Thơ Tình

Thơ nhạc trữ tình, thơ nhạc lính, video...
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoanghoa »

Image

Lục bát đưa người

đưa người
ngày xưa qua sông

hoàng hôn tím, tím hoàng hôn
ngập ngừng

ô hay mắt chợt buồn rưng
vài ba giọt ngọc lưng chừng mi thơm


đưa người
tay hững hờ buông
tay người dưng cũng bâng khuâng chút gì

một mai vẫn cõi đi về
mà sao nghe nặng câu thề cùng ai

đưa người
qua ngõ trăng cài

song thưa mấy độ rạc roài vóc hoa

bao nhiêu tuổi đã buồn qua
vẫn trơ trọi mãi một tà áo mơ


đưa người
về lại ngẩn ngơ

mất đâu cái thuở dại khờ nguyên trinh

tình ơi xa xót là tình

đưa người
mình lại khóc mình
tình ơi



Nguyễn Dạ Quỳnh
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoanghoa »


Image

Mùa hoa vàng

Mỗi một mùa hoa mỗi một màu hoa
Cuốn hồn ta vào từng trang kí ức
Một sớm mai bỗng vàng sân hoa cúc
Tưởng áo người vừa thả nắng bay qua

Có một ngày nhớ cánh chim xa
Ta trở lại con đường xưa nhặt bóng
Hàng điệp vàng rưng rưng trong gió lộng
Đón ta về chỉ có cánh hoa rơi

Qua sông đầy thương cánh lục bình trôi
Bến cũ không còn ai đến tiễn
Lòng ta chín một màu hoa điên điển
Trời như vàng đến tận cõi mênh mông

Ta giấu mình trong sương trắng tàn đông
Thèm một chút hương xa nồng ấm
Chợt sáng hồn ta màu vàng thăm thẳm
Người có về cùng với sắc mai kia…


Trịnh Bửu Hoài
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoanghoa »

Image

Tiễn Đưa

Dù biêt đời đôi lúc chẳng gì vui
Sao bỏ đi không một lời từ tạ
Con phố xưa sao chợt buồn chi lạ
Vì từ đây không còn tiếng em cười

Những nụ cười thời hoa mộng đôi mươi
Áo ai bay trong những chiều nhạt nắng
Con tim ta ...có chút gì cay đắng
Khi biết rằng mình đã mãi xa nhau

Dòng lệ sầu cho tim thắt quặn đau
Khi chúng ta giờ chỉ còn hoài niệm
Biển ngoài kia đàn hải âu bay liệng
Ta ngậm ngùi đưa tiễn buổi em đi

Giọt mưa nào thấm ướt đẫm hàng mi
Em không về mùa xuân buồn cô quạnh
Ngủ đi em giấc ngủ buồn đơn lạnh
Sẽ một ngày gặp lại chốn trăm năm


Khiếu Long
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by tiendung »

Image


Tháng Sáu

Tháng sáu mưa nhiều lá đổ
Cho lòng chợt thấy bâng khuâng
Muốn được hòa mình cùng gió
Mà sao ta lại ngại ngần

Tháng sáu như là nhắc nhở
Một người đã bỏ đi xa
Ta chợt thấy lòng nhung nhớ
Nhẹ rơi giọt nước mắt ngà

Tháng sáu sao buồn trong dạ
Nhớ người sao chẳng nguôi ngoai
Những giọt mưa rơi tầm tã
Lòng thêm nặng nỗi u hoài

Tháng sáu mưa chiều tuôn đổ
Cho lòng cảm thấy tái tê
Nhiều lúc muốn nhờ nhắn hộ
Mà sao lòng thấy não nề.


Dương Hoàng
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by thienthanh »

Image

Thời Gian

Nhìn vào gương, thấy tháng ngày
Đang trôi qua tựa mây bay cuối trời
Gương mờ, gương sáng đầy vơi
Những giây phút của cuộc đời miên man

Nhìn anh, thời khắc dở dang
Bốn phương dĩ vãng không gian mơ hồ
Nhìn đâu cũng thấy hư vô
Anh cười như tiếng đồng hồ thức em

Để rồi mùa bỗng ngắn thêm
Xuân thu vắng mặt trước thềm mốt mai
Bao nhiêu kỷ niệm vãng lai
Trao nhau huyễn ảo trải dài cõi thơ

Vẫn nghe chín đợi mười chờ
Rơi theo tích tắc mộng mơ cuộc tình
Sợi buồn tuổi tác phiêu linh
Nhìn gương đã thấy chúng mình xa xôi...


Cao Mỵ Nhân
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by bichphuong »

Image

Bài Thanh Xuân

CHỢT TIẾNG BUỒN XƯA ĐỘNG BÓNG CÂY
NGƯỜI ĐI CHƯA DẠT DẤU CHÂN BÀY
BÀN TAY NẰM ĐÓ KHÔNG NGÀY THÁNG
TÌNH ÁI XIN VỀ VỚI CỎ MAY

RỒI LÁ MÙA XANH CŨNG ĐỎ DẦN
CÒN ĐÂY NIỀM HỐI TIẾC THANH XUÂN
GIẤC MƠ CHOÀNG DẬY TAN HÌNH BÓNG
VÀ NỖI TÀN PHAI GÕ MỘT LẦN

KỶ NIỆM SẦU NHƯ TIẾNG THỞ DÀI
KHUYA CHÌM TRONG TIẾNG KHÓC TƯƠNG LAI
TẦM XA HẠNH PHÚC BẰNG ĐÊM TỐI
TÔI MẤT THỜI GIAN LỠ NỤ CƯỜI

ĐỜI SỐNG ÔI BUỒN NHƯ CỎ KHÔ
NÀY ANH EM CŨNG TỢ SƯƠNG MÙ
KHI VỀ TAY NHỎ CHE TRỜI RÉT
NGHE GIÁ BĂNG MÒN HẾT TUỔI THƠ.


Nhã Ca
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoanghoa »

Image



Tháng Chín Ôi Buồn Như Tháng Giêng


Bỗng dưng tôi nói như người điên:
Tháng Chín ôi buồn như tháng Giêng!
Có lẽ vì mây bay thấp quá?
Lá vàng mấy chiếc rớt bên hiên…

Lá vàng mấy chiếc. Chưa nhiều lắm
Chưa đủ cho nhen bếp lửa hồng!
Ở Mỹ, tháng Giêng là tháng lạnh,
Bây giờ, tháng Chín…cũng mùa Đông!

Bởi tôi nghe lạnh, rồi tôi thở
Nhìn khói và sương trước mặt bay
Nhớ quá sông Tiền trong trí nhớ
Đò ngang buổi sáng lướt trong mây!

Quê Hương ơi! Chỉ là sương khói
Và đám mây mù trong mắt sao?
So mãi hai vai mà nhức nhối
Tay đưa không tới nhánh hoa đào…

Là thôi không kịp mùa Xuân hẹn
Là mất từ lâu những tháng Giêng
Cái ấm cái nồng trong tóc biếc
Tôi không về nữa để hôn em!

Tháng Chín, bây giờ, tôi ướt mắt
Đò xưa đang lướt giữa mưa dông
Em quang gánh bó hai đầu gối
Buổi chợ mai còn kịp, phải không?

Tháng Chín, ôi buồn, như tháng Giêng
Anh không ngồi cạnh sát bên em
Anh đang ngồi giữa mùa Thu mới
Nhìn lá vàng bay trước mái hiên…


Trần Vấn Lệ
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by tiendung »

Image

Có Còn Nhớ Không?

Tháng Chín về thu lặng lẽ, bâng khuâng
Gởi theo gió tia nắng hồng bối rối
Phút ngượng ngùng gặp nhau chưa kịp nói
Lại xa nhau nghe nhói buốt tim côi

Em có còn nhớ hơi ấm làn môi
Màu mắt biếc làm rối bời anh đó
Thương thương nhớ lời yêu chưa kịp ngỏ
Để bây giờ em thấu tỏ tình anh?

Sợi chiều nghiêng mây đuổi gió sao nhanh
Hàng liễu rủ cứ mong manh như thể
Còn nhớ không bao đêm thì thầm kể?
Muốn một đời chỉ trọn để yêu em!


Trọng Lộc
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by bichphuong »

Từ ca khúc Million Scarlet Roses, Thơ & Nhạc Việt Nam
Vương Trùng Dương
30 tháng 8, 2023

Image
Minh họa: lorenzo-spoleti-unsplash
“The rose speaks of love silently, in a language known only to the heart”

Vào giữa thập niên 1980s, ca khúc phổ biến trong nước Triệu Đóa Hoa Hồng, tuy là bản nhạc trữ tình với mối tình dang dở nhưng lời Việt, nhạc Liên Xô nên tôi bị “dị ứng” nên chẳng để ý, dù sau nầy với ca sĩ hải ngoại…

Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 ở Mỹ, không được đi đâu, ở nhà viết lách, đọc sách và nghe nhạc, tình cờ nghe ca khúc Million Scarlet Roses, tìm hiểu thêm mới biết đây là nhạc phẩm nổi tiếng, được phổ biến khắp nơi. Và, thật không ngờ, ca khúc nầy được mọi người ái mộ nhiều như vậy. Tình cờ, qua mẩu chuyện được biết, trong một lần được nghe ca khúc nầy… gợi ý tôi viết về loài hoa và bóng dáng vẫn còn lởn vởn trong đêm hè.

Với tôi là người ghi chép cùng sự đồng cảm với nhau vì đôi khi nguồn cảm hứng chợt đến rồi đi trong khoảnh khắc nên viết để lưu niệm, mong rằng khỏi mai một theo thời gian trong cõi vô thường nầy. Và, nhân ca khúc Million Scarlet Roses từ thơ phổ nhạc, viết về thơ phổ nhạc trong nhiều thập niên qua.

***

Giữa thi ca và âm nhạc có mối lương duyên với nhau, sự tương đồng trong ngôn từ và âm điệu, thơ Việt Nam được phổ nhạc rất nhiều, có lẽ ngôn ngữ đơn âm dễ phù hợp với nốt nhạc. Có ca khúc phổ thơ cùng tựa đề, có ca khúc khác tựa và ca khúc dựa vào ý thơ… Nhiều bài thơ nhờ phổ thành nhạc nên được phổ biến rộng rãi và sống mãi với thời gian. Với ca khúc đến với mọi người bất cứ lúc nào, trong mọi hoàn cảnh, lúc buồn khi vui và tùy theo tâm trạng thích nghi với nội dung của nó.

Kể từ khi dòng nhạc Tây phương ảnh hưởng đến buổi bình minh của âm nhạc Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp sáng tác bài thơ Chùa Hương (Cô Gái Chùa Hương) năm 1934, nhạc sĩ Hoàng Quý phổ thành ca khúc Chùa Hương năm 1943, là một trong những ca khúc đầu tiên được phổ nhạc của nền tân nhạc. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã phổ nhạc Đi Chơi Chùa Hương năm 1946… nửa thế kỷ sau Trung Đức phổ thành ca khúc Em Đi Chùa Hương.

Viết về thơ phổ nhạc, bài viết của tôi giữa thập niên 1990s đã phổ biến trên website Quán Gió ở Úc và Xứ Quảng của La Lương ở Mỹ… Trong phạm vi bài nầy chỉ đơn cử số nhạc phẩm tiêu biểu vì nếu đề cập đến phải viết thành sách cả trăm trang.

Nhạc sĩ Phạm Duy nổi tiếng về thơ phổ nhạc, điển hình như: Thuyền Viễn Xứ (bài thơ của Huyền Chi (cô gái tên Ngọc Bút mới 18 tuổi) sáng tác năm 1952, nhạc phẩm nầy ấn hành năm 1954. Hai bài thơ của Minh Đức Hoài Trinh với Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Đừng Bỏ Em Một Mình, Phạm Duy phổ thành hai ca khúc nổi tiếng nhất.

Ngoài ra còn có bài thơ Còn Chi Nữa của Lưu Trọng Lư, ca khúc Hoa Rụng Ven Sông, Chiều của Xuân Diệu với nhạc phẩm Mộ Khúc (bài thơ Chiều của Hồ Dzếnh, với ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước)… Các bài thơ phổ thành ca khúc cùng tên như: Bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, bài thơ Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ năm 1941, phổ nhạc năm 1952, bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm, bài thơ Nếu Anh Còn Trẻ của Hoàng Cầm, bài thơ Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương, bài thơ Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính… Hai bài thơ của Cung Trầm Tưởng, Mùa Thu Paris phổ nhạc cùng tên và bài Chưa Bao Giờ Buồn Thế, phổ nhạc thành Tiễn Em…

Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan được phổ thành những ca khúc Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh, sau đó là các nhạc sĩ Song Ngọc, Duy Khánh, Anh Bằng… Chᴜyện Nɡười Cᴏn Gái Hái Sim của Hồng Vân và Phạm Duy với ca khúc Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà. Các bài thơ của Vũ Hữu Định, Phạm Thiên Thư, Phạm Văn Bình… được phổ thành ca khúc quen thuộc.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương nổi tiếng với những bài thơ phổ nhạc như Đôi Mắt Người Sơn Tây (bài thơ Đôi Bờ và Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng), bài thơ Tình Tự Dưới Hoa của Đinh Hùng với ca khúc Mộng Dưới Hoa, Người Đi Qua Đời Tôi (bài thơ Thơ Cũ Của Nàng của Trần Dạ Từ)… Các bài thơ của Thanh Tâm Tuyền được phổ thành ca khúc Nửa Hồn Thương Đau, Bài Ngợi Ca Tình Yêu, Dạ Tâm Khúc, Đêm Màu Hồng (ca khúc nầy thường mở đầu ở phòng trà Đêm Màu Hồng…

Những bài thơ của Thanh Tâm Tuyền sáng tác khi ở trong lao tù được Cung Tiến phổ thành thơ trong tuyển tập Vang Vang Trời Vào Xuân. Nhạc sĩ Cung Tiến đã phổ thơ các ca khúc như Hoàng Hạc Lâu (Vũ Hoàng Chương dịch thơ Thôi Hiệu), Vết Chim Bay (thơ Phạm Thiên Thư), Đi Núi (thơ Xuân Diệu), Thuở Làm Thơ Yêu Em (thơ Trần Dạ Từ), Lệ Đá Xanh (ý thơ Thanh Tâm Tuyền), Nguyệt Cầm (ý thơ Xuân Điệu)…

Nhạc sĩ Hoàng Trọng, ông hoàng của Tango, hai bài thơ của Vĩnh Phúc được phổ nhạc như Cánh Hoa Yêu, Tìm Một Ánh Sao, ca khúc tuyệt vời nhất Ngàn Thu Áo Tím, lời của Vĩnh Phúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã phổ nhạc cũng rất nổi tiếng như: Bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim Tuấn qua ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân. Các nhạc phẩm Hoa Bướm Ngày Xưa, Mái Tóc Dạ Hương, Thu May Áo Cưới (thơ Đinh Hùng), Tiếng Hát Ru Tôi (thơ Du Tử Lê), Người Em Nhỏ (thơ Thiệu Giang), Lá Thư Gửi Mẹ (thơ Thái Thủy)…

Ca khúc Lá Thư Gửi Mẹ, là một trong những bài hát nổi tiếng nhất và cũng là tâm trạng, nỗi niềm của chúng tôi khi xa hình bóng thiêng liêng nhất của cuộc đời. Tôi có cơ hội cùng sinh hoạt với nhạc sĩ Nguyễn Hiền ở Trung tâm Văn Bút và mỗi sáng cùng uống café với nhau, ông là bộ từ điển sống về âm nhạc Việt Nam từ thời ở Hà Nội.

Nhạc sĩ Anh Bằng với số lượng sáng tác nhiều nhất từ trong nước, ở hải ngoại trên sáu trăm bài hát, trong đó đã phổ thơ thành ca khúc như: Cô Lái Đò của Nguyễn Đình Phúc (thơ Nguyễn Bính), Anh Biết Em Đi Chẳnɡ Trở Về (thơ Thái Can), Khúc Thuỵ Du (thơ Du Tử Lê), Bướm Trắng (thơ Nguyễn Bính), Mai Tôi Đi (thơ Nguyên Sa, nhạc Tiễn Biệt, Song Ngọc phổ nhạc là Tiễn Đưa), Anh Cứ Hẹn, Anh Còn Nợ Em (thơ Phạm Thành Tài), Anh Cứ Hẹn (thơ Hồ Dzếnh), Cánh Phượng Hồng Thuở Xưa (thơ Trịnh Bửu Hoài), Chải Tóc (thơ Hư Vô), Có Bao giờ Em Nhớ Ta (thơ Quang Dũng), Em Về (thơ Mùi Quý Bồng), Gọi Anh Mùa Xuân (thơ Trần Mộng Tú), Huế Nhớ O (thơ Giáng Thơ), Kỳ Diệu (thơ Nguyên Sa), Nếu Vắng Anh (Cần Thiết, thơ Nguyên Sa), Sợi Tóc (thơ Sương Mai), Tiếc Thương (thơ Cao Tần)…

Những tình khúc về hoa phổ thơ: Hoa Mẫu Đơn (thơ Hồ Dzếnh), Trúc Đào (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Hᴏa Họᴄ Tɾò (thơ Nhất Tuấn), Chᴜyện Giàn Thiên Lý (bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao), Bông Hoa Vườn Dị Thảo (thơ Hoàng Song Liêm)… nhạc của Anh Bằng. Chᴜyện Hᴏa Sim (thơ Hữu Loan, nhạc Anh Bằng), Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (thơ Kiên Giang), Chᴜyện Tình Hᴏa Tɾắnɡ, Hồi Chuông Xóm Đạo, nhạc Anh Bằng), , Đưa Em Vào Động Hoa Vàng (thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy), Mùa Thu Chết (thơ Guillaume Apollinaire) về hoa thạch thảo…

Năm 1937, trên đàn VN xuất hiện nhà thơ bí ẩn với tên T.T.Kh với 3 bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn, Bài Thơ Thứ Nhất, Bài Thơ Cuối Cùng (Đan Áo Cho Chồng), nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ thành ca khúc Chuyện Hoa Ti-Gôn, Dĩ Vãng Một Loài Hoa, Đan Áo Cho Chồng và nhạc phẩm Hai Sắc Hoa Ti-Gôn của nhạc sĩ Trần Trịnh. Bài thơ nầy cũng được phổ thành ca khúc Hai Sắc Hoa Ti-Gôn (Trần Thiện Thanh), Chuyện Tình TTKh (Song Ngọc)… Năm 2008, ở tuổi 82, sánɡ táᴄ bài hát Anh Còn Yêu Em, Anh Còn Yêu Em, phổ từ thơ Phạm Thành Tài.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng, ông hoàng của Tango, hai bài thơ của Vĩnh Phúc được phổ nhạc như Cánh Hoa Yêu, Tìm Một Ánh Sao, ca khúc tuyệt vời nhất Ngàn Thu Áo Tím, lời của Vĩnh Phúc.

Với một bài thơ của các thi sĩ được các nhạc sĩ phổ nhạc cho đến nay vẫn sống với thời gian như: Chiều của Hồ Dzếnh với Chiều của Dương Thiệu Tước, bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm do Trầm Tử Thiêng phổ nhạc cùng tên, bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính, nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc thành Hương Đồng Gió Nội, Trăng Sáng Vườn Chè của Văn Phụng (thơ Nguyễn Bính), bài thơ Áo Lụa Hà Đông và Paris Có Gì Lạ Không Em của Nguyên Sa, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang của Tô Thùy Yên, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc cùng tên… Nếu tính từ thời tiền chiến, trong nhiều thập niên qua có vài trăm bài thơ được phổ nhạc.

Với nhạc sĩ Song Ngọc, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, năm 2018 tôi viết bài Song Ngọc, Dòng Nhạc Của Một Thời Để Nhớ và Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Người Viết Sử Thi Cho Nhạc Lính… Trong đó đã đề cập đến những ca khúc phổ thơ, ý thơ nên chỉ đơn cử ca khúc tiêu biểu mà thôi.

Đề cập đến thơ phổ nhạc hay nhạc phổ thơ, từ vài câu thơ, một bài thơ đến nhiều bài thơ và từ một ca khúc đến nhiều ca khúc rất đa dạng và phong phú… trong đó có các ca khúc của Phạm Duy. Phạm Đình Chương, Nguyễn Hiền, Anh Bằng… được nhiều người biết đến.

***

Hai câu thơ của Hồ Dzếnh năm 1943: “Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở… Cho nghìn sau… lơ lửng với nghìn xưa” tròn tám thập niên, và từ đó đến nay, những cuộc tình đơn phương, dang dở đó qua thơ, văn, nhạc… làm xúc động trong lòng mọi người.

Riêng về âm nhạc, từ thời tiền chiến đến hai thập niên ở miền Nam VN, nhiều nhạc sĩ sáng tác, phổ thơ với cuộc tình bi thương, dang dở mang với đau thương được trang trải qua lời ca và giai điệu…

Trở lại với nhạc phẩm Million Scarlet Roses thơ của Voznesensky, nhạc sĩ Voznesensky phổ nhạc. (Theo Wikipedia: Bản nhạc nguyên gốc của Raimonds Pauls, ít nhất có hai người khác nhau viết lời cho bài nhạc, nhưng nổi tiếng nhất là khi nhà thơ Andrei Voznesensky viết lời với tựa đề Million Scarlet Roses và nữ ca sĩ Nga Alla Pugacheva hát).

Nhạc phẩm rất đơn giản chỉ có 16 trường canh (ô nhịp). Phiên khúc I & II với nốt nhạc cuối cùng giống nhau (mi), thông thường thì nốt cuối cùng khác nhau để chuyển sang phần điệp khúc có sự thay đổi về giai điệu, chấm dứt bài hát. Có ca khúc chuyển âm giai như Suối Mơ của Văn Cao, phiên khúc viết bằng âm giai thứ, tới điệp khúc chuyển sang âm giai trưởng.

Nhạc phẩm Million Scarlet Roses này với nhịp 4/4 (C) nên có thể chuyển sang vài thể điệu khác nhanh, chậm, dồn dập, nhẹ nhàng và thông dụng tương tự như Nhạc Đồng Quê (Country Music – Folk) của Mỹ…

Nhà thơ Andrei Voznesensky (1933-2010) nổi tiếng vào thập niên 1960s ở Liên Xô, trở thành nhà thơ Nga nổi tiếng, ngay cả ở Mỹ, kết bạn với nhà thơ Allen Ginsberg, nhà viết kịch Athur Miller… Sau đó, ông cũng là bạn thân với của triết gia Martin Heidegger, Jean-Paul Sartre… Nhưng có lẽ với người Việt, ít ai biết về thơ Voznesensky (Hai nhà thơ của Nga A. Pushkin (1799-1837), Sergei Essenin (1895-1925) trong trào lưu lãng mạn được biết đến ở VN).

Bài thơ Million Scarlet Roses của Andrei Voznesensky viết để tặng cho ca sĩ Alla Pugacheva vào năm 1984. Nhà thơ lấy cảm hứng từ chuyện tình đơn phương giữa chàng họa sĩ người Gruzia N. A Pirosmanashvili (1862-1918), sống lang bạt, không nhà, không cửa, không gia đình, chỉ có một tình yêu đơn phương với nữ ca sĩ gốc Pháp Margarita. Voznesensky cũng đa tình, lãng mạn nên dựa vào hình ảnh chàng họa sĩ để bày tỏ tình yêu với Pugacheva. Bài thơ nầy được phổ thành ca khúc của nhạc sĩ người Latvia là Raimond Voldemarovich Pauls, lời ca của kẻ tình si, giai điệu nhẹ nhàng.

Nhạc sĩ Raymond Voldemarovich Pauls sinh ra ở thủ đô Riga, Latvia năm 1936. Ông là nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều giải thưởng.

Latvia, đất nước nhỏ với diện tích khoảng 63,600km2, vùng đồng bằng, thiên nhiên hữu tình, nằm ở phía Đông vùng biển Baltic, phía Bắc giáp Estonia, phía Nam giáp Lithuania và phía Đông giáp nước Nga. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, ba nước nầy thuộc vào Liên Xô, năm 1991 Liên Xô và chín nước CS Đông Âu sụp đổ, Litvia độc lập, năm 2004 ở khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên hiệp Châu Âu (EU).

Năm 1991 R.V. Pauls từng là từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Năm 1993 đến năm 1998, Cố vấn văn hóa cho Tổng Thống Latvia Guntis Ulmanis. Ông cũng có tham vọng trên bước đường chính trị tranh cử tổng thống nhưng thất bại. Dân số khoảng 2 triệu người, ngôn ngữ chính là tiếng Latvia và tiếng Anh. Thời gian này R.V. Pauls là nhà ngoại giao, nhà văn hóa nên khi đến các nước lân cận hay trong nước được chào đón với ca khúc Million Scarlet Roses. Và đất nước của ông tuy nhỏ nhưng trở thành những địa danh du lịch nổi tiếng.

Lời ca khúc nầy theo bài thơ của Voznesensky với câu chuyện tình của chàng họa sĩ nghèo người Gruzia tên Niko Pirosmani (1862-1918) và nàng ca sĩ người Pháp Margarita. Chuyện kể rằng có chàng họa sĩ yêu thầm một cô ca sĩ. Cô gái có điểm đặc biệt là rất yêu những bông hồng, yêu loài hoa tượng trưng cho tình yêu và hạnh phúc. Để làm đẹp lòng cô, chàng đã bán tất cả nhà cửa, những bức tranh để đổi lấy một triệu bông hoa hồng mang tặng nàng và hy vọng nàng sẽ vui lòng, nhưng sau đó cô ca sĩ này biết được người tặng những bông hoa hồng đó là một nhà họa sĩ nghèo nên chàng chỉ còn mối tình đơn phương!.

Lời Việt với Diệp Minh Tuyền, Trung Kiên và có thêm vài lời ca khác… vì dựa theo chuyện tình để viết về mối tình đơn phương, thầm kín, dang dở.

Là văn nhân thường được nhắc đến với cuộc tình si vì được đề cập qua thơ, văn, nhạc…Ở Việt Nam có vài giai thoại về nhạc sĩ đa tình, nhiều ca khúc trữ tình chạy theo cuộc tình với “tặng hoa”. Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn qua đời năm 2001, tôi viết bài Đoàn Chuẩn & Gửi Người Em Gái (sau đó đăng trong quyển Văn Nhân & Tình Sử, ấn hành năm 2005, trang 63-78), ông là nhạc sĩ đa tình, lãng mạn… cũng là chất liệu để sáng tác nhiều ca khúc trữ tình với những bóng hồng dù chỉ là một thoáng mơ thôi.

Đoàn Chuẩn lập gia đình khi còn học trung học vào năm 1942. Nhưng những ca khúc của ông Tà Áo Xanh, Thu Quyến Rũ… với bóng hồng ca sĩ Thanh Hằng… Tiếp đến với bóng hồng ca sĩ Mộc Lan (do nhạc sĩ Lê Thương đặt danh hiệu lần đầu tiên hát ca khúc Trên Sông Dương Tử của ông). Đoàn Chuẩn sau lần nghe Mộc Lan từ Sài Gòn ra Hà Nội hát bài Đi Chơi Chùa Hương của Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp ở nhà hát lớn Hà Nội, đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ.

Theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả Gợi Giấc Mơ Xưa, bạn của Đoàn Chuẩn tiết lộ thì sau khi tới Sài Gòn, họ Đoàn đã tìm được địa chỉ của Mộc Lan trên đường Espagne ở Tân Định nhưng không trực tiếp “yết kiến” mà chỉ nhờ chủ một tiệm bán hoa tươi mang hoa đến tặng Mộc Lan mỗi sáng sớm, và không tiết lộ tung tích người gửi hoa. Đoàn Chuẩn đặt trước tiền hoa và tiền công cả tháng cho chủ hàng hoa tươi rồi trở lại Hải Phòng, không quên để lại địa chỉ liên lạc của mình.

Sau ba tuần nhận được hoa đều đặn, ca sĩ Mộc Lan không cầm lòng được đã đề nghị người đưa hoa cho biết tên người tặng. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, chủ hàng hoa đã thông báo cho Mộc Lan biết người gửi tặng hoa cho nàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng với địa chỉ kèm theo. Sau đó, nhạc sĩ họ Đoàn nhận được lá thư của người đẹp với lời cảm ơn và hy vọng có ngày được hội ngộ. Thế là Đoàn Chuẩn lại gửi tiền để chủ hàng hoa tiếp tục tặng hoa cho người đẹp liền hai tháng nữa.

Mấy tuần sau đó, Đoàn Chuẩn rất xúc động khi nhận được lá thư tiếp theo của Mộc Lan và ông đã biến tình cảm dâng trào của mình thành bản nhạc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay với lời đề tặng M.L.

Ca khúc Gửi Người Em Gái Miền Nam, tuy không ghi tặng M.L khi phân chia hai miền Nam/Bắc nhưng đó là ca khúc dành cho Mộc Lan.

Sau nầy có vài mẩu chuyện viết về cuộc tình nhưng cũng thuộc vào tình sử.

Nhạc sĩ Robert Schumann cho rằng “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người”, trong đó không những trong tâm hồn nhạc sĩ mà trong trái tim người thưởng ngoạn, có thể hình bóng nào đó khi cất tiếng hát đã in sâu vào tâm khảm. Có lẽ “Âm nhạc lấp đầy khoảng vô hạn giữa hai tâm hồn” (thi hào Rabindranath Tagore).

Có những nhạc phẩm chỉ lấy ý từ thơ hoặc câu thơ nào đó, vì vậy như đã đề cập ở trên, trong lúc cảm hứng nên – theo sự gợi ý – lấy tựa đề của bài thơ và nhạc để cảm tác.

Triệu Hoa Hồng Thắm

“PK I: Lòng anh thầm mơ hoa hồng thắm
Em là tiên nữ với hoa hồng
Nụ cười thật xinh như ngàn hoa
Xao xuyến tim anh triệu đóa hồng

PK II: Nầy người tình si anh thầm nhớ
Em cười trong nắng ngát hương đời
Hiện về trần gian mang tình yêu
Trong cõi nhân gian đẹp nhất đời

ĐK: Với tiếng hát như pha lê em như hoa khoe sắc thắm
Tiếng hát đó ru tim anh trong cơn mê hồn say đắm
Bao yêu thương trong tim anh đang lâng lâng niềm thương nhớ
Trong âm vang qua câu ca như ru anh cuối cuộc đời”.



Nếu nhà văn Pháp Edmond Jabès cho rằng “Chỉ một đóa hồng là đủ cho bình minh” nhưng triệu đóa hoa hồng trong thơ và nhạc của Voznesensky và Voldemarovich Pauls không thấy bình minh mà là bóng chiều tà vì mối tình si khi cô độc mới là mối tình “Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” để viết vì đó phát xuất tận cùng của trái tim!

Trong thi ca và âm nhạc Việt Nam có nhiều nhà thơ và nhạc sĩ đã thành danh từ thập niên 40, 50 và 60… riêng về thơ phổ nhạc với số lượng lớn từ trong nước đến gần nửa thế kỷ ở hải ngoại. Điển hình như nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Nguyễn Hiền, Cung Tiến… nhưng không có nhạc phẩm nào được dịch ra nhiều thứ tiếng để hòa nhập vào nền âm nhạc trên thế giới.

Little Saigon, August 2023
Vương Trùng Dương
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoanghoa »

Image

Em Về Mùa Thu

Em về vàng lá thu rơi
Ta trong kỷ niệm rã rời đêm đen
Từng đêm rồi lại từng đêm
Dáng em xưa vẫn ngọt mềm nồng say

Mùa xanh mây trắng còn bay
Dấu yêu vời vợi tháng ngày lên ngôi
Đam mê ngây ngất tình tôi
Khói sương qúa khứ xa rồi mùa thu

Em về dịu ngọt lời ru
Trăm năm một kiếp giam tù đời ta
Đỉnh sầu đâm nhánh thiết tha
Bâng khuâng hái sợi mưa già tương tư


Khiêu Long
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by bichphuong »

Image

Tháng mười hoa cúc

Bây giờ là tháng mười
Em như hoa cúc nhỏ
Sao anh không là gió
Thổi mùa thu vào em

Bây giờ là tháng mười
Em hiền như hoa cúc
Sao anh không là đất
Cho em ngả vào lòng

Bây giờ là tháng mười
Em gầy như nhánh cúc
Sao anh không là mưa
Cúi hôn từng cánh lá

Bây giờ là tháng mười
Em mong manh như cúc
Sao anh không là nắng
Ôm em ấm một ngày

Bây giờ là tháng mười
Sao anh không là rượu
Em là hoa cúc vàng
Cho anh Hoàng Hoa Tửu

Tháng mười tháng mười đến
Mùa thu mùa thu qua
Cúc vàng cúc vàng héo
Anh xa anh xa xa


Trần Mộng Tú
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by bichphuong »

Image

Nếu em về phố cũ

Nếu em có về phố cũ
Ngàn lần đừng nhắc ngày xưa
Dù nắng có vàng cổ tích
Dù hoa có tím đợi chờ

Nếu em có về phố cũ
Xin đừng đến nơi hẹn xưa
Cỏ vẫn xanh nguyên kỷ niệm
Cái chiều ngày ấy trong mưa

Nếu em có về phố cũ
Xin đừng nhắc đến ngày xưa
Tình yêu như trò chơi cổ
Dù ít bao nhiêu cũng thừa

Nếu em có về phố cũ
Đam mê xin giấu trong lòng
Người cũ bây giờ đã mới
Còn chi để nhớ để mong


TaiCuc
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoanghoa »

Image

Bùi Giáng: Người điên nhắc nhớ niềm đau người thường
Kỷ niệm 25 năm, ngày mất thi sĩ Bùi Giáng (7/10/1998 - 7/10-2023)
Ý Nhi


Buồn đau như thế thân mình
Ai chia nửa máu, ai giành nửa xương
1.
Trong số tài liệu tôi còn giữ được khi làm việc tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn (chi nhánh miền Nam), có một ít giấy tờ, thư từ liên quan đến Bùi Giáng.

Ngày 7/7/1993, tôi đại diện nhà xuất bản gửi thư đến ông xin phép in lại tập thơ Mưa nguồn. Tôi gửi hai bản, nghĩ rằng ông sẽ lưu một bản nhưng ngay ngày hôm sau, ông đã gửi lại cả hai bản với hai câu trả lời khác nhau. Ở bản thứ nhất ông ghi: “Xin trân trọng chấp nhận chuyện này với niềm tri ân vô tận”.

Ở bản thứ hai ông ghi: “Xin chấp thuận đầy đủ hai tay”. Phía dưới, ông viết thêm: “Gửi cháu Ý Nhi, nếu thấy bài nào trong Mưa nguồn cháu thích thì xin đề tặng Ý Nhi. Có lẽ nên tặng cháu bài cuối cùng trong tập: Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không”.

Ngày 29 Tháng Năm 1995, tôi lại gửi thư đến ông xin phép in lại tác phẩm Sylvia Souvenirs du Valois của Gerard Nerval, do ông chuyển ngữ với tựa đề tiếng Việt là Mùi hương xuân sắc. Ông trả lời bằng hai câu thơ: “Kính thưa nương tử Ý Nhi/ Toàn nhiên quyết định cái nhu mì của con”.

Tháng Mười 1993, sau khi Mưa nguồn in xong và đang phát hành, ông viết cho tôi: “Thân gửi cô Ý Nhi, Thấy tập thơ Mưa nguồn in thật đẹp, tôi thật cảm động. Tôi có đến Hội Nhà văn hai lần, không gặp cô. Nay tôi nhờ chú Thanh Hoài (là cháu rể) rất thân của tôi đến thăm cô và bàn với cô vài chút chuyện. Thanh Hoài đàng hoàng lắm, không luẩn quẩn như tôi. Kính mong cô niềm nở nói chuyện với Hoài và vân vân…”.

Sau đó ít lâu, ông lại gửi một thư khác: “Nghe anh Trúc nói chuyện nhiều về Ý Nhi, câu chuyện thật cảm động. Chú xin cầu chúc gia đình cháu mọi sự vân vân… Cháu tùy ý làm gì cũng được cả, tác phẩm thơ đó của chú nghe xa xôi quá, cũng như những kỷ niệm về ba má cháu. Chú thỉnh thoảng có gặp thầy Huỳnh Lý và cô Lý. Con đầu thầy Lý tên là Tùng”. (Trúc là người anh con dì ruột tôi, bạn vong niên của Bùi Giáng. Huỳnh Lý là giáo sư ngành Ngữ Văn, em ruột ông nội tôi, bạn của Bùi Giáng từ ngày trước, tại Quảng Nam. Thực ra, con đầu của giáo sư Huỳnh Lý tên Lê, đã hy sinh trong chiến tranh, con thứ tên Tùng).

Vài lần khác, ông ghé lại Nhà xuất bản, không gặp tôi thì để lại thư, bằng thơ. Một bức viết:

“Chiêm bao xẻ ngọn chia ngành
Buồn vui vô tận
Biến thành như không
Hẹn gặp cô Ý Nhi lần khác”


Bức kia là:

“Cậy em vô tận bây giờ
Ý Nhi từ buổi sơ đầu gặp nhau
Anh đi như gió phai màu
Buồn vui như thể mộng đầu éo le”


Bùi Giáng thường viết chữ rất to, chỉ vài câu đã hết một trang giấy. Nét chữ của ông cứng cỏi, phóng khoáng.

2.
Tôi có nhiều mối quan hệ họ hàng với Bùi Giáng. Một người cậu ruột và một người dì ruột của tôi (ông Phạm Sửu và bà Phạm Thị Thước) thành thân với một người chị ruột và một người anh ruột của Bùi Giáng (bà Bùi Thị Dung và ông Bùi Luận). Tuy vậy, tôi chỉ được nghe kể về Bùi Giáng, sau khi in Mưa nguồn tôi mới được gặp ông. Có lần, ông cho người vào cơ quan gọi tôi ra quán nước đầu hẻm. Ông bảo, việc này (việc xin tục bản tập thơ Mưa nguồn) nên bàn ở bên ngoài thì tiện hơn. Rồi ông cười, nụ cười móm mém, hóm hỉnh, ánh nhìn hấp háy, tinh anh.

Thường thì ông vào thẳng văn phòng Nhà xuất bản ở 371/16 Hai Bà Trưng, quận 3. Tại đây, ông gặp Tô Thùy Yên, Thế Phong, Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đức Sơn và nhiều bạn bè văn nghệ khác. Có lần, ông và họa sĩ Nghiêu Đề đổi áo cho nhau ngay trước cửa ra vào. Cả hai ông đều hoan hỉ vì cuộc “Yêu nhau cởi áo cho nhau” ấy. Nghe nói Nghiêu Đề đã đem chiếc áo của Bùi Giáng về Mỹ khoe với bạn bè.

Trong bài viết “Đi thiêm thiếp cõi mai sau lạ lùng” viết cho báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tôi đã ghi lại hình ảnh Bùi Giáng những lần ghé lại Nhà xuất bản Hội Nhà văn: “…Chân đất lấm lem, dép đeo lủng lẳng trước ngực, áo xống lôi thôi, quần dài quấn quanh đầu… lúc thì lặng lẽ đem tặng một chậu cây cảnh (không biết kiếm được từ đâu), lúc lại hét to từ ngoài cửa, khi vẫn còn ngồi trên xích-lô: Ra đỡ trẫm xuống”.

Mỗi lần đến ông đều đòi giấy bút để làm thơ. Cô nhân viên thường trực chuẩn bị sẵn cho ông một cuốn vở học trò để ông ghi lại những câu thơ bất chợt hiện ra với nét chữ ngày một run rẩy. Lúc nhận nhuận bút tập Mưa nguồn, ông ghi hai chữ “Zách ồ” vào chỗ ký nhận. Ông bảo nhiều tiền quá nên phải ghi như vậy.

Có lần, ông hỏi thăm ba mẹ tôi, hỏi thăm nhà thơ Trinh Đường. Ông bảo, Trinh Đường tên thật là Trương Đình. Lúc ấy ở Quảng Nam đã có nhà thơ Nguyễn Đình nên Trinh Đường mới đổi tên thành bút danh như vậy. Ông còn nhớ Trinh Đường con ông bà nào, ở đâu.

Nghe tôi kể lại, Trinh Đường lấy làm lạ về trí nhớ của Bùi Giáng. Mỗi lần Bùi Giáng đến thăm, tôi thường biếu ông chút ít để đi xe. Có hôm tôi đi vắng, ông hỏi cô nhân viên: làm gì ở đây. Khi nghe trả lời là nhân viên, ông bảo: Thế thì cho trẫm 20 ngàn. Ý Nhi thì phải cho 50 ngàn.

Bùi Giáng cũng thường nói đến bệnh điên của chính mình. Thấy ông lấy quần dài quấn quanh đầu, tôi hỏi: chú sao vậy. Ông đáp: Bị đánh. Hỏi ai đánh, ông bảo: mấy đứa thanh niên. Hỏi sao họ lại đánh chú, ông đáp: điên, nói bậy nên bị nó đánh… Có lần ông bảo tôi: ông Hoàng Châu Ký hồi trẻ đẹp trai lắm. Con vợ trẫm nó mê ổng, trẫm buồn, thế là trẫm điên luôn. Dứt lời, ông cười phá lên. Ông thừa biết, cô Ninh vợ ông là con người dì của ba tôi. Cô còn có họ hàng bên mẹ tôi, gọi mẹ tôi bằng cô ruột.

Vài tháng trước khi mất, ông ghé lại chỗ tôi. Thấy ông gầy yếu, tôi hỏi: “Chú có khỏe không”. Ông đáp: “Đỡ điên rồi nhưng yếu lắm”, rồi ông chỉ vào bịch ni-lông đựng rượu ở túi áo ngực, nói tiếp: “Cũng ít uống rượu rồi”. Nghe tôi nói đến việc chọn bài Phụng hiến cho tuyển tập thơ Trăm năm thơ đất Quảng, ông kêu lên: “Trời ơi, sao lúc nào cũng Phụng hiến, Phụng hiến, chọn bài khác đi. Thơ của trẫm phải có cái gì nghịch nghịch, vui vui”.

3.
Lúc Bùi Giáng mất, nhà thơ Hoàng Hưng có nhờ tôi viết bài cho báo Lao động. Bài viết đã được in với tựa đề: “Bùi Giáng – vẫn sẽ còn những bận quay về” và đã được biên tập ít nhiều. Tôi muốn giữ lại bài viết ấy như bản viết tay mà tôi còn lưu, kể cả tựa đề:

“Buồn đau như thể thân mình
Ai chia nửa máu, ai giành nửa xương.”


Đó là nỗi buồn đau của Bùi Giáng, nỗi buồn đau khốc liệt, bi thảm của một thân phận khác thường. Người ta khâm phục Bùi Giáng bởi các khảo luận văn học như những cuốn viết về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên… bởi các khảo luận triết học như Tư tưởng hiện đại, Tư tưởng hiện đại và Heidegger… bởi những bản dịch tuyệt vời các tác phẩm của Saint Exupéry, Albert Camus, Gerard Nerval…

Mỗi khi đọc những câu thơ hay của Bùi Giáng tôi lại nhớ đến tiếng đàn “rỏ máu năm đầu ngón tay” của Thúy Kiều. Những câu thơ như được chắt ra từ máu huyết, từ nỗi khắc khoải khôn nguôi về phận người, về sợi dây nối kết vừa bền vững vừa mong manh giữa kiếp người với cõi trần gian. Ít ai trong số những nhà thơ Việt Nam hiện đại lại viết nhiều về cõi trần gian như Bùi Giáng.

Lúc thì nguyện “Yêu trần gian nguyên vẹn”, khi thì “Sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi”, lúc khác lại: “Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy/ Đời chúng ta là mấy trăng tròn”. Yêu da diết cõi trần gian, nhiều khi ông nhìn trời đất trong nỗi bàng hoàng: “Ngàn mây về cuối mãi trời xa/ Nước có bằng lòng đứng đợi ta”,

Nhiều khi ông mở lời như tiếng bập bẹ trẻ thơ: “Trần gian ơi, cánh bướm cánh chuồn chuồn/ Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn”. Rồi, có khi, bỗng thảng thốt, òa khóc, không gìn giữ: “Em ra đi đời bưng mặt khóc òa”…

Nhưng Bùi Giáng là đứa trẻ biết rằng: “Diều đứt dây trẻ cũng cầm bằng”. Thơ ông, từ bài này đến bài khác, từ trang này đến trang khác, thấm đượm nỗi lo âu cho: “Những thân đau khổ những đời rã riêng”, “Những nỗi đau về chẳng hẹn giờ”. Ông “nghe trời đầy xuống hai vai” và đã gánh chịu sức nặng đó suốt cuộc đời đơn độc của mình. Có khi, ông cay đắng thốt lên: “Đời dại khờ như một giấc chiêm bao”, có khi, ông lắng nghe: “Mấy đời ly biệt vì đau trong mình”, có khi ông van nài: “Em ở lại với đời ta em nhé/ Em đừng đi, cho ta nắm tay em”… Và, thường khi là nỗi phấp phỏng lo âu:

“Nhưng em hỡi trần gian ơi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi…
Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi…“


Dường như mỗi cảnh, mỗi vật đều in dấu nỗi lo âu phấp phỏng ấy. Nào là: “Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo”, nào là: “Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng”, nào là: “Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng/ Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm”, nào là: “Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai”…

Giờ đây, con người luôn yêu thương, lo lắng cho “Cõi người ta” ấy đã từ biệt thế gian.
Trước lúc ra đi, dường vẫn còn trong ông niềm mơ ước:

“Còn không một bận quay về
Vườn xưa ngó bóng trăng thề vàng gieo”
Vẫn còn nguyên vẹn những mong mỏi sẻ chia:
“Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì còn hẹn với trăng ngàn.“


4.
Thi hài Bùi Giáng được quàn tại nhà Tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm trong hai ngày 9 và 10 tháng 10 năm 1998. Đến vĩnh biệt ông là những người bà con ruột thịt, những người bạn văn chương, những người từng mến mộ tài năng của ông. Nhiều người đến và ở lại rất lâu. Nhiều người đã thức thâu đêm để nhắc nhớ những kỷ niệm về ông, để đọc những câu thơ của ông. Nhiều ngôi chùa trong thành phố gióng chuông tiễn biệt vị phật tử khác thường.

Giản dị, lặng lẽ, sâu lắng.
Đó thực sự là cuộc tiễn đưa một nhà thơ.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by thienthanh »

Image

Đừng Cười Tôi Nghe Nhạc "Sến"
(Cho người, cho ta, cho người ta)


Này người hỡi, đừng mỉm cười châm biếm,
Khi nhìn tôi nghe nhạc "sến" say sưa,
Gửi hồn về những ngày tháng xa xưa,
Lúc đất nước ta chưa thành địa ngục.


Tôi xui xẻo, Trời không ban cho phúc
Được học hành, thành "trí thức" như ai,
Nên xin người đừng dè bỉu chê bai,
Hãy cho phép tôi dông dài giây lát.


Có gì "sến" trong trăm ngàn khúc hát,
Mà từng lời bát ngát đượm tình quê,
Và từng câu luôn nhắc nhở tôi về
Một nơi chốn đà muôn bề xa cách?


Có gì "sến" với mối tình trong sạch
Của chàng trai đang cắp sách đến trường.
Thoáng nhìn ai mà lòng dạ vấn vương,
Giờ tan học trên đường về lẽo đẽo?


Có gì "sến" khi hè vừa bén nẻo,
Đám học trò buồn héo hắt chia tay,
Đứa thị thành, đứa trôi giạt chân mây,
Năm tới biết ai còn quay trở lại?


Có gì "sến" chuyện những người con gái,
Kẻ đưa đò, kẻ náu tại rừng sâu,
Trót yêu nên phải mang nặng khối sầu,
Chết hay sống vẫn buồn đau duyên số?


Có gì "sến" trong muôn vàn cảnh khổ,
Lớp nhớ về một thành phố mưa bay,
Lớp đêm dài cùng chim sắt rẽ mây,
Lớp men lối biệt ly đầy cay đắng?


Có gì "sến" trên sân ga quạnh vắng,
Những chiều buồn gội nắng đợi người xưa,
Nhưng qua rồi chẳng biết mấy mùa mưa,
Mà bóng dáng ai kia chưa về được?


Có gì "sến" khi vì lòng yêu nước
Vạn chàng trai phải cất bước lên đường,
Bỏ phố phường, gác lại chuyện yêu đương,
Sẵn sàng đổ máu xương nơi tiền tuyến?


Có gì "sến" khi những người lính chiến,
Phải đương đầu nguy hiểm chốn rừng sâu,
Mắt đăm đăm nhìn ánh lửa hỏa châu,
Miệng lẩm bẩm không ngừng câu đoàn tụ?


Có gì "sến" với người theo đội ngũ
Lội bùn dơ, lam lũ khắp chiến trường,
Nhưng đêm ngày vẫn nghĩ tới người thương
Quay quắt nhớ màu sương nơi quê cũ?


Có gì "sến" với cảnh người chinh phụ,
Năm canh khuya mất ngủ nhớ thương chồng,
Miệt mài ngồi đan áo ở bên song,
Cho chồng được ấm lòng khi giữ nước?



Người ơi chẳng bao giờ tìm lại được,
Thời vàng son của ngày trước Bảy Lăm,
Với hàng ngàn ca khúc của Miền Nam
Mà nhựa sống còn miên man tuôn chảy.


Người có thấy những bài ca ngày ấy,
Lời nhiều khi không bóng bảy văn chương,
Nhưng chính là hình ảnh của quê hương,
Thuở chưa chịu cảnh đoạn trường khốn khó?


Quê hương đó, là nỗi buồn phượng đỏ,
Là nhịp đàn khúc tân cổ giao duyên,
Là bước chân ngoài phố lúc nửa đêm,
Là nhức nhối triền miên nơi gác trọ,


Là ánh mắt mãi trông chờ đầu ngõ,
Là tiếng chuông, tiếng gió, tiếng nguyện cầu,
Là cành sim tim tím chốn rừng sâu,
Là chiếc bóng cây cầu đà gãy đổ,


Là day dứt nhìn cơn mưa tỉnh nhỏ,
Là nỗi vui vườn Tao Ngộ cuối tuần,
Là poncho, là mưa nắng hành quân
Là hạnh phúc của những lần đi phép...


Dù số mệnh Miền Nam giờ đã khép,
Những bài ca, hình ảnh đẹp tuyệt vời,
Những cung sầu, những xúc cảm đầy vơi,
Những tình tự... sẽ muôn đời tồn tại.


Người nếu nghĩ mình thượng lưu quý phái,
Hãy ngủ yên thoải mái giữa tháp ngà,
Mặc sức dùng kiến thức nhạc bao la
Để tán tụng những bài ca "sang cả".


Và nếu muốn, cứ âm thầm hể hả
Mỉa mai tôi dốt đặc chả biết gì,
Nhưng xin người hãy tạm ngoảnh mặt đi,
Hé mở chút tâm từ bi hỷ xả,


Cho tôi được, trong nắng chiều tơi tả,
Mắt mơ màng mà tấc dạ tái tê,
Tạm quên đi bước lữ thứ ê chề,
Nghe nhạc "sến" để nhớ về quê cũ.


Trần Văn Lương
Cali, 11/2023
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoanghoa »

Image

Chợt Tiếng Gà Trưa

Giữa trưa nghe vọng tiếng gà
Bỗng dưng nhớ quá quê nhà xa xôi
Mười năm lưu lạc nổi trôi
Quê hương mình đã mất rồi phải không

Em còn bên đó chờ trông
Hay là đã bước theo chồng vu qui
Ngày qua đầy vết chim di
Tiếng gà trưa thuở xuân thì gọi nhau

Đời giang hồ biết về đâu
Dấu binh lửa nỗi hận sầu nặng mang
Tiếng gà trưa giữa mùa sang
Quanh ta kỷ niệm ngỡ ngàng bủa vây

Mùa thu như chợt về đây
Chập chùng lá đỏ phủ đầy hồn ta
Để nghe tình chợt thiết tha
Giữa vùng hư ảo tiếng gà vọng đưa

Một mai về lại phố xưa
Tìm em như thuở mình vừa xa nhau
Tiếng gà trưa gợi niềm đau
Vàng xưa quá khứ úa màu áo em .


Khieu Long
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 6 guests