Góc Phố Cà Phê

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Nguyễn Bá Trác (1881-1945) & bài thơ Hồ Trường
Vương Trùng Dương


[left]http://www.caliweekly.com/images2/PicNguiyenBaTrac.jpg[/left]Nhà văn Nguyễn Bá Trác, bút hiệu Tiêu Đẩu đã đóng góp nhiều công trình biên soạn được đăng tải trên báo Nam Phong và xuất bản nhiều tác phẩm vào tiền bán thế kỷ XX nhưng trải qua nhiều thập niên, tên tuổi của ông chỉ được nhắc đến qua bài thơ Hồ Trường.
Bước vào năm Ất Dậu, nhân 60 năm ngày mất của ông, chúng tôi đề cập đến hình ảnh người quá cố đã có công đóng góp cho nền văn học và lịch sử đất nước nhưng bị phôi phai theo thời gian. Đây chỉ là bài viết có tính cách tổng quát về tác giả và bài thơ được đăng tải trên tờ Nam Phong vào đầu thập niên 20, được sao chép lại và lưu truyền rộng rãi nhưng được bàn cãi khá nhiều qua nguyên tác của nó, vấn đề nầy xin nhường cho những nhà nghiên cứu văn học, chúng tôi ghi nhận những điều qua sách báo.


Đôi Dòng Về Tác Giả

Nguyễn Bá Trác sinh năm Tân Tỵ, 1881 tại làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Địa danh làng nầy đã được đề cập trong bài viết về nhà văn Phan Khôi (1887-1959) ở vùng đất Gò Nổi gồm có các làng Tư Phú, Bảo An, La Kham, Xuân Đài, Trường Giang, Đông Bàn, Phú Bông... vùng đất đã mang lại niềm tự hào cho quê hương Quảng Nam vì đã sản sinh ra những nhân vật gắn liền với lịch sử và văn học nước nhà.
Thuở nhỏ ông theo học ở Quảng Nam, năm 1906, ông đỗ Cử nhân ở Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và Duy Tân của Phan Chu Trinh và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp và năm 1908, ông tìm cách theo du học sinh sang Nhật. Khi chính phủ Nhật giải tán học sinh du học, ông sang Trung Hoa rồi trở về Việt Nam năm 1914.
Ông làm Chủ Bút phần Hán văn tờ Cộng Thị Báo từ năm 1914 đến 1916. Năm 1917, dưới sự bảo trợ của Louis Marty, Phạm Quỳnh sáng lập Nam Phong tạp chí, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút và Nguyễn Bá Trác đảm trách Chủ Bút phần Hán văn.

Rời tờ Nam Phong, ông làm Tá Lý Bộ Học ở Huế, Tuần Phủ ở Quảng Ngãi và Tổng Đốc Thanh Hóa, Bình Định. Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, ông bị xử bắn ở Quy Nhơn, Phạm Quỳnh (1892-1945) bị xử bắn ở Huế.

Ngoài nhiều bài viết trên tờ Nam Phong, Nguyễn Bá Trác đã biên soạn nhiều tác phẩm: Ngoài hai bộ sách Cổ Học Viện Thư Tịch Thủ Sách cùng với Nguyễn Tiên Khiêm gồm 11 quyển, ấn hành năm 1921, và Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu, ấn hành năm 1925, còn có Bàn Về Học Thuật Nước Tàu (1918), Hạn Mạn Du Ký (1920), Bàn Về Hán Học (1920), Hương Giang Mộng (1920), Ngã An Nam Dân Tộc Nam Tiến Chi Lịch Sử (1921), Mấy Lời Chung Cáo Của Các Nhà Nho (1921), Nguyễn Bá Học Tiên Sinh Chi Lược Sử Cập Kỳ Di Ngôn (1921), Du Thanh Hòa Ký (19210, Hán Học Văn Học Khảo (1917-1932)...

Hồ Trường

[left]http://www.caliweekly.com/images2/Pictraibau.jpg[/left]GS Thanh Lãng nhận định: “Muốn hiểu văn học việt Nam thời kỳ 1913-1932 không gì tốt cho bằng nhìn vào Nam Phong. Nam Phong là một tạp chí có ảnh hưởng sâu rộng, giữ địa vị của một Hàn Lâm Viện, kết nạp tất cả mọi ngành đương thời”. Nhiều quan niệm cho rằng Nam Phong là công cụ do Phủ Toàn Quyền sáng lập nhưng không thể phủ nhận giá trị của nó trong lịch sử báo chí, văn học mà Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác giữ vai trò quan trọng. Tiếc rằng tài liệu về Nam Phong không còn lưu trữ nên khó nhận định, và ngay cả bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác rất nổi danh đã bị tam sao thất bổn.

Nguyễn Bá Trác viết thiên ký sự Hạn Mạn Du Ký (HMDK) bằng Hán văn, đăng trên báo Nam Phong rồi tác giả dịch ra Việt ngữ, đăng tải lại trên Nam Phong từ số 38 đến 43 trong năm 1920.
Tác phẩm Hạn Mạn Du Ký, Đông Kinh ấn quán xuất bản, Hà Nội, 1921, gồm 14 chương, dày 294 trang. Bìa sách có in “Lời ký của một người đi chơi phiếm Xiêm – Tàu – Nhật Bản...”. Trong tác phẩm nầy thì cuộc hành trình 6 năm, tác giả khởi hành từ miền Trung VN sang Thái Lan, đến Trung Hoa rồi sang Nhật, trở lại Trung Hoa, ghé Hồng Kông rồi trở về Việt Nam.

Bài thơ Hồ Trường ra đời khi Nguyễn Bá Trác lưu lạc Trung Hoa và đứng trước hoàn cảnh trớ trêu giữa bản thân và đất nước, bắt gặp bài ca phù hợp với tâm trạng tạo thành ý thơ. Nếu có tài liệu từ tạp chí Nam Phong và tác phẩm HMDK để chép lại thì bài thơ Hồ Trường không tốn nhiều bút mực trong những thập niên qua.

Trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu Giản Ước Tân Biên của GS Phạm Thế Ngũ, Sài Gòn 1965, đề cập đến giai đoạn tác giả bài thơ Hồ Trường và bài thơ (xin đánh dấu ngoặc kép những chữ qua các bản văn thay đổi):

Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha “phương”,
Trời Nam “ngàn” dặm thẳm, mây nước một màu sương.
Học “chẳng” thành công chẳng lập, trai trẻ bao “lâu” mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ “tay” mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn
Rót vế Tây phương, mưa Tây “rơi” từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh nào ai say.
Chí ta cho biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.


Trong tác phẩm Chơi Chữ của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Sài Gòn 1970, một vị thâm nho không nêu tên tác giả Hồ Trường mà dẫn chứng câu chuyện gắn liền với hoàn cảnh với bài thơ vừa khí khái vừa ngông. So với bản của Phạm Thế Ngũ trong vòng kép và bản của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, chỉ khác nhau vài chữ như: chữ hương thay chữ phương, nghìn thay ngàn, không thay chẳng, lăm thay lâu, sơn thay rơi và vài dấu chấm, dấu phảy, dấu chấm hỏi ở cuối câu.

Trong quyển Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại 1880-1965 của Trần Tuấn Kiệt, Sài Gòn 1968, cũng chỉ khác nhau vài chữ trong những câu trên, trong đó có chữ “bẻ cật” mà LN Phùng Tất Đắc cho rằng sai vì tác giả muốn mượn chữ theo điển tích ngày xưa chứ không phải gan cật. Đến phần cuối, ở câu: “Rót về Nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng” thì bài thơ lại chấm dứt với câu:
“Rót về Nam Phương
Trời Nam nghìn dặm thẳng
Non nước một màu sương
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Có người quá chén như điên như cuồng”.

Sau hai thập niên ở hải ngoại, vào giữa năm 1998, tạp chí Thế Kỷ 21 đề cập lại bài thơ Hồ Trường. Thế Kỷ 21 số 115 tháng 11-1998, trong mục Bạn Đọc Viết đăng tải bài Hồ Trường do Tôn Thất Hanh ở Canada gởi cuốn băng cassette do chính ái nữ của Nguyễn Bá Trác thực hiện qua giọng ngâm của Lệ Ba. Trong cuốn băng đó có lời của ái nữ Nguyễn Bá Trác nhắn nhủ hai người con: “Bài thơ Hồ Trường là bài thơ chí khí của ông ngoại, nhưng mà đó cũng là chí khí muôn đời của thanh niên”

So với bản của Phạm Thế Ngũ thì khác nhau ở câu đầu thêm chữ đại “Đại trượng phu”, câu thứ 3 “Chí chưa thành danh chưa đạt”, câu 4 với chữ “gươm”, “người”, câu 8 với chữ “biển”, “loạn”, câu 9 với chữ “phương Tây”, câu 9 với chữ “đá chạy cát giương”, câu 13 với chữ “Lòng ta ta biết, chí ta ta hay” và câu cuối với chữ “ư”.

Trên tờ Vietnam Weekly News, ngày 4 tháng 9-1998, bài viết của Nguyễn Đắc Khoa cũng dựa vào các bài vừa được đăng tải rồi đề cập đến bài thơ được nghe để luận bàn.
Trên tờ Khởi Hành Xuân Canh Thìn, số 39 & 40 tháng 1 & 2 năm 2000 có đề cập đến 4 ấn bản bài thơ Hồ Trường (2 ấn bản trước năm 1975 và 2 ấn bản vào năm 1998) trong đó có bài của Đông Trình trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 7 tháng 6-1998 mà Đông Trình ghi nhận từ Nguyễn Văn Xuân đọc từ Hạn Mạn Du Ký. Đây cũng là tài liệu nghiên cứu văn học để dẫn chứng và tế nhị vì không kết luận ấn bản nào chính xác.


Nhìn chung, bài thơ Hồ Trường sau nầy chép lại đã ngắt và xuống dòng và dựa vào sự khác nhau đó để diễn giải cho có phần linh động.
Nếu dựa vào những chữ đã để trong ngoặc kép qua các chữ khác nhau, không có gì lệch lạc nhiều, chỉ có chữ “bẻ cật” với “bẻ cột” mà theo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc dựa vào điển tích từ thời Trụ Vương ở Trung Hoa “Xé gan là hành động của Tỷ Can, bẻ cột là hành động của Chu Văn” thể hiện hào khí của bậc trung thần không chịu khuất phục dưới bạo chúa do Đắc Kỷ lung lạc.


Nguyễn Bá Trác dựa từ bài hát theo lối biền ngẫu của Trung Hoa, qua tác phẩm khi viết bằng Hán văn không ai đề cập tác giả chỉ nói về ý nghĩa hay sáng tác thành thơ nhưng khi chuyển thành Việt ngữ tác giả dệt thành áng thơ lưu lại tên tuổi của mình. Thế nhưng, còn có sự nhầm lẫn giữa Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác với Tuyết Huy Dương Bá Trạc (1884-1944) vì Dương Bá Trạc (bào huynh GS Dương Quảng Hàm), ông là nhà nho yêu nước, cùng với Tây Hồ Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám và các sĩ phu chống Pháp, bị Pháp kết án 15 năm tù biệt xứ, sau đó bị Nhật đưa sang Singapore. Dương Bá Trạc cũng là nhà văn có các tác phẩm ấn hành giữa thập niên 20 cùng thời điểm với Nguyễn Bá Trác. Theo Vũ ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại: “Ngay hồi Nam Phong tạp chí mới ra đời, Dương Bá Trạc đã có nhiều bài ký biệt hiệu là Tuyết Huy... ông còn là thi sĩ, tác giả hai tập thơ: Trai Lành Gái Tốt và Nét Mực Tình”. Có lẽ dựa nghiệp dĩ và tâm trạng con người có tài nhưng chán ngán trước cảnh đời, sinh bất phùng thời mới mượn bầu rượu nhập vào ý thơ hào khí ngất trời trước thời thế đổi thay nên tưởng nhầm Dương Bá Trạc là tác giả. Cách đây vài năm, có bài viết “Biến Thể Ngông Bài Hồ Trường”, tác giả dẫn giải và nhầm lẫn bài thơ đó của Dương Bá Trạc rồi chỉ trích, thật oan cho nhà văn ái quốc Dương Bá Trạc!

Tiếc rằng sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bá Trác không được nhắc nhở, chỉ còn bài thơ rất hay, đóng góp áng thơ tuyệt vời trong kho tàng thi ca Việt Nam nhưng bị tam sao thất bổn mà các nhà nghiên cứu văn học trong cùng thế kỷ chưa minh chứng để lưu lại hậu thế!.


Hồ Trường là nậm rượu, bầu rượu hình dáng như trái bầu mà người xưa thường dùng nó để đựng rượu, bài thơ Hồ Trường có câu “nghiêng bầu mà hỏi”. Trong văn hóa Đông phương, điển hình như Trung Hoa, có nhiều loại cho đồ đựng rượu và uống rượu là nghệ thuật tạo hình trải dài qua mấy nghìn năm. Từ vật dụng đựng rượu có sẵn trong thiên nhiên như gỗ, tre, sừng, vỏ ốc, quả bầu (hồ lô) đến vật dụng được chế biến từ đất nung, sành sứ, kim loại, thủy tinh... theo tiến trình văn minh của con người sáng tạo ra nhiều loại khác nhau và mỗi loại lại có hình dáng riêng của nó.

Ngày nay, có nhiều thứ trở thành đồ cổ quý giá với lai lịch của nó hình thành trong mỗi triều đại. Hình ảnh bầu rượu được buộc dải lụa ở nước ta được thấy trên các mái đình, miếu, am và trên nóc Tháp Rùa ở Hà Nội, điện Thái Hòa, Thế Miếu, Ngọ Môn ở Huế... còn lưu lại hình ảnh nầy. Từ thời xa xưa, quả bầu được xem như biểu tượng thiêng liêng đựng nước thiêng rồi sau đó đựng thức uống rất quý là rượu. Hình ảnh “bầu rượu túi thơ” được minh họa qua nhân vật nổi danh như Lã Đồng Tân, Lý Thiết Quảng, Lý Bạch, Lưu Linh... trở thành quen thuộc qua nhiều thế kỷ ở Đông phương. Bìa thi phẩm Mây của Vũ Hoàng Chương do Tô Ngọc Vân vẽ bầu rượu đựng túi mây phiêu bồng mô tả tâm hồn thi nhân nơi trần gian.

Trong thi ca Trung Hoa và Việt Nam, có hàng trăm bài thơ đề cập đến rượu, có bài nhắc đến tên rượu, có bài thể hiện ở nội dung... Nguyễn Bá Trác dùng vật dụng là tựa đề cho bài thơ, vừa hay về âm điệu vừa gợi hình ảnh đồ dùng của loại men nồng, trở thành nét đẹp trong nghệ thuật tạo hình.
Trong khi đợi nguyên bản bài thơ Hồ Trường để xác minh, tạm thời căn cứ vào bài thơ do ái nữ của người quá cố để khỏi phụ lòng người thân:


Hồ Trường
Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, náo ai hay
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.



Bước vào năm Ất Dậu 2005, đúng vào chu kỳ 60 năm, ngày mất của Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác, với cái nhìn khách quan và vô tư trên lãnh vực văn học, chúng tôi ghi lại để tưởng nhớ bậc tiền bối đã có công đóng góp trong thời kỳ báo chí còn phôi thai và giai đoạn trưởng thành của chữ Quốc ngữ.
Vương Trùng Dương

-----------------------------------------------------------------------
Xin mời nghe bài thơ Hồ Trường do Trần Lãng Minh diễn ngâm,
Hòa âm: dàn nhạc Lê văn Khoa


Hồ Trường
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »




Viết Từ Hang Đá
Nhỏ Lệ Cùng Dân


Ra Mắt Sách Trần Khải Thanh Thủy
Buổi giới thiệu sách của Trần Khải Thanh Thủy được tổ chức vào lúc 1:30 giờ trưa, ngày Thứ Bẩy 15 tháng 9 năm 2007, tại Nhật Báo Người Việt, đường Moran, thành phố Westminster. Số khách tham dự chật ních hội trường, khiến nhiều người phải ra về vì thiếu chỗ.
Image
Trần Khải Thanh Thủy.


Quyển sách được ra mắt mang tên "Viết Từ Hang Đá nhỏ lệ cùng dân", do nhà xuất bản Cội Nguồn tại San Jose của quý anh văn thi sĩ Song Nhị và Diên Nghị chủ trương. Theo nhà xuất bản Cội Nguồn cho biết thì tác phẩm này gói ghém một quãng đời thanh xuân, đánh đổi bằng nước mắt, nỗi tủi nhục, và tù đày của một nữ anh thư trí thức của thời đại Việt Nam. Tại sao lại "Viết Từ Hang Đá nhỏ lệ cùng dân"? Vì đây là một tác phẩm có nội dung thật hào hứng xen lẫn những chuyện thương tâm đau buồn. Có đọc sách rồi thì ta sẽ mê say văn của Trần Khải Thanh Thủy, đọc để thương cảm cho đồng bào ta ở quê nhà. Những dòng chữ của tác giả mang chúng ta đi từ những phẫn nộ bọn cường quyền hay khiến ta bất bình nhỏ lệ cùng dân, xót thương đồng bào ruột thịt, máu mủ của chúng ta đang bị đầy đọa, cũng chính dòng chữ đó của Trần Khải Thanh Thủy lại làm chúng ta bật cười lý thú bất ngờ. Và những nụ cười đó ý nhị sảng khoái đó là những khinh khi bọn cầm quyền ác độc, đượm nét ngu xuẫn, lố bịch và vô nhân tính.

Tác phẩm này cũng là một tuyển tập gồm các bài tiểu luận, phê bình, phóng sự, sáng tác, truyện ngắn và thơ. Có thể nói sách gồm 3 loại chủ đề là: phần trình bày thơ văn của Trần Khải Thanh Thủy, phần tố cáo tội ác của đảng Cộng sản Việt Nam và phần quan trọng không kém là lật tẩy Hồ Chí Minh. Tựa sách bao trùm ngôi nhà mà gia đình tác giả sinh sống, nó chinh là cái "Hang Đá”, tác giả cho biết bà thích gọi căn nhà của gia đình bà là “hang đá”. Lý do là vì căn nhà chỉ trơ trọi, chẳng còn bao nhiêu đồ vật trong nhà, vì cứ phải bán dần đi để lấy tiền mua gạo. Hang đá cũng có nghĩa là căn nhà bà ở tuy là giữa thủ đô Hà Nội, nhưng cũng như ở rừng vì chẳng ai héo lánh lui tới, người nào cũng sợ mang tai họa với đám công an cú vọ theo dõi, rình rập, để cô lập bà. Đọc 400 trang sách ta thấy nét khí phách, hiên ngang của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, bà đã kể tội ác của đảng cộng sản lên từng trang của những truyện bà viết bằng nước mắt quê hương, qua ngòi bút của bà, Hồ Chí Minh đã bộc lộ chân tướng là một kẻ đạo đức giả, một kẻ sống vì tham vọng cá nhân mà sẵn lòng hy sinh cả quyền lợi của đất nước cũng như sinh mạng của giống nòi.

Thái độ bất khuất của Trần Khải Thanh Thủy là biết mình lấy trứng chọi đá, tương lai là vòng lao lý, từ tội vây quanh, nhưng bà đã can đảm chấp nhận. Người tù lương tâm này vốn nhỏ bé, cân nặng có 45 ký, và đang bị ho lao nặng, bà có thể sẽ chết vì áp bức bởi sự trả thù trong lao tù Cộng Sản. Và bà đã viết di chúc cho mình qua câu thơ oan khiên:

"Nếu tôi chết xin ghi lên huyệt mộ
Rằng đây là người yêu nước thương dân."

Image

Điều phấn khởi cho tôi khi đọc và biết rằng người nữ nhi này ra đời, sinh trưởng trong cái nôi giáo điều Cộng Sản, nhưng tâm tư bà hướng về ngọn cờ vàng cúa chúng ta, bà viết: “Tôi quyết làm một hòn than ngậm lửa để tỏa sáng cho mình, cho đời, vực một phần sự sống và tương lai dân tộc lên trên trang giấy mong manh, treo những vần thơ vẫy gọi – như những lá cờ vàng – trên đầu ngòi bút để lớp trẻ hướng đến, tìm về, bước theo, xốc tới”.

Buổi ra mắt sách được thành công phần lớn do nhà văn nữ Bích Huyền chuẩn bị từ hai tháng qua. Chị là nhân tố chính nối kết hay huy động nhiều bằng hữu văn nghệ sĩ từ Đỗ Tiến Đức, Bùi Bích Hà, Chu Tất Tiến, Trần Dật, Huy Phương, Việt Dzũng, Xuân Điềm, Ngọc Bích, Huệ Thu, Hồng Vũ Lan Nhi, Trần Quốc Bảo, Thái Tú Hạp, Ái Cầm, Trương Minh Cương, Xuân Mai, Đinh Sinh Long, Nguyễn Đức Cường, Uyển Diễm , Thúy An, Minh Châu, Ngọc Diệp,Tường Vân, Lê Khắc Tánh, Vương Đức Hậu,... Mỗi người dóng góp một hay hai vai trò cho ngày trình bày sách của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.

Chương trình văn nghệ Sài Gòn Trong Trí Nhớ Của Chúng Ta, nét độc đáo trong thi văn nhạc của Bích Huyền soạn thảo mà thính giả các làn sóng phát thanh đã quen thuộc, và chính đó đã góp phần làm sống lại một Việt Nam tự do lưu luyến từ tâm khảm mỗi người, có ngọn cờ vàng thiêng liêng biểu tượng cho nhân bản và hạnh phúc như trong dòng văn của nhà phản kháng Trần Khải Thanh Thủy nhắn gửi chúng ta để như lời kết luận trong bài nói chuyện của nhà văn Đỗ Tiến Đức:

"Vâng, Trần Khải Thanh Thủy ngay từ lúc này đã được đồng bào ghi nhận bà là người yêu nước thương dân. Và tên tuổi của bà sẽ không chết mà sẽ sống mãi mãi với tác phẩm này. Tôi hy vọng trong thời gian ngắn nữa, cộng đồng hải ngoại sẽ có tin vui, sẽ chung tiền mua vé máy bay gửi về Việt Nam, mời nhà văn Trần Khải Thanh Thủy sang Mỹ dự buổi ra mắt tác phẩm thứ hai của bà, tên là Viết Từ Hà Nội, hát cười cùng dân."

Việt Hải Los Angeles

* Liên lạc mua sách qua:
Nhà xuất bản Cội Nguồn
Điện thoại: (408) 272-6889
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Về thăm nghĩa trang xưa
Phan Tấn Đạt
Giới thiệu của Giao Chỉ San Jose: Tháng 7, 2007 vừa qua, sau khi Nghĩa trang Biên Hòa tại quận Dĩ An được bàn giao từ bộ đội cho tỉnh Bình Dương, có một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa về thăm nghĩa trang xưa. Ông có chụp được một số hình ảnh mới nhất. trong số này có hình các ngôi mộ mới đắp đất cũng do người Việt tại hải ngoại trở về âm thầm tảo mộ các chiến sĩ vô danh. Đặc biệt chụp được tấm hình ngọn kiếm trên Nghĩa dũng đài bị cắt cụt hơn 10 thước làm chòi canh nay đã tháo gỡ trước khi bàn giao. Sau đây là bài ký sự của Phan Tấn Đạt viết từ Canada. Lời văn phóng khoáng với bút hiệu Ngựa Hoang nhưng hết sức chân thành và không dấu được nét ngậm ngùi.

Hôm nay tôi xin sơ lược về chuyến đi thăm”Nghĩa Trang Quân Đội VNCH” tại Biên Hòa với một số hình ảnh chụp trong ngày hôm đó :

Ngày 9 tháng 7 năm 2007 vào khoảng 08.00 AM, tôi dọ hỏi xe ôm về đường đi”Nghĩa Trang QĐ VNCH”, anh ta bảo có biết, mừng quá. Trước khi đi tôi hỏi :

Anh có nón bảo hộ không ? Anh ta bảo : Không sao đâu ! Chú lên đi. Không được. Tôi không sợ tai nạn nhưng luật bắt đi trên quốc lộ phải có nón bảo hộ thì nên làm theo, nếu rủi mà anh bị cảnh sát chận lại giam xe và bị phạt rất nặng.

Điều này tôi không muốn xảy ra cho anh.

Anh ta bảo : Được chú lên tui chở về nhà lấy nón.

Vậy là anh ta đưa về nhà lấy nón. Trong khi lấy nón nghe thấy anh ta hỏi một người bạn xe ôm khác về đường đi, bụng hơi lo, tôi hỏi : Vậy là anh cũng không biết đường đi phải không Không sao, bây giờ thì biết rồi, anh ta bảo. Đằng nào thì cũng đã lên xe anh ta rồi. Suốt 7 năm trong lính tôi chưa một lần ghé thăm Nghĩa Trang này nhưng qua hình ảnh từ vệ tinh thì cũng đã có một khái niệm về vị trí của nó, vì vậy cũng phải đi với anh ta thôi, không lo lắng gì nhiều.

Qua khỏi cầu xa lộ anh ta bắt đầu hỏi đường và chạy rất” lạng quạng ”! Mấy người xe ôm này thật lạ, chạy trong thành phố thì anh ta lạng lách như”anh hùng xa lộ” nhưng ra xa lộ thật thì anh ta lại chạy rất” ngu ngơ”.Thấy xe chạy nhiều và nhanh quá khiến anh ta khớp, do đó chuyên môn chạy sát lề. Mỗi khi cần qua mặt thì anh ta lại qua mặt tay phải của người đi trước. Rất nguy hiểm và rất nhiều lần bị người chạy trước gây khó khăn suýt gặp tai nạn. Vậy mà anh lại trách người ta đi ẩu. Tôi bảo : Anh sai chứ người ta không sai đâu, không bao giờ qua mặt bên phải của người đi trước cả, lỡ người ta đi sát lề hay quẹo phải là anh bị nguy ngay mà phần lỗi là về anh đó !

Dọc đường cứ khoảng 10 phút là anh ta lại kèm sát vào người đi trước để hỏi đường. Tóm lại chúng tôi đi mà không biết bao giờ thì sẽ tới, máu giang hồ nổi lên, tui trở thành là người chỉ huy vì lúc này anh ta bắt đầu than thở : Đi kiểu này không biết đường về !? Tôi an ủi : Đừng lo, đang đi trên quốc lộ 1, đã quẹo lần nào đâu mà sợ lạc ! Cứ đi đi, tui sẽ chỉ đường về cho, đi được là về được. Khoảng 9.30 thì đi ngang qua một chỗ ghé chụp ảnh vì thấy nó quá đặc biệt, nhưng lại quên không hỏi anh ta chỗ này tên là gì. Vài phút sau thì gặp một dãy quán bên đường bảo anh ta ghé vào để hỏi tiếp. Vào hỏi hai ba quán nhưng không ai biết, anh ta có vẻ nản ! Tôi bảo : Anh đứng đây, để tôi đi hỏi cho, hỏi người lớn tuổi một chút chớ hỏi người cỡ tuổi anh thì ai mà biết ! Đi bộ dọc theo các quán kiếm người lớn tuổi để hỏi, cuối cùng thì cũng có người chỉ là đi thêm 15 phút nữa thì sẽ có một ngõ hẻm rẽ trái vào đó là đúng.

Hai đứa lại lên đường, tôi luôn ngó trái để tìm đường. Lúc này thì anh ta chỉ còn biết cố gắng lái xe cho an toàn mà thôi. Người chỉ đường là tôi. Thấy được lối rẽ trái là hai đứa quẹo vào, nhưng khi hỏi thì chẳng ai biết cả. Họ chỉ cái nghĩa trang liệt sĩ về phía bên kia đường. Tôi bực mình quá nên nói : Không tìm nghĩa trang liệt sĩ, tìm Nghĩa Trang của QĐ VNCH hồi trước 75 đó.

trả lời không nghe nói tới. Nhưng đến đoạn này thì tôi mơ hồ thấy theo hình trên vệ tinh thì sắp đến rồi, do đó tui mạnh dạn bảo anh ta, mình đi rà rà phía bên này đường tìm cái ngả rẽ kế tiếp đi. Rồi cũng có cái ngả rẽ thứ hai, hỏi cũng chẳng ai biết, tức quá sinh liều, tui bảo anh ta : cứ vào. Anh ta càm ràm : Đi kiểu này rồi làm sao biết đường về ! Tôi tức cười quá, vừa cười vừa bảo anh ta : Nè, anh là người SAIGON tui là người NHATRANG, ở SAIGON tui không sợ lạc mà sao anh sợ ? Đường về nơi cái lỗ miệng mình! Anh ta cũng cười và nói : Thật sự ra cháu đâu phải sợ lạc, nhưng không ai biết cả thì làm sao đến được! Tôi bảo : Mình chạy đã gần 2 tiếng rồi, tuy không biết chắc chỗ nào nhưng biết là gần đến nơi rồi, chẳng lẽ mình lại bỏ về sao !? Cứ đi, tôi không để anh thua thiệt đâu. Vậy là hai người lên xe tiến thẳng vào ngỏ rẻ đó, quanh qua quẹo lại một hồi thì đi vào một ngã ba có đồng trống trước mặt ! Anh ta ngơ ngác, tui cũng ngơ ngác luôn, vội chỉ cho anh ta đi về ngỏ hướng ra xa lộ vì nghĩ là đi lố rồi Tôi ngó quanh để tìm lối ra khác, ô kìa xa xa, phía bên kia cánh đồng trống, sừng sững trên chân trời là trụ đài của Nghĩa Trang, mừng quá tui vội chỉ cho anh ta thấy : Được rồi ! Đi men treo đám đất trống này, hướng ra xa lộ như thế này là đúng, có ngã trái thì rẻ vào, sau đó nếu có ngã phải thì rẻ ngay, nghĩa trang nằm ở đó đó.

Theo sự chỉ dẫn của tui, nên khi vừa rẽ trái xong là tìm xem có quán hàng nào bán nhang ghé vào mua ngay, để chắc ăn, vừa mua tui vừa hỏi : đây có phải đường vào Nghĩa Trang QD VNCH trước 75 không ? Bà ta bảo : Phải, nhưng bây giờ gọi là” Nghĩa Trang nhân dân À ! thì ra vậy, hèn nào tui hỏi mà không ai biết để chỉ, vì nó đã đổi danh xưng không biết từ lúc nào.

Vào đến đầu Nghĩa Trang thì có hai ba người chạy tới hỏi : Bác tìm ai, tên gì ?. Tôi hơi bất ngờ, vì thật tình đâu có tìm ai ! Đành trả lời liều mạng : Tìm bạn, tên là Nguyễn tấn Đạt. Mấy người đó lại hỏi : Cấp bực và đơn vị nào ?

Bấn quá hàm hồ nói : Bạn từ hồi đi học ngoài đời, sau nghe nó vào lính rồi chết đem về chôn ở đây. Làm gì biết đơn vị và cấp bực của nó đâu ! Mấy người đó bảo : như vậy thì làm sao mà tìm ! Trả lời : thì cũng cầu may thôi, nếu gặp thì tốt, chớ biết đâu bây giờ, mộ bia của nó cũng đã bị thất lạc rồi ! Nếu tìm không ra thì cứ mỗi ngôi mộ tôi đặt một cây nhang cũng đâu có sao, ở đây dù sao cũng toàn bạn bè không hà.Thấy trả lời” trớt giót” mấy tay này chán quá nên một trong số đó vội bảo : Thôi để cho ổng đi tìm ! Kệ ổng!

Quay lại anh xe ôm tôi nói, Anh ở đây tôi đi vào một mình được rồi, khi nào xong hết nhang rồi tụi mình về. Tôi đi vào trong xa, cho đến khi ngó lại sau lưng không còn thấy mấy người đó là tui bắt đầu chụp hình.

Thấy phía trước, sau lùm cây có một người đàn bà đang làm cỏ bèn đi đến hỏi : Có ai thuê chị làm cỏ ngôi mộ này phải không ? Dạ. Chỉ một ngôi mộ này thôi phải không ? Dạ. Tui móc túi lấy ra 100.000 đồng VN đưa cho chị và bảo : Nếu chị chưa thấy mệt thì sau khi làm xong ngôi mộ này, nhờ chị làm giúp cho những ngôi mộ kế bên luôn nghe, làm được bao nhiêu là tùy sức của chị thôi nghe, không bắt buộc phải làm quá sức đâu. Chị ta bảo : Dạ bác nhờ thì con làm chớ, nhưng bác đừng đưa tiền, mấy người kia họ thấy là họ rầy rà con đó. Tui ngó ra phía sau, thấy không có ai nên vội bảo : Không có ai thấy đâu mà, chị cầm lẹ đi, chị đó ngẩng đầu lên nhận tiền. Tôi vội vàng đi chỗ khác và chụp tiếp
Có một số ngôi mộ mới đắp, chung quanh không có một ngọn cỏ nào, nhưng sao lại sát nhau quá vậy, không giống như khoảng cách của các ngôi mộ cũ, lòng thắc mắc nhưng không lại xem vì còn rất nhiều mộ cần phải chụp hình...

Thấy chụp như vậy coi như cũng tạm đủ, tìm một chỗ tránh gió,bắt đầu thắp nhang cắm trước các ngôi mộ. Trong lòng đã định trên mỗi ngôi mộ sẽ đặt một cây nhang thôi và đặt cho đến khi nào hết mới về. Nào ngờ ham mua bó nhang thật lớn vì vậy khi nhang đã cháy đều thì vì có gió nên cho dù có tách ra như thế nào thì cũng không tắt được ngọn lửa. Phải hướng bó nhang thẳng đứng để tránh sức nóng, nhưng chỉ đặt được khoảng 30 ngôi mộ thì nhang đã cháy hơn một nửa. Vì gió nên sức nóng táp vào bắp tay làm cháy hết lông măng trên tay luôn, không còn cách nào hơn, đành tách ra nhóm nhỏ và đặt trên một ngôi mộ lòng thầm khấn xin chia cho các người chung quanh, Vội đi tới một khoảng cách khác và cũng làm như vậy. Phải làm đến trên 5 lần như vậy mới hết bó nhang.

Đứng ngó quanh lòng buồn vô hạn vì thấy sao mà tang thương hoang vắng quá thế này. Định đi lên Vành khăn tang chụp thêm vài tấm hình nữa nhưng chợt thấy hình như có tụi bộ đội thấp thoáng phơi áo quần ở các khung vuông dưới vành khăn nên ngần ngừ không biết tính như thế nào, chợt nghe có tiếng xe ôm đến gần, nhìn lại thì anh xe ôm của đến để dục về. Vội quay lại chụp một vài tấm nữa trước khi ra về. Nhưng mới chụp được một tấm thì anh xe ôm đã bảo nhỏ : Trời ơi ! Chú coi chừng bị thâu máy hình đó nghe ! Giật mình, vội bỏ máy hình vào túi quần leo lên xe,”dông”. Cuối cùng thì cũng thấy được xa lộ và trực chỉ về SAIGON.

Nguyễn Tấn Đạt (Canada)
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Hiện tượng 'các nhà giàu mới' trong xã hội Việt Nam
Sep 24, 2007
VOA - Một phóng sự do thông tín viên tại thành phố Sàigòn của AP viết đã mô tả hiện tượng các nhà giàu mới trong xã hội Việt Nam.

Bài viết mở đầu với câu 'ở một nước mà đạo quân nông dân đã từng có thời phải đi toàn dép râu thì một đôi dép do hãng Gucci sản xuất chỉ để đi bộ trên bãi biển mà lại được bán với giá 365 dollars phải được coi là một cú sóc'. Ấy thế nhưng thị trường các loại hàng hiệu sang trọng như vậy lại đang “bốc” ở Việt Nam.

Người viết kể lại việc các nhà giàu mới tại Việt Nam tranh nhau mua các thứ hàng sang tỉ như giày của Gucci, ví xách tay của Louis Vuitton hoặc đồng hồ tay của Cartier là bằng cớ chứng tỏ Việt Nam đã thay đổi đến như thế nào sau mấy chục năm chiến tranh.

Một cô bán hàng tại cửa hiệu Roberto Cavalli ở Hà Nội kể lại là cô mới vừa bán một chiếc áo khoác, có tay, làm bằng da với giá 4,000 dollars. Theo cô nầy thì khách hàng ở tiệm cô đều muốn mọi người nhìn thấy họ thuộc mẫu người có thế giá trong xã hội.

Tác giả bài phóng sự kể lại trường hợp một bà tên là Nguyễn Thị Cẩm Vân, 39 tuổi, đã mua một lần 5 chiếc ví của Louis Vuitton với giá 1,000 dollars mỗi cái.

Bà nói rằng những thứ sang trọng như vậy làm cho bà hãnh diện, đồng thời còn làm người khác thấy được sở thích và phong cách của mình. Bà còn kể trường hợp một bà bạn của bà đã sắm tới 50 ví tay của Louis Vuitton.

Bài báo ghi một chi tiết đáng được coi là vui, ấy là đa số những khách hàng sang nầy là những người làm việc cho các công ty đa quốc nhưng vẫn ở nhà miễn phí với cha mẹ họ.

Ngoài ra thì còn có những người làm trong các cơ quan chính phủ có đầy thế lực hoặc trong các doanh nghiệp tư đang lên. Họ là những người tha hồ tiêu xài tại các cửa hiệu lừng danh thế giới tỉ như Dolce and Gabbana, Burberry, Escada, Rolex, Clarins, Shiseido...hoặc những cửa hàng đại loại như vậy.

Điều đáng buồn là họ chỉ là một thiểu số. Tác giả bài báo nhận xét là hầu hết các công nhân trên đất nước hơn 84 triệu dân nầy chỉ kiếm được một khoản tiền tương đương với một hai dollar mỗi ngày.

Một người bán hàng ở thành phố Sài Gòn cho biết đối với dân nhà giàu thì bỏ ra 5,000 dollars để mua một đôi giày hay một cái ví là chuyện thường.

Thậm chí chẳng đáng so sánh với những kẻ ở đỉnh cao, những kẻ đang lượn phố trong những chiếc BMW hay Mercedes bóng lộn.

Một người chuyên bán các loại xe sang như thế kể rằng có những vị khách mua xe của ông trả bằng cả va-li chứa 400,000 dollars tiền mặt chớ không cần phải trả góp như bên Mỹ.
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Trăng thu
Phan
Trăng trước còn ngồi với cái nóng hừng hực của sân gạch, mái che. Trăng này đã trải xuống mái che, sân gạch thứ ánh sáng bàng bạc của trăng thu, lành lạnh. Chao ôi! Thu về rồi đó sao? Trăng trước còn ngồi với ông bạn gìa đáng tuổi cha, ăn nhậu gì đâu có nhớ. Chỉ nhớ mang về lúc nửa đêm, những khắc khoải trong lòng một người gìa đã làm hoang mang lòng trẻ: “Quê hương là gì?”

Còn nhớ hôm đó, tôi không trả lời liền vì sợ hồ đồ với người lớn tuổi đã không phải, hồ đồ với quê hương càng không phải. Về nhà ngồi nghĩ lung: Một người tài cao học rộng như ông; vinh nhục trong đời đã từng trải như ông; hạnh phúc và khổ đau của ông cũng từng trải dài theo năm tháng… không có sức mà viết thành sách. Tôi cho là thái độ hoài nghi - một biểu hiện của tuổi gìa. Rồi tôi nghĩ tiếp thì không tin mình nữa, ông gìa muốn thử lòng con cháu: Có quê hương không? Tôi biết trả lời sao cho vừa lòng ông; không thẹn lòng tôi? (Oâng T.Vấn “Bước thời gian” vừa ghé Dallas nhậu với tôi mà quên hỏi. Tiếc cũng muộn rồi.)

Đã một tuần trăng đi qua, tôi vẫn không trả lời nổi câu hỏi: “Quê hương là gì?” Tôi có quê hương không? Quê hương của những tư tưởng lớn là sông dài, núi cao mà mỹ từ gọi là “Giang sơn gấm vóc” thì tôi đây không có. Quê hương của tôi thấp bé như chính cuộc đời tôi vậy. Quê hương khô khốc với vầng trăng Trung thu soi bóng mình ên, soi miếng báng Trung thu “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Nhưng ông bạn - điếc không sợ súng, đã “vờ” lệnh cấm trên tinh thần “cái gì cấm thì qúy”, đem từ Việt Nam về đây. Cũng chỗ thân tình mới cho tôi một cái để nghe; để ngửi… mùi Trung thu quê xa. Nhưng hỡi ơi! Tình ơi… mùi chuột chết. Ly trà xanh thì ngon nhưng không mang hương vị quê nhà vì “Made in Taiwan”. Thêm một Trung thu lặng lẽ nơi này. Tôi ngồi nhớ cố hương. Tự hỏi quê hương trong tôi còn hay mất? Còn gì, mất gì sau những năm tháng xa như người xé lịch chung thân. Quê hương trong tay với miếng bánh Trung thu buồn bã, khô xảm. Quê hương chỉ còn trong hoài niệm mỗi độ giao mùa thôi sao? Quê hương tôi đâu đây trong từng nỗi nhớ:

… một gốc dừa hoang bên giòng nước vô danh. Năm đó tôi mười lăm, mười bảy. Anh lớn tôi nói với tôi: “Mày đi học rồi về nhà, đừng đi chơi xa để bất cứ lúc nào người ta gọi thì lên đường”. Tôi đi học về cứ luẩn quẩn quanh nhà, ra bờ sông ngồi một mình tư lự. Tôi thấy trái dừa khô đã nẩy mầm, cắm được cái rễ cái vô bờ đất, chỗ bãi rác. Nếu tôi gặp trái dừa khô trước khi anh tôi nói chuyện vượt biên thì tôi đã nhổ lên, chặt ra để lấy cái mộng dừa bên trong to như qủa ổi, hơi hôi hôi xà bông nhưng ăn giòn giòn, béo béo cũng đỡ buồn miệng trong tuổi háu ăn. Nhưng hôm đó tôi ngồi nhìn trái dừa khô đã nẩy mầm mà tưởng tượng ra một đời người, đời tôi. Trái dừa kết từ hoa dừa, tôi được cha mẹ sinh ra. Một đêm mưa gió bão bùng, trái dừa khô như tôi đã lớn. Trái dừa rời thân cây dừa như tôi rời xa mẹ và gia đình. Trái dừa trôi trên giòng vô định, tôi trên chiếc thuyền vượt biên cũng không phương hướng. Trái dừa may mắn qua được những đôi mắt tinh tường của những người đi săn bịt ny-lon trên sông nước, tôi may mắn thoát được những đôi mắt cũng tinh tường của lực lượng biên phòng, những người hải tặc biển Đông và thần sóng, thần gió… Trái dừa cắm được cái rễ vô một chân trời mới, tôi đến được một đất nước xa lạ. Trái dừa mọc thành cây rồi lớn mạnh, ra hoa kết trái. Tôi dần dà ổn định, lấy vợ sanh con. Cây dừa hết tuổi thọ, gục chết trên bãi rác. Tôi chết âm thầm ở quê xa với người vợ ngoại quốc và những đứa con lai. Tôi thấy trái dừa khô đã nẩy mầm có linh hồn, tôi không nhổ nó lên để thỏa mãn tính tham ăn mà còn dùng cái uy của một thằng phá làng phá xóm có tiếng, nay lớn rồi - tha cho bà con cô bác. Tôi ra lệnh cho đàn em thò lò mũi xanh không được đụng đến cây dừa. Cây dừa có bảo kê lớn mạnh, ra hoa kết trái. Tôi thì không đi được nhiều chuyến nên về ngồi dưới gốc dừa mà nghe cô đơn. (Những năm ’77 - ’78, tôi chỉ nghĩ được tới đó là hết.)

Mấy chục năm rồi. Thấy cây dừa tôi nhớ đến xóm nghèo, tuổi trẻ của tôi nên computer của tôi luôn luôn để background hình ba cây dừa trên hoang đảo. Cây dừa là quê hương tôi đó sao? Tôi vẫn đi tìm câu trả lời cho ông bạn gìa thương tôi như con ông. Hôm gia đình tôi đi nghỉ hè. Lúc đến thăm Pittsburgh Zoo bên Pennsylvinia, vợ tôi đứng nhìn bụi chuối trong khu vườn thực vật châu Á thật lâu, tôi đến bên sạo sự, vợ tôi nói: “Thấy bụi chuối, em nhớ nhà bà Nội tụi nhỏ qúa!…” Quê hương là bụi chuối trong tâm tư người vợ; trong suy nghĩ người chồng: Quê hương mình cũng đang rách bươm như những tàu lá chuối sau trận gió đêm qua. Em thấy không?! Đó. Đã hai mươi năm “tình không biên giới” nhưng suy nghĩ vẫn là của riêng. Ai cũng có một quê hương cất kỹ trong tiềm thức và sẵn sàng bật ra tiếng nấc hay nụ cười; tiếng lòng với hiện tại gợi nhớ.

Vậy. Quê hương là gì đây? Tôi đi giao hàng trong trường trung học, đám học trò ngồi dựa lưng vào tường, có con bé rắn mắt nằm xuống sân trường, gác hai bàn chân trắng nõn lên vách tường. Tôi chợt nhớ đôi bàn chân cũng trắng nõn của cô bạn học thời trung học, lần đó bị kiến cắn. Nó la làng, khóc bù lu bù loa. Không có dầu xanh, dầu đỏ, dầu khuynh diệp gì ráo. Tôi nói với nó: “trong nước miếng của mình có thuốc sát trùng”. Vậy là nó mút ngón tay cho ướt nước miếng rồi tha lên những vết kiến cắn, nhưng không chấp nhận nước miếng của tôi vì nước miếng con trai ưa quên đánh răng - dơ lắm! Quê hương trong tôi là đôi bàn chân con gái - trắng nõn. Nghèo dữ vậy sao?

Tôi đi làm đầu tắt mặt tối, có khi cả tháng, cả năm tôi không nhớ gì đến quê hương. Tối về đến nhà, thấy vợ tôi chong đèn với một đống bills - sẵn đợi cơm chồng. Cái kính chưa quen của người mới đeo kính, cái máy tính gõ lọc cọc để cân đối chi thu trong một gia đình là hình ảnh người-mẹ-Việt-Nam, là quê hương tôi đây. ïÁnh đèn bàn ăn trong một gia đình Việt Nam nếu đem phân chất sẽ rất nhiều mùi nước mắm và tiếp theo là đừng đem phân chất một mùi hương… cứ để cho tình theo cảm xúc thì thơm hết. Chắc nhờ vậy mà ấm áp hơn những gia đình không nổi lửa. Những gia đình ăn bữa cơm tối bằng thức ăn nhanh (fast-food) gọi nhà hàng order vài món, họ đưa tới nhà. Aên vội để còn thời gìơ N-joy đủ thứ trên đời trong kỷ nguyên wirelees.

Sáng ngày nghỉ, vợ tôi ngồi gội đầu với nồi bồ kết nấu y như mẹ tôi mấy mươi năm trước. Những chai dầu gội đầu đắt tiền mà người thân, bạn bè cho tặng trong những dịp lễ lộc thì lặng lẽ đem cho để khỏi buồn lòng người tặng - cũng là hình ảnh quê hương. Quê hương trong một gia đình người tỵ nạn ấp lẫm nếu ta nhìn ra quê hương trong tình thâm; nghĩa trọng. Có nhà Việt Nam nào trên nước Mỹ không có bộ sơn mài “mai lan cúc trúc” hay “ ngư tiều canh mục”… đều chiếm lĩnh một vị trí trang trọng trong phòng khách. Quê hương thiêng liêng đến con người mặc nhiên trang trọng - không suy nghĩ nữa. Hình ảnh quê hương trong căn phòng khách của một gia đình tỵ nạn thường được treo ngang hàng với Chúa, Phật rồi mới tới Oâng bà cha mẹ, tới hình ảnh vợ chồng chủ nhà rồi mới tới hình ảnh gia đình con cái, bạn bè… thể hiện tính kính lão phương Đông.

Nếu ngồi nhớ ra, hoài niệm về quê cũ thì phong phú lắm! Từng hình ảnh thân quen khuất trong tiềm thức sống lại với lòng truy nguyên. Quê hương tôi ẩn hiện trong giấc ngủ mà ai đó gọi là mơ. Con nhỏ em thằng bạn học, bạn trong xóm. Nó nhỏ hơn tôi hai, ba tuổi, thấy mặt tôi là nó rủ đi hái khế. Nó đè vai tôi xuống để ngồi lên cổ tôi là hái tới trái khế. Hay thiệt. Một hôm nó hái xong trái khế rồi la làng, thất thanh: “cổ anh chảy máu…” nhưng cổ tôi không có vết trầy sước nào. Em tôi thành thiếu nữ trong sự ngờ nghệch của cả hai, nghĩ lại thấy thương vô cùng. Tôi đi chặt cây trúc, cột vào đầu trúc cây căm xe đạp bẻ cong hình lưỡi câu. Từ đó, em chọn trái, tôi móc và giật xuống chứ em không trèo lên cổ anh ngồi nữa. Em căng vạt áo và chọn vị trí rơi của qủa khế. Tôi giật qủa khế rớt giữa mặt em, em đau qúa nên kéo luôn vạt áo lên che mặt, khóc. Tôi bàng hoàng với lần đầu tiên thấy được cái áo ngực đang mặc trên thân thể chứ không phải máng sau cánh cửa một phòng ngủ nào đó. Ngộ thiệt. Tôi hát vu vơ… Quê hương là chùm khế ngọt / cho con trèo hái mỗi ngày… từ bao gìơ và đến bao gìơ? Quê hương trong mơ của tôi cũng không có gì to lớn, hay ho. Tôi nghèo nhưng không túng tình quê hương. Quê hương chỉ có vậy cho nên không dám nói.

Một hôm qua phố lạ. Lòng tôi trống huơ với người bản xứ… đi ào ào cho kịp những nghĩ suy. Tôi lang thang qua phố phường không quen mà nhớ Tự Do và những tiệm bán tranh, những tiệm bán áo dài thêu, vẽ… mà một thời chắt chiu từng đồng lương dạy học để mua tặng cho một nửa của mình - mới chỉ là hy vọng thôi chứ chưa là thiệt bao gìơ. Tôi đứng lại với bức tranh nông thôn châu Á chứ không dám chắc là Việt Nam. Năm, bảy người phụ nữ đang cấy lúa trên đồng. Tôi gặp lại quê tôi giữa những người xa lạ và khung cảnh rực rỡ - văn minh của một khu thương mại trên nước Mỹ. Lòng tôi trào dâng cảm giác nhớ nhà.

Rồi mới vài hôm đây thôi, nghe một anh bạn trang lứa với tôi kể lể về mối tình câm của anh. Anh yêu gì mà ác đời, đi yêu bà chị lớn hơn anh ba, bốn tuổi. Đêm nào cũng viết những lá thơ tỏ tình diễm lệ đến không còn tiền mua giấy viết. Rồi thất tình khi chị có bồ. Rồi hy vọng khi chị hát “chuyện hợp tan”. Rồi thất tình tập cuối khi chị lấy chồng. Rồi nắm bắt cơ hội cuối cùng khi chồng chị vượt biên… và đã không may. Nhưng anh bạn tôi đã thả hết những những lá thơ tình theo năm tháng xuống sông Thanh Đa vì vợ mình, vợ nhà, đâu có lỗi gì đâu? Anh tóm lại chuyện tình câm của tuổi trẻ của anh nghe ngộ lắm. Quê hương trong tôi chỉ còn là những những lá thơ tình chưa bao gìơ gởi. Tôi nghe xong mà mừng. Mừng vì ngoài mình ra cũng có những con người mà tình tự quê hương nhỏ nhặt, tầm thường đến tội nghiệp. Nhưng nhìn ở một góc cạnh khác thì vợ anh ấy chính là quê hương, anh đã và đang sống với vợ như sống trên quê hương dù anh bạn và quê hương qua hình ảnh người vợ, đang sống trên đất khách. Hề gì. chúng ta đi mang theo Quê hương - bên mình là đủ.

Không biết những điều tôi viết ra đây, ông bạn gìa có cho là câu trả lời của hậu sinh. Nếu không được chấp nhận thì tôi đành chịu chứ quê hương không phải là chuyện có thể nói láo cho vui. Nói sạo lấy tiếng. Quê hương là chùm khế ngọt/ cho con trèo hái mỗi ngày… Quêhương là cầu tre nhỏ/ mẹ về nón lá nghiêng che… Quê hương là con diều biếc/ tuổi thơ con hát trên đồng… Nhưng quê hương của những con diều đứt dây, diều băng thì nghèo nàn và buồn lắm. Không có mẹ về nón lá nghiêng che để được qùa, được mẹ lau giọt mồ hôi chạy chơi bằng vạt áo Người.

Mấy câu văn xuôi dạo nọ, gởi ông bạn gìa.

Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu?
Nhìn mây tôi đáp: trên địa cầu
Và đây! hương thoảng còn vương lại
Cây dừa, trái khế… những đêm thâu
Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu?
Từ Ải Nam Quan tới Cà Mau
Biển Đông dài, ba ngàn cây số
Đang mất dần vô tay lũ giặc Tàu
Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu?
Nơi có cầu tre, điệu ví dầu
Lời ru của mẹ ngàn năm trước
Ấm lòng con trẻ tới muôn sau
Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu?
Nơi sẽ về thôi lúc bạc đầu
Chiều vươn khói rạ bờ sông vắng
Cánh cò mỏi mệt đậu lưng trâu
Nếu ai có hỏi: quê tôi đâu?
Nơi khắp hành tinh đang nguyện cầu
Càng xa quê quán càng bi thống
Tiếng lòng uất nghẹn đến thiên thâu

Phan
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Ngôn Ngữ Bất Đồng
Kỷ niệm mười năm ngày cưới, bên đứa con cũng vừa tuổi lên mười, cả hai vợ chồng lục xục mãi không sao ngủ được. Trước đó, như ngầm hiểu nhau, người vợ đã làm mâm cơm thịnh soạn cùng cút rượu bổ cho chồng, như lời dân gian mách:

Mong chàng "giã gạo" ra trò
Bao nhiêu nem chả em cho, em nhường.

Khi đứa con đã ngủ say, người chồng hăm hở thực thi nhiệm vụ của mình, khác mọi lần người vợ tủm tỉm cười thầm, anh chồng vừa thở, vừa hỏi :

- Mình sao thế, tôi vừa mới năng năng nhắc mà mình đã thích thích mau rồi à, sao hôm nay rộng tuếch tuềnh tuênh thế này?

Người vợ vừa cười vừa trả lời:

- Em đang tính mười năm là ba ngàn sáu trăm năm mươi ngày, trung bình ba ngày vợ chồng mình rủ nhau "giã gạo" một lần, tính đến hôm nay là hơn một nghìn lần rồi mình ạ. Bây giờ chúng mình ba nhăm, ít nhất còn sàng sẩy, giã gạo hai mươi năm nữa, thế hoá ra ba nghìn sáu trăm lần cơ à, thảo nào...

-Sao cơ ?

- Còn sao nữa, mình không nghe truyện dân gian kể "hai bát đầy một bát vơi" à?

- Mình nói gì, tôi không hiểu? Có chuyện tiếu lâm hay dân gian nào mà tôi còn chưa được nghe mình kể đây? Tôi tưởng trong những lần giã gạo thế này, có bao nhiêu chuyện tiếu lâm từ cổ đến kim, cả tôi và mình đều kể cho nhau nghe hết rồi chứ. Chả phải khoa học đúc kết: Ngôn ngữ giữa hai vợ chồng là ngôn ngữ riêng biệt, chỉ hai người sử dụng được với nhau mà thôi, người thứ ba không bao giờ được nghe những lời ngọt ngào thấm đượm nghiã tình, ái ân ấy là gì.

Vợ cười nhắc khéo :

- Chắc mình mải giã gạo nên quên chuyện em kể đấy thôi, hôm nay kỷ niệm mười năm ngày cưới, em xin kể lại, đại để: Có hai vợ chồng nhà nọ, rất thích trò chơi dân gian này, mỗi lần chui vào buồng “giã gạo” cùng vợ, người chồng đều có ý bỏ vào gầm giường một hạt thóc, trong một lần giã cố, chẳng may ông ta bị hụt hơi, đuối sức chết ngay nơi "miệng cối". Người vợ quá đau khổ nên sau khi gào thét lăn lộn bên mộ chồng liền đong lại số thóc đặc biệt mà người chồng đã có ý bỏ riêng rồi lặng lẽ xay giã và tự tay sàng sảy thành gạo, thành kính đặt lên bàn thờ chồng, tất cả được hai bát đầy, một bát vơi, đứa con gái thấy lạ, liền hỏi:

- Bu ơi, Bu thắp hương cho thầy sao lại lẻ thế? Sao không xúc hẳn ba ống đầy hoặc gạt đều ba miệng thôi, hả mẹ?

Người vợ như đang trôi vào cõi mộng mị, cùng chồng giã gạo hôm nào, gạt nước mắt trả lời:

- Tất cả chỉ có thế thôi con ạ, nếu muốn được ba bát đầy thì thầy mày ít nhất cũng phải sống vài năm nữa.

Tất nhiên, đứa con ngơ ngác không hiểu, vì dù là máu mủ ruột thịt đến mấy chăng nữa nó vẫn là người thứ ba, làm sao hiểu được ngôn ngữ đặc biệt của riêng bố mẹ nó?

Anh chồng như thể vừa được nhận mười thang thuốc bổ từ câu chuyện vợ kể, vừa cười, vừa bảo:

- Vợ chồng mình cưới nhau mười năm, em tính giã gạo khoảng một ngàn hai trăm lần là ít đấy, em ạ, em không nhớ con gái mình đã mười tuổi à?

Cô vợ- thông minh vốn sẵn tính...chồng, liền bảo:

- Ý anh muốn em cộng thêm cả những ngày ăn cơm trước kẻng chứ gì ?

- Tất nhiên rồi, nhờ ăn cơm trước kẻng, thấy cơm dẻo, canh ngọt, vị đậm đà cứ lọt vào tận máu huyết, tế bào, tuỷ xương mà chúng mình quyết chí yêu nhau, dù bị đôi bên cha mẹ ngăn cản còn gì?

- Vâng, vợ chồng mình không phải tảo hôn mà lại tảo sinh anh nhỉ. Người ta lấy chồng chín tháng mười ngày có con, còn em thì lấy chồng tháng chín, tháng mười có con.

Người chồng an ủi vợ : - Không sao em ạ, miễn tận cuối đời cứ cơm ngon canh dẻo là được.

Người vợ cười:

- Đúng là trời cho, trò chơi anh nhỉ, bao nhiêu trò khác đều chóng chán, riêng trò chơi vợ chồng này thì không bao giờ chán được, cả thế giới loài người cùng chơi, không biết chán, dù chỉ có mỗi động tác giã gạo ấy thôi, cứ một người năng năng nhắc, là người kia thích thích mau, lạ thật.

Người chồng cười :

- Thế mới gọi là trời chứ. Chắc là trời thử trước rồi thấy hay mới ban cho muôn loài, muôn vật trò chơi này.

Nghe câu trả lời ngồ ngộ của chồng, người vợ bật ra một câu hỏi :

-Thiên tử có nghiã là con trời, thế thì vợ trời là ai hở anh?

- Còn ai nữa, người chồng bảo - là mặt trăng như câu đố dân gian tả đấy thôi, em không nhớ à ?

- Leo ôi, người vợ lầm nhẩm đọc lại câu đố dân gian:

Một mẹ sinh được vạn con.
Rạng ngày trốn hết chẳng còn một ai.
Mặt mẹ như hương như hoa.
Mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn...

Rồi bật kêu lên:

- Thế thì con trời nhiều như sao sa. Trời giã gạo còn hơn tất cả chúng sinh trên đời cộng lại anh ạ, cả thế giới chỉ có bảy tỷ dân, còn con trời từ xưa đến nay có ai đếm được đâu?

- Em nói cũng phải, người chồng trả lời vào tai vợ và hì hục giã tiếp.

Nằm bên, đứa con chợt tỉnh giấc, mắt sáng như sao:

- Mẹ ơi, bố mẹ đang chơi trò gì đấy ạ, cho con chơi mấy.

Bị bắt quả tang, cả hai cùng co rúm người lại, cuộn tròn trong chiếc chăn bông, đứa con vẫn ngây thơ hỏi tiếp:

-Hả mẹ, sao ban ngày không chơi, lại chơi vào giữa đêm, trời tối như bưng thế này ? Con chả nhìn thấy gì cả?

Cả hai giã vờ ngủ say như chết, không ai dám trả lời.

Giọng đứa con vẫn tỉnh như sáo:

- À mẹ ơi, sao chú Thành bạn bố, mỗi lần nhìn thấy con đến chơi lại cứ tủm tỉm cười hả mẹ? Chú ấy lại còn trêu con: “Lêu lêu lớn tướng thế này còn đòi rúc nách bố mẹ. Nhà chật, lần sau hễ cứ tỉnh giấc lúc nào là cháu nhớ kêu lên: Tôi mà bật đèn thì có đứa chết”, sao lại thế hả mẹ ?

Tất nhiên nó là người thứ ba, ngôn ngữ bất đồng nên bố mẹ nó không thèm trả lời, cứ giả vờ ngủ say như chết.

Trần Khải Thanh Thủy (truyện vui)
(Rút trong tập "Tìm về lẽ xưa", mục: Bắt chước dân gian)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Image

Đêm Văn Nghệ, Phim Gây Quỹ Giúp Dân Tỵ Nạn Thu 100000 Đô

NAM LỘC . Việt Báo Chủ Nhật, 10/7/2007
Số lượng khán giả khiêm nhượng, khoảng 400 người, trong một đêm giữa tuần, thứ Năm mùng 4-10-2007 tại phòng trà Majestic, Nam Cali, nhưng kết quả tài chánh đã làm ngạc nhiên cả ban tổ chức lẫn người tham dự. Qua bản báo cáo vừa hoàn tất thì tổng số tiền thu nhận được đã lên đến $100,100.00 dollars, trừ một vài khoản chi phí nhỏ, số còn lại để sử dụng trong việc trang trải các chi phí định cư cho 161 đồng bào tỵ nạn cuối cùng tại Phi Luật Tân là $97,500.00 dollars.

Sự thành công này đã nói lên mối quan tâm cùng tình thương bao la mà đồng bào hải ngoại dành cho những đồng hương kém may mắn đang mòn mỏi chờ mong được đặt chân đến bến bờ tự do sau cuộc hành trình gian khổ kéo dài suốt 18 năm qua.

Đây là lần thứ tư chúng tôi phối hợp cùng các thiện nguyện viên thuộc nhiều tổ chức và hội đoàn đứng ra thực hiện các buổi nhạc hội lấy tên là “Xin Đừng Quên Tôi” để gây quỹ giúp người tỵ nạn VN còn lại ở PLT, mà trong đó cũng có các nghệ sĩ luôn hiện diện trong những chương trình trên dù tổ chức ở Hoa Kỳ hay trại tỵ nạn Phi Luật Tân như: Công Thành & Lyn, Trúc Lam & Trúc Linh, Như Quỳnh, Bằng Kiều, Trizzie Phương Trinh, Thanh Hà, Kỳ Duyên, Trịnh Hội và đêm qua còn được tăng cường thêm các tên tuổi khác như Linda Trang Đài, Minh Tuyết, Quang Lê, Henry Chúc, Thành Lễ, Huỳnh Gia Tuấn ... cùng sự hiện diện đông đảo cuả các luật sư tình nguyện và cố vấn pháp lý như Nguyễn Quốc Lân, Nguyễn Quang Trung, Trần Kinh Luân, Từ Huy Hoàng, Phương Trang cũng như một số phóng viên, ký giả có lòng v..v...

Ngoài số vé bán ra, còn có cuộc đấu giá các tác phẩm hội hoạ và lạc quyên qua nhiều hình thức, tất cả đã tạo ra một bầu không khí vô cùng hào hứng và nhiệt tình. Nhiều cá nhân đóng góp ẩn danh với số tiền khác nhau, như một chi phiếu $20,000.00 từ Texas, $19,000.00 matching donations ngay tại chỗ, anh Huy $10,000.00 hoặc nữ ca sĩ Hà Phương $10,000.00 v..v... Đặc biệt là các đồng bào tỵ nạn từ PLT vừa được định cư tại HK chưa đầy 2 năm, đã tự quyên góp được gần 10 ngàn đồng để giúp đỡ các bạn đồng cảnh ngộ nhưng kém may mắn hơn mình. Thật đúng với câu “lá rách đùm lá tả tơi”.

Chương trình đã được mở đầu với phần chiếu ra mắt bộ phim ngắn tài liệu của đạo diễn Đức Nguyễn mang tưạ đề “Stateless Vietnamese In The Philippines”, diễn tả nỗi niềm tâm sự cùng hoàn cảnh của nhóm người Việt còn lại ở Phi Luật Tân, và đặc biệt là tiến trình phỏng vấn của Sở Di Trú Hoa Kỳ vào khoảng đầu năm 2005.

Một trong những giây phút bất ngờ và cảm động khi nhóm lãnh đạo tổ chức LAVAS trao lại sứ mệnh tranh đấu và bảo vệ quyền tỵ nạn cuả đồng bào cho tổ chức VOICE mà người đang đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành là nữ luật sư Lisa Nguyễn Thùy Dương. LS Nguyển Quốc Lân đồng thời cũng trao hết số ngân khoản hơn $7000.00 dollars còn lại của LAVAS lại cho VOICE.

Với sự rộng lượng cuả chính phủ Canada cùng lòng sốt sắng cuả cộng đồng người Việt tại quốc gia này, họ đã sẵn sàng ra tay đón nhận nhóm 161 người tỵ nạn cuối cùng ở PLT mà hầu như các nước tự do trên thế giới đã ngoảnh mặt lãng quên. Vì thế sự tiếp tay cuả người Việt trên toàn thế giới là một việc làm cao cả, cần thiết và ý nghĩa, nhất là sự đòi hỏi chi phí trang trải cho các thủ tục định cư hiện nay đã là $1200.00 dollars cho một người, và số tiền này cần phải đóng cho chính phủ Canada trước ngày 31 tháng 12, 2007, đó là chưa kể các chi phí di chuyển cá nhân, cùng hoạt động cuả các thiện nguyện viên tại văn phòng làm việc ở Manila, PLT.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự đóng góp lớn lao của tất cả quý vị ân nhân, các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ sở thương mại, anh chị em nghệ sĩ, tình nguyện viên. Hy vọng với nỗ lực chung, chúng ta sẽ cùng nhau đóng lại trang sử thuyền nhân đầy máu và nước mắt trong cuộc hành trình tìm tự do của người Việt tỵ nạn.

Nếu muốn đóng góp. hỗ trợ hoặc tìm hiểu những hoạt động của tổ chức VOICE, kính mời quý vị vào trang nhà cuả tổ chừc này ở điạ chỉ: vietnamvoice.org, hoặc liên lạc về:

Lisa Thùy Dương Nguyễn, Executive Director, VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment, 1802 S St. NW., Washington DC 20009

Tél: (202) 290 3780 / Fax: (202) 543 1297 / Email: info@vietnamvoice.org


NAM LỘC
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Virginia: QLVNCH Diễn Hành 25 năm Bức Tường Tưởng Niệm
TUYẾT MAI .
Để kỷ niệm 25 năm khánh thành Bức Tường Đá Hoa Cương Đen Tưởng Niệm 58 ngàn Chiến Sĩ HK hy sinh ở chiến trường Việt Nam, " Hội Cựu Chiến Binh HK đã tham chiến tại VN" sẽ tổ chức một cuộc Diễn Hành – "The Wall 25 Years – Anniversary Parade" tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào lúc 10 giờ sáng ngày 10 Tháng 11, 2007.

Đây không phải là cuộc diễn hành được tổ chức hằng năm, mà là lần thứ hai, 25 năm sau, kể từ ngày Bức Tường Tưởng Niệm được khánh thành vào 13 Tháng 11, 1982.

Bức Tường Tưởng Niệm này là "Vietnam Veterans Memorial". Đây là một đài tưởng niệm chiến tranh quốc gia được thành lập để tưởng niệm, vinh danh 58 ngàn chiến binh HK đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam. Bức tường này tọa lạc ở Constitution Garden, ngay tại National Mall, làm bằng hai bức tường đá hoa cương màu đen, mỗi bức tường dài 246 feet 9 inches (75 meters) nối với nhau theo hình chữ V ở góc độ 125 * 12, do Kiến Trúc Sư Maya Lin vẽ kiểu. Trên hai bức tường đó có khắc tên 58 ngàn chiến binh HK đã hy sinh hay đã mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Năm 2005 có gần bốn triệu du khách đến viếng thăm nơi này.

Trong dịp kỷ niệm 25 năm khánh thành bức tường này "Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tham chiến tại VN" đã mời Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại tham dự cuộc Diễn Hành.

Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại đã gởi văn thư kêu gọi các cộng đồng Quân, Cán, Chính VNCH tích cực tham dự.

Giáo sư Vinh viết, cuộc chiến VN đã kéo dài nhiều thập niên, QLVNCH với Hải, Lục, Không Quân, Xây Dựng Nông Thôn, Cảnh Sát Quốc Gia… đã hy sinh hằng trăm ngàn chiến sĩ và quân đội đồng minh Hoa Kỳ đã hy sinh 58 ngàn chiến binh trong chiến cuộc VN.

Cách đây 25 năm, bức tường đá hoa cương đen lịch sử được dựng lên ở HTDD, đây là một dấu tích ghi đậm nỗi đau thương trong lòng những Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ và gia đình những chiến sĩ đã hy sinh.

Chúng ta, những Cựu Chiến Sĩ trong QLVNCH, ngày nay đã không còn cơ hội để đóng góp xương máu cho lý tưởng tự do, nhưng Tập Thể Cựu Chiến Sĩ VNCH vẫn chưa tan hàng, chúng ta vẫn giữ màu cờ sắc áo của các quân binh chủng dưới Quốc Kỳ VNCH và Quân kỳ của QLVNCH. Điều đó một lần nữa đã khẳng định tinh thần bất khuất của người chiền sĩ tự do dù ở phương trời nào.

Giáo Sư Vinh nêu lên lý do chúng ta nên tham dự cuộc Diễn Hành. Trong tâm tình hoài niệm và tri ân những người bạn đồng minh đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam thân yêu và cuộc diễn hành này cũng là một vinh dự cho những Người Lính Cộng Hòa đã đóng góp xương máu cho Tự Do, vì vậy chúng ta những Quân – Dân – Cán Chính VNCH, cần có mặt trong cuộc Diễn Hành trang trọng và đầy ý nghĩa này.

Đây là dịp để chúng ta hãnh diện giương cao ngọn cờ vàng VNCH thân yêu và cờ của các Quân, Binh Chủng QLVNCH, hiên ngang diễn hành dưới bầu trời Tự Do của Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, cùng lúc chúng ta cũng bày tỏ lòng tri ân đặc biệt đến những người dân Hoa Kỳ - nhất là những chiến binh Hoa Kỳ và Đồng Minh - những người đã một thời sát cánh chiến đấu bên cạnh chúng ta cho lý tưởng Tự Dọ

Cuối cùng, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh đại diện cho Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại mời gọi các chiến hữu tham dự đông đảo cuộc Diễn Hành lịch sử này để cùng làm sáng danh truyền thống hào hùng của QLVNCH và nêu cao lý tưởng Tự Do, Dân Chủ của những người Chiến Binh QLVNCH trong cuộc chiến Việt Nam.

Được sự ủy nhiệm của Niên Trưởng Nguyễn Xuân Vinh, Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, Niên Trưởng Trần Thiện Hiệu, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng HTDD và Phụ Cận nhận trách nhiệm tổ chức và tham dự cuộc Diễn Hành.

Được biết cho tới nay về phía Hoa Kỳ có 143 tổ chức, hội đoàn tham dự Diễn Hành, phía VNCH có 41 hội đoàn quân binh chủng tham dự, dưới bóng Quân kỳ của Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Kỳ của bốn Quân Đoàn I - II - III - IV, Quân kỳ của 11 Sư Đoàn Bộ Binh, Quân Kỳ của các Quân Chủng Hải Quân – Không Quân , Binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân…

Địa điểm tập trung cử hành lễ là The National Mall ở Washington, D.C.. Buổi lễ bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Đến 11 giờ thì cuộc diễn hành bắt đầu ở Đường số 7th, giữa Jefferson và Madion Drive, gồm có nhiều quân xa, xe hoa (floats) xe mô tô, ban nhạc …và cuộc diễn hành sẽ chấm dứt ở Washington Monument Grounds, ở đây có thể sẽ có nhiều chương trình khác. BTC dự định sẽ tham dự với hai xe hoa, nhưng nếu các Tổng Hội, hội đoàn có khả năng thì tùy nghi thêm xe hoạ

Niên Trưởng Trần Thiện Hiệu cho biết, để việc tổ chức thành công, đem lại niềm hãnh diện chung cho cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn và Tập Thể Chiến Sĩ QLVNCH, Ban Tổ Chức tha thiết mong mỏi sự tham dự đông đảo của các Quân, Cán, Chính VNCH khắp nơi trên thế giới cùng vế tham dự, có thể mặc quân phục hay thường phục. BTC cũng mong được sự hỗ trợ tích cực của đồng hương và các cựu chiến sĩ QLVNCH về phương diện tài chính.

Theo sự ước tính sơ khởi, để thực hiện Quốc, Quân Kỳ, xe hoa, banners, tiền thuê xe bus đưa đón người đi diễn hành, âm thanh, ẩm thực và linh tinh …có thể cần đến 20,000 mỹ kim.

Ban Tổ Chức tha thiết kêu gọi lòng hảo tâm của quý đồng hương yẻm trợ tài chính để thực hiện bốn quân kỳ của bốn quân đoàn và 11 quân kỳ của các sư đoàn, mỗi quân kỳ 350 mỹ kim. Những quân kỳ này sẽ được lưu lại ở Viện Bảo Tàng QLVNC, được khánh thành ở HTD trong một ngày gần đây.

Mọi sự yểm trợ sẽ được công khai thông báo, chi phiếu yểm trợ xin vui lòng gởi về:

V.V.H.D.V. Corp, 3912 Gallows Road Annandale, VA 22003 – 1758. (Memo đề Yểm Trợ Diễn Hành.) Trần Thiệu Hiệu ĐT: 571-201-1261 Email: TrHi 13@aol.com






Hoa Thịnh Đốn có gì lạ?

Hoa Thịnh Đốn có gì

lạ không em?


Có chứ, mùa thu Hoa Thịnh Đốn với lá phong vàng đỏ ngập trời Thủ đô và một hiện tượng sau 25 năm…


Sau 25 năm có gì hả em?


Ngày 10 tháng 11 năm 2007, Chiến Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sẽ diễn hành cùng Chiến Sĩ Quân Đội Hoa Kỳ, để Kỷ Niệm 25 Năm ngày Khánh Thành Bức Tường Đen Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam. Một cuộc diễn binh như thuở nào với các binh chủng và quân kỳ. Ai đã từng khoác áo lính một thuở sẽ sống lại những giây phút huy hoàng của một Ngày Quân Lực xưa.


Sẽ là những mái tóc ngả mầu sương khói?


Đúng thế. Cuộc chiến đã trôi qua 32 năm. Một cuộc chiến mà chúng ta không được thắng dù

người lính của chúng ta oai hùng, chính nghĩa của chúng ta rạng ngời. Chúng ta- đã hy sinh biết bao sinh mạng cho thế giới không bị nhuộm đỏ. Cả thế giới phải cám ơn chúng ta, người Việt anh dũng. Những chiến binh, người thì ngã xuống trong chiến tranh, người thì tức tưởi, uất hận, ra đi trong ngục tù Việt Cộng, nay còn đây là những tuổi lá vàng. Những lá vàng này sẽ rực rỡ vì đồng minh Hoa Kỳ đã phản tỉnh, công nhận những gì người lính quốc gia đã hy sinh. Những lá vàng này là niềm hãnh diện cho các lá xanh, vươn lên từ đất Mỹ.

Vậy lá xanh sẽ

tiếp nối con đường vinh quang?


Đúng thế. Do Thái kia, từ khắp bốn phương quay về Miền Đất Hứa năm 194

8, khi tổ quốc réo gọi. Họ anh dũng xây dựng một quốc gia nhỏ bé nhưng hùng mạnh. Cả thế giới nghiêng mình cảm phục họ. Họ đã chi phối cả Hoa Kỳ. Lẽ nào- Ta- con Rồng cháu Tiên- lại không thể vinh quang như vậy? Một Dương Nguyệt Ánh vừa rạng danh dân Việt với áo dài con cháu Triệu Trưng! Một Huỳnh Hùng, đưa nước mắm dân tộc lên ngôi Vua Đầu Bếp. Hai lãnh vực khác xa nhưng cùng chung lý tưởng, rạng ngời Dân Việt!

Lá xanh tuổi trẻ phải về thủ đô để chứng minh cho toà

n thế giới biết, hơn 58,000 chiến binh Hoa kỳ và hàng triệu người Việt đã ngã xuống cho Nga Xô biến thể, cho bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ, thì bây giờ đồng minh phải có nhiệm vụ trả ơn cho những người dân Việt Quốc Gia.

Là nhiệm vụ phải không?


Đúng thế. Nếu cò

n nhớ một thuở xưa oai hùng mầu áo trận, một thuở nào Hòn Ngọc Viễn Đông thì không thể làm kẻ bên lề. Đây là c ơ hội để vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, để làm sáng ngời chính nghĩa quốc gia. Hãy chứng minh cho nhân dân Hoa Kỳ biết sự chọn lựa của họ 53 năm trước là đúng, đã cứu nguy cho nhân loại khỏi làn sóng đỏ; sự sám hối hôm nay của những kẻ phản chiến năm 73, sẽ được chúng ta tha thứ; sự phục hồi danh dự quân đội VNCH là bổn phận của Hoa Kỳ; sự quang phục quê hương với dân chủ tự do là điều phải thực hiện, là bổn phận của chúng ta, những người Việt Quốc Gia.

Đoà

n Kết là Chiến Thắng?


Đúng thế. Hãy đoàn kết bên nhau trong ngày tưởng niệm những người đã ngã xuống cho tự do. Hãy về Thủ Đô để cù ng nắm tay nhau trước bức tường lịch sử.


Xin hãy đóng góp, nếu tuổi già sức yếu.


TA KHÔNG LÀM, AI SẼ LÀM CHO TA?



Rừng gió Virginia

Hoàng Lan Chi
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Đám cưới người Cà Tu

(LĐ) - Đám cưới của người Cà Tu nhiều nơi nay đã bỏ đi những tập tục lạc hậu. Mời các bạn tham dự một đám cưới tại thôn Phú Túc, xã Hoà Phú (Hoà Vang - Đà Nẵng).
Khi đoàn nhà trai gồm già làng, bà con cô bác đến nhà gái để thăm và mời họ sáng mai đến nhà trai dự dám cưới, thường mang theo một số lễ vật như rượu, trà, trầu cau, thịt, nếp...

Đêm đó, nhà gái cúng ông bà và hai bên gia đình trao đổi nội dung ngày cưới vào hôm sau, trong phần trao đổi hai bên có hát lý (lối hát cổ của người Cà Tu trong các lễ hội). Sáng hôm sau, đoàn nhà gái đến nhà trai, họ mang theo gạo, nếp, gà, cá... để tặng nhà trai.

Trước khi bước vào "cổng cưới" (cổng vào rạp cưới), nhà gái đem ra một đĩa trầu cau để mời và một chén nước lạnh, trong chén có một viên đá trắng, ý nghĩa là: Nước trong trắng, đá bền vững nên mỗi người bên nhà gái đều phải nhúng ngón tay vào chén nước nhằm mục đích đoàn kết bền chắc hai bên gia đình.

Trong nhà, người ta đã trải hai dãy chiếu để đón tiếp nhà gái, dãy chiếu ở giữa nhà - trước bàn thờ ông bà - dành cho nam, còn nữ thì ngồi dãy chiếu bên. Sau đó, nhà gái đem trình rượu lễ, trầu cau, trà, thuốc ra để thưa chuyện... Một lát sau, người nhà trai bưng vào một rổ lớn thịt, chia cho mỗi người một cục thịt bò, tiếng Cà Tu gọi là "patró". Hai bên gia đình vừa ăn patró vừa uống rượu.

Sau đó gà, xôi, cá được dọn lên, và kèm theo một cái thau đồng cổ (thau không). Hai bên gia đình vừa ăn vừa uống rượu, nói chuyện và hát lý. Khi hai bên gia đình đã thống nhất nội dung thảo luận, cha của cô dâu và chú rể, đứng lên trước bàn thờ ông bà, cùng cắn vào cái miệng thau, tiếng Cà Tu gọi là "panhâm tay" .

Lý giải cho tục lệ này, già làng Đinh Văn Rời (80 tuổi) cho biết: "Hai bên gia đình nhà trai và nhà gái đã thống nhất, tức "đồng" một lòng, một dạ...". Sau đó, lễ cúng ông bà được tiến hành, trên bàn gồm hoa, hương đèn, chuối, gà... đặc biệt phải có một cặp cá suối (cá trắng) đã nướng chín, được cắm chúc đầu trên hai chiếc đũa, dâng lên bàn thờ. Tiếp theo, hai bên gia đình (khoảng 10 người) đến lạy và khấn vái. Đặc biệt họ khấn rất to, rất say sưa và mạnh ai nấy khấn...

Sau khi cúng ông bà, nhà gái có buộc sẵn hai con heo nằm bên hè nhà. Đại diện nhà trai thọc huyết một con và hứng lấy tiết trao cho cha của cô dâu, ông lấy ngón tay chấm vào chén tiết và quẹt trên trán những người có mặt trong nhà, lệ này tiếng Cà Tu gọi là "đhơơi xơnơ". Ông Trí cho biết: "Ngày xưa, giữa các bộ tộc, có nơi có lúc xảy ra hiềm khích, đánh nhau gây đổ máu triền miên, có hại cho sự trường tồn và phát triển của từng bộ tộc. Ngày nay, chúng ta làm sui gia với nhau, mọi sự hiềm khích, mâu thuẫn ngày xưa đều bãi bỏ hết, cùng nhau đoàn kết để tồn tại và phát triển...". Sau những tập tục cưới hỏi này, họ công nhận đôi trai gái đó chính thức là vợ chồng.

Xong lễ cưới, khi đoàn nhà trai ra về, đích thân anh ruột của cô dâu thọc huyết con heo to mà họ nhà trai dâng lễ . Con heo này, sau khi ra thịt, nhà trai tặng cho nhà gái mang về nhà. Nhà gái dùng một phần con heo này để ra mắt, báo cáo và đãi những người không có trong đoàn nhà gái đến nhà trai và đêm đó, cô dâu ngủ tại nhà chú rể...

Ngoài ra, nhà trai có che rạp đám cưới trước sân, có thuê nhạc, quản trò, có nhờ người Kinh đến nấu các món ăn, có mời bà con lối xóm, bạn bè... Tuy nhiên trong tiềm thức sâu xa, họ vẫn xem lễ cưới chính thức và có giá trị khi tổ chức theo tập tục cổ truyền của người Cà Tu.

Trai gái Cà Tu hay chọn mùa xuân để làm đám cưới. Mời các bạn, nếu có dịp ghé thăm bản làng của bà con dân tộc Cà Tu vào mùa cưới, bạn sẽ thấy bà con Cà Tu rất thân thiện và hiếu khách, họ vui vẻ mời bạn thưởng thức món "patró", rất thơm ngon, và hấp dẫn... được chế biến theo một "công thức cổ", truyền thống của bà con dân tộc Cà Tu.

Lê Quốc Kỳ
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Bà Bhutto trở về Pakistan, hơn 150,000 người dân đón chào bà
Trần Vũ theo AP, Oct 18, 2007
Cali Today News - Thế là sau 8 năm sống lưu vong trên đất khách, cuối cùng phi cơ chở bà cựu TT Pakistan B. Bhutto đáp xuống phi trường Karachi, với hơn 150,000 người ra đón chào bà trong vòng an ninh rất nghiêm ngặt.

Bà Bhutto đang nuôi nhiều hy vọng làm Thủ Tướng Pakistan nhiệm kỳ thứ 3, sau khi có nhiều dàn xếp chính trị với đương kiêm Tổng Thống Musharraf. Bà đã không cầm được nước mắt khi từ máy bay bước ra.

Tuyên bố với phóng viên AP, bà nói: “Tôi đã đếm từng giờ, từng phút, từng giây để thấy lại màu đất này, bãi cỏ này, bầu trời này, tôi thật sự quá xúc động.”

Bà cho hay bà sẽ tranh đấu cho nền dân chủ của đất nước 160 triệu dân để chống lại các thế lực bao che cho bọn khủng bố quốc tế ẩn náu trên đất Pakistan.

Bà nói: “Khủng bố không phải là hình ảnh của Pakistan, những người dân mà bạn thấy ngoài kia mới là Pakistan đich thực. Họ là những người lao động đàng hoàng, thuộc tầng lớp trung lưu và lao động cực khổ của đất nước, đang xây dựng một Pakistan hiện đại và ôn hòa.”

Bà Bhutto năm nay 54 tuổi đã ra sống đời lưu vong vì các tố cáo tham nhũng năm 1999. Nếu muốn trở thành Thủ Tướng lần thứ ba thì phải có một tu chính hiến pháp vì luật của xứ này không cho các lãnh tụ làm tới nhiệm kỳ 3.

Nhiều trăm xe bus và các loại xe khác mang đầy các biểu ngữ chào đón bà. Azad Bhatti, một nông gia chuyên chăn nuôi gia cầm nói ông ta có “lòng tin mãnh liệt” vaò sự lãnh đạo của bà Bhutto. Ông nói: “Dưới thời của bà không có bom nổ vì bà tạo việc làm và dân chúng không bất mãn.”

Trong lúc TT Musharraf giữ im lặng không có phản ứng thì Thủ Tướng Shaukat Aziz chào đón bà bằng những lời như sau: “Sự trở về của bà Bhutto có thể cải thiện tình hình chính trị và giúp dân chủ nở rộ.”

Trần Vũ theo AP
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

TT Bush vinh danh tất cả các binh sĩ Hoa Kỳ trong quá khứ và hiện tại trong một buổi lễ xúc động đến đẩm lệ tại Texas
Trần Thị Sông Dinh theo AP, Nov 11, 2007


Cali Today News – Hôm nay, TT Bush tham dự ngày Lễ Cựu Chiến Binh tại Texas, và là năm thứ năm, từ khi cuộc chiến Iraq nổ ra. TT Bush vinh danh tất cả các binh sĩ Hoa Kỳ trong quá khứ và hiện tại trong một buổi lễ xúc động đến đẩm lệ vào ngày hôm nay ở Texas, nhất là tưởng niệm 4 binh sĩ người Texas đã hy sinh trên chiến trường Iraq.

TT Bush nói: “Trong nỗi buồn của họ, những gia đình của những binh sĩ đã hy sinh nói trên và tất cả các gia đình trên toàn quốc có con em hy sinh cần biết rằng những người con thân yêu của họ đã hy sinh vì một lý tưởng tốt đẹp, đúng đắn và cao thượng. Là tổng tư lệnh của họ, tôi xin hứa là sự hy sinh của họ sẽ không vô ích.”

Cuối tuần này, sau hai ngày tiếp thủ tướng Đức và tham dự Lễ Cựu Chiến Binh tại Texas, TT Bush sẽ trở lại Hoa Thịnh Đốn vào ngày mai.

Cũng trong dịp này, TT Bush đã trách cứ quốc hội đã không chuyển đến cho ông những dự luật tài trợ các chương trình dành cho cựu quân nhân.

Dự luật dành cho các chương trình cựu quân nhân bị kẹt trong cuộc tranh chấp giữa TT Bush và quốc hội do Dân chủ kiểm soát. Phiá Dân chủ muốn tăng thêm 23 tỷ Mỹ kim cho các chương trình nội địa vào ngân sách đề nghi của TT Bush lên đến 933 tỷ Mỹ kim.

Về cuộc “tranh chấp” này, thì phía Dân chủ, chủ tịch Hạ Viện là bà Nancy Pelosi và chủ tịch đa số Thượng Viện là Harry Reid đã cùng gửi chung một lá thư đến TT Bush là họ muốn bàn với TT Bush về vấn đề này.

Trần Thị Sông Dinh theo AP
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »


Image

Tình Ca Mùa Thu
* Lê Ngọc Châu
· Thương tặng TLN, các em tôi XH, KH.
· Thân tặng chị NTVN, chị LvT, TV61 và cô láng giềng ThH.


Mùa Thu là một trong bốn mùa trên trái đất, nó là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa hạ sang mùa đông. Thu là mùa trong đó phần lớn các loại cây rụng mất lá của chúng. Thu cũng là mùa mà thời gian ban ngày ngắn dần lại và thời tiết thay đổi, cảm thấy lạnh hơn giữa cơn gió nhẹ và khi Thu về thì tại các vùng ôn đới lượng mưa cũng tăng dần lên trong một số khu vực.

Theo nghiên cứu của các nhà sinh vật học thì lá đổi màu vào mùa thu bởi vì:

- Ánh nắng mặt trời làm lá khô héo
- Lá sản xuất ít đi chất chlorophyll có tác dụng giữ lá xanh.
- Cây hút chất xanh để có đủ sức sống cho mùa đông.

(Những nhà sinh vật học giải thích (theo Internet / Wikipedia) như sau: Vào mùa thu, các loài cây sản xuất chlorophyll ít hơn, chất này mang lại màu xanh cho lá. Không có chlorophyll, một số lá mang màu của những chất còn lại, những chất này khác nhau ở các cây khác nhau, vì vậy tạo nên màu sắc đa dạng trong mùa thu).

Mùa Thu buồn, lãng mạn vì thế nên có rất nhiều nhà thơ, nhà văn lấy mùa thu làm chủ đề. Riêng trong kho tàng văn hóa Việt Nam thì mùa thu được nhiều tác giả mượn làm khung cảnh cho những sáng tạo và sáng tác của họ. Cũng trong chiều hướng đó, nhiều nhạc sĩ Việt đã mượn mùa Thu, hình ảnh của mùa Thu để sáng tác thành những bản tình ca rất trữ tình và lãng mạn.

Như chúng ta biết, Thu là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa Hạ sang Đông. Mùa Hạ (hay hè) thường có tiếng ve reo, cũng là mùa bãi trường và sau đó lại phải đi nhường chỗ cho mùa Thu trở lại. Hình ảnh này đã được nhạc sĩ (ns) Phan văn Hưng phát hoạ như sau:

Con ve sầu ve ve hè nào
Con ve sầu bao nhiêu nhiệm màu
Sớm Thu về tức tưởi xanh xao
Con ve chợt lột xác trên cao
(Con Ve Sầu của ns Phan văn Hưng &Nam Dao)

Có thi sĩ mong Thu sớm trở lại để từ đó nguồn cảm hứng dâng cao và họ mới có thể sáng tác phong phú được, ns Đoàn Chuẩn và Từ Linh có lẽ mang nỗi buồn hay vấn vương tiếc nuối gì đó nên đã gởi gấm tâm trạng của họ qua nhạc phẩm “Thu Quyến Rũ”:

Anh mong chờ mùa Thu

Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ Anh rồi.


Thu nay vì đâu tiếc nhiều
Thu nay vì đâu nhớ nhiều
Đêm đêm nhìn cây trút lá
Lòng thấy rộn ràng
Ngỡ bóng ai về.
(Đoàn Chuẩn và Từ Linh)

Thời gian qua đi không ngừng nghĩ nhưng đôi khi vì đa đoan công chuyện nên hầu như quên khấy đi không gian và thời gian. Đang đi ngoài đường, bỗng dưng nghe sột soạt vì chân mình vừa đạp lên những chiếc lá vàng rơi rụng hay chợt nhìn thấy chiếc lá úa lìa cành rơi xuống sân vườn thì lúc đó mới giật mình biết rằng Thu đà trở lại, và kỷ niệm bỗng chợt về nhưng chẳng biết người yêu giờ ở đâu mặc dầu anh chàng mõi mòn chờ đợi mà người tình vẫn biền biệt chưa đến, để rồi than thở:

Em có còn trở lại
Trời bây giờ vào thu
mây sầu dâng kín lối
Nghe em xa mịt mù

Em có còn trở lại
Khóc trong vòng tay anh
Như một trời u ám
Thương tình mình mong manh

(Em Có Còn Trở Lại của cố ns Trầm Tử Thiêng)

Mỗi năm, vào khoảng hạ tuần tháng mười trở đi thì thờitiết bắt đầu trở lạnh, lá cây tàn úa, rơi rụng trong vườn, ngoài ngõ phũ ngập lối đi. Buổi sáng sương mù, bầu trời âm u và ãm đạm. Đến xế trưathì có nắng vàng hanh và cơn gió heo mai đã làm cho những chiếc lá vàng từ cành rơi nhẹ làm cho cảnh Thu thêm thơ mộng,làm xao xuyến tâm hồn người nghệ sĩ. Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên và Thụy Anh đã mượn hình ảnh lãng mạn đó để nhắn nhũ, tỏ tình với người yêu, một nhạc phẩm được nhiều người ưa thích:

Em có nghe... mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe... nai vàng hát khúc yêu đương Và...
Em có nghe khi mùa thu tới... Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói... Mình yêu nhau nhé

Em có hay... mùa thu mưa bay gió nhẹ
Em có hay... thu về hết dấu cô liêu Và...
Em có hay khi mùa thu tới... Bao trái tim vương mùa xanh mới
Em có hay, hay mùa thu tới... Hồn anh ngất ngây
(Mùa Thu Cho Em)

Và khi người yêu đã đi xa, mang theo niềm thương và chôn vùi mối tình đẹp một chiều thu thì còn lại chỉ là nỗi nhớ không nguôi! Hãy nghe ns Lê Mộng Nguyên thay “chúng ta bộc lộ tâm trạng” này:

Người ra đi chìm trong sương gió
Dứt tình trong một chiều thu
Lòng mơ ước vinh quang ngày mai núi sông lừng vang khúc ca khải hoàn
Bao chiều thu qua
Chiếc lá thu nhắc bóng dáng người mơ màng nay còn đâu
Bao nhung nhớ trong tâm hồn thoáng hương xưa
(Chiều Vàng Năm Xưa)

Con người sinh ra để hoà đồng với xã hội. Đến lứa tuổi nào đó thì lại biết yêu, biết nhớ nhưng đôi khi không có được hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống hay trên đường tình. Vì thế con người nhiều khi cảm thấy rằng hình như mình thiếu vắng một cái gì đó, để rồi băn khoăn, rồi mơ mộng lãng mạn, nhớ nhung, nhất là khi ngoại cảnh buồn ảnh hưởng phần nào đến những tâm hồn đang cô đơn:

Mùa Thu không em anh buồn một mình
Cỏ hoa xanh xao chết từ ngày nào
Mùa Thu không em rừng Thu mông mênh
Lá vàng rụng sầu em có hay đâu ?
Mùa Thu không em anh về một mình
Đường mưa bay nhanh lối mòn gập gềnh
Mùa Thu không em hồn Thu ru êm
Tiếng buồn gọi về chua xót tình mê.
(Mùa Thu Không Em Phạm mạnh Cương)

Vâng, Thu đã về cùng với làn gió nhẹ, khẽ lay rụng những chiếc lá trên mặt đất, bụi cây ngọn cỏ:

Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa

Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian
(Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của ns Đoàn Chuẩn và Từ Linh)

Cảnh vật thay đổi làm cho lòng người cũng cảm thấy bâng khuâng. Lá rơi rụng ngập lối đi như nhắc nhỡ chúng ta về sự phù du của cuộc đời, giống như chiếc lá: xuân về xanh tươi, đến thu thì úa vàng và cuối cùng rơi rụng, lìa cành. Mùa Thu đến như gợi nhớ trong ta biết bao kỷ niệm mà ta một thời đã trải qua, theo từng giai đoạn và từng khúc quanh của giòng đời:

Mùa thu lá bay anh đã đi rồi!
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau!
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau
(Mùa Thu Lá Bay)

Thu tạo nên cảm hứng và không có cảnh nào đẹp, tình tứ hơn là cảnh cùng người yêu tay trong tay dạo bước chiều Thu:

Trời mùa thu lắm mây

còn bước em đi quên về
vòng tay ôm lẻ loi

cho mình còn mãi thương nhau
Chậm lặng người đi qua trên đường phố rét mướt
dấu chân chưa tìm về chút kỷ niệm ngày đầu
để từng mùa thu đến
ra đi không mang tin nỡ quên thôi đành sao
(Mùa Thu Trong Mưa của ns Trường Sa)

Cơn nắng chiều tàn chợt rực lên, nhuộm một màu vàng lên vạn vật, rồi lịm tắt. Mùa Thu cũng thế, đẹp tuyệt vời nhưng buồn và mau tàn úa. Nhạc sĩ Lam Phương rung cảm trong cảnh Thu ãm đạm và gió heo may làm rơi rụng những chiếc lá vàng khô. Kỷ niệm Thu năm nào trở về trong ký ức khách tha hương, nhất là đối với những người Việt tị nạn bỏ xứ ra đi sau ngày 30.04.1975. Ra đi đôi khi chẳng kịp từ giả người thân, không một lời tạm biệt với người tình và có lẽ ai trong số người bỏ nước ra đi tìm tự do hầu như đều mang theo trong tâm khảm ít nhiều những hoài niệm khó quên:

Buồn không em (?)
Mùa thu tan tác lá bay gọi nhau bên thềm
Buồn không em (?)
Những chiều cô đơn xâm chiếm hồn em
Vài tia nắng xuyên qua rèm
Hồng đôi má em cho lòng buồn thêm
Những đêm xa nhà, đời lữ thứ buồn không em?
(Buồn Không Em của Lam Phương)

Gió Thu lành lạnh. Con đường còn ẩm ướt sương đêm. Trong đêm đen, kỷ niệm chợt quay về như như níu kéo, như yêu thương và cảm giác cô đơn lan toả để rồi chợt thấy lòng mình bỗng se lại, tê tái giữa cơn mưa, giống như tâm trạng của ns Lê Minh Bằng qua “Mất Nhau Mùa Thu”:

Đêm thu còn đây... mưa vẫn giăng mắc mưa đầy
Người đã xa người, tình đã phai rồi
không còn đường mưa chung lối
Em đi về đâu? Cho gió mưa rớt u sầu
Đèn phố không màu,

Mùa thu với cái nắng vàng ươm, với gió bay nhè nhẹ làm rung động người nghệ sĩ nên có nhiều nhạc sĩ sáng tác những bản tình ca độc đáo khi Thu về, như Nguyễn Hiền với “Mái Tóc Dạ Hương”:

Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút ân tình vương tóc quen

Hay nhạc sĩ Từ Công Phụng với “Mùa Thu Mây Ngàn”:

Chiều nay có mùa thu đi về
Buồn vương mây ngàn giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn hong gió thu buồn

Mùa Thu mộng mơ cũng là khung cảnh của những cuộc tình đắm say nhưng không sao tránh khỏi những lần chia tay đầy nước mắt được thể hiện qua nhạc phẩm rất nổi tiếng “Ngàn Thu Aó Tím” của nhạc sĩ Hoàng Trọng :

Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm còn lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau.

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” và vì con người vốn nhạy cảm, dễ lưu luyến cái buồn trong thiên nhiên nên có lẽ chúng ta cũng chẳng lạ gì khi sự rạo rực của con tim dễ giao cảm với cảnh Thu buồn, phản ảnh qua lời nhạc của Đặng Thế Phong và Bùi Công Kỳ với tuyệt tác “Giọt Mưa Thu”:

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!

Nhạc sĩ Cung Tiến thì não nùng, ai oán hơn với “Hoài Cảm”:

Chiều buồn len lén tâm-tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa

Ngay cả khi qua xứ người, nhìn Thu người nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã bắt gặp hồn thu giữa xứ lạ ngập đầy lá vàng và không thể dằn nỗi cảm hứng nên dòng nhạc Thu lai láng sáng tạo thành ca khúc “Mùa Thu Đông Kinh”:

Mùa thu Đông Kinh
Buồn như tình em trong cơn gió
Đìu hiu liễu bên đàng ru lòng ai
Lá thu vàng trên bờ vai
Như bao nhiêu thu tình
Mang theo bao nỗi lòng
Tiếng gió thu lạnh lùng

Thu với khí trời mát mẻ, trong lành thường đem lại nguồn cảm hứng cho biết bao nhạc khúc, chẳng hạn “Lời Tình Băng Giá” của Nhạc sĩ Anh Bằng:

Ru nỗi buồn nhớ anh
Ôi nhạc Thu buồn xa vắng
Giọt Thu sầu lai láng
Tình trôi vào quên lãng

Không biết làm sao định nghĩa đúng được “tình yêu” nhưng tình yêu đã làm cho biết bao nhiêu nam nữ đâm ra thất tình, đau khổ. Lắm lúc yêu nhau thật nồng nàn, để rồi nhớ nhau, rồi khắc khoải đêm ngày, nhất là mỗi độ mùa Thu ảm đạm quay về:

Chiều thu mưa vẫn rơi
Chiều thu mưa vẫn rơi
Nhạc thu ru nắng phai nhạt nhòa cuối trời
Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây
Tình anh như núi sông, biển rộng mênh mông…
(Tình Là Hư Không của thi sĩ Phạm anh Dũng)

Cái buồn làm cho nội dung bài thơ, lời nhạc trở nên ướt ác và làm cho vẽ đẹp trở nên quyến rũ, lôi cuốn hơn. Cảnh vật chỉ đẹp, chỉ thơ mộng khi nó phảng phất một chút buồn. Và những vần thơ, những áng văn hay những nhạc phẩm được người đời ưa thích nhất vẫn là những bản nhạc buồn, chất chứa „một ít“ nhớ thương. Rồi đến lúc cũng phải nghẹn ngào tiễn đưa Thu, như cảnh chia tay trong luyến tiếc của những cặp tình nhân thiếu may mắn, cuộc tình đổ vỡ không trọn vẹn:

Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về
Ngày mai, người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt
Có những đêm về sáng đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi
đã vội chi men rượu nhấp đôi môi mà phung phí đời em không tiếc nhớ
Lá đổ muôn chiều ôi lá úa, phải chăng là nước mắt người đi
Em ơi đừng dối lòng dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta

Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người
Cầm bằng như không biết mà thôi
Lá thu còn lại đôi ba cánh,
đành lòng cho nước cuốn hoa trôi …
(Lá Đổ Muôn Chiều của ns Đoàn Chuẩn và Từ Linh)

Người được coi là nhạc sĩ của mùa Thu là Đoàn Chuẩn (và Từ Linh). Những tình khúc mùa Thu do ông viết, có nhiều bản từng ru hồn người nghe như “Chiếc Lá Cuối Cùng”, “Chuyển Bến”, “Dang Dở”, “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”, “Lá Đổ Muôn Chiều”, “Tình Nghệ Sĩ”, “Thu Quyến Rũ” và “Vàng Phai Mấy Lá” ….

Còn nhiều nhạc sĩ đã cho ra đời những bài “Tình Ca Thu” rất trữ tình. Rất tiếc là trong bài phóng tác này tôi chỉ có thể trích vài bản tiêu biểu, giới thiệu đến quý độc giả, mong quí vị thông cảm.

* Lê Ngọc Châu (Munich, Đầu Thu_11.2007)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Những Đứa Trẻ Giữa Lòng Thủ Đô
Image
Ra sức dắt xe cho khách. Ảnh: Tuấn Anh.
Tối cuối tuần, phố Lương Đình Của (Đống Đa, Hà Nội) náo nhiệt với hàng chục "nhân viên" nhí của các cửa hàng ốc, chân gà nướng... lao ra giữa đường mời khách.

Vài chiếc xe máy đời mới đỗ xịch trước cửa hàng ốc Minh Hương, hai cậu bé đen nhẻm, gầy gò lao ngay ra, nhảy phắt lên xe, rồ ga phóng thẳng vào một góc khuất cất xe cho khách. Tại bàn, một cậu bé khoảng 13 tuổi, ra hướng dẫn bàn cho khách. Một cậu nhí khác đã lễ khễ bê khay đựng sung, xoài, gia vị ra đứng chờ. Khi khách yên vị, cậu nhoẻn miệng: “ Anh, chị dùng luộc hay xào? Ngô và rượu luôn nhé?".

Những giọt nước mắt trẻ thơ
Nhìn dáng người nhỏ nhắn của Hoà ít ai nghĩ cậu bé đã 15 tuổi, quê Thanh Sơn, Phú Thọ". Hoà cho biết, có 15 "nhân viên" nhí, phục vụ cho gần 10 quán ăn ở đây. Hầu hết ở độ tuổi 14-15. Đa phần là quê Phú Thọ, cũng có một số ở tỉnh khác. Vừa nói cậu vừa liếc sang nhìn bà chủ: ''" Bà chủ em mà biết ngồi buôn dưa lê với khách, thế nào em cũng bị… phạt".

14 tuổi, nhưng nhìn Sơn không khác cậu bé chưa lên 10. Mới vào làm việc cho quán ốc này nửa tháng, ít nói và chậm hơn so với các "đồng nghiệp" nên Sơn thường xuyên bị các anh, chị giục giã. Còn đang thu dọn "bãi chiến trường" do khách để lại, cậu bé giật nảy mình vì tiếng quát "Sơn ra lau bàn, lấy tăm, bê ốc cho khách". Những lời sai khiến cậu cuống quýt lật đật chạy đi.

Đang học dở lớp 7, Hường bỏ học xin bố mẹ cho phép theo bạn bè ra Hà Nội kiếm sống. Tuy thương con nhưng bố mẹ cũng chẳng biết khuyên cô thế nào, bởi đã nhiều tháng nay nhà trường gửi giấy thu học phí về nhà nhưng gia đình cô vẫn không biết xoay ở đâu. Nói chuyện với khách, Hường lại nghẹn giọng nấc lên, mặt luôn cúi gằm.

"Ban đầu em làm việc cho một quán phở trên đường Đê La Thành. 4h sáng đã phải dậy đun nước, nhặt rau, sáng ra chạy lon ton trong quán bê phở cho khách. Những bát phở nóng bỏng người lớn phải hai tay mới bê được nhưng em thường phải bê một lúc hai bát, lâu dần cũng quen", Hường nói.

“Hồi mới lên em cũng nhớ nhà lắm, nhiều đêm không ngủ được. Suốt ngày các bà chủ la hét, nhiều khi ức quá muốn bỏ về ở với bố mẹ…nhưng nghĩ lại đành chấp nhận”, Hường chia sẻ.

Do làm quá nhiều, không quen việc nên cô bé bị ốm. Chủ nhà cho về chơi mấy hôm nhưng khi lên đã "mất chỗ". Thay vào đó là một cậu bạn khác to béo hơn. Hường phải đầu quân cho mấy quán ốc trên phố Lương Định Của.

Image
Thu dọn sau bữa ăn của thực khách.
Ảnh: Tuấn Anh.
Tại chỗ làm mới, cuộc sống của Hường cũng không khá hơn. Chiều chiều, cả lũ trẻ mang, vác bàn ghế, đồ đạc ra vị trí chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. "Bán hàng xong, bà chủ cầm túi tiền ra về, bọn em ở lại dọn dẹp. Đến 1 -2h sáng chúng em mới được đi ngủ. Nhiều hôm khách đến ăn khuya, cả chủ lẫn nhân viên cắm đầu cắm cổ chạy hàng khi có bóng dáng của…công an xuất hiện", Hường kể.

Tân, nhân viên cũng làm việc trong một quán ăn ở quận Đống Đa cho biết, hồi mới vào làm em cũng chỉ nhận được 300.000 đồng mỗi tháng. Sau 6 tháng thử việc, ông bà chủ đã quyết định tăng lên gấp đôi. Theo cậu bé gốc Thanh Hóa này, để nhận được những đồng lương ít ỏi đó, các "nhân viên" nhí phải trả giá bằng những lời mắng chửi, nhiếc móc, phạt, thậm chí còn bị một “ma cũ” hành hạ.

Hình thức phạt chủ yếu của quán ốc là rửa bát (nếu phạm một trong những lỗi: ngồi lên xe máy của khách, không tập trung vào việc chuyên môn). Nặng hơn chủ quán trừ lương.

Nguyễn, một "nhân viên" nhí đang giúp việc cho một gia đình trên phố Thái Thịnh cho biết: "Hễ vỡ một cái cốc, cái bát hoặc không vừa lòng việc gì cũng bị ăn chửi. Thậm chí bà chủ còn dọa, nếu bỏ về bà sẽ trừ một tháng lương để kiếm người khác thay thế”.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như Nguyễn. Làm cho một hàng phở tại Đê La Thành 5 tháng, mỗi tháng 400.000 nhưng khi Linh chuyển nơi làm mới chủ quán chỉ trả cho 200.000, rồi hẹn sau quay lại lấy. "Thời gian thì không có em đã quay lại nhiều lần nhưng vẫn chưa lấy được", Linh cho biết.

"Bọn em đến đây gần năm rồi chỉ thấy mấy lần công an khu vực bắt đi lăn vân tay thôi, chứ chưa thấy một tổ chức xã hội nào giúp đỡ. Nhiều lúc nhìn những đứa trẻ khác bằng tuổi tung tăng cấp sách đến trường, nô đùa cùng bạn bè em cũng thèm được như họ", mắt cậu bé 13 tuổi chớp chớp nhìn đâu đó xa xăm.

Ngồi nghe chuyện của đám trẻ, chị Minh bán xoài xanh, nem chua rán trên phố Lương Đình Của tâm sự: "Cảnh đi làm thuê thì phải vất vả, phải chịu nghe chửi. Ai "son" thì rơi vào chủ nhà biết điều. Nếu không lại giống cô bé Bình, đi làm thuê cho quán phở ở dưới Thanh Xuân vừa được báo chí nêu".

Tuấn Anh - Xuân Tùng
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Image

Nguồn Gốc Lễ Tạ Ơn
Thấm thoát mà chúng ta đã bước vào những tháng cuối cùng của một năm, với những ngày lễ đặc biệt. Tháng Mười Một chúng ta có Lễ Tạ Ơn và tháng Mười Hai là lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu xuống trần. Hoa Kỳ là quốc gia của những người di dân, là tập họp của nhiều sắc dân từ các nước trên thế giới. Lễ Tạ Ơn là ngày lễ của những người từ một đất nước khác di dân đến Hoa Kỳ, để cảm tạ Ðức Chúa Trời về sự dẫn dắt và hồng ân Chúa ban cho trên vùng đất mới. Chúng ta cũng là những người di dân, vì thế lễ Tạ Ơn cũng là lễ của người Việt chúng ta và có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta.

Lễ Tạ Ơn đầu tiên được tổ chức vào năm 1621. Sau khi gặt hái được vụ mùa đầu tiên, nhóm người di dân đầu tiên từ Anh Quốc đã tổ chức một buổi lễ để cảm tạ Ðức Chúa Trời đã dẫn dắt họ đến bến bờ tự do, gìn giữ họ khỏi những hiểm nguy trên vùng đất xa lạ và ban cho họ sản vật trong mùa gặt đầu tiên. Những nhóm người di dân khác đến đất nước này về sau cũng tiếp tục giữ ngày lễ Tạ Ơn để dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ và lòng biết ơn. Người Việt chúng ta luôn luôn đề cao lòng biết ơn nên chắc chắn chúng ta không thể không cảm ơn Ông Trời hay Ðức Chúa Trời, Ðấng đã đưa dẫn chúng ta đến đất nước này và đã ban cho chúng ta biết bao nhiêu ơn lành, từ vật chất đến tinh thần và tâm linh.

Lễ Tạ Ơn đầu tiên được tổ chức vào năm 1621, nhưng đến hơn hai trăm năm sau, tức là vào năm 1863, dưới thời Tổng Thống Abraham Lincoln, lễ này mới chính thức trở thành một quốc lễ, là ngày lễ cho cả nước. Lúc đó Hoa Kỳ đang ở trong cuộc nội chiến Nam-Bắc, tình hình khó khăn, tương lai mờ mịt, nhưng Tổng Thống Lincoln đã kêu gọi dân chúng dành một ngày đặc biệt để dâng lời cảm tạ Ðức Chúa Trời về những ơn lành Ngài ban. Hôm nay chúng ta cũng ở trong hoàn cảnh bi đát tương tự: Ðời sống bất an, khủng bố đe dọa hằng ngày, kinh tế suy sụp, chiến tranh ở Iraq không biết bao giờ chấm dứt. Thêm vào đó là những thiên tai bão lụt, gió lốc, cháy rừng, cháy nhà ... Làm sao có thể dâng lời cảm tạ Chúa? Chúng ta có ơn phước gì để mà cảm tạ Chúa đâu. Ðể tìm câu trả lời, chúng ta hãy cùng nhìn lại xem tại sao trong hoàn cảnh đen tối của năm 1863 mà Tổng Thống Abraham Lincoln lại tuyên bố chọn một ngày làm ngày lễ Tạ Ơn Thiên Chúa cho toàn dân. Ông đã nêu những lý do gì để kêu gọi dân chúng dành riêng một ngày để tạ ơn Ðức Chúa Trời?

Chúng tôi xin trích lại dưới đây một phần trong bài diễn văn của Tổng thống Lincoln, tuyên bố chọn ngày Thứ Năm cuối tháng Mười Một hằng năm làm ngày Lễ Cảm Tạ. Ông nói với dân chúng Hoa Kỳ những lời như sau:

Một năm nữa lại sắp chấm dứt. Chúng ta đi vào những ngày tháng cuối của năm nay với tràn đầy phước lành, với hoa quả của đồng ruộng và bầu trời an lành. Ngoài những phước lành đó, chúng ta còn được nhiều phước lành khác, những phước lành lạ thường. Những phước lành lớn lao có thể thâm nhập hay đi thấu vào những tấm lòng vốn thờ ơ trước sự quan phòng và dẫn đắt kỳ diệu của Ðức Chúa Trời Toàn Năng, và khiến những tấm lòng thờ ơ đó phải mềm đi. Trong hoàn cảnh chiến tranh, trước những đổ nát điêu tàn kinh khủng và lớn lao chưa từng có, trật tự đã được vãn hồi, mọi người đều tôn trọng và tuân giữ luật lệ; hòa bình và sự hài hòa đã chiếm ngự khắp nơi, ngoại trừ trên chiến trường, giữa đám quân lính. Dù nhà nông đã phải chia xẻ của cải, vật thực và nhân lực cho việc phòng thủ quốc gia; cày bừa, xe cộ, tàu bè vẫn được sử dụng và hoạt động bình thường chứ không bị ngưng trệ. Dân số trong nước tiếp tục gia tăng, và đất nước ngày càng được hưởng tự do nhiều hơn, rộng rãi hơn.

Tất cả những điều tốt đẹp chúng ta có ngày nay không phải do một người nào trên đời hướng dẫn hay do bàn tay của con người làm thành. Tất cả những điều đó là những món quà quý giá, đặc biệt mà Ðức Chúa Trời Toàn Năng đã ban cho chúng ta. Trong khi nghiêm khắc sửa dạy lầm lỗi của chúng ta, Chúa vẫn nhớ đến đức nhân từ của Ngài. Tôi nhận thấy rằng, chúng ta cần nghĩ đến những phước lành Chúa ban với lòng cung kính, khiêm cung và biết ơn. Dân chúng Hoa Kỳ cần có đồng một lòng, một tiếng nói, dâng lên Ðức Chúa Trời lòng biết ơn. Vì thế tôi xin trân trọng gọi mời tất cả quốc dân Hoa Kỳ, từ các thành phố, làng mạc, các phần của đất nước, luôn cả những người đang đi trên biển hay đang sống ở nước ngoài, hãy dành ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một sắp đến đây, làm ngày để cảm tạ và tôn cao Cha của chúng ta, là Ðấng cai quản trên các từng trời. Tôi cũng kêu gọi đồng bào hãy quan tâm chăm sóc cứu giúp những người đã trở thành góa bụa, mồ côi, những người đang than khóc và đau khổ vì ảnh hưởng của chiến tranh. Những đau thương này chúng ta không tránh được. Xin đồng bào hết lòng khẩn cầu Ðức Chúa Trời Toàn Năng chữa lành những thương đau của đất nước và phục hồi đất nước chúng ta, theo ý định tốt đẹp của Ngài, để chúng ta sớm được hưởng trọn vẹn bình an, hài hòa, yên lành và hiệp một.

Viết tại Washington, ngày 3 tháng 10 năm 1863, năm của Chúa chúng ta.

Ký tên: Abraham Lincoln.

Biết về nguồn gốc của lễ Tạ Ơn sẽ giúp chúng ta thấy được ý nghĩa của ngày lễ một cách rõ ràng hơn. Dù đã gần một trăm năm mươi năm kể từ ngày Ngày Lễ Tạ Ơn được thiết lập và dù có biết bao nhiêu thay đổi trong cách sinh hoạt và làm việc của mọi người trong xã hội, chúng ta vẫn tiếp tục nhận ơn lành của Ðức Chúa Trời, vì thế chúng ta vẫn cần dâng lời cảm tạ Ngài. Là cha mẹ, điều làm chúng ta sung sướng hơn cả là con cái có lòng biết ơn. Nếu chúng ta hy sinh cho con, cố gắng làm lụng vất vả để cho đời sống con được đầy đủ, sung sướng mà các con không biết nói một lời cảm ơn, không có một cử chỉ, một hành động nói lên lòng biết ơn, hoặc đi bày tỏ lòng biết ơn với người khác, chúng ta thật đau lòng. Thế nhưng có thể lắm đó là cách chúng ta đang làm đối với Ðức Chúa Trời, Người Cha yêu thương, Ðấng đã ban cho chúng ta sự sống cùng bao nhiêu ơn lành khác. Ðời sống hiện tại có nhiều khó khăn và thách thức thật, nhưng so với những người tại quê nhà, với người ở các nơi khác trên thế giới, chúng ta vẫn có nhiều điều để cảm tạ Chúa. Có một bài thơ nói lên những điều bình thường trong đời sống mà chúng ta thường phàn nàn nhưng thật ra đó là những phước lành Chúa ban mà chúng ta cần dâng lời cảm tạ Chúa. Chúng tôi xin phỏng dịch lại như sau:

Hãy cảm tạ Chúa khi quần áo bạn bị chật, vì điều đó chứng tỏ bạn không thiếu ăn.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn phải vất vả thu dọn sau một bữa tiệc, vì điều đó cho thấy bạn còn có bạn bè và người thân ở bên mình.
Hãy cảm tạ về số tiền thuế bạn phải đóng hằng tháng, vì chứng tỏ bạn không thất nghiệp.
Hãy cảm tạ khi bạn phải làm vườn, cắt cỏ, vì như thế là bạn đang sở hữu ngôi nhà mình ở.
Hãy cảm tạ khi bạn phải trả tiền sưởi trong mùa đông vì chứng tỏ bạn đã được sưởi ấm.
Hãy biết ơn Chúa khi bạn phải giặt giũ quần áo, vì như thế là bạn có dư quần áo để mặc.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn tìm được một chỗ đậu ở cuối bãi đậu xe, vì bạn còn có sức khỏe, có thể bước đi trên đôi chân của mình.
Hãy cảm tạ Chúa khi trong nhà thờ có người hát lạc giọng, vì nó cho thấy tai bạn vẫn còn bén nhạy.
Hãy cảm tạ Chúa khi có người phê phán phàn nàn chính quyền, vì chứng tỏ bạn đang được sống trong một xứ tự do, bạn có thể nói lên ý kiến của mình mà không sợ gì cả.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn bị đồng hồ đánh thức mỗi sáng, vì điều đó chứng tỏ là bạn vẫn còn sống.

Cầu xin Chúa giúp chúng ta nhìn thấy những phước lành Chúa đang tuôn tràn trên cuộc đời chúng ta, để chúng ta có thể dâng lên Chúa lời tạ ơn với lòng biết ơn Ngài sâu xa.



Minh Nguyên
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Thêm Một Mùa Giáng Sinh, Nơi Xứ Lạ

HỒ ÐINH
Thế là giáng sinh sắp đến, ngày mai ta lại trở về quê hương mở hội mừng Chúa ra đời. Ôi giấc mơ chiêm bao mộng mị bao mùa, chưa chi đã làm cho cõi hồn người viễn khách bồi hồi trong ngấn lệ, khi chợt nghĩ tới những trang lưu bút ngày xanh, thơ ngây ngọt ngào, nay chỉ còn lại trong men nồng đắng lệ.

Tỉnh nhỏ ngày xưa những trận mưa bay cuối thu, làm cho Phan Thiết đêm mù như cõi mộng. Bài thánh ca "Ðêm Ðông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Ðời", thường được em hay hát nho nhỏ, khi hai đứa đứng núp đưới mái hiên mưa, lặng đếm những cánh hoa sao quay tít ở trên đầu, để rồi thở dài trước một mùa đông đã đến.

Tất cả bây giờ chỉ còn trong kỷ niệm, của những ngày thân ái bên nhau trong giáo đường. Tôi, một kẻ ngoại đạo nhưng yêu em, nên cũng hát thánh ca và thường quỳ giữa hai hàng nến trắng. Buổi đó, cuộc đời thật thơm ngát, theo những cánh hoa huệ trắng nở rộ ngọt ngào, trong lòng mọi người. Nhưng dòng đời ai biết được, là trong tiếng nhạc Organ cao vút, không phải chỉ có lời thánh thiện lướt bay như sóng cuộn, mà còn có tiếng pha lê rơi vỡ nát của một cuộc tình. Rồi những mùa Giáng Sinh bất chợt, kẻ viễn khách lại tìm tới các Giáo Ðường xa lạ, lắng nghe tiếng chuông đổ xào xạc trên lầu cao, để tưởng như mình đang hứng những giọt nước mắt ngày xưa, của tôi của em, như hai hàng bạch lạp chảy, trong đêm thánh vô cùng.

Tàn mùa chinh chiến, người lính trận lỡ bước xa nhà, lang thang khắp thôn làng thị trấn nào đó, vào đêm Giáng Sinh mừng Chúa ra đời. Lúc đó chỉ còn có mình ta, bước lẽ loi trong giáo đường xa lạ, nhìn người để thương nhớ cho số phận buồn hiu của cuộc đời, mà phần lớn tuổi trẻ đã đi trên giàn lửa và sống kiếp lang thang mây chiều.

Hạ Uy Di, mấy hôm nay trời bổng trở lạnh theo mùa đông tới. Sau lễ tạ ơn, cuốn lịch treo tường đã thấy mỏng dần, chỉ lật thêm mấy tờ là tới lễ Giang Sinh và Tết Dương Lịch. Các cửa hàng khắp thành phố đã bắt đầu trang hoàng đủ thứ, nào thông xanh, ông già Noel, đèn nến, hoa sao, cũng như mở nhạc giáng sinh, làm cho hồn thêm xao xuyến, chạnh nhớ lại những mùa lễ hội tại quê nhà trước năm 1975. Ở đây, cảnh nhộn nhịp chỉ kéo dài tới chiều ngày 24-12 là chấm dứt. Tất cả hàng chợ đều đóng kín, mọi người ai cũng trở về nhà sum họp vơi gia đình, bè bạn, trong những căn nhà ấm cúng, giữa tiệc rượu vui vẻ, hạnh phúc.

Giáng sinh đang đến gần, tiết trời cũng bớt se lạnh khi trận mưa đông cuối mùa sắp dứt. Nhìn người người nô nức chuẩn bị, khiến lòng hằng mơ ước, mùa yêu thương vĩnh cửu sẽ luôn tới với mọi người, để xin Chúa Hài Ðồng ban bình an thật sự cho nhân loại. Hàng khối quà tặng giữa những tấm thiệp chúc tụng bay như bươm bướm và các tiệc yến linh đình, biến tuần lễ cuối tháng 12 Dương lịch, thành mùa lễ nhộn nhịp và quan trọng nhất trong năm.

Có một sự lạ lùng mà ít người để ý tới. Ðó là khi những cơn gió mùa đông bắt đầu thổi về lành lạnh, chỉ đủ làm ửng hồng những đôi má đẹp hay làm rạng rỡ thêm mấy chiếc áo len hương ấm. Cũng là lúc có một loài hoa, đang âm thầm chuyển mấy cánh lá noãn, từ xanh ra màu đỏ. Mọi người bảo đó là Hoa Giáng Sinh và ngoài kia Hoa cũng đang rực rỡ, báo hiệu một mùa giáng sinh sắp tới.

1-Ði tìm tung tích của các danh từ, liên hệ tới Giáng Sinh :

Xưa nay nhiều người hay lẫn lộn về nguồn gốc của các danh từ ngoại quốc liên hệ tới ngày lễ Giáng sinh như Noel hay Christmas.

Trước hết "Noel" là Pháp ngữ, thoát thai từ tiếng La Tinh "Natalis". , chứ không phải là tiếng Do Thái cổ. Sự lầm lẫn trên, phần lớn là do bản gốc của Kinh Thánh, trong phần Cựu Ước, hoàn toàn được viết bằng chữ Do Thái Cổ. Về sau mới được dịch ra tiếng Hy Lạp và La Tinh. Theo từ nguyên, chữ "Natalis dies" của latin, có nghĩa là Ngày sinh nhật hay Sự ra đời. Về sau, để tiện gọn, các nhà Ngôn ngữ học, đả bỏ bớt chữ "Dies", mà nói tắt là "Natalis", để chỉ ngày sinh. Hình thức nói tắt này, chính là nguồn gốc (Étymon) của danh từ "Noel" mà ta dùng tới ngày nay. Ðây là Luật biến đổi ngữ âm, của văn phạm La Tinh, dùng hoán chuyển các tiếng gốc sang Pháp ngữ ngày xưa, chẳng hạn như Natalis ố Nael ố Noel...

Từ tiếng gốc có nghĩa chung là "Sinh Nhật", dần dần người ta viết hoa chữ Noel, đồng thời bỏ thêm hai chấm trên đầu chữ E, một hình thức phủ nhận chữ e này không thể kết hợp với chữ O đứng trước, để trở thành một Nhi Trùng Âm (Diphtongne), như các chữ thông thường khác. Dụng ý của người xưa là vậy. Từ đó chữ Noel, trên đầu có hai chấm, viết hoa, chỉ dùng để chỉ ngày sinh của Chúa Jesus mà thôi.

Riêng chữ Christmas cũng là một tiếng Anh cổ, được kết hợp bởi hai thành tố : Christ chỉ Chúa Jesus, còn "Mas", qua biến thể của chữ Mass cổ, có nghĩa là Lễ của Nhà Thờ hay Lễ Hội. Hình thức của Mas (mass), một thứ tiếng Anh cổ, cũng có gốc từ chữ Latin là Missa với nghĩa "Lễ nhà thờ". Trong tiếng Pháp, cũng có chữ "Messe", được Việt hoá thành "Misa", cũng có nghĩa là Lễ Nhà Thờ. Cuối cùng là vấn đề biến dạng từ chữ "Christmas "sang "Xmas". Như ta biết, danh từ Christ tuy là tiếng Anh nhưng có từ nguyên là tiếng La Tinh "Christus "mà ra. Nhưng chữ La Tinh này lại được mượn từ tiếng Hy Lạp "Khrislos", có nghĩa là Người được xức dầu thành, chỉ Chúa Jesus. Do các quy luật phức tạp chuyển ngữ các chữ cái, giữa hai ngôn ngữ trên, nên mới có biến thể từ Christmas sang Xmas, nhưng khi đọc, vẫn là Christmas, chứ không bao giờ là Xmas.

Nói chung dù các chữ Noel, Christmas, Xmas xuất phát từ đâu chăng nữa, thì tựu trung đều có nghĩa, chỉ ngày giáng sinh của Chúa Jésus, mà theo truyền thuyết nhằm ngày 25-12 năm 1 tại Bethleem, cách thành phố Jerusalem của Do Thái, độ 9 km. Riêng chữ Advento của La Tinh, mà các tín đồ Thiên Chúa giáo quen gọi là mùa Ắt hay mùa Vọng, một nghi thức truyền thống, cũng được cử hành riêng biệt tuỳ theo tập quán của các nhà thờ. Theo đó qua thánh lễ lâu đời, trước một tháng lễ sinh nhật, có tục đặt bốn cây nến, tượng trưng cho sự trong lành của Thiên Chúa, soi sáng nhân loại. Cũng trong mùa Vọng, giáo đồ không hát kinh GLORIA, cũng như khi cử hành thánh lễ, các linh mục và bốn cây nến mùa vọng, đều mang màu tím, là một biểu tượng của sự sám hối, đối với người theo đạo Ky Tô.

Hiệp định Genève 1954 chia hai VN thành hai nước riêng biệt. Miền Bắc do Hồ Chí Minh cùng đảng Cọng sản đệ tam quốc tế cai trị, mà trước năm 1975 thường được một ít trí thức khoa bảng và số sư cố hám danh mù quáng, gọi là Thiên Ðường Xã Nghĩa. Tại Hà Nội buổi đó có nhiều sứ quán ngoại giao Tây phương lẫn Cọng sản. Ðể lừa bịp bọn da trắng ngu khờ cũng như giúp cho phe ta đang đánh trống thổi kèn, hòa hợp phản chiến, đâm sau lưng quân dân Miền Nam. Hồ và đảng chơi trò hưu chiến cuội ngày Giáng Sinh, đồng thời tự sơn phết nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, hằng năm để lấy vải thưa che mắt thánh. Sau đó, Tòa Giám Mục phải è cổ ra trả tiền, cũng như từ năm 1965 về sau, trong các cuộc hưu chiến nhân lễ Giáng Sinh tại VNCH, từ Bến Hải vào tới Cà Mau, đều bị VC lợi dụng tấn công, bất chấp dư luận Quốc tế phỉ nhổ, vì chúng đã có đồng đảng tại Miền Nam chống lưng, khen bợ.

Chuyện cũ làm nhớ tới Sài Gòn mấy năm nay, sau ngày mở cửa. Mặc kệ cho dân chúng cả nước sống nghèo cực tới mức không còn ai nghèo hơn, vì tai trời nạn nước, trước sự bóc lột cùng tận của cán bộ đảng, qua sự cấu kết của thiểu số Việt kiều làm việt gian toa rập. Ðể khoe với thế giới bên ngoài, sự phồn vinh giả tạo tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và Sài Gòn. Ðối với VC xưa nay, tôn giáo của chúng là sự mù quáng tin thờ Lê-Mác-Mao-Hồ, ngoài ra tất cả chỉ là dịch vụ trao đổi mua bán. Cho nên sự kiện biến ngày lễ Giáng Sinh thiêng liêng của nhân loại ngàn đời, thành "Mùa Ăn Chơi" tại các khách sạn quốc tế nơi Thành Hồ như Equatorial, cùng với nhiều nhà hàng khách sạn khác, thuộc công ty quốc doanh du lịch dã ngoại Lửa Việt, cũng là điều tất yếu của những con người không còn nhân tính. Vật giá leo thang như mây trời gió cuốn, thời tiết thì nay lụt mai nóng, còn công việc làm ăn, từ nghề biền làm ruộng cho tới bán buôn, đều do cán bộ đảng quyết định. Cho nên ăn chơi mức nào cũng có, kể cả "nhất dạ đế vương", cũng chỉ là chuyện bình thường của tập đoàn tham nhũng VC, nhất nhì trên thế giới hiện nay, đang sống trong biển bạc rừng vàng... Bởi vậy đừng trách tại sao người Việt trong nước ngày nay, tâm tình biến đổi, đến độ nhiều phụ nữ phải bỏ quê hương cha mẹ, người thần để lấy chồng xứ lạ tận Ðài Loan, Hoa Lục, Nam Hàn, Mã Lai. mà thực chất là bán thân để giúp cho gia đình tồn tại. Lừa bịp cả nước trong mọi dich vụ, từ chuyện lúa gạo, cao su, cà phê, nuôi cá, tôm, gà vịt nay lại tới sự may mặc. Tất cả chỉ mang lợi nhuận vĩ đại cho cán đảng, tư bản đỏ cùng một thiểu số Việu Kiều-Việt Gian môi giới bày vẽ mà thôi. Còn cả nước thì gần như sạt nghiệp sập tiệm, và theo các hãng tin trên thế giới, VN nếu không có lượng kiều hối hằng năm gửi về hằng tỉ đô la quân viện, chắc là trong nước dân chúng quá đói khổ lầm than, đã nổi loạn dành sự sống trong tay bọn dảng cướp lâu rồi.

2-Những Tập Tục Trong Ðêm Giáng Sinh :

Trải qua 200 năm đầu của Tây Lịch, theo sử liệu cho biết các nhà thờ lúc đó đang kiểm soát gắt gao đạo Thiên Chúa, đã không tổ chức Lễ Giáng Sinh. Lý do là lúc đó, không có ai biết được một cách chính xác, ngày sinh của Chúa Jésus, ngay cả trong bốn "Sách Tin Mừng", cũng không hề nhắc tới. Do trên các Giáo hôi lúc đó, chỉ để ý tới Cuộc Tử Nạn và Mùa Phục Sinh của Chúa mà thôi.

Từ sau năm 201, mới bắt đầu có tổ chức mừng sinh nhật Chúa Hài Ðồng. Tuy vậy giữa hai Gíao Hội Ky Tô tại La Mã và Ðông Phương, cũng không thống nhất. Nói chung, các nước lúc đó thường tổ chức Lễ Giáng Sinh vào các ngày 6-1, 25-3 và 25-12... tùy theo tập quán lễ hội của quốc gia mình. Phải đợi tới giữa thế kỷ thứ 4, năm 335 sau Tây Lịch, cả hai Giáo Hội Thiên Chúa La Mã và Ðông Phương, mới nhất thống, cử hành Lễ Giáng sinh vào đêm 25-12 hằng năm, cho tới bây giờ.

+ LỄ GIÁNG SINH :

Mùa Giáng Sinh được người Ðức gọi là "Weihnachten", tức là những đêm Thánh vô cùng. Riêng những danh từ "Natale" của Y’, "Noel" của Pháp, "Natividad" Tây Ban Nha hay "Christmas của Anh, Mỹ, Canda... đều có nghĩa là Sinh Nhật Chúa. Ðây là một lễ hội, được gắn liền với nhiều tục lệ cổ truyền, đã có từ ngàn năm trước nhưng tới nay vẫn được chấp nhận. Nhờ đó đã giúp cho lễ Giáng Sinh đầy ý nghĩa và thêm vui nhộn.

Lễ này bắt đầu từ các lễ hội dân gian truyền thống hằng năm của các dân tộc Âu Châu. Năm 335, Hoàng Ðế La Mã là Constantin khởi xướng, lấy ngày 25-12 làm sinh nhật Chúa Jésus và đã trở thành ngày sinh nhật hằng năm của Ðấng Cứu Thế. Thật ra lý do chọn ngày 25-12 rất hợp lý, nhất là đối với các dân tộc sống bên hai bờ Ðịa Trung Hải như Ai Cập, Syrie, Hy Lap, La Mã... vì đây cũng là ngày kỷ niệm Vị Thánh Bổn Mạng của Họ, tức là Vị Thần Mặt Trời Chiến Thắng Sol Invictus. Còn đối với các xứ Bắc Âu, sau khi đã trải qua một mùa đông giá băng lạnh cóng, suốt những ngày thu phân cho tới 25-12. Ðây là thời điểm sắp giao mùa, giữa đông sang xuân, ngày dài đêm ngắn, mà ai cũng thích, nên họ mở hội ăn mừng. Ngay người Ba Tư tận Nam Á, cũng có phong tục mừng sinh nhật của Thần Ánh Sáng Mithras vào đúng vào ngày 25-12 hằng năm. Nhưng lý so chính, khiến cho Hoàng Ðế La Mã Constantin, cũng như nhân loại, đã hân hoan chọn ngày trên làm ngày sinh nhật Chúa, nguyên do vì năm đó, có ngôi sao Bethlehem đầu tiên, đã xuất hiện rực rỡ giữa bầu trời đông băng giá.

+ TỤC KÉO CỦI VÀ ĂN ÐẦU HEO :

Trong đêm Giáng Sinh, người Bắc Âu sẽ cùng nhau kéo một khúc gỗ sồi, được mang từ rừng về, gây nên cảnh tượng rất vui nhộn khi mọi người gặp nhau đều ngả nón hay cười vui chào hỏi. Tại nhà, khúc củi được đốt lên bằng mồi lửa được giữ từ tro than năm ngoái. Khúc lửa này sẽ được chủ nhân giữ trọn năm, vì mọi người đều tin rằng lửa sẽ giữ được cho ngôi nhà của họ quanh năm được ấm cúng hạnh phúc, tránh được tật bệnh thiên tai từ bên ngoài đem tới.

Cũng ở Bắc Âu ngày xưa, người ta tin rằng Vị Thần Ðiều Khiển Ngũ Cốc cư ngụ ở trong đầu heo, nên cứ đến ngày lễ Giáng Sinh, lại có tục giết heo làm thịt ăn, với hy vọng mùa màng thêm trúng. Ngày nay vùng này, trong đêm lễ, chiếc đầu heo thật được thay bằng những ổ bánh hình con heo.

+ HOA GIÁNG SINH :

Tại VN, người ta gọi nó là hoa Trạng Nguyên, theo truyền thuyết từ một câu chuyện cổ tích diễm tình. Ngày xưa có một sĩ tử trên đường vào kinh đô ứng thí, đã nhìn thấy một giống cây lá xanh, mọc tha thướt bên vệ đường. Khoa đó ông đỗ trạng nguyên và trên đường về vinh quy bái tổ, bất chợt gặp lại cây lá xanh bên đường hôm nào. Nhưng hôm đó nó đã biến đổi một cách kỳ diệu, vì những cánh lá xanh nõn nường trên ngọn, nay trở thành màu đỏ thắm, như đang đồng điệu với thế nhân, chúc người thi đổ. Cảm khái, ông đã không ngần ngại ban cho giống hoa tình nghĩa trên một mỹ danh "Hoa Trạng Nguyên" và được lưu giữ tới ngày nay.

Ðây chính là giống cây, mà hằng năm trên thế giới, người ta dùng trang trí trong ngày sinh nhật và họ gọi là Hoa Giáng sinh (Christmas Flower). Ðây là một loại hoa rất đặc biệt, vì hoa cũng là lá và lá cũng là hoa với một cụm lá màu đỏ ở trên đỉnh, được bao quanh bởi đám lá xanh. Ở Ðông phương, giống hoa này cũng rất được yêu thích và được gọi bằng những cái tên khả ái như "Nhất Phẩm Hồng" (Trung Hoa) hay "Tinh Tinh Mộc" (Nhật Bản). Nhưng dù mọc ở đâu hay được gọi bằng một cái tên nào chăng nửa, nó vẫn là biểu tượng của sự cao quý, dịu dàng và mộc mạc, rất phù hợp với tâm lý của người đàn bà VN. Có lẽ vậy, nên ở miền quê, hoa này thường được trồng trước ngõ hay trên rào giậu như dâm bụt, với ngụ ý chào mừng khách quý. Là giống cây thân mềm, lá xanh ẻo lã rất giống các thiên kim tiểu thư và chỉ chuyển đổi màu lá từ xanh sang đỏ, trong thời gian nhất định, giữa tuần lễ từ Giáng Sinh tới Tết Nguyên Ðán mà thôi. Ngoài ra, thời tiết càng lạnh lẻo, thì hoa càng có màu sắc rực rỡ.

Theo truyền thuyết của phương tây, thì hoa này có liên hệ với Chúa Jésus, bởi chúng được tạo thành từ những giọt máu cuối cùng của Ngài, khi bị đóng đinh trên cây thập giá. Chính màu máu tươi đã nhuộm màu lá xanh thành đỏ thắm và chính giữa có những nhụy vàng. Cũng do tính chất thần thánh trên, mà hầu hết các thiệp chúc và bánh giáng sinh, gần như đều có in hình cánh hoa truyền thống này.

+ CÂY GIÁNG SINH :

Trước khi đạo Thiên Chúa vào Âu Châu, thì trong các cuộc lễ hội tại Ý, Tây Ban Nha và nhiều nước khác, người ta dùng hoa để trang hoàng. Nguyên do vì quan niêm của nhà thờ lúc đó, cho rằng thông có liên hệ tới nhiều tôn giáo khác. Còn Thụy Ðiển thì bảo cây thông là biểu tượng của chết chóc và tang tóc. Ngoài ra cũng được coi là cây giáng sinh, còn có cây ô rô cũng thường được dùng để trang trí trong mùa lễ. Sở dĩ nó được chọn như thông, vì những chiếc lá gai gốc của ô rô, rất giống chiếc vòng gai của Ðấng Cứu Thế, còn những quả màu đỏ mọng, lại được coi như những giọt máu tươi chũa Chúa khi bị đóng đinh trên cây thập tự giá.

Bắt nguồn từ cây Sapin ở Bắc Âu, cây thông đã được người Thủy Ðiển mang vào nước Ðức, trong cuôc chiến 30 năm (Gueere de Trente Ans). Theo sử liệu của Ðức, thì cây thông chính thức được nhắc tới năm 1605. Tuy nhiên thực tế trước đó, người Ðúc vùng Elsass và Hắc Lâm, theo đạo Thiên Chúa Cải Cách của Mục Sư Martin Luther (1483-1546), đã dùng cây thông để trang trí trong ngày lễ giáng sinh. Chính Luther là người đầu tiên đặt những ngọn nến lên cây giáng sinh và gọi đó là những biểu tượng của các vì sao trong đêm sinh nhật. Ngoài ra cây thông còn là biểu tượng của dân Ðức chống lại Nã Phá Luân.

Ðến thế kỷ thứ XIX, thông theo đoàn quân viễn chinh của Phổ, vượt biển Manche vào quần đảo Anh Cát Lợi và Ái Nhĩ Lan. Thông sau đó lại được công chúa nước Anh là Mercklembourg, khi thành hôn với công tước Orléans, đã mang thông vào nước Pháp. Cũng từ đó, thông chính thức được thay thế các loại hoa, để trang trí vào dịp lễ giáng sinh. Cũng theo sử liệu, thì việc trang trí bánh kẹo trên cây giáng sinh tại nước Anh, bắt đầu từ thời Nữ Hoàng Victoria. Năm 1880, hãng Wooworld của Mỹ, lần đầu tiên khởi xướng đầu tiên việc bán các đồ vật treo trên cây giang sinh. Năm 1882 bóng điện được thay nến để trang trí. Tai Mỹ, Calvin Loolidge là vị tổng thống đầu tiên, thắp sáng cây thông trồng phía ngoài Tòa Bạch Ốc vào năm 1923.

Thông hiện nay là một biểu tượng của mùa giáng sinh, được trưng bày hầu hết mọi nơi, từ công sở, chốn công cộng, các cửa hiệu cho tới trong gia đình. Tại Hoa Kỳ vào dịp lễ giáng sinh, , dân chúng tiêu thụ khoảng 20 triệu cành hay nguyên cây thông. Với chiều cao 67, 4m cây thông được coi là cao nhất thế giới, được dựng tại Northgate Shopping Center, thành phố Seatle, Tiểu bang Washington. Ðài Loan và Nam Triều Tiên, hiện là hai quốc gia Á Châu sản xuất nhiều thông giả nhất thế giới, trong khi các Tiểu bang North Carolina, California, Pennsylvania, Wiscosine, Michigan, Oregan... trồng nhiều thông nhất Liên Bang, để cung cấp cho dân Mỹ trong mùa lễ giáng sinh.

+ ÔNG GIÀ NOEL VÀ TỤC TẶNG QUÀ GIÁNG SINH :

Ðó là một người có thật, sau trở thành Thánh Nicholas sống vào thế kỷ thứ 4 sau TL. Ông tên thật là Santa, sinh tại Patara thuộc miền Lycya những sống tại Myra, nay thuộc Thổ Nhỉ Kỳ. Theo sử liệu, ông là người có tính tình vị tha nhân ái, thường lấy tài sản của mình, để phân phối cho người nghèo, trẻ em. Vào mùa lễ giáng sinh, ông thả những túi đựng tiền vàng, xuống ống khói lò sưởi hay ném qua cửa sổ, những bít tất dài trong đó dựng đầy quà, dành cho trẻ em nghèo. Năm 325 ông được phong chức giám mục tại Nicaca nhưng lúc qua đời thì chôn tại nhà thờ Myra và được phong thánh. Cũng từ đó, trong mùa lễ phục sinh, tòa Thánh La Mã đã phối họp mừng chung với thánh Nicholas. Năm 1087, người ta đánh cắp thi hài của ông, đem về chôn tại nhà thờ Bari của nước Ý. Sự kiện trên càng làm tăng thêm mức khả tín của người Âu Châu đối với nhân vật huyền thoại Santa. Do đó ông trở thành vị Thánh bổn mạng của Hy Lạp và Nga. Nhiều thành phố lớn như Fribourg (Thụy Sĩ), Mạc Tư Khoa (Nga)... đều tôn vinh Santa như vị cha già. Uy tín to lớn của ông đến nỗi, ngay từ tời Hoàng Ðế La Mã Jutinta 1, trị vì thế kỷ thứ VI, cũng đã cho xây nhà thờ tại Constantinople. Từ đó về sau, khắp thế giới, đã có hằng ngàn nhà thờ lớn nhỏ, mang tên ông.

Nhưng từ khi đạo Tin Lành ra đời tại Âu Châu, thnh Nicholas bị xem là người của đạo Thiên Chúa, nên không còn được tôn trọng, trừ Hòa Lan. Từ đó, lại có các ông già Noel khác ra đời như Weihnachtsmann (Ðức), Pere Noel (Pháp), Father Christmas (Anh), Santa Claust hay Saint Nick (Hoa Kỳ)... Tuy nhiên dù được mang một tên gì chằng nửa, thì củng chỉ một hình thức biến dạng từ chữ gốc Saint Nicholas mà thành. Tại New York, những người Mỹ gốc Hòa Lan, được coi là dân tộc đầu tiên mang ông già Noel từ Âu Châu vào Bắc Mỹ. Họ gọi thánh Nicholas là San Nicholaas, sau đó là Sant Klaus và cuối cùng trở thành Santa Claus tời ngày nay.

Ngoài đời ông xuất hiện như một người bình thường. Ðó là ông già béo tốt, râu tóc bạc phơ nhưng đôi má lại đỏ au, luôn mặc bộ quần áo đỏ, tượng trưng cho hạng người vui vẻ, độ lượng và chân thành. Vì xuất phát từ miền bắc cực, đúng vào mùa đông, nên thường ngự trên một chiêc xe tuyết do bốn hay sáu con hươu kéo đưa ông dạo chơi khắp nơi. Ðặc biệt trên vai ông lúc nào cũng vác một chiếc bị lớn đựng quà bánh và đồ chơi cho các trẻ em.

Cũng liên quan tới ông già Noel, có tục tặng quà trong mùa lễ giáng sinh. Ðây cũng là một tập quán lâu đời của người La Mã cổ, với thói quen hay tặng quà cho nhau, trong các dịp lễ hội hay Tết Dương Lịch. Ngoài ra theo truyền thuyết ghi trong kinh thánh, sau khi Chúa sinh ra đời được 12 ngày, thì ba Vua mới mang lễ vật tới chúc mừng. Vì vậy ngày nay, tại các nước Ý, Tây Ban Nha và nhiều nước theo Ky Tô giáo, trẻ em nhận được quà sau khi giáng sinh, đã qua 12 ngày.

Tại Hoa Kỳ, năm 1822 thi sĩ Clement Moore đã viết bài thơ "Ðêm Trước Giáng Sinh "đưa thêm uy tín của Thánh Nicholas lên đỉnh yêu thương của mọi người, còn họa sĩ nổi tiếng Nast, qua các bức hí họa, làm cho hình ảnh của ông già Noel, càng đi sâu vào tâm hồn của người trần thế.

+ BÍ ẨN VỀ NGÔI SAO BETHLEHEM :

Theo thánh kinh, Bethlehem là ngôi sao lớn và sáng nhất giữa bầu trời, trong đêm Chúa sinh ra đời. Vì vậy qua các tranh ảnh vẽ hình Chùa Jésus, bao giờ cũng có một ngôi sao chiếu sáng rực rỡ. Chính nó đã dẫn đường Ba Vua tìm tới được hang lừa, nơi Chúa ra đời trong một đêm đông lạnh lẽo.

Ðể tìm hiểu vị trí của ngôi sao Bethlehem, các nhà thiên văn học trên thế giới đã dày công nghiên cứu, hiện tượng Supermova, tức ngôi sao mới sớm nở tối tàn. Ðối với bậc thông thái như Ba Vu, thì họ chẳng cần tới ngôi sao Bethlehem dẫn đường mới tới được Jérusalem, vì họ là những nhà tiên tri biết được chuyện vị lai quá khứ.

Tháng 5 năm thứ 5 trước TL, thiên văn học Trung Hoa lúc ấy đã ghi nhận được, sự xuất hiện của một ngôi sao chổi đặc biệt, đang quét trên bầu trời Nam Dương, trong suốt 70 ngày. Ðây cũng có thể là thời gian Ba Vua đang trên đường tới hang đá ở Bethlehem ? Tất cả đều là sự bí ẩn, vì không ai biết được chính xác ngày sinh của Chúa Jésus. Nhưng năm 1604, nhà toán học Johannes Keeper, đã tính được vị trí của các hành tinh thời Chúa ra đời. Ngoài ra đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo xưa, thì sao Vệ Nữ còn được gọi là Sao Hôm, mọc trước bình minh, được coi như là một biểu tượng của đấng cứu thế. Có lẽ ngôi sao Bethlehem, chẳng qua chỉ là sự hội ngộ của hai ngôí sao sáng nhất trong Thái dương hệ. Ðây là một giả thuyết hợp lý nhất, chứng minh sự hiện hữu của ngôi sao Bethlehem, chỉ có trong huyền thoại.

Nhưng dù có hay không, ngôi sao Bethlehem cũng vẫn là hình ảnh đặc biệt, trong dịp lễ giáng sinh. Ðã có nhiều cuộc thi trên thế giới, qua đề tài tìm hiểu về nguồn gốc của ngôi sao trên. Tại Palmerlake ở Tiểu bang Colorado vào năm 1934, đã dựng một ngôi sao Hòa Bình, trên một khu vực rộng tới 500 bộ, trên sườn núi Sandance Deak. Tại thành phố Bethlehem thuộc Tiểu bang Pennsylvania, cũng có dựng một ngôi sao lớn, trên công viên Zinzendorf, từ ngày 4/12 tới 2/1 năm tới, mới bị dẹp.

+ BÀI THÁNH CA BẤT HỦ :

Tiếng Anh gọi các bài hát giáng sinh là Carol, tiếng Pháp là Noels, còn Ý là Pastorelles, người Ðức thì gọi Kristlieder... Nhưng dù có gọi bằng thứ ngôn ngữ gì chăng nửa, thì nguồn gốc vẫn từ các nhà thờ xưa, nơi thường diễn các vở kịch để nhớ về ngày sinh và cuộc đời Chúa Jésus, có kèm theo những bài hát vui tươi. Ngày nay có rất nhiều Thánh Ca nổi tiếng như The First Nowell, God Red Ye Merry, Gentlemant... và trong số này, bài "Silent Night, Holy Night" muôn đời vẫn được thế giới xưng tụng là bài thánh ca bất hủ.

Tại Âu Châu ngày nay, đêm giáng sinh ngồi quanh ánh lửa bập bùng chờ lễ. Các cụ thường kể cho con cháu nghe xuất xứ của bài thánh ca nổi tiếng. Trong lúc đó, khắp mọi nơi trên thế giới, từ các miền băng giá tuyết phủ, cho tới những khu rừng nhiệt đới âm u. Từ các đô thành phố thị muôn sắc muôn màu, cho tới hải đảo cô thôn tịch mịch. Ðâu đâu nhân loại qua ngàn vạn ngôn ngữ khác nhau, cũng đều cất cao giọng hát, bài thánh ca bất hủ "Tille Nacht, Heilige Nacth, Silent Night, Holi Night, Douce Nuit, Sainte Nuit... hay Ðêm đông lạnh lẽo Chúa ra đời. Lời ca thánh thoát, lôi cuốn kỳ diệu, cuồn cuộn ra muôn vạn ý thơ, không khác gì hoa tuyết đang là bay lả chả, trên những mái nhà cũ kỹ, của vùng quê miền Savoice nước Áo, vào mỗi độ giáng sinh về.

Năm 1818 tại ngôi làng nhỏ Oberndorf, thuộc Tyrol (Áo). Ở đây, quanh năm tuyết phủ trắng xóa. Tại ngôi nhà thờ nhỏ trong làng, đêm giáng sinh năm đó, vì cây đàn duy nhất của nhà thờ bi hư, nên cha Joseph Mohr đã viết bài ca thay thế, bằng sáu câu thơ giản dị. Bài hát được Franz Gruber, một thầy giáo già cùng làng phổ nhạc. Sau đó bài hát được phổ biến quanh vùng, rồi lan khắp nước Áo cùng các xứ lân cận. Tuy nhiên chẳng có ai truy nguyên xuất xứ, vì họ nghĩ rằng, đây chỉ là một bài dân ca xưa.

Mãi tới năm 1830, bài hát tình cờ lọt vào mắt Vua Nước Saxe. Ngài cũng là một nhạc sĩ tài danh thuở đó, nên sau khi nghe được bản nhạc, đã quyết định lập một Ủy Ban Ðặc Biệt, đi khắp nơi để truy tìm xuất xứ. Vì vậy mới tìm được tác giả trong ngôi làng nhỏ nghèo là Oberndorf.

+ MÁNG CỎ VÀ HANG ÐÁ :

Qua bao nhiêu thế kỷ, mỗi năm cứ vào mùa giáng sinh, các tín đồ đạo Thiên Chúa đều dựng lại khung cảnh Chúa ra đời, trong máng cỏ. Nhưng tuy cùng một tín ngưỡng, người Nhật dựng máng cỏ qua một đám rước, do các Samourai thực hiện, gần giống như người Esquimo ở miền bắc Canada, tạc tượng Chúa Hài Ðồng bằng băng, rồi đặt nằm trên một chiếc xe trượt tuyết. Riêng Giáo Hội Ðông Phương vì ảnh hưởng nghệ thuật Byzantin, nên đặt Chúa nằm trong một hang đá chứ không trong chuồng bò tại Palestine. Ngoài ra tượng Mẹ Maria thì đặt nằm trên một cái nệm, qua trạng thái mệt mỏi yếu duối của một sản phụ, vừa mới sinh xong.

Theo truyền thuyết, Thánh Francois là người đầu tiên, đã sang tạo ra Máng cỏ vào năm 1223 tại làng Greccio, vào đêm giáng sinh. Nhưng phải đợi tới thời Vua Charles III của thành Naples, Máng cỏ mới đạt tới thời hoàng kim, suốt thế kỷ XVIII. Vì được triều đình chú trong và nâng đỡ, việc làm Máng cỏ trong mùa giang sinh, không những được phổ biến trong cung nội, dinh thự văn võ bá quan, mà còn bành trướng ra ngoài xã hội, từ giới sang giàu trí thực, xuống tận người nghèo bình dân, trở thành một mốt thời thượng cho hạng lắm của nhiều tiền.

Phong trào dựng Máng cỏ trong đêm giáng sinh, từ đó lan tràn khắp các nước Âu Châu, khién cho dân thành Naples phải kéo nhau đi làm công, khắp các thành phố lơn như Aix En, Provence (Ý), Olot (Tây Ban Nha), Oberammergau (Ðức)... Hằng năm, tại khu vực Canabière, trong thành phố Marseille của Pháp, đều có tổ chức "Hội Chợ Máng cỏ", từ tháng chạp tới giàng sinh. Hiện nay trong Viện Bảo Tàng Naples và trên Ðảo Sicile (Ý), Munich (Ðức), còn lưu trữ nhiều bộ sưu tập "Máng cỏ" được hình thành qua nhiều thời đại tuyệt đẹp. Thang 12/1996 tại phi trường Orly, danh họa Salvador người Tây Ban Nha, đã triển lãm một máng cỏ giống như tai người khổng lồ, trong đó chứa toàn bộ những nhân vật huyền thoại của già đình Chúa Jésus. Tóm lại dù củ hay mới, hình ảnh máng cỏ cũng gợi cho chúng ta, sự trong sáng của tâm hồn giữa cảnh nhiễu nhương và man trá.

Năm 1975 có một nhóm thợ lặn ở làng Laveno thuộc miền Bắc Ý, đã đặt một tượng Chúa dưới đáy hồ Majeux, sâu 23m, trong vùng Lombardie, sát biên giới Ý-Thụy Sĩ. Từ đó mỗi năm tới đêm giang sinh, các thợ lặn lại đem thêm tượng Chúa xuống đặt dưới đáy hồ. Năm 1978 cũng nhóm thợ lặn trên, đã đặt dưới đáy hồ sâu 3m gần bờ, một máng cỏ trong đó có ba tượng Joseph, Maria và Chúa Jésus. Tính tới nay, số tượng Chúa dưới đáy ho Majeux đã có 42 tượng và nhiều máng cỏ. Những tượng này được tạc bằng đá trắng Vicence ở Bắc Ý, nặng trên 15 tấn. Lễ hội hằng năm tại dây vào đêm 24 -12, thu hút hằng trăm ngàn du khách và tín đồ. Trong lúc trên bờ tiếng chuông nhà thờ đổ dồn dập, thì dưới làn nước sâu lạnh lẻo, máng cỏ Noel ân hiện chập chờn, lung linh huyền ảo theo từng cơn gió thoảng.

+ KINH THÁNH VÀ CHỮ THẬP :

Theo từ nguyên của danh từ "Bibble" của Hy Lạp, thì kinh thánh có nghĩa là những cuốn sách nhỏ. Theo truyền thuyết, thì kinh thánh được liên tục viết trong 1600 năm, khởi đầu từ năm 1513 trước TL, cho tới năm 98 sau TL. Hiện nay còn truyền được 66 cuốn, mà quyển đầu tiên là kinh"Sáng Thế Kỷ". Kinh này thuật lại câu chuyện mất vườn địa đàng, do sự phản nghịch của ông Adam và bà Eva. Còn cuốn cuối cùng là kinh "Khải Huyền", trình bày địa cầu sẽ trở lại cảnh địa đàng, qua sự chăm sóc của Chúa. Thật ra câu chuyện vườn địa đàng là ám ảnh và nổi bưc xúc của nhân loại hơn 2000 năm qua, và họ cứ mãi miết đi tìm, từ những ốc đảo, rừng rậm cho tới miền núi đồi băng giá. Cuối cùng khắp các nơi chốn đi qua, con người lại mang thêm niềm nhớ muôn thu, khi cảm nhận được sự lầm lẫn đã đánh mất cõi thiên đàng.

Cho tới thế kỷ thứ 16 sau TL, vẫn chưa có ai thắc mắc về sự việc liên quan tới vườn Eden trong kinh Sáng Thế Kỷ, trái lại người ta càng ra sức tô bồi thêm thắt câu chuyên cho phong phú diễm tình. Nhà tiên tri Ezechiep đã viết "trong vườn địa đàng, ở hai bên bờ dòng thac, mọc lên mọi thứ cây ăn quả, không bao giờ héo úa, cạn kiệt, năm tháng đều có thu hoạch mới...". Chính những lời tiên tri đó, thúc đẩy con người thực hiện những giấc mộng đi tìm thiên đàng, trong nổi mơ hồ lãng mạng cho tới hôm nay, vẫn còn chưa hề nao núng, dù thực tại vẫn là ảo vọng.

Trong 66 cuốn kinh thánh, 39 cuốn đầu tiên viết bằng tiếng Hebrew, một phần nhỏ khác dùng chữ Aram. Còn 27 cuốn cùng mới dùng chữ Hy Lạp. Năm 280 trước TL, kinh thánh được dịch toàn bộ ra chữ Hy Lạp, gọi là bản Septuagint. Sau cùng lại được dịch ra chữ LaTinh. Ngày nay kinh thánh được dịch ra 1700 thứ tiếng, với số ấn bản hằng tỷ cuốn, lưu hành khắp thế giới. Tóm lại kinh thánh co 31. 102 câu, 1189 chương, chia thành 66 tập, chương ngắn nhất là chương thanh thi 117 và chương 119 dài nhất.

Riêng chữ thập được coi như một biểu tượng phong phú nhất của con người. Chính truyền thống Thiên Chúa Giáo đả làm giàu ý nghĩa của chữ thập. Trong các tranh ảnh nói về đạo Ky Tô, chữ thập diễn tả nhục hình cũng như nổi thống khổ của đấng cứu thế. Hiện nay trên thế giới có 4 loại thánh giá và mỗi thứ mang riêng một ý nghĩa. Thánh giá có hình chữ T, tượng trưng cho con rắn bị đóng trên một cây cọc, nói về sự tử vong. Thánh giá có một thanh ngang, hiện được lưu dùng khắp thế giới, đó là thánh giá của phúc âm, tượng trưng cho 4 yếu tố căn bản của con người và sự bành trướng của đạo thiên chúa khắp 4 hướng. Chân thánh giá chôn dưới đất là nền tảng của đạo, nhánh trên là hy vọng hướng về thiên chúa, thanh ngang là tình yêu vươn lên với kẻ thù, còn bề dài nói về sự bền chí. Loại thánh giá có hai thanh ngang, thanh trên có ghi dòng chữ của Ponce Pilate "Jésus thành Nazareth, vua Do Thái", còn thanh dưới là chỗ tựa tay của Chúa trước khi chết. Thánh giá này còn được gọi là Anjou hay Lorraine, một biểu tượng của nước Pháp từ năm 1473. Trong thế chiến 2, lực lượng liên minh tự do kháng chiến của De Gaulle cũng dùng quân hiệu với màu đỏ, đối nghịch với quân Pháp đã đầu hàng Hitler, dùng phù hiệu chữ vạn ngược màu đen. Cuối cùng là thánh giá có ba thanh ngang, tượng trưng cho kỷ cương của đạo, tương xứng với ba vòng mủ của Giáo Hòang, Hồng Y và Giám mục. Từ thế kỷ thứ XV về sau, theo luật của Tòa Thánh La Mã, theo đó chỉ có Giáo Hoàng được đeo thánh giá ba thanh ngang, Hồng Y đeo thánh giá hai thanh ngang và Giám Mục trở xuống đeo thánh giá một thanh ngang. Tuy nhiên cũng tùy theo địa phương, với giáo hội La Mã thì thánh giá gồm một một dài một ngắn. Giáo hội Phương Ðông có hai thanh bằng nhau. Ðặc biệt tín đồ thiên chúa giáo vùng Saint André, mang thánh giá hình chữ X.

+ NHỮNG BỨC TRANH VÔ GIÁ VẼ MẸ MARIA VÀ CHÚA JÉSUS :

Ngoài người Ai Cập, La Mã và Trung Hoa, dân tộc Hy Lạp cũng mang tính nghệ sĩ độc đáo qua mọi thời đại và đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật ngay từ thế kỷ thứ 5 trước TL. Nhưnng từ khi Ky Tô giáo từ vùng cận đông du nhập vào Âu Châu, đã làm có nhiều thay đổi quan trọng trong nghệ thuật, suót thời trung cổ, kéo dài từ thế kỷ thứ V ố XV sau TL. Ðây cũng là giai đoạn các nhà nghệ sĩ đã chuyển từ chủ nghĩa Duy Nhiên sang vẽ Bích và Minh Họa các vị Thánh, đạt tới mức hoàn mỹ.

Tuy nhiên vì các đề tài đều do đơn đặt hàng của Tòa Thánh hay nhà thờ, cho nên hầu hết đều mang tính ước lệ, kiểu mẫu từ hình thức cho tới nội dung.

Sau thời trung cổ, nhờ các họa sư người Ý như Giotto, Leonard de Vinci, Raphael Santi... đã có công lớn trong việc làm sống đọng nghệ thuật Ky Tô giáo, từ thời phục hưng cho tới ngày nay, qua các họa phẩm về Mẹ Maria, Chúa Jésus, bằng cách mượn ngay hình ảnh của người bình thường, để làm mẫu vẽ. Với Leonard de Vinci, ông đã thành công tuyệt mỹ, qua bức tranh "Ðức Mẹ Thành Benoir", khi mượn hình ảnh hiền dịu khả ái của một thiếu phụ trẻ, đang mỉm cười nhìn cánh hoa đang hé nở trong tay đứa bé. Toàn bộ bức tranh thật linh hoạt sống đọng, qua hình ảnh người thiếu phụ tượng trưng cho mẹ Maria. Nhưng ý nghĩa nhất vẫn là đôi mắt của Chúa Hài Ðồng, lúc chăm chú nhìn vào cánh hoa, đồng thời đưa một ngón tay khẻ chạm vào nó, như sợ vuôt mắt niềm tin quý báu. Bức tranh này về sau được gọi "Tranh Ðức Mẹ Với Cành Hoa", khác biệt với những tranh mẫu trước thời phục hưng. Ngoài ra Vinci còn sáng tạo nhiều tuyệt tác phẩm khác như "Ðức Mẹ Lita, Ðức Mẹ và Thánh Ana", tới nay cũng vẫn còn là đỉnh cao của nghệ thuật.

Ðồng thời với Vinci, còn có họa sư Raphael Santi, cũng là người Ý và cũng sáng tạo chung một đề tài về Ðức Mẹ và Chúa Jésus. Tuy nhiên phong thái của hai người hoàn toàn khac biệt, do tính chất nghệ sĩ cá nhân của mỗi người. Trong lúc Vinci sống nơi phố phường đô hội, trái lại Raphael thì sinh và trưởng thành tại Urbino, một miền quê thơ mộng và xinh đẹp của miền Bắc Ý. Vì vậy sau này dù ở tại các thành phố lớn như Florence hay Rome, ông vẫn lấy khung cảnh đồng quê để hoàn thành các tuyệt tác phẩm như Ðức Mẹ Cadatempi, Ðức Mẹ với Hài Nhi, , Cậu Bé Jean Baptist và Người Mẹ Elizabeth... Bức họa nào cũng tuyệt đẹp và thơ mộng, qua cảnh vườn cây bãi cỏ xanh mượt, chen lẫn giữa muôn hoa. Nhưng nổi bật hơn hết, vẫn là hình ảnh của tháp chuông nhà thờ cao vòi vọi, đứng im lìm soi bóng trên mặt hồ phẳng lặng. Năm 37 tuổi sắp qua đời, ông lại hoàn thành một tác phẩm vĩ đại lưu danh thiên cổ, đó là "Ðức Mẹ Ở Sixtine". Ðây là một nghệ thuật độc đáo, đã dung hòa được tinh thần nhân văn, thời phục hưng và truyền thống cổ.

3-Ðêm Thánh Vô Cùng Khắp Thế Giới :

Theo sử liệu, cách đây hơn 2000 năm, vào một đêm đông lạnh lẻo, Chúa Jésus đã được sinh trong một máng cỏ, nơi cánh đồng cô quạnh. Nguyên do là bà Maria tuy sắp tới ngày sinh đẻ nhưng vì có lệnh kiểm tra dân số của chính quyền La Mã, nên phải rời thành phố đang ở là Nazareth, về quê hương tận Bethlehem, vì vậy đã sinh Chúa giữa đồng. Tuy nhiên tới năm 350 sau TL, nhân loại mới thống nhất được 25-12 là ngày lễ giáng sinh chung, tuy rằng mỗi nước mỗi địa phương đều có những tục lệ khác biệt, theo tập quán phong tục riêng của họ.

Từ thời trung cổ về sau, nhất là tại Âu Châu, lễ giáng sinh được tổ chức rất long trọng và vĩ dại. Trong mùa lễ, khắp nơi đều có lập những sân khấu lộ thiên, để các đoàn văn nghệ của giáo hội, trình diễn các tiết mục của thánh kinh. Nhờ vậy, nghệ thuật diễn tuồng, kịch của Âu Châu được phát huy và quảng bá rộng rải. Tinh thần Noel trên kéo dài tới cuối thế kỷ XVIII mới bị bãi bỏ. Dù vậy tới nay vẫn còn nhiều phong tục xa xưa được chấp nhận như niềm tin rằng, trong đêm giáng sinh, ma quỷ và các phù thuỷ không thể nào hãm hại được ai, ví đó là đêm bình an, hoan lạc của thế nhân. Ngoài ra nếu đêm giáng sinh trúng vào mùa trăng non, thì năm tới dân chúng làm ăn phát đạt trúng mùa. Ngày giáng sinh gặp nắng ráo thì cả năm tới mưa thuận gío hòa. Trong đêm giáng sinh, nam nữ rủ nhau đi hái lộc non của các cây nguyệt quế, trường xuân, đào kim chướng, chùm gởi... qua niềm tin lộc sẽ mang tới hạnh phúc cho họ.

Trong lúc đó thì mọi nhà, kể cả kẻ ngoại đạo, đều có tiệc tùng rất vui vẻ. Từ sau đệ nhị thế chiến, bánh Buche de Noel, đã trở thành một thực đơn quen thuộc, không thể thiếu trong bữa tiệc của đêm giáng sinh. Riêng lý do bánh có hình khúc củi, cũng từ tập tục có từ thời trung cổ truyền lại, để con cháu nhớ lại thuở xưa khắp Âu Châu, mọi người đều phải dùng củi để đốt lò sưởi, trong dịp sinh nhật Chúa. Ðây cũng là thời kỳ lạnh nhất trong năm, nên mọi ngưòi vừa đốt củi để sưởi, vừa ngồi quanh lửa hồng để cầu xin ơn trên ban phước lành. Ngoài ra còn phải kể tới món Gà lôi hay Gà tây, được mang từ Tân Thế Giới về Tây Ban Nha, từ thế kỷ thứ XVI, và theo thời gian đã trở thành món ăn quen thuôc hằng ngày nhưng cũng là đặc sản trong đêm sinh nhật Chúa.

Tuy cũng thuộc Âu Châu nhưng nước Nga với lãnh thổ rộng nhất hoàn cầu, chạy dài từ Âu sang Á, nên khí hậu có tính cách đại lục. Mùa đông ở đây cũng khác biệt với những lớp tuyết trắng phủ đầy, từ mặt đất lên cả mái nhà, còn mắt trời thì giống như ngái ngủ, làm cho cả cảnh vật khắp nơi buồn hiu quạnh quẻ. Trước đây người Nga theo Chính thống giáo và lịch riêng của mình, nên hằng năm đón giàng sinh vào ngày 6-7/1. Hiện Liên Bang Nga đã xài lịch Gregorian, nên đón giáng sinh cũng như các nước khác... Theo truyền thống, người Nga có tục kiêng cữ ăn uống trước đêm giáng sinh, trong đó có rượu Vodka và đường bị cấm tuyệt. Thời gian này, mọi người chỉ ăn bánh Sochniki làm bằng đậu, được chiên bằng dầu thảo mộc và uống nước lạnh. Rồi vào lúc 7 giờ tối đêm giáng sinh, khi mà khắp nước Nga, mọi người nhìn thấy một ngôi sao nhỏ, xuất hiện trên bầu trời xám đục, lập tức mọi người cầu nguyện. Sau đó quay quần bên bữa tiệc giáng sinh, sau kỳ ăn kiêng, mà người Nga coi như một biểu tượng của 40 năm, Moses đã dẫn dân Do Thái đi trong sa mạc mịt mù. Thời kỳ này, người Nga nào cũng đều làm việc từ thiện. Tại Canada thời tiết cũng lạnh lẽo như bên Nga nhưng tuyết có rơi cũng chỉ là lất phất vừa đủ rắc một vài lớp đá mỏng lên trên vạn vật, rồi dần tan ngay khi có ánh nắng mặt trời. Bởi vậy khách du phương khi tới đây gặp mùa giáng sinh, bổng thấy mình vô tình lạc vào cõi thần tiên, giữa rừng cây hằng xanh, của các pho truyện cổ tích, mà các nghệ sĩ Âu Mỹ thường ca tụng là Pine, holly, mitlatoe.

Tại đây đâu đâu cũng tràn ngập hàng hóa dành cho ngày giáng sinh, tất cả đều rạng rỡ dưới màu sắc của mọi màu. Ðêm giáng sinh tại đây thật an bình, mọi người sau khi dự lễ nhà thờ về, đều quay quần bên bàn tiệc với gia đình, bè bạn, trong ánh lửa bập bùng của lò sưởi và các đèn màu mờ ảo từ các cánh thông nơi góc nhà. Ai cũng vui vẻ hạnh phúc, nâng ly chúc tụng lẫn nhau, mặc cho ngoài trời giá lạnh căm căm và tuyết rơi như mưa bụi, nhưng vẫn có những kẻ không nhà hay lỡ bước lang thang.

Thánh địa của Thiên Chúa giáo là vương quốc Vatican, tuy lãnh thổ nằm trong kinh đô Rome của Ý Ðại Lợi nhưng từ năm 1929, đã đã được Musolini ký lênh công nhận là một quốc gia độc lập, bất khả xâm phạm. Tại đây, từ đầu thế kỷ thứ IV sau TL, tòa thánh La Mã đã xây Ðại giáo dường ST. Peter giữa kinh thành Rome và quảng trường Thánh Phêrô, có sức chứa hằng trăm ngàn người. Tất cả đều uy nghi tráng lệ và vĩ đại, không nơi nào có thể sánh kịp, từ trước tới nay. Trong đêm giáng sinh, người Ý cũng như các tín đồ hành hương ngoại quốc, đều tụ tập về đây. Lễ hội kéo dài suốt đêm, mọi người vừa hành lễ, vừa vui mừng chúc tụng, ăn uống, nhảy múa ca hát. Ðồng thời với nhiều chương trình ca nhạc được diễn ra khắp nơi tại Via, đồi Aventine, nhà nguyện Sixtine, quảng trường Campitelli... với các ban nhạc trứ danh bất hủ của Villa Lobos, Beethoven, Brahms, Ravel, Janacer và Stravinsky.

Tại Hoa Kỳ, những người di dân Anh đầu tiên đã mang lễ hội giáng sinh vào đây và được tổ chức lần đầu vào năm 1686 tại Boston nhưng tới năm 1856 mới được quốc hội công nhận là quốc lễ. Tuy nhiên tất cả các kỷ lục liên quan tới lễ giáng sinh đều phát hiện tại Mỹ, cũng như là nước đứng đầu sử dụng cành thông trong mùa lễ. Nữu Ước chẳng những là trung tâm kinh tế số 1 của Mỹ, mà còn là kho hàng bách hóa khổng lồ, đường phố cửa tiệm buôn bán suót ngày đêm, với sản phẩm mới, hàng thời trang và đồ chơi trẻ con tràn ngập thị trường. Trong lúc đó các chương trình hòa tấu, văn nghệ dành cho mùa Noel được trình diễn liên tục, khắp các trung tâm buôn bán Rockefeller, Radio Music Hall, Carnegie Hall... Ở đây đêm giáng sinh cũng như giao thừa, mọi người tụ tập tại các nơi công cộng như đại lộ Madison, đường số 5, các đại vũ trường trong khách sạn Plaza, Rockerfeller, Waldorf, Astoria, Time Square... dễ ăn uống, nhậu nhẹt, khiêu vũ ca hát suốt đêm.

Ở Anh hầu hết các chuyến tàu điện, tàu điện ngầm, các loại xe chuyên chở công cộng, đều luôn đầy nghẹt người suốt ngày đêm 24/12, vì ai cũng hối hả về đoàn tụ với gia đình trong đêm giáng sinh, một lễ hội quan trọng nhất trong năm, hơn cả ngày tết dương lịch. Theo tập quán lâu đời tại Anh, thì ngày chủ nhật trước lễ giáng sinh, mọi người tụ tập tại các nhà thờ để hát thánh ca. Trong lúc đó có nhiều người đi hát dạo trên đường phố cũng như ở nhà quê, để quyên tuyền giúp cho các cơ quan từ thiện. Trong nhà, ngoài phố nơi nào cũng trang hoàng cây giáng sinh với những gói quà tặng. Ở Á Châu, Nhật là quốc gia tuy 90 % theo Phật giáo nhưng lại hưởng ứng nồng nhiệt lễ giáng sinh. Với các gia đình theo đạo Thiên Chúa, bữa tiệc nửa đêm được tổ chúc rất long trọng, ngaòi món gà tây nhồi thịt, còn có sò và ngỗng, uống với rượu Ské hâm nóng.

Gợi lại những hình ảnh củ mới của mùa giáng sinh, đang nở rộ khắp vạn nẻo đường thế giới, bổng xót xa nghĩ nhớ những mùa giáng sinh năm xưa ở quê nhà, trước ngày 30-4-1975. Buổi đó, mọi người vì tin đạo, yêu đời và tâm hồn vị tha phóng khoáng theo truyền thống muôn đời của dân tộc, nên ai cũng cố quên sự chết chóc đang rình rập, để đón mừng đêm Chúa ra đời. Phó mặc cho pháo kích, lựu đạn của VC lúc nào cũng lợi dụng hưu chiến, gây nỗi tang tóc đau khổ cho mọi người.

Rồi những ngày mở cửa rước tư bản vào cứu đảng. Cứ mỗi lần giáng sinh tới, Vc lại đóng kịch tự do tôn giáo, vừa che mắt thánh, lại có dịp tổ chức ăn chơi thu tiên đô của việt kiều và du khách. Nhưng dân chúng cả nước thì mặc kệ thiệt hay giả, đêm giáng sinh năm nào cũng đón mừng vui vẻ, theo tiêu chuẩn là vui được phút nào thì cứ vui, chứ sống trong thiên đường xã nghĩa, biết đâu mà mò chuyện ngày mai sắp tới.

Xứ người mấy chục năm qua, đêm giáng sinh nào cũng nghe lại được những bài hát Ðêm Ðông, Ðêm Thánh Vô Cùng, Mừng Chúa Giáng Sinh... khiến cho hồn thêm bâng khuâng cô quạnh, rồi tự hỏi :

"những người năm xưa ấy
giờ lưu lạc phương nào... ?"

Ðêm nay giáng sinh lại về, ta kẻ ngoại đạo một mình lang thang trên phố vắng người. Trên lầu cao, nhà ai tràn ngập ánh đèn màu và chập chùng tiếng nhạc giáng sinh thánh thoát, quyện theo gió xa đưa mùi hương huệ trắng thơm ngát ngào ngạt. Ôi đêm thánh vô cùng khắp trần gian, ta đón mừng với giọt nước mắt ly hương, lầm lũi trong đêm lạnh:

"Ta đã khóc dù hồn đâu có muốn
nhìn dòng đời hờ hững nhớ quê hương..."

Xóm Cồn
Mùa Giáng Sinh 2007
HỒ ÐINH
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 3 guests