Thời Sự, Bình Luân

thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Dân Chủ cho tất cả mọi người

Ngô Nhân Dụng
Rất nhiều độc giả báo Người Việt nổi giận sau khi đọc bài “Dân Chủ Cho Ai?” Bài này trích từ một mạng lưới trong nước. Vì tác giả bài đó viết rằng hiện nay từ người trí thức đến các nông dân Việt Nam không ai cần tranh đấu cho tự do dân chủ cả. Sống dưới chế độ Cộng Sản độc tài bây giờ là sướng lắm rồi!

Chắc mạng lưới X-Cafe đăng bài đó lên cũng có ý muốn cho độc giả suy nghĩ và thảo luận, cho nên ngay sau đó họ đã đăng bức thư trả lời giản dị rằng: Dân Chủ Cho Tui! Nhật báo Người Việt sẽ đăng luôn thư trả lời này.

Nhưng đây là một câu hỏi đáng suy nghĩ và bàn bạc. Thật sự, khi đòi hỏi xã hội phải sống dân chủ, chúng ta muốn cho ai hưởng tự do dân chủ? Khi dự cuộc chơi dân chủ thì người ta phải có quyền bàn bạc, quyền quyết định bằng lá phiếu, ý kiến nào được nhiều phiếu thì thắng thế, đó là những thủ tục bình thường của trận đá banh này. Vậy trong chế độ Cộng Sản họ cũng nói đến dân chủ thì có ai được sống theo những quy tắc, những thủ tục của cuộc chơi dân chủ hay không?.

Một vị độc giả Người Việt viết rằng khi đảng Cộng Sản nói đến dân chủ, thực ra họ chỉ giành những quyền dân chủ cho người trong đảng của họ mà thôi. Người ngoài, tức là toàn thể dân chúng ngoài đảng, không ai được hưởng những đặc quyền đó!

Nhưng nói như vậy cũng lầm nữa. Vì ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản, ở Liên Xô đời trước cho đến ở Trung Quốc và Việt Nam bây giờ, họ có cho các đảng viên được thi hành các quyền dân chủ trong nội bộ đâu? Chỉ trong các đảng chính trị tại các nước tự do dân chủ thì các người vào đảng mới được đối xử theo các quy tắc dân chủ.

Trong các đảng Cộng Sản, chỉ có các lãnh tụ được quyền bàn luận và bỏ phiếu với nhau thôi, và họ gọi đó là lối Dân Chủ Tập Trung! Nói Dân Chủ Tập Trung nghe nó cũng kỳ cục như nói Ăn Cơm Bo Bo vậy. Ngay trước khi họp đại hội đảng Cộng Sản, việc chọn người nào được tham dự đại hội là do các lãnh tụ quyết định. Trước khi họp là Bộ Chính Trị đã “bố trí” mọi việc, đến khi họp các đại biểu chỉ có việc gật đầu mà thôi. Cái lối xếp đặt đó chắc chắn không phải là lối sống dân chủ.

Năm 1927 một người sáng lập đảng Cộng Sản Ý là Ignazio Silone đi dự Ban Chấp Hành Trung ương Cộng Sản Quốc Tế. Ðọc chương trình họp thấy có một nghị quyết lên án một bài do Leon Trotsky viết, Silone yêu cầu được coi tài liệu xem Trotsky viết những cái gì. Stalin là tổng thư ký Ban Chấp Hành Trung Ương giải thích rằng tài liệu này không nên phổ biến vì “nhạy cảm” quá. Ignazio Silone từ chối không chịu bàn. Một đồng chí Cộng Sản Bulgarie giải thích cho Silone biết là Stalin đang chống Trotsky. Ngày hôm sau họp ban chấp hành, khi nghị quyết được đưa ra, Silone vẫn đòi phải được coi bản văn của Trotsky rồi mới biểu quyết. Stalin bèn rút lại, không đem bàn chuyện đó nữa.

Sau khi họp ở Mát-Cơ-Va xong, trên đường về, tới Berlin thì Ignazio Silone cầm một tờ báo của đảng Cộng Sản ở đó, thấy tường thuật rằng hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Cộng Sản Quốc Tế đã biểu quyết đồng thanh cực lực phản bác bài của Leon Trotsky!

Ðó là lối sinh hoạt dân chủ kiểu Cộng Sản! Hai năm sau Ignazio Silone đã xin tạm rời khỏi Ban Chấp Hành Cộng Sản Quốc Tế, và năm 1931 thì bị trục xuất khỏi đảng.

Cộng Sản chỉ là một trong nhiều chế độ độc tài, như các chế độ phát xít, quân phiệt, tư bản quả đầu, dân chủ giả hiệu; họ cùng theo lề lối xếp đặt trước, trên bảo dưới nghe như vậy. Cho nên họ ghế những người tự do dân chủ.

Nhưng bước tiến tự nhiên của loại người là phải sống tự do dân chủ. Theo báo cáo của ủy hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong 25 năm từ năm 1980 có 81 quốc gia đã tiến bước trên đường dân chủ hóa đáng kể, trong đó có 33 nước đổi từ chế độ quân phiệt sang chế độ dân chủ. Trong thế giới hiện nay, có 140 quốc gia trong số khoảng 200 nước đã có bầu cử tương đối tự do, và 81 quốc gia trong số đó thực sự có tự do, tức là khoảng 60 phần trăm nhân loại.

Tổ chức Freedom House đã làm một danh sách các quốc gia theo chế độ tự do dân chủ, chia làm hai loại: Tự Do Thật và Hơi Tự Do. Ngoài ra là những nước Không Có Tự Do. Có 89 quốc gia được coi là Tự Do Thật, người dân trong các nước đó có đủ các quyền tự do dân sự, tự do chính trị. Có 58 nước được xếp hạng có tự do nhưng chưa đầy đủ. Việt Nam và Trung Quốc đều thuộc loại thứ ba, thiếu tự do, còn đứng cuối sổ là những xứ Cuba, Bắc Hàn, Miến Ðiện.

Vậy khi loài người cứ tiến lên dần dần đến chế độ Dân Chủ thì người ta nhắm cho ai được hưởng và được hưởng cái gì?

Có thể nói ngay: Các nước tự do dân chủ có đời sống kinh tế cao hơn, vì các khả năng của dân chúng được tự do phát huy và sử dụng hữu hiệu hơn. Ở Âu Châu, sau Ðại Chiến Thứ Hai các nước Ðông Âu theo chế độ Cộng Sản độc tài, trình độ kinh tế phát triển thua kém các nước phía Tây sống tự do dân chủ. Chỉ so sánh Ðông Ðức với Tây Ðức là thấy ngay: Cùng một dân tộc, cùng một văn hóa, lịch sử, chỉ khác nhau về chế độ chính trị độc tài hay tự do. Nhưng ngày trong các nước Tây Âu cũng có những xứ độc tài là Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha. Sau khi nhà độc tài Antonio Salazar (1932 - 1968) chết, năm 1976 Bồ Ðào Nha đã lập một bản Hiến Pháp mới theo chế độ dân chủ đại nghị. Tướng Franco ở Tây Ban Nha chết năm 1975, ba năm sau nước này cũng thay đổi, các đảng phái phát triển trong chế độ quân chủ lập hiến, và họ sống thật sự trong chế độ tự do. Từ khi dân chủ hóa, đời sống kinh tế hai quốc gia này đã tiến triển để theo kịp các nước khác ở Tây Âu.

Chúng ta thường nghe những người muốn bảo vệ chế độ độc tài nói rằng họ không cần tự do dân chủ, cứ độc tài mà kinh tế phát triển là tốt rồi. Nhưng phải biết rằng trên đời sống lâu dài của một quốc gia thì chính nhờ có dân chủ tự do mà kinh tế nhiều nước phát triển mạnh hơn. Các chế độ độc tài đều có những chướng ngại cản trở không cho sinh hoạt kinh tế tự do phát triển. Một thí dụ là tình trạng phí phạm tài nguyên quốc gia, tài nguyên thiên nhiên và sức người không được sử dụng đúng hiệu quả. Như nạn ăn cắp của công, nạn tham nhũng cản trở người kinh doanh; hoặc chế độ chỉ dùng người trung thành với cấp trên mà không cần biết khả năng, phát triển tài báo cáo láo mà không phát huy tài năng thật; đó đều là những chướng ngại không cho kinh tế tiến bộ.

Cho nên có thể nói việc tranh đấu thiết lập một chế độ tự do dân chủ là cho “tất cả mọi người” được hưởng, nhờ kinh tế phát triển cao hơn. Một nước theo kinh tế thị trường cũng không thể phát huy đầy đủ những khả năng của xã hội nếu không bảo vệ được đạo công bằng, tinh thần “trọng pháp,” hệ thống thủ tục, luật lệ bảo vệ quyền tư hữu. Những chế độ độc tài thường không thực hiện được những quy tắc đó vì tinh thần phe đảng.

Nhưng cuộc sống tự do dân chủ không phải chỉ có mục đích giúp mọi người sống trong nền kinh tế khá giả hơn. Ðiều quan trọng hơn nữa là người ta sống có nhân phẩm cao hơn, từng người một. Như một vị góp ý kiến “Dân Chủ Cho Tui” trên mạng lưới X-Cafe trong nước viết, “Chỉ có loài vật mới có thể thỏa mãn khi được ăn no, rồi ngủ kĩ, sống chết mặc bay, vật lo thân vật. Con người thì ai chẳng có ước mơ được sống vui vẻ và hạnh phúc, được tự do tư tưởng, được nói lên những gì mình nghĩ, mình thấy đúng?”. Ðây là một ước mơ của mọi người Việt Nam, nếu không tôn trọng khát vọng đó thì coi thường dân Việt Nam quá!

Còn một lý do nữa khiến chúng ta phải chấm dứt những chế độ độc tài, là lối sống tự do dân chủ sẽ bảo vệ đạo lý cho cả xã hội, cả dân tộc. Một lý do khiến phong tục, đạo lý trong các nước độc tài bị suy đồi là người ta không được khuyến khích sống lương thiện. Trái lại, các chế độ độc tài chỉ làm gương xấu, bằng cách sống dối trá từ trên xuống dưới.

Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, giải Nobel năm 1970, viết, “Chúng ta đừng quên rằng bạo lực không bao giờ đứng một mình, nó không bao giờ tồn tại được nếu đứng một mình. Nó phải liên kết với dối trá.” ... “Bạo lực tìm thấy chỗ trú ẩn duy nhất của nó là gian dối. Sự dối trá tìm được bạo lực là chỗ nâng đỡ duy nhất. Bất cứ kẻ nào coi bạo lực là phương tiện thì cũng đều lấy gian dối làm quy tắc sống.”

Khi người dân một nước tập sống chung với nhau trong sự giả trá, sống cả một đời như vậy, thằng nào nói dối giỏi nhất thì thăng tiến nhất, cứ như thế người ta sẽ mất thói quen sống lương thiện.

Cho nên một chế độ độc tài đầu độc cả xã hội. Một nhà văn châu Mỹ La tinh, Mario Vargas Llosa, cũng nói, “Chế độ độc tài làm nhiễm độc tất cả những thứ mà nó nắm trong tay; từ các định chế chính trị cho tới mối tương quan giữa cha và con.”

Những ai đã sống qua trong một chế độ độc tài thì hiểu được những điều mà Solzhenitsyn hay Llaso nói tới. Chế độ độc tài là một thứ chất độc. Nó xâm nhập cơ thể và đầu óc mọi người dân sống trong đó. Thử hít thở không khí tự do, chúng ta sẽ cảm thấy khi sống trong chế độ độc tài tinh thần bị nhiễm độc như thế nào.

Như vậy thì không có lý do gì mà không tranh đấu cho đồng bào Việt Nam chúng ta được hưởng thêm nhiều quyền tự do dân chủ. Những người nói ngược lại chẳng qua là vì họ đang được hưởng những ưu quyền trong chế độ hiện nay, không muốn mất. Nhưng những ưu quyền đó không có gì bền chặt cả. Quyền hành sẽ có lúc bị mất, tài sản có lúc cũng mất. Ðời mình chưa mất thì đời con cái cũng có thể mất. Vì khi xã hội không có tự do, không tôn trọng luật pháp công bằng, người dân không được tự do phát biểu, không được tự do chọn người cai trị, thì không có gì bảo vệ quyền sống cho người nào cả. Cho nên chính những người đang đặt câu hỏi “Dân Chủ Cho Ai?” cũng nên tự trả lời mình: “Dân Chủ Cho Chính Tui!” Và nên bắt đầu tranh đấu cho tất cả mọi người Việt Nam được hưởng các quyền tự do dân chủ.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Giới trẻ Việt Nam không thể chậm chân

Ngô Nhân Dụng
Ngày 1 Tháng Bảy ở Bắc Kinh có một cuộc biểu tình phản kháng biến thành một bữa tiệc ăn mừng. Ðáng lẽ ra hôm đó là ngày chính phủ Bắc Kinh bắt đầu áp dụng lệnh bắt buộc các nhà sản xuất máy vi tính PC phải gài một nhu liệu mới vào máy để giúp nhà nước Cộng Sản kiểm duyệt tất cả các mạng lưới mà người dùng máy muốn vào. Nhưng trước sự phản kháng của người dân Trung Quốc dùng Internet cũng như dư luận ngoại quốc, một ngày trước khi mệnh lệnh trên có hiệu lực, Bộ Công nghiệp và Kỹ Thuật Thông Tin tuyên bố “hoãn” không áp dụng.

Họa sĩ Ai Weiwei (Ai Vị Vị) là một người làm blog (blogger) rất hoạt động. Ông đã hăng hái cổ động giới dùng blog ở trong nước cùng lên tiếng phản đối cái khí cụ kiểm duyệt toàn diện trên. Nếu để yên, nhà nước sẽ dùng vũ khí mới của họ để theo dõi, kiểm duyệt từng cái máy PC!

Bộ nhu liệu mang tên Lục Bá (Ðê mầu Xanh) mà Bắc Kinh bắt các nhà sản xuất PC phải cài vào trong máy được mô tả là nhằm bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các mạng lưới mạng khích dâm. Ai cũng đồng ý đây là một việc cần làm và nhiều quốc gia khác đã làm. Trên thế giới có bán nhiều nhu liệu loại này, phần lớn để giúp các phụ huynh kiểm soát việc con em sử dụng Internet. Nếu chính phủ Trung Quốc muốn đạt mục đích giáo dục đó, họ có thể khuyến cáo dân chúng sử dụng các nhu liệu sẵn có. Không có lý do nào khiến nhà nước phải bắt mỗi cái máy đều mang sẵn một nhu liệu loại này, do nhà nước đặt một công ty trong nước sản xuất.

Cho nên ai cũng thấy chính quyền Trung Quốc chỉ nhắm mục đích kiểm soát các mạng lưới, không cho dân Trung Hoa được tự do sử dụng phương tiện truyền thông này.

Nhưng người Trung Hoa bây giờ không sợ chính quyền như trước nữa. Cho nên cả nước đã dội lên một phong trào phản kháng. Tuy bên ngoài không ai nghe thấy nhưng trên các mạng lưới rất mọi người góp ý kiến ồn ào, náo nhiệt! Hiện nay có khoảng hai trăm triệu người Trung Hoa dùng Internet, số “công dân mạng” (netizen) sắp sửa lên cao hơn con số ở Hoa Kỳ. Và họ nói rất mạnh!

Trong Han Han blog có người viết, “Ai cũng biết nhà nước lúc nào cũng lấy cớ bảo vệ thiếu nhi để kiểm soát văn hóa!” Một blogger viết đặt thẳng câu hỏi cho nhà nước, “Các ông đã chối bỏ không cho các 'công dân mạng' quyền tự do ngôn luận! Các ông và những cơ quan thông tin của Ðảng Cộng Sản đã âm mưu làm mờ tối và bóp méo sự thật!” Một người khác lên án, “Chúng tôi sẽ coi các ông là Kẻ thù Số Một của Internet!” Một blogger còn dám cất lời đe dọa, “Ðể bảo vệ tự do Internet, để Internet tiến triển thêm, và để bảo vệ quyền tự do của chính chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công phá bộ máy kiểm duyệt của các ông một cách có hệ thống để cho các ông biết guồng máy kiểm duyệt của các ông nó yếu như thế nào!”

Mấy dòng trích từ các blog mà phóng viên nhật báo Financial Times ở Bắc Kinh giới thiệu cho thấy sự phẫn nộ của các bloggers Trung Quốc trước âm mưu kiểm duyệt thông tin thô bạo của chính quyền. Nhiều bloggers đã chính thức xuất hiện, do lời mời của họa sĩ Ai Weiwei, hẹn gặp nhau tại một quán ăn có vườn rộng ở phía Ðông thành phố Bắc Kinh đúng ngày 1 Tháng Bảy. Những người làm blog, bloggers, đã chuẩn bị một cuộc họp mặt phản kháng, với những chiếc áo thung T-shirt viết khẩu hiệu đả đảo nhu liệu “Lục Bá;” có nhiều chiếc áo viết chữ Anh, Green Dam. Hơn 200 người đã tới, gồm các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên, phần lớn đều làm blog riêng. Nhưng thay vì biểu tình phản đối thì họ lại uống bia ăn mừng khi chính quyền Trung Quốc “hoãn” việc áp dụng biện pháp kiểm duyệt trên.

Ai Vị Vị là một họa sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh, gần đây ông đã dùng blog của ông làm một diễn đàn tranh đấu cho các quyền tự do của các công dân Trung Hoa, và được giới trẻ khắp nước hưởng ứng. Sau khi trận động đất ở Tứ Xuyên xảy ra, nhiều mạng lưới cùng tố cáo nạn tham nhũng khiến các trường học xây trong vùng này bị sụp đổ trong khi nhà tư nhân được an toàn, chỉ vì bị nhà thầu đồng lõa với các cán bộ địa phương “rút ruột,” theo lối nói của người Việt Nam. Ai Vị Vị dùng blog của ông làm nơi nhận và phổ biến những thông tin về số học sinh tử nạn tại các làng bị động đất nặng, công bố cả nước biết.

Trong bữa tiệc mừng chiến thắng, Ai Vị Vị tuyên bố đây là “một chiến thắng của công luận” đối với chính quyền: “Chính quyền đã rút được một bài học. Là họ không thể đối xử với các công dân theo lối đó được nữa!”

Chúng ta có thể đặt một dấu hỏi sau lời tuyên bố trên. Vì khó đo lường trước được những hành động của một chế độ độc tài toàn trị.

Trong các chế độ độc tài hữu phái bình thường, như đã thấy ở Phi Luật Tân hay Nam Hàn trong các thập niên 1970-1980, những người cầm quyền còn giữ một mức độ liêm sỉ tối thiểu cho nên họ chịu áp lực của dư luận dân chúng. Vì trên căn bản họ vẫn tôn trọng các quy tắc như tự do ngôn luận, tự do bầu cử, vân vân, ngay cả khi họ tìm cách ngăn cản không cho dân được hưởng các quyền này.

Các chế độ độc tài Cộng Sản thì khác. Vì họ là những người chiếm chính quyền nhân danh một lý tưởng mộng mơ, chính thức chủ trương độc tài chuyên chế để thực hiện thứ “tôn giáo mới” của họ. Vì thế họ có thể đàn áp dân một cách thô bạo không cần theo các quy tắc về liêm sỉ tối thiểu. Vì họ cứ lấy chủ nghĩa Cộng Sản làm cứu cánh để tự biện minh cho mọi hành động tàn ác. Trong nửa cuối thế kỷ 20 có hai chính quyền độc tài nhẫn tâm dùng xe tăng giết hàng ngàn người dân trong tay không vũ khí. Ðó là Hồng Quân Nga ở Hungary năm 1956 và Hồng Quân Trung Quốc năm 1989 ở Thiên An Môn.

Cho nên không thể lạc quan quá đáng về “chiến thắng” của các bloggers ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người như ông Ai Vị Vị có lý do để vẫn lạc quan. Vì con số những người vào Internet ở Trung Quốc đã lên rất cao. Lực lượng đáng kể đó gồm những người thuộc thành phần trẻ, có học, lợi tức thuộc tầng lớp trung lưu, và sống ở các đô thị lớn. Có thể nói họ là thành phần ưu tú trong đời sống kinh tế, xã hội ở Trung Quốc hiện nay. Trước đây 15 năm Pháp Luân Công đã là một phong trào quần chúng lớn ở Trung Quốc, khiến cho đảng Cộng Sản phải tìm cách cấm đoán, Việc đặt phong trào này ra ngoài luật pháp cho thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc lo sợ như thế nào. Nhưng khi đó số người theo Pháp Luân Ðại Pháp chỉ khoảng vài chục triệu người.

Hiện nay số người dùng Internet lên cao gấp mười con số trên. Họ không có một lãnh tụ và không có những tín điều chung như Pháp Luân Công; nhưng họ có những quyền lợi kinh tế cũng như tinh thần ngày càng lớn và gắn bó với nhau. Ðảng Cộng Sản không thể bỏ qua họ được.

Cơ quan chính thức của Cộng Sản Trung Quốc là Nhân Dân Nhật Báo mới thú nhận như vậy. Tờ báo này mới viết, “Trong thời đại Internet, bất cứ người nào cũng có tiềm năng trở thành một kênh thông tin. Tình trạng giống như ai cũng có sẵn một cái máy khuếch âm (microphone) đặt trước mặt (để lên tiếng khi muốn).”

Lời thú nhận trên báo Nhân Dân ở Bắc Kinh có thể cũng là một lời đe dọa; vì ai cũng biết Cộng Sản Trung Quốc không thể nào chấp nhận cảnh mỗi người dân trên mạng có một chiếc micro trước mặt! Ðó là lý do họ muốn đặt cái Ðê Xanh, Lục Bá, vào trong từng máy PC! Và trong tương lai chắc họ sẽ tìm cách thực hiện được điều đó lần nữa. Việc hoãn thi hành quyết định này một phần cũng vì Bắc Kinh bị các chính phủ và các công ty sản xuất máy PC trên thế giới phản đối.

Nhưng cuộc cách mạng thông tin vẫn lừng lững tiến tới trên khắp thế giới. Và đó là một vũ khí đang được sử dụng tận tình trong phong trào đòi dân chủ hóa. Khi dân Iran biểu tình hàng trăm ngàn người chống bầu cử gian lận, những thông báo tin tức được truyền qua Internet. Khi nhà nước Teheran cắt Internet, dân dùng Facebook, dùng Twitter để liên lạc với nhau qua máy điện thoại cầm tay. Có lúc công ty điều hành Twitter ở Mỹ định ngưng hoạt động một buổi để điều chỉnh và cải thiện cả hệ thống, chính phủ Obama đã can thiệp yêu cầu họ tạm ngưng việc bảo trì này, để khỏi cản trở việc thông tin của người dân Iran đang tổ chức biểu tình.

Cả thế giới đang dùng các khí cụ truyền thông mới để cải thiện đời sống xã hội, đặc biệt là trong các nước độc tài, nơi nhà nước chiếm giữ độc quyền thông tin. Giới thanh niên trí thức sử dụng các dụng cụ mới đó tranh đấu ngay cho quyền tự do của chính họ.

Tại các nước Á Rập, giới trí thức phản kháng chế độ độc tài cũng sử dụng Internet để đẩy mạnh phong trào đòi tự do dân chủ. Một xứ bảo thủ nhất như Á Rập Sau Ði cũng có những người tranh đấu dùng Internet và cyberspace. Một nữ ký giả ở xứ này bị cha đánh đập sau khi cô dự một buổi họp về dân quyền, cô đã tới một ký túc xá của phụ nữ xin tạm trú và cô bị họ từ chối. Nhưng sau khi cô dùng Facebook loan tin này, tin tức truyền đi, các mạng lưới bàn tán, và nhà trọ trên đã phải mời cô trở lại ngay!

Một blogger ở Ai Cập là ông Wael Abbas đã dùng Internet phổ biến tin tức về các nạn nhân bị cảnh sát tra tấn, theo dõi tin tức những người bị bắt và phổ biến khắp nước. Vào Tháng Tư vừa qua ông Abbas bị bắt vì một ông cảnh sát hàng xóm tố là hành hung ông ta. Ông Abbas đã dùng Twitter, với giới hạn mỗi lần chỉ gửi được 144 chữ qua điện thoại di động, để báo tin thường xuyên cho bạn bè biết mình đang bị cảnh sát hỏi cung như thế nào. Ông báo trước có thể sẽ có người đứng ra làm chứng gian để công an buộc tội ông. Số người theo dõi tin này lan rộng rất nhanh, đi khắp thế giới. Trong khi các bloggers khác ở Ai Cập tụ tập trước Sở Công Tố nơi Abbas bị hỏi cung để theo dõi tin tức thì có những điện văn hỏi thăm ông Abbas từ những nơi xa xôi, như Argentina và Trung Quốc!

Hy vọng giới trẻ Việt Nam, nhất là giới sinh viên, biết những chuyện trên và các tin tức khác để thấy rằng họ đang nắm trong tay một dụng cụ rất mạnh nếu họ muốn tranh đấu cho xã hội nước nhà tiến bộ hơn. Internet và các phương tiện truyền thông qua máy điện thoại sẽ thay đổi thế giới, chúng ta không nên đứng bên lề. Nước Việt Nam đã lỡ chậm chân trong nửa thế kỷ trước đây cho nên bị các nước Á Ðông qua mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng tự do dân chủ. Thế hệ mới không nên để mình bị chậm chân lần nữa như các cha anh của mình! Ðứng ngoài lề lịch sử thì sẽ lại xấu hổ với con cháu sau này.
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Sách mới về chiến tranh VN khiến truyền thông Mỹ không vui

Image
Cuốn sách mới về chiến tranh Việt Nam kể lại nhiều sự thật mà giới truyền thông Hoa Kỳ trước đây tránh né,
đang dẫn đầu về số bán ở Amazon.
SACRAMENTO - Ngày 15 Tháng Tám sắp tới, Viện Bảo Tàng Quân Sự thuộc tiểu bang California sẽ có một buổi giới thiệu cuốn sách mới về chiến tranh Việt Nam nhan đề “Ride the Thunder” (tạm dịch Cưỡi Sấm Sét). Trong ngày hôm ấy tác giả Richard Botkin sẽ diễn giải về nội dung cuốn sách và ký tên lưu niệm.

Theo tin báo điện tử của World Net Daily, hiện nay trên mạng ở trang nhà của Amazon.com, cuốn này đang dẫn đầu số bán về thể loại chiến tranh Việt Nam và cũng dẫn đầu số mua trong giới cựu chiến binh. Ðồng thời Ride the Thunder cũng đứng hạng hai vế lượng sách bán trong đề mục Asian History.

Theo viện bảo tàng này, tác giả Botkin đã khai mào một trào lưu mới khi “kể lại câu chuyện anh hùng của một số Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Nam Việt Nam. Họ đã chiến đấu tuyệt vời và làm khơi dậy ngọn sóng triều của cuộc chiến trong khi các nhà làm chính sách đã buông tay đầu hàng.”

Botkin kể lại chuyện Ðại Úy John Ripley với hành động táo bạo khi phá sập cây cầu Ðông Hà; chuyện Thiếu Tá Lê Bá Bình cùng bảy trăm chiến binh TQLC đã ngăn chận được làn sóng tấn công của hai mươi ngàn quân Bắc Việt như thế nào. Trong đó cũng không quên nhắc đến kỳ công của Trung Tá Gerry Turley trong trận “Mùa Hè Ðỏ Lửa” từ một khách mời ghé lại vùng Hỏa Tuyến để thăm một số sĩ quan cố vấn, vì kẹt bởi cuộc tấn công bất ngờ năm 72, đã bất đắc dĩ trở thành vai trò lãnh đạo bên cạnh Tướng Giai can đảm ngăn trở được Quân Khu I khỏi bị tràn ngập bởi làn sóng “đỏ.”

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành riêng cho World Net Daily, tác giả Botkin giải thích người Mỹ hiểu sai về chiến tranh Việt Nam như thế nào - bởi vì họ ở xa đến 8,000 dặm, và chỉ nghe thuật lại một chiều. Botkin nói, “Về phía người Mỹ, theo tôi tất cả đều bị nghe những thông tin về cuộc chiến đã bị bóp méo và không trung thực. Ða số người Mỹ kể cả những người đã phục vụ ở Việt Nam đều không nhận thức được sự hy sinh của người dân Nam Việt Nam. Họ chính là những người yêu chuộng tự do.”

Botkin sưu tập những thông tin cho thấy quân Cộng Sản thường xuyên tấn công người dân vô tội trong có đàn bà, người già và trẻ em bằng hành động pháo kích bừa bãi. Năm 1968, quân Bắc Việt tàn sát từ ba đến sáu ngàn người và đem chôn trong những hố chôn tập thể. Biết bao gia đình phải chịu tang tóc, đau khổ và tủi nhục mà người Mỹ chưa bao giờ hiểu đến, trong khi họ dễ dàng tin theo những tài liệu tuyên truyền của đối phương do giới truyền thông Tây phương chưng ra để phê bình cuộc chiến. Giới truyền thông này đã làm hoen ố đi nỗ lực của Hoa Kỳ và Nam Việt Nam, góp phần vào sự xoay chiều của lập trường ủng hộ cuộc chiến.

Theo Botkin năm 68 là năm nổ bùng trận chiến thu phục nhân tâm người dân Hoa Kỳ qua màn ảnh truyền hình, và đối phương đã biết tận dụng lối tường thuật một chiều của báo chí Tây phương gây ảnh hưởng tốt cho mình thêm.

Botkin lưu ý rằng báo chí và phim ảnh Hoa Kỳ vẫn luôn miêu tả người Việt như là những kẻ tham nhũng thối nát, hèn yếu, khiếp nhược và phản bội hơn là những con người muốn chiến đấu cho tự do. Ông ta nói rằng “Ride the Thunder” trưng ra cho mọi người những câu chuyện truyền cảm mà truyền thông trước đây tránh né không muốn nhắc đến. Ðó là những câu chuyện về tình thân hữu, sự can trường, lòng yêu nước và lòng can đảm.

Ngày 23 Tháng Giêng năm 1973, Tổng Thống Mỹ Nixon công bố “Hòa Bình trong Danh Dự” trong một bài diễn văn phổ biến toàn thế giới trên hệ thống truyền hình.

Botkin kết luận, “Chúng ta nói vậy để rút chân ra khỏi Việt Nam cho có danh chính ngôn thuận. Lịch sử đầy dẫy những bài học cho thấy Cộng Sản ngồi xuống đặt bút ký biết bao hiệp định mà họ thấy có lợi, rồi sau đó lại phủi tay rũ bỏ. Ðúng là rút quân trong danh dự, hay ‘Hòa Bình trong Danh Dự’ - mà thật ra chẳng có chi là danh dự mà cũng chẳng có hòa bình gì ráo.” (T.P.)
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

TheLang wrote:

Image

Vợ Trung tá Kim nói chồng 'vì nước, vì dân'

Vợ của cựu Trung tá vừa bị chính quyền bắt vì cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước nói với BBC ông là người vì nước vì dân và đã được nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân huy chương.

Bà Nguyễn Thị Thơm nói trong ngày ông Trần Anh Kim bị bắt ông nói với bà ông ''chỉ chống tham nhũng'' chứ không làm gì sai.

Bà Thơm nói hôm 9/7/2009 bà đã tới trại nơi ông Kim bị giam ở Thái Bình nhưng không được gặp.

Kể về hôm ông Kim bị bắt bà nói:

''Lúc bấy giờ khoảng 8h ngày 7 tháng 7 năm 2009, công an ập vào nhà và có phải đến dưới 100 công an đứng từ ngoài đường vào trong nhà, ập vào giật cửa và khóa tay Trần Anh Kim.

''... Lục hết nhà cửa, hòm xiểng, tủ giả và toàn bộ tiện nghi máy tính rồi điện thoại, các giấy tờ của Trần Anh Kim và đóng vào hộp niêm phong.

''Trong cái buổi khám xét đấy thì vào khoảng một tiếng rưỡi.

''Xong đâu đấy thì họ xích tay Trần Anh Kim và khuân đồ đạc niêm phong ra xe thì xe để rất nhiều ngoài đường và tống Trần Anh Kim lên cái thùng đằng sau bịt kín và đưa đi.''

Bà Thơm, người trở thành vợ ông Kim hồi năm 2004, nói hôm 7/7 khi bà đang làm tại nhà máy may thì được hai, ba xe công an tới 'áp tải' về để chứng kiến việc công an bắt ông Kim.

Theo lời bà Thơm, ông Kim nói với bà: ''Họ đọc lệnh bắt anh tạm giam bốn tháng nhưng anh không có tội, anh chỉ chống tham nhũng chứ không có tội gì cả.''

'Bí thư đảng ủy'

Cả cuộc đời tuổi trẻ thì đi nằm rừng rú chiến đấu, hy sinh xương máu của mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ tổ quốc, đến tuổi già thì bị còng tay, xích tay rồi đưa vào trại giam.
Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ cựu Trung tá Trần Anh Kim
Bà Thơm cũng nói công an đã ''lập chốt'' và theo dõi ông Kim từ vài năm nay. Vợ của cựu Trung tá Kim nói bà là công nhân may và không liên quan gì tới những việc chồng làm.

''Cái việc của anh ấy làm anh ấy chỉ nói là anh ấy chống tham nhũng chứ không có làm cái gì khác cả.

''Công việc của tôi và của anh ấy khác nhau nên chúng tôi chỉ tin tưởng nhau và tôi ít khi đi sâu vào việc của anh Kim.

''Trần Anh Kim là con người có bản lĩnh vững vàng, có lối sống trong sáng, có tấm lòng yêu tổ quốc và yêu dân tộc mình''

''Anh là thương binh có nhiều công lao đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc, bảo vệ dân tộc.

''Anh đã từng làm bí thư đảng ủy, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thái Bình, đã được nhà nước tặng huân, huy chương, bằng Tổ quốc Ghi công, bằng khen, giấy khen rất nhiều.

Bà Thơm nói chồng bà ''không có lương'' và chỉ trước Tết vừa rồi mới đòi lại được chế độ thương binh để đi khám chữa các vết thương của ông.

Bà nói gia đình ông Kim đều thông cảm với ông:

''Họ cũng lo lắng, thương anh Kim, cả cuộc đời tuổi trẻ thì đi nằm rừng rú chiến đấu, hy sinh xương máu của mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ tổ quốc, đến tuổi già thì bị còng tay, xích tay rồi đưa vào trại giam.''

Trong khi đó chính quyền Việt Nam nói ông Kim đã viết và ''phát tán'' hàng chục tài liệu chống nhà nước.

Báo Việt Nam cũng trích lời cơ quan an ninh nói ông Kim đã từng bị tù vị ''tội kinh tế'' khi còn trong quân ngũ.
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

" Lần đầu tiên một triều đại nhận là yêu nước lại đàn áp người bày tỏ "


Tuy hai nước Việt - Trung đã có quan hệ ngoại giao bình thường, nhưng thế lực bành trướng Bắc kinh vẫn không ngừng xúc tiến chiến lược bao vây, xâm lấn, xâm nhập phá hoại nhiều mặt nhằm kiềm chế, khống chế đi tới thôn tính đất nước ta.Trung Quốc đại lục với Đài Loan tuy xung khắc nhau về chính trị nhưng lại đồng hành trong chủ nghĩa bành trướng (gần đây thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, thiếu tướng Lê Văn Cương, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng lại nhấn mạnh và nêu thêm những cảnh báo cập nhật).Bộ chính trị biết rất rõ điều đó, thế thì tại sao tổng bí thư Nông Đức Mạnh lại tự tiện đem một nguồn tài nguyên quốc gia
quan trọng trên một địa bàn chiến lược hiểm yếu vào bậc nhất để hợp tác làm ăn với thế lực ấy? Khi ký thông cáo chung này, tổng bí thư Nông Đức Mạnh đứng trên lập trường chính trị nào? Lập trường Tổ Quốc trên hết, quyền dân trên hết, hay lập trường ý thức hệ giai cấp là thống soái, bộ chỉnh trị là cơ quan quyền lực trùm lên đất nước, Quốc hội trong thực chất cũng chỉ là cơ quan thừa hành của Bộ chính trị?

Sau thông cáo chung nêu trên, việc hợp tác với Trung Quốc khai thác bô-xít Tây Nguyên đã được âm thầm xúc tiến theo qui trình lộn ngược một cách khuất tất, đến khi lộ ra thì mọi người mới giật mình trước tình trạng mà đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc gọi là “việc đã rồi”.Xin mời đọc lại những dòng tâm huyết gửi Bộ chính trị của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ nước ta tại Trung Quốc từ năm 1974 đến năm 1989: “…mãi đến gần đây được đọc thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng trăm ý kiến không đồng tình của các nhà khoa học, cán bộ và người dân ở khắp Bắc - Trung - Nam, tôi mới biết ta đồng ý cho Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Nguy hiểm quá!”.

Tôi (BMQ) xin nhắc lại: “Nguy hiểm quá!”!

Chủ thể gây ra tình hình nguy hiểm ấy là ai?

Là Bộ chính trị.

Cùng với tiếng than sửng sốt của vị tướng lão thành cách mạng 70 tuổi đảng là tiếng cảnh báo gay gắt khẩn thiết của nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà quân sự: đây là thảm họa hủy diệt môi trường thiên nhiên và văn hóa, gây xáo động xã hội, là tạo chỗ đứng chân cho thế lực bành trướng tại mái nhà Việt Nam và Đông Dương.
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Vì sao người Trung Quốc bị kỳ thị tại châu Phi?
Các dân tộc trên thế giới phần lớn đều giống nhau ở chỗ, tôn sùng kẻ mạnh, khinh kẻ yếu. Điều này giống như huấn luyện ngựa, anh ghê gớm thì thuần phục được ngựa, nó phục tùng anh, theo sự điều khiển của anh. Nhưng nếu anh mềm yếu, sẽ không huấn luyện nổi ngựa, nó sẽ không cho anh cưỡi, không cho anh sờ, thậm chí còn đá anh. Trong lịch sử, người phương Tây đã từng đánh và khuất phục Trung Quốc, Trung Quốc trở thành xã hội nửa phong kiến nửa thực dân. Người châu Phi coi trọng người da trắng, xem thường người Trung Quốc chính là vì lý do này.

Trung Quốc đầu tư hàng tỷ đôla vào các dự án ở châu Phi

Báo chí Trung Quốc bắt đầu nói nhiều về sự hiện diện của doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc tại châu Phi.

Các công ty TQ đã đầu tư hàng tỷ đôla vào các dự án tại châu lục này. Bài báo sau của tác giả Lưu Thực Vinh đăng trên mạng Hua xia kuai di nói về tình trạng người TQ bị "kỳ thị":


"Hoa kiều ở châu Phi cũng như những người Trung Quốc công tác, du lịch tại châu Phi, chắc chắn đều suy nghĩ tới vấn đề này: vì sao ngay những người da đen cũng coi thường người Trung Quốc?

Trung Quốc viện trợ châu Phi nhiều như vậy, sao họ lại ăn hiếp người Trung Quốc?

Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, những người lãnh đạo Trung Quốc mới đã nhận thức được tầm quan trọng của các quốc gia châu Phi đối với Trung Quốc, nên từ năm 1956 đã bắt đầu viện trợ cho các nước châu Phi, và từ đó không bao giờ ngừng.

53 năm nay, Trung Quốc đã viện trợ cho hơn 50 nước châu Phi hơn 900 hạng mục toàn bộ. Sau khi Diễn đàn hợp tác Trung Phi họp, Trung Quốc đã miễn giảm cho 31 nước châu Phi khoản nợ 10,5 tỷ NDT. Năm 2007, ngoại giao Trung Quốc chi tiêu hết 23 tỷ NDT, thì có tới 10,3 tỷ NDT dùng cho viện trợ nước ngoài.

Tác giả đã có chuyến thăm thủ đô Yaounde của Cameroon ít ngày, thành phố chỉ có 1,5 triệu dân này đã có nhiều hạng mục do Trung Quốc viện trợ như Hội nghị trung tâm, Bệnh viện Nhi đồng Phụ nữ, Quảng trường thành phố, Trung tâm Thể dục nhiều chức năng v.v...

Đây chỉ là một thành phố của một nước châu Phi, nhưng qua đó có thể thấy được qui mô viện trợ của Trung Quốc đối với các nước châu Phi như thế nào.

Trong chuyến thăm đó, tác giả đã có dịp trao đổi với ngài Baader, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoáng sản và Khoa học kỹ thuật Cameroon.

Trông chờ Trung Quốc?
Ngài đã đến thăm nhiều nơi ở Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc phát triển mạnh, tiềm lực khổng lồ, dự trữ ngoại hối đứng đầu thế giới.

Vị Bộ trưởng này đại diện cho tâm lý nhiều người châu Phi, cho rằng Trung Quốc viện trợ cho họ là lẽ đương nhiên.

Thế nhưng những nơi mà ngài đã tới đều thuộc vùng phát triển nhất của Trung Quốc, nhiều nơi ở Trung Quốc còn nghèo hơn Cameroon, chưa ấm no, trẻ con còn không được đi học.

Chúng ta viện trợ cho châu Phi bao nhiêu năm rồi, viện trợ bao nhiêu hạng mục, thế nhưng các nước châu Phi đối với Trung Quốc có hữu hảo không?

Tất nhiên qua vô tuyến tryền hình, chúng ta có thể thấy cảnh người lãnh đạo Trung Quốc tới thăm châu Phi đều được hoan nghênh nhiệt liệt. Đó là nghi lễ ngoại giao, hơn nữa người lãnh đạo Trung Quốc tới thăm châu Phi trong nhiều trường hợp trong túi đều có hạng mục viện trợ.

Con chó vẫy đuôi với bạn, không phải là vì bạn mà là vì cái bánh mì trong tay bạn.

Các dân tộc trên thế giới phần lớn đều giống nhau ở chỗ, tôn sùng kẻ mạnh, khinh kẻ yếu.

Tác giả Lưu Thục Vinh

Những Hoa kiều ở châu Phi, những nhân viên Trung Quốc công tác tại châu Phi, những công dân Trung Quốc đến du lịch tại châu Phi đều có thể hội thiết thân này.

Vì sao người Trung Quốc bị coi thường tại châu Phi?

Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu là vì chúng ta chưa hề thực dân với họ. Tôi đã công tác tại châu Phi mấy năm, phát hiện châu Phi đặc biệt sùng kính người Pháp, người Anh.

Người da đen trước đây bị người da trắng mua bán như con vật, sau này, những người da trắng này dạy người da đen học tiếng Pháp, tiếng Anh, nên người da đen luôn coi người da trắng là ông chủ... Hiện nay các nước châu Phi đều độc lập, những giữa họ vẫn nội chiến không ngừng.

Các dân tộc trên thế giới phần lớn đều giống nhau ở chỗ, tôn sùng kẻ mạnh, khinh kẻ yếu. Điều này giống như huấn luyện ngựa, anh ghê gớm thì thuần phục được ngựa, nó phục tùng anh, theo sự điều khiển của anh.

Nhưng nếu anh mềm yếu, sẽ không huấn luyện nổi ngựa, nó sẽ không cho anh cưỡi, không cho anh sờ, thậm chí còn đá anh.

Trong lịch sử, người phương Tây đã từng đánh và khuất phục Trung Quốc, Trung Quốc trở thành xã hội nửa phong kiến nửa thực dân. Người châu Phi coi trọng người da trắng, xem thường người Trung Quốc chính là vì lý do này.

Một lý do nữa khiến chúng ta phải viện trợ cho châu Phi còn vì mục đích gạt bỏ những nước có ý đồ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Một số nước châu Phi không cần nguyên tắc, không cần nghĩa khí, cái mà họ cần là thực huệ, ai có sữa thì là mẹ, ai cho nhiều tiền hơn thì công nhận người đó. Hiện nay vẫn còn 4 nước châu Phi có quan hệ ngoại giao với Đài Loan."


Phùng Nguyễn
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Hòa dịu hay hèn yếu?

Ngô Nhân Dụng

Sáng ngày 16 Tháng Bảy 2009 chín ngư phủ Việt Nam bị tầu lạ đâm chìm ngoài biển Ðông ngày hôm trước đã về tới Quảng Ngãi nhờ các tầu bạn cứu đưa về. Một người thoát nạn kể, “Trong đêm khuya mịt mù giữa biển cả, giữa lúc các thuyền viên chợp mắt nghỉ ngơi trong khoang tàu thì bỗng dưng một chiếc tàu tông thẳng từ đằng sau tới.”

Những vụ tầu đánh cá Việt Nam bị tầu Trung Quốc tấn công đã tăng lên trong mấy năm qua, và chưa bao giờ “hung bạo” như trong năm 2009 này. Chỉ trong vòng hai tháng qua, ba tàu đánh cá của dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu lạ đâm chìm vào ban đêm trên biển. Từ Tháng Giêng, một tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên đã bị một tàu lạ đâm chìm ở vùng biển Ðại Lãnh, chín ngư dân mất tích. Ðến Tháng Ba, một tàu đánh cá ở Bạc Liêu bị một tàu lạ khác đâm chìm, hai người tử nạn và hai người mất tích. Ðầu Tháng Năm, một tàu ngư dân thuộc huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang vây bắt cá ở cách bờ chừng 65 hải lý thì bất ngờ bị một tàu nước ngoài đến yêu cầu dỡ lưới đi nơi khác, nếu không sẽ gặp rắc rối. Ngày 22 Tháng Năm, một tàu cá khác từ huyện Ðức Phổ, Quảng Ngãi đã bị một tàu nước ngoài tấn công ngay trên nơi thả lưới, lấy đi hơn một nửa số cá vừa đánh bắt được. Bọn cướp trên chiếc tàu lạ này còn dùng lưỡi lê đâm thủng thuyền thúng dùng làm xuồng cứu nạn.

Chính phủ Trung Quốc đã “ra lệnh” từ Tháng Sáu đến Tháng Tám không cho tàu đánh cá vào vùng Hoàng Sa mà họ coi là thuộc chủ quyền của họ. Ngay đầu Tháng Sáu, một chiếc tàu của ngư dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã bị hai tàu lạ tấn công, phải bỏ lưới thoát thân.

Riêng tỉnh Quảng Ngãi bị chú ý đặc biệt, đến nay đã có 33 chiếc tàu đánh cá với 373 ngư dân là bị Trung Cộng bắt, riêng năm 2007 đã có 9 ngư dân bị giết chết hoặc bị thương. Những người này bị buộc phải nộp tiền chuộc từ 50 đến 70 ngàn Yuan tức từ 9 đến 11 ngàn đô-la mới được trả tự do. Tại họa đến với dân Quảng Ngãi chắc vì quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng này.

Như thường lệ, phản ứng của chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam lúc nào cũng rất yếu ớt. Những người bênh vực đảng và nhà nước Cộng Sản thường biện minh rằng Việt Nam là một nước nhỏ, sức không chống nổi Trung Quốc cho nên phải giữ thái độ hòa dịu, mềm dẻo. Hòa dịu có nghĩa là không gây hấn, không đe dọa ai hết. Nhưng không có nghĩa là tiếp tục chịu nhục mãi. Khi dân nước mình bị đe dọa, bị tấn công ngay trên mặt biển của mình, mà không có những biện pháp trả đũa ngoại giao mạnh mẽ, đó là một điều nhục nhã. Ngay khi ngư dân Việt Nam bị bắt cóc đòi tiền chuộc, một chính quyền biết tự trọng ít nhất phải triệu hồi đại sứ của mình ở Bắc Kinh về để bày tỏ nỗi bất bình. Phải đưa nội vụ ra trước những tòa án quốc tế để kiện.

Nhưng Ðảng Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn đứng về phía các đồng chí Trung Quốc của họ. Cứ đọc các báo trong nước thì thấy rõ báo chí bị kiểm soát để bảo vệ “tình hữu hảo” giữa hai đảng Cộng Sản như thế nào. Trong những bài báo tường thuật vụ “tàu lạ” đâm vào tàu Việt Nam, không báo, đài nào dám gọi tên hay bàn bạc rằng đó là những “tầu Trung Quốc!” Những người chỉ huy các báo sợ đụng tới cái tên đó sẽ mang vạ! Mặc dù vậy, nhiều nhà báo yêu nước vẫn tiết lộ được điều đó bằng cách nói khéo là những người trên “tầu lạ” ra lệnh cho các ngư phủ Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc! Tuy nhiên chỉ được một vài ngày, sau đó cả chi tiết về ngôn ngữ đó cũng không được nhắc tới nữa! Sau này các nhà báo Việt Nam sẽ có dịp viết hồi ký, cho biết những ai ra lệnh cho họ không được đụng tới tên Trung Quốc! Nhưng chính vì đảng Cộng Sản “kính nể” Trung Quốc quá đáng nên họ “được đằng chân lân đằng đầu!” Người dân Trung Quốc cũng coi rẻ người dân Việt Nam! Và các ngư phủ Việt Nam đang là nạn nhân của chính sách “ngoại giao mềm dẻo” đến độ “hèn yếu” này!

Năm ngoái đã xảy ra một cuộc đụng độ tương tự giữa Ðài Loan và Nhật Bản trong vùng Ðiếu Ngư Ðài. Chiếc tàu đánh cá Liên Hòa của Ðài Loan bị một tàu tuần duyên Nhật Bản đâm rồi bị chìm vào Tháng Sáu, 2008. Chính phủ Ðài Loan đã phản đối mạnh mẽ. Dù ai cũng biết sức lực Ðài Loan yếu hơn Nhật, nhưng ông thủ tướng Ðài Loan vẫn dọa “không gạt bỏ việc dùng vũ lực” để giải quyết biến cố này! Chính phủ Ðài Bắc triệu hồi “đại diện” của họ ở Tokyo về nước (tương đương với đại sứ vì hai nước không trao đổi ngoại giao chính thức), rồi cho 5 tuần duyên hải hộ tống một đoàn tàu chở dân Ðài Loan “biểu tình” tới sát Ðiếu Ngư Ðài, chạy vòng quanh cách đảo khoảng 700 mét. Bốn ngày sau, người đại diện Nhật Bản ở Ðài Bắc phải chính thức xin lỗi vị thuyền trưởng tàu Liên Hòa, lúc đó cuộc tranh chấp mới yên.

Người Nhật phải kính trọng dân Ðài Loan vì chính quyền Ðài Loan không hèn nhát. Cách chính quyền Bắc Kinh đối xử với các nước khác trong vùng biển tranh chấp khác hẳn cách họ đối đãi với dân Việt Nam. Ngày 25 Tháng Sáu, Indonesia đã bắt 75 ngư phủ người Tàu đánh cá trong vùng Trường Sa, mà chính phủ Trung Quốc chỉ lễ phép khiếu nại và xin trả tự do cho dân của họ. Cũng trong tháng đó, Phi Luật Tân đã bắt giữ 25 ngư phủ người Trung Hoa trong vùng tranh chấp Trường Sa, mà chính phủ Manilla không sợ bị Trung Quốc “trừng phạt.”

Trung Quốc đối xử khác biệt là do chính quyền Việt Nam không dám có phản ứng mạnh mẽ sau những vụ chủ quyền và quyền sống của người dân nước Việt bị xâm phạm trắng trợn, như mới xảy ra ở Quảng Ngãi gần đây. Nếu một chính quyền nhát quá không dám làm mạnh thì tối thiểu cũng phải để cho dân trong nước mình được tự do biểu tình phản đối trước các tòa đại sứ, lãnh sự quán. Hoặc dân chúng kéo nhau đi thuyền đến vùng biển tranh chấp bày tỏ lòng phẫn uất của mình, giống như các thanh niên Hồng Kông và Ðài Loan đã nhiều lần đi thuyền đến Ðiếu Ngư Ðài.

Ðiếu Ngư Ðài chỉ là một nhóm chừng 5, 7 hòn đá lớn nổi trên mặt biển với diện tích tổng cộng chỉ có 7 cây số vuông, hiện do người Nhật chiếm đóng, họ gọi tên là Senkaku. Nhưng từ năm 1971 hai chính phủ Trung Hoa, ở lục địa và Ðài Loan, đều khẳng định mấy đảo này là của họ, với tên Ðiếu Ngư Ðài.

Tất cả những vụ “đụng độ” về các hòn đảo này thường do người dân yêu nước xướng xuất, mà chính quyền không ngăn cản. Từ năm 1978, Hội Thanh Niên Nhật Bản đã hai lần quyên góp tiền để xây dựng những hải đăng trên hai hòn đảo lớn ở Senkaku, để xác định chủ quyền. Lần thứ nhì vào Tháng Chín năm 1996 khiến dư luận cả thế giới chú ý, chính phủ Mỹ phải lên tiếng tuyên bố đứng trung lập - cũng như một phụ tá Bộ Ngoại Giao Mỹ mới nói với Quốc Hội vào ngày Thứ Tư, 15 Tháng Năm, 2009 rằng Mỹ hoàn toàn đứng ngoài trong vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vùng biển Ðông. Ngay sau đó, có những đoàn thanh niên từ Hồng Kông, Ðài Loan, rồi sau đó đến Trung Quốc đã tổ chức đi thuyền đến Ðiếu Ngư Ðài cắm cờ quốc gia của họ lên đảo. Một thanh niên Hồng Kông đã chết đuối trong một chuyến hành trình phản kháng đó.

Tháng Ba năm 2004 một nhóm bảy thanh niên từ lục địa đổ bộ lên Ðiếu Ngư Ðài, họ bị quân tuần phòng Nhật Bản bắt; chính phủ Bắc Kinh phản đối và đòi Nhật trả họ về nước. Ðể chứng tỏ thanh niên Nhật Bản cũng không sợ, vào Tháng Tư, một nhóm ái quốc ở Nhật lái một chiếc xe vận tải đâm vào tòa lãnh sự Trung Quốc ở Osaka cho bốc cháy.

Tháng Bảy 2004, thanh niên Bắc Kinh đã biểu tình trước Tòa Ðại Sứ Nhật Bản phản đối việc khai thác dầu khí ở hải phận quanh Ðiếu Ngư Ðài. Hai năm trước đây, tòa đại sứ và lãnh sự Trung Cộng ở Hà Nội và Sài Gòn đều đóng cửa im ỉm để mặc cho cảnh sát công an Việt Cộng đối phó khi các thanh niên Việt Nam tới biểu tình phản đối vụ Hoàng Sa. Khi dân Trung Quốc biểu tình chống đối, Tòa Ðại Sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh đã cử hai nhân viên ra nhận lá thư phản kháng. Cũng theo cách đối xử lịch sự như vậy, vào năm 2006 tầu tuần duyên Nhật Bản chỉ ngăn cản những tầu “biểu tình” của một nhóm thanh niên Hồng Kông không cho họ đổ bộ lên đảo, mà không để xảy ra một vụ xô xát nào.

Tháng Sáu năm 2005 một chiếc tầu đánh cá tư nhân của Ðài Loan bị tầu tuần duyên Nhật Bản ngăn chặn xét hỏi khi tới Ðiếu Ngư Ðài. Chính phủ Ðài Loan đã gửi một chiến hạm tới sát gần Ðiếu Ngư Ðài để bày tỏ sự tức giận của dân chúng Ðài Loan; trên chiếc tầu này có ông bộ trưởng quốc phòng và vị chủ tịch Quốc Hội. Quân đội Nhật Bản không có một hành động nào ngăn cản chiếc tàu đó, và sang Tháng Bảy thì chính quyền hai nước bắt đầu cuộc thương thuyết về vùng đánh cá, mặc dù không ai bàn đến vấn đề chủ quyền trên Ðiếu Ngư Ðài. So sánh với các vụ “tàu lạ” đâm vào mạn sườn tầu Việt Nam giữa đêm, hoặc bắt cóc các ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc trong vùng Hoàng Sa thấy khác hẳn. Khác không phải vì người Nhật biết cư xử lịch sự văn minh hơn người Trung Quốc; mà khác ở chỗ chính phủ Tokyo kính nể dân Trung Hoa, còn chính phủ Bắc Kinh không cần kính trọng dân Việt Nam.

Trong cuộc tranh chấp về Ðiếu Ngư Ðài, phía Nhật Bản có những nhóm thanh niên tìm cách bày tỏ tình tự dân tộc mạnh mẽ. Ðối lại, dân Trung Hoa ở cả hai bên eo biển cũng đều tìm cơ hội biểu dương chủ quyền của nước họ. Dân trong lục địa Trung Quốc không hoạt động mạnh bằng người ở Hồng Kông và Ðài Loan. Có lẽ vì ở Hồng Kông và Ðài Loan dân chúng đã quen nếp sống tự do, xã hội công dân tự động phát triển phong phú tại cả hai nơi này. Các công dân hai xứ đó vẫn có thói quen tự đứng ra tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội cho chính mình, họ cũng được tự động thể hiện tinh thần ái quốc. Còn dân Trung Hoa trong lục địa không quen thi hành quyền công dân của mình bằng những việc bày tỏ thái độ chung. Dân các nước Cộng Sản vẫn có thói quen chờ mệnh lệnh của Ðảng; khi Ðảng xúi giục hoặc cho phép thì dân mới hành động.

Dân Việt Nam còn kém may mắn hơn. Việc tổ chức biểu tình vốn đã khó khăn vì dân không có thói quen tự mình hành động, tệ hơn nữa là những người yêu nước còn bị chính quyền ngăn cấm, không cho bày tỏ phẫn uất trước những hành động xâm lăng, đe dọa và gây hấn của Trung Quốc.

Người Việt tị nạn ở khắp thế giới có thể biểu tình yêu cầu chính phủ các nước như Úc, Pháp, Mỹ, Canada, vân vân, can thiệp với chính quyền Trung Quốc để họ ngưng các vụ tấn công tàu đánh cá Việt Nam? Nhưng họ sẽ hỏi, “Tại sao chính quyền ở Việt Nam không làm việc đó?”

Trong hoàn cảnh này, chỉ có cách là chính đồng bào chúng ta ở Quảng Ngãi, ở Nghệ An và các thành phố khác phải bày tỏ thái độ. Cần phải can đảm như dân Ðài Loan, dân Hồng Kông. Nếu người dân Việt Nam cũng tiếp tục ngoan ngoãn như chính quyền Cộng Sản thì sẽ còn nhiều vụ “tàu lạ” đâm vào tàu đánh cá Việt Nam nữa! Vì người Trung Quốc, hay người Nhật Bản cũng vậy, họ không thể kính trọng một dân tộc ngoan ngoãn quá! Cả nước từ trên xuống dưới phải “hòa dịu” mãi sẽ thành ra “hèn yếu!”
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Chính sách Biển Ðông của Việt Cộng

Nguyễn Ðạt Thịnh

Chắc cũng có người thật tâm tin là Việt Cộng có một chính sách Biển Ðông để bảo vệ tài nguyên nhiên liệu chìm dưới đáy biển, bảo vệ hải sản tôm, cá trong lòng biển đã bao nhiêu ngàn năm nuôi sống người Việt Nam, và bảo vệ vài trăm ngàn ngư dân quanh năm đánh, bắt trên triền nước, ngọn sóng.

Thử tìm hiểu chính sách Biển Ðông của Việt Cộng là những gì?

Trước hết như mọi quốc gia ven biển khác, họ nộp lên tổ chức Liên Hiệp Quốc những bản đồ lãnh hải rộng 12 hải lý, bản đồ vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, và những vùng đặc quyền nới rộng.

Căn cứ trên bản đồ này Liên Hiệp Quốc ấn định lằn ranh lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế cho mọi quốc gia ven biển nếu những vùng này không có tranh chấp. Nếu có tranh chấp, những quốc gia liên hệ sẽ ngồi lại với nhau để thảo luận.

Quần đảo Trường Sa nằm trong vùng tranh chấp của 6 nước: Trung Cộng, Việt Cộng, Ðài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, và Brunei; 4 nước sau cùng có lập trường giản dị là đệ nạp cho Liên Hiệp Quốc bản đồ lãnh hải của họ và chờ cuộc thương thuyết rất dài, rất gay go và phức tạp, để giải quyết quyền lợi của mỗi quốc gia trên tài nguyên nằm dưới Trường Sa.

Trung Cộng phản đối việc cả 4 nước này và Việt Nam đòi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, nhưng vẫn sẵn sàng thương thuyết với toàn bộ 5 quốc gia về quyền lợi trên hải đảo đó. Thương thuyết chưa diễn ra nhưng có thể hình dung như một cuộc chia phần, trong đó Trung Cộng lãnh phần của con sư tử.

Bốn nước nép mình theo luật quốc tế, trong lúc hai nước hành xử không giống những nước kia là Việt Cộng và Trung Cộng; Trung Cộng tham lam nhận tất cả những gì trên Biển Ðông là của chúng, Việt Cộng tuyên bố họ đang mua 6 chiếc tầu ngầm, và đệ nạp một bản đồ không chính xác, khi xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, đo từ “lằn ranh cơ sở 1982”.

Lằn ranh này không phù hợp với UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Sea – Qui ước quốc tế về luật trên biển cả) ở một số điều quan trọng và nằm xa bờ một cách đáng kể so với một đường cơ sở phù hợp với UNCLOS.

Trong vòng 2 năm từ khi Việt Nam công bố đường cơ sở 1982, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Thái Lan phản đối đường cơ sở này.

Nhiều thức giả Việt Nam góp ý là nếu đo từ những hòn đảo của Việt Nam như các đảo Côn Sơn, Phú Quý thì vấn đề được đơn giản hoá và phù hợp với quy chế đường cơ sở thẳng bình thường của UNCLOS. Trung Cộng cũng đã làm như vậy –đo 200 hải lý từ mũi chót phía Nam của đảo Hải Nàm—đưa cái lưỡi bò xuống liếm Nam Hải vào miệng.

Một viên chức ngoại giao của Việt Nam đã hồi hưu, ông Dương Danh Dy nói, “bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi. Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc (khi chúng tấn công hải quân QLVNCH, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.

“Tôi từng đi điều tra biên giới trên bộ nhiều lần và tôi thấy có những cái đúng là sự ngây ngô khờ dại của chúng ta.”

Sự ngây ngô khờ dại còn đưa Việt Cộng đến việc làm một trang web chung với chính phủ Trung Cộng lấy tên là www.vietnamchina. gov.vn, khi người viết web là viên chức Việt Cộng, và đổi thành địa chỉ www.vietnamchina. gov.cn. khi người viết là Trung Cộng.

Trang www.vietnamchina. gov.vn chỉ có chính phủ Việt Cộng mới có quyền sử dụng đang phổ biến nhiều bài viết hoàn toàn theo quan điểm chính phủ Trung Cộng.

Phần tiếng Việt của trang này giới thiệu các tin tức về hoạt động của đảng, chính phủ và các lãnh đạo Trung Cộng với ngôn ngữ “hồ hởi” ca ngợi.

Ví dụ những tin hoàn toàn bằng tiếng Việt ca tụng công tác đối ngoại của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các thành công về 'sở hữu trí tuệ', 'thành tựu hội chợ' v.v.

Đặc biệt, có bài đề cao chính sách ngoại giao 30 năm qua của Trung Quốc như một thành tựu to lớn.

Khẩu khí “tay sai” của trang web rõ rệt đến mức đài BBC cũng phải nhận xét “Một trang web cấp chính phủ của Việt Nam lại đóng vai trò phò tá, hổ trợ cho chính sách của Trung Cộng thì quả là chuyện lạ”.

Theo đài BBC khi tìm những chữ 'Nam Sa', 'Tây Sa' của trang web này, người đọc sẽ thấy lại một bài hôm 19/03/2009 mô tả chuyện Việt Nam 'theo dõi sát' vụ tàu Ngư Chính 311 của Trung Quốc đến gần Nam Sa.

Tầu Ngư Chính là một tầu chiến được ngụy trang thành tầu ngư nghiệp, vào Biển Ðông sau những đụng chạm giữa 5 ngư thuyền Trung Cộng với chiếc tầu dò mìn Impeccable của Mỹ.

Trang web của gov. vn chỉ đưa tin phát ngôn viên Lê Dũng nói Việt Nam 'sẽ theo dõi sát' hoạt động của tàu nọ.

Trong lúc đó Việt Cộng loan tin họ đặt mua 6 tầu ngầm của Nga, điều này làm nhiều người Việt hải ngoại vui mừng coi đó như dấu hiệu chứng tỏ ý chí của Việt Cộng muốn bảo vệ lãnh hải, bảo vệ những tài nguyên nằm dưới đáy biển, và bảo vệ quyền hành nghề của ngư phủ Việt Nam.

Mừng đến nỗi có người nói, Việt Cộng tệ đủ thứ, nhưng chót hết rồi chúng cũng vẫn là người Việt Nam , vẫn nghĩ đến việc bảo vệ lãnh hải.”

Nhưng trên thực tế việc chúng đặt mua tầu ngầm không giúp ngư dân Việt Nam hành nghề trong vùng biển Việt Nam mà không bị những chiếc tầu “tuần tra” như tầu Ngư Chính 311 bắn giết hay bắt giữ, cũng không giúp viên chức Việt Nam mạnh miệng hơn trong những cuộc tranh cãi về chủ quyền trên Biển Ðông.

Bốn quốc gia đang cùng Việt Nam, là nạn nhân của chính sách lấn ép của Trung Cộng trên Biển Ðông không thấy có nhu cầu tầu ngầm; họ giản dị tin lời Đô Đốc Mỹ Robert Willard, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, khi ông dự hội nghị Biển Ðông với Trung Cộng và nói với chúng là hải lực Hoa Kỳ sẽ không đứng ngoài cuộc tranh hùng trên Biển Ðông.

Câu tuyên bố “không đứng ngoài” nghe đã tai, trong lúc, không tuyên bố nhưng 6 chiếc tầu ngầm của Việt Cộng sẽ đứng ngoài cuộc tranh hùng, nếu tranh hùng xẩy ra; điều này dó thể dự đoán được, vì trong giả thuyết hải chiến, những chiếc tầu ngầm này sẽ bị mắc cạn do việc 3 chú hề Mạnh, Triết, Dũng không bao giờ hội đủ can đảm để coỏng “nô” với thiên triều.

Nói theo ngôn ngữ Việt Cộng: Biển Ðông là vấn đề “nhậy cảm”, không nên đụng vào nếu không muốn bị cảm … cúm heo.

Nguyễn Ðạt Thịnh
dailien
Posts: 2458
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

VIỆT CỘNG ĐANG LỘNG HÀNH TRÊN CÁC DIỄN ĐÀN THÔNG TIN.

Chu tất Tiến.
Cuộc chiến đấu cho Dân Chủ của những nguời Việt hải ngoại đầy dẫy những khó khăn và trở ngại, đặc biệt vì tinh thần tôn trọng quyền Tự Do phát biểu của các quốc gia Tự Do, nên Cộng Sản đã lợi dụng đặc quyền đó mà có thể xâm nhập vào mọi cơ quan truyền thanh, báo chí, truyền hình để khuấy động tư tưởng cộng đồng. Một số cơ quan truyền thông chuyên quảng cáo cho việc du lịch Việt Nam, khuyến khích đồng bào xa nhà trở về quê hương, đem tiền đôla về làm giầu cho các Cộng ty du lịch. Từ những số tiền viện trợ gián tiếp đó, mà bộ mặt của đất nước cũng dần thay đổi có lợi cho nhà cầm quyền. Vài đài trực tiếp cổ động cho Cộng Sản bằng cách chiếu những tin tức mà nhà cầm quyền muốn gửi đến hải ngoại. Một số tờ báo, hoặc vì muốn câu độc giả, hoặc vì bị mua chuộc, đã đăng những bài viết, bản tin gây nghi kỵ, chia rẽ cộng đồng, chia rẽ tôn giáo, để làm cho lực lượng chống Cộng ngày càng mỏng đi, rồi từ từ triệt tiêu.

Trong một tờ tuần báo xuất bản tại Quận Cam, ngày 12 tháng 6 năm 2009, có bài nhận định của Việt Thường với tựa đề rất to lớn: "Vì Tổ Quốc Việt Nam hay vì ông Quảng Độ và PG Ấn Quang".

Sau khi trình bầy việc Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ (Việt Thường chỉ viết trống không là "Ông Quảng Độ") kêu gọi "Bất Tuân Dân Sự", Việt Thường mai mỉa:

"Cho đến hôm nay, tháng 5 - 2009 qua đã từ lâu, mà vẫn chưa thấy một cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng cho biết kết quả của Lời kêu gọi ra sao? Nó cũng rơi vào cảnh "đánh trống bỏ dùi" như lời kêu gọi Không về Việt Nam và gửi tiền về Việt Nam trong tháng 4 - 2009 vậy! Đây mới đích thực là những kiểu "CHỐNG CỘNG BẰNG VÕ MỒM" mà lũ Việt Gian Cộng Sản rất cần." Việt Thường đã chụp mũ một cách cực kỳ tầm bậy vì không có liên hệ gì giữa Lời Kêu Gọi và việc việt gian cộng sản cần thiết các "kiểu chống Cộng bằng võ mồm" cả.

Tiếp theo, Việt Thường kể lể dông dài về Lịch Sử Đảng từ năm 1930 đến nay cùng với những lời đấu tố Đảng Cộng Sản Đông Dương, những điều mà toàn dân Việt đều biết từ khuya. Đến khoảng giữa bài, Việt Thường mới tung ra một quả bom như muốn tiêu diệt toàn bộ Phật Giáo. Dưới tiểu đề rất đao to, búa lớn: "Việt Gian Cộng Sản sử dụng Phật Giáo như thế nào?", Việt Thường viết:

"Từ khi ra đời vào đầu năm 1930, thì bọn Việt Gian Cộng Sản đã mượn cái lốt Phật Giáo để hoạt động. Bởi vì hon 80% dân số VN theo đạo Phật. Ngay Cộng nhân và nông dân mà Việt gian cộng sản coi là lực lượng của cái gọi là "cách mạng vô sản", thì phần lớn cũng là Phật Tử. Chưa nói đến đền, chùa... rất thuận lợi làm điểm hẹn hò của việt gian cộng sản còn họat động trong vòng bí mật. Chúng không chỉ gián tiếp lợi dụng Phật Giáo mà còn trực tiếp cạo đầu làm sư trụ trì. Thí dụ: tên đại tướng ngụy quân cộng sản Văn Tiến Dũng, từng cạo đầu làm sư để hoạt động cho đến năm 1945 mới để tóc ra Cộng khai, và tên Hoàng Quốc Việt thì đóng vai ông từ giữ đền." Đây cũng là một đòn chụp mũ cực kỳ nguy hiểm, vì cho rằng toàn bộ Phật Giáo là Việt Cộng. Để chứng minh, Việt Thường "gom bi" toàn bộ các nơi thờ tự Phật giáo vào một chỗ: "tất cả mới lòi đưôi chồn của đám tu sĩ Phật Giáo làm tay sai cho Việt Gian Cộng sản. Từ chùa Quán sứ cho đến chùa Tràng An, chùa Bộc, chùa Thầy, chùa Trấn Tiên.. cho đến đền thờ Hai Bà Trưng...Hầu hết các tỉnh thành khác cũng vậy, nào các Đền Tam Thanh, Nhị Thanh ở Lạng Sơn, cho đến Chùa Cửa Ông ở Cẩm Phả..."

Tác giả còn khẳng định là Cộng Sản cho người đi học làm tu sĩ Phật Giáo, cho đi Ấn Độ học, rồi về nước thi hành "quần chúng hóa"... Tới đây, Việt Thường bắt đầu chủ điểm của mình là bôi lọ Hòa Thượng Thích Quảng Độ: "Đồng Minh tin cậy của việt gian cộng sản phần lớn chính là những tu sĩ theo đạo Phật, vốn là người của cộng sản việt gian giao cho nhiêm vụ cạo trọc đầu để hoạt động, và những tu sĩ mượn đạo Phật để tìm danh vọng, lợi lộc, như ông Quảng Độ đã thừa nhận..."

Sau khi mỉa mai, bôi lọ, Việt Thường đấu tố toàn bộ Giáo Hội: "Cộng Đồng Việt Nam tị nạn Cộng sản đã được biết....GHPGVNTN đã phục vụ RẤT ĐẮC LỰC cho tập đoàn việt gian cộng sản trong việc thực thi chính sách mở rộng thuộc địa của Nga sô và Tầu Cộng" và "GHPGVNTN chính là con ngựa của thành Troi của việt gian cộng sản được đặt trong lòng nước Việt Nam Cộng Hòa." Với những chụp mũ rất mơ hồ kiểu chợ cá như trên, Việt Thường tiếp tục lải nhải bằng những hàng chữ đậm: "Con thuyền Đạo Pháp của GHPGVNTN đã làm nhiệm vụ chở nhóm lãnh đạo, trong đó có Quảng Độ, đến bờ danh vọng, lợi lộc". (Những lời chụp mũ này chứng tỏ tác giả vừa ngu ngốc vừa độc ác: Viết tiêu đề rất kêu, nhưng không thèm dẫn chứng.)

Tới lúc này, Việt Thường mới trở lại mục tiêu chính là Đại Lão Hòa Thượng bằng một tiêu đề cũng bằng chữ đậm: "LÁ BÀI QUẢNG ĐỘ TRONG BÀN TAY VIỆT GIAN CỘNG SẢN."

Tưởng rằng dưới tiêu đề này, tác giả có thể lật tẩy "lá bài" của Thầy Quảng Độ bằng các chứng cớ, nhưng tìm suốt bài viết, không thấy bằng chứng nào mà chỉ thấy những câu lảm nhảm, không đầu không đuôi, kéo Võ nguyên Giáp sang lẫn lộn với Bs Trần Xuân Ninh, lãnh tụ "đúng hướng Phở Bò", qua "những lá bài chính trị bị vất vào thùng rác như Nguyễn đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Trần Đại Sơn, Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Đỗ Nam Hải, Trần Anh Kim, Nguyễn Gia Kiểng". Việt Thường viết linh tinh lang tang, từ hải ngoại về tới Việt Nam. Mãi sau, với văn phong hàng tôm, hàng cá, Việt Thường mới quăng ra một cái mũ tai bèo: "Quảng Độ là một lá bài rât quan trọng của việt gian cộng sản trong âm mưu đoàn ngũ hóa Phật tử, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, đối với những Phật Tử không chấp nhận tổ chức Phật giáo quốc doanh. Cái gọi là GHPGVNTN trong tay Quảng Độ là phải làm mẻ lưới chót để thu gom những Phật Tử đó vào tổ chức để lèo lái họ đi vào lộ trình thôn tính cộng đồng người Việt tị nạn việt gian cộng sản và cũng là cửa ngõ đầu tiên khai mở cái trò giao lưu trong và ngoài VN, qua văn phòng của Võ Văn Ái ở Paris (Pháp)"

Đại loại như thế, Việt Thường cứ ném đi ném lại những cái nón cối cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà đại diện là Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, mà không chứng minh được những điều mình tố cáo bằng bất cứ thực tế nào. Gần chót, tác giả mới gom thêm vài nhân vật như Nguyễn Thanh Giang, Bùi Kim Thành, Nguyễn Chính Kết, và "Hòa Thượng Thích Minh Tâm và cuội Lai Thế Hùng với Võ Văn Ái của Quảng Độ."

Đọc một bài "chụp mu" kiểu hàng tôm hàng cá trong một tờ tuần báo xuất bản ngay tại Thủ Đô tị nạn Cộng Sản, người ta bàng hoàng tự hỏi: "Bộ Việt Cộng đã mua đứt báo chí ở đây rồi hả? Sao mà chúng lộng hành ngang ngược như thế?"

Chưa hết, trong một bài viết được phóng lên diễn đàn từ địa chỉ "hatien < vanctnguyen@ yahoo.comĐịa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó >, Việt Thường chửi tung tóe cộng đồng hải ngoại khi đến dự buổi giới thiệu cuốn "Nhật Ký của một thằng hèn" của nhạc si Tô Hải.

Với đầu đề: "Tô Hải: Thằng hèn hay tên lưu manh", Việt Thường - Nam Nhân (hai tác giả nhưng chỉ là một), với văn phong Việt Cộng, mai mỉa: Buổi ra mắt sách có một sự quần tụ không bình thường... Diễn giả đóng vai a-lô chào hàng gồm đại khái những cái mặt da dầy như da tê giác, như cựu giáo sư tự phong về Anh Văn và Pháp Văn "Alibaba Nguyễn Chí Thiện", Lưu trung Khảo, người có phát minh chống cộng bằng cách chỉ khen những gì việt gian cộng sản làm tốt (?) để khuyến khích chúng, nôm na là "chống cộng bằng thổi ống đu đủ", Uyên Thao, nhân vật này thì danh tiếng ngang với GS "biển dâu" Nguyễn Ngọc Bích, Nhật Tiến, còn nổi tiếng hon cả Uyên Thao...Đỗ quí Toàn (không biết có bà con gì với Đỗ quí Doãn, kẻ quảnlý báo chí của việt gian Cộng sản) là người của Đỗ Ngọc Yến và MC là Đinh Quang Anh Thái, kẻ thoải mái về VN, phỏng vấn trực tiếp thanh niên xung phong gái Dương Thu Hương, và Thái cũng là bạn thân của Alibaba, chủ động Bà Mâu, Hải Phòng. Ngoài ra còn có sự hiện diện của em gái "trùm nói phét, Đặc Cộng đỏ Vu Thu Hiên:, cũng như hai em gái của "thằng hèn Tô Hải".

Sau đó, Việt Thường tự Nam Nhân dùng những hàng chữ cay độc, tô đậm để đả phá báo Người Việt, nơi tổ chức buổi giới thiệu sách: "Cả một ban biên tập của báo Người Việt, hoặc là Quá Ngu hoặc Quá Lưu Manh (cho tự nhận) để không biết tình hình của phía Bắc VN..." và rồi liên tu bất tận chứng minh quá khứ Cộng Sản của mình khi điểm tình hình văn nghệ si miền Bắc cùng với sự phân tích khá tường tận về sinh hoạt của Tô Hải, điều mà người ngoài đảng Cộng Sản không thể biết. Với hai bài viết này, Việt Thường tự Nam Nhân, đã tự lột bộ mặt nạ của một tên Cộng sản nằm vùng, chuyên đánh phá cộng đồng bằng chữ nghia.

Nhiều người thắc mắc: "nhưng tại sao lại nói Việt Thường là Việt Cộng khi hắn chửi Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản thậm tệ trên diễn đan?"

Để trả lời điều này, xin hãy hỏi các Tù Nhân Chính Trị tại Z 30 D Hàm Tân vào thập niên 80.

Cách đây đã lâu, một người tù Hàm Tân, Nguyễn Tri Thức đã viết trên mạng:

-Năm 1984, Trần Hùng Văn mang bí danh Việt Thường, đóng vai một người viết báo Cộng Sản phản tỉnh, vì chống Đảng, nên bị vô tù. Hắn giả bộ đi khập khiễng, phải chống gậy, và khoe rằng bị “Cộng an cộng sản” tra tấn nên biến thành què. Việt Thường đi tù nhưng không làm lao động mà được cử làm Quản Thủ Thư Viện(?). Từ vị trí này, Việt Thường len lỏi vào mọi tổ chức chống đối của anh em mà thu tập tài liệu, rồi báo cáo những ai định trốn trại, chống đối, làm anh em bị cùm hết trơn. Nhưng đến năm 1988, Việt Thường đi trên đường Tự Do nhanh nhẹn, không có một dấu vết khập khiễng gì cả. Bạn tù gặp, hỏi anh ta về sự què khi xưa, anh ta cười: "Tới lúc hết bệnh, thì tự nhiên hết!"

2-Việt Thường đóng kịch dỏm, khi luôn mồm chửi: "Địt mẹ thằng Hồ chí Minh! Địt mẹ thằng Hồ Già!" Anh em khôn ngoan thì thắc mắc: "Sao hắn lại không bị đánh đấm gì? Sao cai tù cứ lờ đi như không nghe thấy, lại còn cho hắn làm Quản Thủ Thư Viện?". Kết cục, Việt Thường lại được tha sớm. Người tù Nguyễn Tri Thức cùng trình diện cùng địa phương với Trần Hùng Văn cho biết: Sau khi được tha, Việt Thường được cấp một căn phòng trên lầu, ngay tại số 8 Lê Lợi, nhìn ra đường Tự Do, sống thoải mái, cà phê, thuốc lá rủng rỉnh. Điều quan trọng hơn cả là căn nhà số 8 đường Lê Lợi ấy, cao bằng rạp Rex, lại là của Nguyễn Đỗ Hải, tức Hải Béo, một người miền Nam, cháu của Nữ Luật sư Nguyễn Phước Đại, nổi tiếng của Sàigòn, sau này thành Trùm Văn Hóa Văn Nghệ của cả nước. Hải Béo, là anh em cô cậu của Phạm Kim Ngọc, Tổng Trưởng Tài Chánh Việt Nam Cộng Hòa, trong khi cả nhà đi Tây năm 1954, Hải Béo lại bay về Hà Nội. Có Cộng cứu Chúa, Hải Béo được cử làm một trong các nhân vật lãnh đạo của Ban Bí Thư Bộ Văn Hóa, nghĩa là bao trùm tất cả mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn quốc. Sau 1975, nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo miền Nam bị kẹt lại phải trình diện tại số 8 Lê Lợi này. Trong số những người hay tới lui tại đây, nhậu nhẹt, cà phê, nói chuyện với Hải Béo, có Trịnh Cung, Trịnh Công Son, và Việt Thường! Hơn hẳn Trịnh Công Son và Trịnh Cung, Việt Thường được Hải Béo cấp cho một căn hộ ngay trong Bin-đinh đó! Nên nhớ là Hải Béo, vốn ở Miền Nam, có nhiều liên hệ với những tai to, mặt lớn miền Nam, nên biết hết mọi hoạt động của mọi văn nghệ si. Hắn từng nói với một số văn nghệ si mà hắn khoái là: "Ở miền Nam, không có cái đéo gì mà tôi không biết!" Vậy mà Hải Béo lại cấp cho Việt Thường nhà ở và phương tiện sống xa hoa? Hải Béo có mù không?

Ở Sàigòn ít lâu, cả nhà Việt Thường được đi tầu bay sang Luân Đôn. Con gái Việt Thường lấy một cán bộ tốt nghiệp Liên Xô, sau làm Giám Đốc một Cộng ty du lịch.

Hiện nay, từ Luân Đôn, Việt Thường - Nam Nhân lập ra một Website chuyên chửi "địt mẹ Hồ Chí Minh", nhưng đồng thời chửi tá lả toàn bộ nhà văn, nhà báo, trí thức chống Cộng, cả Tập Thể Cựu Chiến Si, Thiếu Tướng Lý tòng Bá, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Đại Tá Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn chí Thiện, Lai thế Hùng, Phan Nhật Nam, Du Tử Lê, Đinh Quang Anh Thái, Đỗ Quí Toàn, Lưu Trung Khảo, Trần Đức Thanh Phong, Trần Phong Vũ, Chu tất Tiến, Nam Lộc và nhóm chủ trương Asia cũng như toàn bộ các nhà tranh đấu cho dân chủ khác. Hầu như không một tác giả chống Cộng nào thoát bàn tay do bẩn của Việt Thường - Nam Nhân. Hắn ghét cay ghét đắng khối 8406, nên rất nhiều lần, Việt Thường chửi khối 8406 rất tệ hại. Nguyễn Khắc Toàn được gọi là "tên ăn cắp xe đạp", Đỗ Nam Hải "lưu manh", Nguyễn Văn Lý là "kẻ đội lốt thánh giá"...

Điều đáng lưu ý là khi nói về cộng đồng hải ngoại hoặc quân đội Việt Nam Cộng Hòa, hắn khôn khéo nịnh bợ, "bốc thơm" Quân Đội lên tới mây xanh bằng những lời lẽ hoa mỹ quá đáng. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, sẽ thấy hắn "nâng bi" Đảng kỹ hon khi nịnh Quân Đội Cộng Hòa bằng cách viết rằng, "cộng sản bây giờ ở khắp nơi, đông lắm đến nỗi một viên an ninh Mỹ nói rằng: "địt mẹ, thằng cộng sản ở đâu mà chúng nó có mặt ra nhiều thế này, không biết rồi ở đâu có đủ nhà tù để nhốt chúng nó đây" (nguyên văn của Việt Thường).

Trong sách lược đấu tranh chính trị, phương pháp mà Việt Thường - Nam Nhân dùng là phương pháp Tuyên Truyền Xám, có nghia là không Trắng, Đen rõ ràng, mà cứ nửa nạc, nửa mỡ, chửi tuốt luốt cả hai phe Quốc, Cộng, tạo ra nghi kỵ, ghen tị, hoang mang, không biết đâu là Chân Lý, không biết bên nào Chính, bên nào Tà. Phương pháp tuyên truyền này áp dụng sách lược của Nicollò Machiavelli, tác giả cuốn "The Prince" (Ông Hoàng) viết vào thế kỷ thứ 15, dựa trên căn bản "vô luân lý", nghia là xử dụng mọi phương tiện, ngôn ngữ, bất chấp thủ đoạn để tấn công đối phương. Đến thế kỷ 20, Hitler, Staline, và Hồ Chí Minh tôn thờ phương sách này và áp dụng thành quốc sách. Cả ba đệ tử của Nicollò Machiavelli đều luôn quan niệm: "Nói láo, nói láo, nói láo nữa đi, người ta sẽ tin anh." Hitler còn thêm rằng: "Nói láo nhỏ, người ta không tin, nhưng nói láo thật lớn, người ta tin ngay."

Nếu vô tình đọc một bài viết láo như của Việt Thường - Nam Nhân, người đọc sẽ hoang mang, chán nản không còn tin ai nữa, trở thành "chùm chăn, mũ ni che tai", rút ra khỏi mọi sinh hoạt chung, không muốn chống Cộng nữa, vì "ai cũng bẩn, ai cũng dơ", trên đời này không ai đàng hoàng, tử tế cả. Điều đáng tiếc là một số người Quốc Gia ở hải ngoại, vì thiếu cẩn trọng, cứ thấy vài hàng chữ đầu rêu rao "Cộng Sản độc tài, Hồ chí Minh tàn ác, thủ phạm Cải cách ruộng đất...", là lập tức ngưỡng mộ và hoan nghênh, cho những tác giả "chống Cộng cuội" này mượn diễn đàn tung hoành, và không để ý rằng, đằng sau những lời chống Cộng ấy, là cả một âm mưu đen tối, muốn tiêu diệt toàn bộ ý chí chống Cộng của cộng đồng. Hai bài viết kể trên của Việt Thường là những thí dụ điển hình. Đáng tiếc hơn nữa là một vài tác giả có kinh nghiệm chống Cộng cũng mắc mưu “Tuyên Truyền Xám” này, mà viết bài nhịp nhàng với những loại Việt Thường để chê trách "phe ta" với một phong cách vượt ra ngoài khuôn khổ xây dựng, biến thành mạ lị, hoặc tấn công kịch liệt những người muốn "hồi chánh", muốn trở về vói Chính Nghĩa Dân Tộc. Việc làm này sẽ ngăn chặn những người khác còn đang phân vân tìm về với Chính Nghĩa. Như thế, công cuộc đòi Tự Do, Dân Chủ cho quê nhà thêm phức tạp và gian khổ hon gấp ngàn lần.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Gián Điệp Trung Cộng




Hiện đang có bao nhiêu gián điệp hoạt động cho Trung Quốc tại Việt Nam? Chúng ta không có thể biết chính xác là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không phải là ít. Thậm chí, có thể Bắc Kinh cũng đã gài được gián điệp vào các cấp chỉ huy cao cấp trong chính phủ Hà Nội. Không nói chuyện phim ảnh hay tiểu thuyết, cứ nói ngay như đời thực: đọc về người kỹ sư Boeing gửi hồ sơ mật kỹ thuật về cho Bắc Kinh thì biết,
hẳn là phải luồn sâu trèo cao, phải nằm ém quân để tìm biết là bao nhiêu cơ hội nhằm đưa bí mật khoa học về cho Bắc Kinh.

Báo The Christian Science Monitor hôm 18-7-2009 nêu thắc mắc là vì sao các cơ quan phản gián Mỹ phải mất quá nhiều thời gian mới bắt được Dongfan “Greg” Chung, người kỹ sư gửi bí mật khoa học về cho Trung Quốc, trong đó đã trộm được các hồ sơ mật về chương trình Con Thoi Không Gian (Space Shuttle) của NASA và bí mật phi đạn Delta IV.

Câu hỏi là vì sao lâu như thế? Và vì sao Mỹ biết là có nhiều điệp viên TQ trên đất Mỹ mà không bắt kịp hết?

Brett Kingstone, người đaị diện cho FBI và các công ty khế ước quốc phòng để thuyết trình toàn quốc ở Mỹ, nói rằng hiện đang có 3,500 gián điệp Trung Quốc tại Mỹ, mang nhãn hiệu ngụy trang làm sinh viên hay là mang visa H1B (giấy phép visa làm việc đặc biệt) chỉ để tìm việc làm trong ngành qúôc phòng Mỹ để sẽ trộm bí mật về cho chính phủ Trung Quốc.

Chỉ cần nhìn riêng về Chung thôi, là đủ thấy thiệt hại quá sức rồi. Huống gì, nếu TQ gài được vài trăm, hay vài ngàn gián điệp vào các vị trí nguy hiểm như thế.

Nhưng câu hỏi làm vì sao FBI cần tới 27 năm mới bắt được Chung? Thời gian đầu, Chung mang bí mật về nhà bằng cách kẹp hồ sơ vào xấp báo mang về nhà. Sau 27 năm, FBI mới lục lọi các thùng rác nhà Chung, và rồi mới lục soát toàn bộ khu nhà của Chung và nơi đó khám phá ra 250,000 trang hồ sơn, trong đó một số hồ sơ giấu trong một hốc dưới nhà, nơi phảỉ bò vào. Không phải phim ảnh, mà là đời thực. Thế mới lạ.

Hồ sơ Bộ Tư Pháp Mỹ viết rằng Chung đã gửi 24 cuốn cầm nang liên hệ tới phi cơ chiến đấu B-1 Bomber.. Rồi hồ sơ về chiếc đấu cơ từ F-15 cho tới B-52 cho tới trực thăng Chinook đều gửi về Bắc Kinh.

Có phảỉ vì FBI đã tôn trọng luật pháp Mỹ, và tìm chứng cớ hoài rất là vất vả? Scott Christie, cựu công tố liên bang, bây giờ laà việc cho công ty luật McCarter and English tại Newark, N.J., nói rằng chứng minh một ai đó là gián điệp nước ngoài thực là khó.

Thực ra, trường hợp của Greg Chung thì không khó gì. Lộ nguyên hình là khi một cán bộ Bộ Hàng Không TQ gửi thư cho Chung, yêu cầu tìm thông tin về các phi cơ và phi thuyền Con Thoi. Chính FBI đã tìm ra lá thư viết từ năm 1979 để giao công tác cho Chung phải tìm thông tin về các phi cơ dân sự và quân sự.

Trong một lá thư phúc đáp không đề ngày, Chung trả lời, “Tôi ước muốn cống hiến cho sự nghiệp Tứ Hiện Đại Hóa của Trung Quốc.”

Điều chúng ta thấy rằng, chắc chắn rằng Trung Quốc đã có nhiều gián điệp tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Không, chúng ta không muốn nhắc chuyện Trọng Thuỷ, Mỵ Châu. Chuyện xưa rồi. Thêm nữa, đó là lịch sử không sửa đổi được. Và thực ra, có bàn tới thì cũng trở thành bàn chuyện văn học, giảm quá nhiều tính chính trị.

Không, chúng ta cũng không bàn chuyện ông Hồ Chí Minh là một người Khách Gia mạo danh từ Trung Quốc sang Việt Nam hoạt động, theo một cuốn sách của một nhà văn nêu ra. Chuyện này không có nguồn nào khác để kiểm chứng, và có bàn cũng vô ích.

Không, chúng ta cũng không muốn nhắc nơi đây bản công hàm của ông Phạm Văn Đồng về lãnh hải. Cũng không muốn nhắc về thái độ chính phủ Hà Nội khi hải quân Trung Quốc tiến chiếm Đảỏ Hoàng Sa, lúc đó do quân lực chính phủ Sài Gòn trấn đóng. Chuyện cũng lỡ rồi. Bàn cũng không cứu vãn được.

Điều chúng ta muốn bàn là về tháí độ chính phủ Hà Nội hiện nay: những chính sách ưu đãi Trung Quốc quá lộ liễu, và cách xử thế quá nhu nhược với Trung Quốc.

Thí dụ, các hợp đồng ưu đãi các công ty khai thác mỏ Trung Quốc tại Quảng Ninh, và nội bật đáng lo ngại là các hãng khai thác mỏ beauxite Tây Nguyên -- điều được nhiều trí thức và Tướng Võ Nguyên Giáp báo nguy về an ninh qúôc phòng. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi, sau khóa họp quốc hội để gọi là bàn cho có, nhưng không thực là cặn kẽ tới đâu.

Điều chúng ta muốn bàn còn là chuyện các tàu lạ tấn công ngư dân Việt, thậm chí còn bắt cóc về đảỏ Hải Nam đòi tiền chuộc mới thả. Điều mà ai cũng biết rằng các tàù lạ này không có gì là lạ: đó là các tàù của người nhái Hải Quân Trung Quốc, đang dạy bài học cho đàn em Hà Nội.

Chúng ta vẫn im lặng? Có phải có gián điệp Trung Quốc đã mua chuộc, hay khống chế các ban biên tập báo chí trong nứơc, hay thực sự là gián điệp TQ đã khống chế Bộ Thông Tin Văn Hóa CSVN?

Vậy rồi, chúng ta vẫn chưa làm thủ tục khiếu kiện lên Liên Hiệp Quốc? Có phải gián điệp TQ đã khống chế Bộ Ngoại Giao CSVN?

Và trong tận cùng, câu hỏi là có bao nhiêu gián điệp Trung Quốc đang ngồi trong Chính Trị Bộ CSVN? Tất nhiên, không ai tin là trên đất nứơc Việt Nam hiện nay, sẽ không có một Greg Chung tương tự nào.

Trần Khải
TRA-MAI
Posts: 20
Joined: Sun Jun 03, 2007 7:27 pm
Location: San Diego
Contact:

Post by TRA-MAI »

Obama nhập trận cải tổ y tếThursday, July 23, 2009

Ngô Nhân Dụng
Tổng Thống Barack Obama đã thua một keo đầu trong dự án cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế của ông. Tuần trước, ông đã lên tiếng thúc giục mỗi viện Quốc Hội thông qua một dự luật cải tổ trước khi các đại biểu đi nghỉ Hè vào Tháng Tám. Vì sợ để sau chuyến nghỉ Hè thì quyết tâm cải tổ của họ sẽ giảm bớt đi. Hôm qua, Nghị Sĩ Harry Reid, trưởng khối Dân Chủ đa số, tuyên bố Thượng Viện không sẵn sàng bàn vấn đề này trong Tháng Tám, vì cần thêm thời gian tìm cách thỏa hiệp giữa những dự luật của hai ủy ban. Và Tổng Thống Obama đã lùi một bước, chấp nhận một kỳ hạn mới vào mùa Thu năm 2009.

Từ nay tới ngày Quốc Hội tái nhóm sau khi nghỉ Hè, ông Obama sẽ phải thay đổi chiến thuật để đích thân vận động cho dự án cải tổ bảo hiểm y tế nhiều hơn trước. Trong 5 tháng qua ông cố ý né không trực tiếp can thiệp vào công việc của các nghị sĩ và dân biểu hai đảng khi họ đưa ra những sáng kiến thay đổi hệ thống bảo hiểm y tế. Ông chỉ vận động bằng cách gặp gỡ với các nhóm có quyền lợi liên hệ tới vấn đề này, như các công ty bảo hiểm, bệnh viện, bác sĩ và các công ty sản xuất thuốc. Công việc đó tương đối nhẹ nhàng vì tất cả mọi người đều đồng ý hệ thống bảo hiểm y tế nước Mỹ không thể kéo dài như hiện nay được. Một cuộc nghiên cứu dư luận của Gallup cho nhật báo USA Today gần đây mới cho biết 56% dân Mỹ muốn thay đổi lớn trong hệ thống y tế, chỉ có một phần tư coi đó là chuyện không quan trọng. Cũng trong cuộc nghiên cứu này, một phần ba những người được phỏng vấn tin Tổng Thống Obama và Ðảng Dân Chủ có khả năng làm việc cải tổ cần thiết này; trong khi chỉ có 10% chọn Ðảng Cộng Hòa.

Nhưng một ý kiến chung về nhu cầu cải tổ chưa đủ, vì khi cải tổ thế nào cũng có nhiều người bị mất những quyền lợi họ đang hưởng, và ai cũng muốn họ bị thiệt ít, để cho người khác thiệt nhiều. Các đại biểu Quốc Hội soạn thảo các dự luật ở mỗi viện đã được nghe rất nhiều ý kiến của các nhóm quyền lợi khác nhau. Các bác sĩ không muốn giảm tiền thù lao, các bệnh viện muốn tự do quyết định những phương pháp trị liệu dù tốn nhiều hay ít tiền, và đặc biệt là các công ty bảo hiểm muốn bảo vệ lợi nhuận của họ. Cho nên bất cứ dự luật nào cũng có một số đông người phản đối; mà hiện ở Hạ Viện có những dự án của 3 ủy ban, tại Thượng Viện 2 dự án của 2 ủy ban.

Muốn thỏa hiệp được giữa các dự án trong một viện đã khó, sau này khi mỗi viện thông qua một dự luật rồi, việc thỏa hiệp giữa hai viện sẽ còn rắc rối. Các đại biểu Cộng Hòa trong Quốc Hội chống lại Tòa Bạch Ốc đã đành, ngay trong số các đại biểu Ðảng Dân Chủ cũng có nhiều người không đồng ý với giới lãnh đạo trong đảng họ. Bà chủ tịch Hạ Viện đã nói các đại biểu Dân Chủ có thể thông qua một dự luật vì họ chiếm đa số áp đảo. Nhưng nhiều nghị sĩ Dân Chủ trong Thượng Viện vẫn muốn tìm cách thỏa thuận với một số đồng viện Cộng Hòa để cuộc cải tổ mang mầu sắc đoàn kết lưỡng đảng. Vì thế, cuộc thảo luận bị trì hoãn ngay trong các ủy ban Quốc Hội. Ông Obama lo ngại nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có lúc ngay cả ý muốn cải tổ cũng nguội lạnh!

Nghị Sĩ Jim De Mint Ðảng Cộng Hòa đã hô hào phải biến dự án cải tổ y tế thành “Trận Waterloo” của chính quyền Obama - Waterloo là trận đại bại của Napoleon năm 1815, chấm dứt sự nghiệp của vị hoàng đế Pháp. Nếu chính phủ Obama thất bại không đạt được một đạo luật cải tổ y tế trong năm nay thì trong cuộc bầu cử năm 2010 Ðảng Cộng Hòa có hy vọng thừa thắng xông lên chiếm lại được nhiều ghế ở Quốc Hội.

Nhưng cả hai đảng chính trị, cũng như những nhóm quyền lợi trực tiếp liên can đến hệ thống y tế đều thấy không cải tổ không được. Vì hệ thống hiện nay quá tốn kém không thể tiếp tục được. Mà ai cũng nhìn thấy nhiều điểm có thể thay đổi.

Một mục tiêu quan trọng của việc cải tổ là giảm bớt chi tiêu về y tế cho toàn dân Mỹ, vì hệ thống hiện nay phí phạm rất nhiều. Nước Mỹ đang chi mỗi năm khoảng 2,000 tỷ đô la về y tế, chiếm 16% tổng sản lượng nội địa. Nếu không thay đổi gì hết thì trong vòng 10 năm nữa số chi phí sẽ tăng gấp đôi.

Tại sao lại tốn kém như vậy? Hệ thống quản trị phức tạp cho nên tốn kém. Hai là phương pháp trả tiền cho dịch vụ y tế không đúng.

Xin kể một kinh nghiệm. Một người bạn tôi bị bệnh kinh niên, cứ lâu lâu bà vợ anh lại phải gọi xe đưa vào nhà thương cấp cứu. Anh đã ra vào bệnh viện đó năm này sang năm khác trong hơn 10 năm. Bà vợ than rằng mỗi lần vào phòng cấp cứu (ER) thì chị lại phải ngồi cho một cô thư ký phỏng vấn, kê khai lý lịch bệnh tình của ông chồng! Nếu có một triệu chứng nào khiến bác sĩ phải đưa anh ta sang một bệnh viện khác chẩn bệnh lại thì công việc hành chánh trên lại được lập lại từ đầu lần nữa. Mà một lần vào phòng ER là tiền trả bác sĩ, trả bệnh viện và tiền thuốc men, trị liệu đều tốn hơn bình thường. Có khi anh bạn tôi được chữa trị ngay rồi về nhà ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau, để một tháng sau lại đi cấp cứu lần nữa! Nếu được thăm bệnh thường xuyên và được chỉ dẫn các phương pháp phòng ngừa để tránh trường hợp cần cấp cứu, thì chắc chắn các chi phí sẽ được giảm xuống vì bớt sử dụng phòng ER hơn!

Trong một thí dụ này ta thấy cách tổ chức của cả hệ thống tiêu tốn quá nhiều về hành chánh có thể tránh được. Nếu có một hệ thống tập trung dữ kiện về từng bệnh nhân, mỗi người có một hồ sơ để tất cả các bác sĩ và bệnh viện khi được bệnh nhân cho phép đều có thể vào coi, thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền và thời giờ. Nhưng tại sao các bệnh viện không thay đổi?

Bệnh viện không có động cơ kinh tế tự nhiên để cải thiện việc quản trị vì nó không trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Họ tính tiền dịch vụ chữa trị cho các công ty bảo hiểm hay chính phủ trả; nếu chi phí quản trị cao hơn thì họ có quyền tính giá dịch vụ cao hơn. Người trả tiền là hãng bảo hiểm và chính phủ không có quyền can thiệp bắt bệnh viện thay đổi lề lối quản trị hành chánh.

Guồng máy tổ chức của hệ thống bảo hiểm tư ở Mỹ chi tiêu về hành chánh và tiếp thị tốn gần gấp mười lần hệ thống bảo hiểm công cộng ở một nước tiền tiến khác. Các công ty bảo hiểm tư ở Mỹ chi mất gần 12% ngân sách vào các việc không có tác dụng chữa trị, trong khi hệ thống y tế công ở Canada chỉ tiêu 1.3%.

Ðến phương cách trả tiền cho dịch vụ y tế cũng bất chấp quy tắc kinh tế, khiến không ai lo tiết giảm chi phí. Trong trường hợp anh bạn tôi, chúng ta tự hỏi tại sao mọi người cứ để tình trạng gọi xe cấp cứu tiếp tục mãi như vậy, trong khi ai cũng biết mỗi lần vào phòng ER thế nào cũng tốn tiền hơn bình thường? Vì cả ba giới liên hệ (bệnh nhân, bác sĩ và bệnh viện) không phải là những người trả tiền túi của mình. Cho nên không ai lo vấn đề chi tiêu tốn hơn! Các bác sĩ và bệnh viện lại được trả thêm khi chữa trị khẩn cấp cho một bệnh nhân, còn khi trị liệu và phòng ngừa thường xuyên để giảm bớt cảnh cấp cứu thì họ được trả ít hơn! Họ không cố ý gây ra cảnh bệnh nhân phải cấp cứu nhiều lần, nhưng họ không có động cơ tự nhiên nào để lo tiết kiệm tiền cho hãng bảo hiểm. Còn hãng bảo hiểm phải trả thêm tiền khi bệnh nhân được cấp cứu, nhưng họ sẽ tăng giá bảo hiểm của mọi người khác để bù vào! Tóm lại, cả hệ thống không có động cơ tự nhiên khiến mọi người muốn giảm bớt chi phí.

Cho nên trong hệ thống y tế Mỹ có nhiều bệnh nhân được “điều trị nhiều quá,” tức là đi làm những giảo nghiệm không cần thiết lắm hoặc theo các phương pháp điều trị rất đắt tiền dù có phương pháp khác rẻ hơn. Một trường hợp nổi tiếng là chuyện bà ngoại của Tổng Thống Obama được bác sĩ đề nghị mổ để chỉnh lại xương hông, mặc dù bà đã bị ung thư và biết trước không thể sống thêm được một năm.

Ai cũng thấy phải thay đổi để giảm bớt chi phí. Cần làm sao để mỗi đồng tiền chi ra về dịch vụ y tế mang lại lợi ích cao nhất. Bác Sĩ James Rohak, chủ tịch Hiệp Hội Y Tế Hoa Kỳ (American Medical Association) nói, “Không thể chấp nhận giữ nguyên tình trạng hiện nay.” Ông đã công bố một băng video ủng hộ dự luật cải tổ y tế của Hạ Viện trên web site của hội.

Nhu cầu cải tổ ngoài lý do tiết kiệm còn nhắm vào mục tiêu quan trọng thứ hai: Giảm bớt, nếu không xóa bỏ hẳn cảnh 46 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Con số này lớn hơn sự thật vì trong đó có những di dân bất hợp pháp và những người tự họ không lấy bảo hiểm. Nhiều người trẻ tuổi quyết định không mua bảo hiểm vì nghĩ mình khỏe mạnh. Mà khi số người ít bệnh đứng ra ngoài, chỉ những người bệnh hoạn mới mua bảo hiểm thì giá bảo hiểm cho mỗi người phải tăng lên. Cũng có những người đủ điều kiện hưởng Medicaid, Medical mà không làm thủ tục để hưởng. Nhưng dù loại bỏ những người “tự nguyện” đó thì cũng còn đến 40 triệu người không có cải tổ y tế, lớn bằng dân số Tây Ban Nha và lớn hơn Ba Lan hoặc Canada! Trong thời gian kinh tế khủng hoảng hiện nay mỗi ngày có thêm 14,000 người mất bảo hiểm y tế vì mất việc. Trong hệ thống hiện nay các công ty bảo hiểm có quyền từ chối họ nếu biết họ đã bị bệnh chữa tốn kém. Ðó cũng là một vấn đề mà bất cứ dự luật cải tổ nào cũng phải giải quyết. Không lẽ tất cả mọi người mua bảo hiểm y tế rồi lại phải mua thêm một bảo hiểm khác đề phòng trường hợp mình mất việc và mất luôn bảo hiểm y tế! Như vậy thì nước này do các hãng bảo hiểm làm chủ!

Nhưng khi những người không có bảo hiểm bị tai nạn hoặc phát bệnh nặng, họ vẫn vào phòng cấp cứu để chữa trị gấp. Ai trả tiền cho họ? Cuối cùng, chính những người đang có bảo hiểm và người dân đóng thuế phải chịu. Ðó là một lý do khác khiến chi phí y tế của người Mỹ quá lớn. Nếu có bảo hiểm, những người đó sẽ được khám bệnh thường xuyên hơn, ngăn ngừa được bệnh tật sớm hơn, và khi cần chữa trị sẽ đỡ tốn kém hơn. Tổ chức Families USA đã tính ra rằng vì chi tiêu chữa trị cho những người không bảo hiểm mà những người khác mỗi gia đình phải đóng thêm 1,000 đô la mỗi năm! Giảm bớt số người không bảo hiểm là giảm bớt chi tiêu chung cho cả hệ thống y tế.

Trên đây là hai vấn đề nặng nhất phải giải quyết khi cải tổ y tế ở Mỹ. Ai cũng đồng ý phải thay đổi. Nếu các đại biểu Quốc Hội Mỹ không làm xong việc này trong năm nay thì có thể sẽ phải chờ 10 năm, 20 năm nữa mới thay đổi được. Vì vậy ông Obama phải đích thân nhập trận, trực tiếp vận động cho kế hoạch cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế trong mấy tháng tới. Nếu không thì không những Ðảng Dân Chủ sẽ xuống dốc trong cuộc bầu cử sang năm mà cả nhiệm kỳ tổng thống của ông cũng sẽ lu mờ.
hoanghoa
Posts: 2260
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Post by hoanghoa »

TỌA ĐÀM VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM TẠI SÀI GÒN



Trần Hải Châu
Đặc Phái Viên Radio Chân Trời Mới
24/7/2009



Sau nhiều nỗ lực của ban tổ chức, chiều ngày 24 tháng 7 năm 2009 tại số 43 đường Nguyễn Thông, Quận 3, Sài Gòn buổi tọa đàm về chủ đề BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM đã chính thức khai mạc. Dự kiến ban đầu, tổ chức tại Tòa Tổng Giám mục số 182 Nguyễn đình Chiểu – Quận 3, đã không thành và phải chuyển về một phòng nhỏ thuộc giáo xứ Mai Khôi.


Image


Trong diễn văn khai mạc Linh mục P. Nguyễn Thái Hợp, đại diện cho ban tổ chức bao gồm Câu Lạc Bộ Phao Lô Nguyễn văn Bình và Nhà Xuất Bản Tri Thức, nói lên quyết tâm tổ chức buổi tọa đàm dù gặp rất nhiều khó khăn. Ông cho hay vào tháng 3/2009 một cuộc Hội Thảo về chủ quyền ở Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội. Nhưng buổi đó chỉ thu hẹp trong giới chuyên viên chứ không mở rộng cho nhiều thành phần xã hội dân sự. Và đó là lý do hình thức tọa đàm này rất cần thiết đối với một vấn đề của cả dân tộc.

Sau diễn văn khai mạc là Phiên I của cuộc tọa đàm do luật sư Nguyễn Ngọc Bích chủ trì. Trong Phiên I này có 3 tham luận được trình bày:

1. Tham luận: “Từ Trường Sơn Đông đến Song Tử Tây” của linh mục O.P. Thiện Cẩm. Ông kể về kỷ niệm 1 chuyến đi thăm Trường Sa và những cảm xúc của ông về nơi đón mặt trời đầu tiên của tổ quốc.

2. Tham luận: “Chủ quyền Biển Đông và Hải Đảo” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. Ông đề cập đến nhiều tài liệu và nghiên cứu hơn 20 000 bản đồ để chứng minh những tuyên bố của Trung Quốc là vô căn cứ. Ông đề cập đến nhiều phát hiện mới và vững chắc chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Theo ông, giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Malaysia là khuôn mẫu tuyệt vời để giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, Philippin. Phần trình bày của ông dài khoảng 30 phút và được khán phòng tán thưởng sôi nổi.

3. Tham luận: “Đường lưỡi bò trên Biển Đông và Luật quốc Tế” của Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại Học Luật Thành phố trình bày. Ông trình chiếu các hình ảnh tàu hải quân Trung Quốc bắt bớ và ức hiếp các ngư dân Quảng Ngãi. Ông tuyên bố: “Những ‘tàu lạ’ mà báo chí hay dùng chính là tàu của Trung Quốc” giữa tiếng vỗ tay đồng ý của mọi người.


Image


Sau các tham luận là phần dành cho các câu hỏi từ những người tham dự. Chủ yếu các câu hỏi được đặt cho ông Đinh Kim Phúc và ông Hoàng Việt về các luật lệ quốc tế liên quan đến vấn đề tranh chấp hải phận. Trong phần này, bất ngờ tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đăng đàn đóng góp cho phần trả lời, và cả hội trường nóng lên từ đó. Khi trả lời câu hỏi về công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14/10/1958, vị tiến sĩ nghẹn ngào một hồi lâu rồi bật lên cảm xúc xót xa, ông nói: “Cần phải điều chỉnh ý thức hệ chiến tranh lạnh. Cả dân tộc ta là nạn nhân của chiến tranh lạnh”. Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết, theo hiệp định Genève thì từ vĩ tuyến 17 trở vào là của Miền Nam, nên ông Phạm văn Đồng không có quyền gì mà công nhận nó là của ai và trao tặng nó cho ai. Ngay cả chính quyền Việt nam Cộng Hòa cũng không có quyền làm việc sai trái như vậy.


Sau phần giải lao là Phiên II của buổi tọa đàm. Phần này có 2 bài tham luận:


1.Tham luận: “Vai trò của Nhà Nguyễn với Biển Đông” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng. Ông là tác giả cuốn HOÀNG SA & TRƯỜNG SA. Trước khi trình bày bài tham luận ông thuật lại việc bị công an xách nhiễu mấy ngày nay. Ông đi đến buổi tọa đàm trễ vì bị an ninh làm khó dễ. Hôm kia thì họ khuyên ông không nên tham dự làm gì. Chiều hôm qua (23/7/2009) thì họ báo tin là buổi tọa đàm đã kết thúc và người ta đang tổ chức ăn mừng. Ông gọi điện kiểm tra thì quả đúng là “tin vịt”.

Ông cũng cho biết: “Cuốn sách HOÀNG SA & TRƯỜNG SA bị làm khó dễ nhưng cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi và đã phát hành”. Có nhà báo đe dọa ông coi chừng bị tình báo Trung Quốc “khử” nhưng ông mặc kệ. Và nhà báo này cho hay là tình báo Trung Quốc hoạt động ở Việt nam nhiều vô kể. Tham luận của ông chính là bản tóm tắt cuốn sách đó.

Ông cho biết Bộ Ngoại Giao đã liên lạc với ông và chịu trả chi phí để ông dịch cuốn này sang Anh Ngữ để phát hành ở “Hải Ngoại”.

Ông bức xúc khi chính “Ông chủ tịch huyện Đảo Hoàng Sa” ở Thành phố Đà Nẵng, quê hương của ông, gọi vào hỏi thăm “chứ ông viết cái gì ở trong đó?”. Câu hỏi ngớ ngẩn ấy làm cả khán phòng bật cười.

Người tham dự vỗ tay hăng hái nhất khi ông so sánh giữa việc Trung Quốc chi rất nhiều tiền cho các nhà nghiên cứu của họ đi tìm chứng cứ về “Tây Sa và Nam Sa” và sự thờ ơ của nhà cầm quyền Việt Nam về chủ quyền của ta trên “Hoàng Sa và Trường Sa”.

Do ông trình bày khá “đụng chạm” nên linh mục Nguyễn Thái Hợp có ý nhắc nhở. Ông đành dứt lời để nhường cho diễn giả kế tiếp.


Image


2.Tham luận: “Quan Điểm của Việt Nam về Trường Sa và Hoàng Sa” của tiến sĩ Nguyễn Nhã. Ông công bố việc dân binh Quảng Ngãi giúp triều đình nhà Nguyễn trồng cây xanh trên các đảo và nhiều chứng cứ khác về chủ quyền của Việt Nam. Trong phần này, ông Nguyễn Nhã bớt xúc động hơn phần ông trả lời ban đầu nhưng vẫn rất quyết liệt. Ông phản bác các tuyên bố của phía Trung Quốc rằng Hoàng sa và Trường Sa vô chủ cho đến năm 1909. Và vào năm đó Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá ra Hoàng Sa và Trường Sa. Ông thách thức các học giả, các luận án tiến sĩ chứng minh Trường Sa và Hoàng Sa vô chủ đến năm 1909. Ông dẫn chứng thí dụ 1 tiến sĩ uy tín của Đài Loan đã rất ngạc nhiên khi thấy những chứng cứ lịch sử của Việt Nam do ông cung cấp.

Khoảng 200 diễn giả và người tham dự say sưa theo dõi các trao đổi bất kể sự trà trộn của hơn 10 nhân viên công an mà chúng tôi nhận mặt được qua các động thái của họ. Chúng tôi cũng thấy có 2 sinh viên mặc áo thun trắng in hình bản đồ Việt Nam với hàng chữ Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, tiến sĩ Chu Hảo và Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng đã không đến được buổi tọa đàm hôm nay như đã dự trù trong chương trình.


Image


Phiên III của buổi tọa đàm sẽ bắt đầu vào sáng ngày mai, lúc 8 giờ ngày 25 tháng 7 năm 2009, do chính linh mục Nguyễn Thái Hợp chủ trì. Theo chương trình sẽ có 3 bài tham luận – nhà sử học Nguyễn Đình Đẩu với tham luận Sưu tập bản đồ về Biển Đông và hải đảo VN; tiến sĩ Phan Đăng Thanh với tham luận Luật pháp Quốc tế về Biển Đông và hải đảo; và nhà văn Nguyên Ngọc với tham luận Nỗi niềm Biển Đông.
Ban tổ chức cung cấp các số điện thoại 0918456754, 0903962431, 0903110140 để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cách đến địa điểm tọa đàm.


RadioChanTroiMoi.com
July 25, 2009 by radiochantroimoi
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Cải tổ y tế sẽ thay đổi đời sống tất cả mọi người
Friday, July 24, 2009

Ngô Nhân Dụng
Ðời sống quý vị ở Mỹ dù là công dân hay thường trú nhân đều có thể bị ảnh hưởng khi dự luật cải tổ bảo hiểm y tế được thông qua. Hiện nay Quốc Hội Mỹ còn đang tranh luận trong mỗi viện; sau này cả hai viện lại còn thảo luận để thỏa hiệp với nhau. Nhưng ngay bây giờ chúng ta có thể biết trước những gì sẽ thay đổi qua các dự luật đang được nấu nướng. Sau đây là một số điểm chính yếu mà quý vị nên biết để có đủ tin tức khi theo dõi các cuộc bàn cãi.

Các dự án cải tổ y tế tại Quốc Hội đều nhắm bắt buộc mọi người sống ở Mỹ phải có bảo hiểm y tế. Giống như đã có luật bắt buộc mọi người chủ xe phải mua bảo hiểm. Những gia đình với lợi tức thấp sẽ được chính phủ trợ cấp để đủ sức mua bảo hiểm, tiêu biểu là một gia đình 4 người mà lợi tức từ 88,000 đô la một năm trở xuống sẽ được giúp (Con số này đang còn được tranh luận tại hai viện). Ngoài ra, chính phủ cũng mở rộng thêm cửa cho những người nghèo được hưởng Medicaid, chương trình trợ cấp y tế cho người nghèo mà tại California gọi là Medical.

Ðối với nhiều người đây là một thay đổi lớn. Ðây cũng là một ý kiến được ủng hộ rộng rãi nhất: Các công đoàn, các xí nghiệp lớn, đại biểu trong hai đảng và Tòa Bạch Ốc đều hoan nghênh. Các bệnh viện, bác sĩ, và công ty bảo hiểm cũng ủng hộ vì nhìn thấy họ sẽ có hơn 40 triệu thân chủ mới.

Ðiều luật này không phải chỉ ảnh hưởng tới những người không có bảo hiểm. Trong số 46 triệu người Mỹ hiện không có bảo hiểm y tế, một phần ba ở lớp tuổi ít bệnh, từ 19 đến 29 tuổi, và hơn 40% trong lớp tuổi từ 30 đến 54. Nếu những người đó bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế thì giá bảo hiểm của những người khác có thể xuống thấp.

Theo luật mới mọi người có khả năng mà không mua bảo hiểm sẽ bị phạt, phạt bao nhiêu hiện các đại biểu quốc hội chưa đồng ý với nhau. Ở Hạ Viện có đề nghị phạt mỗi người số tiền bằng 2.5% lợi tức, nếu mỗi năm kiếm trên 9,000 đô la. Tiểu bang đầu tiên áp dụng luật y tế phổ cập này là Massachusetts, và đã có kết quả tốt, dưới thời Thống Ðốc Mitt Romney, một ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa năm 2008 trước khi rút lui để ủng hộ Nghị Sĩ John McCain.

Luật Massachusetts năm nay phạt mỗi người không có bảo hiểm 1,020 đô la một năm. Tuy vẫn có nhiều người chấp nhận bị phạt, nhưng từ năm 2006 đến nay thêm được 432,000 người có bảo hiểm y tế. Trong đó có 148,000 người mua bảo hiểm trong sở làm, mà trước đây họ không tham dự dù có quyền và được chủ nhân trợ giúp. Hiện chỉ có 3% dân Massachusetts không có bảo hiểm, so với tỷ số 16% trong toàn nước Mỹ.

Mặt khác, các dự luật ở Hạ Viện buộc chủ nhân các xí nghiệp phải có bảo hiểm y tế cho nhân viên, nếu không cũng sẽ bị phạt. Nếu được thông qua, luật này áp dụng từ năm 2013. Các xí nghiệp và cửa hàng trả lương nhân viên từ 250,000 trở xuống sẽ không bị bắt buộc. Hiện nay ở Mỹ trong số một triệu xí nghiệp với 5 đến 9 nhân viên thì chỉ có một nửa đang cung cấp bảo hiểm y tế cho người làm, mỗi xí nghiệp đó tính bình quân chi phí tổng cộng 375,000 đô la một năm về y tế. Những người chống lại điều luật này thường nói là nó sẽ làm các xí nghiệp nhỏ gặp khó khăn vì tốn tiền. Nhưng các nhân viên ở đâu cũng biết rằng nếu được hưởng y tế thì họ có thể phải chịu giảm bớt những lợi ích khác về lương bổng, số ngày nghỉ, hay tiền thưởng. Trong thị trường nhân dụng các xí nghiệp tuyển nhân viên bao giờ cũng quảng cáo số lương trả cùng những lợi ích khác, như bảo hiểm y tế, hưu bổng, nghỉ hè, v.v...

Theo một trong hai dự luật ở Thượng Viện, các xí nghiệp có từ 25 nhân viên trở lên phải cung cấp bảo hiểm y tế cho họ, nếu không sẽ bị phạt 750 đô la một năm cho mỗi nhân viên làm toàn thời gian. Các cá nhân không có bảo hiểm cũng có thể bị phạt cùng số tiền đó. Theo tính toán của Ủy Ban Ngân Sách Quốc Hội (CBO) thì với các điều khoản mới này sẽ có thêm 21 triệu người Mỹ có bảo hiểm y tế; ngoài ra sẽ mở rộng chương trình Medicaid để nâng tổng số người có bảo hiểm lên tới 97% dân số Mỹ.

Theo kinh nghiệm tiểu bang Massachusetts, trong số những xí nghiệp từ 11 đến 50 công nhân, năm 2007 chỉ có 88% cung cấp bảo hiểm cho người làm, năm 2008 đã lên 92%. Luật tiểu bang này buộc các xí nghiệp trên 11 nhân viên phải cung cấp bảo hiểm y tế, nếu không sẽ phạt 295 đô la một năm cho mỗi nhân viên. Có hơn một ngàn xí nghiệp chịu đóng tiền phạt, tổng cộng gần 10 triệu đô la. Theo các dự luật ở Hạ Viện, công nhân làm ở những xí nghiệp không cung cấp bảo hiểm sẽ được phép mua bảo hiểm với chương trình công cộng của chính phủ.

Ðây cũng là một điểm ít được nhắc tới trong cuộc tranh luận về cải tổ y tế hiện nay. Những người chống chương trình bảo hiểm y tế công do chính phủ quản trị thường không nói cho mọi người biết là sự tham gia vào chương trình công đó bị hạn chế chặt chẽ. Chỉ những người đi làm ở nơi mà chủ nhân không cung cấp bảo hiểm y tế; và những xí nghiệp quá nhỏ không đủ sức mua bảo hiểm y tế tư, mới đủ điều kiện dự vào chương trình của chính phủ. Dự luật của Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện thay thế chương trình bảo hiểm y tế công bằng một hình thức hợp tác xã, có thể là một cách lựa chọn khác khi hai viện cùng thảo luận.

Người ta cũng hay phản đối chương trình bảo hiểm y tế công cộng, lấy cớ là nó sẽ cạnh tranh với các công ty bảo hiểm tư. Theo tính toán của Sở Ngân Sách Quốc Hội (CBO) thì giá mua bảo hiểm y tế công sẽ rẻ hơn giá mua ở các công ty bảo hiểm tư khoảng 10%. Nhưng không phải ai cũng được tham dự chương trình công của chính phủ; và đây cũng là một dịp thúc đẩy các công ty tư phải cắt giảm chi phí hành chánh của họ, và cả hệ thống y tế sẽ giảm bớt chi phí. Sở Ngân Sách Quốc Hội CBO dự đoán trong 10 năm số xí nghiệp cung cấp bảo hiểm cho nhân viên sẽ tăng lên chứ không giảm, mặc dù các dự luật bắt buộc chủ nhân phải trả bảo hiểm y tế cho nhân viên từ 60% (Thượng viện) đến 72.5% (Hạ viện), phần còn lại do nhân viên trả lấy.

Hiện nay các công ty bảo hiểm y tế tư đang tính giá để cho người mua bảo hiểm phải trả từ 16% đến 20% chi phí y tế suốt một đời, cho một người trung bình, còn công ty trả từ 80 đến 84%. Dự luật ở Hạ Viện chỉ bắt buộc các công ty bảo hiểm y tế phải trả khoảng 70%, dự luật ở Thượng Viện hạ xuống chỉ còn 65%, tức là họ có thể tiết kiệm được thêm nữa.

Một thay đổi quan trọng được ghi trong các dự luật ở hai viện Quốc Hội là ấn định những gì bắt buộc phải được bảo hiểm, một điều hiện nay chưa có luật lệ nào nói ra. Chẳng hạn, các dự luật tại Hạ Viện định nghĩa mỗi hợp đồng bảo hiểm y tế phải có số tiền trả bệnh viện, tiền mua thuốc, và chi phí khi sinh con, vân vân. Chi phí phòng bệnh phải được bảo hiểm 100%. Dự luật này cũng hạn chế mỗi gia đình không phải trả tiền túi trên 10,000 đô la một năm về y tế, đối với cá nhân giới hạn là 5,000 đô la. Dự luật tại Thượng Viện buộc bảo hiểm gia đình phải bao gồm các con cho tới 26 tuổi.

Các dự luật đang thảo luận đều đồng ý cấm các công ty bảo hiểm y tế không được từ chối những người đang có bệnh sẵn, như hiện nay họ có quyền làm. Nhiều người đang có bệnh mà mất việc sẽ gặp khó khăn khi mua bảo hiểm riêng, nếu bị một trong những bệnh kinh niên; luật mới sẽ tránh cho họ tình trạng đó. Theo dự luật ở Hạ Viện, công ty bảo hiểm y tế không được tính giá bảo hiểm cao thấp dựa trên tình trạng bệnh của người mua. Tiêu chuẩn được chấp nhận là tuổi tác, nhưng không được tính người già đắt hơn gấp đôi giá cho người trẻ. Với điều luật mới này, thế hệ các cụ sẽ được lợi, còn con cháu các cụ sẽ bị thiệt; nhưng khi những đứa con đó về già sẽ được bù lại.

Trên đây là một số thay đổi trong các dự luật đang bàn cãi trong hai viện Quốc Hội Mỹ. Hầu hết các đại biểu Quốc Hội đều đồng ý với những thay đổi trên, nhưng họ bất đồng về cách trả tiền để thi hành những thay đổi đó. Dù cuối cùng dự luật nào được thông qua, một hậu quả tất nhiên là chính phủ Mỹ sẽ phải chi tiền cho cuộc thay đổi lớn này. Tổng Thống Barack Obama đã hứa là ông sẽ chỉ ký ban hành dự luật nào không làm tăng khiếm hụt ngân sách thêm nữa. Cho nên, mỗi dự luật đem bàn đều phải ghi thêm những khoản thu nhập để bù lại với số tiền sẽ chi ra. Và đó là vấn đề đang tranh cãi sôi nổi nhất.

Vấn đề chi thu trở thành chướng ngại lớn cho việc cải tổ y tế kể từ ngày 16 Tháng Bẩy vừa qua, khi ông Douglas Elmondorf, giám đốc Sở Ngân Sách Quốc Hội (CBO), một cơ quan độc lập không đảng phái. Ông Elmondorf báo tin cho Quốc Hội biết rằng các dự luận đang được đưa ra sẽ không giúp giảm bớt chi phí y tế của chính phủ liên bang Mỹ mà có thể sẽ tăng lên. Ðây là một gáo nước lạnh dội lên tất cả các nhà chính trị, bắt buộc mọi người phải tỉnh ngủ! Mọi người phải ngồi xuống bàn lại về các khoản thu để bù vào các chi tiêu mới. Nhân dịp này, nhật báo Wall Street, một tờ báo bảo thủ có khuynh hướng Cộng Hòa, đã ghi nhận rằng năm 2003 cả Tổng Thống George W. Bush lẫn Quốc Hội Mỹ không ai tính đến chuyện phải thu thêm tiền đủ để trả cho việc trợ cấp thuốc trị bệnh cho những người về hưu, theo đạo luật mà Tổng Thống Bush đề nghị, khoản tiền khoản 400 tỷ Mỹ kim. Nhưng năm nay, chi phí cho dự án cải tổ y tế sẽ lên tới một ngàn tỷ Mỹ kim trong 10 năm, và mọi người bắt buộc phải tính toán. Chính vì cần tính toán kỹ lưỡng hơn cho nên cả dự án cải tổ y tế của chính phủ Obama và đảng Dân Chủ bị trì hoãn, một bước giật lùi của ông tổng thống mới.

Làm sao cắt bớt chi tiêu, và tăng số thuế thu vào để thực hiện việc cải tổ y tế, đó là đề tài đang được tranh luận, và mục này sẽ trình bày trong một dịp khác. Nhưng điều đáng chú ý là trong hệ thống chính trị nước Mỹ có những cơ quan độc lập như CBO. Ông Elmondorf, 47 tuổi, đã từng làm việc trong chính phủ Clinton, Ðảng Dân Chủ. Ông từng làm việc dưới quyền ông Lawrence Summers, hiện là cố vấn kinh tế cho Tổng Thống Obama và từng là giáo sư cố vấn cho luận án tiến sĩ của ông Elmondorf tại Ðại Học Havard. Nhưng bổn phận của một công chức là nói sự thật và nói thẳng. Các nhà chính trị sẽ bị nhức đầu ngay bây giờ, nhưng dân chúng Mỹ sẽ đỡ nhức đầu trong tương lai. Một ông tổng thống mới đắc cử với số phiếu rất cao, và một đảng chính trị đang thừa thắng xông lên chiếm đa số cả hai viện Quốc Hội, họ cũng không thể ngăn cản một công chức đóng vai trò công bộc, nghĩa là “đầy tớ của công chúng!” Ðó là một điểm son của chế độ tự do dân chủ
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Không thể bảo vệ tổ quốc chỉ bằng vũ khí đi mua.



Đúng là ta đang phát triển nhanh 7, 8% một năm. Nhưng hãy thử tỉnh táo nhìn xem, đó chủ yếu là nhờ các yếu tố bên ngoài, và nhờ bán tài nguyên thô. Thực lực kinh tế của ta vẫn còn hết sức yếu kém. GDP năm 2008 của ta khoảng 100 tỷ đô-la, thì đầu tư nước ngoài là khoảng 20 tỷ, Việt kiều gửi về khoảng 5 tỷ, lao động xuất khẩu gửi về khoảng 3 tỷ, bán dầu thô khoảng vài tỷ, bán gạo khoảng vài tỷ. Như vậy các yếu tố bên ngoài, và bán tài nguyên thô chiếm khoảng gần 40% trong cơ cấu GDP của Việt Nam.
Việt Nam ta chưa bao giờ công khai các số liệu và tình hình về quốc phòng của mình. Nhưng gần đây, báo chí thấy bắt đầu được đưa tin về việc Việt Nam mua vũ khí của Nga. Và một số trang Web và blog cá nhân cũng xuất hiện, nói khá chi tiết về tình hình quốc phòng của Việt Nam. Có lẽ người ta đang muốn cho dư luận biết là quốc phòng của Việt Nam giờ đây không yếu lắm đâu, đừng quá lo về sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc. Báo chí đưa tin Mỹ đã có những hợp tác quân sự với Việt Nam mà trước đây chưa hề có. Mỹ sẽ đào tạo phi công cho Việt Nam, sẽ có thể sẽ bán một số vũ khí hiện đại cho ta, và sẽ mở rộng hợp tác quân sự hơn nữa.

Báo chí cũng đưa tin Việt Nam ta hợp tác quân sự với Ấn Độ, mua một số vũ khí của Ấn Độ, và Ấn Độ cũng huấn luyện việc sử dụng một số vũ khí cho quân đội ta. Nhưng có lẽ sôi nổi nhất là một số trang mạng và bolg cá nhân đã đưa tin khá chi tiết về quan hệ quốc phòng Việt Nam và Nga. Vào năm 2003, Việt Nam mua của Nga hai tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300, mỗi tiểu đoàn có 3 khẩu đội, trị giá tổng cộng 300 triệu đô-la. Năm 2004, Việt Nam mua 12 tàu phóng tên lửa (missile boats) kiểu Project 12418 trị giá 120 triệu đôla. Và năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên chi tới 1,8 tỷ đôla mua 6 tàu ngầm loại Kilo của Nga, trị giá 300 triệu đôla 1 tàu. Cho đến hiện nay, Việt Nam chỉ có 2 tàu ngầm “bỏ túi”, tức là rất nhỏ, mua của Bắc Triều Tiên. Năm 2009 Việt Nam cũng mua 12 máy bay Su-30 của Nga, trị giá 500 triệu đo-la, nhưng sau đó rút xuống còn 8 chiếc, vì Việt Nam thiếu tiền.

Một số thông tin trên mạng cá nhân của Việt Nam cũng đưa tin Nga sẽ đóng cho Việt Nam, hoặc cấp giấy phép cho Việt Nam đóng tàu chiến khu trục trọng tải 2100 tấn...

Một số trang web và blog cá nhân của Việt Nam sau khi đưa tin về tiềm lực khổng lồ của quân sự Trung Quốc, đã có nhận xét rằng Trung Quốc chẳng có kinh nghiệm chiến tranh gì cả, rằng cuộc chiến biên giới năm 1979 đã cho thấy Trung Quốc “chẳng là cái đinh gỉ gì cả”, rằng nếu Trung Quốc định gây hấn chiếm đảo Trường Sa lần này, thì Trung Quốc sẽ chỉ thất bại mà thôi. Việt Nam ta có đặc công nước, có chiến thuật du kích trên biển, có vũ khí hiện đại, “chẳng sợ cóc gì tàu khựa”. Rằng Việt Nam ta đã từng thắng Trung Quốc nhiều lần, đã thắng Pháp, thắng Mỹ, kinh nghiệm chiến tranh có nhiều, có lòng dũng cảm, thiện chiến...

Trước tiên, có lẽ không nên gọi Trung Quốc là “tàu khựa”. Dù đánh nhau, thì cũng nên gọi nhau một cách có văn hóa. Ta gọi Trung Quốc là “tàu khựa”, thì họ cũng gọi ta là “man di”. Ứng xử với nhau một cách có văn hóa, thì vẫn cao thượng hơn. Trong cuộc chiến chống quân Minh cách đây 600 năm, sau khi ta thắng, các cụ Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cho đóng thuyền, cấp ngựa, lương thực cho hàng binh nhà Minh về nước, khiến cho đến ngày nay, nhiều người Trung Quốc vẫn cảm kích.

Về cuộc chiến ngày nay, nếu xảy ra, thì Trung Quốc ngày nay cũng đã khác Trung Quốc trước đây nhiều.

Lịch sử đã chứng minh trên thế giới đã từng có những nước anh hùng, làm bá chủ thế giới một thời, nhưng nay chỉ còn là những nước nhỏ yếu, không có trọng lượng trên trường quốc tế. Nước Macedonia của Alexander Đại đế là một ví dụ. Hoàng đế Alexander the Great lên ngôi vua Macedonia năm 332 BC, khi mới 20 tuổi. Trong 13 năm cầm quân, đến khi ông mất năm 33 tuổi, ông đã đánh “trăm trận trăm thắng”, đế quốc Macedonia của ông đã mở rộng từ tây sang đông, bao gồm cả Hilạp, Ai cập,,,,. Nhưng rồi sau khi ông mất, nước Macedonia dần dần bị suy yếu, bị chia nhỏ, và ngày nay, chỉ còn là một nước Macedonia nhỏ bé, yếu đuối, trước đây nằm trong Liên bang Nam Tư. Hoặc đế quốc Mông cổ là một ví dụ. Khi Hoàng đế Genghis Khan cầm quân, đế quốc Mông Cổ đã xâm chiếm cả Trung Quốc, cả châu Âu, cả thế giới kinh hoàng trước quân Tac-ta Mông cổ. Nhưng rồi quân Nguyên thua tại Việt Nam 3 lần, và ngày nay, nước Mông Cổ chỉ còn là một nước nhỏ yếu, chỉ nổi tiếng ở nghề chăn cừu.

Sở dĩ 2 quốc gia Macedonia và Mông Cổ không giữ được lâu cái sự vô địch của họ, là bởi vì họ không xây dựng được một xã hội có cơ chế phù hợp, không có nền tảng kinh tế-chính trị và xã hội vững chắc và tiến bộ, để bảo đảm cho khoa học và kỹ thuật phát triển, nên sự anh hùng của họ chỉ là nhất thời.

Nước Việt Nam ta rất anh hùng, đã từng thắng Trung Quốc, thắng Pháp, thắng Mỹ. Nhưng nếu ta không xây dựng được một xã hội có nền tảng vững chắc, thì cái anh hùng của ta cũng sẽ chỉ là “vang bóng một thời” mà thôi. Hãy nhớ lại bài học lịch sử xưa. Nước ta đã từng thắng quân Nguyên 3 lần, vào các năm 1257, 1284, và 1288. Chiến thắng thật là lừng lẫy. Thế nhưng gần 100 năm sau, vào những năm 1380, Chế Bồng Nga người Chiêm Thành đã 3 lần xâm chiếm được Thăng Long, ra vào nước ta như đi vào chỗ không người, quân nhà Trần thua chạy liểng xiểng. Rất may năm 1390, tướng Trần Khát Chân giết được Chế Bồng Nga, nên mới cứu được nước ta khỏi trở thành thuộc quốc của Chiêm Thành. Nếu thế giới đứng yên, chiến tranh chỉ mãi mãi là cung, nỏ, giáo mác, kiếm, ngựa, thì Macedonia và Mông cổ sẽ vẫn hùng mạnh. Nhưng thế giới không đứng yên, kinh tế, khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển, vũ khí mới không ngừng được phát minh. Và nước nào không bảo đảm cho nền kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật phát triển tiên tiến, thì sẽ thất bại, cả trong thời chiến, lần thời bình. Chưa có một quốc gia nào có thể bảo vệ vững chắc tổ quốc của mình chỉ bằng vũ khí đi mua.

Nếu Việt Nam ta không thể tự sản xuất được vũ khí hiện đại, tân tiến, thì ta không thể có nền quốc phòng vững chắc được. Nếu đi mua vũ khí, thì không một nền kinh tế nào có thể chịu đựng nổi. Vì vũ khí là loại hàng xa xỉ đắt nhất thế giới. Và hơn nữa, người ta không bán các loại vũ khí hiện đại nhất, mạnh nhất cho ta. Ta chỉ có thể mua được các loại vũ khí vừa vừa, không đủ để bảo vệ tổ quốc, biển, đảo.

Trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cho dù ta có mưu giỏi, dũng cảm, lòng yêu nước, nhưng nếu không có pháo do Trung Quốc giúp, thì ta không thể thắng được trận Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh với người Mỹ 1954-1975, cho dù ta có lòng dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, nhưng nếu không có vũ khí do Liên Xô và các nước anh em giúp đỡ, thì ta cũng không thể thắng được.

Ngày nay, không ai giúp đỡ ta cả. Ta phải tự lo lấy về tiềm lực quốc phòng.

Và như vậy Đảng ta đang đứng trước một sự lựa chọn rất khó khăn.

Muốn kinh tế phát triển, thì phải thực hiện tốt hơn cơ chế thị trường, mở rộng tự do dân chủ hơn nữa. Nhưng nếu mở rộng dân chủ, tự do hơn nữa, giảm bớt “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì Đảng ta lại sợ bị mất chính quyền. Hiện nay, mới chỉ có một dúm người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam, mà Đảng ta đã phải đối phó thật vất vả, bị động.

Với cơ chế “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như hiện nay, có thể bảo đảm nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh, vững chắc, người tài được sử dụng không?

Chắc chắn nhiều người nói là “được”, vì ta đang ổn định nhất thế giới, và nền kinh tế sau đổi mới đang phát triển tốc độ nhanh, 6, 7, 8% một năm...

Đúng là ta đang phát triển nhanh 7, 8% một năm. Nhưng hãy thử tỉnh táo nhìn xem, đó chủ yếu là nhờ các yếu tố bên ngoài, và nhờ bán tài nguyên thô. Thực lực kinh tế của ta vẫn còn hết sức yếu kém. GDP năm 2008 của ta khoảng 100 tỷ đô-la, thì đầu tư nước ngoài là khoảng 20 tỷ, Việt kiều gửi về khoảng 5 tỷ, lao động xuất khẩu gửi về khoảng 3 tỷ, bán dầu thô khoảng vài tỷ, bán gạo khoảng vài tỷ. Như vậy các yếu tố bên ngoài, và bán tài nguyên thô chiếm khoảng gần 40% trong cơ cấu GDP của Việt Nam. Tiềm lực kinh tế thật thì còn quá ọp ẹp. Như ông Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi mới nhậm chức, đã từng nhận xét về nền kinh tế Hà Nội, là sản phẩm mạnh nhất của Hà Nội chỉ là màn tuyn!

Một vị đại sứ nước ngoài ở nước ta cũng đã từng nhận xét gần đây là mặc dù kinh tế Việt Nam đổi mới sau hơn 20 năm, nhưng không sản xuất nổi các loại bao bì cho đúng chất lượng.

Nền kinh tế đó có thể bảo đảm cho một nền quốc phòng mạnh được không?

Không. Nếu có chiến tranh, thì nền kinh tế đó của Việt Nam ta thực sự là một thảm họa.

Tự ru ngủ bằng những cái anh hùng xưa là một nguy cơ nhãn tiền có thể không bao giờ sửa chữa được.


Nguyễn Gót Asin
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Post by caubennoc »

“Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê”
Thursday, July 30, 2009

Ngô Nhân Dụng

Gần đây chúng tôi mới nói chuyện với một người Việt từng tham dự những cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh thành lập huyện Tam Sa ở đảo Hải Nam; anh đã từng bị công an đuổi bắt. Tôi hỏi đùa một câu vô duyên: Sao, đã biết sợ công an chưa? Câu trả lời của anh thật bất ngờ: Không sợ, vì họ cũng là người Việt cả. Tôi chỉ sợ công an Trung Quốc!

Công an Trung Quốc làm gì những người Việt biểu tình ở Hà Nội hay Sài Gòn? Không, họ không cần làm gì cả. Họ chỉ cần theo dõi, ghi chép. Họ sẽ có tên tuổi, địa chỉ, tình trạng vợ con, kế sinh nhai, đường đi lối về hàng ngày của tất cả những người từng nói hay hành động chống quyền lợi Trung Quốc ở Việt Nam. Họ lập một cuốn sổ đen. Khi hữu sự, họ sẽ sẵn sàng. Hình ảnh “cuốn sổ đen” đó đang ám ảnh rất nhiều người Việt yêu nước.

Nghe anh bạn nói, tôi ngờ vực không tin. Nhưng nếu quý vị được nghe cả giọng nói bình thản, dửng dưng không xúc động của anh, quý vị sẽ hiểu mối lo sợ này là có thật. Mạng lưới công an Trung Cộng đã hoạt động ở Sài Gòn-Chợ Lớn từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Dù bây giờ nó không bành trướng lên tới mức đáng sợ như trên, thì mối lo sợ vẫn có thật. Không lẽ công an Việt Nam cũng cộng tác “chiến lược và toàn diện” với công an Trung Quốc trong mật vụ này hay sao?

Gần đây một nhà báo ở Sài Gòn mới bị một đám côn đồ “lạ mặt” hành hung vô cớ. Tình cờ, anh cũng là một nhà báo từng viết trên mạng những bài về đòi bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Anh cũng viết rất nhiều về vụ Bô Xít, và những vụ “tầu lạ” đâm chìm thuyền đánh cá Việt Nam ra biển. Ðám “người lạ” đánh anh nhà báo và đám “tầu lạ” đâm thuyền ngư phủ Quảng Ngãi có liên hệ gì với nhau không?

Một điều chúng ta biết chắc là chính quyền Cộng Sản Trung Quốc quyết tâm bành trướng ảnh hưởng không riêng trong vùng Ðông Nam Á mà ra khắp thế giới, ở bất cứ nơi nào trên thế giới có tài nguyên thiên nhiên để khai thác, Trong mục này đã có lần kể chuyện chúng tôi gặp một sinh viên người Congo ở Quảng Châu. Khi nói chuyện với nhau, anh ta bày tỏ nỗi ngạc nhiên không hiểu sao người Trung Quốc sang nước anh nhiều thế. Và họ đi khắp nơi, cả những vùng núi non xa xôi anh không bao giờ nghĩ đến mà họ cũng mò tới. Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi đọc một bản tin cho biết hơn 200 nhà kinh doanh Trung Quốc ở Congo mới lén bỏ trốn về nước, để lại hàng ngàn công nhân bản xứ đến đập phá nhà cửa, máy móc, cơ xưởng vì họ không được trả lương! Ðám doanh nhân này là những người Trung Quốc sang Congo khai thác mỏ. Hồi đầu năm 2009 giá nguyên liệu kim khí tụt xuống khắp thế giới, các đại gia Trung Quốc chỉ tính làm ăn chụp giật, thấy lỗ vốn bèn bỏ của chạy lấy người!

Hôm rồi, một anh bạn từ Pháp qua chơi kể rằng anh đã đi khắp các nước Phi Châu vì công việc của sở. Tình cờ, anh cũng kể có lần đi đến thăm một chi nhánh của hãng anh ở Côte d'Ivoire, anh tới một thị xã xa xôi hẻo lánh. “Ông biết không? Mình đang bước đi ngoài phố bỗng giật mình thấy một da vàng mặc áo may ô ưỡn cái bụng phệ trên chiếc ghế trước cửa nhà! Ông ấy đang ngồi xỉa răng! Ở giữa cái xứ chỉ thấy toàn mầu da đen, mình tưởng là gặp đồng bào Việt! Hỏi chuyện rồi mới biết ông ấy là một cố vấn cho chính quyền tỉnh, do Bắc Kinh gửi tới! Ông ấy được mang cả gia đình vợ con sang Côte d'Ivoire để làm cố vấn!”

Không thể nói chính phủ Bắc Kinh chỉ nhắm riêng vào nước Việt Nam mình khi họ đi tìm các nguồn tài nguyên để khai thác. Trung Quốc đang cần công nghiệp hóa. Họ đi tới bất cứ nơi nào tìm quặng mỏ. Họ vừa bị hụt vụ mua 18% cổ phần trong công ty Rio Tinto ở Úc Châu, bắt người đứng đầu công ty Anh-Úc này ở bên Tầu, gán cho tội “gián điệp.” Ở Trung Ðông các nước Á Rập Hồi Giáo cũng chống Trung Quốc sau vụ đàn áp người Uyghur tại Tân Cương. Dân chúng những nước Trung Á cùng chung gốc Turk (Thổ) đã biểu tình chống Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh lo hối lộ chính quyền các nước này để mua dầu lửa và khí đốt. Dù ăn hối lộ, chính quyền các nước này cũng không dám đàn áp dân họ để bênh vực Thiên triều. Ở Algerie có những vụ tập kích đánh vào xe chở người Trung Quốc. Cũng vì vụ Tân Cương cả. Nhu cầu nguyên liệu và nhiên liệu khiến chính quyền Bắc Kinh phải tiếp tục bành trướng, khắp thế giới. Ðó sẽ là hiện tượng quan trọng nhất ở Á Châu trong thế kỷ 21, đặc biệt là trong vùng biển Ðông của nước ta.

Vì Ðông Nam Á vẫn là một trọng tâm của tham vọng bành trướng này. Chỉ vì lý do địa dư; đó là những nước láng giềng, nhỏ, còn yếu, và quyền lợi còn khác biệt nhau rất nhiều. Trong các nước ASEAN có nước dân chủ, có nước độc tài, có nước Phật Giáo, có nước Hồi Giáo, có nước độc tài Cộng Sản, có nước độc tài quân phiệt, có nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt Nam, có nước theo Thiên Chúa Giáo như Phi Luật Tân. Tình trạng này khiến ASEAN còn chưa thể liên kết chặt chẽ, và Bắc Kinh thì đã gõ cửa xin vào tham dự, đến năm nay Mỹ mới bước vô. Người Mỹ từng coi Tây Bán Cầu với những nước Châu Mỹ La tinh, là “sân sau” của họ, không muốn cường quốc nào đụng tới. Bây giờ Trung Quốc có thể cũng mong tới ngày cả miền biển Ðông Á và Ðông Nam Á trở thành “cái ao trước cửa” cho họ thả câu.

Ðứng về mặt đạo đức, chúng ta lên án tham vọng bá quyền này, của bất cứ quốc gia nào. Trên thực tế, bất cứ chính quyền độc tài một nước lớn nào cũng nuôi những tham vọng như vậy, và có khả năng khích động dân chúng ngả theo khuynh hướng đó. Thế kỷ trước, Nhật Bản đã làm như vậy. Ngay một Ðảng Cộng Sản nho nhỏ của các ông Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ cũng có thời muốn làm bá chủ toàn cõi Ðông Dương kia mà! Cho nên phải coi tham vọng bá quyền của Trung Quốc là một sự thật không thể tránh được, các nước Ðông Á phải đối phó chứ không thể chỉ lên án suông mà thôi.

Trong cuộc phỏng vấn của Nhật báo Người Việt, đăng ngày hôm qua, Giáo Sư Carl Thayer đã nói, “Có Hoa Kỳ hiện diện, Trung Quốc không thể múa gậy vườn hoang.” Ðúng như vậy. Các nước Ðông Nam Á đều mong nước Mỹ trở lại vùng này để tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Trung Quốc đã lập căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam (Thời Tây Hán gọi tên là Châu Nhai và Ðạm Nhĩ) với 6 hàng không mẫu hạm và 20 tầu ngầm nguyên tử. Chỉ có hạm đội Thứ Bẩy của Mỹ đáng vai đối thủ. Nhưng chúng ta đã có dư kinh nghiệm về cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Nước nào cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi quốc gia của họ mà thôi. Người Việt Nam không thể trông nhờ vào ngoại lực. Muốn kháng cự được sức bành trướng của hơn một tỷ dânTrung Quốc thì người Việt phải lo lấy nước Việt chứ không thể trông cậy vào ai khác. Trong hai ngàn năm lịch sử tổ tiên chúng ta vẫn sống như vậy, bây giờ cũng không khác.

Nhưng dân tộc Việt Nam muốn đủ sức cự địch với sức bành trướng của Trung Quốc nếu chính quyền cũng chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc và toàn dân đoàn kết một lòng kháng cự. Hiện nay chúng ta không thấy những dấu hiệu đó. Ðiều đáng lo ngại đối với dân tộc Việt Nam bây giờ không phải là những đoàn quân Trung Quốc tiến qua biên giới như hồi năm 1979. Phương cách xâm lăng đó đã lỗi thời rồi, mà không cần thiết nữa. Ðiều lo lắng nhất là một kế hoạch “tàm thực,” (tầm ăn dâu), hay nói theo kiểu bà con trong nước, gọi là Diễn Biến Hòa Bình. Cộng Sản Trung Quốc không cần gây chiến với Việt Nam. Họ đang gậm nhấm nước Việt Nam từ từ, như đã gậm dần dần cho tới khi nuốt chửng đất đai của người Uyghur, người Mông Cổ, nước Ðại Lý, nước Tây Tạng.

Ngày hôm qua Nhật Báo Người Việt cũng đăng thiên phóng sự viết về chuyến đi thăm miền đất cực Ðông của nước ta, mũi Sa Vỉ, bờ biển Trà Cổ, thành phố Móng Cái, giáp giới Trung Hoa. Ký giả Thiên Thư viết tựa đề: “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê.” Ðó là “tám chữ vàng” mô tả một sự thật. Có những mảnh đất cho người Trung Quốc thuê 50 năm, còn dài hạn hơn nhiều nông dân Việt Nam chỉ được thuê đất 35 năm. Người Trung Quốc sang mở nhà hàng, khách sạn, sân Golf, và cả cờ bạc, đĩ điếm. Người Trung Quốc làm chủ, người Việt Nam làm thuê. Hai bên cùng có lợi. Các quan chức lợi nhất. Tổng cộng thành 20 chữ vàng, có thể coi là một chính sách, chủ trương lớn của đảng và nhà nước... Trung Quốc!

Nếu chưa đọc, xin mời quý vị đọc lại thiên phóng sự này. Nhiều nhà báo trong nước đã kể chuyện và chụp hình những “làng Trung Quốc” ở Việt Nam, từ miền Bắc vào tới miền Trung và Cao nguyên. Nhưng ở thành phố Móng Cái, ở mũi Sa Vĩ, có những trung tâm thương mại Trung Quốc mà người Việt muốn xin việc làm phải nói hai thứ tiếng. Con cháu người Việt khôn ngoan ở đây sẽ biết rằng muốn có tương lai phải học tiếng Quảng hay tiếng Phổ thông. Tiếng đầu lòng con học nói có thể là “Nỉ Hào Ma?” Người bạn ở Sài Gòn đang sợ công an Trung Quốc, anh vẫn tin tưởng rằng anh không cần sợ công an Việt Nam. Vì họ cũng là người Việt như mình cả. Niềm tin đó còn có cơ sở vững chắc hay không?

Nhiều người Việt ở Nam California đã nói đùa rằng có ngày Bắc Kinh sẽ đổi tên huyện Tam Sa thành Tứ Sa. Vì ngoài Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta, cộng với Tây Sa của họ, họ còn muốn có thêm chữ Sa thứ tư là Bôn Sa (Bolsa) nữa! Trung Quốc sẵn sàng đầu tư sang Bolsa mở nhà hàng, khách sạn, thương xá, cư xá cho người già, khu giải trí, vân vân; chỉ cần lúc nào cũng theo đúng 8 chữ vàng: “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê.”

Nhưng tầm ăn dâu ở Á Châu thì dễ, sang tới Mỹ sẽ khó hơn nhiều. Vì ngay người Hoa và người Việt gốc Hoa ở Mỹ cũng sợ Bắc Kinh xâm nhập. Cho nên dân Bolsa không cần lo. Nếu có một huyện Tứ Sa thì chắc chữ Sa thứ tư sẽ là mũi Sa Vĩ trong tỉnh Móng Cái. Ở Quảng Châu đã có bãi Sa Diện (Mặt Cát, sách thường in nhầm là Sa Ðiện), nay có thêm Sa Vĩ (Ðuôi Cát) nối với nhau như khẩu hiệu “núi liền núi, sông liền sông” từ 50, 60 năm trước!

Tám chữ vàng “Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê” không nhất thiết chỉ áp dụng trong các khách sạn, nhà hàng. Tại sao không áp dụng (hợp tác chiến lược và toàn diện), ngay trong hoạt động của ngành công an hai nước? Người Trung Quốc có thể còn muốn áp dụng tám chữ vàng trong tất cả mọi phạm vi, từ trên xuống dưới, như công cuộc trị quốc và bình thiên hạ mà họ vẫn theo đuổi từ thời Tần Hán đến giờ. Trong tâm thức, họ có thể nghĩ đó là sứ mệnh ông Trời đã buộc dân Hán tộc phải thi hành! Người Việt Nam tất nhiên nghĩ khác, hai ngàn năm nay vẫn nghĩ ngược lại. Vậy người Việt Nam phải làm gì?
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests