Kỷ niệm ngày thành lập Quân Trường Thủ Ðức:

Tin tức Thủ Đức : họp mặt, nhắn tin, tương trợ, chia vui, chia buồn....
Post Reply
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Kỷ niệm ngày thành lập Quân Trường Thủ Ðức:

Post by vuphong »


Image

Kỷ niệm ngày thành lập Quân Trường Thủ Ðức:
Nhớ ‘Ðêm Vũ Ðình Trường’ và đồi Tăng Nhơn Phú


Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER - Ngày 25 Tháng Mười tới đây, Hội Ái Hữu cựu sinh viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức sẽ tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập trường Bộ Binh Thủ Ðức.

Bộ Binh Thủ Ðức là quân trường lớn của VNCH trước năm 1975, đã cung cấp hàng chục ngàn sĩ quan ưu tú cho Quân Lực VNCH từ khi thành lập cho đến ngày miền Nam bị cộng sản chiếm đóng.

Trường được chính thức thành lập ngày 9 Tháng Mười, năm 1951 cùng với trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Ðịnh tại Bắc Việt.

Năm 1952, cả hai trường sáp nhập làm một và trở thành một trường duy nhất tại Thủ Ðức, có nhiệm vụ đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho quân lực VNCH.

Năm 1955, trường được mở rộng đào tạo thêm thêm chuyên viên các ngành trong QLVNCH nên quân trường Thủ Ðức có thêm trường Thiết giáp, Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Quân Cụ, Thông Vận Binh (quân xa sau này) và Quân Chánh.

Ðến năm 1961, vì nhu cầu chiến trường gia tăng, các trường chuyên môn đã tách rời trường Thủ Ðức khi ấy gọi là Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức.

Kể từ ngày 1 Tháng Tám, năm 1963, liên trường lấy lại danh hiệu là trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức chuyên đào tạo sĩ quan trừ bị cho QLVNCH.

Ðến 1 Tháng Bảy, năm 1964, trường đổi danh xưng là Trường Bộ Binh. Danh xưng này được giữ cho đến ngày miền Nam thất thủ.

Qua một thời gian 24 năm, trường Bộ Binh Thủ Ðức đã có đến 12 vị chỉ huy trưởng, lần lượt là Ðại Tá Nguyễn Văn Cảm, Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Ðại Tá Nguyễn Văn Chuân, Thiếu Tướng Hồ Văn Tố, Ðại Tá Lam Sơn, Thiếu Tướng Trần Ngọc Tám, Chuẩn Tướng Bùi Hữu Nhơn, Chuẩn Tướng Cao Hảo Hớn, Chuẩn Tướng Trần Văn Trung, Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn và Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ.

Từ ngày thành lập cho tới 30 Tháng Tư, năm 1975, quân trường Thủ Ðức có hai giai đoạn huấn luyện. Giai đoạn I từ 1951 đến cuối 1967 là thời kỳ huấn luyện bình thường. Giai đoạn II từ 1968, sau tết Mậu Thân, vì nhu cầu cấp bách của chiến trường và sự trưởng thành của QLVNCH nên nhu cầu huấn luyện được gia tăng rất nhanh. Năm 1968, số sĩ quan ra trường là 9,479. Năm sau là 10,862, đó là con số cao nhất từ ngày trường thành lập.

Tổng quát, trường Bộ Binh Thủ Ðức đã đào tạo được hơn 80 ngàn sĩ quan cấp chuẩn úy và gần 4 ngàn sinh viên sĩ quan đặc biệt là các cấp chức hành chánh cao cấp bị động viên.

Ngoài những khóa chính thức của trường còn có những khóa đặc biệt như khóa Tiểu Ðoàn Trưởng và Bộ Binh Cao Cấp, khóa Hoàn Hảo sĩ quan Ðịa Phương Quân, khóa Bổ Túc Quân Sự cho các sĩ quan Quân Y trưng tập và các khóa huấn luyện cho các sĩ quan Không Quân, Hải Quân và Cảnh Sát Quốc Gia.

Trường cũng được quân đội tưởng thưởng cho thành quả huấn luyện, 2 lần được tuyên dương trước quân đội và được ban thưởng dây biểu chương mầu Anh Dũng Bội Tinh.

Trước năm 1975 hàng vạn thanh niên miền Nam VN đã từng qua quân trường Thủ Ðức khi đất nước lên tiếng gọi “Này thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng. Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống...”

Và cũng hàng vạn thanh niên ấy vẫn không thể quên được đêm Vũ Ðình Trường.

Ðó là đêm ghi đậm biết bao hình ảnh, kỷ niệm. Hình ảnh rõ nhất là trong không khí thâm u vì đèn đuốc được tắt hết, tiếng gió bỗng vi vu thổi qua những khuếch đại âm thanh nơi bốn góc Vũ Ðình Trường, tưởng như hồn thiêng nơi nơi đang tụ hội về. Những người lính chiến đã vào cõi miên viễn. Những người trai đã hoàn tất nhiệm vụ với núi sông. Giờ đây, xin hãy trở về chứng giám cho hàng ngũ kế tiếp lên đường. Hãy run rủi cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Mai này, bốn phương trời mọi miền đất nước, chúng tôi đang tiếp bước các anh. Hãy cùng chúng tôi xua loài quỷ đỏ. Hãy cùng chúng tôi giữ gìn hạnh phúc ấm no cho toàn dân. Hỡi những hồn thiêng hãy về đây chứng giám cho lời thề này...

Âm hưởng những lời cầu nguyện trong phút mặc niệm vừa như thúc giục lòng trai lại vừa như hiệp thông nối kết tương lai vào quá khứ khiến những người lính trẻ sắp ra trường, sắp thỏa nguyện được chí tang bồng nôn nao khó tả.

Thì, có tiếng hô trong ánh sáng vừa bừng dậy. Tiếng hô sắc gọn, dứt khoát: “Quì xuống các sinh viên sĩ quan!” Như một cỗ máy, hàng ngàn thanh niên trai trẻ trong quân phục đại lễ nhất loạt quì xuống.

Những lời thề được đại diện sinh viên sĩ quan thốt lên.

Hứa với tổ quốc. Hứa với dân tộc: Tổ quốc. Danh dự. Trách nhiệm.

Cấp bậc được đeo lên vai. Lời thề trước Vũ Ðình Trường được ghi nhận. Tổ quốc như được truyền qua lời hô lệnh quân hành “Ðứng dậy các tân sĩ quan!”

Hình như có nặng hơn lúc quì xuống, bởi trên vai bây giờ là trách nhiệm, chí ít cũng là trách nhiệm cụ thể cho mấy chục mạng sống của anh em binh sĩ trong trung đội mà mai này mình sẽ nhận lãnh khi đáo nhậm đơn vị.

Ðó là những gì mà không một sinh viên sĩ quan nào của bất cứ một khóa nào của quân trường Thủ Ðức lại có thể quên được. Cho dù chỉ là những người lính “trừ bị” nghĩa là thành phần để dành của quân lực Việt Nam, chỉ khi nào đất nước lâm nguy mới cần đến sự hiện diện của người lính trừ bị, nhưng đã qua quân trường rồi, đã từng chia ngọt sẻ bùi với đồng ngũ trên các chiến trường rồi thì người lính trừ bị không còn những suy nghĩ trừ bị nữa, mà chỉ còn thấy trong nhau, những người lính VNCH, một tình cảm thương yêu tha thiết vì đã từng sống chết bên nhau.

Cho nên dù đã qua bao nhiêu năm kể từ ngày ra trường, những cựu SVSQ Thủ Ðức vẫn hằng mong những ngày gặp mặt để những người còn lại nhớ đến những người đã mất, nhớ đến thân phận những anh em chẳng may là thương phế binh, nhớ đến những người quả phụ và nhất là nhớ đến những người vợ đã cùng chịu bao gian khổ qua cuộc chiến tranh và những năm tháng tù đầy của chồng mà thay chồng nuôi dạy con cái nên người.

Năm nay Hội Ái Hữu SVSQ Thủ Ðức nhân ngày họp mặt hàng năm, sẽ dự trù lấy làm ngày kỷ niệm Quân Trường Thủ Ðức thành lập.

Quí độc giả cần biết thêm chi tiết về ngày kỷ niệm này có thể liên lạc với cựu SVSQ Vũ Ðình Trung (714) 306-9151 hay Nguyễn Trọng Thu (714) 705-3861, là những thành viên trong ban tổ chức. (N.H)
huynhtruong25
Posts: 142
Joined: Sun Sep 25, 2011 9:48 pm
Contact:

Post by huynhtruong25 »


Image

Trường Bộ Binh Thủ Đức

Lê Bình
Ngày 27 tháng 7 1951 do Sắc lệnh số 372 của Chính Phủ Việt Nam động viên thanh niên nhập ngũ để trở thành sĩ quan của Quân Đội Quốc Gia Việt Ngày 1 tháng 10 năm 1951 thành lập hai trường Sĩ Quan Trừ Bị, một tại Nam Định và một tại Thủ Đức. Ngày 9 tháng 10 năm 1951 khai giảng khoá 1 Sĩ quan trừ bị tại hai Trường Thủ Đức và Nam Định. Tháng 6 năm 1952 sau khi hoàn tất huấn luyện khóa 1 trường Nam Định giải tán và sát nhập vào Trường Thủ Đức. Trường Thủ Đức trở thành trường duy nhất có nhiệm vụ đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).

Sau khi ký Hiệp-ước Pháp-Việt ngày 5-6-1948 tại vịnh Hạ-Long, công-nhận Việt-Nam là một quốc-gia độc-lập trong khối Liên-hiệp Pháp, Quốc trưởng Bảo Đại đã ký hiệp-ước ngày 8-3-1949 với Tổng-thống Pháp Vincent Auriol, theo đó, Pháp sẽ giúp Việt-Nam thành-lập quân-đội Quốc-gia. Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức bắt đầu thành hình. Ngày 23-12-1950, Pháp-Mỹ-Việt ký hiệp-định hổ-thương, phòng thủ và viện trợ quân sự; Mỹ viện-trợ cho VNCH để trang bị cho quân-đội. Cùng ngày, nghị-định thành-lập hai trường Sĩ-quan Trừ-bị Nam-định và Thủ-đức được ban-hành, nhằm đào-tạo sĩ-quan ngạch trừ bị cho Quân-lực VNCH. Khóa sĩ-quan trừ bị đầu-tiên khai-giảng cùng một ngày 9-10-1951 tại Nam-định và Thủ-đức. Trường Sĩ-quan Trừ-bị Nam-định chỉ đào-tạo được một khóa rồi đóng cửa vĩnh viễn năm 1952. Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-đức hoạt-động tới cuối tháng 4-1975, lúc đó mang tên là Trường Bộ-binh, đặt ở Long-thành.

Tiến trình phát triển của Trường Sĩ-quan Trừ-bị trải qua ba giai-đoạn:

Giai-đoạn 1951-1955:

Vào ngày khai-giảng, Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức xây cất chưa xong. Trường Sĩ-quan Nam-Định chỉ đào-tạo một khóa. Sinh-viên khóa 2 Nam-Định được đưa vào Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức. Trường tọa-lạc trên khu đồi Tăng Nhơn Phú, Thủ-Đức, Gia Định. Chỉ huy trưởng đầu tiên là Đại tá Phạm Văn Cẩm. Trong giai-đoạn 1951-1954, các sĩ-quan tốt nghiệp mang cấp bậc thiếu-úy và phục vụ ở các đơn vị Bộ-binh hay chuyển sang các quân-chủng Không-quân, Lục-quân hoặc binh-chủng, binh sở. Hơn 4,000 sĩ-quan được đào-tạo trong giai đoạn từ khóa 1 đến khóa 5. Sinh-viên Sĩ quan tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu-úy; từ khóa 6 trở đi, sinh-viên tốt nghiệp với cấp-bậc Chuẩn-uý.

Giai-đoạn 1955-1963:

Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức được đổi tên thành Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức. Ngoài nhiệm vụ đào tạo sĩ-quan Bộ-binh, trường còn đào-tạo sĩ-quan Thiết-vận, Quân-chính, Quân-cụ, Quân-nhu, Quân-y, Dược, Truyền-tin, Công-binh…v.v. Thời gian thụ huấn là 38 tuần. Từ 1955 đến1961, Liên trường Võ-khoa Thủ-Đức cung-cấp: - 2/3 tổng-số sĩ-quan Bộ-binh. - 80% sĩ-quan và chuyên-viên Quân-nhu - 89% Sĩ quan Quân-cụ - 95% Sĩ quan Thiết giáp và Truyền-tin - 97% Sĩ quan Pháo-binh - 90% Sĩ quan Công-binh Tháng 10-1961, một số trường chuyên-môn được tách ra. Liên Trường Võ-khoa Thủ-Đức chỉ còn ba trường là Bộ-binh, Thiết-giáp, Vũ-thuật và Thể-dục Quân-sự.

Giai-đoạn 1964-1975:

Giữa năm 1963, khóa 15, Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức được đổi tên thành Trường Bộ-binh Thủ-Đức. Mỗi năm, Trường có ba khoá huấn-luyện. Sau biến-cố Tết Mậu Thân và sắc lệnh tổng động viên ban hành ngày 19-6-1968, hàng năm Trường Bộ-binh Thủ-Đức đào-tạo 6 đến 8 khóa, do nhu-cầu chiến-trường. Từ năm 1951 đến 1967, mỗi năm chỉ có một khóa, đánh số từ 1 đến 27.

Đến năm 1968, một năm có nhiều khóa, nên đánh số theo năm (1/68; 2/68, ...) Chương-trình huấn-luyện chia thành hai giai-đoạn: Trong giai đoạn 1, khóa-sinh được gọi là Tân Khóa-Sinh Dự-bị Sĩ-quan, thụ-huấn tại Trung-tâm Huấn-luyện Quang-Trung. Sau khi hoàn tất giai-đoạn 1, các TKS/DBSQ đủ tiêu-chuẩn được chuyển sang Thủ-Đức học tiếp giai-đoạn 2. Về sau, các Tân Khóa-Sinh được huấn-luyện giai-đoạn 1 ngay tại Thủ-Đức. Các sĩ-quan tốt nghiệp được mang cấp bậc chuẩn-uý trừ-bị. Trong giai-đoạn này, vì số lượng SVSQ quá lớn, thiếu trường sở và huấn-luyện-viên, nhiều khóa sĩ-quan trừ-bị đã được đào-tạo tại trường Hạ-sĩ-quan Đồng-Đế.

Cuối năm 1973, Trường Bộ-binh Thủ-Đức chuyển sang căn cứ huấn-luyện mới tại Long-Thành. Công tác di-chuyển hoàn tất vào đầu năm 1974. Tháng 4-1975, dưới quyền điều-động của Đại-tá Liên-đoàn-trưởng Lộ Công Danh, các SVSQ từ Long Thành di-chuyển về Tăng Nhơn Phú. Pháo-binh phòng-thủ nhà trường đã trực-xạ, bắn cháy 3 chiếc thiết giáp của VC và 2 tân khóa-sinh dùng lựu-đạn lân-tinh đốt cháy chiếc còn lại. Ngày 1-5-1975, lực-lượng phòng-thủ mới buông súng theo lệnh của TT Dương Văn Minh ban hành ngày 30-4 trước đó.

Phù-hiệu Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức: Nền xanh da trời biểu-hiện sự thanh-khiết từ tư-tưởng đến hành-động, và ý-chí cao-cả của thanh-niên đối với quê-hương. Ngọn lửa hồng biểu-hiện lòng dũng-cảm, chí cương-quyết, đức hy-sinh. Thanh kiếm biểu hiện cho cấp chỉ-huy Bốn chữ “ Cư an tư nguy” – sống yên lo nguy, được ghi thêm vào theo đề nghị của Đại-tá Lam Sơn trong thời gian ông làm Chỉ huy trưởng (1962).

Những Chỉ-huy-trưởng Việt Nam trường SQTB Thủ-Đức:

- Đại-tá Phạm Văn Cẩm
- Thiếu-tướng Lê Văn Nghiêm
- Thiếu-tướng Nguyễn Văn Chuân
- Thiếu-tướng Hồ Văn Tố
- Đại-tá Lam Sơn Phan Đình Thứ
- Trung-tướng Trần Ngọc Tám
- Thiếu-tướng Bùi Hữu Nhơn
- Trung-tướng Trần Văn Trung
- Trung-tướng Phạm Quốc Thuần
- Thiếu-tướng Lâm Quang Thơ
- Trung-tướng Nguyễn Vĩnh Nghi
- Trung-tướng Nguyễn Văn Minh
- Đại-tá Trần Đức Minh

CÁC GIAI-ĐOẠN HUẤN-LUYỆN

Chương-trình huấn-luyện quân-sự tại Thủ Đức nhằm đào-tạo sĩ-quan chỉ-huy trung-đội, gồm:

- Bộ binh căn-bản (18 tuần): vũ khí cá-nhân, cá nhân chiến-đấu, đội hình tác-chiến, . . .
- Bộ-binh trung-cấp (28 tuần): Vũ-khí cộng-đồng như đại-liên, súng cối 60 ly, 81 ly, súng phóng hỏa-tiễn; vượt sông, chiến-thuật, bản đồ, la-bàn, pháo-binh, chiến-tranh-chính-trị, quân-pháp, . . .

THÀNH-QUẢ CỦA TRƯỜNG BỘ-BINH THỦ-ĐỨC

Theo niên giám của trường, trong 25 năm, các trường sĩ-quan trừ-bị đã đào tạo khoảng 55,000 sĩ-quan, trong đó khoảng 15.000 nguời biệt-phái về các ngành chuyên môn (hầu hết là giáo chức)

Các vị tướng xuất-thân từ các trường Sĩ-quan trừ-bị:

Khóa 1 Nam-Định gồm có:

-Trung-tướng Nguyễn Đức Thắng (Bộ Trưởng Xây Dựng Nông Thôn)
-Trung-tướng Lê Nguyên Khang (Tư-lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến)
-Trung-tướng Nguyễn Bảo Trị (Tổng Cục-trưởng Quân-huấn)
-Thiếu-tướng Nguyễn Cao Kỳ, (Tư lệnh Không Quân, Chủ-tịch Ủy-ban Hành-pháp Trung-ương)
-Thiếu-tướng Nguyễn Ngọc Loan (Tư lệnh Cảnh Sát)
-Thiếu-tướng Nguyễn Duy Hinh (Tư lệnh Sư-đoàn 3 Bộ-binh)
-Chuẩn-tướng Vũ Đức Nhuận
-Chuẩn-tướng Phan Phụng Tiên (Không-quân) *
-Chuẩn-tướng Nguyễn Văn Điềm (Tư lệnh Sư-đoàn 1 Bộ-binh) *

Khóa 1 Thủ-Đức:

-Trung-tướng Trần Văn Minh (Tư-lệnh Không-quân)
-Trung-tướng Đồng Văn Khuyên (Tổng Cục trưởng Tiếp-Vận & TMT/Bo TTM QLVNCH) *
-Thiếu tướng Nguyễn khắc Bình (Tổng Giám-đốc Cảnh-Sát Quốc-gia)
-Chuẩn-tướng Phạm Hữu Nhơn
-Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính (Không-quân) *

Khóa 2 Thủ –Đức:

-Chuẩn-tướng Bùi Quý Cảo (Tổng Giám-đốc Tài-chánh và Thanh-tra quân-phí)

Khóa 3 Thủ-Đức

-Thiếu-tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư-lệnh Quân-đoàn IV, tuẫn-tiết ngày miền Nam lọt vào tay Cộng-Sản Bắc Việt)

Khóa 4 Thủ-Đức

-Trung-tướng Ngô Quang Trưởng (Tư-lệnh Quân-đoàn IV & I) *
-Thiếu-tướng Bùi Thế Lân (Tư-lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến)
-Thiếu-tướng Lê Quang Lưỡng (Tư-lệnh Nhảy Dù)
-Chuẩn-tướng Hồ Trung Hậu (Tư lệnh Sư-đoàn 2 Bộ-binh) *
-Chuẩn-tướng Trần Quốc Lịch (Tư lệnh Sư-đoàn 5 Bộ-binh) *

Khóa 5 Thủ-Đức

-Chuẩn-tướng Lê Văn Hưng (Tư-lệnh phó Quân-đoàn IV, tuẫn-tiết ngày miền Nam bị cưởng chiếm bởi Cộng Sản Bắc Việt)

Khóa 16 Thủ-Đức

-Chuẩn-tướng Cảnh Sát Trang Sĩ Tấn (Chỉ-huy-trưởng BCH Cảnh Sát Đô-thành Sàigòn)

Với 23 vị tướng và hàng chục ngàn sĩ-quan, trường đã đào tạo cho đất nước những vị chỉ huy xứng-đáng với châm ngôn Cư An Tư Nguy, sống yên vui phải biết nghĩ tới lúc khó khăn, muốn hưởng hòa-bình phải chuẩn bị chiến-tranh. Trong suốt cuộc chiến bảo vệ tổ quốc chống lại họa xâm lăng của Cộng sản, trường Bộ Binh Thủ Đức đã đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo các sĩ quan ưu tú cho quân lực VNCH. Những vị trung đội trưởng các đơn vị tác chiến.

Trong thời gian 26 năm trường BB Thủ Đức đã cung ứng cho Quân lực VNCH những vị lãnh đạo tài ba, đảm lược; mặc dù quân đội VNCH không còn nữa, nhưng tinh thần Cư An Tư Nguy vẫn kéo dài cho đến hôm nay trong tập thể những cựu SVSQ trường Mẹ. Tinhthần bất khuấtđó thể hiện dưới nhiều hình thức. Các cựu SVSQ dù ở bất cứ cương vị nào đều mang hết tấm lòng và khả năng phục lý tưởng tự do.

Tháng 10 năm 2009, sau 58 năm xa rời trường, các thế hệ Thủ Đức vẫn nhớ về ngôi trường thân yêu đã một thời “quân trường đổ mổ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Tháng 10 năm 2009 kỷ niệm 58 năm ngày thành lập, Lực Lượng Cựu SVSQ Thủ Đức Bắc Cali sẽ long trọng tổ chức Lễ Kỷ Niệm tại San Jose. LLSVSQ Thủ Đức Bắc Cali thành lập năm 1995, trong suốt hơn 10 năm Lực Lượng này đã phối hợp cùng các đoàn thể, hội đoàn cựu quân nhân Bắc Cali tham dự hấu hết các công tác đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, tự do và phú cường. Kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 58 là nhắc nhở câu châm ngôn của trường “Cư An Tư Nguy”

Lê Bình

Tài liệu tham khảo:

-Lịch sử Trường Võ Khoa Thủ Đức-Tổng Hội SQTB Thủ Đức
-Kỷ yếu khóa 4/71 (năm 1972)
-Lịch-sử trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức, GS Nguyễn Đình Tuyến, Đặc San Thủ-Đức Houston, 1997
-Quân-sử 4, Phòng Bộ Tổng Tham-mưu, Sàigòn 1972
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests