Tin Tức Hoa Kỳ

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by dailien »

Vấn đề nợ công của nước Mỹ: “Bên miệng hố chiến tranh”
Trần nợ công lại trở về trong cuộc đấu chính trị


Lê Tây Sơn
26 tháng 1, 2023

Image
Khoản nợ hiện tại của nước Mỹ trên một đồng hồ nợ công ở New York ngày 19 Tháng Một 2023 (ảnh: Fatih Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Đảng Cộng hòa (GOP) thề không nhượng bộ thỏa thuận trần nợ công (debt ceiling- giới hạn nợ) với Tổng thống Joe Biden. GOP khẳng định lại các yêu cầu chính trị của mình khi Biden chuẩn bị làm việc với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hoà-California).

Hai đảng đứng ở miệng hố chiến tranh nợ công

Biden đã đồng ý gặp McCarthy, ngay cả khi Tổng thống cho rằng Hoa Kỳ “không nên mặc cả trong việc ngăn chặn vỡ nợ”. Ngày Chủ nhật, 22 Tháng Một, các đảng viên GOP hàng đầu đã chỉ trích Biden từ chối đàm phán một thỏa thuận về trần nợ công, đồng thời nhắc lại lời đe dọa sẽ tận dụng viễn cảnh vỡ nợ nghiêm trọng để buộc Toà Bạch Ốc phải cắt giảm chi tiêu. Bế tắc vẫn tiếp tục và có khả năng gây thảm họa cho số tiền tối đa mà chính phủ Mỹ có thể vay để thanh toán các hóa đơn đang chờ thanh toán.

Theo các nhà kinh tế học và quan chức hành chính hàng đầu, Quốc hội phải hành động ngay để tăng hoặc “treo” mức trần nợ, nếu không sẽ đẩy Hoa Kỳ vào suy thoái ảnh hưởng đến toàn cầu. Khoản nợ công của nước Mỹ (hiện đã vượt quá $31 ngàn tỷ) là hệ quả của hàng thập niên chi tiêu từ cả hai đảng. Nhưng GOP đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong khi cam kết tìm cách cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang đã cố đổ lỗi hoàn toàn cho đảng Dân chủ.


“Bạn không thể chỉ tăng giới hạn nợ để Tổng thống Biden tiếp tục chi tiêu thoải mái như ông ấy đã làm” – lãnh đạo đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng hoà-Lousiana) nhận định trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News Channel. Xuất hiện trên chương trình “Meet the Press” của kênh NBC, Dân biểu Nancy Mace (Cộng hoà-South Carolina) khuyến cáo: “GOP phải khống chế trần nợ công vì rõ ràng quy trình ngân sách không hoạt động”. Bà nói thêm: “Không có lúc nào như lúc này, chúng ta nói về trần nợ công khi thời hạn chót đã lù lù trước mắt!”.

Ngay cả Thượng nghị sĩ (TNS) Joe Manchin III (Dân chủ-West Virginia), một thành viên chủ chốt của đảng nhưng có xu hướng trung dung, cũng tỏ ý muốn tổ chức các cuộc đàm phán về chi tiêu. Trong một gợi ý “ly khai có thể” với các đảng viên Dân chủ khác, Manchin III nói với CNN: “Sẽ là một sai lầm nếu tổng thống không thảo luận về một số cắt giảm với những người đồng cấp GOP của tôi, đặc biệt tập trung vào việc loại bỏ lãng phí, gian lận và lạm dụng”.
Image
Vấn đề nợ công lại ám ảnh và phủ bóng đen lên Tòa Bạch Ốc (Getty Images)


Thời gian không còn nhiều

Cuộc tranh cãi về trần nợ công đã tạo tiền đề cho một trận chiến chính trị gay cấn trong những tháng tới, khi Hoa Kỳ dự kiến ​​sử dụng hết số ngân sách đặc biệt còn lại để ngăn vỡ nợ chính phủ. Trong một bức thư gửi các nhà lập pháp vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cảnh báo: “Các biện pháp đặc biệt chỉ có thể duy trì tài chính liên bang cho đến qua đầu Tháng Sáu”.

Chính mốc thời gian cấp bách này đã khiến đảng Dân chủ trong Quốc hội phải đưa ra những lưu ý hành động khẩn cấp vào ngày Chủ nhật. “Chúng ta không nên chơi trò đánh đố với nợ quốc gia” – TNS Richard J. Durbin (Dân chủ-Illinois) lưu ý trên chương trình “State of the Union” của CNN, đồng thời khuyên Biden “tuyệt đối không nên đàm phán với GOP”.

Chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ vỡ nợ trong lịch sử nhưng ngay cả nguy cơ vỡ nợ cũng đã đủ khiến nền kinh tế phải trả giá đắt. Một cuộc đối đầu tương tự giữa các nhà lập pháp GOP và Toà Bạch Ốc do Đảng Dân chủ kiểm soát vào năm 2011 đã làm náo loạn thị trường, ảnh hưởng xấu đến tín dụng và khiến người nộp thuế phải mất hơn $1 tỷ.


Tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” nợ công chỉ kết thúc sau khi Tổng thống Barack Obama đạt được một thỏa thuận với các nhà lập pháp GOP nhằm hạn chế chi tiêu trong một thập niên, dẫn đến “sự thiếu hụt trầm trọng kinh phí phân bổ cho các cơ quan y tế, khoa học, giáo dục và lao động liên bang”, đúng như đảng Dân chủ cảnh báo từ lâu.

Sẽ có đàm phán

Năm nay, các đảng viên GOP cũng tìm kiếm một thỏa thuận tương tự dưới thời McCarthy dù các đồng cấp Dân chủ vẫn kiên định từ chối các yêu sách của họ. Nhưng ngày 20 Tháng Một, Toà Bạch Ốc xác nhận Biden hiện có kế hoạch gặp Chủ tịch Hạ viện “để thảo luận về một loạt vấn đề”, gồm cả cuộc chiến chi tiêu sắp xảy ra. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Karine Jean-Pierre nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Cuộc gặp về nâng trần nợ không phải là đàm phán” và nhắc lại viễn cảnh “sẽ có hỗn loạn kinh tế nếu GOP dùng áp lực trần nợ công để đạt được lợi ích chính trị” – The Washington Post cho biết.

Các trợ lý của Biden cũng muốn GOP từ bỏ các đe dọa về giới hạn nợ. Về phần mình, gần đây Tổng thống đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của GOP đối với khoản nợ công cao ngất ngưởng hiện nay của đất nước. Phát biểu tại Toà Bạch Ốc ngày 20 Tháng Một, ông nói: “Khoảng một phần tư nợ công của Hoa Kỳ trong 200 năm qua đến từ “bốn năm của người tiền nhiệm của tôi”, ám chỉ cựu Tổng thống Donald Trump.

Các đảng viên Dân chủ khác nhắc lại họ từng bỏ phiếu để nâng trần nợ dưới thời chính quyền Trump nên bây giờ phải “có qua có lại”. Một đảng viên GOP ôn hòa hàng đầu, Dân biểu Brian Fitzpatrick (Pennsylvania) cảnh báo trên “Fox News Sunday”: “Sẽ là một vấn đề nếu Biden không thuyết phục được sự tham gia của các đảng viên GOP trong thời đại đất nước bị chia rẽ!”.

Là đồng chủ tịch của “Problem Solvers Caucus” (nhóm giải quyết vấn đề lưỡng đảng), Fitzpatrick cho biết ông đang nghiên cứu luật để tìm cách phá vỡ bế tắc cùng Dân biểu Josh Gottheimer (New Jersey), một đảng viên Dân chủ ôn hòa, và cho biết cả hai sẽ sớm trình một dự luật mới.

Theo Fitzpatrick, dự luật đang còn soạn thảo sẽ thay đổi thước đo trần nợ từ “số tiền bằng đôla” thành tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nếu tỷ lệ phần trăm đó vượt quá một ngưỡng ấn định, “thời kỳ chữa bệnh” sẽ bắt đầu. Ông lưu ý “nếu không có chữa trị, một số cải cách ngân sách quy định sẽ tự động bắt đầu” và nhấn mạnh: “Không ai nên giữ vững lập trường không đàm phán”.
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by hoanghoa »

Thông điệp Liên bang: Biden kêu gọi hợp tác cùng làm việc
Hiếu Chân
8 tháng 2, 2023

Image
Tổng thống Joe Biden đọc diễn văn Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ tối ngày thứ Ba 07/02/2023, nhấn mạnh đoàn kết lưỡng đảng. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc hội và được truyền hình tới toàn dân Mỹ vào tối ngày thứ Ba 7 tháng Hai 2023, Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi đảng Cộng hòa hợp tác với ông để xây dựng lại nền kinh tế và đoàn kết quốc gia đồng thời trấn an người dân đang bi quan với tình trạng chia rẽ chính trị gay gắt.

Đây là lần thứ hai ông Biden đọc Thông điệp Liên bang (State of the Union) trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ nhưng lần này khung cảnh đã khác hẳn năm ngoái khi sau lưng ông là một Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa với bộ mặt vô cảm, còn những nhà lập pháp Cộng hòa mới giành được đa số mong manh trong Hạ Viện đã nhiều lần đứng lên gào thét, chỉ trích chính quyền và chính sách của đảng Dân chủ mà ông là đại diện.

Ngay từ khi cuộc họp bắt đầu, sự chia rẽ đảng phái đã hiện rõ. Các nghị sĩ Dân chủ – gồm cả Phó Tổng thống Kamala Harris ngồi sau lưng ông – đã vỗ tay nhiệt liệt khi ông bắt đầu đọc diễn văn. Trong khi đó tân Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa, Dân biểu Kevin McCarthy, mặc dù đã chào đón tổng thống một cách nồng nhiệt khi ông bước vào phòng, vẫn ngồi im tại chỗ sau lưng ông Biden mà không biểu lộ cảm xúc gì.

Image
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa – California) (bên phải) không biểu lộ cảm xúc gì khi nghe diễn văn của Tổng thống Biden. Ảnh Jacquelyn Martin-Pool/Getty Images

Ông Biden cũng đọc Thông điệp Liên bang vào lúc tỷ lệ cử tri ủng hộ ông thấp một cách đáng ngại: 42% cử tri chấp nhận công việc của ông trong hai năm đầu cầm quyền, chỉ cao hơn một chút so với người tiền nhiệm Donald Trump, 40.4%, và thấp hơn tất cả những tổng thống hiện đại khác. Thăm dò ý kiến của AP-NORC Center vừa thực hiện cho thấy chỉ một phần tư dân Mỹ nói đất nước đang đi đúng hướng, còn ba phần tư cho rằng nước Mỹ đã sai đường. Đa số đảng viên đảng Dân chủ không muốn ông Biden tái tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

***

Tuy vậy, Thông điệp Liên bang 2023 của ông tối nay là một thành công, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích thời sự. Trong bài diễn văn dài 73 phút, ông Biden đã nhấn mạnh vào sự thay đổi đáng kể của nước Mỹ sau hai năm từ lúc ông nhậm chức tổng thống tháng Giêng 2021: từ một nền kinh tế đang chao đảo trở thành một quốc gia thịnh vượng, kinh tế tăng trưởng và hơn 12 triệu việc làm mới đã được tạo ra; từ một quốc gia tê liệt, mệt mỏi vì đại dịch thành một quốc gia đã mở cửa bình thường và một nền dân chủ đã vượt qua thử thách lớn nhất kể từ Nội Chiến.

“Câu chuyện của nước Mỹ là câu chuyện về sự tiến bộ và khả năng phục hồi; câu chuyện của việc luôn tiến về phía trước; không bao giờ bỏ cuộc. Một câu chuyện độc đáo trong mọi quốc gia,” ông Biden nói. “Chúng ta là quốc gia duy nhất đi ra khỏi mọi cuộc khủng hoảng mà mạnh mẽ hơn so với khi chúng ta bước vào khủng hoảng. Và một lần nữa, chúng ta đã làm được điều đó”.


Tuy nhiên, “Chúng ta chưa làm xong việc”, ông tuyên bố.

Ông Biden đã tìm cách trấn an người dân rằng vai trò điều hành đất nước của ông đã mang lại kết quả cả trong và ngoài nước. Thay vì đưa ra các đề nghị chính sách hào nhoáng, ông Biden đã trình bày một sự đánh giá lạc quan về tình trạng của quốc gia; ông tuyên bố hai năm sau cuộc tấn công vào Điện Capitol, nền dân chủ của Mỹ đã “không bị khuất phục và không bị phá vỡ”.

Nhưng thách thức đối với ông Biden là rất lớn: Sự bất định của nền kinh tế, cuộc chiến mệt mỏi ở Ukraine, căng thẳng gia tăng với Trung Quốc và nhiều chuyện khác. Những dấu hiệu chấn thương trong quá khứ tại Điện Capitol, đáng chú ý nhất là cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021, là không thể tránh khỏi: Một hàng rào lớn bao quanh đồi Capitol, các nhà lập pháp và khách mời tham dự cuộc họp phải trải qua thủ tục kiểm tra an ninh chặt chẽ hơn bình thường.

***

Thách thức gay gắt nhất có lẽ là tình trạng chia rẽ và đối lập gay gắt về chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, giữa hành pháp và lập pháp. Và đó cũng là trọng tâm bài diễn văn State of the Union của ông tối nay.


Ông nhấn mạnh những lĩnh vực mà hai đảng đã đạt được tiến bộ trong hai năm đầu tiên tại nhiệm của ông, bao gồm việc thông qua các đạo luật quan trọng về cơ sở hạ tầng, về sản xuất công nghệ cao và về giảm lạm phát, trong đó tập trung vào việc phát triển năng lượng sạch. Từ tiến bộ đó, ông khẳng định: “Không có lý do gì chúng ta không thể làm việc cùng nhau trong Quốc hội mới này.”

“Người dân đã gửi cho chúng ta một thông điệp rõ ràng. Chiến đấu chỉ để chiến đấu, quyền lực vì quyền lực, xung đột vì xung đột thì chẳng đưa chúng ta đến đâu cả,” ông Biden nói. “Và tầm nhìn của tôi đối với đất nước luôn là: khôi phục linh hồn của quốc gia, xây dựng lại xương sống của nước Mỹ – tầng lớp trung lưu – để đoàn kết đất nước.” “Chúng ta được bầu lên đây để hoàn thành công việc!” ông khẳng định.

Sau khi dành hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ để thông qua các đạo luật quan trọng, đặt nền tảng cho công cuộc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ và cải thiện điều kiện sống của người dân, nay ông tập trung vào việc thực hiện những đạo luật lớn đó và mong muốn cử tri ghi nhận thành tích của ông.

Bằng những điệp khúc nảy lửa, trong bài diễn văn ông Biden đã 13 lần kêu gọi các nghị sĩ “hãy hoàn thành công việc”, kêu gọi các nhà lập pháp hoàn thành công việc dang dở của chính quyền liên bang về hạn chế chi phí insulin cho tất cả người Mỹ bị bệnh tiểu đường, đối mặt với biến đổi khí hậu, tăng thuế đối với người giàu và các tập đoàn cũng như cấm vũ khí tấn công.
Image
“Chúng ta được bầu lên đây để hoàn thành công việc [cho đất nước]”, ông Biden nhắc nhở các nhà lập pháp trong Điện Capitol tối 07/02/2023. Ảnh Win McNamee/Getty Images
Lời kêu gọi đoàn kết của người đứng đầu quốc gia là hết sức cần thiết. Đảng Cộng hòa mới giành được quyền kiểm soát Hạ Viện đang rất muốn hủy bỏ nhiều thành tích của chính quyền Biden và thề sẽ thực hiện vô số cuộc điều tra – từ việc xem xét những các tài liệu mật mới phát hiện gần đây từ thời ông còn làm phó tổng thống tại nhà riêng và văn phòng cũ của ông cho đến cuộc rút quân hỗn loạn và đẫm máu khỏi Afghanistan tháng Tám 2021.
Mặc dù cam kết đoàn kết lưỡng đảng nếu có thể, ông Biden cũng nhấn mạnh những căng thẳng gay gắt tồn tại giữa ông và các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện: Ông phê phán các nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm bãi bỏ luật chăm sóc sức khỏe và biến đổi khí hậu năm 2022 và thái độ miễn cưỡng của họ trong việc tăng giới hạn nợ liên bang vào giữa năm nay hoặc đưa đất nước tới nguy cơ vỡ nợ.

“Thay vì bắt những người giàu có trả phần công bằng của họ, thay vì không cho phép các tỷ phủ đóng thuế với tỷ lệ ngang bằng hoặc thấp hơn các giáo viên và lính cứu hỏa, một số đảng viên Cộng hòa muốn chương trình chăm sóc y tế cho người cao niên (Medicare) và quỹ An sinh xã hội phải chấm dứt hoạt động sau mỗi chu kỳ năm năm. Các đảng viên Cộng hòa khác nói rằng nếu chúng tôi không cắt giảm quỹ An sinh xã hội và Medicare, họ sẽ để nước Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta. Tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra,” ông Biden nhấn mạnh.

Xem ra Tổng thống Biden đang cho thấy một nhánh hành pháp không ngại va chạm với lập pháp, thậm chí còn gay gắt hơn lúc đảng Dân chủ của ông nắm đa số ở cả hai viện. Lợi thế của ông có lẽ là ở chỗ Thượng viện vẫn thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân chủ và nhờ đó có thể làm giảm thiểu sức chống đối của Hạ viện.


Trong khi hy vọng về chế độ đoàn kết lưỡng đảng trên quy mô lớn là rất mong manh, Biden vẫn tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội năm 2022 ủng hộ các chương trình của ông nhằm giải quyết nạn dịch thuốc gây nghiện (opioid), sức khỏe tâm thần, sức khỏe của cựu chiến binh và bệnh ung thư. Ông đã công bố chương trình hành động mới và kêu gọi các nhà lập pháp hỗ trợ các biện pháp mới nhằm đẩy mạnh nghiên cứu bệnh ung thư, giải quyết nhu cầu nhà ở và tình trạng tự tử của các cựu chiến binh, tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và trấn áp mạnh hơn nữa nạn buôn bán ma túy fentanyl gây chết người.
Image
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng hòa-Georgia) đứng lên la hét và ra dấu phản đối bài diễn văn Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden tại Điện Capiotl tối 07/02/2033. Ảnh Win McNamee/Getty Images

Nhưng dường như lời kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng của ông đã không được đón nhận một cách tích cực. Những lời bình luận của Biden về các chương trình an sinh xã hội đã bị các đảng viên Cộng hòa phản đối kịch liệt. Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng hòa- Georgia) và một số người khác đã đứng dậy, một số người hét lên “Tên dối trá!”

Đáp lại, Tổng thống Biden nói: “Hãy đứng dậy và cho mọi người thấy: Chúng tôi sẽ không cắt An sinh xã hội! Chúng tôi sẽ không cắt Medicare!” Khi các dân biểu Cộng hòa tuyên bố họ không cắt Medicare thì ông Biden lật lại: “Thế thì chúng ta đồng thuận rồi nhé”!

***

Bài diễn văn của ông Biden chỉ vài ngày sau khi ông ra lệnh bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi ngờ là gián điệp của Trung Quốc bay ngang qua nước Mỹ, thu hút sự chú ý của cả quốc gia và là một lời nhắc nhở về mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc toàn cầu. “Đừng nhầm lẫn: Như chúng tôi đã nói rõ vào tuần trước, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng ta, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước. Và chúng tôi đã làm,” ông Biden nói.

Bài diễn văn năm ngoái diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine và khi nhiều người ở phương Tây nghi ngờ khả năng của Kyiv chịu đựng được cuộc tấn công dữ dội đó. Trong năm qua, Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã gửi hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự và kinh tế để củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine. Bây giờ, ông Biden phải chứng minh – cả trong và ngoài nước – liên minh dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ bền vững kể cả khi chiến tranh kéo dài. Ông cho biết cuộc xâm lược của Nga là “một thử thách của thời đại. Một phép thử cho nước Mỹ. Một phép thử cho thế giới.”

“Cùng nhau, chúng ta đã làm điều mà nước Mỹ luôn làm hết sức mình. Chúng ta đã dẫn đầu. Chúng ta đã thống nhất NATO và xây dựng một liên minh toàn cầu. Chúng ta chống lại sự xâm lược của Putin. Chúng ta sát cánh cùng người dân Ukraine,” ông Biden nói.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by hoangphong »

Nikki Haley chính thức “thách đấu” Donald Trump
Việt Bình
19 tháng 2, 2023

Image
Bà Nikki Haley (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Ngày 14 Tháng Hai 2023, Nikki Haley, cựu Thống đốc Nam Carolina và cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, đã chính thức “tuyên chiến” với Donald Trump, khi tuyên bố tham gia cuộc đua tranh cử tổng thống.

Việc công bố sớm chiến dịch tranh cử của Nikki Haley, 51 tuổi, khi kêu gọi “sự thay đổi thế hệ” trong đảng Cộng hòa (GOP), được xem như là cơ hội để bà dẫn đầu trong chiến dịch gây quỹ và thu hút sự chú ý mạnh hơn đối với các cử tri của vòng bầu cử sơ bộ. Trong video thông báo tranh cử, Nikki Haley không đề cập tên của Trump nhưng hàm ý rõ bà muốn đoạn tuyệt với kỷ nguyên Trump.

Ngoài việc kêu gọi một thế hệ mới tiến lên, Nikki Haley kêu gọi các đảng viên GOP cùng đoàn kết để thực hiện những vấn đề trọng đại. Nikki Haley nhấn mạnh: “Cộng hòa đã thua phiếu phổ thông ở bảy trong tám cuộc bầu cử tổng thống vừa qua”, và “điều này phải thay đổi.”


Trong một cuộc tranh cử giả định mới đây, với nhiều ứng cử viên khác, Trump giành được ít hơn 50% cử tri GOP. Việc Nikki Haley tham gia cuộc đua cho thấy cựu tổng thống đã thất bại trong việc “dọa” các đối thủ GOP trong việc gián tiếp yêu cầu họ nhường sân cho mình. Đây hẳn nhiên là sự nghiền ngẫm với những phân tích chiến thuật và khả năng chiến thắng có thể trong tầm tay của Nikki Haley trong bối cảnh mới. Năm 2021, Nikki Haley từng nói bà sẽ không tranh cử nếu Trump là ứng cử viên.

Kể từ khi rời chính quyền Trump năm 2018, Nikki Haley luôn giữ quan hệ tốt với cựu tổng thống, ca ngợi các chính sách và thành tựu của ông. Tuy nhiên, một ngày sau cuộc tấn công Điện Capitol ngày 6 Tháng Một 2021, Nikki Haley nói rằng hành động của Trump “sẽ bị lịch sử phán xét gay gắt”. “Ông ấy đã đi vào con đường mà lẽ ra ông ấy không nên đi, và lẽ ra chúng tôi không nên theo ông ấy, không nên nghe lời ông ấy,” Nikki Haley nói với Politico vài ngày sau. Tuy nhiên, Nikki Haley lại phản đối việc luận tội Trump liên quan cuộc bạo động gây ô nhục lịch sử Hoa Kỳ.
Image
Nikki Haley và Donald Trump, 2018 (ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

Trong một số cuộc phỏng vấn vào Tháng Một 2023, Nikki Haley cho rằng đã đến lúc những ông già như Trump (76 tuổi) và Biden (80) nên lùi lại và nhường sân khấu cho thế hệ tiếp theo. Để chuẩn bị nghị sự tranh cử, Nikki Haley đang nêu bật tiểu sử cá nhân với việc xuất thân từ gia đình nhập cư, trở thành nữ thống đốc đầu tiên của South Carolina và là thống đốc đầu tiên không phải người Da trắng. “Tôi là đứa con gái đáng tự hào của những người nhập cư Ấn Độ, không phải Da đen, không phải Da trắng,” – Nikki Haley, sinh ra ở Bamberg, South Carolina, nói trong video loan báo tranh cử tổng thống.

Cha của Nikki Haley, Ajit Singh Randhawa; và mẹ, Raj Kaur Randhawa, là những người nhập cư từ Punjab (Ấn Độ). Họ đến Nam Carolina khi ông Ajit Singh Randhawa nhận vị trí giảng dạy tại một trường đại học của người Da đen. Được nuôi dạy với niềm tin tôn giáo của truyền thống người Sikh, Nikki Haley cải đạo sang Công giáo sau khi lập gia đình với Michael Haley năm 1996. Sau khi tốt nghiệp Đại học Clemson, Nikki Haley Haley làm việc cho cửa hàng thời trang của gia đình; sau đó tham chính và giành được ghế nghị sĩ Hạ viện South Carolina. Nikki Haley được bầu làm thống đốc năm 2010.

Với tư cách cựu Thống đốc South Carolina, về mặt lý thuyết, Nikki Haley có vị trí thuận lợi cho cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024 của tiểu bang. Tuy nhiên, cần nhắc lại, bang nhà của Nikki Haley cũng là nơi mà cử tri GOP bảo thủ ủng hộ Trump một cách tuyệt đối vào năm 2016. Tại South Carolina, Nikki Haley còn có thể đụng độ với một ứng cử viên tiềm năng, Thượng nghị sĩ Tim Scott, người dường như đang nhom nhem tìm cách tranh cử tổng thống khi chứng minh nội lực với tư cách là một nhà gây quỹ đáng gờm.

Image
Hai nhân vật ngồi cạnh Nikki Haley trong một phiên họp Đại hội đồng LHQ vào Tháng Chín 2018 – Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo – đều có thể trở thành đối thủ tiềm năng của bà trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024 (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Một số nhân vật trung thành Trump trong chính trường South Carolina tin rằng có rất ít khả năng cựu tổng thống sẽ thua cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024 tại tiểu bang này. Tuy nhiên, Wes Climer, một thượng nghị sĩ tiểu bang và là người ủng hộ Haley, nhận định rằng Nikki Haley “hoàn toàn có thể” giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina nếu bà thực hiện chiến dịch tranh cử tốt ở Iowa và New Hampshire.

Một số nhân vật “số má” trong Cộng hòa khác có thể tranh cử tổng thống là Ron DeSantis (Thống đốc Florida); cựu Phó Tổng thống Mike Pence; và Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng và giám đốc CIA dưới thời Trump. Thống đốc Chris Sununu của New Hampshire và Glenn Youngkin của Virginia cũng có thể đang để mắt đến cuộc chạy đua, chưa kể cựu Thống đốc Larry Hogan của Maryland.

Trong các cuộc thăm dò ban đầu về “mức độ nhận biết” tên tuổi, Nikki Haley chưa đạt được “chỉ số” cao. Nikki Haley là sự lựa chọn của vỏn vẹn 1% cử tri GOP trong cuộc thăm dò do Đại học Monmouth thực hiện vào Tháng Hai; trong khi Trump và DeSantis cùng ở mức 33%.

Tuy nhiên, Nikki Haley là nhân vật được yêu thích của những người tài trợ cho GOP. Một ủy ban hành động chính trị mà bà thành lập năm 2021 để xây dựng danh sách các nhà tài trợ, hỗ trợ những ứng cử viên giữa nhiệm kỳ và chịu trách nhiệm trang trải chi phí cho chuyến đi vận động chính trị của bà – Stand for America PAC – đã huy động được $17 triệu. Trong khi đó, DeSantis huy động được hơn $100 triệu nhưng hiện còn lại khoảng $64 triệu; và Mike Pence, từ khi rời Nhà Trắng, chỉ gom được $1.2 triệu.

Để thực hiện chiến dịch tranh cử, Nikki Haley sẽ đến New Hampshire sau một cuộc chào sân được lên kế hoạch ở South Carolina vào ngày 15 Tháng Hai, và bà dự định đến Iowa vào tuần tới.
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by hoangphong »

Hi hữu tại Nam California: Cảnh báo tuyết rơi dày 6.5 foot ở vùng núi
February 26, 2023

SAN DIEGO, California (NV) – Một cơn bão mùa Đông từ Thái Bình Dương ập vào khắp miền Nam California đổ xuống 6.5 foot tuyết trên vùng Mountain High và hơn 5 inch lượng mưa trong vùng Cucamonga Canyon, theo đài CNN.

Theo Sở Khí Tượng Quốc Gia chi nhánh ở San Diego cho biết, tuyết rơi dày 5 foot trong vùng Snow Valley, 57 inch tại Bear Mountain Snow Summit, 50 đến 55 inch đến hẻm núi Wrightwood Acorn Canyon, 45 inch tại hồ Green Valley Lake, 38 inch tại Mount Baldy và 36 inch ở hồ Arrowhead Lake.
Image
Một chiếc xe bị trượt vì bão tuyết đâm vào một vũng nước nhỏ ven đường vùng núi Sierra Pelona Mountain, gần Green Valley, Los Angeles County. (Hình: Mario Tama/Getty Images)
Ngoài ra, mưa lớn tại nhiều khu vực, bao gồm hơn 4 inch ở vùng Holy Jim Canyon, hẻm núi Lower Silverado Canyon và đập Henshaw Dam; hơn 3 inch ở La Jolla Amago, Costa Mesa, Núi Woodson và Sân bay Carlsbad; Và hơn 2 inch đến phi trường John Wayne, Escondido, San Bernardino và Temecula, theo báo cáo lượng mưa trong vòng năm ngày.

Cảnh báo hiếm có về tình trạng tuyết rơi được đưa ra tại một số khu vực ở miền Nam California và khu vực Los Angeles, cũng như những cảnh báo khác về độ nguy hiểm do thời tiết mùa Đông ở những vùng có độ cao lớn hơn.

Cơn bão mùa khiến gây ra điều kiện giao thông nguy hiểm ở một số khu vực.

Tại rừng Quốc gia Los Padres National Forest, State Route 33 bị đóng cửa do các đường trượt đá và xói mòn từ những cơn bão này cũng như từ các cơn bão trước đó, theo video từ Bộ Giao Thông Vận Tải California.
Image
Tuyết phủ cột bảng chỉ đường tại vùng Green Valley, Los Angeles County. (Hình: Mario Tama/Getty Images)

Bà Lynda Sandoval và chồng, sống ở Frazier Park, cách Los Angeles khoảng 65 dặm về phía Tây Bắc không thể ra khỏi nhà kể từ Thứ Sáu, bà Sandoval nói với CNN.

Tuyết rơi nặng tạo ra các điều kiện giao thông nguy hiểm trong khu vực và nhà chức trách đã đóng nhiều phần trên của xa lộ I5.


“Dù chúng tôi có chuẩn bị kỹ cho cơn bão tuyết và có đủ thức ăn để kéo dài vài ngày nhưng tôi vẫn bị ‘sốc’ khi nhìn tuyết phủ tràn ngập,” bà Sandoval kể.

Hệ thống bão này đang trên đường di chuyển về phía Đông sâu vào trong nội địa nước Mỹ và dự báo tạo ra gió lớn sẽ gây tổn hại đáng kể trên khắp miền Trung nước Mỹ vào hôm Chủ Nhật.

Hơn 20 triệu người đang đối mặt với sự đe doạ từ các cơn bão vào hôm Chủ Nhật từ phía Tây tiểu bang Texas đến Illinois, bao gồm thành phố Oklahoma City, Tulsa, thành phố Kansas City, Fort Worth và St. Louis. (MPL) [kn]
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by thienthanh »

Lá thư của cựu Tổng Thống Jimmy Carter
Mai Vũ Phạm

Image


Hội từ thiện The Carter Center hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Hai loan tin Tổng Thống thứ 39 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 đến 1981) – Jimmy Carter được đưa về nhà để an dưỡng cuối đời (hospice care).

“Sau những lần vào viện chữa trị, cựu Tổng Thống Jimmy Carter quyết định dành hết những tháng ngày còn lại để an dưỡng bên gia đình, trong ngôi nhà của ông thay vì tiếp tục điều trị. Gia đình và nhân viên y tế ủng hộ ông về quyết định này,” The Carter Center thông báo.

Cháu trai của ông, Jason Cater, cựu Thượng Nghị Sĩ Georgia, viết trên Twitter hôm Thứ Sáu: “Tôi đã gặp ông và bà của tôi. Họ rất an nhiên và, lúc nào cũng thế, ngôi nhà của ông bà tràn ngập tình yêu.”


Cựu Tổng Thống Carter không xa lạ với cộng động người Việt hải ngoại, bởi chính ông là người đã ký Đạo luật Di dân, cho phép thêm 15.000 người tị nạn Việt Nam vào Mỹ, gấp đôi con số đã đề ra trước đó.

Năm 2022, nhân ngày tưởng niệm một năm Toà Quốc Hội bị tấn công, Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 – 1981) – Jimmy Carter, đã viết bài xã luận trên New York Times, như một lời mời gọi thiết tha gửi đến cử tri Mỹ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến nền dân chủ Mỹ trước khi quá muộn.
Image
***

Một năm trước, một đám đông bạo lực được các chính trị gia vô đạo đức kích động, đã xông vào toà nhà Quốc Hội và sắp thành công trong việc ngăn chặn sự chuyển giao quyền lực dân chủ. Cả bốn cựu tổng thống của chúng ta đều lên án hành động bạo lực của họ và khẳng định tính hợp pháp của cuộc bầu cử năm 2020. Đã có một hy vọng lẻ loi rằng cuộc nổi loạn sẽ khiến đất nước thức tỉnh để giải quyết tình trạng chia rẽ chính trị độc hại đang đe dọa nền dân chủ của chúng ta.

Tuy nhiên, một năm sau, những người tuyên bố dối trá rằng “cuộc bầu cử đã bị tước đoạt” đã kiểm soát chính đảng của họ và gây mất niềm tin vào hệ thống bầu cử của chúng ta. Những thành phần này phát huy sức mạnh và ảnh hưởng bằng cách liên tục gieo rắc những thông tin sai lệch, điều này tiếp tục khiến người Mỹ chống lại người Mỹ. Theo Trung tâm Khảo sát về Cuộc sống Hoa Kỳ, 36% người Mỹ – khoảng 100 triệu người trưởng thành đủ thành phần đảng phái – đồng ý rằng “lối sống truyền thống của Mỹ đang biến mất nhanh đến mức chúng ta có thể phải dùng vũ lực để cứu lấy nó.” Tờ Washington Post gần đây đưa tin rằng khoảng 40% đảng viên Cộng Hòa tin rằng hành động vũ lực chống lại chính phủ đôi khi là chính đáng.

Các chính trị gia ở bang Georgia quê hương tôi, cũng như ở các bang khác, như Texas và Florida, đã tận dụng sự ngờ vực mà chính họ tạo ra, để ban hành luật trao quyền cho các cơ quan lập pháp thuộc đảng của họ, can thiệp thô bạo vào các quy trình bầu cử. Họ tìm cách giành chiến thắng bằng mọi cách, và nhiều người Mỹ đang bị thuyết phục để suy nghĩ và hành động tương tự. Điều này đe dọa làm sụp đổ nền tảng an ninh và dân chủ của chúng ta với tốc độ chóng mặt. Hiện tại, tôi lo sợ rằng những gì chúng ta đã đấu tranh rất vất vả để đạt được trên toàn cầu đã và đang suy yếu nghiêm trọng ngay tại quê nhà: quyền bầu cử tự do, công bằng, không bị ngăn cản trở bởi các lãnh đạo chuyên chế, là những người không tìm kiếm gì hơn ngoài việc đẩy mạnh quyền lực của mình.


Cá nhân tôi đã gặp phải mối đe dọa này tại quê nhà vào năm 1962, khi một viên chức bầu cử quận tìm cách đánh cắp chiến thắng của tôi vào Thượng viện Georgia. Đây là cuộc bầu cử sơ bộ, và tôi đã kiện hành vi gian lận này. Cuối cùng, một thẩm phán đã bác bỏ kết quả, và tôi đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Từ đó, việc bảo vệ và thúc đẩy nền dân chủ trở thành ưu tiên hàng đầu đối với tôi. Khi là tổng thống, mục tiêu chính của tôi là thiết lập chế độ đa số ở miền Nam Châu Phi và các nơi khác.

Sau khi rời Toà Bạch Ốc và thành lập Trung Tâm Carter, chúng tôi đã nỗ lực để thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do, công bằng, và có trật tự trên toàn cầu. Tôi đã lãnh đạo hàng chục phái đoàn quan sát bầu cử ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, và Châu Á, bắt đầu từ Panama vào năm 1989, nơi tôi đặt một câu hỏi đơn giản cho các quản trị viên: “Bạn là những quan chức trung thực hay kẻ cắp?”

Tại mỗi cuộc bầu cử, vợ tôi, Rosalynn, và tôi đã cảm động trước sự can đảm và cam kết của hàng nghìn công dân đi bộ hàng dặm và xếp hàng chờ từ bình minh đến hoàng hôn để bỏ những lá phiếu đầu tiên trong các cuộc bầu cử tự do, nuôi dưỡng hy vọng cho bản thân và quốc gia của họ, và tiếp những bước đầu tiên cho quyền tự trị. Nhưng tôi cũng chứng kiến các nền dân chủ mới – và đôi khi cả những nơi dân chủ đã được thiết lập – có thể rơi vào tay quân phiệt hoặc những kẻ thèm khát quyền lực. Sudan và Myanmar là hai ví dụ gần đây.
Image
Để nền dân chủ Mỹ tồn tại lâu dài, chúng ta phải yêu cầu các nhà lãnh đạo và ứng cử viên của chúng ta phải giữ vững lý tưởng tự do và tuân thủ các tiêu chuẩn ứng xử đạo đức.

Thứ nhất, trong khi công dân có thể bất đồng về các chính sách, mọi công dân thuộc mọi thành phần chính đảng, phải đồng ý về các nguyên tắc và chuẩn mực hiến pháp cơ bản về công bằng, văn minh, và tôn trọng pháp quyền. Công dân có thể dễ dàng tham gia vào các quy trình bầu cử minh bạch, an toàn, và bảo mật. Các khiếu nại về sự bất thường trong bầu cử phải được đệ trình một cách thiện chí để tòa án xét xử, với tất cả những người tham gia đồng ý chấp nhận kết quả điều tra. Và quá trình bầu cử nên được tiến hành một cách hòa bình, không bị đe dọa và bạo lực.

Thứ hai, chúng ta phải thúc đẩy cải cách nhằm đảm bảo an ninh và khả năng tiếp cận các cuộc bầu cử, cũng như đảm bảo lòng tin của công chúng vào tính chính xác của kết quả bầu cử. Những tuyên bố giả mạo về bỏ phiếu bất hợp pháp và các cuộc kiểm toán vô nghĩa chỉ làm giảm những lý tưởng dân chủ.

Thứ ba, chúng ta phải chống lại sự chia rẽ chính trị đang biến đổi bản sắc của chúng ta. Chúng ta phải tập trung vào một vài sự thật thiết yếu: Chúng ta đều là con người, đều là người Mỹ, và chúng ta cùng hy vọng cho cộng đồng và quốc gia phát triển. Chúng ta phải tìm cách gắn kết, trong tinh thần tôn trọng và xây dựng, bằng cách tổ chức các cuộc trò chuyện dân sự với gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp và cùng nhau đứng lên chống lại các thế lực đang chia rẽ chúng ta.

Thứ tư, bạo lực không có chỗ đứng trong nền chính trị của chúng ta, và chúng ta phải hành động khẩn cấp để thông qua hoặc củng cố luật pháp để loại bỏ xu hướng ám sát, đe dọa, và sự hiện diện của lực lượng dân quân có vũ trang. Chúng ta phải bảo vệ các quan chức bầu cử của mình – những người bạn và hàng xóm đáng tin cậy của nhiều người trong chúng ta – khỏi các mối đe dọa đối với sự an toàn của họ. Cơ quan thực thi pháp luật phải có khả năng giải quyết những vấn đề này và tham gia vào nỗ lực toàn quốc để giải quyết vấn đề bất công chủng tộc trong quá khứ và hiện tại.

Cuối cùng, phải giải quyết việc lan truyền thông tin sai lệch, đặc biệt là trên mạng xã hội. Chúng ta phải cải cách mạng xã hội và tập thói quen tìm kiếm thông tin đúng đắn. Các doanh nghiệp và các cộng đồng tôn giáo nên khuyến khích tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, tham gia vào các cuộc bầu cử và nỗ lực chống lại thông tin sai lệch.

Quốc gia vĩ đại của chúng ta hiện đang đứng trên bờ vực thẳm ngày càng lan rộng. Nếu không có hành động ngay lập tức, chúng ta thực sự có nguy cơ xung đột dân sự và đánh mất nền dân chủ quý giá của mình. Người Mỹ phải gạt sự khác biệt sang một bên và liên đới cùng nhau trước khi quá muộn.

(Mai Vũ Phạm phỏng dịch)
phaodai
Posts: 80
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:06 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by phaodai »

Cựu Tổng thống Trump bị truy tố hình sự trong vụ “tiền bịt miệng”
Bình Phương
30 tháng 3, 2023


Image
Một người chống đối ông Trump biểu tình trước tòa nhà chính phủ ở Manhattan trong những ngày đại bồi thẩm đoàn New York xem xét có truy tố ông Trump tội hình sự hay không. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Một đại bồi thẩm đoàn ở Manhattan, New York đã bỏ phiếu quyết định truy tố cựu Tổng thống Donald Trump với cáo buộc sử dụng các khoản tiền trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 để bịt miệng một tài tử phim khiêu dâm tố cáo một những vụ quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của ông ta. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một cựu tổng thống Hoa Kỳ bị truy tố về tội hình sự.

Bản cáo trạng – được xác nhận hôm thứ Năm 30 tháng Ba 2023 bởi luật sư Joe Tacopina, luật sư của ông Trump – là một diễn biến bất thường sau nhiều năm điều tra các vụ án về các giao dịch kinh doanh, chính trị và cá nhân của ông Trump. Vụ án có khả năng kích động những người chỉ trích ông Trump – những người cho rằng Trump đã liên tục nói dối và gian lận để đạt được vị trí quyền lực cao nhất, đồng thời nó cũng khuyến khích những người ủng hộ ông ta củng cố quan điểm rằng đảng Cộng hòa đang bị một công tố viên đảng Dân chủ nhắm đến một cách bất công.

Ông Trump, người đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và đã nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra là có động cơ chính trị, dự kiến ​​sẽ ra đầu thú chính quyền vào tuần tới, theo một người quen thuộc với vấn đề này và không được phép thảo luận về một vấn đề vẫn đang được giữ kín.

Khi đưa ra các cáo buộc, Biện lý quận Manhattan, ông Alvin Bragg, đã chấp nhận một vụ án bất thường đã được điều tra bởi hai nhóm biện lý trước đó, cả hai đều từ chối thực hiện bước bùng nổ chính trị là đưa ra bản cáo trạng đối với ông Trump.

Image
Một ủng hộ viên đơn độc của ông Trump bị cảnh sát bắt giữ sau khi dùng dao tấn công người qua đường trước trụ sở Tòa Hình sự Manhattan ở New York hôm 28 tháng Ba. Đại bồi thẩm đoàn hôm thứ Năm 30 tháng Ba đã bỏ phiếu quyết định truy tố hình sự ông Trump về hành vi dùng tiền bịt miệng một cô đào phim khiêu dâm để che giấu các quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của ông ta trong thời gian tranh cử tổng thống 2016.
Ảnh Drew Angerer/Getty Images


Trong những tuần trước khi có bản cáo trạng, ông Trump đã công kích cuộc điều tra trên mạng xã hội và kêu gọi những người ủng hộ ông biểu tình phản đối thay cho ông, khiến an ninh xung quanh tòa án hình sự Manhattan được siết chặt hơn.

Ngoài vụ bị truy tố hình sự ở Manhattan, ông Trump còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ pháp lý tiềm tàng khác vào lúc ông ta tìm cách tái khẳng định quyền kiểm soát đảng Cộng hòa và ngăn chặn hàng loạt đồng minh một thời của ông đang tìm kiếm hoặc có khả năng chống lại ông ta để được đề cử làm tổng thống.

Một biện lý quận ở Atlanta, Georgia trong hai năm qua đã điều tra những nỗ lực của ông Trump và các đồng minh nhằm can thiệp vào cuộc kiểm phiếu năm 2020 của Georgia. Và một luật sư đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang điều tra việc Trump cất trữ các tài liệu mật của chính phủ tại dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Florida và những nỗ lực của ông nhằm đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by thienthanh »

Lại thêm hai vụ xả súng hàng loạt ở South Carolina
Bảo An
8 tháng 4, 2023

Image
Thắp nến cầu nguyện cho chín nạn nhân của vụ xả súng tại Nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal hôm 18 Tháng Sáu, năm 2015 tại Charleston, South Carolina – tiểu bang xảy ra nhiều vụ xả súng hàng loạt trong thời gian gần đây. (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Sau khi các học sinh trung học tập trung tại một bãi biển ở South Carolina vào chiều Thứ Sáu, sáu người đã bị bắn trong cuộc đụng độ và nổ súng, tin từ USA Today hôm 8 Tháng Tư.

Cảnh sát trưởng Isle of Palms Kevin Cornett cho biết hôm Thứ Bảy, rằng hai người đã bị bắt, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu họ có liên quan đến vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 5:20 chiều hôm Thứ Sáu hay không.

Học sinh từ nhiều trường trung học địa phương tham gia vào lễ kỷ niệm ngày ‘skip’ của học sinh cuối cấp, Sở cảnh sát Isle of Palms xác nhận với USA Today. Các nạn nhân ở độ tuổi 15 và 16, Cornett cho biết, và một phụ nữ ở độ tuổi 30 không tham gia lễ kỷ niệm trên bãi biển. Cornett cũng cho biết cảnh sát tịch thu hai khẩu súng lục của các nghi phạm.


Một nghi phạm, 16 tuổi, bị bắt vì sở hữu một khẩu súng ăn cắp, và một thanh niên 18 tuổi bị bắt vì sở hữu một khẩu súng trong bãi đậu xe của thành phố, cảnh sát cho biết. Tất cả các nạn nhân được chuyển đến Đại học Y khoa South Carolina với những vết thương không nguy hiểm đến tính mạng, ABC 4 News đưa tin.

Cornett cho biết hômThứ Bảy rằng tất cả các nạn nhân đều trong tình trạng ổn định và một số đã được xuất viện. “Tôi thật đau lòng khi chúng ta ở trong một cộng đồng mà bất cứ nơi nào, trẻ em nào cũng có thể dính đến bạo lực,” Cornett nói trong cuộc họp báo hôm Thứ Bảy, đài truyền hình WIS News 10 của Columbia, South Carolina đưa tin. Nhà chức trách tiếp tục điều tra vụ xả súng.

Thành phố Isle of Palms tọa lạc trên một đảo chắn cách Charleston, South Carolina khoảng 15 dặm về phía Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm Thứ Bảy, Cảnh sát trưởng Quận Charleston, Kristin Graziano, đã lên án một vụ xả súng hàng loạt khác.
Image
Mọi người tham dự buổi cầu nguyện dưới ánh nến tại đài tưởng niệm bên ngoài phòng khiêu vũ Star Ballroom, nơi xảy ra vụ xả súng hàng loạt chết người vào ngày 25 Tháng Giêng năm 2023 tại Monterey Park, California. (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Chính quyền tiểu bang South Carolina đang điều tra một vụ nổ súng tại một hộp đêm vào sáng sớm Chủ nhật khiến ít nhất 9 người bị thương. Đây là vụ xả súng hàng loạt thứ hai ở tiểu bang và là vụ thứ ba trên toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh cuối tuần.

Các vụ xả súng ở South Carolina và một ở Pittsburgh, trong đó hai trẻ vị thành niên bị giết vào sáng sớm Chủ nhật, cũng khiến ít nhất 31 người bị thương. Tại một quán rượu ở quận Hampton, cách Charleston khoảng 80 dặm về phía Tây, cũng xảy ra vụ nổ súng nhưng không ai thiệt mạng. Ở Pittsburgh, hai nam thanh niên thiệt mạng và ít nhất 8 người bị thương khi bị bắn trong một bữa tiệc tại một khu nhà cho thuê ngắn hạn.

Cảnh sát trưởng Scott Schubert của thành phố nói hầu hết những người tham dự bữa tiệc đều ở tuổi vị thành niên. Các nhà chức trách tin rằng có nhiều kẻ xả súng, và cảnh sát đang điều tra bằng chứng tại hiện trường, trải dài một vài dãy nhà xung quanh ngôi nhà cho thuê.

Như vậy là chỉ trong vài ngày cuối tuần của mùa Phục Sinh năm nay, South Carolina xảy ra ba vụ xả súng hàng loạt.

Hồi Tháng Hai, Tổng thống Biden kêu gọi Quốc hội hành động ngay về cải cách luật súng đạn để giải quyết cái mà ông gọi là “đại dịch” bạo lực súng đạn của nước Mỹ.
phaodai
Posts: 80
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:06 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by phaodai »

Image

Thăm dò dư luận: Chỉ còn 25% dân Mỹ ủng hộ Trump, 61% chống
11/04/2023
Nguyễn Quốc Khải
Theo một cuộc thăm dò mới của ABC News/IPSOS, sự ủng hộ dành cho cựu Tổng Thống Donald Trump đã giảm nhanh chóng sau khi ông bị buộc tội với 34 tội danh gian dối trong vụ án tiền bịt miệng ở Manhattan vào tuần trước. Nếu các vấn đề pháp lý của Trump không cấm ông ta tranh cử, kết quả thăm dò dư luận có thể sẽ làm được điều đó. Một khảo sát mới cho thấy ông ấy đang mất sự hỗ trợ nhanh chóng, rớt xuống như cục đá.

Tỷ lệ tán thành của Trump giảm xuống còn 25%, thực sự mất thêm điểm sau khi bị truy tố.

Người ta nói việc truy tố sẽ giúp ông ta. Nếu nhìn vào bản thăm dò ý kiến ABC News này, ch ú ng ta thấy tất cả là tin xấu đối với Trump. Chỉ một trong bốn người Mỹ hiện nay có ấn tượng tốt đẹp về ông ta.

25% là con số khủng khiếp nếu bạn đang cố gắng chiến thắng trong tổng bầu cử. Nhưng các con số của Trump bên trong bầu cử sơ bộ một lần nữa là tốt.

Ông khó có thể chiến thắng với 25%. Chúng ta không nói ông sẽ không hoặc không thể thắng, nhưng những con số rất xấu cho Donald Trump. Mức độ yêu thích 25% có nghĩa là ba trong bốn người mỹ không có ấn tượng tốt đẹp về Trump.

Con số 25% chưa bao giờ thấy đính kèm cho bất kỳ ứng viên nào thực sự là ứng viên hàng đầu được đảng của minh đề cử.

Có rất nhiều người có thể có ấn tượng không tốt về Donald Trump và đảng Cộng Hòa, các cử tri Cộng Hòa trong bầu cử sơ bộ, nhưng giữa Donald Trump và một ứng cử viên Dân Chủ, họ sẽ bầu cho Donald Trump.

Trump có thể chiến thắng một bầu cử sơ bộ của Cộng Hòa, nhưng không có cách nào để ông có thể chiến thắng trong một tổng bầu cử, trừ khi một số điều thực sự hấp dẫn thay đổi. Từ bây giờ đến tháng 11 năm 2024 có rất nhiều thời gian.

Cách đây 15 năm chúng ta đã gặp một chính trị gia lớn ở Mỹ, một người vừa là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ hoặc một tổng thống đương nhiệm hoặc một nhà lãnh đạo của một đảng có những con số tồi tệ này. Đó là George W. Bush vào cuối nhiệm vụ tổng thống năm 2008.

Tất cả sự tiêu cực của một tổng thống sắp ra đi ở George W. Bush tự chuyển sang cho John McCain. Chiến dịch tranh cử của John McCain có rất nhiều vấn đề, nhưng một trong những vấn đề nó là tổng thống Cộng Hòa không được nổi tiếng ngồi trong Nhà Trắng. Đó là lần sau cùng chúng ta thấy con số vào khoảng 20%.

Đối với một thành viên Cộng Hòa có lý trí và muốn chiến thắng vào năm 2024, Donald Trump có thể chiến thắng không? Có thể. Mọi thứ đều có thể.


ABC News / IPSOS
10-4-2023



Tóm tắt tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by nguyenvsau »

Image
Chấn động Fox News sa thải ngôi sao Tucker Carlson
April 24, 2023

(New York Times) – Fox News vào thứ Hai thông báo, cơ quan truyền thông bảo thủ sa thải Tucker Carlson – xướng ngôn viên giờ vàng nổi tiếng và là một trong những tiếng nói ảnh hưởng nhất cánh hữu Hoa Kỳ.

Thông báo được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi tập đoàn truyền thông Fox dàn xếp bồi thường $ 787,5 triệu Mỹ kim trong một vụ kiện mạ lỵ từ Dominion Voting System, trong đó chương trình của Carlson – một trong những chương trình trên Fox có số lượng người xem cao nhất – đóng vai trò nổi bật trong việc truyền bá thông tin sai trái về bầu cử 2020.


Quyết định sa thải Carlson gây kinh ngạc nội bộ Fox News, và thế giới truyền thông bảo thủ, nơi ông ta có quyền lực giống như một vài người khác đối với việc đề cào các ứng cử viên và những tranh cãi trong chương trình “Tucker Carlson Tonight” vào 8h tối hàng đêm. Chương trình được theo dõi và đón xem nhiều nhất trong suốt thời gian nhiệm kỳ của Donald Trump – một đồng minh ý thức hệ và đôi khi là bạn tâm giao của Carlson. Cả hai người đàn ông này giúp thúc đẩy những quan điểm cực hữu cứng rắn về những vấn đề như cải tổ di trú, và mối quan hệ nhiều chủng tộc trong dòng chính Cộng hoà, và cả hai đều hứng thú chống lại các đối thủ của mình bằng những công kích trơ tráo, táo bạo, và thông thường sự thật.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, những náo loạn liên quan đến Fox News gây ảnh hưởng đến Carlson và chương trình của ông ta. Carlson được xem sẽ là một nhân chứng quan trọng trong phiên toà xét xử vụ kiện mạ lỵ do Dominion đệ đơn, cho đến khi hệ thống truyền thông bảo thủ bất ngờ thoả thuận dàn xếp.


Fox bày tỏ biết ơn ngắn gọi trong thông báo vào cuối giờ sáng thứ Hai. “Fox News Media và Tucker Carlson đồng ý chia tay. Chúng tôi cám ơn ông ấy đã phục vụ hệ thống trong vai trò xướng ngôn viên và trước đó là bình luận viên,” thông báo ghi.

Vị trí của xướng ngôn viên ngôi sao nhanh chóng trở nên bấp bênh. Chương trình cuối cùng của Carlson vào thứ Sáu tuần qua. Và theo hai nguồn tin, Carlson chỉ được thông báo bị sa thải vào sáng thứ Hai. Fox vào tuần trước vẫn quảng bá một cuộc phỏng vấn sẽ được Carlson thực hiện vào thứ Hai với ứng cử viên tổng thống Cộng hòa năm 2024 Vivek Ramaswamy.

Xướng ngôn viên Harris Faulkner vào trên sóng vào thứ Hai cho biết, bắt đầu từ tối hôm nay, chương trình tạm thời mang tên Fox News Tonight” sẽ được phát sóng vào lúc 8h tối “với các nhân sự của Fox News luân phiên dẫn chương trình cho đến khi có người mới” được điền vào thay thế.


Không chỉ những phát ngôn trên làn sóng khiến Carlson gặp rắc rối. Các tin nhắn của ông ta với các nhà sản xuất, trong đó có những tin nhắn thô tục nhạo báng Donald Trump và các luật sư tư của ông ta được vụ kiện mạ lỵ của Dominion tiết lộ. “Tôi ghét ông ta kinh khủng,” Carlson nhắn cho đồng nghiệp, gọi cựu Tổng thống là “thế lực ma quỷ, là kẻ huỷ diệt.”

Vào cuối tháng trước, một trong những nhà sản xuất chương trình trước đây của ông ta đệ đơn kiện Fox, trong đó cáo buộc Carlson tạo một môi trường làm việc độc hại.

Sự ra đi của Carlson đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi nổi lên nhanh chóng tại kênh truyền hình tin tức và ý kiến bảo thủ, nơi Carlson được đưa vào đội ngũ ưu tú vào cuối năm 2016, và nhanh chóng nổi lên là một trong những ngôi sao truyền thông lớn của thời đại Trump.

Hơn bất cứ xướng ngôn viên nào của Fox, Carlson thu hút khán giả bằng việc khai thác vào những lo lắng, bất an, và bất bình về văn hoá, chủng tộc trong căn cứ chính trị của cựu Tổng thống. Ông ta cảnh báo khán giả rằng họ đang bị giới tinh hoa cấp tiến và di dân lậu tấn công. Carlson mượn một số chủ đề trọng tâm từ các trang mạng chủ nghĩa dân tộc da trắng và cực hữu, đánh bóng chúng lại để thu hút thêm người xem dòng chính.

Nhà sản xuất chính của “Tucker Carlson Tonight,” Justin Wells cũng Fox News cắt hợp đồng. Wells làm việc chặt chẽ với Carlson kể từ khi chương trình giờ vàng của ông ta bắt đầu vào năm 2016.


Trong những năm gần đây, Carlson 53 tuổi đã phát triển chương trình của mình vững chắc khiến mọi người tin rằng ông ta “bất khả xâm phạm” theo một nghĩa nào đó. Carlson ký hợp đồng mới với Fox News vào năm 2021, mở rộng sang podcast và một loạt phim tài liệu mang tên “Tucker Carlson Originals” cho dịch vụ phát trực tuyến Fox Nation.

Xướng ngôn viên cực hữu vào năm 2022 trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông mới Semafor đã khoe khoang về sự tự do quyết định và hoạt động của mình tại Fox. “Tôi không cần phải rõ ràng với bất cứ ai. Tôi gởi kịch bản trễ,” Carlson nói.

Ông ta không phải là ngôi sao đầu tiên của Fox bị “đá” sau khi phát triển được lượng khán gỉa khổng lồ, và làm cho người hâm mộ ấn tượng rằng họ đơn giản là bóng quá lớn không thể thất bại. Vào năm 2011, cơ quan truyền thông bảo thủ sa thải Glenn Beck, ngôi sao lớn của Tea Party luôn chửi rủa cựu Tổng thống Barack Obama khiến cho chương trình của ông ta trở nên nổi tiếng nhất trong lịch sử của Fox News. Hai năm sau, Fox chia tay Sarah Palin – cựu thống đốc bang Alaska. Lãnh đạo của Fox vào lúc đó cho biết, một yếu tố quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác dẫn đến sa thải là: Không một người nào lớn hơn cơ quan truyền thông.

Cổ phiếu của Fox rớt giá 3% vào thứ Hai sau tin tức Tucker Carlson bị sa thải.

Hương Giang (Theo New York Times)
phaodai
Posts: 80
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:06 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by phaodai »

Sự ‘tàng hình’ của người Á châu trên đất Mỹ
Sunita Sohrabji


Image
Mọi người đứng trước bức tranh tường “Chấm dứt sự căm ghét của người Châu Á” khi tham gia cuộc biểu tình phản đối bạo lực đối với người Mỹ gốc Á tại Công viên Sara D. Roosevelt vào ngày 14 Tháng Hai năm 2022 trong khu phố Tàu ở Thành phố New York. Các cuộc tấn công vào người Mỹ gốc Á gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Bốn trong số năm người Mỹ gốc Á cảm thấy như thể họ không thuộc về Hoa Kỳ và hơn một nửa nói rằng họ luôn có cảm giác lo sợ, không an toàn, khi đi trên đường phố.

Cộng đồng người Mỹ gốc Á là một trong những cộng đồng lâu đời nhất ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn bị nhiều người Mỹ coi là “người ngoại quốc”. “Sự phân biệt đối xử luôn định hình. Chúng ta luôn là mối nguy hiểm có màu vàng, hay mối nguy hiểm “đen tối” đe dọa chính sự tồn tại của nước Mỹ,” Tiến sĩ Russell Jeung, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại đại học San Francisco State University, đồng sáng lập cổng thông tin điện tử Stop AAPI Hate, cho biết. “Giống như một huyền thoại, rằng chúng ta sẽ luôn là người ngoại quốc.”

Jeung phát biểu tại một cuộc thảo luận ngày 16 Tháng Năm, về bản sắc của người Mỹ gốc Á. Người dẫn chương trình tin tức KPIX Ryan Yamamoto điều hành cuộc thảo luận, cùng các diễn giả Neil Ruiz, Trưởng phòng Sáng kiến Nghiên cứu Mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew; Tiến sĩ Malathi Srinivasan, Giáo sư Y khoa lâm sàng tại Đại học Stanford; và Tiến sĩ Richard Pan, bác sĩ nhi khoa đã phục vụ trong Thượng viện tiểu bang California trong bảy năm. Cuộc thảo luận được Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Sức khỏe Châu Á Stanford với sự hợp tác của Diễn đàn Nhân viên Châu Á Stanford và Hiệp hội Nhà báo Người Mỹ gốc Á, San Francisco phối hợp tổ chức.

Một báo cáo khác được The Asian American Foundation (TAAF) công bố vào ngày 4 Tháng Năm cho thấy cứ năm người Mỹ gốc Á thì có bốn người cảm thấy như thể họ không thuộc về nơi này. Hơn một nửa nói họ cảm giác mất an toàn, đặc biệt khi đi trên đường phố. “Thật ngạc nhiên khi thấy rằng hơn ¼ người Mỹ vẫn nghĩ rằng người Mỹ gốc Á trung thành hơn với quốc gia gốc của họ,” Norman Chen, Giám đốc điều hành của TAAF, cho biết trong phần giới thiệu về báo cáo, những nhận thức sai lầm đáng tiếc và kéo dài này đã làm xói mòn cảm giác thân thuộc và an toàn của người Mỹ gốc Á.
Image
Biểu tình phản đối bạo lực đối với người Mỹ gốc Á tại Công viên Sara D. Roosevelt vào ngày 14 Tháng Hai năm 2022 trong khu phố Tàu ở Thành phố New York sau vụ sát hại Christina Yuna Lee, 35 tuổi. Lee đã bị một người đàn ông đi theo và vào tận nhà để đâm chết. Các cuộc tấn công vào người Mỹ gốc Á gia tăng dữ dội trong đại dịch COVID-19. (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Vào đầu những năm 1900, người Á châu có liên quan đến việc mang bệnh đậu mùa, sốt rét và bệnh phong đến Hoa Kỳ, dẫn đến Đạo luật loại trừ người Trung Quốc năm 1882 và Đạo luật loại trừ người Á châu năm 1924. Người Á châu bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và cư dân đã sống ở đây bị cấm mua đất, tương tự như ba dự luật hiện đang chờ Cơ quan lập pháp tiểu bang Texas xử lý.

“Lịch sử đang lặp lại,” Jeung nói. “Chúng tôi biết rằng khi COVID-19 đến, người Mỹ gốc Á sẽ bị đổ lỗi. Kể từ khi thành lập, cổng thông tin Stop AAPI Hate ghi lại hơn 11,000 hành vi bạo lực thù địch chống lại AAPI.” Jeung nói rằng nhiều người tin Trung Quốc và người Mỹ gốc Hoa là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ. “Có thể chỉ trích chính sách của Trung Quốc, nhưng chúng ta phải tách Trung Quốc ra khỏi người Mỹ gốc Hoa.”

Diễn giả Neil Ruiz đưa ra những phát hiện của nghiên cứu Pew, cuộc khảo sát lớn nhất từ trước đến nay về AAPI. Bảng câu hỏi đã được gửi tới hơn 268,000 người và 7,006 cuộc phỏng vấn đã được hoàn thành.

Kết quả là:

-Khoảng một nửa (52%) người trưởng thành gốc Á cho biết họ thường xuyên giới thiệu gốc gác dân tộc của họ một cách đơn lẻ (26%) chẳng hạn như “người Nhật Bản” hoặc “người Đại Hàn” hoặc nói theo kiểu kết hợp với người Mỹ (25%) như người Mỹ gốc Việt;

-28% tự mô tả mình là người Á châu, đi một mình (12%) hoặc là người Mỹ gốc Á (16%); Chỉ 10% giới thiệu mình là người Mỹ;

-41% người Ấn Độ chỉ sử dụng bản sắc dân tộc của họ, mà không thêm “người Mỹ”;

-Gần 1/3 người Mỹ gốc Á thế hệ thứ ba xác nhận một cách đơn giản “Tôi là người Mỹ”;

-Hơn một nửa người Mỹ gốc Á nói rằng phần lớn bạn bè của họ là người cùng sắc tộc với họ. Nhưng điều đó thay đổi theo thời gian.

-Khoảng 38% AAPI thế hệ thứ hai chỉ có bạn bè cùng sắc tộc với họ;

-86% người Mỹ gốc Á nói rằng họ cảm thấy thoải mái với hôn nhân khác chủng tộc và kết hôn với người khác chủng tộc;

-Cứ 5 người Mỹ gốc Á thì có một người che giấu một phần danh tính của họ với những người không phải là người Á châu.

Tiến sĩ Malathi Srinivasan nói về sự cần thiết của dữ liệu sức khỏe phân tích đối với người Mỹ gốc Á, lưu ý rằng sự khác biệt về gen, thu nhập và lối sống đóng một vai trò rất lớn trong việc xác định kết quả về sức khỏe. Ví dụ, người Nam Á dễ mắc bệnh tiểu đường và các vấn đề về tim hơn so với người Mỹ gốc Á nói chung, trong khi người Mỹ gốc Hoa có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn so với dân số nói chung. Người Mỹ gốc Việt có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao nhất.

“Nhưng thông tin như vậy phần lớn là giai thoại, không có dữ liệu để hỗ trợ,” Srinivasan nói. “Lưu ý rằng quá trình phân tích dữ liệu sức khỏe AAPI rất phức tạp và phải cân bằng với luật riêng tư. Trong khi đó, kinh phí của Viện Y tế Quốc gia phân bổ cho các nhà nghiên cứu đang thực hiện các nghiên cứu dành riêng cho cộng đồng AAPI, chưa đến 0.15%.”

Liên quan, nhiều người nhập cư phải đối mặt với những rào cản lớn để được chăm sóc y tế thích hợp, thậm chí từ việc hiểu hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ hoạt động như thế nào và mô tả các vấn đề y tế của họ. Srinivasan nói: “Chúng tôi cần đào tạo các bác sĩ của mình tốt hơn, đồng thời trao quyền cho bệnh nhân về cách yêu cầu hoặc yêu cầu chăm sóc sức khỏe tốt hơn.”

Tiến sĩ Richard Pan nhắc lại nhận xét của Tiến sĩ Srinivasan, lưu ý rằng chỉ có khoảng 3% bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có kết quả đối với AAPI. Người Mỹ gốc Á ở đâu? Và tại sao không có báo cáo gì về cộng đồng này? Ông hỏi, và thường hỏi các đồng nghiệp của mình trả lời rằng “những con số quá nhỏ để được nhắc đến”. “Nếu không được nhắc đến, chúng ta không thể tạo ra sự thay đổi,” Pan nói. Bác sĩ nhi khoa này lưu ý rằng người Mỹ gốc Á chiếm đa số ở các cấp độ chăm sóc sức khỏe, nhưng hiếm khi là người ra quyết định hoặc giữ vai trò lãnh đạo.
Image
Các nhà hoạt động AAPI tại một cuộc biểu tình ngày 6 Tháng Sáu năm 2022 ở Washington DC. (ảnh: Sunita Sohrabji via EMS)

Cả Pan và Yamamoto đều nói về sự phân biệt ngôn ngữ mà cá nhân họ phải đối mặt. Khi Pan còn nhỏ, cha mẹ ông chủ yếu nói tiếng Quan thoại ở nhà; ông được đưa vào lớp “giáo dục đặc biệt” vì kỹ năng tiếng Anh kém của mình. “Vì vậy, từ đó trở đi, tôi từ chối nói tiếng phổ thông,” ông cho biết.

Còn Yamamoto thì ngược lại, nghề phát thanh viên đã đưa ông đi khắp nước Mỹ. Nhưng vào ngày nọ, một biên tập viên kéo ông tới, nói: ‘Ryan, anh sẽ có một sự nghiệp tuyệt vời trong nghề báo, nhưng anh cần phải luyện lại giọng.’” Yamamoto rất buồn khi nghe vậy. “Tôi không nói được tiếng Nhật. Bố mẹ tôi không nói được tiếng Nhật. Tiếng Nhật đã bị mất đối với nhiều người Mỹ sau Thế chiến II. Bà tôi thường nói với cha tôi rằng đừng bao giờ nói tiếng Nhật. Vì vậy, chúng tôi cũng không nói tiếng mẹ đẻ,” Ryan nói.

(Nguồn: EMS – Chuyển ngữ: Trang Nguyên)
vuongquan
Posts: 270
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by vuongquan »

Christie tuyên bố tranh cử 2024, gọi Trump là ‘lợn soi gương’
June 8, 2023
MANCHESTER, New Hampshire (NV) – Ông Chris Christie (Cộng Hòa), cựu thống đốc New Jersey, hôm Thứ Ba, 6 Tháng Sáu, tuyên bố tranh cử tổng thống, tại một sự kiện kiểu “họp dân phố” (townhall meeting), tại trường đại học Manchester’s Saint Anselm College, ở Manchester, New Hampshire, theo đài ABC News.

“Vào mỗi thời điểm then chốt trong lịch sử của đất nước, luôn có sự lựa chọn giữa cái lớn và nhỏ, và nước Mỹ trở nên khác biệt nhất, thành công nhất, ánh sáng tuyệt vời nhất cho phần còn lại trong lịch sử thế giới vì chúng ta luôn chọn cái lớn,” cựu Thống Đốc Christie tuyên bố.
Image
Cựu Thống Đốc Chris Christie tại cuộc họp kiểu “townhall meeting” tại Manchester, New Hampshire, hôm Thứ Ba, 6 Tháng Sáu. (Hình: Michael M. Santiago/Getty Images)

Từng là một công tố viên liên bang, ông Christie tự giới thiệu mình là ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng Hòa sẵn sàng đối đầu trực tiếp với tính gây gổ, hiếu thắng của ông Trump.

Cựu thống đốc đả kích ông Trump là một người chỉ biết tư lợi, tự mãn và gọi cựu tổng thống là “lợn chỉ đắm mình soi gương” không phải là một nhà lãnh đạo.

Ông Christie lập luận rằng tấn công ông Trump là cách để giành được đề cử của đảng.

“Tám năm trước, điều đó thật thú vị. Tám năm trước, quý vị được giải trí rồi đó. Tôi tha thứ cho bạn,” ông Christie ám chỉ đến ông Trump vào thời tranh cử năm 2016. “Nhưng, chuyện này không còn hay ho gì nữa. Cũng không còn thú vị nữa.”

Trong khi các ứng cử viên Cộng Hòa còn kiêng dè không dám chỉ trích thẳng thừng cựu Tổng Thống Trump, ông Christie xác định: “Người mà tôi nói với quý vị là kẻ ‘đắm mình soi gương,’ không bao giờ nhận lỗi, luôn luôn đổ tội người khác khi chuyện xảy ra không như ý, và luôn cướp công khi diễn tiến thuận lợi, đó là ông Donald Trump.” (MPL) [qd]
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by hoanghoa »

Cuộc thượng đài giữa Elon Musk và Mark Zuckerberg
Lê Tây Sơn
23 tháng 6, 2023

Image

Truyền thông thế giới sáng ngày 22 Tháng Sáu 2023 đã đồng loạt đăng bản tin về cuộc thách đấu tỉ thí trên võ đài lồng sắt giữa Elon Musk và Mark Zuckerberg. Tất nhiên cuộc so găng như vậy gần như không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa hai tay tỷ phú bên ngoài võ đài cũng ngoạn mục không kém…

Hai nhân vật này không ưa gì nhau và họ công khai miệt thị đối thủ họ. Từ khi Elon Musk cai quản đế chế Twitter, Mark Zuckerberg không bỏ lỡ cơ hội nào để tấn công đối thủ khi Twitter lúng túng với những trục trặc và sai lầm dưới thời chủ sở hữu mới. Phát súng mới nhất: Công ty Meta của Zuckerberg chuẩn bị cho ra mắt một nền tảng giống Twitter.

Vẫn còn quá sớm để nói liệu Meta đấu với Twitter có ngang tầm với những cuộc đấu hoành tráng của các thương hiệu lớn trong thế kỷ trước mà nổi bật là Ford đấu với Chevrolet và Coke so găng sống mái với Pepsi. Nhưng rõ ràng hai ông chủ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến không khoan nhượng, dù ngoài đời thực hay sau hậu trường. Lý do đơn giản, cả hai đều có mối thù âm ỉ trong nhiều năm.

Những người “hiểu” chuyện kể lại, Musk rất bực bội khi thấy Zuckerberg kiếm được tiền quá dễ dàng chỉ nhờ một phần mềm Facebook trong khi ông chật vật với dự án phát triển xe hơi điện và hoả tiễn vũ trụ vốn khó khăn hơn bội lần. Trong khi đó, Zuckerberg lại khao khát nhận được sự tôn trọng mà Musk có, với danh hiệu: “Con người của những cuộc cách mạng canh tân”.

Tháng Sáu 2023, ban lãnh đạo Meta khẳng định với đội ngũ nhân viên: “Dự án 92” cạnh tranh với Twitter sẽ sớm ra mắt. Theo giám đốc sản phẩm Chris Cox, “Dự án 92” được thúc đẩy bởi những người dùng muốn có một nền tảng truyền thông xã hội “hoạt động lành mạnh” hơn Twitter.

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát Twitter vào cuối Tháng Mười 2022, Musk đã đối mặt với một số thách thức trong việc xây dựng lại công ty theo ý mình, trong bối cảnh nhiều thương hiệu do lo lắng về tương lai của Twitter đã cắt giảm quảng cáo và rời khỏi “sàn” Twitter. Musk đối phó nguy cơ phá sản bằng cách giảm chi phí điều hành và sa thải nhân viên. Gần đây, Musk có vẻ an tâm hơn khi cho biết công ty đang trên đà có lãi trở lại. Twitter cũng đã thuê một CEO quảng cáo truyền hình nổi tiếng ngồi ghế điều hành để cải thiện quan hệ với các nhà quảng cáo.

Khi nghe kế hoạch cạnh tranh với Twitter của Zuckerberg, Musk không ngại dùng những lời lăng mạ đối thủ. Đầu tuần này, sau khi nghe một người dùng Twitter cảnh báo “Zuckerberg bắt đầu tập võ nhiều hơn!”, Musk trả lời trên Twitter: “Tôi sẵn sàng cho một trận đấu trong lồng sắt nếu anh ta muốn”. Zuckerberg, đang học môn võ jujitsu đáp trả ngay ngày hôm sau trên Instagram: “Hãy cho tôi biết địa điểm thi đấu!”. Musk phản hồi: “Nếu chuyện này là thật, tôi sẽ đáp ứng”. Sau đó, ông đề nghị hai người thượng đài ở một sàn đấu Las Vegas.

Có lửa mới có khói

Trận đấu lồng giữa Musk và Zuckerberg, dù khó có thể xảy ra, lấy cảm hứng từ sự kiện vào đầu thập niên 1990, khi Herb Kelleher, người đồng sáng lập hãng hàng không Southwest Airlines muốn giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng trận đấu vật tay với một đối thủ tại nhà thi đấu Dallas trong trận thư hùng có tên “Malice in Dallas”. Tuy nhiên, kết quả đã được sắp xếp trước (theo trang web của Southwest).

Dấu hiệu cho thấy sự thù địch công khai của bộ đôi công nghệ Musk-Zuckerberg bắt đầu từ năm 2016 khi công ty tên lửa SpaceX của Musk ký hợp đồng đưa một vệ tinh của Facebook vào không gian giúp các khu vực rộng lớn ở châu Phi cận Sahara truy cập được internet. Tuy nhiên, hỏa tiễn và vệ tinh bị phá hủy ngay trên mặt đất trong vụ nổ đã phá vỡ tham vọng của Zuckerberg.

“Tôi vô cùng thất vọng khi biết SpaceX đã phá hủy vệ tinh của chúng tôi, làm mất hy vọng kết nối cho rất nhiều doanh nhân và người dân trên khắp lục địa châu Phi” – Zuckerberg kể. Một năm sau, họ lại gay gắt với nhau về trí thông minh nhân tạo (AI) khi Musk phát lời cảnh báo rằng “AI có thể gây nguy hiểm cho nhân loại”.

Trong một video phát trực tiếp trên Facebook ở sân sau nhà mình, Zuckerberg phản bác cảnh báo đó. “Đối với AI, tôi thực sự lạc quan nhưng không hiểu những người không đồng tình dựng lên kịch bản ngày tận thế để làm gì? Hành vi này rất tiêu cực, thậm chí vô trách nhiệm!”. Musk đáp trả trong một tweet. “Tôi đã nói chuyện với Mark về chủ đề này và cảm thấy sự hiểu biết của anh ấy còn khiêm tốn!” Năm 2018, giữa cuộc tranh cãi liên quan Meta, khi có những lo ngại quyền riêng tư của người dùng bị lạm dụng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và phong trào tẩy chay Facebook, Musk cũng có các dòng tweet về vấn đề này. Cả Tesla và SpaceX của Musk đều xóa trang Facebook – Wall Street Journal cho biết.

Sự bất hòa của hai tỷ phú không chỉ giới hạn ở cá nhân hai người mà họ cũng có thói quen chỉ trích người khác. Musk thường công khai dùng Twitter để chọc ghẹo các tỷ phú như Jeff Bezos, Bill Gates và Warren Buffett. Năm ngoái, Musk nói bóng gió về trận đấu với Tổng thống Vladimir Putin sau khi Nga xâm lược Ukraine. Zuckerberg cũng gây chú ý liên quan một cuộc tranh cãi riêng tư kéo dài hàng năm trời với Tim Cook của Apple sau khi CEO của công ty sản xuất iPhone đưa ra những bình luận công khai bị cho là chỉ trích Facebook.

Sau đó, Facebook bày tỏ sự bất mãn về những thay đổi của Apple trong cài đặt quyền riêng tư mà Facebook cho là cố tình gây cản trở cho việc kiếm tiền từ dữ liệu người dùng của Meta. “Chúng ta cần phải làm cho đối phương đau đớn” – Zuckerberg nói với các thân cận khi tập hợp họ chống lại Apple. Phần mình, Musk cũng gặp vấn đề với kho ứng dụng của Apple. Ngay sau khi tiếp quản Twitter, Musk tuyên chiến với Apple về các khoản phí mà Apple thu từ những người dùng Twitter mua hàng trong ứng dụng thông qua App Store.
buikiem
Posts: 503
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by buikiem »

Image

Cuộc thượng đài giữa Elon Musk và Mark Zuckerberg
Lê Tây Sơn

Truyền thông thế giới sáng ngày 22 Tháng Sáu 2023 đã đồng loạt đăng bản tin về cuộc thách đấu tỉ thí trên võ đài lồng sắt giữa Elon Musk và Mark Zuckerberg. Tất nhiên cuộc so găng như vậy gần như không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa hai tay tỷ phú bên ngoài võ đài cũng ngoạn mục không kém…

Hai nhân vật này không ưa gì nhau và họ công khai miệt thị đối thủ họ. Từ khi Elon Musk cai quản đế chế Twitter, Mark Zuckerberg không bỏ lỡ cơ hội nào để tấn công đối thủ khi Twitter lúng túng với những trục trặc và sai lầm dưới thời chủ sở hữu mới. Phát súng mới nhất: Công ty Meta của Zuckerberg chuẩn bị cho ra mắt một nền tảng giống Twitter.

Vẫn còn quá sớm để nói liệu Meta đấu với Twitter có ngang tầm với những cuộc đấu hoành tráng của các thương hiệu lớn trong thế kỷ trước mà nổi bật là Ford đấu với Chevrolet và Coke so găng sống mái với Pepsi. Nhưng rõ ràng hai ông chủ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến không khoan nhượng, dù ngoài đời thực hay sau hậu trường. Lý do đơn giản, cả hai đều có mối thù âm ỉ trong nhiều năm.


Những người “hiểu” chuyện kể lại, Musk rất bực bội khi thấy Zuckerberg kiếm được tiền quá dễ dàng chỉ nhờ một phần mềm Facebook trong khi ông chật vật với dự án phát triển xe hơi điện và hoả tiễn vũ trụ vốn khó khăn hơn bội lần. Trong khi đó, Zuckerberg lại khao khát nhận được sự tôn trọng mà Musk có, với danh hiệu: “Con người của những cuộc cách mạng canh tân”.

Tháng Sáu 2023, ban lãnh đạo Meta khẳng định với đội ngũ nhân viên: “Dự án 92” cạnh tranh với Twitter sẽ sớm ra mắt. Theo giám đốc sản phẩm Chris Cox, “Dự án 92” được thúc đẩy bởi những người dùng muốn có một nền tảng truyền thông xã hội “hoạt động lành mạnh” hơn Twitter.

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát Twitter vào cuối Tháng Mười 2022, Musk đã đối mặt với một số thách thức trong việc xây dựng lại công ty theo ý mình, trong bối cảnh nhiều thương hiệu do lo lắng về tương lai của Twitter đã cắt giảm quảng cáo và rời khỏi “sàn” Twitter. Musk đối phó nguy cơ phá sản bằng cách giảm chi phí điều hành và sa thải nhân viên. Gần đây, Musk có vẻ an tâm hơn khi cho biết công ty đang trên đà có lãi trở lại. Twitter cũng đã thuê một CEO quảng cáo truyền hình nổi tiếng ngồi ghế điều hành để cải thiện quan hệ với các nhà quảng cáo.

Khi nghe kế hoạch cạnh tranh với Twitter của Zuckerberg, Musk không ngại dùng những lời lăng mạ đối thủ. Đầu tuần này, sau khi nghe một người dùng Twitter cảnh báo “Zuckerberg bắt đầu tập võ nhiều hơn!”, Musk trả lời trên Twitter: “Tôi sẵn sàng cho một trận đấu trong lồng sắt nếu anh ta muốn”. Zuckerberg, đang học môn võ jujitsu đáp trả ngay ngày hôm sau trên Instagram: “Hãy cho tôi biết địa điểm thi đấu!”. Musk phản hồi: “Nếu chuyện này là thật, tôi sẽ đáp ứng”. Sau đó, ông đề nghị hai người thượng đài ở một sàn đấu Las Vegas.

Có lửa mới có khói

Trận đấu lồng giữa Musk và Zuckerberg, dù khó có thể xảy ra, lấy cảm hứng từ sự kiện vào đầu thập niên 1990, khi Herb Kelleher, người đồng sáng lập hãng hàng không Southwest Airlines muốn giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng trận đấu vật tay với một đối thủ tại nhà thi đấu Dallas trong trận thư hùng có tên “Malice in Dallas”. Tuy nhiên, kết quả đã được sắp xếp trước (theo trang web của Southwest).


Dấu hiệu cho thấy sự thù địch công khai của bộ đôi công nghệ Musk-Zuckerberg bắt đầu từ năm 2016 khi công ty tên lửa SpaceX của Musk ký hợp đồng đưa một vệ tinh của Facebook vào không gian giúp các khu vực rộng lớn ở châu Phi cận Sahara truy cập được internet. Tuy nhiên, hỏa tiễn và vệ tinh bị phá hủy ngay trên mặt đất trong vụ nổ đã phá vỡ tham vọng của Zuckerberg.

“Tôi vô cùng thất vọng khi biết SpaceX đã phá hủy vệ tinh của chúng tôi, làm mất hy vọng kết nối cho rất nhiều doanh nhân và người dân trên khắp lục địa châu Phi” – Zuckerberg kể. Một năm sau, họ lại gay gắt với nhau về trí thông minh nhân tạo (AI) khi Musk phát lời cảnh báo rằng “AI có thể gây nguy hiểm cho nhân loại”.

Trong một video phát trực tiếp trên Facebook ở sân sau nhà mình, Zuckerberg phản bác cảnh báo đó. “Đối với AI, tôi thực sự lạc quan nhưng không hiểu những người không đồng tình dựng lên kịch bản ngày tận thế để làm gì? Hành vi này rất tiêu cực, thậm chí vô trách nhiệm!”. Musk đáp trả trong một tweet. “Tôi đã nói chuyện với Mark về chủ đề này và cảm thấy sự hiểu biết của anh ấy còn khiêm tốn!” Năm 2018, giữa cuộc tranh cãi liên quan Meta, khi có những lo ngại quyền riêng tư của người dùng bị lạm dụng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và phong trào tẩy chay Facebook, Musk cũng có các dòng tweet về vấn đề này. Cả Tesla và SpaceX của Musk đều xóa trang Facebook – Wall Street Journal cho biết.

Sự bất hòa của hai tỷ phú không chỉ giới hạn ở cá nhân hai người mà họ cũng có thói quen chỉ trích người khác. Musk thường công khai dùng Twitter để chọc ghẹo các tỷ phú như Jeff Bezos, Bill Gates và Warren Buffett. Năm ngoái, Musk nói bóng gió về trận đấu với Tổng thống Vladimir Putin sau khi Nga xâm lược Ukraine. Zuckerberg cũng gây chú ý liên quan một cuộc tranh cãi riêng tư kéo dài hàng năm trời với Tim Cook của Apple sau khi CEO của công ty sản xuất iPhone đưa ra những bình luận công khai bị cho là chỉ trích Facebook.

Sau đó, Facebook bày tỏ sự bất mãn về những thay đổi của Apple trong cài đặt quyền riêng tư mà Facebook cho là cố tình gây cản trở cho việc kiếm tiền từ dữ liệu người dùng của Meta. “Chúng ta cần phải làm cho đối phương đau đớn” – Zuckerberg nói với các thân cận khi tập hợp họ chống lại Apple. Phần mình, Musk cũng gặp vấn đề với kho ứng dụng của Apple. Ngay sau khi tiếp quản Twitter, Musk tuyên chiến với Apple về các khoản phí mà Apple thu từ những người dùng Twitter mua hàng trong ứng dụng thông qua App Store.

Với một số người, cả Elon Musk lẫn Mark Zuckerberg đều là những tài năng lỗi lạc của thời đại nhưng họ không đáng được tôn trọng bởi tư cách cả hai đều có “vấn đề”. Cả hai đều xem việc kiếm tiền là quan trọng hơn hết và cả hai cũng sẵn sàng hạ mình nhượng bộ trước những thế lực chính trị nào đó miễn sao tiền tiếp tục chạy vào túi họ thật nhiều.
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by dailien »

Quân đội Mỹ đáp ứng vụ tàu Nga và Trung Quốc xuất hiện gần Alaska
August 8, 2023


JUNEAU, Alaska (NV) – Một nhóm tàu tuần tiễu Nga và Trung Quốc gồm các chiến hạm đã hoạt động ngoài khơi Alaska vào tuần trước, theo lời các giới chức quốc phòng hồi cuối tuần qua, nguồn tin CNN hôm Thứ Hai, 7 Tháng Tám, cho hay. Cuộc phô trương lực lượng này đã khiến cho các đơn vị phòng thủ hải phận của Hoa Kỳ phải đáp ứng, nhưng nó không gây ra đe dọa an ninh nào cho Hoa Kỳ hoặc Canada, một giới chức của Bộ Tư Lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ (USNORTHCOM) cho biết.

USNORTHCOM và Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Không Gian đã khai triển phi cơ và chiến hạm đến theo dõi cuộc tuần tra của các tàu Nga và Trung Quốc, lúc đó đang ở trong hải phận quốc tế.

Qua một bản tuyên bố được đưa ra vào hôm Thứ Bảy, hai Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa của Alaska, là Dan Sullivan và Lisa Murkowski, cho biết một tổng số là 11 chiếc tàu Nga và Trung Quốc đã hành quân gần quần đảo Aleutian Islands, và 4 khu trục hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đã đến nghênh cản. Bà Murkowski còn cho biết bà và ông Sullivan từng “liên lạc chặt chẽ với các sĩ quan cao cấp Bộ Tư Lệnh Alaska” từ năm bảy ngày qua, và họ đã được trình bày chi tiết về sự kiện các tàu ngoại quốc qua lại trên vùng biển của Mỹ tại quần đảo Aleutians.

Phát ngôn viên Tòa Đại Sứ Trung Quốc Liu Pengyu nói với CNN qua một bản tuyên bố rằng “theo kế hoạch cộng tác hằng năm giữa quân đội Nga và Trung Quốc, các tàu Hải Quân của đôi bên mới đây đã thực hiện các cuộc hành quân tại vùng quần đảo Aleutians Islands, là vùng biển quốc tế tại phía Tây và phía Bắc Thái Bình Dương. Hoạt động này không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào và không liên quan gì tới tình hình quốc tế cũng như vùng miền hiện nay.” (TTHN)
vuongquan
Posts: 270
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Re: Tin Tức Hoa Kỳ

Post by vuongquan »

Maui, trận cháy rừng chết chóc nhất Hoa Kỳ: 93 người và còn tăng nữa
August 13, 2023

MAUI, Hawaii (NV) – Tai nạn cháy rừng san bằng thị trấn Lahaina tại Hawaii đã nâng tổng số thương vong lên 93, các nhà chức trách cảnh cáo, nỗ lực tìm kiếm và nhận dạng thi thể chỉ mới bắt đầu. Đây là tai nạn cháy rừng kinh hoàng nhất Hoa Kỳ trong hơn một thế kỷ qua, hãng thông tấn AP đưa tin hôm Chủ Nhật, 13 Tháng Tám.

Cảnh sát trưởng Maui, John Pelletier, cho biết các đội cứu hộ chỉ mới khai triển được 3% khu vực tìm kiếm bằng lực lượng chó truy tìm tử thi.
Image
Quang cảnh điêu tàn ở Lahaina, phía Tây Maui, Hawaii hôm 12 Tháng Tám, 2023 (Hình: YUKI IWAMURA/AFP/Getty Images)


Những con chó lùng sục trên đống đổ nát – và thỉnh thoảng tiếng sủa của chúng là tín hiệu báo cho những người đang dẫn dắt chúng rằng, nơi đó có xác chết – tiếng chó sủa vang khắp bầu không khí nóng bức và u ám.

Ít nhất 2,200 căn nhà bị hư hại hoặc tàn phá tại miền Tây Maui, Josh Green, Thống Đốc Hawaii cho biết, trong đó có 86% là vùng dân cư. Ông cho biết thêm, thiệt hại ước tính trên hòn đảo là gần 6 tỷ Mỹ kim. Ông nói “sẽ mất rất nhiều thời gian để mọi thứ phục hồi.”

Maui đang có ít nhất hai vụ cháy khác tại Kiehi thuộc miền Nam Maui và khu dân cư vùng núi Upcountry, nơi chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào cho tới nay. Đám cháy thứ tư đã bùng lên đêm Thứ Sáu, 11 Tháng Tám, tại Kaanapali, khu dân cư ven biển tọa lạc tại miền Bắc Lahaina, nhưng các nhà chức trách cho biết đã dập lửa thành công.

Thống Đốc Green cho biết đám cháy ở Upcountry đã làm ảnh hưởng 544 công trình, trong đó 96% là vùng dân cư.

Các nhà quản lý các vấn đề cấp bách tại Maui đang tìm kiếm chỗ ở cho những người phải rời bỏ nhà cửa. Có tới 4,500 người đang cần có nơi trú ẩn, các viên chức quận cho biết trên Facebook vào sáng Thứ Bảy, 12 Tháng Tám, trích dẫn dữ kiện từ Cơ Quan Quản Lý Khẩn Cấp Liên Bang FEMA và Trung Tâm Thảm Họa Thái Bình Dương.

Một viên đội trưởng đội cứu hỏa về hưu, Geoff Bogar và một người bằng hữu đã gắn bó với ông 35 năm, Franklin Trejos, cho biết ban đầu họ nán lại Lahaina để giúp những người khác và cứu lấy căn nhà của Bogar. Nhưng khi ngọn lửa ngày càng lan đến gần vào chiều Thứ Ba, lúc đó họ buộc phải rời đi. Họ tháo chạy bằng xe hơi riêng nhưng xe của Bogar bị chết máy, ông buộc phải tung cửa sổ rồi lao ra ngoài và trườn trên đất cho tới khi cảnh sát tìm thấy rồi đưa ông đi bệnh viện. Trejos không thoát kịp, đã chết cháy trên xe.

Con số 93 người chết vừa công bố đã vượt qua thiệt hại do vụ hỏa hoạn xảy ra năm 2018 tại miền Bắc California, gây ra cái chết cho 85 người và hủy diệt thị trấn Paradise. Vào thế kỷ trước, hỏa hoạn Croquet năm 1918 xảy ra tại miền Nam Minnesota lúc đó đang trải qua đợt hạn hán khắc nghiệt và lan đến một số vùng nông thôn, thiêu rụi hàng ngàn căn nhà và giết chết hàng trăm người.

Vụ cháy rừng là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tiểu bang Hawaii trong nhiều thập niên qua, vượt qua trận đại hồng thủy giết chết 61 người năm 1960. Thậm chí, cơn đại hồng thủy chết chóc hơn xảy ra năm 1946 tước đi sinh mạng của hơn 150 người tại Big Island đã thôi thúc phát triển hệ thống cảnh báo khẩn cấp bình diện rộng với còi báo động được kiểm tra hàng tháng.

Hôm Thứ Ba, 8 Tháng Tám, hệ thống 80 cái còi báo động trên đảo Maui đã không hề hú lên cảnh cáo cho người dân kịp thoát thân trước khi lửa tới bén gót. Thay vào đó là tín hiệu khẩn cấp gửi qua điện thoại di động, đài phát thanh và truyền hình. Điện cúp, hệ thống vô tuyến viễn thông ngưng hoạt động, nên nhiều người đã không nhận được tín hiệu để biết tình hình khẩn cấp đến mức nào mà chuẩn bị.

Đám cháy trầm trọng nhất quét qua Lahaina hôm Thứ Ba phá hủy gần như toàn bộ nhà cửa trong thị trấn 13,000 dân, để lại đống gạch vụn xám tối xen lẫn màu xanh của đại dương và sườn núi xanh mơn mởn.

Các viên chức thủy lợi đã cảnh cáo dân cư Lahaina và Kula không được dùng nguồn nước hiện tại, do lo ngại khả năng nhiễm bẩn kể cả khi đun sôi, và chỉ tắm nước ấm từ vòi sen trong phòng thoáng khí nhằm tránh tiếp xúc hóa chất bốc hơi. (TTHN)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests