BANMÊTHUỘT NGÀY ĐẦU CHIẾN CUỘC

Quân sử, những bài viết, ký sự, ...
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »



Image

TẤM GIẤY RA TRẠI
và cơ chế Hành chánh của chế độ

Khoảng thời gian mà tôi cầm Tấm Giấy Ra Trại, mọi phương tiện giao thông trên toàn Việt Nam gần như kiệt quệ, Phương tiện di chuyển từ Bắc vào Nam thịnh hành vẫn là xe đò, hoặc xe lửa, nhưng xe gì cũng phải mua chợ đen, giá tăng gấp đôi, những ngườI không tiền, phải ra bến xe xếp hàng từ 1, 2 ngày trước .

Phương tiện di chuyển liên tỉnh chỉ có xe đò, ngày chỉ có một chuyến xe, 40 chổ, nhưng mấy bác tài xế có thể nhét thêm 10 người nữa, cộng thêm hàng hoá, xách tay, qủa là rất vất vả cho hành khách, cho nên ít ai đi lại đó đây. Hơn nữa, người dân muốn đi từ Nam ra Bắc phải xin giấy Thông Hành của Thành phố hay Tỉnh cấp, phải làm đơn xin phép trước 1 hay 2 tuần, đi lại trong phạm vi những tỉnh trong miền Nam, thì xin giấy Đi đường của cấp Quận hay Huyện.Không có Giấy đi đường, không thể mua được vé xe, không thể xin tạm trú ở nơi đến.

Đặc biệt đối những người xin phép đi thăm tù cải tạo, những người đã từng làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, việc xin Giấy Thông Hành không khác gì trước năm 1975 xin đi xuất ngoại du học.

Một đêm trước ngày tôi được tha, bạn bè đẵ dặn trước là coi chừng bị ăn cắp, nhất định phải ngủ lại ở bến xe ít nhất vài ngày, từ trại tù cải tạo tôi ra đến bến xe đã 5 giờ 30 chiều, nhìn 4 hàng người ngồi la liệt trước phòng vé đã có hơn vài trăm, tôi thầm nghĩ đến phiên tôi chắc là phải vài ba hôm sau nữa mới mong mua được vé. Bỏ ba-lô xuống hàng thứ 4 sau cùng, tôi ngồi xuống, có gì dơ đâu mà sợ, chiếc ba lô nhà binh, bộ quần áo tù, ai nhìn tôi cũng hiểu thân phận rồi, nhưng lạ thay, hầu như ai cũng nhìn tôi rất thân thiện, không giống như những điều tôi hàng ngày vẫn nghe cán bộ nói "không phải Đảng và nhà Nước không muốn tha các anh, mà chỉ tại các anh là những người có nợ máu, kẻ thù của nhân dân, tha các anh về, chỉ sợ chưa đến nhà, các anh đã bị nhân dân đánh chết ngoài đường". Một số các hành khách lớn tuổi, còn hỏi thăm tôi về đâu, có khỏe không, gia đình có biết được tha chưa..., trong lúc tôi đang lo trả lòi các câu thăm hỏi, thì hai cô, chú Bảo vệ đến cạnh tôi hỏi:

- Chú đi học tập được tha phải không?
- Chú mua vé về đâu ?

Tôi chưa kịp trả lời thì cô Bảo Vệ hỏi tôi giấy ra trại. Qủa thạt tôi có một chút lo, vì từ trong traị cải tạo, chúng tôi đã nghe danh đám công an, cán bộ 30, chuyên môn hà hiếp người, nhất là đối với những sĩ quan đi học tập cải tạo trở về. Tôi đưa tấm giấy ra trại cho cô Bảo Vệ, chừng 10 phút sau cô trở lại trả cho tôi tấm giấy ra trại và vé xe 6 giờ 30 sáng mai về Sàigòn, ghế số 2 với giá qui định. Chú Bảo vệ dặn tôi: "chú đừng lo, các cháu đã nói với tài xế xếp chổ cho chú, chú không phải trả tiền cước Ba-lô đâu, chú vào quán trọ số 5 ngủ tạm đêm nay, 6 giờ sáng, chú ra đây là được rồi, chúc mừng chú đoàn tụ với gia đình". Tôi cám ơn hai người bảo vệ mà lòng đầy xúc động. Những hành khách đang xếp hàng cũng chúc mừng tôi, tôi đã gặp lại tình người, tình của những người dân đối với lính.

6 giờ 30 sáng hôm sau, xe bắt đầu lăn bánh và chạy cho đến 12 giờ trưa thì ghé vào ăn trưa ở một quán bên đường, hành khách xuống xe để ăn uống. Người tài xế ngồi lại chờ cho hành khách xuống hết, rồi xuống xe sau cùng với tôi,

- Chừng 6 giờ hơn mình sẽ đến Sàigòn, người tài xế nói với tôi.
- Hơn 12 tiếng đồng hồ, tôi hỏi ?
- Vâng, đưòng xá bây giờ tệ lắm, mấy ổng đâu có sửa sang gì, chỉ là lấy của dân thôi, mai mốt về Sàigòn rồi ông sẽ thấy.
- Xe này là của ông hay của nhà nước ?
- Xe của tôi, nhưng nhà nước quản lý, hư hỏng thì tôi sửa, tiền là tiền lương, vì vậy buộc lòng chúng tôi phải lấy tiền cước hàng hoá của hành khách để tu sửa xe. Ông biết mà, để được cầm lái chiếc xe này, nói thật là tôi phải làm đơn lạy họ, mới được gia nhập Nghiệp đoàn xe khách, nếu không thì họ đã lấy mất xe rồi. Còn nhiêu chuyện lắm, bây giờ thì ai cũng biết cả, nhưng rồi làm sao. Hôm nay, chúng tôi mời ông ăn cơm trưa với chúng tôi, tôi hay là các xe khác đều cũng vậy, hễ có sĩ quan tù cải tạo về là chúng tôi mời ăn cơm ở dọc đường, ông cũng hiểu rồi, bây giờ thì chúng tôi chỉ có thể làm được như vậy đối với người mình.

Hành khách đã xuống hết, ông và tôi vào quán, ngồi xuống một bàn đã dọn sẳn, người lơ xe đứng dậy kéo ghế cho tôi,

- Bác ở trong đó lâu không ?
- Cho đến hôm qua.
- Ba cháu và anh cháu cũng chưa về.
- Ba cậu ở đâu ?
-Trại Ðưng, Thanh hóa.

Lâu lắm rồi, tôi không trông thấy canh cá lóc, không nhìn thấy thịt sườn, nên bữa cơm hôm nay là bữa cơm ngon nhất trong đời tôi. Trong khi chúng tôi đang ăn thì bà chủ quán đến nói với tài xế:

- Anh Tám này, đây là chút tình, bà vừa nói, vừa nhìn tôi.
- Cám ơn chị Sáu, rồi ông đưa cho tôi một bao thuồc lá trong đó có 73 đồng, ông nói: "như thường lệ, là quán nào cũng vậy, xe nào cũng vậy, đều có quà cho những tù cải tạo trở về, nếu họ đi trên đường này, và bất cứ là cấp bậc gì, xin ông đừng ngại".

Tôi đứng lên cám ơn bà chủ quán và người tài xế, nhưng không nói ra lời, một bác hành khách ngồi bàn bên cạnh quay lai vổ vai tôi như thông cảm tâm tình tôi lúc đó.

- Đây là tâm ý của chủ xe, chủ quán và hành khách trong xe, ông đừng ngại.

Trong khi đó một em bé bán kính đến mời chào mọi người trong quán:

- Cháu có đủ kinh râm, kính mát, kính lão, kính cận thị, mời ông bà mua giùm.

- Giải phóng mấy năm rồi, mắt bác đã sáng, đâu cần mang kính nữa, cả quán cùng cười. Tôi quay lại nhìn về hướng đó, một người đàn ông ngoài 50 đang nhìn em bé bán kính và cười.

Thật là 1 câu khôi hài và ý vị.

CƠ CHẾ HÀNH CHÁNH CỦA CHẾ ĐỘ MỚI

Khi xe về đến Long Khánh thì dừng lại đổ nước, những người bán trái cái cây, bánh kẹo, chạy đến mời hành khách mua, những người khách chờ xe về Sàigòn cũng chen nhau bước lên xe, tôi hỏi ông tài xế:

- Chở nhiều như vậy không sợ bị phạt sao?
- Có gì đâu, cho nó 20 đồng là hết, tôi chở thêm 10 người, bớt đi 20 đồng của một người thì cũng còn lời chán, bây giờ xe nào cũng vậy.

Nghe người tài xế nói, tôi chợt nhớ đến một án lệ ở nước ngoài đại ý là "Nếu những chiếc xe chỡ hành khách, chở qúa số người ấn dịnh, đã đi qua trạm kiểm soát, mà cảnh sát không ngăn chận, thì nếu bất cứ một người hành khách nào trên xe bị tổn hại, do việc chở khách vượt qúa ấn định, (số lượng khách ấn định là số ghế trang bị cố định trên xe) thì toà án sẽ truy cứu trách nhiệm cho cảnh sát, mà không phải tài xế, người tài xế chỉ bị truy cứu về trách nhiệm dân sự mà thôi". Các toà án của Việt Nam Cộng Hòa cũng trích dẫn án lệ này.

Tôi về đến Sàigòn thì đã tối, việc đầu tiên phải làm là trình diện công an Phường, nhưng đã hết giờ, đành đi tìm công an khu vực, không gặp được công an khu vực thì tìm tổ Trưởng Dân Phố, hàng xóm của tôi đã chỉ tôi điều này.

Sáng hôm sau tôi ra Công an phường trình diện.

- Về hồi nào? một công an mang cấp bậc Trung úy,(sau này tôi mới biết là Trưởng Công an Phường), hỏi tôi.
- Thưa chiều hôm qua,
- Mày ngồi xuống, mày phải biết là nếu 2 bàn tay mày không đầy máu thì Mỹ, Ngụy không gắn cho mày cái cấp bậc đó trên vai. Đem đơn này lên Quận xin với Quận, nếu Công An quận, Quản Huấn Quận đồng ý thì mang về đây.

Tôi lên công an Quận, công an chỉ qua Ban Quản Huấn, đến Ban quản Huấn tôi nộp giấy ra trại và đơn xin tạm trú cho người phụ trách, rồi ngồi chờ 2 tiếng đồng hồ, hết buổi sáng, tôi nghĩ: Một lúc sau, người nữ công an mang giấy ra trại và đơn xin tạm trú trả lại cho tôi và nói: Anh phải lên Thành phố xin.

- Xin cán bộ cho biết địa chỉ
- Lên công an thành phố mà hỏi!

Tôi về nhà, tìm hỏi những người bạn về trước, họ cũng chẳng rõ ràng "Tụi nó thay đổi như chong chóng, chẳng biết đâu mà mò, hãy lên thử đường Phan Thanh Giản ( Điện Biên Phủ), thôi để tôi dẫn anh đi."

Gần hết giờ làm việc tôi mới xin được tạm trú từ Ban Quản Huấn Thành Phố, với lời ghi "Đồng ý cho tạm trú tại thành phố Hồ chí Minh một tháng, chờ làm thủ tục hồi hương đi Kinh Tế Mới.

Tôi mang sự chấp thuận tạm trú một tháng của Ban Quản Huấn Thành phố về trình công an Phường:

- Được, anh mang về nhà bảo vợ anh viết thêm vào cuối đơn thế nầy:

"Tôi tên là .......
Thường trú tai số........
Đường ........ Phường ......
Là vợ chính của ...............
Bằng lòng cho chồng tôi được tạm trú tại nhà của tôi một tháng và đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của địa phương"
Những tờ đơn xin tạm trú này tôi vẫn giữ mãi bên mình, như kỷ niệm khôi hài mà tôi đã gặp trong đời mình.

Chỉ thị 08/1979 CỦA THÀNH -ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thời gian tôi ra tù thì chỉ thị 08/1979 đã ra đời và vẫn còn hiệu lực, chỉ thị này do ông Võ văn Kiệt là bí thư Thành Ủy thời đó ký. Chỉ Thị dài 7 trang rưởi đánh máy. Nội dung của chỉ thị qui định về việc xử dụng trí thức tại chổ, ở Khoản b - mục 3.

Trí thức tại chổ là những người tốt nghiệp từ Đại học trở lên, không phải do hệ thống Xã hội Chủ Nghĩa đào tạo, mà tốt nghiệp từ các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, hoặc các đại học tại miền Nam ... và các nước khác trong khối tư bản chủ nghĩa.
Khác biệt với trí thức xã hội chủ nghĩa là những thành phần tốt nghiệp ở các đại học miền Bắc hay tại các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa.

Căn cứ vào Chỉ thị 08, những sĩ quan đi tù cải tạo trở về, nếu tốt nghiệp đại học, phải đến số 43 Nguyễn Thông, Quận 3, (Hội Trí Thức Yêu Nước) để khai báo. (Hội Trí thức yêu nước nằm trong Mặt trận tổ quốc, là một bộ phận của Đảng), để được bố trí việc làm mà không thuộc diện đi Kinh Tế Mới.

Cái khôi hài là muốn xin việc làm ở đâu, cơ quan nào trong thành phố cũng phải có Lý Lịch được công an phường nơi cư trú chứng nhận.

Nhưng muốn được công an chứng nhận Lý Lịch, lại phải có Hộ Khẩu thường trú. Vì vậy, khi tôi mang lý lịch ra công an phường xin chứng nhận, công an hỏi tôi:

- Hộ Khẩu thường trú đâu.
- Tôi học tập về.
- Chúng tôi không chứng nhận lý lịch cho những người không có Hộ Khẩu thường trú tại Thành phố.

Tôi mang lý lịch về nhà, Tổ trưởng Dân Phố bảo tôi mang ra Ủy Ban Phường cho ông Thọ là Phó Chủ Tịch An Ninh Phường. Ông Thọ không cần đọc lý lịch của tôi, ông chỉ ghi: "Đương sự có xin tạm trú tại địa phương".

Tôi mang lý lịch đến Hội trí thức yêu nước nạp cho người phụ trách. Một tuần sau, công an phường gọi tôi lên, Trưởng công an hỏi tôi:

- Anh biết ở đây ai quản lý người không, tôi hay anh Thọ ?

Tôi im lặng vì chưa hiểu được sự việc, Trưởng công an lôi trong học bàn ra tờ lý lịch của tôi rồi chỉ con dấu của Ủy Ban Nhân dân phường và chữ ký của ông Nguyễn Thọ.

- "Tôi muốn nhắc nhở anh, tôi mới là người quản lý các anh, Ủy Ban Phường không có quyền gì", và trả cho tôi tờ lý lịch có chứng nhận của công an phường:

"Đương sự là sĩ quan ngụy học tập cải tạo được tha về tại địa phương thuộc diện phải đi Kinh Tế Mới, đang chờ địa phương sắp xếp".

Thật đúng như câu khôi hài mà cô Thư Ký Phường nói với tôi:

- "Công an là quan, Ủy Ban là lính !"

Thật là khôi hài !

Nhìn sự việc, qủa thực, công an có quyền hành rất lớn, vì công an là công cụ bảo vệ và phục vụ chế độ. Tuy nhiên, cơ cấu chính quyền của Cộng sản là một mô thức đặc biệt chuyên chế, mà trong đó, không hề có sự phân ranh giữa các cơ quan Lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Hội đồng chính phủ tức là Thủ tướng và nội các của Thủ tướng, hay là các bộ trưởng) và Tư pháp (Tòa án).

Từ Phường (Xã), Quận (Huyện), Thành phố, Tỉnh, lên đến Trung ương, tuân hành 2 hệ thống: chính quyền và đảng. Nhưng lại chấp hành một chỉ thị, đó là chỉ thị của Đảng.

Tại Phường (Xã), có đảng bộ Phường, cầm đầu là Bí thư, chỉ thị cho Ủy Ban phường thi hành mọi đường lối chính sách.

Tại Quận (Huyện), có dảng ủy Quận, huyện, có bí thư, phó bí thư, ban thường vụ, ra lệnh cho ủy ban Quận (Huyện) và công an.

Cũng mô thức đó, tại Tỉnh hay Thành phố, cũng rập khuôn như vậy.

Tại Trung ương, có Tổng bí thư, Ban bí thư Trung ương dảng, chỉ thị cho chủ tịch nước, hội dồng chính phủ.

Cái tệ hại là, một người vừa có thể là chánh án, lại vừa là chủ tịch hay phó chủ tịch ủy ban, hoặc là viện trưởng hay phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, mà cũng là đại diện dân cử như quốc hôi, hội đồng nhân dân các cấp, đương nhiệm. cho nên họ có thể tùy nghi dùng quyền hành ở bất cứ chức vụ nào mà họ đang mang trên người.

Vì vậy trong hệ thống xã hội mà Việt Nam đang áp dụng, không hề có sự độc lập giữa Lập Pháp, Hành pháp, hay Tư pháp. Và đảng là tập thể đứng trên luật pháp, ngoài luật pháp và chỉ thị cho luật pháp thi hành theo ý của đảng! Đảng không những nắm vận của mệnh quốc gia, mà còn nắm luôn sinh mạng của từng người dân trong nước.

Điều này hoàn toàn khác biệt với cơ chế của Việt Nam Cộng Hòa. Luật Pháp VNCH minh thị sự đoc lập tuyệt đối giữa Lập pháp, Hành pháp và tư Pháp. Một Tỉnh Trường, một chánh án, nếu đắc cử vào chức vụ dân cử, đương nhiên phải từ nhiệm chức vụ củ, nếu là quân nhân, đương nhiên phải giải ngũ. Và đặc biệt là không ai có quyền xen vào công việc xét xử của Tòa án.

Ngày thứ 21 trong thời hạn 30 ngày tạm trú, tôi nhận được giấy "Yêu cầu trình diện nhận việc" của Bộ Đại Học và Trung học chuyên nghiệp, đặt tại số 35 đường Lê Thánh Tôn, Quận I Sài gòn (TP Hồ chí Minh).
Làm việc và sinh hoạt trong chế độ, tôi càng thấy rõ chế độ hơn: Hối lộ và tham nhũng, quan liêu và bè phái. Muốn làm chiến sĩ thi đua, đạt tiêu chuẩn tiên tiến trong bình bầu A, B, C mỗi nửa năm ư, đâu cần chăm chỉ, đâu cần tài ba, chỉ cần qùa cáp cho thủ trưởng là đủ rồi.

Mỗi đơn vị, tất cả mọi đơn vị trong cơ chế xã hội chủ nghĩa đều giống nhau, trên đội, dưới đạp. Trí thức tại chổ chỉ có làm việc, không có tiêu chuẩn chế độ, không được đòi hỏi, đề nghị hoặc yêu cầu. Nhưng có một điều không phân ranh trí thức tại chổ hay trí thức xã hội chủ nghĩa, đó là "vàng".

Bạn muốn có hộ khẩu tại thành phố ư ? 4 đến 5 lượng vàng là xong (1 lượng vàng tương đương 1 ounce) - Muốn vượt biên, đi chui, 3 lượng/1 người, đi bán chính thức 7 lượng /người - Bị công an bắt, chẳng có gì phải lo, có vàng là xong mọi việc.
Xã hội của xã hội chủ nghĩa như thế đó, nhưng báo chí không bao giờ dám nói đến nửa lời, vì báo Thanh Niên ư? Chủ nhiệm chủ bút là Bí thư thành đoàn, Báo Saìgòn Giải phóng là của Ban Tuyên huấn, Báo công an là của công an, báo Tuổi Trẻ cũng là Đoàn Thanh Niên Cộng sản thành phố Hồ chí Minh...

Bổng nhiên tôi lại nhớ Ông Trần Hữu Thanh và nhóm ký gỉa đòi tự do báo chí của những năm 1973, 1974. Không hiểu bây giờ ông Trần hưũ Thanh đâu nhỉ, ông nở làm ngơ trước nạn tham nhũng trên khắp cả nước thế này ư ? Nhóm ký gỉa của năm 1974, 1975 đâu, sao không xuống đường tuyệt thực và đi ăn mày để phản đối nữa? Thật là qủa báo, ngày hôm nay mấy ông ký gỉa đó chăc đang tuyệt thực và đi ăn mày thực sự rồi! Rồi những vị đạo cao đức trọng như ông Chân Tín, Nguyễn ngọc Lan, Nguyễn Phương trốn chui chổ nào. Ngày hôm nay đã chứng minh được rằng, rõ ràng thời đó, các vị chỉ vì cái tôi của qúi vị mà thôi, cũng chỉ vì một miếng đỉnh chung mà lòng chưa đạt, vị đời chưa nỡ bỏ. Các vị nhất định phải trả cái nợ nhân qủa mà các vị đã gieo cho toàn dân miền Nam hôm nay. Nghĩ lại, những việc làm của các ông ấy, thật đáng khôi hài!

Tiếc thay, phải chi chế độ Cộng Hòa ở miền Nam có được một chút độc tài, một tý hạn chế tự do dân chủ, thì có lẽ Miền Nam chưa đến nỗi chết yểu ở cái độ tuổi chưa thành niên. Và 26 triệu dân miền Nam không lâm cái cảnh này, hàng trăm ngàn người không phải bỏ thây trên biển, hàng chục ngàn thanh thiếu nử và phụ nữ không lâm cảnh bị hãm hiếp rồi vất xuống biển sâu.

Mỗi chiều sau giờ làm việc, tôi vẫn tìm theo con đường Nguyễn Du, vòng qua Huyền Trân Công Chúa, rồi theo đường Hồng Thập Tự để ngược trở về. Nhìn khu vườn Dinh Độc Lập, tôi thật không sao nén được cảm xúc trong lòng:

“ . . . . …………………………………………….
Vườn xưa tràn ngập vàng rơi
Bao nhiêu lá chết đổi dời thời gian
Tôi hôn âu yếm cánh vàng
Nghe như dao cắt bàng hoàng xót đau!

........... ……………………………………………….. “

Mùa Thu của Sài gòn thật ra không có mấy thay đổi so với miền Cao Nguyên đất đỏ như Pleiku hay Banmêthuột, rừng lá thay vàng, cỏ úa báo mùa sang. Và cho đến bây giờ tôi thật vẫn không sao quên được những nơi này, nơi đã cho tôi biết bao vui buồn đời lính, bao máu xương của đồng đội hay là bản thân tôi đã đổ ra. Và tất cả đó, mỗi khi nhớ lại, vẫn còn mãi mãi là một nỗi sầu lãn quất trong lòng tôi:
Image

Banmêthuột - những gánh sầu

Tôi nhớ hàng cây - mỗi bước đi,
Những mùa Thu đến - mỗi chiều về,
Bằng - Lăng tím đổ trên muôn nẻo
Che lấp đường đi lẫn lối về.

Tôi nhớ đàn em mỗi sớm mai
Tung tăng với những chiếc áo dài
Đem thơ ngây trải trên muôn phố
Mang nét tin yêu phủ xuống đời.

Ai giết của em tuổi ngây thơ
Trường yêu không giữ nỗi học trò
Bao nhiêu bè bạn, thầy cô đó
Chôn kiến thức rồi mới hết lo !

Tôi nhớ hằng đêm trên phố khuya
Tiếng người bán phở gánh bên lề
Khách quen thường đến con hẻm nhỏ
Ngỏ đường Võ Tánh mỗi lúc khuya.

Bây giờ gánh phở biết về đâu
Thương đàn em nhỏ nỗi cơ cầu
Bao nhiêu hoài bảo đành quên mất !
Cố gánh cùng nhau những gánh sầu !



NGUYỄN ĐỊNH
Banmêthuột NGÀY ĐẦU CHIẾN CUỘC
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

Image

GIẤC MƠ VIỆT NAM

Hôm nay tôi ngồi đây viết lại kỷ niệm này với biết bao cảm xúc trong lòng không ngăn được. Tâm trạng một người tù viết nhật ký thật là lo sợ. Trong tâm trí tôi, cái cảm giác cuả một thuả xa xôi nào đó lại trở về, như khi ngồi viết những dòng Lưu Bút cuả thuả học trò thời lớp đệ Tứ, đệ Tam mà trên trang sách đầy dẫy những bút tích của thầy cô và bè bạn. Vâng, thì tất cả cũng đã trở thành kỷ niệm : Banmêthuột đêm kinh hoàng, con đường rừng từ Ea-Sup (Banmêthuột ) qua Đức Cơ, Thanh Bình , Thanh An (PleiKu) với những lối mòn đầy cỏ tranh mà hai bàn chân khi đặt lên còn để nguyên dấu máu, bây giờ cũng đã là kỷ niệm, có khác gì với kỷ niệm thời ấu thơ hay thủa cắp sách đến trường, khi mới biết yêu và biết hò hẹn . Tôi cứ nghĩ rằng muôn vàn kỷ niệm là muôn vàn dấu yêu và kỷ niệm thì kỷ niệm nào cũng êm ái nên thơ.

Và rồi trong muôn vàn cái đã qua đó, khi nhớ lại GiẤC MƠ VIỆT NAM , tôi vẫn không cầm được cảm xúc , bao hệ lụy cuả giấc mơ có lẽ mãi mãi vẫn là gánh nặng và nỗi băn khoăn trong lòng tôi, tựa như ngày đầu tiên tại Buôn Ea-Súp người bộ đội trao cho tôi một nắm cơm vắt trộn muối bằng qủa trứng, mà vì hai tay còn bị trói cánh khỉ đã không cầm được nắm cơm gọn gàng, nắm cơm rơi xuống đất và tôi nhịn đói, cảm giác và suy nghỉ của tôi lúc đó thật nặng nề, vì tôi không thể hình dung ra được đoạn đường sau này tôi phải đi .

Rồi hôm nay, nhìn những căn nhà tù vách lá, được bao quanh bởi hai dãy hàng rào kẽm gai , và trong một nhà tù , tôi chợt gặp một bóng dáng thân quen của một người, mường tượng như tôi đã được gặp ở nơi nào . . . , trong một giấc mơ (?) tôi chợt nghĩ, phải rồi, trong một giấc mơ, giấc mơ đã chìm sâu trong ký ức và quên lãng mất rồi, nếu không có những căn nhà tù và bóng dáng người đó nơi đây. Và sau này tôi gọi đó là Giấc Mơ Việt Nam. GiẤC MƠ VIET NAM đến với tôi trong một tình huống không thể nào xảy ra được, tuyệt đối là không, đối với tôi trong điều kiện và hoàn cảnh thời bấy giờ, cho nên tôi cơ hồ đã quên mất . . . đó là khoảng tháng 12 năm 1974.

Tôi tốt nghiệp Khoá Sĩ Quan Trừ Bị tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức vào thời điểm mà chiến tranh thật nóng bỏng. Cộng sản Bắc Việt đang xâm nhập miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh cấp sư đoàn với chiến xa T54 và hoả tiển 122 ly. Các mặt trận nổ ra tại vùng Cao Nguyên và Vùng I Chiến thuật đang ở vào thời kỳ quyết liệt . Rất nhiều bạn bè tôi đã tình nguyện vào các đơn vị như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến .
Người bạn nằm cạnh tôi, Lâm Ngọc An, cháu gọi Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, Lâm Quang Thi bằng chú ruột xin qua Nhảy Dù, Nguyễn Văn Thi, Nhảy Dù, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Văn Y , Thủy Quân Lục Chiến . . . hầu như ai cũng thích mủ đỏ hoặc mủ xanh , và câu : ‘’ một xanh cỏ, hai đỏ ngực’’ thật quyến rủ trong thời gian này .

Tuy nhiên, không phải ai xin cũng được, tôi còn nhớ Thiếu tá Võ Văn Thuận, Khối Quân Huấn, trong một lần giảng huấn đã noí với chúng tôi ‘’ nếu các sĩ quan đều xin qua Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến . . . thì Bộ binh để cho ai, Địa Phương Quân ai chỉ huy, các ngành chuyên môn khác cho giải ngủ hết sao ! ‘’ mà thật sự là như vậy, cho nên Nguyễn Đình Thi về Sư Đoàn 23 BB, Diệp Bảo Lợi về Quân Vận Pleiku, mặc dầu Thi và Lợi đều xin về toán người Nhái. và tôi xin về Biệt Động Quân thì lại nhận lệnh về 930.O.

Tôi còn nhớ ngày chọn đơn vị, tối hôm đó không ai ngủ được , Lâm Ngọc An hỏi tôi ‘’
- Biệt Động Quân há, có phải vì Đai tá Kiệt không chứ (?)
- Đâu có, vì hai ông họ Lâm thôi ‘’.

Tôi hầu như còn nhớ rất rõ những khuôn mặt trong đại đội tôi, và chỉ một người không được phép chọn đơn vị, đó là Nguyễn Bích Mạc, Tham vụ Ngoại Giao, vì anh phải trở về Bộ Ngoại Giao sau thời gian thụ huấn quân sự .

Quân trường cho đến bây giờ vẫn là kỷ niệm êm ái như bao nhiêu êm ái khác trong lòng tôi. Những buổi chà láng bằng Cà-mèn hay những sáng chạy bộ tập thể dục với các bài hát, mà bài tôi thích nhât là bài Việt Nam Việt Nam cuả Phạm Duy. Dư âm cuả những đếm bước ‘’ một hai ba bốn . . . một hai ba bốn . . . anh em ơi . . . đem chí trai lưu tiếng ngàn thu . . . ‘ ‘ bài hát mà tôi đã quên mất và cũng không còn nhớ được tựa đề , mãi đến bây giờ vẫn còn đồng vọng trong tôi . Và cái đặc biệt phải nhớ cuả khoảng đời làm Sinh Viên Sĩ quan là hình phạt dã chiến và cúp phép cuối tuần sau thời gian mang Alpha .

Phạt dã chiến đúng là dã man cuả sự huấn nhục . Trong vòng 5 phút, anh phải thay xong quân phục, mang dày, ba lô, dây TAB , . . . chạy 50 vòng sân cờ ! mà thực ra chỉ 10 vòng thôi là đã xỉu rồi !
Trong thời gian làm sinh viên sĩ quan, thực ra tôi chưa lần nào bị cúp phép cuối tuần, và hình phạt này được coi là nặng nề lắm. Tất cả sinh viên chỉ chờ trưa thú 7 ra phố, hoặc về với gia đình, thăm ‘’người yêu của lính ‘’ hay bát phố làm quen , thơ mộng không khác gì lòng yêu thầm học trò Trưng Vương hay Gia Long như những bài tình ca về lính thời đó . ‘’ Nếu em không là người yêu của lính . . . ai sẽ đón em chủ nhật trời xinh . . . ai sẽ đón em lúc tan trường về . . . ‘ ‘

Tôi mãn khóa học 930.0 thì được chuyển về Quân đoàn II, PleiKu, nơi mà người Biệt Động Quân Biên phòng quen hát ‘’ Pleiku đi dễ khó về, trai đi có vợ, gái về có con ‘’ . Nhưng thật ra Pleiku là một thành phố hiền hoà rất dễ thương , từ tháng 9 đổ về cho đến tháng 12 hàng năm, thành phố dày đặc sương mù vào mỗi sáng, đặc biệt là thung lủng cầu số 3, từ Thị Xã Plei ku về Thành Pleime, Bộ Tư Lệnh Quân đoàn, sương mù dày đến nỗi xe sau khó có thể nhìn thấy xe trước, dù đã bật đèn pha .

Khu phố cũ Diệp Kính với những con đường tuy ngắn nhưng rất sạch, những quán ăn, phòng trà, khách sạn rất khang trang. Khu chợ Mới rất thoáng nhưng sầm uất hơn .
Là một tỉnh của Cao Nguyên được coi như biên phòng, nên Pleiku được xem là thành phố cuả lính; và quán café lính , là café Dinh Điền, nỗi tiếng đến độ khi nhắc đến café, là người ta nói đến café Dinh Điền Pleiku.

Tuy nhiên, điều làm tôi mãi mãi còn cảm được điều mê luyến trong lòng mình , là căn phòng của Khu cư xá Sĩ Quan độc thân tôi ở, trong khung thành Pleime. Phòng cạnh tôi là trung tá Phan Viết Ba và một bên là phòng đại tá Tham Mưu Trưởng. Có lẽ nhờ làm hàng xóm cuả hai vị sĩ Quan Tham mưu trưởng và Chánh thanh tra, nên tôi được khuyến khích đi học lại, dù công việc hàng ngày ở đơn vị thật bận rộn. Tình cảm đằm thắm đó càng ngày càng sâu , nhất là sau khi tôi đậu xong Cử nhân Luật năm thứ 3. Tôi cảm động mỗi lần sắp đến ngày thi, là đại tá TMT gọi điện thoại nhắc đơn vị trưởng cuả tôi gởi giấp phép cuả tôi lên cho ông ký. Sự quan hệ thân mật ấy còn giữ mãi cho đến sau này, khi tôi rời Quân đoàn, và ngày tôi nhận đơn vị mới, chính TMT và Chánh Thanh tra gọi điện thoại hỏi thăm tôi qua đơn vị mới, dầu hai vị láng giềng cuả tôi ngày đó hôm nay đều đã thay đổi phương vị. Tôi hiểu đó là lời giới thiệu tế nhị của cấp chỉ huy.

Hôm nay, một ngẩu nhiên hay tình cờ bắt gặp lại bóng người trong mộng ở khu trại tù này, đã nhắc tôi nhớ lại giấc mơ xưa, giấc mơ xảy ra vào thời điểm mà bạn bè tôi gọi tôi là ‘’ đường hoạn lộ thênh thang tiến bước ‘’ , cho nên tôi không thể nào tin được giấc mơ tôi đã mơ :

" . . . một người thiếu nữ bị xử bắn trước sân tù, bổng dưng không rõ vì đâu, tôi đã nhào ra ôm lấy cô ấy và lăn nhiều vòng trên sân tù để đỡ cho người con gái ấy 36 viên đạn súng colt 45. Và rồi chúng tôi cùng quằn quại trước sân tù . Người ta bắt tôi và dẫn tôi vài 1 căn nhà rất lớn , được ngăn chia nhiều phòng, tại đây, tôi gặp được ba tôi , ông bảo tôi ngồi xuống ở phòng khách, rồi ông đi vào phòng của một người Mỹ. . .

Một mình ngồi ở phòng khách, mơ hồ và buồn bã, tôi lơ đểnh nhìn quanh căn phòng trống rỗng, rồi nhìn xuống bộ salon, thấy trên bàn có cuốn sách bìa màu xanh lá cây, in hai chữ VIỆT NAM màu xanh rất đậm, nổi bật lên nền bìa cùng với hai hàng chữ tiếng Anh rất nhỏ, tôi không đọc được, tôi ngạc nhiên tự hỏi mình ‘’ tại sao lại có cuốn Việt Nam ở đây, và vội vàng đem cuốn sách dấu xuống tầng dưới cuả chiếc bàn Salon, lấy mấy tờ báo tiếng Anh che lên trên. Một lúc sau, người Mỹ và ba tôi bước ra, người Mỹ cầm mấy cuốn sách trên bàn lên và hỏi trống không : ‘’ cuốn Việt Nam tôi vừa mới để đây đâu rồi " ? , thoạt đầu tôi không muốn trả lời và có ý định dấu lại cuốn Việt Nam , nhưng khi người Mỹ hỏi tới lần thứ 3: ‘’cuốn Việt Nam tôi vừa để đây đâu rồi ", tôi vội vàng trả lời: ở đây, tôi cất nó ở đây , và lấy cuốn Việt Nam ra trao cho người Mỹ . . . “

Tôi đem giấc mơ xảy đến với tôi vào khoảng tháng 12, 1974 kể lại cho hai người tù cùng trại là ông Lê Xuân Hồng, cựu nghị viên Hội đồng tỉnh , và ông Đỗ Minh Giảng, trưởng ty Học chánh Banmethuột thời bấy giờ, hai người đều im lặng , một lúc sau ông Hồng nói :

- Việt Nam lại rơi vào tay Mỹ ?
- Cũng có thể, để tôi tìm người giải đoán thêm, ông Giảng nói ,
- Coi chừng bị cùm biệt giam nhé, hãy cẩn thận, ông Hồng bảo ông Giảng .

Suốt một tuần lễ, cứ sau giờ cơm chiều, lợi dụng khoảng thời gian chưa bị đẩy vào trại để khóa trái cửa, tôi, ông Hồng và ông Giảng thả bộ với nhau quanh sân tù bàn tán về giấc mơ, và vẫn gọi đùa là Giấc Mơ Việt Nam.

Tôi cũng tìm cách hỏi tin về người con gái ấy, được biết cô tên Ngô, bị kết án 20 năm tù về tội cắt đường dây điện ở khu cư xá Lam Sơn thuộc Sư Đoàn 23 BB trong những ngày đầu Banmethuột rơi vào tay cộng quân .

Giấc Mơ Việt Nam chẳng biết thế nào có linh nghiệm như lời giải đoán của ông Hồng và ông Giảng hay không, nhưng tôi tin nhất định một cái gì đó sẽ ứng nghiệm cũng như bao giấc chiêm bao đã đến với tôi từ thời đi học.

Tuổi học trò ở trang lứa chúng tôi rất vất vả, học sinh phải học hết các môn học để trả lời các câu hỏi của đề thi cho những kỳ thi tốt nghiệp, ma` chưa áp dụng chương trình thi trắc nghiệm chọn a,b,c,d khoanh như các kỳ thi tốt nghiệp sau này. Tất cả các môn học đều phải thi và có hệ số, thí dụ bạn theo Ban B (banToán), thì toán hệ 4, nghiã là lấy số điểm bạn có được nhân cho 4, Lý, Hoá hệ số 3, Triết hệ số 2 ( cho đệ nhất, Tú Tài ÌI ) hay Việt Văn hệ số 3 cho Ban C (văn chương ) và sinh ngữ là môn chính, có hệ số cao nhất, toán hệ số 1 . . .

Thi tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất cấp ( lớp 9 ) cũng tương tự như vậy . Chương tình giáo dục cuả bậc trung học mang tinh thần phổ thông, nghĩa là không có sự phân ban tuyệt đối như ở đại học nên rất nặng nề.

Lên đại học rồi, học sinh có quyền thở dài một cách khoan khoái, vì ở đại học có sự phân ban rõ ràng , ví dụ trường đại học Khoa học có phân khoa Toán , Lý Hóa Sinh . . . Đại hoc Văn Khoa có ngôn ngữ, Pháp văn, Triết Đông, Triết Tây, Sử địa . . Luật Khoa có Kinh tế, Tư Pháp, Công Pháp

Tôi không hiểu và không có cách nào giải thích về những giấc mộng thần bí của tôi, nhưng như rằng, mọi kết quả của các kỳ thi, tôi luôn được báo trước, ví dụ tôi nằm mơ thấy mình bước ra phòng thi tươi cười hỏi bạn bè về đáp số cuả bài toán và thấy là mình làm đúng . Như vậy có nghĩa là kỳ thi đó tôi đậu . Hay hoặc là năm tôi thi Trung học Đệ Nhất Cấp ở trường Tiểu Học Bàn Cờ , bổng dưng tôi mơ thấy tên tôi không có trên bảng niêm yết trước cửa vào Phòng Thi , tôi lo sợ đến đổ mồ hôi, rồi giật mình thức dậy. Quả thật năm đó tôi thi rơi .

Trong năm đầu ở trại tù, tôi có 2 giấc mộng liên tiếp báo cho tôi những điềm lành . Giấc mộng thứ nhất, tôi thấy má tôi dẫn tôi đến viếng một ngôi chùa cổ ở Bangkok, và giấc mộng thứ 2 là tôi thấy nhà tù tôi đang ở bổng nhiên bốc khói mù mịt, sau đó mới thấy lửa bốc cao .

Giấc mộng thứ 2 tôi suy đoán mình sẽ chuyển trại, nhưng là trại tốt hơn, hoặc sẽ được tha . Nhưng giấc mộng thứ nhất, không làm sao giải đoán được. Tôi chỉ đành chờ ứng nghiệm Và tôi coi đó như những cảm ứng tâm linh ở một cõi vô hình mà không dễ mấy người được cảm thụ , chỉ là không biết đến bao giờ giấc mộng ấy ứng nghiệm ở trong đời .


Méwal tháng 4 năm 1977
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

Image

TRẠI TÙ MÊ-VAN
Mê-Van . . .,

Quảng Nhiêu II, hay đồn điền cao su “Ni-fran” , là khu vực cận Tây cuả Thị Xã Banmêthuột, nằm cách thị Xã khoả ng 78 km, với một dãy rừng già và những cây cổ thụ , mà nếu để ý nhìn chúng ta còn thấy những vết nham nhở là dấu tích của miểng bom. Nơi đây là căn cứ địa của quân cộng sản Bắc Việt núp dưới tên xưng “Mặt trận giải phóng miền Nam”. Bình phong của căn cứ địa là dãy đồn điền cao su của người Pháp, rộng hàng ngàn mẫu, có cả nhừng dãy nhà công nhân mái ngói, tường xây, cũng như xưởng chế biến, lọc mủ và sân phơi, và tiếp giáp là một dãi rừng càfé dài bát ngát .

Đường vào Mê-Van là một lối mòn, đất đỏ, lầy lội về mùa mưa, ven theo đồn điền cao su, mà một bên là đồi tranh hay rừng già với nhừng cây cổ thụ, hoặc là xuyên qua khu rừng cao su .

Mê-Van, nơi mà trước đây rất ít người biết đến, nhưng địa danh này từ đây sẽ là nơi nổi tiếng của Cao Nguyên, sẽ được nhắc tới đầu môi chót lưỡi của bao người, từ cụ già cho đến trẻ em . Vì nơi đây là trại tù, giam giữ tất cả những ai từng có thành tích chống cộng, tư tưởng chống cộng, từ người Nghĩa quân, Nhân dân tự vệ, cho đến những viên chức chính phủ của 4 tỉnh Pleiku, Phú Bổn, Quảng Đức, và Darlắc, Banmêthuôt.

Trại tù Mê-Van nằm sâu trong căn cứ địa nàỵ
Lần đầu tiên đặt chân đến khu rừng nầy, tôi đã ngửi thấy mùi xác lá xông lên như khí thiêng của rừng thẳm, ngầm chứa bao bệnh tật, mà tiêu biểu là bệnh sốt rét .

Trại tù là nhừng căn nhà lá, được cất thành hai dãy, Phía ngoài là khu nhà ở và phòng làm việc của Ban Gíam Thị Trại giam. Toàn bộ khu vực này toạ lạc trên một triền đồi thoai thoải, bên cạnh dòng suối nhỏ chúa đầy lá thổi, cỏ úa và nhừng nhánh cây khô muc.

Cũng gần một tuần lễ, các phạm nhân mới thu dọn xong con suối, làm đường xuống suối và sửa sang nơi ăn ngủ của mình .
Cách ngăn khu nhà Giám thị và bao quanh trại tù là 2 lớp hàng rào kẽm gai cao nối đôi bằng những cọc sắt 1m50.

Tuần lễ đầu tiên là tuần lễ tổ chức và khai báo . 420 phạm nhân được xếp loại và phân phối trong 9 căn nhà, trung bình mỗi nhà chứa khoảng 45 người, và mỗi nhà là một đội, có một đội trưởng và một đội phó, một thư ký để ghi biên bản các buổi học tập chính trị của đội, và tất cả đựơc xếp loại và chia ra: đội thợ mộc, đội nhà bếp, đội văn nghệ, ( đội 9 ), đội thợ rèn, tổ chăn nuôi, và còn lại là đội sản xuất lao động . Danh xưng của các phạm nhân được xác định là "PHẠM " trong bản nội quy của Ban giám thị Trại đưa ra .

Sau khi ổn định nơi ăn ở, pham nhân được học tập nội quy mà trong đó 3 điểm đáng ghi nhớ là :

1- Phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của cán bộ trại,
2- Phải thành thật khai báo mọi lỗi lầm của bản thân, của tổ chức mà bản thân tham gia, mọi nợ máu đối với cách mạng và nhân dân,

3- Phải tích cực tham gia lao động vì lao động là vinh quang .
Tiếp theo, Phạm nhân được phát mỗi người 2 tờ giấy khổ đôi, 8 trang để khai báo về lý lịch bản thân,
Về các đơn vị đã phục vụ, đơn vị cuối cùng,
Trình diện Cách mạnh xin đi học tập hay bị bắt,
Nơi bị bắt, trường hợp bị bắt,

Chức vụ, cấp bậc, ngành,

Nợ máu của bản thân, của đồng đội và cấp chỉ huy,
Nơi lẫn trốn của đồng đội hay cấp chỉ huy mà bản thân biết

Cơ cấu tổ chức của đơn vị, hệ thống tổ chức của nguỵ quyền va quân đội nguỵ .

Sau 2 ngày khai báo, Ban giám thị thu lại các bản tự khai và tố chức học tập kiểm điểm về bản tự khai của "PHẠM"

Tất cả phạm được tập trung trước sân tù để nghe Việt Châu, cán bộ cao cấp của Ty công An tỉnh nói chuyên.

Anh ta nói thật nhiều, mà phần mở đầu là nói về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, về thành qủa cách mạng của đảng và quân đội nhân dân anh hùng đã đánh thắng đế quốc thực dân Pháp, đế quốc Phát xít Nhật, đế quốc xâm lược Mỹ,

Kế tiếp là kiểm điểm các bản tự khai của phạm, anh ta nói :
" Thành khẩn thế nào được, khi mà tiền của ngân hàng, ngân khố các anh không giao nộp, mà chở lại đi từng xe jeep. Tiền của các ty sở các anh không hề khai báo, những hoạt động điệp vụ, nợ máu các anh không hề khai . . . Thái độ ấy làm sao chúng tôi có thể tin và khoan hồng cho các anh . Các anh phải đào sâu suy nghĩ, thành thật khai báo để học tập tốt, để sớm được đảng và nhân dân khoan hồng . . ."

"Ngày mai các anh nghĩ lao động để tiếp tục khai báo thành khẩn tội lỗi của bản thân và đồng đội . . ., "

Nhừng bản tự khai bổ túc tiếp tục được gởi lên Ban giám thị . Lân Thiếu Úy Cảnh Sát, đội trưởng của đội tôi, phát thêm cho tôi 2 tờ giấy và bảo tôi khai bổ túc, nhưng tôi đã trả lời Lân là "tôi đã thành thật khai báo mọi điều, không cần bổ túc nữa".

Đã mấy chiều qua, những lúc vắng vẻ, tôi thường ra ngồi bên góc "cây Keo", ( loại cây có trái như hạt đậu, chứa đầy mủ sền sệt giống như keo, chúng tôi dùng mũ của trái cây này để làm keo dán), nhìn về phía trước mặt, dãy núi cao xanh thẩm chạy dài tận cuối chân trời, ở hướng Ban-đon, về phía Tây thị xã Banmêthuột, nơi tôi đã từng ở, nơi có nhiêu du kích VC lẫn trốn, và là đồn Biên phòng Biệt động Quân . Thời gian đó tôi và Hồng, cứ mỗi đêm trực thương liên lạc với nhau qua PRC 25, và đã trở nên thân th'iết, Ngày tôi rời Ban-Don, anh đã đãi tôi ăn cháo bong bóng cá do em út của anh đánh bắt .

Đánh cá ở khu vực Ban-Đon thật đơn giản, chỉ cần ném xuống sông một trái lựu đạn, là cá nổi lên mặt nước, cá chưa chết hẳn , và người ta chỉ chọn lấy những con cá vừa tầm, không qúa lớn, vì cá qúa lớn ăn vào sẽ có mùi tanh, và cũng không lấy cá nhỏ, vì cá nhỏ bong bóng không đủ lớn và ăn cũng không ngon. Có những con cá dài tới 1 mét . Sông Ban Đon là một nhánh của sông Serepok chạy tư Cam bốt đổ về nên rất lớn, lớn kiểu dòng sông Bắc Mỹ Thuận ở trong Nam.

Bây giờ nhìn về nơi đó, tôi nghe một cảm giác xa lạ và rất mơ hồ, như dường tôi chưa hề biết, cũng tương tự như nơi đây, cũng cách ngăn với thế giới quanh tôi, xa xôi như một nơi nào đó ngoài biên giới của quốc gia .
Một cảm giác khác mà tôi đón nhận trong thời gian nầy là cái dửng dưng và nỗi mơ hồ xa vắng trong tâm hồn tôi, tôi không còn cảm xúc với sự vật và những việc xảy ra quanh tôi hàng ngày . Tôi cũng không hình dung và tưởng tượng ra được những gì sẽ xảy đến . Duy chỉ một điều tôi cảm nhận là nỗi nhớ nhung sâu sắc về gia đình , nhưng tâm hồn lại rất bình thản với cuộc đời tù . Tôi ngỡ như tôi đang sống cho riêng tôi, thật trọn vẹn , ở một nơi nào đó xa lạ không quen thân, nhưng không hề cảm nhận nỗi cô đơn hay hiu qụanh bên mình, Tôi ngạc nhiên khi thấy đời tù không chi phối được tâm trí tôi và tôi bình thản với sinh hoạt thường ngày, dù nhừng sinh hoạt này tôi chưa hề thử trước đây trong đời mình .

Một ngày chúng tôi được đánh thức thật sớm, sớm hơn thường lệ là 5 giờ 30 sáng, và được báo cho biết là chúng tôi sẽ được hoc tập bài học chính trị đầu tiên thật quan trọng.

Cả đoàn người vội vàng rời nhà ngủ, tập họp thành đội trước sân tù, điểm danh và theo thứ tự hàng đôi đi vào nhà hội, và cán bộ phụ trách vẫn là Việt Châu và đề tài học tập là:

NHỮNG ÂM MƯU XÂM LƯỢC VIỆT NAM CỦA ĐẾ QUỐC MỸ,

Chúng tôi ngồi nghe suốt 4 tiếng đồng hồ mà không hiểu bao nhiêu người nghe và nghe được những gì.
Chỉ biết phần kết luận là:

- Tổng số máy bay các loại ta đã bắn hạ là trên 14 ngàn chiếc, kể cả "con ma", "thần sấm", "cánh cụt", "cánh xoè" và B52 Chiến lược .
- Hơn 100 ngàn lính Mỹ bị tiêu diêt
- Hàng trăm ngàn xe bọc sắt, xe tăng bị bắn hạ
- Kinh tê’ Mỹ bị suy thoái nặng nề
- Các từng lớp nhân dân tiến bộ Mỹ phản đối chiến tranh, yêu cầu trả con em họ về Mỹ

- Và nhân dân lao động tiến bộ trên toàn thê’ giới đồng tình ủng hộ ta
Buổi chiều tất cả "phạm" được nghĩ lao động để thảo luận 3 câu hỏi :

1- Âm mưu xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ .

2- Ý đồ thôn tính Việt Nam và việc "Thay màu da trên xác chết" tức là Việt Nam hóa chiến tranh để người Việt đánh người Việt .

3- Nguyên nhân thất bại của đế quốc Mỹ trong âm mưu xâm lược Việt Nam .

Bản thảo luận được viết bằng giấy nộp về Ban Giám thị trại giam, đó là đề tài chính trị thứ nhất chúng tôi phải học tập và thảo luân.
Và rồi tuần lề thứ 2 bắt đầu . Buổi sáng đầu tuần, chúng tôi được tập họp và nhắc lại các yêu cầu của bản Nội Quy 9 điểm, và điểm đáng chú ý là mỗi phạm nhân phải lao động 8 giờ mỗi ngày, từ thứ 2 cho đến hết thứ 7, Chủ nhật được nghỉ.

Những phạm nhân bị bệnh, phải báo với đội trưởng của mình, phải qua trạm Y tế do cán bộ phụ trách để chẩn định và cho ý iến có được nghì lao động hay không .

Khẩu phần lương thực của phạm nhân bệnh cũng bị cắt giảm với lý do là dành ưu tiên cho người lao động

Thuốc trị bệnh cho phạm nhân là "Xuyên cam liên", loại thuốc đặc chế của xí nghiệp dược Hà nội, trị cho tất cả mọi loại bệnh: sốt rét, nhức mỏi, đau bụng chóng mặt , bao tử . . . và Xuyên Cam Liên đã được Phạm nhân đặt tên là "thánh dược" của Hoa Đà.

Ngày tôi được chuyển đến trại này, thì trại đã có khoáng 30 phạm nhân, và trại trưởng của phạm nhân là anh Lê Hồng Hà, cán sự Kiến trúc (?), Trưởng Ty Kiến Thiết tỉnh Darlặc .

Nhờ những buổi học tập chính trị mà chúng tôi gần gủi nhau hơn, biết được thành phần phạm nhân có mặt trong trại và một số đơn vị mà trước đây chúng tôi có dịp công tác. Và đa số là các Ty, Sở trưởng, các sĩ quan thuộc 4 tiểu khu Pleiku, Phú Bổn , Đarlắc và Quảng Đức, một số Gíao sư Trung học của các tỉnh đó, và đặc biệt là các chỉ huy trưởng và thành viên của Lực lượng Fulro người Thượng ( Viết tắt của " Lực Lượng Gỉai Phóng các Dân Tộc Tự Trị Cao Nguyên").

Lực lượng này bộc khởi từ thời Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Năm 1965, Lực lương này tấn công Đài Phát Thanh Banmêthuột, và sau đó được chính phủ phủ dụ và đã qui thuận . Năm 1972, họ lại tái hoạt động ở một vài nơi và bây giờ cũng với tên gọi đó, lực lượng này đã thực hiện nhiều hoạt động quấy rối gần như đều khắp ỏ các tỉnh Cao nguyên . Chính quyền cộng sản gọi họ là lực lương phản động .

Ngoài ra còn một số nhân viên dân chính làm việc cho các cơ quan quân sự và dân sự Hoa Kỳ như USaid, MACV, Phối Trí Viên, RMK, và các nữ nhân viên Phượng Hoàng.

Từ hôm nay chúng tôi nhìn thấy 4 vòng rào kẽm gai bao quanh trại cao hơn, và ăn, ở, nghỉ ngơi, lao động phải tuân theo Nội Qui trại:

- 5 giờ 30 sáng thức dậy, tập thể dục, làm vệ sinh cá nhân,
- 6 giờ 30 tập họp điểm danh đi làm
- 16 giờ 30 về trai
- 17 giờ ăn cơm chiều,
- 18 giờ điểm danh vào trại và công an vũ trang khóa trái cửa bên ngoài . (Vệ sinh tiêu tiểu thực hiện ngay trong mỗi trại)
- 19 giờ 30 mỗi đội tự sinh hoạt, báo cáo công việc hàng ngày cho đội trưởng, (để mỗi sáng đội trưởng lại báo cáo lên trại trưởng và nhận công tác cho đội trong ngày, từ Trại trưởng), kiểm thảo, phê bình cá nhân, hoặc thảo luận chính trị, đề tào do trại giam đưa xuống .
- 21 giờ tắt đèn đi ngủ .

- Một tuần lao động 6 ngày, trừ ngày chủ nhật.
Tệ nạn báo cáo lập công, anten , lấy điểm phát sinh, làm nảy sinh nghi ngờ lẫn nhau giữa các phạm nhân, mà có khi là những người thân thiết nhất cũng không dám tâm tình ! và đó chính là chân lý của nhà tù .

Vì chế độ ăn uổng qúa kham khổ, mà công việc làm rẫy phải dầm mưa dãi nắng mỗi ngày, khu vực sinh hoạt đầy dẫy ô nhiễm, dòng suối đầy lá cây mục, xác chết côn trùng và động vật, nước uống không đủ thời gian nấu nóng. Trong khi đó, không khí nhà tù ngày một thêm đè nặng trong tâm trí phạm nhân, gây ảnh hưởng đến tâm lý mỗi người một cách nghiêm trọng; sự đe dọa của những buổi thẩm cung, không khí khủng bố, và nỗi nhớ nhà ngày một nặng nề nên số phạm nhân nhiễm bệnh ngày một tăng .

Cơn bệnh thường mở đầu bằng cảm nắng, nhức đầu rồi lên cơn sốt, đau buốt các khớp xương vai và cổ chân, môi bắt đầu thâm, mặt tái xám, người gầy dần, và tay chân lủng bủng như chì, nhưng các trái chân và bắp tay lại mập ra và trương nước của hiện tượng phù thủng .

Và thuốc trị bệnh vẫn là "xuyên cam liên", một loại đông dược mà dân miền Nam chưa hề nghe tên .
- Khẩu phần của người lao động là 300gram cho mỗi ngày,
- Khẩu phần của người bệnh chỉ có 200 gram mỗi ngày, Ban giám thị cho biết lương thực chỉ ưu tiên cho người lao động, mà thực ra, người lao động cũng chỉ 300 gram không hơn được tí nào .

Số bệnh nhân ngày một tăng vì thời tiết, và nhất là mùa gió ở Cao nguyên, con số lao động giảm sút nghiêm trọng, nên Ban giám thị ra lệnh; " những người khai bệnh chỉ được ăn cháo" và khẩu phần của người lao động tăng lên 500 gram, gồm 200 gram gạo và 300 gram khoai mì .
Với thời gian lao động 8 tiếng, khẩu phần lương thực đó không đủ, nên phạm nhân phải kiếm thêm thức ăn, bằng cách giữa 2 lần nghĩ giải lao sáng và chiều trong một ngày, tìm thêm lá mì, lá cây có thể ăn, bỏ muối vào nấu với nước làm canh, hoặc là hôm nào may mắn tìm thấy nấm mối, tàng ô, rắn, chuột, cắc kè thì hôm đó qủa là thịnh sọan.

Trong một năm đầu, chưa được phép thăm nuôi, ăn uống của phạm nhân thật rất cơ cực, có những đêm năm ngủ, tôi chỉ mơ sao cho có được một miếng thịt mỡ, được ăn một miếng đường, và hôm sau khi thức dậy, nhớ lại giấc mơ đêm qua, vẫn còn chảy nước miếng không nuốt kịp.


(còn tiếp)
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

8)


Xin lỗi
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

TRẠI TÙ MÊ VAN
(Tiếp theo)

Một ngày, đội chúng tôi được ở lại trại để dọn kho lương thực của Ban Giám thị, và chúng tôi đã phải khiêng nhiều bao đường trắng 50 ký, đêm đó về trại không một ai ngủ được, vì hễ năm xuống là nước miếng trào ra, rồi người này hỏi người kia:

" Anh không ngủ được "?
" Thèm đường qúa"

Ngày hôm sau vào dọn kho đường, hai người bạn đã cởi áo field jacket ra treo lên bao đường trên cùng, đâm lủng bao cho đường chảy vào 4 túi áo field jacket đến lúc ra về, khi ngang qua cổng trại, hai người bạn như vô tình vắt áo ngang qua vai đi vào cổng, công an vũ trang không ngờ được nên trót lọt, và tối hôm đó, sau khi công an khóa trái cửa trại của đội chúng tôi rồi, hai người bạn này nhân lúc phê bình kiểm thảo, đã mạnh dạn tự phể việc ăn cắp đường của cán bộ, và cả đội cũng thành khẩn kiểm thảo, phê bình, nhưng cả 46 chúng tôi lần đầu tiên được ăn chè lá mì nấu trong 2 thùng dầu hôi loại 20 lít, món chè ngon nhớ đời của 46 phạm nhân trong đội .

Mùa mưa năm 1975, tôi được chuyển từ đội lao động qua tổ lấy khoai mì. Rẫy mì cách trại khoảng 8 cây số, nằm sâu trong rừng tranh, phải lội qua nhiều đồi dốc và 2 con suối với 2 chiếc cầu độc mộc bắc chơ vơ giữa hai đầu ghềnh núi, ẩn thân dưới nhừng cây cổ thụ xum xuê cành lá, nên lối mòn lên và xuống dóc trơn và luôn luôn ẩm ướt dù thời tiết nào . Ớ đầu dốc nhìn xuống, tương tự như một mái nhà sàn của người Thượng, ngưỏi ta quen gọi là dốc dựng đứng, không thể nhìn thấy cuối dốc.

Lúc xuống dốc, thường thì chúng tồi ngôi lên bao tải đựng mì để tuột xuống, không phải phí sức, nhưng lúc đi lên, mới vất vả, nhất là trên vai còn cỏng một bao mì 50 ký ướt sủng vì lội qua suối .

Rẫy mì ước độ vài chục mẫu, được trồng lên do du kích địa phương, và rồi, cứ mỗi lần đoàn xâm nhập nào ngang qua, nhổ lên lấy củ xong lại có bổn phận phải trồng cây xuống để rẫy mì không bị bỏ hoang gián đoạn, đủ cung cấp mì cho lực lượng địa phương và các đơn vị hoạt động trong vùng, do vậy, có những củ mì to đến 7 ký, và cũng vì vậy mà mì bị sượng, ăn không ngon như những rẫy mì được trồng theo mùa . Nhưng đối với phạm, chỉ cần no bụng là đủ rồi, không cần đòi hỏi mỹ vị trong hoàn cảnh này .
Đối với nhiều phạm nhân, lấy mì là một điều hứng thú, vì có thời gian đi kiếm thêm rau cỏ, cán bộ vũ trang bảo vệ thường mệt nhoài vì 4 lần leo lên và tuột xuống 2 con dốc, đã trở nên dễ dãi hơn. Nhưng với tôi quả thật qúa sức mình, khi trên vai cỏng một bao mì 50 ký, ướt sủng nước lại phải leo lên và tuột xuống mấy đồi dóc, nhất là không thể đi trên cây cầu độc mộc bắc chơ vơ như vậy. Hơn nữa, con đường từ Trại tù đến rẫy mì là lối mòn đây cỏ tranh và cây dại, nếu gọi là đường thì đó là do chúng tôi qua lại lâu ngày mà tạo nên .

Với đôi dày lủng gót từ khi bi bắt cho đến bây giờ, chân tôi đã mang nhiều vết chai đầy theo, làm đau thốn những khi dẫm lên mầm tranh, gốc khô, hay vật cứng.

Cũng như bao nhiêu đội lao động khác, chúng tôi luôn luôn có công an vũ trang AK, lựu đan, và dao găm "hộ tống" do vậy, dù là đi tiêu, đi tiểu, chúng tôi vẫn phải đưa tay lên xin phép cán bộ, và dù có mệt mỏi tới đâu, chúng tôi vẫn phải cố vì những nòng súng AK luôn luôn chỉa mũi vào đám phạm nhân như rất vô tình .

Viết đến đây, tôi lại liên tưởng đến ngày đầu tiên vác gạo . Nét mặt của người nữ công an tên Mai cho đến bây giờ vẫn còn hiện rõ trong tâm trí tôi, cô dẫn chúng tôi đi vác gạo . Kho gạo nằm trong khu chế biến mủ cao su của đồn điền "Ni-Fran" , xuyên qua khu đồn điền cao su, cách trại tù khoảng 6km:
" Mỗi người một bâu" ,

Tiếng Quảng Ngãi, chữ bao thành chữ "bâu", thoạt nghe, chúng tôi đều nghĩ là cô nói dỡn, vì cô còn rất trẻ, khoảng 16, 17 tuổi là cùng, và cả đám chúng tôi nhìn nhau cười mĩm, tức thời, cô chĩa mũi súng lên trời bắn chỉ thiên một băng AK,

" Tao không tiếc vài viên đạn đâu nhé ", người Quảng tập nói giọng" Bắc kỳ 75" nghe thật sắc và chát chúa không khác gì âm thanh của tiếng súng AK, mặt cô tái đi và đanh lại, trông rất khát máu và ghê sợ, cô lặp lại " mỗi người một bâu, không được gánh, mở bao ra sẽ làm gạo hao hụt " và tất cả chúng tôi đều linh cảm sự việc sẽ rất tồi tệ nếu như chúng tôi không làm theo lệnh của nữ công an này .

Nhìn những bao gạo sọc xanh 100 ký, nằm theo từng hàng dài trong căn nhà gạch, tôi tự hỏi, nếu có thể vác được, nhưng làm sao bỏ lên vai.
Tinh thần tù, hay là "tình huynh đệ chi binh" đã khiến những người khoẻ, giúp những người yếu xốc đỡ bao gạo lên vai, người yếu đi trước , ai khoẻ và to con sẽ kèm sát bên, rất vô tình, nhưng lại hữu ý, đoàn tù đã làm việc này một cách tự nhiên mà không ai bảo ai , " hãy đi sát vào các góc cây cao su", không hiểu tiếng nói của phạm nhân nào lại can đảm phát ra trong không khí cô đặc và im lặng thế này, nhưng tức thì đoàn tù đều bước rất chậm và sát vào các hàng cây cao su, để khi đuối sức thì dựa mình vào thân cây cao su .
"Cứu người, cứu người"

Tiếng la của nhiều người phát ra ở phía trước làm những người tù đều dừng lại, không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra, thì bổng nghe: "có phạm nhân té xỉu, có phạm nhân té xỉu"

Nhiều người đổ xô lên phía trước " đứng yên tại chổ không tao bắn " và tức thì tiếng súng AK nổ lên chát chúa .

Tôi và 5 người nữa ở phía sau, vẫn chưa xốc được bao gạo lên vai, nên nhất thời không rõ chuyện gì, cho đến khi mọi người được lệnh ngồi xuống chờ, mới hay nhiều phạm nhân đã bị té xỉu, và một người là Thiếu Úy Quảng bị gãy xương sống.

Sau đó, chúng tôi được lệnh về trại mà không còn phải vác gạo nữa, nhưng hình ảnh đó tôi biết vẫn còn in sâu trong tâm trí những phạm nhân nơi đây.

Mùa mưa Cao nguyên thật nặng nề, mưa kéo dài suốt ngày, và rất nặng hột, như những cơn mưa giông ở bình nguyên , chỉ khác ở chổ là có gió mạnh và mưa suốt ngày, suốt tuần, hay suốt tháng, Và tù vẫn phải lao động, củ mì vẫn phải nhổ .

Cứ mỗi chiều sau giờ lao đông, đoàn tù xếp hàng chờ ở cổng, dưới trời mưa, để công an vũ trang khám xét trước khi cho vào trại, tôi nhìn họ mà quên mất mình . Một đoàn người lam lủ, quần áo tơi tả, tay áo hoặc ngắn hoặc dài, quần ống cao, ống thấp, vá víu từng sợi dây làm bằng vỏ cây, đầu trần chân đất, nón tơi hoặc có cũng bê bết nát tan, lầm lủi đi dưới cơn mưa, vai vác cuốc, tay ôm vài cây củi, hoặc một nắm lá rừng để làm rau ăn thêm . Nước mưa chảy đầy trên mặt, mà những người nào có nón, nón không lành lặn đủ để che hết những giọt mưa, nên những dòng nước mưa theo lổ rách đã cố tình chảy xuống khuôn mặt bám đầy bụi đất, làm loang lổ thành những vết dơ đầy trên mặt, cho tôi hình dung ra những bức vẽ phác họa, như thoạt đầu người ta pha sơn để thử màu đã phết lên trên tranh, và cũng thật rất giống tấm hình "chịu nạn " hay là hình ảnh của bộ phim Ben Hur một thời đã được chiếu tại Sài Gòn vào nhưng năm 60 .

Đôi khi tôi tự hỏi bản thân " tại sao chúng tôi còn sống được, còn làm việc được “(?)

Có phải mọi người cũng như tôi, đêm đêm quen gởi hồn vào mộng, ngày làm thì đưa tâm trí vào những kỷ niệm đã qua, rồi vẽ nên từng mộng ước, mà có khi lệnh ngưng lao đông cũng không nghe thấy, để được khen là "lao động tốt"

Có những khi tôi lại nhớ đến giờ Việt sử học ở thủa nào: "Quân Pháp tấn công đồn Măng -cá, Quân nam triều dùng đá và cung tên, tại sao chúng ta không có súng, và ước chi vào thời đó Nam triều có được một khẩu đại liên thì làm gì Măng- cá thất thủ, và làm gì tổng đốc Hoàng Diệu lại phải tuẫn tiết ở Bắc Kỳ.

Ngày lại ngày, tôi quên cuộc sống tù bằng mộng, tôi là cái máy, hay mọi người đều là cái máy, quên hẳn bản thân và quên được cả đời thực hàng ngày, để đến nỗi mỗi bữa ăn chỉ có 150 gram, mà cơm được đếm từng hột dính trên những khúc khoai mì sượng nấu hoài không chín, nhưng vẫn cảm thấy là đủ, dù vốn thực không hề no.

Mùa gặt bắt đầu vào tháng 10, những rẫy lúa thật tốt, bông vàng trĩu xuống vì thân cây không kham nỗi những hạt nặng trên bông, Ngô, khoai, đậu cũng đều trúng muà.

Ban gia’m thị sau khi thâu hoạch, lại tổ chức sinh hoạt kiểm điểm sa’u tha’ng đầu năm, và ăn mừng . Khẩu phần ăn của người lao động được tăng thêm 200 gram chất độn, hoặc bắp, hoặc khoai mì .

Và cũng từ đây, bắt đầu cho phép thăm nuôi vào ngày chủ nhật mỗi tháng .
Hai căn nhà tranh được cất lên ngoài khu trại giam dùng làm nơi tiếp thân nhân, những thân nhân ở xa tới, có thể nghĩ lại qua đêm, vã chăng đường từ thành phố tới trại giam không có xe đò, chỉ là xe Honda 2 bánh của tư nhân, hoặc là xe ôm chỉ chạy theo nhu cầu thăm nuôi, đến trại xong lại phải quay về thành phố mới kịp trong ngày, và vì vậy thân nhân thường phải ở qua đêm .

Phạm nhân được phép tiếp xúc với thân nhân 15 phút,

- Được phép nhận tối đa 5 ký gạo,
- 3 ký thức ăn mặn, gồm: đường, nước mắm, thuốc lào, thuốc bệnh, thịt, cá nấu chín) . . . tất cả đều phải trình cán bộ tại nơi thăm nuôi kiểm tra và cho phép mới được nhận .

Và cũng từ đây, phạm nhân chờ thăm nuôi để nghe biết nhiều tin tức từ thế giới bên ngoài .

Những tin tức nổi dậy của Lực lượng Fulrô ở các tỉnh Phú bổn, hay Quảng đức, Lực lượng Fulrô có mặt khắp các Buôn làng, hoặc là hễ đi làm rẫy là gặp Fulrô . . .

Và dần dần, chúng tôi nghe được những tổ chức chống cộng đã nổi dậy khắp nơi, và một số nơi đã bị bắt . Banmêthuột có Đảng Tự Do, do thành phần Học sinh, Sinh viên cầm đầu, và tin nầy được phối kiểm vào ngay ngày thứ hai tuần kế tiếp, với sự hiện diện của 14 thanh niên, tuổi từ 18 đến 25 được đưa vào trại B, cách trại A của chúng tôi ở bên kia con suối, trong đó có những người bị kết án 20 năm tù .

Những tin đồn về tướng Ngô Quang Trưởng lập Bộ Tư Lệnh ở Cao Nguyên Boloven (?), Nhiều đơn vị QLVNCH đã lập những mật khu để tái tấn công, những chuyến xe đò đi ngang qua rừng lá đã gặp được các đơn vị nhảy dù, và hành khách vừa khóc vừa cho tiền, Vùng 3 và vùng 4 Chiến Thuật đã rút vào các căn cứ địa mà không hề ra trình diên cộng quân . . . đặc biệt là Hải Quân còn nguyên vẹn, các sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến không hề bị thương tổn . . .

Những câu chuyện tương tự được rỉ tai từ người này đến người khác, và rồi phạm nhân trông chờ ngày chủ nhật không những để gặp thân nhân mà còn để gom góp tin tức nuôi chờ hy vọng, dù hy vọng quá mỏng manh.
Sau giờ cơm buổi chiều, chúng tôi thường có 15 đến 30 phút dạo chơi trong sân tù, để chờ vào trại, thời khắc đó qúi giá nhất, vì người ta có thể tâm tình với những ngườì bạn đồng tâm, trao đổi cho nhau những suy nghĩ và đặc biệt với tôi, là đánh giá những tin tức nghe được. Mấy người bạn thân thiết của tôi lúc đó là các ông Lê Xuân Hông, Đỗ Minh Giảng, và Trưởng Phòng An Ninh Tiểu Khu, Nguyễn Đình Long, chúng tôi đều có chung một ý nghĩ :

" Miền Nam chỉ là con tốt của một bàn cờ, và Hà nội chỉ là công cụ của chủ nghĩa cộng sản . Dân tộc Việt Nam thật khó quyết định được vận mệnh của mình". Và vì vậy mà những tin tức chúng tôi nghe được không làm chúng tôi vui mừng và không hy vọng.

ĐÊM CHO TÔI CẢM XÚC.

Một buổi chiều sau giờ cơm, tôi một mình vòng qua tổ anh nuôi, thấy vài ngườì tù cũng đang vịn hàng rào kẽm gai nhìn về phía sau của khu nhà Giám thị, tôi cũng lân la đến nhìn những con heo nuôi thả rong của công an võ trang đang dành nhau những mảnh cơm cháy đổ ra gần hàng rào trại, chúng húc nhau, cắn nhau dành ăn, và ủi một miếng cơm cháy văng vào trong hàng rào trại tù, một người tù ở cùng đội với tôi, nhưng anh nằm ở cuối dãy đối diện, gần phòng tiêu tiểu, anh không để ý đến sự có mặt của tôi và mấy người nữa đang đứng cách xa anh vài ba thước, đã vội vàng cúi xuống nhặt lấy miếng cơm cháy dấu vội vào túi áo, thấy vậy, tôi và mấy người khác lảng đi . Đêm lại, khi mọi người đã ngủ, tôi trở mình và trong cái vắng vẻ vô cùng của đêm, tôi nghe rõ tiếng nhai cơm cháy của ngườì bạn nằm gần khu tiểu tiện , miệng tôi chảy nước miếng, và lòng tôi se lại, bổng dưng nước mắt tôi chảy ra, tôi thao thức suốt đêm không cách nào ngủ lại.

Quả thật cuộc sống của chúng tôi không bằng những con heo trong lúc này, chúng tôi chỉ ăn cơm độn khoai, mà cơm thực ra chỉ vỏn vẹn mươi lăm hột dính vào củ mì . Có những bận tôi từng ước sau khi được tha về, việc đầu tiên là tôi sẽ bảo nhà tôi cho tôi ăn một bữa cũ mì thật no, củ mì không bị sượng !

Có phải cơn đói sẽ rửa sạch cái tôi của con người hay không tôi không biết, nhưng trong lúc đói, tôi biết con người thật rất dễ bị cám dỗ bởi cái ăn .
Câu chuyện này cứ ám ảnh tôi mãi, và mỗi đêm khi mọi ngườì ngủ hết, tôi một mình thức giấc lại thương người bạn tù cùng đội của mình. Thật là khốn khổ thay cho chúng.

CĂN NHÀ BIỆT LẬP

(Kỳ tới)
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

Image

CĂN NHÀ BIỆT LẬP

Một buổi sáng chủ nhật, chúng tôi thức dậy, nhìn ra phía sau trại giam, nơi làm việc của Tổ Rèn, bổng nhìn thấy một căn nhà tôn , mái tôn, vách tôn che kín cất lên trong đêm . Căn nhà được bao quanh bằng hàng rào kẽm gai cao qúa mái và còn được che thêm một lớp tôn cao ngang tầm hàng rào, nên những người ngoài không thể biết những gì ở bên trong.

Hai ngày sau, chúng tôi được biết căn nhà đó hiện giam giữ những vị Tuyên Úy của Quân đội, gồm các Đại đức, Thương toạ, Linh mục, và Mục sư.

Họ không tham gia các sinh hoạt như chúng tôi, Không lao động và học tập chính trị, không ăn chung và cũng không tắm giặt trên cùng một con suối với chúng tôi, họ bị biệt giam thực sự, một nhà tù trong nhà tù,
Thức ăn và nước uống của họ do cán bộ quản giáo phụ trách mang tới, họ bị cách ly hoàn toàn.

Nhiều buổi chiều sau giờ cơm, chúng tôi có 30 phút nhàn du trong sân tù, và thường hay dạo quanh căn nhà tôn biệt lập, để mong được biết những ngườì bị giam trong đó là ai, nhưng ngoài tấm bảng "Cấm đến gần nếu không có lệnh", chúng vẫn không biết được gì !

Cuộc sống của những vị tuyên úy với chúng tôi thật gần trong gang tấc nhưng lại xa vời vợi.

Một đôi khi qúa mỏi mệt vì lao động, tôi lại ước được như họ, được nghĩ ngơi và yên tĩnh tâm hồn, để không phải nghe những bài bọc chính trị kèm theo những câu "phải chấp hành tốt nội qui trại, phải thành khẩn khai báo tội lỗi bản thân và đồng đội, phải học tập tốt, lao động tốt để được khoan hồng "

Tôi muốn rằng, những phút yên tĩnh thực sư của cuộc sống tù tội nầy, cho tôi cái êm ái thực sự hơn là những mệt mỏi của bao ngày gánh mì, của từng bước chân, bước đi để té xuống trên hai con dốc và chiếc cầu độc mộc bắc chơ vơ trên ghềnh dốc của con suối tôi đi .

Sự bí mật của căn nhà biệt lập ấy kéo dài cho đến 4 tháng sau, vì nhu cầu, tôn được dở ra để lợp kho, chúng tôi mới nhìn rõ những khuôn mặt quen thuộc trong căn nhà ấy .

Buổi chiều hôm đó, cũng sau giờ cơm, tôi và ông Lê xuân Hồng bảo nhau đi tìm người quen, hai chúng tôi bước thật chậm quanh hàng rào, và một đôi lúc cố nói hoặc ho thật lớn để mong những người trong căn nhà ấy bước ra, nhưng không có kết qủa .

Đến hôm sau, tôi và ông Đỗ Minh Giảng, cũng dạo quanh dãy rào kẽm gai như thường lệ, và hai chúng tôi vừa ngỡ ngàng lẫn mừng rỡ vì nhìn được những vị Tuyên Úy bên trong :

- Hai vị đại đức, trong đó có một vị ở chùa Khải đoan, tôi quen mặt nhưng không biết tên,

- Linh mục Đỗ văn Tháp, cha xứ Thọ Thành, Linh mục Võ quốc Ngữ, gíao xứ Vinh Quang, Hà Lan B, Cha Nam Huân, Cha Trương Trọng Tài, Giám đốc Trung Tâm Xã hội, một trung tâm vừa mới được thành lập vài ba năm nay để chăm lo cho các trẻ mồ côi và khuyết tật ở cuối đường Hoàng Diệu; Cha Nguyễn chánh Trực, giám đốc Tiểu chủng Viện Lê bảo Tịnh, địa phận Banmêthuôt.

- Một mục sư chúng tôi không biết tên .

Họ ra dấu chào chúng tôi và đưa tay làm hiệu để hỏi " đã mấy tháng rồi" . Đó là khoảng giữa tháng 12, năm 1975 .

Và từ đó, cứ mỗi buổi chiều, chúng tôi vẫn thăm nhau qua từng ấy cử chỉ . Một lần, Linh mục Trương Trọng Tài vất ra cho tôi nửa bánh thuốc lào, kèm theo một câu hỏi " có khoẻ không ", cho đến một hôm, tôi lâm bệnh, cơn bệnh bắt đầu là sốt cao, và đau nhức các khớp xương bã vai, khớp xương ống chân, cơn sốt kéo dài liên tục suốt đêm, tội nghiệp bác Điền, Ty Chiêu Hồi Quảng Đức là đội Trưởng, đã săn sóc tôi suốt đêm . Sau giờ cơm chiều, hai người bạn già tìm đến tôi, thấy tôi vẫn trùm mềm, ông Hồng mới chạy về đội đem đến cho 6 viên Asperin, Asperin bây giờ còn quý hơn vàng, tôi liền uống 2 viên và rồi từ từ đau nhức thuyên giảm .

Tôi khai bệnh nằm nhà hơn một tuần, sức khoẻ giảm sút rõ rệt, bước chân đi không còn vững, nhưng cứ chiều đến, sau giờ cơm, những người bạn già của tôi lại đến dìu tôi đi bách bộ dọc theo hàng rào kẽm gai của căn nhà biệt lập như để thông báo với những người trong căn nhà đó . Cha Đỗ văn Tháp nhìn thấy và báo cho những người khác, ngài ném ra cho tôi 5 viên đường thẻ, cha Võ quốc Ngữ nhìn tôi và chấp 2 bàn tay lại, cha Nguyễn chánh Trực đưa tay làm dấu, như ngụ ý là "ta cầu nguyện cho con "

Cuộc sinh hoạt của trại tù và đời sống phạm nhân vẫn cứ thế, người ta chỉ thấy trại tiếp nhận thêm mà hoạ hiểm lắm mới thấy có người được phóng thích vào những dịp như 2 tháng 9, 1 tháng 5, và những người được tha, là những nhân viên hành chánh của các ty sở, hoặc một vài Hạ Sĩ quan .
Về phần tôi, tôi nghĩ rằng định mệnh đã an bài, để một đôi khi nghĩ đến, tôi vẫn thường hát khẻ câu hát của một bài hát nào đó mà bổng dưng tôi quên mất : " . . . ngày về xa lắc xa lơ . . . "

Tuần lễ thứ 2, kể từ khi trại cho phép thăm nuôi, thì Thầy mẹ tôi đến thăm tôi, khi người phạm nhân trực trại đến tìm tôi và báo cho tôi có ông bà cụ đến thăm, tôi bất ngờ đến sửng sốt . Thầy tôi năm nay đã ngoài 65, mẹ tôi cũng đã ngoài sáu chục, dù sức khoẻ còn tráng kiện, nhưng cơn mưa chiều kéo dài suốt đêm qua đã làm lầy lội thêm con đường đất đỏ từ Quảng Nhiêu đến trại giam, đường chỉ là những hố bùn làm sao thầy mẹ tôi có thể đi được . Tôi nghĩ thế và lòng tôi se lại . Tôi lau vội mặt, cố che dấu nét xanh xao trên khuôn mặt bệnh hoạn, đi đến khu tiếp tân để gặp thầy mẹ, lòng mang một cam giác xôn xao như thủa nào thầy mẹ tôi cũng từng đến Quân Trường Thủ Đức thăm tôi .

Đã 8 năm hơn, vào một chiều thứ 6, khi Đại đôi tôi vừa học xong lớp chiến thuật, tôi được người thượng sĩ già của đại đôi báo cho biết có thân nhân đến thăm, tôi xin phép chạy ra phòng tiếp tân, gặp thầy mẹ và tuần đó, tôi được phép cuối tuần từ chiều thứ 6, mà lẽ ra là phải đợi đến sáng thứ 7 .
Cũng như ngày đó, hôm nay thấy tôi, mẹ tôi vẫn ôm lấy tôi mà khóc . Người công an trực trại mặt vẫn lạnh như tiền đến bên thầy tôi và ra lệnh " không được khóc, con bà có tội với nhân dân nên phải đến đây học tập, như thế là đảng và nhân dân đã khoan hồng lắm rồi", mẹ tôi buông tôi ra va nói "con xanh lắm, con có bị bệnh gì không"?

Tôi trả lời mẹ rằng tôi vẫn khỏe, chỉ vì mới cảm từ hồi hôm mà thôi .
Chúng tôi nói với nhau những tin tức gia đình, anh cả tôi vẫn mất tích, anh hai tôi đang ở trại số 6, rồi thầy tôi nói nhỏ bên tai tôi, "con có quà của các chú và các bác, tất cả là 50 đồng" tôi trả lời đủ để thầy nghe " con không được phép giữ tiền, thầy đừng đưa ra", tôi hiểu 50 đồng rất lớn đối với thời bấy giờ, nên không nỡ lấy, vã chăng tôi cũng chẳng cần đến số bạc ấy làm gì .

Mẹ tôi mở giỏ xách trình cán bộ những món mẹ mang cho tôi, gồm 4 lon guigot thịt kho, cá kho, ruốc và thịt trộn sả, đường, thuốc lào, 5 ký gạo, thuốc asperin, thuốc đau bụng, một lít rượu ngâm thuốc bắc . Công an vũ trang nhìn tất cả các món rồi cầm chai rượu thuốc lên và hỏi:

" Bà mang rượu vào đây "(?)
" Thưa cán bộ đó là thuốc phong cho con tôi"

Nhìn thầy mẹ tôi trong lúc này quả thật tôi không cầm nỗi cảm xúc, giọng nói của tôi cũng lạc đi và ngẹn ngào khi trả lời thầy mẹ tôi trong một vài lần.

Thầy mẹ tôi ở lại với tôi chừng 20 phút rồi phải theo chuyến xe ra về. Nhìn theo bóng thầy mẹ tôi khuất dần trong xa, tôi quay bước trở lại trại giam, mà lòng đầy xúc động.

Tôi liên tưởng tới thủa nào, thủa nào chỉ vừa mới qua đi đâu đây hay lúc nãy, khi tôi vừa tiễn bước thầy mẹ lên xe, thủa mà gia đình tôi còn xum vầy .

Là con thứ ba, tôi có 2 em còn nhỏ, đang theo học Trung học , hai người anh lớn đều phục vụ ở những đơn vị xa, nên tôi phải xin về gần thầy mẹ, và rồi cứ mỗi chủ nhật, tôi về thăm thầy mẹ tôi một lần, những lần về với thầy mẹ tôi, câu đầu tiên tôi nghe mẹ nói vẫn là "mẹ chờ con từ sáng tới giờ" và rồi cứ mỗi lúc ra đi, thầy mẹ tôi lại tới vịn vào cửa xe mà tiễn biệt .
Ngày tôi trình diện nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, thầy tôi tiễn tôi đi, đứng bên cầu thang dây của chiếc C123 Quân sự, thầy ôm tôi mà nói "bây giờ con không còn là con của thầy mẹ nữa, mà là của quân đội, con hãy nhớ giữ gìn lời ăn tiếng nói , nhất là với bạn bè, vì thầy mẹ không còn săn sóc được con nữa", câu nói ấy của thầy tôi vang vọng trong tôi từ suốt cuộc đời quân ngũ, những lúc mệt mỏi ở quân trường, hay là giây phút hiểm nguy ngoài chiến trận.

Tiếc thay, cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa làm sao làm tròn bổn phận của một người con, tôi vẫn là nỗi lo lắng của thầy mẹ, có có chăng chỉ là cái hảo huyền thầy mẹ tôi hãnh diện về việc học hành của tôi, tôi có 2 văn bằng Cử nhân của hai trường Đại học, Khoa học và Luật Khoa, khiến cho mẹ tôi lúc nào nói về các con, mẹ vẫn tự hào với các chú, các bác . Có những lần về thăm thầy mẹ, cô em gái tôi thường tâm sự là thầy tôi rất vui vẻ khi nói về tôi, hai anh lớn của tôi, tuy giữ những chức vị cao, nhưng chỉ tốt nghiệp một trường đại học, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh . Thầy thường nhắc nhở hai em tôi phải học cho giỏi như tôi, rằng thầy mẹ nghèo chỉ vì lo cho các con ăn học mới nghèo, nên chẳng sợ ai khi dễ cái nghèo của thầy mẹ .

Trong bối cảnh hôm nay, khi nghĩ về thầy mẹ tôi, tôi lại cố nhớ đến lời tâm sự của cô em gái để tự an ủi chính bản thân mình, như rằng tôi cũng đã làm được một chút gì cho thầy mẹ.

Hình ảnh nhừng ngày thăm nuôi của thầy mẹ tôi ám ảnh tôi mãi, có lẽ còn đến hết kiếp người, trong bao giấc ngủ, những phút lao cực hàng ngày, khi nghĩ về gia đình, hình ảnh thầy mẹ tôi lại hiện ra trong trí tôi, đôi bóng dáng còm cỏi, lưng còng, tóc bạc với vai mang tay xách, bước đi tất tưởi như mang bao tủi cực của phận làm người mà lại đã sinh ra những đứa con xấu số, để đến tuổi già, vẫn chưa trả hết nợ nuôi con .

Thấm thoát thế mà thời gian trôi qua cũng đã hai năm, hai năm rồi chúng tôi làm những người tù khổ sai không có án, mà hạn khổ sai là " KHI NÀO HỌC TẬP TỐT SẼ ĐƯỢC KHOAN HỒNG ". Tất cả quanh tôi không có gì đổi mới, và thời gian cũng vô tình như không cần biết đến bao tủi cực trong lòng người, bao đổi thay của những kiếp người, nhẫn nhục chịu đựng hay kiêu hảnh .

Hôm nay, ngày 30 tháng 4, 1977, chúng tôi được nghĩ lao động để ăn mừng ngày chiến bại của bản thân mình .

Viết thế này tôi lại nhớ đến Thanh An, đi lao động chung với công nhân làm đồn điền, một bà cụ ngoài 50, đem đến cho tôi 2 củ khoai lang và nói, "con ăn đi, tại các con đánh giặc dở qúa để bây giờ bác và các con đều khổ" Tôi nghe bác nói, một cảm giác gai óc chạy dài theo xương sống, lòng tôi se lại, một nỗi xót xa vô hình nhức buốt như xát muối . Tôi muốn nói với bác là "không phải chúng con dở đâu, chỉ tại nước ta nghèo, quân đội mình không đủ vũ khí và phương tiện chiến đấu, còn kẻ thù của chúng con được cả một khối cộng sản thế giới yểm trợ và viện trợ" . Nhưng dầu sao, tôi vẫn cảm nhận nguồn an ủi của tấm chân tình mà dân miền Nam vẫn còn rất thương mến chúng tôi .

Ngày 30 tháng 4 là ngày đại lễ của kẻ chiến thắng, nhưng là vết nhục đau hơn những nhát chém của Quân lực VNCH, vết nhục ngàn đời chưa chắc gột rửa hết .

Trong những ngày này, Trại tù được lệnh tổ chức văn nghệ, thi đua giữa hai trại A và Trại B.

Trại B cách chúng tôi một con suối, nơi giam giữ thành phần tệ nạn xã hội, như trộm cắp, du đảng, mãi dâm . . . và Đảng Tự Do bị bắt .
Những ngày lễ, khẩu phần của phạm nhân cũng được thay đổi, mỗi phạm nhân được ăn thêm 100 gram thịt bò hoặc heo và cơm trắng không độn khoai mì.

Thường thì chúng tôi dành nửa ngày nghĩ để lo giặt dũ áo quần, chăn gối, và thời gian còn lại sẽ tham dự các sinh hoạt văn nghệ theo lệnh của trại giam .

Thực ra, có lẽ không mấy ai vui thích với chương trình này, nhìn trên khuôn mặt những người tham dự, người ta đều đóan biết tâm trạng của họ . Vâng vui thế nào được khi mà tận cùng trong tâm hồn họ đều còn mang năng mối tâm tư:

"Bó tay về với triều đình,"
"Hàng thần lơ láo phận mình sao đây"

Cái tâm trạng ấy cụ Nguyễn Du một thời đã viết, nhưng hoàn cảnh của cụ thật không cay đắng như những người tù đang ngồi đây . Và trên từng khuôn mặt của mỗi phạm nhân vẫn còn hiện rõ nét bẽ bàng không che dấu nỗi, cho nên, cũng như cụ Nguyễn Du :

"Vui là vui gượng kẻo mà . . ."
"Ai tri âm đó mặn mà với ai "

Nào ai có thể đọc thấu tâm tư của chúng tôi, hay hoặc giả có ai đó biết được, thì cũng chỉ là cái võ đoán mơ hồ khi nhìn những khuôn mặt giã ngây của những người tù sống gượng, mà như bao nỗi kinh hoàng vẫn còn in đậm trên từng khuôn mặt mỗi người . Quả thật nét bàng hoàng đó, dầu đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng vẫn chưa thể nào xóa hết .

Và rồi sau bao nhiêu giấc ngủ, những khi chợt thức, nhìn vào căn nhà tôn vách nứa, tôi vẫn tưởng như rằng tôi đang mơ . Có những ngày, nhất là trong năm đầu, dù là làm việc thật mệt mỏi, chân bước thật nặng nề, và trên vai, bao mì còn đè nặng, nhưng tôi cứ tưởng như rằng không phải tôi đang làm việc đó . Tôi không nhận ra tôi hôm nay, tôi đang mơ hay vẫn tỉnh .

Thường khi thức dậy mỗi buổi sáng, ngồi xếp hàng điểm danh để sửa soạn ra rẫy đào đất, mà tôi cứ tưởng như là không phải tôi đang ngồi đó, giữa những hàng người áo, quần tơi tả, da bủng, mặt chì . Và như thế đó, có ai đọc được từng ý tưởng đang sôi động trong tâm hồn chúng tôi, đang chu lưu như bao mạch máu trên châu thân .

Dù đã quen rồi, dù cái nhân mình đang dự sự, nhưng như rằng, tôi không thể kềm hãm được cảm xúc mỗi khi tưởng tượng tới hay chứng kiến cái hoạt cảnh, một đoàn người áo quần vá víu bằng từng sợi dây rừng, đầu trần chân đất, lầm lũi đi dưới cơn mưa, được "hộ tống" bằng 5, 7 người công an vũ trang.

Có ai đã từng đọc cuốn "Người tù khổ sai", chắc sẽ hình dung ra được cảnh tượng này, dù có rất nhiều khác biệt, và sự khác biệt đó chính là "Người tù khổ sai" vẫn còn chưa khốn khổ và thảm khóc như những người tù Mê Van hôm nay của chúng tôi .

Trong những lần sinh hoạt, cán bộ trại giam luôn luôn nhắc tới câu " Xã hội chủ nghĩa không có nhà tù, mà chỉ có những trại cải tạo" . Đúng là "Xạo Hết Chổ Nói", không phải nhà tù, chỉ có Trại Lao Động khổ sai, những người tù không bao giờ bị tuyên án !

BÀI HỌC CHÍNH TRỊ KHÔI HÀI

(kỳ tới)

8)
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

BÀI HỌC CHÍNH TRỊ KHÔI HÀI



Trong hơn hai năm qua, chúng tôi đã được học rất nhiều bài học chính trị, đã nghe rất nhiều chuyện chung quanh nhóm danh từ, “Quân đội nhân dân anh hùng, đảng cộng sản Việt nam quang vinh . . .”, nhưng những đề tài đó, mức độ khả tín dù có trừ đi 99% thì vẫn còn chưa đến nỗi trơ trẻ một cách thô bỉ như đề tài hôm nay:

TÌM HIỂU "TÌM" LỰC KINH TẾ MỸ

Sau khi nghe cán bộ Tỉnh trình bày đề tài, chúng tôi được lệnh về trại, để mỗi đội thảo luận câu hỏi do cán bộ đưa ra, và sáng ngày mai đến hội trường nộp biên bản và nghe đánh giá tinh thần học tập câu hỏi nghiêm túc, đúng đắn của mỗi đội .

Tất cả 9 đội gần 500 phạm nhân, đều cùng hiểu "một cách sai lầm nghiêm trọng, là đã thảo luận đề tài: "Tìm hiểu tiềm lực kinh tế Mỹ", mà không phải là:” TÌM HIỂU "TÌM " LỰC KINH TẾ MỸ” .

- Do đó, trọng tâm thảo luận sai,

- Không nắm bắt được vấn đề,

- Thiếu trình độ học vấn

Đó là 3 nhận xét của một cán bộ giám thị lảnh đạo trại, người Bắc, tốt nghiệp Kỷ sư đường, về 500 phạm nhân tham dự bài học chính trị này .
Cán bộ cắt nghĩa :

Đã bảo là tìm hiểu, "tìm lực" là tìm hiểu lực lượng sức mạnh kinh tế của đế quốc Mỹ, chứ tiềm lực là cái gì !

Một phạm nhân, nguyên là Giáo sư mạnh dạn phát biểu :

- Thưa cán bộ, chúng tôi hiểu là tìm hiểu tiềm lực kinh tế Mỹ, vì nghĩ rằng trong một câu viết không thể có hai động từ , cho nên hiểu chữ TÌM là chữ TIỄM đánh máy sót chữ "i"

- Sai, tôi bảo là sai, tất cả các anh về trại, đào sâu suy nghĩ, nắm bắt vấn đề, tìm hiểu trọng tâm cho đúng đắn, tiếp tục thảo luận và nộp biên bản cho tôi !

Than ôi trình độ của một cán bộ giám thị, lảnh đạo trại tù, tốt nghiệp kỷ sư . Tôi cứ suy nghĩ mãi về sự việc và tự hỏi thầm " không lẽ những người này cai trị đất nước thật ư" mỉa mai thay !

CHUYỂN TRẠI

Một buổi trưa, khi mà tin đồn một số phạm nhân sẽ được đưa ra miền Bắc đang gây xôn xao và căng thẳng tinh thần chúng tôi, thì tôi và 9 phạm nhân khác được gọi lên phòng trực trại .

Người công an phụ trách Đội 9, bước vào đội khi chúng tôi đang ăn trưa, đặt cuốn sổ điểm danh lên sạp nằm, rồi móc túi lấy ra một bản danh sách đánh máy, gồm 2 trang, anh đọc tên 10 người, trong đó có tôi, và ra lệnh: "Những người có tên tôi vừa đọc, ngay khi ăn cơm xong, phải thu dọn tất cả đồ dùng cá nhân mang lên phòng trực trại, nhận lệnh mới. Những người nầy còn nợ ai, hay ai còn mắc nợ họ, đều phải thanh tóan trong vòng 15 phút, bây giờ là 12 giờ 30 "

Tôi bàng hoàng bỏ chén đủa xuống, miệng tôi như ngẹn lại, không còn ăn tiếp được .

Thực sự cảm giác cho tôi lúc này, không phải là nỗi lo sợ, mà là cái sửng sờ vô tri giác. Việc đầu tiên là tôi vội vàng mở ba lô, lấy giấy viết vội vàng vài dòng nhắn tin cho thầy mẹ tôi và nhà tôi nhét vào túi của Tài, (Phó tỉnh Nội An, Thừa Thiên, Huế) để anh tìm cơ hội gởi ra ngoài cho tôi. Cách thức nhắn tin của những người tù như chúng tôi là lén lút nhờ công an Vũ trang chuyển cho, và thù lao là hai bao thuốc hay quà cáp lúc có thăm nuôi.
Khi tôi vừa gấp vội tờ giấy và dặn Tài xong, thì những bạn bè thân thiết đã đến chào chia biệt, tôi xúc động như nỗi biệt ly mà trong đời chưa từng trải qua, nghẹn ngào không nói được nên lời, nhất là khi anh Long, Phòng An ninh Tiểu Khu Darlắc kề tai tôi nói nhỏ " Chia cách này không biết bao giờ mới gặp lại, xin Thượng đế phù hộ anh", rồi thì những người khác cho tôi cá khô, cơm gói, đường, thuốc lào, là những gì qúy giá nhất của người tù trong hoàn cảnh này, Lê X. Hồng, Đỗ M Giảng cầm tay tôi mà cắn môi không nói một lời, Trị CSĐB Châu Sơn nói nhỏ: "hãy khoan một chút, tao đang nấu xôi, để tao gói cho ăn đường, mau lắm thôi, chờ tao . . .” tôi không rõ ai đã ôm tôi, hôn tôi, đâ’m vai tôi, vì tâ’t cả họ đều ôm lấy tôi, làm tôi vô cùng xu’c động, tôi chỉ nói được một lời: " cám ơn, cám ơn"
Ở những đội khác, trong sân trại, những phạm nhân cùng có tên ra đi, cũng được bạn bè tiễn biệt như tôi và tất cả mọi người đều có chung một ý nghĩ, "chúng tôi bị chuyển ra Bắc"

Sự việc naỳ đã xảy ra trong các trại tù khác trên toàn miền Nam, mà những lần thăm nuôi, thân nhân đã kể cho chúng tôi.

Sau khi thu xếp xong các vật dụng, chào từ biệt đội và bạn bè, tôi cùng với 9 người khác ra khỏi cổng trại, đứng chờ bên ngoài bờ rào kẽm gai, trước khu nhà Ban Giám Thị .

Quay nhìn về phía trại, tôi thấy từng nhóm phạm nhân tụ lại trong sân tù, và tất cả đều hướng về phía chúng tôi và cùng đưa tay vẫy chào, chúng tôi vẩy lại từ biệt họ, cảnh tượng này cho tôi một cảm giác kỳ lạ, pha lẫn những bâng khuâng và bịn rịn, ngậm ngùi mà như không phải bùi ngùi, tiếc xót nhưng lại rất hoảng loạn . Tôi nhìn rõ 9 người trong nhóm, Vũ Dư, Trưởng Ty Thuế Vụ; Hoàng Kim Ký, Trưởng G đặc Biệt Quận; Bình, Trưởng Phòng của Trung Tâm Chiêu hồi, mà anh là Hồi Chánh Viên, có lẽ cũng vì thế mà anh tỏ ra lo lắng nhất, trên mặt anh hiện rõ nỗi lo lắng lẫn kinh mang, anh thường cúi đầu xuống, lặng lẻ và thở dài; Sơn, Biệt đội Quân Báo Quân Đoàn; Lâm, chánh Lục Sự Toà Án, Xuân Thiếu Úy thuộc Toán Huấn luyện Tiểu Khu; Chi Trưởng Cuộc Cảnh Sát và 2 người khác tôi chỉ quen mặt mà không biết tên.

Nhìn toán người chuyển trại, tôi nhẫm tính trong đầu "có thể đi Bắc thật, vì ai cũng nặng ký cả, và tôi bắt đâu lo sợ". Để trấn áp cảm giác này tôi nói xã giao với mấy người lạ, và bắt tay những người từng biết tên, Vũ Dư nói: " Rất mừng cùng đi với anh", Ký nhìn tôi: "đi đâu đây anh", tôi im lặng không trả lời .

Khoảng 1 giờ, chúng tôi được lệnh đến xếp hàng trước phòng trực trại, 4 công an võ trang khám xét đồ dùng cá nhân của chúng tôi và bảo chúng tôi ngồi chờ .

Lúc này bổng nhiên tôi không còn cảm giác hoang mang nữa, và có lẽ những ngày tháng ở đây đã dạy tôi phải bình thản trước mọi việc .
Ký đưa điếu thuốc lào cho tôi;

- "Hút một điếu lấy bình tỉnh "

- " Anh có sợ bị ghẻ không "? Tôi quay sang hỏi Ký và Dư, cả 2 cùng nhìn tôi cười, và tôi đã trả lời thay họ, cũng như tự nói với chính mình: "Đã bị cùi rồi còn sợ chi ghẻ, đi đâu cũng vậy thôi"

Khoảng 1 giờ 20, Cán bộ Giám Thị trưởng đến gặp chúng tôi và cho biết:
" Các anh là những người học tập lao động tiến bộ, nên được chọn đưa đến công tác một nơi khác, trong công tác mới, tôi mong các anh cũng nhiệt tình trong công tác, đảm bao kỷ luật tốt, chúc các anh sức khỏe"

Giám thị trường nói xong, 4 công an võ trang ra lệnh chúng tôi xuất phát, và chúng tôi được dẫn tới chiếc xe Cam-nhông mui vải, không che phía sau với 4 công an vũ trang áp giải . Bao nhiêu con mắt, bàn tay của phạm nhân trong trại đều hướng về chúng tôi và vẫy tay chào từ biệt . Tất cả chúng tôi khi bước lên xe, đều quay cả về phía họ vẫy tay từ giã .

Một trong 4 công an áp giải lên tiếng: " Bây giờ các anh an tâm nhé, chúng ta về tỉnh nghĩ lại đêm nay và sáng mai sẽ tiếp tục lên đường"

Hai năm hơn không có dịp nhìn lại thành phố, được đi trên con đường quen thuộc một thời nào, tôi nghe lòng mình rộn lên, một cảm xúc nào đó, trong một thoáng, không cách nào diễn tả được, bây giờ đang tràn ngập tâm hồn tôi .

Con đường Tự Do chạy dài từ Cây Số 3 vào Ngã 6 Thị Xã, một bên là Cuộc CSQG Chư KPlong - Một bên là Bến Xe Cây Số 3, bây giờ đã không còn nhộn nhịp như xưa, vắng vẻ và tẻ lạnh - Hai cây Xăng đóng cửa - Phi Trường L19 vẫn im lìm vây kín bởi mấy lớp tôn xi-măng và dây kẽm gai - Những Ty Sở như Lao Đông, Kiến Thiết, Thanh Niên mang màu hoang phế không người qua - Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh vẫn còn đó, nhưng tấm biển trên 2 trụ cổng chính đã không còn - Hàng chữ đỏ trên bức tường sân thượng : KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO đã không làm mất được nét tôn nghiêm một thời của nó, và cũng không bôi bỏ được câu " TỔ QUỐC DANH DỰ TRÁCH NHIỆM CÔNG MINH LIÊM CHÍNH " như vẫn còn ẩn hiện đâu đó trên khỏang không nầy .

Ty Xã hội, Ty Nông Nghiệp, hình như nay đã trở thành một cơ quan nào đó .

Đường vào Thị Xã, Trước Công Viên Ngã 6, được dựng lên một cổng chào với tấm khẩu hiệu nền vàng son đỏ, tôi không kịp đọc - Tư dinh của Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh, vị tư lệnh xin từ nhiệm với Tư lệnh Quân đoàn khi Banmêthuột vưa mất được mấy ngày và Sư đòan vẫn còn đang chiến đấu với quân thù! nay là Trụ Sở Hội Phụ Nữ .

Khách sạn Anh Đào đã được sửa lại, nhưng 2 chữ Hotel vẫn còn nguyên .
Từ trên xe nhìn thoáng qua Thị Xã, tôi mang cái cảm giác vắng lặng và tẻ nhạt của một phố thị không ngườì, với đầy đủ nét điêu tàn và hoang phế. Tôi nghe rõ nỗi ngậm ngùi và cảm giác xót xa đầy ấp trong lòng . Hai năm rồi, nay nhìn lại phố thị, cảnh cũ còn đây, nhưng người cũ đã về đâu. Vẻ sầm uất đô hội ngày nào đã không còn nữa, và không hiểu bây giờ những người thành phố nầy đã ra sao. Chúng tôi nhìn nhau như cùng tiếc nuối không nhìn được khu chợ, để xem sinh hoạt của dân chúng và thị xã.

Xe chạy qua Hội Đồng Tỉnh, Toà Án, bây giờ không hiểu là cơ quan nào, rẻ vào Lê Lợi, đưa chúng tôi đến Trung Tâm Cải Huấn Tỉnh.

Những bức tường đổ nát của các công thự mặt sau của Tiểu khu, Khu cư xá Sĩ quan, và bức tường Trung Tâm Cải Huấn lổ loang nhừng vết tu sửa vì dấu đạn càng làm tăng thêm nét hoang tàn của khu ngoại vi , dầu đã hơn hai năm .

Xe chạy vào sân Trung tâm Cải Huấn rồi đổ lại, hai cánh công sắt từ từ khép kín, không khí ngục thất như tràn ngập cả một khoảng không gian .
Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng dùng làm nhà hội, , và được tổ anh nuôi (nhà bếp) cho biết họ sẽ cấp cho chúng tôi bữa ăn tối và bữa cơm trưa ngày mai, đồng thời yêu cầu chúng tôi không được tiếp xúc với bất cứ ai trong nhà tù nầy, không được đi lại linh tinh .

Nhìn những dãy phòng khoá trái cửa, mà trong đó đều nhốt đầy ắp tù nhân, chỉ mở ra đúng 6 giờ sáng và 6 giờ chiều, chúng tôi cảm thông sâu xa với những người trong đó.

Sáng hômm sau, vào khoảng 6 giờ 15, chúng tôi vừa làm vệ sinh cá nhân xong, đang đứng thơ thẩn trước mấy của sổ của phòng hội, nơi chúng tôi đang tạm trú, nhìn sang những căn phòng đối diện, , từng công an phụ trách, lần lượt mở các cửa phòng và dẫn các tù nhân ra bể nước, cạnh phòng hội, để họ làm vệ sinh cá nhân . Nhìn vào những căn phòng mở cửa tối thui, khoảng 2m x 3m, nhưng nghe nói nhốt đúng 8 người, tôi tưởng như mình vừa bị ngôp.

Tôi mạnh dạn hỏi khẻ một người đứng gần tôi nhất, đang chờ xếp hàng đến bể nước:

- Bị bắt về tội gì ?

- Phản động

- Được thăm nuôi không ?

- Biệt giam 8 tháng rồi .

Biệt giam là các trại kỷ luật, không được thăm nuôi, hai chân mang cùm suốt ngày đêm, mà lúc mới đầu, người bị cùm không có cảm giác khó chịu, nhưng sau 3,4 tiếng đồng hồ, tù nhân mới nhận được nổi thống khổ, vì chỉ nằm yên một thế, không thể trở mình, nhất là những trường hợp bị cùm cả 2 tay, mà phải nằm suốt ngày đêm như vậy . Có những tù nhân sau thời gian biệt giam đã đi đứng không tự nhiên, bị tê liệt, da thịt của 2 mông bị nhầy nát, hoặc bị chết vùng da thịt nơi đó và bị thâm tím .

Nhìn anh, tôi lại liên tưởng tới thời gian chúng tôi chưa được thăm nuôi, bổng nhiên lòng tôi dậy lên mối thương tâm sâu sắc, tôi biết các bạn tù nầy, cũng như chúng tôi thủa đó, thèm đường, thèm muối, thèm thịt mỡ, mà mỗi lần nghĩ tới là nước miếng lại trào ra không cầm được .

Do vậy, trong thời gian ở Mê Van, đội chúng tôi có tất cả là 51 người, nhưng chỉ 15 người là có thăm nuôi định kỳ, tháng một lần đều đặn, còn lại thì đôi khi, một năm vài lần, có người trong suốt thời gian tôi ở đó, không thấy có thăm nuôi . Cho nên, chúng tôi khi có thăm nuôi, thì tất cả thức ăn đều góp lại, đổ chung vào thùng dầu hôi, tuỳ nhiều hay ít mà đổ thêm nước lạnh vào, nấu sôi một lần nữa rồi chia đều cho 51 người . Và cách thức này đã trở thành lệ của đội chúng tôi, vì vậy trong đội không có anten, không ai bị mời lên ban giám thị làm việc vì phát biểu linh tinh hay chày lười lao động . Để bù đắp cho việc chia đều thức ăn, những người không có thăm nuôi luôn luôn dành việc dọn dẹp vệ sinh trong đội, và đôi khi còn cải vã vì không được làm, bởi số người không có thăm nuôi nhiều quá .

Hôm nay nhìn cảnh ngộ những người tù này, lòng tôi không dấu nổi mối thương tâm, dù chính bản thân tôi chưa biết được ngày mai sẽ thế nào, và rồi sự thông cảm ấy chỉ được truyền đạt cho nhau qua cái nhìn, nụ cười hay cúi đầu chào hỏi .

11 giờ sáng, chúng tôi được lệnh ăn cơm và chuẩn bị lên xe, và lúc này, công an áp giải chúng tôi mới cho biết chúng tôi được chuyển đến một xưởng gạch để sản xuất gạch cho Ty Công An, thuộc Quận Phước An, " nơi này các anh sẽ được thoải mái ". Đó là lời anh công an vũ trang "hộ tống".
Khoảng 17 giờ cùng ngày, chúng tôi đến xưởng gạch, nơi đây cách quận lỵ Phước An chừng 12 cây số, nằm sâu trong rừng hoang, và lối đi vào là một con lộ nhỏ, gồ ghề những mô đất , mà hai bên là đồi núi hoang dã không có dân cư .

Xưởng gạch này nguyên là của tư nhân, nhưng tư nhân khai thác ở đây, không ít thì nhiều, ngày xưa nhất định cũng từng qua lại với Việt cộng, mà có khi còn là cơ quan kinh tài của Việt cộng nữa .

Đặt chân đến xưởng gạch, công tác đầu tiên của chúng tôi là bốc 4 ngàn viên gạch lên xe, công việc thật nặng nhọc, mệt muốn đứt hơi, vì vừa nặng, vừa phải cúi khom người mới bốc được .

Sau đó, chúng tôi được dẫn vào trại tù của Huyện Phước An, cách Lò Gạch chừng một cây số, nơi đây đã có 100 phạm nhân, mà đa số là lực lượng Fulro, một số ít sĩ quan, và những người bị giam vì tệ nạn xã hội .

PHIÊN CHỢ HUYỆN VÀ CUỘC TÌNH ĐẦY NƯỚC MẮT

( Kỳ tới )
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

Image

PHIÊN CHỢ HUYỆN VÀ CUỘC TÌNH ĐẦY NƯỚC MẮT

Sau hơn một tháng trời làm gạch, vào một sáng Chủ nhật, tôi và T K Ch, (Trưởng Cuộc Cảnh Sát), được Trại trưởng gọi lên phòng trực trại và cho phép hai chúng tôi đi chợ Huyện cùng với một nữ công nhân của Lò Gạch tên là Ngọ .

Thật là bất ngờ với tôi, một cảm giác vui thích, xen lẫn chút bỡ ngỡ, vì đã hơn 2 năm, tôi nằm yên trong những hàng rào kẽm gai, không có dịp tiếp xúc với thế giới bên ngoài, và không biết được những gì tôi muốn biết .
Đường từ Lò Gạch ra chợ Huyện Phước An chừng 12 cây số, là con đường rừng đất đỏ, hoang vu ít ai qua lại, trừ đám công nhân Lò Gạch tháng đi chợ vài lần .

Chúng tôi khởi hành từ 9 giờ sáng, đi bộ đến chợ chưa tới11 giờ, vừa đi, vừa chạy, như những trẻ con lần đầu được ba mẹ cho đi chợ Huyện !
Suốt dọc đường, tôi chỉ mơ màng nghĩ đến một tô bún bò rau chuối, khói còn bốc lên và mùi thơm rau quế với ngò gai tôi từng thích thú một thời . Nhất định phải ăn ngon, " ăn thêm một tô phở tái, có giá, thử xem sao ", tôi cứ mơ màng nghĩ thế, quên mất người bạn đồng hành vẫn líu lo với cô nữ công nhân, quên mất thời gian, để đến lúc tới chợ mới sực tỉnh .

- Hãy ghé vào đây đã, tôi nói với Ch,

- Ừ hai anh ghé ăn trước đi đã, cô Ngọ trả lời

Ba chúng tôi bước vào và ngồi xuống Quán Bún Bò đầu chợ . Nhìn quanh quất ngôi quán sơ sài của chợ Huyện, chỉ có 3 cái bàn và mấy cái ghế, tôi chợt nghĩ tới những quán tranh trong các buôn làng người Thượng mà ngày xưa tôi có dịp ghé qua, nhưng những quán ngày đó, người ta còn thấy các loại Bia 33, bia trái Dứa, và các loại rượu Rhum, sy-rop, nước ngọt . . . , nhưng ở đây, dù là chợ huyện, vẫn chỉ có rượu đế mà bà chủ giới thiệu là đế nếp thang nguyên chất, rượu gạo, rượu nếp, . . . đựng trong mấy chai đặt trên một chiếc bàn xiêu vẹo bên cạnh mấy chiếc can nhưa nhỏ .
Chúng tôi kêu mỗi người một tô bún bò, một xị rượu đế ,

Nhìn khói và ngưỡi mùi thơm của bún, tôi nuốt nước miếng mà thầm nghĩ "chắc là ngon lắm". Và qủa là ngon, lâu lắm rồi, tôi không hề ăn được thịt heo, giò heo và thịt bò, có ớt khô và rau thơm, làm màu nước bún trở vàng và óng ánh như màu hổ phách ! " Bún của bà ngon quá" . - Vâng cám ơn các ông, nhà em nấu chả ngon lắm đâu, chỉ vì các ông ở trong đó chắc lâu lắm không được ăn nên lạ miệng đó thôi,

- Sao bà biết chúng tôi ở chổ nào,

- Nhìn là biết ngay ấy mà, đám giải phóng dân chúng em liếc qua cũng biết liền .

Tôi nghĩ thầm "hèn gì mà có nhiều thịt trong tô bún như thế"
Ăn xong, chúng tôi kêu bà chủ tính tiền, bà bảo cho bà 2 đồng, cô Ngọ hỏi lại,

- Sao rẻ thế bà, lần sau chúng em sẽ tới nữa .

- Vâng, mời các ông, các bà ghé, chúng tôi chẳng giúp được gì cho các ông, các bà, chỉ xin ơn trên cho các ông, các bà được mạnh khoẻ và sớm về với gia đình .

Chúng tôi cám ơn bà chủ, mà lòng xúc động như rơi nước mắt . Rời quán bún bò, chúng tôi đi vòng khu chợ ; Không hiểu vì đã trưa hay chợ Huyện là vắng vẻ như thế . Nhìn quang cảnh này, tôi chợt hiểu rằng, việc buôn bán chỉ còn gượng gạo, người bán thì nhiều mà kẻ mua chừng như rất hiếm hoi, có chăng là những cán bộ, những dân Bắc bộ đội, Bắc 75, như chúng tôi quen gọi, còn dân địa phương thì đã khánh tận rồi .

Chúng tôi ngang qua sạp bán quần áo củ, sạp vải, sạp rau, cá, chạp phô . . . đâu đâu cũng chỉ vài người ghé lại. Thấy không có gì lạ, tôi bảo Ch và cô Ngọ,

- Thôi mình đi một vòng cho cùng huyện lỵ xem có gì vui không, rồi mua một ít thức ăn và ra về .

- Tuỳ hứng mà, Ch nói,

- Mấy giờ các anh phải vô trại, cô Ngọ hỏi chúng tôi,

- Trước 4 giờ, nhưng mấy giờ thì hết chợ, để còn mua đồ ăn chứ, tôi hỏi lại .

Cô Ngọ ghé hỏi một bà chủ bán bánh mì, bà cho biết khoảng 3 giờ 30 là chợ hết người . Nghe vậy chúng tôi ghé vào sạp thịt heo để mua :

- Bao nhiêu miếng thịt heo này thưa bà ?

- Ông cho 5 đồng, nói xong bà nhìn lên 3 chúng tôi rồi nói tiếp, thôi xin ông đồng rưỡi, các ông ở được mấy năm rồi ?

- Gần 3 năm .

Mua xong thịt heo, chúng tôi qua sạp cá, sạp rau, và ở đâu người ta cũng bảo bán vốn cho chúng tôi, ở sạp nào cũng không quá 3 đồng bạc, đặc biệt là gánh rau cải, chị bán rau cho chúng tôi hai bó mà không lấy tiền .
Trên đường về trại, tôi nói đùa với Ch :

- Ông là bạn dân nên dân vẫn còn thương ông lắm,

- Không có đâu, tôi mang nợ máu với nhân dân đó, ông không nghe thằng Ly nó nói sao, nó bảo chưa cho chúng mình về vì sợ nhân dân còn chưa quên nợ máu sẽ giết mình, nên đảng đành tạm giữ lại mà chưa tha được !
Ngôn ngữ dân gian có câu " nói dối như vẹt", quả thật đám cán bộ cộng sản là sư phụ của vẹt, nói dối một cách trơ trẻn và không ngượng miệng, nhưng trong hoàn cảnh này, chúng tôi chỉ nghe và ngậm miệng, "lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng" như La Fontain đã từng nói trong bài thơ ngụ ngôn nào đó .

Tuy nhiên buổi đi chợ huyền gợi cho tôi thật nhiều kỷ niệm, Tôi miên man nhận chìm hồn mình trên suốt quảng đường về, mà quên mất người bạn tù của tôi và cô công nhân lò Gạch đang bắt đầu bước những bước mới của cuộc đời họ . Tôi cứ nghĩ rằng, nếu tôi nghêu ngao vài ba câu hát, hay hoặc giả nói về cái sinh hoạt của chợ huyện vừa qua, để cho họ không có thời gian riêng tư bày tỏ nỗi niềm cảm xúc, dù chỉ là qua những cử chỉ trên con đường về, thì chắc là bạn tôi đã không chuốc lấy cảnh trạng khốn khổ của người tù biệt giam trong những ngày sau đó .

Có thể là trong lúc cô đơn và tuyệt vọng, tâm hồn ta sẽ dễ dàng đón nhận và cũng sẵn sàng để cho đi, hay vì nỗi cô tịch mà lòng ta trở nên yếu đuối trước cái mềm mãi của cảm tình để hậu qủa là đau khổ ?

Trong những dòng chữ này, tôi muốn viết cho những người bạn tôi quen, những người cùng tôi bó gối trong mấy năm dài giữa những hàng rào kẽm gai ở Mê-Van .

Cuộc tình của Ch Và Ngọ, thật ra rất kín đáo, không ai ngờ, những người tù chúng tôi đâu có ngờ rằng cô công nhân Lò Gạch lại có thể yêu một người tù không biết có ngày về, hết tương lai và không còn một mảy may hy vọng, thật là lảng mạn như những pho tiểu thuyết chỉ có trong văn chương truyền thuyết, mà không thể nào xảy ra được trong cuộc đời thực, vì cuộc tình ấy, yêu chỉ để mà yêu, yêu và mong được yêu mà không hề nghĩ tới xum họp .

Những hẹn hò của họ, mãi đến sau khi Ch bị biệt giam, chúng tôi mới hiểu rõ .

Một ngày sau khi chúng tôi lao động trở về trại giam, Cán bộ phụ trách xưởng gạch là L, tập họp chúng tôi ở sân tù, gọi Ch ra đứng trước chúng tôi và dỏng dạc nói:

" Mày là một thằng phạm, mày vào đây để học tập lao động mà vẫn ngoan cố, mang tư tưởng và hành động đồi truỵ, không chịu cải tạo, mày quan hệ tình cảm nam nữ với cô Ngọ như thế nào, đã bao lâu rồi, hai đứa may đã làm những việc gì, cô Ngọ tao sẽ báo lên trên, còn mày tao kỷ luât. Đây là những lá thư hai đứa mày đã viết cho nhạu Có đúng chữ của mày không . . .

Đồng chí công an, trói nó lại cho tôi . . . và sợi dây điện được quấn đều lên hai cánh tay Ch, hai tay cắp ra sau lưng, và chừng 10 phút sau, Ch ngã xuống như một cây chuối bị đốn từ gốc, bất đông . . . "

Tôi đón nhận một cảm giác rờn rợn nổi gai và hết sức thương tâm, thật không rõ nước mắt tôi đã chảy ra từ lúc nào cho đến khi cảm nhận vị mặn trên mối. Tôi cảm như chính thân mình bị trói, nỗi uất hận và ngẹn ngào dâng ngập lòng tôi, mà có lẽ không chỉ riêng tôi, mà là tất cả tù nhân có mặt, Không phải chúng tôi đang chứng kiến cái dã man của một con người đối với người, mà là của chủ đối với những nô lệ của thời phong kiến xa xưa, bên những đất nước châu Âu, của mấy thế kỷ trước, không hề có ở đất nước tôi, mà thật cũng giống như anh thợ săn và con mồi bắt được . Nhưng tất cả chúng tôi đều đứng im như mặc niệm, trên khuôn mặt mỗi người bổng trầm xuống, u ám và nặng nề .

Một chiều, sau giờ lao động, cô Ngọ lén đến gặp tôi và hỏi về tình trạng của Ch, tôi không dám kể sự thật, chỉ cho cô biết hiện Ch đang bị biệt giam, và cô kể cho tôi nghe chuyện tình của họ :

" . . . Chúng em thương nhau rất thật lòng, em cũng biết và anh ấy cũng nói với em là cuộc tình của chúng em không chắc gì có kết quả, nhưng biết làm sao, em thương anh ấy lắm, suốt cả tuần em chỉ mong ngày Chủ nhật, khi các anh được đi bắt cá hay kiếm rau, chúng em mới lợi dụng thời gian này hẹn nhau được . Em không bao giờ ân hận khi yêu anh ấy, nếu anh ấy có bề gì, em sẽ một lòng với anh ấy, em không sợ bất cứ gì, miễn là em được nhìn anh ấy đi làm gạch mỗi ngày là đã đủ rồi . . ."

Cũng như bao nhiêu người cùng trang lứa, chúng tôi lớn lên trong khung cảnh những thành thị thanh bình, nên tâm tình chúng tôi mang mọi tình cảm tự nhiên, tốt đẹp, biết cảm xúc, biết yêu thương, từ tình yêu của tuổi học trò, cho đến những mối tình mặn mà thời chiến . Tuổi trẻ, yêu đời và văn nghệ . Tôi hiểu nghệ sĩ tính trong tâm hồn của Ch, anh thích hát, đàn hay, biết rất nhiều về nhạc, và tâm hồn thơ mộng ấy, có lẽ là nguyên nhân nảy sinh mối tình giữa anh và cô công nhân lò gạch đầy nước mắt và thương tâm hôm nay .

Bài hát nào mở đầu cho cuộc tình của họ, lời hát nào đã trói buộc hai tâm hồn thanh xuân ấy trong hoàn cảnh éo le này, tôi thực sự không hiểu, nhưng như một văn hào nào đó đã nói " Con tim có lý lẽ riêng của nó "
Ngày thứ 2 biệt giam, Bình, tổ trưởng phạm nhân và Dư đến gặp cán bộ trại để xin phép thăm Ch, tôi cũng xin được cùng đi .

Trước mặt chúng tôi, Ch nằm bất động, 2 chân xỏ trong cùm, hai tay vẫn ở thế trói cánh khỉ, chúng tôi lên tiếng hỏi và anh mở mắt nhìn chúng tôi mà không nói được, cảnh tượng này làm chúng tôi không cầm lòng được, tôi hỏi Dư :

- Mình có dám mạnh dạn xin cởi cùm cho Ch không,

- Ông dám đi gặp anh L. không, Bình hỏi tôi, tôi nhìn Dư, "chúng ta cùng đi ".

Cả 3 chúng tôi đến gặp cán bộ L, và anh ta đồng ý, nhưng chỉ cởi trói, không cùm, mà vẫn bị biệt giam, không cho ra ngoài lao đông.

Buổi sáng thứ 6, là ngày thứ 3 Ch bị biệt giam, thì bà cụ của Ch từ Saigòn tới thăm con . Từ xa tôi nhìn dáng một bà cụ tóc bạc, quấn khăn theo kiểu những người đàn bà có tuổi của người Bắc di cư, cụ đến nhà tiếp khách, và một người nào đó đang xếp gạch hỏi lớn :

- Bác tìm ai ?

- Tôi thăm con tôi cải tạo ở đây là T. K . Ch

Nghe vậy, tôi vội vàng bỏ hầm gạch chạy đến chào cụ và nói:

Bác vào nhà ngồi nghỉ, tôi đi tìm cán bộ, thật là không may cho bác, anh Ch đang theo xe chở gạch tới trại khác, có lẽ vài ba ngày mới về .
Tôi chạy đến công an vũ trang, báo cho vũ trang biết và xin không cho bà cụ biết là Ch đang bị biệt giam, anh công an bằng lòng. Còn về phần phạm nhân thì tôi tin chắc ai cũng hiếu điều nầy . Vì có ai mà không biết được nổi đau đớn của mẹ khi nhìn thấy con mình bị hành hạ, mà mình không có sức bảo vệ.

Cái cảm giác bẽ bàng, xen lẫn với uất hận chúng tôi đã trải qua khi nhìn Ch bị trói trong sân tù và ngã xuống qủa thật là thấm thía .

Cái ngỡ ngàng nhất của tôi là vào buổi chiều, khi chúng tôi thu xếp dụng cụ chuẩn bị ra về thì được lệnh tập hop. Cán bộ L. dẫn Ch ra trước chúng tôi, có cả bà cụ, để nói rõ những tội lỗi của Ch, và đọc bản tự kiểm của Ch cho bà cụ nghe . Bà đã nấc lên, nhưng như rằng nước mắt bà đã khô mất từ mấy năm qua, nên đã không chảy ra được nữa, Bà cất giọng nghẹn ngào, đứt quảng: " Thưa ông, con dại cái mang, xin ông tha cho em, Tôi xin được chịu thế cho nó "

Tôi không hiểu Ch, hay mọi người có cảm giác gì, nhưng với tôi, lòng tôi quặn lại, và đau buốt như xát muối . Ba cụ của Ch , bà cụ của tôi hay của bất cứ ai trong hoàn cảnh đó, chắc cũng đau đớn như chính bản thân mình bị hành hạ, " Ánh sáng không chiếu qua khe hở của vách tù " tôi thầm nghĩ .

Có phải là khi nỗi đau khổ đã đến tột cùng, cuộc sống đã không còn hy vọng, khi cô đơn vây kín đời mình, chính là lúc con người yếu đuối nhất, thèm khát nhất, một tình cảm an ủi, dù là vụn vặt, dù không hy vọng, vẫn cảm thấy hạnh phúc, dù chỉ là một cái nhìn, một nụ cười, một câu nói khôi hài nào đó, mà nếu ở một nơi nào khác ngoài cổng tù, có thể ta sẽ cho là vô duyên hay thậm chí là trơ trẻn, nhưng ở nơi đây, trong bốn hàng rào kẻm gai này, đã trở thành hạnh phúc to lớn nhất và vĩ đại nhất . Và có lẽ cũng chính vì thế mà cuộc tình Ch - Ngọ đã nẩy sinh và gây hệ lụy cho họ bây giờ .

CÁ CUỐNG ĐẾN CHẾT VẪN CÒN CAY!

( Kỳ tới)
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »


Image

CÁ CUỐNG ĐẾN CHẾT VẪN CÒN CAY!

Hình như người Bắc hay bảo nhau là "có duộc", những cửa hiệu, những sạp bán ở chợ, thường kiêng kỵ người mở hàng buổi sáng, cũng như ngày Tết, người ta tin "người xông đất", người bước vào nhà mình đầu tiên của ngày đầu năm mới .

Lò gạch Phước An cũng có duộc, Ch va Ngọ "mở hàng" câu chuyện tình đầu tiên ở nơi đây, để rồi tiếp theo là Son và Cúc, nhưng éo le hơn, cuộc tình thứ 2 ở đây gay cấn hơn nhiều, vì cô nữ công an vũ trang coi tù lại trót yêu chàng sĩ quan Quân báo .

Suy nghĩ đầu tiên của mọi người ở Lò gạch, từ công nhân cho đến phạm nhân đều chỉ xầm xì có một điều: " Con nhỏ công an này không biết nó có thù gì với anh Son mà ngày nào cũng bắt anh ấy làm riêng một mình, bọn em không hề thấy anh Son được nghĩ giải lao cả tuần nay rồi, con nhỏ đó nó kềm chặt anh Son không rời một mắt". Đó là câu nói của mấy nữ công nhân làm gạch nói với phạm nhân chúng tôi .

Vì cái khôn khéo ấy mà những cuộc hẹn hò của cô công an và chàng sĩ quan tù binh kéo dài được khá lâu, bởi nếu cần gặp phạm, cô công an chỉ cần gọi phạm vào phòng trực, với đầy đủ mọi lý do, hoặc là khai báo thêm, hoặc là làm thêm việc khác , và rồi những ngày chủ nhật Son đều được đi chợ huyên, mà thực ra là đến một khu đồi nào đó chung quanh lò gạch để hẹn hò với nhau kín đáo hơn là khu chợ Huyện, nơi đông đúc có thể bị người khác bắt gặp .

Cuộc tình ấy bị khám phá đầu tiên bởi Lộ, một phạm nhân trong trại, Lộ đi tìm hái bắp chuối để làm rau ăn thêm, hôm đó, Lộ về trại gọi Dư, Tôi và Bình, đội trưởng đến kể rõ là anh thấy hai "người họ" đang đùa dỡn thân mật trong rẫy chuối, nét mặt Lộ còn hơ hãi như khiếp sợ, vì hình ảnh của Ch và Ngọ . Lộ nói:

- Làm sao đây 3 anh, em sợ thằng Son còn tệ hơn Ch, vì con nhỏ này là công an mà .

- Hãy bình tỉnh, trước tiên là anh không được nói cho ai biết cả, anh coi như chưa hề trông thấy gì hết . Chúng tôi cũng không nghe anh nói gì hết, anh có hiểu không , Bình nói .

- Em biết rồi, nhưng sợ quá nên nói riêng với 3 anh, Em không biết gì hết, hôm nay em đi chợ Huyện với anh, Lộ chỉ sang tôi, vì hôm đó tôi và Dư, Ký cùng đi chợ huyện .

Sáng hôm sau, Bình và Dư cố tiếp xúc với Son, bằng cách xin phép Son phụ cho tổ của hai anh, cô công an vô tình đồng ý, và rồi Dư và Bình đã khuyên Son phải dứt bỏ hoặc phải cẩn thận, nhưng Son cho biết anh sợ dút khoát còn tai hại hơn là bị tiết lộ, nhất là khi người đẹp trả thù .
Quả thật, giấy không gói được lửa, câu chuyện tình đẹp đẽ ấy, cũng bị cán bộ trại phát giác . Cô công an bị chuyển về tỉnh, nghe nói bị kỷ luật nhưng chỉ là cảnh cáo thôi, vì cô trẻ người non dạ, không có kinh nghiệm công tác nên bị phạm nhân hủ hoá, mà không phải cô hủ hoá phạm nhân !

Đó là lời kể của cô tổ trưởng công nhân kể cho phạm, và nghe đâu cô công an đó có cha tập kết, là sĩ quan cao cấp đang làm việc ở Trung ương .

Còn phạm nhân Son, mang tội hủ hóa cán bộ, không một ai có thể gặp, bị nhốt trại kỷ luật, không được phép thăm nuôi theo lệnh của Ty công an, mà không phải là của Trại giam .

Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu khẩu hiệu "Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà Đa Năng, Đa Hiệu, Đa Dụng" ! Quả thật cá Cuống đến chết vẫn còn cay.
Bây giờ không hiểu các người đó ra sao ?

Hai hàng Soan già trên con đường từ xưởng gạch về trại giam đã rụng hết lá, để lại những nhánh chơ vơ như những cọng xương gầy buồn thảm còn hơn mùa đông ở nơi đây . Những ngày lập Xuân, gió bổng trở nên se lạnh hơn ngày thường, mà không tìm thấy một nụ hoa vàng nào báo hiệu Xuân sắp về, chỉ có lao động, chỉ có hầm đất và những tụ gạch với tù nhân quần quật nhau từ sáng tối tới chiều hôm .
Bổng dưng tôi nhớ đến ngày nào, những mùa Xuân đã rất xa trong đời, nhưng lại như vẫn còn rất gần gủi, như mới đâu đây, ở khoảng khắc tôi vừa cầm bút viết những dòng chữ này .

Vâng ngày đó đã rất xa, thủa tôi còn là một cậu học trò Đệ tam, Đệ Nhị, , ở 370 đường Lê Văn Duyệt, Quận 3 Saigòn, cư xá của Hội tương tế Di Cư NTB, cũng những ngày đầu Xuân, cũng chờ Tết đến để về quê ăn Tết với thầy mẹ tôi, mà tâm lòng cứ lo âu hồi hộp, không hiểu phải mua quà gì cho thầy mẹ, mua quà gì cho các em, cậu em trai thì dễ, chỉ cần mua cho em cái súng bắn pháo là nó mừng rồi, nhưng cô em gái thì sao, áo len hay son phấn, cái nào rẻ mà đẹp, vừa túi tiền của một cậu học trò làm cậu giáo dạy kèm

Thời đó Xe đò Ngọc Trân 40 chổ ngồi, từ Sàgon đến quê tôi chỉ có 50 đồng, Xe đò Hiệp Phát, loại xe Peugot 9 chổ ngồi, 90 đồng một vé . Từ 3 giờ sáng, tôi đã thức dậy, hì hục kéo lê chiếc va-li đã sắp xếp từ tối qua, ra trước Rạp hát Thanh Vân, đường Lê văn Duyệt để đón Xích Lô Máy đến bến xe Petrus Ký cho kịp chuyến xe 5 giờ khởi hành . Xe tới Bu-Đăng trên Quốc Lộ 13, là đúng ngọ, hành khách ăn cơm trưa, và về đến tỉnh tôi là khoảng 3 giờ chiều . Là học trò nghèo, làm gì có thể ăn cơm trưa như những hành khách khác, tôi vẫn ngồi bó gối trên xe, ăn bánh mì nguội mua ở bến xe từ sáng sớm, bánh dai nhưng nhai lâu lâu sẽ thấy vị ngọt ! Cái vị ngọt ấy bổng nhiên bây giờ nhớ lại, tôi lại thấy đậm đà,và chắc là mãi mãi sẽ là cao lương mỹ vị trong cảnh ngộ hôm nay .

Nhắc tới Câu Lạc Bộ 370 Lê văn Duyệt, tôi lại nhớ đến bạn bè và những khuôn mặt đàn anh thời bấy giờ, Phạm Vĩnh Điện, Giáo Sư Lý Hoá Nguyễn Bá Tòng, Minh, em của Điện, hai anh em song sinh Toàn và Song, Nguyễn văn Linh, hay Lành, Trí (lùn)! Quốc gia hành chánh; Hồ Sĩ Thái; Lan; Hảo Bình Giã, sau này lên đại Úy .

Vị Giám đốc đầu tiên của thời tôi mới vào là Giáo Sư Nguyên, Cử nhân Sư Phạm, Hiệu Trưởng trường Trung Học nào đó tôi quên mất, vị kế tiếp là Giáo Sư Nguyễn Quốc Biền, cử nhân văn chương, sau này là dân biểu quốc hội, tiếp theo là Trung Úy bố già, Nguyễn Văn Trường, một biệt danh mà chúng tôi quen gọi và đặt cho ông, Ông thật rất dễ thương và gần gủi với sinh viên học sinh hơn, so với các vị giám đốc khác, ông thổi Trumpet rất hay, chơi violon cũng giỏi, nhất là sau mỗi buổi chiều đi làm về, ông thường ngồi ở hàng hiên bên hong nhà chơi đàn, và những lần như thế, chúng tôi gặp ông đều gọi "bố già" .

Tôi nhớ đến 370 Lê văn Duyệt, không phải chỉ nhớ Cine Thanh Vân, Phở Đức Chính, mà là Quán Thach chè rất nổi tiếng, còn hơn cả quán Thạch Chè ở Dakao, và xe " Đậu Đỏ Bánh Lọc " bên hong phải, trước cửa Câu Lạc Bộ này, xe Đậu đỏ bánh lọc này nếu ai ăn rồi thật không dễ gì quên .

Thời đó, người bạn thân nhất của tôi là anh Trường, quê ở Bình Giã, anh lớn hơn tôi nhiều, và đã có gia đình, nhưng anh thật rất giàu lòng "thương hương tiếc ngọc" . Những buổi cuối tuần, anh thường rủ tôi ra quán bia ở đầu đường Hoà Hưng - Lê văn Duyệt, lối váo Khám Chí Hoà, ở đó, những cô tiếp viên rất dễ thương và dịu dàng, Tôi nhớ một lần, anh Dương, ở Phú Cát Bình Dương đã trách anh Trường là đừng dạy hư em út, và cũng từ đó, anh không còn dẫn tôi theo .

Vào khỏang 1970, tôi gặp lại anh Dương, bấy giờ là Đại Úy , và anh cũng đã cưới cô Hồng làm vợ, người anh yêu từ thời còn là cậu học trò nghèo, cô thợ may chăm chút giúp anh .

Cũng thời gian tôi còn ở nơi đây, cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm lần đầu đã xảy ra, tôi nhớ năm đó tôi thi, nên thức rất khuya để học, thông thường, những học sinh của những năm thi cử, ai cũng thức học bài đến 2, 3 giờ sáng, vì những kỳ thi thời đó, Tú Tài I hay là Tú Tài II đều có cả Oral và thi viết .

Nhật lệnh của Tổng Thống đọc trên đài phát thanh tôi vẫn còn nhớ hầu như nguyên văn :

" Đêm nay lúc 3 giờ sáng, một số sĩ quan trung cấp đã nổi lên làm loạn ở thủ đô, mọi phương tiện liên lạc tạm thời bị gián đoạn, Đại tá Khiêm ở Mỹ Tho hãy về ngay Phú Lâm chờ lệnh".

Không gian và thời gian của đời tù hình như trầm lại đến nặng nề, và đứng yên đến độ tôi không biết đến thời gian, ngày tháng . Trong tâm trí tôi, chỉ còn lại kỷ niệm thời học trò yêu dấu không hề quên, những năm đệ Thất cho đến thời gian đại học, và kỷ niệm khó quên nhất của tôi là năm làm cậu giáo dạy kèm cho cô Thuỷ, ở số 7 Đỗ Quang Đẩu, khu Cống Quỳnh, gần với tiệm cơm Anh Vũ . Anh Vũ thủa đó là một quán nổi tiếng, và như tôi nhớ không lầm, thì cô Hương Lan, thần đồng mà nhiều người ái mộ vẫn thường xuất hiện ở quán này .

Năm đó tôi mua được chiếc xe gắn máy hiệu Satt (?), Gobel giá 14 ngàn, Sach hay Sacts, tôi đã quên mất cách viết, đứng sau là Mobylette, sang hơn là Puch, và chót hết là Velosolex . Chiếc xe tôi mua chưa được 3 tháng thì bị mất ở sân Trường đại học, khi tôi đến lấy bài, và tôi cứ thầm trách mãi chính mình, chỉ vì tiếc 2 đồng bạc gởi xe . Mất xe rồi, tôi trốn nghề kèm trẻ, Bà chủ nhà đánh tiếng với một gia đình tôi quen là Ông Sung, ở đường Thiệu Trị, Phú Nhuận, rằng tôi gian dối, đã nhận 2 tháng tiền lương mà nghĩ dạy cũng không báo cho bà một tiếng, may nhờ bà Thiếu tá Sung giải thích giùm, tôi mới được sạch mặt mũi, cho nên 2 tháng sau, khi tôi gom đủ tiền đem đến trả thì bà chỉ cười và không nhận . Thật ra, là một nhà thầu khoán, vài ba ngàn bạc đối với gia đình bà, cũng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng với tôi, đó là một khoản tiền lớn, vì tiền cơm tháng thời đó chỉ có 350 đến 370 đồng là sang lắm rồi, còn những quán cơm Xã hội, chỉ 5 đồng một bữa ăn.

Không hiểu bây giờ, những người thân quen, những bạn bè hoặc ân nhân ngày cũ đã phiêu bạt nơi đâu, sinh hoạt của họ thế nào . Nhất là gia đình Ông Bà Thach, ở 152 Trương Minh Ký, bên cạnh nhà Bác Sĩ Tuyến, nơi tôi ở trọ năm Đệ Nhị, Châu Hoạt, Châu Phòng, Châu Lang, chủng sinh dòng Don Bosco, Châu Mỹ, và bé Tú bị tê liệt một chân và Mệ, bây giờ ra sao, họ có bỏ nước ra đi không, hay Ông Trung tá đầy nhân hậu ấy đang bị giam ở một trại cải tạo nào đó cũng như tôi nơi đây.

Không biết tôi còn cơ may được gặp lại họ hay không ,“Đất nước mất là mất tất cả”, câu nói bình dị này của Tổng Thống đã trở thành chân lý hôm nay.

Ngày tháng vẫn âm thầm trôi đi mặc cho ai đó có buồn vui hay thù hận, thời gian vẫn lạnh lùng nghiệt ngã, không thay đổi chút nào . Hôm qua, tôi lại nghe tin ở Me-Van có người trốn trại và bị bắt trở về, và dĩ nhiên là bị nhốt nhà cùm . Ngày tôi còn ở trong đó, đã chứng kiến nhiều lần vượt ngục của anh em Fulrô, một lần tôi biết có 2 người bị bắn chết, 2 người bị trói đem về, và một người bị trọng thương, vết đạn xuyên hông còn chảy máu, anh được công an vũ trang võng về ngang qua chổ chúng tôi lao động .

Về phần người Kinh, trốn thoát thì có anh Mậu, cảnh sát đặc biệt . Ở Lò Gạch thì có Đống, Trung tâm Huấn Luyện Tiểu Khu; và lần thứ 2 là Ngô, Sĩ quan Liên lạc Bộ Tư lệnh Quân Đoàn .

Tôi cũng nghe tin, Ông Hồng và Ông Giảng đã đi "thăm lăng Bác", Tôi bùi ngùi nghĩ đến những người bạn của mình, và đặc biệt là ông Giảng . Dáng người khả ái, hơi thấp, trán cao và rộng, biểu lộ tính cương nghị và thẳng thắn, giỏi ngoại ngữ cả Anh và Pháp . Từ một Giám Thị Trường Trung học, Ông được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Văn Hóa Giáo Dục rồi Chánh Sở học chánh .

Trước ngày Banbmêthuột thất thủ, tôi chỉ gặp ông một vài lần, nhưng khi vào Mê Van gặp lại nhau, chúng tôi đã trở nên thân thiết, và bây giờ, tôi vẫn hình dung ra ông, mỗi buổi chiều khoác vai tôi dạo quanh sân tù, ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều về ông, từ một Giám thị, ngạch Giáo Sư Đệ Nhất cấp, cho đến những đoạn đường thăng chức, rồi những vui buồn của đời công chức, của gia đình; Một dĩ vảng mà tôi biết đã là thủa vang son trong cuộc đời ông, mà có lẽ cho đến khi xuống chốn tuyền đài, ông vẫn không sao quên được .

Ông cũng kể rất nhiều về cô con gái rượu tên Hằng của ông, tốt nghiệp Sư phạm năm 1973, nhưng nay đã thành "mất dạy" vì là con của Ngụỵ quyền !

Hôm nay nghĩ tới hai người bạn này, biết tin về họ, tôi nghe như mình mất mát một điều gì, điều gì đó thật gần gủi, quen thân mà rất qúi giá . Tôi không hình dung ra được nơi hai ông đến, như không thể hình dung ra phút cuối của đời mình sẽ còn gặp lại được những ai, tôi mơ hồ nghĩ tới một nơi xa xôi nào đó: Trại Đưng, Vĩnh Phú, hay Lào Cay . . . ., Trong số ra Bắc, không hiểu họ có cùng được ở chung một trại với nhau hay phân tán người một ngã . Anh Pan Cao Tăng, Trương Ty Xã hội, Triều, Chỉ Huy Phó CSQG Quận Banmêthuột, Lê Trọng Nghĩa, Đại Úy Cảnh Sát, Trưởng Trung Tâm Phượng Hoàng, những người tôi quen đó về đâu ? Tôi cầu xin cho họ, dù ở một nơi nào, vẫn biết quên mình để chịu đựng, quên cái quanh mình bằng cách nhớ về những yêu dấu đã qua, để mà sống .

Những buổi sáng thật buồn, buồn vời vợi như lòng tôi hôm nay, nhìn hầm đất chưa trộn, tôi đã cảm nhận như hai chân mình quá mỏi, khó mà dẫm nhuyễn được hầm đất này, tôi lại nhớ đến những ngày mưa gió ở Mê-Van, những lối mòn lầy lội, những đám Rẫy đầy cây mục và lá khô ướt sủng, những toán người lầm lũi bước âm thầm những bước nặng nề ảm đạm, mà trong lòng mang một mối thê lương khó diễn tả, trong khi tâm trí lại hoặc đang vẽ vời những mộng ước hay là chìm sâu trong dĩ vãng vàng son của những đoạn đời yêu dấu hôm qua .

Mưa gió vẫn âm u như cảnh u tịch của núi rừng, và cõi thiên nhiên hùng vĩ ấy , càng trở nên hùng vĩ biết bao so với những tù nhân còm cỏi mà cô đơn đang vây bủa lấy không tha . Nỗi khốn quẩn của những ngày tháng này biết đến khi nào mới hết .

Hôm nay, tôi không còn nhìn thấy dãy núi cao mù mịt hướng Ban-Don, không còn phải dẫm chân lên con đường dốc đứng như mái nhà dài hàng cây số, mà ngày hai bận, tôi leo lên rồi tuột xuống với một bao mì trên lưng . Thật không một khổ cực nào hơn khổ cực tôi đã chịu, không một nỗi đau buốt nào hơn khi đôi bàn chân không dày, đôi bôt- đờ-sô " phải vắt lên vai, đi xuyên rừng hàng trăm cây số, mà mỗi dấu chân
đặt xuống là nguyên dấu máu một bàn chân uớt đẫm vương vải trên ngọn cỏ và lối mòn bước qua !

Giữa bao khổ nhục đó, tâm linh lại đưa tôi về lại thủa nào mà lòng còn ôm mãi mộng vàng son, giấc mơ tiếc rằng đã không thành đạt, Tôi bổng nghe thương xót thủa sách đèn, thương tiếc những con dấu màu son, màu đỏ, son như tuổi thơ trong trắng một thủa nào, những dấu quốc huy in nét trên bao khổ giấy mạ vành của từng Nghị Định, Văn Bằng, mà nay bổng trở thành những tấm giấy vụn không chổ dung thân, thậm chí còn bị thiêu đốt như thầy mẹ tôi đã làm .

Những sách vở ngày củ, bao còm cỏi một thời đã trở thành vô dụng, đã chỉ là một tên tù làm gạch quần quật từ sáng tới tối cho đủ chỉ tiêu !
Tôi cố níu kéo hôm nay , nhưng cái gì đã mất, như bám víu vào rong rêu một dĩ vảng xa mờ mà biết rằng tất cả đã là kỷ niệm, đã không còn nữa, mãi mãi đi về chốn xa xăm, ở tận cõi vĩnh hằng, không thể nào Phục sinh như chúa Giêsu !

Đời tù, những tù nhân trên non nước tôi hôm nay; Trại tù Mê-Van hay Trại Tù Thanh Hóa, trại Lao Cay hay Trại Gia Định Sàigon, . . . tất cả đều là tù nhân, với nhà tù lớn và nhà tù nhỏ; Có khác nhau chăng, là hình thức áp giải, không phải là những công an vũ trang , mà bằng những thủ tục hành chánh trá hình, Hộ khẩu thường trú, Đăng ký tạm trú, Giấy phép đi đường, . . . Và khẩu phần lương thực 9 ký một tháng cho mỗi đầu người, 3 ký gạo, 6 ký Khoai mì, hay bo bo; Không có hộ khẩu thường trú là không có lương thực; Rồi tổ dân phố, tổ phó an ninh, công an khu vực . . . thân nhân đến thăm nuôi đã kể cho chúng tôi nghe, và bằng ấy hình thức dân miền Nam có khác gì đang ở tù .
Ngày mai hãy để cho ngày mai đến, hay ngày mai sẽ không đến bao giờ !

Tôi tạm ngưng những dòng chữ này, vì bây giờ là mùa khô, chỉ tiêu làm gạch đã tăng lên, tôi cần phải nhắm mắt, để sáng mai đủ sức làm gạch; Vã chăng , tôi cũng phải tiết kiệm Pin, Pin bây giờ mắt lắm, đi chợ huyện mấy lần tôi cũng đã tính mua, nhưng vẫn còn ngại, thứ nhất là sợ thiếu tiền tiêu, thứ 2 là sợ xét chổ nằm mà nếu bị bắt thì nhất định không tránh khỏi biệt giam, và những trang nhật ký này sẽ mất sạch . Có ai ở tù viết nhật ký trong tù, mỗi đêm trùm mền lên, dùng đèn Pin để viết, sẽ hiểu tâm trạng của người tù, và cũng sẽ nhận được cảm giác vui thích của thời ăn vụng thức ăn mẹ dấu .

Lò gạchđêm mùa hạ 1978
( hay làkhu rừng Soan tôi đặt tên cho)
dutu
Posts: 204
Joined: Sat Sep 19, 2009 8:19 pm
Contact:

Post by dutu »

8)


KHÁCH TRỌ


*
Nếu phải đời là một quán trọ, mà chúng ta chỉ là những lữ khách dừng chân trong thoáng chốc rồi lại tiếp tục cuộc hành trình, thì quả thật rất đúng đối với tôi trong khoảng thời gian này. Tôi đang làm khách trọ trong căn nhà cuả mình với vợ và hai con, và rồi có thể phải ra đi không biết được lúc nào, tương tự như trước đây hàng trăm ngàn viên chức chính phủ và Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã ra đi sau 30 tháng 4, 1975.

Ngày tôi cầm tờ Giấy Ra Trại về trình diện Công an Phường nơi tôi cư ngụ, tôi đã cảm nhận được điều này: tôi không phải là một công dân cuả nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa ( XHCN= Xạo Hết Chổ Nói ) , nên Phường không tiếp nhận tôi. Họ bảo tôi lên Ban Quản huấn Quận , và Quận lại yêu cầu tôi lên xin phép Ban quản huấn Thành phố. Tôi lên Ban quản huấn thành phố và xin được phép tạm trú tại nhà mình với lời ghi trên đơn xin : ‘’ Cho phép tạm trú tại thành phố một tháng NẾU ĐỊA PHƯƠNG ĐỒNG Ý " văn thức này đầy máy móc và ngây ngô đến khó tưởng tượng được trình độ của hệ thống hành chánh trong chế độ ‘’xạo hết chổ nói ‘’, tôi thực sự biết mình đã mất nước, dù tôi vẫn là người Việt nam !

Cuộc sống của tôi quả thật rất nặng nề và cơ cực. Lương tháng của vợ tôi chỉ có 55 đồng một tháng, chỉ đủ mua 10 ký gạo giá thị trường. Nhà nước bán cho dân mỗi tháng một người được mua 3 ký gạo và 6 ký màu ( bột mì, hoặc mì sợi, hay bo bo). Giá tiêu chuẩn là 4 đến 5 hào tuỳ từng tháng .

Khẩu phần cuả gia đình tôi không đủ, vì chỉ có 3 nhân khẩu: vợ và 2 con, tôi là người tạm trú, không có tiêu chuẩn lương thực ! Với hoàn cảnh đó, tôi phải chạy xin việc làm, nhưng xin ở đâu (?) tất cả mọi thứ trên đời này đều do nhà nước quản lý . Tuy vậy, tôi vẫn cam tâm và kiên nhẫn đi xin rất nhiều cơ quan, công ty , và bất cứ ở đâu, câu họ noí với tôi vẫn là : ông thường trú ở đâu (?), Ông có mang lý lịch theo không (?) .

Muốn xin được việc làm là phải có lý lịch được công an Phường chứng nhận có thường trú tại địa phương.
Muốn được công an Phường chứng nhận lý lịch có thường trú tại địa phương là phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố!
Muốn có hộ khẩu thường trú, phải có việc làm –
Muốn có việc làm, phải có hộ khẩu thường trú!
‘’ Thật là GIẢN ĐƠN, TÔI ĐÃ PHÁT HIỆN !‘’
Và rồi việc làm của tôi là ở nhà, tìm tòi, phát minh và sáng tạo phương án nấu bột mì hoặc mì sợi trộn rau muống, sao cho đảm bảo ngon, tốt , ít hao nước, tiết kiệm củi , đạt chỉ tiêu vợ và con tôi đề ra ! rồi rửa chén, và quét dọn nhà cửa .

Nhưng cay nghiệt làm sao, khó khăn ngày càng chồng chất thêm, giá sinh hoạt mỗi ngày một tăng ( theo định hướng xã hội chủ nghĩa !) ,

- Gạo từ 6đ/1 ký, đã vọt lên đến 12đ/ ký -
- Củ mì, bắp = 5đ/ ký
( chỉ có lương là đảm bảo không tăng ! ).

Tôi chứng kiến một chị đi chợ, đứng trước rổ khoai mì đã hỏi người bán: ‘’ khoai mì này có nở không bà (?) ‘’
Ai cũng thế, đi chợ mua thực phẩm chỉ hỏi có một việc là có nở hay không, nở để về đủ chia cho các con đứa thêm vài miếng ăn. Thực là cảm động rơi nước mắt, dân miền Nam thật là cám ơn cách mạng đã giải phóng !

Ở nhà rửa chén mãi rồi một hôm, nhà tôi tình cờ gặp được bà bạn học ngày cũ, có bố chồng là liệt sĩ cách mạng, nên ông chồng của bà vẫn còn làm việc trong xí nghiệp Dược Phẩm 26 ở đường Võ Tánh, chồng bà nguyên là Dược tá viên ngày trước , và ông ta đã làm đơn bảo lảnh xin cho tôi vào làm việc trong Xí nghiệp Dược phẩm 26 , lương công nhật 2đ/ngày, không có tiêu chuẩn lương thực và nhu yếu phẩm (đường, nước mắm, 500gr thịt mỗi tháng ) .

Tại đây tôi được gặp lại những con người miền Nam thực sự, với mọi thành phần, trí thức và lao động, sang và hèn . Chúng tôi cư xử với nhau chân thật, không nghi kỵ và rất thân ái . Những khuôn mặt, nụ cười mà tôi biết mình khó quên được như Cô Biền, thủ kho của Xí Nghiệp . Anh Tư, trưởng toán điều chế và xét nghiệm. Tống nữ minh Phú, Kim Anh , ( Kế Toán ) . Thuý Hồng, Nga, Hoa, Yến . . . của tổ điều chế .

Công việc hằng ngày của tôi là rửa chai, lọ . Những gỉo can-xế đựng chai rất nặng, và ngày nào cũng thế, mấy nam công nhân trẻ bốc giở giùm tôi. Tôi thật cảm động trước những tấm tình đó, những người mà trong đời chắc gì tôi còn diễm phúc gặp lại lần thứ hai .
Nhưng tình trạng công nhật thật bấp bênh, hễ hết công việc là công nhật nghĩ làm, một tháng có khi tôi phải nghĩ đến vài tuần . Và đặc biệt là , cứ hàng tháng tôi lại phải vác đơn lên công an xin tạm trú, và bao giờ câu cho phép vẫn là ‘’ dồng ý cho tạm trú thêm một tháng chờ sắp xếp đi vùng Kinh Tế Mới ‘’ trong khi đó, công an khu vực cứ thường xuyên ghé nhà hối thúc tôi đi Kinh Tế Mới .

Tôi làm việc cho Xí Nghiệp Dược Phẩm được khoảng một tháng thì phải thôi việc, vì xí nghiệp không còn nhu cầu. Tôi lại ở nhà tiếp tục sự nghiệp rửa chén quét nhà, sáng tạo nấu cháo bột mì với rau muống hay mì sợi 5 món cho vợ con tôi ! hai con tôi hình như không muốn tôi đi làm, vì có tôi ở nhà, chúng có thức ăn ngon, không lo gặp bài vở khó. Nhưng qủa thật cuộc sống đầy không khí khủng bố và đe dọa . Cứ mổi sáng sớm anh công an khu vực dạo qua trước cửa nhà tôi nhìn trước nhìn sau rồi gỏ cửa: " Anh đã xin việc làm chưa, anh có chọn điểm Kinh tế mới nào chưa , anh có gì cần địa phương giúp đỡ không . . . "

Tôi nghe đâu đó tin đồn là ở Quận 10, ban đêm công an đã vào nhà bắt đi một số Sĩ quan học tập cải tạo vừa được tha về đem đi học tập trở lại vì họ không chiụ đi Kinh tế mới . Nhà tôi đã rất lo lắng về tin này và gởi tôi đi “tá túc chính trị ‘’ về đêm. Cảnh ngủ đường ngủ chợ trở nên quen thuộc với tôi , có những đêm tui chui vào dưới 4 bánh xe vận tải để ngủ, hoặc chen chúc ở những bến xe, nơi không bị kiểm tra hộ khẩu, và nghề ‘’ xếp hàng bán chổ cho khách ‘’ trở nên nghề tay trái cuả tôi ở một số bến xe .

Tư tưởng nhà tù lớn và nhà tù nhỏ đã đến trong cuộc sống thực tế với con người hôm nay trên xã hội miền nam, mà cụ thể là những con người có dính dáng đến chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Những người ấy, những gia đình ấy là nạn nhân của mọi bất công, trù dập, của khủng bố và đe dọa. Bên tai tôi luôn luôn văng vẳng câu nói của người trưởng công an Phường :‘’nếu hai bàn tay mày không đầy máu thì Mỹ Ngụy không gắn cho mày cái cấp bậc ấy trên vai ‘’.

Cuộc sống của những con người như chúng tôi thật không có một chút gì bảo đảm, không có được một mảy may phản ứng dù chỉ là tự vệ, và có thể chỉ vài ba phút nữa, người ta sẽ tới bắt đi mà không được quyền biết vì lý do gì .
AK là luật phá, và công an là công lý!

Những người đi học tập cải tạo về và cả bản thân tôi, luôn luôn sống trong nỗi bàng hoàng và kinh mang như những ngày đầu Banmêthuột rơi vào tay cộng quân.

Thời gian này, tin tức về những chuyến vượt biển được truyền bá rất nhanh, tôi nghe vô số những câu chuyện về vượt biên , những trại tiếp cư ở Mã Lai, Hồng Kong, Thaí Lan, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi . . . , và xôn xao đâu đó những căn nhà vắng chủ được công an tới niêm phong. Càng nghe càng xót xa và tâm hồn như nổi gai. Có lẽ không phải chỉ có tôi, mà là tất cả mọi người, không một ai thích vượt biên, đem sinh mạng cuả mình ra đuà cợt với biển cả, hay là đành tâm bỏ lại vợ con, cha mẹ, tài sản, nhà cửa mà đã bao đời từ ông, cha gầy dựng nên, bao nhiêu kỷ niệm, từ ấu thơ cho đến trưởng thành . . . để ra đi mà phần chết cầm chắc hơn là sự sống. Hằng đêm tôi vẫn lén nghe đài VOA và BBC loan đi những bản tin về người tỵ nạn, cảnh hãm hiếp, hải tặc, chết đói, chết khát . . . mất tích, rất thương tâm . Sàigòn bây giờ vẫn còn truyền khẩu câu nói của ông Ngô công Đức về xếp loại trí thức : "3 G và 3 N ".

- Trí thức 3 G là: Giàu - Gan - Giỏi .
- Và trí thức 3 N là: Nghèo - Ngu - và Nhát .

Tháng 10 năm 1982, tôi có dịp xuống Rạch Gía thăm một người dì bên vợ, tại đây tôi gẳp được một người bạn lính phe ta. Một buổi sáng Chủ nhật , hai chúng tôi ra ngồi ở bến tàu, trước Toà Hành Chánh ngày cũ . Nhìn những con tàu bằng gỗ dài khoảng 8 mét hay 12 mét bị nhồi theo nhịp sóng vỗ, như nút chai, tôi liên tưởng tới những câu chuyện vượt biển bằng thuyền mà nhiều người đã đi , lòng tôi bổng nhiên se lại, và nỗi hãi hùng không biết từ đâu đã kéo đến tràn ngập hồn tôi .

Chỉ có 60% những người ra đi đến được bến bờ bình yên. Tôi mường tượng ra cảnh con tàu bị sóng nhận chìm trên biển, những bàn tay đưa lên, hay là những tiếng thét của trẻ con, phụ nữ, cụ già . . . không kịp kêu cứu trước khi chìm sâu vào lòng đại dương. Và rồi chồng, con, cha, mẹ, mở to con ngươi nhìn cảnh vợ, con, mẹ . . . mình bị hải tặc cưỡng hiếp . . .

Tôi băn khoăn tự hỏi: Tại sao người ta lại có thể mạo hiểm với sinh mạng của chính mình (?), sự đe dọa nào khủng khiếp hơn cái chết (?), hơn cả thảm trạng bị hãm hiếp cho đến chết hay hãm hiếp rồi lvất xuống biển như một số các bản tin của những đài phát thanh mà tôi nghe được (?).

Có phải những người bỏ ra đi đã hiểu rằng thảm họa mà họ sẽ phải chịu trên non nước này còn thê thảm và khủng khiếp hơn là cảnh bị hãm hiếp và cái chết chìm lỉm ngộp thở trên biển cả mênh mong . . .
‘’ Cột đèn của Sàigòn nếu biết đi cũng đã đi ‘’ câu nói của nhà nghệ sĩ tài danh này được đài VOA loan đi trong chương trình 8 giờ 30 tối hôm nào như còn vang vọng trong tôi . Và có lẽ đó là sự diễn đạt mạnh mẽ nhất, chân thật nhất để trả lời câu hỏi tại sao trong lòng tôi .
Cuộc sống của xã hội miền Nam mà tôi đang sống đã xuống đến tận cùng, bột mì nấu cháo trộn với rau muống vẫn không có đủ để ăn no, bo bo nấu cháo vẫn chỉ để cầm hơi , các chợ không có đủ để bán , và dân miền Nam không có tiền để mua .

Hãy tưởng tượng , một gia đình 5 người, chỉ có một lao động là công nhân , lương 45 đến 55 đồng một tháng, làm sao đủ tiền mua thực phẩm, và dân Saìgon từ từ đem bán các đồ gia dụng . . . " aó , quần đã sắm từ trước , đồng hồ, hộp quẹt zipo, mùng mền, soong chảo . . ."nghĩa là từ những cái nhỏ nhất cho đến những món to nhất có trong nhà đều đem ra bán . Một cái áo ngày xưa may vài ba trăm bạc, nay có thể bán 5, 10 ngàn và khách mua là những bộ đội, đảng viên, những người dân Bắc có quyền thế . ( Rác cuả miền nam là vàng của miền Bắc qủa thật không sai ! ).

Trong một lần khác xuống miền Tây, tôi chứng kiến những người buôn chuyền, dấu 5 ký gạo, 20 hột vịt, vài lít mỡ heo, rải rác trên mui xe, dưới lườn xe để đem về Sàigon bán lại, bị nhân viên thuế vụ xét bắt dọc đường . Có người chỉ mất vài chục hột vịt nhưng đã khóc sướt mướt vì vốn liếng của họ chỉ có thế! Người ta có thể mang gạo, mỡ , bột mì . . . đi liên tỉnh , nhưng phải xin phép ty lương thực của Tỉnh, hay Quận, Huyện , và không được phép qúa 5 ký lô .

Buôn bán đã chết, tất cả đều do nhà nước quản lý.

Những hãng xe đò của tư nhân trước đây nay đã sang tên thành: Công Ty xe Khách miền Tây, Thành Phố . . . hoặc là Công Tư Hợp Doanh, mà dân miền Nam dịch là: "Của Tôi Họ Dành” , ngoại trừ chợ trời quần áo cũ, và những người buôn thúng bán mủng, bán chui ở các chợ. Tuy nhiên, dù là ở tỉnh hay tại Sài gòn, chợ trời quần áo cũ vẫn là nghề tương đối còn sống được. và nhộn nhịp nhất là khu chợ củ Huỳnh Thúc Kháng, Khu chợ Hàm Nghi, Khu nhà lòng chợ Sài Gòn.

Giữa những thảm trạng đó của xã hội, dân miền Nam còn gánh thêm gánh nặng ‘gia đình cách mạng’’ vô cùng nặng nề. Gia đình có công với cách mạng, gia dình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách . . .
Tuyển dụng công nhân, thi tuyển đại học hay Trường chuyên nghiệp, xin cho con theo học Mẫu Giáo, Mầm Non, cấp 1, 2 , 3 . . . đều ưu tiên cho gia đình cách mạng trước.

Dân lao động miền Nam (không dính dáng gì tới chế độ cũ ) là ưu tiên 5, còn gia đình con em của viên chức chế độ cũ , con sĩ quan học tập cải tạo đều không thuộc diện chính sách, nghĩa là chính quyền cách mạng không cần quan tâm! Chế độ không cần nhân tài, chỉ cần trung thành, chế độ không quan tâm trật tự xã hội và công lý, chế độ chỉ thi hành chính sách đền ơn cho những người có công với cách mạng trước đây
Sinh hoạt của người Sàigon và đám tù cải tạo là vậy, nhưng còn bộ mặt Saigon - Chợ Lớn Gia Định thì sao ?

Nếu có ai trong chúng ta có dịp vào thăm Khu Dân Sinh, đối diện với Cảnh Sát Quân Nhì, ở khu Yersin vào những năm 1956-1959, hay là đầu thập niên 1960, chắc hẳn còn nhớ nhừng sạp áo quần, đồ lạp soong, tủ bàn . . . bày bán trong khu chợ này . Một cách nói khác, nếu có ai đi ngang Khu chợ cá nổi tiếng Trần Quốc Toản, mà trong lòng mang những cảm giác và ý nghĩ gì, thì Sàigon, Chợ Lớn, Gia Định, ngày hôm nay còn bê bối hơn 10 lần, còn bệ rạc hơn cả bãi rác chợ Trần Quốc Toản rất nhiều .

Viết như vậy, khách ngoại quốc hay những người bỏ Sài gòn ra đi vào năm 1975 sẽ không thể nào tin được, và sẽ kết án là tôi đang bôi nhọ "Hòn Ngọc Viễn Đông" một thời của ho. Thôi thì xin mời qúi vị hãy về Khu cư xá Thanh Đa, nơi được coi là có tổ chức nhất, vì nơi đó, hầu hết là dân Sài gon, nhưng những ngôi nhà nào do cán búa miền Bắc chiếm ngụ, thì sẽ được trang hoàng bằng nhừng dây phơi quần lót, áo thun bộ đội, áo lót đàn bà, đầy đủ màu sắc rực rỡ, bay phất phới trên các lan can hành lang, mà bộ hành hay khách nhàn du nhìn lên, vẫn cứ ngỡ là những rẫy bắp hay rẫy lúa đang độ thu hoạch của nhừng người Thượng vùng Pleiku, Banmêthuột, Phú Bổn, vì những khu rẫy đó, cũng được chăng đầy dây với những mảnh giấy, vải, đủ màu sắc, dán đầy lên các sợi dây để khi gió lên , gấy bay phất phơ nghe xào xạc đuổi đi chim muông hay khỉ, vượn tới tàn phá bắp lúa và hoa màu, có khắc chăng là ở hành lang của những căn nhà này, còn chứa thêm những đóng củi khô và những bao thức ăn của heo, bóc mùi thum thủm bay bàng bạc khắp một vùng, mà dân SaiGòn gọi là "hương cán búa miền Bắc"!

Có ai ghé thăm khu Cư Xá Ngân Hàng Kỷ Nghệ, (Hay thương mại Kỷ nghệ ?) ở đường Phan Chu Trinh, sau lưng toà Sơ Thẩm Gia Định, nay là Uỷ Ban Nhân Dân Quận Bình Thạnh, thì sẽ thấy thảm hoạ của Khu cư xá sang trọng này, Khu Cư xá mà hàng hiên các từng lầu hay trệt đều lót đá hoa màu xám bóng, có bồn trồng hoa và cây kiểng ở mỗi hàng hiên, của mỗi căn nhà trong khu cư xá 4 từng lầu này, và mỗi nhà đều có chổ đậu xe hơi riêng biệt trong một khu nhà xe chung, có cổng sắt cửa lớn cho xe hơi và cổng phụ cho người . Các trang bị nhà tắm, bồn cầu đều tự động , bằng men sứ, phòng tắm và tường phòng tắm đều lót gách men, bông, rất sang trọng mà nguyên liệu đều nhập cảng từ Nhật, Tất cả cửa sổ, cửa chính đều 2 lớp, kính và song sắc, lầu đúc bê-tong . Thế nhưng khi cán bộ chiếm dụng rồi, gạch lót hàng hiên bị gở, nhà xe bị tháo mái lấy tôn, các bồn bông và cây kiểng bị lấp đầy đất . Khu dất trồng cây che mát ở hong nhà khỏang 300 mét vuông được phá hủy để xây chuồng heo, cho các gia đình cán bộ nuôi heo cải thiện .

Nhà tắm của các từng lầu đều dùng để nuôi heo, và tất cả các từng lầu ở phòng tắm đều bị thấm nước phân heo, các đường ống bị tắc nghẽn vì phân heo ứ động không thoát nước .

Khu cư xá sang trọng biến thành một chuồng heo cao cấp, ai ngang qua cũng ngửi mùi phân heo, lại cứ tưởng là mùi từ xóm Lò Heo bay ra !
Hãy đến khu cư xá Nguyễn Kim, Khu cư xá Lữ Gia . . . tất các các chung cư đều chung số phận .

Ai đi ngang qua dãy nhà cao tầng ở đường Phan Thanh Giản, khu Đa Kao, mà ngày đó quen gọi là "nhà 11 tầng"ngửa mặt nhìn lên các tầng lầu, cũng đều thấy quần lót áo lót phơi đầy trên các lan can của các từng lầu, đầy đủ màu sắc phất phơ như bướm .

Ngay trung tâm Sài gòn, khu Lê Lợi, Tự Do, Hàm Nghi, Cửa Bắc, cửa Tây khu nhà lồng Sài gòn, . . . đâu đâu trên các lan can tầng lầu cũng phơi đầy quần áo lót !
Hòn Ngọc Viễn Đông đã tàn rồi, cũng ví như :

" . . . Tiếc thay cây quế giữa rừng . . . "

Hay là “ tiếc cho một đoá hồng nhung, lại trồng trên một đóng phân trâu” mà các cụ ngày xưa quen ví von .
Câu nói đâu môi của những cán bộ quản giáo và Giám thị trại giam quen nói là "Mỹ Nguỵ cút rồi còn để lại những tàn dư của tệ nạn xã hội tại miền Nam"

Ngày trước, những lần về phép, hay những kỳ nghĩ phép dài hạn của các kỳ thi đại học, tôi có rất nhiều thời gian cùng đi hoang với bạn bè thâu đêm, nhưng không thấy cái náo loạn của Sàigon về đêm, ngoại trừ ở những vũ trường mà chúng tôi đến, nhưng không khí của vũ trường là nhộn nhịp, mà cũng không phải là náo loạn như đường đêm Sàigon bây giờ, đầy dẫy và đâu đâu cũng bắt gặp những người đẹp ăn sương, từ trung tâm Saigòn như Nguyễn Huệ, Tự Do, Hàm Nghi, cho đến Khu Nguyễn văn Học Gia Định, Thanh Đa, Chợ Lớn . . . khắp mọi nơi . . .

Có phải chăng Mỹ Nguỵ dù đã đi 9, 10 năm rồi, mà vẫn còn gởi cái tàn dư này về cho các cán bộ cộng sản hưởng dụng hay không, hay là chính các cán bộ đã vận dụng và sáng tạo ra môi trường và hoàn cảnh cho thích nghi với dục vọng của chính họ !

Lối ăn chơi của đám cán bộ thật tàn bạo, và người dân Saigòn thì đành chịu câm và chịu đựng .

Khu chợ trời ở đường Nguyễn Thông, ở ga Hoà Hưng, cũng nhộn nhịp không thua gì chợ trời Huỳnh Thúc Kháng - Hàm Nghi, chợ Nguyễn Thông còn là đặc sản của Thuốc tây, ai cần nước biển, kháng sinh, trụ sinh nhập cảng đều phải đến Nguyễn Thông . Ai muốn uống rượu ngoại, bia lon ngoại quốc, cũng phải đến Nguyễn Thông .

Lương một người giảng dạy tại đại học là 94 đồng đến 112 đồng một tháng, lương một thầy giáo cấp 3 là 60 đồng đến 84 đồng, lương một cô giáo dạy cấp 1 là 55 đông , lương của một công nhân là 65 đồng đến 75 đông, thì ở chợ Nguyễn Thông, cán bộ, bộ đội tới đặt mua ( đặt mua vì hàng không có đủ để cung cấp) một chai Hennessy là 180 ngàn đến 250 ngàn, một thùng bia lon của Nhật là 200 ngàn .

Than ôi, dân Sàigon đã không còn nước mắt, các cụ già khi buồn vẫn tâm tình với đám tù cải tạo, vì chỉ có đám này các cụ mới tin . " Ông ơi, trời cho con đĩ đi dày, ông quan đi đất, ăn mày đi ô"

Và thực ra thái độ sống của đám cai trị đối với dân Sàigon bị trị đã trở thành bức tường ngăn cách ngày càng xa và càng cao . Nhìn một chú bộ đội đến chọn mua quần cũ ở một sạp hàng ở chợ Huỳnh Thúc Kháng, cô bán hàng đon đả mời:

- " Này chúi bộ đội, chú lấy cái này đi, cái này tốt lắm, chồng em chỉ mới mặc vài lần thôi " .

Chú bộ đội đi rồi, cô quay sang người khách miền Nam " đúng là cán búa, dân Sài gòn bỏ đi tụi nó mới mua được đem về làm của"
Ngoài chợ trời, Saigon bây giờ từ hang cùng ngõ hẻm, lại mọc lên những quán nhậu ở vỉa hè và lề đường, từ Cầy tơ, nai đồng quê, quán nhậu với Đế Gò công, Đế Gò Đen, Đế Quốc Doanh . . .Rồi chè ba màu, chè bảy màu . . . đâu đâu cũng có .
Có phải vì dân Sàigon đã thiếu dinh dưỡng trầm trọng nên cơ thể bù đắp bằng chất ngọt hay không tôi không hiểu, nhưng những quán chè lề đường, hay chè gánh đã trở thành một ngành buôn bán kiếm ăn .

Cuối năm 1983, tôi có dịp đến thăm một gia đình người quen trong cư xá Ngân Hàng ở đường Phan Chu Trinh . Ông cụ bị bệnh nặng, người con lớn mất tích trong chiến trận, con thứ hai đi tù cải tạo chưa về, con thứ ba trốn ra ngoại quốc năm 1978, nhà chỉ còn một cô con gái và một cậu con trai đang học cấp 3, tôi đến thăm thì ông cụ đã đi rồi, nhìn di ảnh của cụ, tôi lại nhớ thủa nào, khi các con cụ thành đạt, lúc gia đình còn đầm ấm sung túc, một gia đình trung lưu với một đời sống công chức ngạch A, lương không dư nhưng không thể nào thiếu, mà bây giờ chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, mà nét tôn nghiêm ngày nào đã không còn nữa !

Bệnh họan trong giai đoạn này là một đại bất hạnh (!) , thuốc không đủ hay không có, bác sĩ các bệnh viện thì đám học tập cải tạo không được tin dùng, đám tốt nghiệp “chính quy” của Hà nội thì chữ Asperin còn không biết viết lấy đâu kinh nghiệm đế điều trị, gia đình không tin tưởng nên cứ để ông cụ nằm nhà, và nhờ một vị bác sĩ tu nghiệp từ Tiệp Khắc trở về ở cùng cư xá coi mạch hộ, ông ta bảo cần thuốc gì thì gia đình ra chợ trời tìm kiếm, nhưng ông cụ bị bệnh phổi qúa nặng, đành phải ra đi, dầu là gia đình còn những thứ gì có thể bán đều đã bán hết để lo cho cụ .
Bà cụ kế lại cho tôi rằng, một ngày trước khi ông cụ ra đi, bà hỏi ông muốn ăn gì, thèm thứ gì, ông cụ thều thào trả lời muốn ăn một tô miến gà và một miếng chả lụa, nhưng trong nhà chỉ còn 20 đồng bạc, mua chả lụa thì không mua được miến gà, mà cũng chẳng biết vay mượn vào đâu ở thời buổi này, thật là khổ qúa, cháu nội thì còn nhỏ, dâu thì lo gánh một gánh nặng ba đứa con thơ, nên cuối cùng tôi đành bảo con Hoa mua cho ba môt tô miến gà , chỉ lấy miến không lấy thịt, và nói thật với chủ tiệm xin họ giúp cho, lại ghé xe bánh mì mua một lát chả lụa mà thôi, cũng nói thật với họ như thế . Thế nhưng khi mua về, ông cụ chỉ nếm được một chút mà thôi. Cơ cảnh này, ông ơi, thật không tài nào ngờ được lại xảy ra trong đời tôi . Bà cụ vừa kể vừ rơi nước mắt, mà tôi cũng không cầm lòng được, đành ôm lấy bà mà khóc . Quả thật ở hoàn cảnh này có thương nhau chăng cũng đành chịu, mà có khi còn không dám tới lui thăm viếng vì sợ bị liên lụy, "liên hệ mật thiết với gia đình ngụy, có con phản động, chạy theo Mỹ Ngụy ra nước ngoài" .

Cuộc sống hôm nay đem tôi trở về với đời sống của người dân miền Bắc đầu thập niên 1952 đến 1954 . Vào thời đó, bộ đội bắc Việt áp dụng chính sách "cùng ăn, cùng ở cùng làm với dân", nên trong các thôn làng của quê tôi, có từng tiểu đoàn bộ đội về cùng ở với dân, và dân trong xã phải nhận làm hàng xáo cho bộ đội, nhận lúa về xay, và được phép lấy cám để ăn . Có những gia đình vì qúa đói đã ăn gian bằng cách sau khi xay lúa ra gạo, đã giã gạo lâu hơn, để có nhiều gạo nát, gạo nát là tấm, sau khi sàng sẽ rơi xuống và đem trộn vào trong cám và như thế là gia đình tuy ăn cám nhưng vẫn có tấm gạo ở trong đó !
Cứ tháng một lần, bộ đội tổ chức ăn chung với dân, những lần ăn cơm chung như thế, dân mới có được những bát canh rau muống, rau lang . . . nấu với thịt hộp của Liên-Xô viện trợ, và những bửa ăn đó đã trở thành niềm mơ ước và trông chờ của người dân làng tôi thủa đó! Dân bắt đầu khen bộ đội cụ Hồ .

Sàigon bây giờ là vậy, người Sàigon bây giờ là vậy, và niềm mơ ước bình dị của tôi là kiếm được một việc làm để phụ giúp gia đình đã trở thành mộng mị trong hoàn cảnh xã hội hôm nay . Trong khi đó, những đe dọa ngày càng gia tăng , vài người tôi quen biết đã bị bắt trở lại , Minh, Hùng ở Quận Bình Thạnh, dù hai người này đã xin được làm công nhân viên trong ngành giáo dục .
Nỗi lo lắng và sự bất ổn trong cuộc sống hôm nay làm tôi nhớ lại những chuổi ngày ở Trại Cải Tạo Mê Van, vào những năm đầu.
Những con đường lầy lội, những đám rừng đầy xác lá ướt sủng và một đoàn người lầm lủi bước đi như những xác chết không hồn; Dù hôm nay tôi không còn nhìn thấy ngọn núi cao mù mịt đầy sương của Ban Don, cũng không còn phải dẫm chân lên bao xác lá ẩm ướt mà dù mưa hay nắng vẫn không mất mùi mốc xông lên. Con đường dốc đứng dài hơn hai cây số ở Rẩy mì mà mỗi ngày hai bận tôi phải leo lên và tuột xuống với một bao củ mì .

Nhưng bây giờ là sau mỗi đêm qua đi, khi mọi người vội vã đến sở làm, tôi còn lại một mình trong căn nhà đóng bít các cửa như lẩn trốn ánh sáng. Tôi như là đang mang tâm trạng của một tội đồ không dám nhìn người qua lại, thèm khát bao cái hồn nhiên, vui vẻ và vô tư của những kẻ láng giềng. Tôi ao ước và thầm nghĩ, biết đến bao giờ tôi ra đi trên con đường đầu ngõ, cuối xóm, không còn phải lầm lũi như chạy trốn, trên môi tôi nở được một nụ cười tự nhiên, tâm hồn tôi thanh thản vì tôi đang sống trong cuộc sống ung dung, điềm nhiên và tự tại .
Nhưng than ôi, tất cả điều quý báu đó đã mất rồi, bao hạnh phúc nhỏ nhoi và những vụn vặt đó bổng nhiên đã trở thành to lớn và vô cùng quý giá, nay đã không còn nữa !

Ngày lại ngày tôi sống trong mòn mỏi và phập phòng của một người khách trọ , vì rất có thể và bất cứ lúc nào, người ta cũng có quyền đuổi tôi ra khỏi nhà mình , để đem đến một trại giam nào đó, một nông trường hay một trại tập trung cưỡng bức lao động . Và chỉ cần một tấm giấy, một chữ ký của cơ quan công an , tôi có thể bị buộc vào bất cứ một tội danh nào , mà người ta nghĩ rằng tôi làm được, hoặc người ta muốn ghi lên. Công lý chỉ có trong tay người cầm súng.

Có những chiều thứ 7, sau giờ cơm tối, tôi thường đạp xe lang thang đến những khu phố củ mà ngày xưa tôi quen đi, hoặc là những nơi tôi từng ở như khu Bùi Phát ở đường Trương Minh Giảng để tìm lại chút gì của thời xưa đã mất, hay là cố tìm xem trong ký ức tôi, những năm tháng bình dị của thủa thiếu thời trọ học, mà nay đã thành những nỗi nhớ không nguôi và niềm nuối tiếc vô hạn .

Ga Hoà Hưng, con đường Nguyễn Thông nối dài xuyên đến Lê Văn Duyệt, Cống Bà Xếp, con hẻm mà một thời nổi tiếng là trùm du đảng, mà cũng là nơi vua "Hoàng Đế Đại Thánh" xuất hiện ở đầu thập niên 1960 ! Con đường này vốn rất quen thuộc của tôi và Long (Nguyễn Mạnh San) một thời . Gia đình bác V và chị Hiển, Điệp . . . ngôi nhà tôi chúng tôi thuê . Cúc và Hông, bán quần áo trẻ em ở Tạ Thu Thâu , không biết bây giờ những người quen củ ra sao, dù tôi rất muốn ghé vào thăm họ, nhưng lại sợ "người ta liên lụy" đành cúi đầu vừa đạp xe vừa tưởng nhớ căn gác nhỏ, hai đứa mướn ở học một năm . Ngọn đèn dầu leo lét không đủ sáng cho cái bàn xiêu vẹo mà tôi và Long ngồi chung trên căn gác đó, và đặc biệt là khuôn mặt chị Hiển, con gái của bác V chủ nhà, khuôn mặt thân ái đến với tôi trong mỗi lần nhớ về Ga Hoà Hưng kể từ khi bỏ lại căn gác nghèo nàn này !

Những con đường vắng lặng của khu Tú Xương, Hồ Xuân Hương đầy bóng mát của Quận 3, mà những chiều thu về, lá me rơi nhẹ nhàng trên tóc khách bộ hành qua lại buổi hoàng hôn . Con đương Duy Tân nổi tiếng với ngôi Trường Luật mang nét đài các của những thiếu nữ cung trang, hay Gia Long dài vun vút với những tà áo xanh của giờ tan học .

Tôi lang thang đạp xe qua Bùi Thị Xuân để đến Cống Quỳnh mà nhớ về Quán Cơm Anh Vũ một thời đã nuôi tôi với mỗi bữa ăn 5 đồng thủa đó . Cầu Kho, Trần Bình Trọng hay Nguyễn Biểu Chợ Quán . Không hiểu bây giờ căn nhà 81 Trần Bình Trọng còn là của tu viện Xi-Tô hay không, tôi không dám hỏi, dù là đang ngang qua khu phố này .

Trường Đại học Khoa Học, công viên Cộng Hoà, Trường Bác Ái, rồi Lý Thái Tổ, mà hôm nay mọc lên những "Cầy Tơ", "Nai Đồng Quê" hay "À Đây Rồi" cho khách nhẩm xà vui hưởng .

Rồi từ đây, tôi lại theo Phan Thanh Giản đạp về Ngã tư Xa lộ, ngang qua khu nhà 11 tầng, đến Ngã tư Hàng Xanh, lại theo Hùng Vương qua Thị Nghè để về Sở Thú . Con đường Hồng Thập Tự ở nơi đây la liệt những quán nhậu ở hai bên, giàu nghèo, sang hèn đều ghé lại đây để nếm mùi thịt nương với lá mơ chấm sả của món "nai đồng quê" truyền thống.

Tôi thích nhất vẫn là những khu xóm nghèo lao động như Khu xóm Chiếu với Thánh Đường Giu Se nho nhỏ ở bên kia Khánh Hội, từ cầu Trịnh Minh Thế đi vào . Hay Khu chợ Hoà Hưng với con hẻm nhỏ đi ngang qua Tô Hiến Thành để về Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân, hoặc ngược lên để về hướng trại Hoàng Hoa Thám, đối diện Nghĩa Trang và bên hông Phước Hải để vào Khu Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa . Đã rất nhiều lần ngang qua khu cư xá này , tôi muốn vào Dãy O, để tìm lại Trung tá ĐVK, hay gia đình Đại tá HTT , nhưng rồi lại e sợ không bước vào, nên chẳng hiểu bây giờ những người đó đang ở nơi đâu !

Gần như những nơi tôi quen đi ngày củ, những phố chợ ngày nào tôi yêu thích với ít nhiều kỷ niệm vương vải đầy dẫy trong qúa khứ, là những nơi tôi quen đi tìm lại những qúy báu đã mất, và biết rằng, những gia sản ấy mãi mãi tôi không thể nào có lại, và có lẽ vì thế mà tôi đạp xe lang thang hết hang cùng ngỏ hẻm của Sài đô, dầu là những chổ xa xôi như cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, Khu đường Nguyễn Huỳnh Đức ở Quận 6, hay là Khu Gia Định với Lăng Ông nghi ngút khói hương những ngày Tế, Tế cổ truyền .
Lăng Ông bây giờ cũng như bãi tha ma ngoại ô, bao hình hài tượng đá đã không còn, mà còn lại hình tượng vị tả quân khai phá đất Gia định ngày nào, thì những người mới cũng đã đập phá , cho nứt đổ, lổ loang vết dập để khu di tích này thành hoang phế lạnh tanh !

Toà Hành Chánh Gia Định đã thành Trường đảng Nguyễn Văn Cừ, Trường Nam tiểu học đã là Trường Phổ thông cơ sở Hà Huy Tập, Trường nữ Trung học Lê văn Duyệt ngày nào thướt tha những tà áo trắng ngây thơ thủa đó, bây giờ đã đổi tên là Võ Thị Sáu, Trường Hồ Ngọc Cẩn cổ kính ngày nào, nay đã là Trường phổ thông cơ sở Cấp I . Trương Trung tiểu học Thánh Mẩu, đã đổi thành trường cấp II Lam Sơn .

Dân Sàgon thật chẳng biết Võ thị Sáu hay Nguyễn thị Minh Khai là ai . Tất cả đã trở thành xa lạ, lạ như những thành phố ngoại bang xa xăm ở một chốn nào mà dân Sài gòn chưa hề nghe đến một lần .

Chợ Bà Chiểu lại có thêm những con đường bán thuốc Tây và quần áo củ, phô bày cái xác xơ của một tỉnh lỵ cơ hàn, còn tệ hơn cả những ngôi chợ ở tỉnh nhỏ cao nguyên, như là Phú Bổn hay Quảng Đức .

Chợ Thị Nghè, cũng tương tự, những gánh cháo, xôi, củ mì của những người buôn gánh bán bưng tạm bợ. Và những phồn thịnh thủa nào bổng nhiên cũng biến mất, không ai còn tìm lại được cái tưng bừng ồn ào của một ngôi chợ sinh ra trong lòng một nền kinh tế ổn định và thịnh vượng.
Cũng tương tự như năm 1952, 1954, Sài gòn đầy dẫy xe đạp và xe ba gác, xích lô đạp, còn Honda, Taxi, Vespa super, Sprint . . . xe hơi Toyota, Madaz 1200, Datsun, Peugot 405, 503, Ladalat . . . đã bổng nhiên bốc hơi khỏi Sài gòn Chợ Lớn Gia định từ hồi nào, không ai để ý . Sài gòn chỉ còn xe đạp, và xe đạp cũng đã trở thành phương tiện di chuyển hiếm hoi, chỉ những gia đình khấm khá mới giữ lại được, còn thì cũng đã bán cho dân bộ đội hết rồi !
Một đêm nào trên Đài VOA, tôi bổng dưng nghe được :

" Sàin gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời,"
" Sài gòn ơi thôi hết những ngày vui tuyệt vời . . ."

Tôi nghe dù là tiếng được tiếng mất, mà lòng vẫn đầy xúc động ! Quả thật đã mất rồi, những hơi hương ngày củ cũng chỉ còn lại một dư âm, và cảnh tưng bừng náo nhiệt của Cộng Hoà chỉ còn là tiếng đồng vọng trong lòng tôi . Dù tôi vẫn sống trên đất Sài gòn, vẫn sinh hoạt trong lòng Sàigon, nhưng linh hồn Sài gòn đã vĩnh viển ra đi, và tinh thần của Saigòn cũng đã tạ từ những máu thịt châu thân của nó .
Sài gòn bây giờ như một cái xác không hồn, than ôi !
Tâm trạng này nhận chìm tôi trong tuyệt vọng mà dĩ vãng lại đã giải thoát tôi, dù dĩ vãng đã chìm sâu thăm thẳm trong ký ức tôi tự thủa nào . . .

Thủa đó đã xa xôi và chôn lịm trong lòng tôi kín rồi. Bây giờ mỗi lúc nghĩ lại , tôi chỉ còn nghe hơi hám như bụi nhang của một ngăn tủ nào hằng năm chưa có dịp mở ra.

Ngày ấy, tôi chơi thân vô cùng với Trị, Giáo sư Vinh Sơn, và dù đã mười mấy năm trôi qua, những kỷ niệm của thời vàng son thơ mộng đó mãi mãi vẫn êm ái trong lòng tôi . Cuộc sống với những sinh hoạt quanh tôi không cưu mang những bận tâm và lo lắng nào . Ngày hai buổi đi dạy chờ hết giờ để về nhà đàn ca và viết báo . Tâm hôn chúng tôi thủa đó chỉ biết yêu bao cái người yêu, chỉ mê si bao cái phải si mê , luôn luôn thanh thản để mặc theo nét hào phóng và sảng khoái của đời . Cuộc sống vốn nhẹ nhàng, mà tâm hôn chúng tôi cũng vô tư chưa vỡn đục .
Tôi nhớ Trị với bài thơ có tên "Tình là một hàng dọc " mà đến nay tôi đã quên mất , nhưng hàng dọc khi ghép lại là tên của cô học trò anh yêu ‘’Hồng yêu dấu, em có yêu anh ? ‘’ .

Những buổi chiều sau giờ cơm, chúng tôi thường đem ghế ra hàng hiên ngồi tán dóc, hút thuốc và đọc thơ . Căn gác ở đường Phạm Phú Quốc, hay ngôi nhà ở Lý Thường Kiệt , con hẻm số 5 đường Võ Tánh hay nhà chị Cúc , nơi chúng tôi ở trọ và ăn cơm tháng mãi mãi là kỷ niệm êm ái nhất trong đời mình , mà mỗi khi nhớ lại, lòng vẫn không ngăn được bâng khuâng .

Nỗi vui mừng là lần đầu tiên tờ "Tiếng Cao Nguyên " do Nhóm Đồng Hoang thực hiện đưọc ra mắt đọc giả . Mỗi tháng một số, nhóm chúng tôi có Trị, giáo sư Vinh Sơn . Văn, Hưng Đức. Minh, Lasan. Hưởng, Bán công. Triều, San , Phối Trí Viên . Điềm, Sơn , trung học Banmethuot. Y Danh Buôn -yã, Y Niết Knul và một số người đẹp như Thủy Lưu, Ngọc Quế, Minh Phương, Ngọc Ẩn . . . góp tay thực hiện . Cặm cụi viết, cặm cụi đánh máy và quay stencil, hàng tháng chúng tôi cũng ra được vài trăm cuốn dày hơn vài trăm trang .

Nỗi vui và cuộc sống của trang lứa chúng tôi trong mười năm trước là ở đó. Và tâm hồn chúng tôi quấn quýt trong cảm xúc sinh hoạt của xã hội quanh mình, mà sau này, khi rời xa chốn cũ, một đôi khi tôi còn nghe mơ hồ như đâu đó đồng vọng những âm xưa gọi tôi về kỷ niệm . Tôi yêu bài ‘’Ngày Xa Lạ‘’ với 4 câu :

‘’ . . . Hồng nào đã ôi rồi . . .
cánh soan nào đã ngã . . .
vàng bay trong lưng trời . . .
sao ta còn xa lạ . . . "

Cái xa lạ ấy mãi mãi còn xa lạ với tôi trong suốt quảng đường đời, từ xa lạ này qua đi, tôi lại bắt gặp bao nhiêu cái xa lạ khác, mà mỗi vẻ một nét để cảm xúc trong tôi như vô cùng vô tận, và cứ thế để hằng đêm tôi ngồi viết thư tình, viết rất nhiều nhưng tình vẫn còn không !
Nhớ về dĩ vảng, sống bằng kỷ niệm , tôi quên mất những phủ phàng quanh tôi, quên cả tôi bên đời tuyệt vọng , mà hồi tưởng thủa đến trường của năm tháng xa xưa . “Cây Tiểu Du Dương ‘’ mà thầy Kiều Công Gia đã dịch từ bài gỉang văn ở thế kỷ 17 của một nữ văn hào người Pháp tôi yêu thích . Âm Tiểu Du Dương và giọng nói của thầy tôi còn mang theo đến hôm nay .
Có phải kỷ niệm nào cũng đẹp, cũng êm ái nên thơ không, tôi không biết, tôi chỉ biết rằng, đời thực tôi đang sống đã đẩy tôi vào kỷ niệm, và kỷ niệm đã cho tôi lẫn trốn nỗi hãi hùng và sự cô đơn quanh tôi. Và hạnh phúc của tôi bây giờ là đó, hạnh phúc chỉ còn lại bấy nhiêu thôi. Tôi mơ hồ lịm chết bên dòng sông dĩ vãng rêu phong mà quên đời thực tại .

Trị hay Hưởng, Văn và Minh . . . những người bạn bình dị với cuộc sống giản dị của mười bốn năm về trước bây giờ có phút nào để hồn trôi về dĩ vãng như tôi không (?) Hồng hay Duyên , Tuyết hay Như Nguyện , Minh Phương hay Đan Quế , những bóng dáng đã làm tôi xúc động một thủa nào, bây giờ biết đã về đâu (?) .

Thường khi đi tìm dấu yêu ngày cũ, như truy tìm chứng tích ấu thơ , tôi vẫn thấy lòng mình rung động lạ thường tôi cứ ngỡ tôi như con tàu chạy qua những bến ga đời nghiệt ngã , nhưng mà ở mỗi bến ga, tôi lại cảm nghe lòng đầy tiếc nuối mà chẳng hiểu được vì sao . Và lòng tôi bổng như se lại, tôi ngại ngùng với những sân ga kế tiếp trên đường .
Thương thay những đời người làm khách trọ như tôi hôm nay.

“Bạn hỡi tôi thường thương bến ga,
Có khi níu kéo chuyện chia xa,
Mà không - bé nhỏ ga đành chịu,
Đưa tiễn tàu đi khóc xó xa “. . . .

Saìgòn tháng 3, 1984
NGUYỄN ĐỊNH
(Banmêthuột NGÀY ĐẦU CHIẾN CUỘC)



PHỐ THỊ

Em xa Phố Thị lâu rồi ,
Có quên không nhỉ những nơi hẹn hò,
Khu rừng Trắc - Bá bây giờ, (1)
Mùa Thu đã gọi vàng xưa đổ về ,
Cánh buồn che khuất lối đi ,
Cỏ non cũng úa xuân thì chiều qua ,
Lủng - Hồng phủ màu xót xa , (1)
Ái - Ân một thủa mặn mà còn đâu ,
Vườn - Ương ôm đầy nét sầu ,
Cây khóc tử biệt, hoa đau theo người ,
Đài trang rã xuống khắp nơi ,
Bầy Chim - Chích cũ đã rời rừng xưa,
Hoang sơ phủ khắp bốn mùa ,
Phố phường đổi chủ , người chưa quen người !

Vinh - Sơn đã mất trên đời , (2)
Và tên Tỉnh - Hạt đã rời trần gian ,
Hưng - Đức, Tổng - Hợp, La - San ,
Đâu còn bóng dáng những nàng kiều xưa ,
Bồ - Đề đã vào cõi mơ ,
Hai hàng Phượng rũ, đôi bờ để tang ,
Phố phường mang nét điêu tàn ,
Những con đường cũ đã sang tên rồi ,
Người người phiêu bạt ngàn nơi ,
Em ơi phố thị của thời xa xưa ,
Chỉ còn dư âm trong mơ ,
Chỉ là vị đắng những giờ nhớ thương .

Em xa phố thị, xa trường ,
Bao lâu rồi nhỉ - còn thương nhớ gì ,
Con đường Thống - Nhất quen đi, (3)
Hay là Y - Jút mỗi khi xuân về ,
Mùa Thu rụng trên hàng me ,
Chơ vơ những cánh bên lề Hùng - Vương ,
Phan - Chu – Trinh, Xóm - Đạo buồn ,
Hàm - Nghi dốc đứng mù sương che người ,
Buồn Muôn Thủa - Bụi Mù Trời ,
Biển dâu đã đẩy em rời phố xưa ,
Mà ta vẫn sống trong mơ ,
Đường xưa phố củ bao giờ mới quên !



(1) = Địa danh , những thắng cảnh của địa phương .
(2) = Tên các Trường Trung Tiểu Học .
(3) = Tên những con đường .
Buồn Muôn Thủa = Bụi Mù Trời = Banmêthuột = Bánh Mì Thịt !

Saìgòn tháng 3, 1984
NGUYỄNN ĐỊNH


8)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests