Chân Dung Người Lính VNCH

Quân sử, những bài viết, ký sự, ...
Post Reply
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Chân Dung Người Lính VNCH

Post by khieulong »


Image

Chân dung
Người Lính VNCH

Nguyễn thị Thảo An


Không biết bắt đầu từ thuở nào có một quy luật hình thành là ở một thể chế chính trị, đều thành lập một lực lượng để bảo vệ mình, lực lượng đó được gọi là quân đội. Quân đội sinh ra từ chế độ và nó cũng vẽ nên những chân dung của chế độ. Chế độ tốt sẽ xây dựng nên một quân đội tốt. Quân đội tốt sẽ không dung dưỡng một chế độ xấu. Từ hơn hai nghìn năm về trước, người lính Việt Nam với chiếc áo trấn thủ, mang gươm giáo ngàn xưa để gồng gánh trên vai những nhiệm vu giết thù diệt loạn, bảo quốc an dân, giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, hình ảnh của người lính thay đổi qua bao thời thế, nhưng trách nhiệm không hề thay đổi.

Người thanh niên tuổi trẻ Việt Nam từ khi bước vào quân trường, khoác vội bộ đồ trận, lưng mang vác ba lô cho tới khi anh đứng nghiêm với lời tuyên thệ Vị Quốc Vong Thân. Người tuổi trẻ đã trở thành người lính. Anh trưởng thành hơn bóng dáng của quê hương. Người lính với chiếc nón sắt xanh đậm tròn tròn như nửa vầng trăng in rõ bóng trên nền trời xanh lơ. Anh đã bước ra, tay ôm súng và chân mang giày trận, anh giẫm mòn nửa vòng đất nước đi canh giữ cho quê hương.

Bắt đầu từ thập niên Sáu Mươi, khi kẻ thù phương Bắc, với xe tăng súng cối, với những chủ thuyết ngoại lai, với những xích cồng nô lệ, đã toan tính nhuộm đỏ quê hương, thì từ đó, người lính đã hiện diện trong tuyến đầu lửa đạn. Anh mang vác hành trang, chiếc ba lô nặng cồng kềnh để chận bước quân thù, để bảo vệ miền Nam.

Ðất nước hai mươi năm chiến tranh, hai mươi năm dài người lính hầu như không ngủ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn ngày để anh đi từ sáng tinh mơ, chân giẫm ướt ngọn sương mai trên cỏ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn đêm, bóng anh mịt mờ trong núi rừng lạnh giá. Hai mươi năm, anh nghe tiếng đại bác vang trời không nghỉ.

Tiếng mưa bom đạn réo bên mình. Tiếng xe tăng nghiền nát đường quê hương. Hai mươi năm, anh đã đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn. Ðã đem hy vọng cuộc đời đặt trên khẩu súng thân quen. Hay đã đem tình yêu và nỗi nhớ đặt trên đầu điếu thuốc. Hai mươi năm chiến tranh có bao ngày anh được ngủ yên trên chiếc giường ngay ngắn. Có bao đêm anh mơ được trọn giấc bình yên. Hay anh đã sống thân quen với đời gian khổ và đánh bạn với gian nguy.


Anh với đầu đội súng và vai mang ba lô, lội qua những vũng sình lầy nước ngang tầm ngực. Anh đã đi qua những địa danh xa lạ: Ashau, Ia Drang, Kontum, Pleime, nơi giơ bàn tay cũng không thấy được bàn tay. Hay anh truy địch ở bờ sông Thạch Hãn lừng lững sương mai, ở phá Tam Giang sóng vỗ kêu gào hay ở Cổ Thành xứ Huế mù sương. Dài dọc xuống Miền Nam với rừng Tràm, rừng Ðước, đến Ðồng Tháp Mười anh đã nghe muỗi vo ve như sáo thổi.

Image

Anh đã đến những nơi mà anh không tưởng, anh đi diệt địch và anh đã ngã xuống địa danh chẳng quen dấu chân anh. Người lính nằm xuống ở Miền Nam xanh tươi ngọn mạ, ở những vùng trầm se rét Miền Trung, hay ở Miền Ðông xác thân thối rửa Từ Ấp Bắc, Ðồng Xoài, Bình Giả... cho tới Tống Lê Chân, An Lộc, Bình Long, người lính đã căng rộng tấm poncho để che kín bầu trời Miền Nam được yên ấm tự do. Nối gót tiền nhân, người lính, mỗi người lính đã đem 3.8 lít máu tươi, tưới cho thắm tươi hoa lá ruộng đồng, đã đem mỗi một 206 lóng xương khổ nạn của mình cắm trăm nẻo đường quê hương muôn ngã, để cho chính nghĩa quốc gia tự do được tồn tại. Ðể cho người dân quốc gia được sống no ấm ở hậu phương.

Những người dân quốc gia, những người dân quốc gia không hề muốn trở thành dân Cộng Sản, những người quốc gia luôn muốn bỏ chạy khi Cộng Sản tới và núp bóng người lính để được sống an nhàn ở chốn hậu phương. Họ hoàn toàn trao trọng trách bảo vệ quốc gia, ngăn thù dẹp loạn như một thứ công việc và trách nhiệm của người làm nghề lính, như thể không liên quan gì tới họ. Và họ tự trấn an lương tâm rằng người lính sẽ không bao giờ buông súng và sẽ mãi mãi bảo vệ họ tới cùng. Vì thế, họ luôn yên tâm sống ở hậu phương, yên tâm kiếm tiền và tranh đua đời sống xa hoa phè phỡn trên máu xương của người lính.

Và ở hậu phương, người lính đồng nghĩa với nghèo, đời lính tức là đời gian khổ, và tương lai người lính đếm được trên từng ngón taỵ Thế nên, người lính về hậu phương, anh ngỡ ngàng và lạc lỏng. Bỗng hình như anh cảm thấy mình như người Thượng về Kinh. Như vậy thì người ta tội nghiệp người lính và yêu người lính để thể hiện tình quân nhân cá nước trong sách vở, báo chí và truyền hình.

Người lính bị bắt cóc vào văn chương tiểu thuyết là những người lính giấy, vào văn chương để tự phản bội chính mình, để thoả mãn cho những kẻ trông con bò để vẽ con nai, và ngồi phòng khách để diễn tả chiến trường đỏ lửa. Người lính trên trang giấy ngang tàng và hung bạo, chửi rủa chính phủ, chống chính quyền và ghét cấp chỉ huy, lính la cà trong quán rượu, uống rượu chẳng thấy say, và càng say càng đập phá. Người lính xuất hiện trên sân khấu thì phong lưu và đỏm dáng hay trắng trẻo no tròn. Anh mặc đồ trận mới toanh còn nguyên nếp gấp, ngọt ngào chót lưỡi đầu môi anh ca bài ca mời gọi ái tình. à người yêu của anh lính là những cô mắt ướt môi hồng, áo quần xa hoa lộng lẫy, thề non hẹn biển yêu lính trọn kiếp trong ti vi. Như vậy thì quá mỉa mai cho cái gọi là anh trai tiền tuyến, em gái hậu phương. Trong khi đó, ở ngoài đời những người vợ lính là những người chống giữ thầm lặng ở xã hội hậu phương.

Ðó là những người đàn bà bình dị với tấm áo vải nội hoá rẻ tiền, với đôi guốc vông kẻo kẹt, đóng vai vừa là người mẹ vừa là người cha nuôi con nhỏ dại, gói ghém đời sống bằng lương người chồng lính chỉ vừa đủ mua nửa tháng gạo ăn. Ðó là những người đàn bà tất tả ngược xuôi, lăn lộn thăm chồng ở các Trung Tâm Huấn Luyện, hay ở những nơi tiền đồn xa xôi với vài ổ bánh mì làm quà gặp mặt. Ðó là những người âm thầm và lặng lẽ, chịu đựng và hy sinh để chồng luôn an tâm chống giữ ngoài trận tuyến với đối phương.



Hạnh phúc của họ mong manh và nhỏ bé, bất chợt như tình cờ. Có thể ở một thỏi son nhỏ bé mà người lính mang về để tặng vợ, có thể là một chiếc nón bài thơ, hay chút tình cờ ở một buổi tối người lính chợt ghé nhà thăm vợ. Hạnh phúc ở trong chén trà thơm uống vội, hay ở lúc nhìn đứa con bé nhỏ chào đời tháng trước.

Người vợ lính cũng là những người hằng đêm thức muộn để lắng tai nghe tiếng đại bác thâu đêm, rồi định hướng với lo âu trằn trọc. Ðó là những người đàn bà mà sau mỗi lần đơn vị chồng đụng trận, đi thăm chồng giấu giếm mảnh khăn sô.

Trong nỗi chịu đựng hy sinh, âm thầm và kỳ vĩ, họ vẫn sống và luôn gắng vượt qua để cho người chồng an tâm cầm súng. Ðể anh, người lính, anh mang sự bất công to lớn, sự bạc đãi phủ phàng, anh vẫn đi và vẫn sống, vẫn chiến đấu oai hùng giữa muôn ngàn thù địch.

Ở chiến trường, anh đối diện với kẻ thù hung ác, ở hậu phương anh bị ghét bỏ khinh khi, trên đầu anh có lãnh đạo tồi, sẵn sàng dẫm xác anh để cầu vinh cho họ, đồng minh anh đợi bán anh để cầu lợi an thân.

Những người dân của anh, những người anh hy sinh để bảo vệ từ chối giúp anh truy lùng kẻ địch, và điềm nhiên để anh lọt vào ổ phục kích của địch quân. Những người dân bán rẻ linh hồn cho quỷ, tiếp tay cho địch thác loạn ở hậu phương, đó là những kẻ chủ trương đòi quyền sống, trong đó không bao gồm quyền sống của anh.

Những kẻ để trái tim rung động tiếc thương cho cái chết của kẻ thù nhưng dửng dưng trước sự ngã xuống của anh. A dua, xu thời là bọn báo chí ngoại quốc thiên tả, lệch lạc ngòi bút, ngây thơ nhận định, mù quáng trong định kiến. ất cả vây quanh anh để tặng cho anh những đòn chí tử. Người lính bi hùng và bi thảm. Anh chống địch mười phương, tận lòng trong đơn độc, anh vẫn hy sinh và chống giữ tới hơi thở cuối cùng.

Ngày Hoà Bình, 28 tháng Giêng năm 1973 hiệp định Paris được ký kết Hoà Bình thật đến trên trang giấy, đến với thế giới tự do. Thế nên, thế giới tự do nâng ly để chúc mừng cho hoà bình của họ và nhận giải Nobel. Nhưng hoà bình đến ở Việt Nam tanh hôi mùi máu, đen ngòm như tấm mộ bia. Và anh, anh là vật thụ nạn trong cái hoà bình bi thảm.

Người lính vẫn tiếp tục ngã xuống, đem xác thân đắp nên thành luỹ để ngăn bước quân thù. Từ Ðông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ ngàn xưa và cho tới ngàn sau, có một quân đội nào mang số phận bi thương và oai hùng như người lính?


Image

Những người lính chịu uống nước rễ cây và đầu không nhấc thẳng, đi luồn dưới Rừng Sát suốt 30 ngày không thấy ánh mặt trời. Những người lính đi hành quân mà không người yểm trợ để hai ngày ăn được bốn muỗng cơm, hay ăn luôn năm trái bắp sống và những lá cải hư mục ruỗng, miệng thèm một cục nước đá lạnh giữa cái nắng cháy da.

Người lính, người ở địa đạo Tống Lê Chân ăn côn trùng để tử thủ giữ ngọn đồi nhỏ bé. Người nằm xuống ở An Lộc, Bình Long. Và thủ đô, vòm trời thân yêu mà anh mơ ước để tang truy điệu cho anh chỉ có ba ngày. Ba ngày cho sinh mạng của năm ngàn người ở lại. Người ta lại tiếp tục vui chơi và quên đi bất hạnh. Bởi bất hạnh nào đó chỉ là bất hạnh của riêng anh.

Người lãnh đạo anh còn mè nheo ăn vạ. Và anh, anh phải đóng trọn vai trò làm vật hy sinh. Trước nguy nan, lãnh đạo anh tìm đường chạy trốn thì anh vẫn còn cầm súng ở tiền phương. Anh đã chống giữ, chịu đựng từng đợt xung phong ở Ban Mê Thuột mỗi ngày 24 giờ, không có ai yểm trợ, tiếp tế từ hậu phương. Nhưng ở đó, anh vẫn phải tử thủ cho con đường tẩu thoát của cấp lãnh đạo anh tuyệt đối được bình yên.

Và đồng minh của anh, người đồng minh đã từng sát cánh, cùng chia sẻ nỗi gian nguy ở Hạ Lào, Khe Sanh dưới trời mưa pháo, nay lại nghiễm nhiên nhìn anh đi những bước cuối cuộc đời. Phải chăng nhân loại đang trút những hơi thở cuối cùng nên lương tâm con người đang yên nghỉ ?

Cho nên, cả thế giới lặng câm để nhìn anh chết. Không chỉ cái chết riêng cho mỗi mình anh, vì bởi dưới đuờng đạn xuyên qua, xác thân anh ngã xuống thì đau thương đã vụt đứng lên. Cái bi thương có nhân dáng lớn lên và tồn tại suốt ngang tầm trí nhớ. Và người lính, anh vẫn kỳ vĩ và chịu đựng như vị thần Atlas mang vác quả địa cầu, người lính đã mang vác và bảo vệ mấy trăm ngàn người dân trên đường triệt thoái.


Trên những con đường từ Cao Nguyên không thiếu những người lính gồng gánh cho những người cô dân chạy loạn. Tay anh dẫn em thơ, tay dắt mẹ già chạy trong cơn mưa pháo. Và anh đã làm dù, làm khiên đỡ đạn, cho nên thân xác anh đã căng cứng mấy đường cây số, hay xác làm cầu ở tỉnh lộ 7B, anh đã chết ở Cao Nguyên lộng gió và đếm những bước cuối đời ở ngưỡng cửa thủ đô.

Bởi lãnh đạo đầu hàng nên anh nghẹn ngào vất đi súng đạn. Với nham nhở mình trần, anh vẫn chưa tin đời đã đổi thay. Có thật không? Hai mươi năm chiến tranh kết thúc? Giã từ những hy sinh và gian khổ của hôm quả có thật không? gày buông rơi vũ khí, anh mơ được về để an phận kẻ thường dân? Và có thật không? Anh được đi, được sống giữa một quê hương rối loạn tràn ngập bóng quân thù?

Anh đã khóc nhiều lần cho quê hương chinh chiến và đã khóc nhiều lần cho những xác bơ vơ. Lính khổ lính cười, dân khổ để người lính khóc. Và có ai, từng có ai trong chúng ta đã khóc thương cho đời lính?

Thương cho người lính với trái tim tan vỡ từ lâu. Bởi trái tim anh đã hơn một lần để lại dưới chân Cổ Thành Quảng Trị, ở một mùa Xuân xứ Huế năm nào, ở Hạ Lào, Tống Lê Chân hay ở trong cái nồi treo lủng lẳng trên ba lô khi anh hô xung phong để tiến vào An Lộc? Người lính thật sự trái tim anh tan vỡ từ lâu.

Lịch sử đã sang trang, và loài người đã bắt đầu đi những bước cuối cùng trên trái đất? Thế nên thời trang nhân loại là thứ phấn hương tàn nhẫn, và môi tô trét thứ son vô tình. Cả thế giới đồng thanh công nhận và gửi điện văn chúc mừng sự thống nhất ở Việt Nam. Và người ta uống chén rượu mừng để truy điệu Việt Nam đi vào cõi chết, chúc mừng Việt Nam có thêm 25 triệu nô lệ mới nhập tên. Hoà bình đã nở hoa trong cộng đồng thế giới, trong đời người Cộng Sản, nhưng hoà bình không thật đến ở Việt Nam.

Người Cộng Sản chân chính có truyền thống là những người không hề biết hoà bình, không sống được trong hoà bình thật sự. Như con giun, con dế sợ ánh sáng mặt trời. Thế nên họ dẫn dắt toàn dân đi xây dựng văn minh thời thượng.

Khởi đầu là việc cày nát nghĩa trang Việt Nam Cộng Hoà và hạ tượng Người Lính Việt Nam Cộng Hoà. Người Lính rơi xuống vỡ tan trong lòng đường phố, nhưng từ đó anh mới thực sự đứng lên, đứng thẳng và oai hùng hơn trước trong trái tim của người dân Việt Miền Nam.

Bởi từ khi những người bộ đội Cộng Sản bước chân vào thành phố, thì người dân Quốc Gia mới thật sự hiểu được giá trị của anh. Và những sự lầm lẫn và hối hận hôm nay hình như luôn theo nhau đi vào lịch sử. Vậy thì, khi ta chết trên con đường chạy loạn, khi ta chết ở bãi Tiên Sa, ta vùi thân nơi vùng kinh tế mới hay ta chìm dưới đáy biển Ðông, không phải vì khẩu súng rơi trên tay người lính, mà ta chết bởi viên đạn ích kỷ, viên đạn lãnh đạm và thờ ơ xuất phát từ trái tim bắn ngược lại chính ta. Bởi sự thật về người Cộng Sản đã đi quá tầm tưởng tượng và sự hy sinh của người lính vượt quá nỗi bi thương.

Hai mươi năm chiến tranh, hơn hai trăm ngàn người lính, hơn năm trăm ngàn thương binh đã để lại hai trăm ngàn sinh mạng và năm trăm ngàn những phần cơ thể để lại trên chiến trường khốc liệt. Ðể cho chúng ta có một bầu trời để thở, có một khoảng không gian đi đứng tự do, để cho tuổi thơ của chúng ta không phải đi lượm ve, lượm giấy, không phải đeo khăn quàng đỏ và ngợi ca những điều dối gạt chính mình.


Ðể cho bàn tay thiếu nữ không chạm bùn nhơ thủy lợi, tuổi thanh xuân không phải vùi chôn ở những gốc mì. Ðể cho bà mẹ già không phải ngồi mơ ước miếng trầu xanh, và những giọt nước mắt thôi không cần tuôn chẩy.

Nhưng lịch sử đã sang trang, những trang hồng tươi màu máu cho người Cộng Sản và cũng là những trang đẫm máu và nhơ bẩn nhất cho cả lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Anh, người lính trong thời chiến thành người tù của thời bình. Người lính chịu số phận bi thương của chiến tranh và cũng chịu luôn số phận tàn nhẫn trong thời bình. Anh người lưu vong trong lòng dân tộc, và lưu đày ở chính quê hương anh.

Bởi Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu một cuộc chiến tranh mới và đẩy anh xuống đáy trầm luân. Cũng chính từ chiến trường Tù Ngục này mà Cộng Sản đã chứng minh được Chúng và Anh không là đồng loại. Chúng, là lũ Cộng Sản cuồng tín, và tàn bạo nhất giữa thế giới Cộng Sản và vô nhân. Chúng lập nên một vương quốc mới mang tên là Lừa Dối, và mở ra một kỷ nguyên giết người theo kiểu mới, giết người bằng những mỹ từ đẹp đẻ, bằng lao động vinh quang, bằng thời gian không thể đếm.

Người lính bước vào trận chiến mới, chiến trường có tên là cải tạo, và anh người tù nhân không có án. Ở đây anh không có lãnh đạo, không có đồng đội, không có hậu phương. Kẻ thù vắt cùng, vắt kiệt sức lực anh trong rừng thẳm. ày đọa sỉ nhục anh dưới hố xí tanh hôi, đem thanh xuân và tài hoa của anh vùi chôn ở những vòng khoai vớ vẩn. Ðặt hy vọng của anh máng vào những mốc thời gian.

Người lính đã trở thành vật thụ nạn thời bình. Anh chết đói bên những vòng xanh nở rộ do chính tay anh cày xới vun trồng. Anh chết khát khi bên ngoài mưa rơi tầm tã. Giữa những trùng vây sóng dữ, giữa bóng tối cô đơn Anh vượt qua sự chết để đem về nghĩa sống. Anh đi xiếc qua những ranh giới tử sinh để chứng minh được phẩm giá con người. Ðôi mắt anh cao ngạo và chân đạp chữ đầu hàng.

Từ trong tăm tối hận thù, anh thắp sáng lên ý nghĩa đời người. Anh đã chiến đấu, để từ trong cõi chết anh bước ra mà sống. Ðể anh trở về từ địa ngục trần gian. Bao đồng đội bất hạnh đã ngã xuống trong rừng thẳm, cuối cùng anh đã trở về:

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(Tô Thùy Yên)

Nước mắt anh không rơi trong ngục tù Cộng Sản, nước mắt anh rơi khi anh được trả tự do. Anh bước về, anh đi giữa lòng quê hương. Anh ngỡ ngàng như thức từ cơn mộng. Có thật chăng đất nước Việt Nam, tàn hơn 30 năm chinh chiến và tù đày, để anh có được một đất nước thanh bình điêu tàn hơn thời chiến?

Và tuổi trẻ, những mầm non đất nước hôm nay xa lạ như người không cùng chung dòng giống. Anh đi trên đường phố xưa, đường đã đổi tên. Anh tìm bạn bè cũ, đứa còn đứa mất. Quê hương này không có chỗ cho anh?

Hai mươi năm chiến chinh, mười mấy năm tù đày trên chính quê hương để rồi anh phải tha hương biệt xứ. Người lính, mười bốn năm lính, mười bốn năm tù, tài sẵn có, được trí trá vài đô la, và mái đầu sương điểm để anh bước vào đời lần nữa.

Anh không có quyền bắt đầu, chỉ có quyền tiếp tục trôi theo dòng đời nghiệt ngã. Người lính cũ ngồi bán nước đá bào cho học trò giờ tan học ở chính quê hương. Hay anh, người lính lưu vong ngồi bán thuốc lá lẻ hằng đêm trong những tiệm Seven Eleven trên đường phố Mỹ.

Ba mươi năm vết thương cũ hầu như chưa lần khép kín. Ôi, hai mươi sáu chữ cái bắt đầu từ a, b, c, đ dẫu sắp xếp khéo léo tới đâu vẫn không đủ để viết nên những bi hùng anh đã đạt. Và cần phải thêm vào bao nhiêu chữ nữa mới diễn tả lên sự xót thương anh.

Chúng ta đã quá may mắn, quá vinh dự để trang sử Việt Nam có thêm những anh hùng như người lính Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng vô danh và sống đời thầm lặng, những anh hùng bình thường mà ta chưa có dịp vinh danh.

Nhưng cho tới nay, ta đã làm gì để tri ân người lính Quốc Gia. Chúng ta những người dân Quốc Gia đi chung con thuyền Miền Nam do các anh chèo chống, đưa qua những con sóng dữ Việt Nam. Những người quốc gia đã sang thuyền trong cơn quốc nạn, và đã để mặc anh chìm trong cơn Hồng Thuỷ của Việt Nam.

Chúng ta, những người quốc gia tầm gửi, đã sống nhờ trên máu xương người lính, và chưa lần đóng góp nào cho chính nghĩa quốc gia. Có phải giờ đây, chúng ta tiếc thương người lính bằng đầu môi chót lưỡi, bằng những video, nức nở kêu gào, hay chúng ta khóc cho người lính bằng những trang thơ vớ vẩn? Và có ai, có ai trong chúng ta cảm thấy thẹn khi ta đã đôi lần hãnh diện vì ta nói tiếng Anh trôi chẩy hơn họ, xe ta đẹp, nhà ta to.

Ngày nay, Người Cộng Sản ở quê hương với đôi tay đẫm máu của thuở nào cũng nói lời phản tỉnh. Vậy còn ta, bao nhiêu người Quốc Gia sẽ thức tỉnh để vẽ chân dung kỳ vĩ và nhiệm màu của Người Lính chúng ta. Có ai trong chúng ta sẵn sàng chi tiêu những bữa tiệc đắt tiền trong những nhà hàng danh tiếng, mua những tấm vé vào cửa của đại nhạc hội lừng tên mà ta tiếc bỏ tiền ra để quyên góp, xây lại tượng Người Lính ở thủ đô đã ngã xuống hôm nào.

Ðể một mai, khi quê hương không còn giống Cộng Sản, ta đem anh về trở lại quê hương. Ðể anh được đứng lên chính nơi anh ngã xuống như cùng thời với đất nước lúc hồi sinh.

Bao nhiêu chuyên gia nhóm họp nhan đề "xây dựng lại đất nước trong thời hậu Cộng Sản". Vậy có ai đã đặt kế hoạch tri ân cho người lính? Bởi, một ngày nào mà ta chưa biết tri ân người lính và đặt họ ở một địa vị xứng đáng mà đáng lẽ họ phải ở từ lâu, thì làm sao ta có thể xây dựng được một xã hội đáng gọi là nhân bản.

Image
Hãy vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hoà.

Hãy giữ gìn và bảo vệ tinh thần Vị Quốc Vong Thân của họ
như giữ gìn ngọn lửa thiêng trong lòng dân tộc,
thì dân tộc ta mới mong có được những
truyền nhân xứng đáng với thế hệ tương lai.

Nguyễn thị Thảo An





-
Last edited by khieulong on Mon Sep 15, 2014 8:17 pm, edited 4 times in total.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

NGÀN NĂM MÂY BAY:
Hồi ký của một đơn vị ở tuyến đầu Bắc Bình Thuận.

Nguyễn Tấn Hợi
Ðại Ðội Trưởng DD4/TD248DP/TKBT

Tôi Nguyễn Tấn Hợi, cựu Trung úy, Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 4/Tiểu Ðoàn 248/ÐP thuộc Liên Ðoàn 925 DP/BT, do Ðại Tá Lại Văn Khuy làm Liên Ðoàn Trưởng, phụ trách an ninh lãnh thổ 4 quận miền Bắc Tỉnh Bình Thuận. Liên Ðoàn có 3 Tiểu Ðoàn DP tác chiến: TÐ 248 ở Tuy Phong, TÐ 212 đóng tại Lương Sơn và TÐ 229 phụ trách vùng Hải Ninh.


Riêng TÐ 248/ÐP đóng tại Tuy Phong là quận cực bắc Bình Thuận, từ Mũi Cà Ná vào đến Bầu Ðá giáp ranh quận Hòa Ða trên một lãnh thổ phức tạp, đầy núi non, bãi biển, nhiều đảo và những cánh đồng mênh mông. TÐ có 4 đai đội tác chiến và 1 đại đội chỉ huy công vụ: ÐÐ1- Trung Úy Hàm, ÐÐ2- Trung Úy Quý, ÐÐ3- Trung Úy Ðức, và ÐÐ4 là tôi. ÐÐT/ Chỉ Huy Công Vụ lúc bấy giờ là Trung Úy Thức, Trưởng Ban 3 là Ðại Úy Tuân, phụ tá là Thiếu Úy Thiện, Trưởng Ban Truyền Tin là Trung Úy Hải. BCH TÐ đóng tại cầu Ðại Hòa thuộc Quận Tuy Phong. Thiếu Tá Nguyễn Văn Xuân, thuộc Binh chủng LLDB về thay thế Thiếu Tá Lê Văn Trung, là Tiểu Ðoàn Trưởng cuối cùng. Ngoài ra TÐ còn có Ðại Uý Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Trưởng Phòng 2/TK Bình Thuận, không biết sao bị thuyên chuyển tới chốn này để ngồi chơi xơi nứơc. Sau tháng 5-1975, Ðại Uý Ngọc bị tù tận miền Bắc và về Nam vẫn ở tù tại Trại Z30 Hàm Tân gần 13 năm, giống như Phó Tỉnh Trưởng BT Phạm Ngọc Cửu...


Ngày 15 tháng 4 năm 1975, Ðại Ðội 4/248 ÐP nhận được lệnh trở về BCH/TÐ 248, trong lúc đang tăng phái hành quân cho TÐ 212 ở Lương Sơn, đóng tại đập Ðồng Mới, vì lý do áp lực địch tại khu vực này quá mạnh. Là một đơn vị tăng phái hành quân, Ðại đội của tôi lại đóng bên kia sông Lũy, nên chỉ tự lo lấy thân thôi, dù cách BCH của Liên Ðoàn 925 ÐP tại Lương Sơn khoảng vài cây số. Nói chung là không có được một sự tiếp viện nào ngoại trừ pháo binh và không quân yểm trợ khi cần thiết.


Sáng hôm đó, tôi rút ÐÐ qua sông và ở trên quốc lộ 1 chờ phương tiện di chuyển. Chi khu Phan Lý Chàm có tăng cường cho 2 xe GMC chở quân. Tôi nghĩ cũng lạ, chở một đại đội với quân số cùng trang bị đầy đủ mà chỉ có 2 xe thì làm sao chuyển hết ? Tôi có hỏi thì được trả lời, ráng mà sắp xếp sẽ có xe thêm. Lúc này thì cuộc chiến đã nóng bỏng rồi. Lệnh mà thôi, có bao nhiêu xử dụng bấy nhiêu. Ðợt đầu tôi đem 2 trung đội và một tiểu đội viễn thám; Nói về Tiểu đội Viễn Thám này tuy chì có 12 người nhưng có tầm vóc tác chiến bằng một trung đội. Chuyến đi phục kích và bảo vệ BCH/ÐÐ được trang bị súng đạn, truyền tin cũng như một trung đội, còn lại 2 trung đội tôi giao cho Ðại đội Phó là Trung Úy Ðạt để chờ di chuyển về sau.


Trên đường di chuyển về Tuy Phong tới Bầu Ðá ranh giới của Quận Hòa Ða và Quận Tuy Phong vắng vẻ thì bị phục kích. Tôi ở chiếc xe đầu và ngồi kế bên tài xế, khi súng nổ tôi thấy những trái B40 bay qua đầu xe, tài xế đạp thắng, tôi bèn rút cây Colt 45 ra và ra lệnh cho tài xế cứ chạy, cứ giữ vững tay lái, bằng một động tác cực nhanh tôi hất chân gas của tài xế để tự tôi đạp gas chạy hết tốc độ. Ðạn B40 vẫn tiếp tục băng qua đầu xe, tất cả binh sĩ trên xe đều nổ súng bắn trả; Nhờ ơn trên phù hộ, 2 chiếc GMC đã thoát được phục kích và chạy về BCH/TÐ, xe dừng tôi kiểm soát lạ i thì không có một ai chết hay bị thương, riêng cái bao đựng cây ăngten bảy đoạn thì lủng hết không còn xử dụng được.


Sau khi nhận bổ sung đạn dược và lương khô, ÐÐ tôi, lại được lệnh tiếp tục di chuyển ra Cà Ná. Ðiều này cũng lạ, tôi tự nhủ, như vậy 3 đại đội kia đâu? Tại sao phải chờ tôi về để đem ra Cà Ná trong lúc chiến trường Phan Rang, đang dầu sôi lửa bỏng ? Ðiều này đã làm cho tôi có suy nghĩ: “Ðã tăng phái ÐÐ tôi cho TÐ 212 đem tôi ra đóng quân tại đập Ðồng Mới, là một nơi đồng không mông quạnh chỉ có cây với những bãi đất khô cằn, không một ngọn cỏ mọc, rồi bây giờ họ chờ cho bằng được tôi về rồi thảy ra tuyến đầu. Còn 3 vị ÐÐT kia đâu rồi mà phải chờ tôi di chuyển ra Cà Ná ? Tuy nhiên lệnh là lệnh tôi phải thi hành, tôi tiếp tục thẳng tiến, nhìn lại những người lính thân yêu mà tội nghiệp cho họ, linh tính và sự suy nghĩ của một cấp chỉ huy chiến trường, tôi tự nhủ rằng có thể kỳ này ra đi là không có ngày trở lại. Nhưng thân phận của Người Lính VNCH là thế đó, không thế lực gửi gấm, không tiền bạc lo lót, thì tác chiến muôn năm là cái chắc, lon lá huy chương, chức vụ văn phòng, bốn bên liên hợp, này này nọ nọ, người lính nghèo đâu có bao giờ mơ ước, thậm chí trại gia binh cũng tước đoạt để cấp cho phe đảng... Nghĩ tới niềm đau và nước mắt như vậy, song vẫn cứ đi, tôi ra lệnh cho xe khởi hành.


Trung Úy Thức ÐÐ/CHCV, hiện ở Texas-Hoa Kỳ, có kể cho tôi nghe qua điện thoại: Tại BCH/TÐ, Thiếu Tá Xuân và Trung Úy Hải Truyền Tin cho biết là phải đi họp ở Phan Rí hay tại BCH Tuy Phong, và đã đem tất cả máy truyền tin theo (?), cho nên Thức không có máy để liên lạc được với tôi đành chịu. Khi tình thế thật nguy ngập, Thức cùng với Thiếu Úy Thiện chạy về Chi Khu Tuy Phong vì nơi đây còn vợ và 3 đứa con của Thức. Thức cõng 1 đứa, Thiện cõng 1 đứa và vợ Thức dẫn 1 đứa chạy ra biển để tìm ghe di tản. Khi đến nơi thì chỉ có Thức và Thiện là quân nhân nên được cho ra tàu, còn vợ và 3 con ở lại; gạt nước mắt, vợ Thức dẫn 3 đứa con trở lại, kể từ đó mất liên lạc không còn biết tin tức gì nữa. Nghĩ cũng thật đau thương cho cuộc đời của những người lính, trong khi đó vợ và con của những quan quyền, thời nào, cũng hưởng được mọi sung sướng, cho tới lúc tàn cuộc cũng may mắn hạnh phúc như thuở nào.


Trở lại trận chiến. Cà Ná là ranh giới của TK Bình Thuận và TK Ninh Thuận, qua khỏi bảng chia ranh giới chừng vài chục thước là có quán Cà Ná Quán, nơi đây xe chở hành khách từ Sài Gòn ra thường hay ghé vào quán này ăn cơm trưa. Sở dĩ tôi biết là vì đã từng đóng quân ở đây. Vùng này có một ngọn núi đối diện với Cà Ná Quán, kế bên là Dinh Cô, muốn lên phải leo 99 bậc thang xây bằng đá. Từ tấm bảng chia ranh giới về hướng Phan Thiết, một bên là núi, một bên là biển, mà hiểm trở nhất là cây cầu có tên là cầu Ðá Chẹt.


Cầu này nằm trên Quốc lộ 1, giữa một bên núi cao, một bên biển thấp, nối tiếp có thêm mấy cây cầu nhỏ, thật hiểm trở vô cùng. Nhiều lúc tôi đã có những suy nghĩ là phải triệt hạ mấy cây cầu này để làm chậm bớt sự di chuyển của quân CSBV, vì cầu sập muốn đi qua, Công Binh của quân CS phải cần có thời gian tái tạo, nhưng rồi còn người dân họ muốn đi tìm tự do thì sao? Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng rồi mất đi như một ảo tưởng. Vì tình hình biến chuyển quá nhanh, nên sau khi liên lạc nhận lệnh từ BCH/TÐ, Ðại đội tôi bỏ Cà Ná rút về xóm Vĩnh Hảo, nhưng nhận thấy đây không phải là v ị trí phòng thủ, nên tôi lại di chuyển tiếp tới Sở Nước-Suối Vĩnh Hảo. Ðối diện về phía bên kia QL1, có một hòn núi không cao lắm, nguyên là căn cứ pháo binh của Mỹ. Tôi chọn đóng quân ở đây, vì nó là một vị trí phòng thủ thiên nhiên rất lý tưởng. Hơn nữa, nếu nguy cấp, DD có thể rút ra phía sau núi, gần sát bờ biển. Chuyện đã đến nước này rồi, thân phải lo thân, không những mình tôi mà toàn bộ số lính thân yêu đã theo tôi trong suốt đoạn đường gian khổ.


Khoảng 10 giờ sáng ngày 16/4/1975, tôi đang ở trên ngọn núi đối diện Sở Nước Suối Vĩnh Hảo, đặt ống dòm tôi thấy đoàn xe bụi mù mịt. Ngó lại mấy cây cầu, phải chi trước đó tôi đã có nói là phải tính toán nó đi, thì giờ đây, dĩ nhiên chận đứng được đoàn xe này rồi. Việc này chính tôi có đề nghị với BCH/TÐ và nơi đã trình lên Chi Khu cùng Tiểu Khu, nhưng không thẩm quyền nào quyết định nổi, vì lúc đó Mặt Trận Phan Rang còn đang ti ếp diễn, làm sao có thể phá cầu, trên đường rút lui của đoàn quân? Rồi tới lúc nguy ngập, tôi lại xin lệnh phá Cầu Ðá Chẹt nhưng cũng không được chấp thuận. Sau này gặp lại cựu Trung Úy Thức, anh cho biết là BCH/TD có xuống BCH Tuy Phong để bàn thảo chuyện này, nhưng không thấy thực hiện gì hết. Tới khi Tôi liên lạc về BCH/TÐ, báo cáo, là đã nhìn thấy xuất hiện đoàn xe bụi tung mù trời, gần xóm Vĩnh Hảo, cách chỗ tôi đóng quân chừng 5-6 cây số và cách BCH/TÐ khoảng hơn 10 cây số và xin phi vụ dội bom đoàn xe trên. Lúc đó, tuy đã được Trung Tân Hỏa Lực chấp thuận, nhưng vì tình hình chiến trường đang sôi động khắp nơi, nhất là tại các Mặt Trận Phan Rang, Phan Thiết và Xuân Lộc. Hơn nữa, phi trường Phan Rang thì đã mất, chỉ còn phi trường Biên Hoà. Tôi cố liên lạc về BCH/TÐ, kể cả BCH Tuỳ Phong nhưng không nơi nào trả lời, vì đã di tản ra Chiến hạm Hải quân 503 trước khi đoàn xe CS tới, vì vậy mới gặp Thiếu Tá Quận trưởng Tuy Phong là Hà Văn Thành ở trên tàu.

[

Thật sự lúc đó, đơn vị của Tôi chưa hề chạm địch, nên khi liên lạc được phi vụ, khoảng 10 giờ sáng. Tôi đã liên lạc với phi công và báo cáo mục tiêu xin oanh kích nhưng không hiểu vì lý do gì, hai chiếc F-5 lại thả hai trái bom xuống vị trí đóng quân của Tôi, rồi bay mất về hướng Nam. Cũng may, bom lạc ra ngoài nên không có ai bị thương vong. Ðây có lẽ vì áp lực phòng không lúc đó rất nặng, nên phải bay cao ngoài tầm pháo của địch, vì Tôi vẫn còn nghe họ gọi danh hiệu của tôi lúc đó là Bản Thế theo đặc lệnh truyền tin, song tôi không dám lên tiếng, vì sợ lại bị KQ thả bom lầm như trước.


Lúc này ÐÐ chỉ còn 2/3 quân số, vì khi rời Lương Sơn, Tôi đã giao cho ÐÐP chỉ huy 2 Trung Ðội còn lại, trong lúc chờ phương tiện. Ðây cũng là điều may mắn đã xui khiến Chi Khu Phan Lý Chàm cung cấp không đủ xe để di chuyển toàn đại đội về Tuy Phong. Nếu không, tại trân phục kích ở Bầu Ðá, có nhiều xe thế nào cũng dính. Ngoài ra nếu đủ quân số, phải rải quân rộng, chắc chắn sẽ bị ăn bom của KQ bỏ lầm.


Lúc này tại Tuy Phong chỉ còn có một mình ÐD4(-) của TÐ248 ÐP mà thôi, chính Tôi cũng không biết sẽ đi về đâu vì mọi liên lạc với BCH/TÐ và Chi Khu coi như bị cắt đứt. Ðứng trên núi cao, qua ống dòm tôi thấy trên Quốc lộ 1, dân chúng chạy lánh nạn đầy đường, bằng đủ loại phương tiện, kể cả xe đạp. Thấy vậy, tôi xuống dọ hỏi, mới biết đó là dân chúng Vĩnh Hảo, khi thấy đoàn xe của VC tới, nên rủ nhau bỏ nhà di tản. Họ còn cho biết đoàn xe của bộ đội Cộng Sản rất dài, trong số này có nhiều xe GMC tịch thu của TK. Ninh Thuận bỏ lại, khi Mặt Trận Phan Rang tan vỡ, hiện đang ngừng ngay trước chợ.


Tôi có nghĩ là sẽ rút về Phan Thiết nhưng làm sao được, vì phải di chuyển cả một chặng đường xa xôi, mà tôi là tuyến đầu. Bởi vậy, tôi đem 2 trung đội xuống nằm ở sát chân núi, trước mặt là 1 giao thông hào, dùng thoát nước mưa, để khỏi hư mặt lộ. Nhờ nó, mà đơn vị đã rút an toàn ra bờ biển, bởi vì xe hay chiến xa cũng không vượt qua được cái giao thông hào. Tôi để lại Tiểu Ðội Viễn Thám, nằm kích ở lưng chừng núi có gì yểm trợ, vì ở trên cao không sợ lạc đạn. Tới đường cùng rồi, những nghẹn ngào uất ức không làm sao giải tỏa được. Tôi xuống chận dân để hỏi tình hình tiếp, vì lúc đó đoàn xe còn đứng chưa di chuyển và được trả lời là có 1 chiếc xe Jeep sắp sửa chạy trước để đến đây, tôi nghĩ đoàn xe chưa đi, tôi đặt ống dòm nhìn thì thấy vẫn yên tĩnh, nếu 1 chiếc xe thì tôi lượm liền, chứ 1 đoàn quân thì vô vọng, tính cho cùng thì cũng chỉ trứng chọi với đá. Nói thực lính ÐPQ chúng tôi làm gì có kinh nghiệm đánh chiến xa, chính bản thân tôi là Ðại Ðội Trưởng cũng chưa có kinh nghiệm đánh chiến xa ngoài lý thuyết, nhưng rất có kinh nghiệm về bộ chiến. Tôi ra lịnh 1 chính, 1 yểm trợ, dù tôi biết rằng sau lưng tôi không có ai, chỉ có cây c ối, đồi núi chim muông và những loài thú lạc lỏng trong tiếng bom nổ. Thân tự lo thân, tôi chuẩn bị để tiêu diệt chiếc xe Jeep này, nằm chờ, chờ đến khi trong tầm nhìn thì không có chiếc xe Jeep nào hết mà là 1 đoàn xe, chạy đầu là chiếc PT76 thì phải. Việc gì đến đã đến, không thèm sự đợi chờ một người yêu không đáng yêu. Súng nổ, vẫn cứ nổ, đoàn xe dừng lại, súng vẫn cứ nổ, tôi thấy chung quanh mình toàn là lửa với lửa. Tôi ra lệnh cho tất cả theo đường thông thủy, từ đó an toàn có cây cối và đá bảo vệ, che kín, lâu lâu dùng súng cối bắn ra Quốc lộ, chúng cứ bắn vào, nhờ thế mà tôi đã hướng dẫn đơn vị ra tới bờ biển. Chính tôi ra lệnh bỏ tất cả quân trang mang theo cho nhẹ, chỉ súng đạn, lương khô, đi theo con đường thông thủy đâu phải chuyện dễ.



Nói tới vùng biển từ Cửa Xuất tới Long Hương (Chi Khu Tuy Phong) tôi nằm ở giữa, đến khi ra được tới bờ biển thì đã gần tối rồi. Chạy dọc bờ biển có đủ loại cây mọc, nào cây Ma Vương thấp có gai nhưng trái ăn rất ngon, thêm những bụi rù rì mọc từng đám nhưng có khoảng cách, đây chính là sự an toàn cho cho đơn vị, tôi ra lệnh đào hầm trong những bụi rù rì và hy vọng Tàu Hải Quân chạy qua. Nhờ còn có máy và các loại đặc lệnh truyền tin, nên tôi đã gọi cầu cứu khắp nơi, nhưng chẳng một ai hồi đáp. Không lẽ số phận tôi sinh ra làm bia đỡ đạn, còn những lính tráng khác của mình nữa cũng chung số phận sao ? Những người mà bao năm sương gió, khổ cực, đã theo tôi trong suốt đoạn đường chinh chiến.


Trời càng về đêm, càng âm u thê lương không thể tả, những khuôn mặt lính mệt mỏi, cay đắng xen lẫn ngậm ngùi, cho số phận của con người VN bất hạnh, nhưng không một oán hờn gì cả, nếu có chỉ trong lòng. Tôi cảm nghĩ tất cả lính của tôi cũng có những cảm nghĩ gì đó, nhưng mà có một điều tôi cam đoan rằng là có tôi, tôi là cấp chỉ huy không bỏ họ, bằng mọi giá phải đưa họ đi dù chỉ là phương trời vô vọng. Họ thấy an tâm, dù sao ở giữa cõi trời đất mênh mông, thê lương còn có tôi. Tôi rất tự hào điều này. Tất cả như bất động giữa đồng vắng, trong lúc đó, biển cả vẫn phẫn nộ, nổi sóng, không biết biển cả nổi sóng phẫn nộ vì thương hại dùm cho những người lính bất hạnh, nên cùng hòa nhịp cho kẻ khốn cùng, đã tới được bờ biển và gọi cấp cứu, không biết bao nhiêu lần nhưng đếu vô vọng. Trong lúc đó, có nhiều toán du kích di chuyển về hướng Long Hương, quận Tuy Phong nhưng tôi ra lệnh không nổ súng. Xa xa vọng lại, những tiếng nổ long trời, tôi đoán là những kho hậu cứ của Chi Khu Tuy Phong bị nổ. Lúc đó không biết đã mấy giờ rôi nhưng trời tối đen như mực, sóng biển vẫn phẫn nộ, đập vào bãi cát như có vẻ tức giận một điều gì? Cái đồng hồ của tôi trong lúc di chuyển theo đường thông thủy đã bị vướng mất, đó cũng là một kỷ niệm, bởi vì nó đã theo tôi suốt đoạn đường chinh chiến, mất một cái đồng hồ đã xử dụng tới 7 năm thì không tiếc, mà mất một vật kỷ niệm mới ngậm ngùi.


Sau khi đào hầm hố xong, Tôi suy nghĩ đêm đã xuống rồi, rút băng qua QL1 để về Phan Thiết thì chỉ là vô vọng, không lương thực, mà đạn dược thì thiếu thốn, có đi thì cũng chả biết đi về đâu. Tôi vẫn gọi, đến nước này thì cũng bước đường cùng, nhưng có sự thân yêu, dầu sao cũng còn số lính của tôi, tới giờ chót vẫn nghe lệnh tôi, đó cũng là một an ủi cuối cùng.


Giữa lúc tuyệt vọng não nề, thì gặp được tiếng trả lời, tôi không rõ tại vì tôi không có tần số đó, sau này tôi mới biết là họ đã rà vì nghe tôi gọi quá chừng. Xưng danh là Giang Ðoàn 27 từ Phan Rang vô, nhưng họ bảo tôi nếu có ai xác nhận anh là Bản Thể là tôi vô bốc anh liền. Kể cũng thật may, lúc đó tôi nhận được tiếng của Thiếu Tá Hà Văn Thành, đã xác nhận tôi là Bản Thể tức là danh hiệu của Ðại Ðội Trưởng lúc đó theo đặc lệnh truyền tin. Nhờ vậy chúng tôi được cứu sống.



Trong lúc đợi chờ Tàu HQ vào vớt, tôi có dặn lính khi gác thì nằm xuống, đêm tối như mực, không thể nào đúng gác mà thấy được, tại vì ở bờ biển mà, chỉ có nằm xuống mới thấy dạng người ở ngoài biển vào thôi. Cùng lúc, nhìn về hướng Chi Khu Tuy Phong tiếng nổ vẫn không dứt. Mông lung suy tư và chờ đợi, lúc này phải nói là tâm tôi rối bời, không biết Hải Quân hứa vào “bốc“ chúng tôi có hay không, hay là chờ chết, chỉ đến sáng mai thôi, bình minh vừa ló dạng đem bao nhiêu nguồn vui cho mọi người là lức tôi chỉ chờ chết. Chết với tôi lúc đó thì cũng không có một ý niệm nào, mà lúc đó tôi rất căng thẳng. Nói là hầm trú ẩn chứ đó chỉ là một cái hố đào sâu che cái ponsô cho tôi ngồi ở dưới rọi đèn pin gọi các nơi. Gọi Hải Quân tôi chấm tọa độ và Hải Quân hứa sẽ vào bốc ra, chờ và chờ. Tôi không nhớ rõ thời gian chắc có lẽ là nửa đêm thì phải, sương biển đã thấm lạnh đôi vai người lính, thực ra đời lính chiến tôi có đụng chạm những chuyện như thế này tuy vậy còn có những đơn vị bạn yểm trợ, sương lạnh bờ vai cũng chỉ là những đêm đóng trên những ngọn đồi dọc theo QL1 có đủ thời gian ngồi nhìn trăng lên mà lòng cảm thấy một cái gì lý thú trong gian khổ. Còn cái này thì hết biết rồi. Tôi dặn lính gác rất là cẩn thận bởi vì từ ngoài biển khơi có người vào là phe ta.


Có 1 người lính chạy tới báo tôi biết là có 2 người từ ngoài biển đi vô và yêu cầu gặp tôi. Tôi bước tới, 2 người mới tới trong đêm vắng của biển cả, tôi thấy họ mặc đồ gì lạ quá, 2 người hỏi tôi có phải anh là Ðại Ðội Trưởng không thì tôi nói là tôi. Rồi 2 người 1 phải 1 trái xốc nách tôi nhảy xuống biển và đi luôn, tôi nghe 1 trong 2 người nói anh ngước mặt lên để khỏi bị nước vô mũi, miệng, tôi đưa anh đi, tôi độ chừng chắc cũng nửa tiếng đồng hồ thì bước lên trên một vùng đá san hô, lúc đó tôi mới hiểu là chiếc tàu họ đem vào vì đêm tối đã cỡi trên rặng san hô rồi. Họ bảo vì đêm tối không thấy rặng san hô. Họ báo cho biết là họ chỉ được lệnh “bốc“ tôi ra thôi, tôi năn nỉ xin vui lòng cứu những đồng đội của tôi nữa, sau này khi vào Vũng Tàu tôi có gặp 2 vị Trung Úy đó nhưng đã quên tên, xin cảm ơn 2 vị.


Cuối cùng 2 vị Trung Úy đồng ý cho lính tôi ra nhưng phải lội ra chứ không bốc được vì lúc đó tàu còn nằm trên rặng san hô. Tôi mượn máy truyền tin gọi vào bờ và ra lệnh cứ lội ra trước mặt gần lắm, tàu đã bị mắc rạng rồi, toàn bộ súng đạn, máy truyền tin cứ đội lên đầu đi ra đến khi nào bắt đầu lội là thả hết xuống biển, tuyệt nhiên không để lại một cái gì ở bờ biển hết. Lại một lần nữa, ơn trên phù hộ cuối cùng toàn bộ đơn vị tôi cũng ra được. Hóa ra đó là Duyên Ðoàn 27 đóng tai Phan Rang, và sau đó đưa chúng tôi ra chiếc Duyên Vận Hạm 503 đang nằm ở gần Vịnh Cà Ná.


Mờ sáng là đơn vị tôi đã lên chiếc Duyên Hải Vận 503, lúc đó tôi có gặp Thiếu Tá Thành Quận Trưởng Quận Tuy Phong, tôi có đôi lời cảm ơn cứu tử. Nếu không có Thiếu Tá Thành xác nhận thì tôi cũng không bao giờ ra được chiếc 503 mà mấy vị Trung Úy HQ đã phải lặn lội dưới nước biển trong đêm khuya để mang tôi ra ngoài tàu. Ðó cũng là một ý niệm tình huynh đệ chi binh. Trong khi tôi đã ở với các ông không biết bao nhiêu lâu, buồn có vui có, đủ mọi chuyện trên đời tuy tôi không kể ra đây. Nhưng với 2 vị Trung Úy HQ, tôi đâu có ở với 2 vị Hải Quân đó mà chỉ gặp nhau bằng liên lạc truyền tin mà họ đã “bố “ tôi rồi, như vậy LÐ 925/ÐP và TÐ 248/ÐP nghĩ coi thế nào?


Ðứng trên chiếc Duyên Hải Vận 503, khoảng 10 giờ sáng, con tàu đang bấp bênh trên biển với những cuộn sóng thật dữ dội, tôi nhìn vào đất liền thấy những mảnh kiếng chiếu ra nhiều vô kể như sao lấp lánh trên giải Ngân Hà trong bầu trời đêm. Vì Cửa Xuất không phải là cảng cập bến cho loại tàu lớn như chiếc HQ. 503, nên tôi thấy các vị Sĩ Quan Hải Quân trên tàu, đã chận những chiếc ghe đánh cá lúc đó, cho họ dầu và nhờ chạy vào bờ bốc lính ra. Những hành động trân quý này, thật đúng tình huynh đệ chi binh của QLVNCH.


Khi công tác cứu vớt lính còn đang tiếp diễn, thì những đạn pháo từ trong bờ bắn ra, bởi vì chiếc HQ- 503 ở rất gần Vịnh Cà Ná. Ðó là đạn 130 ly bắn trực xạ của CS, những trái đầu tiên bay qua tàu và rớt ở xa, tôi nghe chiếc loa trước pháo đài chỉ huy kêu cầu cứu, rồi những trái sau có lẽ là trúng pháo tháp chỉ huy đầu tiên và sau đó là trên boong, trên tàu lúc này thì ít người thôi, nếu lúc đó có vào khoảng vài trăm người thì thương vong rất là nhiều, dầu tôi là Bộ Binh nhưng không biết chỗ nào để ẩn núp, đành chịu trận, những tiếng nổ thật chát chúa như muốn bể tung đầu. Bỗng dưng tôi thấy 1 nắp hầm bật lên, tôi và số ít chạy xuống lòng tàu, lúc này tàu lắc dữ lắm. Tôi chạy ra trước mũi rồi lại chạy lên boong trong tư thế vừa đứng vừa ngả nghiêng, vì con tàu đã bị thương. Rồi nó lắc lư dữ dội, có lẽ tàu ở sóng ngang nên khi sóng đập vào mạn hông là tàu nghiêng, hết đập là tàu đứng, cứ thế tôi phải vịn vào lan can tàu để rồi cùng lắc lư với nó, nhìn ra ngoài khơi thấy có 5 cột khói bốc cao (lúc đó chiếc 503 gọi cấp cứu), cứ thế hải pháo bắn vào bờ như một bầy kên kên, quà quạ.


Trong tình huống như thế, mà lính của tôi còn lo lắng cho cấp chỉ huy củ a mình, khi đưa cho tôi 2 cái biđông không, có dây đeo, để tôi tròng vào c ổ làm phao khi tàu chìm. Nhưng “ Phước bất trùng lai”, đây là lần thứ 3, ơn trên phù hộ. Tiếng súng bắn từ bờ biển đã im bặt vì hải pháo bắn vào rất dữ dội, nên VC chịu không nổi đã rút hết. Tàu bị thủng ở bên hông nhưng nhờ có 5 chiến hạm khác tới cứu, hai chiếc dìu bên hông nên dần dần chiếc 503 trở lại bình thường và bơm nước ra và cột tàu để kè chiếc bị thương đi trong đêm tối. Mệt mỏi ê chề, tôi đã thiếp đi, đến khi tỉnh dậy đã thấy gần đất liền và tàu cập bến Vũng Tàu vào khoảng 10 giờ sáng.


Ðầu tiên là 9 chiếc băng ca phủ dra trắng. Xin 1 phút mặc niệm cho hương hồn những vị đã vì Tổ quôc vong thân. Khi đơn vị chúng tôi lên bờ thì đã có Quân Cảnh túc trực tại chỗ để thu súng đạn. Súng đạn gì nữa, đã bỏ hết dưới biển rồi, duy nhất một kỷ vật luôn luôn mang theo trong người là tấm thẻ bài cũng đã yên vị trong lòng biển cả mênh mông, còn tấm kia đưa cho bà xã cất giữ, phòng khi có mệnh hệ gì còn có nó để nhận xác, và giờ đây tấm thẻ bài kỷ vật này tôi còn đang giữ khi đi định cư ở Mỹ. Quân Cảnh hướng dẫn đơn vị tôi lên chiếc GMC và chạy. Khi đến nơi họ cho biết đây là Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, nơi đây họ báo rằng TK Bình Thuận chưa mất và phải tìm đường trở về. Lạ quá, lúc đó là buổi sáng ngày 18/4/75 đúng là Bình Thuận chưa mất, mà mất vào ngày 19/4/75 trong khi tôi ở tuyến đầu. Tôi có trình bày là không thể nào về lại Bình Thuận được vì ngày tôi đi là Cà Ná đã mất rồi. Tôi ở lại trong TTHL Vạn Kiếp nhưng hình như là khu tiếp tân. Cuối cùng họ bảo tôi xem có ai để nhận dạng tôi hay không ? Thật ra thì lúc ấy chưa có ai ở Bình Thuận vào cả mà chỉ có đơn vị của tôi và một số ít sĩ quan và binh sĩ của TÐ tôi và CK Tuy Phong đã lên chiếc 503 ngày trước như đã kể trên thôi. Ðến đây thì tôi nhớ lại lúc trước nguyên tôi là Ðại Ðội Phó của Ðại Úy Lộc khi tôi mới là Thiếu Úy, đến khi lên Trung Úy anh Lộc khuyên tôi còn trẻ nên đi học khóa Ðại Ðội Trưởng và cũng chính anh Lộc đã lập văn thư cho tôi, sau đó anh Lộc cho tôi biết anh đổi về TTHL Vạn Kiếp, nhờ vậy nên tôi báo cho họ là trước kia Ðại Ðội Trưởng cuả tôi là Ðại Úy Lộc, ở Sông Mao có vợ là chị Thu xin họ thông báo tên tôi và khoảng chừng nửa giờ sau anh Lộc chạy ra nhận, vậy là ơn trên phù hộ một lần nữa, mọi thủ tục giấy tờ, và lính tráng nhận phần ăn cũng đều do anh Lộc, rồi từ đó các đơn vị Bình Thuận cũng đến.


Nhân đây, mặc dù anh đã là người thiên cổ ở trại tù ngoài Bắc, xin một chút hoài niệm về anh, vì anh đã giúp đỡ tôi tận tình, để nhớ đến người xưa là Ðại Ðội Trưởng của tôi, xin chân thành cảm ơn anh, cầu nguyện hương hồn anh siêu thoát, xin ơn trên phù hộ cho chị và mấy cháu. Giờ đây đã hơn 30 năm, tuy không nhớ hết từng chi tiết, nhưng khúc phim trận đánh Sở Nước suối Vĩnh Hảo vẫn như đang diễn ra từng khúc. Tôi không phải nhà văn, chỉ nhớ đâu viết đó, viết lách thì mông lung, không thứ tự thiếu đầu đuôi tuy nhiên có nhiều điều vẫn nhớ nhất là, khi nằm trong trại tù Quân Khu 7 ở Long Khánh vào khoảng trưa ngày 30/4/75 lính CS đem lại một cái radio bảo để nghe Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Nhớ lúc kho đạn nổ trước ngày bầu cử Quốc Hội của CS, nhớ nhà máy xay lúa bị cháy trơ xương, chỉ còn cái trục quay là không cháy nổi, nhớ những nhà tiề n chế sau cơn nổ, sườn nhà cong như sợi giây kẽm, nhớ mặc bộ đồ tù có sọc y như tù binh Mỹ bị nhốt ở Hỏa Lò Hà Nội, nhớ những bao đựng quần áo phát cho những con người phải nói là “cá đã vào rọ“ mà tôi đọc được là “Nhân dân Trung Quốc thân tặng tù binh Việt Nam“.


Không biết nhân dân Trung Quốc có biết điều này không, đó là anh tặng tôi để che thân thể, nhưng chắc gì nhân dân Trung Quốc đã đủ ấm no đâu, mà phải lo cho những người ở đâu đâu; Nhân đạo ư! Không. Cộng Sản làm gì có nhân đạo. Ðoạn hồi ký này tôi viết ra, song ở trong đây, tâm tư tôi không có gì là hằn học cả, mà chỉ muốn nói lên những suy tư đã ở trong tôi hơn 30 năm. Ðiều này không có nghĩa là tôi muốn khơi dậy một quá khứ. Mà tôi chỉ muốn cho mọi người biết rằng trong những giờ phút cuối cùng ở đầu phía Bắc tỉnh Bình Thuận, vẫn còn ít nhất 1 đơn vị đang chiến đấu chống lại đoàn xe CSBV và tìm đường triệt thoái để bảo toàn cho mạng sống của những người lính đã can trường chiến đấu cũng như cha ông và đồng đội tôi đã đổ nhiều xương máu, chống lại miền Bắc hiếu chiến để gìn giữ miền Nam Việt Nam tự do.


Ðây là Trận đánh có tên trong Quân Sử VNCH: Trận Sở Nước-Vĩnh Hảo (Bình Thuận).

Ðây là Trận đánh có Ðại Bàng Chỉ Huy, đó là Tôi: Trung Uý Nguyễn Tấn Hợi/ÐÐT/ÐÐ4/TÐ248 ÐP thuộc Liên Ðoàn 925 ÐP/BBT. Ngoài ra còn có Ðại Bàng Lớn là Thiếu Tá Hà Văn Thành, Quận kiêm CKT. Chi khu Tuy Phong-BT, không có xác nhận, được DÐ27 và HQ-503 cứu vớt, ngày nay chúng tôi không còn sống. Ðó là sự thật của Lịch sử, không ai bóp méo được -/-

Viết xong mùa Thu năm 2006
tại Philadelphia, Pennsylvania
NGUYỄN TẤN HỢI
Cựu học sinh Trung Học Phan Bội Châu PT
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Thương Binh QLVNCH gởi cho các Anh
Một Anh bạn tôi ở Chicago đã nhận được một bức thư của một người thương binh QLVNCH bị cụt một chân và hư một mắt tại chiến trường An Lộc năm 72 gởi từ Việt Nam sang Mỹ cho các cấp Chỉ huy ngày xưa của mình. Tôi đã mạng phép nhuận sắc lại bức thư đó cho lời thư gẩy gọn và nhẹ nhàng hơn.

Kính tặng tất cả Cựu Quân Nhân QLVNCH. Chúng ta nên đọc bức thư nầy để suy gẩm.

Huỳnh Vĩnh Ninh
North Carolina

Việt Nam, ngày tháng năm .

Các Anh kính quý,

Thật tình tôi không biết phải xưng hô với các Anh thế nào cho phải đạo, bởi lẽ dù sao đi nữa, các Anh cũng đã có một thời là thượng cấp, là cấp chỉ huy của chúng tôi. Giờ đây, cho dù thời gian có vô tình lặng lẽ đi qua ngót 27 năm, trong lòng chúng tôi vẫn khắc ghi hằng khối những kỹ niệm của một thời binh lửa, thời mà chúng tôi và các Anh còn xông pha ở giửa lằn tên mủi đạn, thời mà chúng ta còn được vinh dự cầm súng bảo vệ quê hương.

Những trận chiến càng về cuối của năm 75 càng khốc liệt, chúng tôi đã không nao núng, không rời hàng ngủ mà càng sát cánh hơn với các Anh, không màng nguy hiễm, không sợ cái chết lúc nào cũng sẵn sàng đến với người lính trong thời lửa đạn. Quả tình lúc ấy trong lòng chúng tôi khâm phục các Anh nhiều lắm, các Anh là những người có ăn học, được huấn luyện những kiến thức quân sự để trở thành những sĩ quan chỉ huy chiến trường, chỉ huy chúng tôi. Lòng dũng cảm cùng với kiến thức của các Anh đã phát sinh từ trong thâm tâm của chúng tôi một thứ tình đồng đội trong thời chinh chiến, mặc dù kỹ luật quân đội đã bắt buộc chúng tôi luôn luôn chỉ biết tuân lệnh của các Anh, nhưng hình như trong lòng chúng tôi không hề than oán mà còn cảm thấy thật vui mỗi khi thực hiện được một việc gì cho đơn vị, hay nói đúng hơn là cho các Anh. Chúng tôi là những người ít học, nên với những suy nghĩ thật giản đơn lúc bấy giờ: Làm vui lòng các Anh chính là chúng tôi đã làm tròn nợ nước, nhiều lúc tuân hành và thực hiện mệnh lệnh xung phong vào mục tiêu, ôm súng băng mình qua tuyến, chúng tôi chỉ với hai điều tâm niệm: Thắng trận nầy thật nhanh và bảo vệ cho bằng được... các Anh.

Chúng tôi chưa có ý niệm về quê hương dân tộc, chúng tôi thật tình lúc bấy giờ cũng chưa hiểu được thế nào là lòng yêu nước. Chính các Anh đã dạy cho chúng tôi những điều trọng đại ấy và với đầu óc của chúng tôi, chúng tôi chỉ hiểu nôm na: Bổn phận chúng tôi là những thanh niên Việt Nam, chúng tôi phải cầm súng bảo vệ Tổ Quốc, chấp nhận tất cả những hy sinh gian khổ cùng những hiễm nguy mà chiến trường đã dành riêng cho người lính. Và... chúng tôi đã cảm thấy vô cùng hãnh diện với việc làm của mình. Cũng chính vì thế, chúng tôi đã lăn xả vào trận địa để trong mặt trận cuối cùng, tôi đã để lại chiến trường một phần thân thể. Không kịp nói lên một lời từ giã các Anh khi trực thăng bốc vội tôi về Quân Y viện. Sáu tháng dài ở bệnh viện đủ cho tôi lấy lại được chút hơi tàn mà đủ sức chống nạn khi di chuyển. Tôi rời khỏi quân đội trong một nổi buồn không tả được, cuộc chiến đã đến giai đoạn sau cùng và tôi vẫn theo dõi tin tức của Miền Nam, nhất là bước tiến quân của đơn vị cũ của mình.

Ngày Miền Nam hoàn toàn sụp đổ làm tôi chết lặng người, bạn bè đồng đội tôi sẽ ra sao? và nhất là các Anh - những cấp chỉ huy của tôi sẽ ra sao? Mặc dù đã bị cắt phần tiền thương tật, “học tập” ở xã hết 1 tuần, tôi đã phải bán đi cái radio yêu quý đã theo tôi suốt đoạn đường chinh chiến để lấy tiền tìm đến nhà của các Anh mà hỏi thăm tin tức. Chị nhà cho hay Anh đã bị tập trung “cải tạo”. Tôi buồn quá lủi thủi về nhà, lòng vẫn luôn luôn van vái những an lành sẽ đến với các Anh. Bạn bè đồng ngủ về quê tôi khá đông nhưng không có công việc làm nên càng bi thảm hơn. Thằng vá xe đạp ở cuối phố, thằng khuân vác, thằng chạy xe ôm, chúng tôi không từ chối bất cứ một việc làm gì để kiếm được chút đỉnh tiền vừa để tạm sinh sống no đói qua ngày vừa gom góp lại được vài mươi đồng nhờ Chị nhà có đi thăm nuôi thì mua một ít thức ăn và đồ dùng cần thiết gởi đến Anh. Chúng tôi dù trong nhọc nhằn vẫn thường hay nhắc đến các Anh, ở trong tù dù buồn nhưng nhận được quà của chúng tôi chắc các Anh cũng vui được phần nào.

Đó ! Chúng tôi chắc chiu những tình cảm trân quý, thủy chung gởi đến các Anh, mỏi mong các Anh một ngày nào đó được tự do mà tính chuyện quang phục lại quê hương mình. Thằng thượng úy trưởng Công an phường lợi dụng việc cấp giấy phép đi thăm nuôi đã ngủ với bà Trung Úy Phúc, sự nhục nhã nầy đã khiến Bà Trung Úy Phúc phải treo cổ tự tử. Tôi nghỉ từ trong tù các Anh buồn và hận lắm.

Ngày Anh được ra tù chắc Anh còn nhớ chứ? Chúng tôi đã đón mừng các Anh như đơn vị của mình được tái lập, bao nhiêu vui mừng không kể xiết, mừng đến rơi lệ, mừng vui khi nổi mỏi mong rửa nhục của chúng ta đã được gần kề.

Rồi các Anh được sang Hoa kỳ, niềm vui thật sự càng nhân lên gấp bội, ngày chia tay rượu hồng đã pha nước mắt, tiễn các Anh đi mà lòng thầm mong đợi một ngày về của các Anh.

Chúng tôi - những người lính QLVNCH vẫn ấp ủ một niềm tin tưởng vào các Anh như ngày xưa. Sự ra đi của các Anh là điều kiện thuận lợi cho công cuộc đấu tranh với Cộng sản VN.

Các Anh a. ! Bây giờ thì buồn quá ! Các Anh - những sĩ quan QLVNCH, những người Anh của chúng tôi, những Đại bàng, những Bắc Đẩu, Hắc Báo của ngày nào, một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường, các Anh đã có một thời vinh quang và một thời nhục nhã, giờ đây sau 27 năm lặng lẽ, các Anh cũng bị nhòa đi hình ảnh của ngày xưa? Các Anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuc quyền của các Anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất Mẹ thiêng liêng, quên đi những đồng đi còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lất lây ở đầu đường xó chợ.

Xin cảm ơn các Anh về những đồng Dollars mà các Anh đã gởi về cho chúng tôi trong chương trình giúp đỡ thương phế binh QLVNCH. Những đồng tiền đó dù có giúp cho chúng tôi trong một thời gian ngắn, dù có an ủi cho những đớn đau vật chất được đôi phần nhưng cũng không làm sao giúp chúng tôi quên đi nổi nhục mất nước. Chúng tôi cần ở các Anh những chuyện khác, các Anh có thấu hiểu cho chúng tôi hay không?

Tôi đã hiểu vì sao thằng khuân vác ở xóm trên, thằng vá xe đạp ở đầu đường, thằng chống nạn đi bán vé số ở cạnh nhà lại ghét cay ghét đắng đám Việt kiều. Họ là những người lính năm xưa, họ đã từng tuân hành lệnh của Đại bàng, Thần Hổ xông pha nơi trận mạc, Họ đã từng chắc chiu từng đồng bạc nghĩa tình chung thủy gởi vào tận chốn tù đày cho các Anh, Họ đã từng uống với các Anh chung rượu ân tình ngày đưa tiễn các Anh lên Phi cơ về vùng đất mới, Họ đã từng nuôi nấng một hoài vọng, một kỳ vọng trong ngày về vinh quang của QLVNCH. Nhưng chính các Anh đã làm họ oán ghét, oán ghét đến độ khinh bỉ khi các Anh áo gấm về làng, chểm chệ ngồi dựa ngữa ở nhà hàng khách sạn 5 sao, tung tiền ra để tỏ rỏ một Việt kiều “yêu nước”.

Các Anh có biết không? Từ trong sâu thẫm của cuộc đời, những người lính của QLVNCH đang lê lết ở ngoài cửa nhà hàng mà các Anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các Anh với một ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người Lính là sự bội bạc, là sự phản bội. Không biết khi tôi kết tội các Anh là Phản bội có quá đáng hay không, nhưng các Anh tự suy nghĩ một chút sẽ thấy rõ hơn chúng tôi.

Tôi không tin là tất cả các Anh đã biến thái thành những tên Việt gian, nhưng sự trở về như các Anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ quốc và rõ ràng nhất các Anh đã phản bội lại chúng tôi. Các Anh chống Cộng mà cứ về Việt Nam thì còn chống Cộng gì nữa? Tôi lại còn nghe sự bát nháu của các Anh trên xứ người. Ôi ! không lẽ nổi nhục nầy đời ta không rửa được?

Các Anh Kính Quý.

Chúng tôi là những người Lính năm xưa của các Anh đây. Toàn thể quân nhân và đồng bào đang tin tưởng vào các Anh. Tin tưởng một ngày về rửa nhục, để Mẹ Việt Nam không còn cất lên tiếng than ai oán, để chúng ta cùng nhau trở lại kiếp làm người, chấm dứt đêm trường u tối đã phủ trùm lên Tổ quốc ngót 27 năm dài.

Người Lính chỉ biết tuân hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nhưng qua bức thư góp ý nầy, mong các Anh thứ lỗi cho những suy nghĩ của chúng tôi.

Các Anh, cho dù đã chậm, nhưng chúng tôi vẫn mong mỏi các Anh ở một ngày về.

Trân trọng
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Mưa Trên Poncho
Trầm Tử Thiêng


Hạt Mưa Trên Poncho
Hạt mưa trên poncho, hạt mưa.. trên poncho
Tí tách rơi nghe như tiếng quân reo hò ngoài chiến trường
Hạt mưa miên man rớt trên đầu non

Người mong.. bên song thưa, người đi.. trong cơn mưa
Góp chiến công.. hiên ngang thắm đôi môi cười ngày quay về
Nghìn gian lao tan biến trong lời thề
ĐK :
Mưa, mưa mãi thấm lòng người trai nơi xa trường
Hạt mưa vui như hồi vỗ tay ca
Mưa, nhưng vẫn.. ấm lòng người trai đi xa nhà
Mưa cho tình thương mến thêm đậm đà !

2.
Hạt mưa trên poncho, hạt mưa.. trên poncho
Nhớ những đêm anh em vỗ tay reo cười đùa mưa nguồn
Nằm trên poncho ngỡ trên nệm gấm

Nào ai.. đang say sưa, hẹn nhau.. đi trong mưa
Góp chiến công đem ghi khắc trên lời nguyền ngày quay về
Nghìn gian lao tan biến trong lời thề

[ ĐK ]

3.
Hạt mưa trên poncho, hạt mưa.. trên poncho
Tí tách rơi nghe như tiếng quê hương mình chờ quân về
Người em hân hoan đón hoa đầu súng

Kia ai.. bên song thưa, nhìn ai.. đi trong mưa
Đã chắc ghi đi công lao __ cho tay người ngày quay về
Nghìn gian lao tan biến trong lời thề

[ ĐK ]

Mưa cho tình thương mến thêm.. đậm... đà...


Mưa Trên Poncho
Trầm Tử Thiêng
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tuyên Dương Một Trung Đoàn Trưởng Kiệt Xuất
[right]http://www.lzxray.com/schwarz.jpg[/right]Chiến Dịch Thung Lũng Ia Drang là một biến cố đặc biệt đối với tôi vì nó đã giới thiệu cho tôi một vị chỉ huy trưỏng tác chiến sáng chói nhất mà tôi biết được.

Trung Tá Ngô Quang Trưởng là tham mưu trưởng của Tướng Dư Quốc Đống. Trông ông không giống như mẫu một nhà quân sự xuất chúng mà tôi thường hình dung: ông chỉ cao 5 feet 7, khoảng bốn chục tuổi, gầy nhom, lưng còng và một cái đầu quá to so với thân hình. Gương mặt ông co rúm và đăm chiêu, không đẹp trai tí nào, và miệng luôn ngậm một điếu thuốc lá. Tuy vậy ông rất được các sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp nể trọng - và các chỉ huy trưởng Bắc Việt nghe biết tiếng ông phải rất nể sợ. Mỗi khi có một cuộc hành quân cam go xảy đến, Tướng Đống đều giao quyền chỉ huy cho Trung Tá Trưởng.

Sư Đoàn Dù được lệnh ngăn chận các trung đoàn Bắc Việt bị đánh bại ở Thung Lũng Ia Drang đang lẩn trốn trở qua Cam Bốt. Tôi đang chập chờn ngủ sau một bữa ăn no nê đánh chén cà ri gà và rượu bia thì bị đánh thức phải đi ra phi trường. Trưởng đã tụ tập một lực lượng to tát khác thường với khoảng chừng 2000 binh sĩ Dù để đi tới Ia Drang sáng hôm sau, và đã chọn tôi làm cố vấn cho ông.

Chúng tôi được máy bay vận tải đưa tới sân bay vùng đất đỏ Đức Cơ, nơi tôi đã từng đồn trú trước đây, và từ đó trực thăng chở chúng tôi xuôi Nam xuống vùng thung lũng. Ngay khi chúng tôi nhảy xuống khỏi trực thăng, chúng tôi liền đụng độ giao tranh với địch. Thung lũng rộng khoảng 12 mile tại địa điểm Thung Lũng Ia Drang chảy theo hướng Tây về phiá Cam Bốt - và đâu đó trong vùng rừng già đó đại đơn vị địch quân đang di động lẩn trốn. Chúng tôi đã đáp xuống phiá Bắc, và Trưởng ra lệnh cho các tiểu đoàn băng qua sông Ia Drang và đóng chốt dọc theo rặng núi Chu Prong với những sườn núi cao chạy hướng về phiá Nam. Thật là hấp dẫn quan sát cách Trung Tá Trưởng hành quân. Đang khi chúng tôi lần bước, ông bỗng ngừng lại nghiên cứu bản đồ, và thỉnh thoảng ông lại chỉ ngón tay trên bản đồ và nói, "tôi muốn anh cho nã pháo vào đây." Thoạt tiên tôi ngờ vực, nhưng vẫn cứ kêu gọi pháo binh bắn theo lời yêu cầu; khi chúng tôi tới vùng đó, chúng tôi thấy xác địch nằm ngổn ngang. Chỉ bằng cách hình dung địa thế và dựa vào 15 năm kinh nghiệm đánh giặc, ông chứng tỏ khả năng đặc biệt tiên đoán ý đồ địch.

Khi bộ chỉ huy lập trại đóng quân đêm đó, Trưởng mở bản đồ ra, châm một điếu thuốc, và phác họa kế hoạch chiến trận của mình. Khoản rừng giữa vị trí chúng tôi đang đóng quân tại các sườn núi và con sông, Trưởng giải thích, tạo nên một hành lang thiên nhiên - con đường Bắc Quân thể nào cũng chui đầu vào. Trưởng nói, "Tảng sáng, chúng ta sẽ phái một tiểu đoàn tới địa điểm này, về phiá trái, làm lực lượng nút chận giữa sườn núi và con sông. Vào khoảng 8 giờ sáng ngày mai, tiểu đoàn này sẽ đụng độ mạnh với địch quân. Tiếp đó tôi sẽ gửi một tiểu đoàn khác tới địa điểm này, về phiá phải. Tiểu đoàn này sẽ chạm địch vào khoảng 11 giờ. Tôi muốn anh ra lệnh pháo binh sẵn sàng nã vào vùng này, về phiá trước mặt chúng ta," Trưởng nói, "và rồi chúng ta sẽ tấn công với tiểu đoàn thứ ba và thứ tư của chúng ta đánh xuống mạn sông. Như vậy địch quân sẽ bị sa vào bẫy với lưng đối vào khúc sông."

Tôi chưa từng nghe thấy điều lạ lùng như vậy tại West Point. Tôi nghĩ bụng, "Cái gì mà 8 giờ rồi 11 giờ? Làm sao mà có thể hoạch định thời khóa biểu cho trận đánh như vậy được?" Nhưng tôi cũng nhận ra kế hoạch của Trưởng: Trưởng đã tái tạo chiến thuật Hannibal đã dùng vào năm 217 trước tây lịch, khi Hannibal bao vây và tiêu diệt các đơn vị viễn chinh La Mã tại bờ sông Trasimene.

Nhưng, Trưởng nói thêm, chúng ta có một điều khó xử: quân Dù Việt Nam được đưa vào chiến dịch này vì cấp trên lo ngại các lực lượng Mỹ khi đuổi theo địch quân có thể mạo hiểm tiến tới quá sát ranh giới Cam Bốt. Trưởng nói, "Theo bản đồ của anh, biên giới Căm Bốt nằm tại đây, 10 cây số về phiá Đông nếu so với bản đồ của tôi. Để có thể thực hiện kế hoạch của tôi, phải dùng bản đồ của tôi thay vì của anh, nếu không chúng ta không tài nào đánh vòng sâu đủ để đặt lực lượng nút chận đầu tiên của chúng ta. Như vậy, Thiếu Tá Schwarzkopf, anh cố vấn sao đây?"

Viễn ảnh để địch quân chạy thoát trở lại khu an toàn, để rồi khi hồi phục lại sức, chúng lại tấn công trở lại khiến tôi sôi gan lên cũng giống mọi quân sĩ khác. Một số địch quân này đã đụng độ với tôi bốn tháng trước đây tại Đức Cơ; tôi không muốn phải giao tranh lại với chúng bốn tháng tới đây. Như vậy tội gì tôi phải cho là bản đồ của tôi chính xác hơn bản đồ của Trưởng cơ chứ?

"Tôi cố vấn chúng ta dùng lằn biên giới vạch theo bản đồ của Trung Tá."

[left]http://img144.imageshack.us/img144/6258 ... chw3rz.jpg[/left]Sau khi ban bố các lệnh tấn công, Trưởng ngồi nghiên cứu bản đồ với điếu thuốc lá trên môi. Chúng tôi duyệt đi duyệt lại kế hoạch thâu đêm, hình dung mọi diễn tiến của trận đánh. Khi trời hừng sáng, chúng tôi phái Tiểu Đoàn 3 tiến quân. Họ tới vị trí và, y như là, đúng 8 giờ sáng, họ gọi điện về báo cáo đụng địch mạnh. Trưởng phái Tiểu Đoàn 5 tiến về hướng phải. Vào 11 giờ, họ báo cáo chạm địch mạnh. Đúng như Trưởng tiên đoán, trong khu rừng phiá dưới chúng tôi, địch đụng đầu với Tiểu Đoàn 3 tại ven bờ và quyết định, "Tụi mình không thể thoát ngã này. Tụi mình sẽ lộn trở lui." Quyết định này trái nguyên tắc căn bản của thế tháo lui và lẩn tránh, tức là chọn con đường bất tiện nhất để giảm thiểu nguy cơ chạm trán với địch quân đang nằm chờ. Nếu chúng chọn leo rặng núi Chu Prong ra khỏi thung lũng thì có lẽ chúng thoát được nạn. Trái lại, chúng đã lần theo thung lũng, đúng như Trưởng tiên đoán, và do đó bị chúng tôi đóng vào hộp. Trưởng nhìn tôi và nói, "Hãy cho nã pháo của anh." Chúng tôi pháo nửa tiếng. Tiếp đó Trưởng ra lệnh hai tiểu đoàn còn lại đánh xuống sườn đồi; súng ống khai hỏa rất nhiều trong khi chúng tôi theo đoàn quân tiến xuống.

Vào khoảng 1 giờ trưa, Trưởng tuyên bố, "Ô-kê, chúng ta dừng chân tại đây." Trưởng chọn một bãi quang xinh xắn, và chúng tôi ngồi xuống ăn trưa cùng với ban tham mưu! Đang ăn nửa chừng , Trưởng bỗng đặt bát đũa xuống và ra lệnh vào máy phát thanh. "Trung Tá làm gì vậy?" tôi hỏi. Trưởng ra lệnh cho binh sĩ lục lạo chiến trường để thu lượm súng ống: "Chúng ta triệt hạ nhiều địch quân, những đứa thoát chết vứt bỏ lại súng ống khi tháo chạy."

Lạ nhỉ, Trưởng có nhìn thấy cái quái gì đâu! Mọi điều đều bị rừng cây che đậy. Nhưng chúng tôi ở nán lại bãi quang trọn ngày còn lại, và quân lính ôm về từng bó súng ống chất thành đống trước mặt chúng tôi. Tôi khoái quá - chúng ta đã gặt hái một chiến công hiển hách! Nhưng Trưởng thì lại ngồi yên, thản nhiên hút thuốc.

General H. Norman Schwarzkopf
It Doesn't Take A Hero (1992)

source:generalhieu.com
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Người Lính TQLC
Nguyễn Xuân Phúc

Image

Quốc Gia hưng vong
thất phu hữu trách
(Tục ngữ)

Ngọc Thủy

Từ khi còn cắp sách dưới mái trường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, cậu học trò Nguyễn Xuân Phúc đã sớm hiểu được những sự đau thương và kinh hoàng của cuộc chiến tranh đang diễn ra càng lúc càng khốc liệt vào những thời điểm sôi bỏng (1945-1954). Sống và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lòng ai không khỏi sục sôi trước những chủ tâm cai trị của ngoại bang. Hơn nữa, sự tranh đấu, hy sinh, ái quốc của các nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.v.v... là tấm gương sáng chiếu rọi vào tâm hồn, nuôi dưỡng thêm những hoài bão, khát khao lòng yêu nước của các thanh niên thời đại ấy.

Những ngày khói lửa trong giai đoạn chiến tranh bấy giờ kéo dài cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết (ngày 20 tháng 7 năm 1954), chia đôi đất nước hai miền Nam & Bắc, tách rời từ đấy.

Theo làn sóng hằng triệu người yêu chuộng Tự Do, trong đó có gia đình cậu học trò Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định rời bỏ tất cả cơ ngơi, ngược giòng vĩ tuyến 17 để vào Nam.

Lúc đó không còn là chiến tranh với ngoại xâm nữa mà là cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc với hai chủ thể Quốc Gia và Cộng Sản. Trong khi miền Nam với chính thể Việt Nam Cộng Hòa đang cố gắng kiến tạo đời sống người dân được ấm no thịnh vượng, nử lực xây dựng đất nước tới chử phát triển phú cường thì cộng sản Bắc Việt xiết chặt đời sống dân chúng trong sự kềm kẹp hà khắc, lén lút vi phạm hiệp định, bất chấp đời sống an dân bằng những thủ đoạn dã tâm và đê hèn với mục tiêu xâm chiếm luôn lãnh thổ miền Nam. Trước những âm mưu tiếp tục bạo ngược, cố tình gây cảnh tang thương cho dân lành vô tội, khiến núi sông cũng phải chuyển mình đau lên tiếng giục. Lớp lớp người trai đã nối bước lên đường theo tiếng gọi non sông. Bút nghiên đành gác lại hẹn ngày về khi đất nước yên vui, bởi quân tham tàn còn nhiễu nhương bờ cõi, chí làm trai sao có thể lặng im.

Dù thân phụ đang là công chức cao cấp, lại là học sinh khá với những năm cuối trung học Chu Văn An, có đủ điều kiện đi du học hoặc tiếp tục việc học hành lên cao. Nhưng với hoài bão lý tưởng ấp ủ từ lâu, Nguyễn Xuân Phúc đã cùng với người em trai kế là Nguyễn Phú Thọ quyết định ghi danh vào trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam để thỏa chí tang bồng, đáp đền ân nợ Núi Sông. Gia nhập khóa 16 Võ Bị vào tháng 11 năm 1959, được đào tạo thêm kiến thức và nhân cách của một sĩ quan chỉ huy tương lai bằng kỷ luật rất nghiêm nhặt. Ngôi trường Mẹ đón nhận những người trai tám hướng về đây hun đúc chí can trường, tôi luyện thành những người chiến sĩ hùng anh dũng cảm, sẳn sàng phục vụ cho đồng bào-tổ quốc thân yêu. Từ những ngày đầu nhập khoá với tất cả sự nao nức sớm được thi hành nghĩa vụ bởi bên ngoài chiến dịch Ấp Chiến Lược do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ban hành đang được phát động quy mô rộng rãi để bảo vệ an ninh cho đời sống dân lành và kiểm soát chặt chẽ hơn sự xâm nhập của cộng quân đang tìm đủ mọi cách gia tăng.

Những ngày tháng rèn luyện về quân sự, đạo đức và văn hóa ở quân trường Võ Bị rồi cũng qua nhanh. Những buổi sáng còn mờ mịt hơi sương lạnh buốt, che lấp cả mặt hồ Chi Lăng không phân biệt được đâu là làn nước trong đâu là mầu khói trắng sương mù. Ðến những buổi trưa lấp lánh hàng thông xanh dưới tia nắng mặt trời, dậy thơm mùi đất cao nguyên như nhựa sống những chàng trai đang căng tràn chí lớn. Cho đến những buổi chiều rơi, từ lưng đồi 1515, ngắm cảnh hoàng hôn tựa tấm voan mềm, mỏng nhẹ như tơ, dần phủ buông xuống khắp núi đồi mầu lam tím nhạt, rừng thông lao xao, đưa hương tỏa ngát nhớ nhung ngập hồn người. Ðỉnh Lâm Viên vời vợi ánh trăng khuya, bình yên như giấc ngủ của những người khóa sinh sau một ngày tắm đẫm mồ hôi kiên trì thao dợt. Ðể ngày mai tới, huy hoàng trong ánh sáng bình minh, ngọn núi sừng sửng hơn hai ngàn cao độ ấy sẽ đón nhận những bước chân đi chinh phục của những chàng sinh viên tuổi trẻ. Tuổi trẻ ắp đầy lý tưởng đẹp ngời như câu khẩu hiệu hằng ngày: "Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm" với điều tiên quyết để nhận lãnh, đó là Trách Nhiệm-Danh Dự-Tổ Quốc của người sinh viên sĩ quan Võ Bị Ðà Lạt.

Trong những ngày dưới mái trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam danh tiếng lẫy lừng khắp Ðông Nam Á, Nguyễn Xuân Phúc là một sinh viên sĩ quan ưu tú, luôn giữ gìn tác phong tốt làm gương cho các khóa đàn em. Khi đảm nhận chức vụ Tiểu Ðoàn Trưởng/Tiểu Ðoàn 2 của Liên Ðoàn Sinh Viên Sĩ Quan trông coi bốn đại đội gồm các khóa 16,17, 18, anh đã chứng tỏ được bản lĩnh của người chỉ huy hấp thụ được mọi mặt về văn hoá và đạo đức, lúc nào cũng nêu cao tinh thần tự giác và kỷ luật nghiêm minh. Với vóc dáng tầm thước, nhưng các bạn sinh viên sĩ quan đều nhớ tiếng nói của anh rất hùng hồn mạnh mẽ khi ra lệnh, giọng dõng dạc vững vàng khi hô to các khẩu hiệu trong mửi lần tập huấn. Ngoài tác phong quân kỷ kể trên, Nguyễn Xuân Phúc còn được các anh em thương mến ở đức tính hòa nhã, tận tình hướng dẫn, sẳn sàng chia xẻ cùng các sinh viên khóa sinh trong tình huynh đệ chi binh. Trong những lần các khóa đàn em phải ứng chiến, cắm trại, Nguyễn Xuân Phúc cùng ở lại chia xẻ vì anh không muốn hưởng riêng đặc quyền được miễn của một SVSQ cán bộ. Ðó là những nét chính mà phong cách bên ngoài của anh lúc nào cũng biểu hiện là một cán bộ sĩ quan gương mẫu, từ quân phục thẳng nếp, đai nịt gọn gàng đến dáng điệu đường hoàng chững chạc, cung cách khiêm tốn, thái độ thân thiện vui vẻ, cư xử với trên dưới đều phân minh, tử tế.
Image


Ngày tốt nghiệp, sinh viên sĩ quan Á Khoa Nguyễn Xuân Phúc ra trường Võ Bị Việt Nam (đậu hạng Ưu về văn hóa và quân sự) với cấp bậc Thiếu Úy trong buổi lễ mãn khoá vào ngày 22 tháng 12 năm 1962. Từ giã ngôi trường Mẹ thân yêu nằm bề thế rộng đẹp trên ngọn đồi 1515 với rừng thông xanh ngát quanh năm, ôm quyện làn sương trắng mỏng phủ mờ thơ mộng mà anh đã gắn bó với hơn ba năm dài học tập với bao niềm lưu luyến. Từ đây anh sẽ là cánh chim tung bay khắp hướng. Mộng sơn hà trị giặc an dân được vung kiếm, vẫy vùng. Chí cả bay cao như ngày nào anh vượt qua được những chông gai hiểm trở của núi rừng, đứng ngạo nghễ trên ngọn núi Lâm Viên (còn gọi là núi Lang Biang, cách thành phố Ðà Lạt khoảng mười hai cây số về phía Bắc) cao 2163 thước. Từ chiến thắng chinh phục được ngọn núi này đã tạo bước chân những người sinh viên sĩ quan thành chân cứng cho đá mềm trên khắp bốn vùng chiến thuật mai sau.

Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan


Với ước mộng như lời tiền nhân: "Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan", Nguyễn Xuân Phúc chọn binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và tình nguyện xin đi tác chiến, đáp ứng với tình hình chiến sự đang gia tăng sôi bỏng.

Sau khi về trình diện Bộ Tư Lệnh Liên Ðoàn TQLC, đầu năm 1963, thiếu úy Nguyễn Xuân Phúc được thuyên chuyển về Tiểu Ðoàn 2 TQLC đang đóng quân tại Cà Mau-An Xuyên với chiến dịch Sóng Tình Thương để yểm trợ an ninh cho các khu ấp chiến lược đang được xây dựng, cùng tiếp tay trong sự ngăn chận đường len lỏi của quân du kích, chở vũ khí xâm nhập vào Nam của cộng sản Bắc Việt qua ven biển Cà Mau.

Sau khi trình diện Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 là Ðại úy Nguyễn Thành Yên, thiếu úy Nguyễn Xuân Phúc được bổ nhiệm làm Ðại đội phó Ðại đội 3 dưới quyền của Trung úy Ðại độì trưởng Nguyễn Năng Bảo.

Ðời lính chiến đây đó mười phương, ngày nào anh chỉ nghe nói về những nẻo dường Việt Nam trải dài suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Thế là giờ đây anh đã có mặt ở khắp Cà Mau, Ðầm Dơi, Năm Căn.v.v... Ôi quê hương miền Nam trù phú nhưng bởi còn nhiễu nhương giặc Cộng nên mảnh đất đầm lầy này còn hẻo lánh hoang vu. Hương hoa rừng Tràm, gử, than rừng Ðước là những tài nguyên hiếm quý vẫn chưa được khai thác tới nơi. Cà Mau nước mặn, rạch, kinh có tôm cá ngập đầy nhưng dân làng còn hoang sơ thưa thớt bởi quân cộng còn hoạt động khá mạnh ở vùng đất này, dùng địa thế chi chít kinh rạch, rừng cây để làm địa bàn tấn công phá hoại các đồn bót, ngăn chận sự củng cố quân sự, phát triển cải cách đồng ruộng nơi đây của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Như âm mưu phá hoại đã dự định, tối ngày 9/9/1963 Việt cộng kéo quân bất ngờ đánh úp vào chi khu Cái Nước, gây tổn thất khá nặng nề cho chi khu này. Và cũng ngay trong đêm đó, Tiểu đoàn U Minh của Việt cộng tiếp tục dùng xuồng và đường bộ tiến thẳng vào chi khu Ðầm Dơi để tấn công (Cái Nước và Ðầm Dơi cách nhau khoảng gần hai mươi cây số đường chim bay). Trong vài giờ đồng hồ, địch quân đã chiếm được một nửa chi khu, quận trưởng Ðầm Dơi bị tử thương, những người lính Ðịa phương quân đang cố gắng chống trả cố giữ nửa phần đất còn lại. Tiểu Ðoàn 2/TQLC liền được Bộ Tư Lệnh Hành Quân Quân Ðoàn IV đặt căn cứ tại An Xuyên do Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao điều động có mặt để giải vây. Bằng trực thăng H-21, các đại đội của Tiểu đoàn 2/TQLC đổ quân xuống cách khoảng từng đợt một:

- Ðại Ðội1 do Trung Úy Phạm Nhã chỉ huy đổ xuống gần quận.

- Bộ chỉ huy Tiểu Ðoàn do Ðại Úy Nguyễn Thành Yên và Ðại Ðội Trưởng Tiểu Ðoàn 2 là Ðại Úy Nguyễn Văn Hay đáp xuống bãi Charlie ở địa điểm kế.

- Ðại Ðội 4 do Trung Úy Ngô Văn Ðịnh chỉ huy đáp xuống bãi Alpha cách quận ba cây số về phía đông nam.

- Ðại đội 3 của Trung Úy Nguyễn Năng Bảo (Ðại Ðội Trưởng) và Thiếu Úy Nguyễn Xuân Phúc (Ðại Ðội Phó) đổ quân xuống ngay sát bờ sông là lực lượng Việt Cộng đang tập trung.

Nguyễn Xuân Phúc và các anh em đồng đội được trực thăng vận xuống cánh đồng ruộng cằn cửi như mầu cỏ cháy. Nơi đây thiếu mầu mỡ phì nhiêu nhưng không thiếu những hố đạn bom vẫn ngày đêm cày xéo. Buổi chiều chưa tắt nắng nhưng bầu trời như nhuốm mầu u uất thê lương. Dân làng đã bỏ chạy mong lánh nạn giao tranh. Họ trốn chui trốn nhủi ở những bụi bờ, khóc không thành tiếng, sợ hãi đến quên cả cầu đến Chúa, Phật, Trời mà chẳng biết có qua được cơn lửa đạn này không?! Có sống được về làng thì cũng hai bàn tay trắng như đã bao lần khổ sở trước. Người thân ruột thịt có khi cũng chẳng còn. Nhà cửa, heo, gà, rau cỏ bị cày xới, cháy rụi thiêu tàn hết rồi còn đâu. Ðời sống quá gian lao đói khổ rồi mà giặc Cộng sao vẫn chẳng buông tha. Chỉ biết đánh, giết, chiếm miễn sao đạt được tham vọng xâm lăng. Ðất nước có điêu linh, dân lành có đổ máu đến bao nhiêu họ có xá kể gì. Ðời dân nghèo sống dở chết dở như thế này cho tới bao giờ...? Thương đau biết mấy cho vừa, quê hương ơi!

Những người lính TQLC của Ðại Ðội 3 lội trên cánh đồng ruộng ngập nước đến đầu gối, địa thế quá trống trải để lấy tư thế nấp bắn. Ðịch ở phía bờ sông bên trong đang bắn ra tua tủa. Phi pháo hoả lực yểm trợ cho quân ta lại ở ngoài tầm độ. Tình thế thật nguy hiểm, dễ trở thành bia đạn nhắm tới nếu không kịp xông vào khóa các ổ bắn của địch. Là lính vừa mới ra trường chưa được bao lâu, lần đầu tiên T/U Nguyễn Xuân Phúc đụng một trận cận chiến toé lửa lại bất lợi như thế này, đại đội chết dễ như chơi. Tính thế nào đây? Bọn giặc kia khát máu quá. Cảnh chết thê thảm của đồng đội, oan ức của người dân như con dao nhọn xoẹt qua lòng anh. Nửi căm hận như ánh thép vừa đốt nung lên, mắt anh loé lên những tia sáng như lửa. Nhất định phải đánh cho tan những dã tâm khát máu đê hèn này. Anh phải khởi sự ngay thôi. Những năm được đào tạo về chỉ huy và quân sự cộng thêm sự dũng cảm, bén nhạy, Nguyễn Xuân Phúc đã mau chóng nghĩ ra một chiến thuật chớp nhoáng như tung đi cú đánh thần tốc, tuy có phần liều lĩnh nhưng trước sự sống chết như đường tơ kẻ tóc của đơn vị, anh không ngại ngần là kẻ xung phong vượt qua lửa đạn, quyết tiến chiếm cho được vị thế đổi lật tình hình trận chiến. Anh luôn là kẻ đi đầu bất cứ trong tình huống nào, bởi chỉ có hành động của chính mình mới có thể là câu nói hùng hồn, xác đáng với người nghe. Anh lao nhanh như gió bão khiến những viên đạn như chưa bắn tới đã rơi. Hành động của anh là ngọn lửa truyền đi, cả đại đội như cháy bừng lên sức chiến đấu mãnh liệt. Họ cũng lao đi như tên bắn. Giặc đốt phá quê hương, hãm hại dân lành thì ta đâu thể nương tay. Ðánh giặc phải đánh tới cùng. Chốn sa trường há gì mũi đạn lằn tên. Giặc còn là đồng bào mình còn lầm than đau khổ. Phải diệt được giặc nước nhà mới được thái bình yên vui. Xung phong. Anh em ơi, xung phong. Tiếng hò reo xung phong vang dội dọc cả bờ sông sắp rút nước theo thủy triều đang hạ. Trước khí thế như vũ bão của những người lính Thủy Quân Lục Chiến thuộc Tiểu Ðoàn 2, VC kinh hoàng vứt bỏ súng ống, vượt sông tháo chạy qua phía bên kia bờ.
Image
Tiếng súng dần thưa thớt rồi ngưng hẳn. Trời đêm đã dịu đi cơn nóng như đã dịu đi những nòng đạn lửa xối xả bắn ra từ cả hai bên. Mùi tử khí trên những xác người chưa kịp dấy nồng. Chỉ còn lại mùi khét của súng và tiếng reo mừng chiến thắng. Cuộc tấn công của VC đã kết thúc, không chiếm được mục tiêu như đã định. Tiểu Ðoàn 2 cũng tổn thất một số binh lính, nhất là Ðại Ðội 3 đã hy sinh khá nhiều. Nhưng bù lại Tiểu Ðoàn 2 đã đánh tan được Tiểu Ðoàn U Minh, chặn đứng được âm mưu phá hoại và tịch thu được rất nhiều đạn dược, súng lớn của Việt cộng.

Vui mừng với chiến công mà mình đã góp phần để dành lại đời sống yên ấm cho người dân hiền. Nhưng lòng người lính Nguyễn Xuân Phúc cũng không thể tránh được nửi buồn đau ghê gớm trước cái chết thảm khốc của những người chiến hữu chung đơn vị trong trận đánh vừa qua. Dẫu vẫn biết rằng đã xông pha ra sa trường là người lính đã chấp nhận tử sinh... Xưa nay, vẫn hiểu lời cổ nhân: "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Có mấy ai đi đánh giặc biết được ngày trở về. Chỉ cố làm tròn nghĩa vụ người trai trong thời đất nước ngả nghiêng để giữ gìn bảo vệ đồng bào tổ quốc thân yêu.

Thôi đành mượn đến ly rượu đầy rót cho đến cạn trong đêm nay để gởi những giọt nồng cay này đến bạn bè anh em đã cùng chia xẻ gian nguy mà chẳng sống còn để cùng hưởng chút vui say. Thôi, hãy say đi để khóc bạn bè cho hả. Say đi để thấy đường gian nan trước mặt không hề nản chí bước chân người lính trận. Say đi, kìa tiếng gọi Non Sông đang rền vang tiếng thét sục sôi, những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ơi, hãy giữ gìn, chống đỡ quê hương thoát khỏi bàn tay đốt phá giang sơn. Say đi để hào khí những người thanh niên đất Việt bừng bừng lên như ngọn lửa quyết xả thân tạo hòa bình cho đất nước yên vui. Ly rượu đã rót tràn để mời anh, mời bạn, mời em. Tràn như tình yêu của những người con dành cho Tổ Quốc, cay nồng như nửi đau xé lòng của Mẹ ôm từng mảnh đất phân ly, lau giòng máu chảy như đã thành sông...

Ðêm lạnh đã tàn, chai rượu cạn cùng với bạn bè cũng đã vỡ tan. Người sống nhắc đến người chết cũng đã mòn hơi. Nhìn những ánh sao lấp lánh lưng trời, đêm nay có vì sao nào đã rụng... Nhìn trời nhìn sao, một phút giây nhìn sững lại mình, người Thiếu Úy trẻ Nguyễn Xuân Phúc bửng khóc như chưa bao giờ khóc thế! Nước Non ơi...!

Trận chiến Ðầm Dơi là một chiến thắng vẻ vang của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và của Tiểu Ðoàn 2 TQLC tại vùng IV nói riêng. Cả Tiểu Ðoàn 2 đã được tưởng thưởng nhiều huy chương cao quý của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa và Quân Ðội Hoa Kỳ trong năm 1963. Tư Lệnh Liên Ðoàn TQLC Lê Nguyên Khang xuống tận mặt trận Ðầm Dơi ngợi khen và thăm hỏi các chiến sĩ. Trận thư hùng này đã đi vào quân sử Việt Nam Cộng Hòa với những trang hùng tráng nhất sau ngày hiệp định Genève (1954).

Lưỡi dao ta đang sắc
Ngọn giáo giặc phải lùi


(Nguyễn Trãi)

Cũng qua trận tham chiến lớn đầu tay của Nguyễn Xuân Phúc ở Ðầm Dơi, thượng cấp và anh em đồng đội đã biết được sự gan dạ quả cảm cùng khả năng chiến trường nhạy bén của Nguyễn Xuân Phúc như thế nào nên càng tin tưởng và quý mến thêm.

Bấy giờ, Nguyễn Xuân Phúc không còn là một cán bộ SVSQ Ðà Lạt lúc nào cũng áo quần thẳng nếp, giày, đai bóng loáng nữa mà qua những cuộc hành quân liên tiếp, Thiếu Úy Nguyễn Xuân Phúc giờ đây đã sạm đen nắng cháy sa trường trong bộ áo trận bạc màu sương gió, dấu giày dây vết bùn dơ nơi đầm rừng lau lách.

Tình hình chiến sự vẫn sôi bỏng khắp nơi, những người lính tác chiến vẫn miệt mài sương gió, đi hết cuộc hành quân này lại có mặt ở các trận chiến kia như cơn sóng cuốn, sáng ở đầu ghềnh, chiều đã chân mây... lớp lớp phủ dồn, ra khơi!

Tháng 6 năm 1966, trong lần hành quân ra Huế, Ðại Úy Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ là Ðại Ðội Trưởng/Ðại Ðội 4 của Tiểu Ðoàn 2/TQLC đã cùng Tiểu Ðoàn đánh một trận nhớ đời ở đoạn cầu Phò Trạch-Phong Ðiền trên dọc đường số I vì đã lật ngược được thế cờ, tạo thành trận phản phục kích thật lẫy lừng do vị Tiểu Ðoàn Trưởng là Trung Tá Lê Hằng Minh chỉ huy. Giặc Cộng đã thua to sau vài giờ giao chiến đã phải chém vè chạy thoát về phía núi, bỏ lại nhiều súng cối, SKZ 57 ly và đại bác 75 ly... Nhưng quân ta đã phải trả một giá quá đắt, đó là sự hy sinh của vị chỉ huy Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên/TQLC Lê Hằng Minh cùng một số chiến hữu khác, đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất khói lửa Trị-Thiên.

Riêng Ð/U Nguyễn Xuân Phúc cũng bị thương trong trận phản phục kích oanh liệt này.

Sau đó Ðại Úy Ngô Văn Ðịnh về làm Tiểu Ðoàn Trưởng/Tiểu Ðoàn 2 và Ðại Úy Nguyễn Xuân Phúc làm Tiểu Ðoàn Phó thay cho Ðại Úy Nguyễn Văn Hay (chuyển về phòng thanh tra Sư Ðoàn). Người lính Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục chiến đấu, luôn đặt danh dự của người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lên hàng đầu, thanh liêm thẳng thắn, tôn trọng kỷ luật và chu toàn trách nhiệm đối với đơn vị thật nhiệt tình hăng say, lúc nào cũng chí tình đối với anh em chiến hữu bằng tinh thần đồng đội nên anh được mọi người từ thượng cấp đến thuộc cấp rất thương mến nể vì.

Nguyễn Xuân Phúc khi ra trận luôn chiến đấu dũng cảm, quyết định nhanh và táo bạo. Tánh tình bộc trực nhưng rất tốt rất hiền với các chiến hữu của mình và thật dữ dội khi đối mặt với quân thù. Vì thế anh được các đàn em và bạn hữu thương mến đặt biệt danh cho anh là Robert Lửa. Lửa của cương trực, của khí thế đanh thép, bừng bừng.
Image
Nhưng bên trong con người cương nghị ấy lại ẩn chứa một tâm hồn mẫn cảm, yêu mến cái đẹp cái hùng, thích hát hò hay đóng vai Trấn Thủ Lưu Ðồn mỗi khi có dịp vui chơi văn nghệ từ những năm trung học hoặc sau những giờ phút hành quân căng thẳng gian lao. Là người hào sảng, đối với bạn bè là cho đi tất cả, ngay khi cần phải dốc đến đồng bạc cuối cùng trong túi cũng chẳng tiếc, chẳng màng. Anh cũng là người con chí hiếu trong gia đình lễ giáo có chín anh chị em. Rất trọng kính bố mẹ, nhưng có lần anh cảm thấy mình có lửi, bất hiếu vì đặt tình nước trên tình nhà khi dấu gia đình âm thầm ghi danh vào trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Nhưng thân phụ và thân mẫu anh là người hiểu biết đức độ nên dẫu xót thương con vẫn phải nén lòng chấp nhận, thông cảm và khuyến khích khi hai người con trai rời nhà cùng một lúc, đi làm lính trận miền xa, chẳng biết đến ngày về.

Rồi Nguyễn Xuân Phúc được đi học khóa Tham Mưu ở Ðà Lạt, khi về làm Tiểu Ðoàn Phó/Tiểu Ðoàn 5 TQLC. Và thời gian này, anh cũng đã tham gia trận đánh Rạch Ruộng vào cuối năm 1967 khi Tiểu Ðoàn 5 được tăng cường để phối hợp với Sư Ðoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ & Lực Lượng Sông Ngòi HK đặt căn cứ tại Ðồng Tâm để mở cuộc hành quân tiêu diệt các ổ đóng quân của Việt cộng dọc theo phía bắc khu vực sông Mỹ Tho. Ðoàn quân được lệnh di chuyển bằng tàu lúc gần sáng để tiến vào Rạch Ruộng là nơi ẩn trú của Tiểu Ðoàn 502 VC. Dọc đường bị VC phục kích làm một chiếc tàu LCM bị thiệt hại. Sự việc xẩy ra khiến đoàn quân sục sôi thêm. Tiểu Ðoàn Trưởng/TÐ 5 TQLC là Thiếu Tá Phạm Nhã yêu cầu cố vấn Mỹ cho vượt qua chử phục kích để nhanh chóng đến địa điểm đổ bộ. Hừng sáng thì tới nơi, Tiểu Ðoàn 5 TQLC chia ra làm hai cánh quân. Cánh A do Thiếu Tá Phạm Nhã chỉ huy cùng các Ðại Ðội CH (Trung Úy Huỳnh Văn Phú), Ðại Ðội 3 (Trung Úy Ðoàn Ðức Nghi), Ðại Ðội 1 (Trung Úy Hồ Quang Lịch) đánh ngay phía mặt tiền bờ sông, thẳng vào bên trong ẩn nấp của địch. Cánh B do Ðại Úy Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu các Ðại Ðội 4 (Ðại Úy Ðử Hữu Tùng), Ðại Ðội 2 (Trung Úy Cổ Tấn Tịnh Châu) vượt lên trên địa điểm đổ bộ, bọc hậu từ phía sau đánh tới. Nguyễn Xuân Phúc đã cùng với các chiến hữu Tiểu Ðoàn 5 TQLC chiến đấu hết sức mình với quyết tâm phải giữ vững Ðồng Tháp Mười lúa ngọt cây lành này cho người dân vô tội nơi đây. Cuộc giao tranh kéo dài từ rạng sáng cho đến mặt trời lặn mới kết thúc. Cảnh đổ vỡ thật điêu tàn. Giặc về gieo khói lửa, làng vắng không người dân, ruộng đồng lúa ngã xác xơ, Mặt trời ngó xuống như cũng rầu rầu, giòng sông Cửu Long vẫn vô tình chảy xiết qua kinh rạch hiền hòa, trôi mênh mang... Lửa đạn biến đất trời thành cơn lốc xoáy, thây người tung theo bụi cát mịt mù. Trận đánh diễn ra trong một ngày nhưng thật dữ dội như năm xưa trên giòng sông Tiền Giang, người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ cũng đã đánh bạt được quân Xiêm La trong trận thủy chiến kinh hồn, chiếm giữ lại mảnh đất phù sa mầu mỡ này cho cháu con đời sau.

Ðêm đã xuống, trận giao tranh đã tàn. Những hàng dừa lả ngọn theo gió lay uyển chuyển trên các bờ mương. Phong cảnh mộc mạc nên thơ này sẽ đẹp biết bao cho người dân sống với làng quê nếu được thanh bình, không bóng dáng cộng quân về phá nát yên vui.
Image
Với sức chiến đấu kiên trì và mãnh liệt của Tiểu Ðoàn 5 TQLC cùng sự phối hợp và yểm trợ của lực lượng Bộ Binh Hoa Kỳ. Quân ta đã toàn thắng với nhiều chiến lợi phẩm. Thành tích đó đã tạo cho Ðại Tá David (SÐ 9 Bộ Binh) và Ðại Tá Salzer (Hải Quân) được vinh thăng cấp Tướng. Và Tiểu Ðoàn 5 TQLC nhận lãnh được nhiều huy chương cao quý. Sự thiệt hại bên ta hy sinh và bị thương mấy chục người. Trung Úy Cổ Tấn Tịnh Châu và Trung Úy Hồ Quang Lịch cũng bị thương trong trận đánh này.

Chiến cuộc vẫn lan tràn tiếp diễn khắp nơi nơi, người lính Nguyễn Xuân Phúc có mặt hầu hết khắp bốn vùng chiến thuật. Từ Bình Chánh đến Gio Linh, Quảng Trị, Thừa Thiên... Người em ruột là Trung Úy Nguyễn Phú Thọ thuộc Sư Ðoàn I Bộ Binh đang hành quân trong trận đánh Ðông Ba để phản công lại trận tổng công kích Tết Mậu Thân đợt 1 của VC ở Huế, hai anh em gặp nhau ở Mang Cá khi Tiểu Ðoàn N.X.Phúc từ trong Nam ra bổ xung giải tỏa. Từ khi rời trường Mẹ, đời lính chiến đẩy đưa mửi người một nơi, lâu lắm rồi họ mới gặp lại nhau nhưng cũng chỉ trong thoáng chốc như khói bụi chiến trường bởi tình hình đang căng thẳng. Chỉ kịp bắt tay và nói đùa với nhau một câu của người anh: "Mày chưa chết à?", người em ngạo nghễ trả lời: "Ðánh giặc sức mấy mà chết được".

Với chủ mưu xâm chiếm miền Nam bằng mọi giá, mọi cách, CSBV càng lúc càng gia tăng những cuộc đánh phá mạnh mẽ.

Với sự chuẩn bị từ nhiều tháng trước cùng sự tiếp tay của những tên Việt gian nội gián, Việt cộng đã thực hiện trận tổng công kích quy mô trên khắp lãnh thổ Quốc Gia. Nặng nhất là Huế và Sàigòn trong những ngày đầu xuân Mậu Thân (31/01/1968), gây máu lửa tang thương cho người dân trong những ngày lễ Tết dân tộc thiêng liêng. Vừa nhận được lệnh tăng phái, Tiểu Ðoàn 5 của N.X. Phúc đã có mặt ở Huế ngay. Huế đang chìm ngập trong dầu sôi lửa bỏng của chết chóc kinh hoàng. Những vụ thảm sát, mồ chôn tập thể những người dân lành vô tội trong thành phố diễn ra hằng loạt hằng giờ. Ðó là tội ác hay chiến tích lớn của Cộng quân khát máu đã gây ra?! "Thật là Ðộc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội. Dơ bẩn thay! nước bể khôn rửa sạch mùi (Nguyễn Trãi)".

Nhưng nhờ sự hy sinh chiến đấu dũng cảm của các lực lượng quân binh chủng Việt Nam Cộng Hòa dưới sự điều động đảm lược của vị chỉ huy Tư Lệnh Sư Ðoàn I Ngô Quang Trưởng đã nhanh chóng chặn đứng và đẩy lui được làn sóng đỏ xâm lăng, đánh phá bạo tàn của CSBV sau gần một tháng phản công.

Tháng 4/1968, Việt cộng lại tấn công vào thành phố Sàigòn trong cuộc tổng công kích đợt hai. Hết đem quân ra Huế lại xuôi về trong Nam, Thiếu tá Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa nhận chức vụ Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 6 Thần Ưng thay cho Thiếu Tá Phạm Văn Chung. Trước sự tấn công dã man có mưu mô kế hoạch của VC, Nguyễn Xuân Phúc lại một lần cùng với các anh em chiến hữu trong đơn vị quyết sống chết đối đầu để ngăn chận giòng tiến quân xâm nhập cũng như tháo lui của giặc. Dây chuyền kế hoạch tổng công kích của CSBV dần vỡ tan, bị chặt đứt trước những nhát kiếm sắc bén vung lên của những chiến sĩ đảm lược kiên cường thuộc các đơn vị tinh nhuệ hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tiểu đoàn 6 TQLC cũng góp được chiến công là đã càn quét được bọn giặc ra khỏi trận địa Bình Hòa.

Sau khi bị thương, Nguyễn Xuân Phúc được thuyên chuyển về Tiểu Ðoàn Công Vụ để dưỡng thương thêm một thời gian. Ở đây tuy công việc nhàn nhã hơn, không phải đối đầu với những nguy nan sống chết từng phút từng giờ nhưng lòng anh vẫn khát khao quãng đời chiến đấu nơi rừng sâu núi thẵm với các bạn bè chiến hữu như tâm sự hổ nhớ rừng của Thế Lữ mà anh nhớ thuộc lòng khi còn đi học:

nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
với khí thét khúc trường ca dữ dội
ta bước chân lên, dõng dạc đường hoàng...

(Thế Lữ)

Ðến tháng 3 năm 1969, Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự vụ lệnh từ Ðại Tá Tham Mưu Trưởng Bùi Thế Lân về giữ chức vụ Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 2 TQLC. Một Tiểu Ðoàn vang danh khắp chốn sa trường mà anh đã từng tham dự gắn bó và đổ máu trước đây với những chiến tích hào hùng của Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên uy dũng.

Trong chiến dịch hành quân sang Kampuchia nhằm truy quét các lực lượng võ trang CSBV đang chiếm đóng những vùng đất này để dễ bề xâm nhập vào lãnh thổ Nam Việt Nam qua các ngả đường biên giới. Ðầu năm 1970, Tiểu Ðoàn 2 TQLC từ căn cứ Chương Thiện-Cần Thơ đã cùng với các Tiểu Ðoàn 1 và 4 TQLC thuộc Lữ Ðoàn B của Ðại Tá Tôn Thất Soạn tham gia vào cuộc hành quân Cửu Long để dẹp địch. Sau cuộc đổ bộ thần tốc từ bến phà Neak Luong, Tiểu Ðoàn 2 chưa kịp đóng quân đã nhận được lệnh trên cấp bách và theo lời yêu cầu của chánh phủ Cộng Hòa Cambodia: nhẩy trực thăng vận xuống giảì vây khu vực Prey Veng đang bị VC chiếm đóng. Vị trí thành phố Prey Veng nằm trên vùng đất cao nên các cánh quân của Tiểu Ðoàn lần lượt đổ xuống phía bên ngoài bờ thành, bám theo các cánh đồng dưới thấp. Ðại đội I của Trung úy Lâm Tài Thạch vừa chuyển quân xuống đầu tiên đã chạm địch nấp dưới những lớp rơm phủ trên đường hầm theo lối đánh độn thổ để phục kích. Nhưng với sự bình tĩnh sáng suốt và dũng cảm của Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên do Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phúc chỉ huy đã càn quét được tuyến giặc đột kích phòng thủ bên ngoài, phối hợp cùng đơn vị bạn tiến công thẳng vào bên trong thành phố và mau chóng lập nên chiến công hiển hách: đánh tan được một Trung Ðoàn VC, tái chiếm được tỉnh lỵ Prey Veng ngay sau một ngày giao chiến dữ dội.

Với những chiến công lừng lẫy như thế và tám lần được tuyên dương Anh Dũng Bội Tinh, Tiểu Ðoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc & Tiểu Ðoàn 2 Trâu Ðiên là Tiểu Ðoàn đầu tiên của Sư Ðoàn TQLC Việt Nam và cũng là Tiểu Ðoàn duy nhất đã được tưởng thưởng huy chương cao quý của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đó là giây biểu chương Tam Hợp, tạo cho Sư

Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến nói chung và Tiểu Ðoàn 2 nói riêng thêm sức mạnh tự hào, oai phong.

ngắm Non Sông căm nửi thế thù
thề sống chết cùng quân nghịch tặc


(Nguyễn Trãi)

Sau những thất bại nặng nề, vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lăng, CSBV tiếp tục dàn quân ở biên giới Việt-Lào. Tiểu Ðoàn 2 Trâu Ðiên lại tiếp tục lao vào trận địa với cuộc hành quân Lam Sơn. Trận chiến càng gay go khốc liệt thì những người lính Việt Nam Cộng Hòa càng gan lì quyết liệt hơn. Trong lửa đạn của cuộc chiến Lam Sơn, dũng khí của người Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 2 Trâu Ðiên Nguyễn Xuân Phúc đã ngời lên như ánh thép, vung gươm chống đỡ gìữa vòng vây của địch tràn xung hàng hàng lớp lớp. Bằng dũng cảm can cường cùng sự nhậy bén như mũi tên xuyên thẳng vào nguy nan, xem thường sống chết, quyết đưa dẫn các đại đội đàn em bạt núi băng rừng từ cứ điểm Ðống Ða vượt qua tám cây số đường chim bay lửa đạn bắn tua tủa như mưa từ phía nam biên giới Việt-Lào để về đến Khe Sanh gần đầy đủ, an toàn. Trong chiến thuật hành quân, đụng chạm và đối đầu với địch đã gian nguy. Rút quân mà vẫn giữ được an toàn lại càng khó khăn hơn. Nguyễn Xuân Phúc đã chu toàn trách nhiệm của người Tiểu Ðoàn Trưởng, với tất cả sự quan tâm, thương mến của một người anh Cả luôn bảo vệ cho đàn em mình vượt qua khỏi những hiểm nguy bằng đảm lược, kiên trì. Những ai đã từng chiến đấu, cùng chung đơn vị với anh đều hiểu rõ điều này và nhiều năm sau khi nhắc lại đều tỏ lòng thương tiếc và quý mến.

Trong chiến công hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, Tiểu Ðoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên dương công trạng ban thưởng Ðệ Tứ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương, Tiểu Ðoàn Phó Trần Văn Hợp được thăng cấp Thiếu Tá và Trung Úy Lâm Tài Thạch được Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương tại Huế.

Bước chân người lính Nguyễn Xuân Phúc cùng Tiểu Ðoàn 2 vẫn tiếp tục trải dài suốt các ngả đường đất nước, nơi nào có bóng giặc thù là nơi đó có xung phong chiến đấu của những người chiến sĩ Quốc Gia hết lòng bảo vệ Non Sông. Từ Hạ Lào, Khe Sanh, Triệu Phong, Mai Lộc, Ðông Hà, Quảng Trị, Gio Linh.v.v... Tháng 3 qua tháng 4 năm 1972, Tiểu Ðoàn 2 vẫn tiếp bước với những cuộc hành quân gay go ở Vùng I. Ðã chặn đứng và đẩy lui được nhiều cuộc tấn công của CSBV ở Mỹ Chánh, La Vang. Quê hương miền Trung nắng cháy với những buổi sáng, trưa, chiều tối vẫn đạn bom khói lửa mù trời dưới tầm đạn pháo kích như mưa của CSBV. Lòng anh không chai cứng nổi trước những tàn phá của chiến tranh, những nửi đau thê thiết rã rời của những người dân phố nhỏ quê nghèo. Anh biết làm gì cho vơi hết những nửi niềm đeo nặng trong tâm tư. Làm thế nào để sớm chấm dứt những tang thương, máu đổ của chiến cuộc đầy dẫy cảnh lệ rơi máu đổ hằng ngày, của anh em đồng đội, của bao dân lành vô tội chung quanh. Rồi đây, trang sử có lật qua nhưng con đường đẫm máu với bao cảnh chết hãì hùng của trẻ thơ, phụ nữ, người già, thanh niên thiếu nữ gánh gồng chạy loạn trên con đường từ Quảng Trị-Mỹ Chánh dọc theo quốc lộ 1, nằm ngả chết chất chồng lên nhau thành cảnh chết chưa từng thấy chưa từng có trước đây, nay bằng sự dã tâm khát máu của CSBV cố tình nhả đạn thẳng vào đoàn người vô tội không chút nương tay đã tạo nên được con đường Ðại Lộ Kinh Hoàng này, thật quá khủng khiếp! Nước sông Thạch Hãn vẫn luân chuyển từng giờ ra biển cả nhưng không sao kéo trôi, rửa tan được giòng máu lệ oan khiên đổ tràn nơi đây, tháng ngày này!

Sau khi được thăng cấp Trung Tá, cuối tháng 5/1972 Nguyễn Xuân Phúc bàn giao Tiểu Ðoàn 2 lại cho Thiếu Tá Trần Văn Hợp, nhận chức Lữ Ðoàn Phó LÐ147 của Ðại Tá Nguyễn Năng Bảo. Thời điểm đó, CSBV đã khởi đầu cuộc xung quân xâm chiếm vào lãnh thổ miền Nam Việt Nam qua địa đầu giới tuyến Quảng Trị với những loạt tấn công ồ ạt bằng chiến xa T-54, PT-76 và đủ loại võ khí lớn của cộng sản Nga-Tàu cung cấp.

Lữ Ðoàn 147 TQLC từ Hải Lăng tiếp tục điều quân chận đứng mũi tiến công của VC ở phía bắc Quảng Trị. Sau đó đã cùng với Lữ Ðoàn 258 kết hợp táì chiếm Cổ Thành Quảng Trị theo kế hoạch của Trung Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn I Ngô Quang Trưởng. Ðây là một quyết định rất sáng suốt và thao lược của vị tướng tài ba này: ỏCon đường duy nhất là phải tái chiếm lại thành phố nàyõ . Quyết định và câu nói này của ông cùng sự có mặt thường xuyên ngoài mặt trận sôi bỏng để thăm nom khích lệ và theo dõi từng bước tiến của những cuộc truy quét hành quân diệt địch là một động viên tinh thần rất lớn cho các chiến sĩ đang vững vàng chiến đấu dành lại từng tấc đất thân yêu là bao xương máu của người lính Việt Nam Cộng Hòa, là bao máu thịt của người dân đã ngả xuống cho Hòa Bình-Tự Do.

Với quyết tâm đó, toàn thể các lực lượng chiến sĩ có mặt trong cuộc hành quân tái chiếm cổ thành Quảng Trị đã đánh giặc hết sức mình và sau gần năm tháng chiến đấu, ngày 16/9/1972 Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã lấy lại được thành phố Quảng Trị một cách vẻ vang. Chiến thắng này là công trạng của nhiều người, nhiều binh chủng. Với bao xương trắng máu đào mới dành lại được. Trong đó có các Lữ Ðoàn 147 TQLC: (Ðại Tá Nguyễn Năng Bảo, Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc), Lữ Ðoàn 258 TQLC (Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh, Trung Tá Ðử Ðình Vượng), Tiểu Ðoàn 6 (Trung Tá Ðử Hữu Tùng), Tiểu Ðoàn 3 (Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh), Tiểu Ðoàn 2 (Thiếu Tá Trần Văn Hợp), Tiểu Ðoàn 1 (Thiếu Tá Nguyễn Ðăng Hòa), Tiểu đoàn 5 (Thiếu Tá Hồ Quang Lịch), Tiểu Ðoàn 7 (Thiếu Tá Nguyễn Văn Kim), Tiểu Ðoàn 8 (Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán), Tiểu Ðoàn 9 (Trung Tá Nguyễn Kim Ðể).v.v...
Image
Toàn quân Việt Nam Cộng Hòa đã dựng lại được ngọn cờ vàng ba sọc đỏ tung bay rạng rỡ trên bầu trời nắng ấm quê hương vào lúc tái chiếm được cổ thành Quảng Trị thân yêu ngày 16 tháng 9 năm 1972. Tiếng ve sầu đã thôi kêu than sau một mùa hè khóì lửa. Riêng cánh phượng hồng trên những hàng Phượng vỹ vẫn thắm tươi dưới ánh mặt trời, đẹp buổi hoan ca.

Ðầu năm 1975, Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc được đề cử chức vụ Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 369 và Lữ Ðoàn Phó là Trung Tá Ðử Hữu Tùng (là vị Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 6 đã hạ được nhiều chiến xa T-54 và đã cắm lá cờ vàng tung bay ngạo nghễ trong ngày tái chiếm cổ thành Quảng Trị (16/09/1972), một người bạn đồng khóa 16 Võ Bị Ðà Lạt và cũng là người bạn từng chung vai sát cánh với anh trong nhiều trận đánh lẫy lừng trên khắp bốn vùng chiến thuật hành quân. Lữ Ðoàn 369 vẫn tiếp tục những cuộc hành quân truy diệt địch xâm lăng, băng rừng lội suối suốt từ Cửa Việt, Ðông Hà, Gio Linh, qua Cam Lộ, Hải Lăng, Quảng Nam. Từ bờ sông Thạch Hãn, dưới bóng núi Trường Sơn đến Ðà Nẵng, Tiên Sa...

họa phúc có nguồn, đâu bổng chốc?
anh hùng để hận, dễ gì nguôi...


(Nguyễn Trãi)

Người lính Nguyễn Xuân Phúc đã đi qua nhiều trận chiến, dãi dầu với sương gió hành quân, máu anh cũng đã đổ nhưng vẫn hiên ngang đứng giữa sa trường. Ðạn tên vẫn chừa anh ra cho đến một ngày... ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Lệnh lui binh như một tiếng súng ghim thẳng vào tim những người lính đang hiên ngang chiến đấu dưới mầu cờ Tổ Quốc bởi lòng sục sôi phẫn uất trước những bạo tàn của Cộng quân đang gây ra trên mảnh đất quê hương. Miền Trung thương yêu ngập máu lửa tơi bời. Người Lữ Ðoàn Trưởng 369 Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa vượt lằn lửa đạn đưa dẫn các Tiểu Ðoàn 2, Tiểu Ðoàn 6, Tiểu Ðoàn 9 của mình về Ðà Nẵng an toàn.

Ðà Nẵng, ngày 29 tháng 3 năm 1975, nơi mà người Lữ Ðoàn Trưởng 369 đang có mặt với nhiều chiến hữu các đơn vị quân binh chủng QLVNCH cùng vị Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn I (Ngô Quang Trưởng) một lòng yêu nước yêu dân, đau đớn nhìn quê hương đang từ từ nghiêng ngả.

Cuối tháng ba, quê hương đang rực màu lửa khói, bầu trời tang thương đang đổ lệ xuống nhạt nhòa khắp đất nước điêu linh. Còn gì đâu với cảnh hoang tàn đổ nát thê lương. Lớp lớp người người khóc chạy dưới thác đạn mưa bom. Ôi, nước mất - nhà tan. Bao vong linh đã từng sống chết cho Tổ Quốc còn ẩn khuất đâu đây. Tiếng thét hờn vì đâu nên nửi này như rung chuyển khắp núi sông. Ðỉnh Trường Sơn bạc trắng nửi niềm Ðau. Lòng biển Ðông dội vang từng đứt đoạn. Mạch sông sầu thấm sâu lòng đất Mẹ, khóc thương con tay súng ngỡ ngàng rơi, những tay súng không vì cuồng điên khát máu, không vô tình bắn chết lương dân, không phá nát mảnh tiền đồ Tổ Quốc. Những tay súng hiên ngang vì Chính Nghĩa, diệt bạo tàn xâm lấn quê hương, mang yên ấm cho thôn làng thành thị, đem sức mình tranh đấu chữ Tự Do, để giang sơn tô đẹp màu cẩm tú, cõi bờ thêm rộng mở thăng hoa, hoà bình đến nước nhà vui Ðộc Lập, cảnh thanh bình ước mơ còn sáng mãi.

Ôi, giấc mộng của những người dân nước Việt, của những người chiến sĩ cầm súng giữ quê hương. Sao giờ đây, phải nhìn cảnh quê hương hoa gấm đang rơi chìm trong đổ nát. Tráì tim muôn triệu người cũng vỡ với đau thương.

Cuối tháng ba, nắng Hạ Lào mới vừa nóng ấm mà sao lớp sóng xanh Non Nước như tuôn giòng lệ đỏ, áng mây trời Tiên Sa tựa phủ lớp khăn tang mờ. Giữa thế cờ thay đổi, khói lửa rực trời Nam, chìm khuất trong những tiếng kêu than ai oán, khung cảnh hửn loạn, hai người bạn cũng là hai vị Lữ Ðoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc và Lữ Ðoàn Phó Ðử Hữu Tùng cùng đứng dừng lại, dõi mắt nhìn dãy núi cao xa, vời vợi... Bóng hai người lính đổ dài trên bãi biển, lặng yên mà lòng sâu đang bão nổi, sóng ngầm. Nửi khổ đau của đoạn trường qưê hương sao nói được nên lời! Ôi, xã tắc sơn hà một sớm một chiều như khói mây, tan tác.

Giòng người xao xác lũ lượt ra khơi. Hai người lính đồng hành cùng ở lại. Ở lại với mảnh đất quê hương yêu dấu này đã thấm mặn bao giòng máu của anh em đồng đội. Xác thân thà tan rã nơi rừng sâu biển mặn, bám vào cát đá Nước Non trùng điệp, làm hạt bụi Trường Sơn bất khuất để giữ lại khí phách anh linh của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa kiên cường luôn hằng Sống và Chết cho Tổ Quốc cùng lý tưởng Hoà Bình- Tự Do Dân Tộc.

Ngày 29 tháng 3 năm 1975, những người chiến sĩ ấy đã cùng ra đi với tiếng hờn Núi Sông, trở về lòng đất Mẹ thân yêu...

những người Lính yên nằm ở đây
trái tim chúng tôi - yêu thương nhất!
lấy thơ hòa với nước mắt đầy
chúng tôi tạc tượng người Lính đó!


những người Lính đạp từng nấc mây
những người Lính mở đường trên đất
khắp bốn phương Nam Bắc - Ðông Tây
những người Lính không bao giờ mất!


Người Lính chúng tôi nói hôm nay
đã đi sâu vào lòng lịch sử
tượng Người để lại cho Tương Lai
sẽ giữ hoài Quê Hương Ðất Tổ!



Ngọc Thủy
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Image

Nén nhang tưởng niệm
những người lính chiến VNCH


Nguyễn Quý Đại
Nhiều gìa đình Đức đi nghỉ hè vào dịp chúa lễ Chúa Hiện Xuống Pfingtensmontag, vì học sinh các trường được nghỉ lễ một tuần. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tổ chức ngày Đại Hội Công Giáo như hàng năm tại Aschaffenburg từ ngày 26 đến 28 tháng 5.

Bên Hoa Kỳ cũng là ngày kỷ niệm Chiến sĩ Trận vong Memorial Day. Ngày lễ Chúa Hiện Xuống được Thế giới biết tới từ thế kỷ thứ 3, nhưng ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong chỉ được biết đến từ tháng 5 năm 1966 tại Waterloo của New York. Cố Tổng thống Lyndon B. Johnson nhiệm kỳ (1963-1969) ký sắc lệnh ban hành công nhận ngày Memorial- Day để nhớ những chiến sĩ đã hy sinh cho tự do và hòa bình.
Image
Cuộc chiến tại Việt nam kéo dài hơn 20 năm, thanh niên từ 18 tuổi phải thi hành quân dịch tại miền Nam Việt Nam để bảo vệ cho Tự do, hơn 300 ngàn người đã hy sinh. Cuộc chiến chấm dứt từ ngày 30/4/1975, dù bom đạn không còn tàn phá quê hương, nhưng chủ nghiã Cộng sản đã phá nát quê hương đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm, Chính quyền CSVN thường tổ chức rầm rộ vào ngày 30/4. Chính quyền, công an khu vực chỉ thị Tổ trưởng dân phố phải dậy sớm, kêu cửa từng nhà đi tham dự ngày lễ cho đông người, để phóng viên chụp hình quay phim tuyên truyền đánh bóng chế độ CSVN.

Ngày 30/4 vui với kẻ đang cầm quyền, nhưng cũng là ngày buồn cho những người lính chiến VNCH đã bị bỏ quên. Nghiã trang ở Biên Hòa phần đất dành cho những người lính đã nằm xuống cho tự do thì bị Bộ đội CS quản lý ? Người sống bị đi học tập cải tạo trong các trại tù núi rừng đầy sơn lam chướng khí, đã nằm xuống trong cô đơn không mộ bia hương khói !!.

Gần đây có nhiều dư luận, nghiã trang Biên Hòa sẽ được CSVN cho phép tu bổ sửa sang, kinh phí nầy do người Việt hải ngoại chịu trách nhiệm. Việc làm này không gây thiệt hại gì cho chế độ CSVN, còn có tiếng thơm là CSVN biết tôn kính người quá vãng, vì họ đã thi hành vì nhiệm vụ của một công dân ở miền Nam Việt Nam của 32 năm trước. Nếu thực hiện được việc trên dù hơi muộn màng nhưng có còn hơn không.

Nhân ngày Chúa Hiện Xuống và là ngày kỷ Niệm chiến Sĩ Trận Vong. Tôi xin đốt một nén nhang để tưởng nhớ bạn bè, chiến sĩ VNCH đã vĩnh viễn nằm xuống trên quê hương. Mong có một ngày nào đó chính thức vinh danh họ để có một sự công bằng trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Quý Đại
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

SINH NAM . . . TỬ BẮC

Kinh dâng anh linh các Chiến hữu:

Nguyễn Chuyên - Ðinh Như Khoa - Nguyễn Hữu Thảo
và các Chiến hữu đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ.

Cá kình NGUYỄN VĂN TÂM

(Sở Bắc và Sở Khai Thác Ðịa Hình)

Image
Buổi chiều cuối Hạ bên bờ biển Mỹ Khê, trong ngôi nhà nghỉ mát yên tịnh. Nó không ồn ào rầm rộ như một cuộc hành quân qui mô, nhưng rất quan trọng, tỷ mỷ cẩn thận với những trang bị đặc biệt và mìn định giờ.

Tại căn cứ nầy có anh Ba là người điều khiển và huấn luyện Toán Công Tác cùng với ba người Mỹ tên Bil, Dan và Bob phụ trách kỹ thuật và thực tập. Anh Phan điều khiển và huấn luyện Toán Biệt Hải.

Toán Công Tác người nhái có nhiệm vụ phá hoại gồm bốn người: Tôi (anh Tư) và anh Năm, hai đứa chúng tôi từ Liên Ðoàn 77 Sở Khai Thác Ðịa Hình, còn anh Sáu và anh Bảy do Hải Quân gởi qua. Toán Biệt Hải gồm mười hai người có nhiệm vụ lái tàu hoặc thuyền đưa Toán Công Tác đi hoạt động dẫn đường đi và đón về.

Sau nhiều tháng thực tập, nghiên cứu địa hình, địa thế, không ảnh, kiểm soát lại dụng cụ, hôm nay là thời điểm xuất phát vào cuối mùa Hạ năm 1962.

Dưới ánh sao lờ mờ, một chiếc thuyền lớn trang bị máy chạy dầu với lưới đánh cá nằm gọn dưới cột buồm. Thủy bàn gần tay lái. Một chiếc thuyền cao su chưa bơm hơi và chiếc thuyền gỗ nhỏ sức chứa độ mười ngưới. Ở giữa thuyền gỗ có một lỗ vuông thòng xuống nước là chỗ để gắn máy nổ nhỏ cho Toán Công Tác và người hướng dẫn di chuyển trong sông. Thuyền được cải trang thành thuyền đánh cá của ngư dân trong vùng trên bờ nhìn xuống không thể phân biệt được là thuyền của Toán Công Tác. Toán nầy thương xuyên công tác ở Vịnh Hạ Long, Móng Cái, Bạch Long Vĩ.

Toán Công Tác được trang bị gọn và nhẹ gồm: Hai đèn bấm điện tử để liên lạc giữa hai thuyền. Súng lục để tự vệ khi cần. Mìn đặc biệt định giờ có thể sử dụng từ 5 phút đến 30 ngày. Một đơn vị hỏa lực nhỏ cho tập thể sử dụng khi cần để tháo chạy.

Màn đêm phủ xuống, những bóng đen bắt tay từ giã trong tiếng "Good luck" của ba anh bạn Mỹ.

Tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền nghe lách tách,thuyền hướng mũi ra khơi. Bầu trời đầy sao, nhìn quanh là biển cả bao la, với bản tính tự tin, dày dạn với công tác thường xuyên nên một số đã an giấc. Riêng mấy anh em chúng tôi còn ngồi hướng tầm mắt về phía trước tuy chưa phải lúc cảnh giác địch vì một đêm và một ngày sau thuyền mới tới địa điểm công tác. Mặc dù vậy, chuyến đi bí mật vào đất địch, đầu óc luôn suy nghĩ kỹ lại những việc phải làm trong đêm mai. Ðang triền miên suy nghĩ, có tiếng nhắc nhở các anh nên nghỉ đi để đêm mai mà công tác chứ.

Chiều ngày hôm sau, thì anh thuyền trưởng và thợ máy nói đến rồi. Lúc nầy thuyền còn đang ngoài hải phận quốc tế từ từ tiến vào bờ, khi nhìn thấy lờ mờ một giải màu xanh đậm thì đúng chín giờ tối. Thuyền lớn thả neo, thuyền máy nhỏ đã được hạ thủy. Nhanh nhẹn mà không gây một tiếng động. Bốn chúng tôi qua thuyền nhỏ cùng ba người hướng đẫn viên nhắm cửa Sông Gianh tiến vào. Tiếng máy nổ rất nhỏ mà thuyền lướt đi rất nhanh đã qua khỏi khu Phà, chúng tôi quan sát thấy trên bờ mấy bóng đèn như đom đóm.

Yên tâm, chúng tôi bắt đầu mang trang bị, dụng cụ sẵn sàng. Khi chúng tôi nhìn qua ống dòm thấy bóng đèn xanh nhỏ phía trước. Nếu không để ý kỹ, nó như một ngôi sao trong đêm tối phía dưới là ba bóng đen đậm, đúng là tàu hải quân Cộng sản rồi, chúng đang neo tại vị trí đúng như trong không ảnh. Cho thuyền chạy qua để quan sát thật kỹ, trở lại ghi nhận điểm tiếp đón, rồi quay lại điểm thả. Anh Bảy xuống trước, đến tôi, sau cùng là anh Sáu. Lặng lẽ bơi đến gần tôi thấy rõ mục tiêu mới lặn để khỏi lạc vị trí. Tôi lặn tới gắn mìn vào thân tàu phía dưới gần chân vịt là nơi có buồng máy.

Khi tôi bắt đầu tìm hướng lặn ra xa thì thình lình một tiếng nổ lớn vang lên. Tôi cảm thấy đầu óc choáng váng rồi bất tỉnh một hồi lâu. Khi tỉnh lại tôi biết là mìn nổ quá sớm. Nhờ những lườn tàu nằm cách nhau khá xa nên tôi đã thoát chết. Kế hoạch đã bị lộ. Tôi cố gắng trấn tĩnh tinh thần lặn tới vị trí tiếp đón. Khi đã xa vừa nhẹ trồi đầu lên để quan sát thì thuyên tiếp đón đã không còn nữa, lại nghe một tiếng la thất thanh ở trên bờ và tiếng chân chạy vội, tôi liền lặn ra xa bờ. Lúc nầy đầu còn choáng váng căng thẳng, chưa tính lên bộ hay tiếp tục đi dưới nước. Quyết định là phải thoát bằng đường bộ, ngày trốn nghĩ tối đi. Từ vị trí công tác vào sông Bến Hải chỉ có một trăm cây số.

Càng lo khi nghe tiếng máy động cơ của tàu địch. Nguy rồi, đèn của địch chiếu sáng rọi quét toàn vùng và di chuyển dần ra cửa biển. Khoảng cách giữa tôi và tàu không quá ba mươi thước. Hễ khi ánh đèn quét về phía tôi, thì tôi lặn xuống, ngửa mặt nhìn lên khi không còn ánh sáng, ngoi lên mặt nước quan sát. Cứ thế nhiều lần như vậy. Giữa khoảng thời gian nầy tôi nhìn thấy hai chiếc xà lan không người tôi liền đứng vào giữa khe ẩn nấp. Aùnh sáng đèn vẫn tìm kiếm, càng lúc tàu chạy càng xa dần cho đến khi yên lặng. Tôi lần mò ra phía sau. Cuối xà lan thì giật mình vì hai chiếc thuyền của dân cột gần đó. Im lặng quan sát hồi lâu thì ra trên thuyền không có người. Bơi nhẹ đến gần. Một chiếc có mui kín, chiếc bên cạnh không mui, nhìn vào khoan thuyền, một tia hy vọng mỏng manh, tôi liền nhẹ nhàng nhổ cây sào lên, đẩy ra giữa giòng sông mới trèo lên thuyền. Dưới cái nón lá là cái rổ có ít tôm, rổ thứ hai là cá nhỏ, thực phẩm đây rồi. Nắng nóng mùa Hạ cứ phơi khô, gặm nhắm dần cũng được mấy ngày. Dấu vật dụng xuống dưới chổ đứng, tôi lắp chèo vào. Lúc nhỏ tôi đã thạo chèo ghe. Cứ chèo ra ngoài hải phận quốc tế thì yên tâm. Trong người độc nhất chiếc quần xà lỏn. Lấy nón đội lên, nhờ xuôi nước nên thuyền đi khá nhanh.

Trời đêm ba mươi tối đen như mực, thuyền đã ra gần cửa biển. Bất thình lình hai ngọn đèn pha chiếu sáng ngay vào thuyền của tôi. Nguy rồi, bọn chúng đã đón ở cửa sông. Thoáng nghĩ nhanh. Ngồi xuống thả bình hơi, thủy bàn, đồng hồ chỉ còn lại cây súng lục. Dự tính ít nhất cũng hạ được mấy tên, dành cho mình một viên. Suy nghĩ đổi thế thì lỗ quá. Qua bao nhiêu tháng, năm được đào tạo, học tập, huấn luyện mà trả với cái giá như thế sao? Ðến lúc nào đó quá sức chịu đựng thì tự sát. Nhưng ánh đèn pha chói sáng choang không nhìn thấy tên nào cả, đành phải thả súng xuống nước luôn.

Có tiếng hỏi từ trên tàu: Ai? Ði đâu đó?

Tôi trả lời: Tôi đi mừng lưới.

Hỏi: Tại sao đi có một mình?

Trả lời: Hôm nay vợ con bệnh, mừng chung với người ta.

Dưới ánh sáng đèn pha chúng đã phát hiện ra cái áo cao su và chân vịt (chưa kịp thả, có thả nó cũng nổi trên mặt nước) dưới chổ đứng của tôi nên chúng la lên tên Biệt Kích đây rồi. Không biết bao nhiêu tiếng lên đạn, sẵn sàng nhả nạn nếu tôi có hành dộng gì. Chưa tính ra phải làm gì trong lúc cùng, thì bốn, năm tên nhảy qua thuyền đánh đập tới tấp vào người tôi, bảo đầu hàng.

Bọn chúng lấy giây trói khuỷu cánh tay tôi lại đưa vào bờ. Hai tên cầm súng chỉa vào tôi và cầm chắt sợi giây thừng khoảng cách 3, 4 thước. Trời vẫn chưa sáng. Hừng đông dẫn tôi đi, sáng ra thì chúng bịt mắt. Trong lúc khập khễnh từng bước, bên tai nghe tiếng nói của dân đi làm hỏi ai đó các anh : Biệt Kích đó. Có tiếng ồ, to béo quá, đen thui. Ðến khi chúng nó bảo dừng lại, ngồi trên chiếc ghế, trói vào một cây cột. Không nghe tiếng nói, mà chỉ nghe tiếng chân đi lại nhiều. Chiều thì chúng đưa tôi lên vào trại Quảng Bình. Phòng nhỏ hôi hám, lại bị cùm cả hai chân, chúng mới mở mắt cho tôi. Phần ăn là bát cơm gạo lức đỏ, mấy cọng rau muống, làm sao nuốt vô được. ôn lại càng thắc mắc. Tại sao qua bao nhiêu ngày tháng tôi và Bill đã kiểm tra thử đồng hồ rất chính xác. Vậy tại sao?

Không kể ngày đêm chúng đều kêu lên hỏi cung. Trước mặt là cái bàn nhỏ, bàn đối diện là năm tên hỏi cung, hết tốp nầy đến mấy tên khác. Chúng hỏi đơn vị, nơi xuất phát, bao nhiêu người, nhiệm vụ làm gì ?

Tôi chỉ trả lời ra thám sát bến phà Sông Gianh, đo độ dốc bờ sông, mức nước, độ sâu. Trách nhiệm cấp trên giao cho tôi chỉ có vậy thôi. Còn để làm gì thì tôi không biết. Vì tôi bị bắt tại cửa sông mà.

Mở ngoặc ở đây một tí. Chúng hỏi tôi trong Nam ăn tiêu chuẩn bao nhiêu? Ngẫm nghĩ hồi lâu tôi trả lời: Tiêu chuẩn là gì? Xã hội tự do làm gì phải có tiêu chuẩn. Tên ngồi giữa đập bàn cái rầm, làm gì có ăn uống bừa bãi vậy. Rõ ràng mấy tên nầy đều bị mù quáng cả trong sinh hoạt.

Trải qua đã hơn mười ngày. Chúng không khai thác được gì ở tôi. Cuối cùng chúng đưa toàn bộ vật dụng hình ảnh ra chứng minh và nói rằng anh là một người đại ngoan cố, tất cả đều bị bắt hết rồi. Gây tội lỗi trong Nam chưa đủ còn ra phá hoại thành quả Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc! Cuối cùng tôi nhận là ra phá tàu hải quân.

Một trò hề mà tôi đã ý thức được như sau:

Một người độ hơn 50 tuổi, tự giới thiệu là luật sư, cùng đi với một người nữa độ chừng 30 tuổi, xưng là thư ký. Mỉa mai quá! Thư ký mà mang xắc cốt công an. Tôi cũng thừa biết CS làm gì có luật để mà cãi chứ, mà có phát biểu cũng phải nói theo đường lối CS mà thôi. Ông ta nói một hơi. Tôi liền trả lời. Việc tôi làm đã rõ ràng, không cần phải biện hộ. Tự bản thân tôi trả lời cũng đủ rồi. Mấy lần sau trong câu nói của luật sư như khẩn thiết, cho nên tôi nói nhiệm vụ của ông được họ giao phó thì tùy, hiểu biết như thế nào thì nói như thế đó, tôi không xin xỏ, không bào chữa, vì tôi làm việc cho Tổ Quốc, thi hành nghiêm chỉnh kỷ luật Quân đội đã giao phó.

Hai mươi ngày sau thì mở phiên tòa.

Tám giờ sáng, chúng còng tay tôi và dặn nếu trên đường đi mà đồng bào có hành động gì thì không được chống đối lại. Ðến đây tôi mới biết mọi người đều bị bắt. Không có anh Năm và anh Bảy. Sau nầy ở chung trại tôi mới biết anh Bảy chết tại chỗ vì mìn nổ, còn anh Năm tử thương sau khi chống trả quyết liệt với chúng trên biển. Các anh kể lại rằng khi biết bị lộ, nhân viên thuyền nhỏ chạy ra thuyền lớn nhổ neo chạy thoát. Thuyền chạy cả máy lẫn buồm suốt đêm hôm đó cho đến gần trưa hôm sau thì tàu Hải quân CS chạy máy lớn hơn nên đuổi kịp, ban đầu thì chúng nó bắn bao vây, cố ý muốn bắt sống tất cả. Anh em trên thuyền bắn trả lại bằng trung liên BAR, súng phóng lựu. Hai bên vừa chạy vừa bắn nhau như trong phim.Vũ khí trên tàu CS thì lớn hơn và đầy đủ, con bên thuyền thì chỉ bắn để phòng thân, cuối cùng hết đạn. Lúc nầy anh Năm trúng đạn, vài người khác bị thương, quyết định của thuyền trưởng là lao mũi thuyền đâm vào tàu địch, hai bên cùng tan vỡ. Vị trí lúc nầy gần Cồn Cỏ, nơi ranh giới Nam - Bắc. Tàu Hải quân máy mạnh, nên nhanh hơn. Thuyền của ta luồn lách mãi sau cùng bị tàu địch càn lên chìm. Lập tức chúng bắt những người còn sống đưa lên bong tàu phủ bạt kín, vội vã trở ra Bắc.

Thường trong cái xui, còn có cái hên cho một người. Anh ta lặn núp vào trong cánh buồm. Vì đây là ranh giới giữa hai bên, bọn chúng sợ quân ta có thể tấn công nên vội vàng rút lui. Anh ta sống lênh đênh trên biển cả một ngày một đêm với một tấm ván thuyền, và vớt được vài trái cam. Nhờ tàu Hải Quân mình đi tuần, anh ta cởi áo lót vẫy và được Tàu Hải Quân ta cứu thoát.

Trở lại phiên tòa quân sự Quân Khu IV. Viên Trung tá chánh án, hai Ðại úy phụ thẩm, viên Thiếu tá Viện Kiểm Sát, một Thư ký, hội trường đông nghẹt người. Chúng bắt loa ra cả sân Vận Ðộng cho dân chúng nghe. Quay phim, chụp hình. Mục đích của chúng bày trò cho thật to chuyện để nói với thế giới là miền Nam xâm phạm miền Bắc.

Ghê rợn nhất là lời buộc tội của viên công tố, thôi thì đủ điều để mà phát biểu, gán ghép bao nhiêu điều ác cho Chánh phủ VNCH. Hai luật sư biện hộ cho hơn mười người đều nói theo bản luận tội, nói là biện hộ cho nó có lệ thôi, chớ chế độ Cộng Sản làm sao dám đưa luật ra mà cãi, dám nêu lên cái đúng cái sai nếu không muốn gỡ lịch hàng năm. Phiên tòa kéo dài hai ngày đêm. Trước khi nghị án, tôi phát biểu một công dân sống trong chế độ phải làm tròn nhiệm vụ, kỷ luật Quân đội, phải thi hành trách nhiệm được giao phó. Việc tôi làm đã rõ ràng. Tòa xử như thế nào thì tùy tòa mà thôi.

Uất ức, tức tối muốn điên cả cái đầu. Nếu phá được cả ba chiếc tàu không bị lộ thì phiên tòa hôm nay dành cho bọn chúng, chứ không phải mà anh em Chiến hữu chúng tôi.

Kết thúc phiên tòa: Tôi, tù chung thân; anh Sáu, tù 20 năm; thuyền trưởng, tù 16 năm; thuyền phó, tù 6 năm; thợ máy kiêm hướng dẫn viên, tù 18 năm; hai anh tù 5 năm; bảy anh tù 3 năm; một anh tù 2 năm vì anh này chưa đến 18 tuổi. Bản án là một trò hề. Hai năm hay chung thân đều cùng chung một số phận ở tù từ 18, 20, 22 năm mới ra tù..

Sau đó chúng đưa đi các trại tù lao động khổ sai. Thôi thì không kể xiết những cảnh lao lý cực hình mà bọn chúng đã hành hạ chúng tôi. Ðúng! Ai có nếm mới biết mùi. Tôi muốn nêu lên vài điểm để làm sáng tỏ vấn đề thực tế cho những ai còn mơ tưởng về chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa nó ác độc như thế nào.

Chúng tôi đã trải qua các trại như Sơn Tây, hai lần trại Hà Giang thường gọi là cổng trời. Hà giang Bắc một đi có, về không. Trại Phú Lu Lào Cai, Tuyên Quang là trại cuối cùng. Về đây vì CSVN sợ Trung Quốc tấn công.

Quá trình mấy chục năm trong lao tù tàn độc dã man của CSVN, tôi nêu lên đây những tình thần tranh đấu bất khuất, những thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong hoàn cảnh cùng chung số phận.

Ðiển hình và quyết liệt nhất là vụ tuyệt thực bảy ngày năm 1973 của anh em chúng tôi tại Phu Lu, Lao Cai.

Ngày ấy lên hội trường họ cho chúng tôi biết đã ký Hiệp Ðịnh Paris. Lúc nào phần thắng cũng thuộc về CSVN. Theo chủ trương của Ðảng. Chánh phủ, một số cán bộ lên hướng dẫn cho chúng tôi học tập, trong đó có vấn đề gọi là bồi dưỡng, rêu rao là nhân đạo nhằm mục đích nếu sau nầy có được trao trả bớt phần nào với bộ xương cách trí, da bọc xương, một bóng hình còn di động được tố cáo tội ác dã man của chế độ lao tù Cộng Sản.

Họ đủ điều thuyết phục chúng tôi, bày trò bàn thờ Tổ quốc rồi tuyên thệ không gây thêm tội ác, cũng như phá hoại các công việc của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.

Trước mặt họ chúng tôi cũng ừ hữ, gật, cũng hứa hẹn, vì đang còn trong cái thế phải vờ chấp nhận. Làm thế nào mà họ có thể hiểu hết được trong tiềm thức của chúng tôi. Miễn làm sao được đặt chân lên miền Nam đã.

Họ giết chết cha mẹ, họ hàng, anh em, vợ con của những người dân vô tội trong dịp Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968. Mối thù không đội trời chung với Cộng sản.Lúc nầy là thời điểm căng thẳng, bốn phía chòi canh bốn cây đại liên sẵn sàng nhả đạn tiêu diệt, nếu chúng tôi bạo động, và toán tù hình sự sẽ là vật hy sinh trước. Sở dĩ vì sao chúng tôi biết được tin tức nhờ anh em chúng có liên lạc được với tù là những phần tử bất mãn, oán hờn chế độ Cộng Sản thông tin cho chúng tôi biết để đề phòng.

Từ đó chúng tôi tuyệt thực tranh đấu đòi trao trả, vì anh em đã nghe đơn vị Dù được trao trả rồi.

Hàng ngày tên công an trực đưa thức ăn vào đều bị anh em la ó, phản đối, tên công an đã nói rằng tôi vào đây để nghe các anh chửi bới, các anh không ăn thì đưa về. Sau đó chúng dở trò thâm độc ly gián anh em để hành động dã man hầu dập tắt tinh thần đấu tranh đang dâng cao.

Tên công an tự giới thiệu là người của Bộ đưa xuống tuyên bố "hôm nay các anh chuyển trại" bắt tất cả hơn trăm người tập hợp, chung quanh là bộ đội có võ trang với tư thế sẵn sàng để đàn áp. Chúng kêu tên từng người lên xe, năm chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Chúng sắp đặt trước, chiếc xe đầu chở 21 người, chúng nghi là có khả năng lãnh đạo, trong đó có tôi chạy thẳng lên trại Quyết Tiến Hà Giang. Mấy tiếng đồng hồ sau, bốn xe kia quay trở lại trại, lùa tất cả vào phòng khóa cửa.

Anh em tranh đấu cho rằng Cộng Sản đưa số anh em đó đi thủ tiêu rồi. Chúng kêu từng người nói là lên sinh hoạt, thật chất là đưa vào phòng kỷ luật còng chân lại, dùng thủ thuật hành hạ dã man. Chúng đánh ông già Trình thuyền trưởng rụng cả hai hàm răng, các anh em khác người bầm ngực, bầm lưng, hộc máu mồm không được săn sóc chữa trị chi cả. Chúng lại chuyển tiếp một số anh em đợt hai lên Hà Giang. Phòng kỷ luật chật hẹp, tường đất dày 5 tấc, nền nhà luôn có nước đọng, khí hậu âm u rét buốt có ngày xuống 4 độ âm, mỗi ngày ăn một chén bắp độ chừng 5 đến 60 hạt, vài hột muối trắng. Mục đích của chúng hành hạ cho đến chết thì thôi. Số chết ở trại nầy hơn ba chục anh em.

Trong một buổi sáng tên công an vào cho sinh hoạt, trước khi bắt đầu, nó bảo các anh hát một bài đi. Một anh liền trả lời: Chúng tôi chỉ biết hát nhạc vàng, không biết hát nhạc đỏ. Chúng liền đưa anh bạn ấy đi vào hầm và cùm hết chín tháng.

Bản thân tôi hai lần ở trại Quyết Tiến Hà Giang. Trại nằm sâu trong rừng. Khí hậu ở đây vô cùng khắc nghiệt. Một năm cộng lại có hơi nắng vài ba tháng, còn lại là mưa gió, sương mù cách nhau 3 thước không nhìn thấy nhau. Những lúc này chúng tôi đều bị nhốt trong phòng. Mỗi lẫn có gió mùa Ðông Bắc thổi về cơn lạnh thấu xương. Ðói lạnh, ghẻ lở vô cùng cực khổ. Làm mà không đủ mức ấn định chúng dùng hình thức vô nhân đạo hạ mức ăn. Lao động khổ sai nên bị cụp xương sống, rối loạn thần kinh.

Một lần tôi bị kỷ luật cùm một tháng. Nguyên nhân là cái khăn lau mặt của tôi có ba sọc đỏ đem phơi ngoài trời. Một tên nào đó báo cáo với tên công an nói tôi treo cờ VNCH. Sau buổi sinh hoạt kiểm điểm chúng kết luận tôi còn mong đợi Chánh phủ miền Nam. "Lúc này là thời kỳ oanh tạc miền Bắc".

Kể về tội ác của Cộng Sản thì không giấy bút nào có thể tả hết những thâm độc của chúng.

Hồi tưởng lại gần một phần tư thế kỷ bị giam cầm, hơn mười ba năm sống dưới ách thống trị độc tài tàn ác của chế độ Cộng Sản, con người là cái xác không hồn, già yếu và bệnh tật.

Viết bài này tôi không có tham vọng nói lên điều sai hay đúng, chỉ mong mỏi những người còn lại, bạn đồng đội đốt nén hương để tưởng nhớ, thương tiếc và tri ơn các bạn đã hy sinh cho Tổ Quốc.


Image
Cá Kình Nguyễn Văn Tâm đứng ngay giữa, mặt áo trắng,
ở hàng sau cùng, kế Dân Biểu Bob Dornan.

Chỉ Huy Trưởng Sở Bắc, Cố Ðại Tá Ngô Thế Linh
đứng ở hàng sau, người cuối cùng bên tay phải.




Trích từ trang Biệt Hải


Mời quý bạn nghe truyện đọc bài Sanh Nam tử Bắc
Sinh Nam tử Bắc
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Bán tiểu đội Biệt Kích Dù
và trận đánh chớp nhoáng sau lệnh đầu hàng 30.04.


Hải Triều/Trung Nghĩa

Thiếu úy Biệt Kích Dù Vũ Văn Tư trằn trọc không ngủ được. Ðơn vị anh được lệnh chuyển quân về đóng ở Tam Hiệp, Biên Hòa, nơi mà tinh thần chống cộng của đồng bào Thiên Chúa giáo vững vàng như sắt, như đá. Sự có mặt của những toán Biệt Cách Dù làm các đơn vị quân dân phòng thủ ở đây lên tinh thần. Tư đi hết nhà dân đến nhà thờ. Có những đêm Tư âm thầm vào nhà thờ nhìn chăm chăm vào tượng Chúa để cầu xin một phép lạ, không phải cho anh, mà cho quê hương, để Bắc quân bị tan biến trong trận Long Khánh và không một tên nào mò qua Tam Hiệp để vây Sài Gòn. Anh thấy tượng Chúa buồn buồn, anh thấy tượng Ðức Mẹ dường như muốn khóc. Anh về lại đơn vị trùm poncho ngủ. Giấc ngủ vỡ tan theo tình hình tin tức chiến sự căng cứng cứ một ngày gần về phía Sài Gòn.

Sáng ngày 28 rạng 29 tháng Tư, đơn vị anh được tin cho biết về các hướng chuyển quân của địch, trong đó có một đơn vị cộng sản có chiến xa sẽ di chuyển t? Tân Phong hướng chiến khu D tiến về vòng đai phi trường Biên Hòa theo lộ trình quốc lộ 1 vào Hố Nai. Tất cả đơn vị đã sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Các đơn vị địa phương và nhân dân tự vệ, súng đủ loại bỗng nhiên thành những người lính tử thủ. Họ phân công, tăng cường phòng thủ và di chuyển đồng bào khỏi vùng có thể sắp xẩy ra những cuộc đụng độ đẫm máu.

Sáng sớm 30 tháng Tư, Tư và các sĩ quan được đơn vị trưởng mời họp khẩn cấp, chờ lệnh Sài Gòn. Trời Tam Hiệp vẫn chờ cơn bão lửa trong tinh thần chuẩn bị cho cuộc thư hùng chết bỏ. Ðến khoảng vừa sau 10 giờ sáng, các sĩ quan quay quanh chiếc radio, im lặng, đợi chờ một cái gì vô cùng nghiêm trọng. Bỗng tiếng tướng Dương văn Minh ồn ồn vang lên lệnh buông súng. Tư đập tay xuống bàn. Chiếc đồng hồ vỡ tung, đứt dây văng xuống đất. Các sĩ quan có mặt, người chửi thề, kẻ ôm mặt khóc. Vị sĩ quan Dù, cấp chỉ huy của Tư đang gục mặt xuống bàn, hai vai ông run lên. Một lúc sau, ông đứng dậy nói trong hai hàng nước mắt:

- Ðịnh mệnh oan nghiệt! Ðịnh mệnh oan nghiệt! Thế là hết! Anh em tan hàng và thoát khỏi vùng này gấp! Chiến xa địch có thể đang rất gần!

- Sao dễ dàng vậy ông thầy? Mơ hay thực ông thầy! Hỏa ngục An Lộc mình coi như pha! Sao bay giờ chưa bắn phát đạn lại tan hàng? - Tổng thống đã bó tay hàng, lệnh chúng ta buông súng. Làm sao chuyển xoay thế nước? Làm sao xoay chuyển lịch sử? Công chuyện bây giờ là cứu mạng anh em? Anh em nghe rõ?

Không khí im lặng, tịch mịch, thê lương. Không một ai trả lời. Một thứ im lặng nặng nề, uất nghẹn. Tư bỗng lên tiếng:

- Không! Tụi em nghe rõ nhưng không buông súng! Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng là chuyện của ông Dương Văn Minh. Tụi em không thể quăng súng! Biệt Kích Dù không bao giờ quăng súng! Ông thầy mặc tụi em!

- Thế cậu làm gì?

Tư không trả lời người chỉ huy của mình. Anh đứng phắt day chào tay người đơn vị trưởng và bỏ ra khỏi phòng:

- Vĩnh biệt ông thầy và anh em!

Ðây là lần đầu tiên trong đời binh nghiệp mà Tư hành sử như vậy đới với cấp chỉ huy. Ðơn vị trưởng Tư lặng lẽ nhìn Tư đi cho đến khi bóng anh khuất ở một góc đường dẫn về vị trí công sự phòng thủ của toán Tư trách nhiệm. Ông thở dài và mọi người giải tán.

Thiếu úy Tư về vị trí anh em đang bố trí chờ địch. Họ thấy nét mặt Tư như căng ra, căng thẳng và quyết liệt. Anh nói với anh em:

- Thằng cha Minh Bự ra lệnh buông súng rồi! Mấy ông đại bàng lớn nhỏ đã chấp nhận lệnh của Dương Văn Minh. Tôi thì không. Anh em nào theo tôi thì gom hết súng đạn và M72 xếp hàng theo tôi. Anh em nào nặng gánh gia đình thì ngay từ lúc này, bẻ súng, hay chôn súng, rời khỏi nơi đây gấp! Tôi còn chỉ huy anh em. Ðây là lệnh! Lệnh sau cùng trước khi chia tay!

Thầy trò Thiếu úy Tư nhom vào nhau, ôm nhau, kẻ khóc, người gạt nước mắt khi chia tay. Tư gom còn lại anh em khoảng một bán tiểu đội chịu ở lại với Tư, mỗi người hai ống M72, lựu đạn, súng cá nhân và ba lô. Tư dẫn anh em di chuyển nhanh về xứ đạo Kim B... Ðó là quê quán của một số anh em trong toán không buông súng của Tư. Tư đưa anh em lẩn vào một dãy nhà quen. Dãy nhà chỉ còn lại một bà cụ già:

- Bác Tám! Cháu là Vũ Văn Tư! Bác còn nhớ cháu? Bà con đâu hết rồi?

- À, tôi nhớ rồi! Cậu Tư Biệt Kích Dù! Cậu Tư về đây làm gì, bà con tản cư về Sài Gòn, vì nghe nói cộng sản có thể vô đây! Mà mấy cậu đói không?

- Sáng giờ tụi con chưa có gì trong bụng hết...

- Còn nồi thịt kho sau bếp. Tôi nấu nồi cơm cho mấy cậu ăn!

Mặt tiền nhà thờ Kim B... bên trái là cột cây số 6 tính từ Biên Hòa lên, bên phải là những căn nhà dân bỏ hoang, cách đó không xa là trường tiểu học Hải Phòng có một địa thế che khuất thuận tiện cho một cuộc phục kích. Tư ra lệnh anh em đào hầm và ngụy trang gấp để sẵn sàng cho một cuộc tấn công chớp nhoáng và rút nhanh theo kế hoạch.

Các Biệt Kích Dù còn lại mặt trận không có lệnh hành quân do Thiếu úy Tư chỉ huy, không có đại bàng trên trời, dưới đất, cũng không có hệ thống truyền tin, không Tổng Tham Mưu, không dinh Ðộc Lập... Chỉ có thầy trò Tư, Văn, Lễ, Hùng, Sự và Bảy đang dàn trận đối đầu với Bắc quân vào xế 30 tháng Tư, 4 tiếng đồng hồ sau lệnh cho quân đội buông súng của tướng Dương Văn Minh. Lúc này, trên mặt những Biệt Kích Dù không còn nước mắt buổi sáng, mà mặt họ lại đăm đăm chờ giặc như những lần phục kích năm xưa, bất chấp cái gì xẩy ra cho họ.

Tư phân phối vị trí tác xạ cho từng anh em và chỉ thị:

- Trận này chỉ sài M72! Không dùng súng nhỏ và lựu đạn, thứ này chỉ để tự vệ trên đường tàng hình mà thôi! Nếu địch xuất hiện trong tầm hiệu quả, xe nhỏ và Molotova vận tải, chơi trực xạ một M72. Nếu T54, tập trung tối thiểu là 2 M72 một chiếc cùng lúc để con cua bị rang muối ngay tức khắc, nếu nó còn sống, nó quay đại liên thì mình không thoát được theo kế hoạch, không về được với vợ con. Tất cả phần đuôi của đoàn xe địch còn lại, chơi xả láng tất cả M72 còn lại vào mục tiêu, kể cả bộ binh tùng thiết... Và tàng hình thật nhanh trước khi địch tỉnh hồn phát giác vị trí tấn công và đường thoát của tụi mình!

- Rồi sau đó tụi em gặp Thiếu úy ở đâu?

- Tại nhà thằng Hùng ở Ngã Ba Hàng Xanh tối ngày mai nếu tụi mình không thằng nào rách áo hay đi phép dài hạn! Nhưng mình chơi cú này như ma như quỷ, bố tụi nó cũng không ngờ! Nhớ! Tụi mình phải gặp nhau lần cuối trước khi chia tay mà không biết bao giờ gặp lại!

Ðúng như nguồn tin hôm trước và dự đoán hôm nay, dưới ánh nắng gay gắt, trước nhất là một chiếc jeep đi đầu, ngay sau là tiếng xích sắt nghiến trên mặt đường của một chiếc T54 nòng đại bác kềnh càng chỉa về trước, hai bên hông xe là một số bộ đội, có cả du kích dép râu có lẽ lần đầu tiên được "cưỡi" xe tăng, rồi tiếp theo là 2 chiếc Molotova đầy bộ đội miền Bắc và du kích dép râu, mũ tai bèo, lá ngụy trang. Họ di chuyển dường như khá chủ quan là sau cả buổi lệnh buông súng của Dương Văn Minh loan báo trên đài, các ổ kháng cự của quân đội VNCH đã rời vũ khí, bỏ trống chiến trường. Họ chuyển quân như đi duyệt binh, như phô trương lực lượng.

Tư và bán tiểu đội Biệt Kích Dù chỉ chú ý đến phần đầu kể từ chiếc xe jeep để có thể tấn công chớp nhóng và rút nhanh trước khi địch hoàn hồn. Ðoàn xe tiến ngày càng gần vào vị trí ổ phục kích. Tư bình thản nói nhỏ vào tai các xạ thủ:

- Jeep có sĩ quan đi đầu, cậu chơi chính xác 1 quả cho tôi!... Chiếc T54 kế, hai cậu chơi hai quả trực xạ ngang hông cùng một lúc!... Hai Molotova đi sau, mỗi chiếc một quả chính xác cho tôi!... Các ống phóng còn lại, các cậu xả láng hết vào bất cứ đoàn xe hay đám tùng thiết nào xuất hiện trong tầm tác xạ! Và ngay sau đó, biến nhanh theo tôi! Không chần chờ ở lại xem kết quả! Hổ nhanh như ma như biến mới sống!

Tiếng xích sắt chiếc T54 nghiến đường kềnh càng mỗi lúc một gần. Chiếc jeep có một sĩ quan cấp đại tá và hai nhân viên truyền tin cùng chiếc T54 vừa lọt vào tầm tác xạ hữu hiệu, có thể nói là quá sát vị trí phục kích, Tư ra lệnh khai hỏa.

- Ầm!

Một vệt lửa vụt đi, quả M72 lao như điện xẹt vào mục tiêu. "Tiến về Sài Gòn. Ta giết sạch giặc thù" chưa thấy đâu, nhưng chiếc jeep đi đầu bị thổi tung lên như con diều giấy bốc cháy. Bị tấn công bất ngờ, chiếc T54 hoảng hồn nã một phát đại bác lên tháp chuông nhà thờ. Tháp chuông bị vỡ sụp một góc. Nhanh như chớp, trước khi đại liên và đại bác tác xạ vào các vị trí nghi ngờ khác, hai quả M72 phóng thẳng vào hông phải chiếc T54:

- Ầm! Ầm!

Chiếc T54 lật ngửa sang một bên, bốc cháy bên vệ đường. Ba quả M72 tấn công quá nhanh, chỉ trong vòng không tới 30 giây, bộ đội Bắc Việt và các du kích bám trên xe không phản ứng kịp, bị văng xuống như sung rụng. Trong một tích tắc tiếp theo đó, hàng loạt M72 phóng thẳng vào hai chiếc Molotova chở đầy lính đủ loại, nón cối, mũ tai bèo và vài chiếc đi sau.

- Ầm! Ầm! Ầm...!

Nguyên một đoạn đường còn lại trong tầm tác xạ của M72 bỗng chốc thành bãi chiến lửa khói đầy xác xe và người chết. Tiếng súng AK khai hỏa từ phía sau đoàn "con-voi" nhưng họ không biết họ bị tấn công từ đâu. Không một tiếng súng nhỏ M16 bắn trả. Bỗng chốc chiến trường thành một thứ chiến trường im lặng chết người. Trong cái khoảnh khắc im lặng mà Bắc quân còn nằm chết dí trên mặt đất bắn lung tung, chưa nắm vững tình hình địch và thiệt hại của các chiếc xe đi đầu, bán tiểu đội Biệt Kích Dù đã biến đi tự lúc nào.

Sau khi không nghe thấy gì nữa, các đơn vị Bắc quân và chiến xa còn lại thận trọng dàn quân thành một vòng cung bọc tròn khu vực nhà dân, nhà thờ và trường tiểu học. Họ di chuyển chậm và họ nghĩ rằng trận phục kích kế tiếp sẽ diễn ra. Nhưng không! Tiếng nổ lác đác còn lại chỉ nghe thấy từ lòng chiếc T54 với những đạn loại nhỏ bị cháy và còn phát nổ. Vòng vây khép lại như một mẻ lưới, càng lúc càng nhỏ dần.

Bắc quân uất giận bắt đi vị linh mục già chánh xứ co ro trong nhà thờ và mấy người dân đau ốm tá túc trong nhà thờ. Họ lục soát trong nhà dân, bắt thêm vài người. Tháp chuông nhà thờ đổ nát nhưng tượng Chúa và tượng Ðức Mẹ vẫn còn, một tên VC lia vào tượng một tràng AK và ra ngoài, hắn lầm lừ như con hổ bị trọng thương. Một tên chỉ huy hạch hỏi hai người dân điều gì không rõ, song sau đó, họ bắn cả hai ngay trước cổng nhà thờ.

Toán quân cộng sản tiếp tục di chuyển, áp tải theo linh mục chánh xứ và những người dân vô tội, đến ngay tại cây số 7, họ dừng chân, họ bàn chuyện gì không biết, nhưng sau đó họ lôi ra bắn tiếp 2 người nữa và vứt xác bên vệ đường. Người dân miền Nam, những người bị bắt còn sống chưa bị hành quyết tại cây số 7, những người còn sống trong các nhà bên đường... kinh hoàng, vài người đã la hét trong cơn hoảng loạn tâm thần. Họ thấy cái chết lắc lư trên đầu họ. Và dường như Bắc quân thấy một cái gì không ổn trong hành động của họ trước những tiếng gào thét tuyệt vọng của đồng bào, họ ngưng hành quyết những người còn lại.

Trên quốc lộ 1, đoạn đường từ cây số 6 trước nhà thờ Kim B đến cây số 7 cũng chính là một phần của đoạn đường "Tiến về Sài Gòn, ta giết sạch giặc thù!" Bài hát "Tiến về Sài Gòn" của Huỳnh Minh Siêng đã hiện thực trên những vũng máu của người dân vô tội.

Ngày 1 tháng 5, thủ đô Sài Gòn tang tóc. Chiều, gió nhe ïthổi từ sông Sài Gòn như hơi thở tàn hơi trên từng sợi tóc của những người dân phờ phạc, âu lo, trên từng tàng cây hai bên đường như cảm nhận một mùa xuân tang tóc. Sài Gòn thoi thóp thở. Ðâu đó, người ta thỉnh thoảng còn nghe tiếng súng, tiếng lưu đạn nổ. Tiếng nổ của những người tự tử chết theo thành. Tiếng súng của những anh em còn chiến đấu tuyệt vọng từ những hẻm hóc giữa thủ đô liệm chết.

Tư lần mò đến địa điểm hẹn anh em ở Ngã Ba Hàng Xanh. Thầy trò Tư lặng lẽ ôm nhau, cùng nhau ăn một bữa cơm ly biệt sau cùng. Tư bùi ngùi nói với anh em:

- Trách nhiệm của chúng ta đối với Tổ Quốc đã tròn. Không ai lệnh cho chúng ta phải đánh trận sau cùng khi Dương Văn Minh đã đầu hàng. Tôi tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Ðức Mẹ đã bảo bọc chúng ta để còn gặp đủ anh em đêm nay. Nhưng ngay trong đêm nay, tôi không còn là người chỉ huy anh em, anh em mỗi người tự thay tên đổi họ để về nguyên quán, lo cho gia đình, vợ con. Tôi sẽ còn ở lại Sài Gòn ít hôm coi tình hình, và có thể trở lại coi tận mặt chiếc T54 bị bắn cháy trước khi về lại Cao nguyên.

- Em còn độc thân! Ông thầy cho em ở lại và tháp tùng ông thầy!

- Không! Em về với bà cụ! Tình hình vô cùng nguy hiểm! Thôi, chúng ta chia tay! Coi chừng mấy thằng 30 nằm vùng!

Ðèn trong trong phòng vụt tắt. Bán tiểu đội Biệt Kích Dù không còn quân phục, không còn vũ khí của thiếu úy Vũ Văn Tư ôm nhau trong bóng tối. Người ta không thấy nước mắt, chỉ nghe những tiếng nấc ly biệt, nghẹn ngào...

Mấy hôm sau, Tư lẻn về lại Hố Nai một mình. Ðịch vẫn chưa áp đặt gắt gao sự kiểm soát trong vùng. Tư mặc đồ rách rưới như một nông dân lần đến thăm nhà thờ Kim B và khu vực trận địa. Tư lựa một góc nhà khuất, dựa lưng nhìn chiếc T54 và xác chiếc jeep nằm tan nát bên cạnh. Tư được biết một sĩ quan cấp đ?i tá và hai người lính truyền tin đã tử thương trong trận phục kích, số thương vong trên các chiếc Molotova và đoàn quân phía sau không rõ. Về lại Sài Gòn, Tư gặp một số bạn thân kể lại trận đánh và anh biến mất khỏi Sài Gòn sau đó.

Một năm sau, Tư hoàn toàn thay tên, đổi họ và sống như một người dân không biết gì về lính tráng. Lặng lẽ, âm thầm, uất ức và chán đời về sống ẩn dật về sống ở Cao nguyên. Thiếu úy Biệt Kích Dù Vũ Văn Tư đã không còn trên cõi đời. Dần dà, anh trở thành người thất chí rồi mất trí. Anh không điên, nhưng người nhà cho biết anh Tư ngày nào cũng như ngày nào, suốt ngày cứ lầm bầm... những câu " Tại sao đầu hàng? Tại sao đầu hàng? Quân phản bội! Quân hèn nhát! Tại sao đầu hàng? Tại sao đầu hàng?..." Và trong một đêm mưa Cao nguyên sấm động rung trời như hét lời hận uất giữa không trung, mưa như trút nước, anh Tư nằm liệt giường, mê sảng. Trong cơn mê, anh cũng cứ thều thào... " Tại sao đầu hàng? Tại sao đầu hàng?..." Và sáng hôm sau, anh nằm yên, vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại.

Thiếu úy Biệt Kích Dù Vũ Văn Tư mất năm 1976 dưới một cái tên hoàn toàn xa lạ, không vinh thăng, không phủ cờ, không huy chương, không một cánh hoa dù có mặt cạnh áo quan. Anh nhắm mắt nhưng mối hờn không chết trên quê hương, và chỉ một mình anh mang theo niềm hận uất khôn nguôi của riêng mình xuống đáy huyệt sâu. Khối hờn chung trong hơn ba mươi năm vẫn còn vẫn còn bàng bạc trên từng ngọn cây tấc đất... dẫu dấu tích của cuộc chiến bi hùng đã tàn phai theo tháng, theo năm.

Hải Triều / Trung Nghĩa
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

GIỌT NƯỚC MẮT

Giải chung kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba, 2003


Người viết: SAPY Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 342-881-vb7300803

Tác giả Nguyễn Văn Hưởng 54 tuổi, định cư tại San Diego, đã được trao tặng giải Viết Về Nước Mỹ 2001 với bài viết "Hoa Ve Chai". Sau đây là bài viết mới nhất của ông, một bút ký sâu sắc, đầy ý nghĩa về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu.
Image
Sau chuyến du hành sang thăm miền Đông nước Mỹ vào mùa Thu năm 2002, lúc giở xấp bản đồ ra nghiên cứu lộ trình trở lại Cali, thấy mình đang ở gần thành phố Atlantic, tôi bàn với nhà tôi: "Hay mình đến Atlantic viếng thành phố cờ bạc miền Đông Hoa Kỳ, xem thử có to lớn như Las Vegas bên miền Tây hay không?" Nhà tôi gật đầu đồng ý. Thế là tôi ngồi ghi lại chi tiết đường đi xuống một mảnh giấy, để cho bà xã nhìn vào đấy chỉ đường cho tôi đi.
Trên đường đến Atlantic, không biết bao nhiêu lần, tấm bảng chỉ lối vào Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Bang New Jersey đập vào mắt tôi. Mỗi lần nó xuất hiện tôi lại nhủ thầm: "Mình sẽ đến viếng Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại thủ đô Washington DC, thì chắc không cần dừng lại thăm Đài Tưởng Niệm địa phương nhỏ bé này làm gì!". Rồi càng đến gần, sự mời gọi càng tăng thêm. Cuối cùng tôi tìm ra được lý do dừng xe, bởi trời đã quá trưa, tôi cần nghỉ ngơi trong chốc lát và để bà xã lo bữa cơm trưa. Thế là tôi đã đến Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Bang New Jersey cách San Diego nơi tôi cư ngụ gần 3.000 dặm đường. Tuy không ai bảo ai, nhưng chắc nhà tôi cũng chẳng tha thiết vào viếng thăm Đài Tưởng Niệm này.
Trong lúc nhà tôi ở lại trên xe nấu bữa cơm trưa, tôi thong thả tản bộ cho giãn gân cốt. Bầu không khí nơi đây thật trong lành yên tĩnh, có thảm cỏ xanh sạch đẹp, có hàng cây cao đầy bóng mát. Giữa khung cảnh nên thơ ấy mọc lên một kiến trúc trang nhã mang tên Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey đã quyến rũ tôi bước chân đến.
Đưa tay đẩy cánh cửa để vào bên trong, tôi bị khựng lại khi nhìn thấy một tấm bảng giá treo trên khung cửa kính ngay lối vào: "Trẻ em 2$. Người lớn 4$. Cựu quân nhân và gia đình miễn phí". Tôi không tiếc mấy đồng bạc vào cửa, nhưng phải trả tiền cho cái mà tôi nghĩ không cần xem thì nó phí đi. Nhưng tôi vẫn đẩy cửa bước vào.
Khung cảnh bên trong vắng lặng, tiếng xì xào của vài người trung niên đứng trò chuyện bị tan loãng trong không gian cao rộng của tòa nhà. Bầu không khí trang nghiêm êm đềm cùng nhiều hình ảnh Việt Nam trong quá khứ thúc giục tôi tiến lại quầy mua vé. Cô thâu ngân tươi cười chào đón, tôi vừa tìm tiền trong túi vừa lên tiếng hỏi làm quen:
- Tôi là cựu quân nhân, nhưng là cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, như vậy tôi có phải mua vé vào cửa không?
Vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, cô đưa mắt hỏi người đàn ông đứng bên cạnh. Người đàn ông tiến lên gần tôi hơn, đưa tay ra bắt tay tôi rồi bảo:
- Chào ông, tôi tên là Sibley Smith, Giám Đốc Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey, hân hạnh chào đón ông. Đã là cựu quân nhân thì xin mời ông và gia đình ông vào thăm viếng Trung Tâm và Đài Tưởng Niệm mà không cần mua vé. Xin ông vui lòng ghi danh tánh và nơi cư trú vào quyển sổ lưu niệm này.
Tôi vừa cầm bút viết vừa nói:
- Thưa ông, tôi tên Nguyễn Văn Hưởng đến từ San Diego.
Ông cười hóm hỉnh rồi bảo:
- Vậy chúng ta có họ hàng với nhau rồi. Vì họ Smith ở đất nước này cũng là họ lớn nhất như họ Nguyễn của người Việt Nam vậy.
Nói xong, ông lấy từ trong ngăn kéo ra tặng tôi một số tài liệu rồi giới thiệu sơ qua về Đài Tưởng Niệm Và Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey.
Trước lúc tạm chia tay ông vui vẻ bảo tôi:
- Có điều gì thắc mắc cần đến tôi, xin ông cứ tự nhiên báo cho tôi biết.
Tôi gật đầu cám ơn ông rồi thong thả bước đi. Nơi phòng ngoài, họ trưng bày những tấm ảnh, tạm gọi là tiêu biểu cho Việt Nam thời buổi chiến tranh. Nhìn vào, các cựu quân nhân từng chiến đấu nơi đó, thấy cả một trời dĩ vãng hiển hiện lên trước tầm mắt họ. Chiếc áo bà ba gọn gàng ôm trọn thân hình mảnh mai người thôn nữ, con trâu đang cày đám ruộng xăm xắp nước mưa, bờ mẫu xanh màu cỏ dại, chiếc thuyền ba lá mong manh... những biểu tượng của miền quê đất Việt. Còn nơi thành thị, họ treo hình ảnh các nữ sinh tha thướt trong chiếc áo dài, cô gái bán bar ngồi chờ khách, chiếc xích lô đạp dưới cái nóng trưa hè, những em bé đánh giày gầy ốm lang thang, người ăn xin tiều tụy; một tay ôm con một tay ngửa ra xin tiền... Nhìn những tấm ảnh được chụp gần nửa thế kỷ qua đi, khiến lòng tôi đau xót. Đau xót vì những biểu tượng nghèo nàn lạc hậu ấy vẫn còn tồn tại mãi cho đến bây giờ. Ngoài chiếc áo dài, chiếc áo bà ba truyền thống, là những thứ cần được bảo tồn để sống mãi với thời gian ra, người Việt nào không ước mơ cho con trâu, cái cày, bờ mẫu, con thuyền mong manh,,, những hình ảnh tuy đậm nét quê hương, nhưng cũng là biểu tượng cho sự nghèo nàn lạc hậu, đi mau vào bảo tàng viện, để nhường chỗ cho những công trường, nhà máy... mọc lên. Nhưng ngay giờ phút này nơi quê hương Việt Nam, giữa lòng phố thị, người phu vẫn còng lưng đạp xích lô, các em bé đánh giày vẫn lê la trên phố, người ăn xin vẫn dẫy đầy trên đường... Nơi vùng nông thôn, người vẫn cày thay trâu, vẫn bán mặt cho trời, bán lưng cho đất...Quá khứ hiện tại lẫn lộn trong tôi, tôi không đủ thời gian để lắng nghe lòng mình thổn thức. Tôi phải tạm rời xa quá khứ để quay về thực tại khi cảm thấy đói trong lòng. Ra ngoài xe, bữa cơm trưa nóng sốt đang chờ tôi trên bàn. Vừa ăn tôi vừa kể cho nhà tôi những gì tôi nghe thấy bên trong tòa nhà trước mặt.

Sau bữa cơm trưa, vợ chồng tôi đưa nhau đi viếng Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey. Lần theo những bậc thang, chúng tôi chậm rãi bước lên Đài, lên đến nơi cao nhất, Đài như mở toang đón khung trời rộng. Đưa mắt nhìn bao quát cảnh quan, tôi lên tiếng giải thích cho nhà tôi:
Image
- Đài này dựng theo hình tròn, đường kính dài đúng 200 feet, được nối với nhau bằng 366 phiến đá hoa cương đen. Trên mỗi phiến đá ghi khắc tên, ngày sinh, ngày tử của từng người một.
Lướt nhìn qua các phiến đá một lượt, nhà tôi thắc mắc lên tiếng hỏi:
- Sao nhiều tấm họ ghi hàng chục tên, lại có tấm chỉ khắc tên vài người thôi vậy anh?
- Mỗi phiến đá hoa cương, như một tấm bia tượng trưng cho một ngày trong năm. Ai chết ngày nào thì ghi tên đúng vào tấm bia ngày đó.
Nghe tôi giải thích, vợ tôi bán tin bán nghi, hỏi lại cho chắc:
- Sao anh biết rõ quá vậy?
- Lúc nãy ông Smith, vị Giám Đốc Trung Tâm cho anh một số tài liệu, anh vừa đọc qua trong lúc em nấu cơm.
Ngẫm nghĩ một lát nhà tôi nói:
- Xếp đặt như vậy có nghĩa họ xem ngày tử là ngày quan trọng đáng ghi nhớ nhất đối với người chết. Em thấy điểm này có phảng phất nét văn hóa Việt Nam mình trong đó.
Tôi không chú ý đến chi tiết này, nhưng khi nghe nhà tôi phân tích, ngẫm nghĩ một lát tôi gật đầu tán đồng:
- Cũng rất có thể là như vậy!
Chúng tôi chậm rãi nắm tay nhau, mắt nhìn vào bức tường đá hoa cương đen, đi trọn một vòng Đài, như để tỏ lòng biết ơn 1,556 người con yêu bang New Jersey, đã mất tích, đã vĩnh viễn ra đi, được khắc tên vào bia đá. Sự phân chia ra từng ngày này cho tôi hiểu rằng, trong suốt cuộc chiến, ngày nào trong năm cũng có người New Jersey hy sinh. Từ trên cao, tôi chỉ ngón tay xuống trung tâm điểm Đài, nơi trồng một cây Sồi gỗ đỏ, rồi ôn tồn giải thích thêm:
- Cây Sồi đỏ là biểu tượng của bang New Jersey, dưới bóng mát tàng cây có ba bức tượng. Tượng người chiến binh đứng hiên ngang, biểu tượng cho người chiến sĩ sau khi hoàn tất nhiệm vụ quay trở về quê hương. Tượng người nữ y tá, biểu tượng cho nữ giới luôn luôn sát cánh cùng nam giới trong mọi nhiệm vụ khó khăn. Tượng người chiến binh nằm xuống, biểu tượng cho người lính đã ra đi không trở lại.
Image

Nghe xong nhà tôi gật gù khen:
- Lúc mới vào em những tưởng, Đài Tưởng Niệm dựng lên chỉ để ghi nhớ công ơn các chiến sĩ trận vong mà thôi. Giờ em mới hiểu, nơi này còn là nơi tôn vinh, tưởng nhớ, ghi công cả quân lẫn dân, cả người ra đi vĩnh viễn lẫn người còn sống quay trở về.
Chiêm ngưỡng cái hùng dũng, hiên ngang... của quân dân New Jersey, khiến lòng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến người đã khuất. Giây phút tưởng nhớ những người bạn đồng minh đã ngã xuống trên quê hương Việt Nam, trong tay tôi không có một nén hương hay một đóa hoa để tri ân họ. Tôi chỉ còn biết đứng cúi đầu, đặt tay lên phiến đá lạnh, lần mò dòng chữ khắc ghi tên tuổi họ, rồi tôi thầm dâng lời cầu nguyện. Tôi cũng nghĩ đến những chiến sĩ, đồng bào tôi đã vĩnh viễn ra đi vì bảo vệ lý tưởng tự do. Không biết đến bao giờ anh em đồng đội và đồng bào tôi mới có một nơi xứng đáng để mọi người đến viếng thăm, hương khói, tưởng nhớ...
Tôi không dám nghĩ xa vời, bởi càng nghĩ càng khiến tâm tư tôi đi vào con đường bế tắc. Tôi âm thầm lặng lẽ nắm tay vợ, cúi đầu giã từ Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey.
Trên đường trở vào Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam, chúng tôi thấy một khu đất nhỏ có hàng rào bao quanh. Dừng chân lại nhìn vào, phía bên trong có vài phần mộ. Vợ tôi thắc mắc:
- Không lẽ họ chôn những người lính tử trận ở đây? Mà tại sao lại chỉ có vài ngôi mộ?
Tôi lắc đầu:
- Không đâu, người chiến binh Hoa Kỳ chết đi đều được chôn cất tại Nghĩa Trang Quân Đội cả, anh không nghĩ bang New Jersey này được ngoại lệ đâu.
Đã xác quyết như vậy, nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao mấy mộ phần này lại nằm ngay trước cổng vào Đài Tưởng Niệm. Tuy mấy ngôi mộ làm tôi quan tâm, nhưng sự quan tâm ấy đến và đi thật nhanh vì còn nhiều điều đang chờ đón chúng tôi bên trong tòa nhà. Vào đến bên trong, gặp lại ông Smith, tôi chỉ vợ tôi rồi giới thiệu:
- Thưa ông, đây nhà tôi.
Rồi hướng mặt về phía ông Smith tôi nói:
- Còn đây ông Smith, Giám Đốc Trung Tâm.
Ông Smith mỉm cười cúi đầu chào nhà tôi rồi đưa tay ra bắt:
- Hân hạnh được tiếp đón bà. Hai ông bà vừa đi viếng Đài Tưởng Niệm về phải không?
- Thưa vâng!
Vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, ông lên tiếng hỏi:
- Ông bà có biết ai là người vẽ kiểu Đài Tưởng Niệm này không?
Tôi lắc đầu:
- Thưa không!
Ông đưa chúng tôi lại trước tấm ảnh chụp mấy người cầm cuốc xẻng đang đào đất, biểu tượng cho sự khởi công xây dựng Đài. Theo ngón tay ông chỉ, tôi nhận ngay ra gương mặt người Á Đông. Ông từ tốn giải thích:
- Một cuộc thi vẽ mô hình Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey được tổ chức từ mùa xuân năm 1987 đến mùa xuân 1988. Trong toàn bang có tất cả 421 đồ án gởi đến dự thi. Ngày 7-7-1988, hội đồng chấm giải họp lần cuối và công bố kết quả cuộc thi. Ông Nguyễn Hiền, một người trẻ Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đến Hoa Kỳ năm 1975, sinh sống tại New Jersey đoạt giải nhất và đồ án ấy được chọn để xây Đài Tưởng Niệm.
Nghe đến đây nhà tôi lên tiếng:
- Hèn chi tôi thấy có phảng phất chút văn hóa Việt Nam qua việc dựng 366 tấm bia đá hoa cương đen.
Ông Smith gật đầu khen:
- Quả đúng như bà nhận xét.
Nói xong ông đưa chúng tôi đến trước một tấm ảnh khác, chỉ ngón tay vào đấy rồi nói:
- Ông bà hãy nhìn tấm ảnh này xem có nhận ra đôi nét văn hóa Việt Nam nào ẩn hiện trong đó không? Xin lỗi, tôi bận chút công việc, khoảng nửa giờ sau tôi trở ra đây tiếp tục hầu chuyện với ông bà.
Ông Smith đi rồi, vợ chồng tôi chăm chú nhìn lên tấm ảnh. Đây là bức ảnh toàn cảnh Đài Tưởng Niệm chụp từ trên máy bay. Nếu đem so sánh với các Đài Tưởng Niệm tôi từng viếng qua, tôi chỉ nhận ra một điểm hơi khác biệt là sự hiện diện của mấy phần mộ đặt ngay trước cổng ra vào. Cố suy nghĩ thêm, nhưng vợ chồng tôi chẳng nhận ra nét văn hóa Việt nào phảng phất nơi đó. Trong lúc chờ đợi ông Smith quay lại giải thích điều "bí ẩn", tôi hướng dẫn vợ tôi đi xem ảnh treo trên tường. Bởi không còn nhiều thời gian, nên chúng tôi nhìn lướt qua nhiều hơn suy gẫm tìm hiểu học hỏi. Có hai tấm ảnh gây cho tôi nhiều chú ý nhất:
Tấm đầu tiên, một tấm ảnh tôi đã nhìn nó không biết bao nhiêu lần trong đời. Tấm ảnh đó được trang trọng treo nơi đây đã khiến tôi hết sức bất mãn khi đọc lời chú thích phía dưới: "Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Miền Nam Việt Nam, xử bắn một viên chức Việt Cộng trên đường phố Sàigòn vào tháng 2/1968. Hành động xử bắn này làm phẫn nộ người Mỹ, đây như là bằng chứng của sự rối loạn trong Quân Đội Miền Nam Việt Nam. Ít ai hiểu rằng, tất cả những người trong gia đình một phụ tá thân cận nhất của tướng Loan vừa bị Việt Cộng tàn sát". Tôi tự hỏi họ treo tấm ảnh này lên với mục đích gì? Nhận ra cái chau mày của vợ tôi khi nhìn tấm ảnh, tôi ôn tồn nói lên sự hiểu biết của riêng tôi về tấm ảnh đó:
Image
- Đây là một trong những tấm ảnh góp phần vào việc khai tử chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bởi nhìn ảnh, ai cũng thấy sự dã man của người cầm súng, thản nhiên bắn chết một người đang bị trói tay. Nhưng đâu có mấy người hiểu, chỉ vài phút trước khi tấm ảnh ấy được chụp, "nạn nhân" bị bắn đã đốt cháy biết bao căn nhà và giết cả những người dân vô tội. Có mấy ai hiểu, người cầm khẩu súng bắn đang làm nhiệm vụ của vị quan tòa kiêm đao phủ thủ, xử tử hình một tội đồ.

Tấm ảnh thứ hai, một tấm ảnh rất đẹp, chụp chiếc xích lô cùng anh phu xe ngồi nhàn nhã đọc tờ báo Anh ngữ "The Saigon Post", số ra ngày 01-11-1968, trên trang báo có chạy hàng tin lớn: "Tổng Thống Lyndon B. Johnson ra lệnh ngưng giội bom Bắc Việt". Tôi phân trần với nhà tôi:
- Vào thời buổi ấy và ngay cả bây giờ, một người có trình độ đọc và hiểu những bài viết trong tờ báo Anh ngữ, anh đoan chắc không một ai chọn mưu sinh bằng nghề đạp xích lô cực khổ này. Tấm ảnh tướng Loan và tấm ảnh người phu xích lô như đối nghịch nhau, một bức chụp cảnh thật, sống động đến rợn người, một bức dàn dựng giả tạo đến trơ trẽn lộ liễu. Anh sẽ lên tiếng phản đối việc treo hai tấm ảnh ấy nơi đây và nhân tiện tìm hiểu xem họ treo lên với dụng ý gì? Anh cũng sẽ trình bày cái nhìn của riêng anh với ông Giám Đốc Sibley Smith.
Khi ông Smith quay lại, để đo lường sự hiểu biết của ông về chiến tranh Việt Nam, tôi lên tiếng hỏi:
- Thưa ông Smith, ông có từng sang chiến đấu bên Việt Nam chưa?
- Thưa chưa, ngày ấy tôi còn quá bé.
Sau câu trả lời, tôi hơi nghi ngờ sự hiểu biết về Việt Nam của ông. Đưa ông đến trước hai tấm ảnh, tôi giãi bày về cái nhìn của tôi rồi nêu lên vài thắc mắc vừa nảy sinh lúc xem ảnh. Biết tôi hơi bất bình trong cử chỉ và lời nói, nhưng ông Smith vẫn chăm chú lắng nghe, rồi ôn tồn giải thích:
- Thưa ông, tôi rất thông cảm sự xúc động trong ông. Tuy tôi chưa từng tham chiến ở Việt Nam, nhưng tôi thấu hiểu tâm trạng người lính chiến thời buổi đó, vì tôi được hoàn toàn tự do nghiên cứu về cuộc chiến ấy. Ngoài những gì ông vừa trình bày, tôi còn biết thêm, vị tướng bắn người Việt Cộng trong ảnh đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian tỵ nạn ở Hoa Kỳ vì có một số người xem ông ta là tội phạm chiến tranh. Chính người chụp bức ảnh đó đã đến xin lỗi tướng Loan và gia đình ông ta về hậu quả do bức ảnh gây ra. Còn bức ảnh người phu xích lô ngồi đọc báo, đúng là bức ảnh được dàn dựng. Bức ảnh chụp tướng Loan bắn người Việt Cộng là bức ảnh rất thật, nhưng nó không diễn tả được chút sự thật nào. Còn bức ảnh thứ hai là bức ảnh giả tạo, nhưng nó diễn tả được hết sự giả tạo trong đó. Thật giả trong cuộc chiến Việt Nam đang lẫn lộn nhau trong thời đại chúng ta, chỉ có thời gian mới gạn lọc hết những gian dối để sự thật được phơi bày. Nơi đây chúng tôi chỉ cung cấp dữ kiện, không bắt ai phải nghe và tin theo bất cứ điều gì. Chúng tôi dành mọi sự nhận định phán xét cho những người muốn đến đây học hỏi và tìm hiểu.
Tôi đứng im lặng cúi đầu lắng nghe từng nhận định của ông Smith. Nơi Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam này vừa cho tôi một bài học về sự tự do, điều cao quý nhất của nhân phẩm con người. Một khi tự do được tôn trọng thì không còn cảnh áp đặt người khác phải hiểu và nhận định theo hướng của mình. Tôi chạnh lòng nghĩ đến người Việt Nam ở quê nhà đang phải nghe, phải suy luận, phải giải thích...theo chính sách đường lối của một đảng độc tôn đưa ra. Còn người Việt hải ngoại, tuy có trong tay mọi quyền tự do, nhưng vẫn chưa sử dụng quyền ấy đúng đắn để đem lại lợi ích chung cho cộng đồng và cho quê cha đất tổ.
Trở lại với tấm ảnh ông Smith đề cập đến trước lúc tạm chia tay, ông nói:
- Chắc ông bà chưa nhận ra được nét độc đáo của văn hóa Việt Nam qua tấm ảnh này phải không?
Tôi mỉm cười gật đầu:
- Chúng tôi đành chịu thua và đang nôn nóng chờ nghe ông giải thích đây!
Như để sắp xếp lại những điều sắp nói, ông Smith đứng im suy nghĩ một lát xong, ông bắt đầu vào chuyện:
- Người chiếm giải nhất trong cuộc thi thiết kế Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey được trao tặng 5000 đô la tiền thưởng. Nhận giải xong, ông Nguyễn Hiền biếu ngay lại số tiền ấy cho công cuộc xây dựng Đài.
Đài Tưởng Niệm được xây dựng trên khu đất rộng, do một gia đình cư dân sinh sống lâu đời ở đây trao tặng. Khi tìm kiếm địa điểm dựng Đài, mọi người đồng ý chọn một nơi cao ráo thoáng mát nhất. Đến lúc sửa soạn khởi công, mới phát hiện ra cạnh bên vùng đất được chọn có mấy phần mộ của tổ tiên người hiến đất. Hai giải pháp được đưa ra ngay lúc đó là: Chọn một địa điểm mới. Hoặc di chuyển mấy phần mộ đi nơi khác.
Giải pháp đầu bất khả thi vì không tìm ra địa điểm nào đẹp và thích hợp hơn địa điểm đã chọn. Cho nên giải pháp di chuyển phần mộ đi nơi khác được đem ra họp thông qua để thi hành. Đến lúc này, ông Nguyễn Hiền đứng lên kể cho cử tọa nghe câu chuyện xảy ra sau ngày gia đình ông cùng gần một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam lánh nạn Cộng Sản năm 1954.
Vài năm sau ngày vào Nam tìm tự do, bố mẹ ông Hiền nhận được hung tin, mộ phần tổ tiên ông ngoài Bắc bị di chuyển đi nơi khác để lấy đất xây nhà kho. Tin chẳng lành này làm bố mẹ ông khóc hết nước mắt. Ngày ấy, ông Hiền vẫn chưa chào đời. Nhưng hàng năm cứ đến ngày giỗ, ngày Tết, bố ông lại đem chuyện xưa ra kể cho con cháu nghe trong niềm đau đớn tiếc thương. Bố ông thường đem câu tục ngữ: "Sống vì mồ vì mả, chứ không ai sống vì cả bát cơm" ra giảng dạy. Cho nên ông Hiền như bị dị ứng mỗi khi nghe đến chuyện động mồ động mả. Ông Hiền muốn tổ tiên ông được mồ yên mả đẹp. Cho nên ông không muốn đào bới mồ mả tổ tiên người khác, dù là đào lên để làm một việc có ý nghĩa cao cả như việc xây Đài Tưởng Niệm, ghi nhớ công ơn các chiến sĩ vị quốc vong thân. Ông xin mọi người một đặc ân, cho ông đôi ba ngày, để ông suy nghĩ tìm cách sửa lại đồ án sao cho khỏi phải đụng chạm đến mộ phần người quá cố mà vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp của Đài.
Để mong tránh khỏi việc đào mồ quốc mả, về nhà ông Hiền suy nghĩ suốt mấy ngày liền. Đến ngày hẹn, ông Hiền trình lên hội đồng thẩm định ý muốn dựng một bức tường rào quanh khu mộ, bức tường ấy biểu tỏ được lòng biết ơn cùng sự thương tiếc tổ tiên người đã dâng hiến một khu đất thật đẹp để xây dựng Đài Tưởng Niệm. Làm được việc này, vừa tăng vẻ đẹp nơi ghi công các anh hùng tử sĩ, vừa giữ gìn mồ mả tổ tiên người hiến đất. Một công đôi ba chuyện đều lo vẹn toàn. Diễn đạt những ý tưởng trên, ông Nguyễn Hiền dùng hình dáng giọt nước mắt để tạo thành bức tường bao quanh khu mộ, đồng thời cũng là bức tường cạnh cổng vào Đài Tưởng Niệm.
Nghe ông Smith kể xong, tôi nén cảm xúc ngước lên nhìn lại tấm ảnh. Bức tường rào đúng là mang dáng hình một giọt nước mắt bao quanh khu mộ như sáng tỏ lên trong mắt tôi. Tôi có cảm tưởng như giọt nước mắt mình rơi lên trên ấy.
Một người Việt giải thích về văn hóa nước mình cho người ngoại quốc hiểu là chuyện rất khó, ông Nguyễn Hiền đã làm được việc này. Còn một người ngoại quốc giải thích về văn hóa Việt cho người ngoại quốc hiểu và cảm nhận được nét hay đẹp của nó, tôi chưa thấy ai ngoài ông Smith. Tôi xin bái phục ông, nhờ ông, tôi hiểu rõ thêm về quê hương đất nước tôi, đồng bào tôi.
Cám ơn ông Nguyễn Hiền, cám ơn ông Sibley Smith và cám ơn Giọt Nước Mắt.

NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Image
Image
.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Image
TỪ MỘT TẤM HÌNH
Mới đây một người bạn ở bên Mỹ gởi cho tôi tờ báo KBC đọc chơi, báo hình như từ tháng nào, không phải báo mới đây, nhưng không sao đọc được tờ báo lính là thích rồi. Tôi có tật, đọc sách mà có hình là tôi coi hình trước để mong nhận diện người quen , lần nầy thì tôi nhìn được người quen thiệt. Lật vài ba trang đầu, tôi thích thú nheo mắt dừng lại ở một tấm hình. Tôi không đọc vội hàng chú thích bên dưới, tôi muốn chứng tỏ tôi nhớ đúng ông Thiếu úy Thất đây mà, tôi la to lên “ông Thiếu úy Thất, Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân nè, ổng mới qua Mỹ chắc! Dữ chưa, mấy chục năm rồi”. Tôi vừa cầm tờ báo, vừa chạy lên lầu chỉ cho nhà tôi xem. Lúc đó tôi mới có thì giờ đọc hàng chú thích bên dưới,”....Thiếu úy Thất, Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân, hy sinh tạị... năm...... “ Tôi sững sờ, nín bặt, không tin mắt mình, tôi hỏi nhà tôi cho chắc “âcái gì, ổng chết rồi hả “, tôi kêu nhỏ trong đầu “âỒ, no“. Tôi nhìn kỹ lại tấm hình, hình ảnh đó, dáng dấp đó, nét mặt đó những năm 1968 tiểu đoàn anh đóng quân ở nhà tôi.

Hai mươi tám năm qua rồi, từ hồi Tết Mậu Thân, năm 1968 đến giờ. Ngày đó tôi còn nhỏ lắm mới 10 tuổi thôi, mà tôi còn nhớ như in, như mới năm ngoái năm kia. Buổi tối hôm đó, nhà chỉ còn lại có Má và 3 chị em tôi. Ba tôi phải vô sở ngủ do tình hình an ninh không cho phép. Anh tôi thì Ba gởi vào nội trú ở Lasan Mossard Thủ Đức và em trai tôi thì Ba để ở dưới nhà nội vì nhà nội tôi ở sát bên bót Cảnh sát.

Thế là nhà ban đêm chỉ toàn đàn bà con gái, ban ngày thì mới có Ba và em về. Buổi tối, nghe tiếng gõ cửa, má tôi ra mở , thấy một toán 5-6 anh lính, má mời vào, các anh ngỏ ý muốn đóng quân trên lầu nhà tôi. Má tôi không chút e dè “âmời” mấy anh ở liền, má nói ”có lin'h ở trong nhà mình, yên tâm hơn“. Nhà tôi hai căn lầu cất dính liền nhau, một căn gia đình đang ở, và một căn Ba má tôi vừa mới cất xong trước Tết còn trống trơn chưa kịp chưng dọn gì cả, đó là lý do tại sao mấy anh muốn mượn nhà tôi để đóng quân. Má tôi đưa mấy anh đi lên lầu ngôi nhà mới, tôi cũng lót tót chạy theo nghe chuyện. Tôi nhiều chuyện tới nỗi sau khi chỉ chỗ ở cho mấy anh xong rồi má tôi trở về căn nhà cũ tôi còn ở đó một mình để xem các anh ăn ở ra làm sao. Lần đầu tiên tôi thấy lính và lần đầu tiên tôi nắm được bàn tay người lính, tôi thích lắm, tôi hỏi một anh “anh là lính gì vậy?” anh đáp “Biệt Động Quân cưng ơi”, rồi tôi mon men theo đứng nhìn anh chia ca gác cho các anh khác. Tôi chưa chịu về nhà, mà các anh cũng không ai đuổi tôi đi còn nói chuyện, còn đùa giởn với tôi nữa là khác, cho đến lúc má tôi gọi về ngủ .

Hồi anh tôi chưa vô nội trú, tôi đeo theo anh và đám bạn trai của anh tôi bị Ba má tôi la hoài “con gái gì mà cứ đeo theo chơi với con trai không”, nhưng la là la cho có vậy thôi chứ Má tôi cũng thừa hiểu ngoài anh tôi ra, tôi có ai để chơi chung nữa đâu. Chị Hai tôi thì lớn quá đang ở tuổi có bồ, em trai và em gái tôi thì còn quá nhỏ, chỉ có anh tôi là tuổi trạc bằng tôi và chơi với anh và các bạn của anh thì tôi được chìu chuộng và được lo lắng đủ mọi thứ. Bây giờ anh tôi vô nội trú rồi, tôi ở nhà chơi cu ky có một mình, gặp lúc mấy anh lính đến nhà đóng quân, tôi có cảm tưởng như họ là anh tôi. Tôi biết tên hết từng anh, anh nào lạ không biết tên là tôi hỏi liền. Các anh còn chỉ cho tôi biết ai là “ông thầy” và ai là “ông táo”, mấy bông mai là lớn nhứt, hết bông mai rồi tới cấp bậc gì.... từ đó tôi rành hết cấp bậc trong quân đội, chứ Ba tôi có kể gì cho tôi nghe đâu, mặc dù Ba tôi cũng đã từng ở trong quân đội hồi còn trẻ . Từ đó nên tôi biết trong các anh đóng quân ở nhà tôi, anh Thất là thiếu úy, là “ông thầy” của mấy anh kia, mà qua lối nói chuyện tôi thấy mấy anh kia cũng có vẻ nể anh Thất lắm. Hồi mấy anh ở nhà tôi, Má tôi coi mấy anh như con cháu, có gì ngon má tôi hay kêu tôi bưng lên cho mấy anh “ăn lấy thảo”.

Có một anh tên là Kim, anh rất giống anh Tư của tôi từ gương mặt, lối nói chuyện, anh Tư tôi rất ít nói và ăn nói cộc lốc, anh Kim cũng thế, ít thấy anh giỡn với mấy anh khác, thì giờ rảnh của anh nếu không ngủ thì anh o bế đôi giày trận và cây súng M16 của anh. Những lúc đó tôi hay tò vè bên anh, nghe anh kể chuyện gia đình anh. Còn hai đặc điểm khác mà anh giống hệt anh Tư của tôi là anh cũng có cái răng khểnh, tôi thích nhìn anh Tư tôi cười, coi đẹp làm sao, tôi hồi đó cũng thích nhìn anh Kim cười, nhiều lúc ngồi nói chuyện lâu quá không thấy anh cười tôi nắm tay anh lắc lắc “âanh Kim, cười coi”, thế là anh nhe cái răng khểnh anh ra. Má tôi đặc biệt thương anh Kim vì anh có mái tóc quăn y chang mái tóc quăn của anh Tư tôi, ở nhà gọi anh Tư là “Quắn” vì thế. Các anh và anh Kim ai cũng biết là Má tôi thương anh Kim như con ruột qua hình ảnh của anh Tư tôi, nên anh Kim gọi má tôi là Má, anh coi tôi như em gái. Thậm chí sau nầy khi đơn vị các anh đã đổi đi xa, khi có phép anh về ghé thăm ba má tôi. Có một lần, buổi trưa, lúc đó anh đang đóng quân ở miền nào xa lắm tôi không nhớ rõ, tôi đang ngồi chơi bán đồ chơi một mình trước cửa nhà, một chiếc áo lính hiện ra trước mắt tôi, ngước lên, tôi la ”A, anh Kim, anh Kim”, rồi tôi phóng lên ôm anh. Sau lần đó, không thấy anh trở lại nữa. Má tôi hỏi dò nghe nói là tiểu đoàn anh đã đổi ra Trung.

Tôi nhớ hồi đó tôi thích nhìn anh Thất với cây “dùi cui” đeo lủng lẳng bên hông, trong anh có vẻ ít nói, tưởng rằng khó chịu, mặc dù đôi lúc tôi thấy anh cười nhưng nụ cười hình như không thân thiện lắm. Lúc đầu tôi sợ , không dám đến gần đấu láo với anh; nhưng có một hôm tôi thấy một anh lính của anh Thất, tên là Hoàng anh là binh nhì thôi, mà hôm đó lúc nhìn anh tiển cô bạn gái của anh từ trên lầu xuống, anh lại mặc áo có hai bông mai. Tôi nhìn lên, tên “Thất”, tôi chưa đủ khôn để hiểu rằng anh mặc áo của ông Thiếu úy để lấy le với cô bạn gái. Tôi chạy lại níu anh “âanh Hoàng ơi, anh mặc lộn áo rồi, áo của anh Thất mà”, anh còn giả bộ nhìn cái áo “ủa vậy hả, vậy mà anh không biết”. Lúc đó anh Thất vừa từ trên lầu bước xuống và anh mặc chiếc áo đề tên anh Hoàng, tôi ngơ ngác “ sao mấy ông nầy mặc tùm lum hết “, ai biết đường đâu mà gọi. Anh Thất ngồi xuống bên tôi:

- Đó là ông Thất, còn anh là Hoàng. rồi anh cười khó hiểu. Tôi chưa hết thắc mắc:

-Sao từ nào giờ em thấy ai cũng gọi anh là thiếu úỵ

Anh đứng dậy vuốt đầu tôi:

-Anh giống thiếu úy hở ?

Rồi nói với anh Hoàng:

- Có cô em gái nhỏ xíu vậy mà còn qua mặt không được.

Anh Hoàng nhéo mũi tôi:

-Con nhỏ nầy, sao mà rình anh kỹ vậy, em gái? Tới lúc đó tôi mới hiểu ra rằng anh Hoàng chỉ muốn lấy le với cô bạn gái. Sau lần đó, tôi không còn có ý nghĩ là anh khó chịu nữa. Một lần tôi hỏi anh:

-Bộ trong nhà anh thứ 7 sao mà Mẹ anh đặt tên là Thất? (cũng câu hỏi đó, về kể Má tôi nghe, Má mắng tôi “con gái nhiều chuyện”) Anh cười:

- Anh thứ 7 ha? Không phải đâu em gái (hồi xưa anh nào cũng hay gọi tôi là em gái). Bên tiểu đội kia có ông thiếu úy tên “Tình”, anh phải tên Thất” cho hợp với ổng. Em không nghe lính khác họ gọi tiểu đội nầy là tiểu đội “thất tình” sao? Tôi tin ngay, cho đến giờ nầy sau 28 năm tôi vẫn không biết là anh nói thật hay đùa. Tôi nhớ hồi đó anh dạy tôi hát bài “Biệt Động Quân anh hùng chí trai. Súng thép hiên ngang diệt thù xây tương laị.... Biệt Động Quân SÁT”, tôi hỏi anh Thất “Biệt Động Quân SÁT là gì?”, anh nói “Sát là sát cộng đó em gái”. Hồi xưa lúc tiểu đội anh đóng quân ở nhà tôi, Má tôi coi tất cả các anh như là con, Má tôi không để ý anh nào là thiếu úy, anh nào là binh nhì, nấu món gì ngon là Má tôi kêu bưng lên lầu cho mấy anh, không anh nào “từ chối”. Buổi trưa nếu không đi hành quân, các anh hay xuống nhà ngồi nói chuyện với Má tôi, và tôi lại được dịp nghe mấy anh kể chuyện di đánh trận ở xa, tôi mê nghe lắm. Nằm trên đùi Má tôi, nghe một lát tôi “chơi một giấc” luôn. Hồi đó còn nhỏ tôi chưa biết tí gì về lính, đời lính, đi lính làm sao, đi học quân trường như thế nào, ở đâu...các anh kể cho tôi biết hết. Từ đó tôi mới biết con trai đến 18 tuổi phải đi lính, rồi đi học ở Dục Mỹ, Nha Trang, Đồng Đế...., rồi đi dây tử thần, rồi chà láng, rồi hít đất....đủ thứ hết. Tôi nhớ có một anh, tôi gọi là anh Bảy (tên anh là Anh, nhưng vì lúc đầu tôi chưa biết đọc tên anh, mà anh lại cứ hay nhìn chị Bảy, là người chị bà con của tôi hoài, hỏi tên anh là gì, đọc làm sao anh không chịu dạy tôi đọc mà lại cứ biểu tôi em gái ráng đọc đi, cuối cùng tôi nói em gọi anh là anh Bảy nghe, từ đó trong nhà tôi mọi người đều gọi anh là anh Bảy) kể tôi nghe rằng “cái nón sắt của tụi anh làm được nhiều việc lắm, ngoài cái chuyện đội trên đầu tụi anh còn xài nó để nấu canh nè, múc nước tắm nè, lót ngồi nữa...”. Tôi không tin, tại vì hồi nhỏ thì tôi cứ nhứt định rằng hễ là cái nón thì chỉ để đội trên đầu thôi, lót đích ngồi rồi là không nên đội lên đầu nữa, nói gì mà nấu cơm, nấu canh rồi còn múc nước tắm... Một hôm đang ngồi với Má tôi trong nhà, anh Bảy chạy xuống :”Bé, ra anh chỉ cái nầy”ï, rồi anh dẩn tôi ra coi anh gì quên mất tên rồi đang nấu cơm bằng cái nón sắt. Thế là tôi tin liền. Anh còn nói “tụi anh là lính mà, đâu có cái gì mà không biết chế biến”.

Tôi mê lính lắm từ hồi nhỏ đã bị má tôi la hoài ôcon gái gì mà tối ngày cứ đeo theo mấy ông lính, kêu về nhà rồi là một lát cũng chạy tót qua bển. Còn má tôi, má tôi tin tưởng vào sự hiện diện của mấy anh lính lắm. Có một buổi chiều đang ngồi ăn cơm trong nhà, anh Thất qua cho má tôi hay là “tụi cháu rút đi bây giờ”, trên tay tôi đang cầm chén cơm, má tôi lấy bỏ xuống bàn cái rụp rồi hối tôi “đi con, vô thay đồ rồi mình cũng đi luôn”ï, tôi ngơ ngác “đi đâu?”, má tôi nói “âmấy anh đi rồi, mình cũng đi, tối đâu dám ngủ ở nhà. Ba đã dặn như vậy”. Rồi không đợi cho má tôi dặn dò gì nhiều, tôi chạy theo mấy anh liền, lên lầu tôi hỏi anh Kim “mấy anh đi hết hả ? Có trở về không?”, anh Kim cười với tôi “không biết đâu em gái, em gái ở lại mạnh giỏi nghe.”

Rồi thì sau khi các anh đổi đi, có các anh lính khác đến đóng quân nữa, má tôi mới dám dẫn tụi tôi trở về. Nhà tôi suốt trận giặc tết Mậu Thân, lúc nào cũng có lính đóng, mà lần nào các anh đến, hình như là má tôi hay dặn trước chừng nào rút quân đi thì cho má tôi hay, nên cứ mỗi lần sắp rút đi là tôi thấy có một anh chạy xuống nói lẹ một câu rồi là trước sau gì má tôi cũng kéo tôi vô “chuẩn bị đi nghe con”. Có một lần lúc tiểu đoàn 2 Trâu điên - Thủy quân lục chiến- đến đóng, tôi cũng đeo theo mấy anh. Một buổi chiều đã 5, 6 giờ gì rồi, anh Út nói với tôi “Bé về nói với má, tụi anh đi bây giờ, nhanh lên”, rồi tôi phóng ngay về nhà lặp lại y chang lời anh nói, xong tôi lại bay trở laị coi mấy anh chuẩn bị đi, lần nầy má tôi giận quá đích thân bà lội qua triệu tôi về, phét cho mấy roi để “nhớ đời”.

Rồi sau khi cuộc chiến trong thành phố dần dần im, các anh rút đi. Từ đó tôi bắt đầu theo dõi tin tức chiến trường, coi TV tôi mê nhất mục Phóng sự chiến trường, đoc. báo nghe tin đánh nhau và lính nào đang hành quân...để khi nghe tới tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân lục chiến, Biệt Khu Thủ độ.. là tôi cứ tưởng như là có mặt các anh trong đó, tự nhiên mà tôi cứ có ý nghĩ các anh là anh của tôi, là con của má tôi hết. Hồi 1972 coi Tv thấy nói Tiểu đoàn 2 Trâu điên đánh thắng ở miền Trung, tôi cũng mừng, cũng hân hoan, làm như là tôi có đi theo mấy anh đánh trận vậỵ Hồi tiểu đoàn này đến đóng quân trong nhà, tôi hỏi Ba tôi “mấy anh đó là lính gì vậy Ba?”, ba tôi nói “Thuỷ Quân lục chiến, Tiểu đoàn 2 Trâu điên”. Đối với tôi lúc đó, sau khi mấy anh Biệt Động Quân đi rồi, không lính nào là bằng lính Biệt Động quân nữa, cho nên khi nghe Ba tôi nói “Thuỷ Quân lục chiến”, mà lại có cái tên “Trâu Điên”, toi lè lưỡi nhăn mặt “tên gì mà xấu quá, khi không cái Trâu Điên”. Ba tôi ngưỡng mộ : “Trời ơi, mấy ông nầy đánh có tiếng đó, đánh như trâu vậy. Việt cộng nghe là buông súng hết”. Hồi đó tôi không tin cho đến khi đọc báo, xem TV...thấy nhắc đến “Trâu Điên” đánh thắng ở khắp nơi, đến lúc tôi hiểu để bày tỏ sự khâm phục, các anh đã đi rồi.



Chiến tranh bắt đầu dữ dội, và tôi bắt đầu lớn để hiểu thêm nhiều về chiến tranh từ những năm 72. Tôi để ý nhiều đến cuộc chiến, tôi bắt đầu suy nghĩ về chiến tranh. Mỗi lần nghe đánh đấm ở đâu là lòng tôi nghe âu lo, thấp thỏm. Tôi nhớ lúc tôi xem đoạn thời sự quay Cổ thành Quảng Trị đã lấy lại được, nhìn lá cờ VNCH bay phất phới, và nhìn các anh lính vừa la vừa cười dưới chân Cổ thành, tôi thấy có một anh trung úy còn trẻ măng, tóc dài thoòng, đen thui thui, tôi nói với anh tôi “anh Tư coi kìa, ông trung úy đó, còn trẻ ha, tóc dài thoòng, coi hách chưa”, anh tôi nói “ông đó mới đúng là người hùng, lính phải vậy “, anh em tôi nghe vui, làm như chính mình cũng có dự phần trong đó, làm như chính gia đình tôi có người thân trong đó. Từ cuộc chiến mùa hè 1972, tôi biết thêm nhiều địa danh qua truyền hình, báo chí như Đại Lộ Kinh Hoàng, Nhà Thờ La-Vang...Tôi đau xót từng ngày những ngày An Lộc bị thất thủ, đếm từng ngày trông chờ cho An Lộc được giải vây. Sau cuộc chiến An Lộc, tôi xem trên TV và thuộc được hai câu thơ mà tôi rất thích (nghe nói là của một cô giáo!!) :

“An Lộc địa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân”.
Năm đó tôi đang học lớp đệ Tứ, thầy tôi cho bài luận văn “hãy bình luận câu nói của Tướng Lê văn Hưng : An Lộc thất thủ tôi sẽ tự sát “. Tôi phải thú thật rằng, từ nhỏ đến giờ đi học tôi rất sợ môn Luận văn, tả người, tả cảnh, tả tình...tôi dốt lắm. Tôi chưa bao giờ được điểm cao về Luận văn. Hồi đệ Thất, đệ Lục cô giáo cho đề tả con chó, con mèo,ta cành bông Huệ ... tôi ngồi cắn nát cây bút cả hai tiếng đồng hồ chưa viết ra được một hàng. Vậy mà hôm ông thầy cho đề bình luận về câu nói bất hủ của Tướng Lê văn Hưng tôi đã nói tràng giang đại hải, nói quá chừng chừng, mặc dù lúc mới đọc đề luận tôi rầu lắm, rên thầm trong bụng “cái ông, cho đề gì mà trên trời dưới đất, biết viết gì đây?”. Vậy mà không ngờ khi đặt bút xuống tôi viết một lèo đã tay luôn. Nộp bài luận rồi tôi còn sợ không biết mình viết có đúng đề không hay dám rồi đây ông thầy sẽ hoạch “lạc đề” to tổ bố trong bài. Tôi chưa bao giờ thấy mặt tướng Hưng, dù trên báo, trên truyền hình hay trong taì liệu , chỉ căn cứ vào những tin tức coi được trên TV, đọc được trong báo về trận chiến An Lộc, và ký giả báo chí nói về vị tướng trẻ tài ba, bất khuất. Bài luận đó tôi được hạng nhứt. Tôi ngỡ ngàng gần như nằm mơ khi nghe thầy kêu tên tôi và biểu đứng dậy...

Những người lính trận tôi gặp lần đầu tiên trong đời, đã cho tôi thấy hình ảnh oai hùng, hiên ngang về một người lính, một người chỉ huy trong quân đội, đó là những anh lính tiểu đoàn 38 Biệt Động, rồi sau đó các anh Thủy Quân Lục Chiến của Tiểu đoàn 2 Trâu Điên, các anh lính Biệt Khu Thủ Đô...những anh hùng bằng xương, bằng thịt mà tôi thấy được, biết được. Tôi biết khi các anh đã đánh là phải thắng, đánh cho tới cùng, đánh cho tới Việt Cộng nghe tên đã sợ...

Đến trận chiến năm 1975 lúc đó tôi đã lớn hẳn để hiểu nhiều hơn về chiến tranh và mất mát. Tôi theo dõi từng con số viện trợ chiến tranh mà Quốc Hội Mỹ giành cho Việt nam. Tôi cũng bàng-hoàng, hụt hẫng khi nghe tin Mỹ cắt phân nửa rồi sau hơn phân nửa, và cuối cùng là chỉ còn một phần viện trợ nhân đạo. Những buổi chiều ngồi với nhỏ Đều trên sân thượng nhà tôi, nhìn thấy chiếc máy bay nào bị trúng hỏa tiển tầm nhiệt của Việt cộng, rơi xuống, hai đứa tôi chết lặng trong lòng. Tôi với nhỏ Đều ( là bạn học cùng lớp với tôi) ngồi lâm râm cầu nguyện cho mấy anh được bình yên. Tôi với Đều hỏi qua hỏi lại “mầy có thấy cánh dù nào bung ra chưa?”. Vì tôi nghe Ba tôi nói “bắn rớt máy bay không hề gì, anh phi công còn sống mới là quan trọng”. Ngồi dán đôi mắt lên trời mãi cho tới khi chắc chắn thấy một cái chấm gì đen đen từ trong máy bay bung ra thì hai đứa mới an tâm. Còn nếu không thấy một dấu hiệu nào, hai đứa bắt đầu boăn khoăn lo sợ. Mỗi lần nghe tiếng bom nổ ở miệt Tây Ninh, Trảng Bàng, Hậu Nghĩa là tôi leo tuốt sân thượng ngồi nhìn, đếm từng chiếc máy bay, bao nhiêu chiếc đến và bao nhiêu chiếc trở về. Tôi thương các anh quá đổi là thương. Tôi và Đều hay nói với nhau “mình ở đây giờ nầy, ngồi trong nhà yên ổn như thế nầy mà chính mắt mình thấy lính mình rớt máy bay như vậy, trời ơi tao chịu không thấu mầy ơi"

Một ngày nước mất nhà tan. Một ngày “xảy đàn tan nghé” (Trương Anh Thụy). Một ngày Quân Đội ta tan hàng “gãy súng” (Cao Xuân Huy) buổi trưa ngày 30 tháng 4, 1975 Ba tôi vừa khóc, vừa nói với anh em tôi rằng “mình đã sống bình yên, hạnh phúc được cho đến ngày hôm nay là do công giữ nước, giữ đất của lính VNCH, không phải chỉ bằng mồ hôi nước mắt mà còn bằng máu của họ, bằng mạng sống của họ , bằng sự mất mát của gia đình họ, bằng tất cả cuộc đời của họ ... nhiều lắm mình không trả nổi công ơn đó. Phải nhớ như vậy để đừng bao giờ quay lưng, ngoảnh mặt như những người dưới đường đang làm“.

Ba tôi vừa nói vừa chỉ những người đeo băng đỏ trên cánh tay, ôm một đống cờ mặt trận, mặt mày hớn hở leo lên xe jeep chạy loạn xà ngầu trong thành phố. Ba tôi nói “ngày hôm nay không phải là ngày Giải phóng giải phiếc gì hết, ngày hôm nay là ngày mất nước, nhớ không”. Đó là lần đầu tiên trong đời cả nhà tôi chứng kiến Ba tôi khóc. Ba tôi nước mắt ràn rụa, khóc tức tưởi, khóc như bị bức tử. Và thật vậy, kể từ sau ngày 30 tháng tư, gia đình tôi không một ai làm gì dính líu đến chính quyền cộng sản. Anh tôi lúc đó đang ngồi năm thứ hai Đại học Sư Phạm, bị tống cổ ra khỏi trường vì Ba tôi”nguỵ”. Tôi thi rớt “Tú Tài Giải Phóng” vì gốc “nguỵ” ở nhà chơi luôn. Em út tôi hai đứa ráng đi cho hết Trung học rồi cũng nằm nhà. Và cho đến bây giờ, sau hơn hai mươi năm, ba tôi vẫn gọi sau ngày 30 tháng tư là ngày mất nước, không bao giờ Ba tôi nói và ông rất không bằng lòng ai nói “từ sau giải phóng”, Ba tôi nói “sau ngày mất nước”, hoặc “sau ngày 30 tháng tư” nếu phải nói chuyện với đám cán bộ, công an cộng sản....

Bởi Ba tôi dạy thế nên anh em chúng tôi không bao giờ quên mình là gì, ở đâu, bởi dù gì thì chính Ba tôi đã là “nguỵ”. Ba tôi đã nuôi dưỡng chúng tôi không chỉ bằng mồ hôi nước mắt, mà còn bằng máu của ông nữa. Cho nên tình cờ mà nhìn lại được hình ảnh anh trên tờ KBC để rồi biết anh đã hy sinh, tôi tưởng chừng như mới hôm nào thôi, không khỏi bàng hoàng và thương nhớ như mình vưà nhận được hung tin mất đi một người anh từ chiến trận, anh Thất ơi. Viết những dòng nầy cho anh hôm nay, dù đã sau hơn 20 năm, tôi xin cúi đầu tưởng niệm, gọi tên anh, anh nói riêng và những người lính VNCH nói chung đã nằm xuống. Cuộc chiến nầy dù đã kết thúc như thế nào, người dân miền Nam Việt Nam vẫn cúi đầu ghi nhớ công ơn các anh, sự hy sinh cao cả của các anh bởi trên từng tấc đất mà họ đang sống đều được đắp bồi bằng máu của những người như các anh đã không sống hết tuổi xuân của mình.

Dương Thị Sớm Mai
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Trả Lại Danh Dự Cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

BÙI DIỄM

Trước đây ở Việt Nam, dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ngày 19 tháng 6 được gọi là Ngày Quân Lực. Được tổ chức nhằm mục đích ghi nhận và nhắc nhở mọi người về vai trò và nhiệm vụ cao quý của quân đội hồi đó là bảo vệ miền Nam chống lại sự xâm lăng do miền Bắc chủ trương.

Ngày Quân Lực lâu dần đã trở thành một truyền thống đối với những quân nhân miền Nam, hãnh diện với những khẩu hiệu mà họ mang theo với đơn vị của họ: Danh Dự, Tổ Quốc và Trách Nhiệm. Nhưng rồi chiến tranh chấm dứt, miền Nam bị chế độ Cộng Sản miền Bắc thôn tính và từ đó đến nay hơn 30 năm, truyền thống đó chỉ còn được nhắc lại một đôi khi ở nước ngoài, ở những miền đất tự do. Nếu có chăng nữa thì tất cả cũng chỉ là những kỷ niệm cũ được khơi lại, trong khi đó thì ngay cả trong chính giới, Mỹ và đặc biệt trong giới truyền thông của họ, dư luận chung vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những nhận định sai lầm và thiên lệch về vai trò và trách nhiệm của quân đội miền Nam trong cuộc chiến. Đây là một sự bất công trong lịch sử cận đại cần phải được sớm điều chỉnh lại . Vì vậy mà nhân dịp Trung Tâm Việt Nam (Vietnam Center) tại trường Đại Học Texas Tech University ở Lubbock, Texas, đang sửa soạn tổ chức một buổi hội thảo về quân lực Việt Nam, người viết có một vài ý kiến đóng góp.

Với tư cách là người đã được cái may cùng làm việc với một số người bạn Mỹ của Việt Nam từ ngày Trung Tâm Việt Nam được thành lập cách đây 15 năm, đặc biệt với giáo sư James R. Reckner, Giám Đốc Trung Tâm và đồng thời cũng là người đã có công lớn kiếm nguồn tài trợ để dựng lên cơ sở có quy mô hiện nay, người viết được biết là một trong những chương trình được trù liệu ngay từ lúc đầu là sưu tầm tài liệu về chiến tranh Việt Nam và đặc biệt hơn cả, về miền Nam Việt Nam.

Theo ông Reckner thì “việc cần thiết phải làm là gìn giữ được càng nhiều càng tốt những tài liệu về nền Cộng Hòa Việt Nam để cho những thế hệ về sau này của những người Mỹ gốc Việt và rộng lớn hơn của tất cả những người Việt Nam khác có thể hiểu rõ được một cách trung thực về miền Nam Việt Nam, vai trò của những người đi trước và tại sao họ lại phải đi tìm tự do và lập nghiệp ở Hoa Kỳ. Cần thiết vì những thế hệ về sau này không thể trông cậy được vào những nguồn tin hay tài liệu của chế độ Hà Nội”.

Về mục đích chính đáng này thì tất nhiên chúng ta, những nạn nhân của chế độ Cộng Sản miền Bắc, ai cũng hoan nghênh, còn về phương pháp làm việc thì đây cũng lại là điều chúng ta nên cổ võ. Là một tổ chức gắn liền với một trường Đại Học (Texas Tech University) Trung Tâm Việt Nam, qua tất cả những cuộc hội thảo được tổ chức cho đến nay, theo lề lối làm việc của một tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu, nhằm mục đích cố gắng đưa ra những sự kiện lịch sử, những lập luận chính xác, chứ không phải để bênh vực một quan điểm chính trị nào. Với những bảo đảm ấy, cuộc hội thảo sắp tới về Quân Lực Việt Nam có thể được coi như một cơ hội để chúng ta nói lên tiếng nói của những người biết rõ hơn ai hết về một tập thể mà chính chúng ta, anh em, họ hàng hay bạn bè đã từng tham gia trong cuộc chiến.

Nói lên để trả lại sự thực và danh dự cho quân đội miền Nam. Dĩ nhiên, tiếng nói là cần, nhưng cần hơn nữa là tính cách thuyết phục của tiếng nói. Cuộc hội thảp sắp tới đây không phải là một diễn đàn chính trị, vì vậy mà chúng ta không cần phải quá hăng say, lập luận một chiều, không chịu nhìn nhận những lầm lỗi hay thiếu sót của chính mình để rồi đổ lỗi hết cho Mỹ. Hãy thẳng thắn phân tích cho rõ những lầm lẫn thiếu sót này, nếu có về phía Việt Nam, để làm bài học cho tương lai. Còn về phía Mỹ thì cũng chỉ cần nhắc lại là sau 30 năm nhìn lại cuộc chiến, sự thật lịch sử càng ngày càng sáng tỏ hơn trước và ngay cả những sử gia của Mỹ cũng không thể không nhìn nhận những lỗi lầm hay trách nhiệm của Mỹ trong suốt thời gian họ can thiệp vào Việt Nam.

Trình bầy một cách công bằng như vậy không có nghĩa là chấp nhận những lời tuyên bố không xứng đáng của một số nhân vật trong chính giới Mỹ hay trong giới truyền thông Mỹ (như Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld hay nhà báo Krauthammer qua một vài chương trình truyền hình gần đây), mỗi lần phải so sánh chiến tranh Irak với chiến tranh Việt Nam đều cho rằng Việt Nam không chiến đấu nên mới thua trận. Nếu không chiến đấu thì tại sao lại có những trận đấu oanh liệt như Quảng Trị, An Lộc hay Xuân Lộc? Ngoài ra trên thế giới, trong số những quân đội thua trận có được bao nhiêu tướng tá hay binh nhì đã tuẫn tiết để khỏi bị rơi vào tay địch như các tướng Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn cùng với biết bao nhiêu quân nhân không tên khác nữa?

Trong khuôn khổ một cuộc hội thảo tại một trường Đại Học để “suy ngẫm và tái thẩm định, sau 30 năm” về quân đội Cộng Hòa Việt Nam (theo như chủ đề do Vietnam Center đề nghị), người viết nghĩ rằng chỉ trình bầy một cách trung thực và vô tư những khuyết điểm cũng như ưu điểm của những quân nhân miền Nam trong cuộc chiến cũng đủ đóng góp để trả lại danh dự cho tất cả tập thể quân đội miền Nam qua những thập niên của lịch sử cận đại..

Ngày 22 tháng 2, 2006

LTS – Cựu Đại sứ Bùi Diễm là một thành viên trong Hội Đồng Cố Vấn Toàn Quốc (National Advisory Council) đầu tiên của Trung Tâm Việt Nam cùng với một số nhân vật nay đã qua đời như Đại Tướng Westmoreland, Đô Đốc Zumwalt, các ông William Bundy, William Colby và học giả Douglas Pike.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Vết xích chiến xa trong lửa khói...
Hải Triều
(Nam Cali ngày 19/6/2006)

Cộng sản Bắc Việt không thắng trên chiến trường Nam Việt Nam bằng du kích chiến mà bằng trận địa chiến. Các trận đánh dẫn đến sự sụp đổ miền Nam hoàn toàn do trận địa chiến. Hiệp định Ba Lê do Mỹ và Hà Nội áp đặt với sự thỏa thuận của cả Moscow và Bắc Kinh, cho phép Hà Nội đưa quân bộ chiến và chiến xa vào Nam, bất chấp hiệp định Geneve 54 và Ba Lê 73 trong những năm sau cùng trước 1975 hoàn toàn là để dàn ra những trận địa chiến mà chủ yếu là bộ binh và chiến xa. Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 72 từ Cao Nguyên đến Quảng Trị, cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua Nam Lào... và sau cùng là trận Xuân Lộc, Long Khánh từ giữa tháng 4/1975 đều là trận địa chiến với bộ binh, pháo và chiến xa. Chúng ta mất miền Nam hoàn toàn không phải vì khả năng chiến đấu của chúng ta thua sút Bắc quân, mà từ ý đồ và kế hoạch bức tử QLVNCH và miền Nam của Hoa Kỳ.

Nhìn lại chiến trường năm xưa, những cuộc không chiến và hải chiến giữa Việt Nam Cộng Hòa và miền Bắc cộng sản vô cùng hiếm hoi, nếu không nói là không có trên qui mô của một cuộc chiến tranh rộng lớn và toàn diện.


Trên trận địa, cuộc đối đầu giữa QLVNCH và Bắc quân đa phần là giữa quân bộ chiến và chiến xa. Trong bài viết ngắn này, người viết chỉ xin đề cập đến vài nét tiêu biểu về vai trò quan yếu của Thiết Kỵ QLVNCH trên các trận địa chiến nhìn qua các trận đánh chiến xa trong các bài viết trong hai tập "Những Trận Ðánh Không Tên Trong Quân Sử", tập 1 năm 2003 và tập 2 năm 2006.


Trong tập NTÐKTTQS 2003, hầu như tất cả độc giả ai cũng để ý đến hai trận đánh dữ dội và thần kỳ của Thiết Kỵ tại khu nghĩa địa thành phố Kontum giữa tháng 4/1972, trận đánh chiến xa M41 thần kỳ trên đỉnh Chu Pao cuối tháng 4/1972, và trận đánh này được giới Thiết Kỵ các nơi coi là có một không hai trong quân sử Thiết Giáp thế giới. Lý do là không có trường thiết giáp nào của cả khối cộng lẫn khối Tây phương huấn luyện đánh chiến xa trên đỉnh núi.

Image
Trong trận Chi Ðoàn 1/8 M41 Thiết Kỵ leo núi nhổ chốt Chu Pao (NTDKTTQS 2003 trang 174 đến 183), anh bạn sĩ quan Thiết Kỵ của tôi (LÐL) nói ông Ðại Tá Lý Tòng Bá thời đó đã "ban một cái lệnh quái đản", nhưng nếu không có "cái lệnh quái đản" này thì mấy cái chốt oan nghiệt của VC trên đỉnh Chu Pao khó mà bứng đi được...

- "Ðại tá Lý Tòng Bá bóp trán, ông xoay người nhìn khắp núi rừng, nhìn lên đỉnh Chu Pao; bỗng mặt ông nghiêm lại khi nhìn qua tôi (Chi đoàn trưởng Lê Quang Vinh), và như một thứ lệnh bất ngờ từ trên trời, vị tư lệnh Sư Ðoàn nói như đinh đóng: Toàn thể gia đình Tài Lực 1/8 phải nhổ xong chốt Chu Pao nội trong ngày hôm nay! Không cần đợi phi pháo!

Tôi choáng váng, bất ngờ:

- Thưa Ðại Tá Tư lệnh! Nhổ bằng cách nào?

- Cho chiến xa leo lên đỉnh Chu Pao! Chi đoàn sẽ sử dụng con đường mòn xe be kéo gỗ khi xưa để tiến lên đỉnh núi. Con đường không sử dụng đã lâu đó nay đã ngập cây rừng, nhưng chiến xa có thể càn qua được. Ðịch không thể ngờ ta dùng con đường này. Anh cho anh em thám sát ngay và hành động gấp cho tôi!

Sau khi nhận lệnh, tôi đờ người ra, đầu óc xoay tròn những ý nghĩ không có đáp số..." (Trích NTÐKTTQS 2003, trang 177)

Thế nhưng, Chi đoàn Chiến xa 1/8 đã có đáp số: Thiết kỵ đã đánh một trận thần sầu nhổ chốt cộng sản trên đỉnh Chu Pao mà chưa có một đơn vị thiết kỵ nào trên thế giới làm được.

Trong tập Những Trận Ðánh Không Tên Trong Quân Sử 2006, cũng Chi Ðoàn Chiến Xa 1/8 trước đó, tháng 1/1971 đã được lệnh tiến qua Nam Lào theo đường 9, sâu tận đất Lào, đến căn cứ Bravo để làm nút chậm yểm trợ các cuộc lui quân của quân bạn ra khỏi Nam Lào, chận cuộc tiến quân của chiến xa và bộ binh địch truy đuổi quân bạn. Và cuối cùng, khi chiến xa và bộ binh địch xuất hiện thì Chi đoàn Chiến Xa 1/8 một thân một mình, không pháo binh, không bộ binh, không phi cơ, mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy Chiến Ðoàn... đã đánh trả cản đường chiến xa và bộ binh địch trong những tình hướng vô cùng nghiệt ngã bằng tất cả sự can đảm, trí thông minh và những gì có trong tầm tay.

Trong quân sử, dường như không có một trận đánh nào mà Thiết Kỵ phải đánh một mình, trên trời không có ai, dưới đất không có ai. Chi đoàn vừa chiến đấu vừa di chuyển từ căn cứ Bravo về căn cứ Alpha, vừa đánh trả những cuộc phục kích, bao vây dưới những trận mưa pháo kinh người của địch. Thoát về gần căn cứ Alpha, Chi Ðoàn và một quân số nhỏ (khoảng một Trung Ðội Dù vừa được tăng phái) đã bị địch vây đánh biển người cấp Trung Ðoàn ở ba ngọn đồi trên đất Lào cách căn cứ Alpha vài cây số. Chi Ðoàn đã đánh trả ác liệt gây tổn thất vô cùng nặng nề cho Bắc quân. Xác và vũ khí địch la liệt trên mấy sườn đồi khi Chi đoàn 1/8 rời trận địa đoạn hậu cho cuộc lui binh khỏi Nam Lào.

Trên đường về Khe Sanh, vừa qua khỏi nhà tù Lao Bảo, Chi Ðoàn1/8 lại bị vây bủa bởi mưa pháo và bộ binh địch, rồi lại một mình phản kích, tấn công đánh trả để đưa Chi Ðoàn và quân bạn về được Khe Sanh. Người ta không thể tưởng tượng nỗi Chi Ðoàn 1/8 Chiến xa đã hoàn tất nhiệm vụ của mình trong một tình huống gần như cô đơn, tuyệt vọng như vậy.

... "Ðoàn xe do Chi Ðoàn 1/8 dẫn đầu tiếp tục di chuyển sau phát đại bác cứu bồ quân bạn. Các chiến xa Hoa Kỳ nằm dọc dài theo trục lộ, mỗi xe cách 200 mét giữ an ninh cho đoạn đường về tới Khe Sanh.

Chiều xuống dần. Vinh cảm thấy màn đêm hôm nay khác màn đêm mấy hôm trước, niềm vui đã tái sinh, bóng dáng tử thần cũng biến đi đâu mất, dù Khe Sanh vẫn chưa là nơi an toàn khỏi tầm pháo địch. Khi Chi đội 1 đầu tiên tiến vào Khe Sanh được lệnh bố trí ở vườn cà phê phía Nam con lộ, lần lượt sau đó là các chi đội.

Anh em hậu trạm túa ra nhìn đoàn xe trở về. Vinh còn ngồi trên xe chỉ huy vừa ngừng, anh thấy gương mặt quen thuộc của Thượng sĩ Nguyễn Văn Tam, Hạ sĩ quan tiếp liệu hành quân của Chi đoàn, 2 tay bưng nồi cơm đứng bên đường, mắt dán vào đoàn xe dưới ánh đèn mờ của căn cứ. Chợt thấy dấu hiệu bên hông xe Chỉ Huy M113 của Chi đoàn 1/8, anh ném nồi cơm xuống đất, nhào r a xe và bật khóc. Vinh ngạc nhiên nhảy khỏi xe:

- Thượng sĩ Tam! Có việc gì mà anh khóc vậy?

- Alpha! Chúng tôi nghe tin cả Chi đoàn mình bị địch đánh tan ở căn cứ Alpha, toàn bộ anh em bị hy sinh hết ráo, chúng tôi đau lòng không muốn trở về nữa. Bây giờ thấy Chi đoàn trở về, tôi mừng quá nên khóc!…." (NTÐKTTQS 2006 trang 214)

Sức chiến đấu và sự sống còn của Chi Ðoàn 1/8 Chiến xa trong trận Nam Lào có một cái gì vô cùng kỳ diệu, và nó là một trong nhưng niềm hãnh diện của Thiết Kỵ nói riêng và QLVNCH nói chung. Ðọc bài Chi Ðoàn 1/8 Chiến Xa và đường vào Nam Lào oan nghiệt (NTÐKTTQS trang 192 - 216)

Trong bài "Chi đoàn 2/20 Chiến xa M48 và TQLC tái chiếm căn cứ Phượng Hoàng" của tác giả Trần Thúc Vũ (NTÐKT 2006/trang 217) có một đoạn trong phụ trang (trang 339/ NTÐKTTQS 2006), anh Trung Chĩnh, Bác sĩ của TÐ6TQLC có mặt tại trận địa Phượng Hoàng đã kể (và Hải Triều viết tiếp)...

- "Khuya 8/4/1972, Tiểu đoàn trưởng TÐ6/ TQLC, Thiếu tá Ðỗ Hữu Tùng, bố trí 2 đại đội trong căn cứ và 2 đại đội nằm ngoài căn cứ. Khuya 8/4 hôm đó, Bắc quân pháo dữ dội rồi ồ ạt tấn công bằng cả chiến xa lẫn bộ binh vào căn cứ Phượng Hoàng. Biển người và chiến xa địch, vừa dứt pháo là tràn vào căn cứ như nước vỡ bờ với hỏa lực mạnh của chiến xa và bộ binh tùng thiết.

Lần đầu tiên anh em TQLC đụng chiến xa địch và quân số địch đông gấp bội, các đơn vị TQLC phải rút khỏi Phượng Hoàng. Ðịch chiếm căn cứ Phượng Hoàng trong đêm đó. Và ngay hừng sáng hôm sau, ngày 9/4, chiến xa địch khai hỏa truy kích TQLC trên đường thoát khỏi lưới lửa địch. Lúc đó, Chi đoàn 2/20 M48 do Ðại úy Hà Mai Khuê trên đường tiến về Phượng Hoàng, gặp TQLC trên đường lui quân. Chiến xa M48 phối hợp cùng TQLC do Thiếu tá Ðỗ Hữu Tùng chỉ huy và cả Bác sĩ Trung Chĩnh lên chiến xa quay trở lại Phượng Hoàng. Khi chiến xa M48 tiến vô Phượng Hoàng với TQLC tùng thiết, thì các chiến xa địch đuổi theo TQLC quay lui trở lại căn cứ mà họ đã tấn công và chiếm khi họ bất ngờ gặp chiến xa M48 của Chi đoàn 2/20.

Ðến lượt M48 và TQLC bao vây địch trở lại. Cuộc ác chiến diễn ra giữa bộ binh địch và TQLC, đấu đại bác giữa M48 và các loại T54, T59 của địch. M48 là loại chiến xa lớn nhất của Thiết Kỵ/ QLVNCH có khả năng cơ động, bắn nhanh và chính xácà đã nhanh chóng bắn cháy nhiều chiến xa địch. Cùng lúc đó là những phi tuần khu trục của Không Quân, Cobra võ trang lâm trận oanh kích bộ binh và chiến xa địch. Hàng loạt tank địch bị TQLC và M48 bắn cháy cả bên trong lẫn bên ngoài căn cứ Phượng Hoàng, đó là chưa kể 3 chiếc thoát thân về hướng Ba Lòng bị các khu trục của Không Quân bắn hạ. Một chiếc tank địch bị bắt sống ngay trên căn cứ Phượng Hoàng..." (Trong trận này, Ðại úy phi công Trần Thế Vinh đã hy sinh...)

* * *


Trong cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến mà quân ta bị buộc phải bó tay không được quyền thắng trong chiến lược của Hoa Kỳ, cũng như toàn thể các đơn vị quân binh chủng khác, Thiết Kỵ QLVNCH đã chiến đấu lẫm liệt trong tư thế vượt trội đặc biệt trước các chiến xa địch. Trận tử chiến cô đơn trên đất Nam Lào 1971, trận nhổ chốt địch trên đỉnh Chu Pao 1972 của Chi đoàn 1/8 Chiến xa, trận tái chiếm căn cứ Phượng Hoàng của Chi đoàn 2/20 Chiến xa M48 và TQLC tháng 4/1972... là một vài bằng chứng tiêu biểu cho nhận định trên.

Có lần cựu tướng Lý Tòng Bá tâm sự với người viết (Hải Triều) về một đơn vị Thiết Kỵ Việt Nam Cộng Hòa rằng... "Sư Ðoàn 23 BB đã phục hận cho SÐ 22 khi đánh tan các sư đoàn địch trong trận giải tỏa Kontum 1972 khi địch đã chiếm khu nghĩa địa trong thành phố. Trong trận này, nhiều người, kể cả giới chức Hoa Kỳ, đã nghĩ là Bắc quân sẽ lấy Kontum... Nhưng họ đã thảm bại. Thật ra công tâm mà nói, nếu không có Chi đoàn 1/8 Chiến xa tung hoành ngang dọc với chiến xa và bộ binh địch, tôi không hiểu tình thế hung hiểm sẽ ra sao!"

Người viết bài này không thuộc binh chủng Thiết Kỵ, nhưng cũng như những anh em trong các quân binh chủng khác, chúng tôi rất hãnh diện về khả năng và những chiến tích của các đơn vị chiến xa Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến bi hùng năm xưa.

Nhân nay, chúng tôi, nhóm chủ trương các tập "Những Trận Ðánh Không Tên Trong Quân Sử", xin minh xác lại cho rõ một đoạn văn liên quan tới Thiết Kỵ Việt Nam trong trận Phượng Hoàng... "Tôi được biết Thiết Ðoàn 20 Chiến Xa M48 có 3 Chi đoàn 1, 2 và 3. Ngày đầu cuộc chiến Quảng Trị bùng nổ, hai chi đoàn trưởng 1 và 3 đã di chuyển về Ái Tử và Huế và kẹt ở đó. Trung tá Thiết đoàn trưởng vô cùng bối rối khi dưới tay ông duy nhất chỉ còn lại Hà Mai Khuê với Chi đoàn 2/20 Chiến xa, và vì thế tham dự trận chiến khốc liệt phản công chiếm lại căn cứ Phượng Hoàng không ai khác hơn chính là Chi đoàn 2/20 Chiến Xa..." (Những Trận Ðánh Không Tên Trong Quân Sử 2006/tập 2/ trang 222)

Nhà văn Trần Thúc Vũ đã viết những dòng trên nay do những tài liệu anh thu thập được. Anh đã mất tháng 6/2005, nay chúng tôi, người chịu trách nhiệm thành hình tập sách thấy có một cái gì không rõ và cần phải được minh định trở lại, là vị trí hoạt động của hai Chi đoàn 1/20 và 3/20 Chiến xa và những vị Chi đoàn trưởng có thể đang ở một mặt trận nào đó trên chiến trường Quảng Trị chứ không chắc đã lui quân về Ái Tử hay Huế. Và Trung tá Thiết đoàn trưởng đã chỉ thị chi Chi đoàn 2/20 tiến về Phượng Hoàng vì Chi đoàn 2/20 hoạt động gần Phượng Hoàng nhất vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng đó.

Tác giả bài viết nay không còn, đại diện Nhóm Nhà Văn Quân Ð?i trách nhiệm việc thực hiện tác phẩm NTÐKTTQS, chúng tôi xin được viết lại cho rõ và chân thành nhận trách nhiệm và tạ lỗi cùng quý Niên Trưởng và chiến hữu thuộc Thiết Ðoàn 20 Chiến xa về những sai sót vô tình và ngoài ý muốn trong bài viết.

Hải Triều
Nhóm Nhà Văn Quân Ðội
604.879.1179
(Bài viết này được post lên internet và sẽ chạy đăng trong NTÐKTTQS tập số 3)

* * *
Image
Thư yêu cầu đính chính:

Vào những ngày chót trước khi tập NTÐKTTQS 2006 bắt đầu trình làng tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Viễn Ðông chiều 24/6/2006, chúng tôi tiếp xúc được với Kỵ Binh Hà Mai Khuê, nhân vật được đề cập trong bài viết liên quan tới Chi đoàn 2/20 Chiến xa (NTÐKTTQS 2006 từ trang 217 đến 225). Anh đã có một thư ngắn gửi đến nhóm chủ trương tập NTÐKTTQS ngày 19/6/2006 minh xác như sau:

Kỵ Binh Hà Mai Khuê

Oceanside, CA ngày 19 tháng 6 năm 2006

Kính gửi Nhà Văn Quân Ðội Hải Triều và Nhóm Nhà Văn Quân Ðội

Sau đây là nguyên văn một đoạn ngắn trong trang 222 /NTÐKTTQS tập 2:

... "Tôi được biết Thiết Ðoàn 20 Chiến Xa M48 có 3 Chi đoàn 1, 2 và 3. Ngày đầu cuộc chiến Quảng Trị bùng nổ, hai chi đoàn trưởng 1 và 3 đã di chuyển về Ái Tử và Huế và kẹt ở đó. Trung tá Thiết đoàn trưởng vô cùng bối rối khi dưới tay ông duy nhất chỉ còn lại Hà Mai Khuê với Chi đoàn 2/20 Chiến xa, và vì thế tham dự trận chiến khốc liệt phản công chiếm lại căn cứ Phượng Hoàng không ai khác hơn chính là Chi đoàn 2/20 Chiến Xa..."

Với tư cách là một Kỵ Binh thuộc Thiết Ðoàn 20 Chiến Xa M48, người chỉ huy Chi đoàn Chiến Xa M48 đã tham dự trận tái chiếm căn cứ Phượng Hoàng sáng ngày 9 tháng 4 năm 1972, tôi trân trọng xác nhận những chi tiết kể trên trong trang 222/NTÐKTTQS, tập 2 là không đúng sự thật.

Ngay từ ngày đầu mùa Hè 72, Trung tá Nguyễn Hữu Lý, một cấp chỉ huy tài giỏi, nhiều uy tín của binh chủng Thiết Giáp, đã được BCH/TG/QLVNCH đề cử chỉ huy Thiết Ðoàn Chiến Xa M48 đầu tiên của QLVNCH, đã kịp thời điều động toàn bộ Thiết Ðoàn 20 Chiến Xa M48 lập tuyến án ngữ phía Nam Ðông Hà 3Km để ngăn chận quân cộng sản Bắc Việt tiến vào Quảng Trị. Chi đoàn trưởng Chi đoàn 1/20 Chiến Xa là Ðại úy Nguyễn Hữu Xứng và Chi đoàn 3/20 CX là Ðại úy Ðoàn Chí Sanh. Hai Chi đoàn trưởng kể trên đều có mặt tại tuyến án ngữ. Ðại úy Sanh và Ðại úy Xứng là những sĩ quan đầy tài năng và đã thụ huấn tại trường Thiết Giáp Hoa Kỳ Fort Knox tại tiểu bang Kentucky.

Tôi yêu cầu nhà văn Hải Triều và Nhóm Nhà Văn Quân Ðội ghi nhận và đính chính những chi tiết sai sự thật kể trên (trang 222 từ dòng thứ 24.)

Trân trọng
Kỵ Binh Hà Mai Khuê.
hoanghoa
Posts: 2253
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Thiên Thần Mũ Ðỏ Ai Còn Ai Mất



Image
Tôi vẫn nhớ rõ như mới nhìn thấy hôm qua những khuôn mặt, giọng nói tác phong của những anh em Dù đã cùng tôi vào sinh ra tử. Thiếu Tá Thanh Tiểu đoàn 8 mà đồng đội của người Tiểu Ðoàn Trưởng nầy thường gọi là Thành Râu. Anh em chúng tôi có Thiếu Tá Châu Lùn Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 1, Thiếu Tá Hạnh, Hào Hoa Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 2, Thiếu Tá Trang Trĩ Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 3, Trung Tá Bùi Quyền, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 5 nổi nóng mặt đỏ gay, Thiếu Tá Lô Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 7, biệt danh là Lô Lọ Rượu. Anh em chúng tôi còn có Cậu Út Biên Hòa hay cậu "Bảy Tình" Mười Lựu Ðạn tức Trung Tá Thành, Tiểu Ðoàn 6, Trung Tá Trần Ðăng Khôi Lữ Ðoàn 2 tài đức song toàn.

Thiếu Tá Ðường TÐ9, thích làm thơ tình lãng mạn, gọi là Ðường Thi Sĩ, anh em chúng tôi có Thiếu tá Hồng Thu, Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ 16 gọi Cô Thu. Chúng tôi có 2 Ngọc, Ngọc Long Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 1 và Ngọc Nga, Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 4, Làm sao anh em Dù chúng tôi quên được, chúng tôi có 2 người bạn anh hùng, mỗi người chỉ có một mắt. Trung Tá "Bùi Ðăng" trong thẻ quân nhân không phải họ "Bùi" cũng chẳng có tên "Ðăng", tên anh là Bằng, Anh chỉ có một mắt. Nhưng những chiến sĩ của anh gọi anh một cách âu yếm là Bùi Ðăng. Trung Tá Trần Văn Sơn, Lữ Ðoàn Phó Lữ Ðoàn 2 cũng chỉ có một mắt từ ngày còn là Ðại Ðội Trưởng Tiểu Ðoàn 5, anh em Dù gọi là Hiệp sĩ Mù, tội nghiệp Sơn đã hy sinh trong trận chiến sau cùng tại mặt trận Phan Rang. Chúng tôi có Hiệp sĩ mù của chúng tôi, Hiệp sĩ mù của Thiên thần mũ đỏ không xử dụng cùng một loại vũ khí như Hiệp sĩ mù của phim ảnh và tiểu thuyết. Nhưng oai phong người Hiệp sĩ của Quê Hương ta chẳng thua sút sự hào hiệp của người trong truyện. Chúng tôi có Hiệp sĩ mù, chúng tôi có Bố Già. Làm sao quên Bố Già Lương Ruột Ngựa. Ðỉnh Tây Lai, Bố già Ðại Tá Lê Văn Phát, người tử thủ Khánh Dương, người lính già có mặt hầu hết những trận lớn của Quê Mẹ? Bố Già Lữ Ðoàn 3? Ðúng, chúng tôi có Bố Già đó.

Tháng 6/1972, sau trận Bình Long, tôi được trả về Sư Ðoàn Dù, ít lau sau SÐ Dù được đưa ra Ðà Nẵng để tăng phái cho Quân Ðoàn I. Lúc đó tôi là Lữ Ðoàn Trưởng LÐ1 Nhảy Dù. Cùng với LÐ1 ra vùng I có LÐ2 và LÐ3. Thời gian nầy, Trung Tướng Dư Quốc Ðống là Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù.

Sự phân phối các đơn vị Dù tại Quân Ðoàn I lúc ấy như sau: 2 Lữ Ðoàn ở phía Nam Ðèo Hải Vân. Tháng 9/1972, tôi được bổ nhiệm làm phụ tá hành quân Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù. Vào tháng 8 năm đó, Trung Tướng Dư Quốc Ðống bị bệnh, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Tư lệnh phó Sư Ðoàn được chỉ định đảm nhận Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, còn Ðại Tá Bảo, Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn thì vừa tử nạn phi cơ, do đó tôi được đảm nhận trách vụ xử lý thường vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù một cách không chính thức. Cuối tháng 8, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu triệu hồi tôi vào Dinh Ðộc Lập để làm lễ tăng chức Chuẩn Tướng cho tôi, và sau đó tôi được bổ nhiệm Tư Lệnh phó, xử lý thường vụ chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù đóng tại căn cứ Hiệp Khánh, cây số 17 Bắc Huế. Ðến tháng 11/1972, tôi chính thức nhận chức Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù, thay thế Trung Tướng Ðống từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Khoảng thời gian 72 đến 75 ải địa đầu của Tổ Quốc của ta không phải là vùng đất bình lặng, Quảng Trị, Thạch Hãn, Chu Lai, Cố Ðô Huế. Những danh xưng đủ nói lên những trời giao động. Những người lính chiến được đồng bào gọi một cách âu yếm là "Thiên Thần Mũ Ðỏ". Trong suốt thời gian máu lửa đó đã có mặt khắp cùng trên những vùng đất ải địa đầu, cùng anh em quân nhân thuộc các quân binh chủng khác, mang lại cho đồng bào, tuy không phải sự bình yên tuyệt đối cũng là một tình hình khả quan.

Năm 1975, vào những ngày tháng Lịch Sử, chúng tôi đứng vững vùng I. Ðập những nhịp tim tin tưởng, anh em chúng tôi, một mặt nhìn bao quát tình hình chiến trường khắp nước, một mặt theo dõi mọi tiến thoái của các đơn vị đối phương trong vùng, tay cầm súng sẵn, chờ địch quân. Thói quen tiến vào chỗ chết, thói quen chấp nhận trận địa mười thua một ăn mà vẫn chiến đấu oai hùng, làm cho anh em Dù, mặc dù tin tức giao động đến từ bốn phía, vẫn tiếp tục sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục cố gắng.

Lệnh của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gọi Sư Ðoàn Dù về SàiGòn hiện ra với tôi, bởi đó như một chấn động. Tôi chờ đợi mọi thứ trong tư thế sẵn sàng. Ðợi đối phương ào ạt vượt sông Thạch Hãn, đợi chiến xa địch đến đây, miền Trung kiêu hãnh từ những vùng rừng rậm Nam Lào. Nhưng tôi không chờ đợi được điều đó. Lệnh di chuyển SÐ Dù về SàiGòn, lệnh không phải chỉ nghe một phía mà từ mọi hướng. Ngày 10.03.1975, Việt Cộng tấn công Ban Mê Thuộc. 11.03.1975 Ban Mê Thuộc thất thủ. Tổng Thống Thiệu gọi Trung Tướng Trưởng vào SàiGòn nhận chỉ thị. Lệnh khủng khiếp, lệnh làm choáng váng, làm tan nát, đó là "Bỏ vùng I". Dường như muốn cho lệnh tổng quát đó được thi hành chính xác, Tổng Thống Thiệu đòi Trung Tướng Trưởng phải tức khắc cho rút Sư Ðoàn Dù về SàiGòn ngay. Cho chắc ăn, SàiGòn qua lệnh rút Sư Ðoàn Dù về, muốn trói tay Trung Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn I. "Trói tay" là một hình ảnh dễ hiểu nhưng có lẽ không đủ nghĩa. SàiGòn đã lấy mất thanh gươm và chặt hết một cánh tay, cánh tay cầm gươm của Tướng Trưởng khi đối phương bắt đầu tiến tới.

Chỉ sau vài chục giờ sau khi lệnh Tướng Trưởng trả Dù về SàiGòn, công điện tối mật của Tổng Tham Mưu do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký gởi cho Tư Lệnh Sư Ðoàn Dù hạ lệnh toàn bộ Sư Ðoàn Dù rời khỏi miền Trung không chậm trễ. Lúc đó tin Thủy Quân Lục Chiến rút khỏi Quân Ðoàn I cũng bắt đầu loan ra.

Ngày 17/03/75, sau khi đã thực hiện đầy đủ những giải pháp kỹ thuật cho các anh em Dù rời miền Trung, chuyển vận, tiếp liệu, an toàn khi ra đi v.v...tôi lên gặp Trung Tướng Trưởng để chào từ giã. Tôi nói với Trung Tướng Trưởng về việc Thủy Quân Lục Chiến cũng sẽ ra đi. Tôi cũng nói lên những lời hàm ý chia sẻ ưu tư của Trung Tướng về sự "Trói tay", sự tước bỏ mọi hỗ trợ trước một trận đánh lớn. Khuôn mặt Tướng Ngô Quang Trưởng, vẫn sẵn ưu tư, càng hiện ra ảm đạm. Ông chỉ cầm tay tôi nói:"Cảm ơn anh và các Anh em Nhảy Dù đã giúp tôi rất nhiều trong những năm qua".

Anh em quân nhân Nhảy Dù nghĩ rằng mình được di chuyển toàn bộ về SàiGòn. Các Sĩ quan chỉ huy từ Ðại Ðội cho đến Lữ Ðoàn được loan báo là họ được di chuyển về thủ Ðô VNCH. Tướng Trưởng được lệnh "trả Sư Ðoàn Dù về SàiGòn". Lệnh tôi nhận được cũng rất rõ rệt: Ðưa Sư Ðoàn Dù về SàiGòn.

Có thể những sử học trong tương lai cũng tóm tắt sự di chuyển của anh em chúng tôi bằng những dòng chữ "Tướng Thiệu, để chặt tay Tướng Trưởng, để gây cho Dân, Quân miền Trung sự kinh hồn tột độ, mở đầu cho tan rã ồ ạt, hạ lệnh rút Sư Ðoàn Dù ra khỏi tuyến đầu".

Sự việc không hoàn toàn đơn giản như thế. Lệnh rút Sư Ðoàn Dù về SàiGòn chỉ là một lệnh bề mặt mà chiều sâu là phân tán Sư Ðoàn Dù. Ông Thiệu áp dụng kế hoạch "Bẻ bó đũa" làm tan tành một đoàn quân bách chiến, một Binh chủng oai hùng, xô đẩy những Thiên Thần vào hỏa ngục. 12 Tiểu Ðoàn Trưởng trên 18 linh hồn của đoan quân Mũ đỏ hoặc gục ngã ở chiến trường sắp đặt, hoặc rơi vào tay địch, có cả một Lữ Ðoàn tan thành mây khói, có cả một Lữ Ðoàn đánh đoạn hậu bảo vệ cho đồng bào di tản và tới phiên mình quân trải trên một diện tích rộng lớn, chỉ xuống tay được mấy trăm con.

Lệnh tôi nhận được là chia Sư Ðoàn Dù ra làm hai nhánh, một đi tàu thủy và một do không vận. Lữ Ðoàn 1 và 2 di chuyển bằng phi cơ của Không Lực VNCH. Lữ Ðoàn 3 di chuyển bằng tàu HQ-404 của Hải Quân VN. Lữ Ðoàn 1 và 2 đến điểm hẹn như ấn định, nhưng Lữ Ðoàn 3 không được đưa đến nơi. Khi HQ-404 đến gần Nha Trang thì Hạm Trưởng nhận được lệnh đổ anh em xuống Nha Trang. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, nhưng ý tưởng thắc mắc vì sao Tổng Thống Thiệu nói đưa toàn bộ Sư Ðoàn Dù về SàiGòn để rồi phân tán một phần đi nơi khác. Dù vậy, không bao giờ tôi quên được khuôn mặt, mắt liếc xéo, nụ cười khoái trá, giọng nói chứa đựng thỏa mãn, toàn bộ khuôn mặt toát ra một sự khoan khoái kỳ lạ. Cựu Tổng Thống nhìn tôi với tia mắt kỳ lạ đó với nụ cười ở cuối môi, ông nói: "Theo anh liệu Trung Tướng Trưởng có giữ nổi Quân Ðoàn I khi tôi rút Sư Ðoàn Dù về đây không?".

Mặc dù lệnh lạc lung tung, bảo về SàiGòn lại đổ xuống Nha Trang, mặc dù bảo về dưỡng quân lại được ném ra mặt trận, là một quân nhân kỷ luật, ý thức được rằng sức mạnh đến từ kỷ luật sắt thép, anh em Lữ Ðoàn 3 xuống Cầu Ðá Nha Trang là lên đường đi chiến đấu ngay. Ðại Tá Lê Phát, người nắm Lữ Ðoàn 3 cũng là người có biệt hiệu "Bố Già" đặt Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn tại Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ. Nhiệm vụ của Lữ Ðoàn 3 là nút chặn địch ở Khánh Dương giúp cho các Ðơn vị của Quân Ðoàn II rút lui an toàn. Biết rõ sự oai hùng của các Thiên Thần Mũ Ðỏ của QLVNCH, Văn Tiến Dũng tung 2 Sư Ðoàn với quân số 6 lần, là những SÐ 320 và SÐ 10 đánh bọc ngang hông. Lữ Ðoàn 3 Dù bình tĩnh và oai hùng chiến đấu, quất cho quân địch tổn thất nặng nề. Lữ Ðoàn 3 còn ở Khánh Dương, địch không thể đi lên một bước. Ngày 28/03, vì quân số đối phương đông gấp 10 lần, nên không thể ngăn chặn vĩnh viễn, vì lệnh SàiGòn hay vì một lý do nào khác, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã ra lệnh cho Ðại Tá Phát rút Lữ Ðoàn 3 từ Nha Trang vào Phan Rang, sau đó lệnh lại được đưa xuống là bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn và các thành phần yểm trợ thì rút về Phan Rang, còn 3 Tiểu Ðoàn 2, 5, 6 thì rút lên núi trấn giữ ở đó. Tại sao lại đưa 3 Tiểu Ðoàn Dù lên núi? Nghe tin này tôi vội vã bay ra Phan Rang.

Tư Lệnh Nhảy Dù trên nguyên tắc và bởi định nghĩa là người chỉ huy binh chủng Nhảy Dù. Nếu không được tham dự vào việc hoạch thảo chiến lược, thì ít nhất trách nhiệm chiến thuật phải được trọn vẹn. Tôi không được Tổng Tham Mưu hay Phủ Tổng Thống tham khảo một lần nào về chiến lược lui quân, kể từ ngày binh chủng Dù được bốc khỏi Vùng I, quyền chỉ huy, chiến thuật binh chủng Dù, quyền xử dụng anh em quân nhân Dù cũng vượt ra khỏi tầm tay của Tư Lệnh Dù. Anh em binh chủng tôi đặt chặt và giao cho người nầy một mảnh, người kia một miếng. Khi nhìn thấy chiến hữu của tôi bị vất vả cùng cực, tôi chạy ngược chạy xuôi đi can thiệp. Trong những giờ chạy đôn chạy đáo, ý tưởng ghê gớm lóe lên trong tôi, "Phải chăng một ác thần đang làm tê liệt hàng vạn tinh binh trước khi mở ra cuộc hỏa thiêu thành La Mã?".

Tôi bay ra Phan Rang gặp ngay Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi lúc đó là Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn III, đang chỉ huy Bộ tư Lệnh tiền phương tại đây. Nơi đó tôi cũng gặp Tướng Sang Tư Lệnh Sư Ðoàn 6 Không Quân. Tôi yêu cầu cho trực thăng lên núi bốc 3 Tiểu Ðoàn 2, 5, 6 về Phan Rang. Tướng Nghi chấp thuận, chỉ thị Tướng Sang cho Không Quân giúp. Anh em trực thăng đã rất nhiệt tâm và can đảm trong việc bốc hơn 1000 người bỗng nhiên bị ném lên một ngọn núi chơ vơ mà không một lý do chiến lược hay chiến thuật nào giải thích được cả. Lữ Ðoàn 3 trong tư thế vững vàng, sẵn sàng chiến đấu nghiêm chỉnh trong vị trí đứng đắn. 30.03.1975, tôi tạm yên tâm, bay về SàiGòn.

Vừa đặt chân đến Thủ Ðô, tôi được lệnh Tổng Tham Mưu cho Lữ Ðoàn 2 ra Phan Rang thay thế Lữ Ðoàn 3, Lữ Ðoàn 3 về SàiGòn tái chỉnh trang Ðơn vị. Tôi muốn hét to lên: Tăng cường chớ sao lại thay thế? Mặt trận đang nặng, rút một đập ngăn nước lớn đi, đập mới chưa dựng xong, nước sẽ ùa tới mang lụt lội tàn phá tan tành! SÐ 310 và 320 của đối phương đang di chuyển nhanh về vùng 3 chính vào lúc đầu tháng tu nầy. Sư Ðoàn 10 của địch càn quét Nha Trang. Mặt Bắc là Sư Ðoàn 10, Nam là các SÐ 310 và 320, tăng chúng ào ào, tù nhân thả ra do bàn tay bí mật từ các khám đường, một số quân nhân của một binh chủng bị mất cấp chỉ huy sinh rối loạn, chính trong biển hỗn loạn và tan vỡ đó, người ta ném Lữ Ðoàn 2 Dù, những đứa con thân yêu ruột thịt của tôi, những bằng hữu vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật của tôi trọn lượng ném vào khoảng trống, viên ngọc quý ném vào đại dương giông bão. 3 Tiểu Ðoàn 3, 7, và 11 của Lữ Ðoàn 2 chiến đấu như những con cọp bị vây hãm, dường như sợ cái đại dương hỗn loạn đó chưa đủ làm thành một hỏa ngục rực lửa, người ta không ai còn nhớ đến việc tiếp tế cho những Thiên thần Mũ Ðỏ từ trời cao đáp thẳng xuống địa ngục A Tỳ. Anh em Lữ Ðoàn 2 mặc dù tình hình rối loạn, mặc dù tin tức giao động từ bốn phía, mất Quân Ðoàn I, Quy Nhơn thất thủ, Nha Trang thất thủ, anh em vẫn chiến đấu, cho đến viên đạn cuối cùng. Tiểu Ðoàn 6 sau những trận oai hùng được lệnh Tổng Tham Mưu rút khỏi Phan Rang, Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân của Ðại Tá Biết thay thế. Nhưng Tiểu Ðoàn 3 chỉ 100 anh em được trực thăng bốc về Phan Thiết, Tiểu Ðoàn 11 mất liên lạc toàn diện. Tôi mất Thiếu Tá Thành, con chim đầu đàn của Tiểu Ðoàn 11 và Ðại Tá Nguyễn Thu Lương, mà anh em chúng tôi thường gọi một cách thân thương là "Lương Ruột Ngựa", con chim đầu đàn của Lữ Ðoàn 2 cũng tại vùng đất lửa này. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cũng lọt vào tay địch ở Phan Rang.

Chiếc đũa Lữ Ðoàn 2 bị bẻ gãy, chiếc đũa Lữ Ðoàn 3 bị ném tại Khánh Dương, bốc về Phan Rang, lửa hỏa lực nung nấu mệt nhừ. Ngày 8.4.1975, viên Trung Úy Không Quân tên Trung ném bom Dinh Ðộc Lập, về mặt dân sự, một số chính khách đối lập bị bắt giữ. Nhưng phản ứng của Tổng Thống Thiệu là đưa "chiếc đũa Lữ Ðoàn 1" chiếc đũa còn nguyên vẹn của bó đũa bị tách rời từng chiếc, ra tăng phái Quân Ðoàn III, dưới quyền chỉ huy của Tướng Nguyễn Văn Toàn. Ý tưởng rõ rệt trong tôi, và cả bây giờ là Tổng Thống Thiệu sợ đảo chánh nên phân tán các đơn vị Nhảy Dù ra các nơi. Tôi là Tư Lệnh Nhảy Dù nhưng tay chân hoàn toàn bị chặt hết.

Ý tưởng làm sống dậy hình ảnh, một ngày tại vùng I, ở Cố Ðô Huế, tôi nói với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng: "Trung Tướng cứ để anh em tôi về SàiGòn làm một chuyến, thử xem sao?" Trung Tướng lắng nghe lặng lẽ. Tôi hiểu Tướng Trưởng cũng như anh em chúng tôi là những người lính đơn thuần, chỉ lấy việc bảo vệ Quê Hương làm quan trọng, không màng gì tới danh vọng và chính trị, chúng tôi không có thói quen chọn lựa những quyết định không liên quan trực tiếp đến chiến trường. Cựu Tổng Thống Thiệu có nghe phong phanh về những toan tính đó không? Trong mọi trường hợp, lúc đó tôi nghĩ là ông phân tán anh em chúng tôi vì nghi ngờ. Bây giờ tôi còn muốn nghĩ như thế. Trừ khi ông muốn bẻ tan bó đũa vì lý do khác - Lý do khủng khiếp - Tôi không muốn nghĩ tới lý do đó. Tôi muốn nghĩ đến một sự nghi ngờ. Như một sự xua đuổi ý nghĩ ghê gớm kia.

Lữ Ðoàn I ra Quân Ðoàn III trấn giữ Xuân Lộc, tăng phái cho Sư Ðoàn 18 do Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo chỉ huy. Nhiệm vụ của Lữ Ðoàn là chận đứng bước tiến của VC vào SàiGòn. Anh em Dù của Lữ Ðoàn 1 đã oai hùng làm tròn nhiệm vụ, địch quân không tiến thêm được một tấc đất. Ðoàn quân viễn chinh của Võ Nguyên Giáp, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Văn Tiến Dũng, tiến như thác đổ, bị khựng lại ở ngay cửa ngõ của SàiGòn. Từng đợt xung phong có chiến xa và pháo binh yểm trợ, tất cả đều bị đánh bật, tiến lên là phải lùi lại, tấc đất đánh được buổi sáng, buổi chiều anh em Dù ngạo nghễ giành lại. Sau nhiều ngày giao tranh, Sư Ðoàn 18 được lệnh rút về Biên Hòa, Lữ Ðoàn 1 chiến đấu giữ vững trận tuyến, từ đầu tới cuối. Sau chót đến đêm 28 rạng 29/04, Bộ Ðội CS tấn công Lữ Ðoàn 1 Dù ở Lăng Can, Bà Rịa đánh đến giờ chót, Lữ Ðoàn 1 Dù mới rút ra Vũng Tàu. Tôi được lệnh trực tiếp do Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh, Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 1 Dù, mà anh em chúng tôi âu yếm gọi là Ðỉnh Tây Lai đứng ở dưới bờ bảo vệ cho những đứa con lên tàu. Người chỉ huy Nhảy Dù có thói quen ở với hiểm nguy cho tới phút cuối cùng, dành sự an toàn cho từng đứa con yêu quý. "Ðỉnh Tây Lai" là một trong những Thiên Thần lẫm liệt đó.

Về phần Lữ Ðoàn 4, từ Ðà Nẵng được rút về SàiGòn giữa tháng 02/74, biệt phái Biệt Khu Thủ Ðô. Chính Lữ Ðoàn 4, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Minh Ngọc, mà anh em Dù chúng tôi âu yếm gọi là "Ngọc Nga", đã chận VC ở cửa ngõ Thủ Ðô, ngang Xa Lộ Biên Hòa, trong những giờ khắc SàiGòn bắt đầu rơi vào rối loạn. Lữ Ðoàn 3 của Trung Tá Trần Ðăng Khôi (Lữ Ðoàn Phó mới thay thế Ðại Tá Phát trong chức vụ Lữ Ðoàn Tưởng Lữ Ðoàn 3 Dù, Trung Tá Bùi Quyền Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 5, thay thế Khôi trong chức vụ Lữ Ðoàn Phó) từ Phan Rang rút về đóng ở Hoàng Hoa Thám, đánh những trận chót ngay trong lòng Thủ Ðô, mặc dù trăm nghìn giao động cho tới phút chót. Ðến những giây phút cuối cùng, anh em Dù vẫn giữ vững từng tấc đất được giao phó, hoàn thành nhiệm vụ thiêu thân nút chặn để đồng bào ra đi, để được ngã gục trên thân thể của Quê Mẹ nghìn đời.



Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng
Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù QLVNCH
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Image

NGƯỜI KHU TRỤC VIỆT NAM
Vân Đình.

“We, the Willing, were doing the Impossible, for the Ungrateful, for so Long, with so Little…that now we Can-Do Anything with Nothing.”
Cũng một mùa hè; năm mươi năm trước, chàng-tuổi-trẻ nằm trên đồi thông sứ Hoàng-triều-cương-thổ, mơ-màng!…Chàng mơ-màng… trên bầu trời xanh kia, đang vần-vũ hàng đàn phi-cơ khu-trục

điều-khiển bởi những Hiệp-Sĩ-Phi-Công-Thần-Tượng của chàng, với bao chiến-công; và bao hành-động kiêu-hùng của một “thời còn có Hiệp-sĩ-Không-Gian”…mà chàng vừa đọc trong cuốn sách bên cạnh chàng. ( thời-gian đó;không-gian đó;những Người-khu-trục-VN sau này như Hoàng Điệu,như Phan H Tính, cũng đang chia sẽ những mộng-mơ trên.).

Chàng đã bị “đầu-độc” bởi các sách-truyện nói về phi-công khu-truc của thế chiến thứ hai. Những chuyện do Pierre Clostermann kể (Phi-công Khu-Truc Pháp với 16 chiến công), ám ảnh cậu teenager ngày đêm. Nào là một Walter Nowotny;mới 16 tuổi đã khai gian tuổi để vào KQ Đức; năm 19 tuổi đã hạ trên 150 phi-cơ Nga; và làm không-đòan trương chỉ huy 3 phi-đòan khu-trục…nhưng anh chưa thỏa-mãn vì theo anh nghĩ phi-cơ Nga dở qúa, cũ qúa (ngành hàng không Nga lúc này còn yếu, phải mua máy Roll-Royce cũ của Anh, hoặc dùng phi-cơ cũ Mỹ cho), phi-công Nga cũng ít kinh nghiệm và dở đối với anh. Anh cũng nghe nói bên chiến-trừơng miền Tây,trên bầu-trời có nhiều Hảo-hán xứng đáng là địch thủ của anh,và anh xin đổi về miền Tây để có cơ-hội so tài với những aces khu-trục thứ thiệt….Đến đây, nói tới Ace khu-trục,phải mở ngoặc để trở về với VNCH những năm đầu 1970; có “nhà văn quân-đội” P. Huấn có lần viết về KQVN (đang lúc sung mãn) đã “vui tánh quá độ” mà bơm một vài phi-công VN lên hàng ACE , khiến người đọc phải rợn-tóc-gáy vì ngượng!!!ACE (trong giơi khu-trục thế giới) được định nghiã là : HẠ ĐƯỢC NĂM PHI-CƠ ĐỊCH trên trời; trong lúc không chiến..KQVN có phi-cơ khu-trục và có phi-công khu-trục nhưng nhiệm vụ là YỂM-TRỢ quân bạn do đó không có không-chiến và không thể có ACES được!.! Nhờ anh P.H. một tý!!!

Trở lại ;Walter Nowotny;chỉ một thời gian sau khi bay trên bầu trời miền Tây, anh đã lại sơn trên 60 lá cờ Anh& Mỹ bên hông chiếc phi-cơ khu-trục (Me110 hoặc FW109) của anh,mỗi lá cờ là một phi-cơ anh hạ. Đã có lúc, Pierre C. kể: Walter N.dẫn một đàn khu-trục ra trận,và chiếc đầu đàn,do anh lái, sơn một mầu vàng-khè như để thách-đố phi-công đồng minh hãy đến mà so tài với anh…Rồi tới phần cuối của cuỗc chiến ,khi KQ Đức có phản-lực Me262 thì Walter N. cũng lái ;và các phi-công Đồng- minh lắc đầu chĩu thua ,không cách nào hạ nổi Walter.N.. Me262 văn minh quá! Bay nhanh và cao qúa!cho dù P51 Mustang hay P38 Lightning của Mỹ,hay Typhoon của Anh; cũng chi nhìn thấy bóng một Me262 bay thóang qua rồi mất hút!…Mãi sau ,phi-đoàn của Pierre C.,phi-đòan Cò-Trắng,Croix de la Lorraine,phải dùng chiến thụât Chasse-au-rat “không mấy đẹp,không hiệp-sĩ-tính” (chữ của tác gỉa P.C.) để hạ Me262 : Đồng Minh được biết Me262 chỉ có đủ nhiên-liệu để bay đúng 1 giờ.;biết nơi cất cánh và giờ cất-cánh các phi-công đồng- minh bay Typhoon tới gần phi-trường và chờ Me262 về đáp ,tới cận tiến gears-flap lòng- thòng,là quân ta nhào vô ăn-có…Walter Nowotny bị HẠ trong trường hợp này.Ngày đám tang W.N. phi-cơ đồng- minh đã bay ngang đám-tang và thả một vòng hoa lauriers,vừa có nghĩa là hoa tang vừa có nghĩa là vòng hoa chiến-thắng cho người hùng!.

Rồi tới chuyện người hùng khu-truc Anh,Bader-Bader với hai cẳng sắt. Anh bị tai nạn phi-cơ lúc còn trẻ và phải cưa hai cẳng;rồi chiến-tranh bùng nổ; KQ Anh cần nhiều phi-công khu-trục, anh nhất định trở lại nghề cũ, phần anh mê bay, phần anh muốn chia sẻ gánh nặng với bạn bè cũ. Nhờ một số bạn cũ ,giờ đây đã thành ông-lớn anh đã được trở lại không-gian và chiến đấu…Anh cũng trở thành một ACE của KQ Anh, và KQ Đức cũng biết đền một ACE Anh bay với 2 cẳng sắt, đáng nể!!…Anh bị hạ trong một trận không-chiến,và người phi-công Đức hạ anh,khi vong lại để nhìn ngươi phi-công đang toòng –teeng dưới cái dù…đã gọi máy về báo-cáo “thằng phi-công địch tao mới hạ, đã nhẩy dù sống sót nhưng cụt hai chân!!”Các phi-công Đức biết ngay là Bader ;ra tận nơi đón anh về bệnh-xá của họ,và tối hôm đó ,họ đã mang champagnes đến tận giường anh để ân mừng và trò-truyện giữa những con người HIỆP-SĨ-KHÔNG-GIAN, người chiến-sĩ của thế- kỷ 20; chiến đấu với tinh-thần thượng võ của hiệp-sĩ thế-kỷ, lãng-mạn, 19.

Nói tới tinh thần hiệp-sĩ-đạo…Mặt trận Thái-bình-Dương đã tới đọan cuối,tại một hòn đảo hẻo lánh, ông tướng tư-lệnh căn-cứ nọ; Washami, đêm hôm đó mời ông đại tá tư-lệnh không đòan; Shiroto, tới lều tư-lệnh uống sake.Cả hai ông mặc trang phục đại lễ của samurai đầy đủ kiếm dài, kiếm ngắn,,cả hai cấp chỉ huy đều biết chiến tranh đã chấm dứt và Nhật đã đầu-hàng.Cả hai cùng nhận trách-nhiệm là đã gửi đi gần hết đàn em của mình đi làm những phi-vụ Kamikase-không-trở-về…cho nên đêm nay họ sẽ từ-gĩa nhau qua vài ly sake,trao tặng nhau bảo-kiếm Samurai,rồi sáng sớm mỗi người sẽ leo lên một chiếc Jinrai-Baka (bomb bay) đeo dứơi bụng 2 chiếc Betty,ra gần tới hạm đôị Mỹ, Betty sẽ thả Jinrai và họ sẽ chọn một tầu Mỹ,Flat-top thì càng tốt,bay thẳng tới và đâm đầu vào…như các đàn em của họ đã làm…Còn cái Chết nào ĐẸP va HÙNG hơn cái Chết của Người Hiệp Sĩ Không-Gian!!!

Đầu-óc đầy một mớ mộng-mơ,chàng-tuổi-trẻ,rời đồi thông , đi vào thành phố tới nhà một ngừơi anh họ, để đổi sách. Căn-nhà này là một hội-quán-hàng-không nhỏ, anh chủ nhà là “một con mọt về máy bay”,anh có đủ thứ sách vở về máy bay,nhưng tài nhất là anh lám máy bay bằng gỗ :anh gọt ,anh mài,anh sơn những chiếc máy bay nhỏ bằng bàn tay với đủ chi tiết ly-ty; không thua gì những chiếc plastic-model sau này. Ở đây cũng có mặt một Người khu-trục-VN.tương lai :anh Dzũng Mặt-Đỏ.

Thế rồi chiến-tranh Đông-dương đọan hai bắt đầu;từ súng Ngựa-trời đổi qua AK47,rồi 12ly7,chàng tuổi-trẻ ra nhập gia đình NgườI- khu-truc- V.N.

Khu-truc V.N. bắt đầu, là Phi-Đoàn 1 khu-trục, bay F8F Bearcat, đóng tại Biên-hòa. Mỹ làm ra chiếc Bearcat, cho Hải-Quân , để thay thế chiếc Hellcat, vào khoảng cuối thế-chiến 2. Bearcat là phi-cơ khu-trục thuần túy (không-chiến), một cái máy tổ-bố kéo theo một cái thân và cánh tương đối ngăn để “bay-cao và bay-nhanh”. Khi Bearcat tới tay Nguoi Khu-truc V.N. thì cũng đã nhão-nhuẹt rồi; (từ tay ông Mỹ qua tay ông Tây); nên Phi-Đòan 1, mỗi ngày khả dụng hành quân giỏi lắm dưới 10 chiếc; và phi-công bay trung- bình 10giờ tới 20 giờ (kể cả giờ T6).Lúc này chàng-tuổi-trẻ đang học trung-hoc-đệ-nhất-cấp,xuống Biên-hòa ở 3 tháng nghỉ hè, bám sát đít các anh Người-khu-trục V.N.:sáng đi ăn sáng, tối cũng leo 4x4 ra phố ăn cơm, trong ngày lang thang trong phi-đòan nhìn ra sân đậu,hàng dài F8F; mới hôm trước sơn đen,nay lại cạo trắng màu bạc,,,phảng phất mùi “săng-máy-bay”,,,say-sưa ngày nọ qua ngày kia không chán!: Làm sao quên được những buổi chiều hết nắng, không gian yên tĩnh chỉ có một chiếc Bearcat (hoặc 1 chiếc T6) đang nhào lộn làm acrobaties trên tít trới cao. Hoặc một lần khác trên vòm trời Vũng-Tàu, Saigon , thấy chiếc Constellation chở Ngô-tổng-thống, được escorted bởi Bearcat của KQVN, mỗi bên cánh 3 chiếc, hợp-đòan thiệt đẹp…Được gập những người Khu-truc VN. đầu-tiên mà đâu có biết là số đông sau này đã trở thành những nhân-vật lịch-sử của VNCH; hay những “người-xây-dựng-lên-KQVN.” Nhớ nhất là các anh thuộc “khóa 13 người”. Hồi đó các anh còn mặc áo bay bằng kaki vàng nội-hóa cũng áo-liền-quần và nhiều túi , giầy bốt thì mỗi người một kiểu ,cánh bay thì có người đeo macaron của Tây hoặc “con chim cụt đầu”của Ta; nói một cách khác quân trang không đồng-nhất, nhưng sao vẫn thấy nét Hùng và Bất-Cần của người-khu-trục (so với “ tóc-tai chải-chuốt, áo quần bảnh bao” của những người khác) tứ-độ-tường có đủ! CHASSE-BORDEL.!!!

Thời điểm này cũng phải nhắc tới một loại phi-cơ và phi-công,cũng thả bomb,bắn súng nhưng không gọi là khu-trục vì không phải “một người một ngựa,một động cơ”; đó là phi-cơ Marcel Dassault 315 ; khi đánh Bình-xuyên cũng thả napalm (từng hàng thùng sắt 40 lít,chở trong thân tầu , được đẩy qua cửa) và đại-liên ở cánh.

Thế hệ thứ hai của Người-khu-trục V.N. là phi-công AD6 đựơc Hải-quân Mỹ huấn-luyện tại Biên-hòa (ngoại trừ một số nhỏ được huấn-luyện bên Mỹ,thời điểm 58/59),và Phi-Đòan1 trở thành phi-đòan 514; rồi thêm 516,518,520 và Biệt-Đòan 83…Thời-gian sau,1966,có thể gọi là thời V.N. Hóa; phi-công khu-trục đựoc huấn luyện trên A1E tại Mỹ do 1st Air-Commando đảm-nhiệm( TT Kennedy chế ra Special Force ,cho Lục-quân, còn Không-quân là Air-Commando; gọi là counter-insurgency để “chơi” chiến-tranh du-kích.)…Lúc này,” đánh nhau thứ thiệt”: số phi-công khu-trục chết, phần nhiều là tại phòng-không và trên chiến-trường,chứ không phải như trước: “lỗi pilot” hay tại phi-cơ cũ ,hay trở- ngại- kỹ-thuật...Phi-cơ AD5/AD6 (Hải-quân Hoa-Kỳ) hay A1E (2 chỗ ngồi),A1H (1 chỗ ngồi ) (Không Quân H.K.),là một phi-cơ một- máy-cánh-qụat của Hải-Quân Hoa-Kỳ đựơc sử-dụng nhiều nhất trong chiến-tranh Triều tiên,không phải là phi-cơ khu-trục thuần túy (không-chiến) do đó tên gọi có chữ A là Attack.Tuy- nhiên trong KQVN vẫn gọi là khu-trục vì tính cách “một người, một ngựa, một động-cơ”; và nhiệm-vụ chính của Khu-Trục VN. là yểm-trợ quân bạn, nên Skyraider là đúng chỉ số. Riêng đối với người viết bài này, khi mới thấy Skyraider bay trên vòm trời VN.thì... CHÊ!!!: vừa sấu, vừa chậm,(quen nhìn Bearcat rồi); đến khi cưỡi Skyraider đi đánh giặc rồi thì... MÊ!!. Chưa có phi-cơ một máy nào, mà bị bắn bể 3 cylinders, dầu bắn ra xối-xả, sơn đen cả tầu, mà vẫn bay được thêm 20 phút để về căn-cứ an-toàn, Đạn phòng không 12ly7 chỉ găm-dính chung quanh phòng-lái, không thể xuyên-qua, đụng tới da-thịt người phi-công, vì những miếng ammo-plates dầy cả 1cm.; cockpit Plexiglas cũng cả inch…như ngồi trong xe tăng.

Gia-đình Khu-trục V.N. có thêm một phi-đòan Phản-Lực siêu thanh đầu tiên, Phi-Đòan 522, với phi-cơ F5. Thủa đầu; khi hãng Northrop còn đang trong thời kỳ test& experimental, và đang đăng-báo quảng cáo chiếc N156F Freedom-fighter tương lai sẽ bán cho đệ-tam-quốc-gia (trong chương-trình MAP), Sách-vở học sinh của chàng từ bìa trước đến bìa sau là toàn hình vẽ N156F. Nhưng mê thì mê vậy thôi chứ chàng có bao giờ muờng tuởng tới ngày mình có thể đựơc lái F5. Rồi KQ Mỹ mua một lọat version 2 chỗ ngồi để làm phi-cơ huấn luyện Talon T-38. Phi-đoàn F5A đầu tiên xuất hiện tại chiến trừơng V.N. 1965; sau một năm họat động ở miền Nam,thi-hânh các phi-vụ thả bombs yểm trợ, phi-công về Mỹ, để lại phi-cơ cho KQVN. Vào những năm chót của cuộc chiến VNCH., có đựơc 3 phi-đòan F5E KHÔNG-CHIẾN. Phi-cơ F5E lúc đầu còn đựơc gọi là F5/21,đựơc làm ra để “chọi” với Mig-21. Nhưng phi-công VNCH, chưa đựơc đối-đầu với những “siêu-nhân” Bắc-việt;chuyên-viên chiến-thuật “ chốn trong mây chờ,phi-cơ địch tới nhẩy ra vồ”...nên KQVNCH. không có ACE!! KQVN cũng có RF5,để thi hành các phi-vụ Không-ảnh.

Sau Tết Mậu-Thân;và cũng là thời Việt-Nam-hóa, Skyraider đã thật sự “GÌA” rồi! phi-công nhận những “cảnh-cáo không nên” : dùng cà-nông 20,đeo bombs tối đa,hay gấp cánh lúc ở parking...Rồi từng phi-đòan A-37B, bắt đầu xuất hiện, lần-lựơt thay thế A-1...Phi-cơ A-37, cũng là sản-phẩm của counter-insurgency,và là “hoá-thân” của chiếc Cessna T-37: 2 máy phản-lực mới và mạnh (F5), cánh đựơc tăng-cừơng cứng gấp bội để đeo xăng và bomb.Có những người KQ. “đặt-tên-không-mấy đẹp” (nghề của chàng) cho A-37, như là “Slow-jet”,hay là “Nòng-Nọc-bay”, hay gì-gì đi nữa...A-37 LÀ MỘT PHI-CƠ TỐT cho chiến-trường VN. Phi-cơ dễ bay,dễ baỏ-trì,nhỏ-bé trên cao-độ (khó bắn),là một platform vững khi dive-bomb (nhờ hệ thống yaw-dumper) nên bomb thả rất chính xác. Từ khi có A-37, số phi-xuất mỗi ngày gấp bội, phòng-không địch cũng gấp bội (SA-7, 23ly, 37ly, v.v. mang từ Bắc vào khi Mỹ rút lui.), tỷ-số phi-cơ bị hạ ít hơn trứơc. Trong một phi-vụ, trên vòm trời Quảng-Đức,số 2 bị SA7 hạ, số 1 đã bay cover thời-gian lâu hơn sách-vở cho phép…phi-công đã tắt một máy…A-37 có thể bay với 1 máy, và performance cũng gần như 2 máy.

Đó là nói về Phi-cơ Khu-trục VN.

Còn Phi-công K.T.VN.; Người-Khu-trục VN...?!?

Người-KT VN.: sống VUI, THÍCH BAY, bất-cần, sống ngày hôm-nay thôi, còn-chơi-hết-thôi...Với chút vốn, triết lý đó NKTVN mới có thể làm cái việc họ làm ngày này qua ngày kia; năm này qua năm kia!!

Nếu không phải là MÊ BAY..., như anh mê tennis, vaì ngày không ra sân, cảm thấy NHỚ, ngứa ngắy chân tay; thậm-chí có lúc đựơc đi phép vài ngày , một tuần, lúc lái phi-cơ về phi-đòan thấy hăng-say và vui-sứơng...thì không ở trong ngành lâu đựơc vì cuộc-chiến và cuộc-sống hàng ngày, đòi hỏi NKTVN một sự HY-SINH QÚA LỚN, và QÚA CHÊNH-LỆCH.

ĐỌI cũng là đặc-tính của NKTVN. Không có NKT nào sống-đủng-đỉnh chứ đừng noí dư-giả; thậm chí có anh cả năm không thấy thẻ-lương!!(di chuyển từ tay bà thựơng-sĩ naỳ qua tay ông trung-sĩ kia); đành chờ Du-Học để “recover-from-dive”... Đúng không bạn ta !?! Họ thuộc thành-phần “tôi-hãnh-diện-tôi-nghèo,chứng-tỏ tôi-không-tham-nhũng...”

Ngay cả phần thửơng tinh-thần của ngừơi chiến sĩ : HUY-CHƯƠNG. Từ quyết-định của Tư-lệnh chiến-trừơng đến hồ-sơ cá-nhân NKTVN., qua một trịêu bàn-tay, chữ-ký, và rồi phần-thửơng bị “thất-lạc” là chuyện thừơng!.

Nhưng rồi cũng có những giây phút nhớ đời.Anh L19,còn nghi-ngờ tài năng thả bomb của Khu-trục VN. nên bắn trái khoí cách mục tiêu cả 100 thứơc;rồi bảo sô 1:’hit my smoke” để thử tài...Số 1 nhào-xuống,bấm-nút,kéo-lên crosswind, ngoaí cổ laị coi bomb nổ và GÁY :”where’s your smoke?”...một cụm khói đen (bomb) đã bao-trùm cụm khói trắng.... ông bạn đồng-minh hét lên trên tần-số : “beautiful! excellent bomb! never- seen-before!!”;rối những qủa bomb kế tiếp cũng vậy: excellent bomb để chứng tỏ không phải là RÙA hay LUCK. Trong lúc lấy BDA, ông bạn đồng-minh còn hỏi; ông học nghệ-thuật thả bomb ở đâu mà kinh-khủng (awsome) vậy??..lại GÁY: số bomb tao thả trong đời tao bằng số thuốc lá mày hút trong đời mày!!!and that’s the secret!.

Trận Thác-Lác; thả napalm cách quân bạn (có paneau đỏ che đầu) 20/30 thứơc; sau mỗi pass lại thâý quân bạn tiến chiếm mục tiêu, đếm xác địch... đến chiều về căn-cứ quân bạn cho xem paneau còn dính bột napalm trắng.

Nhiều lắm! những tiếng GÁY trên tần-số (GÁY với L19, phe ta :”Nếu quân bạn đánh cận chiến;tao có thể thả bom safe;giết địch ,phe ta an-toàn!”...).Những tiếng GÁY đó đã thúc đẩy NKTVN sách dù-nón thi-hành phi-vụ kế tiếp.

Lần nọ ; một nữ phóng viên ngừơi Hòa-Lan, tới căn-cứ để viết một bài về phi-công VN. Cô có một thân-hình khổng-lồ, to khỏe, đứng bên cạnh phi-công VN; có anh bạn gọi là “thằn-lằn đeo cột nhà”;;thế mà “lửa để gần dơm”, đêm cô ngủ lại cư-xá-độc-thân.

Sáng hôm sau cô tuyên bố: “Các anh (những ngừơi phi-công) thật là QUỐC-TẾ (inter-national); cô đã từng BIẾT phi-công Hoà-Lan, Đức, Anh, Pháp,...các anh giống nhau, có một lối sống BẤT-CẦN (BLASÉ), kHÔNG-CÓ-GÌ-QUAN-TRỌNG-CẢ, nó quyến-rũ phái-nữ lạ-lùng, nhất là nữ nào có tý máu mạo-hiểm,thích đùa với lửa.

Các cụ nghĩ sao?!... “ Tất cả chỉ như gío thoảng, như mây nổi, như chiêm bao.”

Năm 73; trong một cuộc phỏng vấn truyền-hình giữa các em-gái-hậu-phương và chiến-sĩ xuất-sắc KQ. (CÁM-ƠN anh Dũng Đ.T.K.T./BTL.); có em hỏi:” Khi anh tình nguyện vào KQ., động lực nào đã thúc anh chọn VÀO nghề khu-trục : vào-sinh-ra-tử, lại nghèo-đói; và bao-giờ anh RA đựơc khỏi nghề ???”...”Từ thủa nhỏ tôi MÊ, và bị ám-ảnh bởi hình ảnh một-ngừơi-một-ngựa; bay ngả-nghiêng, vi-vút trên tuốt trời xanh; rồi sau này laị tin-tửơng “sống-chết-có-số”, nên tôi vẫn bay khu-trục....”

Baì này viết nhân ngày đại-hội “40 năm Khu-Trục VN.” do các bạn Khu-Trục vùng Thung-lũng-vàng tổ-chức tại San-Jose 5/2005; hy-vọng chia-sẻ tình-cảm và kỷ-niệm cùng các Phi-Tiêu, giờ đây đã trên sáu-bó, nhớ lại một thời đã cùng nhau đi “Bứt sao trời, cho nhức-nhối không-gian”
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests