Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà

Quân sử, những bài viết, ký sự, ...
Post Reply
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà

Post by vuphong »


Image

Quân lực Việt Nam Cộng Hoà: 1968-1975

Bài của nhà nghiên cứu về Việt Nam Bill Laurie -
Người dịch: Nguyễn Tiến Việt.

Lời người dịch: Bill Laurie là sử gia Hoa Kỳ, một trong những chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và nhân chứng được mời trình bày quan điểm trong cuộc hội thảo mang tên “Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà: Suy ngẫm và tái thẩm định sau 30 năm” (ARVN: Reflections and reassessments after 30 years) do Trung Tâm Việt Nam thuộc đại học Texas Tech tổ chức tại Lubbock trong hai ngày 17 và 18 tháng 3 năm 2006.

Trong số nhiều diễn giả Việt Mỹ, ông Laurie là người nêu ra quan điểm trung thực và thẳng thắn nhất của riêng ông về một quân đội mà ông từng sát cánh với cương vị một chuyên viên tình báo cao cấp trong nhiều năm, song song với những ý kiến không quanh co che đạy về giới truyền thông và chính trị Hoa Kỳ trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Bài này dịch thuật nguyên văn bài viết của Bill Laurie, mà ông dùng để trình bày lại, vắn tắt hơn, trong buổi hội thảo. Bill Laurie gửi tặng bài viết cho dịch giả, cho phép được dịch và phổ biến trong giới truyền thông Việt ngữ.
Trong bản dịch dưới đây, những chữ in nghiêng trong ngoặc đơn là chú thích thêm của người dịch để làm rõ nghĩa câu văn Mỹ của tác giả, những chữ in đậm là nguyên văn tiếng Việt mà tác giả viết trong tài liệu. Hình ảnh lấy từ website của Trung tâm Việt Nam, Lubbock, Texas .

QLVNCH thay đổi một cách đáng kể cả về số lượng lẫn phẩm chất trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1975. Sự thay đổi không hề được giới truyền thông tin tức (Hoa Kỳ) lưu ý, và nhìn chung thì đến nay vẫn không được công chúng Mỹ biết đến, vẫn không được nhận chân và mô tả đầy đủ trong nhiều cuốn sách tự coi là “sách sử”. Một phần nguyên nhân của sự kiện này là do bản chất và tầm mức của sự thay đổi không dễ được tiên đoán hay tiên kiến, dựa trên hiệu quả hoạt động và khả năng của QLVNCH trước năm 1968.
Bài này không hề muốn chối bỏ những vấn đề nghiêm trọng đã hiện hữu, hay chối bỏ rằng vấn đề tham nhũng, lãnh đạo kém cỏi không tiếp tục gây hoạ cho khả năng của QLVNCH bảo vệ đất nước họ. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó những vấn đề này có được giải quyết, và những khía cạnh tích cực của QLVNCH không thể bị xóa khỏi trang lịch sử vinh quang.

Tôi đã tự chứng nghiệm điều này, khi đến Việt Nam cuối năm 1971, phục vụ 1 năm tại MACV, rồi sau đó trở lại thêm hai năm, từ 1973-1975, làm việc ở phòng Tuỳ viên quân sự.
Khởi thuỷ, được huấn luyện và dự trù phục vụ như một cố vấn, tôi tham dự khoá huấn luyện căn bản sĩ quan lục quân tại Fort Benning, Georgia, Tình báo chiến thuật và chuyên biệt về Đông nam Á ở Ft. Holabird, Maryland, và học trường Việt ngữ tại Ft. Bliss, Texas. Tới Việt Nam thì được biết những nhiệm vụ cố vấn đang được giảm dần để đi đến chỗ bỏ hẳn; nên thay vào đó tôi được chỉ định vào MACV J-2 với cương vị một chuyên viên phân tích tình báo, trước hết phụ trách Cambodia, rồi tập trung vào Quân Khu IV, bao quát toàn vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong. Công việc này mở rộng một cách không chính thức để bao gồm công tác liên lạc giữa bộ Tổng tham mưu QLVNCH, các toán cố vấn Mỹ, các chính quyền tỉnh của Việt Nam, và cả các đon vị QLVNCH ở vùng IV. Trong 3 năm đó tôi có mặt lúc chỗ này, lúc chỗ khác, trên khắp 18 trong số 44 tỉnh của VNCH, liên lạc không những với các đơn vị Mỹ và VNCH mà cả với người Úc, cơ quan vịên trợ Mỹ USAID, và CIA. Khi thì đứng vào vị trí rất cao cấp trong những buổi thuyết trình ở tổng hành dinh của MACV cũng như ở bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, tuần lễ sau đó tôi có thể đã lội trên những ruộng lúa tỉnh Kiến Phong cùng với các binh sĩ Địa phương quân, hay bay ngang tỉnh Định Tường trên một chiếc trực thăng Huey của QLVNCH, hoặc là nằm trong căn cứ Biệt động Quân Trà Cú bên sông Vàm Cỏ Đông.

Nói tiếng Việt là điều vô cùng quan trọng, và trong vòng một tháng sau khi tói Việt Nam, thật rõ ràng hiển nhiên là những điều tôi từng nghe ở Mỹ, dù là tin tức báo chí hay là những cuộc thảo luận ngốc nghếch trong các trường đại học, mà có thể diễn tả được những gì tôi đang trải qua và gặp phải. Nói vắn tắt, tôi tự hỏi “Nếu tất cả những người ở Mỹ quả là đang nói về Việt Nam , thì mình đang ở nơi nào đây?”
Những thời khắc ngoài giờ làm việc của tôi được dàn trải trọn vẹn trong một kích thước thực tế hoàn toàn Việt Nam . Dù là ở Sài Gòn, Cao Lãnh, hay Rạch Giá, tôi cũng lui tới những cái quán nhỏ, với những bàn cà-phê, mì, cháo... háo hức lắng nghe người dân người lính Việt Nam nói chuyện, tôi hỏi han, và học được thật nhiều, nhiều hơn những gì tôi từng học ở Hoa Kỳ.
***
Sự học tập của tôi không dừng lại ở năm 1975. Từ đó đến nay tôi đã đọc hằng feet khối những tài liệu giải mật và hằng trăm cuốn sách, kể cả những tác phẩm tiếng Việt, phỏng vấn đến mức từ kỷ lục này qua kỷ lục nọ những người cựu chiến binh gốc Đông Nam Á và gốc Hoa Kỳ, săn tìm trong hằng trăm trang web Việt Nam và Đông nam Á trên Internet. Vẫn còn rất nhiều điều về Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan hơn là những gì công chúng Hoa Kỳ tưởng, và những kết luận do những người ở những xứ ấy tự trình bày lên thì lại không phù hợp với những gì mà hầu hết mọi con người (ở Mỹ) tưởng là họ biết.

Quả là có những vấn đề nghiêm trọng về tham nhũng. Đúng là có những tấm gương về lãnh đạo bất xứng. Tuy nhiên, chẳng phải ai nói hay gợi ý gì với tôi, mà chính là ngay lần đầu tiên đến vói Sư đoàn 9 bô binh VNCH, tôi đã phát giác khả năng dày dạn và đầy chuyên nghiệp trong những hoạt động mà tôi chứng kiến ở một trung tâm hoả lực cấp sư đoàn. Cũng chẳng ai nói với tôi là Sư đoàn 7 bộ binh VNCH, cái đơn vị mãi bị kết tội vì khả năng chiến đấu kém cỏi ở Ấp Bắc nhiều năm trước, đã biến thái thành một đơn vị có hiệu năng chiến đấu cao dưới tài lãnh đạo chỉ huy của tướng Nguyễn Khoa Nam, một con người thanh liêm không một tì vết, song song với tài năng về chiến thuật, mà đến nay vẫn không hề được công chúng Hoa Kỳ biết tới, tuy đã được người Việt Nam tôn sùng đúng mức. Cũng không hề có ai ngụ ý hay nói với tôi rằng có thể là lực lượng Địa phương quân tỉnh Hậu Nghĩa, là những dân quân của tỉnh, đã làm mất mặt chẳng những một mà tới ba trung đoàn chính quy của quân đội miền Bắc trong chiến dịch tấn công năm 1972 của Hà Nội. Họ đã nhai nát và nhổ phun ra nguyên cả lực lượng tấn kích của đối phương, một lực lượng có thể đã làm đổi chiều lịch sử vào thời kỳ đó. Địa phương quân không được pháo binh và không quân sẵn sàng yểm trợ như lực lượng chính quy VNCH, trong đó kể cả Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thuỷ quân lục chiến. Quân địa phương chỉ dựa vào kỹ thuật chiến đấu căn bản bộ binh. Nếu quân Bắc Việt đánh thủng được chiến tuyến này thì họ đã lập tức trực tiếp đe doạ Sài Gòn, chỉ cách đó 25 dặm, buộc sư đoàn 21 bộ binh VNCH phải rút khỏi quốc lộ 13, từ đó để cho lực lượng Bắc Việt hướng thẳng vào An Lộc. Và như tiến sĩ James H.Willbanks viết trong tác phẩm xuất sắc của ông (về trận An Lộc), Sư đoàn 21 tuy không thành công trong việc phá vòng vây An Lộc nhưng cũng đã buộc Bắc Việt phải đưa một sư đoàn đổi hướng khỏi chiến truờng An Lộc, nếu không, nơi này có thể đã sụp đổ với những hậu quả khốc liệt.
Nói vắn tắt, QLVNCH, một cách toàn diện, đã có khả năng cao hơn nhiều so với những gì tôi biết trước khi tôi qua Việt Nam, và càng cao hơn nhiều so với những gì được chuyển tới cho người dân Mỹ. Ngày trứoc... và ngày nay cũng vậy.
***
Trở lại thời kỳ đang thảo luận trong bản thuyết trình này, ai cũng biết QLVNCH vướng mắc nhiều vấn đề trầm trọng. Điều này là hiển nhiên. Nếu không như vậy thì đã chẳng cần phải yêu cầu những đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Thái Lan và New Zealand tới đó.
Tuy nhiên, còn có những chỉ dấu cho thấy lực lượng VNCH khi được trang bị đúng mức và chỉ huy tốt đẹp thì sẽ có khả năng tới đâu. Năm 1966 một tiểu đoàn Biệt động quân VNCH đã gây thiệt hại nặng và đã “giúp” giảm quân số chỉ còn 1 phần 10 cho một trung đoàn Bắc Việt đông gấp ba lần họ ở Thạch Trụ. Tiểu đoàn này được Tổng Thống Johnson tặng thưởng “Huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ”. Đại Uý Bobby Jackson, cố vấn tiểu đoàn này, đã mô tả người đối tác của ông, đại uý Nguyễn Văn Chinh (hay Chính?), như là con người tuyệt nhiên không hề sợ hãi. Tiểu đoàn 2 TQLC, mang huy hiệu Trâu Điên, đã từng bắt nạt nhiều đơn vị cộng sản miền nam và chính quy Bắc Việt, chứng tỏ sự xứng hợp của huy hiệu trâu điên (càng có ý nghĩa đối với những ai đã từng gặp phải một con trâu đang nổi giận (và bị nó ăn hiếp!) Công trạng của họ không hề được tường trình trong giới truyền thông tin tức của Hoa Kỳ, và về sau cũng bị bỏ quên trong cái gọi là “lịch sử”...
Năm 1968, trong bối cảnh cuộc tổng công kích 68 thất bại của Hà Nội, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ thấy rõ là kế hoạch Việt Nam hoá phải được tăng tiến, nhưng nhiều người (Mỹ) lại lầm tưởng đó là ranh giới giữa hai thời kỳ, thời kỳ QLVNCH không chiến đấu, và bây giờ là lúc họ bắt đầu chiến đấu. Thái độ này đã bỏ quên dữ kiện là mức tử vong vì chiến sự hằng tháng của QLVNCH đã vượt xa mức tổn thất trong toàn cuộc chiến của tất cả các lực lượng đồng minh cộng lại.

Rốt cuộc thì QLVNCH cũng được cung cấp vũ khí tối tân, thay thế những trang bị thời thế chiến thứ hai mà hầu hết quân lực này phải sử dụng (khoảng đầu năm 1968 chỉ có 5% quân đội VNCH được trang bị súng M16), nhìn chung thì thua kém vũ khí của Việt cộng và bộ đội Bắc Việt. Đồng thời, quân số cũng tăng tiến, theo như bảng dưới đây trình bày:
(bảng ghi những con số gia tăng quân số của các lực lượng chính quy và Địa phương quân, Nghĩa quân, từ năm 1968 đến năm 1972, cho thấy quân số tổng cộng tăng 28%, từ 820 ngàn lên 1 trịêu 48 ngàn quân. Trong đó, không quân gia tăng quân số tới 163%, hải quân tăng 110%, lục quân tăng gần 8% quân số)

Trong bảng này, nhóm từ Anh ngữ ARVN, tức the Army of Republic of Vietnam, có nghĩa là Lục quân Việt Nam, chỉ bao gồm 38% QLVNCH (tác giả không đồng ý dùng nhóm chữ ARVN để chỉ QLVNCH, và ông dùng nhóm chữ RVNAF, Republic of Vietnam’s Armed Forces). Ngoài ra còn những thành phần khác, gồm cảnh sát dã chiến, Nhân dân tự vệ, và các toán xây dựng nông thôn. Lực lượng xây dựng nông thôn không được coi là lực lượng chiến đấu, còn lực lượng Nhân dân tự vệ thường bị chế diễu nhưng (những lực lượng này) cũng là chướng ngại cho quân Việt cộng và quân đội Bắc Việt (North Vietnam’s Army trong nguyên bản). Có lần một toán cán bộ xây dựng nông thôn đã đẩy lui cả một tiểu đoàn Việt cộng ở tỉnh Vĩnh Long. Các toán viên biết gọi pháo binh của tỉnh yểm trợ. Chuyện này cũng không được biết đến để ghi nhận vào tài liệu.

Thành phần của lực lượng Nhân dân tự vệ thì quá trẻ, hay quá già, hay vì thương tật nên không gia nhập quân đội chính quy, chỉ phục vụ như lực lượng phòng vệ làng ấp chống lại những toán thu thuế, tuyển mộ, hay tuyên truyền của cộng sản địa phương. Nhưng Nhân dân tự vệ cũng là một yếu tố mà cộng sản địa phương phải đối phó sau năm 1968. Trứoc đó không có lực lượng này, Việt cộng ở địa phương tự do đi vào ấp xã lúc ban đêm. Nhiều lúc Nhân dân tự vệ không có hiệu quả, nhiều khi họ bị tuyên truyền để đi theo Việt cộng, nhưng có nhiều lúc khác lại có những báo cáo như sau: (trích từ các sách vở của các tác giả người Mỹ)

“ Hai Việt cộng đang bắt cóc một Nhân dân tự vệ thì một Nhân dân tự vệ khác xuất hịên, bắn chết hai Việt cộng này bằng súng M 1 (không ghi rõ garant hay carbine), tịch thu được một súng AK47 và một súng lục 9 ly.”
Và “cả hai ấp Prey Vang và Tahou đêm nay bị bắn súng nhỏ và B-40. Nhân dân tự vệ địa phương đẩy lui hai toán trinh sát nhẹ”
Còn nữa: một Nhân dân tự vệ 18 tuổi đã là người bắn cháy chiếc xe tăng đầu tiên trong rất nhiều xe tăng T 54 của Bắc Việt bị tiêu huỷ tại An Lộc trong cuộc bao vây năm 1972.
Hà Nội không mấy hài lòng về lực lượng này, theo như tài liệu sau đây:
“Chúng (QLVNCH) tăng cường các lực lượng bù nhìn, củng cố chính quyền bù nhìn và thiết lập mạng lưới tiền đồn cùng các tổ chức Nhân dân tự vệ bù nhìn ở nhiều làng xã. Chúng cung cấp thêm trang bị kỹ thuật và tính lưu động cho lực lượng bù nhìn, thiết lập những tuyến phòng vệ, và dựng ra cả một hệ thống phòng thủ và đàn áp mới ở những khu vực đông dân cư. Kết quả là chúng đã gây nhiều khó khăn và tổn thất cho lực lượng bạn (Việt cộng).”
Sự kiện này không thể xảy ra trước năm 1968, khi lực lượng Nhân dân tự vệ được thành lập và trang bị bằng những vũ khí thời thế chiến thứ hai do các lực lượng QLVNCH chuyển giao lại.

Tương tự như vậy, lực lượng Nghĩa quân, Địa phương quân với sự trợ giúp của các toán cố vấn Mỹ lưu động, được tuyển mộ thêm từ năm 1968 và trang bị vũ khí tốt hơn, khởi sự tiến bộ, như cố vấn David Donovan thuộc một toán lưu động chứng kiến trong một trận tấn công bộ binh năm 1970:
“ Chúng tôi vừa vuợt khỏi khu mìn bẫy chính thì bị hoả lực từ một rặng cây trước mặt bắn tới. Nước văng tung toé xung quanh, đạn bay véo véo trên đầu, trong tiếng súng nhỏ nổ dòn. Binh sĩ bây giờ phản ứng tốt lắm, không giống như trước kia cứ mỗi khi bị bắn là họ gần như tê liệt. Trung sĩ Abney chỉ huy cánh đuôi của đội hình hàng dọc, bung qua bên phải, sử dụng như thành phần điều động tấn kích, trong khi chúng tôi ở phía trước phản ứng lại hoả lực địch. Khi toán của Abney tới được chỗ địa thế có che chở thì họ dừng lại và bắt đầu tác xạ. Duới hoả lực bắn che đó chúng tôi tràn tới một vị trí khác. Hai thành phần chúng tôi yểm trợ nhau như vậy và tiến được tới hàng cây, sẵn sàng xung phong. Ba người trong toán của tôi bị trúng đạn, không biết nặng nhẹ ra sao nhưng mọi người đều xông tới. Chúng tôi đã hành động khá hay.”
Kinh nghiệm của Donovan không phải là độc nhất. Cố vấn John Cook nhắc lại niềm lạc quan của ông vào năm 1970:
“Chúng tôi (tức Cook và sĩ quan đối tác phía Việt Nam ) đang rất lên tinh thần, cảm thấy như mình là “kim cương bất hoại”. Tinh thần chiến đấu và hăng hái chủ động tấn công trong quận hết sức cao, khiến chúng tôi truy kích quân địch một cách gần như khinh suất, liều lĩnh.”

Những thành tích như vậy không phải mọi nơi đều có. Có những đơn vị không đáp ứng được trong thời kỳ thay đổi và vẫn bị lãnh đạo chỉ huy kém cỏi, chẳng thực hiện một cuộc hành quân lục soát với chiến thuật chủ động tấn công nào. Có khi cố vấn Hoa Kỳ suýt bị giết hay bị dọa giết bởi những sĩ quan địa phương của Việt Nam mà họ không hoà thuận được. Nhiều cố vấn Mỹ khác không gặp cảnh ngộ khó chịu đó, nhưng cũng chẳng có ấn tượng tốt nào về hoạt động của những đon vị mà họ cố vấn. Dù sao thì những chuyện tích cực và thích thú do cố vấn Mỹ chứng kiến cũng đầy rẫy, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng trong những cuộc thảo luận trên nước Mỹ hay trong ý tưởng của những người Mỹ bình thường, cũng như trong những gì được dạy dỗ tại các trường học Hoa Kỳ.

Sự tiến bộ hay những tấm gương xuất sắc ngay trước mắt không phải chỉ hiển hiện trong những lực lượng lãnh thổ và những sư đoàn bộ binh VNCH, (là những đơn vị) thường bị cho là không mấy nổi trội về chiến thuật chủ động tấn công. Cố vấn về kế hoạch bình định của tỉnh Quảng Trị Richard Stevens, trước đó từng phục vụ trong Thuỷ quân lục chiến Mỹ tại Việt Nam, tỏ ra ngạc nhiên trước thành tích của một đơn vị thụôc sư đoàn 1 bô binh Việt Nam trong trận tấn công một vị trí phóng hỏa tiễn của quân Bắc Việt. :
“Tôi có ấn tượng hoàn toàn tốt, và thực sự là kinh ngạc, về cách thức hành quân và sự táo bạo của họ trong mọi việc... Đây là cuộc hành quân thứ 13 như vậy do vị tiểu đoàn trưởng này chỉ huy. Ta đang nói chuyện về những chuyên gia hết sức tinh thục trong những gì họ làm, những người đã từng thực hịên những công tác sởn tóc gáy và vẫn tiếp tục thực hiện... Các cố vấn của trung đoàn này luôn luôn nói với tôi lúc tôi ra đó, rằng ‘anh đang làm việc với những người giỏi nhất. Chúng ta không có điều gì để mà có thể nói cho những người này làm. Chúng ta (các cố vấn) chỉ có việc yểm trợ hoả lực mà thôi. Còn về sự hiểu biết trong hành quân, thì họ là người dạy chúng ta’ Chúng tôi có các cố vấn người Úc và người Mỹ, họ đều nói y như nhau” (tác giả trích luận án Master năm 1987 của Howard C.H Feng, đại học Hawaii)

Ở miền Nam, trong lãnh thổ tỉnh Định Tường thuộc quân khu IV, sư đoàn 7 bộ binh VNCH cũng thi hành nhiệm vụ không hề có khuyết điểm, theo lời xác nhận của các cố vấn và các phi công Mỹ lái trực thăng chuyển quân cho các binh sĩ sư đoàn 7 trong những trận tấn công. Sư đoàn này từng bị mang tiếng là sư đoàn “lùng và né” (thay vì “lùng và diệt”, search and destroy), có thể vì trận Ấp Bắc hồi 1963, nhưng những ai trực tiếp công tác với họ không thể nói gì hơn là những lời ca tụng, ngưỡng mộ về sự tinh thông chiến thuật và tinh thần hăng hái xông xáo. Một cựu cán binh Bắc Việt xác nhận về sự dũng cảm của sư đoàn 7 bộ binh:
“Vùng giải phóng bị thu hẹp... Tôi mất thêm thời gian di chuyển quanh, cố tránh xa các cuộc hành quân của quân đội VNCH.
Ở Bến tre (tức tỉnh Kiến Hoà) sư đoàn 7 VNCH là lực lượng chính gây nên nhiều khó khăn. Hầu hết sư đoàn được tuyển mộ ở vùng châu thổ sông Cửu Long nên họ biết rành hết cả vùng. Họ thông thuộc vùng này cũng như chúng tôi” (tác giả trích dẫn David Chenoff và Đoàn văn Toại, sách Chân dung kẻ địch, Random House ở New York xuất bản năm 1986)

Tình hình còn tồi tệ hơn khi các đơn vị quân đội Bắc Việt điền khuyết cho các đơn vị “Việt cộng”, không hiểu biết chút nào về vùng này và được trang bị kém cho cuộc chiến kiểu các rặng cây ở phía bắc vùng châu thổ. Một tù binh cho biết bị bắt sống không bao lâu sau khi tới, lúc anh ta và những người khác được lệnh phục kích một cuộc hành quân càn quét của sư đoàn 7 vào ngày hôm sau. Bố trí xong trước bình minh, đội quân đáng lẽ phục kích người ta thì lại bị tấn công từ phía sau do thành phần bên sườn của sư đoàn 7, trước khi tới lượt lực lượng chính. (tài liệu trích dẫn)

Kết quả của điều này thêm hiển nhiên trong thời gian giữa 1968 và 1971, thời kỳ mà quân số lực lượng Hoa Kỳ giảm thiểu hơn một nửa, trong khi những cuộc hành quân tấn công của Việt cộng và quân Bắc Việt lại bị suy giảm rõ rệt:
(Bảng thống kê trong bài ở đoạn này cho thấy lực lượng Mỹ ở Việt Nam từ năm 1968 đến 1971 đã giảm 322 ngàn quân, tức 58%, các cuộc tấn công của Việt cộng và quân Bắc Việt cấp tiểu đoàn trở lên giảm 98%, chỉ còn 2 trận, những cụôc tấn công lẻ tẻ của phía cộng sản cũng giảm, kể cả những vụ bắt cóc, khủng bố, trong khi số xã ấp có an ninh tăng 56%, diện tích trồng tỉa lúa tăng 9,8%, thương vong vì chiến tranh của dân và quân phía VNCH giảm 55%, quân số của Việt cộng, Bắc Việt trên toàn miền Nam giảm 21%)
Tỉ lệ về các cuộc tấn công lớn nhỏ của phía cộng sản giảm hơn là tỉ lệ giảm quân số, cho thấy một sự sa sút toàn diện về khả năng quân sự, duới tỉ lệ dự đoán là 21% quân số sụt giảm. Điều này xảy ra trong khi quân số tham chỉến của Hoa Kỳ giảm tới 58%. Quạn cộng sản Bắc Việt và Việt cộng không những chỉ có mặt ít hơn trên toàn lãnh thổ, mà còn kém khả năng tung ra những cuộc hành quân tấn kích.

Nhiều con số thống kê của VNCH không chính xác, nhất là con số xã ấp có an ninh thì lại còn kém xác thực hơn, nhưng biểu đồ khuynh hướng khá rõ ràng, và không có bằng chứng dù về thống kê hay tin đồn vặt, mà nêu ra điều gì khác hơn là sự xuống dốc thẳng đứng trong thời vận của quân Việt cộng và quân đội Bắc Vịêt trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1971. Trong khi Việt cộng, gọi như vậy để phân biệt với quân Bắc Việt, không bị tiêu dịêt hoàn toàn, và những ổ kháng cự có ảnh hưởng mạnh do họ kịểm soát vẫn tồn tại ở những tỉnh như Chương Thiện, Định Tường, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thì Việt cộng ở địa phương cũng không còn là một lực lượng chiến lược. Nếu không có sự xâm nhập đại quy mô của quân Bắc Việt và sự cung cấp vũ khí hiện đại, thì chiến tranh đã dần dần tự tàn lụi. Những đơn vị và khu vực của Việt cộng tồn tại được cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào quân đội Bắc Việt để sống còn. Tác giả “phản chiến” Frances Fitzgerald của cuốn “Lửa trong hồ” (thật khôi hài, là cuốn sách bị đả kích bởi cả người chỉ đạo về tư tưởng của Hà Nội, Nguyễn Khắc Viện, lẫn người ủng hộ Mặt trận Giải phóng và Hà Nội, Ngô Vĩnh Long), nhìn nhận rằng khả năng sinh tồn của cả Việt cộng lẫn QLVNCH hồi năm 1966 là mỗi bên 50%, nhưng đến 1969 thì cơ hội sống còn của Việt cộng chỉ còn 10%, trong khi tỉ lệ này phía QLVNCH lên hẳn 90%. Nguyễn Văn Thành, sau 23 năm theo Việt cộng, hồi chánh năm 1970, cho rằng cứu cánh của Mặt trận giải phóng là vô vọng. Ông ta nêu ra những cuộc hành quân gia tăng của QLVNCH, sự phát triển những đơn vị Nghĩa quân xã quận và các chương trình Nhân dân tự vệ, cùng với kế hoạch cải tổ về ruộng đất của chính phủ VNCH, coi đó là những việc không thể đối phó được nữa. Stanley Karnow khẳng định thằng thừng trong cuốn sách được đánh giá cao quá đáng của ông, không cần giải thích nguyên do, rằng đến năm 1971, thì “riêng phía Việt cộng không phải là đối thủ của quân đội chính quyền Sài Gòn”

Don Colin trải qua nhiều năm ở Việt Nam, được nhiều người biết đến qua lối bày tỏ thô lỗ, phản bác thô bạo và quá đáng, cộng với lối rủa xả om xòm những gì mà ông ta coi là tào lao nhảm nhí. Ông này đã phải chịu đựng những khó khăn trở ngại, những khởi đầu sai lạc cùng những vấn đề tương tự, bị coi như toàn những điềm gở . Nhưng năm 1971 Don Colin cũng thấy những kết quả tích tụ hiển hiện ở vùng châu thổ:
“Ba mươi tháng trước, con số những cấp chỉ huy giỏi ở quân khu IV chỉ đếm được trên một bàn tay. Ngay cả tư lệnh quân đoàn, một cấp chỉ huy tốt, trong sạch và tương đối có khả năng, cũng nhút nhát, thiếu óc sáng tạo và không đủ sức kích động thuộc cấp vào những hoạt động xông xáo và tích cực. Cấp tư lệnh sư đoàn thì phần lớn thiếu khả năng, hầu hết các tỉnh trưởng cũng kém cỏi và tham nhũng. Các cấp chỉ huy thuộc quyền của họ thì chẳng những noi gương xấu mà nhiều khi còn phạm khuyết điểm quá hơn cấp trên nữa. Nhưng nay thì chuẩn mực chung về tài năng, sự trong sạch và tận tâm đã tăng lên tới mức mà trước kia tôi cho là không thể tưởng tượng được. Sự thay đổi đặc biệt này khiến tôi thêm lạc quan tin tưởng ở khả năng tối hậu của chính phủ trong việc kiểm soát được Việt Nam và thành lập một chính quyền ổn định.”
***
Rồi tới cuộc tấn công 1972 của Hà Nội, một cuộc tấn công tốc chiến phối hợp phương tiện cơ khí kiểu cổ điển (a classical blitzkrieg), với đặc điểm là những vũ khí hạng nặng và những vũ khí chết người được đưa ra sử dụng như hoả tiễn tầm nhiệt phòng không SA-7, hoả tiễn công phá điều khiển bằng dây AT-3, những đoàn chiến xa T-54 đuợc yểm trợ bằng mấy trăm khẩu đội hoả tiễn 122 ly, đại bác 130 ly, hơn hẳn tất cả mọi thứ từng được Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng pháo binh QLVNCH. QLVNCH bị đánh tơi bời, có lúc đã gần tới kết cuộc, và sự đổ vỡ hiển hiện rõ ràng. Nhưng cái quân lực đang nằm đo ván đã đứng dậy ở tiếng đếm thứ 8, hồi phục sức lực và bẻ gãy cuộc tấn công nặng nề nhất ở Việt Nam, tính tới lúc đó. Không ai khác hơn là học giả hàng đầu của Hoa Kỳ về Việt Nam, Douglas Pike, đã tuyên bố cuộc xâm lược của Hà Nội thất bại là vì “... Nam Việt Nam chiến đấu hơn hẳn quân đội xâm lăng đến từ phương bắc” Nhiều nhà bình luận, kể cả tướng Ngô Quang Trưởng, nói tới không lực Hoa Kỳ như một yếu tố quyết định, thì đó đúng là yếu tố chính. Nhưng những điều ngụ ý nói là QLVNCH không thể chiến đấu nếu như không có không lực Mỹ, thì đã thiếu sót hai điều căn bản. Thứ nhất, quân đội Mỹ cũng chỉ được yểm trợ bằng không lực giống như QLVNCH đã được. Thứ hai, là điểm người ta ít nhìn ra: không lực Hoa Kỳ là một yếu tố bổ sung để cân bằng với hai lực lượng vuợt trội của Bắc Việt là thiết giáp và, lợi hại hơn cả, là lực lượng pháo binh hơn hẳn, hoả tiễn 122 ly chính xác và đại pháo 130 ly gây tàn phá quy mô ở tầm tối đa 19 dặm (32 km). Hoa Kỳ không cung cấp cho đồng minh của họ, VNCH, những vũ khí lợi hại ngang bằng, nhất là về pháo binh, như Liên Xô và Trung Cộng cung cấp cho Hà Nội. Hà Nội có hằng trăm hoả tiễn 122 và đại pháo 130. QLVNCH không đủ đại bác để phản pháo, chỉ có 24 khẩu 175 ly, không chính xác bằng, bắn chậm hơn các loại 122 ly và 130 ly. Cả pháo đài kiên cố cũng không chịu nổi đạn 130 ly khoan hầm, nổ chậm. Tựu chung, trở lại đề tài không lực, thì không quân Việt Nam đã thi hành nhiệm vụ một cách đáng kính phục trong các trận chiến năm 1972, nhưng vẫn bị giới bình luận Hoa Kỳ hoàn toàn quên lãng. Một chuyên viên điều không tiền tuyến của Hoa Kỳ tỏ ra ngưỡng mộ một phi công A-37 của Việt Nam mà anh ta cùng thi hành một vụ tấn công không lục vào vị trí quân Bắc Việt:
“Anh ta đâm chúc đầu chiếc máy bay xuống tới tầm vũ khí liên thanh, và quả nhiên tôi thấy nhiều lằn đạn lửa vạch đường sáng bao quanh Pepper dẫn đầu. Tôi la lên báo động, thì đã thấy anh thả bom ở độ cực thấp và ghi một bàn tuyệt hảo trúng ngay bức tường. Trong những lần oanh kích tiếp theo ngay đó, các phi công của không quân Việt Nam cũng ghi bàn hoàn hảo mỗi lần đâm xuống, cũng là mỗi lần họ bị đạn phòng không bắn lên xối xả... Hoả lực từ mặt đất vô cùng mạnh mẽ. Quân Bắc Việt có vẻ như biết rằng đối thủ của họ là người Nam Việt Nam .
“Tôi tin chắc là hai chiếc A-37 sẽ bị bắn rơi, nhưng cả hai đều xả hết bom đạn của họ trúng đích, không hề hấn gì. Hai phi công không quân Việt Nam đã trình diễn một màn tuyệt vời, và tôi ngưỡng phục lòng can đảm của họ trên cả sự thông minh. Trong giây phút đó lòng can đảm ấy đã vuợt hẳn sự khôn ngoan trong những tính toán hơn thiệt về sự an toàn của cá nhân họ"
Đây không phải là một sự kiện riêng lẻ, theo như một quan sát viên không quân của Mỹ chứng thực:
“Không quân Việt Nam tự chứng tỏ sự trưởng thành trong cuộc tấn kích 1972... Trong trận phòng thủ Kontum KQVN thật cừ khôi, hết sức tuyệt diệu”
QLVNCH lãnh cú mạnh nhất của Hà Nội năm 1972, mạnh hơn nhiều so với trận Tết Mậu thân 1968, về khía cạnh quân số và hoả lực. Ước lượng có khoảng gần 150 ngàn quân Bắc Việt đã tham chiến trong giai đoạn 1, và thêm 50 ngàn quân khác bổ sung khi trận chiến tiếp diễn. Mặt khác, trong trận Tết ’68 chỉ có 84 ngàn quân Việt cộng và Bắc Việt tham chiến, với pháo binh và xe tăng rất hạn chế (ngoại trừ ở quân khu I)

QLVNCH tiếp tục hoạt động tốt đẹp sau khi hịêp định Paris gian lận được ký kết và bị vi phạm lập tức. Cuối tháng 11 năm 1973 một lực lượng đặc nhiệm VNCH đã đánh đuổi sư đoàn 1 Bắc Việt ra khỏi căn cứ Thất Sơn, gây tổn thất nặng tới nỗi sư đoàn 1 này của Bắc Việt phải giải thể, số quân sống sót phải gia nhập các đơn vị khác. Ít tháng sau sư đoàn 7 VNCH tung ra cuộc hành quân lớn để quét các đơn vị Bắc Việt khỏi mặt khu Tri Pháp ở vùng giáp ranh ba tỉnh Định Tường-Kiến tường-Kiến Phong, gây tổn thất nặng cho địch. Tri Pháp chưa bao giờ bị xâm phạm trong suôt cuộc chiến tranh, có đặc điểm là những vị trí phòng thủ kiên cố; cuộc thất trận gây hổ thẹn tới mức nhà cầm quyền cộng sản cảnh cáo các cấp là phải dấu sự thất bại đừng để bộ đội của họ biết, sợ bộ đội xuống tinh thần. Các phái đoàn Ba Lan và Hungary trong cái Ủy ban liên hiệp quân sự bốn bên bất lực, chỉ là gián điệp cho cộng sản Hà Nội. Nhưng một trong những báo cáo của họ năm 1973 xác định là không có đơn vị Việt cộng nào ngang sức với QLVNCH, và cả những đơn vị thiện chiến nhất của Bắc Việt cũng không sánh được với các đon vị Nhảy Dù và Thuỷ quân Lục chiến của VNCH.
***
Tuy nhiên đến giữa 1974 thì việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ bắt đầu từ từ siết cổ QLVNCH, và đạo quân này chỉ còn nước xuống dốc dần dần từ khi ấy. Đến 1975 cấp số cung ứng có sẵn (Available Supply Rate- ASR) dành cho đạn đại bác đã giảm nhanh tới mức không thể chấp nhận, như theo bảng dưới đây, cho mỗi khẩu đội bắn trong một ngày:
năm 1972 năm 1975 tỉ lệ giảm
Đạn 105 ly 180 viên 10 viên 94%
Đạn 155 ly 150 viên 5 viên 97%
Đạn 175 ly 30 viên 3 viên 90%
Mọi thứ bị cắt đến tận xương, rồi tận tuỷ. Nhìêu binh sĩ bộ binh được cấp số đạn căn bản là 60 viên M16 cho một TUẦN LỄ. Nhiều đơn vị cấm binh sĩ bắn M16 liên thanh, chỉ được bắn phát một. Các đơn vị chạm địch có khi bị giới hạn chỉ còn được bắn yểm trợ hai trái đạn đại bác, ngoại trừ khi bị tràn ngập. Thiếu cơ phận thay thế, xe tăng, tàu giang tuần, máy bay... nằm ụ chờ rỉ sét (“cho mối mọt ăn”). Tệ hơn nữa, binh sĩ QLVNCH và gia đình họ phải chịu thiếu thốn khi nền kinh tế bị lạm phát 50%, và 25% thất nghiệp. Một bản nghiên cứu của cơ quan DAO thực hiện năm 1974 tiết lộ 82% binh sĩ VNCH không có đủ thực phẩm cho nhu cầu của gia đình. Đói kém và suy dinh dưỡng làm xuống tinh thần cùng khả năng chiến đấu. Tình hình những tháng sau đó càng xuống dốc, và người ta đau lòng chứng kiến một cái chết chắc chắn sẽ đến vì hằng ngàn vết thương. Một năm sau, khi chính phủ Việt Nam cuối cùng sụp đổ, và, theo như những sách gọi là sách sử, thì nhiều người Mỹ ngạc nhiên, tự hỏi tại sao mọi thứ có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy. Lẽ ra câu hỏi đáng chú ý hơn phải là tại sao QLVNCH đã có thể chiến đấu dài lâu sau thời gian giữa năm 1974, với sự thiếu thốn về vũ khí, trang bị, đạn dược, nhiên liệu, thuốc men, với những cái bụng lép kẹp, và gia đình cũng đói khát không kém?

Khi bắt đầu sự đổ vỡ tan hoang, và đám đông hỗn độn theo lệnh ông Thiệu rút khỏi vùng cao nguyên, thì khủng hỏang và kinh hoàng xảy đến, phần nào tăng thêm vì những lệnh lạc trái ngược phát xuất từ dinh Tổng Thống. Nhưng trong sự sụp đổ nhục nhã sau cùng, vẫn có không ít những trận “Alamo” nhỏ của những người lính VNCH chiến đấu đến phút cuối.
Sư đoàn 18 đứng vững ở Xuân Lộc là một trận anh hùng ca, nhưng sự có mặt và vai trò của của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù trong trận này không hề được biết đến. Khi quân khu II đổ vỡ và kết cuộc đã gần, sư đoàn 7 VNCH vẫn đánh bại một nỗ lực của quân Bắc Việt muốn cắt quốc lộ 14, con đường quốc lộ duy nhất nối vùng châu thổ Cửu Long vói Sài Gòn. Vào ngày cuối, gọi là “ngày quốc hận” (tác giả viết bằng tiếng Việt), một máy bay AC-119 trang bị liên thanh sáu nòng do các trung uý Thanh và Trần Văn Hiền (hay Thành, Hiển?) còn bay quanh Sài Gòn yểm trợ hoả lực cho những đơn vị VNCH lâm chiến sau cùng. Hết xăng, hết đạn, họ đáp xuống đổ xăng và lấy thêm đạn, sĩ quan hành quân biểu họ không cần cất cánh nữa, tất cả đã mất hết rồi. Nhưng các trung uý Thanh và Hiền vẫn vững chí, nhận nhiên liệu và đạn dược, và được hai chiếc A1H-Skyraider tháp tùng do thiếu tá Trương Phụng và đại uý Phúc lái, họ tiếp tục lại một trận chiến tuyệt vọng. Sau cùng chỉ còn đại uý Phúc sống sót, oanh kích đến khi hềt đạn. Hai trung uý Thanh, Hiền và thiếu tá Trương Phùng đều bị SA-7 bắn rơi, tử trận. Họ đã chiến đấu đến mãi tận giây phút cuối cùng!

Một cách tổng quát, cứ bị đói như QLVNCH đã bị thì không một quân đội nào có thể chống lại cuộc tấn công cuồng bạo của quân đội Bắc Việt, vói thừa ứ những khẩu pháo, xe tăng, vũ khí, nhiên liệu, xe tải quân, đạn dược, do khối cộng sản cung cấp. Truớc một đạo quân VNCH bị rút ruột vì cắt vịện trợ như vậy, quân đội Bắc Việt đã phải tung ra tất cả những gì họ có. Chừng 400 ngàn quân cộng sản, gần 90% là bộ đội miền Bắc, được đưa ra trận để đánh bại QLVNCH. Hà Nội chưa bao giờ từng tung ra một lực lượng khổng lồ và hiện đại như họ đã ném vào trận chiến năm 1975. Hà Nội chưa từng rút ra tất cả các đơn vị từ Lào, Cambodia . Về lượng, quân số 400 ngàn là gần gấp 5 số quân Việt cộng và Bắc Việt lâm chiến hồi tết 1968, trong khi về phẩm, còn có hằng trăm đại bác tầm xa, hằng trăm xe tăng, hằng ngàn xe tải, và nguyên một kho vũ khí hiện đại, Đoàn quân viễn chinh năm 1975 có hơn gấp năm lần khả năng chiến đấu của lực lượng cộng sản hồi tết Mậu thân 1968.

Xem xét sự việc từ một khía cạnh khác, có thể phán đoán mà không sợ sai lầm rằng giả sử quân đội Bắc Việt bị yếu đi vì cắt giảm mức cung ứng như QLVNCH đã gánh chịu, thì họ không bao giờ có thể tung ra một cuộc tổng công kích sau cùng, mà hẳn đã yếu kém hơn thế nhiều. Ưu thế hoả lực quyết định chiến trường, chẳng phải là điều gì mới lạ trong lịch sử quân sự. Vào lúc cuối, QLVNCH chịu sự tổn thất khoảng 275 ngàn tử trận, không kể con số bị ám sát, trong một quốc gia mà dân số trung bình khoảng 17 trịêu. Nước Mỹ với dân số 200 trịêu, nếu chịu tổn thất với tỉ lệ tương đương trong cùng khoảng thời gian ấy, con số tử vong sẽ là 3 triệu 200 ngàn, cần dựng thêm 56 bức tường đá đen nữa mới đủ ghi tên tử sĩ. Điều này không lọt qua mắt của một số nhà quan sát. Sir Robert Thompson, tuy biết rõ những nhược điểm của QLVNCH, cũng kết luận:
“ Quân đội và chính phủ VNCH vượt qua những cuộc khủng hỏang quốc gia và cá nhân mà có thể đã nghiền nát hầu hết mọi người, và mặc dù mức tổn thất có thể gây kinh ngạc và làm sụp đổ Hoa Kỳ, VNCH vẫn duy trì được một trịêu quân dưới cờ sau hơn 10 năm chiến tranh. Vương quốc Anh cũng làm được như thế, theo tỉ lệ tương đương, trong năm 1917, sau ba năm chiến tranh, nhưng không bao giờ làm được nữa. Hoa Kỳ chưa bao giờ làm được điều này.” (được nhấn mạnh và thêm vào)

Ký giả Peter Kann, sáng suốt hơn rất nhiều so vói những đồng nghiệp, cũng nhập cuộc, sau khi Sài Gòn thất thủ:
“Nam Việt Nam quả đã phấn đấu để kháng chiến trong nhiều năm ròng rã, không phải lúc nào cũng được Hoa Kỳ giúp đỡ dồi dào. Ít có quốc gia hay xã hội nào mà tôi cho là có thể chíên đấu được lâu dài đến thế.”
***
Kế hoạch Việt Nam hoá có hiệu quả không? QLVNCH có trưởng thành nên một lực lượng chiến đấu có khả năng?
Có thể biện luận rằng kế hoạch Việt Nam Hoá có hiệu quả, nhưng lại bị moi ruột vì cắt giảm viện trợ chí tử. Năm 1974 có cuộc thăm dò các tướng lãnh Hoa Kỳ từng phục vụ tại Việt Nam, nhằm tìm hiểu chương trình Việt Nam hoá thành công tới mức nào. Các câu hỏi và trả lời như sau:
1. QLVNCH là lực lượng chiến đấu rất đáng chấp nhận?: 8% đồng ý.
2. QLVNCH xứng đáng và cơ may hơn 50% đứng vững trong tương lai?: 57% đồng ý.
3. Có nghi ngờ khả năng QLVNCH có thể đẩy lui một cuộc tấn công mạnh của lực lượng Việt cộng- Bắc Việt trong tương lai?: 25% nghi ngờ
4. Ý kiến khác và không ý kiến: 10%
Như vậy 65% các tứong lãnh chỉ huy của Hoa Kỳ dành cho QLVNCH tỉ lệ phiếu thuận, tuy nhiên những câu trả lời này có thể đã mang khuynh hướng lệch theo chiều xuống. Không biết bao nhiêu vị tướng phục vụ trong khoảng 1966-1967, trước khi QLVNCH thực hiện những đổi thay to lớn nhất. Chức vụ mà các sĩ quan này đảm trách là gì, họ làm việc với ai, và họ quen thuộc với quân đội VNCH ở mức độ nào, sự tăng tiến hiệu năng của lực lượng Địa phương quân, Nghĩa quân vân vân... cũng không được tiết lộ. Câu hỏi cũng không hỏi :”Nếu quân đội Mỹ cũng bị cắt giảm cung ứng như QLVNCH vào năm 1974-1975 thì còn đứng vững được bao lâu?”

Điều có thể nói chắc chắn, là QLVNCH từ 1968 trở đi đã hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp hơn nhiều so với những gì được biết đến một cách chung chung, rằng các đơn vị QLNCH đã thi triển tài năng để có thể đứng vững và đánh bại quân xâm luợc Bắc Việt trong năm 1972, thuờng là không cần tới sự yểm trợ hoả lực ồ ạt của pháo binh và không quân chiến thuật, như trong trường hợp của Nghĩa quân và Địa phương quân. Điều có thể nói chắc chắn nữa là sự hiểu biết của người Mỹ về việc này thấp kém đến kinh tởm, thấp tít mù xa như vực thẳm không đáy.

Một yếu tố rất quan trọng nữa mà nhiều nhà bình luận bỏ qua và tới nay vẫn không biết gì hơn, là thế hệ các sĩ quan, hạ sĩ quan QLVNCH trẻ trung hơn, hềt lòng hết dạ vì mục tiêu một nước Việt Nam không cộng sản. Họ cởi mở, ngay thật, biết lẽ phải, trong sạch, biết nhìn nhận phải trái, ví dụ như họ cho là người Thượng không nên được đối xử thấp kém hơn, rằng tham nhũng cần bị công kích, rằng một quốc gia Việt Nam mới cần được tạo thành, bung ra khỏi mọi xích xiềng quá khứ. Nhiều người trong số này có thể có vị trí tốt để tránh quân dịch hay giữ một chỗ an toàn, không ra trận; nhưng họ không cần cả hai thứ đó, đã có mặt trong hàng ngũ phục vụ tại những vị trí chiến đấu đầy nguy hiểm, với tư cách những người tình nguyện. Thái độ của họ được một sĩ quan trẻ của QLVNCH bày tỏ:
“Những người ở cỡ tuổi tôi vào quân đội vì chúng tôi có một lý tưởng, chúng tôi hiểu được cuộc sống trong một thế giới tự do ra sao, và sống trong thế giới cộng sản ra sao. Không phải như người ta nói, rằng những ai vào quân đội thì chỉ vì đến tuổi lính và không có lý tuởng gì riêng cho mình. Nhưng người Mỹ không bao giờ có vẻ hiểu ra điều đó.”

Trần Quốc Bửu là chủ tịch Liên Đoàn Lao công Nam Việt Nam, tương đương với AFL-CIO của Hoa Kỳ. Ông có ảnh huởng và có thể xếp đặt cho con trai ông tìm một chỗ an toàn, an toàn hơn nhiều so với vị trí của anh này là một sĩ quan bộ binh VNCH. Trong những tuần lễ sau cuối của VNCH, lúc bị Bắc Việt dập pháo tơi bời, tuyệt vọng trong cảnh thiếu đạn, con ông Bửu viết cho ông một lá thư:
“Ba phải giải thích cho người Mỹ hiểu sự nghiêm trọng của tình hình chúng ta... Họ phải cung cấp vịên trợ quân sự và kỹ thuật như họ đã hứa. Con xin ba, ba à, hãy can thiệp với họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị đè bẹp và thất trận. Tụi con không hèn nhát. Tụi con không sợ chết... Trong mọi tình húông, con sẽ giữ vững vị trí và không rút lui.”
Con ông Bửu hy sinh tại chiến trường.

Bác sĩ Phan Quang Đán là quốc vụ khanh về định cư và tị nạn, một cựu đối lập với ông Ngô Đình Diệm, nổi tíêng nhờ trong sạch. Ông có đủ quyền lực và ảnh hưởng để giữ con trai là Phan Quang Tuấn khỏi bị nguy hiểm. Cả hai cha con đều không chọn điều đó, và Tuấn tình nguyện lái A-1E Skyraider, chỉ dùng để yểm trợ chiến thuật gần cho các dơn vị dưới đất. Sau khi tiêu diệt 7 xe tăng quân Bắc Việt tại khu vực ngưng chiến, trong trận tấn công 1972 của Hà Nội, đại úy Tuấn bị hoả lực phòng không địch bắn rơi, tử trận. Những cá nhân ấy không phải là duy nhất. Người viềt bài này hằng ngày gặp những phi công trực thăng võ trang trẻ tuổi, những sĩ quan trẻ trong Biệt động quân, Thuỷ quân lục chiến, Nhảy dù, tất cả đều tình nguyện lãnh nhiệm vụ tác chiến nguy hiểm, bị “luỡng đầu thọ địch”, với hệ tư tưởng về một nước Việt Nam cộng sản, và với nạn tham nhũng trở thành thông lệ hằng ngày ở Sài Gòn. Một trong những tấm gương gây xúc động hơn nữa về lòng tận tuỵ với chính nghĩa quốc gia, là cảnh các sinh viên sĩ quan truờng Võ Bị quốc gia Đà Lạt chuẩn bị cho trận đánh sau cùng của họ, mà ký giả Pháp Raoul Coutard chứng kiến, vào lúc họ tiến ra để chặn các đơn vị quân đội Bắc Việt đang tiến tới:
“-Anh sắp bị giết đó!
- Vâng. Một sinh viên sĩ quan trả lời.
- Sao vậy? Đã kết thúc rồi mà!
- Tại vì chúng tôi không ưa cộng sản”
Và, lòng đầy can đảm, những sinh viên trẻ tuổi trong bộ quân phục mới toanh, tuyệt đẹp, giày bóng loáng, tiến ra để chờ chết”
Trường Thiếu Sinh quân ở Vũng Tàu, là trường nội trú, trong học trình có dạy quân sự cho các thiếu niên Việt Nam có cha tử trận. Khi đến lúc cuối, những em trai 12-13 tuổi đuổi các em thiếu sinh quân nhỏ hơn về nhà, lập chướng ngại vật bảo vệ trường và đối đầu với các đơn vị quân Bắc Việt:
“Họ tiếp tục chiến đấu sau khi tất cả mọi người khác đã đầu hàng!... Nhiều người trong số họ bị giết. Và khi quân cộng sản tiến vào, các thiều sinh quân đánh trả. Cộng sản không vào được ngôi trường ngay lúc đó.”
Những con người tương tự (lúc đó) đang gia tăng trong mọi cấp bực của QLVNCH, và nhu cầu cấp bách của tình hình buộc sự thăng thưởng phải dựa trên khả năng, không dựa trên quan hệ chính trị hay quan hệ gia đình.

Giới truyền thông Hoa Kỳ đã thất bại tại Việt Nam, thua bại hoàn toàn và thê thảm hơn nhiều so với các lực lượng quân sự của VNCH, Hoa Kỳ và các đồng minh. Họ thường lên án bằng những lối can thiệp đầy tự phụ và tự mãn. Một cuộc thăm dò 9,604 chương trình truyền hình của NBC, CBS và ABC từ 1963 đến 1977 cho thấy rõ những sự thiều sót của những cái gọi là bài tường thuật truyền hình. 0,7% chưong trình nói về việc huấn luyện QLVNCH. 0,8% về bình định. 2,7% về chính quyền hay quân lực VNCH hay Cambodia . Tổng cộng chỉ có 392 chương trình, tức 2,7% toàn bộ các chương trình tin tức truyền hình Mỹ, tường trình về Việt Nam . Không có một lời nào về hơn 200 ngàn hồi chánh viên, không một lời về QLVNCH thiện chiến. Không có gì về những phi công Ong Chúa lừng danh của trực thăng Việt Nam cứu mạng cho những toán lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ chạm địch dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Hầu hết người Mỹ, nếu không phải là tất cả, đều nhớ hình ảnh bi hùng của một người Trung Hoa đứng trước đoàn xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn, nhưng không ai biết trung sĩ thuỷ quân lục chiến Việt Nam Huỳnh Văn Lượm đứng trên cầu Đông Hà chặn đứng đoàn xe tăng Bắc Việt, tác xạ bằng khẩu súng chống tăng LAW của anh:
“Cảnh tượng anh lính TQLC nặng có 95 cân Anh trụ ngay trên đường tiến của 40 xe tăng không có ý nào muốn dừng lại, trên một khía cạnh thì là dại dột một cách khó tin. Trên khía cạnh khác, quan trọng hơn, hình ảnh này mang đầy niềm phấn khích đối với một lực lượng phòng thủ mỏng manh đến thê thảm, và với nhiều người tị nạn, ít ai trong số đó từng chứng kiến một hành động thách đố dũng cảm đến thế... Sự anh dũng lạ thường của người lính thuỷ quân lục chiến Nam Việt Nam này đã khiến đợt tấn công bằng xe tăng, tới lúc đó chừng như chắc chắn phải thắng lợi, đã bị mất đà tấn kích.”

Trong một khoảnh khắc mà giới truyền thông mang tật cận thị lên tiếng, thì phóng viên Donald Kirk tuyệt đối không tỏ ra sự quan tâm nào khi đến thăm sư đoàn 7 bộ binh VNCH, nơi đã trở nên một đơn vị có hiệu năng cao tuyệt dưới tài lãnh đạo của tướng Nguyễn Khoa Nam . Quân nhân trong sư đoàn nhận thức rõ giá trị những nông trại của sư đoàn do tướng Nam thiết lập để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho binh sĩ của sư đoàn 7. Nhưng khi Kirk và các phóng viên khác bị giữ lại ở một điểm chắn đường của quân đội Bắc Việt rồi được thả ra sau đó, thì Kirk lại thất vọng vì anh ta không có cơ hội để nói chuyện với bộ đội Bắc Việt:
“Tôi cứ nghĩ mãi về việc trông họ như vừa bước ra khỏi cuốn phim. ... Họ có vẻ là những tay chính quy, vậy đó. Tôi chỉ mong sao chúng tôi đã có thể ở lại thêm và nói chuyện với họ lâu hơn.”
Ông Kirk có thể yên tâm rằng quân sĩ sư đoàn 7 đều là “những tay chính quy”, rất đáng để nói chuyện, và học hỏi nơi họ. Anh chàng này, cũng như đông đảo trong giới truyền thông làm tin tức, đã không để ý gì đến việc đó, cho nên không có gì kỳ bí về nguyên nhân vì sao hầu hết những người Mỹ từng phục vụ tại Đông Nam Á đều nhìn cái giới truyền thông tin tức này với sự khinh miệt gay gắt.

Phải chi giới này chịu khó quan hệ với quân dân Việt Nam mà họ gặp gỡ, như tôi đã làm nhiều lần, thì đám ký giả hẳn đã biết trong mắt những người Việt ấy chủ nghĩa cộng sản của Hà Nội là điều đáng khinh bỉ và kinh tởm, như một loại phản bội văn hoá và truyền thống Việt Nam. Không phải những người Việt này chiến đấu và hy sinh để bảo vệ “chế độ tham nhũng của Thiệu”, mà là để gìn giữ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, cho con cái, và cho đất nước của họ. Một thuỷ quân lục chiến Việt Nam diễn giải và lột tả chân xác nhất về điều này, khi anh ta nói với tôi rằng sau khi quân đội VNCH giải quyết xong với quân đội miền Bắc, họ sẽ quay súng lại chống đám tham nhũng ở Sài Gòn. Những sự kiện thảm thiết bi thương sau năm 1975đã chứng thực tính thuận lý và giá trị của điều quyết tâm ấy.
***
Giới truyền thông giải trí và giới giáo dục ở Hoa Kỳ cũng chẳng khá gì hơn, mà còn mãn nguyện khi lặp lại, nếu không phải là thêm mắm thêm muối vào cái chuyện thần thoại do truyền thông dựng lên. Một cuốn sách sử trung học được sử dụng rộng rãi ở Mỹ có chương sử về Việt Nam không hề nói đến QLVNCH, chỉ viết rằng :”Việt Nam hoá thất bại,” ngoài ra còn gom góp hơn 200 điều khẳng định có thể được chứng minh là sai trái và mang hoàn toàn tính chất dẫn dắt lạc hướng, trong 13 trang bài học. Có nói đến vụ tấn công sang Cambodia, nhưng không nói gì về việc quân VNCH tham dự đông đảo hơn lực lượng Hoa Kỳ, 29 ngàn quân so với 19,300 quân Mỹ tham chiến. Sách cũng không nói lên rằng trước khi chính thức mở chiến dịch, quân đội VNCH đã tấn công trước vào các vị trí phòng thủ của quân đội Bắc Việt ở Cambodia . QLVNCH đã hoàn toàn vô hình, như một đề tài sẽ được trình bày nơi đây (trong cuộc hội thảo)
Phim ảnh và truyền hình lại càng tệ hơn, mặc dù có được một số phim tài lịêu lịch sử. Cả cuốn phim “Bat 21”, nhằm miêu tả cuộc tìm cứu trung tá Iceal Hambleton năm 1972, không thể hiểu được tại sao đã loại hẳn sự kiện là một chiến sĩ Người Nhái Việt Nam, Nguyễn Văn Kiệt, người cùng thi hành công tác tìm cứu đó với người nhái Hoa Kỳ Tom Norris, được tặng thưởng huy chương US Navy Cross do sự dũng cảm và anh hùng của Kiệt. Làm sao công chúng có thể trông mong được biết bất kỳ điều gì khi mà chề độ “kiểm duyệt” trên thực tế đã bôi xoá tất cả và từng dấu vết của sự hoạt động gương mẫu của QLVNCH?
***
Sau cùng, cần phải nhìn nhận rằng QLVNCH đã bị đè bẹp bởi một gánh nặng trầm kha không thể nào vượt thắng: đó là một đồng minh bất xứng, ngu dốt và gây rối một cách đáng kinh ngạc, dưới hình thức cái chính phủ Hoa Kỳ.
Một hội nghị chuyên đề toàn diện nên được tổ chức về đề tài này, và cần phải có hội nghị đó. Những chiến luợc giả hiệu phát xuất từ Washington, về bản chất, phải bị coi là cẩu thả mang tính cách tội ác. Không một hành động nào được tung ra để chặn và giữ đường mòn Hồ Chí Minh. Không có con đường này thì cuộc chiến tranh của Hà Nội đã không thể nào tiến hành được. Không một việc gì được thi hành để giao chiến với chiến tranh thông tin tuyên truyền-phản tuyên truyền dưới hình thức gọi là địch vận, một trong những chiến lược quan trọng của Hà Nội, được thi hành với những sự lừa gạt quỷ quyệt xuất chúng. Không làm một việc gì mãi đến khi cơ quan CORDS được thành lập để ra kế hoạch và phối hợp những hoạt động quân sự và bình định về mặt tình báo. Không làm một việc gì để khai triển một liên minh rộng lớn như một chiến trường chung của người Việt, người Lào, người Cambodia và Thái lan, chống lại kẻ thù chung, trong khi Hà Nội đã làm y như vậy: thiết lập một cấu trúc chỉ huy chiến trường Đông Dương nhằm kết hợp mọi yếu tố vào một chiến lược gắn bó cho toàn khu vực. Lý cớ về lãnh đạo của Hoa Kỳ là mù loà , lần mò vụng dại như con heo trên tảng băng, như một con cóc vàng, rất giàu có nhưng cũng rất ngu độn. (những chữ in đậm là những chữ tác giả viết bằng tiếng Việt)

Những kế hoạch, những đề nghị đi ngược giòng lịch sử khó có thể được chứng minh hoàn toàn chăc chắn, và có thể chiến tranh ( Việt Nam đã qua) là một cựôc chiến không thể nào thắng được.
Có thể như vậy. Tuy nhiên những người Mỹ, người Úc đã phục vụ sát cánh những chiến hữu của họ trong QLVNCH, “những chiến hữu, bạn bè, giống như anh em ruột,” (viết tiếng Việt trong nguyên bản) mang trong lòng họ nỗi buồn sâu xa vì đã thua cuộc, hay đã mất biết bao bạn bè tận tuỵ, mất cả niềm vinh dự lớn lao cho việc đã cố gắng đạt cho kỳ được một thế giới tốt đẹp hơn cho những người dân thường của Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan. Họ không bị thúc đẩy vì những quan niệm tinh vi về địa lý chính trị thế giới, nhưng đúng hơn, là do sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với nhiều người Đông Nam Á đã biềt yêu quý xứ sở, những con người đã “thề bảo vệ giang sơn quê hương”

Nhiều trang lịch sử còn chưa được lật ra, phản ảnh sự tiếp nối cái khuynh hướng của Hoa Kỳ chỉ toàn nhìn qua con mắt người Mỹ, bị lọc qua định kiến của người Mỹ. Một số sách vở nói đến Việt Nam như một “giai đoạn thử thách đầy khổ đau của Hoa Kỳ,” mà chưa từng một lần hỏi xem người Đông Nam Á đã trải qua loại thử thách khổ đau nào. Đầy rẫy những dữ kiện lịch sử quý giá và những nét quan sát sắc sảo nằm trong những cuốn sách được viết do người Việt Nam (và cả người Lào,) Thiếu những sách đó, không thể nào có được sự hiểu biết toàn diện. Những tác phẩm của Lý Tòng Bá, Hà Mai Việt, Phạm Huấn, Phan Nhật Nam, Trần Văn Nhựt, và nhiều người khác, đang kêu gào đòi được dịch thuật, cũng như hằng chục bài phổ biến hằng năm trên sách báo tạp chí quân sự và các ấn bản khác. Nhiều bài trong đó mô tả những trận đánh, những diễn tiến và những nhân cách, không hề được các sử gia Hoa Kỳ biết đến. Không tham khảo những nguồn đó thì chắc chắn là chiến tranh Việt Nam, cũng là chiến tranh Đông Dương của Hà Nội, sẽ mãi là những bí ẩn không thể giải đoán, và lịch sử chân thực của QLVNCH sẽ mãi bị chôn vùi dưới tầng lớp này qua tầng lớp nọ của những chuyện hoang đường, của sự không thông hiểu, và của sự giả định vô căn cứ.

Bill Laurie – March 18, 2006. Nguyễn Tiến Việt dịch thuật
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Ngày Quân Lực 19 Tháng 6
Nhớ về "Thiên Thần Mũ Đỏ"
“Nhảy Dù” là một trong những binh chủng thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Huy hiệu của Nhảy Dù là con ó và cánh dù trên nền đỏ. Con ó là biểu tượng của sức mạnh; màu mũ đỏ là màu máu, là tình thần anh dũng, là ý chí sắt đá, sẳn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ Quốc quê hương. Hình ảnh những lính chiến Nhảy Dù từ trời cao rơi xuống là biểu tượng của những “Thiên Thần Mũ Đỏ”, đáp cánh cánh xuống trần gian để bảo vệ cho người dân được sống an lành.

Được biết, Sư Đoàn Nhảy Dù là lực lượng tổng trừ bị của Quân Lực VNCH. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù được đặt ở Trại Hoàng Hoa Thám, ngã tư Bảy Hiền, thuộc tỉnh Gia Định. Trong trại có một Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù. Ngoài Trại Hoàng Hoa Thám, các đơn vị Dù nằm rải rác ở Biên Hòa và Vũng Tàu…

Về lịch sử, theo tài liệu, Sư Đoàn Dù được thành lập từ 29 Tháng 9, 1954 khi Quân Đội Pháp chính thức bàn giao cho VN tại Nha Trang, trong chương trình trao trả độc lập cho VN. Lúc đó Lữ Đoàn Dù có bốn Tiểu Đoàn 1,3,5 và 6 với quân số khoản 4000, gồm Bộ Chỉ Huy, Đại Đội Chỉ Huy Liên đoàn, các Tiểu Đoàn 1,3,5,6 và tiểu đoàn trợ chiến.

Mỗi tiểu đoàn Dù có Bộ Chỉ Huy, Đại Đội trợ chiến và ba đại đội tác chiến với quân số trên một ngàn người.

Ngày 1 Tháng 9, 1956 Trung Tá Nguyễn Chánh Thi thay thế Đại Tá Đỗ Cao Trí trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Nhảy Dù. Ngày 26 Tháng 9, 1959 Liên Đoàn Dù đựơc cải danh thành Lữ Đoàn Dù.

12 Tháng 11, 1960 Trung Tá Cao Văn Viên được đề cử giữ chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù và ông được thăng cấp Đại Tá thay thế Đại Tá Nguyễn Chánh Thi (Đão chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm thất bại).

1 Tháng 12, 1967 Lữ Đoàn Dù được phát triển thành Sư Đoàn Dù do Thiếu Tướng Dư Quốc Đống làm Tư Lệnh. Đến 11 Tháng 11, 1972 sau “Mùa hè Đỏ Lửa” Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng chính thức nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù thay thế Trung Tướng Dư Quốc Đống.

Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù trong Trại Hoàng Hoa Thám có nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù cho quân nhân thuộc binh chủng Dù và cho nhiều đơn vị bạn như Lực Luợng Đặc Biệt, Đơn vị Người Nhái Hải Quân, Biệt Kích Dù…

Sau khi thụ huấn ở Trung Tâm Huấn luyện Dù, các chiến sĩ Dù thường xuyên thao dượt ở các bãi nhảy như Củ Chi ở Hốc Môn, Ấp Đồn cạnh Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung, Phước Hữu ở Bà Rịa…

Tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết một lòng hy sinh bảo vệ đất nước quê hương của các chiến sĩ Mũ Đỏ được người dân Miền Nam biết đến qua nhiều chiến trường đẩm máu như Ấp Bắc, Kinh Bằng Lăng, Chiến khu “D”, Bến Cát, Bình Giả, Đồng Xoài, Phuớc Long, Dakto, Khe Sanh, Pleime, Bình Long , An Lộc…

Tết Mậu Thân 1968, Sư Đoàn Dù đã tạo được một chiến thắng vô cùng ngoạn mục ở Vùng I Chiến Thuật, chiếm lại Thành Nội Huế. Trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân VC chiếm đóng khá lâu các cổng Thành Nội. Đại Đội Hắc Báo bị bao vây trong Đại Nội.

Ngày 2 Tháng 2, TĐ2ND và TĐ7ND giải tỏa cửa Bắc Thành Nội Huế.

3/2 sau khi giải tỏa Quảng Trị TĐ9ND đã giải cứu Đại Đội Hắc Báo.

4/2 sau hai ngày giao tranh ác liệt, lực lượng Nhảy Dù đã chiếm lại cửa thành Phía Tây và giao lại cho SĐ1BB để tiếp tục giải tỏa Đông Ba.

7/ 2 VC tấn công và giật sập cầu Tràng Tiền. Trận chiến kéo dài cả tuần TĐ9ND tiếp tục giải tỏa cửa Phía Nam Thành Nội.

Sau khi đánh tan hai trung đoàn của CS Bắc Việt , tái chiếm Huế vẻ vang, Lực lượng Nhảy Dù cũng bị thiệt hại nặng.

Người dân Miền Nam không quên chiến công oanh liệt của Sư Đoàn Dù trong trận Hạ Lào. Dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Trần Quốc Lịch, lực lượng Nhảy Dù đã quần thảo với một sư đoàn chính quy của CS Bắc Việt, Sư Đoàn 986. Chỉ trong vòng 13 ngày Nhảy Dù đã loại Sư Đoàn Bắc Việt ra khỏi trận chiến.

Chiến trường “Charlie” cũng là một chiến trường sôi động, được nổi tiếng qua nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cứ điểm Charlie nằm trong vùng rừng núi Kontum. Tháng 4/1972 , Sư Đoàn 320 CS Bắc Việt bao vây Charlie với những trận mưa pháo không dứt.

Ngày 12 Tháng 4, 1972 hoả tiễn 122 rơi vào hầm Chỉ Huy Trưởng, Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng bị tử trận. Sau bảy ngày giao chiến TĐ1ND được lệnh rời căn cứ. Sau đó cả vùng bị B52 dội bom, trở thành biển lửa.

Chiến thắng oai hùng của Nhảy Dù, tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị được ghi lại trong bài hát “Cờ Bay”:

“Cờ bay ! Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu!”.

Ngày 28 Tháng 6, 1972 theo lệnh tổng phản công của Quân Lực VNCH hai Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến tiến quân phía Bắc sông Mỹ Chánh, trong khi SĐ1BB rẻ hướng Tây tiến vào Quảng Trị. Đến 25 Tháng 7 Tiểu Đoàn 5 ND đã vẻ vang cắm cờ Quốc Gia trên Cổ Thành Quảng Trị.

Mặc dầu đã xa quê hương hơn ba mươi năm, những chiến sĩ Mũ Đỏ vùng Hoa Thịnh Đốn vẫn giữ tinh thần “Nhảy Dù Cố Gắng” với niềm kiểu hãnh binh chủng và truyền thống anh hùng ngày xưa“. Ở đâu có giặc, ở đó có Nhảy Dù để bảo vệ đồng bào và giữ gìn từng tất đất của quê cha”.

Hiện nay Gia Đình Mũ Đỏ vùng Hoa Thịnh Đốn do Ông Nguyễn Văn Mùi làm hội trưởng. Ngưng cầm súng không có nghĩa là ngưng chiến đấu cho đất nước quê hương . Tinh thần anh dũng, quyết một lòng hy sinh bảo vệ Tổ quốc VN thân yêu vẫn sống trong tâm tư người lính Mũ Đỏ. Nhiều cá nhân Nhảy Dù vẫn hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị trong cộng đồng để tranh đấu tự do, dân chủ, và nhân quyền cho đồng bào ở quê nhà và tích cực trợ giúp anh em thương phế binh ở quê nhà.

“Các anh từ trời cao xuống trên đồng lúa
Bên hàng cây nặng trĩu trái thơml ành
Hương bát ngát hoa mùa xuân chớm nở
Cạnh sân trường và mái tóc em xanh

Những cụ già dõi bóng dù mê mải
Những em thơ ánh mắt long lanh
Chung nụ cười hoan lạc đón mừng anh
Trên nếp áo còn động mây hồ hải

Xóm làng em bắt đầu xây dựng lại
Hởi người anh ngày cũ đã xa rồi
Những cánh dù muôn nẽo đường sông núi
Xin gữi về anh niềm thương nhớ đầy vơi.
“Mũ Đỏ Trời Xanh” (Hoàng Ngọc Liên)

Tuyết Mai
hoanghoa
Posts: 2253
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

Image


Chào Mừng Kỷ Niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 6

(Phát biểu của cựu Y Sĩ Ðại Tá Hoàng Cơ Lân)
Trung Tân Trưởng TTÐH/ TTCSVNCH/ HN vùng Âu Châu

Paris, ngày 19 Tháng Sáu năm 2007


Thưa quý chiến hữu,

Thưa quý vị quan khách,

Cùng các bạn trẻ,


Năm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 41 Ngày Quân Lực của nước VNCH thân yêu. Cựu quân nhân chúng tôi muốn năm nay nhắc lại ý nghĩa của ngày này cho những đồng hương sống ở nước ngoài đã lâu, và nhất là những bạn trẻ sinh đẻ nơi quê người hay đã cùng cha mẹ phải bỏ nước ra đi hồi còn ít tuổi. Họ thường có những thắc mắc như:


1. Ngày quân lực 19 Tháng Sáu là ngày kỷ niệm của quân đội nước nào vậy?

2. Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, tại sao các chú các bác vẫn hàng năm tổ chức kỷ niệm Ngày Quân Lực?

Bài thuyết trình của tôi, xin chia ra làm 3 phần, rất tóm tắt:

1. Sự hình thành của QLVNCH.

2. Chiến tranh Việt Nam do cộng sản gây ra.

3. Tìm hiểu lý do sự sụp đổ của miền Nam, trách nhiệm của Quân Lực Miền Nam.


Tôi xin được phép nhắc lại một ít lịch sử: Căn cứ Ðiện Biên Phủ do Liên Quân Pháp-Việt chống giữ thất thủ Tháng Năm, 1954, và trận này kết thúc chiến tranh Ðông Dương. Hiệp định Genève sau đó chia đôi đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17: miền Bắc Việt dưới chế độ cộng sản và miền Nam dưới quyền chính phủ quốc gia. Quân đội viễn chinh Pháp, mệnh danh là Corps Expéditionnaire Francais, và Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam, quân số lúc đó là 279.200 người (170.000 cho lục quân, không quân 3.500, hải quân 3.700, địa phương quân 54.000, nghĩa quân 48.000) phải tập kết vào Nam. Ðầu năm 1956, những đơn vị cuối cùng của Quân Ðội Viễn Chinh Pháp rút khỏi Nam Việt Nam.

Sau khi đất nước chia đôi thì chính phủ miền Nam do Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm điều khiển (Quốc Trưởng Bảo Ðại thì ở bên Pháp). Ngày 23 Tháng Mười năm 1955, ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế của Bảo Ðại và được bầu làm Tổng Thống Ðệ Nhất Cộng Hòa. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị một số tướng tá lật đổ và sát hại ngày 1 Tháng Mười Một, 1963. Nền Ðệ Nhất Cộng Hòa bị cáo chung.

Về khía cạnh quân sự thì miền Nam được hưởng vài năm yên bình, từ 1955 cho đến giữa 1958. Các cán bộ cộng sản nằm vùng, sau khi bộ đội chính quy cộng sản chính thức rút về Bắc theo hiệp định Genève, bắt đầu tổ chức khuấy phá, ám sát, phá hoại theo kiểu du kích chiến. Chiến tranh dần dần lan rộng, từ cấp tiểu đội, đại đội tới tiểu đoàn rồi trung đoàn. Ngay sau khi lực lượng Pháp rút lui, Mỹ gửi cố vấn đến thay thế.

Với đà gia tăng của chiến tranh, sau đây là quân số Quân Ðội Quốc Gia, biến thành Quân Lực VNCH từ năm:

1959-1960: 243.000 người sau khi tổ chức lại.


1964: 514.000 người.

1967: 642.000 người.

1968: 820.000 người.

1969: 897.000 người.

1970: 968.000 người.


1971-1972: 1.051.000 quân với 410.000 lục quân, 50.000 không quân, 42.000 hải quân cùng 14.000 thủy quân lục chiến, 535.000 địa phương quân & nghĩa quân. Con số này không thay đổi nhiều cho đến hết cuộc chiến.

Sau khi chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ năm 1963, tình hình chính trị trong Nam càng ngày càng rối loạn, vài ông tướng quên bỏ trách nhiệm thi đua đảo chính, chỉnh lý. Bè phái bắt đầu lộ diện... Sai lầm bỏ các Ấp Chiến Lược giúp cho quân thù có thêm môi trường hoạt động theo chiến lược du kích chiến của Mao Trạch Ðông: quân với dân như cá với nước. CSBV chuyển thêm quân và vũ khí vào Nam, thành lập những chiến khu làm bàn đạp để tấn công thành thị. Bên Cao Miên, đối diện với vùng 3 Chiến Thuật, 3 Sư đoàn CS (Công trường 5, 7 và 9) thường trực trú đóng và có nhiệm vụ khuấy phá khu tam giác rộng lớn phía bắc Sài Gòn, từ Phước Long, Bình Long, Tây Ninh, xuống tận Bà Rịa, Bình Giả.

Tình hình quân sự suy sụp, và nước Mỹ mượn cớ này để đổ quân ồ ạt vào Miền Nam kể từ năm 1965. Trong thời gian cực điểm của chiến tranh, đã có 500.000 ngàn quân Mỹ có mặt tại Việt Nam. Thêm vào đó, 2 sư đoàn Ðại Hàn đóng ở vùng Bình Ðịnh, 1 sư đoàn Thái Lan trên đường đi Vũng Tàu, 1 trung đoàn Úc Châu và 1 tiểu đoàn pháo binh Tân Tây Lan, không kể những đơn vị yểm trợ y khoa Phi Luật Tân, Ðài Loan, Ðức Quốc...

Tình hình nhiễu nhương về chính trị (tôn giáo...) cộng thêm tình hình khẩn trương về quân sự khiến chính phủ dân sự của Thủ Tướng Phan Huy Quát trao lại cho quân đội trọng trách điều khiển quốc gia. Ngày 19 Tháng Sáu năm 1965 đánh dấu quân đội đứng ra nắm chính quyền. Từ sau đó, mỗi năm, 19 Tháng Sáu là ngày lễ của quân lực được tổ chức đều đặn. Sau 1975, di cư ra ngước ngoài, anh em cựu quân nhân khắp nơi không quên ngày kỷ niệm này, nó thành ra ngày tưởng nhớ những đồng đội đã nằm xuống để miền Nam được sống tự do trong một phần tư thế kỷ.

Quân Lực VNCH, từ phôi thai đến trưởng thành và lý do đã tạo nên cuộc chiến Quốc-Cộng Nam-Bắc có một không hai trong lịch sử nước ta.

QLVNCH và tiền thân là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam từ đâu mà ra?

Ngay khi Hồ chí Minh ra lệnh tổng tấn công các vị trí của Pháp ngày 19 Tháng Mười Hai năm 1946, khởi diễn chiến tranh Ðông Dương, thì trong năm 1947 đã có lính Việt Nam chiến đấu trong các đơn vị Pháp. Theo một báo cáo đề ngày 21 Tháng Mươì Một năm 1947, có một năm sau, thì đã có 18.990 người bản sứ trong quân đội viễn chinh.

- Ngày 1 Tháng Giêng năm 1948 thành lập đơn vị nhảy dù Việt Nam đầu tiên (1ère Compagnie Indochinois de Parachutistes).

- Ngày 1 Tháng Hai năm 1948, tiểu đoàn bộ binh Ðông Dương (Bataillon de Marche Indochinois) được thành lập ở ngoài Bắc, với 64 quân nhân Pháp làm cán bộ chỉ huy và 539 binh sĩ gốc Bắc Việt. Sĩ quan Việt Nam thời đó rất hiếm, xin kể Thiếu Úy ND Nguyễn Văn Vỹ, sau này là trung tướng Tổng Trưởng Quốc Phòng của chính phủ miền Nam.

Khi chiến tranh chấm dứt năm 1954, số người Việt Nam trong quân đội Pháp đã lên tới 108.000 (53.000 chính quy và 55.000 phụ lực - supplétifs). Nếu chỉ tính 53.000 chính quy thì người Việt đã chiếm 1/4 quân số quân đội Pháp (200.000 người). Ða số sau này được thuyên chuyển sang Quân Ðội Quốc Gia.

Cũng trong năm 1954, Quân Ðội Quốc Gia có 150.000 chính quy và 50.000 phụ lực.

Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam được hợp thức hóa ngày 11 Tháng Năm năm 1950 bởi một hòa ước ký giữa Quốc Trưởng Bảo Ðại và Tổng Thống Vincent Auriol. Cán bộ những đơn vị này hầu hết là người Pháp. Trường sĩ quan hiện dịch đầu tiên được khai mạc tại Huế ngày 1 Tháng Mười Hai năm 1948, khóa đầu tiên tốt nghiệp ngày 1 Tháng Sáu năm 1949.

Ở đời, lẽ dĩ nhiên, một quốc gia tự lực tự cường không phải nhờ đến ai vẫn là nhất. Nhưng khi thân phận bé nhỏ, phải chọn giữa một tà thuyết tàn bạo và sự liên kết nhất thời với một đồng minh ngoại quốc (trước là Pháp, sau là Mỹ) thì dân Việt Nam, nếu được quyền ăn nói, đã chọn giải pháp thứ hai. Bài học rút tỉa là dân quê ít học, đã dám dấn thân trước giới trung lưu, thượng lưu nơi thành thị. Họ đã tòng quân trước tiên, có thể vì đồng lương, vì hoàn cảnh an ninh, cơm gạo... nhưng chúng ta không thể phủ nhận họ đã chiến đấu và hy sinh để làn sóng đỏ không phủ lên nước Việt Nam trong suốt những năm 1947-1975.

Chiến tranh kéo dài từ năm nọ qua năm kia, đạo quân viễn chinh không giải quyết được chiến trường. Năm 1949, quân Trung Cộng của Mao trạch Ðông tiến tới sát biên giới Hoa-Việt, và tiếp tế huấn luyện bộ đội Việt Minh ngày càng lớn mạnh.

Tháng Mười năm 1950, trên quốc lộ 4, nối liền Lạng Sơn đến Cao Bằng, quân Pháp đụng với những sư đoàn chính quy mới thành lập của đối phương, đã thảm bại mất đi 8 tiểu đoàn cùng rất nhiều vũ khí trong vòng có 3 tuần. Tình thế thật là nguy kịch, và đồng bằng Bắc Việt bị đe dọa nặng nề.

Chính phủ Pháp vội chỉ định Ðại Tướng De Lattre sang Ðông Dương với chức vụ tổng tư lệnh và cao ủy, tức là kiêm nhiệm quyền hành quân sự và dân sự. Ông tới Hà Nội ngày 19 Tháng Mười Hai năm 1950, thủ đô lúc đó xôn xao, quân đội Việt Minh vừa thắng lớn ở quốc lộ 4 muốn thừa thắng xông lên, và Võ Nguyên Giáp cho rải truyền đơn là sẽ vào Hà Nội ăn Tết 1951. Với tài chỉ huy điêu luyện, Tướng De lattre chuyển thêm quân từ trong Nam ra bằng máy bay, và chặn đứng các sư đoàn Việt Minh ở Vĩnh Yên (13-17 Tháng Giêng, 1951) cách Hà Nội không tới 100km, bẻ gãy chiến dịch thứ hai của Giáp tại Ðông Triều (23-30 Tháng Ba, 1951), và sông Ðáy (Tháng Năm và Sáu, 1951). Bắc Việt được cứu thoát.

Tướng De lattre nhận thấy Pháp không thể thắng bằng quân sự ở Ðông Dương và phải trả lại mau chóng độc lập toàn vẹn cho Việt Nam. Như vậy, Việt Nam phải có quân đội mạnh, lúc đầu với sự trợ giúp của quân đội Pháp, mới đứng vững được. Chính ông đã là người “đỡ đầu” thành hình Quân Ðội Quốc Gia, bằng cách “Việt Nam hóa”, hồi đó gọi là jaunissement các đơn vị chủ lực của Pháp. Ðơn vị nào cũng phải có người Việt Nam với một tỷ lệ từ 30 đến 50%, những thành phần sẽ là nòng cốt của quân đội Việt Nam tương lai (tất cả những đơn vị nhảy dù hay lê dương đều được tổ chức theo kiểu này). Ông cho mở các trường huấn luyện quân sự, như trường Võ Bị Ðà Lạt năm 1951, sau này được mở rộng và hiện đại hóa, trình độ không kém các trường Saint Cyr hay West Point. Ðể làm gương, con trai duy nhất của ông là Trung Úy Bernard de Lattre chỉ huy một đơn vị thiết giáp gồm toàn binh sĩ Việt Nam, đã tử trận tại Ninh Bình ngày 28 Tháng Năm năm 1951.

Mặc dầu mang tang con, ông đã đến dự lễ phát phần thưởng cuối niên học 1950-1951 tại trường trung học Chasseloup Laubat ở Saigon: “...Các bạn hãy tỏ ra xứng đáng. Nếu các bạn thích cộng sản thì các bạn hãy sang hàng ngũ Việt Minh, có những người bên bọn chúng chiến đấu giỏi nhưng cho một lý tưởng sai lầm. Nhưng nếu các bạn là người quốc gia thì chiến tranh này là chiến tranh của các bạn...” Lúc này cũng là lúc chính phủ quốc gia ký lệnh động viên quân địch.

Tháng Năm năm 1954, quân đội viễn chinh đã thua ở Ðiện Biên Phủ, nhưng ít người biết là 50% quân trú phòng của căn cứ là người Việt, Thái, Nùng... 5.075 quân nhảy dù Pháp-Việt đã bỏ mình trong trận Ðiện Biên Phủ, 2.495 người Pháp và gốc Âu Châu, 2.580 người Việt, trong đó có 629 SQ, HSQ và BS của Tiểu Ðoàn 5 ND/VN. Còn ai nhớ đến 1.000 tù binh dân công (PIM hay Prisonniers Internés Militaires) người Việt có mặt ngay từ phút đầu, với quy chế tù binh chiến tranh, họ đã phụ giúp đào hầm hố cho căn cứ, sau này tải đạn tiếp tế lương thức nước uống cho các cứ điểm khi trận chiến trở nên ác liệt, các lính tác chiến bị cầm chân tại chỗ. Trong mấy tuần cuối, đôi khi họ phụ bắn súng máy hay súng cối khi người lính chính quy ngã gục. Ðào ngũ sang phía Việt Minh thì quá dễ, vì khi giao tranh đôi bên chỉ cách nhau có vài chục thước, nhưng tính ra chỉ khoảng 1% là trốn sang Bác với đảng. Ước tính hơn một nửa số PIM này đã thiệt mạng tại Ðiện Biên Phủ. Số còn lại, sau khi phải thu dọn chiến trường cho kẻ thắng, có lẻ đã bị thanh toán hay chết mòn trong các lao tù, vì sau này không còn tông tích gì của họ nữa.

Tính ra trong chiến tranh Ðông Dương (1947-1954), 400.000 người Việt Nam và một ít các sắc tộc khác như Thái, Nùng, Miên, Lào... đã chiến đấu chống cộng sản trong hàng ngũ quân đội Pháp hay các quân đội quốc gia tân lập. Bè lũ Việt Minh không thể nào vỗ ngực cho mình độc quyền ái quốc, chống “thực dân Pháp”, đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào”.

Hiệp định Genève cắt đôi đất nước đã khiến cho 1 triệu người ngoài Bắc bỏ lại tất cả để sống tự do trong Nam. Với bản tính gian ác lừa lọc, cộng sãn đâu có rút hết ra Bắc như đã ký kết, và những thành phần nằm vùng lại bắt đầu phá hoại cùng phát động chiến tranh du kích từ năm 1957, đưa đến chiến tranh Việt Nam trở nên ngày càng khốc liệt với sự tham dự của Mỹ và các nước Ðồng Minh.

Quả thật như chiến lược gia Clausewitz đã nhận định: “Chiến tranh xảy ra không phải do bên bị tấn công mà do bên đi xâm lăng, vì có tấn công mới có tự vệ, và như vậy mới có chiến tranh.”

Nói về Quân Ðội Miền Nam trên 1 triệu người và chiến tranh Việt Nam kéo dài gần 20 năm phải mất nhiều thời giờ lắm. Tôi xin cố vắn tắt để chúng ta tạm nắm được vấn đề, và để có thời giờ cùng thảo luận.

Sau khi năm 1956, Quân Ðội Việt Nam dần dần thay đổi theo tổ chức quân đội Mỹ. Quân số gia tăng như tôi đã trình bày, đến năm 1970 lên tới 1 triệu, phân phối như sau (kê khai rất sơ khởi):


1. Vùng 1 chiến thuật ngoài Trung: SÐ1BB đóng tại Huế, SÐ2BB đóng tại Quảng Ngãi, SÐ3BB đóng tại Ðà Nẵng, LÐ1 kỵ binh thiết giáp, 4 TÐ pháo binh và phòng không, 4 LÐ/BÐQ, 1 LÐCB/ chiến đấu, SÐ1KQ đóng tại Ðà Nẵng với 6 phi đoàn khu trục và 6 phi đoàn vận tải trực thăng, các đơn vị yểm trợ khác.


2. Vùng 2 chiến thuật ở vùng Cao Nguyên: SÐ22BB tại Qui Nhơn, SÐ23BB tại Ban Mê Thuột, LÐ 2 kỵ binh thiết giáp, 6 TÐ pháo binh, 5 LÐ/BÐQ, SÐ2 không quân tại Nha Trang với 6 không đoàn chiến thuật cùng các trường phi hành, SÐ6 không quân tại Pleiku với 2 không đoàn 72 và 82, các đơn vị yểm trợ khác.


3. Vùng 3 chiến thuật xung quanh Sài Gòn: SÐ5BB tại Bình Dương (Lai Khê), SÐ18BB tại Long Khánh, SÐ25BB tại Củ Chi (Hậu Nghĩa), LÐ 3 kỵ binh thiết giáp, 2 TÐ pháo binh, Liên Ðoàn Công Binh Chiến Ðấu, 3 LÐ/BÐQ, SÐ3KQ tại Biên Hòa* với 6 phi đoàn khu trục và 6 phi đoàn trực thăng, SÐ5KQ tại Sài Gòn với 1 phi đoàn trực thăng và 9 phi đoàn vận tải, các đơn vị yểm trợ khác...


4. Vùng 4 chiến thuật tại Hậu Giang: SÐ7BB tại Mỹ Tho, SÐ9BB tại Sa Ðéc, SÐ21BB tại Bạc Liêu, LÐ 4 kỵ binh thiết giáp, LÐ40 công binh chiến đấu, SÐ4KQ tại Trà Nóc (Cần Thơ) với 2 không đoàn 74 và 84, các đơn vị yểm trợ khác.

Vào thời bấy giờ, Không Quân VNCH đứng vào hàng thứ tư trên thế giới với 2.075 phi cơ đủ loại và 61.147.

Hải Quân cũng phát triển rất lớn: đến năm 1975, HQ/VNCH có tới 1.600 chiếc tàu đủ loại, 40.000 quân được tổ chức thành 2 Bộ Tư Lệnh: Trần Hưng Ðạo Biển và Trần Hưng Ðạo Sông. Thêm các trường huấn luyện và Hải Quân Công Xưởng tại Sài Gòn.

Lực Lượng Tổng Trừ Bị: SÐ/ND, SÐ/TQLC, LÐ81/ Biệt Cách Dù, LLÐB.

Làm sao kể hết cả trăm cả ngàn trận mà Quân Ðội Miền Nam đã tham dự để chống lại quân thù miền Bắc. Quý vị còn nhớ Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, những trận để đời của quân cán chính miền Nam và sức chịu đựng phi thường của người lính VNCH.

Xin vắn tắt về Tết Mậu Thân. Các bạn sống ở ngoại quốc từ nhỏ, không thể nào hiểu và biết được cái không khí thiêng liêng của ngày Tết. Mặc dù chiến tranh, Tết đến là 2 bên hưu chiến 3 ngày. Tùy theo tình hình, đơn vị trưởng chúng tôi có quyền cho binh sĩ đi phép đến 50% quân số, có đơn vị còn phải nhắm mắt cho đi hơn nữa. Ðôi khi về quê, binh lính của ta gặp cả người phía bên kia về ăn Tết với gia đình, thôi thì đôi bên làm ngơ như không thấy nhau. Tết mà!

Nhưng... đến năm 1967, Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Hà Nội đã lấy quyết định khác. Vì cứ tiếp tục chiến tranh theo kiểu này, thì thế nào cũng sẽ thua trước hỏa lực và tiềm năng hùng hậu của Hoa Kỳ; kinh tế ngoài Bắc kiệt quệ, sự hao mòn về nhân lực, tài lực đã đến mức báo động. Thà đánh “xả láng” một keo bạc, may ra gỡ lại được ván cờ:


1. Nếu thắng sẽ làm giảm ý chí của Mỹ, ông Nixon có thể thất cử vào cuối năm, Mỹ phải bắt buộc trở lại bàn hội nghị và rút khỏi miền Nam, Quân Ðội Miền Nam có thể tan rã vì đa số quân nhân đi phép, cửa bỏ ngỏ cho “nhân dân nổi dậy” theo “cách mạng” (người cộng sản tuyên truyền riết rồi tưởng tuyên truyền mình là đúng).


2. Nếu thất bại, thì lực lượng “Giải phóng miền Nam” tức Cộng Sản Nam Kỳ sẽ lãnh đủ (sự thật đã xảy ra như tiên đoán) và ngoài Bắc sẽ hoàn toàn nắm quyền chỉ huy sau này.

Ðầu năm dương lịch 1968, Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng ngoại giao Việt Cộng, còn ngỏ ý muốn hòa đàm cốt ý đánh lạc hướng chú tâm của Hoa Kỳ. Ít lâu sau đó, Hồ chí Minh đọc 4 câu thơ chúc Tết trên đài phát thanh Hà Nội, hàm ý gởi mật lệnh tổng tấn công. Nguyên văn 4 câu thơ này như sau:

“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,

Tiến lên, toàn thắng ắt về ta.”

Khi nghe, chẳng ai tin và cho rằng những lời thơ này chỉ có tính cách khích lệ và cổ vũ cho một chiến thắng mơ ước xa xăm. Nhưng sự thật đó là lệnh Tổng Công Kích Tết Mậu Thân.

Trong đêm 30 Tháng Giêng năm 1968, tức đêm mồng 1 Tết, 84.000 quân Việt Cộng và Bắc Việt tấn công 36 tỉnh trên 44, 5 đô thị lớn trên 6, tất cả các phi trường và trên 100 làng và quận lỵ. Lệnh cho quân cộng sản là phải chiếm đóng các khu đông người và bình dân để dễ tuyên truyền và dùng dân làm bia đỡ đạn khi phải giao tranh với Quân Ðội Cộng Hòa.

Trái với ước đoán của phia cộng sản, dân miền Nam không nổi dậy theo “cách mạng” mà lại tìm đủ mọi cách để chạy về vùng Quốc Gia. Quân ta, nhiều nơi chỉ còn 30% quân số đã chống trả mãnh liệt, địch không chiếm được một nơi nào trừ 3/4 thành phố Huế bị địch chiếm đóng 3 tuần và tàn sát cả bao ngàn dân như mọi người biết. Quân đội Mỹ thì chỉ chống trả khi bị tấn công, ngoại trừ thủ đô Sài Gòn được 5.000 quân của Tướng Weyand tiếp cứu ngay sáng mồng 2 Tết, và Huế được TQLC Mỹ tiếp tay với quân ta 1 tuần lễ sau khi cộng sản chiếm thành phố.

Số thương vong của cộng sản trong tháng đầu Mậu Thân (29/1 đến 29/2, 1968) là 45.000 chết được phân chia như sau: 18.600 quân chính quy, 9.000 quân lo tiếp vận, 12.400 du kích, 5.000 cán bộ hay chính trị viên. Ðến cuối Tháng Ba nam 1968, con số này lên tới 58.363 người. Ta bắt được 9.461 tù binh.

Cộng sản đã sát hại khoảng 7.000 thường dân trong thời gian chiếm Huế. Các mồ tập thể được khai quật từ sau khi ta chiếm lại Huế, từ ngày 24 Tháng Hai năm 1968 cho đến cuối năm 1969 đã cho phép kiếm lại được 5.000 thi thể. Ðến nay vẫn còn 2.000 người mất tích. Trên toàn quốc, 14.300 thường dân đã bỏ mạng trong trận này, 24.000 người đã bị thương, 72.000 người mất hết nhà cửa, 627.000 phải tị nạn.

Tổn thất quân đội ta đến cuối Tháng Ba năm 1968 là 4.954 hy sinh, 15.097 bị thương, 926 mất tích. (tại SÐND sĩ quan chết và bị thương nhiều hơn HSQ).

Tổn thất Ðồng Minh (Mỹ, Ðại Hàn, Úc): 4.124 hy sinh, 19.285 bị thương, 604 mất tích.

Thất bại nặng nề vừa chính trị vừa quân sự của cộng sản, nhưng đối với quốc tế và dư luận Mỹ, thì lại là một chiến thắng lớn. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này.

Nói đến Mậu Thân ngoài Trung, chúng ta không thể quên được Khe Sanh, căn cứ gần biên giới Lào-Việt mà tướng Giáp công hãm từ 20 Tháng Giêng năm 1968 để đánh lạc hướng tổng công kích sắp tới, và để cầm chân TQLC Mỹ tại đó. Hai sư đoàn Bắc Việt 304 và 325C cùng dân công tiếp vận, tổng cộng 45.000 người đã vây đánh Khe Sanh trong 77 ngày, từ 20 Tháng Giêng đến 5 Tháng Tư năm 1968, tức 22 ngày lâu hơn Ðiện Biên Phủ. Căn cứ do 6.000 binh sĩ thuộc SÐ3/ TQLC Mỹ phòng thủ cùng 600 binh sĩ Việt Nam thuộc TÐ.37/ BÐQ (TÐT Ðại Úy Hoàng Phổ) được không vận từ Phú Lộc đến Khe Sanh ngày 27 Tháng Giêng và trấn giữ phía Ðông căn cứ suốt trận đánh.

Dưới hỏa lực của quân trú phòng và yểm trợ phi pháo như thác lũ cửa KQ Mỹ, tướng Giáp, tưởng làm lại một Ðiện Biên Phủ thứ hai, đã phải rút 2 sư đoàn 304 và 325C gần như tan rã về Bắc. Hai đại đơn vị này kẹt ở Khe Sanh, không tiếp tay được cho mặt trận Huế. Báo chí Mỹ và ngoại quốc không hề đá động đến vai trò của TÐ/BÐQ Việt Nam. Tới đây, tôi thách đố bạn nào kiếm được cho tôi một bài báo ngoại quốc thời đó nói về đơn vị này tại Khe Sanh.

Với sự trợ giúp tận tình của Khối Cộng Sản Quốc Tế, coi thường mạng sống của dân Việt, đảng cộng sản ngoài Bắc lại chỉ thị cho tướng Giáp sửa soạn một cuộc tấn công quy mô khác vào năm 1972, với phương tiện hùng hậu pháo binh và thiết giáp (lần đầu thấy xuất hiện xe tank T.54 Nga Sô). Trận chiến kéo dài trong 3 Tháng Tư, Năm và Sáu 1972 mệnh danh Mùa Hè Ðỏ Lửa, đã tỏ cho thế giới sự can trường của người lính VNCH, khi họ được chỉ huy đàng hoàng và đúng mức.

Mở màn là trận mưa pháo trên chiến trường Quảng Trị, rồi đến Cao Nguyên, dọc vùng Duyên Hải, rồi đến vùng 3 chiến thuật tại Bình Long, phía Bắc Sài Gòn. Ðịch chiếm thị xã Lộc Ninh ngày 7 Tháng Tư 1972 gần biên giới Cao Miên, 20km về phía Nam là An Lộc, nằm trên quốc lộ 13 nối liền với Sài Gòn. Mất An Lộc là Sài Gòn bị đe dọa. Trong vùng, địch sử dụng 3 sư đoàn (công trường) 5, 7 và 9, SÐ pháo 75 trang bị thêm súng phòng không và 3 TÐ thiết giáp. Trận An Lộc kéo dài hơn 2 tháng từ 13 Tah1ng Tư năm 1972 đến 29 Tháng Sáu 1972 ngày mà An Lộc được giải tỏa bởi tiếp viện từ phía Sài Gòn lên... An Lộc dược Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân của ta chống giữ và lữ đoàn 1 nhảy dù cùng liên đoàn 81 biệt cách dù đến tăng cường sau.

Thị xã bị pháo của địch cày nát, nhưng địch không sao chiếm nổi mặc dầu nhiều đợt xung phong có thiết giáp yểm trợ. Bên ta được không quân Việt-Mỹ (B.52) yểm trợ tối đa, kể cả tiếp tế thả dù (3.686 tấn đạn dược, xăng nhớt, lương thực, thuốc men).

Quân số hai bên trong 2 tháng giao tranh là phe ta: 6.350, địch: 18.000.

Thương vong: phe ta, chết: 2.280, bị thương: 8,564, mất tích: 2.091. Ðịch: chết 6.464, tù binh: 56.

Ðể kết luận, chúng ta hãy so sánh trận đánh An Lộc với trận Ðiện Biên Phủ cách đây hơn 50 năm:

- Quân Liên Hiệp Pháp có gần 13.000 người ở Ðiện Biên Phủ, trong khi ở An Lộc quân trú phòng chỉ được 6.350 người, lúc đông nhất.

- Chu vi Ðiện Biên Phủ là 16km X 9km, tỉnh lỵ An Lộc chỉ dài rộng có 2km X 1km. Tại Ðiện Biên Phủ lúc khởi đầu trận đánh, có nơi pháo binh Bắc Việt không bắn tới, trong khi đó thì An Lộc lãnh pháo ngay ngày đầu.

- Tại Ðiện Biên Phủ, pháo binh Pháp có 28 khẩu 105 và 155 ly, 24 súng cối 120 ly. An Lộc chỉ còn 1 khẩu 105 sau ngày 13 Tháng Tư năm 1972.

- Pháp có 10 chiến xa ở điện Biên Phủ, tại An Lộc quân trú phòng không có chiến xa mà CSBV lại có 3 tiểu đoàn thiết giáp.

- Căn cứ Ðiện Biên Phủ bị 200.000 quả pháo, An Lộc lãnh 70.000 trái nhưng diện tích An Lộc chỉ độ 1/10 diện tích Ðiện Biên Phủ. Nếu tính theo tỷ số thì An Lộc bị pháo nhiều hơn Ðiện Biên Phủ!

- Những sự kiện này chứng minh là người lính VNCH, khi được chỉ huy đúng mức, can trường còn hơn người lính Bắc Việt. Không bị nhồi sọ, không có “chính trị viên” khủng bố tinh thần, họ biết giá trị thiêng liêng của chữ “Tự Do” và chấp nhận chiến đấu hy sinh cho gia đình và xứ sở.

Vậy ý nghĩa Ngày Quân Lực hôm nay là để chúng ta tưởng nhớ đến người lính VNCH, mà có lẽ trong lịch sử thế giới, không có người lính nước nào phải chịu một số phận nghiệt ngã như vậy!

Học giả Phạm Kim vinh trong cuốn “Thiên Anh Hùng Ca” việt cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã tả những người lính chiến đấu trong những điều kiện khắc nghiệt suốt hơn hai mươi năm, họ đi qua một con đường dài của lịch sử mà ông cho là “kể về sự khắc khổ và chịu đựng còn vượt xa Vạn Lý Trường Chinh của Mao trạch Ðông, và về tính cách thiêng liêng, vị tha và cao quý, còn vượt xa các cuộc Thánh Chiến thời Trung cổ.”

Vậy tại sao một quân đội hơn 1 triệu người, đầy kinh nghiệm chiến đấu, với 300.000 thương vong trong một chiến tranh kéo dài 25 năm, đã tan hàng trong có 55 ngày, làm cả thế giới và ngay đối phương phải ngỡ ngàng...?

Ai cũng biết câu nói bất hủ của Clausewitz: “Chiến tranh là sự nối tiếp của chính trị dưới hình thức khác” (La guerre est la continuation de la politique par d'autres moyens)”. Khi lâm chiến, nếu không thắng thì chỉ có thua, chứ không có giải pháp trung dung nào có thể thay thế chiến thắng (In war, there is no substitude for victory - Gen. Mc Arthur). Vì vấn đề sống còn và tại thân phận nhỏ bé, chúng ta đã rơi vào quỹ đạo của ‘ông đồng minh’ Hoa Kỳ. Vậy chủ đích của Hoa Kỳ ở Việt Nam có phải là chiến thắng không? Câu trả lời tất nhiên là KHÔNG!

Kinh nghiệm chiến trường từ xưa tới nay, bắt các nước lâm chiến phải theo vài quy luật, nếu không muốn thất bại hay bị hủy diệt. Xin trình với quý vị vài quy luật chính về chiến tranh mà tôi đã học được tại trường chỉ huy tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ, và cũng theo trường tham mưu đó, hầu hết các quy luật về chiến tranh đã không được tôn trọng trong chiến tranh Việt Nam:


1. Ấn định mục tiêu và kiên trì để đạt mục tiêu đó (La definition et la persistance du but à atteindre). Ðánh mà không muốn thắng thì đâu có phải là một mục tiêu để lâm chiến. Bằng cớ là bức thư Tổng Thống Nixon gởi cho Tổng Thống Thiệu hồi Tháng Năm năm 1972, ngay cả Mùa Hè Ðỏ Lửa: “...quý quốc và Hoa Kỳ có bao giờ muốn đánh bại Bắc Việt bằng quân sự đâu, chúng ta chỉ muốn chấm dứt cuộc chiến này bằng giải pháp điều đình...” Trong khi đó thì mục tiêu tối hậu của cộng sản Bắc Việt là muốn thôn tính miền Nam bằng mọi giá. Tại sao thái độ này? Hoa Kỳ sợ gây chiến với Tàu hay với Nga, hay có lý do thầm kín khác?

Cho nên quân sĩ miền Nam chỉ có chống đỡ, chúng ta không có quyền đánh ra Bắc, cho tới mấy năm cuối của chiến tranh, QLVNCH không có quyền truy kích quân cộng sản sang Cao Miên hay Lào; máy bay của chúng ta không đủ khả năng bay ra oanh tạc Hà Nội rồi trở về, những phi vụ này dành cho không lực Hoa Kỳ. Mà ngay phi công Hoa Kỳ cũng bị trói tay trên bầu trời Bắc Việt bởi những luật lệ quái gở, tóm tắt gọi là rules of engagement: một cái cầu hôm nay được oanh tạc, ngày mai không được nữa; một giàn hỏa tiễn SAM đang được hoàn thành cũng không được oanh kích, vì sợ bắn phải cố vấn Nga (?);máy bay MIG đậu dưới đất cũng không được phá trừ trường hợp máy bay này ở trên không và tỏ ra có ý định gây hấn (hostile intentions); cấm ngặt không được bắn phá đê điều... Lệnh ban ra từ Tòa Bạch Ốc! Tướng tá Mỹ than phiền là phải đánh nhau với một cánh tay bị “trói ra sau lưng”!


2. Thống nhất chỉ huy (Unité de commandement). QLVNCH và Hoa Kỳ đều có bộ chỉ huy riêng biệt và ngay trong QL Hoa Kỳ cũng có những tổ chức chỉ huy khác nhau: TQLC ngoài Trung thì thuộc CINC/PAC, hạm đội 7 tại Hawaii, không quân Mỹ thì dưới quyền không lực 13 (13th Air Force) bên Phi Luật Tân, lục quân thì thuộc quyền xài xể của Tướng Westmoreland USARV ở Sài Gòn. Như vậy thì làm sao phối hợp tình báo và điều hành để nhanh chóng đạt chiến thắng?


3. Dồn nỗ lực cho một mục tiêu chính trong một thời gian nhất định (Concentration des efforts) không được đúng mức cũng vì những lý do nêu trên: Lam Sơn 719, hành quân sang Cao Miên.


4. Dành được thế bất ngờ (Obtention de l'effet de suprise). Bất ngờ điển hình là địch đánh Tết Mậu Thân mà ta không biết. Kinh nghiệm bản thân còn nhiều ví dụ khác.


5. Thế chủ động (Initiative et offensive): Vì phải trải quân giữ địa thế, giữa an ninh cho đồng bào sinh sống, thường thường địch nó dành thế chủ động, rồi ta chống đỡ, cũng may là quân đội ta vững.


6. Ðơn giản và tiết kiệm trong hành động (La simplicité et l'économie). Quân đội Hoa Kỳ mang thử vũ khí trên chiến trường miền Nam, phương tiện khổng lồ, phung phí, nên quân đội ta cũng chịu ảnh hưởng “tính xấu” đó, rồi quen không biết đánh nhau theo kiểu “nhà nghèo” nữa.


7. Tinh thần và tuyên truyền (Moral et propagande). Chiến tranh kéo dài quá lâu, và sức chịu đựng của quân sĩ cũng bị ảnh hưởng, nhất là lương quân đội không đủ ăn, mà người lính thấp cổ bé miệng chịu thiệt thòi nhất. Từ đó xảy ra tệ đoan như tham nhũng...

Ðược tự do hơn ngoài Bắc, thường dân thờ ơ với cuộc chiến. Tác động tinh thần của ta ở ngoại quốc rất kém. Ai cũng phải công nhận là những sứ quán của ta phần đông là chỗ bồ bịch cho con ông cháu cha hay những kẻ “lạnh cẳng” trốn nghĩa vụ (đáng lẽ những người được phái đi nước ngoài phải là cán bộ đã có công với đất nước, ví dụ những quân nhân mang thương tích nặng...)

Trong khi đó thì phe cộng sản dồn hết nỗ lực vào mục tiêu này để nắm các sinh viên du học, và các báo chí nước ngoài (ví dụ Tết Mậu Thân). Ðược biết đài phát thanh Hà Nội bắt được ở Paris, trong khi dân chúng miền Bắc chết đói, còn đài Sài Gòn thì sao? Nhờ bộ máy tuyên truyền của thế giới cộng sản, chiến tranh Việt Nam đã trở nên một đề tài hoàn toàn bất lợi cho VNCH. Quân Bắc xâm lăng thì được coi là anh hùng, những vụ man rợ như giết chóc ám sát, các mồ tập thể ở Huế thì được báo chí quốc tế lướt qua. Còn VNCH thì bị sỉ vả không ngớt. Tệ hại là các phương tiện truyền thông của Mỹ cũng đều phụ họa theo đường hướng của cộng sản (Tết Mậu Thân, so sánh với Ðông Ðức-Tây Ðức). Bên Pháp thì chỉ có vài tờ báo của phe cực hữu ủng hộ miền Nam (báo Présent với hình ảnh SVSQ Ðà Lạt trên cầu xa lộ), ít phóng viên khác...


8. Tiêu diệt lực lượng địch (Anéantissement des forces de l'ennemi). Không đổ bộ ra Bắc thì 1 triệu quân Cộng Hòa, 500.000 quân Mỹ cùng các đồng minh khác cũng chẳng đạt được mục tiêu này khi chỉ giữ thế thủ ở miền Nam.

Trên mọi phương diện, ta hoàn toàn trông cậy vào Mỹ, và Mỹ đã cố ý gây ra tình trạng này để nắm quyền quyết định. Ngày nào Mỹ cúp viện trợ thì ta chết. Ví dụ ta không được làm xưởng chế đạn, không được lập ngân hàng quân đội, tiếp liệu quân y hoàn toàn của Mỹ, hàng hóa PX tràn ngập thị trường.


9. Sự kém cỏi của một số chỉ huy cao cấp Quân Ðội Cộng Hòa: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chúng ta phải thẳng thắn và can đảm nhìn nhận những yếu kém của chúng ta. Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng chúng ta đã có một số người chỉ huy bất xứng, quân đội hồi đó chưa đủ cán bộ có tài để nắm tất cả những chức vũ then chốt, hoặc người có khả năng không đủ “cổ cánh” bị gạt sang bên “ngồi chơi xơi nước”, có người chiến đấu giỏi thì không được đi học thêm (tư lệnh sư đoàn đôi khi chỉ có kiến thức tiểu đoàn trưởng hay kém hơn), cho phép gia đình lợi dụng hoàn cảnh để làm bậy. Rút lui miền Trung và miền Cao Nguyên là một thí dụ điển hình về sự bất tài điều quân, từ người ra lệnh cho đến người thi hành: di tản miền Cao Nguyên qua quốc lộ 7 là phạm tất cả những lỗi lầm trong một hành quân triệt thoái...

Nếu cấp lãnh đạo và tướng tá của ta giỏi và yêu nước, thì có lẽ thế sự đã đổi khác, hoặc nếu phải chết vì hết tiền viện trợ thì còn lâu mới chết, và cũng chết vinh chứ không chết nhục như hồi Tháng Tư năm 1975. Có một giả thuyết khác: hay là có sự sắp đặt trước rồi? Chả nhẽ cấp chỉ huy miền Nam lại ngu đến thế. Dọn nhà ra riêng còn mất vài ngày, ngỡ đây lại dọn một quân đoàn trong có 2-3 ngày mà không được chuẩn bị gì hết? Xe tank cộng sản chạy “phoong phoong” từ ngoài Bắc vào Sài Gòn, mà không có một cây cầu nào bị giựt sập...!!

Câu nói của Kissinger: “Sao chúng không chết phứt đi cho rồi...!” khi tại vài nơi binh sĩ của ta còn tuyệt vọng cầm cự, nó vẫn còn văng vẳng nơi tai!


10. Nước Mỹ đã khai tử miền Nam bằng cách đi đêm với cộng sản, và cắt dần viện trợ từ 2 tỷ xuống còn 500 triệu cho tài khóa 1975 trong lúc nước ta đang chiến đấu để sống còn. Không kể những vụ hạ nhục chính quyền ta và bôi xấu QLVNCH. (Ðến Tháng Hai năm 1975, còn có một phái đoàn dân biểu Mỹ sang “thanh tra” Việt Nam, để kiếm thêm lý do cúp viện trợ. Họ đòi đi xem trại tù Côn Ðảo - hầm cọp để nhốt tù nhân chính trị - gặp thành phần tôn giáo chống đối - mà sau này chúng ta đều biết là thân Cộng hoặc bị cộng sản giật dây. Mac Closky đòi cúp hết viện trợ, Bella Abzug, Fenwich có thái độ lạnh nhạt và rất hỗn. Ðến nỗi Tổng Thống Thiệu đã phải thốt ra trong bữa tiệc khoản đãi phái đoàn này (tiệc cuối cùng tại Dinh Ðộc Lập của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa): “...quà tặng đã quan trọng, nhưng cách tặng quà còn quan trọng hơn nhiều...”

Rút cuộc, lý do chính của sự sụp đổ miền Nam là Mỹ không còn quyền lợi nào ở đó nữa. Ðơn giản là như vậy. Tôi còn nhớ câu buộc tội hồi năm 1975 của Triết gia Raymond Aron: “L'Amérique a commis le crime de non assistance à une nation alliée en danger de mort.” (Nước Mỹ đã phạm tội bỏ rơi một nước đồng minh trong cơn hấp hối.)

Chúng ta hãy chờ xem thế sự ở Trung Ðông hiện nay xoay dần ra sao, Mỹ sống còn với Israel vì nước này là tiền đồn giữ dầu hỏa ở Trung Ðông cho Mỹ...


Y Sĩ Ðại Tá Hoàng Cơ Lân

(Trích từ báo Người Việt)



Vài dòng tiểu sử của Y Sĩ Ðại Tá Hoàng Cơ Lân:

- Sinh năm 1932 tại Hà Nội.
- Trung học Albert Sarraut Hanoi và Yersin Dalat (1937-1950).
- Tốt nghiệp y khoa Ðại Học Saigon 1957.
- Sư đoàn nhảy dù từ năm 1957 đến 1970 (Y Sĩ Trung Úy đến Y Sĩ Trung Tá).
- Phụ tá Quân Y Lục Quân từ 1968 (kiêm nhiệm) đến 1971.
- Học chỉ huy tham mưu tại Fort Leavenworth, Kansas (1971-1972): Ðại Tá.
- Chỉ huy trưởng trường Quân Y (1972-1975).
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

SƯ ĐOÀN THUỶ QUÂN LỤC CHIẾN

Mekong
Binh chủng TQLC Việt Nam được thành lập ngày 1 tháng 10/1954 theo sắc lệnh của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm từ các đơn vị biệt kích (Commando) nổi tiếng và Tuần Giang Xung Kích (Dinassaut) của Hải Quân Pháp di chuyển vào miền Nam sau hiệp định Geneva 1954, trực thuộc quân chủng Hải Quân với quân số 1,150 người và bộ chỉ huy ở trại Cửu Long (Thị Nghè), sau dời về số 15 Lê Thánh Tôn Saigon (nguyên là cơ sở của đơn vị Commando của Hải Quân Pháp trước đây) gần bộ tư lệnh Hải Quân VNCH ở bến Bạch Đằng.
Phái Bộ Quân Sự Pháp muốn duy trì hình thức bộ binh xung kích hoạt động trên các giang đỉnh đầy sáng tạo và khá thành công trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-54) cũng như các hoạt động đổ bộ và binh chủng TQLC vẫn còn tùy thuộc vào sự yểm trợ tiếp vận của Quân Đội Pháp trong thời gian này.
Tuy nhiên ngay từ đầu đơn vị cố vấn TQLC Hoa Kỳ do Trung Tá Victor Croizat chỉ huy đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong việc hình thành, xây dựng và phát triển binh chủng TQLC non trẻ này. Thông thạo tiếng Pháp và thân cận với TT Ngô Đình Diệm khi chỉ huy nhóm cố vấn Hoa Kỳ yểm trợ cho nỗ lực di cư gần 1 triệu dân Miền Bắc vào miền Nam sau hiệp định Geneva cũng như tái định cư cho những người dân xa xứ này, Croizat được xem như một anh hùng trong những ngày đầu của chế độ VNCH.
Trung Tá Croizat trở thành cố vấn trưởng đầu tiên của binh chủng TQLC Việt Nam và cùng với Đại úy Phạm Văn Liễu hoạch định việc tổ chức, xây dựng và phát triển binh chủng TQLC từ những đơn vị không đồng nhất và đóng rải rác từ Huế vào đến đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian đầu rồi dần dần trưởng thành sau những năm khói lửa của thập niên 1960 và 1970 thành một trong những đại đơn vị thiện chiến và lừng danh nhất trong chiến cuộc Đông Dương lần thứ hai (1945-54).
Đại úy Liễu từng hoạt động lâu dài trong các liên đoàn tuần giang xung kích cũng như thực tập với các đơn vị biệt kích Commando ở miền Bắc trước khi di chuyển vào miền Nam sau hiệp định Geneva nên được giao phó trách nhiệm thành lập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến với Trung Úy Lê Nguyên Khang là phụ tá. Hai tiểu đoàn đầu tiên được thành lập từ các đơn vị biệt kích nổi tiếng và tuần giang xung kích của Hải Quân Pháp trước đây với cố vấn người Pháp, nhưng tổ chức theo biên chế tiểu đoàn TQLC của quân đội Hoa Kỳ với 1 đại đội chỉ huy, 4 đại đội chiến đấu và 1 đại đội súng nặng.
Được sự yểm trợ tối đa của quân chủng TQLC Hoa Kỳ qua toán cố vấn Marine Advisory Unit (MAU) bao gồm tổ chức, huấn luyện, tham mưu, hành quân và yểm trợ tiếp vận, các đơn vị TQLC Việt Nam hoạt động hành quân và duy trì truyền thống tự hào binh chủng (esprit de corps) tương tự như các đơn vị bộ chiến của TQLC Hoa Kỳ với phù hiệu, bộ quân phục rằn ri "da cọp" và màu mũ xanh riêng biệt.
Các sĩ quan chỉ huy mới được tuyển chọn kỹ càng từ Trường Võ Bị Đà Lạt và Trường sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức. Từ tháng 12 năm 1957 các sĩ quan TQLC Việt Nam cũng luân phiên theo học các khóa huấn luyện của sĩ quan TQLC Hoa Kỳ ở Quantico (Virginia) trong khi các hạ sĩ quan huấn luyện theo học khóa huấn luyện căn bản ở San Diego để thành lập trung tâm huấn luyện TQLC ở Thủ Đức.



Tiểu Đoàn 1 và 2 TQLC hình thành trong năm 1955 cùng với một bộ chỉ huy binh chủng và một đại đội pháo binh. Tiểu Đoàn 3 TQLC được thành lập vào tháng 5 năm 1959 và đến ngày 1 tháng 6/1959 thì Liên Đoàn TQLC được chính thức thành lập với quân số 2,276 quân nhân (tổ chức với 3 tiểu đoàn chiến đấu và 1 pháo đội súng cối) và cùng với Lữ Đoàn Nhảy Dù hình thành lực lượng tổng trừ bị cơ động chiến lược của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, hoạt động trên khắp 4 vùng chiến thuật của VNCH dưới quyền điều động trực tiếp của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù cũng là hai đơn vị bộ chiến duy nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ nhận lính và sĩ quan tình nguyện phục vụ trong binh chủng. Thủy Quân Lục Chiến có 13 toán tuyển mộ trên khắp lãnh thổ miền Nam, và vào năm 1971 trung bình nhận khoảng 610 thanh niên tình nguyện gia nhập binh chủng hằng tháng, đủ để thay thế những tổn thất chiến trường và duy trì quân số khả dụng. Các cấp chỉ huy chiến đấu đều trưởng thành và thăng chức từ kinh nghiệm thực tế chiến trường. Các cố vấn TQLC Hoa Kỳ cũng bắt đầu trực tiếp tham gia chiến đấu với các đơn vị TQLC Việt Nam từ năm 1960, trước hẳn các đơn vị bộ chiến VNCH khác.

Thiếu Tá Lê Nguyên Khang trở thành Chỉ Huy Trưởng binh chủng năm 1960, một chức vụ kéo dài đến tháng Năm 1972 khi ông đã lên đến chức trung tướng, trừ một khoảng thời gian 3 tháng sau chính biến 1963 khi ông bàn giao chức vụ lại cho Trung Tá Nguyễn Bá Liên để đi làm tùy viên quân sự ở Philippines. Trước Thiếu Tá Khang, binh chủng TQLC lần lượt được chỉ huy bởi Trung Tá Lê Quang Trọng (tháng 5/1955 đến tháng 1/1956), Thiếu Tá Phạm Văn Liễu ( tháng 1 đến tháng 8/1956), Đại Úy Bùi Phó Chí (tháng 8 đến tháng 10/1956), Thiếu Tá Lê Như Hùng (tháng 10/1956 đến tháng 6/1960). Đến ngày 1 tháng 8/1961 quân số Thủy Quân Lục Chiến lên đến 3,321 quân nhân với 4 tiểu đoàn chiến đấu, một pháo đội pháo binh và đại đội quân y.

Binh chủng TQLC sau đó được mở rộng thành Lữ Đoàn TQLC vào ngày 1 tháng 1/1962 với việc thành lập Tiểu Đoàn 4 TQLC (1961), Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh (1962), Tiểu Đoàn Yểm Trợ Thủy Bộ với các đại đội Trinh Sát, Vận Tải, Truyền Tin, Quân Y. Quân số binh chủng lên đến 6.149 quân nhân. Sau chính biến 1963 có thêm Tiểu Đoàn 5 TQLC (1964) và Tiểu Đoàn 6 TQLC (1966) cũng như Trung Tâm Huấn Luyện TQLC ở Rừng Cấm (Thủ Đức) được xây cất vào cuối năm 1963, dựa trên mô phỏng của Trung Tâm Huấn Luyện Tân Binh TQLC Hoa Kỳ ở Parris Island (North Carolina) với các huấn luyện viên đã theo học ở Căn Cứ Tuyển Mộ Tân Binh của TQLC Hoa Kỳ ở San Diego để duy trì tiêu chuẩn cao cho các hoạt động huấn luyện những tân binh tình nguyện.

Do yêu cầu chiến thuật từ năm 1964 Lữ Đoàn TQLC cũng thành lập Chiến Đoàn A (Alpha hay An Dương Vương) và B (Bravo hay Bắc Bình Vương) để chỉ huy các cuộc hành quân phối hợp. Đến ngày 1 tháng 7/1964 Lữ Đoàn TQLC có quân số 6,555 quân nhân, tổ chức thành 2 chiến đoàn với 5 tiểu đoàn chiến đấu, 1 tiểu đoàn pháo binh và Tiểu Đoàn Yểm Trợ Thủy Bộ.

Cuối năm 1964 do những yếu kém về tình báo và công tác yểm trợ hỏa lực của tỉnh Phước Tuy và Vùng 3 Chiến Thuật, Tiểu Đoàn 4 TQLC bị thiệt hại nặng trong trận đánh Bình Giã đẫm máu trong tỉnh Phước Tuy khi đơn vị lọt vào trận địa phục kích của hai trung đoàn chủ lực của Sư Đoàn 9 CSBV đang trong giai đoạn hình thành được pháo binh (cối 82 ly, ĐKZ 57 ly) yểm trợ trong rừng cao su phía ngoài làng công giáo di cư Bình Giã.
Đơn vị thiệt hại nặng với 112 chết (bao gồm 29 sĩ quan), 71 bị thương và 13 mất tích. Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó và một đại đội trưởng tử trận, một đại đội trưởng bị thương nặng cùng 2 cố vấn và 2 quan sát viên TQLC Hoa Kỳ. Riêng Đại Úy Donald Cook, một trong 3 quan sát viên của Sư Đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ đồn trú ở Okinawa (Nhật Bản) đang tham quan chiến trường bị thương và bị bắt. Ông chết trong trại tù Cộng Sản khoảng cuối năm 1967 và được truy tặng huy chương Medal of Honor. Đây là trận đánh mở đầu giai đoạn leo thang chiến tranh ở miền Nam Việt Nam của Hà Nội với các cuộc tấn công ở cấp số trung đoàn sau khi Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh thay mặt Bộ Chính Trị đảng CSVN và Quân Ủy Trung Ương vào trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam.
Ngày 5 tháng 1/1965 binh chủng TQLC chính thức tách ra khỏi quân chủng Hải Quân. Trong trận đánh Phụng Dư ở Bồng Sơn (Bình Định) vào tháng Tư năm 1965, Tiểu Đoàn 2 TQLC đánh bật 10 đợt tấn công biển người kéo dài 5 giờ đồng hồ của một trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt thuộc Sư Đoàn 3 CSBV "Sao Vàng," khiến cộng quân phải gọi những người lính Cọp Biển của đơn vị này là nhũng "con trâu điên", khai sinh danh hiệu Trâu Điên của tiểu đoàn này cũng như khởi đầu việc đặt danh hiệu cho các tiểu đoàn còn lại. Do chiến tích lừng danh này, Tiểu Đoàn 2 TQLC được ân thưởng Presidential Unit Citation của Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson, đơn vị đầu tiên của binh chủng TQLC Việt Nam.
Tháng 6 năm 1966 đoàn cố vấn TQLC Hoa Kỳ đề nghị kế hoạch mở rộng binh chủng TQLC Việt Nam, nâng cấp từ lữ đoàn lên sư đoàn vào năm 1970. Trong thập niên 1960 các tiểu đoàn TQLC (đặc biệt là Chiến Đoàn B, sau thành Lữ Đoàn B) cũng thường xuyên hoạt động trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với các đơn vị bạn cũng như Lực Lượng Cơ Động Sông Ngòi (Mobile Riverine Force) của quân đội Hoa Kỳ, gây nhiều cảm phục cho các quân nhân Hoa Kỳ.
Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, Lữ Đoàn TQLC là nỗ lực chính giải tỏa hướng đông-bắc thủ đô Saigon trong khu vực Bình Hòa, Gò Vấp, và Bình Lợi. Là một trong các nỗ lực chính giải tỏa Thành Nội Huế bị cộng quân chiếm giữ, Chiến Đoàn A TQLC đã tái chiếm lại kỳ đài ở Đại Nội (nhưng theo yêu cầu của Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, đã nhường nhiệm vụ thượng kỳ VNCH lại cho Đại Úy Phạm Văn Đính của Sư Đoàn 1 BB). Với chiến công này, Chiến Đoàn A cùng Tiểu Đoàn 1 và 4 TQLC đã được ân thưởng Presidential Unit Citation của Tổng Thống Johnson trong khi Tiểu Đoàn 5 TQLC được ân thưởng Valorous Unit Award.
Ngày 1 tháng 10/1968, kỷ niệm 14 năm thành lập, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến được hình thành nhưng chưa đầy đủ sức mạnh chiến đấu. Lúc đó sư đoàn được hình thành với Lữ Đoàn A (tiền thân của Lữ Đoàn 147) và B (tiền thân của Lữ Đoàn 258) để chỉ huy 6 tiểu đoàn bộ chiến cùng một tiểu đoàn pháo binh. Các đơn vị yểm trợ như Truyền Tin, Công Binh, Quân Y đều nâng cấp từ đại đội lên tiểu đoàn.
Sau Tết Mậu Thân 1968, binh chủng thành lập thêm Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh TQLC (tháng 4/1969), Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh TQLC (tháng 11/1969) và Tiểu Đoàn 7 TQLC (tháng 12/1969). Trong một trận đánh ác liệt gần Biên Hoà trong tháng Hai năm 1969, Tiểu Đoàn 5 TQLC được ân thưởng huy chương U.S. Navy Unit Commendation. Để thay thế Lực Lượng Cơ-Động Sông Ngòi của Hoa Kỳ bắt đầu triệt thoái, Lữ Đoàn B TQLC kết hợp cùng Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi thành Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211 với bộ chỉ huy ở căn cứ Đồng Tâm gần Mỹ Tho, hành quân thường trực từ giữa năm 1969 ở khu vực U Minh-Chương Thiện và Định Tường-Kiến Hòa.
Khi này quân số sư đoàn đã lên đến 9,300 quân nhân trong khi Đoàn Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ có 47 sĩ quan cố vấn và 9 hạ sĩ quan chuyên môn. Mỗi tiểu đoàn TQLC khi này có hai sĩ quan cố vấn do các tiểu đoàn chiến đấu TQLC thường phân chia thành 2 nhóm chiến đấu Alpha và Bravo do tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó chỉ huy. Vào giai đoạn này, các cố vấn TQLC Hoa Kỳ mặc dầu đã từng chiến đấu ở Quân Khu 1 với các đơn vị TQLC Hoa Kỳ trước đây, thường đảm nhiệm chủ yếu việc phối hợp yểm trợ hỏa lực và tiếp vận vì về kinh nghiệm chiến trường của họ thì không thể nào bù được với các cấp chỉ huy chiến đấu của TQLC Việt Nam.
Tiểu Đoàn 9 TQLC và Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh TQLC được thành lập trong năm 1970 và Sư Đoàn TQLC với quân số và trang bị đầy đủ được tái tổ chức với 3 lữ đoàn chiến đấu mang số 147, 258 và 369 (thành lập cuối năm 1969). Mỗi lữ đoàn chỉ huy 3 tiểu đoàn chiến đấu (được gom lại thành số hiệu lữ đoàn) và một tiểu đoàn pháo binh yểm trợ nhưng trên thực tế chiến trường cấu trúc các lữ đoàn thường thay đổi tùy theo nhu cầu chiến thuật. Với quân số đầy đủ trên 900 người, tiểu đoàn chiến đấu TQLC có biên chế cao nhất trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Vào tháng 5/1970 Lữ Đoàn 258 TQLC với Tiểu Đoàn 1, 4 và 5 TQLC và một pháo đội của Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh TQLC tham gia cuộc hành quân Cửu Long của Quân Đoàn 4 vượt biên sang Cam Bốt đánh phá các căn cứ bí mật của Cộng Sản Bắc Việt trong khu vực Neak Lương, cũng như tiến hành chiến dịch Trần Hưng Ðạo yểm trợ hồi-cư Việt Kiều sinh sống ở Cam Bốt đang bị kỳ thị và khủng bố. Sau đó Lữ Đoàn 147 và 369 TQLC với Tiểu Đoàn 2, 3, 6, 7 và 8 TQLC cũng tham gia.

Đầu năm 1971 Sư Đoàn TQLC tham gia chiến dịch Hạ Lào (Hành Quân Lam Sơn 719) khởi đầu là trừ bị chiến dịch với hai lữ đoàn 147 và 258). Sau khi Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù và Liên Đoàn 1 BĐQ bị thiệt hại nặng và Sư Đoàn 1 BB được giao nhiệm vụ thay thế Nhảy Dù để vào mục tiêu Tchepone thì Lữ Đoàn 147 và 258 TQLC vào thay Sư Đoàn 1 BB để bảo vệ mặt nam của cuộc tiến quân. Trong khi đó, Lữ Đoàn 369 TQLC được di chuyển từ Saigon ra Khe Sanh làm đơn vị trừ bị. Đại Tá Bùi Thế Lân, tư lệnh phó Sư Đoàn TQLC chỉ huy cuộc hành quân cấp sư đoàn đầu tiên trong lịch sử binh chủng.
Ngày 2 tháng 3/1971 Lữ Đoàn 147 TQLC với Tiểu Đoàn 2, 4 và 7 TQLC và một pháo đội hỗn hợp 105/155 ly của Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh TQLC xuống căn cứ Delta. Sau đó Lữ Đoàn 258 TQLC với Tiểu Đoàn 1, 3 và 8 TQLC và pháo đội của Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh TQLC xuống căn cứ Hotel trên dãy núi Cô Rốc ngay biên giới Việt-Lào. Trong giai đoạn triệt thoái đẫm máu ra khỏi Hạ Lào, hai căn cứ Delta và Hotel của TQLC bắt đầu hứng trọn gánh nặng phản công truy kích của quân Bắc Việt từ hướng tây cũng như cuộc đột kích theo kiểu "vu hồi" của Sư Đoàn 324B từ thung lũng A Shau di chuyển lên từ hướng nam. Trung Ðoàn 29 và Trung Ðoàn 803 thuộc Sư Đoàn 324B Bắc Việt tung ra nhiều đợt tấn công biển-người ghê gớm. Họ được yểm trợ bởi hàng loạt đợt pháo kích nặng và 10 chiến xa PT-76 trang bị súng phun lửa. Phía bên này, Lữ Đoàn 147 TQLC đã chống trả hết sức anh dũng và kịch liệt, nhưng cuối cùng lữ đoàn cũng phải mở đường máu rút lui ở căn cứ Delta trong đêm 22 tháng 3/1971 sau khi tiêu diệt 3 chiến xa địch quân, cạn dần đạn dược và tiếp tế trong khi hỏa lực pháo binh và phòng không ác liệt của Bắc quân đã khiến các hoạt động không yểm, tiếp tế và tải thương không thực hiện được.
Ngoài việc vào sát vòng đai phòng thủ căn cứ Delta, bộ đội Sư Đoàn 324B cũng đã xâm nhập vào khu vực triệt thoái của lính Thủy Quân Lục Chiến ở giữa 2 căn cứ Delta và Hotel. Dù đã bị thương, ba viên sĩ quan tiểu đoàn trưởng (đặc biệt là Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phúc của Tiểu Đoàn 2 TQLC) cũng như các cấp chỉ huy dưới quyền đã duy trì đội ngũ và chỉ đạo cuộc rút quân hữu hiệu trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Theo các cố vấn TQLC Hoa Kỳ, dù bị thiệt hại khá nặng, Lữ Đoàn 147 TQLC đã trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu 24 giờ sau khi về đến Khe Sanh.
Các đơn vị pháo binh Hoa Kỳ và VNCH cũng đã triệt thoái khỏi khu vực biên giới Lào-Việt, ngoài tầm bắn yểm trợ. Ưu tiên của các hoạt động không yểm tập trung vào việc triệt thoái Sư Đoàn 1 BB và lực lượng đặc nhiệm Nhảy Dù-Thiết Kỵ dọc theo Quốc Lộ 9. Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm (Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và là người chỉ huy tổng quát cuộc hành quân Lam Sơn 719) sau những hiềm khích cá nhân với tướng Lê Nguyên Khang (Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC) đã không chấp thuận việc triệt thoái của lính Cọp Biển nhưng đòi hỏi việc di tản pháo đội pháo binh ra khỏi căn cứ Delta trong hoàn cảnh trực thăng không thể nào đáp xuống căn cứ một cách an toàn.
Tướng Lãm đã phán một câu sau những thiệt hại khá nặng của BĐQ, Nhảy Dù, Thiết Giáp và Sư Đoàn 1 BB, đến lượt TQLC phải chấp nhận thiệt hại để bảo vệ cho nỗ lực triệt thoái theo Quốc Lộ 9 (theo tường thuật của cố vấn TQLC Hoa Kỳ). Lữ Đoàn 258 TQLC sau đó cũng triệt thoái khỏi căn cứ Hotel vào ngày 25 tháng 3/1971 bằng các trực thăng của lực lượng đặc nhiệm TQLC Hoa Kỳ đang có mặt trên Hạm Đội 7 ở ngoài khơi Việt Nam sau những bàn luận giữa Đại Tá Lân và Đại Tá Francis W. Tief, cố vấn trưởng và được sự đồng ý của tướng Khang ở Saigon mà không thông qua tướng Lãm. Tướng Lãm đã nổi giận và yêu cầu gởi hai toán trinh sát TQLC xuống đỉnh núi Cô Rốc để thăm dò các lực lượng truy đuổi của Bắc quân nhưng không biết Đại Tá Bùi Thế Lân có thi hành lệnh này hay không vì đó là một nhiệm vụ cảm tử không thành (theo tường thuật của cố vấn TQLC Hoa Kỳ).
Mặc dầu thiệt hại nhẹ hơn các đơn vị bạn như Nhảy Dù, BĐQ, Sư Đoàn 1 BB và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh, sau 20 ngày tham gia vào giai đoạn cuối của chiến dịch Hạ Lào, Sư Đoàn TQLC thiệt hại 335 chết, 768 bị thương và 37 mất tích trong khi gây thiệt hại cho trên 2,000 bộ đội Bắc Việt với xác chết nằm la liệt xung quanh hai căn cứ Delta và Hotel. Thủy Quân Lục Chiến tịch thu hay phá hủy trên 800 vũ khí và 3 chiến xa PT-76 . Chấn động tinh thần mạnh nhất là những đồng đội hy sinh và bị thương nặng không thể di tản phải nằm lại trên đất Lào. Tuy vậy Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh chiến dịch đã nói, "Sao TQLC nó về nhiều thế nhỉ."

Từ năm 1960 khi CSBV bắt đầu tiến hành chiến tranh ở miền Nam, danh tiếng binh chủng TQLC bắt đầu vang rộng khắp nơi qua các trận đánh nổi tiếng như Đầm Dơi, Đổ Xá, Ba Gia, Bình Giả, Đức Cơ, Phụng Dư, Rạch Ruộng cũng như các chiến dịch lớn như Sóng Tình Thương, Tết Mậu Thân ở thủ đô Saigon-Chợ Lớn và Cố Đô Huế, Cửu Long sang Cambodia, Lam Sơn 719 sang Hạ Lào.

Được sự trợ giúp tận tâm của các cố vấn TQLC Hoa Kỳ đồng kham cộng khổ ở chiến trường, binh chủng TQLC Việt Nam trưởng thành nhanh chóng qua những tháng năm khói lửa trở thành một đại đơn vị lừng danh chiến trận với tổ chức chặc chẻ, huấn luyện thuần thục, chỉ huy tài ba, tinh thần chiến đấu can đảm với quân số đầy đủ và mạnh mẽ nhất trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
ImageImageImageImage
Đại tá Nguyễn thành Yên Đại tá Hoàng tích Thông Đại tá Nguyễn thành Trí Đại tá Phạm văn Chung
Tuy nhiên đại đơn vị này cũng là nạn nhân không may của cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Do tướng Lê Nguyên Khang là bạn thân thiết của tướng Kỳ nên sau khi tướng Thiệu nắm được quyền lực, Sư Đoàn TQLC đã không được sử dụng đúng chỗ và quan tâm chu đáo như Sư Đoàn Nhảy Dù do luôn là mối lo ngại về đảo chính của vị lãnh đạo quốc gia đa-nghi này. Các cấp chỉ huy tài ba cấp lữ đoàn của binh chủng như Nguyễn Thành Yên, Tôn Thất Soạn, Hoàng Tích Thông, Nguyễn Thành Trí, Phạm Văn Chung, Ngô Văn Định không có cơ hội lên Tướng cho dù tạo nhiều chiến tích lừng danh.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

VÀI NÉT VỀ BINH-CHỦNG
Biệt - Động - Quân
Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

Trận đánh tuyệt-vọng cuối cùng trước khi Saigon sụp đổ đã được chiến-đấu bởi những đơn vị tinh nhuệ duy nhất của Quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa. Binh chủng Biệt-Động-Quân, dễ nhận ra qua chiếc mũ beret nâu và phù-hiệu binh-chủng con báo đen với ngôi sao trắng (thường được sơn phía trước trên nón sắt), thường xuyên hiện diện nơi tiền tuyến trong suốt cuộc chiến đấu cho miền nam Viet-Nam.

Liên-đoàn Quan-Sát số Một (1) của quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa được tổ chức vào năm 1956 (sau đó đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tổng-thống Ngô-đình-Diệm) để thực hiện các cuộc hành quân đặc biệt tại miền nam Việt-Nam. Các đơn vị Biệt-động-quân cảm-tử như Quyết-tử, Thám-sát, Trinh-sát và viễn-thám đã được tổ chức để xâm-nhập sâu vào lãnh thổ miền bắc khi những khóa-sinh Việt-Nam đầu tiên tốt-nghiệp trường huấn-luyện Biệt-động-quân Hoa-Kỳ.
Image
Quân-lực Việt-Nam cộng-hòa thành lập các đơn-vị Biệt-động-quân vào đầu năm 1960, liên đoàn 7 Lực-lượng Đặc-biệt Hoa-Kỳ dưới quyền chỉ huy của đại tá Donald D. Blackburn được lệnh gửi một toán sang Việt-Nam để huấn luyện cho các đơn vị ưu-tú đó. Toán 77 huấn luyện lưu-động thiết lập bãi tập cho BĐQ trong trường Hạ-sĩ-quan Nha-Trang. Khóa huấn luyện điều hành bởi thiếu-tá Lewis Miller, người đã được ban thưởng huy chương danh dự trong trận chiến tranh Triều-Tiên. Nhiều huấn luyện viên sau này phục-vụ bên Lào với đại tá Bull Simons thuộc bộ chỉ huy Cố-vấn Quân-viện (MAAG) Lào - Sứ mạng Sao trắng. Khi tổng-thống John F. Kennedy nới rộng vai trò của quân-lực Hoa-Kỳ tại nam Việt-Nam vào năm 1961. Các cố vấn Lực-lượng Đặc biệt được phân phối làm việc với các đơn-vị Biệt-động-quân. Một toán thuộc liên-đoàn 1 LLĐB / HK tổ-chức Biệt-động-quân Việt-Nam thành các đại-đội để loại-trừ quân phiến-loạn và xử-dụng cho chiến tranh du-kích.

Biệt-động-quân được huấn luyện tại Trung-Lập (Quân-đoàn III), Thất-Sơn (Quân-đoàn IV), Dục- Mỹ, tỉnh Khánh-Hòa (Quân-đoàn II), về sau trở thành trung-tâm huấn-luyện BĐQ. Sau này các đại-đội BĐQ được kết hợp lại (hai hoặc nhiều hơn) để chống lại các đơn vị cấp lớn hơn của quân cộng-sản.

Những tiểu-đoàn đặc-biệt Biệt-động-quân được thành lập để hành-quân trong vùng I, II, và III dưới quyền chỉ-huy của tướng Dương-văn-Minh (Minh cồ). Tiểu-đoàn 10 tại Đà-Nẵng, tiểu-đoàn 20 tại Pleiku, và tiểu-đoàn 30 tại Saigon. Các sĩ-quan và hạ-sĩ-quan Hoa-Kỳ được gửi đến các đơn vị BĐQ mỗi toán bốn người để làm cố-vấn. Các cố vấn này ăn, ngủ, chiến-đấu với các binh-sĩ Việt-Nam trong những cuộc hành-quân cực kỳ gian khổ.

Thường xuyên tăng viện cho các sư-đoàn Bộ-binh, các đơn-vị Biệt-động-quân chịu nhiều tổn- thất trong nhiệm-vụ xung-kích như trong trận Đồng-Xoài năm 1965, tiểu-đoàn 52 BĐQ được trực thăng thả ngay vào vị trí của địch và đánh tan giặc cộng trong một trận đánh cận chiến. Vào tháng tám năm 1966, trong cuộc hành quân Toledo, lần đầu tiên có sự tham dự của một đơn vị VNCH. Chiến đoàn đặc-nhiệm Biệt-động-quân, gồm hai tiểu đoàn 33 và 35 được tăng phái cho một đơn vị Hoa-Kỳ.(Lữ đoàn 173 Dù)

Đến năm 1967, Biệt-động-quân được tổ chức thành cấp liên-đoàn với bộ chỉ huy tại Saigon và làm đơn vị trừ bị cho bộ Tổng-tham-mưu cùng bốn quân-khu. Năm 1968 có tất cả 20 tiểu- đoàn BĐQ, cũng từ trận Tết Mậu-thân năm 68 đến mùa hè đỏ lửa năm 72, các đơn vị BĐQ đã giao tranh ác-liệt với địch quân trong các chiến trưòng trên bốn quân khu và ngoại biên Lào, Cambodia.
Image
Trong mùa hè đỏ lửa, Cộng quân đã tấn công trong ba mặt trận vào ngày chủ nhật lễ Phục-sinh năm 1972. Biệt-động-quân đã anh dũng chiến đấu bên cạnh các đơn vị bạn nhưThủy Quân Lục Chiến, Nhẩy dù, Bộ binh và Điạ-phương-quân đẩy lui các cuộc tấn công của quân Bắc việt tại Quảng Trị. Trong suốt 22 ngày chiến đấu liên tục, quân lực VNCH đã bắn hạ 131 chiến xa, loại khỏi vòng chiến 7000 địch quân.

Tại An-Lộc, Biệt-động-quân góp phần trong việc đẩy lui bốn sư-đoàn cộng quân, một trong những trận đánh tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Biệt-động-quân tiếp tục đóng góp cho mầu cờ, sắc áo binh-chủng trong các trận đánh tuyệt- vọng cho những ngày cuối của miền nam Việt-Nam. Kể từ ngày thành lập (Tháng bẩy năm 1960), với các chiến thắng lẫy-lừng, nhiều đơn-vị Biệt-động-quân Việt-Nam đã được ân-thưởng Anh-dũng bội tinh và huy chương danh dự của tổng-thống Hoa-Kỳ.

- Hai mươi ba (23) đơn-vị BĐQ đã được ân-thưởng Anh-dũng bội tinh với nhành dương liễu. Tiểu đoàn 42 BĐQ được tuyên-dương bẩy lần, tiểu-đoàn 44 được sáu lần, liên-đoàn 1 và tiểu-đoàn 43 được bốn lần.

- Tiểu-đoàn 42 được ban cho huy-chương danh dự của Tổng-thống Hoa-Kỳ hai lần. Các tiểu-đoàn 44, 37, 39, 52, 41 cũng được ân thưởng huy chương cao-quý nhất của Quân-lực Hoa-Kỳ.

Ngoài ra nhiều đơn-vị Biệt-động-Quân còn được ân thưởng Anh-dũng bội tinh đủ loại của quân-đội Hoa-Kỳ.

Theo tài liệu:
- The AR VN RANGERS STORY by R.K.,Vietnam, December 1994
- The BLACK TIGERS by Mike Martin, Don Valentine, Harmony House, 1993.

Dallas - Texas, ngày 07 tháng 04, 1996
Viết cho ngày Quân-Lực 1996

Vũ-đình-Hiếu
thienthanh
Posts: 3384
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Võ Bị Ðồng Ðế
(Tháng Ba 1955 đến tháng Tư 1975)

Lược ghi của TRƯƠNG HUYỀN
Ðồng Ðế, điạ danh nằm trên cao cách thị xả Nha-Trang khoảng 4 km về phía Bắc, Ðông là bờ biển Nam Hải, Tây song song quốc lộ 1 và thiết lộ xuyên Việt, Nam tiếp giáp thắng cảnh hòn Chồng, Bắc giáp mỏm núi Hòn Khô. Hòn Chồng và Hòn Khô như hai cánh tay giang ra ôm eo biển Ðồng Ðế vào lòng. Không rỏ ai đặt tên Ðồng Ðế cho nơi nầy có ý nghỉa của nó ? Vùng đất nầy trước năm 1954 ít người lai vảng, dân cư thưa thớt, đặc biệt dọc theo núi Hòn Khô, dân chài lướI chiều từ biển đi vào phải đi từng nhóm và đề phòng ..,vì ông "Ba Mươi" khi chiều xuống thỉnh thỏang hay ra chào đón hoặc rình rập bắt gia súc .

Sau hiệp định Geneve, Ðồng Ðế trở nên nhộn nhịp, đồng bào Ba Làng (gốc Thanh Hóa) đến định cư chiếm một chiều dài khoảng ¾ km và chiều rộng ¼ km trên bờ biển, phần phía sau Ba Làng là một trại binh thô sơ do quân đội Pháp để lại .

Cuối năm 1954 quân trường Commando của Pháp (Ecole de Commando) tại Vạt Cháy, Hòn Gai được thu vén di chuyển vào Nam theo quy ước Geneve. Sau một thời gian ngắn tạm trú tại Suối Dầu (Khánh Hòa) tháng 2-1955 được di chuyển về trại binh Ðồng Ðế với danh xưng "Ecole de Commando Et Education Physique" tiếp theo chuyển giao cho QÐVNCH và đổi tên là "Biệt Ðộng Ðội Thể Dục Ðinh Tiên Hoàng Ðồng Ðế".

Lấy Ðồng Ðế làm trung tâm huấn luyện thật là một chọn lựa tối ưu. Từ các căn cứ quân sự Không, Hải, lộ vận và hỏa xa đều gần Trung tâm huấn luyện.Các xạ trường, mục tiêu cố định, di động, biến hiện, các bải tập mìn bẩy, dây tử thần, đoạn dường chiến binh, thao trường v.v…đều nằm dưới chân núi Hòn Khô hay thung lủng ở giửa chân núi Hòn Khô và đèo Rù Rì. Bao bọc chung quanh không xa địa điểm toạ lạc của trường có biển, sông, núi cao, rừng rậm trùng điệp rất thuận tiện cho việc huấn luyện như: Nhảy dù đêm trên mọi địa thế, xâm nhập ven biển, vượt sông, tác chiến sình lầy, phục kích, tấn công , phòng thủ nơi núi cao hay rừng rậm đều có sẳn địa thế và trường hợp muốn có địa thế rộng rải hơn nữa để phối họp hành quân thực tập cấp Ðại đội, Tiểu đòan, Liên đòan thì khu Ðồng Bò trong lãnh thổ Diên Khánh cách đó củng không bao xa. Ðồng Ðế khí hậu lại tốt, gió biển thổi ngày đêm . Tôi biết Ðà lạt vì xuất thân từ trường Võ Bị Liên Quân và củng là Huấn Luyện Viên taị trường Bộ Binh Thủ Ðức. Theo tôi địa thế huấn luyện Ðồng Ðế có nhiều đặc điểm tốt hơn hẳn hai quân trường trên .

- Ðà Lạt có rừng thông trùng điệp, khí hậu tốt, nhưng đến giai đoạn thực tập tác chiến trên mọi địa thế, đặc biệt sông rạch sình lầy …phải về vùng Bình Thủy -Cần Thơ .

- Trường Bộ Binh Thủ Ðức nằm trên đồi Tăng Nhân Phú, phía sau có nhiều sông rạch, không có núi đồi cao, chỉ có một ít rừng …,nhưng toàn là cây cao su, nên Thủ Ðức ít thích ứng cho quân trường về nhiều mặt. Nếu làm một Trung tâm hay Ðại Học dân sự thì tốt hơn .

Ðịa thế cùng với lối huấn luyện đặc biệt của quân trường Ðồng Ðế đã nổi tiếng khắp nước, nên dù là thư sinh hay kẻ đã khoác áo chiến y vẩn e ngại về Ðồng Ðế Những tin loan truyền về Ðồng Ðế không ai ngoài những khóa sinh đã từng bước qua cửa, thêm vào đó những người thích văn thơ lại sang tác những câu truyền tụng một thời trong nhân gian như :

"Rớt tú tài anh đi Trung sỉ
Dây Tử thần Ðồng Ðế đợi anh…. "

Quả thật, không gì cay hơn thi rớt, cha mẹ buồn phiền, người yêu tìm cách lánh mặt, tương lai như ngỏ cụt …, ghét dây Tử thần Ðồng Ðế củng chẳng đáng trách là "phản chiến" ! Nhưng khi đả được lệnh gọi trình diện nhập ngủ đi vào quân trường Ðồng Ðế thì ...một liều ba bảy củng phải liều để rồi "Ðồng Ðế đêm ngày nghe sóng vổ, dây Tử thần không làm nhụt chí nam nhi .." .Rồi chẳng mấy chốc trở thành "trang thanh niên hùng dủng, người chiến sỉ oai hung của tiền tuyến và của lòng em …". Quân trường Ðồng Ðế trở thành ..dễ thương, dễ nhớ …

Kẻ viết bài nầy khi nhận lệnh đi thụ huấn ở quân trường Ðồng Ðế củng mang tâm trạng ..chán nản, bất mãn, nhưng hôm nay lại thấy vinh dự khi nhắc lại những buồn vui nơi quân trường. Thật vậy, từ trường Ðaị học Quân sự về Sư Đoàn với nhiều ước vọng, nhất là Tiểu đoàn cũ còn đó, một ghế Trung Đoàn Trưởng chưa người điền khuyết …Nhưng khi trình diện Tư Lệnh Sư Đoàn, Trung Tá Nguyển Văn Vĩnh (biệt danh Vĩnh hèo)* với nét mặt nghiêm nghị, ông ta ra lệnh :"Anh về đúng lúc, trong khi chờ đợi lệnh thuyên chuyển chẳng lẻ "ngồi đuổi rồi"(chứng tật nói năng đối với cấp dưới chẳng phải giận ghét), anh đã là Tiểu Đoàn Trưởng, anh đã qua Ðại học Quân sự, nay anh "đại diện" Sư Đoàn đi học nốt Biệt Ðộng Ðội Thể Dục 3 tháng tại Ðồng Ðế, nó sẻ giúp anh khi nhận nhiệm vụ mới. Khóa khai giảng tuần qua, xuống nhận Sự vụ lệnh đi ngay cho kịp" .Tôi định hỏi kỷ về lệnh của ông, nhưng chợt nghỉ ..có hỏi thì củng như "hèo" thôi ! nên tuân lệnh chào và đàng sau quay .

Với tư cách khóa sinh, tôi đến trình diện Quân Trường Ðồng Ðế . Ban huấn luyện quân trường ngạc nhiên và lúng túng vì cơ hữu lúc bấy giờ chỉ có vài Ðại úy, Trưởng khối khóa sinh là một Trung úy, trong khi khóa sinh đeo cấp bậc Ðại úy . Ðế giải quyết vấn đề, Ban huấn luyện đặt tôi là "Khóa sinh cố vấn" (không phải cố vấn khóa sinh). Tôi không bị ràng buộc vấn đề huấn luyện, nhưng hằng ngày tôi củng sinh hoạt theo Ðại đội 21 mà Ðại Đội Trưởng là Trung Úy Danh. Chương trình huấn luyện vào lúc nầy không có gì đổi mới ngọai trừ huấn nhục để người khóa sinh chịu đựng cam go khó nhọc gian khổ. Buổi sáng ra khỏi trại, trên đường đi đến thao trường vừa chạy vừa la .. Ðại đội trưởng hô "Biệt động đội", khóa sinh đáp "À" .

Sau 3 tháng học tập, tôi có lệnh thuyên chuyển chính thức về quân trường, nhận Trưởng khối Quân Huấn thay cho Ðại Úy BVS lên chức Chỉ Huy Phó .

Trường Biệt Ðộng Ðội & Thể Dục Ðồng Ðế chuyển mình. Ðầu năm 1957 Ðại tá Nguyễn Thế Như (nguyên tư lệnh Sư đoàn Khinh chiến 15) và Tư Lệnh Lữ Đoàn Liên Minh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ về thay thế Ðại Tá Trần Vĩnh Ðắc trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng quân trường, hang loạt sĩ quan tốt nghiệp ở Mỹ và Mã Lai được đưa về .Võ sư Thiếu tá Nguyển văn Minh (cấp đồng hóa) và một vỏ sư khác (huyền đai) người Nhật bản (nguyên Trung úy đào ngũ ở lại VN sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Ðồng Minh) được Bộ Tổng Tham Mưu gởi tới. Cố vấn quân sự Mỹ cũng được thay thế bởi một Ðại Úy tốt nghiệp Ranger và đã có kinh nghiệm huấn luyện cho Biệt Kích Mã Lai Á .

Hướng đi của Bộ Tổng Tham Mưu cho quân trường lúc đó là:

A .Huấn luyện tăng thêm hiệu năng tác chiến nghành Biệt Ðộng Ðội & Thể dục trong đó có cả Thể dục cận chiến và chuyển mình hình thành một binh chủng .

2. Song song với việc huấn luyện Biệt Ðộng Ðội & Thể dục chuẩn bị phương tiện (doanh trại, thao trường, tài liệu huấn luyện) để đào tạo hàng Hạ sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời chuẩn bị doanh trại đón tiếp Liên Ðoàn 77 Lực lượng Ðặc Biệt, quân số khoảng chừng 300 người mà hầu hết là Sĩ Quan hay Hạ Sĩ Quan với chương trình huấn luyện đặc biệt dành cho họ. Quân Trường cũng được lệnh đổi danh xưng từ "Biệt Ðộng Ðội & Thể dục" thành "Trường Hạ Sĩ Quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa" và khuyến khích sáng tác huy hiệu quân trường . Ðại Úy Vũ Phi Hùng, trưởng ban Vũ khí đã vẻ huy hiệu trường Hạ Sĩ Quan và được Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận .

Khởi đầu chưong trình tu nghiệp là bổ túc quân sự cho khoảng 400 HSQ chuyên nghiệp có B1 hoặc B2, đồng thời tiếp nhận các HSQ từ các đơn vị gởi về tu nghiệp theo nhịp độ 3 tháng 1 khóa, sỉ số khóa sinh tùy theo khả năng quân trường Ngoài ra cuối năm 1957 quân trường phải tiếp nhận thêm 1 khóa tu nghiệp đặc biệt cho khoảng 900 Hạ Sĩ Quan của các giáo phái (Bình Xuyên, Cao Ðài, Hòa Hảo) vừa mới sát nhập vào Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa . Số khóa sinh nầy là một khó khăn và nhức đầu của quân trường lúc bấy giờ, ngơài việc học tập không mấy ai tích cực mà thỉnh thoảng cuối tuần anh em lại kéo ra sân cờ đòi về Nam..!

Cuối năm 1957, một loạt Sĩ quan khác sau khi tốt nghiệp các khóa ở nước ngoài về cũng được thuyên chuyển tới Ðồng Ðế trong đó có Ðại úy ÐVT tốt nghiệp Bộ binh cao cấp ở Mỹ thay tôi trong nhiệm vụ Trưởng khối Quân Huấn, còn tôi trách nhiệm Khối Khóa sinh . Cùng lúc đó một số Sĩ quan của Quân trường kể cả Chỉ Huy Trưởng cũng được thay nhau đi thăm quan các Trung Tâm Huấn Luyện của các Sư đòan Bộ binh Mỹ đồn trú tại Hạ Uy Di . Ðặc biệt quân trường lúc nầy cũng được sự chú tâm theo dõi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên khi danh sách phái đoàn thăm quan đầu tiên được trình lên TT (thời điểm nầy tất cả danh sách người đi xuất ngoại đều phải trình lên TT) gồm có Ðại Tá Như, tôi, Oanh và Chánh cùng đang có mặt tại Sàigòn để chuẩn bị hành trang lên đường . Khi thấy tên Ðại Tá Như, ngay tức khắc Tổng Thống ra lệnh Bộ Tổng Tham Mưu chỉ thị Thiếu Tướng Tôn Thất Ðính Tư lệnh Quân Ðoàn II chọn một Sĩ quan khác thay thế Ðại Tá Như đi thăm quan và sẽ nhận nhiệm vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan sau khi đi thăm quan về .Trung Tá Ðoàn Văn Quảng thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II được chọn..,và phái đoàn lên đường ngay sau khi Trung Tá Quảng có mặt tại Sài-gòn .

Tổng Thống và Bộ TTM quan tâm đến trường HSQ là điều dể hiểu, vì hàng ngủ Hạ Sĩ Quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa thời kỳ phôi thai rất phức tạp, một phần được đào tạo từ địa phương và đả có thâm niên công vụ, đa số rất giỏi cả chiến đấu lẩn tham mưu, chính họ thường xuyên được trám vào các chức vụ khi chưa có Sĩ quan điền khuyết .Một số lớn khác được thăng cấp tại hàng vì công trạng hay nhu cầu của các lực lượng giáo phái, số khác thuộc lực lượng phụ binh của Pháp để lại, đa số chiến đấu rất giỏi và gan lì , đụng địch là húc như trâu điên …Nhưng ..! hiểu biết tổng quát kém, môn bản đồ chưa được học qua, địa bàn, vũ khí, truyền tin hay nghệ thuật lãnh đạo tất cả đều chưa có căn bản . Việc tu nghiệp để nâng cao trình độ cho Hạ Sĩ Quan trong quân đội tân tiến là một vấn đề thiết yếu. Sự lưu tâm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng là một vinh dự cho hàng Hạ Sĩ Quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa và cho quân lực .

Cuối năm 1958, sau khi việc huấn luyện song hành của Biệt Ðộng Ðội, Thể Dục và Hạ Sĩ Quan có kết quả cụ thể, việc quản trị tiếp vận đã hoàn chỉnh, chương trình huấn luyện Biệt Ðộng Ðội và Thể Dục cũng chuyển dần sang việc thành lập binh chủng Biệt Ðộng Quân thì một lần nữa quân trường Ðồng Ðế lại có thêm một nhiệm vụ mới đó là chuẩn bị phương tiện để đón nhận và đào tạo Sĩ Quan Hiện Dịch. Khác với trường Võ bị Ðà-lạt, tài nguyên SVSQ được chọn từ hàng HSQ xuất sắc, họ phải là những người có chiến công, hạnh kiểm tốt, trình độ văn hóa Trung học phổ thông. Tuy nhiên ứng viên phải qua một cuộc thi tuyển do Bộ Tổng Tham Mưu tổ chức .

Trong thời gian quân trường chuẩn bị tài liệu huấn luyện, phương tiện tiếp vận và đợi danh sách các SVSQ được tuyển chọn của Bộ TTM, thì tờ báo "Chiến Sĩ Quân Ðội VNCH", tiếng nói duy nhất của Quân Đội do Nha Chiến Tranh Tâm lý Bộ Quốc Phòng phát hành dành nguyên một số đặc biệt nói về tường HSQ và vai trò của HSQ trong QLVNCH, tôi được phòng Chiến Tranh Tâm Lý yêu cầu viết bài qua cái nhìn thực tế lúc ở ngoài đơn vị và lúc ở quân trường .

Tháng 6 năm 1959 khóa hiện dịch đầu tiên được khai giảng với sĩ số trên 350 người Về sinh hoạt hằng ngày như quân phong quân kỷ, nghệ thuật dẫn đạo lấy khuôn mẩu từ trường Võ Bị Ðà Lạt . Cán bộ điều hành từ Tiểu đoàn trưởng và Ðại đội trưởng hầu hết xuất thân từ quân trường nầy. Về chương trình huấn luyện 9 tháng tại quân trường, vì tất cả các SVSQ đã có kiến thức căn bản quân sự kể cả cá nhân và tiểu đội tác chiến, nên dành nhiều thì giờ cho việc huấn luyện các khoa chuyên môn theo phương pháp Mỹ, phần tác chiến chú trọng huấn nhục, tháo vát, quen chịu đựng gian khổ trong mọi hoàn cảnh và khả năng điều quân cấp trung đội & đại đội. Sau đó 3 tháng phân bổ thực tập trong các đơn vị chiến đấu, việc theo dỏi thực tập, phê phán khả năng thuộc quyền của các đơn vị trưởng thực tập, quân trường chỉ đóng vai trò liên lạc . Với tư cách là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn SVSQ, được quân trường phái xuống các đơn vị để ghi nhận ý kiến của cả hai bên .

Gần cuối năm 1959, công việc đang bình thường thì quân trường lại thay đổi Chỉ Huy Trưởng. Trung Tá Ðoàn văn Quảng đi, Trung tá Ðặng Văn Sơn đến thay thế. Sau mỗi lần thay đổi Chỉ Huy Trưởng, việc huấn luyện củng thay đổi ít nhiều . Nhưng phải thành thực nhận định, dưới thời Trung Tá Sơn từ việc huấn luyện cho tới quản trị tiếp vận, chỉnh trang và thiết trí thao trường, xạ trường….chu tất nhất, không những thế, từ trạm xá, phòng xả hội dành cho trại gia binh củng được kiến tạo .

Ðầu tháng 7 năm 1960, tất cả SVSQ đi thực tập trở về trường để tham dự trắc nghiệm cuối cùng để chuẩn bị mãn khóa. Sau hơn một năm tròn tôi luyện, ngày 23 tháng 7 năm 1960 khóa 1 SVSQ làm lễ mãn khóa dưới sự chủ tọa của Tổng thống VNCH . sau lể mản khóa, TT Diệm đích thân đi thăm các thao trường và rất hân hoan khi nhìn tận mắt một toán khóa sinh với trang bị cá nhân tác chiến đang thực tập vượt sông Cả (Nha Trang) mà một Sĩ quan huấn luyện viên mang khẩu đại liên 30 với đầy đủ đạn dược lắp ngay vào chổ Tổng Thống và quan khách đang đứng. Hoặc là màn huấn luyện của một toán khóa sinh từ đỉnh đồi cao bám vào giây cáp vượt qua sườn núi, phía dưới là ghềnh đá lởm chởm (nếu yếu bóng vía chỉ có thể nhắm mắt chờ chết) cuối cùng rơi xuống hồ nước, biết bơi thì vào bờ, không biết thì …uống một ít nước rồi có người cứu ngay .., được gọi là "giây tử thần" !

Sau ngày mãn khóa 1 trên 300 " Tân Sĩ quan nhà nghề" được tung đi bốn phương trời , các đơn vị đón nhận họ như một món quà quí giá .Võ Bị Ðồng Ðế từ đấy .. "Vua biết mặt, Chúa biết tên" nên được lệnh tiếp tục đào tạo thêm các khóa kế tiếp . Khóa 2 khai giảng ngày 27 tháng 2 năm 1961 với sỉ số 350 người .Khóa 3 khai giảng ngày 27 tháng 5 năm 1962 với sĩ số 550 người, khóa 4 sĩ số 400 người . Ðặc biệt khóa 3 & 4 Sĩ Quan hiện dịch trước khi khai giảng khóa học độ 2 tháng, có khoảng 100 sinh viên Quốc gia Hành chánh thuộc các khóa 6,7 & 8 đã tốt nghiệp về Hành chánh, theo chỉ thị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được gởi tới trường Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế để thụ huấn căn bản quân sự và sau khi mãn khóa được nhập học với khóa 3 & 4 Sĩ Quan hiện dịch . Sau khi tốt nghiệp khoá Sĩ Quan tại Ðồng Ðế, các sinh viên Quốc gia Hành chánh nầy trở về nhiệm sở để tương lai theo kế hoạch của chính phủ VNCH, các sinh viên nầy sẻ được bổ nhiệm chức vụ Quận Trưởng thay thế Sĩ Quan Quân Đội trở về chỉ huy với nhiệm vụ quân sự thuần túy . Tổng cộng Sĩ Quan Hiện Dịch xuất thân từ Võ Bị Ðồng Ðế là 1800 người, không kể 100 Sĩ Quan nguyên là gốc là Sinh Viên Quốc Gia Hành chánh . Cuối năm 1963 quân trường chấm dứt đào tạo Sĩ Quan Hiện Dịch .

Trong năm 1961, quân trường có một số thay đổi . Ðầu năm, bộ phận Lực Lượng Ðặc Biệt (Liên đoàn 77 Biệt kích Dù) rút hết về Sài Gòn, sau đó bộ phận huấn luyện Biệt Ðộng Quân được di chuyển ra Dục Mỹ. Ðại Tá Sơn được chỉ định Chỉ huy trưởng TTHL Biệt Ðộng Quân Dục Mỹ, Ðại Tá Ðỗ Cao Trí về chức vụ Chỉ huy trưởng trường Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế Nha Trang.

Ðầu năm 1962, vì nhu cầu quân số việc đào tạo Hạ Sĩ Quan được gia tăng mạnh mẽ cả phẩm lẫn lượng cho tới cuối năm 1963 sau khi chấm dứt đào tạo Sĩ Quan hiện dịch. Mọi nỗ lực quân trường đều dồn hết vào việc đào tạo Hạ Sĩ Quan . Ðến nữa năm 1967 thì Vỏ bị Thủ Ðức vượt quá khả năng nên Vỏ bị Ðồng Ðế được lệnh chuẩn bị gánh vác thêm việc huấn luyện sỉ quan trừ bị ..và từ đó tới năm 1972 sĩ số khóa sinh và Sinh Viên Sĩ Quan quá đông, doanh trại không đủ chổ chứa phải dựng thêm lều vải.

Võ Bị Ðồng Ðế chính danh là trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng từ tháng 3-1955 đến 4-1975 đã đào tạo hàng vạn BÐÐ & TD và BÐQ, tu nghiệp trên 20,000 và đào tạo trên 120,000 Hạ Sĩ Quan , 1,800 Sĩ Quan Hiện Dịch, khoảng 12,000 Sĩ Quan trừ bị và tu nghiệp một số nhỏ (không đáng kể) Sĩ Quan nước bạn Cam-Bốt .

Ðể tri ân và ghi nhớ Võ Bị Ðồng Ðế từ ngày sinh cho đến ngày tử, đã lần lượt chỉ huy bởi các danh Tá, danh Tướng như sau : (ghi cấp bậc khi nhận bàn giao)

1. Tiếp nhận quân trường từ quân đội Pháp : Thiếu tá Lê Cầm (1955-1956)
2. Ðại Tá Trần Vỉnh Ðắc (1956-1957)
3. Ðại Tá Nguyển Thế Như (1957-1958)
4. Trung Tá Ðoàn Văn Quảng (1958-1959)
5. Trung Tá Ðặng Văn Sơn (1959-1961)
6. Ðại Tá Ðổ Cao Trí (1961-1962)
7. Ðại Tá Nguyển Văn Kiểm (1962-1963)
8. Trung Tá Nguyển Vĩnh Xuân (vài tháng cuối năm 1963 để thi hành mệnh lệnh do tướng Ðôn sắp xếp).
9. Thiếu Tướng Nguyển Văn Là (1964-1965)
10. Ðại Tá Lâm Quang Thơ (1965-1966)
11. Ðại Tá Phạm Văn Liễu (1966-1967)
12. Ðại Tá Lê Văn Nhật (1967-1969)
13. Trung Tướng Linh Quang Viên (1969-1971)
14. Chuẩn Tướng Vỏ Văn Cảnh (1971-1973)
15. Trung Tướng Dư Quốc Ðống (1973-1974)
16. Trung Tướng Phạm Quốc Thuần (1974-1975)


Suốt 20 năm Vỏ Bị Ðồng Ðế đã đóng góp vĩ đại vào công cuộc xây dựng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lấy phương châm "TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH NHIỆM" làm kim chỉ nam .

Trước hết xin kính cẩn hoài niệm và tri ân hàng ngàn cựu khóa sinh và sinh viên, cán bộ đả giũ trọn lời thề hy sinh cho Tổ Quốc trong đó có cố Ðại Tướng Ðổ Cao Trí nguyên Chỉ Huy Trưởng là tiêu biểu. Kế đến xin được ca tụng hàng Huấn luyện viên mà Võ Bị Ðồng Ðế đã may mắn có một toán Huấn luyện viên như quí vị đã đưa quân trường Ðồng Ðế trở thành danh trường, cung cấp hàng vạn cấp chỉ huy tài danh và can đảm cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Không phải chỉ ở quân trường, mà khi ra chiến trường quí vị cũng là những "kiện tướng", điển hình như Tướng Phạm Văn Tất (HLV/LÐ77), Ðại Tá Cao văn Ủy (HLVCT & BÐQ), tên tuổi quí vị đã đi vào quân sử và lịch sử trên đường Quốc Lộ 7 mà Sư Đoàn Sao vàng cộng sản không thể quên Liên đoàn 4 Biệt Ðộng Quân (kẻ thù số 1 của chúng) và Ðại tá Vủ Phi Hùng (tức nhà văn Phùng Hy HLV vủ khí & BÐQ).

Sau hết xin được ca tụng tinh thần kỹ luật, lòng trung thành của Khóa sinh, Quân-Dân-Chính các cấp trường Vỏ Bị Ðồng Ðế đối với quân đội cũng như chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trong biến cố tháng 4-75, lúc nào củng thủ súng sẳn sàng chiến đấu. Nếu không vì tình hình biến đổi, xoay chiều quá mau chóng và nếu không có lệnh của cấp chỉ huy của quân trường cho "ai nấy tự di tản" thì khi quân "tai bèo dép râu" bước qua cổng Vỏ Bị Ðồng Ðế cũng khốn đốn như bước vào cổng Tỉnh, Tiểu Khu Chương Thiện của cố Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn (cựu SVSQ khóa 2 hiện dịch Ðồng Ðế Nha Trang).

Trương Huyền

Ghi chú:

* Trung tá Vĩnh là một sĩ quan kỹ luật nghiêm minh và tận tụy (dưới thời Pháp), khi cấp dưới vi phạm kỹ luật, ông có tật hay đánh cấp dưới bằng hèo (quất vào đít như Bố đánh con) cho nên mới mang danh "hèo". Ông thường được thượng cấp chỉ định làm Quân Trấn trưởng nhiều nơi kể cả Sàigon-Chợ Lớn . Ông chết bất đắc kỳ tử khoảng 1 tuần trước biến cố 1-11-63 khi đang tại chức.
dailien
Posts: 2451
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Biệt Động Quân

Image

Vươn lên qua các giai-đoạn xây-dựng
và trưởng-thành trong khói lửa chiến-tranh
Biệt-Ðộng-Quân là một trong những binh chủng tân lập của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Ðược thành-lập ngày 1 tháng 7 năm 1960 đến năm 1975
binh-chủng vừa tròn 15 tuổi. Tuy mới được thành-lập nhưng đúng vào những giai-đoạn sôi-động của chiến-trường cho nên binh-chủng đã hiên-
ngang và kiêu-hùng sánh vai cùng các binh-chủng bạn trên khắp chiến-trường, từ địa đầu giới-tuyến đến vùng Cà-Mâu nước đọng qua Hạ Lào và
Kampuchia nắng cháy. Ở đâu có giặc Cộng, ở đó có bóng dáng người chiến-sĩ mũ Nâu và binh-chủng BÐQ luôn luôn tỏ ra xứng đáng với danh-hiệu
Những Con Cọp Rừng của chiến-trường nội và ngoại biên.

Biệt Ðộng Quân được thành-lập theo nhu-cầu chiến-trường du-kích-chiến. Những đơn-vị đầu tiên của binh-chủng mang tính chất “cơ động” (Truy
kích và tiêu diệt) được gọi là Biệt Ðộng Ðội và quân-số chỉ đến cấp đại đội. Mỗi một Liên đoàn BÐQ có 3 tiểu đoàn tác chiến, một đại-đội trinh-sát, đại
đội Hành Chánh và Công Vụ. Cuối năm 1973, Liên đoàn có thêm một pháo-đội 105 ly. Ðến những ngày sau cùng của cuộc-chiến, BÐQ đã chính-thức
được tổ-chức thành cấp sư-đoàn. Sư đoàn 106 đầu tiên do Ðại Tá Nguyễn Thành Chuẩn chỉ huy. Năm 1970, BÐQ một lần nữa nhận thêm một nhiệm
vụ mới là tiếp nhận Lực Lượng Ðặc Biệt và Biên Phòng sát nhập và được cải biên thành BÐQ/BP. Thêm một đặc tính chiến thuật của BÐQ là địa
diện, nhận nhiệm vụ mắt thần trải dọc biên giới Việt Miên Lào. Quân-số của binh-chủng lên đến 40 ngàn người trong đó có 62 tiểu-đoàn tác-chiến.

Tuy là một binh-chủng tân-lập nhưng phần lớn các cấp chỉ-huy của BÐQ đã được bổ-nhiệm bằng những sĩ-quan ưu-tú đầy kinh-nghiệm chiến-
trường từ các quân-binh-chủng nổi-danh của QLVNCH. Do đó hiệu-năng tác-chiến của binh-chủng BÐQ đã gia-tăng gấp bội. 15 năm trưởng-thành
trong khói lửa chiến-tranh, binh-chủng đã lần-lượt được chỉ-huy bởi các vị chỉ-huy-trưởng: Thiếu Tá Lữ Ðình Sơn, Trung Tướng Phan Trọng
Chinh, Chuẩn Tướng Phan Ðình Thứ (tự Lam Sơn), Thiếu-Tướng Tôn Thất Xứng , Cố Thiếu-Tướng Phan Xuân Nhuận, Thiếu-Tướng Ðoàn Văn
Quảng, Cố Chuẩn-Tướng Trần Văn Hai, Ðại-Tá Trần Công Liễu, và sau cùng là Thiếu-Tướng Ðỗ Kế Giai vị tướng lãnh cuối cùng vừa đến định cư tại
Hoa Kỳ sau gần 17 năm trong trại tù cộng-sản.

Chiến-sĩ mũ Nâu sau khi mãn-khóa từ những quân-trường bộ-binh đều phải trải qua một lần thử-thách cuối cùng tại Lò Luyện Thép trước khi
rađơn-vị chính-thức thi-hành sứ-mạng của người trai thời loạn. Không một người lính mũ Nâu nào là không biết đến danh-từ RỪNG NÚI SÌNH LẦY tại
trung-tâm huấn-luyện BÐQ Dục-Mỹ (Nha-Trang). Nơi đã được tổ-chức huấn-luyện bằng sự phối-hợp chương-trình và kỹ-thuật huấn-luyện của RNSL
Mã-Lai, Panama và Fort Benning của Hoa-Kỳ. Nhưng tại RNSL Dục-Mỹ, người khóa-sinh BÐQ phải chịu nhiều cam-go, khó-khăn và thử-thách hơn
trong khi tập-luyện để khi xuất-thân từ LÒ-LUYỆN-THÉP DỤC-MỸ họ sẽ trở-thành những chiến-sĩ MÌNH ÐỒNG DA SẮT CỦA QLVNCH và sẵn-sàng
thích- nghi với mọi đòi-hỏi của nhu-cầu chiến-trường. Mặc dù TTHL/BÐQ/Dục-Mỹ trên hình-thức chỉ được xếp ngang hàng như các TTHL cấp binh-
chủng, nhưng Dục-Mỹ đã hãnh-diện trước quân-đội vì đã nhận trách-nhiệm huấn-luyện cho nhiều quân-nhân thuộc các quân binh-chủng bạn qua
các khóa học bổ-túc thích-ứng với đòi hỏi của nhu-cầu chiến-trường qua chỉ-thị của Bộ Tổng Tham Mưu.

Từ Mậu-Thân tang-tóc (1968) đến mùa hè đỏ lửa (1972) và những trận đánh cuối cùng. Binh-chủng BÐQ luôn luôn cùng các đơn-vị bạn giáng cho
bọn giặc Cộng những đòn sấm sét và chí-tử. Trong lúc Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đang bận đối-phó với Cộng-phỉ qua những trận đánh long
trời lở đất tại vùng I và quân khu I, thì các chiến-sĩ mũ Nâu cũng đã bẻ gãy mọi mưu-toan tiến chiếm của Bắc quân xâm-lăng cuồng-tín tại các khu
chiến-thuật và biên-giới. Ðặc-biệt là tại thủ đô Sài-Gòn, Chợ-Lớn và Gia-Ðịnh ba liên-đoàn BÐQ (3, 5 và 6) đã đánh tan tành không còn manh-giáp
bọn cộng-nô cuồng tín trong hai đợt tổng công kích: Tết Mậu-Thân và tháng 5 dương-lịch 1968.

Thành-tích của binh-chủng đã không dừng lại tại thời điểm này. Trận chiến vẫn tiếp tục diễn tiến trong chiều hướng gia tăng của bắc quân. Năm
1972, những trận chiến oai hùng của Mùa Hè Ðỏ Lửa lại một lần nữa quân-sử của QLVNCH được ghi thêm thành-tích của binh-chủng BÐQ. An-Lộc
tử-thủ, Bình Long anh dũng đã là những địa danh quen thuộc của người dân miền Nam. Nơi trận chiến đã diễn ra với những cường-độ tàn bạo nhất
của cuộc chiến để sau đó trở thành mồ chôn tập thể của hàng ngàn con thiêu-thân cán binh Bắc Việt. Cũng trong thời gian này những người lính
mũ Nâu của Quân Khu I đã bị ném vào mặt trận Hạ Lào Lam Sơn 719 năm 1971 trong cái bẫy của đồng minh, nhưng nhờ sự chiến-đấu anh-dũng của
những người lính Rừng Núi Sình Lầynên BÐQ/Quân Khu I vẫn chưa bị xoá tên trong quân số QLVNCH. Cũng trong thời gian này Tống Lê Chân (tức
Sóc Con Trăng cũ) đã là mồ chôn tập thể hàng ngàn cán binh thiêu thân của giặc cộng. Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Ngôn đã anh dũng tử thủ hơn năm
trời và là người Trung tá trẻ tuổi nhất của QLVNCH lúc vừa tròn 25 xuân xanh. (BÐQVN sẽ có bài viết riêng về Tống LêChân). Cuối cùng trước khi
sự bức tử 30-4-75 xảy ra; một lần nữa các chiến-sĩ BÐQ lại được mang ra xử-dụng, lần này là Quân Khu II/BÐQ trong một cuộc di-tản dã man nhất
của quân-sử VNCH từ Pleiku về Phú-Bổn, Nha-Trang. Sau đó thì lệnh buông súng của hèn tướng Dương Văn Minh ban hành đã đưa đến kết quả
hàng ngàn người lính mũ Nâu nói riêng và QLVNCH nói chung đã lên đường ôm mối hận 22 năm.

Không vinh-quang nào mà không có gian-khổ, cho nên thành-tích của binh-chủng đã được tô đậm bằng mồ-hôi và xương máu của những chàng
trai Việt oai-hùng và anh-dũng. Màu mũ Nâu tượng-trưng cho màu huyết-đọng đã thay cho lời nói quyết tử của người chiến-sĩ BÐQ. Ðể đền bù lại,
binh-chủng đã nhận được 4 trong tổng-số 7 huy-chương cao quý nhất của Quân-Lực Hoa-Kỳ là Presidential Unit Citation. TÐ52 mệnh-danh là Sấm
Sét Miền Ðông là tiểu-đoàn đầu tiên được nhận lãnh huy-chương danh-dự đó và TÐ44 Hùm Xám Miền Tây được một huy chương. Riêng TÐ42 nổi
tiếng với danh-hiệu Cọp Ba Ðầu Rằn được tuyên-dương hai lần.

Hôm nay nhân ngày kỷ-niệm thành-lập binh-chủng BÐQ, chúng tôi mạn phép trình-bày sơ-lược tiểu-sử không phải để tự-kiêu mà chỉ muốn nhắc-
nhở và hâm nóng lại trong tim lời thề son-sắt ngày xưa cho mỗi Mũ Nâu BÐQ hôm nay là:


BIỆT ÐỘNG QUÂN vì dân quyết-chiến
BIỆT ÐỘNG QUÂN vì nước hy-sinh
BIỆT ÐỘNG QUÂN nói là làm, làm thì phải đến nơi đến chốn


Ước mong rằng tinh-thần Biệt-Ðộng đó sẽ sống mãi trong lòng mỗi người chiến-sĩ BÐQ. Hôm nay dù tay súng đã buông, tay chèo đã ngã, hay lực đã
cùng, sức đã kiệt, tóc đã ngả màu... thì chúng ta vẫn mang một ước-nguyện được chung vai sát cánh với các chiến-hữu của các quân-binh-chủng
bạn để mang ngọn cờ vàng ba sọc đỏ về cắm lại trên mảnh đất thân yêu Việt-Nam. Khi đó dù có nằm trong lòng đất Mẹ chúng ta cũng được mãn-
nguyện.

Thành kính nghiêng mình trước vong hồn của các chiến sĩ MŨ NÂU QLVNCH và anh hùng liệt nữ đã Vị Quốc Vong Thân vì chính nghĩa quốc gia và
hai chữ TỰ DO
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Tưởng Niệm 30 Tháng Tư: Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH
Những Ngày Cuối Cùng


VƯƠNG HỒNG ANH


Quân đội VNCH anh hùng.
Lời tòa soạn: Trong tinh thần tưởng niệm "Ngày 30-4-1975", VB trân trọng giới thiệu bài tổng hợp về một số sự kiện quan trọng xảy ra trong những ngày cuối tháng 4/1975.

Bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: hồi ký của cựu Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ phổ biến; hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa; một số bài viết của các nhân chứng, từng giữ các chức vụ trọng yếu trong Chính phủ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và tài liệu riêng của Việt Báo.

*Đại tướng Cao Văn Viên, những giờ cuối cùng tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH

Theo lời kể của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong Việt Nam Nhân Chứng, trước lễ bàn giao chức vụ Tổng thống VNCH diễn ra vào buổi chiều 28/4/1975, thì vào 8 giờ sáng ngày 28 tháng 4, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn đã đến văn phòng Tổng tham mưu trưởng như thường lệ gặp Đại tướng Cao Văn Viên để theo dõi tình hình quân sự. (Theo tài liệu ghi trong Quân sử VNCH, vào năm 1955, ông Trần Văn Đôn là Thiếu tướng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu, ông Cao Văn Viên là Thiếu tá, giữ chức vụ Trưởng phòng 4 Bộ Tổng Tham mưu).

Trong cuộc gặp nói trên, Đại tướng Cao Văn Viên nhắc với Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn rằng Tổng thống Trần Văn Hương đã ký sắc lệnh cho ông nghỉ, do đó, ông yêu cầu cựu Trung tướng Đôn với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng, cử người thay thế. Ngay lúc đó, có điện thoại của ông Dương Văn Minh gọi cho Phó thủ tướng Trần Văn Đôn, dặn ông cố gắng giữ Đại tướng Viên ở lại chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, đừng cho Đại tướng Viên đi.

Trước sự việc như thế, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn không biết xử sự làm sao vì Tướng Viên đã được Tổng thống Trần Văn Hương cho nghỉ ( sắc lệnh này được Tổng thống Trần Văn Hương công bố vào chiều ngày 28/4/1975). Cựu Trung tướng Trần Văn Đôn hỏi Đại tướng Cao Văn Viên:

-Nếu anh đi, thì theo anh ai sẽ thay thế được?

Đại tướng Cao Văn Viên không trả lời thẳng mà hỏi lại cựu Trung tướng Trần Văn Đôn:

-Anh sẽ làm gì ?

Cựu Trung tướng Trần Văn Đôn trả lời:

-Tôi cũng chưa quyết định. Mấy ngày trước ông Minh và ông Mẫu muốn tôi tiếp tục giữ ghế Tổng trưởng Quốc phòng nhưng tôi chưa trả lời, nay ông Minh cho tôi biết Hà Nội không muốn có người nào trong nội các cũ ở lại trong nội các mới."

Về lại văn phòng, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn nhận được điện thoại của ông Dương Văn Minh hủy bỏ sắc lệnh mà Tổng thống Trần Văn Hương đã ký cho phép Đại tướng Cao Văn Viên nghỉ dài hạn không lương, nhưng sắc lệnh đó Tổng thống Trần Văn Hương đã ký trước khi bàn giao chức vụ Tổng thống.

*Chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH vào những ngày cuối tháng 4

Về chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối 21 tháng 4/1975, và sau cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc, Đại tướng Cao Văn Viên không còn thiết tha với chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, trong khi đó, tân Tổng Thống Trần Văn Hương lại muốn bổ nhiệm Đại tướng Cao Văn Viên làm Tổng tư lệnh Quân đội với đầy đủ quyền hạn, so với chức vụ Tổng Tham mưu trưởng mà Đại tướng Viên đã nắm giữ từ tháng 10/1965.

Thế nhưng, như đã trình bày ở phần trên, Đại tướng Cao Văn Viên đã trình xin Tổng Thống Trần Văn Hương cho ông được giải nhiệm. Tổng thống Trần Văn Hương không đồng ý và yêu cầu Đại tướng Viên tiếp tục giữ chức vụ. Chỉ đến khi Tổng Thống Trần Hương trao quyền cho ông Dương Văn Minh thì Đại tướng Cao Văn Viên mới nhận được quyết định giải nhiệm.

Kể lại chuyện này, Đại tướng Cao Văn Viên ghi trong hồi ký như sau: "Trước khi Tổng Thống Hương bước xuống, Tổng Thống đưa ra một sắc lệnh giải nhiệm tôi khỏi chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham Mưu. Đến khi tân Tổng Thống (cựu Đại tướng Dương Văn Minh) muốn chọn người thay thế tôi, tôi đề nghị Tướng Đồng Văn Khuyên, lúc ấy đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận".

* Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH, những giờ cuối cùng

Trưa ngày 29 tháng 4/1975, các vị tướng có thẩmquyền tại Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH đã ra đi. Đại tướng Cao Văn Viên rời Việt Nam từ chiều 28/4/1975 cùng với Chuẩn tướng Thọ (trưởngphòng 3); Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tiếp vận rời Bộ Tổng Tham mưu từ trưa ngày 29/4/1975. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô vào cuối tháng 3/1975, cũng đã ra đi. ( Giữa năm 1968, Tướng Nguyễn Văn Minh đã giữ chức vụ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô lần thứ 1; đến năm 1971, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 3/Quân khu 3 thay thế Trung tướng Đỗ Cao Trí tử nạn; từ tháng 11/1973 đến tháng 3/1975, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh, Tổng thanh tra Quân đội).

Trước tình trạng nhiều vị tướng lãnh đã "từ nhiệm", tân Tổng thống Dương Văn Minh đã cử một số tướng lãnh và cựu tướng lãnh giữ các chức vụ trọng yếu: Trung tướng Vĩnh Lộc giữ chức Tổng Tham mưu trưởng; Nguyễn Hữu Hạnh, Chuẩn tướng, đã về hưu từ tháng4/1974, làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng; cựu Thiếu tướng Lâm Văn Phát, được cử làm Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô; chuẩn tướng Lê Văn Thân, nguyên Tư lệnh phó Quân khu 2,làm Tư lệnh phó phụ giúp Tướng Lâm Văn Phát; Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Công binh, Thứ trưởng Định cư trong Nội các Nguyễn Bá Cẩn, giữ chức Tổng cụctrưởng Tiếp vận. Sau khi nhận chức Tổng tham mưu trưởng, chiều 29/4/1975, Trung tướng Vĩnh Lộc đã triệu tập một cuộc họp với các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp đang còn ở lại Sài Gòn tại phòng họp bộ Tổng Tham Mưu và yêu cầu "mọi người đừng bỏ đi, hãy ở lại để làm việc với tất cả trách nhiệm".

Về tình hình chiến sự, từ sáng sớm ngày 30 tháng 4, tại các mặt trận quanh Sài Gòn và Biên Hòa, các đơn vị của Sư đoàn 5BB, Sư đoàn 18BB, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, các đơn vị Dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân... đều đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến để chận đánh Cộng quân. Tại Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Thiếu tướng Lâm Văn Phát từ sáng sớm đã dùng trực thăng bay quan sát tình hình, vừa đáp xuống bộ Tư lệnh ông gọi máy liên lạc với Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần, sĩ quan cao cấp nhất của Không quân vào lúc đó. Tướng Phát yêu cầu Tướng Tần cho các phi tuần khu trục liên tục oanh kích Cộng quân đang chuyển quân dọc theo con đường từ ngả tư Bảy Hiền lên đến Hóc Môn.

Trong khi các đơn vị VNCH đang nỗ lực đẩy lùi Cộng quân ra khỏi Bộ Tổng Tham mưu, thì vào 10 giờ 15 phút (theo ghi nhận của cựu đại tá Phạm Bá Hoa, nguyên Tham mưu trưởng Tổng cục Tiếp Vận, có mặt tại Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô sáng 30/4/1975 và nghe đài Sài Gòn vào giờ phút đó), Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngưng chiến. Trước đó vài phút, chiến đoàn Biệt Cách Nhảy Dù đang tung các đợt phản công để đánh bật địch quanh vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu.

Khi nhận được lệnh ngưng bắn, Thiếu tá Phạm Châu Tài, chiến đoàn trưởng Biệt Cách Nhảy Dù đã lấy xe jeep vào Bộ Tổng Tham Mưu, ông được anh em binh sĩ gác cổng cho biết là Trung tướng Vĩnh Lộc, Tân Tổng Tham mưu trưởng, đã ra đi lúc 6 giờ sáng, tất cả tướng lãnh và các đại tá đã họp với Thiếu tá Tài về kế hoạch phòng thủ Tổng hành dinh Bộ Tổng Tham mưu trong đêm 29/4/1975, cũng không còn ai.

Trước tình hình đó, Thiếu tá Tài đã bốc điện thoại quay số gọi về văn phòng Tổng Tổng phủ, gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh ở đầu giây. Ông Hạnh hỏi Thiếu tá Tài là ai? Vị chiến đoàn trưởng đã trả lời: Tôi là chiến đoàn trưởng Biệt cách Nhảy Dù đang trách nhiệm bảo vệ bộ Tổng tham mưu, tôi xin được gặp Tổng thống. Vài giây sau, thiếu tá Tài nghe tiến ông Dương Văn Minh nói ở đầu máy: Đại tướng Dương Văn Minh nghe đây, có chuyện gì đó? Thiếu tá Tài trình bày: "Tôi đang chỉ huy cánh quân tử chiến với Cộng quân ở Bộ Tổng Tham mưu thì có lệnh ngưng bắn, nhưng Cộng quân vẫn tiến vào, tôi đã liên lạc với bộ Tổng Tham mưu nhưng không có ai, nên muốn nói chuyện với Tổng thống là Tổng Tư lệnh Tối cao của Quân đội để xin quyết định.

Tướng Minh trả lời: "Các em chuẩn bị bàn giao đi!", Thiếu tá Tài ngạc nhiên hỏi lại: "Bàn giao là như thế nào thưa đại tướng, có phải là đầu hàng không?" Tướng Minh đáp: "Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng Việt Cộng đang tiến vào Dinh Độc Lập".

Nghe Tướng Minh cho biết như vậy, Thiếu tá Tài nói ngay: "Nếu xe tăng Việt Cộng tiến vào dinh Độc Lập, chúng tôi sẽ đến cứu Tổng thống". Tướng Minh suy nghĩ, Thiếu tá Tài nói tiếp: "Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước 2 ngàn cảm tử quân đang tử chiến với Cộng quân ở Bộ Tổng Tham mưu." Tướng Minh trả lời: "Tùy các anh em".

Theo lời Thiếu tài Tài, sau này, khi bị CQ giam trong trại tù, ông đã gặp Trung tá Võ Ngọc Lan, Liên đoàn trưởng Liên đoàn phòng vệ Tổng thống phủ. Trung tá Lan nói với Thiếu tá Tài: Lúc đó, moa đứng cạnh Tướng Minh, moa nghe toa nói vào cứu Tổng thống.Thiếu tá Tài giải thích: Tổng thống là vị lãnh đạo tối cao của Quân lực, phải cứu ông ra để có người chỉ huy quân đội.


VƯƠNG HỒNG ANH
nuoclanh
Posts: 163
Joined: Wed May 30, 2007 12:09 pm
Contact:

Post by nuoclanh »

Hồi ký này đã được đăng trong đặc san Lướt Sóng số đặc biệt "Chiến Thắng Hoàng-Sa" do BTL/HQ/VNCH phát hành vào khoảng tháng 2 năm 1974.



ImageImage

ĐÊM XUÂN TRÊN VÙNG BIỂN CHẾT


Thanh Chương

Trong trận hải chiến lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa tại quần đảo Hoàng-Sa hôm 19-01-1974, Hộ Tống Hạm NHỰT-TẢO đã bị trúng đạn địch. Hạm trưởng đã ở lại hy sinh theo chiến hạm; Hạm phó cùng một số ít nhân viên đã phải đào thoát trên 4 chiếc bè cấp cứu và lênh đênh đói khát 4 ngày 3 đêm trên biển, trước khi được một thương thuyền Hòa Lan cứu vớt tại 150 hải lý Đông Đà Nẵng vào đêm giao thừa. Dưới đây là những cảm nghĩ thật nhất, chưa hề được tiết lộ của những người thoát hiểm.

Bóng tối mỗi lúc một như thêm đặc lại. Hoàng hôn đã tàn. Biển càng lúc càng âm u hơn. Tôi muốn cử động, nhưng chân tay sao cứ rã rời tê dại. Súng thôi nổ, trận hải chiến đã kết thúc tự bao giờ. Giặc Tàu đền tội xâm lăng, xác chìm dưới biển, thây phơi như rơm rạ trên boong. Tiếng quân ta reo hò tựa hồ như còn âm hưởng đâu đây... Tôi cố nhớ lại loạt đạn thù nào đã hủy hoại một phần thân thể cho tôi đau xót hờn căm, nhưng sao mỏi mê cứ đầm đầm trên da thịt, trên đầu tôi băng cứng.

Thời gian đã không còn là một ý niệm nơi đây. Tôi không còn nhận thức được ngày nào đêm mấy nữa. Những ngày lênh đênh trên biển là những ngày dài thê thảm và đêm ở biển là đêm của hư vô, dật dờ, lạnh lẽo. Đêm như im sửng lạ lùng. Tôi tưởng nhớ đến chiến hạm già nua cũ kỹ, nhưng đã mang tôi lênh đênh mười bốn tháng thân yêu, giờ này tàu tôi đang ở đâu? Đang trơ vơ với vết đạn thù hoang lở, đang nằm sâu dưới lòng biển lạnh muôn trùng? Hộ tống hạm mang tên giòng sông lịch sử ghi dấu chiến thắng lẫy lừng của tiền nhân đó, đã xa tôi thật rồi sao? Bạn bè mấy kẻ ra đi, mấy người ở lại?......

Trên chiếc bè cấp cứu, chiếc bè đào thoát mà tôi tưởng chẳng bao giờ dùng tới, tôi đã cảm thấy đuối sức thật sự, hơi thở tôi hụt hẳn, lạnh băng vì xác thân tôi phải đẫm ướt luôn luôn và hai tay phải hoài giữ chặt giây lưới trong bè để khỏi rơi xuống biển. Bây giờ tôi không còn trực nhật, không còn đi 'quart' hải hành giữa vùng biển nước thêng thang xa vắng này nữa rồi. Sáu người chúng tôi chỉ còn biết bấu víu hy vọng mong manh vào chiếc bè thôi. Trước đó, 4 bè cấp cứu được buộc vào nhau với 23 người hợp đoàn, nhưng không biết bao lâu trôi dạt, các mối giây tự nhiên tuột đứt trong lúc chúng tôi không còn hơi sức để nối lại nữa.

Tôi nghĩ rằng giữa hai phần sinh tử, thì phần tử đã chiếm 90%, chỉ còn 10% là niềm hy vọng con tàu nào đó, trên thủy trình từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc, thấy và vớt chúng tôi ... Hy vọng vươn lên khi mặt trời rạng rỗ ban ngày, nhưng cũng lụn tàn khi màn đêm rũ xuống! Kinh nghiệm hải hành ban đêm cho tôi biết rất khó phát hiện vật trôi trên vùng biển sương mù, nhất là vật nhỏ và thấp như 'bè cấp cứu' của chúng tôi. Trên Rada thường hiện lên những ' Echo giả', người ta sẽ lầm chúng tôi với những ' echo giả , đó chăng? Các bạn tôi cũng dõi mắt tuyệt vọng mong tìm một ánh đèn hải hành ' hữu xanh tả đỏ' trên bất cứ chiếc tàu nào, nhưng có thấy gì ngoài những đợt sóng nhấp nhô ma quái thấp thoáng trên mặt nước mênh mang...

Image
Hạm Phó HQ10


Một Hạ sĩ chợt kêu thảng thốt vào tai tôi: "Trung úy ơi! Hạm phó chết...rồi!"
Một thoáng xót xa cho tim tôi quặn thắt, một nỗi buồn vời vợi xâm chiếm trong tôi! Đành vậy, biết sao bây giờ! Người đã bị thương nhiều nhưng quyết ở lại cùng Hạm trưởng, cùng chiến hạm dấu yêu đang ngụt sôi lửa hận trong vùng biển quê hương! Hạm trưởng thật là một MAGISTER POST DEUM, là quyền uy thứ hai sau trời! Hạm trưởng đã ở lại, còn Người sao không nghĩ đến ngày mai rửa hận? Một nhân viên đã phải vực Người nhẩy xuống cùng bè với tôi, bè cấp cứu sau cùng rời chiến hạm. Khắp thân Người nhầy nhụa máu. Máu truyền thống, máu bất khuất muôn đời.
"Một giọt máu đào, hơn một rừng châu báu". Người đã đổ hết những giọt châu báu của mình để bảo vệ gấm vóc quê hương, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Anh hùng cao cả thay cho chí khí của Người đã chọn Đại Dương làm Mẹ lúc vừa khoát lên mình mầu áo xanh quân chủng. Giờ thì Người đã về với Mẹ, về với Tổ Quốc Đại Dương. Chỉ còn chờ lễ thủy táng theo tục lệ mà thôi! ......

Ý nghĩ chết chóc mãi lẩn quất trong đầu óc tôi. Rồi chừng nào đến lượt mình đây?... Khuôn mặt của Mẹ Cha khắc khổ, của em thơ ngây dại, của người yêu bé bỏng lần lượt hiện ra ... Không, không thể được. Tôi phải sống. Tôi còn nhiều bổn phận. Tôi không thể chết khi ngựa hồng tôi chưa mỏi vó! Hy vọng duy nhất của tôi là được gặp một chiếc tàu. Bất cứ tàu nào!

Ngước trông bầu trời đầy sao lấp lánh, tôi vẫn mòn hơi chờ nhìn thấy một vì sao đổi ngôi để cầu xin điều ước vọng đó. Chòm sao ORION với dãy LES MAGES làm tôi quất quay nhung nhớ người yêu. Sao SIRIUS, vì sao sáng nhất trên trời mà tôi vẫn thường ví màu xanh đẹp như màu xanh mắt nàng. Tôi cũng thường kể nàng nghe chuyện thần thoại La Hy với 7 nàng công chúa kiều diễn con thần JUPITER, hiện thân của chòm "sao mão" PLEIADES, đi chơi trong rừng lạc lối, gặp thợ săn ORION vì quá ngưỡng mộ đuổi theo hoài mà không bắp kịp ... Bây giờ tất cả đã chia xa. Những vì sao muôn đời vẫn còn đó nhưng có giúp tôi được những gì, ngoài sự nhận ra phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc từ chòm ORION kia. Nhưng nào có ích chi, khi chúng tôi không còn khả năng vận chuyển nữa, dù rằng vận chuyển chiếc bè nhỏ bé này. Thôi thì phó mặc cho giòng nước đẩy đưa. Đêm ở biển lạnh tái tê, gió rít từng hơi trên mặt sóng, chúng tôi ngồi sát gần nhau, san sẻ với nhau những nỗi kinh hoàng, những niềm bất hạnh lo âu.

"Đêm nay là đêm Giao Thừa!". Anh Hạ sĩ ngồi gần nói với tôi như thế.

Đêm xuân hẳn rộn ràng trên vùng phố thị có người em yêu tuyệt vời của tôi. Còn nơi đây có gì ngoài một vùng biển nước không bờ không bến ngút mù sương. Ba đêm ngày không miếng ăn thức uống, sống thoi thóp lo sợ những đàn cá mập rập rình theo dõi, toàn thân luôn ướt đẫm. Nước biển mặn xót đau trên từng vết thương đã khô rồi giòng máu thắm. Những giòng máu đã chảy ra cho quê hương nước Việt mến yêu.

Bổng, "Có tàu Trung úy ơi!". Tiếng reo vui của anh Hạ sĩ làm tất cả chúng tôi chợt tỉnh táo tinh thân lên với niềm hy vọng ở chiếc tàu cứu tinh kia. Hẳn suốt đời không bao giờ quên những ân nhân đó. Tuy khác màu da, không cùng ngôn ngữ Mẹ, nhưng sao tình thân thiết lạ lùng! Một vệt sáng đèn pha lướt qua phía trên đầu chúng tôi. Sức mạnh thiêng liêng nào đã làm tất cả như chồm lên vẫy tay ra dấu. Chúng tôi lại có thêm nỗi lo âu mới là những người trên tàu đó không thấy được chúng tôi và bỏ đi. Trên vùng biển mờ sương, tất cả những lạnh lẽo, đau đớn, mòn hơi, kiệt sức đã nhường chỗ cho sự háo hức, rạo rực trong chúng tôi. Nỗi vui mừng bao xiết khi chiếc xuồng cấp cứu (youyou) với đèn pha chiếu thật sáng tiến gần chúng tôi. Thế là thoát chết! Đa tạ ơn trên! Từng người từng người được xốc lên, xuồng cấp cứu quay về chiếc tàu buôn to cở tàu SEALAND mà tôi thường gặp trong sông Sàigòn. Chiếc tàu không một chút bồng bềnh vì to quá và vì biển êm nữa. Cả xuồng cấp cứu và chúng tôi trên đó, được trục vớt của tàu móc lên một cách nhẹ nhàng êm ái ... Tôi dần dần tỉnh hơn, nhãn lực và tinh thần đã có nhưng chưa hoạt động gì được ...

Thuyền trưởng bảo rằng: "... you're very lucky" và cho biết chúng tôi là nhóm cuối cùng thật may mắn được vớt lúc 23 giờ 30 và chiếc xuồng cấp cứu đó là của tàu thả xuống, với vị Thuyền phó đích thân đi tìm trên biển lạnh lùng từng chiếc bè cho đến nhóm cuối cùng là đến bè chúng tôi. Nghĩa là các bạn tôi đều được cứu vớt. Còn nỗi mừng nào hơn? Còn lòng thán phục nào bằng cho nghĩa cử cao đẹp, tình đồng loại của những người trên tàu đều tận tâm lo phục hồi sinh lực chúng tôi sau khi biết chúng tôi bị nạn vì trận hải chiến với quân Trung-Cộng xâm lăng. Tôi hỏi tên chiếc tàu cứu nạn và nhờ họ viết lên tờ giấy bạc 20 đồng của tôi để ghi nhớ, kỷ niệm. Được biết đây là tàu chở dầu thuộc công ty SHELL, tên SKOPIONELLA, quốc tịch Hòa Lan, vừa đại kỳ xong và đang trên đường đi SINGAPORE. Họ đã biết sơ về trận hải chiến lịch sử của Hải quân Việt Nam anh hùng nhờ theo dõi tin tức của hệ thống truyền thanh, truyền hình ở Hồng-Kông. Chúng tôi dùng tiếng Anh để cảm thông với họ ...

Suốt đêm Giao Thừa, họ phải ngưng máy, thả trôi, để lo săn sóc 22 người chúng tôi. Xúc động nhất trong đêm đó và có lẽ một đời tôi không quên được lòng tận tụy của hai phu nhân vị Thuyền trưởng và Thuyền phó tàu dầu SKOPIONELLA này. Với robes trắng, gương mặt thật đẹp, thật tươi của tuổi ngoài hai mươi, màu mắt xanh thật quý phái, phu nhân Thuyền trưởng và Thuyền phó đã như hai bà tiên phúc hậu săn sóc tôi và các bạn một cách tận tâm chưa từng thấy. Những thắp sáng có một chưa hai nơi con người, nơi tình tự dân tộc Hòa Lan và Việt Nam. Như những bà Sơ thật hiền lành, chỉ biết cười và nói những lời ngọt như trái chín, hai phu nhân đã lột trần chúng tôi rửa bằng nước ấm, lau bằng khăn lông, làm ấm dần cơ thể tưởng như hóa đá lâu ngày. Họ tự nhiên, thân thiện như một hiền phụ chăm sóc cho chồng đi chinh chiến chốn sa trường chẳng may "ngựa hồng ngã vó". Như Mẹ Việt Nam hiền hòa muôn thuở, họ đã rửa từng vết thương, cho uống từng ngụm sữa, và ngồi trông chừng chúng tôi suốt đêm không mảy may tiếc nuối giấc nồng. Tác động tâm lý đó làm chúng tôi chóng bình phục hơn mọi thứ thuốc men nào! ...

Rồi cũng qua đi thời gian hạnh phúc ngắn ngủi trên tàu Hòa Lan với những ưu ái của Thuyền trưởng cùng tất cả thủy thủ đoàn, nhất là hai vị phu nhân Thuyền trưởng Thuyền phó! Tôi ngùi ngùi nuối tiếc những giây phút huyền dịu đó, khi được chuyển sang một chiến đĩnh của Hải Đôi I Duyên Phòng. Tôi cảm thấy như đánh mất một cái gì quý giá mà mãi mãi không làm sao tìm được. Họ gởi cho chúng tôi những thùng khăn lông, xà bông; tôi nghĩ đó là kỷ niệm gói ghém tấm lòng bác ái, cảm thông giữa những người cùng yêu nghiệp biển nói chung và giữa thủy thủ đoàn thương thuyền SKOPIONELLA với chúng tôi, những người chiến sĩ HQVN lâm nạn, nói riêng.

Thế rồi chúng tôi đã được chuyển từ chiến đĩnh sang Tuần Dương Hạm TRẦN-QUỐC-TOẢN đưa về điều trị tại Bệnh viện Hải Quân Đà Nẵng. Nơi đây, chúng tôi lại được những an ủi vô cùng trong đời hải nghiệp, đó là những cuộc thăm viếng ủy lạo của vị Anh cả Hải Quân Việt Nam cùng các Sĩ quan cao cấp Hải Quân, các đoàn thể, tôn giáo ...v.v...

Khung cảnh ấm êm hạnh phúc nơi này dành cho 21 người chúng tôi đã khiến cho tôi bùi ngùi nhớ thương những bạn bè đã ở lại chiến hạm quyết tử chiến với địch thù xâm lược, những bạn đã phải hy sinh trên đường trôi dạt dai dẳng mấy ngày qua. Những người đó mới chính là những liệt sĩ anh hùng làm rạng danh quân chủng Hải Quân Việt Nam vậy.

Đã qua rồi đêm xuân hãi hùng trên vùng biển chết đó, mà sao tiềm thức tôi cứ mãi vật vờ những ý tưởng mông lung... Tôi được sống lại đây bởi phép nhiệm mầu hay bởi bàn tay hiền dịu của phu nhân thuyền trưởng khả ái trên thương thuyền Hòa Lan gặp gỡ giữa đêm Giao Thừa Xuân Giáp Dần 1974.

Thanh Chương (07-02-1974)


Xin mời nghe chuyện đọc
ĐÊM XUÂN TRÊN VÙNG BIỂN CHẾT
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu
Tác giả: Lữ Triệu Khanh

Mục đính của người viết bài này không ngoài hoài bão cung cấp cho các cựu quân nhân và cựu nhân viên dân chính đã từng phục vụ trong các đơn vị trực thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM/QLVNCH (Nha Kỹ Thuật/Bộ Tổng Tham Mưu/Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) hiện định cư tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới tự do, một sự hiểu biết tổng quát về sự tổ chức cũng như những hoạt động đặc biệt của đơn vị này. Vì tính cách đặc biệt về tổ chức và nhiệm vụ của Nha Kỹ Thuật/BTTM, ngay chính những quân nhân phục vụ tại một đơn vị của Nha Kỹ Thuật/BTTM cũng không hiểu rõ trọn vẹn về đơn vị này. Do đó, nếu có sự hiểu lầm hay một sự hiểu biết thiếu chính xác của một số đơn vị bạn cũng không phải là một điều ngạc nhiên.

Danh hiệu Nha Kỹ Thuật/BTTM chỉ là một danh hiệu "vỏ bọc" để bảo vệ những hoạt động thực sự đối với Cộng Sản cũng như đối với các đơn vị bạn khác. Nha Kỹ Thuật/BTTM có danh xưng chánh thức gọi là Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ, được phân cấp ngang hàng với một sư đoàn tổng trừ bị, và được chỉ huy bởi một sĩ quan ở cấp bậc thiếu tướng.

Nha Kỹ Thuật/BTTM trải qua rất nhiều lần cải danh và thay đổi về tổ chức và nhiệm vụ, tùy theo sự biến chuyển về tình hình chính trị quốc nội cũng như tình hình quân sự trên chiến trường. Trước khi đi sâu vào vấn đề này, tác giả xin mạn phép trình bày sơ lược về cá nhân và sự liên hệ đối với Nha Kỹ Thuật/BTTM kể từ năm 1961 cho đến ngày chính thức giải tán đơn vị này (28 tháng 4 năm 1975) do khẩu lệnh của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng/QLVNCH, trước khi đại tướng từ chức vụ Tham Mưu Trưởng.



Vào cuối năm 1960, trong khi phục vụ tại một đơn vị thuộc Sư Ðoàn 1 Bộ Binh (BB) đồn trú tại Quảng Trị, tôi đã được lệnh cấp tốc trình diện Phủ Tổng Thống. Thật là một ngạc nhiên to lớn đối với một cấp úy nhỏ như tôi. Sau khi được chỉ huy trưởng đơn vị cấp sự-vụ lệnh, tôi được một vị đại diện Phủ Tổng Thống từ Huế ra đón và đưa thẳng về Đà nẵng. Tại đây, tôi lại được một đơn vị khác tiếp xúc, bắt tôi thay thường phục và đưa ra phi trường đáp phi cơ Air Việt Nam về Saigon. Tại Phi trường Tân sơn nhất, tôi lại được một đơn vị khác đón và đưa về một căn nhà tại khu Tân Định, nằm trong một ngõ hẹp. Dù tôi có ý gợi chuyện trong lúc đi đường, các vị này đều có vẻ huyền bí và rất ít nói chuyện.

Tại căn nhà này, tôi lại càng ngạc nhiên hơn vì lần đầu tiên tôi được gặp và giới thiệu với một số nhân viên Hoa Kỳ. Tôi không biết các vị này cả Việt lẫn Mỹ, thuộc đơn vị hay cơ quan nào. Tôi cũng chưa biết vị chỉ huy tôi là ai, quân nhân hay dân sự. Một nhân viên Hoa kỳ có vẻ ngạc nhiên về khả năng Anh văn của tôi. Tôi cho ông ta biết là tôi đã tốt nghiệp khóa 6 tháng thông dịch viên Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ vào đầu năm 1958.

Tôi muốn nhắc đền sự việc này vì nhờ sự hiểu biết về anh văn mà tôi được giữ những chức vụ có liên quan đến việc tiếp xúc với cơ quan tình báo Hoa Kỳ sau này. Vì nhân viên Hoa Kỳ này cho tôi biết là ngày hôm sau tôi sẽ được tham dự khóa "tình báo đặc biệt" do các nhân viên tình báo Hoa kỳ đảm trách hướng dẫn. Người Mỹ gọi là khóa "Clandestine Operation" được huấn luyện cho các nhân viên điệp báo hoạt động tại hậu tuyến địch. Nói tóm lại đây là khóa huấn luyện gián điệp. Tôi có hỏi sau khóa này tôi sẽ làm gì nhưng không ai xác định gì cả. Họ chỉ cho biết là sau khóa huấn luyện tôi sẽ trở thành một "Case Officer" hay là "trưởng công tác." Danh xưng của tôi được đổi thành Emile, cũng như các học viên khác là Leon, Antoinne, Charles, v.v.

Thật ra các tên tây phương này được đặt ra để giúp cho người Mỹ dễ nhớ trong khi huấn luyện cũng như khi hợp tác làm việc sau này. Ngoài các tên này, chúng tôi được gọi bằng những bí danh khác với mục đích bảo vệ lý lịch, đề phòng đối phương theo dõi trong thời gian liên hệ với công tác tình báo. Đây chỉ là một trong những nguyên tắc căn bản của ngành điệp báo.

Sau khóa học kéo dài 4 tuần lễ, tôi được các vị huấn luyện viên Hoa Kỳ khen thưởng về sự cố gắng và thông suốt các nguyên tắc của ngành tình báo. Sau đó, tôi được trình diện đầu tiên với người chỉ huy trực tiếp của tôi là Trưởng Phòng 45 của Sở Khai Thác Địa Hình trực thuộc Phủ Tổng Thống. Tôi rất mừng rỡ vì người chỉ huy trực tiếp của tôi là Đại Úy Bình ("Bình" là bí danh của Đại Úy Ngô Thế Linh) mà tôi đã làm dưới quyền tại Phòng 3/Quân Ðoàn 1 tại Đà Nẵng vào đầu năm 1958.

Sự nghiệp quân sự của tôi, giai đoạn có ý nghĩa nhất là bắt đầu khóa học tình báo đặc biệt này cho đến ngày cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào cuối tháng 4 năm 1975. Với hơn 14 năm được phục vụ tại một đơn vị đặc biệt, giữ những chức vụ tuy nhỏ nhoi nhưng được gần gũi với các cấp chỉ huy cao cấp và được sự tin tưởng của các vị này, cũng như các vị cố vấn Hoa Kỳ cao cấp, tôi đã theo dõi và chứng kiến các hoạt động của Nha Kỹ Thuật/BTTM, sự cải danh của cơ quan này, từ vị trí của một phòng-sở nhỏ trở thành một đại đơn vị có tầm mức chiến lược quan trọng.

Image

Hình chụp các binh sĩ Việt-Mỹ trong toán biệt kích Idaho (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).


Sự bành trường và lớn mạnh của Nha Kỹ Thuật/BTTM đều tùy thuộc và ảnh hưởng bởi các biến chuyển của tình hình chiến sự quốc nội, tình hình chính trị trên thế giới, đường lối chỉ đạo của Hoa Kỳ đối với chiến cuộc tại Việt Nam và cuối cùng là khả năng hoạt động của các đơn vị thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM.

Những tài liệu trình bày sau đây đều dựa theo trí nhớ của tôi. Do đó, về thời gian và không gian có thể có một vài sự sai lầm nhỏ hoặc một chút thiếu sót. Tôi nghĩ rằng dù nếu có một vài sự thiếu sót, ý nghĩa và mục đích của bài này sẽ không sai lạc và các điểm chính yếu tôi muốn nêu ra vẫn được bảo đảm.

Sở Khai Thác Địa Hình trực thuộc Phủ Tổng Thống, lúc bấy giờ do Đại Tá Lê Quang Tung là Chỉ huy trưởng. Đơn vị này được giao phó rất nhiều công tác tình báo quan trọng, về quốc nội cũng như quốc ngoại, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Trong các cơ cấu tình báo, Phòng 45 hay Phòng E được đặc trách hoạt động thu thập tin tức tình báo tại miền Bắc Vĩ Tuyến 17, với các hệ thống điệp báo nằm vùng xâm nhập từ Miền Nam hoặc từ đệ tam quốc gia bạn. Tại nội bộ đơn vị, Sở Khai Thác Địa Hình, cũng được gọi là KHIÊM QUANG, mỗi chữ biểu hiệu cho một phòng của đơn vị. Phòng E sau này còn được gọi là SB (viết tắt cho Sở Bắc). Kể từ năm 1960 trở đi, hoạt động điệp báo tại miền Bắc được đặc biệt chú trọng vì nhu cầu tin tức chiến lược nhằm ước tính khả năng của Cộng Sản, hầu ngăn chặn mưu đồ xâm lược của miền Bắc.

Để yểm trợ tài chính và kỹ thuật cho các công tác đặc biệt này, cơ quan Combined Studies thuộc tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon được giao phó phối hợp và đảm trách. Công tác tình báo và các hoạt động đặc biệt đều do Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (tức cơ quan CIA, Central Intelligence Agency) cố vấn và tài trợ vì vấn đề kỹ thuật phức tạp và phí tổn to lớn. Cơ quan Combined Studies cung cấp chuyên viên, tin tức tình báo căn bản, các tài liệu và vật dụng cần thiết, cũng như nhu cầu tài chính để hoàn thành công tác.

Vì bài này chỉ giới hạn về tổ chức và nhiệm vụ tổng quát của Nha Kỹ Thuật/BTTM và các tổ chức tiền thân, nên tôi sẽ không đề cập đến chi tiết các hoạt động, cách tổ chức các toán công tác cũng như thành quả của các toán này. Tôi mong rằng sẽ có cơ hội trình bày trong những bài kế tiếp.

Vào đầu năm 1963, Sở Khai Thác Địa Hình được biến cải thành Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt (LLÐB), với hai đơn vị chiến đấu nòng cốt là Liên Ðoàn 77 và Liên Ðoàn 31. Đại Tá Lê Quang Tung cũng là vị tư lệnh đầu tiên của đơn vị này. Sở Bắc vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì sự phối hợp với cơ quan Combined Studies của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, trong khuôn khổ tổ chức của Bộ Tư Lệnh LLÐB mới thành lập. Sau cuộc chính biến năm 1963, Đại Tá Lê quang Tung bị sát hại, Lực Lượng Ðặc Biệt sau đó được chỉ huy bởi một số tướng lãnh trong quân đội, sau đó dời về Nha Trang.

Cũng trong thời gian này, Sở Bắc cũng được cải danh là Sở Khai Thác/BTTM và tiếp tục duy trì công tác đặc biệt, tách rời khỏi Lực Lượng Đặc Biệt. Vị sĩ-quan chỉ huy trưởng và giám đốc đầu tiên của đơn vị này là Đại Tá Trần Văn Hổ. Ngoài việc đảm trách công tác văn phòng, liên lạc phối hợp với ban Cố Vấn Hoa Kỳ, tôi vẫn tiếp tục tổ chức các toán với tư cách sĩ quan trưởng công tác. Một thời gian sau, Đại Tá Hổ chỉ định tôi làm Chánh Văn Phòng. Song song với sự cải tổ về phía Việt Nam, Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (tức "MACV," viết tắt của Military Assistance Command Vietnam) thay thế cho cơ quan MAAG (viết tắt của Military Assistance and Advisory Group, tức Bộ Quân-Viện và Cố Vấn) của Hoa Kỳ, cũng được thành lập. MACV-SOG là viết tắt của các chữ MACV-Studies and Observations Group, nhưng chính danh là Special Operation Group, được chỉ định cố vấn và yểm trợ cho các công tác đặc biệt.

Ngoài các toán tình báo dài hạn xâm nhập miền Bắc bằng không-vận hay hải-vận và công tác Biệt Hải tập kích đánh phá các mục tiêu thuộc miền Bắc duyên hải. Sở Khai thác lại được lệnh tổ chức các toán thám sát ngắn hạn hoạt động tại vùng biên giới Việt-Lào nằm về phía bắc Vĩ Tuyến 17 cho đến Vĩ Tuyến 20. Các toán này được gọi là các toán STRATA (viết tắt của các chữ Short Term Reconnaisance and Target Acquisition teams). Hai đoàn công tác chính yếu của công tác không vận lúc bấy giờ là Đoàn 68 đảm trách các công tác dài hạn và các công tác đặc biệt, khác với Đoàn 11 phụ trách các công tác ngắn hạn.

Cũng trong thời gian này, vì nhu cầu khẩn cấp của chiến trường, Sở Khai Thác được chỉ thị huấn luyện các Toán Thám Sát đặc biệt mệnh danh là Shinning Brass tại căn cứ huấn luyện Long Thành, sau này gọi là Trung Tâm Huấn luyện Quyết Thắng. Sở Liên lạc/BTTM cũng được thành lập trong thời gian này để đảm trách các công tác ngoại biên Việt-Miên và Việt-Lào. Ðây là các toán "Lôi Hổ" có nhiệm vụ thám sát, phá hoại các mục tiêu trọng yếu của địch, cùng với các công tác chỉ điểm mục tiêu cho các phi vụ không kích hoặc đánh phá xử dụng các lực lượng khai thác (exploitation forces). Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Đại Tá Hồ Tiêu, trước phục vụ tại Sư Ðoàn Nhảy Dù. Sau đó Sở Liên Lạc được tiếp tục chỉ huy bởi các vị chỉ huy trưởng thuộc Sư Ðoàn Nhảy Dù. Các cuộc hành quân thám sát biên giới phát triển mạnh mẽ vào các năm 1966-72, đặc biệt dưới sự chỉ huy của Đại Tá Liêu Quang Nghĩa. Các vị chỉ trưởng sau này là Đại tá Nguyễn Văn Minh và Đại Tá Nguyễn Minh Tiến.

Sở Liên Lạc (Biệt Kích Lôi Hổ) gồm có một Bộ Chỉ Huy và 3 chiến đoàn tại Saigon, và 3 chiến đoàn khác đồn trú tại các khu vực khác để thích hợp với khu vực hoạt động. Những chiến đoàn biệt-kích gồm có:


Chiến Ðoàn 1 đồn trú tại Đà Nẵng
Chiến Ðoàn 2 đồn trú tại Kontum
Chiến Ðoàn 3 đồn trú tại Ban mê Thuột
Song song với các chiến đoàn này, MACV-SOG cũng có những cơ sở hành quân riêng rẽ đồn trú chung cùng doanh trại với các chiến đoàn. Kế hoạch hành quân được phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ Chỉ Huy Hoa Kỳ và Việt Nam liên hệ. Mỗi chiến đoàn có nhiều liên-toán và mỗi liên-toán gồm có nhiều toán nhỏ hơn. Các toán này được tổ chức huấn luyện và hành quân theo kỹ thuật của Lực Lượng Đặc Biệt. Sự khác biệt là các toán của Sở Liên lạc có nhiệm vụ hoạt động vượt biên giới, ngoài lãnh thổ, và ngay trong lòng địch.

Khoảng năm 1965-66, Sở Khai Thác/BTTM lại được đổi danh là Sở Kỹ thuật và sau đó không bao lâu, sở này được nâng lên thành Nha Kỹ Thuật/BTTM, chỉ huy bởi một vị giám đốc, cho phù hợp với tổ chức mới. Lúc bấy giờ Nha Kỹ Thuật gồm có các đơn vị hoạt động trọng yếu như sau:


Sở Liên Lạc với Đoàn 11 và Đoàn 68 (Sở Công Tác được thành lập sau này)
Sở Không Yểm
Sở Phòng Vệ Duyên Hải
Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng
Sở Tâm Lý Chiến (tuy là một sở của Bộ Chỉ Huy nhưng sở này có tầm hoạt động rộng lớn và quan trọng)
Sở Công Tác sau này được thành lập với hai đoàn công tác 11 và 68. Sau khi Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, Nha Kỹ Thuật được tăng cường sĩ quan cán bộ cũng như nhân viên toán hành quân. Các đoàn kế tiếp được thành lập là Đoàn 71, 72 và Đoàn 75. Thời gian đầu tiên, Bộ Chỉ Huy Sở đồn trú tại Nha Trang sau đó dời ra Đà Nẵng. Các Đoàn 11, 71 và 72 đồn trú tại Đà Nẵng. Đoàn 75 tại Ban Mê Thuột. Đoàn 68 vẫn tiếp tục duy trì tại Saigon, gần Bộ Chỉ Huy Nha.

Đoàn 68 được giao phó tổ chức và hướng dẫn các toán tình báo dài hạn tại miền Bắc. Các toán được xâm nhập bằng trực thăng từ lãnh thổ đệ tam quốc gia hoặc nhảy dù vào khu vực mục tiêu tại miền Bắc. Một số toán hoạt động tại vùng duyên hải đông-bắc được đặt kế hoạch xâm nhập bằng hải vận. Nhiệm vụ chính yếu của các toán này là thiết lập căn cứ hoạt động, quan sát và thám sát các mục tiêu, báo cáo về trung ương để nhận chỉ thị hoạt động.

Các khu vực mục tiêu trọng yếu nằm dọc theo biên giới Hoa Việt, khu vực đông-bắc Cao Bắc Lạng, khu vực Tây Bắc, Sơn La, Lai Châu, khu vực Bắc vĩ tuyến, Thanh Nghệ Tĩnh Bình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là quan sát và báo cáo mọi chuyển quân của Bắc Việt trên các trục giao thông qua biên giới và xuống miền Nam. Các hoạt động trên bắt đầu giảm sút kể từ năm 1968.

Các toán thám sát ngắn hạn thuộc Đoàn 11 lại được gia tăng và chú trọng hơn trong khi lực lượng chính quy Bắc Việt ào ạt xâm nhập miền Nam qua các hành lang biên giới. Tuy vậy Đoàn 68 vẫn tiếp tục đảm trách các công tác đặc biệt khác, nhằm đánh lừa địch qua việc sử dụng các hồi chánh viên cũng như tù binh chính quy, phối hợp với Sở Tâm Lý Chiến.

Kể từ 1972 trở về sau, địa bàn hoạt động của các Toán thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM được thu hẹp lại cho thích hợp với nhu cầu chiến trường. Do đó, các đoàn và chiến-đoàn công tác đều được tăng phái cho các quân-đoàn và thực hiện những cuộc hành quân thám sát nội biên sau hậu tuyến địch, nhằm mục đích cung cấp cho Quân Ðoàn những tin tức xác thực để khai thác.

Vị chỉ huy trưởng đầu tiên của Sở Công Tác là Đại Tá Ngô Thế Linh, nguyên Phó Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật/BTTM. Các vị chỉ huy kế tiếp là Đại Tá Nguyễn Văn Hai và Đại Tá Ngô Xuân Nghị trước phục vụ tại Sư Ðoàn Nhảy Dù.

Để yểm trợ cho các toán hành quân không-vận của Sở Liên Lạc và sở Công Tác, Sở Không Yểm có nhiệm vụ liên lạc với Bộ Tư Lệnh Không Quân, đáp ứng nhu cầu hành quân của Nha Kỹ Thuật. Các nhu cầu này gồm phương tiện trực thăng xâm nhập và triệt xuất, các phi vụ thả toán xử dụng phi cơ từ C-47 đến C-123 và C-130 do phi hành đoàn Không Quân Việt Nam thực hiện.

Các phi vụ quan sát bằng phi cơ L-19 hay L-20, các phi vụ bảo vệ bằng A-1 Skyraiders hay khu-trục cơ F-5. Các đơn vị Không Quân này không trực thuộc Nha Kỹ Thuật nhưng các phi vụ đặc biệt này đều được ưu tiên thực hiện theo nhu cầu. Đặc biệt, Phi Ðoàn Trực Thăng 219 được thường xuyên tăng phái cho Nha Kỹ Thuật/BTTM. Đơn vị này đồn trú tại Nha Trang. Những phi vụ đặc biệt, ngoài khả năng của Không Quân Việt Nam đều do Không quân Hoa kỳ đảm trách, xuất phát từ các căn cứ trên lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia.

Trước năm 1964, một số phi vụ thả các toán biệt-kích vào lãnh thổ Bắc Việt được thực hiện với các phi hành đoàn ngoại quốc do cơ quan tình báo Hoa Kỳ đảm trách và hoạch định qua hãng Air America tại Saigon. Sĩ quan liên lạc Không Quân và cũng là chỉ huy trưởng Sở Không Yểm từ năm 1961 cho đến tháng Tư năm 1975 là Đại Tá Dư Quốc Lương.

Nói về các hoạt động đặc biệt của Nha Kỹ Thuật mà không đề cập đến các công tác hải-vận là một thiếu sót đáng kể. Công tác hải-vận đưa đón các quân nhân Biệt Hải [1] của Nha Kỹ Thuật/BTTM được giao phó cho Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Tiền thân của Sở này là căn cứ "Pacific," trong hệ thống tổ chức của Phòng 45 thuộc Sở Khai Thác Địa Hình. Sở Phòng vệ Duyên Hải được chính thức hoạt động Khoảng cuối năm 1964 và đầu 1965. Trước đó phương tiện xâm nhập các nhân viên điệp báo và các toán tại các vùng duyên hải Bắc Việt đều xử dụng các thuyền máy đánh cá, sửa chữa lại theo kiểu thuyền miền Bắc. Các thuyền này được đưa về Đà Nẵng để huấn luyện và thực tập về công tác xâm nhập cùng với nhân viên hay toán hoạt động.

[1] VNCTLS GHI CHÚ: Biệt-Hải, lính biệt-kích đặc biệt của hải quân, tương đương với biệt-kích của lục quân. Nhưng khác một điểm là binh sĩ Biệt-Hải được huấn luyện và trang bị đặc biệt cho những điệp vụ trên sông ngòi hay ngoài biển như đặt (hoặc tháo gỡ) chất nổ dưới nước, dọ thám hay đột kích bằng duyên tốc đỉnh, đột nhập vào các cơ sở địch quân gần bờ biển hay trên những hòn đảo nhỏ ngoài khơi.


Sau này vì khả năng có giới hạn của các thuyền này và vì nhu cầu tốc độ và khả năng chiến đấu để bảo vệ, cơ quan tình báo Hoa kỳ đã cung cấp cho Nha Kỹ Thuật/BTTM các loại chiến đỉnh SWIFT và NASTY, do một số thủy thủ đoàn ngoại quốc chỉ huy. Các chiến đỉnh này có tốc dộ nhanh và được võ trang để tự vệ nếu bị Hải Quân Bắc Việt tấn công. Tuy vậy, các tàu này chỉ có tầm hoạt động ngắn, không qua Vĩ Tuyến 20. Sau này, sau khi MACV-SOG đảm trách yểm trợ Nha Kỹ Thuật/BTTM, Sở Phòng vệ Duyên Hải được tăng cường các chiến đỉnh lớn PTF (viết tắt của chữ Patrol, Torpedo, Fast tạm dịch "thủy-lôi giang tốc đỉnh" hay "thủy-lôi duyên tốc đỉnh.") có tầm hoạt động xa, tốc độ nhanh và trang bị hỏa lực mạnh.

Các loại tàu này không những có khả năng tự vệ mà còn có khả năng đánh phá và tấn công các mục tiêu Cộng Sản nếu cần. Bộ Tư lệnh Hải Quân cũng được chỉ thị cung cấp các thủy thủ đoàn cho các chiến đỉnh này. Các hoạt động đặc biệt do Sở Phòng Vệ Duyên Hải thực hiện đều nằm trong sự kiểm soát và trách nhiệm của Nha Kỹ Thuật/BTTM, không có liên hệ nào đối với Bộ Tư Lệnh Hải Quân và hoàn toàn được bảo mật tối đa.

Các thủy thủ đoàn này đều nằm trong Lực Lượng Hải tuần trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Sở này được một vị sĩ quan cấp tá do Bộ Tư Lệnh Hải Quân biệt phái chỉ huy. Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Ngô thế Linh (từ năm 1964 đến 1966), sau đó là Trung Tá Hồ văn Kỳ Thoại, sau này được thăng cấp đề đốc. Các toán người nhái và hoạt động được gọi là Lực Lượng Biệt Hải và thuộc Lực Lượng Biệt Hải của sở này. Các toán này được huấn luyện và thi hành những công tác đặc biệt tương đương với các toán biệt-hải SEAL (Sea Air Land) của Hải Quân Hoa Kỳ. Các toán viên Biệt-Hải được huấn luyện về bơi lội, xử dụng đồ lặn scuba, nhảy dù, và những kỹ thuật hành quân đặc biệt khác.

Các toán có thể xâm nhập bằng cách nhảy dù xuống các vùng mục tiêu dọc theo miền duyên hải, xử dụng bãi nhảy sát bờ biển hay cả trên mặt nước. Sau khi hoàn thành công tác, các quân nhân Biệt-Hải có thể triệt xuất bằng cách bơi ra khơi để được tàu tiếp đón và đưa về căn cứ ở miền Nam. Các công tác này rất nguy hiểm nên phải được thiết kế một cách chi tiết và thận trọng.

Sau Hiệp Ðịnh Paris, hoạt động của Sở này bị giảm thiểu đáng kể và sau đó được tăng phái hành quân cho các quân đoàn để thi hành một vài công tác đặc biệt tại các vùng do Cộng Sản kiểm soát tại miền Nam.

Một bộ phận hoạt động quan trọng khác trong hệ thống trách nhiệm của Nha Kỹ Thuật/BTTM là Sở Tâm Lý Chiến. Tuy rằng trong thành phần tổ chức của Bộ Chỉ Huy Nha, Sở Tâm Lý Chiến là một đơn vị hoạt động không phải thuần túy tham mưu. Sở này sử dụng đa sồ chuyên viên dân sự để điều khiển các hệ thống phát thanh và các công tác chiến tranh chính trị khác nhằm yểm trợ cho cho hoặt động đặc biệt tại miền Bắc. Sở có trách nhiệm điều khiển hai hệ thống phát thanh. Đài Tiếng Nói Tự Do là một hệ thống phát thanh "xám," tiếng nói của những người mến chuộng tự do chống đối hệ thống tư tưởng Cộng Sản. Một hệ thống phát thanh bí mật khác là đài "Gươm thiêng ái quốc," tiếng nói của Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc, nhằm hỗ trợ cho các công tác của các toán đặc biệt nằm trong lãnh thổ miền Bắc. Ngoài công tác phát thanh, Sở Tâm Lý Chiến/NKT đã thực hiện nhiều công tác ly gián, lừa địch, sử dụng các hồi chánh viên và tù binh chính quy Bắc Việt.

Hai đài phát tuyến Cồn Tre tại Quảng Trị và Thanh Lam tại Huế có tầm hoạt động rộng lớn bao gồm cả lãnh thổ Bắc Việt cho đến biên giới Hoa Việt. Phần lớn các hoạt động tâm lý chiến và phát thanh đều được cơ quan tình báo Hoa Kỳ tài trợ và cố vấn về kỹ thuật. Sau này, "Đài Gươm Thiêng Ái Quốc" chấm dứt hoạt động vì tình hình chiến sự và chính trị thay đổi. Đài "Mẹ Việt Nam" được nối tiếp để duy trì công tác phát thanh của Nha Kỹ Thuật.

Đại Tá Trần văn Hổ nhậm chức Giám đốc Nha Kỹ Thuật/BTTM kể từ năm 1964 cho đến tháng 8 năm 1968. Chính trong thời kỳ này rất nhiều kế hoạch và hoạt động đặc biệt nhằm vào lãnh thổ miền Bắc được thực hiện. Sau vụ tấn công của Cộng Sản trong kỳ Tết Mậu Thân và các cuộc hòa đàm giữa Hoa Kỳ và Bắc việt tại Paris, hoạt động đặc biệt lần lần bị giảm thiểu, nhất là những công tác ngay trong lãnh thổ Bắc Việt. Các công tác này được tập trung và gia tăng tại các vùng giáp tuyến và các vùng biên giới Việt-Lào, Việt-Miên. Đại Tá Đoàn Văn Nu được đại tướng tổng tham mưu trưởng bổ nhiệm làm giám đốc thay thế Đại Tá Trần văn Hổ vào khoảng tháng 8 năm 1968 và tiếp tục chỉ huy Nha Kỹ Thuật cho tới ngày cuối cùng của Nha.

Trong thời kỳ này, tình hình chiến sự và chính trị thay đổi, đặc biệt nhất là đường lối của Hoa kỳ đối với chiến trường Việt Nam không còn quyết tâm như trước, do đó các công tác đặc biệt không còn được hỗ trợ mạnh mẽ như từ trước năm 1968. Tuy vậy, Nha Kỹ Thuật/BTTM vẫn tiếp tục thực hiện nhiều thành tích đáng kể. Các toán hoạt động tuy không phải xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Việt hoặc sâu vào biên giới Lào và Cam Bốt, nhưng được trực thăng vận ngay vào các khu vực địch kiểm soát. Các cuộc hành quân này cũng không kém phần quan trọng và còn nguy hiểm hơn nhiều. Các toán này đã gây trở ngại và làm chậm mức xâm nhập của Cộng Sản trong ý đồ đánh chiếm miền Nam.

Các toán hành quân của Nha Kỹ Thuật, dù thuộc một đơn vị nào cũng luôn luôn chứng tỏ tinh thần dũng cảm, đầy nhiệt huyết, xem sự chết nhẹ tựa lông hồng, chiến đấu oai hùng trong mọi nguy hiểm và hoàn cảnh khó khăn. Cuộc chiến đấu chống Cộng tuy đã chấm dứt vào cuối tháng 4 năm 1975, nhưng tinh thần của cuộc chiến và những giờ phút oai hùng đó không dễ gì phai mờ trong tâm trí cũa những cựu chiến sĩ Nha Kỹ Thuật này.

Trung Tá Lữ Triệu Khanh Viết tại Winston-Salem, tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »


Image

QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HÒA

LS Đỗ Thái Nhiên

Lúc bấy giờ là tháng năm, 1985, người Việt Nam tại quốc nội, nhất là dân chúng cư ngụ vùng Saigòn, Gia Định, vẫn nô nức nhưng kín đáo tìm đường vượt biên. Trong trường hợp âm mưu vượt biên thất bại, người vượt biên sẽ bị Cộng Sản Việt Nam hành hạ dưới tội danh "phản quốc". Vì thế, công việc chuẩn bị vượt biên cần phải được bảo mật tuyệt đối.
Chính vì hai chữ "bảo mật", nhiều người đã ra khơi một cách hoàn toàn bất ngờ, không một lời giã biệt bằng hữu. Riêng tôi, tôi nhất định vượt biên, nhất định bảo mật, nhất định ân cần thăm viếng và từ biệt bạn bè cũ. Nhằm đáp ứng các "nhất định" vừa nêu, một ngày trước khi rời xa quê hương, tôi quyết định tìm gặp những người bạn đặc biệt của tôi. Những người bạn đó hoàn toàn kín tiếng. Những người bạn đó không còn bận tâm chọn lựa đời sống ở bên này hay bên kia bờ đại dương. Những người bạn đó đã đi trọn đường trần bằng tất cả gian khổ với một ước mơ bất thành: ước mơ Việt Nam thống nhất, dân chủ và thịnh vượng. Những người bạn đó chính là các bạn đồng ngũ thương mến của tôi đang an nghỉ tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa.

Chiều hôm ấy, khoảng ba giờ, một mình tôi thẫn thờ bước vào nghĩa trang Biên Hòa. Bức tượng Thương Tiếc nằm ở ngay cổng đã bị mang đi nơi khác tự bao giờ. Con đường từ xa lộ chạy vào tới đài kỷ niệm Chiến Sĩ Trận Vong vẫn còn đó, vẫn dài, vẫn thẳng, nhưng hai hàng phượng đứng bên đường trông thật tiều tụy và ủ dột. Có thể vì phượng thiếu nước, thiếu gió. Có thể vì phượng muốn biểu tỏ tấm lòng trắc ẩn của cỏ cây dành cho hàng ngàn anh linh chiến sĩ đã vị quốc vong thân nhưng nay phải ngậm đắng nuốt cay nơi suối vàng trước cảnh "quốc" đang bị đè bẹp dưới ách độc tài Cộng Sản. Vào tới khu dành cho mộ phần của chiến sĩ, khách viếng mộ tận mắt chứng kiến toàn thể nghĩa trang đều bị đập phá tàn nhẫn. Đây là một ngôi mộ bị đào bới để lộ cả quan tàI mở nắp, di cốt tử sĩ đã biến mất. Kia là một ngôi mộ nằm ở triền đồi, bia đá vẫn còn nguyên nhưng di ảnh của ngườI quá cố có dấu vết vài phát đạn vào mắt, vào miệng. Kế đó là nơi an nghỉ của một sĩ quan cấp tá, trên bia đá, người nào đó lấy sơn đen viết một câu giễu cợt, rất phản văn hóa.

Cứ như vậy, khách viếng nghĩa trang lần lượt ghi nhận vô số hình ảnh não nề của một nghĩa trang bị nhận xuống tận cùng của hố ô nhục. Mặc cho ô nhục chồng chất, toàn bộ mộ phần của nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa vẫn lặng lẽ hướng về đài chiến sĩ trận vong. Đài này nằm trên đỉnh một ngọn đồi tọa lạc tại trung tâm nghĩa trang. Kiến trúc trọng yếu của đài chiến sĩ trận vong là một tháp xi-măng xám, cao vời vợi. Tháp này gợi nhớ hình ảnh cây bảo kiếm của người chiến sĩ vô danh năm xưa đã để lại nơi dương thế trước khi đi vào cõi vĩnh hằng. Từ cõi vĩnh hằng xa xăm kia, người ta vẫn nghe vang vọng một câu hỏi, nửa như kinh ngạc, nửa như phẫn hận: tại sao nghĩa trang của những anh hùng vị quốc vong thân lại có thể bị lăng nhục???

Bây giờ nhiều năm đã trôi qua... Bây giờ những xót xa về cảnh tượng hoang phế và cô tịch của nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa đã lắng đọng... Bây giờ những uẩn ức về lệnh buông súng tức tưởi đã trôi xa vào quá khứ... Bây giờ thời gian là năm 2002, một chiều tĩnh lặng cuối thu. Không gian là công viên tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ thuộc thị xã Westminster, California.

Tôi ngồi tựa lưng vào chân tượng đài, trầm ngâm suy nghĩ về quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
I. Phương pháp đánh giá một Quân Ðội.
Trước tiên, tôi nghĩ tới những luận cứ chê trách QĐVNCH. Có người nêu rõ danh tánh vài ba ông tướng buôn lậu để đơn giản cho rằng QĐVNCH là quân đội buôn lậu. Người khác đã viện dẫn trường hợp đào ngũ, nghịên ngập của năm bẩy quân phạm trong quân lao Gò Vấp để vội vàng kết luận: QĐVNCH là quân đội vô kỷ luật. Người khác nữa đã kể lại câu chuyện một quân nhân đầu hàng địch quân trên trận địa đê? Nhanh chóng nhận định QĐVNCH là quân đội hèn nhát... Tất cả các đánh giá vừa kể hiển nhiên là kiểu đánh giá xuất phát từ những người rất giầu ác ý nhưng vô cùng nghèo nàn hiểu biết về phương pháp đánh giá. Làm thế nào để chúng ta có thể đánh giá một tập thể trên căn bản chừng mực và nghiêm chỉnh?
Đi tìm giải đáp cho câu hỏi vừa kể, có lẽ chúng ta nên suy nghĩ về một phương pháp đánh giá trong khoa kinh tế học. Mỗi khi tổng sản lượng quốc gia gia tăng, chưa hẳn người dân được sống trong thịnh vượng. Những năm gần đây, tổng sản lượng quốc gia Việt Nam được ghi nhận là gia tăng nhưng tuyệt đa số quần chúng Việt Nam vẫn bị giam cầm trong cuộc sống cùng khổ.
Lợi nhuận của sinh hoạt kinh tế phải là lợi nhuận chung của toàn bộ xã hội. Lợi nhuận kia phải được phân bổ hợp lý cho toàn dân. Thế nhưng CSVN đã cưỡng chiếm lợi nhuận kinh tế cho đảng CS và cho cá nhân đảng viên nhất là đảng viên thuộc giai cấp tư bản đỏ. Đó là lý do giải thích tại sao tổng sản lượng quốc gia VN gia tăng nhưng hai chữ "thịnh vượng" vẫn là ngườI khách cực kỳ xa lạ đối với quần chúng nghèo túng. Vì vậy, muốn so sánh mức độ thịnh vượng giữa hai hay nhiều nền kinh tế, các chuyên viên kinh tế phải đồng thuận với nhau về một người tiêu thụ mẫu mực gọi là "kinh tế nhân". Kinh tế nhân là người tiêu thụ một số lượng nhất định về các sản phẩm kinh tế căn bản như vải vóc, lương thực v...v... trong một thời lượng đã được quy ước trước. Thế rồi từ ý niệm kinh tế nhân, chúng ta có thể xác định mức độ thịnh vượng của một nền kinh tế bằng cách cân đo xem nền kinh tế đó đã thực sự nuôi dưỡng được bao nhiêu kinh tế nhân trên tổng dân số. Kết quả của việc cân đo này giúp chúng ta dễ dàng thiết lập bảng xếp hạng kinh tế thịnh vượng giữa các quốc gia.
Đánh giá một nền kinh tế, chúng ta cần "kinh tế nhân" làm thước đo. Đánh giá một quân đội, chúng ta cũng cần một thước đo tương tự. Thước đo đó chính là một người lính bình thường. Người lính đó không phải là một ông tướng lúc nào cũng sẵn sàng "bỏ quân chạy lấy người". Người lính đó không phải là anh binh nhì, suốt ngày ngồi ở vọng gác thì thầm ca bài "Ky? Vật Cho Em". Người lính đó mang trong người đầy đủ "tính lính" mà hầu hết binh lính trong QĐVNCH đều có. NgườI lính đó là "người lính tiêu biểu". Bây giờ chúng ta hãy khảo sát phẩm cách người lính tiêu biểu, mà bài viết này chỉ gọi tắt là người lính.
II. Quá trình thụ giáo của người lính.
Muốn xác định phẩm chất của một quân đội, chúng ta không thể không tìm hiểu cội nguồn giáo dục đã đào tạo ra hàng ngũ quân nhân cho quân đội đó. Chế đô. CSVN là chế độ độc tài, tham ô và bóc lột. Vì vậy chế độ này cần rất nhiều tay sai để bảo vệ giới thống trị. Cũng vì vậy giáo dục của CSVN là giáo dục đào tạo tay sai. Chủ nghĩa Marx Lenine và luận cứ ca tụng đảng, suy tôn Hồ Chí Minh, là các công cụ trọng yếu của guồng máy giáo dục CS. Ngược lại, VNCH có một nền giáo dục "rất Người". Trên toàn lãnh thô? VNCH, các môn học như: công dân giáo dục, sử học, văn chương, triết học v...v... không hề có chỗ đứng dành cho tư tưởng độc tôn lãnh tụ hay độc tôn chế độ. Đó là nội dung cốt lõi của chương trình giáo dục nhân bản mà người lính của QĐVNCH đã được hấp thụ trong toàn bộ học trình của tiểu, trung và đại học. Đó là một sự thực mà không một người nào đã từng sinh ra và lớn lên trong xã hội VNCH có thể phủ nhận được. Một sự thực mà guồng máy thông tin tuyên truyền của
CSVN không thể xuyên tạc hoặc bóp méo.

Ngay sau khi "xếp bút nghiên theo việc đao cung", người lính lại bước vào trường học mới: ngành tâm lý chiến của QĐVNCH. Tại đây người lính không hề bị nhồi sọ để trở thành tay sai cho lãnh tụ hay chế độ chính trị nào. Người lính của QĐVNCH chỉ được trang bị một loại võ khí tinh thần duy nhất là lòng yêu nước và tinh thần tôn trọng kỷ luật quân đội.
Song song với giáo dục học đường dân sự và giáo dục tâm lý chiến của quân đội, người lính còn được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản của toàn bộ xã hội. Người ta có thể không đồng ý với các chế độ chính trị tại VNCH về một số sự việc nào đó nhưng không thể chối cãi rằng VNCH là một chế độ tôn trọng quyền tự do tư tưởng. Quyền tự do này được thể hiện đậm nét trên hai lãnh vực: nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật văn học. Điều này giải thích lý do tại sao sau nhiều năm bi. CSVN tìm đủ mọi phương cách để tiêu diệt, những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất phát từ xã hội VNCH vẫn được lưu truyền càng ngày càng mạnh mẽ trong dân gian ở cả hai miền Nam và Bắc.

Nhìn chung lại, giáo dục học đường, giáo dục tâm lý chiến cùng với giáo dục xã hội là ba nguồn giáo dục nhân bản mà người lính VNCH đã được tôi luyện từ thời niên thiếu cho đến hết cuộc đời binh nghiệp.Trong thực tiễn đời sống, ba nguồn giáo dục căn bản kia đã hướng dẫn người lính VNCH sống và chiến đấu đúng với hướng phát triển tình cảm trong sáng của một Con Người. Hướng phát triển đó được triết học cụ thể hóa bằng biểu đồ hình trôn ốc. Vạn vật vận động theo hình trôn ốc. Hình trôn ốc triết học có đỉnh đặt trên mặt đất, đáy hướng lên trời. Hình trôn ốc là hình vẽ diễn ý rằng mỗi vận động trong vạn vật đều xuất phát từ một điểm để sau đó phát triển rộng ra, cao lên, cả về lượng lẫn phẩm. Khảo sát diễn tiến phát triển tình cảm của một cá nhân,chúng ta thấy: ngay sau khi được cha mẹ cho chào đời, đứa bé quyến luyến cha me. Đó là tình con cái đối với cha mẹ (đỉnh của hình trôn ốc) Thế rồi theo đà khôn lớn, đứa bé tìm tới tình anh chị em ruột thịt, rồi tình họ hàng gần xa, rồi tình làng xã, tình quốc gia dân tộc, tình nhân loạị.. Cứ như thế tình cảm của con người sau khi rời đỉnh hình trôn ốc đã men theo các vòng xoáy hình trôn ốc để từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phong phú cả về phẩm lẫn lượng. Không còn nghi ngờ gì nữa, quá trình giáo dục của người lính VNCH hoàn toàn phù hợp với nhận định của triết học về vận động của vạn vật. Sự phù hợp vừa nói khẳng định mạnh mẽ rằng: môI trường sống cùng với môi trường giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước 1975 đã tạo điều kiện cho người lính VNCH trở thành những người thực sự yêu quê hương đất nước theo đúng quy luật sinh hoạt tình cảm tự nhiên của Con Người.
III. Bản chất của người lính VNCH.
Do yêu quê hương đất nước, người lính VNCH đã nhận thức được rằng cuộc chiến đấu chống quân đội CSVN trước 1975 là cuộc chiến đấu cho tự do dân chủ, cho chính nghĩa. Sau 1975, nhà khoa học Nguyễn Thanh Giang đã kêu gọi mọi người Việt Nam (Bắc cũng như Nam) hãy tri ân chiến sĩ VNCH trong trận hảI chiến chống Trung quốc ơ? Hoàng Sa. Mới đây nhà văn Dương Thu Hương, một "chiến sĩ chống Mỹ cứu nước" trước kia đã giác ngộ chính nghĩa bằng cách viết bài "Tiếng Vỗ Cánh Của Bầy Qua. Đen". Qua bài viết này, Dương Thu Hương tố cáo cuộc chiến tranh tại Việt Nam trước 1975 do CSVN phát động là một tội ác phỉnh gạt vĩ đại. CSVN phỉnh gạt đồng bào miền Bắc bằng cách nhân danh tự do và cơm áo, đẩy đồng bào lao thân vào cuộc chiến tàn khốc tại miền Nam Việt Nam. Để rồi sau 30/4/1975, CSVN đã để lộ nguyên hình là một đảng Mafia tham ô và bóc lột. Nói ngắn và gọn, nhà văn Dương Thu Hương đã xác nhận điều được gọi là chiến tranh "Giải Phóng Miền Nam" do CSVN phát động chẳng qua chỉ là một hành động phi nghĩa. Các sự thể kể trên đã mạnh mẽ làm nổi bật tính chất chính nghĩa trong cuộc chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam VN của người lính VNCH.

Do yêu quê hương đất nước, người lính VNCH chấp nhận phục vụ quê hương với những điều kiện sinh hoạt rất thanh bạch. Nghèo khổ không than trách. Nguy hiểm không sờn lòng. Người lính VNCH bao giờ cũng tận tình với nghĩa vụ bảo quốc, an dân. Người lính tuyệt vời kia đã được đền thưởng những gì? Phần đền thưởng đó lại chính là con đường "vị quốc vong thân" trong tuyệt đối hiu quạnh. Con đường ấy đưa đẩy người lính rơi vào một tình huống cực kỳ quái dị, cực kỳ tê táị "Đám Ma Tù" là điển hình của tình huống vừa kể:
"Vài tên cầm súng bước đi đầu
Tên nữa AK tiếp theo sau
Một xác bó tròn đôi manh chiếu
Hai đầu buộc tréo bốn dây lau
Không kèn, không trống, không đưa tiễn
Chẳng khói, chẳng nhang, chẳng nguyện cầu
Chỉ có bạn tù khiêng lặng lẽ
Vùi nông một khối hận thù sâu !!!"

NgôMinh Hằng--Thi Phẩm Gọi Đàn
Do yêu quê hương đất nước, người lính VNCH bao giờ cũng chuyên cần đổ mồ hôi trên thao trường của các quân trường, bao giờ cũng thiện chiến và anh dũng đoạt chiến thắng lừng danh trên mọi hình thái trận địa. Các chiến thắng Bình Long, An Lộc, tái chiếm cổ thành Quảng Trị, mùa Hè Đo? Lửa 1972, phản ứng nhanh và chính xác trong biến cố Tết Mậu Thân v...v... là những thí dụ điển hình tạo nên "Quân Sư? Vàng" của QĐVNCH.
Do yêu thương quê hương đất nước, người lính VNCH bao giờ cũng nêu cao gương trách nhiệm trong mỗi hành động chiến đấu. Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà anh dũng trầm mình theo chiến hạm do ông chỉ huy trong trận hải chiến với Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa. Các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Hai,Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và vô số anh hùng quân đội vô danh khác đã ngạo nghễ chọn cái chết thay vì đầu hàng địch quân vào ngày 30/4/1975.
Do yêu thương quê hương đất nước, người lính VNCH bao giờ cũng tôn trọng quân kỷ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người lính chỉ biết tuân hành mọi loại mệnh lệnh một cách mù quáng. Trong rất nhiều trường hợp, nghĩa vụ ân cần chăm sóc thương bệnh binh phải được xem trọng hơn nghĩa vụ tự giam bó trong quân kỷ. Đó là ý nghĩa của Kinh và Quyềợn trong tinh thần quân kỷ của người lính VNCH. Đó là ý nghĩa của kỷ luật tự giác mà người lính VNCH muốn đề cao. Đó còn là lý do giảI thích tại sao trong QĐVNCH lại có những hành động phản kháng kiểu Bác Sĩ Quân Y Hà Thúc Nhơn, Bác Sĩ Quân Y Phạm văn Lương.
IV. Hệ lụy của một quân đội bị bức tử.
Phẩm chất người lính tiêu biểu của QĐVNCH như đã trình bày ở trên chính là phẩm chất của toàn thê? QĐVNCH. QĐVNCH sinh ra, lớn lên và hùng mạnh trong môi trường nhân bản. QĐVNCH không hề là, không thể là quân đội tay sai của ngoại bang hay bất kỳ chế độ chính trị nào. QĐVNCH là hình ảnh sinh động của lương tri và ái quốc. QĐVNCH thiện chiến và chiến đấu dũng cảm.
Thế nhưng, hành động phản bội của người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã mặc nhiên trói tay QĐVNCH. Khai thác hoàn cảnh "bị trói tay" đó, CSVN vội vàng tạo tội ác 30/4/75. Nói rõ ràng hơn, Hoa Kỳ phản bội cộng với bản chất gian ác của CSVN là hai lý do chủ yếu dẫn đến "cái chết" của QĐVNCH. Thông thường chết có nghĩa là từ giã mọi hệ lụy. Thế nhưng, ngay sau ngày bị "bức tử", QĐVNCH đã để lại cho dương gian ba hệ lụy căn bản như sau:

Hệ lụy 1: Hơn ai hết, VC nhận biết rất rõ bản chất nhân bản và ái quốc của QĐVNCH. Vẫn hơn ai hết VC tự nhận biết bản chất Mafia của CSVN. Nhà văn Dương Thu Hương gọi Mafia VC là "Bầy Qua. Đen". Lo sợ lòng yêu nước và tính dũng cảm của QĐVNCH được dư luận truyền tụng rộng rãi và lâu dài. Sự thể này sẽ làm gia tăng vượt bực lòng căm phẫn của nhân dân VN đốI với "Bầy Qua. Đen". Vì vậy trong các thập niên qua, CSVN không ngừng nỗ lực phá hoại uy danh của QĐVNCH. Ngày 24/9/2002 trên báo The Orange County Register, qua bài viết "Victory most can celebrate" của ký gia? Gordon Dillow, đã nhắc lại các sự việc:
VC phá hủy có phương pháp nghĩa trang QĐVNCH
VC đẩy hàng ngàn cựu chiến binh tàn phế của QĐVNCH vào cảnh sống hành khất.
VC kiên trì và nỗ lực phá hoại công cuộc xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ tại Westminster, California.

Ba sự việc nêu trên đi kèm với khối sách báo của VC viết về QĐVNCH là những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy ác ý hủy diệt uy danh QĐVNCH của VC.

Hệ lụy 2: Sau chiến tranh Việt Nam, dư luận không hề cho rằng Hoa Kỳ đã thua kém VC trên địa bàn quân sự. Tuy nhiên "Hoa Kỳ phản bội QĐVNCH" là một sự thực không thể chối cãị nhằm xóa bỏ mặc cảm phản bội, giới truyền thông Hoa Kỳ đã cố gắng làm cho thế giới hiểu rằng chiến tranh VN là chiến tranh giữa Hoa Kỳ và VC. Đó là lý do giải thích tại sao sách báo và nhất là điện ảnh Hoa Kỳ triệt để tránh né đề cập tới vai trò của QĐVNCH trên chiến trường VN. Sự thể "tránh né" vừa nói đã làm cho dư luận hiểu lệch đi rằng QĐVNCH chỉ là cáI bóng mờ bên cạnh binh sĩ Hoa Kỳ và rằng QĐVNCH rất ngại chiến đấu. Để bác khước kiểu "hiểu lệch" kia, chúng ta hãy mang con số 400.000 tử sĩ VNCH đặt bên cạnh con số 50.000 binh sĩ Hoa Kỳ tử vong trong chiến tranh VN (http://encyclopediạcom/section/ vietnam w. end of the war) . Sự sai biệt lớn lao giữa hai con số là một bằng chứng bằng máu về lòng ái quốc và dũng cảm của QĐVNCH.
Hệ lụy 3: Đương đầu với hệ lụy (1) và (2), QĐVNCH hoàn toàn im lặng trong cõi bức tử. Tình trạng im lặng kia là cơ hội làm cho một số người, nhất là những người ra đời sau 1975 hiểu lầm tai hại về thanh danh của QĐVNCH. Đó là hệ lụy thứ ba mà QĐVNCH đang gánh chịu.
V. Giải trừ oan khiên.

Những điều trình bày ở trên đã minh chứng cả ba hệ lụy là ba oan khiên. Làm thế nào để giải trừ oan khiên?

Giải trừ một: qúi vị cựu quân nhân của QĐVNCH hãy hãnh diện về tư cách cựu quân nhân của mỗi quý vị. Quý vị gia đình cựu quân nhân và tất cả những người xuất thân từ xã hội VNCH hãy ghi khắc trong tim óc của mỗi quý vị: chúng ta đã có nhiều thập niên sống trong sự che chở ân cần của QĐVNCH. Một quân đội đã bảo vệ người dân bằng chính sinh mệnh của người lính.

Giải trừ hai: người Việt Nam lớn lên trong chiến tranh hãy giải thích cho người VN ra đời sau 1975, nhất là những người VN sinh trưởng tại quốc ngoại để họ hiểu biết tường tận về lương tri và lòng ái quốc của QĐVNCH trêạn những liên hệ thân thiết giữa người dân và QĐVNCH. Hành động giải thích này hoàn toàn không mang ý nghĩa của một cảm tính. Nó là sự truyềợn đạt từ thế hệ này qua thế hệ khác những hiểu biết về vận động quan trọng của lịch sử. Nó ẩn chứa trong nó ước mơ rằng: trong tương lai, quốc gia Việt Nam sẽ có một quân đội thực sự vì nhân dân. Các loại quân đội tay sai của "Bác", của Đảng, của bất kỳ phe phái chính trị nào phải triệt để bị loại bỏ. Ước mơ vừa nêu tuy gián tiếp nhưng mạnh mẽ vinh danh QĐVNCH.

Giải trừ ba: đất nước là tài sản chung của toàn dân. Người dân phải thực sự là chủ nhân ông tối cao và duy nhất của đất nước. Đó là chân ý nghĩa của công bằng và lẽ phải. Đó là quy luật sống tự nhiên của mỗi dân tộc và của toàn nhân loại. Quy luật sống tự nhiên kia đòi hỏi những hoạt động kiểu giáo dục, luật pháp, kinh tế, nhất là quân sự phải là sinh hoạt nhân bản và công bằng của xã hội. Bài viết này chỉ xin nhấn mạnh đến guồng máy quân đội.
Quân đội dân chủ bao giờ cũng vận động theo chuẩn mực bởi dân, của dân và vì dân. Nhà cầm quyền dân chủ không bao giờ nuôi tham vọng biến quân đội trở thành công cụ bảo vệ ngôi vị cầm quyền. Qua quá trình giáo dục, qua quân sử và nhất là qua thực tiễn chiến đấu và phục vụ, QĐVNCH đích thực là một quân đội của xã hội dân chủ. QĐVNCH và dân chủ như hình vớI bóng. Chế độ dân chủ bị chà đạp, QĐVNCH bị lăng nhục. Vì vậy mọi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước hãy nỗ lực mang lại dân chủ cho Việt Nam. Ngày chế độ dân chủ được tái lập tại Viet Nam chính là ngày danh dự của QĐVNCH được phục hồi.

Như vậy là ba phương pháp giải trừ đi kèm với ba hệ lụy.
Mỗi giải trừ tượng trưng bởi một nén nhang.
Nén nhang thứ nhất là lời tri ân của TỔ QUỐC
Nén nhang thứ hai là lời vinh danh tinh thần TRÁCH NHIỆM của QĐVNCH
Nén nhang thứ ba là lời nguyền quyết tâm phục hồi DANH DỰ cho QĐVNCH, một quân đội thực sự yêu nước , thiện chiến, và dũng cảm.

Người viết bài này kính cẩn đặt ba nén nhang kia dưới chân TƯỢNG ĐÀI CHIẾN SĨ Việt Mỹ ,Westminster, California. Hành động này mang hàm ý chúc mừng ngày khánh thành tượng đài.
Hành động này còn là sự biểu tỏ lòng tuyệt đối tôn kính và thương yêu đối với QĐVNCH./.

Đỗ Thái Nhiên
Nguyên thiếu úy , trưởng ban Quân số
Tiểu Đoàn 3, Pháo Binh Phòng Không
KBC 4314






Việt Nam Cộng Hòa muôn năm
Last edited by tranphuongdong on Sat May 03, 2008 2:52 am, edited 1 time in total.
thienthanh
Posts: 3384
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Nhận Định về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
của Đại tướng Louis C. Wagner Jr.


Image

Lời giới thiệu:
Đại tướng Louis C. Wagner Jr., khi còn là sĩ quan cấp tá, giữ chức vụ cố vấn trưởng các đơn vị Bộ Binh và Thiết Giáp Việt Nam Cộng Hòa tại Vùng 1 Chiến Thuật trong hai nhiệm kỳ,
ông có cái nhìn về Quân lực Việt Nam Cộng Hòa rất rõ-ràng.




Image
Trong Lời Nói Đầu của cuốn STEEL and BLOOD, South Vietnamese Armor and the War for Southeast Asia do Naval Institute Press xuất bản vào tháng 10-2008, Tướng Wagner đã hết lời ca ngợi các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và thẳng thắn nhận định về khả năng tác chiến của quân đội Nam và Bắc Việt Nam, đồng thời ông cũng khách quan kể lại những gì ông đã ghi nhận được trong thời gian phục vụ tại Nam Việt-Nam.

Nhân ngày Quân Lực 19-6-2008, chúng tôi trân trọng phổ biến tài liệu này đến quý chiến hữu.

Hà-Mai-Việt, soạn-giả
Steel and Blood


Đại-tướng Wagner nói:
Hầu hết các cuộc chiến-tranh đều được một số sách, nhiều bất-tận, theo sau, bàn về những kỳ công và hùng khí của những người đã từng vào sinh ra tử. Chỉ cần nhắc đến trường hợp Thế Chiến II: Số sách liên quan đến cuộc chiến tranh này hiện vẫn được tiếp tục viết ra theo một tốc độ kinh-ngạc. Nhưng trường hợp cuộc chiến của chúng ta, lâu dài nhất tính đến nay, là chiến-tranh Việt-Nam, thì lại không như vậy. Tuy đã có một số sách viết về vai-trò của Quân Lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh này, nhưng chính vì cái bản chất thất nhân tâm của cuộc chiến mà phần lớn tác phẩm đã không thể hiện chính xác được thực tại chiến-tranh, như hàng triệu nam nữ quân nhân Hoa Kỳ đã cảm nhận rõ vì họ đã phục vụ tại đó.

Kể ra đã có hàng triệu người Việt Nam luôn nêu cao danh dự, phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa suốt cả thời chinh chiến, nhưng số người viết thì không nhiều, mà lại viết quá ít về quân vụ của chính họ. Hậu quả là hiện có nhiều kẻ vẫn tin rằng quân sĩ Việt Nam đã không quyết tâm chiến đấu để bảo vệ tự do cho quê hương. Nhận thức tai hại này vẫn tồn tại ngay cả trong số đông các cựu chiến binh Hoa-Kỳ có mặt trong chiến tranh Việt Nam, nhưng đã không cùng hoạt động song hành hoặc phục vụ bên cạnh các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Đại tá Hà Mai Việt đã viết xong một cuốn lịch sử tuyệt vời, đề cập đến thành phần quan trọng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đó là lực lượng Thiết Giáp. Việc sưu tập tài liệu và viết ra một cuốn sách không dễ dàng. Bởi lẽ chỉ có một số ít sử liệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa liên quan tới cuộc chiến tranh lâu dài trước kia còn sót lại sau khi Bắc Việt đã xâm chiếm Nam Việt-Nam. Do đó, Đại tá Việt đã phải bỏ ra tám năm trường, làm việc cực nhọc, đi hàng ngàn dặm, để truy tầm tin tức và phỏng vấn nhiều người, cố công phục hoạt cho bằng được một cuốn lịch sử nói về các đơn vị Thiết Giáp thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tác phẩm của ông độc đáo ở chỗ này: Nó không những chỉ trình bày khía cạnh tốt đẹp, mà còn nói cả đến những cái yếu kém của đơn vị Thiết Giáp, và của cấp chỉ huy Thiết Giáp. Ông thuật chuyện điềm nhiên, trung thực. Khi đơn vị hoặc cấp chỉ-huy thi hành tốt đẹp, thì ông kể lại rõ ràng và còn giải thích tại sao; khi họ thất bại, ông cũng mô-tả ra. . . Quả thực họa hoằn lắm mới thấy được tính cách ấy trong một cuốn lịch sử chiến tranh.

Sở dĩ tôi có được cái nhìn bao quát về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà nhiều người khác không sao có được, vì chính tôi đã từng phục vụ qua hai nhiệm kỳ với tư cách cố vấn trưởng cho các đơn vị tác chiến Việt Nam. Trong giai đọan 1964-65, tôi làm cố vấn trưởng cho trung đoàn 5, thuộc sư-đoàn 2 Bộ-Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai-đoạn này, trung đoàn 5 liên miên đụng trận nặng nề với các đại đơn vị được huấn luyện và trang bị tốt của Việt-Cộng tại mấy tỉnh ở phía Bắc. Khu vực này kể từ năm 1965 về sau, là vùng hành quân của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Trung đoàn 5 lúc ấy được chỉ huy tốt, nhưng trang bị kém vì phải xử-dụng các loại vũ khí cũ rích, và gần như không có hỏa lực pháo binh yểm trợ. Nhưng bất kể tình huống đó, quân sĩ của Trung đoàn này chiến đấu giỏi mặc dù phải chịu đựng nhiều thương vong.

Trong những năm 1971-72, tôi đã làm cố vấn trưởng cho trung đoàn 51 bộ binh và lữ đoàn 1 kỵ binh, và cũng ở tại mấy tỉnh phía Bắc. Vì đã có kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh kể từ năm 1969, cả hai đơn vị này đều được trang bị vũ khí và quân dụng ngang hàng với các lực lượng Hoa Kỳ, ngoại trừ pháo binh và không-quân. Sự kiện nâng cấp này đã tạo ra một khác biệt lớn lao xét về hiệu năng tác chiến. Lớn lao đến nỗi khó tưởng tượng được trừ phi đã từng phục vụ với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cả hai giai đoạn kể trên.

Tôi sẽ không xoáy sâu vào cuộc tấn công mùa Phục Sinh của Bắc Việt năm 1972, bởi lẽ trận chiến này đã được gói ghém, trình bày đầy đủ trong cuốn sách này rồi. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng đại đa số các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa mà tôi đã phục vụ đều đã chiến đấu giỏi. Luôn luôn bị địch quân đông gấp bội tấn công, họ vẫn ngăn chặn và sau cùng đánh bại cái đội quân trang bị và huấn luyện tốt của Bắc Việt. Không lực Hoa Kỳ, được các sĩ quan cố vấn Lục quân và Thủy quân Lục chiến Hoa-Kỳ phối hợp, đã giữ một vai trò chủ chốt trong sự thành-công. Bù đắp cho những khiếm khuyết về trang bị trong ngành pháo binh và không quân Việt Nam. Điều này nói lên đặc tính của các đơn vị tác chiến thuộc Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Image
Buồn thay, chính vì cái tình cảm phản chiến tại đất nước chúng tôi mà Quốc Hội đã cắt giảm viện trợ dành cho Nam Việt Nam giữa lúc Liên Sô đang chỉnh trang và tiếp vận ồ ạt cho Bắc Việt. Quân Bắc Việt được bồi dưỡng xong xuôi, đã xâm chiếm và đánh bại Nam Việt Nam vào năm 1975. Nhiều chiến hữu Nam Việt Nam của tôi đã chết trong cuộc chiến đó hoặc đã bị giam-cầm suốt nhiều năm dài, độc ác tại những nơi được gọi là các “Trại Cải tạo”. Đó là thời gian thuộc về lịch sử của quê hương chúng tôi, mà tôi không thể hãnh diện được.

Câu chuyện trong cuốn Thép và Máu là câu chuyện cần được kể ra. Tôi hy vọng nó sẽ gây cảm hứng cho nhiều cựu quân nhân khác lên tiếng thêm và trưng ra thêm bằng chứng nhằm chống lại những huyền thoại hiện hữu, tai ác, xúc phạm đến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi hãnh diện về thời-gian mà tôi đã trải qua, phục vụ cánh sát cánh với các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

T.D.B. dịch theo nguyên bản
Virginia, ngày 6-6-2008
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »

Image

Image

Câu Chuyện Chiếc Mũ Xanh
Bài viết của anh Phan Văn Huấn liên quan đến sự thành lập binh chủng LLÐB và BCND

Mỗi quân nhân đều tự hào với màu cờ sắc áo của đơn vị mình. Binh chủng Nhảy Dù (ND) với chiếc Mũ Ðỏ, Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Mũ Xanh màu nước biển, Biệt Ðộng Quân (BÐQ) Mũ Nâu, Thiết Giáp (TG) Mũ Ðen, và Lực Lượng Ðặc Biệt (LLÐB) hãnh diện với chiếc Mũ Xanh màu lá cây rừng (green beret), v.v. Ðối với các đơn vị tác chiến, nhất là các đơn vị tổng trừ bị thì niềm kiêu hãnh này đã là chất xúc tác mạnh mẽ nâng cao tinh thần chiến đấu của đơn vị. Sau đây là câu chuyện của chiếc mũ mầu Xanh lá cây rừng (The Green Beret) LLÐBVN.

Ngày 22/4/57, tôi vào trình diện BTTM để nhận lệnh mới thì được đưa đến tạm trú tại dãy nhà ở đường Hiền Vương, gần câu lạc bộ sĩ quan An Ðông, Chợ Lớn để đợi lệnh. Sau hơn một tháng chờ đợi, hơn 20 anh em mới được đưa ra Vũng Tàu để học lớp truyền tin đặc biệt, đại úy Bùi Thế Minh được chỉ định làm trưởng lớp, đại úy Tống Hồ Hàm làm phó. Một buổi sáng nọ, được nghỉ học để nghe thượng cấp nói chuyện, chúng tôi lên xe ra thẳng bãi sau Vũng Tàu, nơi đây đã được cảnh sát canh gác cẩn thận, không một người dân nào được lai vãng gần nơi đó. Trên một bàn dài kê sẵn, thượng cấp gồm có thiếu tướng Trần Văn Ðôn, trung tá Lê Quang Tung, và vài ba vị cố vấn Mỹ. Tôi nhớ lời tr/tá Tung nói: ”Các anh là nòng cốt của một binh chủng mới, đó là Lực Lượng Ðặc Biệt (LLÐB). Sau 3 tháng học lớp truyền tin xong, các anh sẽ học nhảy dù rồi học lớp LLÐB. Sau lớp LLÐB các anh sẽ chính thức hành quân đặc biệt là nhảy vào hậu phương địch để hoạt động, các anh nhớ là khi nhảy dù xuống hậu phương địch thì đã có người của mình đón tiếp và giúp các anh hoàn thành công tác giao phó”.

Sau một tháng học nhảy dù, chúng tôi di chuyển ra Nha Trang, học lớp LLÐB tại trường Biệt Ðộng Ðội ở Ðồng Ðế do một toán LLÐB Mỹ từ Okinawa đến huấn luyện. Ðại úy Cramer là trưởng toán, lớp học được hơn một tháng thì trong một cuộc thực tập phục kích gần đèo Rù Rì, đại úy Cramer, một thượng sĩ cố vấn và trung úy Phan Thanh Ðàn tử thương vì sơ ý trong việc xử dụng chất nổ! Lớp học vẫn tiếp tục trong sự luyến tiếc những người đã nằm xuống và sự ngờ vực của người Mỹ. Một toán điều tra của Mỹ từ Saigon ra tìm hiểu sự thật một thời gian ngắn và kết luận là cố vấn Mỹ chết vì tai nạn chứ không phải vì một âm mưu phá hoại nào. Mặc dù đã được xác định như thế nhưng chúng tôi đi thực tập, chỉ được mang súng, không được mang đạn dược và chất nổ theo.

Sau 4 tháng gian khổ học tập, khóa A đầu tiên của binh chủng LLÐB mãn khóa vào tháng 12/57. Các khóa B, C, D sau đó vẫn tiếp tục huấn luyện tại trường Biệt Ðộng Ðội Ðồng Ðế Nha Trang và huấn luyện viên của các khóa sau này đều do khóa A đảm trách. Vì tính cách quan trọng của việc thành lập binh chủng LLÐB. Ðại úy Phạm Văn Phú (thiếu tướng) và trung úy Trần Hửu Tác (trung tá) là khóa sinh khóa B cũng như nhiều khóa sinh ưu tú khác nhập học. Sau khóa D mãn khóa thì có cuộc hành quân thực tập, nhảy dù xuống vùng Xuyên Mộc Ðất Ðỏ thuộc tỉnh Bình Tuy chừng 2 tuần, cuộc hành quân này gồm nhiều toán A, mỗi toán 15 người, toán tôi thì có tr/úy Lê Tất Biên toán phó, thượng sĩ Kalani làm cố vấn. Toán tôi đóng quân trong mật khu Lang Ma của cộng sản. Tại đây, một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi là khi tr/úy Biên cùng 2 người nữa mang súng garant đi sâu vào rừng (tr/úy Biên thích đi săn lắm), hôm đó trung uý Biên đội đèn trên đầu tay cầm súng carbine. Một giờ sau, thì tiếng súng nổ ran như đang giao tranh với Việt cộng. Tôi vội vã tập họp toán lại để đi tiếp cứu thì thấy toán trung uý Biên hổn hển chạy về! Trung úy Biên nói ”Tôi đang đi theo đường xe be giữa rừng cây um tùm thì hết thấy lối đi nhưng chiếu đèn trên cao, đột nhiên thấy nhiều con mắt của thú rừng như sao trên trời! Nhìn kỹ thì đó là những đôi mắt của một đàn voi đang chắn lối đi! Thế là cả 3 người đồng loạt nổ súng và chạy lui” Ðàn voi bị tấn công bất ngờ, chạy tán loạn. Ðêm đó chúng hú gọi nhau vang cả khu rừng làm anh em chúng tôi không dám ngủ, sẵn sàng tư thế chống trả.

Sau khi khóa A mãn khóa thì được mang danh hiệu là Liên Ðội Quan Sát Số 1 (LÐQSS1), đại úy Bùi Thế Minh làm chỉ huy trưởng và đại úy Tống Hồ Hàm chỉ huy phó. Nhưng đến khóa B thì thiếu tá Ðàm Văn Quý thay thế làm chỉ huy trưởng và được đội Mũ Ðỏ như Nhảy Dù. Ðến ngày 11 tháng 11 năm 1960, Liên Ðoàn Nhảy Dù do đại tá Nguyễn Chánh Thi, tr/tá Vương Văn Ðông, và tr/tá Nguyễn Triệu Hồng chỉ huy làm cuộc đảo chánh tổng thống Ngô Ðình Diệm nhưng bất thành, phải bỏ trốn sang Campuchia. LÐQSS1 tức tốc vào Saigon cứu giá, đoàn xe GMC chở LÐQSS1 đi lên Ban Mê Thuột rồi thẳng về Ðồng Xoài, Bình Dương và vượt sông Saigon bằng phà ở Thủ Thiêm để đến dinh Ðộc Lập (vì cầu Bình Lợi đã bị phá sập). LÐQSS1 chưa đến dinh Ðộc Lập thì trật tự đã được vãn hồi trước đó hai hôm! Dù toàn bộ LÐQSS1 chưa vào đến Saigon nhưng đã có một toán 12 người của LÐQSS1 do tr/úy Nguyễn Lộc chỉ huy đã từ Sở Liên Lạc tiến lên đến ngã tư Hồng Thập Tự và Bà Huyện Thanh Quan thì đụng phải th/tá Phan Trọng Chinh (thiếu tướng) và Nhảy Dù đang bao vây dinh, cuộc chạm súng ngắn ngủi đã xảy ra, bên LÐQSS1 có tr/úy Trần Khắc Nghiêm bị thương ở đầu. Tr/úy Nguyễn Lộc là người đầu tiên của LÐQSS1 được vinh thăng đại úy sau cuộc chạm súng thập phần nguy hiểm đó.

Sau chính biến, toàn bộ LÐQSS1 di chuyển vào đóng quân ở trại Hùng Vương, cạnh trường đua ngựa Phú Thọ. Thiếu tá Ðàm Văn Quí được lệnh về làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 nhảy dù đóng ở ngả tư Bảy Hiền và đ/úy Tống Hồ Hàm làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn 6 nhảy dù đóng ở Vũng Tàu, và một lần nữa th/tá Phạm Văn Phú về làm chỉ huy trưởng Liên Ðoàn 77.

LÐQSS1 đổi danh thành Liên Ðoàn 77 do nghị định số 1183/QP/NÐ của Bộ Quốc Phòng ngày 3/10/61, rồi LÐ77 đổi danh thành LD301 do nghị định 1409/QP/NÐ ngày 24/7/64, và giải tán do nghị định 284/QP/NÐ ngày 9/6/65. Liên Ðoàn 31 do đ/úy Phạm Duy Tất làm chỉ huy trưởng, không rõ Liên Ðoàn 31 thành lập năm nào, có lẽ năm 62, nhưng chỉ biết LÐ31 đổi danh thành LÐ111 do nghị định số 1409/QP/NÐ ngày 24/7/64 và giải tán do nghị định số 0284/QP/NÐ ngày 19/6/65. Quân số 2 Liên Ðoàn 301 và 111 giải tán để sắp xếp lại và chính thức gọi là binh chủng LLÐB vào tháng 4/63, gồm có một Bộ Tư Lệnh, một đại đội Tổng Hành Dinh, một trung tâm huấn luyện, và 4 bộ chỉ huy C ở 4 vùng chiến thuật, mỗi C có một số B và mỗi B có một số toán A tùy theo tình hình địa phương, mỗi toán A quân số vào khoảng 12 người, tổng cộng quân số LLÐB vào khoảng trên dưới 5,000 cho đến khi giải tán vào năm 70.

Từ năm 1961, LLÐB bắt đầu kế hoạch mở các trại Biệt Kích Biên Phòng (BKBP) (CIDG) dọc theo biên giới Việt Miên Lào để ngăn chặn việt cộng xâm nhập vào lãnh thổ VNCH, tùy theo tình hình, mỗi trại quân số BKBP có từ một tiểu đoàn hoặc nhiều hơn. Cho đến ngày BKBP đổi danh thành Biệt Ðộng Quân Biên Phòng khi LLÐB giải tán vào năm 70 thì quân số đã lên đến trên 50 ngàn quân với gần 50 trại. Cũng từ năm 61 thì LLÐB bắt đầu thành lập các đại đội Biệt Cách Nhảy Dù (BCND) biệt lập rồi đến năm 1964 thì sát nhập lại thành lập tiểu đoàn 91 BCND, thiếu tá Trần Minh Huy làm tiểu đoàn trưởng đầu tiên, đến ngày 1/4/68 đổi danh thành tiểu đoàn 81/BCND. Cũng trong năm 64 này thì LLÐB lập thêm một đơn vị nữa, lấy tên là Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta (TTHL/HQ/Delta) gồm có 12 toán Thám Sát, mỗi toán 6 người, và 12 toán Thám Kích Tiền Phong (TKTP) là Biệt Kích Quân lấy từ các trại do Mỹ trả lương. Ðại úy Nguyễn Văn Khách là chỉ huy trưởng Delta đầu tiên. Bộ Tư Lệnh LLÐB chính thức thành lập vào tháng 4/63 do đ/tá Lê Quang Tung làm tư lệnh, lần này Mũ Ðỏ lại đổi thành Mũ Ðen của binh chủng LLÐB cho đến đầu năm 64 di chuyển ra NhaTrang vẫn còn đội Mũ Ðen, rồi chẳng bao lâu sau, Mũ Ðen đổi thành Mũ Xanh cho đến khi LLÐB giải tán vào tháng 8/70.

Ðại tá Lê Quang Tung kể như làm tư lệnh LLÐB từ ngày thành lập cho đến ngày 1/11/63 thì bị thảm sát. Trung tướng Lê Văn Nghiêm từ 63 đến 64. Chuẩn tướng Lam Sơn từ 64 đến cuối 64. Chuẩn tướng Ðoàn Văn Quảng từ 64 đến 69, sau đó C/tướng Lam Sơn trở lại năm 69, t/tướng Phạm Văn Phú năm 70, và cuối cùng là đ/tá Hồ Tiêu.



LLÐB là binh chủng đầu tiên thi hành những nhiệm vụ vô cùng bí mật đó là thả các toán Biệt Kích ra Bắc hoạt động. Khởi đầu thả vào năm 61 và chuyển giao nhiệm vụ này cho Nha Kỷ Thuật vào năm 64 để từ đó LLÐB chỉ lo hoạt động ở nội địa mà thôi.

LLÐB đã tham dự các trận đánh quyết liệt từ Khe Sanh, Lao Bảo, Làng Vei, Ashau, Alưới, Tà Bạt, Dapek, Dakto, Ben Het, Pleime, Ðức Cơ, Vũng Rô, Ðức Phong, Ðồng Xoài, Bình Long, An Lộc, Tống Lê Chân, Thiện Ngôn, Trại Bí, Ðức Hòa, Ðức Huệ, Ðôn Phục, Cái Cái, cho đến Biệt Khu Hải Yến, Côtô, v.v. Ða số các trận đánh này đều nằm dọc theo biên giới Việt Miên Lào để ngăn chặn việt cộng xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). (Vì thiếu tài liệu tham khảo, chỉ kể theo trí nhớ của tôi và nhiều bạn khác, nếu có điều gì cần bổ khuyết thì xin được các bạn chỉ giáo cho).

Không có cái buồn nào bằng cái buồn binh chủng LLÐB bị giải tán vào tháng 8/70! Anh em LLÐB phân tán đi nhiều binh chủng nhưng đa số là chuyển qua BÐQ và NKT; một số ít qua bộ binh, hoặc các trung tâm huấn luyện, nha sở, v.v. Duy chỉ có TTHL/HQ/Delta và tiểu đoàn 81/BCND là không giải tán mà sát nhập lại để lập nên Liên Ðoàn 81/BCND (LÐ81/BCND) do tôi làm chỉ huy trưởng, tr/tá Trần Phương Quế làm chỉ huy phó, đại úy Nguyển văn Lân làm sĩ quan phụ tá đặc trách về huấn luyện. LÐ81/BCND trở thành lực lượng tổng trừ bị trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM). LÐ81/BCND phải đau xót cắt bớt 2 đại đội cho sư đoàn Nhảy Dù để trở thành 2 đại đội trinh sát của sư đoàn Mũ Ðỏ! Vì vậy quân số của LÐ81/BCND đáng lý ra là 1200 quân, nhưng nay bị cắt mất 2 đại đội, nên chỉ còn chưa đến 900, nghĩa là chỉ bằng một tiểu đoàn. Nhiều anh em hỏi tôi là tại sao khi thiếu tướng Phạm Văn Phú đi họp tại BTTM bàn về việc giải tán LLÐB mà lại không chịu tranh đấu cho anh em mũ Xanh?, điều này thì chắc chỉ có cố thiếu tướng biết mà thôi vì tình hình lúc đó rất là khó khăn và phức tạp.

Ngày 25/12/70, toàn bộ LÐ81/BCND di chuyển vào đóng quân tại trại Bắc Tiến, cạnh trung tâm huấn luyện Quang Trung. Sau khi đã ổn định nơi đồn trú, tôi được lệnh lên trình diện đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng QLVNCH. Trước khi vào trình diện đại tướng, tôi đi thăm các phòng của Bộ Tổng Tham Mưu để tìm hiểu xem ý kiến của BTTM đối với Liên Ðoàn mình như thế nào. Ý tôi muốn cứ giữ nguyên MÀU CỜ SẮC ÁO của binh chủng Lực Lượng Ðặc Biệt nhưng khi đề cập đến vấn đề đó thì tất cả sĩ quan cao cấp của BTTM đều cho biết là khó thể đại tướng chấp nhận yêu cầu này. Cái lý do rất dễ hiểu là LLÐB đã giải tán nghĩa là trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không còn có binh chủng LLÐB nữa, Liên Ðoàn 81 làm sao có thể xin giữ nguyên MÀU CỜ SẮC ÁO của binh chủng LLÐB được? Liên Ðoàn sẽ có phù hiệu riêng, còn mũ thì tất cả các đơn vị có NHẢY DÙ đều đội MŨ ÐỎ để cho quân đội được ÐỒNG NHẤT như Sư Ðoàn Nhảy Dù, Nha Kỷ Thuật, và Ðại Ðội Gấp Dù của Quân Nhu.

Sau khi nghe ý kiến chung của đại đa số sĩ quan cao cấp thuộc BTTM, tôi buồn bã nghĩ đến chiếc Mũ Xanh và phù hiệu cọp bay của LLÐB sẽ biến mất trong nay mai. Ôi cái Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB là niềm hãnh diện của anh em chúng ta nay không còn nữa! Không, nhất định tôi phải tranh đấu cho chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB được duy trì trong QLVNCH. Biết bao nhiêu xương máu của anh em chúng ta đã đổ ra dưới màu cờ sắc aó này, nay phải thay đổi thì làm sao mà không buồn được! Với quyết tâm đó, cho nên khi vào trình diện đại tướng, tôi đã có sẵn những lý do vững chắc để xin giữ lấy chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB. Sau những lời hỏi han về tình hình quân số, nơi ăn chốn ở, tinh thần quân sĩ của liên đoàn, cuối cùng đại tướng liền hỏi tôi có đề nghị gì không? Ðây là lúc tôi phải đem hết tài hùng biện ra để xin đại tướng cho Liên Ðoàn được duy trì chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB như cũ. Tôi nói:

“ Kính thưa đại tướng, tinh thần chiến đấu của bất cứ đơn vị nào phần lớn đều dựa vào sự tự hào trên MÀU CỜ SẮC ÁO, như sư đoàn Nhảy Dù với chiếc Mũ Ðỏ, Thủy Quân Lục Chiến thì có mũ Xanh, Biệt Ðộng Quân có Mũ Nâu, và anh em LLÐB thì hãnh diện với chiếc Mũ Xanh màu lá cây rừng. Anh em chúng tôi qua bao gian khổ đã tạo được nhiều chiến công ở chiến trường, một phần lớn cũng nhờ niềm kiêu hãnh đó. Nay LLÐB không còn nữa, nếu anh em chúng tôi không còn tiếp tục được đội chiếc Mũ Xanh và mang phù hiệu LLÐB thì không rõ tôi có đủ khả năng để duy trì tinh thần chiến đấu như cũ được không? Kính xin đại tướng minh xét cho điều lo lắng của tôi”.

Ðại tướng Viên ngồi yên lặng một lúc rồi nhìn tôi và nói

- “ Ðược rồi, để giữ vững tinh thần chiến đấu như khi còn LLÐB, tạm cho phép Liên Ðoàn được đội Mũ Xanh và mang phù hiệu LLÐB cho đến khi có lệnh mới “

Ðây là lần đầu tiên được đối diện với đại tướng, nên tôi không dám nói gì nhiều, không dám phàn nàn về việc bị cắt mất 2 đại đội để đưa sang ND, việc Ðại tướng chấp thuận cho được tiếp tục duy trì chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB đã là mừng lắm rồi, mặc dù đó chỉ là tạm thời, nhưng tôi không dám mong mỏi gì hơn lúc này mà chỉ biết cám ơn Ðại tướng và ra về.

Trở về Liên Ðoàn, lòng buồn lo lẫn lộn, tôi không biết lệnh tạm thời này sẽ chấm dứt lúc nào để LÐ lại phải tuân lệnh cấp trên đội chiếc Mũ Ðỏ cho QLVNCH được đồng nhất. Tôi tự nghĩ, nếu những ngày sắp đến, LÐ81 không tạo nên được những chiến thắng đáng kể thì chắc chắn lệnh tạm thời kia sẽ chấm dứt! Không còn cách gì có thể duy trì chiếc Mũ Xanh và phù hiệu LLÐB mà anh em mình đã từng hãnh diện mang nó từ nhiều năm nay. Sau khi tiếp xúc với nhiều giới chức ở BTTM và tr/tướng Dư Quốc Ðống, tư lệnh sư đoàn ND thì được biết như sau: BTTM giao LÐ81 cho ND thì tr/tướng Ðống không nhận mà chỉ xin lấy 2 đại đội làm 2 đại đội trinh sát cho sư đoàn mà thôi. Bất đắc dĩ, BTTM phải tạm thời duy trì LÐ làm đơn vị tổng trừ bị, dù với quân số chỉ bằng một tiểu đoàn để xem tinh thần chiến đấu của LÐ81 có đáng được duy trì hay không rồi sẽ tính sau. Khi biết được tin này, tôi thật chán nản và muốn từ chức. Tôi là một sĩ quan của chiến trường, đã được nhiều vị tư lệnh biết đến, tôi rất nhiều hy vọng nhận được chức vụ xứng đáng ở đơn vị mới nhưng nghĩ lại, nếu tôi từ chức thì chắc chắn LÐ81 sẽ sát nhập vào sư đoàn ND, rồi sẽ bị phân tán và bổ sung quân số cho các tiểu đoàn đang thiếu hụt. Sở dĩ tr/tướng Ðống không nhận LÐ81 vì không biết xử sự với tôi như thế nào, chả lẽ đưa tôi về làm tiểu đoàn trưởng hoặc thay thế một lữ đoàn nào đó, nay tôi từ chức thì việc sát nhập vào ND để sư đoàn ND có được thêm quân số thì không gì quí bằng. Nghĩ vậy nên tôi nhất quyết ở lại với anh em, quyết tâm cùng anh em tạo nên những chiến thắng đáng kể dù cho tính mạng của tôi có bị hy sinh cũng chấp nhận, đó là lý do mà hể các anh em đồng đội có chạm súng với địch thì tôi đã có mặt tôi trên trời để điều động và yểm trợ, và nếu cần, tôi vẫn cho trực thăng chỉ huy đáp xuống để cứu toán hoặc đại đội như tôi đã làm. Tôi chưa bao giờ vắng mặt trong bất cứ một trận đánh lớn nhỏ nào kể cả chiến trường An Lộc. Tôi chấp nhận hy sinh, đã nhiều lần bò sát đến từng vị trí phòng thủ để an ủi khuyến khích anh em chứ không chịu ngồi dưới hầm sâu để ra lệnh, do đó tôi nghĩ vì thế mà tinh thần chiến đấu của LÐ81 mỗi ngày mỗi lên cao.

Tôi rất hãnh diện được chỉ huy một đơn vị mà ở mặt trận nào, LÐ81 cũng làm rạng danh những người chiến sĩ QLVNCH, đặc biệt nhất là ở chiến trường An Lộc năm 72, với 2 câu thơ cảm đề của cô giáo Pha đã lưu truyền tiếng tăm của BCD đến cho mọi người:

“An lộc địa sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”



Quân dân ở An Lộc gọi chúng tôi là Biệt Cách Dù Cọp Bay (vì chúng tôi được mang phù hiệu BCD ở tay trái và LLÐB ở tay phải) nhưng đa số gọi chúng tôi là Biệt Cách Dù Lực Lượng Ðặc Biệt (BCDLLÐB).

Sau trận An Lộc, tôi được đại tướng gọi lên trình diện, đại tướng thật vồn vã, niềm nỡ, không nghiêm nghị như lần trình diện đầu tiên, đại tướng nói

- “ Từ nay LÐ81 chính thức được phép đội Mũ Xanh và mang phù hiệu LLÐB. LÐ81 xứng đáng được hưởng những huy chương mà trước đây LLÐB đã nhận lãnh."

Tôi rất đỗi vui mừng và thấy đây là lúc nêu lên vấn đề quân số của LÐ81 và 4 chữ BIỆT CÁCH NHẢY DÙ đã bị BTTM cắt mất khi ban hành bản cấp số cho LÐ81. Ð/tướng cũng chấp thuận cho phục hồi lại 4 chữ BCND và sau này LÐ81 đã có bảng cấp số mới, quân số lên đến 3000 gồm có một Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn, 1 Ðại Ðội Chỉ Huy Yểm Trợ và 3 Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật (BCH/CT), mỗi BCH/CT có 4 Biệt Ðội (BÐ), mỗi BÐ có 200 quân. Ðiều may mắn nhất là LÐ81 được hưởng các huy chương của LLÐB để đủ số huy chương ấn định cho việc mang dây biểu chương màu đỏ BẢO QUỐC HUÂN CHƯƠNG, nếu không được số huy chương của LLÐB thì LÐ81 còn phải nhiều năm và phải tốn biết bao nhiêu xương máu nữa mới đạt được dù rằng số huy chương của LLÐB cũng do công đóng góp của BCD và Delta không nhỏ.

Sau cuộc tổng công kích tết Mậu Thân năm 68, Việt cộng bị thảm hại nặng nề, nên chúng tạm ngưng hoạt động để chỉnh đốn lại hàng ngũ. Trong thời gian này, toàn lãnh thổ VNCH kể như được tạm thời lắng dịu, ít có những trận đánh lớn mà chỉ có những trận đánh nhỏ của các đơn vị du kích địa phương mà thôi. Rồi đến Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 72, nghĩa là sau 4 năm chỉnh đốn lại hàng ngũ, Việt cộng đồng loạt mở các cuộc tổng tấn công vào 3 thành phố lớn của VNCH đó là An Lộc, Kontum, và Quảng Trị với cấp quân số lên đến cỡ Quân Ðoàn. Lại một lần nữa Việt cộng bị đánh cho tan nát khắp nơi mặc dầu chúng đã đưa vào những vủ khí mới tối tân hơn lần đầu tiên được đem ra xử dụng tại chiến trường miền Nam như chiến xa T54, T59, PT76,AT3 chống chiến xa, SA7 cầm tay chống phi cơ, cao xạ phòng không 37 ly và 75 ly, v.v.v. Ngoài ra, Việt cộng còn dùng chiến thuật đặc công, chỉ dùng một số ít quân số, mang súng nhỏ, còn phần lớn đều trang bị kềm cắt dây kẻm gai và chất nổ, lợi dụng đêm tối, đặc công cắt hàng rào đột nhập vào vị trí đóng quân của ta tấn công bằng chất nổ đã gây nhiều tổn thất nặng nề cho ta. Ngoài chiến thuật đặc công quỉ quái này, chúng còn áp dụng chiến thuật đóng chốt và đóng kiền cũng không kém phần nguy hiểm! Chỉ với quân số cấp trung đoàn mà địch đã đóng chốt cầm chân cả sư đoàn 21 Bộ Binh và lực lượng Dù của ta trên quốc lộ 13 ở suối Tàu Ô khi tiến vào giải tỏa An Lộc cả gần một tháng trời vẫn không vượt qua được! Lúc này LÐ81 đang tử thủ trong thành phố An Lộc nên đã không được cùng các đơn vị bạn “nhổ chốt, phá kiềng” cho VC nể mặt. Cho nên năm 1973 khi chúng vào đóng chốt ở Bến Thế thuộc tỉnh Bình Dương, sư đoàn 5 đưa lực lượng đến giải tỏa nhiều ngày không được, nên LÐ81 đang hành quân ở chiến khu D (sau khi tham dự hành quân tái chiếm Quảng Trị trở về ) liền được lệnh thay thế sư đoàn 5 để “phá chốt ” ở Bến Thế. Chỉ sau hai đêm hành quân đã lấy lại Bến Thế mà không cần đến pháo binh hoặc không quân yểm trợ, quân đoàn III thấy LÐ81 nhổ chốt phá kiền dễ dàng quá nên hễ nơi nào đơn vị bạn gặp khó khăn thì LÐ81 được ưu ái gọi đến. Hết Bến Thế lại đến Trảng Bàng, đặc biệt là tại Tha La xóm đạo sau ngày đã ký kết hiệp định đình chiến vào đúng tết năm 73, khi tiểu khu Hậu Nghĩa cho 1 tiểu đoàn Ðịa Phương Quân đến giải tỏa nhiều ngày không được thì LÐ81 lại được gởi đến, tại đây cũng chỉ cần 2 đêm hành quân, không cần đến pháo binh hoặc không quân yểm trợ đã tái chiếm lại được Tha La xóm đạo với rất ít tổn thất nhưng nhà cửa và tài sản của dân chúng không bị hư hao. Hết Bến Thế, Tha La xóm đạo, rồi năm 1974 tại Tân Phú Trung thuộc quận Củ Chi, chỉ cách Saigon không bao xa, việt cộng vào đóng chốt tại đây, ngăn chận lưu thông trên quốc lộ I từ Tây Ninh về Saigon! Tất cả xe hàng từ Tây Ninh muốn chạy về Saigòn phải chạy vòng lên Bình Dương mới về Saigòn được. Sư đoàn 25 gặp vài khó khăn để bứng VC ra khỏi những “chốt kiềng” vì chúng đã đưa tiểu đoàn 9, tinh nhuệ nhất của tr/đoàn 172 thuộc sư đoàn 7 việt cộng đến đóng chốt tại đây. Chốt này thật quá kiên cố, cộng sản đã đưa đến cả súng cối 82 ly và một hệ thống điện thoại chằng chịt qua nhiều chốt nhỏ khắp xã Tân Phú Trung, nên LÐ81 đã được gửi tới và dù “chốt kiềng” của địch vững chắc như thế nhưng chỉ với 1 ngày và 2 đêm giao chiến ác liệt, không cần cả đến sự yểm trợ của pháo binh hay không quân dể tránh gây thiệt hại cho dân chúng cũng như dùng chiến thuật du kích chiến để “gậy ông lại đập lưng ông” mà nhổ chốt với một số tổn thất của ta tương đối chấp nhận được.

Qua những chiến thuật mà LÐ81 đã áp dụng để tạo nên những kỳ công, BTTM đã lấy những chiến thắng của LÐ81 làm tài liệu phổ biến Kinh Nghiệm Chiếạn Trường gởi đến cho QLVCNCH để rút kinh nghiệm. Qua nhiều lần gặp mặt đ/tướng Viên và nhiều giới chức có thẩm quyền ở BTTM thì được biết tất cả nhận thấy LÐ81 có 3 cái khả năng đáng kể mà ít có đơn vị nào có được, đó là:

* Có thể tách ra thành từng toán nhỏ để thả sâu vào hoạt động nhiều ngày ở hậu tuyến địch.

* Có thể đánh đêm bằng du kích chiến được.

* Có thể tập trung lại để đánh trận địa chiến như các đơn vị khác được.


Nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì chắc chắn LÐ81 sẽ còn lớn mạnh hơn nữa nhưng than ôi Liên Ðoàn đã phải uất hận cùng toàn thể quân lực miền Nam buông súng vào giờ phút cuối của cuộc chiến để rồi nhiều chiến hữu đã phải trải qua bao nhục nhã đắng cay trong các nhà tù cải tạo của cộng sản. Tuy thất trận, nhưng LÐ81 cũng đã làm cho cộng sản phải nể phục với tinh thần kỷ luật của một đơn vị anh hùng trong hàng ngủ chỉnh tề cho đến giây phút cuối cùng khi buông súng.

Trại tù Nam Hà có gần 1,000 tù cải tạo vào năm 78, trong số đó có vài trăm cấp đại tá không đi lao động suốt nhiều tháng, được nghỉ ở trại để viết về đề tài CUỘC ÐỜI TÔI nghĩa là kê khai tất cả chi tiết từ nhiều đời, đến khi vào quân đội cho đến ngày 30/4/75. Suốt ngày ngồi viết dưới sự trông coi của cán bộ, chiều đến thì nạp bài để đêm đến họ kiểm soát lại xem mình có viết đúng như họ hướng dẩn không. Sáng hôm sau thì họ kêu những người không viết theo hướng dẩn lên để xỉ vã! Cán bộ thì ngồi trên ghế, người bị kêu lên ngồi dưới đất để nghe những lời hạch hỏi thiếu văn hóa của kẻ thắng trận. tôi nhìn cảnh đó quá uất hận, rồi nghĩ nếu chẳng may đến lượt mình thì có chịu đựng được không? Nhất là khi Danh dự của chiếc Mũ Xanh bị tổn thương, lúc đó chắc tôi khó mà kềm chế được sự tức giận để rồi sự thể có ra sao cũng đành cam chịu. Ðiều bất hạnh là tôi bị kêu lên thật, tên tr/úy Quốc là cán bộ văn hóa của trại với dọng nói cục cằn đã xỉ vã tôi “Anh viết tắt thế này (tôi viết tắt chữ Biệt Cách Nhảy Dù thành BCND).thì khi gởi thư, bố mẹ anh làm sao đọc được? “ Không kềm chế được! Máu uất nổi lên, tôi đứng phắt dậy, dằn mạnh tập giấy đang viết xuống bàn và la lên cốt cho tất cả mọi người cùng nghe “ Nếu tôi có tội thì cứ giết tôi, còn cha mẹ tôi không có tội, cán bộ đừng đụng đến cha mẹ tôi” Bị tôi phản ứng bất ngờ, Tên Quốc giận tím mặt, ngồi yên lặng một lúc rồi đứng dậy đến bắt tay tôi và xin lỗi. Tôi liếc nhìn anh em đại tá đang ngồi, thấy anh em hoảng hốt, sợ tánh mạng tôi sẽ bị nguy hại vì sự nóng giận đó, sau đó mới thấy tôi tuy quá uất hận nhưng cũng rất khôn ngoan đã lợi dụng cái lỗi của nó đụng chạm đến cha mẹ tôi để làm lớn chuyện mà tên Quốc không làm gì tôi được lúc đó nhưng tôi biết chắc chắn tôi sẽ bị trả đũa sau này. Từ sau ngày đo,Ô tôi thấy bọn chúng bớt hống hách hơn với anh em đại tá.

Viết xong CUỘC ÐỜI TÔI thì tiếp đến viết về đề tài CÁC TƯỚNG NGỤY, viết tất cả những tướng nào mà mình biết, tôi chỉ viết các tướng tư lệnh LLÐB đã chỉ huy trực tiếp tôi mà thôi, tôi vẫn lập luận là cấp tướng thì đương nhiên phải giỏi hơn tôi, tôi làm sao giỏi hơn để phê bình họ được? Tôi chỉ nói sơ lược cách hành xử của các tướng tư lệnh mà không một phê bình nào về đúng hay sai nên cán bộ bực tôi lắm! Cũng thành thực mà nói trong số mấy trăm đại tá cũng có một hai người phê bình cấp tướng chỉ huy của mình, anh em nói nhỏ với nhau là tên đó không được ông tướng chỉ huy nâng đỡ nên bây giờ là có dịp để trả thù! Một buổi sáng nọ, tất cả lên hội trường để nghe cán bộ ở bộ nội vụ về nói chuyện, khi đã ngồi yên vị, cán bộ liền nói “ Hôm nay là buổi họp mặt để phê bình những khai báo của các anh trong mấy tháng qua, có 3 anh đáng được đưa ra để anh em phê bình xây dựng, đó là anh Phan Văn Huấn, anh Tạ Thành Long, và anh Lý Văn Minh đã có những tư tưởng không tốt như anh Huấn chẳng hạn, anh Huấn viết là: “ Tôi chưa bao giờ nói dối với các con tôi, ngày đi trình diện học tập cải tạo, tôi đã nói chính phủ cách mạng chỉ bắt đi học tập cải tạo một tháng rồi ba sẽ trở về với các con, nay đã 3 năm rồi không thấy về nhưng tôi không biết giải thích với các con tôi như thế nào, vậy xin cán bộ chỉ giùm cho, các anh cho biết những thắc mắc của anh Huấn như thế có đúng không?” Cán bộ nói xong liền cho anh em nghĩ 10 phút để suy nghĩ và góp ý phê bình. Trong thời gian đó, tôi thấy nhiều cán bộ gọi nhiều người ngồi riêng để nói chuyện nhỏ to gì đó, tôi biết chắc là cán bộ khuyên dụ anh em phải phê bình tôi không biết ơn cách mạng đã tha tội chết cho mà còn đặt những câu hỏi làm mất uy tín cách mạng. Ðến giờ vào họp lại thì lần lược các anh Cao Văn Ủy, Phạm Bá Hoa, Phan Thông Tràng, và nhiều anh em khác lần lược đứng lên phát biểu ý kiến, tôi biết chắc một điều là cộng sản chỉ cần một anh phê bình tôi là lập tức tôi bị cùm và dẩn đi kiên giam ở một nơi khác để dằn mặt các đại tá. Như t/tá Hàng, trưởng ty cảnh sát tỉnh Quảng Tín vì chủ mưu trong việc mua radio của một cán bộ để nghe lén đài BBC nên bị đưa đi kiên giam, chỉ hôm sau là đã thấy tù hình sự khiên xác đi chôn, tr/tá Nguyễn văn An, LLÐB trốn trại hai lần bị bắt lại liền bị đưa ra trại Mễ kiên giam, ít lâu sau thì cũng khiêng xác ra nghĩa địa! Ðội 20 lao động chống đối lao động liền bị đưa đi giam ở trại Mễ, chỉ ít lâu sau thì có sáu bảy người nó nghi là xách động cũng đều bị khiêng xác ra nghĩa địa. Bây gìờ số phận tôi nằm trong danh dự của các anh em đại tá, thôi ta chấp nhận chết, đây cũng như là tử trận ở chiến trường mà ta đã chấp nhận từ lâu. Ðiều hảnh diện hết sức là anh em cứ nói vòng vo Tam Quốc, không đâu vào đâu hết khiến cho các cán bộ bực tức mà chẳng biết làm gì hơn được.

Năm 1988, tôi và một số lớn tù được tha về vào mấy ngày trước Tết, về tới nhà tôi rất đau lòng khi thấy vợ và 7 con đang sống trong cảnh nghèo nàn xơ xác, nhưng tôi cũng tự an ủi là mình còn may mắn hơn nhiều anh em khác, khi về nhà đến nhà thì không còn đủ vợ con. Ngày 18/3/93 vợ chồng tôi và 3 con được ra đi đến định cư tại California theo diện nhân đạo HO, tại đây đã có hội Thân Hửu Lực Lượng Ðặc Biệt thành lập từ năm 1987 và đang ngưng hoạt động, do đó anh em đã đề nghị tôi đứng ra thành lập hội Gia Ðình 81BCND/LLÐB để đại diện đầy đủ hơn cho các chiến hữu của cả hai binh chủng BCD, LLÐB cũng như anh em Delta, và hội đã được thành lập ngày 04 tháng 7 năm 1993.

Kể từ ngày thành lập đến nay GÐ81/BCD/LLÐB đã liên lạc được trên 500 anh em Delta (kể cả BKQ), BCD và LLÐB, đã gây quỹ TÌNH THƯƠNG để tương trợ cho các gia đình thương binh tử sĩ và anh em BCD/LLÐB nghèo khổ ở quê nhà, số tiền tương trợ đã lên tới trên 50,000 và đã được báo cáo chi tiết trên 28 bản tin nội bộ. Tuy GÐ81 là một hội riêng nhưng công việc làm đều được thực hiện dưới danh nghĩa chung cho cả hai đơn vị BCND và LLÐB vì DANH DỰ của “mầu cờ sắc áo”, và của chiếc nón mầu Xanh lá cây rừng DŨNG CẢM

Phạm V Huấn
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests