Tạp Ghi

Post Reply
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Phụ Nữ Nghĩ Về Mua Sắm Nhiều
Như Đàn Ông Nghĩ Về Sex
Cứ trong 4 phụ nữ thì có 3 người nghĩ về shopping thường xuyên như cánh mày râu nghĩ về sex.

Ý nghĩ về việc đi sắm một chiếc váy mới hay kiếm một đôi giày như ý xuất hiện trong đầu của các chị em cứ sau 60 giây. Đó là kết quả của cuộc khảo sát do trang web cosmopolitan của Anh thực hiện.

Trong khi đó, các nghiên cứu trước cho thấy những anh chàng trẻ tuổi chỉ có một thứ duy nhất trong đầu - đó là sex. Ý nghĩ này xuất hiện trong đầu họ cứ sau 52 giây, trong khi ở phái nữ nó chỉ đến có một lần trong ngày.

Cuộc khảo sát mới nhất đã phỏng vấn 778 phụ nữ tuổi từ 19 đến 45. Kết quả là 74% cho biết giây phút nào họ cũng nghĩ đến việc sắm đồ. 2/5 người tự cho mình là người nghiện giày dép và túi xách, trong khi đó 1/10 người chỉ nghĩ về các phụ kiện hoặc mỹ phẩm.

Kể cả nguy cơ hầu bao bị cạn kiệt cũng không thể chặn đứng nhu cầu mua sắm của phái đẹp. Trong đó, 62% cho biết họ sẽ sẵn sàng rút sạch tài khoản và 8% thì không ngại dùng đến khoản tiền tiết kiệm cho việc mua nhà hoặc tài sản khác.

Trung bình, các chị em phụ nữ chi ít nhất 30% thu nhập hằng năm của mình cho quần áo.

Điều đáng lo ngại nhất với cánh mày râu có lẽ là một nửa số người được phỏng vấn nói rằng họ thích dành thời gian đi shopping hơn là ở với bạn đời. Đồng thời, gần nửa các chị em thú nhận che giấu những cuộc mua sắm của mình để bạn đời không phải giật mình trước các khoản chi tiêu.

Ngoài ra, nhiều cô gái thà đi sắm đồ một mình còn hơn là có bạn trai lẵng nhẵng theo cùng với khuôn mặt dài thượt và thường xuyên nhìn đồng hồ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề nghiêm trọng nhất nằm ở chỗ gần một nửa không đụng đến những gì họ tích trữ trong tủ quần áo và 1/10 người trở nên chán món đồ mới mua chỉ sau một đêm.
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Ma và người

Tác giả: Sau Rieng



Hồi tôi sống với ngoại, lúc sáu, bảy tuổi gì đó, tôi bắt đầu biết sợ... ma. Sợ vì tin rằng có ma trên đời. Để ý thì thấy, lần nào ngoại tôi vấp chân, bà cũng từ tốn nhìn quanh, giọng nửa trách móc, nửa tôn kính: “Mô Phật, ai mà giỡn kỳ, đẩy bà già này làm chi?”. Không ai trả lời, chỉ có gió rợn sau nhà. Đám giỗ, ngoại bày năm mâm cúng, lúc nâng ba cây nhang nghi ngút khói ngang trán, ngoại lâm râm vái có kinh có kệ có dò có dọc như thể người nào đó đang ngồi chình ình trước mặt. Tàn nhang cong queo, ngoại mừng húm nói bữa nay có ông bà về. Nhưng ngoài tôi ra, trước sân chỉ rụng xuống một vài lá vú sữa rập rờn. Tôi tin có những người nào đó tồn tại quanh mình, trong một thế giới vô hình, dù ngoại không hề dọa ma. Vì vậy, suốt những năm sống với ngoại trong khu vườn gần đồn Chẹt, tôi chẳng bao giờ lẻn ra vườn bởi ghê cái ao trước đây có ông lính cộng hòa say rượu té chết, một mình không dám ra sông vì ngoại kể hồi chiến tranh, sông trôi xơ xác những xác người. Cũng không leo trèo hái trái trên những cây me cổ thụ, loại cây mà ma khoái ở (thì nghe nói vậy). Nửa đêm thoi thóp nghe chim cú kêu bên hè (khốn khổ, vì vườn xưa, nhiều cây cao nên chim cú thích ở, đêm nào cũng kêu xa kêu gần). Quãng đó tôi sống tốt dễ sợ, đến nỗi không dám... ăn vụng vì nghĩ mình làm bất cứ chuyện xấu xa nào cũng có kẻ nhìn thấy, ớn muốn chết.

Ma đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc mãnh liệt (tình yêu cũng gần giống vậy). Trong sợ hãi có một chút thích thú. Muốn quay đi nhưng cũng rất tò mò, hiếu kỳ. Sợ, nhưng thích xem phim kinh dị, tới đoạn rùng rợn lại che mặt. Người sợ ma nhất luôn có bộ sưu tập nhiều chuyện ma nhất. Và trí tưởng tượng được sử dụng hết cỡ. Những cây tre cọ vào nhau trong đêm giông, tiếng cú kêu, tay chuối khô vật vờ bay trong đêm, vài con bướm lớn màu xám lặng lẽ đậu im lìm trên vách, một góc nhà hơi tối và lạnh lẽo... đều là mối dây liên hệ với... ma. Ngay cả chạy trên đường, tiếng bước chân mình mà tưởng chân ma rượt, báo hại càng chạy càng thấy nó đuổi sát bên mình. Buộc phải sợ, thế giới đó quá bí hiểm, chưa ai được mon men ra biên giới giữa hai cõi hỏi thăm, người đi về cõi đó cũng không trở lại để... kể.

Phải sợ, vì người ngoài sáng, ma trong tối. Ma lượn lờ quanh mà mình chẳng thấy, đến lúc chợp mắt, ma lại hiện ra trong những giấc chiêm bao. Tôi, cũng như nhiều người chưa thấy ma bao giờ, nhưng nghe kể chuyện đã thấy ám ảnh, hãi hùng. Người đời thêu dệt hàng ngàn câu chuyện ma khác nhau, nhưng đối tượng chính thì giống hệt, thường là những người phụ nữ xinh đẹp mặc toàn đồ đen hay trắng (có lẽ thế giới đó không chuộng mốt, chưa nghe ma mặc áo chim cò, áo yếm hoặc váy ngắn), tóc đen dài, và khi muốn làm con người sợ hãi, ma khoe cái lưỡi dài, đỏ lòm. Ma hay vật vờ than khóc trên những cây cổ thụ, hay mời người ăn bánh (nhưng khi tỉnh ra thì thấy bánh là bùn). Rất nhiều truyện kể ma đứng bên đường quá giang xe những người đàn ông, rồi biến mất bằng nhiều cách, hoặc đi vào ngôi cổ miếu nào đó, hoặc lặng lẽ tan đi mặc cho anh nọ vẫn nói huyên thuyên đằng trước.

Những câu chuyện ma bắt đầu làm cho tôi thích thú, đơn giản vì tôi hết sợ. Tôi không tin tuyệt đối vào sự huyền bí, nếu có thì ma đâu sao không vặn cổ bọn người xấu đang nhởn nhơ giữa đời kia. Hiểu ra điều đó, tôi tiếc vì mất đi một lý do để mình sống... tử tế. Nghịch lý, là khi tôi tỉnh táo, thấu đáo được một điều gì đó thì đời bỗng buồn hơn.

Bỗng ngỡ ngàng thấy người đáng sợ hơn ma. Chẳng biết được ai là bạn, là thù, ai yêu mình, ai ghét mình, trong khi ma đã tách bạch ở một giới tuyến tối tăm khác. Nói tới ma, biết ngay là giặc. Còn người thì lẫn lộn trắng đen, khó nắm bắt. Ma muôn đời đơn điệu vài chiêu dọa người, người lại nghĩ trăm phương nghìn cách hại nhau. Vậy mới sợ.

Phát hiện ra điều này, tôi buồn suốt một khúc thời gian, ganh tị với kẻ sợ ma rón rén trông buồn cười mà hạnh phúc. Tháng Giêng rồi, tôi đi H. chơi. Nghe nói nhà trọ xây trên nền nghĩa địa cũ, cả đêm hai đứa con gái cùng phòng mở đèn sáng rực, nghe gió rít qua khe cửa sổ, trằn trọc chờ... ma. Báo hại tôi ngủ không được. Trăn trở nghe bụng cồn cào, tôi mò ra quầy bar, mua ly sữa nóng. Anh chàng trực quầy cao lớn đang ép nước trái cây. Lúc anh ngẩng lên, tôi giật mình trước nét mặt đẹp, rất nam tính nhưng lạnh tanh, thật ngầu. Lúc ấy tôi bị bội thực những nụ cười giao đãi nên thấy thích anh chàng này, đứng nấn ná nói một vài câu chuyện bâng quơ. Tôi kể mình vừa thấy ma. Anh cười. Tôi nói em thấy ma thiệt. Anh lại cười. Tôi nói bạn em cũng thấy ma, nó đang sợ phát khóc trong phòng. Mắt anh ta nhìn tôi có vẻ tần ngần, cuối cùng anh hỏi, con ma ra làm sao. Tôi ngập ngừng, ra bộ vẫn còn hãi hùng lắm, nói chị đó mặc đồ nâu đen, tóc dài, cài nơ đen. Anh ta im lặng, nhìn chăm chăm vào cái máy ép đang kêu rột rẹt. Anh bỗng ngẩng lên: “Em à, con nhỏ đó hiền lắm...”.

Tôi đứng day ly sữa trong tay, cảm động muốn chết. Chẳng ai nói về ma, về nỗi sợ hãi thường trực trong lòng bằng cái giọng ấm áp, bao dung, bình thản, chân thành như vậy. Như thể anh đang nói về một đứa em nhỏ, một người bạn thân, một đồng loại...

Thật đơn giản, lâu nay người ta cứ nghĩ ai đó là kẻ thù trong khi họ cũng có thể làm bạn. Tôi lại tin có ma ở trên đời, nhưng không phải để sợ hãi
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Nỗi Khổ của Gái Việt Đi "Lấy Tây"
Joe, anh chàng Canada nổi tiếng siêu giỏi tiếng Việt đã có lần bày tỏ: "Em chỉ rất khó chịu khi đưa một bạn gái xinh xinh về nhà lúc khuya khuya, nghe người ta xì xào: Con cave đi với thằng Tây. Tệ quá!”.

Image
Hôn nhân dị chủng cần ở người trong cuộc nhiều hơn đơn thuần một tình yêu. Ảnh người mẫu Bằng Lăng
.

Nỗi khó chịu của Joe phản ánh một phần sự kỳ thị vẫn còn tồn tại hiện nay với các cặp trai Tây gái Việt, cho dù dạng hôn nhân này ngày càng phát triển.

Họ là ai?

Thu Lan, 25 tuổi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, làm ở một tổ chức phi chính phủ tại Saigon. Mike, sếp người Mỹ của cô đã bị sự hồn nhiên nhưng cũng rất e ấp của Lan chinh phục. Hai năm hẹn hò tìm hiểu kết thúc bằng một hôn lễ sang trọng, ít người nhưng tràn trề hạnh phúc. Quỳnh Liên là một cô gái nhuộm da nâu sành điệu, ngồi thâu đêm ở các bar dành cho Tây trên khu phố cổ Hà nội, lúng liếng trao tình với mọi chàng trong tầm mắt. Sùng bái mọi giá trị của phương Tây, 6 tháng sau có vẻ Liên đã được thoả nguyện khi sóng đôi với một doanh nhân mắt xanh trông giàu có bảnh bao. Ngọc Nhi, Hà Nội, vốn không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu một chàng trai không phải Việt Nam. Sau khi chia tay tình đầu của mình với anh bạn cùng học, cô đến một trung tâm Anh ngữ quốc tế để trau dồi vốn tiếng Anh. Tiếng sét ái tình đã giáng trúng cô với chính ông thầy dạy của mình. Eric, trên chặng đường đi du lịch Đông Nam Á, đã tìm thấy tình yêu của đời mình ở Việt Nam và quyết định dừng bước tại xứ này.

Khổ sở ngay tại nhà mình

Sau hôn lễ, tuần trăng mật của Lan và Mike là một tour xuyên Việt để cô giới thiệu với chồng về thắng cảnh và lịch sử Việt Nam. Nhưng Lan đã gặp không ít phiền toái. Tay xích lô ở Đà Nẵng sau khi mặc cả đã nhếch mép bảo cô “Móc được đô la tụi đế quốc cũng phải dành cho đồng bào chút cháo chứ gì keo dữ dzậy cô em?”.

Xấu hổ vì bị xúc phạm, cô suýt oà khóc khiến cho anh chồng mắt xanh không rành tiếng Việt sửng sốt không hiểu vì sao. Kể lại chuyện này, Lan vẫn chưa hết tức giận và… buồn. Eric, sau ngày cưới tiếp tục nhận dạy tiếng Anh. Hai vợ chồng đi tìm thuê một căn nhà nhỏ vì tài chính không dư giả mà giá nhà đất ở Hà Nội, theo Eric là đắt gần nhất thế giới. Họ tìm trên mạng rất nhiều địa chỉ nhưng đến khi Nhi dẫn anh tới xem cụ thể, chủ nhà lập tức nâng giá lên cao gấp rưỡi và đòi trả bằng đô la Mỹ. Lận đận mãi, cô đành bảo chồng ở nhà để cô đi một mình. Nhưng nào đã xong, khi cô đã ký hợp đồng thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ Lê Đại Hành với giá 2 triệu rưởi, bà chủ nhà thấy một anh tóc vàng dọn valy đến là thái độ thay đổi hẳn. Sau 6 tháng ở đã trả tiền trước, 2 vợ chồng Nhi lại ngậm ngùi xách valy ra đi vì bà chủ tốt bụng đã tuyên bố tăng mức giá gấp đôi.

Còn Quỳnh Liên, mỗi khi ra đầu ngõ, mấy anh xe ôm hay ngồi quán nước lại buông ra những lời sỗ sàng: “To thế có chịu nổi không hả em?”. Mấy bà bán nước thì trề môi: “Xấu xấu đen đen thế kia chỉ có Tây nó lấy, mà chắc là thằng Tây này cũng chả ra gì!”.

Bình thường Liên im lặng, nhưng đôi khi cô tức khí quay lại và thế là cả khu phố được xem một trận chửi nhau với ngôn ngữ mà chàng Tây của cô có mỏi mắt tra Từ điển tiếng Việt cả ngày cũng không thấy.

Thói đời tọc mạch, tâm lý bài “me Tây, me Mỹ” với thực tế nhiều cô gái tìm mọi cách để săn được một tấm chồng Tây như Liên đã tạo nên những tình huống dở khóc dở cười trên. Ngọc Nhi đã nhiều lần ngậm ngùi ước “Giá mà chồng em không phải là… Tây!”.

Những khác biệt về lối sống và văn hoá

Thu Lan kể, mỗi khi cô thèm ăn đồ Việt Nam, Mike “lịch sự” đi theo nhưng để cô ăn một mình vì không quen. Những quán riêu ốc bò bía vỉa hè khoái khẩu của cô làm chàng nhăn mặt một cách kín đáo khi bước vào. Mỗi khi cô la cà cà phê hàng giờ với đám bạn, anh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao tụi bạn em lại có thể phí thời gian như vậy?” và nhất định không chịu hiểu đó là “thú vui tao nhã” như lời giải thích của cô. Còn Ngọc Nhi thì dở khóc dở cười khi mấy người bà con ở Nam Định lên thăm, Eric “không chịu nhường” chiếc giường đẹp nhất trong phòng ngủ của hai vợ chồng cho họ. Cô hiểu chồng nhưng lo sốt vó không biết thanh minh ra sao với họ hàng.

Truyền thống người Việt là “nhịn miệng đãi khách” trong khi phương Tây tôn trọng sự riêng tư và đề cao tự do cá nhân. Paul, chàng trai đến từ Lyon - Pháp, designer Cty Quảng cáo A. - Hoàn Kiếm, Hà nội, có cha mẹ li dị từ hồi anh còn bé. Cha gặp anh trên một chuyến xe điện ngầm nhưng giả bộ không nhìn thấy. Ký ức đau đớn của tuổi thơ làm anh không muốn lập gia đình cho đến khi gặp Uyên Phương, cô gái Hà thành xinh xắn. Hai người sống rất lãng mạn hạnh phúc, tuy nhiên Paul cương quyết không muốn có con vì “chỉ hai đứa mình yêu nhau là đủ, có baby anh sợ không làm tròn trách nhiệm, sợ làm nó tổn thương như cha đã làm với anh”.

Trong khi đó, nhà Uyên Phương trông ngày trông đêm để đón cháu ngoại. Bạn bè Phương cũng giục “vợ chồng không con, buồn lắm” làm Phương thấy bối rối, nhưng Paul vẫn nhất mực “chỉ cần anh với em, chúng mình sẽ đi chu du thế giới, về già ư, đã có bảo hiểm, nhà nước lo!” Đòi hỏi hai con người phải hòa hợp 100% tất nhiên là chuyện không tưởng. Ngay cả trong hai gia đình Việt Nam, lề lối phép tắc đã khác nhau rồi. Càng khó khăn nữa khi xuất thân của hai con người là khác nhau với phong tục và quan điểm sống cũng khác.
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Bánh mì Sài Gòn

Sài Gòn có nhiều món ăn rất riêng, khởi thuỷ là món “nhập cư” được Sài Gòn hoá. Chúng không chỉ Sài Gòn ở khẩu vị, ở cách chế biến mà ở cả cách ăn, cách kinh doanh… Bánh mì là một trong số đó.

Image
Tiệm bánh mì Hoà Mã năm 1960


Ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn đã có mặt khắp nơi trong nước. Nó còn theo chân người Việt để bén rễ ở nhiều quốc gia khác.

Cửa hiệu đầu tiên

Gần ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu có một tiệm bán bánh mì nhỏ với bảng hiệu cũ kỹ, phai màu theo năm tháng. Bánh mì Hoà Mã đã tồn tại 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhiều người khẳng định chủ nhân ở đây là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Dậu, chủ nhân của hiệu bánh mì Như Lan hiện nay, cho biết ngày xưa bà rất mê bánh mì Hoà Mã. Lúc nhỏ, bà Dậu thường đến mua bánh mì ở đây và ước ao ngày nào đó mình cũng có một cửa hàng bán bánh mì như ý thích.

Sài Gòn từ trước năm 1958 đã có những cửa hiệu bán bánh của người Pháp. Họ bán bánh ngọt, bánh mì theo gu Pháp để phục vụ chủ yếu dân Tây. Bánh mì Tây là loại đặc ruột, tuỳ hình dáng mà được gọi tên (bánh mì gối là do tròn lớn như cái gối...). Và thịt nguội được bán riêng theo nhu cầu của người mua.

Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để cung cấp cho người Việt trong khu vực. Thế là ra đời, năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hoà Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay.

Ban đầu, tiệm cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công chức, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm. Thế là Hoà Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa, pa-tê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc, lớp học.

Lúc đó, tiệm Hoà Mã gọi một ổ bánh mì thịt của mình là cát-cút, có lẽ dùng theo từ Pháp casse-croûte, tức bữa ăn lót dạ, bữa ăn qua loa (thật ra, tên gọi đúng của bánh mì kẹp thịt là sandwich). Giá bán một ổ là 3 – 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 – 10 đồng.

Ngày xưa, các vị công chức ở vùng Bàn Cờ, cư xá Đô Thành rất thích ăn bánh mì Hoà Mã. Bà Tịnh vốn xuất thân làm thịt nguội cho hãng Tây nên vẫn giữ gu Pháp cho bánh mì Hoà Mã suốt 50 năm. Không ít người ở nước ngoài về thăm quê hương thường ghé lại Hoà Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt không thể nào quên.

Hương vị bánh mì Sài Gòn
Image
Bà NguyễnThị Tịnh, chủ nhân bánh mì Hoà Mã


Bánh mì thịt kiểu Sài Gòn bắt đầu định được dáng vẻ, hương vị riêng của mình. Vì ổ bánh mì vừa đủ cho một khẩu phần ăn nên không cần lớn lắm, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải để bột không quến khi nhai làm mất ngon.

Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau. Vì vậy ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương thơm, vài khoanh ớt cay vừa ăn vừa hít hà mới khoái.

Ăn ổ bánh mì thịt có đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của bột mì, béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa-tê như một bản phối tròn trịa sắc màu nhưng không hề ngán bởi có rau dưa tươi mát. Và điều quan trọng của ổ bánh mì thịt Sài Gòn là ngon, rẻ, tiện lợi cho tất cả mọi tầng lớp.

Một thời gian sau, nhiều hiệu bánh mì thịt bắt đầu xuất hiện ở thành phố. Bánh mì không dừng lại ở món điểm tâm nữa, nó được dùng cả ở bữa trưa, chiều, tối.

Quang Tâm
Last edited by khieulong on Sun Jun 29, 2008 3:41 am, edited 1 time in total.
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image


Chúng Tôi Lại Đi Biểu Tình Chống Cộng Sản

Trịnh Du
Đã là dân Việt tỵ nạn cộng sản thì ai cũng hận thù chế độ độc tài cai trị dân lành bên quê nhà. Mỗi khi chúng tôi có chút ít thời gian để được nhớ về quê mẹ là mỗi lần nước mắt cứ trào dâng khi biết rằng hàng triệu triệu đồng bào vô tội đang sống trong cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng bên cạnh một đàn dã thú ghê tợn với những chiếc răng nanh sẵn sàng cắn đứt da thịt bất cứ lúc nào.

Trong thời gian gần đây đã có nhiều con cháu của đàn dã thú đó sống rải rác trong các xóm làng và thành phố hải ngoại, tuy bọn chúng không dám tỏ thái độ hung hăng như cha ông của chúng bên quê nhà nhưng bọn chúng âm thầm làm xáo trộn sinh hoạt cộng động của chúng ta bằng những công việc nhẹ nhàng nhưng đầy hiểm độc, một trong những công việc làm cho chúng ta nhức đầu nhiều nhất là dụ dỗ và mua chuộc các nhà thương mại, các nhà thương mại này vì đồng tiền mà đánh mất lương tâm tối thiểu của một con người tỵ nạn.

Không biết họ có khi nào nhớ lại những cảnh đau thương gian khổ và tủi nhục khi xưa bỏ nước ra đi hay không?

Chuyện làm giàu với chế độ cộng sản lại trở về với cộng đồng Houston sau một thời gian khá dài. Chúng tôi còn nhớ cách nay trên 10 năm tại đây đã có những luật sư, bác sĩ, chuyên gia kinh tế, chuyên viên kỹ thuật...đã sớm quên tội ác của Việt cộng nên đã về quê mẹ mượn ý xây dựng non sông nhưng thật sự họ chỉ muốn kiếm lợi cho bản thân mà thôi.

Sau chục năm âm thầm trong tro bụi thì bất thình lình bọn Việt cộng xuất hiện ở Houston với hàng trăm thương gia tỵ nạn ào ào đón chào chứng ở những nơi sang trọng nhất ở phố Hoa Tiên này. Ngày hôm nay bọn chúng đón chào một con dã thú đầu đàn từ quê nhà qua với hàng chục dã thú khác cùng nhiều thương gia thuộc chế độ cộng sản bên ấy. Trước sự nguy hiểm như thế nên cộng đồng của thành phố Hoa Tiên liền đứng ra kêu gọi bà con đồng hương thành lập một ủy ban chống cộng đặc biệt và ủy ban đó đã thành hình.

Chúng tôi vì bận rộn cho công cuộc cứu trợ các trẻ em mồ côi khuyết tật của Hội Bác Aí Phanxico vừa qua nên lúc đầu không có thời gian đi hộp cùng ủy ban, có vài lần được anh ĐQV nói cho biết sơ sơ công cuộc đấu tranh chống đàn dã thú và tập đoàn thương mãi này nên chúng tôi đã đồng ý cùng góp một bàn tay nhỏ bé với ủy ban bằng cách lo liệu tài chánh để mướn xe bus, hoặc tệ lắm cũng có chút ít tiền mướn xe van 16 chổ ngồi cho đồng hương ở xa trong ngày biểu tình.

Ngày qua ngày nghe thấy ủy ban rầm rộ hô hào và kêu gọi tinh thần chống cộng càng mạnh nhưng, nhưng tài chánh vẫn còn thiếu vì bất cứ một tổ chức nào cũng cần tiền để chi phí cho mọi việc, nào là cờ (cả ngàn mỹ kim), nào là ẩm thực cho đồng hương trong ngày biểu tình (cả vài ngàn mỹ kim), nào là âm thanh ánh sáng cho đêm biểu dương lực lượng trước ngày biểu tình (2 ngàn mỹ kim), nào là đăng báo chính giới địa phương (Houston Chronicle, trên 15 ngàn mỹ kim), nào là mướn 3 chiếc máy bay ‘bu-ranh” oanh tạc trên bầu trời của buổi biểu tình với 3 lá cờ lớn cùng với 3 tấm biểu ngữ to lớn với những hàng chữ kêu gọi tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam ( 6 ngàn mỹ kim), nào là in 1000 áo thun (khoảng 3 ngàn mỹ kim)...đó là chưa kể những việc tuy linh tinh nhưng không thể thiếu vì những chuyện linh tinh đó cũng tốn trên vài ngàn mỹ kim!...

Thế là anh chị TMT-TKV của tuần san Đẹp gọi chúng tôi đi họp sơ kết hôm Chúa Nhật vừa qua, chị TKV là trưởng ban tài chánh kiêm trưởng ban gây quỹ kỳ này của ủy ban. Sỡ dĩ anh chị ấy nhớ đến thằng em này là vì chúng tôi đã từng gây quỹ nhiều lần cho các công tác chống cộng, việc làm gần nhất là chúng tôi vừa hoàn tất công cuộc xây dựng 4 tấm billboard bên các xa lộ chính trong thành phố (trên 30 ngàn mỹ kim), những tấm billboard đó rất lớn có hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng mà ai ai cũng biết, và gởi 18 ngàn mỹ kim về hoàn lại cho Hòa Thượng TQĐ đã cứu dân oan mùa đông năm ngoái.

Trong buổi họp hôm Chúa Nhật đó có rất nhiều khuôn mặt quen thuộc mà hầu như những khuôn mặt ấy chẳng ưa thích gì nhau trong thời gian gần đây (do vấn đề chụp nón cối vô trí thức và vô lương tri) nhưng kỳ này tất cả đều tạm bỏ qua chuyện cá nhân mà cùng nhau góp công bỏ sức để hòng mong đạt được kết quả tốt đẹp. Sau buổi hộp sơ khởi hôm ấy đã hình thành được một ban tổ chức với đầy đủ các tiểu ban, dù đó là những tiểu ban nho nhỏ như an ninh trật tự, di chuyển đồng hương, thức ăn nước uống đều có người đứng ra lãnh trách nhiệm.

Có lẻ vì lòng hận thù Việt cộng quá cao nên ai ai cũng hăng say trong công việc. Chị KN suốt mấy ngày liên tiếp liên lạc với chính giới và các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ nên đã có nhiều đài truyền hình và nhiều nhà báo cũng như dân chúng của Hoa Kỳ đến hai buổi tổ chức của ủy ban. Các cơ quan đó liên tục phỏng vấn và viết bài 2 ngày liền.

Đêm biểu dương tinh thần chống cộng tại khung viên Hồng Kông City Mall hôm qua đã đêm lại thành công cho buổi biểu tình ngày hôm nay tại khu phố thương mại Galleria, cả hai rừng cờ vàng phủ kín hai góc trời viễn xứ mà từ trước cho đến giờ chưa có một buổi biểu tình nào có tầm vóc lớn như vậy.

Đêm biểu dương lực lượng với nhiều đồng hương quây quần bên nhau dưới cơn nắng chiều nóng bức khi buổi lể chuẩn bị bắt đầu, lá cờ vàng to lớn (đại kỳ) được 16 đồng hương rước từ cuối sân lên trong tiếng ca hào hùng của ban nhạc do anh VĐ phụ trách, phải công nhận dàn âm thanh của anh Q. quá mạnh càng làm cho buổi biểu dương càng thêm hào hứng, sau đó anh LQT điều khiển chào cờ rất trang trọng với những câu hô vang dội làm cho ai ai cũng im lặng chú ý đến sân khấu, có đứa bé đang làm nũng với bà mẹ trẻ mà cũng im thim thiếp sau khi nghe anh hô: “Quốc Ca......bắt đầu!”. Tiếp theo là những lời phát biểu của những quan khách, có những quan khách từ xa kéo đến cùng biểu dương tinh thần chống cộng, có ông “???” từ Cali qua chuyển mấy tấm bằng khen của dân biểu nào bên đó cho vài cá nhân trong ban tổ chức nhưng có một bàn khen viết tên anh ĐQV mà lại ghi rằng anh ĐQV là chủ Tuần San ĐẸP, có lẻ ông dân biểu này chẳng biết anh ĐQV là ai và chủ Tuần San Đẹp là ai!

Man oh man, khen thiên hạ mà chẳng biết thiên hạ là ai thì chết tôi rồi bác ơi! Rồi cũng một ông bên Cali qua phát biểu ý kiến, trong đó có câu ông ta đại ý nói rằng: “...ngày mai biểu tình trên 20 ngàn người tham dự...” trong khi đó trước mắt ông chỉ có khoảng một ngàn đồng hương thì làm sao ngày mai là ngày mà hầu hết bà con đồng hương phải đi làm thì làm sao có được 20 ngàn người đến khu phố Galleria khi mà chổ đậu xe là mối quan tâm lớn của mọi người! Man oh man, thời gian gần đây dân tỵ nạn tại Houston chưa khi nào có được trên vài vài ngàn người biểu tình chống cộng sản, chỉ có những lần tổ chức đêm quốc hận 30 tháng 4 thì có khi cũng 5, 7 ngàn người tham dự. Dù sao đi nữa bản thân chúng tôi học hỏi rất nhiều qua đêm ấy, cứ hô hào rồi bà con sẽ tới, nhờ vậy mà hôm nay có trên 2 ngàn đồng hương tụ tập trước khách sạn Westin Oaks trên đường Westhiemer đã đảo bọn Việt cộng và quân gian thương vì đồng tiền và danh vọng mà quên đi hận thù.

Sáng hôm nay bầu trời Houston vui rất lạ làm cho tâm hồn chúng tôi càng lên cao hơn mọi ngày. Cũng như những lần trước, chúng tôi chạy ra hãng cho mướn xe để lấy một chiếc xe van lớn chạy bon bon trên xa lộ 45, chúng tôi chưa tới làng Thái Xuân mà đã nhận nhiều cú phone của bà con hỏi đường đi từ khắp nơi trong thành phố, sau 15 phút thì làng Thái Xuân đã hiện ra trước mắt chúng tôi, khung cảnh thân thuộc của những năm chúng tôi sống trong làng càng làm cho chúng tôi thương dân làng hơn, các cụ già đã chờ chúng tôi từ 7 giờ sáng. Tất cả 16 người cùng hướng về phía Galleria Mall, chúng tôi làm bác tài nên không dám chạy nhanh chạy ẩu như thường ngày bởi vì sau lưng các cụ là đám con cháu đã là ông bà bác sĩ , kỹ sư, triệu phú...nếu có chuyện gì xảy ra với các cụ là toi mạng với họ.

Khoảng 9 giờ sáng là chúng tôi đến nơi, từ xa xa đã thấy nhiều cờ vàng bay phất phới với hàng trăm đồng hương đã có mặt, các cụ bước xuống xe liền nhập vào đám đông, tay cầm cờ và biểu nhữ do ban tổ chức phát, mặt cụ nào cũng hớn hở như được con cháu về nhà thăm vào mỗi cuối tuần, nhìn các cụ làm chúng tôi nhớ đến cha già đã lặng lẻ ra đi và mẹ già vẫn trông chờ chúng tôi về... Bổng nhiên một anh của Paltalk gì đó đưa tôi trở lại hiện tại vì anh ta xin được phỏng vấn chúng tôi trực tiếp tại chổ, thế là nổi nhớ nhà dồn hết vào những lời căm phẩn mà chúng tôi la hét ào ào trong tiếng nói với anh điều khiển chương trình, trước mắt chúng tôi là một em bé 2 tháng đang bú sữa mẹ bên lề đường (bà mẹ trẻ mắc cở khi tình cờ con mắt dâm đảng của chúng tôi nhìn vào miệng của bé), bên phía phải của chúng tôi là anh thanh niên bị què hai chân vẫn cố gắng chống gậy đứng thẳng mặc cho bãi cỏ không thăng bằng cho lắm, bên trái chúng tôi là một đội quân cảnh sát Houston đang ép bà con ta vào lề đường, có lẻ họ ngại bị xe đụng (sau đó họ phải mang hàng rào nhôm ra cản đồng bào chúng ta), xa xa một tí là đội cảnh sát cỡi ngựa đang ở cổng chính, xe cảnh sát luôn chạy lòng vòng chung quanh khách sạn, chưa có khi nào mà sở cảnh sát tốn công và hao sức như kỳ này. Xong cuộc phỏng vấn của Paltalk thì tôi làm bổn phận của người giữ an ninh cho cuộc biểu tình cùng với các anh em trong công ty Howard Security.

Chúng tôi đã thấy Hòa Thượng THV và vài vị tu sĩ phật giáo đã có mặt tự hồi nào.

Khoảng 10 giờ thì có phái đoàn thương mại của bọn chúng đến khách sạn Westin Oaks, chúng không dám vào cổng chính mặc dù đàn ngựa của cảnh sát sẵng sàng đá dập mặt những ai nhào ra chận đầu xe, nay chúng tôi mới thấy lợi hại của đội cảnh sát cỡi ngựa. Khi bà con ta thấy chúng vào cổng sau thì tất cả liền la lên những câu đã đảo rầm trời, cờ đã bay trên tay lại càng bay phất phới hơn, ban nhạc bắt đầu ca hát hùng hồn hơn, loa phát thanh lại ồn hơn trước, các anh chị thay phiên la hét, đã đảo suốt hai tiếng đồng hồ.

Chị HV của đài Á Châu Tự Do bị bọn chúng đuổi ra, không cho người đẹp Á Châu Tự Do ở trong đó tự do làm công việc truyền thông nên chị phải ra ngòai và nói với chúng tôi rằng bọn chúng sẽ họp ở lầu 2. Lúc nầy đài VAB Houston và Dallas cần truyền thanh tại chổ nên chúng tôi đã phỏng vấn hầu hết các nhân vật có tên tuổi trong cộng đồng, đây cũng là lúc con dã thú đầu đàn được nhiều xe cảnh sát họ tống vào cổng chính trước mặt Hòa Thượng THV và nhiều người, có lẻ bà con ta sợ mấy con ngựa nên chẳng có ai dám nhào ra cản đầu xe của bọn dã thú. Trong thời gian chúng tôi phỏng vấn các vị có tên tuổi nói trên thì đám dã thú do con dã thú đầu đàn rời khách sạn trong vội vả, không biết ngày xưa con dã thú đó có vội vả khi bắt anh hùng TVB như vậy hay không?

Khi con dã thú đầu đàn cùng đàn dã thú rời khách sạn thì bà con ta dồn về phía sau vì chúng không ra cổng chính, đàn ngựa cảnh sát cũng chạy ào ào ra cổng sau cố ngăn cản đồng bào, tới giờ phút này chúng tôi mới biết là đàn ngựa có bổn phận bảo vệ đàn dã thú! Man oh man, có ngày đàn dã thú sẽ ăn thịt đàn ngựa cho mà xem!

Sau khi đó trời liền đổ cơn mưa, mưa Houston làm khổ nhiều người lắm quí vị à, chúng tôi ước hết, các cụ già run run đi dưới mưa mà mặt vẫn tươi rói như được con cháu về làng Thái Xuân thăm...

Chúng tôi nhìn đồng hồ dưới lớp nước mưa xuyên qua đôi kính cận... 1:45PM...

Chúng tôi khóc rất nhiều trên đường về làng Thái Xuân, nước mắt hòa với nươc mưa còn ẩn trong khóe mắt khi chúng tôi về nhà thay đồ để còn đi làm kiếm tiền nuôi bầy con thơ, không biết sau nầy chúng tôi có được giây phút vui tươi đi biểu tình chống cộng sản như các cụ ngày hôm nay không...

Xin cho quê hương hai chữ bình an
Mong cho quân cộng một sớm điêu tàn
Để cho tôi được về thăm viếng mẹ
Và nắng vàng luôn tỏa lúc hè sang.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

CÓ CÒN HƠN KHÔNG!

Huy Phương
Một bà mẹ thường than phiền nhiều lần về việc đau nhức cánh tay với đứa con trai. Một hôm người con trai này bảo với mẹ: “Mẹ hạnh phúc còn có cánh tay để mà đau, có người muốn đau mà không có cánh tay đó mẹ ạ!” Câu nói này thật ra có vẻ bất nhẫn làm phật lòng người mẹ, nhưng ngẫm ra nó chí lý biết chừng nào.

Tôi có một người bạn, anh thường than phiền vì cả hai đứa con gái của anh đều kết hôn với người ngoại quốc, một lấy chồng Mỹ và một lấy chồng Iran. Anh cho đó là điều bất hạnh cay đắng nhất của đời mình, mặc dầu gia đình anh có cơ hội rời đất nước từ tháng 4 năm 1975 và hai đứa con gái của anh đều đỗ đạt có bằng cấp. Một hôm, trong một buổi tiệc cưới con của một người bạn chung, anh và tôi ngồi chung bàn, thấy hai gia đình thông gia Việt Nam vui vẻ trên sân khấu, anh lại chạnh lòng nói đến chuyện con gái anh. Nhân dịp này, tôi nói với anh: “Anh có con sang Mỹ sớm, học hành đến nơi đến chốn, có chồng con vui vẻ hạnh phúc, mà anh còn than phiền, khổ não. Tôi cũng có con gái như anh, nhưng không được may mắn di tản sớm như anh, sau này vượt biển rồi mất tích, như vậy anh có phải là người bất hạnh không? Anh có còn con gái để mà nhìn thấy nó, khuya sớm gặp gỡ, để thương yêu chúng nó. Anh còn than phiền nỗi gì? Anh có muốn đổi lấy hoàn cảnh của tôi không?” Hôm ấy, người bạn tôi yên lặng không nói gì để tranh cãi với tôi, nhưng từ đấy hình như tôi thấy anh không còn bất mãn, than trách về những điều mà anh không còn như ý nữa.

Một người bạn khác của tôi, lúc về già trở thành khó tính, bất mãn với cuộc đời. Mấy năm gần đây vợ chồng anh ít nói chuyện với nhau, tuy vẫn ở chung nhà, ăn cơm chung bàn, ngủ chung giường, nhưng mỗi người như sống trong một thế giới riêng. Gần đây, khi người vợ qua đời, con cái ở xa, người bạn tôi bỗng thấy hụt hẫng với cuộc sống cô đơn, trống vắng trong một ngôi nhà hiu quạnh. Bạn có cảm tưởng như thế nào, sau khi một người bạn ở xa của chúng ta vừa ghé nhà ở lại vài hôm, mới ra đi hôm nay, căn nhà hẳn thấy trống vắng hơn những ngày thường trước kia. Bây giờ với một người vợ đã sống gần hết cuộc đời với anh không còn nữa. Vào lúc này với tuổi già, từ sáng thức giấc đến chiều, cho tới tối lên giường một mình, anh mới thấy tất cả sự mỏi mệt của một kiếp người lẻ loi. Không chịu nỗi sự cô đơn dằn vặt trong một nước Mỹ khá lạnh lùng, đôi khi anh có ý định muốn trở về Việt Nam để sống nốt cuộc đời tàn. Những gì mà trước kia anh thấy dư thừa, không vừa ý giờ đây có muốn tìm lại cũng không bao giờ có.

Chúng ta đang sống trong một cộng đồng người Việt, nơi cách xa nơi chôn nhau cắt rốn của chúng ta nửa vòng trái đất. Ở đây cũng là quê nhà, có người cả năm có khi chẳng hề nói đến một câu nói tiếng bản xứ, mà vẫn sinh hoạt bình thường, làm việc, đi lại. Có những lúc bạn bực mình vì ba cái chuyện “chướng tai gai mắt”, có khi nó là chốn “gió tanh mưa máu”, nhưng thử tưởng tượng một buổi sáng thức dậy, thấy mình đang sống trên đất nước Phi Châu, không một bóng dáng người Việt, không nghe một tiếng nói quê hương, thì nỗi cô đơn, buồn thảm lớn biết bao nhiêu. Bây giờ mỗi buổi sáng, bạn còn nghe được một giọng nữ xướng ngôn viên quen thuộc qua đài phát thanh, kiếm được tờ báo tiếng Việt, còn ghé quán ăn được tô phở nóng... thì hạnh phúc ấy có phải trả giá bằng ba cái chuyện bực mình “đời thường” thì cũng không có gì là đắt. Mà những chuyện bực mình ấy, bạn có quyền không xen vào, có quyền lơ đi, có quyền không “lý” tới thì có sao đâu.

Triết lý bi quan thường nói “hữu thân hữu khổ”, có cái gì khổ cái đó. Có thân khổ theo thân bệnh tật, có vợ khổ theo vợ dại, có con khổ theo con hư, có nhà khổ theo nhà dột (hay tiền trả nhà băng hằng tháng), có xe khổ theo xe hư nằm đường, có việc làm khổ theo việc làm mình căng thẳng... Ôi cuộc đời đáng chán làm sao với ba cái sự khổ ấy, nhưng thật lòng bạn có muốn không có cái gì cả để trở thành một người homeless không. Mà làm kẻ không nhà vẫn còn những cái khổ khác, lần này không khổ vì ba cái “có”, mà khổ nhiều với cái “không”. Khổ vì không có mái che, chăn ấm vì trời lạnh, khổ vì không có cái bỏ vào miệng chiều nay khiến cái bụng quặn thắt, khổ vì không có một cốc bia cho quên đời cô độc.

Chúng ta có thể không vừa ý với những gì chúng ta có trong tay hôm nay, mà số phận đã đưa đẩy tới, một căn nhà chật hẹp, một người vợ khó tính, những đứa con hư hỏng, cả với một chiếc xe hơi cọc cạch mà chúng ta đã mua lầm. Với những người không có một mái ấm gia đình, một chút tài sản ít ỏi trong tay, họ ước ao có những gì mà chúng ta đang sở hữu với sự bất như ý, phiền muộn trong lòng. Đa số con người thường không bằng lòng với những cái có sẵn của mình, nên hay than phiền, bất mãn, mơ ước đến điều này điều nọ. Trong chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, có chuyện kể người tiều phu già “than rằng: sung sướng nỗi gì, khắp trong thế giới ai thì khổ hơn”? Sau một ngày vất vả, dừng chân bên vệ đường với bó củi nặng, nghĩ đến tấm thân đau ốm, bữa đói bữa no, vợ con vất vả, nợ nần quanh năm mà than Trời trách Đất, kêu gọi Tử Thần mang lưỡi hái đến đem mình đi cho rồi. Nhưng khi Thần Chết đột ngột hiện ra hỏi lý do gọi tên mình, thì người tiều phu quá sợ hãi bèn nói khác đi, chỉ xin nhờ Thần Chết đỡ hộ bó củi lên vai. Cho nên dù có một cuộc sống khổ sở, nhọc nhằn cũng còn hơn là chối bỏ cuộc sống. Và dù than trách cuộc đời bất như ý, cũng không ai muốn xa lánh cuộc trần tục này.

“Mẹ còn hạnh phúc có một cánh tay mà đau...”, tôi nghĩ câu nói thẳng thắn này có thể không làm phật lòng người mẹ cũng như rất nhiều người thường than phiền về những cái mình có. Quả thật nhiều người tàn tật, không có tay, không có cả chân mà cũng không có cả đôi mắt nữa, họ có muốn nhìn thấy cuộc đời xấu xa, ô trọc này, dù chỉ trong giây lát thôi, cũng không bao giờ thực hiện được.


Huy Phương
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Ngưu ẩm, Độc ẩm Và Thi ẩm, Kiểu Uống Nào Phù Hợp Với Rượu Cognac?

Hồng Quang
LGT: Tối chủ nhật rồi, chúng tôi được mời đi San Francisco uống rượu Courvoisier và trong cảm giác tuyệt vời của đêm đó, chúng tôi xin chia xẻ vài cảm nhận về rượu Courvoisier…

- Thế giới đàn ông có một yếu tố không thể bỏ qua là rượu. Ngày xưa có một thi nhân VN đã viết rất hay là ‘Đất say đất cũng lăn quay, Trời say Trời cũng đỏ gay ai cười?”

Nhậu như thế gọi nôm na là “nhận tràn cung mây, xả láng sáng về sớm, quắc cần câu, tới luôn bác tài”… và dĩ nhiên khi đã “thấy sơ sơ có 2 ông trời” thì ly rượu tới tay mình là mình ngữa cổ nốc ừng ực, chuyện gì cũng tính sau!

Nhưng có một loại rượu không thể và không bao giờ nên uống kiểu ‘anh hùng Lương Sơn bạc’, vì như thế là làm nhục tới… quốc thể của những kẻ đã sáng lập ra nó, đó là rượu Cognac.

Cognac là tên một vùng ở trung bộ nước Pháp. tại đây có 6 khu vực sản xuất các loại nho “độc nhất vô nhị” trên thế giới (gọi là grand crus).

Bài này nói riêng về loại cognac rất được người Việt sành sỏi là Courvoisier (với cái logo ông “na bồ lê ông” thò tay gãi bụng) và 4 khu vực trồng nho nổi tiếng đã được Courvoisier xử dụng là Grande Champagne, Petite Champagne, Borderies và Fins Bois.

Cognac sỡ dĩ mang luôn cái tên này cho một giòng rượu vua là vì khác với rượu nho thông thường, người ta dùng eaux-de-vie (Nước Sinh Tồn) có độ cồn cao trộn với nước nho ủ trong các thùng rượu gổ sồi qua những công thức bí truyền. Kết quả là một loại rượu “thơm cực kỳ, ngon kỳ cực và đặc biệt cả hai” chỉ được dùng trong những dịp cực kỳ đặc biệt. Hoàn toàn không có chuyện ngưu ẩm ở đây.
Có 6 điểm cần lưu ý để uống rượu Cognac:

1/ The Perfect Glass: Rót Cognac vô… ly đá nhận tương đương với cho trâu uống nước bùn bằng đĩa pha lê. Cái ly cognac là duy nhất vì nó phải được chế tạo để người uống còn say với màu hổ phách đạc biệt và với hương thơm không lẫn vào đâu của nó

2/The Perfect Pour: Đừng tưởng rót cognac là dễ. Bạn phải nghiêng cổ chai và nghiêng cái ly một chút, sau đó mới dựng đúng cál ly lên. Rót đầy là hỏng, chỉ khoảng 1/5 dung tích ly thôi là đủ.

3/The Perfect Color: Ủ trong thùng rượu lâu năm, màu của Cognac chính là màu của loại gỗ chứa nó. Rượu càng được ủ lâu nó càng có một màu rất đậm và độc đáo. Muốn biết nên soi ly rượu qua ánh đèn màu vàng, xoay tròn cái lý và quan sát những ‘cái chân’ (legs) hay ‘giọt lệ’(tears) khi rượu chảy trở xuống.

4/The Perfect Temperature: Uống Courvoisier Cognac là uống trong nhiệt độ bình thường. Cái hương của nó sẽ bị nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng phá hỏng. Rót ra đừng… ực ngay, xoay ly rượu, ngắêm và âu yến bằng mắt trước khi uống!

5/ The Perfect Aroma: Tuyêt đối phải đưa ly rượu lên mũi ngửi để thưởng thức hương thơm trước khi uống. Mỗi loại Cognac có mùi riêng, nhung tựu trung Cognac nào cũng làm dậy lên hương của trái nho, một chút mùi gỗ và vanilla. Tất cả tạo thành một hương thơm tuyệt vời và riêng biệt.

6/ The Perfect Taste: Nốc ừng ực là phạm thượng. Phải uống từ tốn (tiếng anh là sip). Dùng lưỡi đưa hớp cognac ngao du khắp vòm họng chân răng, trải dàì trên lưỡi, giống như… nụ hôn khắp cơ thể người yêu có thân hình quá đẹp… Để hưởng cái tràn đầy và hài hòa của hương vị cognac. Một cốc rượu cognac không nên uống quá nhanh hay quá chậm, tất cả tùy thuộc cái ‘cảm quan’ uống rượu của người dùng.

Courvoisier là loại cognac lừng lẫy và duy nhất đoạt được phần thưởng cao qúy nhất là “Prestige de la France”, vốn là phần thưởng mà bất cứ nhà sản xuất rượu nho nào của Pháp đều mong mỏi có.

Courvoisier Cognac hiện nay có nhiều loại nổi tiếng như VS Cognac (Giải Thưởng Gold Medal 2007), VSOP Cognac (Silver Medal 2007), Exclusif Cognac (GoldMedal 2007), Fine Champagne Cognac ( Double Gold Medal 2007), XO Imperial Cognac (Double Gold Medal 2008) Initial Extra Cognac (Gold Medal 2008) và L’Esprit De Courvoisier Cognac (Double Gold MeDal 2005).

Uống rượu Cognac nên uống một mình hay với đám bạn nhậu lâu la hải tặc? Tốt nhất là với một hai người bạn thân và nghe họ nói về truyền thống rượu tây.

Nguyên tắc của “bữa nhậu Cognac”: không ăn nhiều, không uống nhiều và không nóí nhiều. Cognac rất kén người uống, rượu Vua thì người Bình Dân phảỉ có chút tư cách Vua mới uống cho đúng tần số!
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »


Image

CON NGƯỜI: SINH VẬT CÔ ĐƠN NHẤT ĐỊA CẦU.
Chu Tất Tiến
Một thế kỷ mới bắt đầu. Thế kỷ của siêu xa lộ thông tin, của Internet tràn ngập những dữ kiện từ thời thượng cổ cho đến tương lai cả trăm năm sau, từ cục đá khô trên Hỏa Tinh đến những vũ khí tối tân, hỏa tiễn,máy bay.. với đầy đủ chi tiết vận hành. Trang phục của con người trên Internet có thể rất cổ, kết bằng lá, hay rất hiện đại gồm toàn kim khí, hoặc chỉ là da người bóng lộn, khiêu gợi. Hình ảnh bất động hay chuyển động ba chiều như đời thường. Từ thế giới tin học này, nhận thức của con người thế kỷ 21 đã phát triển nhanh hơn vận tốc âm thanh. Nhất là khi ngồi trước máy truyền hình, theo dõi tin tức sinh hoạt trên thế giới và lắng nghe những cuộc hội thoại (talk show) hay những vụ kiện cáo của tòa dân sự, tòa ly dị, tòa đạo đức của người Mỹ, người ta mới thấy những hệ luận xã hội đang chuyển mình với tốc độ chóng mặt về hai cực dương và âm cách xa nhau hàng triệu năm ý thức.

Một phần hệ luận xã hội hướng về những ý niệm tuyệt đối của Quyền Con Người (Human Rights), của Tự Do, của Dân Chủ, của những hạnh phúc mà Con Người toàn quyền định đoạt, không một áp lực nào có thể cản trở, bưng bít được. Những hệ luận này đã được các xa lộ thông tin chuyên chở đi khắp nơi khiến chocác chế độ bạo tàn dần dần phải nhường chỗ cho Tự Do, Dân Chủ. Những con người bị áp bức bởi cổ hủ, mê tín, hay bởi quyền lực sắt máu được giải phóng.

Nhưng, ngược lại, cũng qua thời đại thông tin siêu xa lộ, mà xã hội trở lại thời đồ đá, thời con người chung đụng với nhau thuần vật chất, thuần quyền lợi cá nhân. Mắt trả mắt, răng trả răng, không còn ý nghĩa cao đẹp của loài người là tạo hạnh phúc cho người khác, không còn giá trị của sự hy sinh, không còn những “Tâm Hồn Cao Thượng” nữa. Hạnh phúc của con người sa đọa hiện nay không khác chi khoái lạc của con người thượng cổ, khi tiếng nói chưa diễn tả được ý nghỉ, khi sự cao đẹp của đời sống chỉ là nhặt được một củ khoai, là đâm được một con thú. Có người yêu, sau khi chia tay với bồ cũ, lại đòi người tình xưa trả 1,000 đồng về công làm tình trong một năm. Có đứa con thưa bố mẹ ra tòa vì vài trăm bạc hứa cho nhưng không thi hành. Bà mẹ dẫn con gái ra chốn công đường vì con đã lấy chiếc xe tàng của mẹ cho tình nhân. Nhiều cặp vợ chồng mới lấy nhau trên dưới 6 tháng đã kiện đòi ly dị vì “anh ấy chỉ muốn làm tình mà không làm việc”, hoặc vì “cô ấy đã ngủ với bạn chồng lúc dư âm tiệc cưới vẫn chưa tàn”.Một bà mẹ đầy nước mắt thưa ông bố muốn lộn xộn với con gái. Chồng đòi ly dị vợ vì vợ dám lấy cái máy hút bụi mang về nhà cho mẹ dùng. Đứa cháu nội kiện ông bà bởi ông bà áp chế quá, không cho chơi bời tự do.. Và hàng chục, hàng trăm vụ bố mẹ phải mang những đứa con còn chưa tới tuổi “teen” (nghĩa là còn dưới 13) ra trước hàng trăm ngàn cặp mắt để tố cáo con ăn cắp vặt, hút xì ke, đánh lại thân sinh, bỏ học, hay ngủ lang với bạn trai. Nhiều em gái, tưởng vẫn còn trong tuổi mộng mơ, đã nhơn nhơn lên đài khoe thành tích ngủ với hàng chục bạn trai khác trong trường hay trong cùng xóm.Và những chương trình hội thoại khác lại chuyên đưa những kẻ bụi đời, dâm đãng, đĩ điếm, ngoại tình, đồng tính luyến ái lên sân khấu để sỉ nhục nhau, đánh lộn, xé quần xé áo nhau cho khán giả cười chơi.. Chưa kể những kẻ điên rồ, kể cả trẻ vị thành niên, lấy súng ra bắn chết hàng loạt mà không còn biết xúc động trước máu của kẻ khác chẩy ra vì mình.

Người ta không còn biết đến Sự Tự Trọng, Sự Xấu Hổ nữa. Người ta không còn thương yêu nhau nữa. Thật ra, họ vẫn nói đến Yêu Thương thường nhật với những ngôn từ thật mãnh liệt, nhưng chẳng hiểu mình nói đến vấn đề gì. Xã hội Văn Minh, qua lăng kính khủng khiếp như thế, chỉ còn là một mớ những người rừng không nhân cách, chỉ là một sự chung đụng hỗn độn của những con người có đầy đủ tiện nghi, phương tiện khoa học sống như những cái máy biết đi, biết ăn uống, hưởng thụ, và tính toán để thu lợi cá nhân tối đa. Ngay cả một số người tị nạn cũng không còn là “người di tản buồn” nữa vì hôm nay làm đám cưới với ông này, mấy tháng sau kết hôn với ông khác. Năm sau lại chuyển địa chỉ tân hôn. Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng thay đổi hôn thú với các bà như thay áo. Một thế hệ mới bắt đầu không còn ai có nghĩa vụ với ai, kể cả nhiệm vụ của Cha Mẹ với Con Cái. Sự đau đớn của những đứa con đang tuổi lớn khi biết cha mẹ chúng bỏ đi với người khác đã không còn giá trị trước cái hạnh phúc tràn trề của một người có vợ mới, chồng mới, xác thịt mới. Như vậy, chắc chắn, thếâ hệ kế tiếp gồm đa số những thanh thiếu niên bị bỏ rơi, không có Cha, Mẹsẽ còn ích kỷ, thủ thân, cá nhân chủ nghĩa hơn nhiều. Dần dần, tính ích kỷ sẽ tăng trưởng thành một đức tính mà một đứa trẻ mới lọt lòng mẹ cần được dậy bảo.

Hội nghị Thế Giới về Môi Sinh chấm dứt buồn bã với những khuyến cáo (không có sức mạnh) các chính phủ phải tìm biện pháp giảm bớt khí thải công nghiệp để cho khí hậu trái đất khỏi nóng thêm. Nếu nhiệt độ tăng thêm mười độ, một số băng hà sẽ tan rã, nước biển sẽ dâng cao, làm chìm ngập những quốc gia ven biển trong vòng trăm năm tới, nhưng đa số các chính phủ lờ đi, nhất là chính phủ Mỹ hiện tại không đưa ra lời hứa hẹn nào. Có lẽ vì khuynh hướng của chính phủ hiện nay, theo báo chí, vẫn thường không chú ý đến vấn đề môi trường mà chỉ lo bảo vệ lợi tức của các đại công ty. Mặc kệ cho đất nước nào chìm xuống biển, mặc hàng triệu người sẽ bỏ xác dưới đại dương, mặc một số nền văn minh nhân loại biến mất, kệ thế giới lúc đó nghèo thêm, khổ thêm, “đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào” các chính phủ tư bản vẫn thản nhiên trên nỗi khổ đau của nhân loại nghèo đói, khốn khổ. Như vậy, dưới bề mặt của một khu vực phồn thịnh kinh tế, xã hội không còn là một kết hợp của các ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH, HỌ HÀNG, BẠN BÈ nữa mà là một tập hợp lỏng lẻo của những CÁ NHÂN luôn tìm cách xô đẩy những CÁ NHÂN khác ra xa để dành chỗ đứng cho CHÍNH MÌNH.Đến thời điểm màmỗi con người chỉ còn biết nghĩ đến mình thì lúc ấy, CON NGƯỜI SẼ LÀ NHỮNG SINH VẬT CÔ ĐƠN NHẤT TRÊN HÀNH TINH TRÁI ĐẤT. Những sinh vật khác, có thể sống riêng rẽ, nhưng không có tri thức để hiểu rằng chúng cô đơn, nhưng con người, lại dư tri thức để nhận biết nỗi đau của sự Cô Đơn. Còn trẻ, khỏe mạnh thì ăn ở một mình, lấy vợ lấy chồng chỉ là sự trao đổi tÌnh dục (sex) và tài sản. Do đó, vợ hay chồng, cha mẹ hay con cái, cũng phải tính toán chia riêng quyền lợi chomình. Bệnh hoạn thì tự chữa lấy, khó khăn phải tự giải quyết lấy, về già tự nuôi lấy để rồi vào nhà dưỡng lão để đợi chết một mình. Không có tình yêu, không còn nghĩa vụ, chẳng có ràng buộc. Ký hôn thú để chia thuế, nhưng mạnh ai người nấy tìm đối tượng “sex” cho mình. Con đẻ ra cho xã hội nuôi, hoặc nuôi đến 18 tuổi là lập tức mời ra đường. Xã hội toàn người lang thang, cô đơn, nghi kỵ, ích kỷ, khô khan. Văn chương, văn hóa hòa tan trong các khẩu hiệu “Yêu tạm”, “Đừng tìm kiếm nhau”, “Ta chỉ yêu nhau một tối”, “Yêu vội, sống cuồng”..

Thế Kỷ 21 mới mở đầu mà hình như đã báo hiệu chung cuộc. Nhân loại đang hoang mang trước viễn ảnh CÔ ĐƠN. Có lẽ chỉ còn những người có lòng tin vào Thượng Đế, vào CHÚA là còn chút hy vọng, lạc quan. Vì, theo Thánh Kinh, khisự xấu xa của nhân loại đã vượt qua sự giới hạn của lòng nhân từ của Thiên Chúa, khi sự cảnh báo của Thiên Chúa đã không còn ai nghe,thì Người phải ra tay tiêu diệt để dựng lại Trời Mới, Đất mới. Như Trận Đại Hồng Thủy thời ông Noe, như thành Sodom, như hàng trăm, ngàn thành phố cổ cùng với hàng trăm, ngàn nền văn minh xưa cũ mà cho tới giờ này, với tất cả phương tiện tối tân, hiện đại của computer vẫn chưa nghĩ ra phương pháp xây dựng tương đương. Nhưng, cùng với sự trừng phạt, tình yêu của Thiên Chúa lại bao la, vô tận. Những con người thật cô đơn trên mặt đất, không có người thân để chia sẻ,sẽ không còn cô đơn khi biết rằng Chúa lúc nào cũng bên cạnh mình, dù trong ngục tối, dù giữa sa mạc, dù nơi băng tuyết, dù câm, dù điếc, mù, què, bệnh tật, bất hạnh thế nào chăng nữa. Chúa vẫn ở với từng người, từng cá nhân, già trẻ lớn bé, nam hay nữ. Không chỉ với những người ngoan đạo, Chúa ở cả với những kẻ tội lỗi. Mỗi khi con người phạm tội mà biết chạy đến Chúa, Người chỉ nói nhẹ nhàng: “Con hãy về đi, và đừng phạm tội nữa!”

Trong Thế Kỷ với hiểm họa Cô Đơn này, chớ gì con người biết chuẩn bị cho mình một con đường dẫn tới Hạnh Phúc Aám Aùp bằng sự chia xẻ tình yêu cho nhau và nếu lỡ rơi vào tình trạng Cô Đơn, biết đi tìm Chúa, NGUỒN TÌNH YÊU CHÂN CHÍNH, TRƯỜNG CỬU, VĨ ĐẠI để thấy không bao giờ còn Cô Đơn nữa.

Chu Tất Tiến.
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »

Image

Ngôn Ngữ và... Mặc Cảm

Đoan Hùng

Câu chuyện đổi tên bệnh viện Từ Dũ thành “xưởng đẻ” chắc hẳn chỉ là một giai thoại tiếu lâm của dân Sài Gòn, nhưng nó cũng nói lên cái cảm nhận về một sự "nhà quê hóa" tiếng Việt. Khái niệm “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trở thành một sự khôi hài!

Bản thân tôi cũng không thể chịu được những cái tên “thần tượng” của mình bị biến dạng một cách... quê mùa như “chị Giên Phôn Đa” hay “anh Mai Cơn Giắc Sơn”. Những tên thành phố New York, Ba Lê... biến thành Niu Oóc Cơ, Pa Ri. Những từ ngữ "nhà quê" như "tên lửa", "máy bay lên thẳng", "lính thủy đánh bộ" v.v... Thế nhưng lắm lúc tôi muốn đặt ngược lại vấn đề là: Phải chăng ta không “ngửi nổi” những từ Việt hóa như thế chỉ vì chính ta chưa dứt được “mặc cảm”?

Các cụ đồ khi xưa đã bảo “nôm na là cha mách qué”. Ta phê phán cụ đồ nhưng có thực là ta không nghĩ y trang như thế?

Ý nghĩ này đến với tôi nhân một dịp đi thăm Paris. Khi đi chợ Tàu, vợ tôi bỗng chỉ vào bảng tên đường (Quai de Choisy) mà hỏi:

"Anh! Có phải khu này gọi là quai đe soa si không?"

Tôi ngớ người dăm phút rồi cười phá lên:

"Không phải đâu thưa bà! Phải đọc là Ke đờ Xoa di! Ke! Ke chứ không phải là quai đâu cô ạ! Nhà quê ơi là nhà quê!"

Bà xã tôi có vẻ cáu:

"Vâng! Tôi nhà quê! Lúc nào sang Mát Cơ Va mà có không biết thì đừng hỏi em nhé!"

Tôi đành cười hì hì, xí xóa, bởi quả thật nếu sang đó thì tôi sẽ... ngọng. Làm thế nào có thể biết là Mocba không là Mốc Ba mà là Mát Xơ Cơ Va?

Bà xã nhà tôi vốn không chưa từng tiếp xúc với ông bà Vincent, cậu Pierre và cô bé Marie trong “cua đờ lăng đờ la xi vi li da xi ông phờ răng xe” mà chỉ biết ông “mô lô tốp đi dép lốp nghe lốp cốp”. Nhà quê là phải rồi. Ai bảo sống với… VC!

Một thời gian sau, khi đang lái xe trên đưòng phố Ca Li, tôi nghe cô xướng ngôn viên đài Little Saigon đọc bài tiểu sử của học giả Nguyễn Ðăng Thục, ông vừa mới qua đời:

"Trong những năm 1… ông theo học trường...”

Và cô uốn giọng:

"Ao Bợt Xa Row"

Tôi bảo thầm:

"Cô ơi! Ðọc là An Be Xa Rô mới đúng chứ!”

Thế nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi chợt nhận ra sự khác biệt của phản ứng của mình trong hai trường hợp hoàn toàn giống nhau. Tôi thấy cô xướng ngôn viên đọc sai, nhưng tôi không hề thấy đó là… “nhà quê”. Tóm lại , trong tâm lý của tôi có sự phân biệt. Ðánh vần tiếng Tây theo kiểu Việt thì là nhà quê, thất học. Còn đánh vần sai theo kiểu Mỹ thì… không có sao. Thậm chí còn "sang"!

Phải chăng đó chính là biểu hiện của “mặc cảm nhược tiểu” nằm sâu trong mỗi người chúng ta? Trước khi đi du học, bố tôi dẫn tôi vào nhà hàng Continental để cho tôi một bài học về cầm dao, nĩa thế nào kẻo… “Tây nó cười cho”. Ấy! Tâm lý chúng ta là thế! Lọng cọng với dao và nĩa thì Tây nó cười. Còn “ông Tây” mà thử lèo khoèo với đôi đũa thì là… một vinh hạnh cho ta!

"Cha trời! Ông Tây mà cầm đũa giỏi quá đi thôi!"

Chúng ta ngạc nhiên và thán phục và... “tự hào” đến rơi lệ khi thấy ông Tây ăn được le mam nem. Còn ta mà ăn được fromage thì chẳng có gì lạ cả. Phải chăng chính cái tâm lý khinh - trọng, sang - hèn làm ta cảm thấy sự Việt hóa là quê kệch, thô sơ và làm nghèo ngôn ngữ?

Thử lấy ví dụ về vấn đề là nên viết danh từ riêng theo nguyên dạng hay phiên âm.

Ngay ở Việt Nam khuynh hướng “để nguyên dạng” cũng đang thắng thế. Nhiều tác giả đã bàn về vấn đề này và nêu nhiều lý do cho lập trường “nguyên dạng”. Nhưng tôi chưa thấy tác giả nào nêu một lý do mà tôi cho rằng là lý do duy nhất hợp lý. Ðó là đơn giản vì để thế nó tiện lợi hơn mà thôi.

Với khối lượng thông tin càng ngày càng lớn như ngày nay, chẳng nên mất thì giờ mà “chuẩn hóa” cách phiên âm từng thành phố, từng anh John, chị Marie! Không Việt hóa là vì không cần thiết, thế thôi!

Nhiều người nêu lý do như:

Ðể nguyên dạng thì “quốc tế” hơn và người đọc quen thuộc với tên đó khỏi bỡ ngỡ hay hiểu sai khi đọc sách ngoại quốc.
Ðể nguyên dạng thì ta dễ “hội nhập” hơn. Dễ “tiếp thu” văn hóa hơn...
Các lý do đó hoàn toàn không vững. Bởi chẳng có cái tên riêng nào là “quốc tế” cả! Ðể nguyên hay phiên âm thì ra ngoại quốc vẫn cứ bỡ ngỡ như thường. Ðể nguyên dạng thì với các tên với mẫu tự tréo ngoe như Санкт-Петербурга (St. Petersburg) phải làm sao?

Khắp nơi người ta đều “mặc kệ” những cái tên xa lạ, nhưng một khi đã trở nên quen thuộc, gần gũi thì người ta đều bản địa hóa tên riêng nước ngoài. Nói cách khác: Biến tên “xa lạ” thành một cách đọc “thuận miệng” với người xứ đó. Một cách khác, có thể nói đó là “nhà quê hóa” tên riêng nước ngoài. Nghĩa là làm sao cho một bà cụ nhà quê cũng có thể đọc được.

Trước khi sang Ðức du học tôi rất mừng khi biết nơi mình sẽ đến học tiếng Ðức là thành phố Passau nằm trên dòng sông Danuble thơ mộng. Sang đến nơi hỏi đường đi "Pát Xô" (đọc theo kiểu Pháp) thì không ai biết. Suýt chết đói. Té ra phải đọc là "Pát Sau"!

Ðến nơi ở dăm ngày vẫn chưa thấy sông nào là sông Danuble. Dòng sông xanh xanh! Phòng trọ tôi nhìn ra một con sông nước xám xịt, mấy chiếc thuyến chở hàng chạy xình xịch. Lấy làm lạ, tôi hỏi bà chủ nhà đường nào tới sông "Ða Nuýp" để đi chơi.

Bà ngớ ra:

"Wie bitte? Was ist denn Ða Nuýp?"

Tôi vận dụng hết tất cả vốn liếng từ ngôn ngữ đến hội họa, âm nhạc... để diễn tả có một dòng sông xanh xanh mà ông nhạc sĩ Xì Trốt từng ca ngợi.

Và cuối cùng bà hiểu ra:

"Ach so! Die Donau (đọc là Ðô Nau)."

Và bà chỉ ra ngoài cửa sổ:

"Da! Da! Da ist die Donau."

Và lúc đó tôi mới biết là tôi ở ngay ven sông Danuble cả tuần mà không biết. Và cái ông Xi Trau (không phải Xì Trốt!) chỉ nói phét. Xanh... Xanh cái quái gì đâu! Mà cái tên thì... "nhà quê" hết mức. Ðô Nau với lại Ðô Niếc. Nghe cứ như xói vào tai! Quả tình là tôi thấy hết cả đẹp, hết mơ mộng nổi. Trong tận cùng tâm lý tôi vẫn thấy cái tên Danuble nó hay hơn, thanh nhã hơn, mặc dầu chẳng có nơi nào nó chảy qua mà người ta gọi nó là Danuble cả.

Tóm lại, người nước khác cứ tự tiện áp đặt một cái tên miễn sao cho thuận miệng. Thành phố Munich chính ra là Muyn Khần đọc theo lối Ðức “Bắc kỳ” còn theo kiểu “Nam kỳ”, là chính nơi thành phố đó, thì phải là... Min Kà!

Ðịa danh thì thế, thế còn tên người? Có người bảo để nguyên nó... lịch sự hơn. Chẳng lẽ gọi ông Clinton là Tổng thống Cờ Lin Tơn? A! Nghe thì có lý đấy. Gọi là Giôn Sơn, Ních Sơn, Các Tơ thì là lúc… đánh nhau kia. Clinton là bạn, chẳng lẽ gọi thế nó bỉ báng quá!

Trong văn học cũng thế, đọc dịch phẩm văn học Nga tôi vẫn thích lối để nguyên dạng tiếng Nga theo kiểu... Tây như của Nguyễn Hiến Lê như Pierre, André…. trong Chiến tranh và Hòa bình hơn là Pê Trốp, An Đrây. Thôi thì cứ tạm chấp nhận là chẳng cần Việt hóa mấy “ông Tây” André, Pê Trốp, vì dẫu sao họ cũng là người xa lạ. Mà không chừng muốn “hội nhập” thì cứ “để nguyên”, người đọc sau đó đọc nguyên bản sẽ dễ hiểu hơn chăng? Cần gì phải đổi Le Comte De Mont Cristo thành Bá tước Kích Tôn Sơn. Nghe nó... tàu tàu thế nào ấy!

Nếu chấp nhận lập luận ấy thì chẳng lẽ ta sẽ để nguyên tên người Tàu theo “nguyên dạng” bằng cách phát âm chính thức? Nghe thì cũng có lý! Cứ như trường hợp Clinton thì lẽ ra ta cũng phải viết là Jiang Zemin thay vì Giang Trạch Dân. Người đọc khi đọc báo nước ngoài tất khỏi phân vân, khỏi hiểu lầm ông nào là ông nào. Nhưng ta nghĩ sao nếu như nhà hát tuồng đăng quảng cáo là tối nay sẽ diễn tuồng LuBu hý DaoXuan thay vì Lữ Bố hý Ðiêu Thuyền?

Hay ác liệt hơn là ngâm Kiều theo “nguyên dạng”:

Có nhà viên ngoại họ Wang
Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung
Một con trai thứ rốt lòng
WangGuan là chữ nối dòng thư gia
Ðầu lòng hai ả tố nga
SuiCiao là chị em là SuiYun

Nếu không tài nào đọc xuôi thì đó chính là một minh chứng rằng ông cha ta đã Việt hóa chữ Hán một cách… bừa bãi. Tức là cứ đọc sao cho nó vừa miệng. Bất cần ông Tàu ở Bắc Kinh đọc ra sao. SuiCiao nghe cứ như chọc vào tai. Đọc đại thành Thúy Kiều nghe chẳng êm tai hơn sao? Khác nào biến Clinton thành ông Cơ Lin Tơn?

Ông Tàu có thể chê là “dốt” nhưng ta.. mặc kệ! Thơ chữ Hán của Việt Nam không thèm theo âm vận chính thức của Trung Hoa. Các sách về vần để làm thơ của Tàu đối với ta là vô giá trị. Bởi các cụ đồ đọc… ngọng! Đọc trật lất! Chẳng thế mà, nếu như tôi nhớ không lầm thì Lương Khải Siêu có chê văn cụ Phan Bội Châu là… thô lậu!

Thế chẳng phải là muốn làm giàu cho ngôn ngữ, ta phải dứt khoát tước đi cái mặc cảm tự ti, cứ nhập cảng tiếng ngoại quốc vào rồi Việt hóa sao cho vừa miệng sao? Tôi không hiểu nhiều về ngôn ngữ nên chỉ dám nghĩ liều rằng “nguyên tắc Việt hóa” là… cứ đọc đại theo kiểu “nhà quê”. Phải căn cứ trên cách đọc của người... dốt, người không biết ngoại ngữ. Như thế là thuận miệng hơn cả. Phải tước bớt những âm không có trong tiếng Việt. Ðôi lúc không chừng phải thêm dấu vào cho nó có âm điệu. Tiếng Việt không dấu không là tiếng Việt.

Trên thực tế thì người ta đã làm như thế một cách tự nhiên, như : cái “mỏ lết”, “long đền”, “bọc ba ga”, “cà nông” v.v… Chữ nào thuận miệng đều nghe rất “quê”. Có thể đoán rằng tác giả của sự Việt hóa một cách nhuần nhuyễn ấy không đến từ giới trí thức mà từ người… ít học!

Phải chăng chính vì người có học hiểu ngoại ngữ trơn tru, đọc tiếng Tây như Tây, Anh như Mỹ, nên tự mình không thấy có nhu cầu phải Việt hóa một cái gì hết?
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Hai xu rưỡi
Phan
Lỡ đọc bài viết “Triết lý ba xu” của nhà văn Huy Phương đã một tuần qua mà không sao quên được. Khi đọc bài báo ấy xong, trong đầu tôi đã tóm tắt toàn văn bài báo với một câu tục ngữ “Không có mợ thì vẫn đông”. Một con én không làm nên mùa xuân - nhưng mùa xuân vẫn về… Cái đạo lý làm người mà thầy tôi dạy rất đơn giản: “Hãy cố gắng thành nhân trước khi thành danh, con ạ!” Tới lớn (không có gì bảo đảm là khôn) tôi hiểu thêm qua năm tháng miệt mài trong trường lớp: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng; người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.” Nhân thể cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vừa qua đời. Tôi bỏ qua lằn ranh Quốc-Cộng để làm vai trò chứng nhân lịch sử của đời tôi là vô tư trước lịch sử. Tôi nhớ ông Kiệt có câu nói trong kỳ Đại hội Đảng… lâu rồi (hồi ông làm Thủ tướng) câu nói còn hoài trong tâm tưởng tôi như sau: “Nhiệt tình cộng với sự ngu dốt tạo thành một sức phá hoại khủng khiếp.” Ý ông Kiệt phê bình chủ trương hồng hơn chuyên của Đảng, phê bình hàng lãnh đạo từ trung ương tới địa phương thiếu kiến thức lãnh đạo, tạo ra hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Từ đó, ông mạnh dạn bước vào thời mở cửa của Việt Nam sau 10 năm bế quan toả cảng để bần cùng hoá nhân nhân - đặc biệt là nhân dân miền Nam.

Tôi luôn tự nhắc nhở mình đừng đem cái nhiệt tình thiếu kiến thức đi phá hoại bà con cộng đồng đã dở sống dở chết lết qua đây! Nên tôi sống đời ẩn thân nơi quê mùa cùng tận. Không dám cùng trăm hoa đua nở trên văn đàn, tôi thật thà khai báo là bị mấy anh bạn hiếm hoi nơi này cưỡng bức ra mặt trên báo chí địa phương. Và tôi chẳng bao giờ mang ước vọng xa hơn để thành tên… đáng chết! Tôi loanh quanh trong món nợ đời là cơm gạo áo tiền. Khi có giăm phút vui cùng trần thế, là nói cho sang; nói bình dân là xỉn xỉn. Tôi cũng thơ phú cho đừng quên con chữ Việt ngữ-dù gì cũng cơm cha áo mẹ công thầy. Thế thôi. Tôi đọc Huy Phương đã nhiều. Cái rốt ráo của một người đi qua vũng lầy của chúng ta là cuộc nội chiến tương tàn. Những khoảnh khắc hoàng hôn của đời người không thương tích ngoài da nhưng thương tật trong lòng. Những vết thương không lành của người lính cũ có tấm lòng tha nhân. Tấm lòng của một tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên chỉ có ly rượu mời mới nói hết tình không biên giới.

Hôm nay ông cà khịa - triết lý ba xu. (Xin lỗi nha sư huynh Huy Phương). Nghe nó sến động trời luôn má ơi! Nhưng đọc rồi lại không quên vì nó đúng. Đúng tàn chiêu quái đao, đúng tử huyệt con người. Nói nghe chơi rồi bỏ. Nhiều người chơi cộm hơn người khác để làm gì không biết! Mua vài cái CD nhạc giao hưởng chưng ở phòng khách để khè khách vãng lai. Bản xô-nát-bên-bờ-ao là gì thì cộng lại cả nhà cũng không hiểu. Trong khi nghe bô-lê-rô thì rớt nước mắt, nhưng sợ người khác thấy! Người ta nói mình sến. Sến là gì? Thằng nói và thằng bị nói cùng không hiểu nên người ta gọi là… sến.

Sến nó thế! Trưởng giả học làm sang. Ngày tôi mười lăm, mười bảy. Có hiểu mẹ gì… bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa… bàn tay năm ngón cưa ba còn hai thì hiểu nhưng nhất định không nghe Chế Linh, Duy Khánh. Còn chê anh hai tôi là… sến. Anh hai tôi nói: “Khi mày thấm nhạc quê hương, tao đố mày ngăn được giọt nước mắt mình!” Đúng. Tôi đã. Khi xuân về trên đất khách. Tôi đã… và đã viết bài viết “Xuân này con không về”.

Hôm nay đọc triết lý ba xu của Huy Phương, tôi không dám nhoẻn miệng cười vì kinh nghiệm nghe nhạc như nói ở trên. Chắc mươi năm nữa tôi mới thấm cái triết lý ba xu coi vậy mà nó kén người đọc dữ à nghen! Phải từng trải, kinh nghiệm và tịnh tâm mới nhìn thấu lẽ vô thường của kiếp nhân sinh. Người càng uyên bác càng ăn nói bình dân; học hành ba chữ lem nhem thì hay nói chữ mà người ta không cho nói thì khóc; cho nói thì mếu là vậy!

Tôi theo dòng sống tha phương của một “chứng nhân lịch sử” Tôi gặm nhấm tháng ngày trôi lặng lẽ nơi này. Vài năm trước, tôi viết mấy câu sáu tám khơi khơi khi ngồi nhìn bóng mình dưới trăng khuya…

lên năm vui thú ỉa đồng
mười lăm một sáng tồng ngồng soi gương
ba mươi bái biệt quê hương
bốn lăm vất vưởng đêm trường dế kêu
sáu mươi mưa nắng buồn hiu
thương em ngồi đọc đôi điều anh ghi
khi nào thấy chữ mờ đi
tặng em cái kính cũ xì của anh
bụi thời gian rất mong manh
đừng kèo áo chùi gió lạnh mình ơi!

Cái thời điểm nghĩ về chứ không nghĩ đi trong “một cõi đi về” nữa. Tôi nghe ông Chế hát. “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ, một chén cơm chiều… đời nó sống kiếp lang thang…” Má ơi! Tôi cầm lòng sao đặng hả trời! Tôi xổ thơ hai-ku để giằn mặt ổng liền:

gió heo heo.
trời trong veo
lá đưa vèo
cành cong queo
trăng cheo leo
trên cành treo
Duy Thu Hằng
khuất sau đèo
mộng tỳ kheo.

Thiệt là chỉ còn muốn đi tu.

Cái ám ảnh khôn nguôi theo tôi mãi. Chuyến xe đời rồi sẽ… dừng lại trạm này cho người xuống; dừng lại trạm kia cho người lên. Chuyến xe đời mới là bất tử; người lên kẻ xuống như đi qua cuộc đời này để tập sống vì sự sống không ở đời này! Vậy có gì cho ta ham hố tới sinh ra hận thù? Ai muốn nhận sáu miếng ván để lên đường thiên lý thì cũng phải trả lại trần gian sáu cái cúc áo, như nhau.

Hôm nói chuyện với ông nha sĩ (?) già còn đẹp trai ở xóm tôi! Tôi hỏi ông: “Sao về hưu sớm vậy? Anh còn phong độ quá mà!” Ông trả lời tôi bằng một truyện ngụ ngôn, ông kể: “Một doanh nhân đi lang thang trên bãi biển, ông ta tính không ra là bãi biển này nên đầu tư khách sạn hay nhà hàng? Đầu tư nhà hàng khách sạn chung thì vốn lớn quá! Có kinh tế không? Không tìm được câu trả lời trong đầu nên ông rất bực mình với một người trẻ tuổi ngồi câu cá mà không coi chừng cá cắn câu! Doanh nhân đến bên người câu cá, nói. Này anh bạn trẻ, anh hãy đi tìm một việc làm thích hợp hơn. Có thu nhập hơn. Sau đó, tích lũy và đầu tư vào những thương vụ, công nghệ lớn hơn… Người câu cá hỏi lại: Để làm gì? Người doanh nhân, nói. Khi anh thật nhiều tiền, giàu có hết mức, rồi hãy… tha hồ hưởng nhàn. Người câu cá nói. Thế ông không thấy tôi đang hưởng nhàn sao?!”

Câu chuyện ngụ ngôn ấy đã in vào đầu tôi triết lý hiện sinh mà tôi thật chưa đủ sức thấu đáo. Đến một hôm, tôi ngồi đọc lá thơ quê nhà mà mẹ tôi bảo đứa cháu viết y lời nội. (Thơ về tôi nói đang thất nghiệp nên cuộc sống gia đình con hơi khó khăn. Không dám hứa với mẹ về chuyện về Việt Nam ăn tết.) Mẹ tôi phang cho thằng con-yêu (yêu tinh) không phải cây củi đước như ngày tôi còn nhỏ. Mà bà cụ quy y phang cho thằng con câu chuyện ngụ ngôn. “Người tiều phu đốn củi quay về nhà với gánh củi trên vai. Qua cánh đồng tranh ban sáng-ông cố đi cho nhanh-bây giờ mới thấy nó rộng lớn! Khó khăn hơn là có con cọp đói-rượt đuổi ông. Người tiều phu chạy trối chết nhưng khoảng cách ngày càng gần! Ông bỏ gánh củi (cơm gạo của gia đình hôm nay) vẫn không có hy vọng thoát thân vì khoảng cách ông với con cọp đói cứ ngắn lại. Cùng đường. Trước mặt là một vực sâu. Ông… nhảy đại xuống vực. Tay ông níu được một sợi dây nho. Con cọp trên bờ rống lên vài tiếng tức tưởi rồi bỏ đi. Sau phút kinh hoàng và mệt, ông dõi mắt theo dây nho để tìm đường thoát thân. Thì hỡi ơi! Gốc rễ dây nho đang bị một đàn chuột gậm nhấm! Ông nhìn trái nho dại trước mặt. Ông ngắt bỏ vào miệng. Trái nho mới ngon ngọt làm sao.”

Biết thế nào là đủ, thế nào là thiếu trong cuộc đời này. Biết bao giờ là ngày cuối trong đời mình mà ôm đồm, tham vọng… Tôi đi trong sương mù của những truyện ngụ ngôn mà những người lớn hơn đã nhắn gửi cho mình. Tôi thông minh đột xuất nên thường xuyên…! Cảm ơn nhà văn Huy Phương đã tặng tôi ba đồng xu đơn giản mà thâm sâu.

Có phải triết lý trong trời đất bắt nguồn từ kinh nghiệm sống của con người. Con người gặt hái kinh nghiệm bằng xương máu “ăn cỗ đi trước lội nước đi sau”; “vợ dại như đũa vênh”… để hình thành nên kinh nghiệm cho muôn đời sau đỡ đổ xương máu. Những kinh nghiệm được hệ thống lại theo nhiều trường phái tư tưởng mà hình thành triết lý phương Đông; phương Tây… Những tư-tưởng-sô-pha làm nặng óc con người, lẽ ra có thể rõ như ba xu là ba phần trăm của một đồng thì hà cớ gì phải tung vào bao nhiêu ngôn ngữ sa mù cho thế thái hoang mang, nhân tình hỗn loạn. Hay tại loài người bây giờ có quá nhiều người muốn thành vĩ nhân mà tư duy không đủ nên hành tinh lềnh khênh… quái nhân.

Tôi đọc đi đọc lại bài viết: “Triết lý ba xu” của nhà văn Huy Phương, càng đọc càng thông thoáng tâm hồn mà cảm nhận quy luật của muôn đời; quy luật của tự nhiên. Giảng giải một vấn đề phức tạp của tư duy bằng ba đồng xu nhỏ thì thiệt là cao tay.

Hôm nay, Father’s Day. Dưới sức nóng 97 độ F của vòm trời Texas. Tôi cắt xong sân cỏ nhà mình, ngồi há họng nhìn những mùa thu đi, đông về, hạ đến, xuân lai… gọi nhà thơ Phan xuân Sinh cáp độ ta bà thì anh bị nhà thơ phu nhơn… Anh ơi! Anh ở lại nhà/ Cây xăng anh đứng chớ mà lông bông/ Hôm nay xăng đã bốn đồng/ Đi đâu cũng thiệt bằng không ở nhà…

Tôi ngồi thở với ly cà phê đá mà bà chủ trọ đời tôi ban ra gốc cây. Mời nhà thơ không được thì mình làm thơ cho bõ ghét! Thơ loanh quanh cũng không ra thoát được triết lý ba xu của Huy Phương mới là vòng kim cô khó cởi. Thì gởi anh Huy Phương - Hai xu rưỡi.

mùa xuân đến chim muông về ca hát
cây lá nghe vang vọng khúc xuân tình
nắng hạ về cây lá lặng thinh
chim làm tổ ru tình trong khóm lá
mùa hạnh phúc thu vàng mong manh quá
chim chết trong vườn trụi lá sang đông
tạ ơn em.
bếp lửa hồng, căn nhà nhỏ,
bạn bè lui tới…
nhậu

Có phải chuyến xe đời đưa ta đến với cuộc đời hỷ nộ ái ố, rồi rước ta đi với lố nhố ngân hà. Nơi miền tiên cảnh có bạn bè không em? Có Cognac pha sô đa để trơn giọng bình thơ, thưởng nhạc không em? Nơi nào có em nơi đó có những ngày đáng sống. Coi như anh hiểu triết lý ba xu rất đáng một ly rượu mời. Mời anh Huy Phương ghé căn nhà nhỏ khi có dịp.

Phan
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Xấu và tệ


Nguyễn Ðạt Thịnh

Trên nấc thang chê bai, người Mỹ có 3 chữ bad (xấu), worse (tệ), và worst (quá tệ), và cũng theo người Mỹ thì ông Robert Mugabe là một nguyên thủ quốc gia Phi Châu xấu.

Cái xấu thứ nhất của Mugabe là ông ta không biết bước xuống ngai vàng tổng thống nước Zimbabwe, mặc dù ông đã ngồi đó suốt 5 nhiệm kỳ, tổng cộng 28 năm, và đã 84 tuổi.

Lãnh tụ đối lập, ông Morgan Tsvangirai, nói, “Mugabe quyết tâm nắm chính quyền cho đến lúc chết, và sau ngày chết vẫn còn ngồi trên ngai tổng thống, ông ta còn muốn nắm giữ quyền chức này cho đảng viên ZANU-PF của ông ta.”

Ngày 29 tháng Ba 2008 Tsvangirai ra ứng cử tranh chức tổng thống của Mugabe, ông được 48% tổng số phiếu, Mugabe được 43%; Mugabe nói sự chênh lệch này chưa đạt được mức đa số tuyệt đối và tổ chức bầu lại vòng thứ nhì.

Lần này, cái xấu thứ nhì của Mugabe là tung bọn xã hội đen đi “hỏi thăm sức khỏe” những cán bộ tranh cử của Tsvangirai, đánh chết 89 người, đáng què tay gẫy chân vài ngàn người khác. Tsvangirai sợ nguy hiểm đến tính mạng vội chạy vào tòa đại sứ Hòa Lan tại Zimbabwe xin tị nạn, và tuyên bố rút tên ra khỏi danh sách ứng cử viên.

Mugabe Tsvangirai

Vòng bầu cử thứ nhì, với Tsvangirai, ứng cử viên đối thủ, không có mặt, tị nạn trong toà đại sứ ngoại quốc, và với cán bộ trong bộ máy tranh cử của Tsvangirai bị tê liệt, Mugabe đắc cử với trên 85% tổng số phiếu hợp lệ.

Cái xấu thứ ba là Mugabe lật đật tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức ngay tại dinh tổng thống và ngay sau cuộc bầu cử vòng nhì; ông triệu dụng chánh án tối cao Godfrey Chidyausiku đến chủ tọa lễ tấn phong tại gia.

Dư luận thế giới ồn ào phản đối. Marwick Khumalo, trưởng đoàn quan sát Phi Châu, gồm 14 quốc gia, nói không ai phủ nhận được việc Mugabe thắng cử bằng bạo lực. Ông khẳng định, “kết quả bầu cử không phản ánh ý muốn của người Zimbabwe.”

Tổng trưởng thể thao của Angola, ông Jose Marcos Barrica, người cầm đầu đoàn quan sát viên 400 người, cũng xác nhận “thời gian tiền bầu cử đầy dẫy những cuộc hành hung, bạo lực, bắt nhốt, đầy biệt xứ, hăm dọa, …”

Phát ngôn viên của đảng đối lập MDC, ông Nelson Chamisa nói với hãng thông tấn Pháp AFP, “Cả cuộc tái bầu cử lẫn lễ tấn phong đều là những trò nỡm, nói lên thế tuyệt vọng của chính phủ Mugabe.”

Việt Cộng cũng đang diễn ra những trò nỡm, nói lên thế tuyệt vọng của chúng, cuộc “Mỹ du không lú ra khỏi phòng khách sạn” của Nguyễn Tấn Dũng, và những cuộc vui đang được tưng bừng tổ chức trong nước, cho giới giầu có thụ hưởng trong lúc dân nghèo sống bằng 1 mỹ kim tiền chợ mỗi ngày cho một gia đình trung bình 4 người.

Trong cuộc Mỹ du này, Dũng tìm đến ông Alan Greenspan, chuyên viên kinh tế tài chính lỗi lạc của Hoa Kỳ để vấn kế, tìm cách giải quyết nạn lạm phát đang tạo bất ổn kinh tế và xã hội tại Việt Nam.

Greenspan bảo Dũng tuyệt đối giảm số tiền tay mặt cho tay trái vay, đưa Ngân hàng Trung ương vào một sinh hoạt đứng đắn hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh với các lân quốc bằng năng suất thay vì bằng nhân công rẻ, và mạnh tay siết chặt các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ðiều này có nghĩa là đừng tài trợ quá đáng cho những cơ sở quốc doanh như việc cho công ty đóng tầu Vinashin vay 3 tỉ mỹ kim để mở cơ sở tài chánh, giao dịch chứng khoán, và mở hãng sản xuất rượu bia; cho công ty dầu hỏa Petro Việt Nam, vay hàng tỉ mỹ kim khác để khuyếch trương một trú khu tại Hà Nội dành cho người nước ngoài và người giầu có trong nước, với một khách sạn 5 sao, sang trọng hơn khách sạn Mỹ; hoặc cho công ty điện lực vay một tỉ mỹ kim để phát triển khu nghỉ mát hoành tráng nhất Việt Nam tại một bờ biển.


Tệ hơn chế độ độc tài Mugabe là chế độ Việt Cộng, vì Mugabe sẽ chết trong, hoặc sau nhiệm kỳ thứ 6 làm tổng thống, nhưng chế độ độc đảng Việt Cộng đã ngồi trên lưng người Việt Nam từ 54 năm nay rồi, và chưa ai nhìn thấy ngày chúng bước xuống ngai thống trị.

Và “quá tệ” tệ hơn cả chế độ Việt Cộng là chế độ này mặc áo tư bản, cái áo giúp chúng vay mượn tứ tung, biến tiền công thành tiền tư để tha hồ phung phí, mua máy bay riêng, mua xe hơi trị giá vài trăm ngàn mỹ kim.

Mugabe chỉ bad, Việt Cộng mới thật là worst, không kiếm được thứ gì dị hình, dị hợm hơn.

Nguyễn Ðạt Thịnh
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

TÔI ÐI XEM BÓI

Hưng Yên
Mấy tháng trước, trong một lần nhậu nhẹt đã hơi xỉn xỉn, chúng tôi có khoe là đã từng đi xem bói, xin xăm và cầu cơ, lại còn hứa là sẽ kể hầu quý vị khi có dịp. Nói là “đã từng” cho nó oai, chứ thực ra mỗi thứ cũng chỉ có một lần thôi, với lại một lần cũng đủ quá rồi, chứ cần gì nhiều, phải không quý vị? Hôm nay dịp ấy đến rồi, vậy chúng tôi xin kể ra đây hầu quý vị, xem như trả nợ một lời đã hứa!

Theo thứ tự trước, sau thì tôi được “coi tướng” trước nhất. Thuở ấy tôi mới chừng 9 - 10 tuổi, đang học lớp Ba hay lớp Nhì gì đó ở trường làng thì được một ông cụ là bạn vong niên với thày tôi xem bói cho. Thú thực ngày còn nhỏ tôi học dốt lắm, thày tôi cũng bảo thế! Học trước quên sau, nhưng những chuyện ấm ớ thì nhớ thật dai, chả thế mà cho tới hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in cách ăn mặc, nét mặt và những điều ông cụ đã phán về tôi. Ngày đó chính tôi cũng không biết tại sao tôi lại học dốt như thế, nhưng bây giờ thì tôi nghiệm ra rồi, cũng chỉ tại tôi “mê” những thứ khác hơn mê học, thí dụ như mới học lớp Nhất trường làng thôi mà đã biết “nhớ nhung” một vị cô nương học cùng lớp đấy các cụ ạ! Chết thật, thế thì bảo làm sao mà học hành cho khá được chứ?!

Hôm ấy, vào một buổi chiều Chúa Nhật, ông cụ đến nhà tôi chơi. Cũng phải nói rõ rằng: Kể về tuổi tác thì ông cụ hơn tuổi thày tôi nhiều, lại là người khác làng, nhưng không hiểu tại sao hai người lại chơi thân với nhau. Lần nào đến, tôi cũng chỉ thấy ông cụ mặc một cái quần trắng cháo lòng và cái áo the thâm đã rách vai, trên đầu đội cái khăn xếp đã bị gián nhấm mất vài chỗ. Một lần tôi có hỏi thày tôi cụ là ai thì thày tôi bảo: Cụ làm nghề Thày Bói và để hướng cửa, hướng nhà cho người ta, hay lắm! Hôm ấy, sau khi đưa ấm nước sôi cho thày tôi để Người pha trà đãi khách, tôi đang định phóng đi chơi tiếp thì cụ bảo đứng lại cho cụ coi. Cụ hỏi kỹ càng bu tôi về giờ và ngày sinh, tháng đẻ của tôi rồi bấm đốt ngón tay lẩm bẩm: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn... Sau đó cụ bắt tôi quay bên phải, quay bên trái, quay đằng trước, quay đằng sau, đi tới, đi lui cho cụ coi. Quan sát đã đời rồi cụ mới gật gật đầu, phán:

- Xét về tướng số, thằng này cũng tàm tạm, sau này không đến nỗi nào, nhưng phải cái dài mồm ăn người và có tới ba đời vợ!

Lời phán này của cụ tôi nhớ suốt đời không bao giờ quên. Về câu “Sau này không đến nỗi nào” thì có phần đúng vì không kể thời gian phải đi ở tù cải tạo của Việt Cộng là thê thảm nhất, còn lúc nào tôi cũng kiếm đủ sống cho gia đình, không đến nỗi đói. Riêng về mục “Dài mồm ăn người và có tới ba đời vợ” thì sai, sai đứt đuôi con nòng nọc đi rồi. Tôi chẳng ăn không của ai cái gì bao giờ, hễ có đi tất có lại, có khi tôi còn chịu thiệt thòi là đàng khác! Còn ông cụ bảo tôi “dài mồm” là bởi ngày còn nhỏ tôi nghịch quá, suốt ngày chạy nhẩy, đánh đinh đánh đáo nên ăn bao nhiêu cũng không lại, người cứ gầy đét nên cái mồm nó mới vêu ra, chứ mồm tôi có dài thật đâu! Còn dĩ nhiên có nhiều vợ thì ai lại chẳng thích? Nhưng tôi năm nay cũng đã mấp mé “Thất thập cổ lai hi” rồi mà bà xã thày bu tôi cưới cho từ ngày tôi còn rất trẻ vẫn còn sống nhăn. Nói dại đổ xuống sông xuống biển, chẳng may bây giờ mà bà ấy mất đi thì cũng đành chịu thôi, chứ già thế này rồi ai mà thèm lấy nữa? Với lại “rước” về để làm gì, làm ăn thì ba trật ba vuột, cái được cái không, thế thì rước về để thờ à?!

Ðấy, lần duy nhất trong đời được coi tướng, coi số thì Thày Bói đã nói sai toét toè loe ra rồi, thế thì bảo tin vào tướng số làm sao được chứ?

Thứ đến là xin xăm: Năm ấy tôi học ở Nha Trang, vào một buổi chiều Chúa Nhật tôi theo mấy thằng bạn lên Tháp Bà chơi. Tháp Bà chẳng những là một thắng cảnh mà còn được kể là một nơi rất linh thiêng. Vào những ngày Rằm, Mùng Một hay những ngày lễ nghỉ khách thập phương đến vãn cảnh hoặc cúng bái đông lắm. Trong tháp lúc nào cũng khói nhang nghi ngút, chỗ này người xì xụp lậy, chỗ kia người kính cẩn lắc xăm. Vì sắp đến kỳ thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp nên tôi cũng muốn thử xem Thánh dậy đậu rớt thế nào. Bắt chước mấy thằng bạn, tôi cũng miệng khấn, tay lắc. Một que sâm rớt ra khỏi ống, tôi nhặt đem ra ngoài nhờ một thày bàn sâm xem dùm. Thày cầm thẻ xăm lẩm nhẩm đọc rồi mặt thày tươi lên, thày nhìn tôi cười, bảo:

- Chúc mừng cậu, kỳ thi này cậu đậu chắc rồi, đây này Thánh dậy rõ ràng “Công thành danh toại, bảng Hổ đề danh”!

Thày nói thế thì tôi biết thế, chứ chữ trên thẻ xăm là Chữ Nho, tôi có đọc được đâu. Chúc mừng xong, thày còn nhìn tôi nheo nheo một con mắt:

- Trông mặt mũi sáng sủa thế này thì thi đậu là cái chắc chứ còn gì nữa?!

Nghe thày nói mà tôi nở ruột, nở gan bèn biếu thày 5 đồng. Ngày đó ở Việt Nam 5 đồng cũng trị giá bằng 5 Ðô La Mỹ bây giờ, có khi còn giá trị hơn. Nghĩa là nếu vào tiệm phở thì cũng xơi được một tô phở ngon lành, vì giá một tô phở ngày đó cũng chỉ 3 hoặc 5 đồng thôi, gọi là phở ba hay phở năm mà lại chẳng phải típ, tiếc gì. Tôi ra về mà mặt mũi cứ vênh vênh lên, bạn bè cùng lớp đứa nào học dở hơn tôi một chút là tôi coi bằng nửa con mắt, vì trong bụng cứ đinh ninh rằng “ông” thi đậu là cầm chắc rồi, Thánh đã dậy thì làm sao mà sai được? Thế nhưng mà các cụ ạ, năm ấy tôi trượt vỏ chuối. Lúc coi bảng kết quả không thấy tên mình, tôi giận ông thày “bàn xăm” rồi giận luôn cả Thánh. Nhưng sau bình tĩnh nghĩ lại thì thấy nếu năm ấy tôi thi đậu mới là chuyện lạ, chứ rớt là đương nhiên thôi, vì học hành có ra gì đâu mà đòi thi với cử, đầu óc lúc nào cũng chỉ hình ảnh mấy vị cô nương!... Có điều giá Thánh cứ bảo ngay là tôi rớt đi thì tôi cũng đỡ tức, hay là Thánh thấy tôi lấc cấc bèn “trác” tôi cho bõ ghét, nếu mà thật thế thì cũng đáng đời tôi. Tuy vậy dù thế nào đi nữa thì cũng là Thánh nói sai!

Tôi cũng đã được nghe nói đến “Cầu Cơ” nhiều rồi nhưng chưa hề được thấy bao giờ, mãi đến sau ngày 30 - 4 - 1975 khi đã vào trại tù cải tạo của Việt Cộng rồi thì chẳng những được thấy mà còn đích thân tôi được “ngồi Cơ” nữa. Dân Vũng Tầu chúng tôi, trừ những người bị bắt hoặc vì một lý do gì đó mà bị Việt Cộng nó đưa đi nhốt ngay sau ngày 30 tháng Tư, còn hầu hết thì hơn một tháng sau ngày mất nước mới có lệnh tập trung để được đưa đi học tập cải tạo, đem theo một tháng tiền ăn cùng với những vật dụng cần thiết như mùng, mền, quần áo v.v... Việt Cộng nó chở chúng tôi đến trại Thanh Hoá, Hố Nai, Biên Hoà. Nơi đây trước kia là trại gia binh của một đơn vị Biệt Ðộng Quân, gồm khoảng 7 - 8 dẫy nhà tôn và chung quanh không có hàng rào chi cả. Phải thành thật mà nói những ngày đầu tập trung cải tạo thoải mái lắm, chỉ ăn chơi chả phải làm gì, lại muốn ra, vào trại lúc nào cũng được, vì thế mà chúng tôi đã có thể tổ chức cầu cơ ngay trong phòng của mình.

Phòng chúng tôi ở gồm có 6 người là các anh: Lê Minh Ðạt, Hà Hữu Ðức, Nguyễn Phước Thành, Lê Ðình Nhuận, Ðắc (anh này tôi không nhớ họ) và tôi. Hôm đó chúng tôi nấu một nồi chè đậu xanh, anh em ăn rồi còn dành lại một chén nhỏ để tối hôm đó cầu Cơ. Cách cầu và bài “thiệu” (Thần Chú) thì do anh Chẩn, có biệt danh là “Chẩn Cánh Cụp Cánh Xoè” ở phòng bên chỉ cho. Sở dĩ anh em gọi anh là Chẩn Cánh Cụp Cánh Xoè vì một cánh tay anh có tật không duỗi thẳng ra được, nhái theo kiểu nói của Việt Cộng kêu máy bay F111 của Mỷ là cánh cụp cánh xoè vì khi muốn bay nhanh thì nó cụp cánh lại, lúc cần bay chậm nó lại xoè cánh ra. Sau khi ra tù, anh Chẩn và gia đình vượt biên, nay đang ở Thuỵ Sĩ.

Bài “Thần Chú” đó như thế này:
Hồn này ở chốn Non Bồng
Qua đây hồn cũng vui lòng ghé chơi
Hồn bay, bay bổng về trời
Là hồn vũ tướng hay hồn danh nhân
Là hồn của kẻ trai tân
Hay hồn thiếu nữ muôn phần xinh tươi
Nén hương thơm ngát đốt rồi
Nước trong sẵn có xin mời hồn lên
Hồn lên cho khắp bốn bên
Làm cho Cơ động Cơ đi dần dần
Kìa Cơ đã động ba chân
Hồn còn làm lại nhiều lần cho coi
Kìa Cơ đã sẵn nhích rồi
Nhích cho thật mạnh mọi người đều trông!

Có bài “thiệu” rồi, còn phải có một số dụng cụ cần thiết nữa là: Một tấm bìa khổ giấy lớn ở giữa vẽ hình trái tim, phía trên cùng tấm bìa là hàng chữ: Thánh, Thần, Tiên, Phật, Ma, Quỷ. Hàng kế là 24 chữ cái ABCD... Hàng kế nữa là các chữ và dấu: Ă, Â, Ô, Ơ, Ư, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Hàng cuối cùng là 10 số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 0. Thêm một miếng gỗ gọt giống hình trái tim lớn khoảng 4 đốt ngón tay, nếu được miếng gỗ ván hòm chôn người chết thì càng tốt.

Hôm ấy vào khoảng 8 - 9 giờ tối, chúng tôi lấy mùng mền che kín tất cả các cửa sổ lại, thắp nến rồi bầy Cơ ra. Ðồ cúng gồm: Mấy cây nhang, 1 chén nước lạnh, 1 chén chè đậu xanh và 2 cái bánh ú. Lê Ðình Nhuận và tôi ngồi Cơ. Cứ theo như người ta nói thì “ngồi Cơ” phải là “một Ðồng Nam và một Ðồng Nữ” Cơ mới linh. Không biết chữ “Ðồng” đây có phải là “đồng trinh” nghĩa là người chưa “nhuốm bụi trần” không? Trong khi Lê Ðình Nhuận đã 9, 10 đứa con, còn tôi thì 5 đứa!

Hai chúng tôi đặt hờ hờ ngón tay trỏ lên con Cơ rồi đọc “Chú”. Ðọc đi đọc lại hoài, lát sau Cơ nhúc nhích. Tôi hỏi: Thánh, Thần, Tiên, Phật hay Ma Quỷ? Cơ nhích dần đến chữ Quỷ. Hỏi tiếp: Trước kia hồn làm gì? Cơ đi vòng vòng, ráp lại thành chữ: Bộ Ðội. Hỏi tiếp: Tên gì? Ðáp: Phan Bê! Sao mà chết? Bom! Chết ở đâu? Trường Sơn! Hồn có biết bao giờ chúng tôi được về với gia đình không? Cơ ngập ngừng, giật giật, khựng khựng y như là không biết hoặc biết mà không dám tiết lộ thiên cơ. Cà rịch cà tang mãi mới ráp được thành chữ 6 tháng! Lại hỏi tiếp: Sao cách mạng bảo 1 tháng mà lại là 6 tháng? Cơ ì ra, không động đậy, thế rồi hỏi gì cũng không nói nữa! Nhuận và tôi ra để Thành và Ðức vào thế. Hai anh đọc “Thần Chú” đến mờ người, văng nước miếng cũng không thấy Thánh, Thần, Tiên, Phật hay Ma Quỷ nào “giáng” nữa cả, thế là đêm ấy dẹp tiệm, đi ngủ. Ðêm sau lại cầu tiếp, nhưng chè và bánh ú để lâu sợ thiu nên ăn mất rồi chỉ còn chén nước lạnh và mấy miếng kẹo đậu phọng. Cũng làm như đêm trước, Nhuận và tôi ngồi Cơ. Ðọc Thần Chú mỏi mồm Cơ mới lại giật giật rồi nhích đi từ từ, lại cũng Quỷ nữa, sau đó hỏi gì Cơ cũng chỉ đi vòng vòng, có khi ráp lại không thành chữ gì, y như hồn không biết chữ vậy! Tôi bực mình đuổi: Cút, chỉ bố láo bố lếu! Hồn thăng, cuộc cầu Cơ hoàn toàn thất bại, từ đó chúng tôi không bao giờ cầu Cơ lại nữa. Ở trại Thanh Hoá, Hố Nai, Biên Hoà đến hơn một năm rồi chuyển đến trại Suối Máu, Biên Hoà. Sau đó ít lâu chúng tôi lại bị Việt Cộng chuyển đi tứ tung, người tù cải tạo 3 năm, người 6 năm, người 12, 13 năm, riêng tôi được 6 năm 4 tháng.

Kính thưa quý vị, tôi thật tình không dám nói bói toán là bố lếu bố láo, nhưng cả ba thứ mà tôi đã trải qua đều như thế đấy! Hay là chỉ tại tôi gặp toàn một thứ “Thầy” chẳng ra gì? Cũng cần thưa ngay là ngay cả “Hồn Ma” mà chúng tôi gặp trong lúc cầu Cơ tôi cũng coi là một thứ Thày Bói: Thày Bói Ma! Vâng, có thể là chúng tôi gặp toàn loại chẳng ra gì! Chứ còn như Tổng Thống Thiệu, sách bói gối đầu giường cả đống, còn chung quanh lúc nào cũng đầy những Thày Bói thứ xịn nhất, lại còn xây cả Hồ Con Rùa để trấn yểm, sao rút cục cũng chẳng ra gì thế? Thế thì bây giờ các vị bảo sao nào?!

Hưng Yên
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Image

"Chợ Tình" Trên Mạng

Những kiểu vừa ngồi chat vừa "khoe hàng" có mặt nhiều tại các phòng chát VIP. Tối thiểu nhất tại các phòng chat VIP này phải có những máy tính tốc độ cao gắn webcam, một microphone có thể kết hợp chat voice, hoặc thực hiện cuộc gọi Internet phone. Phòng VIP phải đảm bảo kín đáo để các khách VIP được “tự do” thể hiện.

Khoản phí để vào phòng VIP cũng không bình dân chút nào, từ 5 đến 10 nghìn đồng/giờ, trong khi phòng Internet thường có gắn máy lạnh cũng chỉ 4 nghìn đồng/giờ.

Theo Tuấn, một chatter nhẵn mặt tại khu Trần Quang Khải, Q1 thì các phòng VIP khu này ra đời hàng loạt sau sự kiện một Việt kiều về nước mạnh tay đầu tư vài tỷ đồng cho một điểm Internet, trong đó mở hẳn một phòng riêng dành “dân chơi” mà số đông là giới gay đồng tính và gái nhà hàng tại khu Trần Quang Khải.

Phòng VIP tại đây khá yên tĩnh, nằm ẩn mình trên lầu 1 với đầy đủ “đồ chơi” dành cho dân chuyên nghiệp: máy tốc độ cao, màn hình phẳng, webcam độ nét cao. Trang bị "nhà giàu" như vậy nên lúc nào ở đây cũng “kẹt chỗ”, thậm chí nhiều khách phải “xếp hàng” chờ, hoặc tự bỏ đi.

Sau phòng chát VIP của một Việt kiều, khu phố Trần Quang Khải (khoảng hơn 1km) đã mọc thêm ít nhất 4 phòng chát VIP nữa, với trang bị tương tự. Thế nhưng dân chat khu này khá ấn tượng với phòng VIP của điểm Internet N. đối diện rạp Cát Đằng bởi quy mô và cách bố trí “độc nhất vô nhị” của căn phòng này.

Trong vai 1 khách tìm bạn chát, chúng tôi đã phải đi lắt léo lên lầu 2 của căn nhà này trước mắt là một cảnh “khó tưởng tượng”, căn phòng khoảng 30m2 chật ních người với đủ thứ âm thanh hỗn tạp: tiếng trò chuyện của khách VIP qua voice chat, tiếng loảng xoảng gươm giáo của một bộ phim kiếm hiệp, tiếng rên rỉ phát ra từ một đoạn phim nóng trên một website sex. Tất cả đều rất tự nhiên, mạnh ai người nấy thao tác...

Ngồi kế bên tôi là một cô gái có cái nick khá ấn tượng “tieuthu_buongbinh...”, đang vui vẻ “xả” tiếng Anh với một “ông Tây” xuất hiện trên WC trong tư thế không còn mảnh vải che thân. Để đáp lại “thịnh tình” từ phía đối tác, thỉnh thoảng cô gái cố tinh chỉnh WC của mình để theo yêu cầu của bạn chát, hướng nhìn xuống phần ngực nửa kín, nửa hở.

Hàng độc của phòng VIP này không dừng lại đây. Cuối gian phòng này còn một phòng VIP nhỏ nữa, chỉ dành cho khách quen, cửa luôn đóng chặt. Vờ đi tìm toalet, tôi mở cửa phòng... và “đứng tim” khi đập vào mắt mình là một cô gái đang thoát y nửa người, lắc lư trước máy ống kính WC. Trong phòng có khoảng 6 buồng chát được ngăn kín đáo, ai cũng có việc của người ấy cả.

''Hàng'' đang ''chào khách'' trên mạng
Chưa bước chân vào kịp, tôi bị H đẩy ra vì đi nhầm “địa chỉ”…thì ra đi chát VIP không phải có tiền là vào được, mà còn phải có “thâm niên” tức là phải nhẵn mặt tại phòng chát hay phải quen biết chủ mới vào được phòng “đặc biệt” như vậy.

Đã là dân chát chuyên nghiệp hẳn không thể không biết điểm dịch vụ bề thế trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Nơi đây có tới 3 phòng chát VIP tập trung ở lầu 2, được canh chừng cẩn thận. phòng máy lạnh, chia ô và kín như bưng này, người ta có thể vô tư truy cập trang websex và “khoe hàng” một cách tự nhiên.

Khác với các điểm nội thành, một số điểm dịch vụ Internet ở vùng ven như Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) tỏ ra thoáng hơn. Tại một phòng VIP ở khu này, tôi được kỹ thuật viên chỉ tận tình một vài địa chỉ web “đen” bởi theo cách giải thích của anh này nếu muốn kiếm “hàng” nhanh và dễ chỉ có cách là phải “bắt” được các nick name (biệt danh) này.

Mở trang web có tên TheoNhauXuongPho.com, là dễ dàng thu lượm hàng trăm nick của các cô gái kèm hình ảnh qua WC có khi có cả số phone của họ. Trang web TheoNhauXuongPho thuần túy cho các người cô đơn tìm bạn, tìm tình yêu với vài ngàn member nhưng một số ít các cô đã lợi dụng để mồi chài kép rủng rĩnh có tiền. Thử vào vài nick name có tên là: tr...anh20022005, t...lipvn, th...vi85... luôn "đỏ đèn" (có mặt trên mạng liên tục - P.V), một nick chịu bắt chuyện, sau khi "khoe hàng" nàng ra giá đi "chơi" với giá 100 đô la không bớt. Nếu biết đối tượng là những "anh già Việt Kiều" thì sẽ có màn trả giá cho coi Sexy Show chung tiền trước hàng tháng - đa số các cô chỉ đòi 100 đô một tháng ngày coi lúc nào cũng được, trừ khi nàng đang Show cho anh già dịch khác... Các anh ngố quá sẽ phải trả 200 đến 300 đô - mổi cô chỉ bắt mối được chừng 5, 7 anh "già mất nết" là tiền tha hồ tiêu. Bạn vào trang Web thấy Nick nào hiện đèn thì chỉ việc download YM ở http://messenger.yahoo.com/ về xài miễn phí và tha hồ rữa mắt.

Như vậy là đã rõ, thông qua dịch vụ chat, "chợ tình" trên mạng đã vào guồng và hoạt động khá ì xèo... Điều này cũng lý giải nguyên nhân vì sao hàng đêm những cô gái nhà hàng, vũ trường sau khi xong việc lại tìm đến các phòng chát VIP và "ngồi đồng" ở đó hàng giờ đồng hồ như vậy.
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image


Những Chuyện Nho Nhỏ

Tiểu Tử

Trong đời tôi, tôi đã nghe kể lại hay chính tôi đã mục kích rất nhiều chuyện nho nhỏ, những chuyện tầm thường không có gì “éo le gút mắt” hết, những chuyện mà tôi cho là có nghe qua hay thấy qua rồi bỏ cũng không sao. Vì vậy, tôi coi thường những chuyện nho nhỏ.

Gần đây, một chuyện nho nhỏ xảy đến cho tôi đã làm tôi suy nghĩ. Thì ra chuyện nho nhỏ có khi chứa đựng một bài học lớn mà con người không để ý, vì chỉ quen nhìn những chuyện lớn, những chuyện “đập vào mắt”, xưa nay… Rồi tôi tẳn mẳn ngồi nhớ lại từng chuyện nho nhỏ, để thấy mỗi chuyện là một nét chấm phá của cuộc đời, có chuyện còn mang vài ẩn dụ để con người suy gẫm. Vậy là tôi lần mò viết lại, không cần thứ tự lớp lang, không cần chọn lựa loại chuyện này hay loại chuyện nọ.

Mời các bạn cùng tôi đi lần vào những chuyện nho nhỏ này để cảm nhận thi vị của cuộc sống đang nằm đầy ở trong đó, và nó thật là gần gũi với mình như hơi thở như nhịp tim …
BÀ ĐẦM GIÀ VÀ ANH VIỆT NAM
Chuyện xảy ra ở ngoại ô Paris (Pháp)

Hôm đó, trên đường về nhà, tôi gặp một người đàn ông Pháp cỡ bốn mươi tuổi ăn mặc đàng hoàng, kè theo hỏi:

- Xin lỗi ! Ông là người Tàu hay người Việt Nam ?

Tôi dừng lại, ngạc nhiên, trả lời:

- Tôi là người Việt Nam.

Ông ta mừng rỡ:

- Vậy, có phải trưa hôm qua, ông đã đỡ một bà cụ té ở chỗ này không?

Tôi càng ngạc nhiên thêm:

- Không! Tôi không có đỡ ai hết!


Tôi trả lời mà nghĩ đến mấy chuyện ra tay cứu người rồi mang vạ vào thân vì sau đó nạn nhân quay lại thưa người cứu mình đã lấy tiền lấy đồ.. v v …

Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi nên ông ta mỉm cười ôn tồn nói:

- Ông yên tâm! Không có chuyện gì rắc rối hết. Tôi chỉ muốn tìm người Việt Nam đã đỡ mẹ tôi thôi. Bà cụ đó là mẹ của tôi, thưa ông.

- Vậy à! Nhưng mà tôi nói thật: Hôm qua, vào giờ này tôi có đi qua đây, không thấy ai té hết. Mà… bà cụ có sao không ?

- Cám ơn ông, Mẹ tôi không có sao hết.

Rồi, không đợi tôi hỏi, ông kể lại những gì mà mẹ ông đã kể cho ông nghe… Hôm qua, bà cụ đi thăm một bà bạn. Bà đi qua lối này để về nhà. Đây là ngõ đi tắt duy nhứt dẫn qua khu nhà bà ở. Khi đến khoảng đất trống có bốn trụ đèn đường, bà trợt chân té. Lúc đó, cũng có mấy người hấp tấp qua lại, họ quay đầu nhìn nhưng rồi bỏ đi luôn. Một người đàn ông Á Đông, đã đi qua rồi, thấy vậy chạy trở lại đỡ bà đứng lên, lượm cái xắc da mang chéo vào người bà, ân cần hỏi bà có sao không ? Bà bước thử vài bước, nói không sao, rồi kể rằng già rồi, đi thì được, chỉ có ngồi xuống đứng lên mới là khó. Ông ta tỏ vẻ ái ngại, bước lại cập tay bà nói để dìu bà về. Hai người đi như vậy một lúc, bỗng bà hỏi ông người Tàu hả, ông trả lời rằng mình là người Việt Nam. Mắt bà sáng lên, bà nói bà có bà bạn năm nào cũng đi du lịch Việt Nam vào dịp đầu năm, bả nói xứ ông đẹp lắm rẻ lắm, dân chúng hiếu khách dễ thương …

Đến một đoạn đường ngắn, bà cụ bỏ tay ông Việt Nam, bước một mình vừa đi vừa nói tôi đi được ông khỏi lo, tôi ở đường Colette gần đây, còn ông, ông ở đâu? Ông đó nói tôi ở khu xa hơn, phía bên kia trường học, ngày nào cũng đi và về bằng ngã này. Bà cụ đi một đỗi nhìn lại thấy ông Việt Nam còn đứng nhìn theo coi bà cụ có thật sự đi một mình được không! Tối đó, bà kể chuyện cho người con nghe, rồi sực nhớ ra, bà nói: “Chúa ơi! Tao quên nói cám ơn ông ta!”. Vậy là bà cụ bắt người con hôm sau ra lối đi tắt chận hỏi từng người Á Đông để tìm ngưởi Việt Nam đã đỡ bà chỗ “khoảng trống có bốn trụ đèn”, tìm để chỉ nói lời cám ơn mà bà đã quên nói hôm qua!

Kể xong, ông nắm tay tôi siết nhẹ. Rồi ông nhìn tôi, mắt đầy thiện cảm, nói: “Cám ơn!”. Tôi bước đi, lòng lâng lâng hãnh diện, mặc dầu tôi biết rằng lời cám ơn đó không phải cho tôi mà là cho chung hai chữ “Việt Nam” …
CHUYỆN TRƯỚC CỔNG CHÙA BÀ


Năm 2006, vợ tôi về Việt Nam lo ma chay cho má tôi. Sau đó, bả được mấy đứa cháu chở đi Châu Đốc viếng Chùa Bà.

Cúng vái xong, ra đến cổng chùa thì có một đám bé gái độ mười hai mười ba tuổi bu lại chen lấn nhau xin tiền. Một đứa đứng gần vợ tôi, có vẻ lanh lợi nhứt, xè tay nói một hơi có ca có kệ: “Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5000 đồng, con cầu nguyện Bà cho con gái ngoại lấy được chồng Đài Loan! Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5000 đồng, con ... ”

Trên đường về, vợ tôi miên man suy nghĩ về mấy đứa nhỏ đó: Không có tiền để đi học, còn quá nhỏ để có một cái nghề, và chắc nhiều đứa - rất nhiều đứa - chỉ ước ao lấy được chồng Đài Loan khi mình lớn lên một chút! Rồi vợ tôi thở dài...

Nghe kể mà tôi thấy thương quê hương tôi vô cùng. Trước đây, dù có nghèo đi mấy cũng chưa bao giờ tệ đến như vậy! Viết lại chuyện này mà tôi nghe rát từ đáy lòng rát lên khóe mắt ...
ĐẠP XÍCH LÔ
Trung đã cao lớn lại ham chơi thể thao và tập thể dục đều đặn nên anh ta rất “đô” con. Đi với tụi bạn đồng nghiệp người Pháp hay người da đen, Trung là người Việt Nam mà vóc dạc ngang ngửa với tụi nó. Có đứa nói giỡn: “Thằng này, nó ăn phở không mà nó lớn con như vậy. Nếu nó ăn bánh mì “xúc xích - phô mai” như mình chắc nó thành ông khổng lồ quá!”.

Cách đây hai năm, Trung về thăm Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh về. Tôi không có dịp gặp anh để hỏi thăm. Mãi đến gần đây tình cờ gặp nhau ở khu 13 Paris, anh mới kể cho tôi nghe chuyến về Việt Nam của anh lần đó. Tôi xin ghi lại chuyện nhỏ sau đây ...

... Con qua Pháp với ba mẹ hồi con mới năm tuổi, bây giờ về, thấy cái gì cũng lạ! Cho nên con dành mấy ngày đầu để đi vòng vòng cho biết Sài Gòn. Con nhờ anh tiếp viên của khách sạn kêu cho con một anh xích lô bao chạy một ngày. Vậy là sáng hôm sau, đúng theo lời con dặn, anh tiếp viên gọi con dậy bằng điện thoại cho hay xích lô đang đợi, đồng thời cho biết luôn số tiền thuê bao. Con đếm số tiền rồi để riêng vào một túi quần, con muốn tránh móc bóp đếm tiền trước mặt mọi người sợ bọn lưu manh nó giựt. Con xuống tới quầy thì anh tiếp viên vui vẻ chỉ ra phía trước. Con cám ơn rồi bước ra ngoài. Thấy con, ông xích lô đang ngồi chồm hổm trên vỉa hè vội vã đứng lên chấp tay chào. Tự nhiên, con khựng lại, mặc dù ông ta đang đón con bằng một nụ cười rạng rỡ. Bác biết không? Ổng già khú, ốm nhom, nhỏ xíu. Cái nón vải đen ổng đội, đã rách bươm. Còn bộ đồ trên người ổng, con không biết tả làm sao cho bác thấy. Nó là cái áo bà ba xanh dương vá chầm vá đụp và không còn hai ống tay! Còn cái quần ka-ki là loại quần dài đã bị xé mất hai khúc ống cỡ ngang đầu gối, một bên cao một bên thấp. Đó! Ông xích lô của con đó! Bác coi: Con như vầy thì nỡ lòng nào lên ngồi cho ông già ốm nhom đó đạp xe đưa con đi. Mà liệu ổng có đạp nổi một ngày cho con xem chỗ này chỗ nọ không? Con định hồi không đi nhưng nghĩ lại tội nghiệp ông già. Cái cười tươi rói của ổng cho thấy là ổng đang “trúng mối lớn”. Con bước lại bắt tay ổng, móc túi đưa tiền, nói: “Đây, tiền công của bác trọn ngày nay đây!”. Ổng mừng rỡ, móc trong lưng ra một túi vải miệng có dây rút, run run tay mở ra cho tiền vào. Con hỏi: “Bác không đếm sao?”. Ổng cười, nhìn con: “Khỏi! Hổng lẽ cậu như vầy mà đi ăn gian tui sao?”. Rồi ổng xăng xốm chạy lại kềm phía sau xe, mời: “Cậu lên ngồi, đi!”. Con lắc đầu: “Không! Bác lên ngồi đi, để tôi đạp!”. Nụ cười của ổng tắt mất: “Ủa! Gì kỳ vậy?”. Con giải thích: “Tôi như vầy mà để cho bác đạp, coi sao được!”. Ổng vỗ vỗ lên yên xe: “Tôi đạp được! Bảo đảm! Cậu đừng lo! Cậu lên ngồi đi!”. Con nghĩ chắc ổng sợ con chê ổng rồi không đi, lấy tiền lại, nên con ôn tồn nói: “Bác yên tâm. Bác cứ giữ số tiền tôi đưa, rồi lên xe ngồi. Tôi đạp từ từ”. Ổng bắt đầu nhìn con nửa ngạc nhiên nửa hốt hoảng. Để khỏi cù cưa, con bước lại đưa hai tay cặp eo ếch của ổng nhấc bổng lên đặt vào chỗ ngồi của khách. Ổng nhẹ đến nỗi cái xe không nhúc nhích! Rồi con trèo lên đạp đi. Ông già cứ nhìn ngược về phía sau, lo lắng: “Cậu liệu được không cậu?”. Con vui vẻ trả lời cho ông yên tâm: “Được mà... Dễ ợt hà!”. Con men theo lề đường đạp chầm chậm để tránh luồng xe chạy ồ ạt trên lòng đường. Thiên hạ nhìn con chở ông già, cười nói chỉ trỏ. Ông già ngồi không yên, lâu lâu ngoáy nhìn lại coi con ra sao! Có lẽ vững bụng nên không nghe ổng nói gì hết. Một lúc sau bỗng ổng la lớn: “Quẹo mặt! Quẹo mặt! Khúc này cấm xe xích lô!”. Từ đó, ổng chỉ cho con chạy: “Từ từ... Đằng trước có xe đậu. Khi nào kềm bằng chân không nổi thì kéo thắng ở dưới đít... .” Có lúc thấy con xiên xiên định quẹo vô một con đường nằm ngang, ổng la lên: “Đừng! Đừng! Đường cấm xe xích lô!”... Và như vậy, con đạp đi loanh quanh, nhìn ngang nhìn ngửa, yên chí có ông già coi chừng đường nhắc trước con phải làm gì... làm gì... Gần trưa, con tấp vô một quán phở, nói: “Mình vô ăn cái gì đi”. Ổng nói: “Cậu vô ăn đi, tôi không đói”. Con kéo tay ổng để cùng đi vào tiệm, ổng rị lại: “Thôi mà cậu! Tôi lạy cậu mà cậu! Cậu để tôi ngồi ngoài này giữ xe!”. Rồi ổng gỡ tay con ra, bước lại vệ đường ngồi chồm hổm bên cạnh xe xích lô, vấn thuốc hút. Trong quán, con nhìn ông già mờ trong khói thuốc sao bỗng nghe bất nhẫn vô cùng. Không còn lòng dạ đâu để ăn phở, con kêu tách cà phê uống đại rồi đi ra. Thấy con, ổng quăng điếu thuốc, đứng lên vẻ ngạc nhiên: “Ăn gì mau vậy cậu?”. Con nói trớ: “Thấy không ngon nên không ăn”. Rồi con nói tiếp: “Bây giờ, tôi trả xe lại cho bác đó! Bác cứ giữ nguyên số tiền tôi đưa hồi sáng, đừng thắc mắc. Tôi đi bộ chơi lanh quanh được rồi”. Nói xong con bước đi, lâu lâu ngừng coi cửa hàng này cửa hàng nọ. Thấy ông già cứ đạp xe rề rề đi theo, con bèn gọi một xe Honda ôm đang đợi khách ở ngã tư đường, trèo lên “ôm” đi thẳng!

Kể xong, Trung hỏi: “Nhà nước đang có lịnh cấm sử dụng xe xích lô xe ba gác, không biết bây giờ ông già đạp xích lô sẽ sống làm sao, hả bác?”. Tôi nói: “Ờ...”. Rồi nín luôn. Một cách trả lời để không trả lời!
NÓI: HẾT RỒI!

Một ông bạn ở Paris cho tôi uống một thứ trà Tàu đặc biệt ổng đem từ bên Mỹ về. Ổng cầm cái hộp vuông màu xanh ve chai đưa lên khoe: “Trà này bên nây chưa có. Nó tên là Trà Vương. Hộp 150 gr này tôi mua bên Mỹ giá là 15 đô đó!”.

Trà ngon thiệt! Vị ngọt phớt chớ không đắng hay chát như loại trà Tàu khác và nhứt là mùi thơm rất “vương giả” chớ không phải mùi lài hay sói hay sen như thường thấy. Uống cạn chén trà, hương trà còn đọng lại trong đáy chén phất lên mũi gợi thèm mùi vị đặc biệt này! Ông bạn tôi nói Trà Vương có nhiều số, nhưng số 103 là ngon nhứt!.

Tôi đã đi lùng sục ở Paris nhưng không thấy bán loại Trà Vương này. Một hôm, đi với vợ tôi ở khu 13 chợ Tàu, tôi chợt thấy một bà Á đông cầm một hộp vuông màu ve chai vừa quơ quơ ra dấu vừa nói chuyện với hai bà khác cùng ngồi trên băng gỗ vỉa hè. Tôi bước lại nhìn: Thì ra đúng là hộp Trà Vương! Mừng quá! Nghe mấy bà đó nói tiếng Việt Nam nên tôi hỏi ngay: “Phải Trà Vương không bà?”. Bả quay qua tôi, trả lời cụt ngủn: “Ờ! Mà hết rồi!”. Rồi quay về tiếp tục nói chuyện với hai bà kia. Tôi chen vào: “Xin lỗi! Bà mua ở đâu vậy?”. Lần này, không quay lại nhìn tôi nhưng bả vẫn trả lời: “Mà tôi nói hết rồi!”. Tôi không dám cười, sợ bả bị chạm tự ái. Tôi vẫn ôn tồn hỏi: “Dạ! Nhưng xin bà làm ơn cho tôi biết bà mua ở đâu vậy?”. Bả nhìn tôi, chắc coi tôi có... khùng không mà cứ lải nhải hỏi hoài. Rồi bả cầm cái hộp lia lia về hướng phía dưới con đường một chiều: “Dưới kia kìa”. Tiếp theo là bả gằn từng tiếng: “Tôi-nói-hết-rồi!”. Tôi cám ơn rồi kéo vợ tôi đi “mò” dài dài xuống “dưới kia kìa”, tiệm nào cũng vô kiếm Trà Vương! Khi đi gần ... rã chân thì vào một siêu thị lớn. Họ nói: “Có!. Nhưng mà hết rồi!”. Hỏi chừng nào có nữa, họ trả lời không biết! Thì ra bà già hồi nãy nói đúng. Bả đã tốt bụng “nói cho thằng chả biết là hết rồi để thằng chả khỏi phải lội xuống tuốt dưới kia xa thấy mồ chớ bộ”!

Các bạn có thấy chuyện nhỏ này dễ thương không? Bà già đó, cho dầu có lưu vong ở chân trời góc biển nào đi nữa, bà vẫn giữ nguyên phong cách Việt Nam. Trân quý lắm, các bạn à !
CHUYỆN Ở QUÊ TÔI
Má tôi mất vào ngày đưa Ông Táo. Thằng con lớn của tôi đi với má nó về Việt Nam lo ma chay. Ông thầy làm đám (phái Cổ Sơn Môn thường gọi là thầy cúng) là ông thầy Non. Cái tên này do má tôi đặt ra để tránh gọi “Thầy Con” vì ổng là con ông thầy Cả, ông này là bà con kêu má tôi bằng cô và là bạn học của tôi từ thời tiểu học ở trong làng. Kể như vậy để thấy thầy Non đối với gia đình tôi không phải là ngưởi xa lạ.

Sau đám ma, thầy Non lấy Honda chở con tôi đi đầu trên xóm dưới thăm bà con và cũng để xem vùng quê ăn Tết. Đang chạy trên đường xóm Nhà Máy, thấy một ông lái mô tô đi cùng chiều chở phía sau một chậu mai. Thầy Non nói với con tôi: “Coi kìa! Cây Mai đẹp quá kìa!”. Rồi thầy chạy kè theo để con tôi thấy rõ hơn. Ông chở mai quay qua nhìn, con tôi nói lớn cho ổng nghe: “Cây Mai đẹp quá!”. Ông đó nói: “Ờ! Mà không có bán!”. Vì tiếng máy mô tô ồn quá nên con tôi phải nói lớn hơn cho ổng nghe: “Không! Tôi chỉ muốn nói là cây Mai của ông đẹp quá hà!”. Ổng có vẻ bực mình: “Ờ! Người ta nói không có bán là không có bán!”. Rồi ổng vọt ga chạy thẳng, làm thầy Non phải ngừng xe lại để cả hai cùng ôm bụng cười! Sau đó, lại tiếp tục đi. Một lúc, thấy một ông chạy Honda chở thằng nhỏ ngồi phía sau đâu lưng với ổng, ôm trong lòng một quày dừa tươi. Con tôi, nhớ lại vụ cây Mai, muốn phá chơi nên hỏi chọc: “Dừa có bán không vậy?”. Thằng nhỏ thúc cùi chỏ vào lưng người lái xe: “Ba! Ba! Thằng chả hỏi có bán dừa không kìa!”. Người đàn ông làm thinh nhưng có vẻ suy nghĩ. Bỗng, ông ta la lên “Ừa! Bán!” rồi tấp xe vào lề ngừng lại. Thầy Non nói: “Ở chùa thiếu gì dừa! Mua chi vậy?”. Hỏi chơi mà đâu có dè ổng bán nên con tôi đành mua một trái. Ông đó nói: “Dừa tôi mua cho vợ tôi kho thịt ăn Tết. Thấy cậu hỏi mua, tôi nhường một trái cho cậu uống chơi!”. Con tôi nói cám ơn mà không dám cười!...

Sau hơn ba mươi năm “đổi đời”, cái thật thà chân chất của quê tôi, may quá, vẫn còn nguyên như cũ !
BÁN VÉ SỐ
Trên chiếc bắc Mỹ Thuận. Chiếc bắc chở đầy nhóc xe và người, ùng ục qua sông. Mấy người bán dạo rao hàng inh ỏi. Vợ chồng tôi đứng ở khoảng trống phía đầu chiếc bắc, nhìn sông nước minh mông với những về lục bình xanh biếc nhấp nhô trên sóng nước. Mùa này, lục bình bắt đầu nở bông nên thấy có màu tim tím e ấp lấp ló giữa những bựng lá to láng mướt. Đẹp quá! Sau hăm mấy năm xa xứ, bây giờ có dịp về thăm, chúng tôi thấy cái gì cũng đẹp! Nước sông đục ngầu phù sa... cũng đẹp! Chiếc ghe bầu phình bụng chở lúa khẳm lừ tưởng chừng như sắp chìm... cũng đẹp! Chiếc đò ngang hay đò dọc gì đó dài thòn có cái mui bằng phẳng thấp lè tè, hai bên hông trống trơn không có gì che chắn, lướt sóng chạy bắn nước như giành sông với những ghe thuyền khác... cũng đẹp!

Bỗng, một bé gái cỡ 10 tuổi đến gần vợ tôi, tay chìa một tấm vé số, năn nỉ bằng một giọng trong trẻo nhưng nói khá to để át tiếng những người bán dạo chung quanh: “Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”. Con bé mặt mũi sáng sủa dễ thương. Vợ tôi lấy tiền mua vé số rồi vuốt đầu nó, hỏi: “Nhà con ở đâu lận?”. Chắc bả thấy tội cho con nhỏ, mới có bây lớn tuổi đầu mà bán xong còn phải lội bộ về nhà giúp mẹ! Nó nhìn vợ tôi, mỉm cười rồi mới trả lời: “Dạ! Ở xóm rạch Ngo gần đây hà!”. Cái cười của nó có duyên vô cùng. Trước khi đi, nó còn biết nói: “Cám ơn nghe ngoại!”. Tôi nhìn theo mà thấy mến cái dáng nho nhỏ thon thon của nó trong bộ đồ bà ba vải trắng đã ngả màu bùn non lờn lợt ...

Một lúc sau, tôi nghe ở hành lang phía bên kia vang lên tiếng lảnh lót của con bé: “Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”. Tôi nhón gót nhìn sang: Đúng là nó! Vợ tôi hỏi: “Nó hả ?”. Tôi gật đầu mà không nén được tiếng thở dài ...

Tôi nhìn ra sông nước với vài chiếc ghe thuyền đi lại, nghĩ mà thương cho thân phận người dân bây giờ... Tôi buột miệng nói: “Bây giớ... sao thấy nhiều lục bình quá hổng biết ” ...

Chiếc bắc vẫn ùng ục nhả khói qua sông... ráng nhả khói mà qua sông...

TIỂU TỬ
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »


Image


Hai người Việt Nam tuyệt vời


Tôi vô vàn hãnh diện, vô vàn vinh dự được giới thiệu với độc giả hai người Việt Nam tuyệt vời: ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ Tịch Hội Đồng Tư Vấn & Giám Sát về Ngày Giới Trẻ (World Youth Day -- WYD) và luật sư Võ Trí Dũng chủ tịch ban chấp hành Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Úc Châu và bang NEW SOUTH WALES. Hai vị này đã giúp tôi không còn lo lắng gì nữa về những mưu đồ của Việt Cộng lợi dụng ngày WYD 2008 để phá hoại tinh thần thượng tôn dân chủ,

yêu chuộng và tận tình chiến đấu cho tự do và nhân quyền, của khối 3 triệu người Việt hải ngoại.
Tôi đọc lá thư của luật sư Dũng mời đồng bào hải ngoại đi tham dự mà thấy thèm có mặt trong "đoạn đường chiến binh" dài 4 cây số ông mô tả. Ông Dũng viết, "Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu/NSW trân trọng kính mời quý vị lãnh đạo tinh thần, quý vị đại diện các Hội đoàn, Đoàn thể, quý vị đại diện các cơ quan truyền thông và quý đồng hương tham dự cuộc diễn hành đi bộ từ Belmore Park (đối diện ga Central) đến Randwick Race Course vào đúng 7giờ sáng Chúa Nhật 20 tháng 7 năm 2008.
"Mục đích của cuộc diễn hành là để tôn vinh lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng cho các giá trị nhân bản, tự do và dân chủ của người Việt Nam và là biểu tượng tinh thần duy nhất của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu và trên toàn thế giới, nhân dịp mọi người chào mừng và truyền thông quốc tế chú ý tới Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney."

Ông chu đáo căn dặn những người Việt Nam đến từ các quốc gia khác trên thế giới, không rành đường xá Sydney, "Xin quý đồng hương đi xe lửa hoặc các phương tiện công cộng đến ga Central, vì trong 2 ngày cuối tuần 19 và 20 tháng 7 tất cả các xe tư nhân không được vào trung tâm thành phố.
"Sáng Chúa Nhật 20 tháng 7 sẽ có hàng trăm ngàn người đi xe lửa về ga Central. Với số lượng người đông như vậy, sẽ có những chuyến xe phải ngừng tại ga Redfern và phải đi bộ về ga Central. Sẽ có người hướng dẫn quý đồng hương đi về ga Central, tập trung tại Belmore Park để cùng đi chung với nhau.
"Xin có mặt tại Belmore Park đúng 7giờ sáng Chúa Nhật. Chúng ta sẽ cùng với đoàn người hành hương đi bộ từ Belmore Park về Randwick Race Course tham dự Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội vào đúng 9 giờ sáng. Đoạn đường này dài 4km, sẽ đi mất khoảng 2 tiếng đồng hồ vì số người đi rất đông, cả trăm ngàn người. Nếu đi trễ, cuộc diễn hành của chúng ta sẽ không còn ý nghĩa nữa.
"Xin qúy vị chuẩn bị giày đi bộ, nước uống, nón và nhớ mang theo CỜ VÀNG.
"Vì danh dự của người Việt Nam, và trong tinh thần tôn vinh lá cờ Vàng, CĐNVTDUC/NSW kêu gọi tất cả quý đồng hương đi diễn hành trong tinh thần vui tươi, ôn hòa và tôn trọng pháp luật."

Ði diễn hành đông đảo, mỗi người một lá cờ biểu tượng cho tự do, bất khuất, và mọi người giữ tinh thần vui tươi, ôn hòa và tôn trọng pháp luật! Tôi không hình dung được một thiếu sót nào để nhắc nhở luật sư Dũng, vì ông đã đi vào những chi tiết tỉ mỉ và vô cùng cần thiết như "giầy đi bộ, nước uống, nón", và mai phục hướng dẫn viên tại ga Redfern để chỉ đường đi bộ cho đồng hương khắp thế giới về Sydney vinh danh cờ vàng.

Người thứ nhì làm tôi vinh dự là ông Nguyễn văn Thanh; ông cũng cho tôi vững tin về tinh thần yêu nước, yêu tự do, dân chủ của cộng đồng Người Việt Úc Châu. Trong cuộc phỏng vấn với cơ quan truyền thông Việt Luận, trả lời câu hỏi về lá thư ngỏ của Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, ông Thanh nói, "Là một người tỵ nạn cộng sản và cũng là một người Công Giáo tôi rất buồn về nhận định trên của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Mặc dù rất kính trọng chức vị của Đức Hồng Y, nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý và rất thất vọng về nhận định trên của ngài. Lá cờ là một biểu tượng thiêng liêng của một dân tộc. Lá cờ vàng ba sọc đỏ biểu tượng cho các giá trị nhân bản, tự do và dân chủ của người Việt Nam. Hàng triệu người đã hy sinh mạng sống dưới lá cờ đó. Nhất định lá cờ vàng không thể làm tắc nghẽn sự hiệp thông của các bạn trẻ Việt Nam đến từ khắp năm châu như nhận định của Đức Hồng Y. Khi đưa ra nhận định này, theo tôi, ý của Đức Hồng Y là không muốn thấy lá cờ vàng hiện diện trong Đại Hội Giới Trẻ. Nhưng ngài không thể dùng những lời lẽ như trong lá thư để nói về lá cờ vàng, là biểu tượng tinh thần của hơn 3 triệu người Việt hải ngoại. Tôi cũng không hiểu tại sao Đức Hồng Y lại có nhận định như vậy, nhưng tôi tin một điều là không ai ngăn cản được chân lý và sự thật. Sự thật đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của tự do, là biểu tượng của người Việt yêu tự do trên khắp thế giới và lá cờ vàng sẽ tung bay trên bầu trời tự do Úc Châu."

Việt Luận hỏi ông Thanh về những biện pháp đề phòng một sự va chạm có thể xẩy ra vì khác biệt quan điểm chính trị giữa hai nhóm người Việt --một từ trong nước ra, và một đến từ các quốc gia tự do trên thế giới-- và được ông Thanh trả lời, "Theo tôi nghĩ sẽ không có va chạm giữa hai nhóm người Việt khác quan điểm chính trị. Đại đa số những người đến đây đều mang một tâm tình là tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và có cơ hội gặp gỡ các bạn trẻ khác đến từ khắp nơi. Đại đa số những người này là những người yêu chuộng tự do, công bình, bác ái; cả những người đến từ Việt Nam. Tôi tin rằng đại đa số họ là những người yêu tự do, không ưa Cộng Sản, nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc phải sống dưới chế độ Cộng Sản mà thôi. Vì vậy sẽ không có sự va chạm chính kiến vì họ cũng như chúng ta thôi. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải đề phòng những kẻ phá hoại và tôi tin rằng ban tổ chức CĐCG Sydney đã chuẩn bị cho những trường hợp bất trắc".



Tuyệt vời và vô cùng chu đáo; gần 80, nhưng tôi vẫn thèm thức dạy từ 4 giờ sáng ngày Chủ Nhật 20 tháng Bẩy để lái xe lăn đi suốt 4 cây số với vài ngàn người trẻ Việt Nam từ Belmore Park về Randwick Race Course tham dự Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội vào đúng 9 giờ sáng. Tôi thèm chứng kiến cảnh tình thương đồng bào quốc nội và tình yêu nước của giới trẻ hải ngoại biến Úc Châu thành pháo đài mà trái bộc phá "NQ 36" không đánh phủng được.

Không đủ điều kiện "xuống đường cầu nguyện" tôi xin cầu nguyện tại gia, và xin ông Thanh, ông Dũng và những người đang giữ tuyến đầu Úc Châu nhận lời tri ân của tôi.

Nguyễn Ðạt Thịnh
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 8 guests