Tạp Ghi

khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Chuyện "Trời Ơi" Trong Mùa Bão Lũ

Thiện Tiến
Những ngày cuối Tháng Bảy đầu Tháng Tám, trời Sài Gòn gần như không có nắng, mưa sáng mưa chiều cứ thay nhau làm mát, làm đẹp cho gương mặt đô thị có mức sống cao nhất nước. Giới trung thượng lưu của Sài Gòn lại kháo với nhau trong những quán nhậu, quán cà phê sang trọng rằng. Hãy tận hưởng cho hết những ngày mưa Sài Gòn đẹp như Mùa Thu Hà Nội.

Nhưng cũng có một cách nhìn khác về mùa mưa Sài Gòn là thời tiết Sài Gòn càng dễ chịu, có nghĩa là ở nơi khác có thiên tai bão lũ.

Tổng kết cập nhật, cơn bão số 2 gây ra lũ lụt ở các tỉnh Bắc Trung phần đã làm chết hơn 60 người và gây cảnh khốn cùng cho hàng ngàn gia đình.

Bảo số 2, phát triển từ một vùng áp thấp nhiệt đới gần bờ, chuyển dọc theo bờ biển và theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng đó chỉ là cơn bão nhỏ đầu mùa không đáng ngại. Nhưng vì sao bão số 2 lại gây ra những hậu quả nặng về tính mạng và tài sản đến vậy. Xin thưa: Vì chế độ đang vào mùa hội họp.

Quốc Hội khóa mới đang ngồi ở hội trường lớn để họp “nhất trí “về mọi việc.

Thủ tướng, chính phủ mới vừa được thông qua đang mắc đi công du các nước láng giềng.

Các tân bộ trưởng mắc ngồi với phe cánh mới huyên thuyên những tuyên bố hù dọa.

Riêng các quan đứng đầu tỉnh thành, đơn cử như tỉnh nằm trong vùng trung tâm của cơn bão số 2 là Quảng Bình và Hà Tỉnh thì mắc họp quy hoạch tổ chức nhân sự sao cho dễ ăn.

Thế nên trong mùa các quan cộng sản mắc họp, chuyện phòng chống và khắc khục hậu quả thiên tai, vấn nạn giao thông, dịch bệnh... chủ trương chung của chế độ là: Dân tự lo, tự thoát chính.

Mùa bão- mùa góp tiền cứu trợ

Từ sáng sớm ngày 11 Tháng Tám nhiều người dân lao động, không cần có khả năng siêu phàm, không cần nắm vững qui luật “Chủ nghĩa duy vật biện chứng” vẫn đoán đúng như đinh đóng cột rằng. Ðã vào mùa nhà nước vận động góp tiền cứu trợ!

Hàng năm cứ vào mùa bão là các ông, bà tổ trưởng dân phố tay cầm quyển sổ học trò, không phải đi đến trường để mừng tựu trường, mà là đi đến từng nhà để góp tiền cho phường-xã chuyển lên cấp trên cứu trợ thiên tai, lũ lụt. Năm nào ông tổ trưởng dân phố của chúng tôi cũng đều lặp đi lặp lại câu nói: “Khổ thân tôi lắm chú thím ơi, may mà góp tiền cứu trợ bão lụt bà con không nói nặng, chứ góp tiền cho các chuyện khác họ cứ nhè tôi mà chưởi muốn bể đầu. Còn nhà nước này cái gì cũng nhè dân mà móc túi.”

Không ai sống ở trong nước mà không biết chuyện, ngoài nghĩa vụ đóng thuế, hàng năm mỗi hộ gia đình, mỗi người Việt Nam “được” chính quyền địa phương ra sức vận động. Rồi chẳng ai biết những khoản tiền gọi là: Lao động xã hội chủ nghĩa, anh ninh quốc phòng, đóng góp giúp đỡ mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình thương và nhiều khoản thu trời ơi khác đi đâu về đâu.

Biết rằng góp tiền cứu trợ đồng bào trên tinh thần lá lành đùm lá rách là một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Những khoản tiền tùy hỷ dựa trên tinh thần thiện nguyện dành cho những số phận không may ấy luôn luôn có ý nghĩa cao thượng và không một người tốt bụng nào lại đi so bì, nạnh hẹ. Dù không có những con số chính xác bởi nhiều lý do cần phải giấu nhẹm. Nhưng rõ ràng ở Việt nam hiện nay tầng lớp lao động vẫn là tầng lớp gánh vác các khoản thu chính của quốc gia từ tiền thuế cho đến các khoản thu cứu trợ.

“Giá trị” của tầng lớp tư sản đỏ trong mùa bão

Trong một quán nhậu sang trọng ở sau Nhà Văn Hóa Thanh Niên, có một vị cán bộ hưu trí vừa khoe vừa kết án đồng chí cũ của mình rằng: “Vì hắn là bạn tôi, tôi biết hắn là người giàu trong hàng top bây giờ. Báo Thanh Niên đưa ra những gương mặt giàu nhất Việt Nam, tài sản của bọn đó ăn thua gì hắn. Hắn không có xí nghiệp, công ty, hắn chỉ có đất ở Sài Gòn, đất ở Hà Nội, đất trên rừng, đất ngoài đảo. Muốn biết vì sao hắn nhiều đất, hỏi người dân đen biểu tình thì biết. Nhưng tiền hắn đóng thuế chỉ đáng bằng một tiệm tạp hóa nhỏ. Kỳ diệu phải không! Nhưng nào sánh bằng chuyện rất quái là mỗi lần phải móc tiền làm từ thiện hắn chỉ chi khoảng mươi ngàn, miệng lại luôn nói: Khổ thân tôi lắm, có làm gì ra tiền đâu!”

Chuyện một ít người keo kiệt đến bẩn thỉu xã hội nào cũng có. Nhưng ở Việt Nam lúc này thành phần tư sản đỏ và ngầm kiểu đó lại số đông. Có nhiều lý do để họ biện minh, trong đó lý do cơ bản nhất dù không nói ra ai cũng biết là của cải của họ vơ vét từ những nguồn tiền bất chính. Thuế nào đánh được thu nhập bất chính và tội gì đóng góp cứu trợ nhiều hơn một anh chạy xe ôm khi thu nhập hằng triệu đô-la của mình đố thằng nào biết được.

Không ít công chúng vẫn biết rằng có những tư nhân đến những buổi đấu giá các sim điện thoại di động vì mục đích từ thiện với số tiền trong sạch. Và những ông chủ kiếm tiền bằng công sức và mồ hôi ấy chỉ là những ông chủ rất nhỏ.

Các tư sản đỏ ở Việt Nam mới chính là những ông chủ lớn. Ðể giải thích thêm cho giá trị của tầng lớp tư sản đỏ ở Viện Nam ngày nay, một “triết gia” vỉa hè Sài Gòn đã tổng kết một cách hình tượng rằng: “Bọn đó thằng nào cũng có hàng triệu đô la lận trong lưng quần. Có việc thiện, đè ngửa lột chúng ra cũng chỉ thấy trên răng dưới... Tài thế!”

Trong thời đổi mới ở Việt Nam, các phương tiện thông tin độc quyền ở Việt Nam chưa hề đưa ra được một gương mặt tư sản đỏ nào điển hình trong việc gầy dựng lợi ích cộng đồng hay hết lòng cứu trợ đồng bào trong cảnh thiên tai khốn khó.

Với bọn họ đất nước này không hề có thiên tai-dịch họa, không có lợi ích cộng đồng. quốc gia-dân tộc chỉ là nơi rửa tiền và vơ vét.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

ĐẰNG SAU NHỮNG LỜI GIẢ DỐI

HUY PHƯƠNG
Tại bữa tiệc ở Dana Point, Nam Cali, ông Nguyễn Minh Triết đã có nhiều hứa hẹn với “bà con” của ông ở hải ngoại, nôm na là “kiều bào” khi ông nói “bắt đầu 1/9 sẽ bỏ thị thực cho Việt kiều về thăm Việt Nam, giải quyết vấn đề nghĩa trang Bình Dương nhằm tăng cường đoàn kết, tạo điều kiện cho các gia đình về đây thăm viếng, chăm sóc mồ mả thân nhân”. Ôi, nghe ngọt ngào như lời sói ca hát dưới bóng cây có con quạ đang ngậm miếng bánh. Sự thật nó như thế nào? Không lẽ tôi lại cất lời ca cẩm: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói...”. Mỗi thời mỗi khác, phải chăng bây giờ đất nước đã thay da đổi thịt, Cộng Sản hôm nay không phải như Cộng Sản hồi xưa?

Trước hết là nói chuyện miễn thị thực. Theo tài liệu của báo Tuổi Trẻ ngày 17/7/07 thì Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Phú Bình “sẽ có quyết định miễn thị thực xuất nhập cảnh cho tất cả người Việt Nam ở nước ngoài hội đủ các điều kiện...”. Các bạn nên nhớ là “chưa” nhé, đây mới là “sẽ”, cái gì “sẽ” thì chưa chắc đâu! Còn “hội đủ điều kiện” là gì? Chúng ta mang quốc tịch Mỹ hay dù không là quốc tịch, đi du lịch Âu Châu không cần phải thị thực, chỉ cần mua vé máy bay và sắp xếp hành lý. Đi Việt Nam có được như vậy thì mới gọi là miễn thị thực. Ông Thứ Trưởng này sợ đồng bào hải ngoại quá ngây thơ, tin tưởng nên ông rành rẽ cắt nghĩa rằng: “theo tinh thần của quyết định trên, không phải Việt kiều cứ cầm hộ chiếu là vào Việt nam, mà phải làm thủ tục để được cấp một giấy xác nhận miễn thị thực có giá trị đi lại nhiều lần và có hiệu lực trong vòng năm năm. Như vậy Việt kiều vẫn phải làm thủ tục, vì nếu không có thủ tục thì các cơ quan chức năng quản lý không thể có số liệu, thông tin cụ thể để làm việc”.

Bây giờ chúng ta mới hiểu ra, miễn thị thực nhưng phải làm đơn “xin miễn thị thực” và lúc trước mỗi lần có thị thực chỉ đi về một lần, bây giờ có giấy phép miễn thị thực được đi lại trong vòng năm năm. Mà có phải ai cũng được cấp giấy như thế không? Ông chính quyền Cộng Sản Việt Nam dùng nhẹ nhàng bốn chữ “hội đủ điều kiện”. Thế nào là “hội đủ điều kiện”? Phải chăng là không có tên trong sổ đen, không có thành tích chống đối Cộng Sản, không bị viên chức CS trong và ngay tại Mỹ ghi nhận là thành phần nghi ngờ. Còn như “phải làm thủ tục” là thế nào, dân tình sống dưới chế dộ Cộng Sản nghe hai chữ “thủ tục” là “đầu tiên” đã thấy ngay hình ảnh của “Bác”, nay nếu “Bác” được thay bằng hình ảnh các ông Tổng Thống Hoa Kỳ thì tình hình càng dễ chịu hơn. Như vậy, nói đi nói lại, thì vẫn như cũ. Đó là món quà thứ nhất Chủ tịch Nguyễn Minh Triết ưu ái tặng các Việt kiều.

Món quà thứ hai là chuyện Nghĩa Trang Quân Đội VNCH, chuyện đồng bào hải ngoại vẫn quan tâm từ 32 năm nay và chính phủ CS muốn nghĩa trang sẽ tự nó tàn phế theo thời gian. Nó như cái gai nằm ngay giữa thủ đô Saigon, một cái gai khó nhổ đối với chế độ lòng đầy hận thù. Giữa thực tâm và giả dối, người ma giáo vẫn luôn luôn dùng lời dối trá nói cho qua bữa, cho xong việc nhưng thực tâm họ nghĩ gì, làm gì thì chỉ có họ biết. Cho đến giờ này, mặc dầu ông Nguyễn Minh Triết chỉ nói miệng là cho Việt kiều về trùng tu mồ mả thân nhân tại “nghĩa trang Bình Dương”, mà chưa có một văn bản chính thức nào về việc này. Cũng không nghe giao công việc này cho ai, dù là cho ông Nguyễn Cao Kỳ hay nhóm Quốc Gia Nghiã Tử Heritage. Họ chỉ cho phép những ai với tính cách cá nhân, muốn về trùng tu mồ mả ông cha được toại nguyện. Nghĩa là nếu chúng ta có thân nhân nằm trong nghĩa trang- sau khi xin phép, đương nhiên- chúng ta sẽ được vào trùng tu hay sửa sang phần mộ ấy. Mặt khác nếu ở Việt Nam, ai có thân nhân mới chết muốn chôn cất trong ấy, cũng có thể được, nếu có đủ diều kiện, vì đây là một “nghĩa trang dân sự” với cái tên “Nghĩa Trang Bình An” như lời ông Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình đã nói với ông Nguyễn Cao Kỳ trước đây.

Cái tên Bình Dương hay Bình An đối với chúng ta còn quá xa lạ, và coi như từ đây, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà (hay VNCH) đã bị xoá tên.

Việc cho nhóm QGNT Heritage hay ông Nguyễn Cao Kỳ về xây lại một bức tường chung quanh nghĩa trang, và xây dựng hay trùng tu lại các ngôi mộ trong nghiã trang, có khác gì chính phủ CSVN đã giao hẳn chủ quyền nghĩa trang này cho các nhân vật trên. Điều này chắc những người Cộng Sản hôm nay không thể làm. Lý do thứ nhất là ngày xưa diện tích của Nghiã Trang Quân Đội là 125 mẫu đất, ngày nay chỉ còn lại 58 mẫu nếu giao lại cho Bình Dương, nửa diện tích còn lại, nay là một nhà máy nước lớn chiếm 4, 5 mẫu, nhà dân chúng, doanh trại, các cơ sở kỹ nghệ. Nhà nước Cộng Sản không thể giải toả, bồi thường, hay đuổi họ đi để giao lại cho “Việt kiều” làm chủ đất. Lý do thứ hai là không ai có thể có chủ quyền nhỏ trong một đất nước có chủ quyền lớn. Giả thử như ông Bill Gates có giúp chúng ta 100 triệu đô la để mua lại nghiã trang, cũng không thể thu xếp, dọn sạch khu vực này để dành chỗ nằm riêng biệt, trang trọng cho anh em liệt sĩ của chúng ta, khi còn chế độ Cộng Sản ở quê nhà. Nhà nước Cộng Sản đã có chủ trương xoá bỏ Nghĩa Trang Quân Đội VNCH của chúng ta từ đầu, khó lòng mà đem nghĩa trang trở lại tình trạng cũ.

Cũng như trước đây, nhiều người tin tưởng rằng Cộng Sản sẽ trả lại chủ quyền nhà đất cho những người bỏ nước ra đi sau tháng 4-1975. Cộng Sản sẽ giải quyết ra sao đây, vì ngay trong những ngày đầu vào miền Nam, chúng đã cướp nhà cướp đất ấy chia chác nhau, giao cho binh lính, cán bộ của chúng. Qua 32 năm, ngôi nhà ấy đã được mua đi bán lại cả chục lần với chục người chủ khác nhau, đã thay hình đổi dạng, không thể nào chúng ta đòi lại chủ quyền ngôi nhà ấy, cũng như đất nước của chúng ta đã một lần đánh mất.

Lời nói của ông Nguyễn Minh Tiết trong buổi tiệc rượu hôm ấy chỉ là những lời nói giả dối, đãi bôi cho qua chuyện, vì mọi việc cũng rồi không đi đến đâu, khi người Cộng Sản không bao giờ có thực tâm, vì chưa hết hận thù. Họ chỉ nói lời hoà giải ngoài miệng, và những ai cả tin sẽ nhận những bài học đắt giá.

HUY PHƯƠNG
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

“ LẠY NGÀI...”

Huy Phương
Hồi chúng tôi còn nhỏ bé tí vẫn nghe người lớn tuổi chung quanh dùng tiếng “Ngài” để gọi Vua Bảo Đại trong những câu như “Ngài ngự ra Bắc”, hay để gọi Thần cây đa cây đề như mỗi lần mẹ tôi xuýt xoa khấn vái một điều gì “trăm lạy Ngài linh thiêng phù hộ...”. Đó là cái thời vừa phong kiến vừa mê tín dị đoan đã qua, bẳng đi đã lâu khoảng chừng ba mươi năm, tôi lại nghe chính miệng người Cộng Sản nói hay dùng trong các văn bản tiếng “Ngài” một cách khá khúm na, khúm núm với các chức vụ như Tổng Thống, hay Đại Sứ nước ngoài. Thật tình đây là bản dịch tiếng Việt nên các Ngài này cũng không được đọc và hiểu chúng gọi mình bằng danh xưng nào, nhưng chủ ý điều này chỉ để cho người dân biết là mình đã trang trọng thế nào đối với những nhân vật ngoại giao quốc tế.

Tiếng Ngài được dùng khi gọi một nhân vật tôn giáo để tỏ lòng tôn kính nghe không chướng tai, nhưng khi dùng cho một nhân vật chính trị nghe có vẻ vướng vất một chút hèn hạ như người đi xin ân huệ. Trước đây trong một chương trình phỏng vấn truyền hình, một ký giả đã có sáng kiến dùng một danh từ đã lâu không ai dùng, để gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng “Ngài” nghe đã lạ tai, nay lại được biết ông Nguyễn Cao Kỳ lại dùng tiếng “Ngài” để tâng bốc cái ông đối thủ ngày trước, nhỏ tuổi hơn ông là Nguyễn Minh Triết bằng tiếng “Ngài” như lời ông phát biểu trong một bản tin của báo Vieweekly: “Tôi không ngần ngại gọi những nhà lãnh đạo hiện hữu là ngài, vì đó là thủ tục tối thiểu, tôi cũng là một người lãnh đạo quốc gia”.

Thật là mỉa mai và xấu hổ hết chỗ nói! Có ai bắt ông Kỳ phải khúm núm gọi ông Triết bằng Ngài đâu, mà chỉ cần gọi “Ông Chủ Tịch” đúng với chức vụ, cũng như trước đây người ta chỉ cần gọi ông là “Ông Phó Tổng Thống” là đủ. Nếu hồi đó có thằng nào nịnh bợ xin xỏ ông một ân huệ nào mà gãi đầu gãi tai trước mặt ông, gọi là “Ngài Phó Tổng Thống” thì ông đã điên tiết lên mà bợp tai đá đít nó, vì tôi biết tính ông cũng nóng nảy mà ngang ngược lắm, có đời nào đứng yên để nghe lời nịnh bợ trơ trẽn như thế.

Chuyện này làm tôi chợt nhớ đến một chuyện ngụ ngôn La Fontaine, “Thần Chết và Lão Tiều Phu”(La Mort et Le Bucheron). Ông tiều phu khổ quá than thở muốn chết đi cho xong, bèn gọi tên Thần Chết, nhưng khi Thần Chết hiện ra thì ông lại sợ quýnh lên, líu lưỡi gọi Thần Chết là Ngài:“- Nhờ tay Ngài nhắc đỡ (bó củi) lên vai...” (bản dịch rất Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Vĩnh). Thường thường khi gọi ai bằng Ngài là lòng ta đã run sợ lắm, kiểu như ông tiều phu ở trên và bà mẹ tôi mỗi lúc con cái trở trời ấm đầu thì ra cái miếu sau nhà hay dưới gốc cây đa mà kêu Ngài lia lịa vì sợ Ngài quở hay Ngài phạt.

Khi một người đứng trước một người, mà giở cái giọng thưa bẩm, gọi người đối diện bằng Ngài thì ta cũng thấy con người đó nhỏ nhoi tội nghiệp chừng nào, chưa nói đến cái tư cách run sợ, khép mình để cầu xin ân huệ của người ấy.

Một chuyện khác là, tôi cũng không hiểu vì sao trong văn thư của Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ở Nha Trang gởi cho Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, đề ngày 7 tháng 7-2007, mà chúng ta đọc được ở hải ngoại, lại viết là: “Cụ Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, rồi lại “Kính thưa Cụ Chủ Tịch”, cuối cùng là “Kính chúc Cụ sức khoẻ”. Chữ Cụ trong văn thư này có cần thiết không? Cụ Triết còn trẻ lắm, chắc chắn là dưới thất thập, cụ Triết lại chưa có râu, gọi cụ ấy bằng cụ chắc cụ ấy buồn hơn là vui.

Theo ngôn ngữ Việt Nam, chữ “Cụ” không dùng cho chức tước mà chỉ dùng để tỏ lòng kính trọng đối với một người già như Cụ Phan Bội Châu, Cụ Nguyễn Hải Thần, Cụ Phan Chu Trinh, hay chưa già như Cụ Ngô đối với dân miền Nam (cụ Ngô về nước chấp chánh mới có 47 tuổi) cụ Hồ đối với dân miền Bắc (được làm là chủ tịch cũng ở tuổi xem-xem), vì người ta không thể gọi là Cụ Tổng Thống hay Cụ Chủ Tịch.

Thời Pháp thuộc, phong kiến, ở thôn quê, vì nỗi sợ hãi đối với những người cầm quyền có thế lực, người dân đen đã dùng tiếng Cụ để gọi các ông Lý Trưởng, Phó Lý như trong chuyện “Tắt Đèn” có nhân vật chị Dậu.

Thị Mịch trong Giông Tố thì van lạy Nghị Hách bằng danh từ “Quan”: “Xin Quan tha cho con!”. Thời Pháp hễ ai có chút Tây học hay tham gia chính quyền đều được gọi bằng Quan như Quan Chánh, Quan Quản kể cả vào nhà thương thì lạy Quan Đốc Tờ, vào trường xin cho con đi học thì lạy Quan Đốc Học. Vì vậy Quan cứ hếch mặt lên, coi đám dân đen như cỏ rác.

Nhiều khi chúng ta chê ngôn ngữ Tây Phương nói về danh xưng, vai vế ai cũng cá mè một lứa “ toi, moi” hay “you, me”, nhưng nói về chữ nghĩa Việt Nam, thì những Cụ, những Ngài, những Quan nghe nhiều khi phát mệt và thường tỏ ra cái tinh thần tôn kính quá đáng, mang đầy mặc cảm tự ti.

Từ khi miền Nam được nếm mùi Cộng Sản, thì danh xưng lại được “cách mạng hoá” triệt để. Cấp trên, cấp dưới gọi nhau như bà con trong nhà, như hồi mới ở trong bưng, mới nghe qua tưởng như bình dân, thân mật lắm. Nhân viên thì gọi Giám Đốc, Trưởng Phòng bằng Bác Năm, Chú Ba... nhưng chú Ba thì cấu mông cháu thư ký, bác Năm thì nhìn nữ nhân viên như Chó sói nhìn “cô bé... quàng khăn đỏ”. Bác Hồ thì “mục hạ vô nhân”, tất cả các ông già bà cả cho tới đàn bà con nít đều một tiếng “Bác Hồ”, hai tiếng “Bác Hồ”, mà chẳng nghe ai than phiền, khiếu nại.

Chúng ta gọi ai bằng Ông, Bà cũng đủ tỏ lòng kính trọng. Người viết sử cũng có thể viết ông Hồ Chí Minh hay ông Ngô Đình Diệm mà không sợ ai nói vô lễ hay xấc xược. Có chăng là ở thái độ tự ty của người gọi và sự tôn xưng quá đáng cho người được gọi. Không biết những nhà “cách mạng vô sản” như Nguyễn Minh Triết nghĩ sao khi được người khác gọi là “Ngài” hay “Cụ”, còn liêm sĩ thì biết ngượng ngùng, không thì mang thêm mặc cảm tự cao tự đại.

Huy Phương
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

NHỮNG CHIẾC ĐẦU SÓI
HUY PHƯƠNG

Trước hết tôi xin minh xác là tôi không hề có ý định bôi bác là đem những người sói đầu ra để làm trò cười cho thiên hạ như một cái trò “mất dạy” của người Mỹ mà tôi đã bị chứng kiến tuần trước tại Las Vegas. Số là nhân gia đình một người bạn về chơi Cali mà tôi có bổn phận đưa họ đi thăm cái thành phố tội lỗi này, chơi bạc mãi, lúc nào cũng thua, thấy chán, chúng tôi rủ nhau đi xem show. Đó là một show khá nổi tiếng: “Le Rêve” trình diễn tại khách sạn Wynn. Để khỏi trong bóng tối đạp lên chân người khác, chúng tôi quyết định đến rạp sớm 15 phút.

Trong khi đèn trong rạp hát còn sáng, chờ giờ trình diễn thì sau những hàng ghế khán giả xuất hiện bốn anh hề. Tôi khẳng định họ là những anh hề, vì những hành động của họ cốt để chọc cười khán giả trong những phút chờ đợi màn trình diễn. Cả bốn người đều mặc quần áo veste màu trắng rất tươm tất và họ đi đến đâu ngọn đèn pha trên trần nhà chiếu theo họ đến đây, để gây chú mục cho khán giả. Tôi đang phân vân chưa biết những anh chàng này giở trò gì đây, thì thấy họ đi len vào sau một hàng ghế khán giả, dừng lại sau lưng một khán giả “đầu sói” và bắt đầu “giở trò”. Anh chàng thứ nhất lấy ra một tấm vải nỉ, cầm miếng vải này để cách đầu ông khán giả “vô tội” này khoảng một gang tay và kéo qua kéo lại bằng một động tác như đang đánh bóng một đôi giày. Người khán giả này không chú ý đến ánh sáng của ngọn đèn nhưng khi thấy tất cả khán giả trong rạp cười ồ lên và quay mặt về phía mình thì ông mới nhận ra mình đang là người được chọn làm nạn nhân. Ở trường hợp ấy bạn có phản ứng gì ? Tôi nghĩ không có cách gì khác là bạn đành cười gượng gạo và ngồi yên.

Tiếp theo, anh hề thứ hai rút trong túi ra một cái bàn chải đánh dày khá lớn, như kiểu các ông đánh giày da đen vẫn dùng ở chỗ gần thang máy trong những khách sạn, và cũng với động tác đánh giày, anh ta vung cái bàn chải trên đầu vị khách “xấu số” này để mua những tràng cười tiếp theo. Anh hề thứ ba, đưa ra một cái máy đánh bóng cầm tay mà từ nãy anh vẫn dấu sau lưng, để làm công tác “chà bóng” cái đầu của vị khán giả này. Anh hề thứ tư làm nốt bổn phận của mình bằng cách dùng một chiếc khăn trắng, lần này lau trực tiếp vào cái đầu sói, và để kết thúc trò chơi khá “mất dạy” này anh ta chụp lên đầu vị khán giả này bằng một cái nón đỏ để đánh dấu vị trí của ông khách này và bỏ đi trong những tràng vỗ tay và tiếng cười của các khán giả trong rạp.

Trò hề này không chỉ làm một lần với một vị khách mà thực hiện bốn lần với bốn ông khách sói đầu ở bốn hướng của rạp hát, hai Mỹ trắng, một ông da đen và một người Ấn Độ. Chưa đủ, chúng còn chơi trò đổi chỗ bằng cách lôi ông sói đầu này qua ngồi cạnh vợ ông đầu sói kia. Trong khi các khán giả người Mỹ chung quanh chúng tôi vỗ tay cổ võ và cười lớn thành tiếng thì mấy cái bản mặt Á Châu của chúng tôi lầm lỳ tỏ vẻ khó chịu vì không biết nhà đạo diễn nào đã bày ra cái trò chơi khả ố này.

Lúc đèn bật sáng, đứng dậy ra về, tuy tôi cũng còn nhớ đến cái hay cái đẹp của show nổi tiếng này, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái trò chơi rẻ tiền trong một rạp hát đắt tiền vừa qua của bốn anh hề. Phải nói là tôi rất bất mãn về cái trò phụ diễn trước giờ trình diễn hôm đó, vì họ chẳng biết tôn trọng không những người lớn tuổi (ai sói đầu cũng đều khá lớn tuổi) và cả chọc quê những “khuyết điểm” của người khác, mặc dầu tôi không phải là một người có cái đầu sói.

Sở dĩ tôi dùng hai tiếng “khuyết điểm” vì như các bạn biết, thường thì không ai muốn có cái đầu sói, phần lớn họ đi cấy tóc, để số tóc còn lại dài để vắt qua chỗ khuyết điểm hay là đội nón. Một số người khác, để khỏi mệt vì ba cái chuyện lẻ tẻ này, họ đi cạo luôn số tóc còn lại để làm người trọc đầu kiểu Yull Brynner ngày xưa, như một cái mốt khá phổ biến tại Hoa Kỳ những năm gần đây.

Hồi nhỏ tôi vẫn thích những người sói đầu, trông họ có vẻ thông minh và trí thức hơn những người khác, đó là theo cách diễn giảng của mẹ tôi. Một hôm tôi hỏi gặng lại mẹ tôi: “Con thấy ông Tư kéo xe kéo cũng sói đầu, vậy ông cũng thông minh trí thức hay sao?” Mẹ tôi làm thinh vì chắc bà cũng còn do dự không biết chắc chắn rằng “ông Tư kéo xe” có thực là thông minh trí thức không? Tôi là người rất rậm tóc nên cho tới giờ lớn lên và bước vào tuổi già tôi vẫn thích có một cái đầu sói cho có vẻ “intellect”, và sau này, tôi cũng nhận ra những người lao động tay chân, ngay cả ít có cơ hội đến trường hay mang nhiều bằng cấp vẫn có thể là những người thông minh, trí thức.

Cái đầu sói “trán càng ngày càng cao, tóc càng ngày càng di tản có trật tự” thì có gì đâu mà phải dùng làm đề tài để trêu chọc người ta, cái đó là do nhiều nguyên nhân về sinh lý học, đâu có phải muốn hay không muốn là được. Nhiều người mang cái tính tình xấu còn chưa sửa được, nói chi đến cái hình thức mà Trời bắt phải mang. Nước Mỹ cấm người ta kỳ thị, nhất là đối với những người có khuyết tật, đụng vào là có cơ ra toà, vì sao rạp Wynn ở Las Vegas lại có quyền kỳ thị và bêu rếu, chọc cười trước hàng nghìn khán giả về cái đầu sói. Nếu tôi là một trong bốn ông sói đầu hôm ấy, tôi sẽ nhờ luật sự kiện rạp Wynn hay chương trình “Le Rêve” ra toà để xem nước Mỹ trả lời ra sao? Vì đây là rạp giàu, không những tôi sẽ đòi bồi thường bốn triệu mà bốn chục triệu về hậu quả cái trò chơi, coi cái đầu sói của tôi như một đôi giày cần đánh bóng, vì sau đó tôi đã cảm thấy hổ thẹn, mặc cảm u uất, bỏ ngủ, trầm cảm và bây giờ vợ tôi mới nhận ra cái đầu sói của tôi là chỗ để chọc cười thiên hạ, nàng bỏ tôi để theo thằng có nhiều tóc. Chắc chắn rằng tôi sẽ thắng kiện, có tiền và sẽ nổi tiếng khắp nước Mỹ.

Đó là tôi nói chuyện giả thiết, nếu cái đầu sói, tôi sẽ gài bẫy cho chúng nó chết, còn bây giờ tôi lại mang tiếng là có quá nhiều tóc. Mẹ tôi ngày xưa có nói “ai nhiều tóc sẽ khổ suốt đời, ít tóc mới sướng được” nên tôi đành phải mỗi tuần ngồi viết một bài tạp ghi như thế này.

Không biết các nước Á Châu như thế nào, nhưng ở Việt Nam người ta thường coi cái đầu là trọng, hồi nhỏ mấy đứa bạn tôi bảo đó là chỗ thờ ông bà, vì ông bà ngồi trên đó và khi người ta dùng mấy chữ “chuyện trên đầu trên cổ” là nói đến chuyện thiêng liêng. Ở Mỹ, hồi còn đi làm, trong sở tôi có mấy em da trắng “thấy tôi nho nhỏ mà thương”, những lúc cao hứng, chúng thường hay xoa đầu tôi, tuy vẫn thích, nhưng tôi sợ đụng đến ông bà nên tôi nhắc chúng rằng theo văn hoá Việt Nam chớ chớ có đụng đến cái đầu của người ta.

Tôi khuyên mấy ông đầu sói có đi Las Vegas thì đi đánh bài chớ có ham coi show, nhất là show “Le Rêve”, trừ trường hợp muốn gài bẫy để kiện cho chúng “sặc gạch” ra, cho chúng biết thế nào là phải là quấy, là Đông là Tây, như văn hào Rudyard Kiipling đã nói “Đông là Đông, Tây là Tây, không bao giờ có thể gặp nhau” !


Huy Phương
thienthanh
Posts: 3384
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »


Image

Nghe Huế Đâu Đây!

Tô Kiều Ngân


Người Huế xa quê, ít nhiều gì cũng có lúc nằm chiêm bao thấy mình được trở về làng xưa, đi giữa những con đường quê im mát, nghe hai bên xôn xao toàn giọng Huế. Thú vị nhất là được nghe lại những tiếng, những lời mà lâu lắm rồi mình chẳng được nghe, cũng không nói tới nên hầu như quên mất. Những tiếng, những lời đó, lớp con cháu mới sinh sau chắc chắn chưa nghe bao giờ, đương nhiên là không thể nào hiểu được. Thử đố các cháu biết câu sau đây nói gì? “Tời mưa, đường tơn tợt, bỗ một cấy hắn chợc cấy tổ cúi”. Nếu viết đúng thì như thế này: "Trời mưa, đường trơn trợt, bỗ một cái hắn chợt cái trổ cúi”, có nghĩa là ”đi đường trời mưa trơn, té ngã, đầu gối bị trầy”!

Hồi tôi học tiểu học ở trường huyện Hương Trà, bọn bạn ở các làng quê lên học thường bị các thầy bắt chụm năm đầu ngón tay lại, lấy thước ”khẽ” những cú đau điếng vì lỗi phát âm sai lệch. “Con trâu trắng” thì chúng đọc thành “con tâu tắng”, “ăn trộm” thì đọc thành “ăn tộm”. Bị đánh mãi nhưng không sửa được vì mới biết nói chúng đã phát âm như vậy, bởi chung quanh ai cũng nói như vậy, giọng điệu nhà quê đã quá quen thuộc, đâu phải là lỗi của chúng khi đánh mất âm “r”. Nghe thêm câu sau đây hẳn người lớn cũng phải ngơ ngẩn, đừng nói là lớp trẻ mới lớn: ”Tới tuồi cho tụt”. Cái gì đây? Nếu thêm “r” vào, câu này sẽ là: ”Tới Truồi cho trụt”. Truồi là tên một làng quê nằm bên cạnh Nong, hai làng đều thuộc huyện Phú Lộc xưa. Truồi vốn nổi tiếng vì hai đặc sản đó là dâu Truồi và chè Truồi. Cũng nổi tiếng vì câu ca dao:

“Núi Truồi ai đắp mà cao
Sông Nong ai bới, ai đào nên sâu”

Hai làng này nằm ở phía Nam kinh thành Huế, có đường xe lửa chạy qua. “Tới Tuồi cho tụt” đơn giản là “đến ga Truồi cho tôi xuống”! Vậy thôi! Nhân nói đến Nong, tưởng cũng nên nhắc lại một giai thoại. Chuyện kể rằng trên chuyến xe lửa dừng lại ở ga Nong, hai hành khách Nhật Bản nghe một bà già hỏi chuyện một cô gái người địa phương như thế này:

- O ga ni ga mô ri?

Cô gái đáp lại:

- Mê ga ni ga Nong!

Hai vị khách Nhật nhìn nhau ngơ ngác, thầm hỏi không biết hai phụ nữ kia có bà con xa gần gì với người Nhật mình không mà nói năng y như tiếng Nhật. Hỏi ra mới biết, bà già hỏi cô gái:

- O ơi ga này là ga nào vậy?

Cô gái đáp lại:

- Thưa mệ, ga này là ga Nong.

Người Huế có thói quen không phân biệt “nh” và ”d” nên nói nho nhỏ họ phát âm thành nói “do dỏ”, đi nhè nhẹ thành đi “dè dẹ”, nghe nhạc thành nghe “dạc”, ở trong nhà thành ở “trung dà”. Cũng không phân biệt khi phát âm “an” với “ang”, do đó mà hoa “lan” hay khoai “lang” cũng đọc như nhau.

- Nì, cái áo của tau mi để mô?

- Móc ở trung chớ mô!

- Trung mô?

- Thì móc ở trung buồng, trung dà chớ cóm để ngoài đường răng mà hỏi lạ rứa!

Đối thoại trên của hai chị em cho ta biết rằng: cái áo của cô chị, cô em móc ở trong buồng, ở trong nhà, đâu có để ngoài đường, sao hỏi lạ thế! Kể cũng khó hiểu, nếu ta không quen phương ngữ sông Hương thì ắt phải có người thông dịch. Nghe Huế không những phải rành thổ âm, thổ ngữ mà còn phải rành cung bậc, bổng trầm, to nhỏ. Chỉ một tiếng “dạ” mà nếu phát âm nhẹ nhàng thì tỏ sự tuân phục, đồng ý; nếu “dạ” biến thành “dá…ơ” thì tỏ ra người nghe ở xa, chưa hiểu người nói nên yêu cầu nhắc lại. Nếu “dạ” được phát âm bằng giọng xẵng, tiếp sau đó là một dấu lặng đột ngột thì phải hiểu đó là thái độ không bằng lòng, không đồng ý, bực dọc mà phải vâng chịu. Nếu nghe cấp trên thuyết giảng, không trao đổi mà cứ lúc lúc lại dạ…dạ…dạ thì gọi đó là “dạ nhịp” để người nói tin rằng người nghe bị thuyết phục hoàn toàn bởi suốt buổi chỉ nghe toàn một tiếng “dạ…à”!

Huế cũng “phớt lờ” sự phân biệt giữa các âm: ”ươn” với “ương”, “ac” với “at”… Cho nên con “lươn” và lãnh “lương” cũng nói như nhau; “biển hát” thì thành ra “biển hác”. Có điều lạ là khi viết, họ viết rất đúng chính tả nhưng khi nói thì có người nói đúng, có người cứ phát âm theo thói quen – do đó, khi gặp ai “đi dè dẹ”, “nói do dỏ” thì ta biết ngay đó là người Huế một trăm phần trăm, không chối cãi gì được và tự thâm tâm ta bỗng liên tưởng đến cội nguồn, đến quá khứ, đến truyền thống xa xưa…

Sẽ thất vọng bao nhiêu nếu nói chuyện với một cô gái Huế nào đó mà không nghe được những tiếng “dạ…thưa” ngọt lịm, không nghe cô ta “nói dỏ dỏ” mà cứ uốn giọng, tránh xài các thổ ngữ, “hương đồng gió nội” cùng cái duyên dáng trời cho quả đã bay đi mất rồi đó!

Có phải là đã có đôi lúc bạn nằm mơ thấy mình về Huế để nhìn lại thành quách cũ, con sông xưa, để được nghe giọng Huế rặt, những tiếng lời quen thuộc gợi lên một thời thơ ấu. Gần Tết, nếu bạn không về thăm Huế được trên thực tế thì mong bạn hãy…nằm mơ. Trong giấc mơ thế nào bạn cũng nghe lại được những tiếng nói thân thương chan hoà phong vị ngày xuân chẳng hạn như là tiếng rao bài chòi của anh hiệu:

- Hai bên lẳng lặng mà nghe đi chợ con ầm…

Hoặc của bàn Nhứt Lục:

- Cất tay! Nhứt…Tam…Ngũ!
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

“ĐEM THÂN CHO THIÊN HẠ MUA CƯỜI”...

HUY PHƯƠNG
Cách đây mấy tuần, các bạn đã đọc được nỗi bất bình của tôi khi xem show “Le Rêve” tại sòng bài Wynn ở Las Vegas, khi người ta đem những chiếc đầu sói ra để đùa một cách “mất dạy”, mà tôi đã không thể dùng chữ nào hơn để mô tả. Bài báo được in ra, và có nhiều người quan tâm, như một độc giả chưa quen ở Anaheim đã điện thoại cho tôi, có vẻ thương hại cho sự ngây thơ của người viết. Người này nói cho tôi rõ là sẽ không có ai kiện bọng gì cả, vì những người mang chiếc đầu sói này là những nhân viên ăn lương của bầu show, nói tóm lại đây là những “cò mồi” thứ thiệt. Người bạn này trước đây làm ăn ở “thành phố tội lỗi” này, có nhiều giấy mời xem show nên thỉnh thoảng đi xem lại những show đã một lần xem qua, và nhận ra “đi vô đi ra cũng mấy thằng cha khi nãy”. Đây là những người do bầu show thuê, công việc hằng ngày, mỗi xuất chỉ việc vào ngồi ở rạp (chia ra bốn hướng) để chịu diễn lại tấn tuồng này.

Sau khi xem show “Le Rêve” về, tôi bất bình một, bây giờ nghe ông độc giả này nói rõ, tôi lại bất bình hai. Vì sợ kiện, rạp đã phải thuê “những người đầu sói” làm nạn nhân, đôi khi tỏ ra một chút ngờ nghệch, ngây thơ cho phải phép, để mang lại những tràng cười cho khán giả ngồi đợi giờ diễn. Nếu thực sự bạn có cái đầu sói, và đang lúc túng quẫn, tôi chắc không đời nào bạn đi apply để xin việc này, mặc dầu nghề này trông có vẻ nhàn hạ, mỗi ngày vợ chồng đắt nhau đi coi show như những kẻ phong lưu dư tiền dư của. Nhưng thực sự tôi không chịu nổi về chuyện nghĩ mình phải “đem thân cho thiên hạ mua cười”, nó không kém xót xa tâm sự của nàng Kiều bên Tàu ngày xưa đâu. Nàng Kiều dâng hiến cho khách làng chơi cái gì tôi không rõ, nhưng còn tôi, lấy chỗ trên đầu trên cổ đem làm trò cười cho thiên hạ thì tôi không chịu nổi. Thà tôi đi làm cu li như những ngày mới sang Mỹ, hay là đi chùi restroom, còn hơn ngồi đần ra cho thiên hạ cười hô hố vào mặt mình.

Tôi không thể nào chịu đựng với ngọn đèn pha mấy nghìn watts chiếu thẳng vào mặt, trong khi hằng nghìn khán giả đều quay đầu nhìn đến phía mình, với những tiếng cười bất nhã và những tràng pháo tay cổ võ (không biết cổ võ ai, những anh hề hay cho tôi). Tôi cũng có những ông thầy dạy học, những bạn bè, thân quyến không có tội tình gì, chỉ mỗi điều lúc hết tuổi xuân, tóc bắt đầu rụng, lẽ nào tôi lại để cho mọi người được cười cợt những khuyết điểm phải nói là chẳng có gì quan trọng.

Ngày xưa cụ Nguyễn Văn Vĩnh có nói “người An Nam ta có tật cái gì cũng cười, hay cũng cười, dở cũng cười…”, ngoài đời không hiểu thế nào chứ trong rạp hát, câu này áp dụng cho người Mỹ có lẽ đúng hơn. Không hiểu vì mình dốt nát không hiểu được cái thâm thúy trong nụ cười của người Mỹ, hay người Mỹ không có cái thâm trầm bí hiểm của người Á Đông. Hồi ở trong quân đội, tôi có được đi học một lớp báo chí bên Mỹ, thực tập các môn học thì cũng OK, nhưng vào những giờ thuyết giảng, nhất là các môn học về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ thì tôi mù đặc. Có lẽ giáo sư nói hấp dẫn lắm, thỉnh thoảng cả lớp lại cười rần rần, trong lúc tôi, một học viên Việt Nam duy nhất trong lớp, lại chỉ thỉnh thoảng mới nhếch mép được một cái. Ông bạn sĩ quan Hoa Kỳ ngồi bên cạnh để ý chuyện ấy bèn quay sang hỏi tôi “sao bạn không cười?”. Tôi vừa định nói thật với nó là tôi có hiểu cái gì đâu mà cười với khóc, thì hình như nhận ra câu hỏi ngớ ngẩn của mình, anh ta nói: “Tôi biết người Á Đông các anh thâm trầm, sâu sắc, đâu có dễ làm các anh cười được!” Lần này thì tôi cười thật, nhưng là cười thầm trong bụng.

Nhưng với những trò đùa vô duyên trong show “Le Rêve” tuần trước, không có gì phải khó hiểu cả. Tôi không cười là vì tôi thấy nó sỗ sàng, thô lổ, không có tính người, nếu có ai bảo tôi khó tôi cũng xin chịu.

Mấy năm sau khi sang Mỹ, tôi bị nhiều tháng ngày thất nghiệp nằm nhà, chiều chiều nghe tiếng chiếc xe van vào xóm bán cà rem cho lũ nhỏ, phát ra một điệu nhạc đơn điệu quen thuộc buồn bã, tôi tưởng chừng phát điên lên được. Nhưng chắc tôi cũng không thể ra đứng ở đầu đường làm cái “human sigh” múa may một cái bảng hiệu bán nhà hay quảng cáo cho tiệm ăn gần đó. Tôi thường nghĩ thà làm một việc gì cực nhọc bao nhiêu cũng được, nhưng phải ở trong một cái xó xỉnh tối tăm nào mà không ai biết đến mình, chứ không dám chường mặt ra ở chỗ đám đông. Thế mà có người chịu đưa cái đầu sói của mình ra để làm cái “cần câu cơm” như chữ nghĩa thế gian vẫn thường dùng. Tôi mừng vì chưa thấy ai là người Việt chịu đi làm những công việc như thế.

Bây giờ tôi mới thấy tội nghiệp cho những người có chiều cao quá khổ, những người lùn, hay anh chàng béo phệ lạ thường đều được các ông chủ gánh xiệc săn đón để mời diễn trò mua vui cho khách vào xem. Các chủ nhân ông này thường đi tìm kiếm các cái khác lạ, dị thường của con người, có khi là dị tật bẩm sinh, để kích thích sự hiếu kỳ của khán giả, nó chẳng khác gì họ đi mua một con vịt có ba chân, con chó lai dê có sừng để tăng thêm thu nhập cho gánh xiếc. Đối với con người hay với con vật, cũng thế thôi, cái gì chủ nhân hái ra tiền là được.

Tôi nghĩ cái anh chàng đạo diễn sân khấu này, chắc là lãnh lương cao lắm, nhưng đầu óc tối tăm, không nghĩ ra được một cái trò gì cho nó có ý nghĩa để phải đem cái đầu sói của người ta ra mà diễu cợt. Nhưng tôi lại càng trách hơn những anh chàng “cò mồi” không biết xấu hổ, mang cái bộ mặt đóng kịch, ngây thơ, ngờ nghệch ra mỗi tối để kiếm ăn, tuy có nhàn hạ thật, nhưng vẫn có điều gì đó không vui.

Trách thì trách nhưng vẫn thấy vướng lại trong lòng một chút xót xa.

Huy Phương
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

CHUYỆN CON MÈO BÁO TỬ

HUY PHƯƠNG
Tháng rồi báo chí đưa tin, tại một nhà dưỡng lão thuộc thành phố Providence, tiểu bang Rhode Island, có một con mèo tên Oscar, có khả năng báo tử, vì nó thường đến nằm cạnh những bệnh nhân sắp qua đời. Sự tiên đoán chính xác còn hơn cả những bác sĩ y khoa khiến mọi người cũng như vị bác sĩ trong viện dưỡng lão này phải ngạc nhiên, đã được thể hiện trong 25 trường hợp. Thường thì bệnh nhân chỉ sống thêm bốn năm tiếng đồng hồ sau khi con mèo báo tử đến nằm bên cạnh. Phần lớn gia đình người bệnh đều cám ơn còn mèo đã cho họ biết trước để lo hậu sự cho người thân, nhưng không biết có ai muốn đuổi con mèo báo tử này đi không. Phần đông các cụ trong khu dưỡng lão này đều mắc bệnh suy trí nhớ, còn chúng ta, nếu còn minh mẫn, sẽ nghĩ thế nào khi một ngày kia, có một con mèo như thế bỗng dưng ra chiều âu yếm đến nằm bên cạnh.

Con người phải chết, chúng ta là con người, chúng ta phải chết, nhưng không phải ai cũng dễ dàng khi nghĩ về cái chết và không sợ chết. Tôi thật ghét con mèo này. Cái gì đến nó sẽ đến, vì sao phải cần phải báo trước? Vì dù có được báo trước thì cũng chẳng có ai sửa soạn được gì đâu. Cuộc đời năm bảy mươi năm, đâu có dễ dàng sửa đổi, điều chỉnh hay làm lại từ đầu trong vòng vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi.

Cứ nghĩ, rồi không phải một hôm nào đó, mà chỉ có năm bảy ngày hay bốn tiếng đồng hồ như các cụ trong nhà dưỡng lão, chúng ta phải sửa soạn hành lý để lên đường. Chừng ấy thời gian liệu có đủ cho chúng ta sắp xếp tất cả những của cải, danh vọng trong cả một đời người vào trong mấy chiếc va ly và nhét đầy trong các túi áo, xách tay như chuyến du lịch vừa rồi. Nghe nói lần nầy, lần này luật đời khắt khe, họ không cho chúng ta mang theo gì cả mà ra đi trần truồng cũng như khi chúng ta oe oe mấy tiếng vào đời. Có chăng là thân xác ấy đã già nua, có khi rệu rã không còn như mầm non mới nhú ngày nào.

Chúng ta phải bỏ tất cả, vợ con, gia đình, thân thuộc bạn bè để đi đến một nơi nào đó mà hoàn tòan chúng ta không biết, một mình cô đơn “tôi với trời bơ vơ”. Chúng ta chưa tưởng tượng ra ở nước Chúa có cái gì nơi đó, và ở xứ Phật Giáo có vui không hayThiên đàng Hồi Giáo có cả nghìn trinh nữ ra sao? Đó là nơi để dành cho những người hiền lành tử tế hay cho những kẻ tuẫn tiết, điên cuồng, còn những người phàm phu tục tử sẽ về nơi cái địa ngục, khổ đau đầy nhục hình như thế nào? Có sợ hãi, lo lắng không, khi chúng ta đi mà không chắc mình sẽ đến đâu, cũng không có nỗi một người bạn đồng hành để tâm sự hay một người nào đó có thể gặp để hỏi đường.

Trong một lúc chán đời nào đó, có lẽ tôi cũng muốn hăm hở muốn đi nhanh về cõi chết, nhưng vào những lúc thấy cuộc đời đáng yêu như thế này, bỏ nó mà ra đi, làm sao khỏi bịn rịn, luyến tiếc. Buổi sáng bầu trời xanh ngắt, mây trắng viền trên những dãy núi xa, vườn nhà ai đang nở những đóa hoa. Tôi nghe những tiếng cười trẻ thơ khi chúng chạy đùa trong công viên, tôi nghe được cả tiếng chim vừa cất tiếng hót. Đọc được một bài thơ hay tôi còn thấy lòng mình sảng khoái cũng như được thấy một cảnh tượng đẹp đẽ của trời đất. Bao nhiêu người thân, bao nhiêu khuôn mặt yêu thương trong suốt cuộc đời mà rồi đây tôi phải bỏ lại. Cả cái sinh hoạt thường ngày này đây rồi sẽ không còn tôi ở trong đó nữa, tôi đi xa hay tôi đã tan biến, rồi còn ai nhớ đến tôi không? Cũng có thể tôi sẽ không có một nấm mồ để người thân thăm viếng, tôi sẽ là cát bụi tan vào hư vô.

Người xưa Trung Quốc thì nói rằng sự chết như trở về đi trên con đường làng quen thuộc cũ, hình ảnh đó đẹp đẽ biết bao nhiêu. Nhà thơ Mỹ Walt Whitman thì nói:“Chẳng có gì đẹp đẽ bằng cái chết”, trong lúc đó ông Thomas Hobbes lại đặt câu hỏi : “Tại sao sợ chết? Đó là cuộc mạo hiểm đẹp đẽ nhất trong đời!” Xin can quý ông, tôi không biết trước khi chết các ông có cười không, vì thực sự tôi chưa thấy ai cười, dù là mỉm cười trước khi chết, mà chỉ thấy toàn đau đớn, rên siết.

Nếu con mèo báo tử đến nằm bên cạnh chúng ta hôm nay, và chúng ta cũng biết chắc chắn rằng chỉ còn vài giờ nữa chúng ta sẽ ra đi hay “trở về” (nếu sinh là ký mà tử là quy), chúng ta sẽ làm gì trong những giờ phút cuối cùng ấy? Những công việc chưa hoàn thành, những món tiền dành dụm chưa tiêu hết, những của cải không biết để lại cho ai. Chúng ta sẽ nói một lời xin lỗi với ai đó mà chúng ta vẫn canh cánh ân hận bên lòng bao năm qua, gởi lời cám ơn đến một người mà chúng ta chưa có cơ hội đền đáp. Xem ra cuộc đời cũng khá ngắn ngủi vì rõ ràng có bao nhiêu việc chưa làm xong.

Nhưng có khi không còn kịp nữa, chúng ta đã hôn mê rồi, đi vào một giấc ngủ không bao giờ thức giấc trở lại.

Huy Phương
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

HOAN HÔ VIỆT CỘNG TIẾN BỘ

Bà Lê Hiền Đức là một bà cụ già 76 tuổi, sống đơn độc ở phố Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội. Bà có một quá khứ rất hào hùng, từng là nữ điệp báo trong thời kỳ chống Pháp, sau khi Tây cuốn gói về nước bà Lê Hiền Đức được chuyển về Hà Nội làm giáo viên trường Chu Văn An. Bây giờ thì bà Hiền Đức đã về hưu.
Hơn một năm vừa qua, với dòng máu cựu nữ điệp báo Bà Hiền Đức đã hoạt động mạnh mẽ nhằm phanh phui những vụ tiêu cực của ngành giáo dục tại Hà Nội.
Sáng tinh sương ngày 18 tháng 9 vừa qua, nhà hàng xóm gọi điện thoại báo cho bà hay ngay trước cửa nhà bà có “ai đó” đặt một vòng hoa phúng điếu to tổ bố, có lẻ chiều cao ngang vớI chiều cao của bà, trên đó có một tấm vải ghim ngang ghi dòng chữ “Các con cháu kính viếng”.
Trời đất, đối với một cụ bà 76 tuổi mà chơi cho một vòng hoa phúng điếu sống như vậy, còn hơn là tặng nhau một vòng thòng lọng. Dĩ nhiên cụ bà Hiền Đức sợ quýnh quíu, một phần vì bị bất ngờ một phần vì ai bị cúng sống như vậy lại không giật mình sợ hãi, bà không dám mở cửa, chỉ len lén gọi điện thoại cầu cứu con cháu.
Cụ bà Hiền Đức cho biết, đây là hành động nhằm đe dọa bà vì, như bà nói “Tôi là một bà già lắm chuyện”, bà đã kiện cáo các vụ tiêu cực giáo dục đến nơi đến chốn và ngày 28 tháng 9 sắp tới thì Thanh tra thành phố Hà Nội đã đến hẹn phải trả lời bà về kết quả họ thanh tra các trường tiểu học quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân. Cụ bà Hiền Đức nói rằng, đâu phải họ dọa tôi bằng vòng hoa phúng điếu không thôi, mà trước đây họ đã gọi điện thoại nặc danh liên tục chửi bới tôi tơi bời, còn đe dọa nếu không ngừng chống tiêu cực thì ra đường sẽ bị xe tông.
Câu chuyện của cụ bà Lê Hiền Đức khiến tôi muốn khen ngợi, hoan hô Việt Cộng một phát, vì những gì xãy ra cho bà cụ này chứng tỏ rằng Việt Cộng ngày nay đã … tiến bộ hơn, … văn minh hơn, và nhất là … nhân đạo hơn rất rất nhiều. Cụ bà Lê Hiền Đức thử nhớ lại xem, nếu bà hành động chống tiêu cực như vầy vào lúc bà 36, 46 thay vì 76 tuổi như hiện nay thì thì có phải cửa nhà bà đã bị gõ nửa đêm, bà đã bị bỏ vào bao bố đem thả xuống sông rồi, có phải không?
Vậy, câu chuyện cụ bà Lê Hiền Đức nói nào ngay đã chứng minh được Việt Cộng đã tiến bộ lắm
Hoan hô Việt Cộng tiến bộ.

ĐỖ SƠN
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Những nghịch lý cuộc đời



Giọng thằng Toàn đọc thư oang oang:
- “Thưa mợ, nếu không có gì thay đổi, đầu tháng sau, ba con cháu sẽ hành hương về nguồn gặp người xưa, cảnh cũ, thăm lại đền Hùng Vưng, dấu ấn của nền văn minh sông Hồng và thủ đô Hà Nội... sẽ nhờ mợ và các em dẫn đi thăm Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Cách mạng -
cuốn sách giáo khoa ngắn gọn, đầy sức thuyết phục đồng thời là niềm tự hào của đồng bào xa Tổ quốc. Thăm lại Văn miếu - trường Đại học đầu tiên của Vịêt Nam hàng ngàn năm về trước. Mợ ơi! Chỉ kịp nghĩ đến đây thôi cháu đã muốn bay về với mợ ngay rồi.
Xa tổ quốc, ba cháu vẫn nhớ mùi vị quê hương, từ bát canh rau muống nấu tương gừng, món phở tái lăn, phở xào bốc hơi nghi ngút thơm lừng mùi hành lá, món nem chua, chả quế với đầy đủ gia vị và thứ nước chấm pha cà cuống nổi tiếng không nơi nào trên thế giới có được... Mợ ơi, cháu tin với tài nội trợ của mợ, hẳn sẽ làm ba cháu vừa ý...”
- Giời ơi là giời...mẹ tôi quay đi, thiếu mức oà khóc.
Thằng Toàn buông rơi lá thư, quay sang tôi, nhấm nháy:
- Mẹ lại nhớ bố rồi...
- Không phải, tôi bảo, “giọng thẳng ruột ngựa”: Tính mẹ tằn tiện, ngại tốn. Một bữa cơm người mất mười bữa cơm nhà... Cơm bác - cơm ngoại quốc... mẹ sợ...
Bỏ qua những lời dạy bảo của tôi, nó toe toét.
- Em sẽ xin phép mẹ ra sân bay đón bác.
- Mẹ chẳng đi đâu cả, mất buổi chợ lại ba xuất ô tô sang bên ấy hơn mấy chục nghìn cả đi lẫn về, đừng hòng... rồi mày xem.

***

Nhân bảo như thần bảo. Ngồi xếp bằng bên mâm cơm - bác giang tay sởi lởi:
- Mợ thấy tôi tài không? Xuống máy bay, ngơ ngác như con bò lạc... thế mà ba mươi lăm năm nay rồi hoá ra tôi vẫn còn nhớ cái phố Phan Thanh Giản này để tìm về đấy nhớ.
Giọng mẹ tôi buồn rầu:
- Vâng, bây giờ được đổi thành phố Nguyễn Hữu Huân bác ạ.
Nhìn một lượt khắp trong nhà, ngoài sân bác ngơ ngác:
- Thế chú ấy đâu?
Mẹ trả lời như máy:
- Nhà em mất lâu rồi, bác không nhìn ảnh trên bàn thờ sao?
Mắt bác loang loáng ướt - đôi đồng tử nở xoè như chiếc cúc áo.
- Mất ư? Hả? Sao mợ không báo cho tôi biết... Trời ơi, xuống sân bay không thấy ai ra đón, tôi nghĩ chú vẫn còn giận tôi. Mang tiếng là anh em thật, nhưng lại theo đuổi chí hướng khác nhau. Năm 1954, trước ngày tôi vào Nam. Hai anh em cãi nhau một trận chí chết. Chú tuyên bố “từ tôi”... ai ngờ...
Thái độ chân thành của bác khiến mẹ tôi cảm động, rơm rớm nước mắt.
- Em cũng biết... xa cách ngoài 30 năm, anh em nhớ nhau lắm... nhưng xa quá. Đánh điện bác cũng không về được, mà thư từ đi lại tốn kém ra... Từ ngày nghỉ hưu em đi chợ chỉ mong kiếm cho các cháu cân gạo, thư sang Tư bản cho bác dễ đến ba bốn ngày chợ của em.
- Sao nghỉ hưu mợ còn phải đi làm? Giọng bác ngơ ngác hơn cả tin bố tôi mất.
- Lương hưu không đủ nuôi các cháu bác ạ.
- Nhà nước phải đảm bảo cơ mà?
- Vâng. Mẹ trả lời lấp lửng, nước đôi - cũng hy vọng thế, nhưng chỉ thế hệ sau này bác ạ. Còn bây giờ “độc lập, tự lo, hạnh phúc”.
Ngập ngừng một lúc, bác lại hỏi:
- Thế tiền tôi gửi dạo chú ốm. Mợ nhận được không?
Mẹ tôi hồ hởi.
- Được ạ. Một France đổi thành 1,1 đồng Việt Nam... ba trăm France của bác, em gom góp tằn tiện nuôi dưỡng thuốc thang cho nhà em, còn vài chục lẻ nữa tranh thủ mua cái xe tòng tọc cho cháu đi học. Khỏi sợ mất.
- Đâu rồi? Bác hỏi. Đôi tròng mắt đảo liên tục như đảo lạc rang trên cho nóng.
Mẹ tôi cười vẻ biết lỗi.
- Từ ngày nhà em mất... cứ như là “vận áo xám”, ba mẹ con đau ốm triền miên. Đi chợ buổi đực buổi cái. Bao vốn liếng theo nhau trèo qua cửa sổ hết cả... cũng may nhận được thư bác, cháu lớn cũng vừa tốt nghiệp xong, chẳng cần đi đâu, nhà lại chật, em bán béng đi thêm tiền mua thức đãi bác.
Mắt bác loang loáng nước, nét mặt bần thần, ngơ ngác, không khí trong nhà ắng lặng... định thần lại bác hỏi:
- Số quần áo cũ còn tốt, tôi gửi về ba bốn lần mợ nhận được chứ.
Vâng. Mẹ mệt mỏi thanh minh.
- Hàng Tư bản bị nâng cao để đánh thuế 50 - 70%. Em giữ cho mỗi cháu một bộ mặc còn bao nhiêu phải bán đi để đập vào cước nhận hàng, coi như hoà bác ạ.
Giọng bác tôi trùng hẳn xuống, khác hẳn không khí hồ hởi ban đầu.
- Chờ mãi không nhận được thư mợ báo. Tôi chán quá chẳng muốn gửi về nữa.
- Vâng. Mẹ đáp, giọng có phần nao núng - Biết bác quan tâm tới em, tới cháu, mà... hoàn cảnh của bác cũng chỉ là hoạ sĩ nghèo, hưởng lương thất nghiệp lại “cha già con cọc”... em cũng không dám quấy, để bác sống.
Ba anh em tôi ngồi như ba ông bụt mọc, vẻ nôn nóng sốt ruột... nhất là anh Quý, con trai bác, 25 tuổi trông như một ông “tây ngố”. Cặp mắt cứ lơ láo hết các xó xỉnh trong nhà đến mâm cơm nguội lạnh rồi ngắm hai khuôn mặt, một lạ, một quen đầy chán ngán.
Cuối cùng bác cũng nhớ ra, xoa hai bàn tay vào nhau, bác lấy lại giọng kể cả, thân mật:
- Thôi nào... xem mợ định đãi bố con tôi món gì nào? á à... nem rán hả, chả xương sông, gà luộc, nem chua... toàn những món ngon và bổ, lại nhiều loại dinh dưỡng tổng hợp lắm, ở nhà mợ cũng tích cực làm cho hai cháu ăn đấy chứ?
- Vâng. Mẹ tôi cười, nét mặt ủ dột trở dại... tết nào em cũng cố làm.
Gắp miếng to nhất bỏ vào bát mẹ, rồi lần lượt chia cho mọi người, bác bùi ngùi:
- Con cái nhà này xanh xao quá. Ngoài 18, 20 cả rồi mà còi cọc lẻo khẻo như trẻ con bên kia lên 8, lên 9 ấy. Xem thằng Quý nhà tôi đây này. Cảnh gà trống nuôi con mà khoẻ hơn bọn Pháp chính gốc nhé.
Trả lại miếng nem bác vừa gắp vào đĩa, mẹ tôi thật thà đáp:
- Nhờ trời mấy năm nay thóc cao, gạo kém thật, nhưng chúng chưa bị ăn độn hoặc bỏ đói bữa nào đâu bác ạ.
- Hả? Bác tròn xoe mắt sau cặp kính lão
- Ăn độn? Như thời đói bốn lăm ấy à?
- Không. Giọng mẹ buồn bã xa xót, sắn khoai ngô cũng nuôi nổi con người bác ạ, chỉ sợ trí tuệ nghèo nàn không làm lên sự nghiệp thôi.
- Hả. Câu chuyện lại nhảy cóc... mặc ba anh em tôi thi nhau gắp, anh Quý là “khách Tây” ăn uống có vẻ rụt rè hơn, vừa ăn vừa thưởng thức “hương vị quê nhà” nem chua, chả quế, nước chấm với đầy đủ hương vị pha chế tinh tế tuyệt vời...
Sao hai đứa nhà này không đứa nào vào đại học? Bác hỏi.
Mẹ chống đũa, nhìn bác, giọng phân trần, trách móc.
- Không đủ tiền đóng góp bác ạ. Với lại biết có ăn giải gì không hay lại... chỉ có dại mà học. 55 tuổi đầu rồi, nào em đã nhìn thấy mả của người chết dốt đâu. Toàn mả chết đói, chết khổ đấy chứ.
Bữa ăn trị giá gấp... vài chục lần bữa ăn đạm bạc của mẹ con tôi, xem chừng uể oải trở lại, buông bát đũa xuống mâm, tôi đưa anh Quý đi dạo phố. Thằng Toàn tự nguyện ở nhà làm “điếu đóm” cho mẹ và bác.
Hà Nội đẹp quá, nắng đầu mùa chiếu lấp lánh trên những mái nhà cổ kính gợi nên một vẻ đẹp thấp thoáng của nền văn hoá cổ. Vừa đi tôi vừa kể cho anh nghe về chùa Ngọc Sơn. Sự tích của rùa vàng, gươm báu... Bỗng mắt anh lạc đi, giật mạnh tay tôi, hỏi:
- Cái gì kia?
Theo tay anh chỉ. Tôi ngẩn người trả lời như máy
- Ô tô
- Lạ nhỉ? Anh cười, giảng giải... là vì họ thiết kế giống cái hòm di động quá? Không sơn, không cửa sổ, cửa kính, cứ lù lù chạy.
- Tôi cãi - Lúc mới xuất xưởng, hoặc vừa nhập ở nước ngoài về nó cũng đầy đủ bóng lộn sáng choang lên đấy chứ. Bây giờ chạy đường dài, lại quá tải; nắng mưa bão táp, cùng hàng ngàn người đu bám, làm gì chẳng giống cái hòm.
Nhìn lom lom vào cái xe như nhìn vật thể lạ, bỏ qua mọi lời giải thích của tôi, anh lẩm nhẩm:
- Sao mọi người không chịu ngồi, lại cứ đứng lố nhố cả lên thế nhỉ? Lại còn cả trên nóc nữa. Họ định làm xiếc để quảng cáo cái gì à?
Tôi bật cười:
- Quảng cáo gì: Ăn còn chả đủ, có... khoe cái thân còm và ba sáu cái xương sườn thì có... chẳng qua nhà xe tham tiền chở quá tải, không đủ ghế ngồi thì mọi người phải đứng hoặc trèo cả lên nóc xe chứ biết làm sao.
Ơ! Gỗ và giấy giả da thiếu gì? Anh thắc mắc.
Nhưng... tôi ấp úng... cố gắng giải thích theo quan điểm và hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam.
- Việt Nam còn nghèo, số lượng xe nhập ít, nhu cầu đi lại của người dân đông, nên xe ca Việt Nam không cần đủ ghế, vé vẫn bán chạy như thường. Người Việt Nam ta chịu khổ quen rồi. Mua được vé để lên xe là tốt chán rồi, cần gì đến gỗ và giấy giả da để làm ghế cho lãng phí đi.
Nói đến thế anh vẫn không chịu hiểu, cứ áp dụng lối nhìn thật thà, thiển cận của các nước Tư bản “giãy chết” vào:
- Đã gọi là xe ca, phục vụ hành khách thì phải có sơn, và cửa kính đoàng hoàng, lịch sự chứ.
- Khổ lắm! Tôi phát cáu. Một miếng kính bằng bàn tay cũng năm bảy ngàn đồng ấy, huống hồ cả cái xe ca to tổ bố như thế... đào đâu ra? Tốt hơn hết đã vỡ rồi là thôi, hoặc cẩn trọng hơn, vừa được xuất khỏi xưởng, bác tài tháo hết kính cất đi, thay miếng gỗ dán, gỗ thông vào... thành hòm.
- Bậy nào. Anh phản đối đầy từng trải, hiểu biết.
- Việt Nam có bờ biển dài nhiều cát, nước ngoài phải tìm đến mua cát để chế tác các loại kính và gương soi trong nước cơ mà?
Không lẽ tôi bắt anh ra... bờ biển mà hỏi cát? Nguyên liệu đầy sao vẫn thiếu sản phẩm ứng dụng? Trình độ người Việt Nam trong thời kỳ quá độ “đóng cửa bảo nhau” chỉ có thế, có cái hòm di động mà chạy đường dài là tốt rồi... sao anh “cầu toàn” quá.
Chán với vai trò người phiên dịch... tiếng Việt ra tiếng Việt, tôi tạm thời “cắt băng”, đi bên anh như một cái bóng, mặc anh ngáo ngơ đôi mắt con mắt khắp dòng người, xe cộ, phố phường, nhà cửa... Một chiếc xích lô chợt đỗ xịch trước mặt, người chủ xe trẻ, khoẻ, xì xồ một tràng tiếng “bồi”, vui vẻ mời.
Nhìn vẻ mặt tương đối lịch sự của anh ta, lại thấy mỏi chân, tôi giật vội tay áo anh:
- Anh Quý ơi! Đi nhớ, cái này ngắm cảnh tiện lắm. Xích lô đấy.
Ngẩn tò te anh nhìn lom lom vào cỗ xe cổ lỗ xấu xí, chợt hiểu ra, anh gạt phắt:
- Không. Đi tắc xi hơn. Cái này chật và bẩn lắm... mấy lại chúng ta cũng đều lớn rồi, sao bắt họ đạp...
Tôi chưa kịp phản ứng gì, thằng oắt con đã gạt đi, sau khi tương bãi nước bọt vào giữa mặt:
- ối...
- Sao thế? Tú... anh Quý hốt hoảng.
- Mẹ nó chứ. Nó mời mình không đi, nó tức...
- Ơ mình có lỗi gì. Hà Nội nhiều xe mà... Hình như họ tức giận bố mẹ họ ở nhà thì phải, họ chửi tục lắm.
Giời ạ. Thà làm thằng đầy tớ cho người Việt còn hơn làm “phiên dịch” cho ông tây ngố như anh tôi.
Tiếng xe điện leng keng chạy tới, tôi giật vội tay anh nhảy dạt khỏi đường tàu, suýt nữa thì làm mồi cho cái hòm gỗ đỏ chậm chạp biết đi.
Không thèm mảy may nghĩ tới cảnh nguy hiểm vừa xảy ra, anh kéo tay tôi hỏi:
- Xe gì đấy Tú?
- Tàu chạy bằng điện nên gọi là... tàu điện, hiểu chưa?
- à... anh ngẩn ra, cười chữa thẹn... mình không biết thật mà. Hà Nội còn bảo tồn được những cỗ xe cổ lỗ đến nỗi chỉ còn thấy trong các viện bảo tàng của Pháp từ thế kỷ 17, 18.
Hai anh em tôi phì cười, phút lơ đãng kinh người đã tạo điều kiện cho đối tượng làm việc... vài trăm France cùng khăn mùi xoa, ví, vida không cánh mà bay.
Nhìn nét mặt nghền nghệt, tiếc rẻ của tôi, anh kéo tay giục.
- Đi, đi đến công an... họ là người “bảo hộ” mà...
Vốn hiểu rõ điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Tôi chần chừ:
- Trộm nhảy qua rào rồi, họ chẳng tìm đâu... mấy lại ở Việt Nam ấy à, thân ai người ấy lo, làm gì có ai bảo hộ ai cái gì. Mình có tiền đâu mà “chi, thuê” để họ tìm hộ... với lại mọi người ai cũng sợ mất chỗ đội nón lắm chẳng ai muốn bảo đâu.
- Kìa, ba mình vẫn dạy khẩu hiệu từ thời xưa của Việt Nam mà: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
-Trời ơi! Tôi giở giọng cùn cằn cố tình lấy thái độ “cố cùng liều thân”, may ra thì anh hiểu:
Đấy là “ngày xưa”, lúc này cần thì kiếm, liếm là chính thì có ấy. Chỉ vô tư với cái gọi là của công, cha chung không ai khóc, không móc máy xỏ mũi được thôi.
Anh nheo mắt sau cặp kính cận, tỏ ý không hài lòng.
- Khó hiểu quá nhỉ!
Ngang qua khu vực Văn Miếu, trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam từ vài ngàn năm, tôi hồ hởi.
- Anh Quý, Văn Miếu đây này, vào đi.
Chỉ tay vào tấm biển đầu tiên đập vào mắt, anh hỏi:
- Sao cái gì kia, biển hướng dẫn à?
- Vâng, tôi chun mũi ậm ừ, vì mùi khai khẳm xông lên.
- Biển... cấm đái đấy!
Anh quay đầu nghiêng nghé:
- Cấm à? Nhìn kìa... họ làm gì đấy? Sao cấm mà vẫn còn nhiều người đứng “đái”. ở Việt Nam mình thiếu nhà vệ sinh công cộng thật à?
Không lẽ lại bảo “thiếu ý thức tôn trọng vệ sinh thì có”, tôi thay đổi giọng điệu để tự trấn an mình.
- Người Việt Nam ưa cởi mở lắm. Biển cấm nhưng chỗ này thâm nghiêm u tối, vắng vẻ nên họ càng thích “cởi, mở” hơn, vừa tiện lợi, lại thoải mái, kín đáo. Mùi khai này mới chỉ là “cởi, mở” một phần sự thật thôi. Ban ngày mà, tối đến họ còn tiến hành “cởi mở toàn diện”, “nhìn thẳng vào toàn bộ sự thật” để tranh thủ “việc cần làm ngay” cơ. Đổi mới mà.
Thật khó lòng giúp anh hiểu “giai đoạn” quá độ này, dù đôi mắt anh cứ dướn mãi sau cặp kính cận không chịu sập xuống, tôi đành hậm hực bỏ đi.
Ngó nghiêng trước mậu dịch cửa Nam, anh rủ tôi:
- Vào đây đi... cửa hàng đăng ký kiểu mẫu mà.
Nhớ đến mấy thứ đồ đạc đã mất, tôi gạt đi.
- Thôi, thôi... cửa hàng Nhà nước, càu nhàu như mắm tôm ấy, có gì mà vào.
Anh ngạc nhiên:
- Sao lại thế, mình là khách, mua hàng giúp họ thì họ phải là người phục vụ mình chứ.
- Khổ quá. Tôi lại gắt. Phân phối XHCN chứ có phải cạnh tranh thiếu lành mạnh như cơ chế thị trường, con buôn chốn tư bản đâu? Hàng hoá ít, nhu cầu cung thấp so với cầu, mạng lưới phục vụ eo hẹp...
- Nhưng anh băn khoăn - Nếu phục vụ không tốt, họ không sợ chúng ta bỏ đi à?
Vận dụng hết sự hiểu biết của mình về nền thương nghiệp XHCN, tôi giải thích:
- Họ ăn lương nhà nước. Hàng bao cấp, khan hiếm. Người này không mua, đã có người khác mua, có ế ẩm bao giờ mà sợ. Vì vậy mới đẻ ra tình trạng người phải phục vụ thì không chịu phục vụ còn càu cạu, phách lối. Còn người được phục vụ dù có tức anh ách cũng chỉ biết... đấm ngực mình rồi... cút xéo. Quái thai mà, đăng ký kiểu mẫu thì cứ việc đăng ký, còn họ phục vụ chất lượng thế nào thì ai theo dõi mà biết.
Đến lượt anh uể oải lắc đầu, đi theo tôi như một cái bóng. Lúc đi hăm hở bao nhiêu thì khi về... tiu ngiủ như mèo bị cắt đuôi. Hà Nội tràn ngập xe đạp rởm, xích lô cổ, ô tô đường dài... Thập kỷ 80 này, đào đâu ra tắc-xi mà anh ngó nghiêng chờ đợi. Hai anh em tôi cứ xoạc cẳng đo đường phố, về nhà, dài lưng đo nỗi chán chường. Tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi, còn anh kêu đau người, nhức mỏi... 25 năm chưa biết thế nào là chiếu thủng, giường tre, đã không đệm, lại không điều hoà, thiếu cả ti vi, tủ lạnh, toa lét... công cộng, làm sao ông anh quý hoá của tôi hình dung, thích nghi nổi?

*
* *

Chuông gọi cửa réo vang, bác tôi bật dạy như chiếc lò so cực nhạy... cửa bật mở toang, người đàn ông gày gò chống ba toong bước vào.
- Anh Tạo... Tôi chờ anh suốt ngày hôm qua... bác tôi lên tiếng trách.
- Ôi, xin lỗi, tắc cầu. Người đàn ông thanh minh giọng tỉnh khô.
- Sao? Hậu quả chiến tranh à? Bác hỏi tôi.
- Không, một chiếc xe lăn đường bỗng dưng đứt xích nằm chềnh ềnh ra giữa cầu. Cả một ngày trời, người ngợm xe cộ ùn ùn tắc nghẽn lại, rồng rắn nối đuôi nhau. Người về Sầm Sơn, Đồ Sơn tắm biển, nghỉ mát được một phen nghỉ... nắng, nóng giữa cầu. Tôi hẹn anh sang đây hóng gió hồ Tây. Cũng được dịp “hóng gió” chân cầu. Cán bộ, bộ đội, thủ trưởng đi họp, công tác đột xuất, gấp gáp... được dịp khoanh tay ngồi... cười... nhăn nhó như khỉ ăn gừng cả lượt. Cánh ngoại quốc chạy đi chạy lại xì xồ chán... tiu ngiủ như mèo... bị chẹt đuôi.
- Thật thế à? Ngành chủ quản đâu? Các nhà chức trách đâu? Dùng cần cẩu cẩu lên mà thông cầu chứ.
- Hôm qua là ngày chủ nhật. Họ nghỉ cả, nếu không cơ quan đóng tít tận... đẩu đâu ấy, ai để ý, có đến cũng phớt ăng lê... “mắc kê nô” hết... Cánh nhỡ việc chúng tôi phát huy tinh thần làm chủ tập thể, động viên nhau chờ đợi, bàn bạc cả buổi chiều mà không có cách nào khác, đành rủ nhau quay lại nơi xuất phát ban đầu.
- Thế... tù chứ?
- Ai?
- Thằng lái xe lăn đường ấy.
- à nó biết tội lỗi của nó cũng tự cầm tù gần một ngày giời ở quán thịt chó bên kia cầu.
- Một ngày thôi à? Ba bốn năm là ít chứ. Gây ách tắc giao thông, gây thiệt hại lớn về thời gian và tiền của của hàng vạn con người như thế...
- ờ, thì còn làm cái nghề này, nó còn phải tự cầm tù mình nhiều. Bác già “nói kháy”
Bác tôi hồn nhiên. Phạt bao nhiêu?
- Mươi, mười lăm nghìn.
- Thế thôi à? Tôi ấy à. Phải phạt nặng gấp năm bảy lần mới xứng, tội ấy quá tội ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa còn gì.
- Vâng, nhưng ở Việt Nam ta, nhất là trong thời điểm “quá độ” này - Bác già giải thích - ăn cắp mà lại là tài sản XHCN thì không ai coi là ăn cắp cả, nếu không 1/3 số dân- từ trưởng phó phòng đến các vị lãnh đạo cơ quan đi tù ráo... có điều cái thằng ấy nghe đâu cũng là người tử tế sau khi bị bà chủ quán rượu thịt chó phạt mươi mười lăm nghìn rồi mà thấy cầu vẫn tắc, xe chưa thông, nó lại tự giác sát phạt thêm 100.000 nữa.
- Có thế chứ... Bác tôi gật gù vẻ am hiểu, đồng tình.
Bác già ngáp dài.
- Anh làm tôi buồn ngủ và mệt mỏi hơn hôm qua ngồi đợi cầu thông. Thôi, bây giờ thế này. Anh xin phép mợ và các cháu ra ngoài kia, đền tôi một chầu bia cỏ.
- Bia... cỏ?
- Vâng...
- Trời đất cha mẹ ơi...
- Bia CO2.... Khổ lắm, bác già cười ngặt nghẽo, cách quảng cáo siêu đẳng của Việt Nam đấy, có điều cái số 2 nó lại nằm thượng lên trên như cái dấu hỏi cơ, thành ra ai chả nhầm...
- Thế hả? Bác tôi sốt sắng. “Moa” chờ “toa” thắng bộ nhé.
- Khỏi cần, bác già giơ ba toong chỉ - Tôi dẫn anh ra vỉa hè ngồi.
- Chết, chết, mắt bác hấp háy - trông “toa” thế này mà “moa” định...
- Việt Nam ta bây giờ là thế. Bác già cắt ngang, toàn dân làm thương nghiệp, cả nước lao vào dịch vụ kiếm tiền. Đồ ăn thức nhắm... bày kín các vỉa hè, rẻ ngon hơn hẳn cửa hàng nhà nước.
- Bậy nào, đã gọi là nhà hàng thì phải lịch sự rồi, lại nhà hàng Nhà nước mới rẻ ngon và phục vụ chu đáo chứ, ông mất quan điểm, lập trường. Bác tôi trách.
- Tôi có kinh nghiệm rồi. Bác già bảo thủ. Hàng ngoài chật chội, kém kín đáo, vệ sinh nhưng mà đông, mà vui. Ai đi qua “trượt chân ngã” vào cũng được... nhà hàng mậu dịch ấy mà. Rộng rãi, thoáng mát nhưng mà vắng ngắt như chùa bà Đanh. Uống bia bắt kèm... tí lòng lợn, chút lạc rang, vài miếng thịt bò xào, hai miếng đậu rán toen hoẻn... thôi thế là mất mẹ nửa tháng lương hưu của tôi rồi...
Nhập nhoạng tối, hai ông bạn già mới khập khiễng chống ba toong ra về, tiễn bạn ra tận cổng, bác tôi còn dặn với theo:
- Nhớ vài hôm nữa anh đưa tôi và các cháu đi thăm thú cảnh xưa, người cũ, đền đài lăng tẩm đấy nhé. Tôi về dối già chuyến này chỉ có chút việc thú vị ấy thôi.
Bác già chống ba toong lắc lắc:
- Thôi được, tôi cố chiều anh, cũng xin thông báo trước để anh đừng thất vọng là tiêu điều, xơ xác lắm rồi đấy... cái bị tàn phá, cái bỏ hoang, cái được lấn chiếm thành kho công cộng... Tượng phật, nhà thờ bị mất cắp, bị chặt đầu, mổ ruột moi gan để... tìm vàng, rồi quăng quật đầu cổ... mỗi nơi một thứ.
- Ô. Ngành chủ quản đâu. Bộ văn hoá đâu?
- Ngành chủ... quan trực thuộc Bộ văn hoá, nếu có biết tìm đến thì ôi thôi... Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Như con chim bị đạn bác đứng như trời trồng, mắt loang loáng ướt... chứng kiến cảnh ấy bác già vội chống chế.
- Thôi, bù lại tôi sẽ đưa anh đến đám bạn cũ, đồng ý không?
- Chúng nó còn ở đây cả sao? Bác tôi bối rối. ở Pari tôi cũng gặp dăm bảy đứa đến tìm, xin tiền, nhờ mấy việc... ờ trước nó chửi tôi là bám đít đế quốc ghê lắm. Tuyên bố “từ mặt” tôi...
- ấy đấy, cũng nhờ có xuất ăn theo con cái mà bây giờ đỏ da thắm thịt thế, hàng hoá gửi về ùn ùn... Hai mươi thằng cùng lứa, lập trường quan điểm vững như tôi thì... anh thấy đấy... vẫn ăn được mà có được ăn đâu? Xã hội mình không có xuất ăn theo anh ạ. Độc lập - tự lo - hạnh phúc mà.
- Bậy nào. Bác phản đối. Việt Nam ta nổi tiếng là nhiều món ăn ngon và bổ. Cách dùng gia vị và pha chế nước chấm tinh tế tuyệt vời... Tôi đã đi nhiều: Đức, Anh, Mỹ... chưa nơi đâu có được.
- Vâng. Bác già ngoan cố. Nhưng phải độc lập, tự lo, mà tôi ngoài 70 rồi... mấy mà thành xương khô trong mả đâu. Còn lo nổi cái gì?

*
* *
Dễ đến nửa năm sau, từ Sài Gòn bác đưa anh ra để quay lại Pháp. Anh tôi hồ hởi:
- Sài Gòn đẹp thật. Đúng là hòn ngọc của Viễn Đông. Ba mình bảo do Mỹ đầu tư xây dựng nên, hoá ra nhiều cái ta cũng phải dựa vào đế quốc mới có được.
Tôi bật cười, cảm thông, tha thứ cho quan điểm vô chính trị của anh. Sắp xa anh tôi không buồn tranh cãi, chỉ muốn hỏi bác sao lại từ bỏ ý định dối già ở quê hương đất nước. Bác cười, mắt ngấn lệ bảo:
- Tôi biết tất cả rồi. Ở nước ngoài nghe về Việt Nam thấy hấp dẫn ngon lành như cái bánh ấy. Về nhà, bóc ra ăn mới biết cái nhân bánh bé xíu như cái lưỡi mèo ý. Chỉ toàn lá độn bao bên ngoài thôi. Người Việt Kiều chúng tôi từ khi bỏ đi đã không thích uống cà phê pha đường...

Trần Khải Thanh Thủy
thienthanh
Posts: 3384
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Chuyện 33 triệu đô la của Hoa Kỳ giúp TPB hai miền Nam Bắc là có thật

Huy Phương
Chúng tôi vừa nhận được một lá thư gởi từ Việt Nam, ghi ngày gởi từ 6 tháng trước:

“Bình Ðịnh ngày 12 Tháng Ba năm 2007

Kính gởi các cơ quan truyền thông báo chí hải ngoại,

Chúng tôi một số chiến binh thuộc Tiểu Ðoàn E.210 chủ lực tỉnh Bình Ðịnh cũ và một số các chiến binh thuộc Sư Ðoàn Sao Vàng thuộc QK. 5 chính quy Bắc Việt.

Trong những ngày qua chúng tôi được tin một số anh em thương phế binh của miền Nam cho biết, thân nhân của họ nhân chuyến về thăm quê hương cho biết: “Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ có tài trợ một ngân khoản 33 triệu Mỹ kim cho thương phế binh và cô nhi quả phụ cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Không biết việc này hư thực thế nào, và chúng tôi làm sao để được nhận số tiền này?

Một điều đáng nói là mọi tin tức ở Việt Nam vô cùng hạn chế, chỉ là một chiều, tin tức nào có lợi cho lãnh đạo mới được đăng. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng số tiền này đã chui vào túi cán bộ rồi chăng? Bởi thế chúng tôi muốn hỏi cũng chẳng biết hỏi ai? Nghĩ mà buồn cho số phận người dân còn bịt miệng. Cộng sản họ sợ sự thật lắm. Nếu có sự thật và tự do báo chí thì làm sao họ vơ vét làm giàu trên xương máu của dân được.

Một tiếng nói của quý vị bằng hằng triệu tiếng kêu van cầu cứu của anh em chúng tôi là những kẻ thấp cổ bé miệng. Kính mong quý vị thông cảm và tận tình giúp đỡ anh em chúng tôi.

Chúng tôi rất mong và chờ đợi tin tức sớm nhất trên các đài mà chúng tôi thường nghe được như đài Á Châu Tự Do, đài BBC Luân Ðôn, đài Quê Hương và các mạng lưới điện toán.

Rất mong sự tự do và bình đẳng sẽ sớm đến với quê hương và dân tộc Việt Nam vì có tự do thì người dân sẽ bớt thiệt thòi và đỡ khổ.

Kính chào thành công,

Những người thấp cổ bé miệng trong nước.”

Theo sự tiết lộ của cô Lữ Anh Thư, từ Hoa Thịnh Ðốn trong một cuộc tiếp xúc với chúng tôi, chuyện 33 triệu có thật. Sau đây là những phát biểu của Lữ Anh Thư đã được thu âm:

Lữ Anh Thư: “Cứ mỗi năm từ khi cháu tham gia sinh hoạt cộng đồng thì cháu và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ khắp nơi tổ chức những buổi tiệc, buổi cơm để gây quỹ, giúp cho TPB VNCH của chúng ta. Những số tiền thu được rất khiêm nhượng, khi 10 ngàn, khi 5 ngàn. Vừa rồi vào Tháng Năm năm 2006, khi ông tổng trưởng cựu chiến binh Hoa Kỳ là Tướng Nicholson về Việt Nam vận động cho WTO cho Việt Nam, ông ta đã tuyên bố rằng cho đến giờ phút đó, Hoa Kỳ đã viện trợ cho TPB Việt Nam, không phân biệt Nam Bắc tổng số tiền là 33 triệu dollars.

Theo cháu biết, chương trình đó đã giao cho một nhóm Việt Nam của ông Trần Văn Ca để mang về những chiếc xe lăn, những cái nạng chống để giúp cựu chiến binh. Tuy nói là cho cả hai miền, nhưng cháu thấy xót xa là trong 33 triệu đó, không có nói gì đến chuyện những TPB của VNCH miền Nam chúng ta được nhận một đồng nào. Vì trong mắt của người cộng sản, TPB VNCH là những kẻ thù, họ bị đàn áp rất là nặng nề.

Cháu nghĩ rằng 33 triệu đó, là tiền thuế của chúng ta đóng góp vào, chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi đó với chính phủ Hoa Kỳ là số tiền ông gởi về đã đến tay ai. Phải có sự phân biệt rõ ràng. Ông Thượng Nghị Sĩ Jim Webb trước khi trở thành thượng nghị sĩ, khi nói về những chuyện này, ông đã biết rõ về những điều đó; và vừa rồi đây, cháu có trình bày vấn đề này với ông cũng như là một số dân biểu nghị sĩ trong ủy ban quốc phòng của Thượng Viện, cũng như Hạ Viện. Cháu đã đại diện cho tập thể chiến sĩ cho thành phần hậu duệ, cháu gởi một văn thư đến cho ông Tổng Cựu Chiến Binh để xin cái accountability, để biết rõ ràng là cái tiền đó đến tay ai. Một số các vị dân cử có nói với cháu rằng cháu cần vận động bằng cách viết thư gởi đến họ đòi hỏi vấn đề đó, thì họ sẽ đòi Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ giải thích cho đến khi nó rõ ràng, nếu không thì Quốc Hội có thể sẽ tạm ngừng chương trình viện trợ đó.

Cháu đã gởi những bức thư ấy đi, bây giờ cháu đang chờ, đồng thời, cháu cũng có dịp tiếp xúc với một số các hội đoàn cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Cháu được sự hỗ trợ, họ nói đó là điều đáng làm và cần làm, họ sẽ sẵn sàng lên tiếng giúp cho cháu. Cháu có dự định là cháu sẽ kêu gọi liên hội cựu chiến sĩ khắp nơi hãy gửi những bức thư đến các vị đại diện dân cử của mình trong vùng để đặt vấn đề đó với họ. Vì đây là tiền thuế của chúng ta, chúng ta có quyền có cái thắc mắc đó”.

Trước đây, chúng tôi cứ tưởng rằng số tiền này chính quyền Cộng Sản Việt Nam chỉ giúp cho TPB miền Bắc mà vì thù hận và kỳ thị, đã không giúp cho TPB miền Nam. Qua bức thư của những TPB miền Bắc ở trên chúng ta đã thấy một sự thật phũ phàng là số tiền này chắc đã vào túi tham ô của bọn cầm quyền Hà Nội. Vả lại việc công bố một số tiền giúp cho thương binh hai miền do Hoa Kỳ giúp đỡ sẽ không có lợi về mặt chính trị. Mặt khác nếu cần đòi hỏi một danh sách thương binh hai miền Nam Bắc đã được nhận sự giúp đỡ này, chính quyền CSVN sẽ sẵn sàng có một danh sách ma, hoặc bà con quen biết với các viên chức cộng sản, hay thương binh chỉ lãnh được 1/10 số tiền ghi trên giấy tờ.

Chúng tôi chỉ cầu mong như lời các thương binh miền Bắc viết trong bức thư ở trên:

“Rất mong sự tự do và bình đẳng sẽ sớm đến với quê hương và dân tộc Việt Nam vì có tự do thì người dân sẽ bớt thiệt thòi và đỡ khổ”.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

NỖI BUỒN MÙA THU
Có lẽ những chiếc lá mùa thu đã nhuộm vàng phần lớn thi ca nhân lọai. Và dường như nếu không có mùa thu thì những cuộc tình sẽ không còn lãng mạn, thế gian này sẽ không có mặt của thi nhân. Ông Văn Cao đã khởi đầu sự nghiệp của mình bằng “ Buồn Tàn Thu” để rồi cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa này cũng tàn theo Giai Phẩm Mùa Thu (trong Nhân Văn Giai Phẩm). Ông mất đi trong cảnh khôn cùng để lại cho đời một kho tàng âm nhạc quí giá, cùng sự thương tiếc ngậm ngùi và bao điều suy ngẫm. “ Cây đại thụ” Phạm Duy phỏng theo một bài thơ Tây, phổ bản “Mùa Thu Chết”, để rồi tên tuổi cũng đã chết theo mùa thu ở cái “thị trấn giữa đàng” bên tận xứ Cali, bởi cái tính kênh kiệu và tấm lòng phản trắc, chỉ để lại cho những người từng hâm mộ ông sự chua xót, bẽ bàng. Ở Việt nam ta, nếu ”con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô “đã làm nên Lưu Trọng Lư, thì bên Tây “Les Feuilles Mortes” đã khắc sâu tên tuổi Jacques Prévert trong lòng những người mê thơ, yêu nhạc.

Riêng cái thằng vừa nhà quê vừa ít chữ như tôi dĩ nhiên không thể nào làm nỗi một câu thơ và cũng chẳng mò ra được một nốt nhạc, vậy mà tâm hồn lại rất dễ bị đắm chìm trong những lời thơ tiếng nhạc - đặc biệt có Mùa Thu trong đó. Nhưng trong tất cả những tác phẩm có bóng dáng Mùa Thu trên thế gian này, cái bài làm tôi xúc động nhất, thuộc lòng từ thời tấm bé, không phải là thơ, là nhạc, của ta hay tây, mà lại là một bài văn xuôi rất …học trò của ông Thanh Tịnh .

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được……….

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…….”

Không biết ngày ấy ông Thanh Tịnh ở tận nơi đâu, mà sao cái cảnh ngày đầu tiên ông đi học giống tôi như đúc. Tôi cũng được mẹ nắm tay dẫn đi trên con đường làng Phú Hội, cũng vào một buổi sáng có ( một chút) sương thu và gió lạnh.

Một năm sau mẹ tôi qua đời, bỏ lại tôi một mình đi trên con đường dài và hẹp đó với bóng dáng yêu dấu của bà. Rồi cũng một năm sau nữa, cha tôi đang dạy học ở trường Pháp Việt thì bị Việt Minh bắt đưa ra Liên Khu Năm làm “công tác xóa nạn mù chữ”. Tôi trở thành thằng bé mồ côi, phải về ở với ông bà nội. Mỗi ngày tôi vẫn đi trên con đường làng ấy, nhưng bây giờ tôi đến trường cùng một đám anh em bà con trạc tuổi. Sau này, trong đám học trò dưới mái trường làng ngày ấy có vài thằng lên núi đi làm ..kách mệnh, có đứa sớm thành liệt sĩ ; nhiều đứa làm quan làm lính cộng hòa, cũng có lắm thằng đuợc Tổ Quốc Ghi Ơn ; đám còn lại là nông dân năm tháng soi mặt với ruộng đồng, nhưng cũng có thằng trở thành giáo sư, bác sĩ, lấy vợ rồi đóng đô luôn ở chốn thị thành, chỉ lâu lâu dắt díu nhau về thăm làng cũ.

Vậy mà cái tình đồng môn của thời thơ ấu đó lại keo sơn gắn bó đến không ngờ. Mấy ông nông dân có con cháu đi lính, được mấy ông bạn nhà binh nhận về đơn vị chở che, xuống thành phố đi học có mấy ông bạn thầy giáo hướng dẫn lo trường lo lớp, nơi ăn chốn ở ; đau bệnh thì có mấy thằng bác sĩ chăm sóc thuốc men, xin vào nhà thuơng miễn phí. Mấy thằng làm quan lâu lâu về quê chở cả đám nông dân ra thành phố tập tễnh ăn chơi cho biết cái sự đời. Quân với dân còn hơn cả cá với nước.

Rồi đùng một cái , tháng 4/75, bão tố bất ngờ ập xuống, kéo theo cơn lốc đổi đời bi thảm : Mấy ông bạn trên núi nghênh ngang về nắm chính quyền, mấy ông nông dân vốn bao năm an nhàn với dồng áng bây giờ lại được mấy ông bạn chính quyền ưu ái lấy hết ruộng đất đưa vào hợp tác xã, giúp những thằng bạn cũ sớm trở thành vô sản, hầu cùng nhau “ tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc “ lên thế giới đại đồng (!) . Mấy ông lính, ông thầy, ông bác sĩ tự dưng trở thành “ những con nai vàng ngơ ngác ”, cuốn gói về quê nương náu để đợi chờ số phận, lại được mấy ông bạn nông dân ngày trước cho gạo cho tiền, chí ít cũng đãi đằng được một chầu thịt gà rượu đế, tiễn đồng môn cũ đi vào “trường cải tạo”. Một ít vào trường sơ cấp, trung cấp trong nam, số còn lại được ưu ái ra trường cao cấp tận vùng núi rừng Việt Bắc.

Sau sáu, tám , rồi mười năm, thằng nào còn sống mang tấm thân tàn tạ ra tù, kẻ thì vượt biển, người thì đi diện HO, lưu lạc tha phương, bỏ lại sau lưng con đường quê, ngôi trường làng cũ với biết bao kỷ niệm êm đềm. Đất khách gặp nhau, chỉ còn biết vỗ vai an ủi :

Qua cơn mờ mịt binh đao
đứa còn đứa mất ba đào tang thuơng
Lạc loài trên chính quê hương
thôi thì gió cuốn mười phương cũng đành

Định cư xong, lo góp tiền gom bạc gởi về cứu đói mấy ông bạn nông dân, bây giờ đã bạc cả mái đầu mà còn trắng cả đôi tay. Còn mấy ông bỏ trường lên núi hồi còn son trẻ bây giờ phục viên về nằm nghỉ mát, mỗi ngày uống trà ngắm mấy cái “ bằng khen”, mấy cái huy chương “dũng sĩ” treo tòn ten trên vách mà ngẫm nghĩ con đường cách mệnh đã bỏ gần cà một đời theo đuổi mà sao cái làng quê của mình vẫn cứ xác xơ và những bạn bè ấu thơ giờ thì đã chết hoặc điêu linh tan tác.

Rồi cũng vào một mùa thu, từ đất khách tôi về lại quê hương. “Mùa thu năm ấy tôi ra đi, mùa thu này nữa tôi..trở về”. Khỏang cách giữa hai mùa thu .. vậy mà cũng đã hai mươi năm.Tôi về để tìm lại ngôi mộ của cha tôi được mấy người bạn tù chôn cất sơ sài trên núi bên ngoài trại cải tạo Đá Bàn. Ông đã chết sau hơn một năm bị giam trong trại tù này, cũng vào một ngày cuối thu ảm đạm.Tôi nhờ người cải táng, đưa ông về nằm bên cạnh mẹ tôi và ông bà nội trong nghĩa trang gia tộc .

Tôi đi một vòng thăm lại làng xưa. Cái làng Phú Hội của tôi một thời đông vui giàu có như cái tên gọi, bây giờ sao trở nên vắng vẻ điêu tàn. Đám bạn bè cũ bây giờ chẳng còn mấy đứa, thằng chết, kẻ ra đi, gởi thân khắp bốn phương trời. Hôm nay, tôi lại đi trên con đường làng cũ, vẫn con đường dài và hẹp mà ngày xưa mẹ tôi âu yếm dắt tay tôi tới lớp. Hôm nay cũng có nhiều sương thu và gió lạnh, tôi đi một mình trơ trọi, chỉ còn đâu đây bóng dáng, tiếng nói tiếng cười của đám bè bạn ngày xưa rì rào trong gió. Tôi chợt nhớ tới bài thơ của một ông bạn già thân thiết :

Tôi về đứng trước ngôi trường cũ
nhìn xuống làng xưa chạnh nỗi niềm
nhấp nhô những mái nhà rêu phủ
thương hải tang điền mấy biến thiên
Tôi về xuôi một dòng sông chảy
con nước vô tình lặng lẽ trôi
hiểu nghĩa cuộc đời đành không thể
hai lần tắm ở một dòng thôi
… Tôi về - có phải sông về biển
sao nghe từng con sóng não nề
như thể bây giờ là cổ tích
tôi về - chỉ gặp lại mình . . .tôi

Bây giờ nhờ tiền tài trợ của mấy ông tư bản, nên ngôi trường vừa dược xây cất lại khang trang. Có lẽ học sinh cũng vừa mới tựu trường, nên cờ xí khẩu hiệu còn đỏ cả sân trường. Cái trường mang tên làng Phú Hội ngày xưa bây giờ đã được đổi tên thành “Trường PTCS Lê văn Tám”. Nhìn các em bé sắp hàng vào lớp mà lòng tôi cứ bâng khuâng. Không phải vì vừa mới tìm lại được bóng dáng của mình ngày trước, mà vì thấy thương và tội nghiệp cho các cháu học trò. Không biết mỗi ngày phải học thuộc lòng những bài “thơ trong tù” của bác, thơ “Khóc ông Lê Nin” của nhà thơ lớn Tố Hữu, có bao nhiêu em đã “ từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim” (thơ T.H), và liệu các em có còn nhớ đuợc cái bài văn xuôi “ hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngòai đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc..” hồn nhiên và dễ thương của ông Thanh Tịnh mà thế hệ cha ông ai cũng nằm lòng ? Các em có xót xa khi biết trường của các em mang tên “anh hùng Lê văn Tám”.mà các em được dạy như là một tấm gương., lại là một người không hề có thật , mà chỉ là nhân vật trong phim truyện của đạo diễn Phan Vũ ( xem Báo Thế Giới – Hà Nội số 39 (154) ngày 27.09.04 trang 22-23, website Talawas ngày 11.10.04 / Quang Hùng , đài BBC chương trình ngày 15.10.04)

Rồi mới đây bà hiệu trưởng Trần Thanh Vân đầy quyền uy (dưới những ô dù) kéo theo một nhóm thầy cô vây cánh của trường chuyên Lê Quí Đôn nào đó ở “thành phố mang tên bác” thản nhiên lấy tiền đô la, làm hồ sơ ma nhận cả một đám học trò dốt nát, con cháu của những đại gia và các ngài quan lớn (trong đó có con trai của đồng chí chánh thanh tra sở giáo dục thành phố) vào ngôi trường chuyên một thời có tiếng .

Tôi nghiệp, chẳng lẽ mới lớn lên, các em đã phải học những điều gian dối, và tương lai các em sẽ ra sao với một nền giáo dục và văn hóa “phong bì ” ?

Cũng may mà các em còn bé và ở tận một vùng quê, nên không biết nhiều về đạo đức của các nhà “mô phạm”, những “ nhất tự vi sư bán tự vi sư “ một thời được dân chúng trải chiếu hoa mời ngồi dưới mái đình làng .

Ngoài Hà Nội, có lẽ vì thành phố thủ đô trử tình với mùa thu và hương hoa sửa, nên ông thầy già trưởng khoa Đỗ Tư Đông “khả kính” ở trường Cao đẳng Truyền Thanh Truyền Hình nhà nước “lấy điểm gạ tình” một số nữ sinh viên . Thầy chỉ cho điểm cao khi nào trò hòan thành nhiệm vụ “trả bài” cho thầy trong khách sạn !

Dưới cái tỉnh Bình Phước mới toanh, nên thầy Lê Hoàng Sang, hiệu trưởng trường Lê văn Tám (lại Lê Văn Tám!) cũng vửa làm một điều vô cùng tân tiến: bắt các cô giáo chưa chồng phải uống rượu cùng các quan lớn địa phương, bất kể trưa chiều hay trước giờ lên lớp. Nếu lỡ
gọi các quan già bằng“chú” mà không phải bằng “anh” thì bị thầy hiệu trưởng nạt nộ đòi kỷ luật.

Mới đây trên đài BBC, ông Tạ Phong Tần, cán bộ sở thuơng Mại Du Lịch Bạc Liêu, sau một khóa được đào tạo tại chức, đã công khai tuyên bố:” Không ít tiến sĩ, thạc sĩ là những người biết diễn đạt những điều đơn giản trở thành khó hiểu hoặc không ai hiểu nỗi “ (nguyên văn)

Cầu mong cho các em học trò nhỏ ở quê tôi không nghe được mấy cái tin “vui” này đăng đầy trên báo mỗi ngày, để còn thấy mùa thu trên quê nghèo vần còn một chút thơ mộng dễ thương.

Trước khi rời khỏi quê hương, tôi ghé lên thành phố thăm thằng bạn học cũ, trước tháng 4/75 là một giáo sư tóan-lý-hóa nổi tiếng của một trường trung học lớn. Bây giờ ngồi bán thuốc lá ở vỉa hè. Con cái nó cũng đã nghỉ học từ lâu để lăn vào cuộc sống, nên mấy cái bằng cử nhân toán từ cái thời 63-64 chỉ còn cùng để ..gói thuốc lá. Bỗng dưng tôi nhớ tới bài thơ của một ông nhà thơ nào đó trong nước mà lòng thấy ngậm ngùi.

“Thầy có nhớ con không...?”
Tôi giật mình nhận ra người đàn ông áo quần nhếch nhác
người đàn ông gầy gò ngồi sau tủ thuốc ven đường.
“Thầy còn nhớ con không...?”
Câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng
hoa phượng tháng Năm rơi đầy vỉa hè
rụng xuống trên vai người thầy học cũ

“không... xin lỗi.. ông lầm...
Tôi chưa từng dạy học
Xin thối lại ông tiền thuốc... cám ơn!”
Cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buồn
Thầy học cũ mười năm không lầm được
Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc
giấu mình sau hoa phượng rụng buồn tênh.
Con biết nói gì hơn, đứa học trò tôn sư
người Thầy cũ lại chối từ kỷ niệm,
chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng,
biết yêu anh em - đất nước - xóm giềng.
Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão,
Bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên.
Bên hè phố im lìm,
vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt.
Câu phủ nhận phải vì câu áo rách
trước đứa học trò quần áo bảnh bao?
Tôi ngẩn ngơ đi giữa phố xá ồn ào,
những đứa trẻ con tan trường đuổi nhau trên phố.
Mười năm nữa đứa nào trong số đó,
sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?

Ngày rời khỏi quê hương, ngồi trên máy bay nhìn xuống, mùa thu Sài gòn không có lá vàng rơi, cũng không có con nai vàng nào ngơ ngác, mà sao tôi thấy như vàng cả không gian , ảm đạm cả đất trời. Tôi bỗng ngộ ra một điều ngộ nghĩnh : Đâu phải chỉ có mấy ông nhà thơ, mấy ông nhạc sĩ mới nhuộm buồn được mùa Thu, mà có những “đỉnh cao” đang ngự trị trê quê hương tôi, dù chằng có một chút xíu tâm hồn nào, có khi không có cả quả tim, cũng có thể làm cho mùa thu quê tôi... buồn chết được.

phạmtínanninh
dailien
Posts: 2451
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Văn hóa cà phê
T.Vấn
1.
Hôm rồi, có người bạn bên Úc gởi qua điện thư cho tôi một "sưu tập" khá thú vị. Đó là những mẩu chuyện so sánh rất tinh tế về Sài Gòn và Hà Nội, từ thời tiết như mưa nắng cho đến đường phố, cây cối và nhiều nhất là những sinh họat hàng ngày như ăn, uống, vui chơi, giải trí v.v... Trong đó, có một mẩu so sánh về việc "uống cà phê" như sau :

Uống Cà phê

Ở Sài Gòn: thường uống cà phê có nhiều đá vào buổi sáng trước khi đi làm
Ở Hà Nội: thường uống cà phê khi đi chơi vào buổi tối trước khi... đi ngủ

Nếu bạn gọi một ly nâu

Ở Sài Gòn: bạn sẽ được chủ quán mang cho một ly cà phê đen
Ở Hà Nội: bạn sẽ được 1 ly cà phê có thêm sữa

Nếu bạn muốn uống cà phê sữa

Ở Sài Gòn: cho xin 1 ly bạch sửu
Ở Hà Nội: nếu bạn gọi 1 ly bạch sửu bạn sẽ nhận được câu trả lời - không có, hoặc bạn bị coi là... hâm.

Đọan so sánh về ly "bạch sửu" làm sống lại trong tôi những quán cà phê Tàu, những quán cà phê đã làm nên một đặc tính "văn hóa cà phê" rất Sài Gòn. Thực ra, chữ bạch sửu có lẽ là do đọc trại đi từ "bạc xỉu", gọi tắt của cụm chữ "bạc tẩy xỉu phé". Mấy chữ đó là âm từ tiếng Quan Thọai, thứ tiếng Tàu khá phổ thông trong số những người Tàu sống ở Sài Gòn. Bạc là màu trắng, Tẩy là cái ly không, Xỉu là một chút, và Phé là cà phê. Rõ nghĩa hơn, đó là một thức uống theo ý khách hàng : Sữa nóng thêm một chút cà phê. Sữa đặc pha với nước sôi thường có mùi hơi khó uống, nên chút cà phê thêm vào sẽ làm cái mùi ấy mất đi. Ở những quán cà phê bình dân của người Tàu (những năm 50s, 60s, Sài Gòn đầy dẫy những quán cà phê bình dân kiểu này, chúng thường chiếm vị trí thuận lợi ở mỗi đầu con hẻm), khi khách hàng Việt gọi một món thức ăn, thức uống bằng tiếng Việt, phổ ky (người hầu bàn) thường có thói quen đứng từ bàn của khách nói vọng vào bếp (cũng được đặt ngay trong một góc gần ngay chỗ thực khách ngồi ăn uống) món thức ăn, uống ấy bằng tiếng Tàu. Dần dà, người khách Việt thuộc lòng món ăn, uống ưa thích bằng tiếng Tàu và sau đó, đã sử dụng luôn chúng trong lúc gọi thực đơn. Và từ đó, ngôn ngữ Việt đã đồng hóa một số từ thức ăn, thức uống trong tiếng Tàu thành ngôn ngữ riêng của mình, trong đó có từ "bạc xỉu". Vì đó là đặc tính "văn hóa cà phê" riêng của Sài Gòn nên Hà Nội làm sao biết được. Ngay cả Sài Gòn bây giờ, có mấy người trẻ hiểu được thói quen của mấy ông bà lớn tuổi, vào quán cà phê bình dân đầu hẻm, khi vừa ngồi xuống đã vội kéo một chân lên ghế (đẩu), vừa lớn tiếng gọi "cho cái xây chừng coi !" (xây chừng : ly cà phê đen nhỏ), hay "sang"hơn một chút : "Phổ ky ! cho cái xây nại !" (xây nại : ly cà phê sữa nhỏ).

Để nói về "văn hóa cà phê" của Sài Gòn những năm đó, người ta cần cả một pho sách.

2.
Nhưng, "văn hóa cà phê" là gì ? *


Để "nắm bắt" được khái niệm mơ hồ ấy, rất đơn giản. Một buổi sáng đầu thu nhàn rỗi nào đó, với chút không khí se lạnh đầu ngày, bạn mở cửa bước vào một nhà sách quen thuộc(Barnes & Noble chẳng hạn). Điều đầu tiên bạn chú ý là mùi cà phê ngào ngạt "quánh" lại giữa không gian, phát ra từ một góc (trái hoặc phải, hoặc ngay chính giữa) của tiệm. Đó là quán cà phê mang cái tên khá quen thuộc với người Mỹ : Starbuck hay có thể là một cái tên nào khác. Điểm chính là một quán cà phê nằm ngay trong tiệm sách. Khách đến mua sách (hay chỉ đến để xem "cọp" như các cô cậu sinh viên cần tài liệu nào đó cho homework của mình, hay đơn giản, thói quen đi dạo hàng sách của những con mọt chữ - như kẻ viết bài này) có thể cầm vài quyển sách của các tác gỉa quen thuộc, ngồi xuống một góc bàn, mua ly cà phê, vừa nhâm nhi vừa say mê trên những trang sách thánh hiền. Cà phê và sách vở. Hai thứ ấy thường đi chung với nhau. Nhiều văn hào lừng danh trên thế giới (như vợ chồng triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir) khi ngồi xuống bàn viết, ngòai xấp giấy trắng phải luôn luôn có ly cà phê nóng trước mặt. Từ thế kỷ 15, 16 ở Châu Âu đã xuất hiện khái niệm "văn hóa cà phê", ám chỉ những quán cà phê thường có sự lui tới của các văn nghệ sĩ, các triết gia. Họ đến đó, trước hết như là nơi thường xuyên gặp gỡ hàng ngày, để ăn uống, trao đổi bàn bạc những bản thảo họ đang thai nghén, hay để chia sẻ những ý kiến riêng về các vấn đề văn hóa thời sự nóng hổi. Nhiều tác phẩm quan trọng có tầm vóc thay đổi thế giới đã ra đời từ những quán cà phê như thế. Franz Kapka, nhà văn gốc Do Thái, đã đọc lại bản thảo tác phẩm lừng danh "Hóa Thân" (Metamorphosis) tại quán cà phê Café Stefan ở Prague (thủ đô Tiệp Khắc). Tiệm cà phê cổ nhất ở Paris, khai trương năm 1686 (và đến nay vẫn còn họat động (?)), Le Procope, với vị trí thuận lợi tọa lạc gần hí viện La Comédie-Francaise, đã được sự chiếu cố đặc biệt của các nghệ sĩ, các nhà viết kịch (Molìere, Racine v.v..) nên đã tồn tại một thời gian kỷ lục. Lịch sử về văn hóa cà phê tại châu Âu đã ghi nhận sự ra đời của gần 40 quán cà phê, đến nay vẫn còn họat động tại 20 thành phố, từ Budapest (Hung Gia Lợi) diễm lệ sang trọng đến một góc phố tồi tàn của St. Petersburg (Nga). Ở Sài Gòn, trước năm 1975, có quán cà phê La Pagode, nằm trên đường Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi), chỗ đối diện với công viên Hòa nhạc phía bên kia đường, cũng là nơi tụ tập của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của miền Nam. Cái tên La Pagode đã có chỗ đứng rất trang trọng trong nhiều tác phẩm văn, thơ xuất bản cả trước lẫn sau 1975. Cũng từ quán cà phê Cái Chùa (La Pagode), một nhóm các nhà văn, nhà thơ lúc ấy đã "lăng–xê" mốt "trí thức thời thượng": kính trắng và ống vố (pipe). Và tất nhiên, trước mặt phải có ly cà phê bốc khói, và cái lọ đựng những viên đường thẻ trắng tinh.

Từ năm 1983, nước Mỹ, vốn bị các trí thức Châu Âu gọi mỉa mai là "anh trọc phú" (anh nhà giàu ngu dốt), đã xuất hiện hệ thống tiệm cà phê Starbuck, mà chỉ hơn 20 năm sau nó đã trở thành hiện tượng "văn hóa" đáng chú ý không những chỉ ở nước Mỹ, mà còn ở các quốc gia có "nền văn hóa cà phê" lâu đời ở châu Âu. "Rót cả tâm hồn vào đáy cốc" (tôi muợn câu chuyển ngữ tuyệt vời của Trần Kiêm Đòan từ nhan đề quyển sách viết bởi người sáng lập nên hệ thống cà phê Starbuck : Pour Your Heart into It : How Starbucks Built a Company One Cup at a Time của Howard Schultz), đó là triết lý chảy qua từng giọt cà phê Starbuck sóng sánh. Thứ triết lý đi từ đáy cốc đến từng tế bào não bộ của khách mộ điệu đứng xếp hàng mỗi buổi sáng trước 12 ngàn quầy cà phê Starbuck có mặt khắp nơi trên thế giới, từ thành phố Wichita nhỏ bé ở một tiểu bang nông nghiệp quê mùa của nước Mỹ đến những khu phố tráng lệ của Nữu Ước, sang trọng của Seattle, cổ kính của Boston, đến cả thủ đô Paris, cái nôi của văn hóa châu Âu, thành trì kiêu hãnh một thời của giới trí thức châu Âu.

Ngày nay, khi nói đến văn hóa cà phê, người ta (giới trí thức châu Âu) đã không thể bỏ qua "văn hóa cà phê Starbuck”. Dù vậy, vẫn có kẻ ganh tị với anh "trọc phú Mỹ", biện luận rằng Starbuck vốn có gốc gác từ một quốc gia châu Âu khác là Ý, mà người sáng lập ra nó là Howard Schultz đã mang nó về từ một chuyến du lịch thành phố Milan. Nhưng nếu không có anh trọc phú Mỹ nhúng tay vào thì liệu cái thứ cà phê có gốc gác từ Milan ấy đến nay có bao nhiêu người biết. Cũng như cái món Pizza (cũng có gốc gác từ Ý) lừng danh thế giới, nếu không được giới thiệu đầu tiên ở nước Mỹ từ một cái Lều (Hut) nằm khiêm tốn trong một khu hẻo lánh của khuôn viên trường Đại Học Wichita State University (Wichita –Kansas) năm 1958 thì ngày nay mấy ai biết đến Pizza Hut. Mặt khác, phải khâm phục óc sáng tạo kinh tế nhưng lại mang màu sắc văn hóa của những người đầu não Starbuck. Họ đã kết hợp thành công hai tính cách tưởng chừng như đối nghịch nhau, như sao Hôm, sao Mai không bao giờ gặp.Đó là tính cách khoan thai, tà tà, nhàn nhã của châu Âu, biểu tượng qua những giọt cà phê phin (filter) chậm rãi vào buổi đầu ngày và tính cách "Fast Food" của người Mỹ, mọi chuyện đều phải "ăn liền" (instant), ngay tức thì, kể cả ly cà phê buổi sáng, biểu tượng qua bình cà phê Folgers hay Maxwell đầy ắp đủ uống cho nhiều người chỉ trong 1, 2 phút sau khi bấm nút máy pha (coffee maker). Hãy thử so sánh, khỏang thời gian trung bình của một người Mỹ từ lúc họ ghé xe vào trạm "Drive-thru" để đặt mua bữa ăn trưa cho đến khi họ trả tiền và nhận gói thức ăn từ tay người bán : từ 2 cho đến 4 phút. Có khi nhanh hơn : dưới 2 phút. Bây giờ, trong những buổi sáng ngày làm việc, họ sẵn sàng đứng xếp hàng chờ mua ly cà phê Starbuck với khỏang thời gian chờ đợi từ 7 đến 15 phút. Có thể nói, với ly cà phê Starbuck, người Mỹ đã "tự điều chỉnh" nhịp độ hối hả của họ, và sống "nội tâm" hơn.

Nói cách khác, cà phê, ngòai tính cách "văn hóa" còn đóng vai trò tác động vào lối sống (lifestyle). Nó có thể làm trì trệ thêm lối sống vốn đã trì trệ của một số người, nhưng cũng có thể có tác dụng tích cực, như ly cà phê Starbuck và lối sống Mỹ.

3.
Sáng nay cà phê một mình
Sài Gòn chợt mưa chợt mưa
(Cà phê một mình- Ngọc Lễ)


Câu hát thật dễ thương. Lại nhớ đến Sài Gòn và những quán cà phê buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối. Người Sài Gòn lúc nào cũng uống cà phê được. Bạn bè gặp nhau là rủ nhau ra quán cà phê. Tình nhân hẹn hò là lấy điểm hẹn ở một quán cà phê quen thuộc. Giới làm ăn hẹn nhau ra quán cà phê để trao đổi những điều cần thỏa thuận cho công việc mà các bên cùng quan tâm. Ngay đến hình thức quán cà phê cũng đã rất đa dạng. Từ quán cóc vỉa hè có thể bắt gặp ở bất cứ góc đường nào của thành phố, đến những quán cà phê Tàu có bình trà bằng thiếc to tướng (ngày xưa chúng tôi hay gọi đùa là trà Thiếc Quan Âm), rồi đến những quán cà phê lộ thiên trang nhã dưới một gốc cổ thụ (như cà phê Bạch Tùng Diệp đối diện với Dinh Gia Long cũ), những quán cà phê cửa kính có máy lạnh, có nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là Sài Gòn ngày xưa, với không khí văn hóa cà phê, trí thức hay bình dân tùy theo hình thức của quán.

Dù bình dân hay trí thức, thì không khí của quán là thứ không khí mà, nói theo nhà văn quá cố Hòang Ngọc Tuấn, ở nơi đó ai cũng quen nhau. Ở đó, những người khách xa lạ ngồi cùng bàn (thậm chí khác bàn) có thể nói chuyện với nhau tự nhiên như đã quen nhau từ trước. Ở đó, một bác xích lô có thể tranh luận kịch liệt với ông giáo sư trung học về một sự kiện thời cuộc nào đó vừa được đăng trên nhựt trình (báo ngày). Kể cả những lời ta thán, rủa xả một cách hành xử mất lòng dân của chính quyền đương thời v..v…

Nói cách khác, thời đó, quán cà phê là một bức tranh xã hội sinh động, giúp những người thực sự quan tâm đến dân chúng bắt mạch được nhu cầu đích thực của một thành phần công chúng.

Ngày nay, theo lời của nhiều người am hiểu trong nước, quán cà phê vẫn là một hình thức sinh họat văn hóa, nhưng phức tạp hơn, đa dạng hơn và "trần tục" hơn.

Dân Sài Gòn bây giờ gọi những hình thức khác nhau của những quán cà phê là "phong cách". Phong cách càng lạ, càng sang trọng, càng thu hút khách. Vẫn còn những quán cà phê vỉa hè, nhưng "phong cách nghèo nàn, bình dân" ấy không phải là đầu đề để dân sành điệu cà phê Sài Gòn chuyện trò bù khú. Phải là quán cà phê Panorama tọa lạc ở từng thứ 33, từng cao nhất, của Sài Gòn Center. Người ta đến đây không phải để uống cà phê, mà là để mua chỗ ngồi ngắm thành phố từ trên cao chót vót. Hay cà phê Skyview tại tầng thứ 13 của Diamond Plaza (khu gần Vương Cung Thánh Đường), nơi dành cho những vị khách chuộng không gian lịch sự, lặng lẽ. Hoặc cà phê Highlands dưới chân tòa nhà Metropolitan ở đường Tự Do. Chỉ cần ngồi ở đây một hai tiếng đồng hồ, người ta có thể bắt đúng được nhịp tim đập của thành phố. Từ bảnh sáng đến khuya khoắt mịt mù, hiếm khi nào quán vắng khách. Có mặt đủ lọai các celebrities (những người nổi tiếng) ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu, đại gia, công tử, dân chơi v.v… Ở những quán cà phê "đầy phong cách" như thế, không khí của nó là biểu hiện cho một lối sống, chắc hẳn là không thuộc về đại đa số người dân kiếm ăn từng bữa. Vì thế, khi nói về văn hóa cà phê, người ta vẫn phải nhìn vào những nơi tụ họp đông đảo giới lao động cùng với những lo âu, vui buồn bày tỏ trong lúc họ ngồi nhâm nhi ly cà phê với giá cả phải chăng.

Ở Hà Nội, trước đây cũng có những quán cà phê ra đời từ những năm 50s như cà phê Giảng, cà phê Nhân. Cà phê Giảng, theo lời những người lớn tuổi, là điển hình cho cà phê phố cổ Hà Nội. Cà phê Nhân, năm 1954 đã di cư vào Sài Gòn, và mở lại ở một căn nhà nhỏ xinh xắn mặt tiền đường Lý Thái Tổ, kế bên tiệm phở Tàu Bay và gần nhà thờ Bắc Hà. Sau này, theo giới sành điệu cà phê của Hà Nội, đất ngàn năm văn vật có thêm các quán cà phê đầy "phong cách văn hóa trữ tình và lãng mạn" như cà phê Ánh ở đường Quán Sứ, chung quanh tường được trang trí bằng những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hòai Linh, hay cà phê Lâm, cà phê Tùng Hậu cũng trang trí bằng những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam. Và cũng như Sài Gòn, Hà Nội không thiếu những quán cà phê nhạc sống, dưới hình thức nhạc thính phòng.

Xem ra, văn hóa cà phê của Sài Gòn, của Hà Nội cũng không thiếu những đặc trưng cơ bản của văn hóa cà phê thế giới.

4.
Trong ly cà phê có hương vị của cuộc sống.


Vì cà phê vốn đắng, nên người ta phải cho thêm đường. Bỏ bao nhiêu đường, thì lại tùy khẩu vị mỗi người. Giới sành điệu bảo rằng, chớ nên hâm lại cà phê nguội, vì sẽ làm vị cà phê đắng thêm. Cũng như hãy để những gì thuộc về quá khứ lãng quên trong quá khứ, đừng khơi lại, chỉ chuốc lấy thêm nhiều dư vị không lấy gì làm ngọt ngào.

Văn hóa cà phê còn nhắc nhở người ta rằng, hãy uống cà phê khi ly cà phê còn nóng, tức là hãy sống hết mình cho hiện tại. Đừng bận tâm ngỏanh mặt nhìn ngày hôm qua, đừng cố kiễng chân nhìn về ngày sắp tới, vì làm thế chỉ khiến ly cà phê trước mặt nguội dần, mất ngon.

Triết lý cà phê cũng ngụ ý rằng, cuộc đời đôi khi đắng chát như một ly cà phê đen thiếu đường. Nhưng cà phê đắng còn có hộp đường bên cạnh. Còn cuộc đời chẳng may chát đắng, thì phải làm sao ?

Lại nhớ câu thơ được nghe từ những ngày còn lưu đầy đất Bắc. Nói lên cảnh ngộ của vợ những người tù cải tạo năm xưa.

Cà phê đắng cho thêm đường thì ngọt.
Đời đắng cay em biết bỏ thêm gì ?

Văn hóa cà phê thật đa dạng. Triết lý cà phê cũng đủ sâu để luận bàn. Vậy, xin mời bạn, chúng ta hãy "rót cả tâm hồn vào đáy cốc... cà phê". Hay, nếu ly cà phê đời của bạn đã có quá đủ chất đắng, thì chúng ta vẫn có thể thưởng thức vị ngọt của ly bạc xỉu, với một chút cà phê đen trong ly sữa trắng, như một chút mặt trời trong ly nước lạnh của Francoise Sagan**.

T.Vấn
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ

Huy Phương
Những lúc mệt mỏi, buồn phiền thay vì nghe một bản nhạc hay đi ra ngoài hít thở không khí, tôi thường đến bên bàn thờ gia đình, thắp hay không thắp một nén hương, đứng lặng một phút nhìn vào từng khuôn mặt của những người quá vãng qua khung ảnh. Sau phút đó, dù không giải thích được, tôi thấy lòng mình ấm áp và yên tĩnh trở lại.

Ðây là hình ảnh của cha tôi. Ngày xưa tôi thường oán trách ông vì cuộc sống đa thê và hoàn cảnh khó khăn của gia đình đã đem lại cho anh em tôi những nỗi phiền muộn và nhọc nhằn của tuổi ấu thơ. Nhưng khi tôi khôn lớn, và ông đã về già, không sống bên ông, tôi lại thương ông hơn. Sau khi miền Nam bị sụp đổ, ông sống những ngày cuối cùng trong nỗi cô đơn vì con cái, đứa thì trôi giạt nước ngoài, đứa thì lâm vòng tù tội. Ông nằm xuống vào một ngày tháng năm, khi tôi còn lặn lội trong những cánh rừng Việt Bắc. Nghe tin ông mất, tôi đã khóc, bao nhiêu nỗi trách móc, oán hờn ngày xưa đã trôi đi mất. Tôi nghĩ tôi chưa hoàn thành bổn phận của một đứa con, tôi lấy gì để trách về cuộc sống của cha tôi.

Này là mẹ tôi. Trên khung ảnh, tôi thấy hình như bà đang mỉm cười, dù suốt tuổi thanh xuân, cuộc đời bà quá là bất hạnh. Bà về "làm hầu" cha tôi từ năm mười bảy tuổi và cuộc đời bà cho đến lúc chúng tôi lớn thành người, là một chuỗi ngày đầy nước mắt. Lúc nào bà cũng coi tôi như đứa trẻ trong cánh tay bà ngày nào, trong khi lớn lên, tôi bay nhảy đó đây, nhiều lúc tôi đã không còn nhớ đến bà. Bây giờ về già tôi mới thấy mình là một đứa con bất hiếu, nhưng tôi làm được gì nữa. Tôi còn cái cảm nhận bằng khứu giác với bát cháo hành những ngày đau ốm và mùi rơm rạ khi mẹ tôi ngồi trong bếp lửa đun nồi cơm cho cả đại gia đình trong những ngày tôi còn thơ ấu.

Ðây là hình ảnh của ông bà nhạc gia, những người không hiện diện trong tuổi ấu thơ của tôi, nhưng khi đến tuổi trưởng thành, cuộc đời đã kết hợp để từ đó sinh ra một đại gia đình để các con có bên nội bên ngoại. Nhưng rồi theo quy luật của thời gian, khi trẻ con lớn lên, người lớn già đi, như những ngọn lá vàng rơi xuống, ủ ấm mặt đất để cho những mần non nhú lên như vòng quay của cuộc sống. Và nội, ngoại là những nhân vật sẽ không còn tồn tại trên thực tế, nhưng sẽ còn mãi trong tâm thức ấu thơ của mỗi một người.

Ðây là ảnh người anh trai. Mặc dầu là anh em cùng cha khác mẹ, ông đã hết lòng thương yêu tôi. Những ngày tháng trong chiến tranh ở thôn quê, gia đình túng quẫn, cả gia đình phải khoai sắn qua bữa, riêng phần anh tôi vì phải đi dạy học xa, mỗi sáng ông được bới một "mo" cơm trắng và muối mè mang theo đến trường. Biết em mình thiếu ăn và thèm cơm, buổi sáng trước khi đi, ông thường lấy con dao nhỏ cắt bốn cái "rìa" cơm để lại cho tôi. Khi lớn lên, khi còn độc thân, có thời gian tôi sống chung với gia đình ông, trong một lần bất bình, tôi bỏ nhà ông ra đi. Không giải quyết được gì, ông chỉ biết khóc vì không biết rồi ra sẽ nói với cha tôi ra sao!

Này là cô con gái của tôi. Tuổi thơ của miền Nam sau Tháng Tư năm 1975 không còn là tuổi thần tiên nữa khi phải sống với một bầu không khí xa lạ, kỳ thị và với cảnh nhà khó khăn trong khi cháu muốn được học hành và được đối xử tử tế. Con đường vượt thoát qua biển khơi nghìn trùng đã là câu chuyện ly biệt mà mỗi lần nhìn hình ảnh cháu chúng tôi không khỏi bùi ngùi, thương xót. Dù cuộc sống hôm nay có tốt đẹp, no ấm bao nhiêu đi nữa, thì sự mất mát này rất khó bù đắp được. Trong niềm tan vỡ chia ly của hàng chục nghìn gia đình Việt Nam, sự vắng mặt của con gái tôi hôm nay luôn luôn nhắc nhở cho tôi đến một giai đoạn đen tối nhất của đất nước mà riêng tôi khó lòng quên được.

Trong mỗi gia đình Việt Nam bàn thờ là nơi, không phải có sự sum họp của những người đã khuất mà là nơi sum họp của những người đang sống. Những ngày lễ Tết hay giỗ kỵ, gia đình quây quần, thắp nén hương lên bàn thờ để tưởng nhớ những người đã khuất, chúng ta không khỏi không nghĩ đến những ngày đã qua, quãng đời thơ ấu, trưởng thành với biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên của từng mỗi một gia đình. Dưới những mái từ đường ngày xưa, nhiều thế hệ hiện diện trên bàn thờ tổ tiên, trong một bầu không khí khá âm u, nhiều khi mang vẻ linh thiêng, huyền bí. Ngày nay, bàn thờ gia đình thường ở chỗ sáng sủa, gần gũi với những thành viên của gia đình hơn, để con cháu mỗi ngày có thể nhìn thấy hình ảnh ông bà, cha mẹ, cùng với những người trong gia đình đã khuất.

Theo thói quen của nhiều người lớn tuổi, ngày trước đã quen biết với gia đình, sau nhiều năm xa cách, trong dịp trở lại thăm viếng, họ đã đến bên bàn thờ kính cẩn thắp một nén hương, như một lời chào hỏi người lớn tuổi. Thói quen đó, ngày nay nhiều người vẫn còn giữ như một nền nếp rất Á Ðông. Những ngày thơ ấu, vào những ngày đầu năm Tết Âm lịch, tôi vẫn thường được cha tôi dẫn đi thăm viếng, lễ bái từ chính căn nhà của ông bà nội tôi, sáng đến nhà ông chú, ông bác, đến nhà thờ họ, nhà thờ chi, tổng kết gần năm chục cái bàn thờ có mang khung ảnh tổ tiên, ông bà đã khuất, mỗi nơi bốn lạy, ba vái. Vì sao vào những ngày cuối năm, chúng ta lại có thói quen quét dọn bàn thờ, lau chùi lại bộ đồ đồng, bát nhang hay bộ đèn và bàn thờ tổ tiên là nơi quan trọng, thiêng liêng nhất của ba ngày Tết. Cũng nhờ những ngày lễ giỗ, bà con dòng họ đều biết nhau, "ba đời chưa rời cánh tay", không như bây giờ anh em họ ra đường không biết mặt nhau.

Một gia đình không có bàn thờ tổ tiên như một đời người không có quá khứ. Chúng ta có cảm tưởng như cha mẹ vẫn còn đó, hàng ngày đang chứng kiến những nỗi vui buồn và sinh hoạt của con cháu. Hình như trên bàn thờ gia đình, người chết vẫn luôn luôn hiện diện bên người sống, và mỗi lần nhang khói lại đem thêm lại niềm ấm áp cho tất cả mọi người.

Rồi đây: "Này chồng này mẹ này cha, này là em ruột, này là em dâu" tất cả đều trở thành cát bụi, và gian nhà thờ là nơi dĩ vãng thường sống dậy trong những ngày giỗ kỵ hay lễ Tết của gia đình của những thế hệ nối tiếp.

Huy Phương
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Nhà văn HUY PHƯƠNG!
letamanh
Tôi được quen với Huy Phương trong một trường hợp rất lạ. Số là chúng tôi dự tính tổ chức cuộc họp mặt những người tù chính trị thuộc các trại Z 30 Hàm Tân và trại tù Tân Lập Vĩnh Phú. Không ngờ rằng nhà giáo, nhà văn, nhà báo Huy Phương cũng là một tù nhân, có số lượng năm tù mười mấy năm trời; điện thoại mời chúng tôi lên đài SBTN trong cuộc phỏng vấn do anh phụ trách. Mục đích chính, anh muốn giới thiệu buổi họp mặt các cựu tù rộng rãi để anh em các nơi nghe thấy được, đến tham dự cho đông...

Từ đó chúng tôi dường như có mối tình tri kỷ đâu đó đợi chờ bộc phát và thông cảm nhau. Tôi mời anh phát biểu cảm tưởng trong cuộc họp mặt Gia Ðình Lại Giang nhân dịp ra mắt Ðặc San. Vừa bước lên bục, anh đã chiếm được cảm tình của mọi người chỉ sau mấy câu khởi đầu. Chậm rãi và trầm tĩnh, không trau chuốt, lời nói giản dị nhưng đậm đà tính thuyết phục. Giọng Huế nhẹ và trong, nụ cười nửa miệng... Ôi! một ông già đáng yêu làm sao! Tôi ngạc nhiên và thốt lên như thế!

Hôm ra mắt tập Tạp Ghi “Ấm Lạnh quê người”, tác giả, trong lúc ký tên vào sách nhìn tôi mỉm cười, mắt cũng cười. Với số lượng quan khách đông đúc như thế, tôi chúc mừng anh với đứa con thứ, con mọn đang được mọi người trân trọng. Tôi cầm tập sách , nói với anh bạn nhà báo Nguyễn Thanh Huy: “Anh Huy Phương vẫn xem nước Mỹ là quê người chứ chưa phải là quê của mình.” Mà cũng lạ, tại sao trong đầu chúng ta còn mãi xem quốc gia thứ hai là quê của người chứ không phải là của mình, khi mình đang là một công dân, đang thực thi và được hưởng toàn thể các quyền căn bản có được?.

Ðọc suốt tất cả những bài viết trong “Ấm lạnh quê người” ta thấy rỏ con người Huy Phương, một người vừa sống một nửa trên đất Mỹ và một nửa còn lại nằm ở Việt Nam! Giữa một nhà giáo Việt Nam bảo thủ, một người lính kỷ luật, một người tù bất khuất, một người Mỹ gốc Việt làm công tác truyền thông tiến bộ... Nói cách nào đó, Huy Phuong vẫn còn là một con người của quá khứ ! Cho nên những bài viết của anh, những chuyện trên trời dưới đất đầy xúc tích và cũng đầy vẻ thâm sâu mang nặng phần ẩn dụ làm cho người ta phải suy nghĩ thật nhiều sau khi đọc loạt bài trong tập Tạp Ghi này.

Có một người cũng hay viết những chuyện trên trời dưới đất nổi tiếng là Bùi Bảo Trúc. Chính cái hôm ra mắt sách anh chàng này giới thiệu chuyện trên trời dưới đất của anh chàng kia một cách rất ư là tâm đắc. Mỗi anh mỗi vẻ mười phân vẹn mười; hôm ấy người ta vỗ tay tán thưởng những lời dí dỏm của Bùi Bảo Trúc cũng chính là tán thưởng Huy Phương với những vui buồn đến “ấm” rồi “lạnh” trên quê hương của “Người”! Không biết tác giả Huy Phương có mâu thuẫn không, khi trong tập sách nầy, anh ca tụng mước Mỹ và bằng lòng, thỏa mãn với quê hương thứ hai “xin nhận nơi này làm quê hương”; trong lúc đó lại lấy tên cho tập sách “quê người”?

Trong ngày vinh danh Bà Khúc Minh Thơ ở Nam Cali, Huy Phương, lúc diễn tả cảnh tù đày, anh đem ra trưng dẫn một lon Guigo có làm quai xách của tù trong những lúc lén lút “cải thiện linh tinh” trong tù như thế nào. Anh lôi ra từ cái lon thẩm đem màu khói những con dế, con nhái, con chàng hiu, cào cào châu chấu... vốn là thức ăn quí báu nhiều “protein” trong những ngày ở tù đói rét! Chỉ có thế, đã nói lên tất cả, không cần nói nhiều về công ơn mà Bà chị Khúc Minh Thơ đã theo đuổi từ tuyệt vọng nầy đến hy vọng khác một thời gian dài đấu tranh để người tù chính trị không còn những ngày kè kè cái lon guigo khốn nạn đó nữa. Huy phương chậm rãi, chửng chạc, chính xác làm một công việc đầy ý nghiã, làm cho mọi người cảm thấy vừa gần gũi những tình cảm xưa bùng cháy lại trong tim, vừa trải rộng tấm lòng để cùng chia xẻ những kỷ niệm đầy ắp ngày xưa ấy.

Huy Phương chứng tỏ một hiểu biết tổng quát rất rộng, trí nhớ hơn người, lời văn trau chuốt nhưng giản dị, những câu chuyện kể đều lấy trong thực tế hằng ngày. Chuyện của anh là cuộc sống, là hơi thở, là niềm ưu tư hay suy nghĩ chung của mọi người. Vì thế Huy Phương là người khơi dậy những điều mà chúng ta thường quan tâm. Hay nói cách khác, Huy Phương đã nói thay, viết thay cho chúng ta vậy!

Tôi không có khả năng giới thiệu hay “lăng xê” Huy Phương, vì chính tác giả cũng như những bậc đàn anh đã làm việc đó rồi. Ở đây, tôi chỉ ghi lại những ý nghĩ thô thiển của mình về một người anh văn nghệ đã được may mắn quen biết. Tôi cũng không dại gì đi trích ra những đoạn văn để làm cái việc bình luận văn học, đó là cộng việc của người khác, đàn anh của tôi. Tôi đọc xong tập Tạp Ghi “Ấm Lạnh Quê Người”, cảm thấy thích thú, nên ghi lại những dòng này để gọi là cám ơn tác giả. Nhờ Huy Phương, đọc văn Huy Phương mà tôi được mở rộng thêm kiến thức của mình, tự mình thấy ấm hẳn trên quê hương thứ hai đang trở lạnh trong mùa thu đầy trăn trở sau trận bảo lửa Nam California, nơi chúng tôi đang sống, dường như trở thành như một thảm họa...

cuối tháng 10 năm 2007

letamanh
TRA-MAI
Posts: 20
Joined: Sun Jun 03, 2007 7:27 pm
Location: San Diego
Contact:

Post by TRA-MAI »

Tiếng vọng từ một kế hoạch cho thương phế binh do binh I viết
Monday, November 05, 2007


Ðại Nhạc Hội TPB đâu rồi?
Cụ bà Hạnh Nhơn ơi!


Sau bữa cơm gia đình cuối tuần của anh em nhà ông Lính, các bà các cô lỉnh ra phòng khách nói chuyện shopping, chuyện hột to hột nhỏ, 1 ca với 2 ca tức caca v.v... Còn nhóm đàn ông ngồi lại, lai rai nước trà bàn chuyện về Việt Nam ăn Tết. Ăn khi nào, ở đâu và ăn ra sao cho đáng đồng tiền, bất chợt Tú, rể lão Lính, thọc gậy bánh xe:

- “Ðại Nhạc Hội Cứu Trợ TPB của cụ bà Hạnh Nhơn năm ngoái tổ chức thành công, vậy năm nay có tổ chức không các chú?”

Bất thình lình bị thằng rể hỏi câu lãng xẹt khiến anh em ông Lính ú ớ chưa biết trả lời sao thì thằng rể Tú thợ điện này bồi tiếp một nhát dao găm:

- “Cháu mới đọc báo Người Việt ngày 17 Tháng Giêng 2007 trên trang Cựu Chiến Binh, thấy ông Binh I đưa ra đề nghị mỗi cựu quân nhân hải ngoại mỗi tháng đóng ‘một đồng’ vào quỹ cứu trợ TPB, đề nghị này hay đấy, có thể thực hiện được và kết quả khả quan. Hội Don Bosco tụi cháu thực hiện chương trình “lượm bạc cắc” cũng khá lắm, chiều qua vợ chồng cháu mới đi gom được một túi 1, 5, 10, 25 cents khá nặng cỡ vài kgs, hay là bố và các chú cũng nên đặt mấy cái hộp xin tiền lẻ ở các chợ cho quỹ TPB như tụi cháu từng xin cho người... ăn mày”.

Anh em nhà lão Lính mặt tái đi như “bố vợ phải đấm”, chẳng gì thì ngày xưa trên vai trên cổ đã từng mang lon, lon to lon nhỏ, nay đang nói chuyện về quê ăn Tết trước khi về “quê thật” thì bị thằng rể xỏ cho một phát thấu tim, tím mặt nhưng nó nói đúng quá làm sao chửi nó được!

Tú khoảng 20 tuổi, cái tuổi trước 1975 chưa biết lính, nhưng là cựu học sinh dòng Don Bosco, nay ở hải ngoại Tú và anh em dòng này âm thầm đặt các hộp xin bạc cắc ở các chợ, nhà hàng v.v... để gửi về giúp các cha già bệnh hoạn của dòng tại quê nhà. Còn bố vợ và các chú trước 1975 từng là quan to súng ngắn thì nay dư mỡ nên bàn chuyện về quê “bắn khỉ”! Ðể chữa thẹn, ông bố vợ xuống giọng:

- “Ai mà làm như thế bao giờ? Không lẽ tụi tao lại để đồng đội, thuộc cấp cũ đi tranh cơm thừa cháo thí với những người ăn mày! Thế con nói đề nghị của ông Binh I có thể thực hiện được khả quan, vậy thì phải làm như thế nào?”

Không biết bố vợ hỏi thật hay hỏi giả đò để chữa ngượng, sau một hồi ngần ngừ, với chút men “dầu xanh” còn trong máu, Tú đánh bạo đưa ra ý kiến của mình:

- “Ông Binh I đề nghị mỗi CQN mỗi tháng chỉ góp vào quỹ cứu trợ TPB một đồng, như vậy được 12$/năm. Năm ngoái theo thông báo thì có hơn 10 ngàn người đi dự đại nhạc hội gây quỹ của cụ bà Hạnh Nhơn, nay không có ÐNH thì 10 ngàn vị ấy mỗi người ký cho một cái check 12$ thì số $ sẽ là bao nhiêu?

Nếu tất cả những cựu quân nhân hải ngoại, khắp các tiểu bang (thí dụ 50 ngàn) cùng ký thì bao nhiêu? Có người sẽ ký một lần cho 2 năm (24$) thì được bao nhiêu?

Số tiền 1$/1 tháng là số tiền trả nợ cho TPB của đồng đội và cũng là cấp chỉ huy cũ của anh em chứ không phải là tiền cứu trợ. Nếu các CQN làm tròn bổn phận của mình thì chắc chắn những người có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với lính như chúng cháu cũng sẽ tham gia, đó mới là tiền cứu trợ cho TPB. Người dân tham gia đông hay không là còn tùy thuộc vào cách làm việc của người có trách nhiệm.

Không phải vất vả đánh trống gõ mõ, gõ cửa nhà hàng này, chạy theo năn nỉ ca sĩ nọ, tốn tiền thuê chỗ, thuê đủ thứ. Không phải huy động một số lớn thiện nguyện viên từ các em học trò nhỏ đến cụ già áo lam v.v... mà kết quả thì vô cùng hữu hiệu. Nhưng cái khó là ai phát động kế hoạch này và bắt đầu từ đâu? Khi nào?

Trong bài viết về kế hoạch này, ông Binh I đã đề nghị đến đích danh Tập Thể Chiến Sĩ Hải Ngoại mà vị đứng đầu hiện tại là khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, cựu đại tá Tư Lệnh Không Quân QLVNCH.”

Bố vợ vội ngắt lời chàng rể ra cái điều cũng tham gia thảo luận:

- “Nhưng tổ chức tập thể vừa mới hoàn chỉnh, cần thời gian nghiên cứu, chờ.”

- “Con đồng ý vối bố và các chú là cần phải nghiên cứu, nói dễ làm khó, nhưng chờ đến bao giờ? Không lẽ một ý kiến hay như thế rồi chờ họp, họp và họp cho tới khi nó... ‘hóa bùn?’ Trước đây con cũng đã đọc một bài viết về TPB và đề nghị mỗi gia đình HO “take care” một hồ sơ TPB, nghe có lý, lúc đó chúng con cũng có ý định bảo trợ một hai hồ sơ nhưng không thấy giới chức có thẩm quyền lên tiếng, không biết hỏi ở đâu? Làm như thế nào nên vợ chồng con ‘xù luôn’. Với kế hoạch của chú Binh I, con xin mạo muội đưa ra ý kiến để làm sao nó không chết như sau:

Khi chưa sẵn sàng thảo luận kế hoạch này, có thể phải cần một năm nữa để ổn định tổ chức, nhưng không để kế hoạch ‘12$/1 năm’ hóa bùn! Vậy thì các giới chức có thẩm quyền trong Tập Thể Chiến Sĩ Hải Ngoại tạm thời thử chấp nhận ý kiến của chú Binh I bằng cách mỗi vị ký cho một ngân phiếu mười hai đô la để làm gương rồi khuyến khích tất cả anh em CQN trong tập thể ký theo.

Ký xong rồi trao cho ai?

Xin thưa rằng tạm thời trao cho Hội HO Cứu Trợ TPB của cụ bà Hạnh Nhơn. Bởi vì hội này đã, đang sẵn sàng đầy đủ cơ sở pháp lý và đang tiếp nhận sự ủng hộ của đồng hương, danh sách ân nhân được đăng hằng tuần trên nhật báo Người Việt. Chừng nào tự tập thể điều hành được thì tính sau.

Cũng có thể vì lợi ích chung, tất cả vì TPB mà không cần tạo ‘kề-đít’ cho riêng mình bằng những cái mông lở loét của TPB thì tập thể vận động và cụ bà Hạnh Nhơn điều hành. Mục đích chính là đừng để những ý kiến xây dựng chết, xem qua rồi bỏ như những tin ‘chó cán xe’.

Nếu chỉ trong tập thể thì được bao nhiêu?

Xin thưa, kinh nghiệm lượm bạc cắc của Don Bosco cho con nói mạnh miệng như thế. Khoa học gia Nguyên Xuân Vinh với uy tín sẵn có, ông có thể nói chuyện với giới truyền thông ủng hộ kế hoạch này, kêu gọi đồng hương tiếp sức...

Thí dụ như ông Nguyễn Xuân Vinh hay giới chức có thẩm quyền của TT cầu cứu với cựu Trung Tá Vũ Quang Ninh đài LSR và tuần báo Việt Tide, đài Radio Bolsa của anh Việt Dũng và chị Minh Phượng, đài VNCR của anh Hoàng Trọng Thụy xin mỗi đài cho anh em TPB 30 giây sau mỗi bản tin.

Thí dụ như ông Nguyên Xuân Vinh vì TPB mà xin với 3 nhật báo Người Việt, Viễn Ðông, Việt Báo một đặc ân, mỗi tờ báo cho in chữ: “Xin ủng hộ TPB”.

Cháu tin rằng quý vị này sẽ không nỡ từ chối.

Hãy làm thử đi, bắt đầu đi, tấm lòng nhân đạo của đồng bào hải ngoại không thiếu, chỉ thiếu sự làm việc của giới có trách nhiệm. Con không khóc sao mẹ cho bú. Nếu tạm thời thực hiện được thì sẽ không còn cảnh ông gây quỹ, bà gây quỹ, hội gây quỹ, đoàn gây quỹ rồi đưa đến gây lộn! Rồi đưa đến ‘khuyến mãi’ gây quỹ cho TPB có nhẩy đẫm. Nhẩy đầm với TPB chắc là thú... lắm. Xin lỗi bố và các chú.

Con tuy không có một ngày vinh dự được là người lính QLVNCH, nhưng chúng con được sự che chở của các anh, bảo vệ của các anh, điển hình là đã cứu anh em chúng con trong trường dòng Don Bosco vào dịp Tết Mậu Thân 1968 khiến một số các anh bị thương. Vậy thì hôm nay, nhân lời đề nghị của chú Binh I, dù con không là thành viên của TT, xin cha chú cho phép con ủng hộ 1$/1 tháng vào quỹ này. Con ký 2 năm một lúc, tức là 24$, xin cộng thêm 1$ cho chẵn 25$ và nhờ chú chuyển đến chú Binh I.”

Thưa anh Binh I phụ trách trang CCB trên nhật báo Người Việt.

Người viết bài này hiện giữ cái check 25$ của cháu Tú thợ điện gửi ủng hộ TPB theo kế hoạch anh đề ra. Vậy xin cho biết tôi sẽ gửi $ này về đâu?


Philato
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests