Gánh Đời Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn * Tình H

Thơ nhạc trữ tình, thơ nhạc lính, video...
Post Reply
tinhhoaihuong
Posts: 7
Joined: Fri Aug 13, 2010 6:51 pm
Contact:

Gánh Đời Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn * Tình H

Post by tinhhoaihuong »

Gánh Đời Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn
Phần Thứ Nhất
Chương 1



Đời Thăng Hoa Thú Vị Bất Ngờ

Đám bụi dày bị cơn gió đông cuốn hút cuồng quay, khiến khách bộ hành phải quay lưng lại, đi thụt lùi, hai tay che mặt, đầu rụt sâu vào cổ áo lạnh kéo cao. Hoài đi giữa lòng phố thị, nghe đì đùng tiếng pháo nổ râm ran liên tục từ mọi ngỏ nhà. Ồ! Chẳng lẽ... những ngày háo hức đón chờ mùa Thanksgiving, Merry Christmas, Tết Tây lại tưng bừng trở về trên thế trần rồi đó ư? Người ta hân hoan, ríu rít, xôn xao hớn hở hân hoan ân tình gửi cho nhau quà giáng sinh, mừng năm mới dương lịch với cánh thiệp nồng ấm thắm thiết tình người. Thú vị quá! Đối với Hoài thì ngày Thanksgiving, Christmas, Noel… no iết, hay Tết Nguyên Đán nguyên iết gì gì đó... không còn nữa, như Nhất Tuấn đã ghi bài thơ: "Mimosa Thôi Nở" có những câu thơ nàng rất thích:
. . . Mới bốn mùa thu qua
Mimosa, Mimosa, vẫn nở...
Sao mối tình đôi ta,
Ai làm cho dang dỡ?
Đêm nay Noel đây,
Nhưng em không về nữa.
Ðường khuya mưa bay bay.
Mimosa, Mimosa, thôi nở…
Trong hồn anh đêm nầy…
Tháng ngày thấm thoát trôi qua nhanh, như bóng chiều câu qua song cửa, cho mình nếm trọn đủ nỗi cay đắng, niềm đớn đau thầm lặng, cùng cực buồn nhớ, khiến Hoài chẳng hết ngẩn ngơ lòng! Nỗi buồn xưa quanh quẩn đâu đây... Hồi nhỏ bé, trước thềm năm mới xa xưa ở thành phố khá lạnh xứ Đà Lạt, Hoài ưa theo ba má đi khắp nơi chúc tết cô bác họ hàng. Cô nhỏ thích được có nhiều tiền lì xì thơm mùi giấy mới, dù không biết xài tiền, em cũng cất tiền lẽ trong bóp đầm màu trắng, có dây quai quàng qua ngực, vui mừng khấp khởi khoe với trẻ nhỏ ai có nhiều tiền hơn ai thôi. Hoài vui vẻ tụm năm tụm ba với bạn bè, niềm hạnh phúc ấu thơ là xum xoe bộ cánh mới, cổ đeo kiềng vàng chạm trổ hoa mỹ, hai tai con bé lủng lẳng bông vàng lắc lư theo từng cử động vui mắt, đêm đêm có giấc mơ bắt bướm hái hoa lảng vảng bay trên đầu cây ngọn cỏ. Rồi tháng năm qua cô em lớn dần với tà áo hoa màu rực rỡ, cùng bạn thời trung học lượn quanh phố chợ, ánh mắt chan hòa tình mến, lòng bạn với ta phơi phới nét xuân thì. Ôi! Tuổi hoa ngày đó vụt xa bay qua tầm tay, nhanh quá đỗi là nhanh.
Điệu buồn êm nhẹ hẫng trên hàng mai vàng lốm đốm khoe sắc. Nắng mùa đông sót lại nét hoen sầu, rả rích từng giọt mưa phùn bay bay trên phố Đà Nẵng. Hoài thấy nhớ những cánh thiệp tươi mầu còn cất ở dưới đáy va ly, nàng muốn mở ra xem một lần, một lần rồi thôi. Ở tình bạn, cũng như ở tình yêu, có điều gì mong manh, chơi vơi, xa xăm, lẻ loi khôn tả. Cuộc đời nàng như một hoang đảo ngoài khơi chói nắng, quanh năm toàn thấy đại dương mênh mông, bao la bát ngát. Còn con tàu, lục địa, bờ biển, thì ở xa -rất xa- Tất cả bạn và người thân của Hoài từ từ xa (như con tàu dừng chân lại trước thềm lục địa nghỉ ngơi, thân ái nồng nhiệt, đôi khi có phần ích kỷ và ganh tị, nhưng họ tươi cười thản nhiên về sự phản bội đó. Rồi con tàu lặng lẽ nhổ neo đi). Hoài không giận, vì cho đó là sự kiện không quan trọng. Tình bạn non đời sống có chiều rộng, nhưng chưa có chiều sâu mà buồn làm chi. Do vậy tình bạn có phần dễ chịu, tình cờ, đơn sơ, như một túp lều muốn cất lên bên sườn đồi, dưới giàn hoa thiên lý kế rặng tre xanh, bên nương sắn, cạnh ao bèo, nếu muốn đặt nơi nào cũng được. Nó không phân biệt giai cấp sang hèn, học thức thấp cao. Chính vì thế, nó mong manh, dễ tan vỡ, chẳng mang vết buồn đau thầm nhớ làm chi! Chả cần thiết! Chao ôi! Nào có ích gì.
Buổi tối Hoài về nhà anh chị Thương, (vì nhà ba má của nàng ở quê Mỹ Chánh đang lộn xộn, không yên, nàng sống ở đó không tiện). Hoài kinh ngạc khi nhận được thiệp xuân của Phú, Đông, chị Hạnh. (Phú giới thiệu Đông gửi thư cho nàng theo kiễu bạn bốn phương, vì Hoài không quen biết Đông). Thật quá lạ, Phú nghĩ gì về Tôi? Tự thâm tâm, có nhiều điều quá đắng cay, đau buồn, đến nỗi Hoài không nhớ mấy về ai, và quên mất là mình đã quen thân Phú. Mừng rỡ cầm mấy phong thư vào phòng, nàng ngồi lên giường, mở thư Phú ra đọc trước tiên. Phú cho biết khi đậu tú tài toàn, anh đã nhập ngũ, nay làm việc tại ven biên tỉnh Khánh Hòa. Đi nghỉ phép ở Đà Lạt, Phú đến thăm chị Khánh, và xin điạ chỉ Hoài. Thoáng thời gian ngắn ngủi qua nhanh, Phú có biết bao thay đổi, đầy hứa hẹn ở tương lai. Còn ta? Mình không có gì, ngoài mớ đau thương chất chồng, bao khốn khó quằn xiết lấy tấm thân mảnh dẽ, trên hai bàn tay trắng, và tấm bằng không làm cho đời sống riêng mình tươi hơn. Hoài thấy có cái gì sắt cạnh đâm sâu trong lồng ngực vỡ vụn ra, đau nhói. Một cái gì tê buốt, bàng hoàng. Mà, trước kia nàng tưởng là không có ai có thể bóp nát trái tim đầy tin yêu nầy. Thuở xa xưa ấy, Hoài gặp Phú, quen Phú, trái tim nàng như cuộn giấy trắng tinh, chưa thâu nhận bóng hình ai. Hoài thấy Phú đẹp trai, phong nhã đa tình, và sao mà chàng lãng mạn, lả lướt quá đi! Hoài sợ. Vã chăng, nói cho cùng thì lúc đó nàng đã có xí cảm tình thân thiết với “cố nhân”. Không! Hoài chẳng muốn nhớ đến “tên ai”, dù kỷ niệm nhỏ nhặt gợi lên hình ảnh đẹp trên đại lộ khuya, làm bừng sống giấc mộng bạc bẽo nơi người con gái trước ngưỡng đời mệt nhoài, hụt hơi đến đắng cổ.
Mùa đông trôi tuột về dĩ vãng mất rồi, chẳng bao giờ tìm thấy nữa! Thời gian và không gian chìm sâu từng ngày, từng ngày vào ý niệm. Hoài đã đi từ Đà Lạt xuôi qua mọi miền, đi thênh thang giữa lòng đô thị Đà Nẵng về vùng trời Hội An, Huế, Mỹ Chánh, Quảng Trị, La Vang, ra tới Bến Hải… Có thể suốt đời Hoài vẫn nhớ nhung, nâng niu, trân trọng giữ gìn kỷ niệm dịu êm một thuở. Kỷ niệm đó, thoáng mắt nhớ nhung đó, nụ cười đó, không gian và thời gian ngày cũ vẫn theo nàng đến chân trời góc bể, nơi nàng đã sống, vui buồn, mòn mỏi, khát khao nỗi nhớ niềm mong, hay đã quên hết rồi? Hoài âm thầm, nhỏ bé như loài hoa cỏ may tầm thường mọc bên lề viả hè trong thành phố xa hoa. Bao lo âu, buồn bã, nhớ nhung, làm úa vàng ngăn kéo kỷ niệm vàng son một thuở... Nàng rất yêu bài thơ dài của Triều Hoa Đại, trong đó có câu:
Nửa bước em về chiều nay tư lự.
Nửa bước em về ngày xưa tháng cũ.
Bước đi bây giờ làm sao lam lũ!
Bước đi bây giờ buồn thế sao em!?
* * *
Cô Ba Thuận năm nay ngoài bốn mươi lăm tuổi, vóc dáng cô Thuận mập ơi là mập nhưng lùn xủn; cô siêng năng chăm chỉ lo làm ăn buôn bán nên hái ra tiền, cô ăn nói hoạt bát, nếu không muốn nói là hơi quá lanh miệng lanh mồm. Bạn thân thiết của cô Thuận là cô Nga thì lại ốm nhom, cao lêu khêu, ít khi có ai trong xóm nghe cô Nga nói cười, cô Nga cũng siêng năng, kín đáo và lặng lẽ hơn. Hai cô bạn già suýt soát tuổi nhau, thân thiết dịu dàng rất mực, mà thuở ấy Hoài chưa từng nghe có từ thông dụng gọi họ là “lesbian” hay “gay ghiết, bóng biết” chi cả! Sáng sớm mỗi người đi bán một ngả, tối họ về ở chung một phòng chật chội, cùng nhau ngủ một giường. Họ bán những thứ hàng tạp hóa giống nhau. Chẳng bao giờ nghe họ ồn ào, bực bội, băn khoăn, to tiếng cãi cọ. Họ là hàng xóm của chị Thương.
Hôm nay bỗng nhiên cô Thuận qua nhà, cô nói xa nói gần nhiều chuyện vui thật là vui, rồi cô vào đề: xin phép chị Huyền cho Hoài đi phụ cô trông coi cửa tiệm dùm cô. Cô cười:
- Tiền! Tiền! Có tiền mua tiên cũng được. Hết sẫy! Chị đồng ý cho em Hoài, ra ngoài xã hội vui vẻ, thi thố "tài lăng" bé nhỏ mí đời, chị nhé!
Thế là chị Thương nói em chưa có việc gì làm, nếu đi giúp cô Thuận, thì cũng hay. Hoài đã đồng ý.
Đại lộ Hùng Vương ồn ào, nhộn nhịp, tấp nập, đông đúc người người chen lấn đi mua sắm tết. Cô và Hoài bận rộn suốt từ sáng đến tối chưa kịp ăn cơm trưa, bán buôn không ngơi tay. Nhưng nàng cảm thấy vui, khi hoà mình theo lòng phố thị huyên náo, không gợn chút ưu phiền. Trong tiệm chỗ tụm năm tụm ba, người mua cái nầy, người mua cái nọ. Hai người lăng xăng rối rít bán hàng không ngừng tay. Bận rộn quá chừng. Bốn giờ chiều thì hai chị em mới ngơi tay xí, họ chia phiên nhau vào góc tiệm ăn cơm, chứ đói chịu không nỗi. Nhà hàng mang cơm phần đến từ lúc mười một giờ, thức ăn bây chừ đã nguội, mỡ đóng váng trên mặt. Nàng ăn chẳng thấy ngon lành, và mệt quá.
Ngày thứ ba trước khi đi làm, Hoài ghé tiệm ảnh Phụng Ký ở đường Đồng Khánh lấy mấy tấm ảnh. Ngày thứ tư, hai chị em rảo bước trên phố thật sớm. Hoài mặc áo lạnh lông xù màu cánh sen, cổ quàng khăn voan màu tím hoa sim, quần tây đen, mang giày bít. Má đã mua cho Hoài đủ mọi thứ cần thiết từ đồng tiền lao nhọc của mẹ cha. Vui lạ! Có ai từ nhỏ đến lớn không có năm bảy lần mặc áo mới đẹp nhất, khi họ đã đi qua hầu hết quãng đời mình, mà không vui thích mỉm cười, không nhỉ? Tiệm của cô Thuận đông nghẹt khách mua hàng. Hoài đứng sau quầy, niềm nở cười cười, vui vui, bán bán, trao trao.
Bất ngờ và quả thật rất tình cờ, nàng chợt nhìn thấy và… nhìn theo mãi người con trai ngồi sau chiếc solex do bạn chở. Họ đã chạy vòng lui vòng tới bốn năm lần trước cửa tiệm. Nhìn vào tiệm, họ cười hoài. Hai anh chàng cứ... “liếc mắt đưa tình” với nàng, và húc cùi chỏ cười đùa với nhau. Họ chưa dám dựng xe vào trêu ghẹo con bé áo tím, mặc cô Thuận đon đả mời chào, và, cô sẽ nói huỵch toẹt ra nếu ai có ý lã lơi với nàng, khiến khách đỏ mặt mà xéo bước nhanh. Tính cô thẳng như ruột ngựa là gì! Chàng thanh niên ngồi sau lưng bạn có dáng dấp thư sinh, mày rậm mũi cao, da trắng trẻo, đôi mắt chàng sáng ngời đẹp như mắt chim phượng, khuôn mặt càng xinh trai hơn với đôi má lúm đồng tiền sâu hoắm, chiếc răng khểnh khép nép bên khóe môi phớt hồng, chàng có nụ cười tươi mát đến ngã lòng người. Ah! Chàng có dáng dấp khá giống Phú ở nụ cười có hai lúm đồng tiền! Chàng nhìn Hoài đăm đăm và quay lại tươi cười, vẫy tay với mình nữa kìa! Ôi Lạy Chúa! Quả thật họ đã để ý đến con người tội nghiệp nầy rồi!
Dựng xe trước cửa tiệm, họ vào mua mười hộp mứt, năm lố thuốc lá 555 International, hạt dưa, một chai rượu Martin. Hộp quẹt. Dao cạo râu. Dây nịt đủ kiểu. Dép đàn ông mang trong nhà. Mười áo thun trắng, mỗi cặp có nhãn hiệu khác nhau, quần sọt cũng vậy. Trong khi Hoài gói hàng, cô Thuận loay hoay soạn mấy cái giỏ xách nhựa mới, để hào phóng tặng họ mang mớ quà cồng kềnh về. Chờ Hoài ngẩng lên, chàng thư sinh Bắc Kỳ đẹp trai ấy, lại khoe má lúm đồng tiền, chiếc răng khểnh, rồi chàng đá lông nheo "kịch kịch" với nàng vài cái, mới chịu bưng hàng hóa ra về. Ơ hay! Chàng lại gật đầu vẫy vẫy tay chào thân thiết, gật gật gù gù nheo nheo mắt ướt. Hai anh chàng to nhỏ điều gì, lại khúc khích cười cười mãi nữa kìa! Hoài mắc cỡ, vội vàng cúi xuống tủ kính, vờ xếp lại đồ đạc bên trong. Nàng "không có đồng tiền bát gạo nào" làm sao dám khoe với ai! Nàng thấy vui, khi cô Thuận qua nhà đưa tí tiền. Nửa đùa nửa thật, cô nói:
- Em Hoài giúp tôi mấy hôm nay, thú thật là em đỡ đần tôi rất nhiều. Chị và em đừng ngại gì sớt. Mỗi ngày, tôi sẽ trả em năm chục đồng, còn nửa tháng cuối, mỗi ngày một trăm, vì em sẽ thức khuya bán chợ Tết mỗi đêm. Ăn uống tôi lo hết. Vất vã đấy nhá. Ra Giêng, nếu em còn ở nhà, thì giúp tôi bán hàng, tôi đưa em mỗi ngày vài ba chục thôi, tùy ngày bán được hay không, vì sẽ ế ẩm mà. Chỗ chị em tôi hay nói thẳng, chị Thương và em Hoài không giận tôi nhá.
- Em vừa ở quê vào đây... lưng chừng ngày tháng chưa tính đi học lại ở trường nào, em ở nhà nghỉ Tết, nên giúp cô cho vui, tiền nong gì. Cô.
- Ấy chết. Ai lại thế bao giờ. Chị biết không? Em Hoài có duyên bán hàng ra phết nhé. Tiệm tôi đắt hẳn lên. Hôm nay có mấy cậu vào mua, hỏi đến đâu họ mua đến đó, chả mặc cả kỳ kèo gì sớt. Buôn bán, tôi chỉ trông chờ khách xộp điệu nghệ thế chứ. Tôi có nhờ hai cậu ấy ra Giêng đến mở hàng khai xuân đầu năm hộ tôi. À, chị nhớ cho em Hoài làm đỡ tôi một tay nhá.
- Việc đó tùy em tôi thôi. Đôi khi nó không thích, làm sao tôi dám hứa.
- Ối dào! Em cứ đi làm, chờ bao giờ đầu mùa khai giảng, em đi học là tốt.
- Chị nói có lý. Tôi sẽ bảo em Hoài suy nghĩ, rồi trả lời chị sau nhé.
Liên tiếp mấy hôm sau, hai chàng trai vẫn thả bộ trên phố, rồi họ vào tiệm cô Thuận mua cái nầy, mua cái nọ. Có lần,“anh chàng đẹp giai” nhờ nàng chọn hộ cà vạt. Hoài biết chàng ăn mặc lịch sự, tươm tất, lẽ dĩ nhiên sẽ chọn đúng thời trang, chứ mình nào có tài cán gì, mà chọn! Chẳng qua chàng muốn gợi chuyện làm quen. Thế thôi. Hoài thấy sợ! Mặc dù quen họ, với tính cách là người khách mua bán hàng quen thuộc. Có thể chỉ là bạn, hay là anh trai hơn hẳn mình về tuổi đời, kinh nghiệm sống, không thể đi xa hơn. Nàng như con chim non lìa đàn, sớm bị thương, nay đậu cành mềm sợ gãy cánh, sợ cơn đau buồn điếng lặng khác sẽ ập đến.
Nửa tháng cuối năm, chiều nào cũng thế, chỉ còn một mình chàng thơ thẫn solo trên phố, dường như chàng chờ đợi ai. Sau đó, chàng tạt vào tiệm, phụ cô Thuận treo đồ đạc khách chê, đã vứt bừa bãi trong góc phòng. Một hai giờ khuya, chờ cô dọn dẹp xong, chàng mời hai chị em đi ăn. Gì chứ về cái món ăn uống "chùa", khỏi chi địa, là cô Thuận khoái khẩu, vui vẻ nồng nhiệt hẳn lên. Chuyện gì cô cũng tốt, nhưng việc tiền nong, thì "tôi là Bắc Kỳ dón, vắt cỗ chày ra nước, mà lị". Cô Thuận vẫn nói thế với ông chủ cho cô thuê nhà đó.
Có người khách không mời, bỗng dưng đêm đêm đến giúp một tay, cô Thuận khoái tỷ vì chả mất tiền công, lại được việc. “Ảnh” còn hào phóng mời “hai chị em” nhiều bữa ăn tối, ăn khuya, hậu hĩ quá chừng. Họa có điên hay sao mà cổ không nhận lời chứ. Chuyện trò vui vẻ hồn nhiên "thoả mái" thế nào ấy. Vui vẻ tử tế quá đi. Đôi khi, cô Thuận cũng mời lại "con người tốt bụng ấy" tô bún bò giò heo, tô hoành thánh mì, chén chè, đĩa xôi. Vã chăng, cô Thuận thấy nếu cứ phớt lờ ăn hoài của người ta, như ngầm ngầm lợi dụng anh chàng “dại gái”, thì nó cũng hơi kỳ kỳ, ngượng ngùng bẽn lẽn sao sao ấy!
Hoài đi theo họ vào tiệm ăn như chiếc bóng âm thầm, chẳng mấy khi thân mật chuyện trò, khiến cô Thuận nhăn mặt, nói nhỏ bên tai:
- Người đâu mà kém xã giao đến thế. Sao em ngu tệ. Chả biết.
Vì phép lịch sự, Hoài vờ lắng nghe chàng ấy giới thiệu tên, nhưng không rõ tên gì. Hoài nhút nhát rụt rè không dám hỏi lại e bất lịch sự, sợ chàng nghĩ mình điếc, thì buồn năm phút. Trời đất ơi! Cô chê em là con nhà quê vừa thập thò ra ngưỡng cửa thành phố đó. Thế, cô tưởng em còn "ngây thơ vô tội" chưa biết trộm yêu, thầm nhớ và đau khổ ấy chắc? Hoài ngập ngừng gượng gạo cười nói, như gã hề đeo mặt nạ méo mó, trông thật kỳ. Lúc còn lại hai người trước cổng nhà, cô Thuận ân cần nói:
- Cậu Thắng là người khá lịch sự, dễ thương, đứng đắn. Em nên vui tươi một tí nha. Suốt buổi ăn, em cứ xụ mặt xuống, trông thật khó coi, bất lịch sự đấy. Nhớ nhá!
Hôm sau quên lời cô dặn, Hoài vẫn buồn xo lặng thinh, nên cô Thuận khẽ húc một cái vào hông nàng. Giật mình, Hoài vội nhăn răng ra, cười rõ tươi. Trong khi chàng bình luận chuyện thời sự, chuyện chính trị đứng đắn, không có gì vui để cho nàng cười như reo thế. Ngạc nhiên, chàng im bặt nhìn Hoài đăm đăm. Có lẽ chàng nghĩ con nhỏ nầy có dòng máu khùng khùng, lãng lãng, điên điên, chi chi đó nhỉ!? Cô Thuận liền quay sang Hoài, cô lén thò tay xuống gầm bàn, dùng mấy ngón tay mập ú cô bấm vào đùi nàng, thì thầm:
- Đừng có dỡ hơi thế chứ. Im nào!
- . . .
***
Người ta vội vã, hấp tấp quét dọn sạch sẽ, những ụ rác to tướng, đổ trên xe chở rác, ở ngả tư, ngả năm đường phố. Họ lau chùi nhà cửa, bàn ghế tươm tất. Chuẩn bị tiễn đưa năm cũ, và hân hoan nồng nhiệt, vui vẻ đón chào năm mới cổ truyền tưng bừng, háo hức trên những cành mai vàng tứ qúy nở hết cánh, đẹp ơi là đẹp. Giao thừa và Tết Nguyên Đán lại đến. Bây giờ là ngày mồng hai tết, Hoài ghi tên dự thi hoa hậu, do Sư Đoàn 2 tổ chức tại Hội chợ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, bên Sơn Trà.
Đúng tám giờ tối, cuộc thi bắt đầu. Giàn nhạc trỗi dậy âm giai, lên bổng xuống trầm tuyệt diệu, khi hùng dũng như vũ bão, khi lả lướt êm đềm, nhẹ nhàng, êm êm lâng lâng, như mây khói mong manh. Đó là thứ từ trường mãnh liệt, tiết tấu hài hòa, đầy rung cảm, tạo thành âm điệu tuyệt vời do ban văn nghệ Sư Đoàn 2 điều khiển, phủ chụp lên tâm hồn nàng đa cảm, những dòng âm thanh rì rào, lâng lâng, ngất ngây, táo bạo và run rẩy. Sự tưng bừng huyên náo nầy khuấy đảo tâm hồn chưa yên tĩnh, khiến Hoài càng bối rối, băn khoăn âu lo. Tuy vậy, nhờ sự hổ trợ mật thiết, tương đắt của chị Sáu Huyền, các cháu Châu, Trân, Vân, Sơn, và có năm mười người bạn mới, cũ, cùng khán giả đông nghẹt nồng nhiệt cổ võ, thì Hoài vững tin, cố gắng hết mình.
Khuôn mặt Hoài để tự nhiên không hề biết dùng chút phấn son trang điểm. Xiêm y kín đáo hài hoà, thấm đượm tình cảm thiên nhiên, mang nặng tính cách dân tộc miền núi thượng nguồn Việt Nam, qua vũ khúc Dămbalada. Vũ điệu sôi động, đầy tính chất buông làng, rừng núi thâm u hiểm bí, đã khích động khán thính giả nhiệt liệt hoan ca rất nhiều. Sau vũ điệu, nàng phải hát một bài tự chọn "Nắng chiều" của Lê Trọng Nguyễn. Vì khá mệt trong điệu nhảy sôi động, nên Hoài vừa ca vừa thở, nghe dỡ ẹc. Đồng thời nàng phải trả lời mười câu trắc nghiệm, vấn đáp hóc búa, cùng thi các thích ứng thông minh mau lẹ khác. Hoài lo mình kém tài, gây nên cảnh lố bịch, đến các bậc đàn anh, đàn chị cười chê, châm chọc, thì thật ngượng ngùng hết chỗ nói; sẽ hổ thẹn với bạn trẻ biết mấy! Đứng trên sân khấu có 118 vị xinh như mộng, tươi như hoa đang dự thi. Tất cả chờ đợi ban giám khảo phê duyệt rất lâu. Họ và Hoài đã vượt qua vòng sơ kết. Rồi đợt hai còn năm mươi cô lọt vào vòng bán kết. Đợt ba có mười lăm người may mắn vào vòng chung kết. Những cô bị loại thì buồn xo, cúi mặt lủi thủi bẽn lẽn đi xuống. Những cô còn nuôi hy vọng được đứng lại trên sân khấu, thì reo hoan tươi cười ôm nhau nhảy tưng tưng. Giống trẻ con ghê, mặc dù cô nào cô nấy đều ít nhất từ mười sáu đến “hâm” đi hâm lại tới bâm mấy tuổi rồi. Những cô còn đứng trên khán đài, đã được ban điều hành mời họ qua đứng hai bên cánh tả và hữu của khán đài.
Hoài hồi hộp lo lắng, bẽn lẽn, sợ bị ném cà chua, trứng thối, hay bị đuổi xuống khán đài, thì thật quê một cục, mất mặt, xúi quẫy cả năm chứ chẳng chơi. Còn lại hai cô kia và Hoài là người cuối cùng đứng giữa khán đài rộng mênh mông. Giờ phút quyết định quan trọng đã đến. Cuộc đời Hoài như thăng hoa, từ khi đại diện ban giám khảo đội vương miện lên đầu, cổ quàng hoa tươi, đeo hàng chữ Hoa Hậu - Cây Muà Xuân Chiến Sĩ năm 1962. Giải thưởng là chiếc xe đạp đầm Pháp, model mới nhất, màu xanh. Bó hoa liz cầm tay và mười ngàn đồng. Số tiền khá lớn, (trong khi lương lính một tháng chỉ có 1.500$)!
Ôi! Tuyệt vời xiết bao! Lòng hân hoan vui vẻ kinh khủng, Hoài mừng rỡ không thể tả nỗi. Mọi người ùa đến chúc mừng, bất kể lạ hay quen. Họ chen lấn nhau đứng bên nàng chụp ảnh. Chị Huyền, các cháu và mấy bạn phải nhảy lên sân khấu đứng gần đưa hai tay che chắn bớt số người ngưỡng mộ, chen lấn quá đông. Trái tim Hoài bừng sống, bay lên tận mây xanh, nàng cười liên miên, vui mừng, luôn miệng nói cảm ơn mọi người ưu ái đã gửi đến Hoài lời chúc tụng nồng nhiệt. Ồ! Định mệnh đã đưa đến tay nàng những gì cao qúy, tươi đẹp nhất trong đời. Nàng tưởng không bao giờ với tới, chạm tới đáy hạnh phúc. Không có ngôn ngữ nào có thể diễn đạt hết tâm tư Hoài mừng vui cuống quít kinh khủng trong lúc nầy. Thì ra ông Trời rất nhân hậu, từ ái, có chừa cho nàng một kẽ hở, vô cùng niềm nở, tuyệt vời, trân qúy, thân yêu nhất đó mà. Hoài không biết để tri ân và tạ ơn Ngài.
Hoài háo hức nhón gót nhìn quanh, tìm kiếm xem trong số khán giả đông đúc còn ngồi dưới khán đài, có "ai quen" lẫn lộn ở đó thì... vui vẻ, hãnh diện, tự hào biết bao. Quả thật, “chàng trai sơ giao” ấy đã đến chúc mừng vinh quang bè bạn. Lần đầu tiên, bây giờ nàng có dịp nhìn kỹ anh trong bộ quân phục đại lễ mùa đông oai hùng. Ah! Thì ra chàng là lính chiến ở văn phòng, chứ không phải thư sinh bạch diện như Hoài đã nghĩ lầm về anh! Bảng mica màu xanh gắn trên túi áo, mang tên Toàn Thắng. Hai bên cầu vai đỏ có một bông mai vàng lấp lánh dưới ánh đèn, tay cầm chiếc nón casket. Bây giờ nhìn anh quân nhân trẻ, mũ mão cân đai chỉnh tề, oai vệ, Thắng đứng nói chuyện bên mấy người quen mặc cevil, Hoài thấy họ khác lạ như hai thái cực tách rời, chênh lệch nhau quá.
Anh ấy gật đầu chào Hoài, cười thân ái:
- Thân chào Hương Hoài. Ngồi làm khán giả, anh nghĩ thể nào em cũng đạt được ngôi vị cao nhất. Rất hân hạnh đến chúc mừng, Hoài nhé.
- Cảm ơn anh. Không ngờ anh có mặt ở đây, và là... một sĩ quan.
- Như anh, có ngờ đâu anh hân hạnh quen biết với một hoa hậu kìa.
- Ban giám khảo thấy em tội nghiệp, sắp mít ướt tới nơi. Họ cho lầm.
- Ấy. Ở đời muôn sự đều giả dối, và nhầm lẫn. Chỉ có sự thực, mới đáng qúy trọng. Dù ở cảnh ngộ nào, anh cũng thích tôn trọng sự thực hơn.
- Điều đó quý lắm chớ.
- Là thế. Mong em giữ mãi niềm vui, hạnh phúc ngọt ngào như hôm nay.
- Hoài cảm ơn anh nhiều.
Thắng nhìn nàng cười thân ái. Thoáng giờ phút rực rỡ huy hoàng nhất đời mình, đã để lại trong lòng nàng tuyệt phẩm cao đẹp với cuộc đời. Hoài lâng lâng xúc động, ngất ngây niềm vui thành công chói sáng, hiển đạt không dám ngờ. Tim nàng rung lên từng hồi, theo nhịp đập trong lồng ngực cuồng quay, muốn hụt hơi, khiến nàng hoa mắt, môi luôn nở nụ cười toại nguyện.
Tạ ơn Chúa! Ngài đã ban cho mình đặc ân tốt lành. Có điều thực tế nhất là từ nay, Hoài có thể ngẩng mặt với đời chút xí, và phụ cho chị ít tiền, cho gia đình chị bớt khó khăn sau ngày cháu bé mất. Xin cám ơn Đời đãi ngộ. Cám ơn sự ưu ái, nồng nhiệt vô vàn của khán giả. Cám ơn Ban Tổ Chức cho mở cuộc thi. Cám ơn Ban Giám-khảo. Cám ơn gia đình chị Sáu Huyền, các cháu Châu, Trân, Vân, Sơn, và bạn hữu thân quen rất nhiều.
Trên đường về, ngoài số khán giả ngưỡng mộ đông đúc, đông rất đông, còn có anh em Trịnh Trần, Mai Nương, Thu Tuyền, Lan, Ngọc đã đưa chị em Hương Hoài từ bến Sơn Trà lên phà qua sông, về đến tận ngỏ nhà. Đêm bây giờ tuyệt đẹp. Đêm không u sầu. Đêm không hoang liêu. Đêm không ủ dột. Đêm không lo âu. Đêm không còn hãi hùng đau thương, đói khát, nhường cơm chia áo cho nhau. Đêm không đơn điệu. Mà là đêm đầy tuyệt vời. Đại lộ Phan Chu Trinh nở ra dưới đêm đầy sao lấp lánh huyền diệu trên bến Ngân Hà. Dù không có Thắng tiễn đưa Hoài về nhà như mọi ngày. Anh phải ở lại trực trong Sư Đoàn 2. Không có "anh". Nhưng, đêm càng về khuya, càng thơ mộng và tuyệt diệu dường bao! Đúng lúc đời lên hương, Thắng đã lên sân khấu tặng Hoài bài thơ: Xinh Đoá Hồng Gai
* “Dạ thưa!” người con gái khá ngoan hiền.
Tóc thề dáng nhỏ nón lá chao nghiêng.
Gió sớm khuya chiều vờn quanh môi thắm.
E ấp ngập ngừng xuân tình bẽn lẽn.
* Khao khát trao em tình như thầm hẹn.
Ngày tôi đi mây xám ngủ bên thềm!
Cung đàn nhè nhẹ sáo diều êm êm.
Phượng hoàng tím soãi mình vờn quanh núi.
* Tình bỗng tha phương trống vắng ngậm ngùi…
Bãng lãng gót son em về tư lự.
Xinh đoá hồng gai trao chút an thư.
Dẫu trăm năm xin nồng nhiệt tương tư.
* Mắt em nhìn là rung lên vạn ý,
Môi chưa hé nhưng đã nói muôn lời.
Gói tâm tư theo từng áng mây trôi.
Tha thiết lắm. Ôi! Tình em gái nhỏ...
*

Ố... ồ! Thì ra em hân hạnh quen biết với một quân nhân thi sĩ! Vui lắm thay.

* * *

tìnhhoàihương
Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
Trân trọng


ReplyReply AllMove...-Boxbe Waiting List-
tinhhoaihuong
Posts: 7
Joined: Fri Aug 13, 2010 6:51 pm
Contact:

Gánh Đời Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn. Ph 1 Ch

Post by tinhhoaihuong »

:D :shock: :roll: :oops: 8)

Gánh Đời Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn
Phần Thứ Nhất
Chương 2


Những Người Anh Phong Sương Vui Tính





Anh Toàn Thắng hiên ngang oai hùng đẹp trai trong bộ quân phục màu vàng ka ki, cà vạt đen, găng tay trắng, mũ két cầm tay, giày đen, dây biểu chương tam hợp móc bên trái gù vai đỏ. Anh đến nhà đón Hoài đi dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Không phải là chờ xem buổi đại lễ long trọng, mà Hoài cùng dân chúng dám bất bình la ó om sòm, khi trải qua ba giờ chầu chực mỏi mệt, khó chịu dưới ánh mặt trời nắng chang chang. Thì thật là hỗn láo, kỳ thị và bất công nhỉ!
Nhất là có ông Mỹ tên Timothy làm trưởng đoàn cố vấn. Đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn có Cố Vấn William là quan khách ngoại quốc danh dự đầu tiên đến Việt Nam, được ông Tỉnh Thị Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng lo hành chánh và quân sự mời tham dự. Hầu thực hiện việc yểm trợ, tiếp liệu các nhu yếu của Mỹ Quốc Viện Trợ, trong việc thực hiện chương trình tay bắt tay hoà hảo mật thiết. Cờ Mỹ năm mươi ngôi sao lấp lánh, có mười ba sọc gồm sáu trắng bảy đỏ, nền xanh biển in trên hầu hết các nhu yếu phẩm từ Mỹ chuyển về xứ ta. Đó là những kinh viện và quân viện; là một nhu cầu chính trị, thực hiện giai đoạn then chốt đầu tiên. Mỹ giàu thật! Họ đã bay đi viện trợ khắp bốn phương trời. Kể cả nước nghèo và chậm tiến ở bên bờ đại dương nầy, cũng được Mỹ ưu ái nhìn ngắm dòm ngó đến. Không hiểu họ có muốn đổi chác, nghiên cứu dòm ngó gì?! Hay không kỳ vọng mơ tưởng mảy may?! mà họ chỉ muốn hào phóng cho đi tất cả?!
Các vị hành pháp, tư pháp mũ mão cân đai chỉnh tề đi sau vị chủ toạ, những quyền uy khệnh khạng kèm bên qúy phu nhân thủng thỉnh kiêu sa, đài các qua mái tóc búi cao làm kỹ ở ngoài tiệm, quần là áo lụa chưng diện theo mốt hở ngực cổ áo bà Nhu khoe yết hầu”; đây cũng là có dịp quý bà phô trương thân hình úc núc giàu bơ sữa, khoe vòng vàng sáng chói, quần áo sang trọng rực rỡ và thơm tho. Quý phu quân kiêu hùng oai dũng hiên ngang với chiến thắng tài danh lẫy lừng, đã đành thế! (nhưng các qúy phu nhân không làm gì, ngoài dựa hơi hám vai vế của chồng, một bước bà ta nhảy tót trên sàng danh vọng, cũng ưỡn ngực vênh mặt hếch mũi nhoi nhoi cái đít lên, dương dương tự đắt hơn. Ai mà chả biết "hùm chết để da, người ta chết để tiếng" mà).
Khán giả đứng dưới tha hồ chỉ chỏ, nói chuyện bàn tán lộ liễu và bất lịch sự quá chừng, lấn át tiếng người xướng ngôn viên gào lên, trong máy phóng thanh 100 watl đặt trên nhiều cột điện cao thế. Thì, đám dân ngu khu đen đứng dưới khán đài nầy trơ mắt ếch, há hốc miệng, thộn ra nhìn như kỳ lân đá. Từng đôi một tiến lên khán đài, trịnh trọng trang nghiêm. Người xướng ngôn viên xướng danh các vị, trên khán đài vụt đứng dậy hăng hái vỗ tay chào đón hoài. Khi quốc thiều và quốc kỳ kéo lên, họ mới im lặng đứng yên. Đám dân gian cũng vỗ tay rời rạc, lổng chổng, tiếng vỗ tay vang lên lẻ tẻ ở nhiều nơi. Họ vỗ tay không nhiệt tình hưởng ứng, mà vì miễn cưỡng trong bổn phận kẽ thấp cổ bé họng thì đúng hơn. Buổi lễ long trọng càng kéo dài giống như bất cứ buổi lễ nào khác. Gió lộng xô đầu bù tóc rối, áo quần ai nấy đều bám bụi vàng, mặt mày bơ phờ mệt mỏi hốc hác; đồng bào chán ngán thở phào, như trút xong gánh nặng đè vai, họ vội vã tuông về trên các ngả đường nghẹt cứng ứ nghẽn người.
* * *
Tiện cùng trên một đường đi, nên Thắng mời Hoài rẽ qua nhà anh cho biết. Thắng ở chung với bốn anh bạn độc thân vui tính, căn nhà thuê bao đủ tiện nghi, vui vẻ đầy tiếng cười rộn rã. Thảo nào ngày cuối năm hai anh ấy đi sắm đồ dùng cho bạn: thứ gì cũng có năm màu sắc phân biệt khác nhau, mà lúc ấy Hoài cho là hai ông khách ưa làm đỏm và khó tính.
Họ đang bàn tán về hai phi công Việt Nam: Trung-úy Phạm Phú Quốc và Thiếu-úy Nguyễn văn Cử: đã ném bom bắn cháy dinh Độc Lập vào hôm 27 tháng 2 năm l962. Một quả bom không nổ rơi trúng phòng đọc sách của Tổng-thống Diệm, khi cụ đang ngồi đọc sách. Bà Nhu bị gãy một cánh tay. Một quả bom rơi ra ngoài sân dinh. Lúc sau phòng-không mới bắn trả lên, thì phi cơ của ông Quốc bị trúng đạn, nên ông nhảy dù rớt xuống Nhà Bè, ông Quốc bị bắt tại trận và cho vô tù. Còn ông Cử bay mút qua bên Nam Vang, nhưng nghe đâu dân chúng bàn tán ổng cũng bị chính phủ ở bển bắt nhốt vô tù rùi! Gia đình Ngô Tổng Thống phải dời sang Dinh Gia Long an vị, để chờ kiến thiết lại. Bản vẽ dinh Độc Lập sẽ tu chỉnh, do đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đã đoạt giải Khôi Nguyên La Mã đảm nhận. Chuyện dội bom đang gây xôn xao, rúng động dư luận trong nước và ngoại quốc, ảnh hưởng khá nhiều về mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, nhất là đời sống dân cư an lành bỗng chốc ngơ ngáo kinh dị thêm. Chả hiểu vì sao!?
Thấy Thắng về với bạn, họ tế nhị chuyển đề tài, niềm nở tiếp chào Hoài. Sau khi giới thiệu nàng với bạn bè ở chung nhà, Thắng nói:
- Mời Hoài ngồi, anh vào thay bộ quần áo nặng nề nầy, rồi ra ngay. Xin lỗi em!
- Dạ vâng, anh cứ tự nhiên.
Năm chàng độc thân, có anh Lê Tiến là đỉnh đạt nhất về tuổi tác cũng như binh nghiệp: Thiếu tá Nhảy Dù, ba mươi hai tuổi. Tuy thế Hoài trông anh còn nét trẻ trung, vui tính. Kế đến là anh Vương Quốc Tùng: Y sĩ Quân Y đã có gia đình. Anh Nguyễn Kháng Chiến: Đại úy Biệt Động Quân. Anh Đào Ngũ Quang: Trung úy Hải-quân. Sau rốt là Thiếu úy Đinh Toàn Thắng, hai mươi hai tuổi, Bộ-binh.
Anh Tiến nhìn Hoài nháy mắt, để trêu chọc anh Tùng:
- Hoài biết không! Anh thích làm nghề mỗ xẻ tim gan phèo phổi. Không phải nghề mỗ xẻ như bác sĩ Tùng nhà ta. Mà anh í hả! Anh thích mỗ thịt con bò, thịt con heo, thịt con ngựa...
- Để làm gì cha nội?
- Lấy bao tử, ruột non, ruột già làm phá lấu, ăn ngon nhứt nhĩ à nha.
- Ngửi thì hôi, nhìn ghê quá.
- Ấy. Sao toa nóng quá vậy hở Quang? Để yên moa nói tiếp nào. Chưa gì nó đã nhảy phóc dô miệng mình. Còn hứng thú đâu mà kể chuyện tiếp. Moa không thèm nói chuyện tiếp, thì Quang có bổn-phận-sự, trách-nhiệm-vụ hãy trình bày cho các bạn nghe: Tại sao toa đi lính!? Sao mỗi lần nhận thư nhà, là toa khóc như mưa thế?
Quang pha ly chanh đá bưng ra mời Hoài, anh ngồi trên ghế nệm, bên các bạn, anh vung tay phát một cử chỉ, tủm tỉm cười đùa (Quang là người đã chở Thắng đi mua sắm Tết, cùng bạn đi lượn phố Tết, mà Hoài biết mặt):
- Á à a! Chả vì lúc đó tôi lười học, ăn chơi lêu lổng hoang đàng chi điạ, đếch có tấm bằng nào, dù tuổi mình đã gần hai mươi. Vẫn ưa ở nhà bu theo bố mẹ, tôi trốn chui trốn nhủi như con dế mèn trong cái lu dấu kín ở góc phòng tối. Tôi luyện "Tịch tà kiếm phổ" coi thật chẳng giống con giáp nào. Bao giờ đói thì tôi kêu re re ré… lên inh ỏi. Đã bảo là con dế mèn mà không re re ré sao nhỉ? Thế là có người nhà bưng cơm canh vào tận chỗ hầu. Đã nhe. Mẹ kiếp! Tôi chả trốn được bao lâu, thì cảnh sát đến nhà lục soát. Họ nắm tóc lôi lên, mang tôi về đồn bót hỏi cung tới tấp:
- Anh có yêu đồng bào, yêu Nước, yêu gia đình, yêu lính tráng không?
- Có.
- Anh sẵn sàng đoàn kết, hy sinh không?
- Rất sẵn sàng.
- Hãy chuẩn bị đi lính.
- Không.
- Tại sao? Anh nói rằng: anh yêu Nước. Anh sẵn sàng hy sinh mà?
- ... Tôi vãi vào đấy bao nhiêu nước tiểu. Nó khiến tôi thân bại danh liệt rồi. Ngài coi tôi bước đi nè: có phải một chân là dấu chấm, một chân dấu chấm phết lê lết te tua tàn tạ hay không hì.
- Đừng có gà mờ, ấm ớ hội tề mí tôi, không được đa. Tôi hỏi anh có yêu Nước không? Chữ Nước viết hoa. Có nghĩa là Tổ Quốc. Đất Nước. Quê Hương, chứ không phải là nước uống hay nước đái. Anh nghe ra chưa?
Lỡ vênh váo rồi, tôi cho tới luôn, tiến lên, chứ có gì mà sợ! mà rét… mà run hì! Có sức chơi thì có sức chịu:
- Ô! Nói nghe hay đáo để! Tôi mà không yêu Nước à! Có điều tôi chán ghét họ không đùm bọc yêu thương nhau, mà gây thù hận, giết chóc, máu huyết thổ ra có vòi, coi kinh hồn lắm. Tôi không thích tham dự cuộc chiến. Thế thôi.
- Bây giờ, tôi mời anh đi.
- Đi đâu?
- Đi lính.
- Đi thì đi. Chứ sợ gì ai!
- Họ nghĩ tôi ngông cuồng, hay thần kinh bấn loạn bất ổn, nên có anh kia cho ngay con số tám vào hai cườm tay tôi, kêu cái cộp. Ui cha ơi là đau điếng thấy tới ông bà ông vãi, khiến tôi tỉnh hẳn người. Bố kiếp! Thiên la địa võng ơi, phen nầy mình hết giả đò thương tật, chân ta không cần đi điệu tango bì bộp cha cha cha nhún nhảy nữa rồi. Bây chừ nghĩ lại tôi còn sung sướng chán. Hơn cả Đường Minh Hoàng bên Tàu, hơn Gia Long, Tự Đức bên ta. Các cậu có biết tại sao không nà!? Giờ ăn cơm tù vẫn có người đem tận chỗ. Giờ đi cầu có lính ôm súng gác, không lom lom dòm tôi, lỡ tôi trốn chui trốn nhũi như con nòng nọc lặn sâu tít xuống hồ, thì sao! Giờ ngủ có lính đổi canh. Đó chính là Đào Ngũ Quang, mà bố mẹ ưu ái đặt tên cho ta “ngũ quang” là có năm con đường tươi sáng í. Ấy mà… sau nầy ta đi lính thì nghiêm trang, đàng hoàng, sự thực ta đếch cần đào ngũ đâu nhe. Bởi lẽ là tôi rất yêu mến đồng đội, đoàn kết chiến đấu, một lòng trung quân ái quốc. Tôi mong thăng cấp như thằng Chiến bạn nối khố nè. Còn về việc khóc hu hu, thì đơn giản thôi, tôi đa tình, lãng mạn, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ anh em, và yêu cô bồ nho nhỏ ở phương xa da diết. Tôi không được khóc đấy phổng?
Họ cười ha ha ha... hả hả hả... Quang muốn nhảy dựng lên chơi giựt nổi với đời, anh muốn mình là cái đinh, là cái rốn của vũ trụ. Anh thích lên mặt lấy le xí, phừng phưng nổ những pha ghê hồn, nếu không bùi tai, không đẹp mắt, không lé mắt, không dẹo chân ẹo người mà cười vang, thì không ăn tiền. Quang không nổi, thì đời trai kém vui đi. Lạ lùng thay, đến nay anh đã thành nhân chi mỹ, xong cử nhân văn chương, anh đi lính và dạy tư, là điều Hoài rất ngạc nhiên, tưởng anh chỉ lè phè là một võ biền. Nhất là về mặt giao tế, miệng mồm lịch lãm thì khỏi nói rùi, ha anh Quang.
Tùng chuyền gói thuốc Quân Tiếp Vụ đến các bạn, thở từng hơi thuốc vặt:
- Quang chọc quê anh đó. Nhất là khi uống rượu thì phải biết, Quang uống rượu rất chì. Rượu xịn mà “vô mỏ, vô cơ”, ui đã điếu rồi, thì hắn nói hết sẫy. Hoài đừng tin hắn mà có ngày vô “thất tử” à nha.
- Dạ. Em biết. Ảnh lém lắm.
Trong phòng bỗng chốc lặng như tờ. Quang có cảm tưởng các bạn đang nghĩ về chuyện chàng kể, nửa đúng nửa như sai vừa qua. Quang biết hối hận về ngày cũ đã lêu lổng. Lẽ ra bây giờ anh đã là đại úy rồi. Thời buổi nầy, không còn hàn sinh áo mão gánh gạo lên Tỉnh, thi Hội, thi Đình. Người trai hôm nay phải có hoài bão, ý chí, lập trường, kiên cường, có lý tưởng cùng vốn kiến thức sâu rộng, để tự vươn lên với đời đích thực hơn.
Thắng bước ra phòng trong bộ pirama màu kem viền sọc xanh, Hoài thấy anh trẻ trung tươi mát, coi anh lại giống như một bạch diện thư sinh ngày ngày đi lượn phố Tết. Anh cười nói:
- Trời ơi! Đoàn kết... kiểu thằng Quang á hả; đoàn kết là “đết còn” ấy.
- Đừng có dốc tổ nghe. Ỷ ta đây “đẹp giai, con nhà ràu, học rỏi” ứ hử! Báo cho mà biết: có chịu đèn chưa, thì bảo!
Ôi! anh Quang mập mờ lơ lửng muốn “nhắc khéo ai” vậy cà? Những anh lính chiến phong sương nhuốm bụi trần mỗi anh một cung cách riêng hoan hỉ cười vang. Họ vui vẻ. Trẻ trung hoà ái vô ngần. Đó là những hiền huynh vui tính trong thời loạn; mà rất hân hạnh Hoài đã vinh dự từng thân quen. Nếu Anh Là...
* Nếu anh: lính Nhảy-Dù.
Em cố thành ưu tú.
Sánh vai ta vui bước.
Thủy-Quân mình nguyện ước.
* Nếu anh là Binh-Bộ,
Ngao du giữa sông hồ.
Ngát hương đời dịu ngọt.
Pháo-Binh súng đề thơ.
* Trao về nhau tình mơ.
Nếu anh là cánh buồm.
Em làm áng mây trôi.
Thiết Giáp vượt ngàn non.
* Nếu anh là Phi-công.
Lả lướt trên thinh không.
Em sẽ là nắng lụa.
Đàn rung ngân phím loan
* Nếu anh lính Hải Quân.
Em mơ mình nữ hoàng.
Nối nhịp cầu tao ngộ.
Tình yêu xuyên đại dương.
* Nếu anh gieo tình thương.
Cùng chung một chí hướng.
Em nguyện làm nữ tì.
Hương trầm toả khói sương… (*)
Tiến đứng dậy ra mở cửa cho các cô vào. Gặp nhau họ hoan hỉ chào hỏi, vui vẻ chuyện trò thân thiết. Thắng ngồi bên nghiêng đầu qua vai Hoài, nói:
- Các anh thân mời qúy em đi dự party ở nhà Sang, Sang là bạn Không-quân với anh. Sang biết Hoài là "em gái xa xa của anh", nó đòi anh làm mai, làm mối hoài. À, nó muốn lấy vợ rồi. Em ui!
- Còn anh?
- Lính tráng như anh giang hồ qua bốn bể, vợ con gì. Tuy thế, đôi khi bốc đồng lên, anh sẽ tổ chức đám cưới tập thể... Em thấy thế nào?
Vừa nói xong, Thắng lại đứng lên vào phòng thay bộ đồ civil.
* * *
Họ ra ba chiếc xe Jeep đậu trên sân nhà. Thắng, Hoài, ngồi băng ghế sau, do Quang lái. Ghế trước là anh Tùng và anh Tiến ngồi. Thắng hỏi lại:
- Em nghĩ sao về chuyện anh vừa nói?
- Anh thì lung tung, linh tinh. Ai biết đâu mà ngờ.
- Đôi khi Hoài cần biết cái lung tung, linh tinh nữa đấy. Ấy! Đồng tiền bát gạo, nó hơn nhau ở chỗ ấy, đấy! Nó ăn tiền ở chỗ ấy, đấy... Hốt bạc à nha.
- Anh là chúa đùa dai mà. Hoài nghe phát mệt.
- Điều Hoài không muốn nghe, thì đã nghe rồi. Điều em muốn nghe, thì anh thú thật là... anh không dám nói.
- Tại sao?
- Hoài sẽ giận, không thèm nghe, thì anh buồn lắm.
- Hoài càng chẳng muốn nghe ông thầy bói.
- Hoài là cô em khôn nhất đời.
- Hổng dám đâu.
Quang quay xuống đá lông nheo với Hoài, trêu chọc Tùng:
- Hoài không dám, thì có Tùng nhà ta dám nè. Ai mà ảnh chả dám. Người chết ở nhà xác, ảnh còn dám móc tim gan đem đi thí nghiệm. Nữa là... ai.
- Ấy. Bạn lầm to rồi. Xác chết đôi khi cũng ngồi bật dậy đòi mình trả mạng sống nữa đó. Cảnh sát đến nhà, bạn sợ bắt lính. Huống hồ gì xác chết kéo đoàn âm binh lên phòng moa, gỏ cửa bằng lưỡi hái đen sì. Ai mà không kinh khiếp khi nhìn bầy quỷ lố nhố ngoài cửa đến chờ kéo chân, kéo cổ mình đi. Há.
- Toa phải đi hầu Diêm Vương, để trị bệnh cho đại-chúng cô hồn chớ.
- Nghiệp dĩ mà. Lúc đó, moa kéo Quang đi cùng, cho có bạn hộ tống nhe.
- Này, nói trước cho mà biết. Đừng ấm ớ, rủ tôi đi vào cái cửa độc nhất vô nhị kia. Có đi, mà chả có về đó nha.
- Xời! Sợ cái gì chả biết. Có Thắng và Hoài chờ ngoài Heaven's Gate. Họ nắm cẳng toa, kéo rị lại mấy hồi. Nếu cần moa nắm một cẳng ở trong cửa thiên đàng, Thắng nắm một cẳng ở ngoài cửa trần thế. Rị lại.
- Dùng dằng kéo co cái kiểu đó thì... xạc háng, te tua, tàn tạ tả tơi thấy tổ tui tới thiên thu thôi, còn đâu đời trai trẻ trung trắng trẻo thông thái trữ tình thấy thương hỉ!?
Nhiều tiếng cười ngất thoải mái vang lên. Quang quẹo xe vào ngôi nhà quét vôi vàng rợp bóng cây nằm riêng biệt trên đại lộ Trưng Nữ Vương. Ở đây có tiệc tùng tưng bừng. Rượu nồng say sưa. Xa hoa đắm đuối. Bàn tiệc bày la liệt các món ăn bốc khói, thơm ngào ngạt. Mọi người hân hoan, niềm thư thái an hoà qua nhiều lần chạm ly lốp bốp, vui vẻ chúc tụng lẫn nhau. Sau buổi tiệc, màn cửa dày kéo lại, đèn màu bật lên. Hoài cảm thấy ơn ớn không thể chịu nỗi mùi rượu nồng phà ra từ người đàn ông lạ, rượu vào mềm môi, họ nói nhiều, “xông lên” nói to, không thèm im lặng nghe người khác. Mặt ông ta đỏ như trái cà chua, mũi phì phò khói thuốc thơm nặng mùi, giọng ông ta lè nhè, rề rề kéo nhựa, táo bạo, bớt nhã nhặn và không tự chủ lúc quá chén.
Trong thâm tâm Hoài có phần hơi buồn, vì Thắng thân mật với qúy bà, quý cô gái. Anh buông mình vào mấy điệu nhảy rất tây, rất tình. Nàng buồn khó tả khi bắt gặp tia mắt anh nhìn Hoài có loáng nước lóng lánh, tráng lên nét vui cười tinh nghịch. Ánh sáng ngọn đèn mờ, qua chao lụa mỏng chiếu vào khuôn mặt Hoài, khiến Thắng biết không khí nơi đây: chẳng thích hợp với cô gái chưa từng nếm trải mùi đời. Dù đó là nơi người lính trẻ vui nhộn, trí thức, tao nhã, lịch sự, bốc đồng do chất men say rượu nồng làm phù phiếm hơn thôi.
Cơn đau đầu đời khiến Hoài kinh khiếp, nàng ôm song cửa hẹp khư khư, không chịu bỏ ngỏ cho tình cảm bay về. Hàng hoa anh đào bên bờ hồ Xuân Hương, mà nàng vẫn mơ thấy. Giờ đây như xua đuổi giận hờn, thất vọng, đớn đau vì cuộc tình đầu gảy đỗ, mãi nhức nhối trong tim như mũi tên xuyên qua lồng ngực. Do bản năng thiên phú, Hoài chợt nghĩ đến “cố nhân”, và họa luôn hình ảnh anh đậm nét trên từng khuôn mặt, dáng vóc, cử chỉ của mỗi chàng trai đang dự tiệc nơi đây. Nàng thầm nghĩ: Có lẽ đời sống của một sinh viên văn khoa, chàng không có mấy cuộc vui làm mệt tâm hồn và thể xác đến thế. Sự giải trí của cậu "học trò" con nhà giàu gia giáo, dẫu sao cũng mang tính chất trẻ thơ, đơn giản hơn nhỉ. Hoài nhớ người ấy nhiều. Mỗi lần chàng đến bên Hoài, thân thoang thoảng mùi nước hoa thơm nhẹ, dễ chịu dường bao! Hoài không mấy đồng ý với các bạn gái đã nói: “Con trai đàn ông mà ưa xịch nước hoa, cũng là thứ đĩ đực diêm dúa... đó mi” (!?). Hoài ưa cúi xuống vùi mặt mình vào mái tóc chàng. Chính Hoài đã trải qua nhiều lần xúc động ngất ngây vì mùi nước hoa, và cả mùi của riêng chàng; dựa vào đó mà mối tình của họ khá thanh cao và trong sáng chăng? Chàng đứng đắn, vui vẻ ngọt ngào đầm ấm, chứ có bao giờ giọng nói lè nhè kéo nhựa ra! Có thể chàng không thích uống rượu, trai gái lố lăng, nhảy đầm lơi lả ư!? Thật kinh khủng và Hoài tiếc ngẩn lòng! Mình có thể nối lại tiếng đàn xưa, qua nhịp cầu tri âm, cùng cánh thư tình vui vẻ đằm thắm bay đi bay về. Nếu Hoài muốn mà! Do Hoài phi lý cố tạo ra sự chia lìa, nông nỗi không hề có lý do chính đáng chênh lệch giữa sự: Chàng con nhà quá giàu sang; và có thói tươm tướp đào hoa bay bướm. Còn nàng chỉ là một thường dân đó thôi. Hoài cứ ray rứt vì chuyện nầy, đâm ra buồn phiền mãi. Nhưng... Mộng tình đã vụt tắt, xa bay, thì... thầm nhớ, mơ chi anh chàng văn nhã, hào hoa kia, cho thêm tủi, thêm buồn.
Đến trao cho Hoài đĩa bánh kem và ly trà thơm, Thắng ngồi kề bên nàng, anh nhìn các bạn khiêu vũ, rồi quay lại, Thắng trách yêu:
- Em nên hoà mình vào cuộc sống, quên muộn phiền làm già nua khuôn mặt em. Em đẹp đến thế mà... nhăn nhúm như trái táo khô. Lẽ ra em nói thế nầy: "Hai tay bưng chén rượu đào. Xin mời quân tử uống vào, cho say". Không nói hở? Anh vẫn OK! Nghe lời anh nào! Cười lên xí cô bé hoa hậu có nụ cười quyến rũ làm xiêu lòng người, thế mà ích kỷ dấu mãi trong xó nhà. Chán bỏ xừ!
- Anh nói nhiều. Nặc cả mùi rượu... nếp than.
- Ơ! Như anh là... tay tổ bợm nhậu không bằng.
- Biết đâu. Anh say ngầm đó.
- Lém vừa thôi cô bé. Anh say không vì rượu, mà vì lý do khác.
- Hoài biết rồi. Các cô kia bu quanh anh, như đàn ong vây quanh tổ đó.
- Đúng thế. Họ hỏi cô gái tóc dài, áo tím cánh sen kia, là gì gì... của anh, mà ngồi bí xị ở góc ghế. Điệu nầy thì anh... hết biết đường đi về Sài Gòn mất.
- Anh về Sài Gòn hay ở đâu, có can dự gì tới... ai.
- Thế mới chết.
- À! Anh về Sài Gòn, nhớ cho em kính lời thăm bác, chị, em, họ hàng thân quyến. Bạn bè cũ mới, cả người anh không quen nữa nhé.
- Vừa vừa thôi. Anh không gói trọn hàng trang đâu.
- Các cô đó gửi lời trước em rồi?
- Ai lẩm cẩm như em! Họ thực tế, hoà đồng hơn. Vì thế họ bớt đau khổ.
Thấy hai người cúi đầu rù rì nói chuyện, các bạn bắt Thắng và Hoài song ca bản "Ngày hạnh phúc". Nàng bẽn lẽn thẹn thùng nhưng trong lòng hân hoan vui thích. Thắng không chịu, anh giẫy nẩy lên, đưa hai tay về phía bạn:
- Tôi sẽ ca cho các cậu nghe chục bài hạnh phúc. Nhưng, vào dịp khác, chứ lúc nầy không được. Cho tôi còn hơi thở. Mai lấy sức về Sài Gòn chứ. Bù lại, nếu các cậu muốn tháp tùng theo "đôi song ca" thì xin mời... đi xem đại nhạc hội ở Sài Gòn ra. Nghe nói có Elvis Phương tuổi trẻ tài cao, Lệ Thu, Sĩ Phú, Hà Thanh, Thanh Thúy, Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết và quái kiệt Trần Văn Trạch trình diễn. Đi nhe. Gọi là món quà tạm biệt, tiễn tôi về Sài Gòn. Nào. Ủng hộ đi.
- Chứ không phải là... cậu bao chúng tớ à?
- Cũng tùy.
- Nói cái gì lơ tơ mơ thế! Tển xí gạt bọn mình đó.
- Ở nhà "bum" còn hơn. Cu cậu muốn tách rời bọn mình. Đừng có tin.
- Anh Tiến giàu kinh nghiệm thật, nhảy dô tim đen của tôi rồi.
- Phải tỏng tòng tong đi. Thôi, cho cô cậu tự do.
Chiến nhấp nhấp ngón tay trỏ, chỉ về Thắng, dằn mặt:
- Bạn đi tự do quá trớn, tôi không chờ cửa đâu nhé.
- Anh Ba! Cho em nhờ tí.
- Khỏi lo. Đã có Quang chờ ngoài cửa, nắm cẳng cậu ta rị lại rồi.
Họ cười ngất. Sau khi trêu đùa cười nói chọc quê Thắng, các bạn quay gót. Hai người chào gia chủ, chào bạn và đi ra phố. Không ai mà không có nhiều thiện cảm với các anh lính chiến trẻ trung độc thân, vui tính, khi lần đầu tiên gặp gỡ ân cần xiết chặt tay nhau. Tình thân mỗi ngày một thắm thiết từ tuổi trẻ sáng ngời, đầy tin yêu, hồng lên đức mến.
Mặt trời gác núi. Từng thuyền mây hối hả bơi về cuối trời lãng đãng ánh hoàng hôn, như buồm lam căng gió, xuôi về chân trời xa xanh niềm ước mơ, dạt dào hy vọng. Thắng rất vui, khi thấy Hoài cười rạng rỡ, má thắm môi hồng, mắt sáng long lanh, dáng dấp nhẹ nhàng thư thái, như phiến lá đong đưa dưới đêm đầy trăng sao an bình nơi thành phố. Tự trong thâm tâm, anh mong Hoài đi trên con đường mới, có cỏ lạ hoa thơm. Với hình bóng chàng trai khác trong tâm tư Hoài, qua sự hỗ trợ của không gian và thời gian. Hầu xóa sạch vết buồn xa cũ, một thời làm cô gái đau thương. Thắng tiễn Hoài về nhà. Anh vui vẻ bước ra đường với chiếc solex nổ dòn.
(*) thơ Tình Ái Ưu Du


_ * _


tìnhhoàihương
Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
Trân trọng
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests