Thời Sự, Bình Luân

quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by quangminh »

Nguyễn Chí Vịnh ‘quay xe,’ ám chỉ Putin ‘phát động chiến tranh’ thì phải kết thúc
February 24, 2023

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Để kết thúc cuộc xung đột này [cuộc chiến Ukraine], ai là người phát động chiến tranh cũng phải là người tính toán, tìm cách rút khỏi cuộc chiến.”

Đó là phát ngôn của ông Nguyễn Chí Vịnh, cựu thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, trong đoạn video clip phát trên YouTube VTC Now hôm 23 Tháng Hai, nhân đánh dấu một năm Nga xâm lăng Ukraine.
Image
Ông Nguyễn Chí Vịnh, cựu thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, trong đoạn video clip phát trên YouTube VTC Now hôm 23 Tháng Hai.
(Hình: Chụp qua màn hình)
Lời của ông Vịnh được hiểu là ám chỉ ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, là người phải có trách nhiệm rút lui, kết thúc cuộc xâm lược.

Bên cạnh việc quy trách nhiệm cho ông Putin về việc kết thúc cuộc chiến, ông Vịnh còn mạnh miệng chê tổng thống Nga “đánh giá thấp tinh thần chiến đấu của người Ukraine.” Ông Vịnh cũng bình luận thêm rằng việc “dùng chiến tranh để kết thúc mâu thuẫn là vô nghĩa.”


“Dù anh có đúng hay sai, mà anh có đúng đi nữa. Dù anh có bị sức ép như thế nào đi chăng nữa, dù anh về tình cảm về lý trí có bị phản bội như thế nào đi nữa nhưng anh giải quyết vấn đề bằng chiến tranh đưa quân sang một nước khác là điều tối kỵ, điều không bao giờ được chấp nhận. Và kết cục của cái việc ấy sẽ là thất bại,” ông Vịnh nói trong đoạn clip.

Đề cập về giải pháp hòa bình cho Ukraine, ông Vịnh nói chung chung: “Năm 2023, tôi vẫn chờ đợi sẽ có một nhân tố nào đó đột phá để có kẽ hở cho hòa bình ở Ukraine.”

Ngoài ra, trong đoạn clip trả lời phỏng vấn của VTC Now, ông Nguyễn Chí Vịnh cũng lặp lại quan điểm của đảng là “không chọn bên, không dựa vào nước này để chống nước kia”…

Đến nay, các báo ở Việt Nam không dám chỉ đích danh Nga là “quân xâm lược” mà vẫn tuyên truyền rằng Moscow phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine.

Do vậy, việc ông Vịnh dù “chỉ trích nhẹ nhàng” ông Putin được coi là bước “quay xe” của ông này sau nhiều phát ngôn tỏ ý bênh vực Nga và ông Putin khi cuộc xâm lược khởi sự từ 24 Tháng Hai năm ngoái.


Tuy vậy, công luận không rõ phát ngôn mới nhất của ông Vịnh có thể hiện quan điểm chính thức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam hay không.

Trong một diễn biến khác, hãng AP ghi nhận, thêm một lần nữa, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đòi Nga rút khỏi Ukraine trong cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Năm, 23 Tháng Hai.

Trong số 193 quốc gia, có 141 quốc gia bỏ phiếu thuận, 32 quốc gia bỏ phiếu trắng, bảy quốc gia bỏ phiếu chống, và 13 quốc gia không bỏ phiếu.


Các đại sứ EU tại Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ tại Đại Sứ Quán Ukraine ở Hà Nội hôm 24 Tháng Hai. (Hình: Facebook European Union in Vietnam)
Đây là lần thứ năm Việt Nam bỏ phiếu có lợi cho Nga, quốc gia đồng minh lâu đời và là nhà cung cấp vũ khí chính cho quốc gia Đông Nam Á này. Trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng với Việt Nam có cả Trung Quốc và Ấn Độ, giống như mọi lần trước.

Hành động bỏ phiếu trắng khiến hàng trăm Facebooker người Việt vào trang Facebook Đại Sứ Quán Ukraine ở Hà Nội để lại bình luận “xin lỗi vì đảng không đại diện cho suy nghĩ của người dân Việt Nam.”

Ngày 24 Tháng Hai, 2022, ông Putin ra lệnh cho quân đội Nga xâm lăng Ukraine, mà ông gọi là “hành quân đặc biệt,” để tiêu diệt “Phát Xít” Ukraine, bảo vệ người nói tiếng Nga, và xóa tan âm mưu của Kiev định gia nhập khối NATO. (N.H.K) [qd]
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by dailien »

Năm thứ hai chiến tranh Ukraine: Mỹ tăng viện trợ và trừng phạt
Bình Phương
26 tháng 2, 2023

Image
Bước sang năm thứ hai của cuộc chiến Ukraine, chính phủ Mỹ công bố gia tăng viện trợ quân sự cho Kyiv với những loại vũ khí tân tiến, trong đó có xe tăng Abrams, được đánh giá là số 1 thế giới hiện nay. Ảnh xe tăng Abrams của Mỹ tập trận với xe tăng Leopard do Đức chế tạo tại Ba Lan cuối tháng 12 vừa qua, Ảnh Artur Widak/NurPhoto via Getty Images

Đánh dấu sự khởi đầu năm thứ hai của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai đã công bố viện trợ quân sự bổ sung cho Kyiv hàng tỷ đô la đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên những công ty Nga và nước ngoài đã hỗ trợ cuộc xâm lược.

$2 tỷ viện trợ quân sự mới

Ngũ Giác Đài công bố hôm thứ Sáu sẽ chi thêm $2 tỷ để cung cấp cho quân đội Ukraine các sản phẩm vũ khí mới nhất bao gồm các hệ thống máy bay không người lái (UAV) hiệu Cyberlux K8, Switchblade 600, Altius-600 và Jump 20. Mỹ cũng cung cấp đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS; đạn pháo 155 ly; đạn cho hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser; thiết bị rà phá bom mìn; và thiết bị thông tin liên lạc.

Không giống như phần lớn những gì Mỹ đã chuyển giao trước đây, số vũ khí mới này sẽ không được lấy từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ mà thay vào đó, Bộ sẽ mua từ các nhà sản xuất và gửi chúng đến Ukraine – việc giao hàng có thể bị chậm hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm dù vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu quân sự lâu dài của Ukraine.


Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News vào tối thứ Sáu, Tổng thống Joe Biden cho biết “vào lúc này” ông chưa tính tới việc gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine như yêu cầu của Kyiv và sự thúc giục của một số quốc gia đồng minh.

Trong một năm chiến tranh vừa qua, Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng $54 tỷ viện trợ cho Ukraine, phần lớn là viện trợ quân sự, trở thành nước viện trợ lớn nhất cho cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine. Vào cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ bổ sung trị giá $50 tỷ cho Ukraine, được chi tiêu trong suốt cả năm. Thông báo viện trợ hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai 2023 là một phần của khoản viện trợ này.

Ngoài vũ khí, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố hơn $10 tỷ viện trợ phi quân sự mới cho Ukraine, gần như tất cả đều hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho chính phủ nước này để giúp duy trì các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Mở rộng trừng phạt kinh tế

Ngoài viện trợ quân sự và tài chính, chính phủ Mỹ đã gia tăng nỗ lực làm suy yếu tiềm lực chiến tranh của Nga bằng cách ngăn chặn các công ty Nga và nước ngoài trốn tránh các biện pháp hạn chế xuất cảng của Mỹ và mua sắm các sản phẩm công nghệ, kể cả những hàng hóa tiêu dùng có công nghệ không cao.

Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu đã thêm vào “sổ đen” 86 công ty và tổ chức mà họ cho là đã hỗ trợ cuộc chiến của Nga hoặc tham gia vào các hoạt động khác trái với lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Các công ty và tổ chức này bị cấm mua một số sản phẩm và công nghệ của Hoa Kỳ. Trong danh sách các thực thể bị trừng phạt có 79 công ty ở Nga, năm công ty Trung Quốc; hai công ty Canada; Pháp, Luxembourg và Hà Lan mỗi nước có một công ty.


Trong số các công ty Nga có tập đoàn viễn thông Megafon – nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ hai của nước này, bị Mỹ cáo buộc “thâu tóm và cố thâu tóm” công nghệ Mỹ để phục vụ quân đội Nga. Năm công ty Nga khác bị trừng phạt vì hỗ trợ cho điều mà Mỹ gọi là “các chiến dịch xâm nhập” vào các vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga chiếm đóng, “sử dụng công nghệ sinh trắc học (biometrics) để đàn áp sự phản kháng của người dân và cưỡng bức người Ukraine phải thể hiện sự trung thành với Nga”.
Image
Ngay cả thủ đô Kyiv của Ukraine cũng không tránh được sự tàn phá của cuộc xâm lược mà Nga thực hiện đúng một năm trước. Ảnh một đứa trẻ chơi xích đu trước một tòa nhà bị phi pháo Nga làm hư hại ở Kyiv hôm 25 Tháng Hai 2023. Ảnh Pierre Crom/Getty Images

Trong số các công ty Trung Quốc bị trừng phạt có hai tập đoàn công nghệ hàng không và vệ tinh nhân tạo là công ty Spacety Co Ltd và công ty China HEAD Aerospace Technology Co; trong đó Spacety Co. đã bị trừng phạt từ Tháng Một 2023.

Bộ cũng đặt ra các hạn chế trong việc bán công nghệ cho Iran, sau khi phát hiện ra máy bay không người lái của Iran trên chiến trường Ukraine. Hôm thứ Sáu, chính quyền Biden cho biết càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga đang lên kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu cho Iran như một phần của mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc, đổi lại việc Iran cung cấp cho Nga các loại UAV và đạn đại bác để sử dụng tại Ukraine.

“Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, Iran đã vận chuyển pháo và đạn xe tăng tới Nga để sử dụng ở Ukraine và Nga đang có kế hoạch hợp tác với Iran để có được nhiều thiết bị quân sự hơn nữa. Đổi lại, Nga đã cung cấp cho Iran sự hợp tác quốc phòng chưa từng có, bao gồm cả tên lửa, thiết bị điện tử và phòng không”, ông John Kirby, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia cho biết và nói thêm rằng mối quan hệ hợp tác quân sự Nga – Iran không chỉ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine mà cả môi trường an ninh ở Trung Đông.

Cấm vận có hiệu quả không?

Quyết định trừng phat kinh tế các thực thể của Nga và một số nước nói trên được phối hợp với các đồng minh trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. “Các lệnh trừng phạt của chúng tôi vừa có tác động trước mắt vừa lâu dài, ngăn chặn năng lực của Nga bổ sung kho vũ khí và vực dậy nền kinh tế bị cô lập của họ”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố. “Hành động của chúng tôi hôm nay cùng với các đồng minh G7 cho thấy chúng tội sẽ sát cánh cùng Ukraine chừng nào điều đó là cần thiết”.

Bà Yellen đang tham dự hội nghị các bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Bengaluru, Ấn Độ. Vào sáng thứ Sáu 24 Tháng Hai, bà Yellen nói với phái đoàn Nga tại hội nghị rằng “chuyện họ làm việc cho Điện Kremlin đã khiến họ trở thành tòng phạm trong những hành vi tàn độc của Putin”. “Họ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống và sinh mạng bị cướp mất ở Ukraine và những tai họa gây ra trên toàn cầu”.

Cùng quan điểm với bà Yellen, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng biện pháp cấm vận kinh tế “vẫn chưa xong”; đồng thời công bố những biện pháp trừng phạt mới lên những công ty cung cấp thiết bị chiến tranh cho Nga, cấm xuất cảng sang Nga những mặt hàng dùng trong chiến tranh như phụ tùng phi cơ, thiết bị radio, linh kiện điện tử dùng trong vũ khí… Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Marie thì nhận định “các biện pháp cấm vận của chúng ta là mạnh mẽ và có hiệu quả và sẽ có hiệu quả hơn nữa trong tương lai”.

Chỉ có Trung Quốc – một nước không thuộc nhóm G7 – trong bản minh định “lập trường về cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine” công bố hôm thứ Sáu 24 Tháng Hai thì cho rằng cần phải chấm dứt ngay các biện pháp trừng phạt “đơn phương” không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê chuẩn. Hội đồng Bảo an là tổ chức quốc tế quan trọng nhất nhưng đang bị tê liệt vì lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc, cho nên đề nghị của Bắc Kinh chỉ nhằm mang lại lợi ích cho Nga, và cả cho Trung Quốc sau này.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by nguyenvsau »

Tân Chủ tịch nước – Nhân vật của ‘giai đoạn chuyển tiếp’
Trần Đông A

3-3-2023

Image
Không thể đón đợi bất cứ sự “đảo chiều” nào khi Võ Văn Thưởng đã chốt hạ ngay tại lễ tuyên thệ ở Quốc hội sáng 2/3: “Nguyên tắc sống còn là kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin!” Nguồn: AP
“Giai đoạn chuyển tiếp” là khái quát tương đối chính xác của Hãng AFP (Pháp). Việc ông Võ Văn Thưởng được cử làm Chủ tịch nước không phải là tín hiệu cho ‘‘bước ngoặt thay đổi’’, bởi nhân vật này vẫn được coi là một thành phần cốt cán của chế độ.

Sự chuyển tiếp quyền lực tới đây sẽ êm đềm hay đầy dông bão thì chưa thể tiên lượng một cách chắc chắn…

Quá trình chuyển giao có tối ưu?

Không thể đón đợi bất cứ sự “đảo chiều” nào khi Võ Văn Thưởng đã chốt hạ ngay tại lễ tuyên thệ ở Quốc hội sáng 2/3: “Nguyên tắc sống còn là kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin!” Trong các bài phát biểu nhậm chức của hai người tiền nhiệm trước đây (Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng) không hề có một dòng nào đề cập đến “chủ nghĩa Marx-Lenin” hay “tư tưởng Hồ Chí Minh” cả. Ông Thưởng ngược lại, vội vã tuyên bố phủ đầu và coi đấy là nguyên tắc sống còn của cả Đảng lẫn cá nhân ông.

Vậy là tân Chủ tịch nước đã xuất hiện trước công chúng với hình ảnh một “đệ tử” ngoan – hiền của Tổng bí thư, chứ không phải là chủ nhân của các phương án tìm lối thoát cho khủng hoảng kinh tế – xã hội. Ba Đình thống nhất cao trong việc chọn Thưởng là giải pháp tối ưu để bảo đảm các yếu tố đồng thuận trong tầm kiểm soát với tính toán kế vị Tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ tới.

Nói như các nhà bình luận am hiểu, còn hơn hai năm của nhiệm kỳ 13, ông Thưởng, cùng những ứng viên tiềm năng khác, còn có thời gian để thử thách! Thành công lần này của ông Trọng là đã “cài cắm” được cả hai candidate do ông “dấm” lâu nay – tân Chủ tịch nước và đương kim Chủ tịch Quốc hội – an vị trong “Bộ tứ” để chuẩn bị thay thế ông khi cần.

Bài diễn văn của tân Chủ tịch nước đọc ngay sau nghi thức tuyên thệ là một kịch bản rập khuôn mang tính an toàn. Gọi là rập khuôn, vì bài diễn văn được viết trau chuốt, thậm chí còn trích thơ từ bài thơ được cho là nổi tiếng. Chẳng cần đến sự tinh ý, người nghe dễ dàng nhận ra đây là bài chuẩn bị sẵn để tân Chủ tịch nước trình làng như một phần của nghi lễ trước các đại biểu Quốc hội và ống kính truyền hình. Trong lời tuyên thệ, ông Thưởng đã lặp lại quan điểm không mới là “lấy dân làm gốc”. Tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả và thiếu cơ chế đảm bảo các quyền cơ bản của công dân được hiến định trong hành động, thì những lời phát biểu này, suy cho cùng, cũng chỉ là thủ tục phải có.

Việc Thưởng “trúng” Chủ tịch nước là sự kiện không gây bất ngờ, tuy nhiên quá trình kế vị Tổng bí thư quyền lực “vô đối” vẫn còn bỏ ngỏ. Tức là dư luận rồi đây sẽ tập trung vào quá trình chuyển giao quyền lực sau khi “Bộ tứ” được đắp đủ, đặc biệt là khả năng thực sự của tân Chủ tịch nước có thể lèo lái được đến đâu các mối liên hệ phức tạp trong nội bộ Đảng ở một tương lai cận kề. Đây chính là đáp án để trả lời cho câu hỏi, quá trình chuyển giao quyền lực tới đây có suôn sẻ hay sẽ đầy kịch tính?

Như một sự tình cờ, vào ngày nhậm chức của ông Võ Văn Thưởng, truyền thông quốc tế cũng đưa nổi bật các tin tức khác như: Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power vào tuần tới sẽ đến thăm Việt Nam. Rồi đài RFA tường trình, Viện Brookings đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tuyến vào sáng ngày 2/3 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) với Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, ông Marc E. Knapper về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, các ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ cùng với các cơ hội và thách thức trong thời gian tới.

Cũng vào ngày 2/3, VOA đưa tin, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Công ty TNHH Điện gió Monsoon vừa ký gói tài trợ dự án không truy đòi trị giá 682,55 triệu USD để xây dựng một nhà máy điện gió 600 MW ở khu vực phía nam Lào và xuất khẩu bán điện cho nước láng giềng Việt Nam. Đây là nhà máy điện gió lớn nhất Đông Nam Á và đầu tiên ở Lào, cũng là nhà máy điện gió xuyên biên giới đầu tiên ở châu Á. Theo thông báo của ADB, nhà máy điện gió cùng với đường dây truyền tải 500 kV chuyên dụng sẽ được xây dựng tại tỉnh Sê Kông và tỉnh Attapeu và sẽ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo hợp đồng mua bán điện 25 năm.

Tất cả điều này cho thấy, dù Thưởng có thề thốt, quyết “bới mây” để đi tìm CNXH, thì người đứng đầu Nhà nước Việt Nam vẫn không thể từ bỏ Hoa Kỳ và thế giới tự do, vì chính sự tồn vong của đất nước.

Tổng bí thư từ nay mạnh hay yếu?

Nguyễn Phú Trọng và Võ văn Thưởng sắp tới đây có phải là một “bộ đôi hoàn hảo”? Nếu đúng thì rõ ràng, quyền năng của Tổng bí thư từ nay sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, sự mạnh – yếu của Tổng bí thư có nhiều hàm ý sâu rộng hơn nhiều. Mạnh vì vị thế bao trùm của Đảng Cộng sản và cá nhân ông Trọng trong hệ thống chính trị. Cán cân quyền lực giữa Đảng và Nhà nước hiện đang được cho là nghiêng nhiều hơn về phía Đảng. Cơ chế tập thể lãnh đạo tồn tại trước nhiệm kỳ của ông Trọng nay đã suy yếu trong những năm của chiến dịch chống tham nhũng. Vị thế của Tổng bí thư hiện tại thậm chí còn lớn hơn so với tại Đại hội 13 vào năm 2021, khi Điều lệ Đảng – vốn chỉ cho phép một cá nhân giữ hai nhiệm kỳ Tổng bí thư – bị bỏ qua để cho phép ông Trọng giữ nhiệm kỳ thứ ba.

Vào thời điểm đó, các nhà quan sát tin rằng, vì ông Trọng không có đủ quyền năng chính trị để đưa ứng viên của mình, ông Trần Quốc Vượng, lên vị trí số một. Và do đó, việc ông Trọng ở lại là lựa chọn thỏa hiệp. Vì thế, dù Đại hội 13 được một số nhà phân tích coi là “chiến thắng cuối cùng” của Tổng bí thư. Nhưng thực ra, việc ông phá bỏ Điều lệ Đảng lộ rõ điểm yếu, thay vì biểu dương thế mạnh của ông. Và cũng từ đó, đặc biệt là gần đây, trong BCHTƯ, mọi chuyện đều diễn ra không hoàn toàn theo tính toán của Tổng bí thư.

Sự thoái lui “cưỡng bức” đối với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – từng được coi là một trong những người kế nhiệm tiềm năng của Tổng bí thư Trọng tại Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026 – đã loại trừ một trong những cơ sở quyền lực mạnh nhất và tiếp tục củng cố vị trí trung tâm của ông Trọng trong hệ thống “Tứ trụ” của Việt Nam. Nhưng sự phản đối ở cả Trung ương lẫn trong Quốc hội đối với “màn kịch” khá vụng về đã khiến ông Trọng phải chững lại trong việc thực hiện một số ý đồ tiếp tục thâu tóm quyền lực cho cá nhân ông và phe nhóm.

Về cả quyền uy lẫn quyền lực, cả hai “trụ” còn lại ít có khả năng đối trọng với Tổng Trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là đang phải đối mặt với áp lực lớn do mối liên hệ với một “đại án” tham nhũng, trong khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được cho là gần gũi với ông Trọng. Dù những phỏng đoán này vào thời điểm đó có đúng hay không, nhận định ấy giờ đây có vẻ đã lỗi thời. Lỗi thời là vì, dư luận trong Trung ương cho thấy cả phe cánh Phạm Minh Chính lẫn phe miền Nam, do Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đang câu kết với nhau, khiến chiếc ghế của Tổng bí thư nhiều khi cũng bị “rung lắc”.

Trước khi ông Võ Văn Thưởng được Đảng quyết định chọn, đã có những nguồn tin đồn cho rằng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng là người được khuyến khích vào cái ghế này nhất. Nhưng ông Tô Lâm có quá nhiều “phốt”, trong đó có những vụ nước ngoài đều biết như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hay vụ ăn “bò dát vàng” ở London. Ông Tô Lâm cũng lại dính tới mấy vụ khác, chưa kể trong “Tứ trụ” mà đến “hai trụ” đều là mật vụ và an ninh thì cái bản chất “công an trị” của chế độ hơi bị bộc lộ.

Mặt khác, chính ông Tô Lâm cũng chẳng dại gì ngồi vào ghế Chủ tịch nước, tiếng là “lên” mà thật ra là không còn quyền lực nhiều như bên Công an, hơn nữa giống như hổ bị đưa ra khỏi rừng. Làm ngành công an, vừa bị chuốc lấy sự căm hờn vì đã thẳng tay đàn áp xã hội dân sự, vừa tích cực hỗ trợ ông Trọng “khui” ra bao nhiêu vụ án tham nhũng của các “đồng chí”. Ân oán từ mọi giới quá nhiều, ngồi ở ghế Chủ tịch nước sẽ khó mà an toàn. Vả chăng, cái ghế Chủ tịch nước dường như đang bị cái “dớp” xui xẻo, hết Trần Đại Quang chết vì “bệnh lạ”, đến Nguyễn Xuân Phúc phải rời ghế, nên an toàn hơn cả, Tô Lâm cám ơn Tổng bí thư “đã có nhời” nhưng ông quyết định ngồi lại ghế cũ cho nó lành.

Nếu được phép diễn giải mà không ngại bị quy chụp bởi các điều luật hình sự 117 hay 331, thì có lẽ người chấp bút soạn diễn văn mà tân Chủ tịch nước đã đọc liền mạch ngay sau nghi thức tuyên thệ, đang muốn “vuốt ve” ngài tân Chủ tịch nước bằng một ngôn ngữ thơ ca của “ý tại ngôn ngoại” mang tính dân túy. Vì sao lại chọn bốn câu thơ: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồi hôi cùng sôi giọt máu/ Cùng sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao?” (Xuân Diệu).

Một nhà báo nữ đã bình phẩm thế này: Với bốn câu thơ ấy, có nghĩa là sắp tới đây ngài Chủ tịch sẽ cùng nếm cái hoang mang của hàng vạn công nhân trong làn sóng thất nghiệp. Ngài cũng sẽ toát mồ hôi giữa cái nắng chói chang của đội quân xe công nghệ. Và dĩ nhiên lúc đó ngài sẽ thấu cái đói rã ruột của bao kẻ cơ nhỡ ở chốn hè phố…

Về phương diện quốc tế, các nhà phân tích coi việc “đắc cử” của ông Thưởng là dấu hiệu của sự liền mạch trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam. “Sẽ không có thay đổi lớn nào đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam sau khi ông Thưởng đắc cử”, ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp và chuyên gia về Việt Nam tại ISEAS cho biết. Một nhà đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam phát biểu, việc đắc cử của ông Thưởng đã chấm dứt tình trạng không chắc chắn sau khi Chủ tịch nước Phúc bất ngờ bị cách chức. Ông nói: “Điều đó có nghĩa là sự ổn định và khả năng dự đoán được của nền chính trị Việt Nam đã được phục hồi”.
thuytrieu
Posts: 90
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:09 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by thuytrieu »

Có phải Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh chết vì đột quỵ?

Phạm Vũ Hiệp
5-3-2023
Trưa ngày 4-3-2023, đồng loạt các báo quốc doanh đưa tin, ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, bị đột quỵ và tử vong.

Theo báo cáo của bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành Hồ, cho biết, lúc 6h30 sáng 4-3-2023, nhận được tin báo từ gia đình, đơn vị cho xe đến nhà đưa ông Trần Văn Minh trong tình trạng “ngưng tim, ngưng thở” vào viện. Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa ông Minh trong 3 giờ nhưng không thành công. Hồ sơ bệnh án tại bệnh viện ghi rõ “ngưng tim, ngưng thở” trước khi vào viện.
Image
Chân dung Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Nguồn: Báo Thanh tra

Thăng tiến và bê bối

Trần Văn Minh sinh năm 1967, quê xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông thi rớt đại học, sau đó học chuyên tu, lên tới học vị Tiến sĩ Kinh tế.

Năm 2007, Trần Văn Minh là Thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ (TTCP) được Tổng TTCP Trần Văn Truyền bổ nhiệm chức Trưởng phòng Theo dõi chống tham nhũng. Đây là “phòng ma” vì không có trong biên chế, không có nhân viên.


Năm 2008, Trần Văn Minh được bổ nhiệm chức Phó Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực 3 – thuộc Thanh tra Chính phủ. Cũng thời gian này, Trần Văn Truyền cho “xoá sổ” Phòng Theo dõi Chống tham nhũng.

Ngày 14-7-2010, Trần Văn Minh được Trần Văn Truyền bổ nhiệm giữ chức “Hàm” Cục trưởng Cục 3. Điều lạ lùng là, thời điểm này Cục 3 đang có ông Võ Văn Đồng làm Cục trưởng. Ông Minh tráng men chức “Hàm” Cục trưởng được đúng 7 ngày thì vọt lên chức khác.

Ngày 21-7-2010, Tổng TTCP Trần Văn Truyền ký quyết định điều động Trần Văn Minh sang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại đây, ông Minh giữ chức Vụ trưởng Vụ Đơn thư – Tiếp đảng viên và công dân.


Trong “phi vụ”này, nội bộ đồn đoán rằng ông Truyền “ăn rất dày” để bán chức cho ông Minh. Bất bình trước vấn nạn chạy chức chạy quyền công khai của cặp Trần Văn Truyền – Trần Văn Minh, ông Lê Văn Tỵ, (tên thường gọi Năm Tỵ), hàm Phó Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3, đã gởi rất nhiều đơn Tố cáo đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ươmg và Ban Tổ chức Trung ương, nhưng sự việc chìm xuồng.

Ngày 14-1-2019, chán nản và mất niềm tin, ông Lê Văn Tỵ làm đơn gởi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin ra khỏi đảng. Năm Tỵ là sĩ quan công an cấp tá, từng được Mai Chí Thọ, cựu Bộ Trưởng Bộ Công an, tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ đặc biệt. Sau vụ án Năm Cam, ông Tỵ được biệt phái sang Thanh tra Chính phủ.

Tháng 3-2014, Trần Văn Minh nằm trong danh sách 44 cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương. Ông Minh được bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Image
Từ trái qua: Võ Văn Thưởng (lúc đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi), Trần Văn Minh (tân Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi năm 2014) và Trần Văn Minh, Phó Ban Tổ chức Trung ương (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng). Ảnh: Báo TN

Tháng 1-2019, ông Trần Văn Minh được Thủ tướng bổ nhiệm làm Phó tổng thanh tra Chính phủ. Ông Minh được giao nhiệm vụ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (gồm 18 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên). Ông Minh cũng trực tiếp phụ trách Vụ III, Cục II, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra. Xem ra, quyền lực và bỗng lộc đến với ông Minh ngút trời.
Image
Ảnh: Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trao QĐ bổ nhiệm Phó Tổng TTCP cho Trần Văn Minh ngày 23-1-2019. Nguồn: VPG
Treo cổ tự tử

Thông tin nội bộ cho hay, ông Trần Văn Minh đã treo cổ tự tử tại nhà riêng vào rạng sáng ngày 4-3-2023. Gia đình phát hiện nên cắt dây, hô hấp nhân tạo và gọi điện thoại cho bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Khi xe cấp cứu đến nơi, bác sĩ xác định ông Minh đã chết, trạng thái “ngưng tim, ngưng thở”, nhưng chìu theo ý gia đình, vẫn đưa vào bệnh viện để “còn nước, còn tát”.

Hiện nay cơ quan điều tra công an đang vào cuộc, theo hướng bịt miệng và dẫn dắt dư luận đi theo thông tin chính thống của đảng, là ông Trần Văn Minh tử vong do đột quỵ vì bệnh lý.

Tuy nhiên, thông tin rò rỉ cho hay, ông Minh đã nhận hàng chục tỷ đồng từ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các quan chức tại các tỉnh thành. Vụ việc đang bị các cơ quan nội chính của đảng soi kỹ, nên ông Minh bị dồn đến đường cùng. Ông Trần Văn Minh cùng với ông Nguyễn Văn Hùng, đều là nhóm theo phe cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, chiều ngày 21-11-2022, tại trụ sở Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng đã nhảy lầu và tử vong tại chỗ. Cái chết của ông Hùng cũng được cho là bị các đồng chí của ông ta bức tử, vì liên đới đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Những năm gần đây, quan chức cấp cao của đảng và nhà nước đã thể hiện sự “dũng cảm và kiên trung” của họ. Khi bị thanh trừng vì bê bối tham nhũng, nguy cơ dẫn đến mất chức, mất quyền hoặc bị truy tố, các đảng viên cộng sản chọn cách đi về địa phủ theo Mác – Lê Nin, để không phải bị điều tra, truy tố, đối diện với án tù nhiều năm, lại còn mất sạch của cải. Họ chọn cái chết, vừa giữ được “thanh danh”, vừa giữ được của cải, để lại cho vợ, con.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Cả thế giới quay lưng với Putin, chỉ còn Tập ở lại
Tập không ưa gì Putin. Nhưng ông ta cần Putin để củng cố quyền lực và đối phó với thế giới dân chủ.
Mai Vũ Phạm
22 tháng 3, 2023



Image
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng Thống Putin tại Điện Kremlin ngày 20 Tháng Ba, 2023. Ảnh: Shen Hong/Xinhua via Getty Images
Trưa Thứ Hai, 20 Tháng Ba (giờ địa phương), chiếc Boeing 747 chở Tập Cận Bình đáp xuống phi trường Vnukovo International Airport. Tuy nhiên, người đứng chờ để chào đón Chủ tịch Trung Quốc bước ra khỏi phi cơ không phải là Tổng Thống Vladimir Putin như lời “người” đã hứa, mà đó, là một trong 10 phó thủ tướng của Nga, ông Dmitry Chernychenko – phụ trách vấn đề du lịch, thể thao, văn hoá.
Image
Trưa Thứ Hai, 20 Tháng Ba (giờ địa phương), chiếc Boeing 747 chở Tập Cận Bình đáp xuống phi trường Vnukovo International Airport. Ảnh: Xie Huanchi/Xinhua via Getty Images

Trong chương trình Fox News Sunday, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, John Kirby, cho biết Nga và Trung Quốc “là hai quốc gia đang chống lại trật tự quốc tế” mà Hoa Kỳ và rất nhiều đồng minh đã xây dựng kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến.

Theo ông Kirby, “Hoa Kỳ sẽ thận trọng theo dõi diễn tiến từ cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin trong tuần này tại Nga.” Phát biểu trên chương trình ‘Face the Nation’ của CBS, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia thời chính quyền Trump, H.R. McMaster, nhấn mạnh tình bằng hữu của Tập Cận Bình và Putin ngày càng bền chặt hơn bao giờ hết.

Image
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby trong chương trình “Fox News Sunday” tại trụ sở đài truyền hình FOX News D.C. hôm 19 Tháng Hai, 2023. Ảnh: Shannon Finney/Getty Images

Nga và Trung Quốc thân thiết ra sao?

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày càng thân thiết trong những năm gần đây, tuy nhiên không phải lúc nào cũng khăng khít như vậy. Trong thập niên 1960, Trung Quốc và Nga từng là đối thủ gay gắt và đã đụng độ nhau vào năm 1969 vì tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới.

Dưới thời Lê Duẩn thập niên 1970, Việt Nam chọn đứng về phía Liên Xô và xa rời Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc đã mất đi khả năng can thiệp và gây ảnh hưởng đến các quyết định của chế độ cộng sản Hà Nội. Lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, Đặng Tiểu Bình, đã giải thích lý do xâm lược Việt Nam năm 1979: “Việt Nam là một đứa trẻ không nghe lời và cần bị đánh đòn.”

Trung Quốc và Nga không ký cam kết bảo vệ lẫn nhau bằng quân sự. Nhưng hai quốc gia này lại là đối tác chiến lược thân thiết khi cả hai đều xem thể chế dân chủ là mối đe dọa đối với quyền lực. Tập Cận Bình thường mô tả Putin là người bạn thân nhất của mình. Vào sinh nhật lần thứ 66 của Tập năm 2019, Putin đã tặng Tập một chiếc bánh và một hộp kem khổng lồ.

Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga tăng cường đáng kể kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào Crimea, Ukraine năm 2014. Lúc đó, Trung Quốc đã giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt do chính quyền Obama áp đặt nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của Nga.
Image
Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga tăng cường đáng kể kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào Crimea, Ukraine năm 2014. Trong hình là chuyến viếng thăm Nga ba ngày vào Tháng Sáu, 2019 của Tập Cận Bình. Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images

Trước các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga sau khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine vào năm ngoái, Trung Quốc đã giúp cung cấp nhiều sản phẩm mà Nga trước đây đã mua từ các nước đồng minh phương Tây, bao gồm vi mạch điện tử , điện thoại thông minh, và nguyên liệu thô cần thiết cho thiết bị quân sự. Tổng thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng mạnh trong năm ngoái.


Trung Quốc và Nga đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung. Năm ngoái, khi Tổng thống Biden tới Tokyo, máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã phối hợp thực hiện một phi vụ gần không phận Nhật Bản để phô trương lực lượng. Bộ Quốc Phòng Nhật sau đó cũng cho biết một tàu khu trục của Trung Quốc và Nga cũng đã đến gần cụm đảo Senkaku, nơi mà cả Trung Quốc và Nhật Bản cùng khẳng định chủ quyền.

Tập Cận Bình muốn gì từ Putin?

Tập Cận Bình muốn Putin đứng cùng chiến tuyến để đối đầu với sự thống trị của Hoa Kỳ và đồng minh. Trong một bài viết đăng trên một tờ báo Nga trước chuyến thăm Nga, Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Nga cần hợp tác chặt chẽ để vượt qua các thách thức đối với an ninh quốc gia, bao gồm “các hành vi bá quyền, thống trị và bắt nạt gây thiệt hại.”

Từ khi lên nắm quyền, Tập đã theo đuổi lập trường cứng rắn chống lại nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo Giám đốc nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc tại Viện Brookings, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang theo đuổi chiến lược chiếm ưu thế toàn cầu và tìm cách áp đặt phiên bản trật tự toàn cầu của nước này, bằng cách khiến nhiều quốc gia phải phụ thuộc vào Trung Quốc và tách châu Âu ra khỏi Hoa Kỳ.

Mục tiêu lâu dài của Nga và Trung Quốc ?

Mục tiêu tối thượng của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga là để củng cố quyền lực và phá hoại các nền dân chủ. Theo báo cáo của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP), Nga và Trung Quốc đẩy mạnh việc tận dụng công nghệ mới nổi, đặc biệt trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), để theo dõi và đàn áp bất đồng chính kiến, cũng như lan truyền các thông tin sai lệch và định hướng dư luận.

Putin đã chủ động cải tổ và đặt ra các quy định mới để tạo điều kiện cho Dịch Vụ An ninh Liên bang (Federal Security Service) dễ dàng thu thập, phân tích, và lưu trữ tất cả các hình thức liên lạc thông qua mạng Internet ở Nga. Theo dự án Computational Propaganda Project của Đại học Oxford, chính phủ Nga tận dụng công nghệ thông tin để định hướng dư luận nhằm tranh thủ sự ủng hộ với chế độ Putin.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phần nào thành công sử dụng công nghệ số để củng cố quyền lực. Mặc dù Internet đã giúp giới bất đồng chính kiến phơi bày bộ máy độc đoán của Trung Quốc, nhưng các công nghệ mới nổi đã giúp ĐCSTQ còn kinh khủng hơn nữa. Tăng cường kiểm duyệt, tuyên truyền, và giám sát các hoạt động của các nhà hoạt động đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết đối với ĐCSTQ.
Image
Cuốn sách của Tập Cận Bình trưng bày ở Hội chợ Sách Quốc tế Non/fiction22, vào ngày 25 Tháng Ba, năm 2021 tại Moscow, Nga. Khoảng 300 nhà xuất bản từ 29 quốc gia đã giới thiệu sách của họ tại triển lãm sách hàng năm ở Gostinny Dvor, gần điện Kremlin. Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images

Theo Cơ quan Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), bức Tường lửa Vĩ đại (Great Firewall ) của hệ thống Internet bị kiểm duyệt ở Trung Quốc ngày càng được hiện đại hóa để giám sát hoạt động của người dùng, định hình thông tin, và theo dõi thói quen hàng ngày của người dân.

Điều này được kết hợp với một hệ thống giám sát và nhận dạng khuôn mặt được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo, theo dõi các hoạt động ngoại tuyến, được kích hoạt bởi các camera quan sát ở mọi góc đường của các thành phố Trung Quốc. Đáng ngại hơn, năm 2014, ĐCSTQ đã công bố hệ thống kiểm soát che đậy dưới danh nghĩa “tín dụng xã hội” (Social Credit System – SCS) để theo dõi những gì người dân đăng tải, tiếp cận với ai, hoặc quan tâm tới vấn đề gì trên mạng xã hội.

Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn tích cực ‘xuất khẩu’ công nghệ giám sát tới hàng loạt các quốc gia khác ở châu Phi, châu Á, và châu Mỹ Latinh. Chiến lược này của Bắc Kinh không chỉ mang tới lợi ích thương mại, nhưng còn tạo ra sự phụ thuộc vào công nghệ và cung cấp dữ liệu cho Trung Quốc. Ví dụ, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã giúp chính phủ Zambia truy cập điện thoại và Facebook của một nhóm các blogger ủng hộ phe đối lập, dẫn đến việc họ đã bị an ninh bắt giữ.

Tập không ưa gì Putin. Nhưng ông ta cần Putin để củng cố quyền lực và đối phó với thế giới dân chủ. Mặc dù Putin và Tập có chiến lược khác nhau, nhưng cả hai cùng đoàn kết trong một mục tiêu chung: biến thế giới thành một nơi an toàn hơn cho độc tài chuyên chế. Bởi thế, một trong những điều giản dị, nhưng tối quan trọng mà thế giới dân chủ có thể làm để gửi thông điệp mạnh mẽ cho Tập và Putin: hợp tác chặt chẽ cùng nhau để bảo vệ nền dân chủ non trẻ Ukraine.

Ukraine không chỉ đấu tranh cho tự do của mình, mà còn cho thế giới dân chủ. Hầu hết chuyên gia đều nhận định rằng kẻ thù Ukraine cũng chính là kẻ thù của liên minh dân chủ. Bảo vệ Ukraine là bảo vệ các giá trị cao đẹp của thế giới dân chủ tự do. Dân chủ không thể tự tồn tại trước những lãnh đạo độc tài như Tập và Putin. Sự tồn tại của dân chủ phụ thuộc vào sự liên kết có chiến lược và liên tục từ các nhà lãnh đạo, các tổ chức dân sự, và đông đảo cử tri ở Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Mỹ sẽ tấn công trước nếu Iran sớm có vũ khí hạt nhân?
Lê Tây Sơn
26 tháng 3, 2023

Image
Ali Akbar Salehi, Giám đốc Cơ quan nguyên tử năng Iran trong lễ động thổ nhà máy hạt nhân Bushehr ngày 10 Tháng Mười Một 2019 (ảnh: Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images) (Photo by Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images)
Iran chỉ cần vài tháng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley vừa lên tiếng cảnh báo. “Cửa sổ thời gian” để Mỹ phản ứng ngắn hơn nhiều so với các ước tính trước đó.

Tuyên bố mang tính cảnh báo cao

“Iran chỉ cần vài tháng để chế tạo vũ khí hạt nhân nếu Tehran chọn sản xuất một quả bom hạt nhân” – Tướng Mark Milley nhận định trước Quốc hội vào thứ Năm, 23 Tháng Ba. Đánh giá của tướng Milley đã cung cấp một ước tính mới và ngắn hơn đáng kể so với các ước tính của tình báo phương Tây về việc Tehran trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân nhanh như thế nào.

Cảnh báo cũng làm tăng thêm sự lo ngại về những tiến bộ trong chương trình hạt nhân Iran. “Tính từ thời điểm một quyết định sản xuất được đưa ra, Iran có thể sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân trong chưa đầy hai tuần và sẽ chỉ mất thêm vài tháng để sản xuất một vũ khí hạt nhân hoàn chỉnh” – Tướng Mark Milley lưu ý trước Tiểu ban Chuẩn chi Quốc phòng Hạ viện (House Appropriations Subcommittee on Defense).

Tuyên bố đó đã vang vọng những đánh giá gần đây của một số quan chức Mỹ rằng Tehran chỉ cần vài ngày tái khởi động chương trình hạt nhân là có đủ vật liệu uranium “cấp độ vũ khí” (uranium cấp độ vũ khí được coi là có độ tinh khiết 90%) để chế tạo một quả bom hạt nhân.

Xong phần vật liệu là câu hỏi quan trọng: Cần bao lâu để quốc gia Hồi giáo này sản xuất xong một vũ khí hạt nhân? Có nghĩa là Mỹ (và Israel) có bao nhiêu thời gian để ra tay trước? Tuyên bố của tướng Milley đi kèm với cảnh báo: “Theo hiểu biết tốt nhất, chúng tôi không tin nhà lãnh đạo tối cao ở Iran vẫn chưa đưa ra quyết định tiếp tục chương trình vũ khí họ đã đình chỉ hoặc dừng vào cuối năm 2003. Nhưng Mỹ không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân tác chiến. Quân đội Mỹ đã đưa ra nhiều lựa chọn để lãnh đạo xem xét nếu Iran quyết định phát triển một vũ khí hạt nhân như thế”.

Ngày thứ Hai, 20 Tháng Ba, các cơ quan tình báo Mỹ thừa nhận Tehran đang thực hiện các bước cần thiết để biến vật liệu phân hạch thành một quả bom hạt nhân. Các cuộc đàm phán tái lập Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 mà Mỹ đã rút ra vào thời chính quyền Trump năm 2018 đã bị đình trệ vào năm ngoái. Iran luôn nói chương trình hạt nhân của họ là hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình.

Sẽ tấn công trước!

Tuy nhiên, khó có ai tin tuyên bố này vì Iran là quốc gia phi hạt nhân duy nhất có trong tay uranium được làm giàu hơn 60%. Năm 2015, cơ quan nguyên tử của Mỹ ra kết luận “Tehran theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân ít nhất cho đến năm 2003”.

Trong quá khứ, các quan chức Mỹ thường tránh xa những nhận xét của dư luận về việc Iran sẽ mất bao lâu để chế tạo xong vũ khí hạt nhân đầu tiên nếu quyết định sản xuất. Tuy nhiên, họ tin Tehran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân trong khoảng một năm. Các quan chức phương Tây khác cũng có suy nghĩ tương tự.

Vào Tháng Một, 2020, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian dự báo “Iran có thể mất từ một đến hai năm để chế tạo vũ khí hạt nhân”. Một số quan chức Israel cũng đưa ra khung thời gian tương tự. Vào Tháng Mười Hai, David Albright, cựu thanh tra viên vũ khí và là Chủ tịch của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (Institute for Science and International Security) tuyên bố: “Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân thô đầu tiên trong vòng sáu tháng!”.

Tuy nhiên, những người khác vẫn giữ quan điểm rằng, phải mất từ một đến ba năm để Iran hoàn thiện một vũ khí hạt nhân đúng nghĩa. “Không còn nghi ngờ gì về việc Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân dễ dàng khi đã có vật liệu phân hạch đạt yêu cầu, nhưng tôi không chắc họ có thể làm nhanh thế nào – Gary Samore, Giám đốc trung tâm Crown Center for Middle East Studies thuộc Brandeis University và là cựu quan chức Toà Bạch Ốc trong chính quyền Obama nhận định – Chúng ta cũng không biết Iran đã khởi động lại và nghiên cứu phát triển xong những gì họ đang làm trước năm 2003”.

Henry Rome, thành viên cao cấp tại viện Washington Institute for Near East Policy nhận định: “Một đột phá về thời gian sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran sẽ tác động mạnh lên các nhà hoạch định chính sách. Nếu thời gian ‘cửa sổ’ tính theo tháng, sự việc sẽ gây thêm áp lực lên quyết định ngăn chặn trước”. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Toà Bạch Ốc cũng không đưa ra ý kiến về nhận định của tướng Milley mà chỉ nói: “Trong quá khứ và hiện tại, Mỹ luôn khẳng định không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân. Chúng tôi tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để đạt mục tiêu đó, nhưng Tổng thống Biden cũng nói rất rõ, tất cả các lựa chọn đều được tính đến”.
quangminh
Posts: 548
Joined: Thu May 27, 2010 1:54 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by quangminh »

Phần Lan gia nhập NATO: Thêm một thất bại của Putin!
Mai Vũ Phạm
8 tháng 4, 2023

Image
Quân nhân Phần Lan cắm quốc kỳ của quốc gia này tại Trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ vào ngày 04 Tháng Tư năm 2023. Phần Lan chính thức gia nhập NATO vào thứ Ba, 4 Tháng Tư, khi Bộ trưởng Ngoại giao Pekka Haavisto trao hiệp ước gia nhập đã ký cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Dursun Aydemir/Anadolu Agency via Getty Images)

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc công bố tháng trước Finland (Phần Lan) vẫn tiếp tục giữ vững vị trí “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.” Đây là năm thứ sáu quốc gia này liên tiếp giữ vị trí số một. Các chuyên gia sử dụng một số yếu tố để đánh giá mức độ hạnh phúc, bao gồm sức khỏe thể chất và tinh thần, chính phủ không tham nhũng và hoạt động hiệu quả.

“Mục tiêu cuối cùng của chính trị và đạo đức phải là hạnh phúc của con người“, Jeffrey Sachs, một trong những tác giả của báo cáo, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ cho biết.

Khi chính quyền của một quốc gia đặt lợi ích, an toàn, và hạnh phúc của toàn dân là mục tiêu tối quan trọng, đó mới thực sự là một chính quyền “do dân, vì dân.”

Hạnh phúc nhân đôi

Từng là một phần của đế chế Nga, Phần Lan lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Putin. Phần Lan hiểu rất rõ về Nga, vì nước này từng là nạn nhân của cuộc tấn công vũ lực của Moscow trong Chiến tranh Mùa đông 1939-1940. Kết quả là Phần Lan đã để mất khoảng 10% lãnh thổ vào tay Moscow. Kể từ đó, Phần Lan chọn thái độ trung lập vì nghĩ rằng đây là cách tốt nhất để tránh “chọc tức” Nga. Nhưng cuộc xâm chiếm Ukraine của Putin đã gửi một thông điệp rõ “như ban ngày” tới các nước láng giềng, trong đó có Phần Lan, rằng Putin có thể đơn phương đổ quân xâm lược quốc gia khác.
Image
Liên Hợp Quốc công bố tháng trước Finland (Phần Lan) vẫn tiếp tục giữ vững vị trí “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.” (Ảnh: Sergei Gapon/Anadolu Agency via Getty Images)

Theo thăm dò trong nước, ngay sau cuộc xâm chiếm của Nga với Ukraine, khoảng 78% người dân Phần Lan ủng hộ nước này gia nhập NATO. Niềm hạnh phúc của người dân Phần Lan vừa được nhân đôi khi nước này chính thức trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự NATO (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – North Atlantic Treaty Organization) vào ngày 4 Tháng Tư năm 2023. Quá trình gia nhập NATO của Helsinki đã diễn ra nhanh chóng, mặc kệ đe dọa của Nga.

Tầm quan trọng chiến lược của NATO

Một trong những mục tiêu khi Putin đổ quan xâm lược Ukraine vào cuối Tháng Hai năm ngoái là để ngăn cản Ukraine gia nhập NATO – liên minh quân sự quan trọng nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc xâm lược bất hợp pháp của Putin với Ukraine, mà phần lớn thế giới lên án, đã khiến NATO trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Năm 1949, liên minh Hoa Kỳ, Canada, và một số quốc gia Tây Âu ký hiệp ước tạo ra liên minh quân sự NATO nhằm chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô dưới thời Stalin. Mặc dù Liên Xô đã sụp đổ hơn 30 năm, NATO vẫn được duy trì và hoạt động tích cực. Những can thiệp tiêu biểu của NATO gần đây bao gồm dẫn đầu nỗ lực can thiệp vào Afghanistan và giúp lật đổ chính quyền Slobodan Milošević ở Nam Tư.

Một trong những nguyên tắc sáng lập và tối quan trọng của NATO là phòng thủ tập thể, thể hiện trong Điều khoản số 5, quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.” Và tất cả các thành viên của NATO sẽ hỗ trợ nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy “ngay lập tức.” Thêm nữa, Điều 5 quy định rằng hành động đáp trả có thể là phản đối ngoại giao, hoặc một cuộc chiến tranh vũ trang nếu cần thiết để khôi phục và duy trì an ninh.


Phần Lan được gì về mặt chiến lược khi gia nhập NATO?


Phần Lan hiểu rất rõ tầm quan trọng chiến lược của liên minh quân sự NATO. Là thành viên chính thức của NATO sẽ giúp quốc gia này có được sự bảo đảm về an ninh trước âm mưu bành trướng của Nga. Fabrice Pothier, thành viên tư vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ tạo ra một loại “bức tường chắn” bao quanh Nga, bắt đầu từ Bắc Âu với Phần Lan và tiến dần về phía Đông, nơi NATO đang tăng cường sự hiện diện quân sự sau khi Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, Phần Lan hiện chưa yêu cầu NATO triển khai quân đội trên lãnh thổ nước này trong thời điểm hiện tại.

Tin Phần Lan gia nhập NATO được các quốc gia trong khối này chào mừng và hoan nghênh nồng nhiệt. Ngoại trưởng Vương Quốc Anh, James Cleverly, giải thích sự hiện diện của liên minh dân chủ là để đối phó “với sự ngu ngốc của Putin, cuộc xâm lược toàn diện điên rồ của ông ta vào Ukraine.” Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh: “NATO an toàn hơn nhờ Phần Lan, và Phần Lan an toàn hơn nhờ NATO. Bước tiếp theo trong nhiệm vụ của chúng tôi là hoàn thành quá trình đã bắt đầu và đảm bảo rằng Thụy Điển cũng được gia nhập với tư cách là một đồng minh NATO càng sớm càng tốt.”
Image
Tin Phần Lan gia nhập NATO được các quốc gia trong khối này chào mừng và hoan nghênh nồng nhiệt. (Ảnh: Zheng Huansong/Xinhua via Getty Images)

Putin đã hoàn toàn thất bại

Nếu như mục tiêu chính của Putin trong cuộc xâm lược Ukraine là để dạy Ukrain và các quốc gia láng giềng một bài học hãy tránh xa NATO, thì Putin đã hoàn toàn thất bại. Putin và đồng minh biện minh cho hành động Nga xâm lược Crimea, Georgia, Belarus… là do NATO dám mở rộng. Thực tế, các quốc gia thuộc khối Liên Xô đã lập tức tìm cách gia nhập NATO ngay sau khi liên minh cộng sản bị sụp đổ đầu thập niên 90s.

Giờ đây, NATO lại chào mừng sự gia nhập của Phần Lan – một quốc gia trong suốt hơn 75 năm, kể từ thời Liên bang Soviet và sau là thời Putin, đã duy trì trung lập vì không muốn khiêu khích Nga. Với sự gia nhập của Phần Lan, NATO đã kéo dài thêm 810 dặm đường biên giới với Nga. Với tình hình kinh tế và quân sự hiện tại, Moscow gần như không đủ tầm và sức để bảo vệ đường biên giới đó.

Tất nhiên, chính quyền Putin rất tức tối, cảnh báo sẽ thực hiện “các biện pháp trả đũa” để giải quyết các mối đe dọa an ninh do tư cách thành viên NATO của Phần Lan tạo ra. Tuy nhiên, Putin sẽ không dám và thậm chí không có khả năng đáp trả.

Bởi quân đội Nga hiện đang bị sa trong vũng lầy Ukraine, với nhiều thất bại thảm hại. Các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng quân đội Nga đã có hơn 200.000 người chết hoặc bị thương. Đáng lưu ý, Nga đang đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn và kiệt quệ. Theo nhóm nghiên cứu tại Đại học Yale danh giá của Hoa Kỳ, 1.000 trong số 1.200 nhà đầu tư doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu ở Nga hiện đã rút lui hoàn toàn khỏi nước này.

Thêm nữa, Putin dường như không nhận được nhiều hỗ trợ từ Tập Cận Bình trong lần gặp gỡ trực tiếp vừa qua. Nghiêm trọng hơn là tinh thần và ý chí tập thể của những người lính Nga ngày càng sa sút với các báo cáo đào ngũ và lạm dụng rượu. Sau hơn một năm Nga xâm lược Ukraine, Putin vẫn không thể chiếm được Bakhmut và các thành phố khác ở miền Đông Ukraine. Rõ ràng Nga khó giành được chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine.

Quốc kỳ xanh lam và trắng của Phần Lan tung bay cùng với 30 quốc gia khác tại trụ sở NATO hôm Thứ Ba là một đòn giáng rất đau với Putin, khi liên minh NATO ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết bất chấp mọi đe dọa vũ lực từ Nga. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, phát biểu việc Phần Lan từ bỏ vị trí trung lập để gia nhập NATO “là điều duy nhất chúng tôi có thể cảm ơn ông Putin.”

Có lẽ, nếu không có Putin và cuộc xâm chiếm phi pháp ở Ukraine, Phần Lan vẫn sẽ tiếp tục đứng ngoài NATO. Do đó, không ai làm tốt vai trò đoàn kết các thành viên NATO tốt hơn ngoài Putin. Lại một lần nữa, Putin hứng chịu thêm một thất bại cay đắng và chua chát.
phaodai
Posts: 80
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:06 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by phaodai »

Bao giờ chiến tranh Trung-Đài bắt đầu?
Tùng Phong


Image
Tập Cận Bình bắt đầu công du Moscow gặp Vladimir Putin ngày 20 Tháng Ba 2023 – trong ảnh là cuộc gặp ngày 4 Tháng Hai 2022 tại Bắc Kinh (ảnh: Kremlin Press Office/Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Chiến Tranh là Hòa Bình
Tự Do là Nô Lệ
Ngu Dốt là Sức Mạnh


War is Peace, Freedom is Slavery, Ignorance is Strength
(1984, George Orwell)

Không còn những lời lẽ ngoại giao bặt thiệp hay né tránh, thông điệp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày 10 Tháng Ba 2023 rõ ràng là một lời đe dọa và tuyên bố tình trạng chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Tần Cương, tân Ngoại trưởng Trung Quốc, đã cao giọng:

Nếu Hoa Kỳ không đạp phanh mà tiếp tục đi sai đường thì không có hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn cản việc trật bánh và chắc chắn sẽ xảy ra xung đột và đối đầu… Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện việc ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện Trung Quốc, điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của quốc gia chúng ta.

Tập Cận Bình, người đã bước ra khỏi cái bóng Mao Trạch Đông, trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước lần thứ ba, sau cuộc họp mang tính nghi thức của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vừa qua, đã hối thúc:


Lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải nhanh chóng nâng cấp lực lượng vũ trang lên các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới. Trung Quốc phải tối đa hóa khả năng chiến lược quốc gia của mình trong nỗ lực nâng cấp một cách có hệ thống sức mạnh tổng thể của đất nước để đối phó với rủi ro chiến lược, bảo vệ lợi ích chiến lược và thực hiện các mục tiêu chiến lược.

Thế đối đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ đã không ngừng gia tăng căng thẳng nhiều năm qua. Các nhà nghiên cứu chính trị, quân sự quốc tế nói về “bẫy Thucydides” và một cuộc chiến tranh ủy nhiệm hoặc thậm chí là đụng độ trực tiếp giữa hai đại cường ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông dường như đã rất gần. Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine dường như càng thúc đẩy nhanh hơn cỗ xe của thần Ares lao đến Đông Á. Trong hơn một năm quan sát cuộc chiến Nga-Ukraine, hẳn Tập Cận Bình và nội các chiến tranh của ông ta đã rút ra nhiều bài học về chiến thuật lẫn chiến lược trong các thế cờ của Tây Phương.
Image
Tại các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc luôn “bảo kê” cho các chính sách của Nga (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine về nhiều phương diện. Chỉ một năm sau khi bắt đầu cuộc chiến, Trung Quốc đã thâu tóm những phần bánh béo bở nhất thị trường nội địa Nga. Theo dữ liệu từ Counterpoint, các công ty Trung Quốc đã gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường điện thoại thông minh tại Nga, với 95% thị phần.

Đối với thị trường xe hơi, theo RIA Novosti, năm 2022, lượng xe hơi lớn nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc, với hơn 117,000 xe, tăng gần 40% so với năm trước đó. Tổng doanh số xe hơi Trung Quốc ở Nga lên đến 19.2%, qua mặt những hãng xe Tây Phương đã cắm rễ nhiều thập niên ở thị trường này. Việc các thương hiệu lớn Tây Phương rút đi đã tặng cho những doanh nghiệp Trung Quốc cơ hội ngàn năm có một.

Không chỉ hàng dân dụng. Khi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga phát huy tác dụng, nguồn linh kiện cho công nghiệp quốc phòng như mainboard, chip, màn hình LCD, kính viễn vọng hồng ngoại, thiết bị GPS, máy laser, camera phân giải cao… nhanh chóng cạn kiệt. Mức độ tiêu hao khủng khiếp trên chiến trường Ukraine khiến nhu cầu về mọi thứ từ vòng bi xe lửa, lốp xe tải, đạn pháo và súng bộ binh… cũng thiếu hụt nghiêm trọng.


Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến Iran, Trung Quốc, thậm chí cả Triều Tiên – những quốc gia luôn bị cho là ở “chiếu dưới”, để tìm nguồn cung thay thế. Nga bắt đầu phụ thuộc vào Trung Quốc hơn bao giờ hết về mọi mặt. Hẳn Putin phải nhượng bộ và đánh đổi nhiều bí mật quân sự, tài nguyên và thị trường, bán rẻ khí đốt, dầu thô cho Trung Quốc để đổi lại nguồn cung cấp quân nhu, vũ khí, đạn dược.

Trung Quốc cùng với Nga luôn song hành ở thế đối lập với phương Tây sau Chiến tranh Lạnh. Cặp tình nhân dị hợm này vừa là “đồng chí”, khi từng chia xẻ chung ý thức hệ Marxism và giờ đây gắn bó nhau bởi các lợi ích thực dụng của hai đế quốc; nhưng cũng vừa là cựu thù dai dẳng trong suốt tiến trình lịch sử từ Trung cổ tới cận đại. Cả hai đều hiểu rõ nhau, đều nghi ngờ và căm ghét nhau, nhưng đều cần nhau cho các mục đích riêng. Không ít lần họ cùng song ca khi biến diễn đàn lớn nhất thế giới LHQ thành sân khấu của những diễn viên độc tài, biến các tổ chức như Hội đồng Nhân Quyền, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… trở thành những chi bộ của Trung Quốc cộng sản đảng.
Image
Một nhân vật tự mãn như Putin dễ bị đánh lừa bằng những trò vuốt ve – ảnh: sách ca tụng Putin tại Trung Quốc (Sheldon Cooper/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine, Putin và Tập đã qua lại với nhau với tần suất nhiều hơn cả một cặp tình nhân và trao cho nhau những lời chúc phúc thắm thiết cho sự nghiệp “vinh quang bốn lần”. Cả hai đều tuyên bố quan hệ Trung-Nga là “không có giới hạn” và ủng hộ nhiệt thành các “lợi ích cốt lõi” của mỗi bên. Nói cách khác, Nga ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề đàn áp nhân quyền nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, về “chủ quyền” “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, đàn áp phong trào dân chủ ở Hong Kong và cả chủ trương thống nhất Đài Loan. Đổi lại, Trung Quốc ủng hộ Nga trong các cuộc chiến ở Crimea, Syria, xâm lược toàn diện Ukraine…

Trong quá khứ, cuộc đối đầu giữa hai đế quốc lục địa này từng là tâm điểm của Chiến Tranh Lạnh. Trung Quốc chưa bao giờ thôi nuối tiếc những vùng đất rộng lớn, giàu có tài nguyên ở Viễn Đông và một phần diện tích từng thuộc về Mãn Châu đã mất vào tay Nga dưới triều đại nhà Thanh. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng khó có thể quên “mối nhục 100 năm” và những gì người Nga đã làm với mình.

Năm 1935, đế quốc Đỏ Soviet đã gần như biến tỉnh Tân Cương phía Tây của Trung Quốc thành vệ tinh của họ. Cả hai từng nhiều lần triển khai hàng triệu quân dọc theo đường biên giới chung và đe dọa nhau bằng cả vũ khí hạt nhân. Vậy cớ làm sao Putin có thể tin rằng Tập Cận Bình sẽ che lưng cho ông ta và là một đồng minh đáng tin cậy? Hay nói như kiểu Việt Nam là làm thế nào mà Tập có thể xúi Putin “ăn cứt gà” khi mà mối quan hệ Trung- Nga có cả một lịch sử lâu dài là đại địch của nhau?
Image
Dù rất thông minh và lọc lõi, Putin dường như vẫn luôn đi sau Tập Cận Bình nham hiểm bội lần (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

So sánh về phong cách lãnh đạo, Putin và Tập là hai hình ảnh trái ngược. Trong khi giới tinh hoa thế giới đánh giá Tập là một chính trị gia cáo già đầy mưu mô thì Putin là tay võ biền, dù nham hiểm và thông minh, nhưng thích thể hiện bằng lời nói và hấp tấp trong hành động. Putin thích trích dẫn, cố diễn giải các quyết định chính trị dưới “góc nhìn văn hóa” của một sử gia.

Các bài diễn thuyết dài lê thê của ông ta thường xuyên phủ kín sóng truyền hình, nơi ông ta phô diễn khả năng hùng biện với lối lập ngôn dữ dội mang màu sắc mị dân. Trong hành động, Putin thích sử dụng nắm đấm, thích đe dọa “tắm máu”, và thường xuyên dùng chiến thuật “tống tiền”. Và cũng chính bởi yếu tố đó, Tập đã quỷ quyệt vuốt ve Putin để mượn tay Putin làm cho nước Nga suy yếu.

Trung Quốc có chiến thuật cổ xưa áp dụng cho các chính sách ngoại giao: Lấy “phiên” đánh “phiên” và “Ngũ bả”. Tự nhận là “trung tâm thế giới” và Hoàng đế là đấng Thiên Tử, Trung Quốc tự hào với nền văn minh ngàn năm và coi các quốc gia khác là “phiên”.


Các hoàng đế Trung Hoa khuất phục các “phiên” bằng “dây cương buông lỏng” và “dùng phiên trị phiên”, mua chuộc sự thần phục của các thủ lãnh “phiên” bằng sự giàu có, tráng lệ, hùng mạnh của “vương quốc trung tâm”. Ngày nay, lý thuyết và những thủ đoạn này vẫn hữu dụng và được các lãnh đạo Trung Quốc triệt để thi hành. “Cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Trung Quốc đã mua chuộc, thao túng các chính trị gia, các đảng phái, tổ chức chính trị lẫn phi chính phủ, giới truyền thông, giải trí trên thế giới để chiếm ưu thế trong mọi lĩnh vực.

Ban cho họ quần áo sặc sỡ và xe ngựa để làm mắt họ mù. Ban cho họ đồ ăn ngon để miệng họ câm. Ban cho họ âm nhạc và phụ nữ đẹp để làm tai họ điếc. Cung cấp các tòa nhà uy nghi, tráng lệ, các kho thóc và nô lệ để làm dạ dày họ no nê. Đối với những ai đến xin hàng, Hoàng đế ban ơn cho họ và mời họ dự tiệc tiếp đãi của triều đình. Tại đó, Hoàng đế phải đích thân mời họ rượu ngon, đồ ăn hấp dẫn để làm tâm trí họ lú lẫn. Đây gọi là “ngũ bả” (năm mồi nhử).

Cùng chiến thuật “phiên” đánh “phiên”, Trung Quốc còn áp dụng nghệ thuật cờ vây trong đối ngoại. Đó là một chiến lược bao vây toàn diện, dồn ép để triệt hạ đối thủ. Trên bàn cờ, mỗi bên sở hữu 180 quân cờ có giá trị tương đương nhau và có thể bắt đầu trên bất cứ điểm nào trên bàn cờ lưới 19×19. Trên bàn cờ, có thể cùng lúc có nhiều trận chiến, cán cân thay đổi liên tục với từng bước đi; và khi kết thúc, điểm biên lợi thế có thể rất nhỏ mà người chơi nghiệp dư khó lòng nhìn ra.

Kịch bản hoàn hảo nhất đối với Trung Quốc là một nước Nga suy yếu đủ để Bắc Kinh dễ dàng thao túng, nhưng không đến mức sụp đổ và rơi vào hỗn loạn. Với Bắc Kinh, giờ đây Putin vẫn còn giá trị sử dụng lớn, đặc biệt trong chiến thuật dùng phiên đánh phiên. Nga ngày càng kiệt quệ trong khi Tập thong thả nhấm trà và cân nhắc thế đánh kế tiếp trên bàn cờ vây.

Với sự vượt trội về kinh tế, dân số, được hậu thuẫn sức mạnh quân sự, Trung Quốc sẽ làm chủ từ Trung Á cho đến Viễn Đông, từ Biển Đông cho đến Thái Bình Dương. Trung Quốc còn nắm một thứ vũ khí vô hình đáng sợ: Một cộng đồng Hoa kiều đông đảo trải khắp các lục địa, với sức mạnh kinh tài cũng như sự đoàn kết đặc sệt văn hóa Trung Hoa.

Cuối cùng, với sự suy yếu của Nga, Trung Quốc sẽ lấn sâu vào vùng trung tâm theo sơ đồ của lý thuyết gia Halford Mackinder (1861-1947; người được xem là cha đẻ của học thuyết địa chính trị), lấy lại vùng Viễn Đông mà Nga đã gần như bỏ rơi nhiều thập niên sau sự sụp đổ của liên bang Soviet.

Qua thời gian, Trung Quốc sẽ thực sự là chủ nhân của đại lục địa Á – Âu với những vùng ngoại vi mở rộng bao trùm Trung Á, tiểu lục địa Ấn Độ, cùng với bán đảo Đông Dương. Với một cái đầu tham vọng như Tập Cận Bình, kẻ đã từ bỏ di sản chiến lược “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, ông muốn thấy “giấc mộng Trung Hoa” trở thành hiện thực ngay trong thời gian ông ta còn tại vị.
Image
Hải quân Đài Loan luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Với Tập, “không có gì là không thể”. Chính sách Zero Covid của ông ta rõ ràng mang tính tập quyền và bất chấp hậu quả. Nội các mới trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập là một cỗ máy chiến tranh trong đó mọi người, từ “tể tướng” đến các quan lớn nhỏ trong triều đình, đều tôn kính uy quyền “Thiên tử” của Tập một cách tuyệt đối. Chính bởi vậy, dù là một chính trị gia đầy mưu mô, Tập rồi cuối cùng có thể sẽ mắc kẹt trong “echo chamber” với những cuồng vọng hoang tưởng thống trị thế giới. Vào một ngày đẹp trời nào đó, khi thời tiết eo biển Đài Loan thuận lợi cho một cuộc đổ bộ, tiếng gầm của đại pháo sẽ vang lên rung chuyển thế giới?

“Tôi hy vọng là tôi sai, nhưng cảm nghĩ của tôi mách bảo rằng chúng ta sẽ tham chiến vào năm 2025”, tướng Mike Minihan, một trong những lãnh đạo của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã viết như vậy trong bản ghi nhớ ngày 1 Tháng Hai 2023.

Với Sa hoàng Putin và Hoàng đế Tập, đường vinh quang dường như nhất thiết phải luôn được “xây xác quân thù”! Với những kẻ như Tập và Putin, trong dòng chảy văn minh nhân loại, cỗ xe của thần Chiến tranh Ares phải lăn bánh, nghiền nát thế giới cũ và để hình thành nên “trật tự thế giới mới”, vì – như George Orwell đã mỉa mai bằng khẩu hiệu của đế chế hư cấu trong tác phẩm “1984” của ông – rằng: “Chiến Tranh là Hòa Bình. Tự Do là Nô Lệ. Ngu Dốt là Sức Mạnh”.

Tuy nhiên, biết đâu chừng, chiến tranh cũng lại là con đường ngắn nhất dẫn đến Hòa Bình cho Đông Á và là cơ hội cho những quốc gia dũng cảm được thoát thai, tái sinh và rũ bỏ những ràng buộc lịch sử? Chẳng phải chúng ta đang thấy điều đó ở Ukraine đó sao?
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by bichphuong »

30 Tháng Tư, lời xin lỗi muộn màng
Nguyễn Tiến Cường
28 tháng 4, 2023

Image
Những người lính cuối cùng của quân lực VNCH năm 1975 (ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)

Chỉ còn hai ngày nữa là kỷ niệm 48 năm ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay quân Cộng sản Bắc Việt. Tôi viết bài này như một lời xin lỗi muộn màng với dân tộc, đất nước. Lời xin lỗi phải chờ tới 48 năm sau mới đủ can đảm nói lên.

Khi cuộc chiến ngày càng khốc liệt vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, không thấy được những chết chóc, tàn bạo, những hiểm nguy rình rập từng giây, từng phút, từng ngày của người lính trong các binh chủng Bộ binh, Nhẩy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân… lúc hành quân, tôi thờ ơ với những bản tin chiến sự hàng ngày đăng kín trên các tờ báo, hay được radio, tivi tường thuật.

Vào lúc miền Nam sụp đổ, tôi chỉ là một sĩ quan nhỏ, cấp bậc Trung úy trong binh chủng Không quân, chỉ có nhiệm vụ huấn luyện, không trực tiếp tác chiến. Sau thời gian huấn luyện quân sự, chuyên môn, nằm ở hậu cứ ở các phi trường Tân Sơn Nhất, Nha Trang, Phan Rang, Đà Nẵng…, tôi vẫn bình thản ngày ngày bình yên đi ăn sáng trong các câu lạc bộ trong phi trường, chiều tối rảnh rỗi ra phố uống cà phê, đi xem xinê…


Chiến sự ngày càng dữ dội, tin tức về những trận đánh nhau với thương vong nặng nề từ cả hai phía không khiến tôi quan tâm, lo lắng. Tôi đọc tin tức, coi truyền hình, nghe radio những thiệt hại về nhân mạng, những tàn phá, nhà cửa, ruộng vườn của người dân ở các quận lỵ, địa điểm giao tranh với tâm trạng dửng dưng như chuyện của một đất nước, dân tộc nào xa xôi, không dính dáng, liên hệ gì với người Việt.

Những lần đi công tác trên các chuyến phi cơ, ngoài phi hành đoàn chỉ có vài người lính đi đưa tiễn những chiếc quan tài phủ cờ vàng bắt đầu có mùi hôi thối từ xác chết những người lính trận, tôi chỉ cảm thấy hơi khó chịu nhưng chưa bao giờ đặt câu hỏi: “Những người lính chết trận đang nằm trong đó, hy sinh cho ai, cho những điều gì?” Tự do, dân chủ, nhân quyền với tôi lúc đó thật mơ hồ.

Cho đến lúc vào tù “cải tạo”, những năm tháng bị tuyên truyền, nhồi sọ bởi cán bộ, vệ binh cộng sản, tôi mới dần dần ý thức được những điều mà những người lính hy sinh nằm trong những quan tài mà tôi đã thấy: Tại sao, họ chiến đấu vì cái gì! Mặc dù ngay cả những người lính chết trận đó chưa chắc đã ý thức, hiểu rõ được họ đang chiến đấu để chống lại cái gì. Họ chỉ biết họ đang chống lại kẻ thù có cùng màu da, tiếng nói…

Đi tù một thời gian, được phóng thích, tôi trở về Sài Gòn. Sống ở đô thị được ít lâu, tôi bỏ đi làm rẫy ngoài Long Thành để trốn tránh sự theo dõi, đe dọa của chính quyền quận Phú Nhuận – sau khi tố cáo sự lạm quyền của cán bộ trong ủy ban nhân dân quận trước khá đông đồng bào tại trường tiểu học Võ Tánh.

Càng ngày tôi càng hiểu biết rõ hơn về bản chất của chế độ cũng như con người cộng sản Việt Nam – một chế độ bất nhân, tàn bạo, thâm hiểm, gian manh, xảo trá cùng cực. Họ không những chỉ thâm độc, gian ác, lẻo lự, dối trá với người dân mà còn ngay cả với đồng chí, đồng đảng của họ. Không có việc gì tàn nhẫn, vô lương, xảo trá mà đảng viên đảng CSVN ngần ngại, run tay, không dám làm khi cần phải bảo vệ địa vị cá nhân cũng như sự tồn tại của đảng. Nguyên tắc “Còn Đảng, Còn Mình” đã giúp cho họ tồn tại đến ngày hôm nay.


Tiếc thay, sự hiểu biết của tôi đã quá trễ. Trễ như người dân miền Nam khi nhận ra được sự thật về bản chất người cộng sản, đứng đầu là Hồ Chí Minh. Nhận ra nhưng không làm gì được. Chế độ CSVN đã thành công trong việc thuần hóa người dân cũng như đào tạo được một lũ sai nha bảo vệ chế độ. Sự đói nghèo, khổ cực, bị trấn áp, cưỡng bức, đe dọa, tù đầy trong một thời gian dài 48 năm trên cả nước đã làm tê liệt ý chí phản kháng, đòi hỏi nhân quyền, sự công bằng xã hội của người dân.

Trong suốt thời gian 21 năm (1954-1975), người dân miền Nam đã hoàn toàn phó mặc việc chống lại sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt cho quân đội. Cho dù sự thất bại của miền Nam trước sự xâm lăng của CS Bắc Việt có nhiều lý do nhưng rõ ràng một trong những nguyên nhân đó là lãnh đạo của hai nền Cộng Hòa Đệ Nhất và Đệ Nhị rõ ràng không hề quan tâm đến đấu tranh chính trị, giảng giải cho người dân hiểu rõ về cộng sản.

Phim Chúng Tôi Muốn Sống của đạo diễn Vĩnh Nhân, với tài tử Lê Quỳnh, Mai Trâm, những bài báo của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong thập niên 1950 ở miền Bắc được tổng hợp bởi ông Hoàng Văn Chí… không gây được ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân chúng miền Nam vì không được truyền thông, báo chí chuyển tải, phổ biến rộng rãi. Chỉ một số ít người dân thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng… biết, xem về những phim ảnh, bài viết này.

Chế độ giáo dục nhân bản của miền Nam đã bị chế độ giáo dục nhồi sọ, sắt máu, tàn bạo của miền Bắc hủy diệt. Hậu quả thế nào thì mọi người đã thấy. Lỗi của ai? Lỗi của thế hệ chúng tôi, những thanh niên rường cột của đất nước đã không làm tròn được trách nhiệm, bổn phận? Đó là lỗi lầm do thiếu hiểu biết, thiếu năng nổ, thiếu tinh thần dấn thân, học hỏi, tìm hiểu. Đa số chỉ biết cầm súng chống trả lại kẻ thù một cách thật đơn giản, không có một định hướng, một tư tưởng chính trị làm nền tảng cho cuộc chiến đấu sống còn của mình.

Không có nhiều người trong lứa tuổi chúng tôi đặt câu hỏi với thế hệ đàn anh – Vì sao chúng ta chống cộng? Sự thiếu hiểu biết (về cộng sản) để có thể trả lời cho câu hỏi là một trong những nguyên nhân thất bại của miền Nam trong cuộc chiến Quốc-Cộng – Cái giá phải trả cho tự do trong một cuộc đối đầu với chế độ cộng sản mà hiểu biết của người dân miền Nam về họ quá giới hạn, ít ỏi và kém cỏi.

Cho dù thế nào đi nữa, ngày hôm nay hồi tưởng lại cuộc đời mình, những tháng ngày trong quân đội, trong ngục tù cộng sản, thời gian sống ở hải ngoại, tôi cảm thấy mình có lỗi với quê hương, đất nước, dân tộc. Bài viết này, kỷ niệm 48 năm đất nước rơi vào tay người cộng sản, xin được coi như lời Xin Lỗi Muộn Màng của một người dân đã không tròn nhiệm vụ với đất nước, dân tộc.

Nếu người dân miền Nam hiểu biết về cộng sản Bắc Việt như người dân Ukraine hiểu biết về cộng sản Nga, lịch sử Việt Nam ngày nay (có thể) đã khác. Rất tiếc là lịch sử không có chữ NẾU.

Một ngày cuối Tháng Tư.
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by lengoi »

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ chưa phân được thắng thua
Bình Phương
14 tháng 5, 2023



Image
Cử tri ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tụ tập chờ kết quả bầu cử trước trụ sở đảng AKP ở Istanbul đêm Chủ Nhật 14 tháng Năm 2023. Ông Erdogan đã lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ 20 năm, lúc đầu là thủ tướng, sau đó là tổng thống, nhưng uy tín của ông ta đang sút giảm vì khó khăn của nền kinh tế. Ảnh Jeff J Mitchell/Getty Images


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đối mặt với thách thức chính trị lớn nhất trong hơn 20 năm cầm quyền của ông ta: cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 và quốc hội diễn ra ngày Chủ Nhật 14 tháng Năm 2023.

Phiếu bầu của cử tri đang được đếm, nhưng đến rạng sáng ngày thứ Hai 15 tháng Năm giờ địa phương, hãng thông tấn nhà nước Anadolu thông báo ông Erdogan chỉ được hơn 49% số phiếu, mà theo luật ông ta phải giành được đa số phiếu mới tránh được một vòng bầu cử thứ hai.

Cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ Nhật 14 tháng Năm được cả thế giới theo dõi sát, vì nó có khả năng định hình lại các chính sách đối ngoại và đối nội của đất nước nằm vắt qua hai lục địa Âu-Á, một thành viên Liên minh NATO nhưng có chính sách khá độc tài. Thổ Nhĩ Kỳ có 84 triệu dân, là một trong 20 nền kinh tế lớn của thế giới và có quan hệ kinh tế chính trị trải rộng khắp các châu lục.

Hãng thông tấn Anadolu không cho biết đến rạng sáng thứ Hai đã có bao nhiêu phần trăm phiếu được kiểm nhưng nói ông Erdogan, 69 tuổi, giành được 49.49% số phiếu, còn đối thủ chính của ông, nhà chính trị đối lập Kemal Kilicdaroglu, 74 tuổi, được 44.79%. Nếu không ai trong hai ông này giành được đa số quá bán, một vòng bầu cử run-off sẽ được tổ chức sau hai tuần nữa, trong đó người nhiều phiếu hơn sẽ thắng.

Các chính trị gia đối lập dự đoán ông Kilicdaroglu sẽ dẫn trước ông Erdogan nhưng cũng không giành được đa số quá bán.

Xuất hiện lúc 2 giờ sáng thứ Hai trên ban-công tòa nhà là đại bản doanh của đảng Công Lý và Phát triển (AKP) cầm quyền – nơi ông tuyên bố đắc cử vào năm 2016, ông Erdogan nói với người ủng hộ rằng dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng ông và đảng AKP đang dẫn trước. Ông cũng nói ông sẵn sàng cho cuộc bầu cử run-off. Ông cam kết tôn trọng ý kiến của cử tri – một khẳng định đáp lại lời đồn đại rằng ông ta sẽ không rời nhiệm sở nếu bị thua cuộc.
Image
Xuất hiện cùng với vợ trên ban công tòa nhà của đảng AKP ở Ankara lúc rạng sáng, ông Erdogan nói ông đã sẵn sàng cho vòng bầu cử quyết định nếu không giành được đa số quá bán trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 14 tháng Năm 2023. Ảnh Yavuz Ozden / dia images via Getty Images

Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ lần này được giới quan sát chính trị coi như một cuộc trưng cầu dân ý về thành tích của ông Erdogan trong hơn 20 năm cầm quyền của ông ta và có nhiều dự đoán rằng người dân Thổ sẽ bỏ phiếu cho một sự thay đổi, cho một đường lối mới, nhân vật mới.

Cuộc bầu cử diễn ra chỉ ba tháng sau một vụ động đất kinh hoàng giết chết hơn 50,000 người ở miền Nam nước này. Dư luận Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, để thúc đẩy việc xây dựng nhà ở, chính quyền của ông Erdogan đã hạ thấp các tiêu chuẩn về xây dựng, nhà cửa được xây dựng dối trá và đã đổ sập hàng loạt khi động đất xảy ra, khiến nhiều người thiệt mạng như vậy.

Nhưng kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của người Thổ. Cuộc bầu cử rất căng thẳng một phần vì cử tri tức giận với tình trạng của nền kinh tế, với tỷ lệ lạm phát thường niên hơn 80% từ năm 2018, giảm xuống còn 44% vào tháng trước.

Người ta cũng lo ngại khi dưới quyền lãnh đạo của ông Erdogan, đất nước đang chuyển dần theo hướng độc tài toàn trị, xa rời các nguyên tắc của chế độ dân chủ.

Với thế giới phương Tây, ông Erdogan được coi là một đối tác khó đoán. Là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine nhưng ông Erdogan đẩy mạnh giao dịch thương mại với Nga và càng ngày càng thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thổ cũng là thành viên chống đối việc gia nhập NATO của Phần Lan, ngăn chặn nỗ lực mở rộng của Liên minh này.

Thân thiết với ông Putin, ông Erdogan lại ác cảm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong đêm trước bầu cử, ông Erdogan nói rằng, ông Biden muốn ông thất cử; ông thúc giục các ủng hộ viên của mình hãy “phản ứng” với tổng thống Mỹ. Mối ác cảm Erdogan-Biden, cũng như quan hệ khó khăn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể đã bắt đầu từ một nhận xét của ông Biden trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, trong đó ông Biden phê phán phong cách cai trị chuyên chế của ông Erdogan.

Ông Erdogan cũng rất tức giận khi Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake đã có cuộc tiếp xúc với ứng cử viên đối lập Kemal Kilicdaroglu vào tháng trước. “Chúng ta cần dạy cho Mỹ một bài học về cuộc bầu cử này,” ông Erdogan nói vào lúc đó và tuyên bố ông ta sẽ không bao giờ gặp Đại sứ Mỹ nữa.

Khi ông Erdogan có khuynh hướng độc tài, kết thân với Putin và bất đồng với các thành viên NATO khác, người Mỹ đã rất thất vọng. Một số nhà lập pháp Mỹ thậm chí còn muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO dù biết đó là việc làm lợi bất cập hại. Trước đây, khi chính phủ Erdogan quyết định mua hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 của Nga, bất chấp phản đối của các thành viên NATO khác, chính phủ Mỹ đã trả đũa bằng cách loại Thổ ra khỏi nhóm các quốc gia hợp tác để phát triển loại chiến đấu cơ tân tiến nhất của Mỹ F-35. Các quan chức Mỹ cho rằng hiện Thổ Nhĩ Kỳ cũng là kẻ trung gian môi giới cho Nga mua được các sản phẩm bị Phương Tây cấm vận, trong đó có các chip điện tử mà Nga rất cần để chế tạo vũ khí.
Image
Lãnh đạo phe đối lập Kemal Kilicdaroglu (giữa) cùng với thủ lĩnh của sáu đảng đối lập khác họp báo lúc rạng sáng ngày 15 tháng Năm khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử ngày hôm trước cho thấy không ứng cử viên nào được số phiếu quá bán. Ảnh Ugur Yildirim / dia images via Getty Images

Tuy thất vọng với chính quyền Erdogan nhưng Mỹ và các đồng minh cho rằng ông Erdogan vẫn là một đối tác quan trọng, giúp thương thảo những hợp đồng giữa Kyiv và Moscow cho phép nông sản Ukraine được xuất cảng từ các cảng biển ở Hắc Hải bị hải quân Nga phong tỏa.

Giới phân tích cho rằng, nếu ông Erdogan thất cử và Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lãnh đạo thì hai nước sẽ có cơ hội làm ấm lại mối quan hệ, lôi kéo Thổ quay lại với quỹ đạo phương Tây. Chính trị gia đối lập Kemal Kilicdaroglu, 74 tuổi, đại diện liên minh sáu đảng đối lập đã cam kết nếu đắc cử, ông ta sẽ cải thiện quan hệ với phương Tây, hoạch định chính sách qua các định chế dân chủ thay cho ý muốn cá nhân. Và do vậy trong cuộc bầu cử ông Kilicdaroglu được phương Tây đặt kỳ vọng nhiều hơn.
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Gây hỗn loạn Kremlin, một chiến thắng cho Kyiv
Lê Tây Sơn
18 tháng 5, 2023

Image
Chưa bao giờ cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức của Nga được tổ chức thảm hại như năm nay (ảnh: Vlad Karkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

“Trong hơn hai thập niên đưa tin về chế độ của Vladimir Putin tôi chưa bao giờ thấy Kremlin hỗn loạn như thế!” – Anna Nemtsova, phóng viên Daily Beast nói.

Một cuộc tấn công bí hiểm bằng máy bay không người lái đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Rồi một vụ đánh bom xe làm bị thương Zakhar Prilepin, kẻ ủng hộ tích cực cuộc xâm lược Ukraine. Và bốn máy bay quân sự Nga bị bắn hạ trong một ngày ngay bên trong biên giới Nga… Nếu Ukraine muốn làm rối tung giới lãnh đạo Nga thì họ đang làm rất tốt!

Những người theo dõi Kremlin không cần phải “bói” hoặc giải mã những phát ngôn khó hiểu từ giới lãnh đạo Nga để phát hiện những dấu hiệu của các âm mưu, vì tất cả đã được công khai qua “cái loa Yevgeniy Prigozhin”, người thân tín của Putin. Trong một số video gần đây, Prigozhin, người sáng lập đội quân đánh thuê Wagner, yêu cầu trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov. Ông ta đổ lỗi cho hai cộng sự thân cận của Putin không tái cung cấp cho quân đội của mình khiến hàng chục ngàn lính Wagner phải chết và bị thương. Prigozhin cũng cáo buộc binh sĩ quân đội chính quy Nga chạy trốn khỏi “cối xay thịt” Bakhmut, đổ lỗi cho các chỉ huy tội “phản bội tổ quốc”…

Với tình hình như thế, giới chức hàng đầu của Kyiv hẳn xoa tay vui sướng. Trong khi Kremlin phải chịu trách nhiệm chính về những rắc rối của tham nhũng và kém cỏi thì người Ukraine cũng đã và đang tìm mọi cách để làm suy yếu tinh thần và đào sâu hố chia rẽ trong nội bộ kẻ thù. Về mặt chính thức, Kyiv không thừa nhận tấn công bên trong nước Nga nhưng tiếng trống ăn mừng liên tục vang lên sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ quân sự, nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu.

Việc phía Ukraine công khai kế hoạch phản công vào mùa xuân một cách ồn ào và dai dẳng cũng có chủ ý, vì các nhà chiến lược quân sự giỏi thường không bao giờ “khua chiêng gióng trống” như thế! Năm ngoái, họ dành nhiều tuần úp mở việc chuẩn bị một cuộc tấn công đâu đó ở phía Đông Nam Ukraine nhưng lại mở cuộc tấn công thành công ngoạn mục tại gần Kharkiv phía Bắc. Hiện thời, Kyiv có vẻ lặp lại kịch bản này, khiến người Nga không biết đâu mà lần.

Không có gì ngạc nhiên khi Kremlin hỗn loạn và các nhà lãnh đạo Nga hoảng sợ. Đầu tháng này, khi Nga chuẩn bị kỷ niệm chiến thắng Đức Quốc xã, Vyacheslav Gladkov, thống đốc một khu vực không xa biên giới Ukraine bất ngờ tuyên bố hủy bỏ cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng nêu lý do “không muốn tạo điều kiện tấn công cho kẻ thù bằng việc bày ra một lượng lớn thiết bị và binh lính ở trung tâm thành phố”.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Tổng thống Vladimir Putin cũng sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng. Màn phô trương “sức mạnh quân sự” Nga năm nay chỉ có một chiếc xe tăng duy nhất. Một số chính trị gia Nga bắt đầu đặt câu hỏi về lý do chiến tranh. Thượng nghị sĩ Lyudmila Narusova (người vợ góa của Anatoly Sobchak, cựu cố vấn chính trị của Putin) gần đây đã bày tỏ công khai lo lắng trong một cuộc phỏng vấn: “Không ai giải thích được chiến thắng sẽ như thế nào! Nếu đó là các mục tiêu được tuyên bố ban đầu là phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa thì toàn bộ quân đội Ukraine đã bị tiêu diệt rồi!”.

Nhấn mạnh việc các lực lượng Nga đang đối mặt với quân đội Ukraine được phương Tây trang bị vũ khí, bà tiếp tục: “Nếu chúng ta tìm cách phi quân sự hóa NATO thì rõ ràng mục tiêu đó không thể đạt được!” Một người như Narusova còn không hiểu kế hoạch giành chiến thắng của Putin là gì thì không ai có thể hiểu. Hỗn loạn và mất phương hướng ở cấp cao nhất tại Kremlin đang làm tăng khả năng thành công cuộc phản công của Kyiv.

Trong khi đó, Putin không thể giải thích với công chúng về việc tại sao lực lượng an ninh của Nga thất bại trong việc ngăn chặn hai máy bay không người lái tiếp cận Điện Kremlin và không thể ngăn chặn vụ đánh bom nhằm vào Zakhar Prilepin. Abbas Gallyamov, người từng viết diễn văn cho Putin, phải thốt lên: “Kremlin đang rung chuyển!”. Tất nhiên, không có gì đảm bảo cuộc phản công của Ukraine sẽ thành công, nhưng thời điểm hiện tại, Kyiv hoàn toàn có quyền “ăn mừng” về hiệu quả của cuộc chiến tâm lý chống lại chế độ Putin.
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by nguyenvsau »

Vỡ nợ hay không vỡ nợ – ai có lỗi?
May 26, 2023

Hiếu Chân/Người Việt
Nước Mỹ đang bước vào thời điểm nguy hiểm do nguy cơ vỡ nợ quốc gia lần đầu tiên vẫn đang treo lơ lửng: Cuộc thương lượng giữa Tòa Bạch Ốc và Hạ Viện về nâng trần nợ vẫn bế tắc trong khi các dân biểu bắt đầu nghỉ cuối tuần và lễ Memorial Day.
Image
Tổng Thống Joe Biden (phải) và Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Hai, 22 Tháng Năm, bàn chuyện nâng trần nợ. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)
Quốc Hội sẽ họp lại vào ngày Thứ Ba, 30 Tháng Năm, chỉ hai ngày trước “X-day” – tức là ngày mà chính phủ Mỹ sẽ không thể thanh toán các khoản chi do không được tiếp tục vay mượn khi số tiền vay đã chạm “giới hạn nợ” hay “trần nợ.” Không trả được hóa đơn, tiền lời, và tiền vốn trái phiếu đáo hạn có nghĩa là nước Mỹ bị vỡ nợ và điều đó sẽ gây ra bất ổn kinh tế trầm trọng cả trong và ngoài nước Mỹ. Bộ Trưởng Tài Chính Janet Yellen nhiều lần khẳng định “X-day” là vào ngày 1 Tháng Sáu.

“X-day” là ngày 5 tháng Sáu

Tin mới nhất là trong thư gửi Quốc Hội chiều Thứ Sáu, 26 Tháng Năm, bà Yellen nói lại bộ của bà sẽ cạn tiền trả nợ vào ngày 5 Tháng Sáu, sau khi áp dụng các biện pháp “đảo nợ” như tiếp tục vay các khoản nợ mới có giá trị bằng với các khoản nợ đáo hạn phải trả mà không làm gia tăng tổng số nợ. Tuy vậy, bà Yellen vẫn cảnh báo nếu “chờ đến phút cuối mới nâng giới hạn nợ sẽ gây thiệt hại trầm trọng cho lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu thụ, làm tăng chi phí vay mượn của người đóng thuế và ảnh hưởng xấu tới xếp hạng tín dụng của Mỹ.” Theo phân tích của Trung Tâm Chính Sách Lưỡng Đảng (Bipartisan Policy Center), nếu Quốc Hội không hành động thì nước Mỹ có thể bị vỡ nợ trong khoảng từ 2 đến 13 Tháng Sáu.

Cho đến đầu tuần này, Tổng Thống Joe Biden vẫn kiên trì nhắc lại quan điểm mà ông đã nói trong nhiều tháng: Ông không thương lượng về trần nợ. Quốc Hội phải nâng trần nợ vô điều kiện để nước Mỹ không bị vỡ nợ và không nên sử dụng nó làm đòn bẩy để giành các ưu tiên khác mang tính đảng phái.


Đảng Cộng Hòa, đang nắm đa số ở Hạ Viện, do Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) làm chủ tịch, cũng kiên trì quan điểm chỉ nâng trần nợ khi chính phủ đồng ý cắt giảm chi tiêu vì Cộng Hòa tin rằng chính phủ Mỹ đang chi tiêu quá nhiều và ngày càng nhiều hơn.

Vào tối Thứ Năm, 25 Tháng Năm, hai bên dường như đã nhân nhượng nhau để đi tới thỏa hiệp nhưng chưa có thỏa thuận nào được ký. Ông Biden nói quan điểm của ông và ông McCarthy là “hai bản sao khác nhau của nước Mỹ” nhưng cả hai đều lạc quan rằng sự cách biệt về lập trường của họ có thể được thu ngắn.

Ngay cả khi hai bên đạt được thỏa thuận trong vài ngày tới, việc ban hành luật cũng đòi hỏi thời gian. Ông McCarthy đã hứa rằng ông sẽ đưa dự luật ra bàn bạc 72 giờ trước khi bỏ phiếu – nghĩa là dự luật phải được trình ra Hạ Viện chậm nhất vào Thứ Ba hoặc Thứ Tư. Sau đó, chuyển dự luật qua Thượng Viện rồi chuyển đến ông Biden ký thành luật trước hạn chót có thể là vào Thứ Năm tuần tới.

Hình dạng của thỏa thuận nâng trần nợ

Theo những nguồn tin thông thạo, có vẻ như đảng Dân Chủ – hiện nắm Tòa Bạch Ốc và chiếm đa số Thượng Viện – đã nhân nhượng một số điểm để vượt qua bế tắc. Những đường nét chính của một thỏa thuận lưỡng đảng về trần nợ đã hình thành với nội dung chính là trần nợ sẽ nâng lên để chính phủ được tiếp tục vay nợ thêm hai năm nữa trong khi đặt ra những giới hạn nghiêm khắc cho những khoản chi tiêu ngân sách không liên can tới quốc phòng hoặc cựu chiến binh.

Tuy nhiên, dường như đảng Cộng Hòa chưa hài lòng và họ thúc ép đảng Dân Chủ phải nhượng bộ nhiều hơn nữa. Hãng tin AP cho biết, Tòa Bạch Ốc đã đề nghị “đóng băng” mức chi tiêu ngân sách cho năm 2024 ở mức hiện tại, và tăng 1% vào năm 2025 nhưng nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa nói rằng như thế là chưa đủ.


Yêu cầu giảm chi tiêu nhưng Cộng Hòa đề nghị tăng ngân sách quốc phòng, giảm phúc lợi xã hội. Theo đề nghị của ông McCarthy, được thể hiện trong một dự luật mà Hạ Viện thông qua hồi Tháng Tư, những người Mỹ muốn nhận trợ cấp y tế (Medicaid) và thực phẩm (food stamps) miễn phí của chính phủ thì phải có việc làm và thu nhập. Đề nghị này ảnh hưởng tới hàng triệu người Mỹ vì rất nhiều người được chính phủ trợ cấp do không có năng lực làm việc, tuổi cao, bị khuyết tật, hoặc thu nhập quá thấp không đủ trang trải cuộc sống.

Đáp lại, chính quyền Biden đề nghị giữ nguyên chi tiêu quốc phòng và phi quốc phòng vào năm tới và cho rằng điều đó sẽ tiết kiệm được $90 tỷ trong năm ngân sách 2024 và $1,000 tỷ trong 10 năm mà không cần phải cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội.

Điều kiện mà hai bên có thể đồng ý với nhau tương đối dễ là sẽ ngừng chi $30 tỷ từ quỹ phòng chống dịch COVID-19 còn “tồn kho” vì tình trạng khẩn cấp về đại dịch của Mỹ đã chấm dứt vào ngày 11 Tháng Năm vừa qua. Dự tính chi tiêu $80 tỷ để hiện đại hóa hệ thống và tuyển dụng thêm nhân viên cho Sở Thuế (IRS) để tăng cường kiểm tra chống trốn thuế, khai man thuế… cũng có thể bị bãi bỏ.


Để giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm vay nợ, Tòa Bạch Ốc đề nghị chấm dứt việc giảm thuế cho các gia đình giàu có và một số công ty có lợi nhuận lớn, nhưng ông McCarthy cho biết ông đã nói với ông Biden ngay từ Tháng Hai rằng tăng thu ngân sách bằng cách tăng thuế là “điều không bàn tới.”

Chủ Tịch McCarthy đang bị áp lực nặng nề từ các dân biểu cánh hữu của đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện, đòi ông không nhân nhượng, ngay cả khi không đạt được thỏa thuận trước ngày 1 Tháng Sáu. “Hãy giữ vững lập trường. Đừng bỏ cuộc quá sớm,” Dân Biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas), thành viên nhóm Freedom Caucus, nhắn cho ông McCarthy. Cựu Tổng Thống Donald Trump, ứng cử viên của mùa bầu cử năm tới, khích lệ các dân biểu Cộng Hòa hãy để cho nước Mỹ vỡ nợ nếu các yêu cầu của họ không được Tòa Bạch Ốc chấp nhận.

Các dân biểu Dân Chủ ở Hạ Viện phản đối các đề nghị cắt giảm ngân sách của Cộng Hòa mà họ cho là “cực đoan,” lên án ông McCarthy và các dân biểu Cộng Hòa cực đoan đã “bắt nền kinh tế làm con tin và đổ những khoản cắt giảm lên đầu người dân Mỹ,” “muốn người Mỹ đưa ra một lựa chọn bất khả thi, đó là cắt giảm trầm trọng hoặc vỡ nợ trầm trọng.”

Ai có lỗi?

Xem ra, cuộc khủng hoảng về nợ công hiện nay là một trận đấu chính trị giữa hai đảng, hai nhánh quyền lực, hơn là kết quả hiển nhiên của những khiếm khuyết trong điều hành đất nước. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ phản ánh sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ nước Mỹ, giữa những người Mỹ theo các quan điểm chính trị khác nhau. Không chỉ các nhà lãnh đạo cấp cao tranh luận bất phân thắng bại mà cử tri Mỹ cũng chia thành hai phe, theo dõi cuộc đấu đá với thái độ ủng hộ hoặc phản đối theo lằn ranh đảng phái rất rõ rệt.

Thăm dò dư luận của Washington Post-ABC News, thực hiện từ 28 Tháng Tư đến 3 Tháng Năm trên toàn quốc về “lỗi của ai” nếu trần nợ không nâng lên và nước Mỹ vỡ nợ, ghi nhận 39% người Mỹ đổ lỗi cho Hạ Viện Cộng Hòa, 36% đổ cho chính quyền Biden, còn 16% đổ lỗi đều cho cả hai bên. Có 78% người Cộng Hòa đổ lỗi cho ông Biden và cũng có 78% người Dân Chủ đổ lỗi cho lãnh đạo Cộng Hòa.


Riêng tại tiểu bang California, cử tri có vẻ lạc quan rằng cuối cùng thì hai bên cũng đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng và nước Mỹ sẽ không vỡ nợ như lo sợ. Thăm dò dư luận do đại học UC Berkeley và nhật báo The Los Angeles Times thực hiện hồi đầu tuần này và công bố vào Thứ Sáu, 26 Tháng Năm, ghi nhận có 61% cử tri California tin như vậy, chỉ có 34% không tin.

Khi được hỏi họ đứng về bên nào – Biden hoặc McCarthy – trong cuộc đối đầu về nợ công hiện nay, thì có 40% đứng về phía Biden, 28% về phía McCarthy, còn 17% đứng giữa. Trong cử tri Dân Chủ, số người đứng về phía Biden là 66% trong khi 77% cử tri Cộng Hòa đứng về phía McCarthy. Chỉ có 4% người Dân Chủ và 2% người Cộng Hòa không đồng tình với đường lối của người đại diện cho họ.

Có thể nước Mỹ sẽ không vỡ nợ, bây giờ và mãi về sau. Nhưng sự khác biệt quan điểm thì vẫn luôn tồn tại trong một xã hội đa nguyên, không ai là “đỉnh cao trí tuệ” hoặc nắm giữ chân lý tuyệt đối. Bản chất của dân chủ là thỏa hiệp vì quyền lợi chung nên cuối cùng chắc chắn các bên sẽ đi đến một giải pháp trước hạn cuối cùng. [đ.d.]
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Lo Putin đổ, Tập tìm đồng minh mới?
Hiếu Chân
8 tháng 6, 2023

Image
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow hôm 21 tháng Ba 2023, chỉ ba ngày sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ ông Putin vì tội ác chiến tranh. Ảnh Contributor/Getty Images

Một nhà phân tích tiết lộ với báo Business Insider rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách kết nối với một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một “kế hoạch dự phòng” nhà lãnh đạo Nga có thể bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự hoặc tử vong do sức khỏe sa sút.

Ngay trước khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24 tháng Hai 2021, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã cam kết một tình hữu nghị và hợp tác “không có giới hạn”, coi nhau là những đồng minh thân thiết nhất trong cuộc chiến lâu dài để xóa bỏ sự thống trị thế giới của người Mỹ.

Nhưng giới phân tích chính trị nhận định ông Tập không tin rằng sự hợp tác không giới hạn đó có thể bền vững, nhất là khi tin đồn ông Putin sắp bị đảo chính hoặc bị chết do bệnh tật đang lan rộng trong xã hội Nga. Một nhà phân tích cho rằng, Tập đang tìm cách thắt chặt quan hệ với những người có khả năng thay ông Putin để lãnh đạo nước Nga.

Theo ông Anders Åslund, kinh tế gia và nhà nghiên cứu cao cấp của Hội Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Tập dường như đang cố lôi kéo ông Mikhail Mishutin, đương kim thủ tướng Nga và có nhiều dấu hiệu cho thấy như vậy.

Trong chuyến thăm Moscow tháng Tư vừa qua, ông Tập đã có cuộc họp trực tiếp một đối một với ông Mishutin – một điều hiếm khi xảy ra.

Sang tháng Năm, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã mời ông Mishutin thăm Bắc Kinh và đón tiếp ông này một cách trọng thị tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia, vượt xa thủ tục lễ tân thông thường của Nga và Trung Quốc.

“Tại sao người được mời là Mishutin chứ không phải là Putin?” ông Åslund đặt câu hỏi và cho biết, Putin đã tỏ vẻ không hài lòng và phê phán sự vắng mặt của Mishutin trong các cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Nga mà ông thủ tướng là thành viên thường trực. “Có lẽ đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy Trung Quốc đang bỏ qua Putin và tìm kiếm một mối quan hệ thay thế ở Nga”, ông Åslund nhận xét.

Tuy vậy, Mishutin không phải là cái tên thường được nhắc tới trong các cuộc bàn luận về người có khả năng thay thế Putin. Xuất thân là một quan chức ngành thuế vụ, ông ta có tiếng là một nhà quản trị có năng lực, Theo hãng truyền thông độc lập Meduza của Nga, Mishutin “không có vai trò nào” trong việc thực hiện cuộc xâm lược Ukraine của Putin.
Image
Thủ tướng Nga Mikhail Mishutin (phải) cùng với tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường duyệt đội danh dự trong nghi lễ trọng thị khi ông Mishutin thăm Bắc Kinh hôm 24 tháng Năm 2023 vừa qua. Có nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang cố kết nối với Mishutin vì đó có thể là người sớm thay thế Putin trong thời gian tới. Ảnh Thomas Peter-Pool/Getty Images

Trái với nhận định của ông Åslund, có những nguồn tin nội bộ từ Điện Kremlin nói rằng, Putin đã chuẩn bị người thay thế mình là Nikolai Patrushev, 72 tuổi, một sĩ quan an ninh tình báo khét tiếng dân tộc chủ nghĩa, cùng trưởng thành với Putin trong cơ quan tình báo Liên Xô KGB, là Thư ký Hội đồng An ninh Nga từ năm 2008 và trước đó là Giám đốc Sở An ninh Liên bang Nga từ năm 1999 tới 2008. Cùng với cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, Patrushev được coi là “diều hâu” cứng rắn nhất của Nga trong các vấn đề đối ngoại với Mỹ và phương Tây.

Trong thế giới khép kín của chính trị Nga và Trung Quốc, hiếm khi có thông tin đáng tin cậy về suy nghĩ của các nhà lãnh đạo chóp bu, cho nên giới phân tích phải dựa vào những “dấu hiệu” nhiều ẩn ý và các mẩu tin lượm lặt rải rác trên truyền thông để tìm hiểu những động lực ngầm đang diễn ra trong vòng bí mật.

Một ví dụ, trong thời đại dịch Covid, ông Putin thường ngồi ở đầu một chiếc bàn rất dài để tiếp các quan chức thân cận – người ta cho rằng đó là dấu hiệu chứng hoang tưởng của Putin nặng đến mức ông ta tự cô lập bản thân, để tránh tiếp xúc với người mang virus hoặc để tránh những tác động bất lợi cho thân thể ông.

Ở Bắc Kinh cũng vậy, các nhà phân tích đọc giữa các dòng chữ để tìm dấu hiệu cho thấy có sự căng thẳng ngấm ngầm trong quan hệ Putin-Tập khi ông Tập từ chối phê chuẩn một đường ống dẫn khí đốt mới từ Siberia của Nga tới Trung Quốc. Do bị phương Tây cấm vận ngặt nghèo, Nga phải trông cậy vào việc bán dầu và khí đốt cho Trung Quốc và Tập đã vin vào đó để chơi trò quyền lực với Putin, cho thấy sự phụ thuộc nặng nề của Moscow lên Bắc Kinh.

Ali Wyne, một nhà phân tích của tổ chức Eurasia Group ở thủ đô Washington, DC, nói với Insider rằng do những tin đồn về sức khỏe của Putin và những thách thức tiềm ẩn đối với quyền lực của ông ta ở Nga, việc Trung Quốc xây dựng một “kế hoạch dự phòng” là hợp lý.

“Trước những tin đồn liên tục về sức khỏe của Putin và suy đoán rằng một thất bại của Nga trước Ukraine có thể làm suy yếu quyền cai trị của ông ta, nhiều quốc gia – bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc – có thể đang hình dung ra nhiều lựa chọn tương lai thời hậu Putin và cân nhắc tác động của từng lựa chọn ấy đối với chính trị đối nội và chính sách đối ngoại của Nga,”ông Wyne nói.

Tuy nhiên, ông cảnh báo, hãy còn quá sớm để cho rằng ông Tập muốn có một tổng thống khác ở Điện Kremlin. “Xem xét số lần Tập và Putin gặp nhau, cường độ ngày càng tăng của những bất bình chung của họ đối với ảnh hưởng của Mỹ và ưu tiên mà cả hai đã đặt vào việc làm sâu sắc thêm quan hệ Trung-Nga, thì có vẻ như còn quá sớm để kết luận rằng ông Tập tìm kiếm một nhà lãnh đạo khác ở Nga,” ông Wyne nói.
phaodai
Posts: 80
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:06 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by phaodai »

Putin thừa nhận đang đối mặt với một cuộc đảo chính thực sự nguy hiểm
June 25, 2023

Image

Nhóm lính đánh thuê Wagner đang tiến về thủ đô Moscow khi nhiệm kỳ tổng thống của Putin lần đầu tiên bị đe dọa.

Vladimir Putin đã có một bài phát biểu đặc biệt trước truyền hình quốc gia vào sáng thứ Bảy, thừa nhận rằng ông đang đối mặt với một “cuộc binh biến có vũ trang” do người bạn tâm giao cũ Yevgeny Prigozhin và đội quân lính đánh thuê Wagner của ông ta.

Trong bài phát biểu dài 5 phút được ghi âm trước, ông Putin thừa nhận rằng cuộc nổi dậy có nghĩa là chế độ của ông phải đối mặt với một “trận chiến khó khăn nhất cho tương lai ông và chính phủ của ông”.

Cuộc nổi dậy này, bắt đầu sau khi Prigozhin tuyên bố người của ông ta bị trúng hỏa tiễn do quân đội Nga bắn, là mối đe dọa rõ ràng nhất đối với quyền lực của Putin kể từ khi ông đảm nhận chức vụ tổng thống vào năm 2000.

Putin cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội đáp trả những người tổ chức cuộc nổi dậy bằng “các biện pháp mạnh nhất” và nói rằng: “Tất cả những ai cố tình đi theo con đường phản bội sẽ phải chịu sự trừng phạt không thể tránh khỏi.”

Chưa hết, không có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đứng lên chống lại đội quân đánh thuê Wagner để bảo vệ tổng thống của họ.

Prigozhin khoe khoang rằng các công dân Nga khắp nơi đang ủng hộ cuộc hành quân của ông ta tới Moscow, và nói rằng đội quân Wagner đã không tấn công bất kỳ binh sĩ Nga nào. Progozhin tuyên bố rằng: “Tại sao đất nước lại ủng hộ chúng tôi? Bởi vì chúng tôi đã bước đi trên con đường công lý, vì họ đã tấn công chúng tôi, đầu tiên là bằng pháo binh, sau đó là bằng máy bay. Chúng tôi đã hành quân tiến về Moscow mà không phải bắn một phát súng nào.”

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh cho biết các đơn vị Wagner đang di chuyển về phía bắc qua Vorenezh Oblast trực chỉ hướng đến thủ đô Moscow. Báo cáo tình báo cho biết: “Với rất ít sự chống đối của các lực lượng an ninh Nga, điều này cho thấy có một số người trong quân đội Nga đứng về phía Wagner. Đây là thách thức lớn nhất đối với nhà nước Nga trong thời gian hiện tại.”

Tổng cục Tình báo chính của Ukraine tuyên bố rằng họ đã thấy bằng chứng cho thấy Moscow đang chuẩn bị đáp trả cho một cuộc bao vây thủ đô của Nga.

Lần đầu tiên kể từ khi sự chia rẽ giữa Wagner và Bộ Quốc phòng Nga nổi lên, Prigozhin đã trực tiếp chỉ trích Putin hôm thứ Bảy.

Đáp lại bài phát biểu của tổng thống, Prigozhin đã tuyên bố: “Không ai tự ra đầu thú theo yêu cầu của tổng thống, FSB hay Bộ Quốc Phòng Nga, không ai muốn tiếp tục sống trong tham nhũng và lừa dối. Những người chống lại chúng tôi là những người đã tập hợp xung quanh đám cặn bã.”

Quy mô của nỗi sợ hãi trong giới tinh hoa của Moscow đã được nhà tuyên truyền số một của Điện Kremlin Vladimir Solovyov diễn tả tâm trạng sợ hãi khi nói rằng: “Tôi không mong đợi được sống để nhìn thấy những thứ như thế này. Đất nước chúng ta đang có chiến tranh. Không có gì đáng sợ hơn nội chiến,”. Solovyov đưa ra những điểm tương đồng trong lịch sử, ông trích dẫn cuộc nổi dậy dẫn đến cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga và cuộc đảo chính thành công của Mussolini ở Rome, Italy.

Prigozhin cho biết ông “sẵn sàng chết” cùng với 25.000 chiến binh chuẩn bị tổ chức một cuộc binh biến và ngăn chặn “cái ác” dẫn đầu nỗ lực chiến tranh thất bại ở Ukraine.

Phương tiện truyền thông địa phương đưa tin các trạm kiểm soát đã được thiết lập vào tối thứ Sáu trên đường xa lộ dẫn từ Rostov-on-Don đến Moscow và lãnh thổ xung quanh Điện Kremlin được cho là sẽ đóng cửa đối với du khách. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết các biện pháp an ninh đang được thực hiện để tăng cường an ninh ở thủ đô, trong khi người dân ở khu vực Rostov được thống đốc kêu gọi ở nhà.

Thủ lĩnh lính đánh thuê đã leo thang thách thức vào thứ Sáu, khẳng định rằng các nhà lãnh đạo quân sự Nga đang “lừa dối công chúng và tổng thống” về lý do tại sao một cuộc chiến với Ukraine là cần thiết ngay từ đầu. Ông cáo buộc các nhà lãnh đạo quân sự gieo rắc nỗi sợ hãi về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra để biện minh cho việc phát động một cuộc xâm lược của chính họ.

Đề cập đích danh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Prigozhin cho biết Nga xâm lược Ukraine “để tự quảng cáo cho một lũ khốn nạn”. Ông nói thêm rằng chiến dịch được lên kế hoạch sơ sài và “đáng xấu hổ”. Shoigu đã nướng hàng trăm ngàn binh sĩ Nga trong cuộc chiến vô nghĩa này.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Wagner phản quốc, nói rằng “lợi ích cá nhân đã dẫn đến sự phản bội đất nước của chúng ta và sự nghiệp mà các lực lượng vũ trang của chúng ta đang chiến đấu.”

Nhưng Prigozhin đã đưa ra một phản ứng thách thức trong một tin nhắn video trong đó ông chỉ trích trực tiếp tổng thống Nga, nói rằng Putin đã “sai lầm nghiêm trọng“. “Chúng tôi là những người yêu nước của quê hương chúng tôi,”.

Trên thực tế là Nga phải dựa vào Wagner và Prigozhin để tiến hành cuộc chiến của mình kể từ khi xâm chiếm Ukraine, và điều đó khó có thể thay đổi, bất kể điều gì tiếp theo xảy ra với Prigozhin.

Việt Linh,
25.06.2023
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by bichphuong »

Ukraine, hoà bình vẫn xa vời
Lê Tây Sơn


Image
Nga tiếp tục chứng kiến những tổn thất chiến trường khắp trên các mặt trận ở Ukraine. Ảnh: Một phương tiện quân sự Nga bị bắn cháy tại Kurylivka, Kharkiv ngày 28 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Sofiia Bobok/Anadolu Agency via Getty Images)

Giám đốc CIA William Burns đã lặng lẽ liên hệ với người đồng cấp Nga Sergei Naryshkin sau cuộc binh biến thất bại của lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin để đưa ra lời khẳng định Hoa Kỳ không liên quan đến tình trạng hỗn loạn nội bộ của nước Nga. Trong khi đó, Ukraine hy vọng chiếm lợi thế trên chiến trường để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán trước cuối năm.

Bảo đảm Nga không sử dụng vụ binh biến để khiêu khích Mỹ

Cuộc điện thoại của Burns với Sergei Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, được cho là cuộc liên lạc cấp cao nhất giữa hai chính phủ kể từ sau cuộc binh biến bất thành. Cuộc nổi dậy được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong 23 năm cầm quyền của ông.

Cuộc gọi điện của Burns, người thường được giao chuyển những thông điệp nhạy cảm tới Nga và các quốc gia khác, là một phần trong chiến lược của Toà Bạch Ốc nhằm thông báo cho Putin và những người thân cận của lãnh đạo Nga là Hoa Kỳ không có vai trò gì trong động thái của Prigozhin và không tìm cách gây nội chiến ở Nga. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng Mỹ không muốn tạo cơ hội cho Điện Kremlin đổ lỗi cuộc binh biến.


Hoa Kỳ và Nga liên lạc cấp cao nhưng không thường xuyên kể từ ngày Putin ra lệnh cho quân đội xâm chiếm Ukraine vào Tháng Hai, 2022. Burns đã tới Ukraine đầu Tháng Sáu để hội ý với Tổng thống Volodomyr Zelensky và các quan chức tình báo Ukraine. “Giống như các chuyến đi khác, giám đốc CIA đã gặp gỡ các đối tác tình báo Ukraine và Tổng thống Zelensky, tái khẳng định cam kết Mỹ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo để giúp Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga” – một quan chức tiết lộ.
Image
Nhưng thiệt hại của Ukraine cũng rất lớn (ảnh: Narciso Contreras/Anadolu Agency via Getty Images)

Burns, người có 32 năm sự nghiệp ngoại giao gồm cả thời gian làm đại sứ tại Moscow, được Biden tin tưởng khi cần tiếp cận với Nga. Vào Tháng Mười Một 2021, Biden cử ông đến Moscow và nói chuyện qua một đường dây điện thoại an toàn với Putin khi Tổng thống Nga đang ở khu nghỉ mát Sochi bên Biển Đen, thông báo rằng Hoa Kỳ tin rằng Nga đang chuẩn bị xâm lược Ukraine và lãnh đạo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm trọng nếu làm như thế. Vào Tháng Mười Một, 2022, Burns gặp viên chức cấp cao Sergey Naryshkin ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ để cảnh báo về hậu quả nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine.

Trong chuyến thăm bí mật tới Ukraine của Burns vào đầu tháng này, các quan chức Ukraine đã tiết lộ một chiến lược đầy tham vọng nhằm chiếm lại lãnh thổ do Nga chiếm đóng và mở các cuộc đàm phán ngừng bắn với Moscow vào cuối năm nay. Chuyến đi của Burns, chưa được báo cáo trước đó, gồm cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức tình báo hàng đầu của Ukraine. Nó xảy ra vào một thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột khi các lực lượng Ukraine nỗ lực để giành được lợi thế sớm trong cuộc phản công được chờ đợi từ lâu nhưng chỉ mới triển khai số ít lữ đoàn tấn công được phương Tây đào tạo và trang bị.

Chiếm ưu thế trên chiến trường để buộc Nga đàm phán

Tổng thống Zelensky và các chỉ huy quân sự của ông đối mặt với các lực lượng Nga cố thủ vững chắc ở các khu vực chiếm đóng phía Đông và Nam Ukraine. Quân đội Ukraine chịu thương vong nặng nề khi binh lính và xe bọc thép đụng phải các bãi mìn dày đặc và các chiến hào kiên cố trên khắp lãnh thổ rộng lớn. Địa hình đầy thách thức đã khiến quân Ukraine dễ bị tấn công bằng hoả tiễn và không kích của Nga. Zelensky thừa nhận cuộc phản công diễn ra “chậm hơn mong muốn” và các quan chức Ukraine xác nhận một số xe tăng Leopard 2 và Bradley bị phá huỷ.
Image
Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục vận động sự hỗ trợ từ các đồng minh. Trong ảnh là chuyến kinh lý bất ngờ của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) đến Kyiv ngày 28 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Andriy Zhyhaylo/Obozrevatel/Global Images Ukraine via Getty Images)

Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bác bỏ những hoài nghi, khẳng định “trận đánh chính” vẫn chưa đến; và chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, kêu gọi “hãy kiên nhẫn” và cuộc tấn công đang được tiến hành một cách “bài bản” nhất. Các nhà phân tích quân sự cho rằng nếu Ukraine muốn buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán thì trước hết cần chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga. Điều này rất khó nhưng không phải là không thể.


Nhà phân tích quân sự Rob Lee giải thích: “Có thể Ukraine sẽ phá huỷ cây cầu đường bộ đi vào Crimea bằng cách đưa nó vào trong tầm bắn của HIMARS và các loại pháo khác. Dĩ nhiên là phải có tổn thất lớn để chiếm được một vị trí bắn thuận lợi. Nếu Ukraine chịu quá nhiều tổn thất, cuộc phản công sẽ sớm kết thúc trong thế bất lợi cho Kyiv. Nhưng nếu Ukraine gây ra đủ tổn thất cho các lực lượng và thiết bị của Nga và chặn được quân tiếp viện, thì hệ thống phòng thủ của Moscow sẽ suy yếu để Ukraine đạt được bước đột phá”.

Trong một kịch bản lý tưởng được Kyiv vẽ ra, quân đội Ukraine sẽ giành được ưu thế bằng cách tiến quân và đưa vũ khí tầm xa đến rìa ranh giới Ukraine-Crimea, biến nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen thành con tin. Rob Lee nhận định: “Nếu Ukraine tấn công được các sân bay, cây cầu, tuyến đường sắt và trung tâm hậu cần quan trọng của Nga, họ sẽ đẩy đối phương vào thế khó khăn”. Chỉ bao vây cô lập chứ không chiếm Crimea bằng vũ lực, Kyiv sẽ yêu cầu Nga chấp nhận những yêu cầu bảo đảm an ninh từ phương Tây cho Ukraine.

Tuy nhiên, có được những đảm bảo đó không hề dễ dàng. Chính phủ Zelensky luôn hối thúc Hoa Kỳ và Châu Âu đưa ra các cam kết chắc chắn về việc Ukraine gia nhập NATO và Liên minh Châu Âu (EU), nhưng Hoa Kỳ và Tây Âu vẫn lạnh nhạt với ý tưởng này mà quan tâm nhiều hơn đến các cam kết hỗ trợ an ninh dài hạn cho Ukraine thay vì mở rộng NATO vì dễ dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Sự do dự khiến Ba Lan và các quốc gia thành viên NATO vùng Baltic thất vọng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới tại Litva. Ngoại trưởng Antony Blinken và các nhà lãnh đạo phương Tây khác cho biết họ có ý định cung cấp một “gói viện trợ rất mạnh mẽ” cho Ukraine. Nhưng bất đồng gay gắt về nội dung của gói có nguy cơ gây mất đoàn kết tại cuộc họp.

Tuy nhiên, Mỹ và Ukraine có sự đồng thuận rộng rãi về mục tiêu tấn công của Kyiv. Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết: “Mỹ đồng ý Ukraine nên tham gia đàm phán trên thế mạnh. Mỹ hài lòng là bộ chỉ huy của chúng tôi không làm điều gì ngu ngốc với các thiết bị viện trợ”. Tuy nhiên, dấu hiệu của sự căng thẳng có nhiều. Trong khi các lãnh đạo quân sự Mỹ muốn thấy Ukraine tăng tốc cuộc tấn công, Volodymyr Zelensky luôn than phiền là phương Tây không chuyển giao đạn dược và máy bay chiến đấu đủ nhanh.

Được hỏi vế tốc độ phản công của Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói: “Họ đánh đến đâu và nhanh như thế nào là do họ quyết định”. Các nhà phân tích xem cách tiếp cận thận trọng của Ukraine trong những ngày đầu của cuộc phản công là dấu hiệu cho thấy quốc gia này không xem nhẹ các thách thức đang chờ phía trước.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 4 guests