Tạp Ghi

Post Reply
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Tạp Ghi

Post by vuphong »

Nỗi Đau

Mũ Đỏ Bùi đức Lạc
Một sự thật... Từ lâu tôi muốn viết về đề tài này, nhưng chưa viết được, vì sự việc chưa ngã ngũ ra sao! Đến nay kể như không còn vớt vát được nữa, nên tôi cảm thấy thanh thản viết, tôi không muốn mang tiếng là phản bội, những em bé tật nguyền của xứ sở tôi, những em bé người ta cho là do ảnh hưởng tác hại của Chất Độc Da Cam?

Bây giờ không còn gì để nói nữa, vì việc ăn vạ không còn phù hợp với thời đại này, khi cần mẫu thử nghiệm, để chứng minh những em bé khốn khổ này bị tác hại vì nguyên do nào? Năm 2000 phái đoàn tìm hiểu sự thật, lúc đầu đã lấy được mẫu thử nghiệm, từ những nạn nhân được cho là bị ảnh hưởng bởi thuốc khai quang, (thuốc độc da cam) nhưng khi ra đến phi trường, thì những mẫu thử nghiệm này bị giữ lại và kể từ đó chính nạn nhân cũng (được lệnh) từ khước luôn, không cho lấy mẫu tế bào cần thiết để thử nghiệm nữa, (có lẽ sợ các khoa học gia tìm ra sự thực, hay sợ các khoa học gia đổi mẫu thử nghiệm chăng? Yếu tố chính có lẽ là, sợ các khoa học gia khám phá ra rằng: Những trẻ em này bị tật nguyền là do cha mẹ uống rượu có pha thuốc giết rầy..v..v.. hay sì-ke, ma túy) nên dư luận quần chúng Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu nghi ngờ từ đó, vì không có bằng cớ xác thực là những trẻ em vô tội này bị thương tổn vì đâu?

Thời nay không thể ngụy tạo bằng cớ được, nên đành thất bại. Ở các nước văn minh ngụy tạo được tin tức, xào xáo tin tức làm sao cho quần chúng tin tưởng vào tin tức của mình, là chiến thắng trong tầm tay, vì quần chúng có khi lái cả chính quyền theo ý của quần chúng, có khi dư luận quần chúng theo một chiều, không cần biết đúng hay sai !!! Chiến tranh Việt Nam là một dẫn chứng, nhưng khoa học thực nghiệm thì không thể ngụy tạo được! Các mẫu thử nghiệm không thể nào có kết quả khác được, cơ quan khác, quốc gia khác có thể làm lại để kiểm chứng dễ dàng, vì danh dự cá nhân, vì danh dự nghề nghiệp, vì danh dự quốc gia nên không ai cả gan, giám ngụy tạo kết quả trong phòng thí nghiệm.

Mùa Xuân năm nay, mùa Xuân hướng về tương lai dân tộc... Trở lại chuyện ngày xửa ngày xưa một khi cô gái nhà lành nói có bầu với vị thầy tu, lập tức vị thầy tu đó bị kết án ngay, người ta không cần điều tra hư thực, mà chỉ nghe rồi dựa vào lời khai để buộc tội, dựa vào tin đồn để kết án, một lý luận khôi hài do những người có quyền xử án lúc bấy giờ đưa ra; “tại sao cô ta không đổ tội người khác, mà cô ta lại đổ tội cho thầy, như vậy chắc chắn thầy phải có gì đó, không có lửa sao có khói được”; nhưng thời nay vu oan kiểu như vậy, không có thể tồn tại được, việc xác định bào thai đó của ai chỉ cần một cuộc thử nghiệm kết quả có liền trong ngày, việc xác định tội trạng phải có kết quả của khoa học thực nghiệm, không thể u u... mê mê được nữa!

Không biết ai có niềm lo âu về tội lỗi khác hay không? Nhưng đối với tôi thì tội phản bội có lẽ là nặng nhất, phản bội bạn bè, phản bội người yêu, phản bội người thương, phản bội quê hương dân tộc, phản bội lại trẻ thơ... Nói cho cùng đã ghép phải tội phản bội thì là người không đáng chơi nữa... Từ phản bội nó gây ra bao nhiêu tội ác tầy đình; năm đó nếu tôi còn đi học chương trình ở ngoài thì tôi học đệ tứ, vì hoàn cảnh tôi theo học bách nghệ đã được gần hai năm, một buổi sáng đầu hè năm 1953 đang trong giờ học lý thuyết với thầy Tín, nhìn qua cửa sổ ra ngoài thấy dân chúng lũ lượt, đi trên đường ngay trước trường học, đi về phía phố cũ và nhà ga xe lửa, cả thầy lẫn trò ai cũng tò mò nhớn nhác nhìn ra đường, đây là một hiện tượng lạ chưa bao giờ xẩy ra nơi thị xã nhỏ bé này.

Vừa tan lớp chúng tôi ùa ra hỏi thăm, mới biết được là: Dân chúng đi coi “Trăn cuốn người” ngay dưới khu phố cũ; cả lớp ai nghe tin này cũng đều ngạc nhiên như nhau và đặt dấu hỏi tại sao trăn lại có thể về khu phố cũ được, nếu trên phố mới gần rừng thỉnh thoảng còn nghe thú rừng lai vãng, còn phố cũ thì tuyệt nhiên không bao giờ thú rừng có thể về đó được, hỏi những người đã xem rồi đang ra về ai cũng chỉ mỉm cười, các cô gái che mặt thẹn thùng không trả lời, cô nào chịu chơi lắm cũng chỉ trả lời bâng quơ:

- Lại coi thì biết.

Đó chính là yếu tố làm chúng tôi phải “lại coi cho biết” mới được, cả lớp ùn ùn kéo nhau đi về hướng nhà ga theo đoàn người hiếu kỳ, trời nắng chang chang một vài cơn lốc nhẹ nhàng cuốn bụi than dưới đường, làm mọi người phải che mặt, nín thở cho cơn bụi than đen bay qua, tiếng ve sầu từ đồi thông vọng xuống như một ban nhạc lớn hòa vào lòng người nghe “khúc nhạc tương tư, bi ai”.

Thế rồi chúng tôi cũng chen chân vào căn nhà chật hẹp, khu nhân công sở than trú ngụ, ôi “trăn cuốn người” còn đó, như một cuộc triển lãm có chủ đề, thân nhân đang chờ sở cẩm đến quyết định tận mắt, tang vật đầy đủ tại hiện trường, ai cũng bàng hoàng không phải trăn cuốn người mà là “chăn cuốn người”.

Anh chàng phu mỏ còn rất trẻ, anh chàng xấu số này có cô vợ lẳng lơ, cứ mỗi ngày anh phải thức giấc lúc 4: giờ sáng chuẩn bị mọi thứ, để rời nhà sau nửa tiếng sửa soạn, tới bến xe của sở đón nhân công đi Cọc Sáu, cho kịp giờ xe chạy lúc 5. giờ đúng như lịch trình đã định hàng ngày, theo người biết chuyện nói: “Anh chồng ra khỏi nhà mươi phút thôi, tức thì cô vợ mở cửa đón người tình vào nhà, dệt khúc gian phu dâm phụ”, anh chàng gian phu này là lính của sở than, chuyên lo canh gác những khu cơ sở “nhà máy” của sở than, dân chúng thường gọi là “lính sở”. Người chồng sau khi được cho biết tin chính xác như vậy, anh im lặng không lộ cho vợ biết mình bị mọc sừng, anh tự đặt kế hoạch! Hoạn Thành số một trên thế gian này, “hoạn thư là đàn bà, hoạn thành mới là đàn ông” giờ hành sự đã điểm, nên lúc 4 giờ rưỡi, thay vì ra bến xe của sở, để đón xe đi Cọc Sáu như mọi ngày, thì anh lại cầm cây choòng (xà beng) nhẹ nhàng leo lên mái nhà, xong nằm sấp trên mái ngay chỗ giường hai vợ chồng nằm, anh khoét một lỗ nhỏ nhìn xuống, pha cụp lạc bắt đầu, anh phóng ngay cây choòng bằng thép hình lục lăng dài trên 2 mét rưỡi, nặng khoảng chừng 10 kg đầu mài nhọn hoắt, cây choòng này hằng ngày anh dùng để đâm (đào) than trên sở làm, nó thông dụng như vậy, phu mỏ than đàn ông ai cũng cần nó, cho nên rất dễ mất, hàng ngày anh phải vác choòng đi rồi vác choòng về, nâng niu quí mến cây choòng, vì ngày ngày cây choòng này chính là cần câu cơm của anh, bây giờ anh phải xử dụng nó để thỏa mãn tự ái... Không biết anh chồng điều khiển làm sao mà cây choòng phóng xuống thật chính xác, nó xuyên từ lưng xuống ngực anh chàng lính sở, rồi xuyên qua ngực người vợ lăng loàn, còn sức cây choòng cắm xuống nền nhà bằng đất, sau đó anh chàng xấu số, nhưng thuộc loại ghen tương có tầm vóc này, không chạy trốn mà mở cửa tung ra, để cho mọi người chiêm ngưỡng cái tài dùng choòng của anh, không biết ai cám cảnh đã dùng chăn (mền) phủ lại nhưng chỉ phủ kín được lớp da dơ dáy phần dưới của hai người vì vướng cây choòng cắm sau lưng (giữa ngực) nên phần trên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, rồi người ta đồn lên là “trăn cuốn người”.

Cái thị xã nhỏ bé dân cư lúc đó khoảng chừng vài chục ngàn người, đa số là dân chúng từ những vùng đang xẩy ra giao tranh thường xuyên, nên chạy lánh loạn về đây an toàn hơn, hoặc nhà cửa tan nát vì bom đạn không nơi trú ngụ, thì đây là nơi đất lành, có người cả làng bị đốt cháy bằng địa nên tha phương cầu thực tới đây kiếm sống qua ngày, cũng có thành phần du thủ du thực trốn tránh cảnh sát về đây sinh sống, đất lành chim tứ xứ về đậu, nên cái thị xã nhỏ bé này rất nhiều chuyện quái đản xẩy ra, ngày đó địa phương không có phương tiện truyền thanh, cho dù là chuyện nhỏ như cái tin “Trăn cuốn người” ấy vậy mà tin đồn loan ra khắp thị xã rất nhanh, ai cũng ùn ùn đi coi, khi coi rồi không ai có thì giờ nói sự thực cho người khác biết, vả lại cũng muốn người khác mắc hợm như mình, tôi lúc đó chỉ thấy người vợ mắt trợn trừng miệng há hốc nằm dưới thân xác anh lính sở, anh này đầu ngọe vào bên trong nên không trông rõ mặt, cả hai đã tắt thở từ lâu! Chiếc choòng còn cắm xuống đất nguyên hiện trường, chưa ai dám rút ra, trông thật ghê rợn, không hiểu sao máu không chảy chan hòa trên mặt đất.

Câu chuyện trăn cuốn người như vậy xẩy ra cách nay trên nửa thế kỷ rồi, không ai hiểu rõ nguồn cơn, cứ thấy người ta đồn thì mình cũng đồn như vậy, thậm chí có người không thấy không biết cũng nhất quyết là “trăn cuốn người”, cái tin đồn như vậy rồi ai cũng cứ tin là đúng, thời xưa tin đồn làm hoang mang không phải là ít, nhưng thời nay vì có phương tiện truyền thanh, có các phương tiện khác mau chóng và chính xác, nên không còn là thời “chuẩn” của tin đồn nữa.



* * *


Năm 1971 chúng tôi tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719, qua Hạ Lào bằng đường bộ, rồi chúng tôi lui quân khỏi Bản Đông nam Lào cũng bằng đường bộ, đơn vị tôi kéo 18 cây súng đại bác 105 ly kiểu M102 đầy đủ trở về (xin vui lòng xem cuốn Cơn Uất Hạ Lào), ra tới Đông Hà ngày 27 tháng 3 năm 1971, tôi nằm quỵ xuống không dậy nổi, đi đứng phải có người dìu thật cám cảnh, ảnh hưởng bởi thuốc trị bệnh bao tử do tôi cho toa, rồi tự mình hốt thuốc, suốt 45 ngày trong Hạ Lào, lúc đó thuốc trị đau bao tử của quân đội không hiệu nghiệm một chút nào, suốt cuộc chiến liên tục ngày đêm phải suy nghĩ, làm sao để làm tròn nhiệm vụ của mình, trong lúc các đơn vị bên ngoài nổ súng có kết quả, nên cơn đau hành hạ tôi không ngừng nghỉ, đau đến dõa mồ hôi hột, đau đến nằm lăn lộn cũng vẫn đau, đau như thắt ruột, sau vì đau quá cứ ôm bụng rũ người mà chịu trận, thầy lang tây (Tính văn Trần hiện đang ở Houston, Texas) nhất mực đòi tản thương ra khỏi trận địa, đó không phải là phương pháp tốt nhất, tôi mới có một phương pháp (có nghiên cứu đàng hoàng), mỗi khi lên cơn đau... Một ly rượu “cô nhác” êm ngay lập tức, quả thật tôi phục tài trị bệnh của tôi quá, mỗi khi uống thuốc đau bao tử kiểu này đầu óc sáng suốt vô cùng, tôi nói cách trị bệnh của tôi cho mấy ông lang tây nghe, các ông ấy còn phục tôi hơn nữa! Tuy gục như vậy nhưng chỉ sau ba ngày uống thuốc có liều lượng (theo săn sóc ân cần của các thầy lang tây), ăn uống điều hòa tôi thấy cuộc đời thơ thới hân hoan trở lại, tôi sang nhận tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 pháo binh, cả đơn vị từ Hạ Lào ra không có về hậu cứ Sài Gòn nghỉ ngơi, chúng tôi đáp xuống phi trường Pleiku, vào căn cứ hỏa lực số 6 thuộc Tân Cảnh, Kontum tham dự “Trận Chiến 13 Ngày”, sau khi thử lửa thấy sắt thép cũng còn khả quan chúng tôi về hậu cứ, lần này được nghỉ đàng hoàng, ngủ chưa quen giường là chúng tôi lên đường giải tỏa quốc lộ 22 từ Tây Ninh qua Thiện Ngôn tới Dambe của xứ Chùa Tháp và bây giờ là điều mà tôi thật sự muốn trình bầy cùng quí vị những điều tôi muốn nói một “Nỗi Đau” ray rứt tôi suốt hai mươi năm qua, mà làm sao viết cho đành, tôi muốn tâm sự với những người cần tìm hiểu về thuốc “Độc Hại Khai Quang Mầu Da Cam”, tôi không giám trình bầy trong thuốc có những chất hóa học gì (công thức có ngay trước mặt đây) nếu viết vào cũng chỉ là (nghe hơi nồi chõ) xin dành phần này cho các vị khác có thẩm quyền hơn, nỗi đau còn hay không còn mới là điều đáng nói?

Tòa án liên bang Hoa Kỳ đã tuyên án, tôi nghĩ dù có kháng cáo cũng không đi đến đâu nữa, bên nguyên đơn đưa ra bằng cớ, trưng bầy đầy đủ hình ảnh các nhân chứng cho rằng nỗi đau của trẻ thơ do ảnh hưởng của chất độc da cam, nếu thời của “tin đồn” thì thắng là cái chắc, nhưng ngày nay cần mẫu thử nghiệm (cũng như phương pháp DNA vậy), những em bé tật nguyền có đó, nhưng lấy gì để chứng minh những em bé sống không ra người này, là do chất độc da cam gây ra! người cha tự xưng là ông bị nhiễm thuốc độc Da Cam, nhân chứng xác nhận như vậy, loại nhân chứng này có hàng trăm người, (thiếu gì chạy đầy đường). Quên rằng người khác cũng có thể nói, những em bé này bị tàn tật như vậy là do kết quả của các thứ độc hại khác gây ra! Dân tộc tôi ôi sao lắm nực cười! Thời này không còn áp dụng luật pháp, hay lý lẽ theo thời tin đồn nữa! Trẻ thơ bị tật nguyền đúng quá đi thôi, đầy rẫy khắp quê hương, một Nỗi Đau bất tận cần tìm phương pháp xoa dịu, hầu như phương pháp giáo dục cho cha mẹ nạn nhân chưa có, một phu huynh cho biết “chị chưa nhận được một lời khuyên nên làm gì cho đứa con sau!”... Do đó Nỗi Đau có thể còn thêm nhiều nữa và do nhiều nguyên nhân gây ra mà lỗi là: Do cha mẹ khinh xuất, do thiếu thuốc men, do thiếu giáo dục, do thiếu nhà thương điều trị, do bệnh hoạn khác ảnh hưởng đến thai nhi, ngay cả do người mẹ bị hành hạ lúc mang thai, do di truyền và trăm nghìn nguyên do khác..v..v.. Những nước không chiến tranh không có rải thuốc khai quang, trẻ thơ vẫn bị tật nguyền và còn tệ hại hơn thế nữa, nếu quí vị đi du lịch sang nước khác kể cả các nước văn minh Âu Mỹ, không nói tới các nước Châu Phi vì các nước này không có chương trình giáo dục y tế rộng rãi cho dân chúng, nếu có lòng từ tâm xin mời vào các nhà thương nhi đồng dành cho các em bé đáng thương, quí vị cũng đã hoặc sẽ thấy nhiều trẻ thơ tật nguyền còn thê thảm hơn, nhưng có thử nghiệm và phân tích từng trường hợp và có kết luận, chẳng hạn như có em bị là do hậu quả của cha mẹ ghiền xì ke ma túy, có em tật nguyền do cha mẹ uống rượu quá nhiều, hay do ảnh hưởng bệnh hoạn về tình dục và rất nhiều nguyên do khác, đa phần do lỗi của cha mẹ, hoặc do di truyền..v..v..Tôi được xem hình những cô gái Trung Quốc tật nguyền vì bó chân cho nhỏ lại, nhưng thời kỳ phát triển... Xương vẫn mọc ra “không theo ý người” làm thành tật nguyền không đi được nữa. Đặc biệt dân tộc tôi thời điểm này thì tật nguyền đều là do thuốc độc da cam cả.!!! Cái mấu chốt của vần đề là không cho lấy mẫu “tế bào của chính nạn nhân” để thử nghiệm, hầu tìm ra nguyên do, các em xấu số này bị tật nguyền vì căn nguyên nào, mẫu thử nghiệm phải do chuyên viên thử nghiệm đến tận nơi lấy, không thể do bấy cứ ai cung cấp được, có chấp nhận như vậy mới là trò chơi văn minh, dù cho không may số phận ngắn ngủi nạn nhân vừa qua đời, thì cũng cần được giảo nghiệm để xác định nạn nhân do đâu mà phải chịu như vậy? Không thể tin vào lý luận của tin đồn được, càng không tin vào những nhân chứng, vì nhân chứng có hiểu gì đâu? Trong trường hợp bệnh hoạn như thế này tin vào nhân chứng được sao! ? Người làm nhà thương Lao chắc gì mắc bệnh Lao, nếu họ phòng ngừa cho đúng lời khuyên (giáo dục), người làm nhà thương Điên có thể mắc bệnh Điên hay không?

Trung tuần tháng 7 năm 1971 nguyên một Lữ Đoàn Nhảy Dù tham dự hành quân, chúng tôi có mặt dọc theo quốc lộ 22 chạy từ Tây Ninh sang Campuchia. Bộ Chỉ Huy đóng ngay bên ngoài căn cứ Thiện Ngôn, Tây Ninh. Đây là lần thứ hai chúng tôi nhìn thấy rõ ràng thuốc khai quang trải bằng máy bay C123. Tôi xin thứ tự trình bầy hai lần này; Máy bay chỉ trải thuốc khai quang ở hai bên trục lộ, chiều ngang mỗi bên đường bị trải thuốc khai quang rộng khoảng từ hai cho đến ba trăm thước tây, không trải vào sâu trong rừng, chúng tôi vào mật khu được gọi là “bất khả xâm phạm” không thấy có dấu hiệu thuốc khai quang, nhưng nhiều mật khu khác có dấu hiệu có thuốc khai quang.

Nói một cách rõ ràng bất cứ mật khu nào, hay bất cứ một nơi nào, muốn rải thuốc khai quang đều phải có quân ta ở dưới, tại sao như vậy? Tôi xin được trình bầy ở đoạn sau... Hai lần này thuốc khai quang đều làm chúng tôi phải ướt nhẹ trên áo, giống như quí vị phải đi dưới mưa phùn vậy.

Đây là lần quan trọng nhất rõ ràng nhất vì chúng tôi “bợ nguyên mâm” là lần nguyên Lữ Đoàn Nhảy Dù với quân số trên hai ngàn người đều phải uống nước có thuốc khai quang trong đó, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù ngay bên cạnh căn cứ Hưng Đạo tức là giữa Thiện Ngôn và Trại Bí, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù giữa căn cứ Phù Đổng (Peace) và căn cứ Thiện Ngôn, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù tại căn cứ Phù Đổng (biên giới Miên Việt) nhưng quân trải dài đến gần ngã ba vào Dambe, vì là hành quân giải tỏa quốc lộ 22, nên tất cả các đơn vị chỉ trải quân dọc theo hai bên quốc lộ này, chúng tôi làm đầu cầu an toàn cho Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, Lữ Đoàn 3 trong đó có Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (anh Nguyễn đình Bảo làm tiểu đoàn trưởng), hợp cùng thiết giáp tấn công vào Dambe, vấn đề nước uống chúng ta phải tự túc không như quân đội đồng minh, quân ta gặp đâu có nước là uống, vì vậy nguyên Lữ Đoàn mở đường phải uống nước có chứa sẵn tại các hố bom, đã được (mưa) thuốc khai quang xuống những hố nước này, nên ai cũng đều ăn uống cả tháng trời bằng nước có chất khai quang (chất độc da cam), tôi không hiểu người dùng chữ bị ảnh hưỡng bởi chất độc da cam là như thế nào? Như thế nào mới là ảnh hưởng? Còn chúng tôi phải hít thở khi chất độc da cam đang bay trên trời, chất độc da cam ngấm vào áo quần, thấm vào thân thể, ngoại trừ đầu đội nón sắt, phải uống nước có chất độc da cam trong nước, phải ngủ nằm trên mặt đất có chất độc da cam, không biết như vậy có là ảnh hưởng hay chưa?

Còn một lần khác nó xẩy ra từ năm trước, lần này là lần đầu tiên nhưng nhẹ nhàng thứ yếu, chúng tôi cũng bị thưởng thức chất độc da cam tương tự, tức là vào khoảng trung tuần tháng 6 năm 1970 (có thể sai một vài tháng), chúng tôi Lữ Đoàn 3 phải đi bằng đường bộ từ Tây Ninh (núi Bà Đen) qua cứ điểm Barbara đến Kà Tum để chuẩn bị tấn công vào Trung Ương Cục Miền Nam, con đường này mìn bẫy tương tự như Cầu Kè ở Vĩnh Bình, hay như con đường dọc theo bờ Phá Tam Giang, mà chúng tôi đã được nghe ai đặt cho mỹ từ rất thơ mộng “Dẫy Phố Buồn Hiu” thuộc Phong Điền và Quảng Điền, Thừa Thiên. Trong lúc đang tiến quân thì thuốc khai quang cũng rải trên đầu tương tự, nhưng không có đơn vị nào của Việt Nam đi hai bên đường, lúc đó đơn vị chịu trách nhiệm đi hai bên đường là Lữ Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, sở dĩ như vậy vì Quân Đội Hoa Kỳ không được tiến quân qua Campuchia, (quốc hội Mỹ đang trong tay Đảng Dân Chủ làm áp lực nặng nề với chính quyền Đảng Cộng Hòa, không cho quân đội Hoa Kỳ vượt biên) nên quân đội Hoa Kỳ trách nhiệm giữ an ninh nội địa, chỉ có chúng tôi tiến quân qua Campuchia, nhưng Bộ Chỉ Huy của LĐ3ND và TĐ1PBND thì bị lãnh đủ vì thuốc khai quang, trong lúc đang di chuyển đến Kà Tum, lần này chỉ bị ướt và hít thở phải thuốc độc da cam, nhưng không phải bị uống nước, cũng như không phải nằm ngủ trên thuốc độc da cam. Khi rải chất độc da cam, máy bay phải bay ở cao độ rất thấp “nhìn rất rõ phi công” vì sợ thuốc bay không đúng ý nên không phải lúc nào muốn bay thì bay, muốn rải lúc nào thì rải, nếu đi rải thuốc như vậy, phải bay chậm và thấp, mà có Bộ Đội ở dưới chỉ cần một viên đạn của súng cá nhân thôi (AK 47) là máy bay bị tiêu tùng ngay.

Cho nên khi rải thuốc khai quang máy bay, phải bay rất thấp, để thuốc rớt đúng nơi mong muốn, nếu bay cao gió thổi bay thuốc đi nơi khác; đó là lý do dưới đất phải có quân bảo vệ, vì bay theo trục lộ mà bay thấp là dễ dàng bị hạ; theo tôi nghĩ bộ đội Cộng Sản nếu có bị ảnh hưởng cũng chỉ bị ít mà thôi, vì máy bay rải thuốc chỉ hoạt động khi có quân ta ở dưới giữ an ninh cho họ, bộ đội không giám đóng quân sát đường, họ thường ẩn núp sâu trong rừng, họ chỉ xuất hiện bên các trục giao thông khi chuẩn bị một chiến trường mới và ở đó không quá một ngày là rút ngay, (chiến lược, chiến thuật Tứ Khoái Nhất Mãn của Mao Trạch Đông, được họ coi là sách chỉ đạo chiến tranh của bộ đội miền bắc mà) chỉ có QLVNCH và quân đội Đồng Minh mới chịu trận, thuốc khai quang lâu ngày mà thôi! Chúng tôi không quả quyết thuốc khai quang vô hại, nhưng chúng tôi chưa thấy ai bị thương tổn vì loại thuốc này, cũng như con cháu chúng tôi không thấy bị ảnh hưởng, nếu có chắc vài đời sau nữa! Còn Bộ Đội Cộng Sản Việt Nam trong mật khu, có thể cũng có va chạm với thuốc khai quang khi thuốc đã trải xong, và thuốc đã nằm im dưới đất.

Sang đây niên trưởng Trần Quốc Lịch lúc đó chỉ huy LĐ2ND, anh Nguyễn Chí Hiếu lúc đó là chỉ huy TĐ5ND, anh La Trịnh Tường lúc đó chỉ huy TĐ1ND và tôi lúc đó chỉ huy TĐ1PBND, chúng tôi đều đang sống tại Califotnia, chúng tôi đều trên dưới 70 tuổi, vẫn khỏe mạnh đánh quần vợt còn khả quan, riêng cố Đại Tá Trần Văn Sơn lúc đó chỉ huy TĐ3ND đã hy sinh tại chiến trường miền trung vào thời điểm gần cuối tháng 4 năm 1975, tôi viết bài này muốn cho những ai cần tìm hiểu, biết rằng thuốc độc da cam có tệ hại chăng nữa thì cũng không ghê gớm như tin đồn, bài này viết sau hơn một năm khi đã có phán quyết của tòa án liên bang Hoa Kỳ, tôi không còn bị mặc cảm là phản bội dân tộc, phản bội quê hương, phản bội các em bé tật nguyền đang nằm ăn vạ, vì cuộc chơi “tin đồn” đã qua, nếu chúng ta muốn kháng cáo cho có kết quả chúng ta phải chấp nhận luật chơi văn minh, phải có tế bào của các người mắc bệnh để thử nghiệm, có khi còn phải lấy mẫu thử nghiệm đến vài ba lần mới có kết luận vững chắc được, thanh niên Việt Nam ở vùng do bộ đội Cộng Sản kiểm soát trước năm 1975, và toàn nước Việt Nam sau năm 1975 đã uống biết bao nhiêu loại rượu sản xuất bằng các môi tác “thuốc giết côn trùng, thuốc giết chuột, và các chất độc khác như (bột hàn gió đá) chẳng hạn” mà các ổ rượu lậu này đều được đỡ đầu nghiêm chỉnh, sự tác hại của các loại rượu này cũng chưa ai nhắc đến, nếu chúng ta cương quyết nhận định rằng các em thiếu nhi bị tàn tật là do “chất độc da cam”, thì chúng ta phải chấp nhận luật chơi văn minh, phải đồng ý cho chuyên viên đến lấy mẫu tế bào nạn nhân tại chỗ, cứ yên tâm không ai đổi mẫu tế bào này đâu! Đâu phải trò đùa, còn quốc tế nhắm vào nữa! (Hiện nay Trung Hoa Cộng Sản cũng có khả năng làm thử nghiệm này, tại sao không làm?). Sở dĩ phái đoàn thử nghiệm họ không thử nghiệm tại chỗ được vì không đủ phương tiện, nên phải mang mẫu thí nghiệm này về phòng thí nghiệm có đầy đủ phương tiện; các phòng thí nghiệm này đôi khi là của tư nhân chứ không phải của chính quyền, nên không có chuyện gian dối đâu ạ! Ở ngoại quốc lâu có thể hơi chủ quan chăng? Tôi chưa hề thấy các chuyên viên này gian lận như tin đồn, mong rằng “Nỗi Đau” sẽ được chấm dứt và bạch hóa cho dân tộc chúng ta, để các nạn nhân được chữa trị không nằm ăn vạ nữa “chờ vạ thì má đã sưng” ĐAU LẮM quí vị ạ, “nỗi đau” ngoài da còn chưa trị, biết bao nhiêu “nỗi đau” khác cứ luẩn quẩn chung quanh, cứ nói quanh co thì hay lắm, nhưng thực tế vẫn phũ phàng, chúng ta hãy gãi lưng chúng ta thử xem có làm được trọn vẹn hay chưa.

Làm sao bắt tay nhau đây, khi suy nghĩ và ăn nói vẫn khác nhau một trời một vực, những thương bệnh binh trong hàng ngũ QLVNCH hiện nay bị đối xử thua thiệt, khác xa với những thương bệnh binh của bộ đội Cộng Sản Việt Nam, nếu không muốn nói là đang bị kỳ thị, miệt thị; ngay cung cách đối xử với người chết cũng vẫn còn đòn phép, không cho vào thăm mộ các tử sĩ của miền Nam, không lẽ nghĩa trang (của đối phương) cũng là khu bí mật quân sự hay sao? Hay sợ dân chúng căm thù vào phá nghĩa trang theo thời tin đồn? Chúng ta có quyền nghi ngờ trong nghĩa trang đã có những trò trả thù nhơ nhớp, những trò trả thù của thời tin đồn có thể vẫn còn đang diễn ra trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, “ngày nay thuộc về Thủ Đầu Một” những trò gian dối chỉ nên áp dụng cho thời “tin đồn” mà thôi, thời nay nếu muốn cùng nhau xây dựng quê hương, chúng ta phải tập thành thật với nhau ! Phải công bằng với nhau cho các anh em thương phế binh được đối xử nghiêm túc.

Sau cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ, quân đội đôi bên người còn sống, kẻ bị thương đều được đối xử ngang hàng với nhau, không có bị tù đầy, khổ sai, cải tạo, người tử trận đôi bên đều có thể được chôn chung nghĩa trang quốc gia Arlington, nhờ cách đối xử đó, nước Mỹ sau chiến tranh còn nguyên chất xám, nước Mỹ mới hùng mạnh như ngày hôm nay, nhờ người thua không cảm thấy bị lép vế, kẻ thắng không trên chân, cùng nắm tay nhau xây dựng lại quê hương đổ nát vì chiến tranh, cùng sánh vai nhau tiến bước theo kịp đà văn minh của nhân loại. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nên mở mắt nhìn cao hơn (chiếc ghế đang ngồi), mánh lới (thời tin đồn) chỉ có thể đạt được chiến thắng nhất thời, muốn xây dựng quê hương phải thành thật với nhau, đầu óc phải mở rộng, lớp trẻ đầy nhiệt huyết đang sẵn sàng xây dựng quê hương, và chúng tôi lớp người già, đang muốn xoa dịu lại vết thương cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta, chúng ta phải tỏ tình thân bằng hành động, không bằng lời nói điêu ngoa được...

Mũ đỏ Bùi Đức Lạc
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

SỰ TRẢ ƠN

Huy Phương
Chiều thứ hai tuần rồi, trên đường đến phi trường Houston, Texas để lên máy bay trở lại Los Angeles, chiếc xe của người bạn đưa chúng tôi đi thình lình bị nổ bánh trên xa lộ. Phải nói đây là lúc bối rối và lo lắng nhất, vì giờ máy bay cất cánh đã gần kề mà việc thay bánh xe trên xa lộ là một chuyện rất nguy hiểm. Bạn tôi đành gọi về nhà nhờ các con anh lên tiếp tay lo cho cái xe cũng như đưa chúng tôi đến phi trường, nhưng tôi nghĩ là thời gian đã quá trễ, thế nào đêm nay chúng tôi cũng phải nằm lại phi trường để chờ chuyến bay kế tiếp về nhà.

Thế rồi một chiếc xe Sequoia tấp vào lề, sau chiếc xe của chúng tôi, trên xe bước xuống một thanh niên Nam Mỹ, anh muốn giúp chủ nhân chiếc xe bể bánh thay bánh xe và vợ anh, trên xe còn bốn đứa con nhỏ, đưa chúng tôi đến phi trường cho kịp giờ phi cơ cất cánh. Thật là một vị cứu tinh đến với chúng tôi đúng lúc, nhưng thật là ngại ngùng, vì nếu một chiếc xe tow hay xe taxi lại là khác, ở đây lại là một người qua đường sẵn lòng giúp đỡ mà không đặt một điều kiện thù lao nào. Người thanh niên nói với chúng tôi đem hành lý sang xe, để vợ anh sẽ đưa chúng tôi lên phi trường cho kịp giờ, còn anh sẽ ở lại với bạn tôi. Trong khi chúng tôi đang ngần ngại, anh ta nói: -“Tôi muốn giúp ông bà, tôi là người Thiên Chúa giáo”.

Lúc đến phi trường, chúng tôi cố dúi vào tay người đàn bà tốt bụng một số tiền trả ơn, nhưng nhất định bà ta không nhận. Tôi thoáng có ý nghĩ là để tiền trên nệm xe, nhưng nghĩ đó là một điều bất nhẫn, sẽ làm cho người ra ơn phẫn nộ, và họ sẽ không có được một buổi chiều thư thái trong lòng sau khi đã giúp đỡ được một việc hữu ích cho người khác. Chúng tôi là những hành khách vào phi cơ cuối cùng, yên tâm trở lại nhà đúng chuyến bay nhưng đầu óc vẫn nghĩ đến hai vợ chồng tốt bụng mà tôi đã may mắn gặp giữ đường rất đúng lúc. Cũng tối hôm đó, bạn tôi ở Houston điện thoại cho biết người thanh niên sau khi thay bánh xe cho bạn tôi trên xa lộ, đã không nhận một đồng tiền công nào, mà chỉ yêu cầu để cho anh lái xe vào một tiệm Mac Donnal gần đó để gọi vợ anh ta đến đón về. Lắm lúc chúng ta cầu nguyện Quán Thế Âm nhưng Đức Mẹ lại cho một người đến giúp và nước Mỹ vẫn còn ấm áp tình người biết bao nhiêu.

Có một câu chuyện trả ơn như thế này: “Một buổi chiều nọ, trên đường phố một thanh niên có lòng tốt đã giúp một thiếu phụ sang trọng qua đường chữa cho chiếc xe hơi tắt máy của bà. Xong công việc, mặc dầu bà năn nỉ trao cho thanh niên một số tiền trả công, nhưng nhất định người này không nhận. Anh chỉ nói tóm tắt:- Giúp bà là bổn phận của tôi. Nếu được, có dịp bà giúp đỡ cho người khác là quý rồi.

Một này nọ, người thiếu phụ này vào một quán ăn nhỏ, bà thấy một người đàn bà đang chùi dọn trong nhà hàng. Người đàn bà này có vẻ tiều tuỵ, mệt nhọc và đang có bầu. Động lòng trắc ẩn, bà gọi người ấy ra góc quán ngỏ lời thăm hỏi và giúp đỡ cho người này một trăm đồng bạc. Người đàn bà quét dọn trong quán ăn, buổi chiều về nhà kể câu chuyện này cho người chồng nghe và mô tả hình ảnh người thiếu phụ này. Nhận ra đây là thiếu phụ mình đã giúp đỡ ngoài đường phố mấy tháng trước, anh chỉ mỉm cười và nói với vợ:- Thôi em hãy giữ lấy số tiền này, có dịp chúng ta sẽ san sẻ lại cho người khác.”

Thái độ muốn trả ơn vội vàng là một thái độ vô ơn. Nhiều người được người khác cho một món quà, muốn đi mua môt nón quà khác cho lại để khỏi phải mang ơn. Nhiều gia đình được bạn mời cơm, chưa đầy một tuần sau đã cố nài nỉ bạn lại nhà mình để trả lại một bữa cơm khác. Tâm lý chung là chúng ta thường nghĩ mình không hề mắc nợ ai và không muốn mắc nợ ai, nhưng thật ra chúng ta mắc rất nhiều món nợ mà chúng ta vô tình không biết. Chính vì vô tình không biết nên chúng ta thường là những kẻ vô ơn, mà lòng vô ơn thường đi theo lòng tự cao, tự đại. Nếu khi chúng ta nhìn xung quanh, thấy ai cũng là kẻ ra ơn cho mình, và mình mắc nợ rất nhiều người, thì hẳn lòng ta đã ấm áp trở lại và cảm thấy thương yêu tất cả mọi người. Tôi không biết giữa người bác sĩ và bệnh nhân của ông, ai phải mang ơn ai đây, nếu hai người cùng chịu ơn nhau, mối giao hảo sẽ rất bình đẳng và cộng đồng sẽ đối xử với nhau như anh em.

Có những việc mà ngày xưa chúng ta đã có dịp giúp người khác, mà thời gian làm cho chúng ta quên bẵng đi, ba bốn mươi năm sau, người được giúp đỡ có dịp gặp gỡ và nhắc lại. Cũng như trong đời, chúng ta đã mang ơn một vài người, vẫn nhớ và đi tìm họ, nhưng có những món nợ không bao giờ trả nỗi. Chúng ta quanh quẩn chuyện mang ơn và ra ơn. Ra ơn thì không bao giờ nhớ hết, mà mang ơn thì trong lòng canh cánh không quên, như lời Chu Tử: “Thi huệ vô niệm, thọ ân mạc vong- Làm ơn đừng nghĩ tới, mang ơn chớ khá quên.”

Tôi đã có lần giúp đỡ cho một vài người quen thuộc, nhưng được trả lại bằng sự vô ơn, tôi buồn bực vì tôi biết rõ những người ấy. Nhưng nếu tôi giúp cho ai đó mà tôi chẳng hề biết đến họ, coi như giúp cho một kẻ qua đường, có lẽ lòng tôi sẽ thanh thản hơn.

Có thể tôi cũng đã mang ơn ai đó, ở xa hay gần, trong quá khứ hay mới đây thôi, mà vô tình tôi không hề biết hay đã lãng quên và làm cho người ra ơn cũng không vui như vậy.

Mến gởi một người đặc biệt…

Người ta chỉ cần một phút để tìm xem ai là người đặc biệt, một giờ để thấy người ấy đáng quý, một ngày để quý mến, nhưng hết một đời đâu dễ đã quên.

Bạn hãy gởi mấy hàng này cho tất cả bạn hữu của mình, để nhắc rằng bạn không quên họ đâu.

...

Có ai nói được rằng, trên đời này mình chưa hề chịu ơn ai!

Huy Phương
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Nguyễn Ngọc Hạnh, người lính xung trận bằng chiếc máy ảnh

Huy Phương
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh xuất thân là một người lính tác chiến ở trong một binh chủng tổng trừ bị, ông đã từng là tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 1 và Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù vào năm 1960. Chính vì lòng đam mê nhiếp ảnh, trong lúc ở tại đơn vị , ông đã thực hiện hai tác phẩm “Tiếc Thương” và “Tấn Công”, ngay tức thì tác phẩm “Tiếc thương” đã được đánh giá cao tại Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Hồng Kông và nhận được huy chương vàng. Lần đầu tiên một người lính VNCH được mời sang ngoại quốc lãnh một giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, đem lại vinh dự không những cho người lính tác chiến miền Nam mà còn cả cho chế độ VNCH.

Sau khi đi Hồng Kông về, nhận thấy khả năng nhiếp ảnh nghệ thuật ở Nguyễn Ngọc Hạnh, Bộ Tổng Tham Mưu đã điều động ông về phục vụ tại phòng 5, đặc trách biên tập cuốn sách ảnh “Việt Nam Khói Lửa”. Chính trong giai đoạn này, Nguyễn Ngọc Hạnh đã liên tiếp nhận nhiều giải thưởng quốc tế trên những tấm ảnh thực hiện tại chiến trường Việt Nam, nhất là bộ ảnh chiến đấu với các bức “Tấn Công (cắn lựu đạn)-Tiếc Thương-Chút Hạnh Phúc Còn Lại (thương binh)-Mồ Hôi Công Binh” đã vinh dự nhận Trophy Vàng của Úc Ðại Lợi năm 1965. Nguyễn Ngọc Hạnh đã nhận được hơn 20 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế khác với các bức trong bộ ảnh trên và thêm các tác phẩm “Cấp Cứu” (Mouth-to-Mouth) và “Bà Cháu”, như vậy đề tài nhiếp ảnh có thể tìm ngay trên chiến trường giữa làn đạn, chứ không ở đâu xa.

Các giải thưởng và tước hiệu nhiếp ảnh quốc tế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh là vinh dự chung cho miền Nam Việt Nam, vì Cộng Sản Bắc Việt không có nhiếp ảnh nghệ thuật trong chiến tranh, nhất là chiến tranh xâm lược, tiến công vào miền Nam. Với những tác phẩm rất đơn giản, nhưng đầy tính chất bi (tiếc thương, thương binh, cấp cứu) hùng (tấn công, mồ hôi công binh), đã nói lên trọn vẹn của cuộc chiến giữ nước, qua cuộc chiến, lẽ cố nhiên không sao tránh khỏi những mất mát, đau thương. Ðó chính là nét nhân bản trong nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Hạnh và trong nền văn học nghệ thuật của miền Nam. Ông tự ý gởi đi dự thi những tác phẩm “phản chiến” mà không hề qua một sự kiểm duyệt hay cho phép của bất cứ ai, bất cứ giới chức trong Bộ Quốc Phòng hay trong Bộ Ngoại Giao VNCH.

Những chế độ cộng sản trên khắp thế giới nhất là những chế độ cộng sản truyền thống mà lạc hậu như Bắc Việt, Bắc Hàn, Ðông Ðức... không bao giờ cho nhân dân của họ phơi bày những mặt trái, tiêu cực của cuộc chiến như hình ảnh người quả phụ, người thương binh què cụt cho nhân dân của họ chứ chưa nói đến việc đưa các hình ảnh này ra nước ngoài. Các thương binh bộ đội Cộng Sản Bắc Việt cho biết, sau khi chiếm miền Nam, tất cả các thương binh đều bị tập trung lên các trại “tập trung” ở các miền cận sơn như Nghệ Tĩnh, Hoàng Liên Sơn trong những vùng đất riêng biệt, để tránh sự có mặt của họ làm hoen ố hình ảnh chiến thắng mới vừa đoạt được của Bắc Việt. Trên báo chí và hình ảnh thông tin của cộng sản chúng ta chưa hề thấy có hình ảnh của thương binh, quả phụ hay khăn tang, làm như cộng sản luôn luôn gặt hái chiến thắng mà chưa hề tổn thất và xem mạng người hay nỗi khổ đau cá nhân là không đáng kể.

Ðiểm son của VNCH là chúng ta có tự do, chúng ta không che dấu. Trong đau thương có vẻ đẹp của nó và đau thương đã nói lên sự hy sinh và yêu tổ quốc của người lính. Bức hình bên cạnh đây của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh mô tả một người thương binh trở về từ mặt trận, mất một tay một chân, nở một nụ cười hạnh phúc với đứa con nhỏ bên chiếc võng, trong ngôi nhà lá đơn sơ, mà tôi đề nghị với tác giả đặt tên là “Chút Hạnh Phúc còn Lại”. Bức ảnh này đã được giải thưởng huy chương đồng của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Bỉ Quốc năm 1970 và huy chương đồng của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Macao cùng trong một năm.

Xin mời các chiến hữu đến thăm phòng triển lãm nhiếp ảnh mang tên “Những Hình Ảnh Bi Hùng Của Cuộc Chiến Giữ Nước” với toàn bộ sự nghiệp nhiếp ảnh của Nguyễn Ngọc Hạnh trong vòng 47 năm (1960-2007) tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt, trên đường Moran, thành phố Westminster từ ngày Thứ Bảy 16 Tháng Sáu vào lúc 2:00PM và sẽ kéo dài cho đến hết ngày 22 Tháng Sáu. Buổi triển lãm nhiếp ảnh do chương trình Huynh Ðệ Chi Binh, đài SNTN tổ chức và do ban giám đốc trung tâm Asia và đài SBTN bảo trợ.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Nhân mùa tốt nghiệp...

T.Vấn

Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha áo mẹ công thầy,
Lo sao cho đáng những ngày ước mong.
(Ca Dao Việt Nam)
1.
Ngày lễ Father’s Day năm nay, nhiều người bạn của tôi đã nhận được món quà quý giá nhất mà một người cha có thể mong ước được nhận từ con cái của mình. Có ít nhất là hai người, đã hãnh diện báo tin cho tôi biết rằng, con của họ đã tốt nghiệp đại học với danh hiệu cao quý nhất, danh dự nhất dành cho sinh viên xuất sắc nhất trường : Summa Cum Laude. Kèm theo đó, còn có những bằng tưởng lục, khen thưởng mà không phải sinh viên tốt nghiệp nào cũng nhận được. Hai sinh viên Việt Nam xuất sắc này, một thanh niên 22 tuổi tên Kenn Khải Vũ, tốt nghiệp từ trường đại học UCLA nổi tiếng của tiểu bang California, nơi quy tụ rất nhiều những sinh viên ưu tú ở khắp nơi trên thế giới và một cô gái cũng 22 tuổi, theo học trường đại học công giáo Loyola ở thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, thành phố mà vụ lụt tháng 8 năm 2005 còn để lại nhiều dấu vết tàn phá, trong đó có căn nhà của cô sinh viên Việt Nam được xếp hạng thứ nhất trong danh sách tốt nghiệp năm nay của trường. Một người bạn khác, ở Úc, có cô con gái 23 tuổi tên Diệp Thanh Mai, tốt nghiệp với hai bằng đại học, mà cả hai bằng đều thuộc hạng danh dự, cộng thêm một số tưởng thưởng về những phát kiến và sáng tạo hữu ích cho khoa học, và làm rạng danh phái nữ, nhất là phái nữ người châu Á ở nước Úc. Một số khác, có con chỉ vừa mới tốt nghiệp trung học thôi, nhưng lại là những sinh viên đứng ở vị trí số 1, số 2 trong danh sách dài dằng dặc những sinh viên vừa rời ngưỡng cửa trung học, hứa hẹn một tương lai sáng chói ở những trường đại học lừng danh nhất nước Mỹ.

Qủa đúng là không có món quà nào quý hơn dành cho người cha bằng sự thành đạt của con cái. Một anh bạn khác của tôi, khi trao tấm thiệp mời dự tiệc mừng cô con gái 26 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ y khoa từ một trường đại học ở Chicago, tiểu bang Illinois đã nói như vậy.

2.
Câu chuyện về sự thành đạt trong lãnh vực học vấn của thế hệ người Việt thứ hai ở hải ngọai không còn làm người bản xứ ngạc nhiên nữa. Từ nhiều năm nay, họ đã chứng kiến nhiều sinh viên Mỹ có gốc gác Việt Nam vươn lên từ bao nhiêu những bất lợi trong hòan cảnh riêng của mình (so sánh với những bạn đồng lứa người bản xứ), thí dụ như : ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, để tự chứng tỏ mình là những nhân tài lỗi lạc, hứa hẹn những đóng góp to lớn trong tương lai cho xứ sở đã giang tay dung chứa những gia đình di dân đến từ một vùng đất vốn bị kiệt quệ vì chiến tranh, lọan lạc (*). Mới năm ngóai, cả nước Mỹ trầm trồ khen ngợi một sinh viên Việt Nam ở thành phố Fairfax, tiểu bang Virginia đã hòan tất chương trình đại học 4 năm ở hai ngành học khác nhau với thời gian kỷ lục là 1 năm. Một vị giáo sư phó trưởng khoa Tóan của đại học Virginia đã phải thán phục “ hồi xưa tôi phải mất 3 năm mới lấy xong được một mảnh bằng đại học, vậy mà anh chàng Việt Nam nhỏ thó tên David Banh này chỉ cần có 1 năm. Đây là trường hợp duy nhất mà tôi được biết kể từ khi dạy học 39 năm nay “. Sau đó, “ anh chàng Việt nam nhỏ thó “ đã nhận được lời mời phụ giảng môn Tóan cho trường với mức lương năm khởi đầu là 70 ngàn. Trong khi đó, thân phụ của anh, làm việc cho ngành Bưu Điện Hoa Kỳ gần 15 năm cũng chỉ đạt được mức lương xấp xỉ 50 ngàn/ 1 năm. Năm 2007, trường đại học Virginia lại một lần nữa đón tiếp một cô gái Việt Nam tên Nguyễn Tống Mỹ Linh bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp với danh hiệu Tối Danh Dự (Summa Cum Laude). Thành tích của cô gái này cũng đã làm nhiều nhà khoa bảng Mỹ kinh ngạc. Ngay khi vừa học năm thứ hai đại học, cô bé đã được mời phụ giảng cho lớp học năm thứ nhất và các “học trò” của cô lại rất thích học với cô, vì theo họ, cô giảng dễ hiểu và thu hút. Cô gái Việt Nam này đã từng đọat được nhiều giải thưởng quốc gia cả về lãnh vực khoa học lẫn văn chương. Hiện nay, cô đã nhận được “ lời mời “ theo học tại 12 trường đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ với những học bổng rất hấp dẫn, trong đó có 5 trường đề nghị một học bổng tòan phần để cô hòan tất chương trình 4 năm hậu đại học trong ngành Y khoa.

Song song với những sự thành đạt nổi bật ấy, mỗi năm cứ vào mùa tốt nghiệp (cuối tháng 5, đầu tháng 6), lại có biết bao nhiêu những con em người Việt di dân ở khắp nơi trên thế giới tham gia vào đội ngũ trí thức ưu tú nơi đất nước họ sinh sống. Người dân bản xứ đã bị bắt buộc phải học cách phát âm cho đúng các tên họ khó đọc của người Việt như : Trần, Nguyễn, Phạm, Vũ, Diệp, Đặng, Bành, Đòan, Lê v.v.. để tỏ lòng kính trọng những người trẻ tuổi Việt nam sớm muộn gì cũng sẽ giữ những vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước của họ trong tương lai. Tôi đã từng chứng kiến vẻ ngượng ngùng của vị giáo sư người Mỹ khi bà xướng danh tên một sinh viên Việt Nam lên bục nhận bằng danh dự. Ngượng ngùng là vì bà cho rằng mình đã phát âm không đúng tên họ của người học trò giỏi nhất trường ấy.

3.
Đằng sau mọi thành công, luôn luôn có sự hiện diện của những nỗ lực và hy sinh. Với sự thành công của thế hệ người Việt trẻ tuổi trong lãnh vực học vấn, ngòai nỗ lực của chính bản thân, còn có phần đóng góp thậm chí lớn hơn, của gia đình. Sự đóng góp ấy, đi từ cái cụ thể là vật chất, đến cái trừu tượng là tình thương, truyền thống và cao hơn hết, là sự hy sinh của gia đình về mọi phương diện cho tương lai của con cái. Cô gái Nguyễn Tống Mỹ Linh đã thú nhận rằng, chính sự hy sinh của bố mẹ cô, của gia đình đã giúp cô đạt được những danh dự cao nhất như cô mong ước. Anh chàng Việt nam nhỏ thó David Bành cũng cho rằng học giỏi là một cách đền đáp lại những công ơn hy sinh của cha mẹ anh. Cô gái Mimi Nguyễn, tốt nghiệp thủ khoa một trường trung học ở thành phố Hucher, tiểu bang Mississippi đã khẳng định rằng chính đức tính khiêm nhường, lòng kiên nhẫn và quyết tâm mà mẹ cô đã dạy dỗ cô từ khi còn bé thơ đã góp phần chính yếu trong sự thành công của mình ngày hôm nay. Nguyễn Mai Phương, người tốt nghiệp thủ khoa một trường trung học lớn nhất thành phố Oklahoma, tiểu bang Oklahoma thì trân trọng nhắc đến những sự chăm sóc nhỏ nhất của người mẹ không hề biết lái xe, không có khả năng điền một tờ đơn xin việc bằng tiếng Anh, trong bài diễn văn của sinh viên thủ khoa (Valedictorian) đọc trước hàng ngàn người Mỹ đến tham dự lễ tốt nghiệp của con em họ. Vì, theo cô gái Mai Phương, không có những chăm sóc nhỏ nhặt nhất của người mẹ Việt nam, thì chắc hẳn cô không có vinh dự đứng ở vị trí danh dự nhất trong ngày lễ ra trường trung học. Tất cả cử tọa đã đồng lọat đứng dậy vỗ tay, có người đã khóc, vì những lời chân tình từ cửa miệng cô gái Việt Nam xinh đẹp và gỉoi giang.

Như thế, gia đình Việt Nam là chỗ dựa không thể thiếu, là cái bệ phóng để những người trẻ bay lên, chứng tỏ chính mình, đóng góp cho xã hội và làm rạng danh nòi giống (Việt).

Người Mỹ, bằng cặp mắt thực tiễn, đã nhìn ra ngay điều đó. Vì thế, đã có rất nhiều nỗ lực của họ trong các giới văn hóa (và cả chính trị) đặt lại vấn đề những giá trị gia đình (family values) trong cấu trúc xã hội. Tấm gương thành công của người châu Á (nói chung) và người Việt Nam (nói riêng), nơi mà gia đình là một thành tố căn bản nhất, quan trọng nhất đã khiến họ phải xem xét lại bảng giá trị và ranh giới giữa cá nhân với gia đình cùng với vai trò truyền thống của nó trong xã hội(tây phương) hiện nay, đã ít nhiều bộc lộ những khuyết điểm cần được điều chỉnh.

4.
Những gia đình người Việt đặt chân đến những xứ sở bằng lòng dung chứa mình thường là với hai bàn tay trắng. Tuy hai bàn tay trắng, nhưng với quyết tâm xây dựng lại cuộc sống sau quá nhiều phong ba bão táp, đã giúp họ vượt qua bao nhiêu trở ngại, đầu tiên là rào cản ngôn ngữ, rồi đến khí hậu, thổ ngơi và lối sống. Và phần lớn, họ đã thành công. Ở thế hệ thứ nhất, là về phương diện kinh tế. Ở thế hệ thứ hai, là phương diện học vấn, hay đúng hơn, phương diện khẳng định sự hiện hữu của mình bằng cách đặt những bước chân vững chắc lên bậc thang xã hội (và chính trị) bản xứ. Nếu sự có mặt của thế hệ thứ nhất trên những mảnh đất ngòai quê hương là một tình cờ của lịch sử, thì sự tồn tại rạng rỡ của thế hệ thứ hai lại là thành quả của bao khó nhọc, hy sinh và cố gắng. Ở đây, vai trò của truyền thống (tức những gì người Việt khi ra đi đã mang theo bên mình) đã góp phần không nhỏ. Và nhất là, không như những cộng đồng di dân khác, cộng đồng di dân người Việt đã không hề nhận được sự hỗ trợ nào từ quê hương của mình.

32 năm lịch sử người Việt hải ngoại, kể từ ngày miền Nam thua trận và chủ nghĩa cộng sản thống trị trên tòan thể đất nước. 32 năm là một thời gian quá ngắn để một cộng đồng di dân xác định chỗ đứng của mình trên mảnh đất mới. Nhưng cộng đồng di dân Việt nam đã đi được những bước khá dài. Khác với người bản xứ, xem sự thành công về kinh tế là mục tiêu cuối cùng (?), thì người Việt, xem sự thành công về kinh tế chỉ là cái nền, trên đó, người ta vươn tới những thành công khác, đáng trân trọng hơn. Điều đó giải thích những sự khuyến khích, hỗ trợ mà gia đình Việt Nam dành cho con em họ trong việc học hành và tiến thân trong xã hội (bản xứ).

Dù sao, thì tinh thần : Nhất sĩ, nhì nông của xã hội Việt Nam vẫn còn ngự trị trong mọi gia đình người Việt, sống trong nước hay ở hải ngoại.

Nhưng, quan trọng hơn hết, vẫn là ý chí vươn lên của những người trẻ tuổi thế hệ Việt Nam thứ hai. Chính họ, đã khẳng định vị trí đáng trân trọng của người Việt sinh sống ngòai quê hương, tạo uy tín với chính quyền và dân chúng bản xứ cho một nước Việt Nam vốn chỉ được biết đến trên thế giới qua cuộc chiến tranh dài đẫm máu và trong tương lai, sẽ là cây cầu nối giữa thế giới với quê hương bản quán, nơi nhiều năm trước đây cha mẹ của họ đã cất bước ra đi để cho họ có được cơ hội tiến thân như ngày hôm nay.

Mỗi một mùa tốt nghiệp, được đọc, nghe về những cái họ Trần, Nguyễn, Lê, Phạm, Vũ, Đặng, Đòan v..v.. trong danh sách đội ngũ trí thức ưu tú của thế giới, tôi lại thêm lý do để tin rằng, chúng ta đã có sự lựa chọn đúng với quyết định rời bỏ đất nước ra đi ngày nào.

T.Vấn
(Mùa Tốt Nghiệp 2007)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Thế giới ngày nay: Nền văn hóa của chúng ta đang bị Internet biến đổi và liệu con người có ngu đần hơn vì … Xa Lộ Thông Tin?
Jun 25, 2007

Andrew Keen là người ‘cả gan’ tấn công vào thế giới “hùng cường, thịnh vượng và không thể không có là Internet” bằng một quyển sách trứ danh: “The Cult of the Amateur: How Today’s Internet is Killing Our Culture”
Ông gọi Internet là “sự Thông Thái của Đám Đông”, tấn công những người ủng hộ sức mạnh vạn năng của Internet. Cái nhìn của ông là rất bảo thủ khi ông bàn về sự tiến hóa của Internet. Dĩ nhiên, các tay tổ Internet như Dan Gilmor, Jeff Jarvis và Lawrence Lessig thì đả đảo ông ra mặt.

Nhưng quyển sách của Keen có lý do chính đáng để chúng ta xem xét. Đầu tiên tác giả hiểu rõ kỹ thuật Internet và không tỏ ra là “thày bói đoán mò con voi”.

Ông không ngại ngùng tấn công thẳng thừng vào chiến địa của phe tự do là Internet với nhãn quan của một kẻ cổ điển. Nỗi lo của ông sẽ được nhiều triệu người chia xẻ, vì cũng có không ít người nhìn nhận Internet là dao hai lưỡi.

Keen nói thẳng Internet tấn công dữ dội vào kinh tế, văn hóa và các giá trị truyền thống của chúng ta. Ôâng cho biết Youtube, MySpace, Wikipedia, các dạng blog, chẳng những làm gỉam chất lượng tin tức và thông tin, mà còn làm giảm luôn âm nhạc và video về phẩm chất.

Cái khả năng suy nghĩ cổ điển cũng bị hao mòn. Keen than phiền nhiều nhất về chuyện Internet là kẻ thù của báo giấy, sách, các tạp chí. Ông nói Interne làm hại về kinh tế và phẩm chất nhiều thứ. Ôâng nói các công ty truyền thống của thông tin sẽ bị Internet gặm tan tành.

Khi Internet hút hết mọi thứ thì nhiều nhà sản xuất, từ tự điển bách khoa đến các loại sách giáo khoa hay đại chúng, rồi các công ty truyền hình, báo giấy, tất cả đều bị áp lực tài chính kinh hồn từ Internet. Nhiều triệu người trong các ngành hoạt động văn hóa này đang bị lao đao.

Một trong các thiệt hại đường dài mà Keen cho là có tính ra bằng đồng đô la cũng không chính xác là con số người làm việc trong các staff của ngành media cũ cứ mai một dần, mà họ là kiểu ‘khó đào tạo”, các trí thức thứ thiệt mà không phải một sớm một chiều có thể thay thế được.

Cái mà Keen sợ hãi thật sự và có nhiều người say mê Internet cứ nói là xã hội loài người trong tương lai không cần tới các cơ quan hay công ty truyền tin kiểu cũ nữa vì Internet sẽ “đào tạo các nghệ sĩ và nhà văn”. Cứ như các Leonardo Da Vinci hay Claude Monet rơi ra từ màn hình như lá mùa thu vậy!

Và cái mà Keen thật sự chú ý chính là phẩm chất (the loss of quality). Ông nói đâu có phải ai đăng bài viết của mình lên mạng là bài đó có chất lượng khiến người ta khâm phục đâu. Kiến thức của thế hệ “người viết Net” đã khiếm khuyết thấy rõ. Wikipedia đâu nhất thiết phải là “lò đào tạo nhân tài’ chỉ vì nó luôn đứng hàng đầu của Google đâu!

Cuối cùng thì quyển sách của Keen không cung cấp nhiều giải pháp, ngoài ghi nhận Internet chỉ là nơi cung cấp đất dụng võ cho một thứ văn hóa “la hét” (American shout culture), giống hệt nghị trường lập pháp lúc người ta cãi nhau. Câu văn thì ngắn ngủn, nặng nề và… la hét. Các diễn đàn Internet nổi tiếng hết sức mất lịch sự, và rầu rĩ nhất là nó nó ít khi cung cấp thứ tranh cãi có ý nghĩa (meaningful discussions).

Văn hóa Internet tiến về đâu? Chỉ có… Trời mà biết, người ta hy vọng cũng giống như mọi tiến hóa khác, Internet được người dùng và người xem rút kinh nghiệm sửa đổi.

Hồng Quang theo NBC Science
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

NHỮNG NGÀY CUỐI TUẦN Ở MỸ

HUY PHƯƠNG
Những ngày cuối tuần ở Mỹ người ta làm gì? - Mỹ trắng đi chơi, Mỹ đen đi nhà thờ, Mễ sửa xe hơi và Việt Nam đi làm “overtime”. Câu trả lời này không biết đúng được bao nhiêu phần trăm, nhưng ít ra cũng nói đến đức tính cần cù của người Việt, ít nhất là trong giai đoạn mới nhập cư để sau đó, có nhà đẹp, xe mới. Ngày mới sang Mỹ, những công việc lao động chân tay của tôi cũng không có ngày cuối tuần, vì công ty cho người thay phiên nhau làm nhưng máy không nghỉ, do đó những thứ “chân ướt chân ráo” như tôi thường thì hai ngày thứ bảy chủ nhật phải đi làm và ngày “cuối tuần” sẽ là hai ngày nào đó trong tuần. Ngày người ta có thể ngủ dậy trễ, hội họp, bạn bè, quan hôn tang tế thì mình phải dậy sớm đi làm, ngày mình nghỉ thì nhìn quanh, nhà cửa, bạn bè vắng teo, đó là những lúc cảm thấy nỗi lòng cô đơn vì thân thế công dân hạng hai của mình.

Nhưng rồi ra, sống ở Mỹ lâu ngày, tôi thấy thời đó không phải riêng tôi không có những ngày cuối tuần, mà tất cả những người làm thương mãi trên xứ này, nhất là ở chỗ người Việt, chăm chỉ cần cù thì ngày thứ bảy, chủ nhật là ngày đông người mua bán nhất. Từ đó các ông bà chủ của các nhà hàng ăn, tiệm vải, chỗ gởi tiền... may lắm mới có được một ngày nghỉ trong tuần, có khi làm hết bảy ngày, mỗi năm 365 ngày không một ngày nghỉ. Có người, từ ngày sang Mỹ đến nay không biết cái ngày cuối tuần nó ở đâu? Chẳng thế mà nước Mỹ giàu có cũng phải. Ở ngay Paris, thấy ông bác sĩ hai giờ chiều mới mở cửa phòng mạch; siêu thị ở Đức, chiều thứ sáu, ba giờ chiều đã đóng cửa để nghỉ cuối tuần. Thứ bảy chủ nhật, thành phố vắng tanh, để cho công dân thành phố ngủ hay đi ra biển. Vậy thì đừng có than nghèo?

Nhiều người ở Mỹ than là ngày cuối tuần còn mệt hơn cả ngày thường. Ngày thường chỉ lo dậy sớm đi làm đúng giờ, tối về ngủ để sáng mai lại dậy sớm, còn bao nhiêu việc xin hẹn lại cuối tuần. Việc nhà thì dọn lại cái chỗ để xe, chùi lại cái bếp, vứt bớt thức ăn trong tủ lạnh, bỏ đồ giặt, chăm lo lại mấy cái cây ngoài vườn, cắt cỏ. Việc con thì còn đưa con đi đá banh, học đàn, học bơi hay học tiếng Việt. Việc bạn bè thì đi thăm viếng, gọi cho một người bạn ở xa (long distance xin chờ thứ bảy chủ nhật), viết cái thư, dự cái tiệc cưới, viếng một người bạn mới qua đời trong tang quán. Việc nước thì còn hội họp, biểu tình. Người phong lưu thích vui canh mạt- chược, chàng đàn đúm còn bữa nhậu ngất trời. Nói tóm lại là bao nhiêu thứ đổ vào đầu hai ngày cuối tuần. Sau hai ngày cuối tuần là mệt ngất ngư, ngày thứ hai trở lại công việc, lòng ai mà thấy hứng khởi, vui thú, đối với những người mang tâm trạng này thì đúng là “black Monday”.

Từ ngày sang Mỹ tôi mới thấy bao nhiêu thứ văn hoá “tang hôn tế lễ” của người Á Đông chúng ta đều phải dồn lại vào cuối tuần. Bây giờ chẳng còn ngày tốt ngày xấu, cứ đám cưới là phải tổ chức vào ngày thứ bảy, hay tệ lắm cũng chủ nhật. Còn như định vào ngày thứ bảy chủ nhật nào, thì lại còn phải do ông chủ nhà hàng “seafood” dở cái sổ hẹn như sổ hẹn ở phòng mạch ông bác sĩ ra, để kiếm cho gia đình bạn một ngày nào đó còn trống. Nếu ai đó đám tổ chức một đám cưới cho con vào ngày thứ ba hay thứ tư trong tuần, thì hoạ là đồ điên vì chuyện đó chẳng bao giờ có thể xẩy ra ở nước Mỹ này. Ngay như tổ chức tiệc cưới mà kẹt nhà hàng (tôi đã nói chủ nhà hàng Tàu là người chủ hôn và cả “ông thầy” xem ngày tốt cho đám trẻ), phải đem vào tối chủ nhật thì xem như tiệc cưới đã thất bại thấy rõ.

Chúng ta cúng giỗ ông bà không phải vào ngày sinh mà vào ngày chết. Cứ tính theo lịch ta, lịch tây thì ngày giỗ ông bố tôi phải vào ngày thứ tư này, nhưng vì con cháu “sinh lầm thế kỷ” ở Mỹ này, nên xin mời Cụ thứ bảy chủ nhật này hẵng về hưởng chút hương chút hoa. Cụ mà về đúng ngày Cụ đi thì hương tàn, bàn lạnh, nhà khoá cửa, bấm chuông không ai mở thì Cụ ráng chịu. Ngày chết đã vậy, ngày sinh nhật nào của ai thì cũng phải tổ chức vào ngày cuối tuần, sinh nhật mẹ hay thằng cháu ngoại thì “hãy đợi đấy”, chờ thứ bảy chủ nhật nào đẹp trời hẵng hay, trước hay sau vài ngày thì cũng chẳng chết ai.

Chẳng may ông Cụ nhà bạo bệnh qua đời, sống khôn thác thiêng, xin Cụ nhớ giùm, Cụ lại ra đi vào ngày thứ năm, thứ sáu, xem xém cuối tuần thì con cháu không thể nào lo kịp, đành phải để Cụ trong nhà xác lạnh lẽo chờ cho đến “weekend” tuần sau. Bao nhiêu thứ phải lo từ nhà quàn, đất cát cho đến cái cáo phó, lại muốn đưa Cụ đi một đoạn đường đông đông một tí thì phải chờ cuối tuần, thưa Cụ. Cụ cũng hiểu thêm cho con cháu rằng, muốn tổ chức tang lễ cho Cụ vào ngày cuối tuần cho ấm cúng để bạn bè con cháu cụ tham dự đông đủ thì phải chi cho nhà quàn thêm một khoản kha khá. Vé máy bay đi Việt Nam vào mùa hè hay ba ngày Tết giá cũng cắt cổ, thì nhà quàn cũng phải có giá riêng nếu con cháu muốn Cụ dùng “phi vụ” cuối tuần. Nước Mỹ nó “lạnh lùng” như thế đấy!

Cuối tuần ở Mỹ cái gì cũng đắt! Không tin bạn thử lấy một cái phòng ở Las Vegas hay mua một cái giấy máy bay đi thứ bảy mà về chủ nhật. Cuối tuần ở Mỹ chỗ nào cũng đông, từ những khu vui chơi như Sea World, Disneyland đến các bãi biển, ngay ở phố Bolsa, muốn đi ăn phở cuối tuần phải xếp hàng dài dài, ghi tên như “đăng ký nghĩa vụ quân sự”.

Nếu một năm có 365 ngày “bằng mặt”, một màu xám xịt, ngày nào cũng như ngày nào, thì cuộc đời buồn biết mấy. Nghĩ cũng vui vui khi nhớ ra cuối tuần này có một cuộc họp bạn bè lớp học cũ hay có chuyến đi Nevada “đóng tiền điện”.

Thôi thì “Have Nice Weekend” bạn nhé!

Huy Phương
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Tuổi trẻ Việt Nam hải ngọai
có quan tâm đến cội nguồn không ?



T.Vấn
1.
Trong lúc chăm chú theo dõi chuyến công du Mỹ của ông chủ tịch nước Việt Nam cộng sản khởi sự từ hôm 18 tháng 6 vừa rồi, tôi bắt gặp một mẩu tin của hãng thông tấn họat động tòan cầu AFP (Agence France-Presse -Bản lược tiếng Việt của Nguyễn Dương – Cali Today 18-06-2007), liên quan đến giới trẻ Việt Nam ở khu vực Sài Gòn Nhỏ, nơi người Việt định cư đông đảo. Có đọan rất đáng suy nghĩ như sau :

“Chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Triết sẽ là chuyến đi thăm của người giữ chức vụ cao nhất của Vietnam, 32 năm sau khi chiến cuộc Vietnam đã chấm dứt.

Hiện có trên 1.5 triệu người Việt sinh sống ở Mỹ và rất đông đang sống tại quận Cam, nam California, vùng đất có cái tên nổi tiếng là Little Saigon.

Nếu chỉ tính Westminster và Garden Grove thì vùng này cũng đã có số lượng người Việt cao nhất nước Mỹ, hay bất kỳ thành phố nào, bên ngoài Việt Nam. Không khí ở đây rất đặc biệt, nào là tiếng nhạc ra rả về các bản nhạc mới nhất của Việt Nam, các nhà hàng thơm lừng mùi phở và các cửa hàng quần áo may vừa khổ người Châu Á mà giá lại rẻ.

Đây là cái nôi chống cộng, chống rất mạnh. Năm 2005, khi TT Phan Văn Khải sang thăm Hoa Kỳ thì ở đây đã có hàng ngàn người xuống đường phản đối.

Thế nhưng, đối với một số người trẻ gốc Việt, họ không mấy quan tâm đến chính trị Việt Nam, vì họ quan tâm hơn đời sống của họ tại Mỹ. Bạn hãy nghe một người trẻ, anh John Trần, 23 tuổi, nói: “Cha mẹ tôi cứ nói về người CS, nào là người CS làm chuyện không đúng ở Việt Nam, nhưng tôi lại sinh đẻ ở Mỹ, vì thế tôi đâu có để ý.”

Là một kỹ sư software, Trần nói: “Nếu tôi phải lo lắng, thì đó là liệu có một vụ 9/11 thứ nhì hay không chứ đâu có phải là người CS. Đa số thì giờ tôi chỉ nghĩ về công việc và sự nghiệp của tôi thôi.”

Toàn Đỗ, một nhà báo chuyên về kinh tế đã rời Việt Nam vài ngày trước khi Saigon sụp đổ, nhận định: “Đối với lớp trẻ tuồi đôi mươi, họ đâu có biết tình hình Việt Nam ra sao và cũng không thèm quan tâm. Nhiều người trong số họ bây giờ Mỹ hơn Việt rồi.”

Thế nhưng, với người lớn, chuyện chính trị Việt Nam còn quan trọng hơn chuyện chính trị tại Mỹ. Hàng bao đoàn xe bus chở người Việt từ California, Texas, và các tiểu bang khác về Hoa Thịnh Đốn để biểu tình chống Nguyễn Minh Triết.

Nhiều người lớn đã phải chấp nhận ngồi trên xe bus 3 ngày đêm đi, và ba ngày đêm về, để không thể bỏ qua cơ hội phản đối Nguyễn Minh Triết.”

Đọc đọan tin trên, tôi không nghĩ tất cả những người trẻ Việt nam, dù sinh trưởng ở ngòai đất nước, lại có thể thờ ơ như thế đến những mối quan tâm của cha anh mình. Dù cho có “Mỹ hơn Việt” đến thế nào đi nữa, có “không thèm quan tâm đến tình hình Việt Nam” thì sự kiện cha mẹ, ông bà nội ngoại “chấp nhận ngồi trên xe bus 3 ngày đêm đi, và ba ngày đêm về, để không thể bỏ qua cơ hội phản đối Nguyễn Minh Triết”, viên chủ tịch nước Việt Nam hiện đang thăm viếng Hoa Kỳ cũng vẫn khiến đứa con, đứa cháu trong nhà phải thắc mắc tại sao những người lớn cứ nói về người CS, nào là người CS làm chuyện không đúng ở Việt Nam... ”. Có lẽ, chỉ cần sự kiện vị nguyên thủ một nước đến thăm một nước khác, nơi có rất đông đảo kiều bào mình sinh sống ở đó, lại bị chính kiều bào tổ chức biểu tình phản đối, vận động chính phủ nước chủ nhà không tiếp đón, cũng đã đủ để những con người bình thường đặt câu hỏi tại sao.

Chả lẽ, thế hệ thứ hai của người Việt lại có thể “ vô tình” đến thế. Tôi không tin. Dù thực tế, không phải chỉ tòan một mầu hồng.

Đúng một tuần lễ sau, khi phái đòan ông Nguyễn minh Triết đã quay về lại Việt nam, một người bạn viết lách sống ở khu vực quận Cam, gởi đến cho xem trước bài viết về những ngày “sôi động” ấy, trong đó cũng có đọan liên quan đến những người trẻ ở khu vực Sài Gòn Nhỏ:

“...Các cháu Thu Hà, Hùng và Hổ trong đoàn Young Matines cùng các cháu thế hệ thứ hai Cảnh Sát, SĐ18/BB, TTN Đa Hiệu, đoàn thanh niên Phan Bội Châu v.v.. đã tiến lên phía trước để duy trì an ninh trật tự, hướng dẫn đoàn người biểu tình, một số cháu đi phân phát hình cha Lý bị bịt mồm tới tay đồng hương.

Hai cháu gái mặc áo T-shirt với hàng chữ đòi Tự do cho VN leo lên thật cao, phất cờ Hoa Kỳ và VN theo nhịp hô của các cháu khác khiến các nhà báo bản xứ không thể bỏ qua những hình ảnh đẹp này.

Có lẽ tất cả đồng hương tham dự cuộc biểu tình này không thể quên giọng hô sắc và cao vút của một cô gái, cô liên tục hô những khẩu hiệu:

"Democracy for VietNam", "Freedom for VietNam", "NM Triết goes home".

Qua máy phát âm, sau mỗi tiếng hô của cô vang suốt đọan đường dài, cả đoàn người biểu tình cùng hô theo, chắc chắn sẽ dội vào làm "chói tai" phái đoàn Triết và "sáng mắt sáng lòng" lũ lòng tong cá chốt, đám VK tay sai địa phương.

Tôi không ngạc nhiên vì sự tham gia của tuổi trẻ nhưng ngạc nhiên sao tiếng hô này liên tục suốt cả mấy tiếng đồng hồ khiến tôi nghĩ là tiếng hô phát ra từ máy thâu âm nên lần mò đi tìm nơi đăt máy?

Tôi thật hổ thẹn khi chính mắt nhìn thấy một cô gái mang kính cận, dáng người mảnh khảnh, gương mặt khả ái nhưng không thiếu cương quyết, tay cầm micro hô liên tục. Phục quá! Không thể không biết tên, tôi hỏi, tên cô là PHÚC NGUYỄN, không cần hỏi thêm cô thuộc đoàn nào, vì cô là biểu tượng của tuổi trẻ VN hải ngoại... ” (Hoan hô Tuổi Trẻ và đồng bào Thủ đô – Phila Tô)




Tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngọai trong những ngày chủ tịch nước Việt nam cộng sản Nguyễn minh Triết công du Hoa kỳ.

2.
Những người trẻ Việt Nam có quan tâm đến nguồn cội của mình hay không ?

Cây có cội, nước có nguồn. Điều đó, dù không phải là người Việt Nam, thì cũng không là điều xa lạ với những người phải sống xa quê hương,dẫu cho quê hương đó chỉ hiện hữu qua những tấm hình, những câu chuyện cổ tích được nghe kể lại bởi ông bà, cha mẹ. Những người trẻ Việt nam, bất kể họ thành đạt như thế nào, giữ một địa vị cao sang như thế nào trong xã hội người bản xứ, thì hẳn cái hình dáng bên ngoài da vàng mũi tẹt, cũng sẽ ngăn cản không cho họ hội nhập trọn vẹn với cuộc sống (xứ người).

Rất nhiều người trẻ ý thức được điều đó. Tôi đã có dịp nói lên những suy nghĩ, những điều tai nghe mắt thấy của mình về thế hệ thứ hai trên đất Mỹ:

Trong lịch sử hơn 30 năm người Việt định cư trên đất Mỹ, đã có hàng ngàn người trẻ thành đạt, vươn tới những vị trí chính trị, xã hội đáng kể trong mọi tổ chức dân sự cũng như chính quyền vì những đóng góp hữu hiệu và to lớn cho sự giàu mạnh của mảnh đất họ đang sinh sống. Có người được bổ nhậm vào các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, các chức vụ cố vấn quan trọng trong guồng máy hành pháp, tư pháp và kể cả lập pháp. Có người đã được bầu vào những chức vụ dân cử, địa phương cũng như liên bang, góp phần nêu tiếng nói cộng đồng mình trong sinh hoạt dân chủ trưởng thành và lâu đời. Có người tình nguyện tham gia quân đội, tình nguyện cầm súng chiến đấu cho nước Mỹ và có người đã bỏ mình vì tổ quốc thứ hai của họ. Có người, bằng tài năng và sự tháo vát, đã nhanh chóng tạo được một chỗ đứng trang trọng trong các sinh hoạt văn hóa, thể thao, nghệ thuật v..v.. Và ngoài ra, còn hàng chục ngàn những chuyên viên trung cấp, cao cấp có mặt trong mọi lãnh vực hoạt động kinh tế, khoa học, giáo dục, quân sự của guồng máy một xã hội văn minh nhất, tiên tiến nhất thế giới.

Trong số những người trẻ đầy tài năng và đáng ngưỡng mộ ấy, có không ít người luôn ý thức mình là một người Việt Nam, mình có trách vụ với cộng đồng từ đó mình hiện hữu và thành đạt, xa hơn nữa, họ còn nhìn về nguồn gốc quê hương ở tít tắp bên kia bờ đại dương, với những mơ ước một ngày góp bàn tay đem lại cơm no, áo ấm, và cả dân chủ, dân quyền cho những người đồng bào chưa một lần biết mặt ấy. (Hai màu áo, một tâm hồn – T.Vấn)

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC ngày 18-06-2007, Nguyễn thị Nhật Cúc, một cô gái trẻ theo cha mẹ qua Mỹ lúc mới 12 tuổi và hiện nay là phó chủ tịch ngoại vụ cộng đồng người Việt tại Massachussetts, đã nói rằng “... Không nhất thiết phải sinh ra trong cuộc chiến thì mới tha thiết với dân chủ tại VN. Tôi qua Hoa Kỳ năm 12 tuổi, tôi thấy các giá trị của nhân quyền, tự do báo chí, đây là quyền căn bản mà tất cả mọi người trên thế giới đều được hưởng. Ở Việt Nam không có tự do, không có dân chủ, và Việt Nam là quê hương tôi, cho nên tôi có quyền hy vọng mong muốn người dân của mình sống trong một nước tự do và giàu mạnh".

3.
Nhưng, thế hệ thứ nhất không thể chỉ khuyến khích bằng lời nói suông rằng thế hệ thứ hai, thứ ba nên tìm về nguồn cội, nên quan tâm đến những gì hiện đang xảy ra trên mảnh đất vẫn còn mồ mả tổ tiên, vẫn còn những ông bà, cậu mợ, chú dì, các anh chị em họ của mình hơn nữa. Tình cảm giữa con người vốn là ý niệm trừu tượng. Nó cần những thứ cụ thể để làm nền, từ đó nó sinh sôi nẩy nở. Xa mặt cách lòng là điều không thể tránh khỏi.

Do đó, sự thờ ơ (nếu có) của tuổi trẻ Việt nam sinh sống ở hải ngoại đối với mảnh đất chôn nhau cắt rún bên kia bờ đại dương có phần trách nhiệm rất to lớn của các bậc cha anh.

Tình cảm quê hương lại là một ý niệm trừu tượng hơn nữa. Một người trẻ gốc Việt, sinh ra và trưởng thành ngòai đất nước, không thể phát sinh tình cảm sâu đậm với Việt Nam nếu như họ không từng đặt chân đến Việt nam, không từng nhìn thấy những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ ở Việt nam, không từng đi giữa những đường phố thôn quê rất đặc thù Việt Nam, không từng tiếp xúc với những con người Việt Nam tuy xa lạ nhưng cùng mang một màu da như mình, nói cùng một ngôn ngữ với cha mẹ mình. Chỉ đến khi họ nhìn thấy cuộc sống vất vả, tay lấm chân bùn vẫn không lo đủ cái ăn trong một ngày của nhiều gia đình Việt Nam, nhìn thấy người đau ốm không có thuốc uống, không có đủ điều kiện chăm lo chữa chạy, chỉ đến khi họ nhìn thấy tận mắt những quyền sơ đẳng nhất của con người bị chà đạp, bị ngăn chặn, khi ấy, họ mới có lý do chính đáng hơn nữa mà khẳng định lý do về nguồn của mình, mới khơi mở những ưu tư về đất nước, về dân tộc mà tuổi trẻ nào cũng đã chứa sẵn trong bầu nhiệt huyết lúc nào cũng sôi sục, chỉ chờ đợi những chất xúc tác cần thiết là trở mình biến thành hành động.

Không tạo được cho thế hệ trẻ những cơ hội tai nghe, mắt thấy, tay sờ, mũi ngửi về quê hương thì không thể trách họ sao thờ ơ với những vấn đề thiết thân của đất nước. Và nhất là không thể kết tội họ là mất gốc, là “ Mỹ hơn cả Mỹ “ vì chính mình đã không vun xới cái gốc cho họ.

Mặt khác, ngôn ngữ mẹ đẻ cũng là một yếu tố rất quan trọng. Cái vẻ ngòai châu Á, đầu đen, da vàng, mũi tẹt đã ngăn không cho người trẻ Việt Nam hội nhập trọn vẹn vào xã hội xứ người đã đành. Nhưng không nói được tiếng mẹ đẻ sẽ lại ném họ ra đứng ở bên lề. Họ không hội nhập được nơi xứ người, cũng không có chỗ đứng ở quê nhà.

Đó là một bi kịch ít người dám nghĩ tới.

4.
Tôi không cường điệu hóa vai trò của những người trẻ Việt nam sinh sống ở hải ngọai. Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều, thế hệ chúng tôi chỉ có thể mơ ước về những điều mà thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt hải ngoại sẽ biến chúng thành hiện thực. Họ có tất cả những gì chúng tôi không có: học thức, tầm nhìn, vị thế trí thức ưu tú trên thế giới. Chính họ sẽ là những người xóa bỏ điều tưởng chừng như nghịch lý hiện đang xảy ra : cộng đồng người Việt hải ngọai nô nức rủ nhau đi biểu tình phản đối những vị nguyên thủ từ trong nước ra công du nơi những nước có sự hiện diện của người Việt Nam . Lịch sử thế giới khó có những sự kiện tương tự được ghi lại. Nhưng mà điều ấy đã xảy ra, đang xảy ra, và sẽ còn xảy ra nếu nhà cầm quyền trong nước tiếp tục thực thi chính sách cai trị hiện nay.

Nếu sự kết thúc bi thảm của cuộc chiến vừa qua đã đẩy gần 3 triệu người Việt Nam phải bỏ nước ra đi tìm tự do, thì ngày nay, sự hiện diện ngòai đất nước của khối 3 triệu người ấy, đang đóng vai trò thúc đẩy cho nhanh hơn tiến trình dân chủ hóa đất nước và là một lực lượng đối trọng đáng kể để nhà cầm quyền hiện nay ở trong nước phải suy nghĩ chín chắn trước khi ra tay làm một việc gì đi ngược lại với quyền lợi đất nước và người dân. Và trong tương lai, khi một nền dân chủ thực sự đã đến với hơn 80 triệu người dân trong nước, thì hàng trăm ngàn người trẻ Việt Nam hiện đang sinh sống ở hải ngọai sẽ là thành phần quan trọng nhất hợp cùng với những người trẻ trong nước góp phần đưa đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia dân giàu, nước mạnh.

Tôi tin rằng có rất nhiều người trẻ Việt Nam hải ngọai đã sẵn sàng để đảm nhận vai trò lịch sử ấy.

T.Vấn
Tháng 6-2007
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Ngửi

Song Thao

Bạn biết ngửi từ lúc nào? Câu hỏi thiệt… khó ngửi. Ấm a ấm ớ! Từ khi có cái mũi chứ từ lúc nào! Cái mũi có từ khi bào thai tượng hình trong bụng mẹ, bộ nằm trong cái nôi đầu đời đó đã biết hít hà rồi chăng? Chưa đâu! Phải vài ngày sau khi oe oe chui ra, chúng ta mới ngửi được. Ngửi cái gì? Ngửi được sự khác nhau giữa hơi mẹ và hơi người đàn bà khác. Nhà tâm lý học Hilary Schmidt, thuộc Trung tâm Monell Chemical Senses, đã làm thí nghiệm để chứng minh rằng trẻ sơ sinh biết chọn mùi mà chúng ưa thích. Bà thu hình nhiều trẻ sơ sinh, cả trai lẫn gái, khi chúng được trao cho những đồ chơi lúc lắc có tẩm ba loại mùi khác nhau: mùi gỗ thông, mùi bytyric acid rất hôi và mùi dầu lửa. Bà Schmidt nhờ 8 bà khác quan sát kỹ xem các em bé phản ứng như thế nào. Dĩ nhiên các bà này không được cho biết đồ chơi nào tẩm mùi gì. Cả 8 bà đều thấy rằng bọn trẻ rõ ràng thích mùi gỗ thông. Có bé mỉm cười sung sướng, có bé đưa cái lúc lắc sát vào miệng, hoặc kê sát vào mũi mà hít. Những đồ chơi có tẩm các mùi khác bị các bé ném ra xa, hoặc lơ đi không thèm sờ tới.

Lớn lên, chúng ta cứ thế mà làm.

Thằng Bờm có cái quạt mo
Còn em có cái trời cho thơm lừng
Na thân xuống biển lên rừng
Cái thơm lừng vẫn tưng bừng nở bông
Em đừng thơm nữa được không?
Kẻo tôi chết sững hai tròng con ngươi
(Quan Dương)


Cái thơm lừng ở đâu ra? Giáo sư Vật lý học A. Galopin, người Pháp, đã tìm ra là mùi hương đặc trưng của mỗi người đàn bà tùy thuộc vào màu tóc của họ. Người có tóc màu vàng thì tiết ra long diên hương, tóc hạt dẻ tiết ra hương violet, tóc màu nâu tiết mùi xạ hương. Nhưng ông Galopin chẳng nói gì tới tóc màu đen. Thật là một thiếu sót khó tha thứ! Cái thiếu sót nữa của nhà vật lý học này là chỉ biết có tóc. Còn các chỗ khác để làm gì? Bà Janet L. Hopson là đàn bà nên chắc biết rõ đàn bà hơn. Trong cuốn Hương đàn bà, ngôn ngữ thầm lặng của tình dục, bà liệt kê khá đầy đủ các nguồn thơm lừng. Theo bà, trên thân thể phụ nữ, cho dù được che đậy bằng mỹ phẩm cách mấy, cũng còn những khu vực tiết mùi. Đó là ở nách, chung quanh âm đạo, nếp gấp ở âm vật, phần ngực giữa đôi gò bồng đảo, phần quanh đỉnh non bồng, trên khuôn mặt, trên lòng bàn tay và gan bàn chân. Cô đào sexy thường được coi là biểu tượng của tình dục trong thập niên 1960 Brigitte Bardot có sức phát tiết mạnh đến kỳ lạ. Bác sĩ Richard Gordon thường đến xem các cảnh quay mà cô vừa diễn xong cho biết, hoa của những người ái mộ tặng cô đều bị héo úa nhanh, do sự tỏa hương cực mạnh của các tuyến nội tiết nơi cô. Ông thừa nhận, trong những năm hành nghề y khoa, ông chỉ gặp một vài trường hợp tỏa hương mạnh mẽ như vậy! Trong một cuộc phỏng vấn các đấng mày râu, James Hassett thấy quá nửa số các ông cho biết mùi hương phụ nữ là “cực kỳ quyến rũ”. Tôi e rằng con số này hơi thấp!

Cái “cực kỳ quyến rũ” đó có tên đàng hoàng. Pheromone. Người phát hiện ra pheromone là nhà sinh học Winnifred Cutler. Pheromone là hương thơm tự nhiên mà cơ thể toát ra. Ở loài động vật, pheromone có tác dụng thu hút bạn tình. Nơi các cô gái trẻ, hương thơm tự nhiên này toát ra mạnh mẽ hơn những bà có tuổi. Vì vậy, các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã bổ sung mùi hương này vào nước hoa của những phụ nữ lớn tuổi. Kết quả thật khả quan. Nó có tác dụng hồi xuân cho những bà không còn trẻ, và làm phong phú hơn cuộc sống tình cảm của họ. Một nghiên cứu của Joan Friebely (Đại Học Harvard) và bác sĩ Susan Rako (Newton, Massachusetts) được thực hiện với 44 phụ nữ đã mãn kinh. Một nửa dùng nước hoa có pheromone athena 10:13, được chiết xuất từ mồ hôi nách của một cô gái. Nửa còn lại sử dụng nước hoa chứa giả dược. Họ được theo dõi và tự ghi nhật ký trong 6 tuần thí nghiệm. Kết quả cho thấy 41% những người sử dụng pheromone được đối tượng nam ôm hôn và âu yếm nhiều hơn so với 14% người dùng giả dược. Ngoài ra, 68% người sử dụng nước hoa có pheromone có sự gia tăng trong các hành vi tình dục của mình so với 41% của nhóm kia.

Đã có mùi hương thơm thiếu nữ tự nhiên, nhưng số đông các cô ngày nay vẫn xịt trên người những thứ nước thơm nhân tạo. Nó là một cách “đánh dấu” mình trong đám đông. Kỹ nghệ sản xuất nước hoa ngày nay là một kỹ nghệ hái ra tiền nên nhiều cạnh tranh. Thuộc được tên tất cả các loại nước hoa của các hãng sản xuất là một công phu vất vả. Thường một người chỉ dùng một loại nước hoa họ đã kết, để có mùi thơm đặc trưng, không lẫn với ai. Cái mùi đặc trưng này là cái mùi… chết người. Cùng một loại nước hoa, nhưng mỗi người dùng lại có một hương thơm khác nhau. Sở dĩ như vậy là vì da của mỗi người có một phản ứng khác nhau, điều tiết sự biến đổi khi tiếp xúc với nước hoa. Nếu các nàng lại biết những điểm… chiến lược, để nước hoa tỏa hương mạnh và lâu thì ăn đứt. Những điểm trời cho để thoa nước hoa là những điểm có thân nhiệt cao và khá kín đáo: sau tai, cổ, cườm tay, khuỷu tay và khe ngực. Nếu dùng bình xịt để xịt nước hoa, nên xịt vào không khí trước mặt, rồi bước vào làn sương đó. Hơi nước hoa sẽ thấm đều và hương vương trên tóc, sẽ lưu giữ được suốt ngày.

Nước hoa là tên gọi chung chung. Rành mạch hơn, chúng ta phải biết những thuật ngữ mà các nhà chế tạo thứ nước thơm này dùng. Nếu chúng ta không rành thì điên cái đầu trước những parfum, eau de parfum, eau de toilette, eau de cologne! Chúng là cái chi chi vậy? Đó là trò chơi chữ của các nhà sản xuất, biểu trưng cho độ tập trung khác nhau của tinh dầu thơm thực sự chứa đựng bên trong.

Parfum, Perfume hay Extrait là dạng tập trung nhất, thơm bền bỉ nhất, với từ 12% đến 30% tinh dầu thơm, đồng thời cũng là dạng mềm mại, nhẹ nhàng nhất của mùi hương, vì nó chứa nhiều tinh dầu thơm thực sự tinh khiết. Eau de parfum hay Esprit de parfum có độ tập trung gần giống như chiết xuất truyền thống, nhưng đã được pha loãng với một lượng nước tinh khiết nhất định. Eau de toilette hay Eau de cologne là dạng nhẹ nhàng hơn, chỉ có từ 4% đến 8% tinh dầu. Cũng là Eau de cologne, nhưng nếu được sản xuất tại Âu Châu thì lại chỉ còn từ 1% đến 3% tinh dầu thơm!

Mùi thơm của nước hoa khi vừa được xịt ra khỏi lọ không phải là mùi thơm đích thực. Vì vậy khi chọn mua nước hoa, bạn nên thử bằng cách xịt vào tay, phe phẩy độ vài phút rồi hãy ngửi. Loại nước hoa càng đậm đặc thì lại càng lâu tỏa đúng mùi. Nhanh nhất cũng phải mất 10 phút. Những… nữ chuyên viên mua nước hoa còn kỹ hơn. Họ không bao giờ thử ngay tại chỗ, vì nước hoa sẽ bị nhiễu các mùi khác trong môi trường của tiệm bán hàng. Cách họ thử là xịt nước hoa trên một miếng giấy, sau đó đưa vào một môi trường cách ly để ngửi.

Chúng ta ngửi thua loài vật bốn chân từ khi con người có tư thế đứng thẳng và biết sử dụng các vật dụng săn bắn. Bốn trong năm giác quan căn bản, gồm thị giác, thính giác, xúc giác và vị giác, đều phải đi qua một khu vực não gọi là vùng đồi (thalamus) trước khi được kết nối với những tế bào thần kinh ở các khu phát triển hơn nơi trung tâm não. Như vậy, chúng phải đi qua một bộ phận lọc tín hiệu, rồi mới đến khu vực não tư duy để được phân tích. Riêng khứu giác được ưu đãi hơn, không phải đi lòng vòng như vậy. Nó đi thẳng tới vùng não được thành hình sớm nhất.

Giáo Sư Sten Grillner, thành viên trong Hội đồng Giám khảo của giải Nobel Y khoa năm 2004, cho rằng khứu giác là thành phần bí ẩn nhất trong số các giác quan của con người, và cơ chế của nó hoàn toàn là một ẩn số. Cái ẩn số này đã được hai nhà khoa học Mỹ Richard Axel và Linda B. Buck giải đáp được. Họ không làm việc chung với nhau. Ông Richard Axel, 58 tuổi, cộng tác tại Viện Nghiên cứu Y khoa Howard Hughes và Đại học Columbia ở Nữu Ước. Còn bà Linda B. Buck, 57 tuổi, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson. Người ở miền Đông, người ở miền Tây, nhưng họ cùng… ngửi được chung một vấn đề. Hai người đã cùng công bố các phát hiện về gene khứu giác vào năm 1991. Sau đó họ tiếp tục nghiên cứu riêng rẽ và đưa ra nhiều phát hiện quan trọng liên quan tới hệ khứu giác của con người. Họ tìm ra được một họ, gồm một ngàn loại gene khác nhau (chiếm 3% tổng số gene của con người), kiểm soát một lượng lớn các protein trong mũi, có chức năng cảm nhận những mùi khác nhau và liên lạc với não. Các nghiên cứu của hai nhà khoa học này đã chỉ ra rằng mỗi tế bào khứu giác thể hiện một và chỉ một gene khứu giác. Mỗi gene khứu giác lại chỉ có thể cảm nhận được một số mùi nhất định. Do đó, phạm vi hoạt động của mỗi tế bào khứu giác được chuyên môn hóa đối với những mùi này. Những nghiên cứu tiếp theo của Axel và Buck chỉ ra cơ chế tổ chức đưa các mùi do mũi ngửi được về não như thế nào. Trạm nhận tín hiệu mùi sử dụng khoảng 2000 tiểu khu thần kinh gọi là glomeruli, được lập trình sẵn để xác định các mùi khác nhau. Mỗi loại tế bào khứu giác truyền thông tin tới phần glomeruli tương ứng. Các thông tin này lại được một loại tế bào thần kinh khác truyền tới những khu vực nhất định trong não, từ đó giúp con người ghi nhớ được cảm giác về các mùi hương khác nhau. Con người có khả năng tiếp nhận và ghi nhớ được khoảng 10 ngàn mùi khác nhau, từ mùi thịt ôi tới mùi hương của người yêu!

Từ mũi lên đầu, con đường gần xịt, vậy mà rắc rối như tơ vò. Phải đợi tới thế kỷ 21 con người mới vẽ được… tấm bản đồ tí hon đó! Tí hon như vậy mà lại đi xa: hai nhà khoa học Richard Axel và Linda B. Buck đã được trao tặng giải thưởng Nobel 2004 về Y khoa. Những phát hiện mới này của họ có gì quan trọng? Chúng lý giải tại sao chúng ta có thể ngửi một loại hoa vào mùa xuân, và sau đó tới mùa khác vẫn nhớ và tưởng tượng được mùi hương đó. Khả năng này rất quan trọng đối với các loài động vật, bởi nó giúp xác định các chất, các vật thể xung quanh, để từ đó quyết định thứ nào tốt, thứ nào có hại cho cơ thể. Riêng đối với con người, khả năng này còn ảnh hưởng trực tiếp tới việc hưởng thụ chất lượng cuộc sống và tiếp nhận những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, chẳng hạn như mùi khói của một đám cháy.

Các nhà khoa học đều cho rằng mùi có thể tạo cảm xúc mạnh và gợi lại ký ức của chúng ta. Ký ức với mùi của tôi là cái mùi nhẹ nhàng thanh thoát, tỏa ra từ chiếc quạt trầm mà mẹ tôi phe phẩy ru tôi ngủ trong những trưa hè oi ả của miền Bắc. Lớn hơn một chút là mùi trầm thơm lừng trong các buổi lễ trong nhà thờ Hàm Long, mùi trầm gợi nhớ tới một trong các vật liệu quý giá mà các nhà thông thái phương Đông lặn lội bao nhiêu dặm đường gian truân, để đến kính dâng lên Chúa Hài đồng trong hang đá Bê Lem.

Trầm hương đã được con người biết đến từ thời Ai Cập cổ đại, và được xem là “cây của các vị thần” trong mọi nền văn hóa, từ Trung Cận Đông cho đến Á Châu. Trầm hương chứa một dạng chất nhựa màu đen gọi là oleoresin. Hàm lượng oleoresin cao là yếu tố quan trọng, quyết định đẳng cấp của trầm hương. Công ty JD của Trung Quốc thường phân loại trầm hương cấp 1 khi trầm hương có thể chìm trong nước. Nhưng cách phân loại khoa học nhất vẫn là dựa vào hàm lượng oleoresin. Loại cao cấp nhất có hàm lượng oleoresin lên tới từ 60% đến 80%. Trầm hương quý hiếm có chất lượng cao được gọi là kỳ nam. Với tính chất định hương rất bền, một thớ trầm hương mục rã trong tự nhiên hàng ngàn năm vẫn không mất mùi. Vì vậy, tinh dầu trầm hương được sử dụng trong việc chế tạo mỹ phẩm giúp tăng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần.

Trong vùng rừng núi nguyên sinh của dãy Trường Sơn, vùng Tây Nguyên nước ta, chúng ta có cả trầm hương và kỳ nam. Đây là sản vật được kết tinh tự nhiên với thời gian hàng trăm năm từ nhựa của cây dó bầu, tên khoa học là aquilaria agallocha. Cây này thuộc loại đại mộc, cao khoảng 40 tới 50 thước, vỏ màu xám, có nhiều sợi. Tùy theo chất lượng, trầm hương có giá đến 4 ngàn đô Mỹ một ký, trong khi kỳ nam giá tới mức từ 30 ngàn đến 35 ngàn đô một ký trên thị trường quốc tế. Ngày 26 tháng 3 vừa qua, bốn tay săn trầm của làng Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã trúng lớn khi đào được 49 kí vừa trầm vừa kỳ nam. Bốn thanh niên may mắn trở thành tỷ phú này là các anh Doãn Thành Tài, Doãn Xuân Tuấn, Lê Phước Giác và Trương Văn Lợi. Tìm trầm và kỳ nam nghe tưởng dễ dàng, nhưng “ngậm ngải tìm trầm” là cả một công phu đầy nguy hiểm.

Nhà văn Hoàng Du Thụy rất mặn mà với trầm. Bà đã có ba cuốn truyện có tựa đề dính dáng tới thứ gỗ quý này: Trầm hương hạnh phúc, Một dây trầm và Bạn trầm! Nhưng trầm của Hoàng Du Thụy không chỉ là trầm mà chính là hạnh phúc. Tìm hạnh phúc cũng gian nan vất vả như tìm trầm.

“Người ta ví kẻ đi tìm hạnh phúc giống như người ngậm ngải tìm trầm. Lúc còn làm ở sở Ngoại thương, Tịnh nghe mấy người bạn trầm kể kẻ đi tìm trầm phải chịu ngậm ngải. Có khi mặt đã xanh, nanh đã vàng, gần hóa hổ rồi mà trầm vẫn không thấy. Dân bạn trầm tin rằng phải được mệ cho thì mới gặp được trầm, bằng không đứng ngay dưới gốc trầm vẫn không hay biết. Có người chỉ cần đạp được một gốc trầm thôi là đủ giầu to. Tịnh ví vợ mình như gốc trầm còn ẩn, biết có đó mà tìm hoài không thấy. Cũng có thể, với lòng tham của con người, Tịnh đã thấy trầm rồi lại ước được kỳ nam! Mỗi người có một cung cách đi tìm trầm riêng, không ai giống ai. Người nóng nảy thì sẵn dao rựa trong tay cứ gạt phăng cây cỏ mà đi. Người điềm đạm thì kiên trì vẹt từng đám lá non để lỡ có gốc trầm trong đó thì không thiệt hại trầm. Quanh quẩn hoài, tìm không ra hạnh phúc, người kiên nhẫn thì cố đi cho suốt cuộc, người nóng tính bỏ ngang. Tịnh là người nóng tính, cẩu thả nên mười mấy năm qua chàng cứ dẫm bừa lên những gốc trầm.”

Hạnh phúc trầm, con người cứ mải mê đi tìm, đôi khi trầm nằm trước mặt mà chẳng thấy. Trầm hay ngải, chúng nằm ngay trên môi trên ngực người yêu. Tìm đâu nữa!

Ơn em ngực ngải môi trầm
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
(Du Tử Lê)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Chiếc Bình Trà Sứt Vòi
Trên Nhà Thủy Tạ Đà Lạt


HUY PHƯƠNG
Thứ sáu tuần trước, lúc mặt trời chưa mọc, tôi có việc phải đi qua thành phố Orange. Hai dãy phố nhỏ nằm dọc theo con đường Glassell có những cây cổ thụ lá bắt đầu ngả vàng. Gần một công viên nhỏ, trên bờ hè, có một quán cà phê che dù, mặc dầu trời lạnh, có những đôi vợ chồng già cổ quàng khăn ấm đang ngồi trước ly cà phê buổi sáng. Trời sương mù làm những ngọn đèn đường càng thêm hư ảo. Những ngôi nhà gỗ, những cây thông mờ nhạt lẫn trong sương.

Giá mà tôi có thể dừng lại, vào quán cà phê, cởi chiếc áo choàng phủ sương, gọi một ly cà phê đậm thật nóng, trên tay một điếu thuốc " Nhưng nghĩ đến tách cà phê lễnh loãng và chạnh lòng nghĩ đến mình là một khách tha hương, bỗng dưng tôi thấy mất hết hứng thú. Tôi lái xe chậm lại và nghĩ đến một thành phố trong dĩ vãng. Thành phố này và buổi sáng sương mù làm cho tôi nhớ đến Đà Lạt.

Tôi vẫn nhớ đến tháp chuông Nhà Thờ Con Gà nổi lên trong sương mù Đà Lạt. Tôi vẫn nhớ tiếng chuông leng keng của những chiếc xe ngựa quanh bờ hồ Xuân Hương. Tôi vẫn nhớ đến đôi má ửng đỏ của những thiếu nữ Đà Lạt cũng như Đà Lạt với những vườn hoa hồng, hoa mận, hoa đào và những chùm hoa mimosa bên đường. Tôi vẫn nhớ đến Đà Lạt với mùa phấn thông vàng. Đà Lạt tĩnh mịch, êm ả như chốn thiên đường. Đà Lạt đồi cao, đường thấp một tiếng xe qua cũng làm phá vỡ sự yên lặng của một buổi chiều.

Tôi yêu sự náo nhiệt nồng cháy của Sàigòn nhưng mỗi khi bước xuống phi trường Liên Khương, bỗng dưng thấy mình như bước qua một thế giới khác. Sự yên lặng, thoáng khí và một chút hơi lạnh cùng với mùi của cỏ cây khiến cho lòng tôi như dịu lại.

Đà Lạt là một thành phố giàu có. Tiểu tư sản và Đà Lạt quá Đà Lạt như một cô tiểu thư sang trọng sống trong ngôi biệt thự phủ đầy hoa hồng. Phải chăng nếu Đà Lạt nghèo đói, tồi tàn thì Đà Lạt không còn gì là thơ mộng, không còn đẹp đẽ nữa.

Tôi trở lại Đà Lạt vào đầu mùa mưa năm 1988. Đà Lạt giờ này chẳng còn thân quyến, chẳng còn bạn bè. Chủ nhân của những căn biệt thự trên đồi, chủ nhân của những tòa nhà tráng lệ đã đi xa rồi. Những khu vườn hoa hồng chẳng còn ai săn sóc, phải chăng những cánh hoa thắm sắc đã rụng để cây hồng chỉ còn lại lá và gai. Những bãi cỏ đã được cày cuốc thêm để lấy thêm một ít diện tích cho rau cải, tưởng như với một vài khoảnh đất ấy mà người ta có thể làm giàu cho đất nước. Rau cải có thừa, đường sá đi lại đã không bị gài bẫy đắp mô và xăng cũng không có, xe không thừa để vận tải rau cải đi khắp nơi.

Đà Lạt chắc hẳn đã nghèo đi về tài nguyên và đã nghèo đi cả màu sắc. Chợ Hòa Bình ngày nay ít có màu tươi sáng của những tà áo Sàigòn, Nha Trang ghé lại. Những màu áo len cùng với đôi má đỏ hây hây hoa đào ngày trước tưởng chừng như biến mất.

Đà Lạt với những chàng trai Võ Bị, Chiến Tranh Chính trị với những cô gái Đại Học Kinh Doanh. Đà Lạt với những chàng thiếu niên Yersin và những cô gái Couvent des Oiseaux. Đà Lạt với những mối tình sử bên Hồ Than Thở mà đâu nghe tiếng gió thở dài trên đỉnh thông già. Tiếng thác Gu-Ga vẫn ầm ầm đổ nước bất chấp mọi thay đổi dưới giòng suối kia. Cái vô tư của tạo vật làm buồn thêm lòng người trở lại Đà Lạt.

Đứng trên lầu khách sạn Ngọc Lan nhìn về phía Nhà Thờ, mây vẫn trắng trời vẫn xanh, nhìn về Hồ Xuân Hương vẫn bóng nước in mây trời, nhà thủy tạ chói sáng trên mặt hồ. Nhưng nhìn về phía khu Hòa Bình, hình như những màu sắc ngày xưa cùng những bóng người đã thay đổi. Có lẫn lộn nhiều màu xám lục của những bộ đồ trận bộ đội cùng với những chiếc nón cối, những chiếc áo trấn thủ để sống qua nhiều năm trận mạc, giờ đây đã tràn đầy trên thành phố hoa hồng ngày nào. Tôi nghe tiếng nói hình như đã đổi khác. Ngày xưa Đà Lạt là đất cao nguyên của người dân thiểu số, sau đó Đà Lạt tràn ngập giọng Huế theo vua Nguyễn lên Hoàng Triều Cương Thổ tạo lập một khối dân cư chính, phần đông là lính ngự lâm quân của Bảo Long, một số khác phục vụ trong các dinh cơ của Hoàng Đế. Một phần dân cư Đà Lạt pha lẫn Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên "

Quả thật Đà Lạt chẳng còn ai. Ngày xưa bạn bè phần đông phục vụ trong các quân trường, cơ quan quân sự, các đại học, các trường trung học. Lớp lớp bỏ Đà Lạt ra đi đã nhiều. Nhiều gia đình lập nghiệp ở Đà Lạt đã lâu cũng đã bỏ về các miền xuôi miền biển những năm 80 để tìm một con đường sống. Có cố tìm lại cũng chẳng thấy được một người quen.

Giờ đây ở Đà Lạt tôi chỉ còn có hai người quen. Đó là hai người cháu ở lớp tuổi trung học đệ nhất cấp ngày đất nước tan hoang, ngày nay hai anh em đều làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh. Buổi chiều họ đạp xe đạp ở bệnh viện về, qua chợ mua bó rau vội vã về nhà khám bệnh chích thuốc cho một vài bệnh nhân nghèo để có tiền trả tiền nhà và dành dụm về quê thăm bố mẹ. Cô cháu cũng đã gần ba mươi, khi tôi hỏi đến chuyện vợ chồng, cô thành thật nói:

- Chú nghĩ coi, cháu tìm đâu ra một người chồng trong cái đám ở đây, khi cháu là một bác sĩ. Toàn đui què mẻ sứt cả. Thôi cháu đành ở già thôi.

Buổi tối Đà lạt lành lạnh, có hơi sương làm người ta nghĩ đến chuyện đi uống một tách cà phê nóng. Đành phải xuống nhà thủy tạ nơi mà trước kia những người thường ghé qua Đà Lạt không thể bỏ qua. Ngồi ở đó, bên một vài người bạn hay với người yêu, uống một tách cà phê hay một tách trà nóng, nhìn ra mặt hồ trong đêm tối, tưởng như không có gì thú vị bằng. Khách thường ngồi ở những quán cà phê Sàigòn, ở Brodard hay ở Givral, ầm ầm những tiếng xe trên đường qua lại, được ngồi một vài giây phút ở đây, trên nhà thủy tạ giữa bờ hồ Xuân Hương, để thấy lòng mình yên tĩnh, thư thái hơn.

Hồ Xuân Hương, quả là ai đó đã chơi chữ đem chữ Xuân Hương đặt tên cho Hồ, để người ta hay nhắc đến người nữ sĩ hay ỡm ờ, tinh quái này mỗi lần nói đến Đà Lạt, mặc dù Đà Lạt chẳng có gì khiến ta liên tưởng đến nhà thơ này.

Trong khi chờ cà phê, người "nữ mậu dịch quốc doanh" đem ra một bình trà và hai chiếc tách để xuống bàn. Tôi đang lơ mơ mãi nhìn qua phía bên kia hồ, tiếng động làm tôi quay lại. Bạn ơi, trên mặt bàn là một bình trà sứt vòi, vỡ nắp và hai chiếc chén, tất cả đều bằng sành. Tôi định kêu người mậu dịch viên trở lại nhưng cô ấy đã đi khuất sau cánh cửa. Cháu tôi hỏi : "Chú định gọi gì thêm?" Tôi liếc mắt nhìn xuống bình trà. "Chuyện ấy là thường chú ạ!"

Trong trí nhớ tôi, tôi vẫn thường nghĩ về một Đà Lạt dịu dàng, sang trọng đẹp đẽ, mặc dù điều ấy giờ đây có thể sai. Nhưng chiếc bình trà vàng ố, sứt vòi, vỡ nắp nằm thách đố trên chiếc bàn, dưới ánh đèn làm tôi cảm thấy nghẹn tức, như có một điều gì bất như ý hiện ra trong lúc tôi đang vui.

Đã mười bốn năm qua từ ngày miền Nam bước vào một thời kỳ mới, những năm đầu có khó khăn đã đành, đến nay vẫn còn giai đoạn cửa hàng nhà nước, quốc doanh với những cô mậu dịch viên mặt mày nặng nề, chanh chua và một chiếc bình trà sứt vòi trên nhà thủy tạ Đà Lạt tối nay.

Lẽ nào người ta kéo đất nước vào một tình trạng nghèo đói, thê thảm và sống sượng như thế này. Không bao giờ ai có thể tưởng tượng con cháu chúng ta lại thấy được cái xe hơi chạy bằng than trên đường phố hôm nay, và cho đến 1988 vẫn còn cái "cửa hàng nhà nước" tồn tại.

Buổi tối hôm ấy trên nhà thủy tạ, đáng lẽ chúng tôi phải nói đến chuyện vui buồn đi ở, thì nói nhiều đến chuyện đất nước tan hoang. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào lớp thanh niên, có học yêu nước thương nòi, ráng đổi mới, cách mạng xây dựng đất nước. Những người cầm quyền vừa lạc hậu vừa ngu dốt đang còn cố bám lấy ngai vàng, yêu bản thân và quyền lợi của mình hơn cả đất nước và lê dân. Đổi mới, làm giàu quê hương, xây dựng lại dân chủ thì sợ mất chức, chạm đến đặc quyền đặc lợi của mình.

Tôi nghĩ đến hai đứa cháu tôi đang ở Đà lạt và tôi sẽ gặp lại chúng vào một ngày không xa nhưng chắc chắn sẽ vui hơn, lành lặn hơn. Hôm sau trên chuyến xe đò trở lại Sàigòn, tâm trí tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi chiếc bình trà, và bây giờ, sáng nay, nhớ Đà Lạt đến ray rứt, tôi không làm sao gạt ra ngoài ý nghĩ về chiếc bình trà sứt vòi trên nhà thủy tạ Đà Lạt đêm hôm ấy.

Huy Phương
(trích trong Nước Mỹ Lạnh Lùng)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

TINH SƯƠNG
Trần Mộng Tú
Tôi cúi xuống buộc sợi giây trên đôi giầy vải, khép cánh cửa lại sau lưng, bước xuồng bực thềm còn ướt đẫm sương, rón rén đi vào buổi sáng. Tôi không dám bước mạnh, sợ làm nứt rạn một bình minh chưa đến. Buổi sáng chập choạng ánh sáng mờ mờ, mặt trời còn ở đâu, ai mà biết được, tôi cũng chẳng tò mò. Tôi khe khẽ xuống con dốc ngay trước nhà mình rồi đi về phía hồ, bước từng bước ngắn, để khỏi lao mình theo dốc. Những hàng cây thông trong tinh sương có mầu xám bạc, chụm đầu vào nhau đang bàn tán một điều gì đó, tôi cũng chẳng muốn hỏi cho ra lẽ. Cây có đời cây, gió có đời gió, tôi có đời tôi, mặc dù cây gió luôn quấn quít vào nhau, và tôi vừa yêu cây, vừa yêu gió, nhưng thật sự mỗi lòai có một đời riêng, tò mò làm chi.

Những bụi cây nhỏ và thấp giống như những đứa bé con còn ngủ vùi, không biết cha mẹ đang thầm thì điều gì với nhau, âu yếm hay cằn nhằn? Cả xóm im lặng trong sớm mai, thỉnh thỏang nghe tiếng kêu quặc quặc của hai con vịt đi tìm ăn sáng sớm, lạc gọi nhau. Những ngôi nhà hai bên đường chỉ là những hình khối mờ mờ như những ngôi nhà vẽ trong tranh hay những ngôi nhà dựng sẵn ở phim trường, những cánh cửa đóng im ỉm từ phía trong như đang giấu một trái tim đập ngập ngừng trong ngực; bóng tối loang lõang nhẹ nhàng sau những cánh cửa hắt ra hiền lành như những cô gái chưa yêu, như cây đèn chưa hề thắp còn nguyên một bình dầu lúc nào cũng muốn sánh ra ngoài. Buổi sáng thật tinh khôi!

Tôi đi vòng trong xóm, bước thấp, bước cao, đi lên, đi xuống, những thảm cỏ vẫn đang nằm mơ, những giấc mơ nhuộm mầu xanh biếc, ướt sũng như vừa ngủ vừa khóc trong mơ, nghĩ mình cũng khác gì cỏ nhiều khi như thế. Có vũng nước nhỏ im ắng ngay dưới chân đi, cúi soi mặt vào chưa nhìn rõ bóng mình. Cái khuôn mặt trong vũng nước không mắt, không mũi trông lạ thật, ai đấy? Ngước mắt nhìn trời, một bầu trời mênh mông xa ngái, sao mai chưa mọc, sao hôm đêm qua không một ngôi nào sót lại. Còn gì cô đơn hơn một bầu trời không một cánh sao! Không biết khi trời cô đơn thì Trời làm gì? Chắc Trời khóc, vì bầu trời đầy sao đêm trước là báo hiệu ngày mai nhiều nắng, trời không sao trời sẽ mưa. Nhìn xuống phía hồ, mặt nước như một chiếc chăn len xám rũ tung ra mà không có ai kéo đắp, chiếc chăn phẳng lì không một vết nhăn, những hàng lau bên kia ven hồ xa xa trong tối như những mảng mầu thẫm của một bức tranh sơn dầu, trong khi đó dẫy núi trên cao như một người luống tuổi, run rẩy trong vòng ôm mong manh của một vài vạt tuyết mỏng.

Tôi đi lên dốc, đi xuống dốc, đi dọc, đi ngang, lòng trống trải, chắc tại đi một mình, mà cỏ cây thì chưa muốn chuyện trò. Nhìn xuống đôi giầy, biết trong đó có những ngón chân của mình, đôi giầy cũ, ngón chân cũng cũ, sao vẫn thấy cả hai cùng lạ lẫm. Đi hoài không biết mình đi dâu, nhìn thấy cánh cửa nhà mình rồi vẫn thấy có điều gì khang khác, lại đi. Thì ra buổi sáng chưa bắt đầu, tôi vẫn chưa bắt đầu.

Cuộc đời ở đâu? Tôi tiếp tục đi, vừa đi vừa khe khẽ gọi mình. Trong một hốc đá nào đó một con thỏ hay một con sóc chạy ra, băng vụt trước mặt như báo cho biết chúng cũng dậy rất sớm và chúng đồng hành.

Tôi đã đi như thế trong bao nhiêu buổi sáng của đời mình, không biết bao nhiêu lần, không nhớ rõ rệt những chỗ mình đã đi, ở thành phố nào xa lắc xa lơ. Trong mấy chục năm làm người đã bao lần rời đổi, mỗi nơi một cảnh vật, những dòng sông, những dẫy núi, những ngôi nhà, những hàng rào, những hàng cây cao, những bụi hoa thấp, tất cả khác nhau và chắc chắn đời sống khác nhau. Nhưng hình như cái cảm giác đi trong buổi sáng tinh mơ lại rất giống nhau.Có một cái gì tinh khôi, trong trẻo, lạ lẫm và quyến rũ của đầu ngày. Như khuôn mặt vừa thức dậy, còn lơ mơ giữa tỉnh thức, môi chưa chạm son, tóc chưa chạm lược, như một khúc lụa chưa cắt thành áo, cứ giũ tung ra rồi lại cuộn vào, như một mối tình chưa đi đến hôn nhân, cứ ửng đỏ dần dần. Chao ôi là đẹp! Đi trong một buổi sáng tinh mơ, đi một mình, mình hỏi chuyện mình, mình gọi tên mình, những ý nghĩ đơn sơ, không phải thốt thành lời khôn khéo cho êm tai người nghe; Nói chuyện với buổi sáng, giữa lúc mặt trăng, mặt trời đổi chỗ cho nhau, mầu đậm đặc của đêm pha vào mầu hồng ửng sáng, giữa lúc âm dương nhè nhẹ nhường nhịn lẫn nhau. Một cuộc đối thoại trong thinh lặng giữa một con người nhỏ nhoi và thiên nhiên tràn ngập khí hạo nhiên.

Đi quá chân một chút là ngày sẽ đến, mặt trời, mặt người, và mặt hoa cỏ cùng hiện ra một lượt với những tiếng động khe khẽ bắt đầu. Mấy mảnh núi tuyết không còn là những mảng trắng mơ hồ mềm mại nữa, mặt trời đã làm cho tuyết và núi cùng mang một khuôn mặt mới mẻ khác, Bây giờ núi không còn là một ông già, núi đã trở thành một con rồng với những chiếc vẩy bạc lấp lánh đang nằm soãi dọc theo hồ với tất cả niềm tự hào. Tấm chăn xám trên mặt hồ được cuốn ngay lại, phô ra một vùng nước bạc sóng sánh dưới ánh mặt trời, sẵn sàng đón những cánh buồm căng trong gió, đi vào một nơi không biết trước. Những hàng cây hai bên không còn là những mảng mầu tối của một bức tranh, chúng bắt đầu khoe những đường gân lá, như một thanh niên mới lớn nhìn xuống cánh tay mình. Những bụi hoa nhỏ như những đứa bé vừa ngủ dậy, chúng mở từng cánh, như những con mắt trẻ thơ sau một giấc ngủ ngon. Những cánh cửa cũng lần lượt theo nhau mở ra. Trẻ con, người lớn mỗi người đem một mảnh đời ra khỏi ngôi nhà thả vào con đường trước mặt. Bao nhiêu hy vọng trải đưới ánh mặt trời, tiếng cười, tiếng khóc cùng theo nhau vỡ òa. Trái tim chưa biết yêu, đẩy cánh cửa bước ra, đi tìm tình yêu trong vũng ánh sáng đầu ngày lấp lánh. Ngày bắt đầu rất nồng nàn như cô thiếu nữ vội tô son, chải tóc, mang khúc lụa thời gian ra may cắt, sợ buổi chiều sẽ ập đến xóa mất tuổi xuân.

Bao giờ cũng thế, tôi tìm về nhà trước khi tiếng động cơ của xe cộ bắt đầu.

tmt
Tháng Năm-2007
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Bộ mặt kẻ ác

Huy Phương
“Tôi không coi là những kẻ thù nữa khi họ đã khốn khổ” (Victor Hugo)

Những người lớn tuổi ở hải ngoại vẫn nhớ tới câu chuyện ngày xưa trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư khi nói về lòng thù hận: “Một hôm một người hào phú có chuyện lôi thôi với một người thợ. Đang cơn tức giận, người hào phú lấy hòn đá ném người thợ. Người thợ nhặt hòn đá, cất vào một chỗ, nghĩ bụng rằng: “Thế nào cũng có lúc tao lấy hòn đà này ném vào đầu mày”. Cách ít lâu, người hào phú chẳng may cửa nhà sa sút, của sạch không phải đi ăn xin. Một hôm, người thợ trông thấy người ấy đi ngang trước cửa, vội vàng chạy đi nhặt hòn đá ngày xưa, định để ném lại. Nhưng khi tay đã cầm hòn đá, anh ta lại nghĩ rằng: Người ấy lúc còn giàu sang mà ta báo thù là dại, bây giờ người ấy quá khổ sở mà ta báo thù là hèn. Rồi quẳng hòn đá xuống ao”.

Bây giờ anh hào phú là nước Mỹ gặp cơn tai biến, không đủ sức trả thù, lại nói lời mỉa mai cay đắng, thật đúng là đồ hèn. Chúng ta nhớ lại một chuyện cũ: trận bão Katrina vào cuối tháng 9 năm 2005 đã tàn phá bốn tiểu bang nước Mỹ trong vùng Vịnh Mexico, để lại nhiều thảm họa, tổn thất nặng nhất là cho thành phố New Orleans với hơn 1,000 người chết. Trước nỗi đau của đồng loại, không những chỉ riêng nước Mỹ bàng hoàng mà tất cả thế giới đều quan tâm theo dõi và tùy khả năng tìm cách giúp đỡ nhất là chia sẻ mối tình cảm đối với những người bất hạnh trong vùng thiên tai. Nhưng cũng chính trong lúc ấy, vẻ rạng rỡ và thỏa mãn, một giới chức Hồi Giáo đã “phán” rằng: “Tai họa đó là do Thánh Allad trừng phạt”. Cũng trong thời gian đó, tại nước Anh, ông Rupert Murdoch, Chủ Tịch Tổ Hợp truyền thông News Corporation, đã than phiền rằng đài phát thanh BBC đã có ác ý và thành kiến khi nói về trận bão Katrina. Ông đã cho rằng BBC chứa đầy lòng thù ghét nước Mỹ và có vẻ vui thích về những khó khăn mà nước Mỹ đang gặp phải.

Người quân tử, dù là đối với kẻ thù, khi gặp hoạn nạn chúng ta còn đem lòng thương hại và giúp đỡ, không thể cảm thấy lòng hả hê như những người Hồi Giáo vô lương tâm này, huống gì là phát xuất từ một nước bạn bè như nước Anh. Như vậy ngay nước Mỹ đã là nạn nhân của thảm họa 9/11 cũng không thể mang lòng hớn hở khi nếu có tai họa xẩy đến cho những người Hồi Giáo quá khích, đầy lòng thù hận. Ngay trong thiên tai Tsunami năm ngoái xẩy ra ở bốn nước Đông Nam Á phần đông là các nước đông dân Hồi Giáo, giết chết 175,000 người, nhiều kẻ ghét Hồi Giáo đã cho đó là do “Trời phạt”.

Cũng như không phải vì lòng căm thùø đối với chế độ Cộng Sản bạc ác đã xô đẩy hằng triệu người bỏ nước ra đi, làm cho dân đen khốn khổ, mà mỗi lần nghe tin thiên tai hay dịch bệnh đến cho đất nước Việt Nam, chúng ta lại cho đó là “Trời phạt”, mà không phân biệt giữa chế độ, nhà cầm quyền và dân chúng. Nếu có thiên tai đổ xuống thì người dân khốn khổ lầm than chịu đựng, còn những cán bộ chính quyền thì vẫn phè phỡn. Hình như mỗi lần trong nước có thảm hoạ vì thiên tai, thì cán bộ ở mỗi địa phương thay vì xót xa vì nỗi đau chung, lại mừng rỡ vì sắp có tiền đút túi.

Theo thói đời, hễ ai gặp tai ương, bất hạnh đều là những người ít phước, vụng tu, ăn gian, ở ác. Theo quan niệm này, những gia đình toàn vẹn được qua các cuộc chiến, di tản sang ngoại quốc được từ năm 1975 hoặc vượt biên thành công, sang đây con cái học hành đỗ đạt... đều là những người có phước đức, phúc hậu. Trái ngược với những trường hợp trên như gia đình có người tử trận, kẹt lại Việt Nam, mất tích ngoài biển, sang đây con cái không học hành đến nơi đến chốn... khi giao tiếp, tuy không nói ra, nhưng rõ ràng là những người phải được hiểu ngược lại là “vô phước” hay “thất đức”. Sự hãnh diện về những gì mình có, may mắn hơn người khác thay vì để cho mình mở rộng tấm lòng chia sẻ hạnh phúc với những người khốn khó, thì người ta lại cười mỉm khinh khi những kẻ khốn cùng thiếu may mắn hơn mình.

Không khác gì khi nước Mỹ bị tấn công ngày 9/11, cả thế giới bàng hoàng vì đòn thù ghê gớm, tàn ác của bọn khủng bố, thì qua các cuộc phỏng vấn, nhiều người trong nước đã phát biểu những lời lẽ bất thường, vì lòng thù hận đối với nước Mỹ chưa nguôi, và vì vậy họ đã xúc phạm tới những nạn nhân thiếu may mắn trong biến cố này. Trong bài báo “Bài Học Khó Thuộc” ký tên Hà Văn Thuỳ trên báo VietWeekly ngày 24 tháng 5-2007 đã có những dòng chữ cay nghiệt đối với toàn nhân dân Hoa kỳ như sau: “Nói ra người ta cho mình là kẻ ác, sự kiện 11 tháng 9 là cái giá đích đáng mà người Mỹ phải trả vì những gì họ đã gây ra cho thế giới”. Người viết những dòng này không những “là kẻ ác” là gì, và nếu ở một quốc gia khác không có tự do như nước Mỹ, liệu những lời hằn học, thù hận người dân và quốc gia ấy có được cơ hội phổ biến trên mặt báo chí hay không?

Huy Phương
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Có bông hoa nào
không cho người sẽ qua đời ?


T.Vấn
1.

Sáng nay, thứ bảy, tôi có dịp tham dự tang lễ một người quen biết tại nhà thờ xứ đạo địa phương. Tuy là xứ đạo Mỹ, nhưng vị chủ tế buổi lễ lại là một linh mục Việt Nam từ quê nhà mới qua. Bài giảng của ông khá sâu sắc, trong đó có thí dụ về Alexandre Đại đế, một vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước Nga. Vị linh mục kể lại, trong di chúc của mình, ông vua bách chiến bách thắng đã dặn triều thần rằng, khi ông chết, cái quan tài đựng xác của ông phải có hai lỗ hổng hai bên để thò hai bàn tay của vua ra cho mọi người nhìn thấy. Đó là hai bàn tay trắng, dù khi còn sinh tiền, người ấy đã là một vị vua quyền thế, tài năng, giàu có.

Dụ ngôn ẩn chứa trong câu chuyện của vị linh mục không có gì mới. Hầu như ai cũng biết điều đó. Nhưng hình như tất cả mọi người đều không có cơ hội nghĩ đến chân lý cũ kỹ đó trong suốt cuộc đời nhọc nhằn hối hả của mình. Có chăng, chỉ trong những dịp hiếm hoi, như tôi trong buổi sáng mệt mỏi này, miệng lẩm nhẩm đọc theo mọi người những câu kinh thuộc lòng một cách vô thức, nhưng mắt cứ nhìn về phía quan tài nằm giữa nhà thờ, tưởng tượng ra tấm thân da bọc xương của người quá cố teo tóp vì vi trùng ung thư đục khóet, bây giờ nằm thảnh thơi không vướng mắc gì nữa đến vinh nhục, thành bại, sướng khổ, vui buồn của cuộc đời. Thế là đã xong một kiếp người. Hôm tuần lễ trước, tôi có ghé thăm anh tại nhà. Nhìn thấy một phụ nữ còn khá trẻ và rất xinh đẹp, đứng bên cạnh giường người bệnh, tôi hỏi thăm và được biết đó là người vợ cũ của anh. Hai người ly dị đã hơn 10 năm nay, được tin anh bị bệnh, chị đang ở một tiểu bang rất xa, đã vội thu xếp việc gia đình riêng để về chăm sóc anh những ngày cuối. Chị cho biết, tuy anh đã có những chuyện tình cảm khác sau khi hai người chia tay, nhưng anh rất vui mừng được thấy chị bên cạnh giây phút sắp lâm chung. Tôi còn được nghe vài câu chuyện khác liên quan đến cách sống của anh khi còn sinh tiền, khiến nhiều người chỉ đợi dịp này để có thể bày tỏ lòng quý mến và biết ơn của mình với anh.

Tang lễ kết thúc với bài hát thật buồn. Xin vĩnh biệt mọi người. Tôi ra đi lần cuối. Không bao giờ trở lại. Hẹn nhau nơi nước Trời. Theo sau quan tài, tôi thấy người vợ cũ vật vã trong chiếc khăn tang phủ kín khuôn mặt. Bên cạnh, là những người thân ruột thịt của anh và những người đã từng quý mến anh khi còn sống.

Một đời người đã xong, đã trở về với cát bụi trong cuộc viễn du cuối cùng, trong sự thương tiếc chân thành của mọi người có dịp quen biết.

Có lẽ đó là điều duy nhất mà người lên đường đi vào nơi miên viễn muốn mang theo làm hành trang, chứ không phải những thứ phù du hư ảo khác của cuộc đời.

2.

Người ta nói, đời người ngắn ngủi chỉ một trăm năm. Nhưng từ trước tới nay, tôi hiếm thấy người nào sống được tới trăm năm. 70 tuổi đã được gọi là thọ. Và khi người ta đến được lằn mức 70, hẳn đã hiểu hết được lẽ đời. Tất cả chỉ là hư ảo, phù du. Danh vọng, tiền bạc, niềm vui, nỗi buồn. Nằm xuống cũng chỉ hai bàn tay trắng như ông vua nước Nga lừng danh trong lịch sử.

Vậy mà, có một người gìa 78 tuổi, cũng đã từng kinh qua bao thăng trầm với những thứ phù du hư ảo, vẫn không nhìn thấy điều thật cũ kỹ mà cũng thật hiển nhiên ấy. Tuổi 78 là cái tuổi mấp mé bên bờ tử sinh. Hôm nay còn mạnh khỏe đấy, còn nói nói cười cười đấy, nhưng có thể ngay sáng ngày mai đã là người thiên cổ. Và ông gìa 78 tuổi này không hy vọng gì là một ngoại lệ trong lẽ tử sinh của đất trời.

Ông trước đây cũng có chút địa vị trong chế độ cộng hòa cũ. Tháng 4- 75, ông nhanh chân chạy thóat cộng sản, sau khi đã hô hào mọi người hãy ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hàng trăm ngàn người lính vốn là thuộc quyền của ông, trong đó có tôi, không nhanh chân được như ông vì không có điều kiện hay rất đơn giản, muốn làm trọn nhiệm vụ của mình cho đến phút cuối cùng, kẹt ở lại và chôn vùi một phần đời quý báu trong những nhà tù tiền sử. Nhiều năm sau, một số lớn chúng tôi sống sót trở về và bằng nhiều phương cách khác nhau, đã đến được bến bờ tự do. Phần ông, 30 năm sống vất vưởng xứ người càng làm ông quay quắt thêm với giấc mộng công hầu chưa trọn vẹn, ông đã có nhiều hành động lời nói làm phiền lòng nhiều người trước đây làm việc dưới quyền ông, gián tiếp hay trực tiếp. Vẫn biết, ông chỉ là một con người của thời thế, chó nhảy bàn độc, tài năng đã nhỏ mà nhân cách lại càng nhỏ hơn, nên phần lớn chúng tôi không bận tâm lắm về những việc làm “ trẻ người, non dạ “ của một người, mà chẳng may thời thế nhiễu nhương đã đặt ông vào vị trí chỉ huy chúng tôi.

Nhưng, gần đây nhất, ông đã từ Việt nam, nơi ông sống an lành một thân phận hàng thần lơ láo, trở qua Mỹ để tham dự buổi tiệc do vị chủ tịch nước Cộng Sản chủ tọa nhân dịp ông này và phái đòan chính phủ thăm viếng Hoa Kỳ. Trên đường đi đến địa điểm tổ chức bữa tiệc, hẳn chính mắt ông phải thấy hàng ngàn người Việt hải ngọai biểu tình, phản đối sự có mặt của phái đòan chính phủ cộng sản trên nước Nỹ, yêu cầu tự do dân chủ cho Việt Nam v..v.., trong số những người đứng đó, có rất nhiều người trước đây đã “ từng dưới sự chỉ huy “ của ông. Trong bữa tiệc, như đã được sắp xếp trước, ông “ bất ngờ “ được mời lên phát biểu. Điều phiền lòng nhất cho chúng tôi là ông đã “ nhân danh cộng đồng người Việt hải ngọai “ để có những lời nịnh hót, tung hứng với phái đòan chính phủ cộng sản. Phiền lòng hơn nữa là ông lại “ nhắn nhủ “ đến “ những người từng dưới sự chỉ huy “ của ông – là chúng tôi, những người đã bị ông phản bội, bỏ rơi 30 năm trước – rằng thôi đừng thù hận nữa, đừng quốc cộng nữa, bây giờ chỉ còn có một nước Việt Nam thôi v..v..

Tôi thực sự không bận tâm phân tích những điều ông gìa 78 tuổi vừa nói. Chúng cũng chẳng hơn những điều trẻ con nói ngọng. Tôi chỉ không thể hiểu nổi, một người gần đất xa trời, vẫn còn những tham sân si trần tục đến thế sao ? Ra sức làm nhỏ mình đi trước mắt kẻ cựu thù, chỉ để có cơ hội nói rằng “ tôi trước đây đã từng được đứng ở một bên đấu trường với chủ tịch “, để có cơ hội “ tự nhân danh “ một tập thể mà chính ông đã tự tách mình ra khỏi từ lâu, để có cơ hội nhắc nhở những người lính còn sống sót sau bao phong ba rằng họ đã “ từng dưới sự chỉ huy “ của ông, có nghĩa là cố chứng minh với mọi người rằng mình vẫn còn chỗ đứng của một thời vang bóng. Giấc mộng công hầu khanh tướng nó mãnh liệt đến độ khiến cho một con người, với cái vốn nhân cách đã nhỏ như hạt đậu, lại sẵn sàng tung hê nốt để chỉ đổi lấy cái bắt tay vị chủ tịch nước cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ, và toe tóet cười nhìn thẳng vào ống kính của bao phóng viên đang sốt sắng làm nhiệm vụ. Tôi đã từng nghe và cảm thông được những câu chuyện người nghệ sĩ say mê, nhung nhớ ánh đèn sân khấu. Điều ấy có thể hiểu được vì đó là ánh đèn nghệ thuật của những con người nghệ sĩ. Nhưng tôi không thể cảm thông được với những nhân vật “ công chúng ‘ say mê đứng trước mọi người để được chụp ảnh, quay phim giống như ông gìa 78 tuổi tội nghiệp đang làm trò với trí tưởng tượng bệnh họan rằng mình đang làm lịch sử, rồi đây mình sẽ đi vào lịch sử với vai trò người hòa giải quốc cộng. Cho dù ông tin tưởng một cách thành thật rằng mình đang đóng vai trò hòa giải, thì cái đầu óc mụ mị nhất của một người 78 tuổi cũng phải biết tự hỏi rằng đây có phải là lúc, là nơi nói lên những điều đó không khi bên ngòai kia hàng ngàn người biểu tình chống đối, mà những người ấy là những người ở về phía bên ông đang kêu gọi hòa giải, hay lại chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, hòa giải đâu chưa thấy mà chỉ thấy thêm những oan nghiệt đẻ ra do cái “ đầu đất “ (chữ của một trí thức Hà nội hiện ở trong nước đặt tên cho ông) cuối đời vẫn còn nửa mê nửa tỉnh giấc mộng Nam Kha.

3.

Có anh phóng viên một tờ báo hải ngọai mô tả về ông già 78 tuổi nói trên, nào là “ tuy 78 tuổi nhưng ông đã bỏ hút thuốc, cữ ăn, vẫn đi bộ, vẫn điểm dáng, trí óc vẫn mẫn tiệp “, nhưng ngay từ bây giờ, tôi đã nghĩ đến cái ngày ông già này nằm xuống. Chắc cũng chẳng bao lâu nữa đâu. Kiếp người vốn hữu hạn, không ai có thể thóat ra được. Và hẳn nhiên ông già 78 tuổi không thể là một ngoại lệ.Khi ấy, chắc sẽ có nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Bất giác, tôi liên tưởng đến người quen biết của tôi vừa được chôn cất sáng nay. Anh chỉ là một con người rất bình thường, nhưng cách cư xử của anh khi sinh tiền đã khiến cho nhiều người đến với anh rất chân tình khi anh nằm xuống. Điển hình là người vợ cũ của anh. Họ chia tay có thể do những bất đồng trong cuộc sống chung, nhưng chắc chắn chị không hề khinh rẻ anh vì cái cách anh làm người. Vì thế, sau hơn 10 năm chia tay, chị vẫn đến với anh vào lúc anh cần chị nhất. Đó cũng là niềm an ủi to lớn cho những thân nhân ruột thịt còn sống của anh.

Hồi đầu năm nay, ở hải ngọai có cái chết của một vị cựu tướng, vốn cũng đã là một “ thuộc quyền” của ông. Khi vị cựu tướng này nằm xuống, cả một cộng đồng người Việt hải ngọai thương tiếc, cùng với sự ngưỡng mộ chân thành của các cựu viên chức, cựu tướng lãnh Mỹ đã từng làm việc sát cánh bên ông. Tang lễ của ông có sự hiện diện của những lễ nghi quân cách đến từ tấm lòng quý mến và kính trọng thực sự của những người lính một thời khóac chung màu áo với ông. Đó là phần thưởng quý gía nhất mà bất cứ một vị tướng nào cũng mong ước cho ngày mình giã biệt trần gian. Đã đành, người chết đâu có nhìn thấy được những điều đó. Nhưng nó làm ấm lòng người còn sống, mỗi khi nghĩ đến sự ra đi của cha anh mình. Với một thời gian ngắn nữa đây, ông già 78 tuổi rồi sẽ xuôi tay, nhắm mắt, liệu vợ con, thân nhân ruột thịt của ông sẽ còn buồn đau thế nào khi so sánh tang lễ của chồng cha mình với một người khác cũng cùng thời, cùng một số phận, chỉ khác nhau ở cách hành xử và độ cao của lòng tự trọng.

4.

Xét cho cùng, cái đau của thân nhân ông gìa 78 tuổi trong tương lai (gần) cũng không thể so sánh với cái đau của chúng tôi bây giờ, hay đúng hơn từ nhiều năm nay. Ở trong nước, đâu đó có người Hà Nội cũng thuộc lọai biết chuyện, đã nói vọng ra cho chúng tôi ngoài này nghe đại khái rằng, bộ VNCH các anh hồi xưa hết người rồi sao để cho cái ông kỳ cục ấy làm thủ tướng. Bây giờ ông ấy về bên này cũng chỉ để học đòi làm một đại gia, nhưng mà đại gia thuộc lọai câu lạc bộ 100, chứ dễ gì chen chân vào câu lạc bộ 10. Vì nước vì dân gì cái ngữ ấy !

Chúng tôi thua trận, bị kẻ chiến thắng bắt đi đầy ải, cầm tù, điều đó cũng bình thường. Thua trận, nhưng không nhục nhã. Chúng tôi buông súng, vì tuân theo lệnh của cấp trên, của vị tổng tư lệnh tối cao quân đội lúc ấy là ông Dương văn Minh, chứ chúng tôi không đầu hàng. Những năm tháng dài đăng đẳng trong những nhà tù, chúng tôi vẫn giữ khí tiết của một người lính, không chịu khuất phục, không chịu bị “ cải tạo”. Tôi không thể quên được một đêm tháng 7 năm 1977, khi vừa bị lùa từ những toa xe lửa chỉ dành chở súc vật xuống một khu rừng gìa Yên Báy, chúng tôi đã được nghe lời huấn lệnh đầy căm thù của viên trại trưởng. Giữa đêm khuya, giọng ông ta lanh lảnh, nói cho chúng tôi biết rằng đứa con trai duy nhất của ông đã vùi thây ở chiến trường miền Nam và nhiều thứ tội ác khác mà chúng tôi đã phạm. Chúng tôi hiểu rằng, những ngày sắp tới sẽ là địa ngục trần gian ở tầng thấp nhất. Chúng tôi chấp nhận đòn thù, vì chúng tôi hiểu thân phận mình, nhưng chắc chắn chúng tôi không chịu nhục. Trong tinh thần chịu đựng tất cả, ngòai sự khuất phục, phần lớn anh em chúng tôi đã sống sót, đã ra khỏi khu rừng gìa Yên Báy địa ngục trần gian, đã lăn lóc qua nhiều trại tù khác trước khi chính thức cởi bỏ lốt áo phạm nhân. Rời khỏi nhà tù, lần lượt chúng tôi cũng đã đến được bến bờ tự do. Để ngày hôm nay, chúng tôi tai nghe, mắt thấy vị chỉ huy cũ của mình xum xoe những lời nịnh hót, khuất phục trước ánh mắt hài lòng của kẻ cựu thù. Đau đớn hơn nữa, ông ta lại nhân danh chính chúng tôi, những người đã phải trả gía cho khí tiết của mình bằng những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ trong những nhà tù dựng nên bởi chính kẻ cựu thù đang hân hoan đón nhận sự thần phục của ông một cách hể hả.

Ở đây, không có hận thù, mắt trả mắt, răng đền răng. Vì chúng tôi, đã từng là nạn nhân của hận thù, từng bị đòi mắt trả mắt, răng đền răng. Ở đây, là vấn đề nhân cách của một con người, khí tiết của một người lính đang tiếp tục cuộc chiến. Cuộc chiến ngày hôm nay không phải là nhằm khôi phục nền cộng hòa cũ, mà là chủ nghĩa cộng sản phải cáo chung trên đất nước Việt nam, mà là tái thiết lập lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho hơn 80 triệu người dân vốn đã quá đau khổ vì chiến tranh, lạc hậu, nghèo đói. Lịch sử thế giới đã chứng minh rõ ràng, ngày nào còn chủ nghĩa cộng sản, ngày ấy đất nước vẫn chưa thóat ra khỏi sự trì trệ, chậm tiến. Trong cuộc chiến hiện nay, khối người Việt hải ngọai là một lực lượng đối trọng với chính quyền cộng sản đương nhiệm, đóng vai trò yểm trợ cần thiết cho lực lượng dân chủ ở trong nước.

Vì thế, những người lính gìa chúng tôi, không thể đứng bên lề cuộc chiến đó. Và cái ông gìa 78 tuổi kia không có chút tư cách nào để nhân danh chúng tôi một lần nữa.

5.

Ai cũng chỉ có một đời để sống. Thành công hay thất bại trong cuộc đời một con người, chỉ là những khái niệm tương đối. Tùy quan niệm mỗi người, mà sự thành công đối với người này, lại là sự thất bại dưới con mắt người kia. Nhưng sống làm sao cho ra một con người, lại chỉ có một cách nhìn duy nhất. Và vì không ai có cơ hội sống lại đời mình một lần thứ hai, nên khi nằm xuống rồi, mọi chuyện liên quan đến người ấy đã được định luận.

Giàu nghèo đến 30 tết mới hay. Hay dở của nhân cách một con người chờ đến lúc xuôi tay sẽ biết. Lúc ấy, có ăn năn cũng không kịp nữa. Trong lúc bùi ngùi ném cánh hoa xuống mộ người quen biết sáng nay, tôi đã nghĩ đến giây phút này của ông già 78 tuổi. Ngoài thân nhân ruột thịt của ông, còn ai nữa sẽ ném theo xuống mộ ông một bông hoa, dẫu chỉ là bông hoa héo ?

T.Vấn

Tháng 7/2007
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Thơ Nhạc Hoài Niệm của Những Người Ly Xứ
Có những địa danh, khi nhắc đến, làm tim óc bồn chồn và hoang mang nhắc lại một thời gian không gian nào đó đã khuất nhưng còn âm hưởng. Hà Nội trong thơ Hoàng Anh Tuấn, trong nhạc Hoàng Dương; Sài Gòn trong thơ Nguyên Sa, trong nhạc Nguyễn Đình Toàn. Hà Nội trong tùy bút Mai Thảo, hay hồi ức Vũ Bằng; Sài Gòn trong truyện ngắn Tạ Tỵ, hay tùy bút Võ Phiến.

Những người ly xứ tha hương, khi thời tiết thay đổi, nghe như trong hồn âm vang những ngọn sóng, của một ngày động biển. Người Việt Nam, trong cuộc sống đã sẵn những buổi ra đi. Từ năm di cư đến ngày di tản, biết bao nhiêu tâm hồn mang nặng những nỗi niềm của cả một thời thế dông bão. Thơ, văn, nhạc, chuyên chở tâm sự thời đại. Những câu văn, những lời thơ, những ý nhạc phản ảnh những cuộc sống cực kỳ đặc biệt của một dân tộc đã quá quen với chiến tranh, khói lửa và tang tóc...

Sài Gòn, sau năm 1975. Hà Nội, sau năm 1954. Những thành phố của hoài niệm trong thời gian ấy. Năm 1954, hàng triệu người rời bỏ miền Bắc xuôi nam tìm tự do, cuộc di cư vĩ đại của những người ghê sợ Cộng sản. Năm 1975, Cộng sản chiếm toàn bộ đất nước. Hàng trăm ngàn người di tản ra ngoại quốc sau đó đến từng đợt vượt biển của hàng triệu người. Không gian, thời gian, của những biến cố kể trên, đã thành môi trường và động lực thúc đẩy văn nghệ sĩ để tạo thành những tác phẩm văn chương hay âm nhạc phản ảnh tâm tình thời đại. Một dòng nhạc hoài niệm kéo dài suốt nửa thế kỷ đã cho chúng ta những bản nhạc để đời. Những bản nhạc mà tuổi thọ của nó dài hơn tuổi thọ của chính tác giả sáng tạo ra nó. Nhạc sĩ có khi khuất bóng từ lâu, nhưng nhạc phẩm vẫn còn sống, còn được hát và còn được thính giả nghe và hâm mộ. Qua một thời gian, qua sự đãi lọc, bản nhạc có thể tồn tại được phải có sức lôi cuốn từ ngôn từ và điệu nhạc. Và nhất là, phù hợp với tâm tư của từng thời kỳ, của hoàn cảnh mỗi người khi nghe âm điệu ấy.

Với tôi, có những bản nhạc là một phần đời sống tôi. Những bản nhạc, nhắc lại một tháng ngày đã qua. Nghe nó, như sống lại một quá khứ. Thuở đó, là kỷ niệm. Thuở đó, là cái tôi riêng trải dài theo những đoạn đời. Có khi, tưởng quên lãng nhưng lại chợt về trong ký ức. Có người bạn, anh Trần Thăng, một người sản xuất nhiều băng nhạc và video nổi tiếng mang tên trung tâm Asia, Dạ Lan, Mây, đã chê tôi là “ông chỉ thích những bản “ antique” không mà chẳng để ý gì đến những bản nhạc mới sáng tác, mọi người đều như thế thì âm nhạc sao phát triển được “. Tôi chỉ cười nhưng thầm nghĩ, ừ, tôi chỉ thích những gì hợp với tôi bất kể là nhạc thính phòng hay nhạc đại chúng, nhạc cũ hay nhạc mới nhạc trẻ. Tôi có những băng nhạc thật cũ, âm thanh nghe nhiều quá thành rè rè mà tôi vẫn giữ lại. Và, nếu có ai có những bản nhạc cũ mà tôi thích ấy, tôi thu lại để nghe. Tính khí ấy có lẽ cũng không hay lắm, nhưng đã quen nết rồi, biết làm sao. Nhiều khi, tôi nghe nhạc trong vô thức, lúc đọc sách, lúc lái xe hay cả những lúc đang chập chờn giấc ngủ. Cái cung cách nghe nhạc mà như không nghe nhạc ấy có lẽ không phải là của một người thành thạo về âm nhạc. Nhưng đó cũng là một phần đời sống của tôi, dù chỉ là một phút một giây.Tôi sống một phút. Cũng như tôi cảm âm nhạc một giây, mặc dù bằng hai lỗ tai “ điếc nhạc”…

Năm 1954, gia đình tôi di cư vào Nam. Đang học tiểu học, lạ người lạ cảnh, tâm tư như tờ giấy trắng, nhưng tôi vẫn nhớ như in bài hát mà tôi đã gân cổ hát trong giờ sinh hoạt học đường. Lúc ấy, hào hứng tin tưởng xiết bao. Bản nhạc “Về miền Nam“ của Trọng Khương nhắc lại tôi ngày thơ ấu:

“Đứng vùng lên nào bao thanh niên yêu nước
Hướng về đây miền nam thân yêu nắng sáng
Theo vết chân người xưa ta tiến lên đường đi
Bao nắng mưa sương gió nào ngại chi.
Sông nào cắt đứt đôi nơi
Sông nào xé nát tim tôi
Sông nào bóp chết thương yêu Việt Nam ơi!… “

Bài hát ấy, với tôi, tự nhiên nhắc và nhớ đến những khuôn mặt ấu thơ. Những cô giáo, thầy giáo khai tâm tuổi nhỏ. Cùng với ngôn từ và điệu nhạc, là bước chân trở về. Đó, lãnh địa thiêng liêng của đời người, mà dần dần thời gian đi qua, in sâu trên tiềm thức. Đất nước mới, mở ra những lạc quan, như tuổi xanh ngây thơ nhưng thật nhiều ước vọng... Bài hát như một dây chuyền để bắt đầu cho một chuỗi liên tưởng. Vô tình, bài hát như một contact để mở một mạch điện cho khúc phim đời sống riêng tôi.

Nhưng những bài hát khác, thường là những nỗi buồn, ngâm ngùi hướng vọng về chốn quê xa. Hàng trăm ca khúc có chung dòng nhạc. Không phải chỉ với bài hát ấy, mà còn nhiều bài hát khác, nhiều phim truyện khác, nhắc nhớ lại thời kỳ đặc biệt của đất nước. Một cách khái quát, theo bài thuyết trình “ Love and Longing at the Border : Songs On Both Sides of the 17th Parallel” của Jason Gibbs trong seminar của Popular Culture Association tại thành phố San Antonio, tiểu bang Texas thì có tới 18 ca khúc của những người di cư nhớ về quê hương cũ đã xa. Như: Bắc Một Nhịp cầu“ của Hoàng Trọng, lời Hồ Đình Phương, “Biệt Hải Phòng”, của Phó Quốc Thăng, “Chờ Anh Em Nhé”, của Xuân Tiên, lời Nhật Bằng, “Chuyến Đò Vĩ Tuyến“ của Lam Phương, “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Hận Ly Hương“ của Anh Hoa và Ngọc Lang, “Hướng Về Đất Bắc“ của Phó Quốc Thăng, “Hướng Về Hà Nội“ của Hoàng Dương, “Lá Thư Gửi Mẹ” của Nguyễn Hiền, lời Thái Thảo, “Mộng Ngày Hồi Hương”, của Hoàng Trọng, Hồ Đình Phương, “Sầu Ly Hương” của Lam Phương, “Thu Ly Hương” của Nhật Bằng và Đan Thọ, “Tình Cố Đô” của Lam Phương lời Mạnh Thương, “Về Bến Xưa“ của Nguyễn Hiền, lời Thiện Huấn, “Vọng Cố Đô” của Đan Thọ Nhật Bằng, “Xa Quê Hương” của Đan Tho, Xuân Tiên, “Xuân ly Hương” của Phó Quốc Lân.. Nhưng danh sách ấy chưa đầy đủ lắm, còn thiếu một cách đáng kể: “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của Phạm Đình Chương, thơ Hoàng Anh Tuấn, “Mùa Hoa Nở“ của Cung Tiến,…

Trong những bài hát ấy, Hà Nội như một hình tượng của nhung nhớ. Thành phố ấy, phải rời bỏ đi xa với nỗi đau đớn tận cùng. Hà Nội ơi! Có phải là tiếng kêu thảng thốt của trái tim vỡ vụn. Không phải với tôi mà chung của rất nhiều người, Hà Nội thành thánh địa của hồi tưởng. Lúc học trung học, hai thành phố gợi cho tôi nhiều ấn tượng và mê đắm nhất là Paris và Hà Nội. Lúc đó, tôi chỉ mong có ngày đặt chân đến. Paris của cậu bé Vincent trong sách “ Cours De Langues et de Civilisations “ của giáo sư Mauger mở ra biết bao nhiêu ảnh tượng kỳ thú. Còn Hà Nội, là “Đêm Giã Từ Hà Nội“ của Mai Thảo, là “Ung thư” của Thanh Tâm Tuyền, hay nhạc “Hướng Về Hà Nội“ của Hoàng Dương:

“Hà Nội ơi! Những ngày vui đã ra đi
Biết người còn nhớ nhung chi,
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy em về...“

Không gian xa cách ngàn trùng. Thời gian chia ly vời vợi. Đời sống bỗng lênh đênh chia hai giữa buồn nhớ và hy vọng. Sẽ có một ngày trở về, có phải?. Nhưng cuộc sống như dòng nước trôi đi lạnh lùng. Xa xứ và ly hương, như dòng sông Bến Hải chia đôi đất nước. Phạm Đình Chương phổ nhạc thơ Hoàng Anh Tuấn: “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội”, một bài hát mà mỗi khi người di cư nghe lại quặn đau:

“Mưa hoàng hôn trên thành phố heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa
Thương mầu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha...“

Và, rồi còn nhiều nữa. ”Chuyến Đò Vĩ Tuyến“ của Lam Phương, “Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu...”, “Bắc Một Nhịp Cầu “ của Hoàng Trọng, lời Hồ Đình Phương “Lạnh lùng phương Nam mơ bóng cây xanh ven hồ. Ngậm ngùi phương Bắc trông lúa xa xăm mong chờ. Vì một dòng sông xóa mờ. Tình đời lìa đôi bến bờ...”, “Vọng Cố Đô” của Đan Thọ và Nhật Bằng “Hà Nội ơi! Xa cách muôn trùng dương. Những lúc sương chiều xuống. Tìm đâu bóng Hồ Gươm lòng bao mến thương..”, “Mùa Hoa Nở“ của Cung Tiến “Chiều mưa thương nhớ đến bao giờ. Đường về nẻo Bắc xa mờ, mơ hồ. Đàn chim gieo thương nhớ. Câu tiếng nước nhà...“ Những bản nhạc ấy, trôi theo dòng sông âm nhạc và liên tiếp nhau để thành một thời đại hoài niệm, mà tiếng kêu tha thiết vẳng lên từ nơi chốn đã vời xa: Hà Nội. Tiếng hát, lời ca, không còn đơn thuần là ca khúc mà đi xa hơn, để thành chia sẻ, kỷ niệm của một phần của đời người. Bao nhiêu năm, với bao nhiêu ban nhạc thính phòng hoặc đại chúng, được trình diễn từ những ca sĩ tuyệt vời, những bản nhạc ấy vẫn sống, từ thời hòa bình tạm thời đến cuộc chiến khốc liệt. Mấy chục năm, vẫn không phai cảm xúc trong lòng khán thính giả...

Năm 1975, cơn hồng thủy lại đến với dân tộc Việt Nam. Đất nước thống nhất, hòa bình nhưng trại tù mở ra khắp nước. Kinh tế lụn bại, chính tình hà khắc, dân chúng đói khổ. Rồi đánh tư sản, rồi vơ vét tiền của người dân khiến hàng triệu người bỏ xứ ra đi tìm đất sống. Những chuyện phim như Chúng Tôi Muốn Sống, Đất Lành,..bỗng thành hiện thực. Và, dòng nhạc hoài niệm lại tiếp nối. Tâm tư, nỗi niềm của thế hệ, của thời đại lại phản ánh rõ nét. Ở hải ngoại, ngóng về quê hương, về Sài Gòn với tấm lòng tan nát. Nốt nhạc lời ca thành tiếng vọng gửi về qua khoảng cách của hai bờ đại dương. Không phải chỉ những nhạc sĩ hải ngoại mới viết nhạc hoài niệm xa xứ mà những người viết nhạc còn ở trong nước cũng sáng tác trong tâm cảm như vậy. Sài Gòn, sao khi nhắc đến toàn là chia ly, vĩnh biệt. Nguyễn Đình Toàn, khi còn ở trong nước đã viết “Nước Mắt Cho Sài Gòn”:

"Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như dòng sông nước quẩn quanh buồn
như người đi cách mặt xa lòng
Ta hỏi thầm em có nhớ không?

Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao
Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
Sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
Nay còn gì đâu..."

Bài hát ấy, bị một nhà văn trong nước mỉa mai rằng “là một bản nhạc cay cú về một thành phố mất tên”. Ông ta quên rằng Sài Gòn đã thành tên của một lãnh tụ công sản đầy tội ác: Hồ Chí Minh. Nhưng ai biết được chuyện dâu biển, những tên như Stalingrad, hay Leningrad ở Nga Xô Viết đã trở lại tên thành phố cũ thuở trước. Sài Gòn vẫn mãi là Sài Gòn.

Và, tôi không phải là một người thông hiểu về âm nhạc lắm nhưng cũng đã nghe nhiều bản nhạc với chủ đề hoài nhớ quê hương và khát vọng sẽ trở về khi đất nước tự do dân chủ. Như “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên“ của Nguyễn Đình Toàn, “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt“, “Người Di Tản Buồn” của Nam Lộc, “ Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng, “Thương Nhớ Sài Gòn” của Phạm Duy, “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn“, thơ Du Tử Lê, nhạc Phạm Đình Chương, “Khi Xa Sài Gòn“, thơ Kim Tuấn, nhạc Lê Uyên Phương, “Cho Một Thành Phố Mất Tên”, thơ Hoàng Ngọc Ẩn, nhạc Phạm Đình Chương, “Sài Gòn Cảm Khúc“ của Trần Chí Phúc,...

Tôi yêu những bản nhạc nói giùm tôi những tâm tư và ước vọng. Độ chừng, nhiều người cũng giống tôi. Tôi chỉ yêu và thích chứ không đặt tiêu chuẩn hay dở. Có những khi, nghe những bản nhạc cũ, lại bồi hồi. Xốn xang. Tôi biết chắc một điều có những bản nhạc đã cùng sống và cùng thở với tôi trong chung một cuộc nhân sinh. Đâu có thể nào có ai mang cắt đi một phần tâm linh được.... Như mang xóa bỏ đi những bài hát hoài niệm yêu quê hương của thời đại tôi, dân tộc tôi... Dù, kẻ đó là những người của chế độ ngụy tín Cộng sản hiện hữu. Những bài hát ấy, có phải là bằng chứng cho một quãng thời gian đầy biến cố tang thương đau đớn. Chia ly, hận thù, giết chóc, chuyện quê hương,đất nước tôi...

Nguyễn Mạnh Trinh
thienthanh
Posts: 3384
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Bệnh nhậu!
Phiếm luận của Gã Siêu
Một trong những chứng bệnh của phe đờn ông con giai, khiến cho quí bà quí cô nhiều khi phải nhăn mặt "âm thầm gặm nhấm nỗi đớn đau cô đơn" của mình, đó là chứng bệnh nhậu.

Để diễn tả nỗi đớn đau vò võ ấy, người ta đã nhái theo bài hát "Hòn vọng phu" như sau:

Bao nhiêu đêm cầm roi đứng đợi chồng về,
Bao nhiêu đêm vòng tay đứng nghe chồng thề.

Không hiểu bên Tây, người ta nhậu ra làm sao và nhậu theo phong cách nào? Chứ còn tại Việt Nam, người ta nhậu ở mọi nơi, trong mọi lúc và với bất kỳ lý do nào. Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu và thậm chí muốn nhậu là nhậu, chẳng cần lý do nào sốt.

Vì vậy, phong trào nhậu cứ "liên tục phát triển". Chả thế mà đất nước mình thuộc vào hạng nghèo rớt mồng tơi, nhưng lại có mặt đầy đủ những thứ bia nổi tiếng trên thế giới và hàng năm người ta sản xuất ra không biết bao nhiêu triệu lít bia.

Rồi trong những ngày gần đây tại Saigon, xuất hiện hàng loạt những "làng nướng", làng "lẩu"... Cứ chiều chiều đi ngang qua những thứ làng này, mùi thịt thà cá mú bốc lên làm điếc mũi hàng xóm. Tất cả những điều ấy, gã đã có dịp trình làng. Riêng hôm nay, gã sẽ nhìn hiện tượng nhậu dưới góc độ của anh đờn ông cũng như của chị đờn bà, để rồi đi đến một kết luận cụ thể, đó là ta phải nhậu như thế nào cho đáng mặt mày râu.

Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào chi tiết, gã xin đề cập tới vị sư tổ của trường phái nhậu, đó chính là Lưu Linh. Theo sách vở thì Lưu Linh tự là Bá Luân, người đời Tấn. Ông thuộc nhóm "thất hiền", tức là một trong bảy vị hiền tài ở Trúc Lâm, tính tình phóng khoáng, thích uống rượu lại giỏi thơ văn. Ông đã để lại cho đời một bài thơ bất hủ, ca ngợi cốt cách phong lưu của việc uống rượu. Bài thơ ấy mang tựa đề là "tửu đức tụng". Chả thế mà trong "Cung oán ngâm khúc" có câu:

Cờ tiên, rượu thánh ai bằng,

Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm.

Tục truyền rằng: vào một đêm trăng thanh gió mát, ông ngồi uống rượu và ngâm thơ với các "chiến hữu" trên một chiếc thuyền. Trong lúc cao hứng, ông đứng lên, loạng choạng bước tới mũi thuyền. Nhìn thấy vầng trăng lung linh dưới đáy nước mà cứ ngỡ là lơ lửng trên bầu trời, ông liền giang tay nhảy xuống ôm lấy trọn vầng trăng và thế là... dòng nước cuốn trôi. Từ đó cho đến nay, dân bợm nhậu vốn thường được gọi là đệ tử của Lưu Linh và tôn ông làm sư tổ của mình. Nhiều người cho rằng: Đối với phần lớn đờn ông con giai, thì tình yêu đi vào trái tim thường phải rẽ qua ngả đường của bao tử. Điều đó chứng tỏ rằng anh đờn ông con giai nào cũng khoái ăn ngon. Thế nhưng, đồ ăn thịnh soạn mà thiếu chất cay cay để đưa mồi thì cũng hóa thành nhạt nhẽo như người xưa đã bảo:

Cỗ không rượu như kèn không trống Thổi kèn mà thiếu tiếng trống thì chán mớ đời.

Chính vì vậy, rượu đã xuất hiện từ một thuở rất xa xưa và có mặt trên từng cây số nơi các dân tộc, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim và làm thành nét đẹp riêng của văn hóa. Chả thế mà trong ngành du lịch, người ta đã đưa ra chiêu bài nền "văn hóa ẩm thực" của dân tộc mình để thêm phần hấp dẫn hầu dễ bề móc túi du khách.

Gã không biết ai là người đầu tiên đã chế biến nên rượu. Thôi thì đành dựa vào Kinh thánh Kitô Giáo vậy. Theo sách Sáng Thế thì sau cơn đại hồng thủy, khi nước đã rút hết, thì Noah đã trồng nho và làm rượu. Ông cũng đã nhậu một chầu túy lúy với những xị rượu đầu tiên của mình. Và thế là chuyện nhậu được phổ biến và trở thành một tập tục của loài người. Hai tên bạn khố rách áo ôm lâu ngày gặp nhau, thế nào cũng phải làm sương sương với nhau vài táo. Các chính khứa hội đàm "mí" nhau và khi cuộc hội đàm kết thúc, thế nào cũng phải có màn chiêu đãi tiệc tùng. Cũng bởi lẽ ấy, mà các cụ ta ngày xưa đã bảo:

Nam vô tửu như kỳ vô phong, có nghĩa là đờn ông con giai mà không biết uống rượu thì như cờ treo mà không có gió. Ủ rũ.

Gã xin ghi lại nơi đây tâm sự buồn của một anh con giai không biết nhậu, được đăng trên một tờ báo của giới kẹp tóc:

"Khi còn độc thân mỗi lần được bạn bè mời đi dự đám tiệc, tôi đều phải len lén chọn những bàn tập trung phái nữ và cũng chọn cho mình một loại thức uống giống y như họ là một chai... nước ngọt! Trong lúc bạn bè cùng "hệ" đang hí hửng với những ly bia vàng óng, sóng sánh bọt, tưng bừng hô vang "Zdoô, zdoô..." một cách hết sức sôi động, thì tôi chỉ biết cắm cúi gắp lấy gắp để cho đến món cuối cùng hầu được... ra về! Đến khi lập gia đình, điều kém may mắn này lại càng được bộc lộ rõ ràng hơn.

Ngay vào ngày cưới, thường chú rể là người "bị" uống nhiều nhất. Hết bàn này đến bàn khác, hết người này chúc mừng đến người kia mời mọc. Mặc dù đã "tự nhủ lòng" phải kiềm chế tối đa để bảo đảm cho một đêm tân hôn... cực kỳ tỉnh táo, nhưng trước những lời chúc tụng quá ư chân thành của bạn bè, của bà con hai họ, tôi cũng ráng gồng mình... uống, như để nuốt cạn từng lời chúc mừng chí tình chí nghĩa ấy!

Cho tới bàn cuối cùng, tôi chỉ còn nhớ được mang máng hình như có ai đó đã... vác tôi ra xe taxi rồi đưa về nhà trước khi tàn tiệc cưới! Đến khi giật mình tỉnh giấc đã là bảy giờ sáng của ngày hôm sau và điều chắc chắn rằng trong đêm tân hôn đó, chú rể vẫn còn là chú rể và tất nhiên cô dâu cũng vẫn còn là cô dâu, chẳng chút mảy may xây xước.

Đâu đã hết, điều kém may mắn ấy vẫn còn theo đuổi tôi cho đến bây giờ. Chẳng là gia đình bên vợ tôi rất đông người, bốn anh em trai cộng thêm với ba người anh cột chèo, vị chi là bảy người và ai cũng uống bia như uống... nước mía, chỉ lẻ loi mình tôi là "yếm thế".

Những lúc giỗ tết, tôi chỉ còn biết ngồi khép nép bên vợ để được "che chở" khỏi bị ép uống... Có thể nhiều bà vợ cứ nghĩ chồng mình không biết uống rượu là một điều hạnh phúc, nhưng các bà đâu có thể hiểu hết được những "nỗi thẹn thùng" của các ông mỗi khi đụng chuyện. Đàn ông đàn anh như tôi mà không biết uống rượu quả đáng xấu hổ. Vì thế, nếu cho tôi một điều ước, tôi sẽ chẳng do dự nói ngay rằng: Phải chi tôi cũng biết... nhậu".

Nếu như cô gái lỡ thời đã tâm sự: Không chồng khổ lắm chị em ơi! Thì hẳn anh chàng này cũng phải lớn tiếng mà kêu lên: Không nhậu khổ lắm anh em ơi!

Đã vậy, nhiều lúc chẳng muốn nhậu mà cũng vẫn bị nhậu và bắt buộc phải nhậu, thì nào có khoái, có vui sướng gì cho cam. Dĩ nhiên ở đây gã không bàn tới những vị sáng say chiều xỉn tối lăn quay, thuộc hàng cao thủ võ lâm, bợm nhậu mãn tính hay dân ghiền hạng nặng, dám vỗ ngực tuyên bố: Thà bỏ... vợ còn hơn bỏ... nhậu.

Nhưng chỉ xin đề cập đến những đấng thường thường bậc trung, mỗi khi nhậu đều có những lý do chính đáng và lắm lúc có cả giấy phép của... bà xã nữa. Vậy tại sao những đấng ấy lại nhậu, hay nói một cách khác, những đấng ấy nhậu để làm gì? Dựa vào một bài báo của giới phụ nữ, gã xin bổ túc và đưa ra những lý do khiến người ta nhậu một cách rất chính đáng.

Lý do thứ nhất, đó là phải nhậu thì mới có tiền. Mới nghe qua lời phát biểu này thì thấy nó có vẻ vô lý, bởi vì theo luật kinh tế: càng đông vui thì lại càng hao. Nhậu miết thì thể nào cũng mắc chứng "viêm màng túi" kinh niên. Thế nhưng, nếu suy nghĩ một chút, gã thấy cũng đúng.

Có một anh bạn, chủ một doanh nghiệp tư nhân, vốn được xem là "chuyên gia" nhậu. Gọi điện thoại tìm anh ta thường được nghe con gái anh ta trả lời: Ba con đi nhậu rồi.

Vợ anh ta phải "thay" chồng quán xuyến công việc sản xuất, trông coi cơ sở kiêm luôn nghề... "chỉ điểm": Anh ấy đang ngồi với ông nọ, ông kia ở quán...

Còn anh ta thì lại tâm sự: Nhậu hoài chán lắm, ở nhà với vợ con thích hơn, nhưng có nhậu mới ký được nhiều hợp đồng làm ăn. Hoàn tất hợp đồng, lời lỗ gì cũng lại... nhậu tiếp để kiếm hợp đồng mới, cứ thế mà nhậu quanh năm.

Có lẽ đúng như vậy. Thời buổi kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, cơ sở của anh ta thì nhỏ, vốn ít nhưng đều đều có hợp đồng để làm, đủ trả lương công nhân, nhà xưởng, điện nước, thuế má và quan trọng nhất, đã nuôi sống cả gia đình bố mẹ, vợ chồng và ba cô con gái. Tuy rằng trong đó có công sức không ít của người vợ: hiểu chồng và giúp chồng.

Lý do thứ hai đó là nhậu để tỏ ra có tí quyền, tí chức và cũng bề thế như ai.

Một anh bạn khác, ngoài những tiệc nhậu ở nhà hàng được người ta mời, anh ta cũng thường tổ chức nhậu tại nhà với danh nghĩa là đám giỗ. Giỗ bên nội, rồi giỗ bên ngoại. Khách được mời toàn những nhân vật có "máu mặt", thiên hạ nhìn vào phải nể phục sát đất quyền cao chức trọng của anh ta. Có lần người ta thắc mắc không biết là giỗ ai, hỏi ra mới hay: Giỗ người em họ của ông nội, mà khi mất mới có vài tuổi, gia chủ cũng chẳng còn nhớ tên là gì, nên chỉ gọi là giỗ... ông trẻ!

Lý do thứ ba đó là nhậu để thắt chặt tình bè bạn.

Như trên gã đã nói: hai tên bạn cũ lâu ngày gặp nhau thì chỉ cần làm mấy ly là sống lại biết bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp của một thuở xa xưa. Hơn thế nữa, khi rượu đã ngấm vào lục phủ ngũ tạng, lúc bấy giờ các chiến hữu tha hồ mà "nổ", sẵn sàng tỏ lộ tâm can tì phế của mình. Những chuyện không thể nói với bà xã, thì lúc này là lúc thuận tiện nhất để tuôn ra rông rổng cho các chiến hữu.

Nếu ở nhà: Nhất vợ nhì giời. Còn bây giờ và ở đây: Trời chỉ bằng cái vung, thì bà xã chắc chắn cũng chẳng là cái thớ gì cả.

Rượu mở mang trí hóa, giải bớt cơn sầu và làm cho tình nghĩa tuôn chảy tràn trề và lai láng khiến các chiến hữu sẵn sàng cảm thông, không phải chỉ chín bỏ làm mười, mà nhiều khi chín bỏ làm mười một mười hai không chừng. Và khi tới màn chót của vở kịch, các chiến hữu sẽ hôn nhau chùn chụt, hay ôm lấy nhau mà khóc thút thít, lâm ly bi đát hơn cả đờn bà con gái bội phần.

Sau cùng, lý do thứ tư đó là nhậu để nói cho thiên hạ biết rằng: Ta đây là loại đờn ông chính hiệu con nai vàng.

Thực vậy, bộ râu là dấu chỉ để phân biệt đờn ông đờn bà, như các cụ ta ngày xưa đã bảo:

Đờn ông không râu bất nghì,

Đờn bà không vú lấy gì nuôi con.

Thế nhưng, ngoài bộ râu ra, việc nhậu cũng đã trở nên dấu chỉ để phân biệt đờn bà đờn ông. Sở dĩ như vậy vì dân nhậu hầu như toàn đờn ông, còn đờn bà hầu như chẳng thấy... nhậu bao giờ. Gã chỉ xin nói "hầu như" mà thôi, bởi vì cũng có những chị đờn bà uống rượu như hũ chìm và cũng có những chị đàn bà... mọc râu mọc ria, oai ra phết. Trong khi đó lại có những anh đờn ông chỉ biết "phá mồi" và cằm thì nhẵn nhụi trơn tru, có vác kính lúp ra soi cũng chẳng tìm thấy được một cọng râu.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, đó là khi nhậu sừng sừng, người ta mới dễ bề tỏ ra mình là đấng "nam nhi đại trượng phu". Gã tìm thấy trên báo đã nếu trên tâm sự của một anh bạn đi tìm "bản lãnh đờn ông" trong việc nhậu như thế này:

"Sau khi lấy vợ, nếu không đi nhậu, các chiến hữu cho rằng bây giờ tôi sợ vợ", không xài được. Tự ái nổi lên, chứng tỏ ta đây không sợ ai hết. Thế là từ đó tôi luôn luôn sống trong tình trạng "bạn nhậu một bên và em một bên". Cho đến lúc vợ tôi "tuyên chiến" với nhậu, nàng luôn than vãn cằn nhằn, kêu ca, nổi giận bảo rằng thật bất hạnh khi kết hôn với một cái... hũ hèm, thì tôi thực sự hoảng hốt. Buồn quá, tôi lại tiếp tục tìm vui trong men nhậu.

Khi nhậu, tôi được các chiến hữu tung hô, được em út tôn sùng và nhiều thứ mà lúc tàn canh tôi không có được... Trong bàn nhậu tất cả đều bình đẳng, hơn thế nữa, nó giải tỏa biết bao buồn bực. Cùng lứa với tôi, bạn bè nhiều đứa đã giàu sang thành đạt, còn tôi vẫn cứ quèn. Nhưng trong bàn nhậu, "nhà ngói cũng như nhà tranh", tôi cũng ngon như ai nếu biết chịu chơi và chịu chi... Vợ tôi cho rằng tôi là người yếu đuối, nhưng khi nhậu tôi thấy mình có đủ "bản lãnh đờn ông". Bản lĩnh đờn ông này được bạn cảm nhận khi ruợu đã thấm vào như sau:

1. Bạn cảm thấy mình là người thông minh.

Ý kiến bạn hoàn toàn đúng và dĩ nhiên ý kiến kẻ khác hoàn toàn sai. Bạn sẵn sàng "nhả ngọc phun châu" với bất kỳ ai, về bất cứ đề tài nào, còn thiên hạ đang vểnh tai hướng tới bạn để lắng nghe. Rốt cuộc, sự cãi vã là điều không thể tránh khỏi khi mọi người đều... thông minh.

2. Bạn cảm thấy mình là người giàu nhất trên thế giới.

Thậm chí sẵn sàng bao luôn bữa tiệc, hay mua thêm rượu mời mọi người cùng uống, bởi vì bạn luôn có sẵn một núi tiền. Đối với bạn, thân xác chỉ là cát bụi, danh vọng chỉ là mây khói và tiền bạc chỉ là... bùn đất mà thôi.

3. Bạn cảm thấy mình là người gan dạ.

Bạn sẵn sàng đánh nhau với bất cứ ai. Chỉ cần một lời nói trái tai, lập tức người ấy trở thành kẻ thù của bạn. Không một ai có thể đánh bạn phun máu đầu, bởi vì bạn không hề lùi bước trước bất kỳ đối thủ nào. Bạn là người gan dạ cơ mà. Khi đã xỉn rồi, bạn cứ giữa đường mà đi, mặc cho xe cộ thi nhau tránh. Thậm chí, bạn còn dám bò bằng "bốn chân" về nhà trước mặt vợ con và hàng xóm.

4. Bạn cảm thấy mình là người lịch sự.

Bởi vì bạn luôn mồm xin lỗi thiên hạ. Thậm chí khi bị va vào cột đèn sưng u cả đầu, thế mà bạn vẫn cứ đứng xin lỗi cho tới bao giờ cái cột đèn trả lời mới thôi. Có khi bạn xin phép chủ nhà để đi về tới mười lần mà vẫn luẩn quẩn chưa ra khỏi được phòng nhậu.

5. Bạn cảm thấy mình là người rất cẩn thận.

Thậm chí còn nhớ móc chân vào sườn xe đạp trước khi làm một giấc ngủ ngon lành ngay bên lề đường.

6. Sau cùng, bạn cảm thấy mình là người có trí nhớ tốt.

Bởi vì những việc tưởng chừng như đã qua đi từ đời tám tai ông Bành tổ, thế mà bạn vẫn nhớ và nhắc đi nhắc lại hàng chục lần, chỉ vì sợ kẻ khác quên hay không hiểu.

Những biểu lộ "bản lĩnh đờn ông" trên đây khi rượu vào, nếu ở mức độ trung bình thì tạo được một bầu khí vui vẻ và đôi lúc đem lại nét dễ thương, nhưng nếu đi tới chỗ thái quá, chắc chắn sẽ tạo nên những bất ổn, bởi vì: Rượu thì trắng, nhưng uống vào sẽ làm cho mặt đỏ và nhuộm đen tư cách. Gã xin ghi lại nơi đây bài thơ của Đăng Châu:

Đêm qua anh đi nhậu về,

Đợi anh, em thấy tái tê cõi lòng.

Khi đi lịch sự đàng hoàng,

Khi về xấc bấc, xang bang phát rầu.

Nào đâu chiếc kính đổi màu,

Cái máy di động mua đầu mùa xuân.

Nào đâu cái mũ phớt đen,

Cái "dây bao tử"...mất luôn, khỏi tìm.

Nói ra sợ tiếng sợ tăm,

Van anh, anh hãy giữ thân giữ mình.

Như xưa anh vốn hiền lành,

Cứ ăn nhậu miết, riết thành hư thân.

Muốn cho vợ quí, con thương,

Van anh sớm bỏ con đường bê tha.

Đêm qua anh đi nhậu về,

Đàng hoàng lịch sự bay đi... rất nhiều.

Từ đó, gã tự hỏi: Phe đờn bà con gái sẽ nhìn hiện tượng nhậu như thế nào và sẽ nghĩ gì về kẻ say xỉn?

Công bằng mà nói: Phe đờn bà con gái không uống rượu, nhưng lại rất khổ vì rượu.

Không cần nói ra thì ai cũng biết những hậu quả nghiêm trọng rượu đã gây nên. Nếu nhậu ở nhà thì mệt cho bà xã, vừa phải lo nấu nướng, lại vừa phải lo thu dọn. Chiến trường thật ngổn ngang và nồng nặc khi cuộc vui vừa tàn. May phúc nếu các chiến hữu còn tỉnh táo biết đường về và ông chồng leo lên giường ngủ một giấc. Bằng không, các chiến hữu cứ ngồi cù cưa, hát hỏng hay tâm sự còm với nhau, còn ông chồng lại quay ra quậy phá, chửi bới hàng xóm, đánh đập vợ con thì quả thật là hết nước nói.

Trái lại, nếu nhậu ở tiệm chắc chắn sẽ phải hao tốn giữa lúc kinh tế gia đình đang gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng không bảo đảm được sự trong sáng. Có giời mới biết. Ấy là gã chưa đá động tới những tai hại về sức khỏe, nhất là về hạnh phúc, bởi vì hầu hết các gia đình lục đục hay hục hặc với nhau phần lớn đều có chung một hiện tượng, đó là ông chồng say xỉn.

Một tác giả thuộc phe kẹp tóc, sau khi quan sát những biến động trong khu xóm, đã ghi nhận như sau:

"Có hai gia đình ly dị thì cả hai ông chồng đều là những hũ hèm, dù họ đều là những người có học, một ông kỹ sư và một ông phó giám đốc. Có ba phụ nữ góa bụa còn khá trẻ, thì ba người chồng của họ đều chết vì rượu.

* Một người chồng vì say, gây ra tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não.

* Một người khác không say nhưng lại do một kẻ say tông vào anh, gây thương tích nghiêm trọng và anh đã mất ở bệnh viện.

* Một người chồng khác qua đời vì đã "tự tử dần" trong rượu, bởi vì rượu đã hủy hoại lá gan lẫn nhân cách của anh ta...

Và cho dù không gây ra điều gì nghiêm trọng chăng nữa, thì chẳng người vợ nào hứng thú khi ông chồng mỗi tối về nhà với bộ mặt đỏ gay, mồm sặc mùi rượu và "ấn tượng" hơn là còn nôn thốc nôn tháo. Một phụ nữ có đứa con đau ốm liên miên, chị bảo vì nó là "đứa con của tối thứ Bảy". Chồng chị hay nhậu mỗi cuối tuần và sau khi đã ngà ngà ông ấy liền tìm đến chị và kết quả là đứa con duy nhất của họ cứ oặt ẹo hoài...

Một bà mẹ suốt đời quá khổ vì có ông chồng uống rượu, nên khi cô con gái xinh đẹp tới tuổi lấy chồng, có bao chàng trai theo đuổi, bà chỉ yêu cầu chàng rể tương lai một điều kiện duy nhất, đó là không uống... rượu".

Theo một tài liệu thống kê mới đây của tờ báo Le Figaro thì hàng năm tại nước Pháp có tới 40,000 người chết vì rượu và rượu là nguyên nhân thứ ba gây nên tử vong, sau bệnh ung thư và các bệnh tim mạch. Vì thế, người Pháp không ngần ngại gọi rượu là chất ma túy độc hại.

Trước những hậu quả nghiệt ngã ấy, theo gã ghi nhận thì lập trường cánh đờn bà con gái được chia thành hai phe.

Phe thứ nhất là phe chống đối quyết liệt, nhất định không thỏa hiệp với nhậu. Phải dùng mọi biện pháp từ yêu thương đến cứng rắn khai trừ rượu cho bằng được. Chẳng hạn trong những dịp giỗ tết, phải giảm bớt lượng rượu tối đa, phải nghe ngóng và khi thấy có hơi men trong nhà, thì lập tức và kiên quyết dập tắt.

Phe thứ hai là phe nghĩ rằng: già néo thì đứt dây, trước một hiện tượng hiển nhiên không thể xóa bỏ được, đành phải tìm giải pháp sống chung với rượu. Cũng như đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long, năm nào cũng bị ngập nước, nên đành phải đưa ra những cách thế sống chung với lụt. Giải pháp này được một chị mô tả như sau:

"Không cho ổng đi thì không được, vì làm sao mà ngăn chặn. Tôi đành vớt vát: anh nhậu in ít thôi. Dĩ nhiên là tôi được nghe ổng hứa những lời ngọt ngào như rót vào tai: Ừ, anh biết rồi, chỉ phá mồi chứ uống có vài lon..."

Tranh thủ việc ổng còn biết nể vợ và nghe lời vợ mà tôi kềm bớt, giữ ổng ở nhà được bữa nào hay bữa nấy. Ví dụ có ai mời thì tôi lấy lý do sinh nhật con, kỷ niệm ngày gặp nhau, quen nhau, yêu nhau, cưới nhau... để tổ chức tại nhà cho ổng bớt đi. Thậm chí đến cả lần cãi nhau đầu tiên, tôi cũng tổ chức kỷ niệm bằng một bữa ăn thịnh soạn ngon lành. Thế mà cũng không giữ chân được ổng mọi nơi mọi lúc. Dù cứng tay chiều chồng, buộc được ổng ở nhà một tháng, thì con ma men trong người ổng ít ra cũng sổng hết một hai ngày.

Mà những ngày ấy thì ôi thôi không sao kể xiết. Nói ra thì ổng bảo: "Có phải ngày nào anh cũng đi đâu, có phải anh mèo mỡ gì đâu. Tiền lương anh nộp hết cho em. Lâu lâu mới nhậu một bữa thì phải cho anh nhậu lâu lâu chứ?"

Chồng tôi vốn rất hiền và thương vợ, tuy lúc xỉn ổng có quậy, nhưng là quậy hiền, nên tôi vừa giận lại vừa buồn cười, vừa tức lại vừa thương mà chẳng thể nào bỏ ổng được. Bạn có biết không, ổng lấy cớ lâu lâu mới được vợ "thả" cho đi một lần, nên ông cũng thả giàn luôn, tới khi "lết bánh" mới về. Đến nhà, ổng dùng khổ nhục kế như tự đá vào vách, đập đầu vào tường... để mình thấy tội nghiệp, sợ ổng đau, trúng gió nên ráng mà lôi ổng vào giường để xoa dầu.

Vậy mà ổng còn làm eo, có chịu đi liền cho đâu. Cứ nằm ì ra đó... Đó là lúc xỉn chưa tới bến, chứ còn khi tới bến rồi, ổng mở cửa tủ mà tưởng mở toilet, báo hại bao nhiêu quần áo đều bị ướt đẫm, phải mang đi giặt... Rồi có mấy ông sang hơn nữa đổ bia vào giầy rồi thi nhau xem tên nào uống cạn nhanh nhất.

Rồi lại còn cái nạn chờ chồng, chỉ có những bà có chồng nhậu mới thấu hiểu. Chuyện mất tiền, mất xe, thậm chí cả tai nạn đâu phải là hy hữu. Mà đang vui, chẳng ông nào chịu điện thoại về một tiếng vì ngán bị bạn chê là sợ vợ, mà ổng cũng không muốn gọi vì ngán bị mình càm ràm làm ổng mất vui. Thà cứ xả láng đi rồi về chuộc lỗi sau vậy. Dù đang giận và đang tức, mà thấy ổng chân nam đá chân chiêu lò dò về đến nhà, ngã vật xuống đất, thì nỗi vui mừng đã chế ngự được bao nhiêu tức giận... Thôi thì giảm được chừng nào hay chừng nấy. Cũng đành chấp nhận giải pháp sống chung với rượu. Miễn là ổng biết hạn chế, biết yêu thương mình lúc tỉnh, thì mình cũng sẵn sàng chiều ổng mỗi khi ổng xỉn".

Trước khi kết luận, gã xin kể lại một vài mẩu chuyện luợm lặt được trên báo chí thành Hồ để làm giảm bớt bầu khí căng thẳng. Mẩu chuyện thứ nhất được gọi là "nụ hôn kinh hồn". Đây không phải là là nụ hôn "cẩu xực" làm mất cái lỗ tai đối thủ của võ sĩ Mike Tyson trong một trận đấu quyền anh đầy tai tiếng.

Mới đây ông Hai, một đệ tử Lưu Linh, vì quá hứng trong một chầu nhậu đến "quỷnh cà ná", đã ôm lấy ông Tư, người cùng xóm, tỉ tê tâm sự, rồi đột nhiên cắn một phát, tiện đứt cái lỗ tai của chiến hữu do tình cảm trào dâng như men rượu đế. Sau đó vì quá hối hận, ông Hai đã cầm dao chặt phăng ngón tay trỏ của mình để mong... chuộc lại lỗi lầm!

Mẩu chuyện thứ hai được gọi là "người có võ gồng". Trong một bữa nhậu, khi đã xừng xừng, một anh bạn bèn nổ: Tao có võ gồng. Một khi đã gồng lên thì dao chém vào đều bật tung ra hết.

Thấy các chiến hữu không tin, anh ta bèn xắn áo lên, đưa ra một cánh tay gân guốc và bảo: Cho tụi bay thử.

Nghe vậy, một chiến hữu bèn vác dao làm liền. Phập một nhát, tay anh ta đầm đìa những máu. Và thế là anh ta hét toáng lên: Tao nói giỡn, tại sao tụi bay lại làm thật.

Từ những điều vừa trình bày, gã xin lặp lại câu hỏi: Phải nhậu như thế nào cho đáng mặt mày râu? Theo gã nghĩ thì từ bản chất rượu không phải là điều xấu. Các bác sĩ cũng nói: Uống ít rượu mỗi ngày, có thể làm giảm nguy cơ tim mạch.

Đúng vậy bên Tây bữa ăn nào cũng phải uống ruợu vang đỏ bất kể đờn ông hay đờn bà, ấy thế mà người Tây ít bị cholesterol và bệnh tim mạch đấy. Sở dĩ rượu dẫn tới những hậu quả xấu là do người uống rượu không biết kềm chế và không biết tự đặt cho mình những lằn mức, những giới hạn. Thực vậy, khi ngồi vào bàn nhậu, phải biết giữ lấy nhân cách của mình. Rồi lại còn phải biết khi nào nên uống, còn khi nào phải sì tốp. Và khi đã đủ, thì dù có bị mời mọc, cũng phải thôi và một giọt cũng không.

Một tác giả khác đã tóm lược như sau: "Cái chính là người nhậu phải có 'bản lãnh đờn ông', biết lúc nào thì dừng lại. Hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả đều phải nằm trong giới hạn cho phép. Mà người cấp phép lại chính là bà... vợ yêu quí của mình".

Và như vậy: Mình phải làm chủ rượu, chứ đừng bao giờ để cho rượu làm chủ mình.

Gã Siêu
dailien
Posts: 2451
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

“THẰNG GIÀ”

Huy Phương

Ngày xưa trong làng xã, người lớn tuổi bao giờ cũng được kính trọng. Người ta quan niệm người lớn tuổi chừng nào được coi như được hưởng phước Trời Đất, trong cộng đồng đó là những người đáng kính trọng mà ta thường nghe câu tục ngữ “kính lão đắc thọ”. Ở chỗ tiệc tùng làng thôn người lớn tuổi được ngồi ở chiếu trên, ở tầm vóc quốc gia, đối với những người có tuổi thọ, Vua thường cấp đất ruộng để dưỡng già, giảm hoặc miễn sưu thuế. Xưa ở kinh đô hằng năm, theo lệnh của nhà Vua, mỗi tỉnh phải chọn ra một ngày tốt, trích công khố, đặt yến tiệc để chiêu đãi các vị bô lão từ 70 tuổi trở lên dự tiệc gọi là yến lão.

Nói chung là đối với những người lớn tuổi, trong gia đình hay ngoài xã hội đều được kính trọng. Chúng ta không lạ gì với những bổng lộc, vật chất mà xã hội thường trân trọng dành cho tuổi già với câu tục ngữ “một sợi râu là một xâu bánh”.

Chính sự kính trọng đối với tuổi già, người đời đã cho tuổi già một chỗ đứng riêng và không muốn người già có những lầm lẫn, thói hư tật xấu của một người trẻ tuổi. Người ta sẵn sàng tha thứ cho tuổi trẻ với lý do “trẻ người non dạ”, “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng người ta không chấp nhận cho những lầm lẫn, xấu xa của tuổi già mà người đời thường kết án nặng nề là những “già trắc nết”, “già lựu đạn”. Người già là những người đã đi hết một đoạn đường, đã có nhiều kinh nghiệm sống, đã từng trải, đã có con cháu, vai vế trong gia đình, xã hội, không thể hành động nông nổi thiếu suy nghĩ như những người trẻ tuổi.

Thế gian gọi một người trẻ tuổi là “thằng con nít” còn chấp nhận được, nhưng người đời nói đến một người trọng tuổi mà dùng hai tiếng “thằng già” thì đây là một lời khinh miệt nặng nề.

Vậy mà trong cộng đồng tỵ nạn Việt Nam chúng ta hiện nay ở hải ngoại, mấy năm qua cũng như trong những ngày gần đây, hai tiếng “thằng già” lại được tuổi trẻ dùng để gọi những người có tuổi mà thiếu hẳn nhân cách, đạo đức, làm những điều tệ hại. Trước tiên là những ông già “rủng rỉnh” đồng đô la, bỏ vợ bỏ con về quê kiếm gái tơ, thứ hai là những ông già phủ nhận hoàn toàn những hành động trong quá khứ để về lại với Cộng Sản, và hơn hết là nay lại có ông già mất hết liêm sỉ, trọng tiền tài, lợi danh, khinh điều lễ nghĩa, muối mặt, nói những lời bợ đỡ với kẻ thù. Những ông già này, tư cách rất đáng cho lớp con cháu gọi là “thằng già”!

Nói chuyện già và trẻ, người ta lại nhớ một chuyện phỏng theo Cổ Học Tinh Hoa:

“Hai người bạn qua đường thấy kẻ đánh chim sẻ chỉ đánh được toàn là sẻ non, vàng mép, bèn hỏi rằng:

- Sao không đánh được sẻ già?

Người đánh lưới nói:

- Sẻ già biết sợ, cho nên khó bắt, sẻ non tham ăn cho nên bắt dễ. Nếu sẻ non mà theo sẻ già thì bắt cũng khó, nhưng nếu sẻ già mà theo sẻ non thì bắt sẻ già cũng dễ.

Hai người bạn vừa đi vừa nói với nhau rằng: “Đúng là con sẻ già này theo sẻ non háo ăn, nhất là theo con sẻ mái nữa, thì đâu có gì lạ”.

Đó là câu chuyện một phỏng theo Cổ học Tinh Hoa. Trong Cổ học Tinh Hoa thật lại có bài nhan đề là liêm sỉ:

“Liêm, sỉ là tính rất hay của loài người, vì người mà không có liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm được. Người mà đến thế là người vứt đi không khác gì giống vật. Nhất là những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, mà nước phải nguy vong.

Đức Khổng Tử nói: “Hành kỷ hữu sỉ” nghĩa là giữ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thấy Mạnh Tử lại nói: “Nhân bất khả vô sỉ” nghĩa là người ta không thể không biết xấu hổ!”

Than ôi! thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đổi, người ta quên cả liêm, sỉ, không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu gọi là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa!”

Lại nói chuyện “Ông Kiềm Lâu là bậc cao sĩ nước Tề, đời Xuân Thu bên Tàu. Tính ông thẳng, bao giờ cũng giữ đạo phải, không chịu khất thân để luỵ đời. Ông nghèo lắm, lúc mất chỉ có cái chăn, không liệm đủ thân thể. Thầy Tăng Tử đến viếng thấy vậy mới bảo:

- Sao không để lệch cái chăn đi cho liệm đủ thân thể?

Người vợ ông nói: “Lệch mà thừa không bằng ngay mà thiếu”. Lúc sinh thời, tiên sinh vì thẳng mới được như thế. Bây giờ tiên sinh mất mà liệm lệch cho tiên sinh, chắc không hợp ý được tiên sinh.”

Tăng Tử nghe, không nói gì được nữa!”

Đó là chuyện “quân tử Tàu”.

Chỉ mong sao những người lớn tuổi ngày nay không bị ai gọi là “thằng già”, vì còn một chút suy nghĩ:

“Làm sao đến lúc tuổi già,
Còn sống nhân cách cho ra con người!”

Huy Phương
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests