân các nước thuộc thế giới thứ ba nghiêm trọng không kém gì tội ác của Hitler đối với dân Do Thái.

Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam quá lo cho nồi cơm riêng của họ đến nỗi quên rằng Trung Quốc cũng có nhiều thách thức kinh tế xã hội và hạn chế chính trị nội bộ cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế hiện nay và tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, Nhật, Đức. Kỹ thuật quân sự của Trung Quốc đã tiến xa so với thời kỳ chiến tranh với Việt Nam tháng Giêng 1979, nhưng điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay cũng đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với 30 năm trước. Ngoài ra, các vấn đề môi sinh, ô nhiễm, khan hiếm năng lượng đang là những mối đe dọa trầm trọng tại Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại quốc gia trong tương lai gần. Cộng đồng châu Âu và Mỹ trước đây đã từng ngăn cấm việc nhập cảng hải sản từ Trung Quốc vì lý do vệ sinh và an toàn thực phẩm. Chỉ riêng năm 2007, hải sản từ Trung Quốc đã bị cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm Mỹ từ chối 43 lần so với chỉ 1 lần từ Thái Lan. Trung Quốc cũng đang phải đối phó với việc phe thân dân chủ vừa thắng lớn trong nghị viện Hồng Kông và người dân trong phần lãnh thổ quan trọng này có khả năng thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu dân chủ triệt để vào năm 2012.

Quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Quốc cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng. Để làm dịu các căng thẳng trong cuộc tranh chấp về lãnh hải với Nhật Bản, Trung Quốc, qua chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masahiko Komura đầu tháng 12 năm 2007, đã đồng ý mở rộng các hợp tác kinh tế và tiếp tục đàm phán về khu vực khai thác khí đốt mà cả hai nước đang tranh chấp chủ quyền. Mặc dù viện trợ 2 tỉ đô-la hàng năm để nuôi dưỡng chế độ độc tài Kim Chính Nhất nhưng chính Trung Quốc lại là một trong những nước lo lắng nhất khi họ Kim ra lệnh thử đầu đạn hạt nhân vào tháng 7 năm 2006 và lần nữa vào tháng 10 năm 2006, bất chấp lời can gián của Bắc Kinh. Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã nhiệt tình ký vào quyết nghị Liên hiệp quốc nhằm trừng phạt Bắc Hàn. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng qua việc thử đầu đạn nguyên tử, Bắc Hàn không chỉ nhắm vào Mỹ, Nhật mà còn để chứng tỏ sự độc lập đối với Trung Quốc. Nếu chiến tranh Nam Bắc Hàn lần nữa xảy ra, ngoài làn sóng tỵ nạn khổng lồ sẽ tràn ngập biên giới phía đông bắc Trung Quốc, hạ tầng kinh tế gầy dựng bấy lâu nay sẽ sụp đổ và có thể cả toàn bộ thượng tầng kiến trúc chính trị Trung Quốc cũng sẽ tiêu vong theo.

Trở lại với vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Lịch sử đã chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng trong bối cảnh chính trị kinh tế quân sự hiện nay, việc lấy lại Hoàng Sa và những đảo đã mất của Trường Sa, trong thực tế, là một điều ngoài khả năng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều kiện để chiếm ưu thế trong mọi cuộc đàm phán song phương, ngoài bằng chứng, tài liệu, còn là khả năng làm cho đối phương nể sợ hay kính trọng. Cả hai vị thế đó lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đều không có được.

Các xung đột biên giới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, từ các nước nhỏ như Tây Tạng, Nội Mông cho đến các nước lớn như Liên Xô, Ấn Độ cho thấy, một khi Trung Quốc đã nuốt vào thì khó nhả ra và họ chỉ chịu đàm phán sau khi biết rằng mình không thể thắng bằng võ lực. Việt Nam và Trung Quốc, có thể 20 năm, 50 năm hay 100 năm nữa, rồi cũng phải giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa bằng súng đạn. Nhưng để thắng Trung Quốc, Việt Nam phải lớn mạnh thật nhanh và để lớn mạnh nhanh thì chọn lựa đầu tiên của Việt Nam là bước ra khỏi cỗ xe cộng sản già nua lỗi thời hiện nay. Chuyến tàu mới có thể làm cho không ít người Việt cảm thấy khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhưng chắc chắn đầy triển vọng tương lai.

Không ai chối cãi rằng Việt Nam đã có những phát triển nhất định về kinh tế trong hai chục năm qua, nhưng với những thành tựu giới hạn đang có, còn rất lâu, hay có thể không bao giờ Việt Nam có thể buộc Trung Quốc bước vào bàn hội nghị song phương hay đa phương bằng thái độ tương kính và bình đẳng. Một Việt Nam văn minh, dân chủ, đoàn kết với một nền kinh tế cường thịnh, một quân đội trang bị bằng kỹ thuật chiến tranh tiên tiến là những phương tiện hữu hiệu trong đàm phán để giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Quốc.

Lãnh đạo Đảng có thể lý luận rằng Trung Quốc vẫn phát triển kinh tế với tốc độ nhanh mặc dù cũng nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Trung Quốc, một đất nước hơn một tỉ dân, với hàng trăm chủng tộc, sắc dân, giọng nói, các khu tự trị, nhiều vùng bị xâm lăng chỉ chờ cơ hội để đòi độc lập, việc duy trì một chế độ trung ương tập quyền có thể còn giải thích được. Nhưng ngay cả trong sự phát triển nhanh hiện nay của Trung Quốc đã phát sinh mầm mống của sự phân hóa tương lai. Việt Nam hoàn toàn khác với Trung Quốc trong mọi lãnh vực có thể so sánh. Không có một lý luận nào đủ tính thuyết phục để giải thích quyền tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngược lại, thực tế đất nước ba mươi hai năm qua đã cho thấy Đảng Cộng sản tại Việt Nam là chướng ngại lớn nhất để thăng tiến đất nước.

Khẩu hiệu quen thuộc hiện nay là đột phá, đột phá tư duy, đột phá lý luận, đột phá tư tưởng để đuổi kịp các nước láng giềng. Nguồn lực chính của mọi đột phá phải là lòng yêu nước. Thế nhưng, trong một nước có 600 tờ báo mà không một tờ nào được phép đăng dù chỉ mỗi một câu để nói lên lòng yêu nước của người dân khi hai phần lãnh thổ quan trọng của Việt Nam trở thành thành phố cấp huyện của Trung Quốc, thì làm sao có thể gọi là đột phá? Việt Nam có hơn hai triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, tinh hoa Việt Nam có mặt trong hầu hết các lãnh vực và trên khắp thế giới nhưng chưa bao giờ tổng hợp được. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của Đảng Cộng sản. Đối với phần lớn nhân loại, chủ nghĩa cộng sản, với các đặc tính độc tài, lạc hậu là một điểm đen đã mờ xa trong quá khứ loài người nhưng tại Việt Nam vẫn còn được Đảng tôn vinh như là ngọn đuốc chỉ đường, là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Nhắc đến hai chữ “Cộng sản”, ngay cả những đảng viên có học chút ít cũng cảm thấy ngượng ngùng. Một nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo nào trong nước được các tổ chức văn hóa, giáo dục nước ngoài mời sang nghiên cứu hay giảng dạy, nếu không phải là đảng viên, điều mà họ luôn luôn muốn nhấn mạnh một cách hãnh diện trong phần tiểu sử, trong các buổi phỏng vấn, rằng họ không phải là đảng viên cộng sản. Đối với các đảng viên, khi ra nước ngoài một trong những điều họ làm họ khó chịu nhất là bị hỏi ông hay bà có phải là đảng viên cộng sản hay không, dường như một câu hỏi như vậy là một cách xúc phạm đến tư cách đạo đức của con người họ.

Một thuận lợi mà Việt Nam hơn hẳn Trung Quốc và đã được chứng nghiệm nhiều lần trong lịch sử dân tộc, đó là lòng yêu nước. Trung Quốc là một nước lớn nhưng thường bị các nước nhỏ xâm lăng và cai trị nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm như dưới các triều đại Mãn Thanh. Nếu Việt Nam có được các điều kiện kinh tế chính trị, kỹ thuật quân sự tương xứng, hay cho dù có yếu hơn một chút so với Trung Quốc, khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra chắc chắn Việt Nam sẽ thắng. Việc giành lại Hoàng Sa và các đảo trong quần đảo Trường Sa là một khả năng, một triển vọng chứ không phải chỉ là một giấc mơ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, trước hết phải tập trung sức mạnh dân tộc để dời cỗ xe ngựa già nua lạc hậu cộng sản hiện nay sang bên lề lịch sử.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »


Image

Giọt Nước Mắt... Vì Niềm Kiêu Hảnh: Người Việt Nam

Dương Nguyệt Ánh
Tôi là người thù dai. Thù dai có cái xấu và có cái tốt. Tôi nghĩ thù dai cũng có điểm tốt. Thù dai để không quên những chuyện xấu người khác làm cho mình. Không thù dai thì làm sao Nguyễn Trãi nằm gai nếm mật suốt mười năm để trả thù nhà, để đền nợ xã tắc, giang sơn ?

Image
Dương Nguyệt Ánh và nhà báo Trương Sĩ Lương.
Thù từ năm 1975 đến nay thì có dai thật.

Năm 1975, với đợt tị nạn đầu tiên đến Mỹ, tờ Newsweek đăng một bài viết của Shana Alexander về những người Việt được đưa sang Mỹ tị nạn. Người đàn bà này lo ngại là những người Việt Nam tị nạn chưa biết sử dụng cái máy giặt, cái máy sấy, không biết Michael Angelo là ai, thì làm sao sống được ở Mỹ.

Ðó là những câu nhục mạ những người Việt quá nặng.

Nhưng chuyện không biết dùng cái máy giặt thì cũng dễ hiểu. Kìa, như thái tử Naruhito của hoàng gia Nhật, mãi đến khi sang học tại Merton College ở Oxford, ông hoàng tử này mới biết dùng cái máy giặt để khoe nhắng lên. Vậy thì dùng cái máy giặt không phải là chuyện đáng kiêu hãnh. Không biết dùng cái máy giặt thì cũng không phải là điều xấu xa gì như bài báo ngu xuẩn của Shana Alexander đã úp mở.

Từ đó, năm nào, cứ đến tháng Tư là tôi lại nhớ đến bài báo của Shana Alexander, và cứ nghĩ đến những câu nhục mạ ấy là lại run người lên vì giận.
Image
Dương Nguyệt Ánh và nữ luật sư Thùy Dương.
Nhưng người Pháp vẫn nói là trả thù cũng như thức ăn nguội, ăn lạnh mới ngon. Shana Alexander nghỉ viết từ lâu, không biết đang ở đâu để rảnh rang kiếm nàng, mời nàng đi đến thăm vài ba đại học Mỹ, ghé lại Little Saigon chơi cho bỏ những ngày cơ cực và để cho nàng thấy tận mắt những người nàng khinh bỉ ấy đã sống như thế nào.

Ðó là cách trả thù vậy.

Nhưng chưa bao giờ tôi thấy hả dạ được như cuối tuần qua, khi nhận được tờ Newsweek, tờ báo 32 năm trước từng đăng bài báo của Shana Alexander, tôi đọc được bài viết của George Will trong mục The Last Word ở trang 84 số báo NewsWeek đề ngày 17 tháng 12 năm 2007.

George Will dùng nguyên một trang để nói về đóng góp của một người Việt Nam , một phụ nữ Việt, một trong những người Việt lếch thếch kéo nhau sang Mỹ và bị Shaan Alexander đem ra nhục mạ trong bài báo.

Tôi có thể nói là chưa bao giờ tôi đọc được một bài báo viết về một người khác như George Will đã viết.

Nếu bài báo ấy do một cây bút Việt Nam viết thì người đọc cũng dễ dàng coi đó là chuyện hai con mèo khen nhau có những cái đuôi dài.

Nhưng bài viết này là của George Will một trong những cây bút bình luận chính trị bảo thủ, lỗi lạc nhất của báo chí Mỹ, thì nó là một bài báo giá trị. Mười lần Shana Alexander cũng không thể bác được điều đó.

Bài báo của George Will viết về Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ ra một loại bom mói tên là Thermobaric. Chương trình nghiên cứu được hạn cho ba năm để hoàn thành, nhưng chỉ sau 67 ngày, bà Ánh đã thành công , chế ra được loại bom mới để dùng cho mặt trận Afghanistan. Loại bom mới này công hiệu hơn tất cả các loại bom khác của thế giới. Bom ném vào hang đá ở Afghanistan không công phá ngay như các loại bom cũ, mà sức nóng và sức nổ của bom ở lại lâu, tiến sâu vào các hang hốc khiến khả năng công phá và hủy diệt của bom hơn hẳn mọi loại võ khí khác.

Nước Mỹ đã phải cám ơn bà Dương Nguyệt Ánh về loại võ khi mới này. Tờ Washington Post mới đây có viết một bài khá dài về bà Ánh nhân dịp bà được trao tặng một huy chương về những thành quả và đóng góp của bà cho nước Mỹ.

George Will kể lại cảnh bà tiến ra trước máy vi âm, không đọc một bài viết sẵn, mà ứng khẩu trước một cử tọa rất đông đảo smoking, nơ đen trang trọng. Bà Dương Nguyệt Ánh nói rằng 32 năm trước, bà tới nước Mỹ với tư cách một người tị nạn, hai bàn tay trắng và một túi hành trang đầy những ước mơ tan nát.

Nhưng nước Mỹ, với bà, là một thiên đàng, không phải vì vẻ đẹp và tài nguyên phong phú, mà vì người dân Mỹ vị tha, rộng lượng đã giúp gia đình của bà khi mới tới Nước Mỹ và giúp hàn gắn những thương tích trong tâm hồn, đem lại lòng tin vào con người và cảm hứng cho công việc của bà. Bà muốn tặng lại danh dự của tấm huân chương bà nhận được cho 58 ngàn người Mỹ đã tử trận tại Việt Nam và hơn 260 ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để cho những người như bà có được cơ hội sống trong tự do. Bà xin Thượng đế ban phúc cho những người sẵn sàng chết cho tự do, và nhất là những người sẵn sàng chết cho tự do của những người khác. Bà cám ơn nước Mỹ.

George Will kết bài viết của ông bằng mấy câu này: Cám ơn Dương Nguyệt Ánh. Xin cô hiểu là cô đã trả món nợ mà cô nói cô nợ của nước Mỹ, cô đã hoàn trả đầy đủ, không thiếu một chút nào. Cô đã trả hết món nợ đó, và luôn cả tiền lời nữa.

Tiền lời, là đóng góp rất lớn của Dương Nguyệt Ánh cho tự do và an ninh của nước Mỹ, quốc gia đã mở cửa đón gia đình của bà.
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Khi Bài Hát Trở Về



Image

Trần Trung Đạo
Nếu phải xếp hạng những bài hát được sinh ra và lớn lên cùng với thăng trầm của đất nước, với thao thức của thanh niên, sinh viên, học sinh, với tâm trạng của những người lính trẻ trong cuộc chiến tranh tự vệ đầy gian khổ ở miền Nam trước đây, tôi tin, Việt Nam quê hương ngạo nghễ của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sẽ là một trong những bài ca được xếp hàng đầu.

Không giống như một số hành khúc quen thuộc trong giới trẻ trước 1975 như Dậy mà đi của Nguyễn Xuân Tân, Tổ quốc ơi ta đã nghe của La Hữu Vang thiết tha, mạnh mẽ nhưng chỉ giới hạn trong các phong trào sinh viên tranh đấu và ngay khi ra đời đã bị Đảng sử dụng cho mục đích tuyên truyền trong các trường đại học, các đô thị miền Nam, hay Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy chan chứa tình dân tộc, kêu gọi người người thương mến nhau nhưng thiếu đi cái hùng khí, sôi nổi của tuổi trẻ, Việt Nam quê hương ngạo nghễ của Nguyễn Đức Quang không dừng lại ở nỗi đau của đất nước mà còn nói lên cả những bi thương, công phẫn, thách đố của tuổi trẻ Việt Nam trước những tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người. Trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, Việt Nam quê hương ngạo nghễ nổi bật lên như một biểu tượng cho khát vọng của một dân tộc đã vượt qua bao nhiêu gian nan khốn khó để tồn tại và vươn lên cùng các dân tộc khác trên mặt đất nầy.

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng.

Lời nhạc của Việt Nam quê hương ngạo nghễ tương đối khó nhớ nhưng nhờ cách sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, mạnh mẽ, tượng thanh, tượng hình như “tiếng cười ngạo nghễ”, “xích kêu loàng xoàng”, “trên bàn chông hát cười đùa vang vang” hay “Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời” đã làm cho Việt Nam quê hương ngạo nghễ trở thành độc đáo, không giống như những bài ca yêu nước khác với những ý tưởng quen thuộc và lời ca phần lớn là lập lại nhau. Việt Nam quê hương ngạo nghễ đẹp tự nhiên như một đoá lan rừng, không mang màu sắc chính trị, không nhằm cổ võ hay biện minh cho một chủ nghĩa nào, không cơ quan nhà nước nào chỉ đạo thanh niên sinh viên học sinh phải hát và bài hát cũng chẳng nhằm phục vụ lợi ích riêng của chính quyền, tôn giáo hay đảng phái chính trị nào.

Trước 1975, từ thành phố đến thôn quê, từ các trường trung học tỉnh lẻ đến đại học lớn như Huế, Sài Gòn, từ các phong trào Hướng đạo, Du ca đến các tổ chức trẻ của các tôn giáo như Thanh niên Công giáo, Gia đình Phật tử, từ các quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, Quang Trung, Nha Trang đến các tổ chức, đoàn thể xã hội từ thiện đều hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ.

Sau 1975, bài hát theo chân hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức miền Nam đi vào tù. Nhiều hồi ký, bút ký kể lại Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã được hát lên, kín đáo hoặc cả công khai, ở nhiều trại tù khắp ba miền đất nước. Trong tận cùng của đói khát, khổ nhục, đớn đau, Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã hoá thành những hạt cơm trắng, hạt nếp thơm nuôi sống tinh thần những người lính miền Nam sa cơ thất thế.

Những năm sau đó, bài hát, như tác giả của nó và hàng triệu người Việt khác lên đường ra biển tìm tự do. Việt Nam quê hương ngạo nghễ lại được hát lên giữa Thái bình dương giông bão, hát lên ở các trại tỵ nạn Palawan, Paula Bidong, Panat Nikhom trong nỗi nhớ nhà, hát lên ở Sungai Besi, White Head trong những ngày chống cưỡng bách hồi hương, hát lên ở San Jose, Santa Ana, Boston, Paris, Oslo, Sydney trong những cuộc biểu tình cho tự do dân chủ Việt Nam, hát lên ở các trại hè, trại họp bạn Hướng đạo, các tổng hội sinh viên Việt Nam tại hải ngoại.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình Tiếng Nói Trẻ đã kể lại câu chuyện ra đời của Việt Nam quê hương ngạo nghễ trong âm nhạc Việt Nam: “…Thế bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ cũng vậy, nó không phải là một bài ca tôi nghĩ là quá lớn, nhưng lúc bấy giờ khi tôi kết thúc tập Trường Ca vào năm 1965, cuối 1965 hay đầu 1966 gì đó, khoảng thời gian đó, 10 bài trường ca, những bài như Nỗi buồn nhược tiểu, Tiếng rống đàn bò, Lìa nhau, Thảm kịch khó nói v.v. những bài nói về đất nước của mình rất là khổ sở, tôi nghĩ nên kết nó bằng một bài hát có tiếng gọi hùng tráng và tha thiết hơn. Thành ra tôi viết bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ một cách rất là dễ dàng. Tất cả những ý đó tôi đem vào hết trong bài hát đó để nó vượt qua cái khốn khó, vượt qua cái quê hương nhỏ bé, nhược tiểu mà trở thành một nước to lớn, và lòng người cực kỳ dũng mãnh. Viết xong bài đó tôi nghĩ chỉ kết thúc tập Trường Ca mà thôi, không ngờ về sau càng ngày đi các nơi càng thấy nhiều người ưa thích bài đó, có lẽ đáp được ước vọng của nhiều người, tôi nghĩ tiếng gọi đáp ứng đúng được tiếng của nhiều người, không riêng gì giới trẻ đâu, cả người lớn tuổi ở các hội đoàn về sau này, rồi đi vào trong quân đội, đi rất nhiều nơi. Thành ra, tôi cho đó là một bài hát tự nó trưởng thành nhưng khi viết tôi chỉ đúc kết cho tập Trường Ca lúc đó mà thôi.”

Thật đơn giản và tự nhiên như thế. Không một ông Bộ trưởng Bộ Chiêu hồi nào đặt hàng hay một ông Tổng ủy trưởng Dân vận nào chỉ thị anh phải viết. Anh viết không phải để thi đua sáng tác hay mong mang về giải thưởng, huân chương. Trong tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính, tình yêu nước bao giờ cũng là sự thôi thúc tự nguyện. Anh viết Việt Nam quê hương ngạo nghễ để kết thúc tập trường ca của riêng anh nhưng cũng nối tiếp tập trường ca lớn hơn của đất nước.

Sau ba mươi năm, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã trở về qua nhiều ngả, trong nhiều tư cách khác nhau, một số tình ca sáng tác trước 1975 đã được nghe lại trong nước, nhưng đây là lần đầu tiên một bài hát đã về lại quê hương qua ngả của trái tim, trở về trong vòng tay nồng ấm của tuổi trẻ Việt Nam.

Bất ngờ và cảm động, một buổi sáng tuần trước, khi đi dạo một vòng qua các blog Việt ngữ, tôi bắt gặp không chỉ những mẩu tin nóng viết vội vàng trên đường phố, những đoạn phim biểu tình vừa mới đưa lên YouTube, những tấm hình ghi lại cảnh xô xát giữa đồng bào, sinh viên với công an, nhưng còn được nghe lại bài hát quen thuộc Việt Nam quê hương ngạo nghễ. Tôi cảm nhận qua lần gặp gỡ đó một niềm vui chung khi có một bản nhạc mà các em sinh viên Việt Nam ở California, Washington DC, Oslo, Paris, Hà Nội, Sài Gòn cùng hăng say hát trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng bá quyền mà không cảm thấy ngần ngại, nghi ngờ, xa cách.

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian.

Trong số một trăm em đang hát trong nước hôm nay có thể hơn chín mươi em chưa hề nghe đến tên Nguyễn Đức Quang lần nào, và nếu có nghe, có đọc qua bộ máy tuyên truyền của Đảng, cũng chỉ là một “nhạc sĩ ngụy đã theo chân đế quốc”. Biết hay không biết, nghe hay không nghe không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là bài hát đã đáp ứng được ước vọng về tương lai và tình yêu tổ quốc của tuổi trẻ. Tổ quốc, vâng, không có gì lớn hơn tổ quốc.

Văn hoá không phải chỉ là đời sống của một dân tộc mà còn là những gì giữ lại được sau những tàn phá, lãng quên. Việt Nam quê hương ngạo nghễ sau 30 tháng Tư 1975 hẳn đã nằm trong danh sách các tác phẩm “văn hoá đồi trụy” mà Đảng tìm mọi cách để xóa bỏ, tận diệt. Thế nhưng, như giọt nước rỉ ra từ kẽ đá và như bông hoa mọc giữa rừng gai, bài hát đã sống sót, đã ra đi và đã trở về. Để tồn tại, một bài thơ, một bản nhạc cũng phải trải qua những gạn lọc, những cuộc bỏ phiếu công bằng không chỉ của người nghe, người đọc dưới một chế độ chính trị nào đó mà còn của cả lịch sử lâu dài. Bài hát phát xuất từ tình yêu nước trong sáng như Việt Nam quê hương ngạo nghễ sẽ ở lại rất lâu trong lòng tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và nhiều thế hệ mai sau.

Là một người thích tham gia các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, bài hát mang tôi về thời trẻ tuổi của mình. Tôi còn nhớ, mùa hè 1973, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Việt Nam quê hương ngạo nghễ cũng là nhạc sinh hoạt chính của trại hè sinh viên toàn quốc quy tụ đại diện sinh viên các trường đại học và cả sinh viên du học về nghỉ hè, do Bộ Giáo dục và Thanh niên tổ chức lần đầu và có lẽ cũng là lần cuối tại trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu. Đêm trước ngày chia tay, chúng tôi không ai ngủ được. Ngày mai sẽ mỗi người mỗi ngả, chị về Huế, anh về Đà Lạt, em về Cần Thơ và đa số chúng tôi sẽ trở lại Sài Gòn. Cùng một thế hệ chiến tranh như nhau, khi chia tay biết bao giờ còn gặp lại. Những ngày tháng đó, cuộc chiến vẫn còn trong cao điểm. Mỹ đã rút quân nên máu chảy trên ruộng đồng Việt Nam chỉ còn là máu Việt Nam. Thảm cảnh của “mùa hè đỏ lửa” chưa qua hết. Trên khắp miền Nam, đâu đâu cũng có đánh nhau, đâu đâu cũng có người chạy giặc. Mơ ước của tuổi trẻ chúng tôi là được thấy một ngày đất nước hoà bình, một ngày quê hương không còn nghe tiếng súng. Đêm cuối trại hè, chúng tôi ngồi quây quần thành một vòng tròn rộng quanh cột cờ trường Thiếu Sinh Quân và hát nhạc cộng đồng như để vơi đi những vương vấn, lo âu đang trĩu nặng trong lòng. Bài hát được hát nhiều nhất trong đêm đó là Việt Nam quê hương ngạo nghễ, và khi điệp khúc cất lên cũng là khi chúng tôi hát trong nước mắt:

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng giờ qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.

Những giọt nước mắt của tuổi sinh viên nhỏ xuống xót thương cho dân tộc mình. Tại sao có chiến tranh và tại sao chiến tranh đã xảy ra trên đất nước chúng tôi mà không phải tại một quốc gia nào khác?

Mấy tháng sau, tháng Giêng năm 1974, bài hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã được hát vang trên đường phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ sau khi Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc. Những bản tin đánh đi từ Đà Nẵng, danh sách những người hy sinh được đọc trên các đài phát thanh làm rơi nước mắt.

Và hôm nay, ba mươi ba năm sau, trong cái lạnh mùa đông trên xứ người, những lời nhạc Việt Nam quê hương ngạo nghễ từ YouTube phát ra như xoáy vào tim. Tôi lại nghĩ đến các anh, những người đã hy sinh ở Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974, ở Trường Sa tháng Ba năm 1988. Các anh khác nhau ở chiếc áo nhưng cùng một mái tóc đen, một màu máu đỏ, một giống da vàng, cùng ăn hạt gạo thơm, hạt muối mặn, cùng lớn lên bằng giòng sữa mẹ Việt Nam, và cùng chết dưới bàn tay hải quân Trung Quốc xâm lăng.

Việt Nam, sau ba mươi ba năm “độc lập, tự do” vẫn chưa thoát ra khỏi số phận nhược tiểu bị xâm lược, vẫn chưa tháo được cái vòng kim cô Trung Quốc trên đầu. Việt Nam có một lãnh hải dài trên ba ngàn cây số nhưng thực tế không còn có biển. Cả hành lang Đông hải rộng bao la từ Hải Nam đến Hoàng Sa và xuống tận Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm. Nếu vẽ một đường cung dọc theo lãnh hải đó, ngư dân Việt Nam chỉ còn có thể đi câu cá ven bờ chứ không thể đánh cá như ngư dân Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay các quốc gia khác trong vùng biển Đông. Phía sau tấm bảng in đậm “mười sáu chữ vàng” hữu nghị thắm thiết giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là thân xác của ngư dân Việt Nam trôi bềnh bồng dọc các hải đảo của tổ tiên mình để lại.

Trong suốt dòng lịch sử, hoạ xâm lăng từ phương Bắc vẫn là mối đe doạ thường xuyên. Khác với các thời đại trước đây, cái bất hạnh của Việt Nam ngày nay không phải chỉ là mất đất nhưng mất đất mà không đòi lại được ngay. Cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất trong hàng vương tước nhà Trần chỉ có mỗi Trần Nhật Hiệu chủ trương “Nhập Tống” và lần thứ hai chỉ có Trần Ích Tắc và đám hầu tước Trần Kiện, Trần Văn Lộng, Trần Tú Viên chủ trương “Hàng Nguyên” nhưng ngày nay, về mặt lập trường quan điểm, Việt Nam có đến 14 Trần Ích Tắc và 160 Trần Kiện. Trận đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra tại Trường Sa năm 1988 theo tác giả Daniel J. Dzurek trong biên khảo Xung Đột Trường Sa: Ai có mặt trước? (The Spratly Islands Dispute: Who’s on First?) chỉ kéo dài vỏn vẹn 28 phút và Việt Nam chịu đựng hầu hết thương vong. Với một giới lãnh đạo tham quyền cố vị và sự chênh lệch quá xa về kỹ thuật chiến tranh như thế, cuộc đấu tranh giành lại hai quần đảo sẽ vô cùng khó khăn.

Dù sao, tuổi trẻ Việt Nam, khác với các thế hệ Tân Trào, Pác Bó trước đây, thế hệ Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay có nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi và so sánh giữa chế độ các em đang sống với các tư tưởng tự do dân chủ, khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhờ đó, hy vọng các em sẽ có những chọn lựa đúng cho mình và cho đất nước phù hợp với dòng chảy của văn minh nhân loại.

Trong cuộc chiến Việt Nam dài mấy mươi năm Đảng đã sản xuất ra không biết bao nhiêu bài hát, bài thơ kích động lòng yêu nước nhưng tại sao các em không đọc, không hát nữa? Như một độc giả trong nước đã trả lời, đơn giản chỉ vì chúng nhạt nhẽo. Ý thức sâu sắc đó đã được thể hiện không chỉ trong khẩu hiệu các em hô mà ngay cả trong những bài hát các em hát. Sau những Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn của những ngày đầu phong trào, các bạn trẻ trong nước đã đi tìm những nhạc phẩm nói lên lòng yêu nước trong sáng, tích cực, không bị ô nhiễm, chưa từng bị lợi dụng và họ đã tìm được Việt Nam quê hương ngạo nghễ.

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.

Mỗi khi nhắc đến những khó khăn đất nước, chúng ta thường nghe đến những “bất hạnh”, “nỗi đau”, “tính tự ti mặc cảm”, vâng đó là một thực tế hôm nay, thế nhưng dân tộc Việt Nam “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, nước non bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi khẳng định, không phải chỉ biết đau, biết tự ti mặc cảm mà thôi nhưng từ những nỗi đau đã biết lớn lên bằng tự hào và kiêu hãnh làm người Việt Nam. Chỗ dựa tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay không có gì khác hơn là lịch sử. Không thể làm nên lịch sử mà không cần học lịch sử. Lịch sử sẽ là vũ khí, là hành trang trong hành trình tranh đấu cho một nước Việt Nam mới, cũng như để xây dựng một Việt Nam tươi đẹp sau nầy.

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên.

Việt Nam quê hương ngạo nghễ như giọt nước mắt bi tráng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nào nhỏ xuống trên quê hương chiến tranh khốn khổ, đã bốc thành hơi, tụ thành mây và sau bao năm vần vũ khắp góc bể chân trời đã trở về quê hương qua ánh mắt của em, qua nụ cười của chị, qua tiếng hát của anh, hồn nhiên và trong sáng. Từ “vết thương rỉ máu” của một dân tộc đã từng bị nhiều đế quốc thay phiên bóc lột, lợi dụng và hôm nay còn đang chịu đựng trong áp bức của độc tài đảng trị, Việt Nam quê hương ngạo nghễ cất lên như một lời khuyên, hãy sống và hãy vững tin vào lịch sử, sẽ có một ngày, sẽ có một ngày.
dailien
Posts: 2462
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Tạm Cứu Hoàng Sa Trường Sa

VI ANH .
Không phải tự đề cao nhưng phải nói người Việt Hải Ngoại là người có thể tạm cứu Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách trì hoãn việc Trung Cộng sáp nhập trong khi chờ đợi một chánh quyền Việt Nam mới thu hồi lại hai quần đảo bằng luật pháp quốc tế cùng sự can thiệp ngoại giao của thế giới.

Chế độ CS Hà nội đương thời là nhà cầm quyền đã hiệp ước, mật ước nhượng cho Trung Cộng rồi. Lời hứa và chữ ký đó đối với TC và VC coi như là luật pháp phải thi hành giữa đôi bên. CS kẹt cứng không còn làm gì được nữa. Còn CS Hà nội là Hoàng Sa và Trường Sa còn thuộc TC. Cần một chánh quyền mới để phủ nhận những hiệp ước, mật ước hà tì về hình thức, bất bình đẳng về nội dung, không trưng cầu dân ý, không được Quốc Hội khoáng đại phê chuẩn mà tinh lý công pháp một chuyện trọng đại như vậy đòi hỏi phải có.

Cho đến bây giờ, dưới áp lực của TC, coi như CS Hà nội đã triệt để cấm và dẹp biểu tình.

Lớp trẻ sinh viên thanh niên và những người yêu nước trong nước biểu tình, phản đối tới đâu đi nữa, thì CS Hà nội vẫn cứ ngậm miệng ăn tiền. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt và các tổ chức đấu tranh trong nước đã bị bất động hóa bằng nhiều cách không có thể đứng lên lập Hội Nghị Diên Hồng, thay đổi nhà cầm quyến bán đất dâng biển cho Tàu, bỏ điều 4 Hiến Pháp. Người dân dân và các tổ chức tôn giáo, chánh đảng, phong trào ngoài chánh phủ lâu nay bị CS Hà nội khủng bố đen trắng dù cố gắng cũng không đủ sức kết họp, tạo nội lực dân tộc, giải quyết chuyện nước, việc dân trong cơn quốc nhục mất đất, mất biển không một tiếng súng nổ này. Quân Đội Nhân dân của chế độ CS bị CS Hà nội kềm kẹp đã tỏ ra bất động và im lặng, khiếp nhược trước nhiệm vụ giữ gìn bờ cõi, lời kêu gọi cứu quốc của người dân khi Tổ Quốc Việt Nam bị xâm phạm, khi Hoàng Sa và Trường Sa một phân thân thể của Mẹ Việt Nam bị TC cắt xe, ăn tươi nuốt sống.

Thời gian và sư yên lặng trong hiện tình đứng về phía CS Hà nội, có lợi cho CS Hà nội cầm quyền. Còn lâu CS Hà nội mới công bố những văn kiện có thể còn nữa, ngoài lời tuyên bố thừa nhận và công hàm bán nước mà công luận đã biết. Không chừng còn nguy hại cho giang sơn gấm vóc Việt Nam hơn, còn nặng nợ nần mà CS Hà nội đã vay của TC, ba đời con cháu Việt Nam chưa chắc trả nổi hết cho TC.

Chỉ có một chánh quyền Việt Nam mới, thay thế CS Hà nội bằng cách mạng, đảo chính, hủy bỏ hiến pháp của CS Hà nội mới huy động được nội lực dân tộc và phát động tố quyền vì bị thiệt hại, bi bất công. Chánh quyền mới đó mới có tư cách, thẩm quyền phủ nhận những gì CS đã hứa, đã ký, với TC. Và chỉ có chánh quyền mới đó mới có thể yêu cầu tòa án quốc tế giải quyết vấn đề. Nhưng trong khi chờ đợi một chánh quyền mới đó, người Việt hải ngoại có tư do, dân chủ, có thế quốc tế vận có thể trì hoãn việc sáp nhập hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Quốc Vụ Viện TC đã thông qua.

Người Việt quốc tế vận với các cường quốc đang định cư, đang là công dân. Đánh động lương tâm trước một nước lớn ăn hiếp một quốc gia nhỏ. Đề cao cảnh giác trước mối nguy TC trong an ninh và hòa bình thế giới. Kêu gọi tẩy chay hàng hóa, tây chay du lịch TC. Nhứt là kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội do TC đứng ra tổ chức ở Bắc Kinh. Như đã biết còn một năm nữa là tới ngày TC đã đăng cai, đứng ra tổ chức Thế Vận Hội ở Bắc Kinh. CS Bắc Kinh đang dọn mình, dọn mẩy, rửa mặt, rửa mày để chào đón cơ hội long trọng này, nó đánh bóng và đang quang TC trên nhiều lãnh vực. Cái TC đang sợ nhứt là mang tiếng mang tai ở ngoại quốc.

Người Việt may mắn hiện nay có trên 3 triệu người, định cư hầu hết ở các đại siêu cường thế giới mà CS Bắc Kinh đang e ngại tẩy chay Thế Vận Hội, hàng hóa.

Cứ biểu tình dài dài trước tòa Đại sứ, tổng Lãnh sự TC ở thủ đô các siêu cường Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Liên Âu, Nga, Nhưt, Úc. Cứ tố giác dài dài tội nước lớn xâm chiếm đất đai nước nhỏ . Cứ biểu tình dài dài tố cáo CS Hà nội phản dân hại nước sang nhượng đất đai cho Anh Cả Đỏ, tạo Đế quốc CS mới. Cứ tẩy chay dài dài hàng hóa TC và VC, tẩy chay du lịch TC, VC. Cứ kêu gọi dài dài tây chay thế Vận Hội tổ chức ở Bắc Kinh.

Nhiều tiếng vổ nên kêu. Nước chảy riết đá phải mòn. Với thế thủ lẫn thế công mà các đại siêu cường Tây phương đang nghi kỵ TC tăng ngân sách quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, bành trướng kinh tế, chánh trị của Tây Phương, xuất cảng hàng hóa có hại ra ngoại quốc; những cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại sẽ được nhân dân và chánh quyền nhiều nước chú ý, có cảm tình. Từ đó sẽ ảnh hưởng áp lực ngoại giao, giao thương đối với TC.

TC có thể trì hoãn tiến trình xâm thực Việt Nam, ít nhứt từ đây cho đến Thế Vận Hội khai mạc ở Bắc Kinh. Ít nhứt các cuộc biểu tình của người Việt trong ngoài nước cũng đã giải thích tại sao nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam nói trên báo chí, tỉnh này chưa có kế hoạch thành lập Huyện Tam Sa, là huyện gồm ba hải đảo trong đó hai là Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngay khi các cuộc biểu tình không làm TC xoa dịu bằng cách trì hoãn việc sáp nhập hai quần đảo, thì TC cũng có thể giận cá chém thớt. TC sẽ đổ tội trợ trưởng biểu tình trong nước cho CS Hà nội. Môi hở răng lạnh, tương quan ngoại giao Bắc Kinh sẽ căng thẳng. Ở một mức độ nào đó các cuộc biểu tình trong trường hợp này là một mũi tên bắn hai con chim cú đang đem lại niềm bất hạnh cho quốc gia dân tộc Việt Nam.

VI ANH
khieulong
Posts: 3555
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

MẠN ĐÀM VỚI ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN

Lâm Lễ Trinh

Từ Hoa Thịnh Đốn, tin cho biết Đại tướng Cao Văn Viên, nay 85 tuổi, phải một lần nữa nhập viện Virginia Hospital Center vì bệnh tim tái phát trầm trọng. Ngày mùng hai Tết Bính Tuất, chúng tôi có nói chuyện khá lâu với ông qua điện thoại khi ông vừa từ bệnh viện trở về cư xá cao niên tại số 4435 N. Pershing Drive, Arlington. Ông có linh cảm khó thoát khỏi, tuy trí tuệ vẫn còn sáng suốt. Tình trạng sức khoẻ sút kém của vị tướng đàn anh trong Quân đội VNCH gây lo ngại trong Cọng đồng người Việt Hải ngoại vì ông từng giữ lâu năm nhiều chức vụ then chốt thời Đệ nhứt và Đệ nhị Cọng Hoà: Tham mưu trưởng Biệt bộ tham mưu Phủ Tổng thống (thời chính phủ Ngô Đình Diệm), Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù, Tư lệnh Quân đoàn, Tham mưu trưởng Liên quân, Tổng Uûy viên Chiến tranh, Ủy viên Quốc phòng, và Tổng Tham Mưu trưởng (từ tháng 11.1967 cho đến ngày 27.4.1975, gần một thập niên). Mối thân tình giữa chúng tôi bắt đầu từ 1958 khi Trung tá Viên thay thế Đại tá Nguyễn Văn Là, đảm trách chức Tham mưu trưởng Biệt bộ Tham mưu Phủ Tổng thống trong giai đoạn người viết là Bộ trưởng Nội vụ trong Nội các Ngô Đình Diệm từ 1954 cho đến cuối 1959.

Trung tâm Lubbock giúp hiệu đính lại The Final Collapse

Lối tháng 2.2002, Đại tướng Viên gởi tặng cho chúng tôi hai quyển sách tiếng Anh: tậïp tiểu thuyết best seller "Monkey Bridge, Cầu khỉ" do ái nữ của ông là Lan Cao, giáo sư luật quốc tế ở Đại học Brooklyn, New York, sáng tác, và "The Final Collapse", tài liệu chuyên khảo dày 184 trang, do chính ông khởi viết vào khoảng 1976-1978 và được Center of Military History, United States Army, Washington DC, xuất bản năm 1983. Một số chuyên gia danh tiếng Mỹ về chiến tranh Đông Dương như Ronald S Spector, Jeffrey Clark, Philip Davidson..hợp tác với Trung tâm Quân sử này. Về phiá Việt Nam, có các tướng Cao Văn Viên, Ngô Quang Trưởng, Đồng Văn Khuyên, Trần Đình Thọ, Nguyễn Duy Hinh, đại tá Hoàng Ngọc Lung.. Sáu tác giả vừa kể sáng tác được 16 tập nghiên cứu, tất cả được xếp vào bộ Indochina Monographs. Tướng Viên viết riêng quyển Leadership (1981), The Final Collapse (1983) và viết chung với Đồng Văn Khuyên Reflections on the Vietnam War (1980).
The Final Collapse phân tích các lý do sụp đổ của Miền Nam VN về mặt quân sự và chính trị. Tuy nhiên, có ba điểm trong quyển sách này không làm cho tướng Viên vừa ý: 1) nhà xuất bản Mỹ cho in trên bìa hình một chiến xa mang cờ Việt Cộng, khiến các độc giả có thể hiểu lầm ông, 2) một số đoạn trong sách, khi được biên tập viên dịch ra tiếng Anh, đã diễn đạt sai lạc ý kiến của tác giả và 3) ông chưa thực hiện được bản tiếng Việt đồng lúc với bản tiếng Anh để trình bày quan điểm cá nhân trong chi tiết.
Vì tình bạn, người viết đã giúp ĐT Viên liên lạc với ông Nguyễn Xuân Phong, cựu Quốc vụ khanh phụ trách Hoà đàm Paris và hiện là đồng giám đốc VN Center thuộc Đại học Texas Tech University, Lubbock, Texas. Với sự hỗ trợ của giới tài phiệt Hoa kỳ, trung tâm này hiện tàng trữ nhiều sử liệu VN nhứt trên thế giới về quân sự, văn hoá và chính trị. Trung tâm có phương tiện để hiệu đính, bổ túc, in lại và phổ biến The Final Collapse. Vì tướng Viên phải ngồi xe lăng và di chuyển khó khăn cho nên ông Nguyễn Xuân Phong đã nhiều lần đích thân từ Texas lên Hoa Thịnh Đốn để phỏng vấn và ghi lại trong gần hai năm các đoạn cần điều chỉnh trong The Final Collapse. Vốn tốt nghiệp Đại học Oxford và là một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Phong chu toàn mọi việc về mặt sinh ngữ.
Một trong các lý do khiến Trung tâm Lubbock nhận giúp là tướng Viên liên tục thay mặt gần một thập niên chính phủ VNCH để bàn thảo về chiến lược quân sự chống Cộng sản với các tư lệnh đồng minh Mỹ, từ Paul Harkins, William Westmoreland, Creighton Abrams cho đến Frederic Weyand. Trong vị thế ấy, ĐT Viên có dịp thu thập kinh nghiệm quý báu về cuộc chiến không quy ước giữa Nam và Bắc Việt, một cuộc chiến trong đó Hànội chủ trương đấu tranh toàn diện, khai thác tối đa tuyên truyền, đẩy mạnh dân vận và đột nhập dưới vĩ tuyến 17, bất chấp các Hiệp ước ký kết.
Công việc viết lại The Final Collapse vừa hoàn tất, sách sắp xuất bản một ngày gần đây. Điều an ủi trong hiện tại là The Final Collapse được dịch giả Nguyễn Kỳ Phong chuyển ngữ qua tiếng Việt năm 2003 dưới tên Những Ngày Cuối của VNCH (nhà xuất bản VN Bibliography, Virginia) gồm có 10 chương, 295 trang và một số chú thích của tướng Viên. Theo tác giả tâm sự với người viết, The Final Collapse không thể đề cập đầy đủ đến mọi sự việc vì bị giới hạn trong phạm vi xử dụng các sử liệu, một số lớn chưa được Ngũ Giác Đài, Nga, Tàu và chính quyền Bắc Việt giải mật vào năm 1983.

Cuộc mạn đàm với Đại tướng Cao Văn Viên tại West Virginia.

Từ 1975 đến nay, Tướng Viên giữ một sự im lặng có liêm sĩ và từ chối phê bình đến những biến cố tại VN cũng như bí mật trong hậu trường. Người viết đã mất nhiều năm thuyết phục ông nên góp phần đánh tan những dư luận không đúng – từ phía quốc gia, đồng minh cũng như cộng sản - liên hệ đến cuộc chiến đã qua. Cuối cùng, trước Giáng sinh 2004, người viết đã thực hiện được tại tư thất của nguyên Trung tá Lý Thanh Tâm, một chuyên viên địa ốc thành công ở Springfields, Virginie, cựu bí thơ thân tín của ĐT Cao Văn Viên (CVV), một buổi mạn đàm thân mật bốn tiếng đồng hồ có ghi hình. Tướng Viên nhận trả lời cởi mở nhiều câu hỏi liên hệ đến đời công và tư của ông.
Đúng theo lời giao kết, toàn nội dung cuộc nói chuyện chưa được tiết lộ tới giờ này. Nay Đại tướng Viên quá yếu về sức khoẻ, người viết nghĩ đã đến lúc có thể công khai hoá vài điều tâm tình của ông. Đây cũng là cách nói lên sự nguỡng mộ đối với một người bạn thân quý, đồng thời một nhân chứng hàng đầu trong chính trường Miền Nam VN.
Dưới đây là những câu vấn đáp chính của cuộc mạn đàm giữa Đại tướng Viên (CVV) và ngưới viết (LLT) có thể tiết lộ trong phạm vi bài này:

LLT: Vào tháng 4.1975, năm cuối của cuộc chiến, VNCH có 1.100.000 lính tại ngũ, một trong những quân đội lớn nhứt ở Á châu. Lúc đó, Quân đoàn 4, với trên dưới 200.000 quân, chưa đánh một trận lớn nào, chưa một Tư lệnh nào bỏ chạy. Tại sao chúng ta lại thua CS mau như thế, trong hỗn loạn? có đáng thua hay không, thưa anh?
CVV (một phút suy nghĩ): Có nhiều lý do. Đây là một vấn đề phức tạp. Chỉ nói về phiá Hànội mà thôi, CS – dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh - có kế hoạch xâm lăng Miền Nam ngay từ sau Hiệp định Genève, 1954. Hiệp ước Paris, 1973, đã bắt cầu thêm cho chúng, đánh dấu bước lùi cuối cùng của Thế giới Tự do. Kế hoạch thôn tính Miền Nam do Chính trị bộ nghiên cứu kỹ, thi hành liên tục, với quyết tâm chiến thắng bằng mọi giá, bằng mọi hy sinh. Hànội được đồng minh Nga, Tàu hỡ trợ toàn lực, với khối xã hội chủ nghĩa đứng sau lưng. Bắc kinh và Mạc tư khoa không trực tiếp xen vào để chỉ huy. Tại Miền Nam, chúng ta thiếu các yếu tố thuận lợi ấy, chúng ta không liên tục trong sự lãnh đạo. Với một đồng minh như Hoa kỳ, thử hỏi làm gì được? Đồng minh với Mỹ khó hơn là kẻ thù của Mỹ. VN không phải là quốc gia đầu tiên thí nghiệm bài học đau đớn này! VNCH chỉ là một con cờ trong chiến lược toàn cầu của đại cường Hoa kỳ. Chiến lược ấy đạt được mục tiêu sau khi Nixon gặp Mao Trạch Đông năm 1972 tại Bắc kinh.

LLT: Trong vụ nhóm Nguyễn Chánh Thi âm mưu đảo chính hụt ngày 11.11.1960, chuyện gì đã xảy ra cho anh? Anh biết gì về việc thương thuyết giữa Chánh văn phòng Võ Văn Hải (đại diện cho TT Diệm) và phe Vương Văn Đông? về vấn đề TT Diệm có trao cho tứớng Nguyễn Khánh một tờ giấy viết tay cam kết trao quyền lại cho Quân đội, theo lời ông Khánh tiết lộ với tôi?
CVV: Vài tuần trước đó, để giúp tôi làm việc dễ hơn, ông Quách Tòng Đức, Đổng lý Phủ Tổng Thống, có cấp cho tôi, Tham mưu trưởng Biệt bộ, một căn nhà gần bệnh viện Grall và một chiếc xe Peugeot 202 mang số ẩn tế. Ngày 11 tháng 11, khi nghe tiếng súng đầu tiên nổ lớn, tôi đích thân lái xe đến Phủ đi vòng phía vườn Tao Đàn. Một lính nhảy dù võ trang tiểu liên, hùng hổ la to bảo ngừng xe, tôi chưa kịp quay kiến xuống để hỏi ất giáp thì anh ta nổ súng, kiến trước bể tung, may phước tôi không bị thương. Vừa bước khỏi xe, tôi được lệnh đến ngồi dưới gốc một cây me với vài quân nhân bị bắt như tôi. Liền lúc đó, một xe jeep nhà binh trờ tới, anh lính nhảy dù vừa hô, vưà bắn xối xả vào xe, người tài xế chết tức tốc. Tôi không thấy tận mắt những gì diễn tiến sau đó tại Dinh Độc lập. Được biết tướng Khiêm về kịp để can thiệp, tướng Khánh nhảy rào giờ chót vào Dinh để chỉ huy. Phiến quân tan rã, số sĩ quan mưu loạn trốn qua Cam bốt, bắt theo tướng Thái Quang Hoàng làm con tin. CIA giúp Ls Hoàng Cơ Thụy, trong Bộ Tham mưu của Đông, thoát khỏi VN. Tôi nghĩ Hoa kỳ đã xử dụng cuộc đảo chính hụt ngày 11.11.1960 và vụ hai phi công Phạm Phú Quốc – Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc lập vào tháng 2.1962 như hai cảnh cáo, warnings liên tiếp đối với TT Diệm, trước khi tiến vào giai đoạn chót là lật đổ ông ngày 1.11.1963.
Tôi có nghe nói TT Diệm bảo ông Hải ra trước cổng Dinh điều đình với phe phiến loạn. Hình như họ yêu cầu ông bà Nhu phải ra đi. Bà Nhu lồng lộn phản đối đòi hỏi này khi ông Hải trở vào trình với TT Diệm, trước thái độ im lặng của ông Nhu. Về chuyện ông Khánh tiết lộ, tôi không tin Tổng Thống Diệm sẵn sàng trao quyền lúc đó. Đây chỉ là một kế hoãn binh.

LLT: Sau khi Tổng thống Diệm bị đảo chính năm 1963, các tướng Miền Nam có được chuẩn bị về chính trị để lãnh đạo cuộc chiến chống Bắc Việt hay không? Anh nghĩ sao về Hội đồng Quân nhân Cách Mạng? Nếu ông Diệm thoát khỏi cuộc đảo chính 1963 thì anh nghĩ Miền Nam có thể tránh sụp đổ chăng năm 1975?
CVV: Họ thiếu chuẩn bị về chính trị. Họ chia rẽ. Không ai có đủ khả năng và uy tín để thay thế Tổng thống Diệm. Nhóm đảo chính tự phong cho mình danh xưng Cách mạng. Thật ra mục tiêu của họ là giết TT Diệm chớù không phải thay đổi tốt xứ sở. Bằng chứng là họ đã gây ra sau 1.11.63 hỗn loạn liên miên và tự loại. Không có một lãnh tụ nào có tầm vóc hay cương lĩnh kiến quốc cở Nasser, Sukarno, Lý Thừa Vảng..
Để trả lời phần hai câu hỏi của anh: Ông Diệm là một lãnh tụ được biết nhiều về mặt quốc tếá, hơn ông Thiệu. Dù sao, ông chỉ là một symbol, một biểu tượng mà thôi, ông không thể làm gì nếu không có cố vấn Nhu bên cạnh. Tất cả các bài diễn văn của TT Diệm đều do ông Nhu soạn thảo. Khổ nỗi, Hoa kỳ muốn tách ông Nhu khỏi ông Diệm. Ông Nhu là một trở ngại. Trở ngại lớn hơn TT Diệm. Vì ông Nhu có nhiều mưu lược. Ông Nhu chống Mỹ hơn chống Pháp. TT Diệm thì trái lại. Rốt cuộc, ông Diệm trở thành nạn nhân của Mỹ.

LLT: Việc Tổng thống Thiệu tom hết quyền bính trong tay, qua mặt Quốc hội và Tối cao Pháp viện, một mình quyết định bỏ Cao Nguyên và Miền Trung là điều có lợi hay hại? Trong quyển hồi ký "Đôi dòng ghi nhớ " (1994, trang 191-215), cựu Chánh văn phòng của anh là đại tá Phạm Bá Hoa có kể lại cuộc rút quân bi thảm của tướng Phạm Văn Phú theo đường số 7 và nhắc lại hai khẩu lệnh của anh bằng điện thoại cho đương sự ngàỵ 15 và 18.3.1975 bảo gởi phi cơ vận tải C130 cho Quân đoàn 2 và chở các quân dụng đắt tiền khỏi Pleiku "mà không cho biết lý do". Ông Hoa than phiền Tổng Cục Tiếp vận, thuộc bộ Tổng Tham mưu, không hề được thông báo về tình hình suy sụp ở Cao Nguyên. Anh nghĩ sao về lờiï than phiền này?
CVV: Tất nhiên không có lợi. Một cá nhân không thể quyết định đơn phương vận mạng của Đất nước. Ông Phạm Bá Hoa trình bày không đúng về một số sự kiện trong quyển hồi ký mà tôi đã nhận được. Tôi có gởi cho y một bổn The Final Collapse được bổ túc để làm sáng tỏ vấn đề nhưng không thấy y nói gì. Phạm vi cuộc mạn đàm hôm nay không cho phép đi sâu vào chi tiết. Xin để dịp khác.

LLT: Anh có nghĩ rằng chuyện rút khỏi Miền Trung quá sớm, quá hấp tấp và thiếu chuẩn bị hay không? Đây có phải là một ván bài tố của TT Thiệu để thử coi Nixon có giữ lời cam kết riêng hay không? Trung tướng Ngô Quang Trưởng từng xác nhận với chúng tôi rằng đầu năm 1975, quân lực của chúng ta tại Miền Trung không quá yếu đến nỗi phải tháo chạy tán loạn như vậy, anh nghĩ sao?
CVV: Không chuẩn bị. Về mặt quân sự, rút quân khó hơn tấn công. Khởi đầu nan, mọi sự đã hư do Mỹ cúp quân viện. Theo tôi, thời cuộc đã diễn ra ngoài ý muốn của tướng Trưởng, ông không làm gì được. Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ ngày 10.3.1975, dân chúng vùng 1 nghe tin đồn Chính phủ sẽ cắt đất nhường cho địch nên họ hoảng sợ, tự động ào ào bỏ chạy, không ai ngăn nỗi. Trong bài "Vì sao tôi rút khỏi Miền Trung?" đăng trên báo, tướng Trưởng có nói rằng Bộ Tổng Tham Mưu không tăng quân số theo lời ông xin. Điều này không đúng. Hai đơn vị tổng trừ bị là sư đoàn thủy quân lục chiến và sư đoàn dù đã được tăng cường cho ông, mỗi sư đoàn gồm có bốn chiến đoàn. Trong tay tôi lúc ấy không còn gì nữa. Chính sách của Hoa Kỳ đã khóa tay chúng ta.
Tôi không đọc được sự suy tính thầm kín của TT Thiệu. Nay ông đã qua đời, hãy để ông ngủ yên. Anh còn nhớ TT Thiệu từng nói: "Je suis responsable mais pas coupable." Mỗi Tổng thống có nỗi khổ tâm riêng. Vào việc rồi mới biết.

LLT: Tôi đã hỏi cựïu Ngoại trưởng Trần Văn Lắm (lúc còn sống) và Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên (hiện ở Virginia) kể từ lúc nào họ nhận thức được Miền Nam sụp đổ. Mỗi người trả lời khác nhau. Với tư cách Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội VNCH, từ thời điểm nào anh thấy tình hình Miền Nam vô phương cứu chửa?
CVV: Trước khi trả lời câu hỏi, tôi xin nêu ra một điểm: Trong quân sử, có trường hợp - nhưng rất hiếm- những tướng tài với ít quân thắng địch đông hơn. Đó là trường hợp của Alexandre Đại đế, của Nả Phá Luân… Về vấn đề tương quan lực lượng, bên nào có quân nhiều thì bên đó ởù thế thượng phong. Khi Mỹ rút lui sau Hiệp định Bá Lê thì họ tròng vào cổ Miền Nam một chiếc dây thòng lọng, lần hồi cúp quân viện để gây áp lực, hăm doạ đủ điều. Bắc Việt có quân số và võ khí dồi dào hơn, không ngớt được tăng cường. Giữa Nam và Bắc, cán cân mỗi ngày thêm quá chênh lệch. Tình thế hết mong cứu vãn đối với Sàigòn. Hiệp định Bá lê là án tử hình cho Miền Nam. Mỹ đánh mà không muốn thắng, họ sợ thắng. Phần thì phong trào phản chiến sôi sục bên trong Hoa kỳ. Xì-căn-đan Watergate đã xúc tiến sự bức tử của VNCH.

LLT: Anh có nghĩ rằng quyết định giết Tổng thống Diệm sớm làm Miền Nam sụp đổ hay không? Chuyện gì đã xảy ra cho cá nhân anh ngày 1.11.1963?

CVV: Giết ông Diệm là một lỗi lầm nguy hại. Ngày 1.11.63, tôi là đại tá tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù (thay thế Nguyễn Chánh Thi). Khi Hội đồng Cách mạng hỏi tôi có ủng hộ phe đảo chính hay không, tôi trả lời: "Lật đổ Chính phủ là một chuyện quốc gia đại sự, tôi không được hỏi ý kiến trước. Tôi chỉ là một quân nhân, không làm chính trị." Quân cảnh liền còng tay tôi, tôi ngồi chờ trước cửa văn phòng ông Dương Văn Minh. Tôi tự hỏi: Sẽ chung số phận với Lê Quang Tung, Hồ Tấn Quyền chăng? Ông Tôn Thất Đính bước ra can thiệp mở còng cho tôi. Hôm sau, tôi được thả nhưng bị quản thúc tại gia ở đường Ngô Quyền, Chợ Lớn. Lối một tuần sau, tôi về chờ lệnh tại Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi vô cùng chán nản, không tha thiết ở lại Quân đội vì tình huynh đệ chi binh không còn nữa, anh em một nhà giết hại lẫn nhau. Nếu có lệnh đẩy tôi làm tùy viên quân sự tại Lào, tôi chấp nhận ngay. Vientiane là nơi tôi ra đời. Tên tôi, Viên, là vần đầu tiên của thủ đô Vientiane.
Một hôm, trong khi ngồi rầu tại văn phòng, tôi bổng nhận được cú điện thoại của vợ tôi. Bà hỏi: "Buồn lắm hả? » Nước mắt tôi tự nhiên trào lên. Vợ tôi tiếp: « Nếu "người ta" đưa anh trở lại chỉ huy nhảy dù, anh chịu không? » Tôi nghẹn lời vì không thể tin được. Do sự dàn xếp sao đó mà tôi không được biết giữa vợ tôi và bà Trần Thiện Khiêm (hai người thân thiết với nhau), tôi nhận được sự vụ lệnh, ordre de mission, của tướng Khiêm, Tham mưu trưởng Liên quân, đưa tôi về nắm lại Nhảy dù. Ông Khiêm cho tôi biết mật rằng đây là một quyết định riêng của ông, chắc sẽ gặp phản ứng vì không hỏi ý kiến cấp trên. Đúng vậy, việc bổ nhiệm chính thức bằng một công vụ lệnh, ordre de service thuộc thẩm quyền Tổng tham mưu trưởng Quân đội. Một thời gian ngắn sau, ông Khiêm mất chức Tham mưu trưởng Liên quần, bị đổi về chỉ huy Quân đoàn 3. Vài ngày trước 30.1.1964, Khiêm điện thoại kín cho tôi, hỏi:"Sẵn sàng chưa?". Đây là ám hiệu hành động. Đêm 30 tháng giêng, lữ đoàn dù của tôi giúp hai trung tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm chỉnh lý phe Dương Văn Minh. Việc "hốt" các tướng "trung lập" thực hiện dễ như trở bàn tay. Không đổ máu, không tốn một viên đạn vì sau 1.11.1963, các tướng này đều dùng quân dù của tôi để canh gát nhà họ. Thật như "gởi trứng cho ác!"
Việc tôi giúp ông Khiêm là chuyện dĩ nhiên, để đáp ơn "thả hổ về rừng". Tôi không để ý đến điểm Minh, Đôn, Đính, Xuân và Kim có thật sự chủ trương trung lâp hay không.

LLT: Ai ra lệnh giết anh em Tổng thống Diệm? Ai thi hành lệnh ấy?
CVV: Chính tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh giết hai ông Diệm và Nhu. Nguyễn Văn Nhung, vệ sĩ của Minh, thăng Thiếu tá sau vụ ám sát, có nhiệm vụ thi hành lệnh dưới sự giám sát của hai tướng Mai Hữu Xuân và Nguyễn Văn Quan (người thay Đổ Mậu trong chức Tổng giám đốc An ninh Quân đội). Nhung bị An ninh Quân đội bắt trong vụ chỉnh lý nói trên và đem về giam tại Lữ đoàn dù của tôi. Hôm sau, tôi được phúc trình Nhung đã tự treo cổ bằng một sợi dây giày nhà binh. Có lẽ vì Nhung biết không tránh khỏi tử hình nếu bị giãi ra trước Toà vì Nhung phạm quá nhiều tội ác.

LLT: Trong hồi ký "Vietnam. Histoire secrète d'une victoire perdue" (nxb Perrin, Paris, 1986), giám đốc CIA William Colby xác nhận kế hoạch Aáp Chiến Lược, Strategic Hamlets (mà ông Ngô Đình Nhu là cha đẻ) làm Bắc Việt khiếp đảm vì rất hữu hiệu. Đúng như vậy không? Vì sao Hội đồng Cách Mạng lại hủy bỏ kế hoạch ấy?
CVV: Kế hoạch Aáp Chiến Lược là một việc phải làm để tách CS ra khỏi nhân dân, tách cá khỏi nước, như đã từng thí nghiệm tốt ở Mã Lai với tướng Robert Thompson. Tại VN, có những sơ sót trong việc thi hành bởi một số tỉnh trưởng dàn cảnh, để lấy điểm với thượng cấp. Thay vi chỉnh đốn lại để tăng hiệu lực, Dương Văn Minh và HĐCM đã hấp tấp hủy bỏ kế hoạch Aáp Chiến Lược liền sau vụ đảo chính vì lý do họ thù ông Nhu. Họ thay vào đó cái mà họ gọi là Aáp Tân Sinh. Đây là một lổi lầm ghê gớm. Tôi không biết rô họ đã thảo luận với nhau ra sao. Lữ đoàn dù, do tôi chỉ huy lúc đó, bị nghi trung thành với ông Diệm nên không được hành quân, chỉ được giao làm những công tác vớ vẫn tại vùng Long An, Mỹ Tho.

LLT: Nếu so sánh TT Diệm với TT Thiệu thì ai độc tài hơn ai? Xin so sánh hai đảng Cần Lao (của ông Diệm) và Dân chủ (của ông Thiệu).
CVV: Mỗi người độc tài theo cách riêng. TT Diệm cai trị nước như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống cộng, tự ban cho mình "thiên mạng" cứu nước. Có lẽ anh còn nhớ vụ ông tỉnh trưởng Bình Tuy săn được một con hà mã, dấu cái sừng tê giác, không khai báo. Khi hay được, cụ Diệm nổi trận lôi đình, cách chức và đòi giam viên tỉnh trưởng về tội "tẩu tán tài sản Nhà nước."
TT Diệm tự hào về dân tộc, tự đại về gia đình, thích độc thoại, không chấp nhận dễdàng sự chỉ trích. Ông chủ trương "tiết trực tâm hư." nhưng bị ảnh hưởng nặng của gia đình. Còn ông Thiệu thì theo đường lối "độc tài trong dân chủ", võ ngoài dân chủ nhưng bên trong chi phối cả hai ngành lập pháp và tư pháp. Bàn tay sắt trong đôi găng nhung.
Vì không vững kiến thức như ông Diệm, ông Thiệu chịu khó thăm dò ý kiến của các chuyên viên, lắùng nghe, đúc kết lại để quyết định một mình. TT Diệm dễ tin người xu nịnh nên dễ bị phản trắc. Ông Thiệu đa nghi Tào Tháo và không e ngại ban phát ân huệ để tạo phe cánh và chia rẽõ đối phương như ông đã làm tại Quốc hội. Ông chủ trương "làm chính trị phải lì". Bởi thế TT Thiệu "lật" ông Kỳ không khó và tồn tại lâu hơn TT Diệm nhưng ông không khí khái bằng ông Diệm. Ông Thiệu mưu sĩ, ông Diệm đạo đức. Những năm tại chức, ôÂng Thiêu bị ám ảnh bởi cái chết của TT Diệm.
Đảng Cần Lao – dựa vào thuyết Cần Lao Nhân Vị - tổ chức quy củ hơn, với sự chỉ huy trực tiếp của hai ông Nhu và Cẩn, đi sâu vào Quân Đội với các quân ủy, như CS. Đảng Dân chủ yếu hơn, không dựa vào cương lĩnh vững chắc nào, chỉ có hình thức, được ông Thiệu thành lập để củng cố địa vị, không có ảnh hưởng trong Quân đội và quần chúng. Tôi không có gia nhập Đảng Cần Lao.
Theo tôi được biết, vào giờ phút chót tháng 11.1963, TT Diệm cho đại sứ Cabot Lodge biết ông sẳn sàng điều đình một giải pháp nhưng đã quá trể, phe chủ trương "diệt Diệm" trong Bộ Tham mưu của John Kennedy thắng thế. Les dés sont jetés! Les jeux sont faits !

LLT: Trong hồi ký Our Endless War và Việt Nam Nhân chứng, tướng Trần Văn Đôn ghi rằng trong tất cả các vụ chính biến ở Miền Nam từ 1960 trở về sau, đại tướng Trần Thiện Khiêm đóng vai trò chủ động, giựt dây sau hậu trường, điều này có đúng hay không?
CVV: Tôi không biết rõû. Tôi chỉ liên hệ với tướng Khiêm về công vụ. Chúng tôi quen nhau từ hồi còn ở trong Quân đội Pháp, sau khi tôi ra trường Võ bị Cap Saint Jacques, Vũng Tàu, năm 1949. Vợ tôi là bạn thân của bà Khiêm. Ông Khiêm có lần tuyên bố không thích chính trị. Nhưng nói và làm là hai chuyện khác biệt !

LLT: Nới trang 428-429 của hồi ký "Việt Nam Nhân Chứng" (nxb Xuân Thu,1989), tướng Trần Văn Đôn viết: "Có lần ông Thiệu than phiền ông Cao Văn Viên không làm việc nhiều..Ông Thiệu nhờ tôi nói với Đại tướng Viên, Tổng Tham Mưu trưởng, về việc ông này cứ ở mãi Tổng Tham mưu làm việc, không chịu đi ra ngoài, ông Viên trả lời: Tôi đã xin từ chức mấy lần mà ông Thiệu không chấp nhận nên tôi cứ ở văn phòng làm việc mà thôi!" Mặt khác, trong quyển hồi ký "Đôi dòng ghi nhớ " nêu trên, cựu đại tá Phạm Bá Hoa cũng có nhận xét rằng trong gần 9 năm rưỡi giữ chức Tổng Tham Mưu trưởng - chức vụ quan trọng bậc nhất trong Quân đội – anh đã nhiệt tình hoạt động 7 năm đầu nhưng hai năm sau cùng, vị "Nguyên soái" của Quân đội Miền Nam không cáng đáng hết trách nhiệm, đến văn phòng cho có lệ, tập luyện yoga và đi học lấy bằng cử nhân văn khoa ngoài giờ làm việc. Mong anh đại tướng vui lòng, nếu tiện, giải thích thái độ.
CVV: Tôi sẵn sàng trả lời. Trước khi cuộc đàm phán tại Paris tiến đến giai đoạn kết thúc năm 1973, tình hình quân sự thêm căng thẳng. Tổng thống Thiệu, với tư cách Tổng tư lệnh Quân đội, tập trung hết quyền bính trong tay, cho đặt một hệ thống máy truyền tin tại Dinh Độc lập để liên lạc thẳng với các quân khu, điều động các đơn vị, bổ nhiệm tư lệnh vùng và ra lệnh trực tiếp hành quân. Bộ Tổng Tham Mưu lần hồi bị dồn vào vai trò tuân hành và thị chứng. Bộ Quốc phòng chỉ còn là hộp thơ giữa Tổng thống và Bộ Tổng tham mưu. Vì không có điều kiện làm việc được như trước, tôi đã năm, sáu lần vô đơn xin từ chức. Ông Thiệu yêu cầu tôi nán lại, đợi người thay thế nhưng ông không quyết định. Tôi không có quyền bỏ ra đi một cách vô trách nhiệm.
Tuy nhiên khi Tổng thống Trần Văn Hương nhường ghế cho tướng Dương Văn Minh tháng 4.1975, tôi cương quyết xin giải ngũ vì tôi không phục ông Minh từ lâu, tôi từng là nạn nhân của ông Minh. TT Hương chấp nhận đơn của tôi. Ngày 27.4.1975, tôi rời VN trong tình trạng hợp lệ.
Vấn đề tôi tập luyện yoga và thiền có một lý do riêng. Khi giữ chức tư lệnh nhảy dù, tôi vướng phải một bệnh nan y về khớp xương, một loại phong thấp nặng, gây nhức nhối vô cùng. Tôi giữ kín việc này, tìm cách tự trị liệu. Là chỉ huy nhảy dù mà bệnh hoạn, không nhảy được thì coi kỳ quá, không còn gì thể thống. Tôi đã thử đủ thứ thuốc Tây lẫn Ta, mọi thứ dược thảo, nhân điện, dưỡng sinh, tổ ong chính gốc..v..v.. Tôi đã lợi dụng một cuộc viếng thăm chính thức Đài Loan để tìm hiểu khoa châm cứu. Bệnh tình không thuyên giảm với thời gian, với tuổi tác.
Về chuyện đi học văn khoa, môn tôi thích từ lúc còn trẻ, tôi thấy cần trau dồi thêm kiến thức. Đó cũng là một lối thoát khỏi những chuyện bực bội của cuộc sống căng thẳng hằng ngày.

LLT: Anh nghĩ gì về vụ Phật giáo chống TT Diệm năm 1963? Về vụ Phật gíáo nổi lọan ở Miền Trung đầu 1966? Vai trò của Hoa kỳ trong hai vụ? Tại sao Hoa Thịnh Đốn có thái độ khác nhau trong hai trường hợp? Theo Trần Văn Đôn (hồi ký VNNC, trang 372)) thì trong vụ thứ hai, có trên 200 người chết và bị thương, lối 6.000 quân nhân đào ngũ và một số người chạy vào chiến khu Việt cộng. Có đúng như thế hay không?
CVV: Phật giáo thống nhất hơn khi chống ông Diệm, vai trò của Thích Trí Quang quá rõû. Có tay Hoa kỳ và CS nhúng vào. Trong vụ Phật tử dấy loạn ở Miền Trung, Phật giáo chia làm hai khối Aán Quang (Thích Trí Quang, chống Chính phủ) và Vĩnh Nghiêm hay VN Quốc Tự (Phật giáo Bắc Việt di cư với Thích Tâm Châu, thân Ủy ban lãnh đạo Thiệu Kỳ). Mặt khác, một số tư lệnh Quân đoàn 1 có cảm tình với phiến lọan như Nguyễn Chánh Thi, Tôn Thất Đính, trong khi Nguyễn Văn Chuân và Hùynh Văn Cao thì lừng khừng. (Cao và Đính chạy vào Bộ Tư lệnh Thủy Quân Lục chiến Mỹ ở Đà Nẳng xin tị nạn chính trị). Vì thế có một lúc Miền Trung gần như không có Chính phủ: Thị trưởng Đà Nẳng, Bs Nguyễn Văn Mẫn, cũng như đa số quân nhân, công chức ..tuân lệnh của tăng ni đem bàn thờ Phật xuống đường biểu tình. Phong trào có nguy cơ lan tràn xuống Miền Nam, làm tiêu chế độ. Tướng Kỳ, chủ tịch Uûy ban Hành pháp Trung ương, xin tôi (lúc đó Tổng Tham mưu trưởng) đổ quân tái chiếm Đà nẳng, mặt khác yêu cầu tôi cấp gần 20.000 cây súng củ của Pháp (Mass 36, tiểu liên, lựu đạn..) cho Nguyễn Ngọc Loan, TGĐ Công an - Cảnh sát, hầu võ trang các đảng phái ở Miền Trung lập thăng bằng với lực lượng Phật giáo. Tôi đề nghị để tướng Loan hành động trước. Hai tuần sau, tình hình thêm nguy kịch. Tôi quyết định can thiệp. Theo lối của tôi: tương kế tựu kế. Lúc đó, tôi có một tiểu đoàn thủy quân lục chiến đang hành quân tại Bình Định. Tôi ra lệnh chính thức cho đơn vị này tập trung đúng ngày, giờ ấn định, tại sân bay Quảng Ngãi nói là để không vận về Sàigòn, thay bằng một tiểu đoàn khác. Phải dùng mưu ấy để đánh lạc hướng Viện Hoá Đạo có người gài khắp nơi. Đêm hôm đó, đúng 12 giờ, tôi đưa thêm 4 tiểu đoàn khác nhập chung với tiểu đoàn có sẵn, thành 5, giao cho đại tá Ngô Quang Trưởng chỉ huy, tràn vô các chùa bắt các phần tử nguy hiểm, giải tán bằng biện pháp mạnh các ổ dân quân, buộâc họ buông súng. Cuộc hành quân cương quyết này đã đem lại kết quả. Trong hồi ký "The Buddha's Child", Nguyễn Cao Kỳ ba hoa dành hết công trạng về mình.
Tôi không thể xác nhận với anh về những thiệt hại sinh mạng. Con số của tướng Đôn đưa ra có vẻ quá đáng. Dù sao, Hoa Thịnh Đốn không lên tiếng phản đối như đã làm thời TT Diệm. Về phía Hoa kỳ, cần ghi rằng ông tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẳng nghiêng theo phía Phật giáo, trong khi toà Đại sứ Mỹ tại Sàigòn giữ thái độ thận trọng wait and see, nếu không nói đồng ý ngầm với Uûy Ban Lãnh đạo quốc gia. Thật vậy, năm 1963 đại sứ Cabot Lodge ra mặt ủng hộ Phật giáo vì TT Diệm chống việc Mỹ hóa chiến tranh. Năm 1969, tình hình thay đổi, Hoa kỳ cần giữ lại ê-kíp Thiệu Kỳ và bắt đầu Việt nam hoá cuộc chiến. Từ đồng minh, cánh Phật giáo thiên tả đã biến thành đối lập với Mỹ.

Kêt luận.

Trên đây là những đoạn – buồn nhiều hơn vui - trích từ bộ VCR mạn đàm với đại tướng Cao Văn Viên. Phần còn lại, không kém hệ trọng, sẽ phổ biến khi thuận tiện.
Với một nụ cười mệt mỏi, hơi thở phều phào, (vì lúc ấy sức khoẻ của ông đã rất suy kém, thân hình của ông co rút lại), Tướng Viên – một sĩ quan có tiếng "bô trai" trong Quân đội, - kết thúc bằng một câu nói khiêm nhường: "Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng, như trong phim "Rashomon". Một trăm chứng nhân, một trăm sự thật. Định kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành. Hảy để cho hậu thế lượng định và phâùn xét. Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ"
Đại tướng Cao Văn Viên sẽ lưu lại trong ký ức các người từng biết ông – thân hữu, bạn đồng đội như kẻ bất đồng ý kiến - hình ảnh của lòng chung thủy, "trước sau như một", không a dua, không phản trắc, từ tốn khi phê bình, chủ trương đoàn kết trong tình huynh đệ chi binh. Ông không bon chen trên chính trường, không đạp trên xác đồng đội để tiến thân. Ông là một nhà tướng phi chính trị bị thời thế cuốn hút vào chính trường gió tanh mưa máu. Khi hai địch thủ Thiệu, Kỳ dành giựt với nhau cân đai, áo mảo, Hội đồng Quân lực định đưa ông Viên lên chức Quốc trưởng vì ông là vị tướng có thâm niên nhứt. Ông đã một mực từ chối vì nhận thức lương thiện khả năng của mình. Tuy nhiên ông vẫn không tránh được số phận một con thiêu thân - trong vô số con thiêu thân khác - bị chiến tranh Việt Nam đốt cháy.


Thủy Hoa Trang,
Ngày 27.1. 2006
Xuân Bính Tuất
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Bao giờ Việt Nam độc lập?

Ngô Nhân Dụng
Muốn trắc nghiệm coi Cộng Sản Việt Nam dám giữ thái độ độc lập đối với Trung Cộng hay vẫn còn lệ thuộc, cứ tìm xem mấy bữa nay các báo ở Hà Nội và Sài Gòn có báo nào loan tin về nhà đạo diễn Steven Spielberg hay không. Tuyệt nhiên không thấy báo nào viết lấy một câu về tin Steven Spielberg tuyên bố rút lui, không làm cố vấn cho Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 nữa. Ngay trên các mạng lưới, ít người đọc nên thường được công an kiểm soát nhẹ nhàng hơn báo in, cũng không thấy tin đó. Báo chí bên Trung Quốc tất nhiên hoàn toàn giấu kín không loan báo chuyện này. Ở Việt Nam cũng vậy; giống như bàn tay kiểm duyệt của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã được nối dài từ Bắc Kinh sang tới Hà Nội.

Chắc Trung Cộng sợ nếu cho phép loan tin này thì độc giả Việt Nam sẽ tự hỏi tại sao ông Spielberg lại tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Trong thời đại thông tin trên mạng lưới, người ta muốn tìm tin tức rất dễ tìm ra. Họ sẽ biết là Steven Spielberg, cùng với đạo diễn Trung Hoa nổi danh Trương Nghệ Mưu, đã được mời làm cố vấn cho ban tổ chức nghi lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội 2008. Nay Spielberg không cho Trung Cộng mượn tên mình đánh bóng cho bộ mặt của họ nữa. Vì ông phản đối chính phủ Bắc Kinh đang nuôi dưỡng một chế độ tàn bạo ở Sudan, một nhóm độc tài chuyên chế đã giết hại 200,000 đồng bào của họ ở Darfur trong 4 năm qua, và khiến cho 2 triệu người dân phải vượt biên tị nạn.

Báo chí ở Việt Nam cũng không được phép loan tin cô tài tử Mia Farrow đã vận động một cuộc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 hàng năm qua, tạo áp lực buộc chế độ Cộng Sản Trung Quốc phải tuân theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc phong tỏa chính quyền Khartum về kinh tế. Các công ty dầu khí Mỹ, Canada và Âu Châu đã rút khỏi Sudan, các công ty Trung Quốc bèn nhẩy vào thay thế. Trước đây, Sudan phải nhập cảng dầu. Sau khi được Bắc Kinh hỗ trợ Sudan đã đào thêm các mỏ dầu, xây nhà máy lọc dầu và các đường ống dẫn dầu, đã trở thành một nước xuất cảng dầu lửa. Phần lớn dầu xuất cảng bán sang Trung Quốc! Tài tử Mia Farrow đã kêu gọi được hàng triệu người ký tên yêu cầu Bắc Kinh rời khỏi Sudan, cô đã hoan hô Steven Spielberg biết nghe theo lời yêu cầu của bà, và bà đang kêu gọi mọi người tẩy chay các công ty Mỹ đang ủng hộ Thế Vận Hội Bắc Kinh, như Visa, Kodak, vân vân. Nhưng các độc giả Việt Nam không ai được nghe, được đọc các tin tức đó!

Có phải báo đài ở nước ta không thích loan tin về các tài tử điện ảnh hay chăng? Không phải. Ngày hôm qua nhiều báo đã loan tin rất đầy đủ, với các chi tiết hấp dẫn về vụ diễn viên Tạ Ðình Phong ở Hồng Kông muốn ly dị. Vì hình ảnh của vợ anh là nữ tài tử Trương Bá Chi mới được đưa lên mạng lưới. Mà trong hình, chụp cùng với diễn viên Trần Quán Hy, cô không mặc quần áo (báo trong nước viết là ảnh nude, chúng tôi dịch sang tiếng Việt). Tờ báo trong nước đăng cả hình hai vợ chồng tài tử, lấy từ báo China Daily (Bắc Kinh), và còn mô tả là Tạ Ðình Phong “giận tím người,” theo tin tức của Minh Báo (Hồng Kông). Ðiều đó chứng tỏ người làm báo nước ta cũng không thờ ơ trước các tin tức về các ngôi sao điện ảnh. Trên cùng trang mạng đó họ còn ghi hàng chục tin tức các tài tử xi nê khác. Như lời tuyên bố của Dolly Parton về bộ ngực của cô; Brad Pitt muốn cưới trước khi sanh con; hoặc đăng tên sáu cô đào đã ngủ với tài tử Trần Quán Hy và hình ảnh bị đưa lên mạng, khi anh này đi sửa laptop. Toàn là những tin hấp dẫn đủ để cho thanh niên Việt Nam chăm chú đọc, tha hồ bàn tán, khâm phục và noi gương. Họ cũng biết chụp hình, quay phim, gài trong laptop, rồi đưa lên mạng, vân vân. Không ai còn thì giờ nghĩ đến các hòn đảo Hoàng Sa đã bị chiếm nữa!

Như vậy thì khi các báo ở Việt Nam không loan tin nào về vụ Mia Farrow và Steven Spielberg tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh để phản đối chính quyền Trung Quốc, đó là do chính sách của Bắc Kinh và Hà Nội, hai đảng cộng sản đồng chí anh em, không muốn dân Việt biết Trung Cộng đang giúp một chế độ diệt chủng ở Bắc Phi. Hai mươi năm trước, Trung Cộng cũng bảo vệ chế độ diệt chủng Khờ Me Ðỏ ở Campuchia đến phút chót. Hiện giờ họ đang đóng vai quan thầy của nhóm quân phiệt Miến Ðiện và giao thiệp hữu hảo với nhà độc tài Robert Mugabe ở Zimbabwe. Cộng Sản Trung Quốc trước sau như một, đặt quyền lợi kinh tế của họ lên trên hết.

Nếu biết chính sách của Bắc Kinh như vậy, đồng bào mình sẽ không cần hỏi tại sao Cộng Sản Việt Nam không dám tố cáo trước dư luận quốc tế việc Bắc Kinh xâm chiếm các phần đất trên bộ và những hòn đảo trên biển của nước ta. Lúc nào họ cũng một mực hòa hoãn, kín đáo, để thương thuyết, đi đêm với các đồng chí, anh em của họ. Cộng Sản Trung Quốc không phải chỉ biết đe dọa mà còn có khả năng mua chuộc nữa. Họ đang dùng tiền bạc, hối lộ, mở rộng ảnh hưởng khắp thế giới qua các hoạt động doanh thương, đầu tư - Sudan chỉ là một thí dụ nổi bật khiến những người có lương tâm khắp thế giới nổi cơn bất bình trước cảnh mấy trăm ngàn thường dân vô tội bị tàn sát.

Trung Quốc đã ký tên vào Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc. Các công ty của những nước đã ký công ước này không được phép hối lộ quan chức các nước khác. Khi các công ty dầu khí Âu Mỹ rút khỏi Ecuador vì tình trạng tham nhũng vô độ của công ty quốc doanh dầu khí nước này, Bắc Kinh đã nhẩy vào và đã chi ra hàng trăm triệu Mỹ kim để hợp tác khai thác dầu. Nigeria là một nước nhiều dầu lửa nhất Phi Châu, nhưng dân chúng vẫn sống trong cùng khổ. Năm ngoái, chính phủ Ấn Ðộ đã ngăn không cho một công ty dầu Ấn Ðộ hợp tác với Nigeria, ngay sau đó công ty Khai Thác Dầu Hải Ngoại của Trung Quốc đã bỏ ra hơn 2 tỷ Mỹ kim để mua 45% quyền khai thác một vùng mỏ dầu mà công ty Ấn Ðộ đã phải bỏ đi. Hàng trăm triệu Mỹ kim sẽ vào tay các quan chức tham nhũng. Năm 2005, ông Hồ Cẩm Ðào đã viếng thăm và viện trợ cho Gabon, “không đặt một điều kiện nào cả.”

Ở Ðông Nam Á, chính phủ Campuchia cũng nhận được 600 triệu đô la Mỹ, vô điều kiện. Nhưng sau đó Campuchia đã cho Trung Quốc quyền khai thác dầu ngoài khơi. Năm ngoái, Phi Luật Tân được Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Trung Quốc hứa cho vay mỗi năm 2 tỷ Mỹ kim, trong ba năm. Chế độ quân phiệt Miến Ðiện cũng cho Trung Quốc khai thác dầu khí, đổi lại Bắc Kinh ngăn cản không cho Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án bọn quân phiệt đàn áp các tăng sĩ và Phật tử.

Ngoài các món tiền viện trợ, Trung Quốc còn bành trướng qua ngả các ngân hàng cho vay lãi nhẹ. Trong ba năm từ 2001 đến 2003, các ngân hàng Trung Quốc đã cho người nước khác vay 7.6 tỷ Mỹ kim vào năm 2001, 9.6 tỷ năm 2002, đến năm 2003 đã lên 14.4 tỷ. Tại các nước Á Châu, số tiền Trung Quốc cho vay đã tăng từ 9% lên 13%, rồi 21%, cũng trong ba năm đó. Những dự án đầu tư bị các ngân hàng Âu Mỹ chê vì không đủ tiêu chuẩn, thì các ngân hàng Trung Quốc sẵn sàng cho vay, chỉ cố để đặt chân vào gây ảnh hưởng lâu dài. Sở dĩ các ngân hàng Trung Quốc làm được như vậy vì đó không phải là những ngân hàng tư có trách nhiệm với cổ đông. Bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, chuyên cho vay ở nước ngoài, đều là ngân hàng chính phủ. Và họ không thiếu tiền. Dân chúng Trung Hoa, hàng tỷ người, gửi 11 ngàn tỷ đồng nhân dân tệ trong các ngân hàng chính phủ, nhận được lãi suất rất thấp, chỉ có 2 tới 3% một năm. Vì chỉ có các ngân hàng của nhà nước được đặt chi nhánh khắp nơi, người dân không có cơ hội gửi tiền vào các ngân hàng tư nhân hoặc ngoại quốc. Với số tiền đó, tương đương với khoảng 1,300 tỷ Mỹ kim, các ngân hàng Trung Quốc tha hồ cho vay theo tiêu chuẩn chính trị của đảng Cộng Sản, chứ không cần kiếm lời. Ðó là một vũ khí cho cuộc bành trướng thế lực trên thế giới của Cộng Sản Trung Quốc.

Và khi nào những người cầm quyền ở Việt Nam vẫn là những người đồng chí anh em với cộng sản Trung Quốc thì không có một lực lượng nào ở nước ta có thể đứng lên tìm cách ngăn cản bớt cơn sóng bành trướng đó. Mối đe dọa bành trướng sẽ càng ngày càng mạnh hơn. Một bài trước trong mục này đã nói tới việc sử dụng quỹ đầu tư 200 tỷ đô la Mỹ của chính phủ Bắc Kinh. Một nhà kinh tế thuộc ngân hàng Bank of America đã tính rằng chính phủ Trung Quốc sẽ dùng một phần quỹ đó để tài trợ các công ty của Hoa kiều đang hoặc sẽ hoạt động ở vùng Ðông Nam Á. Thử tưởng tượng nếu họ dành ra một số tiền nhỏ, khoảng một tỷ Mỹ kim, chia ra nhiều xí nghiệp thuộc nhiều quốc gia Ðông Nam Á. Trong mươi năm họ sẽ có một mạng lưới các cơ sở kinh tế làm nội ứng cho chính sách bành trướng của Cộng Sản Trung Hoa!

Bao giờ báo chí Việt Nam được phép loan báo các tin tức như vụ nhà đạo diễn Steven Spielberg tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh? Bao giờ người Việt trong nước được tự do xuất bản sách của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma? Ðó sẽ là những dấu hiệu cho thấy nước Việt Nam có độc lập hay không! Khi mà Sở Kiểm Duyệt ở Bắc Kinh có cánh tay kéo dài sang tới Hà Nội, thì nước Việt Nam chưa độc lập!
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Bình luận thời sự: Cơn Sốt Bạch Ốc 2008

Trương Sĩ Lương, Feb 22, 2008

Cali Today News - Sau “Super Tuesday”, thứ Ba vĩ đại, ngày 2-5-2008 với cuộc so tài giữa hai ngôi sao Obama và Clinton của đảng Dân Chủ tại 24 tiểu bang; sau 11 trận chiến thắng liên tiếp qua những cuộc bầu cử sơ bộ tại 10 tiểu bang và 20,000 cử tri, được coi như 1 tiểu bang của công dân Mỹ ở ngoại quốc vừa qua, TNS Barack Obama đã lật ngược thế cờ và đang dẫn đầu con số đại biểu (cử tri đoàn) tổng cộng 1,351 ÐB, trong khi TNS Hillary Clinton chỉ được 1,262 ÐB.

Nếu tính theo từng tiểu bang thì TNS Obama thắng 25 tiểu bang và TNS Clinton chỉ được 13. Sự chiến thắng liên tiếp và bất ngờ của TNS Obama đã làm ngạc nhiên chính giới Hoa Kỳ và cả thế giới. Cuộc đua đầy hấp dẫn và gay cấn giữa hai ngôi sao Hillary Clinton và Barack Obama được mô tả là đã cuốn hút người dân tham gia mạnh mẽ nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử sơ bộ.
Sự chiến thắng liên tục của TNS Obama, khiến bộ chỉ huy vận động tranh cử của TNS Clinton trở nên lúng túng và phải thay đổi chiến thuật. Ngay tức khắc, TNS Clinton đã dồn nỗ lực, vận động ráo riết tại 2 tiểu bang có con số đại biểu lớn là Texas và Ohio để tìm chiến thắng sau cùng. Ngay cả cựu TT Clinton cũng đã lên tiếng như một lời kêu gọi cử tri ở 2 tiểu bang này rằng: “Hillary có được đảng Dân Chủ đề cử hay không chắc chắn đang nằm trong tay quý vị”.
Bất cứ ai theo dõi cuộc chạy đua nước rút của hai ngôi sao Obama và Clinton cũng đều thấy như vậy. Nghĩa là tính đến giờ này thì bà Clinton đang ở thế yếu, đang lo ngại trước một Obama lên như diều gặp gió. Liệu bà có thể thắng được đại đa số cử tri đoàn của Texas (193 ÐB), Ohio (141 ÐB) vào ngày 4 tháng 3 sắp tới để bắt kịp con số đại biểu mà Obama đang gác hay không?

Xin thưa:

Các bình luận gia cho rằng, bà Clinton phải thắng với tỷ lệ lớn ở hai tiểu bang này thì mới có thể tiếp tục chạy đua tại 8 tiểu bang còn lại: Vermont vào ngày 4-3; Mississippi ngày 11-3; Pennylvania ngày 22-4; Indiana ngày 6-5; N Carolina ngày 6-5; Kentucky ngày 20-5; Oregon ngày 20-5 và S. Dakota ngày 3-6. Nếu không, người ta cho rằng bà sẽ bỏ cuộc như phu quân là cựu TT Clinton đã than thở với cử tri ở Texas hôm 20-2-08.

Trong trường hợp bà Clinton hạ được Obama sát nút ở một trong hai tiểu bang Texas và Ohio mà vẫn chưa bắt kịp con số ÐB mà TNS Obama đã đạt được thì sao? Câu trả lời là bà sẽ tiếp tục vận động ở 8 tiểu bang còn lại cho đến khi Ðại Hội đảng Dân Chủ được tổ chức vào ngày 25-8-2008 tại Denver, Colorado. Tại đại hội này với số 795 Siêu Ðại Biểu (Super-delegates) sẽ quyết định dồn phiếu cho ứng cử viên nào có số ÐB cao hầu có đủ túc số 2025 để được chính thức đề cử.

Tại sao đảng Dân Chủ lại có con số 795 Siêu Ðại Biểu này, họ là ai? Theo đảng quy, họ là những chính khách, gồm: Thượng khách danh dự như cựu tổng thống, phó tổng thống, Chủ tịch đảng, nghị sĩ, dân biểu, Thống Ðốc tiểu bang, và những yếu nhân lãnh đạo đảng các cấp... Hiện tại, theo thống kê thăm dò, bà Clinton đang được 232 siêu ÐB ủng hộ; ông Obama được 170 siêu ÐB ủng hộ và số 351 siêu ÐB còn lại, chưa quyết định họ sẽ dồn phiếu cho ai trước đại hội đảng.
Thông thường thì con số ÐB chưa quyết định, sẽ bỏ phiếu thuận cho ứng cử viên nào đã được đa số Ðại biểu của 50 tiểu bang chọn trong mùa bầu cử sơ bộ. Thế nhưng, nếu hai ứng cử viên có số ÐB sát nhau, cũng theo tài liệu của đảng Dân Chủ, họ không nhất thiết phải bỏ phiếu cho ứng cử viên đã thắng cử sơ bộ. Nếu sự việc xảy ra như vậy, nội bộ đảng Dân Chủ, người ta e rằng, sẽ đưa tới một biến cố chia rẽ trầm trọng trong lịch sử đảng này.

Theo dõi cuộc tranh luận cuối cùng của TNS Clinton và Obama tại trường đại học UT Austin, Texas vào tối thứ Năm 21-2 vừa qua, giới bình luận cho rằng sau 1 giờ 30 phút đấu khẩu về nhiều đề tài như: tình hình Cuba, Kinh tế, cải tổ di trú, bảo hiểm sức khỏe, vai trò của vị tổng tư lệnh quân đội v.v... hai ứng cử viên đã không gay gắt nhau. Tuy nhiên, một cú móc lò duy nhất mà bà Clinton tấn công ông Obama, đó là việc chỉ trích ông Obama đã học thuội (copy) từ ngữ của người khác trong lúc vận động. Cuộc tranh luận này cũng không có đề tài gì mới lạ, nhưng mục tiêu của 2 vị là vận động để được cộng đồng người Mỹ gốc La-tinh ủng hộ. Người ta cũng ghi nhận lời kết của bà rất cảm động, có thể làm mũi lòng người nghe. Khi được hỏi bà có chuyện gì xảy ra khá đau buồn trong đời, đại khái như vậy? Bà đã trả lời: chuyện đau buồn mà bà đã trải qua thì nhiều lắm, nhưng so với những mất mát của các thương binh về từ các chiến trường và những công dân bất hạnh trong đời sống thì không thấm béo gì cả.

1) Có nhiều người thắc mắc, tại sao TNS Obama lại lên như vù vù trong những cuộc bầu cử sơ bộ như vậy? Sức đẩy nào đã giúp ông thu hút giới trẻ, nhất là giới trí thức trung lưu mà đại đa số là người da trắng?

Một số bình luận gia cho rằng:
a) Ông Obama lên vù vù là do thị hiếu của đa số đảng viên Dân Chủ, thành phần ưa chủ trương thay đổi, nhất là giới trẻ. Thật ra, họ chỉ muốn thay đổi, tốt hay xấu hậu xét, miễn là có thay đổi.
b) Theo một nhận xét khác, ông Obama là một người trẻ, có tài hùng biện, thu hút người đối diện, nhưng thực chất chưa đạt tới mức trung bình của một nhà lãnh đạo. Ông có thể là một nhà cách mạng, có thể tạo khí thế cho một cuộc cách mạng, một phong trào đấu tranh nào đó, chứ không thể là một chính trị gia để lãnh đạo một quốc gia.

c) Có người lý luận cách khác: TT Bush đâu có kinh nghiệm của một chính trị gia sáng giá, nhưng ông cũng đã đắc cử hai nhiệm kỳ? Ông Obama, một người trẻ trung, có tài hùng biện, ông như một hiện tượng lạ (phenomenon) mà nước Mỹ cần có để thay đổi cuộc diện mà người dân đã mệt mỏi vì chiến tranh, nhất là kinh tế suy trầm.

d) TNS Obama đã và đang được giới truyền thông thổi lên ào ào. Người ta cho rằng, đó chính là thế lực khó hiểu mà chính giới đang suy nghiệm tại sao?
Xin lướt sơ qua về tử vi của TNS Obama trong năm Mậu Tý tốt xấu ra sao. Sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu, mạng Bích Thượng Thổ, ông bị sao thủy diệu chiếu, có hạn ở cung hỏa, đầu năm tương đối còn nhẹ nhưng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng lý số chỉ là xem qua cho vui. Chờ xem!

Cũng xin lướt sơ qua về tử vi của bà Clinton để quý vị nghiệm thử có đúng hay không. Bà Clinton, sinh năm 1947, tuổi Ðinh Hợi, mạng ốc thượng thổ, năm nay gặp sao Thái Bạch khá năng, tức sạch nhà sạch cửa, mất của thua thân. Bà Clinton, tuy tài giỏi về nhiều mặt, nhưng đã nhảy vào cuộc đua không đúng thời điểm. Cũng xin nói vài nét cho vui. Chờ xem!

2) Có người thắc mắc tại sao một nữ lưu tài giỏi như TNS Hillary Clinton, ăn nói lưu loát, điềm đạm, có sự hỗ trợ đắc lực của phu quân là cựu TT Clinton lại tuột dốc trong cuộc đua vào Bạch Ốc một cách thê thảm như vậy? Tại sao hệ thống truyền thông lại xoay qua ủng hộ TNS Obama mạnh như thế?

Người ta cho rằng, khởi đi từ những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên và bà Clinton. Sau đó, cựu TT Clinton nhảy vào chỉ trích nặng nề TNS Obama. Chính giới của đảng Dân Chủ như TNS Kennedy, Kerry có lên tiếng khuyên can, nhưng vì ông bà Clinton không nghe lời nên họ đã nhảy vào ủng hộ ông Obama. Ðó cũng là lý do đã tạo ra một ấn tượng không tốt cho bà Clinton.

Một lý do khác khá thầm kín, đó là chính giới cho rằng một thế lực rất mạnh (tài phiệt) đứng đàng sau nhìn thấy Hoa Kỳ đang lâm chiến với các tổ chức khủng bố Hồi giáo tại Trung Ðông, chiến trường A-phú Hãn và Iraq chưa yên, đang ở giai đoạn khó khăn. Quốc gia Iran đã và đang có ý đồ gây hấn với tây phương về vũ khí chiến lược, khó tránh một cuộc xung đột xảy ra về năng lượng tại Trung Ðông. Do đó, một nước Mỹ cần tiếp tục mạnh về đối ngoại, quốc phòng v.v... để đối đầu. Nếu đảng Dân Chủ lên nắm hành pháp trong nhiệm kỳ tới, với đường hướng thiên tả, yếu cả hai mặt quân sự và ngoại, e rằng sẽ tạo nên thế mạnh cho các tổ chức khủng bố. Vì vậy, thế lực mạnh ấy đã vận động báo giới để đưa Obama đối đầu với TNS McCain, thay vì để bà Clinton ra lãnh đạo, với ê-kip hùng hậu, đầy kinh nghiệm chính trị thì TNS McCain sẽ khó nuốt. Nghĩa là nếu bà Clinton được đề cử thì ông Obama dễ chấp nhận đứng chung liên danh Clinton-Obama hơn. Liên danh này sẽ có nhiều cơ hội đánh bại TNS McCain của đảng Cộng Hòa vào cuộc bầu cử mùng 4 tháng 11 năm nay. Thế nhưng, thế lực ngầm ấy đã vận động, đã vạch thế cờ để Dân Chủ phải thua Cộng Hòa thêm một nhiệm kỳ nữa.

Nếu sự việc xảy ra như thế thì gần giống như chuyện khó khăn mà đảng Dân Chủ đã gặp phải vào năm 1972, khi ông George McGovern, một nhân vật cực tả, phản chiến, bị một số siêu Ðại biểu chống đối trong việc đề cử tại đại hội đảng Dân Chủ ở Miami, Florida, mặc dù ông thắng sát nút TNS Hubert Humphey ở các cuộc bầu cử sơ bộ. Kết cuộc, ông McGovern vẫn được đảng đề cử, nhưng ông đã bị TT Nixon đánh bại thê thảm với tỷ số 48/50 tiểu bang.

Thật ra, chiến trường chính trị đột biến khó lường, lý luận, góp ý là một chuyện, nhưng tướng bất cập số. Nếu số trời đã định ông Obama có tướng quân vương, được toàn dân tung hô, và sẽ là vị Tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thì ai mà biết được.

Trương Sĩ Lương
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests