Tin Tức Hoa Kỳ

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
aogiap
Posts: 14
Joined: Sat May 29, 2010 11:10 pm
Contact:

Post by aogiap »

Công dân Anh bị bắt khi cướp súng cảnh sát để giết ông Trump
Tuesday, June 21, 2016 3:50:00 PM

LAS VEGAS, Nevada (AP) – Một công dân Anh bị bắt trong cuộc vận động của ông Donald Trump ở Las Vegas
khi tìm cách cướp súng của một cảnh sát với ý định giết ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa.

Image
Michael Steven Sandford, 20 tuổi, công dân Anh, bị bắt sau khi cướp súng của cảnh sát nhưng không được. (Hình: AP/John Locher)


Michael Steven Sandford, 20 tuổi, tiến gần một cảnh sát hôm cuối tuần, nói rằng muốn được xin chữ ký của ông Trump, rồi bất ngờ tìm cách cướp súng.

Đương sự bị truy tố tội hình sự tại một tòa án liên bang ở Nevada hôm Thứ Hai, về hành vi bạo động. Anh Sandford không được phép đóng tiền tại ngoại.

Luật sư do tòa chỉ định cho biết, đương sự sống trong xe hơi và ở lại Mỹ bất hợp pháp sau khi chiếu khán nhập cảnh đã hết hạn.

Theo cáo trạng, anh Sandford chụp vào báng súng trong khi tìm cách lấy ra khỏi bao của nhân viên cảnh sát.

Theo nhà chức trách, những ai đến dự buổi vận động tổ chức tại khách sạn sòng bài Treasure Island đều phải đi qua máy rà vũ khí.

Sandford nói với nhân viên công lực sau khi bị bắt, rằng anh tin anh sẽ bị giết khi thực hiện âm mưu ám sát.

Ngoài ra, Sandford còn giữ chỗ trước cho một buổi vận động khác của ông Trump ở Phoenix sau đó vào hôm Thứ Bảy như là một kế hoạch dự phòng, một khi âm mưu ở Las Vegas không thực hiện được.

Sandford khai rằng anh lưu lại Mỹ chừng một năm rưỡi, hầu hết thời gian ở Hoboken, New Jersey, rồi lái xe qua San Bernardino, California, trước khi lên Las Vegas vào hôm Thứ Năm.

Cũng theo Sandford, một ngày trước khi đến buổi vận động của ông Trump, anh đến xạ trường để tập bắn loại súng Glock nòng 9mm.

Thẩm Phán Liên Bang George Foley hôm Thứ Hai nói rằng Sandford có khả năng gây nguy hiểm cho cộng đồng kể cả khi di chuyển bằng máy bay.

Khi ra trình diện trước tòa, Sandford phải mang xích sắt ở chân và có vẻ run sợ.

Luật sư biện hộ nói, Sandford mắc chứng tự kỷ và đã từng tìm cách tự tử.

Phiên xử sắp tới dự trù mở vào ngày 5 Tháng Bảy tới. (TP)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Bộ Tư Pháp không truy tố bà Clinton
July 7, 2016

Image
Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch. (Hình: AP Photo/John Raoux)

WASHINGTON, DC (NV) – Bà Loretta Lynch, bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, hôm Thứ Tư cho biết bà Hilllary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, sẽ không bị truy tố trong vụ sử dụng email cá nhân trong công việc suốt thời gian làm ngoại trưởng Hoa Kỳ, gỡ bỏ cản trở cuối cùng của bà Clinton trong chặng đường vận động vào Tòa Bạch Ốc, theo tin các cơ quan truyền thông.

“Chiều hôm nay, tôi đã gặp ông James Comey, giám đốc FBI, cùng với các công tố viên và điều tra viên chuyên nghiệp, những người tiến hành điều tra vụ sử dụng email của bà Clinton,” bà Lynch nói, theo CNN.

“Tôi chấp nhận một đề nghị đồng thuận của họ là qua một năm điều tra kỹ lưỡng, sự việc được kết thúc tại đây và sẽ không có cá nhân nào bị truy tố,” bà Lynch nói.

Ủy ban vận động của bà Clinton ngay lập tức hân hoan với tin này.

“Sự chấp nhận của bộ trưởng Tư Pháp đối với đề nghị của giám đốc FBI cho thấy sự việc này dã được đóng lại, cho dù phía Cộng Hòa vẫn tiếp tục chơi trò chơi chính trị,” ông Brian Fallon, phát ngôn viên của ủy ban vận động này, gởi thông điệp như vậy qua twitter, theo CNN.

Ông Reince Priebus, chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc Ðảng Cộng Hòa (RNC), gọi quyết định này là “một cái tát vào nhiều người Mỹ nghĩ rằng có sự khác biệt khi người bất cẩn với thông tin mật không bị gì cả, trong khi người khác bị tội nhẹ hơn thì lại bị trừng phạt.”

“Những người bất cẩn với thông tin mật bị đưa vào hồ sơ đen, bị mất việc, bị phạt, và ngay cả bị ngồi tù, thế nhưng, bà Hillary Clinton lại được áp dụng một luật khác,” ông Priebus nói qua một bản tuyên bố, theo CNN. “Bằng cách để quyền lợi chính trị lấn át luật pháp, chính quyền Tổng Thống Barack Obama lại tiếp tục làm mất lòng tin công chúng, và cho họ thấy, chính quyền không còn đứng về phía họ nữa.”

Thông báo của bà Lynch được đưa ra một ngày sau khi ông James Comey thông báo ông không đề nghị truy tố bà Clinton, ngay cả khi ông chỉ trích hành động sử dụng email của bà là “cực kỳ bất cẩn.”

Ông Comey cũng phản bác phát biểu của bà Clinton rằng bà không bao giờ gởi thông tin mật qua email cá nhân.

“Mặc dù chúng tôi không tìm thấy một cách rõ ràng là bà Clinton hoặc nhân viên của bà cố tình vi phạm pháp luật, có bằng chứng cho thấy họ cực kỳ bất cẩn trong việc sử dụng thông tin mật,” ông Comey nói. “Chúng tôi phát hiện có 110 email gởi đi và nhận lại có chứa thông tin mật.”

Thông báo của FBI đưa ra vài ngày sau khi bà Lynch gặp cựu Tổng Thống Bill Clinton và là phu quân của bà Hillary, tại phi trường Phoenix, Arizona, mà hai người nói rằng họ chỉ hỏi thăm nhau, chứ không hề đề cập vụ email.

Ngoài ra, quyết định của ông Comey đưa ra hôm Thứ Ba lại trong cùng ngày Tổng Thống Barack Obama lần đầu tiên đi vận động tranh cử với bà Clinton, tại một cuộc tập hợp được tổ chức ở Charlotte, North Carolina.

Quyết định của ông Comey làm phía Cộng Hòa ngạc nhiên và chỉ trích dữ dội, thậm chí đòi ông ra điều trần và trưng dẫn các sự kiện trong cuộc điều tra của FBI.

Dân Biểu Paul Ryan (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch Hạ Viện, nói rằng sẽ yêu cầu ông Comey giải thích cuộc điều tra và đề nghị bà Clinton kể từ nay không được đụng vào thông tin mật.

Dân Biểu Jason Chaffetz (Cộng Hòa-Utah), chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện, và Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, cho biết sẽ yêu cầu ông Comey giải thích tại các buổi điều trần của họ.

Theo nhật báo The New York Times, văn phòng Dân Biểu Chaffetz cho biết ông Comey sẽ tham dự điều trần vào sáng Thứ Năm.

Ngoài ra, Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, do Dân Biểu Bob Goodlatte (Cộng Hòa-Virginia) làm chủ tịch, yêu cầu bà Lynch đến điều trần vào Thứ Ba tuần tới, để trả lời việc bà gặp cựu Tổng Thống Bill Clinton ở Arizona.

Trong một cuộc vận động ở Raleigh, North Carolina, cũng hôm Thứ Ba, chỉ cách nơi bà Clinton vận động chừng 200 km, ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của Cộng Hòa, nói rằng chuyện bà Clinton không bị truy tố cho thấy “hệ thống này là gian lận.” (Ð.D.)
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Post by nguyenvsau »

Dallas: 12 người bị bắn, 5 cảnh sát viên chết, 7 bị thương
July 8, 2016

Image
Cảnh sát ở Brownsville, Texas, trong phút mặc niệm tưởng niệm đồng đội bị bắn chết ở Dallas. (Hình: Jason Hoekema/The Brownsville Herald via AP)

DALLAS, Texas (NV) – Thành phố Dallas sáng sớm ngày Thứ Sáu tiếp tục bàng hoàng sau khi xảy ra việc có các tay bắn tỉa đã nổ súng bắn vào cảnh sát làm thiệt mạng năm cảnh sát viên và làm bị thương bảy người khác, trong cuộc biểu tình ôn hòa nhằm phản đối việc cảnh sát bắn chết người da đen ở các tiểu bang khác, theo tin hãng thống tấn AP.

Ban đầu, cảnh sát trưởng Dallas, ông David Brown, cho biết có ít nhất sáu tay bắn tỉa liên hệ trong vụ phục kích này, với ba người bị bắt và một người khác tự tử sau khi bị cảnh sát bao vây trong một hầm đậu xe của một cao ốc và cho biết muốn giết thêm nhiều nhân viên công lực.

Vào sáng sớm ngày Thứ Sáu, Thị Trưởng Mike Rawlings cho báo chí hay chỉ có một nghi can, tên là Micah Xavier Johnson, 25 tuổi, cư dân Mesquite, Texas, từng tham chiến tại chiến trường Afghanistan.

Cảnh Sát Trưởng David Brown cho biết nghi can có mang theo bom tự tạo, cố thủ trong một bãi đậu xe ở trung tâm thành phố. Sau nhiều giờ thương thuyết không thành, cảnh sát quyết định đưa robot vào cho nổ quả bom làm nghi can thiệt mạng.

Khám sét nhà nghi can, cảnh sát phát hiện một số vật liệu làm bom.

Theo ông Brown, hung thủ nói rằng không có liên hệ gì với nhóm Black Live Matter, tổ chức cuộc biểu tình, nhưng “phẫn nộ vụ hai người da đen bị cảnh sát bắn chết, và chỉ muốn bắn người da trắng, nhất là cảnh sát da trắng.”

Vụ nổ súng khởi sự lúc 8 giờ 45 phút tối Thứ Năm, giờ địa phương, khi hàng trăm người tụ tập để phản đối các vụ cảnh sát bắn chết đàn ông da đen trong tuần này ở Baton Rouge, tiểu bang Louisiana, và ở khu ngoại ô thành phố St. Paul, tiểu bang Minnesota.

Ông Brown cho hay các kẻ tấn công đã bắn tỉa cảnh sát. Ông Rawlings nói rằng có ít nhất một thường dân khác cũng bị thương.

Ông Brown cho biết kẻ tấn công có vẻ chuẩn bị để hạ sát hay làm bị thương nhiều cảnh sát viên. Hình ảnh thu được tại hiện trường cho thấy người biểu tình đang tuần hành trên một con đường ở trung tâm thành phố, cách tòa thị chánh chừng 800 m thì có tiếng súng nổ khiến đám đông bỏ chạy tán loạn.

Cuộc tấn công khiến hôm Thứ Năm trở thành ngày nhân viên công lực Mỹ bị tổn thất nặng nề nhất kể từ sau cuộc tấn công của khủng bố ngày 11 Tháng Chín năm 2001.

Vụ nổ súng hôm Thứ Năm xảy ra ở khu vực có nhiều khách sạn, nhà hàng cùng các cửa tiệm và khu chung cư, chỉ cách tòa nhà Dealey Plaza, nơi cố Tổng Thống John F. Kennedy bị ám sát năm 1963 chỉ vài khu phố.

Tổng Thống Barack Obama, hiện đang ở Warsaw, Ba Lan, để tham dự một cuộc họp thượng đỉnh của NATO, nói rằng cả nước Mỹ bàng hoàng về cuộc nổ súng ở Dallas và không có lý do gì có thể dùng để biện minh cho hành động tấn công này.

Ông cũng kêu gọi tất cả dân chúng Mỹ hãy cầu nguyện cho các cảnh sát viên hy sinh cũng như gia đình họ.

Theo CNN, tổng thống sẽ rút ngắn chuyến công du Châu Âu và sẽ có mặt tại Dallas vào tuần tới.

Trong ngày Thứ Sáu, trong lúc các nhà điều tra tìm hiểu sự việc, cơ quan công lực tại ba tiểu bang Tennessee, Missouri, và Georgia cho biết cảnh sát đang là mục tiêu của một số vụ nổ súng khác.

Tối Thứ Năm, tại Bristol, Tennessee, một người đàn ông nổ súng vào các xe chạy trên đường, giết chết một phụ nữ và làm bị thương ba người khác, trong đó có một cảnh sát viên, theo cơ quan điều tra của tiểu bang Tennessee (TBI).

TBI cho biết, theo điều tra ban đầu, nghi can tên là Lakeem Keon Scott, 37 tuổi, có thể nhắm vào các cá nhân và cảnh sát viên vì phẫn nộ vụ hai người da đen bị bắn ở Louisiana và Minnesota.

Các nhân chứng nói rằng họ nghe nghi can la “Cảnh sát cà chớn! Cuộc sống của người da đen cũng quan trọng!” trước khi nổ súng, theo TBI.

Nghi can sau đó bị cảnh sát bắn bị thương, bị bắt, và bị đưa vào bệnh viện, theo TBI.

Tại thành phố Ballwin trong khu vực St. Louis, Missouri, một cảnh sát viên bị bắn phía sau cổ sáng sớm Thứ Sáu, sau khi chặn một người lái xe quá tốc độ, Cảnh Sát Trưởng Kevin Scott nói.

Trong lúc cảnh sát viên đi về phía xe của mình, nghi can chạy theo, dùng súng bắn phía sau, ông Scott nói. Nghi can sau đó bị bắt, còn cảnh sát viên bị trọng thương, cũng theo ông Scott.

Tại Valdosta, Georgia, một cảnh sát viên bị một người gọi 911 bắn sáng Thứ Sáu, theo cơ quan điều tra tiểu bang Georgia (GBI) cho biết.

Tình trạng của cảnh sát viên này bây giờ khá hơn.

Sự việc xảy ra khi cảnh sát viên này đến một khu nhà ở để điều tra báo cáo cho rằng có một vụ trộm xe. Cảnh sát viên này bị bắn sau kh bước ra khỏi xe, the GBI.

GBI không cho biết tình trạng của cảnh sát viên này ra sao.

Tối Thứ Sáu, hàng trăm người vẫn đồ ra đường phố Atlanta và Dallas tiếp tục biểu tình phản đối cảnh sát bắn chết người da đen. (V.Giang, Đ.D.)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Ông Bernie Sanders chính thức ủng hộ bà Hillary Clinton
July 12, 2016

Image
Ông Bernie Sanders và bà Hillary Clinton cùng xuất hiện tại New Hampshire hôm 12 Tháng Bảy. (Hình: Getty Images/Darren McCollester)

PORTSMOUTH, New Hampshire (NV) – Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders chính thức ủng hộ nữ ứng cử viên Hillary Clinton, người có nhiều khả năng được đảng Dân Chủ đề cử chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.

Báo Washington Post trích thuật lời phát biểu của ông Sanders rằng “Ngoại Trưởng Clinton đã thắng trong tiến trình đề cử của đảng Dân Chủ để tranh ghế tổng thống. Bà ấy sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ và tôi sẽ làm mọi cách để bà chắc chắn trở thành tổng thống kế tiếp của nước Mỹ.”

Trước đám đông ở tiểu bang New Hampshire hôm Thứ Ba và mượn lời dùng trong khẩu hiệu tranh cử của ông Sanders, bà Clinton nói: “Chúng ta đang hiệp lực để đánh bại ông Donald Trump và xây dựng một tương lai mà tất cả chúng ta đều đặt niềm tin vào.”

Mặc dù cả bà Clinton lẫn ông Sanders nhấn mạnh đến sự đoàn kết trong đảng, nhưng hầu hết vẫn còn mơ hồ, rằng sự ủng hộ ấy như thế nào và phải chăng cuộc hôn nhân chính trị này thực sự có kiến hiệu.

Nhiều ủng hộ viên của đôi bên vẫn còn hoài nghi sâu sắc về ứng cử viên đối thủ của nhau.

Dấu hiệu của căng thẳng trong nội bộ đảng vẫn còn biểu hiện qua sự đụng độ của ủng hộ viên của đôi bên mà cảnh sát phải ra tay can thiệp.

Trong đám đông vẫn còn lố nhố với những khẩu hiệu “Hãy bầu cho ông Bernie làm tổng thống,” và một số người vẫn mặc áo thun có in tên ông Sanders.

Anh Brynn McDonnell, 24 tuổi, cựu tình nguyện viên vận động cho ông Sanders, khi được hỏi về việc bà Clinton được ông Sanders ủng hộ, đáp: “Tôi không muốn nói rằng tôi hài lòng. Theo tôi đây là một quyết định chính trị mà ông ấy phải làm.”

Anh cho biết rằng “một số người ủng hộ ông Sanders muốn quay sang ủng hộ ông Trump.”

Mặc dù hồi tháng trước bà Clinton đã đạt đủ số phiếu đại biểu để được đảng đề cử, các phụ tá cho biết ông Sanders chưa có dự định ngưng cuộc vận động hoặc chính thức rút lui khỏi cuộc đua trước ngày đại hội đảng ở Philadelphia sẽ diễn ra hai tuần sắp tới.

Trong quá khứ điều này cho thấy ông Sanders có được bàn đạp để đẩy mạnh thêm nhiều thay đổi trong chính sách của đảng trước khi thành hình.

Trong tuần qua, bà Clinton đã đồng ý về việc đẩy mạnh chính sách miễn học phí đại học và mở rộng chương trình bảo hiểm y tế, vốn phản ảnh chủ trương của ông Sanders trong thời gian bầu cử sơ bộ.

Ông Sanders cũng giành được thêm vài chiến thắng quan trọng trong sách lược của đảng, gồm việc ủng hộ lương căn bản của liên bang $15/giờ, kể cả các biện pháp chống thay đổi khí hậu.

Ban vận động của ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, đưa ra một thông cáo báo chí, nhấn mạnh đến “năm điểm quan trọng hàng đầu mà người ủng hộ ông Sanders sẽ không bao giờ hài lòng với bà Clinton.”

Một trong số đó là việc trước đây bà Clinton ủng hộ các thỏa thuận mậu dịch quốc tế, điều mà ông Sanders từng nhiều lần chỉ trích kịch liệt trong thời gian bầu cử sơ bộ.

Ông Trump tìm cách tiếp cận với giới ủng hộ ông Sanders về vấn đề này, đặc biệt người dân ở các tiểu bang vùng Rust Belt, nơi hằng ngàn việc làm thuộc ngành sản xuất bị mất vào tay các công xưởng ở ngoại quốc.

Hiện chưa rõ sự tích cực của ông Sanders đến mức nào trong việc vận động ủng hộ cho bà Clinton.

Thăm dò của Washington Post-ABC News công bố vào cuối tháng trước cho thấy chỉ có 8% người ủng hộ ông Sanders nói họ sẽ hậu thuẫn ông Trump, giảm từ 20% của tháng trước.

Nỗi lo lớn nhất của phe Dân Chủ là cử tri của ông Sanders có thể sẽ ngồi nhà trong ngày bầu cử. (TP)
buikiem
Posts: 503
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »

Ông Trump chọn ông Pence, thống đốc Indiana, đứng phó
July 15, 2016

Image
Thống Đốc Mike Pence, tiểu bang Indiana. (Hình: Getty Images/Aaron P Bernstein)

WASHINGTON, DC (AP) – Ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump vừa chọn ông Mike Pence, thống đốc tiểu bang Indiana, đứng phó trong liên danh tranh cử tổng thống, qua loan báo trên mạng xã hội Twitter vào sáng Thứ Sáu.

Cuộc trình diện chính thức dự trù sẽ diễn ra trong cuộc họp báo tại New York vào sáng Thứ Bảy.

Ông Trump đưa ra đề nghị với ông Pence hôm Thứ Năm, và thống đốc Indiana lập tức đáp một chuyến bay sang New York, dự trù đón nhận một loan báo trong ngày Thứ Sáu.

Tuy nhiên không lâu sau khi đến nơi, ông Trump đột ngột nói ông phải hoãn lại việc loan báo vì vừa xảy ra vụ tàn sát thảm khốc ở Nice, nước Pháp, khiến hơn 80 người thiệt mạng.

Việc trì hoãn khiến tạo nên những đồn đoán rằng một ông Trump, người vốn nổi tiếng bất nhất, có thể có một thay đổi nào đó vào phút chót.

Nhưng đại gia ngành địa ốc đánh tan các hoài nghi hôm Thứ Sáu, khi ông gửi một tweet nói rằng ông “hài lòng” được loan báo, rằng “ông Pence” là nhân vật số hai của ông.

Về phần ông Pence, ông cũng trả lời trên Twitter, rằng ông hân hạnh chấp nhận đứng chung liên danh và cùng ông Trump “làm việc để biến nước Mỹ trở nên vĩ đại trở lại.”

Ông Pence, 57 tuổi, một nhà bảo thủ đáng tin cậy, từng phục vụ sáu nhiệm kỳ ở Quốc Hội trước khi được bầu làm thống đốc và có thể giúp ông Trump ở Quốc Hội.

Ông theo phái Tin Lành Cơ Đốc Phục Lâm và được ngưỡng mộ, đặc biệt khi ông đặt bút ký ban hành một luật khiến gặp nhiều chỉ trích, theo đó cho phép các doanh nghiệp được quyền từ chối cung cấp dịch vụ cho người đồng tính vì lý do tôn giáo.

Ban vận động của bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, lập tức mô tả ông Pence như là “một chọn lựa cực đoan nhất trong một thế hệ.”

Ông Pence được nhiều lãnh đạo trong đảng Cộng Hòa cũng như một số cố vấn cao cấp vận động cho ông Trump ưa chuộng.

Sự kiện chờ ông Trump chọn đứng phó vào lúc ông dự tính tái ứng cử chức thống đốc Indiana khiến tình huống trở nên gay cấn thêm.

Luật tiểu bang Indiana không cho phép ứng cử viên tranh cử hai nơi trên cùng một lá phiếu, và ông Pence phải trực diện với hạn kỳ cuối cùng là trưa Thứ Sáu để rút khỏi cuộc đua cho ghế thống đốc.

Loan báo của ông Trump được đưa ra khoảng một giờ trước hạn cuối. (TP)
vuongquan
Posts: 270
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Post by vuongquan »

Náo loạn trong ngày khai mạc đại hội Cộng Hòa
July 18, 2016

Image
Báo chí phỏng vấn một người công khai mang súng trong ngày đầu tiên đại hội đảng Cộng Hòa. (Hình: Getty Images/Jeff J Mitchell)

CLEVELAND, Ohio (NV) – Bất đồng công khai và hổn loạn bùng nổ bên trong ngày đại hội đảng Cộng Hòa (RNC) hôm Thứ Hai, khi giới chức đảng dập tắt mưu toan gây rối ông Donald Trump, người có triển vọng được chính thức đề cử chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.

Theo CNN, sự kiện này cho thấy sự phân hóa đang sôi sục ngay trong nội bộ đảng.

Hãng thông tấn AP tường thuật rằng, hổn loạn bùng nổ sau khi giới chức đảng chấp thuận các qui luật qua lối bỏ phiếu miệng, mục tiêu nhằm làm giảm nhuệ khí của các lực lượng chống Trump, vốn tìm cách loại bỏ ông.

Phẫn nộ bùng phát khi ông Steve Womack, thượng nghị sĩ tiểu bang Arkansas, người phục vụ với tư cách chủ tịch đại hội, đưa những qui định của đại hội qua hình thức bỏ phiếu miệng, và lập tức gặp ngay sự la ó của những người chống ông Trump, khiến ông Womack phải bước xuống khỏi sân khấu.

Đồng thời nhóm ủng hộ ông Trump cũng lại bắt đầu reo hò, gọi lớn tên ông.

Ông Mike Lee, thượng nghị sĩ tiểu bang Utah, nói: “Tôi ngán ngẫm chuyện đang xảy ra, thật ngoài sức tưởng tượng.”

Cùng lúc đó, bất ổn gia tăng căng thẳng bên ngoài địa điểm tổ chức đại hội với an ninh được bố trí dày đặc.

Hằng trăm người ủng hộ lẫn chống đối ông Trump tập trung cách nhau nửa dặm, với một số ủng hộ ông Trump công khai mang súng, vốn được luật pháp Ohio cho phép.

Chủ tịch liên đoàn cảnh sát có yêu cầu Thống Đốc Kasich tạm ngưng luật cho phép công khai mang súng nhưng ông trả lời rằng ông không có thẩm quyền.

Giới lãnh đạo Cộng Hòa hy vọng gây sự đoàn kết trong đảng và tập trung vào việc tấn công bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, miêu tả bà như là một người mang lại một hệ thống làm cho người Mỹ thêm mất an ninh.

Đại hội đảng Cộng Hòa diễn ra trong thời điểm xảy ra những vụ bạo động và bất ổn, cả ở Hoa Kỳ lẫn trên thế giới.

Trước ngày khai mạc, ba cảnh sát bị bắn chết ở Baton Rouge, Louisiana, thành phố nơi một người da đen bị cảnh sát bắn chết cách đây hai tuần.

Chỉ trong vài tuần, người dân Mỹ chứng kiến những vụ cảnh sát bắn chết người, một cuộc phục kích cảnh sát ở Texas, và căng thẳng chủng tộc leo thang, chưa nói đến cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ và vụ tấn công ở Nice đúng vào ngày quốc khánh Pháp.

Ông Trump lợi dụng sự bất ổn này để lên án, khi nói rằng những biến cố xảy ra gần đây là do kết quả của sự thất bại trong vai trò lãnh đạo của Tổng Thống Barack Obama và bà Clinton, người làm việc bốn năm trong chánh phủ với tư cách một ngoại trưởng.

Tuy nhiên ông chỉ mơ hồ khi nói ông sẽ lái đất nước theo một hướng như thế nào, ngoại trừ không ngừng tuyên bố sẽ cứng rắn. (TP)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »


Bà Clinton chọn TNS Tim Kaine làm ứng cử viên phó tổng thống

July 22, 2016

Image
Bà Hillary Clinton, người chắc chắn sẽ được đảng Dân Chủ đề cử ứng cử tổng thống, vừa chọn Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine
(Dân Chủ-Virginia) làm ứng cử viên phó tổng thống
WASHINGTON, DC (NV) – Bà Hillary Clinton, người chắc chắn sẽ được đảng Dân Chủ đề cử ứng cử tổng thống, vừa chọn Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia) làm ứng cử viên phó tổng thống, theo nhiều nguồn tin giới truyền thông Mỹ hôm Thứ Sáu.

Hãng thông tấn AP trích lời bà Clinton nói rằng Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine sẽ tham gia cùng bà trong liên danh của đảng Dân Chủ trong vai trò phó tổng thống.

CNN cũng xác nhận nguồn tin này rằng “bà Clinton đã chọn ông Kaine đứng cùng liên danh.”

Theo Bloombert News, ông Kaine là một người đầy kinh nghiệm chính trị, nhưng lại là người có vẻ “nhàm chán,” và điều này có thể không làm hài lòng nhóm cử tri trẻ, muốn một người cấp tiến hơn.

Trong số những người được lựa chọn, cuối cùng ông Kaine có lợi thế hơn những người khác như Thượng Nghị Sĩ Cory Booker (Dân Chủ-New Jersey) và Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp Tom Vilsack, một nguồn tin thân cận bên trong ban vận động của bà Clinton cho biết, theo Bloomberg News.

Khi được hỏi về tin này, ban vận động của bà Clinton từ chối trả lời.

Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine là một người được nhiều cảm tình của đồng viện tại Thượng Viện, và là một nhà chính trị “lão làng” trong đảng Dân Chủ.

Ông từng là thị trưởng Richmond, rồi làm thống đốc tiểu bang Virginia, và là chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia Ðảng Dân Chủ (DNC).

Ông Tim Kaine năm nay 58 tuổi, là người theo đạo Công Giáo, và nói tiếng Tây Ban Nha rất lưu loát, nhờ có thời gian làm công việc truyền giáo ở Honduras. (Ð.D.)
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Post by lengoi »


Thăm dò: Hillary Clinton đang hơn Donald Trump 10 điểm

August 9, 2016

Image
Bà Clinton vẫn đang dẫn điểm trước ông Trump. (Hình: Getty Images)
WASHINGTON (NV) – Một kết quả thăm dò mới nhất cho thấy bà Hillary Clinton nay dẫn trước ông Donald Trump tới 10 điểm trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.

Theo kết quả thăm dò của NBC News/Survey Monkey công bố hôm Thứ Ba thì bà Clinton nay dẫn trước với 51%, so với ông Trump là 41%.

Ðây là khoảng cách lớn nhất kể từ khi có cuộc thăm dò liên tục, khởi sự hồi Tháng Năm. Tuy nhiên, khoảng cách này được thu ngắn lại, chỉ vào khoảng 6%, nếu có một ứng cử viên thứ ba xuất hiện.

Trong hoàn cảnh đó, bà Clinton vẫn dẫn đầu với 44% so với ông Trump 33%, ứng cử viên Gary Johnson của đảng Libertarian có 10% và Jill Stein của đảng Green Party có 4%.

Sự gia tăng trong mức ủng hộ dành cho bà Clinton so với ông Trump đã tăng 1%, lên tới 8%, sau khi bà chính thức được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh chức tổng thống tại đại hội đảng.

Các cuộc thăm dò khác hồi tuần qua cũng cho thấy bà Clinton đang tiếp tục vượt lên trên ông Trump, người đại diện đảng Cộng Hòa.

Cũng theo kết quả ước tính mới nhất của RealClearPolitics thì mức trung bình của tất cả các cuộc thăm dò được đưa ra hiện nay thì bà Clinton đang dẫn trước ông Trump khoảng 7%. (V.Giang)
vuongquan
Posts: 270
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Post by vuongquan »


Ông Trump có thể không trả xu thuế nào

August 12, 2016

Image
Ông Trump có thể không bị thiếu thuế. (Hình: AP/Evan Vucci)

NEW YORK CITY, New York (NV) – Cựu ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa Mitt Romney trong cuộc tranh cử năm 2012 từng khai trả $4.9 triệu tiền thuế trong thời gian hai năm, và bị cho là chỉ tương đương 14% tổng thu nhập.

Tuy nhiên, theo báo NY Times, không ai nên ngạc nhiên nếu tỷ phú Donald J Trump, ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa hiện nay, trả ít hơn nhiều, thậm chí trong vài năm không hề trả một xu nào.


Thật vậy, đó là nhận xét của một số chuyên viên thuế và địa ốc cho biết gần đây.

Ông Len Green, chuyên viên kế toán và cũng là chủ tịch Green Group, một công ty cố vấn về thuế và kế toán, nói rằng, dù có thu nhập đến hằng trăm triệu từ đầu tư địa ốc hùng hậu, ông Trump vẫn có thể chỉ phải trả vài đô la, hoặc không trả xu thuế nào.”

Ông Green cũng là nhà đầu tư địa ốc, dạy học tại trường Babson College và là tác giả cuốn “The Entrepreneur’s Playbook” sắp xuất bản.

Đồng ý với ý kiến này, ông Steven Rosenthal, một luật sư thuế thâm niên và giới chức cao cấp tại trung tâm Urban-Brookings Tax Policy Center, góp lời: “Theo tôi ông ấy chỉ trả ít hoặc không phải trả tí nào.”

Do ông Trump, một nhà phát triển địa ốc nổi bật và tích cực, có thể lợi dụng một số điều khoản miễn thuế theo luật thuế liên bang để có thể giảm báo cáo thu nhập xuống còn số không, hay ngay cả khai lỗ.

Ít ai có dịp được tận mắt trông thấy hồ sơ khai thuế của ông Trump vì ông chưa hề công bố.

Ông không bị luật bắt phải công bố, nhưng mọi ứng cử viên tổng thống kể từ thời ông Richard Nixon đều công bố hồ sơ thuế của mình.

Ông Gerald Ford công bố phần tóm tắt, trong khi ông Mitt Romney bị chỉ trích gay gắt vì chỉ công bố hồ sơ trong hai năm, khiến trở thành vấn đề khó khăn cho ông cách đây bốn năm.

Vào cuối thập niên 1970, ông Trump từng nộp hồ sơ cho Ủy Ban Kiểm Soát Sòng Bài New Jersey khi xin giấy phép mở sòng bài vào năm 1981.

Bấy giờ ông Trump báo cáo lỗ và không trả đồng thuế nào trong năm 1978 và 1979, cũng như chỉ trả số tiền nhỏ tổng cộng dưới $75,000 trong ba năm trước.

Ông David Cay Johnston, cựu phóng viên của NY Times, báo cáo trên tờ Daily Beast hồi Tháng Sáu, rằng ông Trump cũng không trả thuế thu nhập hồi năm 1984.

Ông Green nói: “Người ta không phải trả thuế nếu họ không bị thiếu. Công việc của các nhà khai thuế chuyên nghiệp là tận dụng mọi luật lệ có sẵn để giảm thiểu tối đa tiền thuế phải đóng, và theo tôi, ông Trump có toàn những tay rất cừ làm việc khai thuế cho ông.”

“Nhiều người giàu thường không phải bị trả thuế,” ông Green kết luận.

Khác với ông Trump là những người đó không chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. (TP)
trinhham
Posts: 133
Joined: Mon Dec 10, 2012 2:07 am
Contact:

Post by trinhham »


Cháy rừng khủng khiếp Nam California, hơn 80,000 người phải di tản

August 17, 2016

Image
(Hình minh họa: Stan Lim /The Press-Enterprise via AP)
LOS ANGELES, California (AP) – Một đám cháy rừng hiện đang nhanh chóng lan rộng ra mọi hướng ở vùng Nam California với các cột lửa cao tới gần 25 m, buộc hơn 80,000 người dân nơi đây phải di tản.

Ðám cháy này, vốn lúc khởi sự vào giữa trưa ngày Thứ Ba, chỉ là một cụm lửa nhỏ cạnh xa lộ liên bang I-15 ở đèo Cajon Pass, nhưng đến cuối ngày đã trở thành cơn ác mộng kinh hoàng rộng 28 dặm vuông, thiêu rụi nhiều căn nhà.

“Ðám cháy này lan ra quá nhanh,” theo lời ông Darren Dalton, 51 tuổi, người cùng với vợ và một người con trai phải nhanh chóng rời khỏi căn nhà của họ ở thị trấn Wrightwood, trên vùng núi nơi người trượt tuyết vẫn thường tới khi vào mùa.

Hàng trăm chiếc xe chở đầy người, súc vật và đồ đạc đã lũ lượt rời khỏi nơi đây. Không khí ở nơi cách xa đám cháy nhiều dặm vẫn có thể ngửi được mùi khói. Nhiều tiếng nổ, có thể từ đạn trong các căn nhà bị lửa thiêu cháy, đã nghe được từ khoảng cách xa.

Bà Shannon Anderson, ở khu trại ngựa Blue Mountain Farms tại thị trấn Phelan, phải di tản 40 con ngựa khi ngọn lửa tới gần, trong lúc tàn tro bụi đổ xuống khắp nơi.

Những người này ở trong số khoảng hơn 82,000 người từ hơn 34,000 căn nhà phải di tản, theo ông Eric Sherwin thuộc sở cứu hỏa quận San Bernardino County.

Sau khi thiêu rụi các đồng cỏ nằm cách Los Angeles khoảng 60 dặm về phía Ðông, đám cháy lan mạnh sang hướng Tây, tiến về về phía Los Angeles County và cùng lúc về hướng Ðông tới sa mạc Mojave Desert. Người ta dự trù rằng thiệt hại sẽ rất trầm trọng và lớn lao một khi được xác định rõ ràng.

Ông Sherwin xác nhận vào tối ngày Thứ Ba rằng đám cháy là thiêu rụi thêm ít nhất hàng chục kiến trúc khác, kể cả một số căn nhà. Trong số những nơi bị thiêu hủy có cả Summit Inn, một tiệm ăn lâu đời gần xa lộ I-15, ông cho hay.

Ðây chỉ là một trong mấy đám cháy lớn đang xảy ra khắp nơi ở California, từ Shasta County ở xa hơn về phía Bắc cho tới căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Camp Pendleton ở San Diego County, trong khi mùa cháy rừng chưa thực sự khởi đầu.

Thống Ðốc Jerry Brown đã phải tuyên bố tình trạng khẩn trương trong đám cháy ở San Bernardino County chỉ ít giờ sau khi ngọn lửa bùng lên, một điều chỉ thường thấy sau khi đám cháy hoành hành trong vài ngày và khó bị dập tắt.

Ngọn lửa cũng khiến một phần xa lộ I-15 không hoạt động, làm nhiều người lái xe, cả người đi chơi lẫn những người sinh sống ở khu vực lân cận bị kẹt trong nhiều giờ.

Có sáu lính cứu hỏa bị kẹt trong ngọn lửa một thời gian ngắn quanh một căn nhà, nơi những người bên trong không chịu di tản, khiến họ phải bảo vệ căn nhà, theo giới chức cứu hỏa.

Lính cứu hỏa Cody Anderson cho đài truyền hình KCBS-TV hay rằng họ bị ngọn lửa bao trùm và phải chịu đựng cho tới khi lửa tạt qua.

Ông Anderson và một lính cứu hỏa khác được điều trị các vết thương nhẹ. (V.Giang)
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Post by lengoi »


Chủ tịch ban vận động của ông Trump từ chức

August 19, 2016

Image
Ông Paul Manafort. (Hình: Win McNamee/Getty Images)
BATON ROUGE, North Carolina (NV) – Ông Paul Manafort, chủ tịch ủy ban vận động tranh cử của ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, hôm Thứ Sáu chính thức từ chức, theo tin đài truyền hình CNN, trích lời ông Trump nói.

“Sáng nay, ông Paul Manafort xin từ chức, và tôi chấp thuận,” ông Trump nói, trong lúc thăm khu vực bị lụt lội hoành hành ở Baton Rouge, Louisiana. “Tôi rất cảm kích những gì ông làm trong cuộc vận động này, giúp chúng tôi có được vị trí ngày hôm nay, đặc biệt, công việc của ông trong việc giúp chúng tôi đi qua tiến trình đề cử của các đại biểu tại đại hội đảng. Paul là một người làm việc rất chuyên nghiệp, và tôi chúc ông tiếp tục thành công.”

Ông Eric Trump, con trai của ông Trump, nói với đài truyền hình Fox News rằng cha ông lo ngại những nghi vấn về việc làm trong quá khứ của ông Manafort có thể làm cuộc vận động bị mất sự tập trung.

“Tôi nghĩ cha tôi không muốn bị bất cứ những gì ông Manafort đang gặp phải ảnh hưởng tới cuộc vận động,” ông Eric Trump nói.

Sự từ chức của ông Paul Manafort xảy ra một ngày sau khi hãng thông tấn AP nói họ có trong tay các bức điện thư cho thấy ông này có vận động tại Hoa Kỳ cho chính phủ Ukraine, dưới thời kỳ ông Viktor Yanukovych làm tổng thống. Ông Yanukovych, hiện sống lưu vong ở Nga, là một đồng minh thân cận với ông Vladimir Putin, tổng thống của Nga.

Sự kiện này ngược với những tuyên bố của ông Manafort trước đây là ông không bao giờ thay mặt cho chính quyền Ukraine vận động tại Hoa Kỳ.

Trong một cuộc vận động hôm Thứ Năm, ông Trump đã làm một hành động chưa từng thấy, nhằm tạo lại động năng cho cuộc tranh cử đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, ông Donald Trump lần đầu tiên cho hay ông lấy làm tiếc về một số phát biểu trước đây của mình khiến có thể làm một số người buồn lòng.

“Ðôi khi trong lúc hăng hái tranh luận và cùng lúc nói về nhiều vấn đề, người ta có thể dùng không đúng từ ngữ hay có phát biểu sai lạc. Tôi đã làm những điều này,” ông Trump cho hay tối hôm Thứ Năm ở thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina. “Tôi rất tiếc về điều đó, tôi thật sự hối tiếc về điều đó, nhất là khi điều đó có thể làm cá nhân buồn lòng.”

Ông Trump không nêu rõ phát biểu nào mà ông cho là đã làm buồn lòng người khác, nhưng ông cũng nói rằng “có quá nhiều vấn đề khác rất quan trọng nên chúng ta hãy chớ nên quá quan tâm về điều này.”

Ðây là lời thú nhận hiếm thấy từ ông Trump, người từng nói rằng ông thường “chẳng hối hận về việc gì.”

Chỉ còn khoảng 80 ngày nữa là tới ngày bầu cử và ông Trump hiện đang bị bà Hillary Clinton dẫn trước trong các cuộc thăm dò ở những tiểu bang được cho rằng sẽ quyết định kết quả bầu cử.

Cùng lúc đó, giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa cho hay họ có thể phải chuyển một số nhân lực và tài lực dành cho bầu cử tổng thống sang cho các ứng cử viên Thượng Viện và Hạ Viện đang gặp khó khăn, nếu tình hình tranh cử của ông Trump không cải thiện.

Cũng chỉ mới ngày hôm trước, ông Trump loan báo cải tổ nhân sự lãnh đạo ủy ban tranh cử, thay tổng giám đốc và giám đốc điều hành. Ông Trump cũng lần đầu tiên quyết định chi khoảng $5 triệu cho quảng cáo trên truyền thông cho các tiểu bang như Florida, North Carolina, Ohio và Pennsylvania.

Trong khi đó, bà Hillary Clinton, đối thủ của ông, đã chi khoảng $75 triệu cho quảng cáo kể từ khi được đảng Dân Chủ chính thức đề cử. (V.Giang, Ð.D.)
bobinh
Posts: 221
Joined: Fri Feb 26, 2010 1:35 am
Contact:

Post by bobinh »

Trump không phải là ứng cử viên duy nhất ‘mồm mép’

August 25, 2016

Image
Ứng cử viên Donald Trump tại buổi vận động tại Mississippi Coliseum, 24 Tháng Tám. (Hình: Jonathan Bachman/Getty Images)

WASHINGTON DC (NV) – Cuộc vận động bầu cử tổng thống năm nay được xem như là đáng phẫn nộ, thô tục, không phù hợp với một đất nước văn minh. Nhưng theo báo LA Times, đó là kiểu bầu cử theo lối Mỹ.

Nước Mỹ còn lạ gì với những cuộc bầu cử đầy ồn ào và kỳ quặc.


Ðúng vậy, chúng trở thành bình thường trên đất nước này từ những năm đầu tiên, khi các ứng cử viên dùng lời thóa mạ nhau nặng nề, chẳng kém gì ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, hiện nay. Khác chăng là sự tiến hóa của hình thức theo với sự phát triển của kỹ thuật.

Cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1800 lần đầu tiên mang lại cho công chúng Hoa Kỳ cái hương vị gây phẫn nộ và ác liệt như thế nào từ các ứng cử viên muốn tranh lấy chiếc ghế cao nhất nước.

Ông Thomas Jefferson, người thua phiếu ông John Adams trong cuộc bỏ phiếu năm 1796, từng vận động thật tích cực để tìm cách hạ đối thủ là một tổng thống đang tại vị.

Trả tiền cho chủ biên báo Richmond Examiner để đăng những bài chống ông Adams và ca ngợi phe ta, những người ủng hộ ông Jefferson gọi ông Adams là “nhân vật lưỡng tính tàn độc, kẻ không có được sức mạnh lẫn sự cứng cáp của một đấng nam nhi, lẫn không cả sự dịu dàng và nhạy cảm của một phụ nữ.”

Ban vận động của ông Adam trả thù bằng cách gọi ông Jefferson là một “người hạ cấp, tâm địa độc ác, con nửa dòng máu của thổ dân da đỏ.”

Ông Andrew Jackson, một chiến binh anh hùng Tennessee được tuyên dương, bị thua phiếu trong cuộc bầu cử tranh ghế tổng thống với ông John Quincy Adams vào năm 1824.

Vì thế hận thù ăn sâu trong dòng máu giữa đôi bên khi hai ông Jackson và Adams lại đụng độ nhau bốn năm sau, vào năm 1828, và trở thành một trong những cuộc chạy đua dơ bẩn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ông Jackson và bà vợ Rachel bị ban vận động ông Adams lăng mạ, gọi họ là “những kẻ ngoại tình,” sau khi đối thủ của ông khám phá rằng bà Rachel vẫn còn lấy người chồng đầu khi cưới ông Jackson.

Ðối thủ của ông Jackson gọi vợ ông là kẻ nhiều chồng và mẹ ông là “đồ gái điếm.”

Phe ủng hộ ông Jackson trả đũa khi gọi ông Adams là “kẻ mặc cả thối nát” và là một kẻ “thượng lưu vô liêm sỉ,” người lạm dụng tiền thuế.

Sau khi ông Jackson thắng cử, bà Rachel nói rằng bà “thà làm người giữ cửa cho ngôi nhà của Thượng Ðế hơn là vào sống trong lâu đài đó ở Washington.”

Vào ngày 22 Tháng Mười Hai, 1828, chỉ ba tháng trước khi chồng bà làm lễ đăng quang, bà qua đời vì bệnh tim.

Trong cuộc bầu cử năm 1884, ông Grover Cleveland, đảng Dân Chủ, thừa nhận từng có quan hệ tình ái với một phụ nữ tên Maria Halpin từ 10 năm trước. Cuộc dan díu sản sinh một người con trai mang cùng họ Cleveland.

Bé trai bị đem cho làm con nuôi trong khi bà Halpin lập tức được gửi vào dưỡng trí viện.

Tuy tai tiếng như vậy phe Dân Chủ cũng không ngưng làm bài vè chế giễu đối thủ James G Blaine của đảng Cộng Hòa: “Blaine, Blaine, James G Blaine, The Continental Liar from the State of Maine!”

Sau khi ông Cleveland thắng cử, phe Dân Chủ mới tung ra một bài vè trả thù, đáp lại bài vè của phe đối thủ: “Ma, Ma, where’s my Pa? Gone to the White House, ha, ha, ha!” (Má ơi cha của con đâu? Ông ấy chạy vào Nhà Trắng rồi còn đâu). (TP)
trinhham
Posts: 133
Joined: Mon Dec 10, 2012 2:07 am
Contact:

Post by trinhham »


Từ vụ ‘911’, nước Mỹ tốn $4.79 ngàn tỷ cho an ninh

September 10, 2016

Image
Cựu Tổng Thống George W Bush tại World Trade Center, New York, ba ngày sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 Tháng Chín, 2001,
làm sập tòa tháp đôi. (Hình: Getty Images/Paul J Richards)
WASHINGTON DC (NV) – Hôm 14 Tháng Chín, 2001, khi Tổng Thống George W Bush đến viếng đống tro tàn của World Trade Center, ông có tuyên bố một câu để đời: “kẻ nào phá sập những tòa nhà này sớm muộn cũng sẽ nghe được sự trả lời của chúng ta.”

Theo tạp chí US News, 15 năm sau, sau những xung đột kéo dài ở Iraq, Afghanistan, và nay là Syria, cũng như các chiến dịch ở Pakistan, Lybia, Yemen và Somalia, bà Neta Crawford, phân tích gia trường Boston University ngồi xuống làm một con tính về lời hứa đó, qua dự án “Cái Giá của Chiến Tranh.”

Theo kết quả nghiên cứu mới công bố hồi cuối tuần, chính phủ Mỹ đã chi tiêu cho quân sự, ngoại giao, ngoại viện, an ninh quốc nội và dịch vụ cho cựu chiến binh, gây tốn kém cho người thọ thuế ở Hoa Kỳ vào khoảng $4.79 ngàn tỉ trong kỷ nguyên hậu “9/11.”

Dù rằng Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO) thì nói rằng “không thể nào xác định chính xác được chi phí là bao nhiêu” cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Nghiên cứu nhắm đến sự quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đánh bại khủng bố tại trong nước lẫn ở hải ngoại và nước Mỹ vẫn đang chi ra cho vấn đề này.

Cứ theo đà này thì đến trước năm 2053, nước Mỹ phải chi cho các cuộc chiến tranh lên đến con số $7.9 ngàn tỉ.

Con số $4.79 ngàn tỉ đến từ sự chi tiêu của Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao cho ngân sách chiến phí khẩn cấp, được biết chính thức như là chiến dịch Hoạt Động Bất Ngờ ở Hải Ngoại hay ngân khoản OCO, trị giá $1.74 ngàn tỉ tính từ năm 2001.

Ngân sách này tự nó gặp phải những chỉ trích gay gắt.

Ngoài ra, những chi tiêu khác cho các vấn đề như quốc phòng, an ninh quốc nội và cựu chiến binh, nâng tổng số lên thành $3.69 ngàn tỉ, với thêm $1.1 ngàn tỉ dự phóng cho năm ngân sách kế tiếp.

Hầu hết những ngân khoản OCO này đều đi vào Iraq và Afghanistan, với $805 tỉ và $783 tỉ theo thứ tự cho mỗi nước, và phần còn lại dành cho các hoạt động ở Syria, Pakistan, hoạt động hổn hợp chống khủng bố với Canada mang tên Operation Noble Eagle, cùng các sứ mệnh linh tinh khác.

Các cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, câu hỏi là liệu các cử tri sẽ có cơ hội để thật sư suy nghĩ về quyết định dấn thân vào xung đột ở hải ngoại khi họ đang xem xét đến hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu, mỗi người bày tỏ mối quan tâm riêng về việc mở thêm những cuộc phiêu lưu khác ở ngoại quốc. (TP)
dailien
Posts: 2456
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Nổ ở New York, 29 người bị thương, ‘nghi phạm hành động cố ý’
September 18, 2016

Image
Cảnh sát, lính cứu hỏa và xe cứu thương phong tỏa hiện trường. (Hình: Getty Images)
NEW YORK City (NV) – Ít nhất 29 người bị thương trong một vụ nổ tại khu Chelsea, thành phố New York, vào tối 17 Tháng Chín, và nghi phạm đã “hành động cố ý, nhưng không phải là khủng bố,” theo lời Thị Trưởng Bill de Blasio.

Cảnh sát cho hay, trong số 29 người bị thương, một người được coi là nguy kịch.

Các giới chức nói rằng, nguyên nhân vụ nổ chưa được xác định nhưng không có mối đe dọa nào khác đến sự an toàn của dân chúng.

Hàng trăm cảnh sát và chó đánh hơi bom đã bố ráp và phong tỏa khu Chelsea sau khi có báo cáo về vụ nổ.

Đài truyền hình ABC cho hay, các tiếng nổ lớn xảy ra trên đường 23 Street West và được cảnh sát chứng kiến lúc 8 giờ 30 tối, lính cứu cứu hỏa gần như có mặt ngay lập tức.
Image
Hai nguồn tin từ các giới chức cho biết, vụ nổ xảy ra trong một thùng rác, và lực lượng chống khủng bố cùng dò bom của cảnh sát New York
đã rà soát khu vực này nhằm phát hiện thêm các vật khác có thể gây nổ.
Các giới chức họp báo sau vụ nổ. (Hình: Getty Images)
Hình ảnh từ các máy thu hình trên đường W 23 Street cho thấy bằng chứng về vụ nổ và các nhà điều tra nhận định nghi phạm đã cố tình cài vật gây nổ bên cạnh thùng rác.

Trong một video do cảnh sát thu được, một người đàn ông đi qua lại các con đường trong khu vực xảy ra vụ nổ rất có thể là một trong những nghi can.

Vụ nổ khiến nhiều người giật mình. Một nhân chứng nói: “Tôi nghe một tiếng nổ lớn và sau đó thì rất nhiều cảnh sát và nhân viên công lực bủa vây đến hiện trường.’

Trong khi đó, một thiết bị có thể gây nổ khác được cảnh sát gỡ bỏ ở khu vực giữa đường số 6 và số 7 vào lúc 11 giờ tối. Theo cảnh sát, các thiết bị này đựng trong một túi nhựa màu trắng với dây điện và một điện thoại di động hoặc thiết bị điện tử khác.’

Theo lời Thị Trưởng Bill de Blasio vụ nổ ở khu Chelsea không có liên quan với vụ nổ tại Seaside Park, New Jersey, vào buổi sáng cùng ngày. Không ai bị thương trong vụ nổ ở New Jersey, vốn xảy ra tại buổi chạy bộ và sau đó sự kiện này bị hủy bỏ. (KN)
buikiem
Posts: 503
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Post by buikiem »



Tranh luận Trump-Clinton: Chưa ai toàn thắng

September 26, 2016

Image
Bắt tay trước giờ đấu khẩu. (Hình: AP/Julio Cortez)
NEW YORK (AP) – Cuộc tranh luận Hillary Clinton-Donald Trump tối Thứ Hai có thể được xem là hào hứng nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ vì là cuộc đối đầu đầu tiên giữa một nam với một nữ ứng cử viên và diễn ra vào thời điểm tình hình tranh cử hoàn toàn ngang ngửa theo các thăm dò dư luận.

Cả hai đối thủ đã chuẩn bị rất kỹ và thận trọng tránh mọi vướng mắc để bị dẫn đi lạc hướng nên không người nào tỏ ra nổi bật qua những tranh cãi nhiều lúc có vẻ như đấu khẩu tay đôi mà điều hợp viên muốn để cho diễn tiến tự nhiên.

Theo ý nhiều quan sát viên, điều quan trọng nhất mà ông Trump cần phải chứng tỏ là liệu ông có đủ điều kiện để làm việc ở Phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc hay không. Trên căn bản, dự đoán ấy hợp lý, nhưng với thực tế ông Trump đã nổi sáng vì luôn luôn có những chuyện không ai có thể ngờ trước, thì chưa chắc mọi chuyện sẽ diễn ra một cách hợp luận lý như thế.

Chẳng hạn một ví dụ nhỏ: Tuần vừa qua, khi nói chuyện với Bill O’Reilly trên truyền hình Fox News, ông Trump hãy còn nghi ngờ tính trung lập của điều hợp viên buổi thảo luận, Lester Holt, ký giả truyền hình NBC. Ông nói: “Cách gì thì Holt cũng là một người Dân Chủ.” Thật ra Holt ghi danh bầu cử đảng Cộng Hòa. Sau đó giám đốc tranh cử Kellyanne Conway phải biện hộ cho sếp: “Ông Trump không nói dối. Ông không biết khuynh hướng chính trị của Holt.”

Về phía bà Clinton, liệu bà có thể che giấu sự khinh thường đối thủ và đừng chủ quan trong trận đấu rõ ràng đang hết sức gay go hay không? Ông Trump cũng có thể bị khó khăn với cuộc tranh luận dài liên tục suốt 90 phút. Thời bầu cử sơ bộ, tranh luận cùng lúc với nhiều đối thủ, ông có thời gian để suy nghĩ và vẫn tự hào là không cần dùng máy nhắc chữ (teleprompter), lần này khác!

Trong số khách mời, người ta nhận thấy có Pence, Rudy Giuliani, Chuck Schumer, Don King, Bobby Knight, Mark Cuban và tất nhiên Bill Clinton. Tất cả cử tọa được yêu cầu trước là tránh vỗ tay cổ vũ hay phản đối gây ảnh hưởng đến sự trình bày của ứng cử viên.

Câu hỏi đầu tiên Holt đặt ra: Vì sao bà/ông là chọn lựa tốt nhất cho việc tạo ra thêm công ăn việc làm và công nhân có được nhiều tiền vào túi họ. Câu hỏi không mới lạ và hai ứng cử viên đều đã thuộc bài, chỉ cần nhắc lại đường lối đã trình bày nhiều lần. Bà Clinton không quên nhắc về việc tranh đấu cho phụ nữ được trả lương công bằng với nam giới và chủ trương tăng thuế dân nhà giàu.

Ðiều hợp viên sau đó hỏi: Quý vị bênh vực chủ trương tăng thuế nhà giàu của mình như thế nào.

Ông Trump cho rằng kế hoạch thuế của mình có lợi cho dân giàu nhưng hậu quả giới trung lưu được thụ hưởng vì các công ty sẽ đầu tư thêm và tạo ra việc làm thay vì đem tiền làm ăn ở nước ngoài. Bà Clinton khôn khéo tỏ ra lịch sự và kiên nhẫn nghe ông Trump nói. Nhưng ngược lại ông Trump không ngần ngại ngắt lời bà nhiều lần bằng cách nói cùng lúc hoặc xen vào một vài lời phê phán.

Lester Holt tỏ ra thoải mái để hai đối thủ tranh cãi qua lại trong nhiều phút không can thiệp.

Về mậu dịch quốc tế, ông Trump tố cáo bà Clinton đã trong nhiều năm ủng hộ các thỏa hiệp mậu dịch “hư hỏng” làm mất việc làm của dân Mỹ. Ngược lại, bà chỉ trích lập trường gây hấn của ông về mậu dịch, nói rằng “nước Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới và như thế cần phải có trao đổi thương mại với 95% còn lại.”

Bà Clinton thêm một lần nữa đề cập đến sự mờ ám của ông Trump khi không chịu công bố tờ khai thuế. Phản ứng có vẻ kém cỏi, ông Trump sẽ làm “nếu bà Clinton đưa ra 33,000 emails đã xóa đi trong máy chủ cá nhân.” Về chuyện này, điều hợp viên Holt lại xen vào bằng một lời lưu ý rằng theo luật, ông Trump có thể công bố tờ khai thuế ngay trong khi IRS đang kiểm toán.

Trong nhiều vấn đề khác, bà Clinton tỏ ra có sự chuẩn bị đầy đủ hơn để nói về đường lối, kinh nghiệm cũ và nêu ra chính sách. Phía ông Trump thường không đi xa hơn những phê phán chỉ trích và nêu lên các nguyên tắc chung.

Bà Clinton và người ủng hộ bà đã biết rằng chỗ yếu của ông Trump là thái độ nóng nảy và khả năng ứng xử kém khi bị phê bình. Bà có cơ hội này khi cuộc tranh luận có liên hệ đến các vấn đề khủng bố, dân Hồi Giáo và cả vụ ông Trump bịa đặt về chuyện sinh quán của Tổng Thống Obama. Thậm chí có lần ông Trump đã ngắt lời điều hợp viên.

Nhưng cũng có một sự đồng ý hiếm hoi giữa hai đối thủ trong vấn đề sử dụng súng ở Mỹ.

Nhận định một cách tổng quát, trong cuộc tranh luận ông Trump không tỏ ra vững vàng nắm được thế chủ động mà nhiều lần phải biện luận chống đỡ. Với tình hình như thế, cuộc tranh luận đầu tiên chưa giúp ông giải quyết được vấn nạn lớn mà những người chống ông khai thác là ông không có đủ khả năng lãnh đạo. (HC)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 3 guests