Chân Dung Người Lính VNCH

Quân sử, những bài viết, ký sự, ...
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Vị tướng già trong nhà dưỡng lão

Huy Phương/Người Việt


“Anh hùng mưu sự chẳng nên
Cúi xuống thẹn Ðất, ngước lên thẹn Trời!”

(Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai)

DALLAS - Một người bình thường lúc về già sống cô đơn trong nhà dưỡng lão đã là một chuyện buồn, một vị tướng lãnh đã từng bao năm trận mạc, hôm nay sống trong một nhà dưỡng lão quạnh hiu đã gây không ít cho chúng tôi những cảm xúc bùi ngùi đau xót khi đến thăm ông.

Cùng với anh Thái Hóa Lộc, chủ nhiệm tuần báo Người Việt-Dallas, chúng tôi đến thăm Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai vào một chiều Chủ Nhật mùa Ðông tại “Pleasant Valley Healthcare and Rehabilication Center, 1525 Pleasant Valley Rd., Garland, TX 75040.” Khi chúng tôi bước vào phòng, thấy ông đang ngồi trên chiếc xe lăn, ông cho biết đang thay y phục, nên chúng tôi tạm lui ra chờ. Khi trở lại, ông đã tươm tất hơn trong bộ đồ mới.

Image
Ký giả Huy Phương và Thiếu Tướng Giai trong nhà dưỡng lão ở Dallas Ft Worth tháng 12, 2015. (Hình: Thái Hóa Lộc)

Nhận ra anh Lộc là người quen, thường thăm viếng ông, ông vui vẻ chuyện trò và nhờ chúng tôi đẩy ông ra ngoài phòng khách ngay lối ra vào, nơi mà các y tá có thể quan sát. Ở đây đã có nhiều ông bà già hiện diện, tất cả đều ngồi xe lăn. Ðây là một thói quen của ông, mỗi chiều, hoặc là ngồi đây vui hơn, hoặc là ông đang chờ ai đó, có thể vào thăm ông. Vào chiều Chủ Nhật, nhưng tôi không thấy có một thân nhân nào đến thăm những bệnh nhân ở đây, ngoài chúng tôi đang ngồi với Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai.

Ông chuyện trò rời rạc, khi đáp những của thăm hỏi của tôi, là người khách lần đầu đến thăm ông.
Lúc còn khỏe và tỉnh táo, trí nhớ tốt, mỗi tuần ba ngày, ông đến sinh hoạt tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cao Niên tại thành phố Garland.

Bà Ðỗ Kế Giai qua đời vào tháng 11, 2012 sau khi ông vào bệnh viện được ba tháng. Từ bệnh viện, ông được chuyển thẳng về trung tâm này.

Ông bà có tất cả bảy người con, một gái và sáu trai. Bốn người đều ở các tiểu bang xa, chỉ còn lại ba người con trai ở gần ông. Hiện nay, ông còn có thể tự ăn uống và lo chuyện vệ sinh cho mình. Ông đã ở đây hơn ba năm, và tỏ bày: “Ở đây buồn quá!”

Những vị cao niên nằm trong viện dưỡng lão như hoàn cảnh của ông, còn nhớ chuyện này chuyện nọ, còn biết buồn, biết vui, có lẽ cảm thấy khổ hơn là những người đã mất trí nhớ hoàn toàn.

Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai sinh năm 1929 tại Bến Tre, trong một gia đình điền chủ, ông theo học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ bị Liên Quân Ðà Lạt, ra trường vào tháng 4, 1952, và đơn vị đầu tiên của ông là Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, đóng tại Bắc Việt.

Lần lượt ông đã giữ các chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù, chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 2 Nhảy Dù (1962), tham mưu trưởng Sư Ðoàn 25 BB, tư lệnh Sư Ðoàn 10 BB (tiền thân của SÐ 18BB-1966). Năm 1967 ông mang cấp bậc chuẩn tướng. Năm 1972, ông là chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Ðộng Quân và được vinh thăng thiếu tướng vào tháng 4, 1974.
Image
Hình Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai 42 năm về trước. (Hình: Gia đình cung cấp)

Ngày 28 tháng 4, 1975, Tướng Times bên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ngỏ lời sẵn sàng giúp đưa cả gia đình ông đi Mỹ, nhưng ông quyết định ở lại vì trách nhiệm của một tướng lãnh. Ngày 15 tháng 5, 1975, Cộng Sản đến nhà mời ông đi họp và đưa thẳng vào khám Chí Hòa, sau đó đưa ông cùng với các vị tướng lãnh khác ra Bắc Việt.

Ðến ngày 5 tháng 5 năm 1992, sau 17 năm ông mới được trả tự do, là một trong 4 vị cấp tướng cuối cùng ra trại với Thiếu Tướng Trần Bá Di, Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo và Chuẩn Tướng Thiếu Tướng Lê Văn Thân.

Ông và gia đình được xếp vào danh sách H.40 nhưng cuối cùng được đôn lên H.07, đến Mỹ vào tháng 11 năm 1994 và định cư tại thành phố Garland, Texas.

Theo lời kể của anh Thái Hóa Lộc, không phải là thân thích của ông, người vẫn thường ghé thăm ông, cho biết ông thích ăn các thức ăn Pháp và thích nhâm nhi chút rượu, nếu có thể. Lúc còn khỏe, ông cũng sẵn sàng nói chuyện xảy ra trong thời loạn lạc, một số chi tiết về Ðại Tướng Cao Văn Viên liên quan đến vụ đảo chánh 1963, cái chết của Thiếu Tá Nhung và một số chi tiết nhưng ông yêu cầu không nên đưa lên báo chí.

Bây giờ có chuyện nhớ chuyện quên nhưng ông cho biết vào mùa Ðông thân thể thường đau nhức, “chỉ có Wishky mới trị nổi thôi,” điều mà bác sĩ hoàn toàn cấm, nhưng đôi khi các cô y tá cũng thông cảm cho ông, khi biết ông xưa kia là một tướng lãnh.

Ông tâm sự với chúng tôi, là ông đã nghĩ đến ngày ra đi và không sợ chết. Ngày ông mất, xin nhờ bên anh em thuộc binh chủng Nhảy Dù lo chuyện hậu sự cho ông tươm tất là ông cảm thấy mãn nguyện rồi.
Ông đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ dài ông đã làm trong nhà tù Bắc Việt sau 9 năm bị giam cầm (khoảng năm 1984.) Bài thơ dài 65 câu, lời thơ đầy bi phẫn, xót xa của một tướng lãnh thất trận và là của một người tù không bản án, vô vọng không có ngày về.

Chỉ trong vòng mười lăm phút, ông đã đọc đi đọc lại cho chúng tôi nghe bài thơ này ba lần, điều này chứng tỏ ông đã đi vào thời kỳ lú lẫn. Anh Thái Hóa Lộc cho tôi biết, ông thường vào thăm ông, mang thức ăn cho ông, và lần nào, anh Lộc cũng nghe ông đọc bài thơ này. Ông cho biết trong nhà tù ông đã làm bài thơ và ghi nhớ trong đầu, đọc đi đọc lại nên thuộc nằm lòng, mà không dám viết ra giấy.

Trong khi Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai đọc đi đọc lại bài thơ viết trong nhà tù Việt Bắc, chúng tôi đã ghi âm lại và chép ra để các chiến hữu và độc giả hiểu được phần nào tâm sự của ông, một vị tướng già, thất trận đang sống những ngày cuối cùng xa quê hương, lẻ loi trong một nhà dưỡng lão xa lạ. Vì khuôn khổ của trang báo, chúng tôi chỉ xin trích một đoạn trong bài thơ của ông, bài thơ chưa đặt tên:

...“Ý thức hệ miền Nam kiếp nạn
Chín năm (1984) cố quốc dạ nào quên.
Không xoay thế cuộc, anh hùng lụy
Hào kiệt ngục trung, nợ nước đền.
Anh hùng mưu sự chẳng nên
Cúi xuống thẹn Ðất, ngước lên thẹn Trời.
Mài gươm rồi để hận đời
Chôn vùi thế hệ lụy người tù chung.
Oán thế nhân, xin đừng trách nữa
Lỗi lầm này hãy sửa sai chung.
Ðem xương máu học bài đắt giá
Chi đem thành bại luận anh hùng.


(Ðỗ Kế Giai-1984)
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Từ Lễ Tạ Ơn Đến Lễ Giáng Sinh 2015

Giao Chỉ San Jose
Image
Cảm ơn nước Mỹ,

Dân Sinh Media của anh Phạm Phú Nam năm 2016 sẽ chuyển qua một giai đoạn mới. Chúng tôi dự trù sẽ ra mắt nhiều tác phẩm DVD phim tài liệu từ cuối năm 2015 qua 2016. Một loạt phim cho thế hệ tương lai. Chuyện quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng Việt bằng hình ảnh và Anh ngữ. Nói tiếng Mỹ sẽ có phụ để Việt Ngữ. Chỗ nào nói tiếng Việt thì phụ đề Anh ngữ.

Cuốn phim đầu tiên qua bản thảo đã chiếu thử vào chủ nhật vừa qua. Ngay tại hội trường Santa Clara County lúc 10 giờ sáng chủ nhật 20 tháng 12-2015. Sáng sớm chủ nhật trời lạnh. TV báo tin có mưa. Dù thông báo cũng không rộng rãi, nhưng may thay bà con đến ngồi kín cả hội trường.

Khai mạc đúng giờ và các em nhỏ của Thái Bình nhạc viện đã làm quan khách rất ngạc nhiên với những màn đồng ca vô cùng xuất sắc. Các em bé từ 6 đến 15 tuổi hát luôn một loạt quốc ca Hoa Kỳ, quốc ca VNCH, chiến sĩ vô danh và God Bless America.

Tiếp theo là đến phần chiếu phim. Phim này mở đầu cho một loạt phim song ngữ có danh hiệu là Thank you America. Buổi chiều phim được coi là thành công trong ân tình của khán giả và sự đồng thuận của đề tài. Tuy vậy cũng vẫn có thân hữu xa gần hỏi rằng thực sự chúng ta có cần phải cảm ơn nước Mỹ hay không? Câu chuyện chúng tôi sẽ kể hầu quý vị dưới đây trong mùa giáng sinh năm nay xin được phép trả lời. Nhưng phải tạm ngừng ở đây để báo cáo chuyện cuối năm. Có hai tin tức cần được chia xẻ với bà con.


Chuyện Homeless

Cũng như nhiều đô thị đông dân trên thế giới, San Jose có vấn đề với dân không nhà. Chủ trương của thành phố đầu năm 2015 là giải tỏa nhiều khu vực homeless vì lý do vệ sinh, cần sa, ma túy. Nhưng mùa đông trở về San Jose lại phải chấp thuận cho khách homeless cắm trại ở 7 khu quanh thành phố. Nhiều hội đoàn Mỹ Việt, các nhà thờ vẫn lên chương trình dọn ăn cho homeless tại các trung tâm.
Image
Chương trình thực đơn thân ái do cơ quan IRCC chúng tôi bắt đầu từ đầu năm 1992 tính đến 2016 là vừa đúng 24 năm. Nếu quý vị động lòng từ thiện vào mùa đông tháng giá mới tham dự, điều đó cũng rất quý. Tuy nhiên nếu tình nguyện hàng tháng, quanh năm kéo dài trên 20 năm thì quả thực cũng là thời gian công tác đáng kể. Tháng 10 vừa qua hội Ái Hữu Petrus Ký lên phiên . Tháng 12 này đến lượt hội nữ quân nhân QLVNCH và qua tháng 1-2016 là quý vị của gia tộc họ Vũ đảm trách.

Quý vị nào muốn đóng góp xin gửi chi phiếu về IRCC/Homeless 3017 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121. Đoàn thể nào muốn nhận công tác từ tháng 2-2016 xin liên lạc về cho Ông Đức Quyền (408) 912 3477. Yểm trợ cho chương trình Homeless của IRCC là công tác thiết thực nhất nói lên lời Cảm Ơn Nước MỸ.

Nghĩa Trang Biên Hòa.

Trong những ngày gần đây, quý vị đã nghe tin 2 chính phủ Mỹ và Việt Nam bàn đến việc trùng tu và bảo toàn Nghĩa Trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại Biên Hòa trước đây, nay là Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Thực ra đây mới chỉ là sự vận động của các giới chức dân cử và bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Trên thực tế, mặc dù hoang phế điêu tàn nhưng suốt 40 năm qua Nghĩa trang Biên Hòa vẫn còn tồn tại phần lớn tại khu chôn cất 16 ngàn tu sĩ.
Image
Sở dĩ vẫn còn tồn tại là nhờ các thân nhân, chiến hữu từ Việt Nam và từ các nước trở về tảo mộ dưới hình thức không chính thức. Chúng tôi hiện có đầy đủ tin tức chính xác và cụ thể để tổng hợp thành tài liệu sẽ phổ biến. Riêng lần này chỉ có thể tóm tắt kể từ khi cơ quan IRCC phát động phong trào tảo mộ nghĩa trang từ đầu năm 1993 cho đến nay đã trải qua 23 năm dài. Sự tiếp tay hưởng ứng của bà con, của chiến hữu và của các tổ chức , các nhóm tình nguyện từ Pháp, Úc, Canada và đặc biệt là Mỹ quốc đã làm nên lịch sử.

Bây giờ hồ sơ Nghĩa trang đã có tại bộ ngoại giao Mỹ, tại bộ quốc phòng, tại tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội và tòa lãnh sự tại Sài Gòn. Vì vậy sự tồn tại và bảo toàn trong tương lai của nghĩa trang sẽ là sự thực. Sau cùng là câu chuyện nhà.
Đám tang của cậu em.

ImageImage
Trưa ngày thứ ba 22 tháng 12 năm 2015, gia đình chúng tôi tiễn đưa cậu em về nơi vĩnh cửu. Xin kể chuyện nhà nhưng cũng là dịp để bà con biết thêm kinh nghiệm về chuyện tử sinh. Cá nhân chúng tôi đã từng có dịp đưa tiễn biết bao nhiêu bà con, chiến hữu trong 40 năm qua tại Hoa Kỳ. Có lần lễ tang kéo dài 3 hay 4 ngày cuối tuần. Nhiều đoàn thể thăm viếng. Các lễ nghi tôn giáo thay phiên. Quan khách xa gần vô cùng đông đảo. Cáo phó chia buồn trên Radio, TV, báo chí tràn ngập giới truyền thông và sau cùng nghi lễ tiễn đưa long trọng. Lần nầy tang gia chúng tôi tổ chức đơn giản. Xin kể để bà con trong cảnh nhà đơn chiếc biết thêm tin tức. Chuyện như thế này.

Tuần trước cô em gái tôi gọi cho anh. Chú Hoàn đi rồi. Tôi hỏi cô tính sao? Cô em tôi là người săn sóc cho chú em chồng bị tâm thần suốt 35 năm ở Mỹ, bây giờ là chuyến ra đi sau cùng. Cô nói là không thể để chú Hoàn ra đi như người chết vô thừa nhận. Nếu gia đình không nhận thì sở xã hội sẽ lo hết. Họ sẽ thiêu chung hay thiêu riêng rồi tro tàn đem đi đâu chẳng ai biết. Cô cán sự nói rằng nếu gia đình nhận đứng ra thì có nhà quàn đường số 2, San Jose sẽ đảm trách mọi chuyện. Nếu không cần chỗ quàn để thăm viếng. Chỉ đơn giản đem thiêu riêng có thân nhân chứng kiến thì phải trả chi phí là $3000. Sau đó tro tàn sẽ đưa về nghĩa trang tại Santa Clara City. Tôi tán thành với cô em và hai anh em sẽ đến cùng cô cán sự xã hội gặp nhà quàn đường số 2 San Jose để cùng thu xếp.

Tiểu sử người ra đi:

Dù hoàn cảnh ra sao, con người ta ai mà chẳng có tiểu sử. Cậu em chúng tôi tên là Nguyễn Văn Hoàn sinh ngày 5 tháng 12 năm 1944 tại Thái Nguyên. Chú Hoàn là em ruột của chú Nguyễn Văn Nhạc. Thiếu tá Nhạc là sĩ quan Đà Lạt khóa 16 lập gia đình với em gái của chúng tôi.

Hoàn gốc miền Trung những sinh ra tại Thái Nguyên khi ông già làm công chức trên miền thượng du. Cả gia đình di cư vào Nam 1954. Chú Hoàn thông minh, học giỏi đỗ tú tài toàn phần 1964, tốt nghiệp kỹ sư canh nông tại trường Nông Lâm Súc 1968. Được đưa về bộ canh nông thời VNCH. Sau trận Tết Mậu Thân, tổng động viên Hoàn vào Thủ Đức 1969.

Ra trường vì gốc nông nghiệp nên được thuyên chuyển về cục Quân Nhu.Thời đó quân đội đã có kế hoạch tính đến tương lai, một mai hòa bình sẽ đưa toàn quân ra làm ruộng nên chuẩn bị chương trình Nông Mục quân đội. Chuẩn úy Nguyễn Văn Hoàn bắt đầu phụ trách nông mục nuôi gà nuôi heo và nghiên cứu các thức ăn cho gia súc. Trải qua 5 năm binh nghiệp từ chuẩn úy thăng cấp thiếu úy rồi trung úy nhưng trước sau Hoàn vẫn là một sỹ quan hết sức hiền lành.

Qua năm 74 theo nhu cầu, bộ canh nông xin cho trung úy Hoàn biệt phái ngoại ngạch trở về công chức, bổ nhiệm xuống Bạc Liêu làm phụ tá ngân hàng nông nghiệp.

Ngày 30 tháng tư 75 khi vị tư lệnh quân đoàn tự vẫn thì các nhân viên ngân hàng di tản hết, chỉ còn anh trung úy quân nhu biệt phái ngồi giữ cơ quan. Cộng sản vào bắt trung úy Hoàn đi tù cải tạo ba năm. Một hôm vào rừng đốn cây, bị tai nạn cây đổ vào đầu, anh tù độc thân hiền lành nhất của trại trở thành bệnh tâm thần. Nhờ lúc tỉnh lúc điên nên Hoàn được tha về. Mẹ già tưởng rằng tương lai tươi sáng nhờ con làm chức quan trọng ở ngân hàng, bỗng một sáng một chiều trở thành anh tù tâm thần chẳng còn làm được chuyện gì. Hy vọng gửi con đi Mỹ may ra chữa được bệnh điên, trung úy Hoàn được đi vượt biên năm 1979. Bà mẹ thu xếp mọi chuyện nhưng không ngờ chuyến tàu đưa con vào chốn hãi hùng.

Con tàu vượt biên bị hải tặc, câu chuyện này đã cùng chung với biết bao nhiêu con tàu bi thảm xảy ra vào năm 79. Đàn bà con gái bị hãm hiếp. Đàn ông con trai bị chém giết đánh đập. Nguyễn văn Hoàn vốn bệnh tâm thần lẩm nhẩm với hải tặc Thái lan lại bị đánh thêm một trận trở thành điên luôn. Nhưng vẫn may mắn thoát chết vào được Songkhla Thái Lan.

Sau cùng được vợ chồng cô em tôi lập hồ sơ đoàn tụ vào Mỹ. Đó là năm 1980. Nước Mỹ nhân đạo đã mở rộng vòng tay đón cậu em chúng tôi vốn thân thể tiều tụy, đầu óc không giống ai. Vậy mà không biết làm sao phỏng vấn với phái đoàn Mỹ vẫn đậu. Có thể là bệnh tâm thần nhưng trung úy Hoàn thông suốt lịch sử Hoa Kỳ. Năm 80 nhất định đòi vào Mỹ gặp tổng thống Carter.

Phi cơ đến phi trường Travis, gia đình cô em chúng tôi đón được cậu Hoàn, đâu có biết rằng sẽ phải lo cho một người điên hơn 35 năm tiếp theo. Gia đình cô em có hai vợ chồng và 2 con gái. Cũng chẳng giàu có gì và đời sống ở Mỹ biết bao nhiêu chuyện phức tạp. Chú Hoàn thì tiền già chưa có, tiền bệnh chưa khai được. Mỗi lần vào khai xin tiền bệnh, trung úy Hoàn giải thích chuyện chính trị Hoa Kỳ bằng tiếng Mỹ con ngang ngửa với worker Việt Nam, làm sao mà cho ăn tiền bệnh được. Hạnh phúc đến được là sau nhiều ngày tháng, bệnh lại nặng dần và county lúc đó mới nhận ra là anh chàng điên thật. Dù có tiền bệnh nhưng bệnh nhân tâm thần không thể tìm được chỗ share phòng. Gia đình cô em vất vả suốt 20 năm mới tìm được chỗ ổn định từ khi cậu Hoàn tưởng chết trong nhà thương lại được chuyển qua nursing home.

Như vậy 15 năm sau cùng của cuộc đời, chú Hoan đã được tất cả các phương tiện y khoa Hoa Kỳ săn sóc chu đáo. Cơm bưng nước rót. Cái Nursing home này ở Campbell chỉ có một mình chú là người Việt Nam. Cả ngày Trung úy Hoàn nói anh ngữ lưu loát nhưng chẳng ai hiểu chú nói gì. Tháng nào chú cũng gọi tel cho anh Lộc báo cáo là có gặp các tướng lãnh và tổng thống Hoa Kỳ. Nói anh phải vào ngay trong này, em đã thu xếp văn phòng cho anh. Anh phải gặp Đại tá Cục Trưởng Quân Nhu Nguyễn Tử Đóa mua thêm thức ăn cho gà Nhật Bản. Em đã viết xong chương trình cho quân đội tự túc tự cường. Mình không cần Mỹ. Anh Lộc vào đây lấy ngay tài liệu để trình cho tướng Khuyên.

Một lần khác chú Hoàn kêu khẩn cấp cho biết trong này toàn Việt Cộng mặc đồ trắng. Anh phải đưa biệt kích dù mặc đồ ngụy trang vào giải tỏa. Tình trạng không thể trì hoãn. Nguồn tin A1.

Những chuyện như vậy cứ kéo dài suốt 35 năm. Tin khẩn cấp sau cùng cô em tôi gọi đến là chú Hoàn đi rồi. Trước khi đi chú đã viết xong tất cả các chương trình xây dựng đất nước. Chú không nói rõ cấp bậc sau cùng ra sao. Chú còn nói là cần báo ngay cho Obama phải cẩn thận. Con người suốt ngày giao thiệp với Clinton và Obama nhưng quanh vùng San Jose trải qua 3 thập niên, Chú không hề có một người bạn.

Ngày thứ sáu, anh em chúng tôi đến gặp bà Quản trị viên nhà quàn đường số 2. Có cô Cán sự Việt Nam qua Mỹ từ năm 3 tuổi cùng ngồi để thu xếp việc tang gia. Cô em tôi đã chuẩn bị sẵn 3 ngàn để đóng tiền. Nhưng cô Cán sự nói là gia đình không phải đóng. Mỗi tháng nằm đây chính phủ phải trả cho chú Hoàn năm bảy ngàn cả tiền phòng và thuốc men bác sĩ. Ngoài ra chú còn được cấp tiền túi.

Nhưng mấy năm nay chú Hoàn không mua thức ăn ngoài, không hút thuốc lá, không mua quần áo sách báo nên cô Cán sự mở cho chú chương mục tiết kiệm. Đủ tiền rồi. Cô em tôi đành phải cất tiền đi và nói rằng Cảm ơn nước Mỹ. Tôi hỏi thêm vậy thì xác của chú Hoàn bây giờ ở đâu. Bà Sue của nhà quàn nói là ngay khi được báo thì chúng tôi lấy xe Mercedes chở chú từ Nursing home về đây. Tôi xin cho nhận diện chú em.

Bà ta nói để chuẩn bị 2 phút. Tôi theo ra phía sau. Từ kho lạnh người ta đẩy di hài chú em cho anh xem mặt. Trung úy Hoàn ốm yếu, hốc hác nhưng đúng là chú Hoàn. Nằm yên lặng hết sức bình yên. Chú đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử. Từ sinh quán Thái Nguyên, qua đất Huế, vào Sài Gòn. Kỹ sư Nông Khoa, trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc. Động viên vào Thủ Đức chỉ nuôi gà nuôi heo quân nhu mà lên trung úy. Được chính phủ tín nhiệm giao làm phó giám đốc ngân hàng cho nông dân Bạc Liêu vay tiền làm ruộng. Ngồi gác kho bạc chờ đến ngày mất nước để đi vác cây mà thành tù điên.

Vượt biên không sợ hải tặc nên bị đánh trở thành khùng. Chữ nghĩa quá nhiều trong đầu nên phải học 18 năm mới trở thành công dân tâm thần của nước Mỹ. Bây giờ chú nằm đây mà vẫn có đủ tiền trong chương mục ngân hàng để trả nợ cho chuyến đi vào cõi vô cùng.

Trung úy Hoàn ra đi không có cáo phó phân ưu trên báo. Không một vòng hoa chia buồn. Trưa ngày thứ ba, gia đình anh em chúng tôi tổng cộng chỉ có 8 người, thêm hai ông bạn của chú Nhạc thuộc khóa 16 Đà Lạt vừa đủ 10 người. Có mặt tại nhà thiêu của thành phố Fremont
Image
Đúng 12 giờ, vẫn chuyến xe tang hiệu Mercedes mầu trắng chạy tới. Trung úy Nguyễn Văn Hoàn nằm trong quan tài bằng carton giá $175. Cô em tôi mua bó hoa trắng đặt lên trên. Dù đã hưởng thọ 71 tuổi nhưng chưa vợ con nên đầu óc và thân thể người điên trong sạch như trẻ thơ. Tôi nói với 2 quan khách cùng khóa với chú Nhạc. Tôi cũng nói cho thân quyến về tiểu sử của chú Hoàn. Dù cũng trong gia đình nhưng các con cháu tôi cũng chẳng biết cuộc đời trung úy Hoàn ra sao.

Không có lễ tang tôn giáo. Không có lời cầu nguyện. Tất cả mọi người chỉ im lặng.Tôi nói thôi em Hoàn đi mạnh giỏi. Giây phút tiễn đưa chưa dài đủ 10 phút. Các tay đạo tỳ người Mỹ cũng ngạc nhiên. Họ đẩy quan tài giấy vào khu nhà thiêu. Hỏi rằng gia đình có ai tình nguyện bấm nút không? Tôi gật đầu. Gọi là có chút tình chiến hữu. Để anh đại tá 80 ra lệnh thiêu xác trung uý 70. Lò thiêu mở ra. Lửa bên trong đã cháy sẵn. Tôi bấm vào nút vàng. Quan tài bằng carton nhẹ nhàng chạy vào lò. Anh xếp nhà thiêu nói rằng nếu quan tài bằng gỗ thì phải mất 2 giờ. Nhưng bằng carton thì chỉ hơn 1 giờ.

Đó là câu chuyện chú Hoàn đi vào cõi vô cùng. Từ nay sẽ không có ai gọi cho anh Lộc báo tin các chuyện khẩn cấp để lo cho đất nước. Đối với trung uý Hoàn mãi mãi chúng tôi vẫn còn trong không gian Sài Gòn và thời kỳ 70. Quân ta chiến thắng, đất nước hòa bình, toàn quân trở thành nông dân và trung úy Hoàn sẽ giảng dậy cách tồn trữ cám heo và chích thuốc cho gà con.

Tôi nghĩ rằng nếu không vượt biên qua Mỹ mà với bệnh điên như vậy ở lại Sài Gòn không biết cậu em chúng tôi sẽ ra sao?

Em nó qua đây suốt nửa cuộc đời bồng bềnh như đi trên mây kéo dài đến 35 năm. Bằng hữu toàn thế giới ai biết sinh viên Hoàn nông lâm súc ra trường 68, Chuẩn úy Hoàn Thủ Đức 69, Trung úy Quân nhu 72, Phụ tá Ngân hàng Nông thôn Bạc Liêu 74, tù cải tạo 75, còn sống kỳ vượt biên 79 vào Thái Lan ... tang gia xin cáo phó rằng cậu em chúng tôi đã ra đi 71 tuổi như trẻ thơ 17.

Bây giờ chúng tôi còn biết nói năng gì! Cô em tôi lại nói lời cuối Cảm ơn nước Mỹ. Đó là lý do chúng tôi tôi chức ngày Thanh You America. Quý ông bà có những lý đó gì khác để cảm ơn nước Mỹ hay không?

Giao Chỉ, San Jose.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Những Giáng sinh trong trại tù Việt cộng


Trần Việt Yên

1- Giáng Sinh năm 1976 ở trại Long Giao



Năm 1976 tôi bị giam trong trại 11 Liên trại 3 Long Giao, Long Khánh. Vì mấy tháng trước xảy ra chuyện trốn trại bất thành, bị bắn đổ ruột mà không chết của anh Hà Văn Hùng và một vài anh em khác, đang bị cùm trong conex, nên không khí trong trại ngột ngạt, nặng nề, khó thở. Anh em chúng tôi ngoài giờ đi lao động vác gỗ, vác tre về làm hội trường nhà ở cho đám cán bộ và cuỉ cho nhà bếp còn phải khiêng phân trồng rau trồng sắn. Ở đội 1 (Đội có anh Hùng) ai nấy đều dè dặt lời ăn tiếng nói, các tên cán bộ quản giáo hay cán bộ đội cũng thay đổi thái độ không còn hay lai vãng xuống các đội dò xét chúng tôi mà có gì chỉ liên lạc với cácđội trưởng, trong đó đội trưỏng đội 1 chúng tôi là anh Lâm Võ Hoàng {sau này là cố vấn kinh tế ngân hàng cho Võ Văn Kiệt) ra ngoài khu cơ quan làm việc.


Riêng những anh hay ăn nói bốp chát với cán bộ như anh Phạm Lai, anh Dương Hùng Cường dường như cũng “sì tốp” bớt sau mấy lần anh Dương Hùng Cường bị điệu ra ngoài cơ quan làm việc trở về với dáng phờ phạc, đăm chiêu.

Tôi nhớ lại đêm Giáng Sinh năm đó, tôi buông mùng đi ngũ sớm hơn thương lệ, ngồi trong mùng tôi thầm đọc kinh cầu nguyện cho khỏi ai thấy, vừa đọc kinh tôi vừa nhớ lại những mùa Giáng sinh trước, những kỷ nệm êm đềm đầm ấm thủa nào, nước mắt tôi âm thầm rơi xuống gò má hốc hác trơ xương.

Tôi thiếp đi lúc nào không hay chợt có bàn tay ai đó kéo chân tôi làm tôi choàng tỉnh, vén mùng nhìn ra tôi lờ mờ thấy khuôn mặt của tên quản giáo Cảnh, đứng đàng sau lố nhố là mấy tên vệ binh súng AK lưỡi lê tuốt trần. Tên cán bộ ra hiệu cho tôi đi ra ngoài, tôi lẳng lặng đi theo hắn ra đến ngoài sân tập họp, ở đó tôi đã thấy có tốp người lặng lẽ ngồi chờ. Trời Long Giao se lạnh, tôi chỉ mặc có một cái áo tù mỏng, tôi thầm trách sao không cầm theo cái áo Jacket để giờ đây ngồi chịu lạnh.

Cũng nói qua về cái trại giam Long Giao đó, nó mang số 11 nghĩa là trước nó đã có 10 cái trại và sau nó thì không rõ còn bao nhiêu cái nữa. Trại nguyên là trại gia binh của Trung Đoàn 52 sư đoàn 18 Bộ Binh, nó gồm nhiều dãy, mỗi dẫy 10 căn nhà, chúng tôi bị giam cứ 1 căn nhốt 7 hay 8 người, 2 căn thành một tổ 15 người, hai dãy nhà thành một đội. Trại 11 gồm 8 đội và nhốt khoảng 1200 người tù cải tạo.

Lần lượt tên quản giáo dẫn ra thêm mấy tốp khác, chúng tôi hoang mang ngồi trong bóng tối, nên không biết là ai, nhưng có tiếng húng hắng ho làm tôi biết có anh Pham Lai, rồi có tiếng khò khè của anh Hoàng Bửu. Tên quản giáo quơ đèn pin ra hiệu cho chúng tôi đứng lên đi theo hắn. Chúng tôi lần lượt xếp hàng đôi đi về phía cổng trại giam như những bóng ma. Ra đến cổng, tôi thấy thêm một tốp vệ binh nữa cũng trang bị súng AK với lưỡi lê tuốt trần nhọn hoắt. Tên quản giáo chiếu đèn pin ra hiệu cho từng cặp ra một, tôi và Vang bước ra nhập vào đám đông đang đứng chờ rồi tiếp tục đi về phía hội trường. Ở đó giữa ánh sáng vàng vọt của mấy ngọn đèn dầu, tên thiếu tá trại trưởng nét mặt ra vẻ nghiêm trọng đang đợi chúng tôi trên bục giảng. Chúng tôi lặng lẽ ngồi xuống nền đất đỏ của hội trường. Tên trại trưởng đằng hắng rồi cất cao giọng, hắn giảng thuyết theo bài bản mà chúng tôi vẫn phải nghe mỗi khi lên lớp, đều là ca tụng đảng CS, ca tụng bác hồ của hắn, ca tụng phe xã hội chủ nghĩa của hắn. Nhìn nét mặt say sưa của hắn tôi tin rằng hắn đang thành thật sùng tín vào những điều hắn nói. Hôm nay đặc biệt hắn lại nói về tôn giáo, hắn kết án các tôn giáo ở miền Nam, cho rằng các tôn giáo làm cản trở bước tiến giải phóng miền Nam. Sau một hồi kết án chán chê, hắn ra lệnh cho chúng tôi về trại, lần này hắn không hỏi và bắt chúng tôi hô lớn: “Thưa cán bộ, hiểu!!” như thông lệ hắn vẫn làm từ trước đến nay.

Chúng tôi lại lục tục kéo nhau về trại giam.

Trước khi bước chân vào buồng, tôi, Vang và Hoàng Bửu bị hắn chặn lại thì thầm vào tai: “ Tôi nói cho các anh biết các anh có bỏ đạo thì mới được về!”, rồi hắn dặn: “Không được nói cho ai biết chuyện đêm nay đấy nhé”.

Tôi leo lên sạp thì nghe tiếng gà eo óc gáy từ xóm nhà dân ở Cẩm Đường văng vẳng vọng laị. Tôi thiếp đi cho đến sáng.

Ngày 25 Giáng Sinh chúng tôi vẫn tiếp tục lao động như thường lệ, nhìn ánh mắt nhau, chúng tôi thầm hiểu đêm qua CS tập trung anh em sĩ quan Công Giáo, Tin Lành lại vì chúng không muốn cho chúng tôi có dịp tập họp ca hát và đón mừng Chúa như mùa Giáng Sinh 75 đầu tiên trong trại tù ở Phú Lợi, Bình Dương. Chúng tôi biết chúng muốn đe dọa và dụ dỗ để phá hoại niềm tin vào Thiên Chúa của anh em chúng tôi. Nhưng chúng đã lầm, càng gian nan chúng tôi càng cảm thấy cần có Chúa hơn.


2 – Giáng sinh 1977 ở trại Hồng Ca Yên Bái Hoàng Liên Sơn.



Tháng 7 năm 1977 chúng tôi bị chuyển ra tù ngoài Bắc bằng mấy chuyến tàu sông hương trong những chuyến đi kinh hoàng. Đầu tiên chúng đưa chúng tôi về trại Lao Cai ít hôm rồi chuyển tiếp về trại Khe Thắm, huyện Trấn Yên do bộ đội CS kiểm soát được mấy tháng, lại chuyển chúng tôi về trại Hồng Ca, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn do Công An CS quản lý.


Chúng tôi như cá chậu chim lồng vì lúc ở trại do bộ đội quản lý dù sao chúng tôi còn được hít thở không khí có đôi chút tự do, hàng ngày chúng tôi lên rừng chặt giang chặt nứa cả ngày miễn sao đủ chỉ tiêu một người bốn bó giang mỗi bó 5 cây giang dài 4 mét hay 2 bó giang nứa mội bó 30 cây cũng dài 4 mét là được, thời giờ còn lại chúng tôi đi câu cá, câu cua hay hái măng giang bắp chuối rừng về ăn cho đỡ đói.


Ở trại Hồng Ca, chúng tôi bị bó buộc lao động trong 4 bức rào nứa của vòng ngoài trại giam. Ỏ đó ngoài đội trồng sắn, chúng tôi là được lãnh đi làm tập thể rẫy cỏ sắn chờ thu hoạch ở mấy ngọn đồi quanh trại. Bắt đầu từ ngày 18 /12 chúng tôi thu hoạch sắn, mỗi người theo chỉ tiêu nhổ 60 gốc sắn, dùng cuốc hay dao cắt rồi gom củ sắn lại thành đống để nhóm Tự Giác đánh xe trâu ra chở về trại luộc lên phát cho trại viên mỗi người 2 hay3 củ một ngày để thay cơm hay bánh bột mì hấp vừa dai vừa đen sì và nồng nặc mùi *** dán.

Chiều ngày 23 đi lao động về, lãnh phần ăn thay vì mấy củ khoai mì gầy guộc, chúng tôi nhận cứ 8 ngườiđược một xoong cháo nấu bằng sắn bào, lõng bõng mấy tép hành khô và đám láng mỡ lều bều, nhà bếp giải thích là vì sắn phải đem ra ty lương thực huyện kiểm thu, xong rồi mới phát lại cho trại nên hiện trại không còn lương thực gì kể cả sắn thu hoạch, chúng tôi lặng lẽ húp chén cháo sắn lõng bõng rồi đi ngủ cho quên cái đói ồn ột sôi trong bụng.

Qua ngày hôm sau cũng thế. tình trạng kéo dài đến 25, nhiều anh em trong đội sắn chúng tôi đói quá hóa liều lén nhai cả sắn sống bị say, nôn ói ra mật xanh mật vàng.


Trưa ngày 27, nhiều anh em lả đi nằm thiếp trong sàn cáo bịnh nhưng lịnh của tên trại trưởng thông báo chúng tôi phải tập trung lên hội trường.

Chúng tôi dắt díu nhau lên hội trường trong khi đám cán bộ trại nhìn những bước chân xiêu vẹo của chúng tôi ra vẻ thích thú chúng, huých vai nhau và cười hô hố.

Tên đại úy trại trường tự giới thiệu là Trần Văn Sơn, hắn nhăn nhở đứng trên bục giảng đảo mắt qua chúng tôi một lượt rồi cho lệnh chúng tôi ngồi xuống. Hắn bắt đầu cất cao bài giảng thuyết mà chúng tôi rất quen thuộc vì ở trại nào từ quân đội cho đến công an đề lớp lang như nhau, không khác một giọng lên bổng hay xuống trầm.

Kết thúc bài giảng hắn hỏi chúng tôi giọng ân cần giả nhân giả nghĩa:

-“ Các anh có đói không? Ừ tôi biết các anh đói mấy ngày nay, vì trại phải nộp thu hoạch cho huyện.

Đột nhiên hắn cất cao giong như thét lên:

- “Các anh tin có Chúa của các anh, sao các anh không cầu Chúa của các anh cho các anh ăn no, các anh cứ cầu đi, biết đâu ông Giê Su của các anh chẳng ban ngay cho các anh mỗi người cái bánh tây to tổ bố như thế này này?“ vừa nói hắn vừa phùng mang trợn mắt vung hai tay lên thành vòng tròn.

Rồi hắn chỉ tay vào ngực giọng chì chiết

- “Đó các anh cứ cầu xin đi! Nhưng mà tôi nói cho các anh biết chỉ có thằng cộng sản này là cho các anh được no mà thôi. Các anh cử thử xin mà xem thằng cộng sản này có cho các anh no nê không nào?

Nói đến đây hắn có vẻ thỏa mãn, hả hê lắm rồi như khoe:

-“Các anh về traị đi xem hôm nay có được no không nào?

Chúng tôi về đến trại, quả thật chiều hôm đó mỗi người chúng tôi lãnh một nón cối đầy khoai mì luộc còn bốc khói. Tôi nhai mà niềm uất hận cứ trào dâng lên làm tôi nghẹn không thể ăn được hơn hai củ khoai bàng cườm tay trẻ con, dù bụng tôi đói cồn đói cào.


3- Giáng Sinh 1979 trại Tân Lập Vĩnh Phú.


Đầu năm 1978 chúng tôi bị chuyển đến trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú, vì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Hoa. Trên báo Nhân Dân mà chúng bắt chúng tôi phải nghe, lác đác đã có các bài chửi Trung Quốc. Một lần có tên vệ binh hỏi chúng tôi nếu có yêu cầu đánh nhau với Tàu các anh có đi đánh không tôi trả lời tôi tuy là lính nhưng chỉ biết cầm sơn, cầm cọ, cầm viết chứ không biết cầm súng, nhất là súng AK. Hắn nhìn tôi lúc lâu rồi đỏ mặt quay đi.


Trại Tân Lập là một trại rất lớn đã có từ lâu đời. Trên những ngôi mộ tù thỉnh thoảng chúng tôi lượm được những thanh gỗ mục có viết tên những tù nhân bị chết ở đây có mảnh dễ chết từ năm 1954, 55. Trại Tân Lập chia ra làm 5 phân trại. Phân trại 2 của chúng tôi nằm tận trong cùng của dòng suối Ngọc quanh co chảy ra đến gần Ấm Thượng.

Nhiệm vụ chính của chúng tôi là trồng rau xanh, cung cấp cho toàn trại, đồng thời còn trồng sắn trên những ngọn đồi trọc cách trại gần 2 cây số.


Từ các trại tù gần biên giới Việt Hoa chúng tôi bị đưa về tập trung ở 2 trại của tỉnh Vĩnh Phú là Hồng Quang và Tân Lập. Phân trại K 2 chúng tôi gồm toàn các anh em trẻ từ trại Hồng Ca chuyển đến đợt đầu, rồi đến nhiều đợt kế tiếp gồm toàn các sĩ quan từ cấp trung tá trở xuống.

Ngày nọ trại K 2 tiếp nhận thêm một đợt gồm toàn các vị linh mục, mục sư, đại đức trước đây là tuyên úy trong quân đội đã giải ngũ hay còn đương nhiệm. Các cha, thầy bị tập trung vào một đội mà bọn vệ binh chúng thường gọi lóng với nhau là đội “đạo binh hương khói”. Công việc của đội tuyên úy là chăn gà chăn lợn trong vòng rào thứ 2 của trại. Một số khác tăng cường cho đội nhà bếp trong đó có cha già Bỉnh.

Giáng Sinh năm 1978, nhờ có các cha mà chúng tôi được xưng tội rước lễ và dâng lễ Giáng Sinh dù phải khéo léo âm thầm để che mắt bọn vệ binh, quản giáo. Đêm Giáng Sinh năm đó chúng tôi hướng về buồng giam các tuyên úy để cùng thầm dâng lễ nửa đêm dù chúng tôi phải nằm trong mùng và trùm chăn kín mít vì lạnh.

Cuộc đời khổ sai của chúng tôi cứ thế trôi dần cho đến cuối năm 1979 thì xảy ra một biến cố lớn. Số là trong trại bỗng từ đâu có tin đồn loan truyền rằng chúng tôi sắp được thả hay được đi qua Mỹ. dù không tin tưởng lắm nhưng lòng tôi cũng háo hức. Bạn bè hỏi, tôi chỉ cười: Tao an tâm cải tạo chờ đón thế kỷ 21 – không biết sao lời nói của tôi đến tai tên quản giáo, hắn bắt tôi tra vấn và làm kiểm điểm.

Rồi mùa Giáng Sinh cũng đến. Sáng ngày 24, như thường lệ chúng tôi tập trung trước sân trại chờ gọi tên từng đội báo cáo con số tù xuất trại đi lao động. Lần lượt các đội đếu được gọi tên, cuối cùng chỉ còn đội Tuyên Úy là sót không được gọi.

Khi tất cả cải tạo vừa ra khỏi trại là lúc mấy chục tên công an vũ trang ùa vào trại. Chúng xông đến đội tuyên úy còn đang ngơ ngac rồi vây chặt họ lại, tên cán bộ trực trại đọc lệnh khám tư trang. Thế là các tuyên úy được áp giải về buồng giam. Mọi người thu xếp tư trang rồi khệ nệ cõng, khiêng ra trước sân lán và cuộc khám công tư trang quen thuộc với chúng tôi lại diễn ra. Có khác chăng, lần này đám công an vũ trang khám xét kỹ lưỡng tỉ mỉ từ đường khâu mối vá trên áo trên quần các vị tuyên úy.

Một tốp công an khác vào trong buồng khám xét, săm soi mọi chỗ nằm từ gầm sạp cho đến kẽ lá trên mái nhà ngay đầu nằm các cha các thầy. Chúng lôi ra đủ thứ trong đó nào là mấy cái ống bương đựng nước đến những thánh giá làm bằng gỗ củi, có vài miếng tôn nhỏ bàng ngón tay mà các cha các thầy dùng để cắt miếng bánh mì hấp vừa khô vừa cứng. Chúng đem những thứ đó ra và hỏi lớn xem của ai, có thứ thì có người đứng ra nhận có thứ thì không, mỗi khi có người nhận món gì tên quản giáo đều ghi tên vào cuốn vở học trò bằng giấy giang hắn kè kè mang theo rồi quăng món đó vào cái thùng xe cải tiến. Còn món nào không có người nhận, chúng tập trung tất cả và đưa cho tên quản giáo.

Tên quản giáo đội dẫn các cha. các thầy trở vào buồng, cho để đồ lên sạp theo sự chỉ định của hắn xong rồi bắt các cha các thầy tập trung ngồi khít hai bên đầu dãy sạp và bắt đầu kiểm điểm, hắn lôi ra từng thứ và hỏi lại món này của ai. Mội lần có người nhận hắn lại chăm chú ghi chép vào cuốn sổ. Phần đông các cây thánh giá thì có các cha, các mục sư nhận, hắn ghi vào sổ nhưng không giao lai cho khổ chủ. Cuối cùng chỉ còn mấy miếng sắt bằng ngón tay dùng để cắt bánh mì hấp là không có ai nhận, vì thực ra có ai biết rõ cái nào là của mình đâu trong trại tù đổi chỗ nằm xảy ra xoành xọach, có khi người này làm để quên ở chỗ nằm khi di chuyển lâu dần quên, người khác đến nằm tìm được cứ thế dùng rồi lại dấu đi, nên nào biết của ai đâu.

Tên quản giáo hỏi gằn mấy lần vẫn không có ai nhận, hắn bực dọc đứng lên: “ Các anh vẫn còn ngoan cố bao che cho nhau chẳng anh nào thật thà khai báo, cứ quanh co dấu tôi thì bao giờ mới tiến bộ mà về?!. Các anh dùng cái này làm gì có phải đây là thứ vũ khí sắc nhọn không?!

Các anh định tái vũ trang đấy à? Này tôi bảo cho mà biết đừng có mà bẻ nạng chống trời là không được với tôi đâu! Tôi yêu cầu anh Tùng ( Đại Đức NX Tùng Đội trưởng ) phải kiểm điểm hết đêm nay tìm cho ra đến bao giờ xong mới cho đội nghỉ. Nói xong hắn ngoe ngoảy đi ra cửa buồng. Thế là cả đội cứ ngồi im lặng kiểm điểm từ giờ này cho đến giờ kia.

Đến giờ đóng cửa buồng mà các vị vẫn chưa được tha tội cứ ngồi chịu trận mà chẳng được ăn gì từ sáng cho đến tối. Đến khoảng gần 10 giờ tên quản giáo trở lại và hỏi:

“Chưa xong à?, thôi mai cho cac anh kiểm điểm tiếp!!"

Các cha các thầy đều lặng lẽ ra chia phần ăn là mấy lát rau muống luộc với một chén sắn rồi âm thầm ăn uống trong lạnh lẽo của một đêm Giáng Sinh. Các vị ăn xong ai nấy về chỗ nằm mới đến gần khoảng nửa đêm bỗng có tiếng một vị đại đức lên tiếng:

- “Đêm nay là đêm Giáng Sinh, mình nên làm gì để ghi nhớ ngày Thiên Chúa giáng trần đi chứ. Chẳng thấy ai hưởng ứng vì ai cũng đã quá mệt mỏi. Một lát sau vị đại đức lại đề nghị:

- “Hay chúng ta hát vài bài ca để kỷ niệm Giáng Sinh? “

- “Nhưng có được hát nhạc đạo đâu nào”, có tiếng ai đó đáp lại.

- “Thì mình hát nhạc cánh mạng cũng được chớ sao miễn là miệng mình hát nhưng lòng mình tường nhớ đến Chúa cũng được chớ gì.”

Cuối cùng, sau một hồi thì thào bàn tán, mọi người đồng ý hát nhạc cách mạng trong đêm Nôel.

Cha Thanh Châu là vị tuyên úy của Vùng 4 chiến thuật xung phong đứng ra bắt nhịp cho các vị cùng hát. Tiếng hát ban đầu còn nhỏ sau to dần to dần mọi người say sưa hát như quên hết nỗi căng thẳng trong ngày! Những bài hát CS trong một đêm Giáng sinh vang lên trong trại tù!!

Đang say sưa ca hát bỗng cửa buồng xịch mở: 5, 6 tên công an vũ trang súng AK lăm lăm trong tay xông vào, đi sau là tên thượng sĩ Quang, cán bộ giáo dục trại, hắn hách dịch hỏi:

- “Tại sao các anh không ngủ mà còn ca hát ồn ào?”

- “Thưa cán bộ chúng tôi chưa ngủ được vì cả ngày kiểm điểm căng thẳng quá, chúng tôi muốn ca hát đôi chút cho khuây khỏa”.

- “Ai là ca trưởng?”

- “Thưa cán bộ không có ai là ca trưởng, chỉ có tôi cầm càng bắt nhịp cho anh em hát”

- “Ai cho phép anh xuyên tạc nhạc cách mạng?”

- “Thưa cán bộ chúng tôi hát nhạc cách mạng chứ có phạm gì đâu?”

- “Không lôi thôi gì cả anh theo tôi đi ra ngoài, các anh khác ngủ đi lấy sức mai lao động, còn hát nữa là tôi cùm đấy”.

Nói xong hắn dẫn Cha Châu ra khỏi phòng trong bóng đêm dày đăïc, mọi người lặng lẽ nằm xuống ngủ vùi.

Sáng hôm sau trước giờ chúng tôi đi lao động, tên cán bộ trực trại điệu Cha Châu ra trước sân tập họp rồi hắn đọc lệnh biệt giam cha 14 ngày vì tội “Hát xuyên tạc nhạc cách mạng”.

Ai nấy đều thắc mắc cho đến ngày Cha được tháo cùm thả về đội, mọi người mới vỡ lẽ vì các vị hát bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” trong đó có câu: “Nếu còn bóng quân xâm lược thì QUÉT sạch nó đi!”

Tên cán bộ giải thích: - “Các anh hát ra là: Nếu còn bóng quân xâm lược thì GIẾT sạch nó đi. Bác Hồ có nói thế bao giờ?! Rõ ràng là các anh xuyên tạc lời bác, tưởng chúng tôi không biết hả????”

Thật ra đó chỉ là cái cớ để chúng dẹp các cuộc tụ họp dưới mọi hình thức trong đêm Noel mà thôi. Bằng chứng là trong các đội khác, thỉnh thoảng vẫn có người hát là “Giết sạch nó đi” mà có sao đâu?

Tất cả những sự kiện trong bài đều là có thưc, chúng tôi chỉ xin sửa đổi tên họ của vài anh em còn kẹt tại quê nhà, vì khôngmuốn công an lại đền hành hạ các anh thêm.

Trần Việt Yên
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »


Image

Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH
chính thức phát động chương trình “1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh”


Tâm Thư

Kính thưa qúy vị,


Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Qủa Phụ VNCH (HO/TPB/QP/VNCH) là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện điều hành bởi các thiện nguyện viên
làm việc không lương bổng từ gần 20 năm qua. Hội không nhận được sự hỗ trợ của bất cứ nguồn tài chánh nào ngoài tiền đóng góp thường xuyên
của một số quý vị đồng hương hoặc qua các chương trình đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” hàng năm để gây quỹ cứu trợ các TPB ở quê nhà.
Tuy là một hội đoàn nhỏ, nhưng nhiều nơi cứ nghĩ rằng Hội HO/TPB/QP/VNCH là một “cơ quan trung ương” nên cứ gởi hồ sơ TPB về cho hội mỗi ngày một nhiều!
Vì thế mặc dù ngân khoản thu được mỗi năm, một cao hơn, nhưng vẫn chỉ đủ tiền giúp đỡ khoảng 70% trong số 20 ngàn hồ sơ TPB và QPTS
mà Hội hiện đang lưu giữ. Do đó, để tạo thêm cơ hội và phương tiện hầu giúp cho quý vị ân nhân có thể đóng góp một cách dễ dàng và tích cực hơn, kể từ ngày 1 tháng Giêng, 2016, Hội HO/TPB/QP/VNCH chính thức phát động chiến dịch có tên là “1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh”.
Chương trình này sẽ được phổ biến rộng rãi trên Website: “1giadinh1thuongphebinh.org” để mọi người Việt có lòng ở trên thế giới đều có thể tham gia được theo các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:


1.Xin quý vị hảo tâm cho biết muốn bảo trợ bao nhiêu TPB mỗi năm? Chúng tôi đề nghị mỗi cá nhân hoặc một gia đình ở hải ngoại
chỉ nên bảo trợ từ 1 cho đến 5 hồ sơ TPB/VNCH mà thôi, và tiêu chuẩn giúp đỡ được chia ra như sau:

A: Bảo trợ cho một (1) Thương Phế Binh nặng: US$240.00 mỗi năm.

(Nặng: Cụt 2 tay, cụt 2 chân, mù hai mắt, cụt 1 tay + cụt 1 chân, hoặc bị liệt)

B: Bảo trợ cho một (1) Thương Phế Binh nhẹ: US$120.00 mỗi năm.

(Nhẹ: Cụt 1 tay, cụt 1 chân, mù một mắt, hoặc bị nội thương)


2.Khi ghi danh bảo trợ, xin quý ân nhân cho Hội HO/TPB/QP/VNCH biết:

A: Quý danh cùng địa chỉ nhận thư (để Hội gởi copy hồ sơ TPB đến ân nhân).

B: Số điện thoại (cả phone tay cũng như điện thọai nhà nếu có).

C: Địa chỉ email (nếu có).


3.Sau khi nhận được các tin tức trên thì Hội chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết cùng lý lịch của người TPB theo ý muốn của quý vị
(ở địa phương nào cũng được) đến địa chỉ ân nhân qua đường bưu điện để quý vị GỞI TIỀN TRỰC TIẾP về thẳng Việt Nam cho người thương binh đó.
Hoặc nếu có cơ hội về thăm quê hương quý vị ân nhân đến thăm hỏi và trực tiếp trao tiền thì còn quý giá, an ủi và ý nghĩa biết bao.


4.Mỗi lần gởi tiền giúp đỡ TPB, xin thông báo cho Hội biết để ghi lại lưu vào sổ.

5.Đúng một năm, kể từ khi hồ sơ được gởi ra, chúng tôi sẽ theo dõi và xin phép được nhắc nhở để biết quý ân nhân còn tiếp tục bảo trợ nữa hay không?


6.Thời gian bảo trợ dài hạn: Ít nhất là ba (3) năm trở lên. Tuy nhiên, nếu vì bất cứ lý do gì mà ân nhân không còn bảo trợ nữa,
xin cho Hội biết càng sớm càng tốt để chúng tôi mở lại hồ sơ và tiếp tục giúp đỡ người TPB đó kẻo họ chờ mong tội nghiệp!

Kính thưa quý vị, các anh em TPB/VNCH đã hy sinh xương máu và một phần thân thể để bảo vệ miền Nam và cho chúng ta được sống bình an
để có ngày hôm nay. Đã hơn 40 năm qua, họ phải sống cơ cực, thiếu thốn, vất vưởng ở quê nhà không được ai giúp đỡ, càng ngày càng già yếu,
bệnh hoạn, chết dần, chết mòn. Chúng ta hãy giang tay cứu trợ và an ủi để anh em TPB/VNCH được hãnh diện vì biết rằng đồng hương hải ngoại
vẫn luôn nhớ đến và lo lắng cho họ. Rất mong quý vị đồng hương hưởng ứng, đồng thời tiếp tay kêu gọi thân nhân,
bằng hữu cùng giải thích cho con em, giới trẻ hỗ trợ Hội trong việc làm mang nhiều ý nghĩa nói trên.

Vậy kể từ ngày ra thông báo này, kính xin quý vị ân nhân có nhã ý hưởng ứng chương trình “1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh”
hoặc muốn bảo trợ hay biết thêm chi tiết, xin liên lạc ngay với nhóm điều hành chương trình qua:

@ email: 1gd1tpb@gmail.com

@ hoặc vào thăm Website: “1giadinh1thuongphebinh.org”.

Trân trọng cảm ơn toàn thể quý vị,

Nguyễn Thị Hạnh Nhơn

Hội Trưởng

Hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH

(email: hanhnhonnguyen@yahoo.com)
&
Nam Lộc Nguyễn

Cố Vấn Tổng Quát
Hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image


Hạ Lào,
Nơi Người Lính không về...


Phan Nhật Nam

Ngày 12 Tháng 5, 2015, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng LữĐoàn 3 Nhảy Dù trở về cõi vĩnh hằng nơi Sydney, Úc hưởng thọ 87 tuổi. Ông là sĩ quan cấp bậc cao nhất của Quân Lực VNCH bị bắt tại trận địa, Mặt Trận Hạ Lào, Hành Quân Lam Sơn 719- Tháng 2, 1971. Bài viết nhưmột lời chào kính cuối cùng gởi đến Người Lính Lớn - Chiến Binh Nhảy Dù Cố Gắng. Cũng nhân cơ hội nhìn lại một chiến dịch quân sự để thấy ra những biển lận hiểm độc chính trị đối với vận mệnh Việt Nam nói chung và Quân Lực VNCH nói riêng.

Dẫn Nhập

Từ Đông Hà, thị trấn cực bắc lãnh thổ miền Nam, Đường số 9 bắt đầu chạy về hướng Tây qua những vùng đồi Cam Lộ, Hương Hóa, Lao Bảo để cuối cùng đến Khe Sanh với tiền đồn Làng Vây, sát biên giới Lào-Việt. Qua biên giới, con đường tiếp tục đi dọc sông Tchépone một đoạn dài khỏang 40 cây số, giao tiếp với đường Hồ Chí Minh tạo nên vùng hậu cần quan trọng thuộc hệ thống Binh Trạm 604, 611 (lưu ý các phiên hiệu 604; 611- Có nghĩa, cơ sở đã thành hình từ những năm 60, 61- Thời điểm dựng bảng hiệu Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 19/12/1960) của đường dây chuyển vận Bắc-Nam, nguồn huyết mạch sinh tử đối với binh đội cộng sản. Thế nên Bộ Tổng Quân Ủy Miền Bắc quyết chiếm giữ, duy trì vùng tiếp vận quan yếu nầy bằng mọi giá trong suốt cuộc chiến tranh xâm nhập, lật đổ Miền Nam.

Tổng Công Kích đợt I Mậu Thân đầu năm 1968, miền Nam đã có hơn 19,000 người chết gồm dân và lính (số chính xác là 4,959 quân nhân VNCH tử trận và 14,300 thường dân thiệt mạng) Và đến năm 1970, toàn bộ sào huyệt hậu cần, từ chiến khu C, D miền Đông Nam Bộ đến Trung Ương Cục Miền Nam trên đất Miên bị phá vỡ... Giới chức Mỹ-Việt ước đoán tiềm lực xâm lược miền Nam của phía cộng sản phải có dấu hiệu đình hoãn, hoặc suy giảm, và chiến dịch đánh qua đất Lào (đầu năm 1971) được hình thành để thực hiện quan niệm: Cắt đứt đường tiếp vận Bắc - Nam với tên thường gọi, Đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng không đúng với thực tế, bởi đã là một hệ thống đường có khả năng để chiến xa hạng nặng di chuyển với ống dẫn dầu, hệ thống tiếp liệu, tiếp vận quan trọng bố trí dày đặt tại điểm sinh tử Tchépone để đổi lấy một số thời gian an toàn đủ hoàn thành các đợt rút quân; ký kết Hiệp Định Paris trên thế lợi, tiếp rút khỏi Đông Dương như ứng cử viên tổng thống (tháng 10/1968) Nixon đã từng hứa hẹn với cử tri Mỹ.

Sự thật không xẩy ra như ước tính và hy vọng (!), dù với tỷ lệ khả thể nhỏ nhất. Để yểm trợ cho những mặc cả chính trị tại Hội Nghị Ba-Lê đang đi vào thời điểm quyết định (mà sau nầy sẽ thấy rõ hơn ở năm 1972), phía Hà Nội lại chuẩn bị cho lần xâm lược mới qua việc thành lập Quân Đoàn 70B chỉ huy hành quân ba sư đoàn 304, 308 và 320 – những đơn vị phụ trách toàn vùng Nam Lào, bao gồm khu Phi Quân Sự, lãnh địa cực Nam của Miền Bắc. Tướng Võ Nguyên Giáp từ Tháng 10/1970 đã ra chỉ thị cho những đơn vị trên chuẩn bị kế hoạch phản công trường hợp quân đội miền Nam tiến đánh vùng Nam Lào qua việc thiết lập những vị trí pháo, khu vực phục kích, những vùng trực thăng (có thể) đổ quân.. Có nghĩa: Phía Bắc quân đã chuẩn bị kế hoạch phản công từ khi chưa có lệnh Hành Quân Lam Sơn 719 trước những bốn tháng!

Một.

Lam Sơn 719, Như thế nào? Để làm gì?

Kế hoạch Hành Quân Lam Sơn 719 được thiết lập và Ngày 8 Tháng Hai, 1971, chiến dịch bắt đầu với vùng hậu cần Tchépone là mục tiêu cần phải đánh chiếm, giữ vững trong một thời hạn đủ để phía cộng sản phải giảm mức tấn công tại Miền Nam (do thiếu tiếp vận, yểm trợ chuyển đi từ Miền Bắc). Thêm một lần, vùng địa đầu Quảng Trị “được” chọn lựa làm nơi chốn cho cuộc huyết chiến, giao tranh. Nhưng cũng không hẳn như trên đã kể, bởi cuộc hành quân nầy tự khởi đầu được trù định theo yêu cầu chiến lược của phía Mỹ: Chính phủ Mỹ thiết kế chiến lược và quân Nam là nhân tố thực hiện chiến thuật.

Từ phòng tuyến Khe Sanh, đại quân Miền Nam được tổ chức nên thành ba lực lượng tấn công chính với ba hướng tiến quân, lấy đường số 9 làm địa giới trung tâm khu vực trách nhiệm. Giai đoạn thứ nhất của cuộc hành quân khai diễn đúng ngày 8 tháng 2. Hai Tiểu Đoàn 39, 21 và Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn I Biệt Động; Tiểu Đoàn 2, 3 Dù và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn III Dù do Đại Tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy được trực thăng vận xuống chiếm đóng, thiết lập, trấn giữ những căn cứ hỏa lực từ bắc xuống nam, tả ngạn sông Tchépone, nơi các cao điểm được đặt tên: Ranger North (39BĐQ); Ranger South (21BĐQ); Căn cứ hỏa lực 31 (TĐ3ND); Căn cứ hỏa lực 30 (TĐ2ND) để bảo vệ mặt bắc trục tiến quân trung phong trên Đường số 9. Từ căn cứ Hàm Nghi, đông Khe Sanh, Lữ Đoàn I Thiết Kỵ (đặt thuộc quyền hành quân Bộ Tư Lệnh SĐ Dù) có Tiểu Đoàn 8 Dù tùng thiết theo đường bộ tiến tới Bản Đông, tên quân sự: Căn cứ A Lưới, do Tiểu Đoàn 9 và pháo binh Dù thiết lập căn cứ hỏa lực; Căn cứ Béta (Bravo), hay Bắc Bình do Tiểu Đoàn 1 Dù (sau nầy tăng cường TĐ7 Dù), bộ chỉ huy Lữ Đoàn I Dù chỉ huy tổng quát cánh quân nầỵ

Sư Đoàn I Bộ Binh chịu trách nhiệm cánh quân mặt Nam Đường 9, hữu ngạn sông Tchépone, trực thăng vận các tiểu đoàn cơ hữu vào vùng, thiết lập các căn cứ hỏa lực Hotel, Don, Delta và Delta1 để bảo vệ cạnh sườn trục tiến quân trung tâm mà chủ yếu để nhịp tiến quân của Lữ Đoàn I Thiết Kỵ và Lữ đoàn I Dù đến đúng mục tiêu Tchépone như đã dự liệụ. Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến làm thành phần trừ bị ở giai đoạn nầỵ

Tướng Abrams đã thay thế Tướng Westmoreland từ giữa năm 1968, và bắt đầu áp dụng chiến thuật “Chiếm và Giữ” thay vì “Lùng và Diệt” của Westmoreland. Với chiến thuật mới, Abrams chỉ cần khai triển những đơn vị tương đối nhỏ (không tập trung quân vào những chiến dịch lớn với những đại đơn vị, như người tiền nhiệm) và quan trọng hơn hết là chuẩn bị những đợt rút quân từ tháng 6 năm 1969, với những đơn vị vùng châu thổ sông Cửu Long, nơi được đánh giá là tình hình an ninh tương đối ỗn định, cụ thể trong Mậu Thân 1968, không có thành phố, tỉnh lỵ nào bị cộng sản chiếm cứ và gây tác động tổn thất lớn như ở Huế, Sài Gòn. Ngày 8 tháng 6, 1969 kế hoạch rút 25,000 quân chính thức được công bố với đơn vị đầu tiên, Sư Đoàn 9 Bộ Binh rời khỏi Căn Cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho. Tiếp theo, 29 tháng 9, quân số Mỹ ở Thái Lan rút đi 6000 ngườị Ngày 9 tháng 10, sau nhiều tính toán đầy kịch tính, Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird công khai trình diễn màn kịch lớn - Việt Nam Hóa Chiến Tranh - Viên đá tảng của chiến lược Nixon.

Cũng cần nói rõ thêm về yếu tố chính trị đã dẫn đến Hành Quân Lam Sơn 719. Không phải đến thời điểm 69, 70 nầy, Tổng Thống Mỹ Nixon, người được Billy Graham đánh giá và mô tả chính xác: “người được chuẩn bị kỹ nhất để làm tổng thống nước Mỹ” đã phát hiện và xây dựng nên kế hoạch. Nhưng đúng ra từ tháng 10, 1968, đang trong giai đoạn vận động tranh cử, Nixon đã nhận ra “ẩn số” của vấn đề Việt Nam - Rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường - Lời giải phương trình nầy không do ai xa lạ làm nên, chính tổng thống đảng Dân Chủ, Johnson đã gióng trước qua Thông Cáo Chung Manila ngày 25 Tháng 10, 1968 (được hoàn thành với nguyên thủ các nước tham chiến tại Việt Nam gồm Phi, Úc, Đại Hàn, Tân Tây Lan, và Thái Lan) - Với điều khỏan trụ cột: Quân Mỹ và Đồng Minh sẽ rút hỏi miền Nam Việt Nam cùng lần quân với Bắc Việt. Hà Nội cũng phải cam kết không xâm nhập, yểm trợ lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam (?!)

Tuy đánh giá kế hoạch nầy là “không tưởng” với các phụ tá trong ban tham mưu tổ chức tranh cử, nhưng Nixon, con người với mẫn cảm chính trị tinh tế cũng đã nhận ra giải pháp thật sự có khả năng thực hiện để giải quyết mối rối Việt Nam - Cũng là phương cách hữu hiệu và an toàn nhất để “tháo gỡ” mối liên kết Nga-Hoa, đánh vỡ phần cân bằng cố kết của phe cộng sản trong chiến lược chính trị thế giớị Việt Nam Hóa Chiến Tranh Đông Dương với sự rút đi của quân lực Mỹ là bước chiến thuật vô cùng tinh tế lợi hại (lẽ tất nhiên phải chịu những hậu quả bất lợi cục bộ ban đầu) để tổ chức lại, tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương (vấn đề Miền Nam có tồn tại được hay không theo sau kế hoạch nầy là một chuyện khác). Hành Quân Lam Sơn 719 với xương máu Lính Việt nơi vùng heo hút Khe Sanh, Tchépone là “nền tảng ban đầu xây dựng nên Trật Tự Thế Giới Mới” hôm nay, với sự biến mất không cơ hội hồi phục của lực lượng cộng sản đệ tam. Qua thế kỷ 21, chúng ta có thể nói chắc như thế mà không sợ sai lầm.

Trở lại với chiến trận, bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị lệnh hành quân đến ngày N của chiến dịch đã có những sự kiện “bất thường” tai hại để sau nầy biến hành tai họa vô lường đối với các đơn vị tham chiến. Lấy lý do bảo mật, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, cơ quan chỉ huy tổng quát cuộc hành quân hạn chế tối đa nhân sự tham dự việc soạn thảo lệnh, chỉ gồm những giới chức cao cấp (Phòng Ba, Hành Quân và Phòng Hai, Quân Báo), ban tham mưu quân đoàn dưới quyền Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, có tham dự của Trung Tướng James W. Sutherland, Tư Lệnh Quân Đoàn XXIV, đơn vị Mỹ trách nhiệm không, pháo yểm và tiếp liệu cho chiến dịch với hậu cần ở Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, Đà Nẵng.

Điển hình cho sự hạn chế nầy, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, đơn vị giữ nhiệm vụ nỗ lực chính cuộc hành quân chỉ được thông báo vào "Ngày 2 Tháng Hai - Một tuần trước khi chiến dịch khai diễn". Sĩ quan tham mưu, chỉ huy các đơn vị trực thuộc của sư đoàn Dù ra đến Đông Hà, chuẩn bị vào vùng hành quân mới biết nhiệm vụ đánh qua đất Lào - Tin tức do dân chúng truyền rao!! Nhưng thực tế, “bảo mật“ đã là một điều bi hài, sau khi chiến dịch kết thúc, cơ quan CIA tổng kết, lượng giá kế hoạch, diễn tiến hành quân, đã phát hiện ra điều nguy biến đầu tiên và chính yếu: Toàn bộ lệnh, phóng đồ hành quân, những căn cứ hỏa lực dự trù, điểm đổ quân, thậm chí vị trí hỏa tập tiên liệu, lẽ tất nhiên tọa độ phi pháo yểm (của phía Hoa Kỳ, tùy thuộc vào mức độ thông báo từ phía Mỹ đối với bộ tư lệnh Quân Đoàn I)... Tất cả tài liệu “bảo mật” nầy đồng được chụp lại, sao y phó bản từ nơi in ấn lệnh hành quân!!

Cũng không loại bỏ nguồn tin bị thất thoát từ bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn, nơi Phủ Tổng Thống đường Công Lý. Sau 30 Tháng Tư, 1975, những điều tồi tệ tai họa nầy đã là sự kiện đương nhiên được xác định.

Cũng trong ý hướng bảo mật cuộc hành quân, Bộ Tư Lệnh Quân Đội Mỹ ở VN- MACV ra lệnh “cấm phổ biến” đối với báo chí, phát ngôn viên quân sự được lệnh không đề cập đến diễn tiến cuộc hành quân. Nhưng, tất cả đã là một “lầm lẫn vụng về”, như Kissinger mô tả về việc “cấm vận tin tức”, vì những nguồn tin đã lan tràn khắp nơi, bắt đầu từ nhiều nguồn mối. Và khi báo lên khuôn ở Hoa Thịnh Đốn đã có đầy đủ tin tức, kể cả tin về vụ việc “cấm vận”. Cuối cùng, Ngày 4 tháng Hai, lệnh cấm vô ích nầy được chính thức bãi bỏ. Thật sự, từ Ngày 2, Tháng Hai, một tuần trước "Ngày N-Ngày Khai Diễn" của chiến dịch, tin tức và lời tố cáo “hành vi xâm lăng Lào” đã tràn đầy trên trang nhất của báo chí Mỹ cũng như toàn thế giới.

Dân biểu George Aiken, Tiểu Bang Vermont, dẫu từ dưới thời Johnson vốn là người yểm trợ chính quyền đối với sách lược thực hiện ở Việt Nam, nhưng đối với cuộc hành quân lại đặt nên vấn đề với quốc hội “Dân Mỹ có quyền “phải” được biết về tin tức mà cả thế giới đã biết theo như Tu Chính An Thứ Nhất ấn định..”

Ngày N-8 Tháng 2, 1972 Lệnh Hành Quân Lam Sơn 719 đã là một “bạch văn” phỗ biến rộng rãi khắp thế giới, chỉ trừ những người lính đổ bộ xuống bãi đáp đang bị pháo kích, trên Đường Số 9 dày dặt mìn chống chiến xa mà bộ đội cộng sản đã có một thời gian lâu dài để chuẩn bị chôn dấu. Cuối cùng, tai họa đã thực sự xẩy ra khi chiếc trực thăng chở phái đoàn báo chí ngoại quốc có Đại Tá Phạm Vy, Trưởng Phòng 4, kiêm Tham Mưu Phó Tiếp Vận Quân Đoàn bị bắn rơi trong tuần thứ hai khi chiến dịch đang khai diễn - Toàn bộ hồ sơ trận liệt, diễn tiến hành quân đã bị phía cộng sản thâu giữ - Sự kiện Lệnh Hành Quân Lam Sơn 719 bị mất không hề được báo cáo! Thế nên vấn đề “bảo mật” của cuộc hành quân thật sự đã là một hài kịch thảm hại, và Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà gánh hết phần hậu quả tai họa oan khốc nầỵ

Đối lại với kế hoạch trên của phía Việt-Mỹ, Đoàn 70B với ba sư đoàn cơ hữu thuộc vùng giới tuyến và Hạ Lào, 304, 308, và 320; với thành phần yểm trợ tác chiến gồm một trung đoàn pháo, một trung đoàn chiến xa, quân số tổng cộng khỏang 36,000 người. Do có được đầu mối từ nhiều nguồn tin mật như phần trên vừa trình bày, Hà Nội rất mực yên tâm dồn quân vào vùng chỉ để một đơn vị, Trung Đoàn 64, Sư Đoàn 320 giữ mặt Bắc vùng phi quân sự. Do được bảo mật tối đa, áp dụng kỹ thuật ngụy trang tinh vi, quân cộng sản bố trí một trận địa pháo dày đặt từ cối 80, pháo tầm xa 130 ly, hỏa tiển 122 ly theo một chiến thuật mới mẻ, “phân tán pháo binh-tập trung hỏa lực” để khi muốn tấn công một căn cứ hỏa lực, nhiều vị trí pháo đổ xuống cùng một lúc, phía quân Miền Nam khó lòng chỉ định mục tiêu phản pháo.

Song song với trận địa pháo, Bắc quân thiết lập một hệ thống phòng không chung quanh các bãi đáp, đường tiếp cận của phản lực khi yểm trợ, hoặc của trực thăng khi đáp xuống một căn cứ, ngoài đại liên phòng không 12ly7 thông thường, còn có những đại bác phòng không hạng trung và hạng nặng, 23, 37 và 57 ly. Quan trọng hơn hết là chiến xa T54 lần đầu tiên được dùng vào chiến trường Miền Nam, loại chiến xa hạng nặng nầy vượt trội khả năng lẫn hỏa lực so với chiến xa M41 thường dùng của quân đội miền Nam, chỉ chiến xa M48 mới có khả năng đương cự tương đương.

Đối với T54, bộ binh miền Nam với hỏa tiển chống chiến xa M72 không thể triệt hạ được. Thế nên sau nầy, khi trận chiến bùng vỡ, trước T54, người lính chỉ còn phương tiện duy nhất- Dùng chính thân xác mình với lựu đạn tay để phá hủy chúng mà thôi.

Với chuẩn bị chiến trường chu đáo, bảo mật tuyệt kỹ, quân số vượt trội, hỏa lực áp đảo, Bắc quân bắt đầu trận đánh với chiến thuật tập trung tấn công từng cụm căn cứ hỏa lực theo hướng từ Bắc xuống Nam.

Hai.

Trận chiến

Căn cứ Ranger North của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân bị tấn công trước nhất. Sau nhiều ngày thám sát, dò đường chung quanh căn cứ, sáng ngày 19 tháng Hai, 1971, Trung Đoàn 102, Sư Đoàn 320 (tỉ lệ 4 đánh 1) sau nhiều giờ pháo kích bằng đại pháo tầm xa 130 ly, đến lượt sơn pháo bắn thẳng che cho bộ binh tấn công từ mặt đông căn cứ, nơi tuyến phòng thủ mỏng manh nhất. Vơi yểm trợ hữu hiệu của pháo binh bạn từ những căn cứ xung quanh và phi cơ oanh tạc, tác xạ sát cận tuyến phòng thủ, Biệt Động Quân giữ vững căn cứ qua ngày thứ hai, mãi đến đêm tối trận chiến mới tạm chấm dứt.

Tin căn cứ TĐ39 bị đánh bay về Sài Gòn, Tổng Thống Thiệu ra lệnh Trung Tướng Lãm tạm đình chỉ kế hoạch tiến chiếm Tchepone như trù liệu vơi Lữ Đoàn I Dù và thiết kỵ?! Nhưng cũng có ý kiến sáng suốt, đấy là Tướng Abrams đã thúc dục Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên hãy ra lệnh Tướng Lãm đừng để phí thời gian, lúc cộng sản chưa chuẩn bị đủ. Ngày 14, Abrams quá nóng ruột, đích thân cùng Tướng Viên ra Đông Hà gặp Tướng Lãm và Sutherland để quan sát tại chỗ và dục ông Lãm hãy khai triển gấp Sư Đoàn I Bộ Binh trên những cao độ nam Đường 9 để bảo vệ cạnh sườn cho nhảy dù và thiết kỵ tiến chiếm Tchépone như kế hoạch, dự liệu trong vòng ba đến năm ngày. Tướng Lãm đã để khỏang thời gian quý giá nầy trôi qua cho đến ngày 18, 19 như vừa nói trên.

Chẳng hiểu quá vâng lời ông Thiệu hay không đủ tự tin, Tướng Lãm đình chỉ lực lượng thiết giáp ngưng tiến quân, không có một quyết định, ý kiến nhỏ về, từ thực tế chiến trường. Hơn thế nữa, mối liên hệ “không cộng tác” giữa những viên tướng tư lệnh sư đoàn (Tướng Đống, Nhảy Dù; Tướng Khang, TQLC) với Tướng Lãm lại là yếu tố tai hại ảnh hưởng không nhỏ đến những quyết định quan trọng tại chiến trường.

SĐ320 cộng sản thay đổi các đơn vị cơ hữu tiếp đánh vùi TĐ39, quyết dứt điểm Ranger North để có khí thế ban đầu. Ngày 20, trực thăng cố vào vùng để tản thương và tiếp tế đạn cho TĐ39, xạ thủ phòng không cộng sản bắn hạ một trực thăng tản thương, y tá Dennis Fujii phải ở lại cùng căn cứ. Trong cái rủi có điều may, Fujii trở thành y tá của căn cứ kiêm luôn nghiệp vụ hướng dẫn phi cơ oanh kích cận phòng. Cuối cùng, Fujii cũng được móc ra, nhưng trực thăng chở anh lại bị trúng đạn phải đáp khẩn cấp xuống Ranger South.

Viên y tá trở nên là nhân chứng sống cho cuộc chiến đấu kiên cường của Biệt Động Quân, khi sau nầy có những tay viết báo muốn khai thác khía cạnh bất lợi đối với quân miền Nam. Đã có nhiều lúc, những phi công F4 Phi Đoàn 40 Chiến Thuật nhìn thấy binh sĩ TĐ39 nằm trong màn lửa bom Napalm do họ thả xuống chung quanh căn cứ. Không được tiếp tế đạn, lính TĐ39 Biệt Động phải xử dụng lại súng, đạn của kẻ địch để tiếp tục trận chiến. Cuối cùng, chiều tối ngày 21 tháng Hai, sau hơn ba ngày đêm đương cự, với 178 người chết và bị thương nặng, quân số Tiểu Đoàn 39 chỉ còn 107 người, kể cả bị thương nhẹ có thể chiến đấu; quân cộng sản xử dụng một lực lượng (không phải gấp ba, bốn lần hơn như những ngày đầu trận đánh) tới 2,000 người với vũ khí mới trang bị, để thay thế cho hơn sáu trăm xác bỏ lại lềnh kênh quanh căn cứ (không ảnh đếm được số chính xác là 639), quyết trả hận biệt động quân.

Nửa đêm, nương bóng tối, TĐ39 phải bỏ căn cứ rút về Ranger South. Cộng quân không chịu mất đà, dồn nỗ lực pháo cối dập xuống căn cứ Nam (Ranger South). Để giữ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ còn lại và đỡ gánh nặng cho Tiểu Đoàn 21, một cuộc hành quân không vận với phối hợp chặt chẽ giữa phi cơ chiến thuật và trực thăng võ trang, 13 trực thăng đã hoàn tất một cuộc tải thương chớp nhoáng, lấy ra được 112 thương binh kể cả anh chàng “tiền sát viên bất đắc dĩ” Fujii. Tiểu Đoàn 21 sau khi mất điểm tựa phía Bắc (Ranger North), cùng thành phần còn lại của TĐ39 rút về Đồi 31 của nhảy dù, sau đó được di tản khỏi vùng hành quân.

Chiến sử Lam Sơn 719 đoạn đầu với Biệt Động Quân được Tướng Sutherland đánh giá: “Một chiến thắng lớn của Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”, cho dù có những bôi bẩn ác ý do đám phóng viên tụ tập tại Khe Sanh khai thác hình ảnh ăn khách “lính bám càng trực thăng” trở về từ Hạ Lào do một vài binh sĩ trong cơn hốt hỏang, nhân lần tải thương kể trên đã bỏ trốn khỏi vùng hành quân. Ngoài ra, có một sự kiện xẩy ra nơi xa nhưng quả thật đã ảnh hưởng trực tiếp đến chiến trường Hạ Lào - Nếu như Tướng Đỗ Cao Trí không tử nạn máy bay (đến giờ nầy vẫn còn là một nghi vấn) và ông có mặt tại Khe Sanh trong ngày 23 Tháng Hai - Ngày Biệt Động Quân rời bỏ căn cứ thì có lẽ tình thế Lam Sơn 719 đã đổi khác. Bởi đã hơn một lần, với những đơn vị biệt động như những Tiểu Đoàn 21 và 39 nầy, năm 1970, Tướng Trí đã một lần tạo nên kỳ công ở chiến trường Campuchia. Lịch sử rất nhiều lần bị biến đổi hẳn do những nguyên nhân rất nhỏ và bất ngờ. Bi kịch Hạ Lào tiếp diễn với lực lượng nhảy dù nơi Đồi 31 và 30 khi mặt Bắc hoàn toàn trống trải nguy nan.

Dư luận chính trị thế giới nói chung và riêng nước Mỹ thật không hề công bằng đối với quân lực Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa; không phải những tiếng lời phát xuất từ số đông quần chúng bình dân hoặc những bài báo độc địa, xuyên tạc của đám ký giả ngoại quốc hạng nhì, nhâng nháo nơi những quán rượu Sài Gòn; nhưng khởi động từ những nhân vật có thế lực, ảnh hưởng, tác động đến cục diện toàn cầu như Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Than; Trưởng Khối Đa Số Thượng Viện Mỹ, Mike Mansfield... Tất cả những nhân vật tiếng tăm nầy đồng dấy lên chiến dịch tố cáo: “Quân đội Mỹ tấn công chiếm đóng Lào!”, tức hàm ý cáo buộc lực lượng Mỹ của Tướng W. Sutherland qua hành quân Dewey Canyon, yểm trợ quân đội Miền Nam thực hiện Lam Sơn 719.

Cần nói thêm một lần để xác định: Bộ binh Mỹ không hề vượt qua biên giới Việt-Lào ở địa điểm Làng Vây. Lẽ tất nhiên, những lời cáo buộc trên được lập lại nguyên bản với bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Liên Xô, Trung Cộng và Hà Nội. Cụm từ ngữ “Chiến tranh đế quốc xâm lược Mỹ”dần trở nên là một “thực thể” của diễn tiến chính trị thế giới - qua báo chí (cũng nơi đất Mỹ) - thúc dục những đám phản chiến xuống đường kêu gào “hòa bình” và “giết Nixon cùng tất cả những kẻ nào chận bước tiến (của chúng ta) tới... tự do”. Những lời đao búa nầy của David Hilliard, thủ lãnh nhóm Báo Đen được Washington Post tán tụng: “... Xuyên sâu những ngôn từ mạnh mẽ hùng hồn nầy, chúng ta khám phá ra những điều kỳ lạ và đẹp đẽ biết bao. Họ (những kẻ phản chiến) đã là hỗ trợ cho những điều tốt lành nhất đối với đất nước!!”.

Tất cả những cáo buộc sai lạc hàm hồ nầy được thành hình từ đầu Tháng 2, 1971, khi lực lượng VNCH còn ở trong lãnh thổ Việt Nam. Những kẻ trên hoàn toàn không biết (do ngu muội) hoặc không muốn biết (do ác ý) sự kiện: “Quân xâm lược thực thụ phải là đoàn quân có danh hiệu Quân Đoàn 70B của cộng sản Bắc Việt. Để sau 1975 được được chính Tổng Bí Thư Lê Duẩn hãnh diện xác nhận: Ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô"

Nhắc lại thêm một lần cũng không không thừa: Binh đoàn quân đội chính quy cộng sản Bắc Việt đã thành hình và có mặt nơi đất Lào từ năm 1970. Chính phủ Lào ở Vạn Tượng cũng không nói những gì khác và đúng hơn về những điều gì đang xẩy ra trên đất nước họ.

Cánh quân trung phong gồm Lữ Đoàn I Nhảy Dù với các Tiểu Đoàn 1, 8, 9 và Lữ Đoàn I Thiết Kỵ từ căn cứ Hàm Nghi tiến chiếm những những mục tiêu Bravo, Alpha, A-Lưới trên Đường 9 không mấy khó khăn dù hướng tiến quân đã bị gài đặt mìn bẩy từ nhiều ngày qua. Căn cứ tiền phương A Lưới, cách Tchépone khỏang dưới mười dặm được thiết lập vào buổi chiều ngày 8 đúng như dự định, bộ phận bộ binh Bắc Việt giữ chốt trên Đường 9 không ngăn nổi sức tiến quân nhanh chóng, thần tốc của nhảy dù và thiết giáp. Hơn thế nữa những pass B52 đánh theo yêu cầu chiến thuật của lực lượng dưới đất, dọc hai bên con đường đã hủy diệt phần lớn cánh quân phục kích nầy. Các đơn vị nhảy dù trên Đường 9 khám phá nhiều kho tàng vũ khí quan trọng, gồm 3,000 xe đạp mới, cũ, kho nhiên liệu xăng, dầu cặn, áo quần, lương khô Trung Cộng, Nga lần đầu tiên được xử dụng ở chiến trường miền Nam và hằng trăm, ngàn xác chết vương vải không toàn thây của những đơn vị Bắc Việt.

Về chiến trường mặt bắc Đường 9, Tiểu Đoàn 2 và 3 Dù được trực thăng vận xuống hai Đồi 30, 31; hai căn cứ hỏa lực được thiết lập với chỉ danh của hai cao độ nầỵ Nhưng chiến trường không hề thuận tiện như những ngày đầu vì Bắc quân đã gióng trước với lính Dù qua máy truyền tin: “...chúng mầy sẽ biết thế nào là trận địa pháo của quân giải phóng!” Lời đe dọa không hề là giả thiết và cảnh địa ngục thật sự đã mở ra.

Chúng ta hãy chứng kiến một đoạn về trận chiến nơi Đồi 31, căn cứ hỏa lực Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn III Dù, cũng là vị trí đầu cầu của Tiểu Đoàn 3 Dù, dưới quyền chỉ huy của Trung Uý Phạm Đồng (tác giả Phan Hội Yên) được lệnh chiếm đóng trong những ngày đầu của chiến dịch. Viên Trung Úy Trung đội trưởng Trung Đội 2, Đại Đội 33, kể lại trong tập chuyện “Hạ Sĩ Khinh Binh”: “Tôi phất tay cho trung đội đồng loạt ném hết số mìn chiếu sáng về phía trước... Tách! Tách!...Xoè...xoè... Bốp, bốp... Ngọn lửa bùng lên dữ dội rồi lan nhanh về phía địch quân; râu tóc mặt mày chúng tôi cũng cháy nám khét lẹt. Thế thượng phong ngàn năm một thuở... Lửa cuộn trong tiếng quân reo. Lửa tràn lên theo cỏ tranh dòn dã, khói bốc mịt mù... Khói làm màn che cho quân ta tiến tới. Vùng vẫy trong bão lửa, quân xông lên.

Lưỡi lửa liếm một vòng cung, thắt gọn vị trí địch trong vùng hỏa công dữ dội. Những căn hầm được nguỵ trang kỹ lưỡng bằng cỏ tranh tiệp màu bỗng chốc trở thành mồi ngon cho ngọn lửa. Hầm đạn nổ tung tóa, cả vùng đồi nhanh chóng ngập tràn biển lửa. Địch quýnh quáng tung hầm tháo chạy, có kẻ trên lưng đang bốc khói.

Tổ khinh binh tràn lên đỉnh đồi chiếm lĩnh trận địa, thanh toán nhanh những ổ kháng cự yếu ớt còn sót lại.. Làm sao có thể chống cự được, khi trước mặt là lửa táp, khói thốc theo luồng gió lùa vào mồm, mũi... Chưa kịp dụi mắt, ngáp gió, lấy hơi, quân ta đã tiến tới, lưới đạn càn quét, quyết liệt... Trong ráng chiều chưa tắt, nắng xuyên qua khói, lửa giải xuống chiến trường những giải vàng lóng lánh, thấp toáng bóng quân chạy dọc ngang trên đỉnh đồi như phút giây linh thiêng hào hùng sông núi chuyển mình...”

Sau khi trung đội của Trung Úy Phạm Đồng đã chiếm lĩnh được mục tiêu với lần mất đi sinh mạng những chiến hữu thiết thân, những khinh binh Chí, đề-lô pháo binh Tâm, và chỉ dấu thua thiệt lớn nhất: Đại Uý Lê Thành Bôn, đại đội trưởng, tác giả của trận đánh hỏa công của đoạn viết kể trên. Đồi 31 trở nên cảnh chết tàn khốc vào ngày 25 tháng Hai: “Sau trận tập trung pháo kích, xe tăng địch lập tức ào ạt xung phong... Hai, ba, năm... bảy, tất cả mười một chiếc bỏ lại bộ binh (của phía Bắc quân), cùng lao xuống đồi về phía chúng tôi. Một chiếc đang bò ngang chông chênh trên sườn đồi lãnh ngay một trái 105 trực xạ, hất nhào xuống vực thẳm. Nhưng đoàn xe tăng vẫn tiếp tục vừa bắn vừa tiến và chiếm dần bãi trực thăng.

Hạ sĩ nhất Chính và tiểu đội khinh binh lãnh nhiệm vụ đón đánh đợt đầu khi tăng tiến qua bãi đáp, tiến vào yên ngựa hẹp (giữa hai đỉnh đồi) trước khi bám đánh khu vực phòng thủ trung tâm căn cứ. Chính dẫn theo Bình, Tám, Ngôn, mỗi người thủ sẵn một cây M 72 (hỏa tiễn chống chiến xa) đã ở vị trí chờ kích hỏa; Chuẫn úy Nghĩa, trung đội phó, đòi đi theo tổ khinh binh; mắt anh hừng hực uất hận bởi thấm đau từ lần đụng trận đầu tiên của đời lính, đã hiểu nghĩa tận cùng cào xé trước xác thân đồng đội.

Mỗi người chúng tôi quả có tâm lý của kẻ không đường trở lại, phải tiến lên phía trước, vượt qua hèn mọn của chính mình... Mất đi ý niệm phân biệt sống, chết. Mà có khi phải chết còn thanh thản hơn được sống!! Hai chiếc tăng ùn ùn tiến vào khu vực trung tâm, Nghĩa nhảy phắc lên chiếc thứ hai, thảy gọn trái M26 vào lòng pháo tháp. Anh chưa kịp nhảy xuống thì trúng đạn, nằm chồng lên xác địch thủ. Cùng lúc, có tiếng nổ “bục” tức tối, khói từ trong chiếc tăng bốc lên... Nhưng sao nó vẫn tiếp tục chạy! Quờ quạng được một đoạn ngắn, chiếc chiến xa nổ tan làm hai mảnh, pháo tháp bật ngược ra sau cùng xác Nghĩa.

Và trận đánh kết thúc với cảnh tượng vô vàn bi tráng mà phải là người trong cuộc mới có thể viết nên với những giòng đẫm máu như sau:

“... Ba phần tư ngọn đồi đã nằm trong tay địch, chúng tôi (Đại đội 31 và 33) chỉ còn giữ được một phần bộ chỉ huy tiểu đoàn và lữ đoàn, nhưng không còn ai trong những vị trí hầm chỉ huy cả, tất cả đã ra ngoài, sát vai tác chiến cùng khinh binh, xạ thủ nơi tuyến đầu; hệ thống truyền tin chỉ huy vẫn được duy trì ở cấp trung đội, dù trên thực tế, mỗi trung đội còn không quá mười người...

Tất cả khái niệm sống, chết đã trở thành vô nghĩa. Và cũng không còn thì giờ hoàn cảnh để chọn lựa. Những người lính còn lại của lữ đoàn đồng hăm hở lao lên trong cố gắng tuyệt vọng... Bắn... bắn, thụt thêm một trái M72 đi. Lựu đạn... lựu đạn... Những bóng áo rằn rì nhảy lên pháo tháp xe tăng địch, những thân người vùng vẫy cào cấu, lắt lẻo trên thành xe, tan nát dười lườn xích sắt. Bây giờ bộ binh địch đã phối hợp cùng chiến xa, tràn lên căn cứ... Mặt đối mặt với lưỡi lê, báng súng, lăn xả vào nhau, bắn giết, đâm chém... Hoặc loay hoay với những khối sắt không làm sao phá vỡ với tay trần, với vũ khí cá nhân.

Bom bầy, pháo lũ dội xuống... Bom của ta, pháo của địch, lưới lửa của cả hai bên đồng chụp xuống một chỗ, lính hai bên cùng chia nhau lãnh đạn... Những chiếc nón sắt rơi lông lốc, những đôi dép râu đứt quai nhầy nhụa trong dòng nước đỏ ối, đậm đặc đang dần kết thành giải suối máu lăn lóc chảy chậm xuống sườn đồi!!

Cuối cùng, hai Đại Đội 33, 34/TĐ3ND không thể nào giữ được Căn Cứ Hỏa Lực Đồi 31 do quân Bắc Việt tập trung toàn bộ lực lượng bộ binh của mặt Bắc Đường 9 được pháo 130 ly yểm trợ, chiến xa T54 dẫn đầu... Những chiến xa hạng nặng nầy cày vỡ tất cả công sự chiến đấu của Đồi 31, đè sập hầm chỉ huy của Lữ Đoàn III nên Đại Tá Thọ đã yêu cầu pháo binh nhảy dù bắn tiêu hủy ngay trên vị trí phòng thủ. Trung Tá William. N. Peachey, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ158/Không Vận Mỹ từ trên chứng kiến những giây phút bi thảm cuối cùng của Đồi 31. Đến một lúc, lính Bắc Việt không cần phải nổ súng bởi những chiếc T54 chỉ việc đè lên những người lính nhảy dù trấn giữ đồi 31.

Cuối cùng, toàn bộ sĩ quan Lữ Đoàn III, Tiểu Đoàn 3 Dù, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh gồm Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Trung Tá Trần Văn Châu, Thiếu Tá Trần Văn Đức, Đại Úy Lê Đình Châu và nhiều sĩ quan trung cấp, hạ sĩ quan, binh sĩ bị bắt sống, phần đông đã bị thương, mất năng lực chiến đấu, hết đạn, vũ khí không còn xử dụng vào những ngày trước khi căn cứ bị tràn ngập.

Lực lượng nhảy dù quả đã hẳn ưu thế chiến đấu khi bị bó chặt nhiệm vụ trên những cao độ không còn được yểm trợ liên hoàn, do để trống mặt Bắc khi các Tiểu Đoàn Biệt Động 21, 39 phải rời bỏ căn cứ như đã trình bày ở đoạn trên. Sự kiện mất căn cứ Đồi 31 cũng có nguyên do là đoàn chiến xa M 41 thuộc Thiết Đoàn 17 Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ có hai đại đội Tiểu Đoàn 8 Dù từ căn cứ A Lưới được lệnh di chuyển tăng cường cho Đồi 31 đã không đến kịp điểm hẹn. Toán quân nầy lại bị phục kích vào ngày sau khi trên đường tiến gần mục tiêu, cuối cùng nhờ B52 đã can thiệp hiệu quả bằng cách dội bom tiếp cận đội hình tiến quân, phá vỡ trận địa phục kích của Bắc quân. Sau hai pass B52, chiến trường hoàn toàn yên lặng, người sống sót nằm ngất trên mặt đất bị đào xới tung tóe lầy nhầy thịt xương người của các đơn vị bộ đội thuộc Sư Đoàn 320. Tổng số 800 xác chết là số lượng đếm được về đơn vị cộng sản bị giết bởi B52.

Căn cứ Đồi 31 thất thủ, Đồi 30 do Tiểu Đoàn 2 Dù trấn giữ còn lại trơ trọi suốt một vùng mặt Bắc Đường 9, và biến thành điểm lửa của toàn bộ hệ thống hỏa tập Bắc quân. Nhưng kỳ diệu thay, do bản lĩnh riêng của viên tiểu đoàn phó và sĩ quan hành quân, Thiếu Tá Nguyễn Văn Mạnh, Đại Úy Trần Công Hạnh, tiểu đoàn đã cầm cự được suốt một tuần sau và chỉ rời bỏ căn cứ khi Hotel (danh hiệu truyền tin của Đại Úy Hạnh) trực tiếp liên lạc với phi hành đoàn của các phi cơ yểm trợ chiến thuật và trực thăng Mỹ để tác xạ trực tiếp và dội bom lên ngay tuyến phòng thủ đơn vị...

Nương theo khe hở sống chết nầy, Tiểu Đoàn 2 rút khỏi vòng vây với quân số chỉ bị tổn thất tương đối. Hơn thế nữa, đơn vị nầy trên hướng di tản khỏi căn cứ còn mở đường cứu vây Tiểu Đoàn 7, đơn vị vào tăng cường cho TĐ1 và TĐ 8, hai tiểu đoàn nầy cũng đã bị tổn thất nặng trong tuần lễ cố giải vây cho Lữ Đoàn III Dù ở đồi 31 (Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Phan tử trận; hai tiểu đoàn phó, Trần Đăng Khôi, TĐ7; Đào Thiện Tuyển, TĐ8 bị thương nặng, phải di chuyển khỏi vùng hành quân). Cuối cùng, lệnh tiến chiếm Tchépone như dự trù với lực lượng nhảy dù và thiết kỵ trên đường 9 không hề được thi hành. Lời thúc dục, khuyến cáo của Tướng Cao Văn Viên, Abrams với Tướng Lãm tại Đông Hà ngày 16 tháng Hai về việc thực hiện quan niệm hành quân trên đã không hề được quan tâm. Nghi án sự chậm trễ và thay đổi kế hoạch điều động các đơn vị đến nay vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải thích thỏa đáng.

Ba.

Tchépone,

Chiếc bẫy sập đóng lại

Khi lực lượng nhảy dù và thiết kỵ bị cầm chân ở A-Lưới thì việc tiếp tục tiến chiếm Tchépone với bộ binh chỉ còn là một “mục tiêu bề mặt”, cốt để biện hộ một cách tai hại về một ước tính quân sự sai lầm, nhằm mục đích yểm trợ cho một sách lược chính trị. Sách lược ấy được nhận ra, khi Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn báo cáo về Hoa Thịnh Đốn một nội dung khả thể, đêm 7 tháng 4 Tổng Thống Nixon có thể nói cùng dân chúng Mỹ: “Đêm nay tôi có thể báo cáo rằng chính sách Việt Nam Hóa đã thành công!!", nhằm trấn an những nhóm biểu tình phản chiến, đòi cải thiện chế độ an sinh xã hội cho người da đen ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ.

Ngày 3 tháng Ba, hai Lữ Đoàn A, B Thủy Quân Lục Chiến từ Khe Sanh được đưa vào thay thế các đơn vị Sư Đoàn I Bộ Binh thuộc vùng trách nhiệm hai căn cứ Delta và Hotel. Như thế, mặt trận Hạ Lào chỉ còn một lữ đoàn TQLC làm thành phần trừ bị; cũng có nghĩa tương tự đối với toàn bộ lực lượng quân sự miền Nam. Những tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư Đoàn I rời bỏ vùng vừa bàn giao, tiến sâu về phía Tây, lập các căn cứ hỏa lực Sophia, Liz và LoLo trên các cao độ 748, 690, và 723, Đông-Nam mục tiêu Tchepone. Lolo thực sự chỉ là một bãi đáp chứ không hẳn là một căn cứ hỏa lực.

Ngày 6 tháng Ba, một phi đội khổng lồ gồm 120 trực thăng Huey được trực thăng võ trang Cobra và phản lực chiến đấu yểm trợ bao vùng đổ quân bộ xuống bãi đáp Hope, bốn cây số Đông-Bắc Tchépone, sau khi B52 đã trải thảm dọn sạch khu rừng rậm hằng trăm năm không dấu vết người chung quanh bãi đáp. Cuộc không vận được xếp hạng là một trong những hành quân đường không lớn nhất chiến sử Đông Dương; năm 1954, lực lượng không quân vùng Tây-Bắc của Tướng Cogny chỉ có đúng hai trực thăng Alouette cho Chiến Dịch Castor để chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Cuộc không vận đưa Tiểu Đoàn 4/Trung Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 2 vào vùng lửa Tchépone, đây là hai đơn vị ưu tú nhất của Sư Đoàn I do Trung Tá Lê Huấn và Trung Tá Trần Ngọc Huế chỉ huy; cả hai cùng Khoá 18 Trường Võ Bị Đà Lạt và được đánh giá là những sĩ quan xuất sắc của khoá. Nhưng dù hai tiểu đoàn trên có gồm những người lính can trường, được chỉ huy bởi những sĩ quan xuất chúng bao nhiêu, cứ điểm Hope mà hai đơn vị có nhiệm vụ đổ bộ xuống để rồi sau đó làm đầu cầu đột kích trong im lặng tuyệt đối vào “thị trấn Tchepone” đã là một nơi hoang vắng với những thây chết rải rác cũng có nghĩa “Kế Không Thành” mà Bắc quân giương ra đã hoàn tất.

Toàn bộ các bãi đáp, địa điểm nầy đã là những “điểm hỏa tập tiên liệu“ của pháo, cối, hỏa tiễn diện địa của bộ đội cộng sản. Kết quả bi thảm đương nhiên xẩy đến, Tiểu Đoàn Trưởng Lê Huấn tử trận, Trần Ngọc Huế bị bắt sống... Hai tiểu đoàn tan vỡ như những mảnh vụn của những khẩu pháo 105 thả xuống ở các căn cứ Hope, Sophia, Liz... Có những khẩu chưa hề bắn được một viên đạn, vì những lưới đạn quả thật chưa hề được thả xuống kịp trước khi các căn cứ tan vỡ. Ông Thiệu ra lệnh “rút quân” sau “chiến thắng Tchepone”, bất chấp lời khuyến cáo từ phía Tướng Abrams - Tăng cường Sư Đoàn 2 Bộ Binh cho mặt trận Hạ Lào và giữ chặt nút chận Tchépone để hoàn thành mục tiêu chiến lược - Cắt đứt đường tiếp vận Bắc-Nam của quân đội cộng sản.

Cuộc rút quân không chuẩn bị tất nhiên biến thành lần tháo chạy, khi các căn cứ lần lượt bị đánh vỡ, mất hẳn thế “yểm trợ liên hoàn - viên đá tảng cột trụ của chiến thuật Căn Cứ Hỏa Lực”. Sau Sư Đoàn Nhảy Dù của giai đoạn đầu, Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở giai đoạn hai, tiếp theo, đến lượt Sư Đoàn TQLC chịu lần phanh thây trên những đỉnh núi trần trụi dưới cơn mưa lũ đại pháo của Bắc quân được chuẩn bị từ một năm trước, năm 1970.

Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến nhận vùng trách nhiệm, bố trí các tiểu đoàn theo hướng Bắc-Nam. Tiểu Đoàn 4, 7, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn A có pháo binh Tiểu Đoàn 2 Pháo yểm trợ. Căn cứ hỏa lực chính được Tiểu Đoàn 2 “Trâu Điên” bảo vệ, đồng thời làm thành phần trừ bị. Phía Nam, Lữ Đoàn A, hai tiểu đoàn 3, 8, có nhiệm vụ phá thế trận cộng sản bao vây, chia cắt. Nhưng tất cả phối trí chiến thuật nầy đã trở nên bất khả dụng, bởi phe cộng sản đã chuẩn bị đủ cho chiến trường, từ quốc tế đến quốc nội, với biểu ngữ của đám biểu tình phản chiến ở Mỹ đến Dinh Độc Lập ở Sài Gòn.

Cụ thể nơi mặt trận Hạ Lào, quân cộng sản đã bắn không trật một viên đạn ra ngoài các căn cứ hỏa lực. Và sau khi các căn cứ nhảy dù ở mặt Bắc bị tràn ngập; Sư Đoàn I Bộ Binh phải rút bỏ sau cái gọi là “chiến thắng chiếm đóng Tchépone”; vùng trách nhiệm của TQLC gánh khối nặng còn lại của trận chiến vô lý bi thảm nầỵ. Lữ đoàn A TQLC với Tiểu Đoàn 2 “Trâu Điên” của Tiểu Đoàn Trưởng, “Robert Lửa” Nguyễn Xuân Phúc trở nên thành tụ điểm tất cả nguồn lửa lớn của chiến trường.

Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói với Đạt, chỉ huy trưởng pháo binh, đơn vị pháo còn lại duy nhất của trận địa: “Ông khỏi yểm trợ cho ai nữa, hạ nòng súng xuống, “cua” nó lên con nào, ông nướng con ấy cho tôi”.

“Cua”, Phúc dùng chữ với ý khinh miệt hơn nghĩa khối hài để nói về những chiến xa của Bắc quân. Và đến lúc cuối cùng, Phúc hét lớn qua máy truyền tin: ”Khỏi cần hỏi lệnh tôi, còn bao nhiêu đạn ông cứ chơi hết bấy nhiêu…” Hai Tiểu Đoàn 4 và 7 ở vùng ngoài căn cứ vùng vẫy tuyệt vọng giữa đám kẻ thù say máu như con hổ trọng thương bị loài kên-kên rúc rỉa. Phúc hướng dẫn từng phi tuần từ hạm đội bay vào cứu bạn. Những viên phi công Mỹ dần quen với giọng nói của “Foxtro” (ám danh đàm thoại không-lục của Phúc với phi công Hạm Đội 7), để đến một đêm… Đêm hỏa ngục lật ngược để bày ra trên trần gian nguồn lửa lênh láng hung tàn không hề cạn. Lửa rùng rùng lay động suốt dãy núi rừng ầm vang tiếng nổ. Tiếng nổ của đại pháo, hỏa tiễn bắn từng đợt, từng tràng một lần mười, hai mươi trái, từ bốn, năm vị trí. Trong chuỗi âm động quái dị ấy, súng tay dì đẹt nhỏ nhoi như một loại pháo lép và cuối cùng với những đợt bom. Bom ném một lượt từ ba phi tuần phản lực nối cánh nhau như cảnh tượng trong các phim chiến tranh. Phi cơ Mỹ bao vùng suốt từ sáng sớm, Đà Nẵng, Thái Lan, Hạm Đội 7, Guam qua chiều vào đêm, bay đến…

Đêm đến, Bắc quân từ hang ổ, đường thông thủy, giao thông hào, điạ đạo theo xe tăng tấn công lên đồi tiêu diệt Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn A, Tiểu Đoàn 2 Pháo qua hàng rào phòng thủ của “Trâu Điên”. Và Tiểu Đoàn 2 TQLC quả thật là một con trâu điên đơn độc đương cự giữa bầy sài lang nanh vuốt. Phúc đã theo dõi và thấm hiểu nổi đau những lần thất thủ của các đơn vị bạn, những Tiểu Đoàn 37 Biệt Động, Tiểu Đoàn 2, 3, Lữ Đoàn III Dù… Hai tiểu đoàn 4, 7/TQLC ngoài căn cứ chỉ còn một đường liên lạc qua hệ thống truyền tin của Tiểu Đoàn 2. Phúc hướng dẫn phi cơ Mỹ thả trái sáng để hai đơn vị nầy lần đường về phía Nam, nơi các tiểu đoàn 3 và 8 đang đợi “bắt tay”. Bộ chỉ huy lữ đoàn hoàn toàn tê liệt, pháo binh cũng chỉ còn những viên đạn cuối cùng, Đạt báo cáo với Phúc… “Tuị nó tràn ngập vị trí, tôi phá súng!!”

Và cuộc hỗn chiến trong đêm bắt đầu. Tiếng súng lớn đồng im bặt, tiếng súng nhỏ cũng không còn, chỉ âm động của da thịt người bị xé rách, đâm nát, vỡ nhầy dưới xích xe tăng. Trong bóng tối chập chờn tàn lửa, nghi ngút khói của những trận pháo càn từ bao ngày qua, từ giờ trước…Những bóng người nhào vào nhau, tìm đường chạy hoặc cách giết người hiệu quả để được lần sống sót. Phúc hằng tiên liệu rõ tình huống tuyệt vọng gớm ghê nầy, nên anh đã ra lệnh cho toàn đơn vị “tay áo phải xắn cao, tay áo trái thả dài xuống”, làm dấu hiệu nhận bạn giữa đêm tối, vượt nỗi chết. Và từ vũng sâu cảnh điạ ngục trần gian kia, người ta nghe rõ tiếng hét lớn lập lại nhiều lần… “I’m crazy buffalo battalion commander, đ..m.. .tao ground chief... go ahead, do it please…”

Bầu trời, mặt đất cùng bị vỡ tung, những quả bom chạm nổ ngay khi vừa rời khỏi cánh tàu bay. Phúc nương theo đợt dội bom, hứng đủ trận bom, bảo vệ bộ chỉ huy lữ đoàn, tiểu đoàn 2 pháo và đơn vị rút khỏi căn cứ. Trong bản ghi dữ kiện của máy bay, toạ độ Phúc yêu cầu dợi bom cũng là toạ độ của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn A TQLC mà Hạm Đội 7 đã yểm trợ từ bao ngày qua.

Bốn giờ sáng, Phán, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ8 TQLC từ trên đỉnh ngọn Cô-rốc, đỉnh núi cao nhất vùng, nhìn suốt hai bên sường Đông, Tây Trường Sơn, lắng nghe tiếng nói khẽ, đứt khúc của Phúc… “mầy… mầy thắp đèn cầy (trái sáng), tao dẫn tụi thằng 4, 7 và con cái tao về...”.

Chín giờ sáng hôm sau, Phán xuống núi, Phúc đang dìu Đại Tá Thông bước chập choạng. Giữa đám quân tan tác, Phúc là người nhỏ, thấp, gầy nhất. Nhưng quả tình anh là người cao, bền hơn hẳn. Như Người Lính không hề chết. Và nếu họ có mất đi hình hài cũng chỉ để Tổ Quốc hằng muôn thuở tồn sinh.

Tổng kết trận Hạ Lào, Trung Tá Pháo Binh Nhảy Dù Bùi Đức Lạc nhận xét: “Máu của Người Lính đã đổ xuống Hạ Lào, thịt xương họ không vun trồng màu mỡ quê mẹ mà làm tươi tốt cho đồng, rừng xứ người. Nhưng đau thấm thía, lâu dài hơn khi trận Hạ Lào bị cơ quan truyền thông ngoại quốc che mờ bằng màn khói bại trận, lại được tô son chuốc lục bởi phóng viên người Việt với màu tang trắng quê hương...”

Hậu Từ

Hôm nay bốn mươi-bốn năm qua (1971-2015) kể từ buổi binh đao tàn khốc kia, Thắng, Bại; Công, Tội của những bên lâm chiến đã được lịch sử chứng minh. Chỉ riêng Người Lính - Những Người Lính không trở về - Những Người Lính sống sót cùng Nỗi Đau không hề chấm dứt với khổ nạn Quê Hương. Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù Nguyễn Văn Thọ là một trong những người lính phẫn hận kia.

Sau lần sống sót dưới cơn bão dữ đạn bom của cả hai phía, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Trung Tá Trần Văn Châu, Thiếu Tá Trần Văn Đức, các Đại Úy Lê Đình Châu, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Quốc Trụ... thuộc bộ chỉ huy Lữ Đoàn 3, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh ND được lệnh di chuyển ra Bắc với chân trần, trên thân người vết thương còn tươi máu. Tại Hà Nội, họ được đưa ra trình diện báo chí (của miền Bắc và khối cộng sản) để làm cớ chứng: Quân đội Mỹ-Ngụy tấn công lãnh thổ của nước Lào (gọi là) trung lập. Đồng thời viên cán bộ chính trị cao cấp điều hành buổi họp báo cũng lên tiếng: "Cực lực bác bỏ lời tố cáo của báo chí miền Nam: "Cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam qua ngã Lào (!!)" Đài phát thanh Hà Nội lớn tiếng rêu rao: "Trận chiến Đường 9 Nam Lào là một đòn sấm sét của lực lượng nhân dân yêu chuộng hòa bình của ba nước nước Đông Dương đã đoàn kết chiến đấu, đập tan âm mưu của tập đoàn thực dân mới Mỹ nhằm mưu định chiếm đóng Đông Dương mà ngụy quyền Sài Gòn là tay sai đắc lực nhất."

Lời cáo buộc được cả thế giới "tin cậy" nên từ Hội Nghị Paris (1968-1973) trở về Hà Nội, bí thư Xuân Thủy được Đức Giáo Hoàng Paul VI tiếp kiến do những nổ lực gọi là "tái lập hòa bình ở VN" của y ta đại diện cho Hà Nội tại bàn hội nghị. Chưa hết, thế giới lại "rất sáng suốt" trao giải Nobel (gọi là) Hòa Bình cho Lê Đức Thọ. Đây cũng là viên bí thư chiến dịch Hồ Chí Minh lần tiến chiếm Sàigòn (4/1975) với 16 sư đoàn bộ binh cộng sản Bắc Việt như lời than vãn của Kissinger, kẻ đồng nhận giải Nobel Hòa Bình với Thọ.

Trong chiều hướng "tin cậy đối với cộng sản Bắc Việt", Hiệp Định Ba Lê ký kết ngày 27 Tháng 1, 1973 đã long trọng xác nhận "Hai bên miền Nam Việt Nam trao trả cho nhau những nhân viên quân sự được bắt giữ... " Với định nghĩa nầy, toàn bộ các sư đoàn bộ binh, khối lượng vũ khí khổng lồ gồm xe chiến xa, đại pháo của cộng sản miền Bắc nơi mặt trận Hạ Lào đồng được "hóa không" để trở thành "quân đội giải phóng Lào yêu nước" hoặc của "lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam"! Và hệ quả tiếp theo là: "Không có tù binh VNCH nào của mặt trận Đường 9 Nam Lào trong danh sách trao trả theo Nghị Định Thư về Tù Binh của Hiệp Định Paris 1973.”

Văn bản được long trọng ký kết trước cộng đồng thế giới, được 13 nước ký Định Ước Bảo Đảm Thi Hành bao gồm Liên Xô, Trung Cộng! Màn dối gạt ngang ngược vô liêm sĩ đối với thế giới tiếp tục hiện thực trong Ngày 30 Tháng 4, 1975 với sự đồng thuận của chính phủ Mỹ. Cuối cùng, chỉ một năm sau, 1976, nhóm người tù miền Nam trong một buổi đi ra Đoàn (Đoàn 776) ở Yên Bái để lãnh gạo. Chúng tôi nhận ra người tù Hạ Lào: Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, Trung Tá Trần Ngọc Huế, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/2/SĐ1BB và nhiều anh em tù binh khác thuộc các binh chủng TQLC, BĐQ, BB, Thiết Kỵ, đông đảo nhất là những Biệt Kích Quân, tổng số của những tù binh VNCH rơi ra ngoài danh sách trao trả theo Hiệp Định Paris. Đại Tá Thọ giữ nhiệm vụ chăn nuôi, Trung Tá Huế dầm suối chuyển cây gỗ... Chúng tôi đứng nghiêm chào kính: Chào Đại Tá! Ông trầm giọng buồn phiền: Các em cố gắng nghe! Vâng, tụi em cố gắng!

Năm 1996, người viết qua Úc, nói chuyện ở Sidney, gặp lại Người Lính Nhảy Dù không mệt mõi, đến góp tiếng với "thằng em". Tôi khám phá ra một điều cao thượng bất biến: Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8; Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 ND; Tù Binh Hạ Lào; Người già tỵ nạn nơi đất Úc... Tất cả luôn ở trong một tình trạng "cố gắng".

Nhảy Dù Cố Gắng! Đích Thân về cõi Phật bình an (*).

Thiếu Úy Phan Nhật Nam

Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, KBC 4919
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Chiến Sĩ

Người Chiến Sĩ dũng cảm thà chết vinh còn hơn sống nhục


Trọng Đạt


Hồi sau trận Tết Mậu Thân, 1968, một người bạn cho tôi mượn cuốn truyện Tình Yêu Cao Thượng của một ông văn sĩ nổi tiếng thời ấy, ông cũng là nhà báo nổi tiếng, một nhà văn chống Cộng... Anh bạn đưa cuốn truyện cho tôi bảo:

- Này đọc đi!

Tôi đọc một tối là xong, mấy hôm sau tôi đưa sách trả anh bạn rồi bảo :

- Hình như không đứng đắn anh a!

Anh bạn cười đáp:

- Truyện này cũng nổi tiếng đấy nhá, anh không thích thì thôi!

Mấy năm sau, cơ quan của tôi gửi tôi đi thụ huấn một khóa huấn luyện Quân sự tại trường Bộ binh Thủ Ðức, khoảng bốn tháng nhà trường lại mời một ông văn nhân, ký giả nổi tiếng để đăng đàn diễn thuyết về các vấn đề thời sự, chính trị cho Sinh viên Sĩ quan nghe. Có lần trường mời một ông ký giả tên tuổi kiêm nghề Luật sư đến diễn thuyết, ông này trước kia là Đại úy Huấn luyện viên của trường, hôm ấy Trung Tướng chỉ huy trưởng chủ tọa. Ông ký giả luật sư thao thao bất tuyệt, ông nói khéo lắm, ông ấy ca ngợi Sinh viên khiến đôi khi họ phải phì cười, mấy người Sinh viên ngồi gần tôi bảo :

- Cái ông nội này Bắc Kỳ có khác, lém mồm lém miệng quá xá!

Khi ông ký giả nói xong đến lượt Sinh viên phát biểu ý kiến, những lời đối đáp giữa Sinh viên và diễn giả rất vui vẻ hào hứng, khi bế mạc Trung Tướng lên diễn đàn cám ơn và ông có đôi lời về hiện tình chính trị đất nước :

- Những cuộc biểu tình đòi hòa bình của Sinh viên Học sinh tại Sài Gòn hiện nay rất là thiếu ý thức, bây giờ có kẻ nó vác gậy gộc đến nhà mình nó đánh mình mà cứ đòi hòa bình thì thử hỏi làm thế nào cho có hòa bình, chẳng qua chỉ làm lợi cho kẻ địch!

Buổi nói chuyện vui vẻ, hào hứng, từ ông Trung tướng, diễn giả đến Sinh viên ai nấy đều trình bầy rõ ràng mạch lạc các vấn đề.

Khoảng bốn năm tháng sau, nhà trường lại mời một nhà báo về diễn thuyết về hiện tình chính trị đất nước, lại chính là ông tác giả cuốn Tình Yêu Cao Thượng, hôm ấy Ðại Tá chỉ huy phó chủ tọa, sau lời giới thiệu của ông chỉ huy phó, ông diễn giả mở đầu :

- Tôi mới xuất bản mấy cuốn sách về hòa bình, chính trị, nhưng tôi viết hơi cao, ở đây tôi chỉ nói đại cương mấy vấn đề dễ hiểu thôi vì các bạn tập tành mệt nhọc, không nói dông dài làm chi nhiều...

Giọng ông yếu đuối nghe thều thào, ông nói không lưu loát như diễn giả kỳ trước, mấy người Sinh viên ngồi sau tôi than phiền :

- Gớm cái ông nội này Bắc kỳ mà nói chán quá ! nhà văn gì mà nói lè nhè nghe chán quá !

Ông nói không lôi cuốn được người nghe như ông luật sư bốn tháng trước đây, nhiều người ngủ gà ngủ gật, khi bài nói chuyện chấm dứt, có một Sinh viên đứng lên phát biểu ý kiến về hiện tình chính trị, ông Sinh viên này nói cũng lẩm cẩm quá khiến nhiều người thở dài :

- Gớm cái ông nội Sinh viên này hỏi vớ vẩn quá !

Buổi nói chuyện kết thúc, ông chỉ huy phó lên cám ơn :

- Tôi xin thay mặt nhà trường cám ơn nhà văn đã cho chúng tôi được nghe một buổi nói chuyện rất hào hứng...

Ông chỉ huy phó nói vắn tắt quá không hay bằng ông Trung Tướng nói lần trước, buổi nói chuyện chẳng có gì là hào hứng.

Ðúng là quả đất tròn, gần mười năm sau tôi lại gặp ông văn sĩ trong trại tù “cải tạo” Xuyên Mộc. Chúng tôi ở Long Thành được bốn năm thì chuyển trại đến đây giữa một khu rừng âm thuộc tỉnh Bà Rịa, đây là một trong những trại hắc ám ghê gớm nhất của miền Nam, rập khuôn theo miền Bắc. Nhập trại được vài ngày họ đưa chúng tôi lên Hội trường nghe cán bộ nói chuyện, anh cán bộ trẻ nói về án tù mới, về nội qui và có nói về ông văn sĩ, cán bộ nói :

- Sau khi ở đủ ba năm anh ấy bảo trại phải thả anh ấy về vì án tù đã hết, anh ấy gọi tất cả các cán bộ bằng anh hết. “Ban giám thị” trả lời anh ấy rằng “chưa có lệnh của Bộ nội vụ chúng tôi chưa thả được”, thế là anh ấy tuyệt thực, được một ngày anh ấy xin nước uống, “ban giám thị” bảo “nước uống cũng là của trại”, không thể cho anh ấy được. Hôm sau anh ấy đầu hàng “Ban giám thị”, chấm dứt tuyệt thực.

Tôi nhớ ra ông văn sĩ mà trước đây tôi không có cảm tình gì mấy, nhưng thoạt nghe “cán bộ” nói về thái độ thách đố bạo lực về khí phách anh hùng của ông, tôi cảm phục ngay vì từ ngày vào tù đến nay tôi chưa thấy ai có tinh thần bất khuất như ông, người ta thường nói: nước rặt mới biết cá thối, cháy nhà mới ra mặt chuột... vào tù mới biết người anh hùng, kẻ tiểu nhân, có nhiều anh đã từng xênh xang mũ cao áo dài nay gặp “cán bộ” thì cúi xuống nịnh bợ để mau được thả về... ít nhất cũng phải có được một người như ông văn sĩ, một người tuy là quá ít nhưng cũng cho chúng tôi có được một niềm tin vững chắc.

Chúng tôi ở nhà một, ông văn sĩ ở nhà hai cách nhau một khoảng đất trống, ông ở trong đội đảng phái phản động tên là Ðội 81, có lẽ vì họ có tám mươi mốt người. Ðội này do một ông cũng là văn sĩ “phản động” làm “đội trưởng”, ông “đội trưởng “này lại chê ông văn sĩ kia không tốt, có thời kỳ làm tay sai “cán bộ” tố giác anh em, nhưng theo tôi thấy đa số anh em trong đội đều nể ông, cảm phục lòng cam đảm của ông. Hầu hết số đội viên là thành phần đảng phái “phản động”, họ là thành phần thấp trong xã hội như thợ thuyền, làm thuê làm mướn, được cái có gan tham gia đảng phái nhưng không có mưu trí nên bị bắt trọn ổ hết.

Một hôm trời mưa rả rích, nhìn qua của sổ sang nhà hai bên kia thấy nhiều người ra hiên tắm mưa, tôi thấy ông văn sĩ ở trần lấy khăn lau người vì trại không cho ông ra ngoài tắm sông, tôi thấy người ông gầy gò khủng khiếp chỉ toàn là xương không có thịt, những giải xương sườn nổi hẳn lên trông thật thê thảm, người thì nói tại ông tuyệt thực, có người nói họ cô lập ông không cho gia đình lên thăm nuôi, không cho bạn tù được tiếp xúc hoặc cho đồ ăn mà chỉ được phát một tí khẩu phần, “Ban giám thị” trại cương quyết loại bỏ tiêu diệt ông vì tội chống đối. Nhìn tấm thân ông tôi thở dài ngao ngán nghĩ đến sự tàn ác của con người: người thật là lang sói với người.

Ðội của chúng tôi gồm khoảng mười người lo về vận chuyển, chúng tôi có ba xe bò để chuyên chở thực phẩm từ khu ngoài vào khu trong, có khi chở cát, gạch cho thợ xây cất. . Một hôm tôi được cán bộ giao nhiệm vụ nấu nước uống cho anh em ngay ngoài cổng trại, tôi xuống sông múc nước đổ vào cái nồi lớn, bắc lên mấy cục gạch rồi kiếm củi khô nhóm lửa. Anh “cán bộ” có vẻ tử tế với tôi, hay lại trò truyện, nhưng tôi luôn tự nhủ :

- Anh tốt với tôi thì tôi cám ơn, nhưng cái biên giới giữa tôi và anh nó đã quá rõ ràng !

Hôm ấy tôi nấu nước ngay ngoài cổng trại, anh em trong đội đẩy xe đi ngang chỗ tôi đùa cợt vì thấy tôi được “cán bộ” cho làm việc thoải mái. Bỗng nhiên tôi thấy ông văn sĩ đứng ngay ở cửa trại nói nho nhỏ :

- Báo cáo cán bộ, tôi lên Ban giám thị.

Anh cán bộ trẻ hạch sách :

- Bỏ kính xuống !

Trên nguyên tắc mỗi lần báo cáo phải bỏ kính, họ muốn kẻ bại trận phải thần phục kẻ chiến thắng và cũng để hạ nhục người ta đến cùng, ông văn sĩ đã bỏ kính xuống, nhưng anh cán bộ vẫn chưa tha :

- Báo cáo lại.

Ông văn sĩ phải báo cáo một lần nữa rồi mới được ra, tôi thấy ông gầy và yếu kinh khủng, ông đứng như không vững có lẽ chỉ một cơn gió mạnh cũng đủ xô ngã con người gầy ốm như que củi ấy. Nhưng trong tấm thân hình gầy khô đét ấy tôi như trông thấy cái sức mạnh ghê gớm của một tinh thần bất khuất dám chống lại bạo lực đê hèn. Tấm thân gầy gò yếu đuối ấy gợi cho tôi sự thương hại thì ít nhưng sự kính phục thì nhiều, một tấm thân mảnh khảnh gió thổi cũng bay và trong tay không một tấc sắt đã làm cho kẻ thù phải kiêng nể, sợ hãi nên chúng đã nghĩ đến cách sát hại ông. Tôi nhìn theo ông run lẩy bẩy bước đi trong lòng xúc động và hãnh diện, ít nhất cũng phải có những người khí phách can đảm như ông đã dám đem tấm thân yếu đuối như sên để chống bạo lực.

Khi nhìn ông tôi cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm hãnh diện cho người Quốc Gia, không phải ai cũng được như ông, một kẻ anh hùng mạt lộ nhưng vẫn hiên ngang bất khuất và chống lại sự tàn ác của con người đến cùng, tấm thân yếu đuối ấy có cái sức mạnh của một Chiến Sĩ dũng cảm, trước kia ông là một chiến sĩ văn hóa với ngòi bút sắc bén đã khiến kẻ thù phải xếp vào hạng nguy hiểm đem đi giam giữ. Và bây giờ ông cũng vẫn là người Chiến Sĩ, Chiến Sĩ của lẽ phải, công bằng, ông đã lấy lý trí, chân lý, công lý... để chống lại bạo lực đê hèn.

Ông ấy lên văn phòng “Ban giám thị” chừng nửa giờ sau lại đến cổng trại “báo cáo cán bộ xin vào trại”, anh cán bộ gác cổng vẫn hạch sách :

- Nói lớn lên, nghe không rõ!

Tội nghiệp ông ấy cứ phải báo cáo đi báo cáo lại :

- Báo cáo cán bộ cho tôi được vào trại.

Mãi rồi anh cán bộ cũng phải cho ông ấy vào trại vì chẳng lẽ lại cho ông ấy về nhà với vợ con !

Qua hình ảnh của ông tôi bỗng nhiên nghĩ đến sự tàn ác của con người, của những ý thức hệ khác nhau đã khiến cho con người đối với nhau như thú vật, họ không coi ông ấy là con người nhưng là con gà con vịt cần phải hạ thủ thanh toán cho khuất mắt. Tôi vừa đun nước vừa nhìn theo người Chiến Sĩ đang lững thững đi qua sân trại về nhà hai, tôi biết chắc ông chẳng còn sống được bao lâu và có lẽ chính ông cũng biết vậy, nhìn ông đi ngang qua trước mặt, tôi tự nhiên cảm thấy một nỗi buồn man mác vì biết rằng chỉ một ngày rất gần đây một linh hồn sẽ lìa khỏi thể xác!

Khoảng vài tuần sau, một hôm làm việc cách hàng rào trại chừng mấy chục thước, chúng tôi nhìn vào trại thấy hai anh tù hình sự khiêng một cái xác người có phủ mền trên cái băng ca, tôi đoán là có người mới chết.

Chiều hôm ấy khi tắm sông xong, chúng tôi vào trại được biết ông ấy đã lìa đời. Trong đội 81 có nhiều người cảm phục ông, thương xót ông. Một số người lấy những miếng vải đen bé tí lén lút khâu dưới vạt áo để tang ông, một người Chiến Sĩ dũng cảm thà chết vinh còn hơn sống nhục, một cái chết anh hùng, một tấm gương sáng cho chúng tôi, cho toàn thể tù nhân của trại giam Xuyên Mộc.

Khoảng một năm rưỡi sau tôi được thả về, một người bạn cho tôi biết đài phát thanh BBC Luân Ðôn mới nói về ông văn sĩ ấy, họ nói ông ta tuyệt thực cho đến chết.

16/01/2016
Trọng Ðạt

__._,_.___
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


'Tử sĩ Hoàng Sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình'

Monday, January 18, 2016 7:56:13 PM

42 năm, ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc


Việt Hùng/Người Việt


LTS: Cách đây 42 năm, Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc trong một trận chiến đẫm máu vào ngày 19 tháng 1 năm 1974.
Bảy mươi bốn người lính hải quân của chiến hạm HQ10 Nhật Tảo của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, do Trung Tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng
và Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí làm hạm phó đã mãi mãi nằm lại trên vùng biển Hoàng Sa.
Nhân dịp này, Báo Người Việt đã có cuộc gặp gỡ gia đình hai quả phụ của hạm trưởng và hạm phó HQ10 là Bà Huỳnh Thị Sinh
(vợ cố Trung Tá Ngụy Văn Thà) và bà Ngô Thị Kim Thanh
(vợ cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí), tìm hiểu về biến cố Hoàng Sa cũng như đời sống trong hiện tại.

Image

Chiến hạm HQ10 Nhật Tảo trước lúc xuất hành đi Hoàng Sa và bị đánh chìm trong trận hải chiến với Trung Quốc. (Hình: Bà Huỳnh Thị Sinh cung cấp)

Bà Huỳnh Thị Sinh: Tự hào là vợ của một người lính Hải Quân VNCH

Việt Hùng (NV): Trước hết xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này. Bà có thể cho biết tình hình sức khỏe và cuộc sống của bà hiện nay thế nào?

Bà Huỳnh Thị Sinh (HTS): Hiện nay tôi đang sống với 2 đứa cháu ruột ở căn chung cư do tổ chức “Nhịp cầu Hoàng Sa” tặng vào năm 2014. Tôi có 3 người con gái, đã lập gia đình nên các cháu đều ở riêng. Trước đây tôi buôn bán băng đĩa (đĩa CD, VCD ca nhạc, phim), nhưng những năm gần đây số người mua đĩa rất ít, họ thích dùng USB hay xem trực tiếp trên mạng nên tình hình buôn bán ế ẩm. Bởi vậy tôi đã nghỉ hẳn.

Sức khỏe tôi thì cũng không được tốt lắm, người già mà ai cũng phải vậy thôi. Hôm qua đây (ngày 16 tháng 1 năm 2016) tôi được mời đi ra núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi để dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa, nhưng vì lý do sức khỏe tôi đã không tham dự.

NV: Bà có còn nhớ gì vào thời điểm năm 1974, trước lúc chồng mình, cố Trung Tá Ngụy Văn Thà đã hi sinh anh dũng cùng chiến hạm HQ10?

Bà HTS: Lúc đó gia đình tôi đang ở Sài Gòn. Tôi chỉ nhớ là vào những ngày gần Tết, không khí bà con xung quanh hàng xóm chuẩn bị Tết rất nhiều. Vào 2 giờ chiều ngày 19 tháng 1 năm 1974 thì có người của Tư Lệnh Hải Quân VNCH xuống nhà báo là anh Thà đang chỉ huy tàu chiến đấu với Trung Cộng ở ngoài Hoàng Sa, nếu đến 6 giờ tối mà không có thông tin phản hồi của HQ10 thì có thể là tàu đã bị Trung Cộng đánh chìm.

Tôi nghe xong là tay chân bủn rủn, nhưng vẫn cố bình tĩnh để không gây ảnh hưởng đến 3 đứa con, vì tụi nó còn quá nhỏ. Sáng mai, tôi lần mò đi mua báo và nghe radio. Và tôi biết là chồng tôi đã chết theo tàu. Sau đó tôi đã nhận được giấy báo tử và giấy mời lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân để làm lễ truy điệu.

Bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ những hình ảnh chụp tại lễ truy điệu. Nhưng sau năm 1975 vì quá lo sợ Cộng Sản nên nhiều hình tôi đã cắt mấy chỗ có dính mặt mấy ông lớn VNCH, chỉ lưu lại hình ảnh mẹ con tôi vì sợ bị Cộng Sản làm khó dễ.
Image
Bà Huỳnh Thị Sinh trước di ảnh chồng, cố Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

NV: Sau năm 1975, bà có điều kiện hay lời mời nào để gia đình được định cư ở Hoa Kỳ không?

Bà HTS: Có, vào thời điểm 1975, có người ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân xuống bảo gia đình có muốn đi Mỹ thì họ sẽ đưa lên tàu lớn để đi. Lúc đó một phần vì các con còn nhỏ, một phần tôi nghĩ là bây giờ chồng đã mất, ở Việt Nam còn có gia đình chú bác ông bà giúp đỡ, chứ qua Mỹ không có người thân thích, tiếng Anh lại không biết thì sống làm sao? Bởi vậy tôi đã quyết định không đi.

NV: Cho đến bây giờ bà có hối tiếc về điều đó?

Bà HTS: Tôi nhớ lúc đó rất nhiều người đã xuống tàu và đi. Tôi không ngờ là sau năm 1975 hoàn cảnh gia đình lại rơi vào tình trạng bi đát như vậy? Lúc đó tôi bị mất việc, mãi đến năm 1978 tôi vào làm hợp tác xã của chế độ mới, nhưng lương ba cọc ba đồng, lại còn bị khinh rẻ vì là vợ của “lính ngụy.” Nhiều lúc cũng tủi thân.

Sau đó hợp tác xã giải thể, tôi chuyển qua buôn bán nhỏ. Làm mẹ đơn thân, nuôi 3 đứa con vào thời điểm đó phải nói là không dễ dàng tí nào. Bởi vậy, nhiều lúc nghĩ lại: Sao lúc đó (thời điểm 1975) mình ngu thiệt, có điều kiện đi Mỹ lại không đi? (Cười)

NV: Là vợ của Trung Tá Ngụy Văn Thà, một người đã chiến đấu và hi sinh anh dũng cho quê hương Việt Nam. Nếu nói vài lời về chồng mình, bà có thể nói gì?

Bà HTS: Tôi tự hào là người vợ của anh Thà - một người lính Hải Quân VNCH. Từ sau 1975, đi đâu tôi cũng bị nhiều người nói là “vợ lính ngụy.” Nhưng tôi vẫn tự hào về cái từ “ngụy” đó. Tôi chỉ buồn là với lý lịch như vậy nên sau 1975, con cái tôi phải chịu nhiều thiệt thòi khi đi học cho đến lúc ra trường tìm việc làm đều bị gây khó dễ.

Nếu có một lời nói về chồng mình thì tôi chỉ nói “anh ấy là người đàn ông tuyệt vời của đời tôi.” Bởi vậy mặc dầu sau 1975, cuộc sống gia đình khó khăn, có nhiều “anh” giàu có cũng theo đuổi tôi, nhưng tôi luôn từ chối. Vì với tôi, chỉ có một người đàn ông mà tôi có thể trao thân đó là anh Thà mà thôi.

Mấy đứa con tôi khi lớn lên đều nghe tôi kể về ba nó. Và chúng nó luôn tự hào về người cha đã mất của mình. Hằng năm gia đình tôi đều làm lễ cúng giỗ cho anh Thà vào ngày 27 Tết.

NV: Vì sao không phải là ngày 19 tháng 1, Tây lịch?

Bà HTS: Ngày 27 Tết là ngày mà chồng tôi mất, theo dương lịch là 19 tháng 1 năm 1974. Gia đình chúng tôi theo tập quán cúng giỗ ngày âm lịch, nên chọn ngày 27 Tết. Chỉ vậy thôi chứ không có vấn đề gì hết.
Image
Bà Sinh đã cất giữ rất cẩn thận những tấm hình như là kỉ niệm với người chồng quá cố. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

NV: Trong những năm gần đây, phía nhà cầm quyền Việt Nam cũng có những hành động công nhận những người lính đã hi sinh cho Hoàng Sa. Bà nghĩ gì về điều này?

Bà HTS: Đầu tiên tôi vui khi họ công nhận điều này. Năm ngoái tôi đã được thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn mời đi ra Trường Sa để làm lễ cầu siêu cho các vong linh nghĩa sĩ đã hi sinh ở Hoàng Sa vào năm 1974.

Năm nay tôi cũng được mời đi dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng đài tưởng niệm các nghĩa sĩ đã anh dũng hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa nhưng bất thành. Tôi chưa biết chính quyền có dám ghi tên 74 nghĩa sĩ VNCH đã hi sinh vào ngày 19 tháng 1 hay không?

Với tôi họ phải có tấm bia tưởng niệm viết tên từng người đã mất và ghi rõ họ là lính VNCH. Như thế mới gọi là thật tâm hòa hợp hòa giải dân tộc, còn không chỉ là lời nói suông mà thôi.


***

* Tử sĩ Hoàng Sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình



Bà Ngô Thị Kim Thanh (vợ) và chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (con gái) cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí cùng hồi tưởng về trận hải chiến ngày 19 tháng 1 năm 1974.

NV: Trước hết xin cảm ơn bà và chị đã cho Người Việt cuộc phỏng vấn này. Cuộc sống gia đình mình hiện nay thế nào?

Bà Ngô Thị Kim Thanh (NTKT): Gia đình tôi vừa mới dọn qua ngôi nhà mới ở Bình Tân do gia đình và sự trợ giúp của chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” mua. Hiện nay tôi vẫn đang sống với 2 đứa con ở ngôi nhà này. Tuy sức khỏe của tôi không được tốt, nhưng năm nay tôi rất vui vì đã có được một nơi chốn đàng hoàng, để đặt bàn thờ anh Trí một cách trang trọng hơn.

NV: Đã 42 năm kể từ trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra và cướp mất chồng mình cùng các thủy thủ trên chiến hạm HQ10 Nhật Tảo, bà có còn nhớ những diễn biến vào lúc đó?

Bà NTKT: Lúc đó tôi đang có bầu thằng con sau được 2 tháng, anh Trí được lệnh đi tuần ra Đà Nẵng. Tôi nhắc lại là lúc đó họ chỉ nói là đi tuần, chứ không phải đi đánh giặc gì hết? Tại vì chiếc HQ10 này lúc đó cũng bị hư hỏng một ít, nên họ tính đi xong chuyến này sẽ đưa qua đảo Guam - Mỹ, để tu sửa lại.

Anh Trí mới nói với tôi là: “Bây giờ em có bầu, với một đứa con nhỏ. Mà ngày tết lại không có anh ở nhà, nên thôi để anh đưa cả nhà về nhà ngoại (ở Nha Trang) chơi ăn Tết, chứ ở Sài Gòn này thì cũng buồn, rồi đi công tác xong ảnh sẽ ghé đón mẹ con về lại Sài Gòn.” Thế là cả nhà về Nha Trang ăn tết.

Tôi nhớ lúc đó là 29 Tết Canh Thân, tôi nghe loáng thoáng trên radio đài quân đội, chương trình của Dạ Lan là Hải Quân VNCH đụng độ với Trung Cộng. Nhưng tôi vẫn chưa hình dung ra được sự việc, vì radio lúc đó cứ bị rè, lúc nghe được lúc không. Mãi đến 22h tối ngày 29 tết, tôi nhận được tin nhắn của nhà chồng báo là mẹ con về Sài Gòn có chuyện gấp.

Gia đình chồng tôi lúc đó không cho tôi biết là chồng tôi đã mất, vì sợ tôi bị động thai. Qua hôm sau là ngày mồng 1 Tết thì tôi không mua được vé xe đò để về Sài Gòn. Đến Mồng 2 Tết thì mới bắt được xe đò vô lại Sài Gòn. Lúc tới nhà chồng, thì tôi đã thấy bàn thờ chồng tôi đã lập sẵn. Thế là tôi ngất xỉu luôn.
Image
Bà Ngô Thị Kim Thanh và con gái Nguyễn Thị Thanh Thảo bên bàn thờ cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (NTTT): Lúc đó tôi chỉ mới 5 tuổi, với trí nhớ của tôi thì ngày truy điệu ba tôi là có nhiều người đến nhà, rồi trống kèn. Mà lại không có xác ba tôi, nên tôi cứ nghĩ đó ngày lễ, bạn bè các cô chú đến nhà chơi.

Sau này khi lớn lên tôi mới thấy được nổi mất mát khi không có cha. Tôi vẫn được nghe mẹ tôi kể nhiều về cha tôi và tôi rất tự hào khi có được người cha như vậy.

Vào các dịp gần ngày 19 tháng 1 này, năm nào tôi cũng vào mạng Internet để đọc các thông tin kỷ niệm về các tử sĩ đã hi sinh ở Hoàng Sa.

NV: Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, gia đình chị có điều kiện hay lời mời gì để có thể định cư ở Hòa Kỳ không?

Bà NTKT: Không, hoàn toàn không có. Gia đình tôi cũng đã viết đơn cho lãnh sự quán Mỹ từ những chương trình như HO, HR nhưng hoàn toàn không nhận được hồi đáp. Họ chỉ nói đã nhận được đơn mà thôi. Chứ nếu có được lời mời thì chắc gia đình tôi đã đi Mỹ rồi (cười).

NV: Với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm và anh dũng hi sinh của Đại Úy Trí để bảo toàn lãnh thổ Việt Nam, gia đình có mong muốn điều gì từ xã hội ngày nay?
Image
Lễ truy điệu cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí, lúc đó bà Thanh đang mang thai đứa con thứ 2 mới được 2 tháng.
(Hình: Gia đình bà Ngô Thị Kim Thanh cung cấp)

Bà NTKT: Gia đình tôi cũng không mong muốn điều gì cả. Cuộc chiến đã diễn ra 42 năm rồi. Những khó khăn mà gia đình tôi đã gặp phải cũng đã qua rồi. Tôi chỉ hơi buồn là với lý lịch “lính ngụy” nên con cái tôi phải chịu nhiều thiệt thòi từ khi cắp sách đến trường và tìm việc.

Phải nói làm người mẹ đơn thân nuôi 2 con là quá khó, nhất là trong thời kì bao cấp. Thế mà tôi cũng đã vượt qua để nuôi dạy 2 con nên người và giữ trọn tình phu thê (không tái giá) là tôi đã mãn nguyện rồi.

Chị NTTT: Với một người làm con thì tôi muốn cha tôi phải được vinh danh ở Việt Nam này. Tôi biết hằng năm vào ngày 19 tháng 1, ở Hải ngoại đều làm lễ vinh danh các tử sĩ Hoàng Sa. Nhưng tôi muốn cha tôi, cùng 73 tử sĩ Hoàng sa phải được vinh danh trên chính quê hương mình.

Trong lịch sử chia cắt 2 miền Nam - Bắc, chỉ có trận chiến bảo vệ Hoàng Sa là trận chiến không phải người Việt Nam ở 2 miền Nam - Bắc tàn sát nhau, mà là cuộc chiến của người Việt Nam chống quân xâm lược Trung Cộng. Bởi vậy không có lý do gì mà họ không được vinh danh trên chính quê hương mình.
Last edited by khieulong on Mon Mar 21, 2016 5:32 pm, edited 1 time in total.
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Post by lengoi »

Image

Diều hâu bỏ núi

Trần Hoài Thư

Tiếng nổ cạch cạch dội vào vách đá vọng lại như những tiếng báo động dây chuyền. Máy đã bắt được liên lạc với các đứa con bên kia phần đất chết. Giọng nói của người đại đội trưởng địa phương quân nghẹn ngào:”Các đứa con tôi chỉ chờ ngày này. Hôm nay đúng mười ngày”.

Từ bên này nhìn sang bên kia, chúng tôi chỉ còn nhận ra một bãi chiến địa hoang tàn. Mùi thúi bay về đến lợm mửa. Ngôi giáo đường cao nhất thị trấn giờ chỉ còn trơ vơ tháp chuông đen sậm lở loét. Chỉ còn cái căn cứ trên ngọn đồi thấp mới còn thấy thấp thoáng lá cờ vàng. Cô độc và heo hút. Từ xa, chúng tôi đã thấy nó như chạm phải mây, thách thức ngạo nghễ.

oOo

Suốt cả tuần, trận đánh vẫn chưa ngã ngũ. Hết đơn vị này tiếp đến đơn vị khác bị khựng lại khi tìm cách tiến qua mặc dù trước đó bom pháo dọn đường đã trút xuống như mưa thác. Những hang đá chằng chịt và kiên cố ở sườn đồi, nhìn xuống con lộ dẫn vào sâu trong rừng đã khiến những cơn mưa bom, và đạn pháo binh phải chịu thua. Và đơn vị đã phải quay lui. Cuối cùng cấp trên điều động đơn vị chúng tôi đến mặt trận. Họ đã hiểu chiến thuật trận địa chiến phải bó tay trước những tên địch ngoan cố, xâm mình. Không dễ gì phải tấn công một cao điểm khi phải bò lên giữa một triền núi trống trải trước những họng súng đại liên đã chực sẵn. Và chỉ còn cách là dùng chiến thuật dạ kích. Chỉ có cách đó mới may ra làm câm họng những ổ súng tàn bạo. Người lính bây giờ là người lính cảm tử. Trước hết hắn phải cố làm sao để nhận rõ nơi trú ẩn của địch, phải gắng định hướng chổ đặt khẩu súng nặng bằng cách nghe tràng nổ cũng như nhìn tia đạn lửa đến từ đâu, sau đó dùng máy hồng ngoại tuyến, tìm mọi cách bò đến, lao vào, quăng lựu đạn tiêu diệt…

Đêm nay chúng tôi lại thêm một lần nữa, mặc đồ đen, ngậm dao găm, bọc đầy lựu đạn loại lân tinh. Tổ trưởng còn mang theo ống nhắm hồng ngoại tuyến. Giờ G là 3 giờ sáng. Theo kinh nghiệm chiến trường, khoảng thời gian này là khoảng lý tưởng nhất cho cuộc làm ăn đêm. Bởi lẽ bất cứ thằng lính nào cũng đã thấm mệt hay cũng đang mơ màng giấc ngủ. Và mật lệnh cho chúng tôi là hỏi Thần điểu đáp Kình Ngư.

Dĩ nhiên tôi để trung sĩ Thành làm tổ trưởng tiền sát gồm hạ sĩ Nga, hạ sĩ Y Mông và hạ sĩ Phát. Hắn gan lỳ và dữ tợn. Càng nguy hiểm chừng nào, hắn lại càng say mê, phấn khích chừng nấy.

Tôi xiết chặt tay hắn, và hắn cũng xiết chặt tay tôi như chuyền cho nhau sức mạnh. Hắn thầm thì, giọng ngạt mùi rượu đế: Có gì thì nhờ ông thầy giúp đỡ con vợ tôi. Tôi cảm động đến rưng nước mắt. Tôi biết phải an ủi làm sao để hắn cảm thấy tự tin hơn. Mục tiêu không phải dễ gì thanh toán khi kẻ địch có lợi điểm hơn chúng tôi, và nhất là họ đang cố sức bảo vệ cây súng nặng. Tôi nói nhỏ: Đừng nói bậy không nên…

Tôi dẫn một tiểu đội bò lên hướng trái, và trung sĩ nhất Tông, trung đội phó, lãnh một tiểu đội bò lên hướng phải. Chúng tôi không gặp trở ngại nào khi bò qua bãi đất trống trước khi lên đồi. Chúng tôi phải dồn cục nhau. Hạ sĩ nhất Bảy bò đầu. Tôi bò theo hắn, vừa bò vừa quan sát bằng ống nhắm hồng ngoại tuyến. Trên lưng áo mỗi đứa có dấu hiệu lân tinh rất nhỏ để chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra nhau. Qua máy nhắm, tôi có thể nhìn thấy mấy bóng đen của toán tiền sát đang lom khom vừa bò vừa chạy.

Bỗng nhiên, một tiếng nổ long trời lở đất nổi dậy, và sau đó là những tràng đạn tiểu liên, đại liên cắt xé màn đêm. Rõ ràng địch đã phát hiện chúng tôi. Tuy nhiên họ dường như không thể biết chúng tôi ở đâu. Chỉ có kẻ lợi là chúng tôi. Bởi vì chúng tôi có thể biết hang đá nào địch đang trú ẩn. Chúng tôi chỉ việc bò đến và quăng lựu đạn xuống hang đá.
Địch không mạnh như chúng tôi tưởng. Chúng tôi đã dễ dàng làm câm ổ súng nặng ngay đêm hôm ấy. Để đổi lại, trung đội phải chịu thiệt trung sĩ Thành, người hạ sĩ quan gan dạ nhất của đại đội. May mắn, hắn vẫn không chết, dù cả người hắn bị banh tơi tả do từ những trái lựu đạn mà địch đã gài trên lối dẫn đến hang đá. Hắn đã dọn đường cho những người lính cảm tử khác tiến lên để tiêu diệt ổ súng.

oOo

Đến xế trưa, các đơn vị hành quân mới thật sự giải cứu được căn cứ. Những người lính địa phương quân từ những công sự ào ra ôm lấy chúng tôi mà mừng tủi. Họ như những người tiền sử, tóc râu che phủ cả mặt, chừa lộ đôi mắt trủng sâu. Họ xin chúng tôi lương khô và nước. Họ vồ chụp từng bao gạo sấy. Có người đi không vững. Có người vừa hút thuốc chúng tôi mời vừa kể lại chuyện chiến trường. Tôi không thể hiểu sức mạnh nào đã khiến họ đứng vững giữa trùng vây như thế, trong khi bộ binh chúng tôi phải khó khăn lắm mới chiếm được mục tiêu mặc dù được phi pháo yểm trợ hết mình.

oOo

Giữa lúc ấy tín hiệu bay đến. Nó đến sau khi chúng tôi được tin Mặt Trời sẽ bay đến thị sát chiến trường và gắn huy chương. Cái lệnh được ban từ một trung tâm hành quân nào đó ở rất xa, nghẹn ngào và hối hả xen giữa muôn ngàn âm thanh đàm thoại hổn loạn trong máy khuếch đại, đầy tiếng chửi thề, những lời phẫn uất, những câu hỏi mà không có câu trả lời, những tuyệt vọng nghẹn ngào…Thật sự không ai có thể hiểu. Có lẽ chỉ trừ ông đại đội trưởng. Bởi vì ông bỏ máy ngồi yên như một pho tượng. Đầu bên kia, giọng nói uất nghẹn: Tôi là thiếu úy Minh, sĩ quan trực trung tâm hành quân. Tôi cũng như thẩm quyền, không còn biết ai để xin lệnh nữa. Người ta đã bỏ chạy hết cả rồi. Trong khi ấy ở dưới chân đồi, trên con lộ đã xuất hiện đoàn xe cộ di tản. Tin cho biết Sài Gòn đã ra lệnh bỏ cao nguyên.

oOo

Thôi còn gì để mà đánh đấm. Chỉ còn những khẩu súng M16, M60, và lưa thưa những trái lựa đạn còn sót lại. Tôi đợi ông đại đội trưởng để nhận chỉ thị. Chỉ thị gì. Người ta đã bỏ chạy hết cả rồi. Ông nói. Mặt ông đầy những vết sước rịn máu. Sợi dây ba chạc vẫn còn lủng lẳng bi đông nước và khẩu súng colt. Tôi hiểu là lòng ông cũng đứt đoạn. Vợ con ông vẫn còn kẹt ở trong thành phố. Ông họp đại đội còn lại. Trung úy đại đội phó đã tử trận trong một trận đánh cách đây không lâu, nên thiếu úy Hà thay quyền xử lý, trình diện hàng quân trước mặt ông. Giọng nói của thiếu úy Hà như nghẹn trong cổ họng. “Đại đội đã tập họp xong, trình diện đại úy.” Rồi anh ôm lấy mặt, nức nở. Ông đại đội trưởng chào tay lại. Cả hàng quân đứng im phăng phắc. Những võng mô mất hết màu sinh khí. Những chiếc mũ rừng chụp lên những đầu tóc rối bù. Những chiếc quần trận mà bụi và đất đã lấy đi hết cả màu xanh, rách toạc lộ cả vãi quần lót…Trời đã trở chiều. Nắng còn sót lại làm thắm vàng cả cánh rừng bên cạnh. Ông nói kể từ giờ phút này anh em có quyền ra đi. Trước khi chia tay, xin anh em hãy cùng tôi đứng nghiêm một phút mặc niệm cho những người bạn của chúng ta đã bỏ mình. Rồi ông hô nghiêm, buồn bã. Chúng tôi cùng cúi đầu. Có những giọt nước mắt lăn trên má khô cằn, hóp sâu, bơ phờ của người lính già. Có những giọt lệ vẫn còn long lanh trên tròng con ngươi thất thần, đục lờ vì những đêm ngày căng thẳng trong lòng hỏa ngục. Có giọt lệ chưa kịp lăn, lại thêm những giọt lệ khác trào ra. Có thằng lính trẻ khóc tức tưởi khiến người lính già phải la lên: “Mày làm như con nít lên ba. Làm sao tao gả con gái tao cho mày được”.

Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy buồn đến độ tê tái, héo úa cả ruột gan như lúc này. Súng vẫn nổ. Tiếng pháo vẫn vang dội ì ầm từ xa… Những cuộn khói vẫn còn bốc lên trên căn cứ. Những người bị thương vẫn rên rĩ. Mắt ai quay lại nhìn về hướng xa, mờ lệ. Lần đầu tiên tôi mới hiểu thế nào là nỗi mất mát. Chắc là không bao giờ tôi được cơ hội trở lại thành phố ấy nữa. Chắc là không bao giờ tôi còn trở về để ngồi trong quán cà phê có cô nàng đôi mắt rờn rợn liêu trai nữa. Mất rồi. Sự thật đến độ thật kỳ cục. Mới ngày nào, chừng như tuần trước, chúng tôi còn lái xe díp trở về, tôi còn ghé vào một động giang hồ, còn ngồi bỏ chân trên bàn cà phê nhìn thiên hạ, còn đêm say rượu trở về hậu cứ nhìn mấy thằng lính nhậu thịt nai với rượu đế, để chúng bắt cóc thêm một lần nữa. Bây giờ, thầy trò thi nhau mà chạy. Tướng cũng cuốn cờ, mà quân cũng cuốn vó. Lúc này là lúc tôi muốn bỏ tất cả. Tôi đã không còn đủ sức để gánh thêm cái trách nhiệm này nữa. Tội này ai gây nên. Lịch sử này ai gánh chịu. Những người lính của tôi, họ ít học, người gốc nông dân, người gốc Thượng, gốc Nùng, người bị bắt đi quân dịch, họ đâu có tội gì để gánh cái khối đá tảng của lịch sử. Những người có trách nhiệm bây giờ ở đâu, sao máy thì bặt tăm không một lời thăm hỏi. Hay họ đã chạy trốn rồi.

Sau đó chúng tôi vất súng cởi bỏ bộ đồng phục và mạnh ai nấy tan hàng. Riêng tôi thì không biết đi đâu nữa. Mặt trời cũng sắp lặn.
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

LỜI TỬ SĨ

Dâng lên anh linh tử sĩ đã có lúc an nghỉ tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa
https://c1.staticflickr.com/3/2755/4025 ... z.jpg?zz=1


Mẹ chớ đắp cho con ngôi mộ mới
Để xương con rữa nát với thời gian
Làm phân bón cây nhân quyền sai trái
Cho ngày sau con cháu sống huy hoàng


Em chớ buồn nhìn mộ anh xiêu tán
Thấy bia anh đầy dấu đạn căm thù
Ngay cả núi sông giặc còn rao bán
thì hồn nào yên được giấc ngàn thu!


Con hãy để xác cha hòa với đất
Ba chết rồi, cải táng được gì đâu!
Đồng đội ba biết bao người bỏ xác
Dưới truông hào, trên núi thẳm, rừng sâu


Chị hãy để cho em vào phiêu lãng
cho em quên mối hận tháng Tư buồn
Hai mươi năm đất miền Nam tươi sáng
chỉ một ngày mưa thấm lệ trào tuôn


Bạn hãy để cho tôi tròn tiết tháo
Sống anh hùng thì chết cũng quang vinh
Chớ xin xỏ bọn cường quyền vô đạo
Thêm tủi lòng người đã quyết hy sinh


Nếu bạn muốn tôi ngàn thu yên giấc
xin hãy thay tôi dựng lại cờ vàng
Tôi không muốn được mồ tươm mả tất
Khi nước nhà mây vẫn trắng màu tang



Vũ Đình Trường
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Về một lời thầm hứa
từ 38 năm qua

Kính gửi chị Đường, phu nhân cố Trung tá Vỏ-Vàng.

Tôi không còn nhớ mình đã từng kéo bàn phím chiếc computer ra bao nhiêu lần nữa, không phải để ‘check’ những ‘mail’ của bạn bè xa gần gửi đến hay tìm kiếm vài thông tin cần thiết hầu bổ sung cho cái ‘nghề tay trái’ đã nuôi sống bản thân và gia đình trong mấy chục năm qua, mà như muốn viết lên một điều gì đó, một sự kiện gì đó đã xảy ra trong những đoạn đường đời mình đã đi qua. Nhưng rồi, cứ mỗi lần nhìn đăm đăm vào chiếc màn hình trằng xóa thì đầu óc lại không nhớ ra được mình phải gỏ lên đó những gì dù vẩn có cảm giác như có ai đó đã và đang hối thúc tôi ghi lại nhũng gì đã chìm sâu dần trong ký ức qua bao năm tháng dài tôi vừa phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày, vừa phải lạng lách tránh những rình rập vô hình mãi đeo đẳng tôi cho đến bây giờ...

Rồi bổng dưng, như một cơn mưa bắt chợt giữa ngày hè nóng bức, trong cuộc gọi chuyện trò bình thường gần đây nhất với một người vừa là bạn, vừa là đàn anh trong quân ngũ, ở xa, không biết có phải từ những ký ức anh ấy đang cùng với một người bạn gợi lại về quảng đời lao tù trong những nơi Cọng Sản gọi là Trại Tù Cải Tạo mà thực chất là Trại Tù Khổ Sai dành cho những Sĩ Quan của chế độ cũ, anh đột nhiên nhắc đến tên của ‘một người’. Lời nhắc này giống như tiếng gỏ rất mạnh khiến ký ức tôi mở toang cánh cửa đã vô tình đóng kín một lời hứa sau lời xin lổi với ‘người ấy’ từ hơn 38 năm qua. Và tôi chợt liên tưởng đến những lần muốn kể lại điều gì đó từ lâu đang cứ lảng vảng trong tiềm thức khiến tôi mãi ray rứt, canh cánh trong lòng....

Lời xin lổi kèm theo lời hứa với ‘người ấy’ đã chỉ được nói lên trong thầm lặng trong khi tôi và anh Chí (Nhà trưởng thuộc Khối 1 của Trại Tù Kỳ Sơn vào khoảng giữa năm 1977) được lệnh trực tiếp từ tên Quản giáo Nhà phải tường trình vụ ‘người ấy’ bị bắn chết, hoàn toàn trái ngược với sự thật, ngược lại với những gì chúng tôi đã nghe bằng chính tai và chứng kiến bằng chính đôi mắt của mình.

Từ trại tạm giam tại Điện Bàn, Quảng Nam vào thượng tuần tháng 4/1975, sau khoảng gần 2 tháng và cũng sau khi Sài Gòn thất thủ, chúng tôi bị chuyển lên Trại Kỳ Sơn, Bồng Miêu (Tam Kỳ, Quảng Tín). Từ lúc xe lăn bánh, chúng tôi (số Sĩ quan cấp tá) đinh ninh sẽ bị đưa ra các trại giam ngoài Bắc (theo tin đồn). Nhưng khi ra đến Quốc Lộ 1 thì đoàn xe quẹo trái hướng về nam khiến chúng tôi không thể nào đoán được mình sẽ bị đưa đến đâu. Dọc đường, tôi chỉ biết theo dỏi những điểm đoàn xe đã đi ngang qua và nhớ lại rất rỏ từng địa danh, vì là vùng trước kia đơn vị tôi đã từng vượt qua trong những lần hành quân (từ cuối 1969 đến giữa 1971).

Đoàn xe đến Tam Kỳ thì quẹo phải về hướng núi và tiếp tục trên con đường đất rộng khoảng 6-7 mét, lạ hoắc với tôi. Lúc này tôi chỉ còn theo dỏi cảnh vật gần xa dọc 2 bên đường mà thôi.

Khoảng hơn 50 phút sau, (hồi đó, hầu hết tù binh chúng tôi đều còn mang đồng hồ, vì tại trại Điện Bàn hằng ngày chỉ nghe giảng thuyết về tư tưởng Cọng Sản chứ không bị buộc lao động) đoàn xe chở chúng tôi dừng lại trước một khu trại đã có sẳn mấy chục căn nhà lợp tranh và chúng tôi được lệnh xuống xe vào trại.

Chúng tôi bị chia thành từng toán, mỗi toán gốm 25 người, không phải theo danh sách đã có sẳn mà do ngẩu nhiên, tức là tự động sắp thành từng hàng dọc và ai muốn bước vào hàng nào thì cứ việc, miễn sao đủ 25 người là được. Sau đó, một người trong mỗi toán mới ghi tên họ những người trong toán, làm thành từng danh sách. Và mỗi toán sẽ ở trong cùng một căn nhà; mỗi 4 Nhà (ngoài Bắc gọi là Buồng) thì thành một Khôi. Và Trại chúng tôi có tên là Trại 1. Sau đó mới biết Tổng Trại Tù Kỳ Sơn gồm cả Trại 2,3 và 4 nằm quanh quẩn cách Trại 1 chừng 3 hay 4 km do Bộ đội quản lý. Ngoài ra còn có một trạm xá nằm đối diện hơi chênh về phía phải với Trại 3 nhưng ở phía bên kia con lộ chính, sâu vào khoảng 30 mét.

Nhà chúng tôi thuộc Khối 1 gồm hầu hết là Tr/tá và Th/tá, chỉ có 4 hay 5 Đại úy. Tôi chỉ còn nhớ một số tôi còn ấn tượng do thường chuyện trò, cùng toán đi lao động hay ngủ cạnh nhau trên một dảy sạp bằng tre:

-cấp Tr/tá có Ngô-Hoàng (SĐ2BB, người Huế), Ng-văn-Tố (từng là Tỉnh trưởng Phú Yên, người Huế), Ng-văn-Thành (Liên đoàn trưởng Địa phương quân, người Huế), Vỏ-Vàng (gốc Biệt Động quân, người Quảng –gọi chung cho Quảng Nam và Quảng Ngải), Thuật-Xáng (CTCT/QĐ 1, người Huế ), Cẩn (P.Binh, người Quảng-Trị), Liên (K.Quân, người Nam), Chí (Truyền tin, người Bắc), v.v... ;

-cấp Th/tá có Khoa ( P.Binh, người Huế), Bảo (P.Binh, người Bắc), Cảnh (B.Binh SĐ 2, người Huế), Cúc (Ban 2 Tiểu khu Q.Nam, người Quảng ), Hiển (C.Sát, người Huế), tôi (Kỵ Binh, người Huế),v.v...;

-và cấp Đ/u có Chí, Hóa (C.Binh, người Huế), Ninh (Ban 2 C.Khu Q.Tín, người Quảng ), v.v...

Mỗi Nhà bầu một Nhà trưởng, và chúng tôi đã bầu anh Chí (để phân biệt với anh Chí cấp Tr/tá, chúng tôi thường gọi anh là Chí ‘nhỏ’). Mỗi Nhà do 1 Quản giáo trách nhiệm. (theo như tôi để ý, hầu hết Quản giáo đều là người Quảng). Riêng về Khối thì anh Ngô-Hoàng (do Cán bộ chỉ định) làm Khối trưởng Khối 1. Từ đó chúng tôi dần dần làm quen với nhau và cũng từ nơi này chúng tôi bắt đầu nếm mùi vị của tù lao động khổ sai.

Hàng tháng, chúng tôi phải học tập Chính trị, thường thì theo từng toán gồm ½ Nhà (khoảng 12 hay 13 người), do Quản giáo hướng dẩn. Có lúc ½ nhà học chính trị và ½ Nhà còn lại đi lao động. Và mỗi 2 hay 3 tháng thì toàn Trại học tại Hội trường do 1 tên chính trị viên từ cấp cao hơn đến phụ trách.

Khoảng hơn 3 tháng sau, gia đình, thân nhân được phép đến thăm tù nhân theo định kỳ mỗi tháng 1 lần tại một căn nhà tranh lớn và tương đối rộng, dựng trên một ngọn đồi thấp, chung quanh là những bụi cây nhỏ cao khoảng hơn 1 mét, ngay ngả ba của đường vào trại 1,2 và 3 (Trại 3 nằm trên cùng một con lộ với Trại 1), cách Trại 1 chúng tôi khoảng 3 km, gọi là Trại Tiếp tân.

Cũng nhờ vào những lần thăm viếng này mà chúng tôi được cung cấp thông tin về tình hình bên ngoài của một số địa phương kèm theo một ít thức ăn, nhất là đường (loại bánh đường đen hay những miếng đường màu vàng, thứ mà chúng tôi thèm, nhất là trong thời gian lao động nặng).

Khoảng hơn 1 năm sau, sự kiện đầu tiên đã xảy ra, không phải tại các Trại tù mà ngay tại Trạm xá của Tổng trại:

Bác-sĩ Phạm-văn-Lương (nghe nói trước năm 1975 đã từng cầm lựu đạn đến tại cửa tòa nhà Quốc Hội để chống đối Chính Phủ) đã tự vẩn bằng thuốc chống sốt rét ‘chloroquine’.

Sau này một vài người trong nhà chúng tôi được vài tù nhân phục vụ tại Trạm xá kể lại về cái chết vật vả bằng loại thuốc này thật khủng khiếp: trước khi chết, anh đã điên cuồng búng người từ sạp này đến sạp khác, quằn quại rồi co quắp một hồi mới tắt thở. Họ cho biết thêm là khoảng 1 tháng trườc đó, sau lần gần nhất được vợ con đến thăm, anh Lương đã tỏ vẻ buồn bực, ít nói hơn. Điều suy đoán tương đối hợp lý cho lý do này là từ những thông tin do gia đình những tù nhân quen biết và sống gần gia đình anh Lương đã cho biết sự thật rất phủ phàng: vợ anh phải đi bán dạo quanh chợ Cồn (Đà Nẳng) để nuôi con. Rồi những lời bàn tán của tù nhân đã đến tai anh. Và thế là ‘Xã hội lý tưởng’ trong anh rách nát, ‘Thiên đường Cọng Sản’ trong anh vở vụn. Vì không chịu được cú sốc này, anh đã tự kết liểu đời mình.

Sự kiện thứ 2 đến từ những buổi học chính trị, nói đúng hơn là những lần phải kể lại lý lịch và cái được mô tả là ‘tội ác’ của tù nhân đối với ‘nhân dân’ và ‘cách mạng’. Mỗi lần học, chúng tôi phải khai lại lý lịch, không phải viết trên giấy mà phải tự phát biểu. (nhờ vậy mà về sau, chúng tôi biết anh Ngô-Hoàng có thân nhân tập kết đã vào Nam với chức vụ cao; anh Vỏ-Vàng có người anh là Trung tá Bộ đội và anh Cúc có cha là Đại tá Bộ đội. Tất cả những thông tin bổ sung này có lẻ là do gia đình họ đã cung cấp trong những lần ‘thăm nuôi’).

Riêng về mục kể ‘tội ác’ thì chúng tôi, nhất là những người đã ở trong đơn vị tác chiến, phải nhớ thêm và nói cụ thể hơn số lượng Việt cọng (du kích, đơn vị địa phương hay bộ đội chính quy) đã bị chúng tôi giết trong những lần hành quân nào, tại những nơi nào, vào những thời điểm nào. Dĩ nhiên, chúng tôi vẩn nhớ chính xác một số yếu tố, còn về số lượng thì phải khôn ngoan nói càng ít càng tốt để tội được nhẹ hơn. Riêng về anh Vàng, khi anh phát biểu, ngoài tên Quản giáo của Nhà chúng tôi còn có tên Quản giáo của Nhà bên cạnh (cũng là người Quảng) cũng bước qua tham gia. Giọng điệu tên này thì ghê gớm và chứa nhiều hận thù hơn.

Qua những lần đó, tôi mới biết thêm thông tin cá nhân của anh Vàng (khóa 17 VBQGĐL), trong đó những chiến công của anh hồi còn làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 21 thuộc Liên đoàn 1 Biệt Động Quân và sau đó là Trung đoàn trưởng Tr/Đoàn 4 hay 5 gì đó thuộc S/Đoàn 2 BB đã rất vang lừng. (Tôi thì nhập ngũ sau anh mấy năm và chỉ hành quân ở vùng bắc đèo Hải Vân đến Bến Hải. Và thời gian đơn vị tôi nằm ở Đà Nẳng đã hành quân chung với Liên đoàn 1 BĐQ tại vùng Thăng Bình, Quế Sơn và Bình Giang, Bình Dương năm 1970 thì tôi không gặp được anh mà chỉ gặp anh Khang –T/Đoàn 39, anh Thiết và anh Thưởng- T/Đoàn 21 và 37 và Tr/tá Hiệp là Liên Đoàn trưởng). Do đó, mủi dùi của đám Quản giáo này nhắm vào anh nhiều nhất (có lẻ do vùng hành quân của đơn vị anh thuộc Quảng Nam và Quảng Ngải).

Vào khoảng gần giữa năm 1977, trong buổi học chính trị cho toàn trại tại Hội trường, tên chính trị viên (người Quảng), không biết từ cấp cao nào đến phụ trách, bô lô ba la gần cả giờ về đường lối chính sách của Đảng, tương lai đất nước, v.v... Rồi đến mục khuyên tù nhân thành thật khai báo về ‘nợ máu’ chúng tôi đã gây ra. Nó đã chuyển cụm từ ‘tội ác’ thành ‘nợ máu’, nghe càng rùng rợn hơn. Tôi tự hỏi: ‘Như vậy, nợ máu thì phải trả bằng máu sao?’

Sự kiện thứ 3 đã xảy sau buổi học chính trị toàn trại chỉ khoảng 2 tuần.

Hôm đó là ngày Chúa Nhật và cũng là ngày gia đình tù lên thăm nuôi. Khoảng 8 giờ sáng, Nhà chúng tôi có anh Vàng được tên vệ binh Bốn đến gọi ra sắp hàng tại cổng trại cùng với số anh em tù từ các Nhà và Khối khác để nó dẩn ra Trại tiếp tân. Toán thăm nuôi đầu tiên thường được gọi là Toán 1. Khoảng 30 phút sau, tôi cũng được gọi tên ra sắp vào một toán khác gọi là Toán 2 và được một tên vệ binh người Bắc dẫn đi. Khi toán chúng tôi ra đến Trại Tiếp tân thì mạnh ai nấy kiếm chổ riêng để cùng gia đình trò chuyện, một số ngồi trong trại, một số chọn những bụi cây quanh đó ngay phía bên ngoài trại cách khoảng 10 mét. Thời gian thăm nuôi chỉ được kéo dài 1 giờ theo qui định. Và hôm nay thì tên Quản giáo phụ trách Trại Tiếp tân là người Bắc, không biết thuộc Khối nào.

Chỉ khoảng gần 15 phút sau, tôi nghe tiếng tên Bốn gọi tập họp Toán 1 để nó dẩn về. Và khoảng 3 phút sau, tôi lại nghe tiếng quát tháo khiến anh em đang ngồi quanh đó đều đứng lên, còn tôi thì bước nhanh đến đó, thấy khoảng 8 người đang đứng sắp hàng chờ điểm danh và kiểm tra những thứ gia đình họ mang lên thăm nuôi, riêng anh Vàng thì đang đứng đối mặt với tên Bốn, nói:

- “Tôi đã xin phép anh Quản giáo được thăm nuôi thêm một xuất nữa.”

Tên Bốn quát:

- “Anh không chịu vào sắp hàng thì tôi bắn đấy!”

Nói xong nó cầm súng, lên đạn rắc rắc và chỉ thẳng vào anh Vàng. Anh em quanh đó, ngay cả tôi, đều nghĩ rằng anh Vàng sẽ phải nhịn nhực và đứng vào hàng. Không ngờ anh dùng 2 tay banh ngực áo và nói lớn:

-“Muốn bắn thì bắn đi!”

Cũng may tên Quản giáo người Bắc đến vừa kịp, nói ngay:

-“Anh Vàng đã xin phép tôi thăm nuôi thêm một xuất . Và anh ấy sẽ về theo Toán 2”.

Tên Bốn hạ súng xuống một cách miển cưởng, đôi mắt nó vẩn đỏ ngầu trên nét mặt đầy hậm hực, khoác tay ra lệnh cho Toán 1 bắt đầu đi về, không nhớ đến việc điểm danh và kiểm tra mấy chiếc bị của tù. (Thật ra thì chỉ là toán ít người, còn việc kiểm tra thì có thể thực hiện sau khi toán vào cổng trại.)

Cũng chính từ sự kiện này, tôi để ý đến tên Bốn nhiều hơn, vì chưa từng nghĩ rằng một tên Việt Cọng (không biết là du kích hay bộ đội chính quy vì màu sắc áo quần của nó là màu xám mà áo quần bộ đội là màu olive) mặt mày còn non choẹt, tuổi đời tối đa khoảng 22-23, nhỏ con, mà lại ‘khát máu’ như vậy. Và cũng chính từ đây, tôi thán phục anh Vàng nhiều hơn. Thán phục vì anh đã làm được điều mà tôi, hay đúng hơn là chúng tôi, không thể làm được, dù cho hành động của anh có xuất phát từ lòng tự ái hay sự bộc phát nào đó thì cũng vẩn thể hiện sự bất khuất của một Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa trước kẻ thù trong hoàn cảnh cá chậu chim lồng này.

Thú thật thì trước đó tôi đã có phần ngưởng mộ anh về những chiến công anh đã kể lại trong những buổi học chính trị nên tìm cách trò chuyện với anh nhiều hơn, dù biết anh rất ít nói. (người tôi thân nhất trong Nhà là anh Tố và vì anh lớn tuổi hơn nhiều nên tôi thường gọi anh là ‘Bố’). Có lẻ anh cũng hơi thích tôi do tôi là người hay kể chuyện vui, bông đùa và cười lớn tiếng thoải mái nhất trong Nhà. Nhờ vậy mà tôi biết được vợ anh tên Đường, là giáo viên trước 1975.

Thế rồi, sau khoảng hơn 1 tháng, lúc này trong năm, thời tiết vào khoảng cuối mùa hè nên không quá nóng như tại những vùng Huế, Quảng Trị và Đông Hà, một phần là do các trại tù đều nằm trong vùng núi, vào một buổi sáng, sau khi anh Chí ‘nhỏ’ (Nhà trưởng) đi họp nhận công tác cho Nhà về, vác theo một bao bố chứa những con ‘dao tông’ và ‘rựa’ và cho biết hôm nay cả Nhà sẽ lao động tập thể. phát quang tại vùng Cò Bay (đường lên Mỏ vàng Bồng Miêu). Chúng tôi ăn sáng với chế độ ít hơn 1/3 với bửa ăn trưa, rồi lần lượt bới theo cơm trưa chứa trong ‘loong Gô’ (loại bằng nhôm đựng sửa bột Guigoz của Hà lan dành cho trẻ sơ sinh đến 2 tuổi, khuấy tan với nước nóng để bú bằng bình hay bằng ly, tách), một số thì dùng ‘gà men’ của Quân đội được thân nhân mang lên trong những lần thăm viếng tại ‘Trại Tiếp tân’. Rồi lần lượt xuống ‘Nhà bếp’ lấy nước sôi đổ vào bidon’(bình nhựa chứa nước của Quân đội). Những người trẻ như tôi, anh Vàng, anh Thành, Chi, Hóa, Ninh, Cảnh thì nhận ‘dao tông’(loại dao dài gần 5 tấc với cán dính liền bằng sắt dùng để chặt những cây nhỏ bằng bắp tay), người lớn tuổi thì nhận ‘rựa’ (loại dao dài chừng 7 tấc gồm luôn cán bằng gổ dài khoảng 3 tấc, đầu rựa có mấu cong xuống, dùng để chặt tre, phát quang lau sậy, vót lạc, chẻ mây, và nhiều công dụng khác nữa); rồi lần lượt mài dụng cụ trên 2 tảng dá nhỏ đặt sau Nhà (chúng tôi vác chúng lên từ suối để tiết kiệm thời gian phải xuống suối mài trước khi đi lao động). Tiếp đến, chúng tôi được chia thành 2 toán, mỗi toán có 12 người. (riêng anh Cúc thì thuộc thành phần không lao động ngoài trại được do gót chân đã bi thương trước khi vào Trại nên thường ở nhà trực phòng, - một vài người trong Nhà của chúng tôi nghi ngờ anh làm ‘antenne’ vì chính bản thân tôi đã bị 2 lần viết ‘Kiểm điểm’ do có người báo cáo tôi phát ngôn bừa bải trong những lúc chuyện trò với anh em ngay tại Nhà. Ví dụ như tôi đã đổi câu châm ngôn của họ: ‘Cho không lấy, thấy không xin’ thành ‘Không cho cũng lấy, không thấy cũng xin !!’...).

Đa số người trong Toán 1 chúng tôi có cấp bậc Th/tá và Tr/tá trong đó có anh Vỏ-Vàng, cấp Đ/u chi có anh Chí và Hóa. Hành trang lao động là chiếc bị vải tự tạo có quai mang vai (có người được thân nhân gửi lên bao đeo mặt na ngừa hơi độc của Quân đội), chứa bình nước, bửa ăn trưa, vỏng nylon hay vải và tấm nylon dùng làm áo mưa.

Đúng 07:30, Nhà chúng tôi bắt đầu di chuyển theo hàng dọc ra cổng trước của Trại, ngay con lộ lên Bồng Miêu, (cổng sau dẩn thẳng ra con suối cạn, rộng khoảng 40 mét, chảy ngoằn ngoèo theo dảy núi phía đối diện, chỉ dùng cho những lúc đi lao động nặng, riêng lẻ hoặc toán ít người và là nơi tắm rửa, giặt giủ), quẹo phải lên hướng vùng Cò Bay theo con lộ đất rộng khoảng 4-5 mét. Dẩn đầu là tên vệ binh Bốn (người Quảng) và sau cùng là một vệ binh (người Bắc, tôi không nhớ tên). Cả hai đều mang AK-47. (Thường thì khi tù binh đi lao động ngoài trại với những toán trên 5 người đều có vệ binh đi theo, khi thì 1 người, khi thì 2 người).

Thời tiết hôm đó vào buổi sáng vẩn còn mát mẻ dù mặt trời đã lên khá cao nhưng bị dảy đồi cao phía đông che khuất. Trong khoảng hơn 2 năm, chúng tôi đã từng đi trên con lộ này không dưới 20 lần nên cảnh vật chung quanh chẳng còn gì xa lạ nữa, ngoại trừ đám lau sậy và cây nhỏ dọc mé trái lộ đã được phát quang ngày càng xa dần lên hướng Cò Bay.

Chúng tôi đi khoảng hơn 3 km, đến hết ranh đám lau sậy đã được phát quang, thì tên vệ binh Bốn hô lớn bảo dừng lại và kêu anh Chí lên ra lệnh gì đó. Mấy phút sau thì nghe Chí bào toán 2 tạt về mé trái con lộ và chỉ định anh Ninh làm trưởng toán với nhiệm vụ phải phát quang dọc bên trái lộ lên hướng Cò Bay. Từ điểm này lên hướng tây nam thì vẩn còn đầy lau sậy cao hơn đầu người hơn 1 mét.

Toán 1 của chúng tôi cứ tiếp tục đi xa hơn khoảng hơn 300 mét thì được lệnh dừng lại và nhận nhiệm vụ phát quang phía bên trái con lộ, sâu vào khoảng 40 mét rồi chuyển hướng dọc theo con lộ lên hướng núi có Mỏ Vàng. Ra lệnh xong, tên vệ binh Bốn và tên vệ binh người Bắc tiếp tục đi thẳng về phía trước. Theo kinh nghiệm từ những lần đi lao động và những khi được giao nhiệm vụ đi theo phát quang cho toán địa chất lên các lò của Mỏ Vàng Bồng Miêu, (thường thì 2 tù binh đi theo để phát cây dọn đường cho toán địa chất gồm 3 hay 4 kỷ sư có mang súng ngắn ) tôi đoán khoảng 80 mét nữa là đến chiếc cầu xi măng nhỏ, rộng khoảng 2 mét, dài khoảng 8 mét bắc qua con suối thường hầu như cạn nước vào mùa hè, vì phía trước khoảng 30 mét đã hiện ra khúc quanh quẹo chênh về trái . Phía bên bờ nam của suối cũng đầy lau sậy dày đặc chạy dài khoảng 300 mét thì đến vùng trống trải có những căn nhà gạch đã rêu phong, tốc mái, đổ nát trên 60%, cạnh một nhánh suối nhỏ vẩn còn những bụi trúc vàng rất đẹp hai bên bờ. Đặc biệt nơi này còn sót lại vài đoạn đường ray rộng khoảng 8 tấc và dài khoảng 20-30 mét. Nghe đám địa chất nói thì đây là những di tích hồi Pháp khai thác mỏ vàng.

Chúng tôi kiếm những cây nhỏ sát con lộ, chặt nhánh nhỏ, chừa một đoạn ngắn chỉa ra để treo những chiếc bị và bắt đầu dàn hàng ngang phát trống lau sây sâu vào chân dảy đồi khoảng 40 mét rồì đổi hướng phát dọc theo con lộ.

Dù có được khoảng 10 để uống nước và giải lao sau khoảng 1 giờ lao động (nhờ anh Chí ‘lớn’ và anh Tố vẩn luôn mang theo đồng hồ đeo tay trong túi quần. Còn phần lớn thì đã gửi về cho vợ bán lấy tiền nuôi con), chúng tôi cũng cố làm sao để phát quang một diện tích đáng kể trong ngày, nếu không thì mấy tên vệ binh sẽ báo báo là lao động không tích cực và bị làm kiểm điểm. Mặt trời lên cao dần, giáng xuống đầu và lưng chúng tôi những luồng nóng rát hừng hực khiến mồ hôi liên tục búng ra đẩm ướt cả áo và mặt như đang đi trong mưa. Cho đến khi mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi nghỉ khoảng 1 giờ để ăn bửa trưa chứa trong bị mang theo. Mỗi tụm 2 hoặc 3 người cố tìm một bóng cây nào quanh đó để tránh nắng nhưng quả thật rất khó. Chỉ còn cách chui đại vào những lùm sậy rồi dùng rựa phạt đứt sậy cao ngang đầu người và dùng chiếc vỏng mang theo căng phủ lên phía trên tạo bóng dim bên dưới và mở lon cơm chừng 1 chén với ‘mắm cái’ và ngấu nghiến, mơ màng tưởng tượng một bửa ăn thịnh soạn để đánh lừa bao tử. Ăn xong thì xé giấy báo vấn một điều thuốc ‘rê’, dựa lưng vào bụi sậy, vừa phì phà vừa trao đổi vài nhận xét bâng quơ cho có chuyện mà thôi.

Khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi tiếp tục gò mình vào công việc còn dang dở. Đến khoảng 2 giờ, chúng tôi mới nghỉ giải lao được khoảng 5 phút thì tên vệ binh Bốn và tên vệ binh người Bắc từ hướng Bồng Miêu đi về. Tên Bốn bèn nói lớn:

-“Anh Chí cho tôi 1 người lên phía trước để chặt những cây lau về bó làm chổi quyét”.

Nghe tiếng nói, chúng tôi ngừng tay và nhìn Chí. Dĩ nhiên, nếu chặt lau sậy thì phải dùng rựa, vì khi chặt được một số lau thì dùng mấu rựa kéo về đằng sau. Tôi thấy Chí chỉ vào anh Xáng đang cầm cây rựa cạnh anh và nói:

-“Anh Xáng theo mấy anh vệ binh lên phía trước chặt lau đi!”.

Anh Xáng bèn bước đến một cây nhỏ gần đó lấy chiếc bị hành trang có mang nước theo để uống. Bổng nhiên tên vệ binh Bốn cản lại và nói:

- “Anh lớn tuổi rồi nên chặt không nhanh. Anh đổi cây rựa cho anh này nè –vừa nói nó vừa chỉ tay vào anh Vàng đang cầm dao tông”.

Thế là anh Xáng và anh Vàng đổi dụng cụ cho nhau và anh Vàng đến lấy hành trang rồi đi theo 2 tên vệ binh. Chúng tôi đều nghĩ rằng đây chỉ là chuyện bình thường... rất bình thường. Hợp lý nữa là khác. Và chúng tôi lại tiếp tục công việc, cố làm sao để khi tối đến, sau khi cơm nước, họp bình bầu cá nhân xuất sắc tại Nhà mà khỏi bị làm kiểm điểm. Thật ra thì những hình thức lao động toàn Nhà như thế này, việc nhận xét ‘tích cực’ hay ‘tiêu cực’ đều do sự cao hứng của vệ binh đi theo mà thôi.

Khoảng hơn 10 phút sau, chúng tôi bổng nghe 3 tiếng nổ đoàng đoàng đoàng liên tiếp, nhưng từng phát một, ở phía trước, chắc chắn là từ súng AK của 2 tên vệ binh. Tôi buột miệng cười nói: -“Chắc là con nai nào xui xẻo đã bị hạ rồi. Tối nay thế nào mỗi người cũng đều có 1 miếng thịt bồi dưởng”.

Nghe thế, tôi thấy mấy anh còn lại cũng mỉm cười tỏ vẻ đồng tình. (Vì thỉnh thoảng chúng tôi cũng đã từng được bồi dưởng bằng thịt heo rừng hay nai).

Đúng là đã hơn 2 năm rối mới nghe lại tiếng súng nên lúc đầu ai cũng hơi hốt hoảng, ngay cả bản thân tôi đã từng là dân tác chiến cũng có chút bàng hoàng, nhưng chỉ trong vài giây thóang qua. Chúng tôi lại tiếp tục công việc.

Khoảng 5 phút sau, tên vệ binh Bốn, từ phía trước trở về, cách chúng tôi chừng 10 mét, đã kêu lớn:

- “Anh Chí! Kêu thêm một anh nữa lên phía trên này ngay, không cần mang theo dụng cụ”.

Mọi người lại dừng tay. Riêng tôi thì thầm nghĩ: ‘Không lẻ mình đã đoán đúng?’ Chí liếc nhìn quanh và đột nhiên gọi tôi (đang đứng trong hàng ngang cách xa anh 2 người về phía bên phải, gần con lộ):

-“Anh X... bỏ dao xuống và theo tôi”.

Vẩn là điều bình thường..., rất bình thường !! Tôi và Chí bước nhanh để theo kịp tên vệ binh Bốn. Đúng là chỉ khoảng 70 mét, chúng tôi đã thấy chiếc cầu xi măng bắc qua con suối và tên vệ binh người Bắc đang đứng trên cầu. Chúng tôi đến cách cầu chừng 6-7 mét (tại điểm này thì mé trái con lộ đã vừa mới được phát quang sâu khoảng hơn 1 mét, còn sót lại một cây cao, nhỏ và thẳng, trên cành thấp nhất còn lủng lẳng chiếc bị của anh Vàng) thì tên Bốn chỉ tay xuống suối, phía bên trái cầu và nói:

-“Hai anh xuống dưới đó đi!”.

Chúng tôi cũng vẩn đinh ninh một con nai đã bị bắn hạ ngay dưới suối nên vội tạt trái, vừa bước vừa nhìn xuống chân, thận trọng để khỏi dẩm phải những gốc sậy bén. Đến được bờ suối thì cảnh tượng trước mắt hiện ra giống như một chiếc búa tạ, đập tan vụn những ý nghĩ lạc quan đang nhảy múa trong đầu óc chúng tôi rồi nhét thay thế vào đó sự sợ hải, thảng thốt: cách chúng tôi khoảng 3 mét, không phải là xác con nai mà là anh Vàng đang nằm sấp, mặt úp xuống bờ cát của lòng suối còn ẩm nước, tay phải hơi giang ra và bàn tay còn nắm lơi một phần cán rựa, chân hướng về phía chúng tôi. Tôi cảm thấy như có một luồng khí lạnh từ nổi sợ len lỏi vào dọc xương sống, còn Chí thì mặt mày tái nhợt hẳn ra, cùng ngước nhìn lên tên Bốn đang đứng trên cầu, cách chúng tôi khoảng hơn 4 mét theo đường huyền hình tam giác. Có lẻ thấy chúng tôi ngập ngừng không dám bước tiếp, nó dùng súng quơ quơ ra dấu bảo chúng tôi đi tiếp đến chổ anh Vàng. Tôi, dù muốn dù không, là dân tác chiến nên tốc độ lấy lại bình tỉnh chỉ trong mấy giây, bèn đi trước đến sát chân anh Vàng và thấy ngay trên lưng áo của anh đã bị 3 lổ thủng nằm dọc từ hơi dưới vai trái xuống gần thắt lưng bên phải, giống như 3 trái bi trên bàn bi-da Pháp nằm theo thế ‘giò gà’ vậy. Tôi bảo Chí đang đứng phía sau:

-“Chí hảy lên phía đầu của anh Vàng rồi cùng nhau lật ngửa anh ra mới khiêng lên trên con lộ được.”

Chí và tôi vừa lật ngửa anh Vàng ra thì đột nhiên anh mở đôi mắt, thấy anh Chí và thểu thào kêu lên:

-“Chí ơi!...”.

Có lẻ trước khi chết, anh đã cố gom hết sức lực để nói lên điều gì đó nhưng chỉ được hai từ ngắn ngủi này, cho nên, dù là thều thào nhưng có lẻ cũng đủ cho 2 tên vệ binh trên cầu nghe, hay có lẻ chúng đã thấy đôi môi anh mấp máy và ngở anh vẩn còn sống, muốn nói gì đó, nên tên Bốn hét lớn:

-“Hai anh tránh xa ra!”.

Tôi giật mình phóng người ngược ra phía sau và té ngửa, còn Chí thì chạy lui rất nhanh. Tôi vừa ngồi dậy và liếc nhìn lên cầu thì một loạt đạn tóe lửa từ súng AK của tên Bốn nhắm vào đầu anh Vàng. Tôi thấy đầu của anh giật giật mấy cái rồi im luôn. Tôi lại đảo mắt nhìn lên cầu lần nữa và thấy tên Bốn, sau khi bắn xong, thản nhiên mang quai súng lên vai cùng tên vệ binh người Bắc song song bước nhanh về hướng cũ. Tôi vẩn ngồi như thế, ngoái nhìn theo cho đến lúc chúng đi khuất sau đám lau sậy mới đứng lên và bước đến gần anh Vàng. Trong loạt súng vừa rồi, có lẻ khoảng 2 hay 3 viên đã trúng làm nát luôn má và miệng của anh, máu chảy lênh láng. Chí thì hình như vẩn chưa hoàn hồn. Tôi bèn bảo Chí:

-“Chí ở lại đây trông chừng để tôi chạy về báo cho anh em trong toán mình biết.”

Chí bổng nói ngay:

-“Anh ở lại đây để tôi chạy về báo tin cho.” Tôi thấy anh còn sợ nên đành gật đầu.

Chờ cho Chí đi rồi, tôi cẩn thận nhìn quanh khoảng một phút, có lẻ vì sợ tên Bốn bất ngờ quày lại tặng luôn mình một loạt đạn để bịt miệng, rồi nhìn lại anh Vàng thì thấy hai mắt anh vẩn còn mở, bèn đưa tay vuốt mắt anh mà lòng dậy lên nổi đau buồn đã mất đi một người bạn tù, một người anh trong quân ngũ.

Chưa đến 10 phút sau, tôi thấy mấy anh xuất hiện từ sau đám lau sậy rồi nhận ra anh Tố, anh Hoàng và anh Hóa cùng Chí đến gần chổ tôi. Có lẻ dọc đường đến đây, Chí đã có kể lại một phần nào đó cho họ nghe nên khi đến nơi, chúng tôi chỉ cùng nhau nghĩ cách khiêng anh Vàng về. Liên tưởng đến lúc Trại có người bị bệnh không đi được thì đã được khiêng bằng vỏng đến trạm xá, tôi bèn đề nghị như thế và cùng Hóa chạy đến cây có treo chiếc bị của anh Vàng để lấy chiếc bị có chứa chiếc vỏng của anh, đồng thời chặt luôn cây này, tỉa nhánh cho trơn tru dùng làm đòn cáng. Tiếp đến, anh Tố và anh Hoàng khiêng xác anh Vàng bỏ lên vỏng và chúng tôi cột dây của 2 đầu vỏng thật chặt vào đòn cáng. Anh Hoàng và anh Tố tình nguyện khiêng anh Vàng trước sau khi giao rựa của họ cho Chi, và tôi cùng Chí sẽ thay phiên khi 2 anh đó đã thấm mệt. Chí bèn giao 2 cây rựa của anh Hoàng và anh Tố giao luôn cho anh Hóa vác. Riêng tôi và Chí thì trên đường về sẽ tạt lại điểm chúng tôi phát quang để lấy bị của mọi người và dao tông của mình.

Anh Hoàng đứng phía đầu đòn cáng, hướng chân của anh Vàng và anh Tố ở cuối cáng, hướng đầu của anh Vàng, tôi và Chí cùng tiếp tay nhấc đòn cáng lên vai họ. Thế là 5 người chúng tôi bắt đầu lên đường. Hình như mỗi người đều đang nặng trỉu nhưng suy nghĩ có lẻ cũng hao hao giống nhau: ‘khi về đến trại thì sẽ phải làm gì đây, nói năng như thế nào đây?’ Riêng tôi, và chắc chắn là Chí nữa, thì còn thêm những lo nghĩ khác vì là những nhân chứng sống cho cái chết của anh Vàng.

Chỉ khoảng mấy phút sau, chúng tôi đã đến điểm chúng tôi đã phát quang, nhưng chẳng còn thấy bóng dáng ai cả. Tôi lên tiếng:

-“Họ đâu cả rồi?”.

Anh Tố buột miệng trả lời:

-“Chắc họ sợ quá sau khi nghe thằng Bốn tuyên bố nên đã chạy về trước rồi.”.

Tôi hỏi tiếp:

-“Nó nói sao, Bố?”

-“Tên Vỏ-Vàng đánh vệ binh để cướp súng trốn trại. Ta đã diệt nó rồi.”

Tôi và Chí loanh quanh khoảng 1 phút tìm dao tông và bị nhưng không thấy. Chí nói:

-“Có lẻ anh em đã mang về giùm rồi.”

Cũng chỉ đoán như vậy thôi, chứ ở vùng không có bóng người dân nào thì ai mà lấy mấy thứ đó chứ. Tôi và Chí bước nhanh để theo kịp chiếc vỏng cáng. Vừa đến ngang anh Tố thì thấy đầu của anh Vàng lắc lư theo bước chân người khiêng lệch ra khỏi vỏng, bèn vừa đi vừa banh rộng đầu vỏng để đầu anh lọt vào. Máu trên vùng ngực của anh hầu như đã khô, còn ở má và miệng vẩn còn rỉ, tóc và trán vẩn còn bám cát từ lòng suối khô.

Chúng tôi cứ thế lẳng lặng bước...và bước, mong sao cho nhanh về đến trại. Ngang qua điểm phát quang của Toán 2, chúng tôi cũng chẳng thấy ai nữa. Chắc họ cũng đã nghe tên Bốn nói gì và đã nhanh chân rời khỏi đó, giống như số anh em còn lại của Toán 1.

Tôi ngước nhìn lên bầu trời, lúc này có lẻ đã hơn 3 giờ chiều, nhưng nắng đã có phần dịu bớt nhờ những đám mây trắng nhỏ từ phía tây bắc lảng đảng trôi qua, che khuất mặt trời như cố ý ngăn bớt luồng nóng hừng hực đâm thẳng vào thân xác một người đã từng vang bóng một thời, đã tung hoành trên khắp chiến trường phía nam của Quân Đoàn 1 (vùng Quảng Nam, Quảng Ngải), nhưng lại phải lìa đời trong tức tưởi. Tôi lại tưởng tượng những đám mây kia là những thân nhân, vợ con và bạn bè, những người đã ngưởng mộ và thương mến anh, trong những chiếc áo tang, những chiếc khăn sô, đưa tiển anh lần cuối.

Rồi đầu anh Vàng lại lệch ra khỏi đầu vỏng, và với những động tác cũ, tôi lại banh đầu vỏng, nâng đầu anh lọt vào như cũ. Nhớ lại thì tôi đã dùng động tác này không dưới 3 lần trên đường về đến trại, vì 2 đầu vỏng thường bị kéo túm lại do sức nặng nhún nhẩy tử phần giữa vỏng. Trước đó, chúng tôi đã cẩn thận dùng phần dây vỏng còn thừa để buộc 2 chân anh vào một đầu vỏng, riêng vỏng ở phần đầu của anh thì không được.

Chúng tôi cứ tiếp tục bước..., bước nhanh, hình như không quan tâm gì đến thời gian và đoạn đường mình đã đi qua. Cho đến khi tôi định lên tiếng đòi thay phiên khiên cáng thì trước mắt, dảy hàng rào bằng ‘róng’ (cở cây nhỏ hơn hoặc bằng cổ tay cao khoảng 3 mét, gài chéo nhau theo hình tổ ong rào quanh trại) sát con lộ đã hiện ra phía bên trái, cách chúng tôi khoảng 60 mét, nên không lên tiếng nữa.

Chỉ khoảng hơn 5 phút, chúng tôi đã đến cách cổng trại chừng 15 mét thì tên Quản giáo Nhà chúng tôi đã đứng đó từ trước chận chúng tôi lại và bảo:

-“Các anh bỏ anh Vàng tại đây rồi vào trại đi!.”

Nhìn chênh về phía phải, chúng tôi thấy một toán tù binh, không biết thuộc Khối nào, đang đào cái huyệt cách con lộ khoảng 2 mét. Chúng tôi đoán là huyệt dành cho anh Vàng.

Anh Hoàng và anh Tố nhẹ nhàng đặt xác anh Vàng xuống sát mé phải con lộ và chúng tôi lẳng lặng tiến về cổng trại. Qua cổng trại rồi đi xuyên qua trước mặt Khối 2, tôi thấy nhiều anh em tù, một số đứng trước sân, một số trong Nhà lặng lẻ nhìn chúng tôi, trong ánh mắt họ dường như đang ẩn chứa rất nhiều câu hỏi. Về đến Nhà, tôi thấy đống dao rựa đã nằm giữa nhà, cạnh cái lổ hình chử nhật bề 5 bề 8 tấc, sâu 2 tấc dùng để đốt lá tươi hun khói đuổi muổi khi đêm đến hoặc đốt củi sưởi ấm vào mùa đông, và những chiếc bị của chúng tôi đã nằm sẳn trên phần sạp ngủ của mỗi người. Cởi bỏ áo quần lao động (quần áo của lính bộ binh chế độ cũ được cấp phát cho tù mặc khi lao động), chúng tôi ngả người trên phần sạp của mình nằm nghỉ ngơi cho khô mồ hôi trước khi xuống suối để tắm và giặt. Riêng anh Chí thì vừa đếm vừa đun hết số dao rựa vào trong bao bố và vác lên trả lại cho nhà kho chứa dụng cụ lao động.

Bầu không khí trong Nhà của cuối ngày lao động hôm đó bao trùm một sự tỉnh lặng hầu như tuyệt đối, giống như đang mặc niệm cho người bạn tù đã vỉnh viển ra đi, cho một sự mất mát, thiếu vắng từ đây..., chỉ còn những ánh mắt thỉnh thoảng nhìn nhau... Và thời gian cứ nặng nề trôi qua...

Bổng nhiên, tôi nghe nhiều tiếng nói lao xao gần phía trước cửa nhà, liền nhỏm dậy xem thì thấy 3 người, hình như thuộc Khối 2, đang vừa đi ngang qua cửa Nhà chúng tôi vừa nói chuyện .

Tôi vội chạy ra hỏi với theo:

-“Mấy anh có biết họ đã chôn anh Vàng chưa không?”

Một anh trả lời:

-“Vẩn chưa, vì phải đào một cái huyệt khác cách xa con lộ hơn 10 mét. Mấy thằng cán bộ nói cái huyệt đầu tiên nằm sát đường quá.”

Anh Tố đang nằm nghỉ, nghe thế bèn nhỏm dậy nói:

-“Như thế thì xui lắm. Ông bà mình tin rằng nếu đào huyệt thứ 2 thì thân nhân của người chết sẽ bị chết thêm một người nữa đó!”

Tôi thì chẳng biết gì về chuyện này. Anh em còn lại trong nhà cũng chỉ đưa mắt nhìn nhau, nửa tin nửa ngờ..., nhưng phần nào cũng có chút lo lắng cho những người trong gia đình anh Vàng.

Rồi, như cái máy chạy theo thời khóa biểu, chúng tôi xuống suối, tắm, giặt. Sau đó, người trực cơm xuống bếp nhận cơm lên chia đều cho anh em trong Nhà. Cũng chỉ là 1 chén cơm và ‘mắm cái’ hầu như thường lệ, nhưng hôm nay dường như có thêm những giọt nước mắt nhỏ xuống từ bên trong, thẳng vào cuống họng mỗi lần nuốt 1 ngụm cơm...

Lúc này, màn đêm đang dần phủ trên Trại Tù. chúng tôi chuẩn bị họp Nhà để bình bầu cá nhân xuất sắc cho ngày lao động dở dang hôm nay. Một người mang củi vào nhóm lửa và 1 người nữa mang mấy nhành cây nhỏ có nhiều lá còn xanh để hun khói đuổi muổi. Trong ánh lửa lập lòe kèm theo khói, chúng tôi vừa bắt đầu họp thì thấy tên Quản giáo (người Quảng –tôi không nhớ tên) bước vào. Nó không ngồi lên sạp như thường lệ mà chỉ nói lớn:

-“Các anh hảy coi chừng! Cái chết của anh Vàng là sự trừng phạt cho những muốn trốn trại đó!”

rồi bỏ đi. Một chốc sau, chúng tôi lại thấy tên Bốn đi ngang và nhìn vào Nhà chúng tôi liếc ngang liếc dọc, vai vẩn mang khẩu AK-47, nét mặt có vẻ vênh vào như vừa mới lập được một ‘chiến công’ hèn hạ chưa chừng thấy. Thật ra thì tất cả anh em cùng Nhà đều mang tâm trạng phập phồng lo sợ... sau sự kiện của anh Vàng. Riêng tôi, và chắc là với Chí ‘nhỏ’, lại càng cảm thấy thấp thỏm hơn, vì là những nhân chứng sau cùng.

Họp xong, tôi đến bên Chí ‘nhỏ’, nói:

-“Ngày mai Chí cắt tôi đi công tác theo nhóm cho bảo đảm đó!” Chí gật đầu, phần nào hiểu được ý của tôi.

Đặc biệt tối nay, sau khi họp xong, chúng tôi không ra phía trước sân, tụm 2, tụm 3, trao đổi năm điều ba chuyện bâng quơ trước khi vào ngủ, mà một số thì vẩn ngồi trên sạp, một số nằm dài, theo đuổi những suy nghĩ riêng tư của mình.

Rồi một đêm không bình thường nặng nề trôi qua. Sáng hôm sau, Chí lên nhận công tác và vác theo về một bao bố chứa toàn dao tông, và công tác hôm nay là chặt những khúc cây dài từ 4-4,5 mét, thật thẳng, có ngọn tối thiểu là 1 tấc 3. Thường thì đây là công tác riêng lẻ, tức là mạnh ai nấy lên rừng và lục tìm và chặt rồi vác về, nhưng Chí cũng cẩn thận dặn anh em nên đi theo từng toán 4 hay 5 người để khỏi bị vệ binh len lén đi theo và ‘diệt’ từng người trong chúng tôi như trường hợp của anh Vàng.

Cũng may đến gần trưa thì anh Tố, tôi, Ninh và Cảnh đã chặt xong cây và vác xuống sườn núi, nơi có khoảng trống khá lớn nằm trên con đường nhỏ dẩn về trại và cách trại khoảng hơn 2 km. Chúng tôi kiếm bóng mát để nghỉ ngơi và ăn trưa. Nhân lúc này anh Tố mới bảo tôi kể lại phần cuối của vụ anh Vàng bị bắn . Và tôi đã nói cho họ nghe.

Đến chiều, khoảng 4 giờ, khi vác cây về đến Nhà, chúng tôi lại thoáng thấy tên Bốn đi từ hướng Khối 2 về Khối 1 và, khi đi ngang Nhà chúng tôi, nó bước chậm lại và liếc nhìn vào. Tôi nghĩ rằng đây là điều không bình thường, dù thỉnh thoảng vẩn có vệ binh đi lòng vòng trước sân các Khối vào gần cuối ngày lao động. Nhà chúng tôi đã cố làm cho bầu không khí trở nên bình thường, nhưng thật ra vẩn không bình thường như cũ được. Mọi người có vẻ thận trọng, dè dặt, ít nói chuyện với nhau hơn. Chỉ mong thời gian sẽ xóa dần nổi lo sợ cho những gì sẽ xảy ra kế tiếp.

Và điều không bình thường này đã đến ngay vào buổi sáng hôm sau. Khi Chí đi nhận công tác về với chiếc bao bố chứa dao, rựa trên vai. Khuôn mặt anh hơi lộ vẻ lo âu. Anh nói đại khái chỉ tiêu lao động trong ngày, rồi tiếp:

-“Hôm nay tôi và anh X... ở nhà làm công tác khác.”

Mọi người bắt đầu hoang mang, thắc mắc nhìn nhau nhưng chẳng ai buồn lên tiếng, ngay cả tôi, mà chỉ lẳng lặng ăn hết miếng bánh xốp làm bằng bột mì Liên Xô thay cho điểm tâm rồi mài dụng cụ lao động và rời khỏi Nhà.

Chờ cho anh em đi hết, tôi mới kéo Chí ra khỏi nhà để đề phòng anh Cúc nghe được, và chưa kịp hỏi thì Chí đã nói:

-“Một chốc nữa thì tên Quản giáo sẽ đến hướng dẩn chúng ta viết bản tường trình về cái chết của anh Vàng. Hình như người anh của anh Vàng là Trung tá Bộ đội đã đến Tổng trại và yêu cầu điều tra rỏ chuyện này. Anh tính thế nào?”

Tôi suy nghĩ một chốc, rồi nói:

-“Viết tường trình vụ này mà do Quản giáo hướng dẩn thì chắc 2 anh em mình sẽ không nói lên được sự thật mình đã chứng kiến đâu. Bây giờ tụi mình đều như cá nằm trên thớt. Nó bảo sao thì phải viết vậy thôi.” Như một sự đồng cảm đã có sẳn, Chí gật đầu.

Chúng tôi vào nhà, nằm dài trên sạp của mình, vừa chờ tên Quản giáo đến, vừa suy nghĩ xem còn có cách ứng phó nào khác nữa không.

Hơn nửa giờ sau, tên Quản giáo bước vào, tay cầm cuộn giấy tập vở và 2 cây bút bi, bảo chúng tôi đến Hội trường và nói:

-“Hai anh hảy tường trình lại đúng y như lởi vệ binh đã nói, tức là anh Vàng đã đánh vệ binh, cướp súng để trốn trại nên đã bị vệ binh bắn chết. Viết ngắn gọn thôi rồi ghi tên mình, Khối và Trại và ký tên là xong. Càng nhanh càng tốt”.

Tôi không biết Chí có ý nghĩ gì không. Riêng tôi thì thầm nói: “Anh Vàng, xin anh thứ lổi và thông cảm cho hoàn cảnh chúng tôi hiện giờ. Nhưng tôi xin hứa với anh là sẽ kể lại toàn bộ chuyện này cho chị Đường nghe sau khi tôi được tha về!”

Chưa tới 10 phút, chúng tôi đã viết xong. tên Quản giáo cầm từng tờ giấy lên đọc rồi gật đầu, nói:

-“Hai anh về làm vệ sinh quanh Nhà rồi nghỉ ngơi đi!”, rồi bước nhanh về phía cổng trại.

Khoảng 1 giờ sau, chúng tôi đã làm xong công việc được giao phó, rồi Chí thì soạn kim chỉ vá chiếc bị của anh, còn tôi thì nằm ngả người trên sạp, mắt nhìn lên trần nhà, nhưng lại không thấy trần nhà mà lại thấy hiện ra 2 hình ảnh của anh Vàng:

-Một anh Vàng với thân thể cường tráng, nở nang, tiềm ẩn một sức lực dồi dào (anh đã từng được bình bầu xuất sắc trong lao động rất nhiều lần và là người khỏe nhất Nhà), dáng người tầm thước (khoảng 1,68 mét), nước da hơi đen sạm. Điểm đặc biêt là anh có đôi mắt to, màu đen pha một chút màu nâu, đầy vẻ bướng bỉnh. Anh thường ít nói và cũng ít cười nhưng dể tiếp cận. (Tôi chỉ thấy anh cười nhiều nhất, bằng mắt nhiều hơn bằng miệng, khi tôi kể mấy chuyện phiếm tôi còn nhớ từ cuốn ‘Truyện cười của Đặng-trần-Huân’). Còn nghe nói anh cũng có ‘nghề’ (biết võ thuật) nữa. Hình như anh không hút thuốc, nhưng vì có một vài người trong Nhà tập hút thuốc lào nên anh đã thử. Và trong những lần đầu, khi anh rít xong một hơi thì mặt anh trở nên đờ đẩn, mắt mơ màng khiến anh em không nhịn được cười...

-Và Một anh Vàng trong tư thế nằm sấp nơi lòng suối khô của vùng Cò Bay, Bồng Miêu với 3 lổ đạn ở lưng, rồi trong tư thế nằm ngữa với má và miệng banh nát sau loạt đạn thứ hai, với cái đầu lắc lư trên đầu vỏng... : kết quả từ thủ đoạn đê hèn của một chế độ đầy âm mưu thâm độc...

Hai hình ảnh này cứ luân phiên chợt ẩn chợt hiện không ngừng trước mắt tôi như chồng chất thêm trong lòng tôi nổi xót xa, mất mát một người bạn tù đáng kính.

Anh đã nằm xuống nhưng tên Vỏ-Vàng của anh sẽ không bao giờ chết trong lòng chúng tôi. Anh vẩn là Người hùng, một Ngôi sao sáng chói trong Binh chủng Biệt Động Quân, trong Quân Lực Việt nam Cọng Hòa.

Vì hoàn cảnh không cho phép gặp trực tiếp để kể lại cho chị Đường và các cháu nghe, tôi xin ghi lại những dòng này thực hiện lời thầm hứa với anh Vàng sau hơn 38 năm.

Tôi cũng thành thật xin lổi đã gợi lại những buồu đau của gia đình chị mà có lẻ phần nào đã phôi pha theo thời gian, nhưng đồng thời cũng giúp chị và các cháu luôn giử vửng niềm tự hào đã có một người chồng, người cha kiêu hùng, bất khuất...

Tôi cũng cảm ơn anh Tấn đã nhắc tôi ghi lại sự kiện này, và nhờ anh (Cựu Tr/tá, Tr/Đoàn phó Tr/Đoàn 2/SĐ 3 BB) tìm cách liên lạc và chuyển giùm, không chỉ cho chị Đường mà còn cho những người có tên đã được đề cập trong bài viết để nhận những phản hồi thông qua anh.


Trung Thu năm 2015
Xtanker20
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Thăm bà quả phụ 'Người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương'

Việt Hùng

Người Việt


SÀI GÒN (NV) - Năm nay, 2016, là đúng 45 năm ngày mất của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương (1971-2016), Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù,
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðại Úy Ðương hy sinh tại chiến trường Hạ Lào vào đầu năm 1971,
và được mọi người biết đến như một huyền thoại qua tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, “Anh Không Chết Ðâu Anh.”
Phóng viên Việt Hùng của Người Việt đến thăm bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai,
tại tư gia ở Quận 11, Sài Gòn và được bà dành cho cuộc phỏng vấn dưới đây.

Image
Bà Trần Thị Mai bên di ảnh chồng. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)


Việt Hùng (NV): Xin bà cho biết ký ức về thời gian Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương hy sinh ở mặt trận Hạ Lào?

Bà Trần Thị Mai (TTM): Tôi còn nhớ những ngày đó, nó rơi vào những ngày cuối Tháng Hai Dương Lịch, 1971. Lúc đó tôi lên phòng hậu cứ để lãnh lương của anh Ðương, thì được một người lính nhảy dù, buồn bã nói với tôi là “một tuần nữa chắc chị có khăn mới đeo.” Lúc đó tôi không biết khái niệm “khăn mới” là gì hết.

Một tuần sau, tôi nhận được giấy báo mất tích của anh Ðương tại đồi 31, căn cứ Hạ Lào (tức vào sâu trong vùng biên giới nước Lào khoảng 25km). Lúc đó tôi vẫn còn hy vọng. Tôi cầu nguyện và xin lá xâm trên chùa, thì được thầy cho biết là “người này đang gặp đại nạn.” Tuy vậy, tôi vẫn còn rất tin tưởng là chồng mình còn sống.

Thế nhưng anh Ðương, ảnh rất là “linh.” Sau đó khoảng 3 ngày thì tôi nằm ngủ mơ, trong giấc mơ, tôi thấy anh Ðương về nhà trong tình trạng bị thương ở chân, vẫn còn mặc bộ đồ lính và nói với tôi là “lần này anh đi không trở lại được, em ở nhà ráng nuôi các con khôn lớn. Anh vẫn luôn che chở cho mẹ con em.” Tôi òa khóc! Giật mình tỉnh dậy thì không thấy ai bên mình hết. Lúc đó thì tôi tin là anh Ðương đã mất.

Sau đó đúng 3 ngày thì tôi nhận được giấy báo tử của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đề ngày mất là 24 Tháng Hai, 1971, nhằm 29 Tháng Giêng, năm Tân Hợi. Bởi vậy gia đình tôi vẫn luôn cúng giỗ cho anh Ðương vào ngày 29 tháng Giêng âm lịch. Năm nay là nhằm ngày 7 Tháng Ba Dương Lịch.
Image
Với bà Mai, “anh Ðương vẫn mãi sống trong tim mình.” (Hình: Việt Hùng/Người Việt)


NV: Về thông tin những giây phút cuối đời của Ðại Úy Ðương, bà có nắm được gì không?

TTM: Lần cuối anh Ðương ở nhà là vào Mồng Một Tết Tân Hợi 1971. Qua ngày Mồng Hai anh được lệnh phải vào gấp trong trại, và anh gọi điện về là sẽ đi chiến dịch quan trọng, nên mẹ con ở nhà ăn tết vui vẻ. Sang Mồng Ba thì toàn bộ Sư Ðoàn Nhảy Dù đã âm thầm di chuyển bằng không vận từ các căn cứ gần Sài Gòn ra Ðông Hà, Quảng Trị.

Lần lượt các đơn vị Dù đã được không tải đến những địa điểm ấn định từ trước, phối hợp với các đơn vị khác, thực hiện cuộc hành quân mang tên là “Hành Quân Lam Sơn 719” nhằm tiến quân đánh thẳng vào các căn cứ tiếp vận quan trọng của Cộng Sản ở đường mòn Hồ Chí Minh, vùng Hạ Lào (tức là vượt biên 25 km qua lãnh thổ Lào). Con số 719 là gồm 71 là năm 1971 và số 9 là Quốc Lộ 9, con đường huyết mạch để chuyển quân trong chiến dịch này. Vì vậy có tên gọi “Hành Quân Lam Sơn 719.”

Sau này khi tôi nghe các anh lính cũng là lính Nhảy Dù trong chiến dịch hành quân Lam Sơn 719 kể lại thì lúc giáp chiến với quân đôi Bắc Việt là vào 19 giờ tối ngày 24 Tháng Hai, 1971. Cả pháo đội 3 của anh Ðương đều bị trúng đạn, đường tiếp viện bị cắt, biết không thể thoát, anh Ðương ra lệnh cho các anh em tuyến dưới ai tháo chạy được thì cứ chạy. Còn anh Ðương vẫn ở lại với một chân bị thương rất nặng, sau đó anh tuẫn tiết bằng khẩu súng tự bắn vào đầu mình.

Qua hôm sau là ngày 25 Tháng Hai, 1971, cả căn cứ 31 thuộc vùng Hạ Lào đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của quân đội Bắc Việt. Rất nhiều người lính VNCH đã bỏ mạng nơi đây... (khóc)

NV: Rồi sau năm 1975 cuộc sống gia đình bà ra sao?

TTM: Từ năm 1971 đến 1975 thì tôi vẫn còn lương của chính quyền VNCH, nên tuy một mình, tôi vẫn đủ nuôi 4 đứa con (3 trai 1 gái). Tuy nhiên sau năm 1975 thì cuộc sống gia đình tôi bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn. Ðầu tiên là từ phía chính quyền CSVN, thời gian đầu họ “kiểm tra hộ khẩu” nhà tôi liên tục. Có nhiều đêm tôi không dám ở nhà vì sợ cảm giác “gõ cửa lúc nửa đêm.”

Vì hoàn cảnh quá khó khăn, tôi làm đủ thứ nghề mà vẫn không khá được. Các con tôi đều không được học hành đàng hoàng. Lớn lên một tí thì hai đứa con trai lớn vì không chịu nổi hoàn cảnh và đã đến tuổi đi “bộ đội” (trên 18 tuổi, luật của CSVN là bắt đi nghĩa vụ quân sự), nên đã bỏ trốn qua Campuchia làm nghề cạo mủ cao su. Rồi cả hai đều mất vì những căn bệnh hiểm nghèo. Có lẽ hít phải mùi cao su quá nhiều và ăn uống kham khổ nên đổ bệnh.
Image
Nguyễn Viết Xa, con trai cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, bên bàn thờ thân phụ. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)


Ðứa con trai út đang sống với tôi là Nguyễn Viết Xa, năm nay đã 47 tuổi, lúc bố mất, nó mới có 2 tuổi à. Hiện nay nó đang làm nghề chạy xe ôm. Còn đứa con gái thì lấy chồng ở bên phía nhà chồng.

Bản thân tôi năm nay đã bước sang tuổi 76, bệnh tật đầy mình, một con mắt đã mù hẳn vì nhà sập trong quá khứ. Hiện nay căn nhà tôi đang ở là của bố mẹ chồng (tức bố mẹ anh Ðương).

NV: Với tư cách là vợ người anh hùng đã hy sinh vì sự bình yên của miền Nam, bà có mong muốn điều gì?

TTM: Với tôi thì tuổi đã già, tôi không mong muốn gì hơn là có thể được sang vùng Hạ Lào năm xưa, để hỏi thăm về tin tức anh Ðương. Tôi biết là rất khó có thể tìm được xương cốt của ảnh, nhưng ít ra tôi có thể chứng kiến được vùng đất nơi anh ấy đã bỏ mạng. Từ ngày anh ấy mất cho đến giờ, tôi chưa một lần được sang vùng đất đó, vì nhiều lý do, trong đó vì không có kinh phí và người dẫn đường, cùng với những bộn bề của cuộc sống làm tôi vẫn chưa thực hiện được mong muốn của mình.

NV: Với những thăng trầm của cuộc sống, điều gì khiến bà cảm thấy hối tiếc nhất, và tự hào nhất?

TTM: Ðiều tôi hối tiếc là chưa nuôi dạy con được tốt. Bốn đứa con không đứa nào được học hành đàng hoàng. Hai đứa đầu thì đã mất, đứa con gái lấy chồng thì cũng tạm ổn, nhưng thằng con trai út thì vẫn phải hành nghề xe ôm kiếm sống qua ngày. Tôi có lỗi với anh Ðương về điều này (khóc).

Còn điều tôi tự hào nhất thì chắc chắn là về anh Ðương. Tôi tự hào khi có được người chồng anh dũng như vậy. Bản thân tôi không “đi bước nữa” cũng vì lý do này. Với tôi anh Ðương vẫn luôn là người anh hùng trong tim tôi!

Cho đến bây giờ, lâu lâu tôi vẫn mở bản nhạc “Anh Không Chết Ðâu Anh” để nghe. Tôi thuộc làu từng lời bài hát đó, nhưng vẫn cứ thích nghe đi nghe lại và ngồi hát một mình vu vơ (cười).

NV: Cảm ơn bà đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này. Xin chúc bà được nhiều sức khỏe và mong bà sớm thực hiện được ước muốn của mình là được sang vùng Hạ Lào để nhìn thấy nơi Ðại Úy Ðương đã anh dũng hy sinh. Biết đâu điều kỳ diệu sẽ đến, khi bà tìm được xương cốt của cố đại úy.

TTM: Cảm ơn Người Việt rất nhiều. Xin chúc độc giả quý báo một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Anh Không Chết Ðâu Anh


Tác giả: Trần Thiện Thanh


Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Ðương
Tôi vẫn thấy đêm đêm, một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe trong đêm kêu gào, từng tiếng súng pháo đếm mau
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi

Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang, trong lòng muôn người biết thương đời lính
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh

Ôi đất mát trên đồi xanh, tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Ðâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia, lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh

Không, anh không, anh không chết đâu em, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh...
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

TRƯỜNG SĨ QUAN HẢI QUÂN VÀ TÔI

TRẦN VĂN SƠN


Image
Trung tâm huấn luyện Sĩ Quan Hải quân ở Nha Trang thời VNCH
Nhà văn Điệp Mỹ Linh tái bản cuốn tài liệu “Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975” và nhờ tôi hai việc: (1) đọc lại bản gốc và góp thêm ý kiến (2) viết về trường Sĩ quan Hải Quân thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang (TTHL/HQ/NT) qua kinh nghiệm cá nhân trong thời gian tôi phục vu tại đó.

Cảm phục bà Điệp Mỹ Linh có công ghi lại thành sách cuộc di tản của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (HQ/VNCH) vào những ngày cuối cùng của miền nam Việt Nam nên tôi nhận lời. Qua cuốn Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 nhà văn Điệp Mỹ Linh cũng viết một cách sơ lược về tổ chức Hải Quân và các đại đơn vị trong đó có TTHL/HQ/NT.

Bà Điệp Mỹ Linh cho biết 30 năm trước, Trung Tướng Vĩnh Lộc đã gợi ý và khuyến khích bà viết về cuộc di tản của Hải Quân Việt Nam. Bà đã tiếp xúc và đề nghị nhà văn Hải Quân Phan Lạc Tiếp và nhà thơ Hải Quân Hữu Phương viết thì phải lẽ hơn. Nhưng mới di tản còn lo việc ổn định gia đình không vị nào có thì giờ để viết.

Nguyên là vợ của Trung Tá Hồ Quang Minh, bà Điệp Mỹ Linh đã theo chồng qua nhiều đơn vị tác chiến trong thời gian cuộc chiến trên sông rạch tại miền Nam sôi động. Bà từng thấy rõ sự hy sinh của người lính và bà đã yêu thương người lính Cộng Hòa một cách đậm đà, trong đó có những người lính áo trắng.

TTHL/HQ/NT là một đại đơn vị nên trong cuốn Hải Sử Tuyển Tập do Ủy Ban Hải Sử thuộc Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải soạn và ấn hành năm 2004 đã có một chương đầy đủ về lịch sử của đơn vị. Trong cuốn Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 này cũng có một chương dành cho TTHL/HQ/NT nên tôi không đi vào những chi tiết có tính tài liệu. Những gì tôi viết ở đây là những cảm nhận cá nhân qua 13 năm phục vụ tại đó. Như là chút gia vị thêm vào một món ăn nhà văn Điệp Mỹ Linh đã nấu sẵn mà Hội Đồng Hải Sử đã dùng khá nhiều khi soạn thảo cuốn Hải Sử Tuyển Tập.

Sau đây là câu chuyện 13 năm phục vụ tại trường Sĩ quan Hải Quân quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong 16 năm quân ngũ của tôi.

Tôi kể lại những gì tôi còn ghi trong ký ức để cùng nhau nhớ lại một thời đã qua. Cấp bậc của các sĩ quan tôi dùng là cấp bậc của thời điểm đó. Khi nhắc lại tôi dùng tên các sĩ quan để bớt chữ và gọn gàng. Xin bạn đọc đừng hiểu là thiếu kính trọng. Và tôi không dùng nhóm chữ “người viết bài này” để thay chữ tôi như một số tác giả hay dùng.

Tôi rất mong quý độc giả đọc những dòng này trong tinh thần khoan dung. Có thể nhiều điều tôi ghi lại không giống với nhận xét của các bậc đàn anh cũng như đối với các sĩ quan tôi đã góp phần đào tạo tại quân trường .

“Mười ba năm” liên tục tại một đơn vị trong 16 năm quân ngũ! Đến đơn vị năm 1958 với cấp bậc Thiếu úy, rời đơn vị khi giải ngũ năm 1971 với cấp bậc Trung Tá. Tôi không biết có vị sĩ quan nào trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa có một lý lịch phục vụ như vậy?

Đổ Tú Tài phần thứ nhất ở Huế năm 1954, tôi vào Sài Gòn vừa học cán sự Vô tuyến điện, vừa tự luyện thi Tú Tài phần hai. Xong phần hai giữa năm 1955, có thông cáo của Hải Quân Việt Nam tuyển mộ sinh viên theo học hai ngành sĩ quan tại trường Sĩ quan Hải Quân Pháp tại Brest: một ngành Pont (chữ Pháp có nghĩa là cái sàn tàu, chuyên về lái tàu) và một ngành Machine (chữ Pháp có nghĩa là máy móc, cơ khí, chuyên học về các loại máy tàu). Tôi ghi tên thi vào ngành cơ khí. Brest là thành phố biển ở cực tây tỉnh Finistere trông ra Đại Tây Dương.

Chương trình học gồm 3 năm: hai năm lý thuyết và một năm thực tập trên một chiến hạm đi vòng quanh thế giới để các sĩ quan Hải Quân tương lai có cơ hội làm quen với thế giới quanh mình.

Khóa tôi, Khóa 4/Brest, xong phần lý thuyết cuối năm 1957 mãn khóa với cấp Thiếu úy và văn bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hải Quân do Bộ Hải Quân Pháp cấp. Lúc này quan hệ giữa Hải Quân Pháp và Hải Quân Việt Nam bắt đầu “cơm không lành canh không ngọt”, Hải Quân Pháp bỏ chương trình thực tập trả chúng tôi về nước. Chúng tôi gồm Hùng, Ninh, Đẩu ngành Pont, Ích và tôi ngành Cơ khí về nước trên chuyến bay DC 6 bốn cánh quạt bay từ Paris xuống Nice, qua Teheran, Bombay rồi Sài gòn.

Tôi được đổi xuống Hải Vận Hạm Hát Giang HQ 400. Sau đó tôi được thuyên chuyển qua Hộ Tống Hạm Đống Đa HQ 03 do Trung úy Phan Phi Long làm Hạm phó. Hạm trưởng, Thiếu Tá Lâm Ngươn Tánh lúc đó là Chỉ huy trưởng Hải Lực không thường trực chiến hạm. Khi đi công tác Trung úy Phan Phi Long chỉ huy chiến hạm. Thời gian phục vụ Hộ Tống Hạm Đống Đa có hai công tác đáng nhớ. Thứ nhất là mang lương thực chăn màn cho tù nhân tại Côn Đảo, thứ hai là tiếp tế cho một đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa đồn trú bảo vệ đài khí tượng Hoàng Sa.

Cuối năm 1957, HQ 03 được chuẩn bị đi Subic Bay, một căn cứ lớn của Hải Quân Hoa Kỳ tại Philippines sửa chữa đại kỳ. Bộ chỉ huy chiến hạm thay đổi gần hết. Đại úy Nguyễn Thanh Châu Hạm trưởng, Trung úy Nguyễn Phổ Hạm phó, Thiếu úy Trịnh Hòa Hiệp Sĩ quan đệ tam, tôi Cơ khí trưởng.

Gia nhập gia đình Hải Quân điều làm tôi ngạc nhiên là các danh từ Hải Quân Việt Nam dùng. Các sĩ quan nhận binh chủng Hải Quân từ người Pháp đa số học trường Pháp, không nhuần nhuyễn ngôn ngữ Việt nên khi cần danh từ Việt để thay thế danh từ Pháp trong Hải Quân quý vị sĩ quan này tự phát huy sáng kiến tạo ra một số danh từ không sát nghĩa. Ngành pont họ gọi là Ngành chỉ huy. Tướng một sao Hải Quân gọi là Phó Đề Đốc, tướng Hải Quân 2 sao gọi là Đề Đốc.

Trong Hải Quân Hoa Kỳ ngành Pont gọi là Line Officer, các sĩ quan chuyên môn khác gọi là Limited Duty Officers (sĩ quan các ngành chuyên nghiệp). Khi dịch chữ Pont của Pháp hay chữ Line Officers của Mỹ ra Sĩ quan Hải Quân Ngành Chỉ Huy các sĩ quan có nhiệm vụ xây dựng Hải Quân Việt Nam trong bước đầu trong những năm 1954, 1956 đã tạo ra một sự hiểu nhầm. Có nhiều sĩ quan ngành Pont của Hải Quân Việt Nam tưởng rằng ngành Pont mới biết chỉ huy. Cái bệnh này lây đến thượng tầng Bộ Tư Lệnh Hải Quân đến độ có lúc nhiều sĩ quan tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam nghĩ rằng chỉ có các sĩ quan ngành Pont mới có quyền chỉ huy các đơn vị hải quân kể cả các đơn vị chuyên môn.

Tướng Hải Quân một hay hai sao gọi là Phó Đề Đốc và Đề Đốc lại càng khó nhịn cười hơn. Đô Đốc là tướng Hải Quân điều đó đã rõ trong binh sử Việt Nam. Nhưng Đề Đốc là một chức quan bộ binh. (Ông bác ruột của mẹ tôi là một Đề Đốc, một quan chức bộ binh của triều đình Huế. Thuở nhỏ chúng tôi vẫn gọi ông một cách cung kính là “Ôn Đề”). Không thông thạo ngôn ngữ Việt được dùng trong binh chủng xưa, các sĩ quan Hải Quân Việt Nam đầu đàn thấy chữ Đề Đốc giống với Đô Đốc nên lấy chữ Phó Đề Đốc và Đề Đốc làm cấp bậc cho các tướng Hải Quân một sao và hai sao. Có chữ để dùng còn hơn không có cho nên không ai quan tâm. Và lên Bộ Tổng Tham Mưu cũng cứ thế mà dùng!

Đầu năm 1958 khi HQ 03 sửa chữa đại kỳ xong chuẩn bị về nước, tôi nhận được công điện thuyên chuyển ra TTHL/HQ/NT.

Tôi đến TTHL/ HQ khoảng một năm sau khi Hải Quân Pháp giao TTHL/HQ/NT cho Hải Quân Việt Nam để rút về nước sau một thời gian gần 100 năm đô hộ Việt Nam, kết thúc bằng Hiệp Định Geneva năm 1954 sau một cuộc chiến dài 9 năm đẩm máu.

Tôi tưởng ra Nha Trang vài năm rồi đi đơn vị khác. Không ngờ tôi ở đó liền 13 năm, cho đến năm 1971 tôi đắc cử dân biểu quốc hội, đại diện Thị xã Nha Trang và giải ngủ với cấp bậc Trung Tá, tham gia việc huấn luyện 15 khóa Sĩ quan Hải Quân từ khóa 8 đến khóa 22, với tổng số 2.079 sĩ quan. Các khóa sĩ quan thay đổi sĩ số và thời gian huấn luyện tùy theo nhu cầu quốc phòng. Ít nhất là Khóa 9 gồm 38 sinh viên sĩ quan thời gian huấn luyện 2 năm. Nhiều nhất là Khóa 19 gồm 272 sinh viên và thời gian huấn luyện 12 tháng.

Thiếu Tá Đặng Cao Thăng, Chỉ huy trưởng bổ nhiệm tôi vào khối giảng viên của trường Sĩ quan Hải Quân. Lúc đó khóa 8 đang thụ huấn. Từ khóa 1 đến khóa 7 Sinh viên Sĩ quan học bằng chữ Pháp, giảng viên là Sĩ quan Hải Quân Pháp. Kể từ khóa 8 tất cả giảng viên đều là sĩ quan Hải Quân Việt Nam và Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) quyết định dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ theo lệnh tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hải Quân là một binh chủng chuyên môn nên khối giáng viên chúng tôi hết sức chật vật khi tìm danh từ để dịch tài liệu giáo khoa của Hải Quân Pháp. Trung úy Đặng Đình Hiệp là người đã đóng góp nhiều công sức trong việc phiên dịch này. Chúng tôi đã nhờ rất nhiều vào cuốn “Danh Từ Khoa Học” của ông Hoàng Xuân Hãn. Trung úy Lê Phụng từng nói đùa “không có cuốn danh từ khoa học này thì tụi mình cùi”. Và cùi thật vì chẳng lẽ thiếu danh từ cứ chêm bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên cuốn Danh Từ Khoa Học không đủ các danh từ chuyên nghiệp nên chúng tôi phải tạo thêm ra, vừa sọan bài vừa đánh đu với chữ nghĩa.

Việc thi tuyển Sinh viên Sĩ quan khóa 8 đã tạo một sự hấp dẫn hiếm có cho binh chủng Hải Quân. Các sĩ quan Hải Quân trong ban giám khảo như Đại úy Đặng Cao Thăng, Đại úy Nguyễn Xuân Sơn, Trung úy Đặng Đình Hiệp, Lê Triệu Đẩu, Nguyễn Tiến Ích, Lê Phụng với bộ quân phục trắng lạ mắt, đặc biệt Trung úy Lê Phụng có dáng dấp một giáo sư đại học, nghiêm chỉnh mà không tỏ ra nghiêm khắc đã là những thỏi nam châm thu hút sinh viên thanh niên đất Thần kinh yêu mộng hải hồ, và các nữ sinh Huế biết yêu màu áo trắng.

Thời gian ông Phụng làm Hiệu trưởng trường Sĩ quan Hải Quân ông đã khuyến khích truyền thống “đàn anh dạy dỗ đàn em” (tiếng Pháp: brimade) của trường Sĩ quan Hải Quân Brest. Đây là một truyền thống có mục đích lột cái vỏ dân sự và sự tự ái của các tân Sinh viên. Nhập trường, các tân Sinh viên phải hoàn toàn tuân phục khóa đàn anh, bắt chạy, bắt quỳ, bắt nói những câu nói vô nghĩa. Nhưng nếu chỉ có thế thì không sao. Có khóa đàn anh lạm dụng quyền bắt đàn em làm những việc có hại cho sức khỏe như bắt đồ ăn hư thối, nằm trong thùng rỗng hai đầu rồi đá lăn tròn, hay bắt đàn em mang bao lô nặng quá tải chạy ngoài sức chịu đựng, quấy phá không cho ngủ trong nhiều đêm liên tiếp… Dưới triều Trung úy Phụng ông thường làm ngơ trước các lạm dụng.

Sau khi ông Phụng rời quân trường cuối năm 1966, “brimade” đã thành truyền thống của trường Sĩ Quan Hải Quân. Sự lạm dụng vẫn tiếp tục và đã làm thiệt mạng một Sinh viên Sĩ quan (Vũ Thế Tiệp, Khóa 17).

Sau tai nạn này BTL/HQ chỉ thị quân trường kiểm soát chặt chẽ trò chơi có tính huấn luyện này để không bị lạm dụng.

Tháng 8/1965 Việt cộng từ Đồng Bò sau lưng trường pháo kích vào khu Sinh viên Sĩ quan làm thiệt mạng 3 Sinh viên khóa 14.

Ngoài ông Phụng, Đại úy Đỗ Kiểm cũng ảnh hưởng nhiều đến các sĩ quan tại quân trường. Châm ngôn của ông Kiểm là “an officer and a gentleman”, nghĩa là một sĩ quan Hải Quân còn là một người tao nhã thuộc tầng lớp thượng lưu. Châm ngôn này ảnh hưởng tốt đến các sĩ quan tương lai. Đóng vai một “gentleman” dù có khi gượng gạo cũng tốt hơn là một kẻ chân trần. Châm ngôn của ông Kiểm đã giúp cho nhiều sĩ quan Hải Quân tòng học tại trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang chinh phục được nhiều thiếu nữ đẹp, có tài thuộc các gia đình phong lưu tại Nha Trang. Gia đình nào lại không thích một chàng rễ “gentleman” nhất là các gentlemen làm trắng xóa thành phố Nha Trang trong những ngày cuối tuần.

Nguyên tắc thuyên chuyển sĩ quan của BTL/HQ là sau một thời gian phục vụ tại Sài gòn các sĩ quan phải ra phục vụ các đơn vị xa Sài gòn và nhiều sĩ quan các Khóa Nha Trang, cũng như các Khóa Brest đã ra phục vụ tại TTHL/HQ/NT. Nhờ đó tôi có dịp làm việc chung với hầu hết sĩ quan của Hải Quân.

Tôi nhận thấy mỗi vị có một cung cách, một tác phong, có tình đồng đội và tương kính lẫn nhau. Có người sau này trở thành tướng lãnh như các Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Đặng Cao Thăng,Vũ Đình Đào, Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Hữu Chí. Ông Chí là một nhà thơ, thi sĩ Hữu Phương, rất hiền lành.

Các vị Chỉ huy Trưởng mỗi người một tư cách lãnh đạo,và sau thời gian ở dưới quyền chỉ huy của các ông tôi đều mến phục và quý trọng các ông.

Thiếu Tá Đặng Cao Thăng bình dân theo lối một “gentleman” sĩ quan ai cũng nể. Đại Tá Đinh Mạnh Hùng hòa nhã, ít nói, thân thiện một cách kín đáo. Gần ông sĩ quan cảm thấy dễ chịu.

Đại Tá Khương Hữu Bá xuề xòa, nhưng khi cần nghiêm khắc ông cũng nghiêm khắc. Kỳ thi ra trường Khóa 19 tháng 2/1970, tỉ số hỏng khá cao, ông cho mời tôi – lúc đó giữ nhiệm vụ Văn Hóa Vụ trưởng phụ trách việc huấn luyện – vào trình diện phạt tôi 15 ngày trọng cấm vì “không làm tròn nhiệm vụ để sinh viên hỏng quá nhiều”. Mới nghe tôi tưởng ông nói chơi, nhưng nhận ra ngay không phải chuyện đùa. Chưa bao giờ bị phạt tôi tự hỏi không biết ông sẽ giam tôi ở đâu, trong quân trường hay gởi ra quân lao Nha Trang … Tôi không biết rằng sĩ quan bị phát trọng cấm không bị giam mà chỉ ghi vào quân bạ. Hồ sơ này ảnh hưởng đến việc thăng thưởng và việc chọn đi du học.

Điều lạ là tôi bị phạt, nhưng không mất chức Văn Hóa Vụ trưởng và cũng không thấy phòng nhân viên BTL/HQ ghi vào quân bạ. Không biết ông Bá dọa tôi, hay khi trình về Sài gòn BTL/HQ thấy vô lý nên không phê chuẩn hình phạt.

Sau này, sau ngày 30/4/1975 , có một lần tôi lên Chicago, nơi gia đình ông Bá định cư, định đến thăm chỉ huy trưởng cũ và nhân thể hỏi để biết sự thật thì ông bà Bá tránh lạnh đã dời về Houston.

Thiếu Tá Nguyễn Đức Vân là vị chỉ huy trưởng đáng nhớ nhất. Ngoài sự tận tụy với TTHL/HQ ông có một thú vui là ham mê phong thủy. Ông tin tử vi, ngày giờ tốt xấu, thích nghiên cứu thế đất. Trong văn phòng làm việc rộng thênh thang ông gắn mốt tấm bản đồ nổi vùng tỉnh Khánh Hòa và các hải đảo chung quanh, Hòn Tre, Hòn Tằm, đảo Vĩnh Nguyên … . Ông thường đứng trước tấm bản đồ nổi ngắm nghía như đang tìm tòi chiêm nghiệm một cái gì.

Thiếu tá Vương Hữu Thiều làm Chỉ huy Trưởng trong thời gian chính quyền tổng thống Ngô Đình Điệm đang thịnh. Trong đơn vị chỉ có Tuyên úy Công giáo, chưa có tuyên úy các tôn giáo khác. Nhưng đến ngày Phật Đản các quân nhân theo đạo Phật (do tôi đại diện) vẫn trang trí đơn vị với nhiều giây đèn điện kéo từ đỉnh cột cờ xuống. Cột cờ của TTHL/HQ/NT rất cao nên đèn giăng sáng rực một vùng trông rất đẹp mắt. Nó là một thông lệ tại TTHL/HQ/NT trong ba ngày lễ lớn trong năm là Tết Nguyên Đán, ngày Phật Đản và ngày Chúa Giáng Sinh không ai thắc mắc cả.

Vào đầu thập niên 1960 quan hệ giữa ông Diệm và Phật Giáo căng thẳng. Và việc treo cờ hay kéo đèn tại các đơn vị quân đội trong ngày Phật Đản trở thành “taboo”. Tại TTHL/HQ/NT vào ngày Phật Đản năm 1962 tôi vẫn yêu cầu ban điện kéo bốn giây đèn rực rỡ trước sân cờ. Ông Thiều không an tâm, nhưng thay vì ra lệnh cho tôi tắt đèn, ông tự tay tắt dao điện.

Cách hành xử “gặp thời thế, thế thời phải thế” của Thiếu Tá Thiều thật là tế nhị. Tôi buồn ông nhưng tôi cũng thầm cám ơn ông đã không dùng quyền chỉ huy trưởng ra lệnh cho tôi.

Hồi Thiếu Tá Bùi Hữu Thư làm Chỉ huy Trưởng, tại quân trấn Nha Trang có dịch chia đất quân sự cho các sĩ quan, dẫn đầu là Không quân. Thấy Không quân chia khu đất sát bờ biển hai bên con đường dẫn vào phi trường dân sự và xây các biệt thự nguy nga, ông Thư quyết định chia khu đất nằm trước cư xá Hạ sĩ quan cạnh căn cứ Hải Quân Nha Trang cho sĩ quan quân trường. Chia xong, các sĩ quan đang vay tiền cất nhà thì BTL/HQ không chấp thuận chia đất. Một phen mừng hụt.

Ông Thư là người có ý thực hiện một một số cải tổ tại TTHL/HQ/NT, đặc biệt là cải thiện có kết quả chế độ ẫm thực cho Sinh viên Sĩ quan. Rất tiếc ông không kịp thực hiện các cải tổ khác. Ông chỉ làm Chỉ huy trưởng TTHL/HQ/NT trong 5 tháng (2/1966- 7/1966).

Ông Thư và tôi còn có chút duyên nợ khác. Lúc ông làm Tham Mưu Phó Quân Huấn BTL/HQ là lúc tăng gia quân số Hải Quân theo chương trình Việt Nam hóa. Ngoài việc tăng số Sinh viên Sĩ quan các khóa, TTHL/HQ/NT còn đảm nhận dạy căn bản điện và Anh ngữ cho các khóa sinh ngành điện tử và Radar (do Phòng Quân Huấn BTL/HQ tuyển mộ gởi ra) trước khi gởi họ sang học trường điện tử của Hải Quân Hoa Kỳ tại Treasure Island ở California. Các thượng sĩ phụ trách huấn luyện cho tôi biết các khóa này hầu hết người Việt gốc Hoa và đa số không nói được tiếng Việt nên việc huấn luyên rất khó khăn. Tôi điện thoại ông Thư than phiền và yêu cầu đổi thành phần khóa sinh để tiện cho việc huấn luyện. Ông Thư cho biết việc này “đụng chạm” lắm và khuyên tôi không nên xen vào.

Đại úy Dư Trí Hùng, dáng đi nghiêm trang và rất nghiêm chỉnh trong công vụ. Nhưng ngoài giờ làm việc ông là một Chỉ huy Trưởng dễ vui đùa với sĩ quan cấp dưới. Ông là sĩ quan xuất sắt nhất trong 4 khóa Sĩ Quan Hải Quân Brest, nhưng không được may mắn trong thời gian phục vụ HQ/VN.

Ở quân trường lâu năm tiếp xúc với mọi tầng lớp sinh viên đủ mọi thành phần trong xã hội từ nhiều địa phương khác nhau tôi thấy Sinh viên Sĩ quan Hải Quân thật đa dạng đa tài. Cả một xã hội nhỏ với mọi tài năng. Sinh viên sĩ quan Phạm Bách Phi Khóa 16 là một họa sĩ từng vẽ bức tranh “Hội Nghị Diên Hồng ” được điêu khắc gia Nguyễn Sao thực hiện phù điêu (bas relief) gắn nơi khung cửa Thư viện. Sau này trong Hải Quân xuất hiện những nhà thể thao nổi danh toàn quốc trong lĩnh vực bóng bàn, săn bắn dưới biển, các thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ như :

Nguyễn MinhThơ, Tôn Thất Phú Sĩ, Nguyễn Thìn (nhạc sĩ Trường Sa), Võ Bảy (nhà văn Võ Thất), Phan Lạc Tiếp, Trần Văn Tâm (nhà văn Trần Quán Niệm) …

Các khóa đầu tiên trên dưới 50 Sinh viên tôi nhớ hầu hết tác phong tính tình cũng như khả năng học tập của mỗi Sinh viên. Sau này do nhu cầu Việt Nam hóa chiến tranh, Hải Quân cần tăng quân số từ 11.000 lên 42.000 trong vòng 3 năm, số Sinh viên mỗi khóa có khi lên đến gần 300, tôi không thể nhớ mặt nhớ tên tất cả, ngoại trừ ba thành phần: học thật giỏi, thật kém và nhảy rào. Có một thành phần đặc biệt là lén chép bài khi làm bài thi. Thành phần này không phải đều học kém. Có những Sinh viên rất giỏi, nhưng muốn đổ cao đã không ngần ngại dùng tài liệu khi làm bài hay vào thi vấn đáp.

Tại quân trường tôi còn gặp lại vài bạn cùng lớp trung học tại trường Quốc học Huế hồi 1948-1955. Bạn Tôn Thất Sanh, bạn Tôn Thất Kỳ khóa 8, bạn Nguyễn Đình Điều khóa 9. Chúng tôi cùng tốt nghiệp trung học một năm. Bạn Điều vào đại học Sài gòn học Toán; bạn Kỳ vào Không quân học bay. Sau ba bốn năm lận đận các bạn Sanh, Kỳ, Điều thi vào trường Sĩ quan Hải Quân. Trong thời gian đó tôi vào trường Sĩ quan Hải Quân Pháp rồi trở về quân trường tham gia ban giảng huấn. Trong quân trường quan hệ có tế nhị, nhưng tình bạn trung học chúng tôi không hề thay đổi, lúc đó cũng như cho đến hôm nay.

Một số sĩ quan Hải Quân ra trường sau khi lăn lộn trên các đơn vị và chiến trường miền Nam và du học bổ túc tại Hoa Kỳ trở lại tham gia ban giảng huấn quân trường trong đó có bạn Điều. Và chúng tôi lại có dịp làm việc bên nhau.

Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng chỉ có mầu hồng. Khoảng năm 1968, BTL/HQ Hải Quân bổ nhiệm một sĩ quan khóa 8 làm Chỉ huy phó TTHL/HQ/NT. Ông không thâm niên tuổi lính hơn tôi, nhưng do công trạng chiến trường thăng cấp sớm ông thâm niên cấp bậc hơn tôi. Biến cố Mậu Thân tàn phá Huế, gia đình ông anh tôi vào Nha Trang tạm trú. Tôi cho làm thêm một căn gác tại khu cư xá Hải Quân trên đường Lê Văn Duyệt để gia đình anh tôi có chỗ tá túc. Vì bận rộn tôi không báo cáo xin phép ông Chỉ huy trưởng kịp lúc. Ông trưởng chưa kịp trách tôi thì ông phó đã mời tôi vào phòng “Chỉ huy phó” trách cứ tôi với lời lẽ không được nhã nhặn lắm. Lỗi mình thì đành vậy. Nhưng mỗi lần nghĩ đến phong cách giáo dục của xã hội Á Đông tôi nghĩ phải chi ông Phó báo cáo với ông trưởng để ông trưởng “la” tôi thì đẹp biết mấy!

Tại quân trường có nhiều Sinh viên Sĩ quan thuộc gia đình có thế lực trong chính quyền, trong quân đội hay trong Hải Quân, nhưng trường Sĩ quan Hải Quân không bị mang tiếng dung dưỡng. Các Sinh viên này, trong đó có một người cháu gọi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bằng chú ruột, đều biết giữ gìn kỷ luật và học hành nghiêm túc.

Có không khí lành mạnh này nhờ ông Lê Phụng. Làm Hiệu trưởng trường Sĩ quan Hải Quân ông Phụng thường tuyên bố: “Ở đây không có ‘con ông cháu cha’. Anh nào có gốc mạnh mà vô kỷ luật hay không chịu học tôi sẽ tống ra khỏi trường làm thủy thủ”. Ở một quân trường khác tuyên bố kiểu “động chạm” như vậy có thể sẽ được thuyên chuyển qua đơn vị khác. Nhưng ông Phụng người nhỏ thó thư sinh, độc thân, và khí thế giang hồ từ miền biển Đại Tây Dương chưa nhụt ông không ngại phục vụ tại bất cứ nơi nào trên đất nước. Hơn nữa trường Sĩ quan Hải Quân đang cần ông. Ông Phụng ở đó cho đến lúc trường Võ Bị Đà Lạt theo chương trình 4 năm của trường Sĩ quan bộ binh West Point của Hoa Kỳ và -3 năm đầu - đào tạo căn bản văn hoá trình độ Cử nhân Khoa học cho sĩ quan cả ba binh chủng Hải, Lục, Không quân, Bộ Tổng Tham Mưu mới chuyển ông lên trường Võ Bị Đà Lạt. Lúc này các ông Đặng Đình Hiệp, Nguyễn Tiến Ích đều được rút lên Đà Lạt tham gia ban giảng huấn trên đó. Tôi vẫn chôn chân tại trường Sĩ quan Hải Quân và thừa hưởng cái gia tài tốt của ông Lê Phụng để lại.

Thời gian Hải Quân tăng quân số ban Quân huấn lo việc huấn luyện Sĩ quan Hải Quân được tổ chức thành hai bộ phận: Quân Sự Vụ lo về kỹ luật, đời sống, lãnh đạo, tác phong … Văn Hóa Vụ lo về đào tạo văn hóa và hành trang nghề nghiệp. Tôi giữ chức vụ Văn Hóa Vụ trưởng trong một thời gian dài cho đến năm 1971 khi giải ngũ.

Từ năm 1967, tại TTHL/HQ/NT có ban cố vấn. Các sĩ quan trong ban cố vấn đều xuất thân từ trường sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ ở Annapolis. Tôi không thấy họ đề nghị một chương trình gì đặc biệt. Chương trình hai năm, 18 tháng và sau này do nhu cầu giảm xuống 12 tháng đều do Văn Hoá Vụ chúng tôi soạn thảo. Hằng tuần ông sĩ quan phụ trách cố vấn trường Sĩ Quan Hải Quân đến văn phòng Văn Hóa Vụ nhận chương trình các giờ dạy Anh Ngữ. Chương trình thay đổi hằng tuần. Chưa bao giờ có sự đụng chạm giữa chúng tôi và cố vấn Hoa Kỳ . Công việc chính của ban cố vấn là liên lạc sắp xếp chương trình thực tập cho các tân sĩ quan Hải Quân khi ra trường.

Có nhiều việc tại quân trường khó quên. Mỗi khóa học Sinh viên Sĩ quan có 3 giai đoạn và có 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi BTL/HQ Hải Quân chỉ định một Ban giám khảo. Thời kỳ chuẩn bị 4 tháng, học về văn hóa gồm chính yếu gồm các môn Toán , Điện Lý thuyết, Thiên Văn Học, Cơ bản quân sự. Chương trình Toán là một phần của chương trình Toán học Đại cương. Thi đậu chính thức trở thành Sinh viên Sĩ quan Hải Quân năm thứ nhất cầu vai mang chữ alpha, hưởng lương Trung sĩ. Thi đổ năm thứ nhất được gắn lon chuẩn úy để tiếp tục học năm cuối cùng. Thi mãn khóa đậu ra Thiếu úy Hải Quân. Hai năm sau tự động thăng Trung úy.

Kỳ thi lên alpha của Khóa 13 Trung Tá Trần Văn Phấn làm chánh chủ khảo. Đề thi do tôi soạn và quay roneo sẵn để phát cho Sinh viên (hồi đó computers và printers chưa thông dụng). Hôm thi toán Trung Tá Phấn và các sĩ quan giám thị và tôi đều có mặt trong phòng thi. Trong khi các Sinh viên đang cắm cúi làm bài, một Sinh viên đứng lên trình với ông chánh chủ khảo: “Thưa Trung Tá đề thi bị lộ”. Ông Phấn hỏi sao anh biết. Sinh viên thưa, đêm hôm qua tôi thấy nhiều Sinh viên xúm nhau lại tìm cách giải đúng các bài toán này. Ông Phấn ra lệnh thu đề thi, và chỉ thị tôi ra đề Toán khác. Tôi trở về văn phòng soạn đề mới trình ông. Ông cho viết đề thi mới lên bảng đen, phát lại giấy thi và cuộc thi tiếp tục. Sau đó ông Đỗ Kiểm, Giám đốc Quân Huấn, phụ trách điều tra và tìm ra thủ phạm lộ đề là ông Thượng sĩ quay (roneo) đề thi. Tôi không nhớ ông thượng sĩ bị phạt như thế nào.

Từ năm 1957 khi người Pháp giao lại TTHL/HQ/NT cho Hải Quân Việt Nam đến năm 1975, có tất cả 10 vị Chỉ huy trưởng. Tôi làm việc với 8 vị, ngoại trừ Thiếu Tá Chung Tấn Cang, Chỉ huy trưỏng đầu tiên và Đại Tá Nguyễn Thanh Châu, Chỉ huy trưởng sau cùng.

Không được làm việc với ông Cang nhưng tôi có dịp tiếp cận ông qua những lần ông làm Tư lệnh Hải Quân ra thanh tra thường niên. Ông là người Tư lệnh duy nhất khi thanh tra đặt những câu hỏi có ý nghĩa và đi vào trọng tâm công tác của đơn vị.

Trong thời gian ở Quốc Hội, là ủy viên trong Ủy Ban Quốc Phòng có một lần tôi tháp tùng tướng Trần Văn Đôn, dân biểu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ Nghị viện đến thăm Quân Trấn Sài gòn – Gia định do Đô đốc Cang làm Tổng Trấn để nghe thuyết trình về việc bố phòng bảo vệ thủ đô. Đích thân ông Cang thuyết trình và trả lời các câu hỏi. Ông đi vào vấn đề một cách cụ thể không hoa hòe hoa sói, không tô điểm như các cuộc thuyết trình khác. Sau cuộc thăm viếng ông Đôn nhận xét – và các ủy viên trong Ủy ban Quốc phòng đều đồng ý – người dân thủ đô có thể yên tâm với một vị Tổng Trấn như vậy.

Trung Tá Lâm Ngươn Tánh khi làm Tư Lệnh Hải Quân khác một chút. Ông nghiêm trang và quan trọng hóa những việc nhỏ nhặt làm cho không khí thanh tra rất căng thẳng. Thí dụ, ông vào các phòng nhỏ trong các phòng lớn để xem có đánh số phòng ốc đúng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ không và dùng ngón tay quẹt trên khung cửa sổ để xem còn bụi không.

Thấm thoắt 13 năm qua mau. Năm 1971 tôi ứng cử Dân biểu thị xã Nha Trang và đắc cử. Theo luật tôi giải ngũ. Trong thời gian làm thủ tục giải ngũ, tiến trình thăng thưởng của quân đội vẫn tiến hành, và tôi nhận được Quyết định thăng cấp Trung Tá do Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Châu Kim Nhân ký trước ngày có Quyết định giải ngũ. Tôi chưa có vinh dự mang lon Trung Tá Hải Quân trên vai dù chỉ một ngày.

Nhìn lại sự vắn số của Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Việt Nam tôi thấy sinh ra trong thời chiến, thanh niên bên giới tuyến nào cũng phải nhập ngũ, tôi thật sự có may mắn phục vụ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa mà phần lớn thời gian (13/16 năm) phục vụ tại TTHL/HQ/NT. Tại đó tôi đã gặp được những người Thầy tốt, Bạn tốt và những người Học Trò tuyệt vời hậu sinh khả úy.

Tôi nghiệm ra hai điều. Tinh thần binh chủng, tinh thần đồng đội, tinh thần đồng khóa, tinh thần đồng giáo, ngay cả tinh thần đồng đảng (khác với tinh thần đảng phái) là yếu tố và chất keo cần thiết nối kết con người với nhau. Nhờ tinh thần đó con người có thể cùng nhau làm việc, yêu thương nâng đỡ nhau suốt cả cuộc đời, ngay cả hy sinh cho nhau. Tinh thần đó tạo ra sức mạnh của từng tập thể. Và nếu sức mạnh của từng tập thể đó không dùng để đánh nhau, giết nhau tranh giành lợi lộc cho phe nhóm mình mà hợp quần lại với nhau trong một tập thể lớn hơn là quốc gia dân tộc thì quốc gia sẽ là một tảng xi măng cốt sắt không có sức mạnh nào phá vỡ được. Trong điều kiện đó chúng ta sợ gì xâm lăng bất cứ từ phương nào tới và lo gì đất nước Việt Nam không mở mày mở mặt với bốn biển năm châu.

Điều thứ hai, trong một lĩnh vực nhỏ hơn, là Hải Quân đối với tương lai của đất nước Việt Nam. Trường Sĩ quan Hải Quân trông ra Thái Bình Dương không khỏi nhắc nhỡ người sĩ quan Hải Quân thấy sự quan trọng của Hải lực và cũng không khỏi giật mình khi nhớ rằng một dân tộc sống gần biển như Việt Nam, có một bờ biển dài hằng mấy ngàn cây số mà không có một lịch sử mạo hiểm trên biển cả.

Cần khuyến khích tinh thần mạo hiểm và yêu biển nơi giới trẻ Việt Nam và đầu tư những gì cần thiết để xây dựng một hải lực hùng mạnh. Là nước nhỏ chúng ta không có khả năng tranh giành sự kiểm soát Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và Trung quốc. Nhưng chúng ta phải phóng tầm sức mạnh hải lực ra vùng Biển Đông để trước mắt là bảo vệ bờ cõi trong đó có việc thu hồi quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ Trường Sa và kho dầu thiên nhiên dưới đáy biển nằm trong thềm lục địa nối dài hợp pháp của chúng ta.

Đối với Việt Nam, Bộ Binh bảo vệ Đất, Không Quân bảo vệ vùng Trời, nhưng Hải Lực là yếu tố then chốt của an ninh quốc gia và nước mạnh dân gìàu.


TRẦN VĂN SƠN

Feb. 27, 2011
phaodai
Posts: 80
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:06 pm
Contact:

Post by phaodai »

Chuyện Một Thời Khói Lửa Chiến Chinh!

Image
Di ảnh Cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương
Trung Tá Bùi Đức Lạc Kể Về Cái Chết Của “Người Anh Hùng Mũ Đỏ Tên Đương”

Trung Tá Bùi Đức Lạc kể: “Lúc Nguyễn Văn Đương chết, tôi đang bay trên trời ngay trên đầu Nguyễn Văn Đương, nên tôi biết rất rõ, tại sao Nguyễn Văn Đương chết và chết như thế nào! Nguyễn Văn Đương là Pháo Đội Trưởng Pháo đội B3 Nhẩy Dù.

Trong căn cứ của anh, hiện có một pháo thủ là anh Đào Văn Thương, có thể đang có mặt tại đây, sau này là Mục Sư Đào Văn Thương. Những người trong căn cứ 31 hiện giờ không còn ai ở đây, nhưng các pháo thủ có mặt trong trận Hạ Lào, thì có Thiếu Tá Đào Kim Trọng (Pháo Đội Trưởng Pháo Đội A.3 Dù), Thiếu Tá Lý Kim Điền (Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C1 Dù), Nguyễn Kim Việt (Pháo Đội Phó Nhảy Dù) và Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C3 là Đại Úy Bành Kim Trí. Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh có một Pháo Đội 155 ly của Đại Úy Trương Như Hy, đóng tại căn cứ 30.

Ngày mà chúng tôi nhận được tin Trung Tướng Đỗ Cao Trí chết tức là ngày 21-2, ngày mà căn cứ chúng tôi bị pháo khoảng 2.000 trái đạn. Đạn dược trong trận Hạ Lào, tụi Việt cộng rất là dư thừa, nhưng mình rất là khan hiếm nó ngược lại như vậy, và các súng tối tân của nó cũng trên mình hết, tức là các súng 130 ly và hỏa tiễn.

Ở miền Nam chúng ta chỉ bị pháo hỏa tiễn 122 ly, cùng lắm là 2 nòng mà thôi. Nhưng sang Hạ Lào, chúng dùng 6 nòng, bắn một lúc 6 trái và nó bắn không bao giờ dưới 6 tràng, tức là không bao giờ dưới 60 trái; đạn dược của nó dư dả như vậy, nên căn cứ 31 của chúng tôi bị pháo khoảng 2.000 trái đủ các loại đạn. Nhưng thật sự, chúng ta ở trong Pháo Binh biết, nếu mà 2.000 trái mà trúng căn cứ, thì chắc chúng tôi thành bụi hết rồi.

Nó pháo 2.000 trái chỉ trúng căn cứ tối đa là 10 trái; cũng may như thế mà giờ đây tôi có dịp trình bày với quý vị. Không có ngày nào nó pháo dưới 1.000 trái, nhưng đa số ra ngoài căn cứ hết. Hôm 21, khi nó tấn công căn cứ 31, thì chúng tôi bị pháo như thế và căn cứ 30 cũng bị pháo tương tự. Ngày 24, là ngày căn cứ 31 bị thất thủ, tôi và Đại Tá Lưỡng, không biết ai xin, nhưng khi máy bay trực thăng đáp xuống thì hai chúng tôi phải lên máy bay đi.

Chúng tôi đang bay quan sát cho Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, lúc đó Tiểu Đoàn 8 và một Thiết Đoàn đang đụng độ với sư đoàn 320 Việt cộng. Ở bên các cánh quân khác như Lữ Đoàn 3, chỉ bị một sư đoàn tấn công, còn riêng Lữ Đoàn 1, ba Tiểu Đoàn Dù bị ba sư đoàn tấn công ngày đêm, không có lúc nào mà không có đơn xin tác xạ trên hệ thống tác xạ hết, thành ra trong trận Hạ Lào, anh em chúng tôi không bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn 10 phút, kể cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi đang bay quan sát trên không phận của Tiểu Đoàn 8, thì căn cứ 31 bị tấn công rất mạnh, tấn công giữa ban ngày.

Tất cả những trận đánh tại căn cứ 31 đều diễn ra ban ngày hết. Ban đêm chỉ là đặc công đánh nhỏ mà thôi. Khi nó tấn công thì từ chỗ tôi đang bay, nhìn qua căn cứ 31, chỗ Đương đang đụng trận, thì thấy những chiến xa của Việt cộng lờ mờ không thấy rõ, tôi ước lượng khoảng 10 chiến xa. Lúc đó Nguyễn Văn Đương gọi cho tôi nói ‘Nó đông lắm anh ơi!’. Tôi hỏi: ‘Tình trạng bây giờ như thế nào?’.

Đương cho biết: ‘Lủng tuyến rồi anh ơi!’. Tôi nhìn đồng hồ khoảng 2 giờ 50 chiều. Vào khoảng 3 giờ thiếu 10, Nguyễn Văn Đương gọi nói: ‘Em chỉ còn hai cây súng bắn được thôi’, và sau đó Đương nói, ‘Em chỉ còn một cây súng bắn được thôi. Tức là 5 cây hư, chỉ còn độc nhất một cây’. Khoảng 4 giờ, Đương cho tôi biết là, ‘Chiến xa địch đang nằm trên đầu em’.

Lúc đó Đương đang ở dưới hầm và qua máy liên hợp, tôi nghe Đương nói với một nhân viên của anh: ‘Băng cho tao, máu ra nhiều quá rồi’. Lúc bấy giờ tôi mới biết tay phải của Nguyễn Văn Đương đã bị rớt rồi và chân Đương cũng bị trúng đạn, nhưng Đương vẫn bình tĩnh nói với tôi: ‘Em lên đạn bằng cái kiểu ngày xưa đó, tức là súng Col của Đương, Đương phải dùng tay phải tỳ vô cái dây nịt bụng mà lên đạn, không thể lên đạn bằng hai tay được nữa.

Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 05 thì Đương nói: ‘11 ơi, em không liên lạc với 11 nữa, vĩnh biệt 11!’ và rồi tôi không nghe gì nữa.

Tôi nghĩ lúc đó Đương đã vĩnh biệt tất cả đồng đội. Trước khi chết, Đương cho tôi biết, anh chỉ còn có hai viên đạn cuối cùng trên nòng súng mà thôi! Và đó là cái chết của Nguyễn Văn Đương trên mặt trận Hạ Lào. Sau đó khoảng 5 phút, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 gọi cho tôi nói: ‘11 làm ơn bắn ngay trên đầu tao đi’. Trên máy bay tôi cho lệnh tất cả các pháo đội sử dụng đạn nổ CVT, dù sao tôi cũng sợ bắn đạn thường rơi vào hầm hố của quân mình, nên tôi dùng đạn CVT.

Khai hỏa vào khoảng 4 giờ 15, thì tất cả 4 pháo đội đồng khai hỏa bắn vào căn cứ 31 và bắn giết cả bạn lẫn thù, lần đầu tiên trong đời pháo thủ của tôi! Khi tôi vừa ra lệnh bắn, thì Đại Tá Lưỡng và tôi cùng cả phi hành đoàn đều bật khóc. Đó là cái chết của Đại Úy Nguyễn Văn Đương và Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù tại mặt trận Hạ Lào!

18/03/2016
Bùi Đức Lạc
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Một lần chào cuối cùng của đời quân ngũ!
Trương Quang Chung

Sau 30.4.1975, người Việt tản mát trên khắp thế giới để tỵ nạn cộng sản. Trên Sách Vở, Báo Chí, Hồi Ký, Bút Ký, trên Ðài Truyền Thanh, Truyền Hình, trong các Ðại Nhạc Hội, những lúc Hội Họp các Ðoàn Thể chính trị hay các Tổ Chức khác, trong lúc ngồi nói chuyện quá khứ với nhau, đôi lúc cũng nhắc đến cái chết của những vị Tướng lãnh hay các Sĩ Quan cao cấp khác trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những cái chết đó phải được vinh danh một cách trang trọng xứng đáng, phải được ghi vào Lịch Sử để con cháu chúng ta sau này biết đến sự tuẫn tiết của cha anh họ.

Với tinh thần đó, tôi muốn viết lên sự tuẫn tiết của Trung Sĩ I Nguyễn Thoảng cùng vợ con ngày 29.3.1975 tại Ðà Nẵng.

***

Tám giờ sáng ngày 28.3.1975, Tiểu Ðoàn tôi được lệnh rút về tuyến “vàng” phòng thủ, giữ phía Tây Nam của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I và bảo vệ Pháo Ðội 105 ly của Sư Ðoàn 3. Mở bản đồ thì biết đó là Trục Lộ 14C từ Quận Ðiện Bàn đi Ðại Lộc, Thượng Ðức thuộc Tỉnh Quảng Nam. Tiểu Ðoàn chịu trách nhiệm từ Tháp Bằng An đến Phong Thử (khoảng 2 km). Tiểu Ðoàn di chuyển đến địa điểm lúc 10 giờ sáng, đã thấy vài khẩu đại bác 105 ly đã có sẵn ở các ruộng khô cách Tỉnh Lộ 14C khoảng 50 mét.

Sau khi liên lạc với vị Pháo Ðội Trưởng để bàn hoạch phương thức bảo vệ Pháo Ðội, tôi ra lệnh, giao nhiệm vụ, chỉ định vị trí cho từng Ðại Ðội. Bộ Chỉ Huy của Tiểu Ðoàn ở gần Pháo Ðội. Khoảng 12 giờ trưa hôm đó, vị Ðại Úy Pháo Ðội Trưởng báo cho tôi biết là họ được lệnh rút lui sau. Tôi không thắc mắc vì Pháo Binh luôn luôn ở sau để yểm trợ. Tuy nhiên, tôi ra lệnh cho Ðại Úy Quý, Trưởng Ban 3 của tôi gọi về Tiểu Khu hỏi xem chúng tôi có theo họ để bảo vệ súng không?

Hai giờ 30 chiều hôm đó Sĩ Quan Ban 3 của tôi báo cho tôi biết là Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đã thông báo là dời về Non Nước.

Lúc này, tôi có phần bi quan vì theo dõi tin tức qua máy trên các tầng số của các Ðơn Vị ở Vùng I mà chúng tôi có trong đặc lệnh truyền tin.

Bốn giờ chiều, tôi hoàn toàn không liên lạc được với Liên Ðoàn 911 do Trung Tá Lê Văn Thành Chỉ Huy mà Tiểu Ðoàn tôi trực thuộc. Tiểu khu cũng biệt vô âm tín.

Tôi gọi về Trung Tâm Hành Quân của Quân Ðoàn I cũng như của Sư Ðoàn 3, họ quá bận rộn với nhiều Ðơn Vị nên khó chen vào được.

Tôi mời các Ðại Ðội Trưởng và Sĩ Quan Tham Mưu đến cho biết tình hình và bàn kế hoạch. Bây giờ tôi không còn ai Chỉ Huy nữa nên tôi quyết định rút Tiểu Ðoàn về Hội An để vào Tiểu Khu xem sự việc đồng thời đó là con đường tương đối an toàn và gần nhất để ra Ðà Nẵng.

Ðơn Vị ra Quốc Lộ 1 thì dân, lính họ chạy về Ðà Nẵng quá sức tưởng tượng. Họ đang chạy giặc. Tình hình quá bi đát, một thoáng suy nghĩ trong đầu, tôi ra lệnh tất cả dừng lại ở trong Làng cách Quốc Lộ 100 mét, chờ lệnh tôi vì tôi sợ Lính ra đây thấy cảnh đó thì bỏ Ðơn Vị về lo cho gia đình.

Tôi tiến sát Quốc Lộ 1 để xem tình hình thì gặp Trung Tá Nguyễn Tối Lạc, Quận Trưởng Ðức Dục. Ông ta cho biết tất cả các Chi Khu của Quảng Nam đều bỏ cả rồi, Tiểu Khu thì về Ðà Nẵng không liên lạc được. Ông ta còn cho biết thêm là Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 vừa cho lệnh ông là trực thuộc Ðại Tá Vũ Ngọc Hướng, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 2 thuộc Sư Ðoàn 3.

Ðại Tá Hướng chỉ huy luôn các Tiểu Ðoàn của Tiểu Khu Quảng Nam nữa. Trung Tá Lạc chỉ còn một người mang máy truyền tin, một người Lính bảo vệ thôi. Tôi đang đứng với Trung Tá Lạc thì một chiếc chiến xa M-48 từ trong đi ra thấy có Ðại Tá Hướng ngồi trên pháo tháp.

Ông ta thấy tôi liền cho xe dừng lại. Tôi là thuộc quyền của ông lúc ông ta còn là Tiểu Khu Phó Quảng Nam và hỏi tôi:

- Tiểu Ðoàn của mày đâu mà mày đứng đây?

Tôi trả lời:

- Tiểu Ðoàn tôi còn nằm trong Làng này, Ðại Tá.

Tay tôi chỉ vào trong Làng gần đó.

- Có còn đủ không?

- Còn nguyên, chưa đụng trận nào lớn cả, mà chỉ gặp du kích thôi. Bảo đảm Ðại Tá, chắc Ðại Tá biết Tiểu Ðoàn này rồi mà.

- Tao hiểu, mày đã nhận lệnh của Thiếu Tướng Hinh chưa?

- Tôi chưa nhận lệnh trực tiếp của Thiếu Tướng nhưng đã nghe Trung Tá Lạc nói rồi.

- Tốt, bây giờ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu không còn ai nữa, mày trực thuộc Trung Ðoàn tao, mày có tầng số của tao chưa?

- Có đầy đủ ở đặc lệnh truyền tin rồi Ðại Tá. Bây giờ Ðại Tá cho lệnh thế nào?
- Theo lệnh Thiếu Tướng, mày cho Tiểu Ðoàn về Hội An phòng thủ với Trung Ðoàn. Ðến nơi, mày vào gặp tao tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để nhận lệnh chi tiết.

Tôi từ giã Ðại Tá Hướng trở lui Tiểu Ðoàn trình bày cuộc nói chuyện và lệnh của Ðại Tá Hướng cũng như Trung Tá Lạc cho các Sĩ Quan nghe. Sau một hồi thảo luận, cuối cùng tôi nói: Bây giờ chúng ta về Hội An như ý định của chúng ta đã nói. Trên vấn đề quân sự, chúng ta đặt dưới quyền của Ðại Tá Hướng,nếu hữu sự, chúng ta có Lực lượng quân sự cùng chiến đấu. Về đó tùy tình hình ta xử trí sau.

Tại Hội An chúng ta có các điểm lợi sau:

- Về địa thế chúng ta đã rõ như trong vòng bàn tay.

- Có kho vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men của Trung Tâm Tiếp Vận Quảng Nam của Tiểu Khu, chúng ta xử dụng nếu chiến đấu nhiều ngày.

- Nếu, có Lính chết hay Bị Thương thì có Bệnh Viện Hội An có phương tiện cấp cứu, có Bác sĩ Trung Ðoàn 2 và Y tá.

Liên Tỉnh lộ 13C từ Ðà Nẵng đi Hội An tương đối an toàn để chúng ta về Ðà Nẵng.

Tôi đã trình bày những điểm lợi hại cho các Sĩ Quan rõ, tôi nói tiếp:

- Nếu phải bỏ Ðà Nẵng như ở Huế và Vùng II thì tôi sẽ vào trình diện Quân Ðoàn để được giúp đỡ vì Tiểu Ðoàn mình còn nguyên chưa bị tổn thất thì thế nào Quân Ðoàn cũng lo cho mình vào Sài Gòn để tiếp tục chiến đấu. Nếu tận cùng mình dùng quân số đông để áp đảo Hải Quân, yêu cầu được chở vào Nam chiến đấu.

Bây giờ đã 6 giờ chiều, mặc dù còn ánh nắng mặt trời, dân chúng cũng như Binh Sĩ chạy về Ðà Nẵng quá nhiều nên di chuyển Ðơn Vị lớn như thế rất khó khăn, dễ bị thất lạc. Tôi ra lệnh cho các Ðại Ðội Trưởng, Trung Ðội Trưởng phải bám sát Binh Sĩ của mình đừng cho thất lạc. Nếu thất lạc, họ phải đến điểm tập trung là Ty Công Chánh Hội An. Ðó là điểm tập trung của Tiểu Ðoàn, đừng vào Tiểu Khu. Tôi căn dặn thật kỹ các Ðại Ðội phải ban hành lệnh đếm từng người Lính để họ nắm rõ điểm tập họp.

Sáu giờ 30, Tiểu Ðoàn bắt đầu hướng về Hội An. Lính Sư Ðoàn 2 Bộ Binh Tiểu Khu Quảng Ngãi, Quảng Tín kéo về như kiến cỏ. Họ không còn người Chỉ Huy nên hoàn toàn vô trật tự, vô kỷ luật, chỉ cần một hành động vô ý thức làm chạm tự ái, họ có thể bắn mình một cách dễ dàng.

Tôi đến được Hội An lúc 11 giờ đêm. Tại điểm tập trung, hai Ðại Ðội đầu đã có mặt. Tôi ra lệnh phòng thủ và đợi Tiểu Ðoàn đến cho đầy đủ. Tôi vào Tiểu Khu để gặp Ðại Tá Hướng nhận lệnh.

Mười hai giờ, Tiểu Ðoàn đã đến đầy đủ. Ðại Úy Quý Ban 3 Tiểu Ðoàn, cho tôi biết quân số lúc đó là 470 người. Các Sĩ Quan có đủ, có 20 thường dân là thân nhân của các Quân Nhân của Tiểu Ðoàn theo họ (họ hy vọng nếu có vào Sài Gòn thì họ cùng Tiểu Ðoàn vào Nam được dễ dàng hơn) vì lúc ở Ðiện Bàn, các gia đình này ở đó nên họ biết có Tiểu Ðoàn về nên đem theo luôn.

Có 50 Quân Nhân các Ðơn Vị khác thuộc Tiểu Khu Quảng Nam đã thất lạc Ðơn Vị nay muốn theo chúng tôi. Tôi nói với 50 Quân Nhân này, tôi chấp thuận cho họ ở với Tiểu Ðoàn với điều kiện phải tuyệt đối tuân hành lệnh của các Sĩ Quan Tiểu Ðoàn, nếu bất tuân, tôi ra lệnh bắn bỏ, nhất là lúc đụng trận. Tôi sẽ cho họ về Ðơn Vị gốc khi tôi gặp Ðơn Vị đó. Tất cả họ đồng ý và tôi phân chia cho các Ðại Ðội tác chiến ngay.

Riêng 20 thường dân (trong số này, tôi đã biết họ vì trước đây tôi có đến nhà họ lúc thuận tiện), Tôi ra lệnh cho Trung Sĩ I Thoảng chịu trách nhiệm vì Trung Sĩ I Thoảng là Hạ Sĩ Quan Ban 5 của Tiểu Ðoàn (Trung Úy Trưởng Ban 5 vắng) đồng thời tôi giới thiệu Trung Sĩ I Thoảng cho họ biết và nói: ‘’Bà con là thân nhân của Quân Nhân các cấp trong Tiểu Ðoàn tôi, tôi có nhiệm vụ bảo vệ bà con như bảo vệ Lính tôi vậy. Nếu đụng trận bà con nghe lệnh của Trung Sĩ I Thoảng để được an toàn, đừng chạy lộn xộn mà chết, Tiểu Ðoàn đến đâu, tôi đem bà con theo đó’’. Họ hiểu ý tôi nên rất hoan hỉ.

Thành Phố Hội An bây giờ trống vắng, 99% đều bỏ ra Ðà Nẵng lánh nạn. Tiểu Ðoàn rời Ty Công Chánh Quảng Nam để đến vị trí phòng thủ theo lệnh Ðại Tá Hướng. Ðó là hướng Bắc Hội An trên đường ra Ðà Nẵng. Trước khi đi, tôi còn để lại một Tiểu Ðội, một máy truyền tin do một Trung Sĩ của Ban 2 Chỉ Huy để đón nhận những người đến muộn.

Tại vị trí phòng thủ mới, tôi quá mỏi mệt, tinh thần căng thẳng. Tôi đang ngồi suy nghĩ thì Hạ Sĩ I Minh bưng đến một tô cháo và một ly cà phê sữa đang nóng và nói:

- Mấy ngày nay Thiếu Tá ít ăn, ít ngủ, chỉ uống nước không, lo suy nghĩ nhiều, em thấy Thiếu Tá ốm đó nghe. Thiếu Tá ăn tô cháo hầm bồ câu và uống ly cà phê để có sức đánh giặc chứ. Tôi đang lo lắng, định bảo dẹp đi, nhưng thấy thuộc cấp của mình thương mình, lo cho mình như thế nên không đành và nói:

- Mấy ông kia ăn chưa? Bồ câu đâu mày có?

- Thưa Thiếu Tá, lúc nãy ở Ty Công Chánh có chuồng bồ câu có lẽ của ông Trưởng Ty đã bỏ đi rồi, nên em bắt 4 con, em biết Ðại Bàng sẽ rầy, nhưng giờ này có khỏe mới giết được việt cộng chứ Ðại Bàng.

- Thôi được, để đó, đừng mắc võng nữa nghe. Từ sáng đến giờ, tôi chỉ uống nước không ăn gì ngoài một tô mì gói có đập vào hai hột gà cũng do Hạ Sĩ I Minh làm mà thôi. Cảm thấy đói, hớp mấy miếng cà phê, ăn được gần nửa tô cháo thì nghe tiếng trực thăng, tôi nhìn ra thì thấy từ hướng Quân Ðoàn I có hai chiếc máy bay bay vào khá cao. Tôi bảo Trung Úy Bình, Sĩ Quan Truyền Tin mở máy qua tần số Quân Ðoàn liên lạc xem sao. Không liên lạc được mặc dù Bình đã có tất cả đặc lệnh truyền tin trong tay, đã liên lạc nhiều tần số và nhiều giới chức có thể đi bằng máy bay nhưng vô hiệu. Tôi biết chắc đó là máy bay Quân Ðoàn, nhưng không biết giới chức nào mà thôi. Lúc này, tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi ra lệnh Ðại Úy Quý, Trưởng Ban 3 gọi các Ðại Ðội Trưởng về họp đồng thời thu hết Tiểu Ðội ở Ty Công Chánh trở về Tiểu Ðoàn. Tôi còn ra lệnh Ðại Úy Hà Thúc Thuyên đi với một máy, vài Lính bảo vệ đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu xem Ðại Tá Hướng thế nào mà không liên lạc được.

Bây giờ là 2 giờ sáng ngày 29.3.1975. Ðại Úy Thuyên báo Trung Ðoàn 2 đã âm thầm ra hướng biển để về Ðà Nẵng. Tiểu Ðội ở Ty Công Chánh đã đến Tiểu Ðoàn mang theo 9 người Lính đến muộn. Tôi cho về lại Ðại Ðội của họ cả. Như thế giờ này Tiểu Ðoàn có 479 Quân Nhân tham chiến chưa kể 50 Quân Nhân các Ðơn Vị khác đi theo. Sau một hồi bàn thảo của Sĩ Quan Tham Mưu và các Ðại Ðội Trưởng, tất cả quyết định rút về Ðà Nẵng, vào trình diện Quân Ðoàn.

Tôi hoàn toàn đồng ý và trình bày:

- Bây giờ còn sớm, chưa tới 3 giờ, chúng ta đến Chùa Non Nước sẽ gặp Ðơn Vị phòng thủ Quân Ðoàn ở đó trời chưa sáng, họ không nhận diện được ta có thể ngộ nhận và bắn lầm. Tôi quyết định 4 giờ sáng chúng ta xuất phát theo đội hình Ðại Ðội 1 đi dẫn đầu, Ðại Ðội 3 bên trái, Ðại Ðội 4 bên phải, Ðại Úy Thuyên Tiểu Ðoàn Phó đi với Ðại Ðội này vì có Trung Ðoàn 2 đi ra biển, nếu gặp tiện việc liên lạc hàng ngang tránh ngộ nhận. Ðại Ðội 2 đi sau, Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn đi giữa, gia đình đi sau Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn. Trên đường đi nếu chạm địch, chúng ta phải yểm trợ nhau đưa nhau về Ðà Nẵng. Tất cả, nếu không ai có ý kiến gì khác thì về Ðơn Vị chuẩn bị lên đường khi có lệnh.

Ðúng 4 giờ sáng ngày 29.3.1975, Tiểu Ðoàn bắt đầu di chuyển thứ tự theo lệnh như đã phân nhiệm. Trên đường đi, chúng tôi không gặp một sự kháng cự nào, chỉ gặp vài du kích bắn lẻ tẻ,vô sự, các Ðại Ðội phản ứng nhưng vẫn tiến quân. Gần 9 giờ sáng, Ðại Ðội đầu do Trung Úy Thành Chỉ Huy báo cáo đã đến Non Nước, gặp Ðơn Vị bạn, đã nhận diện và nói chuyện vời nhau. Trung Úy Thành nói chuyện đã gặp một Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang ngồi trên chiến xa nói là họ được lệnh không cho một Quân Nhân nào vào Ðà Nẵng mà mang súng, muốn vào phải bỏ súng ở đây. Tôi nghe cũng ngạc nhiên. Lính mà không cho mang súng thì đánh giặc bằng gì, ôm mà cắn hả? Lệnh gì kỳ cục vậy.

Tôi nói cho Trung Úy Thành ra lệnh cho Binh Sĩ đứng tại chỗ, cấm phản ứng để tôi lên tiếp xúc. Tôi ra lệnh cho Ðại Úy Quý là các Ðại Ðội thu hẹp gần Tiểu Ðoàn, bố trí tại chỗ chờ lệnh và nói Ðại Úy Thuyên đến gặp tôi. Trên con đường đến gặp Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến, tôi suy nghĩ: Tình hình an ninh Ðà Nẵng rất xấu, đã có việt cộng cải trang thành lính xâm nhập rồi, nên mới có lệnh đó.

Tôi gặp vị Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến và trình bày sự việc để xin được vào Ðà Nẵng. Ông ta dứt khoát và bảo đó là lệnh, tôi không thể sai được. Tôi cũng biết lệnh của Quân Ðội, tôi nói tình lý cho Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến và gần như năng nỉ. Ông ta mềm lòng và nói để hỏi lại cấp trên.

Tôi tìm hiểu Thiếu Tá Ðịnh là cấp trên của ông ta vì Thiếu Tá Ðịnh học chung một Khóa Bộ Binh cao cấp với tôi năm 1973 ngủ chung một phòng, cùng người Huế, nên chúng tôi cũng thân nhau. Tôi cũng nói cho ông ta biết là tôi cũng là bạn thân với Thiếu Tá Ðịnh, Tiểu Ðoàn Trưởng Thủy Quân Lục Chiến, vị Ðại Úy này xác nhận là Thiếu Tá Ðịnh là Tiểu Ðoàn Trưởng của ông ta. Ông ta nói chuyện với Thiếu Tá Ðịnh sau đó trao máy cho tôi để nói chuyện. Thiếu Tá Ðịnh cho tôi biết Quân Ðoàn đã đi hết, đã bỏ ngõ, Thủy Quân Lục Chiến cũng đang tự tìm cách về Sài Gòn chưa biết tính sao đây. Thế là hết! Tôi trả máy cho Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến.

Tôi ra lệnh Ðại Úy Quý gọi tất cả Sĩ Quan đến gặp tôi. Bây giờ là 9 giờ 30 sáng ngày 29.3.1975 tại Chùa Non Nước, Ðà Nẵng. Vị Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến cũng báo cho tôi biết là tôi được tự do vào Ðà Nẵng. Tôi chỉ nói cám ơn. Chiến xa nổ máy quay đầu chạy lui về Ðà Nẵng có tùng thiết Thủy Quân Lục Chiến theo. Thiếu Tá Ðịnh Thủy Quân Lục Chiến cũng cho tôi biết không còn phương tiện vào Sài Gòn nữa, chính Ðơn Vị ông ta cũng phải tự lo liệu lấy. Không ai Chỉ Huy nữa. Hải Quân ở Tiên Sa cũng nhổ neo hết rồi.

Tất cả Sĩ Quan có mặt. Tôi trình bày tình hình Quân Ðoàn, Hải Quân do Thiếu Tá Ðịnh cho biết chính ông ta cũng không biết xử trí thế nào. Tôi nói:

- Tôi đã cùng Quân Nhân các cấp trong Tiểu Ðoàn chiến đấu bên nhau bấy lâu nay, nhất là sau Tết cho đến bây giờ, tình hình chiến sự sôi động, gian lao khổ cực cùng anh em. Tôi đã đoán được tình hình, cố gắng đưa Tiểu Ðoàn về đây để được cùng nhau vào Sài Gòn tiếp tục chiến đấu, nhưng bây giờ sự việc xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta, tôi rất đau khổ về sự việc này.

Tôi cũng kể về sự tiếp xúc của tôi và Thiếu Tá Ðịnh Thủy Quân Lục Chiến, sự suy luận của tôi, sự hiểu biết về tình hình của tôi cho tất cả nghe và nói tiếp:

- Không nên tập trung cả Ðại Ðội, sợ bị tấn công bất thường, chỉ từng Trung Ðội giải thích cho họ hiểu, thông cảm tìm cách vào Sài Gòn hoặc về gia đình tùy ý. Quyền Chỉ Huy bây giờ tùy nghi các anh lo liệu. Nếu ai về nhà thì vũ khí nên phá hủy đừng để lọt vào tay việt cộng. Các bạn tự do thi hành theo ý mình, điều cần nhất là phải an ủi, giải thích cho Lính hiểu tâm trạng của chúng ta bây giờ.

Có nhiều người lưỡng lự chưa muốn đi. Lúc này tôi như cái xác không hồn, ngồi xuống đất, dựa vào cổng trụ cửa ngõ của một nhà bên đường xem phản ứng của Quân Nhân các cấp của Tiểu Ðoàn như thế nào. Các Sĩ Quan đã đến chia xẻ sự đau khổ của tôi, mỗi người một ý.

Mười giờ 30 sáng ngày 29.3.1975. Tôi vẫn ngồi yên tại chỗ. Trung Ðội Tình Báo của Ban 2 vẫn đứng quanh tôi để bảo vệ như những lúc hành quân.

Trung Sĩ I Nguyễn Thoảng đến đứng trước mặt tôi nghiêm đưa tay chào một cách trịnh trọng rồi nói:

- Chắc em không vào Sài Gòn đâu Thiếu Tá. Cả Quân Ðoàn không một trận đánh nào mà đã bỏ đi cả, em thấy chán quá rồi. Em chúc Thiếu Tá nhiều may mắn, cố gắng vào cho được Sài Gòn.

Cái xác không hồn của tôi vẫn ngồi dựa vào trụ vôi, không chào lại, không bắt tay từ giã,tôi nói:

- Tao bây giờ không biết tính sao, tao cố gắng đưa Ðơn Vị về tới đây để cùng vào Nam song không ngờ như thế này, tao rất thương anh em nhưng bây giờ ngoài tầm tay tao rồi.

Vợ Trung Sĩ I Thoảng và 2 con, một đứa 6 tuổi, một đứa 4 tuổi cùng đi với Tiểu Ðoàn từ hôm qua. Chị ta bước tới trước mặt tôi và nói:

- Em chúc Thiếu Tá lên đường bình an vào cho được Sài Gòn nghe Thiếu Tá, chứ việt cộng đến cỡ Thiếu Tá nó giết chứ không tha đâu.

Tôi đứng dậy xoa đầu hai đứa nhỏ đang đứng bên mẹ, có lẽ phản ứng lịch sự đối với đàn bà chứ tôi đã có đến nhà chị ta mấy lần rồi, nên cũng thường thôi. Tôi nói:

- Tôi cũng không biết có đi được không, đến đâu hay đó, Thoảng thì chắc nó không giết đâu vì nó cấp bậc nhỏ mà là chiến tranh chính trị ăn thua gì. Cố gắng lo cho hai đứa nhỏ.

- Cám ơn Thiếu Tá, chúc Thiếu Tá thượng lộ bình an. Thoảng tiến lên một bước, đưa tay chào tôi lần nữa.

Tôi cũng không chào lại, đưa tay bắt và nói:

-Thôi mày về đi, tùy tình hình địa phương mà sống chắc không can gì đâu. Anh ta đến chào Ðại Úy Hà Thúc Thuyên Tiểu Ðoàn Phó, Ðại Úy Lê Ngọc Nhựt Trưởng Ban 2 Tiểu Ðoàn và Ðại Úy Huỳnh Văn Quý Ban 3 Tiểu Ðoàn rồi từ giã ra đi. Ðến lúc này chỉ còn những Sĩ Quan đó và khoảng 20 Lính của Trung Ðội Tình Báo mà thôi. Còn tôi lại ngồi xuống đất dựa vào trụ vôi. Ðại Úy Thuyên đến nói:

- Thôi mình cứ về Ðà Nẵng rồi hãy tính. Tôi đang chán nản chưa có quyết định nào dứt khoát thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn phía sau nhà tôi đang ngồi. Lính tôi phản ứng ngồi xuống trong thế sẵn sàng tác chiến.

Tôi nói:
- Minh, mày ra xem cái gì đó? Minh đi với hai người lính nữa, sau hơn 5 phút chạy lui, trả lời:

- Thiếu Tá ơi! Ông Trung Sĩ I Thoảng tự tử bằng lựu đạn với vợ con ông ta rồi.

Tôi quá bàng hoàng và xúc động, tự nhiên tôi bật khóc. Tôi đã đứng trước hàng trăm cái chết, sự rên la đau đớn, sự nhắn gởi trối trăn của thuộc cấp sắp chết mặc dầu tôi rất xúc động, tôi cũng có trái tim biết đau khổ nhưng tôi tự kềm chế không bao giờ khóc, nhiều lắm là đỏ con mắt. Tôi cố gắng kềm chế không để cho thuộc cấp biết sự mềm yếu về tình cảnh của tôi. Thế mà hôm nay không hiểu sao tôi lại bật khóc, có lẽ đây là lần khóc đầu tiên và cũng là lần khóc cuối cùng trong 13 năm quân ngũ của tôi đối với thuộc cấp. Tôi hỏi:

- Nó chết ở đâu.

- Ông chết ở nhà kia.

Theo tay chỉ của Minh thì sau căn nhà tôi đang đứng cách một cái nữa. Tôi đi theo Minh, 6 người Lính bảo vệ tôi cũng đi theo. Căn nhà tôn nhỏ xây vách chung quanh. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt tôi. Bốn thi hài không toàn vẹn, một xách áo quần, mền còn để lại trong một góc của căn nhà, máu đang chảy, thịt tung tóe dính cả vào tường. Tôi không nói gì, quan sát và đứng nghiêm chào vĩnh biệt 4 anh hùng rồi ra đi. Các Binh Sĩ theo tôi cũng bắt chước chào rồi đi ra đường.

Bây giờ là 11 giờ ngày 29.3.1975. Một Trung Sĩ I cấp bậc quá nhỏ so với tôi, một thuộc cấp mà trước đây tôi đã từng có lúc gọi bằng “thằng”, một phần vì anh ta nhỏ tuổi hơn tôi, phần khác vì gọi như thế cho thân mật, có những lỗi lầm mà tôi đã rầy la đôi khi còn nặng lời nữa, thế mà hôm nay tôi phải gọi là Ông, Ông Thoảng với lòng tôn kính vì đây là một Vị Anh Hùng hơn tôi rất nhiều, ít nhất là lòng can đảm, sự thể hiện bất khuất không thể sống chung với cộng sản. Hôm nay tôi viết để vinh danh một Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho con cháu sau này biết đến. Xin nghiêng mình tôn vinh một Vị Anh Hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hai giờ chiều ngày 29.3.1975, việt cộng đã treo cờ ở Tòa Thị Chính Ðà Nẵng.

Trương Quang Chung

(Hoài Việt)
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Sau 4 ngày số tiền đã lên đến $30.000.00 USD
và số tiền sẽ còn nhiều hơn nữa nếu tiếp tục vì số share trên facebook đã lên đến 1,500

Giúp Bà Quả Phụ "Mũ Đỏ Tên Đương"
$29,530
Raised by 469 people in 4 days


WESTMINSTER (NV) - Chưa đầy 2 ngày sau khi Thị Trưởng Tạ Ðức Trí phổ biến lời kêu gọi đóng góp giúp bà quả phụ “Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương,” đã có 287 người và tập thể hưởng ứng, góp số tiền lên đến $17,600 (tính đến 6:30 chiều ngày 21 Tháng Ba).
Khởi thủy, số tiền dự định của ông thị trưởng thành phố Westminster khá “khiêm nhượng,” chỉ $3,000. Thế nhưng, đóng góp của đồng hương nhanh hơn rất nhiều, Thị Trưởng Tạ Ðức Trí đã phải liên tục nâng con số dự tính, thành $6,000, rồi $9,000, $12,000... và đến chiều ngày 21 Tháng Ba là $20,000.
Image
Trang mạng Gofundme.com, nơi Thị Trưởng Tạ Ðức Trí gây quỹ. (Hình: Người Việt)


Một trong những người đầu tiên đóng góp vào khuya ngày 19 Tháng Ba là ca sĩ Thanh Mai. Theo lời người trong gia đình ca sĩ Thanh Mai, thì bà “đã khóc” khi đọc bài báo về gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, đăng trên Người Việt.
Có rất nhiều người tham gia đóng góp, không để lại tên, thay vào đó bày tỏ hai điều: Tri ân sự hy sinh của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương cùng những khó khăn mà gia đình ông chịu đựng từ 1975 đến nay; và cảm ơn Thị Trưởng Tạ Ðức Trí đứng ra kêu gọi gây quỹ.
Có một nhóm thân hữu, không để lại danh tánh, nhưng qua liên lạc với Người Việt, thì được biết là những độc giã từ Arizona. Người đại diện nhóm nói, nhiều người trẻ không biết đến trường hợp cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, nhưng vẫn sẵn lòng đóng góp, “tấm lòng quý hơn số tiền.”
Trong ngày 21 Tháng Ba, một cựu trung tá Không Quân VNCH, ông Trần Dật, đến tận tòa soạn, trao $500 tiền mặt để hiến vào quỹ. Ðồng thời, trao tấm ngân phiếu $500 do Hòa Thượng Chơn Thành trao tặng.
Sự đóng góp của đồng hương như cơn mưa rào xả xuống đồng ruộng khô hạn. Khi bài báo của tác giả Việt Hùng/Người Việt đăng về cảnh sống khó khăn của gia đình bà Nguyễn Văn Ðương, hàng trăm độc giả email vào tòa soạn, xin địa chỉ liên lạc để giúp đỡ.
Một độc giả của Người Việt cho biết người thân của mình ở Sài Gòn sẽ đến khám bệnh và săn sóc y tế cho bà Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai.
Ðộc giả có thể theo dõi diễn tiến gây quỹ qua đường link www.gofundme.com/63uy9wgs. Kết quả gây quỹ sẽ được kiểm toán do công ty cố vấn tài chánh D.T. Tôn, văn phòng tại Little Saigon, đảm trách theo lời mời của Thị Trưởng Tạ Ðức Trí.
Bà Nguyễn Văn Ðương nay đã 76 tuổi, mù một mắt do nhà sập, con mắt thứ hai cũng đã yếu nhiều. Bà có bốn người con, 3 trai, 1 gái. Hai con trai đầu đã chết trong thời gian đi cạo mủ cao su tại Cambodia. Người con trai út đang hành nghề lái xe ôm tại Sài Gòn.

Cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương thuộc Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mất năm 1971 trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào. Khi cả pháo đội của ông bị trúng đạn, đường tiếp viện bị cắt, biết không thể thoát, ông ra lệnh mọi người tuyến dưới rút lui, còn cá nhân ở lại với một chân bị thương rất nặng, sau đó tuẫn tiết bằng khẩu súng tự bắn vào đầu. Câu chuyện về cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương trở thành huyền thoại sau khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết thành ca khúc “Anh Không Chết Ðâu Anh,” trở thành bài hát quen thuộc của rất nhiều người.

__._,_.___
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests