Thời Sự, Bình Luân

hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Image

Bài nói chuyện của Tổng thống Biden
Nghĩa Bùi
2-9-2022
Người dân Hoa Kỳ thân mến, nơi tôi đang đứng thưa chuyện cùng các bạn là thánh địa của chúng ta: Independence Hall [Dinh Độc Lập], tại thành phố Philadelphia, Pennsylvania. Đây là nơi mà hơn hai trăm năm trước một tân quốc gia đã tuyên bố cùng thế giới nền Độc Lập của mình qua một ý tưởng độc đáo chưa ai có, rằng trên đất nước này mọi người sinh ra đều bình đẳng. Đây là nơi bản Hiến Pháp của Liên bang Mỹ quốc được bàn thảo và tranh luận. Đây là khởi điểm cho cuộc thí nghiệm táo bạo nhất lịch sử nhân loại – chính quyền do người dân tự quản lý – chỉ với ba chữ đơn sơ: “Ta, người Dân.”


“We, the People.”

Hai bức văn kiện và những tư tưởng lớn lồng trong đó – bình đẳng và dân chủ, là nền móng dựng xây đất nước này. Nhờ nó mà chúng ta trở thành quốc gia vĩ đại nhất quả địa cầu. Vì nó mà qua hơn hai thế kỷ Hoa Kỳ vẫn là ngọn tiêu đăng của thế giới. Nhưng ngay khi tôi đang trò chuyện cùng các bạn đêm nay, sự bình đẳng và nền dân chủ của chúng ta đang bị đánh phá. Và sẽ chẳng lợi lộc gì nếu ta giả bộ như điều đó không xảy ra.

Bởi vậy nên hôm nay tôi trở lại nơi câu chuyện bắt đầu để nói với các bạn, bằng thứ ngôn ngữ giản dị nhất tôi có thể, về những mối đe doạ ta đang trực diện, về sức mạnh ta có trong tay để đối phó với chúng, và về một tương lai xán lạn đằng trước mặt nếu ta chọn nó.


Đừng bao giờ quên: Ta, người Dân, là những kẻ chính thức thừa kế cuộc thí nghiệm mang tên Mỹ quốc được khởi động hơn hai trăm năm trước. Ta, người Dân, mang trong mình ngọn lửa của quyền tự quyết đã được thắp lên tại Independence Hall. Ngọn lửa ấy đã soi sáng cho chúng ta trên con đường bãi bỏ nô lệ, cuộc Nội Chiến, bình đẳng cho phụ nữ, Đại suy thoái Kinh tế, hai Đại thế chiến, đấu tranh cho Dân quyền…

Ngọn lửa thiêng ấy vẫn đang bừng cháy, giúp ta xây dựng một nước Mỹ thịnh vượng hơn, tự do và công bình hơn. Đối với tôi, đó là nhiệm vụ của người tổng thống. Tôi đặt tất cả linh hồn và niềm tin của mình vào những mục đích ấy. Nhưng trước hết chúng ta cần phải thật lòng với nhau, và với chính mình.

Có quá nhiều chuyện đang xảy ra trên đất nước này mà ta phải công nhận là bất bình thường. Donald Trump và nhóm Cộng Hoà MAGA đại diện cho một thứ chủ nghĩa cực đoan đang làm băng hoại nền tảng quốc gia. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh, muốn nói cho thật rõ, rằng không phải tất cả những ai theo đảng Cộng Hoà, thậm chí càng không phải đa số đảng viên Cộng Hoà, là MAGA.


Không phải người Cộng Hoà nào cũng bị mê hoặc bởi ý thức hệ cực đoan ấy. Tôi biết chắc vậy vì tôi và những người Cộng Hoà chân chính từng làm với nhau được rất nhiều việc chung. Nhưng không thể chối cãi rằng đảng Cộng Hoà ngày nay đang bị khống chế, khuynh đảo, và khiếp đảm bởi Donald Trump và nhóm Cộng Hoà MAGA. Đó là mối đe doạ lớn cho đất nước.

Mấy chuyện này khó nói vô cùng. Nhưng vì là tổng thống của nước Mỹ – không phải của nước Mỹ đỏ hay nước Mỹ xanh, mà là của toàn nước Mỹ – nên tôi cảm thấy có bổn phận nói thẳng với mọi người, dù sự thật có khó nghe hay mích lòng chăng nữa.

Và đây là quan điểm của tôi về sự thật ấy: Những người Cộng Hoà MAGA không tôn trọng Hiến Pháp.


Họ không thượng tôn pháp luật. Họ không công nhận quyền tự quyết của người dân. Họ không chấp nhận kết quả đầu phiếu tự do. Và cả ngay lúc này họ vẫn đang đi từ tiểu bang này đến tiểu bang khác để vận động cho việc trao quyền quyết định kết quả bầu cử vào tay những con buôn chính trị và đám ăn theo; khuyến khích việc phủ nhận lá phiếu của cử tri hòng đánh sập nền dân chủ của chúng ta.

Các thế lực MAGA muốn đưa đất nước này trở lui về thời người dân Mỹ không có quyền chọn lựa, không có quyền riêng tư, không có quyền ngừa thai, không có quyền cưới người mình yêu. Họ ủng hộ những kẻ độc tài, họ thổi bùng ngọn lửa bạo lực chính trị ​hòng đe doạ quyền tự do cá nhân, quyền đi tìm công lý, sự thượng tôn pháp luật, và linh hồn của đất nước. Họ xem đám đông tràn vào Điện Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng và bạo hành nhân viên công lực không như những kẻ phiến loạn kề dao vào cổ nền dân chủ, mà như những người yêu nước. Và họ xem thất bại của MAGA trong việc cản trở cuộc bàn giao quyền lực trong ôn hoà sau cuộc bầu cử 2020 như bài tập,​ giúp họ chuẩn bị cho 2022 và 2024.

Lần trước họ đã thử đủ cách để vô hiệu hoá lá phiếu của 81 triệu cử tri. ​Lần này họ càng quyết tâm hơn nữa trong việc bóp nghẹt tiếng nói của người dân. Chính vì vậy mà một số nhân vật Cộng Hoà được nể trọng, như Thẩm phán Liên bang Michael Luttig, gọi Trump và nhóm Cộng Hoà MAGA cực đoan là “hiểm nguy thực sự” cho nền dân chủ của chúng ta.


Nhưng dù rằng nền dân chủ Mỹ có đang bị đe doạ thật​, tôi xin được nói thẳng: Chúng ta không bất lực. Chúng ta không phải là người bàng quan trong lúc nền dân chủ đang bị tấn công như vầy. Số người Mỹ không chấp nhận những tư tưởng cực đoan của MAGA đông hơn số người nghe theo nó rất nhiều, và họ gồm đủ mọi thành phần xã hội cũng như tín ngưỡng. Cho nên, bà con tin tôi đi, chúng ta dư sức chặn đứng cuộc tấn công ​vào thành trì dân chủ nước nhà.

Tôi tin rằng nước Mỹ đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Đây là một trong những thời điểm ta có thể uốn nắn vận mệnh đất nước theo một chiều hướng khác. Đã đến lúc người dân Mỹ phải chọn: Đi tới, hay đi lùi? Xây dựng tương lai, hay bị ám ảnh bởi quá khứ? Trở thành một đất nước của hy vọng, đoàn kết và lạc quan, hay một đất nước đầy sợ hãi, chia rẽ và u ám?​

Những người Cộng Hoà MAGA đã chọn con đường của họ. Họ chọn hận thù. Họ ưa hỗn loạn. Họ không ​sống trong ánh sáng của sự thật mà trong bóng tối của sự lừa dối. Nhưng chúng ta – chung tay với nhau, có quyền chọn một con đường khác. Một con đường sáng sủa hơn. Một con đường hướng đến tương lai. Một tương lai đầy cơ hội. Một tương lai dựng xây ​bằng niềm tin và hy vọng. Và chúng ta hiện đang bước đi trên con đường đó.​

Tôi biết đất nước này. Tôi hiểu người dân Mỹ. Tôi biết sự dũng cảm của bạn. Tôi hiểu trái tim bạn. Và tôi cũng rành lịch sử ​Hoa Kỳ. Chúng ta vinh danh chứ không chối bỏ Hiến Pháp của mình. Chúng ta tuân thủ chứ không khinh thường luật pháp. Chúng ta ​tôn trọng các cuộc bầu cử công bằng và tự do. Chúng ta chấp nhận chứ không phủ nhận tiếng nói của quần chúng qua lá phiếu. Và chúng ta không cho phép sử dụng bạo lực như chiêu trò chính trị. Chúng ta không bao giờ khuyến khích bạo lực. ​

Chúng ta vẫn là một đất nước luôn đặt niềm tin vào sự thành tâm, hướng thiện, tương kính, lòng ái quốc, tinh thần tự quyết, công bằng công lý, hy vọng, cơ hội. Sâu trong tâm khảm, chúng ta vẫn là một nền dân chủ thực sự. Tuy nhiên, lịch sử dạy ta rằng trung thành tuyệt đối với​ một nhà lãnh đạo và sẵn sàng tham gia bạo lực chính trị sẽ giết chết dân chủ.

Bao lâu nay ta thường tự nói với chính mình rằng nền dân chủ Mỹ rất vững vàng và bảo đảm, nhưng sự thật không phải vậy. Chúng ta, mỗi một người dân, phải sẵn sàng trấn thủ, bảo vệ và lên tiếng cho dân chủ. Đó là lý do tại sao tối nay tôi muốn kêu gọi người dân Mỹ, bất luận phe phái, hãy đến với nhau trong tình đoàn kết cùng mục đích chung là bảo vệ nền dân chủ của mình…
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by lengoi »

Ukraine cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân
8 tháng 9, 2022


Image
Tang lễ của Vyacheslav Nalyvayko, một người lính Ukraine hy sinh ở miền Nam, được tổ chức trọng thể tại Kyiv, Ukraine, hôm 7 Tháng Chín 2022.
Cuộc chiến tranh có thể kéo dài sang năm 2023, theo nhận định của Tổng tư lệnh quân đội Ukraine. Ảnh Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images

Trong một bài bình luận công khai hiếm hoi, người đứng đầu quân đội Ukraine hôm Thứ Tư 7 Tháng Chín 2022 cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, tạo nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân “hạn chế” với các cường quốc khác.

Trong một bài báo do ông và nhà lập pháp Mykhailo Zabrodskyi là đồng tác giả đăng trên mạng thông tin Ukrinfo, tướng Valeriy Zaluzhnyi – Tổng tư lệnh quân đội Ukraine – cũng nói cuộc xâm lược của Nga bắt đầu từ ngày 24 Tháng Hai vừa qua có thể sẽ kéo dài sang năm 2023.

Nguy cơ xung đột hạt nhân

Đây là bài báo chi tiết nhất của tổng tư lệnh quân đội Ukraine về cuộc chiến đang diễn ra và đưa ra những thông điệp trái ngược với những thông tin của các quan chức hàng đầu Ukraine khác.


“Có mối đe dọa trực tiếp về việc Lực lượng vũ trang Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một số trường hợp nhất định… Không thể loại trừ hoàn toàn sự tham gia trực tiếp của các nước hàng đầu thế giới vào một cuộc xung đột hạt nhân ‘hạn chế’, trong đó viễn cảnh Chiến tranh Thế giới thứ ba đã hiển hiện rõ ràng”, ông Zaluzhnyi viết, theo trích dẫn của Reuters.

Trước đây Moscow đã bác bỏ những tin đồn về khả năng họ sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học.

Theo Zaluzhnyi và Zabrodskyi, để đảo ngược xu thế của cuộc chiến tranh, Ukraine cần vũ khí có tầm bắn xa ngang ngửa với Nga. “Con đường duy nhất dẫn đến sự thay đổi cốt yếu trong tình thế chiến lược chắc chắn phải là một loạt các cuộc phản công liên tiếp, hoặc lý tưởng nhất là đồng thời, của các lực lượng vũ trang Ukraine trong chiến dịch năm 2023”, bài báo viết.

Theo các quan chức Mỹ, Mỹ đã cung cấp cho chính phủ Kyiv những vũ khí tầm xa tinh vi với điều kiện Ukraine không được sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Thừa nhận tấn công Crimea

Bài báo của Tướng Zaluzhnyi cũng lần đầu tiên thừa nhận Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các căn cứ không quân của Nga ở bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập năm 2014, bao gồm cả một cuộc tấn công làm hư hại căn cứ không quân Saky vào tháng trước nhưng không nói rõ Ukraine đã dùng loại hỏa tiễn gì, được dẫn đường bằng vệ tinh hay không.


Cuộc tấn công vào căn cứ Saky đã loại khỏi vòng chiến đấu 10 máy bay quân sự của Nga vào ngày 9 Tháng Tám.

Cho đến nay, Ukraine từ chối công khai thừa nhận tấn công các căn cứ Nga ở Crimea do lo ngại sự trả đũa của Nga.

Ukraine cũng không thừa nhận công khai là họ có các hệ thống vũ khí có tầm hoạt động đủ để tấn công căn cứ không quân Saky, nằm cách chiến tuyến ít nhất 200 km.

Chiến tranh sẽ kéo dài sang năm 2023

Giọng điệu của bài báo tương phản với những tuyên bố lạc quan thường thấy của các quan chức cấp cao Ukraine. “Thời gian của cuộc chiến được tính bằng tháng, và có đủ lý do để tin rằng khoảng thời gian này sẽ kéo dài qua hết năm 2022”, bài báo viết.

Zaluzhnyi và Zabrodskyi thừa nhận Ukraine có vị thế “cực kỳ bất lợi” trên hai chiến tuyến ở phía Đông, xung quanh các thị trấn Bakhmut và Izyum.

Họ cho biết vũ khí do nước ngoài cung cấp sẽ trở thành trụ cột của quốc phòng Ukraine trong năm tới. “Vào năm 2023, cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến của Ukraine vẫn phải là khối lượng viện trợ quân sự đáng kể từ các quốc gia đối tác của chúng tôi”, bài báo viết.
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by MatVit »

Putin hiện có những lựa chọn nào?
Tác giả: Judith Görs
Việt Hùng phỏng dịch

13-9-2022

Image
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguồn AP
Quân đội Nga hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc phản công thành công của Ukraine – và Putin phải thực hiện các biện pháp đáp trả. Nhưng các lựa chọn của ông ta bị hạn chế. Một cuộc tổng động viên thì nhạy cảm về mặt chính trị, và việc rút lui hầu như là không thể. Điều này làm tăng nguy cơ leo thang chiến tranh.

Khi quân của ông tháo chạy trước quân đội Ukraine ở Kharkiv hồi cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khánh thành một vòng đu quay ở Moscow. Ngay từ đầu, điều quan trọng đối với ông chủ Điện Kremlin là không để cho cuộc xâm lược Ukraine được xem là “chiến tranh” – thậm chí không được dùng cả về mặt ngôn ngữ. Nhưng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông ta không còn giấu giếm được nữa: Đột nhiên, những người Nga đi nghỉ ở Crimea nhìn thấy bom rơi, lệnh trừng phạt giáng xuống tầng lớp thượng lưu của Moscow khi họ đi mua sắm, và từ ngữ “chiến tranh” được nghe trên truyền hình nhà nước. Những thất bại ở Ukraine ngày càng khiến Tổng thống Putin chịu nhiều áp lực.


Cho dù Điện Kremlin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cái gọi là chiến dịch đặc biệt đang diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng giờ đây ông Putin phải thừa nhận rằng thực tế đã khác. Tatiana Stanovaya, nữ chuyên gia về Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington D.C., đã cảnh báo về thời điểm này vài tuần trước. “Khi Putin nhận ra rằng kế hoạch của ông ta đang thất bại và sự thất vọng của ông ta là lớn nhất, ông ta có thể trở nên nguy hiểm nhất“, cô viết trên New York Times.

Hai trong số các mục tiêu của ông ta, sự đầu hàng của Kiev và sự khuất phục của Ukraine, là không thể đạt được. Chỉ có cuộc chinh phục Donbass mới đưa lại cơ hội thành công. “Putin tin rằng thời điểm cho mục tiêu này vẫn còn nằm trong tay ông ta“. Nhưng các báo cáo từ Luhansk rằng quân đội Nga đã rời khỏi thành phố lại chứng minh điều ngược lại. Putin đang bị áp lực phải hành động. Nhưng hầu hết các lựa chọn của Tổng thống Nga đều có điểm khó khăn:

Tổng động viên

Không có số liệu chính thức về binh lính Nga thiệt mạng trong chiến dịch. Ukraine nói, hơn 50.000 quân Nga đã chết kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, Bộ Quốc phòng Anh coi một nửa là có nhiều khả năng đúng. Nhưng càng có nhiều thông tin rò rỉ về tình hình hoang tàn của quân đội Nga, thì việc tuyển mộ thêm binh sĩ càng trở nên khó khăn hơn. Ngay cả bây giờ, phần lớn các binh sĩ chiến đấu đến từ các vùng xa xôi của Nga – Caucasus, Siberia, Mông Cổ và Ural. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga và những người ủng hộ chiến tranh, do đó đang kêu gọi một cuộc tổng động viên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov muốn coi những đòi hỏi như vậy và chỉ trích hành động của chính phủ như một ví dụ về “chủ nghĩa đa nguyên” ở Nga.

Nhưng đối với Putin, cuộc tổng động viên đặt ra một số vấn đề khác. Một mặt, việc tổng động viên mâu thuẫn với đường lối trước đây của Điện Kremlin, theo đó cuộc xâm lược Ukraine chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” có giới hạn. Putin sẽ phải gọi cuộc chiến là gì – và có nguy cơ thay đổi cục diện trong dân chúng. Theo trung tâm thăm dò Levada, chỉ 48% người Nga ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine. Cuối cùng, khi “thanh niên của những bậc cha mẹ giàu có từ Moscow và St.Petersburg, những người có liên hệ với nhà nước” phải chết trên chiến trường, thì Putin sẽ bị đe dọa phản kháng.

Tuyên chiến chính thức

Ngay từ tháng 5, phương Tây đã đồn đoán khi nào Tổng thống Nga có thể sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraine. Điều đó sẽ có một số lợi thế cho Putin. Luật chiến tranh cho phép ông tổng động viên quân dự bị mà còn chuyển đổi ngành công nghiệp sang sản xuất vũ khí và ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, cho đến nay, Putin đã né tránh bước đi này, cũng bởi vì ông ấy cần một lý do chính đáng cho nó.

Trong mắt nhiều người Nga, việc người Ukraine phải được giải phóng khỏi chế độ Phát-xít có thể biện minh cho một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng không phải là một cuộc chiến kéo dài ngay trước cửa nhà họ. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng Nga, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kịch bản như vậy. Quân dự bị sẽ không có sẵn trong thời gian ngắn hạn, quân đội hiện cũng không có trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng chiến đấu. Điều đó sẽ mất hàng tháng.

Tấn công mới

Quân đội Ukraine đã đẩy lùi được quân Nga – nhưng điều đó không có nghĩa là tự động chiến tranh kết thúc. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, ưu tiên của Putin lúc này là ngăn chặn sự tan rã trong lực lượng, tập hợp, củng cố và kiện toàn các lực lượng vũ trang. Theo truyền thống, điều này hoạt động tốt hơn ở vị trí phòng thủ. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân đội Nga dường như gặp khó khăn khi tăng cường các tuyến phòng thủ với các đơn vị mới.

Không chỉ việc tuyển quân mới khó. Do một số lượng lớn tình nguyện viên cũng từ chối tham chiến, lãnh đạo ban đầu đã đình chỉ việc triển khai thêm binh sĩ, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ (ISW), trích dẫn từ Bộ tổng tham mưu Ukraine. Nếu vậy, nó không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của các đơn vị chiến đấu còn lại, mà còn khiến quân đội Ukraine có thời gian để tập hợp lại và tiếp tục cuộc tấn công.

Tổng leo thang xung đột

Không chỉ từ phía Ukraine, những cảnh báo liên tục được đưa ra rằng, Điện Kremlin có thể cố gắng leo thang thêm xung đột bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật và hóa học. Một số chuyên gia quân sự ở Đức cũng đang nói về “sự thống trị leo thang” của Nga – và kêu gọi Ukraine chấp nhận một giải pháp thương lượng, ngay cả khi nước này chấp nhận bỏ các vùng lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, một cuộc leo thang hạt nhân sẽ phải trả giá đắt cho Putin.

Đối với NATO, điều này không có nghĩa là “trường hợp liên minh” tự động xảy ra. Nhưng không chỉ đơn giản là “liên minh phòng thủ” để cho Putin làm điều này. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một cuộc leo thang hạt nhân cũng có thể có tác động đến các thành viên NATO. Ngoài ra, Nga cuối cùng sẽ bị cô lập trên bình diện quốc tế, không chỉ về mặt chính trị mà còn về kinh tế. Trong một tình huống mà Putin phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các quan hệ đối tác kinh tế – chẳng hạn như với Ấn Độ hoặc Trung Quốc – thì cái giá phải trả của sự tẩy chay sẽ là quá cao.


Nhiều khả năng Putin sẽ tập trung nhiều hơn vào việc phá hủy có mục tiêu cơ sở hạ tầng dân sự bằng cách tiến hành các cuộc không kích trên diện rộng vào các thành phố của Ukraine, tương tự như những gì đã xảy ra ở Syria. Điều này đã được quan sát thấy ở thành phố Kharkiv: Sau nhiều lần bị bắn phá, nhà máy nhiệt điện bị mất điện, cùng nhiều thứ khác. Trong khi đó, không có nước máy hay internet. Bằng cách này, Putin có thể cố gắng làm dân chúng mất tinh thần.

Rút quân toàn diện

Ngay cả khi thông tin rằng ban đầu bộ chỉ huy quân đội Nga sẽ không gửi bất kỳ binh lính mới nào đến mặt trận cũng làm dấy lên hy vọng: hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về việc Nga có kế hoạch rút quân khỏi Ukraine. Ngược lại: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Hai nhấn mạnh với các nhà báo rằng, “chiến dịch quân sự đặc biệt” sẽ được tiếp tục “cho đến khi đạt được các mục tiêu đặt ra ban đầu” – tức là ít nhất chinh phục hoàn toàn các khu vực Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine.

Đối với Putin, rút ​​khỏi Ukraine sẽ tương đương với hành động tự sát chính trị, trừ khi ông có thể chuyển trách nhiệm về thất bại từ mình cho người khác, chẳng hạn như giới chỉ huy quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã bị chỉ trích vì chuẩn bị kém cho “chiến dịch đặc biệt”. Tiếng nói từ phe cực hữu đang kêu gọi ông từ chức. Liệu điều đó có đủ để Putin “rửa trắng tay” hay không là một câu hỏi được đặt ra.

Đàm phán hòa bình

Các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn trong nhiều tháng. Giờ đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bất ngờ cho thấy mình đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Ukraine một lần nữa. Nhưng vấn đề là, Kyiv có sẵn sàng lắng nghe đòi hỏi của những kẻ xâm lược như thế nào. Cuộc phản công thành công giúp người Ukraine tự tin hơn. Tổng thống Volodymyr Zelensky gần đây tuyên bố rằng, ông có ý định tái chiếm các khu vực bị quân ly khai thân Nga chiếm đóng từ năm 2014 – và bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập. Mặt khác, Nga đòi hỏi giữ Luhansk và Donetsk. Một nhượng bộ từ cả hai bên hiện khó có thể tưởng tượng được.

Zelensky biết rằng, trong tình hình hiện tại, việc nhượng lại lãnh thổ Ukraine cho Nga sẽ không có lợi cho người dân Ukraine, những người đang bị ảnh hưởng bởi tội ác chiến tranh của Nga. Nhiều người bây giờ nhìn thấy bước ngoặt của cuộc xung đột. Những thành công quân sự ở phía nam và phía đông không chỉ khuyến khích người Ukraine kiên trì, mà còn khẳng định hướng đi của Hoa Kỳ – cho đến nay là nước ủng hộ quân sự lớn nhất của chính phủ Kyiv. Và ở châu Âu cũng vậy, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn cho Ukraine, ví dụ như dưới hình thức xe tăng chiến đấu.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by nguyenvsau »

Ván bài sau cùng của Putin?
Lâm Bình Duy Nhiên

21-9-2022
Cựu Tổng thống Nga, ông Dmitri Medvedev tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sát nhập các “vùng ly khai” tại Donbass. Một dạng thôn tính lãnh thổ chiếm đoạt của Ukraina như vùng Crimea.


Một nước cờ sau cùng của Putin và chính phủ của ông ta. Sát nhập các vùng đất chiếm được của người Ukraina để hòng ngăn chặn các đợt tấn công có hiệu quả của quân đội Ukraina, đồng thời dằn mặt phương Tây, như lời của chính Medvedev tuyên bố trên Telegram: “Lấn chiếm lãnh thổ của Nga là một tội ác và nếu vi phạm, nó cho phép chúng ta sử dụng tất cả các lực lượng để tự vệ”.


Cũng theo Medvedev, “sự biến đổi địa chính trị của thế giới sẽ trở nên không thể đảo ngược sau khi sát nhập các lãnh thổ mới”.

Nhuệ khí của quân đội Nga đang suy giảm trầm trọng. Vũ khí không còn đáng gờm như những gì người ta hình dung trước ngày 24/2/2022. Một quân đội từng được đánh giá chỉ sau người Mỹ nay lộ rõ bản chất của một đội quân lạc hậu, thiếu thốn và không tinh nhuệ. Gần 7 tháng, người Nga đang sa lầy tại chiến trường Ukraina. Sự phản công hiệu quả của quân đội Ukraina đã gây nhiều tổn thất lớn, đặc biệt về tinh thần của binh lính Nga. Trong nước, Putin không còn nhận sự trung thành tuyệt đối từ giới quan chức chính trị, giới tài phiệt cũng như quân đội nữa. Trên phương diện đối ngoại, Putin đã nhận nhiều sự chỉ trích từ các “đồng minh” như Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề Ukraina.


Vì vậy, tung ra con cờ sau cùng khi tổ chức trưng cầu dân ý để sát nhập các “vùng ly khai” là một động thái đe doạ sau cùng của Putin đối với Ukraine và phương Tây. Tấn công các vùng này tức tấn công Nga. Nga sẽ được quyền trả đũa bằng các sử dụng các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt, khi đó Ukraina không thể nào tự vệ, hay nguy hiểm hơn, sử dụng vũ khí hạt nhân, kéo theo một cuộc chiến thế giới mà chẳng ai mong muốn.

Tấn công các vùng thuộc chủ quyền của Nga sẽ cho Putin cơ hội khởi động một cuộc tổng động viên trên phạm vi toàn quốc. Thật vậy, quân đội Nga đang thiếu thốn trăm bề, chẳng ai dại gì dấn thân đi lính trong cuộc xâm lược này vì họ hiểu rằng sẽ phải đối phó với một cái chết gần như chắc chắn.

Trưng cầu dân ý để thôn tính lãnh thổ của Ukraina là một nước cờ chiến lược, một ván bài sau cùng của Putin: hăm doạ Ukraine và phương Tây với chiêu bài vũ khí hạt nhân với hy vọng Ukraine không dám phản công và phương Tây ngừng cung cấp vũ khí và hỗ trợ Ukraina.

Trưng cầu dân ý tại các vùng ly khai chỉ là một cái cớ vì chưa bao giờ có tự do ngôn luận tại các vùng này kể từ khi bị Nga chiếm đoạt.

Cho nên, lời tuyên bố trên còn mang tính chất tuyên truyền nội bộ nhằm củng cố quyền lực và vị thế của Putin tại Nga.

Nhưng tất cả dường như đã quá muộn màng. Những sự hăm doạ từ Putin hay Medvedev đã không còn gây ra sự lo lắng cho Ukraina và phương Tây, ngược lại, nó mang một phản ứng phụ khi cho thế giới thấy sự bị động, lúng túng và lo lắng của Putin và quân đội Nga trên chiến trường Ukraina.

Biết đâu, Putin sẽ bị lật đổ bởi chính nội bộ quyền lực của nước Nga. Sự suy yếu của Putin trong và ngoài nước, phải chăng sẽ là mầm móng cho một cuộc thanh trừng đẫm máu mà chính ông ta không ngờ tới khi quyết định xâm lược Ukraina?
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Bất chấp lên án, Nga tổ chức lễ sáp nhập lãnh thổ của Ukraine
Bình Phương
29 tháng 9, 2022


Image
Khai quật tử thi những người Ukraine bị lính Nga giết hại trong thời gian chiếm đóng thành phố Izium mới được Ukraine giành lại. Ảnh Vyacheslav Madiyevskyy/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images.

Chính quyền Nga thông báo sẽ tổ chức một buổi lễ vào ngày mai thứ Sáu 30 Tháng Chín để bắt đầu sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào nước Nga, một nỗ lực chiếm đất bị lên án mạnh mẽ trong lúc các lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục đẩy mạnh phản công và giành lại được nhiều vị trí ở một số khu vực.

Theo bản tin của The New York Times, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir V. Putin hôm nay cho biết ông Putin sẽ có một bài phát biểu quan trọng trong buổi lễ, dù ông ta phớt lờ thành tích thảm hại của quân đội Nga ở Ukraine, bất đồng chính kiến ​​gia tăng trong nước và những lời tố cáo trên toàn thế giới về các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo ở các vùng bị chiếm đóng, nơi người Ukraine phải bỏ phiếu trước họng súng.

Nhà chức trách thủ đô Moscow đã đặt các biển quảng cáo và một màn hình video khổng lồ ở Hồng Trường và thông báo đóng cửa đường sá vào thứ Sáu. Truyền thông nhà nước Nga mô tả đây là sự chuẩn bị cho một cuộc mít tinh và một buổi hòa nhạc “ủng hộ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.” Các bảng quảng cáo in đậm: “Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson – Nga!” nêu tên các khu vực ở miền Nam và miền Đông Ukraine, nơi chính quyền bù nhìn của Nga đã tổ chức các cuộc bỏ phiếu trong tuần trước.


Hiến pháp Liên bang Nga quy định các bước sáp nhập một vùng lãnh thổ theo mô hình vụ thâu tóm bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Sau khi có kết quả “trưng cầu dân ý”, các chính quyền bù nhìn của Nga tại bốn khu vực bị chiếm đóng hôm thứ Tư đã kêu gọi sáp nhập vào Nga. Đại diện các chính quyền bù nhìn này dự kiến ​​sẽ ký các thỏa thuận với Moscow vào thứ Sáu.

Tòa án hiến pháp Nga, được coi là con dấu cao su của Kremlin, sau đó sẽ thông qua các thỏa thuận và chúng sẽ được cả hai viện của Quốc hội Nga phê chuẩn. Đồng thời, Kremlin sẽ giới thiệu một dự thảo luật về việc tiếp nhận các vùng lãnh thổ vào Nga, sẽ được thông qua bởi Hạ viện Quốc hội Nga và sẽ được ông Putin ký thành luật. Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia, tức Hạ Viện Nga, nói Hạ Viện có thể họp để thông qua việc sáp nhập vào thứ Hai và thứ Ba tuần tới.

Các quan chức Nga bắt đầu lên tiếng bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ đối với các lãnh thổ sắp sáp nhập bằng bất kỳ phương tiện nào, ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Image
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21 Tháng Chín 2022. Ảnh Kremlin Press Office / Handout/Anadolu Agency via Getty Images

Hành động xâm lược và thôn tính lãnh thổ của Nga đã bị quốc tế lên án và Ukraine đã phớt lờ các kế hoạch của Kremlin.

Các quan chức cấp cao của Mỹ nói họ không tin ông Putin sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân ngay bây giờ vì lo ngại phản ứng không chỉ từ phương Tây mà cả từ các đồng minh của Moscow như Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Putin đã xuất hiện trong một chương trình truyền hình hôm thứ Năm 29 Tháng Chín, nhưng ông ta không đề cập đến kế hoạch chiếm đoạt đất đai của Ukraine mà cố gắng thể hiện mình là người đứng về phía đúng đắn của lịch sử. Ông khẳng định “sự hình thành một trật tự thế giới công bằng hơn đang diễn ra.” “Quyền bá chủ đơn cực đang sụp đổ không thể tránh khỏi. Đây là một thực tế khách quan mà phương Tây cương quyết không thừa nhận,” ông Putin nói.

Tại Ukraine, các lực lượng kháng chiến đã tổ chức nhiều cuộc phản công, chiếm lại vùng Kharkiv ở phía Đông Bắc trong tháng này và xâm nhập vào vùng Donetsk và Luhansk, hai trong số những khu vực sắp sáp nhập vào Nga.

Trong một bài phát biểu vào cuối ngày thứ Tư, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine nhắc lại việc bác bỏ các cuộc bỏ phiếu và cho biết ông đang làm việc với các nhà lãnh đạo nước ngoài để phối hợp một phản ứng quốc tế mạnh mẽ. “Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi hiện nay là phối hợp hành động với các đối tác để đối phó với các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo do Nga tổ chức và tất cả các mối đe dọa liên quan,” ông Zelensky nói.

Các chính phủ trên khắp thế giới cho rằng các cuộc bỏ phiếu không có tính hợp pháp, do Nga xâm lược Ukraine vào Tháng Hai, ép buộc của cử tri, không có các quan sát viên độc lập và nhiều dân thường phải rời khỏi các khu vực vì giao tranh. Ngoài ra, chính phủ Ukraine ở Kyiv đã yêu cầu công dân của mình không được tham gia.
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by lengoi »

Putin phá vỡ khế ước xã hội với người dân Nga
Lê Tây Sơn
3 tháng 10, 2022

Image
Người Nga chia tay thân nhân lên đường nhập ngũ – Moscow, ngày 29 Tháng Chín 2022 (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ khế ước xã hội (social contract) đã giúp ông ta nắm quyền trong hơn hai thập niên.

Từ lâu, thỏa thuận bất thành văn của Putin với cử tri Nga là họ sẽ đứng ngoài chính trường và ông ta sẽ đảm bảo cuộc sống của họ ổn định. Nhưng cam kết này hoá ra chỉ là “màn đánh lừa” khi Putin quyết định tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine. Vào thời điểm đó, ông ta đã cẩn thận nhấn mạnh cuộc tấn công chỉ là “hoạt động quân sự đặc biệt” và được thực hiện bởi các lực lượng quân sự chuyên nghiệp.

Hoá ra đó chỉ là một câu chuyện hư cấu để ru ngủ nhiều người Nga thiếu thông tin, tạo cho họ “cảm giác bình thường” và đẩy họ ra ngoài lề cuộc tàn sát khủng khiếp ở Ukraine. Nhưng mới đây, lệnh “tổng động viên một phần” đã đột ngột chấm dứt sự bình yên giả tạo và làm dấy lên nỗi bất bình lẫn sợ hãi trong dân chúng khiến giới chính trị Nga “sống an toàn trong tháp ngà với bổng lộc hậu hĩnh” đau đầu.

Image
Cảnh sát Nga bắt người biểu tình chống lệnh tổng động viên – Moscow, ngày 24 Tháng Chín 2022 (Getty Images)

Phản ứng tức giận và tuyệt vọng của người dân đã quá rõ. Đoàn xe hơi xếp hàng dài tại biên giới của Nga với Phần Lan, Georgia, Mông Cổ cho thấy hàng ngàn người đàn ông Nga đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự đang “bỏ phiếu bằng chân” khi rời khỏi đất nước vào thời điểm mà những người dân tại các khu vực bị Nga xâm chiếm ở Ukraine bị bắt buộc “bỏ phiếu bằng tay” để gia nhập Nga và chết cho Putin.

Các cuộc biểu tình nổ ra ở cả các khu vực dân tộc thiểu số và chống đối bắt lính ở các vùng nông thôn. Nhiều văn phòng nhập ngũ bị đốt cháy và một sĩ quan tuyển dụng bị một thanh niên bắn. Các tin đồn hiện lan rộng là chính phủ Nga có thể chuẩn bị đóng cửa biên giới để ngăn chặn hoàn toàn những người đàn ông trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự rời khỏi đất nước, thậm chí Putin có thể ban bố một hình thức thiết quân luật.

Những lời phủ nhận của Kremlin về đóng cửa biên giới hầu như không trấn an được lòng dân. Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về khả năng đóng cửa biên giới: “Chưa có quyết định nào về vấn đề này!”. Putin đã xây dựng quyền lực của mình bằng cách tự xác định là người đối lập với cựu lãnh đạo Boris Yeltsin, người đưa ông ta lên nắm quyền sau khi điều hành quá trình chuyển đổi hỗn loạn của nước Nga thời hậu Liên Xô vào thập niên 1990.

Nhưng ngày nay, cảnh đám đông giận dữ hét vào mặt các quan chức tuyển quân và ẩu đả với cảnh sát địa phương về việc bắt chồng và con họ đi lính khiến nhiều người hồi tưởng về thời kỳ đó. Điều tương tự cũng xảy ra trên các kênh Telegram của Nga và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Một số video cho thấy giới quản lý doanh nghiệp Nga nhận được tin họ sẽ phải ra mặt trận sau một khóa huấn luyện ngắn.
Image
Bữa ăn cuối cùng trước khi (chuẩn bị) lên đường vào chiến trường địa ngục Ukraine (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Một video được chia sẻ rộng rãi cho thấy một phụ nữ mặc quân phục nói với những người mới vào nghề là cần phải chuẩn bị bộ trang bị thiết yếu từ túi ngủ đến băng… vệ sinh! “Hãy hỏi bạn gái, vợ, mẹ bạn về băng vệ sinh. Bạn có biết nó dùng để làm gì không? Khi bị thương, bạn nhấn nó vào, vết thương phù lên và giữ cho phần thịt xung quanh cố định. Tôi học được điều này từ Chechnya” – cô nói.


Cuộc chiến đầu tiên ở Chechnya từ 1994 đến năm 1996 kết thúc với thất bại nhục nhã cho Liên bang Nga. Nó cũng bóc trần sự tham nhũng trong hàng ngũ quân đội và sự sụp đổ sức mạnh quân sự Nga. Những hình ảnh binh lính Nga bị chết, bị bắt cũng như những thiết bị quân sự bị phá hủy ở Ukraine ngày nay làm gợi nhớ cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất thảm khốc, khi các nhiếp ảnh gia phát tán cả hình ảnh những lính nghĩa vụ sợ hãi, trang bị kém hay bị đối phương giam cầm.

Khi Putin lên nắm quyền trong cuộc chiến Chechnya lần thứ hai năm 1999, Kremlin đã cẩn thận hơn trong việc kiểm soát truyền thông, và xây dựng hình ảnh Putin như một lãnh đạo có khí chất, năng lực và cứng rắn. Vũ lực được sử dụng tối đa bất chấp sinh mạng dân thường và nhà cửa bị huỷ diệt qui mô lớn. Chiến thắng bằng máu đã dẫn đến thành lập một chính phủ tàn bạo thân Nga tại Chechnya. Rút ra bài học từ cuộc chiến Chechnya, Putin đã chủ trì quá trình chuyên nghiệp hóa quân đội với mục đích giảm lệ thuộc vào lính nghĩa vụ theo hợp đồng.
Image
Hồ sơ nhập ngũ (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Từ lâu, việc đối xử với những người lính nghĩa vụ trong quân đội Nga được xem là tàn bạo, khiến các nhóm như Ủy ban Các bà mẹ Chiến sĩ (Committee of Soldiers’ Mothers) phải vào cuộc để cung cấp lời khuyên pháp lý cho lính nghĩa vụ. Uỷ ban cũng tự tổ chức truy tìm những binh lính Nga bị người Chechnya bắt làm tù binh. Các cuộc biểu tình gần đây phản đối chiến dịch tổng động viên một phần là lời nhắc nhở cho thấy lệnh tuyển quân luôn là một vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị Nga.

Ngày 25 Tháng Chín, trong các cuộc biểu tình lớn chống tuyển quân ở Makhachkala, thủ phủ nước Cộng hoà Dagestan nằm phía Bắc khu vực Caucasus, một phụ nữ bị bắt (được thấy trong video trên mạng xã hội) chất vấn cảnh sát: “Tại sao các người lại bắt con chúng tôi? Ai tấn công ai? Chính Nga đã tấn công Ukraine!” – dẫn lại từ CNN.

Những chính quyền địa phương còn làm công chúng phẫn nộ khi đưa cả giấy triệu tập cho những người không đủ sức khoẻ và đập cửa nhà dân để bảo đảm đạt được hạn ngạch tuyển quân quy định. Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền hình nhà nước RT (trước đây là Russia Today), cái loa tuyên truyền cho Putin, cho đăng một loạt lời phàn nàn về sự nặng tay của các quan chức địa phương, trong đó có trường hợp một nhân viên đi nghỉ với vé khứ hồi trên tay bị gây khó dễ tại biên giới… Dù được tiến hành một cách chuyên nghiệp hay nghiệp dư, lệnh động viên một phần là một trong những động thái rủi ro nhất của Putin, đặc biệt trong tình hình thành phố Lyman chiến lược ở khu vực vừa bị Nga sáp nhập bị quân Ukraine bao vây và chiếm lại.
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by lengoi »

Sau hơn nửa năm chiến tranh Nga-Ukraine, dân EU nghĩ gì?
Phạm Bá
7 tháng 10, 2022

Image
Suốt hơn nửa năm qua, dân EU nói chung và người Đức nói riêng liên tục biểu tình chống Putin – ảnh: một cuộc biểu tình tại Dueseldorf, Đức (Ying Tang/NurPhoto via Getty Images)

Ý tưởng tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine nhân danh EU ở tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu nhận được sự ủng hộ của người dân nhiều hơn là ủng hộ việc cung cấp vũ khí nhân danh từng quốc gia riêng biệt. Đa số cư dân EU, cụ thể là 60%, ủng hộ việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Chẳng hạn ở Đức có tới 61% dân số đồng tình quan điểm này. Đây là kết quả của cuộc khảo sát Eupinions, do Bertelsmann Stiftung công bố vào Thứ Tư, ngày 5 Tháng Mười, cùng với Quỹ Baudouin của Quốc vương Bỉ.

Theo cuộc khảo sát này, Ý là quốc gia duy nhất trong EU mà đa số không ủng hộ ý tưởng tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine: Chỉ 42% người Ý tán thành. Trong khi đó, người Ba Lan đặc biệt ủng hộ ý tưởng này: 84% người được hỏi ở Ba Lan đã bày tỏ sự ủng hộ. Như vậy, ý tưởng cung cấp vũ khí cho Kyiv nhân danh toàn thể Liên minh châu Âu được cư dân của tất cả các nước EU ủng hộ nhiều hơn so với ý tưởng gửi vũ khí cho Ukraine bởi từng quốc gia riêng biệt của họ. Sự tán thành lớn nhất đối với ý tưởng tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine nằm ở các nhóm dân số từ 16-25 tuổi và 56-70.
Image
Dân Bỉ tuyên chiến với việc nhập dầu từ Nga (Thierry Monasse/Getty Images)

Ngoài ra, theo một cuộc thăm dò của Eupinions, 72% cư dân EU muốn EU trở nên độc lập với các nguồn năng lượng của Nga. Những người tham gia nghiên cứu cho biết, để đạt được mục tiêu này, họ sẵn sàng vượt qua những khó khăn cá nhân. Người Ba Lan (80%) và Ý (76%) tích cực ủng hộ điều này nhất. Đồng thời, ở Đức, nước vẫn còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, tỷ lệ những người sẽ chấp thuận rời bỏ sự phụ thuộc này, thậm chí có tính đến những bất tiện cá nhân, dù là thấp nhất trong tất cả các nước EU nhưng cũng đạt đến 69%!

Đối với việc chấp nhận người Ukraine chạy trốn khỏi chiến tranh ở quốc gia của họ, 81% công dân EU được hỏi cho biết rằng họ tán thành cách tiếp cận này.

Về việc Ukraine gia nhập EU, 2/3 số người tham gia khảo sát (66%) cho biết họ muốn xem Ukraine là một thành viên EU. Tuy nhiên, mức độ tán thành ý tưởng này ở các nước EU là không giống nhau. Chẳng hạn, ở Ba Lan, 84% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ quan điểm của châu Âu về việc mở cửa EU đón Ukraine làm thành viên chính thức, trong khi đó, ở Đức và Pháp là 60%.

Theo 71% số người được hỏi, EU đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, 77% người được hỏi cho biết họ muốn nhìn thấy Hoa Kỳ đứng trong số các đồng minh của họ. Dữ liệu cho cuộc khảo sát Eupinions ba tháng một lần do Bertelsmann Foundation thực hiện được thu thập vào Tháng Chín 2022. Nghiên cứu đại diện liên quan đến 12,000 người sống trên khắp Liên minh châu Âu.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by nguyenvsau »

Thất bại thê thảm, Putin “lột lon” hàng loạt sĩ quan cấp cao
Càng cố đấm ăn xôi, Vladimir Putin càng thất bại thảm hại. Để thay đổi cục diện, Putin đã thay hàng loạt sĩ quan chỉ huy…
Việt Bình

Image
Tướng Sergei Surovikin vừa được bổ nhiệm tổng tư lệnh chiến dịch Ukraine (Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images)

Tướng Alexander Dvornikov, Tư lệnh bộ binh Nga, người có hơn 44 năm binh nghiệp, nổi tiếng với chiến thuật biến tất cả thành bình địa (scorched-earth tactics) trong các chiến dịch do ông chỉ huy ở Syria và Chechnya, được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine vào Tháng Tư. Alexander Dvornikov tồn tại khoảng bảy tuần trước khi bị sa thải. Trong cùng thời gian, Andrey Serdyukov, một quân nhân từng phục vụ quân đội suốt bốn thập niên, Tổng tư lệnh lực lượng không kỵ tinh nhuệ, cũng bị lột lon sau khi loạt thất bại nặng nề…

Mới tuần trước, The Washington Post ngày 8 Tháng Mười cho biết, tướng Alexander Zhuravlev, Tư lệnh Quân khu Tây chịu trách nhiệm “bảo vệ” Kharkiv, đã bị cách chức sau bốn năm ngồi ghế tư lệnh, theo nhật báo Nga RBC. Phút chốc, hình ảnh hào nhoáng của một quân đội nặng tính trình diễn như Nga bỗng trở nên thảm hại, đặc biệt đối với giới sĩ quan chóp bu, với ít nhất tám tướng lĩnh bị sa thải, tái bổ nhiệm hoặc bị tống về nhà đuổi gà, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 Tháng Hai đến nay. Đó là chưa kể ít nhất 10 “tướng quân” khác đã thiệt mạng.

Sự “có biến” trong hàng ngũ sĩ quan cấp cao đã cho thấy rõ những sai lầm cơ bản của Nga trong việc lập kế hoạch chiến tranh. Chuỗi chỉ huy rối loạn dẫn đến việc Moscow không đạt được mục tiêu quân sự chính: Nhanh chóng chiếm được Kyiv và lật đổ chính phủ Ukraine. Sự việc cũng cho thấy thêm nội bộ quân đội và quan hệ của họ với giới chính trường, khi cả hai bên đang tìm cách đổ lỗi cho nhau, trong bối cảnh mà những kẻ chóp bu như Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hay Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đều chưa bao giờ thừa nhận sai lầm.


Không như phía Ukraine, nơi các tướng lĩnh hàng đầu luôn được phân nhiệm rõ ràng và được kính trọng, chẳng hạn Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny hoặc Oleksandr Syrsky, người dẫn đầu cuộc phản công Kharkiv gần đây, quân đội Nga lại là một tập thể nằm dưới “sự chỉ huy tập thể” mà chẳng ai biết chính xác kẻ nào mới là kẻ có trách nhiệm chính.

Thứ Sáu ngày 7 Tháng Mười, RBC cho biết chỉ huy quân khu phía Đông của Nga, tướng Rustam Muradov vừa được bổ nhiệm thay thế tướng Alexander Chaiko. Không có lời giải thích nào được đưa ra cho việc này. Trong một thông báo công khai hiếm hoi về những thay đổi trong hàng ngũ chỉ huy, Bộ Quốc phòng Nga vào cuối tháng trước cho biết họ đã cách chức viên tướng chịu trách nhiệm về “hỗ trợ tiếp vận cho các lực lượng vũ trang” – tướng Dmitry Bulgakov; và người thay thế là tướng Mikhail Mizintsev. Nhân vật Mizintsev ít được biết đến trước cuộc chiến Ukraine nhưng người này có biệt danh ghê rợn “Đồ tể Mariupol”, sau khi giới chức Ukraine cáo buộc đương sự gây ra cuộc thảm sát man rợ khiến hàng nghìn thường dân thiệt mạng và vô số nhà cửa dân cư bị san bằng tại Mariupol.
Image
Tổn thất quân sự của Nga ngày càng thảm hại – ảnh: vết tích còn lại của quân Nga tại Kharkiv Oblast, Ukraine, ngày 7 Tháng Mười (Sofia Bobok/Anadolu Agency via Getty Images)

Liên quan việc chấn chỉnh quân ngũ, hôm Thứ Sáu 7 Tháng Mười, Hạm đội Hắc Hải thừa nhận sau nhiều tuần đồn đoán rằng họ đã thay thế viên chỉ huy hạm đội, tướng Igor Osipov, bằng Phó Đô đốc Viktor Sokolov. Cần nhắc lại, vào cuối Tháng Tư, Ukraine đã đánh chìm tàu ​​tuần dương Moskva của Hạm đội Hắc Hải bằng hai hỏa tiễn Neptune. Và vào ngay Ngày Hải quân (Navy Day, 31 Tháng Bảy), tổng hành dinh của Hạm đội Hắc Hải đã bị tấn công bởi một drone khi nó thả xuống một thiết bị nổ. Đây thật ra là một màn trình diễn dằn mặt của Ukraine khi họ muốn nói rằng họ hoàn toàn có khả năng tấn công sâu vào các vị trí của Nga.

Hôm Thứ Bảy, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga công khai loan báo bổ nhiệm tổng tư lệnh mặt trận Ukraine: Tướng Sergei Surovikin. Không ai có thể đoan chắc Sergei Surovikin có thể xoay chuyển tình hình được không. Người đứng đầu Chechnya, Ramzan Kadyrov, người đưa đưa quân lính mình hỗ trợ Nga, đã chỉ trích mạnh mẽ quân đội “nước mẹ Nga”. Ramzan Kadyrov nói rằng Tư lệnh trưởng Quân khu Trung ương, tướng Alexander Lapin, là một kẻ “bất tài” và là sản phẩm của “chế độ chuyên quyền” trong giới chóp bu trong Bộ tổng tham mưu Nga.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng trong Hạ viện Nga Andrey Kartapolov đang chỉ trích dữ dội bộ máy quân sự Nga. “Ngưng nói dối đi,” Andrey Kartapolov nói – “Hầu như tất cả ngôi làng biên giới của Vùng Belgorod đã bị phá hủy, nhưng chúng tôi biết điều này từ các thống đốc, các kênh Telegram, các phóng viên quân sự. Chứ không phải Bộ Quốc phòng!”. Trong khi đó, Vladimir Soloviev, người điều hành Soloviev Live, kênh thông tin tuyên truyền của Nhà nước Nga, cũng bày tỏ giận dữ: “Tôi mù tịt về chiến thuật quân sự nhưng tôi muốn hỏi rằng, ý tưởng thiên tài đằng sau các kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu bây giờ là gì?… Các vị có nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía chúng ta?”
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Chiến thắng của lương tri loài người và lá phiếu trắng nhục nhã của Việt Nam
Kim Văn Chính
12-10-2022


Image
Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã bỏ phiếu. 143 phiếu thuận; 4 phiếu chống, cộng Nga là 5; 35 phiếu trắng, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết được thông qua.


LỜI BÀN:

Trong đối nội, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất hiểu việc bỏ phiếu công khai danh tính. Trong chi bộ hoặc tổ dân phố, khi “số đông” đã thống nhất theo hướng đồng ý một quyết định nào đó, mà có ai đó bỏ phiếu chống hoặc trắng về sau chi bộ hoặc tổ dân phố họ thành kiến, gây khó dễ, thậm chí lấy việc bỏ phiếu không đồng thuận với chi bộ, với bà con khối phố làm bằng chứng để đối xử chẳng ra gì với người khác chính kiến đó.

Vậy mà trong tình huống phản đối Nga xâm lược và sáp nhập bất hợp pháp các vùng chiếm đóng thuộc đất Ukraine, Việt Nam bỏ phiếu trắng. Hệ lụy của việc này về sau rất tai hại cho Việt Nam, bất kể “mối lợi” của bỏ phiếu trắng lớn đến mức nào.


Đơn cử, các nước đang muốn cô lập Nga, buộc Nga chấm dứt chiến tranh xâm lược các nước láng giềng, họ sẽ coi Việt Nam là nước đồng lõa cấp 2 với Nga (cấp 1 là 4 nước bỏ phiếu chống), không còn coi trọng Việt Nam và “tốt” với Việt Nam như trước.

Hoặc đến khi Liên Hiệp quốc ra quyết định lên án Trung Quốc sử dụng trái phép Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển chủ quyền Việt Nam thì làm sao Việt Nam vận động được họ bỏ phiếu theo ý chí của mình?

Cũng cần nhớ, Việt Nam mới hôm qua được Liên Hiệp quốc bầu và rất tự hào là thành viên “Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp quốc”. Trong khi vấn đề xâm lược, tàn phá, bắn giết và sáp nhập trái phép cả một vùng lãnh thổ lớn ở Đông và Nam Ukraine là đại vấn đề nhân quyền mà lương tri loài người phải lên tiếng bảo vệ lẽ phải, lên án và đấu tranh chống kẻ xâm lược và phát xít Nga.

Hỡi ôi, Chính phủ Việt Nam ta hiện nay là “con hủi”, biết ánh sáng mà không dám bước ra, hay não trạng đã đến hồi không biết đâu là lương tri loài người, hay vẫn bị kẻ bên ngoài dắt mũi?
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by caubennoc »

Thấy gì từ Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc?
Hiếu Chân
16 tháng 10, 2022


Image
Chủ tịch TQ, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc đại hội 20 đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16 Tháng Mười, nhấn mạnh TQ đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về an ninh dù ai cũng biết không nước nào có khả năng đe dọa Trung Quốc. Ảnh Emre Aytekin/Anadolu Agency via Getty Images
Như tin đã đưa, Đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh hôm Chủ Nhật 16 tháng Mười và sẽ kéo dài tới ngày 22 tháng Mười. Đại hội không chỉ sắp xếp lại hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của đất nước 1.4 tỷ dân mà còn có ảnh hưởng tới cục diện của cả thế giới.

Tập Cận Bình – tân hoàng đế

Trọng tâm của đại hội, theo nhận định của giới quan sát, là trao cho ông Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, phá vỡ giới hạn hai nhiệm kỳ và giới hạn tuổi tác của giới lãnh đạo Trung Quốc. Đến tháng Ba năm sau, Quốc Hội bù nhìn dự kiến sẽ bầu ông Tập làm Chủ tịch nước Trung Quốc thêm nhiệm kỳ thứ ba. Cùng với chức Chủ tịch Quân ủy trung ương – tương đương tổng tư lệnh tối cao quân đội Trung Quốc – ông Tập sẽ thực sự trở thành một “hoàng đế” có uy quyền tuyệt đối đối với 1.4 tỷ dân Trung Hoa, sánh ngang với Mao Trạch Đông và các ông vua thời phong kiến, vượt qua những người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân và cả Đặng Tiểu Bình. Mười năm cầm quyền vừa qua, ông Tập đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực cá nhân mà đại hội hôm nay là kết quả. Ông ta sẽ làm gì với uy quyền tột bực đó?

Trong bài diễn văn khai mạc đại hội đọc trước 2,296 đại biểu đại diện cho 96 triệu đảng viên ĐCSTQ và được truyền hình trực tiếp ra cả nước, ông Tập tập trung ca ngợi thành tích của ĐCSTQ trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì ổn định xã hội, bảo vệ cuộc sống của người dân, chống đại dịch COVID và kiểm soát tình hình ở Hồng Kông. Ông lờ đi những thất bại và sai lầm của Trung Quốc về kinh tế và đối ngoại.


An ninh – mối hoang tưởng của Tập

Trong bài diễn văn dài chưa tới hai tiếng đồng hồ – được cho là ngắn gọn so với bài diễn văn ba giờ rưỡi ông đọc khi khai mạc đại hội 19 ĐCSTQ năm 2017 – ông Tập đã 89 lần nói tới khái niệm “an ninh”, cho thấy ưu tiên chính sách lớn nhất của ông và ĐCSTQ là bảo vệ an ninh quốc gia; bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, bảo đảm các chuỗi cung ứng, cải thiện khả năng ứng phó với thiên tai và bảo vệ thông tin cá nhân.

Ông Tập cam kết sẽ đẩy nhanh việc xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới và củng cố năng lực xây dựng một khả năng răn đe chiến lược dù không có dấu hiệu nào cho thấy có quốc gia nào dám đe dọa Trung Quốc. Vậy thì việc xây dựng quân đội “đẳng cấp thế giới” để làm gì ngoài mục đích mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh qua các chiến dịch đe dọa và trấn áp các nước láng giềng, thâu tóm Đài Loan, mở rộng lãnh thổ và xa hơn là đánh bại quân đội Hoa Kỳ, giành vị thế bá chủ thế giới trong một cuộc xung đột kiểu “bẫy Thucydides”?
Image
Đại biểu quân đội Trung Quốc tham dự đại hội ĐCSTQ hôm 16 tháng Mười 2022 tại Bắc Kinh. Ảnh Kevin Frayer/Getty Images.
Về Đài Loan, ông Tập nói, “Chúng tôi kiên quyết tiến hành một cuộc đấu tranh lớn chống lại chủ nghĩa ly khai và can thiệp, thể hiện quyết tâm và khả năng mạnh mẽ của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước và phản đối Đài Loan độc lập.” Các đại biểu đã đáp lại bài diễn văn của ông bằng những tràng pháo tay vang dội.

Nhà nghiên cứu Alfred Wu của trường Hành chính công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định, do kinh tế Trung Quốc bị chậm lại, ông Tập đang cố chuyển căn cứ cho tính chính danh cầm quyền của ĐCSTQ từ tăng trưởng kinh tế sang bảo vệ an ninh. “Thông điệp của ông Tập là Trung Quốc đang đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, cứ như đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và ông ta là vị cứu tinh. Với thông điệp đó, Tập có thể quy tụ mọi người đoàn kết quanh ông ta,” giáo sư Wu nói.

Một đường lối kinh tế đầy mâu thuẫn

Trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, bài diễn văn của Tập cho thấy đường lối của Trung Quốc không có sự thay đổi quan trọng nào mà là sự đảo ngược những chính sách cải cách đặt ra dưới thời Đặng Tiểu Bình. Khái niệm “cải cách” được ông Tập nói tới 48 lần, ít hơn so với 68 lần trong bài diễn văn tại đại hội trước.


ĐCSTQ sẽ tiếp tục đưa đất nước vào con đường chuyên chế toàn trị, đẩy mạnh việc kiểm soát xã hội, kiểm soát nền kinh tế nhân danh “thịnh vượng chung”, thực hiện một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn.

Về kinh tế, thông điệp của Tập có nhiều mâu thuẫn. “Chúng ta phải xây dựng một hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao… củng cố và phát triển mạnh hệ thống công hữu, khuyến khích và ủng hộ mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân, trao toàn quyền cho vai trò quyết định cho thị trường trong việc phân phối nguồn lực và gia tăng vai trò của chính phủ”.

Thực tế mười năm cầm quyền vừa qua của Tập cho thấy, dù vẫn nói những lời chót lưỡi đầu môi về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân, ĐCSTQ thực tế vẫn ưu tiên nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước, lập ra những “nhà vô địch quốc gia” trong các ngành công nghiệp và trấn áp những công ty tư nhân lớn có ảnh hưởng quan trọng tới cuộc sống xã hội. Hậu quả là hiện kinh tế Trung Quốc đã chậm đáng kể, tăng trưởng năm nay ở mức dưới 3%/năm so với mức 7.86% khi Tập lên cầm quyền năm 2012. Hàng loạt công ty đa quốc đang lần lượt rời khỏi Trung Quốc.
Image
Người thiểu số dân tộc Miêu ở tỉnh Quý Châu được huy động tập trung xem tường thuật cảnh ông Tập đọc diễn văn khai mạc đại hội 20 của ĐCSTQ hôm 16 Tháng Mười 2022. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images.

Thù địch với thế giới

Về đối ngoại, Trung Quốc vẫn là một cường quốc có triển vọng bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc số một thế giới, nhưng những chính sách của ông Tập như đại dự án “Vành Đai và Con Đường” biến thành một thứ bẫy nợ, chính sách ngoại giao hung hăng, chính sách bành trướng lãnh thổ, đe dọa các nước láng giềng, và lập trường ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, khiến nhiều nước lo ngại. Một liên minh các đối thủ của Trung Quốc đã hình thành và ngày càng mở rộng.

Thất bại ngoại giao lớn nhất trong mười năm qua của Tập Cận Bình là biến nước Mỹ thành thù địch. Trước khi Tập lên ngôi, chỉ có 40% dân Mỹ không có cảm tình với Trung Quốc, bây giờ đã có tới 82% ghét nước Trung Quốc.

Sự thù địch đó không chỉ do xung đột về quyền lợi quốc gia mà sâu xa hơn là từ chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, từ quan niệm của Tập rằng thể chế chính trị độc tài của ĐCSTQ thì tốt hơn so với thể chế dân chủ tự do của Mỹ và phương Tây. Tập buộc các doanh nghiệp tư nhân phải lập chi bộ ĐCSTQ, củng cố “tường lửa” trên không gian mạng để ngăn chặn người dân Trung Quốc tiếp xúc với thế giới bên ngoài; siết chặt tự do ngôn luận ở trong nước nhưng đồng thời đổ rất nhiều tiền bạc và nhân lực để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc ra thế giới.

Tập thường tuyên bố: “Phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang suy tàn.” và ra sức quảng bá mô hình “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” đó sang các nước đang phát triển thông qua các hình thức viện trợ, đầu tư và mua chuộc. Công cuộc xây dựng quân đội, nỗi hoang tưởng về an ninh quốc gia và tham vọng bá chủ thế giới của Tập tất nhiên sẽ xung đột với Mỹ – quốc gia đang nỗ lực duy trì cái trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã là nền tảng cho sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của thế giới trong hơn bảy mươi năm qua.

Mối lo của Việt Nam

Với Việt Nam, Tập Cận Bình và ĐCSTQ sẽ mang lại một số cơ hội nhưng thách thức vẫn là chính. Nhiều công ty đa quốc rời khỏi Trung Quốc sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giúp mang lại công việc làm và tăng giá trị xuất cảng. Đó là chuyện đang diễn ra.

Nhưng tham vọng bành trướng lãnh thổ của Tập Cận Bình sẽ dẫn tới nhiều vụ va chạm về chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông, ngư dân Việt Nam sẽ tiếp tục bị chèn ép và không loại trừ khả năng Trung Quốc “tiên hạ thủ” ở Trường Sa để gây sức ép buộc Việt Nam phải thần phục “thiên triều” Trung Quốc, xa rời ảnh hưởng của Mỹ và Phương Tây.

Cả hai yếu tố đó sẽ đẩy đảng Cộng sản Việt Nam vào con đường gắn bó ngày càng chặt chẽ với ĐCSTQ, trấn áp tự do nhân quyền của người dân trong nước và đứng hẳn vào phe độc tài trong cuộc đối đầu địa chính trị quốc tế hiện nay. Đó là điều bất hạnh cho dân tộc, là lực cản cho tương lai tiến hóa của đất nước; hết sức đáng lo ngại.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Tập Cận Bình: Trung Quốc ‘không bao giờ từ bỏ việc dùng võ lực’ với Đài Loan
October 17, 2022

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trong bài phát biểu đánh dấu khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản ở Bắc Kinh hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Mười, Chủ Tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ “không bao giờ từ bỏ việc dùng võ lực” để giải quyết vấn đề Đài Loan, theo AFP.

“Việc giải quyết vấn đề Đài Loan là chuyện của người Trung Quốc, và phải do người Trung Quốc giải quyết. Chúng ta sẽ cố gắng đạt được viễn cảnh thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực lớn nhất, nhưng cam kết sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng võ lực, đồng thời sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nếu cần,” ông Tập nói với các đại biểu đảng Cộng Sản tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh.
Image
Tập Cận Bình đọc diễn văn trong đại hội ở Bắc Kinh. (Hình minh họa: Kevin Frayer/Getty Images)
Đối với Trung Quốc, Đài Loan – vốn là một quốc gia dân chủ, tự trị – là một phần lãnh thổ của quốc gia, và sẽ được thống nhất một ngày nào đó, bằng võ lực nếu cần thiết.

Ông Tập cho biết: “Vòng xoay lịch sử của sự thống nhất đất nước và trẻ hóa đất nước vẫn đang xoay tiến về phía trước. Sự thống nhất của tổ quốc phải đạt được và sẽ đạt được.”

Ông Tập cũng lên án “chủ nghĩa ly khai và can thiệp” của nước khác vào vấn đề này.

Ngoài ra, ông cũng ca ngợi sự chuyển đổi của Hồng Kông từ “hỗn loạn sang quản trị,” sau khi áp đặt luật an ninh quốc gia vào năm 2020, qua đó dập tắt sự bất đồng quan điểm trong thành phố nơi mà trước đây người dân từng có thể thẳng thắn bày tỏ ý kiến. (V.Giang) [kn]
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by nguyenvsau »

Hồ Cẩm Đào được đưa ra khỏi Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc
October 22, 2022

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm trực tiếp của ông Tập Cận Bình, đương kim chủ tịch Trung Quốc, hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Mười, bất ngờ được hộ tống ra khỏi lễ bế mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20.

Ông Hồ, 79 tuổi, người ngồi bên trái ông Tập, được hai nhân viên đưa ra khỏi khán đài chính trong Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, một nhân chứng của hãng thông tấn Reuters tại đại hội cho biết.
Image
Ông Hồ Cẩm Đào (phải), cựu chủ tịch, ngồi kế ông Tập Cận Bình, đương kim chủ tịch, trong ngày bế mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Mười. (Hình: Lintao Zhang/Getty Images)

Cựu Chủ Tịch Hồ đã xuất hiện hơi loạng choạng hôm Chủ Nhật tuần trước khi ông được dìu lên sân khấu cho lễ khai mạc đại hội.

Ông Hồ Cẩm Đào lên làm chủ tịch Trung Quốc hồi năm 2003 và đã trao lại quyền lực cho ông Tập Cận Bình vào Tháng Ba, 2013.


Hiện cũng chưa có thông tin chính thức vì sao ông Hồ Cẩm Đào được đưa ra sớm trong ngày bế mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc được tổ chức năm năm một lần kết thúc với những sửa đổi trong điều lệ đảng nhằm khẳng định địa vị ông Tập và vai trò chỉ đạo tư tưởng chính trị của ông trong đảng.

Trong lần đại hội lần này, có 2,296 đại biểu đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên hoạt động trong hơn 4.9 triệu cơ sở đảng Cộng Sản trên toàn cõi Trung Quốc.

Tại buổi khai mạc đại hội hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Mười, Chủ Tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ “không bao giờ từ bỏ việc dùng võ lực” để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Image
Cảnh ông Hồ Cẩm Đào (đứng, giữa) được dìu đi ra trong ngày bế mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 22 Tháng Mười. (Hình: Lintao Zhang/Getty Images)

“Việc giải quyết vấn đề Đài Loan là chuyện của người Trung Quốc, và phải do người Trung Quốc giải quyết. Chúng ta sẽ cố gắng đạt được viễn cảnh thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực lớn nhất, nhưng cam kết sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng võ lực, đồng thời sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nếu cần,” ông Tập nói với các đại biểu đảng Cộng Sản tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh.

Ông Tập cho biết: “Vòng xoay lịch sử của sự thống nhất đất nước và trẻ hóa đất nước vẫn đang xoay tiến về phía trước. Sự thống nhất của tổ quốc phải đạt được và sẽ đạt được.”


Ông Tập cũng lên án “chủ nghĩa ly khai và can thiệp” của nước khác vào vấn đề này. (MPL) [qd]
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by nguyenvsau »

Tập Cận Bình tiếp tục làm chủ tịch Trung Quốc, Lý Khắc Cường ‘về vườn’
October 23, 2022

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Đảng Cộng Sản Trung Quốc tái xác nhận quyền uy tối thượng của Chủ Tịch Tập Cận Bình tại quốc gia này vào hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Mười, một ngày trước khi trao cho ông nhiệm kỳ lãnh đạo năm năm, lần thứ ba, theo AP.

Trong đại hội đảng này, Thủ Tướng Lý Khắc Cường cũng bị loại khỏi vị trí lãnh đạo cao cấp. Ông Lý Khắc Cường, nhân vật số hai của đảng, là người đề nghị các cải cách theo định hướng thị trường, trái ngược với các hành động của ông Tập Cận Bình, là mở rộng quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế.
Image
Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc thêm ít nhất 5 năm nữa. (Hình: Lintao Zhang/Getty Images)
Cuộc họp đại hội đảng kéo dài một tuần vừa kết thúc hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Mười, ghi nhận các sáng kiến chính sách lớn của ông Tập Cận Bình về kinh tế và quân sự vào hiến pháp của đảng, cũng như việc ông tái xây dựng và củng cố vị thế của Đảng Cộng Sản bằng cách tuyên bố là đảng trọng tâm đối với sự phát triển và tương lai của Trung Quốc.

Giới phân tích đã quan sát và theo dõi để tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự suy yếu hoặc thách thức chống lại vị thế của ông Tập Cận Bình, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào. Việc loại bỏ ông Lý Khắc Cường, dù không nằm ngoài dự đoán, nhưng là dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình sẽ tiếp tục kiểm soát quyền lực lâu dài tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Nghị quyết về hiến pháp được thông qua tại phiên họp bế mạc vào hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Mười, nêu rõ: “Đại hội kêu gọi tất cả các đảng viên tìm hiểu sâu về ý nghĩa quyết định của việc xác lập vị trí cốt lõi của đồng chí Tập Cận Bình trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và trong toàn đảng, cũng như xác lập vai trò chỉ thị của Tư Tưởng Tập Cận Bình.”
Image
Cựu Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào bất ngờ bị đưa ra khỏi phiên họp. (Hình: Kevin Frayer/Getty Images)

“Tư tưởng Tập Cận Bình” đề cập đến hệ tư tưởng của ông Tập, đã được ghi nhận trong điều lệ đảng tại đại hội lần trước vào năm 2017.

Trong phát biểu bế mạc ngắn gọn, ông Tập cho biết việc sửa đổi hiến pháp “đặt ra các yêu cầu rõ ràng để duy trì và củng cố vai trò lãnh đạo tổng thể của đảng.”


Ông Lý Khắc Cường là một trong số bốn thành viên thuộc Thường Vụ Bộ Chính Trị bị loại bỏ khỏi Ủy Ban Trung Ương mới gồm 205 thành viên, được bầu chính thức tại phiên họp bế mạc.

Điều đó có nghĩa là họ sẽ không được bổ nhiệm lại vào Ủy Ban Thường Vụ sau cuộc xáo trộn vị trí lãnh đạo sẽ được công bố chính thức vào hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Mười.

Ông Tập Cận Bình được dự trù vẫn giữ vững vị trí đứng đầu, giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là tổng bí thư.
Image
Hồ Cẩm Đào có lời cuối với Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường trước khi bị dẫn ra khỏi phòng họp. (Hình: Kevin Frayer/Getty Images)

Ba người khác bị loại là ông Hàn Chính, phó thủ tướng, ông Uông Dương, người đứng đầu cơ quan cố vấn đảng, và ông Lật Chiến Thư, đồng minh lâu năm của ông Tập Cận Bình và là người đứng đầu cơ quan lập pháp chủ yếu chỉ mang tính nghi thức.

Ông Lý Khắc Cường sẽ tiếp tục làm thủ tướng trong khoảng sáu tháng nữa, cho đến khi một nội các mới được bổ nhiệm.


Nếu ông vẫn có tên trong Ủy Ban Thường Vụ, việc này sẽ cho thấy dấu hiệu chống đối trong giới lãnh đạo đối với ông Tập Cận Bình, đặc biệt là về chính sách kinh tế. Nhưng ông Lý Khắc Cường nhiều phần đã bị gạt ra ngoài lề, khi ông Tập Cận Bình nắm quyền kiểm soát hầu hết các khía cạnh của chính phủ.

Hơn 2,300 đại biểu tham dự đại hội đảng (đeo khẩu trang y tế do chính sách “zero-COVID” nghiêm ngặt của Trung Quốc) đã tụ họp tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở trung tâm Bắc Kinh.

Hầu hết các cơ quan truyền thông, bao gồm tất cả các nhà báo ngoại quốc, đều không được phép quan sát phần đầu tiên của cuộc họp khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Ông Hồ Cẩm Đào, cựu chủ tịch Trung Quốc, người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, đã bị đưa ra khỏi nghị trường khi cuộc họp dài 3.5 tiếng đã diễn ra được hai giờ, mà không có bất kỳ lời giải thích thỏa đáng nào. (V.Giang) [kn]
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by TranAnhDung »

Tấn kịch xung quanh Hồ Cẩm Đào cho thấy điểm yếu cơ bản của Bắc Kinh

Tác giả: Howard W. French
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Phụng/NCQT

27-10-2022
Hóa ra, các hệ thống Lê-nin-nít vốn dĩ luôn bất ổn.


Theo lý tưởng đẹp đẽ của nền chính trị Trung Quốc – cũng như của hầu hết các hệ thống chuyên chế – các cuộc tranh luận cấp cao về chính sách và quyền lực phải được tiến hành sau một bức tường dày, cách âm. Công chúng và thế giới bên ngoài chỉ được phép chứng kiến vẻ ngoài nhẵn nhụi và bình thản của bộ máy nhà nước. Mục đích ở đây, tất nhiên, là để thể hiện sự nhất trí, cũng như tôn vinh quyền lực và uy tín của người lãnh đạo.

Chí ít thì đó là lý thuyết. Trong một đoạn phim vài giây được quay một cách vụng về khi đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào cuối tuần qua, thực tế đã xé toạc vẻ ngoài đẹp đẽ và tiết lộ những kịch tính xứng đáng ở tầm William Shakespeare. Vụ việc xảy ra ngay thời điểm vốn đã được định sẵn để trở thành khoảnh khắc vinh quang tột đỉnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi ông sửa điều lệ đảng để cho phép bản thân, về mặt nguyên tắc, có thể nắm quyền đến chừng nào ông muốn – mà đối với một người đàn ông 69 tuổi nghĩa là nắm quyền cho đến hết phần đời còn lại.


Không bị tiếng nói nào phản đối, Tập đã thanh trừng nhiều nhân vật thuộc nhóm thiểu số trong đảng dám ủng hộ các chính sách và phong cách quản trị khác với những gì ông đặt ra. Trong số những cái tên đã bị sa thải một cách thẳng thừng là thủ tướng Lý Khắc Cường, người từng được xem là ứng viên cho vị trí lãnh đạo Trung Quốc. Hồi tháng 8, Lý đã gây xôn xao khi tuyên bố trong chuyến thăm tới Thâm Quyến rằng “Chương trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến triển. Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng,” điều mà một số chuyên gia hy vọng là dấu hiệu rằng sự phản kháng đối với Tập sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại và đáng chú ý là bình luận của vị thủ tướng đã nhanh chóng bị xóa khỏi Internet ở Trung Quốc.

Một trường hợp thay đổi nhân sự cấp cao khác có liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Uông Dương, người đã từng phát biểu những suy nghĩ rất khác với Tập, rằng “Chúng ta phải xóa bỏ ý nghĩ sai lầm rằng hạnh phúc là một món quà do đảng và chính phủ ban phát.” Ông ủng hộ việc từng bước cải cách chính trị Trung Quốc, tập trung tạo ra nhiều không gian hơn cho xã hội dân sự cũng như cho “giải phóng tư tưởng”.


Thế nhưng, trước khi phiên họp có thể khép lại với những nụ cười, thể hiện niềm tin nhất loạt vào sự vĩ đại của Tập, một sự kiện bất ngờ và khó hiểu đã xảy ra. Ngồi bên trái Tập là người tiền nhiệm trực tiếp của ông, Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, trong bộ dạng xanh xao, yếu ớt một cách đáng ngạc nhiên. Hồ đã bất ngờ bị mời rời khỏi ghế – vẻ mặt lộ rõ đó không phải điều ông muốn – và bị dẫn ra khỏi hội trường, để lại một chiếc ghế trống ngay chính giữa hàng ghế đầu của đại hội.

Hồ đã không chịu rời đi trước khi với tay cầm một tập giấy đặt trước mặt Tập, khiến Tập phải giữ chúng lại. Gần như toàn bộ dàn lãnh đạo cấp cao nhất ngồi tại hàng ghế đó đều nhìn chằm chằm về phía trước, vờ như chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra. Nhưng khi một trong những người phụ tá kéo mạnh vào vai ông, Hồ đã nói vài lời với Tập, người đã gật đầu cùng vẻ mặt vô cảm. Sau đó, Hồ cố gắng quay sang vỗ vai người mà mình bảo trợ, Lý Khắc Cường, trước khi bị đưa đi xa khỏi tầm máy quay.

Đúng như dự đoán, các chương trình tin tức Trung Quốc đã xóa sạch cảnh này, nhưng người ta đã nhanh chóng xì xầm về sự việc bất thường.

Bộ máy của Tập sau đó đưa ra lời giải thích theo kiểu ‘Vua Lear.’ Hành động của Hồ Cẩm Đào là hành động của một ông lão ốm yếu, chân đi không vững. Dù đúng là có khả năng này, nhưng đây không phải là lời giải thích khả dĩ hoặc thỏa đáng nhất. Như nhà khoa học chính trị Joseph Torigian đã viết trong cuốn sách xuất bản gần đây, Prestige, Manipulation, and Coercion: Elite Power Struggles in the Soviet Union and China After Stalin and Mao (Uy tín, thao túng và cưỡng bức: Các cuộc đấu tranh quyền lực cấp cao ở Liên Xô và Trung Quốc sau Stalin và Mao), “những bước ngoặt quan trọng là những khoảnh khắc mà trong đó chính trị trở nên ‘dễ thấy’ nhất, và do đó, chúng cho phép chúng ta đặt ra giả thuyết về những giới hạn và khả năng cho tương lai.”


Ở đây, khả năng mà chúng ta ngay lập tức nên xem xét là Hồ – người thường bị xem là một nhà lãnh đạo vô diện, yếu đuối, và bất tài trong suốt 10 năm cầm quyền, từ năm 2002 cho đến khi Tập lên kế nhiệm vào năm 2012, đã chọn thời điểm này để công khai thể hiện sự bất đồng của mình với cách quản lý đảng dưới thời Tập, vốn đã tập trung quyền lực một cách bất thường vào tay một người duy nhất.

Để hiểu được logic đằng sau cách giải thích này đòi hỏi một chút hiểu biết về lịch sử, cụ thể là việc Hồ đã lên nắm quyền và thực thi quyền lực như thế nào. Ông chính thức trở thành lãnh đạo vào năm 2002, điều này đã được quyết định từ trước khi Đặng Tiểu Bình qua đời vào năm 1997, mở ra một kỷ nguyên mới về sự chuyển giao quyền lực thường xuyên, hòa bình, và được thể chế hóa ở một quốc gia chưa từng biết đến việc này. Quá trình sẽ diễn ra theo một lịch trình kéo dài 10 năm, được chia thành hai nhiệm kỳ, nghĩa là về mặt lý thuyết, đảng có thể loại bỏ một nhà lãnh đạo tồi hoặc không được lòng dân ngay sau nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên.

Cơ chế đằng sau hệ thống mới của Đặng cũng tước bỏ một quyền của nhà lãnh đạo tối cao – lựa chọn người kế nhiệm của chính mình, cho phép đảng đóng vai trò nhiều hơn trong việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo tương lai. Trong trường hợp của Hồ, quyền chỉ định người kế vị đã bị lấy khỏi tay người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân. Chính Đặng, người có quyền lực vô song hồi thập niên 1990, đã chọn Hồ làm người kế nhiệm Giang.


Thời gian Hồ Cẩm Đào tại nhiệm – trùng với sáu năm tôi làm phóng viên tại Trung Quốc – thường bị mỉa mai là giai đoạn không có phương hướng, một thập niên bị lãng phí đối với người Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, di sản nắm quyền của ông rất phức tạp.

Về mặt nào đó, đây là thời kỳ hoàng kim của đất nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc và nhiều thay đổi lớn trong mức sống của hầu hết người dân. Tất nhiên, Hồ không phải là một nhà dân chủ, nhưng sự bùng nổ của Internet đã tạo ra một không gian mới cho tự do ngôn luận. Thủ tướng của Hồ, Ôn Gia Bảo, cũng đã tìm cách đem lại khuôn mặt ‘nhân tính’ cho chính phủ, nhiều lần công khai bày tỏ sự quan tâm đối với người nghèo và những người yếu thế.

Sáng kiến chính trị quan trọng nhất của Hồ là nỗ lực thể chế hóa một phong cách cầm quyền mang tính tập thể hơn những gì thường thấy ở Trung Quốc. Như nhà khoa học chính trị Susan Shirk viết trong cuốn sách mới của mình, Overreach: How China Derailed Its Peaceful Rise (Vươn xa quá tầm: Cách Trung Quốc làm chệch hướng sự trỗi dậy hòa bình của mình), Hồ đã làm điều này bằng cách cân bằng sự đại diện của các bên liên quan trong các cơ quan ra quyết định quan trọng nhất của đất nước, bao gồm đảng, chính phủ, chính quyền cấp tỉnh, và quân đội.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, ông đã mở rộng cơ quan quyền lực nhất ở Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, từ bảy lên chín thành viên, và công khai lựa chọn cách cầm quyền bình đẳng với các ủy viên khác, thay vì là một nhà lãnh đạo áp đặt mọi thứ. Đáng chú ý, Hồ giải thích đây là “nỗ lực ngăn chặn nhà lãnh đạo cao nhất ra quyết định tùy tiện”, vốn là một trong những nỗi sợ hãi chính của Đặng sau thời kỳ cầm quyền kéo dài và đầy biến động của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Điều này đưa chúng ta đến với Tập, người rõ ràng đã tìm mọi cách có thể để đi theo hướng ngược lại, tập trung gần như tất cả quyền lực vào tay mình, bao quanh mình bằng những kẻ chỉ biết vâng lời và những tay chân thân tín trung thành, theo đó làm trầm trọng thêm nguy cơ trên.

Tuy nhiên, trước khi thảo luận về Tập, chúng ta nên dành thời gian để xét xem mọi việc đã diễn ra như thế nào dưới thời Hồ. Phong cách cầm quyền tập thể của ông có thể mang chủ đích tốt, nhưng nó đã tạo ra những vấn đề nghiêm trọng. Trách nhiệm dường như không thuộc về một người cụ thể, nghĩa là mỗi thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị được phép điều hành ‘thái ấp’ của riêng mình trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của nền kinh tế hoặc hệ thống an ninh quốc gia. Và các ủy viên hiếm khi phản đối hành động của nhau ngay cả theo cách riêng tư, vì họ tin rằng điều đó sẽ ngăn người khác can thiệp vào các dự án riêng và những người mà họ bảo trợ. Nói cách khác, dưới thời Hồ, không có ai chịu trách nhiệm chính, và nạn tham nhũng đã diễn ra ở quy mô đáng báo động.

Chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết rõ chuyện gì đã xảy ra với Hồ, người rời khỏi sân khấu chính trị vào thứ Bảy vừa rồi theo đúng nghĩa đen, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy nữa – bí ẩn này sẽ theo ông đến cuối cuộc đời chính trị. Nhưng điều mà chúng ta biết là việc Hồ phải rời đi một cách bất ngờ và không vui vẻ đã khiến Tập bẽ mặt, dù vô tình hay cố ý.

Mặt tối của những sự kiện này nhấn mạnh một điểm yếu cơ bản của các hệ thống Lê-nin-nít như ở Trung Quốc: một điểm yếu mà không ai có thể khỏa lấp được – từ Mao Trạch Đông (người chứng kiến cái chết của hai người kế nhiệm được chỉ định), Đặng Tiểu Bình (người lật đổ người kế nhiệm được chỉ định cuối cùng của Mao, Hoa Quốc Phong, vì những lý do liên quan đến tham vọng và quyền lợi cá nhân hơn là sự khác biệt về hệ tư tưởng hoặc chính sách, rồi sau đó tạo ra một công thức cho quá trình chuyển đổi trong tương lai), Giang Trạch Dân (người nghỉ hưu theo đúng lịch trình nhưng đã giữ lại các chức danh phụ suốt nhiều năm, đồng thời làm suy yếu quyền lực và hạn chế sự lựa chọn của Hồ), và giờ là Tập Cận Bình.

Trên thực tế, cách tiếp cận của Tập là sự quay trở lại với nguồn gốc của các hệ thống Lê-nin-nít – và cụ thể là quay trở lại với hình mẫu của một lãnh đạo trọn đời khác, cựu lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Tập đã xây dựng sự sùng bái cá nhân, và tạo ra Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới chỉ gồm những ‘gã tí hon’ về chính trị – những người đàn ông thiếu tầm vóc chính trị, chưa từng có kinh nghiệm tại chính quyền trung ương, có mạng lưới quan hệ hạn chế – và do đó không đặt ra thách thức nào đối với Tập.

Ban Thường vụ này gồm Lý Cường, người có khả năng trở thành thủ tướng của Tập vào năm tới, thay thế Lý Khắc Cường hiện đã bị phế truất. Hiếm có nhà phân tích nào tin rằng Lý Cường – người từng gây bất bình khi còn làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, nơi ông giám sát chiến dịch cách ly hà khắc trong đợt bùng phát COVID-19 gần đây – lại có thể trở thành người kế nhiệm cuối cùng của Tập. Và đó mới là điều quan trọng.

Như nhà khoa học chính trị Victor Shih của Đại học California San Diego lập luận trong cuốn sách mới của mình, Coalitions of the Weak: Elite Politics in China From Mao’s Stratagem to the Rise of Xi (Liên minh của những kẻ yếu: Nền chính trị cấp cao ở Trung Quốc từ mưu lược của Mao đến sự trỗi dậy của Tập), đây là một chiến thuật mà Mao sử dụng vào cuối thời kỳ cai trị của mình, khi ưu tiên của ông chuyển từ câu hỏi về di sản ý thức hệ, hoặc thậm chí là tương lai của Trung Quốc, sang ngăn chặn sự trỗi dậy của những kẻ thách thức và đảm bảo sự trường tồn chính trị của chính ông.

Bài học ở đây là các hệ thống Lê-nin-nít vốn dĩ luôn bất ổn, phần lớn là bởi đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo tối cao đều cai trị vượt trên luật pháp. Như người Mỹ đã được nhắc nhở sau vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01/2021, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của một xã hội ổn định là việc tôn trọng quy tắc kế nhiệm. Nhưng tại Trung Quốc, vấn đề vẫn chỉ xoay quanh những cuộc tranh giành quyền lực trần trụi, thường được che khỏi mắt công chúng, nhưng không hề bị quy tắc nào cản trở. Trong một hoàn cảnh như vậy, người ta không thể mong đợi một kết thúc tốt đẹp.
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by lengoi »

Giải mã vài hiện tượng trong “các buổi chầu” của ông Nguyễn Phú Trọng
Blog VOA
Phùng Khoan
4-11-2022

Image
TBT Nguyễn Phú Trọng nhận Huân chương Hữu nghị từ TBT Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 31/10/2022. Nguồn: VKSND TC

“Tập Hoàng đế” là của người Tàu. Thiên triều là của Trung Quốc. Ấy vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá tích cực, cam kết “chia sẻ” và “tham gia” vào quá trình xác lập “Trật tự Thế giới mới” – “Pax Sinica”. Nếu trót lọt, Việt Nam vẫn là chư hầu, biên viễn. Đại quốc có thể dốc toàn bộ sức người sức của cho quyền lực của Hoàng đế. Lân bang như ta mà dồn quốc lực vào đấy thì để thu lại được cái gì? Chưa nói, người dân Việt có hứng thú, có cộng hưởng với các giá trị của cái trật tự chỉ phục vụ cho lợi ích của Thiên triều hay không?

***

Ông Trọng “sang chầu” Bắc Kinh từ 30/10 đến 1/11, tức là rút ngắn một ngày mà không nêu rõ lý do, so với lời mời ban đầu mà trước đó cả hai BCHTW ĐCSVN và ĐCSTQ đã công bố. Cái này thì chắc chắn không bao giờ giải mã được! Nó tù mù và bí hiểm như chính mối bang giao ngàn năm có lẻ giữa hai quốc gia “núi liền núi sông liền sông”. Cho dù giờ đây không còn “chung một Biển Đông” và cái gọi là mối tình hữu nghị ấy cũng chẳng thể “sáng như rạng Đông” trong những thập kỷ mù lòa.

21 phát đại bác cùng “các cơn mưa” trút những lời tụng ca “có cánh” về các mối quan hệ “môi hở răng lạnh”, “vừa là đồng chí vừa là anh em” tưởng đã đi vào dĩ vãng… “Năm tháng qua đi, các cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và chỉ còn lại không phôi pha là tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương…” Lời tâm phúc từ “Con đường đau khổ” của Aleksandr Tolstoy luôn vang vọng trong tâm trí bao thế hệ. Điều này khiến người viết liên tưởng tới mối bang giao Việt – Trung có một không hai, cả yêu lẫn ghét, trong lịch sử thế giới.


Một “episode” được cư dân mạng truyền tải nhưng chưa thể xác nhận tính chính xác. Đó là, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khấn trước vong linh những người lính ngã xuống ở Pò Hén: “Anh em một nhà, cùng một bố mẹ sinh ra còn giết nhau nữa là, chết thì cũng đã chết rồi, ấm ức làm gì. Đã đến lúc cởi bỏ oán thù được rồi, hồn còn thì hồn cười”. Thế rồi cả hệ thống báo chí “bưng bô” lần đầu tiên được dịp tung hô, có một Thủ tướng dám đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến sống mái với quân bành trướng. (1)

Và đây, lần đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh có một Tổng bí thư, danh xưng là Nguyễn Phú Trọng, đã thay mặt “những linh hồn chết” (Tiểu thuyết của Gogol), nhận cái Huân chương Hữu nghị “vĩ đại và cảm động” ấy, do đích thân Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình trao tặng. Người vừa ban tặng “phần thưởng cao quý” đó cho ông Trọng cũng chính là kẻ vừa thẳng tay đuổi “người bảo trợ chính” cho mình, người tiến cử mình – đó là cựu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào – vào cái ghế hiện nay, ra khỏi Hội trường Đại hội… Xem tình nghĩa “trong Đảng” họ đối đãi nhau “cạn tàu ráo máng” đến thế, đủ hiểu ý nghĩa “mặt trái” của tấm Huân chương Hữu nghị rồi sẽ đen đủi và xui xẻo đến nhường nào…


Nhưng nếu nói xui xẻo và đen đủi thì có lẽ không gì có thể so sánh với các cam kết “mạnh mẽ” của ông Trọng được ghi nhận trong Bản Tuyên bố chung được chuẩn bị khá công phu (2). Chắc chắn rất ít ai có đủ kiên nhẫn để lướt (chứ chưa nói là đọc kỹ) cả vạn chữ trong “Bản tuyên bố chung” này và cả bài xã luận trên đường link của ĐCSVN https://dangcongsan.vn/tieu-diem/dua-qu ... 23044.html.

Nhưng trong “bãi tha ma” ngôn ngữ ấy, vẫn “lập lòe ánh lân tinh” từ các bộ xương cốt những người lính hải quân đã buộc phải tuân lệnh Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh là không được nổ súng khi lính Trung Quốc tràn lên chiếm đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) vào năm 1988. Mong sao có một Nguyễn Đình Chiểu thời nay để tấu lên nỗi oan khuất cho những bộ xương vẫn đang bị mục dưới đáy biển Trường Sa, hay khô quắt trong các hang động của “cối xay thịt” Lão Sơn năm nào (3).

Trong ba ngày chầu tại Bắc Kinh, ông Trọng đã cam kết những gì? Bla, bla, bla… nhiều thứ lắm! Không thể giải mã hết trong một lần. Nhưng 13 “cột trụ” xây nên tình hữu nghị Việt – Trung, “lâu đài bằng giấy” ấy chẳng có gì là bền vững cả. Bền vững sao được khi TBT Trọng đã liều lĩnh cam kết, “phía Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia ‘Sáng kiến Phát triển toàn cầu’ (GDI), theo nội dung và cách thức phù hợp…”. Không những cam kết tham gia GDI, Nguyễn Phú Trọng – không hiểu là tình nguyện hay bị ép buộc – còn “ghi nhận tích cực ‘Sáng kiến An ninh toàn cầu’ của Trung Quốc (GSI)”.


Vẫn biết, ông Nguyễn Phú Trọng đã có “trừ hao”: Chỉ tham gia sáng kiến phát triển “theo nội dung và cách thức phù hợp” và cũng chỉ tích cực đánh giá sáng kiến an ninh với điều kiện lấy “mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ” làm cơ sở. Nhưng rồi ai mà đoán trước được các trò “tung hứng” của “Tập Hoàng đế”! Kỷ nguyên tới, chỉ còn lại một mình, khi “ngài” lấy các quyết định liên quan đến Đài Loan hay Biển Đông, để “dạy” cho thiên hạ bài học nào mà Trung Quốc cho là cần thiết (4).

“Tập Hoàng đế” là của người Tàu, của nước Trung Hoa. Thiên triều là của Trung Quốc. Ấy vậy mà TBT Nguyễn Phú Trọng ủng hộ, đánh giá tích cực, cam kết “chia sẻ” và “tham gia” vào quá trình xác lập “Trật tự Thế giới mới” – “Pax Sinica”. Nếu trót lọt, Việt Nam vẫn chỉ là chư hầu, biên viễn. Đại quốc có thể dốc toàn bộ sức người sức của cho quyền lực của Hoàng đế. Lân bang như ta mà dồn quốc lực vào đấy thì để thu lại được cái gì? Chưa nói, người dân Việt có hứng thú, có cộng hưởng với các giá trị của cái Trật tự chỉ phục vụ cho lợi ích của Thiên triều hay không?

Nhưng một khi “tay đã nhúng chàm/ dại rồi còn biết khôn làm sao đây?” Giàn cố vấn cho ông Trọng thừa hiểu rằng, hai khái niệm là GSI và GDI là nền tảng của “Đại An Ninh” – nền tảng căn bản để Trung Quốc xây dựng chiến lược toàn cầu, kiến tạo nên “Trật tự Thế giới mới”, xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”. Tại đó, Trung Quốc sẽ đóng vai trò thống lĩnh để làm bá chủ thiên hạ. Các thành viên của trật tự này sẽ là LB Nga, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Cu Ba… Liệu TBT Nguyễn Phú Trọng có “cầm cự” được đến ngày khai trương ‘Trật tự mới” ấy không? Và trong tiến trình ra đời trật tự này, ĐCSVN bằng cách nào để hưởng ứng và chia sẻ với tính mục tiêu chi phối cái đại chiến lược cai trị bởi Trung Quốc đối với “cộng đồng chung vận mệnh” ấy?


Đấy là chưa nói tới tình huống nan giải khác: Liệu lúc đó, cục diện khu vực và quốc tế có cho phép Việt Nam hưởng ứng và chia sẻ cái “Trật tự thế giới” do Trung Quốc dẫn dắt? Nhìn bức ảnh hai bàn tay ông Trọng và ông Tập cuộn tròn lấy nhau, các cây bình luận trên Facebook đã mỉa mai: Đó là hình ảnh “bẩn nhất” trên mạng xã hội ngày 31/10. Hãy đọc đoạn “chế” từ thơ Xuân Diệu của một vị Giáo sư khả kính bên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: “Anh không xứng là đại ca/ Nhưng anh không muốn em chìa nắm đấm/ Tay em tuy thô nhưng ấm/ Anh bao kín rồi, Giấc mộng (Trung Hoa)… gác lên nhau!”

Trên đoạn đường tiếp theo, khi TBT Tập Cận Bình và TBT Nguyễn Phú Trọng “tay trong tay” trên đại lộ mà Tuyên bố chung cũng đã nhấn mạnh, nhằm “thúc đẩy kết nối giữa ‘Khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai’ với ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Bây giờ mà vẫn đeo đuổi BRI sau khi hàng loạt nước đã và đang vỡ nợ vì Dự án thế kỷ này thì quả thật là đáng sợ thay!

Trước khi post bài này lên mạng, chỉ xin nhắc một chi tiết. TBT Nguyễn Phú Trọng là người am hiểu “lý luận”, hẳn ông giữ được ấn tượng về Vương Hỗ Ninh trong cuộc gặp với bảy thành viên Ban Thường vụ BCT ĐCSTQ. Vương tiên sinh từ lâu đã được ví như là “đế sư” – “nhà lý luận cung đình” – qua ba đời Tổng bí thư ĐCSTQ. Tiếp thu di sản này từ các TBT đời trước nhưng không rõ ông Tập có truyền lại kinh nghiệm cho ông Trọng nhân cuộc trà đạo nổi tiếng ở Trung Nam Hải, về cách đào tạo các “túi khôn cao cấp” không?

Như đã biết, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cùng với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là hai đơn vị thành viên chủ chốt của Hội đồng Lý luận, với chức năng tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị. Nhưng sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống diễn ra nghiêm trọng tại các đơn vị này khiến vấn đề cải tổ phải được đặt ra khẩn cấp đối với Hội đồng nói riêng và công tác lý luận nói chung. Xin nói khẽ, nếu không chuẩn bị tốt khâu này, các cố vấn của ông Trọng dễ bị Vương Hỗ Ninh cho ăn “quả lừa” đấy! (5)

Tham khảo:

1. http://www.viet-studies.net/kinhte/SaoB ... tVong.html

2. https://vtv.vn/chinh-tri/tuyen-bo-chung ... 032003.htm

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/peo ... 94556.html

4. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cxx0175rky7o

5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/com ... 94108.html
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests