Bình Luận , Quan Điểm

nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Ai đáng phải ra tòa?

Ngô Nhân Dụng
Ba quan chức huyện Tiên Lãng và hai người ở xã Vinh Quang bị truy tố về vụ cướp đất, phá nhà gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đúng như Luật sư Trần Vũ Hải nhận xét: “Các bị cáo thực hiện chức trách chứ không phải do tư thù cá nhân. Họ phạm lỗi trong lúc đang hành xử như lãnh đạo chính quyền. Cho nên đúng ra phải là chính quyền bồi thường,; sau đó chính quyền sẽ yêu cầu người làm sai phải bồi hoàn lại khoản tiền đó."

Cái tội chính của những bị cáo trên là tội đã ra tay phá hủy nhà cửa của anh em ông Đoàn Văn Vươn trong khi thi hành các chính sách của đảng Cộng Sản. Nhưng chính họ không phải là những người đã quyết định những chính sách sai lầm đó. Những sai lầm căn bản ở đâu mà ra?

Sai lầm đầu tiên là chính sách dụ dỗ người dân nghèo đi khai phá đất đai, khuyến khích họ biến gần 40 mẫu (ha) đất ven biển còn ngập nước mặn thành một khu đất có thể sinh lợi, nhưng lại không cho họ quyền được làm chủ khu đất là kết quả công lao khó nhọc của họ. Không một chính quyền nào trên thế giới lại nhẫn tâm đánh lừa người nông dân đổ mồ hôi nước mắt khai phá đất đai rồi sau đó đòi lại đất vì “hết hạn hợp đồng.” Ngày xưa, chắc cũng không có địa chủ nào ở nước ta giao con nghé cho một nông dân, rồi hai năm sau đòi lại, nói “Con trâu này của tao!” Nếu có một địa chủ nhẫn tâm như vậy thì người nông dân có quyền kiện lên làng xã, lên huyện, lên tỉnh, đòi đền bồi công mình chăm nuôi con nghé. Mà làng xóm chắc chắn sẽ chê bai, chửi rủa một địa chủ dã man như thế, từ đời cha sang đời con không ngớt.

Nhưng tại sao trong chế độ cộng sản các quan chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang lại đi làm như vậy mà không sợ dư luận chửi rủa? Bởi vì họ chỉ làm theo một chủ trương của đảng Cộng sản: Không người dân nào được làm chủ ruộng đất, dù họ đã bỏ công cầy cấy hay biến đất hoang thành hồ nuôi tôm cá. Như đã trình bầy nhiều lần trong mục này: Đảng Cộng sản chính là một Đảng Cướp Đất. Từ 1930 họ chiêu dụ nông dân Việt Nam bằng khẩu hiệu: Đem ruộng đất về tay dân cầy. Năm 1953 họ bắt đầu cuộc cải cách ruộng đất, đấu tố, hành hạ, giết chết các địa chủ; dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Cộng. Nhưng cuối cùng, nông dân cũng vẫn không được làm chủ mảnh đất mà họ cầy cấy. Tất cả được thu vào tay Đảng, tức là trong tay các quan chức, cán bộ. Để nắm chắc “quyền sở hữu” này, năm 1980 Đảng ghi rõ vào trong hiến pháp một điều: Ruộng đất thuộc về toàn dân. Nhà nước được toàn quyền quản lý ruộng đất, mà Nhà Nước thì chỉ là một công cụ của Đảng, hoàn toàn do các cán bộ đảng thao túng từ cấp trung ương xuống đến xã, thôn. Đảng Cộng sản đã tự biến họ thành một ông địa chủ vĩ đại với quyền hành tuyệt đối, vượt lên trên các quy tắc luật pháp và đạo lý trong các xã hội bình thường. Nếu không vì sai lầm vĩ đại này thì không có vụ cướp đất của gia đình Đoàn Văn Vươn; cũng không có những người dân kêu oan ở Vụ Bản, ở Dương Nội.

Sai lầm vĩ đại này do đâu mà sinh ra? Ai cũng biết, điều khoản nói “ruộng đất thuộc về toàn dân” đã sao chép lại đúng như được ghi trong hiến pháp Liên Xô. Năm 1953 Hồ Chí Minh đã nộp nguyên văn bản dự thảo Luật cải cách ruộng đất cho Stalin xin thỉnh ý trước khi ban hành. Năm 1980 Lê Duẩn từng gọi Liên Xô là “tổ quốc thứ hai,” sau khi đã làm xong nhiệm vụ “Đánh miền Nam là đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô.”

Nhưng tại sao người ta lại thần phục và bắt chước Liên Xô, Trung Quốc như vậy?

Bởi vì ngay khi ra đời đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một chi nhánh của Cộng sản Quốc tế. Hồ Chí Minh vẫn hãnh diện kể rằng biến cố lớn nhất quyết định cuộc đời ông là ông “Giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê Nin.” Ngay khi mới về nước, trú ẩn ở hang Pắc Bó, nhìn chung quanh ông đã đặt ngay tên một ngọn núi, một con sông bằng tên Marx và tên Lenin. Trước khi chết ông viết di chúc đã mở đầu nói rằng ông sắp về với các cụ Marx và Lenin.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi theo con đường đó suốt 80 năm qua. Đó chính là thủ phạm đáng phải đem ra tòa, thay vì những cán bộ ở huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, những người thừa hành chính sách của đảng Cộng sản và đã được đảng đào tạo, nuôi dưỡng bao nhiêu năm. Nếu họ không sống trong chế độ cộng sản, thì chắc họ cũng không trở thành tội phạm.

Nhưng không một tòa án nào có thể đưa cả một đảng ra tòa vì đã theo các chính sách sai lầm. Tòa án chỉ có thể đưa các cá nhân ra tòa chịu trách nhiệm. Ông Hồ Chí Minh đã chết rồi, ông Lê Duẩn cũng không còn nữa. Khó đưa những người thừa kế họ như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang ra tòa, bởi vì cả hệ thống tư pháp nước ta hiện nay, từ các người đóng vai công tố buộc tội đến những quan tòa ngồi xử án đều là tay chân, cùng trong một đảng với các bị cáo.

Chỉ có một thứ tòa án có khả năng xét xử các bị cáo này, là toàn thể dân Việt Nam; trong một phiên tòa chính đáng nhất là những cuộc bỏ phiếu tự do. Nếu dân Việt Nam được bỏ phiếu tự do chọn thể chế chính trị của nước mình, bãi bỏ độc quyền cai trị của đảng Cộng sản, thì chúng ta sẽ chấm dứt các chính sách sai lầm di lụy cả dân tộc từ 60 năm nay; mà nạn nhân không phải chỉ gồm gia đình Đoàn Văn Vươn hay các bà con nông dân Thái Bình, Phú Thọ, Phước Long.

Đó cũng là ý kiến của ông Lê Hồng Hà, một đảng viên cộng sản lâu đời. Khi góp ý kiến với việc sử đổi hiến pháp, ông Lê Hồng Hà đã nói thẳng rằng: Các bản Hiến Pháp năm 1959,1980,1992 đều “mang nặng đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, thể hiện thể chế chính trị chuyên chính vô sản (theo Nghị quyết của các Đại hội Đảng III, IV, V, VI, VII); tức là rất nhiều sai lầm.” Ông dẫn chứng: “Qua thực tế của các nước trên thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cuối thế kỷ 20, đã chứng minh chủ nghĩa Mác Lê Nin là sai lầm, mô hình Chủ nghĩa Xã hội Xô Viết là sai lầm …”

Là một người đã từng làm chánh văn phòng bộ Công An, bây giờ ông Lê Hồng Hà đã tỉnh ngộ khi nhìn ra: “Do mấy chục năm qua, cả nước ta đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa sai lầm nói trên, nên đất nước ta lâm vào tình trạng suy yếu, xuống cấp về hầu hết các mặt của đời sống xã hội (không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức v.v.) và tụt hậu so với nhiều nước xung quanh, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm.”

Một người đã theo đảng Cộng sản gần suốt cuộc đời, đã đóng vai nòng cốt bảo vệ và củng cố “thể chế chính trị chuyên chính vô sản” bằng guồng máy công an; mà nay đã nói lên được những lời thành thật đó, ông Lê Hồng Hà là một con người can đảm, đáng kính trọng.

Những bị cáo đang ra tòa vì thi hành lệnh cướp đất, nếu cũng can đảm như vậy, thì họ cũng có thể chuộc tội với các nạn nhân. Chính họ cũng là những nạn nhân bị đảng Cộng sản đưa đẩy vào việc phạm tội. Tại sao họ đi đòi lại mảnh đất mà gia đình Đoàn Văn Vươn đã khai phá? Bởi vì đó là chủ trương cướp quyền sở hữu đất đai mà đảng Cộng sản đã theo đuổi từ khi ra đời. Tại sao họ đang tay phá nhà cửa của những người hàng xóm của mình, rồi huênh hoang tự khen là “một trận đánh đẹp?” Bởi vì họ đã được đảng Cộng sản huấn luyện như vậy, dậy họ rằng tất cả những người không nghe lệnh của họ đều là “phản động,” là “kẻ thù của nhân dân,” hay bây giờ gọi là “những thế lực thù địch.” Trên thực tế, bao năm qua họ đã được Đảng trao cho toàn quyền thao túng luật lệ, sai bảo công an và bộ đội hoặc thuê bọ đầu gấu, sử dụng tất cả các công cụ đó để trấn áp, cưỡng chế, miễn là thi hành theo chính sách của Đảng. Cuộc đời thi hành công tác Đảng đã tạo cho họ tập thành thói quen tàn nhẫn, vô tình, suốt cuộc đời làm cán bộ, để dần dần họ chỉ làm những việc trấn áp dân như máy móc, không còn một phút để tự vấn lương tâm. Họ cũng là những nạn nhân của “chuyên chính vô sản.”

Gia đình Đoàn Văn Vươn và một số người dân ở Tiên Lãng cho các nhà báo biết theo họ thì bị cáo ông Nguyễn Văn Khanh, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, đứng đầu Ban chỉ đạo trong vụ phá nhà, cướp đất “cũng là người phản đối mạnh mẽ quyết định thu hồi đất;” và ông ta đã “bị ép làm người đứng đầu đoàn cưỡng chế.” Trong năm qua ông Khanh đã đền bù gia đình ông Vươn bằng cách xây lại lán trại cho họ. Ông cũng là người duy nhất bị giam giữ trong khi các bị cáo khác còn được tự do.

Nếu được sống trong một xã hội bình thường, không phải học tập, bị nhồi sọ, và phải thực hiện cái thứ gọi là “chuyên chính vô sản” thì một bị cáo như Nguyễn Văn Khanh có thể sẽ là một người bạn tốt của gia đình các nạn nhân không chừng. Vì nếu không bị huấn luyện những thói quen tàn nhẫn, độc ác, thì người Việt Nam mình xưa nay đâu có ai nỡ đối xử với nhau theo lối “cạn tàu ráo máng” như họ đã làm với anh em ông Đoàn Văn Vươn?

Nếu cũng can đảm như ông Lê Hồng Hà, thì ra trước tòa ông Nguyễn Văn Khanh có thể tự biện hộ rằng cái tội lớn nhất của ông không phải là tội đi phá nhà, mà là cái tội đã theo đảng Cộng sản. Chính đảng Cộng sản mới là thủ phạm đáng bị đem ra tòa.
trinhham
Posts: 133
Joined: Mon Dec 10, 2012 2:07 am
Contact:

Post by trinhham »


Image

Đổi tên nước: Màn che mắt để đổi tiền?
Thu Anh
(Danlambao) - ...Thời gian tới, nếu như việc đổi tên nước được thông qua dù là tên gì đi chăng nữa, thì đây cũng là một trong những mưu mô thâm độc để hợp thức hoá việc ĐỔI TIỀN theo tên nước, nhằm hóa giải những khoản nợ khổng lồ và vĩ đại trong nước...

Hòa vào khí thế dòng chảy đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi “Hiếp Pháp” 1992, ngày hôm qua (13/4) báo chí và truyền hình lề phải rầm rộ đưa tin:

“Điều 1 dự thảo tiếp thu, bên cạnh cách viết cũ tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xuất hiện phương án mới, phản ánh chính xác hình thức chính thể và chủ quyền quốc gia về lãnh thổ: “(1) Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. (2) Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.”

“Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân, cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam, là thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945. Tên gọi ấy được khẳng định trong Hiến pháp 1946, 1959 và chỉ được thay đổi bởi Hiến pháp 1980. Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay.”

Đây là một chủ ý đáng ngờ vì trước đó không thấy nhắc về việc đổi tên nước, dù mọi người chẳng tha thiết gì cái khúc “xã hội chủ nghĩa”. Rồi thì hôm 11/4, tại cuộc họp của chính phủ lại thốt ra được “quyền lập hiến thuộc về nhân dân”, chưa hết, bia kèm lạc còn có: quyền sáng kiến lập hiến, quyền tham gia góp ý trong quá trình dự thảo hiến pháp, và cuối cùng là quyền biểu quyết thông qua trưng cầu dân ý.

Màn này có thể là khúc dạo đầu trong chương mới, khi mà đảng cùng chính phủ cho ta đi hết từ bất ngờ này tới giật mình khác vì thấy nhân dân góp ý đâm thủng điều 70 (đòi lực lượng vũ trang trung thành với “Đảng” trên hết) giờ đã trùng xuống dù vẫn đòi trung thành với đảng, nhưng đứng sau Tổ quốc và nhân dân.

Thời gian tới, nếu như việc đổi tên nước được thông qua dù là tên gì đi chăng nữa, thì đây cũng là một trong những mưu mô thâm độc để hợp thức hoá việc ĐỔI TIỀN theo tên nước, nhằm hóa giải những khoản nợ khổng lồ và vĩ đại trong nước.

Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ hãy rút sạch tiền mặt tại nhà băng cộng sản đem quay qua mua vàng, USD, EURO để tránh rủi ro trước khi quốc hội thông qua “Hiếp pháp” mới 2013.

Thu Anh
danlambaovn.blogspot.com
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image


Chủ tịch Quốc hội:
Tôi là dân tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi
Lê Kiên (TT) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã kêu lên như thế tại phiên họp ngày 15-4 của UB Thường vụ Quốc hội,
nghe bộ trưởng Bộ Tư Pháp trình bày tại phiên họp, đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh vào chương trình xây dựng luật,
pháp lệnh của Quốc hội năm 2014.


Theo tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hành pháp đề xuất đưa 53 dự án luật, hai dự án pháp lệnh vào chương trình xây dựng trong năm tới. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử lập pháp. “Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho họp một kỳ bất thường dành riêng cho việc xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến về một số dự án luật” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường kiến nghị.

Ngoài ra, các cơ quan, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng 69 dự án luật, pháp lệnh khác. Ông Cường đề nghị Quốc hội xem các năm 2014, 2015 là những năm bản lề trong công tác xây dựng luật, đảm bảo hoàn thiện hệ thống pháp luật, ổn định tổ chức bộ máy, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất kinh doanh, phát triển đất nước sau khi Hiến pháp mới được thông qua.

Thẩm tra các kiến nghị, Ủy ban Pháp luật cho rằng đó là số lượng “quá nhiều so với khả năng chuẩn bị cũng như quỹ thời gian của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và khả năng xem xét, thông qua của Quốc hội”. Cơ quan thẩm tra đề nghị ưu tiên đưa vào chương trình năm 2014 các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội Đảng, các dự án liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiến pháp, phục vụ việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

“Đối với dự án Luật trưng cầu ý dân, dự án Luật biểu tình: đây là các dự án có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cần được ban hành để thể chế hóa nội dung mới được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp, do đó đề nghị đưa vào chương trình năm 2014 trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015)” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch này, bởi chưa rõ Hiến pháp mới sẽ quy định về nội dung này như thế nào.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan kiến nghị, soạn thảo các dự án luật cần nghiêm túc thực hiện các quy định về chuẩn bị hồ sơ dự án, chất lượng dự thảo, tính khả thi của các quy định, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là tình trạng luật ra đời phải chờ nghị định, thông tư.

“Dự án phải đảm bảo chất lượng, chuẩn bị kỹ rồi mới đưa vào, tránh tình trạng đưa vào rồi lại đưa ra, đưa ra rồi lại đưa vào. Tôi đề nghị quy định phải chín muồi thì mới nên đưa vào, những dự án chưa rõ đầu cua tai nheo thế nào thì chưa đưa vào. Như vừa rồi ban hành nghị định về chứng minh nhân dân có tên cha mẹ, dân người ta bức xúc, bây giờ bảo phải dừng lại, Chính phủ lại đề xuất cái Luật căn cước. Căn cước là cái gì, chắc là chứng minh nhân dân chứ còn gì nữa, sao lắm tên gọi thế, lại còn thêm Luật hộ tịch nữa, bao nhiêu loại giấy tờ, tôi là dân tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi... Các đồng chí cứ vẽ ra lắm loại giấy tờ như vậy là tôi không chịu, có ra Quốc hội tôi cũng nói như vậy” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.

Lê Kiên
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

Luật Ðất Ðai dưới mắt một sinh viên trẻ
Bùi Tín
(Nguồn: VOA)


Cô sinh viên luật Ðỗ Thúy Hường đã xuất hiện trên một blog tự do từ năm 2007. Bài báo đầu tiên của cô là “Tôi nghiên cứu về Luật Ðất Ðai.”
Cô thuộc gia đình trong giới cầm quyền.
Cô cho biết ông cô - không rõ ông nội hay ông ngoại - từng tham gia biên soạn Luật Ðất Ðai đầu tiên năm 1988.

Image
Ông Ðoàn Văn Vươn (giữa) bị đưa ra xử trước tòa án Hải Phòng vì bị tố cáo tấn công người thi hành công vụ,
mặc dù nhà ông bị cưỡng chế đất bất hợp pháp. (Hình minh họa: Vietnam News Agency/AFP/Getty Images)
Trong bài viết ấy cô Hường mạnh dạn nói lên chính kiến của mình, chỉ rõ cái hình thức “sở hữu đất đai là sở hữu của toàn dân” do đảng Cộng sản áp đặt cho nông dân là một điều phi pháp và trái đạo lý, vi phạm công bằng xã hội, cản trở con đường phát triển của nông nghiệp và đất nước. Lập luận của cô sâu sắc, tự tin.

Mới học năm thứ 2 trường Luật, chắc Hường lúc ấy chỉ mới 17, 18 tuổi. Hồi ấy đọc xong bài viết của cô, tôi nghĩ ngay đến câu thơ của nhà viết kịch Pháp Corneille, “Aux âmes bien nées la valeur n'attend point le nombre des années” (“Có những con người đặc sắc mà giá trị không chờ những năm tháng”).

Từ đấy tôi thường vẫn nhớ đến Hường. Tôi băn khoăn không biết cô tốt nghiệp ra sao? Có bị cản trở gì không? Ra trường cô làm việc ở đâu, có theo nghề luật sư không? Một sinh viên có tư duy độc lập như Hường ở trong nước còn rất hiếm, không hiểu có bị lãnh đạo nhà trường kỳ thị không? Cô là một hạt giống trí thức dân chủ quý của đất nước, của dân tộc. Nhân tài mà đất nước ta đang cần chính là những nam nữ sinh viên có lòng với dân, có trí tuệ khai phóng như Hường vậy.

Thế rồi hôm nay, 10 Tháng Tư, 2013, tôi mừng, mừng lắm, đọc được bài viết của Ðỗ Thúy Hường trên mạng Dân Luận, với tít in đậm: “Mệnh đề bịp - 'Ðất đai là sở hữu toàn dân'”. Bài viết vẫn nói về Luật Ðất Ðai.

Tác giả nhận xét: “Trong vòng 25 năm, Luật Ðất Ðai đã thay mới 3 lần, sửa 5 lần, năm nay định sửa nữa là 6 lần, sao mà phải thay đổi dữ vậy? Thay đổi “vì dân,” hay là để đối phó với sự chống đối của dân?

Bài viết tâm huyết, trí tuệ của nhà trí thức dân chủ rất trẻ Ðỗ Thúy Hường kết thúc bằng một câu gửi thẳng cho lãnh đạo đảng Cộng sản: “Ðảng ơi! Nếu còn chút lương tri nào, xin hãy tỉnh lại đi. Ít nhất đừng vu tôi là thế lực thù địch. Kẻ thù nhan nhản thế thì đảng sống sao nổi?”

Mong bài viết của Ðỗ Thúy Hường được bà con nông dân, trí thức, giới luật gia và sinh viên ngành luật trong và ngoài nước tìm đọc và tỏ rõ thái độ, đúng vào lúc vụ án Ðoàn Văn Vươn vừa được xét xử, việc sửa đổi Hiến Pháp đang là vấn đề nổi cộm gay gắt, cuộc đối thoại Việt-Mỹ về Nhân quyền đang diễn ra, Hôi nghị Trung ương lần thứ 7-Khóa 11 của đảng Cộng sản sắp họp để xem xét về cuộc tự phê bình và phê bình của các cấp lãnh đạo.

Bài viết của Ðỗ Thúy Hường chứng tỏ đất nước ta đang chuyển mình, những sinh viên rất trẻ cũng nhập cuộc và dấn thân, đấu tranh không khoan nhượng với những sai lầm của lãnh đạo, góp phần cứu dân cứu nước, và cứu bản thân mình.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »


Image

Cứu nhà giàu, buông nhà nghèo
Dương Quang
(NLĐ) - Đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 18-4 với mức “khiêm tốn” 100-410 đồng/lít mang tính chất xoa dịu dư luận chứ chẳng phải là sự chia sẻ chân thành của ngành xăng dầu với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng vốn đang bị khó khăn bủa vây.


Nói như thế bởi giá xăng tại thị trường Singapore đã giảm rất sâu gần cả 10 ngày trước đó, giá dầu thế giới cũng sụt liên tục. Các DN xăng dầu đầu mối thừa nhận lãi khá, từ 1.000 - 1.750 đồng/lít, tùy cách tính (!), có thừa điều kiện để giảm giá bán lẻ song phải chờ cơ quan quản lý quyết bởi 2 lần điều chỉnh giá gần nhất phải cách nhau 10 ngày. Càng câu giờ càng thu vén nhiều thêm những khoản lãi, ai kêu gào mặc kệ, đã có liên bộ Tài chính - Công Thương đứng ra đỡ đòn, dại gì mà không gồng mình chịu điều tiếng thêm vài ngày! Mà có giảm cũng chẳng là bao, hôm 28-3 đã tăng 1.430 đồng/lít xăng; nay giảm 410 đồng/lít, gộp cả khoản giảm 500 đồng/lít hôm 9-4 thì vẫn còn thừa 520 đồng/lít.
Image
Giá xăng dầu ngày 18-4 giảm “khiêm tốn” 100-410 đồng/lít
Đó là bổn cũ soạn lại của các DN xăng dầu đầu mối trước nay. Tù mù trong tính giá và báo cáo lỗ - lãi, mập mờ giữa 2 nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng và chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh, "rình rập" giữa tranh tối tranh sáng của Nghị định 84 (về quản lý, kinh doanh xăng dầu), ngành xăng dầu đang vận hành không theo một quy luật nào, luôn tạo cho dư luận cảm giác hoài nghi, niềm tin mai một.


Đáng nói là cơ chế đó do các cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra và bị những DN xăng dầu lợi dụng. Ví như việc điều tiết giá, khi muốn tăng thì DN gửi đề xuất rất sớm; còn khi giá thế giới giảm thì có DN nào xin hạ giá bán đâu! Cơ quan quản lý cũng thiếu hẳn chế tài ngoài việc ra quyết định hành chính buộc DN làm theo. Hoặc như quỹ bình ổn, tiền đóng quỹ được trích từ mỗi lít xăng dầu bán cho người tiêu dùng. Khi DN xăng dầu kêu lỗ, Nhà nước xả quỹ để san sẻ, hóa ra là đem tiền dân để cứu DN trong khi đáng lý DN phải tự cứu mình. Như vậy, chủ thể tiêu dùng luôn bị thiệt thòi.

Nếu có cơ chế quản lý minh bạch thì ngành xăng dầu làm gì còn đất để diễn trò. Tình trạng ấy kéo dài đã lâu, buộc chúng ta phải hỏi cơ chế điều hành đang phục vụ cho ai. Vì người tiêu dùng? Không phải. Vì cộng đồng DN? Chưa chắc. Nhìn thực trạng bi đát của DN trong nước thì rõ: Gần 100.000 DN phá sản trong năm 2012, tỉ lệ DN thua lỗ giai đoạn 2002-2011 rất cao, khoảng 42% (theo VCCI). Đáng chú ý, hầu hết DN Nhà nước, trong đó có xăng dầu, kinh doanh kém nhưng không phải phá sản, giải thể mà đa số các DN "chết" thuộc về khối DN tư vốn được cho là năng động nhất. Đó là hậu quả của tư duy điều hành kiểu cứu nhà giàu - buông nhà nghèo, "bòn nơi khố rách - đãi nơi quần hồng", làm cho môi trường kinh doanh kém minh bạch, thiếu bình đẳng kéo dài.

Dương Quang
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »

.
Việt Nam và Hoa Kỳ quá xa cách về Quyền con người

Chris Brummitt/ABC News
Lê Quốc Tuấn X-CafeVN dịch Việt ngữ
Cuối tuần rồi, để ngăn không cho người hoạt động dân chủ nổi tiếng gặp nhà ngoại giao Mỹ chính quyền Việt Nam đã dùng đến một loại vũ khí bất thường - một nhóm các phụ nữ lớn tuổi.

Những người phụ nữ này bít đường vào nhà của người bất đồng chính kiến, ngăn không cho chiếc xe Đại sứ quán Mỹ vào. Chiếc xe được dùng chở nhà bất đồng chính kiến ​​đến một khách sạn tại trung tâm thành phố để gặp Phó Trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer, ​​người đã cố gắng để có được những giải thích chân thực từ các nhà hoạt động và gia đình của những người bị giam cầm trong một đất nước độc tài độc đảng.

Một người hoạt động khác trên danh sách khách mời bị lôi vào đồn công an cho đến khi khách Mỹ đã rời đi.

Những nỗ lực ngăn chặn họ của chính phủ Việt Nam cho thấy khoảng cách giữa hai quốc gia về quyền con người và tiếp tục là một trở ngại trong việc tạo dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Washington và một quốc gia được coi có thể là đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.

Baer đã ở Việt Nam trong một phần của cuộc "đối thoại nhân quyền" lâu nay giữa hai Chính phủ để chính thức hóa những nỗ lực của Mỹ khiến Việt Nam phải nới lỏng kiểm soát về chính trị và tôn giáo và chấm dứt việc bắt giữ những người thúc đẩy dân chủ đa đảng. Hôm thứ bảy, Baer đã cách gặp gỡ những người bất đồng chính kiến sau khi cuộc đàm phán giữa hai bên về mối quan tâm của Mỹ kết thúc vào ngày thứ Sáu.

"Rõ ràng là việc này làm ô uế tất cả kinh nghiệm đã có giữa hai nước" và đặt ra sự nghi ngờ về lời hứa của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện tiến bộ về quyền con người, Baer cho biết qua điện thoại từ Oslo, nơi ông dừng chân trước khi trở về từ Hà Nội.



"Những gì có thể là nền tảng vững chắc cho tiến trình đã bị hủy hoại bởi loại hành vi có thể đưa đến các nghi vấn về sự chân thành của bất kỳ cam kết nào mà họ từng hứa hẹn", ông nói.

Khi gia tăng sự chú ý vào châu Á trong chính sách đối ngoại của mình, Hoa Kỳ muốn các liên kết an ninh, ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ hơn với Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng đã rõ ràng cho phía VN thấy rằng tiến bộ trong thành tích về quyền con người của Việt Nam là cần thiết để sự tham gia này có thể xảy ra nhanh chóng và đầy đủ. Cho đến nay, Đảng Cộng sản cho thấy vài dấu hiệu của nhường nhịn. Trong khi tưởng rằng một số thành viên cởi mở cho các cuộc thảo luận về sự thay đổi dần dần, các nhà lãnh đạo của họ lại không chịu lắng nghe, tiếp tục lo sợ bị mất quyền lực và khả năng truy cập vào phần hấp dẫn của nền kinh tế.

Cuộc Đối thoại nhân quyền năm nay đã bị trì hoãn nhiều tháng do các lo ngại từ phía Mỹ rằng phiên giao dịch trước tại Washington trong tháng 11 năm 2011 đã không mang lại bất kỳ thay đổi nào đáng kể. Theo Human Rights Watch, trong năm 2012 ít nhất đã có 40 nhà bất đồng chính kiến ​​bị kết tội và kết án tù, 40 người khác bị giam giữ trong sáu tuần đầu tiên của năm 2013.

Baer muốn gặp Nguyễn Văn Đài và Phạm Hồng Sơn, hai nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng đối với các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền. Họ đã từng ngồi tù bốn năm trong quá khứ. Cả hai đều bị giám sát thường xuyên và thường bị quấy rối, nhưng vẫn công khai thách thức đảng CS, sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho họ và gia đình khi hành động như thế.

Đài cho biết ông đã thông báo cho các viên chức chính trị tại Đại sứ quán Mỹ biết rằng các công an và nhân viên an ninh khác đã tụ tập ở nhà ông, khiến ông không thể rời nhà đi đến cuộc họp. Viên chức nói với ông rằng họ sẽ lái xe đến nhà để đón ông đi. Nhưng khi đến, chiếc xe đã bị khoảng 10 phụ nữ từ các khu phố được chính quyền đưa ra đứng giữa đường để chặn lại, Đài cho biết.

"Tôi không biết ại sao họ lại sử dụng cách điên rồ này", Đài nói. "Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên."

Khi được yêu cầu bình luận, chính phủ Việt Nam trả lời trong một tuyên bố: "Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho đoàn đại biểu của Daniel Baer để gặp được một số cá nhân mà phía Mỹ quan tâm."

Baer nói rằng ông đã có thể gặp gia đình của hai tù nhân chính trị - Lê Quốc Quân và Cù Huy Hà Vũ - trong vòng 1 giờ rưỡi hôm thứ Năm, mặc dù chính quyền đã gây khó khăn khiến họ không thể ra khỏi nhà để gặp ông. Quân, một luật sư từng học tại Hoa Kỳ, đã bị bắt vào cuối năm ngoái sau khi ông và gia đình đã phải chịu đựng nhiều tháng bị quấy rối. Baer cũng đã đến một nhà tù để gặp Cha Lý, một linh mục Công giáo đang chịu án tù tám năm.

Bằng cách sử dụng các thành phần công chúng để chặn xe đại sứ quán, có thể chính phủ Việt Nam đã phải tìm cách khéo léo để chối vai trò của họ trong việc ngăn chặn không cho Baer gặp Đài.



"Nếu chính phủ không muốn con đường bị chặn, họ đã có thể thông đường," ông Phil Robertson từ Human Rights Watch nói. "Kết quả họ muốn là đạt được sự ngăn cản mà không gây nên các hậu quả xấu hoặc những lời chỉ trích có thể nhắm vào chính phủ nếu có công an ngăn chặn".



Cả Đài và Sơn đã từng gặp gỡ các quan chức cấp cao của Mỹ trong quá khứ, và Baer ngạc nhiên khi các cuộc gặp lần này bị ngăn chặn.

"Tôi không có thói quen phải xin phép để gặp gỡ các công dân", Baer nói. "Ở Mỹ, chúng tôi chắc chắn không hạn chế những ai mà họ muốn gặp."

Một số nhà báo Việt Nam đã tham dự cuộc họp báo do Baer tổ chức vào tối thứ sáu, nhưng sự kiện này đã không được đưa tin từ các phương tiện truyền thông địa phương, do Đảng Cộng sản sở hữu và kiểm soát. Một bài bình luận đăng trên báo hàng đầu của đảng, Nhân Dân, một vài ngày trước khi đến Baer đã gợi ý là ông sẽ ở trong một chuyến đi khó khăn."

Nhìn vào vấn đề nhân quyền tại Việt Nam qua con mắt của những kẻ chống cộng cực đoan người Mỹ gốc Việt, chẳng lẽ Daniel Baer không nhìn thấy vấn đề?" tờ Nhân Dân hỏi, lặp đi lặp lại một niềm tin thường được trích dẫn rằng những người miền nam Việt Nam rời đất nước sau chiến tranh Việt Nam là nguồn gốc của sự thù địch đối với Hà Nội tại Hoa Kỳ. "Người ta không thể tin một nhóm người vẫn còn cảm thấy cay đắng về thất bại của gần 40 năm trước đây. Daniel Baer và một số chính trị gia Mỹ nên sớm thay đổi thái độ của họ về vấn đề này."

Hoa Kỳ có một mục tiêu xác định trong việc tuyên truyền vận động các tiêu chuẩn quyền con người trên toàn thế giới, nhưng một nhóm thành viên Quốc hội có cộng đồng cộng đồng người Việt Nam trên địa bàn của họ đang gây sức ép để chính quyền phải đặc biệt nhấn mạnh vấn đề quyền con người tại Việt Nam. Cộng đồng người tị nạn này trốn sang Mỹ sau thất bại trước quân đội Công Sản Bắc Việt của Hoa Kỳ và đồng minh Nam Việt Nam.



Sơn cho biết ông đã gặp Baer trong năm 2010 và 2012 trong lần ghé thăm trước tại Việt Nam, và mô tả ông Baer là "rất người rất tốt và nhiệt tình trong mối quan tâm về quyền con người "

Nhà bất đồng chính kiến ​​cho biết công an đã đến nhà mình vào sáng thứ bảy và ra lệnh cho ông phải đến trạm công an địa phương, mặt nổi là vì một người dân đã phàn nàn về một cuộc phỏng vấn mà ông thực hiện với đài phát thanh tiếng Việt của BBC, nơi ông thảo luận về đề nghị thay đổi hiến pháp của đất nước. Ông đã đi cùng với họ, nhưng ở đó chẳng hề có hỏi han gì về những khiếu nại cáo buộc ấy.

"Tôi chỉ cười," ông nói. "Tôi đã gặp những sự cố tương tự như thế này nhiều lần. Nói rõ hơn là chính phủ của chúng tôi, đảng của chúng tôi có nhiều cách xảo quyệt để quấy rối dân chúng. Đảng không muốn những người như tôi gặp gỡ những người từ nước ngoài như Tiến sĩ Baer."

Nguồn: ABC News
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Trung Quốc bá quyền

Việt Nguyên

Ván cờ thế giới bất ngờ chuyển qua khúc quanh mới. Ngày 8 Tháng Tư, 2013 cựu thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher, một trong bốn diễn viên chính cùng với cựu T T Hoa Kỳ, Ronald Reagan, Giáo Hoàng John Paul II và Tổng Bí Thư Ðảng CS Xô Viết MiKhail Gorbachev, đã qua đời.

Chiến tranh lạnh giữa Hoa kỳ và Xô Viết đã kết thúc, chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp diễn. Diễn viên phụ trong chiến tranh lạnh mới, ông Vua “nhi đồng” Cộng Sản Bắc Hàn Kim Chánh Ân, gương mặt đần độn giống như Trư Bát Giới, diễn kịch quá trớn ra ngoài sự kiểm soát của đàn anh Trung Cộng, cầm súng bắn thị oai, hăm dọa phóng hỏa tiễn tầm xa tưởng tượng qua Hoa Kỳ, đánh bom nguyên tử chưa làm. Hoa Kỳ phải đưa hỏa tiễn đến đảo Guam. Bắc Hàn đóng cửa các nhà máy vùng biên giới, tuyên bố sẽ không bảo đảm an toàn cho nhân viên các tòa Ðại Sứ và các cơ quan Quốc Tế ở Hàn Quốc. Hăm dọa lan qua đến Nhật Bản. Sự hăm dọa nguyên tử của Bắc Hàn là ván bài xì phé che lấp căn bản tranh chấp giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ từ sau trận chiến Triều Tiên như chủ tịch Kim Chánh Ân tuyên bố “giải quyết lần chót” nhằm đẩy 20,000 quân Hoa Kỳ ra khỏi vùng phi quân sự trong khi trận chiến với Hoa Kỳ và Nam Hàn ở vùng biên giới Bắc và Nam Hàn nếu xảy ra sẽ là một chiến bại chắc chắn cho Bắc Hàn. Với một triệu quân hiện dịch và 5 triệu quân trừ bị Bắc Hàn đối diện với 2000 xe tăng và 8000 hệ thống pháo binh phòng thủ, trận chiến sẽ kết thúc dưới ba ngày và Bắc Hàn sẽ biến mất trên bản đồ với một Triều Tiên thống nhất điều mà Trung Cộng không muốn.

Ván bài xì phé của cậu Út Ân lại có một kết quả tốt khác, Hoa Kỳ có lý do để mắt nhiều hơn vào vùng Thái Bình Dương và bá quyền Trung Quốc, sau khi Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Iraq và A Phú Hãn

Hoa Kỳ Dân Chủ

Sở dĩ cả Bắc Hàn và Trung Cộng muốn thử thách Hoa Kỳ vì dưới cái nhìn của hai nước Hoa Kỳ đang trên đường suy thoái. Nền dân chủ trẻ trung hai trăm năm của Hoa Kỳ đang bị thách thức. Hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ hỗn loạn sau kỳ bầu cử tổng thống Tháng Mười Một năm 2012, Hoa Kỳ đang mang món nợ khổng lồ hàng ngàn triệu Mỹ kim, ngân quỹ thâm thủng, chính khách được dân bầu không hiểu đứng về phía nào, dân chúng hay đảng? Cộng Hòa không hợp tác với tổng thống đảng Dân Chủ, ngay cả trong đảng Cộng Hòa cũng chia rẽ và hầu như không ông đại diện dân nào chú ý đến ngân sách. Trong vòng thập niên qua Hoa Kỳ, nhìn từ bên ngoài, kém hùng cường, kém phồn thịnh từ sau hai trận chiến Iraq và A Phú Hãn. Số thất nghiệp cao ở mức 7.6% không xuống dưới 6% như T T Obama đã hứa năm tranh cử 2008. Nhưng, nền dân chủ Hoa Kỳ trong hai trăm năm qua không bao giờ bằng phẳng.

Trong vòng 6 tháng qua, kinh tế có vẻ như đã ổn định, dân chúng có vẻ tin năm 2013 là năm kinh tế hồi phục như định luật kinh tế Vernon, trong đó theo chu kỳ trồi sụt mỗi hai mươi năm , năm 2013 là năm bắt đầu của chu kỳ mới bắt đầu lên và vì vậy quỹ đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán Wall St.

Nhưng những dấu hiệu xấu và tốt hầu như ngang nhau. Những dấu hiệu tốt đang diễn ra trong sáu tháng qua có thể chỉ là một cái “nhảy mũi” của thập niên xấu. Không ai có thể đoán được tương lai của một Hoa Kỳ có lịch sử trẻ trung. Những người yêu nước Mỹ, khác với Trung Cộng và Bắc Hàn, thì nhận thấy nước Mỹ mỗi ngày một phồn thịnh và hùng cường hơn sau những “bước vấp” nhờ hệ thống chính quyền dân chủ hữu hiệu. Dân các nước như Trung Hoa, Việt Nam vẫn muốn đến Hoa Kỳ và chưa có ngọn sóng di dân nào qua Trung Hoa. Nền dân chủ Hoa Kỳ trong hai trăm năm vẫn đứng vững qua những biến động như trận nội chiến Nam Bắc, thập niên 1960 với nạn kỳ thị da màu, ám sát TT John F. Kennedy và Martin Luther King. Tổng cộng gia tài quốc gia và tài sản tính trung bình trên đầu người Hoa Kỳ vẫn giàu nhất thế giới (Na Uy là nước giàu nhất thế giới tính theo đầu người.)

Không ai biết rõ lịch sử sẽ đi về đâu nhưng Hoa Kỳ vẫn là một nước giàu, năng động, quân lực hùng mạnh nhất thế giới với sức mạnh quân sự không có đối thủ, các trường đại học đứng đầu thế giới vẫn là mơ ước của những sinh viên trẻ trên khắp thế giới, đồng Mỹ lim vẫn là căn bản tiền tệ mặc dù các nước đang lên BRICS (Ba Tây, Nga, Ấn, Trung Hoa) muốn thay đổi hệ thống tiền tệ.

Tình trạng Hoa Kỳ hiện nay đúng như Arthur Schlesinger mô tả trong sách “Chu kỳ của nền Dân Chủ Hoa Kỳ” năm 1986, chu kỳ đi từ thụ động qua chủ động, trong thời kỳ tốt như thời kỳ Reagan thì độc lập, tự do cá nhân, tự do kinh tế không tùy thuộc chính quyền, khi kinh tế suy thoái như thời kỳ Obama thì dân chúng trở lại cần chính quyền.

Ðiều khôi hài khác biệt nhất giữa nền dân chủ Hoa Kỳ và các chế độ độc tài Nga và Trung Cộng là “Bí Mật.” Các chế độ cộng sản cố tình giấu giếm, ngăn chặn tin tức từ quân sự đến kinh tế nhưng dân chúng đều rõ tất cả những điều chính quyền cố tình giấu giếm còn chính quyền Hoa Kỳ giữ bí mật (những bí mật chỉ được giải sau 50 năm) và không ai rõ chính quyền dân chủ Hoa Kỳ giấu bí mật nào và giấu bao nhiêu? Chính quyền ấy khác các chính quyền độc tài ở một điều chính là dân không bao giờ mất tin tưởng vào chính quyền và có phản ứng quá độ trong một xã hội cởi mở và kinh tế thị trường tự do.

Trung Quốc bá quyền

Trung Hoa với năm nghìn năm lịch sử khác với lịch sử của Hoa Kỳ. Trong năm nghìn năm, Trung Hoa cũng theo những chu kỳ lịch sử như những quốc gia khác, mỗi lần suy, con Rồng nằm ngủ, khi thịnh con Rồng vùng dậy và xâm lăng các nước láng giềng. Trong lịch sử cận đại, Trung Cộng vẫn có một thái độ cố hữu của người Hoa. Thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970, trong hai mươi năm, Trung Cộng gây hấn với Xô Viết, Mao gây chiến tranh biên giới với Ấn Ðộ và năm 1979 đại bại khi Ðặng Tiểu Bình dạy Việt Nam một bài học, từ Indonesia qua Phi Châu những can thiệp quân sự của Trung Cộng đều mang đến kết quả thảm hại.

Ðặng Tiểu Bình có tinh thần của một anh “quân tử Tàu” người quân tử đợi mười năm trả thù không muộn, và người Tàu, như trong các truyện cổ, thù rất dai. Họ Ðặng trong thập niên 1980 ra chính sách cho đảng Cộng Sản Trung Hoa: “Giấu khả năng và tiềm lực để chờ đợi thời cơ,” chính sách tiên quyết của đảng. Bộ mặt hiền lành của Trung Cộng thể hiện trong hai thập niên từ 1980 đến năm 2000: Trung Cộng củng cố kinh tế, theo thị trường tự do, hòa hoãn với Hoa Kỳ. Năm 2011, được thế giới đánh giá là nền kinh tế Trung Hoa đứng hạng nhì sau Hoa Kỳ, vượt qua Nhật Bản, Trung Cộng trở mặt không còn giữ thái độ “xã hội hài hòa” của Khổng Tử, gây hấn trên biển Ðông, giành đất với láng giềng, vẽ bản đồ “lưỡi bò” trên Thái Bình Dương.

Kẻ thù số một của TC là Nhật, gây hấn trên Thái Bình Dương, Trung Cộng gây ra cuộc chạy đua vũ khí vĩ đại tại vùng Thái Bình Dương từ Malaysia, Indonesia, Brunei, Úc, Việt Nam, Philippines, nước nào cũng sắm tiềm thủy đĩnh. Philippines và Nhật thành đồng minh, đối tác chiến lược chống lại Trung Cộng nhưng chỉ có Nhật là cường quốc Hải Quân đối đầu với Trung Cộng, muốn trả thù Nhật về mối thù thời thế chiến thứ hai, Hải Quân Trung Cộng chưa đủ sức đối đầu với Nhật trên biển. Giành quần đảo Ðiếu Ngư, quần đảo nằm giữa TC, Ðài Loan và Nhật, Trung Cộng gây hấn cả mấy tháng. Tàu chiến nhắm vào các tàu Nhật, tàu tuần đi vào vùng Nhật kiểm soát không xin phép. Từ mùa Thu 2011 tổng cộng có 28 lần vi phạm hải phận. Năm 1895, sau chiến tranh Hoa Nhật, Nhật đã giành được Ðiếu Ngư, đến sau Thế Chiến Thứ Hai Hoa Kỳ kiểm soát đảo, năm 1972 Hoa Kỳ giao đảo cho Nhật làm cả Trung Cộng lẫn Ðài Loan giận dữ. Từ 1969 vùng đảo cho thấy có nhiều mỏ dầu hỏa, tương tự như ở Hoàng Sa vùng đảo có nhiều tài nguyên, nhưng khác với Nhật và Philippines đã đứng đối đầu với kẻ thù, bắt tàu đánh cá vũ trang, bắt giữ tàu chiến, Việt Nam nhượng bộ kẻ thù để Trung Cộng lập quận Tam Sa và đưa du khách ra du lịch Hoàng Sa.

Thủ đoạn của Trung Cộng trong hai năm qua đối với các nước láng giềng giống nhau: dùng thuyền đánh cá giả dạng đến các đảo để thử sau đó đến tàu thám thính với Hải Quân Trung Cộng đứng từ xa.
Trung Cộng với nền kinh tế đang lên, đang nghĩ là Nhật cần Trung Cộng hơn là TC cần Nhật. Năm 2010, Trung Cộng phản ứng Nhật bắt giữ thuyền đánh cá TC vi phạm hải phận bằng cách ngưng bán các loại “đất hiếm” (rare earth elements), bắt giữ thương gia Nhật, gây phong trào chống Nhật. Kết quả trái với Trung Cộng mong đợi, đây là bài học cho VN, TC không lấn tới ở Philippines và Nhật. Phong Trào chống Nhật gây kết quả ngược là năm 2012, thống đốc của Tokyo muốn mua những đất đai tranh giành bởi Trung Cộng và cuối cùng chính quyền Nhật đã mua những đảo đó. Bắc Kinh càng gây hấn càng thua, nếu chịu nhục như chính quyền CSVN thì Bắc Kinh làm tới.

Phong trào quốc gia quá khích do đảng CSTQ tạo ra nhằm để đoàn kết tất cả người Hoa trên thế giới dùng lại những bản đồ cũ của một đế quốc trước khi bị Ngũ cường chiếm. Cả Trung Cộng lẫn Kim Chánh Ân của Bắc Hàn áp dụng sách “Quân Vương” (The Prince) của Niccolo Machiavelli dạy cho ấu chúa Lorenzo de Medici thế kỷ 16, những nhà độc tài và những chính phủ độc tài muốn cai trị dân phải tạo ra một kẻ thù chung tưởng tượng để giữ chế độ và ngôi vua.

Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai thường hay bị gọi là Ðế Quốc Mỹ, nhưng khác với Ðế Quốc La Mã, Hoa Kỳ không chiếm đất bất kỳ quốc gia nào trong khi con rồng đỏ Trung Quốc đang lên giống như Ðại Tần (thời Tần, Trung Hoa gọi La Mã là Ðại Tần), chiếm đất (như vùng biên giới Việt Nam) dành đảo. Trung Cộng với nền kinh tế kỹ nghệ đang lên dường như không thể ngừng. Nhà bình luận Pháp nổi tiếng Martin Jacques năm 2009 nghĩ Trung Cộng sẽ qua mặt Mỹ và thế giới không thể nào chặn được con Rồng đang bay lên. Ông Arvind Subramarian thuộc viện nghiên cứu Peterson cũng cho là Trung Cộng sẽ qua mặt Hoa Kỳ, làm chủ thế giới vì Hoa Kỳ hiện giờ giống như Ðế Quốc Anh sau Thế Chiến Thứ Hai bị cuộc khủng hoảng kinh đào ở Suez Ai Cập năm 1956. Iraq và A Phú Hãn là bước đầu dẫn đến sự suy sụp cho Hoa Kỳ như Anh ở Ai Cập. Hai nhà bình luận Jacques và Subramarian thiên về kinh tế còn nhà phân tích Edward Luttwak không phải là kinh tế gia có cái nhìn khác. Ông cho là Trung Cộng có lợi thế kinh tế nhưng không thành siêu cường vì “định luật sắt về chiến lược” áp dụng cho mọi quốc gia, mọi văn hóa trong mọi thời kỳ cho thấy khi một quốc gia đang lên trở nên hùng mạnh và phách lối thì các quốc gia láng giềng sẽ đoàn kết chống lại như ở Âu Châu vào thế kỷ thứ 19, khi nước Ðức trở nên giàu có nhờ nền kinh tế lớn mạnh thì Pháp và Anh trở thành đồng minh ngăn chặn Ðức. Hiện nay ở Á Châu người ta đã thấy phản ứng tương tự, Philippies và Nhật đã liên kết ngăn chặn CSTQ, đồng minh của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên dang tay chào đón Hoa Kỳ trở lại Thái Bình Dương không như CSVN vẫn xem anh CSTQ kẻ thù chung của dân Việt là đồng chí.

Bản chất người Hán không thay đổi. Ngày xưa Trung Hoa xem các nước láng giềng miền Bắc là Rợ, các nước miền Nam như Việt Nam là Man thì nay TC vẫn tự xem mình là Trung Quốc cái rốn của thiên hạ.

Năm 2011, Vương Kỳ Sơn (Wang Qi Shan) hiện là một trong bảy ủy viên Trung Ương đảng CSTQ, cầm đầu phái đoàn đối thoại kinh tế và chiến lược tới Hoa Kỳ đã tuyên bố “Trung Quốc có nền văn hóa cổ thâm sâu khó hiểu còn dân Hoa Kỳ là dân của một nước mới giản dị thiếu văn minh.” Ông Lattwak đem ví dụ lịch sử mà tất cả người Việt Nam đều thuộc: đời nhà Nguyên và nhà Thanh, Rợ ngoài biên cương chiếm Trung Hoa dù người Hán cố xây bức Ðại Trường Thành để ngăn chặn.

Năm 2007, một ví dụ khác cho thấy thái độ cao ngạo của chính quyền Trung Cộng, Ấn Ðộ gởi một phái đoàn trí thức trẻ đến Trung Hoa trao đổi văn hóa, Trung Cộng đã từ chối cấp giấy chiếu khán cho một thành viên Ấn vì ông ở trong vùng đang tranh chấp giữa Ấn và Hoa.

Cái xã hội hài hòa của Trung Cộng giống như nước Ðức thời Bismack. Ở biển Ðông, Trung Cộng không còn dùng sức mạnh kinh tế mềm dẻo, bộ mặt xâm lăng càng ngày càng hiện rõ. Ngược lại Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai, sau khi Pháp và Anh trở lại sau khi Nhật thua, đến vùng Thái Bình Dương với viện trợ kinh tế và sau chiến tranh Việt Nam đã có bộ mặt tử tế hơn. Trung Cộng phải đối đầu với Hoa Kỳ chẳng những ở Biển Ðông mà còn ở Phi Châu và A Phú Hãn vì lòng tham, xây hải cảng, lập ống dẫn dầu ở Phi Châu và A Phú Hãn. TC bị cái gai căn cứ quân sự Mỹ ở lại A phú Hãn đến 2024 sau Hoa Kỳ rút quân năm 2014.

Ông Odd Arne Westad cho thấy tương lai không có gì là sáng chói cho CSTQ về phương diện ngoại giao. Hồi thập niên 1960 Trung Cộng lên chân nhờ thế giới ghét Mỹ ghét Xô Viết nhưng sau đó vì Mao Trạch Ðông làm mất tình bằng hữu như ngăn viện trợ cho Bắc Việt thời chiến tranh Việt Nam (tài liệu của ông Westad khác với luận điệu bán nước, bán Trường Sa Hoàng Sa của đảng CSVN vì CSVN có nợ với Trung Cộng) sau đó Ðặng Tiểu Bình làm mất lòng VN vì trận chiến biên giới 1979. Ở Phi Châu hình ảnh Trung Cộng cũng bắt đầu đen tối khi TC ủng hộ chiến tranh du kích kiểu Mao ở Ghana. Kinh tế xây dựng của TC cũng khác với viện trợ Hoa Kỳ, chương trình kinh tế ngắn hạn chủ trương hối lộ, vơ vét nguyên liệu chở về Trung Hoa, xây đường sá cẩu thả sập đổ khi Trung Cộng rút về, vắt chanh bỏ vỏ.

Ông Luttwak nghĩ Trung Cộng chỉ có một cách giải quyết là cải tổ một nước Trung Hoa trở thành một nước hoàn toàn dân chủ.

Các học giả Tây Phương nghiên cứu thiếu ý kiến của người VIệt. Trên bốn nghìn năm ở cạnh Trung Hoa, người Việt hiểu thế nào là tình hữu nghị Trung Quốc. Ở thế kỷ thứ 21, Trung Cộng giống như triều nhà Minh vào thế kỷ 16, các nước “man rợ” nổi dậy chống Trung Hoa. Thời ấy Việt Nam có Vua Lê Lợi, với lòng yêu nước và dũng cảm, mười năm kháng chiến ở vùng Nghệ An. Thời nay, Việt Nam có đảng Cộng Sản, xuất phát từ Cách Mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, với 14 tân thái thú có lòng yêu tiền cực độ. Gần đây, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã giận dữ với nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên và dân Việt Nam khi dân đòi bỏ điều bốn Hiến Pháp, ông Trọng đã kể công đảng từ ngày kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, làm tôi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn con cóc và con bò cạp: “Con bò cạp không biết bơi nên nhờ con cóc cõng qua sông. Qua được bên kia sông, con bò cạp quay lại trở mặt cắn chết con cóc và mắng: ‘Mày ngu nên đã nghe lời tao!’” Tội nghiệp cho con cóc Việt Nam!

(10 Tháng 4, 2013)
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Thấy gì qua vụ bài báo “Rửa vàng bằng cơ chế?” bị “bóc”?
Võ Văn Tạo
(Anhbasam) - Sáng 24-4, Báo Thanh Niên đăng bài “đinh” về đề tài kinh tế: Rửa vàng bằng cơ chế? *. Theo bài báo, cơ chế quản lý vàng tù mù, rối rắm, bất minh của Ngân hàng nhà nước đẻ ra tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao bất thường trong mấy năm qua, tạo kẽ hở để ai đó trục lợi hàng trăm triệu USD, gây mất ổn định nền kinh tế – tài chính – tiền tệ quốc gia.

Với những dữ liệu cụ thể về từng chủng loại, số lượng, giá trị nhập vàng của Việt Nam trong 2 năm 2011 và 2012, lấy từ Hiệp hội Vàng thế giới và bối cảnh thị trường vàng Việt Nam, lập luận của bài báo là có căn cứ và khá thuyết phục.

Thiết tưởng, một bài báo kinh tế, chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý, sẽ được giới chức hữu trách nghiêm túc nghiên cứu, để điều chỉnh chính sách sao cho đúng đắn, góp phần tháo gỡ khó khăn đang trầm trọng của nền kinh tế, nào ngờ…

Ngay tối 24-4, Thời sự VTV1 đưa tin, chiều cùng ngày, Ngân hàng nhà nước đã họp báo, ra thông cáo bác bỏ quan điểm bài báo Rửa vàng bằng cơ chế?, lớn tiếng chối bỏ sự thật rành rành giành độc quyền cho thương hiệu vàng miếng SIC(!?). Trước đó vài giờ, trên thanhnienonlines, bài báo trên bỗng âm thầm không cánh mà bay! Rõ ràng, phản ứng của Ngân hàng nhà nước trong vụ này bén nhạy và quyết liệt hơn hẳn phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam sau mỗi lần Trung Quốc xâm phạm thô bạo chủ quyền. Theo kinh nghiệm của báo giới, việc “bóc” bài báo trên ngoài tầm tay của Thống đốc Bình. Muốn “bóc” được, phải có lệnh từ Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh, hoặc Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Có bình thường không, khi một bài báo kinh tế làm cho Ngân hàng nhà nước nhảy dựng như đỉa phải vôi? Vì sao mấy tháng trước đây, hàng loạt tờ báo đăng tải vụ bê bối các “cá mập” Bầu Kiên, Trầm Bê… thao túng ngân hàng, khuynh đảo tài chính – tiền tệ quốc gia, không thấy Ngân hàng nhà nước phản ứng tương tự?

Trước vụ bài báo này, gần đây, giới quan sát từng ghi nhận 2 cú chủ động ra đòn vỗ mặt khá lộ liễu sau khi Ban Nội chính Trung ương tái lập, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 vào trung tuần tháng 5 tới, với nội dung kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng chống tham nhũng, lãng phí và tổng kết phê, tự phê trong Đảng. Đó là việc Thanh tra Chính phủ bất ngờ công bố các sai phạm đất đai ở Đà Nẵng trong thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh còn làm Chủ tịch, rồi Bí thư và sai phạm đất đai ở Hà Nội khi ông Nguyễn Phú Trọng còn làm Bí thư. Các vụ sai phạm trên đều gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Theo tin tức rò rỉ, sự ra đi của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình là đích nhắm tới của phe đối phương trong Hội nghị Trung ương 7 tới. Tuy nhiên, điều đó có trở thành sự thật hay không, còn phải chờ xem. Cũng như trước đây, việc kỷ luật đồng chí X, đến phút chót, đã không thực hiện nổi như Bộ Chính trị đã quyết.

Xem ra, cuộc so găng giữa một bên là liên minh đồng chí X – Thống đốc Bình cùng phe nhóm với bên kia đang hồi quyết liệt (vụ này quyết liệt thật sự à nhe! Không phải “quyết liệt” thường trực nơi cửa miệng đồng chí X mỗi khi họp Chính phủ). Vụ Báo Thanh Niên phải tức tốc “bóc” bài Rửa vàng bằng cơ chế? cho thấy, ở hiệp đấu này, có vẻ như phe liên minh đồng chí X – Thống đốc Bình đang tạm thế thượng phong.

Võ Văn Tạo
huynhtruong25
Posts: 142
Joined: Sun Sep 25, 2011 9:48 pm
Contact:

Post by huynhtruong25 »

Tai hại của tư bản đỏ

Ngô Nhân Dụng

Trung Quốc đang qua mặt Hoa Kỳ, trở thành thị trường lớn nhất thế giới bán các món hàng xa xỉ: đồng hồ Rolex, túi xách tay Vuiton, các nhãn rượu Cognac, vân vân, đang chạy đua vào lục địa kiếm lời. Thị trường xe hơi ở nước Tàu gia tăng 8% một năm, nhưng riêng loại xe hạng sang như Mercedes, Audi, BMW, Rolls-Royce thì gia tăng với tốc độ 36% mỗi năm; đến năm 2020 thì Trung Quốc sẽ là nơi bán nhiều xe “de luxe” nhất thế giới.

Tất nhiên đại đa số khách hàng là các nhà tư bản đỏ.

Các nhà tư bản đỏ ở Việt Nam còn đang lạch bạch bước đằng sau trong cuộc chạy đua xa xỉ này. Trong việc khoe khoang tiền của và thế lực họ cũng có những “phong cách” riêng: Làm chùa! Xây nhà thờ tổ tiên. Làm đám cưới vĩ đại. Nhưng ai cũng thấy, đây là một “lực lượng xã hội” đang lên ở các nước cộng sản.

Nhiều người nhìn vào hiện tượng “tư bản đỏ” làm giầu nhanh chóng ở các nước “hậu cộng sản” như Nga, Ukraine, đã đem so sánh tầng lớp đại gia này với những “nhà quý tộc ăn cướp” (tạm dịch chữ robber barons) ở nước Mỹ vào thế kỷ 19; như J.P. Morgan, Rockefeller, Vanderbilt, vân vân. Cả hai nhóm đều tích lũy các tài sản khổng lồ, họ đều dùng tiền bạc để ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của nhà nước để tiếp tục làm giầu,vân vân.

Nhưng có một điểm khác biệt sâu xa. Các nhà tư bản Mỹ vào thế kỷ 19, cũng như các gia đình Krupp ở Ðức, Agnelli ở Ý, và ngay cả các “chaebol” ở Nam Hàn vào cuối thế kỷ 20, đều khởi nghiệp bằng việc kinh doanh cạnh tranh thật sự, với những hoạt động tạo ra thêm giá trị kinh tế, tiếng chuyên môn gọi là “value-added.” Còn phần lớn các nhà tư bản đỏ khởi nghiệp không phải bằng kinh doanh cạnh tranh. Trái lại, họ dùng khả năng móc ngoặc để làm giầu nhờ được chế độ ưu đãi để tránh không phải cạnh tranh với ai hết.

Một gia đình Ðoàn Văn Vươn đổ công sức ra khai phá 40 mẫu đất ven biển thành đầm nuôi tôm cá là việc kinh doanh. Họ đã giúp “gia tăng giá trị kinh tế” cho khu đất hoang này. Một gia đình Trầm Bê dùng móc ngoặc để lấy giấy phép cho công ty chế biến lâm sản Ðông Anh phá rừng, chặt cây; được hưởng những món lợi khổng lồ so với công sức bỏ ra. Họ có thể “không gia tăng giá trị” mà lại làm “giảm giá trị” của một tài nguyên chung. Bởi vì nếu trong thị trường khai thác lâm sản có tự do cạnh tranh, ai cũng phải làm việc cho có hiệu năng hơn, sản xuất hàng tốt hơn, thì giá trị của những khối gỗ đó có thể còn cao hơn gấp bội. Nói chung, giới tư bản đỏ làm giầu nhờ những hoạt động “phi kinh tế,” có khi còn phản kinh tế.

Khi nói đến ưu điểm của hệ thống kinh tế tư bản, chúng ta biết nó nhờ hai cột trụ chính. Một là quyền tư hữu; hai là việc cạnh tranh tự do, trong luật lệ công khai minh bạch. Nếu chỉ có quyền tự hữu mà thiếu tự do cạnh tranh thì sẽ gây ra hiện tượng mà kinh tế học gọi là “rent-seeking,” tạm dịch là “thu tô,” giống như những chủ đất thời xưa ngồi mát ăn bát vàng “thu tô” của các nông dân, tá điền.

Ðể hiệu rõ hiện tượng thu tô này, có thể tìm thí dụ ngay trong một nước theo kinh tế tư bản lâu đời như nước Mỹ. Hiện tượng “thu tô” cũng diễn ra khi nhà nước can thiệp vào thị trường, vì thế đã ngăn cản hoặc giảm bớt sự cạnh tranh. Thí dụ như trong thập niên 1970, kỹ nghệ xe hơi ở Mỹ đang xuống dốc vì bị cạnh tranh bởi xe Nhật, họ bán xe bền, ít hao xăng, với giá rẻ. Ông Lee Iacocca, chủ tịch công ty Chrysler, đã bỏ thời giờ đi diễn thuyết khắp nơi về mối lo công nghiệp xe hơi Mỹ sắp bị xe hơi Nhật tiêu diệt. Ông cũng gặp các đại biểu Quốc Hội để vận động phục hồi ngành sản xuất xe, và để “cứu các công nhân” làm xe. Kết quả là, ngoài việc xin chính phủ bảo đảm để hãng Chrysler có thể đi vay nợ với lãi suất thấp, còn yêu cầu chính phủ ban hành lệnh “hạn chế tạm thời” việc nhập cảng xe Nhật. Chính sách đó được dân chúng và các nhà chính trị ủng hộ, vì tinh thần “bảo vệ quyền lợi quốc gia.”

Năm 1972, Quốc Hội Mỹ làm luật hạn chế xe Nhật “tạm thời.” Hậu quả là ngay sau đó giá mỗi chiếc xe hơi ở Mỹ đã tăng thêm từ 500 đến 1,000 đô la. Năm sau, công ty Chrysler đã báo cáo có lời một tỷ đô la, mà năm trước thì lỗ một tỷ! Ông Lee Iacocca được công ty thưởng “bonus” một triệu Mỹ kim, rất xứng đáng. Nhưng số chênh lệch hai tỷ đô la đó có thể gọi là “thu tô,” rents. Các công ty GM, Ford cũng được có lời.

Ở nước Mỹ, hiện tượng thu tô như vậy hiếm khi xẩy ra; vì chế độ dân chủ và tinh thần tôn trọng tự do cạnh tranh đã ăn sâu trong đầu óc người dân. Các công ty xe hơi Mỹ đã thành công trong thập niên 1970, sau khi đã thuyết phục được dư luận, nói rằng họ cần “có thời gian thở” để tái cấu trúc cho đủ sức cạnh tranh với xe Nhật; nếu không tất cả sẽ chết ngộp! Nhờ dân chúng Mỹ tin vào lý luận đó, các đại biểu Quốc Hội có lý do để “làm theo ý dân.”

Nhưng khi phá bỏ cả nguyên tắc tự do cạnh tranh thì người ta đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất xe “thu tô.” Người tiêu thụ phải trả tiền nhiều hơn khi mua xe. Các công ty xe hơi tiếp tục sống mạnh, nhưng họ vẫn chưa lo “cải tổ cơ cấu.” Một hậu quả tai hại là họ chỉ chú trọng đến việc vận động chính trị ngắn hạn mà không nghĩ tới kế hoạch kinh doanh lâu dài. Hệ quả tai hại khác là họ sẵn sàng ký những hợp đồng lao động “quá đắt” để làm vừa lòng các nghiệp đoàn. Sang thế kỷ 21, các công ty xe hơi Mỹ lại đứng trên bờ vực phá sản lần nữa, một phần vì không đủ tiền để trả bảo hiểm sức khỏe và hưu bổng cho những công nhân đã vào làm từ hơn hai chục năm trước, giờ đến tuổi về hưu. Một lần nữa, chính phủ Mỹ lại phải “ra tay cứu nguy” kỹ nghệ xe hơi! Trên đường dài, hiện tượng ‘thu tô” làm hại cho tất cả mọi người; người tiêu thụ thì phải trả giá đắt, nhà sản xuất thì yên tâm, nhắm mắt, không lo cải tổ cơ cấu. Chúng ta phải nhìn vào hiện tượng “thu tô” ngay trong một nước kinh tế tự do như ở Mỹ để thấy hiện tượng này có hại cho cả nền kinh tế, ở bất cứ nước nào.

Tại các nước cộng sản trong thời kỳ đổi mới kinh tế, hiện tượng thu tô diễn ra một cách công khai và thường xuyên, có khi vì chính những người đang chỉ huy bộ máy nhà nước muốn duy trì, hoặc vì các nhà tư bản đỏ đã lũng đoạn bộ máy nhà nước để tiếp tục hưởng lợi.

Tại sao ở các nước “hậu cộng sản” thường xẩy ra hiện tượng thu tô?

Vì khi “đổi mới kinh tế,” các nước này bắt đầu chỉ lo việc công nhận quyền sở hữu tư, cho phép tư nhân kinh doanh; thi hành các chương trình “tư nhân hóa” các xí nghiệp quốc doanh (ở Việt Nam gọi là cổ phần hóa). Công việc này có thể thực hiện rất nhanh, nhất là ở nơi nào chế độ cộng sản đã chính thức sụp đổ. Nhưng còn công việc thứ hai, rất cần thiết, là xây dựng nền tảng luật pháp cho một thị trường tự do cạnh tranh thì họ làm chậm chạp. Ở các nước còn chế độ cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam (mà mai mốt sẽ đến lượt Cuba, Bắc Hàn) thì đảng cộng sản cố tình trì hoãn không đổi mới toàn diện và nhanh chóng. Họ không muốn hoàn thiện hệ thống thị trường, để tạo cơ hội cho chính các đảng viên cao cấp hưởng lợi nhờ thu tô. Nhưng ngay tại các nước chế độ cộng sản đổ rồi, tại Ðông Âu và Liên xô cũ, ở nhiều nơi hiện tượng thu tô vẫn phát triển mạnh.

Nói chung, tại các nước “đổi mới nhanh chóng” như Cộng Hòa Tiệp, Ba Lan, ba nước miền Baltics, thì nạn thu tô ít xẩy ra. Ở các nước “đổi mới chậm và đều” như Hungary, Croatia, Slovenia cũng vậy. Các chính quyền hậu cộng sản ở các nước này lo mau chóng thiết lập hệ thống luật pháp làm nền tảng cho kinh tế thị trường, đồng thời cải tổ hệ thống tư pháp, dân chủ hóa để tạo thói quen pháp luật công minh. Chính nhờ thiết lập nhanh các định chế thượng tôn luật pháp, kinh tế các nước trên đã tiến nhanh hơn và vững chắc hơn.

Ngược lại, một số nước Ðông Âu và phần lớn các nước trong liên bang Xô Viết cũ đã cải tổ kinh tế rất chậm chạp, hoặc tiến một bước lại lùi một bước. Khung cảnh “nửa kinh tế thị trường, nửa kinh tế chỉ huy” tạo cơ hội cho hiện tượng “thu tô” bùng nổ. Nhiều thứ “giấy phép,” những “quyết định” về cân bằng giá cả, về “kế hoạch phát triển,” vân vân, đã tạo cơ hội cho nhiều người làm giầu mà không cần thực sự sản xuất, không cần đóng góp với các hoạt động “gia tăng giá trị kinh tế.” Thay vào đó, muốn làm giầu tốt nhất là biết móc ngoặc, đi cửa sau, hối lộ, vân vân. Một bài sau trong mục này sẽ trình bày hiện tượng “thu tô” ở các nước đó; để rút kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ðiều nguy hiểm nhất là trong khi luật lệ kinh tế thay đổi một cách chậm chạp, những nhà tư bản đỏ sẽ trở thành một lực lượng xã hội rất mạnh. Họ cản trở công việc cải tổ, không cho tiến những bước nhanh hơn. Bởi vì chính họ phất lên được là nhờ việc “thu tô” thay vì bằng việc kinh doanh cạnh tranh; nếu hệ thống kinh tế trở nên minh bạch, công khai và cạnh tranh ráo tiết hơn thì quyền lợi họ đang được hưởng lợi nhờ việc thu tô sẽ bị giảm bớt. Khi trì hoãn việc đối mới, họ cũng cản trở cả việc phát triển kinh tế chung của quốc gia.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Bush-Obama: Một ngày không giống mọi ngày

Nguyễn Văn Khanh


Trong 7 năm qua - tính từ ngày ông bắt đầu xuất hiện ở chính trường quốc gia trong vai trò thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Illinois
ở tòa nhà Quốc Hội Liên Bang - Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nhắc đến người tiền nhiệm George W. Bush cả ngàn lần
qua những bài phát biểu ông đọc trước công chúng, qua những cuộc họp với những thành viên nòng cốt và những người ủng hộ trong đảng Dân Chủ,
hoặc qua những phiên họp với các cố vấn về chính sách đối nội cũng như đối ngoại ông thấy cần phải thực hiện.

Image
Tổng Thống Barack Obama (trái) và cựu Tổng Thống George W. Bush tại lễ khai trương Thư Viện Tổng Thống George W. Bush tại Dallas,
Texas, hôm Thứ Năm. (Hình: Alex Wong/Getty Images)


Tựu trung, những phát biểu ông Obama đưa ra để nói với ông “W” đều mang ý nghĩa tiêu cực. Ngay từ lúc còn là thượng nghị sĩ, ông lên tiếng chỉ trích cuộc chiến Iraq “là cuộc chiến sai lầm, sẽ bị lịch sử lên án,” đến khi ra tranh cử tổng thống ông cam kết “một trong những điều tôi sẽ làm ngay sau khi vào Tòa Bạch Ốc là rút quân về nước trong thời hạn sớm nhất.” Về mặt chính trị, ông cho rằng “Washington không làm được việc vì chính sách của ông Bush,” hứa hẹn sẽ thay đổi “cái nhìn và cách hoạt động” của chính trường thủ đô. Trong lãnh vực kinh tế, ngay trong bài diễn văn đọc tối đắc cử nhiệm kỳ đầu ông đã bảo với mọi người “di sản tôi nhận lãnh (từ ông Bush) quá nặng nề,” sau đó nhiều lần bảo thêm “kinh tế khó khăn, èo uột không phải vì tôi.”

Ngay cả khi nhờ Cựu Tổng Thống Bill Clinton đọc bài diễn văn đề cử trước Ðại Hội Ðảng Dân Chủ hồi cuối mùa Hè năm ngoái ông cũng nhắc nhở phải thêm vào câu “chẳng ai có tài cán để giải quyết gánh nặng kinh tế mà ông nhận lãnh (từ ông Bush) chỉ trong một nhiệm kỳ.” Ông Obama đổ hết trách nhiệm cho ông W, tới mức độ những cuộc thăm dò cử tri trước bầu cử 2012 cho thấy người dân Mỹ tin rằng “thời kỳ đổ lỗi cho người khác đã qua, đã đến lúc ông Obama phải làm việc vì quyền hành đang nằm trong tay của ông.”

Nếu những lời phát biểu công khai đó của vị tổng thống Dân Chủ được xem là “nặng tay” với người tiền nhiệm Cộng Hòa, những gì nghe được từ những người thân cận nhất với ông cho thấy còn nặng nề hơn nữa. Trong phiên họp đầu tiên với ban tham mưu vận động bầu cử, ông bảo thẳng “nếu làm tổng thống để làm như ông ta (W) thì tôi không làm,” sau đó khi tiếp xúc với những người giúp tiền tranh cử, ông còn nói “tôi là người sẽ thay đổi, sẽ xây dựng lại những đổ vỡ mà ông W để lại sau 8 năm cầm quyền,” nhắc đi nhắc lại lời hứa hẹn “sẽ chấn chỉnh nền kinh tế tồi tệ” kèm theo một danh sách thật dài những điều ông nghĩ ông W đã làm sai - hay làm chưa đúng - và những kế hoạch sửa chữa ông sẽ làm nếu được cử tri tín nhiệm trong vai trò người lãnh đạo.

Chỉ có hai lần trước công chúng, vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ lên tiếng ca ngợi vị tổng thống thứ 43. Lần đầu hồi giữa năm ngoái khi ông W cùng gia đình trở lại Washington D.C. dự buổi lễ treo bức họa chân dung ở Tòa Bạch Ốc, hôm đó ông Obama nói rằng mặc dù quan điểm chính trị có khác nhau, nhưng “Tổng Thống George W. Bush và tôi cùng có chung ước muốn là nước Mỹ phải vững mạnh,” nhắc nhở mọi người đừng quên ông W đã lèo lái con thuyền quốc gia vượt qua sóng gió và thử thách “sau biến cố 11 Tháng Chín 2001.”

Lần thứ nhì mới ngày hôm qua trong buổi lễ khánh thành thư viện của ông W ở Dallas, ông Obama liệt kê những điều ông W đã làm được trong thời gian nắm quyền, từ chuyện hợp tác với Quốc Hội để cải tổ hệ thống giáo dục, xã hội, cho tới chính sách về ngoại giao, nhấn mạnh đến chương trình trợ giúp Phi Châu phòng chống HIV/AIDS được đẩy thật mạnh khi ông Bush còn ở Tòa Bạch Ốc. Bên cạnh đó, đương nhiên vẫn là các nỗ lực vượt bực cùng với những quyết định kịp thời ông Bush đã đưa ra ngay sau biến cố 11 Tháng Chín, nhấn mạnh tới những gì ông Bush đã làm khi muốn cải tổ luật di trú để “nước Mỹ là một quốc gia thượng tôn luật pháp và là quốc gia của người di dân.” Vẫn theo ông Obama, nếu luật cải tổ di trú mọi người đang trông chờ được Thượng và Hạ Viện thông qua, “thành quả này, phần lớn, nhờ vào công sức của Tổng Thống George W. Bush.”

Ðiều ông Obama tranh không nói đến là 2 cuộc chiến và kinh tế, ông cũng chẳng nói gì đến một phần chính sách được bắt đầu dưới thời W mà ông đang tiếp tục thực hiện, từ việc sử dụng máy bay không người lái để truy kích khủng bố ở nước ngoài - trong đó có cả quyết định tiêu diệt những công dân Mỹ đang hoạt động chung với al-Qaeda ở ngoại quốc, hay chuyện đưa thêm quân vào Afghanistan hồi 2009 để “ổn định tình hình” như ông Bush từng làm đối với chiến trường Iraq hồi 2007.

Lấy chương trình sử dụng máy bay không người lái để truy kích khủng bố làm thí dụ. Ông W dùng loại máy bay này từ năm 2004 cho đến 2009, chỉ thị thực hiện 49 phi vụ trong đó 48 phi vụ ở vùng biên giới Pakistan-Afghanistan và 1 phi vụ ở Yemen. Từ khi nhậm chức đến giờ ông Obama cho phép quân đội thực hiện 379 phi vụ, trong đó có 72 phi vụ ở Yemen. Phúc trình của viện nghiên cứu New America Foundation cho biết thành quả đạt được là bắn hạ gần 3,000 tên khủng bố, chỉ riêng ở Yemen đã giết được 1,000 tên hợp tác hay hoạt động theo chỉ thị của al-Qaeda.

Ông Peter Feaver, cựu phụ tá đặc trách an ninh quốc phòng dưới thời Tổng Thống Clinton và Tổng Thống George W. Bush, cho rằng những điều ông Obama đang làm và rất thành công “chính là những điều được khởi đầu và cũng thành công chẳng kém từ thời ông Bush.” Chuyên gia James Phillip của Viện The Heritage Foundation nhắc lại từ đầu, ông Bush đã nói phải dùng máy bay không người lái để truy kích khủng bố ở những địa điểm Hoa Kỳ khó có thể đưa quân đến, “chính sách này được ông Obama tận dụng và đem lại kết quả tốt không ngờ,” Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham bảo “nhiều người ngạc nhiên” khi thấy ông Obama thường chỉ trích ông Bush nhưng lại sử dụng kế hoạch quân sự của ông Bush, “riêng tôi, tôi chẳng ngạc nhiên mà còn chúc mừng quyết định thật sáng suốt của Tổng Thống Obama.”

Ngay chuyện nợ nần, 2 vị tổng thống Dân Chủ và Cộng Hòa cũng giống nhau: ông Bush vay đã nhiều để cho vào 2 cuộc chiến, ông Obama vay còn nhiều hơn, dù trong lúc vận động tranh cử ông Obama từng chê bai ông Bush “thiếu trách nhiệm” khi để cho quốc gia lâm vào cảnh nợ nần, nhưng khi bị chỉ trích ông lại quay sang đổ lỗi, bảo phải vay tiền để giải quyết những khó khăn do ông Bush để lại.
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

Nghĩ gì về bài thơ "Đất nước những tháng năm thật buồn!"
Âu Dương Thệ -
Đúng vào dịp kỉ niệm 38 năm "giải phóng" nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm công bố bài thơ "Đất nước những tháng năm thật buồn" trên Blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Từ cái tên chọn cho bài thơ này cũng đã nói tất cả tâm tư của Nguyễn Khoa Điềm về chế độ hiện nay, nhất là những người cầm đầu chế độ toàn trị đã mang lại cho đất nước và nhân dân gần 40 năm „giải phóng“ như thế nào! Đấy là chưa kể việc Nguyễn Khoa Điềm đã chọn một Blog của báo "lề Dân" để phổ biến bài thơ của mình, chứ không gởi cho báo "lề đảng", cũng là một việc đáng suy nghĩ! Có phải cựu Ủy viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Tư tương Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã tự biết là, báo "lề đảng" sẽ không đăng bài thơ "không vui" về đảng và ân hận về những việc làm của mình ngày trước?

Vì chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quen tác phong độc tài, nên ngày 25.2 đã ngạo mạn và hồ đồ kết án và chụp mũ hàng vạn trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, các tôn giáo và cả nhiều đảng viên tiến bộ đưa ra phản biện về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và cả nông dân biểu tình khiếu kiện chống lại tịch thu đất đai trái phép để phục vụ các đại gia và các tham quan là "suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức!". Đồng thời người cầm đầu chế độ còn ngang ngược và hấp tấp ra lệnh cho thuộc hạ phải ra tay "xử lí", nghĩa là bôi nhọ và đàn áp những ai đứng lên đòi dân chủ và nhân quyền! Chính vì thế ông Trọng đang cố tình kéo dài thêm "Đất nước những tháng năm thật buồn"!

Mọi người đều biết, Nguyễn Khoa Điềm đã từng là Bộ trưởng Văn hóa Thông tin, sau đó trở thành Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương và kiêm Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (khóa 9, 2001-06). Chính trong thời gian này ông Điềm cũng đã trở thành "Cai văn hóa tư tưởng" của chế độ toàn trị và đã từng bẻ cong ngòi bút của các văn nghệ sĩ, cũng như đàn áp nhiều người dân chủ và cả đảng viên tiến bộ thời đó.

Chính vì thế không ngạc nhiên, một số nhà dân chủ và văn nghệ sĩ tên tuổi đã bày tỏ lập trường khen và chê của mình khi bài thơ "Đất nước những tháng năm thật buồn" của Nguyễn Khoa Điềm được phổ biến (xem các bài trong phần sau)*.

Tuy nhiên, nếu cân nhắc các mặt trong sứ mệnh chung là chống độc tài và xây dựng dân chủ, có lẽ nên trân trọng lòng thành thực hiện nay của ông Điềm. Bước vào tuổi 70 Nguyễn Khoa Điềm đã ngộ ra được những sai lầm nguy hiểm và những hậu quả vô cùng tai hại của chế độ độc tài toàn trị, và ông đã dám nói công khai tình trạng của xã hội XHCN tuy đã sau 38 năm "giải phóng" nhưng:

"... tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc!"

Đây là thái độ dám vượt lên chính mình thật đáng khen và khuyến khích. Ông Điềm nay đã biết "nhỏ giọt nước mắt" vì còn biết "xấu hổ". Tinh thần biết tìm lại lòng tự trọng như thế hầu như không có ở những người đang có quyền lực và cũng rất hiếm ngay trong những người đã từng cầm quyền nay đã về hưu!

Để cùng tiến về phía trước, Xã hội Dân chủ Đa nguyên cần có những phản biện công khai thẳng thắn, nhưng cũng biết trân trọng và khoan dung với những ai thực tâm muốn trở lại nhập cuộc đấu tranh mở con đường mới cho đất nước để các "tin lành" trải rộng từ Bắc chí Nam!

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng như các đảng viên tiến bộ biết quí lòng tự trọng nên vững tin rằng, hàng vạn "con cá hanh" đang chào đón chân tình những "con cá hanh khác" để cùng nhập cuộc ra khơi, vì "Chúng ta là Người Tự do!"

Ông Điềm ạ, không ai khác, chính:

Chúng ta "nắm vận mệnh chúng ta!"
Để một ngày không xa
"buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi!"

28.4.2013
Âu Dương Thệ
Đất nước những tháng năm thật buồn
Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Quang Lập: Mình vừa nhận được thơ bác NKĐ gửi cho, tác giả của những vần thơ về Đất nước cháy bỏng năm xưa
lại ngậm ngùi nghĩ về Đất nước hôm nay. Đọc bài thơ “Đất nước những tháng năm thật buồn” của bác NKĐ gửi cho,
mình bất chợt nhớ đôi câu thơ của bác NKĐ: Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ vô tư quá để bây giờ xao xuyến...
tự nhiên thấy cay cay đầu sống mũi.

Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc

Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm

Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường

Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?

Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh

Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay...


22.4.2013

Trích: Blog Quê Choa 22.4
http://quechoa.vn/2013/04/22/dat-nuoc-n ... that-buon/
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »

30 Tháng Tư, vì sao chưa thể quên?

Song Chi

30 Tháng Tư 1975-30 Tháng Tư 2013. Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã 38 năm rồi, nhưng dường như nó vẫn chưa bao giờ thật sự
trở thành “một chương đã qua, đã xong” trong lòng đa số người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Image
Những người cùng khổ kiếm không đủ ăn vẫn chiếm đại đa số ở Việt Nam trong khi một thiểu số ăn trên ngồi trốc thì tiền thừa mứa,
bận rộn chuyện mua vàng cất giữ, nhập cảng xe hơi bằng máy bay ở cái nước gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa”.
(Hình: AFP/Getty Images)

Ðối với “bên thắng cuộc” là đảng và nhà nước cộng sản, cuộc chiến tranh ấy tiếp tục được họ nhắc đi nhắc lại vào những ngày lễ 2 Tháng Chín, 30 Tháng Tư, cùng vô số ngày kỷ niệm khác, vẫn được tổ chức tưng bừng.

Khi những thất bại của mô hình thể chế chính trị hiện tại và trong toàn bộ sự điều hành lãnh đạo đất nước của nhà cầm quyền ngày càng không thể che giấu trước mắt người dân Việt và thế giới, họ càng cố bám víu vào những “hào quang xưa cũ” từ cuộc chiến. Họ càng cố “ăn mày dĩ vãng” để níu kéo lòng tin đã cạn kiệt của nhân dân và biện minh cho sự tồn tại của đảng, của chế độ.

Ðối với “bên thua cuộc”, lúc đầu chỉ là những người trực tiếp và gián tiếp liên quan đến chế độ miền Nam Cộng Hòa, tiếp theo là hàng triệu người bỏ nước ra đi vì không chịu nổi chế độ mới sau “giải phóng”... nhưng dần dần, cả dân tộc cay đắng nhận ra nhân dân Việt Nam chính là bên thua cuộc.

Và khi cuộc chiến càng lùi xa, những sự thật càng được sáng tỏ, cùng với sự thối nát của chế độ này ngày càng lộ rõ, thì tất cả nguyên nhân, diễn biến của cuộc chiến tranh đã qua cùng với cái kết thúc ngày 30 Tháng Tư 1975 lại được nhớ lại. Trở thành nỗi day dứt đối với tất cả những ai quan tâm đến số phận đất nước, dân tộc.

Những câu nói “Nếu như... giá như...” lại dằn vặt người Việt Nam.

Khi từng ngày từng giờ chứng kiến thực trạng xã hội Việt Nam ngày hôm nay, sau gần 4 thập kỷ thống nhất đất nước.

Khi nhìn sang những quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Nam Hàn... mà ở thời điểm cách đây 38 năm, về nhiều mặt còn thua hoặc không hơn miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ bao nhiêu, nay đã đi được một chặng đường rất dài. Trở thành những quốc gia thịnh vượng và khoảng cách với Việt Nam bây giờ là hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm.

Những quốc gia Ðông Âu cũ một thời cũng do các đảng cộng sản lãnh đạo, nay đã thay đổi rất nhiều chỉ sau hai thập niên đổi sang mô hình tự do dân chủ.

Và nhìn rộng ra trên toàn thế giới, để thấy vị trí của Việt Nam ở đâu, đời sống vật chất tinh thần của người dân Việt Nam so với người dân ở các quốc gia phát triển ra sao.

Có nhiều người tự hỏi vì sao người Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đã kết thúc từ lâu?

Không có gì là khó hiểu. Ðối với nhà nước Cộng Sản Việt Nam, tuy tưởng là thắng cuộc nhưng càng ngày họ càng nhận ra họ không thể thu phục được nhân tâm “bên thua cuộc” cũng như lòng tin của nhân dân.

Càng ngày họ càng nhận ra họ không thể chiến thắng trong thời bình. Không thể đưa đất nước thành một quốc gia giàu mạnh, không thực hiện được khẩu hiệu “độc lập-tự do-hạnh phúc”, còn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì lại càng xa vời vợi.
Cho dù mù quáng, bảo thủ đến đâu, tự sâu trong thâm tâm, họ hẳn phải nhìn ra con đường mà họ đi là sai lầm, sự chọn lựa của họ là sai lầm và có tội với đất nước, dân tộc.

Lịch sử rồi sẽ phán xét công tội rõ ràng của đảng Cộng Sản Việt Nam.

38 năm sau ngày hân hoan mừng chiến thắng và ở trên đỉnh cao của sự kiêu ngạo, giờ đây, những gì người ta có thể nhận thấy ở nhà nước Cộng Sản Việt Nam là sự hoang mang, bế tắc, khủng hoảng về mọi mặt.

Ðối ngoại, hèn nhát, bất lực trước âm mưu bành trướng bá quyền xâm lược Việt Nam ngày càng lộ rõ của Trung Quốc. Ðối nội, bế tắc, bất lực trong điều hành quản lý về kinh tế, xã hội, trong cuộc chiến chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng, kể cả những cuộc tranh giành đấu đá nhau giữa các phe phái để giành ghế.

Sự lúng túng, mất phương hướng còn thể hiện qua hàng loạt động thái giả như kêu gọi sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước, trong khi vẫn ra sức đàn áp, ngăn chặn mọi tiếng nói đối lập, mọi sự thay đổi theo chiều hướng dân chủ hóa trong xã hội.

Ðối với “bên thua cuộc” và cả nhân dân Việt Nam, nếu như sau 38 năm, đảng cộng sản đã thành công trong việc đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, độc lập về chính trị, bảo vệ toàn vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải, đem lại cuộc sống tự do, no ấm, công bằng cho nhân dân... Có lẽ nỗi đau về sự thua cuộc và cái giá quá lớn phải trả cho cuộc chiến sẽ qua đi.
Ngược lại, cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục còn là nỗi ám ảnh khi Việt Nam vẫn còn là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, khi nhân dân Việt Nam chưa thật sự được hưởng quyền tự do, dân chủ, sự bình an trong đời sống.

Một nguyên nhân khác khiến cho quá khứ khó quên, là từ trong chính tính cách của người Việt Nam.

Không chỉ riêng nhà cầm quyền là những kẻ bảo thủ và không muốn thay đổi, dường như cái tính ít chịu thay đổi, thiếu rộng lượng, khoan dung cũng nằm trong mỗi người Việt Nam. Cứ nhìn cách người Việt chúng ta hành xử với nhau trong đời thường hay quan điểm của chúng ta trước hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống thì rõ.

Sở dĩ như vậy cũng bởi vì chúng ta phải sống quá lâu trong một chế độ độc tài ngu dân. Ðặc biệt khi chế độ đó lại kết hợp trong nó những cái tồi tệ nhất của chủ nghĩa phong kiến hủ lậu, chủ nghĩa tư bản thời man rợ và chủ nghĩa cộng sản khát máu, vô thần, như ở Việt Nam hay Trung Quốc.

Cái thiện, nhân tính trong từng con người bị hủy hoại đến tận cùng. Sự chia rẽ, nghi kỵ, thiếu khoan dung, vô cảm, tàn ác... những sản phẩm của một chế độ không tin ở con người, không tôn trọng con người, cũng vì thế mà nảy nở sinh sôi.

Ðã nhiều lần nhà cầm quyền nhắc đến cụm từ hòa giải hòa hợp dân tộc. Và cứ mỗi khi ngày 30 Tháng Tư trở về, vấn đề này lại được xới lại.

Thiết nghĩ, cách hòa giải hòa hợp hiệu quả nhất không phải nằm trên bề mặt ngôn từ hay một vài hành động tỏ ra thiện chí từ phía nhà cầm quyền, mà là hãy dũng cảm thay đổi. Dứt khoát chọn lựa một con đường đi đúng đắn để vực dậy đất nước khỏi sự tụt hậu, bế tắc, cả nguy cơ đánh mất chủ quyền và độc lập vào tay bá quyền phương Bắc.

Một khi Việt Nam đã thoát ra khỏi thời kỳ do đảng cộng sản lãnh đạo để xây dựng lại đất nước, vết thương về cuộc chiến tranh tức khắc sẽ lành.

Bởi không còn có cảnh cứ vào mỗi ngày 30 Tháng Tư người thì tiếp tục ăn mừng ngày giải phóng, ngày chiến thắng, người cay đắng gọi là ngày Quốc Hận, Tháng Tư Ðen. Sẽ không còn có những cuộc tranh cãi bất tận về cờ vàng cờ đỏ, ai mới thật sự giải phóng ai hay tên gọi đúng nhất của cuộc chiến là gì, v.v...

Quá khứ chỉ có thể qua đi khi hiện tại cả dân tộc đã ở trên một nấc thang khác, một bước phát triển khác.
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »


Image

30-4-1975 là ngày gì?
Lê Phi
(Danlambao) - Ngày 30 tháng 4 năm 1975 mãi vẫn là một điểm mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Ngày này đã có những tên gọi khác nhau “Ngày Giải Phóng Miền Nam”, “Ngày Thống Nhất”, “Ngày Hòa Bình”, “Ngày Quốc Hận” hay “Ngày Mất Nước”. Thử xét xem tên gọi nào chính xác nhất cho ngày này.

Trước hết tên gọi của CSVN “Ngày Giải Phóng Miền Nam”. Theo định nghĩa, giải phóng là sự cởi bỏ những gông cùm, trói buộc, kiềm chế, ngăn cản để được tự do hơn, có nhiều lựa chọn hơn, có nhiều quyền hạn để tự quyết định cho chính mình hơn. Sự thật cho thấy sau ngày 30-4-1975, toàn bộ Việt Nam trở thành một nhà tù lớn với vô số trại tù nhỏ mọc lên ở khắp nơi. Tất cả các quyền tự do người dân miền Nam có được trước đó đều bị tước đoạt. Tài sản, sinh mạng, nhân cách, phẩm giá con người đều bị chà đạp, không còn được tôn trọng như trước. Như vậy ngày 30-4-1975 không là ngày giải phóng miền Nam mà là ngày toàn bộ Việt Nam là nhà tù dưới sự cai trị của đảng CSVN.

“Ngày Thống Nhất” thì đúng về hình thức nhưng lại lập lờ về nội dung bởi vì trước đó chỉ có một nửa dân tộc bị mất tự do và sau đó toàn thể dân tộc bị cầm tù dưới sự cai trị của đảng CSVN. Chắc chắn rằng những người mất tự do trong lao tù không bao giờ muốn thấy sự đoàn tụ với người thân của mình trong cùng hoàn cảnh mất tự do bị giam cầm như mình. Như vậy tên gọi này khiếm khuyết vì chỉ là mỹ từ che dấu một sự thật xấu xa phía sau là sự mất tự do của toàn bộ dân tộc.

“Ngày Hòa Bình” lại càng không đúng vì có hòa hay không, và có bình (đẳng) hay không sau ngày 30-4-1975? Gần như toàn bộ người dân miền Nam sau ngày này trở thành một loại tù hạng thấp nhất, bị phân biệt đối xử trong mọi mặt của đời sống và không ít người đã là mục tiêu của sự trả thù hèn hạ của ĐCSVN rất nhiều năm sau đó. Đúng ra nó là ngày chấm dứt chiến tranh tự vệ của miền Nam, là ngày người dân miền Nam không còn được chiến đấu để bảo vệ tự do của chính mình chứ không có nghĩa là ngày có hòa bình.

Con số những người phải hy sinh sau đó đâu có thua kém gì trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam (chết trong trại giam, trong vùng kinh tế mới, trên đường vượt biển, vượt biên, vì kinh tế lụn bại bởi sự kiêu hãnh ngu dốt của đảng CSVN...) thì làm sao gọi là hòa bình?

Ngày 20 tháng 7 năm 1954 miền Bắc Việt Nam bị rơi vào tay CS và tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 toàn bộ nước Việt Nam bị cưỡng chiếm bởi tập đoàn công cụ tay sai ngoại bang Nga Tàu. Dân tộc Việt hoàn toàn mất tự do, mất cả quyền tự chủ quyết định vận mạng đất nước của chính mình. Tất cả các quyết định quan trọng liên quan tới vận mạng dân tộc đều bị định đoạt từ Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh và cứ thế tập đoàn bán nước CSVN cong lưng cúi mặt thi hành.

Không những vậy chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam cũng mất dần vì bọn bán nước CSVN đã đặt quyền lợi cá nhân, bè đảng của chúng trên quyền lợi dân tộc, dâng đất nước tổ tiên để lại cho quan thầy Trung Cộng. Người dân Việt Nam dưới bạo quyền CS bị ngoại nhân đánh đập, ức hiếp, cướp bóc, thậm chí bị giết chết trên ngay chính đất nước mình đã không được nhà cầm quyền CSVN bênh vực, mà chúng còn vô cảm đồng lỏa với thủ phạm dập tắt phản kháng tự vệ của người dân.

Trước kia dưới chế độ thực dân Pháp, người dân Việt không có quyền tự chủ quyết định vận mạng chính đất nước mình vì chúng ta đã mất nước vào tay giặc Pháp. Tuy nhiên sự bảo vệ người dân thuộc địa Việt Nam của chính quyền thực dân Pháp còn hơn hẳn sự bảo vệ người dân Việt dưới chính quyền CSVN hiện nay. Như thế ngày 30 tháng 4 năm 1975 quả thật là ngày mất nước hay là Ngày Quốc Hận cho toàn dân tộc Việt Nam chứ không riêng gì cho miền Nam Việt Nam.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là bài học cho cả người dân hai miền Nam Bắc. Bài học cho người dân miền Nam là Tự Do và Quyền Tự Chủ của Dân Tộc là Trách Nhiệm của mỗi một người trong chúng ta. Chúng ta phải chiến đấu để bảo vệ tự do chớ không thể thờ ơ, khoán trắng cho người khác như quân đội, chính quyền. Bài học cho người dân miền Bắc là phải sáng suốt để không bị chính quyền lừa đảo lợi dụng lòng yêu nước làm các việc phản bội lại quyền lợi dân tộc nhằm phục vụ cho mưu đồ bán nước cho ngoại bang. Vì vậy ngày 30 tháng 4 luôn luôn là Ngày Quốc Hận của toàn dân Việt Nam, để nhắc nhở cho chúng ta hôm nay và cả thế hệ con cháu mai sau lỗi lầm đã xảy ra vào năm 1975.

Ngày Quốc Hận năm nay 2013, chúng ta, tất cả đồng bào hai miền Nam Bắc nên thắp nén hương lòng tưởng niệm tất cả các chiến sĩ và người dân đã hy sinh vì Tự Do, vì quyền Tự Chủ của Dân Tộc, những người quân nhân miền Nam chống lại sự xâm lăng của chủ thuyết cộng sản, những người cán binh bộ đội miền Bắc đã bị lừa đảo - xâm lược miền Nam nhưng tưởng rằng chiến đấu vì quyền tự chủ của dân tộc Việt.

Sự hy sinh của các cán binh cộng sản đã xuất phát từ lòng yêu nước vẫn xứng đáng được ghi nhận và trân trọng dù rằng hành động xâm lăng miền Nam là đi ngược lại với quyền lợi dân tộc. Các hành động lầm lỗi đó cũng đáng được tha thứ vì họ đã bị lừa dối, bị lợi dụng lòng yêu nước, vô tình làm công cụ cho đảng CSVN. Tập đoàn tay sai bán nước đảng CSVN chính thật là những kẻ có tội ác với dân tộc.

Xin đề nghị tất cả chúng ta dù ở nơi đâu hay làm việc gì, vào ngày 30 tháng 4 năm nay hãy dành một khoảng khắc thời gian mặc niệm cho những người con đất Việt đã nằm xuống vì quê hương dân tộc. Đồng thời kể từ nay trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta, chúng ta phải dứt khoát loại bỏ các cụm từ ngữ “Giải Phóng”, “Hòa Bình”, “Thống Nhất” khi gọi mốc thời gian này.

Ngày Quốc Hận là ngôn ngữ chính xác nhất cho ngày 30-4, nhưng trong những trường hợp chẳng thể dùng nó thì dùng nguyên mốc thời gian “ba mươi tháng tư bảy lăm”. Chúng ta cần phải xác định rõ ràng lập trường tư tưởng qua ngôn ngữ chính xác để không có thể bị lừa gạt hay vô tình lừa dối người khác nữa.

Thử nghĩ nếu chúng ta dùng chữ “Ngày Giải Phóng” thì có phải chúng ta đã vô tình chấp nhận sự thống trị của đảng CSVN trên dân tộc, và làm sao chúng ta có thể giải thích cho các thế hệ con cháu về sự đau khổ cùng cực của toàn dân Việt kể từ sau ngày này ?

Nếu chúng ta đã quyết định chọn lựa đứng về phía dân tộc chống lại âm mưu dâng tổ quốc cho ngoại bang của bè lũ tay sai bán nước CSVN thì điều đầu tiên chúng ta cần phải xử dụng ngôn ngữ chính xác để không bị lợi dụng làm lu mờ chính nghĩa dân tộc. Đó là bước đầu trên con đường tranh đấu đòi lại tự do và quyền tự chủ cho dân tộc Việt.

Xin đề nghị với đồng bào đang sống ở khắp nơi trên thế giới hãygiải thích cho người dân bản xứ hiểu rõ được thực chất của ngày này và tránh xử dụng ngôn ngữ tuyên truyền của CSVN như “Liberation Day”. Đồng thời nên nhấn mạnh rằng đó không phải là ngày của riêng người dân miền Nam Việt Nam mà là ngày của toàn dân tộc bị mất mát. Đừng rơi vào cái bẫy ngày “Nam Việt Nam” mà một số trí thức (lại trí thức) đang ồn ào vẽ vời.

Xin đề nghị Ngày Quốc Hận dịch sang tiếng Anh là National Abomination Day (hay là Day of National Shame) để làm sáng tỏ ý nghĩa của ngày này.

Lê Phi
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Nhân 30 tháng 4, tôi tuyên bố

Nhạc sĩ Tô Hải

…Tưởng rằng mình đã hết ý để nói về cái ngày “tưởng rằng vui” 30 tháng 4 này. Lý do: Năm nào mình cũng có viết về nó với những ý mới.

Nhớ lại suốt 5 năm về già vui thú với bờ-nốc-bờ-niếc, mình đã từng vạch trần ra cái âm mưu áp đặt bằng võ lực lên toàn thế giới (mà thành công một bước mới là trên mảnh đất chữ S), một chế độ mà tất cả mọi con người đều bị biến thành một “trại súc vật”, sống thế nào? làm thế nào? vui buồn, yêu, ghét ra sao?… thậm chí cả chết kiểu nào cũng đều do một nhóm người ưu tú nhất mang tên Đảng Cộng sản quyết định!

1- Mình còn nhớ mình đã ghi lại cái cảnh ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn, dặn dò bọn văn nghệ sỹ chúng mình khi thẳng đường bay thẳng vô Nam: Bằng một cử chỉ hung hăng, ông hùng hồn giơ hai nắm đấm trước ngực đấm đấm vào nhau mà nói: “Cuộc chiến đấu ai thắng ai hãy tạm dừng ở đây! Chúng ta cần có thời gian để củng cố lực luợng, cải tạo bọn ngụy và… nếu có sức chúng ta chẳng ngại gì không… tiến thẳng tới New Delhi!”

2- Mình cũng là người đã “sợ” cái chuyện trắng trợn tuyên bố và kể công lao to lớn của mấy ông trùm cộng sản khi huênh hoang với toàn thế giới “Chính nhờ có họ, mà một nước nhỏ đã đánh thắng ba đế quốc to” trong khi đó chỉ cách đó không lâu họ vẫn xưng xưng: “Không có chuyện Miền Bắc xâm lược Miền Nam”. Và họ cũng không muốn hoặc không đủ khả năng hiểu nổi câu đối đáp của vị Thủ tướng Thái Lan là: “Nước tôi hân hạnh vì một nước nhỏ mà KHÔNG PHẢI ĐÁNH NHAU VỐI MỘT NƯỚC TO NÀO…” nghĩa là gì v.v và v.v.

3- Mình cũng đã vạch thẳng thừng ra cái sự “miền Bắc được giải phóng” cả về sinh hoạt lẫn tư tưởng bằng những câu chuyện: miền Bắc như hàng triệu cái lò xo lâu nay bị đè ép, bỗng bung ra và không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Bằng những câu chuyện sớm “tự cải tạo” từ cách suy nghĩ đến cách sống và làm ăn, người miền Bắc mà 99,9% đều có người thân hy sinh cho cách mạng, đều có người là đảng viên, lao đầu vào những thứ phồn vinh giả tạo như những con thiêu thân,… kệ ai cao đạo giáo dục “cảnh giác, giữ vững lập trường”!!!
Trong khi ở miền Nam, người ta cấm “nhạc vàng nhạc ngụy”, đốt sách ngụy thì miền Bắc, oang oang ngày đêm những Giao Linh, Khánh Ly,… sách “phản động đồi trụy” cứ ùn ùn kéo ra Bắc, làm mê say cả mọi lớp người lâu nay chỉ biết ăn có món văn nghệ tuyên truyền cho Đảng!

4- Mình cũng vạch ra cái ngu cực kỳ do tính “kiêu binh hỗn xược” của bọn tưởng rằng mình thắng cuộc thì muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm khi vừa tuyên bố “Mọi người Việt Nam đều là người chiến thắng” thì ngay hôm sau đánh lừa cả gần triệu sĩ quan và cán bộ cao cấp “ngụy” mang 20 ngày gạo “đi học tập” rồi giam không án không hạn tù trong các trại gọi là cải tạo khắp nơi thâm sơn cùng cốc rừng sâu nước độc suốt cả chục năm trời hoặc hơn… khiến không ít người bỏ xác nơi nào chả ai biết hoặc nếu sống sót trở về thì có đi H.O. cũng chỉ còn là những thân xác ốm yếu vì bị đọa đày cho thân tàn ma dại! Kèm theo là cả chục triệu những con người là vợ con, người thân,… của họ bị mang hận thù suốt năm này qua tháng khác vì bị cưỡng bức đi kinh tế mới, hoặc đành liều mạng vượt biên, người đến nơi nào đó làm “quê hương thứ hai”, người bỏ xác nơi đại dương, đến cái xương cũng không còn đường về quê mẹ!
Trong khi đó, tối tối, con em họ phải tập trung để “bị” học hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hoặc “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”!

Mình đã chửi thẳng những thằng “bên thắng cuộc” cho là “các cháu MiềnNamkhoanh tay, cúi đầu chào khách là… ảnh hưởng của chế độ phong kiến” (!?) cũng như bọn chủ trương phổ biến những bài hát chiến thắng huênh hoang là những bọn cực kỳ ngu xuẩn và hoàn toàn không có một xu tâm lý học!

Riêng về mặt văn hóa văn nghệ, đã hơn một lần mình đã nói thẳng cái “hơn hẳn” của văn nghệ sỹ, trí thức miền Nam chân chính. Đó là:

a- Họ hoàn toàn tự do, muốn viết gì thì viết, muốn theo trường phái nào thì theo, hoàn toàn tự do sáng tác kể cả viết những gì mà chính quyền không mong muốn…

b- Họ được tự do tiếp xúc với đủ mọi thứ văn hóa nghệ thuật nước ngoài kể cả với những tác phầm của phe cộng sản.

c- Đa số đều thành thạo 1 hoặc 2 ngoại ngữ giúp họ sớm tiếp cận với những gì là văn minh tiến bộ nhất của loài người. Trái lại văn nhân nghệ sỹ miền Bắc, trừ những người theo Tây học trước 45, hầu hết đều… mù ngoại ngữ nên chỉ biết Shakespeare, Balzac,… qua bản dịch. Còn những tác phẩm hiện đại thì chỉ “nghe mấy anh văn nghệ có quyền” phán rằng là “Camus, Sartre… nó phản động thế này,…thế kia,…” nên rất chi là nhục nhã khi tự mình tổ chức ra cái hội nghị lên án “văn hóa thực dân mới” giữa cái đất Sài Gòn đầy những trí thức am hiểu, sành Triết Tây lẫn những fan của Sartre của Camus!

Điều tự sỉ nhục này mình đã lấy làm cái cớ để động viên cả nhà Phạm Duy còn bị kẹt lại Sài Gòn (mà trực tiếp đến với mình là Phạm Đình Chương và Duy Quang) là: “Hãy tìm đường mà cuốn xéo nhanh kẻo có ngày mất mạng vì phản ứng với cái bọn “kiêu binh văn hóa cộng sản” này”. Và tất cả họ đã nghe theo mình…

Cái ĐƯỢC và MẤT của 30 tháng 4, Nguyễn Khải, trên giường bệnh đã nói thẳng không ngại ngùng (vốn có theo bản tính thận trọng) là: Miền Bắc đã cho tôi ĐỘC LẬP, Miền Namđã cho tôi TỰ DO… Còn tớ thì lại: CHÍNH NHỜ MIỀN NAM NÀY MÀ MÌNH ĐÃ TÌM ĐƯỢC Ý NGHĨA CỦA CẢ ĐỘC LẬP LẪN TỰ DO.

5- Cũng chính mình đã đưa ra cái ý kiến về câu “Có triệu người vui cũng có triệu người buồn“ của ông Võ Văn Kiệt là: “Bề trên”, “Kẻ cả” và cực kỳ… “chủ quan” bằng những lý lẽ để “bổ sung” (thực chất là để “bác bỏ”).

Rằng thì là: “Chẳng có cái tỷ lệ chung chung, bằng nhau đó đâu!” Sự thật thì cái ngày 30 tháng 4 đó có mở ra một vài hướng sống mới cho riêng dân miền Bắc, cả 30 năm sống kiếp ngựa trâu nhưng lại là bắt đầu cả một giai đoạn cực khổ tủi nhục, bất công chưa từng thấy cho toàn thể nhân dân miền Nam!

Đặc biệt khi chủ nghĩa cộng sản, sau khi ra mặt công khai lãnh đạo toàn diện cả cái nước “xuống hố cả nút” này rồi… thoái hóa tới mức “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa???” thì… mọi mặt xã hội của cả hai miền đều bị dìm vào các cuộc đại… “loạn”… Vô tướng bất tài, vô lương tâm, vô học… đã trở thành những ông chủ thực sự từ xã đến trung ương, đã nắm tất tần tật mọi chức vụ quyết định sự sinh tồn của đất nước, kể cả… bán hay không bán nước!!!

Vậy mà cứ đến ngày 30 tháng 4 đến họ lại không ngớt dùng bộ máy khổng lồ tuyên truyền của họ cao giọng huênh hoang, tăng cường chửi Mỹ, chửi “ngụy”. Dù có đôi chút hạn chế hơn trước (tỉ như thỉnh thoảng có nhắc tới cái tên Việt Nam Cộng hòa, “ông” naỳ, “ông” kia… chứ không xách mé, hỗn xược, khinh người như trước) nhưng vẫn không ngớt phịa ra các thứ chiến công tưởng tượng như “giải phóng Trường Sa”, như “tiến đánh dinh Độc Lập”, kể cả “địa đạo trại Davis”, những chuyện chẳng ai biết, chẳng ai làm chứng những ngày 30 tháng tư trước bao giờ!… Cứ như đánh đâu thắng đấy nhưng sự thật thì như mình đã viết: Đây là một cuộc đá bóng mà một bên đã ra khỏi bãi vì không đá nữa! Vậy có có đá với ai đâu mà “đá thắng” cơ chứ!?

Tóm lại, đã qua 38 năm cái 30 tháng 4, mỗi lần nó đến, mình chỉ buồn chứ chẳng vui chỉ vì:

Mỗi lần nó đến lại gợi lại nỗi phân chia đôi ngả của cả một dân tộc ViệtNam, trong đó có gia đình mình: Cả 6 đứa em đều không sao đàng hoàng về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn. Còn thằng anh cả duy nhất còn ở lại ViệtNamnày thì chưa chắc lúc chết được đặt nắm tro tàn cạnh Bố Mẹ; anh em, con cháu họ Tô chắc vẫn chỉ là một giấc mơ khó trở thành sự thực! Ôi! 30 tháng Tư, mình là một trong những kẻ đau nhất vì MẤT nhiều nhất!

Mỗi lần nó đến lại như khoét sâu vào những nỗi đau của cả triệu triệu con người, vì nó mà con mất cha, vợ mất chồng, dân mất nước để cho một lũ chẳng một ngày xung phong cầm súng, chẳng một ngày đánh Pháp, đuổi Nhật, thậm chí cả chẳng một ngày “chống Mỹ xâm lược” bỗng dưng ăn trên ngồi trốc, làm vua hiểu dụ thần dân những điều vô lý, vô lẽ, vô luân… mà vẫn dám vỗ ngực là cộng sản, là “chủ tập thể” của đất đai, là không có tam tứ quyền phân lập, phân liệt gì sất… nào là tao có quyền lãnh đạo tuyệt đối muôn năm đất nước này, là quân đội do tao dựng lập ra nên phải phục vụ tao!, rằng… tao nhất định sẽ lên… thiên đường! Kẻ nào phản đối, tao cho vô tù hết! Nhà tù 30 tháng Tư nào cũng được mở rộng để khoan hồng cho những tên cướp, giết, hiếp, nhưng cũng để rộng chỗ cho những người “thoái hóa” như Phương Uyên, Điếu Cày, Nguyễn Tiến Trung… và tất cả những tên lưu manh trí thức, cơ hội chính trị…!

Rõ ràng, những kẻ kiêu binh ăn mày dĩ vãng tanh mùi máu và đẫm mặn nước mắt đang ngày càng gây thêm thù, thêm oán…

Rõ ràng 30 tháng 4 không hề làm cho họ phải giật mình soi lại xem vì sao từ những giới trẻ như nhóm sinh viên luật đến lớp già như những trí thức, đảng viên lão thành lại ngày càng đông người ra mặt công khai lên tiếng phản đối mọi chủ trương đường lối phản nước hại dân của những đàn sâu phá hoại đất nước cực kỳ…

Và mình, đến hôm nay, nhân ngày 30 tháng 4/2013, cũng nhân thể nhắc các bạn gần xa đọc lại trên to-hai.blogspot.com những gì mình đã tóm tắt lại ở trên mà tuyên bố rằng:

CHÍNH NGÀY 30 THÁNG 4 NÀY LÀ NGÀY ĐÃ GIẢI PHÓNG CHO TÔI, MỘT CÔNG DÂN MIỀN BẮC, KHỎI KIẾP NÔ LỆ MỘT THỨ TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ NGOẠI LAI CỰC KỲ PHẢN ĐỘNG VÀ SẼ NGUYỀN GÓP SỨC ĐỂ SỚM CHÔN VÙI NÓ CÙNG VỚI NHỮNG KẺ SỐNG BÁM VÀO NÓ TRONG NHỮNG NĂM THÁNG CÒN LẠI CỦA CUỘC ĐỜI!

Tô Hải
Nguồn: Tô Hải Blog
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Chính quyền và côn đồ, tuy hai mà một

Võ Long TRiều
Quốc gia nào trên thế giới cũng phải có một đội quân để giữ an ninh trật tự công cộng, gọi là cảnh sát, công an. Tiếng Pháp còn gọi cảnh sát bằng chữ “Gardien de la paix” (người gìn giữ sự yên lặng, hòa thuận trong xã hội) thay vì “Police” (cảnh sát).

Trên khắp thế giới, dù cộng sản hay tư bản, chưa thấy một quốc gia nào dung dưỡng bọn du côn du đãng, thường gọi là côn đồ, lập thành băng nhóm, trộm cấp, giật dọc, cướp bóc, trấn lột dân lành. Những bọn đó là mầm mống gây bất an trong xã hội, là phần tử bất hảo cần phải bài trừ. Chính quyền các nước văn minh thường bắt giam bọn chúng, giáo dục, dạy nghề, giúp chúng trở lại đời sống lương thiện. Trừ những kẻ ngoan cố, tiếp tục phạm pháp thì phải xử án cầm tù.

Quái lạ thay, tại Việt Nam ngày nay bọn “côn đồ” được cộng sản Hà Nội dung dưỡng, mượn tay chúng đàn áp, đánh đập dân chúng tàn nhẫn, thay thế công an hay phụ với họ khi cần.

Trong những cuộc đàn áp dân oan lúc nào cũng có bọn côn đồ thẳng tay đánh đập dân chúng bằng gậy gộc, công an đứng nhìn làm ngơ, hoặc cùng hợp sức đánh dã man hơn.

Ngày 21 Tháng Tư vừa qua, cũng tại huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng xảy ra thêm một vụ xô xát vì cưỡng chế đất đai. Cũng tại huyện này đã xảy ra vụ đàn áp gia đình ông Ðoàn Văn Vươn. Theo lời một nhân chứng, ông Lương Văn Chinh, nông dân ở xã Ðại Thắng, huyện Tiên Lãng nói với BBC, “Khoảng 12 giờ trưa thấy có khoảng 20 người mặc áo bảo vệ, áo chống đạn và 40 người ‘xã hội đen,’ đầu trọc, xâm trổ đầy mình, cởi trần đang xô xát, đạp phá ruộng dưa, đánh đập bà con. Lúc đó có ông chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng công an xã Ðại Thắng, huyện Tiên Lãng, thế mà họ thờ ơ.”

Báo tuổi trẻ ngày 22 Tháng Tư đăng bài: “Côn đồ hành hung dân Tiên Lãng.” Bài báo mô tả hơn 50 đối tượng lạ mặt dùng gậy gộc đánh đập những người dân không chịu bàn giao đất để nhà nước bán cho công ty TNHH Hoa Thành. Giá đền bù 20,700 đồng một mét vuông so với giá thị trường là 8 triệu đồng một mét vuông! Kết quả có 6 nông dân bị trọng thương.”

Báo chí “lề phải” trong nước đăng tải tin tức na2y với những lời bình luận gay gắt dành cho chính quyền địa phương.

Một nhà báo công khai phát biểu: “Nếu nhà nước không bắt giam và trị tội những kẻ sử dụng côn đồ thì làm sao chính quyền tránh khỏi bị mang tiếng côn đồ.”

Bằng chứng công an công khai bảo vệ và sử dụng bọn côn đồ trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng bởi vì dân chúng địa phương ghi nhận được các biệt danh của giới giang hồ có mặt trong cuộc xô xát, như Hoàng Văn Chương (Chương “sực”) ngụ xã Bắc Hưng, như Phường “tố,” như Hòa “lể,” cả hai tên này ngụ xã Nam Hưng. Tin tức còn cho biết một nhóm giang hồ khác hơn chục người ở quận Kiến An được mời về và họ cho biết sau đó được trả công hai triệu đồng mỗi người!

Tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, dân oan nhứt quyết không giao đất. Hàng trăm dân tỉnh Long An tuyên bố chấp nhận cho nhà nước bỏ tù, hoặc chết trên đất của tổ tiên để lại, nếu công an và côn đồ cưỡng ép họ vào đường cùng. Do đó công an, dân phòng, ngay cả bọn côn đồ du đãng cũng phải tạm thời rút lui trước những phản ứng dữ dội từ phía dân chúng.

Những bài bình luận của các blogger trên Internet về công an nhân dân Việt Nam dựa vào bọn “côn đồ” để giải quyết công việc, họ dùng những chữ “công an và côn đồ tuy hai mà một.”

Ngày 28 Tháng Ba, 2013 phóng viên Thanh Quang đài RFA loan tin: Công an tỉnh Dak Lak đứng nhìn côn đồ hành hung ông Phạm Văn Chung ở thôn Buôn Triết, xã Dur Kmal. Vì lý do nhà cầm quyền muốn chiếm đất của ông Chung tự khai khẩn hai năm qua.

Ngày 22 Tháng Tư, 2013 dân oan Dương Nội kéo nhau về Hà Nội khiếu nại vụ trưng thu đất trái phép, bị một nhóm côn đồ cầm gậy dộc dao búa, kéo đến khu đất tranh chấp đánh đập bà con đang cấy lúa. Vụ này được biên tập viên Mặc Lâm của đài RFA đưa tin ngày 27 Tháng Tư, 2013: “Trong lúc bọn côn đồ tấn công người dân Dương Nội thì công an đứng nhìn và còn cố tình không lập biên bản về những hung khí cũng như tang vật đã sử dụng. Vậy thử hỏi công an Dương Nội bảo kê cho ai”?

Trên đây là nói về côn đồ công khai đàn áp dân oan theo lệnh của công an. Còn nói về tôn giáo thì những năm tháng qua, côn đồ phải giả danh “quần chúng bức xúc tự phát” bao vây nhà thờ, tu viện, chửi bới, hành hung linh mục, tu sĩ, giáo dân vì những vị này “lợi dụng tôn giáo,” “vi phạm pháp luật.” Vi phạm mà công an không can thiệp, không lập biên bản, không truy tố, chỉ để cho “dân tự phát” hành động mà thôi.

Ngày 5 Tháng Ba, 2012, Linh Mục Giuse Nguyễn Quang Hoa thuộc giáo phận Kontum bị ba côn đồ hành hung. Ngày 1 Tháng Bảy, 2012, LM Gioan Baotixita Nguyễn Ðình Thục, giáo xứ Con Cuông, bị công an, dân phòng, và côn đồ ngăn cản không cho dâng lễ ngày Chủ Nhật. Tòa Giám Mục Vinh cho rằng “vụ việc này là cao trào và kết quả những mưu tính lâu dài, được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng của các thế lực đen tối.”

Ngày 7 Tháng Mười Một, 2011, ông Trần Văn Vinh, người ngoại đạo xác nhận, tại giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội bị xã hội đen kéo tới tấn công đập phá và hành hung linh mục, giáo dân.

Công an và côn đồ hành động có kế hoạch nhịp nhàng như vậy nên một giáo dân nói rằng: “Tôi cảm giác mình đang rơi vào một đám thảo khấu côn đồ... Có chế độ nào đất nước nào như vậy không? Tôi không thể tưởng tượng nổi những người như vậy lại đại diện cho một nhà nước, cho nên nhà nước này quả thật rất mờ ám và hành xử rất côn đồ...”

Sở dĩ nhà nước không để cho công an đánh đập thẳng tay dân oan là vì nếu xảy ra thương tích trầm trọng hay án mạng thì sinh ra kiện thưa, nhà nước không thể bỏ qua dễ dàng trước dư luận. Chi bằng nhờ du đãng hành hung, dù có xảy ra việc gì đi nữa công an không khi nào lập biên bản thì dư luận không vịn vào đâu để mà tố cáo.

Về các vấn đề liên quan đến tôn giáo, công an không có lý do để hành hung, nên phải mượn côn đồ giả dạng “người dân tự phát” vì họ không hoan nghênh việc thờ phượng của giáo dân trong xóm nên phải hành động.

Chủ trương và suy nghĩ một cách ấu trĩ của nhà cầm quyền không che giấu được dư luận. Tuy nhiên nhà cầm quyền vẫn lì lợm, chai đá, dù bị đồng hóa với bọn côn đồ cũng bất chấp, miễn sao chiếm được đất của dân, ngăn cấm được tự do tín ngưỡng, kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản vô thần. Cho nên lời phê phán của một nhà báo Tuổi Trẻ: “Nhà nước sử dụng côn đồ thì làm sao chính quyền tránh khỏi bị mang tiếng côn đồ,” là đúng.

http://www.diendantheky.net/2013/05/vo- ... o-tuy.html
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 4 guests