Tin Tức Hoa Kỳ

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Người Mỹ lạc quan hơn về viễn ảnh kinh tế

Tuesday, April 07, 2009

WASHINGTON (Reuters) - Người Mỹ đã trở nên lạc quan hơn về nền kinh tế và hướng đi của đất nước kể từ khi Tổng Thống Barack Obama lên nhậm chức vào Tháng Giêng, theo cuộc thăm dò mới nhất của tờ New York Times và hệ thống tin CBS, được công bố hôm Thứ Hai.

Hai phần ba những người trả lời nói họ bằng lòng với thành tích trong việc làm nói chung của ông Obama.

Chỉ có 31% nói họ có một quan điểm thuận lợi đối với đảng Cộng Hòa, là mức thấp nhất trong 25 năm nay, kể từ khi câu hỏi này được đặt ra trong những cuộc thăm dò của tờ New York Times và hệ thống tin CBS.

Con số những người nói họ nghĩ rằng Hoa Kỳ đang đi đúng hướng đã tăng vọt từ 15% trong những ngày cuối cùng của chính phủ của Tổng Thống George W. Bush, thuộc đảng Cộng Hòa, vào giữa Tháng Giêng, trước lễ nhậm chức của ông Obama, lên tới 39% như hiện nay, tờ báo nói.

Con số những người trả lời nói rằng đất nước đi lạc hướng đã giảm từ 79% còn 53%.

Con số những người nói rằng nền kinh tế, vốn đang co rút, đang trở nên tệ hại hơn, đã giảm từ tỉ lệ 54% ngay trước khi ông Obama lên cầm quyền, còn 34%.

Theo cuộc thăm dò, 20% người Mỹ hiện cho rằng nền kinh tế đang tốt đẹp hơn, so với 7% có quan điểm như vậy vào giữa Tháng Giêng.

Cuộc thăm dò thấy rằng một con số đông đảo người Mỹ cho rằng cuộc suy thoái sẽ kéo dài một năm hay hơn nữa. Công chúng hầu như không đổ lỗi cho ông Obama về cuộc khủng hoảng kinh tế: 33% đổ lỗi cho ông Bush, 21% đổ lỗi cho các định chế tài chánh, và 11% đổ lỗi cho Quốc Hội.

Cuộc thăm dò bằng điện thoại trên toàn quốc đối với 998 người trưởng thành đã được thực hiện từ ngày Thứ Tư tới hết Chủ Nhật, trong khi ông Obama ở Âu Châu để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Hai phần ba những người trả lời nói các nhà lãnh đạo của các nước khác đã kính trọng ông Obama; trong khi một câu hỏi tương tự được hỏi vào Tháng Bảy 2006 và chỉ có 30% những người trả lời nói những nhà lãnh đạo nước ngoài kính trọng ông Bush.

Dù người Mỹ ủng hộ mạnh mẽ ông Obama, họ không nhất thiết ủng hộ mọi sáng kiến của ông. Chẳng hạn, 58% không hài lòng với đề nghị của ông nhằm cứu nguy các ngân hàng.

Và trong khi ông Obama đề nghị một sự mở rộng lớn lao về chi tiêu và các chương trình, 48% người Mỹ nói họ muốn một chính phủ nhỏ hơn và cung cấp ít dịch vụ hơn, trong khi 41% nói họ muốn một chính phủ lớn hơn với nhiều dịch vụ hơn.

Kết quả thăm dò có một sai số cộng hoặc trừ 3%. (n.n.)
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Nhân viên LA Times phản đối đăng quảng cáo như tin trên trang nhất
Friday, April 10, 2009



WASHINGTON (AFP) - Một quảng cáo được chải chuốt như một bản tin trên trang nhất của tờ Los Angeles Times đã khiến cho các phóng viên của tờ báo nổi giận, trong khi viên chủ nhiệm bênh vực cho hành động của mình.

Quảng cáo, dành cho loạt phim truyền hình “Southland” của hệ thống NBC, đã xuất hiện trên trang nhất của tờ Times hôm Thứ Năm 9 Tháng Tư.

Mặc dù nó đã được ghi là “quảng cáo,” quảng cáo này trông giống như một bản tin với một hàng tít bằng chữ đậm.

Theo website diễn đàn MediaMemo, hơn 100 nhân viên của tờ báo đã ký một thỉnh nguyện thư phải đối vụ xuất hiện một quảng cáo giả dạng một bản tin trên trang nhất.

“Chúng tôi những nhà báo tại phòng tin cực lực chống đối quyết định cho đăng một quảng cáo, dưới hình thức một bản tin giả, trên trang nhất của tờ Los Angeles Times,” theo bức thư, được website trên trích dẫn.

“Quảng cáo của NBC có thể đem lại tiền bạc dễ dãi, nhưng nó đã gây ra sự thiệt hại không thể tính toán được cho định chế này,” bức thư nói. “Ðặt một bản tin giả trên trang A-1 là một sự sỉ nhục cho sự chính trực và các tiêu chuẩn báo chí của chúng ta.”

“Việc chúng ta sẵn sàng bán tài sản quý giá nhất của chúng ta cho một nhà quảng cáo là điều đáng bối rối và mất phẩm cách,” bức thư nói.

Tờ Times cho biết khoảng 70 độc giả đã phàn nàn về quảng cáo, đã được đăng tải bất chấp những phản đối của chủ bút của tờ báo, Russ Stanton.

Chủ Nhiệm Eddy Hartenstein nói tờ Times đã quyết định chạy mục quảng cáo mặc dù có những phản đối từ phòng tin bởi vì ông cố bảo đảm sự sống còn của tờ báo.

Tờ Los Angeles Times được công ty Tribune trụ sở tại Chicago, làm chủ, là công ty đã tuyên bố phá sản vào Tháng Mười Hai năm ngoái.

Cũng như những nhật báo khác tại Hoa Kỳ, tờ Times đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lợi tức do quảng cáo in mang lại và đã phải sa thải hàng trăm nhân viên. (n.n.)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

T.T Obama cam kết chặn sự bành trướng của hải tặc
Monday, April 13, 2009
WASHINGTON- Trong một cuộc họp báo hôm 13 Tháng Tư tại thủ đô Washington, Tổng Thống Barack Obama cam kết sẽ làm việc với các nước khác “để chặn sự bành trướng của bọn hải tặc”, trong khi đó bọn hải tặc Somalia thề sẽ trả thù cho cái chết của ba đồng bọn đã bị các tay thiện xạ của Hoa Kỳ bắn chết trong cuộc giải thoát táo bạo một thuyền trưởng Hoa Kỳ bị bắt làm con tin ngay giữa biển khơi.

Tổng Thống Obama nhấn mạnh:

“Tôi muốn nói hết sức rõ ràng rằng, chúng tôi đã có quyết tâm chặn đứng sự bành trướng của nạn hải tặc trong vùng và để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi tiếp tục làm việc với các nước bạn để không cho tái diễn các cuộc tấn công trong tương lai.”

Trong khi đó, lời đe dọa sẽ trả thù của bọn hải tặc Somalia, khiến người ta đâm ra lo ngại đến sinh mạng của khoảng 230 thủy thủ ngoại quốc còn bị bắt làm con tin trên hơn một chục chiếc tầu hàng, đang bị bắt thả neo ngoài khơi Somalia.

Cuộc giải thoát thuyền trưởng Hoa Kỳ, Richard Phillips, vào tối Chủ Nhật 12 Tháng Tư, giữa biển khơi, là một thành quả xuất sắc của các tay thiện xạ của Hải Quân Hoa Kỳ, tuy nhiên không có mấy chuyên viên tin rằng chiến thắng này của quân đội Hoa Kỳ sẽ đánh bạt được sự bành trướng hoạt động của các nhóm hải tặc Somalia này, trên một trong những hải lộ bận rộn nhất của thế giới.

Sau khi thuyền trưởng Hoa Kỳ kia được giải thoát, sau 5 ngày bị bắt làm con tin, Tổng Thống Obama đã dẫn đầu ngay nỗ lực để chấm dứt sự hoành hành táo bạo của bọn hải tặc.

Tuy nhiên, bọn hải tặc có vẻ không sẵn sàng để nhượng bộ.

Jamac Habeb, 30 tuổi, một trong những thủ lãnh của bọn hải tặc tại Somalia, phát biểu từ một trong những lãnh địa của bọn hải tặc trên đất liền của Mogadishu, như sau:

“Kể từ nay, nếu chúng tôi bắt được các tầu hàng ngoại quốc và các nước của họ tìm cách tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ giết ngay các người (các con tin) của họ. Giờ đây (các lực lượng quân sự) Hoa Kỳ trở thành kẻ thù số 1 của chúng tôi.”

Abdullahi Lami, một trong các tên hải tặc hiện canh giữ một tầu hàng Hy Lạp bị bắt giữ tại một thành phố cảng nhỏ của Somalia, Gaan, cũng phát biểu với báo chí ngoại quốc như sau:

“Mỗi nước sẽ được đối xử như họ đã đối xử với chúng tôi như vậy. Rồi đây Hoa Kỳ sẽ là một nước phải khóc than, tiếc thương, vì chúng tôi sẽ trả thù cho việc họ đã giết hại các người của chúng tôi.”

Hồi tối hôm 13 Tháng Tư, sáu trái đạn súng cối đã được bắn về phía phi trường của thủ đô Mogadishu của Somalia, trong khi một máy bay chở một dân biểu Hoa Kỳ đang cất cánh.

Dân Biểu Donald Payne, Dân Chủ-New Jersey, đã kết thúc chuyến thăm Somalia, sau khi có gặp thủ tướng và tổng thống Somalia trong vòng một ngày, để thảo luận về các vấn đề an ninh và nạn hải tặc.

Một nhân viên phi trường, yêu cầu được miễn nêu tên, cho biết máy bay chở Dân Biểu Payne đã cất cánh an toàn và không có trái đạn súng cối nào rơi vào phi trường cả. (L.T.)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Dân Chủ: Thống Đốc Texas đáng lẽ không nên nói về vấn đề ly khai
Friday, April 17, 2009

AUSTIN, Texas (AP) - Trong một tiểu bang từng là một nước riêng biệt, một vị thống đốc Cộng Hòa nói về vấn đề ly khai mà không hoàn toàn bác bỏ ý kiến này đã khiến các nhà lập pháp Dân Chủ phản ứng một cách giận dữ.

Thống Ðốc Rick Perry, trong những lời bình luận tiếp theo một “tiệc trà” chống thuế hôm Thứ Tư 15 Tháng Tư, thực ra không hề chủ trương Texas tách ra khỏi Hoa Kỳ, nhưng cho rằng người dân Texas có thể chán ghét đến độ có lúc họ muốn tách khỏi liên bang.

Tại trụ sở lập pháp của Texas hôm Thứ Năm 16 Tháng Tư, Dân Biểu Jim Dunnam của Waco, với sự tham gia của vài đảng viên Dân Chủ tại Hạ Viện tiểu bang, nói vài người liên kết việc đề cập tới sự ly khai với sự chia rẽ chủng tộc và Cuộc Nội Chiến và rằng ông Perry đáng lẽ phải bác bỏ bất cứ ý tưởng ly khai nào.

“Nói về vấn đề ly khai là một sự tấn công vào đất nước chúng ta. Nó không thể có nghĩa gì khác. Ðó là lời tuyên bố trên căn bản có tính cách bài Mỹ,” ông Dunnam nói tại một cuộc họp báo.

Nghị Sĩ Rodney Ellis của tiểu bang, một đảng viên Dân Chủ ở Houston, cho rằng khi không thẳng thừng bác bỏ khả năng xảy ra một cuộc ly khai, ông Perry đang bước một bước xuống một con đường nguy hiểm và chia rẽ, được khuyến khích bởi thành phần cực đoan của nền chính trị Texas.

Hôm Thứ Năm, ông Perry nhấn mạnh rằng ông không chủ trương ly khai nhưng thông cảm tại sao người Mỹ có thể mang những cảm nghĩ đó bởi vì sự bất mãn của họ với chính phủ liên bang. Ông nói việc nói lên ý tưởng đó không có gì sai. Ông không xin lỗi và đã không rút lại những lời bình luận trước đó của ông.

Texas từng là một nước Cộng Hòa từ năm 1836, khi nó tuyên bố độc lập đối với Mexico, cho tới năm 1845, khi nó trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ.

Mới đây ông Perry đã lên tiếng chống lại chính phủ liên bang liên quan đến việc chi tiêu để kích thích kinh tế. Ông cũng đang đứng trước một cuộc chạy đua khó khăn để tái ứng cử chống lại một đảng viên Cộng Hòa khác, Nghị Sĩ Liên Bang Kay Bailey Hutchison.

Ông Dunnam cho rằng ông Perry đang chuẩn bị vị thế cho tương lai chính trị của ông.

Ông nói: “Chúng ta ai cũng biết rằng ông muốn làm tổng thống. Nhưng tôi đã không biết rằng đó là tổng thống của nước Cộng Hòa Texas.” (n.n.)
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Cựu Chủ tịch Ha Viện Newt Gingrich
chê trách Tổng Thống Obama chào hỏi thân mật lãnh dạo Venezuela

Monday, April 20, 2009

WASHINGTON - Trong một cuộc phỏng vấn phổ biến toàn quốc của NBC, cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich nói sự chào hỏi thân mật của Tổng Thống Barack Obama dành cho nhà lãnh đạo tả phái của Venezuela, Hugo Chavez, là thông điệp không đúng nghĩa với kẻ thù của nước Mỹ.

Chính khách Cộng Hòa của tiểu bang Georgia cũng tố cáo chính phủ Obama phản ứng quá chậm trong vụ Bắc Hàn phóng hỏa tiễn hồi đầu tháng, trong khi tiến quá xa trong việc nới lỏng các trừng phạt Cuba.

Trong thời gian cuối của hội nghị thượng đỉnh Mỹ Châu, hôm Chủ Nhật 19 Tháng Tư, Tổng Thống Obama tuyên bố: việc chào hỏi Tổng Thống Chavez không gây hại với quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ.

Theo lời phàn nàn của cựu Dân Biểu Gingrich, cảnh tươi cười bắt tay của hai nguyên thủ đã làm cho tập sách của ông Chavez vọt lên cao trong danh sách ấn phẩm bán chạy nhất tại Hoa Kỳ. Ông Gingrich nói: “Tôi bất bình với việc chính quyền này chống lại đề nghị khoan dầu khí ngoài khơi, nhưng lại cúi đầu chào Vua Saudi Arabia, và nay thân mật với ông Chavez, là kẻ đã mở cả một chiến dịch chống Mỹ”.

Ông Gingrich, đang là nhân vật có tên trong danh sách các chuẩn ứng viên Tổng Thống năm 2012, tuyên bố “Làm sao có thể hàn gắn với kẻ tích cực cổ võ thù ghét Hoa Kỳ”.

Ông cũng nhắc rằng chính quyền Cuba không thả một người tù nào, và cho biết ông chỉ làm việc theo cách có phương pháp để có hiệu quả, và không ảo tưởng về ngôn từ thân mật và nụ cười trên môi. (nbc-PXB)
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Tình yêu thời kinh tế suy thoái
Monday, April 20, 2009

WASHINGTON- Mùa đám cưới năm nay đang đến gần, và nếu bạn có nhận được ít thiệp mời dự đám cưới hơn các năm trước, thì bạn cũng đừng lấy làm buồn, vì bạn không phải là người bạn xấu đâu, đến đỗi các bạn bè lấy nhau mà quên hẳn bạn.

Theo một bản tin của Bloomberg, thì kỹ nghệ đám cưới tại Hoa Kỳ, mà mỗi năm chi tiêu đến cả 60 tỷ đôla, cũng đang chịu hậu quả của tình hình kinh tế suy thoái, như bất cứ kỹ nghệ nào khác.

Theo hãng tin chuyên về kinh tế tài chánh Bloomberg thì các cặp trai, gái thành hôn trong năm nay cho biết họ dự định chi tiêu cho đám cưới của họ ít hơn trong năm qua đến 24%, sau khi họ quyết định cắt giảm mọi thứ chi tiêu, như mời số khách tham dự, chọn lựa nhà hàng rẻ hơn, cũng như bớt cả các phần hoa trang trí, bó hoa cho cô dâu, cũng như cho các cô phù dâu...

Một cuộc thăm dò về đám cưới của David' s Bridal, mang tựa đề “What's on Brides' Minds” cho thấy có đến 75% số đám cưới trong năm nay, đều được thu nhỏ, tổ chức đơn giản hơn, để tiết kiệm tiền bạc.

Cô Sandra Chavez, dự định lên xe hoa vào Tháng Chín này tại Pleasanton, California, nói với đài Fox News, như sau:

“Tôi sẽ cảm thấy bối rối khi chi tiêu hàng ngàn đôla này và hàng ngàn đôla khác cho đám cưới của tôi, trong khi các người xung quanh đang mất công việc làm, nhà, xe... Tôi hiểu rằng đám cưới chỉ kéo dài trong một buổi tối mà thôi, vậy thì chi tiêu quá tốn kém mà làm gì, liệu ai khen đâu?”

Từ bao lâu nay, người ta cho rằng kinh tế suy thoái sẽ ảnh hưởng đến các chi tiêu cho đám cưới. Rồi người ta cũng biết tiền bạc thiếu thốn hay khó khăn cũng là một trong các nguyên do hàng đầu của các sự tan vỡ, ly dị...

Nhưng một cuộc thăm dò mới đây, mà kết quả được đăng tải trên Yahoo, làm cho nhiều người phải chú ý đến, đó là các luật sư về hôn nhân đều ghi nhận trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, số vụ ly dị của các cặp vợ chồng đã giảm hẳn đến 37%, mà lý do được đưa ra, là ly dị hiện nay “ là điều tốn kém nhất về mặt tài chánh.”

Luật sư Bruce Hughes cho biết:

“Các thù lao của luật sư và các chi phí tòa án không hề suy giảm, bởi vì một cuộc ly dị đơn giản hiện nay cũng tốn từ 5,000 đôla cho đến 25,000 đôla, trong khi các vụ ly dị phức tạp, có thể tốn kém từ 20,000 đôla cho đến 100,000 đôla...”

Nếu mọi thứ đều tốn kém như vậy, thì không có lý trong tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, cứ sống một mình cho xong chuyện?

Chính vì vậy, theo các cuộc thăm dò của các công ty mai mối, và được tạp chí kinh tế The Economist và đài truyền hình CNN cùng thuật lại, thì số vụ làm mai, lấy nhau vẫn tăng mạnh trong thời buổi suy thoái này.

Patti Novak, chủ nhân của công ty mai mối Buffalo Niagara Introductions, ở Buffalo, New York, cho biết “Số vụ mai mối đưa đến hôn nhân đã tăng đến 30% trong 8 tháng qua.”

Bà Patti, cũng từng xuất hiện trong chương trình truyền hình “Confessions of a Matchmaker” (tạm dịch “Các lời thú nhận của một bà mai”) cho biết thêm như sau:

“Tôi nghĩ rằng người ta càng cần có nhau qua cái thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, chứ sống một mình thì thật là đau khổ... Dù là hai người cùng ăn bắp rang và uống sữa với nhau cho đỡ đói, còn hơn là phải côi cút một mình, để gặm bắp rang và uống sữa một mình.” (L.T.)
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Tuy khủng hoảng tài chánh, báo New York Times đoạt 5 giải Pulitzer
Tuesday, April 21, 2009

NEW YORK (AP) - Khi các giải thưởng Pulitzer cho năm 2009 được được công bố thì nhìn nơi đâu người ta cũng thấy kỹ nghệ báo chí Hoa Kỳ đang trong tình trạng suy sụp với mức độ chưa từng thấy trong lịch sử.

Một người đoạt giải vừa bị cho nghỉ việc cách đây ba tháng. Các tờ báo đoạt giải đã phải chấm dứt tình trạng giao báo tại nhà cũng như ngưng một số cột mục để còn có thể sống còn. Một phóng viên nhiếp ảnh ăn mừng chiến thắng của mình nhưng lại ca cẩm về việc mất đi nhiều đồng nghiệp sẽ bị cho thôi việc.

Thế nhưng những người điều hành giải Pulitzer lại nói rằng những người đoạt giải, kể cả những bài báo góp công vào việc hạ bệ hai chính khách lăng nhăng ái tình, là một chiến thắng cho truyền thống làm báo với tinh thần bảo vệ quyền lợi của các cá nhân và của xã hội, vẫn được gọi là “watchdog journalism”, vào thời buổi mà sự sống còn của cả ngành báo là điều chưa ai biết sẽ thế nào. “Đây là giai đoạn khó khăn cho các tờ báo ở Hoa Kỳ, nhưng ngay trong lúc có nhiều lời bàn tán bi quan, các tờ báo đoạt giải là những thí dụ làm chúng ta nức lòng vì tinh thần làm báo với phẩm chất cao vẫn còn có thể được tìm thấy ở mọi nơi ở Hoa Kỳ,” theo lời ông Sig Gissler, người điều hành giải thưởng Pulitzer. “Con chó canh giữ vẫn còn sủa và vẫn còn cắn được.”

Ông Gissler nói rằng ông sẽ không tìm cách tiên đoán hậu vận trong ngành báo-in, “thế nhưng chúng ta cũng nên suy ngẫm coi xem cuộc đời sẽ ra sao nếu như không có báo để đọc”.

Tờ báo đầu đàn là tờ The New York Times, đoạt năm giải, kể cả giải cho việc là tờ báo đầu tiên đưa tin cựu Thống Ðốc Eliot Spitzer chi ra hàng nghìn dollars để ngủ với các gái điếm hạng sang. Loạt bài đó đã dẫn dến việc ông này phải bất ngờ từ chức làm nhiều người phải sững sờ. Còn tờ Detroit Free Press thì đoạt giải nhờ tìm ra được một lô các “messages” với nội dung nóng bỏng của cựu thị trưởng Detroit Kwame Kilpatrick gửi đến một nhân viên, kết thúc sự nghiệp chính trị của ông.

Trong một chỉ dấu cho thấy tình hình tệ hại ra sao, tờ báo của Detroit nói trên không đầy một tháng vừa qua đã giảm bớt việc giao báo tận nhà, nay chỉ còn đưa ba ngày trong tuần. Về phía tờ NY Times thì số phóng viên đặc trách trang “Metro” - tin tức địa phương- tức là những người phanh phui ra vụ cựu Thống Ðốc Spitzer, thì từ đó đến nay đã bị cắt giảm. Trang “Metro” riêng biệt trước kia nay đã phải sát nhập chung với trang tin chính hàng ngày, và mục đó chỉ ra có sáu ngày một tuần.

Trong số những người đoạt giải về bộ môn nghệ thuật là Lynn Nottage, với vở kịch “Ruined” nói về tình trạng hiếp dâm và sự tàn bạo tại Congo, quyển sách “The Heminges of Monticello: American Family”, của nhà viết Sử Annette Gordon-Reed thường thuật lại mối quan hệ giữa Thomas Jefferson với cô gái nô lệ da đen Sally Hemings và gia đình cô ta.

Mặc dù người ta đã thay đổi điều lệ, nay cho phép báo chí chỉ xuất hiện “online” được dự tranh thế nhưng trong số 60 tiết mục dự tranh đã không có công trình viết lách nào trên mạng đoạt giải. Tuy vậy, ủy ban chấm giải cho biết rằng các nội dung được đăng tải trên mạng đã đóng góp vào nhiều công trình đã thắng giải, và Matt Wuerker của trang web “Politico” là một trong ba người lọt vào vòng chung kết cho giải về tranh biếm họa mang tính xã luận.

Hầu hết các giải về bộ môn báo chí vẫn theo đường hướng như xưa nay, tức là phóng sự chiến trường, thiên tai, và những vụ “xì-căng-đan” về chính trị. Nhưng lại không ai đoạt giải về phóng sự có liên quan đến vụ khủng hoảng lịch sử của Wall Street, khu đầu não của nền tài chánh xứ này.

Giải Pulitzer là giải thưởng cao quý nhất về báo chí và được Viện Ðại Học Columbia trao tặng hàng năm theo đề nghị của một hội đồng gồm 19 thành viên. Mỗi giải thưởng có kèm theo một số tiền là 10,000 dollars, trừ giải thưởng dành riêng cho việc phục vụ công ích là một huy chương bằng vàng. (Tr. N.)
lynhcao
Posts: 23
Joined: Sun Jun 24, 2007 3:57 pm
Contact:

Post by lynhcao »

TT Obama kêu gọi một kỷ nguyên mới trong việc khai thác năng lượng
Wednesday, April 22, 2009

Image
Hình bên: Tổng Thống Barack Obama nói chuyện với các công nhân trong một cuộc viếng thăm nhà máy
tại công ty Trinity Structural Towers Inc. ở Newton, Iowa, hôm Thứ Tư, 22 Tháng Tư, 2009.
Ông Obama đánh dấu Ngày Trái Ðất với lời kêu gọi một kỷ nguyên mới trong việc khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ. (Hình: AP/Charlie Neibergall)


NEWTON, Iowa (AP) - Hôm Thứ Tư 22 Tháng Tư, Tổng Thống Barack Obama đã đánh dấu Ngày Trái Ðất với việc vận động cho kế hoạch năng lượng của ông, kêu gọi mở một kỷ nguyện mới trong việc khai thác năng lượng ở Mỹ và cho rằng đề nghị của ông sẽ giúp ích cho cả nền kinh tế lẫn môi trường.

“Sự lựa chọn đứng trước chúng ta không phải là giữa sự cứu vớt môi trường hay cứu vớt nền kinh tế của chúng ta - đó là một sự lựa chọn giữa sự thịnh vượng hay sa sút,” ông Obama nói trong chuyến đi đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử tới Iowa, tiểu bang mà ông đã xuất phát hướng tới Tòa Bạch Ốc. “Ðất nước đi đầu thế giới trong việc tạo ra những nguồn năng lượng sạch mới sẽ là đất nước đi đầu nền kinh tế toàn cầu của thế kỷ 21.”

Nhưng lời hứa của ông Obama về việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và kích thích nền kinh tế đã va chạm với thực tế của thành phố Newton của Iowa, vốn đang chật vật về mặt kinh tế. Nhà máy năng lượng gió mà ông viếng thăm là một bóng mờ của những gì mà nó đã thay thế, một nhà máy của công ty Maytag đã chế tạo những đồ gia dụng như máy giặt, máy sấy và tủ lạnh, thu dụng khoảng 4,000 người trong một thành phố 16,000 cư dân.

Công ty Trinity Structural Towers hiện có khoảng 90 người đang làm việc tại nhà máy, một con số được trông đợi sẽ tăng lên tới khoảng 140 người. Các công nhân của Maytag đã kiếm được khoảng $30,000 đến $40,000 một năm. Công nhân tại nhà máy của Trinity kiếm được khoảng $17 một giờ, cộng với các phúc lợi.

Thị trưởng Chaz Allen của Newton nói nhiều người vẫn còn đang cố hồi phục sau khi nhà máy Maytag đóng cửa.

Tại Washington, dự luật về năng lượng của ông Obama đã tiến chậm ở Quốc Hội. Những đảng viên Cộng Hòa hoài nghi và vài đảng viên Dân Chủ từ các tiểu bang sản xuất than phàn nàn rằng dự luật sẽ gia tăng phí tổn cho người tiêu thụ, đưa việc làm ra nước ngoài và làm hại các doanh nghiệp.

Ông Obama nói Hoa Kỳ cần sản xuất thêm trong nội địa về dầu hỏa và khí thiên nhiên trong đoản kỳ. Nhưng “nỗ lực chính của chúng ta” là phải chú trọng vào việc chuyển tiếp Hoa Kỳ tới nguồn năng lượng có thể tái tạo.

Ông Obama loan báo rằng chính phủ của ông đang thiết lập chương trình đầu tiên trong nước để cho phép xây dựng các dự án sản xuất điện lực từ gió và thủy triều ở ngoài bờ biển. Hôm Thứ Tư, Bộ Nội Vụ đã công bố các quy định được chờ đợi từ lâu chi phối sự phát triển năng lượng từ gió và thủy triều ở ngoài khơi.

Ông Obama nói gió có thể sản xuất tới 20% nhu cầu điện của Hoa Kỳ từ nay tới năm 2030 nếu tiềm năng đầy đủ của nó được theo đuổi trên đất liền và ngoài khơi. Ông nói nó cũng sẽ tạo ra tới 250,000 việc làm.

Kế hoạch của ông Obama cũng kêu gọi một loạt những biện pháp nhằm giảm bớt việc sử dụng năng lượng mỏ, như đòi hỏi các công ty tiện ích phải sản xuất một phần tư lượng điện của họ từ những nguồn có thể tái tạo.

Ông Obama đã nói chuyện và thăm viếng nhà máy năng lượng gió Trinity Structural Towers, ca ngợi nhà máy như một kiểu mẫu để tạo việc làm và sản xuất năng lượng.

Nhà máy của hãng Maytag ở Newton đã đóng cửa vào năm 2007, làm cho thành phố nhỏ này mất hàng trăm việc làm. Nhưng một năm sau đó, tiểu bang đã loan báo rằng Trinity Structural Towers sẽ xây dựng một nhà máy trên địa điểm của Maytag cũ và sử dụng khoảng 140 công nhân.

Kế hoạch năng lượng của ông Obama sẽ vận động thêm đầu tư cho những công ty như Trinity, là công ty xây dựng những ngọn tháp chống đỡ cho các tuốt bin chạy bằng sức gió. (n.n.)
dailien
Posts: 2458
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Năm 2015: Không còn người chết vì bệnh sốt rét
Friday, April 24, 2009


WASHINGTON - Bà Susan Rice, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) tuyên bố hôm 24 Tháng Tư, là Hoa Kỳ sẽ cầm đầu các nước bạn trên khắp thế giới trong cuộc chiến để chấm dứt các người chết vì bệnh sốt rét từ năm 2015.

Ðại Sứ Rice đã tuyên bố như trên trong một cuộc họp tại thủ đô Washington, với sự hiện diện của các giới chức LHQ, các nhà lãnh đạo tinh thần từ khắp thế giới, các chuyên viên về bệnh sốt rét... nhân khi phát động một chiến dịch của LHQ (Một Thế Giới Chống Lại Bệnh Sốt Rét) để xóa sạch căn bệnh quái ác này, mà chỉ riêng ở lục địa Phi Châu, đã có đến 3,000 trẻ em chết mỗi ngày.

Ðại Sứ Rice nhấn mạnh tiếp:

“Tôi có mặt nơi đây, để tuyên bố rằng bệnh sốt rét là một thiên tai mà chúng ta sẽ chấm dứt được.”

Bà nói tiếp:

“Tổng Thống Obama đã quyết tâm để Hoa Kỳ trở thành người hướng dẫn của thế giới để chấm dứt các cái chết về bệnh sốt rét từ năm 2015”, trước sự hoan hô nhiệt liệt của cử tọa.

Tuy rằng bệnh sốt rét không còn hiện diện tại các vùng như Bắc Mỹ và Âu Châu, nhưng căn bệnh-do muỗi làm lây lan này, vẫn lấy đi mạng sống của gần một triệu người mỗi năm tại các lục địa như Phi Châu, Á Châu, Nam Mỹ...

Ann Veneman, giám đốc Quỹ Nhi Ðồng LHQ (UNICEF) trình bày trước cuộc họp, như sau:

“Ða số các nạn nhân của bệnh sốt rét đều là ở bên Phi Châu, và đa số lại là trẻ em chưa sống qua ngưỡng cửa 5 tuổi.”

Hội nghị cũng được nghe trình bày là một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét chính là cái mùng.

Giám Ðốc Veneman cũng tường thuật tiếp như sau:

“Tại 10 nước Phi Châu, đã có khoảng 125,000 người đã được cứu thoát mạng sống khỏi căn bệnh sốt rét, trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2007, nhờ việc gia tăng sử dụng mùng trong các gia đình.” (L.T.)
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Cúm Heo: Mối đe dọa mới đối với nền kinh tế Hoa Kỳ
Monday, April 27, 2009

WASHINGTON- Nền kinh tế Hoa Kỳ, vừa có các dấu hiệu đầu tiên cho thấy có triển vọng hồi phục, nay lại phải đối đầu với một mối đe dọa quan trọng mới, đó là bệnh cúm heo.

Một khi bệnh cúm heo này lan rộng thêm, thì nó sẽ ành hưởng ngay đến các nền kỹ nghệ quan trọng của Hoa Kỳ, như du lịch, thực phẩm, vận chuyển... khi đẩy sâu thêm sự suy thoái tại Hoa Kỳ và có thể cả thế giới nữa.

Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như thế giới còn khá mong manh, bất cứ sự tác hại nào của bệnh cúm heo, đều có thể xóa tan bất cứ tiến bộ nào, đã đạt được trong việc làm giảm tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.

Liên Hiệp Âu Châu đã đưa ra lời khuyến cáo hãy bãi bỏ bất cứ chuyến đi nào không cần thiết sang Hoa Kỳ và Mexico. Các nhà đầu tư tại Wall Street đã làm cho giảm giá các cổ phiếu của các hãng hàng không, các khách sạn, các nhà hãng, các công ty du lịch và cả một số công ty thực phẩm,vì các nỗi lo sợ là bệnh cúm heo sẽ làm giảm nhu cầu của các khách tiêu dùng.

Brian Bethune, kinh tế gia tại HIS Global Insight, nhận xét:

“Bạn có thể nói được rằng bệnh cúm heo sẽ chỉ làm cho nền kinh tế suy sụp thêm mà thôi.”

Các chuyên viên cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ còn lún sâu hơn là người ta tiên liệu, tuy nhiên đa số các chuyên viên này không nghĩ là sự bộc phát của bệnh cúm heo này, tự nó sẽ xóa đi nhiều công việc làm của Hoa Kỳ hay làm cho tệ hại hơn nữa nền kinh tế của Hoa Kỳ.

Simon Johnson, cựu trưởng ban kinh tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và cũng là một giáo sư về Quản trị của Trường MIT (Massachusetts Institute of Technology), cho rằng chắc chắn các hoạt động kinh tế tại Hoa Kỳ sẽ bị một cú “hích nhẹ” vì bệnh cúm heo này, khiến bị thiệt hại đến vài phần của 1%.

“Tuy nhiên nếu bệnh cúm heo kéo dài nhiều tháng, lan rộng thêm và đưa đến cả một số cái chết, tại ngay Hoa Kỳ này, thì sự thiệt hại còn gay gắt hơn nữa. Nó sẽ đẩy xa thêm sự hồi phục kinh tế chắc chắn là sang tận năm 2010, trong khi từ ít lâu nay, người ta thường nói là sự hồi phục kinh tế có thể diễn ra vào khoảng giữa năm 2009 mà thôi,” theo như sự nhận xét của Mark Zandi, kinh tế trưởng của trang mạng Economy.com của Moody.

Kinh tế trưởng Zandi nói tiếp:

“Lòng tin của khách tiêu dùng đã bị tan tác rồi, và nay gặp thêm mối đe dọa của bệnh cúm heo kia, sẽ đẩy thêm lòng tin đó đến bờ vực thẳm...”

Sherry Cooper, kinh tế trưởng tại BMO Capital Markets & BMO Nesbitt Burns, cũng phát biểu như sau:

“Cái cớ cuối cùng mà chúng ta cần để cắt giảm thêm sự chi tiêu, bãi bỏ việc du lịch và đưa ra thêm các sự hạn chế về mậu dịch, đã xuất hiện rồi, đó là bệnh cúm heo...”

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs cho biết “Còn hơi quá sớm để nói đến hậu quả kinh tế của bệnh cúm heo này” tuy nhiên Bộ Ngân Khố và các cơ quan trách nhiệm “đang theo dõi tình hình một cách chặt chẽ, để xem xét các hậu quả của nó...” (L.T.)
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

"]
Obama: Vụ phản lực cơ bay bên trên New York là một sai lầm

WASHINGTON (AP) - Hôm Thứ Ba, Tổng Thống Barack Obama nói việc một trong những chiếc máy bay của ông gầm rú ở cao độ thấp bên trên thành phố New YorK để thực hiện một vụ chụp hình là một sai lầm. Ông nói chuyện đó sẽ không tái diễn.

Ông Obama đã đưa ra những lời bình luận trên sau khi các phóng viên hỏi về chuyến bay, giữa lúc ông chuẩn bị gặp gỡ với giám đốc FBI Robert Mueller tại tổng hành dinh của cơ quan.

Hôm Thứ Hai, một trong những chiếc máy bay Boeing 747 được ông Obama sử dụng và một chiếc phản lực cơ chiến đấu F-16 đã bay vòng vòng bên trên bức tượng Nữ Thần Tự Do, làm giật mình người dân ở vùng Manhattan, những người sợ tái diễn những vụ tấn công khủng bố 11 Tháng Chín, 2001.

Chuyến bay đã do Bộ Quốc Phòng thực hiện. Giám đốc của văn phòng quân sự tại Tòa Bạch Ốc đã xin lỗi về vụ này.

Ðó là một vụ dàn cảnh để chụp hình một chiếc máy bay Air Force One với bức tượng Nữ Thần Tự Do làm nền. Nhưng nó đã biến thành một kinh hoàng về giao tế công cộng, đưa tới những chỉ trích của Tổng Thống Obama và vị thị trưởng New York.

Ngay trước khi khởi sự ngày làm việc hôm Thứ Hai, một máy bay thương mại và một phản lực chiến đấu cơ đã xé ngang bầu trời của vùng phía Nam Manhattan. Trong vòng vài phút, các công nhân tài chánh đã hoảng sợ kéo nhau ra khỏi các văn phòng của họ, sợ tái diện một vụ 11 Tháng Chín.

Vụ này do Bộ Quốc Phòng thực hiện mà không báo trước, gây giận dữ cho các viên chức New York và đặt Tòa Bạch Ốc vào vị thế phải chống đỡ. Ngay cả Thị Trưởng Michael Bloomberg cũng không hay biết gì về chuyện đó.

Giám đốc của văn phòng quân sự Tòa Bạch Ốc, ông Louis Caldera, đã nhận lỗi một vài giờ sau đó. Một trong các máy bay là một chiếc Boeing 747, được gọi là Air Force One khi được tổng thống sử dụng.

Ông Caldera nói: “Tuần trước, tôi đã chấp thuận một sứ mạng bên trên New York. Tôi nhận trách nhiệm về quyết định đó.”

Một viên chức chính phủ nói mục tiêu của vụ dàn cảnh chụp hình là để cập nhật những bức hình lưu trữ về máy bay của tổng thống gần bức tượng Nữ Thần Tự Do.

Các viên chức chính phủ nói một nhiếp ảnh gia chiến trường của Không Lực đã chụp hình từ một trong những chiếc phản lực cơ chiến đấu.

Cơ quan hàng không liên bang FAA đã thông báo cho sở cảnh sát New York về chuyến bay. Nhưng thông báo có một chú thích mật nói rằng: “Thông tin trong tài liệu này sẽ không được công bố cho công chúng hoặc giới truyền thông.”

Phát ngôn viên của cảnh sát New York nói bình thường một chuyến bay như vậy sẽ được công bố để tránh gây hoảng hốt, nhưng trong vụ này họ được lệnh không công bố. (n.n.)
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Bệnh cúm heo lan sang 16 tiểu bang
Thursday, April 30, 2009

WASHINGTON- Các giới chức y tế Hoa Kỳ hôm 30 Tháng Tư nhấn mạnh rằng các người có triệu chứng bệnh cúm heo nên tránh sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, tuy nhiên mỗi người nên tự có các biện pháp đề phòng một cách hữu lý, trong khi các trường hợp mắc cúm heo tại Hoa Kỳ đã vượt quá con số 100 ( theo hãng thông tấn AP đã lên đến ít nhất là 120 trường hợp) trải rộng ra 16 tiểu bang.

Trong khi đó, chính phủ của Tổng Thống Barack Obama vẫn mạnh mẽ chống lại việc đóng cửa biên giới Hoa Kỳ-Mexico, qua lời của Phó Tổng Thống Joe Biden cho rằng “đó là một quyết định hết sức lớn lao” nhưng không có lợi bao nhiêu.

Còn qua lời của Tổng Thống Obama trong buổi tối 29 Tháng Tư, qua cuộc họp báo, thì ông cho rằng việc đóng cửa biên giới trong lúc này, “chẳng khác nào đóng cửa chuồng trại sau khi bầy ngựa đã xổng ra ngoài rồi.”

Một ngày sau khi bệnh cúm heo mới được ghi nhận tại 10 tiểu bang, thì hôm 30 Tháng Tư, đã có đến 16 tiểu bang ghi nhận có mầm mống bệnh cúm heo, mà tiểu bang mới nhất được Trung Tâm Kiểm Ngừa Bệnh (CDC) ghi nhận, là South Carolina, với 10 trường hợp cúm heo được xác nhận, và tại tiểu bang Delaware, cũng xác nhận có bốn trường hợp bệnh cúm heo trong số các sinh viên tại Ðại Học Delaware.

Cho đến nay có cả trăm học khu trên toàn Hoa Kỳ bị đóng cửa vì bệnh cúm heo, và mới nhất là tại Seattle, tiểu bang Washington, và Huntsville, Alabama, trong khi các giới hữu trách đang trông chờ kết quả của các cuộc thử nghiệm về một số học sinh lâm bệnh, xem có thể bị nhiễm bệnh cúm heo hay không.

Do lo sợ bệnh cúm heo lây lan, nên các giới chức phụ trách về thể thao của Texas, đã ra lệnh đình chỉ mọi sinh hoạt, tranh tài thể thao tại các thể thao cho đến giữa Tháng Năm.

Trung Tâm Kiểm Ngừa Bệnh (CDC) và các giới chức tại một số tiểu bang đã xác nhận ít nhất 120 trường hợp cúm heo đã được ghi nhận tại 16 tiểu bang, tính cho đến ngày 30 tháng Tư, đó là các tiểu bang California, Texas, New York, South Carolina, Delaware, Arizona, Indiana, Kansas, Massachusetts, Michigan, Nevada, Ohio, Minnesota, Colorado, Georgia và Maine.

Cho đến nay mới có một nạn nhân chết vì bệnh cúm heo tại Hoa Kỳ, đó là một bé trai Mexico sang thăm Texas, cùng với gia đình. (L.T.)
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

Dân số California vượt quá 38 triệu người
Friday, May 01, 2009

SACRAMENTO, California - Bộ Tài Chánh của California cho biết hôm 1 Tháng Năm, là dân số của tiểu bang này đã vượt quá mức 38 triệu người, sau khi trong năm 2008 vừa qua, đã có thêm được 409,000 cư dân.

Như vậy, khi khởi đầu năm mới 2009 này, dân số của California đã lên đến gần 38.3 triệu người, trở thành tiểu bang đông dân nhất trong 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.

Dân số của California như vậy đông đúng gấp đôi dân số của tiểu bang Florida.

Los Angeles vẫn là thành phố đông dân nhất của California, với hơn 4 triệu cư dân, sau khi Los Angeles đã được tăng thêm 43,000 cư dân hồi năm ngoái ( 2008), khiến dân số từ 4,022,430 người, đã tăng lên đến 4,065,585 người, là mức tăng dân số cao nhất trong các thành phố của California, trong năm 2008.

Dân số của San Jose đã vượt 1 triệu dân hồi năm qua (2008), khiến trở thành thành phố thứ 10 của Hoa Kỳ có dân số ít nhất là 1 triệu dân.

Tuy nhiên San Jose vẫn chỉ là thành phố đông thứ ba của California, sau Los Angeles và San Diego, đạt 1.3 triệu dân.

San Francisco, thành phố đông thứ tư của California, trong năm qua, cũng tăng dân số được 1.2%, để đạt đến dân số là 845,559 người.

Hai County có mức tăng dân số chung trong năm 2008, là 1%, đó là Ventura và Orange County (nơi có thành phố Westminster, và Little Saigon), với dân số theo thứ tự là 836,000 cư dân và 3.1 triệu cư dân.

Los Angeles County, tuy vậy trong năm qua, đã chỉ tăng dân số dưới 1%, tức thêm 92,000 cư dân, để đạt mức 10.7 triệu cư dân.

Fresno trở thành thành phố đông dân cư thứ năm của California với 495, 913 dân, qua mặt luôn Long Beach, đã khởi sự năm mới 2009 này, với 492,682 dân.

Các con số trên của Bộ Tài Chánh California, có phần hơi khác biệt với Văn Phòng Thống Kê Dân Số của Hoa Kỳ, khi văn phòng này cho biết dân số của California mới lên gần 36.8 triệu người, vào giữa Tháng Bẩy hồi năm ngoái 2008.

Sau California, tiểu bang đông dân cư kế tiếp của Hoa Kỳ, là Texas, với 24.3 triệu người, theo Văn Phòng Thống Kê Dân Số của Hoa Kỳ.

Bà Mary Helm, đứng đầu đơn vị nghiên cứu dân số của Bộ Tài Chánh California, giải thích về sự khác biệt về cách tính dân số giữa tiểu bang California và Văn Phòng Thống Kê Dân Số của liên bang, đó là California tính dân số dựa trên các địa chỉ của các bằng lái xe đã cấp phát, trong khi Văn Phòng Thống Kê Dân Số tính dân số theo các hồ sơ nộp thuế lợi tức. (L.T.)
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Kẻ ném 4 con xuống biển lĩnh án tử hình

Image
Chị Kieu Phan cùng 3 con trong một bức ảnh cũ. Ảnh: AP.
Lam Luong, người đàn ông ném 4 đứa con xuống biển ở bang Alabama, Mỹ, vì cãi nhau với vợ vừa bị tuyên án tử hình vì tội giết người.


Thẩm phán Charles Graddick còn tuyên bố hôm 30/4 rằng Luong sẽ phải xem ảnh những đứa con của anh ta mỗi ngày trong suốt thời gian chờ thi hành án. Người đàn ông 38 tuổi này sẽ nhận án bằng một mũi thuốc độc.

Graddick từ chối lời xin giảm tội của luật sư bào chữa cho Luong và nhấn mạnh rằng những đứa trẻ xấu số đã trải qua giây phút kinh hoàng trước khi chết. Graddick nói lũ trẻ vẫn còn sống khi rơi xuống mặt nước cách cây cầu khoảng 25 m.

Thẩm phán ra quyết định rằng, trong trường hợp có bất kỳ hợp đồng xuất bản sách, phim hay truyền hình nào liên quan đến "tội ác ghê rợn" này, khoản tiền phải qua toà án để chuyển cho chị Phan. Mức bồi thường mà chị Phan có thể nhận lên đến 50 triệu USD.

Luong từ Việt Nam tới Mỹ năm 1984 và làm nghề đánh bắt tôm. Vợ chồng anh ta sống cùng gia đình vợ ở làng Bayou La Batre thuộc bang Alabama. Ngày 7/1/2008, sau khi cãi nhau với vợ, anh ta lái xe lên cầu rồi ném cả 4 đứa trẻ xuống dòng nước lạnh. Ba trong số này là con ruột của Luong. Thi thể của những em bé xấu số được tìm thấy khi dạt vào bờ biển Alabama, Mississippi và Louisiana.

Lúc đầu Luong khai lũ trẻ bị mất tích, sau khi một phụ nữ quen biết tên là Kim đưa chúng đi và không thấy quay lại. Sau đó, y mới thừa nhận đã ném các con để nhìn thấy vẻ mặt đau khổ của vợ.

Ngọc Sơn (theo AP, Daily Mail)
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Chính phủ Obama có trhể tái lập tòa quân sự thời Bush
Sunday, May 03, 2009

WASHINGTON - Chính phủ Oabama có thể tái lập hệ thống tòa quân sự thời Tổng Thống Bush, để tòa này xác định số phận của tù khủng bố giam giữ tại trại Gauntanamo, và thực hiện lời hứa đóng cửa cơ sở giam giữ này vào đầu năm tới.

Dự định này sẽ làm chậm trễ hơn nữa các cuộc xét xử.

Các bình luận gần đây của các viên chức quân sự và pháp lý đưa tới sự thừa nhận rằng hứa hẹn là khó hơn thực hành.

Rất sớm sau ngày tuyên thệ nhậm chức, Tổng Thống Obama đình chỉ công việc của tòa quân sự đặc biệt và ra lệnh tái xét hồ sơ của 241 tù khủng bố còn lại trong hạn 120 ngày, giả định là xong vào khoảng ngày 20-5.

Nhưng, hôm Thứ Bảy 2 Tháng Năm, các viên chức báo tin chính phủ Obama muốn gia hạn 3 tháng. Sự đình hoãn cũng có nghĩa là hành động pháp lý với các tình nghi khủng bố tiếp tục bị “đóng băng”, không viên chức nào được phép thảo luận công khai về sự trì hoãn và lên tiếng với điều kiện ẩn danh.

Một viên chức cho biết Tòa Bạch Ốc định dùng thời gian gia hạn để yêu cầu Lập Pháp cho điều chỉnh hệ thống tòa án quân sự đã được thiết lập vì các đối tượng khủng bố.

Cựu Tổng Thống Bush bị chỉ trích về tòa quân sự loại này vì lý do hạn chế quyền của tù nhân, là trái luật.

Nay, trước nhu cầu chuyển giao và thời hạn giải quyết đang đến gần, chính phủ Obama cần giữ lại tòa quân sự với một số thay đổi.

Tuần qua, nhân dịp điều trần tại Thượng Viện, khi trả lời câu hỏi hệ thống Guantanamo sẽ bị bãi bỏ không, Bộ Trưởng Robert Gates đáp “Không”, và nói rõ “Các ủy ban quân sự vẫn còn trên bàn”.

Trong một cuộc điều trần khác tại Hạ Viện mới đây, Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder cho biết các ủy ban vẫn còn, nhưng có khác trước.

Tuy khoảng 1/3 trong số tù khủng bố còn lại sẽ được thả hay giao cho nước khác xét xử, chính phủ Obama đang xem xét cách truy tố thành phần còn lại. và xét xử tại đâu.

Các viên chức tỏ ý hy vọng xét xử nhiều người tại các tòa liên bang, dựa trên các công tố dân sự thay vì dùng luật quân sự.

Trong số các thay đổi, theo các viên chức, gồm các giới hạn về bằng chứng chống lại các nghi can. Nhiều tang chứng chống lại vài nghi can là xếp hạng mật, không thể dùng với tòa dân sự.

Mặt khác, Nghị Sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ thiểu số, phát biểu “Ðóng cửa trại gian Guantanamo không phải là phương án hay nếu không còn các thay thế an toàn”. (AP-pxb)
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests