Bình Luận , Quan Điểm

vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Cạm Bẫy Cho Biển Đông

Trần Khải
Trung Quốc đang xài đủ thứ võ để tranh chủ quyền Biển Đông. Từ hung hăng như đưa giàn khoan Hải dương 981 vào, cho tới đưa tàu hải giám đụng chìm ghe cá ngư dân Việt... cho tới giả vờ đưa bàn tay sắt bọc nhung ra mời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh, và bây giờ đưa nguyên cả một viện nghiên cứu Biển Đông vào vùng Hoa Thịnh Đốn để sẽ mai phục, dẫn dụ và có thể sẽ gài bẫy các dân cử lẳng lơ của Mỹ.

Nghĩa là, cứng có, mềm có, phi đạn cũng có, tiền hối lộ cũng có, bản đồ vẽ tầm bậy cũng có, và đưa nữ học giả TQ xinh đẹp vào thủ đô Mỹ mai phục cũng có.

Nguyễn Phú Trọng đã sụp bẫy nào ở Bắc Kinh chưa, cũng là một nghi vấn khi chúng ta nhớ tới Lê Khả Phiêu đã sập bẫy mỹ nhân kế khi sang TQ và rơi vào lưới tình của cô Trương Mỹ Vân... Đó là truyền thuyết từ nội bộ Đảng CSVN. Thường thường, truyền thuyết đi trước xác minh có thể cả nửa thế kỷ: cũng như truyền thuyết về các mối tình của ông Hô Chí Minh, rồi nửa thế kỷ sau mới xác minh là có thật.

Bản tin VOA hôm Thứ Hai kể về một trận mai phục mới ở ngay đất Mỹ: TQ tăng cường quyền lực mềm bằng cách thành lập think tank mới...

Chữ “think tank” có nghĩa là viện nghiên cứu, viện này có khi được hiểu như một ổ gián điệp, vì rất nhiều viện nghiên cứu thưc ra là tên gọi khác của tình báo.

Bản tin VOA cho biết:

“Trong khuôn khổ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xoay chiều công luận Mỹ, Trung Quốc đã thành lập một viện nghiên cứu đặc biệt tập trung vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Những người sáng lập tổ chức này mô tả đây là think tank đầu tiên của Trung Quốc ngay giữa lòng thủ đô nước Mỹ.

Theo bản tin của tờ The Wall St. Journal, Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ gồm có 3 nhân viên, làm việc từ một văn phòng nhỏ ở gần Phi trường Ronald Reagan ở Washington. Sứ mạng của viện nghiên cứu này là nghiên cứu và trao đổi về các vấn đề hàng hải và các quan hệ Mỹ-Trung, chứ không đại diện chính quyền Trung Quốc, theo lời của Giám đốc Điều hành của viện, bà Hồng Nông.

Theo lời bà Hồng thì viện muốn xây dựng một diễn đàn để phổ biến một thông điệp đúng đắn từ cả hai phía. Bà Hồng bảo vệ bằng tiến sĩ tại Đại học Alberta ở Canada, với chủ đề xoay quanh việc xem xét các vấn đề pháp lý và chính trị tại Biển Đông.

Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ ra đời tiếp theo sau lời hô hào của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, kêu gọi thành lập những think tank mới để cải thiện đường lối quản trị đất nước và tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng thăng tiến các lợi ích của Bắc Kinh thông qua các phương tiện văn hoá, truyền thông và giới học thuật.

Các think tank thường có chức năng nghiên cứu, đề xuất và cố vấn chính sách, và viện nghiên cứu chính sách mới của Trung Quốc theo chân một số nước láng giềng của Trung Quốc kể cả đối thủ lâu năm của Trung Quốc trong khu vực, là Nhật Bản và Đài Loan. Hai nước này từ lâu đã tài trợ cho các viện nghiên cứu chính sách của Mỹ, cũng như bảo trợ cho một số viện đại học và chức vụ quan trọng tại các viện đại học này, trong một cố gắng nhằm tạo ảnh hưởng đối với tiến trình làm chính sách của Hoa Kỳ.

Bài viết trên tờ WSJ nói rằng viện nghiên cứu chính sách mới sẽ cho phép các nhà nghiên cứu và các giới chức Trung Quốc có một diễn đàn để tạo ảnh hưởng trong cuộc tranh luận ở Mỹ, và tiến trình làm chính sách tại Hoa Kỳ, đặc biệt là liên quan tới các vụ tranh chấp lãnh hải ở Á Châu, mà tờ báo nói là hiện đang tiếp tục leo thang tới mức có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.”(ngưng trích)

Không biết bà Hồng Nông này học có thực lực hay không, nhan sắc đẹp cỡ nào, có đã từng trải qua trường huấn luyện ninja ở Thượng Hải chưa, hay đã từng trải qua trường huấn luyện nữ gián điệp Moscow của tình báo Nga...

Chưa nghe nói viện nghiên cứu nào cuả Việt Nam đưa sang Mỹ. Hay là có nhưng đang mai phục ở Quận Cam, thủ đô tỵ nạn... vì có thể Hà Nội nghĩ rằng cần đôi phó với Việt kiều hơn là đối phó với Tàu Cộng?

Hay là Nguyễn Phú Trọng suy nghĩ kiểu Lê Duẩn, để trán dẹp Sài Gòn trước, rồi đối phó Bắc Kinh sau?

Nguy hiểm là, bà Hồng Nông lại móc nối với Kissinger, người mới đây kêu gọi Mỹ phải êm dịu với Tàu Cộng (một mưu kế để đem quân lực Mỹ tập trung về bảo vệ cho quê mẹ Israel của Kissinger).

VOA kể:

“Dù mới thành lập, nhưng Viện Nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ đã mời được cựu Ngoại Trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, lên tiếng tại diễn đàn mới này.

Phát biểu trong một video được thu hình trước, ông Kissinger đề cập tới tầm quan trọng của các quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Tham gia một hội thảo tại diễn đàn này, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải nói nước ông sẽ hành động một cách tự chế trong Biển Đông, mặc dù cùng lúc, ông khẳng định Bắc Kinh sẽ mạnh mẽ bảo vệ các lợi ích của mình trong vùng biển này.”

Cực kỳ hung hiểm... Không chỉ đấu trí, đấu văn, đấu chữ với bà Hồng Nông, chúng ta lại phải đấu trí với Kissinger -- người sẵn sàng bán cả Biển Đông để Obama kéo lính Mỹ từ Châu Á về để vây Hồi Giáo Trung Đông.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Nhân ngày 30 tháng 4: Cuộc chiến 'cả nước là diễn viên'
Bùi Tín
(Blog VOA)
Bài viết trước - “Cuộc chiến biệt vô tăm tích” - đã đề cập đến một nét đặc thù của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bài này lại nói đến một nét đặc thù nữa, chỉ người trong cuộc mới có thể nhận rõ, Đây là một nét không thể bỏ qua khi nghiên cứu, tổng kết về cuộc chiến tranh này.

Trước hết là những màn kịch của đảng. Rất điêu luyện, cao tay, tinh vi. Xin kể vài thí dụ.

Năm 1940, Phát Xít Nhật bắt đầu tiến công xuống phía Nam Châu Á, đe dọa Việt Nam. Đảng Cộng Sản Đông Dương liền tổ chức ra Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh là tổ chức quần chúng của Đảng Cộng Sản, bao gồm các tổ chức Hội Thanh Niên Cứu Quốc, Hội Phụ Nữ Cứu Quốc, Hội Công Nhân Cứu Quốc...để che giấu kỹ bản chất Cộng Sản của mình, thực hiện sứ mạng của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản là nhuốm đỏ ba nước Đông Dương thuộc Pháp.

Đây là màn kịch đầu tiên giấu kỹ tung tích Cộng Sản, đề cao lòng yêu nước dành độc lập để mở rộng thanh thế của Đảng Cộng Sản dưới chiêu bài chống Pháp đuổi Nhật. Lãnh đạo Cộng Sản hiểu rất rõ là nếu trưng ra chiêu bài Cộng Sản thì sẽ thất bại to vì nhân dân Việt Nam vẫn còn dị ứng với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, một phong trào tả khuynh nguy hiểm đề cao khẩu hiệu “chống trí-phụ-địa-hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.” Chính do màn kịch này mà phong trào Việt Minh lên cao, lên nhanh để Đảng Cộng Sản cướp được chính quyền tháng 8, 1945, lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân.

Khi thảo ra bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2 tháng 9, 1945, Hồ Chí Minh đã hoàn toàn có ý thức giấu kỹ tung tích Cộng Sản và lập trường Cộng Sản của mình, chỉ trưng ra tinh thần của cuộc cách mạng dân chủ tư sản, chỉ dẫn ra các tuyên ngôn cách mạng tư sản của Hoa Kỳ và Pháp, giấu kỹ Tuyên Ngôn Cộng Sản mà ông ta luôn coi là kim chỉ Nam cho mọi hành động của mình.

Đây là màn kịch cao thủ thứ 2, khi ông ta đóng kịch với nhà báo Pháp: “Tôi không phải Cộng Sản, đảng tôi là Việt Nam.” Trong 3 bức thư gửi Tổng Thống Hoa Kỳ Truman để mong tranh thủ sự ủng hộ của nước Mỹ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đóng kịch như không dính dáng gì đến Cộng Sản. Thế nhưng phía Mỹ đã hiểu rõ Hồ Chí Minh là nhân viên kỳ cựu và trung thành của Cộng Sản Quốc tế, không thể tin là người quốc gia, đó là nhân vật nguy hiểm cho cộng đồng quốc tế, cần xếp ở bên kia của trận tuyến “chiến lược be bờ chặn đứng chủ nghĩa Cộng Sản” (Containment of Communist Strategy).

Ngày 11 tháng 11, 1945 khi bị lộ tẩy đích danh là Cộng Sản rồi, ông Hồ và lãnh đạo Đảng Cộng Sản lại dựng lên màn kịch “tự giải thể Đảng Cộng Sản Đông Dương,” sự thật là chỉ rút vào bí mật và còn phát triển Đảng Cộng Sản mạnh hơn trước.

Mặt trận Liên Việt, Mặt Trận Tổ Quốc, Đảng Lao Động Việt Nam cũng là các màn kịch làm bình phong che giấu bản chất Cộng Sản. Học thuyết Mác-Lê đề cao Đảng Cộng Sản, giai cấp vô sản thế giới, tinh thần quốc tế vô sản, trong khi hạ thấp, coi nhẹ và phủ định các khái niệm quốc gia, đồng bào, tổ quốc, xã hội, gia đình, tôn giáo. Cho đến khi toàn thắng rồi họ mới hạ màn kịch, lại công khai tự nhận là Đảng Cộng Sản. Mặt Trận Tổ Quốc bị phơi bày cái mặt nạ bằng mo không còn chút giá trị trước nhân dân, do một ủy viên Bộ Chính Trị Đảng CSVN chăn dắt một cách thô thiển vụng về sau khi kịch đã hạ màn.

Cho đến nay, vào ngày 30 tháng 4 lãnh đạo Đảng Cộng Sản vẫn còn đóng kịch. Họ vẫn viết trên báo chí đây là “Ngày toàn thắng chống đế quốc Mỹ xâm lược,” “Ngày kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ cứu nước,” “Ngày đánh bại ngụy quân ngụy quyền tay sai Mỹ.” Họ không nhầm lẫn đâu. Họ biết rõ Hoa Kỳ không xâm lược. Chính họ là kẻ rắp tâm thôn tính, xâm lược bằng vũ lực, chà đạp “quyền tự quyết của nhân dân miền Nam” do các Hiệp Định Geneve và Paris đều long trọng khẳng định, mà chính họ đã ký tên cam kết. Họ phải bịa ra kẻ xâm lược để tự nhận là người chống xâm lược, phủi trách nhiệm, tự nhận là chính nghĩa, trong khi quân đội Mỹ chỉ hành động để bảo vệ thế giới dân chủ, trong đó có VNCH, theo chiến lược “be bờ chặn đứng thảm họa quốc tế Cộng Sản.” Chính Cộng Sản Việt Nam mới là một kiểu ngụy quân ngụy quyền do Cộng Sản Moscow và Cộng Sản Bắc Kinh nuôi dưỡng thành một tiền đồn của Quốc Tế Cộng Sản, một quân tốt thí. Lẽ ra lúc này họ phải bỏ đi cái trò đóng kịch nhầm vai, lộn vai như thế, nói lên đúng sự thật, khi chính họ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ 20 năm chẵn và đang cần sự đầu tư và hỗ trợ của Hoa Kỳ và phương Tây.

Do Cộng Sản chuyên nghề lừa dối và bịp bợm như thế nên cả xã hội Việt Nam một thời gian dài cũng nhiễm phải thói đóng kịch một cách trầm trọng và rộng khắp. Đây là một hiện tượng chưa được phát hiện, nêu lên thành hệ thống để nhận rõ thêm bộ mặt xấu xa của chủ nghĩa Cộng Sản hiện thực. Nhà thơ Chế Lan Viên, người được coi là nhà thơ xuất sắc bậc nhất ở miền Bắc, khi chết đã để lại di cảo nói rõ rằng ông ta đã lừa dối, đóng kịch ra sao. Trong bài “Trừ Đi” Chế Lan Viên viết, “Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ, Có phải tôi viết đâu, Một nửa cái cần viết vào thơ, Tôi đã giết đi rồi!” Trong bài “Ai ? Tôi!” Chế Lan Viên viết, “Mậu Thân, 2000 xuống đồng bằng, Chỉ một đêm còn sống sót có 30, Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2,000 người đó? - Tôi !- người viết những câu thơ cổ võ ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong...“ Đó là sự kiện ở Bình Định, Tết Mậu Thân đảng tung 2,000 quân lính và cán bộ từ căn cứ xuống đồng bằng kêu gọi dân tổng khởi nghĩa và tổng nổi dậy, nhưng thất bại thê thảm, chết gần hết.

Chế Lan Viên viết di cảo để lại, khi sống ông không dám nói ra. Ông có dũng khí nhận tội ác về mình, thật ra tội ác thuộc về lãnh đạo Đảng Cộng Sản đã coi sinh mạng thanh niên quân lính cán bộ như cỏ rác, ném vào cuộc chiến một cách mù quáng. Cả một lớp văn nghệ sĩ cũng như nhà báo của đảng đều đóng kịch như thế để có kế sinh nhai, về hùa với tội ác mà cứ ngỡ mình là chính nghĩa. Chính tôi cũng đã phải đóng kịch trơ trẽn như thế.

Người dân thường hồi ấy cũng đóng kịch. Tôi xin dẫn chứng sống về 2 bà chị tôi. Bà chị ruột tôi ở Hải Phòng có con trai cả là Hưng, sau khi học xong trung học, cháu 17 tuổi được gọi đi nghĩa vụ quân sự. Ở lớp cháu trước khi hết học kỳ cuối cả lớp hơn 30 nam sinh là đoàn viên Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh đều làm đơn tình nguyện 100% đi nghĩa vụ quân sự. Trong đơn gọi là “tình nguyện” còn nêu rõ sẵn sàng đi đâu khi Tổ quốc cần, ngụ ý là sẵn sàng vào Nam chiến đấu. Thư tình nguyện còn được ghi thêm ý kiến cùng chữ ký của bố hoặc mẹ rất đồng tình với ý tự nguyện của con mình. Bà chị con ông bác ruột tôi cũng có con trai là Hiệp học rất giỏi, chuyên là lớp trưởng. Cháu cũng đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự. Cháu cũng được quận đội Hoàn Kiếm tuyển mộ, lớp cháu hầu hết đều tình nguyện nhập ngũ, chỉ trừ các bạn quá nhẹ cân, có cố tật. Hai bà chị tôi đều lo âu, buồn khổ, nhưng tuyệt nhiên không dám lộ ra ngoài. Với láng giềng, với chính quyền khu phố cứ phải tươi cười đóng kịch trong khi nước mắt tràn ra khi đêm xuống. Các chị dò hỏi tôi có cách nào xin cho các cháu được miễn đi quân dịch để vào học tiếp đại học, và nhất là làm sao nếu vẫn phải đi lính thì không phải đi Nam, vì câu chuyện “sinh Bắc tử Nam” là một cơn ác mộng khủng khiếp dai dẳng cho các bà mẹ đó. Có thể nói các bạn trẻ 10 đi chỉ chừng 2, 3 phần trở về lành lặn. Vậy mà các bà chị tôi vẫn thản nhiên đóng kịch dự lễ tuyển quân, rồi sau vài tháng lại dự lễ tiễn đưa đoàn quân có con mình lên đường vào Nam, với những vòng hoa vàng đỏ choàng quanh cổ. Đó là thời kỳ chiến sự miền Nam sôi động 1965-1970. Các bà chị tôi đau khổ biệt tin con mình hằng 3,4 năm trời, có khi được tin láng máng là cháu Hưng vào khu 5, Quảng Nam hay Quảng Ngãi, cháu Hiệp vào Tây Nguyên, Kontum hay Pleiku, để rồi cuối cùng 2 bà đều thót tim nhận giấy báo tử, chậm đến hơn một năm. Cháu Hưng hy sinh ở huyện Đức Phổ còn cháu Hiệp hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên, cả hai đều mất xác, không biết chôn ở đâu. Sau này các bà đều đi vào Nam, lặn lội nhiều nơi, dùng cả những người có ngoại cảm đi tìm mộ, nhưng đành chịu. Các tấm bảng tuyên dương liệt sĩ, tuyên dương mẹ liệt sĩ, gia đình vẻ vang, được vỗ tay chào đón trong các cuộc họp khu phố không hề an ủi được các bà chị tôi. Nỗi xót xa đau buồn khôn nguôi kéo dài hàng chục năm, vẫn không thể biết 2 cháu hy sinh như thế nào, ở đâu, lúc nào, cũng không có một di vật dù nhỏ làm kỷ niệm. Hàng triệu gia đình, hàng triệu bà mẹ đau khổ dằn vặt khôn nguôi.

Có thể nói hàng triệu gia đình có con vào Nam chiến đấu đều bị cưỡng bách một cách tinh vi như thế, đều buộc phải cùng đảng và theo đảng đóng kịch như thế. Các thanh niên đều 100% bị “cưỡng bách tự nguyện” như thế để bị cho vào lò sát sinh, vào bộ máy nghiến thịt khổng lồ mang tên “cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm” phục vụ cho tham vọng quyền lực vô biên của Đảng Cộng Sản tuân theo lệnh của Quốc tế Cộng Sản do ông Hồ Chí Minh dắt dẫn suốt 85 năm từ khi thành lập Đảng Cộng Sản năm 1930.

Cuộc đóng kịch dai dẳng về mọi mặt, cuộc lừa bịp chết người, hủy diệt oan uổng vô vàn sinh mạng trai tráng của dân tộc giữa tuổi thanh xuân cần kết thúc lúc này đã là quá muộn. Tất cả các “từ ngữ” liên quan đến màn kịch hủy diệt con người này cần xem xét và vĩnh viễn từ bỏ để thay vào những “từ ngữ” chính xác. Ai xâm lược, ai là ngụy quân ngụy quyền? Ai cứu nước hay gây tai họa cho nước? Ai chính nghĩa ai phi nghĩa? Toàn thắng cái gì? Giải phóng cái gì? Công lao nỗi gì? Vẻ vang, vĩ đại gì?

Sao tiếng nói riêng của Đảng Cộng Sản lại vẫn cứ mang cái lốt giả là báo “Nhân Dân,” sao Tòa Án Nhân Dân lại kết tội những người dân yêu nước chống bành trướng, sao Ủy Ban Nhân Dân quận Hoàn Kiếm lại có quyền cấm nhân dân thủ đô biểu tình bảo vệ cây xanh, sao Công An Nhân Dân lại ngang nhiên buôn sinh mạng người dân để kiếm cơ man nào là vàng khi bán bãi, bán tàu, thuyền, bán chỗ trên các tàu thuyền ọp ẹp trong thảm kịch “thuyền nhân” 40 năm về trước. Tất cả đã đến lúc phải sáng tỏ rõ ràng, minh bạch.

Cái tội cực lớn của Đảng Cộng Sản là đã lấy dối trá làm lẽ sống của mình, rồi làm gương dối trá cho toàn xã hội - nhà nhà dối trá, người người dối trá, nhà trường dạy đối trá, học trò học dối trá - phá hoại nếp lương thiện, cương trực, chất phác của xã hội, phá hoại nền đạo đức và văn hóa thuần khiết của dân tộc, đến bao giờ mới hồi phục được.

Đảng Cộng Sản phải hạ ngay các màn kịch đã kéo dài và nhân dân cũng không còn ai muốn cùng đảng đóng kịch trơ trẽn hay bi thảm ở mọi nơi mọi lúc như xưa nữa.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »


Việt Nam sắp bị Bắc thuộc lần thứ hai?

Phạm Trần
- “Thảm họa Bắc thuộc” là tựa đề cuốn phim tài liệu của nhóm Film Club ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn sẽ phát hành vào hạ tuần tháng 6 (2015), đánh dấu 25 năm ngày hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc nối lại quan hệ ngoại giao (1990-2015).

Bối cảnh lịch sử

Việt Nam và Trung Quốc đã gián đoạn ngoại giao trong 10 năm từ 1979 đến 1989, sau khi quân đội Trung Quốc mở các đợt tấn công vào Việt Nam để gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học”, theo lệnh của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.


Cuộc chiến do Trung Quốc chủ động chia làm 2 đợt:

Lần thứ nhất, bắt đầu từ ngày 17/02/1979, kết thúc ngày 5/03/1979. Có trên 600,000 quân Trung Quốc được xe tăng và đại pháo yểm trợ đã tràn qua biên giới tấn công vào 6 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Chiếu dài của chiến trường là 1.200 cây số từ tây sang đông.

Lý do thầm kín của Bắc Kinh trong lần tấn công này là để cứu đàn em Pol Pot, lãnh tụ Khmer đỏ khi ấy cai trị Kampuchea, không bị 200,000 quân Việt Nam tiêu diệt nhanh chóng.

Trong khi đó thì Việt Nam đã nêu lý do đem quân vào Cao Miên để “phản công lại các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975-1978” .

Ngoài lý do bề mặt “trả đũa”, Việt Nam xua quân sang Cao Miên còn nhằm yểm trợ cho phe Cộng hòa Nhân dân Campuchia của Mặt trận Dân tộc thống nhất Cứu quốc Campuchia (KNUFNS, Kampuchean National United Front for National Salvation) do hai lãnh tụ Heng Samrin và Hun Sen lãnh đạo. Ông Heng Samrin từng là tư lệnh cấp Sư đoàn toan tính đảo chính Pol Pot và Hun Sen, Tiểu đoàn Trưởng quân đội Khmer đỏ đã bỏ hàng ngũ chạy quan Việt Nam lánh nạn trước năm 1978.


Tại mặt trận biên giới Việt-Trung sau 2 tháng giao tranh, quân Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam cầm chân và thiệt hại nặng khiến Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình cho lệnh ngưng chiến và rút quân từ ngày 05/3/1979. Bắc Kinh tuyên ngưng chiền vì đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh”.

Không đâu có số chính thức về thương vong đôi bên. Phía Việt Nam nói đã giết 26.000 lính Trung Quốc và gây cho khoảng 37,000 người bị thương. Tây phương ước lượng số quân tử thương của Trung Quốc là ngót 7,000 người và bị thương trên 14,000.

Trung Quốc nói tổn thất của Việt Nam là 30,000 quân chết. Tây phương ước tính Việt Nam đã thiệt mạng khoảng 8,000 binh sĩ. Phía Việt Nam chỉ nói có lối 10,000 thường dân bị thiệt mạng.
Số quân và dân của Việt Nam bị tử thương sau 2 tháng giao tranh đẫm máu được nói nhiều trong khoảng từ 40,000 đến 45,000 người. Thiệt hại tài sản của nhân dân 6 tỉnh do quân Trung Quốc gây ra là vô giá.

Tội ác của lính Trung Quốc được phía Việt Nam ghi lại: “Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Dân thường Việt Nam vẫn tiếp tục bị giết, chẳng hạn như vụ thảm sát ngày 9 tháng 3 tại thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Quốc đã dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình xây dựng, từ nhà dân hay cột điện.” (Trích Duyên Dáng Việt Nam ngày 17/02/2014)

Cuộc chiến thứ 2

Tuy nhiên quân Trung Quốc không trở về căn cứ mà duy trì ở biện giới và trong lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, từ ngày 02/04/1984 đến năm 1987, trên 800,000 quân Trung Quốc đã mở mặt trận thứ 2 pháo kích và tấn công bộ binh 3 đợt có xe tăng yểm trợ vào Lạng Sơn và huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (Hà Giang-Tuyên Quang, sau này đổi lại là Hà Giang)

Cuộc chiến Việt-Trung lần thứ 2 chỉ lắng đọng từ cuối năm 1989, sau khi quân CSVN rút khỏi chiến trường Kampuchia sau 10 năm tham chiến. Việt Nam đã phải hứng chịu tổn thất nặng nề với số tử vong được ước tính trên 100,000 người, theo lời ông Đặng Xương Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao và Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ trong cuộc phỏng vấn của BBC tiếng Việt ngày 26/09/2014. Ông Hùng hiện đang sống tị nạn chính trị tại Thụy Sỹ.

Trong cuộc chiến Việt-Trung lần 2, theo số thống kê của Bộ Quốc phòng Việt Nam thì mỗi ngày quân Trung Quốc đã bắn quan Việt Nam từ 10,000 đến 40,000, thậm chí có ngày lên đến 65,000 (như ngày 7/01/1987) quả đạn cối.

Theo ViệtnamExpress ngày 25/07/2014 thì trong hơn 5 năm (1984-1989), số lượng pháo Trung Quốc bắn vào Hà Tuyên là trên 2 triệu quả, trong đó 60% là đạn cối. Phạm vi địch bắn phá tập trung vào hai xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ trong khoảng diện tích 20 km2.

Việt Nam mất 2 núi chiến lược

Nếu Trung Quốc không chiến thắng trong trận đánh vào 6 tỉnh Việt Nam lần thứ nhất thì Việt Nam đã thất bại trong cuộc chiến với quân Trung Quốc lần 2.
Bộ đội Việt Nam, dù đã tăng viện các sư đoàn thiện chiến có kinh nghiệm chiến trường vẫn không giữ được hai ngọn núi chiến lược là Lão Sơn (còn gọi là Núi Đất hay điểm cao 1509) và Giả Âm Sơn (điểm cao 1250). Theo tài liệu của Việt Nam, quân Trung Quốc đã sự dụng hỏa lực mạnh và chiến thuật tấn công biển người để mở 3 đợt tấn công chiếm 2 ngọn núi từ ngày 02/04/1984. Đến ngày 14/07/1984 thì đỉnh Lão Sơn đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc sau nhiều giờ giao chiến “sáp lá cà” đẫm máu.

Để mất 2 vị trí chiến lược cao điểm Lão Sơn và Giả Âm Sơn, quân đội Việt Nam đang phải đối phó với hiện tượng bị các dàn radar và hệ thống nhiễu sóng thông tin của Trung Quốc đặt ở đây làm rối loạn thông tin toàn khu cực bắc lãnh thổ.

Các chuyên gia Quốc phòng Nhật Bản ở quần đảo Okinawa cũng đã phát giác ra các tín hiệu nhiễu sóng của Trung Quốc phát đi từ 2 đỉnh núi này. Vì vậy, có nhiều khả năng hệ thống phòng không và quốc phòng của Việt Nam sẽ bị tệ liệt nếu xảy ra cuộc chiến mới với Trung Quốc.

Hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiến Việt-Trung lần 2 tại Lão Sơn và Giả Âm Sơn được ghi lại trong Bách Khoa toàn thư (mở) về “Xung đột biên giới Việt Nam-Trung Quốc 1979-1990” như sau:

“Kết quả, quân Trung Quốc chiếm được một số ngọn đồi thuộc dải đồi này, gồm 29 điểm trong lãnh thổ Việt Nam. Trong số các vị trí mà quân Trung Quốc chiếm được có các cao điểm 1509, 772 ở phía tây sông Lô và các cao điểm 1250 (Núi Bạc), 1030 và đỉnh Si Cà Lá ở phía đông sông Lô. Chiến sự diễn ra dọc tuyến biên giới dài khoảng 11 km, và nơi quân Trung Quốc chiếm được sâu nhất trong lãnh thổ Việt Nam là Cao điểm 685 và Cao điểm 468, nằm cách biên giới khoảng 2 km….Việt Nam không thành công trong nỗ lực tái chiếm 8 mỏm núi, và Trung Quốc đã cho quân đóng giữ ở các mỏm núi này.”

Về thương vong đôi bên công bố năm 1984, Tài liệu cho biết: “Theo công bố chính thức của Việt Nam, họ đã tiêu diệt một trung đoàn và 8 tiểu đoàn quân Trung Quốc, "loại khỏi vòng chiến đấu" 5.500 quân Trung Quốc. Tới tháng 8, Việt Nam tuyên bố nâng tổng số quân Trung Quốc bị loại ra khỏi vòng chiến đấu lên đến 7.500 quân trong vòng 4 tháng. Trung Quốc tuyên bố loại khỏi vòng chiến khoảng 2.000-4.000 quân Việt Nam, còn về phía mình Trung Quốc có 939 lính và 64 dân công chết. Phía Việt Nam xác nhận trong trận đánh ngày 12 tháng 7, chỉ riêng Sư đoàn 356 của họ đã có gần 600 binh sĩ thiệt mạng.”

5 đời quy hàng

Với bối cảnh phá hoại hoang tàn, dã man và bị Trung Quốc chiếm lãnh thổ như thế mà các Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam từ 5 đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1986-1991), Đỗ Mười (1991-1997), Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-2011) và Nguyễn Phú Trọng (từ 2011- ) đa lần lượt cúi đầu trước áp lực của quân xâm lược phương Bắc để mang họa về cho dân tộc.

- Bắt đầu từ Hội nghị bí mật Thành Đô (Tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) năm 1990 của phái đoàn đảng gồm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thù tướng) Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng.

Thông tin bề mặt từ phía Việt Nam thì nói là mục đích chuyến đi nhằm bàn với lãnh đạo Trung Quốc gồm Giang Trạch Dân, Chủ tịch Nhà nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa và Lý Bằng, Thủ tướng về kế hoạch bảo vệ và củng cố Xã hội Chủ nghĩa dựa trên Chủ nghĩa Mác-Lênin, sau khi Thế giới Cộng sản bị tan rã ở Đông Âu và khi ấy đảng và nhà nước Liên Xô cũng đang lung lay.

Nhưng thật sự thì phái đoàn Nguyễn Văn Linh muốn nối lại bang giao với Trung Quốc theo những điều kiện của Bắc Kinh buộc Việt Nam phải tuân thủ:

- Việt Nam phải rút quân khỏi Cao Miên vô điều kiện; phải chấp nhận một giải pháp chính trị cho Cao Miên với bảo đảm phải có sự tham dự của phe Khmer đỏ.

- Việt Nam không được nhắc đến chuyện Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm năm 1974; không nhắc đến cuộc chiến Trường Sa năm 1988 có 64 người lính Việt Nam bị quân Trung Quốc giết chết khi có lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Lê Đức Anh ra lệnh “không được nổ súng chống lại” dù bị mất 8 mỏm đá, quan trọng nhất là đá Gạc Ma, nằm ở vị trí chiến lược phía nam của dãy Trường Sa.

Phía Việt Nam còn không được nhắc đến cuộc chiến biên giới đẫm máu giữa 2 nước từ 2979 đến 1989 do phía Trung Quốc chủ động xâm lược.

- Đến đời ông Đỗ Mười thì tiếp tục tuân thủ với Trung Quốc những gì do ông Nguyễn Văn Linh để lại và đặc biệt đã khẳng định tại Đại hội đảng VII, theo đúng như ý muốn của Trung Quốc là đưa ra Cương lĩnh “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”

Trong thực tế điều được gọi là “tư tưởng dân tộc” của ông Hồ Chí Minh trong chủ trương này chỉ là tấm bình phong che mặt Chủ nghĩa Cộng sản mà đảng CSVN vẫn rỉ rả tuyên truyền là “quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”.

Phía Trung Quốc thì lại bảo họ đang theo đuổi chủ trương gọi là “chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc” được chấp thuận tại Đại hội đại biểu đảng toàn quốc lần thứ XV tháng 9 năm 1997.

Cả hai nước đã đồng thuận một điểm quan trọng là chỉ mở cửa kinh tế mà không mở cửa chính trị; không chấp nhận đa nguyên đa đảng, không cho tư nhân ra báo và giữ độc quyền thông tin, báo chí.

- Sang thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì ông này, thi hành tiếp những điều ông Đỗ Mười đã đồng ý với Trung Quốc, đã cắt đất, nhượng biển và chia quyền đánh bắt cá cho Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ xuyên qua 3 Thỏa hiệp:

- Ngày 30 tháng 12 năm 1999, Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt - Trung đã được hai Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Đường Gia Triền, thay mặt Chính phủ hai nước ký kết chính thức tại Hà Nội.

Việt Nam mất ải Nam Quan (còn có tên là Hữu Nghị Quan, Mục Nam Quan), mất 2/3 phần đẹp nhất của thác Bản Giốc, mất ½ sông Bắc Luân tại khu vực biên giới giữa thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) và huyện cấp thị Đông Hưng (địa cấp thị Phòng Thành Cảng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc).

Việt Nam cũng bị mất những phấn đất cả ngàn cây số vuông dọc biên giới sau 2 cuộc chiến tranh biên giới từ 1979 đến 1989, quan trọng nhất là vùng núi Lão Sơn và Giả Âm Sơn.

Qua năm 2000, ông Phiêu đã ký với Trung Quốc thêm 2 Hiệp định:

- Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ ký ngày 25 tháng 12 năm 2000 nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ.

Qũy nghiên cứu Biển Đông của các chuyên viên biển đảo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cho biết: “Vịnh Bắc Bộ được bao bọc bởi Việt Nam và Trung Quốc có diện tích 123.700 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320 km (176 hải lý) và nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 763 km, còn phía Trung Quốc khoảng 695 km. Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 1.300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền nước ta khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km. Vịnh có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc về an ninh và quốc phòng". (Trích bài viết “Đàm phán Việt - Trung về khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ” ngày 24/02/2014)

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết: “Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích Vịnh và Trung Quốc được hưởng 46,77% diện tích Vịnh”.

Như vậy, phía Việt Nam hơn Trung Quốc 6,46%, hay khoảng 8,205 cây số vuông, theo ước tính của Qũy Biển Đông.

Ông Lê Công Phụng, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã có lần phủ nhận Việt Nam để mất 10,000 cây số vuông ở Vịnh Bắc Bộ. Ngược lại ông còn nói Việt Nam được lợi đến 8,000 cây số vuông như Qũy Biển Đông đã viết.

Tuy nhiên, các chuyên viên biển đảo và địa dư không đồng ý và cho rằng, ít nhất Việt Nam cũng đã bị thiệt từ 3,000 đến 4,000 cây số vuông.

- Cùng thời gian này, Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 25 tháng 12 năm 2000.

Tài liệu chính thức cho biết người đại diện ký kết của Việt Nam là Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc, người đại diện ký kết của Trung Quốc là Bộ trưởng Nông nghiệp Trần Diệu Bang.

- Khi ông Nông Đức Mạnh thay Lê Khả Phiêu cầm quyền trong 10 năm (2001-2011) thì đã mở cửa cho Trung Quốc vào khai thác Bauxite trên Tây Nguyên, một hành động đã bị cả ngàn Cựu quan chức, đảng viên cao cấp và Trí thức trong và ngoài nước ngăn cản nhưng không thành.

Trong số những người ký tên vào kiến nghị gửi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng có cả Bà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Trưởng ban Công lý và Hòa bình của Giáo hội Công giáo và Nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc, người rất thông thạo về phong tục, tập quan của các Dân tộc ở Tây Nguyên.

Trong số các chuyên viên cảnh giác sẽ mắc bẫy Trung Quốc, gây thiệt hại kinh tế, môi trường và làm xáo trộn đời sống của hàng trăm nghìn dân là Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án than Đồng bằng sông Hồng – Vinacomin.

Ông đã nhiều lần ông lên tiếng với những chứng liệu khoa học cụ thể về lời và lỗ nhưng Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam vẫn chũi đầu xuống cát cãi lý, nhưng lại được sự đồng thuận của các viên chức Bộ Công Thương.

Tiến sĩ Sơn nói thằng: “Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã sập bẫy giá rẻ của Trung Quốc. Ước tính tổng số lỗ của dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) Nhân Cơ (Đăk Nông) trong năm 2015 sẽ khoảng 37,4 triệu USD.” (báo Dân Trí)

Chuyên gia này đã công bố ước tính của ông tại cuộc tọa đàm về dự án Bauxite do Trung tâm Thiên nhiên và Con người (Pan Nature) tổ chức ngày 28-3-2015 ở Hà Nội.

Nhưng không phải chỉ lỗ bấy nhiêu mà còn lỗ dài hạn, tiếp tục rút tiền mồ hôi nước mắt của dân mà chưa biết đến bao giờ mới thoát khỏi cái bẫy “thầu giá rẻ” của Nhà thầu Chalieco (Trung Quốc).

Báo Dân Trí viết tiếp: “Nguyên nhân được ông Sơn chỉ ra là vì theo phụ lục trong Hợp đồng EPC giữa Vinacomin và nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) ngày 14-7-2008 của dự án Tân Rai, nhà thầu cam kết 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm (giá trị tương đương 20 triệu USD) so với công bố của chủ đầu tư. Kéo theo doanh thu giảm khoảng 5 triệu USD/năm.

Còn ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm – Titan, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, cho rằng khi Trung Quốc chào thầu, giá rất thấp. Thế nhưng khi kí hợp đồng thì giá lại tăng lên. Phía họ lấy lý do đội giá là do mức giá chào thầu chưa tính đến thiết bị dự phòng. Đây chính là bẫy của họ.”

Vẫn theo Dân Trí và các báo khác thì Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho biết: “Năm 2014 tổng số alumina tiêu thụ của Nhà máy Tân Rai là 492.000 tấn với giá bán bình quân 326,5 USD/tấn. Tuy nhiên trên thực tế nếu tính cả chi phí khấu hao, chi phí vận tải về cảng Gò Dầu thì giá thành đầy đủ tương đương 413,5 USD/tấn. Như vậy, trong năm 2014, mỗi tấn alumina bị lỗ ít nhất là 87 US$/tấn. Tổng số lỗ của năm 2014 là 42,8 triệu USD và trong năm 2015 tình hình sẽ tiếp tục như thế.”

Các báo ở Việt Nam cũng loan tin: “Theo dự toán của Vinacomin, mức lỗ của năm 2015 cho cả hai sự án Tân Rai và Nhân Cơ (Đăk Nông), bất kể là sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, cũng xấp xỉ 37,42 triệu USD.”

Như vậy thì Trung Quốc hay Việt Nam có lợi trong dự án khai thác Bauxite ở Lâm Đồng và Dak Nông? Ngoài ra còn phải xét đến yếu tố ông Nông Đức Mạnh đã “mở cửa nóc nhà Đông Dương” để cho người Trung Quốc vào vùng đất chiến lược Tây Nguyên mà Đại tướng Võ nguyên Giáp đã cảnh giác.

Ngoài Dự án Bauxite, trong 10 năm đứng đầu đảng, ông Mạnh đã để cho hàng chục ngàn lao động Trung Quốc “không giấy phép làm việc” và “chỉ biết làm những việc” bình thường tự do vào Việt Nam làm cho các công ty Trung Quốc từ Nam ra Bắc.

Quan trọng sau Dự án Bauxite là ông Mạnh đã đồng ý để cho người Trung Hoa (Đài Loan và Trung Quốc) xây dựng nhà máy luyện kim ở khu kinh tế Vũng Áng tại huyện Kỳ Anh, phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 70 km về phía Nam.

Theo Bách khoa toàn thư (mở) thì Vũng Áng “Được thành lập vào tháng 4 năm 2006 trên cơ sở khu công nghiệp - cảng biển Vũng Áng đã được thành lập từ năm 1997… có vị trí địa lý tự nhiên (gần cảng nước sâu Vũng Áng và Sơn Dương, gần quốc lộ 1A, trên quốc lộ 12A nối với Lào và Thái Lan, gần mỏ sắt Thạch Khê) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh, tạo điểm bứt phá về kinh tế – xã hội trong khu vực Bắc Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập với cả nước và quốc tế.”

Đã có những quan ngại Việt Nam sẽ bị cắt làm hai khi xảy ra chiến tranh với Trung Quốc vì ngoài lợi ích kinh tế, theo Bách khoa toàn thư mở thì: “Khu kinh tế Vũng Áng bao gồm: dịch vụ cảng biển, công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về tài nguyên và nguồn nguyên liệu (mỏ sắt Thạch Khê, mỏ titan,...); các ngành công nghiệp gắn với việc khai thác cảng biển; các ngành công nghiệp khai thác nguồn nguyên liệu trong vùng cũng như nhập khẩu, đặc biệt là từ Lào và Thái Lan; các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu.”

Ông Mạnh cũng để cho thương lái Trung Quốc ra vào Việt Nam như đi chợ để mua nông phẩm và súc vật của Việt Nam nhằm làm hại nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra ông Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã ký giấy khai thác Bauxite, còn có trách nhiệm trong việc để cho các cấp Chính quyền địa phương, đặc biệt tại các Tỉnh chiến lược dọc biên giới cho các Công ty Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan thuê đất dài hạn đến 50 năm để trồng rừng.

Tại các khu vực này, người Việt Nam không được phép vào và cả chính quyền cũng không biết các Công ty gốc Trung Hoa đã và đang làm gì trong vùng đất “cấm địa” này ngay trên lãnh thổ Việt Nam?

Nhiều phố xá, xóm làng của người Trung Hoa làm chủ, quan lý, tiêu biểu như Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương cũng đã được thành lập dưới thời ông Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

- Đến thời ông Nguyễn Phú Trọng thì từ khi ông lên cầm quyền năm 2011, Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc gia tăng đến mức chóng mặt va rất đáng lo ngại.

Ông cũng là người đã thi hành nghiêm chỉnh phương châm 16 chữ: "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” , mặc dù hại nhiều hơn lợi đã nghiêng về phía Việt Nam.

Ông Trọng đã thăm Trung Quốc rất vội vã trong cả hai chuyến đi đầu tiên tháng 10/2011 và lần thứ hai từ ngày 7 đến 10/04/2015.

Lần thứ nhất, ông đã cùng với Chủ tịch nhà nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Hồ Cẩm Đào chứng kiến lễ ký 6 Điểm “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung”, ngay sau khi đến Bắc Kinh chiều ngày 11/10/2011. Điều này chứng tỏ Văn kiện 6 điểm đã được các bên đồng ý từ trước, nhưng có thảo luận nay không thì chưa rõ.

Hai bên tuyên bố: “Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.”

Điều này có nghĩa ông Trọng đã tán thành lập trường của Trung Quốc chỉ thảo luận song phương giữa 2 nước có tranh chấp với nhau mà không chấp thuận đa phương hay quốc tế hóa xung đột ở Biển Đông như nhiều nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ mong muốn.

Tiếp theo, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đồng ý: “Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này….”

Điều đồng ý này của phía Việt Nam, lần đầu tiên cho thấy ông Trọng đã bằng lòng hợp tác với Trung Quốc để “hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này….”, đúng như đòi hỏi từ năm 1979 của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, khi ấy ông ta nói: "Biển của ta, hãy gác tranh chấp đề cùng khai thác"!

Từ sau chuyến đi này, ông Trọng đã để mặc cho Công an Việt Nam tự do đàn áp người dân tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông và tấn công các thuyền đánh cá của Việt Nam đến đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Các hành động thuần phục Trung Cộng khác của ông Trọng còn được đánh dấu ở cả Sài Gòn và Hà Nội khi người dân, vào mỗi tháng Hai, không được phép tổ chức tưởng nhớ các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược (17/02/1979).

Các cuộc tuần hành kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974-2014) cũng bị chống phá và ngăn cản thô bạo ở Hà Nội.

Ngay đến ngày kỷ niệm 14 tháng 3 hàng năm tưởng niệm 64 chiến sĩ của Quân đội nhân dân chống xâm lược Trung Quốc hy sinh ở Trường Sa năm 1988 cũng không được phép tổ chức cấp quốc gia, không được biểu tình chống bành trướng và bá quyền Bắc Kinh.

Ngược lại, các buổi ca nhạc, nhảy nhót thô bỉ như để ăn mừng chiến công của quân đội Trung Quốc đã được Chính quyền Thành phố Hà Nội tổ chức trước mắt người dân và báo chí nước ngoài.

Khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đề thăm dò dầu khí từ ngày 2/5 đến 15/7/2014 thì cũng chính ông Trọng đã không tán thành ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội và người dân muốn Quốc Hội ra nghị quyết lên án hành động của Bắc Kinh.

Chuyến đi lần hai

Cuối cùng, trong chuyến đi Bắc Kinh vội vã lần 2 từ ngày 07 đến 10/04/2015 để gặp Chủ tịch nhà nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình, ông Trọng đã “hợp thức hóa” tất cả những cam kết của Việt Nam từ trước.

Trong số này, có những cam kết và thỏa thuận đã ký kết được ghi trong 9 điểm của “Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc”, công bố ngày 08/04/2015, trước cả ngày về nước của phái đoàn Việt Nam.

Những điểm quan trọng gồm: “Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng quan trọng của nhau, nhất trí cho rằng hai nước có chế độ chính trị tương đồng, có con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ vận mệnh tương quan, sự phát triển của nước này là cơ hội quan trọng cho nước kia.”

Hai bên cũng đồng ý: “Tăng cường giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, thực thi pháp luật và an ninh. Tiếp tục tổ chức tốt tham vấn ngoại giao thường niên, mở rộng giao lưu hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước và đối thoại quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh giao lưu hữu nghị giữa hai lực lượng biên phòng, quản lý thỏa đáng bất đồng, đi sâu trao đổi kinh nghiệm về công tác Đảng và công tác chính trị trong quân đội; tăng cường hợp tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; tiếp tục tổ chức tuần tra chung trong vịnh Bắc Bộ và tàu hải quân hai bên thăm nhau. Đi sâu hợp tác trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật, tăng cường đối thoại an ninh…”

Tông báo còn viết: “Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020”; “Hiệp định về hợp tác dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”; “Thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với Dự án thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc” giữa Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tài chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; “Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc”; “Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ” (MOU) giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc; “Điều khoản Tham chiếu Nhóm công tác hợp tác tài chính tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc”; và “Bản ghi nhớ về hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc”.

Quan trọng hơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đồng ý: “Tích cực nghiên cứu việc đàm phán, ký kết Hiệp định sửa đổi về thương mại biên giới Việt - Trung. Sớm bàn bạc và xác định phương án tổng thể chung về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới; thiết thực thúc đẩy các dự án kết nối cơ sở hạ tầng…. Hai bên tuyên bố chính thức thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ.”

Như vậy thì Việt Nam đã biến thành một quận huyện của Trung Quốc chưa? Và bao giờ thì người dân Việt sẽ chi tiêu với nhau bằng đồng Nhân Tệ của Trung Hoa trên đất nước của mình ?

Phát triển trên biển Đông

Riêng trong lĩnh vực Biển Đông, Thông báo viết rất rõ về sự nhượng bộ của ông Trọng: “Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển

Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong năm nay.”

Như vậy thì có còn gì để nghi ngờ về lòng dạ phù Trung của ông Nguyễn Phú Trọng nữa không?

Thảm họa bắc thuộc

Phải chăng những “thành tích sáng chói” của 5 đời Tổng Bí thư đảng CSVN trên đây là lý do khiến nhóm Film Club ở vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã hoàn thành phim tài liệu “Thảm Họa Bắc Thuộc”?

Họ nói mục đích của cuốn phim dài ngót 2 tiếng sau hơn 2 năm chuẩn bị là để: “Nhận diện một Cộng sản Trung Hoa đầy tham vọng bành trướng, và nhận diện một Cộng sản Việt Nam thần phục Bắc Kinh để tồn tại, bất chấp quyền lợi tối thượng của đất nước.”

Để có những bằng chứng về hiểm họa Bắc Thuộc lần thứ hai đang rình rập trên đầu người dân Việt, nhóm chủ trương cho biết họ đã thực hiện “21 cuộc phỏng vấn các nhân vật trong và ngoài nước, người Việt Nam và ngoại quốc” nhằm “đánh lên tiếng chuông cảnh báo Thảm Họa Bắc Thuộc, đánh lên hồi trống thúc dục người Việt Nam khắp nơi đứng lên đánh đổ bạo quyền Cộng sản Việt Nam.”

Trong số người ngoại quốc, có Đạo diễn điện ảnh David Satter, người đã thực hiện phim The Age of Delirium; Giáo sư Stephen Young, Đại học Hamline, Minnesota, một người nói tiếng Việt rất sõi và hiểu tường tận lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Một nhân chứng khác của cuốn phim tài liệu “Thảm Họa Bắc Thuộc” là Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia có uy tín quốc tế về thời cuộc Đông Nam Á. Ông Thayer, 70 tuổi, mang song tịch Mỹ-Út cũng là người nói rành 3 thứ tiếng Lào, Thái và Việt. Ông đã cảnh giác về mối đe dọa của Trung Quốc đối với các nước trong vùng Biển Đông, trong đó có Việt Nam và Phi Luật Tân.

Về phía người Việt Nam, sự xuất hiện của Nhà báo Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân trước khi ông tị nạn chình trị tại Pháp năm 1990, đã nổi bật với tiết lộ tại sao các cấp lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN đã tỏ ra “hồ hời thỏa mãn” với việc quân đội Trung Quốc tấn công và chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ tay Hải quân Việt Nam Cộng hòa năm 1974.

Cuốn phim có giá trị lịch sử này được nhóm chủ trương quảng bá khắp nơi trên thế giới còn mang lời cảnh giác rằng: “Bằng những tài liệu dẫn chứng, những nhận định của các nhà nghiên cứu, và xác nhận của các nhân chứng lịch sử, cuốn phim gởi đi lời cảnh báo khẩn cấp: Cộng sản Trung Hoa và Cộng sản Việt Nam đang biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Bắc Kinh.”

Vậy người Việt Nam ở trong và ngoài lãnh thổ có thấy cái bóng đen Bắc Kinh khổng lồ đang sừng sững trước mắt mình như nhóm Film Club đã thấy?

Hay nhiều người vẫn nghĩ mơ hồ rằng tình trạng bất động của đảng và nhà nước CSVN trước cường độ biến bãi đá thành đảo của Trung Quốc ở Trường Sa cũng chỉ để thể hiện thiện chí “vừa là đồng chí vừa là anh em” với người hàng xóm láng giềng phương Bắc.

Hoặc thông minh hơn, có người còn nghĩ hành động của Trung Quốc tiềm ẩn một thiện chí sâu sắc hơn vì họ đang “bảo vệ biển đảo và tài nguyên giúp Việt Nam” ở Trường Sa, như lãnh đạo Việt Nam đã từng quáng gà khi Bắc Kinh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974?

Phạm Trần
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Vô Cảm, Vô Cảm, tuyệt đối Vô Cảm

Ngô Nhân Dụng

Phải mất sáu tiếng đồng hồ một đoàn cấp cứu người Pháp và người Nepal cưa gỗ, đục tường và sàn nhà, mới kéo được anh Rishi Kanal, 28 tuổi, ra khỏi đống gạch ngói đổ nát, sau trận động đất, đưa nước uống và bơm dưỡng khí cho anh. Một cụ già 101 tuổi ở quận Nuwakot, phía Tây Bắc thủ đô Kathmandu được cứu; cụ nhịn đói, nhịn khát suốt bảy ngày sau khi động đất; cả làng bị xóa sạch. Nhân viên một công ty Mỹ mang hai cái máy tìm kiếm bằng radar sóng ngắn qua, cứu được bốn người ở làng Chautara, họ bị vùi dưới hai lớp cao ốc sụp đổ chồng lên nhau. Cái máy Finder của NASA lần đầu tiên đem dùng trên trái đất, có thể dò biết hơi thở và nhịp tim đập của con người dưới sâu hàng chục thước. Ðoàn cấp cứu này gồm nhiều người quốc tịch Bỉ, Hòa Lan và Trung Quốc.

Sau những vụ thiên tai, cảnh con người đi cứu lẫn nhau khiến chúng ta xúc động; cảm thấy tình nhân loại thật ấm áp.

Nhưng chúng ta cũng rất buồn khi thấy những người hoàn toàn vô cảm trước nỗi thống khổ của đồng loại. Người Việt Nam thì không những buồn mà còn thấy xấu hổ, khi thấy trên mạng Internet quốc tế cảnh một đồng bào của mình hoàn toàn vô cảm. Trên website 9gag có hình nhiều du khách ngoại quốc đang đi cấp cứu các nạn nhân động đất, kèm theo bức hình một phụ nữ Việt Nam đang đứng chụp hình kỷ niệm giữa cảnh đổ nát. Cô có khuôn mặt rất xinh, miệng nở nụ cười hớn hở, tay đưa lên như chỉ cho mọi người thấy ngôi nhà bị sập cao như thế nào. Ðúng là một thái độ vô cảm. Ðiều đáng xấu hổ hơn, là cô này ở trong một phái đoàn hội Chữ Thập Ðỏ, sang Nepal trước đó mấy ngày để “nghiên cứu về động đất.”

Chữ Thập Ðỏ, người miền Nam trước đây gọi là Hồng Thập Tự là một tổ chức cấp cứu. Tinh thần của các hội Hồng Thập Tự là cứu người, giúp người. Phải có tấm lòng mẫn cảm, thương xót mới làm việc cho những tổ chức như thế. Thái độ vô cảm càng không chấp nhận được. Trên website 9gag có hai tấm hình, lần lượt được chú thích cho dân mạng so sánh: A member of Redcross Vietnam” (Một thành viên Hội Chữ Thập Ðỏ Việt Nam) và “Other tourists” (Những du khách khác đang cùng dân địa phương tìm bới các đống gạch đổ nát).

Nhưng không phải chỉ một mình cô gái này vô cảm. Cả đoàn cùng đi với cô cũng vậy. Ði học hỏi về việc phòng bị động đất, đối phó với động đất, đáng lẽ ra khi gặp cảnh động đất thật thì phải coi đây là một cơ hội học hỏi trên thực địa. Nhưng không. Gặp động đất, cả đoàn tìm cách kéo nhau về sớm. Về tới nhà, được dịp khoe khoang tài thành tích ăn mì gói và tài chạy chọt của mình, làm thế nào tìm được máy bay đi Quảng Châu rồi về Hà Nội!

Chuyến đi Nepal được hội Hội Chữ Thập Ðỏ Na Uy tài trợ, tiền ăn ở hàng ngày đã lãnh rồi. Không biết họ có đem trả tiền cho người ta, hay mang về Hà Nội ăn tiêu cho sướng?

Họ thanh minh rằng không có khả năng cấp cứu, không biết phong tục và ngôn ngữ địa phương nên đành về. Nhưng có hai người Việt Nam khác, nhân viên một hãng viễn thông đang ở Kathmandu lúc đó, họ không bỏ chạy. Họ tình nguyện vào bệnh viện giúp các công tác cứu thương, và đi hiến máu. Có ai cần biết nói tiếng địa phương đâu?

Dân Việt Nam không vô cảm như mấy người Chữ Thập Ðỏ. Câu chuyện và hình ảnh này lên mạng, các công dân mạng ào lên “ném đá!”

Dân mạng lại “ném đá” một lần nữa khi thấy cảnh người ta đưa xác một phi công tử nạn về nhà trong một cái túi xách tay! Ðó là di hài một thiếu tá phi công thiệt mạng trong chuyến bay huấn luyện tháng trước, được đưa về cho gia đình tại Hải Phòng. Trên thế giới, người ta rất kính trọng các thi hài, dù đó là thường dân. Thi hài các quân nhân tử nạn khi đang làm nhiệm vụ đều được đặt trong quan tài phủ Quốc kỳ, đưa đón với lễ nghi trang trọng và uy nghiêm. Nhưng ở Việt Nam thì di hài một sĩ quan không quân bị nhét trong một cái túi hành lý loại xách tay, mầu xanh trơn, cho hai người khiêng, một người đi trước bước theo kiểu diễn hành. Gia đình người chết không được mời tới nhận và đưa thi hài về nhà. Ðơn vị không quân của anh có cử đại diện đưa anh về với gia đình hay không? Tại sao người ta không đặt cái túi lên một miếng gỗ lớn hơn một chút, bốn người khiêng trông nó đỡ bệ rạc? Chẳng người nào thắp cho người chết một nén hương. Cũng chẳng thấy một đóa hoa, một băng tang màu đen hoặc mầu trắng, hay một tấm khăn sô phủ cho kín đáo! Cả đám tang là cái túi hành lý xách tay bằng plastic, nếu mở coi bên trong chắc thấy chữ Made in China! Tại sao không bỏ tiền ra mua một cái “hòm” gỗ cho nó phải phép? Tiền để đem xây biệt thự cho các quan bí thư tỉnh, bí thư xã không bớt đi một phần trăm ngàn làm việc từ thiện này được hay sao?

Nhiều công dân mạng trong nước đã ném đá. Những chữ diễn tả đúng nhất là “nhếch nhác, cẩu thả, vô cảm, phi văn hóa!” “Thà đừng làm gì cả. Làm kiểu nửa vời vậy rất lố bịch!” Một người còn thấy nhục quốc thể: “...rồi báo chí nước ngoài họ nhìn vào và họ đánh giá như thế nào đây? Thật quá đau lòng!” Trong bức hình được phổ biến trên mạng, có thấy hình một phụ nữ Tây phương tay không đi sau chừng dăm bước, mắt nhìn theo cái túi hành lý đang được hai người khiêng đi trước. Dáng điệu bà ta có vẻ chậm chạp, buồn rầu, bà phải cái biết túi hành lý xách tay đó chứa gì, vì các hành khách máy bay chắc đã được yêu cầu chờ cho “đám tang” rời máy bay trước tiên.

Ai đã gây ra cái cảnh nhếch nhác, lố bịch, đau lòng này? Quân đội? Bộ Quốc Phòng? Không quân? Thủ phạm là tất cả cái nhà nước phi nghĩa, vô luân, bệ rạc, nhếch nhác? Tất cả cái đảng đã tạo nên một xã hội lãnh đạm, vô cảm, không còn một giá trị nào được kính trọng nữa!

Câu chuyện đám tang một sĩ quan và câu chuyện hội Chữ Thập Ðỏ đều cho thấy những người không còn biết xúc cảm nữa. Không xúc động trước cái chết của hơn bảy ngàn người Nepal, cũng không xúc động trước xác chết của một đồng đội. Cái gì đã đốt cháy tim óc những người đang ăn trên ngồi trốc trong xã hội Việt Nam; khiến cho họ không còn biết thương xót, không còn biết rung động trước nỗi khổ, trước cái chết của đồng loại?

Nguồn gốc thái độ vô cảm là do một nếp suy nghĩ, nếp sống mà đảng Cộng Sản vẫn dạy dỗ đảng viên, tuyên truyền với mọi người hàng trăm năm nay. Mục tiêu của phong trào Cộng Sản là chiếm chính quyền để thay đổi loài người theo lối sống mới mà họ tưởng tượng ra tuy chưa biết nó sẽ thế nào. Họ bất chấp đạo nghĩa, nhất là thứ đạo nghĩa của “loài người cũ.” Họ cổ động một nền văn hóa đề cao “bạo lực cách mạng,” dập tắt những ngọn lửa lương tâm le lói trong lòng mỗi con người.

Một biểu hiện của thứ văn hóa vô cảm đó mới được đưa lên mạng, là bức hình một cái búa. Cái búa này được đặt lên bệ một cách long trọng trong tủ kính, cái tủ lót khăn đỏ trưng bày trong một viện bảo tàng ở Việt Nam. Trước cái hộp kính là những hàng chữ lớn: BÚA, viết hoa, xuống dòng. Hai hàng dưới viết: “Ðồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội phó huyện Mỏ Cày (Bến Tre) dùng bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.”

Dưới mấy hàng trên còn những dòng chữ dịch sang tiếng Mỹ: “HAMMER. WITH THIS, CAMARADE NGUYEN VAN THANG, DEPUTY CHIEF OF MO CAY MILITARY DISTRIS, BEN TRE PROVINCE, KILLED TO DEATTS A TOTAL OF 10 LOCAL TYRANTS” (dẫn nguyên văn, cả văn phạm và chính ta). Bản tiếng Anh nói rõ “local tyrants,” tức là “ác ôn địa phương;” nhưng không thấy những chữ “chống Mỹ cứu nước.”

Một người dùng búa giết mười mạng, chắc không giết cùng một lúc, như trong một trận đánh, hai bên bắn giết nhau. Anh ta phải giết lần lượt từng người một, chứ giết hai người một lần đã khó rồi. Chỉ có cái búa mà giết mười người, chắc anh ta phải tính toán hành động bằng cách đánh lén, đánh ban đêm, giết người xong còn chạy thoát. Cần nhất, không ai nhìn thấy, không ai biết; vì nếu bị lộ sẽ khó trở lại giết những người khác. Mà lại toàn là người “địa phương,” tức là những người cùng làng, cùng xã với mình. Những nạn nhân của anh ta là ai? Là những người hàng xóm, những người chắc anh ta vẫn gặp gỡ hàng ngày.

Giết người bằng cách tính toán lạnh lùng như vậy, phải được huấn luyện tinh thần tuyệt đối vô cảm. Anh huyện đội phó này đáng được gọi là Mười Búa, cao hơn tên Sáu Búa của Lê Ðức Thọ. Anh Mười Búa đã giết người chỉ bằng cái búa. Còn Sáu Búa có thể giết người bằng lời nói. Sau khi chiếm được miền Nam, Lê Ðức Thọ họp các đồng chí cộng sản của mình, những người đã từng bị bên Việt Nam Cộng Hòa bắt giam trong thời gian chiến tranh; có người đã vượt ngục nhiều lần, bị bắt, rồi lại vượt ngục. Sáu Búa gặp đám quân của mình, những cựu tù nhân đang chờ nghe lãnh tụ khen ngợi lòng cam đảm và tài chịu đòn trong hàng chục năm bị bắt giữ. Nhưng Sáu Búa chỉ tuyên bố: “Các đồng chí đều có vấn đề!” Có vấn đề, trong ngôn ngữ cộng sản, nghĩa là bị nghi ngờ, không đáng tin cậy nữa! Một câu nói đổ thùng nước lạnh lên những niềm hy vọng của các cựu tù nhân. Một thái độ tuyệt đối vô cảm.

Chiến tranh là một điều bất đắc dĩ. Trong thời chiến tranh con người thành méo mó, tàn nhẫn, có thể biến thành vô cảm. Nhưng 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt mà còn đem trưng bày “Ðức Vô Cảm” trong hành động dùng búa đập chết mười đồng bào của mình, thì điều này mới thật ghê rợn! Thử nghĩ đến những em nhỏ sinh ra không biết chiến tranh thế nào, khi vào cái viện bảo tàng này, nhìn thấy cái búa dính máu đó. Các em sẽ cảm nghĩ những gì? Con cháu của cái anh huyện đội phó này có muốn nhìn thành tích của cha, ông họ hay không? Trưng bày một khí cụ giết người không ghê tay, thái độ vô cảm đã ăn sâu vào cốt tủy!

Nhưng những người vô cảm thường không quan tâm đến chuyện giáo dục trẻ em. Ðối với đám trẻ con đó, cứ cho chúng leo dây qua sông đi học, cứ để bố con chúng chui bao ni lông mà lội qua sông cũng được. Chúng đói hay no, quần áo lành hay rách, đến trường có học được cái gì không, “lãnh đạo” còn lo toan những “vấn đề vĩ mô” không có thời giờ biết tới.

Cho nên mới có cái cảnh những trường tiểu học không có nhà vệ sinh. Trường Lộc Bảo, với hơn 200 học sinh là một thí dụ. Suốt bảy năm qua học sinh và các thầy cô trường Lộc Bảo phải tự lo lấy (xem tin báo Người Việt số này). “Tới giờ ra chơi nữ sinh phải chạy ra gần suối, nam sinh thì ra phía đồi cỏ, còn thầy cô phải xách xe chạy về nhà, cách trường ba cây số. Vì nhà dân chúng chung quanh cũng không ai có nhà vệ sinh để nhờ.”

Phải nói, nước ta do một đám người hoàn toàn vô cảm cai trị từ trên xuống dưới. Mắt vô cảm, tai vô cảm, cái mũi cũng vô cảm. Tấm lòng thì đã hoàn toàn vô cảm từ lâu rồi! Những ông bà lãnh đạo Chữ Thập Ðỏ, những người phụ trách tang lễ, cho tới các ông bà hiệu trưởng cũng chỉ là nạn nhân của một nền văn hóa vô cảm do đảng Cộng Sản gieo rắc hơn nửa thế kỷ nay.
dailien
Posts: 2454
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Thanh trừng của Tập Cận Bình
Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm

(Danlambao) - Từ ngày lên ngôi tới nay, chưa đầy 2 năm, Tập Cận Bình đã làm nhiều đợt thanh trừng, từ nhỏ tới lớn, mà người Trung cộng cho rằng từ việc đập ruồi cho đến giết hổ, dưới danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng thực tế là củng cố quyền lực, tiêu diệt tất cả những người chống đối mình, chống đối trước đây cũng như chống đối hiện nay. Việc thanh trừng này đang nhằm vào một con hổ lớn, Chu Vĩnh Khang, đã từng là nhân vật đầy quyền thế của Trung cộng.

Liệu cuộc thanh trừng này có dám động đến Giang Trạch Dân, cựu Chủ tịch nước, cựu Tổng bí thư đảng, con hổ lớn nhất. Đây là câu hỏi mà nhiều nhà báo Trung cộng và ngoại quốc đang đặt ra.

Chúng ta hãy xem xét từ diễn tiến sự việc cho tới nguyên nhân rồi đưa ra một vài tiên đoán khiêm nhượng cho vấn đề.

I) Tập cận Bình, ông là ai

Tập Cận Bình sinh vào ngày 01/6/1953, tại Bắc Kinh, nhưng quê quán thật của ông là ở Thiểm Tây, con của ông Tập Trọng Huấn (1913-2002). Ông vào đảng Cộng sản lúc 16 tuổi, có học trường Thanh Hoa, trường đào tạo cán bộ cao cấp của đảng. Nhiều báo chí ngoại quốc và ngay cả báo chí Hồng Kông, Trung cộng cho rằng ông Tập Trọng Huân là một trong 8 đại gia của đảng, được lập ra bởi Đặng Tiểu Bình, để tránh việc chuyển quyền một cách bạo động, đẫm máu. Thực ra không phải vậy, Tập Trọng Huân là một trong những phó Thủ tướng thời họ Đặng nắm quyền, nhưng không nằm trong 8 đại gia. Đó là: 1) Đặng Tiểu Bình (1905-1997), 2) Dương Thượng Côn (1907-1998), 3) Văn Chấn (1908-1993), 4) Trần Vân (1905-1995), 5) Lý tiên Niệm (1909-1992), 6) Bành Chân (1902-1997), 7) Tống Nhiệm Cùng (1909-2005), 8 ) Bạc Nhất Ba (1908-2007), cha của Bạc Hy Lai.

Nhiều nhà báo, nhất là ở Trung cộng và Việt cộng, khen ông là người có nhiều bằng cấp, nào là cử nhân chính trị học, kỹ sư hóa chất, thạc sĩ và tiến sĩ luật. Họ còn khen ông là người thận trọng, kín đáo. Tuy nhiên điều đó cũng nói nên mặt trái của nó: Đó là nhiều bằng cấp, chứng tỏ là ham danh, nhất là hiện nay ở Trung cộng và Việt Nam, bằng cấp giả đầy đường, mua bằng lợi hay dùng quyền thế để có bằng, nhưng thực tài học chẳng có gì. Một con người thận trọng, kín đáo thường là một con người ít cởi mở, thâm độc, hay đá giò lái, hay đâm sau lưng. Có người cho rằng ông là tay em của Giang Trạch Dân. Quả đúng như vậy. Họ Giang đã cài họ Tập vào làm nhân vật thứ nhì của nhóm lãnh đạo Trung cộng trong suốt thời gian Hồ Cẩm Đào làm Tổng bí Thư và Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân Ủy hội, với ý đồ là kiểm soát họ Hồ và trong tương lai, khi họ Hồ không còn tại chức, họ Tập lên ngôi, thì họ Giang dễ dàng khống chế, sai khiến họ Tập.

Nhưng có lẽ tình hình hoàn toàn đi ngược lại những dự đoán của Giang Trạch Dân. Từ ngày Tập Cận Bình lên ngôi tới nay, chưa đầy 2 năm, từ cuối năm 2012, ông lên chức Tổng bí thư vào tháng 11/2012, sự kiện đã diễn ra không có lợi cho chính Giang Trạch Dân.

Có người cho rằng Tập Cận Bình là tay em của Giang Trạch Dân, làm sao có sự kiện này. Quả thực họ Tập là tay em của họ Giang, nhưng trong lịch sử Tàu, chuyện học trò phản thầy, gia nô phản chủ là chuyện cơm bữa.

Trở lại sơ qua về lịch sử Tàu hiện đại, theo một số chuyên gia thì sau Biến cố Thiên An Môn 1989, trong một buổi họp Ban Thường vụ Bộ chính trị, Đặng Tiểu Bình đề cử Hồ Cẩm Đào lên thế Triệu Tử Dương trong chức vụ Tổng bí thư, vì ông này bị tố cáo là đã nhân nhượng với sinh viên học sinh và những người biểu tình. Dương Thượng Côn không đồng ý và đã phản ứng lại bằng cách đề cử Giang Trạch Dân, lúc đó đang nắm quyền ở Thượng hải. Ông nói: "Đồng chí Đặng, ở đời không tái tam ba bận, trong quá khứ Đồng chí đã đề nghị 2 người Tổng bí thư là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Nhưng không xong. Lần này không nên có lần thứ ba." Chính vì vậy mà có sự dàn xếp để họ Giang lên chức Tổng bí thư, họ Hồ làm phó. Sự bất đồng giữa Dương Thượng Côn và Đặng tiểu Bình bắt đầu từ đây.

Dương Thượng Côn là tay em của họ Đặng từ lâu, từ thời Chiến tranh với Nhật, họ Đặng làm tư lệnh Quân đoàn V I I I, họ Dương làm phó, cả hai người đều học ở Liên sô về. Họ Dương là người thứ 28 học trường Đông phương mà những người cộng sản cho rằng đó là một trường đại học do Lénine mở ra, nhưng thực sự thì trình độ rất kém, để được vào học, chỉ cần có 2 chứng chỉ làm việc 2 năm ở các công xưởng. Ở Tàu, chúng ta thấy có Chu Ân Lai, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Dương Thượng Côn v.v... Ở Việt Nam chúng ta thấy có Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai v.v...

Họ Đặng và họ Dương thân nhau từ thời đi học, sau đó làm chung với nhau suốt một thời gian dài. Sau năm 1978, họ Đặng trở lại chính quyền, đã nâng đỡ họ Dương, cho làm đến chức Quân Ủy toàn quân, rồi Chủ tịch Nhà nước. Trong thời gian biến cố Thiên An Môn 1989, người ra phi trường đón Gorbatchev, lúc đó còn là Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên sô, là Dương Thượng Côn.

Ở Tàu, ngay cho đến nay, tinh thần phong kiến, gia tộc, bang trưởng, cha truyền con nối còn rất nặng. Dương Thượng Côn sau khi làm Chủ tịch nước, thì truyền lại cho con mình làm Quân Ủy toàn Quân. Đấy là chưa nói đến việc họ Dương còn có người con rể làm Tham mưu trưởng quân đội. Để đàn áp biểu tình Thiên An Môn chính là quân đội của con cháu Dương Thượng Côn. Trong tám Đại gia vào thời bấy giờ, đứng đầu là họ Đặng, đứng thứ nhì là họ Dương. Đứng thứ ba là Văn Chấn, một người tướng vô học, nhưng đánh hơi theo chiều rất giỏi, đã đi theo Đặng Tiểu Bình, và được ông này đặt cho biệt hiệu: "Cây đại bác đáng yêu của tôi."


Trở về việc thanh trừng: Ngày 29/7 vừa qua, Tập Cận Bình ra thông cáo điều tra Chu Vĩnh Khang. Nhiều người nói rằng họ Tập đã phạm vào những cấm kỵ, luật truyền miệng, bất thành văn, đặt ra bởi Đặng Tiểu Bình, đó là không được điều tra những người đương kim hay những người cựu Ủy viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Thực ra thì chính Đặng Tiểu Bình đã vi phạm đầu tiên luật bất thành văn, cấm kỵ này. Vì sau khi Giang Trạch Dân lên ngôi, chưa đầy 3 năm, thì họ Đặng đã cùng họ Giang ép Dương Thượng Côn từ chức Chủ tịch nước vào năm 1992, ông này còn sống đến năm 1998.

Nhưng "Gậy ông lại đập lưng ông", đó là họ Đặng chết năm 1997, chỉ 2 năm sau thì Giang Trạch Dân ra lệnh điều tra tài sản của con cháu, gia đình họ Đặng; và mặc dầu không nói ra, nhưng Giang Trạch Dân đã ra lệnh ruồng bắt, thủ tiêu những người theo Pháp luân công, một giáo phái, theo tinh thần tổng hợp tôn giáo, triết lý, Phật, Khổng, Lão, Nho, theo châm ngôn Chân, Thiện, Nhẫn (Trọng Sự thật, Làm điều Thiện và Cố Kiên nhẫn). Ngoài việc luyện tập thân thể cân bằng, cường tráng, còn có việc luyện tập tinh thần trong sạch, trọng sự thật, làm điều thiện, kiên nhẫn, không nói dối, không làm điều ác, như vừa nói. Một tâm hồn trong sạch trong một thân thể khỏe mạnh. Đó là mục đích của Pháp luân công. Pháp luân công được phép hoạt động chính thức ở Tàu bởi Đặng Tiểu Bình, sau biến cố Thiên An Môn. Phải chăng cho phép Pháp luân công hoạt động chính thức ở Tàu, là Đặng tiểu Bình đã nghĩ đến việc thay thế triết học Mác Lê Mao, trở về nền triết học cổ truyền. Đây là một câu hỏi lớn nhưng chưa có câu trả lời dứt khoát.

Điều người ta biết là từ sau khi họ Đặng chết, Giang Trạch Dân đã đàn áp thẳng tay giáo phái này, nạn nhân lên tới cả triệu người, vừa bị vào tù, vừa bị thủ tiêu, hành quyết, lấy những bộ phận con người bán ra nước ngoài để làm giàu, và người làm việc này là Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang.


Họ Tập lên chức Tổng bí thư Đảng vào cuối năm 2012. Từ đó đến nay, chưa đầy 2 năm, nhưng đã thi hành một cuộc thanh trừng nội bộ rộng lớn, vi phạm tất cả những cấm kỵ theo luật bất thành văn được Đặng Tiểu Bình thiết lập lên. Cuộc thanh trừng này lấy nhãn hiệu là chống tham nhũng, nhưng thực chất bên trong là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực giữa những phe phái với nhau: Phe Tập Cận Bình, đương kim Tổng bí thư, phe Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư, phe Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư vừa hết nhiệm kỳ. Nhưng tranh chấp có vẻ gay cấn nhất chính là giữa phe Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình.

Có người nói họ Tập là tay em của họ Giang, sao lại thế?

Quả thật họ Tập là tay em của họ Giang, được họ Giang cài vào nhóm lãnh đạo dưới thời Hồ Cẩm Đào, nghĩ rằng họ Tập là người "kín đáo, ít biểu lộ lập trường, không có lập trường rõ rệt", vừa để kiểm soát Hồ Cẩm Đào, vừa nghĩ sau khi ông này không còn tại vị, Tập Cẩm Bình lên thế ngôi, thì Giang Trạch Dân dễ khuynh loát hơn.

Việc hai cuộc họp toàn bộ Trung Ương đảng vào giữa năm 2012, với sự có mặt của Giang Trạch Dân, mang ý nghĩa là họ Giang muốn chứng tỏ họ Tập là tay em của minh trước công chúng.

II) Diễn tiến cuộc thanh trừng từ ngày Tập Cận Bình lên ngôi

Nhiều người cho rằng cuộc thanh trừng của Tập Cận Bình bắt đầu từ sự kiện Bạc Hy Lai bị rớt đài và bị đưa ra tòa vào ngày 19/3/2012. Người ta còn nhớ Vương Lập Quân, nhân vật thứ 2 của Trùng Khánh, đặc trách công an, mật vụ, tay em đắc lực của vợ chồng Bạc Hy Lai, làm bất cứ việc gì do vợ chồng này sai bảo. Bỗng một hôm ông ta chạy vào tòa Tổng Lãnh sự Hoa kỳ ở Trùng Khánh xin tỵ nạn chính trị, nói rằng vợ chồng họ Bạc muốn giết ông.

Tất nhiên tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ chấp nhận bảo vệ ông, trong đó có những cuộc thẩm vấn, lấy tin tức hay không thì không rõ. Một thời gian sau thì Vương Lập Quân được người của Trung ương từ Bắc Kinh xuống hộ tống đưa về Bắc Kinh, và sự việc Bạc Hy Lai nổ ra. Sự việc Bạc Lai Hy không phải chỉ là tham nhũng và chuyển tiền ra nước ngoài của vợ Bạc mà còn liên quan đến án mạng, một tài phiệt Anh quốc, bị bà này giết chết, mà đằng sau, theo nhiều nhà báo, là sự việc chính trị, đảo chính cướp quyền.

Giang Trạch Dân, sau khi thấy không thể khống chế được Tập Cận Bình, đã đứng đằng sau Chu Vĩnh Khang, người nắm quyền công an, cảnh sát, pháp luật, dầu khí, nhân vật thứ 4, Bạc Hy Lai, Tỉnh trưởng Trùng Khánh, nhân vật đang lên lúc bấy giờ và Từ Tài Hậu, Phó Quân Ủy Trung Ương, nhân vật thứ nhì trong quân đội. Cả 3 nhân vật này cùng nhiều người khác phát động chính biến, bị Hồ Cẩm Đào, đương kim Tổng bí thư khám phá và trấn áp, theo nguồn tin bán chính thức nhưng đáng tin cậy. Trước và sau cuộc họp Bắc Đới Hà, Chu Vĩnh Khang đã 2 lần tìm cách bí mật ám sát Tập Cận Bình nhưng không thành.

Như trên đã nói, từ ngày họ Tập lên ngôi đến giờ chưa đầy 2 năm, thế mà cuộc thanh trừng tham nhũng, nhãn hiệu bề ngoài, thực chất là cuộc đấu đá nội bộ, đã kỷ luật 182 000 viên chức, trong đó có 36 thứ trưởng, và 3 con hổ lớn là Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Bạc Hy Lai.

Tóm lược một vài sự kiện quan trọng dựa theo ngày tháng năm:

Giang Trạch Dân làm Tổng bí thư từ năm 1989 tới 2001, Hồ Cẩm Đào từ năm 2001 tới gần cuối 2012, Tập Cận Bình lên chức Tổng bí thư vào tháng 11/2012. Tháng 2/2012, Vương Lập Quân, tay em của Bạc Hy Lai, đặc trách về Công An, mật vụ, tình báo tại Trùng Khánh chạy trốn vào tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Trùng Khánh, sau đó được bảo vệ đưa lên Bắc Kinh, lúc này Hồ Cẩm Đào vẫn là Tổng bí thư.

Tập Cận Bình, sắp lên Tổng bí thư, Hồ Cẩm Đào đương kim Tổng bí thư, Ôn Gia Bảo, đương kim Thủ tướng, lập thành liên minh, truy tố Bạc Hy Lai.

Ngày 19/3/2012, Bạc Hy Lai bị đưa ra tòa. Sau khi Bạc Hy Lai rớt đài, Chu Vĩnh Khang, tay chân của Giang Trạch Dân, đặc trách về an ninh, tình báo và dầu khí, phát động cuộc chính biến, nhưng bị Hồ Cẩm Đào điều quân trấn áp.

Tháng 9/2012, Tập Cận Bình biến mất trong 2 tuần, theo nhiều nguồn tin thì trong một cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị họ Tập bị một đồng nghiệp dùng ghế ném vào ông làm ông bị trật xương sống.

Sau cuộc họp Đới Hà đầu năm 2013, hai lần Chu Vĩnh Khang tìm cách bí mật ám sát Tập Cận Bình, nhưng không thành.

Ngày 30/6/2014, Tập Cận Bình mở Hội nghị Cục Chính trị, tuyên bố khai trừ Từ Tài Hậu, nhân vật thứ nhì trong quân đội, ra khỏi Đảng cộng sản Trung cộng. Ngày 29/7/2014, Đảng Cộng sản Trung cộng tuyên bố án điều tra Chu Vĩnh Khang.

Gần đây nhất, ở Bắc Kinh, có nhiều tin đồn về đảo chánh, do Phạm Trường Long, Phó Quân Ủy thứ nhất, cùng Phòng Phong Huy, Tham mưu trưởng, nhưng nhiều người nói đứng đằng sau là Quách Bá Hùng, nguyên Phó Quân Ủy. Có người còn nói thêm là có dính dáng với Trường Vạn Toàn, đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 1/8/2014 có một cuộc họp mặt quân đội, cũng đồng thời là lễ sinh nhật của Quách Bá Hùng, được 87 tuổi, Tập Cận Bình, đương kim Tổng bí thư, và Lý Khắc Cường, đương kim Thủ tướng, có tới tham dự, nhưng ra về rất sớm. Theo như nhiều nguồn tin từ cuộc họp mặt đưa ra thì một số cựu Ủy viên, cũng như một số tân Ủy viên trong quân Ủy hội đã họp và bàn bạc rất lâu, sau đó còn rời đi họp chỗ khác. Từ đó có người cho rằng họp để bàn tính việc đảo chính. Việc này không thể tiên đoán cưỡng ép được. Vì dù sao cũng chỉ là tin đồn. Việc chắc chắn là đang có một cuộc tranh quyền khốc liệt ở Trung cộng, một cuộc đấu tranh quyền lực sống còn, kiểu: "Anh sống thì tôi chết. Tôi sống thì Anh chết" giữa họ Giang và họ Tập.

III) Nguyên nhân:

- Nguyên nhân sâu xa từ chế độ quân chủ phong kiến Tàu mà chế độ cộng sản hiện nay chỉ là sự kéo dài, là mặt trái của chế độ này.

Một nhà tư tưởng kiêm sử gia đã viết: "Lịch sử Tàu là một chuỗi dài đấu tranh quyền lực, chiếm đất và thôn tính các quốc gia khác. "

Thật vậy nhìn vào lịch sử dòng dài của Tàu, lấy một vài thời đại tiêu biểu, trong hạn hẹp của bài này:

Thời Xuân thu - Chiến quốc (722-256, trước Tây Lịch), đây là một thời huy hoàng về tư tưởng, văn hóa, triết lý của Tàu với Lão tử, Khổng tử, Tôn tử, Bách gia chư tử, nhưng đây cũng là một thời đại của sự tranh quyền, cướp nước, thôn tính lẫn nhau lên đến cao độ.

Thời nhà Đường (618-907), một triều đại to lớn của lịch sử Tàu. Người lập ra nhà Đường là Lý Uyên, nhưng trong đó phải kể đến Lý thế Dân, người được coi là một đại Hoàng đế của Tàu. Cũng vì tranh quyền, cướp nước, ông đã phải giết 2 người anh em của ông là Lý kiến Thành và Lý nguyên Các, ép bố ông là Lý Uyên thoái vị, lên làm Thái thượng hoàng. Sau đó chính các con ông đã cũng vì tranh giành quyền lực, làm cuộc đảo chính ông, nhưng không thành. Cũng dưới thời nhà Đường với nhân vật nổi tiếng mà người Tàu ai cũng biết là Võ tắc Thiên (625-705), người đàn bà đầu tiên và duy nhất lên làm vua nước Tàu. Bà được Lý thế Dân tuyển vào làm tài nhân lúc mới 14 tuổi. Trước khi Lý thế Dân chết, bà đã tằng tịu với con trai út của Lý thế Dân là Lý Trị. Sau khi Lý thế Dân chết, bà phải đi vào tu ở chùa Cảm Nghiệp và Lý Trị lên ngôi. Chỉ một thời gian ngắn bà được Lý Trị đưa về làm cung phi, sau lên quí phi. Vì muốn giành ngôi hoàng hậu, bà đã không ngần ngại giết chết con gái sơ sinh của mình và đổ tội cho hoàng hậu, sau đó bà này bị Lý Trị truất phế, đưa bà lên ngôi hoàng hậu. Từ khi Lý Trị bị bệnh thong manh (không nhìn rõ), bà lên ngôi nhiếp chính bán chính thức, rồi nhiếp chính chính thức sau khi ông chết. Trong thời gian nhiếp chính, bà đã nhiều lần đưa con của mình lên ngôi vua, rồi lại truất phế, đến nỗi bà ép một người con của bà là Lý Hiền phải treo cổ tự tử chết. Sau đó bà chính thức lên làm vua.

Trở về thời đại gần chúng ta hơn là triều đại nhà Thanh (1644-1911) trước thời Dân quốc và Cộng sản hiện nay. Đây cũng là một triều đại lớn của Tàu, với những ông vua giỏi và cầm quyền lâu như Khang Hi, cầm quyền từ năm 1662 đến 1722, Càn Long từ năm 1735 đến 1795.

Chỉ lấy thời Khang Hi, ông có 9 con trai. Chín người này, mặc dầu là anh em, nhưng đã tranh giành ngôi Thái tử, đến nỗi đầu độc lẫn nhau, rồi giết chết nhau. Ngày xưa người ta gọi 9 người con của Khang Hi là 9 con rồng tranh ngôi (Cửu long tranh ngôi); ngày hôm nay, người ta gọi những người trong Bộ Chính trị là những con hổ tranh quyền thì cũng vậy.

Cuộc tranh giành quyền lực giữa những con hổ đang diễn ra ở Trung cộng, không những nó mang tất cả tính chất khốc liệt của thời quân chủ phong kiến Tàu, mà nó còn mang tính man dại của cộng sản, vì chủ nghĩa cộng sản, bắt đầu từ Marx, cho rằng con người sinh ra là từ con vật, thêm vào đó lại chủ trương phá hủy mọi hàng rào đạo đức, không còn cái gì là liêm sỉ. Chúng ta cứ lấy cuộc thanh trừng của Tập cận Bình hiện nay thì rõ. Hô hào chống tham nhũng, nhưng bắt đầu từ Tập cận Bình cho tới một anh cộng sản nhỏ, ai mà không tham nhũng. Điều này, dân Tàu biết rất rõ. Khổng Tử ngày xưa có nói: "Nhân vô liêm sỉ hà như vật dã." (Người không có liêm sỉ chỉ là con vật).

Miệng hô hào chống tham nhũng, nhưng chính mình tham nhũng. Thử hỏi liêm sỉ để ở đâu?

- Nguyên nhân từ chủ nghĩa cộng sản đã biến người cộng sản, nhất là giới lãnh đạo thành "Quỷ nhập tràng."

Ông Lê Xuân Tá, cựu Phó Trưởng Ban Khoa học và Kỹ thuật đảng Cộng sản Việt Nam, từ bỏ đảng, có viết: "Sự ngu dốt và sự thấp hèn tự nó không đáng trách. Nhưng sự ngu dốt và thấp hèn mà được trao quyền lực, và được cấy vào vi trùng ghen tị, thì nó trở thành quỷ nhập tràng. Và con quỉ này nó ý thức rất sớm và rất rõ rằng cái đe dọa quyền và lợi của nó chính là sự hiểu biết, văn hóa và văn minh; nên nó đã đánh những thứ này một cách tàn bạo, vô nhân đạo và không thương tiếc. Cách mạnh Hồng vệ binh ở bên Tàu là thế; vụ Nhân văn giai phẩm ở Việt Nam là vậy. Nhưng vì nó là ngu dốt và thấp hèn, nên những thứ này lâu ngày đã trở nên sỏi thận, sỏi mật, sơ gan, cổ chướng trong lục phủ, ngũ tạng của chế độ, làm cho chế độ này (ý nghĩa chỉ chế độ cộng sản - Lời chú thích của tác giả bài này) không ai đánh mà tự chết. "

Còn ông Yakolek, cựu Ủy vên Bộ Chính trị, cựu Cố vấn của Gorbatchev, cũng có viết: "Giới lãnh đạo cộng sản là một loài sâu bọ, con mới đẻ nằm lên xác con già, con già đè lên xác con trẻ. Nhưng trong đó có một con khỏe nhất, leo lên chỗ cao nhất. Tuy nhiên để được địa vị này, thì nó phải giẵm lên xác không biết bao con khác."

Thật vậy bắt đầu ngay từ Lénine, mặc dầu xuất thân trong một gia đình trung lưu khá giả, có học đến cử nhân luật, nhưng đây là con người mang nhiều ý nghĩ, tư tưởng hận thù, không độ lượng, nhất là sau khi cái chết của người anh vì chống lại chính quyền Nga hoàng đương thời. Ông hoạt động chính trị, đi theo phong trào cộng sản, bị trục xuất khỏi Nga, sống lang thang ở Âu châu, hoạt động trong Đệ Nhị quốc tế cộng sản. Tuy nhiên ông không phải là người sáng chói trong tổ chức này, trước ông còn có Kautski, Rosa Luxemboug v.v... Ngay ở trong nước, những người hoạt động trong Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản, lập ra đảng Xã hội, Dân chủ, Thợ thuyền Nga giỏi hơn ông nhiều, chẳng hạn như Plékhanov, Axelrod và ngay cả Trotski. Tuy nhiên thời cơ lúc đó là gần chấm dứt Đại Chiến Thứ Nhất (1914 -1918), nước Đức đang phải đương đầu với 2 mặt trận: Đông bắc với chính quyền Nga Hoàng Nicolas 2, Tây nam với Pháp. Bộ tham mưu Đức muốn dồn nỗ lực vào mặt trận phía Tây nam. Lợi dụng thời cơ, lúc đó đang ở Thụy sĩ, Lénine tuyên bố « Hòa bình bằng bất cứ giá nào. Trả đất cho dân và ngay cả nhượng đất để có quyền. » Chính vì vậy mà Bộ Tham mưu Đức đã đưa ông về trong một toa xe lửa bọc sắt, bên trong có cả những người công an, tình báo Đức, nói tiếng Nga rất giỏi. Với sự giúp đỡ của Đức ông đã cướp được chính quyền. Cướp được quyền, mang sẵn trong đầu lý thuyết của Marx, chủ trương bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp, đây là "Vi trùng ghen tị" mà ông Lê xuân Tá nói, Lénine đã áp dụng lý thuyết của Marx và đã "Trở thành quỷ nhập tràng" là vậy. Một con quỉ khác con người ở chỗ là đối với nó trên không có Trời, dưới không có đất, không xem đạo đức, lễ nghĩa ra gì cả, làm bất cứ việc gì để thành công, trong đó có việc nói dối, lừa đảo và giết người.

Những người lãnh đạo cộng sản sau này, từ Mao, Đặng, Hồ, Lê Duẫn và con cháu cũng chỉ là quỉ nhập tràng, vì được Lénine, Staline lượm về trao quyền lực, lợi dụng tình thế sau Đệ Nhị Thế Chiến, rồi cấy vào vi trùng ghen tị là lý thuyết Mác Lê. Thế rồi cha dạy con, con dạy cháu cho tới ngày hôm nay.

Vấn đề nói dối, thông tin tuyên truyền sai sự thật, lừa đảo dân đã trở thành quốc sách của chính quyền từ thời Lénine, được tăng cường bởi Staline và được tiếp nối bởi những giới lãnh đạo cộng sản sau này.

Theo như nhà kinh tế Nga, ông Girsh Itsykovich Khanin, kinh tế Nga từ năm 1928 tới năm 1985, tổng sản lượng quốc gia không tăng trưởng 84 lần như những con số chính thức của chính quyền, mà chỉ tăng trưởng gấp 6,6 lần. Như từ năm 1928 tới năm 1940, theo con số của nhà nước thì tăng trưởng là 13,9%, thực tế chỉ là 3,2% ; từ năm 1980 tới 1985, theo con số nhà nước thì tăng trưởng 3,5%, thực tế chỉ là 0,6%. (Theo báo Capital - Hors série - Juin, Juillet 2014).

Theo như Abraham Lincoln: "Người ta có thể nói dối một hai lần, nhưng người ta không thể nói dối mãi. Người ta có thể lừa đảo một hai người, nhưng người ta không thể lừa đảo cả một dân tộc."

Sự thật sớm muộn sẽ được phơi bày.


Sự thật nước Tàu của Tập Cận Bình hiện nay là kinh tế càng ngày càng trở nên khó khăn, mức tăng trưởng không phải ở 2 con số nữa, trong khi đó nạn tham nhũng, hối lộ không dẹp nổi như nhiều chính quyền vừa qua hứa, mà càng ngày càng tăng. Hối lộ tham nhũng nặng nề nhất là trong đảng cộng sản, vì là độc đảng và lại nắm chính quyền.

Chính vì vậy mà ngay Tập Cận Bình có lúc đã tuyên bố: "Đảng cộng sản Trung cộng là nơi chứa những thành phần thối tha nhất của xã hội."

IV) Tiên đoán hậu quả sự việc

Phải chăng Tập Cận Bình đang mắc vào một cái sai lầm to lớn như Gorbatchev trước đây, đó là cố cải cách một chế độ không thể cải cách được, rồi đi đến hậu quả là làm chế độ sụp đổ?

Có thể như vậy, đầu năm 2014, qua chỉ thị của họ Tập, Ban Tư tưởng, Ý thức hệ của Đảng đã ra lệnh cho các đảng viên, nhất là những người cao cấp, phải đọc và học hỏi Tocqueville (1805-1859), vào thời sau Cách mạng Pháp 1789, với hai quyển sách nổi tiếng, quyển đầu là "De la Démocratie en Amérique" (Về Vấn đề Dân chủ ở châu Mỹ), được giới trí thức Mỹ ngay cho tới ngày hôm nay, vẫn cho rằng đây là một trong những quyển sách quan trọng nhất nói về dân chủ, văn hóa và văn minh Hoa kỳ; quyển sách thứ nhì mang tên "L’Ancien Régime et la Révolution" (Chế độ cũ và Cách mạng). Đây là quyển sách mà Đảng Cộng sản Tàu yêu cầu đảng viên nghiên cứu học tập vì trong đó có câu: "Thời gian nguy hiểm nhất cho một chế độ, đó là lúc mà chế độ này bắt đầu cải cách." Theo như Tocqueville thì Chế độ cũ của Pháp, thời vua Louïs XVI (L’Ancien Régime) đã sụp đổ vì chế độ này bắt đầu cải cách.

Tập cận Bình, Đảng Cộng sản Tàu, muốn học hỏi thời Cách mạng Pháp và nhất là thời cải cách của Gorbatchev, để rút tỉa kinh nghiệm.

Tuy nhiên ý thức được, nhìn được sự nguy hiểm, nhưng tránh được hay không lại là một chuyện khác. Chẳng khác nào như ai cũng muốn thành công, ai cũng muốn trở nên giàu có, nhưng giàu có hay thành công được hay không, lại là một việc.

Trong lịch sử, từ cổ chí kim, biết bao chế độ, triều đại, đế quốc đã sụp đổ!

Những chế độ, những triều đại, đế quốc này sụp đổ, không có nghĩa là họ không nhìn thấy những nguy cơ đe dọa mình nhưng nhiều khi vì quá trễ, hay mắc vào những "Tất yếu lịch sử" không thể đi ngược lại, càng đi ngược lại, càng đâm đầu vào chỗ chết, đó là những chế độ dựa trên một nền tảng triết lý, đạo đức sai lầm, đi ngược lại lòng dân, đi trái chiều tiến bộ của lịch sử nhân loại. Chẳng khác nào như một căn nhà, khi nền móng đã ọp ẹp, những cột chính đã mục nát, thì càng sửa đổi càng làm cho căn nhà chóng sụp đổ.


Căn nhà Trung cộng, dựa trên nền tảng triết lý sai lầm, đó là lý thuyết Mác Lê, đã được thử nghiệm 70 năm nay, nhưng đã thất bại; những cột trụ chính là những cựu hay đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, ai cũng tham nhũng, hối lộ. Chống tham nhũng hối lộ nhiều khi lại là chống lại chính mình, đó là cái bình phong bên ngoài để che giấu sự đấm đá, tranh quyền nội bộ.

Đây là một trong những viễn tượng hậu quả của cuộc thanh trừng đang tiến hành của Tập Cận Bình. Đấy là chưa nói đến trường hợp tồi tệ: 19 con hổ già, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, liên kết với một vài con hổ mới, đương kim Ủy viên, bao vây con hổ Tập cận Bình, bị coi là con hổ lạc đàn, nhưng lại tìm cách khống chế chúng, bằng cách ám sát một lần nữa, đảo chính một lần nữa; vì có những tin đồn, nhưng không phải là không đáng tin cậy, theo đó, Giang Trạch Dân đứng sau Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, đã làm đảo chính hụt cũng như nhiều lần ám sát hụt họ Tập.

Nhưng nếu họ Tập thành công, thắng trong cuộc thanh trừng chống tham nhũng, hối lộ, làm cho chế độ trở nên trong sạch, lấy lại được niềm tin của dân, chế độ trở nên tự do, dân chủ, đi đúng chiều hướng của văn minh nhân loại, hội nhập được vào cộng đồng thế giới, thì dù muốn hay không muốn, Tập Cận Bình sẽ trở thành một vĩ nhân của lịch sử Trung quốc cận đại.

Suy đi tính lại, khả thế thành công của Tập Cận Bình rất là mong manh. Có thể đến một lúc nào họ Tập phải ngừng cuộc thanh trừng, thỏa hiệp với những con hổ già, để được tại vị; mặc dầu họ Tập tuyên bố rất cứng rắn trong cuộc họp Ban Thường trực Bộ Chính trị, ngày 26/6 vừa qua, theo tiết lộ của một số nguồn tin bán chính thức, nhưng đáng tin cậy: "Tôi không màng đến sự sống chết, không màng đến việc tiếng tăm của tôi còn hay mất, tôi nhất quyết chống tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân. " (1)

Paris ngày 30/08/2014
Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm
danlambaovn.blogspot.com
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Dân ngu hay ngu dân?

Ngô Nhân Dụng

Những người tranh đấu đòi thiết lập chế độ dân chủ đồng ý với nhau một điều: Tốt nhất là để dân chúng chọn người cai trị. Suy nghĩ như vậy là đặt niềm tin trên óc phán đoán của người dân; họ có khả năng lựa chọn đúng. Nếu họ chọn sai thì rán mà chịu những hậu quả. Một thứ bảo đảm cho người dân, là nếu họ lỡ dại, chọn sai, thì sau đó hai, ba năm, nhiều nhất là năm, bảy năm, họ có quyền thay đổi.

Nhưng nếu dân chúng cứ sai lầm mãi thì sao? Chế độ dân chủ đặt trên niềm tin rằng, “Lâu lâu anh có thể đánh lừa tất cả mọi người; anh cũng có thể đánh lừa một số người mãi mãi; nhưng anh không thể đánh lừa tất cả mọi người mãi mãi được.” Abraham Lincoln nói như vậy, trong lúc đang tranh cử năm 1856. Những chế độ độc tài xảo quyệt nhất cũng có ngày bị lật mặt nạ.

Không phải ai cũng chia sẻ niềm tin này. Nhiều người không tin vào khả năng suy nghĩ của dân chúng. Niccolo Machiavelli (1469-1527) chẳng hạn. Trong cuốn Il Principe (Phan Huy Chiêm dịch sang tiếng Việt tựa là Quân Vương), ông nhận xét: “Dân rất cả tin và cũng rất mau quên.” Cho nên ông khuyên các vương hầu nên làm cho dân sợ, hơn là chờ được dân yêu. Trước Machiavelli hơn 17 thế kỷ, Hàn Phi Tử (Han Feizi, 韓非子,ca. 280–233 TCN) ở Trung Hoa còn nói toẹt ra rằng dân chúng là con nít. Trong chương 50, Hàn Phi viết: “Cái trí của dân không thể dùng được, nó giống như bụng dạ trẻ con vậy.” (Dân trí chi bất khả dụng, do anh nhi chi tâm dã - chương Hiển Học; 民智 之不可用,猶嬰兒之心也 - 顯學).

Tất nhiên các chế độ độc tài đồng ý với Hàn Phi Tử và Machiavelli. Ðể duy trì ách chuyên chế họ thường nêu ra một lý do là “dân trí còn thấp quá.” Nói cách khác, dân ngu, dân là đám trẻ con chưa đủ lớn khôn, không có khả năng chọn lựa cho chính mình. Chỉ có đảng là thông minh cho nên đảng phải quyết định mọi việc cho chúng nó được nhờ. Họ viết vào Hiến Pháp, điều số 4: “Ðảng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Thế đến bao giờ dân trí mới đủ cao để khỏi bị đảng “lãnh đạo?” Họ không nói. Ðến cái mục tiêu tối hậu của họ là tiến lên Chủ nghĩa Xã hội họ cũng chưa biết nó ra thế nào, thế mà vẫn nhắm mắt chạy tới và bắt cả nước chạy theo hết hơi! Chính họ chưa đủ khôn lớn, làm sao họ biết bao giờ dân mới hết ngu?

Các nhà chính trị không bao giờ tuyên giảng lý thuyết Dân Ngu này cả. Bởi vì không thể nói thẳng cho dân biết họ nghĩ gì khi còn muốn lợi dụng cái ngu của dân. Trái lại, họ nịnh nọt, vuốt ve dân, cho dân ăn đủ thứ bánh vẽ. Các bạo chúa chỉ cần áp dụng lý thuyết Dân Ngu bằng cách khích động bản năng và tình tự của con người. Những bản năng bình thường nhất như sợ đói, sợ đánh đập, sợ tra tấn, khiến dân phải vâng lời bạo chúa. Những tình cảm cao quý nhất, như lòng yêu nước, tình thương người đồng loại, thì được khích động để dân hy sinh cho các lãnh tụ hưởng.

Nhà văn Mikhail Shishkin mới viết một bài, dịch đăng trên The New York Times ngày 8 Tháng Năm năm 2015, cho thấy các bạo chúa Nga lợi dụng cái ngu của dân như thế nào. Ông kể chuyện thân phụ ông tình nguyện đầu quân năm 18 tuổi, tham gia cuộc chiến bảo vệ “Tổ Quốc Nga” chống Ðức Quốc Xã. Người con vẫn hãnh diện đem khoe bức hình chiếc tầu ngầm bố mình đã phục vụ. Mỗi năm đến ngày 9 Tháng Năm, ông cụ lại mặc quân phục, đeo đủ các huy chương, đó là ngày nước Nga kỷ niệm Ðại Chiến Thắng. Người lính đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Nhưng ông cũng bảo vệ một chế độ đã bắt cha mình (ông nội tác giả) cho đi đày mút mùa, chết tối tăm trong một trại “học tập cải tạo gulag.” Cụ đã góp tay vào cuộc chiến thắng, kết quả là bạo chúa có thể kéo dài chế độ nô lệ hóa dân chúng lâu hơn. Cuối đời, cũng như các bạn đồng ngũ khác, cụ chỉ uống rượu tiêu sầu. Vào những năm 1980, khi nước Nga đói, đám cựu chiến binh như ông cụ nhận được những gói quà cứu trợ. Trong đó họ thấy những thực phẩm do dân Ðức gửi tặng. Ðối với ông cụ, đó là một sỉ nhục. Ông uống say khướt, hỏi: “Nhưng chúng ta thắng trận kia mà?” Ông bật khóc, tiếp tục hỏi mà không cần ai nghe: “Này, có phải mình thắng trận không? Hay mình thua trận?”

Năm nay, Mikhail Shishkin nhận định: Ðức Quốc Xã bại trận, dân Ðức đã thắng. Họ chứng tỏ cho ai cũng thấy một dân tộc có thể đứng dậy, sống như những con người, không còn bị chiến tranh làm cho mê muội nữa. Ngược lại, ở nước Nga, trong Ngày Chiến Thắng họ không nhắc tới khát vọng hòa bình và tưởng niệm các nạn nhân. Ông Putin đem biểu diễn các vụ khí mới, khích động dân Nga bằng tình yêu nước, để đe dọa Ukraine. Shishkin kết luận: “Các lãnh tụ Nga đã ăn cắp dầu lửa của dân, ăn cắp những cuộc bầu cử, ăn cắp đất nước, và ăn cắp chiến thắng của dân.” Năm nay, ông mới trả lời cho cha mình: “Bố ơi, chúng ta đã thua trận!”

Tại sao một dân tộc chiến đấu dũng mãnh, chịu bao nhiêu đau khổ, thắng kẻ địch trên chiến trường mà lại thua trận trong thời bình, ngay trên đất nước của mình?

Machiavelli và Hàn Phi Tử sẽ nhún vai trả lời: Chúng tôi đã nói mà. Dân chúng đời nào cũng chỉ là một đám con nít!

Nhưng chúng ta có thể hỏi ngược lại Hàn Phi Tử và Machiavelli một câu: Dân chúng là con nít, nhưng thưa các cụ, năm 1989 dân Ðông Ðức đã phá bức tường Berlin, dân Nga năm 1991 cũng xóa bỏ chế độ Cộng Sản rồi. Trong nháy mắt lịch sử lật sang một trang mới, mỗi biến cố diễn ra chỉ trong một đêm. Tại sao dân chúng có thể làm được như vậy?

Câu trả lời, là thông tin. Dân Ðông Ðức vẫn lén lút coi đài truyền hình Tây Ðức bao nhiêu năm. Chỉ nhìn một cảnh sinh hoạt trên đường phố ở Tây Ðức trên màn ảnh họ cũng biết tất cả những lời tuyên truyền của đảng và nhà nước là láo khoét. Những người Ðông Ðức trốn thoát chế độ Cộng Sản vẫn gửi tin tức về nhà. Mà họ không cần đưa tin tức, chỉ những gói quà họ gửi về cũng đầy những thông tin rồi. Tin tức giúp dân mở mắt ra nhìn sự thật.

Các bạo chúa không hoàn toàn tin ở Thuyết Dân Ngu, nhưng họ biết phải làm cho dân ngu, càng ngu càng dễ trị. Họ biến những người không ngu cũng thành ngu, đã dốt rồi thì cảng thêm dốt nát. Từ Stalin, Mao Trạch Ðông tới Hồ Chí Minh, Pol Pot, đường lối giản dị nhất của họ là bưng bít thông tin. Dân càng ngu các bạo chúa càng kéo dài ách thống trị. Muốn dân tiếp tục ngu thì không cho tự do ngôn luận, cấm báo chí độc lập bên ngoài guồng máy đảng. Chính sách Ngu Dân này được áp dụng tại khắp các nước độc tài. Nhưng không ở đâu triệt để bằng trong chế độ Cộng Sản. Ðảng chiếm độc quyền điều khiển các báo, đài, chiếm độc quyền giáo dục, độc quyền in sách giáo khoa.

Machiavelli và Hàn Phi Tử không hề biết ngày nay có thứ gọi là Internet.

Không hề biết có những người can đảm làm blog, làm Câu Lạc Bộ Báo Chí Tự Do. Ðó là những đợt xung phong tấn công chế độ độc tài, phá tan chính sách ngu dân, bưng bít. Bằng những ý kiến mới mẻ, bằng những tin tức “lề trái,” người dân sẽ càng ngày càng hiểu, biết nhiều hơn. Cho nên mới có những thanh niên như Nguyễn Việt Dũng. Dũng Phi Hổ hay Hoàng Tử Thuốc Lào, người xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, ra đời sau khi chiến tranh chấm dứt 9 năm. Nhưng anh nhận được những thông tin ở đâu không biết, đã phán đoán rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa tốt hơn chế độ Cộng Sản. Anh di biểu tình ở Hà Nội, mặc áo chữ T, trên ngực in phù hiệu binh chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Chúng ta có thể tin tưởng rằng dân chúng không ngu; ở bất cứ nước nào cũng vậy, họ không phải là con nít. Chỉ khi thiếu thông tin thì họ khó suy nghĩ đúng. Khi có đủ tin tức thì trí óc tập thể của người dân đủ sức phán đoán, quyết định, chọn lựa cho chính họ - không cần đứa nào “lãnh đạo” cả. Trong bức thư gửi cho Richard Price, năm 1789, Thomas Jefferson viết: “Khi dân chúng được thông tin đầy đủ, có thể tin tưởng họ sẽ biết tự cai trị. Khi có điều gì kỳ cục làm cho họ chú ý, có thể tin là họ sẽ chỉnh đốn được. (Whenever the people are well-informed, they can be trusted with their own government. Whenever things get so far wrong as to attract their notice, they may be relied on to set them to rights).

Ðó là niềm tin của những người đang tranh đấu đòi tự do dân chủ. Dân chủ không bảo đảm một xã hội lý tưởng xa vời. Dân chủ chỉ là những cách xếp đặt cuộc sống chung để bảo đảm người dân có quyền lựa chọn và thay đổi những người cầm quyền. Trong lịch sử, loài người đã thử áp dụng nhiều thể chế khác nhau, không có thể chế nào hoàn hảo cả, nhưng dân chủ là chế độ đỡ tai hại nhất.
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Post by quangminh »

Biển Đông Hung Hiểm

Trần Khải

Nói cận chiến, nghĩa là bám sát, y hệt như các thế võ Nhu Đạo... Có phải tàu chiến Mỹ đang bám sát mọi động tịnh của Trung Quốc ở Biển Đông?

Hay ngược lại, chính TQ bám sát tàu chiến và chiến đấu cơ Mỹ? Hay cả hai cùng vờn nhau như hai con cọp trước khi xông vào nhau?

Và Việt Nam ở đâu?

Bản tin VOA tựa đề “Trung Quốc tức giận về 'kế hoạch' của quân đội Mỹ ở Biển Đông” ghi nhận:

“Trung Quốc hôm thứ Tư bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tin cho rằng Mỹ đang cân nhắc việc gửi tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Mỹ cần phải làm rõ lập trường của mình về vấn đề này và các nước nên tránh "những phương thức nguy hiểm và khiêu khích, để duy trì hòa bình và ổn định khu vực."

Báo The Wall Street Journal đưa tin đầu tiên về động thái của Washington, dẫn lời một quan chức giấu tên nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã yêu cầu góp ý về việc làm thế nào để đáp lại những hành động của Trung Quốc, cho gia cố những đảo mà họ chiếm trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Bài báo cho biết kế hoạch được xem xét bao gồm gửi tàu và máy bay đến khu vực trong phạm vi 12 hải lý những địa điểm đang được xây cất.

Dù quân đội Mỹ đã hoạt động ở Biển Đông, vượt qua giới hạn lãnh thổ 12 hải lý xung quanh những đảo này có thể gia tăng căng thẳng nếu Trung Quốc quyết định phản ứng.

Trung Quốc biện hộ cho những hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông, nói rằng những đảo này là lãnh thổ của họ và các tòa nhà và cơ sở hạ tầng trên đó là để phục vụ công ích và hỗ trợ ngư dân, bên cạnh việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc cáo buộc Philippines, Việt Nam và những nước khác thực hiện hoạt động xây cất của riêng mình trên những hòn đảo khác.”(ngưng trích)

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận rằng chính phủ Philippines hy vọng Mỹ giúp nhiều hơn để ngăn Trung Quốc bồi đắp đảo.

Bản tin RFI viết:

“Hãng tin AP hôm nay 13/05/2015 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines cho biết Manila đang mong được Hoa Kỳ trợ giúp nhiều hơn để ngăn chận hiện tượng Trung Quốc cho bồi đắp đảo một cách quy mô, có thể giúp Bắc Kinh kiểm soát được Biển Đông trên thực tế.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Ngoại trưởng Albert Del Rosario nói rằng Trung Quốc đang mưu toan áp đặt cái gọi là « đường chín đoạn » do Bắc Kinh tự vẽ ra bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông, cho rằng đường lưỡi bò này là bất hợp pháp.

Hoa Kỳ, đồng minh có ký kết hiệp ước với Philippines, cũng đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa. Tuần trước một viên chức quốc phòng cao cấp của Mỹ nói rằng diện tích bồi đắp của Bắc Kinh, có thể sử dụng cho mục đích quân sự, nay lên đến khoảng 800 hecta.

Ông Rosario nói: «Chúng tôi quan niệm rằng chúng ta phải nhanh chóng làm một điều gì đó, kẻo tình trạng bồi đắp đảo hàng loạt sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông trên thực tế», có thể dẫn đến việc quân sự hóa, đe dọa tự do hàng hải...”(ngưng trích)

Trong khi đó, báo Thanh Niên kể chuyện giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc đang quậy sóng ở Biển Đông của Việt Nam.

Bản tin TN viết:

“Ngày 6.5 qua, website của Cục Hải sự Trung Quốc đăng tải thông báo về hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở Biển Đông.

Thông báo cho biết giàn khoan sẽ hoạt động từ ngày 6 - 16.5 tại địa điểm có tọa độ 17°03′44″.5N/109°59′02″.7E, nằm cách thành phố Tam Á ở tỉnh Hải Nam 75 hải lý về phía đông nam. Thông báo còn yêu cầu các tàu bè qua lại khu vực phải giữ khoảng cách 2 km đối với địa điểm trên để đảm bảo an toàn. Hải Dương-981 là giàn khoan mà Trung Quốc đã triển khai phi pháp vào vùng biển VN cách đây một năm, châm ngòi cho làn sóng lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế vào lúc đó.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên chiều 13.5, thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết luôn sát sao theo dõi, nắm bắt các thông tin, động thái hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981.

Ông Thu khẳng định, hiện nay, giàn khoan này vẫn đang hoạt động ở ngoài vùng biển Việt Nam. Bất cứ khi nào giàn khoan của Trung Quốc di chuyển vào vùng biển nước ta, Cảnh sát biển sẽ có thông báo rộng rãi ngay lập tức đồng thời sẽ phối hợp với các lực lượng khác để có cách thức đấu tranh phù hợp, công khai trên tinh thần hòa bình.”(ngưng trích)

Có thực là ngoài vùng biển của VN? Hay đang ở trong vùng biển của VN? Ai có thể tin nhà nước Ba Đình?

Trong khi đó, Báo Xã Luận cho biết:

“Trong lúc đang thực hiện tuần tra tại vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN), tàu USS Forth Worth (Mỹ) đã bị tàu hộ vệ tên lửa TQ đeo bám từ phía sau.

Website chính thức của Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Forth Worth (LCS-3) của Mỹ đã thực hiện chuyến tuần tra kéo dài 7 ngày tại vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông, gần khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)...

...Theo trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh), mọi động thái của tàu USS Fort Worth trong chuyến tuần tra này đều được tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (Type 054A) Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

Khi phát hiện tàu Yancheng đang bám đuổi, USS Fort Worth đã ra tín hiệu nhắc nhở tàu Trung Quốc rằng tàu của Mỹ đang hoạt động tại vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, tàu Yancheng phớt lờ thông báo của Mỹ và tiếp tục đeo bám USS Fort Worth cho tới khi nó rời khỏi khu vực này.”(ngưng trích)

Sóng gió hung hiểm... rất mực hung hiểm.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »



Mỹ phải cứng rắn ... ở Biển Đông


Chính phủ Mỹ đang tìm cách đối phó sự hung hăng của Trung Quốc,
sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, sẽ hiện diện quân sự mạnh nhất ở Biển Đông.

Image
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell

Biển Đông: Trung Quốc phá hoại phong thủy Đông Nam Á

Trang mạng "Quan sát" Trung Quốc dẫn tờ "Washington Post" Mỹ ngày 13 tháng 5 đưa tin, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Daniel Russell trả lời phỏng vấn cho rằng: “Việc bồi đắp, tôn tạo (bất hợp pháp) không nhất định vi phạm công ước quốc tế, nhưng chắc chắn sẽ phá hoại phong thủy, hài hòa của khu vực Đông Nam Á”.

“Hơn nữa đi ngược lại chủ trương nhất quán của Trung Quốc, không phù hợp với thái độ nhất quán 'muốn làm một láng giềng tốt, một lực lượng tốt, không uy hiếp' của Trung Quốc”.

Cùng với việc tình hình căng thẳng giữa hai nước Trung-Mỹ ở vùng biển quan trọng leo thang, vào thứ Tư vừa qua, Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với thông tin Mỹ đề nghị điều tàu chiến và máy bay đến đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Vài tháng gần đây, Trung Quốc bồi đắp, tôn tạo, cải tạo (bất hợp pháp) các đá ngầm thành đảo có thể cung cấp sân bay đơn giản và cơ sở quân sự sử dụng cho tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ lo ngại Trung Quốc sử dụng cường quyền ép các nước nhỏ thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Nhưng, những phản đối này của Mỹ bị Trung Quốc để ngoài tai.

Có chuyên gia cho rằng, quan chức Chính phủ Mỹ đang cố gắng tính toán làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc, hơn nữa muốn làm cho tình hình căng thẳng sẽ không tiếp tục leo thang.

Đến nay, Washington cũng không muốn mạo hiểm phá hoại phương diện khác của quan hệ song phương. Nhưng, Chính phủ Mỹ hầu như đang tìm kiếm các phương pháp khác để đối đầu với mối đe dọa gây ra cho lợi ích của Mỹ từ sự “tự tin” (hung hăng hăm dọa) của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sắp thăm Trung Quốc; tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ đến thăm Mỹ, giữa hai nước có một cuộc đối thoại cấp cao.

Ông Russell nói, vẫn rất nhiều con đường ngoại giao cởi mở có thể thay đổi quyết sách của Trung Quốc.
Image
Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh nguồn mạng Quan sát, TQ)
Mỹ phải cứng rắn, thậm chí cho Trung Quốc ăn “đấm” ở Biển Đông

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 15 tháng 5 cũng có bài viết dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russell cho biết, Mỹ nỗ lực cho tự do hàng hải và tự do bay ở khu vực Biển Đông, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Trung Quốc vào cuối tuần, Mỹ muốn làm cho Trung Quốc không thể hoài nghi về vấn đề này.

Gần đây, đứng trước sự trỗi dậy về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, các quan chức, nghị sĩ và giới học giả Mỹ liên tục có động thái, có ý định sử dụng phương thức phô diễn vũ lực để thể hiện với các đồng minh như Nhật Bản và Philippines về vị thế lãnh đạo của họ hoàn toàn không lung lay.

Hứa Lợi Bình - nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc tuyên truyền cho rằng: “Khu vực Biển Đông tổng thể ổn định, không ảnh hưởng đến đi lại của tàu thuyền, Mỹ không có lý do để can thiệp.

Tàu thuyền và máy bay Mỹ nếu đi vào phạm vi 12 hải lý đảo đá của Trung Quốc sẽ trực tiếp xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Mỹ tốt nhất không nên đụng vào giới hạn của Trung Quốc nếu không nếu không một khi lau súng cướp cò, America phải gánh lấy trách nhiệm”.


Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh nhất ở Biển Đông

Hãng tin Reuters Anh ngày 14 tháng 5 dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russell ngày 13 tháng 5 nói tại một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết: "Ông Kerry thăm Trung Quốc sẽ đưa ra lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông".

Theo ông Russell, khi hội đàm với phía Trung Quốc, ông Kerry sẽ khẳng định Mỹ sẽ bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời muốn để Trung Quốc "không thể nghi ngờ" đối với vấn đề này.

Bài báo dẫn lời ông Russell cho biết, Ngoại trưởng John Kerry sẽ cảnh cáo Trung Quốc, việc bồi đắp tôn tạo (đảo đá Biển Đông bất hợp pháp của Trung Quốc) sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho ổn định khu vực và quan hệ Trung-Mỹ. Những điều này sẽ là chủ đề gây tranh cãi nhất trong cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ lần này.

Hãng tin Reuters cho rằng, chuyến thăm này của ông John Kerry nhằm mở đường cho Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ và chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng Trung Quốc và Mỹ ngày càng nhiều đối đầu chiến lược có nghĩa là những chủ đề này sẽ chiếm vị trí chủ yếu.

Một loạt hội nghị của Quốc hội Mỹ gần đây hầu như đều lấy chống lại Trung Quốc làm chủ đề, Thượng viện Mỹ ngày 12 tháng 5 lấy chính quyền Obama chưa xử lý cứng rắn với vấn đề tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ làm lý do, đã phủ quyết dự luật quyền xúc tiến thương mại của TPP.

Ngày 13 tháng 5, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tổ chức phiên điều trần về vấn đề Biển Đông. Phiên điều trần lần này tổ chức ở một phòng điều trần kích cỡ trung bình của Thượng viện. Tại phiên điều trần, ngoài các nghị sĩ và quan chức Chính phủ, còn có rất nhiều học giả Mỹ và phóng viên các nước, đặc biệt phóng viên Nhật Bản chiếm đa số.

Phiên điều trần do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nghị sĩ Đảng Cộng hòa Coke và thượng nghị sĩ hàng đầu Ủy ban Đối ngoại của Đảng Dân chủ Cardin chủ trì.

Tại phiên điều trần, ông Russell cho biết: "Sách lược và hành động của chúng ta (Mỹ) đều là để bảo vệ quy tắc. Chúng ta nỗ lực bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ, ngăn chặn xâm lược và đề phòng các mối đe dọa".

Tuy nhiên, ông Russell vẫn nhấn mạnh, Mỹ ưu tiên cân nhắc biện pháp ngoại giao để ứng phó vấn đề Biển Đông, Mỹ không ủng hộ bất cứ bên nào xây đảo ở vùng biển tranh chấp Biển Đông.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương David Shear tỏ ra cứng rắn hơn. "Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh nhất ở Biển Đông”.

“Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng chiến lược mạnh ủng hộ ngoại giao Mỹ ở khu vực này. Nền tảng của chiến lược này là tăng cường năng lực của các đồng minh và đối tác của chúng ta để họ có được khả năng giành lấy lợi ích của mình, đồng thời bảo đảm Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện mạnh nhất, nổi bật nhất ở khu vực này, bảo đảm Mỹ có thể triển khai các hành động cần thiết".

Đối thông tin tin tàu chiến và máy bay Quân đội Mỹ triển khai ở vùng biển 12 hải lý tại các đảo đá ở Biển Đông trên tờ "Nhật báo Phố Wall", ông David Shear không đưa ra bình luận gì, nhưng tin tưởng Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ "hành động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền lợi này ở trên biển, trên không".

Một số cơ quan nghiên cứu Mỹ cũng chủ trương cứng rắn đối với Trung Quốc. Tại phiên điều trần, chủ nhiệm lâu năm chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Trung tâm an ninh Mỹ mới, Cronin cho rằng, chính sách ngoại giao của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương cũng cần có lực lượng quân sự mạnh để hỗ trợ.

Cronin nói: "Chúng ta không cần lo sợ cứng rắn, cho dù là phải cho một nắm đấm vào mũi của Trung Quốc... Chúng ta có thể không khoan nhượng với họ, bởi vì chúng ta có năng lực làm như vậy".

Người phát ngôn các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ, Poor ngày 13 tháng 5 cho biết, "kế hoạch tự do hàng hải" của Mỹ đã có từ lâu, Mỹ sẽ tiếp tục làm như vậy. Còn về vấn đề Hải quân Mỹ lúc nào đến vùng biển này, ông cho biết, Lầu Năm Góc sẽ không công khai thảo luận kế hoạch nội bộ.

"Kế hoạch tự do hàng hải" do Mỹ xây dựng và bắt đầu thực hiện từ năm 1979, hàng năm Mỹ điều tàu chiến và máy bay quân sự tới vùng biển mà một số nước tuyên bố các biện pháp hạn chế để thể hiện không chấp nhận chủ trương quyền lợi của những nước này.

Báo Trung Quốc dẫn hãng tin VOA Mỹ cho biết, "Kế hoạch tự do hàng hải" năm 2014 của Mỹ đã thách thức chủ trương lãnh hải của 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.

Theo GiaoDuc
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Tiếng Việt mến yêu

Bùi Bảo Trúc
Mấy chục năm qua, cứ thỉnh thoảng tôi lại nghe không ít người nói rằng tiếng Việt hay lắm, đáng yêu lắm, phong phú lắm, giàu có lắm… Và cứ mỗi lần nghe những nhận định như thế, tôi lại phải vui vẻ đồng ý ngay, sợ bị chụp cho cái mũ vong bản đội chơi cho vui đời lưu vong thì khổ. Nhưng trong lòng thì đồng ý được khoảng một nửa cũng đã là nhiều lắm rồi.

Tiếng Việt của Nguyễn Du, Ðoàn Thị Ðiểm, Hồ Xuân Hương … trong máu của chúng ta, mà chúng ta đã “yêu từ khi mới ra đời” như Nguyễn Ðức Quỳnh đã khẳng định hồi nào, như Phạm Quỳnh đã gắn vận mệnh, sự sống còn của nó cùng với đất nước và truyện Kiều quả là có đáng yêu và đẹp thật nhưng nó có được “anh hùng chen chân thế giới” thì mới đây mới thấy. Nhưng thấy được rồi thì lại cũng chẳng vui được bao nhiêu.

Một bản tin của thông tấn xã Jiji cho biết một số cảnh sát viên ở một thành phố cách Tokyo không bao xa mới đây đã ghi tên theo học tiếng Việt ở mấy trường dạy Việt ngữ ở thủ đô Nhật. Những người này còn định đi Việt Nam để học thêm vì muốn sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo hơn nữa.

Nghe vậy mà không sướng ư!

Phen này, những người chiếu cố học tiếng của chúng ta sẽ đọc văn chương truyện Kiều thoải mái, đọc Hồ Xuân Hương bù lại những ngày chúng ta đọc Basho, Issa, Kawabata, Mishima… rồi nhá.

Nhưng đọc hết bản tin thì mới biết những người cảnh sát Nhật này học tiếng Việt không phải để yêu Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương … hay để nghe quan họ, hò Huế, vọng cổ … gì hết.

Họ học tiếng Việt vì nhu cầu công việc. Công việc của họ đòi hỏi họ cần biết tiếng Việt để dùng trong công việc khi phải có những tiếp xúc với một số người Việt ở ngay thành phố của họ. Những người Việt này một số không nói được tiếng Nhật và những cảnh sát viên này thì lại không nói được tiếng Việt. Ngôn ngữ bất đồng. Hai bên không cách gì hiểu được nhau. Phiền vô cùng.

Thành phần họ phải tiếp xúc là những người Việt bị bắt về tội trộm cắp. Cảnh sát không cách nào thẩm vấn họ, lấy lời khai của họ được. Chẳng lẽ bó tay. Thế nên họ quyết định phải đi học tiếng Việt. Học để nói được một cách thông thạo chứ không thể tiếp tục ra hiệu bằng tay mãi được nữa. Những tấm bảng cảnh cáo không nên ăn cắp viết bằng chữ Việt treo ở nhiều nơi tại cái thị trấn ấy không giảm được những vụ phạm pháp của người Việt. Thì thôi đi học tiếng Việt cho rồi.

Nhu cầu nói và hiểu được tiếng Việt của cảnh sát ở thị trấn này chắc phải nhiều lắm. Nhiều đến độ các cảnh sát phải đi học tiếng Việt. Như vậy có nghĩa là con số người Việt phạm pháp nhiều lắm và những lần phải làm việc với những người này cũng phải thường xuyên lắm. Thường xuyên đến độ các cảnh sát viên phải học tiếng Việt để dùng cho tiện, không thể chờ kiếm được thông dịch viên như năm thì mười họa, vài ba năm một lần được nữa.

Phải học tiếng Việt là vì vậy chứ không vì một lý do văn hóa nghệ thuật nào cả.

Tuần trước, ở Malaysia, một phụ nữ Việt bị bắt quả tang ăn trộm điện thoại đã bị đám đông hành hung và làm nhục ngay giữa đường phố. Báo chí đăng hình còn ghi rõ quốc tịch Việt Nam của cô.

Một con ranh, con một ông lớn trong nước cũng chơi trò bàn tay nhám tới hai lần, một lần ở Anh, một lần ở Phần Lan nhưng nhờ gốc lớn, nó lại về nước xuất hiện trên các chương trình văn hóa Việt trên đài truyền hình của bố nó.

Nham nhở đến tận cùng của sự nham nhở.

Không thể đổ cho tàn dư Mỹ Ngụy nhá. Mấy chục năm “học tập theo gương đạo đức của Hồ chủ tịch” đấy chứ “Mỹ Ngụy” hồi nào hè!

Tội nghiệp tiếng Việt biết là chừng nào là như vậy. Học tiếng Việt chỉ là để lấy lời khai của các “cháu ngoan” rộm cắp của “bác Hồ” đấy chứ.

Bùi Bảo Trúc
KýCóp
Posts: 1118
Joined: Tue Jun 29, 2010 1:44 am
Contact:

Post by KýCóp »


Trung Quốc đã ép Nhật phải tuốt gươm khỏi vỏ.


Image
Nhật Bản đang hiện đại hóa quân sự

Sự trỗi dậy về quân sự và quốc phòng của Nhật Bản đã là điều không thể ngăn cản. Và Trung Quốc đang tỏ ra là người lo ngại nhất. Vì hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ sức mạnh quân sự thực sự của Nhật Bản đáng sợ như thế nào !

Thế chiến hai kết thúc cách đây đã được 70 năm và đưa thế giới quay trở lại quỹ đạo hòa bình. Nhưng có một quốc gia duy nhất đến tận bây giờ vẫn phải gánh chịu những hệ quả từ cuộc đại chiến thế giới đó, là Nhật Bản. Nhật gần như là nước duy nhất trên thế giới không được phép thành lập quân đội và phát triển quốc phòng sau khi thế chiến II kết thúc, trong khi hầu hết các nước bại trận khác kể cả Đức đều không phải gánh chịu sự ràng buộc này.
Bề ngoài, lý do chính thức được đưa ra là cảm giác hối hận về những điều mà quân đội Nhật Bản đã gây ra trong thế chiến và sự khao khát hòa bình đủ để người Nhật sẽ không bao giờ tái vũ trang quân đội. Thậm chí, điều này còn được ghi vào Hiến pháp Nhật. Nhưng thực tế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên do chủ yếu nhất là trình độ phát triển công nghệ quân sự của Nhật Bản đã ở mức quá cao và gây lo ngại cho thế giới phương Tây, trực tiếp nhất là Mỹ - quốc gia đã nếm thử sức mạnh của quân đội Nhật trong thế chiến II.

Nhắc đến sức mạnh quân sự của Nhật Bản trong thế chiến II, đến giờ nhiều nhà nghiên cứu vẫn coi đó là một huyền thoại mà sẽ rất lâu nữa mới có một quốc gia châu Á khác bì kịp. Nhật Bản là một nước châu Á canh tân theo mô hình phương Tây từ nửa sau thế kỷ 19, khi hầu hết các nước phương Tây khác đã công nghiệp hóa và đi xâm chiếm thuộc địa khắp thế giới. Nhưng chỉ chưa đầy 100 năm sau, Nhật Bản đã là một cường quốc hàng đầu trên thế giới, khiến hàng loạt cường quốc phương Tây phải kính nể. Đỉnh điểm cho sức mạnh tổng hợp của người Nhật là giai đoạn trước thế chiến II, khi Nhật cùng với Mỹ và Anh là 3 quốc gia có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.
Khi mà sang thế kỷ 21, người Trung Quốc mới có chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình vốn cải tạo từ một đống phế liệu mua về và coi nó là biểu tượng cho sức mạnh quân sự quốc gia, thì cách đây 70 năm Nhật Bản đã tự sản xuất được những hạm tàu sân bay lừng danh. Sức mạnh hạm đội Nhật khi đó mạnh đến nỗi, đã có thời điểm Nhật ngang ngửa với Mỹ trong những trận chiến trên mặt biển. Và giờ đây, khi mà khoảng cách giữa hải quân Mỹ với phần còn lại của thế giới đã trở nên quá lớn, thì người ta cũng hình dung ra được phần nào sức mạnh khủng khiếp của hạm đội Nhật từ cách đây 70 năm.

Trung Quốc, hơn ai hết là người hiểu rõ sức mạnh quân sự của Nhật Bản đáng sợ như thế nào ! Trước khi xâm lược Trung Quốc vào năm 1937, Nhật đã đánh bại Trung Quốc trong cuộc đọ sức giữa hạm đội Nhật và hạm đội nhà Thanh, chiến thắng đó đã đem lại cho Nhật đảo Đài Loan, bàn đạp để xâm lược Trung Quốc sau này. Sự chênh lệch về trình độ phát triển, đặc biệt là trình độ quân sự và quốc phòng, đã khiến cho Trung Quốc dù đã vượt qua Nhật về quy mô kinh tế nhưng vẫn bị đánh giá là dưới cơ so với hải quân Nhật khá nhiều.

So với những cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, thì cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản của Trung Quốc vất vả hơn rất nhiều ! Một hạm đội Nhật Bản bị giới hạn năng lực phát triển trong 70 năm qua vẫn được đánh giá là mạnh hơn hạm đội Trung Quốc, thì một khi Nhật Bản được nới dây và thoải mái phát triển công nghiệp quốc phòng, không ai có thể hình dung được khoảng cách khi đó giữa Nhật và Trung Quốc sẽ lớn như thế nào !
Sự lo ngại của Trung Quốc về một sự trỗi dậy về sức mạnh quân sự của Nhật Bản là có lý, khi mà chỉ vừa sau khi thỏa thuận liên minh mới giữa Mỹ và Nhật được thông qua, thì Nhật Bản đã ngay lập tức hành động. Trong động thái mới nhất, Nhật được xem là nước có ưu thế lớn nhất trong việc cung cấp tàu ngầm mới cho hải quân Australia so với hai đối thủ cạnh tranh khác là Đức và Pháp. Cuộc cạnh tranh cung cấp tàu ngầm cho hải quân Australia là thương vụ đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nhật kể từ sau thế chiến hai, ngoại trừ những trao đổi công nghệ giữa Nhật với đồng minh là Mỹ.

Việc lớp tàu ngầm Soryu của Nhật được đánh giá cao hơn lớp tàu ngầm Type-214 Diesel của Đức và Scorpene của Pháp đang cho thấy, người Nhật đã không hề bỏ phí thời gian trong 70 năm qua. Công nghiệp quốc phòng của Nhật vẫn phát triển rất mạnh, thậm chí còn trội hơn Đức trong lĩnh vực tàu ngầm – vốn là lĩnh vực sở trường của Đức từ thế chiến hai.

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, Nhật Bản một khi được cởi trói sẽ quay trở lại vị trí một trong những quốc gia có nền quốc phòng mạnh nhất thế giới. Với nền tảng vượt trội từ thế chiến II, và được liên tục phát triển trong 70 năm với điển hình là lĩnh vực phát triển tàu ngầm, Nhật Bản sẽ nhanh chóng tạo được một trong những hạm đội mạnh nhất thế giới nếu muốn. Một khi giành được chiến thắng với hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho hải quân Australia trị giá lên tới 50 tỷ USD, Nhật Bản sẽ trở thành một trong những nước cung cấp vũ khí và công nghệ quốc phòng lớn nhất trên thế giới.

Điều này được biệt' ý nghĩa khi Nhật đang được xem là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới trong khá nhiều lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, từ việc chế tạo tàu ngầm, cho tới thiết lập những hạm tàu khu trục lớn và các tàu sân bay vốn rất nổi danh trong thế chiến II. Khá nhiều quốc gia hiện đang rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản, như Anh, Pháp, Ấn Độ và Indonesia. Có nguồn cung cấp từ Nhật, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sẽ không phải phụ thuộc vào những nguồn cung cấp cố hữu như Mỹ, Nga hay Đức và Pháp.
Sự phát đạt của công nghiệp quốc phòng sẽ không chỉ tạo điều kiện để Nhật Bản tái vũ trang lại quân đội, mà còn được xem là một bàn đạp hữu dụng để giúp quá trình cải tổ nền kinh tế Nhật của thủ tướng Shinzo Abe diễn ra hiệu quả hơn.

Nhàn Đàm
(theo The Diplomat)
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »


Phải ấn định một lằn ranh cho Trung Cộng

Ngô Nhân Dụng

Những tin sôi nổi mới về Biển Ðông đặt ra mấy câu hỏi: (1) Mỹ và Trung Cộng sẽ găng đến mức nào, liệu có đánh nhau không? (2) Nếu không, trong thời gian tới hai nước sẽ chấp nhận một tình trạng như thế nào? (3) Nước Việt Nam phải làm gì trước viễn cảnh đó?

Sau vụ máy bay Mỹ diễu trên các hòn đảo nhân tạo do Trung Cộng mới làm ở Trường Sa, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh, Hồng Lỗi, phản đối với lời lẽ cứng rắn: “Trung Quốc có quyền theo dõi kiểm soát không phận và hải phận thích đáng để bảo vệ chủ quyền... Chúng tôi hy vọng các nước can hệ sẽ hết sức tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Nam Hải.” Ở Washington, phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ đáp lại: “Hải quân và phi cơ quân sự Mỹ sẽ tiếp tục thi hành quyền hoạt động trong không phận và vùng biển quốc tế.” Ông nói nặng hơn: “Không người nào có đủ khôn ngoan lại tìm cách ngăn chặn Hải Quân Mỹ hành động, làm liều như thế là dại dột.”

Thái độ của Bắc Kinh gần đây thêm hung hăng; khi đe dọa Philippines phải rời máy bay quân sự khỏi vùng các đảo đang tranh chấp ở Trường Sa; làm như đang áp dụng một “vùng độc quyền kiểm soát không phận” trên các hòn đảo mà họ mới xây thêm. Tuần trước, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị mới tuyên bố sẽ bảo vệ mấy hòn đảo đó với thái độ “cứng như đá” và xác nhận Bắc Kinh có quyền lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong vùng này.

Phản ứng mới của chính quyền Mỹ lần này cũng tỏ ra cứng rắn hơn trước. Tổng Thống Barack Obama và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter công khai tỏ ý quan ngại về hành động xây cất các phi trường trên những hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng trong vùng. Hành động có ý nghĩa nhất là chính quyền Mỹ mời một nhóm phóng viên đài CNN lên đoàn máy bay thám thính trong ngày Thứ Tư vừa qua. Những cuốn phim mà họ đem chiếu còn cho thấy hình từ vệ tinh nhân tạo chụp những đảo nhân tạo Trung Cộng mới dựng lên, tổng cộng rộng 8 cây số vuông trên bẩy hòn đảo. Diện tích đã tăng gấp bốn lần so với hồi cuối năm ngoái. Phi cơ Mỹ bay qua ba hòn đảo có phi trường, dân Mỹ được nghe giải thích rằng trước đây mấy tháng tất cả còn là là mặt nước, nay xuất hiện những phi đạo dài hai, ba cây số với các căn cứ quân sự sẵn sàng hoạt động. Các hình ảnh này sẽ ảnh hưởng mạnh trên tâm lý dân Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962, chính quyền Kennedy cũng đưa ra trước dân Mỹ hình ảnh các hỏa tiễn của Nga để tác động họ trước khi hành động.

Những cuốn phim đó còn nhắm vào cả chính phủ và dân các nước Ðông Nam Á. Họ được thấy quân Trung Cộng trên các đảo lên tiếng đuổi “máy bay lạ” tám lần, và nghe những câu trả lời của phi công Mỹ: “Chúng tôi là máy bay quân sự Mỹ đang hoạt động đúng luật pháp quốc tế.” Luật biển quốc tế chỉ công nhận chủ quyền 12 hải lý của các nước trên những hòn đảo không chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên; những hòn đảo nhân tạo nhằm thay đổi tình trạng đó là bất hợp pháp. Trung Cộng đã thay đổi nhiều hòn đảo như vậy bằng việc bồi đất và xây dựng cao hơn trong vùng Trường Sa mà họ chiếm đóng bất hợp pháp. Nhưng các vụ xây cất đó sẽ không được ai công nhận. Các máy bay Hải Quân Mỹ muốn chứng tỏ thái độ của chính phủ Obama là Trung Cộng không có quyền trên các đảo này.

Nhưng các vụ chạm trán trên không và lời qua tiếng lại trên sẽ không thể đưa tới một cuộc đụng độ quân sự giữa Mỹ và Trung Cộng. Hai nước có nhiều quyền lợi liên hệ chặt chẽ với nhau, nhất là kinh tế Trung Quốc thì không thể nào đứng vững nếu không bán hàng cho Mỹ; trong khi Mỹ cần vay tiền thì đã có những quốc gia dầu lửa quốc gia minh ở Trung Ðông sẵn sàng cho vay. Giữa những tin tức sôi nổi trong mấy ngày qua, Ngoại trưởng Kerry vẫn tới Bắc Kinh và hai nước vẫn đang chuẩn bị cho chuyến công du của Tập Cận Bình qua Mỹ vào Tháng Chín tới.

Cho nên trong mươi năm sắp tới một cuộc “chiến tranh lạnh” sẽ diễn ra trong vùng Biển Ðông nước ta. Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục nhân danh quyền bảo vệ lưu thông đường biển để đưa hạm đội và máy bay vào vùng này. Mỹ sẽ yêu cầu các nước Ðông Nam Á và Trung Cộng thiết lập các quy tắc hành xử trên biển. Nếu Trung Cộng không dự, Mỹ sẽ thúc đẩy các nước ASEAN đặt ra các quy ước và cùng áp dụng.

Mỹ sẽ canh chừng không cho Trung Cộng làm quá. Hai bên sẽ dò nhau, Mỹ ngăn chặn từng bước xâm lấn của Trung Cộng, nhưng không để xảy ra chiến tranh. Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, và chia sẻ trách nhiệm Nhật Bản, Úc trong việc bảo vệ an ninh cả vùng. Trong khi đó Trung Cộng sẽ tiếp tục lấn lướt các quốc gia Ðông Nam Á từng bước nhỏ một. Mà quốc gia dễ bị bắt nạt nhất vẫn là Việt Nam, vì đảng Cộng Sản vẫn coi Trung Cộng là thầy.

Trong tuần qua, chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các vụ xây cất mới của Trung Cộng đã vi phạm các thỏa thuận năm 2002 với các nước Ðông Nam Á, quốc gia ý rằng không nước nào “thay đổi nguyên trạng” trong vùng biển đang tranh chấp. Nhưng chúng ta đã thấy, Trung Cộng đã “thay đổi nguyên trạng” mạnh nhất và nhiều nhất ở những vùng ngay sát bờ biển Việt Nam. Họ liên tục tấn công các thuyền đánh cá, đã và sẽ đưa các giàn khoan thăm dò dầu khí vào hải phận nước ta, và xây dựng các đảo nhân tạo với phi trường có thể cho máy bay vào đánh phá các thành phố Việt Nam rồi lại bay về.

Trước tình trạng như vậy người Việt Nam phải làm gì? Không ai muốn gây chiến tranh với Trung Quốc, một nước có nền kinh tế lớn hơn 50 lần và hải quân mạnh gấp mười lần. Nhưng muốn bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình, chúng ta không thể để mặc cho Trung Cộng tiếp tục lấn lướt từng bước, trong khi vẫn giữ tình trạng “chiến tranh lạnh” với Mỹ.

Quyền lợi của nước Mỹ khác quyền lợi nước ta. Ðối với họ, vấn đề quan trọng nhất là an ninh đường hàng hải. Những xung đột nhỏ không nguy hiểm cho tình trạng an ninh này, họ sẽ không quan tâm. Không chính phủ Mỹ nào muốn gây thêm chiến tranh vì những vấn đề nhỏ chỉ quan hệ cho các nước xa xôi. Thái độ của họ ở Ukraine cho thấy điều đó. Nếu họ muốn, dân chúng cũng không cho phép.

Nhưng đối với Việt Nam, mỗi hòn đảo bị mất cũng là mất mát lớn. Nếu Trung Cộng tiếp tục lấn lướt, thì không biết bao giờ họ sẽ chiếm hết hải phận nước ta.

Cho nên người Việt Nam phải xác định một lằn ranh, nếu Trung Cộng bước qua thì sẽ phản ứng quyết liệt. Một chính phủ Việt Nam biết bảo vệ danh dự và chủ quyền dân tộc không thể để cho Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục lấn lướt. Phải xác định trước cả thế giới “lằn ranh” của lòng kiên nhẫn. Nêu rõ những hành động nào của Trung Cộng sẽ được coi là bước qua lằn ranh đó, công bố cho cả vùng Ðông Nam Á và các cường quốc có quyền lợi trong vùng biết rõ. Lằn ranh này được xác định là “bước đường cùng,” tới đó thì nước Việt Nam không thể chịu đựng với lòng nhẫn nhục. Phải báo trước nếu Bắc Kinh bước qua lằn ranh đó thì sẽ sinh chuyện lớn.

Sinh chuyện lớn như thế nào? Người Việt phải chứng tỏ nước mình có khả năng biến cả vùng Biển Ðông trở thành một vùng bất an, dù mình không muốn gây chiến tranh với Trung Quốc.

Một cuộc hải chiến trong vùng Biển Ðông, dù chỉ ở cấp nhỏ với mươi chiến thuyền, cũng sẽ làm cho cả con đường hàng hải bất an. Chính phủ các nước chung quanh biết rằng họ sống nhờ an ninh của con đường biển này. Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore mới bày tỏ mối lo xung đột trên biển đang tăng cao. Báo chí Nhật Bản đang cảnh cáo nguy cơ Trung Quốc chiếm lĩnh Biển Ðông; mà một hậu quả là Mỹ có thể bỏ rơi không bảo vệ an toàn cho Nhật nữa. Tất cả các nước trên thế giới đều liên hệ. Mỗi năm số hàng hóa đi qua vùng này trị giá 5,000 tỷ đô la Mỹ, chiếm một phần ba giá trị của hoạt động hàng hải thương thuyền quốc tế. Hàng hóa Trung Quốc bán qua Châu Âu và Phi Châu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn không thể đứng vững nếu những tiếp liệu dầu lửa, hơi đốt và nguyên liệu đi qua đường này bị cản trở trong vòng sáu tháng. Những nước bán dầu lửa, nguyên liệu và cả máy móc ở các nơi xa cũng bị ảnh hưởng.

Cho nên, một cuộc hải chiến nhỏ cũng đủ làm rung động thế giới, và các nước phải can thiệp để chấm dứt càng sớm càng tốt. Không cần những nước khác phải “thân thiện” với nước ta, không cần họ phải ký hiệp ước nào với nước ta, họ vẫn phải can thiệp, vì quyền lợi của chính họ. Khi người Việt tỏ ra cương quyết bảo vệ chủ quyền và danh dự của mình, liều chết ngăn cản không cho Trung Cộng tiến thêm một bước qua lằn ranh giới hạn, cả thế giới sẽ phải giúp bảo vệ dân tộc Việt.

Một câu hỏi người Việt Nam sẽ đặt ra là: Chúng ta có dám, và có chấp nhận hy sinh nếu Trung Cộng cứ thản nhiên bước qua lằn ranh mà dân mình coi là “bước đường cùng” hay không?

Phải chấp nhận hy sinh. Vì chúng ta cũng biết rằng thế giới ngày nay khác với thời quân Nguyên tấn công, thời Tôn Sĩ Nghị đem quân sang đánh. Nước Việt Nam không cô độc khi phải đối đầu với bọn Thoát Hoan, Trương Phụ mới. Vì quyền lợi của chính họ, vì muốn bảo vệ an toàn cho con đường hàng hảo huyết mạch của kinh tế toàn cầu, các nước khác phải can thiệp và bênh vực một nước nhỏ chống lại một cường quốc mà hiện nay không có nước nào là đồng minh.

Phải chấp nhận hy sinh. Vì chúng ta không muốn hèn, để xứng đáng là con cháu những tử sĩ trận Hoàng Sa năm 1974.

Vào năm 1974, khi quân Trung Cộng tiến chiếm các hòn đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đang phải lo chiến đấu chống quân miền Bắc và ở thế rất yếu, yếu hơn nước thế lực nước Việt Nam bây giờ rất nhiều. Nhưng Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại kể, khi được hỏi ý kiến, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh phải chống cự đến cùng. Ông Nguyễn Văn Thiệu biết rằng không thể trông cậy vào Hạm Ðội Thứ Bảy của Mỹ. Lúc đó, chính phủ Nixon đã báo trước cho cả Nga và Trung Cộng biết rằng họ bỏ Việt Nam; và họ biết miền Nam không thể đứng vững được khi họ cắt viện trợ. Chính phủ Nixon không có lý do nào đánh nhau với Trung Cộng chỉ để bảo vệ mấy hòn đảo mà họ biết sớm muộn sẽ rơi vào tay Việt Cộng.

Nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn phải ra lệnh Hải Quân Việt Nam tử thủ. Bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải quyết định như vậy, khi thấy đất nước mình bị ngoại quốc đánh chiếm. Dù biết rằng quân mình yếu, các chiến sĩ của mình sẽ chết, không một vị tướng nào có thể ngoảnh mặt làm ngơ khi tổ quốc bị xâm lăng.

Chúng ta tin chắc rằng có những người lính Việt Nam bây giờ không chịu tiếng hèn nhát hơn những chiến sĩ Hoàng Sa. Khi đụng trận, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người chịu hy sinh. Nhưng khi dân tộc đã đến “bước đường cùng” thì sẽ có hàng triệu người sẵn sàng hy sinh như vậy.
dailien
Posts: 2454
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

Đại hội 12 - đại tang của đảng CSVN
Thằng Lượm
(Danlambao)
- Đảng cộng sản VN (ĐCSVN) sau 70 năm độc quyền cai trị, độc tài toàn trị đã đẩy đất nước VN vào bờ vực thẳm. Đảng chỉ lo bảo vệ quyền lợi của đảng; đặt quyền lợi của đảng viên và phe nhóm lên trên quyền lợi của Tổ quốc, dân tộc. Đất nước sau 40 năm thống nhất vẫn đầy rẫy bất công, nghèo đói; công nghiệp, nông nghiệp cực kỳ lạc hậu; nông dân bị phản bội (bị cướp trắng quyền làm chủ ruộng đất); công nhân bị bán rẻ cho tư bản trong và ngoài nước tha hồ bóc lột; đời sống đại đa số nhân dân lao động, trí thức đều ngày càng bi đát; đạo đức XH ngày càng xuống cấp; quân đội thì “trung với đảng”, công an “chỉ biết còn đảng còn mình” nên quyền con người bị chà đạp thô bạo, hận thù chia rẽ chồng chất…


Bên ngoài thì Trung Quốc luôn chực chờ nhảy vào cướp đất liền, biển đảo; băm nát tài nguyên khoáng sản, cát cứ những vị trí trọng yếu của đất nước.
Image
Ảnh sưu tầm-chỉ có tính chất minh họa



Ai cũng thấy rõ là đảng CSVN đang hấp hối và giãy chết. Như một con thú hung dữ, trước khi trút hơi thở cuối cùng, đảng CSVN trở nên điên cuồng, cố bám giữ quyền lực và quyền lợi cho các phe cánh của đảng và cho các nhóm lợi ích thân hữu ăn chia; ra sức cướp sạch những đồng tiền cuối cùng trong ngân khố và trên mồ hôi, xương máu của nhân dân. Sự sụp đổ của đảng CSVN là tất yếu, chỉ còn vấn đề thời gian.


Thời gian phù hợp để đảng CSVN giãy chết là từ nay đến kỳ ĐH 12 của đảng (dự kiến vào đầu năm 2016).

Các dấu hiệu sụp đổ, giãy chết của đảng CSVN đang hiện ra rất rõ:

1. Khủng hoảng lãnh đạo: Không còn một tên độc tài nào trong đảng “đủ tài” để tập họp nhóm cầm đầu đảng (Bộ Chính trị-BCT) để “nhất hô, bá ứng” như thời Lê Duẩn –Lê Đức Thọ. Các vị vua tập thể (BCT) đang chia rẽ sâu sắc về quyền lợi, sẵn sàng đấu đá, triệt hạ lẫn nhau. Phe đảng X và phe đảng Lú đấu đá quyết liệt, hậu quả là con chốt thí Nguyễn Ba Thanh “đang từ khỏe mạnh chuyển sang từ trần”. Đảng CSVN hiện nay chỉ là một triều đình phong kiến trá hình. Các ông bà vua chúa và các sứ quân tỉnh thành đang chia bè rẽ phái, chuẩn bị tranh quyền đoạt vị tại ĐH 12 này. Bài học lịch sử cho thấy: các triều đình phong kiến bị sụp đổ là do “Lú quân” và “loạn tướng” khắp nơi, nạn kiêu binh hoành hành bá đạo như hiện nay.

2. Khủng hoảng đường lối xây dựng đất nước: Đảng tiếp tục kiên định lấy Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng HCM làm cương lĩnh lãnh đạo, xây dựng đất nước theo định hướng XHCN, tức là chấp nhận “thiên đường mù”. Đi tìm thiên đường mù thì… ai cũng biết, đến hết thế kỷ này và thêm vài thế kỷ nữa cũng không thể tìm ra. Giáo sư Trần Phương, cựu phó thủ tướng, đã phát biểu nhân dịp góp ý vào cương lĩnh của đảng cách nay bốn năm: Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác! Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng sẽ đi là cái CNXH gì đây? Ông bip thiên hạ với cái CNXH của ông!... Ông nói CNXH mà ông không biết nó là cái gì cả. Ông nói định hướng XHCN mà ông không biết cái định hướng nó là cái gì… Tôi nói thật là chúng ta tự lừa dối chúng ta… tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố các ông trả lời được đấy?. Chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thừa nhận: “xây dựng CNXH còn lâu dài lắm, đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

3. Khủng hoảng kinh tế: Đảng CSVN đang cạn tiền, không còn đủ chi tiêu cho hệ thống cai trị tham nhũng, lạc hậu, mang đậm tính băng đảng và khủng bố. Sau khi “ăn không chừa thứ gì”, đảng CSVN đang bị bức bách về kinh tế, chỉ trông chờ vào kiều hối hàng năm và in tiền, tăng đủ loại thuế để cố sống qua ngày. Dấu hiệu ngày càng bi đát, đến mức phải "chặt khúc Quốc lộ để bán vé; hầm chưa xây đã thu phí; dự án ngàn tỷ bỏ hoang, mất vốn…"(1). Quan chức các tỉnh thành đua nhau lập dự án bán đất để chia chác (tỉnh Khánh Hòa đang bán bãi biển Nha Trang cho Cty nước ngoài cát cứ). Nợ nước ngoài đến hạn phải trả ngày càng tăng cao, trần nợ công đã chạm ngưỡng nguy hiểm, quỹ BHXH không còn đủ tiền chi trả cho công nhân nên đẻ ra Điều 60 luật BHXH, nguồn thu từ dầu thô ngày càng ít vì giá thấp (có thể càng khái thác càng lỗ vì chi phí-lãng phí cao.)

4. Dấu hiệu đảng bán nước ngày càng lộ rõ: Mật ước tại Hội nghị Thành Đô (9/1990) đang được TQ thi hành gấp rút. Từ nay đến năm 2016, TQ sẽ hoàn thành việc thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo, bãi đá chiếm được của VN (Hoàng-Trường sa), thực thi quyền kiểm soát 80% biển Đông. Nguồn thu từ tài nguyên tại biển Đông của VN coi như mất trắng. Dầu thô và nguồn lợi hải sản sẽ bị cạn kiệt trong vài năm tới, nguồn thu ngoại tệ sẽ bị bế tắc. VN không thể in tiền đi mua vũ khí để phòng vệ biển đảo như đã lừa dối với Nhân dân được nữa. Đảng càng đi vay mượn của TQ càng đưa đầu vào thòng lọng. Chính sách ngoại giao “đu dây” giữa Mỹ và TQ càng làm cho đảng kẹt giữa hai làn đạn, nghiêng về phía nào cũng chết.

5. Khủng hoảng đạo đức XH: Giáo dục đào tạo loạn xạ, hàng chục vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, nạn bằng cấp giả “rờ đâu cũng có”; bệnh viện biến thành máy chém bệnh nhân; XH rối ren, loạn lạc, tình trạng cướp, giết, hiếp… và loạn các loại tặc: không có thời điểm nào trong lịch sử mà các loại cướp (tặc) nhiều như bây giờ. Dưới sự cai trị “sáng suốt, đạo đức, văn minh” của đảng CSVN, cán bộ đảng viên biến thành cướp ngày (hối lộ, tham nhũng), rất nhiều loại cướp (tặc) đã được sinh sôi nảy nở loạn cào cào: Sa tặc, khoáng tặc, vàng tặc, lâm tặc, địa tặc, than tặc, đinh tặc, tin tặc, cáp (điện) tặc, nghêu tặc, cẩu tặc… dâm tặc!

6. Khủng hoảng niềm tin: Do lo sợ Nhân dân không còn tin vào đảng nên đảng không dám “trưng cầu ý dân”, không dám ra luật Lập hội, luật Biểu tình. Đảng coi Nhân dân là “lực lượng thù địch” tiềm năng, sẵn sàng sử dụng toàn diện các biện pháp đê hèn nhất để khủng bố, bắt giam những người yêu nước. Trong mười năm trở lại đây, trước mắt đảng, chỗ nào cũng có “thế lực thù địch”. Đảng CSVN đã chính thức tuyên chiến với Nhân dân. Kẻ nào dám tuyên chiến với Nhân dân, kẻ đó phải chết chắc!

Rõ ràng: đảng CSVN đang lâm vào bế tắc toàn diện!


Nhiều GS-TS của đảng đang tìm thuốc để cố cứu đảng CSVN qua cơn hấp hối này nhưng không còn thuốc nào phù hợp. Cộng sản chỉ có thể bị thay thế, không thể sửa đổi!

Đảng CSVN đã lộ nguyên hình là một đảng cướp! Không còn “ăn không chừa thứ gì” nữa mà đang “cướp sạch, không chừa thứ gì” để chuẩn bị lo hậu sự.

Từ nay đến ngày đảng CSVN tổ chức ĐH 12-cũng là ngày đại tang của đảng, toàn dân VN hãy chung tay đào mồ để chôn lấp cái xác chết phình trương, thối tha của đảng.

Xin mượn lời của Phương Uyên để thay lời kết thúc: đảng CSVN đi chết đi!

Ngày đó đang đến rất gần… rất gần.

26/5/2015
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Không có cuộc chiến tranh nào dễ
Hà Tường Cát
Người Việt (tổng hợp)
Hôm Thứ Hai, 26 Tháng Năm, Phó Tổng Thống Joe Biden gọi điện thoại qua Iraq nói chuyện với Thủ Tướng Haider al-Abadi để bảo đảm rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ trong cuộc chiến chống tổ chức Hồi Giáo quá khích tự xưng Nhà Nước Hồi Giáo (được gọi là IS, ISIS hoặc ISIL).

Hành động này do từ việc hôm Thứ Bảy, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter nói chuyện trên truyền hình CNN, phàn nàn quân đội Iraq “thiếu ý chí chiến đấu,” dù rằng lực lượng đông hơn IS đã bỏ chạy khỏi thành phố Ramadi. Lời phê phán này gây ra một loạt những phản ứng phẫn nộ của quân đội Iraq và Iran, đồng thời tạo nên hoài nghi là có lẽ Hoa Kỳ muốn chuẩn bị bỏ cuộc.
Image
Dân quân Hồi Giáo Shia lập tuyến phòng thủ hôm Thứ Hai bên ngoài nhà máy lọc dầu Baiji gần Tikrit, tỉnh Salahaddin, Bắc Baghdad.
(Hình: Ahmad al-Rubaye/AFP/Getty Images)
Một phát ngôn viên của thủ tướng Iraq nói với hãng tin AP rằng bộ trưởng Carter đã nhận được những thông tin không chính xác và rằng “không thể phán đoán khả năng của một quân lực chỉ dựa trên một sự kiện.”

Tòa Bạch Ốc giải thích thêm là Phó Tổng Thống Biden nhìn nhận “sự dũng cảm và hy sinh lớn lao” mà quân đội Iraq đã thể hiện trong 18 tháng qua ở Ramadi và những nơi khác. Ðồng thời Hoa Kỳ bày tỏ sự hoan nghênh quyết định triển khai thêm lực lượng của Iraq và chuẩn bị các chiến dịch phản công.

Ngược lại, Tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds, đơn vị hành động của Vệ Binh Cách Mạng Iran, chỉ trích Hoa Kỳ “không có ý chí đánh IS.” Ông nói với nhật báo Javan: “Hiện nay chẳng có nước nào đương đầu với IS ngoại trừ Cộng Hòa Hồi Giáo Iran và những quốc gia cạnh Iran hay được Iran trợ lực.” Theo lời Tướng Soleimani các máy bay chiến đấu Mỹ không có hành động gì để ngăn cản quân IS tiến đến Ramadi và Hoa Kỳ có vẻ đồng lõa với sự bành trướng của IS.

Tại Anh, Thiếu Tướng Tim Cross phụ trách kế hoạch an ninh sau chiến tranh ở, Iraq cũng phê bình quân đội Iraq “thiếu tinh thần câu kết” trong chiến đấu chống IS.
Còn ở Washington những chỉ trích của người Cộng Hòa về chính sách đối ngoại của Tổng Thống Obama, trong đó có cuộc chiến tranh chống IS, càng gia tăng mạnh mẽ hơn. Thượng Nghị Sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện, diễu lời tổng thống cho rằng sự thay đổi khí hậu là một đe dọa đến an ninh Hoa Kỳ vì không kiểm soát được IS. Tổng Thống Obama muốn liên hệ chuyện máy bay Mỹ đã không thể hoạt động tại Ramadi khi IS tấn công với điều kiện thời tiết bão cát đang xảy ra.

Những màn khẩu chiến quốc tế như thế làm nổi bật sự bất đồng quan điểm giữa Hoa Kỳ, Iraq, Iran về phương cách chiến tranh chống IS. Chiến dịch không kích kéo dài 10 tháng của Hoa Kỳ cùng đồng minh đến nay tỏ ra chưa đạt tới một kết quả cụ thể nào và chiến tranh sẽ còn kéo dài vô hạn định.

Thật ra kinh nghiệm lịch sử cho thấy chiến tranh không bao giờ là dễ dàng vì không thể căn cứ trên lực lượng, quân số hay vũ khí vượt trội của một bên. Chiến tranh tại Afghanistan, Iraq hay sẽ xảy ra giữa các lực lượng nào đó trên Biển Ðông, biển Hoa Ðông đều không thể nhanh chóng đi tới một kết quả dứt khoát. Tại khu vực Trung Ðông, tình thế còn rắc rối hơn nhiều do sự phức tạp của các phe lâm chiến.

Ở đây không thể đi quá sâu vào những phân tích, nhưng cần phải nhìn qua sự phát sinh và lớn mạnh của cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo IS. Trên căn bản, đây là một tổ chức cực đoan quá khích Sunni, giáo phái đối nghịch với Hồi Giáo Shia từ lâu đời và sự hòa hợp chưa bao giờ có, mọi sự hòa giải chung sống chỉ có tính cách cục bộ trong từng giai đoạn.

IS nổi lên từ tỉnh Anbar, nơi phe Sunni đối lập bị đàn áp dưới thời Nouri al-Maliki, thủ tướng Iraq từ 2006 đến 2014, dân Hồi Giáo Shia được sự ủng hộ của Iran và Syria. Bị đánh đuổi, IS chạy qua Syria và dần dần trở nên một thành phần mạnh trong lực lương nổi dậy chống chính quyền Tổng Thống Bashar al-Assad. Tháng Sáu năm ngoái, bằng một chiến dịch chớp nhoáng IS trở lại đánh chiếm được một phần lãnh thổ lớn miền Bắc và Tây Iraq, đe dọa đến cả thủ đô Baghdad, rồi chỉ dừng lại khi Hoa Kỳ can thiệp bằng không lực.

Tháng Chín năm ngoái, Thủ Tướng Haider al-Abadi được tổng thống và Quốc Hội chỉ định thay thế al-Maliki. Là dân Hồi Giáo Shia nhưng al-Abadi với sự cố vấn của Hoa Kỳ, chủ trương một chính sách hòa hoãn hơn nhằm cố gắng thu phục người Hối Giáo Sunni cùng chống lại hành động tàn bạo của IS, tuy nhiên đường lối này không có nhiều kết quả.

Quân đội Iraq với sự tiếp sức của dân quân Shia đầu năm nay đã lấy lại được Tikrit, thành phố trung tâm dầu lửa phía Bắc Baghdad. Sau đó quân Iraq và dân quân người Kurd cũng tiến đánh Mosul, nhưng chưa chiếm được thành phố lớn nhất ở miền Bắc Iraq đã bị quân IS tràn ngập tháng 6 năm ngoái.

Những trận đánh này đều được trợ lực bởi các cuộc không kích của máy bay Hoa Kỳ và đồng minh. Ngoài ra một số đơn vị đặc biệt Iran, với sự yểm trợ bằng trọng pháo và hỏa tiễn cũng tham gia trận chiến. Một cách mặc nhiên, không có sự chính thức thỏa thuận, Iran trở thành đồng minh cùng Hoa Kỳ trong trận chiến chống IS.

Hoa Kỳ vẫn giữ vững chủ trương không đưa bộ binh vào trận, và các toán lực lượng đặc biệt nếu có can thiệp chỉ bằng sự hướng dẫn phi cơ oanh kích. Mặc dầu đường lối chiến tranh này bị một số dư luận trong cũng như ngoài nước chỉ trích là làm hạn chế hiệu quả, nhưng dứt khoát chính quyền Mỹ không muốn để bị vướng mắc một lần nữa trong một cuộc chiến tranh có những yếu tố vô cùng phức tạp và không thể nào bảo đảm diễn biến cùng hậu quả.

Tuy nhiên lực lượng IS chưa hề suy yếu như người ta tưởng. trong Tháng Năm vừa qua đã chiếm được thành phố cổ Palmyra khi lực lượng phòng vệ của chính quyền Syria suy sụp sau nhiều tháng chiền đấu vô vọng. Nhưng thành công lớn nhất của IS là chiếm được thành phố Ramaadi, thủ phủ tỉnh Anbar, một trung tâm của dân Hồi Giáo Sunni. Người ta nhận thấy dù cho dân chúng lo sợ IS nhưng có lẽ họ còn lo ngại dân quân Shiite nhiều hơn. Vì vậy một số tin tức từ chiến trường cho biết dân chúng Ramadi tiếp đón quân IS như những người giải phóng.

Tại Palmyra ở Syria cũng như Ramadi ở Iraq, quân IS đã giết hại hàng trăm người và đi lục soát từng nhà để truy lùng các cảnh sát cùng thành phần giáo phái bộ tộc thân chính quyền. Muhamad Haimur, một phát ngôn viên của chính quyền tỉnh Anbar nói rằng ước lượng có khoảng 500 người cả binh sĩ và thường dân bị giết ở Ramadi, và khoảng 8,000 người bỏ chạy khỏi thành phố.

Tướng Hossein Dehghan, bộ trưởng Quốc Phòng Iran, tuần trước đã bay đến Baghdad họp với giới lãnh đạo Iraq để bàn về việc lấy lại Ramadi. Theo truyền hình al-Jazeera, Ðầu tuần này quân đội Iraq đã chiếm được Husaybah, thị trấn cách Ramadi khoảng 6 dặm về phía Ðông. Kareem al-Nouri, một phát ngôn viên của lực lượng dân quân Shia, nói rằng chưa thể biết chừng nào mới tiến vào Ramadi. Theo lời al-Nouri: “Mặc dầu khó khăn, nhưng Anbar là tỉnh có địa thề bằng phẳng và trống trải để có thể nhận ra địch. Hiện nay trước hết chúng tôi còn lo củng cố tuyến phòng thủ.”

Sự dè dặt của Hoa Kỳ trong chiến lược chống IS là hợp lý vì giữa chiến trường Trung Ðông, phân biệt bạn và thù không phải là điều dễ. Các cuộc không kích có thể đem đến những tổn thất ngoài dự tính cho cả chiến binh bạn và thường dân, tuy vậy sẽ tránh được những phản ứng bất ngờ làm tình hình khó khăn thêm. Vì vậy 3,000 binh sĩ Hoa Kỳ có mặt trên đất Iraq ngày nay chỉ phụ trách nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Iraq và ở cách xa chiến tuyến.

Theo lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter: “Chúng tôi tiếp tục yểm trợ bằng không lực và cung cấp trang bị cùng huấn luyện cho quân đội Iraq, nhưng sẽ theo sát tình thế để có những biện pháp thích ứng.” Ông nói thêm: “Không kích là có hiệu quả, nhưng không phải tự nó hay gì khác mà chúng ta làm có thể thay thế cho ý chí chiến đấu của người Iraq.”

Ngoại Trưởng John Kerry công du ở Nam Hàn khi Ramadi thất thủ, tuyên bố vẫn tiếp tục tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến đấu chống Nhà Nước Hồi Giáo IS, nhưng nhìn nhận rằng cuộc chiến sẽ lâu dài và còn nhiều khó khăn.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Biển Đông Dựng Pháo Đài

Trần Khải

Thập phần hung hiểm... Chưa ai dám chắc rằng sẽ tránh được Cuộc Chiến Biển Đông. Và nếu bùng nổ chiến tranh, cũng không ai dám chắc có thể tránh được Thế Chiến 3 hay không.

Bản tin RFI đưa một hình ảnh đẹp trong thời nguy kịch này: Quân đội Việt Nam và Philippines giao lưu tại Trường Sa...

Bản tin này viết:

“Vào lúc Trung Quốc không ngừng nhe nanh vuốt tại quần đảo Trường Sa, lực lượng Việt Nam và Philippines đồn trú trong khu vực đã tổ chức đấu bóng và cùng nhau hát karaoke, trên một hòn đảo hiện do Philippines kiểm soát. Theo giới quan sát, đây là thêm một dấu hiệu chứng tỏ xu hướng thắt chặt thêm quan hệ an ninh giữa hai quốc gia Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép dữ dội nhất tại Biển Đông.

Theo tiết lộ của các giới chức Hải quân cấp cao của Philippines, binh lính hai bên đã thi đấu bóng đá và bóng chuyền trên đảo Song Tử Đông, tên quốc tế là Northeast Cay, tên Philippines là Parola. Đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của Manila từ năm 1968, nhưng cũng bị Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền.

Cũng theo nguồn tin trên, vào sáng sớm, một chiếc tàu hải quân của Việt Nam đã chở 60 thủy thủ Việt Nam đến đảo này để giao lưu với 100 lính Philippines đã có mặt trên đảo. Một quan chức hải quân cấp cao của Philippines xin giấu tên xác định là các sinh hoạt thân thiện đó vừa giúp lực lượng đồn trú của cả hai bên thư giãn, vừa «tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước».

Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters, hợp tác đã nở rộ giữa Hà Nội và Manila, kể từ khi hai bên quyết định tạm gác hàng thập kỷ căng thẳng do tranh chấp chủ quyền song phương ở quần đảo Trường Sa, để đối phó với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, hiện đang đẩy mạnh tiến độ bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực để làm bàn đạp tiến sâu vào khu vực trung tâm của vùng biển Đông Nam Á.”(hết trích)

Câu hỏi là, có phải chỉ giả vờ giao lưu thân thiện, nhưng thực chất có thể là tập trận chung, họp mật giữa các quan chức Hải quân hai nước?

Dù sao đi nữa, thế hợp tác naà là tất nhiên.

Bản tin RFI kể:

“Giới ngoại giao và chuyên gia đã lồng quan hệ đối tác mới giữa Hà Nội và Manila vào trong xu thế hình thành một mạng lưới liên minh không chính thức trên toàn châu Á xuất phát từ thái độ quan ngại trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Patrick Cronin, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm về An ninh Mới của Mỹ - Center for a New Americab Security - ở Washington nhận định: « Một trục liên kết Manila-Hà Nội sẽ đặt một rào cản đối với tham vọng của Trung Quốc nhằm kiểm soát hầu hết Biển Đông… Điều đó có thể là sẽ không làm thay đổi ngay lập tức tương quan lực lượng trong khu vực... nhưng sẽ làm nổi cộm vấn đề là các hành động quyết đoán đơn phương của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa sư ổn định và thịnh vượng (của khu vực).»...”

Trong khi đó, bản tin VOA ghi nhận: 'Một tai nạn trên Biển Đông có thể khơi mào chiến tranh Mỹ-Trung'...

Nghĩa là, tình cờ lịchs ử, hay một trường hợp tao ngộ chiến?

Bản tin VOA viết:

“Một chuyên gia về chính sách từng giảng dạy tại Đại học Yale của Hoa Kỳ cảnh báo một tai nạn ở Biển Đông có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ-Trung, và nguy cơ xung đột xảy ra giữa hai cường quốc này hiện nay cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 20 năm qua.

Trong một bài viết cho tờ The Commentator, Giáo sư Michael Auslin, từng giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Yale, nêu ra 3 tình huống mà ông nói có thể dẫn tới xung đột.

Tình huống thứ nhất, theo ông Auslin là một tai nạn máy bay đâm va vào nhau trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc và một phi cơ trinh sát của Hải quân Mỹ đụng nhau ngoài khơi đảo Hải Nam, gây ra một vụ tranh cãi quốc tế.

Giáo sư Auslin nói rằng trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang xem xét tới việc điều tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong Biển Đông, và như thế tiến vào vùng biển mà giờ Trung Quốc tuyên bố là thuộc lãnh thổ có chủ quyền của họ, thì khó có thể tránh khỏi những hành động quấy nhiễu của các tàu Trung Quốc đối với các tàu Mỹ, có nguy cơ dẫn tới một tai nạn tàu va vào nhau, kéo theo phản ứng của cả hai bên.

Ông Auslin nói đó là điều mà Trung Quốc đã làm với tàu bè của các nước khác, và một tai nạn có thể dẫn hai nước tới chỗ đối đầu với nhau.”(ngưng trích)

Mặt khác, bản tin VnExpress nêu ra viễn ảnh hung hiểm: Tính toán của Trung Quốc khi nói về khả năng lập ADIZ ở Biển Đông.

Bản tin naỳ viết:

“Một chuyên gia Australia nhận định Trung Quốc phát tín hiệu có tính toán kỹ lưỡng, khi nêu khả năng lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua cho biết nước này có quyền lập các ADIZ. Ông cho rằng việc nước này có lập ở Biển Đông hay không sẽ phụ thuộc và các yếu tố như liệu an toàn hàng không Trung Quốc có bị đe doạ hay không và mức độ nghiêm trọng của mối đe doạ.

Theo Financial Times, dù đây không phải là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc đề cập đến chủ đề ADIZ, các chuyên gia cho rằng nó có ý nghĩa khi tuyên bố được đưa ra trong thời điểm căng thẳng gia tăng vào tháng này, sau khi máy bay trinh sát P-8 của Mỹ chở đội phóng viên CNN bay gần khu vực Trung Quốc bồi đắp đá trái phép ở Biển Đông.

Giáo sư Rory Medcalf, lãnh đạo trường An ninh Quốc gia, thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết việc nêu lại khả năng về một vùng ADIZ mới là một tín hiệu có tính toán kỹ lưỡng từ Bắc Kinh.”

Trong khi đó, báo Một thế Giới ghi lời Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn rằng Trung Quốc đang công khai và ráo riết thực hiện các hoạt động lấn biển, thi công công trình với quy mô rất lớn ở trên tất cả cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa, đặc biệt ở 5 điểm Ga Ven, Huy Gơ, Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, trong đó công trình ở Chữ Thập lớn nhất.

Ông nói:

"Việc làm của Trung Quốc bất chấp phản đối của ta. Đó là bước đi chiến lược của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò, không loại trừ tiến tới khống chế và kiểm soát toàn bộ phía nam biển Đông. Vừa rồi họ ra lệnh cấm đánh bắt cá là cũng không loại trừ sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng công và chính hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng tuyên bố DOC, đe dọa an ninh trên biển Đông..."

Hung hiểm là vậy. Các pháo đài đã dựng lên ở Biển Đông rồi...
buikiem
Posts: 503
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Image

Tướng Mỹ: Nói Về CS, Biển Đông

Vi Anh
Một độc giả thưòng ngày của Việt Báo, luôn theo dõi thông tin, nghị luận về Trung Cộng, Mỹ và Biển Đông của VN, có nhã ý gởi cho người thường viết trên mục Trước Thời Cuộc, cuộc phỏng vấn vị Tướng Tư Lịnh Lực Lượng Mỹ ở Á châu Thái Bình Dương trên tạp chí Time. Phân tich thấy có một số sự kiện và nhận định của vị Tướng này - thiết nghĩ - rất có ích và rất cám ơn bạn đọc ấy dã giúp thêm tài liệu sưu khảo và bình luận. Vì tầm quan trọng của lời nói và ý nghĩa của câu chuyện của người có trách nhiệm điều binh khiển tướng cao nhứt của Mỹ trong vùng Á châu Thái Bình Dương, xin phép trình bày và phân tích để người Việt trong ngoài nước chúng ta nhận định một vấn đề của nước nhà mà chúng ta hằng quan tâm và tha thiết.

Đô đốc Harry B. Harris Jr. Tư lịnh Lực Lượng Mỹ ở Á châu Thái Bình dương nhận chức này ngày 27 tháng Năm, 2015, bộ tư linh ở Trân Châu Cảng Pearl Harbor, Tiểu bang Hawaii. Ông là một người Mỹ gốc Á châu, 59 tuổi, con của một hải quân người Mỹ và mẹ là một phụ nữ Nhựt, sanh ở Nhựt và gia đình về sống ở một nông trại ở TB Tennessee. Như mọi tướng lãnh khác vào Hải Quân Học Viện Mỹ, tốt nghiệp sĩ quan Hải Quân và một số bằng hậu đại học. Ông từng làm đại diện quân sự cho hai trào Ngoại Trưởng Hilary và Kerry. Vùng trách nhiệm quân sự của Ông hiện thời trải rộng từ California đến Ấn độ Dương, từ Bắc Cực tận Nam Cực. Người ta tin rằng một vi tướng là người Mỹ gốc Á châu đầu tiên giữ chức vụ chỉ huy quân sự cao nhứt ở Á châu Thái Bình Dương, nguồn cội của Ông rất hữu ich, giúp rất nhiều trong việc tạo tương quan tốt giữa Mỹ và các nước Á châu Thái Bình Dương.

Ông nhận nhiệm vụ trong thời gian và trong vùng đang nhiều gây cấn khó khăn. Trong lúc Mỹ chuyển trục quân sự về vùng này và đang vận động thành lập hiệp ước thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa 12 nước trên hai bờ của đại Dương này, nhưng không có TC. Chiến lược mà một số nhà quan sát quốc tế nhứt là TC cho là Mỹ mưu toan bao vây TC về quân sự và kinh tế.

Trong vùng này, vị Tướng có trách nhiệm cao nhứt là Đô Đốc Harry B. Harris Jr Mỹ nói đang phải nỗ lực đối phó với hai chế độ CS. Một là TC đang trừng lên, trổi dậy bành trướng một cách ngang ngược, gây hấn. Hai là một chế độ CS khép kín nhứt hành tinh nhưng lãnh tụ là người đồng bóng nhứt giết thân nhân gia đình, trợ thủ thân cận không gớm tay, hăm dọa dùng vũ khí ngyên tử tiêu diệt Mỹ và đồng minh Nam Hàn và Nhựt bổn.

Mới đây Ông dành cho tạp chí Time một cuộc phỏng vấn của nhà báo Kirk Spitzer, liên quan đến điểm nóng Biển Đông. Có nhiều điểm làm cho người ta thấy rõ chiến lược của Mỹ, từ người có nhiệm vụ điều binh khiển tướng trong vùng. Trong đó có vấn dề Biển Đông TC đang chiếm cứ, làm thành khu quân sự trên biển đảo và vùng cấm bay trên không. Còn Mỹ đang mở cuộc tuần tra, bị Hải quân TC xua đuổi.

Ông trình bày chánh quyền Obama đã nói việc tái cân bằng quân sự và kinh tế ở Á châu Thái Bình Dương. Có người nghi ngờ, tự nhũ đó là sự thật, hay chỉ là thuật hùng biện.

Nhưng theo Ông, nói tại căn cứ Hải Quân Mỹ ở Singapore, không những chiến lược tái cân bằng ấy là thực mà phần quân sự của chiến lược đang diễn tiến. Mỹ đang tăng cường liên minh về an ninh và đối tác chiến lược trên toàn vùng. Hải quân đã điều đến đây những phương tiện chiến tranh, những chiến cụ tân kỳ nhứt của Mỹ về dây. Thí dụ như máy bay trinh sát P8, tàu chiến cận duyên, tàu lặn lớp Virginia, tàu đổ bộ như U.S.S.America. Thuỷ quân Lục Chiến Mỹ đã đưa chiến đấu cơ tân tiến nhứt V-22 Osprey về đây và Joint Strike Fighter F-35 về đây và lực lượng Joint Strike Fighter cũng sẽ sớm đến đây. Hải Quân đã lên kế hoạch chuyển 60% hải lực của Hải quân trước năm 2020. Ông kết luận, “Như thế tôi có thế nói với Anh tái cân bằng chiến lược là thực sự.”

Sự sẵn sàng chiến đấu, khả năng có thể chiến đấu ngay đêm nay, là ưu tiên hàng đầu của Ông. Chúng ta phải sẵn sàng cho những bất chợt. Chúng ta phải sẵn sàng đề phòng những bất trắc chiến lược.

Khi Anh chịu trách nhiệm bảo vệ một vùng bao phủ phân nửa địa cầu, anh phải cần bạn bè. Vậy xây dựng tương quan mạnh mẽ và làm việc nhuần nhuyễn với đông minh và đối tác để đối phó với những thách thức về an ninh – đó là điều quan trọng.

Anh đã nêu những quan tâm sâu sắc đối với Trung Quốc, gồm cả sự xây cất một chuổi đảo nhân tạo như “Vạn Lý Trường Thành Bằng Cát”. Thì tại sao Mỹ không quan tâm sâu sắc. Tôi đã trong dĩ vãng chỉ trích những khiêu khich của TQ. Như đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên vùng đông bắc của Thái Bình Dương, như đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, và những tuyên bố chủ quyền lố bịch, vô căn cứ trên 90% Biển Đông.

Tôi nghĩ đó là những việc trái luật lệ và qui chuẩn quốc tế Nó làm các nước láng giềng của TQ phẩn nộ và làm mất ổn định và hòa bình trong vùng.

Ông nói 5 ngàn tỷ Đô la hàng hoá tàu chở qua Biển Nam Hải mỗi năm. Tự do hàng hải vô cùng quan trọng. Vi vậy những gì TQ làm là gây xáo trộn. Họ bồi lắp ở đó với một tốc độ chóng mặt trong mấy tháng vừa qua. Họ làm thêm bằng tay khoảng 2.000 acres vuông đảo, bằng khoảng 1.500 sân đá banh nếu con toán của tôi chinh xác. Họ còn xây dựng những công trình đồ sộ trên những đảo nhân tạo này, cho mục tiêu rõ ràng, theo quan diểm của tôi, là mục tiêu quân sự, kể cả những phi đạo và hải cảng.

Trả lời nhà báo hỏi điều gì Ông lo nhứt, điều gì làm Ông tỉnh giấc ban đêm. Sau khi trình bày mối lo đối với TC đang gây hấn vùng biển vùng trời ở Biển Đông như trên, Ông nói thách thức lớn nhút chúng tôi phải đối phó là Bắc Hàn. Họ có một người lãnh đạo không tiên đoán được, luôn có khuynh hướng, theo ý tôi, muốn tấn công những đồng minh của Mỹ, là Hàn Quốc và Nhựt bổn. Ông ấy đang tìm kiếm vũ khí nguyên tử và phương tiện phóng đi liên lục địa. Ông ấy đang giết những người xung quanh không đồng ý với Ông, và đó là điều chúng ta phải luôn quan tâm đặc biệt. Bắc Hàn làm cho tôi tỉnh giấc ban đem./.(Vi Anh)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests