Bình Luận , Quan Điểm

dailien
Posts: 2458
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Post by dailien »

Tội chụp mũ
Tác giả: Đỗ Thái Nhiên


Tùy theo điều kiện sống, tùy theo phong tục tập quán, mỗi quốc gia có một hệ thống luật pháp riêng. Tuy vậy do tính thống nhất giữa dân tộc tính và nhân loại toàn tính, xã hội quốc tế có những nguyên tắc pháp lý căn bản chung. Một trong những nguyên tắc kia là nguyên tắc “Vô luật bất thành tội”. Điều này có nghĩa là: Không người nào có thể bị trừng phạt vì lý do đương sự đã làm một việc mà việc đó không bị hình luật ngăn cấm. Xưa kia hình luật nước Pháp chỉ trừng phạt các tội: trộm, cướp, lường gạt… mà quên không quy định tội “ăn không trả tiền”. Vì vậy hồi bấy giờ toà án Pháp quốc bị buộc phải tha bổng những người ăn quỵt. Mãi cho đến khi luật phạt tội ăn quỵt ra đời, thời kỳ vàng son của những kẻ ăn quỵt mới chấm dứt. Bây giờ chúng ta thử đặt vấn đề: Tại Hoa Kỳ, phải chăng hình luật có liệt kê tội “Phỉ báng một người bằng cách “chụp mũ” người đó là Cộng Sản” ? Câu trả lời nằm trong các tin tức sau đây:

Báo Người Việt số phát hành ngày 20/03/2009 cho biết: Năm 2006, Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster, thông qua thủ tục đầu phiếu đã quyết định tuyển Tiến Sĩ Lâm Kim Oanh làm tổng quản trị học khu. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, chính Hội Đồng Học Khu lại biểu quyết thâu hồi quyết định của họ trước đó. Hỏi ra mới biết: Sở dĩ học khu có hành động xoay chiều như vừa kể là vì ông Cao Sinh Cường đã bảo với học khu rằng Tiến Sĩ Lâm Kim Oanh là Cộng Sản. Vì vậy giáo sư Lâm Kim Oanh vào đơn kiện ông Cao Sinh Cường trước toà Thượng Thẩm California về tội phỉ báng. Sự thiệt hại của GS Lâm Kim Oanh trong trường hợp này là đương sự bị mất chức vụ tổng quản trị học khu.

Vẫn theo báo Người Việt, sau khi đọc hồ sơ Lâm Kim Oanh kiện Cao Sinh Cường, Chánh Án Charles Margines nêu ý kiến: “ Đã có bằng chứng đủ mạnh cho thấy sự việc ông Cao Sinh Cường phỉ báng bà Kim Oanh bằng cách “chụp mũ” bà Kim Oanh là Cộng Sản với ý định làm mất uy tín của đương đơn”. Toà Thượng Thẩm California có thể ra phán quyết về vụ Kim Oanh kiện Cao Sinh Cường trong vài tháng tới.

Mặt khác, năm 2003 toà án Denver, tiểu bang Colorado tuyên phạt những người đã chụp mũ Cộng Sản cho ông Hồ Ngộ và hai người con của ông này. Bị cáo phải trả cho các nạn nhân số tiền bồi thường thiệt hại lên tới 4 triệu 8 trăm ngàn Mỹ Kim.

Năm 2007, ông Phạm Tuân, chủ chợ Capital Market tại Saint Paul, Minnesota bị chụp mũ Cộng sản. Toà án liên hệ đã ra lệnh cho các bị cáo phải bồi thường cho nạn nhân 693 ngàn Mỹ Kim tiền thiệt hại.

Đời sống thiên biến vạn hoá, muôn hình vạn trạng. Vì vậy, không phải lúc nào hình luật cũng có khả năng mô tả đầy đủ và rõ ràng tất các loại tội phạm. Rất nhiều khi Toà án phân vân trong việc xác định tội danh cho một tội phạm. Giải quyết phân vân vừa kể, tức là toà án tuyên phán một bản án có tính tiền lệ, gọi tắt là án lệ. Án lệ có tác dụng giúp các Toà án về sau giải quyết những vụ án tương tự bằng cách đi theo con đường mà án lệ đầu tiên đã mở ra.

Trở lại với câu chuyện chụp mũ Cộng Sản. Các ý kiến và phán quyết của toà án thuộc các tiểu bang California, Colorado, Minnesota đã dẫn đến án lệ rằng một người bị xem là phạm tội phỉ báng khi chụp mũ Cộng Sản cho người khác. Mang “án lệ phạt tội chụp mũ” đặt cạnh nghị quyết 36 của Hà Nội, chúng ta nên nghĩ gì và làm gì? Như mọi người đã biết nghị quyết 36 có mục tiêu: Xâm nhập cộng đồng Việt Nam hải ngoại, gây chia rẽ, vô hiệu hoá mọi hoạt động cộng đồng, lôi kéo thành viên của cộng đồng phục vụ chế độ Hà Nội. Làm thế nào để cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ vừa có thể khoá chặt tay chân nghị quyết 36 vừa không bị phiền nhiễu bởi “Án lệ phạt tội chụp mũ CS”? Thưa rằng: Có ba trận địa đang chờ đón những người chống độc tài Hà Nội.

Trận địa thứ nhất:

Chống nghị quyết 36, chúng ta không thể không tố giác những tay CSVN đang nằm vùng trên đất Mỹ để thực hiện vô số hành động phi pháp. Muốn cho công việc tố giác đạt hiệu quả cao, chiến sĩ đấu tranh cần nghiêm khắc tôn trọng các nguyên tắc sau đây:
1. Đừng bao giờ tìm cách tố cáo một người là CS chỉ vì lý do tư thù, lý do cạnh tranh nghề nghiệp hay chính trị.

2. Hãy tố cáo có kèm theo nhân chứng hay vật chứng những lời nói và việc làm của một người có chủ đích tuyên truyền hay tán trợ chế độ Hà Nội. Những tố cáo này cần cụ thể và chính xác. Nghe lời tố cáo, người nghe tự kết luận người bị tố cáo đích thực là CS. Tuyệt đối không bao giờ tố cáo trắng trợn và vô tội vạ kiểu: “ Nguyễn Văn X, Trần Văn Y là Cộng Sản”. Tiếng Việt rất phong phú, người Việt rất thông minh, chỉ cần một vài chi tiết thật chính xác, ngưòi nghe có thể hiểu ý của người nói 100%, không cần phải sát phạt, thẳng thừng với nhau. Vì vậy, hãy nói thật rõ và thật cụ thể với ghi chú: Không tố cáo trắng trợn và vô trách nhiệm. Đó là phương pháp giúp chúng ta thực hiện quyền tự do ngôn luận mà không bị vướng vào “Án lệ phạt tội chụp mũ Cộng Sản”.

Trận địa thứ hai:

Xin nhắc lại mục tiêu trọng tâm của nghị quyết 36 là đánh phá các cộng đồng Việt Nam hải ngoại, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam tại Mỹ. Tuyệt đa số người Việt trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ đều mang quốc tịch Mỹ. Vì vậy, cộng đồng Việt Nam tại Mỹ là một bộ phận không thể tách rời khỏi quốc gia Hoa Kỳ. Thi hành nghị quyết 36 bằng cách đánh phá và/hoặc gây chia rẽ cộng đồng Việt Nam tại Mỹ hiển nhiên chế độ Hà Nội đã xâm lấn vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ một cách cực kỳ công khai và thô thiển. Sự việc này không thể nằm ngoài tầm quan sát của cơ quan an ninh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào cũng dành cho ngành công tố quyền tùy nghi truy tố. Quyền này hàm ý rằng đứng trước một hay nhiều tội phạm xảy ra với đầy đủ bằng chứng, cơ quan công tố được quyền tùy nghi: hoặc truy tố, hoặc “án binh bất động”. Tình trạng án binh bất động kia có thể diễn ra bởi nhiều lý do: ổn định xã hội, chính trị quốc tế, vụ án cần mở rộng hơn là những gì nó đã lộ ra v.v. Vì vậy tại Hoa Kỳ, có nhiều tội phạm kéo dài trong nhiều năm, sau đó các can phạm mới bị truy tố. Điều này cho thấy một tội phạm chưa bị truy tố không có nghĩa là bị can vô tội. Trong khi chờ đợi ngành công tố Mỹ ra tay bố ráp những cán bộ CS Hà Nội ngấm ngầm phá hoại Cộng Đồng Việt tại Mỹ, người Mỹ gốc Việt hãy mẫn cán trình báo cho cơ quan an ninh Hoa Kỳ biết rõ mọi tác vụ phạm pháp trên đất Mỹ do CS và tay chân điều động và tổ chức. Hành động như vừa kể có nghĩa là chúng ta không những chống nghị quyết 36 trong hiện tại mà còn đón đường đánh nghị quyết này trong tương lai.

Trận địa thứ ba:

Yếu tố chủ chốt của tội phỉ báng là bị can phải gán cho nạn nhân những việc làm thực sự đáng kinh tởm kiểu trộm, cướp, hiếp dâm, giết người, buôn bán ma túy… Vì vậy, khi đưa ra án lệ phạt tội chụp mũ một người là CS, toà án Hoa Kỳ mặc nhiên đồng hoá CS là tất cả những gì chống lại xã hội văn minh, tất cả những gì làm cho bất cứ người nào bị gán cho hai chữ Cộng Sản đều cảm thấy xấu hổ sâu sắc. Sự thực, có khuynh hướng xuất hiện trong những hoàn cảnh rất bất ngờ. Bức hình chụp linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng là một tình cờ diễn tả chính xác cái gọi là tự do ngôn luận dưới chế độ Hà Nội. Án lệ phạt tội chụp mũ CS là một tình cờ cho thấy dưới mắt nhìn của toà án Hoa Kỳ, uy tín của chế độ Hà Nội đang chìm sâu dưới đáy bùn đen. Chúng ta, những người yêu chuộng tự do dân chủ hãy phổ biến sâu rộng về Việt Nam ý nghĩa nhục nhã mà án lệ phạt tội chụp mũ CS đã dành cho đảng CSVN. Sự phổ biến kia làm cho dân chúng VN thấy rõ hơn giá trị hèn kém của CSVN dưới mắt nhìn của xã hội văn minh. Những “thấy rõ hơn” vừa nói sẽ là chất xúc tác hối thúc lịch sử phải chuyển mình.

“Án lệ phạt tội chụp mũ Cộng Sản” đã mặc nhiên giúp con người nhìn ra một chân lý mới. Ấy là: tiếng nói phát ra từ guồng máy tuyên truyền của chế độ độc tài, tham ô kiểu Hà Nội, hiển nhiển là tiếng nói của dối trá, của gạt gẫm. “Án lệ phạt tội chụp mũ Cộng Sản” là tiếng nói tuyệt đối phi chính trị, tuyệt đối phi tuyên truyền. Nó là tiếng nói lạnh lùng và nghiêm trang của công lý. Nó vừa là lẽ phải vừa là nhu cầu của đời sống được bật lên thành án văn. Nhờ vào sự khác biệt giữa án văn và tuyên- truyền- văn, “Án lệ phạt tội chụp mũ Cộng Sản” là một phát biểu không dè dặt rằng ngày nào chế độ Hà Nội còn tồn tại, ngày đó Việt Nam còn bị đè bẹp bên dưới tảng đá của cực kỳ phi lý.

Đỗ Thái Nhiên
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »

Ai thắng ai bại?

Ngô Nhân Dụng

Hôm qua Nhật Báo Người Việt đã đăng một “thư độc giả” phản ứng trước bài “Một chính quyền thối nát” của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Thực ra đây không phải là phản ứng từ một “độc giả bình thường” đọc bài của Trần Khải Thanh Thủy, mà rõ ràng từ một cán bộ văn hóa tư tưởng của chính quyền Cộng Sản được bà nói tới trong bài này. Ông công an văn hóa tư tưởng này viết rằng “...Tụi mày thua trận rồi thì im cái mồm lại đi nghe. Ký tên: TAO.”

Có một nhầm lẫn lớn trong một dòng chữ này. Tác giả bức thư coi tất cả những người chỉ trích chế độ Cộng Sản đang cai trị nước ta đều là những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Cho nên anh ta (hay chị ta) mới gọi là “tụi mày thua trận rồi...” để yêu cầu “im cái mồm lại.”

Nhưng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy không sống một ngày nào trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cô không thuộc hàng ngũ những “ngụy quân, ngụy quyền,” hay “ngụy dân” đã từng thất bại trên chiến trường vào năm 1975 và sau đó bị những người thắng trận đầy đọa bằng nhà tù lớn, nhà tù nhỏ khi áp đặt chủ nghĩa xã hội của họ trên miền Nam. Những người kể trên là những người thua trận thật, còn Trần Khải Thanh Thủy thì khác. Cô là một cô gái trưởng thành trong chế độ Cộng Sản, được uốn nắn theo lối giáo dục của Cộng Sản, đã làm việc trong chế độ đó. Chính vì vậy nên bản thân cô có kinh nghiệm về những tai họa mà chế độ Cộng Sản gây ra trên đất nước ta. Chính vì vậy nên cô đã nêu lên những ý kiến phải thay đổi chế độ tai hại đó, hậu quả là bây giờ cô bị cả bộ máy của đảng và nhà nước Cộng Sản khủng bố. Bài “Một chính quyền thối nát” cô viết đăng trên Nhật Báo Người Việt trong mấy ngày qua chỉ tả lại những hành động khủng bố của các tay chân của chế độ Cộng Sản (công an đến dân phòng, bảo vệ...) đối với gia đình cô trong đêm trước ngày các giáo dân Thái Hà ra tòa phúc thẩm. Guồng máy công an chỉ tìm cách ngăn cản không cho cô tới coi phiên tòa được mà thôi. Cô gửi cho cả hình ảnh những uế khí mà các tay khủng bố này đổ ra đầy trước cửa nhà cô vào lúc ba giờ sáng; và thuật lời chồng cô kể “chúng nó... không dám xách xô phân trộn dầu đổ như cũ (như lần trước) mà đứng cách một mét hất thẳng vào rồi bỏ chạy.”

Bài văn của Trần Khải Thanh Thủy rất trào lộng. Ba giờ sáng cô ra cửa, “Trước mắt tôi nhoe nhoét tư tưởng Hồ Chí Minh trải khắp bậc cửa nhà, không còn một chỗ để đặt chân.”

Có lẽ mấy ông công an tư tưởng văn hóa đọc tới đây thấy Trần Khải Thanh Thủy ví những xú uế với tư tưởng Hồ Chí Minh cho nên giận quá mất khôn. Họ theo đúng bài bản mà ban tư tưởng văn hóa của đảng soạn sẵn, cho nên coi cô cũng là “thành phần phản động nặng” rồi chửi như thường lệ, “tụi mày thua trận rồi... im cái mồm lại.”

Trần Khải Thanh Thủy cũng giống như những nhà trí thức Việt Nam khác, những người trẻ tuổi như Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Ðỗ Nam Hải, vân vân; họ là những người đã sống trong chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa.” Họ đã nhìn rõ những sai lầm tai hại trong cuộc sống mà đảng Cộng Sản ép dân ta phải theo từ hơn nửa thế kỷ nay. Lực lượng đối kháng tiềm tàng nguy hiểm nhất đối với đảng Cộng Sản hiện nay là những người dân đã sống hoàn toàn trong chế độ đó. Những thanh niên trí thức yêu nước đã sống trong chế độ của họ nên biết rõ chế độ đó như thế nào có khả năng kết hợp các nông dân, công nhân bị bạc đãi để gây một phong trào đòi thay đổi. Chính quyền Cộng Sản không biết cách đối phó với phong trào mới này ra sao nên mới khủng bố từng người một, và gán cho những người đó thuộc vào phe những người “thua trận,” giống như mọi người lính, người dân sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.

Nhưng tới đây chúng ta thấy một câu hỏi lớn hơn: Thực sự thì ai là những người thua trận?

Câu trả lời tùy thuộc cách chúng ta nhìn mặt trận đó là trận tranh đấu nào.

Quý vị có thể định nghĩa trong giới hạn một trận chiến tranh, bắt đầu từ năm 1958 khi đảng Cộng Sản ở miền Bắc bắt đầu xâm nhập, đánh phá, rồi tiếp tục đem quân tấn công miền Nam cho đến năm 1975 thì kết thúc. Nói về cuộc chiến tranh đó, thì phe Việt Nam Cộng Hòa đã thua trận.

Nhưng tại sao có cuộc chiến tranh Nam Bắc trong 17 năm đó? Cuộc chiến này cũng chỉ là một giai đoạn trong một cuộc tranh chấp lớn hơn và lâu dài hơn, giữa những người Việt Nam theo chủ nghĩa Quốc Gia và những người Cộng Sản theo một chủ nghĩa quốc tế. Trước năm 1930, những người làm cách mạng chống Pháp ở nước ta đã có hai khuynh hướng khác biệt. Nhiều người chủ trương đuổi bọn thực dân đi rồi xây dựng một quốc gia độc lập, thiết lập một chế độ tự do dân chủ. Tiêu biểu cho phong trào này là những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, cho tới Nguyễn Thái Học, truyền xuống tới các đảng phái quốc gia sau này như Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Duy Dân, và đảng Dân Chủ Xã Hội do Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ lập ra ở miền Nam, vân vân.

Ðối nghịch với khuynh hướng đó là những người theo chủ nghĩa Cộng Sản, chủ trương đặt cuộc tranh đấu của người Việt Nam vào trong một cuộc cách mạng lớn khắp thế giới, họ theo một chủ nghĩa quốc tế. Trong phe quốc tế này, nhóm Ðệ Tam đã tìm cách tiêu diệt những người Ðệ Tứ như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, rồi tấn công tới những người theo khuynh hướng quốc gia.

Cuộc chiến giữa hai khuynh hướng quốc gia và quốc tế bắt đầu từ 1930 trước hết là một cuộc tranh chấp về tư tưởng lập quốc. Xóa bỏ chế độ vua quan phong kiến, đánh đuổi thực dân rồi, người Việt Nam sẽ sống với nhau theo mô hình chính trị, kinh tế nào? Ðó là câu hỏi căn bản phân biệt giữa các đảng phái quốc gia và phe Cộng Sản đệ tam. Ðó là nguyên nhân gây ra những vụ đổ máu ngay trong lúc người Việt còn đang lo đánh Pháp giành độc lập. Khi Hồ Chí Minh theo ý kiến các cố vấn Trung Cộng làm cải cách ruộng đất, ông ta vẫn không quên nhân cơ hội đó tiêu diệt tất cả những người không thuộc thành phần mà đảng Cộng Sản có thể tin cậy. Những người góp công lao vào cuộc kháng chiến rất nhiều cũng bị sát hại, nhiều người đã bỏ Cộng Sản để về theo chính quyền quốc gia, tới năm 1954 đã mở ra một giai đoạn mới, Việt Nam bị chia thành hai miền sống trong hai thể chế khác nhau. Ðến năm 1975 phe quốc gia thua trận, điều này không ai chối cãi.

Nhưng cuộc tranh chấp thực sự giữa hai phe không bắt đầu bằng vũ khí và cũng không phải chỉ nằm trong mặt trận quân sự. Khi cụ Phan Bội Châu lên tiếng bài bác chủ trương làm “cách mạng vô sản” ở Việt Nam, cụ đã vạch rõ nước ta lúc đó không hề có giai cấp tư bản cũng không có giai cấp vô sản. Những nhà ái quốc đã bị Cộng Sản ám hại như Trương Tử Anh, Lý Ðông A, Huỳnh Phú Sổ cũng đều lấy dân tộc làm căn bản, chống lại chủ trương đấu tranh giai cấp của đảng Cộng Sản.

Cho nên, cuộc tranh chấp giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản đầu tiên là một cuộc đấu tranh về tư tưởng chính trị. Nói theo lối Cộng Sản, đó là một cuộc chiến tranh ý thức hệ. Cho nên cuộc tranh chấp đó cũng không được giới hạn trong biên giới một nước, không quyết định qua một cuộc chiến tranh ở một đất nước, dù đó là một cuộc chiến đã làm chết mấy triệu người Việt Nam. Cuộc đấu tranh giữa những người Quốc Gia và những người Cộng Sản ở Việt Nam nằm trong một cuộc chiến toàn cầu giữa trào lưu tư tưởng tự do dân chủ đối nghịch với phong trào Cộng Sản thế giới.

Từ những năm trong thập niên 1940, 50 trên thế giới đã nhiều người nhìn thấy chế độ Cộng Sản không thể tồn tại lâu dài được, vì nó đi ngược lại với bản chất con người và xã hội loài người. Nhiều người đã nhìn thấy chế độ Cộng Sản không hề giải phóng loài người như họ vẫn hứa hẹn, mà ngược lại còn nô lệ hóa con người. Nhưng các phong trào Cộng Sản vẫn bành trướng được vì những nước lớn như Nga và Trung Quốc thấy có thể lợi dụng các phong trào Cộng Sản ở từng nước nhỏ khác mà xây dựng đế quốc của họ, tiếp tục tham vọng của những hoàng đế Nga và Trung Hoa đời trước.

Ðến năm 1975, có thể coi là phong trào Cộng Sản thế giới đã lên tới đỉnh cao nhất. Nhưng trong nội bộ các nước Nga và Trung Quốc, chế độ Cộng Sản đã tàn hại chính các dân tộc này. Vụ sụp đổ của các nước Cộng Sản từ năm 1989 cho thấy từ căn bản chủ nghĩa Cộng Sản đã thất bại. Cộng Sản thất bại khắp trên thế giới, ngay tại những nước vẫn còn mang nhãn hiệu Cộng Sản như Trung Quốc, Việt Nam, thì chính các đảng Cộng Sản ở đó cũng đã quay đầu đi ngược về hướng kinh tế tư bản, trở thành những chế độ độc tài dựa trên độc quyền về kinh tế và chính trị, trống rỗng về mặt tư tưởng.

Trong trận chiến đấu quan trọng nhất là tranh chấp tư tưởng và ý thức hệ, khối Cộng Sản đã thua, hoàn toàn phá sản. Bây giờ những người mang tên đảng Cộng Sản ở Việt Nam chỉ là mạo danh một chủ nghĩa lỗi thời, lợi dụng những thần tượng đã tan vỡ, để bảo vệ những quyền lợi thủ đắc của một giai cấp tư bản mới. Khi nhìn lại cuộc tranh chấp giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản ở nước ta, cho tới giờ thì phải công nhận là cuối cùng là phe Cộng Sản đã “thua trận.” Chính họ đang tự cởi bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, và không biết có gì để thay thế nên chỉ biết chạy theo chủ nghĩa kim tiền!

Cho nên bà Trần Khải Thanh Thủy chắc không lo ngại gì khi bị công an tư tưởng văn hóa của chế độ Cộng Sản quấy rối, phá phách. Vì bà biết mình đang đứng trong hàng ngũ những người thắng trận. Một ngày mai dân Việt Nam sẽ phải được sống trong một chế độ dân chủ tự do lành mạnh, khi đó người Việt sẽ ghi giai đoạn nước ta sống dưới chế độ Cộng Sản như một cơn ác mộng ngắn trong lịch sử dân tộc. Và trong một hai thế hệ nữa, mọi người sẽ quên cả chủ nghĩa Cộng Sản lẫn đảng Cộng Sản. Vì trong mỗi con người cũng như trong lịch sử một dân tộc, không ai muốn nhớ những cơn ác mộng.
vuphong
Posts: 2749
Joined: Sun Jun 03, 2007 12:31 am
Contact:

Post by vuphong »

Quyền được thông tin

Ngô Nhân Dụng

Ngày hôm qua có một cuộc hội thảo về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, do một ông phó thủ tướng chủ trì. Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam đóng vai nghiên cứu và thuyết trình. Tuy người ta có cảm tưởng liên hội này là một tổ chức tư nhân nhưng trong thực tế các thứ hội trên đều do đảng Cộng Sản nắm đầu, qua hệ thống Mặt Trận Tổ Quốc. Nghĩa là các ý kiến và đề nghị của họ nhiều phần phải được “ở trên” duyệt trước.

Tuy nhiên, cho bàn luận về vấn đề khai thác bauxite là một điều tiến bộ. Dư luận dân Việt Nam đã bàn tán sôi nổi về đề tài này, nhất là trong giới thanh niên và trí thức. Người ta đã bàn từ khi những hoạt động khai thác bắt đầu, sau cả năm trời mới thấy chính quyền cho phép đem bàn công khai. Tuy chậm, nhưng vẫn hơn là tiếp tục bịt tai, bịt miệng không cho ai nói, không cho ai nghe.

Nhưng các tin tức về nội dung các cuộc thảo luận rất tổng quát. Tựu chung người dân Việt không thể biết tại sao trước đây mấy chục năm các cố vấn Nga đã khuyến cáo không nên khai thác bauxite (vì lo việc khai mỏ sẽ tác hại đến tài nguyên thiên nhiên khác và hủy hoại môi trường sống của người dân) mà bây giờ đảng Cộng Sản lại làm ngược lại. Tại sao chính quyền cộng sản, từ Bộ Chính Trị trở xuống lại quyết định cho người nước ngoài vào khai thác bauxite một cách vội vàng và kín đáo như thế? Tại sao trong số các công ty nước ngoài thì Trung Quốc lại đóng vai trò chính? Có ai biết bao nhiêu nhân viên người Trung Quốc đã vào làm việc ở Tây Nguyên, họ có giấy phép làm việc tạm thời hay theo quy chế nào hay không? Và bao nhiêu câu hỏi khác.

Không biết sau cuộc hội thảo này chính quyền cộng sản có thay đổi gì trong chương trình khai thác bauxite, được ông Nguyễn Tấn Dũng nói là một “chính sách đường lối lớn của Ðảng” hay không? Thay đổi lớn hay chỉ thay đổi son phấn đủ cho dân Việt Nam tưởng là nhà nước đã lắng nghe và đã đổi mới? Những câu hỏi trên đây có hy vọng bao giờ được trả lời hay không?

Thông tin là một quyền của người dân mỗi nước. Ở những nước Dân Chủ, báo chí được tự do như ở xứ Mỹ, chính quyền chẳng giữ được thứ bí mật nào cả. Không những người dân có quyền tìm hiểu mà những người nắm quyền hành tự coi có bổn phận phải để cửa ngỏ cho dân tha hồ nhìn vào, bên trong làm gì dân có quyền thấy hết. Không phải chỉ có chuyện chính trị, ngay cả những quyết định chuyên môn về kinh tế, tài chánh cũng vậy.

Ngày Thứ Tư vừa qua, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, gọi là Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang (Fed) mới công bố biên bản buổi họp gần đây nhất của Ủy Ban Chính Sách Tiền Tệ (tên gọi là Open Market Committee) trước đó ba tuần. Chính sách tiền tệ là một vấn đề mọi người kinh doanh quan tâm để đặt kế hoạch làm ăn. Các cụ thống đốc Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang Trung Ương cùng với năm vị chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Ðịa Phương (luân phiên trong số 12 vị) họp nhau trong phòng mật để quyết định về số phận đồng tiền trong túi của 280 triệu dân Mỹ. Cho nên người dân bình thường cũng quan tâm. Vì những quyết định của họ, như mua nhà, mua xe, mua trả góp hay trả tiền mặt, để dành tiền cho con đi học sau này, để dành tiền cưới vợ, đều có thể chịu ảnh hưởng của chính sách về lãi suất, về số tiền lưu hành trong xã hội. Ủy Ban Tiền Tệ của Ngân Hàng Trung Ương quyết định chính sách đó, cho nên ba tuần lễ sau khi họp xong, người ta cho dân Mỹ, tất cả mọi người dân được biết trong phiên họp các cụ đã bàn thảo với nhau như thế nào.

Cứ một vài tháng các nhà kinh doanh, giới đầu tư, và các nhà báo lại chờ đợi phiên họp Ủy Ban Thị Trường của Fed. Trước ngày họp bình thường đã có bao nhiêu người bàn ra tán vào. Kỳ họp vừa qua ai cũng biết các cụ sẽ không tăng lãi suất, vì kinh tế đang xuống; nhưng cũng không giảm, vì nó xuống gần sát số zero rồi, nhưng ai cũng vẫn hồi hộp chờ đợi, coi các cụ trong Ủy Ban Thị Trường họp xong thì kết quả ra sao. Và khi các quyết định được công bố, Fed sẽ bơm thêm hơn một ngàn tỷ đô la vào thị trường bằng cách in 300 tỷ đô la mua công trái, và mua những trái khoán về địa ốc khác, thì thị trường chứng khoán tăng lên ngay lập tức.

Nhưng tại sao quý vị trong ủy ban lại đi tới quyết định tăng số tiền lưu hành lớn như thế? Ngày hôm qua các báo đều loan tin chi tiết về những ý kiến được thảo luận trong phiên họp ngày 18 Tháng Ba vừa qua. Những cuộc thảo luận trong Quỹ Dự Trữ Liên Bang được công bố trễ để cho thị trường nguội bớt trước khi đọc các ý kiến dị biệt; nếu đọc sớm quá nhiều người có thể bị ảnh hưởng do mấy lời bàn cãi, rồi mò đoán mà phản ứng vội vàng. Nhưng sau một thời gian ngắn, mọi người đều có quyền được biết các tin tức gây ảnh hưởng đến đời sống của họ. Chúng tôi không thuật lại các ý kiến khác biệt trong biên bản phiên họp, vì tính chất chuyên môn mà nhiều độc giả không hiểu hết. Trong biên bản phiên họp không những các ý kiến do 12 thành viên của Hội Ðồng Tiền Tệ nói được nêu rõ, mà cả những ý kiến của các chuyên gia trong ngân hàng trung ương nêu lên cũng được kê ra. Các vị trong hội đồng phải biết ý kiến của các chuyên gia, vì họ nghiên cứu các dữ kiện cụ thể, khách quan, và họ đưa ra các đề nghị dựa trên hiểu biết về kinh tế học. Dân Mỹ cũng cần biết điều nào là những kết luận của các chuyên gia, điều nào là ý kiến, phán đoán của các thành viên trong hội đồng. Ðiều quan trọng là việc bàn luận đưa tới những quyết định có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống người dân phải được công bố chi tiết, để dân phê phán. Và để những người đóng vai quyết định chịu trách nhiệm trước công chúng. Trách nhiệm lớn nhất là uy tín của mỗi người, danh dự nghề nghiệp và tương lai của mỗi người đều tùy thuộc vào các ý kiến đó; cho nên không nên giữ bí mật.

Quý vị trong Ủy Ban Tiền Tệ nước Mỹ không do dân chúng bầu ra. Không có luật lệ nào bắt buộc họ phải công bố các biên bản phiên họp về chính sách tiền tệ. Nhưng họ ý thức là họ chịu trách nhiệm với người dân. Ở nước Mỹ chuyện kinh tế là chuyện trọng đại hạng nhất. Những quyết định của Ngân Hàng Trung Ương ảnh hưởng tới đồng tiền trong túi tất cả mọi người dân. Họ có thể làm cho đồng tiền xuống giá (vì gây lạm phát cao) hay lên giá (khi lạm phát xuống thấp). Ðó là chuyện quan trọng, dân phải biết lý do của những quyết định đã ban hành.

Ở Mỹ, những quyết định ảnh hưởng đến đời sống người dân là dân họ muốn biết, họ còn muốn biết rõ các ông nghĩ ngợi thế nào, bàn bạc ra sao mà đi quyết định như vậy. Cho nên các phiên họp của Quốc Hội phải công khai. Ngay cả khi họp bàn những chuyện đại sự như chiến tranh hay hòa bình, cũng phải họp công khai. Có thể nói các phiên họp của Quỹ Dự Trữ Liên Bang, tức Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, đối với 280 triệu dân Mỹ nó cũng quan trọng không khác gì các phiên họp của Bộ Chính Trị ở Hà Nội đối hơn 84 triệu dân Việt Nam! Khi các giới chức thuộc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đem biên bản cuộc thảo luận của họ ra công bố cũng chẳng khác gì Bộ Chính Trị của một đảng Cộng Sản đang cầm quyền tiết lộ biên bản các phiên họp của họ.

Nhưng không biết bao giờ thì người Việt Nam mới biết lý do tại sao Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản lại quyết định nhanh chóng việc cho Trung Quốc vào khai thác bauxite ở núi Trường Sơn nước ta? Họ có đọc lại những khuyến cáo của các chuyên gia Nga bác bỏ việc khai thác bauxite trước đây 20, 30 năm không? Khi quyết định cho khai thác, có ông bà nào trong Bộ Chính Trị tỏ ý ngần ngại, còn ông bà nào thì hăng hái ủng hộ việc mở cửa Trường Sơn cho người Trung Quốc vào làm việc? Sau này sử sách sẽ phê phán quyết định của quý vị như thế nào? Có ai chịu trách nhiệm về quyết định đó chăng, hay là lại đổ tội tất cả lên đầu “tập thể?”

Những câu hỏi trên đây cho thấy sự khác biệt giữa những xã hội dân chủ và độc tài. Người dân một nước dân chủ có quyền biết tin tức. Họ được phép giám sát những người nắm quyền, trong những quyết định có ảnh hưởng trên đời sống của họ, dù đó là người do họ trực tiếp bầu lên hay được những người dân cử bổ nhiệm. Nếu không biết tin tức nào cả thì làm sao mà giám sát? Báo chí độc lập và tự do là khí cụ để người dân giám sát. Các định chế cân bằng kiểm soát lẫn nhau giúp người dân dễ giám sát. Và các cơ quan chính quyền tự nguyện mở cửa cho dân vào coi các quyết định của họ, để dễ làm việc giám sát.

Trong các chế độ độc tài thì không như vậy. Những người cầm quyền chẳng cần cho thằng dân biết gì cả. Các cụ quyết định cái gì cũng làm trong bí mật. Sau khi gây tai họa cho đất nước rồi thì các cụ vẫn được về nghỉ hưu an nhàn, để các đống rác lại cho đám tới sau lo.

Thấy vậy chúng ta mới cảm thương những người dân sống dưới chế độ độc tài!
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Những Công Nhân Sa Cơ ở Đô Thị
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đánh gục giới công nhân


Down and out in Ho Chi Minh City - The global economic crisis bears down on Vietnamese workers.

By Matt Steinglass - GlobalPost
Hoàng Trần
chuyển ngữ
Hai năm về trước chị Lê Thị Cúc, 35 tuổi, rời bỏ làng quê thuần nông của mình ở Tỉnh Quảng Bình thuộc miền trung và đến thành phố lớn để kiếm một việc làm tại một nhà máy may quần áo. 10 giờ một ngày, 6 ngày một tuần, chị may những chiếc áo thun (T- shirt) cho các thương hiệu của các nước phương Tây như Old Navy và The Gap, lương khoảng 60 đô la một tháng.

Khoản tiền đó không phải là nhiều, chỉ đủ cho chị tiêu xài cho bản thân và gửi về nhà 10 đô la cho cha mẹ già và năm người anh em, nhưng cũng còn tốt hơn cái tình cảnh nghèo túng tuyệt vọng ở Quảng Bình, và chị đã có mọi lý do để nghĩ rằng mọi chuyện sẽ được cải thiện.

Việt Nam vừa mới tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO], nền kinh tế đã từng tăng trưởng 7% mỗi năm kể từ năm 2000, đầu tư nước ngoài đang được rót vào, và mọi người đang nói rằng trong vòng một hoặc hai chục năm nữa đất nước có thể sẽ giàu lên bằng Thái Lan.

Ngồi trên một chiếc chiếu cói trải giữa sàn căn phòng rộng hơn 9 mét vuông thuê chung cùng 4 công nhân may mặc khác, chị Cúc cho biết tinh thần lạc quan bao nhiêu mà hai năm trước chị đã từng có, thì bây giờ đã biến mất hết rồi.

Chị đã và đang bị thất nghiệp kể từ tháng Mười hai 2008. Công ty may Collan Inc. mà chị từng làm đã cắt giảm 1000 trong tổng số 3000 công nhân mà họ có vào năm ngoái. Với nhu cầu tiêu dùng tại Hoa Kỳ, Âu châu và Nhật Bản sút giảm đột ngột vào mùa thu năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam, cỗ máy cái trong nền kinh tế nước này, đã rơi xuống vực thẳm.

Dù vậy, chị Cúc vẫn đang cố bám lấy thành phố, gửi đi những lá đơn xin việc. Cho tới lúc này, chị vẫn không nhận được bất cứ hồi âm nào.

“Tôi quá mệt mỏi cho số phận của mình rồi,” chị Cúc than thở.

Ngày nay có hàng nhiều chục ngàn người như chị Cúc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng Mười hai, tài liệu của tổ chức công đoàn do nhà nước quản lý ở địa phương cho biết thành phố đã có 30.000 người mất việc làm trong tháng Mười một. Trong khi với phần còn lại của Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, vụ phó Vụ Lao động và Việc làm của chính phủ [Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội], đã ước lượng vào đầu tháng ba rằng tổng cộng số việc làm bị mất trong nửa năm đầu có thể lên tới 300.000.

Những số liệu đó chỉ áp dụng cho thiểu số những công ăn việc làm của Việt Nam trong khu vực chính thức — ví dụ như ở các công ty sở hữu của nước ngoài, những nơi phải báo cáo mức tiền lương với cục thuế. Trong những doanh nghiệp nhỏ sở hữu gia đình theo lối không chính thức tạo ra giá trị chủ yếu của nền kinh tế, thì không có cách gì để nói được có bao nhiêu công ăn việc làm đang bị biến mất.

Trong khi đó, dân số Việt Nam thuộc loại trẻ: theo cơ quan Phát triển của Liên hiệp quốc UNDP, lực lượng lao động đang tăng lên mỗi năm một triệu công nhân. Cũng theo báo cáo này của UNDP ước tính rằng để tìm công ăn việc làm cho họ, và cho mỗi năm 200.000 người rời bỏ nghề nông để kiếm việc làm trong các nhà máy như chị Cúc, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng trên 8,5%. Thay vào đó, mức tăng trưởng năm nay ước đạt từ khoảng từ 5,5% theo Ngân hành Phát triển châu Á, cho tới 0,3% theo tổ chức Economist Intelligence Unit.

Image

Theo truyền thống, các công nhân Việt nam khi mất việc làm có thể quay lại làng quê của họ để tìm kiếm sự hổ trợ. Họ trở về với thân nhân, những người phải chia sẻ thêm vài ba bát cơm từ vụ mùa màng hàng năm. Thế nhưng vào lúc này, điều đó có thể sẽ khó khăn hơn. Nền nông nghiệp của Việt Nam đã và đang dần dần hợp nhất lại về tay một người chủ (nào đó) cho có hiệu quả hơn, và nhiều gia đình nghèo không có ruộng đất riêng của họ.

“Tôi không thể trở về làng quê, ở đó chẳng có việc gì mà làm cả,” theo lời của người từng cùng làm việc với chị Cúc tại Collan, cô Đinh Thị Hạ. Hạ cũng như Cúc tới từ vùng quê Quảng Bình nghèo túng, cũng đã bị mất việc hôm 20 tháng Một 2009, và cô đã trở về làng trong dịp đón năm mới, Tết âm lịch. Không thể tìm được việc làm, cô đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, và kể từ đó cô đang cố gắng tìm lấy một việc làm.

“Hai năm trước tôi đã từng hy vọng là mình có thể tiết kiệm được một ít tiền,” Hạ kể. “Thế nhưng điều đó giờ đã bay biến lên trời rồi.”

Những công nhân không thể trở về nhà buộc phải làm việc bán thời gian, những công việc không chính thức để kiếm sống. Lê Xuân Thông, 38 tuổi, đang kiếm được một khoản lương ổn định 200 đô la một tháng như là một người bán hàng cho một siêu thị bán máy truyền hình Sanyo cho tới khi bị mất việc vào tháng Mười một. Giờ thì anh lái một chiếc “xe ôm,” hay còn gọi là xe taxi hai bánh, chạy trên những con đường của Thành phố Hồ Chí Minh.

“Vào một ngày thuận lợi, tôi có thể kiếm được 100.000 đồng (6 đô la Mỹ). Gặp ngày không may …” Thông nhún vai. “Tôi phải làm việc. Tôi có một đứa con gái sáu tuổi.”

Với những người khác, sự sụp đổ của nền kinh tế như hiện nay là điều khó khăn hơn nhiều. Thuyên, 23 tuổi, lớn lên trong một làng quê miền núi vùng biên giới với Trung Quốc, và đã di chuyển tới Hà Nội năm 2005 để làm việc tại một nhà máy dây cáp diện của Nhật. Cô bị mất việc tháng Mười hai 2008, nhưng vẫn chưa cho cha mẹ biết nơi giờ đây cô đang làm ở chỗ nào: một phòng đấm bóp.

“Khi em tốt nghiệp phổ thông, em chỉ muốn trở thành một công nhân thôi,” Thuyên tâm sự. “giờ thì em lo là ai đó quen biết sẽ nhìn thấy em đang làm trong quán đấm bóp này. Nhưng em không có lựa chọn nào khác cả.”
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

Liên Minh Quân Sự Việt Cộng-Hoa Kỳ

Nguyễn Ðạt Thịnh
Chuyện nghị sĩ John McCain đòi mở rộng bang giao Việt Cộng-Hoa Kỳ, không phải là chuyện mới, mặc dù ông mới tuyên bố Hoa Kỳ “muốn tăng cường liên hệ quân sự” với Việt Cộng trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ Ba mùng 7 tháng Tư. Ông còn nói việc tăng cường này sẽ đưa đến việc các sĩ quan quân đội Việt Cộng được huấn luyện tại Hoa Kỳ.

McCain là thành viên uỷ ban Quốc Phòng thượng viện, nên chuyến thăm viếng Á Châu của ông trong giai đoạn Á Châu đang là sân khấu cho hai biến chuyển mang tính chất quân sự, cũng chuyên chở nhiều ý nghĩa đặc biệt. Hai biến chuyển đó là vụ chiếc tiểu hạm Impeccable bị 5 tiểu hạm của Trung Cộng khiêu khích trên Biển Ðông, và vụ Bắc Hạn phóng không thành công một vệ tinh không gian.

Trước cuộc họp báo này, McCain còn nói với các sinh viên viện Cao Ðẳng Ngoại Giao Hà Nội là ông nhìn thấy nhu cầu cộng tác quân sự với Việt Cộng sau thái độ tranh dành của Trung Cộng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chuyến đi của ông đã hoàn thành, nhưng ông có thành công chút nào không?

Cùng đi với McCain còn có 2 nghị sĩ nữa là Lindsey Graham và Amy Klobuchar; bà Klobuchar là nghị sĩ Dân Chủ, trong lúc cả hai nghị sĩ Graham và McCain đều thuộc đảng Cộng Hòa.

Truớc khi đến Việt Nam, họ đã ghé thăm Nhật, và sau Việt Nam họ sang Trung Cộng; trên bình diện quân sự Nhật là đồng minh của Hoa Kỳ, Trung Cộng và Việt Cộng không hẳn đồng minh với nhau, nhưng cả hai cùng có thái độ bênh vực Bắc Hàn. Thái độ chính trị của Việt Cộng có điểm tế nhị là họ chống Trung Cộng với mức độ “vừa phải” trong những vấn đề tranh chấp hai hải đảo Hoàng Sa và Truờng Sa, nhưng vẫn thần phục Trung Cộng trên những địa hạt khác.

Trong lúc thế giới đang thảo luận biện pháp trừng phạt Bắc Hàn về việc phóng hỏa tiễn, thì Việt Cộng cùng với Nga và Trung Cộng lên tiếng kêu gọi một biện pháp nhẹ nhàng và một thái độ tự chế của thế giới tự do. Ðối với cuộc vận động cộng tác quân sự của ông McCain, Hà Nội không có một thái độ chính thức nào cả.

Cũng trong buổi họp báo tại Hà Nội, nghị sĩ Graham kêu gọi Việt Cộng nên có một phản ứng lên án Bắc Hàn như một nguy cơ quân sự cho vùng Ðông Á; Graham là một cựu đại tá không quân và cựu thẩm phán.

Ngoài ra Hà Nội còn không thích lời McCain kêu gọi cởi mở chính trị hơn, trả tự do cho những người bị giam giữ chi vì bất đồng chính kiến với nhà nuớc, và cho phép người Việt Nam có nhiều tự do hơn, nhất là tự do ngôn luận.

Ông nói, “đồng hành với tiến bộ kinh tế phải là cởi mở chính trị và tôn trọng nhân quyền”, nhiều hãng thông tấn và truyền thông quốc tế tuờng thuật câu tuyên bố này của McCain, nhưng truyền thông trong nuớc không đề cập đến.

Báo Hà Nội Mới viết, “TNS Giôn Mắc-kên bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về sự phát triển của Việt Nam cũng như tiến trình phát triển trong quan hệ song phương giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và giáo dục - đào tạo, đồng thời cho rằng, hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa trên những lĩnh vực có thế mạnh của hai nước.”

Ngoài việc tuờng thuật McCain nói với Nguyễn Tấn Dũng những “ấn tuợng mạnh mẽ về sự phát triển của Việt Nam”, Hà Nội Mới còn kể lại việc ông McCain đến thăm “chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng”, và được ông Trọng cho biết ông mong rằng, với vốn hiểu biết về Việt Nam, với cương vị và uy tín của mình, TNS Giôn Mắc-kên sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước, hai QH, đồng thời tác động để chính quyền Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, sớm để Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), thúc đẩy các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, cũng như tăng cường giao lưu thương mại giữa hai nước.”

Báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật lại một câu phỏng vấn McCain về liên hệ quốc phòng Mỹ-Việt Cộng:

HỎI: “Ông có muốn thấy sự gia tăng về quan hệ quốc phòng giữa hai nước, theo ông tầm mức và phương pháp nào mà hai nước sẽ áp dụng trong thời gian tới?”

ÐÁP: “Có những chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ tới Việt Nam. Ngoài các hoạt động khác, tôi muốn các sĩ quan Việt Nam tham gia các trường quân sự tại Mỹ. Một số trường quân sự Mỹ mà sĩ quan Việt Nam nên tham khảo và chúng tôi khuyến khích họ theo học.

“Tôi tin rằng Mỹ nên hợp tác với quân đội Việt Nam, có thể làm tốt công tác trao đổi thông tin về các mối đe dọa của các tổ chức khủng bố. Các công việc này phải được thực hiện tốt hơn.”

Thái độ của một tờ báo tại Hà Nội, không dám đề cập đến cuộc vận động liên minh quân sự của McCain, và một tờ khác tại Sài Gòn, chỉ nói mơ hồ về cuộc vận động này, cho thấy là McCain đã thất bại, và Hoa Kỳ chỉ là nguồn nước còn rất xa, trong lúc Trung Cộng vẫn là ngọn lửa gần của đám cháy sát nách đang đốt sôi nước Biển Ðông, tàn phá núi rừng Dak Nông và gây vỡ, mẻ biên giới cực Bắc.

Nguyễn Ðạt Thịnh
khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Post by khieulong »

Dân Chủ không phải mì ăn liền

Ngô Nhân Dụng
Những cuộc biểu tình của phe theo cựu thủ tướng Thaksin ở Thái Lan trong một tuần qua, sau những cuộc biểu tình của phe chống Thaksin vào cuối năm 2008, khiến nhiều người nghi ngờ chế độ dân chủ ở vương quốc này. Thái Lan có thật sự là một nước tự do dân chủ hay không? Các quốc gia chậm tiến khác có nên bắt đầu dân chủ hóa hay không?

Có thể trả lời ngay: Dân tộc Thái đang xây dựng các định chế tự do dân chủ thật sự. Nhưng thực hiện nếp sống tự do dân chủ là một diễn trình phức tạp và lâu dài, với những trở ngại từ chính bên trong xã hội tham dự cuộc thử thách đó. Dân chủ không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay. Muốn tiến đến một xã hội dân chủ trưởng thành, phải xây dựng và kinh qua những thử thách.

Chính vì biết quá trình dân chủ hóa diễn ra trong thời gian lâu dài như vậy, cho nên những nước chậm tiến khác phải bắt đầu dân chủ hóa ngay, càng sớm càng tốt. Nếu một dân tộc không bắt đầu thiết lập và tập sống theo các quy tắc, các tập quán dân chủ ngay, thì không biết bao giờ mới được thấy nền nếp tự do dân chủ trưởng thành. Cũng giống như người ta phải xuống nước thì mới có ngày biết bơi vậy.

Những cuộc biểu tình gần đây có vẻ là một cuộc đối đầu giữa hai chính trị gia, cả hai đều gốc người Hẹ (Hakka) mà tổ tiên 4 đời trước đã di cư từ Quảng Ðông sang xứ Thái. Ðó là cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra (tên chữ Hán là Khâu Ðạt Tân, 59 tuổi) và đương kim Thủ Tướng Abhisit Vijjajiva (44 tuổi, gốc là họ Viên). Thân phụ ông Thaksin đã đổi họ thành Shinawatra, nghĩa là “làm điều thiện” trước khi bước vào chính trị, ứng cử dân biểu ở tỉnh Chiang Mai, nơi gia đình họ Khâu đã gây dựng nên cơ nghiệp. Ông tổ ba đời của Thủ Tướng Abhisit đã lập gia đình với người Thái, đổi họ sang tiếng Thái từ giữa thế kỷ 19 thành Vijjajiva, nghĩa là “thầy thuốc.” Dân Thái Lan không ai nghĩ hai nhà chính trị này là người nước ngoài.

Ông Thaksin vào học trường sĩ quan cảnh sát, sau sang Mỹ học, đậu bằng tiến sĩ ở Texas, về nước làm cảnh sát, lên tới cấp trung tá lúc về hưu. Vợ chồng ông đã kinh doanh trong nhiều ngành, nhưng chỉ thành công khi được trúng thầu trong ngành viễn thông, đặc biệt là khai thác việc phát triển điện thoại di động. Ông lập đảng, ứng cử và trở thành thủ tướng năm 2001, năm 2005 tái đắc cử khi đảng ông chiếm tỷ số lớn trong Quốc Hội.

Bố mẹ ông Abhisit đều là bác sĩ, ông sinh ra ở Anh Quốc, bà vợ ông là một nha sĩ nhưng dậy toán ở đại học. Sống trong một gia đình trí thức, sau khi học hết bậc tiểu học ở Bangkok ông qua Anh học ở Eton rồi Oxford, những trường đã đào tạo nhiều ông thủ tướng ở nước Anh. Ông về nước dậy học, ứng cử dân biểu rồi được bầu làm lãnh tụ sau khi đảng ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2005.

Thaksin thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử năm đó vì từ năm 2001 ông đã thi hành những chính sách nâng đỡ vùng nông thôn: giảm chi phí khám bệnh ở thôn quê, lập quỹ tín dụng cho người nghèo vay tiền, vân vân. Ðảng của ông mạnh lên ở miền quê nhất là miền Bắc, nơi gia đình ông lập nghiệp từ giữa thế kỷ 19. Nhưng ông bị tố cáo là lợi dụng quyền hành để gia đình làm thương mại. Gia đình ông trở thành giầu nhất Thái Lan, khi bán công ty viễn thông Shin cho một xí nghiệp Singapore, tiền lời hàng tỷ đô la không bị đánh thuế. Năm 2006 quân đội đảo chính trong lúc ông đang ở New York, phải sống lưu vong ở Anh vì vợ chồng ông bị truy tố ra tòa về nhiều tội lạm dụng quyền thế để thủ lợi. Nhưng một năm sau tổ chức bầu cử thì đảng của ông vẫn chiếm đa số và đứng ra lập chính phủ. Ông Thaksin đã về nước, tuyên bố không làm chính trị nữa, nhưng trước khi tòa án xử thì ông đã trốn ra ngoại quốc. Tòa xử khiếm diện ông 2 năm tù.

Cuối năm 2008, những đảng đối lập với Thaksin tổ chức biểu tình đòi chính phủ từ chức, hàng trăm ngàn người mặc áo mầu vàng xuống đường, sau cùng họ chiếm phi trường Bangkok; cho đến khi ông thủ tướng thuộc đảng của Thaksin từ chức vì bị tòa án phán ông vi phạm luật cấm không được hoạt động chính trị. Sau đó nhiều đại biểu Quốc Hội phe Thaksin đã quay đầu và bầu ông Abhisit thuộc đảng đối lập lên thay. Trong tuần trước, những người ủng hộ Thaksin lại tổ chức biểu tình, họ mặc áo đỏ, làm tắc nghẽn thành phố Bangkok rồi kéo về thành phố biển Pattaya, khiến Thủ Tướng Abhisit phải bãi bỏ cuộc họp hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN mở rộng. Ông Abhisit tuyên bố tình trạng khẩn trương, quân đội đứng ra dẹp biểu tình, và ngày Thứ Ba 14 Tháng Tư phe biểu tình đã tuyên bố giải tán, các người lãnh đạo ra trình diện cảnh sát.

Những biến cố chính trị ở Thái Lan trong gần 10 năm qua đều liên quan đến ông Thaksin. Nhưng nếu coi tất cả chỉ là một tấn kịch về cá nhân ông Thaksin thì quá phiến diện. Khi hàng trăm ngàn người đi biểu tình, để ủng hộ hoặc chống Thaksin, họ có những lý do phát xuất từ trong lòng, từ những khát vọng trong cuộc đời của họ. Họ thuộc những nhóm người có quyền lợi khác nhau, nên chính trị khác nhau.

Xã hội Thái Lan cũng như xã hội các nước khác trong vùng Ðông Nam Á đang trải qua một thời kỳ chuyển tiếp, cũng gọi là thời kỳ quá độ từ hàng trăm năm qua. Có nước tiến xa, có nước còn đi chậm. Từ kinh tế nông nghiệp chuyển sang công nghiệp hóa, rồi qua kinh tế dựa trên tri thức, tin học. Từ nếp sống cổ truyền sang nếp sống dựa trên khoa học, kỹ thuật, pháp luật, và cơ chế dân chủ. Từ sinh hoạt văn hóa địa phương, khu vực, khép kín chuyển sang khung cảnh toàn cầu. Các định chế Dân Chủ đã thành hình dần dần, dù lúc bắt đầu ở nhiều nước chỉ có trên hình thức, nhưng ai cũng đồng ý cuối cùng cả xã hội phải sống theo lối dân chủ tự do.

Mọi biến chuyển xã hội đều cần thời gian. Mỗi xã hội đều gồm nhiều nhóm người với những quyền lợi khác biệt, và xung khắc tất nhiên phải có. Trong các chế độ độc tài, chính quyền dùng bạo lực ép không cho những xung đột nổi lên; vì họ không cho ai tự do phát biểu. Xã hội có thể yên ổn vì tình trạng bất công được định chế hóa bằng bạo lực. Tại các nước tự do, mọi nhóm quyền lợi đều có dịp lên tiếng và tranh đua với nhau để giành lấy chính quyền, qua các cuộc bỏ phiếu. Nhiều khi các nhóm đó theo đúng các thủ tục dân chủ, có khi họ vượt ra ngoài. Xã hội dân chủ được ổn định vì mọi nhóm tranh đấu với nhau trong hòa bình, khi tất cả cùng tôn trọng các luật chơi dân chủ.

Không chế độ dân chủ nào dựng lên là có ngay phép lạ giải quyết được những xung đột quyền lợi một cách nhanh chóng và hoàn hảo. Từ lối sống cổ truyền “trên bảo dưới nghe” chuyển sang lối sống bình đẳng, trong luật pháp, có tự do và tôn trọng dân quyền, cần thời giờ để những nhóm quyền lợi khác biệt có cơ hội đụng chạm với nhau và tìm cách giải quyết các xung đột. Cuối cùng người ta sẽ thấy cách tốt nhất là giải quyết bằng luật pháp, một cách hòa bình.

Sau những thập niên 1970, 80 trải qua các chế độ độc tài quân phiệt, người dân Thái đã thí nghiệm lối sống tự do dân chủ, và họ đã tiến những bước dài. Chính nhờ khung cảnh tự do dân chủ mà xã hội Thái có cơ hội biểu lộ những mâu thuẫn quyền lợi chính trị và kinh tế. Tình hình chính trị trong mười năm qua cho thấy trong lúc Thái Lan tiến bộ về kinh tế cũng như chính trị thì một khối dân đã bị tụt lại phía sau, không được hưởng các thành quả của sự tiến bộ chung. Trong khi dân thành thị được đi học nhiều hơn, được chữa bệnh dễ dàng hơn, người có khả năng được nhiều cơ hội tiến thân hơn, thì những người sống ở thôn quê không được hưởng những cơ hội giống như vậy. Nông dân sống nghèo hơn, ý thức về quyền dân thấp hơn, vẫn sống trong tinh thần “gia trưởng” quen nghe lệnh các ông “trùm” trong làng xóm.

Ông Thaksin Shinawatra đã bắt mạch được mối mâu thuẫn tiềm ẩn giữa nông thôn và thành thị. Năm 2000 ông tranh cử với những chương trình nâng cao đời sống của nông dân. Trong bốn năm làm thủ tướng ông đã thực hiện được lời hứa đó một cách cụ thể. Vì vậy ông đã được dân ở miền quê tin tưởng.

Nhưng ông cũng có khuynh hướng độc tài. Ông đã dùng tiền bạc để mua chuộc các nhà chính trị khác ở thủ đô và các địa phương. Ông tìm cách mua các báo, các đài để lấn áp các tiếng nói đối lập. Và ông lợi dụng từ luật pháp đến quyền hành để cho gia đình và phe đảng của ông hưởng lợi. Ông là một nhà kinh doanh biết sử dụng các định chế chính trị, kể cả những định chế dân chủ, như đảng phái, truyền thông, Quốc Hội, bầu cử, luật lệ, vân vân.

Những người chống Thaksin đều sống ở thành phố, đặc biệt là ở thủ đô Bangkok. Họ thuộc giới trung lưu thành thị, rất nhiều người trí thức, các công chức, sĩ quan, các nhà kinh doanh trẻ, thẩm phán và luật sư, vân vân. Họ không chấp nhận những hành động lộng quyền và tham nhũng, các thủ đoạn lấn áp đối lập, họ tố cáo ông Thaksin độc tài. Trong khi đó những người ủng hộ ông Thaksin chỉ chú ý đến một điều là ông đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho họ, những nông dân nghèo bị bỏ quên từ nhiều thế hệ. Cả hai bên đều có những lý do chính đáng đối với họ.

Ở một xã hội mà nền nếp dân chủ đã bám rễ thì những ý kiến khác biệt trên được giải quyết bằng lá phiếu, và chỉ bằng lá phiếu mà thôi. Ðảng nào được nhiều phiếu được nắm quyền. Những nhóm thiểu số sẽ được bảo vệ bằng pháp luật bình đẳng, trong đó có những thứ nhân quyền bất khả xâm phạm. Nếu quý vị không đồng ý với nhà nước thì hãy vận động lật đổ họ bằng lá phiếu trong cuộc bầu cử sau. Nếu kẻ cầm quyền phạm luật, tham nhũng hoặc lộng quyền, thì dùng báo chí phản đối và đưa ra trước pháp luật phán xét.

Ở Thái Lan, người ta chưa tập quen sống dân chủ được như vậy. Cho nên những người chống ông Thaksin trước đây vào năm 2006 đã ủng hộ một cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ ông. Khi một bên đã “xóa bỏ luật chơi” thì tất cả chế độ dân chủ bị tổn thương chứ không riêng gì phe bị lật đổ. Năm ngoái, phe chống Thaksin lại tổ chức biểu tình, chiếm phi trường làm tê liệt kinh tế, để đòi ông thủ tướng thân Thaksin từ chức. Lại một lần nữa, họ xóa bỏ luật chơi, mặc dù sau đó chính phủ thay đổi theo đúng thủ tục nghị viện. Cho nên, trong tuần qua, đến lượt phe áo đỏ theo ông Thaksin cũng dùng những chiến thuận phi dân chủ để đòi lật đổ Thủ Tướng Abhisit, thì phe áo vàng đối đầu với họ khó nói.

Nhưng trong xã hội Thai Lan vẫn có những định chế vững vàng không bị ảnh hưởng bởi các xáo trộn chính trị ngoài đường phố. Thứ nhất là vị quốc vương hơn 80 tuổi, được dân chúng tôn quý. Trên nguyên tắc nhà vua đứng bên ngoài chính trị, nhưng các cận thần của ông có ý chống chế độ tham nhũng của Thaksin. Ngoài ra, các tướng lãnh và quân đội Thái Lan vẫn đóng vai trò trọng tài quan trọng trong đời sống chính trị. Lan rộng trong xã hội hơn hoàng gia và quân đội là giới trí thức, giới trung lưu ở thành phố, những người đóng vai rường cột của nền kinh tế cũng như đời sống văn hóa quốc gia.

Giới trí thức thành thị đóng vai trò quyết định trong đời sống quốc gia nhưng trong nửa thế kỷ qua họ không chú ý tới cuộc sống của những người dân ở thôn quê, để cho những chính trị gia như ông Thaksin tiến vào đó như một chỗ trống. Ông Thaksin đã có công tạo cơ hội cho các nông dân nghèo ý thức hơn về quyền lực chính trị của họ khi bỏ phiếu. Có thể họ đã bị những chính trị gia tham nhũng lợi dụng, nhưng từ nay không ai có thể bỏ quên họ được.

Các cuộc biểu tình của phe áo đỏ thân Thaksin có thể thất bại vì họ đã sử dụng nhiều tay côn đồ gây bạo động. Ða số dân Thái không chấp nhận. Trong những năm trước dân Thái biểu tình rất ôn hòa, nhưng lần này phe áo đỏ đã mang vũ khí, đưa cả những xe chở xăng tới để làm bom lửa tại chỗ, đã đốt phá và đã bắn chết người. Thủ Tướng Abhisit đã chứng tỏ được thái độ mềm mỏng nhưng cương quyết của ông, khiến người dân kính trọng. Những đài truyền hình thân Thaksin đã phát hình nhiều lời hiệu triệu của ông. Nhưng phe áo đỏ đã bị mang tiếng khi ông cựu Thủ Tướng Thaksin lên các đài CNN và BBC nói những lời bịa đặt như quả quyết rằng quân đội đã giết chết nhiều người. (Chỉ có 2 người đã chết, mà theo báo ở Thái Lan thì họ bị phe áo đỏ bắn chết)

Các cuộc biểu tình sẽ nguội dần, nhưng vết thương trên chế độ dân chủ của Thái Lan sẽ phải đợi thời gian mới hàn gắn được. Ông Abhisit chỉ có thể xác nhận được địa vị lãnh đạo của ông nếu sớm tổ chức bầu cử, để chính người dân có dịp quyết định ai đáng nắm quyền. Quyết định này sẽ rất khó khăn vì kinh tế Thái Lan đang xuống trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, và xuống nặng nhất trong vùng Ðông Nam Á vì hai ngành xuất cảng và du lịch đều xuống. Không chính phủ nào muốn tổ chức bầu cử khi kinh tế đang xuống.

Người Thái vẫn còn đang tiến tới trên bước đường xây dựng dân chủ. Nếu gia đình ông Thaksin không tham nhũng và ông không lộng quyền thì chế độ tự do dân chủ đã tiến những bước vững vàng và ông đã trở thành một anh hùng dân tộc. Nếu những người chống ông đủ kiên nhẫn mà sử dụng các khí cụ dân chủ, các định chế dân chủ để lật đổ ông, thì nền dân chủ Thái Lan không bị những tai nạn như mới xẩy ra.

Nhưng loài người sống trong một thế giới không hoàn hảo. Chúng ta chấp nhận những bước vấp ngã trên đường đi; nhưng vẫn đứng dậy tiếp tục đi tiếp. Các nước tự do dân chủ như Anh, Pháp, Mỹ, phải mất hàng trăm năm mới thành hình được những nếp sống tôn trọng các định chế, và tranh đấu trong vòng luật lệ cuộc chơi. Dân Chủ không phải là một bộ quần áo may sẵn hay gói mì ăn liền. Thái Lan đang đi trên con đường dân chủ hóa đầy chướng ngại từ bên trong. Nhưng nếu không bắt đầu bước đi thì không bao giờ tới được. Nước Việt Nam chúng ta phải khởi hành, càng sớm càng tốt.
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »

NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC VÀ TÂM SỰ CỦA NHẠC SĨ TÔ HẢI




Nhạc Sĩ Tô Hải viết: "Nhà văn quân đội - Đại Tá Nguyễn Khải, trước khi qua đời đã tuyên bố: ”Miền Bắc đã cho tôi Độc Lập, miền Nam đã cho tôi Tự do…” Còn tớ, vẫn còn sống nhăn răng đây, tuyên bố: ”Miền Nam đã cho tớ cả Độc Lập, cả Tự Do và cả Hạnh phúc nữa”. Độc lập về tư duy, Tự do về viết lách và… không viết lách. Còn Hạnh Phúc thì … ”độc lập và tự do tìm kiếm hạnh phúc cho mình"… Tuy nhiên để có được ba điều thiêng liêng đó, tớ đã phải vứt bỏ biết bao điều mà trước kia, có cho… kẹo cũng chẳng dám nghĩ, dám làm ..."
NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC VÀ TÂM SỰ CỦA NHẠC SĨ TÔ HẢI -
Biên soạn: Phan Anh Dũng


Cách đây 2 tuần, Nhà Văn, Nhà Báo Uyên Thao, người chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương ở Virginia có cho tôi biết quyển hồi ký của Nhạc Sĩ Tô Hải sẽ được phát hành vào khoảng tháng 5 năm nay. Anh có gởi 3 bài viết với lời bạt về quyển hồi ký của NS Tô Hải, lời giới thiệu của Nhà Báo Lê Phú Khải và của chính anh. Đề tựa "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn" đem đến cho tôi một sự chú ý đặc biệt!

Nhắc đến Nhạc Sĩ Tô Hải, tôi không khỏi không nhớ đến bản nhạc "Nụ Cười Sơn Cước", được nhiều ca sĩ trình bày và thính giả yêu thích. Trong một thời gian ngắn, tôi đã tìm thấy nhiều tài liệu về Ông trên internet. Ông là một trong những thanh niên với bầu nhiệt huyết hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp, ở lại miền Bắc sau hiệp định Genève, gia nhập đảng và được nhiều tưởng thưởng từ chế độ Cộng Sản. Sau 1975, Ông đã nhận thấy sự thật não nề khi vào Sài Gòn (Ông gọi là "Đi Thực Tế Miền Nam sau Gỉải Phóng"). Sau thời kỳ "Đổi Mới" Ông đã không ngại lên tiếng cho biết đã phí nửa con tim để viết hàng trăm bản nhạc tuyên truyền phục vụ đảng trong thời chiến tranh. Tiếc thay, các bản nhạc ấy chỉ nhất thời, không tồn tại với thời gian!

Thích thú nhất là được biết tuy nay trên 80 tuổi nhưng Ông rất cấp tiến, sử dụng máy tính "laptop" mỗi ngày (hình ở dưới) và có trang blog bắt đầu từ năm 2007 trên yahoo để đăng các bài viết rất nóng bỏng và chân thật từ Sài Gòn. Ông cũng dùng phương tiện này để viết thư qua lại với nhiều người - Ông kêu họ là "Bạn, (friend)" và Ông xưng là "Tớ"! Ông có lối viết giản dị, tếu, tự diễu mình và rất thật tình nên được nhiều bạn trẻ, đáng tuổi con cháu yêu mến. Sau 1975, Ông bắt đầu công việc dịch thuật vì thông thạo nhiều ngoại ngữ. Khi tôi khởi sự viết trang này thì mới đây Ông vẫn tiếp tục "dấn thân" chẳng hạn như xuống đường biểu tình phản đối Trung Cộng về Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cũng vừa gởi một bài viết cho Đài BBC Luân Đôn trong đó nhắc lại một bản giao hưởng hợp xướng mà Ông bỏ nhiều tâm huyết viết thời còn trẻ nhưng sau đó vì lý do chính trị không được phổ biến. Các bản nhạc tình cảm mà Ông cho là từ "nửa trái tim còn lại" cũng cùng chung số phận: bị dìm và "bỏ tủ lạnh"!

Nhạc Sĩ Tô Hải viết: "Nhà văn quân đội - Đại Tá Nguyễn Khải, trước khi qua đời đã tuyên bố: ”Miền Bắc đã cho tôi Độc Lập, miền Nam đã cho tôi Tự do…” Còn tớ, vẫn còn sống nhăn răng đây, tuyên bố: ”Miền Nam đã cho tớ cả Độc Lập, cả Tự Do và cả Hạnh phúc nữa”. Độc lập về tư duy, Tự do về viết lách và… không viết lách. Còn Hạnh Phúc thì … ”độc lập và tự do tìm kiếm hạnh phúc cho mình"… Tuy nhiên để có được ba điều thiêng liêng đó, tớ đã phải vứt bỏ biết bao điều mà trước kia, có cho… kẹo cũng chẳng dám nghĩ, dám làm ..."

Phan Anh Dũng (Richmond, Virginia USA - 15 tháng 4, 2009)


Image


Tiểu sử cực thiệt thà (do chính nhạc sĩ Tô Hải viết ngày 24 tháng 8, 2007)
Hôm nay tớ xuýt đứt hơi, xụn lưng vì nhạc Rap, vì cô "phò-ren"(friend) Ho (?) dọa đến học làm rap-pơ. Tớ quá lo lòi cái dốt ông già. Nên vội vã mang sáng tác ra thực nghiệm! Ai ngờ đâu bịa nó ra là một chuyện. Còn thực hành nó mới khó làm sao. Quả rap-pơ phải vất vả biết bao. Vừa phải hát, vừa phải lộn, phải nhào... Không có sức chỉ có mà ... củ tỏi! Thế mới biết vì sao Rap nổi trội: Một bé Kim bỗng sáng chói bầu trời. Được tán dương trên báo chí, trên Đài. Môt thần tượng của các phăng (tê) âm nhạt (à quên âm nhạc).Thôi thì đã định nổi danh bằng Rap, Tớ cũng liều, nhưng chỉ viết mà thôi! Lấy Tình Yêu, Hôn Hít... làm đề tài. Thề đến chết không dám làm ráp sỹ. Biết đâu đấy sẽ có người để ý, lấy vài bài trên blốc tớ hát chơi. Và biết đâu có nhà báo, nhà đài...tung lên sóng, lên khuôn thì thật.. tuyệt! Bạn thấy đấy, hôm nay dù không viết Rap số 3 nhưng quen viết có vần. Nghề viết Rap tớ đã bị nhập tâm. Nên tiểu sử tớ cũng thành bài...Rắp!

Tiểu sử tớ rất chi là "phức tạp". Chỉ xin khai tóm tắt một vài dòng. Còn các bạn trẻ có tin hay không, Thì già này cũng đành lòng cam chịu!...Tớ sinh ra tháng 9 năm Đinh Mão. Tính đến nay (81 tuổi ta.)! Sự học hành rất thiếu thốn, qua loa. Vì Đế Quốc chỉ cho học vừa đủ. Một cái bằng ông tú chưa hoàn thành (tú tài 2 chưa có!) Có nghĩa là bằng trình độ học sinh Lớp 11, nên tớ dốt hoàn dốt. Không những thế tớ cả đời bị nhốt trong trường sơ (soeur), trường đạo, trường giòng. Ở gia đình tớ lại bị cấm cung. Cấm đủ thứ, trừ việc đi học nhạc... Đủ các món nào xướng âm, hòa thanh, sáng tác...Tớ chán quá nên bỏ ngang tìm đọc, đủ thứ văn chương, triết học hầm bà làng... Từ Von-te, Ban Dăc, đến Sa-Găng. Nên ảnh hưởng đủ thứ ba lăng nhăng trong đầu óc. Gia đình tớ, một gia đình công chức. Suốt cả đời hầu ngoại quốc kiếm ăn... Nên sau này từ cách mạng 45. Được xếp loại là gia đình theo "Địch" ! Cá nhân tớ sau này trong lý lịch: Ghi thành phần "tiểu tư sản" rất to. Có nghĩa là luôn chao đảo, mơ hồ, kém "lập trường" dù đã bỏ nhà theo cách mạng! Dù đã được kết nạp Đảng rất sớm! Dù có vài trăm sáng tác đựoc khen. Tớ sống được vượt qua nhiều thành kiến. Nhờ làm ăn tử tế, nhờ sáng tác liên miên. "Tuần chay" nào cũng có nuớc mắt đổ liền. Chiến thắng nào chẳng có tên thằng tớ. Cho đến ngày 30 tháng tư năm đó. Tớ được về Thành phố Bác Hồ... Thì tớ bỗng giật mình rồi nhận ra, coong của mình chính là công con cốc. Cái tên mình chỉ gắn độc môt bài "Nụ cười sơn cước" viết từ thuở 20. Còn tất cả... thế thời đã... xếp só! Tháng 9 mồng 2, nói chung là "ngày giỗ". Đựợc lôi ra để "cúng cụ" mà thôi. Chiến tranh qua đi, Nhạc của tớ hết thời.. Tuổi của tớ 60 không còn kịp "cưa sừng làm nghé". Gặp thời thế, thế thời phải thế. Tớ xoay sang nghề dịch sách kiếm ăn... Sách tớ dịch sáu cuốn in chạy ầm ầm. Tớ sống khỏe cho đến ngày... hưu trí. Về âm nhạc? Vì còn là nhạc sỹ, một vài năm tớ xuất hiện vài lần... Công xéc tô, sô nát theo com-măng... Mong vực dậy nhạc thính phòng, giao hưởng. Nhưng tiếc thay, tất cả là ảo tưởng. Vì thời nay có lẩm cẩm có điên khùng. Mới vùi đầu trong tổng phổ suốt năm để viết ra những thứ chẳng ai nghe ai dựng! Thế là tớ im re,tớ chịu đựng. Kiếp sống nghèo nhờ vợ bán bánh mỳ. Thêm vào lương hưu trí cứ teo đi...Tớ quyết tâm ẩn danh cho đến chết. Nào ai ngờ gặp thời Internet. Tớ tiêu sầu bằng các trang web đủ mầu! Đang chán phè các câu truyện đâu đâu trên Niu uých, trên Lơ poăng, trên Lô-xờ-ăng gơ lét...Thì gặp ngay một ông cụ blốc blếc. "Bạn đánh nhau" của tớ từ khi xưa. Tớ quyết định phen này làm blôc-gơ. Mong giúp đỡ lớp trẻ bằng lý thuyết, bằng thực hành, bằng kinh nghiệm, cuộc đời. Và trước mắt tớ chú trọng đề tài vào nhạc rap, đang là nhạc thời thượng. Tiểu sử tớ viết ra mà phát...ngượng. Nhưng cũng xin lớp trẻ hãy luợng tình...

Tin? Không tin? Tùy mạng mỡ của mình. Muốn biết thêm xin cứ đến building Miếu Nổi hỏi thăm tớ chính danh là Tô Hải./.

Lại Cái Chuyện Nụ Cười Sơn Cước - Tô Hải


Hôm nay, ngồi vào computer thấy mất tiêu đâu bài hát này, phục hồi lại để người nghe bản chính gốc thì lại mất tiêu đâu môt phần chính của bản thuyết minh. Đành viết lại có bổ xung thêm một số đau khổ mới khi vào Google gõ cái tên tớ và tên bài hát đó.. vì những bài tán láo về nó.

Rằng thì là: 1-Tớ cầm ghi ta hát lên (chứ không phải "viết lên" như cô bé Kim -rap-pơ tuyên bố viết (?) nhạc rap trên Tinhvi đâu?) Cái ngày đông rét mướt năm đó Tây nó đánh dữ dội lắm... Bộ Tư Lệnh III mà tớ làm "lính kiểng" lúc đó phải rút vào tận Kim Bôi (Hòa Bình). Tớ đóng quân trong nhà một cô con gái có tên Đinh thị Phẩm, 24 tuổi đời. Thích thì có thích nhưng chưa biết "tán gái" mà chỉ biết làm thơ, làm vài câu thơ rồi ngâm nó lên theo kiểu riêng của tớ gọi là ca khúc (như các cụ ngày xưa khi hát "Chèo lên trên núi thiên thai..."ấy mà.) Thế là, trước khi rời rừng núi về học Lục Quân Trần Quốc Tuấn tớ muốn nói lên mối "tình câm" của mình bằng ... vài câu thơ có giai điệu ... Thế thôi! Như tớ đã viết trong bài "Khai lý lịch thật thà" trên blog, tớ là một kẻ đã bị tiêm nhiễm từ bé bởi những bài ca ở trường sơ, trường giòng, rồi sau này, làm "sói con ("louveteau) , "hướng đạo" (scout) bị các thứ âm nhạc đủ loại nó ăn sâu vào đầu óc, vào trái tim. Tớ hát và thuộc lòng đủ thứ, từ a capella nhà thờ "Gloria in excelsis đê..ê,ề...ồ", đến "Laissez moi vous aimer", "Oh! Rose Marie I love you!" "But where are you?" rồi đến đến cả "Maréchal nous voilà" (thời chính phủ Vichy) sau đó là Aikoku","Shina no yoru" (thời Nhật lật Pháp). Nghĩa là tớ hát tất cả, thích đủ thứ âm nhạc chứ chẳng bao giờ chú ý đến cái "nhời" nó nói cái quái gì. Tóm lại tớ là một thanh niên yêu nước, ghét Tây, mê âm nhạc (mélomane)".. .không có định hướng! Cho nên, sau này, đi lính, bí bài hát cho bộ đội nghe, tớ cứ "bịa"ra đủ thứ ca khúc, rập khuôn theo các bài hát đã hát để tự hát, tự xuất bản bằng mồm. Sáng tác của tớ đều ảnh hưởng của Nhà thờ, của Tây, của Nhật và đặc biệt của Mỹ với Bing Crosby, Bob Hope,.. với các nhịp điệu, tiết tấu của swing,blues ... rất thịnh hành những năm 40. Tớ với Ngọc Bích là "vua swing"ở sư đoàn 304 và Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn... Chẳng có biết dân tộc, hiên đại là cái quái gi! Ấy vậy mà bài nào mới "bịa" ra cũng được "quân chúng" hoan nghênh ra phết! Những lần xúc cảm về chuyện gì tớ đều "bịa" ra những "câu thơ có giai điệu", nhưng theo một khuôn khổ, hình thức nhất định mà tớ nhặt nhạnh được trong quá trình hát lên cho mình, cho bạn bè, đồng đội nghe...cho vui. Thế thôi!

Nào ngờ..."Nụ cười sơn cước" lại được hoan nghênh đến thế và Ngọc Bích, Canh Thân, Hoàng Thi Thơ.. khi trút áo "lính cụ Hồ", thôi làm "đồng chí", đã mang nó vô thành (dân gian gọi là "dinh-tê") phổ biến khắp nơi. Để cho nó được chấp nhận bởi các cơ quan kiểm duyệt, họ xếp tớ vào loại tác giả tiền chiến! Và từ đó "Nụ cười sơn cước", một trong những "tình ca thời kháng chiến" của bọn tớ sống nhờ cái mác nhạc tiền chiến đến ngày nay! Lại còn cái chuyện "địch" thu đĩa 78 vòng (chung với "Dư âm"của Nguyễn văn Tý) nữa chứ! Tớ bị "đánh hội đồng" khắp nơi, nhất là tiền bản quyền thu đĩa (đúng một chỉ vàng) được gửi từ trong thành ra lại rơi vào đúng tay một CUV cùng chi bộ, "đông chí" (nhưng không đồng hướng) đã nhận được từ tay bà chị hắn chuyên làm kinh tài cho khu ủy Liên khu III, ra vào Thành như đi chợ! Tớ không mang tội "liên hệ với địch" là nhờ có hàng trăm "bức tranh cổ động bằng âm thanh" động viên lính chiến đấu trường kỳ có hiệu quả! Từ đó một loạt bài "thiếu tính chiến đấu"của tớ (sau này có được thu thanh trong cuốn băng cát-xét "Nửa trái tim tôi" mà tớ đã chuyển sang CD nhưng chưa biết cách làm thế nào để các friends nghe thử ???) đều bị cấm bằng mồm, mặc dầu các tướng, tá lớn, bé trong Quân Đội vẫn nhớ tớ với những bài hát đã làm các vị ấy xúc động một thời. (Tháng 5/007 vừa qua, có một ông tướng mê nhạc của tớ, trước lúc qua đời, có thu thanh 3 bài của tớ trong một đĩa VCD, và dặn lại rằng "Thôi Nụ cười..." vì cần giới thiệu những cái "cấm" khác hơn - Ông tướng này chỉ lên có đến Thiếu thôi, có lẽ vì cái "lập trường văn nghệ" của ông ta thiếu ...vững vàng chăng? (VCD này tớ đang giữ nhưng cũng "ngu lâu" về computer nên chả biết làm sao để các friends nghe và xem đươc! Có ai đến giúp được tớ không?)

Trở lại với "Nụ cười sơn cước" Nó ra đời như thế đó. Tình thì có, nhưng mà là tình câm, tình nhát (vì sợ kỷ luật) đã có gì đâu mà nhiều người viết về bài hát này cứ thêu dệt ra lắm chuyện, thậm chí còn đặt cả những cái tên Lò thị nọ, NôngThị kia ra rồi thay cả địa điểm, nơi sinh, ngày sinh của nó nữa mới khổ tớ chứ! Làm bà xã cứ trách tớ": "Có thế mà anh cứ giấu em!" Tớ định kiện báo vì "vi phạm luật báo chí "xâm phạm đến đời tư không được phép" của tớ mấy lần. Nhưng đọc đi, đọc lại thì thấy: họ đều xuất phát từ tình yêu đối với một sáng tác của tớ đã bao năm tưởng chết nay lại hồi sinh, từ tình yêu đối với tớ. Đặc biệt có nhiều đồng đội cũ, nay về già, nghĩ về quá khứ tươi đẹp đã qua, đã viết về "Nụ cười sơn cước" như để tranh thủ viết về một thời một thanh xuân đẹp nhất của chúng tớ mà thôi. Vì vậy tớ lại lặng im ... (trừ một lần tớ lên tiếng phản đối và được xin lỗi và cải chính trên báo An Ninh Thế Giới do quá nhiều điều bịa đặt không có lợi cho gia đình (cũ và mới) của tớ mà thôi).

Tuy nhiên cái "sự tam sao thất bản" thì kiện ai? Hội Nhạc Sỹ VN, rất nhiều Nhà Xuất Bản đã công bố bản chinh thức của tớ trên các "Tuyển tập ca khúc trữ tinh"..."Ca khúc vượt thời gian"... đăng đi, đăng lại trên báo chí... Vậy mà, các ca sỹ thời nay vẫn không chịu hát theo bản nhạc của tác giả! Trừ 2 người là Lê Dung và Đông Đào. Còn trên Tivi, trong các tiệm cà phê-ca nhạc, họ tha hồ "phiêu"bất tử, ngắt câu, ngắt đoạn tùy thích, nhất là bôi mỡ, đánh bóng các nốt nhạc nghe đến rợn người (Ánh Tuyết). Ngay trong câu "Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời..." của tớ, bà Lê Dung vẫn còn "nhịu"ra "mơ" (?) hơn ở ngoài trời".. nữa là! Huống hồ những vị ca sỹ không biết xướng âm thì làm sao sửa được những gì đã trót hát sai qua bản... truyền khẩu. Tớ chán quá nhưng lại nghĩ: Ôi dào! thời buổi này họ nhắc đến tên mấy ông nhạc sỹ già đã là may lắm rồi! Cứ kênh kiệu mãi chúng nó cho cả tác phẩm lẫn người vào sọt rác lịch sử như đã từng cho cả hàng ngàn bài ca ra đời cái thời "Tiếng hát át tiếng bom" cho biết mặt! Thua! Thua! Xin chào thua!

Tiện đây xin post lên bài báo của Thanh Niên tương đối chính xác vì có sự thông qua của "khổ chủ":
Nhạc sĩ Tô Hải với hồi ức buồn Nụ cười sơn cước
28/05/2007 - Hà Đình Nguyên
Nhân dịp đến dự lễ trao tặng xe lăn các tướng lĩnh và cán bộ có công do Báo Quân Đội Nhân Dân tổ chức, tôi thật sự xúc động khi thấy một ông già quân phục chỉnh tề, huân chương đỏ ngực, chống gậy lập cập lên nhận xe. Đó chính là nhạc sĩ Tô Hải, tác giả ca khúc nổi tiếng một thời" Nụ cười sơn cước"... Sau buổi đó, tôi đã đến gặp ông tại nhà riêng.
Nhà của ông là căn hộ tập thể tận tầng lầu thứ 11 của chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh - TP.HCM). 81 tuổi, đi đứng khó khăn do từng bị hoại tử khớp xương hông phải thay xương chậu, xương đùi bằng chất liệu titan do Pháp chữa trị... vì những lý do đó nên nhạc sĩ Tô Hải rất ít xuất hiện nơi này, nơi nọ.
Thế nhưng, dù không đi đâu ông lại biết rất nhiều những sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu. Với khả năng thông thạo 3 ngoại ngữ, mỗi ngày ông dành từ 10 đến 12 tiếng để đọc tin tức trên internet. Cô Lâm Ái, vợ ông, khoe: "Chỉ một mình anh ấy đọc nhưng sau bữa cơm trưa hoặc tối là tôi và con gái Tô Lâm Phượng (sinh năm 1993) đều biết hết mọi chuyện xảy ra trên thế giới...".

*Thế ông không còn cảm hứng để viết nhạc?
- Đã hơn 20 năm nay tôi không còn làm âm nhạc, vì âm nhạc của lứa chúng tôi không còn đất sống. Thời buổi bây giờ chẳng ai sử dụng ca khúc của lớp già chúng tôi: Chu Minh, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Hồ Bắc, Doãn Nho... trừ những ngày lễ lạc gì đó họ mới hát lại! Bọn chúng tôi trở nên lạc lõng, hỏi tên chẳng ai biết. Thôi thì, tự an ủi là bọn tôi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với một thời kỳ lịch sử.

* Ông đến với âm nhạc từ lúc nào?

- Thời tiểu học, tôi học hát và tham gia ban đồng ca Saint Joseph, từng đoạt giải thưởng âm nhạc Chim Sơn Ca của Hướng đạo sinh toàn Đông Dương. Đang học dở tú tài 2 thì tôi nhập ngũ ngày 19.8.1945. Tôi viết ca khúc đầu tay Trở về đô thành (1946) rồi Nụ cười sơn cước (1947) đều do bản năng và mê nhạc mà thành. Tôi luôn tự cho mình là một người lính làm nhạc cho mình, cho đồng đội mình hát.

Chỉ đến năm 1951, khi về Đoàn văn công Khu 4, tôi có dịp gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Được ông động viên khuyến khích, tôi thấy tự tin hơn để chuyên tâm vào sự nghiệp âm nhạc. Khi hòa bình lập lại, tôi được tham dự lớp sáng tác 18 tháng đầu tiên của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (1957-1958) do các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên dạy. Cùng lớp với tôi có các nhạc sĩ: Trọng Loan, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Lưu Cầu, Vũ Trọng Hối, Lương Ngọc Trác, Văn Chung, Nguyên Nhung, Vân Đông...
Năm 1958, tôi là người đầu tiên viết bản giao hưởng đại hợp xướng gồm 4 phần (thể loại cantale) Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy. Dạo ấy, ở nước mình làm gì có trống định âm (Timpani), hạc cầm... nhưng tôi vẫn cứ viết. Bản giao hưởng này được biểu diễn năm 1959 và được hàng loạt giải thưởng. Có lẽ vì thế mà trong Bách khoa từ điển của Pháp (Encyclopédie de la Musique) xuất bản năm 1960 có tên tôi, họ ghi là "nhà soạn nhạc" (compositeur) cùng với 11 người viết ca khúc (chansonnier) thời ấy...

* Ca khúc Nụ cười sơn cước đã được ông sáng tác trong hoàn cảnh nào? Và "Ai về sau dãy núi Kim Bôi..." là ở đâu vậy?

- Kim Bôi là một dãy núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Dạo đó đơn vị tôi ở nhờ một làng dân tộc Mường. Tôi được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp, nàng tên là Phẩm. Cũng chỉ là "để ý" thầm vậy thôi! Khi đơn vị tôi chuyển quân, với tình cảm lưu luyến hết sức chân thành tôi đã: "hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh !" và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung những bông hoa rừng mà tôi đã từng gặp.

* Sau này có bao giờ ông gặp lại nàng "sơn nữ" này?

- Có, và đó là nỗi ân hận của tôi. Năm 1973 hay 1974 gì đó tôi có lên Hòa Bình tìm lại "người xưa" dù biết rằng cô ấy đã có chồng con. Sau dãy núi Kim Bôi đã biến thành vùng công nghiệp khai thác suối nước nóng, đường sá mở rộng, người miền xuôi lên ở nhiều. Cô Phẩm ngày xưa giờ đã là một thiếu phụ luống tuổi, ăn mặc theo kiểu người Kinh và... chẳng biết tôi là ai cả ! Nhắc lại chỉ thêm buồn... Biết vậy, cứ hãy sống với kỷ niệm xưa.

* Đã ở bên kia ngưỡng tuổi 80. Nhìn lại hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông có điều gì muốn tâm sự?

- Phương châm sống của tôi hiện nay là hãy quên đi quá khứ (để khỏi tiếc nuối, kể công với lịch sử), hãy sống với hiện tại (để luôn vui với những gì mình đang có) và đừng nghĩ đến tương lai (để khỏi thấy mình quá già, sắp chết). Tôi có một valy tác phẩm chưa hề sử dụng. Tôi dặn vợ: khi tôi chết hãy vẫn cứ để chiếc valy ở đấy cho đến khi nó có "duyên" tìm được tri kỷ hoặc có ai cần nghiên cứu về cái thời đẹp nhất đã xa xưa của lũ nhạc sĩ già chúng tôi thì cho mượn... Nhược bằng chẳng ai rỗi hơi "tìm về quá khứ" thì con gái tôi (Tô Lâm Phượng - chơi piano tàm tạm) sau này có điều kiện sẽ dựng lại... cho cháu chắt tôi nghe vậy.
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

"Chủ trương lớn của Đảng" hay con đường bán nước hại dân
Tác giả: Minh Tâm


Câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng "Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước" về việc khai thác boxit tại Tây Nguyên đã gây nên một trận cuồng phong bất bình trong dân chúng từ trong ra ngoài nước.

Giọt nước đã tràn ly

Dù các báo đã được lệnh cấm đưa tin, nhưng rồi Đảng đã không thể dùng tay che nổi mặt trời khi xã hội thông tin đã phát triển mạnh mẽ.

Vì thế, cái "chủ trương lớn" này đã được mang ra mổ xẻ, phản đối khi ồn ào quyết liệt, khi âm thầm râm ran nhưng sức nóng của nó thì quá lớn đã làm cho Đảng và Nhà nước hết sức lúng túng, bị động và có nguy cơ phơi trần bộ mặt phản động của mình.

Đó là sức nóng của lòng yêu nước trong nhân dân, dù đã qua gần 2/3 thế kỷ được Đảng lãnh đạo tuyệt đối, được giáo dục cẩn thận theo phương sách ‘Đảng bảo cho là cho, Đảng bảo bán là bán’ nhưng không thể mất đi mà vẫn âm ỉ cháy trong lòng dân Việt.

Ngay cả khi Đảng cho đội quân lâu la của mình ra trấn áp thẳng tay những người yêu nước đòi lại giang sơn Tổ quốc thì nỗi sợ hãi Đảng cố tình tạo nên nhằm bịt miệng người dân đã không có tác dụng.

Sở dĩ vậy là bởi người dân đã quá hiểu những "chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước" sẽ dẫn dân tộc này đi đến đâu.

Nhìn lại vài "Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước" trong quá khứ và hiện tại, nhân dân không khỏi rùng mình vì có nhiều bài học quá lớn, hậu quả nặng nề trăm năm không hàn gắn nổi.

- Chủ trương lớn: Cải cách ruộng đất

Nắm được cốt lõi của vấn đề sống còn cho Đảng là ruộng đất, tư liệu, công cụ sản xuất của nhân dân. Từ khi mới manh nha cứng cáp do được người dân nuôi dưỡng sau cuộc cách mạng mùa thu của toàn dân tộc mà Đảng đã chơi trò tháu cáy giành lấy thành công lao của mình, Đảng liền tiến hành một "chủ trương lớn" là Cải cách ruộng đất vào những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước.

"Chủ trương lớn" này của Đảng đã làm thay đổi xã hội Việt Nam đến tận từng cơ sở nhỏ nhất là cá nhân và gia đình. Số người chết oan uổng dưới bàn tay của Đảng vì tội biết làm ăn, biết làm giàu đến nay Đảng vẫn giấu nhẹm nhưng là một con số khủng khiếp.

Hậu quả không chỉ là tư liệu sản xuất trong xã hội bị phá hoại, là những người đã tức tưởi chết bởi ơn của Đảng, Bác. Hệ thống đạo đức xã hội đã đảo lộn và cứ thế theo đà trượt dốc cho đến ngày nay khi Đảng dạy con tố cha, vợ tố chồng trong bài học đấu tranh giai cấp và cướp chính quyền như một ngón nghề riêng muôn thuở của nòi Cộng sản.

- Chủ trương lớn Đảng "Cải tạo tư sản" sau khi miền Nam đất nước rơi vào tay những người Cộng sản. Cuộc "Cải tạo" này của Đảng đã đập nát toàn bộ cơ bản nền kinh tế thị trường miền Nam sau ngày đất nước thống nhất để áp dụng khuôn mẫu của nền "kinh tế kế hoạch Xã hội Chủ nghĩa hơn hẳn".

Hậu quả của "chủ trương lớn" này là hàng loạt người đã bị tước đoạt thành quả lao động tích luỹ từ nhiều năm. Hàng loạt người vào nhà tù, hàng ngàn gia đình ly tán, những cuộc vượt biển giao tính mạng trong tay hải tặc và vùi dưới đáy biển khơi đã nhấn chìm cả miền Nam đất nước vào cơn tang tóc. Hậu quả nhãn tiền là đẩy đất nước đến suy sụp đói kém, kiệt quệ vào những năm 80 sau đó, để rồi sau này mới "xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN".

- "Chủ trương lớn" của Đảng và Nhà nước tiếp theo là cuộc chiếm đóng đất nước Campuchia một thời gian dài, đặt đất nước vào thế phi nghĩa và bị cô lập trên thế giới. Cuộc bao vây, cấm vận của các nước kéo dài sau những nghị quyết lên án của Liên Hợp Quốc mà Đảng bỏ ngoài tai. Hậu quả là đất nước chìm trong sự tối tăm, lạc hậu, người dân tiếp tục sống cuộc sống của những con vật hai chân, chậm tiến và bị coi rẻ. Kinh tế hầu như chẳng có gì ngoài khả năng xin viện trợ, quốc phòng hầu như chỉ dựa vào ngoại bang. Chính trị bị cô lập trên toàn thế giới.

- Thêm một "chủ trương lớn của Đảng" trong thời kỳ đó, là xây dựng lăng Hồ Chí Minh hoành tráng, vĩ đại cho "kịp các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa". Việc này hoàn toàn nằm ngoài những lợi ích của đất nước, của dân tộc và ngay cả ý nguyện của người đã chết. Dù Đảng đã cố tình bao biện rằng đó là nguyện vọng của nhân dân, nhưng nhân dân chưa bao giờ được Đảng thèm để ý đến nguyện vọng của họ là gì.

Hậu quả của "chủ trương lớn" này là cả đất nước đói nghèo cùng cực vẫn phải xài sang, vẫn phải chi số tiền khổng lồ hàng năm cho "chủ trương lớn" này.

Thử làm con số tính toán đơn giản: Với diện tích 14 ha vùng lăng và Quảng trường 3,2 ha. Giá trị đất khu vực này tính rẻ nhất khoảng 100.000.000 đồng/m2, con số đó sẽ là 17,2 ngàn tỷ đồng. Với lãi suất ngân hàng 10%/năm, mỗi năm riêng tiền đất nhân dân ta thất thu vì "chủ trương lớn" này là 1,72 ngàn tỷ đồng. Nên nhớ rằng cây cầu Thanh Trì bắc qua Sông Hồng dài 12 km, rộng 33 m, lớn nhất Việt Nam hiện nay cũng chỉ có 5,7 ngàn tỷ đồng, nghĩa là riêng tiền đất dành cho lăng Hồ Chí Minh, cứ ba năm thì mất một cây cầu Thanh Trì.

Ngoài hệ thống lăng và biết bao công trình phụ trợ được xây dựng tốn kém như bảo tàng, nơi đón tiếp, nghỉ ngơi… Một Bộ tư lệnh bảo vệ lăng với đầy đủ quân cán, một hệ thống duy trì bảo dưỡng tốn kém vô cùng về tiền bạc và nhân lực hàng năm là một gánh nặng đặt lên đầu lên cổ nhân dân. Tất cả nhân dân phải cắn răng chịu đựng biết đến bao giờ. Số tiền đó nếu được dùng "xoá đói giảm nghèo" thì con số dân được hưởng sẽ là bao nhiêu người?

Những năm gần đây, nhiều vấn đề của đất nước đã tiến hành một cách âm thầm, đầy sự ngờ vực của dân chúng. Tất cả những vấn đề đó, đều là "Chủ trương lớn của Đảng". Cũng chính vì chủ trương lớn này mà nhân dân cứ thế câm miệng mà làm, cắn răng mà chịu.

Điển hình là vấn đề đàm phán biên giới Việt–Trung, Đảng đã thì thụt với Trung Quốc và ký toẹt từ bao giờ. Biên giới được hoạch định không minh bạch, rõ ràng. Nhiều nguồn tin cho biết Đảng đã cúng không cho nước ngoài số đất đai khổng lồ. Điển hình nhìn thấy được là Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc - những địa điểm có kiểm chứng được thì rõ ràng đã mất đất.

Rồi vấn đề biển đảo, Đảng đã thi hành "Chủ trương lớn" từ ngay những năm 1958 bằng công văn của Phạm Văn Đồng công nhận hải phận của Trung Quốc, nghĩa là từ bỏ hải phận của Việt Nam. Rồi vấn đề phân chia Vịnh Bắc Bộ, khu vực đánh cá chung nhưng khi người dân Việt Nam vào đánh cá thì tàu Trung Quốc bắn chết không thương tiếc, Đảng lại bắt nhân dân phải im lặng không được kêu…

Những vấn đề này đã dẫn đến nhiều tiếng nói bất bình, nhà tù đã phải chứa thêm những người chủ đất nước cần biết sự thật.

Những sự việc đó buộc nhân dân phải chấp nhận, không được có tiếng nói trở lại hay phản ứng, vì đó là "Chủ trương lớn của Đảng".

Việc xa thì thế, việc gần thì mới đây thôi, khu Hoàng thành Thăng Long – một dấu tích ngàn năm của lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông - đã bị Đảng dùng máy đào thuỷ lợi để ‘khai quật’ và phá nát hàng năm trời báo chí mới mò ra được.

Đó cũng là "Chủ trương lớn" của Đảng nên Đảng cứ làm. Nhân dân không cần biết, vì rằng giữ lại khu Hoàng thành Thăng Long, thì Đảng sẽ trả lời ra sao với dân khi dân được biết Hoàng Thành không chỉ là mấy trăm mét vuông hiện đã khai quật. Cả nhiều triều đại lịch sử đã nằm trong khu vực xây dựng lăng Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình và những công trình lân cận. Vậy khi làm lăng Hồ Chí Minh, Đảng đã xử lý thế nào với khu Hoàng Thành dưới đó? Hay Đảng đã đào đổ đi đâu dấu tích của cha ông đất Việt? Thôi đã chót thì phải chét, đành đào tất cả đổ đi cho nhẹ tội.

"Chủ trương lớn của Đảng" phá nát Hội Trường Ba Đình cũng không nằm ngoài mưu tính này. Ngay sát bên khu vực khai quật Hoàng Thành Thăng Long, hội trường Quốc hội mới sẽ góp phần xoá dấu tích Hoàng Thành càng nhanh càng tốt, giống như cách rửa tay của một tên tội đồ trước khi mặt trời mọc.

Rồi mở rộng thủ đô Hà Nội, chắc chắn người dân biết tỏng tòng tong cái mẹo vặt của mấy tay cộm cán trong Đảng muốn mở nhanh, mở gấp Hà Nội hết đất Hà Tây để nhằm mục đích gì, đâu phải để được cái Thủ đô lớn thứ hai thế giới cho oai. Nhưng nếu không mở rộng, đất Hà Tây không lên giá, thì các ngân hàng do con ông cháu cha dựng lên đã đầu tư mua đất trong đó sẽ bán cho ai.

Vấn đề này cũng nhằm trong "chủ trương lớn của Đảng" nên Quốc hội dù muốn hay không vẫn được chỉ thị phải giơ tay. Thế là xong, "chủ trương lớn của Đảng" đã thành công tốt đẹp.

Chuyện bauxite Tây Nguyên được Đảng âm thầm cho thực hiện từ lâu, khi quân Tàu đua nhau rầm rập kéo vào Tây Nguyên – mái nhà Đông Dương - nhân dân vẫn không được biết. Mãi đến khi ngộ ra được nguy cơ rắn vào tận chuồng gà, nhân dân tá hoả tam tinh, thì Đảng lại phán "Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước"(!)

Những tưởng rằng với cách ra uy doạ dẫm đó, nhân dân sẽ chẳng thằng nào dám mở mồm, dại gì mà chống lại "chủ trương lớn" nếu không muốn mất mạng?

Nhưng, thời thế đã khác. Những người còn tâm huyết với giang sơn, lãnh thổ đất nước và dân tộc đã không thể ngồi im cho những Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc thời hiện đại mặc sức phá nát cơ đồ, đưa dân tộc ta một lần nữa vào vòng nô lệ Bắc thuộc.

Tất cả đã đồng thanh lên tiếng. Đến đây thì Đảng hoảng, công tác trấn an được bộ sậu được đưa ra khẩn cấp thi hành. Báo chí nhà nước được lệnh im ắng từ lâu, nhưng trước sức ép của lòng dân bất bình, Đảng buộc phải để cho vài lời lên tiếng.

Nhớ lại bộ máy tuyên truyền này của Đảng, đã không thiếu cách để Đảng bịt miệng những người muốn có tiếng nói theo lương tri. Điển hình là ngày hôm nay, Đảng cho đình bản tạp chí Du lịch vì tội dám cổ vũ cho tiếng nói yêu nước thương nòi, cổ vũ những người đã thể hiện tinh thần ái quốc mà không biết rằng chỉ có Đảng mới được có độc quyền yêu nước – yêu nước theo cách của Đảng.

Thế mới hay, các bộ luật Đảng cho dựng lên loè thiên hạ nhưng Đảng lại ngồi xổm lên nó – Đảng chỉ quen xài luật rừng mà thôi.

Thời thế đã đổi thay, vận nước đang hồi suy vi, cơn bão dữ dội của làn sóng đỏ Cộng sản tác oai tác quái một thời gian dài nay đã lộ mặt. Những người tâm huyết với đất nước, với giang sơn dù đã bị nhồi sọ bao nhiêu năm dưới họng súng đã không còn tin vào những lời đường mật. Nhân dân Việt Nam đã bước qua sự cuồng tín về một chủ nghĩa hư vô nhằm lừa mị để đem lại quyền lợi và chức tước cho một nhóm người ngồi xổm trên lợi ích toàn dân tộc.

Vì vậy, những "Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước" đã bị nhân dân vạch trần, đó chỉ là con đường bán nước, hại dân.


Minh Tâm 16/4/2009
Nguồn: DCCT
lynhcao
Posts: 23
Joined: Sun Jun 24, 2007 3:57 pm
Contact:

Post by lynhcao »

Cảm nhận 30-4
Tác giả: Trần Khải Thanh Thủy


Sinh năm 1960 nên ngày 30-4-1975 tôi tròn 15 tuổi, đang còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông trung học. Tin miền Nam hoàn toàn giải phóng dội tới từng công sở , xí nghiệp, trường học làm nức lòng toàn dân , nét mặt ai cũng hân hoan khúc khải hoàn ca. Lây tâm tâm trạng chung của mọi người , tôi cũng cảm thấy nhẹ bỗng như người không trọng lượng. Cảm giác của người chiến thắng, nở hoa trong hồn, vui mừng không sao kể xiết. Khắp góc chợ, vỉa hè, đâu đâu người dân cũng đưa tin nước nhà giải phóng, chế độ nguỵ quyền sụp đổ. Các quầy báo đông nghịt người xếp hàng mua báo quân đội, nhân dân, Hà Nội mới, để xem tin chiến thắng . Một cuộc cách mạng long trời, lở đất, một chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam, cũng là một cuộc cách mạng mùa thu tháng 8 -1945 lần thứ hai của người Việt Nam, thời kỳ khổ ải trường kỳ kháng chiến, thắt lưng buộc bụng qua rồi ,giờ chỉ còn xây dựng đất nước to đẹp đàng hoàng gấp 10 lần xưa thôi....

Mẹ tôi mừng gấp đôi vì đã hơn 20 năm trời xa cách , nay mới gặp được chị cả, di cư vào Nam từ 1954 theo chồng. Người chị mà vì có họ hàng dây mơ, rễ má, máu mủ ruột thịt mà cả nhà phải ngậm đắng, nuốt cay, tám anh chị em trong nhà, kể cả mẹ tôi không ai được kết nạp đảng dù thoát ly, làm đường, thanh niên xung phong từ năm 16 tuổi, phải sống, cống hiến, lao động và chịu đựng hơn gương Bác Hồ vĩ đại cả ngàn vạn lần , vẫn ra rìa, vì trong gia đình có người đầu hàng , theo địch... một vết nhơ trong gia đình, dòng tộc mà ngay cả khi thống nhất đất nước vẫn không thể nào gột rửa được

Loay hay vất vả mãi, tận năm 1976 mẹ tôi mới xin được cán bộ tổ chức cơ quan một tờ giấy phép vào Nam ( thời gian đầu, nhà nước chỉ xét các đối tượng trong diện vợ chồng, con cái, bố mẹ...) khỏi phải nói đến sự mừng tủi của hai chị em sau 21 năm xa cách. Bác ôm lấy mẹ tôi khóc khi hay tin cả bố và mẹ đẻ đã mất ngay sau khi tiến hành cải cách ruộng đất, nhà bị đưa vào diện địa chủ, bóc lột. Ông tôi khi ấy đang làm hiệu trưởng trường cấp I, vì uất ức mà phải giằng kính khỏi mắt đập mạnh xuống nền nhà cho mắt kính vỡ tan để lấy một mảnh nhọn và sắc nhất rạch ruột tự tử ngay trước mặt cán bộ cải cách...Khi cả đoạn ruột lòi ra ngoài ổ bụng, một viên bác sĩ người Pháp vội vàng chạy đến băng bó, cấp cứu, nhưng ông tôi đưa tay ra hiệu không cần thiết, kèm câu nói chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn của mình: "Một xã hội mà kẻ vô văn hoá lên cầm đầu, trừng trị người lương thiện, cũng là người đã góp phần nuôi cả đại đội chiến sĩ trong nhà ăn no đánh thắng, giết giặc, lập công...thì xã hội ấy chỉ còn là sự đồi bại, tha hoá, cướp bóc, trừng trị, không những không đưa đất nước ra khỏi quỹ đạo luẩn quẩn của nghìn năm Bắc thuộc, mà còn không bằng xã hội trong thời kỳ phong kiến thối nát"...Một xã hội bất công, vô lý như thế thì tôi còn sống làm gì ? Làm sao cam tâm nhìn cảnh đất nước bị tàn phá, lương dân bị giày xéo ....Đời người chỉ chết có một lần, sống mà phải mang vết nhơ gia đình mình là địa chủ, chuyên áp bức, bóc lột dân lành thì sống sao nổi?

Nói lại những lời hùng hồn trăng trối cho viên bác sĩ người Pháp nghe xong, ông tôi nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng. Bà tôi không chịu đựng nổi cái chết phi lý, đường đột của ông, lại chứng kiến cảnh mất nhà, cướp đất của lũ cán bộ cốt cán, từng ăn mòn bát, ngồi mòn chiếu nhà mình, một điều u, hai điều con, nay giở mặt gọi bà là địa chủ bóc lột, đòi đưa ra đấu tố, trong khi con cái ly tán khắp các phương trời góc bể, Từ Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Tây , Hà Nội v.v nên cũng ốm đau , mòn mỏi, đành nhắm mắt, xuôi tay khi tuổi đời chưa tròn một vòng hoa giáp...

Khóc cho bố mẹ chán, bác tôi quay ra khóc cho mình, cho cả đại gia đình 9 đứa con, gần 30 chục cháu nội ngoại cùng 9 cặp dâu rể đang trong cảnh bấn loạn tinh thần. Chỉ vì tin ông bà còn sống mà nấn ná ở lại, cấm con cái không được "lầm đường lạc bước theo giặc, bỏ quê cha đất tổ mà đi"... Giờ cơ hội đã lỡ, tất cả đều trong cảnh sống giở chết giở, 6 anh con trai là sĩ quan cộng hoà đều phải đi học tập cải tạo mút mùa, vợ con không ai nuôi nấng, chăm sóc ...Đang từ xã hội tiêu thụ, gi gỉ gì gi, cái gì cũng có, thành xã hội bao nhiều, cấp ít, gi gỉ gì gi, cái gì cũng thiếu ...ai cũng hoang mang chán nản, bởi cuộc sống đã bị cướp đi những gì quý giá, căn bản nhất, không còn là sống mà chỉ là sự tồn tại, vạ vật cho qua ngày đoạn tháng, đau khổ đến chết và đói nghèo đến chết, thậm chí có người không chịu đựng nổi cảnh địa ngục trần gian do bọn phát xít mới đưa lại đã lặng lẽ tìm đến cái chết, hòng làm đứt tung mọi sự ràng buộc, gian díu với đời

Khi tôi vào, điều cảm nhận đầu tiên của tôi là sự hụt hẫng, suốt dọc đường trên chuyến tàu xuyệt Việt, tầm mắt chỉ được nuôi dưỡng bằng cảnh nghèo, cái đói . Không phải "Đường vô xứ nghệ quanh quanh, non xanh, nước biếc như tranh hoạ đồ" như thơ Tố Hữu miêu tả mà là :

Đất nước mình đâu cũng mái nhà gianh ,
Gương mặt người ai cũng xám xanh ,

Đơn giản vì đồng đất bạc màu, hoang hoá, hết tím hoa mua lại trắng mùa hoa sở. Thứ hoa dại vốn chỉ mọc ở ven đồi, sườn núi, đẹp thì có đẹp nhưng không nuôi sống nổi con người.

Vào đến Sài gòn, nếu nhà văn Dương Thu Hương đã phải ngồi thụp xuống vỉa hè vì đau xót, hẫng hụt trước một sự thực trần trụi: Nền văn minh mọi rợ chiến tháng nền văn minh hiện đại thì tôi cũng có những nỗi buồn tương tự. Đất nước liền một dải, non sông thu về một mối, nhưng lòng người đầy cách ngăn. Một con sông bến Hải, một vĩ tuyến 17 ngày và đêm, một nhịp cầu Hiền Lương vẫn tồn tại trong lòng mỗi con người. Dù là tình máu mủ, ruột thịt, anh em, họ hàng, bà con, cô bác vẫn không sao xoá nhoà được ranh giới của kẻ thua, người thắng, kẻ bắc, người Nam, kẻ lấn chiếm, người bị động...Khắp thành phố, sự phân biệt kị thì vẫn hằn lên trong từng ánh mắt, giọng nói, điệu cười. Các anh chị tôi tiếp đón một cách vừa phải , qua quýt, không thân cũng chẳng sơ. Nếu không có bác tôi làm cầu nối hẳn cuộc đón tiếp còn gượng gạo, buồn tủi hơn nữa. Đơn giản vì tôi là người miền Bắc, người của phe đối địch, bị đầu độc từ tấm bé, nên mọi lời ăn tiếng nói đều do "cha mẹ sinh con, đảng đoàn xã hội chủ nghĩa sinh tính"...Động mở miệng là nhắc đến bác Hồ, gọi tên thành phố cũng là thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải Sài Gòn, càng không dám nói "Sài Gòn hoa lệ" hay "hòn ngọc Viễn Đông". Đã thế còn luôn bảo vệ ý kiến mình theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm của đảng và chính phủ. Ngay cả khi bác hỏi: "Ngoài Bắc, mỗi tháng được phát mấy lon sữa, hả con?" Cũng phải lên gân, lên cốt trả lời theo đúng những lời dạy dỗ khuyên bảo của thầy cô trên lớp học của mình: "Cần gì đâu bác, không một gram sữa, không một ký thịt nào mà vẫn đánh thắng bè lũ đế quốc và tay sai đấy thôi".

Biết bao ông bố bỏ lại vợ con ra căn cứ địa cách mạng rồi tập kết ra Bắc, trở về dắt theo cả vợ lẽ, con thêm . Biết con trai đi học tập cải tạo, con dâu một nách 4,5 con nhỏ, vẫn không một lần lên trại thăm nuôi, còn dài giọng trách: - "Ai biểu nó vô Việt Nam cộng hoà, quay súng bắn lại cách mạng, Giờ tao vô trại cũng có bảo lãnh cho nó ra được đâu"... khiến con dâu vì nghèo, đói, uất ức mà phải tự tử, bỏ lại bốn, năm đứa con côi cút, găm thêm vào lòng người chồng đang ngồi tù cải tạo một vết thương sâu hoắm

Trong khi người miền Bắc thích ăn món cua bể (bê của) hàng hoá rùng rùng chuyển động ra phía bắc, thì trong nam cứ dần dần nghèo đi, câu hát của người dân miền Nam như lưỡi dao đâm vào tim người miền Bắc đau nhói: " Đi ta đi giải phóng miền Nam, đi đến khi nào người dân không còn cái quần, thì ta còn chiến đấu, quét sạch chúng sinh , lời bác sui dại bên tai, chiến đấu cho đến ngày Nam, Bắc nghèo bằng nhau".

Một dân tộc bị qúa khứ lịch sử chia đôi thành hai vùng địa lý, chính trị, thuộc về hai chiến tuyến. Một vết cắt xuyên thấu mỗi gia đình, số phận, tưởng chừng giải phóng được rồi là tình người, no ấm về theo. Ai ngờ, vì những chính sách cai trị man dợ kéo dài mà kéo theo bao cảnh ba đào loạn ly, trước tiên là cảnh chia đàn xẻ nghé của tất cả các gia đình "nguỵ quân, nguỵ quyền" chồng, con, anh em vào trại cải tạo, vợ con ở lại nheo nhóc đói khổ, phải đương đầu với cuộc sống vô cùng khắc nghiệt cùng bao quyết sách man rợ, sai lầm chết người của đảng cộng sản: Tài sản bị cướp trắng sau cải tạo công thương nghiệp, giết chết cái gọi là mầm mống tư sản mại bản để đề cao lý tưởng xoá bỏ chế độ người áp bức bóc lột người. Đổi tiền "Nguỵ " ra tiền đảng với gía trị gần như không, đến mức người dân phải thốt lên đầy cay đắng khi cầm một nhúm tiền của đảng, bác trên tay:

Bố cạn tiền rồi cán bộ ơi,
Đổi tiền mà sao đến nỗi này
Chưa tiêu đã hoá tiêu đi hết
Chú phỉnh tôi rồi, chính phủ ơi"

Trong khi đại bộ phận người dân thành phố nghèo đi trông thấy, thì những anh bộ đội cụ Hồ, ba lô con cóc lép kẹp trên lưng với chiếc khung xe đạp, con búp bê nhựa xấu xí hôm nào, bỗng giàu lên một cách đáng ngờ. Từ vô sản thành hữu sản, còn người dân chịu cảnh đấu tranh giai cấp, cải tạo công thương nghiệp , nên đi từ hữu sản thành vô sản. Không những khốn khổ vì đời sống thấp kém, còn khốn khổ vì bị cán bộ cách mạng đè đầu cưỡi cổ, sách nhiễu lung tung.

Biết bao cán bộ lãnh đạo với khẩu hiệu - tưởng chừng bất di bất dịch như một chân lý sống: "Một cái kim, sợi chỉ của dân không lấy" , bỗng vụt hiện lên thành các quan cách mạng, quan đồng chí. Vừa ngủ quên trên ngai vàng quyền lực, chia nhau quả thực, vừa quay lưng lại nỗi khổ của dân, hà hiếp cai trị dân, dù đó là những người từng nuôi dưỡng bao bọc che chở cho mình trong suốt những ngày cách mạng còn gian khổ cam go nhất. Bao nhiêu tàn dư đế, quốc, phong kiến, tưởng đào tận gốc, trốc tận rễ bỗng rùng rùng trở lại, gấp cả trăm, nghìn lần những tiêu cực yếu kém của thời kỳ tồi tệ, hà khắc, phong kiến trước kia- tàn dư của chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Càng giành được chính quyền, giành được quyền tự chủ, tự quyết thì càng lòi sự dốt nát, bất lực trong phương pháp quản lý của đảng cộng sản. Đất nước liền một dải nhưng lại thực hiện chính sách, ngăn sông, cấm chợ, khiến 400 quận, huyện trong cả nước biến thành 400 lô cốt, pháo đài riêng biệt...Từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau, đất nước bị băm nát thành trăm nghìn mảnh vụn bởi các trạm gác, chốt canh, nhân viên thuế vụ v.v Chỉ đem cân gaọ, lạng thịt từ tỉnh này sang tỉnh khác, huyện này sang huyện khác đã bị coi là buôn lậu và bị phạt, bị bắt, bị nhốt vô tội vạ, khiến lòng dân tứ tán ...Làn sóng di tản ồ ạt, di tản bằng mọi giá, gần 90% các sĩ quan ra khỏi trại cải tạo trở về là cùng vợ con bỏ đất nước ra đi, tạo thành một làn sóng lưu vong nhiều không kể xiết, nạn thuyền nhân khủng khiếp nhất thế giới...Chưa kể các trại tù mọc lên như nấm suốt dọc bờ biển Đông để nhốt người vượt biển. Hiếm có người nào đi một lần đã trót lọt. Người bỏ mình trên biển thẳm, người bị bắt hết lần này lần khác, người trở thành nạn nhân của bọn hải tặc Thái Lan v.v Đau thương nhiều không kể xiết... Đất nước không phải của toàn dân tộc Việt Nam như lời cha già dân tộc nói mà chỉ là của một phe nhóm những kẻ lãnh đạo cộng sản, còn những người dân thấp cổ bé học thì thuộc tầng lớp bị trị, bị cai quản, đầy áp đặt thô bạo và phân biệt đối xử không khác gì bài học lịch sử đau xót của cả nghìn năm trước đó: "Được làm vua, thua làm giặc". Hễ là người miền Bắc dù không có chứng chỉ văn bằng, năng lực lãnh đạo, quản lý, nhưng đều được cất nhắc lên thành cán bộ. Con em " Nguỵ quân, nguỵ quyền" bị phân biệt đối xử, bị xem xét về lý lịch, thành phần . Bao nhiêu khẩu hiệu dùng để tập hợp lực lượng, thu hút quần chúng sớm đến ngày chiến thắng, giờ trở thành đầu môi, chót lưỡi , thành sự bội ước với số đông đồng bào, đồng chí, anh em, cô bác. Xã hội bị tha hoá , tuột dốc từng ngày. Thời điểm trước "giải phóng", miền Nam Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chính thể cộng hoà, 21 triệu người đã ra khỏi sự đói nghèo luẩn quẩn của nghìn năm lịch sử, nay nhờ được đảng cộng sản "giải phóng" mà cả nước húp chung một niêu cháo loãng, cả nước lặn ngụp trong những ô tem phiếu, nhá bo bo, mì hạt sái hàm, ăn khoai và củ mì đớ họng. Từ chỗ vượt xa Nam Hàn và Thái Lan trong thập kỷ 70, thì ngay sau "giải phóng" một năm, đã kém xa Nam Hàn và Thái Lan về mọi mặt. Mượn lý tưởng "xoá bỏ chế độ người bóc lột người" để liên tục đánh vào tầng lớp hữu sản, để dần dần thay thế vai trò, từ vô sản thành hữu sản và ngược lại . Ngọn cờ của giai cấp vô sản càng giương cao thì tầng lớp cán bộ, lãnh đạo đảng càng giàu lên một cách bất ngờ, trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi , trong khi bao nhiêu căn cứ cách mạng, bao nhiêu vùng nông thôn rộng lớn phải sống cảnh giật gấu vá vai, ăn bữa nay, lo bữa mai thì cán bộ cộng sản ăn chơi phè phỡn , ăn luôn cả thành tựu cách mạng bao năm gây dựng trong lòng dân . Khắp thành phố khi đó là một bức tranh hiện thực trơ trụi , xám mgoét, hậu quả tất yếu của sự lãnh đạo dốt nát, cộng với chủ nghĩa cơ hội, ăn xổi ở thì, cũng như kiêu ngạo, ảo tưởng của kẻ chiến thắng. Vừa công kênh cái dốt, đề cao cái ác, lại vừa giày xéo lên lương tâm của những người lương thiện, chưa kể còn cố tình bám vào những lý thuyết sách vở lỗi thời là chủ nghĩa Mác, Lê để níu kéo sự phát triển hài hoà của cuộc sống . Càng giương cao ngọn cờ "bách chiến bách thắng" trong mọi lĩnh vực thì càng khủng hoảng, thua lỗ. Càng nêu cao khẩu hiệu "nói thẳng , nói thật , đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật" thì càng dối lừa, gian trá, khiến cho bài toán kinh tế mỗi ngày lại mang thêm nghiệm âm

Hàng nghìn gia đình bị dồn lên khu kinh tế mới, mới chẳng thấy đâu, chỉ thấy mênh mông mịt mùng là rừng, núi, vách đá dựng đứng. Ngày nắng rát da, đêm lạnh thấu xương. Một ngày trải đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, chẳng biết làm gì để ăn, để sống đành ôm nhau mà khóc, ôm nhau mà sợ, rồi không thể ôm nhau mà chết, đành dắt díu lếch thếch kéo nhau về lại nơi ở cũ, vạ vật nơi xó chợ, lề đường, vì nhà cũ đã được quan cách mạng chiếm cứ, trưng dụng vô điều kiện ...

Ba mươi ngày ở lại Miền Nam thâm nhập thực tế, trở ra lòng tôi trĩu nặng. Cũng như tất cả những người dân miền Nam khác trong thời kỳ đó, tôi không nhận được gì từ chế độ mới xã hội chủ nghĩa mà chỉ cảm được nỗi đau, nỗi khổ, nỗi bàng hoàng, hẫng hụt, bất bình của người dân với chính quyền cộng sản

33 năm qua rồi , nỗi đau còn đọng lại, vẹn nguyên, làm tổ, kết kén trong hồn tôi, càng ngày càng mưng mủ, và bây giờ vỡ toác trên trang giấy ...

Bệnh viện Châm Cứu 28-4-2008
Trần Khải Thanh Thuỷ
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »

Phát Hiện ở Quán Cà Phê

Đào Hiếu
Những điều người ta nói sau lưng mình không hẳn đã là xấu. Bởi vì nếu không có những lời đó chưa chắc tôi đã viết được bài báo này.

Chỉ khi rời quán cà phê, về nhà, tôi mới nhận được những lời đó. Nó vang lên trong điện thoại. Cuộc gọi của một người bạn thân: “Lúc nãy khi mày vừa đi thì có người nói: cái tay Đào Hiếu này viết bạo quá, chỉ trích nhà nước cỡ đó thì chỉ có mấy tay cò mồi hoặc là công an văn hóa đội lốt nhà văn mới dám làm.”

Câu nói sau lưng ấy như cái công tắc đèn điện, nó vừa bật lên trong cái đầu mù mịt của tôi, làm bừng sáng một khuôn mặt. Rồi nhiều khuôn mặt. Lố nhố. Lướt qua trí nhớ tôi, trôi dạt, đọng lại, hội tụ, định dạng ngay trước mũi. Tôi ngửi thấy được mùi của họ. Nhưng họ không là ai cụ thể. Họ là một tầng lớp, một nhóm bạn thân quen. Vẫn chơi. Vẫn bù khú, nhậu nhẹt, tán dóc. Một đám bằng hữu mà tôi không bao giờ từ bỏ, ghét bỏ. Vì họ có tri thức, có tấm lòng. Họ tốt. Họ là bạn tôi.

Chỉ có điều…

Tôi biết mình là ai. Tôi viết bạo. Tôi có một trang web cũng rất bạo. Sao tôi không bị bắt, sao trang web của tôi không bị dẹp tiệm hay phá hoại?

Trước nay tôi vẫn nghĩ mình là một thằng liều mạng, một kẻ chịu chơi. Cái gì mình cho là đúng thì viết, cái gì mình thấy là sai thì lên án, phê phán, nguyền rủa. Đơn giản là vậy. Vài người bạn bảo tôi: “Công an nó theo dõi mày đấy, coi chừng!” Tôi nói: “Việc của họ thì họ làm, việc của mình thì mình làm, hơi đâu mà lo. Cứ lo sợ thì chẳng làm gì được.”

Đó là chuyện trước đây.

Bây giờ, sau khi nghe “câu nói sau lưng” kia, thì đã khác rồi.

Khác như thế nào?

Rằng không phải tôi “chịu chơi” hay “liều mạng” mà chỉ là một thằng “cò mồi”, một tên “công an văn hóa đội lốt nhà văn”. Bằng chứng là tôi viết tự do thoải mái như thế nhưng có ai hù dọa răn đe bắt nhốt gì tôi đâu.

Rất may là khi biết có người nghĩ về mình như vậy tôi mới phát hiện một sự thực: đó là sở dĩ tôi có thể viết tự do thoải mái như thế là vì chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện nay phớt lờ những gì người ta viết trên mạng. Mặt của họ đã dày như cái mo rồi, có lấy ngòi bút mà chọc vào má, họ cũng chẳng “ngứa”.

Rồi tôi lại phát hiện thêm một sự thực nữa: đó là chính giới cầm bút trong nước hiện nay bị nỗi sợ hãi truyền kiếp (từ thời Nhân văn giai phẩm) làm cho khiếp đảm nên không dám viết, thi thoảng mới có vài anh nhà báo, nhà văn viết một bài gì hơi “có vấn đề” một chút, thì giấu giấu, đút đút, quan trọng hóa đến khốn khổ.

Còn viết huỵch tẹc như tôi thì được khen là “dũng cảm” hoặc bị nghi ngờ là “cò mồi” là “công an văn hóa”. Tôi cám ơn lời khen ấy nhưng tôi xin thưa rằng tôi chẳng dũng cảm gì cả, cũng chẳng bao giờ được cái hân hạnh làm anh công an văn hóa vô cùng cao quý của Đảng.

Tôi chỉ là một anh công chức quèn đã về hưu. Đơn giản như vậy. Nhưng tôi dám viết. Còn các anh (đang sống trong nước) sao im lặng? Sao chết nhát thế? Cứ viết đi. Viết như những gì các anh đã suy nghĩ, đã từng nói với tôi. Với bè bạn, với đồng nghiệp. Viết đi chứ. Tại sao cứ nghĩ rằng nhà nước cộng sản sẽ xét nhà, tịch thu máy tính, bắt bỏ tù?…

Tôi cũng đã từng bị như vậy, nhưng thời đó qua rồi. Các anh cứ mạnh dạn viết đi. Nếu không dám viết thì đừng có mà đổ thừa cho chế độ.

Nếu các anh không dám viết thì chẳng lẽ quanh đi quẩn lại chỉ có Lữ Phương, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Đào Hiếu, Hà Sĩ Phu… thôi sao? Các anh nghĩ chúng tôi là ai?

Háo danh? Chơi nổi? Thích chính trị? Muốn làm bộ trưởng? Muốn lập đảng phái này nọ?

Hay các anh đứng ngoài cuộc vì các anh muốn làm văn học phi chính trị? Đó chỉ là ngụy tín. Không bao giờ có thứ văn học đó đâu. Hay các anh đang mai phục, náu mình? Ôi thôi, trong tình hình này mà còn mai phục và náu mình thì có khác gì “bọn cơ hội”. Hay các anh muốn nói: “Hãy để yên cho nhà nước xây dựng cầu đường, bệnh viện, trường học, nhà máy, đừng la lối chỉ trích, rách việc…” Các anh không biết rằng nhà nước xây dựng có một mà “ăn” tới năm ba phần sao? Xây cầu thì cầu sập chết hàng trăm người, làm đường thì đường sạt lở, bỏ ra hàng trăm triệu đô-la để làm hệ thống thoát nước Hà Nội thì Hà Nội chìm trong biển nước, hao tốn 10.000 tỷ đồng để làm hầm ngầm Thủ Thiêm thì hầm nứt, nuớc rò rỉ tùm lum… chuyện đó ở Việt Nam đứa con nít nó cũng biết.

Vậy các anh lấy cớ gì mà đứng ngoài cuộc? Sao không giúp chúng tôi một tay? Có ai cấm các anh viết đâu? Có ai bỏ tù các anh đâu? (Tôi đã chứng minh bằng chính bản thân mình, các anh không tin sao? Hay là các anh cũng nghĩ tôi là cò mồi, là công an văn hóa?).

Trong bài “Tổ quốc của kẻ sĩ” nhà văn Nguyễn Gia Kiểng đã viết:

“Mỗi người có cách riêng để luồn lách và tồn tại. Tất cả đều khôn, không ai chịu dại cả. Kết quả tổng hợp là đất nước vẫn tiếp tục quằn quại trong độc tài và lạc hậu. MỘT DÂN TỘC GỒM TOÀN NHỮNG NGƯỜI KHÔN LÀ MỘT DÂN TỘC RẤT ĐẦN ĐỘN. Chỉ có thể coi là yêu nước những người sẵn sàng chấp nhận một sự dại dột nào đó cho đất nước.”
Nếu những nhận xét trên của ông Nguyễn Gia Kiểng là chính xác thì giới trí thức văn nghệ sĩ chúng ta có vĩnh viễn làm gia nô cho chính quyền cộng sản cũng là đáng đời.


ĐÀO HIẾU
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

Dân Mỹ chịu rủi ro cho các ngân hàng

Ngô Nhân Dụng
Hôm qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đưa ra một bản báo cáo về tình hình tài chánh thế giới, trong đó họ ước tính tổng cộng các ngân hàng ở Mỹ sẽ bị mất đến 2 ngàn 700 tỷ Mỹ kim trong cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay. Con số này lớn gấp đôi lời tiên đoán một năm trước đây, cho thấy là chính phủ Barack Obama sẽ còn vất vả trong việc phục hồi kinh tế Mỹ. Vì nếu các ngân hàng không hoạt động bình thường trở lại thì kinh tế khó vươn lên được. Mà nếu các ngân hàng vẫn còn lo mất tiền vì những món nợ không dễ đòi thì chính họ không thể hoạt động bình thường.

Hàng ngàn tỷ đô la trái khoán nhiễm độc vẫn còn treo lơ lửng trên đầu các ngân hàng; gọi là nhiễm độc vì chúng tùy thuộc những món nợ địa ốc khó đòi. Trong khi chính các ngân hàng chưa biết những trái khoán có thu được tiền hay không, thì họ cũng không biết trong nhà còn bao nhiêu tiền “vốn” (equity) sau khi trừ các món nợ nần. Họ sẽ phải tích trữ tiền mặt để đề phòng thua lỗ, do đó cũng không sẵn tiền cho các xí nghiệp và người tiêu thụ vay. Thiếu tiền thì cả việc tiêu thụ lẫn việc sản xuất đều bị trì trệ. Ông Bộ Trưởng Tài Chánh Timothy Geithner hôm qua mới giải thích với các đại biểu Quốc Hội rằng khi các ngân hàng mất một đô la trong “vốn nhà” của họ thì số tiền họ sẽ giảm tiền cho vay từ 8 đến 12 đô la. Cho nên, kế hoạch cứu các ngân hàng vẫn là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ. Ông Geithner thưa với các đại biểu Quốc Hội rằng chính phủ không thể để mặc cho các ngân hàng ôm đống nợ khó đòi như thế mãi, làm vậy sẽ kéo dài tình trạng kinh tế suy thoái không biết đến bao giờ.

Nhưng cũng trong ngày hôm qua, kế hoạch giải cứu đó lại bị một thanh tra nhà nước chỉ trích là đem tiền của người dân đóng thuế đi cứu các “chủ nhà băng,” trợ giúp những nhà đại tư bản! Bản báo cáo thường lệ dầy 250 trang do thanh tra Neil Barofsky nạp cho Quốc Hội Mỹ ba tháng một lần đã tỏ ý lo ngại rằng kế hoạch “hợp tác công và tư” của ông Geithner để mua những chứng khoán nhiễm độc có vẻ “ưu đãi các nhà đầu tư” và có thể khiến “người dân đóng thuế” gánh chịu quá nhiều rủi ro.

Ông Geithner biện hộ cho kế hoạch “công tư cộng tác” của mình là cân bằng nhất. Vì “người dân thọ thuế sẽ chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư, trong khi đó vẫn để cho lãnh vực tư đánh giá đúng các chứng khoán nhiễm độc” qua việc đấu giá khi mua lại các chứng khoán đó.

Nhưng những lý luận của ông Geithner có nhiều lỗ hổng. Nhiều nhà kinh tế, đặc biệt là những người đã ủng hộ Tổng Thống Barack Obama và đảng Dân Chủ, đã vạch ra nhiều khe hở. Nói chung, họ công kích kế hoạch cộng tác công tư của ông Geithner vì nó cho phép các “nhà băng” nếu thắng thì hưởng tiền lời như của tư hữu, còn nếu thua thì số tiền lỗ lã sẽ được “xã hội hóa,” nghĩa là bắt cả xã hội phải gánh chịu! (Nói bằng tiếng Anh là: privatizing gains and socializing losses).

Thanh tra Neil Barofsky, người phụ trách theo dõi chương trình 700 tỷ cứu các ngân hàng, trình bày trong bản báo cáo của ông là Bộ Tài Chánh sẽ thực hiện kế hoạch hợp tác công tư như thế này: Nhà đầu tư (là các công ty tài chánh, các quỹ đầu tư hoặc ngân hàng) bỏ ra một đô la, chính phủ sẽ bỏ vào một đô la góp vốn. Với 2 đồng vốn đó, chính phủ sẽ cho vay thêm một đô la nữa thành 3 đô la. Ðồng đô la vay nợ này thuộc loại nợ chỉ được bảo đảm bằng vật thế chấp mà thôi (tiếng Anh gọi là non-recourse loan), tức là nếu công việc làm ăn bị thất bại lỗ vốn thì người cho vay cứ lấy vật thế chấp mà đền, còn người đi vay sẽ phải bỏ thêm tiền nhà ra trả thêm nếu giá trị vật thế chấp thấp hơn tiền nợ. Vật thế chấp trong kế hoạch này chính là những chứng khoán nhiễm độc mà hai bên sẽ mua. Tổ hợp đầu tư có 3 đô la rồi, sẽ đi vay thêm tiền của Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang. Cuối cùng đem tiền vốn và tiền vay đi mua các chứng khoán nhiễm độc của các công ty tài chánh, ngân hàng. Kế hoạch mua các trái khoán nhiễm độc được thực hiện với 12 chương trình phức tạp liên hệ với nhau mà theo ông Barofsky thì tổng số tiền dùng vào việc mua các chứng khoán nhiễm độc, cả công quỹ lẫn tiền góp vốn của tư nhân, sẽ lên tới vài ngàn tỷ đô la.

Theo kế hoạch được tiết lộ từ tháng trước thì ngoài tiền góp của tư nhân, của chính phủ, và tiền chính phủ cho vay, món nợ có thể vay từ Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang được phép lên tới 92% số vốn đầu tư khi mua các chứng khoán nhiễm độc. Như vậy không khác gì chính phủ cho các nhà đầu tư vay để giải tỏa giúp các ngân hàng khỏi những trái khoán nặng nợ vì địa ốc. Khi mua các trái khoán đó người ta không biết sau cùng sẽ có bao nhiêu chủ nhà không trả được nợ, đó là mối rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh. Nhưng trong cuộc hợp tác công tư này các nhà đầu tư lợi quá, còn chính phủ bị thiệt vì gánh quá nhiều rủi ro, tức là những người dân đóng thuế ở Mỹ có thể bị rủi ro mất nhiều tiền hơn các nhà tư bản.

Góp tiền mua các chứng khoán nhiễm độc là một cuộc chơi may rủi. Chính phủ Mỹ sẽ bảo đảm món nợ mà nhà đầu tư đi vay để cùng mua các chứng khoán đó, cũng không khác gì chính phủ bỏ tiền ra cho họ vay. Nếu sau cùng các chứng khoán đó tốt, thí dụ các con nợ mua nhà trong đó đều trả được đầy đủ, thì hai bên sẽ chia nhau tiền lời sau khi trả nợ. Nếu chẳng may nhiều con nợ khai phá sản, chứng khoán không còn giá trị nữa, thì hai bên cùng bị lỗ mất số tiền họ bỏ ra, nhưng riêng phần chính phủ Mỹ thì còn phải đứng ra trả món nợ đã đứng ra bảo đảm! Tức là lỗ lớn!

Ví dụ có người cùng bạn dự chung một cuộc chơi may rủi. Ðiều kiện là nếu thắng thì cả hai bên cùng ăn, nhưng nếu thua thì người kia chỉ mất một đồng, còn bạn chịu lỗ 9 đồng! Bạn có thấy nên tham dự hay không? Chắc là không, vì người kia lợi quá. Chính phủ Mỹ đang tặng cho các nhà ngân hàng và quỹ đầu tư cơ hội hưởng lợi như thế.

Giáo Sư Joseph E. Stiglitz đã chứng tỏ điều này với một thí dụ giản dị. Ví dụ có một cuộc đánh cá, thẩy đồng xu nếu sấp thì được 200 đồng, nếu ngửa thì không được đồng nào. Cuộc đánh cá này cũng giống như mua xổ số với xác suất 50-50 để thắng 200 đồng, hay là mất tiền luôn. Giả thiết người tham dự không quan tâm đến may rủi thì cái “giá” của tấm vé xổ số này là 100 đồng, con số trung bình của 200 và zero.

Chính phủ Mỹ và nhà tư bản sẽ chung nhau mua vé số 100 đồng đó, nhưng mỗi bên chỉ bỏ ra 4 đồng, chính phủ hứa bảo đảm tất cả món nợ 92 đồng sẽ vay để mua vé số. Nếu khi thẩy đồng tiền mà thấy sấp thì thắng 200 đồng, trả nợ 92 đồng rồi thì chính phủ và nhà đầu tư mỗi bên được 54 đồng tức là mỗi người lời 5 chục bạc với cuộc đầu tư 4 đồng bạc! Nhưng nếu thẩy đồng tiền lên mà kết quả là ngửa, thì cả chính phủ và nhà đầu tư đều mất hết tiền vốn là 4 đồng. Tuy nhiên sau đó ông chính phủ sẽ phải bỏ tiền túi ra trả món nợ 92 đồng nữa! Nói là chính phủ mất tiền, trong thực tế đó là tiền của tất cả 300 triệu dân Mỹ!

Một cuộc đánh cá như vậy là thiên lệch. Nhà tư bản bỏ ra 4 đồng đánh cá, với xác suất là 50% mất hết, và 50% là được trả 54 đồng. Còn ông nhà nước cũng bỏ ra 4 đồng nhưng có 50% xác suất được hưởng 54 đồng và 50% sẽ bị mất 96 đồng! Ðây là một vụ cộng tác rất thiên lệch, các nhà tư bản sẽ hưởng lợi lớn và chịu rủi ro rất nhỏ, còn toàn dân Mỹ quốc sẽ gánh rất nhiều rủi ro mất tiền.

Nhưng 300 triệu dân Mỹ còn lo mất tiền nhiều hơn nữa. Vì cái người bán tấm vé số trên có thể không chịu bán với giá 100 đồng! Nếu họ đòi bán với giá 150 đồng thì sao? Thì mối rủi ro của chính phủ sẽ tăng lên, vì món nợ đi vay sẽ không phải là 92 đồng mà lên tới 138 đồng lận; nếu lỗ vốn thì nhà nước sẽ phải trả món tiền 138 đồng đó.

Nhưng có thể nào người bán vé số đòi được giá 150 đồng hay không? Ở đây chúng ta phải nhìn kỹ xem ai là những người bán vé số, và ai là những người sẽ chung vốn mua vé số với chính phủ Mỹ?

Nhìn thật kỹ, trong thực tế sẽ thấy họ đều là các “nhà băng” tức là các đại công ty tài chánh và ngân hàng ở Mỹ, trong đó có những ngân hàng đang ôm các trái khoán khó đòi nợ. Hiện nay không ai biết các chứng khoán đó trị giá bao nhiêu, vì không bán được trong thị trường, cho nên ông Geithner đã đưa đề nghị bán đấu giá. Có thể tin là những người hiến giá đều biết họ muốn gì và biết món hàng đó có giá trị bao nhiêu đối với họ, do đó sẽ không lo người bán cố ý tăng giá lên quá trớn. Nhưng ông Borofsky đã nêu lên mối nguy là những người bán và người mua có thể thông đồng với nhau để tăng giá các chứng khoán đem đấu giá!

Tất cả những người bán và người mua dù không bàn nhau cũng thấy tự động tăng giá “tấm vé số” của họ lên là cách tốt nhất. Tất cả các nhà băng sẽ được lợi, chỉ người dân đóng thuế bị thiệt hại! Cuộc đấu giá trong đó chính phủ hy vọng sẽ xác định được giá trị “thị trường” của các chứng khoán thì trong thực tế giá sẽ được nâng lên cao hơn!

Còn một mối nguy hiểm nữa là ngay cái xác suất thắng và thua cũng không đúng như mọi người tiên liệu. Vì khi chọn các chứng khoán đem ra bán đấu giá, các ngân hàng sẽ chọn những chứng khoán với các món nợ khó đòi nhất trong đó để bán. Khi đó xác suất bị mất tiền sẽ lên cao, xác suất để có lời rất thấp - cũng giống như đồng tiền bị lệch, dễ lật mặt ngửa lên hơn là mặt sấp!

Những khó khăn kể trên khiến việc thực hiện chương trình cứu trợ các ngân hàng của chính phủ Obama sẽ còn đầy trở ngại. Theo ông Geithner thì nhà nước chỉ còn hơn 100 tỷ trong số 700 tỷ đã được Quốc Hội thông qua từ thời Tổng Thống Bush. Theo thanh tra Borofsky, nhà nước cần phải theo dõi sát việc thực hiện chương trình này để tránh những sự thông đồng giữa các nhà đầu tư khi đóng vai mua, khi đóng vai bán. Phải nghiêm cấm những tình trạng quyền lợi công và tư xung khắc cho những người thực hiện chương trình này. Phải công bố minh bạch danh sách những người và công ty đứng ra góp vốn với chính phủ để mua các chứng khoán nhiễm độc; mà những nhà đầu tư đó phải được xét kỹ trước khi được cộng tác.

Giáo Sư Joseph E. Stiglitz đã được giải Nobel về Kinh Tế, từng làm cố vấn cho chính phủ Clinton và thường được Tổng Thống Obama tham khảo trong thời gian tranh cử.

Nhìn qua thí dụ ông nêu lên thì thấy mối lo dân Mỹ bị mất tiền cho các nhà tư bản ăn là có thật. Một điều người dân ở đây yên tâm là báo chí được tự do, các nhà kinh tế độc lập được tự do phát biểu, mà thanh tra ăn lương của chính phủ cũng không có bổn phận phải bênh vực chính phủ! Vì ở một nước tự do, ai cũng biết chính phủ nhất thời, dân vạn đại.
quaichao
Posts: 1186
Joined: Mon Jun 11, 2007 5:32 am
Contact:

Post by quaichao »


Image
Nước Mắt 30 Tháng Tư

THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG

Trường hợp của Thuyền Nhân Vũ Duy Thái
(Tự thuật từ trại tị nạn Songkhla, Thái Lan – Tháng 4,1980)
Tôi tên là Vũ Văn Thái, sinh ngày 2 tháng 10 năm 1936 tại Hóa Lộc, Tuyên Sơn, Ninh Bình (Bắc Việt). Thuở nhỏ rất nghèo, phải chăn trâu cắt cỏ từ lúc 5 tuổi. Mồ côi cha năm 10 tuổi, mẹ ốm đau thường xuyên, nhưng lần hồi đến năm 23 tuổi thì đời sống tương đối dễ chịu hơn với nghề thợ may.

Tôi di cư vào Nam năm 1954 và lập gia đình vào ngày 6-4-1958 ở xứ An Lạc, Gia Định. Nhà tôi tên là Đinh Thị Bằng, sinh năm 1940 tại Phú Nhai, Nam Định (Bắc Việt). Nhà tôi cũng thuộc thành phần di cư năm 1954. Lúc mới lấy nhau, chúng tôi rất nghèo. Tiền đám cưới có 6,000 bạc chúng tôi cũng lo không nổi phải đem bán cái máy may được hai ngàn và vay mượn bạn bè thêm bốn ngàn nữa mới tạm đủ. Như thế nhà tôi đã khởi sự chia sẻ với tôi nỗi gian nan, vất vả của đời sống ngay từ lúc mới bước chân về nhà chồng. Những năm đều sống thiếu thốn cực nhọc trôi qua trong sự đảm đang, tần tảo của nhà tôi. Là một phụ nữ yếu đuối về thể chất nhưng lại rất mạnh mẽ về tinh thần, nhà tôi đã phấn đấu, hy sinh rất nhiều để lo lắng cho chồng con. Gần như trong suốt cuộc đời, nhà tôi không được hưởng thụ gì, không có một thói quen giải trí nào, không ưa thích một điều gì ngoài niềm vui lo toan sắp xếp công việc tề gia nội trợ, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho chồng cho con. Lúc nào nhà tôi cũng cố gắng sắp xếp để cho chồng con được ăn ngon, mặc đủ. Dưới mắt tôi, nhà tôi là một phụ nữ tuyệt vời, một mẫu người phụ nữ Việt Nam đảm đang, trung hậu, hiền hòa, luôn luôn là niềm an ủi khích lệ, là chỗ dựa vững chắc cho toàn thể gia đình.

Chúng tôi sinh hạ được tất cả 7 con, tuần tự gồm có:

1 Giuse Vũ Duy Thanh sinh năm 1959
2. Vincente Vũ Duy Khanh sinh năm 1961
3. Phero Vũ Duy Tuấn sinh năm 1963
4. Maria Vũ Thị Thanh Thủy sinh năm 1966
5. Maria Vũ Thị Thanh Thủy Trang sinh năm 1968
6. Martin Vỹ Duy Tài sinh năm 1971
7. Phero Vũ Duy Trí sinh năm 1975

Gia đình tôi được kể như hoàn toàn hạnh phúc nếu như không có sự sụp đổ miền Nam, đất nước rơi vào tay Cộng Sản (CS). Là một gia đình Thiên Chúa giáo ngoan đạo, các con tôi đã thụ hưởng một nền giáo dục nằm trong tình yêu thương của Thiên Chúa do đó không bao giờ chúng tôi có thể sống nổi dưới ách độc tài, đàn đáp của CS. Vì thế chúng tôi đành quyết định bỏ nước ra đi.

Chuyến vượt biển thứ nhất, vợ chồng tôi cho ba cháu trai đầu đi trước. Tầu khởi hành từ bến Bạch Đằng, Sài Gòn vào ngày 1 tháng 10 năm 1978 chở theo 130 người. Nhưng chỉ đi được 4 ngày thì chết máy. Ghe lạc vào một đảo san hô đầy đá ngầm thuộc đảo Bành Hồ (Đài Loan). Sống ở đó 50 ngày, thực phẩm hết, số người chết vì đói cứ tăng dần và những người sống sót đành xẻ thịt người chết mà ăn để sinh tồn. Hai cháu lớn của tôi, Vũ Duy Thanh và Vũ Duy Trung đã bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát này. Các cháu đã chết và xác của các cháu đành cho bạn đồng ghe ăn thịt.

Mãi tới sáng ngày thứ 50 trên đảo mới có tầu đánh cá Đài Loan tới cứu. Cả ghe 130 người chỉ còn sót có 60 người. Nhưng trên đường từ đảo san hô vào Đài Loan, lại có thêm một số người chết nữa vì quá kiệt sức. Rút cục khi đặt chân lên đất liền ở Đài Loan, chỉ còn 34 người sống sót, trong số đó có con trai thứ ba của tôi là Vũ Duy Tuấn và một đứa con đỡ đầu của tôi nữa tên Trịnh Vĩnh Thụy. Hiện cháu đang ở Đài Bắc. Còn cháu Thụy, nhờ có thân nhân ruột thịt bảo lãnh nên đã định cư tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Trước thảm kịch có hai anh ruột bị chết thảm, cháu Tuấn vì sợ bố mẹ đau buồn nên đã dấu biệt tin tức. Mãi tới ngày 20-12-1978, một người bạn của tôi tên Đỗ Minh Ngự ở Mỹ viết thư báo tin, gia đình tôi mới được rõ tin tức về chuyến đi kinh hoàng đó. Vào đúng thời điểm này, gia đình chúng tôi lại đang chuẩn bị vượt biển chuyến thứ hai. Chung tôi làm lễ cầu nguyện 3 ngày liền cho hai cháu ở nhà thờ An Lạc, Chí Hòa, rồi mặc dù vô cùng đau đớn, chúng tôi vẫn tiếp tục xúc tiến cuộc hành trình vượt biển với cả gia đình.

Chúng tôi rời Sài Gòn vào ngày 28 tháng 12 năm 1979 lúc 4 giờ sáng để đi xuống Rạch Giá. Qua 4 giờ sáng ngày 29-12 thì ghe của chúng tôi ra khơi, chiếc ghe mang số VNKG 0980, dài 13 m, ngang 2,5m, chở 120 người. Ghe chạy tới 7 giờ chiều ngày 30-12 thì gặp hải tặc Thái Lan (trên tàu cướp có treo cờ Thái Lan), chúng xáp lại cướp lần đầu. Cướp xong, chúng bỏ đi. Qua 8 giờ sáng ngày 31-12 lại gặp một tầu cướp khác. Lần này cướp xong, chúng phá máy tầu. Một chuỗi 8, 9 tiếng nổ phát ra ở hầm may làm chiếc ghe lập tức bị chao đi và chìm lỉm ngay ít phút sau đó. Tất cả mọi người trên ghe đều la khóc kinh hoàng. Vào những giây phút cực kỳ khiếp đảm này, vợ chồng chúng tôi không nói được với nhau câu nào. Tôi chỉ còn kịp nhìn thấy nhà tôi với vẻ mặt hết sức kinh hoàng, thảng thốt. Rồi tôi cuối xuống hôn hai con chót của tôi là cháu Tài (8 tuổi) và cháu Trí (4 tuổi). Tôi cũng nghe thấy tiếng cháu Thùy kêu la: “Cha ơi... chú Tuynh kìa..” và cháu Trang la lên “Cha ơi ... chết rồi..” Rồi ghe chìm lỉm. Lúc đó nhà tôi vẫn ở bên cạnh tôi. Nhưng nhà tôi không hề níu kéo lấy tôi. Đây là sự hy sinh cao cả cuối cùng của nhà tôi dành cho chồng con. Nhà tôi không muốn tôi bận bịu, vướng mắc giữa sóng biển để tôi có cơ hội cứu các con. Khốn thay, một con sóng độc ác đã ùa tới nhận chìm tất cả những người thân yêu của tôi. Tôi không còn thấy ai nữa. Chỉ có sóng nước ngập đầu. Ngay lúc đó tôi được một người cháu tên Phương níu tôi lại và tôi bíu vào một cái can nước. Tôi ôm cái can một cách hoàn toàn theo bản năng. Và lúc tôi mở được mắt ra thì tôi thấy nhà tôi vật vờ ngay trước mắt.. Rồi sau đó tôi ngất đi, không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh dậy tôi nhìn thấy mình đang nằm trên tàu của hải tặc. Bên cạnh tôi là hai em Hùng và Châu đang làm hô hấp nhân tạo cho nhà tôi, chắc là nhà tôi vừa được các em vớt lên. Tôi cũng gượng dậy để ra phụ giúp nhưng bọn hải tặc đã ra hiệu là phải hất nhà tôi xuống biển. Thật không còn gì tan nát hơn lòng tôi lúc đó. Tôi nhào lại, ôm nhà tôi vào lòng, đau đớn nhìn nhà tôi hai mắt vẫn còn mở nhưng thân hình đã bất động. Tôi đã đã dùng tay vuốt cho hai mắt của nhà tôi khép lại rồi tôi khiêng ở đầu, hai em Hùng và Châu khiêng ở chân hạ nhà tôi xuống biển. Đó là lần cuối cùng tôi ở cạnh nhà tôi. Những giây phút đau đớn nhất của một đời người. Một cơn sóng áp tới. Biển xanh bao vây nhiều sóng dữ đã vĩnh viễn lôi cuốn đi người vợ thân yêu nhất đời của tôi. Không bao giờ tôi còn gặp lại. Không có cả một nấm mồ để tôi lui tới thăm viếng. Một thoáng lay động trên mặt biển. Rồi vĩnh viễn chia lìa. Ôi đau đớn nào cho bằng sự đau đớn mà tôi đã phải chịu đựng. Tất cả những người thân yêu nhất của tôi đã ra đi trong khoảnh khắc. Khi chết, nhà tôi bận một cái quần đen, một cái áo montagut đen. Nét mặt nhà tôi không tỏ vẻ đau đớn gì cả. Chỉ có nét thảng thốt thoáng qua trên khuôn mặt bình thản. Đó là hình ảnh cuối cùng của nhà tôi mà tôi ghi nhớ được trước giây phút ngàn năm vĩnh biệt.

Kiểm điểm lại, chẳng những nhà tôi chết trên biển mà tất cả bốn đứa con của tôi đều chết đuối hết, cháu Thanh Thùy, cháu Thùy Trang, cháu Duy Tài, cháu Duy Trí, những người thân yêu nhất của đời tôi đã vĩnh viễn đi vào lòng biển sâu. Tôi tưởng rằng nếu trên đời này có những thảm họa đau đớn nào thì thảm họa giáng xuống gia đình của tôi phải kể là một trong những thảm họa lớn nhất, khủng khiếp nhất, vượt quá sức chịu đựng của một con người... Cùng số phận với vợ con tôi còn có 65 người khác nữa đi cùng ghe với tôi cũng đã bị chết chìm. Như thế, cả thảy 70 sinh mạng thuyền nhân trong ghe này đã bị chết dưới bàn tay bạo tàn của hải tặc. Số còn lại được hải tặc đưa vào đảo Kra, một hòn đào nằm trơ vơ giữa biển cả trong Vịnh Thái Lan. Đảo này bây giờ trở thành địa ngục của dân Việt Nam tị nạn bằng thuyền. Bởi vì bất cứ ai bị đưa vào đây đều trở thành nạn nhân của sự bạo hành: Tra tấn đàn ông để khảo của, và bắt chỉ chỗ trốn của phụ nữ, còn phụ nữ thì lẩn lút trong hốc núi, trong rừng sâu hay trong vách đá ngầm nhô ra ngoài biển. Trên đảo có nhiều dấu tích thảm thương của đồng bào đi trước để lại như những hàng chữ viết lên vách đá, những mớ tóc đàn bà vương vãi rải rác khắp mọi nơi (chắc là được cắt đi để giả trai) và cả những xác thuyền, những ngôi mộ của những người đã bỏ xác ở đó.
Image

Chúng tôi được đưa lên đảo vào lúc 6 giờ chiều ngày 31-12 năm 1979. Lòng đớn đau, thân xác rã rời, bệnh hoạn. Các em tôi phải tìm kiếm cỏ khô trải thành nệm cho tôi nằm, lo tìm thức ăn cho tôi ăn. Vì tôi quá đau ốm nên chú Chiếu đã chịu khó đi mày mò ở khắp mọi chỗ, bòn mặt ở những nơi có vật dụng vương vãi của đồng bào đi trước bỏ lại để tìm kiếm cho tôi những viên thuốc. Có những viên đã vữa nát vì nắng mưa, có những viên mòn vẹt chỉ còn lại một phần tư nhưng tôi vẫn cố nuốt để cầm cự được cho sức khỏe đã vô cùng suy sụp của tôi.

Sáu ngày trên đảo là sáu ngày buồn thảm, kinh hoàng. Đói, bệnh và những nỗi nhớ thương, đau đớn đến tận cùng của tâm hồn tôi. Trong khi ấy, các phụ nữ đi cùng ghe vẫn phải lẩn trốn như những con vật vô phương tự vệ trước những cuộc lùng sục bạo tàn của hải tặc.

Đến ngày 6 tháng 1 năm 1980, chúng tôi được Cao Ủy LHQ phát hiện (bằng trực thăng bay qua đảo) và đưa thuyền ra đón vào quận Pakphanang thuộc tỉnh Nakorn Sri Thamaraj. Ở đó 18 ngày làm thủ tục với cảnh sát Thái, thì chúng tôi được đưa về trại Songkhla ngày 23-1-1980.

Hôm nay là ngày 10 tháng 4 năm 1980, là ngày thứ 100 nhà tôi và các cháu chết trên biển, trong Vịnh Thái Lan trên đường vượt thoát xứ CS để đi tìm tự do. Tôi đang ở trại tị nạn Songkhla. Cách đây 50 ngày, Cha Tuyên Úy Joe Devlin đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho nhà tôi và các con tôi tại nhà thờ ở trong trại. Hôm nay, nhân dịp 100 ngày, Người cũng dâng lễ cầu nguyện cho. Tôi vô cùng đớn đau, vô cùng chua xót nhớ lại những người thân yêu nhất của đời tôi. Vợ tôi, sáu con tôi đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại.

Lạy Chúa, xin Chúa hãy xót thương cho những linh hồn đã chết đớn đau trong thảm họa đớn đau chung của cả Dân Tộc Việt Nam chúng con. Xin Chúa hãy cứu vớt linh hồn vợ con, các con của con để đưa tất cả về nơi an nghỉ bình an hạnh phúc đời đời nơi nước Chúa. Xin Chúa hãy giúp con đầy đủ can đảm để đứng vững sau cơn gió bão khủng khiếp của đời người, để cho con còn đầy đủ minh mẫn, đủ sức khỏe để lo lắng cho đứa con trai duy nhất của con còn đang sống ở Đài Loan. Con đã chịu đau thương quá nhiều. Con cầu nguyện ơn Chúa ban xuống cho tất cả thân nhân còn lại của con, các đồng bào của con, những người sẽ vượt biển ra đi đều tới bến bờ bình an.

Songkhla, ngày 10 tháng 4 năm 1980
Vũ Duy Thái
(Nhân giỗ 100 ngày của vợ và các con chết trên Biển Đông)
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Post by thienthanh »

30 Tháng Tư Năm 1975: Ngày Đau Thương Của Cả Nước
Trần -Tinh Bạch Thái Tường

Lịch sử nước Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Mỗi giai đoạn biến đổi đều có một mốc thời gian nhất định để đất nước chuyển từ trạng huống này sang trạng huống khác, nói một cách rõ hơn là sự thay đổi của một chính thể hay một thể chế.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là một dấu mốc lịch sử, là một bước ngoặc đổi thay cả một thể chế 20 năm Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam. Kể từ đó, Cộng sản Việt nam tiến hành cưỡng đặt chính thể Việt nam Dân chủ Cộng hòa trên địa bàn cả nước (sau này đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, một danh xưng “mỹ miều” của chủ nghĩa Cộng sản).

Đi sâu hoặc phân tích để tìm hiểu cái hay , cái dở của từng chính thể hẳn phải đòi hỏi nhiều thời gian và tài liệu nghiên cứu.

Trong phạm vi của bài cảm nghĩ hôm nay, thử tìm hiểu xem ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày thế nào, hằn chứa những suy tư và ý nghĩa gì ?

Sau khi Tổng Thống (3 ngày) Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn thể Quân, Cán, Chính ngưng mọi sinh hoạt để sẵn sàng bàn giao nhiệm sở cho “cái gọi là” lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam (hay theo ngôn từ của Tổng Thống Minh là “người anh em phía bên kia), thì tâm trạng của toàn quân, toàn dân miền Nam Việt Nam đều ngỡ ngàng và uất nghẹn. Sự uất nghẹn và ngỡ ngàng đó thậm chí đã làm cho một số Tướng lãnh, Sĩ quan, Hạ sĩ quan, binh sĩ và Cảnh sát tìm cái chết oanh liệt của họ là tự sát hay cố chiến đấu đến gần hơi thở cuối cùng rồi quay súng tự kết liễu đời mình.

Sau đó, rồi tới những chuỗi ngày tiếp nối, Sĩ quan các cấp (quân đội cũng như cảnh sát), các Hạ sĩ quan thuộc các thành phần nguy hiểm (theo đánh giá của Việt cộng lúc bấy giờ), các vị chỉ huy hành chánh , các cán binh Cộng sản chiêu hồi , các cảnh sát viên đặc biệt bị lùa vào các trại tập trung cải tạo bằng những thông cáo với ngôn từ mập mờ làm cho mọi người hiểu rằng chỉ đi học tập cải tạo 10 ngày (đối với sĩ quan cấp úy trở xuống) và một tháng (đối với sĩ quan cấp tá trở lên).

Về phần dân chúng thì không an tâm, lúc nào cũng nơm nớp về các vụ đấu tố hay tịch biên gia sản. Nên không ai bảo ai, lũ lượt mang các đồ đạc, tiện nghi trong nhà đi bán.

Thế rồi việc gì đến đã đến.

Những người gọi là đi học tập cải tạo đã không phải là 10 ngày hay một tháng mà bằng những thời gian không hạn định rõ rệt. “Các anh cứ học tập tốt, lao động tốt, rồi sẽ được nhà nước khoan hồng cho trở về xum họp với gia đình để xây dựng cuộc sống mới”. Đại để là ở trại tập trung nào, cán bộ quản giáo (bộ đội hay công an) cũng đều đưa ra những “khuyên nhủ” như vậy để vỗ về và trấn an.

Không có gì ngạc nhiên khi có một số anh em đã tìm cách trốn trại. Ai may mắn thì thoát, người xấu xố thì bị bắt lại hay bị bắn chết.Nguyên do chỉ vì học tập mà không biết thế nào là tiến bộ, mà chỉ biết được rằng khi nào được gọi tên thả về đấy là lúc mình đã học tập tiến bộ. (Điều này phù hợp với câu nói của một số cán bộ quản giáo: “Anh nào được nhà nước cho về tức là đã tiến bộ”.)

Thực tế thì đã có một số được cho về sớm không phải vì lý do “học tập tiến bộ” mà vì họ là những chuyên viên kỹ thuật hay những chuyên viên các ngành mà nhà nước cần sử dụng cấp thời để làm việc hay huấn luyện cho các cán binh Cộng sản trong lúc nhu cầu cho các hoạt động cần thiết đòi hỏi.Một số khác về sớm là vì có giây mơ giẫy má với “gia đình cách mạng”, hoặc giả thuộc thành phần sức khoẻ quá nguy kịch (bệnh nặng, hay sắp chết) không tiện lưu giữ trong trại.

Phải thẳng thắn mà nói rằng những sĩ quan , các hạ sĩ quan, các công chức cao cấp cùng thành phần cảnh sát viên đặc biệt, cán binh chiêu hồi, đã bị cầm tù không tuyên án trong các trại tập trung dưới một mỹ từ “cải tạo” để che mắt nhân dân trong nướcvà dư luận thế giới.

Còn về phần dân chúng và gia đình các tù nhân (cải tạo) thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì sao ? Nhà nước Cộng sản đã minh định: các gia đình giàu có là những thành phần tư sản mại bản, làm giàu trên xương máu của đồng bào. Còn gia đình của các tù nhân thuộc chế độ cũ là thành phần “ngồi mát ăn bát vàng”, phi lao động.

Do đó, họ (Cộng sản) đã trắng trợn tịch biên gia sản của những người giàu có đồng thời mở ra những buổi học tập ngắn hạn trong các phường, khóm lên lớp và tuyên truyền, thậm chí nếu cần cưỡng bức dân chúng thuộc các đối tượng nêu trên đi các vùng kinh tế mới với lý luận muốn giúp họ tạo dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn theo đạo đức “xã hội chủ nghĩa”. Sự thật quá tàn nhẫn và đau thương khôn xiết khi những gia đình gọi là “tư sản mại bản” sau khi bị cướp đoạt của cải và nhà cửa đã phải lần lượt theo chân các gia đình tù nhân cải tạo đi về các vùng đất hoang vu “gọi là vùng kinh tế mới” để cuốc đất trồng khoai với những trợ giúp quá hạn hẹp của cơ quan chính quyền. Một số không ít những thương gia trước kia, vì quá uất ức, đã tìm cách quyên sinh để giải quyết nợ đời. Một số không nhỏ các gia đình khác vì không chịu được cảnh thiếu thốn quá cơ cực đã phải tìm cách trở về thành phố hay trôi dạt đến những vùng tương đối dễ kiếm sống hơn.

Chính sách “xây dựng các khu kinh tế mới” nhìn một cách khách quan giống như hình thức trả thù cho bõ ghét đối với một số “thành phần” nhất định của miền Nam Viêt Nam. Một vài chứng minh cụ thể (về sự trả thù) không chối cãi được: đó là, ngay sau khi có mặt tại Sài gòn, Cộng sản đã không ngần ngại sua đuổi các anh thương binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa ra khỏi các quân y viện, bệnh xá ngay lập tức dẫu rằng có thương binh vết thương còn đang rỉ máu chưa kịp được băng bó.

Rồi khi tình hình tạm ổn định, việc học được tiếp tục thì các em thuộc thành phần “gia đình ngụy quân ngụy quyền”thì không được thu nhận vào các trường đại học. Ngay cả, việc xin vào làm việc ở các xí nghiệp, công sở cũng bị phân biệt đối sử.

Cộng sản đã áp dụng guồng máy cai trị kềm kẹp một cách hết sức chặt chẽ qua hình thức “tổ dân phố” dưới sự giám sát của tổ trưởng, tổ phó, công an khu vực. Nhân dân trong mỗi tổ dân phố người người đều có một suy nghĩ tự đề phòng và cảnh giác , chỉ sợ nhỡ ra vô ý, sẽ bị có kẻ tố giác mình thế này, thế nọ.

Sau này, qua sự biến đổi của tình hình thế giới, nhất là sau khi có sự tan rã của chủ nghĩa cộng sản ở các nước Đông Âu và sự sụp đổ của Đế quốc Liên sô (cái nôi của chủ nghĩa cộng sản quái gở), tình hình chính trị ở Việt nam có phần nào thay đổi: dân tình dễ chịu hơn, các tù nhân cải tạo được lần lượt cho về xum họp với gia đình và cùng xuất ngoại sang định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình HO (Humanitarian Organization Program) dựa trên sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Hoa kỳ và Cộng sảnViệt nam.

Tuy đổi mới theo xu thế của thời đại, nhưng nhân dân Việt nam vẫn bị cai trị, kềm kẹp bởi một tập đoàn lãnh đạo bảo thủ thiếu văn hoá. Bộ máy cai trị từ thượng tầng xuống đến cơ sở gồm đa số các cán bộ có “máu” hủ hoá, quan liêu, cửa quyền nhất nhì Đông Nam Á. Chính những thành phần “sâu dân mọt nước” này đã là những thủ phạm tạo cho Việt nam trở thành một trong những quốc gia nghèo khó nhất với mức thu nhập bình quân của nhân dân vào hạng gần chót trên thế giới.

Việt nam ngày nay đã bị liệt kê là một quốc gia không có dân chủ và nhân quyền. Các tệ nạn tham ô nhũng lạm đã là quốc nạn trên địa bàn cả nước. Cờ bạc, đĩ điếm, xì ke, ma tuý,(kể cả căn bệnh hiểm nghèo AIDS) lan tràn đều khắp từ thành thị xuống đến thôn quê, từ đồng bằng ngược lên miền cao, những thiếu nữ đã phải ngậm đắng nuốt cay liều thân chấp nhận trong các cuộc hôn nhân gượng ép với đàn ông Đài loan, Đại hàn bất kể không tương xứng về gia cảnh, tưổi tác miễn là có ít tiền giúp gia đình trang trải những khó khăn cấp thời. Rồi những công nhân phải chạy đôn chạy đáo hay chấp nhận vay nợ cắt cổ để được xuất ngoại lao động cũng với mong mỏi giải quyết được những khó khăn vật chất của gia đình.

Tập đoàn lãnh đạo đã cố tình hay làm ngơ trước việc những phần da thịt của Tổ quốc Việt nam bị xâm phạm và gậm nhấm dần. Hiện tượng khai thác Bâu xít ở Cao nguyên Trung phần theo sự nhận dịnh và phân tích của các vị thức giả, của các khoa học gia là một hình thức xâm phạm chủ quyền Việt nam một cách dưới chiêu bài “hợp tác” kinh tế và phát triển khoa học. Dù rằng nhà cầm quyền Việt nam có bao biện cách nào đi chăng nữa nhưng nhân dân Việt nam và “những người bàng quang’ trên thế giới đều có một nhận định tương tự: Nước Việt nam đang bị xâm thực.

Nhìn vào hoàn cảnh cụ thể ở Trường sa, Hoàng sa, lãnh hải vịnh Bắc bộ, những Nam quan, Bản giốc nơi biên giới Việt Trung, có phải da thịt Mẹ Việt Nam đang bị Phương Bắc gậm nhấm không ?

Dân tộc ta rõ bị một cổ hai tròng: giặc ngoài thì xâm lấn biển, đất, bên trong thì bị “cường hào ác bá tân thời” cưỡng chiếm ruộng vườn mà khiếu kiệu bao năm cũng chẳng đi tới đâu.

Những tỉ phú đô la Việt nam, những thành phần lãnh đạo Việt nam từ 1975 đến nay hẳn biết rõ hơn ai hết về thực trạng của tổ quốc mình.

Làm một việc so sánh cuộc sống của nhân dân miền Nam giữa hai chế độ: Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau 1975 thì rõ ràng cuộc sống trước 1975 tự do, thoải mái hơn nhiều so với cuộc sống hiện tại.

Việt nam ngày nay, nếu chỉ nhìn vào những thay đổi và sinh hoạt nơi phố thị thì sẽ không phủ nhận có nhiều tiến bộ đáng kể. nhưng nếu nhìn dưới một lăng kính tổng thể, nghĩa là “đi sâu đi sát” vào quần chúng, phónh tầm nhìn vào những hang cùng ngõ hẻm “vùng xôi đậu” của thành thị, tỉnh lỵ hay xa hơn nữa nơi các làng mạc xã ấp vùng ngoại ô, vùng đồng bằng , chốn cao nguyên hay những nơi xa chốn đô hội thì người trung thực sẽ khách quan đánh giá : sự phồn vinh hiện hữu chỉ là giả tạo giữa hai bức tranh tương phản “thành thị và thôn quê”. Cái sự thay da đổi thịt nơi chốn phồn hoa không khác gì một thiếu nữ cố trau truốt nhan sắc để thu hút nhãn quan của tha nhân.

Những xa hoa, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang diễn ra ở thành phố, thị trấn chỉ có thể hiểu được là phát xuất từ những kẻ giàu tiền lắm bạc, của những doanh gia, của những thế lực cầm quyền, của những con ông cháu cha, của những người tiêu xài vô tội vạ do đô la đổ về từ thân nhân sống tha hương nơi xứ người, chứ không phải từ đại đa số quần chúng nghèo khó sống bữa nay lo bữa mai.

Mọi người dân Việt nam, ở hải ngoại cũng như trong nước, ngoại trừ một số ít vinh thân phì gia, gió chiều nào theo chiều đó (không cần biết ý nghĩa của các chữ “tổ quốc” và “dân tộc” là gì ), thảy đều mong muốn một nước Việt nam có TỰ DO, DÂN CHỦ thực sự, được lãnh đạo bởi những người biết vì dân, vì nước, biết tôn trọng nhân quyền, một lòng một dạ đưa dân tộc đến ấm no, hạnh phúc như dân tộc của các nước tiên tiến trên thế giới.

Ngày nào mà nước Việt nam vẫn còn là một Quốc gia thiếu dân chủ và không có nhân quyền thì nhân dân vẫn coi “30 THÁNG TƯ NĂM 1975 LÀ NGÀY ĐAU THƯƠNG CỦA CẢ NƯỚC”.

Trần -Tinh Bạch Thái Tường
tankhoasinh
Posts: 838
Joined: Sat Jun 23, 2007 4:20 am
Contact:

Post by tankhoasinh »

ÐÌNH CÔNG BÃI THỊ ÐỂ CHỐNG NGOẠI XÂM
Sau khi ngang nhiên bán đất, dâng biển cho Trung Cộng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân trong và ngoài nước, Cộng sản Việt Nam lại lún sâu vào trong vũng bùn tội lỗi bán nước . Chúng cho phép Trung Cộng đổ người Tàu vào Tây nguyên để khai thác Bô xít , một chuyện làm cực kỳ ngu xuẩn có tác dụng tai hại đến vấn đề địa dư, quân sự và ngay cả văn hóa nữa. Chúng bỏ ra ngoài tai mọi lời phản kháng vì chúng đã biến thành một thứ Lê chiêu Thống thời đại, chỉ còn biết làm tay sai cho Tàu cộng để được Tàu cộng bảo hộ cho địa vị thống trị của chúng. Một làn sóng chống đối từ mọi tàng lớp nhân dân như quân đội, nhà văn, cựu chiến binh, chuyên viên địa chất trong nước nổi lên mãnh liệt trước hiểm họa mất nước qua vấn đề Cộng sản Việt Nam cho phép Tàu cộng khai thác bô-xít ở Tây nguyên. Nói chung phê phán chống đối thì nhiều nhưng đưa ra biện pháp đối phó với chuyện bán nước của Cộng sản Việt Nam thì chưa thấy ai. Chỉ ngoại trừ Hòa thượng Quảng Ðộ đã mạnh dạn ra đưa ra kế hoạch “ biểu tình tại gia “ nhằm đối phó với nguy cơ mất nước. Cần phài triển khai thêm lời kêu gọi của hòa thượng để cho mọi người thấy rõ con đường đấu tranh phải đi trước hiểm họa mất nước đã gần kề.

Những người lên tiếng phê phán sự sai trái trong chuyện để cho Tàu cộng khai thác bô-xít ở Tây nguyên có Tiến sĩ Nguyễn thành Sơn, cựu thiếu tướng Nguyễn trọng Vĩnh, cựu Ðại tướng Võ nguyên Giáp, nhà văn cựu chiến binh Phạm đình Trọng, Tiến sĩ Lê đăng Doanh, công dân Lê phú Khải . Những người này đều lên tiếng nói rõ sự nguy hại về vấn đề đất đai, môi trường sinh thái, quân sự và ngay cả văn hóa nữa. Nhưng rồi xem ra những lời kêu gọi này cũng chỉ là một thứ “ nước đổ đầu vịt “ không có một ảnh hưởng gì đến quyết định đem Tàu cộng vào Tây nguyên khai thác bô-xít của Cộng sản Việt Nam. Một đặc điểm của chế độ cộng sản Việt nam là cái quán tính ù lì không muốn thay đổi trước những phê phán sai trái hay góp ý chân thực . Vì luôn kiêu hãnh tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ nên Cộng sản Việt nam đã có những chính sách sai lầm, đã phạm những tội ác với đồng bào và với đất nước Việt Nam.. Chúng chỉ sửa sai khi không còn cách cứu chữa và chống chế gì nữa. Chuyện Hồ chí Minh xin lỗi nhân dân miền Bắc sau khi đã phạm nhiều tội ác trong Cải cách ruộng đất là một ví dụ cụ thể.

Tác giả Lý Nam Bình trong bài viết “ Thị trấn Bô-xít ở Lâm Ðồng “ đã viết những lời thống thiết như sau :

“ ….Rồi nay 20 năm nữa, vùng hạ lưu sông Ðồng Nai, sông Sài Gòn, và hồ Trị An sẽ nhiễm độc và các cháu bé bại liệt, què quặt, ngây ngô chắc sẽ được công kênh qua Tàu để kiện Bắc Kinh chăng? Những người đang nhẫn tâm đặt bút ký đủ loại quyết định cho Trung Quốc vào khai thác Bô-xít ở Trung Nguyên liệu lúc đó có còn sống để thấy hậu quả việc họ làm không?

Nếu bọn lãnh đạo Bắc bộ phủ mà nhìn xa thấy rộng như tác giả Lý nam Bình thì diễm phúc cho dân tộc Việt Nam biết bao nhiêu. Tiếc rằng đây là một bọn trâu bò ngựa chó, chỉ biết đặt quyền lợi của chúng lên trên quyền lợi dân tộc nên chúng bỏ ra ngoài tai mọi lời can gián và quyết tâm đi theo con đường “ phản quốc hại dân “ của chúng cho đến ngày chúng bị nhân dân đứng lên trừng trị. Khó có thể có một đường hưỡng giải pháp nào khác để giải quyết nhanh chóng và tốt đẹp vấn đề bô-xít nhức nhối hiện tại vì chính quyền Việt Cộng hiện nay đã bị Trung Cộng lèo lái và dẫn dắt. Chuyện cho xuất bản tác phẩm “ Ma chiến hữu “ mới đây trong nước ca tụng bọn lính Tàu đỏ xâm lăng biên giới Việt Nam và chuyện nghiêm cấm sinh viên, dân chúng Việt nam biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa đã cho thấy Trung Cộng đã nắm phần chủ động sai khiến chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Giữa lúc vận nước đen ngòm, sinh linh nức nở thì có một vầng hào quang chói lọi xuất hiện và một tiếng sấm long trời lở đất nổ ra. Ðó là sự lên tiếng của vị sư già Quảng Ðộ. Từ Thanh Minh thiền viện ở Sài gòn , thầy đã dõng dạc đưa ra Lời Kêu Gọi một tháng biểu tình tại gia đề chống việc lấy Vàng dân tộc đổi nhôm nước ngoài. Lời kêu gọi đã có tiếng vang rất lớn trong nhân dân trong và ngoài nước. Khác với những vị thức giả chỉ biết phân tách lợi hại, chỉ rõ nguy cơ khai thác bô-xít, lời kêu gọi của Hòa thượng Quảng Ðộ đã chỉ rõ ra biện pháp để đối đầu với bọn nội xâm Cộng sản Việt Nam nhẫn tâm bán nước cho bọn ngoại xâm Trung Cộng một cách không thương tiếc. Kế hoạch đưa ra rất hợp tình hợp lý để cho bất cứ một người Việt Nam nào, dù ở trong hay ngoài nước, cũng có thể theo đó mà hành động để cứu dân cứu nước một cách cụ thể theo hoàn cảnh riêng của từng người. Ðứng giữa vòng vây quân thù Cộng sản, thầy Quảng Ðộ đã cho thấy tinh thần vô úy của con nhà Phật, không nao núng trước bất cứ thế lực yêu ma gian ác nào. Tấm gương chói lọi của thầy là tấm gương để cho nhiều thế hệ người Việt trông đó mà noi theo. Những tôn giáo khác cũng nên lên tiếng về vấn đề bô-xít và nên kêu gọi tín đồ của đạo mình hưởng úng tham gia lời kêu gọi biểu tình tại gia vào tháng 5- 2009 của Hòa thượng Quảng Ðộ. Tín đồ tôn giáo nào cũng là công dân nước Việt Nam và cũng đều có bổn phận phải đứng lên cúu nước khi tồ quốc lâm nguy hiện nay.

Lởi Kêu gọi của thầy Quảng Ðộ có những điểm chính cần nêu ra như sau :

“ Nguy cơ mất nước bắt đầu

Lần này không chỉ Bắc thuộc một nghìn năm, mà là ba nghìn năm hay lâu hơn nữa khi lãnh đạo nước nhà không là Lý thái Tổ, Trần nhân Tông, Lê thái Tổ, mà là một chính quyền ly khai dân, lệ thuộc nước ngoài, từ ý thức hệ đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, làm đảo loan xã hội và nhân văn Việt Nam

Chỉ còn lại tiếng nói của toàn dân mới có cơ cứu vãn.Trước là chận đứng việc lấy Vàng, tức dân tộc, đồi lấy Nhôm ngoại quốc. Sau là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ mà tiền nhân đã đem xương máu gầy dựng

….. Sống dưới chế độ độc tài, công an trị, người dân đã mất quyền biểu tình công cộng nói lên ngưỡng vọng thiết tha suốt 54 năm tại miền Bắc và 34 năm qua tại miền Nam, thì nay hãy BIỂU TIÌH TẠI GIA như một thái độ bất tuân dân sự: Nông dân không ra đồng, Công nhân không đến xưởng, thương gia, tiểu thương không đến chợ. Sinh viên học sinh không đến trường. Chúng ta có một tháng 4 để chuẩn bị lương thực cho gia đình nhằm thực hiện tháng 5 BẤT TUÂN DÂN SỰ- BIỄU TÌNH TẠI GIA..

.. Tháng 5 BẤT TUÂN DÂN SỰ BIỂU TÌNH TẠI GIA sẽ là thái độ dũng cảm nói lên mối ưu tư bảo vệ sinh thái và vẹn toàn lanõn thổ của toàn dân trong giai đoạn cấp cứu của lịch sử. Dân chủ là tiếng nói, một tiếng nói đối thoại và tranh luận khi quê hương nguy biến để tiến tới giải pháp cứu nguy dân tộc. Nay là cơ hội và thời điềm sinh tử để tiếng nói cất lên thông qua một tháng BIỂU TÌNH TẠI GIA.

Kính xin đồng bào các giới trong nước hưởng ứng THÁNG BIỂU TÌNH TẠI GIA trong suốt tháng 5- 2009 và đồng bào các giới ở hải ngoại hưởng ứng bằng việc không về du lịch và không gửi tiền về Việt Nam trong suốt tháng 5- 2009, ngoại trừ những trường hợp riêng tư khẩn cấp hay bất khả.

Kính xin các cơ quan truyền thông, báo chí giúp đỡ chuyển vận Lời kêu gọi này của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đến các giới đồng bào trong và ngoài nước.

Thanh minh thiền viện, Sài gòn ngày 29 tháng 33 năm 2009

Sa môn Thích Quảng Ðộ.”


Dĩ nhiên chuyện kêu gọi đồng bào xuống đường rầm rộ để biểu tình là chuyện đấu tranh lý tưởng nhưng nên nhớ trong một chế độ cộng sản độc tài toàn trị thì chuyện đó là chuyện bất khả thi. Là một chứng nhân sống , đấu tranh, tù tội trong suốt mấy mươi năm qua ở quê nhà, Hòa thượng Quảng Ðộ đã nhìn thấy điều đó nên thay vì kêu gọi đồng bào xuống đường sẽ không thành công, thầy kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch “ đình công bãi thị “ . Chiến dịch này trong có vẻ nhẹ nhàng nhưng sức công phá sẽ không thua gì những cuộc xuống đường rầm rộ vì nếu người dân nhân được thông tin và nhiệt tình tham gia chuyện “ đình công bãi thị “ như Hòa thượng Quảng Ðộ tha thiết kêu gọi thì sẽ đem đến sự tê liệt guồng máy vận hành xã hội và sẽ có sức ép rất lớn đến chính quyền Cộng sản. Hoặc là bọn chúng phải thay đổi đường lối đang đi về chuyện khai thác bô-xít xấu xa, hoặc là chúng sẽ bị tiếp tục hứng chịu những cuộc “ đình công bãi thị” kế tiếp sẽ có nguy cớ làm tê liệt guồng máy cai trị của chúng và chuyện này dần dần sẽ đưa đến sự sụp đổ chế độ của chúng.

Ðường lối đấu tranh đã được vạch ra rõ ràng minh bạch. Bổn phận của người dân trong và ngoài nước chỉ còn có quyết tâm thi hành thì mới mong cứu được đất nước và con người khỏi họa ngoại xâm và diệt vong. Tình thế rất bức bách và nghiêm trọng, mong sao lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam vẫn còn tiềm tàng và lúc này sôi sục nổi dậy để hành động nhằm cứu lấy đất nước, quê hương và con người Việt Nam.

Trong cuốn hổi ký của Giáo sư Nguyễn đăng Mạnh được lưu truyền trên Internet, trong chương viết về Nguyên Ngọc, Giáo sư Mạnh cho biết nhà văn Nguyên Ngọc ( nguyên là một đại tá Cộng sản ) đã nói với ông rằng “ Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào ?” Xin góp ý với nhà văn Nguyên Ngọc là nếu chiến địch “ đình công bãi thị “ do Hòa thượng Quảng Ðộ được phát động liên tục và được toàn dân hăng hái và dũng cảm tham gia thì chế độ Cộng sản Việt nam sẽ sụp đổ vì chính quyền tê liệt không còn đûủ sức và khả năng cai trị do những cuộc “ đình công bãi thị “ gây ra. Dĩ nhiên sẽ không ai nhỏ một giọt nước mắt để tiếc thương cho bọn cầm quyền bán nước hại dân là bọn Cộng sản Việt Nam.

Giờ hành động đã điểm, mọi sự chần chờ do dự bị coi là một tội ác đối với tổ quốc. Mong mọi công dân Việt đứng lên hành động vì sự chậm trễ đồng nghĩa với họa diệt vong gây ra bởi bọn ngoại xâm được bọn nội xâm bán tháo bán đổ cho chúng mảnh giang sơn gấm vóc Việt Nam một cách không thương tiếc và khốn nạn

Xin kết thúc bài viết với mấy câu thơ của Hà sĩ Phu để mọi người thấy rõ hơn bộ mặt tối bại xấu xa của bọn bán nước hiện nay ở Bắc bộ phủ

LỬA BÔ-XÍT

Giặc đã ngự trên lưng tổ quốc

Bô-xít tuôn lệ đỏ, khóc sơn hà

Hồn dân tộc Triệu Trưng về đốt lửa

Thiêu lũ hèn Chiêu Thống cháy ra ma !

Ðúng vậy ! Số phận nhục nhã khốn nạn của vua Lê chiêu Thống ngày xưa lúc cuối đời cũng sẽ là số phận của bọn cầm đầu Bắc bộ phủ hiện nay. Không có con đường nào khác dành cho bọn chúng ngoài con đường bị đào thải vào đống rác của lịch sử trước sự khinh bỉ và nguyền rủa của nhân dân Việt Nam.

Los Angeles, một đêm hoang vắng lạnh lẽo đầu tháng 4 năm 2009

TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG
Email : dalatogo@yahoo. com Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó

( Muốn đọc tất cả những bài viết của Trần Viết Ðại Hưng , xin vào www.nsvietnam. com rồi bam vào tên Trần viết Ðại Hưng nằm bên trái).
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Post by tranphuongdong »



Image

34 NĂM SAU "GIẢI PHÓNG"

Đỗ Thái Nhiên
Theo nghĩa thông thường, "giải phóng" là cỡi trói, là thay đổi hoàn cảnh sống theo hướng làm cho đời người trở nên êm ả hơn, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, sau 30/04/1975, người Việt Nam, đặc biệt là những người sanh sống tại miền Nam Việt Nam trước 1975 ngày càng tỏ ra hoài nghi về ý nghĩa của hai chữ “giải phóng” do chế độ Hà Nội xử dụng.

Ngay giữa Saigon, đầu năm 1976, nhạc sĩ Trần Nhật Ngân là người đầu tiên đặt dấu hỏi về hồ sơ giải phóng. Dấu hỏi kia được gói ghém trong nhạc phẩm “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh?”. Sau dấu hỏi của Trần Nhật Ngân, mọi người nhanh chóng nghiệm ra rằng: Đối với CSVN, “giải phóng” có nghĩa là cưởng bách nhân dân phải từ bỏ thiên đàng để nhảy xuống hỏa ngục. Bây giờ, 34 năm đã trôi qua, chúng ta có thừa bình tĩnh để suy nghĩ về “cơn đau giải phóng”. Sau đây là những tình huống “bị” giải phóng điển hình:

Nạn nhân đầu tiên của hành động giải phóng lại chính là con đẻ của Bắc Kinh và Hà Nội. Đó là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Thực vậy, sau khi chiếm được Miền Nam Việt Nam, Hà Nội vội vàng “giải phóng” Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ra khỏi sân khấu chính trị Việt Nam. Nói cách khác Hà Nội đã giải tán MTGPMNVN không trống, không kèn, không một lời cảm ơn, không một lễ hạ cờ. Kế tiếp màn giải-phóng-Mặt-Trận-Giải-Phóng là sự việc hàng loạt cán bộ Hà Nội được tung ra để chiếm giữ vị trí lãnh đạo, đồng thời cũng là vị trí tham ô từ trong Nam ra tới ngoài Bắc, từ xã ấp lên tới trung ương. Đó là ý nghĩa của tình đồng chí giữa Cộng Sản Bắc và Cộng Sản Nam.
Bây giờ chúng ta hãy xét tới mối “liên hệ giải phóng” giữa đảng CSVN và đất nước Việt Nam. Đất nước ở đây gồm nhân dân và lãnh thổ.

“Giải phóng” nhân dân Việt Nam

Sau 1975, đối với nhân dân Miền Nam Việt Nam, CSVN đánh các đòn giải phóng sau đây: giải phóng khỏi đời sống tự do để đưa vào những nhà tù khổ sai dưới mỹ danh “học tập cãi tạo”. Giải phóng khỏi những ngôi nhà khang trang để “tự giác” tìm tới vùng kinh tế mới. Giải phóng khỏi quê hương thân yêu để trôi dạt tới những vùng đất tạm dung nằm rãi rác khắp năm châu. Người Việt sinh sống tại hải ngoại khỏang 3 triệu người. Người Việt gục ngã trên đường vượt biên khoảng 500 ngàn người. Từ 1975 cho tới 1985 những người vượt biên bị gọi là phản quốc, bị đẩy ra biển trong chương trình vượt biên bán chính thức, vượt biên bất chấp những an toàn tối thiểu của những chuyến đi biển… Mặc dầu bị đối xử tàn tệ như vừa kể, lòng yêu gia đình, yêu quê hương hối thúc người Việt hải ngoại gửi tiền về trong nước ngày càng nhiều. Khối tiền to lớn kia đã che khuất hai chữ “phản quốc”. Người Việt hải ngoại được Hà Nội xảo trá tặng cho danh hiệu “những khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc”. Rõ ràng là CSVN bất chấp liêm sĩ, sẳn sàng nói ngọt với người Việt hải ngoại chỉ để tiếp tục “giải phóng” túi tiền của những người trước kia đã bị CS ra tay hành hạ ở mức độ hiểm ác nhất. Đối với khúc- ruột- ngàn- dặm “moi tiền” là mục đích chính. Đối với đồng bào sống ngay tại quốc nội CSVN đã đối xử ra sao?

Trước tiên, hãy nói tới “Mẹ chiến sĩ”. Mẹ ở đây là những người đã dày công bảo bọc, che chở, tiếp tế cơm gạo cho đám cán binh Việt Cộng trong thời kỳ CSVN phải sống chui rúc ở hốc núi, hầm đất cùng đủ loại địa đạo… Ngày nay đám “con chiến sĩ” đã có quyền lực đầy mình, tiền bạc đầy túi. Thay vì đền đáp công ơn Trời Biển của Mẹ, đám con tai quái kia lại quay ra “giải phóng” nhà, “giải phóng” ruộng vườn của Mẹ và của vô số đồng bào khác. Công viêc giải phóng yêu ma kia đã tạo ra tại Việt Nam một giai cấp mới: giai cấp dân oan.

Giai cấp dân oan cộng với nông dân thất nghiệp phải chạy vào thành phố kiếm sống cộng với giới phụ nữ chấp nhận “lấy chồng ngoại” để có được cơm áo cho gia đình cộng với đông đảo nam nữ thanh niên sẳn sàng bán bắp thịt trong những chương trình “xuất khẩu lao nô” cộng với khối quần chúng lớn lao không có cơ hội đi học, không có nghề nghiệp chuyên môn… Các bài toán cộng vừa nêu dẫn tới nhận định rằng: hầu hết lực lượng lao động của xã hội Việt Nam ngày nay chỉ có thể là lao động chân tay. Lao động kiểu này gọi là lao động “tay làm, hàm nhai”. Lợi tức của “lao động tay làm hàm nhai” gọi là lợi tức cơm chim. Thế nhưng, ngày cả cơm chim của nhân dân cùng khổ cũng bị CSVN tận tình “giải phóng”. Thực vậy, thời gian gần đây, dưới danh nghĩa cờ bauxite và cờ công tác xây dựng, CSVN vừa miển thuế kinh doanh cho Trung Quốc, vừa mời gọi Trung Quốc tự do mang dân Tàu vào Việt Nam làm việc tại những nơi Trung Quốc trúng thầu, gọi là tụ điểm Tàu. Do được miễn thuế kinh doanh, Trung Quốc trở thành quốc gia độc quyền trúng thầu tại Việt Nam. Vì vậy, hiện nay từ Bắc chí Nam của lãnh thổ Việt Nam tràn ngập tụ điểm Tàu. Mỗi tụ điểm Tàu có trên dưới 2000 dân Tàu, hầu hết chuyên làm lao động tay chân. Đó là lý do giải thích tại sao giới lao động chân tay người Việt bị thất nghiệp và cơm chim của giới này đã bị người Tàu “giải phóng” với sự hổ trợ tích cực của nhà cầm quyền Hà Nội.

Như vậy là dạ dày của người dân đã trống rỗng. Liệu chừng có hay không hiện tượng rằng: bên trên cái dạ dày lép kẹp là quả tim và bộ óc hừng hực chống Tàu? Chính vì lo sợ lòng căm thù Tàu trong mỗi người Việt dâng cao, ngày 03/04/2009, chính phủ CSVN đã ký ban hành công văn số 1992/VPCP-QHQT cho phép thành lập học viện Khổng Tử tại Việt Nam. Tư tưởng Khổng không có tiền đề triết học, không có qui luật triết hoc. Nó không là tư tưởng biện chứng. Nó bao gồm những bài học rời rạc của Khổng Tử. Những bài học rời rạc kia khi đi vào thực tiễn đời sống của người Trung Quốc, người đời nhìn ra ba trọng điểm:

Trong gia đình: Người cha là nhân vật tối cao. Vợ con chỉ là những người phải tuyệt đối tuân lệnh gia trưởng. Trọng nam, khinh nữ là chân lý không cần chứng minh. Biết bao nhiêu tỷ phụ nữ đã chết vì “chân lý” quái ác vừa kể. Khổng Tử và đệ tử của Khổng không thể đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.

Trong xã hội quốc gia: Vua là tối cao. Vua nắm quyền sinh, sát toàn dân.

Trong bang giao quốc tế: Trung Quốc là nước vua. Những quốc gia chung quanh chỉ là nước tôi. Trung Quốc có toàn quyền tùy nghi bành trướng.

Ba trọng điểm nêu trên khi đã được nhồi nhét vào tim óc Việt Nam sẽ biến người Việt trở thành những nô lệ của Trung Quốc trên căn bản tư tưởng rằng: Trung quốc là nước vua, Việt Nam là nước tôi. Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, CS Hà Nội đang làm tay sai cho Trung Quốc trong nổ lực dùng viện Khổng Học để “giải phóng” TÍNH Việt và TÌNH Việt ra khỏi con người Việt Nam, thay vào đó là tâm lý an phận thủ thường. Thường ở đây là con người chấp nhận thân phận hèn mọn trước gia trưởng, trước Đức Vua và trước “Trung Quốc vĩ đại”.

“Giải phóng” lãnh thổ Việt Nam

Câu chuyện cơm chim bị giải phóng đi kèm với sự việc tính Việt và tình Việt bị giải phóng cho thấy: Con người Việt Nam đang bị CSVN ra sức giải phóng cả thể chất lẩn tinh thần. Từ đó, không cần tốn một viên đạn, người Tàu đã nghiểm nhiên tràn ngập lảnh thổ Việt Nam. Bây giờ hãy bàn tới biên giới và hải giới. Tất cả người Việt Nam đều còn nhớ năm 1999 và 2000 CSVN ký hiệp ước dâng đất, hiến biển cho Trung Quốc. Từ đó hai hiệp ước kia, đặc biệt là bản đồ biên giới Việt Hoa bị CSVN triệt để dấu kín. Ngày 29/03/2009, trong Lời Kêu Gọi Bất Tuân Dân Sự, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quãng Độ yêu cầu chế độ Hà Nội hãy khai trình với Liên Hiệp Quốc thềm lục địa Việt Nam đúng theo đòi hỏi của luật biển 1982. Lời kêu gọi vừa nói có hậu ý tố cáo CSVN không dám lập hồ sơ khai trình bởi lẽ hầu hết thềm lục địa Việt Nam đã bị CSVN cống hiến cho Trung Quốc. Sự việc bản đồ biên giới bị dấu kín đi kèm với sự việc CSVN không dám làm thủ tục khai trình thềm lục địa cho thấy CSVN đã “giải phóng” đất đai và biển cả Việt Nam ra khỏi khối tài sản của tổ tiên để dâng cúng cho Trung quốc.

Nói tóm lại, sau 34 năm cướpquyền cai trị đất nước, cái gọi là công lao giải phóng dân tộc của chế độ Hà Nội bao gồm các điểm trọng yếu sau đây:

1) Giải phóng ba triệu đồng bào ra khỏi quê hương để sống cuộc đời tị nạn khắp năm châu.

2) Giải phóng “cơm chim” của tuyệt đa số nhân dân lao đông để mở đường cho nhiều vạn dân Tàu, lính Tàu vào Việt Nam kiếm sống bằng nghề lao động tay chân.

3) Giải phóng tính Việt, tình Việt ra khỏi tim óc Việt Nam để thay vào đó là tư tưởng Khổng với mục đích ngấm ngầm tạo hoàn cảnh tâm lý để người Việt Nam chấp nhận suy- nghĩ- kiểu- Tàu, sống- theo- trật- tự- Tàu. Trật tự gia trưởng. Trật tự trọng Nam, khinh Nữ. Trật tự vua tôi: vua là đảng, tôi là dân. Trật tự nước vua là Tàu, nước tôi là Việt.

4) Giải phóng đất Việt, biển Việt ra khỏi tầm tay Việt Nam để làm lễ vật triều cống cho vua Trung Quốc.

Bốn khối tội ác giải phóng kể trên đã biến đảng CSVN thành tên phản quốc lớn nhất trong thế giới của các loại phản quốc.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests