Bình Luận , Quan Điểm

quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Chọn một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện

Ngô Nhân Dụng
Ðây là một cơ hội cho mọi người cùng tìm hiểu một xã hội sống dân chủ tự do họ làm gì khi cùng chọn lựa một người nắm quyền hành vào loại cao nhất nước.

Nước Mỹ sắp chọn một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện mới, vào cuối năm sẽ thay thế Thẩm Phán David Souter mới tuyên bố từ chức. Tổng Thống Barack Obama đã đề nghị bà Sonia Sotomayor, thẩm phán tòa phúc thẩm Ðịa hạt 2 ở New York. Và chúng ta sẽ chứng kiến những cuộc tranh luận về việc lựa chọn bà, chắc từ nay đến Tháng Mười mới biết ngã ngũ ra sao. Chúng ta nên theo dõi những cuộc tranh luận đó, trên các diễn đàn của công chúng cũng như trong Thượng Viện Mỹ, vì đó sẽ là một kinh nghiệm quý để hiểu rõ hơn về “cuộc chơi dân chủ” ở nước này.

Giống như những cuộc đấu bóng, việc bỏ phiếu chọn vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có những luật lệ và thủ tục, và cũng có ít nhất hai phe: Ông tổng thống và những người cùng đảng, đối diện với các người thuộc đảng đối lập. Mỗi phe sẽ vận dụng tất cả các phương tiện, lý luận, hợp pháp và có hiệu quả để giành thắng lợi. Trong cuộc đấu này phần thưởng cho bên thắng không phải chỉ là kết cục, bà Sotomayor có được phong nhậm hay không. Một phần thưởng bên lề đáng chú ý nữa là trong suốt cuộc tranh luận này đảng nào sẽ vận động giỏi để chiếm được cảm tình của công chúng vô tư hơn. Bởi vì ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc và cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện bắt đầu thì cả hai đảng sẽ khởi sự tấn công nhau trong cuộc vận đồng tranh cử quốc hội năm 2010 rồi!

Ðối với đảng Cộng Hòa thì đây là một cơ hội rất tốt để gây dựng lại hàng ngũ và niềm tin của đảng mình; đồng thời “tốp lại” cơn sóng cảm tình mà nhiều người Mỹ dành cho Tổng Thống Obama từ ngày bỏ phiếu năm 2008 đến nay. Chắc chắn đảng Cộng Hòa sẽ sử dụng cơ hội này hết mình, vì họ không có gì để mất cả, ngược lại chỉ có hy vọng thắng. Tất cả các lời hô hào bảo vệ những nguyên tắc và hiến pháp sẽ được dùng để huy động hàng ngũ bảo thủ, tranh luận càng hăng hái thì sức huy động càng mạnh hơn. Nếu họ ngăn cản được việc bổ nhiệm bà Sotomayor thì thắng lớn; nếu không cũng có thể chinh phục được thêm được nhiều người ủng hộ vì những điều sẽ đưa ra trong cuộc tranh luận. Nếu các nhân vật lãnh đạo đảng Cộng Hòa lôi cuốn được dân Mỹ với những lý luận cho thấy việc ông Obama lựa chọn bà Sotomayor là một hành động không đúng, thì uy tín của ông tổng thống và cả đảng ông sẽ giảm bớt, đảng Cộng Hòa sẽ có thế mạnh hơn khi bắt đầu mùa tranh cử năm 2010. Từ khi tranh cử đến nay Tổng Thống Obama thường tìm cách chứng tỏ ông tôn trọng nguyên tắc hơn là vì lợi ích chính trị, ông có tinh thần cộng tác và đối thoại với đảng Cộng Hòa chứ không chỉ biết đến đảng mình. Nếu trong cuộc tranh luận về bà Sotomayor mà đảng Cộng Hòa vẽ ra được một hình ảnh khác, chứng tỏ ông tổng thống hành động theo tinh thần phe phái và phân biệt thì cơn sóng tình cảm tốt đối với ông Obama sẽ giảm bớt đi. Một điều quan trọng hơn nữa là vụ lựa chọn vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ cho đảng Cộng Hòa một đề tài thực sự quan trọng, có tầm mức cao và ảnh hưởng lâu dài để tranh luận với đối thủ, thay vì chỉ tấn công ông Obama về những chuyện nhỏ và rời rạc.

Nhưng việc chọn lựa một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện không phải chỉ là một màn kịch chính trị, với các diễn viên chỉ chú ý đến hậu quả trong mùa tranh cử sắp tới. Ðây cũng là một diễn trình vô cùng quan trọng trong cuộc sống dân chủ tự do. Có thể nói đây là một nghi thức thiêng liêng thể hiện tinh thần Dân Chủ, mọi người tham dự sẽ không thể sử dụng những thủ đoạn chính trị thấp.

Vì Tối Cao Pháp Viện nắm quyền Tư Pháp, trong tam quyền phân lập cân bằng với ngôi vị Tổng Thống (Hành Pháp) và Quốc Hội (Lập Pháp). Dân chúng Mỹ bầu trực tiếp Tổng Thống và Quốc Hội, còn các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (cũng như tại các tòa án liên bang khác) đều do vị tổng thống đề nghị và phải được Thượng Viện chấp thuận.

Ngay khi được một tổng thống đề cử, ứng viên vào chức thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ phải đi thăm các người đang lãnh đạo Thượng Viện theo tập tục xã giao. Nhưng còn một tập tục khác là không ai đi “vận động” các nghị sĩ để được họ bỏ phiếu cho mình. Làm như vậy là hạ thấp phẩm cách của ngôi vị thẩm phán mà họ có thể sẽ được đặt vào. Cũng vậy, khi chất vấn các ứng viên, các nghị sĩ cũng phải có thái độ nhã nhặn, tôn kính, dù khi đặt những câu hỏi hắc búa nhất, hoặc đau đớn nhất. Ứng viên sẽ được các nghị sĩ lãnh đạo phỏng vấn, họ sẽ từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về các vấn đề có thể sẽ đưa ra phán quyết tại Tối Cao Pháp Viện, và các nghị sĩ cũng phải lễ phép không bao giờ đặt những câu hỏi đó. Thí dụ, không ai hỏi một ứng viên là ông, bà nghĩ sao về quyền phá thai, hay về hôn nhân đồng tính. Hai bên đều phải tôn trọng tinh thần độc lập của ngành tư pháp. Không ai được biết vị thẩm phán tương lai có ý kiến định sẵn như thế nào trước khi ra xét xử trong tòa án. Ðây là một tập tục chứng tỏ mọi người đều muốn bảo vệ tính chất độc lập của ngành tư pháp. Chế độ dân chủ tự do khác hẳn với những nước độc tài, ở đó các thẩm phán thường nhận được chỉ thị phải xử như thế nào trước khi tòa khai mạc!

Các vị tổng thống Mỹ đều biết bổn phận của họ là đề nghị làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện những người nào hiểu thấu rõ hiến pháp và tinh thần luật pháp của quốc gia, có trí thông minh, chứng tỏ có tinh thần thượng tôn pháp luật, và có khả năng giải thích luật pháp rành mạch. Các nghị sĩ Thượng Viện cũng bỏ phiếu dựa trên những tiêu chuẩn trên. Những người được đề cử thường là các thẩm phán, luật sư, các học giả về pháp luật, hoặc cả ba. Hiện nay 9 vị thẩm phán đều đã từng ngồi xử án.

Vai trò chính của Tối Cao Pháp Viện là giải thích hiến pháp, họ có thể phán về một đạo luật, một quyết định hành chánh, vân vân, xem có phù hợp với hiến pháp nước Mỹ hay không. Khi chấp thuận xét lại một bản án của tòa phúc thẩm các địa hạt, họ cũng căn cứ vào hiến pháp. Vì tất cả mọi vụ kiện tụng đều có thể xin phúc thẩm ở tòa trên, nhiều vụ có thể đưa lên tới Tối Cao Pháp Viện, cho nên tính độc lập của Tối Cao Pháp Viện là điều kiện cốt yếu để bảo đảm cả ngành tư pháp đứng độc lập với chính quyền và các thế lực khác.

Ðể bảo đảm tính độc lập và sự trong sạch của các thẩm phán, tất nhiên họ được trả thù lao dư dả. Nhưng hiến pháp Mỹ đã ấn định một điều quan trọng nhất là nhiệm kỳ của các vị này là suốt đời, cho đến khi họ chết, bất lực, hoặc từ chức. Ngôi vị này là cao nhất trong ngành tư pháp. Họ sẽ không bao giờ phải “vận động” ai để giữ chức vụ nào cả. Cho nên, người dân Mỹ có thể đồng ý hay không đồng ý với những phán quyết của các vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện nhưng không có ai nghi ngờ tính độc lập của họ, không ai nghĩ họ có thể phán quyết theo chủ trương hay vì quyền lợi của một đảng chính trị đã đề cử và bỏ phiếu cho họ. Các vị thẩm phán cũng có thể bị bãi miễn theo thủ tục đàn hạch như từng áp dụng cho các vị tổng thống, bộ trưởng, hoặc đại biểu quốc hội.

Từ khi bà Sandra Day O'Connor từ chức, mọi người đã chờ đợi một phụ nữ vào Tối Cao Pháp Viện thay thế bà. Trong nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush ông đã một lần đề nghị bà Harriet Miers, nhưng bà tự ý rút lui sau khi nhiều người trong chính đảng Cộng Hòa không tin tưởng vào người luật sư mà ông tổng thống vẫn tín nhiệm. Nếu bà Sotomayor được tấn phong, bà sẽ là người phụ nữ thứ ba trong Tối Cao Pháp Viện, trong 200 năm lịch sử của nước Mỹ. Bà lại là người gốc Tây Ban Nha (Hispanic) đầu tiên được đề nghị vào ngôi đền pháp lý cao nhất nước Mỹ. Số người Mỹ gốc Hispanic ở Mỹ đã tăng từ 7% dân số vào năm lên 9% vào năm 2008. Cựu Tổng Thống Bush cũng đã nuôi ý định đề cử một người gốc La Tinh vào Tối Cao Pháp Viện, sau khi ông thắng cử năm 2004 nhờ nâng cao tỷ số người Latino ủng hộ ông lên tới 44%. Ông đã tính chọn Bộ Trưởng Tư Pháp Alberto Gonzales, nhưng sau phải bỏ ý định đó vì nhiều nghị sĩ Cộng Hòa phản đối và nhiều người ủng hộ ông Bush cũng thấy rằng ông Gonzales không mang đủ chất bảo thủ mặc dù lúc nào cũng trung thành với ông Bush.

Ngay sau khi bà Sotomayor được đê cử, phe bảo thủ và cấp tiến đều bắt đầu cuộc tấn công. Bên phe tả, những người ủng hộ quyền phá thai đã đưa ra một phán quyết của bà vào năm 2002, trong đó bà công nhận quyền của chính phủ Mỹ (lúc đó do Tổng Thống Bush quyết định) bắt buộc các nhóm ngoại quốc nhận tiền viện trợ của nước Mỹ không được dùng tiền đó để dậy hoặc giúp việc phá thai. Một phán quyết khác của bà Sotomayor cũng khiến phe tả bất bình, là khi bà công nhận quyền của một cảnh sát viên ở New York kiện cấp chỉ huy, vì anh ta bị sa thải sau khi cấp trên khám phá anh đã viết những điện thư có lời lẽ kỳ thị người da đen. Bà Sotomayor cho là những lá thư riêng, viết ngoài giờ làm việc, được bảo vệ bằng quyền tự do phát biểu trong hiến pháp Mỹ.

Từ phía hữu, những phát súng mở màn vang dội hơn. Bà Sotomayor là một trong ba thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm, đồng ý với quyết định của tòa dưới bác bỏ đơn kiện của ông Frank Ricci kiện thành phố New Haven ở tiểu bang Connecticutt không thăng cấp cho một số người lính cứu hỏa, sau một cuộc thi tuyển, vì thành phố thấy trong số những người trúng tuyển không có người da đen (có 14 người da trắng và một người gốc Latino). Ðây sẽ là một đề tài được nói đến mãi mãi trong mấy tháng tới, và vụ này có thể sẽ được Tối Cao Pháp Viện xét xử trong vài tháng. Nhưng đề tài sẽ được khai thác nhiều hơn là những lời trong bài diễn văn của bà Sotomayor ở Ðại Học Berkerley, trong đó bà nói một thẩm phán phụ nữ gốc Latino với kinh nghiệm ở đời có thể phán quyết đúng hơn một đồng nghiệp đàn ông da trắng và không có kinh nghiệm sống. Ðây là một thùng thuốc súng sẽ được phe đối thủ đem ra đốt từ nay cho tới ngày Thượng Viện bỏ phiếu.

Trong các cuộc chất vấn ở Thượng Viện, chắc chắn các vấn đề trên đây sẽ được nêu lên, và bà Sotomayor sẽ có cơ hội giải thích. Một điều các nghị sĩ sẽ thấy là sau 450 lần ngồi xử án và nhiều lần đi diễn thuyết, cả phe tả lẫn phe hữu đều có thể tìm ra những điểm để tấn công người phụ nữ 54 tuổi xuất thân nghèo khó này.

Theo tình hình trong Thượng Viện hiện nay thì bà Sotomayor có nhiều hy vọng. Ðảng Cộng Hòa chỉ có 39 nghị sĩ mà trong đó có 7 người đã từng bỏ phiếu chấp thuận bà Sotomayor vào chức vụ thẩm phán tòa phúc thẩm trước đây hơn mười năm. Nghị Sĩ Jeff Sessions, thành viên cao nhất của đảng Cộng Hòa trong ủy ban tư pháp Thượng Viện tiên đoán là các đồng viện của ông chắc sẽ không dùng thủ tục fillibuster để ngăn cản, thủ tục này cần 40 nghị sĩ đồng ý ngăn không cho Thượng Viện biểu quyết.
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

20 năm sau cuộc tắm máu

Lữ Giang
Nhân đánh dấu 20 năm ngày xảy ra biến cố Thiên An Môn (1989 - 2009), một cuộc hội thảo nhỏ đã diễn ra tại Bắc Kinh gồm khoảng 20 giáo sư và trí thức nổi tiếng, để đánh giá lại biến cố này. Những quan điểm được nêu lên trong cuộc hội thảo này có thể sẽ giúp chúng ta rút ra được bài học gì về kinh nghiệm đấu tranh?

NGƯỜI TÙ CỦA NHÀ NƯỚC

Trong khi đó, tập hồi ký “Prisoner of the State: The Secret Journal of Premier Zhao Ziyang” (Người Tù của Nhà Nước: Nhật ký Bí Mật của Thủ Tướng Triệu Tử Dương), bản tiếng Anh, cũng được ra mắt tại Hong Kong hôm 19.5.2009 nói nhiều đến vụ Thiên An Môn.

Cuốn sách chỉ dày 306 trang, được biên soạn trong 4 năm dựa theo những lời phát biểu của Triệu Tử Dương được bí mật ghi lại trong những cuốn băng trong thời gian ông bị giam giữ tại gia từ 1989 đến 2005, tức đến khi ông qua đời vào ngày 17.1.2005. Tổng cộng thời gian phát biểu được ghi lại là khoảng 30 tiếng đồng hồ. Để có những cuốn băng này, ông Bào Đồng, bí thư cũ của Triệu Tử Dương đã dùng một máy ghi âm nhỏ và tìm cách đánh lừa cơ quan an ninh Trung Quốc nhiều cách trong nhiều năm mới có thể thu âm được, chẳng hạn như ông chọn những lúc đi dạo cùng với ông Triệu Tử Dương hoặc những khi nhân viên an ninh đi vắng vài chục phút, v.v. Ông Bào Đồng đã bị tù 6 năm, nhưng ông đã chuyển được cho con trai ông các đoạn băng nói trên và tư liệu để con ông chuyển qua Hong Kong và biên soạn thành sách.

Qua những cuốn băng nói trên, ông Triệu Tử Dương đã nói đến ba vấn đề quan trọng:

Vấn đề thứ nhất là các chi tiết liên hệ đến việc các nhà lãnh đạo trong “Cung Đình Trung Nam Hải” đã thảo luận và quyết định như thế nào trong thời điểm dẫn tới vụ thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4.6.1989, thường được người Trung Quốc gọi là vụ Lục – Tứ.

Vấn đề thứ hai là ông đánh giá về “Bố Già” Đặng Tiểu Bình. Ông Triệu Tử Dương nói rằng lúc đó ông Đặng Tiểu Bình đã trên 80, không làm gì để điều hành đất nước. Ông ta chỉ ngồi nhà nghe các phe phái đến trình bày những đề nghị cho giải pháp này giải pháp khác, và lo phân xử những vụ xung khắc giữa các phe. Riêng trong vụ Thiên An Môn, theo ông Triệu Tử Dương, ông Đặng Tiểu Bình khi ấy chủ yếu thiên về ý kiến của phe bê-tông do Lý Bằng đứng đầu.

Vấn đề thứ ba là ông xác định quan điểm cải tổ kinh tế và hướng chuyển biến nội tâm của ông về hướng dân chủ sau vụ Thiên An Môn. Ông nói chính ông mới là kiến trúc sư của cải cách kinh tế Trung Quốc chứ không phải Đặng Tiểu Bình.

Trước khi đưa ra những nhận xét về quan điểm của một số giáo sư và trí thức Trung Quốc về biến cố Thiên An Môn, chúng tôi xin nói qua về biến cố này.

BIẾN CỐ THIÊN AN MÔN

Chữ Thiên An Môn có nghĩa là “Cổng Vào Nơi An Bình Riêng” chứ không phải là “Cổng Trời Bình An” như được dịch ra tiếng Anh là “The Gate of Heavenly Peace”. Đây là một đài kỷ niệm nổi tiếng ở Bắc Kinh, nó được xây cất đầu tiên vào năm 1420 dưới Triều Đại Nhà Minh. Thiên An Môn được coi như là cổng đi vào Cấm Thành, nằm ở phía bắc Quảng Trường Thiên An Môn

Quảng trường Thiên An Môn là một quảng trường lớn, dài 800m và ngang 500m, có sức chứa khoảng một triệu người.

Thiên An Môn là trung tâm điểm của các sinh hoạt chính trị ở Trung Quốc: Phía bắc là tháp Thiên An với tấm chân dung Mao Trạch Đông. Phía tây là Sảnh Đường Nhân Dân, nơi Quốc Hội nhóm họp. Phía đông là Viện Bảo Tàng Cách Mạng. Ngay giữa quảng trường là đài tưởng niệm liệt sĩ.

Tuy được gọi là “Cổng Vào Nơi An Bình Riêng”, nhưng năm 1989, nơi đây đã trở thành nơi đẩm màu.

1.- Nguyên nhân của biến cố

Khởi đầu của biến cố là cái chết của Hồ Diệu Bang. Ông sinh ngày 20.11.1915, vào đảng CSTQ từ đầu và là một nhà cải cách nổi tiếng. Ông đã cùng với Đặng Tiểu Bình thực hiện nhiều cuộc cải cách quan trọng. Ông đã tìm cách khôi phục danh dự cho những người từng bị ngược đãi thời Cách Mạng Văn Hóa. Năm 1980, ông được giữ chức Tổng Bí Thư Đảng CSTQ. Tuy nhiên, sau đó ông bị phe bảo thủ buộc tội đã phạm "những sai lầm trong các vấn đề liên quan tới những nguyên tắc chính trị quan trọng". Ngày 16.1.1987, ông phải từ chức Tổng Bí Thư Đảng CSTQ. Ông qua đời ngày 15.4.1989.

Nhân dân Trung Quốc coi ông là người của quần chúng. Trong bản điếu văn, đảng CSTQ đã ca ngợi những công lao của ông đối với Đảng và những thành tích cách mạng của ông, nhưng lại cho rằng ông đã sáng suốt khi “nhìn nhận sự sai lầm" của mình, ý nói ông đã từ chức khi biết lỗi. Bài điếu văn này đã gây mối bất bình trong quần chúng, nhất là giới trí thức trẻ.

2.- Thiên An Môn nổi sóng

Để bày tỏ sự ủng hộ Hồ Diệu Bang, một nhóm sinh viên trường Đại Học Bắc Kinh đã gửi một vòng hoa đến đài liệt sĩ ở quảng trường Thiên An Môn. Nhưng đêm đó giới lãnh đạo Trung Quốc đã ra lệnh bỏ vòng hoa này đi. Biết được chuyện này, ngày hôm sau khoảng 3.000 sinh viên đã tuần hành vào quảng trường Thiên An Môn với một bản kiến nghị gồm 7 điểm sau đây:

(1) Đảng CSTQ phải phục hồi danh dự cho Hồ Diệu Bang và nhìn nhận sai lầm đã ép ông từ chức.

(2) Chấm dứt cuộc tuyên truyền chống lại "thành phần tiểu tư sản" và "gột rửa tư tưởng tiểu tư sản".

(3) Bảo đảm quyền tự do ngôn luận.

(4) Tăng ngân sách giáo dục.

(5) Cho phép tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa.

(6) Chấm dứt nạn tham nhũng vào bao che bằng cách công bố lương của các lãnh đạo và hồ sơ thuế.

(7) Chấm dứt sự dính líu của chính quyền vào các doanh vụ bất chính.

Bản kiến nghị này đã bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc bác bỏ. Không khí bất mãn dâng lên trong các trường đại học. Ngày 18.4.1989, khoảng 30.000 sinh viên tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn bất chấp lệnh giải tán của chính quyền.

Ngày 20.4.1989, một đám đông đến trước trụ sở của đảng CSTQ trao vòng hoa tưởng niệm Hồ Diệu Bang cho ban lãnh đạo Đảng. Đám đông bị cảnh sát chận lại. Sau nhiều lần cảnh cáo, cảnh sát đã đàn áp bằng dùi cui và bắt giữ nhiều người.

Đêm 21/4 có khoảng 200.000 sinh viên đã tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn để tưởng niệm Hồ Diêu Bang. Ủy Ban Đoàn Kết Sinh Viên được thành lập do hai hai sinh Vũ Khải (Wuer Kaixi) và Quang Đán (Wang Dan) đại diện lãnh đạo. Một dàn loa phát thanh được đưa tới lắp đặt tại quảng trường. Ban tổ chức tuyên bố rằng cuộc tưởng niệm sẽ được biến thành một cuộc tuần hành cho dân chủ. Họ yêu cầu tất cả các trường đại học gửi đại diện đến.

Sau đó, các sinh viên đã thông qua bản kiến nghị 7 điểm đã được công bố và các phương pháp biểu tình. Các phương pháp này gồm có tuyệt thực, bãi khóa, và biểu tình ngồi. Ban tổ chức nhấn mạnh rằng đây là cuộc biểu tình bất bạo động.

Để đối phó lại, trước hết nhà cầm quyền Trung Quốc cho đăng trên nhật báo Nhân Dân những bài lên án cuộc biểu tình của sinh viên, cho rằng đó là một cuộc nổi loạn, đồng thời đưa cảnh sát ra ngăn chận các sinh viên đổ vào quảng trường. Tiếp theo, cơ quan an ninh đã yêu cầu các trường đại học trình danh sách các giáo sư và sinh viên tham gia biểu tình, nhưng các trường đại học đều từ chối.

Được tin các sinh viên ở Bắc Kinh bắt đầu biểu tình đòi dân chủ, sinh viên tại nhiều tỉnh khác cũng tổ chức biểu tình. Nhiều nơi, các cuộc biểu tình đã trở thành bạo động, một số cơ sở của chính quyền bị đốt phá.

Ngày 27/4, một cuộc tuần hành lớn đã diễn ra: Hơn 200.000 sinh viên từ 42 trường đại học đã đi bộ 40 km trên các ngả đường để tiến về Bắc Kinh. Bằng cách nắm tay nhau, họ đã vượt qua 18 hàng rào cảnh sát. Hàng triệu người đứng hai bên đường xem sinh viên tuần hành. Họ đem thức ăn và nước uống cho những người biểu tình. Các cuộc biểu tình cứ thế kéo dài từ ngày này qua ngày khác.

Ngày 13/5 khoảng 2000 sinh viên đã tham gia một cuộc tuyệt thực tại đài liệt sĩ ở quảng trường Thiên An Môn. Họ mang trên đầu cái băng có hai chữ “tuyệt thực” mà mặc những chiếc áo có viết các chữ: "Không có dân chủ, chúng tôi thà chết".

Đến ngày thứ ba, số người tuyệt thực đã lên tới 3000, nhưng khoảng 600 người đã phải được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ngày thứ tư, hàng triệu người dân đã đổ ra trên các đường phố Bắc Kinh để bày tỏ sự ủng hộ.

Thủ tướng Lý Bằng đã đứng ra thương lượng với những sinh viên tuyệt thực, nhưng không đi đến kết quả nào, vì ông ta từ chối không đề cập đến các yêu sách của sinh viên. Ông chỉ yêu cầu sinh viên ngưng biểu tình và tuyệt thực.

Sau đó, với sự chấp thuận của Đặng Tiểu Bình, Thủ Tướng Lý Bằng đã ra lệnh cho bộ đội tiến vào thành phố để "tái lập trật tự”, đồng thời ban hành lệnh giới nghiêm. Bộ Chính Trị đã cho điều hai quân đoàn 27 và 28 ở các tỉnh xa, không hiểu chuyện gì đã thật sự xẩy ra ở Bắc Kinh, tiến vào thủ đô “tiêu diệt bọn phản cách mạng”. Các binh sĩ bị cấm xem báo, nghe đài một tuần trước khi được huy động. Nguồn tin duy nhất họ nhận được là từ Ban Văn Hóa Thông Tin với lời tuyên truyền rằng đây là một cuộc nổi loạn của bọn người xấu.

Trước áp lực nặng nề của chính quyền, lãnh tụ sinh viên Quang Đán từ chức và kêu gọi chấm dứt cuộc biểu tình. Vũ Khải tuyên bố anh ta sẽ tiếp tục tham gia cho đến ngày 20/6, khi Quốc Hội nhóm họp.

Mặc dầu có lệnh giới nghiêm, dân chúng vẫn xuống đường ủng hộ cuộc biểu tình. Các xe quân sự bị dân chúng chận lại.

Ngày 30/5, một bức tượng được gọi là "Nữ Thần Dân Chủ”, cao 10m, đã được dựng lên ở quảng trường Thiên An Môn, đứng đối diện với tấm hình Mao Trạch Đông treo trước cổng Thiên An.

Ngày 31/5, bộ đội bắt đầu tiến vào thành phố. Cảnh sát chìm ngồi trong các xe bus và du lịch đi vào trung tâm. Đến ngày 2/6 đã có khoảng 200.000 bộ đội được đưa vào Bắc Kinh. Khoảng 10.000 bộ đội bị dân chúng chận lại. Biết rằng chính quyền đang điều động quân đội để dẹp biểu tình, các sinh viên vẫn nhất quyết không lùi bước.

3.- Thiên An Môn đẫm máu

Ngày 3.6.1989, lệnh hành quân được ban ra. Lệnh của chính quyền:

(1) Bắn bỏ bất cứ ai kháng cự.

(2) Quãng trường phải được dọn dẹp sạch trước khi trời sáng.

(3) Tất cả những người lãnh đạo cuộc biểu tình đều phải bị bắt.

Bộ đội dàn ra trên các đường phố, đánh đập và bắt giữ bất cứ ai kháng cự. Quảng trường Thiên An Môn bị khóa chặt. Cảnh sát ném lựu đạn cay, dùng dùi cui và roi điện đánh đập mọi người. Tiếng súng nổ vang ở ngoại vi thành phố. Lúc 2 giờ sáng xe thiết giáp ủi bằng các chướng ngại vật do sinh viên dựng lên. Bộ đội nã súng vào đoàn biểu tình. Từng đoàn xe tăng tiến vào quảng trường cán nát các thây người.

Charlie Cole, một nhiếp ảnh gia của tạp chí Newsweek, cho biết vào tháng 5 năm 1989, khi các cuộc biểu tình của các sinh viên ngày càng lên cao, ông được phái đến Bắc Kinh. Ông kể lại:

“Buổi chiều tối ngày 3/6, sau một ngày đương đầu căng thẳng giữa phía quân đội và những người biểu tình, quân đội bắt đầu bao vây trung tâm thành phố và cuối cùng, họ cho xe tăng và xe bọc thép vào ngay giữa Quảng Trường Thiên An Môn.

“Phía trên quảng trường, ở ngay trước Tử Cấm Thành, một chiếc xe bọc thép bị xé lẻ khỏi đội hình. Trong lúc hoảng loạn tìm cách thoát khỏi đám đông, chiếc xe này đã cán lên một số người biểu tình. Ngay lập tức, điều đó đã làm dấy lên tình trạng bạo lực. Đám đông chặn chiếc xe, lôi những người lính ra, giết chết rồi phóng hoả đốt xe. Cảnh tượng diễn ra ngay trước mắt một số tiểu đội lính đứng cách đó khoảng 150 mét...

“Khi tôi vừa đến gần những tán cây trên phố thì quân đội nổ sung vào đám đông ở phía trên quảng trường. Mọi người hoảng loạn khi bị bắn. Trời rất tối nên tôi không thể chụp ảnh, mà khi đó lại không thể dùng đèn flash được...

“Vào khoảng 4 - 5 giờ sáng, hàng đoàn xe tăng chạy vào quảng trường nghiền nát xe buýt, xe đạp và người dưới bánh xích.

Ngày hôm sau, 5/6, tôi và Stuard lại ra ban công theo dõi tình hình. Khi trời sáng, hàng trăm lính xếp hàng trước lối vào quảng trường. Họ nấp sau những chướng ngại vật, chĩa tiểu liên vào sinh viên và dân cư tò mò đang đứng cách đó khoảng 100 mét.

“Chúng tôi nhìn thấy hầu như trên mái nhà nào, kể cả toà nhà chúng tôi đang đứng, cũng có cảnh sát mật mang ống nhòm và máy truyền tin đang tìm cách kiểm soát tình hình.

“Vào khoảng trưa, chúng tôi nghe tiếng xe bọc thép nổ máy và bắt đầu rời quảng trường để giải tán đám đông ở Đại lộ Trường An, một số súng máy đã nhả đạn vào đám đông. Mọi người bỏ chạy vì hoảng loạn.

“Ngay sau đó, khoảng 25 xe tăng xếp hàng bắt đầu lăn bánh theo cùng hướng dọc theo đại lộ.

“Đột nhiên, chúng tôi thấy một thanh niên bước ra từ lề đường, một tay cầm chiếc áo khoác, tay kia cầm túi siêu thị bước vào lối đi của những chiếc xe tăng với ý định chặn đoàn xe lại.

“Thật là chuyện không thể tin được, nhất là sau tất cả những gì đã xảy ra. Không thể tin được điều đó, tôi vừa tiếp tục chụp ảnh, vừa dự đoán về số phận bất hạnh của anh.

“Và tôi ngạc nhiên khi thấy chiếc xe tăng đi đầu dừng lại rồi tìm cách đi vòng quanh người thanh niên. Thế nhưng anh lại tiếp tục chặn đầu xe. Cuối cùng, cảnh sát mật tóm lấy người thanh niên và và lôi anh đi.

“Tôi và Stuart nhìn nhau, cùng kinh ngạc về những gì mình vừa mới chứng kiến và ghi lại được bằng hình ảnh...

“Rất nhiều cơ quan và các tạp chí đã tìm cách xác định danh tính người thanh niên và những gì đã xảy ra với anh sau đó. Một số người nói anh tên là là Vương Vỵ Lâm, nhưng không chắc chắn lắm.”

4.- Một vài con số được ghi nhận

Cuộc đàn áp kéo dài vài ngày sau đó. Bộ đội nã súng vào bất cứ ai có thái độ khiêu khích hay cản đường. Các trường đại học bị lục soát, các nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt đi. Hơn 1.500 người bị bắt, trong đó có ít nhất 6 lãnh tụ sinh viên trong danh sách 21 người bị truy nã.

Sáng ngày 8/6, một sự im lặng ngột ngạt bao trùm thành phố. Trong số 21 sinh viên nằm trong danh sách truy nã của chính quyền, có khoảng phân nửa đã lần lượt trốn ra nước ngoài

Chính quyền tuyên bố thắng lợi trước "Cuộc nổi loạn phản cách mạng." Một số đơn vị bộ đội từ chối không tham gia vào cuộc thảm sát đã bị giải giới sau đó. Tất cả các xác chết đều được dọn sạch trong đêm theo lệnh của chính quyền.

Số người chết và người bị thương không thể biết chính xác được. Theo báo cáo của tổ chức Hồng Thập Tự Quốc Tế, có khoảng 2.600 người dân bị giết và hơn 30.000 người bị thương. Theo báo cáo của chính quyền Trung Quốc, có khoảng 300 lính và người dân chết, 5000 lính và 2000 dân bị thương, có 400 lính mất liên lạc. Theo báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có hơn 4000 người chết, trên 40.000 người bị thương.

HẬU THIÊN AN MÔN

Cả thế giới đã lên án chính quyền Trung Quốc trong việc đàn áp đẩm máu ở Thiên An Môn. Hồng Kông, Đài Loan đã mở cửa biên giới để cho người Trung Quốc vào tị nạn...

Quốc Hội Hoa Kỳ đã cấp tốc họp và biểu quyết với tỉ lệ 418/0 quyết định trừng phạt chính quyền Trung Quốc bằng các biện pháp sau đây: (1) Ngưng giao thương; (2) cấm bán các trang bị cho cảnh sát, các dụng cụ kỹ thuật cao và vũ khí; (3) ngưng các chương trình thăm viếng quân sự.

Quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc trở nên căng thẳng. Trung Quốc tố cáo rằng HK can thiệp vào nội bộ Trung Quốc khi Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh giúp những người bị truy nã thoát ra nước ngoài.

Các nước trong Liên Hiệp Aâu Châu, nhất là Pháp và Đức, cũng đã áp dụng các biện phá chế tài đối với Trung Quốc gióng như ở Hoa Kỳ.

Trong khi đó, người dân Hoa Lục bị cấm không được nhắc đến biến cố ngày 4/6. Chính quyền cấm mọi hình thức bàn bạc về vụ Thiên An Môn. Ngay cả nhửng người mẹ mất con trong cuộc thảm sát đó cũng không được công khai khóc thương con họ.

Các sinh viên đã tham gia vào vụ biểu tình tại Thiên An Môn may mắn thoát được đến các nước khác, đã tiếp tục cuộc đấu tranh cho một đất nước Trung Quốc dân chủ và tự do.

Nhưng “để lâu cứt trâu cũng hoá bùn”. Vào tháng 12 năm 2004, tại Hội Nghị cao cấp của 7 nước trong Liên Hiệp Âu Châu (EU), Pháp và Đức đã đứng ra vận động hủy bỏ cấm vận võ khí cho Trung Quốc, nhưng chưa được toàn thể các hội viên đồng ý. Bắc Kinh cho rằng quyết định cấm vận này là tàn dư thời kỳ chiến tranh lạnh, nay đã đến lúc cần phải khai tử. Tuy nhiên, Hội Nghị cũng đi đến quyết định mở rộng cánh của hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đi theo. Nay mọi chuyện coi như đã trở lại bình thường.

BÀI HỌC LỊCH SỬ

Trong cuộc hội thảo bỏ túi tại Bắc Kinh hôm 10.5.2009, học giả Thôi Vệ Bình cho rằng sự im lặng tập thể (tại Trung Quốc) trong 20 năm qua đã tác động xấu đến đạo đức xã hội. Ông nói: "Ngay cả nếu chúng ta không trực tiếp gây ra tội ác đẫm máu 20 năm trước, việc chúng ta im lặng ngần ấy năm cũng khiến chúng ta thành kẻ đồng lõa."

Các giáo sư Thôi Vệ Bình, Từ Hữu Ngư, Trương Bác Thụ, v.v., đặt câu hỏi rằng sự im lặng của giới trí thức trong nước trong suốt 20 năm qua “đã làm hại gì cho tinh thần và đạo đức dân tộc?" Họ cho rằng khi “chính phủ đối xử với dân như kẻ thù, nhân dân sẽ đáp lại y như thế." Họ kết luận rằng thứ tư duy của Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo cộng sản khác “là sự bắt đầu của mọi điều sai trái trong lịch sử."

Đây chỉ là những nhận định về nguyên nhân của biến cố, những lời sám hối hay lên án suông. Bài học lịch sử Thiên An Môn đắt giá hơn nhiều.

1.- Đàn áp để bảo vệ quyền bính

Nếu những sự kiện như trên xẩy ra ở Miến Điện, Bắc Hàn, Nam Hàn, Indonesia, Zimbabwe hay Việt Nam, v.v., các nhà cầm quyền này cũng sẽ hành động như nhà cầm quyền Trung Quốc để bảo vệ quyền bính. Một vài thí dụ cụ thể:

Tháng 5 năm 1980, ông Kim Đại Trọng lãnh đạo một cuộc nổi dậy tại Gwangju, Nam Hàn, để đòi hỏi dân chủ. Tổng Thống Chung Đô Hoan liền đưa quân đội đến dẹp tan. Tài liệu của chính quyền nói có 191 người chết và 852 người bị thương. Nhưng các hãng thông tấn quốc tế ước lượng số người bị giết trên 1000 người. Nếu không có sự can thiệp của ĐGH Gioan Phaolô II, ông Kim Đại Trọng đã bị xử tử.

Tháng 10 năm 2007, dân chúng Miền Điện cũng biểu tình đòi dân chủ. Lúc đầu chỉ có 30.000 người, dần dần lên tới 50.000 rồi 100.000..., trong số đó có 15.000 tăng ni. Mặc dầu Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu đã kêu gọi tránh dùng bạo lực, nhà cầm quyền quân phiệt Miến cũng đã huy động quân đội đến dẹp biểu tình. Tin của nhà cầm quyền cho biết có khoảng 200 người chết, nhưng các hãng thông tấn ngoại quốc tin rằng đã có hàng ngàn nguời chết, khoảng 6000 người bị bắt, trong đó có 1.400 nhà sư. Cũng tại Miến Điện, trong năm 1988, sinh viên và học sinh cũng đã nổi dậy đòi dân chủ với kết quả là có khoảng 3000 người bị giết.

2.- Thiếu tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ

Sở dĩ cuộc biểu tình vĩ đại của các sinh viên ở Thiên An Môn bị thất bại vì các lý do chính sau đây:

Vụ Thiên An Môn là một cuộc nổi dậy bột phát do lòng hăng say của tuổi trẻ, được khơi động bởi một biến cố của thời cuộc, vì thế không được tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ, không có chiến lược tổng quát và chiến thuật cho từng giai đoạn, hầu hết đều do sáng kiến cá nhân... thất bại là chuyện không tránh được.

Năm 1945, Việt Minh đã thành công trong việc cuớp chính quyền ở Việt Nam, mặc dầu lúc đó số đoàn viên của họ lúc chỉ bằng 1% số đoàn viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đó là nhờ Việt Minh được tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ, biết bắt kịp thời cơ và biết dùng thủ đoạn để đạt mục tiêu của mình.

Năm 1989, Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan đã làm sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan và góp phần to lớn vào sự sụp đổ nhanh chóng sau đó các chế độ cộng sản trên khắp Đông Âu là nhờ có tổ chức và lãnh đạo, và biết nắm lấy thời cơ.

Chỉ kích động sự bất mãn của quần chúng để họ tự động đứng lên thì không thể làm thay đổi một chế độ độc tài được. Phải có những tổ chức lãnh đạo đứng đàng sau khai thác và điều khiển sự bất mãn đó mới có thể làm thay đổi thời cuộc.

3.- Thủ đoạn của các chính quyền

Trước một cuộc nổi dậy của đám đông không được kiểm soát, không thể nào tránh được bạo động. Chính quyền sẽ vinh vào đó để đàn áp. Giả thiết sự bạo động không xẩy ra, chính quyền cũng sẽ tạo ra bạo động để có lý do hành động.

Phương pháp thứ hai mà các chính quyền thường dùng để dẹp các cuộc nổi dậy là điều tra xem tổ chức hay cá nhân nào đã lãnh đạo cuộc nổi dậy. Nắm được nhóm lãnh đạo và xách động thì đám đông như rắn mất đầu.

Trong vụ Thiên An Môn, nhà cầm quyền Trung Quốc đã để cho biến cố kéo dài từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 4 tháng 6 năm 1989 mới ra tay. Thời gian 50 ngày quá đủ để cho nhân viên an ninh mở cuộc điều tra. Họ giả làm ký giả, sinh viên biểu tình, dân chúng đi xem... để quay phim và chụp hình những người lãnh đạo và xách động cuộc biểu tình. Họ đã đưa ra danh sách 21 lãnh tự sinh viên bị truy nã. Nếu tính cả những sinh viên có khả năng xách động, con số này có thể lên đến hàng ngàn người. Do đó, các tổ chức chuyên tạo bạo loạn như các đảng Cộng Sản, không bao giờ để cho những người lãnh đạo bị lộ diện. Họ chỉ dùng các tay chân bộ hạ để hành động.

4.- Thái độ của các cường quốc

Khi một phong trào đấu tranh đòi dân chủ nổi lên ở một quốc gia độc tài, các cường quốc Tây phương thường lên tiếng ủng hộ hay bênh vực. Nếu phong trào đó thành công, họ sẽ nhảy vào và biến thành công cụ của họ. Nếu phong trào đó thất bại, họ sẽ lên tiếng bênh vực qua loa rồi để cho đi vào lãng quên, sống chết mặc bây. Do đó, tự lực cánh sinh bao giờ cũng là nền tảng của các cuộc đấu tranh.

5.- Chiến thuật diễn biến hoà bình

Kinh nghiệm cho thấy nổ lực tạo nên các cuộc nổi đậy để lật đổ một chế độ độc tài rất khó thành công và thường xẩy ra các biến loạn liên tiếp sau khi những chế độ mới được hình thành. Do đó, ngày nay các cuờng quốc đã quyết định dùng “chiến thuật diễn biến hoà bình” để làm thay đổi những chế độ độc tài còn lại. Nói nôm na là dùng kinh tế và giáo dục để làm thay đổi chế độ chính trị, “dùng thắng con thay thế thằng cha”, v.v. Kế hoạch này có khi kéo dài 15, 20 hay 30 năm.

Trong hồi ký “Người Tù của Nhà Nước...”, ông Triệu Tử Dương đã nói rằng đa số sinh viên cũng chỉ mong cải cách dân chủ kiểu xã hội chủ nghĩa sao cho dễ thở hơn chứ không có ý phản loạn. Ông cho rằng hệ thống cộng sản ở Trung Quốc còn cải tổ được và sinh viên chỉ nêu ra các “tiêu cực”.

Ý của ông Triệu Tử Dương có lẽ cũng phù hợp với đường lối của các cường quốc ngày nay. Dĩ nhiên, những người thích mì ăn liền không chấp nhận đường lối đó, nhưng dù họ có cố gắng đến hơi thở cuối cùng, cũng không thể làm đảo ngược được đường lối mà các “Anh Hai” của họ đang theo đuổi. Vấn đề là phải tìm một hướng đi mới để đấu tranh có kết quả hơn.

Dầu sao, biến cố Thiên An Môn cũng đã đưa tới nhiều thay đổi tại Trung Quốc từ đó cho đến nay và máu của các nhà tranh đấu kiên cường đã không bị đổ ra một cách vô ích.

Lữ Giang

(25.5.2009)
dailien
Posts: 2458
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Tổng thống Obama khó giữ lời hứa

Ngô Nhân Dụng
Khi công bố tình trạng chính phủ Mỹ sẽ nắm 60% cổ phần của Công ty General Motors sau khi khai phá sản, Tổng Thống Barack Obama nói chính phủ ông là một “cổ đông bất đắc dĩ,” và ông hứa sẽ không trực tiếp can thiệp vào công việc kinh doanh của công ty sản xuất xe hơi này, rồi trong 5 năm sẽ bán cổ phần thu hồi tiền về cho những người dân Mỹ đóng thuế.

Ðây là những lời hứa rất khó giữ, dù là đối với một “cổ đông” bất đắc dĩ. Chính phủ Mỹ sẽ phải “đi dây” một cách khó khăn để không can thiệp, hơi nghiêng chút là té, và trong 3 năm nữa đến kỳ bầu tổng thống ông Obama sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi về các lời hứa này.

Khi nói “chính phủ Mỹ” thì chúng ta phải hiểu có ít nhất hai thành phần: Hành Pháp và Lập Pháp. Liệu Tòa Bạch Ốc có thể tự kiềm chế không can thiệp vào các quyết định kinh doanh của GM và Chrysler hay không? Các đại biểu Quốc Hội sẽ tạo những thứ áp lực nào trên ban giám đốc công ty này?

Khi các công ty làm xe hơi còn hoàn toàn độc lập, chính phủ và Quốc Hội vẫn tạo những áp lực trên hoạt động của họ, từ “khuyến khích” đến “ép buộc” bằng luật lệ. “Khuyến khích” như cho giảm hoặc miễn thuế nếu theo một chương trình của nhà nước; và ép buộc khi soạn các đạo luật nhân danh mục đích bảo vệ sự an toàn của người lái xe hoặc để bảo vệ môi trường sống và tiết kiệm năng lượng. Nhưng khi chính phủ Mỹ lại làm chủ đa số cổ phần trong các công ty Chrysler và General Motors, thì mỗi hành động trên đều có thể bị coi là “can thiệp” vào việc quản trị của các công ty này.

Trước khi General Motors khai phá sản theo Chương 11 luật phá sản của Mỹ để được hoạt động tiếp tục, thì chính phủ Mỹ bắt đầu đã “can thiệp” rồi. Ðiều dễ thấy nhất là chính phủ đã tranh đấu để giành cho Công đoàn Công nhân Xe hơi Mỹ (UAW) chiếm 17.5% số cổ phần của công ty sau khi qua thủ tục khai phá sản; trong khi các chủ nợ chỉ được hưởng 10% - chỉ có khoảng 60% các chủ nợ đồng ý - với hy vọng với mỗi đô la cho vay sẽ đòi lại được từ 30 xu đến 60 xu tùy mức độ bảo đảm.

Trong mỗi vụ phá sản đều có nhiều phe muốn giành phần “chia của” khi thanh toán tài sản của xí nghiệp đang ngắc ngoải. Ðối với General Motors thì các cổ đông coi như chịu mất hết tiền, nhưng còn hai thành phần quan trọng là các chủ nợ mà quyền lợi của họ khác với các công nhân và nhân viên. Những món nợ vay của người ngoài, như các ngân hàng và những nhà đầu tư mua trái khoán, thường được bảo đảm bằng các tài sản của công ty. Ngược lại, những “món nợ” của công ty đối với các công nhân thì được viết trong những bản hợp đồng lao động thuộc loại những khoản nợ “tổng quát” tức là không bảo đảm. Khi một xí nghiệp bị “khai tử” hoặc “tan hàng” thì ra trước tòa án phá sản bình thường những ràng buộc của các hợp đồng lao động chấm dứt. Chính phủ Mỹ đã chọn không cho các công ty xe hơi bị khai tử theo thủ tục bình thường.

Chính phủ Obama đã tiếp tục công việc cứu giúp các công ty Chrysler và GM như chính phủ Bush đã làm, nhưng quyết định sau cùng hoàn toàn do chính quyền mới quyết định là có để cho hai công ty này “phá sản theo thủ tục bình thường” hay không. Nếu theo thủ tục bình thường, dựa trên điều 1113 luật phá sản thì các công ty xe hơi như GM sẽ ra tòa, trước tòa cho các chủ nợ thấy họ phải nhượng bộ những gì để “vớt được” đồng nợ nào tốt đồng đó; nếu không thì tòa án sẽ ấn định cho. Ðồng thời công ty có quyền buộc công nhân phải ký lại các hợp đồng mới, mà nếu các công nhân không chấp thuận thì tòa án sẽ có quyền ấn định những bản hợp đồng cho cả hai bên. Khi đó, lợi thế mặc cả của các công đoàn rất yếu vì công ty sẽ sống lại như một thực thể mới.

Nhưng chính phủ Mỹ từ thời Tổng Thống Bush đã bắt đầu trợ cấp cho các công ty xe hơi, không phải vì có hy vọng “cứu sống” mà chỉ vì cho họ thêm thời giờ “tìm cách chết” bằng cách trì hoãn việc khai phá sản theo lối bình thường. Kết quả là chính phủ càng ngày càng can thiệp vào những cuộc mặc cả giữa ban giám đốc, công đoàn, và các chủ nợ. Ðể cuối cùng đi tới một phương thức khai phá sản với những “thỏa hiệp” được dàn xếp trước: Chính phủ Mỹ chiếm 60% với số tiền 60 tỷ, chính phủ Canada và tỉnh Ontario chiếm 12.5% với số tiền 9 tỷ rưỡi, còn 17.5% cho công đoàn UAW, các chủ nợ được 10% với quyền mua thêm 15% cổ phần nữa nếu thấy có lợi.

Việc thu xếp để ba bốn phe thỏa hiệp với nhau trước khi ra tòa án phá sản có phải là một quyết định đúng hay không? Liệu chính phủ Bush có làm khác với chính phủ Obama, tức là cho Chrysler và GM phá sản luôn hay không?

Rất khó trả lời những câu hỏi này. Người ta chỉ biết rằng nếu để cho hai công ty xe hơi lớn hàng đầu và hàng thứ ba của Mỹ phá sản bình thường như tất cả các xí nghiệp khác thì có những hậu quả xã hội, kinh tế và chính trị mà những người cầm quyền rất lo ngại. Phiên tòa phá sản sẽ là nơi luật sư của các phe, từ ban giám đốc đến các chủ nợ và công đoàn, tranh cãi nhau không nghỉ, và không biết sẽ kéo dài đến bao giờ. Trong thời gian đó chắc họ không thể sản xuất xe như cũ, không thể nghiên cứu các loại xe mới, không tìm hiểu thị trường. Ðến khi họ hoạt động trở lại, nếu hoạt động được, thì chắc là đa số khách hàng đã bỏ đi, họ khó bán được xe, không thể cạnh tranh với Ford, Toyota, Honda, v.v... Hậu quả là hàng triệu người sẽ thất nghiệp thêm, suy thoái kinh tế ở nước Mỹ sẽ kéo dài thêm.

Có lẽ vì thế ngay từ Tháng Mười Một năm ngoái rất ít người chủ trương cứ để cho các công ty Chrysler và GM phá sản. Chính phủ Mỹ phải trực tiếp can thiệp để dàn xếp một thỏa hiệp “tiền phá sản.”

Nhưng người ta vẫn đặt câu hỏi về vai trò của chính phủ trong quá trình dàn xếp giữa các phe liên hệ. Các chủ nợ sẽ mất khá nhiều tiền, và họ đặt câu hỏi tại sao lại giành cho công đoàn UAW những 17.5% số cổ phần của công ty? Nhiều người trả lời rằng chính các công nhân làm ra xe hơi, chứ không phải các chủ ngân hàng! Nhưng trong nền kinh tế tự do này, người cung cấp tiền làm vốn cũng có quyền như những người cung cấp sức lao động, theo quy luật thị trường mà mọi người mặc cả với nhau. Khi chính phủ Mỹ dàn xếp giúp cho hai bên thỏa hiệp, nhưng còn 40% các chủ nợ bất mãn, thì chính phủ có thiên vị công đoàn hay không? Người ta hỏi có phải vì Tổng Thống Obama và các đại biểu Quốc Hội đảng Dân Chủ đã “mang nợ” các nghiệp đoàn, trong đó có UAW, cho nên họ tìm cách cho công đoàn phần chia lớn hơn hay không? Ðây là một câu hỏi sẽ đuổi theo Tổng Thống Obama trong những năm sắp tới.

Nhưng từ nay về sau liệu ông Obama có thể thực hiện được lời hứa “không can thiệp” vào công việc quản trị kinh doanh của các công ty xe hơi đang thuộc quyền sở hữu của chính phủ Mỹ hay không? Ông có muốn giữ cũng khó.

Hiện nay chương trình phục hồi hai công ty xe hơi GM và Chrysler đã “bị can thiệp” một cách rõ ràng là cả hai đều được dàn xếp để sản xuất thêm nhiều những loại xe nhỏ, tiết kiệm xăng. Việc sản xuất xe bớt hao xăng là một điều đáng khen, nhưng quyết định làm loại xe đó là do mục đích nào khác chứ không phải chỉ vì việc kinh doanh. Nếu trong một năm nữa, giá xăng lại xuống thấp và dân tiêu thụ ở Mỹ lại thích đi xe to, xe khỏe và tốn xăng thì các công ty trên có dám quyết định thay đổi kế hoạch sản xuất và tiếp thị hay không? Chính phủ và Quốc Hội Mỹ có khả năng thúc đẩy tất cả các hãng xe hơi chế loại xe bớt hao xăng, bằng cách tăng thuế xăng hay bớt thuế cho những người mua xe tiết kiệm xăng chẳng hạn. Tại sao họ không làm như vậy mà lại “khuyến khích” riêng hai công ty mới phá sản phải theo ý của họ? Liệu chính phủ có can thiệp khi họ thay đổi chiến lược kinh doanh hay không? Hiện nay những loại xe tiết kiệm chỉ chiếm 17% thị trường xe hơi, nếu thị phần đó giảm đi thì sao?

Các đại biểu Quốc Hội Mỹ đã bắt đầu can thiệp vào công việc làm ăn của General Motors ngay trong lúc đang dàn xếp trước khi phá sản. Họ la làng khi ban giám đốc công ty này có ý định sẽ nhập cảng các loại xe nhỏ mà chi nhánh của GM sản xuất ở Trung Quốc, rẻ hơn và ít hao xăng hơn. Thế là GM phải rút lui; và chịu mở lại hai nhà máy để làm xe nhỏ theo áp lực của công đoàn.

Một loại áp lực thế nào cũng xảy ra là khi General Motors phải quyết định đóng cửa các nhà máy. Chọn đóng cửa nhà máy ở tiểu bang nào? Mỗi đại biểu Quốc Hội xưa nay vẫn tìm cách ngăn cản Bộ Quốc Phòng Mỹ mỗi khi tính đóng cửa một phi trường hay căn cứ quân sự, nếu cử tri trong đơn vị họ bị ảnh hưởng. Nay họ sẽ áp dụng những chiến thuật tương tự đối với các cơ xưởng chế tạo xe hơi; vì chính họ sẽ bỏ phiếu trợ cấp cho các công ty này khi cần!

Chính phủ Mỹ mỗi năm mua hoặc thuê hàng triệu chiếc xe, liệu các cơ quan mãi dịch có ưu tiên cho hai công ty mà chính phủ làm chủ hay không? Nếu bị khiếu kiện thì chính phủ trả lời ra sao?

Trên đây chỉ là một số khó khăn mà chính phủ Obama và Quốc Hội Mỹ sẽ phải đối phó khi muốn tránh tiếng không “can thiệp” vào hoạt động của các công ty General Motors và Chrysler. Dân chúng Mỹ sẽ chú mục theo dõi trong mấy năm tới, và sẽ lên tiếng trong các mùa bầu cử.

Sau cùng, Tổng Thống Obama còn hứa hẹn một điều là trong vòng 5 năm chính phủ sẽ giải tư hết, không muốn làm chủ các cổ phần của hai công ty xe hơi nữa. Tất nhiên nhà nước sẽ chỉ bán các cổ phần từ từ, để khỏi làm cho giá cổ phần xuống nhanh quá. Nhưng trong năm năm thì giá cổ phần của General Motors sẽ ra sao?

Giả thiết chính phủ Mỹ chỉ bỏ vô công ty GM 50 tỷ đô la tiền để lấy 60% số cổ phần, không bỏ thêm đồng nào nữa. Mai mốt nếu muốn thâu hồi đủ 50 tỷ đó, không cần lấy tiền lãi, thì trị giá 100% của GM lúc đó phải lên tới 80 tỷ đô la. Liệu trong 5 năm nữa giá trị của GM có thể lên con số đó hay không?

Xin trả lời ngay: Rất khó. Vì trong quá khứ lúc giá trị công ty lên cao nhất vào thời hoàng kim năm 2000, tổng cộng các cổ phần của GM cũng chỉ đáng giá dưới 60 tỷ đô la. Giả thử tính lạm phát mỗi năm làm đồng tiền mất giá 2% thì trong 15 năm, con số 60 tỷ năm 2000 đó tính theo thời giá tương đương với đúng 80 tỷ vào năm 2015. Nhưng liệu trong 5 năm nữa công ty GM có hoạt động mạnh mẽ và thành công bằng thời hoàng kim năm 2000 hay không? Sau con khủng hoảng phá sản thất điên bát đảo này, thấy là rất khó! Chắc chỉ có cách là cầu Trời khấn Phật! Nếu không thì đúng là toàn dân Mỹ đang trông thấy là họ đã mất tiền!
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Nguồn gốc bạo lực cộng sản

Ngô Nhân Dụng
Ðêm mùng 3 tháng Sáu năm 1989, bà Trương Tiên Linh (Zhang XianLing) thấy tấm giấy do cậu con trai 19 tuổi viết để lại, cho bố mẹ biết cậu đi tới quảng trường Thiên An Môn, coi các bạn biểu tình. Bà là một kỹ sư, hai vợ chồng chỉ có một đứa con đang học đại học. Ðêm hôm đó, súng nổ ở Thiên An Môn, không biết mấy ngàn sinh viên đã bị giết, bà Trương không tìm thấy con đâu. Mười ngày sau người ta mới đưa xác của cậu trả cho cha mẹ, xác đã bắt đầu hư, nhưng trên mặt cậu sinh viên còn đeo đôi kính trắng.

Bà Ðinh Tử Lâm (Ding Zilin) là giáo sư Triết Học tại Ðại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, trong bảy tuần lễ các sinh viên và công nhân biểu tình ở Thiên An Môn bà đã khuyên các học trò của mình, có khi đến tận ký túc xá nơi sinh viên ở trọ, yêu cầu họ đừng có dính vào vụ biểu tình, nguy hiểm, vì thế nào đảng Cộng Sản cũng đập. Nhưng bà không ngăn được cậu con trai 17 tuổi, vì chồng bà đồng ý với con. Ðêm mùng 3 Tháng Sáu 1989 cảnh sát đem xác cậu về nhà trả cho cha mẹ, cậu bị bắn trúng tim. Bà Ðinh thấy mình mất lẽ sống, bà đã tính tự tử, sáu lần, nhưng không chết được. Hai vợ chồng bà đều là giáo sư, đã bị cho nghỉ hưu non.

Hai bà mẹ trên là những người thành lập nhóm Các Bà Mẹ Thiên An Môn. Mỗi năm đến ngày Lục Tứ (4 Tháng Sáu, nói lối người Trung Hoa) họ lại gửi thư cho các người lãnh đạo đảng Cộng Sản và chính phủ Trung Quốc để yêu cầu điều tra lại vụ tàn sát ở Thiên An Môn. Họ đã liên lạc và xác định được 195 gia đình có con bị giết ở Thiên An Môn trong cuộc tàn sát do Ðặng Tiểu Bình ra lệnh. Họ tin rằng con số sinh viên bị giết cao gấp mười lần số đó. Còn nhiều gia đình khác không biết con cái của mình đã biến đi đâu từ đó tới giờ.

Mỗi năm sắp đến ngày Lục Tứ hai bà mẹ trên dưới 70 tuổi này lại bị công an gọi lên “làm việc” mặc dù họ đều bị giam lỏng tại nhà sau nhiều lần bị tù. Bà Trương nói, chính nhờ cuộc tranh đấu vì cái chết của con mình mà bà mới khám phá ra những gì gọi là “nghĩa vụ công dân.” Làm công dân một nước thì phải tranh đấu cải thiện xã hội. Các Bà Mẹ Thiên An Môn yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải xóa bỏ lời kết tội “phản cách mạng” mà họ đã gán cho các sinh viên biểu tình. Họ yêu cầu phải điều tra xem ai là người chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát; tìm đủ danh sách những người đã bị giết và bồi thường cho các nạn nhân.

Năm nay, cuốn tự thuật của ông Triệu Tử Dương, cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thời gian xảy ra vụ Thiên An Môn, cho thấy người quyết định vụ tàn sát chính là Ðặng Tiểu Bình, và người xúi giục rồi thi hành là Lý Bằng, lúc đó là thủ tướng. Triệu Tử Dương xác định rằng ông phản đối thái độ coi cuộc biểu tình của các sinh viên là “phản cách mạng;” vì họ không hề chống lại sự cai trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bà Trương cũng nghĩ như vậy, “Sau 20 năm, ý kiến của tôi vẫn không thay đổi. Các sinh viên biểu tình họ chỉ đi biểu tình chống tham nhũng. Và bây giờ thì chúng ta phải công nhận là các sinh viên có lý. Bây giờ tham nhũng nhan nhản khắp mọi nơi. Bọn sinh viên đã nhìn thấy trước cảnh này.” Ông Bao Ðồng, một cộng sự viên thân cận của Triệu Tử Dương mới nhớ lại 20 năm trước, cũng nhận xét là từ thời điểm đó “lịch sử đã ngừng; cuộc cải tổ đã đứng khựng lại.”

Năm nay nhiều cựu sinh viên Trung Quốc đã từng tham dự cuộc biểu tình ở Thiên An Môn và đang sống lưu vong đã gặp nhau để tưởng niệm những người bạn đã bị giết. Họ cùng nhau xác định ý nghĩa của cuộc biểu tình: Ðòi cải tổ Trung Quốc theo một đường lối phát triển có tự do dân chủ hơn, khác với chính sách mà đảng Cộng Sản vẫn theo đuổi từ đó tới nay. Hậu quả của vụ tàn sát sinh viên là đảng Cộng Sản đã đưa Trung Quốc tới cảnh tượng bây giờ: quan chức tham nhũng, xã hội bất công, đạo đức suy đồi, công nhân thất nghiệp và môi trường sống bị hủy hoại. Càng ngày người Trung Hoa càng thấy rằng muốn giảm bớt những tai họa trên thì phải dân chủ hóa.

Ðặng Tiểu Bình và Lý Bằng không chịu thay đổi chủ trương độc tài đảng trị, cho nên họ dẹp đám sinh viên biểu tình. Nhưng điều khiến mọi người vẫn ngạc nhiên là tại sao họ phải giết nhiều người như vậy mà không dẹp biểu tình một cách trật tự ôn hòa hơn? Những đoàn quân từ các tỉnh được chuyển về theo lệnh Ðặng Tiểu Bình, người cầm đầu quân ủy trung ương. Phần lớn các binh lính đó là nông dân, nhiều người bị bắt lính vì đến tuổi, họ không biết đám sinh viên biểu tình này là ai, không biết chúng ở đó làm cái gì. Họ chỉ biết được lệnh bắn là bắn. Và những chiếc xe tải chở lính đi theo xe tăng chạy vào trong đám sinh viên, trên những chiếc xe đó, đám lính trẻ được lệnh bắn là bắn. Coi lại những video quay trong đêm mùng 3, sang ngày 4 Tháng Sáu năm 1989 chúng ta nghe súng nổ như một trận chiến đang diễn ra. Nhưng đây là một trận đánh chỉ có một bên có súng và nổ súng. Và trong lúc đám lính vô tội cứ bắn xả vào đám sinh viên vô tội không làm gì để chống cự, thì đám thanh niên biểu tình vẫn cùng nhau hát vang lên bài “Quốc Tế Ca,” bài hát của phong trào Cộng Sản quốc tế vẫn được đài Bắc Kinh phát thanh mỗi ngày!

Ai đã ra lệnh cho lính bắn xối xả vào đám thường dân biểu tình ôn hòa và trật tự? Ai ra lệnh họ bắn giết không ghê tay trong khi đám thanh niên trẻ tuổi không một tấc vũ khí chỉ biết chạy trốn để rồi bị quét sạch như những con thú bị săn đuổi trong rừng?

Cuộc thảm sát sinh viên ở Gwangju, Hàn Quốc năm 1980 (Quang Châu Dân Chủ hóa vận động) xảy ra sau khi các sinh viên và dân chúng biểu tình chống độc tài quân phiệt đã chiếm chính quyền ở thành phố này trong 2 ngày. Nhưng về sau, khi Hàn Quốc đã lập chế độ tự do dân chủ, Tướng Chun Doo-Hwan vẫn bị đưa ra tòa kết án tù. Biến cố này, theo chính quyền chỉ gây ra 144 thường dân tử thương, nhưng các gia đình nạn nhân cho con số 165 người.

Chế độ độc tài quân phiệt ở Hàn Quốc không nhẫn tâm bằng chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc. Và ngay những người lãnh tụ quân phiệt cũng chấp nhận bắt đầu quá trình dân chủ hóa, để tới ngày người dân bỏ phiếu chọn người nắm quyền cai trị, những vị tổng thống mới đã truy tố các lãnh tụ quân phiệt, ông Chun Doo-Hwan bị án tử hình rồi được hai vị tổng thống dân chủ đồng ý ân xá.

Tại sao các lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc có thể nhẫn tâm ra lệnh cho lính bắn những sinh viên biểu tình ôn hòa gần hai tháng trời? Ðặng Tiểu Bình, Lý Bằng cũng không phải là những người khát máu. Chính họ đã từng bị đầy ải, hành hạ vì bất đồng ý kiến với các lãnh tụ đảng! Tại sao họ lại đang tay ra lệnh giết những thanh niên đáng tuổi con cháu họ, chỉ vì đám trẻ này hăng hái đòi bài trừ tham nhũng và trừ bỏ những đặc quyền dành cho các cán bộ cao cấp?

Có thể nói Ðặng Tiểu Bình hoặc Lý Bằng và những lãnh tụ Cộng Sản khác cũng chỉ là những người bình thường. Nhưng mai sau lịch sử có thể coi họ là những kẻ sát nhất tàn bạo. Lý do duy nhất khiến họ có những hành động tàn ác, chính là vì họ được đào tạo trong cái lò Cộng Sản.

Cuộc cách mạng Cộng Sản đầu tiên ở Nga diễn ra trong sắt máu. Một nhóm người do Lenin cầm đầu cướp được chính quyền năm 1917, với khẩu hiệu “Hòa Bình, Bánh Mì,” và “Chính quyền về tay các ủy ban (Xô Viết).” Nhưng cái chính quyền đó chỉ kiểm soát được một số thành phố, trong khi có hàng trăm cuộc nổi dậy khác chống lẫn nhau và đánh lại chính quyền Xô Viết. Cuộc nội chiến diễn ra trong hai năm. Lenin đã hứa hẹn hòa bình vì biết dân Nga đang chán ngán cuộc chiến tranh thế giới, nhưng sau khi Lenin chịu thỏa hiệp với Ðức để rút nước Nga ra khỏi cuộc chiến thì dân Nga vẫn không có hòa bình. Cuộc nội chiến còn giết chết nhiều người hơn là cuộc chiến tranh thật, chỉ kéo dài thêm một năm nữa là chấm dứt.

Yếu tố quan trọng nhất khiến đảng Bôn Sơ Vích thành công trong cuộc nội chiến ở Nga không phải là chủ nghĩa Cộng Sản - dân chúng phần lớn là nông dân, không ai biết cái chủ nghĩa ấy như thế nào. Nhóm Bôn Sơ Vích cuối cùng đã thắng chỉ vì họ dám dùng những thủ đoạn tàn bạo nhất. Leo Trotsky, người sáng lập Hồng Quân, vốn không phải là một quân nhân, nhưng ông ta hiểu rằng lính cũng sợ chết. Mà đảng của ông thì đã từng chuyên làm công việc khủng bố, đe dọa người khác bằng bạo lực. Cho nên Trotsky đã dọa đám binh sĩ bị cưỡng bách tòng quân bằng cách giết hết những người đào ngũ. Trận đánh ở thành phố Kazan vào Tháng Tám năm 1918 đánh dấu việc áp dụng chiến thuật khủng bố đe dọa Hồng Quân.

Sử gia Niall Ferguson (trong cuốn The War of The World, xuất bản năm 2006) kể rằng ngay sau khi tới Kazan, Trotsky ra lệnh đem 27 đào binh ra bắn ngay bên bờ sông Volga. Sau đó, ông trong mỗi trận đánh cho bố trí súng máy ở phía sau đám quân của ông, hễ thấy tên lính nào tính chạy trốn là bắn chết. Một nhóm quân trong đơn vị nào không chịu đánh nhau thì cả đơn vị bị tiêu diệt luôn. Không một đám quân nào trong các nhóm Bạch Quân có người chỉ huy dám giết người một cách thản nhiên như vậy.

Trận Kazan là một bước ngoặt thay đổi thế cờ trong cuộc nội chiến ở Nga, và Frguson cũng nhận xét, nó cũng là một “dấu hiệu cho thấy sau khi thắng trận thì đảng Bôn Sơ Vích sẽ cai trị dân như thế nào.”

Họ cai trị bằng mọi phương tiện và thủ đoạn tàn bạo. Lenin học vai trò của Robespiere trong cuộc cách mạng Pháp, nhưng tránh được những lầm lẫn của Robespiere, vì ông ta giết nhiều người hơn, một cách thản nhiên, vô tình hơn. Lenin hỏi, “Làm sao có thể làm cách mạng nếu không có một đội hành hình?” Theo Ferguson tìm hiểu, trong mấy năm từ 1918 đến 1920, có 300,000 vụ hành quyết những người dân chống Bôn Sơ Vích. Những đội “cải cách” đi tịch thu thóc của nông dân đã được lệnh giết hết những trung nông cưỡng lệnh. Tháng Hai năm 1921 các thủy thủ ở pháo đài Kronstadt vốn vẫn ủng hộ Cộng Sản đã nổi lên chống Bôn Sơ Vích sau khi đưa ra các yêu cầu bầu cử tự do, báo chí và hội họp tự do mà không được. Lenin đã giết và lưu đầy hết.

Sau này người ta thường nhắc tới những tội ác của Stalin, nhưng cuộc cách mạng Cộng Sản đã bắt đầu đẫm máu từ thời Lenin.

Những lãnh tụ Cộng Sản có thể thản nhiên ra lệnh giết người, có khi hân hoan ra lệnh giết người, chính vì họ đã biến những tư tưởng kinh tế chính trị học của Karl Marx thành một thứ tôn giáo. Ðảng Cộng Sản cho họ đóng vai trò “cứu nhân loại” vì họ tự coi là những người duy nhất “giác ngộ” được hướng đi của lịch sử. Ðó là một thứ niềm tin có tính cách tôn giáo. Khi đã tự tin là mình nắm “chân lý” trong tay, nắm “lẽ phải” trong tay, thì người ta không ngại ngần làm bất cứ hành động tàn ác nào, để “phụng sự chân lý” và “giải phóng nhân loại!” Bao nhiêu thanh niên và thiếu nữ đã ôm bom tự sát ở Iraq, ở Afghanistan hoặc Pakistan bây giờ cũng mang niềm tin mạnh như vậy.

Cho nên trong đám người theo chủ nghĩa Cộng Sản chúng ta thấy những kẻ sát nhân cuồng tín nhất. Và trong đó mới có những lãnh tụ như Stalin bỏ mặc cho 4 triệu người Ukraine chết đói chứ không chịu rút lại chính sách tập thể hóa nông nghiệp. Mới có Mao Trạch Ðông phất tay phát động “Bước nhẩy vọt” làm chết hai chục triệu người Trung Hoa, không hề ân hận, lại ra lệnh làm “Cách Mạng Văn Hóa” giết chết thêm hàng chục triệu người khác. Và chỉ trong hàng ngũ Cộng Sản mới có những Hồ Chí Minh nhắm mắt theo Mao cải cách ruộng đất giết hàng trăm ngàn người Việt, mới có Pol Pot làm chết một phần ba dân số Campuchia.

Những Ðặng Tiểu Bình, Lý Bằng ra lệnh giết các thanh niên Bắc Kinh biểu tình ngày 4 Tháng Sáu năm 1989 không một chút ngần ngại, và sau này không bao giờ áy náy ăn năn, vì họ cũng được đào luyện trong môi trường Cộng Sản.

Nhưng chúng ta phải tin rằng trong lịch sử nhân loại, cuối cùng các bà mẹ sẽ thắng. Sẽ có ngày các bà Ðinh Tử Lâm, Trương Tiên Linh, Giang Kỳ Sinh, và 193 các bà mẹ khác sẽ có ngày được thấy những người con của họ đã không chết uổng. Sẽ có ngày người dân Trung Quốc được sống trong tự do dân chủ. Khi đó, những người lãnh đạo quốc gia sẽ là những người bình thường không thể nào chấp nhận việc giết người một cách tàn bạo không cần pháp luật, không cần đạo lý. Khi đó mới thật là đem Ðạo Nghĩa để thắng Hung Tàn - Lấy Chí Nhân mà thay Cường Bạo
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Làm Dân Chủ lối Trần Xuân Giá

Ngô Nhân Dụng
Báo Ðại Ðoàn Kết là tiếng nói của các ông bà cầm đầu Mặt Trận Tổ Quốc, một tập hợp do đảng Cộng Sản bày ra để kiểm soát các hội, đoàn bên ngoài đảng. Tờ báo này mới phỏng vấn ông Trần Xuân Giá, một cựu bộ trưởng Kế Hoạch và Ðầu Tư, nay là chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Á Châu (ACB), một ngân hàng tư lớn ở Sài Gòn. Ông Trần Xuân Giá đã nói rất hùng hồn rằng đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải trao cho Mặt Trận Tổ Quốc thêm một vai trò mới, vai trò ông gọi là “phản biện xã hội.” Mấy chữ đó nghĩa là cái gì, chúng tôi sẽ giải thích sau; nhưng khi nghe đề nghị trao cho Mặt Trận vai trò mới thì tất cả những người lãnh đạo cái mặt trận đó chắc sướng tai lắm. Có nhiệm vụ mới, vai trò mới, tức là có ngân sách mới, quyền lực mới, sẽ sinh sôi thêm lợi lộc, lợi ích kinh tế chưa thể nào tiên đoán được.

Ông Trần Xuân Giá gần đây bỗng tự nhiên nổi tiếng do mấy lời dự đoán kinh tế. Có người trong nước phỏng vấn ông về tình hình kinh tế Việt Nam; vào hồi giữa Tháng Năm, mới hai tuần trước đây. Họ đưa lên mạng Internet mấy câu trả lời của ông Trần Xuân Giá “cực kỳ” độc đáo như thế này:

“Tôi kiểm nghiệm ra rằng, những năm nào có số cuối là 8 và 9 thì đều xấu với kinh tế của nước ta. Năm 1978 -1979 là xấu, rồi năm 1988 -1989 cũng xấu và bây giờ là 2009 cũng xấu.”

Trên thế giới chưa thấy một đại học nào dạy sinh viên phương pháp nghiên cứu chu kỳ kinh tế theo lối đếm các con số năm như thế này. Ðây là nghệ thuật kiểm nghiệm kinh tế thường chỉ được các chiêm tinh gia sử dụng. Ðó là các vị thầy bói, ở Việt Nam họ thường ngồi trước cửa Ðền Ngọc Sơn hoặc Lăng Ông Bà Chiểu; còn ở Hồng Kông họ mở những văn phòng bước vào thấy như vào văn phòng một chủ tịch ngân hàng.

Lời phát biểu trên của ông Trần Xuân Giá đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi ồn ào nhưng mà rất nghiêm túc, dựa trên một “đề án trong khoa học có tầm mức quốc gia” do kinh tế gia Trần Xuân Giá đưa lên. Cuộc thảo luận này có thể nâng cao trình độ sinh hoạt trí thức dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.

Nhiều người viết trên mạng Internet không đồng ý; họ nói rằng theo tin tưởng cổ truyền của người Trung Hoa thì những con số tốt nhất là số tám (8, bát, đọc giống như phát) và số chín (9, cửu, cũng đọc như trong chữ trường cửu, nghĩa là lâu dài). Ý kiến của nhà kinh tế Trần Xuân Giá hoàn toàn trái ngược với lý thuyết cổ truyền mà nền văn minh Trung Quốc đã sinh ra.

Riêng điểm trái nghịch này đã có thể đưa ông Trần Xuân Giá lên hàng một nhà cách mạng trong tư tưởng kinh tế học “hoành tráng” của đảng Cộng Sản Việt Nam. Người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích có thể sẽ đề nghị đặt ra thêm một Giải Nobel Chiêm Tinh Kinh tế học để tặng ông. Tờ báo của Mặt Trận Tổ Quốc có thể hô hào cả nước cùng học tập tư tưởng Trần Xuân Giá, không khác gì đã học tư tưởng Mao Chủ Tịch (Vì nhà thơ Chế Lan Viên đã viết rằng, “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao” và Hồ Chí Minh không phản đối, cho nên nay chỉ cần nhắc đến tư tưởng Mao Chủ Tịch là đủ cho cả hai người).

Mặt Trận Tổ Quốc nên khởi xướng vì cũng trong cuộc phỏng vấn kể trên, ông Trần Xuân Giá còn chứng tỏ ông là một nhà nghiên cứu nghiêm túc môn chính trị học nữa. Ông thúc đẩy đảng Cộng Sản Việt Nam nên tiến hành việc xây dựng dân chủ; đồng thời ông còn chỉ ra đường lối ngõ ngách nên di theo để dân chủ hóa.

Tại sao lại cần dân chủ hóa? Ông Trần Xuân Giá nhắc lại một ý kiến mà nhiều nhà kinh tế nổi danh quốc tế đã đề ra, “Ðể đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ.”

Ðúng quá! Các người nghiên cứu kinh tế và chính trị học đã biện luận và chứng minh mệnh đề trên. Ðó là một sự thật mà chắc chắn giới trí thức Việt Nam đều biết. Tuy nhiên cũng có người chỉ biết lập lại câu nói như vậy mà không biết ý nghĩa đích thực là cái gì, điều này chúng ta sẽ thấy sau. Còn những người dân Việt bình thường, người dân đi ngoài đường phố (được tả trong câu ca dao “vỉa hè là của nhân dân anh hùng”) chắc chắn cũng đồng ý rằng nước ta cần dân chủ hóa, dù họ không hề biết môn Kinh Tế Học nói cái gì.

Người dân Việt bình thường chỉ cần so sánh trình độ phát triển của hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn sẽ thấy ngay tại sao dân chủ lại sinh lợi hơn độc tài. Hai miền Hàn Quốc cùng một dân tộc, cùng một lịch sử và truyền thống văn hóa, miền Bắc có sẵn tài nguyên công nghiệp giàu có hơn miền Nam. Nhưng Nam Hàn đã trở thành một cường quốc kinh tế ở Á châu, đang chen chân với Nhật Bản trong cuộc chinh phục thị trường lục địa Trung Hoa. Còn dân Bắc Hàn thì hiện nay vẫn chỉ lo mỗi ngày làm sao có đủ miếng cơm cho vào miệng là thấy hạnh phúc cực kỳ rồi - sau khi được coi những phim truyền hình cảnh phóng hỏa tiễn và thử bom nguyên tử; mà những thứ đó thì không ăn no bụng được.

Cái gì khiến cho sự phát triển kinh tế giữa hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn chênh lệch xa nhau đến như vậy? Khác biệt duy nhất là dân Nam Hàn được sống dân chủ tự do từ những năm 1980, còn Bắc Triều Tiên sống dưới một chế độ Cộng Sản độc tài suốt 60 năm qua.

Cho nên ai cũng thấy muốn phát triển bền vững, cần dân chủ hóa! Dù không dùng thuật chiêm tinh đếm các con số, ông Trần Xuân Giá đã nói đúng hết chỗ chê.

Nhưng dân chủ hóa như thế nào? Ông Trần Xuân Giá tiếp tục tuyên bố như sau, “Phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan trọng.''

Nếu nghe câu trên thấy “hơi bị” khó hiểu thì đó cũng là lẽ thường. Vì các cán bộ cao cấp ở nước ta có lối nói riêng của họ. Có thể vì họ quen đọc các nghị quyết dịch từ chữ Hán rồi bị nhiễm nên dùng nhiều chữ “hơi bị” khó hiểu. Hoặc vì họ cố ý nói cho càng khó hiểu thì càng có vẻ thông thái, cao sang hơn đời. Hoặc nữa là họ chỉ cốt nói cho nhau nghe, nói toàn mã số, có dịch ra chữ Nôm cho đám chúng sinh ngoài vỉa hè hiểu cũng chẳng ích lợi gì.

Ðem dịch sang tiếng Việt thì câu trên có thể nói lại như thế này, “Có nhiều việc phải làm để phát huy dân chủ, nhưng một việc hết sức quan trọng là cho phép mọi người dân nêu lên những ý kiến khác với đảng và nhà nước Cộng Sản.”

Ý kiến này cũng hết sức đúng. Chúng ta nên làm công việc này ngay: Phải làm sao trong nước Việt Nam có thêm nhiều “phản biện xã hội,” càng nhiều càng tốt.

Ở các nước dân chủ tự do, công việc đó được làm thường xuyên, làm mỗi ngày, từng giờ từng phút không theo kế hoạch nhà nước. Ông nhà nước làm gì, bà chính phủ nói gì, lập tức cả nước thấy những ý kiến khen, chê, đủ mọi kích thước, đủ mầu sắc, từ phía tả, phía hữu, ai cũng có quyền nói và quyền nghe.

Chính nhờ những “phản biện” như thế mà ở các nước tự do dân chủ các ông bà nhà nước nhà non bớt dám làm bậy. Vì họ lo dân sẽ không bầu cho họ nữa. Dân Mỹ chưa được học bốn chữ Hán “phản biện xã hội” nhưng khi ông tổng thống Mỹ mới đề cử một bà làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện thì năm phút sau lập tức các mạng lưới, trên các đài ti vi, phát thanh và báo chí đã đầy những “phản biện xã hội” rồi.

Ðây là một diễn trình tự nhiên, tự phát trong xã hội dân chủ. Không ai biết chắc chắn là những ý kiến đối chọi nổi lên trong xã hội sẽ ảnh hưởng khiến chính phủ phải thay đổi các chính sách của họ nhiều hay ít ra sao. Nhưng chúng ta biết chắc là khi mỗi quyết định của một chính quyền đều được dư luận chăm chú theo dõi, được bao người suy nghĩ và bàn tán, thì những người cầm quyền quyết định sẽ phải suy nghĩ chín chắn hơn. Và họ sẽ phải lựa chọn kỹ trước khi quyết định, làm sao phù hợp với nguyện vọng của đa số người dân hơn.

Vì tất cả những dư luận “phản biện” đó sẽ tích tụ trong suốt thời gian hai năm, bốn năm, cuối cùng thấm vào dân. Ý kiến phê phán người cầm quyền mà đa số dân chúng tin là đúng thì họ sẽ bỏ phiếu căn cứ vào đó. Thí dụ, nếu một chính quyền bị nhiều người chỉ trích là thất bại trong việc điều hành kinh tế, chắc chắn dân chúng sẽ thay đổi đảng cầm quyền. Chưa biết thay đổi rồi chắc chắn 100% sẽ khá hơn hay không, nhưng thế nào dân cũng thay đổi. Năm ngoái các cử tri Mỹ đã làm công việc đó. Chính phủ Ấn Ðộ đã thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, cũng nhờ suốt bốn năm đảng Quốc Ðại nắm quyền những ý kiến ủng hộ nhiều hơn những lời chống đối. Ðảng Cộng Sản Ấn Ðộ đã nằm trong liên minh cầm quyền nhưng rút ra và quay lại chống chính phủ và tố cáo đảng Quốc Ðại thân Mỹ. Ðó cũng là một cách “phản biện” rất chính đáng. Nhưng trong cuộc bầu cử vừa qua đảng Cộng Sản Ấn Ðộ đã mất nhiều ghế đại biểu, từ 64 xuống chỉ còn 24 ghế. Khi người dân được nghe nhiều ý kiến đối nghịch, thì việc lựa chọn của họ chắc phải đúng hơn là không được nghe gì cả hoặc chỉ nghe một chiều, một giọng điệu.

Trong diễn trình dân chủ này có hai phần quan trọng. Một là mọi người dân được tự do phát biểu về những chính sách, công việc của nhà nước có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Hai là người dân có quyền lựa chọn giữa nhiều đảng chính trị khác nhau và các cử tri được tự do bỏ phiếu. Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên, tự do phát biểu, tự do lập hội lập đảng, và tự do bầu cử, thì chưa gọi là tự do dân chủ.

Nhưng ông Trần Xuân Giá hình như chỉ thoáng nghe mà chưa hiểu cái quá trình dân chủ đơn giản này. Khi đề cao “phản biện xã hội” ông lại nghĩ khác hẳn. Vì báo Ðại Ðoàn Kết phỏng vấn nên ông nghĩ ngay đến việc sử dụng một khí cụ đang có sẵn trong guồng máy cai trị của đảng Cộng Sản, là Mặt Trận Tổ Quốc. Ông muốn cho cái Mặt Trận Tổ Quốc này nó đóng vai “phản biện.”

Rõ chán quá đi mất! Ở nước Việt Nam này ai chẳng biết là với cái Mặt Trận Tổ Quốc này, chính các cụ trong đảng Cộng Sản quyết định ai lên làm chủ tịch, ai làm phó chủ tịch, tổng thư ký mặt trận. Ðảng quyết định, không ông bà trong trong mặt trận dám cãi. Các ghế lãnh đạo đoàn thể trong mặt trận cũng do các chi bộ đảng Cộng Sản “bố trí,” “cơ cấu” người vào nắm đầu hết. Ðảng Cộng Sản và Mặt Trận Tổ Quốc liên hệ với nhau như bố với con, như thầy với tớ trong thời phong kiến. Ðố thằng con nào dám nói trái lời bố! Nói trật một câu cũng có thể mất ghế, mất hết quyền lợi ngay lập tức.

Thế thì còn “phản biện” cái nỗi gì? Ông Giá cứ nghe thiên hạ nói đến “phản biện xã hội” nên ông nhắc lại chữ “phản biện xã hội” chứ thực tình ông nghe như vịt nghe sấm! Thực tình ông chẳng biết ý nghĩa nó là cái gì cả. Thật chán quá đi mất! Nếu báo Thanh Niên phỏng vấn chắc ông Giá sẽ bảo nên giao vai trò phản biện cho Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản chắc!

Ông Trần Xuân Giá còn dạy dỗ Mặt Trận cách “phản biện” như thế nào nữa. Ông nói, ''Vai trò của mặt trận là giúp Quốc Hội tập hợp các ý kiến kiến nghị lên Quốc Hội, lên chính phủ và các cơ quan hành pháp.”

Ông không nói cho biết rằng cái Quốc Hội đó nó sẽ làm cái gì mà không tự nó đi tìm các ý kiến, tập hợp các ý kiến để trình lên đảng? Hay là giải tán cái Quốc Hội đi để Mặt Trận làm thay cho đỡ tốn cơm? Ông cũng khuyên Mặt Trận phải “theo đuổi tới cùng” xem các kiến nghị của mình được chính phủ giải quyết ra sao, chớ đừng “đánh trống bỏ dùi.” Về mặt này thì Mặt Trận nên học hỏi kinh nghiệm các nhà báo như anh Nguyễn Việt Chiến: Theo đuổi, theo đuổi, đuổi mãi; tới lúc bước vào nhà tù mới thôi.

Cuối cùng, thực chất công việc dân chủ hóa của ông Trần Xuân Giá rất là giản dị: Cứ để cho đảng Cộng Sản Việt Nam “phản biện” với đảng Cộng Sản Việt Nam. Bọn người nắm quyền là của đảng mà làm đối lập cũng là của đảng. Nói cách khác, đảng chỉ cần sai thằng đồ đệ đứng ra đóng trò phản biện cho mình nghe, giống như những vai hề trên sân khấu cổ truyền vậy.

Từ 60 năm nay đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn làm đúng theo mô hình dân chủ hóa đó; ông Trần Xuân Giá có nhắc lại cũng vô ích. Có lẽ đóng góp duy nhất của ông trong đề án tư tưởng này là khi ông đưa ra một điều kiện: Người làm công tác mặt trận phải có tâm để ''không quên'' những kiến nghị của người dân.

Tức là phải nghiên cứu y học, chữa trị ngay cái tính hay quên của các cụ. Trao các cụ cho các bác sĩ tâm thần trị liệu thì không chừng sau vài chục năm có khi nước ta được dân chủ hóa thật!

Lý thuyết dân chủ hóa của ông cựu bộ trưởng kế hoạch và đầu tư chứng tỏ ông không biết tí gì về lối sinh hoạt trong các xã hội dân chủ. Dân chủ hóa theo lối của ông chính là kéo dài con đường độc tài đảng trị. Cứ theo lối đó thì xã hội Việt Nam không bao giờ có dân chủ; và do đó, khó lòng phát triển kinh tế bền vững như ông Giá mong ước. Có thể nói là ông Trần Xuân Giá đã chọn thời điểm này để bàn vấn đề dân chủ hóa là không đúng lúc. Theo sự kiểm nghiệm của các nhà chiêm tinh trên mạng ở trong nước thì có những năm ông Trần Xuân Giá tuyệt đối không nên bàn về vấn đề dân chủ hóa. Ðó là những năm tận cùng bằng số không cho tới số chín. Năm nay là năm 2009, quả nhiên ông mới nói ra là cả nước bật cười.
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »

Quốc Hội Phải Chịu Trách Nhiệm
Trước Lịch Sử Nếu Cho Khai Thác Bauxite


Song Hoài
Lần đầu tiên trong hơn 60 năm hình thành cái gọi là quốc hội cộng sản Việt Nam, 496 dân biểu quốc hội Khóa 12 đang họp kỳ 5 tại Hà Nội từ ngày 20/5 đến 20/6 sẽ có cơ hội biện minh mình không phải là gia nô cho đảng trong vụ bauxite Tây Nguyên, không phải suy nghỉ, nói, và làm theo lệnh đảng nửa, mà quốc hội đích thị là cơ quan quyền lực cao nhất nước theo điều 83 hiến pháp nước cộng hòa xã nghỉa Việt Nam đã minh định.

Thật là hài hước nếu suy luận như trên vì từ 92-95% dân biểu quốc hội chính là đảng viên cộng sản Việt Nam. Nhìn trên báo điện tử trong nước đăng hình chụp các "dân biểu" ngồi hàng ghế đầu họp quốc hội là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, và Nông Đức Mạnh, tức là các xếp chúa của nội các, của nhà nước, và của đảng quỷ, hình chụp họ đang để tay vào cái nút, chuẩn bị bấm OK với tư thế hăng hái vote cho bauxite, rất là khẩn trương mau lên. Còn dân biểu Lê Hồng Anh, kiêm bộ trưởng bộ công an, kiêm ủy viên bộ chính trị, thì bận rộn nhất kỳ họp này, ngồi đây chỉ để làm vì, bởi vì còn phải suy nghỉ đối phó với dân biểu nào dám phản biện bauxite, cũng như cho vào sổ bìa đen cả hơn 2,000 trí thức và khoa học gia dám ký tên chống chống bauxite, phải bắt người nào trước, người nào sau, bắt nóng hay nguội đây... Vì họ chống bauxite tức là chống đảng. Không hiểu số phận dành cho trên 2,000 người ký vào bản kiến nghị do ba ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng đại diện, đòi nhà nước ngưng khai thác bauxite sẽ như thế nào ? Có một lập luận cho rằng, những vị này thật can đảm, và vì nhiệt tình không muốn lưởi gươm Damocles treo trên đầu Tây Nguyên rớt xuống tàn sát cả miền trung làm thành chứng bệnh ung thư bauxite, nên hăng hái ký vào bản kiến nghị này, lại cho cả địa chỉ, số phone, email của mình nửa. Cũng có một lập luận khác cho rằng có thể đây là cái bẩy rập giăng ra để bắt trọn ổ những người dám chống đối, giống hệt như đảng đã rỉ tai tung tin kháng chiến rồi gài bẩy bắt những người trong nước ghi tên gia nhập "Mặt Trận" năm nào.

Trong các phiên họp, chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng ngồi tuốt luốt phía trên chủ tọa các cuộc họp thì đang lo sốt vó sợ bị bay chức, vì đã tuyên bố láo lếu với cữ tri Hà Nội rằng "dự án khai thác bauxite dưới 600 triệu đô la, và hiện nay... chưa đâu vào đâu, nên không cần đưa ra trước quốc hội" Câu tuyên bố ấu trỉ này đã khiến cho một số các dân biểu cấp tiến như Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Minh Thuyết có cơ hội phản pháo dữ dội làm cho Ủy ban an ninh quốc phòng quốc hội không còn cách nào khác hơn là phải đòi Nguyên Tấn Dũng phải nộp bản tường trình trong vòng một tuần. Điều này khiến cho đảng và nhà nước chẳng dấu nhẹm được, bèn phải đưa ra quốc hội một bản tường trình không chuẩn bị trước, và bị dân biểu Nguyễn Minh Thuyết cho là chỉ lo đối phó với công luận phản đối chứ không phải tường trình chi tiết cụ thể về bauxite".

Tổng hợp hàng trăm hàng trăm ý kiến phản biện bauxite, có thể tạm tóm tắt như sau:
1- Khai thác bauxite hiện nay chẳng những không có lời mà còn lổ vốn nửa, muốn có lời phải chừng ..15 năm nửa, vì giá nhôm đang xuống thấp, chi phí quá cao, không có nguồn điện, nguồn nước để lọc quặng. Lại còn phải làm 270 Km đường xe lửa tốn hết 3.1 tỷ đô la, tuyến xe lửa này chạy ngoằn ngoèo trên cao nguyên ra đến tận biển Phan Thiết chỉ với một mục đích duy nhất để chở bauxite thô...về Tàu. Không lẽ tàu chở bauxite về mẫu quốc, lúc trở qua không chở gì à? Chuyến trở lại, thì tàu hàng của mẩu quốc sẽ chất đầy nhưng thứ thượng vàng hạ cám rẻ như bèo mà quốc tế chê bỏ vì kém phẩm chất. Những thứ hàng hóa này sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam qua cảng Phan Thiết, sẻ giết hàng hóa nội địa cho đến khi Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa Trung cộng. Vô trách nhiệm như Bộ công thương còn tuyên bố khai thác bauxite "năm ăn năm thua" hay 50/50 tức là...làm đại đến đâu hay đến đó, lời lổ tính sau. Chưa thấy ai mà vô trách nhiệm và...ngu như vậy.

2- Giao cho công ty Chalieco Tàu cộng khai thác bau xite tức là giao cho... thầy chạy, vì kỷ thuật kém và ô nhiễm trầm trọng, nên Tàu cộng đã phải đóng cửa trên 100 mỏ bauxite tại mẫu quốc tĩnh Quãng Tây. Tương lai bùn đỏ tràn ngập Tây Nguyên, quả bom đỏ hàng trằm tỷ tấn sẽ đổ ập xuống các tỉnh thuộc Tây Nguyên, ô nhiễm nguồn nước là không tránh khỏi, không chỉ dân miền trung, mà cả các tỉnh phía nam thấp hơn như Đồng Nai cũng gánh chịu hậu quả khó lường.

3- Tây Nguyên là yếu huyệt của nước ta, dầu cho có lợi khi khai thác bất cứ loại khoáng sản hay loại nông nghiệp gì, cũng không thể để cho bất cứ một nước nào vào đây để dòm ngó và lập lực lượng đối kháng sau này. Tàu cộng là kẻ thù truyền kiếp của nước ta, không thể nào không đề phòng, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta đã trải qua kinh nghiệm của 7 cuộc xâm lăng từ phương bắc vào Việt Nam (đời Hán, Tống, Đường, Nguyên Mông, Minh, Thanh, và Trung cộng 1979), bọn chúng sẽ lợi dụng sự có mặt ở Tây Nguyên để vẽ bản đồ, rồi lập đạo quân thứ 5 (tức là kiều bào Trung cộng ở nước ngoài), hiện nay đã có những làng người Tàu ở Tây Nguyên, giặc đã vào đến tận cửa (Enemies at the gate).

4- Trước ngày họp quốc hội 20/5/2009, Chủ nhiệm văn phòng quốc hội, Trần Đình Đàn đã tuyên bố " Quốc hội hoàn toàn chấp thuận khai thác bauxite". Nhiều người tưởng tuyên bố này của quốc hội bắn tiếng để lấy lòng đảng, rằng mọi việc đã quyết định theo lệnh đảng, họp chỉ là hình thức. Thật ra đây là lời răn đe mạnh mẽ mà đảng qua quốc hội gửi đến các dân biểu không đồng thuận, rằng chớ nên trái ý đảng mà thiệt thân, hảy xem các vụ thủ tiêu, lột chức đối với những phần tử đối lập của Tổng cục 2 (bộ phận thanh trừng do đảng cộng sản lập riêng để diệt trừ mọi chống đối đảng) mà liệu hồn. Dự án bauxite thật ra là lớn nhất từ trước đến nay, cũng như bị chống đối dữ dội nhất từ trước đến nay, và làm đảng hiện nguyên hình là tay sai của Tàu cộng.

5- Tài nguyên là của quốc gia, chưa có điều kiện tốt khai thác thì vẫn còn đó, nếu nóng vội khai thác vô điều kiện, thì càng làm rỏ hơn đảng đang bị áp lực của Tàu cộng hoặc đã ăn hối lộ của nhà thầu nước ngoài, nếu mà hủy hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại rất lớn cho nhà thầu, cho nên đảng sẽ giả vờ nhượng bộ những người phản biện, và hứa khai thác trong sự kiểm soát mọi công đoạn tại một thí điểm Nhân Cơ trước. Bộ Tàu cộng chịu khai thác kiểu rùa bò như thế à?

6-Nhà cầm đồ cộng sản đã báo cáo nhà thầu Trung quốc trúng thầu bauxite với giá thầu thấp nhất gần 300 triệu đô la, thế mà ông Chủ tịch ủy ban khai thác bauxite Nhân Cơ tại Lâm Đồng nói là đảng biếu không cho Trung quốc chứ đâu có đấu thầu gì. Trên thế giới chưa có nước nào trống đánh xuôi kèn thổi ngược như ở Việt Nam hiện nay. Chẳng lẽ đàn em dám giỡn mặt với nhà binh à? Không sợ công an nửa đem đến gõ cửa dẫn đi hay sao? Có lẽ các dân biểu phản biện hay các nhà tranh đấu nên đòi đảng phải photocopy cái bản hợp đồng đã ký khai thác bauxite với Tàu cộng và đưa lên internet hoặc báo chí cho dân biết. Tàu cộng thì đã làm rùm beng việc trúng thầu bauxite này rồi, đảng mà...phản biện thì coi chừng cái chổ đội mũ. Nếu không có bản hợp đồng thì rõ ràng là biếu không cho Tàu cộng như các nhà báo ngoại quốc đã loan tin.

7- Việc công ty AlOA của Hoa Kỳ đột nhiên thôi không ký hợp đồng khai thác bauxite Dăk Nông cho thấy Mỹ đã biết việc khai thác bauxite đang bị dân chúng Việt Nam chống đối dữ quá, lạng quạng là tiêu luôn công ty vì không đủ bồi thường thiệt hại. AlOA đã rút lui vì có hai lý do: Một là AlOA biết hậu quả xấu của môi trường bauxite nếu khai thác trên vùng cao như Tây Nguyên, lúc đó thế nào đồng bào nạn nhân bauxite cũng sẻ thưa kiện một lúc hàng chục ngàn nạn nhân, còn hơn cả vụ chất độc da cam hàng ngàn lần, hai nửa là giá nhôm xuống thật thấp, kinh doanh không có lời, ngu sao mà khai thác. Còn nạn nhân bauxite Tàu cộng thì ai dám khiếu kiện một khi cộng đảng không bật đèn xanh như vụ chất độc da cam. Các nhà tranh đấu nên dựa vào điều 7 này mà khai thác thêm.

8- Ngưng không khai thác bauxite và kiên nhẫn chờ đợi một hai chục năm nửa, khi kỷ thuật khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường tốt hơn, lúc đó khai thác cũng chưa muộn, và các thế hệ tương lai sau bauxite sẽ biết tới "cuộc cách mạng bauxite" tại Việt Nam như một chiến thắng của tinh thần đoàn kết chống tội ác của tập đoàn cộng sản Trung-Việt.

Trong bài viết: "Đại biểu quốc hội hay đảng biểu quốc hội" đã đăng về cuộc bầu cử quốc hội Khoá 11 năm 2007, thì hầu hết dân biểu quốc hội Việt Nam là gia nô của đảng, đảng rềnh rang cho phép cá nhân tự do ứng cử, có 283 người ghi tên ứng cử, cuối cùng mặt trận tổ quốc hay còn được gọi nôm na là mặt trận tổ kén đánh rớt hết chỉ còn có 30 người được... tự do ứng cử dân biểu đấu với 846 người của đảng đưa ra. Kết quả thì ai cũng biết trước là tất cả lãnh đạo đảng và bí thư tỉnh ủy (tức là quan đầu tỉnh) đều đậu dân biểu quốc hội, các xếp đã ngồi chung với đàn em để bàn bạc việc nước. Thông thường thì xếp bấm nút trước, và đàn em thì coi kết quả mà bấm theo, hể mà xếp ấn nút YES thì đàn em cũng YES, hể mà xếp NO thì đàn em cũng NO. Trong cuộc bầu cử độc diễn quốc hội này, các dân biểu đã trở thành "đảng biểu dân bầu" tức là đảng ra lệnh cho dân bầu cho đảng, hay gọi văn minh hơn một chút thì "quốc hội tức là đảng". Duy nhất ở các nước cộng sản thì đảng viên kiêm nhà nước, kiêm luôn quốc hội cho tiện việc lãnh đạo tất cả theo nguyên tắc "đảng lãnh đạo, nhà nước quãn lý, nhân dân làm chủ". Cho nên trông mong việc quốc hội phản biện bauxite thật khó như lên trời.

Trong khóa họp kỳ 5 này, đảng đang cho phép trình diễn dân chủ tại quốc hội để xả xú báp làn sóng chống đối bauxite, và giống hệt như yêu cầu cho tự do ứng cử dân biểu, ai cũng biết trước kết quả vụ bauxite mà quốc hội "đảng biểu dân bầu" này "cũng vẫn sẽ" OK cho khai thác bauxite với 03 khuyến cáo " a- Khai thác từ từ tại một thí điểm Nhân Cơ trước. b- Khai thác đến đâu, lấp bùn đỏ đến đó dưới sự kiểm soát của quốc hội. C- Hoàn thổ tức là trồng rừng lại trên vùng đã khai thác bauxite". Chúng ta hảy tưởng tượng Tàu cộng có chịu đợi vài ba năm nửa khi những cây cối mọc được trên đất hoàn thổ rồi mới khai thác tiếp không? Cái kẻ hở mà không thấy ai nhắc đến là chổ này. Còn hợp đồng đã ký với Chalieco đâu có nói khai thác từ từ đâu, đã ủi trống nhiều ngàn hecta và xây dựng các nhà máy tại 4 địa điểm khai thác rồi mà. Còn cái việc hoàn thổ và trồng lại rừng nó mới mơ hồ làm sao. Cây nào sống được trong đất có chứa chất sút NaOH đây? Qua internet, chúng ta đã thấy hàng đống hình ảnh các vùng khai thác bauxite trên thế giới đã biến thành sa mạc đỏ, có nơi nào cây cối lên xanh um đâu? Tại Tây Nguyên, mưa lớn trên cao nguyên nước chảy xiết như là lụt lội, bờ che nào ngăn nổi bùn đỏ trôi xuống vùng thấp?

Bauxite Tây Nguyên là cơ hội chót để quốc hội Việt Nam chứng tỏ mình là cơ quan quyền lực cao nhất nước, không phải là gia nô của đảng, vì vận mệnh dân tộc, vì tương lai của các thế hệ nối tiếp, vì thiên chức của người đại diện do dân trực tiếp bầu ra để giúp nước, dân biểu Việt nam hảy lột xác trở về với dân tộc bằng cách biểu quyết NO BAUXITE, nếu không chức dân biểu sẽ trở thành "dân diễu", và mổi khi nhắc đến sẽ khiến cho quý vị ăn không no, ngủ không ngon với những hồn ma bauxite đêm đêm hiện về đòi mạng.
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Hồi ký của một thằng hèn
của nhạc sĩ Tô Hải.

Mấy tháng gần đây, cuốn Hồi ký của nhạc sĩ Tô Hải tuy chưa xuất bản, chỉ mới giới thiệu sơ sơ trên mạng, nhưng âm vang của nó đã chấn động đến giới «sĩ phu trí thức Xã Nghĩa», nhất là giới lãnh đạo «đảng ta» hơi «bị» choáng vì chữ « hèn » trong cái nhan đề của cuốn sách: «Hồi ký của một thằng hèn». Tác giả định mượn gió vẻ trăng chăng? Mượn mình để mắng cả một tập thể đang «mê» chăng ?

Ở hải ngoại, nhiều người quan tâm đến «hiện tượng» 700 tờ báo đảng với hơn 13 ngàn ký giả, ký thiệt, văn, thi sĩ viết bài mà chỉ có một Tổng Biên tập, một lãnh chúa lãnh đạo, nên cũng tò mò muốn đọc cuốn hồi ký này để biết «Thằng nào là thằng hèn, làm văn nô bồi bút cho cái chế độ phi nhân này!»

Riêng nhạc sĩ Tô Hải vì sao lại hèn? Đã cho mình là «thằng hèn» sao lại còn đủ can đảm viết hồi ký để kể khổ cái hèn của mình toét toè loe ra cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng?

Lê Phú Khải viết lời tựa giới thiệu cho cuốn hồi ký trên, ngay những dòng đầu có nhắc đến một sĩ phu đầy nhân cách, sớm tỉnh thức trong cơn hôn mê dài của chế độ Cộng sản. Lê Phú Khải viết : (trích)

« Đọc ‘Hồi ký của một thằng hèn’ của nhạc sĩ Tô Hải, tôi bất giác nhớ đến bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông là một trí thức Việt kiều, rất hăng hái hoạt động trong phong trào mác-xít, đảng viên đảng Cộng sản Pháp, đã tình nguyện về nước để tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hăng hái là thế, mà ở tuổi ngoài tám mươi, khi làm bản tổng kết đời mình, ông đã phải thốt lên: «Đời tôi là đời một thằng ngây thơ». Trong hai chữ «thơ» và chữ «ngây», tôi xin giữ lại cho mình chữ «thơ» vì đã đi theo kháng chiến, còn cái chữ « ngây» để chỉ cái sự đi theo chủ nghĩa xã hội thì xin… vứt nó đi!».

Bên cạnh bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Lê Phú Khải còn trưng ra thêm một nhân chứng khác, Nguyễn Khải, đại tá, nhà văn, giải thưởng Hồ chí Minh. Trước khi chết ông đã gửi lại lời trối của kẻ đã lạc (lầm!) đường trong mấy câu:

« Quả thực dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do, công bằng và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến thế!»

Đối với nhạc sĩ Tô Hải, tác giả Hồi Ký Của Một Thằng Hèn, Lê Phú Khải viết:

Tô Hải và Nguyễn Khắc Viện – hai con người, hai số phận, cả hai đều được Nhà nước Cộng sản tặng nhiều huân chương «cao quí», nhưng cái tương đồng giữa hai người là ở chỗ họ đều thiết tha yêu nước, nhưng không thể yêu chủ nghĩa xã hội.

Cậu học trò Tô Hải gia nhập Vệ Quốc Đoàn ngay từ những ngày đầu cách mạng. Cuộc đời binh nghiệp của Tô Hải có đủ niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và tủi nhục, được ông ghi lại trong cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay. Nó là cuốn sách cần cho những ai muốn biết về chủ nghĩa cộng sản trong hiện thực. Nó cần cho những ai chưa tỉnh giấc nồng của những mộng mị được sơn phết vàng son. »

Có thể nói không ngoa rằng Hồi Ký Của Một Thằng Hèn là cuốn biên niên sử ghi lại quá trình từng bước, từng bước, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ bị tước đoạt đi cái quí giá của con người là Tự Do. Là chứng nhân của lịch sử, Tô Hải ghi lại trung thực, sống động cả một quá trình nhào nặn, đấu tố, cưỡng bức tư tưởng để biến văn học nghệ thuật thành « vũ khí đấu tranh » của Đảng, cho Đảng, vì Đảng. Hồi Ký Của Một Thằng Hèn là những trang viết bằng máu và nước mắt ghi lại tỉ mỉ tấn bi kịch của chính tác giả và bạn bè ông, nay kẻ cỏn người mất, để mọi người được biết họ đã phải sống như thế nào, phải… « hèn nhát» ra sao chỉ cốt để tồn tại. »

Và trãi qua những đại bi kịch được đảng cộng sản luôn say máu đấu tranh tạo ra như Cải Cách Ruộng Đất, Chỉnh Đảng, Chỉnh Quân, Nhân Văn Giai Phẩm, Xét Lại Chống Đảng, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Cải Tạo Tư Sản… Tô Hải thấy đàng sau nó thực sự là cái gì ?Nó chẳng phải cái gì khác ngoài mưu đồ của một lũ cơ hội chuyên nghề lừa bịp, trấn áp nhằm chiếm bằng được quyền cai trị đất nước. Ông không che giấu những việc đáng xấu hổ khi tả lại cảnh phải đóng vai « đại hèn » để vợ con có miếng ăn, không bị cắt sổ gạo, bị đuổi khỏi biên chế hay tệ hại hơn nữa, bị đi cải tạo, vào tù. Ông thẳng thắn chỉ ra những bộ mặt cơ hội trong giới văn nghệ sĩ đã nhẫn tâm bước qua xác đồng nghiệp để kiếm chút đỉnh chung. » (ngưng trích)

Nhà văn Uyên Thao cũng viết về Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của Tô Hải như sau : (trích)

« Dù viết về các lời lẽ gian trá hay hành vi tàn bạo của chế độ, dù viết về những ngu xuẩn tận cùng hay lưu manh ghê gớm, dù viết về toan tính bản thân hay tâm tư của bè bạn, Tô Hải không bao giờ rời nỗi đau đã thành cực hình vò xé tim óc.

Đó là nỗi đau phải sống cuộc sống không còn là cuộc sống con người. Nỗi đau càng lớn hơn khi luôn phải gặp gỡ không ít kẻ mệnh danh trí thức vẫn vênh váo tự hào với cuộc sống đó. »

Những lớp lớp cá nhân Tô Hải qua Hồi Ký Của Một Thằng Hèn dù có đáng thương mức nào, đáng tội nghiệp tới đâu thì cảm xúc xót thương, tội nghiệp dành cho họ sẽ hoàn toàn vô ích.

Bởi nỗi đau mà Tô Hải gánh chịu không phải nỗi đau riêng của Tô Hải, không phải hậu quả chỉ đến với một cá nhân do những chọn lựa của bản thân mà chính là một nét thực tế biểu hiện cái thân phận oan khiên mà dân tộc Việt Nam đang gánh chịu.

Cho nên thay vì bày tỏ cảm giác tội nghiệp xót thương cho cá nhân này hay cá nhân khác, cần nhìn thẳng vào nỗi nhục tự biến mình thành công cụ tôi đòi, nỗi nhục vận dụng tới tận cùng khả năng trí óc để ngụy biện cho sự tình nguyện khom lưng, uốn gối là thức thời – theo kiểu Nguyễn Tuân với câu nói từng được lập lại « phải biết sợ để tồn tại. »

Về phần tác giả, Tô Hải, khi bắt đầu viết Hồi Ký Của Một Thằng Hèn, Ông đã có những suy tư gì lúc đặt bút lên trang giấy?

Chúng ta hãy đọc qua bài viết ngắn của Ông với nhan đề : VÌ SAO TÔI VIẾT HỒI KÝ? (trích)

« Câu mở đầu đó, nếu tôi không nhầm, là của George Sand mà tôi đã đọc, đã thương cảm và đã tự nhủ rằng rồi đây chính mình cũng sẽ phải để lại cho đời ít dòng nói thật khi bước vào tuổi 70, nếu như cái chết lãng nhách không đến bất chợt.

Biết đâu đấy, rồi đây lịch sử sẽ có thêm được một số chi tiết trong « tội ác diệt văn hóa » của nhà cầm quyền Việt Nam trong một thời gian trên nửa thế kỷ nhờ những chứng liệu ghi trong hồi ký của một kẻ từng làm thứ văn nghệ gọi là « vì Đảng vì dân » trong suốt đời mình. »

Tô Hải nhận định suốt một thời gian dài từ năm 1945 đến đầu thế kỷ 21, lịch sử văn học nghệ thuật ở miền Bắc chỉ là một lỗ hổng lớn vì giới trí thức, văn nghệ bị cai trị bởi cái đám ‘đỉnh cao trí tuệ loài người’ :

« Tác phẩm của họ đâu rồi, ngoài lèo tèo mấy bài thơ của Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán…và chẳng có một tiểu thuyết, một đoạn văn nào đáng được trích giảng trong các chương trình từ tiểu, trung đến đại học? Vậy mà suốt thời kỳ đất nước nằm dưới «sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt» và «duy nhất đúng đắn» của những tên «xuất thân thành phần cơ bản», trình độ học thức ở mức «đánh vần được chữ quốc ngữ», các văn nghệ sĩ công chức ở nơi này vẫn được nhà cầm quyền trao tặng «Giải thưởng Nhà Nước», « Giải thưởng Hồ Chí Minh» và đủ thứ bằng khen, giấy khen, được trang trọng lồng kính treo kín những bức tường phòng khách! Thử hỏi những tác phẩm được khen nức khen nở ấy bây giờ ra sao ?

Té ra tất cả đã bị lịch sử xếp xó.

Hơn thế nữa, những tác giả được Nhà nước XHCN khen hàng loạt nọ, trong thực tế, còn là những kẻ bán rẽ lương tâm đã lợi dụng các loại hình văn nghệ để ca ngợi những điều bất nhân, bất nghĩa bị cả nhân loại phỉ nhổ: Khuyến khích con đấu cha, vợ tố chồng, hô hào, kích động người cùng một nước chém giết lẫn nhau, ra sức ca ngợi những tên sát nhân khét tiếng như Stalin,Mao Trạch Đông…thậm chí, còn quì gối khấu đầu tạ ơn những tên đao phủ và cái tổ chức tội ác là «Đảng đã cho ta mùa xuân», dạy những đứa trẻ bập bẹ biết nói : «tiếng đầu lòng con gọi Stalin» ! Nhục nhã thay cho nhnữg kẻ cam tâm bợ đít, luồn trôn những kẻ giết cha mình! Cho tới cuối thế kỷ thứ 20 vẫn còn những kẻ u mê cứ tưởng các tác phẩm « tuyên truyền» cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho hận thù dân tộc, cho đấu tranh giai cấp của chúng là giá trị lắm ! Cứ xem chúng tâng bốc nhau, nịnh bợ nhau, bôi xấu nhau, để được nhận cái… vết nhơ một thời làm lính văn nghệ của Đảng thì thấy.

Trong khi đó, hồi ký của các «lãnh tụ cách mạng» chỉ là những cuốn sách viết ra cốt tự đề cao mình một lần cuối, để giải thích (chống chế thì đúng hơn) cho những hành động sai lầm, đổ tội cho người khác về những thất bại mang tính lịch sử mà kẻ viết hồi ký chính là tội phạm. Vậy thì, tôi, Tô Hải, một cái tên được nhiều người biết ở cái thời «âm nhạc phục vụ công nông binh», ở cái thời mà âm nhạc, nếu không làm đúng yêu cầu của đảng sẽ lập tức bị bọn «quan văn nghệ» lên án là «mất lập trường», là «cá nhân tiểu tư sản», thậm chí là « âm nhạc phản động», có gì để mà hồi với ký ?

Tô Hải đã «tự thú trước bình minh» cái hèn của mình ra sao và bắt nguồn cội rễ như thế nào khi ông nghĩ rằng mình đã hết hèn để nói toạc móng heo ra «nỗi bất bình dồn nén ám ảnh suốt mấy chục năm T.H» :

« Trước hết, tôi phải đè bẹp được sự « hèn nhát » trong tôi là cái đã bén rễ sâu chặt do thời gian quá dài sống trong lồng kín, cách ly bầu trời tự do.

Tôi tình nguyện làm một trong những người vạch trần những bộ mặt chính trị dỏm, văn nghệ dỏm, những tên cơ hội, đã cản trở, giết chết tác phẩm, đẩy những tài nang vào hố sâu quên lãng.

Đáng buồn là những chuyện được giấu kín đó, tôi đều được biết, thậm chí còn được tham dự các kế hoạch hại người (được gọi là kiểm điểm, học tập, thu hoạch…) ngay từ khi chúng mới được phác họa, trong suốt quá trình tôi ở cương vị cấp ủy, lãnh đạo, chỉ đạo nghệ thuật.

Để bảo vệ chổ đứng của mình, tôi đã không dám cãi lại những lời chửi rủa bố tôi là đồ « phản động», mẹ tôi là «Việt gian», họ hàng nhà tôi là « tay sai đế quốc»!

Và khi không còn chịu « lao động nghệ thuật » nữa, «bỗng dưng» ông được cái nhà nước công nông binh tặng cho cái «Huân Chương Lao Động Hạng Nhất» và đè ông ra đeo lên cổ cái mề đay « Giải thưởng Nhà nước». Ông mô tả đó là «Một bức tranh cười ra nước mắt» và kêu lên một cách mĩa mai chua xót: « Bi kịch hay hài kịch đây?»

Như thế đó, Tô Hải hy vọng rằng đất nước sẽ có ngày hoàn toàn đổi mới thật sự, hồi ký của ông sẽ được in ra để làm tài liệu lưu trữ về một thời cay đắng và tủi nhục nhất trong lịch sử Việt Nam. Và ông cũng mong rằng bạn bè, con cháu đời sau hiểu cho rằng ông đã có thời tưởng rằng mình là một cánh đại bàng bay bỗng giữa trời nhưng than ôi, gần hết cuộc đời ông vẫn chỉ là «một con đại bàng… cánh cụt, chạy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gãy mỏ, trụi lông.»

« Nhưng, ‘ vừa là tội đồ vừa là tòng phạm’ làm sao con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa ? Thôi thì xin làm con sói của Alfred de Virngi, con bói cá của Musset tru lên tiếng rú cuối cùng, phan ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử một mẫu trái tim, một mẫu óc, một chút hơi tàn của thân xác.

Với niềm tin vô bờ bến rằng ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã đến rất gần, dù có chậm hơn ở các nước bậc cha ông, anh cả, anh hai đến vài ba thập kỷ, niềm tin ấy vẫn cháy bỏng trong tôi thúc giục tôi vứt bỏ mọi sợ hãi, mọi hèn kém để ngồi vào computer.

Nhưng, Tô Hải lại mắc cái nhưng to tướng, tập Hồi Ký Của Một Thằng Hèn đã được viết xong từ năm 2000, nhưng do… hèn, Tô Hải vẫn không dám cho ra mắt bạn đọc như lời ông thú nhận trong « Đôi điều phi lộ viết… sau cùng » và còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa «Để xuất bản vào năm 2010». Có lẽ ông nghĩ rằng lúc đó ông đã «đi theo Bác» rồi thì những quân cẩu trệ sẽ chẳng làm gì được ông nữa chăng ? Ông lầm! Chúng sẽ thi hành đủ các thủ đoạn bẩn thỉu như đã làm đối với hai ông Trần Độ và Hoàng Minh Chính với cái chết của ông và vợ con ông sẽ … hết đất sống về sau !

Với quân tiểu nhân ti tiện, mặt người dạ thú như cộng sản Việt Nam thì đừng có hòng chúng có lòng nhân với câu «nghĩa tử là nghĩa tận» như lời người xưa giáo huấn.
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Tô Hải có hèn không?

Ngô Nhân Dụng
Tôi đã đọc hết cuốn hồi ký của Nhạc sĩ Tô Hải. Hơi tiếc, vì ông viết ngắn quá; chỉ có hơn 500 trang giấy in. Vừa đọc vừa tiếc. Vì có lúc đang theo ông qua những đoạn đường, trong bụng chờ sắp được nghe ông kể tiếp một chuyện đang nói nửa chừng, thì ông lại nhảy sang chuyện khác. Tiếc, và trách tác giả không để thêm thời giờ kể rõ ngọn ngành cho người đọc biết thêm. Nhưng khi nghe Tô Hải giải thích trong cuộc phỏng vấn với Ðinh Quang Anh Thái (sắp đăng trên báo này) thì hiểu tại sao. Tô Hải không có ý kể câu chuyện cuộc đời mình. Ông bảo, trong cuốn sách này, “tôi chủ ý chỉ viết về cái hèn của tôi thôi.”

Như vậy thì hiểu được, vì tên cuốn sách đầy đủ là “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn,” như những lời thú tội về cái hèn của mình, một cái hèn đeo mãi trên một con người, kéo dài hơn nửa thế kỷ. Ðến năm gần tuổi 70, con người đó mới chợt thấy phải kể lại mình đã sống hèn như thế nào, và bắt đầu thú nhận.

Một điều cảm động, là tác giả muốn thú tội với thân phụ của ông trước hết. Vì trước khi ông bỏ nhà đi rồi gia nhập đảng Cộng Sản vào năm 17 tuổi, cụ thân sinh đã bảo thẳng người con trai lớn đó là đã “bị Cộng Sản nó lừa.” Không những thế, cụ còn dọa mai mốt có trốn cộng Sản chạy về nhà thì cụ sẽ đuổi đi, không nhận làm con nữa. Cả cuộc đời hai lần Tô Hải mong được gặp lại cha mẹ và các em, một lần năm 1954 khi trở về Hà Nội, và lần sau năm 1975 khi tìm vào Sài Gòn.

Cuối cùng thì ông chỉ gặp lại cụ thân sinh trên những trang giấy của cuốn hồi ký này. Ông đã kể lại một đời sống cam tâm chịu hèn không phải của riêng ông mà còn bao nhiêu những người trí thức bị trói buộc trong guồng máy “chuyên chính vô sản” nên họ đành phải làm tay sai cho đảng Cộng Sản.

Cuốn hồi ký kể biết bao nhiêu câu chuyện như một bức bích họa cho thấy tấm thảm kịch đổ lên đầu dân tộc Việt Nam trong thế kỷ trước, nó hủy hoại nền tảng đạo lý trong xã hội và làm tê liệt lương tâm của từng cá nhân.

Tai họa đó là do cách cai quản con người đã được Stalin sáng chế và Mao Trạch Ðông biên cải cho thích hợp với văn hóa phong tục Á Ðông, rồi được Hồ Chí Minh hết lòng áp dụng nước ta. Ðó là một guồng máy kiềm thúc, cai quản, ràng buộc đó đã biến hàng triệu con người trở thành những tên hèn, ngay cả những người đóng vai kiểm soát những người khác.

Có một đoạn chúng ta không thể nào quên, là năm 1956 khi Tô Hải đi “liều mạng” trở về Thanh Hóa tìm “cứu đứa con trai.” Hai vợ chồng ông đều phải đi làm công tác văn nghệ với quân đội trong thời kháng chiến cho đến sau khi hòa bình, cho nên họ đã gửi đứa con thứ hai này cho ông bà ngoại nuôi. Ông kể,

“Gia đình vợ tôi chẳng có một tấc đất nào, nhưng bị đẩy lên... (hàng) địa chủ.”

Trong thời gian cải cách ruộng đất đó, các cố vấn đã chỉ thị mỗi làng phải có mấy phần trăm là địa chủ, mấy phần trăm là phú nông, bao nhiêu là trung nông, vân vân, đúng như tỷ số theo thống kê từ bên Trung Quốc đã làm. Nếu một làng không đủ người đúng tiêu chuẩn vào mỗi hạng thì những người ở hạng dưới được “đôn lên” hạng trên.

Nhưng thân phụ bà Tô Hải là cụ Nguyễn Ðăng Quỳ vốn không phải là địa chủ, cũng không phải người ở vùng quê Thanh Nghệ này. Ông đã đi theo Nam Bộ Kháng Chiến chống Pháp. Sau đó ông đã bỏ tất cả gia sản ở miền Nam đưa gia đình chạy ra Bắc, sống ở thành phố Vinh.

Tô Hải kể, “Khi Vinh bị tiêu thổ kháng chiến, ông mua mua một mảnh vườn sát chân núi Diễn Châu.”

Nhưng Ðội Cải Cách đã “lôi ông già ra đấu,” họ tra hỏi ông tại sao mua đất, làm vườn ở nơi không phải quê quán mình, “Có phải để bóc lột nông dân hay không?” Họ đặt ra những lời kết tội bịa đặt khác, mà tác giả viết, “Tất cả lý lẽ đưa ra chỉ nhằm mục đích chiếm bằng hết những gì có thể chiếm: Giường tủ, bàn ghế, quần áo, mâm đồng, chậu thau, bát đĩa, ấm chén,... Phải kiếm cho ra một cớ gì để trấn lột công khai. Tôi thì chụp cho (ông cụ) cái mũ ‘kẻ thù giai cấp’ là xong.”

Sau khi bị cướp mất hết, từ cái quần cho đến cái bát đã mẻ, cả gia đình cụ Nguyễn Ðăng Quỳ bị giam tại chỗ ở chân núi, chỉ còn cách sống bằng ăn rau, lá kiếm được trên núi, trong cánh đồng. Hình phạt này là cách bắt những người bị tố chết đói hoặc tự tử. Nhiều người đã tự tử.

Gia đình ông cụ có hai con trai và một con rể (tức Tô Hải) đi bộ đội đánh nhau với Pháp. Khi cụ ông bị đem đấu tố thì Tô Hải và một người con trai của cụ đều biết nhưng không ai dám về thăm bố. Họ phải “dứt khoát với kẻ thù giai cấp” để bảo toàn mạng sống của chính họ và gia đình nho nhỏ của họ.

Nhưng vợ chồng Tô Hải còn đứa con bé gửi ông bà ngoại, đứa bé cũng đang nằm trong “vòng vây của những ông bà nông dân.” Họ phải cứu lấy con! Tô Hải may mắn nhờ một người bạn cũ giúp, ông này là một cán bộ lớn thuộc Ðoàn Ủy Cải Cách Ruộng Ðất. Người bạn nhân danh chức vụ đó viết một tấm giấy ra lệnh tên địa chủ Nguyễn Ðăng Quỳ phải trả cho “Ông bộ đội Tô Ðình Hải” đứa con trai của ông đã gửi ở nhà tên địa chủ dù không có họ hàng thân thích gì hết.

Tô Hải kể, “Sáng sớm chưa rõ mặt người, tôi thấy bố vợ tôi mặt mày sưng vù, răng cửa rụng gần hết vì bị đánh, mang tới trụ sở một thằng bé, không, một cái xác trẻ con gầy guộc xám ngoét. Ðó là thằng con yêu quý của tôi. Nó chỉ còn thở thoi thóp sau bảy ngày chỉ sống nhờ những lá rau lang, mà ông bà ngoại ngắt về từ mấy luống khoai trồng trước nhà, mớm cho.... Tôi cắn răng ôm lấy con, không kịp nói một lời an ủi bố vợ. Vì các ông bà nông dân đã đuổi quầy quậy ngay sau khi ông trao trả cháu ngoại...”

Cảnh ông ngoại trả cháu cho bố nó mà không được dặn dò, thăm hỏi một câu; người con rể không dám nói một lời cảm ơn bố vợ; đó là hình ảnh người đọc không thể nào quên được.

Cả xã hội Việt Nam đã phải sống với nhau như vậy trong những năm “long trời lở đất” khi Hồ Chí Minh quyết tâm theo đường lối cách mạng của Mao Chủ Tịch. Chính Tô Hải đã soạn một bản nhạc ca tụng Hồ Chí Minh lấy nền dựa trên giai điệu của bài Ðông Phương Hồng mà bên Trung Quốc dùng để ca ngợi Mao Trạch Ðông!

Liệu ai trong chúng ta có can đảm hành động khác với Tô Hải trong khung cảnh đó? Có ai nhất định phải sống ngay thẳng, sống có đạo nghĩa, không chịu sống hèn hạ từ bỏ cả cha mình hay không? Không biết được. Người không sống trong guồng máy kìm kẹp tàn bạo của Stalin thì không thể biết mình sẽ ứng xử như thế nào cho xứng đáng làm người. Người bạn giúp Tô Hải tấm giấy giới thiệu cho đi “đòi con” chính anh ta sau này cũng bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản, và “khai trừ khỏi... mặt đất” khi bị thất sủng.

Nhưng chúng ta có thể biết chắc là nhạc sĩ Tô Hải không hèn. Ông đã dành hàng chục năm cuối của cuộc đời kể tội chính mình. Ông nằm trên giường bệnh nhưng vẫn vào mạng lưới Internet, trở thành người giữ blog lớn tuổi nhất Việt Nam, nêu gương sáng cho lớp thanh niên. Thông điệp ông gửi cho giới trẻ, cho đồng bào, cho cả những người từng là đồng chí của ông còn trong đảng Cộng Sản, là: Chúng ta không được phép sống hèn nữa. Thế giới đã thay đổi. Phải trở lại làm người!

Phải can đảm phi thường thì một người ở tuổi 83 mới làm được công việc đó. Nhất là trong lúc guồng máy di sản của Stalin và Hồ Chí Minh tuy đã xộc xệch sắp tàn nhưng vẫn còn ngự trị trên đất nước chúng ta. Tô Hải đã thú tội với thân sinh ông. Với nhạc phụ ông. Bao giờ thì những người trong cả guồng máy kìm kẹp trên cũng biết ăn năn thú tội?
lynhcao
Posts: 23
Joined: Sun Jun 24, 2007 3:57 pm
Contact:

Post by lynhcao »

Dân tộc Kinh là gì?
Nước Việt Nam chỉ có dân tộc Việt thuần nhất về văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán, chiếm đa số (87%) trong 54 dân tộc. Nước Việt Nam không có dân tộc Kinh.

· Dân tộc Kinh là dân tộc thiểu số (khoảng 15 ngàn người) trong 56 dân tộc của Trung Quốc.

Đọc những tài liệu liên quan đền dân tộc Việt Nam phổ biến trên internet gần đây, chúng ta đều không khỏi ngạc nhiên về một nhóm từ mới dùng để chỉ dân tộc Việt: Dân tộc Kinh.

Vậy dân tộc Kinh là gì? Tại sao dân tộc Việt lại biến thành dân tộc Kinh?

Trước hết, chúng ta hãy nêu ra một vài dẫn chứng về sự đổi thay lạ lùng này:

1- . Bài của Quốc Việt – biên soạn theo tài liệu nước ngoài – (nguồn www.temvn.net) :

“DÂN TỘC KINH TẠI TRUNG QUỐC

Dân tộc Kinh (the Kinhs - the Jings – The Gins) là dân tộc chiếm đa số trong cộng đồng 56 dân tộc Việt Nam (thực ra là 54 – tác giả viết lầm) với hơn 70 triệu người. Tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, dân tộc Kinh chỉ là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng 56 dân tộc. “
2- Bài của Thanh Trúc, phóng viên RFA:

“Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc anh em, trong đó lớn nhất là dân tộc Kinh ở các tỉnh thành khắp ba miền đất nước”.

3- Tài liệu của trang Web Chim Viet Canh Nam về 54 dân tộc Việt cũng gọi dân tộc Việt là dân tộc Kinh.

: http://chimviet. free.fr/dangnet/ 54dantoc/ dtv00001. htm

Tìm hiều nguồn gốc danh từ “Kinh” và “Thượng”.

Trước năm 1975, tại miền Nam chúng ta thường hay nói “Kinh Thượng một nhà” để chỉ tình đoàn kết giữa đồng bào sống ở miền suôi (miền đồng bằng, kinh thành, kinh đô) với đồng bào sống ờ cao nguyên (thượng du, mạn ngược). Người Kinh mà người Thượng thường hay gọi để chỉ những người dân sống dưới đồng bằng, kinh thành, kinh đô… bao gồm người Việt, người Hoa, người Chàm, người Khơ Me…Ngược lại, những người dưới đồng bằng gọi người dân sống ở cao nguyên là người Thượng bao gồm nhiều dân tộc thiểu số như Thổ, Mán, H’Mông, BaNa, Gia Rai, Ê Đê…

Nghĩa ngữ nhóm từ “người sinh sống tại một địa phương” trong tiếng Việt được hiểu là “người địa phương đó”. Thí dụ những người sinh sống tại Hà Nội, ta gọi là “người Hà Nội”. Nếu ai sinh sống tại Sài Gòn, ta gọi là “người Sài Gòn”…”

Như vậy, nhóm từ “người sinh sống tại một địa phương” không có nghĩa là một dân tộc của nước Việt Nam, nói cách khác, nước ta không hề có dân tộc Hà Nội, dân tộc Sài gòn, dân tộc Kinh, dân tộc Thượng, mà chỉ có người Hà Nội, người Sài gòn, người Kinh (gồm nhiều dân tộc), người Thượng (gồm nhiều dân tộc)…

Ngoài ra, ngày nay, người Việt di dân lên sinh sống ở cao nguyên ở rất đông. Thí dụ ở Tây Nguyên, số người thuộc dân tộc Việt đã chiếm đa số với khoảng 4 triệu người so với những sắc tộc thiểu số khác sinh sống tại đây (dưới 20% dân số Tây Nguyên – theo Nguyên Ngọc http://www.viet- studies.info/ kinhte/NguyenNgo c_TayNguyen. pdf ). Vì tình trạng chiến tranh trước đây, số người sinh trưởng tại cao nguyên mà ta gọi là người Thượng, nay đã di cư xuống ở miền đồng bằng khá đông.

Định nghĩa “Dân tộc là gì?”

Tham khảo nguồn tài liệu trên internet, ta tạm thời chấp nhận những định nghĩa sau đây:

Dân tộc là:

Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hoá và tính cách.
Thí dụ: Dân tộc Việt, Dân tộc Nga.

Tên gọi chung những cộng đồng người cùng chung một ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hoá, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc.
Thí dụ: Việt Nam là một nước có nhiều 'dân tộc'.

Đoàn kết các 'dân tộc' để cứu nước.

(Hồ Ngọc Đức, Free Vietnamese Dictionary Project (chi tiết)

Lấy từ “http://vi.wiktionar y.org/wiki/ d%C3%A2n_ t%E1%BB%99c)

Nguồn gốc dân tộc Việt:

Có nhiều giả thuyết. Ta tạm thời chấp nhận: “ Dân tộc Việt có nguồn gốc là dân tộc Lạc Việt, cùng chủng tộc với nhóm dân Bách Việt sinh sống tại Lĩnh Nam (phía nam dẫy núi Ngũ Lĩnh và Động Đình hồ) của nước Trung Hoa thời xưa. Xin nhớ: trước thời nhà Tần xâm lăng Bách Việt, miền Lĩnh Nam không thuộc về nước Tàu. Tất nhiên dân Bách Việt bao gồm nhiều tộc Việt cũng không phải là người Tàu và nước Nam Việt sau đó cũng không phải là nước Tàu . Nếu Nam Việt là nước Tàu hay thuộc về nước Tàu thì hà tất nhà Hán phải sai Lộ Bác Đức đem quân đi xâm lăng nước Nam Việt?”:

http://www.hungsuvi et.us/vanhoa/ Timhieunguongocd antocViet. html

Dân tộc Kinh là dân tộc thiếu số của 56 dân tộc Trung Quốc

Nước Việt Nam chỉ có người Kinh (khác với người Thượng) sống dưới đồng bằng mà không có dân tộc Kinh. Nhưng nước Tàu có dân tộc Kinh là một dân tộc thiểu số với khoảng 15 ngàn người trong số 56 dân tộc Trung Hoa. Đây là những người Việt đã di cư từ vùng Đồ Sơn thuộc Việt Nam sang 3 đảo nhỏ Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm thuộc tỉnh Quảng Tây, gần biên giới Hoa Việt vì “chẳng may” 3 đảo này lại thuộc về Trung Quốc:

“Giáo-Sư Nguyễn Văn Canh nói về việc “Trung-Hoa đòi nhượng đất” và “Pháp cắt dất” như sau: Ðiều 3 Hiệp ước Thiên tân có nói rằng " ở nơi nào nếu cần, có thể điều chỉnh lại chi tiết cho đúng để đưa đến một biên giới thực sự cho Bắc kỳ". Phía Trung Hoa vin vào đó, giải thích dấu hiệu này như là giúp đưa đến những sắp xếp sâu rộng, coi như bồi thuờng về đất đai đối với những nhượng bộ chính trị mà Trung Hoa đã ưng thuận ở nơi khác. Lý hồng Chương giải thích cho Đô đốc Rieuner :"Nước Pháp đã được quá nhiều khi chiếm được Bắc Kỳ, một xứ chư hầu của Trung Hoa từ 600 năm nay... Điều này làm tôi rất đỗi ưu tư; cần có một đền bù dưới hình thức nhường một ít đất ở vùng biên giới của Annam đối với tôi như thế là đủ"

“Công ước phân định biên giới trong tình trạng này đã chấp thuận nhượng một phần lãnh thổ Việt nam cho Trung Hoa ở nơi có tranh chấp giữa hai Ủy Ban. Có 2 địa điểm tranh chấp chính được nhượng choTrung Hoa: (1) trên biên giới Vân Nam, là tổng Tụ long, hòan toàn thuộc về đất của Vương quốc Annam và chừng 3/4 đất đai của tổng này bằng 750 cây số vuông được nhượng cho Trung Hoa và (2) thuộc tỉnh Quảng Đông là mũi Packlung và "khu vực người Việt nằm trong lãnh thổ Trung Hoa (Vũ Hữu San - Hải Giới Việt Hoa – http://vuhuusan. 110mb.com/ haigioi.htm)

Tàu muốn gì trong việc gọi dân tộc Việt là “dân tộc Kinh”?

Là người Việt, chúng ta ai cũng biết các triều đại người Tàu luôn luôn dạy con cháu của họ rằng: “nước Việt Nam chỉ là một quận huyện của họ và người Việt Nam cũng xuất phát từ người Tàu mà ra. Họ rất ghét Triệu Đà và nước Nam Việt vì ông vua có nguồn gốc phương bắc này dám chống lại Thiên Triều (thực ra xưa kia Triệu Đà là người nước Triệu, bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt để sát nhập vào nước Tàu), nhất là thừa tướng Lữ Gia người Nam Việt đã dám công khai chống lại quân tướng nhà Tây Hán. Từ khi nhà Hán sai Lộ Bác Đức tiêu diệt xong nước Nam Việt vào năm 111 trước Công Nguyên, các triều đại Trung Hoa tiếp theo không bao giờ gọi dân tộc ta là người Việt cả, và không hề chấp nhận những tên gọi nước ta như “Đại Cồ Việt”, “Đại Việt”, Việt Nam”…do vua nước ta đặt ra. Họ chỉ gọi dân tộc Việt là “Giao Chỉ” sau đó (đời Đường) đổi thành “An Nam” và phong cho những vị vua nước ta là “Giao Chỉ Quận Vương” hoặc “An Nam Quốc Vương”. Thực dân Pháp cũng vậy, chúng toa rập với Tàu gọi người Việt là An Nam (Anamite).

Ngày nay, kể từ khi cố vấn Tàu thành công trong việc khuất phục được đảng CS Việt Nam cầm quyền cai trị nước ta, họ luôn luôn tìm cách đồng hóa nước ta , hết bằng phương tiện quân sự (chiến tranh biên giới 1979, chiến tranh Biển Đông -1987?), đến phương tiện “diễn biến hoà bình” (hiệp ước biên giới đất liền và biển, dự án Bauxite, chi ếm c ứ Hoàng Sa, Trường Sa…). Rồi thừa thắng xông lên, cán bộ Việt gốc Tàu đang xâm nhập vào lãnh vực văn hóa và lịch sử Việt Nam . Hàng loạt những sự thay đổi về Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam như dời lại thời kỳ Bắc Thuộc gần 100 năm (từ -111 thành -207) (?), dùng nhiều từ Hán như “lễ tân”, “công hàm”, “hộ chiếu”, “tham quan”…(ngược hẳn với thời gian trước chiến tranh 1979, lúc đó dùng từ Việt quá lố như “máy bay lên thẳng”, lính thủy đánh bộ “, “Xưởng đẻ”, …).

Chủ trương biến “dân tộc Việt” thành “dân tộc Kinh” - một dân tộc thiểu số trong 56 dân tộc Trung Hoa, phải chăng đây cũng là “điểm” trong kế hoạch đồng hóa Việt Nam thành quận huyện của Tàu, và dân tộc Việt Nam thành dân tộc thiểu số của Tàu?

Chúng ta cần tỉnh táo trước âm mưu đen tối của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Lịch sử đã chứng minh nước Tàu dù mạnh, dù giàu đến mấy cũng không thề khuất phục nổi dân tộc Việt tuy nhỏ bé kém thế hơn, nhưng tinh thần quật cường bầt khuất lúc nào cũng mạnh hơn.

Chúng ta hãy noi gương bất khuất của danh tướng Trần Bình Trọng:

“Thà làm Quỷ nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc”

Vương Sinh
dailien
Posts: 2458
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Bị sa vào lưới Công An!

Lữ Giang

Trong tuần qua, có hai sự kiện đáng quan tâm đã xẩy ra ở trong nước, đó là vụ Luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp và vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ nộp đơn ở Toà Án Nhân Dân Hà Nội kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì cho rằng quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1.11.2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015” của Thú Tướng Dũng là một quyết định vi phạm luật pháp.

Tuần này chúng tôi xin đề cập đến vụ Luật sư Lê Công Định bị bắt vì vụ này khẩn cấp hơn.

BẢN TIN CỦA BÁO THANH NIÊN

Luật Sư Lê Công Định là một luật sư đã tạo được nhiều danh tiếng ở trong và ngoài nước, nên tin ông bị bắt đã gây nhiều phản ứng ở quốc nội cũng như quốc tế.

Có rất nhiều bản tin ở trong và ngoài nước nói về trường hợp ông bị bắt, nhưng chúng tôi thấy bản tin của báo Thanh Niên online đã nói lên khá đầy đủ thông báo của nhà cầm quyền về lý do ông bị bắt, nên trước hết chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bản tin này trước khi có một vài nhận định.

Báo Thanh Niên online ngày 13.6.2009 đã cho biết như sau:

“Trưa qua 13.6, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với luật sư Lê Công Định về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) theo điều 88 Bộ luật Hình sự.

“Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra tiến hành khám xét đối với luật sư Lê Công Định để thu giữ tài liệu. Đến tối cùng ngày việc khám xét vẫn chưa kết thúc. Lê Công Định không phản ứng gì khi bị bắt và chấp hành mọi yêu cầu, ký vào các tài liệu bị thu giữ.

“Cùng ngày, tại Hà Nội và TP.HCM, Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã tiến hành họp báo về vụ bắt giữ. Tại cuộc họp báo ở TP.HCM, lúc 17 giờ, thiếu tướng Hoàng Công Tư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết:

“Luật sư Lê Công Định bị bắt theo điều 88 Bộ luật Hình sự vì đã có những hành vi câu kết với những người cầm đầu phản động nước ngoài chống Nhà nước CHXHCNVN. Từ năm 2006 đến nay, Lê Công Định đã biên soạn rất nhiều tài liệu gửi cho các trang web BBC, RFA và các trang web của "Phong trào dân chủ VN", "Việt Tân"; "Chân trời mới"; "Thông luận", tập san "Tự do dân chủ"... do những kẻ phản động lưu vong lập ra. Các tài liệu này nhằm xuyên tạc chống phá đường lối, chính sách kinh tế - xã hội, vu khống bôi nhọ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo của chính quyền và tập trung vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; gây chia rẽ, mất lòng tin trong các tầng lớp nhân dân.

“Ngoài ra, lợi dụng việc bào chữa cho một số người như Nguyễn Quốc Quân (tự xưng là Ủy viên Trung ương Đảng Việt Tân), Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải tại các phiên tòa, Lê Công Định đã thông qua các luận chứng bào chữa để thực hiện ý đồ chống phá, xuyên tạc Hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCNVN.

“Lê Công Định còn có quan hệ rất chặt chẽ với một số người cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong người Việt, như Hà Đông Xuyến (cầm đầu tổ chức Việt Tân - tổ chức mà cơ quan an ninh đã thông báo cho các cơ quan nước ngoài biết đây là phản động khủng bố cùng với tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh).

“Bên cạnh đó, Lê Công Định là thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng Nhân Dân Hành Động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ. Lê Công Định thường xuyên liên lạc với Nguyễn Sỹ Bình bàn thảo về mục tiêu, kế hoạch hoạt động và là người đứng ra tổ chức tập hợp lực lượng nhằm thành lập "Đảng dân chủ" và "Đảng lao động Việt Nam"; câu kết với bọn phản động lưu vong được sự ủng hộ của một số thế lực phản động quốc tế bàn cách lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam.

“Tháng 3.2009, Lê Công Định sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức họp bàn, đánh giá những vấn đề kinh tế, chính trị của Việt Nam và đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời điểm xảy ra "biến động chính trị" lật đổ chính quyền Việt Nam vào năm 2010. Các đối tượng này lấy bí danh chihai: Nguyễn Sỹ Bình, chiba: Trần Huỳnh Duy Thức, chitu: Lê Công Định để tránh bị phát hiện.

“Để chuẩn bị cho kế hoạch lật đổ, Lê Công Định cùng với một số kẻ chống đối khác soạn thảo tài liệu "Tân hiến pháp" nhằm thay thế Hiến pháp nước CHXHCNVN.

“Trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo, thiếu tướng Hoàng Công Tư cho biết việc bắt khẩn cấp Lê Công Định được tiến hành theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra đã có đầy đủ căn cứ. Thiếu tướng cho biết thêm, ngày 24.5, Trần Huỳnh Duy Thức - Tổng giám đốc Công ty cổ phần internet Một Kết Nối (OCI) đã bị bắt giữ. Cơ quan An ninh điều tra cũng đã khởi tố Thức về hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước và trộm cước viễn thông.”

Tóm lại, theo nhà cầm quyền, Luật Sư Lê Quốc Định bị bắt khẩn cấp vì các lý do chính sau đây:

1.- Biên soạn rất nhiều tài liệu gửi cho các trang web BBC, RFA và các trang web của "Phong trào dân chủ VN", "Việt Tân"; "Chân trời mới"; "Thông luận", tập san "Tự do dân chủ"... do những kẻ phản động lưu vong lập ra.

2.- Có quan hệ rất chặt chẽ với một số người cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong người Việt, như Hà Đông Xuyến (cầm đầu tổ chức Việt Tân...).

3.- Là thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng nhân dân hành động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ.

VÀI DÒNG VỀ LÝ LỊCH

Báo Thanh Niên cho biết đại khái lý lịch của Luật sư Lê Công Định như sau:

Lê Công Định có bí danh Nguyên Kha, Paul. Sinh ngày 1.10.1968.

Năm 1989 tốt nghiệp Đại học Luật, 1990 - 1991: Chuyên viên Phòng Công chứng số 1 TP.HCM, 1991 - 1993: Nhân viên Văn phòng Đoàn luật sư TP.HCM, 1993-1994: Chuyên viên pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 1994 - 1998: Luật sư tập sự chi nhánh Công ty luật Coudert Brothers TP.HCM, 1998 - 2000: Du học thạc sĩ luật tại Mỹ, tháng 6.2000 - 11.2000: Luật sư Văn phòng luật sư Thắng & Associates.

Thời điểm bị bắt đang làm việc tại Công ty luật TNHH một thành viên Lê Công Định (37 Tôn Đức Thắng, Q.1).

Lê Công Định từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư TP.HCM, được nhiều người biết đến từ khi tham gia vụ kiện chống bán phá giá. Năm 2004, kết hôn với Hoa hậu Việt Nam 1998 Nguyễn Thị Ngọc Khánh.

MỘT THỜI ĐƯỢC CA TỤNG

Vào đầu năm 2006, các báo trong nước đã đăng một loạt bài dưới đầu đề “Vào cạnh tranh toàn cầu...”, nói về các du học sinh đã chọn lựa con đường quay trở về Tổ quốc từ một nền giáo dục phát triển ở một quốc gia giàu có và hiện đại nào đó... để làm thay đổi đất nước và đưa đất nước đi lên. Loạt bài này do Nguyễn Văn Tiến Hùng viết. Trong số các du học sinh này, Luật sư Lê Công Định cũng đã từng được ca tụng. Chúng ta hãy nghe báo Tuổi Trẻ online ngày 25.2.2006 nói về Luật sư Lê Công Định trong mục “Ra đi và mang về.... (Kỳ 7)”:

1.- Từ tầng hầm của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn

Năm 1989, Định mới ra trường, vào làm việc ở Phòng Công chứng số 1. Ngoài công việc phụ tá cho công chứng viên, Định biết tiếng Pháp nên được giao thêm việc thống kê sắp xếp kho tài liệu dưới tầng hầm của tòa nhà 89 Nguyễn Du. Đó vốn là trụ sở của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn trước 1975.

Sáng công tác chuyên môn, chiều làm trong kho tư liệu. Vừa làm vừa tò mò đọc xem thời trước người ta hành xử công việc pháp lý như thế nào. Càng đọc, Định càng sửng sốt khi những kiến thức của một cử nhân luật như mình lại không hiểu hết một văn bản pháp lý của nền hành chính cũ. Trong đầu Định một ý nghĩ lớn dần: trước đây VN từng có một nền văn minh pháp lý rất chuẩn mực.

Cũng thời điểm đó, LS Triệu Quốc Mạnh tập hợp những nhân vật rất giỏi luật của Sài Gòn mở lớp luật ở ĐH Tổng hợp TP.HCM với tiêu chí dạy “theo tinh thần pháp lý thế giới”. “Tôi nghĩ mãi rồi quyết định bỏ việc để đi học tiếp”. Lúc qua trường luật xin xác nhận điểm để miễn một số môn, một thầy giáo cũ biết chuyện tròn mắt hỏi: “Mày có khùng không mà đi học cái lớp vớ vẩn?”.

Nhưng trong cái lớp học ấy, LS Triệu Quốc Mạnh có những bài giảng nổi tiếng về tinh thần pháp lý thế giới; thầy Võ Phúc Tùng (tiến sĩ luật bảo vệ luận án cuối tháng 4-1975) làm Định say mê với “khế ước và nghĩa vụ” theo chuẩn mực của Pháp. Thầy Lương Văn Lý dạy rất hay về công pháp quốc tế... Đó là những giáo sư giỏi nhất chuyện “hạ đo ván” sinh viên trong các kỳ thi.

Càng học, Định thấy hiểu rõ hơn những gì anh đọc trong căn hầm của phòng chưởng khế hồi xưa. Thầy Tùng tạo một ấn tượng lớn từ kiến thức uyên bác cho tới tư cách trong cuộc đời. Có thời điểm khó khăn, phải đi sửa đồng hồ kiếm sống nhưng ông vẫn vô tư: “Học tiến sĩ khó cỡ nào còn học được thì nhằm nhò gì những cái đơn giản này!”. Ông nhận Định làm học trò dạy tiếng Pháp.

Suốt tám năm trời, hai thầy trò cặm cụi ba buổi tối mỗi tuần. Mỗi buổi học xong hai giờ ngôn ngữ, thầy trò lại xoay qua bàn chuyện văn chương Pháp với Victor Hugo, Alexandre Dumas... Có bữa cúp điện, hai thầy trò đốt đèn dầu, mồ hôi nhễ nhại. Chính cái vốn tiếng Pháp dưới ánh đèn dầu này đã tạo điều kiện cho Định vào làm ở văn phòng luật Coudert Brothers. Vị LS đại diện văn phòng này ở Sài Gòn vì mê tiếng Pháp của anh mà nhận vào. Năm đó Định 26 tuổi. Rồi một bước ngoặt mới: suất học bổng đi Pháp...

2.- Đến Paris và Columbia

Trước những năm 1997, tôi nghiên cứu luật trong nước, thấy luật mình còn thiếu nhiều quá, muốn làm một điều gì đó nhưng kiến thức không có. Tôi thèm một chuyến đi du học Pháp. Nhưng hồi đó, những suất học bổng chỉ có cán bộ ngành tòa án hoặc người ngoài bộ mới được. Rồi năm 1997, lần đầu tiên người ta cho các đoàn LS dự tuyển các suất học bổng. Tôi bước chân ra khỏi đại sứ quán mà như bay trên mây với suất học bổng ngành luật của Trường đại học Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2).

Vài tháng sau, một ngày đang lang thang ngao du ở châu Âu, có một tin vui không kém: tôi giành được học bổng Fulbright đi Mỹ. Thông tin này thay đổi nhiều thứ với tôi.

Sau vài tháng học ở Paris, tôi nhận ra đại học Pháp thời điểm đó vẫn là sự kéo dài của hệ thống thực dân cũ: trì trệ, bảo thủ. Năm 1998-1999 mà cả trường chỉ có hai máy photo, mượn một đống sách từ thư viện phải mất 3-4 giờ đồng hồ chờ đợi để photo. Giáo sư thì như một vị thánh trên giảng đường, bắt học thuộc lòng y như ở VN chứ không dạy về tư duy pháp lý.

Tôi tranh thủ học thêm một khóa triết của Trường đại học Sorbonre theo lời khuyên của thầy Tùng (“Phải biết căn bản triết học để hiểu nền luật pháp”), đến tháng 5-1999 tôi rời Paris, bỏ luôn những môn thi cuối cùng của bậc thạc sĩ (vào cuối tháng 6-1999) để sang Mỹ học cao học luật ở ĐH Tulane - Columbia”.

3.- “Tôi ủng hộ án lệ!”

Đó là câu đầu tiên và là sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện của LS Định. Anh mang ra hai quyển Quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao năm 2003 -2004 (đó là những bản án ở cấp giám đốc thẩm sửa sai các vụ án khó ở tòa cấp dưới và được xem như một ví dụ về việc áp dụng các điều luật khi xét xử những vụ án tương tự như vậy) rồi nói một cách tự hào: “Đây là một bước rất nhỏ của án lệ tại VN!”.

Do những đặc thù của VN, án lệ là một quãng đường đầy khó khăn và nhiều tranh cãi. Trong một bài viết trên bản tin đoàn LS tháng 7-2003, LS Định thẳng thừng: “Phán quyết của tòa án hiện nay thường thiếu chiều sâu và sự uyên bác trong nhận định và phân tích các vấn đề pháp lý cụ thể. Một số thẩm phán đôi khi phải đưa ra những lời giáo huấn đạo đức không cần thiết cho các bị cáo hoặc các bên tranh chấp nhằm khỏa lấp những khuyết điểm đó”. Cứ thế, cái cách nói đôi khi gay gắt của chàng LS trẻ này khiến không ít người khó chịu.

Và sự “nổi tiếng” của LS Định lại là sự “khùng”. Không ít lần anh từng bị các quan chức một bộ nhắn gửi: “Thằng đó khùng hay sao mà tuyên bố này nọ hoài”. Đó là khi anh truy đến cùng các nguyên nhân khiến luật chưa ra đời đã trở nên lạc hậu: “Bộ luật dân sự của Napoléon xây dựng cách đây 200 năm; Bộ luật dân sự Đức xây dựng cách đây 100 năm - không hề được sửa bởi trước đó những bộ luật này đã kế thừa được hệ thống luật bất thành văn của hàng ngàn năm trước và quan tòa, khi xét xử, nếu thấy không phù hợp thực tế bèn giải thích theo thực tiễn để thay đổi tinh thần của nó”.

Đó là sửa luật theo án lệ. Tức nền tảng luật phải bắt nguồn từ cuộc sống và ở các nước, chỉ có quan tòa là người duy nhất giải thích luật, còn ở ta ai muốn giải thích cũng được cả. Nó làm cho luật pháp mất tính thống nhất và vị trí độc lập của quan tòa không cao. Chúng ta có quá nhiều luật nhưng nhiều khi “không xài được” hoặc vừa thông qua đã “chết” rồi vì thiếu tính thực tiễn. Tôi ủng hộ án lệ và chắc chắn luật về án lệ sẽ giải quyết được những điều mà trong thực tiễn chưa có.

Ở VN, người ta có thể trả lại đơn kiện và nói: luật chưa có, Quốc hội chưa ban hành, tôi không xử được. Nhưng ở nước ngoài, người ta sẽ kiện ngay quan tòa vì tội không ban phát công lý”.

4.- Tạm gác giấc mơ tiến sĩ

“Hồi xưa tôi mê luận án tiến sĩ và từng sưu tầm hàng trăm cái ở Paris, từng được chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tulane nhưng rồi về nước, một đam mê khác lấn dần vào công việc hằng ngày của tôi: gầy dựng một công ty luật mình thích, góp phần gầy dựng tinh thần thượng tôn pháp luật từ cộng đồng tới doanh nghiệp và cả chính quyền. Tham gia các vụ việc với chính quyền thành phố hoặc các công ty lớn của Nhà nước... tôi thấy vui nhất là ý thức các vị đã có những thay đổi rất rõ. Vụ VN Airlines, vụ Liên đoàn Bóng đá bị thua kiện và mất tiền ở nước ngoài… đã làm người ta giật mình.

Mới đây, trong một cuộc họp của UBND TP.HCM, tôi ngồi nghe ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo: “Làm gì thì làm, phải tuân thủ những qui định pháp lý, tránh để bị kiện” mà thấy mừng. Đã có những vụ mà chính quyền không thể đơn thuần ra quyết định hành chính, ví dụ thành phố “thuê lại quyền sử dụng” công viên 23-9 từ nhà đầu tư nước ngoài. Mà chuyện đó đâu đơn giản: họ cử LS, quăng sách luật ra bàn, cãi nhau tóe lửa...

Tôi nhớ lại LS Đặng Khải Minh, một Việt kiều nhưng tinh thần của ông thì hết sức VN, tìm mọi cách nâng đỡ và vun vén cho LS Việt, ông khuyên chúng tôi phải chuẩn bị hết mọi điều kiện để LS VN mình có thể sánh ngang với khu vực và thế giới khi tham gia cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi vừa làm vừa học, vừa đào tạo những LS trẻ để họ nâng tầm. Giờ đây chúng tôi có thể sang Singapore hay bất cứ quốc gia nào tham gia các vụ kiện, có thể tranh cãi từng từ ngữ với các LS, buộc họ sửa cả văn bản tiếng Anh hay đưa ra các ý kiến pháp lý trong các hợp đồng mua bán, tài trợ... tầm quốc tế cho khách hàng VN.

VN hiện tại chỉ có khoảng hai văn phòng luật đủ mạnh để làm chuyện đó. Tình trạng cạnh tranh cũng đang làm cho LS VN yếu thế thay vì phối hợp để nâng tầm trên trường quốc tế. Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển. Nó sẽ hoạt động theo xu hướng như một trung tâm nghiên cứu sản sinh ra các học thuyết pháp lý - chuyện rất quen thuộc ở nước ngoài. Ta không làm mà khoanh tay nhìn là muộn lắm đó!...”.

Nhiều người đã ra đi và nhiều người đã trở về, với một hành trang đầy đặn và một khát vọng về các cuộc chơi lớn cùng bạn bè quốc tế. Mỗi người trong họ đi trên những con đường khác nhau để cùng gặp nhau trong một nỗ lực.

NHỮNG CHUYỆN LÀM NHỨC NHỐI

Ngoài những công việc nói trên, Luật sư Lê Công Định cũng cố gắng tranh đấu để đất nước ngày càng có dân chủ hơn, tự do hơn. Ông đã viết nhiều loại bài hay trả lời các cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông trong nước cũng như ở hải ngoại về những vấn đề đáng quan tâm của đất, nước chẳng hạn như:

- “Vai trò xây dựng án lệ của toà án” (Bản tin Đoàn Luật sư Sài Gòn, Số 8, ngày 26.7.2003).

- “Tính minh bạch trong hoạt động của toà án” (Đặc san Nghề Luật, Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp, Số 7 năm 2004).

- “Trả lại hào khí Diên Hồng” (Báo Pháp Luật Sài Gòn ngày 5.3.2006, BBC ngày 11.3.2006). Trong bài này ông cũng viết rất thẳng thắn:

“Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị...”

- “Tại sao không nên sợ đa nguyên” (BBC, 13.4.2006).

- “Bàn về ‘Chính danh’ trong thể chế pháp trị” (BBC, 4.7.2006).

- “Thế giới ảo và hiệu quả của chính phủ” (BBC, 5.2.2007).

- “Bài học Miến Điện” (BBC, 1.10.2007).

- “Phỏng vấn Luật sư Lê Công Định trước phiên xử “vụ Điếu Cày” (RFA, 10.9.2008).

- “Đất đai dưới áp lực của tiền và quyền tại Việt Nam” (RFA, 27.2.2009).

- “Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng” (BBC 9.3.2009). Trong bài này ông viết:

“Gần đây những cuộc đột nhập văn phòng luật sư để tịch thu tài liệu và máy tính hoặc khám xét hành lý của các luật sư tại phi trường ở Việt Nam đã dấy lên mối quan ngại về sự công khai xâm phạm bí mật nghề nghiệp luật sư, một trong những chuẩn mực văn minh mà bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới cũng tôn trọng.”

- “Đọc sử để nhìn nhận hôm nay” (BBC, 2.5.2009), v.v.

Nhà cầm quyền nhận thấy những loạt bài nhức nhối như thế này không thề được tiếp tục cho phổ biến nên tìm cách ngăn chận.

BỊ SA VÀO LƯỚI

Điều 88 Bộ Luật Hình Sự quy định rằng sẽ bị phạt từ 3 đến 12 năm tù những ai tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, làm ra hay tàng trử các tài liệu chống chính quyền, v.v. Nhưng truy tố về những tội này thường gây nhiều tranh cãi vì nó thuộc về quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến Pháp. Do đó, muốn bắt và truy tố một người nào theo điều 88, Công An thường phải gài cho người này có sự liên hệ tới một tổ chức bị coi là “phản động”, mặc dầu đôi khi tổ chức đó chỉ là một tổ chức chống cộng cò mồi hay được dùng làm cò mồi.

Một thí dụ cụ thể: Trong vụ án Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, theo bản Cáo Trạng số 28/CT-VKS-P2 ngày 23.4.2007 của Viện KSND TP Hà Nội, các bị cáo Đài và Nhân đã tàng trữ các tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, bôi nhọ chế độ xã hội do Đảng Cộng Sản lãnh đạo, vu cáo xuyên tạc chính sách của Nhà nước, v.v.

Nhưng nếu chỉ truy tố như thế thì quá yếu. Viện KSND phải chứng minh thêm rằng vào tháng 4/2006, Lê Thị Công Nhân đã ký tên ủng hộ cái gọi là "Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006" và cùng Nguyễn Văn Đài tham gia Khối 8406. Vào tháng 9/2006, Lê Thị Công Nhân đã xin gia nhập vào cái gọi là "Đảng Thăng Tiến Việt Nam" (một đảng chống cộng cò mồi). Từ 2/9 đến 5/9/2006, Lê Thị Công Nhân vào Huế bàn việc quyết định tuyên bố công khai đảng này trên mạng Internet vào ngày 8.9.2006. Nguyễn Văn Đài còn bị tố cáo là kẻ trực tiếp soạn thảo điều lệ của tổ chức “Đảng Dân Chủ 21,” trong đó y không hề giấu diếm ý đồ muốn giành chính quyền ở Việt Nam.

Về trường hợp của Luật sư Lê Công Định, nhà cầm quyền nói rất rõ: "Lê Công Định là thành viên chủ chốt trong nhóm chống đối do Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu "Đảng Nhân Dân Hành Động" ở Mỹ) chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ.”

Về hoạt động đáng nghi ngờ của "Đảng Nhân Dân Hành Động" do Nguyễn Sỹ Bình lãnh đạo, chúng tôi đã cảnh giác quá nhiều lần, chỉ các nhà tranh đấu trong nước không biết đến “thành tích” của đảng này nên để vướng vào và bị liên lụy. Tháng 3/2009, Lê Công Định sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình là kể như trúng kế Công An rồi!

Các lãnh tụ của Khối 8406, Đảng Nhân Dân Hành Động, Đảng Dân Chủ 21... có thể ra tuyên ngôn tuyên cáo tố Cộng búa xua mà chẳng sao cả, nhưng các nhà đấu tranh ở trong nước mà để dính vào các tổ chức này là kể như bị sa vào lưới của Công An.

Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi các nhà đấu tranh ở trong nước phải luôn cảnh giác, đừng nghe tuyên truyền hay dụ dổ mà dính vào các tổ chúc chống cộng cò mồi của Công An hay đang bị Công An dùng làm cò mồi.

Khi bắt những nhà đấu tranh chính trị nổi tiếng như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, v.v., nhà cầm quyền CSVN thừa biết hành động này sẽ phương hại cho uy tín của chế độ trước công luận quốc tế, nhưng họ vẫn làm để bảo đảm sự ổn định của chế độ. Tuy nhiên, những sự đối kháng không mệt mỏi đó, tuy chưa đem lại những kết quả cụ thể trước mắt, nhưng nó đang xói mòn dần chế độ và khơi dậy những ý thức về dân chủ, về nhân quyền, về công bằng xã hội, về phát triển đất nước... trong quần chúng. Vì thế, nó có năng lực thúc đầy chế độ phải có những thay đổi. Chính những nỗ lực này đang trở thành những viên gạch xây dựng dần nền dân chủ.

Lữ Giang
(16.6.2009)
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Làn sóng Dân Chủ mới

Ngô Nhân Dụng
Cảnh tượng trên đường phố ở Teheran trong mấy ngày qua có thể giúp những người dân chủ ở Việt Nam thêm phấn khởi: Một làn sóng mới của dân chủ tự do đang bắt đầu trên thế giới, khởi động từ thủ đô nước Iran. Hàng trăm ngàn người xuống đường trong ngày Thứ Hai, trên một đại lộ dài gần 10 cây số đòi chính quyền chấm dứt trò gian lận bầu cử; cảnh tượng đó cho thấy người dân nước nào cũng thiết tha với quyền công dân của họ. Cả thế giới chứng kiến cảnh đó, và những cơn sóng dân chủ khác sẽ nối theo nhau dâng lên.

Cuối thế kỷ trước, cơn sóng dân chủ đã trào lên từ những cuộc biểu tình của dân chúng thủ đô Manilla, Phi Luật Tân vào năm 1986. Dân Manilla đã gửi một tín hiệu đi khắp nơi, tới những người dân nước khác cũng muốn đòi quyền lên tiếng và quyền tham dự vào việc quản trị đất nước họ. Sau đó, cơn sóng tự do dân chủ đã trào sang những nước Á Ðông như Nam Hàn, Ðài Loan (1987), Thái Lan (1990), Bagladesh, Mông Cổ (1990) có lúc lan vào cả lục địa Trung Hoa với những cuộc biểu tình chống tham nhũng ở Thiên An Môn rồi bị đàn áp (1989). Các nước ở Châu Mỹ La tinh cũng rúng động, Chile lật đổ chế độ độc tài quân phiệt (1988), và sau cùng bức tường Berlin sụp đổ (1989) kéo theo các chính quyền Cộng Sản Ðông Âu. Ngay cả việc chấm dứt chế độ kỳ thị “apartheid” ở Nam Phi (1990 - 1992) cũng diễn ra trong cơn sóng trào dân chủ hóa này. Cao trào dân chủ lại bùng lên một lần nữa vào cuối thập niên 1990, khi các nước Thái Lan, Indonesia, Nam Hàn, Ðài Loan, thay thế những chính quyền đã bất lực và tham nhũng bằng những khuôn mặt lãnh đạo mới.

Quá trình Dân Chủ hóa không phải là một vở kịch có bài bản viết sẵn và được đạo diễn nhịp nhàng. Mỗi đợt sóng dân chủ dâng lên đều có thể bị các thế lực thủ cựu chống cự, ngăn cản; có lúc cơn sóng dân chủ bị đẩy lui và cũng nhiều khi thoái trào. Nhưng chúng ta biết chắc là dù làn sóng dân chủ có bị đẩy lùi một bước thì sau đó sẽ dâng lên trở lại, vượt qua các chướng ngại, tiến thêm nhiều bước mới. Ðộng lực chính thúc đẩy cao trào dân chủ là sự chuyển động trong lòng người, cả khối dân chúng có ý thức; chứ không phải là do những người lãnh đạo, những tổ chức, hay sức phù trợ từ bên ngoài gây nên. Khi người dân ý thức nhu cầu lên tiếng và nhu cầu tham dự vào việc quản trị đất nước họ, thì họ sẽ xuống đường đòi tự do.

Ở Iran chúng ta đang chứng kiến hiện tượng đó. Chúng ta không đoán trước được kết quả sau cùng sẽ ra sao, không biết liệu chính quyền cũ có bị lật đổ không, chính quyền mới nếu được lên có thực sự phục vụ quyền lợi của đa số người dân hay không. Nhưng điều quan trọng trong cao trào tự do dân chủ không chỉ nằm trong việc thay đổi chính quyền, mà biểu hiện qua sự tham dự của người dân vào công việc chung, việc nước. Khi người dân thấy họ phải có quyền lên tiếng nói, phải giành lấy quyền tham dự, thì ý thức đó sẽ được nuôi dưỡng trong lòng người không thể nào xóa bỏ được. Ðã nhiều cuộc cách mạng bị phản bội trong suốt lịch sử loài người. Nhưng cuối cùng, những người dân bình thường sẽ sẽ thắng. Quan nhất thời, dân vạn đại; chính quyền nào cũng là tạm thời, chỉ có nhân dân tồn tại mãi mãi. Nếu nay mai Tổng Thống Ahmadi-Nejad vẫn ngồi lì đó và các cuộc biểu tình bị dẹp yên, thì ý thức tự do dân chủ của hàng triệu người dân Iran vẫn còn và có thể được nuôi dưỡng lâu dài chờ ngày thể hiện bằng hành động. Ngược lại, nếu ông Hossein Moussavi được lên làm tổng thống rồi phụ lòng dân chúng, thì đối với những người dân Iran đã nếm mùi dân chủ khi tham dự vào những cuộc biểu tình trong mấy ngày nay, mối khát vọng dân chủ vẫn còn là ngọn lửa nung nấu trong tâm can họ mãi mãi. Hiện tượng quan trọng nhất trong những cuộc biểu tình này là ước vọng được sống dân chủ đã thể hiện trong hành động xuống đường của người dân Iran.

Khái niệm Dân Chủ được thấy qua những hình ảnh mà báo chí tường thuật. Một khẩu hiệu được hô lên nhiều lần trong các cuộc biểu tình vừa qua là “Tiêu diệt kẻ độc tài!” Không cần nêu tên kẻ độc tài đó là ai. Một người biểu tình đã nói với phóng viên, “Chúng tôi không phải là đàn cừu! Họ không thể dối trá với chúng tôi mà nghĩ là chúng tôi sẽ im lặng mãi được!” Ðó là lời của một phụ nữ 30 tuổi, chủ tiệm sách ở trung tâm Teheran. Nói rõ hơn, một ông 64 tuổi phát biểu, “Họ đã sỉ nhục chúng tôi và sỉ nhục óc phán đoán của chúng tôi!”

Người dân Iran đòi dân chủ vì họ không chấp nhận bị sỉ nhục mãi. Họ thấy mình bị chính quyền nhục mạ khi bắt họ nghe những lời dối trá trâng tráo. Những người cầm quyền ở Iran tưởng rằng dân chúng không ai dám nghĩ tới ý tưởng phản kháng, khi thấy dân đã chịu đựng quen từ 30 năm nay. Nhưng bây giờ người dân không cam chịu im lặng trước sự sỉ nhục bằng dối trá. Họ ý thức rằng chỉ khi nào được tự do thì người dân mới biết sự thật.

Ðó là những khái niệm đơn giản đã thúc đẩy người dân đòi tự do dân chủ, ở Iran hay ở bất cứ nơi nào khác. Trong thời gian hàng trăm ngàn người xuống đường ở Teheran thì có những sinh viên đã tự động phát hành những bản tin để phản bác các tin tức dối trá do báo, đài của chính quyền đưa ra. Dân Chủ tức là phải có những tiếng nói đối nghịch cho mọi người biết và tự do phê phán.

Dân Iran là dòng dõi của những đế quốc Ba Tư đã bành trướng từ thế kỷ thứ Tám đến thế kỷ thứ Sáu trước kỷ nguyên Tây lịch. Các đại đế Darius và Xerxes đã mở đầu một đế quốc rộng lớn cả vùng Trung Ðông trong hai thế kỷ (550 - 330 trước Tây Lịch). Ðại đế Syrius đã làm rúng động Âu Châu. Sau khi họ cải đạo theo Hồi Giáo, người Ba Tư lại đóng vai trò các chuyên viên tổ chức hành chánh rồi chiếm quyền thống lĩnh đế quốc mới đó trong nhiều đời, từ thế kỷ thứ Chín đến hết thế kỷ thứ Mười. Một dân tộc như vậy không thể chịu nhục mãi mãi.

Khi nhìn vào cuộc đương đầu của ông tổng thống Iran và ứng cử viên đối lập, những nhà quan sát quốc tế có thể thấy đây là một màn kịch mà bên trong hậu trường còn đầy các diễn biến khác. Ðằng sau ông Tổng Thống Ahmadi-Nejad là “Lãnh tụ Tối cao” Ali Khamenei. Ðằng sau ông Hosein (hay Hussein) Moussavi là cựu Tổng Thống Ali Akbar Hashemi Rafsanjani. Ông Rafsanjani vẫn muốn giành chức vụ tối cao của ông Khamenei, từ hơn mười năm trước đây. Một cựu tổng thống khác, ông Mohamad Khatami đã ứng cử rồi rút lui để ủng hộ ông Moussavi cũng vì được Rafsanjani thúc đẩy. Rafsanjani hiện vẫn giữ chức chủ tịch hai cơ quan khác trong các định chế chính trị ở Iran, trong đó có Hội Ðồng Các Chuyên Gia Về Luật Hồi Giáo, hội đồng này nắm quyền bổ nhiệm và có quyền cách chức lãnh tụ Tối Cao của ông Khamenei.

Theo ông M. K. Bhadrakumar, một nhà ngoại giao Ấn Ðộ theo dõi tình hình Iran nhiều thập niên qua, thì hai nhân vật nổi bật trong cuộc tranh chấp hiện nay, Ahmadi-Nejad và Moussavi chỉ đóng trò trên sân khấu, được hai ông Khamenei và Rafsanjani giật dây. Hiện nay ông Khamenei đã chịu nhường một bước, yêu cầu Hội Ðồng Lãnh Ðạo duyệt xét lại kết quả cuộc bầu cử. Có thể coi là ông đã yếu đi và bị mất thể diện, vì ông đã tuyên bố khen ngợi sự đắc thắng của ông Ahmadi-Nejad ngay sau khi kết quả được công bố, trong đó đương kim tổng thống được 63% số phiếu và đối thủ Moussavi được 34%.

Việc công bố kết quả trên biến thành một hành động “sỉ nhục” đối với nhiều người dân Iran, vì có những điều bất thường không hiểu nổi. Trước khi các kết quả được công bố thì các đài truyền hình của nhà nước đã báo tin ông tổng thống thắng phiếu rồi và bắt đầu ca ngợi sự đắc thắng của ông ta! Tại ngay quê hương của ông Moussavi, ông Ahmadi-Nejad cũng thắng phiếu. Ông Moussavi thuộc sắc tộc nói tiếng Azeri, khác với tiếng Farsi của đa số người Iran; nhưng theo kết quả công bố thì ông Ahmadi-Nejad cũng thắng thế ở trong cả những vùng người nói tiếng Azeri sinh sống.

Bây giờ Lãnh Tụ Tối Cao Khamenei có thể mua thời giờ trong mấy tuần lễ chờ Hội Ðồng Lãnh Ðạo duyệt xét kết quả bầu cử ở một số địa phương. Sau đó họ có thể tuyên bố ông Ahmadi-Nejad vẫn được trên 50% số phiếu, không cần bầu vòng thứ nhì. Nhưng ông Khamenei đã bị yếu thế sau một nhượng bộ lần này, trong khi đó ông Fafsanjani ở thế công mạnh hơn khi ông huy động được nhiều giáo sĩ trong giới lãnh đạo tỏ ý nghi ngờ kết quả cuộc bỏ phiếu. Nếu số giáo sĩ theo ông đông đảo hơn ông Rafsanjani có thể lật đổ ông Khamenei, đưa ông Khatami lên thay, qua Hội Ðồng Các Chuyên Gia.

Tất cả những tấn tuồng và vận động hậu trường đó không có ý nghĩa gì đối với việc xây dựng một thể chế Dân Chủ. Iran có bản Hiến Pháp rất phức tạp và dành rất nhiều quyền cho giới giáo sĩ, mà trong Hồi Giáo đó là những học giả chuyên về “thánh luật” chứ không phải là những người đại diện cho đấng Tối Cao. Các vị giáo sĩ đang tranh giành quyền lực trong khuôn khổ bản Hiến Pháp đó. Nhưng chính khi họ giành nhau quyền thế và địa vị, họ đã làm cho cả “cơ chế thần quyền” bị lung lay. Ba mươi năm sau khi lật đổ vị Sa Hoàng bị coi là tay sai của nước Mỹ, cuộc cách mạng Hồi Giáo được dân Iran ủng hộ từ đầu, nay đã cho thấy có vết rạn nứt. Ðây là một cơ hội cho những người dân trung lưu có học, nhất là giới thanh niên, đứng lên đòi tự do dân chủ thật sự. Họ sẽ làm một cuộc cách mạng mới, giành lại quyền quyết định việc quốc gia cho đa số người dân, chứ không để độc quyền cho các học giả được đào tạo trong các đại học tôn giáo thao túng nữa. Quá trình này có thể kéo dài trong hàng chục năm.

Trong mấy ngày sắp tới sẽ còn những cuộc biểu tình do phe chính quyền và phe đối lập tổ chức, trong khi các đối thủ chính ở cấp cao nhất là Ayatollah Khameni và Ayatollah Rafsanjani vận động hậu trường. Nhưng đối với tương lai dân tộc Iran thì những màn tranh giành quyền lực đó không quan trọng. Ðiều quan trọng nhất là người dân đã đứng dậy đòi quyền được phát biểu tự do, quyền tham dự vào việc quốc gia, và quyền biết sự thật.

Các chính phủ Tây phương, từ Mỹ sang Âu châu đã khôn ngoan không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp này. Vì chế độ độc tài ở Iran trong những năm qua đã lợi dụng tình cảm dân tộc của người dân, lấy chiêu bài chống Tây phương và khôi phục địa vị quốc gia để giữ chế độ độc tài, bắt dân phải cúi đầu vâng lời các lĩnh tụ. Các nước Tây phương không thể rơi vào cái bẫy “can thiệp” cho nên giữ thái độ bàng quan là phương cách tốt nhất.

Làn sóng Dân Chủ đang dâng lên ở Iran sẽ gây tiếng vang khắp thế giới, không phải trong lúc này mà còn trong hàng chục năm tới. Những quốc gia còn đang sống trong những chế độ Dân Chủ nửa vời sẽ ý thức rõ hơn họ phải tranh đấu đòi cho được tự do dân chủ đầy đủ. Các nước còn sống dưới ách độc tài sẽ thấy họ phải thức dậy và đứng lên. Ðó là lý do những người Dân Chủ ở Việt Nam theo dõi những diễn biến từ Iran sẽ thấy những điềm hy vọng. Một làn sóng dân chủ tự do mới có thể đang trào lên trên thế giới.
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Đừng Nghe Những Gì Công Sản Nói, Mà Hãy Xem Kỹ Những gì Cộng Sản Làm!”

(Nhân biến cố CSVN bắt giữ khẩn cấp Luật Sư Lê Công Định)
Trong tất cả những phản ứng của người Việt, trong nước và hải ngoại, của cá nhân và tổ chức ngoại quốc trên khắp thế giới, những người có kinh nghiệm trải qua đời sống dưới chế độ Cộng Sản ở Việt Nam đều dè bỉu và tâm đắc với câu nói như trên, do một sình viên Việt Nam sinh sống hiện nay tại Đức phát biểu.

Câu nói này không có gì mới lạ, vì đã từng được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói ra trong kinh nghiệm đấu tranh với Cộng sản Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Nói với những người không có lương tri và đạo đức, thì bạo lực vãn là trên hết, bạo lực dưới mọi hình thức, miễn là đạt mục tiêu CS mong muốn! Và không có đạo đức, vì mọi phương tiện đưa đến mục đích mong muốn đều tốt!!!

Trong ứng phó với bạo lực, thì thường bạo lực mạnh hơn sẽ thằng bạo lực yếu hơn. Nhưng bạo lực chỉ kéo theo bạo lực mà con người có lương tri nhân bản không muốn chấp nhận, và không dám làm. Đến nay, người ta vẫn tin chỉ có nhu nhuyễn mới thắng cường bạo và cải hóa con người thật sâu thẳm.

Hiện nay, toàn thể thế giới, nhất là khối Liên Minh Âu châu và Hoa Kỳ - vì chưa từng sống dưới chế độ Cộng Sản và trải qua những kinh nghiệm cụ thể với mưu mô tráo trở xảo trá và lừa dối của Cộng Sản như ở Việt Nam – đã và đang bị Cộng Sản Việt Nam lừa bịp, tuyên truyền dối trá và đã từng phạm nhiều sai lầm liên tục nghiêm trọng trong cách ứng xử đối ngoại với CSVN.

Từ những cuộc đàm phán - chỉ kể một số hội đàm quan trọng - Thế giớt đang bị CSVN mê hoặc! Ta chứng kiến biết bao cảnh lừa dối:

từ đàm phán bí mật đến công khai tại Genève (1954), tại Bắc Kinh (1972) và tại Paris (1973); trong quá trình bình thường hóa của thế giới với Việt Nam. Chẳng hạn tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc (1977) rồi gia nhập APEC (1988), UNHCR đàm phán với Việt Nam nhằm chấm dứt phong trào vượt biên (1988-1989), và đàm phán cho Việt Nam gia nhập ASEAN (1995), bình thường hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1995), tạo điều kiện cho Việt Nam hồi sinh sau khi đã sắp kiệt quệ tan rã, và mới đây đàm phán rút Việt Nam ra khỏi các nước CPC (2006) và cho Việt Nam gia nhập tổ chức WTO (2007), thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (2007).

Nhưng từ cuộc phản kháng bất bạo động, ôn hòa, để đấu tranh dân chủ lẻ tẻ, nhen nhúm từ thời Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt (1976) và nhiều nhà đấu tranh dân chủ khác, phong trào 8406, thì các phong trào dân chủ đã lớn mạnh dần kéo theo đông đảo các tầng lớp quấn chúng tham gia đến nay.

Chính quyền chuyên chính CSVN bắt giữ khần cấp và áp lực Luật Sư Lê Công Định phải khẩn trương đọc những lời lẽ thú nhận tội trong lúc bị bắt giam ở thế bị kìm kẹt đe dọa như “cá nằm trên thớt”, thì chẳng ai lạ gì thủ đoạn đậc ác của Cộng Sản độc tài Việt Nam.

Một con người can đảm, khảng khái và có chí khí, trí thức, nhân cách, và lương tri như Luật Sư Lê Công Định chắc chắn không tuyên bố những điều thu hoạch chống lại lương tâm ngay thẳng trong sáng của mình trong hoàn cảnh có tự do!

Việc CSVN công bố vội vàng mau chóng mẩu radio clip về lời nhận tội của Luật Sư Lê Công Định và có giới báo chí toa rập khiến công luận thế giới không thể tin được đó là sự thật. Biến cố này là một kich bản đã diễn ra trong biến cố CSVN ứng xử gian dối với vụ Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà và với cá nhân TGM Ngô Quang Kiệt tại Hà Nội, từng có sự tạo rập hèn hạ của hệ thống truyền thông do nhà nước CSVN nắm toàn quyền lèo lái và sắp đặt.

Ở đây công luận Việt Nam và thế giới lại chứng kiến một toan tính gian dối của CSVN đối phó với công luận quốc tế chống lại việc Việt Nam bắt giữ khẩn cấp Luật Sư Lê Công Định. Chớ chi việc này giúp mở mắt những ai còn u mê và lầm tưởng và tiếp tục ban nhiều ân huệ tưởng thưởng cho sự lừa dối tưởng chừng như thành công của CSVN!

Đúng là “Đừng nghe những gì CSVN nói, mà hãy xem kỹ những gì CSVN làm!”

Đỗ Hữu Nghiêm
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Giang Sơn Việt Nam còn gì dưới sự cai trị của CSVN ?


Bản tin mới nhất từ VietNamNet cho biết bọn công nhân Tàu cộng đang làm việc tại nhà máy xi măng Nghi Sơn, Thanh Hóa nhào vào người Việt Nam hành hung, bao nhiêu vụ xảy ra trước mắt người cầm quyền địa phương, nhưng nhóm công nhân Tàu vẫn bình chân như vại. Sau khi lấn chiếm biển Đông không cho ngư dân ra khơi đánh cá, rồi đến xâm lấn đến vùng Tây Nguyên đào mới quặng mỏ Bô-xít, về nguồn nước sông bọn Tàu cũng không để yên qua việc chặn dòng sông Mêkông làm đập thủy điện ở nơi thượng nguồn và bây giờ công nhân Tàu ngang nhiên hành hạ người dân địa phương tại Nghi Sơn. Khu nhà ở của đám người Tàu làm việc tại Nghi Sơn được tách biệt ra hẳn khu dân cư người Việt, ra vào đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Tờ báo cho biết vì „giữa người dân địa phương và lao động Trung Quốc ở đây từng xảy ra nhiều vụ xô xát, gây mất trật tự“.

Theo tin đưa ngày 22/6/2009 như sau:

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Len và chị Lê Thị Nghị ở thôn Bắc Hải (Hải Thượng) kể lại như sau: Đúng vào đêm chung kết bóng đá AFF Cup, đội tuyển Việt Nam thắng đội tuyển Thái Lan, một lao động Trung Quốc say rượu vào quán nhà anh mua thuốc lá.

Do bất đồng ngôn ngữ nên người lao động Trung Quốc này đã đập bàn ghế, xé bao thuốc lá rồi quát tháo vợ anh. Vừa lúc đó anh Len về nhà, thấy thái độ ngang ngược của lao động Trung Quốc nên đã túm tay vị khách ngang ngược này đẩy ra khỏi quán. Bất ngờ anh Len bị vị khách này quay lại túm tóc đánh ngay tại quán của mình.

Sự việc trở nên phức tạp hơn khi anh Len và người nhà chống trả lại thì vị khách này chạy về khu tập trung kéo thêm 40 lao động là người Trung Quốc đến. Sau đó, gần 200 lao động Trung Quốc tay cầm ống nước, gậy gộc đánh xe tải từ công trường ra lấy đèn rọi vào nhà anh Len đập phá, đánh bị thương nhiều người trong gia đình anh. Thậm chí hàng xóm qua can ngăn cũng bị rượt đánh.

Người bị đánh trọng thương nặng nhất là anh Nguyễn Văn Đen, em trai của anh Len. Hôm đó, vừa đi xe ôm chở khách về, nghe tin nhà anh trai bị lao động Trung Quốc đập phá, anh Đen đi xe máy đến thì bị 5 đến 6 lao động Trung Quốc xông tới đánh tới tấp, đập nát xe, mũ bảo hiểm, khiến anh bị gãy tay, chân và phải khâu 16 mũi trên trán, đầu.

Trước đó, người dân xã Hải Thượng còn bàn tán về việc công nhân Trung Quốc vào nhà hàng Đồng Thúy, thôn Bắc Hải ôm tivi ngang nhiên bước ra trước sự bất lực của chủ quán. Ông Hoàng Văn Chung, Trưởng công an xã Hải Thượng cho biết: “Chúng tôi chỉ nghe người dân kể lại sau khi ngồi uống cafe ở nhà hàng về, vì mất điện thoại, công nhân Trung Quốc quay lại quán tìm nhưng không thấy đâu nên đã ôm tivi của nhà hàng đi…”.

Những tình tiết coi pháp luật của Việt Nam không bằng cái đinh chẳng khác nào thời VN thuộc quyền đô hộ của Tàu, báo chí cho biết thêm các tin sốt dẻo như sau về việc:

Tuỳ tiện bắt giữ người, tuỳ tiện đánh người và tuỳ tiện bao vây công an VN

- Tuỳ tiện bắt giữ người: Vào tháng 11/2008, một đối tượng là dân địa phương trèo tường vào ăn trộm trong khu nhà ở của công nhân Trung Quốc thì bị bắt. Công nhân Trung Quốc không những không giao người cho công an địa phương mà còn tự ý trói đối tượng và treo lên qua đêm, sáng hôm sau mới chịu thả ra.

- Tuỳ tiện bao vây công an VN: Vào ngày 24/4/2009, nhà thầu Trung Quốc bắt được 2 đối tượng là dân địa phương trộm cắp sắt. Khi công an xã Hải Thượng và công an đồn Nghi Sơn đến nhận người để điều tra thì họ không giao người mà đòi giữ lại xử lý riêng. Chưa hết, nhóm công nhân Trung Quốc còn tổ chức bao vây xe ô tô của đồn công an Nghi Sơn một tiếng đồng hồ rồi mới cho đi.

-Tuỳ tiện đánh người: Mới đây nhất, vào ngày 26/4/2009, khoảng 30 công nhân Trung Quốc đã kéo đến ban điều hành nhà thầu Hà Nội đánh một công nhân của nhà thầu này và yêu cầu bồi thường do va chạm giữa 2 người với nhau trong quá trình thi công.

- Việc công nhân Trung Quốc nhậu say, đập phá hàng quán ở khu dân cư sát nhà máy xi măng Nghi Sơn cũng không phải chuyện hiếm qua bà Hiệp, một chủ quán ăn ở gần đó cho biết: “Thời gian này còn đỡ, chứ trước đây lao động Trung Quốc vào ăn nhậu say không trả tiền rồi đập phá dọa nạt chủ quán xảy ra thường xuyên. Thậm chí, tối đến con gái trong làng còn không dám ra đường vì sợ lao động Trung Quốc say xỉn đuổi bắt dọa nạt…”.

Giang Sơn VN, chủ quyền VN và người dân VN đang bị chà đạp bởi bọn bành trướng Bắc Kinh, thế nhưng 15 tên đầu sỏ Hà Nội vẫn miệng câm như hến và có thể còn „hèn“ hơn thế nữa qua sự cung phụng cúi đầu hầu hạ giặc Tàu: nào là tiếp đón các quan Tàu tại Hà Nội trong tình „thân mật“, nào là bang giao „hữu nghị“ nhằm thăng tiến cả hai quốc gia.

Tổ quốc VN còn gì dưới con mắt của người cộng sản VN ngoài sự đê hèn của kẻ bán nước, trong khi đó họ thẳng tay chèn ép và bắt bớ những người yêu nước, những người muốn ngẩng đầu chống lại bọn xâm lăng, điển hình vụ bắt khẩn cấp Ls Lê Công Định.

Người Việt Nam hãy học câu nói của nhà lãnh tụ đối lập Iran, ông Mir Hossein Mussawi được phổ biến trong các trang mạng Internet, kêu gọi người dân Iran nhận thức quyền lợi cao quý của toàn dân: „Đây là quyền lợi của đồng bào, hãy biểu tình chống gian lận và dối trá! Tuy nhiên đồng bào hãy tiếp tục tự chế.“ ("Es ist euer Recht, gegen Lügen und Betrug zu protestieren, aber ihr solltet immer Zurückhaltung üben").

Lời kêu gọi khẩn cấp này cũng đúng cho người dân Việt Nam vì nguồn gốc cộng sản là dối trá và lừa đảo. Qua 2 ví dụ cụ thể người dân có thể hiểu rõ ràng đường lối của csVN:

- Dối trá- "vấn nạn" của ngành giáo dục, một tựa đề được báo VietNamNet đưa lên công khai ngay trong hệ thống giáo dục truyền thống của csVN (http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtind ... index.aspx)

- Video: Trưởng ban Thanh tra mất người chỉ đạo, nhận chỉ thị và lật lọng, trong cuộc tiếp xúc của linh mục và giáo dân với Đoàn thanh tra ở UBND Quận Đống Đa 16.6.2009 (http://dcctvn.net/news.php?id=4050)

Người csVN và đảng csVN đang đánh mất lòng yêu quê hương và tổ quốc VN.
Người csVN và đảng csVN đang đánh mất giang sơn và chủ quyền VN.


Hà Long
http://vietcatholic.net/News800/default.aspx
dailien
Posts: 2458
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Những đạo luật trên 40 tuổi

Ngô Nhân Dụng

Sau khi nước Mỹ đã bầu một ông tổng thống gốc Phi Châu, thì người Mỹ còn phải quan tâm đến vấn đề kỳ thị chủng tộc nữa hay không? Hai vụ xử án trong vòng một tuần cho thấy người ta vẫn quan tâm.

Tối Cao Pháp Viện Mỹ đưa ra hai phán quyết liên hệ tới Ðạo Luật Dân quyền (The Civil Rights Act) và Luật Quyền Bỏ Phiếu (The Voting Rights Act); cho thấy các vấn đề dân quyền, kỳ thị chủng tộc, sẽ còn đeo đẳng rất lâu.

Ðạo Luật Dân Quyền năm 1964 và Luật Quyền Bỏ Phiếu năm 1965 là những thành tựu sau nhiều thế hệ tranh đấu để ngăn chặn những hành động có thể coi là kỳ thị người da đen và các nhóm thiểu số khác.

Trong phán quyết ngày Thứ Hai 29 Tháng Sáu tuần này, Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ quyết định của các tòa án cấp dưới. Với tỷ số 5 trên 4, Tòa Tối Cao tuyên bố thành phố New Haven, Connecticutt đã vi phạm Ðạo Luật Dân Quyền khi xóa bỏ kết quả một kỳ thi thăng cấp của các lính cứu hỏa; mặc dù thành phố hành động như vậy cũng chỉ vì không muốn vi phạm đạo luật trên.

Năm 2003, Sở Cứu Hỏa New Haven tổ chức kỳ thi cho 118 người, để chọn 15 người được lên làm sĩ quan. Có một kỳ khảo hạch thi viết với các câu hỏi trắc nghiệm (người Việt Nam thường gọi là a, b, c, khoanh), và một kỳ thi vấn đáp. Chỉ có 59 người thi đậu kỳ khảo hạch, và thành phố đã chọn 19 người điểm cao nhất, trong đó có 17 người da trắng và 2 người gốc La tinh. Khi thấy không có người da đen nào đậu, luật sư của thành phố đã cảnh cáo là họ có thể bị kiện, bị tố giác cuộc thi này không công bằng. Một lý do thường nêu lên trong những vụ kiện như vậy là các câu hỏi không khách quan, trung lập, nghĩa là người da trắng có thể trả lời dễ hơn người da đen và thiểu số.

Thành phố New Haven lo bị kiện, đưa vấn đề ra cho Hội Ðồng Công Vụ duyệt xét kết quả cuộc thi, xem kỳ thi có thể bị coi là thiên vị hay không. Hội đồng này bỏ phiếu 2 thuận, 2 chống; vì lý do đó, thành phố hủy bỏ kết quả cuộc thi.

Những người được điểm cao nhất đã phản đối bị đối xử bất công, và ông Frank Ricci thay mặt họ đứng tên thưa kiện. Ông là người bị tật và đã bỏ công học rất kỹ cuốn cẩm nang của thành phố để chuẩn bị kỳ thi, ai cũng thấy là ông bị đối xử bất công chỉ vì thành phố lo bị kiện.

Thành phố New Haven đã tránh không muốn bị các lính cứu hỏa người da đen kiện. Trong quá khứ, nhiều người da đen đã kiện các công ty, xí nghiệp hay các tổ chức khác nếu thấy các quy tắc trong việc tuyển mộ và thăng thưởng nghiêng về phía người da trắng. Trong một kỳ thi, nhiều thí sinh có thể trả lời một số câu hỏi dễ dàng hơn các thí sinh khác, nếu trong các câu hỏi đó có những điều liên quan tới nếp sống hàng ngày, văn hóa, phong tục quen thuộc đối với họ; trong khi đó nhiều người khác không có cơ hội quen thuộc sẽ bị thiệt. Khi mới qua Canada tôi đã dự một cuộc thi trắc nghiệm vào đại học. Khi gặp những câu hỏi về toán và lý luận nhưng dùng thí dụ chơi Bóng Chầy (baseball) thì tôi chịu thua, vì tôi chưa bao giờ biết trò chơi đó người ta chơi như thế nào. Một câu hỏi nữa liên hệ tới các công đoàn ở Mỹ, tôi cũng bỏ trắng vì chưa biết ở đây có những công đoàn nào, tên là gì. Nhưng tổ chức soạn đề thi không chịu trách nhiệm gì hết, vì chính tôi đã chấp nhận dự thi dù không sửa soạn đầy đủ. Trong xã hội Mỹ có những từ ngữ hoặc vật dụng quen thuộc với người da trắng mà đa số người da đen không biết; cho nên mối quan tâm này là đúng. Nhưng cuộc thi của Sở Cứu Hỏa New Haven chỉ hỏi những câu hỏi về kỹ thuật trong nghề cứu hỏa, và những người soạn đề thi đã tham khảo nhiều người thuộc chủng tộc khác nhau. Ðó là một lý do khiến 5 vị trong Tối Cao Pháp Viện Mỹ thấy mối lo bị kiện của thành phố này là không đủ vững.

Khi vụ kiện của các lính cứu hỏa không được thăng thưởng dù đã “thi đậu” ra trước tòa, các tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều chấp nhận quyết định của thành phố New Haven, cho nên họ kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện.

Trong ba vị thẩm phán tòa phúc thẩm có bà Sonia Sotomayor, người đã được Tổng Thống Barack Obama đề cử vào Tối Cao Pháp Viện, thay thế Thẩm Phán Souter đang từ chức. Trong phán quyết với tỷ số ngang ngửa 5 trên 4, ông Souter thuộc phe thiểu số đồng ý với phán quyết của tòa dưới. Bà Sotomayor đã xử 4,000 vụ án trước đây, nhưng vụ án này sẽ theo bà ra trước Thượng Viện Mỹ trong cuộc thẩm vấn để thông qua việc bổ nhiệm bà.

Thành phố New Haven có 43% người da trắng và 37% là người da đen, theo cuộc điều tra dân số năm 2000. Trong số lính cứu hỏa của thành phố thì chỉ có 27 người da đen, chưa tới một phần tư, và trong quá khứ Sở Cứu Hỏa đã bị mang tiếng là nơi người da đen bị kỳ thị. Quyết định của thành phố có thể vì mối lo bị kiện là có thật, và khi xẩy ra sẽ rất tốn tiền! Nhưng cũng có thể vì các nghị viên lo mất phiếu của người da đen. Ba trong số 5 vị thẩm phán tối cao có khuynh hướng bảo thủ đã viết một bản ý kiến nêu lên vấn đề này, nhưng Chánh Án John Roberts và Thẩm Phán Kennedy không đồng ý ký vào ý kiến đó. Ông Kennedy viết phán quyết đã nhấn mạnh rằng việc thành phố New Haven xóa bỏ kết quả cuộc thi vì không có người da đen nào đậu rõ ràng là quyết định dựa trên chủng tộc của những người đã thi đậu; do đó đã vi phạm đạo luật Dân Quyền.

Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã xử rất nhiều vụ liên can tới Ðạo Luật Dân Quyền và các án lệ đó sẽ soi sáng cho các tòa án cấp dưới. Năm 1978 Tòa Tối Cao đã phán (cũng với tỷ số 5-4) các trường cao đẳng và đại học có quyền coi chủng tộc là một tiêu chuẩn chọn sinh viên, để bù vào sự thiệt thòi của các sinh viên người da đen vì họ lớn lên trong cảnh nghèo nàn và sống ở những khu thiếu trường tốt. Năm 1980, tòa đã phán (tỷ số 6-3) rằng Quốc Hội Mỹ có quyền dành riêng một số tiền trong ngân khoản xây dựng cho các xí nghiệp của người thiểu số, mà không vi hiến. Lý do cũng vì để đền bù cho những bất công khiến người da đen hay người thiểu số đã phải chịu thiệt thòi trước đó. Năm 1986, tòa đã phán (tỷ số 6-3) rằng thành phố Cleveland có quyền ấn định thăng cấp cho lính cứu hỏa theo tỷ số một người trắng lên chức thì phải có một người da đen, để bù lại cho tỷ số người da mầu lên cấp cao có sự cân bằng.

Những vụ án đó cho thấy vấn đề áp dụng Ðạo Luật Dân Quyền rất phức tạp. Chúng ta không nên hiểu lầm rằng trong vụ án vừa qua các quan tòa cấp dưới bảo vệ những người lính cứu hỏa da đen, còn tòa tối cao không bảo vệ họ. Thực ra, vấn đề chính ở đây là thành phố New Haven có thi hành đúng Ðạo Luật Dân Quyền hay không. Theo ý của 5 vị thẩm phán tối cao quyết định, thành phố chỉ có thể xóa bỏ kết quả cuộc thi nếu có “chứng cớ mạnh mẽ cho thấy cuộc thi không công bằng.”

Ðây sẽ là một kết luận khiến nhiều công ty, xí nghiệp và cơ quan hành chánh phải suy nghĩ trong tương lai khi tuyển mộ và thăng thưởng nhân viên. Họ có thể bị kiện từ hai phía, những người thấy có chứng cớ mạnh mẽ là cuộc thi có vẻ thiên vị, và những người thấy không thấy thiên vị đều có động cơ để thưa kiện cả!

Một tuần trước vụ Sở Cứu Hỏa ở New Haven, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã xét một vụ án khác liên hệ đến Ðạo Luật Quyền Bỏ Phiếu. Ðạo luật này cấm tất cả những hành động có thể ngăn cản việc người dân đi bỏ phiếu, mà trước đó nhiều tiểu bang miền Nam vẫn đưa ra gây khó khăn cho người Mỹ da đen. Ðể đề phòng tệ nạn này tiếp diễn, Ðiều số 5 đạo luật bắt buộc các đơn vị bầu cử muốn thay đổi các quy luật bỏ phiếu phải được Bộ Tư Pháp liên bang cho phép, nếu đó là nơi trước đây đã xẩy ra các hành động kỳ thị chủng tộc. Ðiều khoản này có tính cách tạm thời, nhưng đã được triển hạn nhiều lần, cho tới năm 2031 mới phải duyệt lại.

Một đơn vị bầu cử trong tiểu bang Texas, trước đây không hề có nạn kỳ thị mầu da trong các cuộc bỏ phiếu, đã xin được miễn áp dụng Ðiều 5 trên, và yêu cầu này bị tòa án cấp dưới bác bỏ. Khi vụ án lên Tối Cao Pháp Viện, 8 trong số 9 thẩm phán tối cao đã bác bỏ quyết định của tòa dưới, tức là đồng ý cho đơn vị bầu cử trên được miễn. Tuy nhiên phán quyết của tòa đã tránh hoàn toàn không đề cập tới điểm cốt yếu của Ðiều 5 Ðạo Luật Quyền Bỏ Phiếu, là muốn thay đổi việc bầu bán phải xin phép. Như vậy thì nhiều đơn vị bầu cử ở miền Nam muốn thay đổi địa chỉ phòng phiếu cũng phải xin Bộ Tư Pháp chấp thuận. Chánh Án Tối Cao John Roberts chỉ đề cập tới vấn đề này, khi ông nói rằng chính phủ liên bang chỉ có quyền can thiệp vào việc tổ chức bỏ phiếu nếu có lý do vì những nhu cầu đang có, chứ không nên dựa trên những nhu cầu trong quá khứ.

Vì quả thật nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong vấn đề chủng tộc. Trước đây nhiều nơi người khác mầu da không được kết hôn. Một đạo luật “Bảo vệ Hôn nhân” năm 1924 ở tiểu bang Virginia (miền Nam) chỉ bị xóa sổ khi bị đưa ra Tối Cao Pháp Viện Mỹ vào năm 1967! Bây giờ khung cảnh đã khác hẳn, tâm lý khác hẳn. Những luật lệ đặc biệt để bảo vệ quyền lợi của những người da mầu có còn cần thiết nữa hay không?

Người bảo có, người bảo không; và cuộc bàn cãi sẽ còn kéo dài rất lâu.

Nhưng ở Mỹ mỗi lần tranh luận như vậy, tòa án sẽ là nơi đưa ra câu trả lời cuối cùng. Tinh thần thượng tôn pháp luật giúp mọi người sống bình an, dù nhiều người không đồng ý với tòa án. Muốn thay đổi xã hội, người ta phải thay đổi luật lệ. Cho tới khi đổi luật, mọi người phải chấp nhận ý kiến của tòa án. Tòa án bỏ phiếu, dù với tỷ lệ 5 vị đồng ý, 4 vị chống, nhưng theo luật chơi dân chủ thì đa số vẫn có quyền quyết định.
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Ði Lấy Chồng... Gần

Huy Phương
Sau lần in cuốn tạp ghi “Ði Lấy Chồng Xa,” nhiều ông bạn đã hỏi đùa rằng, lúc nào thì có tập truyện “Ði Lấy Chồng... Gần” đây? Chuyện chơi mà không ngờ hóa thật, bây giờ con gái Việt Nam khỏi cần bôn ba kiếm chồng phương xa nữa mà sắp có chuyện lấy chồng gần... tại chỗ. Các ông cha bà mẹ không còn chuyện đưa con lên Saigon để theo gương bác “từ thành phố này người đã ra đi,” cũng như không còn trông ngóng tin con nơi xa nữa, mà lại “có bát canh cần nó cũng đem cho.” (1)

Theo việc triển khai mỏ bô-xít tại Ðắc Nông, ngày nay tại Bảo Lộc, hàng quán phục vụ người Tàu đã mọc lên rất nhiều với các bảng hiệu song ngữ Việt-Tàu. Thị xã Bảo Lộc có khoảng 500 người Trung Quốc gồm các chuyên gia và công nhân đang phục vụ mỏ và cho biết khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ có hơn 6,000 người Trung Quốc đến “đóng chốt” tại đây. Ðó là nơi mà Bộ Công Thương đã cho rằng “đã nhiều năm qua, Tây Nguyên tập trung phát triển tối đa cây công nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế còn hạn chế, đời sống đồng bào còn khó khăn, hạ tầng nghèo nàn, trình độ dân trí hạn chế.” Như vậy rồi đây, dân chúng cao nguyên hay cả nước, nơi dân cư nghèo đói, không có công ăn việc làm, sẽ đổ về đây để kiếm sống, bằng những dịch vụ, kể cả việc làm vợ hờ hay bán thân cho công nhân Tàu Cộng để kiếm sống.

Bộ Công Thương cho rằng ở Tây Nguyên “trình độ dân trí hạn chế,” phải chăng hạn chế vì bị bưng bít thông tin, bị đàn áp, bị dối trá. Với trường hợp tương tự, cũng với hoàn cảnh này, tại đất nước Peru, chúng ta đã biết tin trong tuần qua, hàng ngàn người da đỏ võ trang lao nhọn đã chống lại lực lượng an ninh. Ðây là cuộc bạo động lớn nhất chưa từng có ở Peru kể từ thời kỳ nội chiến. Tổng Thống Alan Garcia bị những nhà lãnh đạo thiên tả Châu Mỹ La Tinh chỉ trích đã cho khai thác dầu hỏa và tài nguyên rừng Amazon làm thiệt hại môi trường và đe dọa đời sống của người da đỏ địa phương. Trong những ngày qua người da đỏ đã biểu tình, phong tỏa đường sá, sông ngòi, tuyên bố bảo vệ vùng đất của tổ tiên họ. Còn dân Tây Nguyên của chúng ta nghĩ gì, làm gì trước việc chính phủ Cộng Sản cho khai thác bô xít tại đây, hay dân chúng lại cho rằng đây là lúc họ có thể thoát ra khỏi cảnh nghèo túng nhờ sự hiện diện của ngoại quốc trên phần đất của họ, dù đây là thứ ngoại quốc “hạng bét”.

Công nhân Trung Cộng hay lính Trung Cộng ngụy trang công nhân, đã làm đường xe lửa, đã khai thác bô-xít, rồi sẽ còn được “trúng thầu” dài dài nhiều công trình béo bở và chiến lược trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Chúng sẽ tràn ngập khắp đất nước chúng ta như đã từng có thời “Ðoàn quân Tàu Ô đi...” của đám Lư Hán ở miền Bắc. Hải Phòng, Bình Dương đã có làng Trung Quốc. Không đâu xa, ngay tại Chu Lai, Quảng Nam có ngôi chùa Phú Sơn, thuộc Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, lâu nay vẫn thường bị công an theo dõi, rình rập, làm khó khăn, nhưng từ ngày vùng này có một làng “Trung Quốc” được dựng lên, công nhân Trung Quốc lui tới thăm viếng chùa, tặng những máy niệm Phật điện tử bằng tiếng Tàu cho Phật tử, thì công an coi bộ cả nể, không dám làm chuyện khó cho chùa nữa. Và những nhà có con gái là đối tượng cho công nhân Trung Cộng làm “dân vận,” lui tới thăm viếng.

Hai trăm công nhân Trung Hoa tại nhà máy xi măng Nghi Sơn, Thanh Hóa chỉ vì một đụng chạm nhỏ với đồng bào của chúng ta, đã làm loạn kéo đến đập phá nhà dân, đánh người đến mang thương tích. Câu chuyện xẩy ra từ năm ngoái, nhưng bị bưng bít, tới nay mới đưa ra công luận vì lại xẩy ra một vụ công nhân Tàu tự ý bắt giữ tội phạm, đánh đập tra khảo mà không chịu giao cho công an địa phương giải quyết. Cũng tại Thanh Hóa, quanh nhà máy xi măng của Tàu tại huyện Tĩnh Gia, hàng quán, nhà nghỉ, quán cà phê, karaoke, dịch vụ điện thoại đã được mở ra và đàn bà Việt Nam đã bắt đầu bán thân cho ngoại bang ngay trên đất nước mình.

Việt Cộng cũng sẽ mượn tay Tàu Cộng để bảo vệ ngôi vị tay sai độc đoán của mình. Vì nếu như có một cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam, kể cả bộ đội Cộng Sản chống lại bọn cầm quyền, thì các lực lượng Tàu Cộng đã được ém trong nước đợi thời cơ và bọn bá quyền ở phương Bắc sẽ tràn xuống, lấy lý do bảo vệ cho kiều bào của chúng, không tiếc tay tàn sát các lực lượng nổi dậy, để bảo vệ cho đàn em trung thành. Lúc bấy giờ hiển nhiên Việt Nam sẽ là một Tây Tạng thứ hai của Tàu Cộng.

Trang “Ðàn Chim Việt” đã cảnh cáo: “Ngày hôm nay, lực lượng công nhân và có thể là quân nhân Trung Quốc đang bắt đầu cắm vào địa bàn Tây Nguyên nói lên điều gì? Không cần phải là một nhà quân sự, ai cũng có thể đặt câu hỏi là nếu có một cuộc ngoại công của Trung Quốc từ các biên giới phía Bắc như Vân Nam, phía Tây như từ Lào, Campuchia, phía Ðông như từ căn cứ tàu ngầm Hải Nam, từ Hoàng Sa, Trường Sa kết hợp với cuộc nội công từ Tây Nguyên thì thử hỏi quân đội Việt Nam có thể cầm cự được trong bao lâu?”

Nước mất nhà tan, phụ nữ Việt Nam lang thang xứ người hành nghề mãi dâm, nay lại làm đĩ cho ngoại bang trên đất nước mình. Trong thời kỳ Ðệ II Thế Chiến, gần 200,000 phụ nữ, chủ yếu từ Ðại Hàn và Trung Quốc, đã bị ép phục vụ tình dục với binh lính Nhật Bản trong các nhà chứa do quân đội Thiên Hoàng lập ra. Phụ nữ Việt Nam thời Pháp thuộc cũng có một số bán thân cho Pháp, thời chiến tranh Quốc Cộng vừa qua cũng có người cho Mỹ, cho Nga, nhưng trên đất nước Việt Nam ngày nay được gọi là độc lập tự do thì phụ nữ đã bị đẩy tới cảnh làm đĩ mười phương: Ðài Loan, Trung Quốc, Ðại Hàn, Nam Dương, Thái Lan, Nhật Bản và nhục nhã hơn nữa là Cam Bốt. UNICEF và Bộ Tư Pháp Việt Nam báo cáo trong năm 2005 có đến 400,000 phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán ra ngoại quốc (10% của tổng số nạn nhân khắp thế giới). Câu nói bào chữa là sở dĩ Việt Nam “đạt tỉ lệ cao” là “vì hoàn cảnh nghèo khó, không có việc làm, thiếu học...”

Trong năm 2000, có khoảng nửa triệu nạn nhân Việt Nam bị bán qua Trung Quốc, Macao, Ðại Hàn, Cao Miên, Thái Lan và nhiều nước khác. Năm 2003 phụ nữ Việt Nam bị bán đấu giá trên Ebay Taiwan Website với giá bắt đầu là $5,400. Trong năm 2005 nhiều thiếu nữ Việt Nam đã bị đem ra trưng bày như một món hàng, ngồi trong những tủ kính để khách qua lại lựa chọn trong Trade Fair ở Singapore. Một điều đáng buồn là theo thống kê của những tổ chức như International Organization Migration (IOM), Chab Dai, IJM... đang làm việc chống nạn buôn bán trẻ em ở Cambodia, thì tại Nam Vang, chỉ có khoảng một triệu dân, trong đó có khoảng 15 ngàn gái mãi dâm, thì đã có hơn phân nửa là thiếu nữ và trẻ em Việt Nam.

Ai là kẻ sĩ phu yêu nước, ai là đồng bào xót xa cho ruột thịt, trước nạn nước này mà không khỏi chau mày, xót dạ. Ở miền Nam, cù lao Dung, nơi nước ngọt, vườn tốt, con gái đẹp đã được gọi là cù lao Ðài Loan, quê hương của những cô gái “đi lấy chồng xa.” Rồi đây, hết cảnh đi lấy chồng xa, chúng ta đã có làng bô-xít, làng Trung Quốc, phụ nữ Việt Nam sắp được đi lấy chồng gần, nếu bọn cầm quyền Hà Nội tiếp tục cho Trung Cộng khai thác bô-xít và mở ra những cơ hội cho người Tàu tràn vào đất nước, hèn nhát đưa đến chỗ làm nô lệ thực sự cho bọn bá quyền phương Bắc. Người dân cũng thức tỉnh nhưng bị chế độ trấn áp lâu ngày, tê liệt ý chí vì sợ hãi, tuyệt vọng và bị nguyên một guồng máy sẵn sàng nghiền nát mà không có lối thoát, biết nhục nhưng vẫn phải nhắm mắt đưa chân, vì quá đói nghèo tuyệt vọng.

(1) Có gả thì gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho” (ca dao)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests