Bình Luận , Quan Điểm

hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Phía sau một hội nghị thượng đỉnh về cuộc chiến Ukraine
Lê Tây Sơn
31 tháng 5, 2023

Image
Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng giới chức cấp cao phương Tây tại Hội nghị G7, Hiroshima, Nhật, 21 Tháng Năm 2023 (ảnh: Stefan Rousseau-WPA Pool/Getty Images)


Ukraine và các đồng minh đã lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình không có Nga. Kyiv được sự ủng hộ mạnh mẽ của châu Âu cho một hội nghị diễn ra trước hội nghị NATO vào Tháng Bảy tới..

Một hội nghị thượng đỉnh thiếu Nga

Ngày 30 Tháng Năm, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ với tờ Wall Street Journal, Ukraine và các đồng minh đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo toàn cầu trừ Nga để thu hút thêm sự ủng hộ đối với các điều kiện của Kyiv về việc chấm dứt chiến tranh.

Các kế hoạch dù còn ở dạng phác thảo đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các lãnh đạo châu Âu (kể cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron), những người đang vận động hành lang để các quốc gia đứng về phía Nga hoặc từ chối tham chiến sẽ cùng tham gia. Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, cho biết:

“Chúng tôi yêu cầu một kế hoạch thống nhất của thế giới văn minh có trách nhiệm, những người thực sự muốn sống trong hòa bình. Các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga là không thể khi quân đội của họ vẫn còn trong lãnh thổ của chúng tôi. Ukraine sẽ không thỏa hiệp về sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Tiến trình hoà bình không thể thực hiện được nếu không có sự tham dự của cả thế giới, đặc biệt là các nhà lãnh đạo Nam bán cầu. Ukraine sẵn sàng đối thoại với tất cả các quốc gia và lắng nghe ý kiến của họ, gồm cả Trung Quốc và Brazil, những nước đã có đại diện đến thăm Ukraine trong tháng này”.
Image
Tổng thống Volodymyr Zelensky và Phó Tổng thống UAE Mansour bin Zayed Al Nahyan, Jeddah, Saudi Arabia, ngày 19 Tháng Năm 2023 (ảnh: UAE Presidential Affairs Ministry / Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Các quan chức châu Âu hiện hợp tác với Kyiv để điều chỉnh lại kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine để kế hoạch này dễ chấp nhận hơn đối với các cường quốc có ảnh hưởng như Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia và Trung Quốc.

Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Zelensky kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với phần lãnh thổ bị Nga chiếm, trao trả tù nhân chiến tranh, truy tố tội phạm chiến tranh, giải quyết an toàn hạt nhân đang gặp nguy hiểm tại một nhà máy điện hạt nhân và tăng cường an ninh lương thực bằng cách bảo vệ xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của NATO sẽ được mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh hy vọng diễn ra ngay trước Hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO bắt đầu vào ngày 11 Tháng Bảy tại Vilnius, Litva để hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và tăng cường mối quan hệ NATO-Ukraine trong tương lai.

Đầu năm nay Tổng thống Zelensky đã yêu cầu Tổng thống Pháp Macron giúp ông tiếp cận với các nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình của Trung Quốc. Các cuộc đàm phán sau đó đã biến thành kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng định và Macron đề nghị tổ chức ở Paris. Đan Mạch và Thụy Điển cũng muốn là nước chủ nhà. Chưa có danh sách rõ ràng các bên tham dự, nhưng một số quan chức châu Âu đã đến thủ đô của các cường quốc thế giới trong những tuần gần đây để vận động Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia ngoài phương Tây khác tham gia.

Họ hy vọng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự hội nghị, nhưng không chắc lắm về ông Tập. Modi đã có lúc bày tỏ mối lo ngại về chiến tranh, còn Tập Cận Bình đã gặp Vladimir Putin nhiều lần kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu nhưng phải mất hơn một năm ông mới gọi điện cho Zelensky sau khi Macron đến thăm Trung Quốc.

Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh quan hệ đối tác toàn diện với Nga và với cá nhân Putin. Đầu tháng này, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã cử cựu Ngoại trưởng Celso Amorim tới Kyiv và Moscow để đàm phán, nhưng ông không gặp Zelensky tại Nhật Bản khi cả hai tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 trong Tháng Năm.
Image
Tổng thống Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Aylesbury, Vương quốc Anh, ngày 15 Tháng Năm 2023 (ảnh: Ukrainian Presidency / Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Có thể kỳ vọng gì?

Gần đây, Tổng thống Zelensky đã đến dự một hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả-rập, trong khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đi thăm các nước châu Phi. Nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh của phương Tây diễn ra trong bối cảnh các quốc gia có quan hệ gần gũi hơn với Nga đang tìm cách đi đầu trong công tác ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột.

Cả Brazil và Trung Quốc đã cử đặc phái viên hòa bình đến Moscow và các thủ đô châu Âu để thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh dù cả hai đều không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga và đều ủng hộ một lệnh ngừng bắn nhanh chóng. Giới chức châu Âu đặt mục tiêu rằng các cuộc đàm phán trong tương lai phải lấy kế hoạch của Kyiv làm điểm tham chiếu.

Thời điểm tổ chức hội nghị trước cuộc họp của NATO sẽ gửi tín hiệu đến phần còn lại của thế giới rằng dù châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, họ cũng đang tìm kiếm các giải pháp hoà bình cho một cuộc xung đột mà tác động kinh tế của nó đã gây tổn hại cho phần lớn thế giới đang phát triển.

Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết, ý tưởng về hội nghị thượng đỉnh ban đầu được ấp ủ trong cuộc trò chuyện giữa Macron và Zelensky ở Paris vào Tháng Hai, khi nhà lãnh đạo Pháp thúc ép người đồng cấp Ukraine chấp nhận thực tế là, cuối cùng phải có cuộc đàm phán với Kremlin. Macron nêu vấn đề này với Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây. Ý tưởng về hội nghị Ukraine cũng được đưa ra tại cuộc họp tháng này của các nhà lãnh đạo tại hội nghị của Nhóm G7 tại Nhật Bản. Đầu tuần này Zelensky đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Tuyên bố của Đức cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ giữ liên lạc chặt chẽ “nhằm vận động sự ủng hộ toàn cầu cho một giải pháp hòa bình”.

Ukraine đã nhiều lần nói họ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống Nga trừ khi Moscow sẵn sàng tham gia kế hoạch hòa bình. Họ cũng bác bỏ lệnh ngừng bắn tạm thời, và kêu gọi các lực lượng Nga rút lui trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Đáp lại, Nga cho biết sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng với điều kiện Ukraine phải chính thức công nhận các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập thuộc chủ quyền của Moscow. Dù cuộc đưa tìm kiếm hoà bình đang tăng tốc, nhưng giới chức Mỹ cho rằng khả năng có một đột phá ý nghĩa dẫn đến ngưng bắn tại Ukraine trước cuối năm nay là rất thấp.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Ukraine tố Nga phá đập thủy điện, báo động ngập lụt
Bình Phương
6 tháng 6, 2023

Image
Biểu tình chống chiến tranh xâm lược và lên án Putin ở Santa Monica, miền Nam California hôm thứ Bảy 3 tháng Sáu 2023. Ảnh David McNew/Getty Images)

Chính quyền Ukraine hôm thứ Ba tố cáo lực lượng Nga cho nổ tung một con đập lớn và nhà máy thủy điện trong khu vực mà Nga kiểm soát gần thành phố Kherson ở miền Nam, đồng thời tổ chức di tản hàng ngàn cư dân ở hạ nguồn vì lo sợ lũ lụt lớn. Phía Nga phản bác rằng con đập đã bị hư hại do các cuộc tấn công của quân đội Ukraine trong khu vực tranh chấp.

Đập Kakhovka giữ nước của hồ chứa cùng tên cung cấp nước uống, nước tưới nông nghiệp và làm mát một nhà máy điện hạt nhân gần đó. Hồ Kakhovka có kích thước bằng hồ Great Salt ở Utah. Trước đó, chính quyền Ukraine đã cảnh báo rằng một vụ vỡ đập Kakhovka có thể làm thoát ra 18 triệu mét khối (4,8 tỷ gallon) nước, gây lũ lụt cho thành phố Kherson và hàng chục khu vực khác có hàng trăm nghìn người sinh sống ở hạ lưu, cũng như đe dọa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu đang bị Nga chiếm đóng.

Trong nhiều tháng qua, cả phía Nga lẫn Ukraine đều tố cáo đối phương có âm mưu phá hoại con đập trong khu vực tranh chấp. Hồi tháng Mười, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh cáo nếu con đập bị vỡ thì 80 khu vực dân cư sẽ nhanh chóng chìm dưới nước và hàng trăm ngàn người sẽ bị ảnh hưởng.

Vào sáng nay thứ Ba 6 tháng Sáu 2023, ông Zelensky đã lên án vụ phá hoại con đập là hành vi khủng bố mà ông đổ trách nhiệm cho quân Nga chiếm đóng. Ông Zelensky cũng đã triệu tập hội nghị khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia và ra lệnh di tản cho cư dân trong những vùng còn nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Ukraine. Cơ quan quân quản địa phương nói mực nước trong hồ chứa Kakhovka bị giảm khoản 6 inches (15 cm) mỗi giờ và sẽ làm ngập các khu dân cư ở hạ lưu trong vòng 5 tiếng đồng hồ nữa.

Trong khi đó, ông Vladimir Leontyev, người được Nga bổ nhiệm làm thị trưởng thị trấn Nova Kakhovka – nơi có hồ chứa và đập nước, nói rằng nhiều vụ pháo kích vào nhà máy thủy điện Kakhovka đã phá hủy các van của nó và “nước từ hồ chứa Kakhovka bắt đầu chảy xuống hạ lưu một cách mất kiểm soát”. Leontyev nói các cuộc tấn công là “một hành động khủng bố rất nghiêm trọng” và cho biết các nhà chức trách do Moscow chỉ định đang “chuẩn bị cho những hậu quả tồi tệ nhất” dù họ không yêu cầu người dân phải di tản.

Hiện có khoảng 16,000 dân sống trong “khu vực nguy hiểm” trên hữu ngạn sông Dnipro chia đôi thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine, đến lúc 7:30 sáng thứ Ba giờ địa phương đã có 9 khu dân cư bị ngập nước, theo lời ông Oleksandr Prokudin, chỉ huy quân sự khu vực. Cư dân của 10 ngôi làng và một phần thành phố Kherson đang được di tản tới vùng an toàn bằng xe buýt và một đoàn tàu lửa chở người di tản sẽ rời Kherson vào buổi trưa để đến thành phố Mykolaiv, ông Prokudin cho biết thêm.

Ông Vasyl, 40 tuổi, sống ở Kherson nói với báo chí rằng cư dân các vùng thấp trũng của thành phố đang được di tản nhưng quân Nga vẫn tiếp tục pháo kích vào khu vực. “Nga pháo kích cấp tập trong lúc mọi người đang tất bật di tản khỏi Ostriv. Họ đang khủng bố chúng tôi,” ông cho biết qua một tin nhắn.

Mối lo ngại lớn nhất là nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia, sử dụng nước từ hồ chứa Kakhovka để làm nguội các lò phản ứng hạt nhân. Vài tuần gần đây, cơ quan tình báo quân sự Ukraine cảnh báo rằng quân Nga sẽ gây ra một tình huống khẩn cấp ở nhà máy điện, để lấy cớ yêu cầu ngừng bắn và chặn đứng cuộc tổng phản công của quân đội Ukraine.

Khi sự cố vỡ đập xảy ra sáng nay, tập đoàn điều hành năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine cho biết vụ nổ đập “có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia,” nhưng tình hình hiện tại “có thể kiểm soát được”.

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (IAEA) viết trên Twitter rằng các chuyên gia IAEA đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia và “không có rủi ro an toàn hạt nhân ngay lập tức” tại cơ sở này.

Hiện cả sáu lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Zaporizhzhia đã được tắt nhưng vẫn cần có nước để làm mát các thanh nguyên liệu hạt nhân còn chứa trong lõi của lò phản ứng. Tuy nước làm mát các thanh hạt nhân lưu chuyển trong một chu kỳ khép kín không phải lấy nước trực tiếp từ hồ chứa nhưng việc mất nguồn nước làm mát sẽ không an toàn cho nhà máy, theo lời ông Ivan Plachkov, cựu bộ trưởng năng lượng Ukraine.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Nước Nga hôm nay, Việt Nam ngày mai
Tùng Phong
25 tháng 6, 2023

Image
Vladimir Putin trong buổi tiếp Nguyễn Phú Trọng tại Sochi, Nga, ngày 6 Tháng Chín 2018 (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Cách mạng Tháng Mười Nga có khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”. Và hôm nay, những gì đang diễn ra ở nước Nga, sau hơn một thế kỷ, là một vòng lặp kỳ lạ của lịch sử. Điều đó cho thấy, nước Nga của Putin đã không trưởng thành hơn và hoàn toàn không rút được gì từ những bài học lịch sử. Một nhà độc tài sụp đổ sẽ được thay thế bằng một nhà độc tài khác, thậm chí tàn bạo, sắt máu hơn.

Ba tháng trước, trong bài “Từ giấc mộng Đại Nga đến sự sụp đổ một đế quốc”, tôi có nói đến sự ra đi của Putin cũng như quá trình tan rã của “đế quốc Đỏ vĩ đại” chỉ còn là vấn đề thời gian. Nước Nga sẽ lại bước theo quán tính được dẫn dắt bởi tâm thức chủng tộc và lại hân hoan đón mừng một Ivan Bạo chúa mới lên ngôi. Nhưng không ai nghĩ một cường quốc lục địa khổng lồ với bề dày lịch sử như nước Nga lại đang suy tàn theo cách không thể tồi tệ hơn như những gì chúng ta đang thấy.

Trớ trêu thay, Yevgeny Prigozhin, con quái vật được Putin một thời “cưng như trứng mỏng”, đang nổi lên trở thành “Đấng cứu rỗi” của nước Nga. Trong khi ông chủ điện Kremlin, Putin, người tự coi mình là hiện thân của “Sa hoàng” với mộng tưởng phục hưng đế quốc Đại Nga, mới đây còn được bình chọn là người đàn ông quyền lực nhất thế giới, hóa ra là một con hổ giấy thảm hại.

Thông tin mới nhất về cuộc binh biến cho biết có bước ngoặt bất ngờ, một thỏa thuận ngầm đã được thông qua. Theo đó, Prigozhin sẽ tới Belarus, những chiến binh Wagner sẽ trở về doanh trại mà không ai bị truy tố hình sự. Thật khó tin cuộc khủng hoảng này sẽ chấm dứt tại đây. Nhưng dù thế nào thì từ giờ khắc này, Prigozhin sẽ phải luôn tránh xa những khung cửa sổ và bỏ thói quen uống trà. Trong khi Putin sẽ sớm trải nghiệm kết cục bi thảm của nhà độc tài khi quyền lực đã tuột khỏi tay.

Có một câu bình luận rất hay của một Facebooker nói rằng “Yevgeny Prigozhin sẽ đi vào lịch sử hiện đại đáng xấu hổ của nước Nga như một gã giang hồ dám đập tan cái hũ đặt trên bàn thờ, khiến làm tung tóe những thứ bẩn thỉu chứa trong đó”. Công bằng mà nói thì chính Putin đã tự tay đập vỡ cái hũ đó bằng cuộc xâm lược Ukraine. Cuộc chiến đã bộc lộ rõ “đội quân thứ hai thế giới” đã bị tham nhũng và thói dối trá, sự hủ bại của hệ thống chính trị băng đảng đục ruỗng nó từ lâu. Đó cũng là thực trạng chung của nước Nga. Prigozhin chỉ là kẻ đóng cái đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của đế quốc Nga ở thời điểm lịch sử lựa chọn.

Khi những đoàn quân Wagner theo lệnh của Prigozhin vượt hàng ngàn dặm từ biên giới Ukraine, thẳng tiến về Moscow mà không gặp bất cứ một trở ngại nào. Họ tiến chiếm dễ dàng các thành thị, trung tâm điều hành quân sự, tình báo của quân đội Nga trên đường tiến quân. Các đơn vị cảnh sát, quân đội được phân công chặn đánh các đoàn quân Wagner hầu như chỉ đứng nhìn cuộc “tuần hành vì công lý” của Prigozhin.

Nó cho thấy điều gì? Nó cho thấy một nước Nga thực chất đã hoàn toàn tan rã từ bên trong. Quân đội là một đám “quân hồi vô phèng”, không có năng lực chiến đấu, lẫn ý chí để kháng cự, chỉ huy bỏ trốn hoặc đơn giản chỉ đứng nhìn tấn tuồng giữa Putin, Prigozhin và đám tướng lĩnh bộ quốc phòng diễn. Họ không có lý do chết cho một cuộc chiến phe đảng mà họ không có lợi ích liên quan.

Hãy nhìn phản ứng của dân chúng, họ cũng thờ ơ không kém, xem đó như một màn giải trí. Khi những nhóm chiến đấu Wagner bao vây Sở chỉ huy quân khu miền Nam ở thành phố Rostov-on- Don, đám đông đứng vây quanh, quay phim chụp ảnh và bắt chuyện với những lính Wagner. Một nước nước Nga nghèo khó, được che giấu sau những phồn hoa ở Moscow và St. Petersburg, nay đã kiệt quệ mọi mặt, trơ lỳ cảm xúc. Nhà độc tài thì say mê với giấc mộng vĩ cuồng. Còn đám đông dân chúng quay cuồng với rượu vodka, những thú vui sa đọa, mánh lưới chụp giật cho cuộc sinh tồn ngày một khó khăn.

Họ không thấy có lý tưởng gì đáng phải hy sinh hơn miếng bánh mì và tấm áo choàng lông thú mà những góa phụ Nga nhận được cùng với tấm giấy báo tử của chồng hay con trai. Những người Nga có trình độ và lương tri đã rời bỏ đất nước, chỉ còn lại một đám đông bị xóa bỏ ký ức, nhân tính và cả khả năng nhận thức đúng thực trạng của đất nước. Một kết cục thực sự bi thảm cho nước Nga “vĩ đại”, một đất nước từng có những đại văn hào và nền văn hóa giàu bản sắc cũng như vinh quang.

Mặc dù phía sau cơn giận dữ và cuộc binh biến của Prigozhin thực chất là cuộc xung đột lợi ích với đám tướng lĩnh Bộ quốc phòng Nga và cả với Putin. Nhưng lý do mà ông ta đưa ra công khai, đòi hỏi “công lý” và phơi bày sự thực về cuộc chiến ở Ukraine là một cú sốc chấn động tới tận gốc xã hội Nga bấy lâu nay sống trong lừa bịp và dối trá.

Với rất nhiều người Nga, lần đầu tiên họ được nghe từ một “người ái quốc chân chính” một sự thực rằng trong suốt tám năm từ 2014 đến 2022, Ukraine không hề đánh bom Donbass như chính quyền Nga tung tin làm cái cớ cho cuộc xâm lược; rằng người Ukraine không hề muốn chiến tranh với Nga và thất bại của Nga trên chiến trường thảm khốc hơn nhiều những gì họ biết…

Prigozhin hoàn toàn có tư cách để lớn tiếng, ảnh hưởng của ông ta thậm chí đã lấn át cả “Sa hoàng Nga” bấy lâu nay không rời khỏi bongke hoặc loay quanh bên chiếc giường bệnh. Người Nga luôn tôn sùng sức mạnh và sự quyết đoán của “lãnh tụ” và Prigozhin có tất cả yếu tố đó, cùng sự ma mãnh, tàn bạo của một Ivan Bạo chúa mới.

Một đám đông người Việt theo dõi diễn biến cuộc binh biến vừa qua ở Nga với sự hồ hởi và hy vọng về sự sụp đổ nhanh chóng của “Sa hoàng Nga” giống như cuộc Cách mạng Tháng Mười. Cũng có thể lắm chứ. Bởi vì, Prigozhin đã lựa chọn một thời điểm rất tốt. Khi mà toàn bộ lực lượng vũ trang Nga đã phải dồn về phía biên giới Ukraine và Crimea để chuẩn bị đối phó với cuộc tổng phản công của Ukraine, để lại khoảng trống mênh mông trong nội địa. Đám lính “vắt mũi chưa sạch” của lực lượng vệ binh quốc gia và những quân đoàn thực chất chỉ còn phiên hiệu rõ ràng không phải là đối thủ của 25,000 lính Wagner.

Thế nhưng Prigozhin cũng biết rõ, ông ta có thể nhất thời kiểm soát được Moscow nhưng không thể duy trì được quyền lực. Ông ta không có tính chính danh và cũng không đủ thực lực để trở thành “Đại đế”. Do đó, đồng ý lui quân với thỏa thuận “hòa giải” mà Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian, rõ ràng là một bước lui đúng lúc. Không ai có thể hiểu rõ hậu trường chính trị bẩn thỉu, cũng như xã hội Nga bằng Prigozhin và ông ta thừa khôn ngoan để hiểu phía sau thỏa thuận với Kremlin sẽ có vô số cạm bẫy chết chóc. Tấn tuồng vẫn còn dài, nhưng “Trạng chết thì chúa cũng băng hà”.

Cuộc binh biến của Prigozhin đã cho toàn thể thế giới thấy một nước Nga hỗn loạn, nơi mà bộ máy cai trị của những băng đảng mafia đã tới hồi cắn xé nhau, một đế quốc đến thời điểm suy tàn và sụp đổ. Nó cũng cho thấy cơ cấu quyền lực của những nhà nước độc tài thực ra rất mong manh. Những vết nứt phía dưới nền móng của chế độ được che giấu bởi vẻ bề ngoài rất mạnh mẽ, sắt máu của bộ máy đàn áp khổng lồ.

Nó có thể sụp đổ theo cách khó lường nhất và vào thời điểm bất ngờ nhất. Nhưng vấn đề có lẽ đáng suy nghĩ hơn cả, là những đổ nát và di chứng mà một chế độ độc tài để lại cho xã hội là cả cơn ác mộng kéo dài. Bởi lẽ, không có “giải pháp chính trị” thay thế nào được chuẩn bị. Đất nước rơi vào hỗn loạn và bạo lực, trên một nền tảng xã hội bị tha hóa, cùng kiệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là một kết cục bi thảm nhất.

Từ câu chuyện về nước Nga, người Việt cần suy nghĩ về tương lai của đất nước, cũng như chính bản thân và gia đình mình với tâm thế Chủ Nhân thực sự chứ không phải là khán giả của một cuộc hý trường. Tất cả chúng ta, hơn 90 triệu người Việt, vẫn còn gửi gắm sinh mạng, thân xác mình trên mảnh đất hình chữ S này, từ lâu bị coi như đàn vịt ngan ngoan ngoãn cho nhà cầm quyền vặt đến cái lông cuối cùng, trước khi bị vứt vào nồi nước sôi. Chế độ chuyên chế được xây dựng lên từ dối trá và bạo lực mà những người Cộng sản lấy nguyên mẫu từ Nga Sô và Trung Cộng đem về áp đặt, đã và đang hủy hoại dân tộc, quốc gia này tới tận xương tủy.

Non sông Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng cẩm tú, có tài nguyên dồi dào, với dân số gần 100 triệu, phân nửa là sức trẻ, sở hữu một vị trí địa chính trị kinh tế vô cùng thuận lợi, nhẽ ra đã phải trở thành một Hàn Quốc hay chí ít là một Malaysia thịnh vượng và hùng mạnh. Thế nhưng, hàng triệu người Việt hôm nay vẫn phải bỏ nước mà đi để mong tìm kiếm một công việc hạ bạc nơi xứ người. Hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam phải chịu kiếp nô lệ tình dục, bán thân khắp năm châu.

Ngay cả những sinh viên xuất sắc cũng sẵn sàng lựa chọn con đường “xuất khẩu lao động” bởi thực tế là không có một cơ hội nào cho những thanh niên thực tài có thể phát triển ở đất nước nơi mà mọi ngóc ngách đều bị chiếm cứ bởi đám “con em lãnh đạo”. Tài nguyên quốc gia bị khai thác đến cùng kiệt nhưng cái mà người dân nhận được là ô nhiễm, là nô dịch, và Gánh Nặng Nợ ngày một cao cao mãi.

Bộ máy cai trị Việt Nam cũng giống hệt như bộ máy cai trị của nước Nga. Tham nhũng và dối trá đã trở thành thuộc tính hữu cơ và nó không có khả năng sửa đổi. Hôm nay, những gì đang diễn ra nước Nga, cũng có thể là ngày mai của Việt Nam. Những phẫn uất bùng nổ ở Tây Nguyên chỉ là một tàn lửa nhỏ. Nó có thể nhanh chóng bị dập tắt nhưng không thể biết rồi một ngày nào đó, một tàn lửa khác lại bùng lên trên cánh đồng cỏ khô chất chồng oán thù của hàng triệu người dân là nạn nhân của một chế độ tham tàn, bạo ngược.

Cũng có thể một Prigozhin phiên bản Việt sẽ xuất hiện trong đám tướng lĩnh công an, quân đội… những lực lượng đang bảo vệ cho băng đảng cầm quyền. Khi một xã hội không còn không gian dân sự và tự do ngôn luận, đối thoại giữa người dân và nhà cầm quyền bị triệt tiêu thì khi đó bắt đầu một quá trình suy vong không thể đảo ngược.
duynga
Posts: 114
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by duynga »

Cộng đồng gốc Việt trên bức tranh chính trị Mỹ
Mỹ Anh
3 tháng 7, 2023

Image
Ảnh: Allen J. Schaben / Los Angeles Times via Getty Images


Vấn đề đa số trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thích Cộng hòa hơn Dân chủ, cụ thể là khoái ông Trump hơn ông Biden, chẳng là chuyện lạ. Mới đây, trong bài báo ngày 3 Tháng Bảy 2023 trên The Washington Post, cây bút Meena Venkataramanan lại mổ xẻ lại “hiện tượng” này, qua đó cho thấy sự hiện diện ngày càng đáng chú ý của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trên bức tranh chính trị Mỹ.

Trong nhiều thập niên, quy ước chính trị cho rằng dân số người Mỹ gốc Á ngày càng tăng luôn có xu hướng bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, có một ngoại lệ khi điều này rất không đúng với người Mỹ gốc Việt. Theo dữ liệu từ cuộc Khảo sát Cử tri Người Mỹ gốc Á năm 2022 và 2020, người Mỹ gốc Việt là nhóm sắc dân gốc Á duy nhất chiếm đa số – 39% vào năm 2022 – được xác định hoặc có khuynh hướng nghiêng về Cộng hòa hơn Dân chủ.

Trong khi đó, đa số trong mọi nhóm dân tộc châu Á khác được khảo sát – người Mỹ gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Nhật và Hàn Quốc – lại được xác định hoặc có khuynh hướng nghiêng về Dân chủ. Một cuộc khảo sát lớn hơn của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào Tháng Năm cho thấy có đến 51% cử tri gốc Việt đăng ký đi bầu được xác định hoặc có khuynh hướng nghiêng về Cộng hòa, so với 42% được xác định hoặc có khuynh hướng nghiêng về Dân chủ. Trong khi đó, cũng theo kết quả cuộc thăm dò này, đa số cử tri người Mỹ gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Hàn Quốc lại ngả sang Dân chủ.


Một số ý kiến giải thích rằng quá khứ chiến tranh cùng những ám ảnh của lịch sử nhập cư đầy bi thảm bởi hậu quả trực tiếp của chiến tranh và bởi chính sách đàn áp tàn bạo của cộng sản giai đoạn hậu chiến đã tác động mạnh mẽ đến khuynh hướng chính trị của lớp người lớn tuổi – những người tin rằng đảng Cộng hòa thường có khuynh hướng “đánh” cộng sản tốt hơn Dân chủ với những chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.

Lập luận không thuyết phục này và thiếu cơ sở chứng minh một cách đúng đắn về mặt khoa học có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi bất tận nhưng thực tế này lại được chính giới Hoa Kỳ ngày càng quan tâm và họ bắt đầu có những chiến lược cụ thể để giành phiếu cử tri người Mỹ gốc Việt – nhóm cộng đồng hiện chiếm 10% dân số người Mỹ gốc Á ở Mỹ, với tỉ lệ phát triển nhanh nhất nước Mỹ và trở thành khối cư tri ngày càng quan trọng. Với dân số khoảng 2,3 triệu vào năm 2021, theo dữ liệu điều tra dân số mới nhất, người Việt là cộng đồng gốc Á lớn thứ tư ở Mỹ, sau người Mỹ gốc Hoa, Ấn Độ và Philippines.

Những năm gần đây, Đảng Cộng hòa đã dồn sức đầu tư nhiều hơn trong việc giành phiếu cử tri Mỹ gốc Á khi xoáy mạnh vào các vấn đề như tội phạm, giáo dục và “cộng sản hóa”. Với một số chính trị gia Mỹ, việc khoác lên đối thủ chính trị chiếc áo cộng sản luôn là chiêu tranh cử hiệu quả, đặc biệt đối với người Mỹ gốc Việt – những người “rành sáu câu” về cộng sản và sự tồi tệ của chủ nghĩa cộng sản cũng như phiên bản quái thai của nó là “chủ nghĩa xã hội”.

Trong một chiến dịch quảng cáo tranh cử vào mùa Thu 2022, một nhóm bảo thủ thuộc cánh Cộng hòa đã tung ra một video về các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á, với nội dung đổ lỗi cho chính quyền Biden thất bại trong việc ngăn chặn làn sóng bạo lực nhằm vào người châu Á, rằng phe Dân chủ quá mềm mỏng và nhẹ tay với tội phạm.

Cách này ít nhiều phát huy tác dụng: Cử tri người Mỹ gốc Á ngày càng nghiêng về Cộng hòa nhiều hơn trong các cuộc bầu cử gần đây, trong đó có mùa bầu cử 2020 và 2022. Chẳng phải tự nhiên mà Nainoa Johsens, phát ngôn viên của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, cho biết Ủy ban Quốc gia Cộng hòa, cam kết chi hàng triệu đôla trong cuộc chiến giành phiếu tại các cộng đồng người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương tại các tiểu bang trọng điểm.


Phe Dân chủ cũng không ngồi yên. Tracy Falon King, giám đốc truyền thông của AAPI (Cộng đồng các sắc dân đảo Thái Bình Dương và Mỹ gốc Á), cho biết phe Dân chủ “sẽ tiếp tục làm việc để thu hút và huy động các cử tri AAPI, trong đó có người Mỹ gốc Việt. Khi bước vào mùa bầu cử tổng thống, chúng tôi dự định tăng gấp đôi cam kết của mình và tiếp tục chia sẻ cách mà Dân chủ đã mang lại kết quả chưa từng có cho cộng đồng AAPI.”

Karthick Ramakrishnan, người sáng lập và đồng giám đốc của AAPI Data, một trong những nhóm tài trợ cho cuộc Khảo sát cử tri người Mỹ gốc Á định kỳ hai năm một lần, cho biết khuynh hướng “chọn phe” của người Mỹ gốc Việt cũng tương tự người Mỹ gốc Cuba – những người hiểu rõ bộ mặt chế độ cộng sản. Yếu tố chống cộng cùng với yếu tố xây dựng sức mạnh cộng đồng địa phương đã kết hợp lại với nhau để tạo nên thiên hướng chính trị của người Mỹ gốc Việt và giúp giải thích được lý do tại sao họ đặt niềm tin vào phe Cộng hòa.

Trong một cuộc chạy đua vào Quốc hội ở Quận Cam vào mùa Thu 2022, Dân biểu Michelle Steel và đối thủ Dân chủ Jay Chen đều tăng cường chiến dịch vận động nhằm vào người gốc Việt dù cả hai đều không phải người gốc Việt. Michelle Steel là người gốc Hàn; và Chen gốc Đài Loan. Trong chiến dịch tranh cử, Michelle Steel gọi Chen là “cái thứ theo đuôi cộng sản” trong khi Chen khẳng định rằng ông chống cộng sản Trung Quốc đến cùng. Kết quả, Michelle Steel tái đắc cử.

California có số lượng người Mỹ gốc Việt đông nhất nước Mỹ. Tại Quận Cam, cộng đồng gốc Việt là khu vực bầu cử chính trị quan trọng đại diện cho tỷ lệ ngày càng tăng của các nhà lãnh đạo địa phương. Tất cả thành viên Hội đồng thành phố Westminster (trừ một người) đều theo Cộng hòa, kể cả thị trưởng Chi Charlie Nguyễn. Phó chủ tịch Hội đồng giám sát viên quận Cam và hai dân biểu tiểu bang cũng là “dân” Cộng hòa.

Với cộng đồng Quận Cam và đa số trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói chung, Donald Trump là tổng thống nhận được ủng hộ nhiều nhất trong lịch sử tổng thống Hoa Kỳ. Trong cuộc khảo sát năm 2022, gần một nửa số người Mỹ gốc Việt cho biết họ “khoái” Trump (47%) so với vỏn vẹn 29% trong cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung. Với nhiều người Mỹ gốc Việt, chỉ có Trump mới “tiêu diệt” được cộng sản và chỉ có Trump mới “đủ tầm” “đánh” Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người Mỹ trẻ gốc Việt đi bỏ phiếu, khuynh hướng chính trị của cộng đồng có thể thay đổi. Một số người cho biết họ đã vỡ mộng vì Trump và một số người khác bắt đầu nhận thấy rằng Biden không “hèn” như họ tưởng và không “bán nước” cho Trung Quốc như những gì những nhân vật bảo thủ cực đoan trong Cộng hòa từng rao rêu.

Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, giới trẻ và thành phần trí thức luôn có khuynh hướng ngả về Dân chủ. Ông bà nghị sĩ Mỹ nào muốn kiếm phiếu người Mỹ gốc Việt thì không bao giờ quên tiếp cận nhóm đối tượng này. Một cuộc khảo sát của Pew được cung cấp cho The Washington Post cho thấy, trong khi 68% cử tri người Mỹ gốc Việt từ 50 tuổi ủng hộ Cộng hòa thì 58% cử tri trẻ nghiêng về Dân chủ.

Vài nhân vật tham chính trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, với màu áo Dân chủ, cũng đã đạt được thành công. Năm 2022, ông Hoan Huynh, thuộc Dân chủ, đã trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào ghế dân biểu tiểu bang Illinois. Trong chiến dịch tranh cử, ông Hoan Huynh phát tài liệu vận động bằng tiếng Việt và tập trung vào các vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến nhóm cử tri thuộc tầng lớp lao động cũng như chính sách trợ cấp các doanh nghiệp nhỏ. Ông Hoan Huynh, 33 tuổi, đến Mỹ với tư cách người tị nạn năm 1993, nói thêm rằng chiến dịch tranh cử của ông đã thu hút các cử tri người Việt thế hệ thứ nhất lớn tuổi, những người từng ủng hộ Trump vào năm 2016 và 2020 nhưng sau đó đã bỏ phiếu cho Dân chủ lần đầu tiên vào năm 2022.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Khi nào chiến tranh Ukraine kết thúc?
Lê Tây Sơn
19 tháng 7, 2023

Image
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Getty Images)


Để trả lời câu hỏi này, tờ Wall Street Journal đã tìm đến một số chuyên gia về các vấn đề quốc tế. Sau đây là cảm nghĩ của họ.

Rafael Arbex-Murut, Khoa khoa học dữ liệu và thông tin Đại học California, Berkeley: Vladimir Putin cần phải ra đi

Cuộc chiến ở Ukraine là một phần trong kế hoạch chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Là một cựu điệp viên KGB, ông Putin được thúc đẩy bởi viễn cảnh khôi phục nước Nga như những gì ông tin là vinh quang của Liên Xô trước đây. Điều này giải thích cho việc ông sáp nhập Crimea năm 2014 và phát động cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 mà ông gọi là “chiến dịch đặc biệt”.

Putin muốn khiêu khích phương Tây bằng cách mở rộng lãnh thổ và củng cố quyền lực của nước Nga, tất cả đều dưới chiêu bài “phi quân sự hóa” Ukraine, chống tân phát xít. Cuộc chiến ở Ukraine chỉ kết thúc khi Putin mất quyền lực. Sau khi ông ta ra đi, có thể Nga sẽ trở thành một quốc gia dân chủ nếu các biện pháp trừng phạt và phản đối chiến tranh phát huy tác dụng. Hoặc có thể một nhà chuyên quyền tham nhũng không kém sẽ thay thế ông Putin và giữ nguyên hệ thống chính trị hiện nay.

Nếu Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo của Tập đoàn quân tư nhân Wagner thành công trong cuộc nổi loạn của mình, thì chúng ta có thể đã thấy chiến tranh kết thúc nhưng chế độ độc tài chính trị vẫn tiếp tục. Bất chấp điều đó, cơ sở ủng hộ Putin bắt đầu rạn nứt khi các công dân Nga và các nhân vật chính trị tuyên bố phản đối chế độ. Phương Tây cần tận dụng cơ hội bằng cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine trên chiến trường và đấu trường quốc tế.

William Rampe, Khoa hành chính công Đại học Hamilton: Tùy thuộc vào Ukraine

Việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình là chính đáng. Người dân Ukraine xứng đáng được tôn vinh vì lòng dũng cảm và tình yêu đất nước. Nhưng nhận thức đó không làm cho chiến thắng của Ukraine và thất bại của Nga trở thành mối quan tâm sống còn của Hoa Kỳ. Mỹ cần xem xét lại các chính sách liên quan đến Ukraine, đặc biệt là cam kết viện trợ và mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) vừa công bố báo cáo tổng viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine đã vượt quá $76 tỷ, nhiều hơn gấp đôi so với những gì Liên minh Châu Âu (EU) đã cung cấp cho Ukraine cho cùng lý do tương tự và nhiều hơn năm lần tổng số tiền Hoa Kỳ đã chi trong những năm gần đây cho sáu nước nhận viện trợ xếp sau Ukraine. Dù vẫn còn thấp so với những gì cần thiết, nhưng chi tiêu ở quy mô này sẽ không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ mãi mãi.

Tổng thống Biden đã thể hiện sự mập mờ về địa chính trị khi gần đây ông cam kết chỉ chào đón Ukraine gia nhập NATO trong tương lai vì ngại khiêu khích Nga. Nhưng Nga có động cơ để kéo dài cuộc xung đột vô thời hạn cho đến khi chiến thắng. Tại sao cuộc chiến lại kết thúc khi Mỹ đã cam kết giữ Ukraine nằm ngoài NATO và phía bên kia vẫn tấn công? Một nước Nga suy yếu sẽ dẫn đến một thế giới an toàn hơn, nhưng mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh tay và tăng cường sản xuất vũ khí để Ukraine có những thứ mà họ sử dụng khi cần.

Thông qua viện trợ quân sự nước ngoài, Hoa Kỳ có thể cung cấp cho Ukraine các khoản vay để mua vũ khí và sau đó sẽ thanh toán bằng các tài sản của Nga bị Hoa Kỳ và EU đóng băng. Chỉ Ukraine mới có thể quyết định xem họ muốn kết thúc chiến tranh bằng hòa giải hay chiến thắng. Việc chiếm lại Crimea chắc chắn là một khả năng, nhưng Ukraine sẽ cần quyết định xem làm như vậy có xứng đáng với cái giá phải trả hay không.
Image
Một cuộc biểu tình lên án Putin tại Brussels, Bỉ (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

Stephen Tahbaz, Khoa chính trị, triết học và kinh tế Đại học Pennsylvania: Nghĩ về hình ảnh nước Mỹ

Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Nga với Ukraine. Trên mặt đất, sự an toàn mà người dân Ukraine có được là nhờ viện trợ của Hoa Kỳ. Các hệ thống phòng thủ trên không và mặt đất tiên tiến của chúng ta đã bảo vệ vô số phụ nữ và trẻ em để họ không sẽ bị pháo binh Nga bắn phá tàn nhẫn.

Ở cấp độ địa chính trị, bất kỳ dàn xếp nào không trả Crimea về cho Ukraine đều có vẻ không tốt như cuộc rút quân thảm khốc ở Afghanistan của Biden, trong đó vô số đồng minh bị bỏ lại phía sau, khiến Hoa Kỳ tỏ ra yếu thế trên trường quốc tế. Các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, hiện nhìn về Ukraine như một phép thử đối với sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài. Hãy để họ thấy một quốc gia quyết tâm thực hiện sứ mệnh bảo vệ tự do và bảo vệ các đồng minh của mình.

Eli Kravinsky, Khoa khoa học chính trị Đại học Haverford: Vấn đề thời gian

Những thất bại trong chiến dịch của Nga đã biến quân đội Nga thành một mớ hỗn độn không thể hòa giải với đội quân tư nhân và mở ra những rạn nứt giữa các chỉ huy Nga ngoài tiền tuyến và các lãnh đạo chính trị của họ. Cuộc đảo chính thất bại của Wagner vào tháng trước chỉ là ví dụ gần nhất về sự thoái hóa này nhưng sẽ không phải là cuối cùng. Ông Putin trước đây dựa vào sự lừa dối, chiến tranh kinh tế và áp dụng hạn chế lực lượng quân sự để đạt được mục tiêu của mình ở nước ngoài, nhưng chiến lược này không còn hiệu nghiệm vì đã đạt đến giới hạn.

NATO không có dấu hiệu giảm hỗ trợ cho Ukraine và châu Âu gần như đã hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga để chuyển sang nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng không phải của Nga. Nga về cơ bản đã trở thành một quốc gia bị bỏ rơi, như đã thấy gần đây trong bản cáo trạng của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court) đối với Putin. Ngay cả khi Ukraine phải đối mặt với những thất bại trong cuộc phản công, thời gian vẫn đứng về phía họ. Dù không thể đạt được một bước đột phá ấn tượng như mong muốn nhưng Ukraine cũng có thể giành chiến thắng bằng cách từ từ đẩy các lực lượng đang suy yếu và mất tinh thần của Nga quay trở lại đường biên giới thực sự của nước này vào năm 1991.

Sam Walhout, Khoa kinh tế Đại học Brown: Cuộc chiến bất tận

Cuộc chiến ở Ukraine sẽ không bao giờ kết thúc. Cuộc chiến có thể chấm dứt, các giải pháp ngoại giao có thể đạt được, nhưng chiến tranh kinh tế sẽ tiếp diễn. Máy bay không người lái, vệ tinh, hạn chế thương mại và trừng phạt kinh tế là những vũ khí cân não của chiến tranh hiện đại. Nga có thể tạm ngưng huy động xe tăng, nhưng tình trạng chiến tranh ở Đông Âu vẫn tiếp diễn chừng nào họ còn tranh giành quyền bá chủ tài chính thông qua các biện pháp thù địch.

Hoa Kỳ không tham chiến tích cực ở Ukraine, nhưng thông qua việc cho vay và cho thuê vật tư chiến tranh, nước Mỹ cũng đang chiến đấu. Viện trợ nước ngoài sẽ luôn sẵn sàng cho Ukraine, ngay cả khi chiến tranh kết thúc. Cuộc đấu tranh cho tự do và công lý sẽ không bao giờ có hồi kết. Và sẽ thật ngu ngốc nếu tin như thế.
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by quangminh »

Nga: Tiếp tục ném quân vào cỗ máy chiến tranh
Lê Tây Sơn
28 tháng 7, 2023

Image
Hoàn toàn tuyệt vọng trong việc xoay trở cục diện cuộc chiến Ukraine, Vladimir Putin vẫn lì lợm ném quân vào bãi lửa chiến trường (Getty Images)

Từ những khó khăn trên chiến trường đến chia rẽ nội bộ và chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực, cuộc xâm lược Ukraine của Nga hoàn toàn không có màu hồng như Vladimir Putin tuyên bố. Lãnh đạo Nga có vẻ đang chờ phép màu phản chiến tại Mỹ và cạn kiệt vũ khí của các nước phương Tây để “bất chiến tự nhiên thành”. Nhưng kỳ vọng là một chuyện, thực tế là chuyện khác!

Ukraine tăng cường tấn công và đạt được một số thắng lợi

Ngày 26 Tháng Bảy, các lực lượng Ukraine đã phát động một đợt phản công mới chống lại quân xâm lược Nga và tiến về phía Nam thành phố biển Orikhiv thuộc vùng Zaporizhzhia. Mục tiêu của Kyiv là tiến tới Biển Azov và cắt đứt cầu nối đất liền Nga với Crimea bị chiếm đóng, một đường dẫn quan trọng để di chuyển quân đội, thiết bị và vật tư của quân Nga vào Ukraine.

Các lực lượng Ukraine vẫn còn cách Orikhiv khoảng 60 dặm. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar xác nhận quân Ukraine đang tiến dần về hướng các thành phố ven biển Melitopol và Berdyansk, nhưng bà không cho biết họ đã di chuyển được bao xa. Cả phía Nga lẫn Ukraine đều thừa nhận có giao tranh dữ dội xung quanh thị trấn Robotyne, nhưng đưa ra cách giải thích khác nhau. Một quan chức Ukraine cho biết quân Ukraine đã chịu một số thương vong nhưng bác bỏ thông tin cho rằng các loạt pháo của Nga đã khiến họ phải rút lui.

Bộ Quốc phòng Ukraine cũng tuyên bố chặn đứng thành công các cuộc tấn công của Nga tại một số địa điểm dọc theo chiến tuyến dài 600 dặm và đã đạt được một số tiến bộ về lãnh thổ tại vùng Zaporizhzhia. Một quan chức Hoa Kỳ giấu tên bày tỏ sự thận trọng trong việc đánh giá các biến động mới chiến trường.

“Chúng tôi nhận thấy các dấu hiệu Ukraine tăng cường lực lượng ở khu vực Zaporizhzhia. Nhưng không rõ mục đích của động thái đó là gì – một quan chức giấu tên nói – Có thể các đơn vị được cử đến đó để thăm dò giúp thiết lập các điều kiện thuận lợi cho một trận chiến lớn hơn, hoặc tìm ra điểm yếu để phá hủy hệ thống phòng thủ của đối phương. Cũng có thể là chỉ là đợt thay quân cho những người lính đã kiệt sức sau cuộc chiến khó khăn chống lại các lực lượng Nga đang cố thủ. Không có dấu hiệu sắp có cuộc tổng tấn công” – dẫn lại từ The Washington Post.

Các cuộc giao tranh ác liệt, pháo binh và không kích đã được báo cáo suốt ngày ở vùng Zaporizhzhia và gần Bakhmut, Avdiivka ở phía Đông Ukraine. Vào tối 26 Tháng Bảy, Moscow đã tung ra một loạt cuộc tấn công bằng hoả tiễn (có cả bốn hoả tiễn đạn đạo siêu thanh Kinzhal) vào nhiều mục tiêu trên khắp Ukraine, gồm cả một sân bay ở khu vực Khmelnytskyi. Nhiều hoả tiễn bị đánh chặn.
Image
Bảng “quảng cáo” tuyển quân, Moscow ngày 12 Tháng Bảy 2023 (Getty Images)

Nga bắt giữ một nhà hoạt động cánh tả cộm cán

Trong một diễn biến khác, ngày 25 Tháng Bảy, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ nhà xã hội học cánh tả Boris Kagarlitsky với cáo buộc “biện minh cho chủ nghĩa khủng bố” vì những bình luận của ông ta trên mạng xã hội vào Tháng Mười.

Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch đàn áp mở rộng của chính phủ Tổng thống Vladimir Putin đối với những người bất đồng chính kiến. Là nhà bất đồng chính kiến Liên Xô cũ, một tác giả và nhà hoạt động theo chủ nghĩa Marx, Kagarlitsky đã bị chính quyền chuyển đến thành phố phía Bắc Syktyvkar, cách nhà ông ở Moscow hơn 800 dặm.

Ông bị giam trong nhà tù Lefortovo hơn một năm thời Tổng bí thư Leonid Brezhnev vì tội “tuyên truyền chống Liên Xô”. Năm 2007, ông thành lập nhóm chuyên gia cố vấn cánh tả, Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa và Các Phong trào Xã hội (Globalization Studies and Social Movements) tại Moscow.

Năm 2018, viện này bị Bộ Tư pháp Nga xếp vào danh sách “tác nhân nước ngoài”. Tháng Năm 2022, Kagarlitsky cũng bị gắn mác này. Kagarlitsky bị bắt sau khi cơ quan FSB phát hiện một bài đăng của ông trên mạng xã hội có ý biện minh cho chủ nghĩa khủng bố. Bài đăng liên quan đến một cuộc tấn công vào Cầu Crimean vào Tháng Mười và được diễn đạt cẩn thận để tránh vi phạm luật cấm chỉ trích chiến tranh khắc nghiệt nhưng cảnh báo việc cây cầu bị hư hại sẽ tạo ra các vấn đề về cung cấp quân sự.

Kagarlitsky thường lập luận rằng người Nga đang xa lánh chiến tranh do vỡ mộng trước tình trạng tham nhũng. Bị cấm bày tỏ ý kiến, họ rút lui vào thế giới cá nhân, tránh chính trị, phản đối chiến tranh và nói về cuộc xâm lược. Ông Sergei Markov, nhà phân tích nổi tiếng ủng hộ Điện Kremlin, gọi vụ bắt giữ là “một sai lầm chính trị thô thiển”.

Hãy để yên Kagarlitsky – Markov cảnh báo trên Telegram – Kagarlitsky có lẽ là chính trị gia Nga có ảnh hưởng nhất hôm nay và là chuyên gia của phe cánh tả trên thế giới. Điện Kremlin nên tích cực làm việc với ông ta chứ không nên bỏ tù. Bỏ tù ông ấy sẽ gây ra tổn hại lớn cho Nga hơn là có lợi.

Vụ bắt giữ làm nổi bật những rạn nứt ngày càng sâu sắc trong xã hội Nga khi Putin tiếp tục cuộc chiến của mình ở Ukraine bất chấp những dấu hiệu cho thấy quân đội của ông phần lớn bị bế tắc và đang dần thất thế trong bối cảnh Ukraine phản công dữ dội. Việc bắt giữ Kagarlitsky xảy ra sau vụ giam giữ vài ngày blogger dân tộc chủ nghĩa ủng hộ chiến tranh Igor Girkin. Bị cáo buộc thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan, Girkin là nhân vật ủng hộ chiến tranh đầu tiên bị bắt theo luật cấm chỉ trích quân đội.

Tiếp tục thảy quân vào bãi lửa chiến trường

Về mặt nổi, Putin tự tin cuộc phản công của Ukraine đã “thất bại” và nguồn cung cấp vũ khí nhỏ giọt của phương Tây sẽ không thể giúp Ukraine chiến thắng. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đang đối mặt với những thách thức khẩn cấp hơn về nhân sự khi các nhà lập pháp ở Moscow sắp thông qua luật mở rộng nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Luật sẽ nâng độ tuổi tối đa nhập ngũ của nam giới từ 27 lên 30.

Nezavisimaya Gazeta, một tờ báo lớn của Nga, đưa tin: “Duma Quốc gia (Quốc hội Nga) đã ngửi thấy mùi của một cuộc chiến kéo dài”. Nhà lập pháp có ảnh hưởng Andrei Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban quốc phòng tại Duma Quốc gia cho biết luật này được soạn thảo “cho một cuộc chiến lớn và cần tổng động viên. Và thực sự nó đã mang hơi thở của một cuộc chiến tổng lực”.

Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy chế độ của Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài, tàn bạo và đẫm máu, với niềm tin rằng sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cuối cùng sẽ tiêu tan khi áp lực chính trị quá sức chịu đụng. Trong sự bất đồng quan điểm ít thấy tại Duma Quốc gia, một số nhà lập pháp phản đối dự luật.

Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban quốc phòng có ảnh hưởng lớn ở Thượng viện, cho biết ông cảm thấy hoang mang trước sự thay đổi đột ngột này. Andrei Klishas, người đứng đầu ủy ban pháp lý của Thượng viện ủng hộ mạnh mẽ Bondarev và đặt câu hỏi về tính khẩn trương của dự luật. Những thay đổi được đề xuất đối với luật nghĩa vụ quân sự cho thấy Nga đang tiếp tục tăng quân để gửi tới Ukraine sau khi một chiến dịch tuyển mộ tích cực trong các nhà tù cho phép những người tù nhân được ân xá để đoái công chuộc tội trong tập đoàn quân tư nhân Wagner.

Ngày 24 Tháng Bảy, Putin đã ký một đạo luật tăng giới hạn tuổi cao nhất mà quân nhân dự bị từ 50 lên 55, và từ 55 lên 60 đối với sĩ quan giải ngũ, trong khi tuổi thọ trung bình của nam giới Nga là 67. Một luật khác cho phép các thống đốc Nga thành lập lực lượng dân quân và trang bị vũ khí cho họ “nhằm tăng cường bảo vệ trật tự và an toàn công cộng trong thời chiến”.
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by caubennoc »

Sau nửa thế kỷ tỵ nạn, người Việt vẫn chọn nước Mỹ tự do
Y Nguyên

Image
Một buổi sinh hoạt của cộng đồng người Việt Little Saigon, ở Vietnamese Heritage Museum.


Kết quả một cuộc khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew, bản doanh tại Washington, cho thấy người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, dù trải qua nửa thế kỷ để sinh sống, làm việc và đủ thời gian để lãng quên những nỗi đau từ Tháng Tư 1975, thế nhưng tự do là mầm đã nảy chồi và bám chặt trên vùng đất mới.

Bất chấp từ hơn hai thập niên qua, nhà nước mới Cộng sản vẫn ra sức kêu gọi và bày tỏ thái độ muốn thu hút người Việt ở Mỹ trở về tham gia việc xây dựng kinh tế, sinh sống… tại Việt Nam, nhưng đa số người được tham khảo nói họ chỉ muốn sống với đất nước tự do, còn Việt Nam nếu có quay về, chỉ là tạm thời, vì đó mãi là quê hương gốc.

Trung tâm nghiên cứu Pew đã tiến hành một cuộc khảo sát đại diện trên toàn Hoa Kỳ với 7.006 người trưởng thành châu Á, để khám phá kinh nghiệm, thái độ và quan điểm của người châu Á sống ở Mỹ, mục đích để tìm hiểu quan điểm của người Mỹ gốc Á về quê hương tổ tiên của họ và nơi định cư là Hoa Kỳ. Các nhóm sắc tộc được khảo sát là Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam ở Hoa Kỳ. Báo cáo này là báo cáo mới nhất trong các phân tích chuyên sâu của Trung tâm về dư luận của người Mỹ gốc Á. Bản khảo sát được cung cấp bằng sáu ngôn ngữ: Trung Quốc (Giản thể và Phồn thể), tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Hàn, tiếng Tagalog và tiếng Việt. Các câu trả lời được thu thập từ ngày 5 tháng Bảy năm 2022 đến ngày 27 tháng Một năm 2023, bởi tổ chức Westat, thay mặt cho Trung tâm nghiên cứu Pew.


Nhiều năm nay, nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn giới thiệu một bộ mặt mới, hòa bình, thân thiện và phát triển hơn để thu hút sự quan tâm của các cộng đồng người Việt tự do trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nhưng rõ ràng, truyền thông nhiều chiều ở Hoa Kỳ đã góp phần vạch rõ những vấn đề, và khiến người Việt qua nhiều thế hệ vẫn cảm thấy mình không muốn quay lại Việt Nam, dù có vẻ quê hương gốc dễ kiếm tiền và vui chơi hơn. Có đến 8 người trong số 10 người Việt sinh sống ở Mỹ được hỏi, đã nói mình sẽ không quay lại.

Có khoảng ba phần tư người Mỹ gốc Á (78%) có cái nhìn thiện cảm về Hoa Kỳ – bao gồm 44% cho biết có cái nhìn rất thiện cảm. Đa số cũng cho biết họ có quan điểm tích cực về Nhật Bản (68%), Hàn Quốc (62%) và Đài Loan (56%). Trong khi đó, đó, 33% người Mỹ gốc Á có quan điểm thuận lợi về Ấn Độ, 41% có quan điểm trung lập và 23% có quan điểm không thuận lợi. Hà Nội thành công không ít trên mặt trận tuyên truyền nên tạo ra cái nhìn không rõ ràng về Việt Nam: không xấu, không tốt. Có 37% người trưởng thành châu Á (nhiều sắc tộc) ở Mỹ có quan điểm tích cực về Việt Nam, trong khi khoảng một nửa số người được thăm dò, nói rằng họ không có quan điểm thuận lợi cũng như bất lợi, và chỉ khoảng 1/10 nhìn quốc gia này theo cách tiêu cực.
Image
Dữ liệu của PEW

Người Mỹ gốc Á chỉ có một điểm chung tương đối, đó là không thích Trung Quốc. Chủ yếu đa số là có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Chỉ 20% người trưởng thành châu Á có quan điểm tích cực về Trung Quốc, so với 52% có quan điểm không tích cực và 26% không có ý kiến cụ thể.

Nhìn chung, người Mỹ gốc Á có quan điểm tích cực về quê nhà gốc. Khoảng 9/10 người Mỹ gốc Đài Loan và Nhật Bản nói rằng quan điểm của họ là hướng về quê hương tổ tiên, cũng như phần lớn người Hàn Quốc, Ấn Độ và Philippines trưởng thành.

Phần lớn người Mỹ gốc Việt nói rằng họ có thiện cảm với quê hương gốc của mình. Khi nhìn về Việt Nam, cứ mười người Mỹ gốc Việt thì có khoảng sáu người nói rằng họ có thiện cảm, có 21% có quan điểm không tích cực mà cũng chẳng tiêu cực, trong khi 16% có quan điểm hơi tiêu cực và rất tiêu cực. Dĩ nhiên, những khảo sát này chưa làm rõ được là tiêu cực hay tích cực là nhắm vào thực thể quốc gia, hay có pha trộn suy nghĩ về chính thể cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.

Cuộc khảo sát của Pew cũng cho thấy hầu hết người Mỹ gốc Việt (78%) trả lời dứt khoát là không, khi được hỏi liệu họ sẽ trở về Việt Nam để sinh sống hay không. Người Việt không sinh ra ở Mỹ thì nói họ có thể dọn về Việt Nam sống – với tỉ lệ 21%, cao hơn một chút so với những người Việt sinh ra ở Mỹ – 14%. Những cuộc phỏng vấn trực tiếp của Pew về suy nghĩ muốn quay về Việt Nam, được giải thích rằng Việt Nam được nhận thấy có phát triển, tiện nghi hơn, thức ăn ngon và dễ tận hưởng các cuộc vui. Không có câu hỏi nào được đặt ra rằng tự do có phải là một ý nghĩa quan trọng khi sống ở Hoa Kỳ hay không, nhưng trong câu hỏi về sự yêu thích cuộc sống ở Mỹ hay Việt Nam, thì có đến 84% số người Việt Nam khẳng định họ chọn nước Mỹ và yêu thích nước Mỹ – nơi mà cộng đồng luôn nhắc đến lý do vì sao họ đến đây, và vị thế của họ là gì.

Ly hương và không quên nguồn cội là điều có thật. Trong số những người có giấc mơ quay lại quê nhà, thì có đến 32% người Việt trưởng thành nói đơn giản là họ chỉ muốn được gần bạn bè và người thân hơn. Riêng có 35% trong đó thú nhận họ muốn chuyển về sống Việt Nam chỉ vì chi phí sinh hoạt thấp hơn. Có 11% người gốc Việt nói vì họ quen thuộc với nơi sống đậm văn hóa Việt Nam, và có 4% là người lớn tuổi muốn về Việt Nam, vì điều kiện chăm sóc, dễ nhờ cậy được người chung quanh mình hơn là bối cảnh ở Mỹ.

Thăm dò của Pew nhằm tìm ra thái độ của công chúng Á Châu trong giai đoạn quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hiện nay. Không thích Trung Quốc là ý nổi bật trong các sắc tộc qua các ý kiến. Tờ Forbes nhận định về báo cáo mới nhất này của Pew cho thấy, dù lập nghiệp và bền vững ở Hoa Kỳ nhưng hầu hết người Mỹ gốc Á luôn có cái nhìn thiện cảm với quê hương gốc, ngoại trừ người Mỹ gốc Hoa.
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by quangminh »

Thời đại hỗn loạn của Putin – Nguy cơ nước Nga rối loạn
12/08/2023
Tatiana Stanovaya
Trịnh Khải Nguyên-Chương dịch

Lời người dịch: Càng ngày càng sa lầy tại cuộc chiến Ukraine, nội tình nước Nga theo đó ngày càng đen tối, trở nên phức tạp và hỗn loạn, nhất là sau vụ binh biến của nhóm lính đánh thuê Wagner. Tình trạng này có thể dẫn đến một tương lai bi thảm đen tối hơn nhiều cho nước Nga và hòa bình thế giới nếu các nhóm quyền lực theo dân tộc chủ nghĩa, cực đoan và cứng rắn lên nắm quyền. Đó là nhận định của tác giả Tatiana Stanovaya trong bài phân tích công phu dưới đây. Bà là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, đồng thời là sáng lập viên và giám đốc điều hành của công ty phân tích chính trị R.Politik.


***

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, giới ưu đãi Nga đã hành động như thể cuộc chiến không thực sự thay đổi bất cứ điều gì trên mặt trận hậu phương. Ngay cả khi cuộc chiến sa lầy và phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, những người có quyền lực ở Moskva dường như vẫn tiếp tục như không hề có gì xảy ra. Tuy nhiên, kể từ mùa thu năm ngoái, mọi thứ trở nên phức tạp hơn một chút. Cuộc phản công thành công bất ngờ của Ukraine ở khu vực Kharkiv vào tháng 9 năm 2022 đã phơi bày lỗ hổng quân sự của Nga. Phản ứng trong giận dữ, Putin ban lệnh động viên bắt lính gây ra sự lo lắng to lớn cho xã hội, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Sau đó vào tháng 10, một cuộc tấn công của Ukraine vào cây cầu eo biển Kerch đã khiến tuyến đường chính giữa Crimea và lục địa Nga chìm trong khói lửa. Sự kiện này hé mở cho thấy đường ranh đỏ của Điện Kremlin thực sự chẳng hề cố định; một sự kiện như thế chỉ vài tháng trước đó có thể xem là không thể nào chấp nhận được, nhưng đã không gây phản ứng cụ thể quyết liệt nào từ phía nhà nước Nga, khiến giới ưu đãi ngày càng có cảm giác rằng cuộc chiến có thể dội ngược trở lại trên lãnh thổ của chính họ.


Những tháng tiếp theo chỉ làm tăng áp lực. Mặt trận Ukraine mang lại rất ít tin tốt cho Điện Kremlin, ngoại trừ việc chiếm được thành phố Bakhmut vào tháng 5. Và trong lúc đó, một mặt trận mới mở ra trên sân nhà. Moskva bị tấn công bằng máy bay không người lái. Không rõ ai là kẻ chủ mưu những vụ tấn công này, nhưng nhiều phần họ là thành phần có liên hệ với các cơ quan an ninh Ukraine. Lực lượng bán quân sự cũng đột kích qua biên giới vào vùng Belgorod của Nga. Và gây sốc nhất là lực lượng của Yevgeny Prigozhin, lãnh tụ công ty quân sự tư nhân Wagner, đã phát động một cuộc binh biến vào tháng 6, chiếm giữ phần lớn thành phố Rostov-on-Don, gửi một đội quân chạy về phía Moskva, và thậm chí bắn rơi một số máy bay Nga, giết chết hơn chục phi công.


Cuộc nổi dậy của Prigozhin đã thu hút sự chú ý của thế giới, và gây xáo trộn sâu sắc đến giới ưu đãi của Moskva. Mặc dù một giải pháp nhanh chóng được thực hiện (trong một thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian một phần), nhiều người ở Moskva vẫn tỏ ra không hiểu nổi phương kế xử lý khủng hoảng của Putin. Một mặt, ông ta công khai và không tiếc lời lên án Prigozhin là “kẻ phản bội”, nhưng mặt khác, ông ta cho phép thủ lĩnh lính đánh thuê tự do di chuyển trong nước, thậm chí còn mời ông ta đến Điện Kremlin để đàm phán vào cuối tháng sáu.


Những sự kiện này chưa từng có bao giờ ở nước Nga vào thời buổi này. Tuy vậy, dường như nó không hề làm xáo trộn hiện trạng; mọi người tiếp tục cuộc sống như thể không có chuyện gì xảy ra. Một điều khá chắc chắn là các tướng lĩnh bây giờ dám mở lời phàn nàn một cách thẳng thắn hơn về thành phần chóp bu trong guồng máy quân sự. Nhưng tình hình chung trong quân đội vẫn ổn định, cho đến nay chính phủ và quân đội Nga chưa cải tổ hay bắt giữ bất kỳ quân nhân nào.


Nhưng đừng để bị lừa: mặt ngoài ra vẻ phục hồi trước những tin xấu, thờ ơ đối với các sự kiện đang diễn ra, tất cả chỉ là sự che giấu lừa dối. Điện Kremlin ngày càng gặp khó khăn trong việc che đậy những diễn biến không mấy tốt đẹp theo ý muốn. Chiến tranh đã bắt đầu thay đổi nước Nga, và những thay đổi sâu sắc trong nội bộ có thể đang diễn ra – trong chế độ của Putin, trong nhận thức của giới ưu đãi về Putin, và trong thái độ của công chúng đối với cuộc chiến. Thật vậy, chính sách quân sự hóa cuộc sống ở Nga đang trao quyền cho những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cứng rắn trong giới ưu đãi, làm lu mờ một hệ tư tưởng cũ kỹ mà công chúng Nga bắt đầu xem là ngày càng xa rời thực tế của cuộc chiến. Nhận thức về sự suy yếu của Putin càng làm bộc lộ những sai sót sâu xa của chế độ: chính quyền có thói quen đánh giá thấp những nguy cơ chính trị trong nước, bỏ qua những phát triển dài hạn để giải quyết những thách thức trước mắt, và chối bỏ trách nhiệm đối với những vụ việc ngày càng gia tăng trên lãnh thổ Nga liên quan đến cuộc chiến.


Cuộc binh biến của Prigozhin đẩy tình hình lên đến mức độ đáng ngại và có thể mở đường cho sự xuất hiện một nhà nước cực đoan, diều hâu và tàn bạo hơn. Các mối đe dọa đối với Điện Kremlin, chẳng hạn như cuộc nổi loạn của Wagner, và sự yếu kém của chính phủ, sẽ không nhất thiết khiến công chúng quay lưng lại với Putin và lật đổ chế độ. Thay vào đó, những diễn biến này đang biến nước Nga thành một thực thể kém gắn kết hơn rất nhiều, đầy mâu thuẫn và xung đột nội bộ, dễ thay đổi hơn và khiến người ta thiếu khả năng dự đoán. Với quá nhiều áp lực hướng nội, không gian tranh luận về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine có thể được mở ra phần nào, ngay cả khi không dành cho những người bất đồng chính kiến. Nhưng ở trong nước, trật tự mà Putin cố công xây dựng bấy lâu sẽ trở nên hỗn loạn hơn, và thế giới sẽ phải đối đầu với một nước Nga nguy hiểm và khó lường hơn.


MỘT NHÀ NƯỚC YẾU KÉM


Trong những tháng dẫn đến cuộc nổi loạn của Prigozhin, Nga bất ngờ thấy chiến tranh lan vào cửa ngõ. Đầu tháng 5, chỉ vài ngày trước cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến Thắng hằng năm tại Quảng Trường Đỏ, các mục tiêu ở Moskva, bao gồm cả Điện Kremlin, đã bị máy bay không người lái tấn công. Sau đó, vào cuối tháng 5 và sang tháng 6, các nhóm bán quân sự liên kết với Ukraine đã tiến vào vùng Belgorod của Nga, gây hỗn loạn và chiếm giữ nhiều khu dân cư trong một thời gian ngắn. Các khu vực khác lân cận Ukraine cũng hứng chịu các đợt pháo kích liên tục. Phản ứng của Điện Kremlin đối với những sự kiện này là thụ động một cách đáng kinh ngạc; họ chỉ đơn giản tìm cách nhấn nút tắt tiếng. Thay vào đó, tin tức trên truyền hình và các “talk show” tập trung vào tính hiệu quả của hệ thống phòng không của Moskva và suốt ngày đêm rêu rao sự tàn bạo của người Ukraine và các “chủ nhân ông” phương Tây của họ. Với vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, Putin hầu như không bình luận gì cả về những cuộc tấn công trên đất Nga này, ông ta giao trách nhiệm đó cho Bộ Quốc phòng. Việc Điện Kremlin có xu hướng lảng tránh các sự kiện gây sốc phù hợp với tính cách Putin nhìn cuộc chiến. Ông ta bám chặt niềm tin sâu sắc rằng người dân Nga bình thường tràn đầy lòng yêu nước, rằng vẫn có thể kiểm soát được giới ưu đãi, họ vẫn trung thành với nhà nước, rằng con đường dẫn đến chiến thắng ở Ukraine vẫn rộng mở và nền kinh tế Nga đủ mạnh mẽ để tồn tại cho đến ngày ông ta đạt được mục tiêu của mình. Do đó, các quan chức cấp cao trong guồng máy cai trị, vì nhận ra dấu hiệu từ thái độ tảng lờ không muốn gây hoảng sợ của Putin, nên họ tự thuyết phục bản thân rằng mọi thứ đều ổn và sự lo lắng của họ có thể còn có hại. Những nhân vật có thẩm quyền trong Điện Kremlin, khi nói chuyện riêng về tác động của cuộc chiến đối với sự ổn định chính trị, đã khoe khoang về khả năng ổn định chính trị của chính quyền, có người đưa ra lời cảnh báo thận trọng rằng tất cả sẽ ổn “nếu quân đội không làm chúng ta thất vọng.” Họ viện dẫn sự ủng hộ cao độ của công chúng đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và tỷ lệ ủng hộ mạnh mẽ đối với cả Putin lẫn nhà nước.


Điện Kremlin đã không tiên liệu được cuộc binh biến của Prigozhin, mặc dù sự bất mãn của ông ta trước đó ngày càng gia tăng. Thậm chí cho đến tận ngày 23 tháng 6, khi Prigozhin đã khởi động cuộc nổi loạn, nhiều nguồn tin thân cận với Điện Kremlin vẫn tiếp tục tin rằng không có gì đáng lo ngại đang xảy ra và Prigozhin vẫn hữu ích để đạt các mục tiêu chính trị nhất định, chẳng hạn như xoa dịu sự thất vọng của đám chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thêm vào đó, nhiều quan chức tin chắc rằng những người thân cận với Putin trong Điện Kremlin đang giám sát Prigozhin và Wagner không đời nào dám thách thức nhà nước Nga. Sau đó, các báo cáo điện về mới cho thấy rõ là lực lượng Wagner đã chiếm giữ bản doanh quân khu chỉ huy chiến tranh Ukraine tại thành phố Rostov-on-Don, một nhóm binh lính Wagner đang tiến đến Moskva, và họ cũng bắn hạ hơn chục chiếc trực thăng.


Những sự kiện này làm hé lộ một sự thật nghiêm trọng: Putin đã đánh giá sai Prigozhin và sự phẫn nộ của ông ta, đã đánh giá thấp mối nguy hiểm gây ra từ một con buôn chuyên cung cấp thực phẩm trở thành chỉ huy trưởng lính đánh thuê, một kẻ lắm mồm, nay thế này mai thế khác, chẳng biết đâu lường được. Cuộc nổi loạn phần lớn là kết quả của sự thiếu quyết đoán trong hành động của Putin. Lập trường đứng ngoài và miễn cưỡng can thiệp vào cuộc xung đột đang leo thang giữa Prigozhin và hai quan chức quân sự cấp cao nhất của Nga –Sergey Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng và Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng – đã góp phần châm ngòi cho cuộc nổi dậy. Cuộc nổi dậy không chỉ phơi bày những thất bại trong quản lý của Putin, sự vô trách nhiệm đã khiến Prigozhin cay đắng và nổi giận, mà còn cho thấy nhà nước đã tự bắn vào chân mình như thế nào. Dù sao chăng nữa, nhóm Wagner lớn mạnh thành một lực lượng chiến đấu với hàng chục nghìn binh sĩ là nhờ vào hàng tỷ đô la tài trợ của nhà nước, họ được ưu tiên tiếp cận các nguồn lực của nhà nước, và có liên hệ mật thiết với các quan chức cấp cao, những người sẵn sàng ủng hộ các hoạt động của họ.


Sau vụ nổi loạn, Điện Kremlin trở nên khó khăn hơn nhiều trong việc phóng chiếu hào quang của mình về khả năng kiểm soát, một năng lực chính trị vững chắc cũng có vẻ như bị nghi ngờ. Chỉ một tuần sau cuộc binh biến, Putin bất ngờ xuất hiện trước công chúng ở Dagestan. Nhân viên của ông ta không chuẩn bị cho sự kiện này và hành vi của Putin, có cả trò ôm hôn người trong đám đông, đã khiến nhiều người ở Điện Kremlin ngạc nhiên và được xem là bằng chứng cho thấy ông ta đang hành động theo cảm tính và bộc phát, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ đồng tình. Trước ống kính, ông ta giơ tay bế các em bé, bắt tay và chụp ảnh “selfie” với những người yêu mến ủng hộ. Cảnh tượng gây ngạc nhiên không ít vì Putin rất hiếm khi cho phép mình có những hành vi như vậy trong nhiều năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Mặc dù Putin có thể muốn thể hiện sự gần gũi của mình với những thường dân Nga sau cuộc binh biến của Prigozhin, nhưng nhiều nhà quan sát đã giải thích cảnh tượng này như một dấu hiệu cho thấy nhu cầu cấp thiết của ông ta muốn được người dân Nga yêu mến – một thước đo có lẽ để định vị cảm giác yếu đuối của chính ông ta.


Xử lý sai lầm chiến tranh, cộng thêm cuộc binh biến sau đó của Prigozhin, đã khiến chính quyền Nga tỏ ra vô trách nhiệm và nhà nước trở nên yếu kém. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gây hoang mang trong dư luận về lý do tại sao các hệ thống phòng thủ của Nga lại kém hữu hiệu như vậy, khiến người dân Nga bình thường cũng như đám diều hâu ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine đều nhận thức về sự yếu kém của nhà nước đã không đủ khả năng đảm bảo an toàn cho thủ đô (nói gì đến cả nước) và sự thất bại của chính quyền trong việc ngăn chặn quân địch xâm nhập lãnh thổ. Nhìn lướt qua các bình luận và diễn ngôn công khai trên mạng xã hội cho thấy dân Nga đang suy đoán về sự hiện diện có thể của những cảm tình viên Ukraine “trong chúng ta”, sẵn sàng “đâm sau lưng chúng ta”.


CÓ CÁI GÌ VỮA THỐI


Nhiều quan sát viên xưa nay quen xem chế độ Putin là sản phẩm một khế ước xã hội, trong đó nhà nước đảm bảo sự ổn định, và để đổi lại, người dân trao cho Kremlin quyền tự do đáng kể trong việc quản lý đời sống chính trị. Tuy nhiên, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, giá trị của sự ổn định trong nước đã bị bào mòn dần bởi nhu cầu sâu sắc hơn về an ninh địa chính trị – tức là sự bảo vệ an ninh từ khối phương Tây thù địch – đi kèm với sự bùng nổ của cảm tính dân tộc chủ nghĩa. Bây giờ, sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022, người Nga khao khát an ninh địa chính trị. Người dân trao cho Putin quyền đối phó với phương Tây – mà nhiều người Nga tin rằng trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của đất nước họ – ngay cả khi điều đó gây ra bất ổn trong nước do các biện pháp trừng phạt và đàn áp tàn bạo đối với những người theo chủ nghĩa tự do. Các cuộc thăm dò cho thấy kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tỷ lệ người Nga công khai ngưỡng mộ Putin tăng từ 8% lên 19%, và 68% người Nga hiện nay nói rằng họ muốn ông ta tiếp tục làm tổng thống, một bước nhảy đáng kể so với 48% thời gian trước chiến tranh. Chiến tranh cũng làm tăng cường sức mạnh hỗ trợ cho tất cả các thiết chế nhà nước: nội các, thống đốc khu vực, nghị hội, và thậm chí cả đảng cầm quyền, đảng Nước Nga Thống Nhất (United Russia).


Nhưng sự thụ động của Putin trước các đe dọa quân sự nội bộ và lập trường tách rời sự kiện của ông ta có nguy cơ biến thành vấn đề lớn cho chế độ trong tương lai gần. Có những dấu hiệu cho thấy dân Nga, mặc dù ngày càng ủng hộ các thể chế nhà nước, đang trở nên bất mãn hơn nhiều về chính quyền. Họ bắt đầu nghi ngờ khả năng của giới cai trị trong việc làm tròn trách nhiệm của mình. Vào cuối tháng 5, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Rublyovka, một khu ngoại ô thượng lưu nổi tiếng ở Moskva, nơi có nhiều người Nga giàu có và có ảnh hưởng sinh sống. Trên mạng xã hội nhiều người tỏ ra không hoàn toàn lấy làm tiếc về vụ tấn công và cho rằng những kẻ giàu có và nắm quyền lực trong tay đáng nhận lãnh một hậu quả xấu nào đó. Rublyovka từ lâu đã là biểu tượng của giới thượng lưu ăn bám, giàu có, từ thời Yeltsin cho đến chế độ hiện tại. Nhiều blogger thuộc cả phe ủng hộ Điện Kremlin lẫn thường dân đều hy vọng rằng vụ tấn công sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với giới ưu đãi này, buộc họ phải tham gia nhiều hơn vào việc cứu vãn cuộc chiến với Ukraine và có phản ứng kiên quyết hơn trước các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.


Sự trỗi dậy của Prigozhin phần nào có nguyên cớ bắt nguồn từ thái độ căm ghét giới ưu đãi của dân chúng. Ông ta được biết đến nhiều, trở nên nổi tiếng trong những tháng gần đây khi lực lượng của ông ta hoạt động ở Ukraine. Theo Trung tâm Levada, một công ty thăm dò độc lập của Nga, người Nga xem việc các chiến binh Wagner chiếm Bakhmut vào tháng 5 là sự kiện quan trọng nhất trong tháng đó. Một nghiên cứu của Romir, một nhóm thăm dò ý kiến khác, cho thấy chiến thắng của Wagner ở Bakhmut đã lần đầu tiên đưa Prigozhin vào danh sách năm chính trị gia được tín nhiệm nhất ở Nga, sau Putin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Shoigu và Thủ tướng Mikhail Mishustin. Bước nhảy vọt của ông ta thật là ngoạn mục bởi vào đầu năm, Prigozhin chỉ được xếp hạng thứ 158 trong số các nhân vật chính trị đáng tin cậy của Nga.


Thường dân Nga cảm thấy chấn động bởi cuộc đối đầu thẳng thừng của Prigozhin với Bộ Quốc phòng, ông ta dám nói thẳng rằng quân lính của ông ta đang thiếu đạn chiến đấu. Công chúng xem ông ta là một chiến binh chống tham nhũng, một người dám thách thức giới ưu đãi hủ hóa. Một nhân chứng địa phương chứng kiến việc Wagner chiếm giữ Rostov-on-Don đã mô tả Prigozhin trong một bài đăng trên Facebook là “một người đàn ông bình thường, giản dị nhưng dám ăn thua đủ với bọn ăn trên ngồi trốc. (Chú thích của người dịch: Văn bản nguyên tác sử dụng thành ngữ “the fat cats of every stripe and color” ở đây được dịch thoát là “ăn trên ngồi trốc.”) Điều này giải thích lý do vì sao cư dân Rostov đã dành tình cảm nồng nhiệt chào mừng các chiến sĩ Wagner. Sự bất mãn đối với các nhóm quyền lực – “những con mèo mập ăn trên ngồi trốc” – ở mức độ nào đó giải thích việc Prigozhin dễ dàng kiểm soát thành phố. Cũng chính nhân chứng đó đã báo cáo rằng nhà nước hoàn toàn thụ động, không thấy bất cứ một hành động nào. Bà ta viết thêm: “Các tòa nhà của chính quyền tỉnh và thành phố vắng tanh. Trong nháy mắt, quân đội, trước đó tràn ngập thành phố, đột nhiên biến mất. FSB [Cơ quan An ninh Liên bang] tự dựng rào chắn đoạn vào núp bên trong, án binh bất động.” Việc che giấu những tin xấu đang trở nên khó khăn hơn đối với Điện Kremlin.


Nhiều quan sát viên phương Tây cho rằng những rắc rối quân sự này sẽ thúc đẩy giới ưu đãi và toàn xã hội khao khát tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Thật là không may vì thực tế đen tối hơn nhiều: các tình huống đầy thách thức có xu hướng khiến Nga quyết tâm và tàn bạo hơn trong việc tiến hành chiến tranh và dẹp bỏ bất đồng chính kiến trong nước. Cuộc binh biến của Prigozhin không phải là sự từ chối chiến tranh, thay vào đó, nó có thể được hiểu là kết quả của sự không hài lòng với việc tiến hành chiến tranh không hiệu quả. Phản ứng đối với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các cuộc xâm nhập của lực lượng bán quân sự vào khu vực Belgorod có thể giúp ta có tầm nhìn trung thực hơn về vấn đề này. Theo cuộc thăm dò của Levada, những sự kiện đó chỉ khiến dân Nga ủng hộ cuộc chiến hơn, họ trở nên thù địch hơn với Ukraine, và lo lắng hơn về tương lai của “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Sau các cuộc tấn công, công chúng Nga không hề yêu cầu phải bắt đầu một cuộc đàm phán hòa bình hay đòi Nga rút quân khỏi Ukraine, một quốc gia hơn bao giờ hết bị xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn tại của nước Nga. Theo cuộc thăm dò của Levada, trong những tháng gần đây, người Nga đã bắt đầu đi đến kết luận rằng cuộc chiến sẽ kéo dài. Vào tháng 5, 45% số người được hỏi cho biết họ tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài ít nhất hơn một năm nữa – tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu (vào tháng 5 năm 2022, tỷ lệ này là 21%). Họ đang tìm cách thích nghi với thực tế đó và thu xếp đời sống bản thân cho những thời điểm khó khăn trước mặt; họ không đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh, tinh thần phản chiến bị đè nén, hoặc bị đàn áp hoàn toàn.


Nước Nga đang trở nên quyết tâm hơn trong cuộc chiến – không phải để theo đuổi tham vọng đế quốc mà xuất phát từ mối quan tâm ngày càng tuyệt vọng cho chính sự sống còn của mình. Theo một bài viết của tác giả Denis Volkov, giám đốc công ty thăm dò Levada, đăng trên tạp chí Forbes tiếng Nga, diễn giải kết quả các cuộc thăm dò gần đây, thì phe ủng hộ một “phản ứng kiên quyết” đối với kẻ thù đang có thêm người ủng hộ mới. Sau cuộc nổi dậy của Prigozhin, nhiều người Nga muốn thấy nhà nước táo bạo, quyết đoán, nhất quán và vững chắc hơn. Điều này được hỗ trợ bởi các cuộc thăm dò mới nhất của Levada vào cuối tháng 6, cho thấy sự thay đổi trong thái độ của người dân: cuộc binh biến đã dẫn đến sự suy giảm niềm tin, nhẹ hơn ở Shoigu, và rất đáng kể ở Prigozhin. Nói cách khác, cuộc nổi dậy của tay chỉ huy lính đánh thuê đã không truyền cảm hứng cho người Nga trong một quốc gia đang gặp khó khăn mà chỉ khiến họ sợ hãi trước một viễn ảnh bất ổn và hỗn loạn.


Cuộc binh biến và các sự kiện xảy ra trước đó cho thấy chế độ có thể kém kiên cường hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của nó: một Điện Kremlin yếu ớt; một Putin tách biệt, thất bại trong việc giải quyết các xung đột nội bộ; một xã hội thất vọng đang bối rối trước phản ứng thờ ơ của nhà nước đối với những sự kiện trước đây không thể tưởng tượng được có thể xảy ra; giới ưu đãi đang run sợ, sẵn sàng bỏ chạy ngay giây phút chế độ sụp đổ (Điện Kremlin hiện đang tiến hành điều tra xem ai trong số các quan chức và giám đốc hàng đầu các tập đoàn nhà nước dám rời bỏ nhiệm sở ở Moskva trong cuộc binh biến của Prigozhin và tại sao); các cơ quan quân sự và an ninh, bị sốc sau cuộc binh biến, chắc chắn sẽ cố gắng vá víu các lỗ hổng và dập tắt các bất đồng chính kiến nội bộ ngày càng gia tăng trong hàng ngũ.


Putin, do bị tự mãn ru ngủ bởi niềm tin rằng mọi người vẫn yêu mến mình và giới ưu đãi trung thành với chế độ, có thể sẽ chẳng làm gì nhiều để ngăn chặn sự suy thoái này. Đồng thời, các cơ quan an ninh có thể sẽ tìm cách kiểm soát nhiều hơn và áp chế xã hội chặt chẽ hơn. Cùng nhau, những động thái này có thể dẫn đến sự thiếu nhất quán trong hành động của chính phủ, làm phức tạp thêm tình hình. Thay vì lật đổ chế độ, việc Prigozhin làm Điện Kremlin rúng động sẽ khiến chính quyền không chỉ đàn áp nhiều hơn, tàn bạo hơn mà còn khiến tình thế trở nên hỗn loạn và khó đoán hơn.


CON ĐƯỜNG CỨNG RẮN


Tình huống này hoàn toàn có lợi cho những kẻ chủ trương một đường lối cứng rắn, một phe phái bao gồm các cơ quan an ninh, những người bảo thủ diều hâu, phóng viên quân sự ủng hộ chiến tranh và các phát thanh viên truyền hình chống phương Tây triệt để. Họ ủng hộ việc siết chặt xã hội, săn lùng những kẻ phản bội và đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh để tích lũy tất cả các nguồn lực cần thiết hầu giành được chiến thắng. Các điều kiện chính trị và xã hội hiện tại khiến chế độ hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở nên gắt gao hơn đối với các hoạt động đáng ngờ dù là nhỏ nhặt, chẳng hạn, bất kỳ đề xuất nào về sự cần thiết phải hòa giải với Ukraine đều bị quy chụp là phản động, nói gì đến việc công khai phản đối chiến tranh. Một phần đáng kể của xã hội Nga có thể sẽ ủng hộ và thậm chí hỗ trợ những cuộc đàn áp mới. Tâm trạng của công chúng đã trở nên bất mãn hơn đối với những thành phần đặc quyền, những người duy trì khoảng cách với chiến tranh, tiếp tục lối sống xa hoa và làm ăn như chẳng có gì xảy ra. Thờ ơ xa cách với cuộc chiến, thái độ đó đang ngày càng khó khăn hơn; ở khắp nơi, người Nga cảm thấy bị áp lực phải thể hiện lòng yêu nước của mình một cách rõ ràng.


Kể từ cuộc xâm lược, nhà nước Nga đã gạt các lực lượng phản chiến ra ngoài lề và không dành chỗ cho những nhân vật có tư tưởng tự do bằng cách đàn áp các cuộc biểu tình (lúc đầu không có quy mô lớn) và ban hành một loạt dự luật cấm các hoạt động phản chiến và chống chế độ. Sự đàn áp đó bên cạnh những hoạt động tuyên truyền cổ súy, đề cao lòng yêu nước, đã mở ra một không gian rộng lớn hơn cho đám diều hâu năng nổ, cứng rắn và táo bạo giành chỗ đứng trong sinh hoạt chính trị và đối thoại quốc gia. Một thế hệ diều hâu trẻ và táo bạo hơn có thể lên thay thế hệ cũ già nua có tư tưởng bảo thủ, bao gồm những nhân vật như Alexander Bastrykin, đứng đầu Ủy ban Điều tra, Sergei Naryshkin, đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài ­và Nikolai Patrushev, bí thư Hội đồng An ninh, cũng như các nhân vật như Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh, và Vyacheslav Volodin, chủ tịch Nghị hội Duma Quốc gia. Hệ tư tưởng bảo thủ giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy “Chủ nghĩa Putin”, tức là các ý thức về dân tộc chủ nghĩa, bài phương Tây, bài chủ nghĩa tự do, nhấn mạnh đến các giá trị truyền thống như tầm quan trọng của gia đình, con cái, các mối ràng buộc tinh thần và ưu tiên cho lợi ích nhà nước, đặt nhà nước lên trên cá nhân. Đám lãnh đạo này góp phần tạo nên bầu khí quyển sôi sục thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Nhưng cuộc chiến kéo dài đã tước đi tính độc đáo về chính trị của họ, biến toàn bộ xu hướng chính trị trở nên bảo thủ và cứng rắn.


Tồi tệ hơn, phe cũ giờ đây có rất ít điều để nói về thực tế thời chiến, họ không biết chắc cuộc chiến sẽ đi về đâu, trong lúc viện trợ quân sự của phương Tây cho Kyiv đổ ào ạt xuống chiến trường, họ cũng hoàn toàn không có bất kỳ một chiến lược rút lui phù hợp nào, một tương lai ảm đạm hiện ra trước mắt. Các lãnh tụ như Medvedev và Patrushev, những người từ lâu thúc đẩy chính sách đối đầu chống phương Tây và hết lòng bảo vệ luận điệu của chế độ Putin, giờ đây trong mắt đám diều hâu hiếu chiến, là những kẻ bị đánh văng ra khỏi thực tế – về cả thể chất lẫn trí tuệ – họ bị xem là xa rời bản chất của cuộc chiến, ngay cả khi họ vẫn là những nhân vật cấp cao thân cận với Putin.


Một khi ngôi sao của họ suy tàn, một thế hệ diều hâu mới đang trỗi dậy. Trong số những diều hâu mới này là các nhà kỹ trị (chú thích của người dịch: kỹ trị, tạm dịch từ thuật ngữ technocrat, tức là những nhà chuyên môn trong guồng máy cai trị) trẻ tuổi của ngày hôm qua, chẳng hạn như trưởng cố vấn chính sách đối nội của Putin, Sergei Kiriyenko, người hiện đang phụ trách bốn khu vực của Ukraine mà Moskva tuyên bố sáp nhập vào mùa thu năm ngoái, hoặc Marat Khusnullin, phó thủ tướng được giao nhiệm vụ giám sát việc tái thiết các vùng lãnh thổ Ukraine bị phá hủy hiện do Nga kiểm soát. Các quan chức này dành nhiều thời gian ở các khu vực bị chiếm đóng, bất chấp nguy hiểm cho cá nhân, qua đó thể hiện lòng dũng cảm và sự siêng năng hành động trước Putin và giới ưu đãi nói chung. Đám diều hâu mới còn bao gồm các tập sự viên tham dự vào các vấn đề quân sự, những người đang theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến và đã trở thành nguồn thông tin quan trọng đối với nhiều người Nga về chiến cuộc. Ngược lại, các quan chức như Patrushev không ngừng nói về mưu đồ thâm độc của người Anglo-Saxon nhằm chiếm cứ lãnh thổ Nga và đưa ra những thuyết âm mưu hoang tưởng (ví dụ, quan chức Hoa Kỳ có những kế hoạch định cư người Mỹ ở Nga và Ukraine trong trường hợp xảy ra thảm họa núi lửa phun trào tại Công viên quốc gia Yellowstone).


Tuy nhiên, một số thành viên cấp cao của chế độ hiện hành được hưởng lợi từ sự chuyển hướng diều hâu – đáng chú ý là Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng, và Viktor Zolotov, đứng đầu lực lượng quân sự nội địa của Rosgvardia. Họ có thể trở thành những người hưởng lợi chính xuất phát từ cuộc nổi dậy của Prigozhin: Zolotov giờ đây có thể dễ dàng tăng cường lực lượng của Rosgvardia để đối phó với các sự kiện như cuộc binh biến của Prigozhin, và Shoigu có thể sử dụng cuộc nổi dậy như một cơ hội để thanh trừng các đối thủ nội bộ trong quân đội. Không giống như những ý thức hệ bàn giấy, những lãnh tụ này có thể tiếp cận trực tiếp các nguồn lực và lực lượng hành chính để thay đổi thực tế và thể hiện quyền lực thực sự. Nói một cách đơn giản, Medvedev có thể viết thêm một bài viết đanh thép trên ứng dụng truyền thông xã hội Telegram, và Patrushev có thể thực hiện cuộc phỏng vấn thứ một trăm của ông ta về bọn đế quốc Mỹ hiểm ác, nhưng Shoigu và Zolotov có thể sử dụng sức mạnh thực sự để đối phó với những thách thức và chứng minh cho Putin thấy rằng sự hiện diện của họ là không thể thiếu (ngay cả khi Shoigu, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, vẫn phải chịu trách nhiệm về rất nhiều những thất bại quân sự năm ngoái).


Cuộc đụng độ của phe diều hâu, cũ và mới, sẽ định hình phản ứng của Nga đối với cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề trong nước. Chế độ càng phải đối mặt với nhiều thách thức, nó càng nhanh chóng phát triển thành cái gì đó đen tối hơn. Công chúng Nga ngày càng tuyệt vọng, chống phương Tây và chống Ukraine, giới ưu đãi Nga ngày càng trở nên lo lắng và xào xáo lẫn nhau. Hầu hết các quan chức cấp cao, doanh nhân và chính trị gia hy vọng chiến tranh kết thúc, họ chờ đợi ngày đó, nhưng giờ đây họ thấy mình là con tin cho tham vọng của Putin. Các phe nhóm mạnh công khai lộ bộ mặt diều hâu như bộ chỉ huy quân sự hay cái-gọi-là Chekist trong cơ quan an ninh quốc gia sẽ cố gắng đảm bảo trật tự, đặc biệt là sau cuộc binh biến của Prigozhin, để tăng cường khả năng của chế độ trong việc chịu đựng chiến tranh, tránh thất bại và nhất là ngăn chặn một cuộc binh biến khác trong tương lai. Tất cả những động thái này sẽ diễn ra trong một bối cảnh, trong đó khả năng lãnh đạo của Putin đang suy yếu, một yếu tố góp phần làm cho chế độ trở nên hỗn loạn, bừa bãi hơn, nơi sự kèn cựa và hiềm khích nội bộ trở nên gay gắt hơn.


Trên thực tế, Putin và những thuộc hạ cũ thân cận với ông ta, chẳng hạn như Patrushev, theo một nghĩa nào đó đang trở nên lỗi thời, tư tưởng của họ không còn phù hợp với cảm nghĩ của giới ưu đãi đối với Ukraine và phương Tây. Bất luận giới ưu đãi trở nên bảo thủ và diều hâu như thế nào, họ vẫn thực dụng hơn Putin. Họ ít bị ám ảnh bởi khái niệm “cứu” người Ukraine, và không cùng một suy nghĩ như Putin, họ không cho rằng Kyiv chắc chắn sẽ thua trận. Họ cũng có tầm hiểu biết chính xác hơn về năng lực tiến hành chiến tranh của Nga. Và nhiều người thấy rằng xu hướng phớt lờ những hồi chuông cảnh báo của Putin là không thể hiểu nổi. Đó là lý do tại sao phe chủ chiến đang kêu gọi cải cách triệt để để thiết lập một chế độ độc tài quân phiệt. Đó là lý do tại sao ngay cả Prigozhin cũng giành được sự chú ý và tầm nhìn đáng kể. Ông ta ủng hộ một chiến lược khác và đưa ra lập luận về sự cần thiết phải sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính, kinh tế và xã hội để củng cố và tăng cường sức mạnh quân sự. Trong khi đó, không ai nghiêm túc xem xét hoặc thảo luận về một kết thúc ngoại giao cho chiến tranh: một điều chắc chắn nhiều người Nga xem như mối đe dọa cá nhân, bởi vì các tội ác chiến tranh mà đất nước họ gây ra, trách nhiệm toàn bộ giới ưu đãi hiện đang gánh chịu đối với các vụ tàn sát dã man ở Ukraine.


ĐI TRỆCH RA NGOÀI KỊCH BẢN


Hệ thống điều hành việc cai trị đã bắt đầu học hỏi cách hoạt động độc lập với Putin, mặc dù nó vẫn chưa thực sự phản ánh cảm tính chống Putin hoặc một phe đối lập chính trị đang nổi lên. Nó phản ánh nhận thức về những bất cập trong việc Putin đã không thèm đếm xỉa các mối đe dọa thực sự đối với chế độ. Bởi hoàn toàn đánh giá thấp quá trình cực đoan hóa của Prigozhin và xung đột gia tăng giữa Wagner với quân đội, Putin đã trở thành một lãnh tụ già nua đang bắt đầu chùn bước theo những cách mà trước đây ông ta chưa bao giờ để lộ. Ngay cả những tính toán sai lầm dẫn đến quyết định chống lại Ukraine cũng không được xem là nghiêm trọng như sự mất kiểm soát hoàn toàn tạo điều kiện cho cuộc nổi dậy của Prigozhin. Putin đã tỏ ra yếu thế hơn sau khi dễ dàng bỏ qua, không buộc tội Prigozhin, không đòi công lý cho vụ bắn chết hơn chục phi công trong cuộc binh biến. Một công ty quân sự tư nhân được tài trợ với một kinh phí khổng lồ dám tấn công nhà nước mà lại không bị trừng phạt, quả thực Putin đã để lộ điểm yếu của mình. Các phe phái khác không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập ngay vào không gian được mở ra bởi sự yếu kém đó. Putin có thể trở thành một công cụ trong tay đám diều hâu mới, những kẻ năng động và thực dụng hơn, đang nhanh chóng học cách tận dụng cảm xúc và giáo điều của ông tổng thống để tìm lợi thế cho họ. Họ trở nên khôn ngoan hơn trong việc không chỉ xu phụ Putin mà còn tích cực hạn chế những gì ông ta biết bằng cách cung cấp cho ông ta những báo cáo tâng bốc về lòng yêu nước của dân chúng, vô số tài liệu về sự suy tàn của phương Tây và những câu chuyện về lòng khao khát được giải phóng của người Ukraine. Họ mô tả một thế giới đang háo hức chờ đợi Nga đảo ngược trật tự thế giới hiện tại. Vài năm trước đây, tay chân của Putin chủ yếu tìm cách tránh làm ông ta bực mình, điển hình là khi ông ta nhận được tin không vui. Giờ đây, họ đang mài giũa kỹ năng trong việc vo tròn bóp méo tâm trạng của Putin, bằng cách hướng sự tức giận của ông ta sang đối thủ của mình hoặc bằng cách tạo lạc quan cho ông ta khi điều đó có lợi cho họ. Việc duy trì các quan điểm cực đoan chống phương Tây và chống Ukraine có thể giúp phe diều hâu mới đạt được các mục tiêu chính trị của họ, một chế độ cực đoan khiến nhà nước trở nên khắc nghiệt hơn nhiều đối với kẻ thù của họ trong nước. Nhưng một chính phủ thiếu sự lãnh đạo chính trị vững chắc, không có viễn kiến chiến lược và sự gắn kết sẽ ít có khả năng tư duy chiến lược và thống nhất về các ưu tiên dài hạn. Các phe phái trong chính phủ sẽ tập trung chủ yếu vào việc lấn lướt lẫn nhau và thúc đẩy các lợi ích hạn hẹp của họ.


Trái ngược với những gì các phân tích viên dự đoán sẽ xảy ra sau cuộc nổi dậy của Prigozhin – như củng cố quyền lực, giải tán các lực lượng dân quân tư nhân và thống nhất toàn bộ các nhóm vũ trang Nga thành một thứ gì đó có sự phối hợp chặt chẽ – điều hoàn toàn trái ngược lại có thể xảy ra. Dmitry Mironov, cựu cận vệ và phụ tá có ảnh hưởng lớn của Putin, hồi tháng 6 đề xuất việc chính thức hóa các đơn vị binh sĩ trong đoàn võ trang mang danh hiệu là Cossacks, một động thái có thể chọc giận Shoigu vì Bộ Quốc phòng vốn luôn cảnh giác sự gia tăng của các nhóm quân sự tự trị. Điện Kremlin cũng thảo luận về việc tách lực lượng biên phòng ra khỏi FSB; Rosgvardia tìm cách mua vũ khí nặng và sáp nhập lực lượng bổ sung từ Bộ Nội vụ; các cuộc thanh trừng trong quân đội cộng với những thất bại quân sự có thể xảy ra trên mặt trận Ukraine có thể châm ngòi cho các cuộc chống đối ở địa phương chống lại quân đội. Nhiều người đoán Wagner sẽ bị giải tán sau cuộc nổi dậy; thay vào đó, có vẻ như Putin sẽ cho phép lực lượng lính đánh thuê này tiếp tục hoạt động dưới quyền chỉ huy của Aleksei Troshev, người kế nhiệm Prigozhin. Nói cách khác, thay vì tập trung lại, các lực lượng an ninh có thể bị phân mảnh hơn nữa, với các phe phái đối địch tranh giành các đặc quyền và quyền lực mới.


Tuy nhiên, cùng lúc đó, giai cấp chính trị đang chuyển sự chú ý của mình vào bên trong để giải quyết những thiếu sót và thất bại của chính đất nước mà cuộc nổi dậy của Prigozhin phơi bày, thay vì tập trung vào sứ mệnh lịch sử của Putin là giải phóng Ukraine. Chiến tranh càng sa lầy càng có nhiều đại biểu, bình luận gia, thượng nghị sĩ và blogger nổi tiếng tìm cách vạch rõ các khiếm khuyết trong nước mà họ cho là nguyên nhân khiến Nga tiến hành chiến tranh kém hiệu quả. Sự hướng nội này có thể dẫn đến một sách lược thực tế hơn đối với cuộc chiến Ukraine ngay cả khi nó có thể khiến nhà nước trở nên tàn nhẫn hơn nhiều đối với chính công dân của mình.


Chiến tranh đã khiến nước Nga lâm vào một tình huống cực kỳ bất định. Thường dân Nga dường như vẫn ủng hộ chiến tranh và ủng hộ Putin, nhưng họ đang trở nên thất vọng, dần dà tỏ ra mất kiên nhẫn với giới ưu đãi, và ngày càng cảm thấy bị tổn thương trước những hành động vụng về (đôi khi chẳng hành động gì) của nhà cầm quyền. Putin có thể vẫn có tỷ lệ ủng hộ cao, nhưng điều đó chỉ là chiếc mặt nạ che giấu sự bấp bênh ngày càng gia tăng, sự quan ngại của xã hội và (cho đến nay chưa thấy rõ) sự bất mãn không biết trút vào đâu về diễn biến của các sự kiện. Những nguy cơ chính trị thực sự đối với chế độ có thể xuất hiện dưới hình thức những nhân vật ủng hộ Putin và có vẻ trung thành với chế độ (như Prigozhin đã từng) nhưng những người này, theo thời gian, có thể tạo ra những vấn đề nghiêm trọng.


Trong tương lai gần, Điện Kremlin sẽ cùng lúc phải vật lộn với các áp lực nội bộ khác nhau: một cuộc khủng hoảng sâu sắc về sự lãnh đạo của Putin, sự thiếu trách nhiệm chính trị ngày càng tăng, phản ứng ngày càng kém hiệu quả của chính quyền đối với những thách thức mới, sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong giới ưu đãi và một xã hội càng ngày càng tỏ ra chống đối nhà cầm quyền.


Nếu trước đây, các vấn đề đối nội là thứ yếu, phải nhường ưu tiên cho quân sự, thì bây giờ điều ngược lại có thể trở thành sự thật. Chiến tranh có thể trở thành bối cảnh cho những thách thức cấp bách hơn trong nước. Nội bộ, tương lai của Nga có vẻ ảm đạm, đánh dấu bằng sự chia rẽ ngày càng lớn trong giới ưu đãi, ảnh hưởng ngày càng thu hẹp của Putin, và một chế độ mang nặng tính ý thức hệ và khắc nghiệt hơn, trong đó các cơ quan an ninh đóng vai trò nổi bật hơn. Những thay đổi này sẽ khiến các hành động địa chính trị của Nga trở nên khó dự đoán, thậm chí mâu thuẫn với nhau, khi Điện Kremlin phản ứng trước các tình huống chuyển biến thay vì tuân thủ theo các ưu tiên và định hướng chiến lược của mình. Putin xem cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine là một sứ mệnh cho ông ta hoàn tất một kịch bản lịch sử. Thay vào đó, cuộc chiến đã khiến nước Nga vấp phải những điều bất trắc trong một thế giới cực kỳ bất định.

– Tatiana Stanovaya
(Tạp chí Foreign Affairs, 8/8/2023)
Trịnh Khải Nguyên-Chương dịch
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Đảng CSVN, con chốt hèn trong bàn cờ chế ngự Bá Quyền Trung Quốc tại Biển Đông
Đào Tăng Dực
26-8-2023

Thứ Sáu ngày 18-8-2023, một biến cố quan trọng xảy ra. Đó là cuộc họp thượng đỉnh giữa 3 nguyên thủ quốc gia tại Camp David, nơi nghỉ mát truyền thống của các tổng thống Hoa Kỳ.

Thật vậy Tổng thống Joe Biden, Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống Nam Hàn Yun Suk Yeol đã tham dự thượng đỉnh này và kết quả là một kết hợp tay ba trên nền tảng một số nguyên tắc gọi chung là “Những Nguyên Tắc Camp David” (David Camp Principles), bao gồm nhiều vấn đề, từ quốc tế công pháp, nhân quyền, đến thay đổi khí hậu. Trong số đó, các nguyên tắc sau đây có tính chiến lược tại Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Biển Đông, khi cả 3 quốc gia cùng chủ trương:


1. Một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương đặt nền tảng trên quốc tế công pháp và những bản giá trị chung, chống lại tất cả mọi tác động thay đổi hiện trạng bằng bạo lực hay sự cưỡng ép.

2. Ủng hộ và hợp tác với các quốc gia thuộc khối ASEAN trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương

3. Hợp tác chặc chẽ với các đảo quốc Thái Bình Dương và Diễn Đàn các Đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum) trên nền tảng tương kính.

4. Quyết tâm phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên và ủng hộ một bán đảo thống nhất tự do và hòa bình.


5. Bất cứ tranh chấp nào giữa CSTQ và Đài Loan đều phải giải quyết trong tinh thần bất bạo động.

Trước hết, trên bề mặt, sự liên minh giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn nhằm đối phó với sự hung hăng của CS Bắc Hàn, nhưng trên thực tế, sự tái võ trang của Nhật Bản, sự tăng cường quốc phòng của Nam Hàn và sự xoay trục sang Á Châu của Hoa Kỳ, nhằm vào chính CSTQ.

Cần ghi nhận rằng, tuy chỉ là một bản công bố nguyên tắc chung giữa ba cường quốc hàng đầu về kinh tế và quân sự, nhưng trong bản chất bao gồm một cường quốc thứ tư, đó là đảo quốc Đài Loan. Khi bao gồm Đài Loan trong phương trình thì cánh cửa ra Thái Bình Dương của TQ hầu như bị khống chế 90%. Lý do là vì Nam Hàn đã là một pháo đài của thế giới tự do, chọc sâu vào các khu kỹ nghệ phía Đông Bắc TQ. Quần đảo Nhật Bản trải dài từ Hokkaido ngoài khơi Nga Sô và Bắc TQ, kéo dài đến những chuỗi đảo nhỏ như những pháo đài nổi, thuộc chủ quyền Nhật Bản, cách xa Đài Loan chỉ 100 cây số.

Hậu quả là TQ bị bao vây chiến lược, không còn đường thông ra Thái Bình Dương nếu tình trạng chiến tranh xảy ra.


Hy vọng còn lại duy nhất của CSTQ là từ đảo Hải Nam, đi xuống Biển Đông nhưng cũng không dễ gì thoát ra Ấn Độ Dương. Nơi đây, khối ASEAN đóng vai trò chiến lược và trội nhất là Việt Nam với vị trí nhìn trực tiếp ra Biển Đông của mình. Nếu Việt Nam đứng về phía Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, thì trong tình trạng chiến tranh, CSTQ hầu như bị bao vây trọn vẹn.

Tại đây, một biến cố thứ nhì có thể xảy ra. Cũng ngày 18 tháng 8, 2023, hãng tin Reuters loan tin rằng Tổng thống Joe Biden, khi thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 9 sẽ ký một Hiệp Ước Hợp Tác Chiến Lược (Strategic Partnership Agreement) nâng cấp quan hệ ngoại giao, xây dựng kỷ nghệ cấp cao, kỹ nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác quân sự và mua vũ khí của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên về phía Việt Nam, rất ít tin tức được thừa nhận về hiệp ước này. Tại sao CSVN lại câm như hến trước một tin quan trọng như thế? Có một số lý do như sau:

a. Có thể lãnh đạo của họ đang âm thầm giải thích hoặc lạy lục quan thầy tại Bắc Kinh, hoặc

b. Có thể vào giờ phút chót, dưới áp lực của Bắc Kinh, họ sẽ không xúc tiến hiệp ước với Hoa Kỳ, hoặc

c. Có thể tầm mức hợp tác sẽ hạ cấp để làm vừa lòng đàn anh Bắc Kinh

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp hiệp ước này xúc tiến thì sự đóng góp của CSVN sẽ không đáng kể. Một là vì phe thân CS Trung Quốc còn rất mạnh trong nội bộ đảng. Hai là vì sau khi đánh mất nhiều cơ hội canh tân và dân chủ hóa đất nước sau năm 1975 và sau khi CS Liên Xô sụp đổ hồi thập niên 90, cả kinh tế và khả năng quân sự của Việt Nam tụt hậu thê thảm so với Nam Hàn, một quốc gia Đông Á khác với bàn tay và khối óc tương tự như dân Việt.

Nếu không có sự ra đời của đảng CSVN, thì hôm nay, Việt Nam với 100 triệu dân, so với Nam Hàn 50 triệu, đã có GDP xấp xỉ gấp đôi cường quốc này. Chúng ta đã có một hệ thống an sinh xã hội không kém cho nhân dân. Kỹ nghệ quân sự của chúng ta cũng có thể chế tạo chiến đấu cơ, chiến hạm, hàng không mẫu hạm như họ và hải quân chúng ta đã dễ dàng chọc thủng Đường Lưỡi Bò 9 Đoạn của Bá Quyền TQ, khai mở tầm nhìn của dân tộc xuyên suốt Thái Bình Dương.

Thay vì CSVN làm một con chốt hèn trên bàn cờ bao vây CSTQ, dân tộc ta đã có thể sánh vai ngang hàng cùng Hoa Kỳ, Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản, trực diện đối đầu với bá quyền Bắc Kinh, như một dân tộc tiến bộ của thời đại, nhân danh chính nghĩa, tiêu diệt gian tà, góp phần cho nhân loại văn minh.

Bất hạnh thay cho tổ quốc, đến nay, chưa hề có chỉ dẫn cho thấy đảng quyết định trở về với dân tộc, thôi thần phục quan thầy Bắc Kinh, buông bỏ sách lược “thà mất nước còn hơn mất đảng” cố hữu của người CSVN.

Thay vì dân chủ hóa và phát triển đất nước, chế độ thà mất nước còn hơn mất đảng của CSVN đã biến dân tộc Việt thành bệnh phu khiếp nhược của miền Đông Á.
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by dailien »

“Quốc tang” của Yevgeny Prigozhin
Lê Tây Sơn


Image
Một địa điểm tưởng niệm Yevgeny Prigozhin ở Moscow (ảnh: Pelagiya Tihonova/Anadolu Agency via Getty Images)

Sự thương tiếc kéo dài cái chết của Yevgeniy Prigozhin là một thách thức đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một dấu hiệu cho thấy uy tín của trùm Wagner và sự chia rẽ trong giới tinh hoa Nga và quân đội về nguyên nhân cái chết của ông ta.

Điểm tưởng niệm mọc lên như nấm sau mưa

Những người Nga thương tiếc Prigozhin đã dựng các đài tưởng niệm tạm thời ở gần hai chục thành phố trên khắp nước Nga và tại vùng chiếm đóng của Ukraine. Các đài tưởng niệm ca ngợi trùm Wagner vẫn tiếp tục mọc lên bất chấp chiến dịch tuyên truyền phối hợp của Điện Kremlin sau cuộc binh biến để bêu rếu Prigozhin như “một tên tội phạm tham lam và kẻ phản bội nước Nga”.

Tại nơi tưởng niệm là những bức ảnh có dòng chữ “Anh hùng nước Nga”, cờ và huy hiệu Wagner, nến, ảnh tôn giáo và cả một cây vĩ cầm (Wagner tự gọi mình là “dàn nhạc” và các thành viên là “nhạc sĩ”). Các đài tưởng niệm dù không phải nỗi đau buồn chung của cả nước nhưng vẫn cho thấy sức thu hút của Prigozhin trong số đông ủng hộ chiến tranh theo đường lối cứng rắn, đồng thời nhắc nhở Điện Kremlin phải khôn khéo khi chọn cách hành xử trước sự tức giận của công chúng về cái chết của Yevgeny Prigozhin trong tình hình có không ít người trong giới tinh hoa Nga tin rằng đây là một vụ ám sát do Điện Kremlin dàn dựng.


Người phát ngôn Dmitry Peskov của Putin mạnh mẽ phủ nhận những tin đồn về sự liên quan của Điện Kremlin nhưng thông điệp máu đã được lan truyền: “Ai tìm cách vượt qua Putin người đó phải chết!”. Nhà phân tích và nhà báo độc lập Nga Dmitry Kolezev (rời Nga sau cuộc xâm lược Ukraine) nhận định:

“Trong số những người tức giận, ngoài những kẻ ủng hộ Prigozhin và Wagner, còn có cả các sĩ quan quân đội cấp cơ sở và cấp trung, một số blogger quân sự, những người ủng hộ Wagner và các cựu chiến binh Wagner, đặc biệt là một lượng lớn người sùng bái Prigozhin. Putin cần ngăn chặn những người này trở thành đối thủ của ông ta và ngăn chặn trước những hành động cực đoan có thể xảy ra. Prigozhin dù tuyên bố trung thành với Putin, nhưng đã khiến chế độ của người bảo trợ mình gặp nguy hiểm và bộc lộ sự yếu đuối. Vì vậy ông ta phải nhận hình phạt. Giới tinh hoa Nga hiểu rất rõ hệ quả này”.

Prigozhin đã truyền cảm hứng như một người dám đứng lên chống lại ban lãnh đạo quân sự Nga, bảo vệ binh sĩ dưới quyền cho dù tỷ lệ thương vong cao của Wagner, đặc biệt là các cựu tù nhân (có thông tin lan truyền ông ta ra lệnh xử tử những người đào ngũ).

Prigozhin được xem là “người dám nói lên sự thật, một trong số ít người nổi tiếng dám làm mất uy tín quân đội bằng cách vạch trần những thất bại quân sự và thương vong nặng nề. Chỉ trong hai ngày, Prigozhin đăng video hàng chục xác chiến binh Wagner thiệt mạng trong trận chiến ở Bakhmut trong khi ông ta hét lên những lời tục tĩu với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, cáo buộc họ phản quốc và yêu cầu quân Wagner phải được cung cấp nhanh đạn dược.

Một chiến binh Wagner đến từ St. Petersburg tên Pavel Shabrin, viết một bài thơ tôn vinh Prigozhin: “Ông ấy đã ở cùng chúng tôi tại mặt trận, trong chiến hào, trong hầm trú ẩn. Ông biết vấn đề của chúng tôi và vui mừng với chúng tôi. Ông ngủ trong lều, ăn cháo bằng dao và thắp nến cho người chết”. Trong chiến tranh, Prigozhin đánh bóng mình bằng những đoạn video trực tiếp quay gần tiền tuyến, thăm binh sĩ trong hầm ngầm như ở Bakhmut…


Gia đình của các chiến binh Wagner bày tỏ sự đau buồn và lòng trung thành trên các cuộc trò chuyện nhóm Telegram và không biết liệu họ có nhận được các khoản thanh toán và quyền lợi như hợp đồng không. “Trở thành một chiến binh Wagner là sống mãi! – em gái của một chiến binh Wagner tử trận viết – Đối với cá nhân tôi, ông ấy là một người đàn ông đáng kính, người đã tạo ra đội quân thiện chiến nhất thế giới, một gia đình thực sự của nhiều chàng trai! Ông ấy là một người yêu nước Nga thực sự, yêu Tổ quốc và ghét bọn quan liêu. Nhưng đáng tiếc, ông ấy không bao giờ có thể vượt qua được chúng!”.

Một người phụ nữ khác bày tỏ lo ngại về tương lai bấp bênh của các chiến binh Wagner khi không còn sự bảo vệ của Prigozhin và bị buộc phải chuyển sang các nhóm lính đánh thuê do Bộ Quốc phòng Nga kiểm soát. “Không có tố chất lãnh đạo, không có mối quan hệ tốt, không có quyền lực của Yevgeniy Prigozhin, ai sẽ đứng ra bảo vệ những người này ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng? – bà viết – Và ai sẽ đảm bảo cho họ được trở về nhà an toàn?”

Thách thức không thể xem thường

Ở Moscow, người ta viết những dòng tưởng nhớ tại Nhà thờ Thánh Maxim the Bless trên Phố Varvarka. Còn tại thành phố St. Petersburg, quê hương của Prigozhin, những dòng tưởng nhớ được treo tại trung tâm thương mại của Prigozhin và tại một quán cà phê thuộc chuỗi làm ăn kinh doanh của ông. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Quốc hội), Vasily Vlasov, thuộc Đảng Dân chủ Tự do, đề xuất đổi tên Phố Zolnaya ở St. Petersburg, nơi đặt văn phòng chính của Prigozhin, để vinh danh ông ta.

Những người Nga nổi tiếng còn đọc điếu văn trước công chúng. Nhà văn theo chủ nghĩa dân tộc Zakhar Prilepin gọi trùm Wagner là “người đàn ông tốt nhất”. Alexei Dyumin, Thống đốc Tula, cựu lãnh đạo cơ quan an ninh của Putin, người biết rõ về Prigozhin, gọi ông ta là “người yêu nước thực sự, một người kiên quyết, không sợ hãi và không phải là kẻ phản bội”.

Sergei Mironov, người đứng đầu đảng chính trị Công lý vì sự thật cho nước Nga, tuyên bố: “Prigozhin chết khiến nhiều người buồn nhưng những kẻ thù của nước Nga sẽ phải trả giá đắt cho cái chết của người anh hùng”.

Trong một chuyên mục trên tờ Daily Mail, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson kết luận “Putin đã ra lệnh ám sát Prigozhin”. Đây được xem là tuyên bố thẳng thừng nhất của các chính trị gia phương Tây cho đến nay. “Khi xem đoạn phim rùng rợn chiếc máy bay lao xuống, chúng ta cũng chứng kiến một thời khắc lịch sử. Đây là cách một nguyên thủ quốc gia hiện tại thanh trừng kẻ thù. Tôi không thể nghĩ ra một ví dụ nào khác về sự tàn bạo không có giới hạn của một nhà lãnh đạo thế giới trong thời đại của chúng ta!”.

Các nhà phân tích phương Tây tin rằng nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn sẽ không bao giờ được biết đến, do hệ thống điều tra bị chính trị hóa của Nga. Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga và ủng hộ Điện Kremlin còn suy đoán, chiếc máy bay bị phá hủy bởi phía Ukraine hoặc nhân viên tình báo nước ngoài. Tờ báo lá cải ủng hộ Điện Kremlin Moskovsky Komsomolets đánh lạc hướng dư luận:

“Máy bay phản lực của Prigozhin đậu ngoài trời và được sửa chữa ngay trước chuyến bay định mệnh. Có thông tin cho biết hai người định mua chiếc máy bay này có mặt trên máy bay một giờ trước khi nó khởi hành”.

Ngày 25 Tháng Tám, lực lượng bán quân sự cực hữu Nga Rusich đang chiến đấu ở Ukraine thông báo sẽ rút các chiến binh của họ ra khỏi cuộc chiến sau khi Yan Petrovsky, một lãnh đạo của họ bị bắt ở Phần Lan và có thể bị dẫn độ về Ukraine để xét xử tội tham gia khủng bố. Rusich than phiền trên Telegram: “Chính phủ Nga đã làm rất ít để giúp Petrovsky. “Nếu một quốc gia không thể bảo vệ công dân của mình thì tại sao người dân lại phải bảo vệ đất nước họ?”.
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by caubennoc »

Nỗi khiếp sợ Trung Cộng của Hà Nội ảnh hưởng bang giao Việt-Mỹ như thế nào?
Tường Minh

Image
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong chuyến công du Hà Nội ngày 15 Tháng Tư 2023 (VNE)

Sau nhiều năm tháng nỗ lực với các chuyến ngoại giao con thoi của giới chức đối ngoại Việt Nam và Hoa Kỳ, cuối cùng, ngày 28 Tháng Tám 2023, Tòa Bạch Ốc công bố tin, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ công du Việt Nam ngày 10 Tháng Chín, gặp các lãnh đạo hàng đầu Hà Nội để bàn một loạt vấn đề chỉ trong một ngày (Joe Biden sẽ rời Hà Nội ngày 11 Tháng Chín 2023). Đây cũng là lần đầu tiên ông Joe Biden thăm Hà Nội trong tư cách Tổng thống Hoa Kỳ.

Thông cáo Tòa Bạch Ốc nêu rõ, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ gặp Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và những vị lãnh đạo khác của Việt Nam. Và Tổng thống Hoa Kỳ và các lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn thảo việc tăng cường mối quan hệ song phương cũng như thúc đẩy hỗ trợ kinh tế cho Việt Nam. Có khả năng cao Mỹ sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược “phiên bản nâng cấp” với Việt Nam.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Hà Nội xảy ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung; khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng hành động lấn áp các quốc gia Đông Nam Á có chủ quyền liên quan đến hồ sơ Biển Đông. Đối với ban lãnh đạo Hà Nội, đây là một sự kiện dù rất mong mỏi, song là điều hết sức nhạy cảm bởi sự ràng buộc quan hệ với Trung Quốc, giữa hai quốc gia có cùng ý thức hệ cộng sản, khiến họ vô cùng lúng túng.


Trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Biden đưa ra các tuyên bố rất tự tin và đượm màu khiêu khích Trung Cộng. Ông nói: “Tôi không nói đùa đâu nhé, chúng ta đã có Philippines và sắp tới đây sẽ có thêm cả Việt Nam lẫn Campuchia cũng đang muốn trở thành một phần trong sự kết nối với chúng ta.”

Như thế thì làm sao Trung Cộng không lồng lộn lên cho được. Cách đây ít ngày, trong chuyến thăm và làm việc tại Vân Nam, Trung Quốc, Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái đã được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo “không được xa rời ý thức hệ” khi đề cập tới “các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao Trung-Việt thời gian sắp tới”.

Phải chăng đó là sự nhắc nhở lại với ban lãnh đạo Hà Nội về những cam kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 31 Tháng Mười 2022, nhân dịp Tập Cận Bình tái đắc cử chức Chủ tịch lần thứ ba, sau Đại hội 20 đảng cộng sản Trung Quốc. Hôm đó, Tập Chủ tịch cũng dằn mặt Tổng Bí thư Trọng, “không được để cho phương Tây xen vào mối quan hệ của chúng ta”.

Việc Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức “Đối tác chiến lược” là điều gần như chắc chắn. Song câu hỏi “Liệu Việt Nam có thể nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên mức cao hơn, là đối tác chiến lược toàn diện hay không?” vẫn được nhiều người quan tâm. Đây là mức quan hệ cao nhất, nếu đạt được sẽ đưa mối quan hệ Việt-Mỹ lên ngang tầm với mối quan hệ của Hà Nội với Moscow và Bắc kinh hiện nay. Song nó sẽ là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, có thể chọc giận Nga và Trung Cộng. Đó là lý do, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ ông Hà Kim Ngọc từng vấn an rằng, “bản chất quan hệ Việt–Mỹ đã ở mức chiến lược. Sau vài năm tăng cường hợp tác thì quan hệ giữa hai nước có thể nói là đã lên đến mức đối tác chiến lược toàn diện”.

Việc ông Biden bày tỏ khả năng vượt cấp, nâng quan hệ Mỹ-Việt lên hẳn “Đối tác chiến lược toàn diện” ngang tầm với Trung Cộng và Nga khiến Hà Nội lo lắng là điều dễ hiểu. Và hơn thế nữa, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa Hà Nội và Washington theo giới quan sát đánh giá có thể sẽ là “một thắng lợi mới trong chiến dịch củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương”, điều đó sẽ khiến cả Trung Cộng và Nga càng không hài lòng với Việt Nam.


Theo Reuters, một số ý kiến cho rằng, Bắc Kinh coi sự nâng cấp quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ vào thời điểm hiện nay là sự chống đối có chủ ý từ Hà Nội, nhất là vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều mặt; và Bắc Kinh có thể có những phản ứng ở mức độ cao.

Đó là lý do ngày 25 Tháng Tám, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bất ngờ “thăm và làm việc” tại Lạng Sơn, để trồng cây lưu niệm tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Cùng đi “trồng cây” với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; các Bí thư Trung ương Đảng, các Ủy viên Trung ương Đảng v.v… Và đặc biệt có sự tháp tùng của Đại sứ Trung quốc tại Hà Nội Hùng Ba.

Dường như chưa đủ, vẫn sợ “bạn vàng phương Bắc” phật lòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam chiều ngày 28 Tháng Tám đã họp báo đưa tin về sự kiện “Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt-Trung” lần thứ tám diễn ra từ ngày 7 đến ngày 8 Tháng Chín sắp tới. Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, hoạt động “Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt-Trung” lần thứ tám được thực hiện nhằm tiếp tục “đẩy mạnh” và làm “sâu sắc hơn nữa” mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang của Việt Nam sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhân giao lưu lần này.

Quan điểm đối ngoại của Việt Nam là làm bạn với các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước lớn như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc… là điều phù hợp với xu hướng toàn cầu. Song mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia khác phải đặt trên nền tảng của sự bình đẳng, tôn trọng sự độc lập, chủ quyền cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Không thể chấp nhận các biểu hiện nước lớn, lấn át theo lối hành xử trịch thượng của lãnh đạo Bắc Kinh. Cụ thể là, khi trao đổi với các lãnh đạo đồng cấp Việt Nam, họ thường sử dụng các mệnh lệnh như “Trung Quốc yêu cầu…”; “Việt Nam phải…”; hay “Việt Nam không được…”

Đáng lý việc Việt Nam quan hệ với quốc gia nào, cấp độ ra sao là chuyện nội bộ của người Việt Nam tự quyết định, việc gì ban lãnh đạo Hà Nội cứ phải đôn đáo bày ra những sự kiện lấy lòng bạn vàng một cách thiếu tự trọng và không cần thiết như vậy. Như tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định, đây là vấn đề quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vì vậy chỉ có hai nước quyết định về quan hệ đó. Một khi Việt Nam thấy việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ mang lại lợi ích quốc gia lớn hơn cho Việt Nam (và cho Hoa Kỳ), thì Việt Nam tự quyết định nâng cấp.

Ban lãnh đạo chóp bu Việt Nam cần phải sáng suốt phân biệt rạch ròi, đâu là bạn, đâu là thù, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hà Nội cần đứng thẳng và dứt khoát, hơn là làm “thân tre” ngả nghiêng theo thời thế với tâm thế thấp hèn. Đừng quên mối họa của dân tộc Việt Nam ngàn đời nay là chủ nghĩa sô vanh bành trướng Đại Hán. Và không có kẻ thù vĩnh viễn hay đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc mới trường tồn mà thôi.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Đã đến lúc ‘trong chăn mới biết chăn có rận’?
Mai Vũ Phạm
16 tháng 9, 2023

Danh sách những người thay đổi lập trường từ ủng hộ, đến chỉ trích cựu tổng thống Donald J. Trump ngày càng dài. Đáng chú ý nhất, hầu hết tất cả những người này là những người từng rất thân cận và trung thành với Trump.

Phải chăng “ở trong chăn mới biết chăn có rận?”

JENNA ELLIS

Jenna Ellis bước vào nghề luật vào năm 2012, với tư cách là phó luật sư quận ở một khu vực nông thôn, thuộc Weld County, bang Colorado. Ellis từng là cựu cố vấn pháp lý của Thomas More Society, một nhóm Công giáo bảo thủ.


Khi còn nắm quyền Tòa Bạch Ốc, Trump đã tuyển dụng Jeanna Ellis làm cố vấn pháp lý hàng đầu cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông vào Tháng Mười Một năm 2019. Sau khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 kết thúc, Ellis đã thường xuyên xuất hiện trước công chúng, cùng với các luật sư riêng của Trump, bao gồm Rudolph W. Giuliani, gieo rắc hàng loạt tuyên bố sai trái của Trump về gian lận bầu cử.
Image
Jeanna Ellis làm cố vấn pháp lý hàng đầu cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông vào Tháng Mười Một năm 2019. Ảnh: Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images
Ủy ban điều tra Sáu Tháng Giêng của Hạ viện cho biết Ellis là một trong những “kỹ sư”đằng sau kế hoạch áp lực Phó Tổng thống Mike Pence lật ngược kết quả bầu cử hợp pháp. Theo hồ sơ điều tra, Pence phải loại bỏ các đại cử tri được chứng nhận hợp pháp khỏi các bang chiến trường vào ngày 6 Tháng Giêng, và thay vào đó sử dụng các đại cử tri giả của Đảng Cộng hòa.

Với âm mưu gian lận bầu cử này, Ellis cùng với 18 cộng sự trung thành của Trump, đã bị đại bồi thẩm đoàn buộc tội ở Georgia. Cụ thể, Ellis bị buộc tội vi phạm luật chống gian lận của Georgia và tội xúi giục một quan chức vi phạm lời tuyên thệ. Hiện tại, Ellis đã được tại ngoại, đợi ngày ra tòa xét xử.
Image
Ellis bị buộc tội vi phạm luật chống gian lận của Georgia và tội xúi giục một quan chức vi phạm lời tuyên thệ. Ảnh: Fulton County Sheriff’s Office via Getty Images
Hiếm có ai nghi ngờ về lòng trung thành của Ellis là đối với Trump. Thế nhưng, mới đây, Ellis cho biết bà ấy sẽ không ủng hộ nỗ lực tranh cử tổng thống lần thứ ba của Trump, vì ông không biết thừa nhận các hành vi sai trái. Ellis nói trong một tập của chương trình American Family Radio:

“Tôi chỉ đơn giản là không thể ủng hộ Trump cho chức vụ dân cử một lần nữa. Tại sao tôi chọn lên tiếng là vì hội chứng ái kỷ (yêu bản thân một cách thái quá) của ông ấy nói rằng ông ấy chưa bao giờ làm điều gì sai trái.

Và sự tôn thờ tuyệt đối mà tôi đang thấy từ một số người ủng hộ (Trump), là những người không sẵn lòng đặt hiến pháp, quốc gia, cũng như các nguyên tắc bảo thủ lên trên tình yêu của họ dành cho một cá nhân (Trump), thực sự rất đáng lo ngại.”

MIKE PENCE

Danh sách những người Cộng hòa nhảy khỏi chuyến tàu mang tên Trump có một cái tên đáng ngạc nhiên nhất: Mike Pence. Cựu phó tổng thống đang trong chiến tranh cử tổng thống 2024 cuối cùng đã lên tiếng chỉ trích người mà ông đã phục vụ trong suốt gần bốn năm.

“Mối quan hệ ngọt ngào” của Pence và Trump có đầy biến động vào cuối nhiệm kỳ của họ, sau cuộc bạo loạn tấn công Điện Capitol vào ngày 6, Tháng Giêng, năm 2021.

Âm mưu của Trump và đồng bọn nhằm áp lực Pence lật ngược kết quả bầu cử và từ chối chứng nhận chiến thắng của Joe Biden, được trình bày chi tiết trong bản cáo trạng của công tố viên đặc biệt Jack Smith. Bản cáo trạng với các chi tiết được chính Pence cung cấp trong một cuộc phỏng vấn với các nhà điều tra và trong các ghi chú đương thời mà ông cung cấp theo trát tòa.
Image
Phó Tổng Thống Mike Pence trong ngày chuẩn bị công bố kết quả bầu cử tại Capitol Hill, 6 Tháng Giêng, 202. Ảnh: Erin Schaff-Pool/Getty Images

Cựu phó tổng thống của Trump khuyến khích mọi người đọc bản cáo trạng và cho biết: “Tôi không biết liệu chính phủ có thể đáp ứng được tiêu chuẩn, nghĩa vụ chứng minh vượt trên sự nghi ngờ hợp lý đối với các cáo buộc hình sự (chống lại Trump) hay không. Nhưng người Mỹ xứng đáng được biết rằng Tổng thống Trump và các cố vấn của ông ấy không chỉ yêu cầu tôi tạm dừng (đếm phiếu Đại cử tri) mà còn yêu cầu tôi từ chối và trả phiếu Đại Cử tri, về cơ bản là lật ngược cuộc bầu cử.”

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CBS News, Pence nhấn mạnh: “Không có quyền quyết định nào từng được trao cho phó tổng thống trong lịch sử và cũng không nên có. Tôi không có quyền lật ngược kết quả bầu cử và Kamala Harris cũng sẽ không có quyền lật ngược cuộc bầu cử, khi chúng tôi đánh bại họ vào năm 2024.”

Trong bài phát biểu mới đây ở Ankeny, bang Iowa, cựu phó tổng thống Mike Pence đã thẳng thắn tố cáo Trump kích động đám đông tấn công Điện Capitol vào ngày 6 Tháng Giêng và nhấn mạnh rằng hành động của ông Trump vào ngày ngày 6 Tháng Giêng sẽ khiến ông ấy không đủ tư cách để trở lại nắm quyền:

“Tôi tin rằng bất cứ ai đặt mình lên trên hiến pháp sẽ không bao giờ trở thành tổng thống Hoa Kỳ.”

WILLIAM BARR


Người được chính Trump tuyển chọn cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp, William Barr, cũng từng là người rất trung thành với Trump. Xuyên suốt năm 2020, Barr đã lạm dụng quyền lực to lớn của mình để giúp Trump tái đắc cử tổng thống. Chính Barr là người đã đưa ra “những tuyên bố gây hiểu lầm trước công chúng” khi thông báo kết quả điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller để bảo vệ Trump.

Cũng chính Barr đã cử các quan chức cao cấp đến các thành phố lớn để trấn áp và bắt giữ những người biểu tình ôn hòa theo ý muốn của Trump. Và chính Barr đã ra lệnh đàn áp vũ lực những người biểu tình ôn hòa ở Quảng trường Lafayette, để Trump có thể chụp ảnh tại nhà thờ St. John.
Image
William Bar, cũng từng là người rất trung thành với Trump. Ảnh: Alex Wong/Getty Images

Tuy nhiên, vào đầu Tháng 12 năm 2020, khi Barr không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về hành vi gian lận bầu cử mà Trump yêu cầu Bar phải công bố, cựu Bộ trưởng Tư pháp đã tuyên bố từ chức để phản đối Trump.

Vào tháng trước khi Công tố viên Đặc biệt Jack Smith công bố truy tố hình sự đối Trump về âm mưu lật đổ kết quả bầu cử năm 2020, các luật sư riêng của Trump cho rằng cáo buộc này xâm phạm quyền tự do ngôn luận của cựu tổng thống.

Phát biểu trên CNN, Bar đã phản biện lập luận đó, cho rằng Trump có thể nói bất cứ điều gì ông muốn, thậm chí có thể nói dối rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Nhưng điều đó không bảo vệ Trump khỏi trách nhiệm pháp lý đằng sau âm mưu thay đổi kết quả bầu cử.

Barr nhấn mạnh:

“Về mặt pháp lý, tôi không thấy bản cáo trạng có vấn đề gì và Bộ Tư pháp đã không lạm quyền khi tiến hành tố tụng chống lại cựu tổng thống vì âm mưu phá hoại quá trình bầu cử.”


William Barr và Trump những ngày “chưa tức nước, chưa vỡ bờ.”Ảnh: Win McNamee/Getty Images
Đáng chú ý, Bar tiếp tục xác nhận Trump đã nhiều lần được các cố vấn pháp lý của Tòa Bạch Ốc thông báo không tìm thấy bằng chứng gian lận bầu cử, nhưng Trump vẫn bỏ ngoài tai.

“Tức nước vỡ bờ”

Nhiều chuyên gia cho rằng Trump mắc bệnh yêu bản thân thái quá, nên ông dường như tin rằng mình không thể bị châm biếm, phê bình, hoặc chỉ trích. Cho nên, Trump đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối từ những người dưới trướng ông. Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Tư pháp Bar, lòng trung thành chỉ là “con đường một chiều” đối với Trump.

Nghĩa là, Trump có thể phản người khác, nhưng họ thì tuyệt đối không được phê bình Trump. Tư tưởng này của Trump có khác gì chủ nghĩa sùng bái lãnh tụ thời Mao Trạch Đông, Stalin, hoặc Hồ Chí Minh?

Trên hết, tất cả những thông tin tố cáo bản chất của Trump không đến từ những thành viên Đảng Dân chủ, hoặc cử tri độc lập, mà hầu hết đến từ chính những người Cộng hòa đã từng phục vụ và thân cận và trung thành với Trump.

Thế nhưng, tới lúc “tức nước” thì họ phải “vỡ bờ” phơi bày sự thật xấu xí về Trump. Suy cho cùng, phải chăng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”?
buikiem
Posts: 503
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by buikiem »

Thẩm Phán New York Ra Phán Quyêt Donald Trump Phạm Tội Lừa Đảo
28/09/2023
Việt Báo

Image
Một thẩm phán ở NewYork đã ra phán quyết Donald Trump phạm tội lừa đảo. (Nguồn:Unplash)

Vào tháng 9 năm 2022, Bộ trưởng Tư pháp Letitia James của bang New York, đã kiện Donald Trump và tổ chức kinh doanh gia đình ông gian lận kinh doanh. Theo James, Trump và Trump Organization đã nói dối về tài sản của họ trong suốt một thập kỷ, trong đó gồm giá trị tài sản Mar-a-Lago của ông ở Florida, căn penthouse của tòa nhà chọc trời Trump Tower ở Manhattan cũng như các tòa nhà văn phòng và sân gôn.


Hôm thứ Ba, một thẩm phán ở Manhattan, New York đã ra phán quyết rằng Trump và các bị cáo khác trong vụ án phạm tội lừa đảo vì Trump và các trợ lý của ông đã thổi phồng tài sản của họ lên vài tỷ USD. Bên cạnh đó, gia đình ông Trump còn lừa dối cơ quan thu thuế, ngân hàng và hãng bảo hiểm trong nhiều năm khi thường xuyên kê khai sai giá trị tài sản của tập đoàn để làm giàu bản thân.


Ngoài Cựu Tổng Thống, các con trai của ông là Donald Trump Jr. và Eric Trump cũng được nhắc đến, cũng như giám đốc tài chính của tập đoàn Trump Organization, Allen Weisselberg và Giám đốc điều hành Jeff McConney.


Quyết định của thẩm phán được đưa ra vài ngày trước khi phiên tòa xét xử vụ án này dự kiến ​​bắt đầu vào thứ Hai, ngày 2 tháng 10. Phán quyết áp dụng cho điểm chính trong vụ án dân sự, nhưng vẫn còn sáu điểm nữa - bao gồm cả việc Trump định giá thấp tài sản để giảm thuế.


Bộ trưởng tư pháp James cũng yêu cầu ông Trump phải chịu trách nhiệm pháp lý, với mức phạt 250 triệu USD cũng như truất quyền quản lý của ông Trump và hai con trai với tập đoàn Trump Organization, cũng như ngăn cản gia đình và công ty của Trump ua bất động sản ở bang này trong 5 năm.


Phiên tòa được cho là sẽ kéo dài đến tháng 12.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by nguyenvsau »

Image
Một trung tâm mua sắm ở Gaza hứng đạn của Israel ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Ashraf Amra/Anadolu Agency via Getty Images)


“Bão Al-Aqsa” – sự kiện 9/11 của Israel
Việt Bình
7 tháng 10, 2023


Khoảng 6:30 sáng giờ địa phương ngày Thứ Bảy 7 Tháng Mười 2023, khi nhiều người Israel còn đang ngủ, còi báo động đã vang lên ở phía Bắc tới tận khu vực Tel Aviv, phía Đông đến Beer Sheba và nhiều địa điểm khác.

Hàng ngàn hỏa tiễn của lực lượng Hamas bay đỏ trời Israel, trong một chiến dịch quân sự kinh hoàng chưa từng có kể từ cuộc chiến 1973. Hamas gọi đây là chiến dịch “Bão Al-Aqsa” (gọi theo tên khu vực được xem là một trong những nơi được tôn kính nhất trong đạo Hồi lẫn Do Thái giáo). Điều đáng chú ý nhất là tình báo Israel lẫn Mỹ hoàn toàn mù tịt về chiến dịch quân sự qui mô này…
Image
Hàng ngàn người Iran xuống đường ủng hộ Hamas và Palestine, ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images)
Image
Hàng ngàn người Yemen ủng hộ Hamas-Palestine (ảnh: Mohammed Hamoud/Anadolu Agency via Getty Images)

Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel cho thấy sự thất bại lớn đầy ê hề về mặt tình báo khi chính phủ Israel hoàn toàn không phát hiện bất kỳ động tĩnh gì trước sự xâm nhập của Hamas qua biên giới phía Nam cùng với việc phóng hàng nghìn quả tên lửa. Các chuyên gia và cựu quan chức tình báo cho biết, cuộc tấn công của Hamas trên diện rộng – bằng đường không, đường bộ lẫn đường biển – đặt ra câu hỏi tại sao tình báo Mỹ cũng không lường trước được điều này.


Giới chức Mỹ đang thảo luận việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Israel để hỗ trợ chính phủ Israel ứng phó cuộc tấn công chớp nhoáng và tàn khốc của Hamas. Thông tin tình báo bổ sung cho Israel có thể bao gồm những gì được thu thập từ máy bay không người lái, nghe lén và vệ tinh.

Cuộc tấn công dữ dội diễn ra một ngày sau lễ kỷ niệm 50 năm cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973. “Đây là vụ 11/9 của Israel” – nhận định của Marc Polymeropoulous, người từng làm việc 26 năm cho CIA, chuyên gia về chống khủng bố ở Trung Đông và Nam Á. Kể từ năm 1973, chưa có sự thất bại tình báo thảm khốc như vậy ở Israel, trong khi tình báo Israel từ lâu đã được coi là một trong những cơ quan có năng lực nhất trên thế giới.

Cựu viên chức CIA Polymeropoulous nói thêm: “Gần như không thể tưởng tượng được tại sao Israel mù tịt về chiến dịch tấn công qui mô như vậy”. Marc Polymeropoulous nói rằng ông cũng không rõ tại sao tình báo Hoa Kỳ dường như không thấy trước cuộc tấn công, cũng như các quốc gia Ả Rập thân thiện Israel như Ai Cập, Jordan, Qatar và Ả Rập Saudi. “Tôi bị choáng váng” – Polymeropoulous nói.
Image
Trong bệnh viện Ichilov tại Tel Aviv, Israel, sau cuộc tấn công khốc liệt và bất ngờ của Hamas ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Matan Golan/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Dĩ nhiên Israel phải chịu trách nhiệm chính – như nhận định của Colin Clarke, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề an ninh toàn cầu. “Israel có khả năng thu thập và phân tích thông tin tình báo đẳng cấp thế giới và phải có được bức tranh rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra ở sân sau của mình”.

David Friedman, đại sứ Hoa Kỳ tại Israel trong chính quyền Trump, bày tỏ:

“Trong hơn 40 năm theo dõi Israel bằng cách này hay cách khác, tôi chưa bao giờ thấy điều này xảy ra. Tôi chưa bao giờ thấy biên giới Israel bị xâm phạm theo cách này. Thông thường, một người nào đó từ Gaza đến gần biên giới cũng đã bị chặn lại và bị vô hiệu hóa ngay tức thì trước khi họ kịp làm gì. Đây là điều tôi chưa từng thấy trước đây. Tất nhiên đó là một thất bại lớn về mặt tình báo.”

Image
Ảnh: Samuel Corum/Getty Images

Sáng nay, tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu về cuộc tấn công khủng khiếp diễn ra ở Israel. Hoa Kỳ dứt khoát lên án cuộc tấn công tàn khốc của những kẻ khủng bố Hamas từ Gaza nhằm vào Israel, và tôi đã nói rõ với Thủ tướng Netanyahu rằng chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho Chính phủ và người dân Israel.

Chủ nghĩa khủng bố không bao giờ được biện minh. Israel có quyền bảo vệ đất nước và người dân họ. Hoa Kỳ cảnh báo chống lại bất kỳ bên nào thù địch với Israel đang tìm kiếm lợi thế trong tình huống này. Sự hỗ trợ của Chính quyền tôi đối với an ninh Israel là rất vững chắc và không lay chuyển.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tòa Bạch Ốc ngày 7 Tháng Mười 2023

________________

Các quan chức Mỹ cho biết những đánh giá ban đầu cho thấy thời điểm xảy ra vụ tấn công có liên quan đến các dấu hiệu cho thấy một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel sắp đạt được. Sau vụ tấn công, cả Hamas và Hezbollah đều nói rằng trận “Bão Al-Aqsa” là lời cảnh báo đối với bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào tìm cách đạt được hòa bình với Israel. Người phát ngôn của Hamas, Ibrahim Hamad, nói trên đài truyền hình Al Jazeera rằng cuộc tấn công vào Israel “hoàn toàn là một thông điệp” gửi tới các nước Hồi giáo đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel.
Image
Izz ad-Din al-Qassam – lực lượng vũ trang của Hamas – tiêu diệt một xe tăng Israel tại Gaza ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Hani Alshaer/Anadolu Agency via Getty Images)
Cuộc tấn công đã gây sốc toàn thế giới, xảy ra vào ngày Simchat Torah, một trong những ngày vui vẻ nhất trong lịch Do Thái. Dịch vụ cứu hộ Zaka (Israel) cho biết ít nhất 200 người đã thiệt mạng ở miền Nam Israel và 1,100 người bị thương. Và ít nhất 198 người ở Dải Gaza thiệt mạng và khoảng 1,610 người bị thương trong bối cảnh Israel trả đũa. Hamas tuyên bố các chiến binh của họ đã bắt nhiều người Israel.

Những đoạn video khủng khiếp rợn da gà được Hamas công bố cho thấy cảnh đám chiến binh khát máu Hamas kéo lê những người lính Israel đầy máu trên mặt đất và đứng trên xác chết. Vài nạn nhân bị lột đồ lót. Hamas nói thêm rằng sĩ quan quân đội cấp cao của Israel nằm trong số những người bị bắt.
Image
Chiến dịch quân sự cực kỳ qui mô và hoàn toàn bất ngờ đã khiến Israel thiệt hại nghiêm trọng. Trong ảnh là một chiến lợi phẩm Hamas lấy được từ quân đội Israel (ảnh: Ali Jadallah/Anadolu Agency via Getty Images)

Hamas đưa ra lý do cho cuộc tấn công Israel: Nguồn gốc gây căng thẳng kéo dài giữa Israel và người Palestine, đặc biệt vấn đề tranh chấp quanh khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nơi linh thiêng đối với cả Hồi giáo lẫn Do Thái. Các yêu sách tranh giành địa điểm này, được người Do Thái gọi là Núi Đền, từng dẫn đến bạo lực trước đây, trong đó có cuộc chiến đẫm máu kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas vào năm 2021.

Những năm gần đây, những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo Israel – chẳng hạn Ben-Gvir, Bộ trưởng An ninh quốc gia – đã tăng cường các chuyến thăm tới khu phức hợp Al-Aqsa. Tuần trước, trong lễ hội thu hoạch Sukkot của người Do Thái, hàng trăm người Do Thái Chính thống cực đoan và các nhà hoạt động Israel đã đến Al-Aqsa, khiến Hamas nổi điên, cáo buộc người Do Thái vi phạm thỏa thuận nguyên trạng. Hamas nói thêm việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái trên những vùng đất mà người Palestine tuyên bố là nhà nước tương lai cũng khiến họ nổi giận và muốn trả đũa.
Image
Ngôi đền Al-Aqsa, trung tâm của xung đột Israel-Palestine (ảnh: Jerusalem Islamic Waqf / Handout /Anadolu Agency via Getty Images)
Image
Lính Israel tại Đền Al-Aqsa (ảnh: Mustafa Alkharouf/Anadolu Agency via Getty Images)

Một số nhà phân tích chính trị nhấn mạnh rằng cuộc tấn công Hamas xuất phát từ các cuộc đàm phán hiện tại do Mỹ làm trung gian về bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi. Chính Bassem Naim, một quan chức cấp cao Hamas, cũng nói với AP: “Chúng tôi luôn nói rằng bình thường hóa sẽ không mang lại an ninh, ổn định”.
Image
Ismail Haniyeh (giữa), thủ lĩnh Hamas (ảnh: Marwan Naamani/picture alliance via Getty Images)

Bạo lực chiến tranh bùng phát vào thời điểm khó khăn đối với Israel, quốc gia đang đối mặt làn sóng biểu tình lớn nhất trong lịch sử, cáo buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu giành quyền lực, gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel và gây ra tình trạng hỗn loạn trong quân đội Israel.

Hàng trăm quân nhân dự bị đã dọa ngừng tình nguyện trình diện để phản đối cuộc cải tổ tư pháp. Lực lượng dự bị là trụ cột của quân đội Israel và các cuộc biểu tình trong quân đội đã làm dấy lên mối lo ngại về sự gắn kết, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh răn đe khi quân đội đối mặt với các mối đe dọa trên nhiều mặt trận.

Israel và Hamas đã trải qua bốn cuộc chiến lớn, cùng với vô số cuộc đấu súng lẻ tẻ kể từ khi nhóm Hồi giáo cực đoan Hamas giành quyền kiểm soát Gaza từ tay các lực lượng trung thành với Chính quyền Palestine vào năm 2007. Lệnh ngừng bắn đã ngăn chặn giao tranh lớn trong những vòng xung đột trước đây nhưng chưa bao giờ mang lại ổn định. Mỗi thỏa thuận trong quá khứ đều dẫn đến một khoảng thời gian yên bình ngắn ngủi, nhưng những vấn đề cơ bản, sâu sắc hơn của cuộc xung đột hiếm khi được giải quyết và lại tạo tiền đề cho những đợt không kích và phóng tên lửa tiếp theo.
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by dailien »

Tại sao Israel và Mỹ chả biết gì về kế hoạch tấn công của Hamas?
October 8, 2023

WASHINGTON, DC (NV) – Cuộc tấn công bất thình lình của quân bạo động Palestine vào lãnh thổ Israel cho thấy một thất bại tình báo lớn lao khi chính phủ Israel dường như mù tịt về những cuộc xâm nhập của các chiến binh Hamas xuyên qua vùng biên giới, để rồi phóng ra hàng ngàn hỏa tiễn vào các mục tiêu trên đất Israel.

Cuộc đột kích của Hamas bằng các phương tiện trên không, trên bộ và trên biển cũng đặt ra nghi vấn vì sao các cơ quan tình báo Hoa Kỳ dường như là đã không nhìn thấy gì cả. Giờ đây, các giới chức Mỹ phải tính tới chuyện cải thiện việc san sẻ thông tin tình báo vói phía Israel để khả dĩ đáp ứng các cuộc tấn công của Hamas, theo lời một giới chức Mỹ và một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận về vấn đề này giữa đôi bên.

Cuộc tấn công của Hamas diễn ra một ngày sau dịp đánh dấu 50 năm cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel 1973 và cũng mang âm hưởng của cuộc xung đột thời đó, khi Israel bị chới với vì cú đánh được phối hợp ngoạn mục dưới bàn tay các lân bang của Israel và do Ai Cập cùng với Syria cầm đầu.

Image
Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) dự buổi tưởng niệm 50 năm những binh sĩ chết trong cuộc chiến Ả Rập – Israel ở Núi Herzl, Jerusalem, hôm 26 Tháng Chín, 2023; chỉ hơn 1 tuần, lịch sử vừa lặp lại một cuộc tấn công bất ngờ không kém đúng tròn nửa thế kỷ sau vào Israel. (Hình: MENAHEM KAHANA/AFP/Getty Images)

“Đây là cú 9/11 của Israel. Chưa bao giờ, kể từ năm 1973 cho tới nay, mà lại có một sự thất bại về tình báo thảm hại đến thế của Israel,” theo lời của Marc Polymeropoulous, người đã làm việc suốt 26 năm trường cho CIA, chuyên trách các vấn đề chống khủng bố, Trung Đông và Nam Á vụ.

Phải biết rằng các sở an ninh tình báo của Israel từ lâu vẫn được coi là nằm trong số ít những cơ quan an ninh dồi dào khả năng nhất thế giới, với một đội ngũ hùng hậu các nhân viên thu thập tin tức tình báo, nghe lén, cùng các phương tiện kỹ thuật khác bao trùm lên cả vùng Tây Ngạn và Dải Gaza.

“Hầu như không ai hiểu nổi tại sao mà họ lại sơ sót đến như vậy,” chuyên gia tình báo lão luyện Polymeropoulous đặt câu hỏi. “Mà cũng chẳng ai dám nghĩ rằng rõ ràng là các cơ quan tình báo của Mỹ lại chẳng hay biết gì về chuyện cuộc tấn công sắp sửa diễn ra, cũng như tại sao mà các quốc gia thân hữu, như Ai Cập, Jordan, Qatar, và Ả Rập Saudi lại cũng không hay biết gì ráo,” ông nói vậy. “Tôi bàng hoàng, kinh ngạc.”

Trong một nhận định sớm sủa về biến cố này, các giới chức Mỹ cho rằng việc Hamas ấn định thời điểm mở cuộc tấn công có liên quan tới thỏa thuận bình thường hóa sắp tới đây mối liên hệ ngoại giao giữa Ả Rập Saudi và Israel, điều mà Hamas và một số nước Ả Rập có đường lối cứng rắn đối với Israel, đặc biệt là Iran, kẻ thù không đội trời chung của Israel, không những chẳng ưa thích chút nào mà còn muốn phá tan đi.

Sau cùng, Colin Clarke, học giả kỳ cựu tại The Soufan Center, một trung tâm chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh toàn cầu của Hoa Kỳ, đặt ra câu hỏi: “Phải chăng những xào xáo tai hại trong nền chính trị nội bộ của Israel cũng có đóng một vai trò đáng kể trong tình trạng bất lực của ngành tình báo Israel?” (TTHN)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 5 guests