SÂN TRƯỜNG CHIỀU MƯA BAY

Thơ nhạc trữ tình, thơ nhạc lính, video...
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Trở Về

Ta về qua ngõ mưa bay
Nhớ chiều thu ấy mưa đầy tóc em
Lối xưa đâu vạt cỏ mềm
Một thời trăng rụng xuống thềm tương tư.

Ta về tìm đọt mù u
Nghe vườn trái chín tiếng ru em buồn
Tơ lòng ta buộc, em buông
Trăm năm thương cánh chuồn chuồn lặng bay.

Ta về gió ướt thấm vai
Qua cầu thuyền ấy đã thay đổi dòng
Ngậm ngùi kẻ đứng bên sông
Với tay níu lấy cành hồng bơ vơ.

Bao năm sương trắng bụi mờ
Bao năm tay trắng để giờ trắng ... tay !
Ta về qua ngõ chiều nay
Nghe mùa trăng lạnh từ ngày xa em.


Nguyễn Thanh Trắc
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

GIỌT CÀ PHÊ MÙA XUÂN

Giọt Cà phê xuống im lìm
Chung quanh ta bỗng lặng im bắt đầu
Giọt tình muộn đã chìm sâu
Mùa xuân trên những giọt sầu tái tê

Ngước nhìn khoảng tối đam mê
Quay lưng em bỏ câu thề đã lâu
Giọt Cà phê chảy về đâu
Cung buồn cay đắng trán nhầu nếp nhăn

Lối nhà em chợt xa xăm
Lung linh khói thuốc đau hằn buồng tim
Giọt Cà phê xuống lặng im
Mùa xuân đen đắng đắm chìm hồn ta

Ta ngồi nghe mối tình xa
Đắng trên kỷ niệm đậm đà nỗi đau
Giọt Cà phê xuống thật mau
Như mùa xuân với biển sầu mênh mông .



Khieu Long
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

:wink: :wink:
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »


Image

Thơ Tình

Chiều nay ngồi đọc thơ tình ,
Mà nghe cảm xúc chuyện mình ngày xưa ,
Thời gian như một giấc mơ ,
Thoảng chốc mà đã mấy mùa ly tan ,
Người đi biền biệt mù tăm ,
Bốn phương dong ruổi dặm ngàn biết đâu . . . .

Chiều nay những dòng thơ sầu ,
Của ai bổng đã đổi màu chiều nay ,
Không gian nghe gío gọi mây ,
Và hồn ta bổng đã ngây ngất buồn ,
Đâu đây mưa tuyết còn buông ,
Và màu lạnh lẽo vẫn vương chốn nầy
Ô hay buồn sao chiều nay .
Dòng thơ ai viết mà lây hồn mình !


Du Tu
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

PHỐ NÚI CHỜ EM...

Mai em về, phố núi buồn lắm đấy
Mưa pha lê giăng sợi nhớ ngang trời
Và nắng sẽ ngủ vùi trên tóc cỏ
Se lạnh vào - bông sứ trắng
Nghiêng rơi...

Mai em về sương núi chia đôi
Gió cúi nhặt ảo hương đầu dốc vắng
Ly cà phê nơi tận cùng sâu lắng
Giọt đắng nào cho riêng phố và anh

Cọng khói chiều rồi sẽ hết mong manh
Anh đi mãi phố quen thành phố lạ
Kỷ niệm xưa vỡ òa trên mắt lá
Mây bay nhiều có rẽ lối Nam Đông?

Mai em về bên Huế phố hồng
Nón lá che nghiêng ánh cười diệu vợi
Xin em hãy một lần lạc lối
Dã quỳ mênh mang còn chưa hết nợ mùa

Mai em về, nghe xa vắng... đổ mưa....


Ngô Trường Hoài
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »


Image

Qua mùa hoa tết

Những nỗi buồn đôi lúc rất mênh mông
Như thành phố chợt mưa chợt nắng
Như em bỗng chợt đi về ngõ khác
Như mùa về không đợi gió mang tin.

Như tay nắm chạm bàn tay đã tết
Như môi hồng đang lách cách hạt dưa
Như tường rêu một buổi sáng trở mình
Xanh biếc cả lòng anh lạ lẫm.

Như chân níu từng viên sỏi nhỏ
Trước nhà ai mới lạ đã thành quen
Như hân hoan làm phố chợt rộn ràng
Như hạnh phúc đôi khi là gặp gỡ.

Để đi qua những mùa hoa tết đó
Ta rất cần thương nhớ để còn nhau.


Khuê Việt Trường
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

Image

XIN RU TÔI GIẤC MUỘN PHIỀN

Xin ru tôi giấc muộn phiền,
Bên đời hiu quạnh buồn tênh,
Cho tôi một giấc bình yên,
Để còn thấy lại thân mình .

Tôi nghe như chừng đêm đông,
Phủ đầy tuyết giá mênh mong,
Đâu đây từ chốn thinh không,
Lời nào vang vọng không cùng .

Phải là ai gọi tên tôi,
Hay người từ chốn xa xôi,
Gọi nhau qua bao núi đồi,
Hồn vô danh lạc xứ người !

Xin hãy cho tôi bình yên,
Đêm đêm trong mộng tìm quên,
Vết thù in dấu quê mình,
Chưa tàn một thời chiến chinh.


Du Tu
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »


Image

Một chút gì của xuân

Xuân đã về trên những chồi lộc biếc
Vườn nhà ai - đào đơm những nụ non
Nắng sớm nay hình như cũng tươi hơn
Giọt sương đọng, long lanh như ngọc quí.

Anh lặng lẽ tìm chỗ ngồi mộng mị
Thuở ngày xưa một lối cũ đi về
Đâu là gió mà anh bay đi mất
Có là chim thì cũng nhớ chốn xưa.

Bạn bè chơi - nhóm có dăm ba đứa
Khó gì đâu mà chẳng biết một người
Xòe bàn tay chưa nắm - đã buông lơi
Ồ lạ quá tình yêu như sương khói.

Xuân đã đến - thật đều như đã hẹn
Bậc thời gian hun hút phía sau lưng
Anh bình thản nhìn ngoài khơi biển động
Và giấu đi sóng dữ ở trong lòng.

Xuân đã đến – cũng như em đã đến
Dăm ba hôm rồi cũng sẽ vụt xa
Để lại hương xưa trong nắng nhạt nhòa
Và sợi tóc trên vai anh hờ hững.



Nguyễn Thành Trung
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Giấc mơ hồi hương

Image
Ngày nay, người ta đã có thể trở về Hà Nội. Nhưng giấc mơ
kia của Vũ Thành vẫn còn nguyên vẹn, vì Hà Nội đã đổi khác.
Hình minh họa.
(Hình: Ian Timberlake/AFP/Getty Images)


Quỳnh Giao
Ðôi khi với các nhạc sĩ sáng tác ca khúc, sự thành công có thể đến với họ khá bất ngờ.

Ðiều này thường xảy ra chứ không phải là hiếm, và làm chính tác giả ngạc nhiên. Thí dụ như Văn Phụng đã sáng tác từ trước 1954, và ca khúc đầu tiên của ông là “Ðóa Hồng Nhung” cho đến bây giờ không ai hát và biết đến. Ông kể rằng tự mình gửi vào đài phát thanh Pháp Á nhờ danh ca Minh Trang hát ca khúc đầu tay này, và khi ấy còn tưởng Minh Trang trẻ hơn mình nên đề tặng “mến tặng Minh Trang.” Ðến khi di cư vào Nam, lên đài phát thanh Quốc Gia để đàn cho ban nhạc thì mới gặp bà chị lớn hơn mình nhiều, bèn từ đó chị chị em em! Vậy mà ông vẫn chưa nổi tiếng lắm, cho đến khi “Ô Mê Ly” và “Trăng Sáng Vườn Chè” ra đời thì danh tiếng ông mới bốc như cồn...

Nhạc sĩ Hoàng Trọng viết nhạc từ cuối 1940, có riêng một ban nhạc trên đài phát thanh Hà Nội (Ban Bảo An) vậy mà đến 1951 mới nổi danh nhờ bài “Nhạc Sầu Tương Tư.” Nhạc sĩ Lam Phương khi còn là học trò của Hoàng Lang đã bắt đầu sáng tác, nhưng bài hát đem lại tên tuổi của ông chính là “Duyên Kiếp” mà trẻ con trong ngõ đứa nào cũng biết nghêu ngao “em ơi nếu mộng không thành thi sao???”

Và đây là trường hợp của Vũ Thành, do chính ông nói ra. Sáng tác ca khúc và là trưởng ban Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội là một vị trí sáng chói thời đó khi nền tân nhạc đang chuyển từ thời phôi thai sang đến thời vàng son. Ca khúc đầu tay là “Tình Xuân” mở đầu cho những ca khúc nghệ thuật có âm hưởng bán cổ điển là nét độc đáo riêng của Vũ Thành. Sau đó là một loạt những tuyệt phẩm như “Nhớ Bạn,” “Hương Nhớ Nhung,” sau được đổi tựa lại là “Gửi Áng Mây Hàng,” rồi “Gió Thoảng Hương Duyên,” “Say Nhạc Canh Tàn,” “Ngày Tái Ngộ,” v.v...

Nhưng phải đợi đến khi “Giấc Mơ Hồi Hương” xuất hiện sau 1954, tên tuổi của ông mới bắt đầu quen thuộc với mọi thành phần thính giả. Trước đó Vũ Thành chỉ được một số thính giả nghe nhạc cổ điển hâm mộ mà thôi.

Ông bảo rằng điều đó không làm ông thấy hân hạnh gì mấy. Vì nếu ông nổi tiếng nhờ “Giấc Mơ Hồi Hương” qua lối trình bày thiếu trung thực, không đúng với những điều ông viết thì thành công đó là do lời ca hơn là vì nhạc! Tại sao Vũ Thành nói như vậy thì có lẽ giới thưởng ngoạn không hiểu. Riêng người viết có được ông thổ lộ mới dám ghi nhận lại điều này.

Kể ra thì nhạc sĩ Vũ Thành quá khó tính, chứ bài “Giấc Mơ Hồi Hương” của ông thuộc vào loại sáng tác nghệ thuật như tất cả các tác phẩm khác của ông. Bài hát được viết trên nhịp 3/4 Boston dìu dặt tha thiết, cung Do Trưởng. Mười sáu ô nhạc mở đầu với nhiều intervals rộng, từ nốt thấp là Sol dưới hai dòng kẻ lên tới nốt Mi cao ở khuông thứ tư càng làm rõ sóng lòng dâng ngập. Chuyển đoạn (modulation) của bài mới là tuyệt chiêu khi ông sử dụng những nốt liên ba (triolet) diễn tả nối nhớ nhung lên đến cực điểm.

Nét diễm kiều của Hà Nội trong trí nhớ và sự liên tưởng bàng hoàng nhờ từng câu nhạc. Khi thì lên cao, rồi chuyển từ Trưởng qua thứ, và xuống thật trầm để tả bóng đêm dần tàn mơ hồ... Bài hát hay quá, nên ca sĩ nào cũng thích hát. Dù bài hát soạn cho giọng soprano hay ténor mà thôi, nhưng ai mà dám can? Lối trình bày của đa số khi hát “Giấc Mơ Hồi Hương” thường là “ad lib,” tức là hát tự do, muốn ngừng lấy hơi lúc nào thì ngưng, muốn ngân chữ nào dài hơn hay ngắn hơn cũng được. Ngoài ra còn được đổi luôn nhịp, khi thì hát thành Slow, khi thì hát thành Boléro, và xuống hai ba cung là chuyện thường.

Vì thế mà Vũ Thành mới hối hận. Ông nói nếu lời từ là sự thành công của bài hát thì lời bài “Giấc Mơ Hồi Hương” được gợi ý từ một bài thơ đọc được trên một tạp chí văn nghệ, mà ông chỉ nhớ bài thơ và quên tên tác giả. Quỳnh Giao xin ghi lại bài thơ như sau:

Ðau đớn nhìn Hà Nội
Khuất dần sau sương rơi
Sông Nhị Hà sôi nổi
Cầu Long Biên xa rồi
Mắt nhìn hình ảnh cuối
Lòng thương nhớ khôn nguôi
Nghẹn ngào tâm sự cũ
Thôi rồi Hà Nội ơi...

Vũ Thành quả là người khiêm tốn, vì với Quỳnh Giao lời ca của “Giấc Mơ Hồi Hương” sâu xa và mới hơn ý của bài thơ nguyên thủy. Thời đó, gọi thành phố Hà Nội là “Em” mà không là mới sao? Và lãng mạn quá đi chứ!

Lấy cảm hứng từ bài thơ ấy, đây là lời ca của Vũ Thành, và Quỳnh Giao ghi thêm cả lời hai, được ông viết lại quãng năm 1970:

Lìa xa thành đô yêu dấu
Một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn em mờ trong mây khói
Bước đi những chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về phía xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ em, Hà Nội ơi!

Ta nhớ tới em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Thướt tha bên hồ liễu thưa
Lắng tiếng tiêu hồn của ngàn phím tơ
Thiết tha thề ước mối duyên hờ đã phai mờ

Trong bóng đêm mơ hồ...
Mơ ước thấy em một ngày sáng tươi
Tắm nắng hồng của một sớm mai
Say hương thanh bình khắp nơi
Lắng tiếng uy hùng của từng lớp trai
Cất cao lời hứa xây cuộc đời
Sầu tàn trong bóng đêm dài...

Ðoạn trở về điệp khúc, thay vì hát lại lời một, Vũ Thành soạn lời hai như sau:

Chiều nay nhìn về quê xưa
Hình bóng thân yêu chưa mờ
Gửi tới cố hương chút niềm thương
Tìm em qua bao năm tháng
Vó câu chinh nhân chưa mòn
Ngoài chân mây xa bừng lên muôn ánh hào quang
Rồi đây trên đường hồi hương
Vang tiếng cười chốn xa trường
Cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương
Ðể cùng xây giấc mơ hồi hương...


Lời ca của Vũ Thành đầy cảm xúc, với tâm tư và cảnh sắc lung linh choáng ngợp. Ca khúc đã được rất nhiều người hát, từ Ánh Tuyết, Thái Thanh, Kim Tước, Khánh Ngọc, Mai Hương của giọng nữ cho đến giọng nam của Anh Ngọc, Thanh Vũ, Hùng Cường, Ðoàn Chính, Bùi Thiện... Riêng lời hai của bài này chỉ có hai người hát do chính Vũ Thành đưa ra và yêu cầu là Anh Ngọc và... người viết bài.

Năm xưa, Anh Ngọc hát “Giấc Mơ Hồi Hương” cho chương trình đài Tự Do. Sau đó, khi lên máy bay đi tỵ nạn, Vũ Thành không mang hành lý nào ngoài cuốn tape thu một số bài hát với hòa âm của mình mà ông quý như bảo vật. Còn Quỳnh Giao thì ghi âm vào tape “Hát Cho Kỷ Niệm số 1” ở ngoài này mà chỉ để tặng chứ không bán, với lời giới thiệu của chính Vũ Thành. Giờ này nghe lại vẫn rớt nước mắt...

Ngày nay, người ta đã có thể trở về Hà Nội. Nhưng giấc mơ kia của Vũ Thành vẫn còn nguyên vẹn vì Hà Nội đã đổi khác.
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

Image

MÀU ẤU THƠ

Cho tôi màu nắng quen xưa,
Tinh mơ trải xuống trên bờ cỏ non,
Để như kỷ niệm vẫn còn,
Như màu thơ dại còn trong tuổi này .

Cho tôi sống lại những này,
Vàng son thủa nhỏ trên tay mẹ bồng,
Thời " ê ", " a " , cuốn vở lòng,
Và năm tháng cũ bên giòng ấu thơ .

Cho tôi nghe lại tiếng xưa,
Chiều trên phố nhỏ, cơn mưa cuối mùa,
Hạ về và tiếng ve xưa,
Màu Bằng - Lăng tím bên bờ đồi hoang ,

Trong mông lung giữa chiều tàn,
Âm vang nào động trên trang vở buồn,
Như màu mực tím cô đơn,
Trang thư viết vội khi hờn giận nhau .

Cho tôi thủa mới bắt đầu ,
Biết thương, biết nhớ từng câu thơ tình,
Cùng cô bạn học xinh xinh,
Lời yêu chưa nói mà tình đã trao !

Cầm tay nhau một lần nào ,
Mười lăm năm vẫn còn khao khát hoài .
Thương ai màu mắt u hoài ,
Nhớ đôi lọn tóc cho ai si tình ,

Cho tôi mãi vẫn đi tìm,
Dầu thơ ấu cũ đã chìm trong mơ


Du Tu
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Người bạn thiết của những kẻ lang thang.

Tác giả: Du Tử Lê
Hình như tôi đã yêu Hồ Dzếnh ở những năm đầu tuổi thơ. Một tuổi thơ trong loạn lạc, hoang tàn của quê hương tôi. Những cây gạo đỏ gẫy gục bên một bờ sông Đáy. Từ những bước chân lên mười tản cư qua Đồng Lạc, Rừng Mơ, Thanh Hóa... Cuối cùng, quay lại, ngập ngừng nơi những bậc tam cấp của Chùa Bà Đanh, trước khi quyết định về làng - Chiều, của Hồ Dzếnh đã là những tiếng rã rời, hay những bàn tay ve vuốt đầu tiên trong tâm hồn tôi, hoảng hốt. Chiều, đã được cất lên giữa cái hoang tàn, đổ nát đó, bởi nhiều giọng khác nhau. Bởi nhiều tâm sự, với những tình ý gửi theo, cũng khác nhau. Nhưng trong tâm hồn non nớt của tôi, qua cái lọc là tấm màn vải thưa, hay dải cát non của một bãi bờ tinh khôi, mặt trời mới lú, tiếng thơ Hồ Dzếnh đã luồn lọt qua đó, đã nhỏ từng giọt mơ hồ xuống đó. Và đã ở lại. Ở lại mãi. Cho tới những ngày Hà Nội không còn.

Cho tới những ngày tôi bắt đầu đời mình trên căn gác của khu úng thủy Nguyễn văn Thoại, Saigòn...

Phải nói rằng chính ở những ngày tháng giang hồ niên thiếu kia, tôi mới cảm thấy một cách rõ ràng rằng, Hồ Dzếnh là người bạn thiết của những kẻ lang thang. Chiều, đã như một thứ “Trở về mái nhà xưa” của H. Curtisse.

Rõ ràng, Hồ Dzếnh đã đi vào đời tôi bằng khung cửa buổi chiều. Một khung cửa u ám của những chiều mây xuống thấp, mà đâu đó, không có lấy một sợi khói.

Hồ Dzếnh đã ở lại với tôi trong những buổi chiều lóc cóc trên chiếc xe đạp, đi kiếm ăn và trở về muộn. Trở về lúc những ngôi nhà đã lên đèn. Lúc những hàng cây đã thu mình, đợi chờ, bóng tối.

Bóng tối như những ngày mai sẽ trở lại.

Thế đó. Hồ Dzếnh ở trong tôi không như một Huy Cận cao ngất khinh mạn. Không như một Nguyễn Bính ngọt ngào mật đồng nội.

Hồ Dzếnh đến và ở lại trong tôi, như một chiếc bóng. Âm thầm. Mụôn phiền và, tơi tả. Ông đã như một người bạn. Một người bạn ít nói. Một người bạn trầm ngâm (luôn luôn trầm ngâm,) như muốn dành hết thời gian có đựơc, để nghiền ngẫm, để quay về, (trong hư tưởng,) một nơi chốn không thực.

Ôi, mới quyến rũ sao, những nơi chốn không thực.

Tôi biết và yêu Hồ Dzếnh, chỉ với chừng đó! Mây câu thơ năm chữ. Một hiểu biết quá sức ít ỏi. Nhưng lại là một bắt đầu, cho một thứ tình yêu, chẳng thể thuỷ chung hơn.
Image
Thi sĩ Hồ Dzếnh qua nét vẽ của Hoàng Lập Ngôn

Phải nói, mãi tới những năm sắp ba mươi, tôi mới chính thức bước vào thế giới Hồ Dzếnh qua “Quê Ngoại.” Qua “Hoa Xuân Đất Việt.” Và nhớ được, nhặt được đâu đó, trong hai tập thơ này, những câu:
“Xứ run rét lạnh, cõi đầy hồng hoang.”

Hoặc:
“Có tơ giăng mối hai hàng
“Có muôn quán gió luồn trong một người.”

Cũng từ đấy, tôi mới rõ thêm chân dung người bạn thiết của những kẻ lang thang. Hồ Dzếnh. Rằng, thơ ông chính là những dòng thao thiết về nơi chốn. Thơ Hồ Dzếnh là thơ về nơi chốn. Điều này, tôi nghĩ, cũng dễ hiểu. Bởi nếu truy nguyên nguồn gốc Hồ Dzếnh, người bạn thiết của những kẻ lang thang, thì ông chính là kẻ không có quê hương.

Sách vở đã ghi chép, Hồ Dzếnh là người Minh Hương. Một người mang trong mình hai dòng máu Tàu và Việt. Cái quê ngoại tuy có nồng nàn trong tâm hồn Hồ Dzếnh, cái quê ngoại kia vẫn chẳng thể bù đắp được phần mờ mịt của quê nội. Một gốc rễ. Một cội nguồn. Ngay chúng ta, với quê hương đó, nguồn gốc đó, cội rễ đó, nhưng đã mấy ai, không từng đôi lần nghĩ rằng, đời ta không phải thế. Đời tôi không phải thế!

“Ngựa gầy bóng gió mênh mang
“Cờ đen lối cũ, cây vàng nẻo xa...”
......
“Mộng tàn, nước chảy, hoa trôi
“Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa.”

Từ cảm thức không cội nguồn, hay từ mặc cảm bị bỏ rơi, bị lãng quên kia, đã đẩy đưa Hồ Dzếnh tới một mặc cảm khác. Đó là mặc cảm phạm tội hay xấu hổ, mỗi khi ông muốn bày tỏ về nơi chốn mơ ước. Có lẽ vì thế mà, những bày tỏ tình cảm trong thơ của ông, về một nơi chốn, đã là những bày tỏ thoáng nhẹ. Những bày tỏ nửa chừng.

“Khi vàng đứng bóng im trưa
“Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường.
......
“Chiều buồn như mối sầu chung
“Lòng im nghe thoảng tơ trùng chốn xa
“Đâu hình tàu chậm quên ga
“Bâng khuâng, gió nhớ về qua lá dày.
......
“Rạc rời vó ngựa quá quan
“Cờ treo ý cũ, mây giàn mộng xưa.
......
“Tôi vui lòng sống trong im...”

Cũng từ những năm chớm ba mươi, những năm bước vào thế giới Hồ Dzếnh, người bạn thiết của những kẻ lang thang, tôi thấy thêm một điều, mà tôi nghĩ, những người hằng quan tâm tới biến chuyển của thi ca Việt Nam hiện đại, nên chú ý: Đó là sự đổi mới trong thể thơ lục bát của ta. Tôi cho, nó bắt nguồn từ Hồ Dzếnh qua những câu thơ lục bát ở trên. Ông chính là người khai mở dòng lục bát mới của chúng ta, những năm sau 1954...

Nhận xét tôi vừa nêu, có thể khởi đi từ lòng quá yêu người bạn ít nói, một người bạn luôn (khao khát,) quay về một nơi chốn chỉ có trong hư tưởng. Nhưng sẽ là một nhầm lẫn và bất công, nếu khi xét tới sự biến chuyển của thể lục bát hôm nay, mà, quên Hồ Dzếnh. Chúng ta không thể quên ông với những câu thơ mà những người làm thơ lục bát hôm nay, chưa chắc có được.

Cụ thể, chi tiết hơn, thì sự làm mới thể lục bát của chúng ta hôm nay, trên căn bản sử dụng táo bạo những hình dung từ, trạng tự, và, những bổ túc từ...Tất cả những nỗ lực này, đã đựơc Hồ Dzếnh sử dụng (cách đây mấy chục năm,) với ý thức, và đã đạt mức tuyệt hảo.

Khi ngồi vào bàn viết, tôi mới thấy mình có quá nhiều điều để viết về người bạn thiết của những kẻ lang thang. Nhưng số trang đã hẹn trước với anh Thư ký Toà soạn, không cho phép tôi viết hơn.

Để chấm dứt bài viết ngắn này, tôi xin được cảm ơn “Quê Ngoại,” cảm ơn “Hoa Xuân Đất Việt,” đã cho tôi thấy phần nào chân dung người bạn những ngày thơ ấu cũ, và, những ngày giữa bè bạn tôi, những năm ba mươi, bắt đầu.
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Love Story
Xin click vào tựa bài Love Story để thưởng thức môt chuyện tình .
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Image

Cà phê mưa

Cà phê mưa… và Huế
Nhâm nhi nhìn sông Hương
Những giọt mưa thành nội
Rơi dài mùa nhớ thương.

Ngồi uống giữa đất trời
Xuân, hạ cùng thu sang
Cây bằng lăng nghiêng phố
Hoa chờ ai bẽ bàng!

Ngồi nhìn mưa thành nội
Ngôi nhà em rêu phong
Huế bốn mùa sứ nở
Hương thơm dịu nỗi lòng.

Người xa từ độ ấy
Nay ta ngồi bên sông
Ly cà phê tầm tã
Giọt đắng đậm chiều đông.


Nhất Lâm
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

BÀI CN 16

Ta ngồi đếm nhịp thời gian
Em lại đi giữa ngỡ ngàng chiều đông
Trong tận cùng nỗi mênh mông
Đời phù du bụi mưa hồng lãng quên

Gió tung mái tóc ưu phiền
Sương mùa điểm trắng chiều nghiêng ngại ngần
Dòng sông tình tự có lần
Trôi vào hư ảo , vọng ngân kinh chiều

Tim ta sau trước một điều
Từ trong tiền kiếp đã yêu em rồi
Mùa trăng trôi nổi bồi hồi
Lung linh em bước lên ngôi mê tình

Về thiên thu đó bóng hình
Trầm luân hồ mị , lời kinh úa vàng
Chiếu chăn còn dấu địa đàng
Sầu dâng khô cạn nỗi mê man đời


Khiếu Long
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Image


Chị dâu

Từ ngày chị về làm dâu
Mẹ ngưng bạc tóc, nhà đâu còn buồn
Ðường xa hun hút nhớ thương
Chạnh lòng quê cũ giọt sương cạn mùa

Thời gian mấy nhịp nắng mưa
Xót xa tóc chị nhặt thưa điểm màu
Nỗi buồn đôi mắt ngõ sau
Dấu chân chim thả vệt sâu tháng ngày

Làm dâu năm tháng đong đầy
Là niềm vui với những ngày nhớ trông
Chị là hơi ấm đêm đông
Quạnh hiu nhẹ bớt trong lòng mẹ cha

Gửi quê, gửi mẹ tuổi già
Còn em phiêu bạt xa nhà cầu may
Vụng về tay trắng bàn tay
Bao năm trở lại lòng quay quắt lòng

Thương quê thấm vạt đất nồng
Áo em áo chị nhuốm hồng bụi mưa
Lặng thầm đi sớm về trưa
Thoắt thời gian đã đong đưa xế rồi

Làm dâu, đã nửa cuộc đời
Chị là vầng sáng khoảng trời mênh mông.


ÐÀO TẤN TRỰC
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 4 guests