Bình Luận , Quan Điểm

nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

'Khen ai khéo kết (ối a) cái đèn cù...’

Nguyễn Ngọc Bích
(nhân đọc Ðèn Cù của Trần Ðĩnh)

Ðã khá lâu ta không được nghe thấy có tác phẩm nào đáng kể được sản xuất ra ở quê nhà. Thậm chí mấy cuốn sách do người “trong nước” viết xem ra lại xuất bản ở ngoài này trước, hay ít nhất cũng nổi tiếng ở ngoài này trước rồi mới được thấy ở trong nước nhắc nhở đến, như Bên Thắng Cuộc của Huy Ðức (đã về trong nước), hay Ðại Vệ Chí Dị của Người Buôn Gió (hiện đang ở Ðức).

Ðang còn phân vân về chuyện này thì hôm rồi, tôi gặp một chuyện “ngẫu nhĩ” (mượn chữ của Bùi Giáng) khá ly kỳ. Ðó là tôi và nhà tôi vừa ăn cơm xong ở Viet Royale, đứng dậy sửa soạn đi ra thì bỗng một người bạn từ thuở xa xưa (nghĩa là từ ngày chúng tôi còn là sinh viên, cũng phải cách đây gần nửa thế kỷ) reo lên: “Ô anh Bích 'Ðèn cù!'” Lạ quá, ai mà có thể nhớ được cái hỗn danh của tôi đã có từ cả mấy chục năm rồi!

Thì ra không những anh nhớ, anh còn nhắc nữa: “Ô khi hát, anh còn vung tay, múa chân, dậm mạnh xuống đất, tay chỉ mặt trăng: 'Ú lí đêm... đêm rằm / Tình cốt tình tình tình cốt...” Tôi phục anh quá vì quả khi nhỏ, tôi lên sân khấu có biết sợ ai đâu, và có lẽ hát bài “Ðèn Cù” khá thuyết phục nên người ta mới cho tôi cái biệt danh là “Bích Ðèn Cù.”

Ðây là nhớ đến cái ngày vàng son trước 75, ở xứ này chẳng có ca sĩ chuyên nghiệp nào (khác hẳn bây giờ) nên ở xứ mấy anh mù anh chột làm vua. Không ít người nhớ là hồi đó, mỗi khi có bài gì mới từ VN qua, nhất là vào mấy lễ hội Tết, là NNB tôi có dịp trổ tài giới thiệu mấy bài đó ngay. Cho nên từng giai đoạn một, tôi được bạn bè cho đủ thứ hỗn danh: Hết “NNB dân ca” hay “NNB Cò Lả” thì lại đến “NNB Tâm Ca” (của Phạm Duy), “NNB Da Vàng” (Trịnh Công Sơn) hay “NNB Tuổi Ðá Buồn” (Từ Công Phụng). Kể cũng vui vì đi đâu sau đó, người ta biết sẵn hỗn danh của tôi là đòi tôi biểu diễn tắp lự! (chữ này học của anh Vũ Thư Hiên!)

Nhưng tôi đang đi quá xa đề tài!

Cái ngẫu nhiên nằm ở đâu?


Về nhà nhận được Ðèn Cù thứ thiệt

Về đến nhà hôm đó thì trong bưu kiện tôi lại nhận được một gói từ Ðinh Quang Anh Thái ở Người Việt (từ California) gởi tặng. Mở ra thì hóa ra là cuốn sách khá dầy của Trần Ðĩnh với cái tên gần như định mệnh là Ðèn Cù!

Mở ra đọc, gặp ngay một bài giới thiệu khá dài (13 trang) và thật bay bướm của anh Ngô Nhân Dụng, tức nhà thơ Ðỗ Quý Toàn, thế thì thử hỏi mình còn cái gì để có thể “còm” thêm vào được dù như rất thích cuốn sách.

Ðến hôm nay, mở Việt Báo ra xem thì lại đụng ngay bài điểm sách của Phan Tấn Hải mà Hải đã điểm sách thì bao giờ cũng sâu sắc mà vẫn không trùng đụng bao nhiêu với bài giới thiệu phong phú của anh Ngô Nhân Dụng. Thế mới biết cuốn sách của Trần Ðĩnh quả là một mạch khoáng sản không dễ gì khai thác hết ngay được.

Tôi đọc một mạch và không rời được cuốn sách cho đến khi ào tới trang cuối và gấp sách lại, suy nghĩ mông lung.

Vậy đâu là ma lực của cuốn sách?

Tôi nghĩ trước hết là nghệ thuật viết mà Trần Ðĩnh đã nắm rất vững. Cả hai người điểm sách thuộc hạng thượng thừa là anh Ngô Nhân Dụng và Phan Tấn Hải đều nhắc đến điểm này, như chuyện cô Xuân, Nông Thị Xuân, người mà “Bác” đã ăn nằm với, đã có con với, rồi cho Trần Quốc Hoàn thủ tiêu (sau khi hãm hiếp) bằng một tai nạn xe hơi dựng đứng ở Chèm, một chuyện mà chồng cô Vàng (em họ cô Xuân, sau cũng bị giết để bịt miệng) đã có thư chi tiết cho Nguyễn Hữu Thọ, khi ông này là chủ tịch Quốc Hội, để tố cáo; một chuyện mà Vũ Thư Hiên đã kể trong Ðêm Giữa Ban Ngày là cha ông, cụ Vũ Ðình Huỳnh, có lúc là bí thư của ông Hồ, đã dẫn ông lên tận Chèm để chỉ chỗ có tai nạn “phịa” nhằm che đậy án mạng bỉ ổi của Hoàn (cho người lấy búa đập vào đầu cô Xuân); một chuyện mà ông Nguyễn Minh Cần, lúc đó là phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội (tức cũng như phó thị trưởng), cũng đã kể lại chi tiết trong sách Công Lý Ðòi Hỏi... Song tất cả những bản tường trình kia chỉ nêu lên được cái ác của “Già Hồ” và tay sai của ông ta, một tên quỷ gốc gác du côn, du thủ du thực mà vẫn được lên làm tới bộ trưởng Bộ Nội vụ (tức công an sau này). Có thể nói không ai đem được hình ảnh lãng mạn và cái tình người, “con người” e lệ của một sơn nữ đẹp, “con nuôi Bác” mà “Bác” về sau vẫn đem ra “thịt,” cho bằng Trần Ðĩnh khi tả cô X. ở các trang 97 98:

“Em giới thiệu anh với Bác nhé... nhé...”

“Tôi quả đang vút lên chín tầng mây” nhất là sau khi nhớ lại, “mới hôm qua... được giơ tay ra đỡ X. Bàn tay con gái tôi lần đầu nắm lâu trong đời. Và cảm giác rạo rực theo tôi mãi...” Xong “X. đỏ bừng mặt... chợt lóng ngóng không đút nổi chiếc thìa vào trong cái túi dài... Chiếc thìa rơi xuống cỏ.” Ðể rồi khám phá ra, ở trang 183, là Xuân (tên cô gái) đã bị tai nạn ô tô chết. Và, trang 375, nhớ về một chuyện “tình trong như đã, tình ngoài còn e.” Cả một cuộc tình, phác họa trong mấy nét đan thanh!

Trần Ðĩnh là ai?

Phải nói, bàng bạc trong gần 600 trang khổ lớn của cuốn sách là một sự thương xót. Thương xót trước hết là cho mình, cho tác giả Trần Ðĩnh. Vậy Trần Ðĩnh là ai?

Nếu bảo anh là người đầu tiên chấp bút viết tiểu sử chính thức của “cụ Hồ” từ tháng 5, 1960, thì ta có thể hạ ngay một câu, anh chắc hẳn phải là một văn nô. Không những thế, anh cũng còn đã giúp vài nhân vật nổi tiếng khác trong chế độ CS cầm quyền ở VN như Phạm Hùng, Lê Văn Lương viết tự truyện Trong Xà Lim Án Chém, Gặp Bác ở Paris (truyện ký của Bùi Lâm), và nhất là cuốn Bất Khuất, hồi ký tù Côn Ðảo của Nguyễn Ðức Thuận (1967), một cuốn sách nổi danh một thời làm nên tên tuổi của anh. Nhưng lạ, đọc cuốn Ðèn Cù, ta không có cảm giác anh là một người lệ thuộc, nhất là lệ thuộc đảng CS mà lại thấy một người mà trong tiếng Anh gọi là “free spirit,” một con người khá độc lập tự do trong tư tưởng, chưa kể là có thực tài về văn.

Và anh cũng lại là một người có thực tâm vì hòa bình. Vì sao? Vì đọc hết cuốn sách, ta mới rõ anh thuộc về một gia đình trung lưu trong đó chỉ có hai người con “thoát ly” đi theo Việt Minh, đi theo kháng chiến, một lựa chọn không phải là hiếm của một số người mới lớn lên vào những ngày bồng bột của Cách Mạng Mùa Thu, Cách Mạng Tháng Tám của Việt Cộng. Người anh là Trần Châu và Ðĩnh là em. Cả gia đình tuy có tản cư khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ (tháng 12, 1946) nhưng sau đó, đã theo ông bố về thành rồi lại đi vào Nam khi chia đôi đất nước. Ông bố là một người rất sáng suốt nên sớm nhìn ra cái ác và cái hại của CS.

Sản phẩm của một trường Pháp (?), anh, sinh năm 1930, đã được tôi luyện trong chiến đấu trên mặt trận tuyên truyền bởi ngay chính Trường Chinh, một người mà anh vẫn giữ được cảm tình sâu đậm, anh lại còn được gởi đi từ rất sớm (chỉ ít lâu sau khi Việt Minh vào Hà Nội năm 54) sang Trung Quốc học 5 năm cùng với người yêu của anh là nữ nghệ sĩ vũ gốc Hoa, Hồng Linh, mà bố đã bị Việt Minh “thịt” vì nghi là điệp viên của Tưởng (Giới thạch). Thời gian anh ở Trung Cộng là thời gian của Trăm Hoa Ðua Nở, trăm nhà tranh tiếng, một bẫy sập mà Mao lập ra để diệt Hồ Phong và các văn nghệ sĩ “hữu khuynh,” rồi đến Bước Tiến Nhảy Vọt (1959) trong đó khoảng 40 triệu dân Trung Hoa chết đói, có nơi phải quay ra ăn thịt người. Sống qua tất cả những giai đoạn khủng khiếp đó ở xứ người, anh nhận xét bằng một con mắt đầy thương cảm. “Tôi lạnh người,” anh viết, khi nghe một anh bạn Trung Hoa kể:

“Mình có một ông chú họ làm đội trưởng ở công xã. Trên bắt ông khai vống lên lấy sản lượng vệ tinh [nghĩa là sản lượng ở trên trời. NNB chú]. Ông không nghe, sợ khai man nộp hết thì đói. Thế là bị đánh gẫy hai hàm răng. Cứ nhè mồm đánh bắt nhận 'vệ tinh,' cuối cùng đầy mồm máu khai man. Nhờ đó được chữa không tiền cái tay bị đánh què nhưng răng thì đắt quá thành ra từ nay ông chú chỉ nuốt không nhai. Sự thật phải nuốt, nhai gẫy răng ngay. Cứ thả cửa nói phét rồi bạo lực giáng xuống cho thật khỏe vào là cái giả toàn thắng.”

Cả một cuốn sách mà hết trang này đến trang khác toàn những hình ảnh đập mắt như vậy, cho thấy cái tài viết ký vượt trội của Trần Ðĩnh. Cả anh Ngô Nhân Dụng lẫn anh Phan Tấn Hải đều phải nhắc đến trường hợp ghê khiếp mô tả cái chết dã man, rùng rợn của bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long), ân nhân của cách mạng, và vai trò đồ tể của Hồ Chí Minh trong cái chết đó một điều làm cho GS Nguyễn Văn Tuấn ở tận Úc cũng phải đòi đặt lại vấn đề về sự đánh giá của họ Hồ.


Mấy đặc điểm nổi bật của cuốn sách

Không chỉ giỏi tiếng Pháp và tiếng Hoa, anh xem ra cũng rất thông thạo tiếng Anh nên anh đã có một hành trang tri thức rất rộng và một vốn văn học nước ngoài đáng nể (có lẽ chủ yếu qua tự học) mà ta có thể thấy được rải rác trong toàn bộ cuốn sách. Không lạ là trong những năm tháng bị trù dập, anh đã căn bản sống bằng nghề dịch, với một sự nghiệp đáng nể. Trên bìa sau cuốn sách, ta được biết anh đã dịch khoảng 30 tác phẩm từ tiếng nước ngoài, trong đó phải kể: Linh Sơn của Cao Hành Kiện (Giải Nobel năm 2000, dịch từ tiếng Pháp, La montagne de l'âme), Rebecca của Daphne du Maurier, Nụ Hôn Của Ngọn Gió Ðêm (tức The Kiss of the Night Wind) của Janelle Taylor, Người Chìa Khóa (The Keylock Man) của Louis Lamour, Ðời Tỷ Phú (Le Grec) và Ðồng Tiền Thấm Máu (Out) của Pierre Rey, Máu Lạnh (In Cold Blood) của Truman Capote, Những Con Chim Hồng Hộc (The Wild Swans) của Trương Nhung, Bồ Câu Cô Ðơn (Lonesome Dove) của Larry McMurtry, Ngầm (Underground) của Haruki Murakami v.v... Tóm lại, một sự nghiệp dịch thuật rất đáng nể. Về phương diện này, ta có thể nói đây là một nét thật hiếm có nơi các thành phần tạm gọi là “trí thức” của CSVN.

Nhưng đáng nói hơn, anh là một thành phần đã ngả về phe hòa bình khi cộng sản tái phát cuộc chiến ở miền Nam. Có lẽ cũng vì thương xót cho gia đình và đồng bào nên anh và một số bạn ngả về chủ trương “chung sống hòa bình” (“peaceful co existence”) do Khrushchev chủ trương trong cuộc tranh chấp Nga-Hoa. Nào ngờ, anh đã vì thế mà trở thành một trong những quân bài để Hà Nội mặc cả với Bắc kinh, bắt đầu từ 1966- 67, khi cho bắt cả nhóm từ Hoàng Minh Chính, chủ nhiệm Viện Triết Học Mác Lê, đến Tướng Ðặng Kim Giang, Vũ Ðình Huỳnh, Lê Trọng Nghĩa, Phạm Viết, Phan Văn Vấn, Vũ Thư Hiên, Trần Thư, v.v... gần 300 người, bị bắt nhốt nhiều năm để rồi có người về sau chết rũ mục trong tù.

Ngay những người như Trần Ðĩnh, tuy không bị tù tội nhưng vẫn bị điêu đứng, và mặc dầu có tài được công nhận rộng rãi vẫn phải đi học tập như một công nhân trong một thời gian và không bao giờ được phục hồi danh dự cả. Không những thế, ngay một người phản tỉnh như Nguyễn Trung Thành ở trong Bộ Công An khi dựa vào lương tâm của mình đã đòi phục hồi danh dự cho những người bị bắt oan trong vụ gọi là “xét lại chống đảng” này lại cũng bị trù dập. Thành thử quyển Ðèn Cù của Trần Ðĩnh này là một bản tường trình tương đối khách quan nhất về toàn vụ án “xét lại chống đảng” mà ngoài này ta chỉ được biết nhiều thập niên sau qua những sách như của Trần Thư (Tử Tù Tự Xử Lý), Vũ Thư Hiên (Ðêm Giữa Ban Ngày), Nguyễn Minh Cần (Công Lý Ðòi Hỏi)...


Không phải là một cáo trạng chính trị

Mặc dù Trần Ðĩnh đã đưa ra được nhiều tiết lộ động trời về chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc và miền Bắc song cuốn sách lại không phải là một cáo trạng chính trị đối với chế độ. Như ông vẫn dành nhiều cảm tình với người này hay người nọ trong chế độ mà chúng ta ở hải ngoại coi là “tội đồ” và có lẽ lịch sử mai hậu cũng đến cùng một kết luận, song chính ông lại tỏ ra vẫn thân tình với họ, có lẽ dựa thuần túy trên tình cảm cá nhân (như với Trường Chinh hay Hoàng Tùng). Chính tính cách này của cuốn sách sẽ có thể làm cho một số người dị ứng vì họ đi tìm một sự lên án.

Nhưng tôi cho đòi hỏi như thế là một đòi hỏi quá đáng ở một hồi ký. Một hồi ký không phải là một cuốn sách về lập trường chính trị, để nó thật nó phải nói được lên tấm lòng của mình, nghĩa là của tác giả, trong liên hệ tình cảm với tất cả mọi người chung quanh, mọi người mà ta thực sự quen biết. Trong nghĩa đó, cuốn Ðèn Cù theo tôi đã giống những hồi ký như của Ilya Ehrenburg ở Nga trước kia, nói lên sự thật như được nhìn thấy bởi một con người với những yêu ghét của chính người ấy. Ta sẽ công bằng hơn nếu ta chỉ đòi hỏi thế thôi ở Trần Ðĩnh.

Song những tiết lộ từ ngòi bút của ông đã cho ta thấy cả một thế giới rất đa dạng và phong phú, bởi như một “free spirit” ông đã chơi với tất cả mọi người, cả người trong chính quyền lẫn ngoài chính quyền, trong “đảng” ngoài “đảng,” người thân Nga người thân Trung, Tố Hữu và những người Tố Hữu “đì” như Lê Ðạt, Trần Dần, Văn Cao trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, những người trong phe chủ chiến và những người trong phe chống chiến tranh “giải phóng” ở miền Nam trong đó có Trần Ðĩnh. Nhưng biết đâu, cuối cùng phe chiến thắng đã sai và phe chiến bại có khi lại đúng như nhận định sau đây của Nguyễn Tư Nghiêm từ năm 1970:

“Ðĩnh à, chế độ này là capitalisme d'Etat - chủ nghĩa Tư bản Nhà nước, một số người thao túng lũng đoạn toàn bộ tài sản đất nước, cộng sản trá hình thôi, đừng tin họ.” (trang 115)
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Image

'Lãnh đạo VN cần biết rõ bạn và thù'
Kiến nghị nói Việt Nam nên kết bạn với các nước phương Tây từng là cựu thù

Chính quyền Việt Nam phải giải trình cho người dân rõ về những gì mà họ đã ký kết với Trung Quốc tại Hội nghị Thành Đô cách nay hơn 20 năm, một số vị tướng tá về hưu trong quân đội và công an Việt Nam vừa lên tiếng.

Đây là một trong bốn điểm mà 20 vị tướng tá ký tên vào bản kiến nghị đề ngày 2/9 gửi đến Chủ nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Các bài liên quanĐảng viên lão thành kêu gọi thoát TrungVận động thành lập 'Văn đoàn Độc lập VN'Tiến sỹ Hà Vũ ‘sẽ tiếp tục tranh đấu’
Chủ đề liên quanĐảng Cộng sản, Chính trị Việt Nam, Quan hệ Việt Trung
Trao đổi với BBC, Đại tá Bùi Văn Bồng, người từng là cán bộ cao cấp trong báo Quân đội nhân dân, đã xác nhận tính xác thực của bản kiến nghị này.

Ông Bồng cũng bình luận về những đồn đoán liên quan tới nội dung thỏa thuận giữa hai bên từ Hội nghị Thành Đô.

“Chủ quyền đất nước là của toàn dân chứ không phải của các nhà lãnh đạo Đảng,” ông nói, “Cho nên với cương vị lãnh đạo Đảng mà quyết định vận mệnh, lãnh thổ quốc gia là sai hoàn toàn.”

“Hội nghị Thành Đô vẫn đang là một tấm màn bí mật,” ông nhận định.

“Từ khi hội nghị Thành Đô xong, hầu như đường lối đổi mới của Đảng xoay chuyển hẳn. Trong 24 năm vai trò của Đảng ngày càng yếu, uy tín kém đi.”

Kiến nghị được đưa ra vào lúc này, theo ông Bồng, là nhân lúc Đảng đang chuẩn bị văn kiện cho Đại hội 12 để đóng góp ý kiến cho Đảng.

Ngoài điểm về Hội nghị Thành Đô, các vị cựu tướng tá còn thúc giục giới lãnh đạo cam kết cho điều họ gọi là "không được dùng quân đội và công an đàn áp nhân dân, ghi nhận thỏa đáng sự hy sinh của các thương binhh liệt sỹ trong cuộc chiến năm 1979 với Trung Quốc, và xác định chính xác bạn và thù."

“Chúng tôi (những người ký kiến nghị) muốn có sự đổi mới trong các lãnh đạo sao cho có dân chủ, có lợi cho dân và đúng với bản chất truyền thống của quân đội và công an,” ông Bồng nói.

‘Kẻ thù truyền kiếp’
Image
Quân đội Việt Nam phải trung thành với Đảng theo quy định Hiến pháp
Ông giải thích là những vấn đề nêu lên trong các kiến nghị là ‘bức xúc từ lâu lắm rồi’, nhất là việc công an và quân đội được trưng dụng để ‘đàn áp dân’ trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất.

Về kiến nghị xác định rõ ràng bạn thù, ông Bồng nói ông không rõ quân đội Việt Nam hiện nay xác định bạn thù như thế nào nhưng bản thân ông cho rằng ‘Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam vì họ luôn lăm le xâm lược Việt Nam’.

“Pháp với Mỹ là kẻ thù của thời loạn, của hoàn cảnh thế giới nằm trong kế hoạch của các nước tư bản đế quốc một thời,” ông nói thêm.

Hội nghị Thành Đô 1990
Image
Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng hoan nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Thành Đô, Tứ Xuyên từ ngày 3 đến ngày 4/9 năm 1990, họ cũng hoan nghênh Cố vấn Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng cùng đi.
Bản kiến nghị thu hút được 20 chữ ký của các tướng tá về hưu, đứng đầu là Trung tướng Lê Hữu Đức, cựu cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu.

Ngoài ra còn có năm vị thiếu tướng quân đội khác cũng tham gia ký tên, bao gồm các ông Trần Minh Đức, cựu phó tư lệnh Hậu cần ở Thừa Thiên-Huế, Huỳnh Đắc Hương, cựu tư lệnh kiêm chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Lê Duy Mật, cựu tư lệnh kiêm phó tham mưu trưởng Quân khu 2, Bùi Văn Quỳ, cựu phó tư lệnh chính trị Bộ đội Tăng-thiết giáp và Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu chính ủy Quân khu 4, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.

Đại tá Bồng nói rằng 20 chữ ký này ‘chỉ là sự tập hợp điển hình’ bởi vì các ông ‘không có thời gian kêu gọi vận động mọi người’.

“Trong tâm tư của các cựu chiến binh thì họ ủng hộ đông lắm nhưng khi lên tiếng ủng hộ thì họ sợ sệt thế này thế kia. Có khi bị cho là suy thoái tư tưởng,” ông Bồng nói.

Nguồn BBC
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Post by MatVit »


NGƯỜI VIỆT HÔM NAY

Những con số báo cáo giả dối dẫn đến nhận định sai lầm, hoạch định sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế mà nhà nước vừa công bố đã, một lần nữa khẳng định hậu quả chết người của bệnh gian dối, bệnh thành tích lâu đời

( Thời báo kinh tế XHCNVN trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 7/8/2014 tại Hội nghị Đà Nẵng, nguyên văn như sau: “Cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay là không xác thực và so với quốc tế thì không giống ai.” …Các kế hoạch kinh tế của 63 tỉnh thành ở XHCNVN dựa trên những con số tô hồng chuốt lục dẫn tới những sai lạc cho cả quốc gia.)

Theo phóng viên Nam Nguyên : Một đất nước với các chỉ số ảo về tăng trưởng GDP, nợ công không được công bố một cách đầy đủ và minh bạch thì khó có thể đảm bảo không có ngày vỡ nợ. Những khoản nợ công bị phung phí ngày hôm nay chính là gánh nặng cho các thế hệ VN mai sau )

Sự giả dối lâu dài và nghiêm trọng của cả một tầng lớp “trung tâm” đã làm lan tỏa sự giả dối (đồng thời với ) sự hoài nghi ra toàn xã hội. Điều này đã và đang thấm sâu vào tính cách của nhiều lớp thế hệ con người. Chúng ta chợt nhận ra rằng nỗi cô đơn tự nhiên, cố hữu của con người, nay được “gia cố” vững chắc hơn, bởi sự nghi ngờ và sợ hãi. Chúng ta không thể tin những điêù mình thấy, nghe, hay, biết, bởi không chắc đó đã là sự thật. Chúng ta không dám nói bất cứ điều gì mà nó không đồng thuận với sự cho phép, bởi vì chúng ta cảm thấy không được an toàn . Chúng ta không dám nghĩ bất cứ điều gì đi ngược lại sự vận hành chung, bởi vì chúng ta ngại rằng sẽ vô ích, mất thời gian và không hiệu quả.

Dưới tác động của sự hoài nghi và sợ hãi, chúng ta khoanh tròn mình lại, co cụm lại, như con sâu co rút, thu mình trong tổ kén. Chúng ta tự bảo vệ mình khỏi cái thế giới đầy cạm bẫy và bất trắc chung quanh. Chúng ta cũng lại phải dối trá và thủ đoạn để đối phó với những dối trá và thủ đoạn quanh ta, nhằm tìm kiếm một sự tồn tại êm thắm, “yên thân” vượt qua những “va chạm” không thể tránh; nếu không muốn rút lui vào “bóng tối”, ẩn cư nơi sơn lam cùng cốc.

Dần dần, những thứ đó hình thành trong ta một tính cách VÔ CẢM, thờ ơ với mọi người, mọi vật, dần dần ta tự “rèn luyện” cho mình một thái độ lạnh nhạt, hờ hững, vô tình, bỏ mặc những người, những vật trong lúc khó khăn, hoạn nạn, khổ đau cần giúp đỡ. Bởi, con người vốn đã có xu hướng ích kỷ, nay lại có môi trường tốt phát huy, tiếp sức cho sự ích kỷ đó, bởi họ ngụy biện một cách có cơ sở rằng : “Hiện nay, Trung Thực là thứ có giá trị xa xỉ nhất, ít kẻ dám mua bằng sự can đảm hoặc ngu muội của mình. Tình thương, lòng nhân hậu phần nhiều bị lừa gạt, lợi dụng và chế riễu. Lòng tốt và sự cao thượng trở nên lỗi thời và bị biến thành trò hề ngớ ngẩn, tiếp tay cho cái xấu”. Sau những “bài học” cay đắng để rút ra kinh nghiệm đó, mấy ai có thể vượt qua được sự xúc phạm về tinh thần và thể chất đối với mình để còn có thể tiếp tục làm người tốt ?

Sự VÔ CẢM được thể hiện tích cực một lần nữa, ở những người có quyền thế. Nhiều người rất vô tư sử dụng quyền hành địa vị của mình như một phương tiện hữu hiệu phục vụ lợi ích cho “Cái Tôi” của mình, bất chấp sự vụ lợi riêng tư ấy gây thiệt hại thế nào cho các cá nhân khác hay cộng đồng xã hội. Để hành vi này được an toàn và hiệu quả, họ nhất thiết phải tạo vây cánh, bè phái, hình thành những “nhóm lợi ích” ( gọi như thế vì lợi ích của họ có liên quan, ảnh hưởng đến nhau).

Sự VÔ CẢM thể hiện tiêu cực hơn ở những người không có chức vụ, địa vị. Họ cho rằng “Những vấn đề chung của xã hội, đã có những người “có trách nhiệm” lo toan, mình không có nhiệm vụ lo cho cái chung và cũng không ai cho mình hoặc bắt mình làm cái nhiệm vụ đó. Tốt hơn là hãy lo thủ cho sự an toàn của chính bản thân mình …”

Những suy nghĩ như thế, phổ biến trong xã hội hôm nay, hình thành một xã hội VÔ CẢM, trong đó mọi người bo bo thủ thế, trong đó mọi người tận lực tranh đấu bảo vệ những gì thuộc về mình, hơn thế nữa, nhiều người còn tận lực giành dật vơ vét những gì không thuộc về mình, bất kể phải làm điều gì. Tất nhiên, ‘đạo-đức-cơ-bản-để-làm-người’ là thứ đầu tiên, thứ rẻ rúng, bèo bọt nhất mà họ sẵn sàng hy sinh trong cuộc giành dật ấy. Rồi họ tính toán đến tất cả mọi ngóc ngách của pháp luật để đối phó, để chinh phục, để chiến thắng . Họ có thể thực hiện điều đó bằng tiền, bằng tình, bằng quyền, bằng thế, bằng lực, bằng mưu mô thủ đoạn…

Còn dư luận ? Đối với con người hôm nay, giữa “Danh Tiếng” và “Tai Tiếng” dường như không còn ranh giới, dường như cả hai thứ đó chỉ là một, với ý nghĩa “được nhiều người biết đến”. Người ta không còn cần lén lút, núp sau chiếc mặt nạ, khi làm những điều xấu xa, độc ác, mất danh dự hay nhân tính, bởi người ta không còn biết đến sự xấu hổ. Thiện và Ác, Xấu và Tốt gần như thuộc về định nghĩa của mỗi cá nhân. Một số không ít người đương thời, quan niệm rằng : “ Cái gì hay, cái gì có lợi cho mình là Thiện và Tốt, ngược lại là Ác và Xấu !”. Điều đó giải thích tại sao người ta không cần “đeo mặt nạ”, không quan tâm đến sự lên án hoặc chê bai, chỉ trích của dư luận. Cũng có những cái mặt “chai” cho rằng : “ Ừ, tôi là xấu như thế đó. Làm gì được nhau nào ?”. Khi sự trừng phạt không đến được với những người xấu thì họ không cần phải che mặt. Vả chăng, họ cho rằng “Chuột nào không gặm, chồn nào không hôi. Ai cười ai làm gì. Cười thì cứ hở…mười cái răng !”

Những người không xấu, (có nghĩa không làm hại ai) thì lại Làm Ngơ, Làm Thinh trước kẻ xấu. Có thể họ đã nghĩ rằng “Chuyện ấy không can dự đến ta hoặc ta có can thiệp vào cũng không ích gì, chẳng thay đổi được ai, chỉ tổ thiệt thân thôi”. Thế là họ co rút vào thế giới riêng của mình, ai làm gì cũng mặc. Tâm lý này hình thành phong trào MACKENO (Mặc Kệ Nó), phong trào SỐNG “NHẠT”, không cần biết đến những gì không liên quan đến bản thân mình.


Nếu chúng ta không còn hoặc ít gặp những bậc trượng phu đội trời đạp đất :

Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha

“Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã
Nan nguy bất cứu mạc anh hùng”

(Thấy việc nghĩa không làm không phải người có Nghĩa khí và Dũng khí. Gặp nguy nan không ra tay cứu giúp không phải Đấng Anh Hùng )

Chúng ta có thể dễ dàng hiểu rằng : hoặc họ đã “khôn ra” để biết tự phòng thân, hoặc họ đã bị mua chuộc hay bị “xử đẹp” bởi những thành phần không thể chấp nhận sự có mặt của họ trên đời.

Gần 40 năm sau chiến tranh, dân ta vẫn sống trong tâm trạng “chiến đấu và quyết thắng” .Tâm trạng này thể hiện trong cách ứng xử thường nhật trong xã hội. Tôi có thể kể ra đây vài chuyện con con để minh họa cho một góc trong bức tranh thời sự ấy

….Đọc báo, tin nhanh viết rằng : (Ở Hà Nội) xung đột dẫn đến xô xát đẫm máu chỉ vì khách chê đồ uống quá mắc. Có việc ra Hà Nội, bạn bè cảnh báo ăn uống phải hỏi giá cả trước để tránh lôi thôi…

…Xe dừng, tôi vào một tiệm ăn sáng trên một con phố lớn ở Hà Nội

- Thấy menu trên tường có ghi “tào phớ”. Tôi không biết đây là cái món gì nên gọi thử :

- Cô ơi “Tào phớ” là gì vậy ? cho tôi một “tào phớ” cô nhé.

Đồ ăn được mang ra. Té ra đây là Tàu hũ (nước đường) ở trong Nam, cậu thanh niên ngồi bàn kế bên cũng ăn món này. Ăn xong, cậu ta đứng dậy, tôi để ý số tiền cậu ta trả. Đến lượt mình, tôi phải trả gấp đôi. Nhìn nét mặt lạnh lùng, “đanh thép” sẵn sàng chiến đấu của cô hàng. Tôi vội vã trả tiền rồi … trốn.

Bên kia đường là một công viên lớn, tôi bước sang và ngẩn ngơ vì không biết mình đang ở đâu; thấy một bô lão dáng vẻ người địa phương đang ngồi hóng mát, tôi hỏi :

- Bác ơi, đây là đâu thế ạ ?

- Không biết . Lập tức ông cụ quát thẳng thừng, không cần biết người đang hỏi là ai (vì ông đang nhìn ra hồ) và không chừng ông cũng chưa kịp nghe người ta hỏi cái gì !

May mắn, tôi nói chuyện được với một em học sinh. Em hướng dẫn tôi đi xe buýt xem phong cảnh Hà thành và ra phố cổ, em bảo tôi cứ đứng ở trạm bên đường này, xe sẽ đến ngay.

Ấy vậy nhưng, anh xe ôm trẻ tuổi đang ngồi vắt đốc trên yên xe chờ khách gần ngay đấy, thông tin cho tôi :

- Đi xe ôm thôi cô ơi. Chỗ này bây giờ không có xe buýt nữa.

Tôi mỉm cười cám ơn và kiên nhẫn đứng đợi. Thoáng chốc, chiếc xe buýt tôi mong, trờ tới, anh xe ôm vẫn ngồi đấy, vẫn thản nhiên nhìn bâng quơ, chẳng có vẻ gì là áy náy về những câu đã nói.

…….Loanh quanh trên vài khu phố. Khát nước, tôi dừng lại quán chè nằm ngay góc đường một khu phố chính. Nhìn thấy món chè mình thích nhưng lại ăn với đá, tôi hỏi :

- Cô ơi, có chè đậu đen nóng không cô ?

- Không ! Cô bán chè lạnh lùng, trả lời gằn giọng sau khi nhướng mắt lên nhìn tôi một cái, cứ như tôi đã hỏi một câu gì xúc phạm lắm không bằng.

....Tôi kết thúc câu chuyện kể ở đây vì chỉ muốn nêu ra vài trường hợp, chứng minh rằng người mình vẫn chưa quên tác phong chiến đấu với quân thù. Dù rằng kẻ thù đã nhào, đã cút, nhưng vì ta đã lậm cách tư duy, ứng xử ấy vào trong máu thịt rồi, nên cứ vô tư lấy đồng bào ta làm “bia” mà… “bắn”.

Việt Nam quê hương tôi, nơi tôi có vô vàn thứ để yêu thương kính quý, nơi ông bà tổ tiên đã từng sống liệt oanh, đã viết lên những trang trang sử chói ngời hào hùng và trí tuệ, nơi có những con người mà cả thế giới phải nghiêng mình, nơi mà mọi người dân phải cảm ơn vì may mắn được sinh ra làm người Việt…nhưng bây giờ, dân chúng tôi là như thế đó. Đồng bào thân thương của chúng tôi là như thế đó…

Sự SỢ HÃI và THAM LAM đã làm biến dạng khuôn mặt Việt Nam. Chúng ta sợ nghèo, sợ khổ, sợ vất vả, sợ người khác cười chê, sợ không bằng bè bằng bạn….Chúng ta tham tiền, tham tình, tham ăn, tham nói, tham danh, tham lợi, tham quyền, tham ghế cao, tham hưởng thụ….

1001 nỗi Sợ Hãi + 1001 sự Tham Lam = Xã Hội Hôm Nay

Chúng ta đã mất, quá nhiều những phẩm chất quan trọng của một con người, ngay một chút vốn liếng dằn túi để làm người, giờ đây cũng mất mát gần như sạch sẽ :

Phú Quý bất năng dâm
Bần tiện bất năng di
Uy Vũ bất năng khuất

( Giàu có không sinh tật dâm ô. Nghèo nàn không đánh mất đạo đức. Thấp kém không sợ hãi cường quyền )

Ôi, những đồng bào ruột thịt, giận thì giận, nhưng không thể không thương. Xét cho cùng, lỗi tất cả là do…. môi trường sống.


Một cái khuôn vuông không thể cho ra những cái bánh tròn !


Đỗ Ngọc Thanh

(góc nhìn ; ge-tvl.com )
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Image

Thận Trọng? Nhát Gan? Rối Trí?

Vũ Linh

...Obama vào thế bí, muốn diệt IS phải diệt từ Syria, tức là… cứu Assad...

Mùa Hè năm nay có thể sẽ đi vào lịch sử Mỹ như một trong những mùa hè nóng nhất. Tình hình chiến sự bộc phát mạnh khắp nơi trên thế giới, như một dẫy núi lửa đang bốc nổ tứ tung.

Bên Đông Âu, TT Putin chẳng cần e lệ gì nữa, công khai tung cả ngàn quân chính quy với đại bác và xe thiết giáp ào qua biên giới, giúp quân ly khai Ukraine đánh quân chính phủ trung ương. Rồi lại công khai cảnh cáo “đừng ai giỡn mặt với Nga, chúng tôi là cường quốc hạt nhân, có thể chiếm thủ đô Kiev của Ukraine trong vòng hai tuần”.

Người ta thấy một số quân ly khai phiá đông nam Ukraine bây giờ kéo cờ của một “nước” mới tên là Novorossiya, tức là New Russia, hay là Nga Mới. Thật ra, cái tên này là tên của một vùng bao gồm hết phần phiá nam của Ukraine, đã có từ cả trăm năm trước, khi các Nga Hoàng chiếm vùng này và sát nhập vào Đế Quốc Nga. “Nước” Nga Mới này chạy dài từ vùng Donetz phiá đông Ukraine (nơi đang đánh nhau và cũng là nơi máy bay Mã Lai bị bắn rớt) qua bán đảo Crimea mà Putin mới chiếm, rồi qua phiá tây tới biên giới Moldova, là xứ mới tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Tại biên giới này, cũng có một vùng đặc biệt, gọi là Transnistria, tuy thuộc xứ Moldova, nhưng trên thực tế gần như tự trị vì có nửa triệu dân gốc Nga sống, không chấp nhận là dân Moldova hay Ukraine. TT Putin hiển nhiên đang tính bành trướng nước Nga của ông từ Donetz kéo dài qua tới Transnistria, kiểm soát hết một nửa biển Hắc Hải.

Trước chuyện lính Nga công khai tràn vào đánh quân Ukraine, TT Obama lên tiếng ngắn gọn, tố TT Putin đã “nói láo” khi chối cãi là không có lính Nga trên đất Ukraine. Một tuần sau đó, TT Obama qua Âu Châu họp NATO, kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương –NATO- phải có hành động quyết liệt vì “Ukraine cần hành động hơn là võ miệng”. Tuyên bố thật cứng rắn, nhưng sau khi Ukraine và Nga đã đồng ý ký hiệp ước đình chiến. Việt Nam ta gọi là “khôn lỏi”.

Tại Trung Đông, TT Obama ngay từ đầu, đã có chiến lược rất rõ ràng: rút về cố thủ đất Mỹ càng mau càng tốt: chuyện quý vị, quý vị tự lo. Kết quả ta thấy là sau khi tướng Petreaus ổn định được tình hình chiến sự, làm kiệt quệ các nhóm khủng bố Al Qaeda và hậu thân của Al Qaeda, thì bây giờ các nhóm đó đã không phải là khủng bố vớ vẩn nữa mà đã là những lực lượng quân sự mạnh nhất Trung Đông, hơn xa các quân đội chính quy của các nước lớn nhất trong vùng. Đã vậy, lại cũng là tổ chức giàu nhất, kiểm soát một vùng mỏ dầu hoả lớn của Iraq, đang khai thác và bán lẻ trên thị trường kiếm cả trăm triệu đô, tha hồ mua súng đạn và nuôi quân.

Trong vòng vài tháng, lực lượng Islamic State (IS) đã kiểm soát gần hết bắc Syria và bắc Iraq. Không ai có thể gọi đó là nhóm khủng bố nữa. Và cũng khó có thể tiêu diệt được lực lượng này, cho dù TT Obama có mang cả trăm ngàn biệt kích Mỹ vào tham chiến trở lại. Có tin lực lượng này có ít nhất khoảng 20.000 tay súng cuồng tín, sẵn sàng tử vì đạo, đánh đến cùng, trong đó có cả ngàn anh đến từ Âu Châu và Mỹ.

Tin mới nhất cho biết TT Obama nhận được báo cáo an ninh hàng ngày và đã biết rõ sự lớn mạnh của IS từ cả năm qua, nhưng cố tình giữ kín để cố bảo vệ “thành quả diệt Al Qaeda” mà ông đã khoe. Bây giờ IS quá lớn, không còn dấu diếm được nữa thì TT Obama quay về chiến thuật cố hữu đổ thừa tại TT Bush đã rút quân khỏi Iraq. Trước đây là “Yes We Can”, bây giờ “No We Cannot” tại vì, bởi vì, rằng thì là,...

Đối với TT Obama, đây là cuộc chiến... tùy cơ ứng biến, không chiến lược gì hết. Chuột chạy tới đâu, ta đuổi theo tới đó, tới đâu hay tới đó. Ta không biết địch làm gì thì làm sao có chiến lược được. Cũng hợp lý thôi.

Ngay cả trong vụ anh James Foley bị cắt đầu, một hành động dã man cố tình reo sợ hãi lên đối phương, không ai biết có tác dụng như thế nào với TT Obama, chỉ biết ông ra trước ký giả, nói ngắn gọn “sẽ tìm công lý” cho anh này, rồi đi đánh gôn tiếp tục. Rồi IS cắt đầu anh Steven Sotloff, một nhà báo Mỹ khác. TT Obama phản ứng bằng cách... gửi thêm 350 lính qua gác tòa đại sứ. Nếu có thêm một nhà báo nữa bị cắt đầu chắc TT Obama sẽ đóng cửa tòa đại sứ, mang mấy trăm lính đó về gác Tòa Bạch Ốc.

Mới đây, TT Obama họp thượng đỉnh NATO, tuyên bố sẽ “tiêu diệt” IS (destroy). Nghe yên tâm phần nào. Nhưng chỉ trong vài đoạn sau, lại tự sửa lại là sẽ “kềm chế” IS (contain) “hy vọng sẽ hạ IS xuống thành một “vấn đề có thể quản lý được” (manageable problem). Đến ngay cả tạp chí Time cũng phải nhận định thông điệp của TT Obama thật khó hiểu, đầu đuôi bất nhất. Tóm lại “tiêu diệt” hay chỉ cần “kềm chế” và “quản lý được”? Nếu IS đừng đánh thêm tỉnh nào nữa, đừng cắt đầu anh nhà báo nào nữa thì sẽ không sợ bị tiêu diệt nữa, an toàn củng cố căn cứ địa chuẩn bị một 9/11 khác?

Ngày 12 tháng 7 năm 2007, TT Bush tuyên bố “Tôi biết nhiều người ở Washington muốn chúng ta rút khỏi Iraq ngay bây giờ. Nhưng rút ra khi các tư lệnh chiến trường chưa sẵn sàng sẽ rất nguy hiểm cho Iraq, cho toàn vùng, và cho nước Mỹ. Có nghiã là chúng ta chấp nhận sẽ có tàn sát tập thể trên mức độ khủng khiếp nhất. Nghiã là chúng ta đã cho khủng bố một căn cứ địa an toàn thay thế Afghanistan. Nghiã là chúng ta gia tăng triển vọng lính Mỹ sẽ phải trở lại để đương đầu với một kẻ địch còn nguy hiểm hơn Al Qaeda nhiều”.

Năm 2011, TT Obama hấp tấp rút hết lính về và tuyên bố “Chúng ta đã trao lại cho người Iraq một nước Iraq với một chính phủ dân chủ, ổn định và vững bền”.

Tiên tri của TT Bush cách đây 7 năm và tiên tri của Đấng Tiên Tri cách đây 3 năm, cái nào đúng?

Đối với TT Obama, nội chiến Syria không còn là chuyện đáng ưu tư nữa. Không bàn đến nữa, vì có bàn vào thì cũng chẳng biết phải làm gì hay có thể làm gì.

Nhưng bất ngờ, sự lớn mạnh và đe dọa của IS dồn TT Obama vào thế bí, muốn diệt IS phải diệt từ Syria, tức là… cứu Assad, còn không đánh bom bên Syria, thì phải gửi lính Mỹ qua đánh tại Iraq. Còn không nữa thì nhắm mặt ngó lơ, chờ ngày IS đánh… New York hay Chicago. Quốc Vương Abdullah của Ả Rập Saudi đã lên tiếng cảnh giác thế giới, chỉ trong vòng vài tháng là IS sẽ đánh tới Mỹ. Làm gì bây giờ?

Tại Libya, sau khi TT Obama “lãnh đạo từ phiá sau” Pháp và Anh để lật đổ TT Khaddafi, thì Libya đã biến thành nồi cháo heo hay lò than đỏ, tùy cách nhìn, trong đó các nhóm quân nổi loạn chống Khaddafi quay súng lại bắn nhau túi bụi. TT Obama phản ứng rất nhanh: chạy! Tiếng súng vừa nổ ngoại ô thủ đô Tripoli là TT Obama đã khẩn cấp ra lệnh tất cả nhân viên tòa đại sứ Mỹ nhẩy lên xe hơi, ào ào chạy qua biên giới Tunisia, bỏ ngỏ toà đại sứ. Cả tháng sau, quân khủng bố mới chiếm tòa đại sứ, kéo cờ đen lên nóc và mở tiệc ăn mừng quanh hồ bơi của tòa đại sứ.

Thế thì TT Obama tham chiến và lật đổ Khaddafi để làm gì? Giúp khủng bố Hồi giáo có thêm một địa bàn vững chắc?

Trong khi đó, chiến tranh Do Thái và Hamas tái phát sau mấy chục năm hưu chiến. TV tràn ngập hình ảnh đổ nát của các cao ốc tại Gaza, cũng như hình ảnh đàn bà trẻ con chết đầy đường. Không ai nghe một lời tuyên bố nào của TT Obama, mặc dù Ngoại Trưởng Kerry bù đầu làm con thoi giữa Do Thái, Ai Cập và Hamas.

xxx

Trước tình hình sôi động như vậy, thiên hạ vẫn thấy TT Obama đi nghỉ hè, đánh gôn, nhẩy đầm và gây quỹ như không có gì đặc biệt xẩy ra. Như thể TT Obama đang làm tổng thống Congo gì đó, hay tổng thống ở một hành tinh khác. Báo chí tranh cãi, bàn luận om sòm, thây kệ, vẫn đi nghỉ hè, chẳng cần phải thay đổi chương trình làm gì.

Có dư luận trách tổng thống quá vô tâm, có người cho tổng thống quá chán nản đã bỏ cuộc, cũng có người bào chữa cho tổng thống, cho rằng trước sự căng thẳng tột cùng này, tổng thống phải đi đánh gôn cho tỉnh táo, mới suy nghĩ chín chắn được, rất cần thiết và rất hữu ích.

Một anh nhà báo phe ta mới viết bài bênh vực TT Obama cần đi đánh gôn cho khoẻ. Và anh cũng đủ lương thiện để nhìn nhận trước đây anh đã sỉ vả TT Bush thậm tệ vì tội hay đi nghỉ hè. Anh phân trần, bây giờ anh mới thấy tổng thống cần nghỉ ngơi, chứ thời Bush thì anh không nghĩ đến chuyện đó. Dĩ nhiên muốn chửi Bush thì cứ chửi thôi, bây giờ tìm cách bênh Obama thì phải đổi giọng.

Một diễn giải quan trọng hơn và có vẻ chính xác hơn là TT Obama cố tình đi nghỉ hè để gửi thông điệp cho cả thế giới biết là ông coi những chuyện lộn xộn trên thế giới hiện nay chẳng có gì ghê gớm, chẳng có gì đáng gọi là khủng hoảng nghiêm trọng đến nỗi phải gián đoạn nghỉ hè. Họp báo thì cố tình mặc bộ vét mùa hè như vẫn còn đang nghỉ hè. Chính ông đã tố giác chuyện thế giới đang sôi động chỉ là sản phẩm của truyền thông khuấy ra cho to chuyện thôi.

Đài truyền hình CNN phổ biến bản đồ Iraq, thay vì tô đỏ hết vùng bắc Syria và bắc Iraq do IS kiểm soát, thì lại sơn đỏ các vòng tròn nhỏ tượng trưng cho các tỉnh lẻ, và các trục lộ giao thông chính nối liền các tỉnh đó, do IS kiểm soát. Làm như thể ngoài các tỉnh và trục lộ giao thông thì toàn là những vùng do quân chính quyền Iraq vẫn còn kiểm soát vậy. Nhìn vào bản đồ đó, ta có cảm tưởng IS chỉ kiếm soát chưa tới 10% vùng bắc Iraq, trong khi thực tế thì IS đã kiểm soát hết hai phần ba bắc Iraq, một vùng lớn hơn cả tiểu bang Indiana, theo như báo New York Times đã nhận định, trong đó có những mỏ dầu hoả lớn trong vùng. Và gần một triệu dân Iraq đã phải di tản, bỏ của chạy lấy thân.

Bản đồ của CNN hiển nhiên nằm trong chính sách của TT Obama, giảm thiểu tối đa mối đe dọa của IS. Chỉ xác nhận thêm CNN đúng là cơ quan ngôn luận bán chính thức của TT Obama thôi, đã giúp chuyển thông điệp của ông cho cả thế giới.

Tại sao TT Obama lại có thái độ cố tình “hạ hỏa” như vậy? Có thật sự là ông không cho những biến cố gần đây là quan trọng không?

Theo Washington Post thì không, TT Obama hiểu rõ tầm mức khủng hoảng của tình hình thế giới, từ Ukraine đến Iraq, Syria, Libya, và Gaza. Phải nói là ông hiểu quá rõ, nên mới phải cố tình “hạ hỏa” để có lý do tránh can thiệp, không hơn không kém.

Thái độ đó phản ánh đúng cách làm việc mà phe ta gọi là rất “thận trọng” của TT Obama. Khi còn làm nghị sĩ tại tiểu bang Illinois, ông đã nổi tiếng là người chuyên môn bỏ phiếu trắng, hay đúng hơn, bỏ phiếu “hiện diện”, ai muốn hiểu sao thì hiểu, và sau này cũng chẳng ai tố giác ông được chuyện gì. Quá trình đã rất mỏng, đã vậy, quan điểm lại bí mật, chính vì vậy mà ông đã đắc cử tổng thống năm 2008. Cho đến khi ông đắc cử tổng thống, người ta mới thấy rõ đường hướng cấp tiến khá cực tả của ông, nhưng đã quá muộn.

Bây giờ, trước những biến động của thế giới, ông cũng cố tình áp dụng chiến lược tránh đút đầu vào rọ đó. Nếu ông lớn tiếng la làng cùng với cả thế giới, cùng với thủ tướng Anh chẳng hạn, hay cùng với chính nội các của ông, cùng rung chuông báo động om sòm với các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, tư pháp và an ninh của ông thì bắt buộc phải có hành động cụ thể.

Chỉ có cách phớt lờ, coi như “chuyện nhỏ” thì mới khỏi phải có hành động cụ thể.

Một bình luận gia gọi thái độ của TT Obama là theo chủ thuyết “minimalist”, mà kẻ viết này dịch cho sát nghiã là … “chủ thuyết hạt tiêu”. Nghiã là tất cả mọi hành động đều thuộc loại lắt nhắt bé tý như hạt tiêu. Putin vẽ lại bản đồ Đông Âu, TT Obama cấm vài phụ tá của Putin không được du lịch Mỹ. IS vẽ lại bản đồ Trung Đông, TT Obama thả bom Irbil vài trái, Sinjar vài trái, gửi 300 biệt kích qua gác tòa đại sứ, rồi 300 qua làm “cố vấn”, rồi mới đây, thêm 350 nữa cũng để qua gác các cơ sở Mỹ. Không thể nào “hạt tiêu” hơn.

Rõ ràng là giữa những tuyên bố đình đám “hàn gắn vết thương của địa cầu, hạ thủy triều” và chủ thuyết hạt tiêu đã có một tương phản thật lớn giữa lời nói và việc làm.

Lịch sự hơn thì sẽ cho là TT Obama “thận trọng”. Nhưng vấn đề là TT Obama có phải đã quá thận trọng, đến độ tê liệt luôn, không dám nhúc nhích gì nữa.

Bà TNS Dân Chủ Diane Feinstein, mà không ai có thể nói là thuộc loại diều hâu hăng tiết vịt cả, đã lên truyền hình công khai chỉ trích TT Obama đã thận trọng quá mức –too cautious- khi đối xử với những tên khủng bố quá tàn bạo như IS. Dân biểu Dân Chủ Adam Smith đã kêu gọi TT Obama phải có hành động cụ thể hơn tại Ukraine. Bà nghị sĩ Dân Chủ Jeanne Shaheen cũng lên tiếng đòi hỏi TT Obama phải có hành động đối với nhóm IS. Gần kề ngày bầu cử, cả quốc hội sôi sục sợ mất cử tri trong khi tổng thống không phải ra tranh cử nữa nên... tỉnh bơ.

TT Obama đang cố thành lập một liên minh Mỹ-Âu-Ả Rập đối phó với IS, để tránh mang tiếng là cao bồi một người một ngựa giống Bush, nhưng cho đến nay, đã chẳng nước nào hưởng ứng. Họ lo ngại quyết tâm của TT Obama vì nhớ lại “lằn ranh đỏ” với Syria, và cuộc tháo chạy sau đó. Dĩ nhiên họ không muốn ở trong tình trạng nhẩy vào liên minh rồi thấy TT Obama tháo chạy, bỏ họ lại lãnh đủ.

Thời đại nhiễu nhương, con thuyền thế giới cần một người lãnh đạo cứng tay chèo. Đáng tiếc thay, dân Mỹ lại bầu cho một ông tổ chức cộng đồng được giải Nobel Hoà Bình, cứ địch tiến ta lùi, nhân danh “thận trọng”. Vừa lùi vừa đỡ đông tránh tây, chẳng chiến lược, chính sách gì hết. TT Obama quên mất lùi mãi chưa chắc đã là cách tốt nhất để bảo vệ hòa bình. Nhiều khi chính vì lùi riết mà lại tạo ra đại chiến.

Lịch sử là những chuyện lập đi lập lại. Dù vậy vẫn có không biết bao nhiêu chính khách vẫn không bao giờ thuộc bài học sử ký nhập môn. Nhiều sử gia đã nhắc lại phản ứng của Thủ Tướng Anh Chamberlain khi nghe tin Hitler đã tung quân xâm lăng Tiệp Khắc. Ông cho là “chuyện nhỏ” không đáng chú ý, cho đến khi nó thành... thế chiến. Và cả thế giới ngày nay đã khẳng định chính thái độ “thận trọng” không dám làm mất lòng Hitler, muốn “hạ hỏa” chuyện Hitler đánh Tiệp Khắc, đã khiến Hitler ngày một hung hãn, đưa đến đại chiến. Nếu Chamberlain ngay từ đầu cứng rắn như Churchill sau này, thì có thể đã làm chùn chân Hitler bớt và thế chiến đã không xẩy ra.

Nhìn kỹ lại phản ứng của TT Obama, nhất là đối với những bước đi của Putin, mà bà Hillary đã từng ví như Hitler, thật khó ai biết được đó là phản ứng thận trọng không muốn làm to chuyện, hay là nhát gan không dám làm gì, hay là rối trí không biết phải làm gì.

Chuyện thế giới rối tung chưa biết đi tới đâu, chỉ biết tỷ lệ hậu thuẫn của TT Obama tiếp tục đạt những kỷ lục mới. Theo Gallup, tỷ lệ này bây giờ đã tuột xuống mức thấp nhất, chỉ còn có 38% trong khi tỷ lệ chống leo lên tới 55%. Chẳng mấy chốc sẽ bắt kịp Bush. Còn thời giờ mà.
Chính sách đối ngoại của TT Obama nhìn về quá khứ là một thất bại trọn vẹn. Với Nga, bà Hillary cách đây sáu năm đề nghị bắt đầu lại từ đầu –reset-, kết quả quan hệ Mỹ-Nga quả đã khác xa thời Clinton hay Bush, bây giờ chiến tranh lạnh đã biến thành chiến tranh nóng. Đối với khủng bố Hồi giáo quá khích, việc ông tổng thống với cái tên đệm là Hussein đi lòng vòng xin lỗi vẫn chẳng có kết quả tốt đẹp hơn gì.

Một nạn nhân bên lề mà Mỹ gọi là collateral damage là… bà cựu ngoại trưởng Hillary Clinton. Sẽ là cả một vấn đề cho bà khi ra tranh cử tổng thống mà phải giải thích những thất bại ngoại giao này. (07-09-14)

Vũ Linh
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

TẬP CẬN BÌNH CHUẨN BỊ HẠ BỆ GIANG TRẠCH DÂN

Lê Thọ Bình

Thời gian còn lại của Giang Trạch Dân chỉ còn được đếm từng ngày. Kẻ thống trị hệ thống chính trị của Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua hiện đang bị điều tra tại chính sân sau của ông ta, thành phố Thượng Hải.
Tin về đoàn điều tra chống tham nhũng của lãnh đạo đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình đến làm việc tại Thượng Hải đã được thông báo rộng rãi. Một công bố ngắn gọn vào ngày 11 tháng 8 trên trang web chính thức của Viện kiểm sát tối cao Thượng Hải, cơ quan chịu trách nhiệm việc điều tra và truy tố tội phạm, cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành một cách nghiêm túc.

Doanh nhân nổi tiếng Vương Tông Nam, chủ tịch của Tập đoàn Thực phẩm Bright, đã bị bắt vì hối lộ và biển thủ công quỹ. Đó được cho là tội ác sẽ bị xét xử của Vương, nhưng hành vi phạm tội thực sự của ông ta là do có mối quan hệ chặt chẽ với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và con trai của Giang là Giang Miên Hằng.
Thượng Hải là bệ phóng cho tham vọng chính trị quốc gia của Giang Trạch Dân và ông ta đã hình thành cơ sở quyền lực cho mình tại đây.
Giang từng là người đứng đầu Đảng của Thượng Hải từ năm 1985 đến năm 1989. Đối mặt với một phong trào dân chủ mạnh mẽ vào năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã rất ấn tượng với cách làm mạnh tay của Giang trong việc xử lý các bất đồng chính kiến ở Thượng Hải, trong khi nhiều vị lãnh đạo ĐCSTQ khác thì đứng bên lề.
Sau khi cách chức Tổng bí thư Triệu Tử Dương vì sự cảm thông của ông đối với sinh viên, Đặng Tiểu Bình đã đưa Giang Trạch Dân đến Bắc Kinh. Sau khi nắm quyền, Giang đã lần theo dấu vết và trừng phạt tàn nhẫn những ai bất đồng chính kiến trong vụ ‘xe tăng’ vào đêm mùng 4 tháng 6.
Sau khi nắm quyền ở Bắc Kinh, Giang cất nhắc những cán bộ không mấy tiếng tăm ở Thượng Hải vào các vị trí quan trọng trong Đảng. Họ hình thành một đội ngũ lãnh đạo chủ chốt để Giang có thể sử dụng để chi phối hệ thống chính trị của Trung Quốc trong hơn 20 năm.

Nhắm mục tiêu vào Giang

Hơn 19 tháng qua, người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng, đồng thời đã hạ bệ các đồng minh thân cận nhất của Giang Trạch Dân.
Đỉnh cao của chiến dịch này là việc thông báo công khai cuộc điều tra chính thức về cựu chiến lược gia an ninh Chu Vĩnh Khang vào ngày 29 tháng 7. Dự đoán sự sụp đổ của Chu sẽ đánh dấu hồi kết cho cuộc thanh trừng phe phái đối lập trong Đảng của Tập đã nhanh chóng bị xua tan.
Ngay sau khi có thông báo về Chu, Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã công bố một bài bình luận có tiêu đề “Hạ bệ con hổ lớn Chu Vĩnh Khang chưa phải là sự kết thúc của chiến dịch chống tham nhũng”. Bài báo chỉ ra rằng Chu đã được cấp trên nâng đỡ. Ai cũng biết rằng Giang Trạch Dân là người đã cất nhắc Chu.
Mặc dù bài báo đã nhanh chóng bị gỡ bỏ, nhưng vẫn đủ thời gian để được sao chép và lan truyền rộng rãi trên toàn mạng Internet Trung Quốc.
Hai tuần trước đó, Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã báo cáo rằng cố vấn hàng đầu của Giang Trạch Dân là Tăng Khánh Hồng đã bị bắt. Nếu chiến dịch chống tham nhũng trở thành một hoạt động càn quét, thì sau đó mục tiêu hợp lý tiếp theo chính là Giang Trạch Dân. Những con hổ lớn khác đều đã bị hạ bệ.
Việc bắt giữ Vương Tông Nam vào tuần trước đã khiến cho Giang bị tổn thất. Nếu Giang không thể bảo vệ Vương tại Thượng Hải, thì sau đó ông ta sẽ bị tước bỏ quyền lực tại thành lũy thâm sâu nhất của mình.
Nếu những động thái vừa qua mới chỉ là màn mở đầu, thì sau khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra hàng ngàn vụ trước đây tại những nơi khác ở Trung Quốc, thì hiện nay nó đang được thực hiện tại Thượng Hải, tạo ra một cuộc điều tra bủa vây từ ngoài vào trong. Ủy ban kiểm tra đang tấn công vào những mắt xích yếu nhất ở ngoại vi để chúng phơi bày các mối liên hệ với trung tâm và sau đó tiến hành từng bước cho đến khi mục tiêu cuối cùng bị bao vây và vô hiệu.

‘Bế tắc’

Theo cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa Xã, 85.000 quan chức đã bị điều tra trong vòng 6 tháng qua.
Mặc dù phạm vi điều tra của chiến dịch này rất rộng lớn, tuy nhiên tại một cuộc họp vào ngày 26 tháng Sáu của Bộ Chính trị, Tập Cận Bình đã phàn nàn rằng lực lượng tham nhũng và chống tham nhũng đang ở thế “bế tắc”.
Bốn ngày sau đó có thông báo rằng bốn quan chức cấp cao đã bị thanh trừng trong cùng một ngày: cựu lãnh đạo quân sự hàng đầu Từ Tài Hậu; cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, và nguyên phó chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Vương Vĩnh Xuân; và Lý Đông Sinh, cựu thứ trưởng Bộ Công an và là người đứng đầu phòng chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công.
Bất chấp sự thanh trừng mạnh mẽ này, phe của Giang vẫn có những động thái chống cự.
Ngô Phạp, trưởng ban biên tập tạp chí các vấn đề Trung Quốc bằng tiếng Hoa có trụ sở tại Hoa Kỳ, gần đây đã nói với NTDTV rằng quân đội đang tiếp tục theo dõi Quách Bá Hùng, nay đã nghỉ hưu, là một trong những nhân vật được Giang Trạch Dân bổ nhiệm vào vị trí cao trong lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Ngô Phạp cho biết “Một số khu vực quân sự, bao gồm cả Quân khu Quảng Châu và Quân khu Bắc Kinh, đã hoàn toàn không nghe theo sự chỉ đạo của Tập Cận Bình. Họ làm theo lệnh của Quách Bá Hùng và phe của ông ta”.
Cuộc chống cự của Quách là theo chỉ thị của phe Giang, bất chấp lệnh từ Trung ương Đảng.
Trong mười năm Hồ Cẩm Đào là người đứng đầu danh nghĩa của ĐCSTQ, đã có một câu nói phổ biến ở Trung Quốc là “một trật tự không bao giờ vượt quá xa cổng ra vào của Trung Nam Hải.” Trung Nam Hải là trụ sở chính và là khu liên hợp lãnh đạo của ĐCSTQ tại Bắc Kinh.
Để Tập Cận Bình được biết đến là người hoàn toàn thống lĩnh ĐCSTQ, ông ta cần phải nhổ tận gốc phe cánh của Giang, cũng có nghĩa là phải hạ bệ Giang.

“Cuộc sống và cái chết”


Nhưng ông Tập chậm chí có một lý do mạnh mẽ hơn để theo đuổi chiến dịch của mình vì kết quả của nó chính là: sự sống còn.
Trong bài phát biểu ngày 26 tháng 6 trước Bộ Chính trị, Tập được cho là đã nói rằng: “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, cuộc sống và cái chết và danh lợi là vô nghĩa đối với tôi.”
Tập đã học được bài học về mối đe dọa đối với cuộc sống của mình trước khi chính thức được bầu vào vị trí cao nhất của Đảng. Theo những người trong Đảng, việc phát hiện ra kế hoạch đảo chính chống lại Tập Cận Bình là cùng lúc với những động thái trong chiến dịch chống lại Giang Trạch Dân và phe của ông ta.
Sau khi cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân xin tị nạn tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô vào tháng Hai năm 2012, ông ta đã bị chuyển đến Bắc Kinh. Sau đó Trung ương Đảng biết được rằng Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai – cựu Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh – là người Giang đã từng muốn cất nhắc lên vị trí Tổng Bí thư, đã có dự định hạ bệ Tập ngay sau khi ông nhậm chức.
Các mối đe dọa đối với Tập vẫn chưa chấm dứt mặc dù âm mưu đảo chính đã bị vỡ lở. Đại Kỷ Nguyên báo cáo rằng trong khoảng thời gian các nhà lãnh đạo Đảng tập trung tại Bắc Đới Hà vào mùa hè năm 2013, Chu Vĩnh Khang đã từng nỗ lực ám sát Tập với một quả bom được hẹn giờ tại một hội nghị và trong một dịp khác với một cây kim độc khi Tập đến thăm một bệnh viện.
Vào ngày 6 tháng 8, Tạp chí Thế giới (World Journal) bằng tiếng Hoa có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đăng bài về những tin đồn được lưu truyền rộng rãi trong quân đội Trung Quốc rằng Quách Bá Hùng đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc đảo chính.

Động cơ

Trong khi truyền thông phương Tây đã bắt đầu quan tâm hơn đến cuộc chiến sống còn giữa Tập và Giang, thì các thông tin quan trọng đang dần hé lộ động cơ của cuộc chiến này. Họ cho rằng nền chính trị Trung Cộng đang ở vào thời điểm vô cùng nguy hiểm.
Rõ ràng là nếu Tập thể hiện sự yếu kém của mình trước kẻ thù, ông sẽ bị thua. Nhưng tại sao Giang Trạch Dân cần phải cho rằng Tập là kẻ thù trí mạng của mình?
Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ngoài tầm hiểu biết của các phương tiện truyền thông: đó chính là chính sách đàn áp Pháp Luân Công.
Giang Trạch Dân đã cấu kết với Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai, Lý Đông Sinh và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của ĐCSTQ để thực hiện tội ác tày trời đối với nhân dân Trung Quốc.
Theo văn phòng báo chí của Pháp Luân Công, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ kể từ khi Giang phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào tháng Bảy năm 1999.
Theo thông cáo báo chí vào thời điểm đó, chiến dịch này đã tìm cách nhổ tận gốc môn tu luyện tinh thần truyền thống của Trung Quốc được 100 triệu người dân Trung Quốc tập luyện vào năm 1999. Do đó nó đã thiết lập trạng thái chiến tranh cho chế độ cầm quyền nhằm làm việc trái lương tâm lên 1/13 dân số Trung Quốc, xử lý họ như những tội phạm hình sự khi họ nỗ lực tuân theo các nguyên tắc của Chân Thiện Nhẫn.
Các học viên bị giam giữ thường bị tra tấn và tẩy não. Theo trang web của Pháp Luân Công Minghui.org, 3.776 trường hợp đã được xác nhận bị chết vì tra tấn và lạm dụng. Do khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin từ Trung Quốc, số lượng học viên thực tế bị chết được cho là cao hơn nhiều lần.
Ngoài ra, các học viên còn là mục tiêu bị thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Trong năm 2011, các nhà nghiên cứu David Kilgour và David Matas, các tác giả của cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) đã điều tra về hoạt động mổ cướp nội tạng cưỡng bức, và nhà báo điều tra Ethan Gutmann, tác giả của “Sự tàn sát: Giết người hàng loạt, thu hoạch nội tạng, và Giải pháp bí mật của Trung Quốc đối với vấn đề bất đồng chính kiến” (The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem) ước tính rằng trong những năm 2000-2008, có tới 62.000 học viên đã bị giết để lấy nội tạng. Hiện nay con số này có thể là nhiều hơn hàng chục ngàn.
Giang Trạch Dân và phe của ông ta sợ Tập Cận Bình vì Tập không liên quan đến tội ác chống lại nhân loại này. Có khả năng Tập sẽ chấm dứt cuộc bức hại. Nếu Tập làm như vậy thì sự kêu gọi việc bắt những kẻ có trách nhiệm trong việc này ở Trung Quốc sẽ chiếm áp đảo.
Để tránh phải chịu trách nhiệm, phe Giang Trạch Dân đã tìm mọi cách để giành lại quyền lực, cũng đồng nghĩa với việc cố gắng hạ bệ Tập.

Hệ thống tham nhũng

Tập không phải là lãnh đạo ĐCSTQ đầu tiên sử dụng tham nhũng để tấn công kẻ thù của mình, nhưng trong trường hợp của phe Giang Trạch Dân, chiến dịch chống tham nhũng này không chỉ là một cái cớ. Nó nhắm đến một hệ thống quyền lực chính trị.
Giang Trạch Dân được coi là một tên hề ở Trung Quốc, nhưng ông ta đã biết cách điều hành để trở thành người quyền lực nhất tại Trung Quốc trong hơn 20 năm qua. Bằng cách cho phép tham nhũng ở mọi cấp lãnh đạo của Đảng, Giang đã mua lòng trung thành của cấp dưới đối với ông ta.
Các nhà bình luận về chiến dịch của Tập cho rằng tham nhũng như thể rằng đó đơn giản là cách thức điều hành của ĐCSTQ. Khi làm như vậy, họ đã bỏ qua quy mô tham nhũng trên diện rộng của phe Giang, thực sự vượt xa bất cứ điều gì được biết trước đó.
Các nhà bình luận cũng thường viết một cách khá vô cảm, và thiếu đi mặt cấp bách của vấn đề này đối với người dân Trung Quốc.
Khi người dân Trung Quốc nghĩ về tham nhũng, họ không nghĩ về những chiếc ô tô Audi lấp lánh đi trên đường phố hoặc sự nuông chiều của tình nhân hay những bữa ăn xa hoa.
Họ nghĩ về cuộc sống bên trong những ngôi làng ung thư. Họ nghĩ về thực phẩm nhiễm độc, nước nhiễm độc, và không khí không còn trong lành.
Họ nhớ đến hệ thống trại cải tạo lao động đã gần như chấm dứt hoạt động trước khi Giang lên nắm quyền và làm thế nào mà dưới quyền ông ta số lượng trại cải tạo lại tăng nhiều đến như vậy.
Họ biết về “hệ thống duy trì sự ổn định” – do Chu Vĩnh Khang sử dụng để chống lại các học viên Pháp Luân Công – cướp nhà cửa và trang trại của những người phản đối sự đàn áp này.
Người dân Trung Quốc cũng nhìn thấy một xã hội không còn ràng buộc đạo đức. Họ lướt qua câu chuyện kinh khủng này đến câu chuyện kinh khủng khác trên Internet và tự hỏi, làm thế nào các giá trị đạo đức của dân tộc mình lại suy đồi đến vậy?
Bằng cách này và vô số những cách khác, cuộc chiến chống tham nhũng của Tập hứa hẹn cho người dân Trung Quốc sẽ thoát khỏi sự bất bình nhức nhối.

Hạ bệ Giang

Ý nghĩa lớn nhất của việc khôi phục lại các luật lệ này, bằng việc chống tham nhũng, sẽ là việc hạ bệ chính Giang Trạch Dân.
Khi các cán bộ Đảng thấy rằng Giang đã nằm dưới sự kiểm soát của Tập, thì mạng lưới ảnh hưởng của Giang khắp Trung Quốc sẽ bắt đầu phân rã.
Ông Tập có thể hy vọng sau đó người dân Trung Quốc sẽ có thể tin tưởng vào một ĐCSTQ thuần khiết, nhưng sự tin tưởng của người dân Trung Quốc vào sự hồi sinh của Đảng đã qua rồi.
Chiến dịch của Tập Cận Bình sẽ chấm dứt một kỷ nguyên, nhưng con đường dẫn tới tương lai vẫn chưa rõ ràng.

(Theo Epoch Times)
dailien
Posts: 2454
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Image

Tết Trung Thu Em Đọc “Đèn Cù”


Nguyễn Bá Chổi

Tết Trung Thu đọc Đèn Cù là thú vui đặc biệt hấp dẫn trong dịp lễ truyền thống năm nay.


Bao năm qua Tết Trung Thu đến là em nghĩ đến bánh Trung Thu, nhưng bây giờ hầu hết bánh kẹo bán ngoài chợ đều nhập từ Tàu đầy hóa chất độc hại, em không còn tha thiết gì đến thứ bánh chờ cả năm mới được ăn một lần này nữa, ngoại trừ bánh Trung Thu mà em biết chắc chắn là do người Việt mình làm. Tuy nhiên không phải vì miếng bánh mà em mất vui trong “ba ngày lễ lớn”. Em có món ăn tinh thần rất lành và làm sáng mắt: “Đèn Cù”.


Xưa nay, trong đám đèn Trung Thu có đèn cá chép, đèn ông sao, đèn chú thỏ, đèn cù – còn gọi là đèn kéo quân – v.v… em thích đèn cù hơn cả, vì nó biết chạy.
.
“Khen ai khéo vẽ (ôi a) đèn cù. Voi giấy (ôi a) ngựa giấy, vòng quanh nó chạy tít mù”.

Đèn cù, không chỉ con nít thích, người lớn cũng thích. Thích vì những hình ảnh người ta vẽ chạy vòng vòng, “cứ chạy vòng quanh”. Nhưng Trung Thu năm 2014, càng thú vị hơn khi được nhìn thấy những bộ mặt thật bị bóc trần son phấn trong “Đèn Cù”, tự truyện của người đi theo Việt Minh/CS từ lúc 16 tuổi, một người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh, là ông Trần Đĩnh.

Em tin tưởng tuyệt đối những gì được viết trong Đèn Cù, vì tác giả không phải là bọn phản động chuyên đi chọc phá tổ Cuốc, bêu xấu bác và đảng, nhưng tác giả chính là người từng sống bên cạnh bác Hồ và được giao nhiệm vụ viết tiểu sử vị “cha già dân tộc”.

Em không “ưa chính trị”, em chỉ yêu bác Hồ và học tập đạo đức bác nên em chỉ thích những gì liên quan đến cá nhân bác. Chẳng hạn những “sự cố lịch sử” về bác trong cuốn Đèn Cù xoay mù mắt dân Việt suốt hơn nửa thế kỷ qua em đọc được vài trong phạm vi ngắn gọn của trang báo, em xin trích vài “sự cố“ sau đây.

Một là, Bác Hồ bịt râu để dấu mặt đi xem đấu tố người từng là đại ân nhân của bác và đảng, cụ bà Nguyễn Thị Năm/Cát Hanh Long. Bà Năm bị giết và đưa vào cái áo quan quá nhỏ nên “Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miểng cỗ áo rồi nhảy lên vừa dẫm vừa hô “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông không này?” Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẩy vậy.” (ĐC/ trg 86)

“Sự cố” bác bịt râu dấu mặt để tận mắt chứng kiến cảnh đấu tố bà Năm chứng tỏ Hoàng Tùng đã ba sạo trong hồi ký của Hoàng Tùng khi viết về mười nỗi buồn của bác Hồ rằng, “bác không tán thành đấu tố Nguyễn Thị Năm, nhưng phải nghe Trung Quốc”. “Sự cố” bác bịt râu dấu mặt này rất là phù hợp với vài báo “Địa chủ ác ghê” ký tên C.B sau này bị lật tẩy chính là bác Hồ.

Hai là, “Một dạo Phan Kế An hàng ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: ”À, cái P.M (Phương Mai) tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm.” Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy P.M (Phương Mai) đến nữa. “Chắc máy cụ yếu!”, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ.” (ĐC/ trg 30)

Ba là, “Chuẩn bị cải cách ruộng đất, từ giữa tháng 7 đến tháng 9-1953, trung ương mở một lớp chính huấn cho các trí thức trong cũng như ngoài đảng và các đoàn thể trung ương… Cụ Hồ cách nhật, có khi liền ngày đến xem điện ảnh, liên hoan với học viên. Cụ có mấy câu nổi tiếng trong hội trường “Bác Hồ muốn nằm” khi mọi người hô “Hồ Chủ tịch muôn năm.” Rồi tay chỉ vào đầu:” Từ đây thì Bác già, nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ”. Một hôm Bác nói: “Các cô các chú không sợ người ta kêu mình kém trí thức, ít lý luận. Họ kêu thì bảo họ rằng tôi lú nhưng chú tôi khôn. Chú tôi là Stalin, Mao trạch Đông.” (ĐC/trg 72)


Bác già đầu nhưng phần dưới bụng “thì Bác trẻ” là “đúng quá rồi chứ còn gì nữa” Không khỏe mà họa sĩ Phan Kế An “hàng ngày đến vẽ Cụ Hồ” lại bị đuổi về sớm hàng ngày để Cụ cùng Cháu (P.M) hành quân trước khi trời tối suốt “vài tháng”. Cứ rúc vào hang Pắc Bó suốt như vậy, “bác” không lú sao được. Lú nên mọi sự giao cho Tàu cả, ngoài biển lẫn đất liền.

Em thích đọc Đèn Cù vì nó lù lù mọi sự thật, nhất là những sự thật về đạo đức bác mà em đang quyết tâm thi đua học tập để dành giải thưởng cuối mùa.

Nguyễn Bá Chổi
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Phải chăng lịch sử chọn cộng sản Việt Nam?
Huỳnh Ngọc Tuấn
(Danlambao) - Từ trước đến nay CSVN vẫn rêu rao rằng lịch sử đã chọn họ chứ không phải bất cứ đảng phái quốc gia nào để lãnh đạo đất nước này, và bất cứ ai- thế lực nào chống lại họ là “đi ngược chiều của bánh xe lịch sử” và tất yếu sẽ bị “bánh xe lịch sử nghiền nát”!?

Đây là một sự tráo trở mị dân lớn nhất trong tất cả mọi sự tráo trở mị dân!
Luận điệu lộng ngôn, cường điệu, bóp méo sự thật này nhằm mục tiêu khẳng định sự “chính danh” và “chính nghĩa” của họ, nó được cả một hệ thống tuyên truyền đồ sộ gồm hơn 600 tờ báo, 100 đài phát thanh - truyền hình cộng với một hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học và hậu đại học rao giảng từ ngày này đến năm khác, mục đích là để khẳng định quyền độc tôn lãnh đạo của họ là “sứ mệnh” do lịch sử và dân tộc giao phó!?

Đây là “bửu bối” của CSVN để biện minh cho chế độ độc tài toàn trị, tàn bạo và thối nát hiện nay đang bị nhân dân nguyền rủa, thời đại “tẩy chay”.

Nhưng rất lạ là mới đây trên tờ Việt Nam thời báo của Hội nhà báo độc lập vừa mới ra đời (mục đích là để cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận và bảo vệ quan điểm độc lập và trung thực), tập hợp những “cây bút dân chủ” và “bất đồng chính kiến” tại Việt nam lại đăng một bài viết của tác giả Liên Sơn với tựa đề rất ấn tượng:“Nói một chút về mộng mị Dân chủ”.

Luận điểm của bài báo này có những điều gây tranh luận, nhưng đa phần là những nhận xét trung thực, xác đáng và có tính xây dựng, đây là biểu hiện của quyền tự do ngôn luận và tôi tôn trọng quan điểm cá nhân của tác giả.

Nếu chỉ có vậy thôi thì không có gì đáng nói ở đây, nhưng trong bài viết trên có một câu mà theo tôi là không thể chấp nhận được vì nó hàm hồ, xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không đúng sự thật, xin trích:

“Cũng phải nhắc lại rằng, chính quyền hiện nay từng mất 15 năm để đi từ con số 0 trở thành Đảng phái chính trị lớn, mất 30 năm để thực hiện lý tưởng của mình. Gần 40 năm tiến hành xây dựng chế độ. Họ biết mọi mánh khóe, mọi thủ đoạn, mọi cách thức để định nghĩa hai chữ “sợ hãi”. “Lịch sử chọn họ chứ không chọn chính phủ Trần Trọng Kim, chính phủ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu chắc chắn không phải là sự ngẫu nhiên”.

Lịch sử là gì?

Lịch sử là sản phẩm của nhân loại, nhân loại làm nên lịch sử chứ không phải ngược lại, nhưng không phải tất cả nhân loại đều được dự phần làm nên lịch sử mà chỉ có những thế lực mạnh nhất trong một giai đoạn nào đó làm nên lịch sử.

Nói một cách khác, lịch sử là sản phẩm của kẻ mạnh, thế lực nào mạnh nhất sẽ quyết định hướng đi của lịch sử và viết nên lịch sử. Kẻ yếu bị kẻ mạnh chi phối và là nạn nhân của “Lịch sử”.

CSVN luôn nói rằng “lịch sử” đã chọn họ để tự khẳng định sự “chính danh” - “chính nghĩa” và tất nhiên là “hợp pháp” của họ. Điều này giúp họ “tỏ ra có lý” để đẩy các thế lực đối kháng vào chổ “bất hợp pháp” bất “chính danh” và cũng “có lý” khi họ thẳng tay đàn áp khủng bố. Đây là một luận điệu mị dân và lộng giả thành chân nhưng nó đã là cái cớ để CSVN áp đặt chế độ độc tài toàn trị, áp đặt sự kiểm soát và chế ngự người dân VN từ hơn nữa thế kỷ nay.

Điều lạ là nó lại xuất hiện trên tờ Việt nam Thời báo (một tờ báo được mệnh danh là Cơ quan ngôn luận của Hội nhà báo độc lập) nơi thực hiện quyền tự do ngôn luận và là nơi tập hợp của các ngòi bút “dân chủ”!?

Chúng ta thử đặt lại một câu hỏi cũ rích nhưng cần thiết lúc này: CSVN là ai?

CSVN là con đẻ của Cộng Sản quốc tế, được CS quốc tế nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị để bành trướng chủ nghĩa Cộng sản ra khắp VN và Đông Dương. (chứ không phải bắt đầu từ con số 0 như tác giả viết)..

Năm 1945 được sự hậu thuẫn như vậy CSVN đã cướp được chính quyền từ tay chính phủ Trần trọng Kim và sau này họ đã cướp được chính quyền trên cả nước bằng một cuộc chiến tranh đẫm máu với vũ khí và tiền bạc từ Cộng sản quốc tế. Điều này đủ minh chứng kẻ nào mạnh kẻ đó làm nên lịch sử.!

Cuộc chiến mà CSVN tuyên truyền là cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” thực chất chỉ là cuộc chiến để mở rộng chủ nghĩa cộng sản. Trong cuộc chiến này chính phủ VNCH đã thua vì đồng minh Hoa kỳ bỏ cuộc, cho dù cuộc chiến tự vệ của quân dân miền Nam lúc đó là chính nghĩa nhưng chỉ có chính nghĩa thôi thì không đủ để tồn tại và thay đổi cục diện.

Cho nên phải nói một cách chính xác rằng: Đảng CSVN là con đẻ của cộng sản quốc tế và CSVN đã “hiếp dâm” lịch sử để đẻ ra chế độ CS hiện nay!

Không hề có cái gọi là “lịch sử chọn lựa” như CSVN đã rêu rao mà chính họ- CSVN và Cộng sản quốc tế đã “cưỡng hiếp” lịch sử! cho nên người Việt quốc gia trên toàn thế giới đều khẳng định ngày 30.4.1975 là ngày CSVN cưỡng chiếm VNCH, là ngày “Quốc hận”!

Nếu ai đó vô tình hoặc cố ý nói rằng: “lịch sử” đã “chọn lựa” CSVN lãnh đạo đất nước chứ không phải chính phủ Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu là một luận điểm sai lầm và nguy hiểm vì nói như vậy là sai sự thật, là phủ nhận tính chính danh và hợp thời đại của cuộc đấu tranh để dân chủ hóa đất nước ngày hôm nay, và những người đã và đang đấu tranh cho tiến trình dân chủ hóa VN chỉ đơn thuần là những người “vi phạm luật pháp”!

VNCH đã thất bại điều đó không đồng nghĩa VNCH không có chính nghĩa.

Phong trào đấu tranh đòi Dân chủ cho VN hiện nay tuy mỏng và yếu thì điều đó cũng không đồng nghĩa chúng ta không có chính danh và chính nghĩa!

Lịch sử không chọn ai hết, lịch sử là sản phẩm của kẻ mạnh. CSVN mạnh nên đã làm nên lịch sử chứ không phải lịch sử “chọn” họ.

Sự lập lờ đánh tráo trong ngôn từ và khái niệm, trong nhận thức thời cuộc và lịch sử của CSVN đã, đang và sẽ tạo ra sự ngộ nhận nguy hiểm. Những người cầm bút- nhất là những ai, những hội đoàn nào tự nhận mình đang đấu tranh vì dân chủ cho VN phải cẩn ngôn vì họ phải chịu trách nhiệm với bản thân, xã hội, đất nước và lịch sử.

Ở đây tồn tại một nghịch lý vì khi đã công nhận chế độ CSVN hiện nay là do “lịch sử” chọn thì cuộc đấu tranh để thay đổi nó có còn có ý nghĩa và chính nghĩa gì?

Bài viết này không mang dụng ý chỉ trích một cá nhân nào kể cả tác giả bài báo trên, chỉ xin góp ý để cùng nhau tiến bộ hầu phục vụ đất nước tốt hơn.

Thời cuộc luôn luôn vận động và không có thế lực nào là kẻ mạnh vĩnh viễn. Sắp tới đây cục diện tại khu vực Đông Á sẽ thay đổi và tương quan sức mạnh cũng thay đổi, đây là cơ hội để nhân dân VN viết nên trang sử mới của chính mình.


Huỳnh Ngọc Tuấn
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Kinh tế dối trá

Nguyễn-Xuân Nghĩa



Những lý luận nhảm nhí dẫn tới tiêu vong
Một nhân vật Hoa Kỳ đã có lời phát biểu đáng suy ngẫm:

“Tôi phải nghiên cứu chính trị và chiến tranh, để các con tôi có thể được tự do học hỏi toán pháp và triết học, địa dư và lịch sử thiên nhiên, kiến trúc hải thuyền và kỹ thuật hải vận, thương mại và canh nông - ngõ hầu đời con của chúng có cái quyền được nghiên cứu hội họa, thơ văn, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, thêu dệt và nghệ thuật đồ sứ.”

Sinh vào năm 1735 và mất năm 1826, John Adams không chỉ nghiên cứu về chính trị. Ông là nhà lãnh đạo thuộc lớp “Quốc Phụ” và là tổng thống thứ nhì của Mỹ. Lời phát biểu đáng chú ý ở vài chi tiết, có và không:
Về chuyện “có,” hai lần John Adams nhắc đến “kiến trúc.”

Thế hệ của ông là những người đi làm cách mạng để giành độc lập nên phải học hỏi và vận dụng cả chính trị lẫn quân sự. Nhờ vậy mà thế hệ nối tiếp, trong đó có con trai ông là John Quincy Adams sau này cũng làm tổng thống Hoa Kỳ, được quyền tự do học hỏi về kiến trúc hải thuyền (naval architecture). Ðấy là một bộ môn kết hợp cả chiến tranh cho hải quân, lẫn khoa đóng tàu và thương mại hàng hải. Mục tiêu là để tới đời thứ ba, các con cháu mới được quyền nghiên cứu về kiến trúc, một ngành học rất gần với nghệ thuật. Họ kiến trúc cho kiến trúc, đó là sáng tạo...

Ðiều “có” trong lời phát biểu này là trình tự thăng tiến của quyền tự do.

Thế hệ đầu tiên đi vào đấu tranh là để giành được quyền học hỏi cho thế hệ nối tiếp. Việc học hỏi ấy mở từ quân sự để bảo vệ an ninh qua hàng hải để phục vụ đời sống, hầu thế hệ thứ ba có thể tự do nghiên cứu về kiến trúc hay thi ca, hội họa hay thêu thùa... Quyền sáng tạo khởi đi từ tự do, và xứ sở chỉ có tự do khi giải quyết được bài toán ban đầu.

Then chốt nhất là bài toán chính trị.


***


Ðọc cuốn “Ðèn Cù” của tác giả Trần Ðĩnh, người viết nhớ John Adams và trình tự thăng tiến của các thế hệ từ thời đấu tranh đến xây dựng để tiến tới quyền tự do mơ chuyện viển vông cho nghệ thuật vì nghệ thuật.

Nhớ đến ba vòng xoay lên của John Adams thì cũng biết được ba vòng xoáy xuống vì chính trị đốn mạt. Nếu trong đấu tranh có thể thủ tiêu đối thủ chính trị, cải cách ruộng đất hay truy diệt trí thức thì kết cuộc về nông tang là chuyện tang thương, về sáng tạo là sự nhắm mắt, hoặc thậm chí chẳng nhíu lưỡi thì “nhíu nhìn” - chữ của Trần Ðĩnh.

Còn về hàng hải, thế hệ đốn mạt thứ ba cho ta Vinashin phá sản và Hải Quân Việt Nam ngơ ngác thúc thủ trước giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc...

John Adams là đại trí thức và tranh đấu cho một nền chính trị sau này có thể đảm bảo quyền tự do cho mọi người, kể cả trí thức và nghệ sĩ. Những gì xảy ra tại Việt Nam từ 90 năm nay lại xoay theo hướng khác, và trí thức cùng nghệ sĩ là thành phần bị đầy đọa nhiều nhất.


***


Chúng ta trở lại một điều “không” trong lời phát biểu của John Adams.

Nhân vật lỗi lạc này nói đến quyền tự do nghiên cứu về toán học, triết lý, về địa dư, lịch sử, cho tới kiến trúc, thi ca, hội họa và cả nghệ thuật điêu khắc hay dệt thảm, v.v... vậy mà chẳng thấy ông nói gì về... kinh tế. Chỉ vì kinh tế cũng là chính trị, nội dung của cột báo định kỳ này.

Chính trị, như một cách diễn tả khác của Khổng Tử, là làm cho ngay ngắn. Nền tảng đầu tiên cho cả xã hội mà được ngay ngắn thì quyền tự do học hỏi và sáng tạo mới được phát huy theo viễn kiến lý tưởng của John Adams. Nếu vậy, tại sao ông không nhắc tới kinh tế, hay kinh tế chính trị học, là khái niệm đã có trong thời đại của ông?

Phải chăng vì đấy là môn học quá khó? Nhà vật lý thời danh của thế kỷ 20 là Max Planck có lần nói với kinh tế gia nổi tiếng John Maynard Keynes rằng ông cũng có lúc muốn học về kinh tế mà về sau phải bỏ là môn quá khó. Có lẽ ông chỉ muốn nói cho vui, hay cho bạn mình vui mà thôi.

Nhưng quả rằng nếu ai cũng có thể học về kinh tế, khi hành về kinh tế thì sợ đời lại khác. Vì khoa kinh tế cũng chứa đầy chân lý nhảm nhí, hoặc bị bẻ queo để phù trợ chính sách nhảm nhí của chính trị.

Nhảm nhất là “Kinh tế Chính trị học Mác-Lênin,” một môn học thuộc diện khảo cổ về loài tuyệt chủng, hay trong các Trường đảng của những đảng Cộng sản chỉ còn đếm được bằng vài ngón của nửa bàn tay. Nhảm nhì là “kinh tế học xã hội chủ nghĩa,” theo định hướng nhà nước, với màu sắc Trung Hoa, Ba Ðình hay Venezuela...

Tại sao một bộ môn có vẻ khoa học mà lại có thể đưa tới áp dụng nhảm nhí và gây phá sản, hoặc hiện tượng “sản nhập” thay vì sản xuất?

Lý luận nhảm nhí thật ra không phải là chuyện điên khùng. Nó khởi đi từ những tư tưởng có vẻ hợp lý và nghe được. Nếu không thì đã chẳng được cái mẻ khoa học tráng sơ ở bên ngoài và được nhiều chính khách áp dụng với khẩu hiệu bùi tai. Nhưng xâu chuỗi lý luận ấy thiếu mất vài mắt xích - và thành lý luận nhảy cóc.

Mắt xích bị thiếu đầu tiên - vi thiếu nên ít ai thấy! - chính là định nghĩa. Không có định nghĩa thì nhân dân hay giai cấp có thể hòa làm một và đảng của một giai cấp có thể cai trị toàn dân. Không định nghĩa thì “cải tạo” là xóa rồi mới xây, mà xây không nổi nên sau cải tạo mới là khủng hoảng. Thiếu định nghĩa nên “địa tô” mới là đấu tố, điền chủ mới bước xuống hố chôn người, “công bằng” mới thành cào bằng. Và mọi người đều thành vô sản dưới quyền cai trị của một thiểu số đang là đại gia phe phẩy sau khi đảng ta đã “đổi mới.”

Ðịnh nghĩa của đổi mới hay định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Ðấy là một bí mật quốc gia của hệ thống lý luận nhảm nhí của kinh tế.

Cuốn sách của Trần Ðĩnh vẽ lại chân dung u ám của kinh tế chính trị học Mác-Lênin khiến lãnh đạo thời nay ở Hà Nội... yên tâm. Vì so với thời xưa được Trần Ðĩnh viết lại thì họ có vẻ khá hơn cha anh trong đảng. Họ có thể nhét vào đầu chúng ta cái lý luận nhảm nhí đó về kinh tế thời nay.

Mà không chỉ có tại Trung Quốc hay Việt Nam, lý luận nhảm nhí về kinh tế cũng xuất hiện - và tung hoành - trong các nước có dân chủ, kể cả Hoa Kỳ.

Nhảm nhí như lý luận về mức lương tối thiểu pháp định đang được chính trường Mỹ thổi lên với sự cổ động om xòm của các nghệ sĩ màn bạc. Cái mắt xích bị thiếu là “hậu quả bất lường.”

Chính khách viện dẫn mục tiêu cao đẹp của biện pháp mà bất chấp hậu quả không lường được về kinh tế là càng làm giới trẻ và những người nghèo hoặc thiếu tay nghề càng khó kiếm việc. Lãnh tụ các nghiệp đoàn thiên tả đều biết vậy mà lại ồ ạt chi tiền vận động không vì quyền lợi công nhân viên. Họ trục lợi nhờ biện pháp đó.

Vì sao lại có nghịch lý ấy thì nhiều người không hiểu, nhất là trong giới truyền thông!

Kỳ khác ta sẽ tìm hiểu tiếp.


***


Ở đầu dòng, bài kinh tế này khởi sự với John Adams. Xin kết thúc cũng với John Adams, một trong những nhà sáng lập ra nền dân chủ Hoa Kỳ.

Nhân vật uyên bác này vẽ ra giấc mơ lý tưởng về chính trị, nhưng chẳng là người hoang tưởng khi nhắc rằng trong lịch sử ông chưa thấy một nền dân chủ nào mà không tự sát. Nền dân chủ có thể tiêu vong không vì nạn động đất hay ngoại xâm, mà vì tự sát khi áp dụng lý luận nhảm nhí.

Thí dụ thời sự là chuyện Argentina vỡ nợ. Ðầu thế kỷ trước, xứ này thuộc về 10 quốc gia giàu nhất thế giới.

Kinh tế vốn không dối trá, nhưng lý luận nhảm nhí về kinh tế khiến xứ này lụn bại dần.

Lên tới trình độ ấy mà còn tuột dốc thì lý gì đến Việt Nam, vốn chưa leo khỏi cái hố của đảng.
buikiem
Posts: 503
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Chiến Tranh Lạnh lần thứ hai

Nguyễn Hưng Quốc (Blog VOA)
Báo chí Tây phương, trong mấy tháng gần đây, rục rịch bàn về chuyện một cuộc chiến tranh lạnh mới đang dần dần xuất hiện. Người ta gọi đó là cuộc Chiến Tranh Lạnh lần thứ hai.

Gọi vậy vì trước đã có cuộc Chiến Tranh Lạnh lần thứ nhất chủ yếu giữa hai phe tư bản - do Mỹ lãnh đạo và cộng sản - do Liên Xô cầm đầu. Cuộc Chiến Tranh Lạnh ấy bắt đầu ngay sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến vừa kết thúc (1945) và kéo dài đến ngày chủ nghĩa Cộng Sản hoàn toàn sụp đổ ở Liên Xô và Ðông Âu vào năm 1991. Lý do có tên Chiến Tranh Lạnh vì, trừ vài điểm nóng nơi xung đột vũ trang bùng nổ dữ dội như ở Triều Tiên trong ba năm 1950-53 và Việt Nam trong hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, hai phe chỉ gầm gừ nhau, đe dọa nhau, chửi bới nhau, đua nhau chế tạo các loại vũ khí tối tân, kể cả các loại vũ khí nguyên tử, nhưng lại tránh né các cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt giữa những quốc gia cầm đầu mỗi phe.

Sau khi chủ nghĩa Cộng Sản cáo chung tại Liên Xô và Ðông Âu, người ta ngỡ nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới, ở đó, mọi người được chung sống hòa bình và tập trung mọi nỗ lực vào việc phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế để mọi người dân đều được ấm no. Nhưng không. Cuộc chiến giữa Tây phương và các nhóm Hồi Giáo cực đoan nổ ra với các vụ khủng bố tàn khốc nhắm vào Mỹ và các quốc gia Tây phương dẫn đến hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Trong cả hai cuộc chiến tranh, Mỹ và Tây phương đánh bại dễ dàng các chính phủ ủng hộ Hồi giáo nhưng lại không dẹp tan được các nhóm Hồi Giáo cực đoan lúc nào cũng lăm lăm mở các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào thường dân ở Tây phương, đặc biệt ở Mỹ. Tuy vậy, các cuộc khủng bố của các nhóm Hồi Giáo cực đoan vẫn không đủ lớn để gây thành chiến tranh trên phạm vi toàn cầu. Hơn nữa, nó còn làm cho các quốc gia đoàn kết với nhau hơn. Trong hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, Mỹ nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn của ngay cả các quốc gia thuộc khối cộng sản trước đây.

Hiện nay, tình hình đã đổi khác. Trước hết là quan hệ giữa Nga và Tây phương. Trước, khi cuộc tấn công của các nhóm Hồi Giáo cực đoan nhắm vào Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 mới xảy ra, Nga là một trong những quốc gia đầu tiên lên tiếng chia buồn và hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Người ta ngỡ quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù biến thành một thứ tình bạn gần gũi và đầy tin cậy với nhau. Thế nhưng, càng ngày người ta càng thấy Nga, đặc biệt dưới quyền của Vladimir Putin, có những tham vọng riêng nhằm thách thức lại vị thế siêu cường quốc số 1 thế giới của Mỹ. Tham vọng ấy trở thành rõ rệt nhất là vào đầu năm nay, khi Nga thò tay gây rối ở Ukraine.

Ukraine là một nước nhỏ nhưng lại có ý nghĩa địa chính trị rất lớn: Nó là quốc gia bản lề giữa Nga và khối NATO. Với Nga, chiếm Ukraine hoặc ít nhất làm cho chính phủ Ukraine nếu không theo hẳn Nga thì ít nhất cũng trung lập, là một cách tốt nhất để bảo vệ biên giới của họ. Với Tây phương, nếu Ukraine ngả theo Tây phương hoặc nhập hẳn vào khối NATO thì biên giới của NATO sẽ được mở rộng đến tận sát bên nách của Nga. Hơn nữa, ý nghĩa chính trị của các xung đột ở Ukraine cũng rất lớn. Nếu Nga chiếm hoặc quy phục được Ukraine, họ sẽ giơ nanh vuốt đến tận các quốc gia nhỏ khác ở Ðông Âu. Với NATO, ngược lại, nếu để Ukraine bị mất vào tay Nga một cách dễ dàng, họ sẽ mất uy tín với các quốc gia cựu cộng sản khác trong khu vực. Ðó là những lý do chính khiến không có bên nào nhượng bộ bên nào cả. Hai bên vẫn tránh cảnh trực tiếp đối đầu nhau nhưng Mỹ và Tây phương vẫn tăng cường các áp lực kinh tế trên nước Nga, và Nga, ngược lại, vẫn không những không hề tỏ ý nhượng bộ mà còn bắn tiếng đe dọa cả Tây phương về một hiểm họa chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, cuộc Chiến Tranh Lạnh lần thứ hai này không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa Nga và Tây phương mà còn có một mặt trận thứ hai nữa: xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau mấy chục năm ẩn nhẫn để tập trung vào việc phát triển kinh tế, nay Trung Quốc bắt đầu giơ nanh múa vuốt với thế giới. Họ gây gổ với Nhật Bản và Nam Triều Tiên trên Biển Hoa Ðông và gầm gừ với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei trên Biển Ðông. Họ cũng ủng hộ một số chính phủ ở tận châu Phi xa lắc để chống lại Mỹ. Tất cả các nhà bình luận chính trị đều ghi nhận là Trung Quốc đang muốn chứng tỏ với thế giới là họ cũng là một trong những siêu cường quốc trên thế giới, hoặc ít nhất, trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Dĩ nhiên Mỹ và Tây phương không dễ dàng để yên cho Trung Quốc tung hoành trong khu vực. Ðó là lý do chính khiến chính phủ Barack Obama quyết định chiến dịch quay về với Châu Á, chuyển 60% lực lượng trên biển của họ về mặt trận Á Châu và Thái Bình Dương. Trong khi nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở khu vực vẫn còn xa vời, một cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một điều không thể tránh khỏi.

Như vậy, cuộc Chiến Tranh Lạnh hiện nay hoặc sắp tới sẽ là cuộc chạy đua giữa Mỹ và NATO với Nga ở vùng Ðông Âu và giữa Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương với Trung Quốc. Khả năng Trung Quốc và Nga bắt tay nhau để chống lại Mỹ không phải là không có. Trong trường hợp đó, chúng ta quay lại với tương quan lực lượng thời Chiến Tranh Lạnh thứ nhất: lúc khối Cộng Sản, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc, gầm ghè với Mỹ.

Tương quan lực lượng giống, nhưng quan hệ lại khác hẳn. Thời trước, các quốc gia Cộng Sản hầu như hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài về mọi phương diện, từ kinh tế đến văn hóa và xã hội. Bây giờ thì khác. Trước hết, về phương diện kinh tế, quan hệ giữa các nước trở thành chằng chịt và vô cùng phức tạp. Số đầu tư của Mỹ ở Nga và Trung Quốc cũng như số đầu tư của Nga và Trung Quốc ở Mỹ và ở Tây phương nói chung rất lớn. Bởi vậy, người ta rất khó để thực sự ra lệnh cấm vận hay cô lập nhau.

Bởi vậy, cuộc Chiến Tranh Lạnh lần này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ có những diện mạo khác hẳn lần trước. Nó cũng đòi hỏi giới lãnh đạo các quốc gia liên quan phải có những tính toán chiến lược mới mẻ nếu muốn giành được phần thắng. Nhưng chuyện thắng hay bại là một chuyện khá xa vời, có khi đến vài chục năm nữa mới biết rõ. Như ở cuộc Chiến Tranh Lạnh lần thứ nhất. Hơn bốn mươi lăm năm (1945-1991) mới ngã ngũ.
dailien
Posts: 2454
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Cải Cách Ruộng Ðất và các di sản

Nguyễn Hưng Quốc
(Nguồn: VOA)

Lần đầu tiên, cuộc Cải Cách Ruộng Ðất của Ðảng Cộng Sản ở miền Bắc được triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa rồi. Bản thân cuộc Cải Cách Ruộng Ðất đã đầy tai tiếng. Cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 60 năm của cái gọi là vận động Cải Cách Ruộng Ðất ấy cũng đầy tai tiếng. Trên rất nhiều diễn đàn, nhất là các diễn đàn mạng, người ta ôn lại những kỷ niệm kinh hoàng về chiến dịch đầy máu và nước mắt ấy.

Chính sách Cải Cách Ruộng Ðất được Ðảng Cộng Sản tung ra vào năm 1946, tức một năm sau khi giành được chính quyền và cũng là năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc Ðảng Cộng Sản chỉ chiếm các vùng nông thôn và rừng núi. Giai đoạn đầu, Cộng Sản chỉ tịch thu đất đai của Pháp và một số người bị coi là tay sai của Pháp để cấp cho nông dân nghèo. Giai đoạn sau, từ 1950-1953, họ cắt giảm địa tô, bãi bỏ tiền thuê ruộng và đánh thuế nặng các địa chủ. Giai đoạn thứ ba, từ năm 1954 đến 1957, mới thực sự là Cải Cách Ruộng Ðất theo đường lối của Mao Trạch Ðông.

Nội dung chính của Cải Cách Ruộng Ðất giai đoạn thứ ba này không phải chỉ là tịch thu ruộng đất của địa chủ để cấp cho nông dân hay giảm tô, giảm tức như giai đoạn trước. Cuộc Cải Cách Ruộng Ðất lần này còn nhắm đến mục tiêu tiêu diệt những thành phần họ cho là địa chủ, cường hào ác bá, những kẻ vừa theo giặc (Pháp) vừa bóc lột dân nghèo. Hình thức chính của cuộc cải cách là đấu tố và sau đó, xử tội hoặc tù giam hoặc tử hình.

Ở đây, có mấy điều đáng nói.

máy móc số lượng địa chủ chiếm 5.68% dân số ở nông thôn. Bởi vậy, ở nhiều địa phương nghèo khổ, những gia đình có một hai con heo (lợn) và một khoảnh ruộng nho nhỏ đã bị liệt vào thành phần địa chủ hay phú nông.

Thứ hai, trong việc xét xử, người ta không dừng lại ở phạm vi kinh tế mà còn mở rộng sang lãnh vực chính trị: Nếu những người gọi là địa chủ hay phú nông ấy có chút quan hệ với chính quyền Pháp lúc bấy giờ, họ bị vu tội phản quốc hay phản động bên cạnh tội bóc lột. Ðể luận tội, người ta không cần điều tra; người ta chỉ xúi giục những người được xem là bần nông hay cố nông lên tố cáo và hạch tội. Dựa trên các lời hạch tội và tố cáo ấy, người ta sẽ xử tội tội nhân.

Thứ ba, hình thức xử tội rất dã man: Có nơi xử bắn, có nơi chôn sống hoặc bắt nhịn đói nhịn khát đến chết.

Bàn về cuộc Cải Cách Ruộng Ðất ở miền Bắc, lâu nay, người ta chỉ tập trung vào tội ác của Ðảng Cộng Sản trong việc giết oan nhiều người dân vô tội. Nạn nhân tiêu biểu nhất, được nhiều người nhắc đến nhất là bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Hanh Long ở Hà Nội. Bà giàu, ừ, rất giàu. Nhưng bà lại là người ủng hộ Ðảng Cộng Sản và Việt Minh một cách nhiệt tình và tích cực. Ngay sau Cách Mạng Tháng Tám, vì thiếu ngân sách, Ðảng Cộng Sản tung ra chiến dịch “Tuần lễ vàng” và kêu gọi dân chúng tham gia, riêng bà Năm tặng đến mấy trăm lượng, chưa kể nhà cửa và thực phẩm. Bà cũng giúp đỡ rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Cộng Sản. Cả Trường Chinh, Phạm Ðồng và Lê Ðức Thọ đều được bà xem như con nuôi. Ngoài ra, bà có người con ruột tham gia Việt Minh, vào bộ đội, và lên đến chức trung đoàn trưởng. Vậy mà bà vẫn bị giết. Chỉ vì những lời tố cáo vẩn vơ đâu đó.

Bên cạnh sự độc ác, Ðảng Cộng Sản còn mắc một lỗi khác: quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Thời ấy, các đoàn cố vấn của Trung Quốc tấp nập sang Việt Nam (miền Bắc) để huấn luyện cán bộ Việt Nam, thậm chí, để chỉ đạo giới lãnh đạo Việt Nam. Tỉ lệ hơn 5% dân số ở nông thôn là địa chủ là do các cố vấn Trung Quốc đặt ra. Nhiều người còn tiết lộ, trong vụ xử tội bà Nguyễn Thị Năm, giới lãnh đạo miền Bắc, kể cả Hồ Chí Minh, đều biết các lời tố cáo là sai, nhưng dưới sức ép của các cố vấn Trung Quốc, họ vẫn nhắm mắt để mặc cho bà Nguyễn Thị Năm chết một cách thảm khốc và oan ức.

Theo tôi, ngoài hai vấn đề độc ác và lệ thuộc Trung Quốc nêu trên, có một khía cạnh khác quan trọng không kém trong các di sản của cuộc Cải Cách Ruộng Ðất ở miền Bắc: Nó phá nát đạo lý truyền thống Việt Nam, trước, trong quan hệ làng xã, sau, ngay trong phạm vi gia đình.

Tất cả các nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam đều nhận định giống nhau: làng xã là một đơn vị đặc biệt mang dấu ấn rất Việt Nam. Trong làng, dĩ nhiên có người giàu và người nghèo, vẫn có bóc lột và áp bức, nhưng dù vậy, quan hệ giữa người với người, nói chung vẫn tốt đẹp. Họ đoàn kết với nhau trong việc bảo vệ quyền lợi của làng cũng như trong việc duy trì những truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng.

Chính vì vậy, rất ít người muốn đi xa khỏi làng. Người ta quyến luyến làng và tự hào về làng. Trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất, tất cả những quan hệ và tình tự ấy đều bị phá vỡ. Những người dân nghèo được các cán bộ xúi đứng ra tố cáo những người giàu có. Có khi là tố cáo những tội thật. Nhưng phần lớn, căn cứ trên con số trên dưới 80% xử oan, chỉ là những lời bịa đặt do các cán bộ từ trên xuống mớm vào miệng họ.
Qua các cuộc tố cáo và hành quyết dã man ấy, mọi người trở thành kẻ thù của nhau. Không ai còn tin tưởng ai nữa. Nhà có con gà chết dịch, muốn làm thịt ăn, người ta cũng phải ăn giấu ăn giếm, lông phải chôn thật kỹ, để khỏi bị tố cáo là địa chủ hay phú nông.

Không những phá vỡ quan hệ trong làng, các cuộc vận động Cải Cách Ruộng Ðất còn phá vỡ quan hệ trong gia đình với cảnh con tố cha, vợ tố chồng. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, để bảo vệ truyền thống đạo lý trong gia đình, vua chúa thường ra lệnh cấm không cho cảnh vợ tố chồng hay con cái tố cáo cha mẹ. Ở miền Bắc, ngược lại, ngay sau khi vừa nắm chính quyền, Ðảng Cộng Sản đã xúi giục những người thân nhất trong gia đình tố cáo nhau. Cuối cùng, không ai còn tin tưởng ai nữa.

Theo tôi, một công trình nghiên cứu nghiêm túc về các di sản của cuộc Cải Cách Ruộng Ðất ở miền Bắc trong mấy năm, từ 1954 đến 1957, là điều rất cần thiết. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết tổng số các nạn nhân bị giết chết cũng như tổng số những người bị bắt bỏ tù và tịch thu tài sản. Chúng ta cũng chưa biết thật rõ những tác hại tinh thần của nó trong đời sống xã hội cũng như trong quan hệ giữa người và người.
Còn có rất nhiều điều chúng ta chưa biết.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Image

Trò chuyện với một nhân chứng sống của Cải cách Ruộng đất

Trà Mi-VOA

Một sự kiện gây bão dư luận trong tháng này khi chính phủ Hà Nội lần đầu tiên mở triển lãm về cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất những năm 40-50 ở miền Bắc và vội vã đóng cửa sau 3 ngày gặp phản ứng mãnh mẽ từ công chúng, nhất là các cư dân mạng.

Cuộc triển lãm tại Viện Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia ở Hà Nội chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 – 1957” khai mạc hôm 8/9 đã làm khơi dậy làn sóng phẫn nộ vì điều bị cáo buộc là không phản ánh đúng thực chất sự kiện lịch sử đã giết chết ít nhất 15 ngàn người bị đấu tố là địa chủ mà đa phần trong số đó bị vu oan, cùng hàng ngàn nạn nhân khác bị tra tấn, hành hạ và bỏ đói trong tù.

Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cộng sản Trung Quốc và Liên Xô, chiến dịch Cải cách Ruộng đất của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng Lao động Việt Nam tức đảng Cộng sản hiện nay đề mục tiêu xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt địa chủ và các thành phần bị xem là ‘bóc lột, phản quốc’, để chia lại ruộng đất cho dân cày, lập nền chuyên chính vô sản, nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Image
Chiến dịch đấu tố thảm sát tàn bạo này đã gây ra bầu không khí nồi da xáo thịt kinh hoàng khi đồng bào- đồng loại truy quét, thảm sát, tận diệt lẫn nhau; khi những người cùng huyết thống trong gia đình đấu tố, vu cáo, ám hại nhau giẫm đạp luân thường đạo lý.

Sự khủng khiếp ấy đã được bộc lộ rõ nét qua mấy vần thơ của Tố Hữu:
«Giết! Giết nữa bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước tơ lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sit-ta-lin bất diệt!»
Trong số trên 172 ngàn người bị quy là địa chủ trong Cải cách Ruộng đất, cứ 10 người thì có tới hơn 7 người bị quy oan, để rồi sau đó ông Hồ Chí Minh đã thừa nhận chính sách này là một sai lầm.

Giới trẻ Việt Nam ít người được biết đến cuộc Cải cách Ruộng đất này vì bấy lâu nay nó không được sử sách nhà trường nói đến hay báo chí nhà nước nhắc lại, và cuộc triển lãm lần đầu tiên đầy tranh cãi và kịch tính ở Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia trong tháng này dường như là một vết dao thêm nữa cứa vào vết thương còn rỉ máu sau gần 6 thập niên.
Image
Để các bạn trẻ hiểu thêm về sự kiện gây sóng gió công luận này, Tạp chí Thanh Niên hôm nay có cuộc trao đổi với một trong những nhân chứng sống, nạn nhân, và cũng là người tham gia cuộc Cải cách Ruộng đất 60 năm về trước: nhà văn, nhà báo Trần Mạnh Hảo, nguyên ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, người đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản vào năm 1989 vì tác phẩm ‘Ly Thân’ trong đó có nói tới chiến dịch Cải cách Ruộng đất.


Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Đại cục của Cải cách ruộng đất là cái xấu xa, đảo lộn đạo lý của dân tộc, là những cuộc đấu tố khủng khiếp xử oán oan người ta, hàng vạn người bị oan. Vết thương đã lành họ lại khoét nó ra. Dư luận trên internet phản ứng. Người ta kể ra sự thật, cho nên họ thấy lợi bất cập hại, họ vội vàng đóng cửa. Đây là một bài học cho sự tuyên truyền dối trá. Bây giờ còn rất nhiều người trong Cải cách Ruộng đất như chúng tôi vẫn còn sống đây, sao lại bịp chúng tôi được?

Trà Mi: Hành động nhắc lại lịch sử có người đánh giá là khoét lại nỗi đau chưa lành, có người cho rằng nên nhìn lại lịch sử để học lại bài học của chính mình. Bấy lâu nay đã có rất nhiều chỉ trích nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam muốn né tránh những chuyện sai lầm đã gây ra, nên họ cố quên và muốn nhân dân phải quên đi. Nhưng tới lúc họ nhắc lại thì bị ném đá, bị chỉ trích nặng hơn. Không nhắc thì nói là bưng bít, còn nhắc lại thì bị phản ứng. Nên hiểu thế nào về những gì ẩn sau trong lòng dân chúng Việt Nam? Liệu dư luận Việt Nam có quá khắc khe hay không?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Cải cách Ruộng đất thật sự là một vết nhơ xấu xa nhất của cộng sản. Cái xấu xa nhất lại đưa ra khoe, triển lãm. Mà triển lãm lại nói phần tốt đẹp chứ không nói phần xấu. Vẫn là một sự bịp bợm, nói dối. Họ cứ quen thói bịp nhân dân mãi. Xưa nhà nước độc quyền các phương tiện truyền thông, chứ giờ internet và Facebook đã là phương tiện truyền thông của mọi người.

Trà Mi: Có ý kíên cho rằng lịch sử không phải để thù hận, cho nên cũng có người ủng hộ sự bạch hóa lịch sử…

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Bạch hóa lại chối tội, gian dối thì làm sao? Anh bắn giết, hành hạ người oan. Người qua không tội gì lại vu cáo, bịa chuyện để đưa ra bắn, thích bắn là bắn. Bắn hàng vạn người như vậy, rồi ngồi khóc là xong tội à? Ai gây ra chuyện căm thù nhau, nồi da xáo thịt? Ai gây chuyện đấu tố địa chủ khủng khiếp như vậy? Chỉ bởi học thuyết sai lầm về đấu tranh giai cấp sinh ra. Họ đưa học thuyết tà đạo về áp dụng cho dân tộc Việt Nam, làm đảo lộn đạo lý của dân tộc, con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, cháu đấu tố ông bà. Toàn tố điêu không. Tôi là người tham gia Cải cách Ruộng đất từ đầu chí cuối. Gia đình tôi và bản thân tôi là nạn nhân của Cải cách Ruộng đất nên tôi biết. Sao chúng tôi lại không lên tiếng được? Buộc lòng chúng tôi phải viết mấy bài trên Facebook kể lại chuyện gia đình tôi, rất khủng khiếp, mà tôi chỉ kể có mức độ thôi. Họ không biết sám hối mà cốt tuyên truyền, đem cái xấu xa nhất của chế độ khoe ra mà bảo là tốt thì làm sao mà mọi người nhịn được. Nếu họ triển lãm trung thực, kể ra cái ác của Cải cách Ruộng đất ra để sám hối, để nhận lỗi của mình thì không ai phản ứng cả. Đằng này họ lại làm cái cuộc dối trá như vậy. Không coi người dân ra cái gì cả. Cũng không có một thái độ đàng hoàng, tử tế. Khi thấy triển lãm hố, hai ba ngày sau ngưng không triển lãm nữa lấy lý do thiếu ánh sáng. Thái độ rất hèn hạ. Những người đã bị đấu tố hầu hết là những địa chủ phục vụ kháng chiến. Thế nhưng họ lại bắt đưa ra đấu tố. Như bà Nguyễn Thị Năm là người có công vô cùng lớn với chế độ của ông Hồ Chí Minh, đã nuôi ông Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cộng sản trong nhà và mang hết tài sản ra tặng. Thế nhưng cuối cùng họ lại đem bà ra bắn.

Trà Mi: Là một nhà báo để ý quan sát thời cuộc, theo ông, vì sao nhà nước lại mở triển lãm Cải cách Ruộng đất vào lúc này chứ không phải là sớm hơn hay muộn hơn?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Tôi nghĩ rằng cuộc triển lãm này được cấp cao nhất quyết định lâu rồi. Phải là Bộ Chính trị quyết định chứ Bộ Văn hóa không có quyền làm chuyện này. Họ chủ quan nghĩ rằng đã lừa dối được dân mấy chục năm nay rồi thì giờ muốn nói gì thì nói. Đấy là một cái nhầm vì dân bây giờ đã thức tỉnh.

Trà Mi: Đã có nhiều ngòi bút mô tả Cải cách Ruộng đất như một cuộc cách mạng ‘long trời lở đất.’ Cải cách Ruộng đất dưới ngòi bút của nhà văn-nhà báo Trần Mạnh Hảo, một cựu đảng viên cộng sản Việt Nam, như thế nào?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Trong tiểu thuyết Ly Thân của tôi nay đã bị nhà nước cấm, tôi có mô tả đến cuộc Cải cách Ruộng đất. Bây giờ tôi cũng không muốn nhắc tới vì con cháu những người trong làng đã đấu tố gia đình nhà tôi, những người tố điêu, những người làm những việc rất xấu xa đê tiện đó hiện giờ vẫn còn sống trong làng. Khi tôi nhắc lại thì con cháu những người đó cũng có gọi điện thoại vào nói ‘Xin bác tha cho vì chúng ta là những người Công giáo, lấy sự tha thứ làm trọng.’ Tôi bảo ‘Không, tôi thì tôi quên rồi, nhưng tự nhiên ông nhà nước triển lãm Cải cách Ruộng đất mà rất là dối trá như vậy thì bắt buộc tôi phải lên tiếng để công luận biết những gì triển lãm kia không phải thực chất của Cải cách Ruộng đất. Thực ra, nếu muốn viết về Cải cách Ruộng đất, tôi đã viết một cuốn sách ít nhất phải là 500 trang vì riêng chuyện gia đình tôi cũng khủng khiếp lắm. Có những điều tôi cũng không muốn nói ra nữa.

Trà Mi: Nhân nói chuyện về cuộc triển lãm nhắc lại thời mốc quá khứ đen tối trong lịch sử Việt Nam, có thể cùng nhà văn Trần Mạnh Hảo nhìn lại những gì đã diễn ra? Là một nạn nhân cũng là ngừơi tham gia đấu tố trong Cải cách Ruộng đất, từng kinh qua những chuỗi ngày Cải cách Ruộng đất trong thời thơ ấu, sau 6 thập niên nhìn lại, những ký ức còn đọng lại trong ông là gì?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Tôi đã chứng kiến lính Pháp đi càn quét trong làng xã, cũng là kinh khiếp lắm, nhưng không bằng Cải cách Ruộng đất. Tôi đã từng đi xem bắn người, những người tốt nhất trong làng xã tôi bị quy là địa chủ và bị đưa ra bắn rất tàn bạo. Tôi cũng từng đấu tố bố mẹ tôi. Tôi cũng từng chứng kiến thảm cảnh gia đình nhà tôi từ đầu chí cuối thì tôi phải nói là Cải cách Ruộng đất không khác gì Polpot bao nhiêu. Những người bị bắn trong làng xã tôi hầu hết là từng là đảng viên cộng sản. Không hiểu tại sao họ lại lôi ra bắn hết. Chắc họ muốn thanh trừng vì họ sợ. Những lớp người làm kháng chiến chống Pháp trong vùng này đã từng là bí thư chi bộ của cộng sản, chủ tịch xã bị lôi ra bắn hết.

Trà Mi: Ông không hiểu vì sao họ làm như vậy, nhưng chính bản thân ông từng có hành động đấu tố tham gia trong cuộc Cải cách Ruộng đất đó, ông có hiểu vì sao mình làm vậy không?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Lúc đó tôi mới 10 tuổi thôi. Họ huy động thiếu niên con cái của địa chủ, bắt phải đấu tố bố mẹ thì bố mẹ mới khỏi bị bắn. Bọn chúng tôi đều nghĩ là họ nói thật nên sợ lắm. Tôi bàn với mẹ, mẹ bảo ‘Con không đấu tố thì bố con chết.’ Cuối cùng, chúng tôi phải đứng ra nói theo kịch bản của họ là ‘Bố tôi rất gian ác.’ Họ bảo ‘Chưa được, phải nói nặng thêm.’ Tôi hét lên ‘Bố tôi giết cả làng này.’ Ông đội cải cách rất trẻ tát vào mặt tôi cái bốp, bảo ‘Chửi cha vượt chỉ tiêu trên giao. Trên giao cho mày chửi bố có bằng này thôi, sao mày chửi nhiều vậy?’ Bố mẹ tôi còn bị những người hàng xóm đấu tố. Trước đó, họ là những người Thiên Chúa giáo rất tốt. Đội Cải cách về khuyến khích thế nào thành ra nói dối hết. Tất cả ‘địa chủ’ trong làng xã tôi đều không giàu có gì vì ngoài Bắc ít có người có ruộng thẳng cánh cò bay như trong Nam Bộ. Chỉ vài mẫu ruộng, vài con trâu mà thành ‘địa chủ’ rồi. Họ cứ quy và đấu tố điêu rất gian ác. Trong Cải cách Ruộng đất, không khí khủng khiếp vô cùng.

Trà Mi: Sau lần chính ông đấu tố bố mình, bố ông có lãnh hậu quả thế nào không?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Bố tôi sau đó bị nhốt mấy tháng được thả vì gia đình tôi được xuống thành phần ‘trung nông lớp D.’ Tôi nhớ bác Luông ở gần làng tôi cũng bị bắn rất tàn bạo. Đến khi họ sửa sai thì họ cho bác ấy xuống thành phần. Người ta đền tội bắn chết ông Luông có 100 cân thóc cho gia đình. Ngay cả em ruột ông nội tôi là một nhà sư rất nổi tiếng ở huyện cũng bị đấu tố đến mức tự treo cổ chết. Sau này, ông cũng được xuống thành phần. Ông sư trong chùa có gì mà là địa chủ. Họ cốt quy ông là địa chủ để phá chùa của ông thôi. Gần như Cải cách Ruộng đất tiến đến một cuộc diệt chủng. Ví dụ như ông cố sinh ra ông nội tôi, năm đó gần 90 tuổi, râu tóc bạc phơ. Vậy mà họ cũng đem ông ra ruộng đào hố đấu tố ông chỉ vì ông có nhà to nhất làng. Ông cố tôi là một trong những người lập ra cái làng đó. Ông bị đấu tố tới ngất đi. Ông xin xử bắn cho ông được yên mà họ không bắn, đem nhốt ông trong nhà bếp bên cạnh nhà tôi, không cho ăn. Cứ đêm đến ông gọi tôi qua cửa sổ ‘Ông Hảo ơi cho con xin miếng cơm.’ Mẹ tôi thỉnh thoảng lén ném qua cửa sổ cho ông một nắm cơm để ông sống. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông chết.

Trà Mi: Cải cách Ruộng đất nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến; tiêu diệt các thành phần địa chủ, chống chính quyền, hay Việt gian để lấy lại ruộng đất cho bần cố nông. Họ nói mục tiêu đó về cơ bản không sai, nhưng dẫn tới sự đẫm máu và oan sai là do cách thực hiện sai. Ông nghĩ thế nào?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Cái đó chỉ là họ biện minh cho hành động độc ác của họ. Mục tiêu của họ là giết trí thức và người giàu. Khẩu hiệu ‘Trí-phú-địa-hào, đào tận gốc trốc tận rễ’, khẩu hiệu căn bản của Cải cách Ruộng đất, vẫn rành rành ra đó. Khẩu hiệu này ra đời từ đảng Cộng sản Đông dương 1930. Trí thức và những người biết làm giàu là thành phần tạo nên xã hội văn minh. Không có trí thức, không có người biết làm ra của cải thì không có xã hội văn minh. Ngay mục tiêu ban đầu của họ đã là rất ác độc, sai trái, chống con người mà cứ bảo trên đúng do dưới thực hiện sai thì rất bậy bạ. Họ chỉ tìm cách mị dân thôi.

Trà Mi: Chủ nghĩa cộng sản tin rằng cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc…

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Họ có giải phóng gì đâu. Họ chia ít ruộng cho bần cố nông. Hai năm sau, đến 1958 là họ thu lại hết. Họ cướp hết, cho vào hợp tác xã. Nông dân vẫn tiếp tục khổ ai, còn khổ ải hơn xưa nữa, khốn khó vô cùng. Năm 1958 họ lấy hết đất của dân dồn vào tay nhà nước gọi là ‘hợp tác xã’, thì đâu thể gọi là ‘dân cày có ruộng?’ Đấy là cuộc cách mạng dân cày mất ruộng chứ. Lúc ấy chúng tôi có một ông địa chủ to vô cùng có tên là ‘hợp tác xã,’ đày đọa con người không thể tưởng tượng được. Tôi từng đi làm hợp tác xã, tôi biết, đói vô cùng, hoa cả mắt, suốt ngày làm không đủ ăn.

Trà Mi: Với con mắt một nhân chứng, một người từng là nạn nhân của Cải cách Ruộng đất, ông sẽ nói gì về những di hại của nó cho tới 6 thập niên sau?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Tôi chỉ muốn nói rằng dân tộc chúng ta đã kinh qua rất nhiều bi thảm do lỗi lầm của những người mang tà thuyết độc ác, chủ nghĩa duy ác, về đất nước chúng ta. Mong rằng họ sẽ từ bỏ chủ nghĩa duy ác này để trở về với dân tộc, với sự thương yêu hòa đồng với nhau. Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp này là một chủ nghĩa rất là sai lầm, làm tai hại cho dân tộc, làm nhân dân cùng đường khốn khổ khốn nạn như thế này. Tôi mong những người cộng sản lãnh đạo đất nước hãy mau thức tỉnh sám hối. Hãy nghĩ rằng không chóng thì chày họ sẽ bị lịch sử lên án. Tôi chỉ mong họ hồi tâm quay lại với đất nước. Mọi người chúng ta hãy cùng nhau nói lên sự thật thì sự thật mới có mặt trên đất nước chúng ta.

Trà Mi: Với thế hệ trẻ ngày nay và ngày mai của nước Việt, theo ông, Cải cách Ruộng đất đã để lại cho họ bài học lịch sử như thế nào?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Thế hệ chúng tôi bây giờ gần đất xa trời rồi. Thế hệ bố mẹ chúng tôi bị ám ảnh bởi Cải cách Ruộng đất thì chết hết rồi. Bây giờ họ tưởng đã đến lúc họ muốn sáng tác, muốn bịa theo kiểu của họ thế nào cũng được vì lớp trẻ đâu có biết gì, họ muốn nói gì thì nói mà. May mà những người như chúng tôi còn sống và có những bạn trẻ được cha mẹ kể lại những ký ức đau thương của thời Cải cách Ruộng đất, cho nên người ta đã lên tiếng. Không thể nào bịp nhân dân mãi, không thể nào bịt miệng được nhân dân mãi. Internet là phương tiện vô cùng hữu hiệu để chúng ta nói lên sự thật.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn nhà văn Trần Mạnh Hảo đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Cứu nước trên hết!

Nguyễn Trọng Vĩnh

Chưa bao giờ thấy tình hình đất nước đáng lo như hiện nay:

Về kinh tế xã hội: Hàng chục vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, công nhân nhân viên mất việc, ngân sách thất thu, sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, người cày mất ruộng, tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ, tham ô, nợ xấu ngân hàng, thất thoát hàng ngàn ngàn tỷ, hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường chủ yếu từ Trung Quốc, hàng xuất khẩu chủ lực lệ thuộc Trung Quốc về nguyên vật liệu, nhập siêu hàng năm trên dưới 20 tỷ đô la, nợ nước ngoài chồng chất vượt quá GDP, khoáng sản bị đào bới bung bét, rừng bị chặt phá vô tội vạ…Kinh tế sa sút gần đến đáy, tụt hậu rất xa so với các nước chung quanh. Tài nguyên phong phú mà dân nghèo, nước yếu, lệ thuộc.

Mọi mặt xã hội xuống cấp nghiêm trọng.

Về an ninh, quốc phòng: Nhiều điểm xung yếu về quốc phòng đã bán hoặc cho Trung Quốc thuê dài hạn. Họ đã mua được 3, 4 ngàn hecta rừng biên giới, đã đứng chân được trên cao nguyên chiến lược, đã vào “nuôi cá” trong quân cảng Cam Ranh, đương thực hiện dự án khu luyện thép Formosa và cảng Vũng Áng, thực tế là đương xây dựng căn cứ quân sự, họ thuê cảng Cửa Việt cũng đương thực hiện mục đích ấy; từ Kỳ Anh đến chân đèo Ngang, phía Đông đường quốc lộ 1, khoảng 20 km họ xây tường cao và làm gì trong đó không ai biết, mua một đoạn bãi biển Đà Nẵng, xây nhà kín cổng cao tường để làm gì cũng chẳng ai hay. Trung Quốc đã đánh chiếm được cao điểm 1059 trong huyện Vị Xuyên, Hà Giang, ngoài biển, trên cụm bãi đá Gac Ma trong quần đảo Trường Sa của chúng ta mà họ đánh chiếm năm 1988, họ đương xây thành những đảo nhân tạo và thành căn cứ quân sự có sân bay, đường băng. Hàng vạn người Trung Quốc rải khắp nơi có thể là đội quân thứ 5. Độc lập, chủ quyền của nước ta bị uy hiếp nghiêm trọng.

Thực trạng trên đây nói lên sự quản lý, điều hành yếu kém của người đứng đầu Chính phủ và sự lãnh đạo yếu kém của Ban lãnh đạo Đảng.

Cứ đà này tiếp tục, tình hình sẽ còn bi đát hơn, có thể dẫn đến vỡ nợ và có thể mất độc lập chủ quyền. Điều này có phần do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quá thân Trung Quốc, quá bảo thủ một thứ ý thức hệ không tưởng và quá sợ Trung Quốc đánh, không cho kiện Trung Quốc, không đấu tranh quyết liệt với những hành động xâm lấn và mưu đồ bá chiếm Biển Đông của họ, không muốn làm gì trái ý Trung Quốc, thả lỏng, nên họ muốn gì cũng được.

Trước hiểm họa của đất nước, đảng viên, cán bộ từ dưới lên, những ai còn có lòng yêu nước, còn thấm được ít nhiều tinh thần, khí phách Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, hãy thức tỉnh, dám nghĩ dám làm, dám thay đổi, cùng nhân dân chung tay cứu nước.

Con đường đúng đắn là:

- Đặt Tổ quốc lên trên hết, từ bỏ toàn trị, từ bỏ đường lối sai lầm bảo thủ, tư duy ý thức hệ hão huyền, thực hiện dân chủ với dân, tôn trọng các quyền và lợi ích của dân, gắn bó với dân để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đích thực.

- Vẫn duy trì mối quan hệ bình thường với Trung Quốc và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước nhưng phải phát huy tinh thần độc lập, tự chủ tách ra khỏi sự ràng buộc của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán, kết bạn với tất cả các nước lớn như Nga, Nhật, Ấn, Mỹ…

Tôn trọng trí thức có chân tài, thực học, tâm huyết với sự đổi mới và phát triển đất nước, với các chuyên gia kinh tế giỏi, cùng nhau bàn bạc, tìm ra đường lối, kế sách đúng để tiến lên và bảo vệ vững chắc Độc lập, chủ quyền dân tộc.

Bảo thủ không thay đổi là có tội với lịch sử.

N.T.V.
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Post by tramthaiha »

'Ðểu cáng đã lên ngôi!’

Ngô Nhân Dụng

Phim “Sống cùng lịch sử” phải ngưng chiếu, trong thành phố Hà Nội, vì mỗi ngày chỉ có hai, ba người mua vé vào coi. Phim mới này, của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, được mô tả là làm ra để khen ông Võ Nguyên Giáp.

Cuốn phim làm tốn mất 21 tỷ đồng, tương đương với một triệu đô la Mỹ; dùng tiền nhà nước, tức là tiền của dân Việt Nam. Trước đó, năm 2010 đã có phim “Lý Công Uẩn - Ðường tới thành Thăng Long” tốn gấp năm lần, chi trên 100 tỷ; làm xong cũng đem cất trong kho.

Có người chỉ cho nhà sản xuất phim, có cách khiến dân Hà Nội kéo nhau đi coi phim về Tướng Giáp: Hãy xin Ðảng Cộng Sản ra lệnh cấm phim này! Cứ cái gì bị cấm thì người thế nào dân cũng tìm coi bằng được. Vào thế kỷ thứ 19 đã có một ông vua Hy Lạp dùng kế này.

Dân Hy Lạp hồi xưa không trồng khoai tây; mà bây giờ đó là một món ăn rất được ưa chuộng. Ðó là công của vua Óthon (tên ông có khi viết là Otho , hoặc Otto ; theo lối viết của người Hy Lạp, nay viết là Óthon ).

Vua Óthon (1815-1867) được các cường quốc đưa từ Bavaria sang làm vua xứ này khi mới 17 tuổi, sau khi dân nổi lên lật đổ đế quốc Ottoman . Nhưng khi trưởng thành ông rất yêu nước Hy Lạp. Nông dân Hy Lạp rất bảo thủ, không muốn trồng một thứ gì mới, kể cả khoai tây là món được đem giống từ Châu Mỹ về.

Muốn nông dân trồng khoai tây, vua Óthon đã ra lệnh cấm mua bán, tàng trữ khoai tây. Bị đế quốc Ottoman thống trị bốn thế kỷ, bị bóc lột không nương tay, nông dân Hy Lạp đã nhiễm một thói quen: Hễ cái gì nhà nước cấm thì ta làm, làm lén, càng cấm càng thèm, lén lút làm càng thích! Phàm người dân nước nào cũng vậy, họ thích ăn “trái cấm,” ở đây củ khoai có thể gọi là “củ cấm.”Thế là nông dân Hy Lạp đi gây giống khoai tây, lén trồng khoai trong vườn nhà mình, đêm đêm móc củ khoai lên mà ăn, cả nhà cùng sung sướng. Cuối cùng khoai tây trở thành một món quốc hồn quốc túy!

Một câu chuyện ly kì khác kể rằng vua Óthon cho người đi phao tin đồn rằng có một chiếc tàu thủy vừa cập hải cảng Piraeus , thành phố Athens , chở một đặc sản dành riêng cho hoàng cung, vì hoàng gia Bavaria đã quen món ăn chân quý đó rồi. Cấm không bán cho dân chúng, vì trình độ ẩm thực của họ còn thấp quá. Chiếc tàu thủy không cho ai canh gác, cho nên dân Hy Lạp ban đêm đã lén lên tàu lấy trộm về ăn thử. Và họ thấy quả nhiên ngon. Từ đó, họ thi đua trồng khoai tây.

Có thể nói cuốn phim “Sống cùng lịch sử” làm cho cả Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam mất mặt.

Bỏ hàng triệu đô la ra làm phim mà không có ai coi. Bây giờ, họ có thể gỡ thể diện, bằng một mật lệnh, bí mật nhưng cứ cho các công an dư luận đi rỉ tai cho mọi người biết, rằng cuốn phim đã bị cấm. Lý do, cũng cứ rỉ tai mà nói, là vì Bộ Chính Trị mới nhận được lá thư của bà Vân, vợ thứ nhì của ông Lê Duẩn, lá thư dài tố cáo những tội lỗi của ông Giáp, do ông Lê Duẩn thì thầm bên gối cho bà nghe. Nhân danh là một đảng viên Cộng Sản, bà Vân đã đả kích thậm tệ việc tung hô Tướng Giáp trong đám tang của ông. Bà còn chỉ trích cả việc ông Giáp chọn chỗ đặt mồ của mình ở tuốt miền quê hương ông, xa hẳn Hà Nội. Tức là trước khi chết ông ta còn nhất định không chịu nằm chung một chỗ với đám quý tộc đỏ ở nghĩa trang Mai Dịch. Cứ nói rằng Bộ Chính Trị đã tỉnh ngộ, đánh giá cao dóng góp của đồng chí Vợ Hai Lê Duẩn, cho nên ra lệnh từ nay cấm không cho ai chiếu phim, coi phim “Sống cùng lịch sử”!

Người hiến kế cho đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có thiện trí muốn giúp ông thu được chút vốn về cho nhà nước. Nhưng kế này khó thực hiện, vì quên mất một điều: Phim Tướng Giáp không phải là khoai tây. Nông dân Hy Lạp nếm thử món khoai tây, thấy ngon thật cho nên đua nhau trồng chi, ăn chui. Còn cuốn phim “Sống cùng lịch sử” đã có người nếm thử rồi, mỗi ngày có tới hai ba người tò mò mua vé xem tại cả hai rạp hát; tổng cộng ba ngày có tới ít nhất 12 khán giả. Chắc hẳn 12 khán giả đều thấy lịch sử cuộc chiến 56 ngày đêm của ông Giáp cũng không ngon được như cái củ khoai tây, cho nên chẳng ai thèm đi xem nữa.

Có người giải thích tai nạn của phim “Sống cùng lịch sử”cũng là tai nạn của môn lịch sử tại Việt Nam hiện nay. Bà con còn nhớ mấy năm trước khi học trò biết tin môn sử học được bãi bỏ trong kỳ thi, các em đã làm lễ ăn mừng, đem tung hê hết các cuốn sách giáo khoa sử học, vứt từ trên lầu xuống đất, vui như coi pháo bông.

Nhưng giải thích như vậy không đủ. Nên nhớ khi học trò lớp 12 phải học môn lịch sử thì các em toàn phải học về công ơn của Ðảng Cộng Sản. Dân Việt Nam đã phải ăn cái món ăn tuyên truyền suốt ngày đêm, từ sáng đến tối, chán ứ đến mang tai rồi. Các em học sinh phải đi thi nên phải học, chỉ học thuộc lòng thôi chứ không được nghiên cứu, tìm tòi gì thêm cả. Cho nên, khi nghe tin được tha, không phải học nữa các em phải sướng như điên, biểu diễn màn xé sách tung hê. Kết tội các em không quan tâm đến lịch sử dân tộc là oan. Các em chỉ chán nghe tuyên truyền mà thôi. Như câu ca dao thịnh hành ở ngoài Bắc từ thời Hồ Chí Minh còn sống:

“Dân đói mà đảng thì no
Sức đâu ủng hộ, hoan hô suốt ngày?”

Cuốn phim thất bại vì nó không phải lịch sử, nó chỉ là tuyên truyền mà thôi. Nói như một độc giả Bảo Minh ở Việt Nam sau khi đọc tin phim “Sống cùng lịch sử“ế khách trên mạng VnExpress : “Làm phim về lịch sử nếu không trung thực với lịch sử thì sẽ tiếp tục thất bại và khán giả hờ hững.” Cũng vì vậy, ông Nguyễn Thanh Vân cho biết đã liên lạc với các rạp nhà nước và tư nhân, nhưng “không phải rạp tư nhân nào cũng đồng ý” chiếu một bộ phim mà họ biết trước sẽ ế khách.

Nhưng tại sao ông Nguyễn Thanh Vân và các cấp chỉ huy của ông trong ban văn hóa tư tưởng không đoán trước được phản ứng của khán giả trước khi bỏ tiền ra làm phim? Có một độc giả đã giải thích, “Người ta đâu cốt làm phim, người ta chỉ cố rút được càng nhiều tiền thuế càng tốt.” Ðó có lẽ là lời giải thích đúng sự thật nhất. Nhưng nói vậy cũng chưa đủ. Vì muốn rút tiền thuế của dân ra chia nhau thì thiếu gì cách, đâu cứ phải làm phim? Lý do quan trọng hơn khiến người ta làm cuốn phim này, là họ đã hoàn toàn vô cảm. Vô cảm trước tâm trạng của người dân Việt Nam hiện nay. Họ không biết dân nghĩ gì, dân yêu cái gì, ghét cái gì. Hoặc biết, nhưng bất cần, theo chủ nghĩa Mặc Kệ.

Cứ xem như họ tổ chức cuộc triển lãm cũng “lịch sử” về Cải Cách Ruộng Ðất thì thấy. Họ không cần biết đến những người dân đã tự thiêu vì phẫn uất khi bị đảng và nhà nước cướp đất hiến cho tư bản đỏ lấy tiền bỏ túi. Ca ngợi cuộc Cải Cách Ruộng Ðất làm mấy trăm ngàn người chết oan là khiêu khích hàng triệu các con cháu họ còn sống. Khiêu khích tất cả những người dân mất ruộng cày vì chính sách tư bản hóa các đảng viên. Khiêu khích tất cả giới nghiên cứu lịch sử, giới trí thức Hà Nội. Vậy mà họ vẫn cứ làm được. Cũng chỉ vì họ hoàn toàn vô cảm.

Thêm một bằng chứng nữa về tình trạng vô cảm của các cán bộ Cộng Sản: việc đem một em bé gái tám tuổi ra tòa, xử tội vì em đã nhét hình Hồ Chí Minh vào trong quần, từ hai năm qua. Một em bé tâm thần không ổn định như vậy, chỉ đáng thương, nên đưa em đi chữa trị. Nếu có độc ác mà phạt em, thì cũng nên phạt lén lút, đừng đem ra công khai bêu rếu. Bêu xấu một em bé tám tuổi chưa đủ trí khôn, nhưng bêu rếu luôn cả già Hồ! Làm như thế nhưng họ không hề biết rằng đem ra câu chuyện hình Hồ Chí Minh nhét trong quần ra bêu là một việc làm đáng xấu hổ cho cả Ðảng Cộng Sản tử trên xuống dưới. Vì họ hoàn toàn vô vảm.

Tình trạng vô cảm của các cán bộ, các lãnh tụ Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã hiển hiện từ nhiều năm qua. Thời Trường Chinh, Lê Duẩn , các cán bộ được đề bạt lên đều có ý thức về tác dụng chính trị của mỗi lời nói, mỗi hành động. Họ dối trá nhưng biết nói dối một cách khôn ngoan. Khôn ngoan tức là giữ được bộ mặt đạo đức giả, dân biết nghe nói dối mà không vạch mặt được.

Làm cán bộ Cộng Sản trước đây phải biết khéo lé mồm mép, nói cho giỏi. Nói cho giỏi tức là khả năng chính trị cao! Cho nên nhà thơ Nguyễn Duy mô tả xã hội Cộng Sản với hình ảnh: “Ðiếm cấp thấp lấy trôn nuôi miệng - Ðiếm cấp cao lấy miệng nuôi trôn.”

Ngày nay các cán bộ được cất nhắc không theo tiêu chuẩn khả năng chính trị nữa. Tiêu chuẩn chính bây giờ là tiền. Anh nào giỏi moi ra được nhiều tiền, có nhiều tiền để dâng lên cấp trên, thì anh ấy sẽ khá, sẽ thăng quan tiến chức, ngày càng lên cao. Cách đề bạt, tuyển chọn trong Ðảng Cộng Sản đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi theo con đường tư bản hóa cán bộ và đảng viên. Cho nên mới đẻ ra đám cán bộ không bao giờ để ý đến tâm trạng của người dân, vì họ không cần biết đến. Cho nên nhìn chung quanh thấy bao nhiêu chuyện lợm giọng, từ trò triển lãm cướp ruộng đến trò đem hình Hồ Chí Minh nhét vào quần ra tòa. Nhà thơ Bùi Minh Quốc viết: “Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa - Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!” Dân Việt phải chứng kiến cảnh “đểu cáng lên ngôi” đến bao giờ mới được tha?
bobinh
Posts: 221
Joined: Fri Feb 26, 2010 1:35 am
Contact:

Post by bobinh »

Văn hóa dân chủ
Nguyễn Hưng Quốc
(Blog VOA)

Một nền dân chủ không phải là tổng số các thiết chế dân chủ. Có những nơi và những lúc có các thiết chế dân chủ; ừ, thì cũng bầu cử, cũng có đối lập, cũng có tam quyền phân lập đàng hoàng nhưng lại vẫn không có dân chủ.

Ngoài vấn đề thiết chế, để có dân chủ, người ta cần một yếu tố khác: văn hóa dân chủ. Nói một cách tóm tắt, một nền dân chủ lành mạnh cần được xây dựng trên một nền văn hóa dân chủ lành mạnh. Không có văn hóa dân chủ, chế độ độc tài, sau khi bị lật đổ, sẽ dẫn đến tình trạng hoặc hỗn loạn hoặc một chế độ độc tài khác, có khi còn khắc nghiệt hơn nữa.

Nhưng văn hóa dân chủ là gì?

Trước hết, về khái niệm văn hóa: Trong cả mấy trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa, tôi tâm đắc nhất với định nghĩa của các nhà nhân học (anthropology) trong thời gian gần đây: Ðó là một hệ thống biểu tượng, ý nghĩa, giá trị và quy phạm (norm) chi phối cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm và cách hành sử của cả một cộng đồng đông đảo. Theo cách hiểu ấy, văn hóa dân chủ có thể được định nghĩa là một hệ thống biểu tượng, ý nghĩa, giá trị và quy phạm chi phối quan hệ quyền lực giữa những người cai trị và những người bị trị để mọi người biết phân biệt cái đúng và cái sai, cái nên và cái không nên, cái có thể chấp nhận được và cái không thể chấp nhận được, từ đó, biết tương nhượng nhau hầu tạo nên một cuộc sống hài hòa, ở đó, mọi người đều được tôn trọng.

Trong định nghĩa trên, yếu tố quan trọng nhất là sự tôn trọng những cái khác và những người khác. Nền độc tài nào cũng được xây dựng trên tinh thần loại trừ những người khác và những cái khác. Ðộc tài là một tâm lý ích kỷ và tự kỷ: Họ chỉ biết có mình họ và những gì quen thuộc nhất đối với họ. Mọi chế độ độc tài đều bài ngoại, đều kỳ thị chủng tộc hoặc kỳ thị giai cấp cũng như tôn giáo và phái tính. Văn hóa dân chủ, ngược lại, đề cao sự khoan dung và hòa đồng.

Việc tôn trọng cái khác dẫn đến đặc điểm thứ hai của văn hóa dân chủ: sự tương nhượng.

Về phương diện xã hội, giữa người này và người kia, giữa tầng lớp này và tầng lớp nọ, bao giờ cũng có những khác biệt nhất định. Cách giải quyết các sự khác biệt ấy sẽ dẫn đến độc tài và dân chủ. Ðộc tài: khi người hoặc nhóm người này nhất định dùng sức mạnh để cưỡng bức những người khác. Dân chủ: khi mọi người biết ngồi lại với nhau để cùng nhau thương thảo trong tinh thần cả hai cùng thắng (win-win), nghĩa là mỗi người nhường nhau một chút.

Về phương diện chính trị, ở các quốc gia dân chủ phương Tây, bất cứ chính phủ nào cũng được bầu lên từ hơn nửa số cử tri trong cả nước. Không có ai chiếm được 100% số phiếu. Thường thì chỉ quá bán một chút, tức khoảng trên 50%. Ðiều đó có nghĩa là không có một chính phủ nào thực sự đại diện cho nhân dân nói chung. Và cũng không có một chính phủ nào có được một thứ quyền lực tuyệt đối. Trong quá trình soạn thảo và thông qua các sắc luật và các chính sách, lúc nào họ cũng đối đầu với sự phản đối của các phe đối lập cũng như một bộ phận dân chúng nào đó. Bổn phận của chính phủ, do đó, phải đàm phán với những người ấy, cuối cùng, mỗi bên nhượng bộ nhau một chút để đi đến một chính sách chung. Trong ý nghĩa ấy, có thể nói thực chất của chính trị dân chủ là việc giải quyết các xung khắc về quyền lợi và quan điểm bằng biện pháp thảo luận để, cuối cùng, đi đến một sự đồng thuận.

Một văn hóa dân chủ bao giờ cũng là một văn hóa dân sự (civic culture) nơi các công dân ý thức vai trò và trách nhiệm của mình đối với cái chung. Các lý thuyết gia về chính trị hầu như đồng ý với nhau điểm này: các chế độ toàn trị và độc tài bao giờ cũng tìm cách truyền bá và nuôi dưỡng thứ văn hóa thụ động và vô cảm để người dân không quan tâm đến chính trị, bất kể số phận của dân tộc và của chính mình. Văn hóa dân chủ, ngược lại, khuyến khích mọi người tham gia thảo luận và phản biện, có tinh thần trách nhiệm và ý thức sâu sắc về các quyền của mình. Bằng cách hành xử như thế, mỗi người sẽ là một nhà dân chủ. Có những chế độ độc tài nhưng không có nhà độc tài (như trường hợp của Việt Nam hiện nay), nhưng tuyệt đối không thể có một chế độ dân chủ mà lại không có các nhà dân chủ. Những nhà dân chủ ấy là những công dân bình thường chứ không phải là những nhà lãnh đạo.

Cuối cùng, văn hóa dân chủ là một văn hóa tôn trọng pháp luật. Ví dụ, sau khi bầu cử một cách minh bạch, phe thất bại phải chấp nhận kết quả bầu cử chứ không đòi xóa kết quả để bầu lại cho đến khi nào mình thắng. Ðó là trường hợp của Thái Lan trong một hai thập niên gần đây. Các cuộc biểu tình làm tê liệt mọi hoạt động chính trị ở đó đều xuất phát từ tinh thần thiếu tôn trọng luật chơi của dân chủ. Tôi thích thái độ của các chính trị gia Tây phương hơn. Sau khi biết kết quả bầu cử, lãnh đạo phe bại bao giờ cũng điện thoại cho đối thủ để, một mặt, thừa nhận mình thua, mặt khác, chúc mừng kẻ chiến thắng. Kẻ chiến thắng, cũng vậy, trong diễn văn đầu tiên, bao giờ cũng, một mặt, cám ơn những người bỏ phiếu cho mình; mặt khác, hứa hẹn sẽ phục vụ cho cả nước chứ không phải chỉ riêng cho đảng mình hoặc những người đã bỏ phiếu cho mình.

Dĩ nhiên, trong cái gọi là văn hóa dân chủ ấy còn nhiều yếu tố và đặc điểm khác. Ở đây, tôi chỉ xin dừng lại ở những điểm chính. Những điểm ấy khá đơn giản, nhưng để có được, cần có thời gian học hỏi và rèn luyện. Người ta thường nói chính trị nhất thời còn văn hóa thì lâu dài. Văn hóa chính trị, trong đó, có văn hóa dân chủ, cũng vậy: Nó cần thời gian để phát triển.
khieulong
Posts: 3552
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Nếu mất nước, người chịu trách nhiệm chính là quân đội!

Việt Nam Đi Về Đâu: NỖI SỢ KHÔNG LỐI THOÁT CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM


Những Mẹ Già, Em Gái… “hậu phương” (Danlambao) - Ngày nay, trước sự suy tàn của đất nước, sự thống khổ của người dân, hầu như mọi người đều chửi rủa, thâm thù bọn “đảng”, bọn “nhà nước” CS, nhưng suy cho thấu đáo, thì lực lượng Quân Đội là một nhân tố phải chịu trách nhiệm chính, nếu nước mất về tay bọn giặc Tàu!

I. Vai trò trọng trách của quân đội

Quân đội là một tập thể ưu việt và vô cùng quan trọng của một đất nước. Nước còn hay mất, chính quân đội có trách nhiệm lớn nhất, vì là đội ngũ đông đảo, có tổ chức, được đào tạo kỹ càng, nhất là tinh thần yêu nước, được trang bị vũ khí đủ loại, gồm cả HẢI, LỤC, KHÔNG QUÂN. Quân đội được toàn dân nuôi dưỡng, tin cậy và ủy thác việc bảo vệ đất nước chống xâm lăng, và hỗ trợ dân khi cần, cứu giúp dân lúc thiên tai đại họa, như chuyển vận người dân đến nơi an toàn khi lũ lụt, động đất, hỏa hoạn…, và chuyên chở lương thực, đồ dùng cho dân bị nạn, hay hỗ trợ các công trình kiến thiết lớn lao như ngành Hải Quân Công Xưởng. Hơn mọi thành phần khác, QĐ thường được toàn dân yêu mến, và dành cho những tình cảm trân trọng, nồng nàn, được coi như người CON TRAI CẢ trong gia đình, với quyền uy và sức mạnh để bảo vệ ngôi nhà là đất nước, và những người thân trong gia đình là toàn dân. Đó là VINH DỰ LỚN LAO, VÀ CŨNG LÀ TRÁCH NHIỆM NẶNG NỀ CỦA NGƯỜI LÍNH!

Với vai trò và trọng trách lớn lao như thế, việc GIỮ NƯỚC là thuộc trách nhiệm của QĐ. Các lực lượng QĐ khi chưa xảy ra chiến tranh, vẫn phải ngày đêm rèn luyện, ở trong tư thế sẵn sàng khi giặc manh nha ý định xâm lược, không bao giờ QĐ được lơ là nhiệm vụ canh giữ biên cương, biển đảo của quê hương. Khi chiến tranh xảy ra thì không chậm một giây, QĐ đã sẵn sàng tại nơi có chiến sự, và tấn công địch khi nó vào nhà mình, vì đó là quyền tự vệ chính đáng, ví dụ trận hải chiến tại Hoàng Sa mà Trung Cộng xâm lược năm 1974, hay trận chiến ở vùng biên giới miền Bắc vào năm 1979, mà quân TC tiến vào biên cương của ta. Chính sự hy sinh bảo vệ Tổ Quốc, để cho dân có cuộc sống bình yên, mà toàn dân, từ học sinh đến ông già bà cả đều quý mến người lính như đứa con ruột, như người anh, người em thân yêu của mình, nên mới có câu: tình QUÂN-DÂN NHƯ CÁ VỚI NƯỚC! Không bao giờ cá không cần nước, và không bao giờ nước làm hại cá (trừ khi những kẻ bất chính vì lợi riêng mà thải độc vào nước!). Vai trò ấy, cả QUÂN và DÂN, đều đã làm tròn thời gian trước đây, nhưng bây giờ…!

II. Quân đội hiện đang làm gì khi dân khổ, đấy nước lâm nguy?



Trong mắt người dân bây giờ, hầu như QĐ đã… biến mất tăm dạng! Các anh đang ở đâu, mà chúng tôi không nhìn thấy bóng dáng hào hùng của các anh? Có, nhưng chỉ thấy trên… TV, hoặc tang thương và ngỡ ngàng hơn, các anh xuất hiện trong các cuộc… cưỡng chiếm ruộng đất của người nông dân, khi người dân Tây Nguyên vùng lên vì uất ức, với những gương mặt gian ác của quân thù, chứ không phải là người anh, người con bảo vệ chúng tôi! Các anh sao lại trở thành con người khác như thế? Danh dự của các anh đâu? Trách nhiệm của các anh đâu? Các anh đang làm gì khi dân, và cả đồng đội của các anh như Đoàn Văn Vươn bị bắt nạt, bị ăn cướp ruộng vườn nhà cửa? Các anh ẩn mặt ở đâu khi quân thù phương Bắc tiến vào trong nhà mình, chúng ăn dầm ở dề, tàn phá đất nước, hôi của giết người? Các anh ở đâu mà để cho quân xâm lăng xây thành đắp lũy trong lòng quê hương ta, cướp tàu đánh người, cướp hải sản đánh bắt của ngư dân? Các anh ở đâu, mà khi dân lành bị bọn tham tàn đàn áp, giết chóc, nhà tan cửa nát không hề thấy các anh xuất hiện hay lên tiếng? Những lúc ấy, dân rất mong các anh có mặt hay lên tiếng, để kẻ tàn ác phải chùn tay. Chí làm trai của các anh đâu rồi? Tinh thần đánh Đông giẹp Bắc, “xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên” của các anh đâu? Các anh vẫn còn ăn lương của dân mà? Cha mẹ, anh chị em, vợ con của các anh vẫn là người dân mà, sao các anh không nhận ra, không thương mến? Người dân chúng tôi đi tìm các anh, nhưng không thể tìm ra, mà chỉ nghe những tiếng vọng vang ghê rợn, như từ âm ti đưa về: “QĐ anh hùng của VN đã không còn!”. Những người lính của miền Nam đã bị các anh tàn sát, xua ra khỏi nước để tiếp tay cho “chủ nhân” của các anh chiếm lấy nhà cửa, đôi khi cả vợ con của họ! Giờ này còn ai thì họ đang ôm hận vọng về cố hương, nhưng quê hương xa hút mịt mùng và chìm trong đau thương! Họ đau lòng khi thấy quân xâm lăng đến, họ sôi sục căm hờn khi thấy dân tình khổ ải, muốn đem sức còn để bảo vệ quê hương, đồng bào, nhưng các anh đâu cho, đến nỗi đám hậu duệ của họ muốn nối chí hào hùng của cha anh, thì phải đem sức trai ra phục vụ một… quê hương khác, chiến đấu ở một xứ sở xa xôi nào đó, để bảo vệ tự do cho “đồng loại” thay vì “đồng bào”! Máu xương của họ đổ ra, mà quê hương và người dân không được hưởng! Còn chúng tôi ở đây, đã có các anh ư? Nhưng các anh lại đã trở thành một loại người khác: “còn đảng còn mình”, dân thì mặc kệ, nước mất mặc lòng!


Ồ! Chúng tôi có thấy bóng dáng của các anh rồi, đó là cái ngân hàng QĐ với mác MB rất to, ở rất nhiều nơi trong nhiều thành phố lớn; đó là những cơ sở làm ăn hoành tráng của QĐ, kể cả những nhà hàng, những câu lạc bộ, những nơi ăn chơi giải trí… vô giới hạn, mà người dân không có! Chúng tôi cũng nhìn thấy những “Doanh trại QĐ Nhân Dân VN”, nhưng hình như vắng hoe không thấy có người lính ra vào! Chúng tôi cũng còn thấy những khu đất rộng bạt ngàn, được bao bọc bởi tường cao rào kín, kẽm gai và có cả mìn bảo vệ, nhưng đó không phải là quân trường, mà là phần đất đai tài sản kếch xù của QĐ! Người dân nói rằng, bộ đội bây giờ là ĐẠI GIA cả rồi, chứ không có dép râu mũ cối, cũng không thèm đeo ngang hông “cái đài”, “cái đổng”, không còn những nét mặt ngây ngô chân thật như hồi đất nước mới “thống nhất” nữa, mà nhà cửa các anh bây giờ là nhà cao cửa rộng như công đường, ăn chơi như công tử, đi du lịch nước ngoài như đi chợ, con cái đi du học ở các nước văn minh! Cung cách các anh ăn chơi giải trí thì rất “tinh nhuệ”, thay vì tinh nhuệ trong chiến đấu! “Luật bù trừ” chăng? Khi xưa các anh khổ vì thời CS rồi, bây giờ các anh đến thời “tự do”! Vâng! Có lẽ đúng. Các anh đã gian khổ chiến đấu để dành được tự do, nhưng là tự do chỉ cho các anh, còn dân thì… mất hẳn tự do rồi! Dân đang ở tù, một nhà tù khổng lồ! Dân đang khốn quẫn, rên siết vì đói khổ, vì lạc hậu, vì bị uy hiếp, bị bóc lột! Hàng trăm ngàn doanh nghiệp của dân bị phá sản, người thì bị tù đầy, bị tan cửa nát nhà, nhưng QĐ và CA, cán bộ thì đâu hề hấn gì? Ngày mới “giải phóng miền Nam”, các anh thường ngồi xe đò chung với dân, nhưng bây giờ các anh đã có xe hơi riêng, mà xe đắt giá! ĐÚNG LÀ THỜI CỦA CÁC ANH!


“Giải phóng” miền Nam xong, các anh ham hưởng thụ, mê kinh tài nên quên béng rằng các anh đã bị đảng CS lừa là “miền Bắc thiên đường, miền Nam địa ngục”, dân miền Nam phải đi làm cu li, làm điếm cho Mỹ để kiếm cơm, cho nên kích động lòng thương của các anh, khiến các anh sẵn sàng hy sinh đi giải cứu dân Nam khỏi cảnh nhục nhằn đói rách! Nào ngờ…! Lẽ ra các anh phải tỉnh ngộ từ lúc đó, phải có thái độ từ lúc đó, nhưng không! Lẽ ra các anh phải bừng tỉnh mà tìm ra “lối thoát” cho cả dân tộc từ đó. Các anh phải cám ơn dân miền Nam đã “mở mắt” cho mình, và nên xin lỗi người ta, vì các anh đã đem đến cho người ta một sự “giải phóng” mà người ta hoàn toàn không muốn mà còn sợ hãi. Chính các anh đã phá vỡ cuộc sống yên lành của người ta, khiến gia đình họ tan nát, bản thân họ phải tù đày, trong khi họ từng đem máu đào bảo vệ quê hương, chống lại những người anh em lạc hướng lầm đường, đem trí tuệ và sức lực xây dựng đất nước giàu đẹp như các anh đã thấy. Lẽ ra các anh đã phải phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, để định lại trách nhiệm và đường đi của mình cho chính xác, thì lại không! Sau khi thấy người miền Nam tự do kinh doanh, tự do làm giàu, nhà cao cửa rộng, phố phường xa hoa, lẽ ra các anh phải thù hận, hài tội kẻ lừa dối mình, để bao nhiêu đồng đội phải “sinh Bắc tử Nam”, thì các anh lại… hận dân miền Nam, tại sao miền Bắc khổ sở nghèo nàn, mà miền Nam lại được sung sướng? Rồi các anh say mê làm giàu, say mê hưởng thụ! Tại sao không? Và các anh đã thỏa nguyện “chí làm giàu” thay cho “chí làm trai”, đã trở thành “thương nhân” thay vì “chiến sĩ”!




Nhưng các anh ơi! Dân đói, dân khổ thì mặc kệ dân đã đành, nhưng nếu mai này đất nước mất đi về tay quân xâm lược phương Bắc, thì sao hả các anh? Lúc đó các anh sẽ cùng số phận với dân, LÀ KẺ BỊ TRỊ, KẺ NÔ LỆ! Trước một kẻ thù hung bạo như bọn Tàu ô, kẻ thù truyền kiếp của dân Việt, liệu các anh có còn là “thành phần ưu đãi”, được tiếp tục làm “đại gia”, được mở ngân hàng, được tự do, được ưu ái để kinh doanh, hưởng thụ nữa không? Vợ con, gia đình các anh còn thoải mái sung sướng nữa không? Lấy gì bảo đảm hả các anh? Bây giờ các anh đang là CHỦ, mà những khu đặc trú của giặc Tàu, các anh còn chẳng được vô, không dám vô, thì mai này chúng làm chủ cả nước ta, các anh sẽ ra sao? Hay là các anh nói rằng giặc Tàu sẽ không thể chiếm VN? Lấy gì bảo đảm hả các anh? Chúng đang ngày đêm quấy rối biển Đông của chúng ta, chúng đã bồi biển để xây căn cứ quân sự ở Gạc Ma, Hoàng Sa, chĩa súng vào bụng chúng ta đó! Hội nghị Thành Đô đó: các “chủ nhân” của các anh là Đỗ Mười, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Lê Hồng Anh… đã ký giao đất nước này cho giặc Tàu vào năm 2020 rồi đó! Các anh không thấy bị xúc phạm khi vị “tổng tư lệnh” của các anh là tướng Phùng Quang Thanh tuyên bố tại hội nghị Sangri La, khi bọn giặc Tàu đưa giàn khoan HD 981 vào hải phận VN, rằng đó là “chuyện xích mích bình thương trong gia đình”? Nhục nhã không các anh? Người dân quèn còn không trị nổi, sao các “chiến sĩ anh hùng” như các anh mà lại chịu được?! Hay các anh đang “bàn kế hoạch” sẽ cải danh thành người Tàu, sẽ học tiếng Tàu, sẽ trổ tài khôn khéo lấy lòng Tàu để gia đình và bản thân các anh được tiếp tục vinh thân phì gia? Chắc được không các anh, hay giặc nó lại liệt các anh vào hàng “kẻ thù số 1”, vì các anh là QĐ VN, đã từng đánh lại nó, từng tiêu giệt hàng vạn binh lính của nó trong thời gian quá khứ, vì các anh là những thành phần kỳ cựu mà, chứ đâu có “nhẹ tội” như đám lính lau nhau sau này?



III. Quân đội có thể làm gì cho tổ quốc và cho dân bây giờ?


Chẳng biết các anh thế nào, chứ dân thì lo buồn lắm các anh ơi! Dân lo nước mất thì nhà sẽ tan, cả đời mình và con cháu mình sẽ bị làm thân nô lệ, nhất là đắc tội với Tiền Nhân đã đổ bao xương máu mà gây dựng và bảo vệ non sông này! Chắc chắn con cháu chúng ta sau này sẽ nhục mạ, sẽ thù hận chúng ta vì tham lam, hám lợi, vùi đầu trong ham hố, vô trách nhiệm đến nỗi để mất nước, và đổ lên đầu chúng những gánh nặng phải đền thay cha ông, chúng sẽ phải hy sinh mạng sống để khôi phục lại giang sơn VN!


Hỡi các quân nhân, những người con của Tổ Quốc VN, những tinh hoa của dân tộc, những người cha, người anh cả trong gia đình VN, các vị đành muối mặt mà vứt đi cái DANH DỰ và TRÁCH NHIỆM của QUÂN ĐỘI của một nước sao? Bao nhiêu công lao của tiền nhân, bao nhiêu ơn huệ của gia đình, bao nhiêu mến thương và tin tưởng của người dân dành cho các vị, các vị đành hắt đi một cách phũ phàng, để bám lấy đồng tiền? Phải, chỉ tiền mà thôi, chứ lương tâm và danh dự thì các vị đã tự đánh mất hết rồi! Các vị không ngại cả dân tộc khinh khi, cả thế giới nhìn vào QĐ VN bỗng dưng… biến mất sao? Người LÍNH mà vô trách nhiệm thì khác gì như chó không biết giữ nhà (vâng, người ta ví QĐ như chó để giữ nhà, nhưng là chó cưng, chó có ích), như muối mà không mặn, thành vô dụng và đáng bỏ đi thôi! Không những thế, các vị còn PHẢN LẠI ĐỒNG ĐỘI, những người đã hy sinh thân mình cho Tổ Quốc, đổi mạng mình để lấy sự vinh hoa và cuộc sống an nhàn cho các vị! Các vị CÓ THẤY BẤT XỨNG, VÀ CÓ AN HƯỞNG HẠNH PHÚC KHÔNG?

Còn có cách nào cứu vãn không? Thời gian đã cạn rồi, chỉ còn vài năm là đến thời hạn đã ký kết, để VN trở thành quận huyện của Tàu! Chúng tôi và các anh, sẽ phải ra khỏi thành phố, sẽ lên rừng ở, hay đi “kinh tế mới” để nhường nhà cho bọn giặc, như các anh đã xử với người dân miền Nam sau năm 1975! Hay là…, người yêu nước còn nhiều, người dân còn đầy, đang muốn dẹp bọn ác ôn để dành lại quyền làm chủ và bảo vệ đất nước. Đồng bào cả trong và ngoài nước cùng đồng lòng mong bảo vệ và xây dựng quê hương VN tự do no ấm. Nếu có các anh tham gia vào, thì dân đỡ khổ biết chừng nào, và kẻ tham tàn sẽ phải chùn tay bách hại dân lành, bọn giặc xâm lăng sẽ bị dẹp tan! Hoặc là các anh còn oai hùng hơn, sẽ thay dân mà làm việc ấy, như người dũng sĩ thay trời hành đạo, và phục hồi lại uy danh cho QĐ các anh, làm tăng lòng tin yêu của dân, quân với dân đều ĐẶT TỔ QUỐC TRÊN HẾT, và cùng chung tay giệt thù xây dựng lại đất nước? Có như thế thì vận mệnh nước mình, dân mình sẽ đến thời vinh quang! Các anh sẽ xứng danh là QĐ ND, nhà VN sẽ bừng sáng trên bầu trời Á Đông, muôn người con xa sẽ trở về từ muôn hướng, lúc đó thì các anh sẽ tha hồ làm giàu, một cách chân chính và vinh dự, để góp phần kiến tạo quê hương, chứ không như bây giờ! Xin đừng để cho câu nói sau đây của người dân bị đưa vào trang sử cái thời mà các anh gánh trách nhiệm chính với nước và với dân: ĐẢNG BÁM GHẾ, QUÂN ĐỘI BÁM MÂM, NGƯỜI DÂN LÃNH ĐỦ!

Nếu được như vậy thì thật vinh phúc, bằng không thì xin các anh, khi dân tình đã cùng khổ, nước nhà đã nguy ngập, người dân đồng lòng đứng lên giệt thù trong giặc ngoài, thì, VÌ TÌNH NGƯỜI, VÌ NHÂN ĐẠO, CÁC ANH XIN ĐỪNG NỔ SÚNG VÀO NGƯỜI DÂN CHÚNG TÔI, NHÉ! Hãy nhìn xem, chúng tôi chỉ là những học sinh, sinh viên là con em của các anh, hay những cụ già, những phụ nữ chân yếu tay mềm, những người dân oan bần cùng khốn khổ, và những người có đầy lòng yêu mến quê hương Tổ Quốc VN, chúng tôi không có một tấc sắt, một khẩu súng trên tay, vì bao nhiêu súng đạn, máy bay, tàu ngầm, do đồng tiền của chúng tôi, đã được giao hết cho các anh rồi. Xin đừng dùng nó để bắn vào chúng tôi, vì chúng tôi giữ đất nước này cho cả các anh mà!

Với hết tâm tình,

Những Mẹ Già, Em Gái… “hậu phương”
danlambaovn.blogspot.com
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests