Văn Nghệ Văn Gừng

Thơ nhạc trữ tình, thơ nhạc lính, video...
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Văn Nghệ Văn Gừng

Post by hoanghoa »

CHA TÔI CHẾT KHÔNG CẦN QUAN TÀI
Đào Nam Hoà  

Con ghi lại bài này thay cho nén hương lòng để thành tâm tưởng nhớ đến Bố Mẹ nhân ngày giỗ Bố lần thứ 8 và giỗ Mẹ lần thứ 7

Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ lúc nào, nhưng có lẽ ấn tượng nhất và rõ nét nhất mà hầu hết người dân miền Nam Việt Nam nhớ mãi là ngày 30/4/1975.
Khi miền Nam sụp đổ cũng là lúc bất ngờ tất cả nỗi thống khổ đày đọa ập xuống. Nhanh như một cơn cuồng phong thịnh nộ phá nát tan hoang. Mất tất cả!

Ngày 10/06/1975 tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Trước khi đi cái gọi là “học tập cải tạo” 10 ngày, dù với suy nghĩ chỉ là 10 ngày như lời thông báo, cha tôi cũng không có lấy mấy ngàn dằn túi. Ông bảo tôi (lúc đó 19 tuổi) đem 2 chỉ vàng cuối cùng còn lại của gia đình- là đôi bông tai của bà nội tôi để lại- ra tiệm vàng bán. Đó là kỷ vật quý nhất nhưng đành phải bán để mua ít lương thực cho ông mang đi. Hai chỉ vàng lúc ấy bán được 33 ngàn. Ông mua khoảng 2 ngàn đồng lương thực các thứ và dằn túi 1 ngàn. Còn lại 30 ngàn ông dặn ở nhà cố gắng 13 mẹ con dè xẻn ăn uống đợi Ông về.

Mười ngày trôi qua nhanh chóng- không ai trong số cải tạo trở về. Tôi nghĩ đây là một cú lừa mà đã và sẽ được lịch sử ghi lại kỹ hơn. 
Giá sinh hoạt tăng từng giờ. Buổi sáng 100 đồng 1 ổ bánh mỳ thì chiều đã lên 120. Sau 3 tuần thì 12 anh em tụi tôi và mẹ tôi không còn một đồng nào trong nhà. Chị tôi lớn nhất 21 tuổi còn đang đi học, và em út mới có 2 tuổi. Mười hai con tàu há mồm tuổi đang lớn nuốt bao nhiêu cho đủ! Cơm và thức ăn mỗi bữa mẹ tôi phải chia cho từng đứa. Vài hột cơm sót nơi đáy nồi cũng không yên. Chúng tôi đổ nước vào và cạo sạch không còn một hột. Còn hơn là gạo châu củi quế.

Mẹ tôi và vài đứa em phải đi xâm canh làm ruộng rau muống, một hình thức của kinh tế mới để giãn dân,. Không lên voi nhưng phải xuống chó, mẹ tôi và em tôi ngày ngày vào ruộng hái rau muống xong gánh bộ về tới chợ cách đó 6 cây số để bán. Buổi sáng khoảng 3 giờ khi trời còn mờ mịt hơi sương và giá lạnh, mẹ và em tôi thay nhau gánh bộ cho kịp phiên chợ sáng. 70 bó rau oằn trên vai người phụ nữ nhỏ bé cao 1,45 nặng chưa tới 40Kg. 6kg rau mới đổi được 1 kg gạo. Một tuần mới cắt được một lần chờ cho rau mọc. Những ngày còn lại là cấy rau, nhổ cỏ, trồng khoai mỳ…
Sức ăn trước ngày 30/4/75 của gia đình tôi một bữa là 3 lít gạo, tức 1 tuần 42 lít, khoan nói chuyện thức ăn cá mắm gì hết. Nay 1 tuần chỉ còn 13 lít!

Bắt đầu tháng 7/1975 lần lượt đồ đạc trong nhà mọc cánh nhẹ nhàng, nhanh chóng, lả lướt, bay đi theo chân những kẻ buôn hàng. Từ cái quạt trần, tôn cống, hàng rào, tủ quần áo, đài radio, giường sắt, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay … đều giã từ để về với chủ mới. Hết sạch đồ thì mấy kẻ đi buôn bảo giở gạch bông, gIở bớt tôn ngoài mái hiên, tôn trần nhà.. bán tiếp.

Bán cho đến khi căn nhà nhỏ bỗng trở nên rộng tênh vì chả còn thứ gì ngoại trừ vài cái nồi nấu bằng củi đen thui cũng đã sứt quai gãy gọng. Buổi tối trải chiếu ngủ dưới đất là xong với cái bụng lép kẹp và cơn đói hành hạ.
Không biết bao lần tôi phải ăn tưởng tượng trong đêm khuya bằng cách hình dung mấy món ăn tầm thường ngày trước như vài con khô, miếng dừa kho, tô canh bầu.. ( Mơ mà cũng hà tiện không dám mơ thịt cá hải sản.)

Bố tôi sau 6 tháng trong trại cải tạo lần đầu được viết thư về, Ông dặn khi lên thăm nuôi, không cần mang theo gì cả vì trong trại có đủ mọi thứ. Hic!
Ông hiểu hơn ai hết, còn cái gì để mà mang cho ông!

Tôi nhớ mãi ngày lên thăm nuôi ông ở trại Thanh Hoá (Hố Nai), cả nhà chỉ có 1 cái xe đạp, còn lại mẹ và các em tôi cuốc bộ 8 cây số mang theo 1 cái giỏ đi chợ lưng lửng với ít thịt kho mắm ruốc, 1 ký đường, 2 hộp sữa và 1 bộ quần áo. Nhìn những người đi thăm nuôi, có người gánh 2 bao đầy mà lòng tôi trào dâng niềm tủi hổ.
Sau đợt đổi tiền ngày 22/9/1975, Chúng tôi như đàn chim vỡ tổ, tất cả bỏ học ngang, vài đứa em nhỏ tiếp tục theo mẹ làm ruộng rau muống, còn lại mỗi đứa một phương trời kiếm sống. Đứa lên Gia Ray vào rừng lấy củi, làm lò than, đứa theo xe lửa bán trà đá, hàng rong, đứa bán thuốc lá.

👣
Hơn 3 năm sau Bố tôi được cho về để nhìn xác nhà tan hoang điêu tàn loang lở, nhìn bầy con xanh khướt, gầy rạc, tản mát. Một chị tôi bệnh tâm thần không người chăm sóc phải lang thang ăn xin đầu đường xó chợ, có lần xin không được, quá đói, chị giựt mấy miếng đậu hũ bỏ chạy, chị bị người ta phang đòn gánh chảy máu lỗ đầu giữa ngày bố tôi được tha về.

Bố không khóc, cũng không nói gì! Qua hàng xóm xin ít bông băng. Lòng ông như xát muối! Có lẽ ông bấy giờ mới thấm sâu mệnh đề “mất Nước là tất cả mất”. Khóc lóc than van ích lợi gì. Giọt nước mắt chỉ làm cho kẻ chiến thắng hả hê say sưa thêm mà thôi.
Rồi theo chủ trương, ông không được ở lại thành phố. Họ hàng nhà tôi đa số cũng là thành phần Ngụy quân, Ngụy quyền nên không ai giúp gì được cho nhau. Cuối năm 1978 Ông lên rừng Gia Ray ngay chân núi, cất túp lều nhỏ bé xiêu vẹo, ngày ngày ông và 2 em tôi sống nhờ rừng.

Ai ở rừng mới biết: ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Và từ đó chuỗi ngày lầm than, buồn thảm lại tiếp tục sau hơn 3 năm trong trại cải tạo. Đói nhiều hơn no, buồn nhiều hơn vui. Cực khổ nặng nhọc quần quật suốt cả ngày chỉ đủ kiếm vài lon gạo vài con cá khô.
10 năm sau, tôi đã làm ăn khá hơn, mua được chiếc xe máy Mini scootter, lần đầu tiên lên thăm Ông, quà cho Ông chỉ là 1 lít rượu đế nấu bằng rỉ mật. Ông mừng lắm vì tôi đã tương đối ổn định công việc.
Trong bữa cơm hôm đó, Ông nói:
-Bố năm nay 63 tuổi rồi, cuộc đời không dành cho Bố con mình được sống sum họp và đầy đủ. Dù sao các con cũng cố gắng vươn lên để thoát khỏi bệnh tật, đói khát và tù đày.
Rồi Ông chỉ tay dưới chân ngọn núi Chứa Chan:
– Nhớ lời Bố dặn, nếu Bố có chết, các con không cần quan tài làm chi cho tốn kém, cứ bó chiếu vùi thây Bố dưới chân núi là Bố mát mẻ rồi.
Thú thật, lúc ấy nếu tất cả 12 anh em tôi gom lại chắc cũng không đủ tiền mua cái quan tài loại chót. Ông biết và không muốn các con gánh nặng thêm!
👣
Năm 1999, sau bao nhiêu là khó khăn vì không có tiền làm hồ sơ xuất cảnh diện HO, cuối cùng thì 4 bố con tôi cũng tới được Mỹ. Ngày lên đường mẹ tôi và 9 em phải ở lại vì hộ khẩu lung tung không đuợc phái đoàn Mỹ chấp thuận.
Bốn bố con mà hành trang vỏn vẹn có 5 va ly nhỏ và nhẹ tênh, chưa tới 1/3 tiêu chuẩn trọng lượng.

Đến Mỹ 3 anh em tôi phải đi làm ngay sau tháng đầu tiên để kiếm tiền trả nợ lúc làm hồ sơ. Bố tôi thì ăn welfare vì Ông đã 74 tuổi. Ban đầu hội thiện nguyện giúp thuê nhà, 4 bố con phải ở chung trong 1 căn apartment 2 phòng ngủ cùng với 2 người nữa là 6 người. Quá chật, chúng tôi đành ra ở riêng trong khi Bố tôi được chính phủ Mỹ cho ở nhà Housing. Và từ đó Ông sống cô độc, một thân một mình. Nhưng cũng là lúc Ông làm được một việc lớn nhất, to nhất, ý nghiã nhất kể từ sau ngày 30/4/1975! 

Hàng tháng Ông trả tiền điện và tiền nhà chưa tới tổng cộng 80$. Thức ăn thì Ông đi xin các Hội từ thiện miễn phí. Có lần tôi giận Bố kinh khủng. Gia đình tôi cố tình chở Ông vào 1 quán kêu cho Ông mấy món ngon, Ông từ chối, chỉ xin cho 1 diã bánh cuốn là đủ. Ông nói: Ở Việt Nam nhà mình còn quá khổ, Bố không đành ăn ngon bên này nhưng các con đi làm vất vả cần bồi bổ, cứ ăn đi. Mỗi tháng số tiền dư còn lại gần 400$ Bố để dành và cứ 6 tháng Bố gởi về VN cho Mẹ và 9 đứa con còn ở lại.

Chị cả tôi viết thư qua có câu: “Bố ơi, nhiều lần con phải đi bán máu với số tiền 200 ngàn một lần để có tiền nuôi con. Để có 200 ngàn đồng tiền Việt, tụi cò máu nó đã ăn chặn mấy chặng rồi. Cầm 300$ Bố cho mà con cứ ngỡ trong mơ. Đời con chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế… Phải bán 10 lần máu chỉ mới được 150$ …”

Bố đọc thư không khóc! mặc dù Bố biết chị chỉ cân nặng có… 34 Kg! Hic! Gan góc đến thế là cùng! Rồi việc phải tới! Một ngày mùa đông năm 2006, tức sau gần 8 năm ở Mỹ. Tự dưng Bố kêu và đưa tôi 8.000$ và một tờ di chúc – nét chữ vẫn còn rất đẹp dù đã có dấu hiệu nghệch ngoạc biểu hiệu của tuổi già – trong di chúc có nói rõ:
Khi bố chết đi, bố đã hỏi cô Hoa, người của hội thiện nguyện, và biết rằng tiền hỏa thiêu không quan tài chỉ mất có 800$ thôi!. Bố nói bố không cần quan tài, không cần để nhà quàn làm gì cho tốn dăm ngàn, cứ để người ta đưa thẳng bố đi thiêu, trừ tiền thiêu ra, còn bao nhiêu con cứ làm theo di chúc gởi về cho người bên Viet Nam.. Sau đó mấy ngày, Bố đột qụy! Người ta đưa Bố vào trại Dưỡng lão. Rồi Bố hấp hối.

Ba anh em tôi họp nhau và quyết định làm theo di chúc của Bố. Và chúng tôi phải ký một hợp đồng với nhà thiêu. Khi Bố tắt thở, sau 1 tiếng người ta đuổi hết anh em tôi ra, trong phòng người ta bỏ Bố vào 1 cái bao và kéo cái fermeture là xong! Quá đơn giản cho một kiếp người! Khả năng 3 anh em tôi lúc đó mới đi làm ăn lương 1 giờ 8$ (lương tối thiểu ) chỉ vừa đủ tiền nhà tiền ăn. Vẫn biết có làm đám tang bỏ Bố vào quan tài bằng vàng với hàng ngàn người tham dự cũng vậy thôi vì Bố đâu biết gì nữa mà sao tôi vẫn cảm thấy xót xa vô bờ.

Cuối đời của một sĩ quan, từng chỉ huy hàng mấy trăm lính, từng chỉ huy mấy cung đường sắt, âm thầm, vắng lặng và quạnh hiu. Không ai biết, không ai đưa tiễn! Y như một chiến sĩ vô danh! Người ta bỏ Bố lên chiếc xe kéo, đẩy ngang chỗ chúng tôi đang đứng, tất cả con, dâu và cháu chỉ có 5 người, họ dừng lại và hỏi chúng tôi có muốn nói gì không. Tôi có cảm tưởng như một luồng điện lạnh chạy xé dọc sống lưng. Tôi chỉ lắp bắp nói như kẻ không hồn:
– Vĩnh biệt Bố. Từ nay Bố không còn phải hy sinh nữa Bố nhé. Công ơn của Bố cao hơn núi Thái Sơn Bố ạ!

Rồi họ lạnh lùng kéo Bố tôi đẩy lên chiếc xe dài, đi chỗ nào thiêu hay làm gì, ở đâu, chúng tôi không được biết! Họ làm theo hợp đồng.
Tôi không khóc! Không còn nước mắt để khóc!
Hai tuần sau tôi lấy tro cốt Bố. Khi cô nhân viên nhà xác đưa hộp tro cốt ở dưới có ghi tên bố tôi, chỉ đến lúc bấy giờ, nước mắt tôi tự dưng tuôn ra đầm đìa – vô thức!


Đào Nam Hoà  
vuongquan
Posts: 275
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Re: Văn Nghệ Văn Gừng

Post by vuongquan »

Image

CHU HẢI CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM?
Tặng Hoa—Chu Hải
 
1.
        Khi yêu nhau, người ta có thể chấp nhận những lầm lỗi của người mình yêu, dù sự lầm lỗi có làm cho mình thương tổn. Bài hát chia tay vừa tắt và mới ngày hôm qua vệt son còn trên vai áo. Tôi nghĩ đến điều này khi tôi không còn nàng trong vòng tay. Con đường ngược gió sáng nay tôi lái xe đi về không có ai ngồi cạnh. Chiếc áo len vất hờ hững trên lưng ghế. Ngày chủ nhật tiếng chuông nơi giáo đường tự nó ngại ngần không chịu lan xa. Có những nỗi buồn không muốn gọi tên. Như những đêm dài không có bình minh chờ đợi.

        Con đường đôi lúc bị ngăn đôi bởi hai hàng cây bằng lăng nước. Phía bên kia là quán cà phê có nàng ngồi trầm ngâm trước khi đi xuống phố. Tiệm nail của nàng nằm trong một khu thương mại sầm uất, gần miền South, có tên là khu Westlake—Tây Hồ. Từ nơi này, cách đây 5 năm, tôi gặp nàng.

Đã qua mùa thu sao vẫn còn có chiếc lá vàng rơi trên mui xe của nàng. Mới tuần rồi tôi thúc giục nàng đưa xe cho tôi đi thay nhớt máy, nhưng công việc bận rộn đến nỗi nàng không nhớ đến kỳ hạn. Mãi đến chiều hôm qua nàng mới nhớ lại và tôi là người có “bổn phận” phải làm công việc đó giùm nàng.

        Suốt đời, tôi luôn đi bên cạnh những đoạn rời của người khác. Những đoạn rời lỡ làng và dang dở giống như một mảnh trăng không tròn trịa. Cũng không là một giấc mơ trong lòng của ai đó, hay một cơn mưa bay nghiêng dù chỉ trên một vai đời. Với sự thầm lặng cùng nỗi kiêu hãnh về nhan sắc, nàng luôn làm mọi người thấy trái tim mình đang ngập tràn giông bão…

Ngày cuối tuần không có nàng đi chung trên đường về. Một ngày có nắng reo vui. Từ góc đường Congress và đường số hai nhập vào nhau, các tòa nhà cao tầng che kín một mảng trời. Từng khung cửa kính vuông vức trên cao nhìn xuống dòng người xuôi ngược. Trời lạnh đột ngột và nhiệt độ xuống thấp. Nghe nói có tuyết ở Dallas ngày hôm qua và có thêm mưa tầm tã ở một vài nơi khác. Ðêm ném những hạt mưa và kéo theo những gió rét. Ngày tháng âm thầm đi qua trên vai người đàn ông già, mệt mỏ i. Những cơn mưa cũng vậy, ướt nhòa một nỗi nhớ.
 
2.
        Tôi đi lạc mấy bloc đường trước khi tìm ra con đường Shady Park. Lâu lắm rồi tôi không có dịp đi về khu downtown của Houston. Những nhịp cầu chằng chịt đường 59, đường 45 chia hai hướng nam bắc đã làm tôi ngỡ ngàng. Một thời gian dài tôi loanh quanh không định hướng được lối về nhà của Bùi Chiến Công. Một cái tên nghe dữ dội, nhưng rất hiền khô bởi chủ nhà lúc nào cũng cười. Anh là một người luôn sùng bái những ly bia và mồi màng hơn là sùng bái những ồn ào, tranh chấp. Ðịa chỉ số 3050 cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy trước khi đêm xuống. Ngôi nhà bộc lộ ra một dáng vẻ thơ mộng giống như một câu chuyện cổ tích—trong đó mái che sơn trắng nhìn ra một vạt rừng rộng. Con suối nhỏ chạy xuyên qua những lùm cây mà chỉ ban ngày mới nhìn thấy được. Có những giây leo bò trên đầu hồi đang run rẩy như hơi thở của nàng Bạch Tuyết vừa ngủ yên. Cuối đường ánh đèn dội xuống trên ngạch cửa của những căn nhà lân cận, như nói lên sự huyễn hoặc của đời sống. Trong đó cơm áo và công ăn việc làm đã xa rời và hạnh phúc thì đang tím lạnh bởi những cành mạc lan. Chính trong ngôi nhà này, cách đây mấy năm, vợ chồng nhà văn Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Thị Vinh từ Na Uy đã từng ngủ lại. Có luôn cả Bích Xuân. Người phụ nữ diễm kiều của Paris và của vườn Lục Xâm Bảo.

Một tuần lễ mà Bích Xuân ghé lại nơi này, nghe đâu nàng không đem về Texas những vạt nắng mùa xuân, mà đem về những giông bão. Có những mưa bay và bão nổi ném trên vai những người đàn ông trong khi đàn bà thì vẫn bình an và dấu giếm sau nụ cười là roi đời bầm dập.
Tâm hồn họ luôn là một vườn xuân chưa nhú mầm bội phản và nắng gió chưa làm già háp dung nhan. Bích Xuân là một phụ nữ như vậy.

         Khi tôi đến nơi và phải gài thắng tay để đậu xe vì xe nằm trong tư thế chúi đầu xuống một con dốc. Tôi không muốn thấy sáng hôm sau bước ra nhìn thấy xe của mình nằm ở đâu đó trong đám lá um tùm bên dưới, trong khi những con rùa, con rắn phơi mình trên mui.

Giang sơn của Bùi Chiến Công không bình thản cho một người viết văn đêm nay có cơ hội ngồi viết xuống chữ nghĩa. Chiếc laptop đem theo cũng không có dịp để ướp lạnh sương đêm và tình yêu cũng không kịp lai láng trên những mặt phím. Vì vẳng từ bên trong là tiếng người, tiếng những chén muỗng va chạm. Tiếng mở nút chai bia và tiếng cụng ly. Những người bạn tôi quen và chưa quen quy tụ nơi ngôi nhà đường Shady Park dường như không muốn tiễn chân một mùa Tết Âm Lịch, vì tôi nghe họ đang đòi “chúc mừng năm mới”. Ngoài vợ chồng Túy Hà và vợ chồng Bùi Chiến Công là bạn bè thân thiết thường gặp trong các sinh hoạt cộng đồng tại Houston, thêm Nguyễn Xuân Cương, gốc Bảo Lộc đang ồn ào không chịu để ai nói nhiều hơn mình. Hai người bạn mới một người tên Cư, một người phụ nữ, tên Hoa Nguyễn.

         Ðã qua rồi cái thời thanh xuân và lửa tin yêu đang cháy đỏ trong lòng. Qua rồi cái thời mà nhìn thấy búp non trong vườn đã ngại ngần không muốn hái. Nhưng tôi ngồi giữa bạn bè và nghe trong lòng vang động lại những bước chân vào đời. Ngày đó tôi liều lĩnh biết bao. Tâm hồn tôi giống như mảnh trời đêm ủ chật những vì sao đang bước vào vùng bão lửa. Sự khao khát, sự hoài mong và trên cùng là sự đam mê làm vụng về ngôn ngữ.

         Khi tôi biết Nguyễn Xuân Cương tại phòng sinh hoạt của Ðài Little Sài Gòn, ở Houston, tôi không thấy Cương ồn ào vui nhộn. Tôi nghe nói Cương ngày xưa là bạn thân của nhà thơ Tú Kếu- Trần Ðức Uyển. Dù Cương không thiết tha với thơ thẩn văn chương. Tâm hồn Cương ngày đó như một vườn bơ, một luống trà trở trăn theo đất. Tắm mát trái tim Cương, là sương mù và mưa bụi, đến nỗi nhìn đâu Cương cũng thấy cuộc đời đều lạnh và mỡ màng. Tôi cũng là một trong vài người bạn với Tú Kếu, khi anh về sống tại Bảo Lộc. Tú Kếu lập gia đình với Phượng, con gái út của ông chủ tiệm trà Tiến Ðạt. Ðám cưới linh đình thời đó—thời tôi là lính—Báo chí Sài Gòn loan tin và bạn bè trong đó hầu hết đều là văn nghệ sĩ đều đến chung vui với anh.

Tú Kếu bây giờ đã chết. Sau nhiều năm tù ở trại Ðại Bình, Bảo Lộc, Tú Kếu về sống ở Sài Gòn đường Trương Minh Giảng, nơi mà chị Phượng có một cơ sở buôn bán trà, cũng lấy tên Tiến Ðạt. Tú Kếu vẫn “ốm yếu ho hen” như ngày còn cộng tác với nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử. Một đôi lần tôi ghé thăm anh, sau đó chúng tôi cùng uống cà phê nơi một quán nhỏ đường Huyện Thanh Quan. Người thi sĩ tài hoa của Sơn Tây, của “đồi núi Chí Linh và sông Hồng lộng lẫy” lúc đó vẫn hào sãng và còn phong độ. Cho đến khi tôi ra hải ngoại và biết tin anh mất vì bịnh alzheimer.

Những bài thơ anh sáng tác lúc sinh thời mang một màu sắc dữ dội và nhức nhối nhiều trái tim. Anh làm thơ giống vừa giỡn chơi vừa giác đấu với cuộc đời. Mỗi bài thơ là một nhát dao chủy thủ, rạch ròi và đâm suốt những tư cách vô lại.
Nguyễn Xuân Cương ồn ào kể lại thời kỳ vàng son ở Bảo Lộc, về Tú Kếu. Ðiều thú vị đầu tiên là Cương đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ viết cho bạn hiền Tú Kếu, khi nghe tin anh lìa đời:

“Này ả phù dung, này lãng tử,
Này lời cao ngạo ý thâm sâu
Này khi bút chiến cùng thi tửu
Tất cả xin đừng hẹn kiếp sau”...

Điều thú vị thứ hai tôi biết thêm từ Cương, là anh luôn giành thế chủ động để nói mà không để cho ai nói. Trước “đài phát thanh Nguyễn Xuân Cương”, mọi vô tuyến đều phải ...im lặng…


3.
       Gió bên ngoài khung cửa không kịp khép, làm xao động một bâng khuâng. Cái bâng khuâng tưởng chừng đã thầm lặng từ lâu, từ những ngày lính tráng. Giữa những câu nói loang thoáng, xen kẽ tiếng cười, tiếng cụng ly mời “chúc mừng năm mới’’, tiếng rền rĩ vì bia bọt chất ngất của Nguyễn Xuân Cương, tôi vừa nghe ai nhắc đến Chu Hải!

Giọng nói vút cao bằng âm sắc rất ư là Bắc Kỳ vừa khua gõ trong lòng tôi một cánh cửa đóng kín. Trong nhất thời tôi không kịp nhớ Chu Hải là một địa danh nằm ở đâu.

Tôi thất tình trở về Vũng Tàu từ một đêm mưa. Lâu lắm. Khi tôi chia tay với người đàn bà cuối đường gió—Mới đầu, nàng thổi qua vai tôi những ray rứt làm bằng tiếng hôn và nước mắt nóng hổi. Sau đó, chính nàng đã lau khô mọi ướt át hi vọng. Những cánh cửa khép lại và không chờ ai gõ cửa.

        Năm 1970 nghe tin nàng đi lấy chồng. Những buồng tim tăm tối từ khước nghe một hồi đáp và những người đi qua đời nhau lặng lẽ. Và Vũng Tàu hết còn mênh mông một chân trời, một biển cạn.
Trên hai chuyến xe đò chật chội nối tiếp giữa hai đoạn đường Bảo Lộc- Sài Gòn và Sài Gòn- Vũng Tàu, tôi ngồi thu mình giữa những hành khách xa lạ. Giữa những mồ hôi và hơi người. Tôi hình dung đến những ngày trước mặt. Đêm chảy lùi sau lưng như một dòng sông mờ ảo. Tôi đau lòng mường tượng một dung nhan từng vùi dập tim tôi, và nghe bên tai tiếng gió đang thốc vào lòng xe những lời kể lễ, rằng có một thời mình yêu nhau…

Đó là những ngày chỉ còn lại mùa đông, tình yêu ai cũng mơ màng một bếp lửa. Nàng cũng vậy. Có những ngọn cháy đỏ trong tim nên tro than còn âm ĩ sau một cuộc chia lìa. Có những ngọn chưa dấy lên một lần mà đã tàn vào rã rời khao khát. Những năm tháng đi qua âm thầm như tiếng thở dài giấu giếm. Sự đau khổ lớn lao nhất trên trần gian này là hai người yêu nhau nhưng không thể tìm đến nhau. Thành phố của tôi và nàng tương phản nhau như tính tình của hai người. Của nàng là rừng, của tôi là biển. Biển và rừng có khi nào kết hợp vào nhau? Chúng tôi chỉ giống nhau ở một điều là cùng mang tình yêu đi vào đời mà không so bì hơn thiệt. Nhưng khi sa bại mất mát, tôi bị khánh tận, còn nàng vẫn đứng lại vững vàng.

Tất cả rồi sẽ trôi qua. Mọi ký ức rồi sẽ khép kín như một trang sách giấu chứa những điều chưa hiểu đã vội vã xuống hàng.

……….
        Xe qua Long Thành. Qua Phú Mỹ. Qua mọi bờ cỏ xuân thì. Ðêm bay cùng nỗi nhớ bên ngoài. Vệt đèn pha trước mũi xe quét lên vạt đường trước mặt không soi kịp cảnh vật. Mọi thứ đang chạy ngược về sau. Vài phụ nữ thiếp ngủ nhưng vẫn ôm chặt hành lý trong mình. Khuôn mặt chìm trong bóng tối. Phần kia là mái tóc mảnh như một nhánh sông đang cố tìm đường ra biển.

Ðâu đây tiếng bánh xe rít róng mặt đường đêm vì vào khu vực có nhà cửa. Ðâu đây phố núi châm đèn. Tiếng của người lơ xe thúc hối: “Cô bác ai xuống Chu Hải sửa soạn hành lý...”. Có tiếng một cô gái vang lên, hối hả: ”Bác cho em xuống…”
Tiếng của một cô gái Bắc. Âm vọng như một nhánh cỏ nứt nẻ giữa dòng mưa, làm tôi ngỡ ngàng.

Chu Hải, ngày đó là một xứ đạo non trẻ, được thành lập sau ngày tôi vào lính. Ðó là một xóm nhỏ, nằm dựa lưng vào núi Dinh và sân bắn của Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp. Bên kia đường là những ruộng mạ phơi phới cùng chạy song song với quốc lộ 15. Trước khi xe đò vào địa phận Bà Rịa, Vũng Tàu, Chu Hải có thể là một chặng xuống cuối cùng.

Xe dừng lại hẳn để thả cô gái xuống cùng với hành lý. Cô gái sẽ đi thêm một đoạn đường nửa để về nhà. Cô hãy mang trên vai nỗi mừng được đoàn tụ lại với người thân sau mấy tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên xe. Cô sẽ về trên bước chân vui cùng cọng cỏ cong mình như một vầng trăng gầy yếu, mặc trên vai tiếng gió thầm thì...

        Hôm nay, trong ngôi nhà vùng South 45, đường ra biển Galveston, tôi vừa nghe lại một địa danh tưởng chừng như mất biến trong ký ức. Người con gái trước mặt tôi, tròn trịa như một viên mực lăn đọng trên trang vở cũ, đã gợi lại trong tôi một quá khứ thương tật.

Mùa xuân của Vũng Tàu năm 1970, khi tôi chia tay với người con gái B’lao vừa thơm ngát môi đời. Mái tóc em vừa nghiêng xuống vai tôi cũng che giấu một màu son. Trong khi tôi biết rằng muốn trưởng thành con người phải chạm tay tới đau khổ.
Trước mặt tôi, cô gái có tên giản đơn không màu mè nhưng vẫn đại diện một hồn hoa—Hoa Nguyễn—vừa nhắc cho tôi nhớ rằng Vũng Tàu thân yêu của tôi, ngoài Bến Ðình— Bến Ðá—Bãi Trước—Bãi Sau, còn có một vùng đất mang tên Chu Hải. Có một thổ ngơi mà cư dân nơi đó đa số đều phát âm giọng Bắc không sai trật chính tả. Và tâm hồn họ ươm tụ phù sa sông Ðuống, sông Hồng. (Trong khi tôi viết văn mà đầy lỗi hỏi ngã. Mấy ông chủ báo gặp mặt tôi đều phàn nàn.) Có màu hoa gạo đỏ trong mường tượng của tôi, vẫn là những đốm lửa thắp trên phố từng đêm, trên từng cửa ô Hà Nội. Mỗi cửa ô là mỗi ngăn lòng nhức nhối.

        “Chu Hải có gì lạ không em?” Tôi hỏi Hoa. Có thể nàng không nhớ nơi chốn từng sinh ra, từng lớn lên vì ngày đó nàng còn thơ dại. Nên nàng không thể trả lời.

Nhưng tận trong tim nàng, câu hỏi của tôi đã thắp lên một ánh sao từng ngủ quên trên bầu trời. Và ánh sao đó có thể chưa từng được đặt tên?

         Nàng đâu biết rằng chỉ với một cái tên nhỏ nhoi nhưng đánh thức cả một quá khứ của người đàn ông đi qua biết bao bể dâu đời? Mà cho đến giờ phút này viết xuống vẫn không làm sao hiểu nổi…tại sao lòng đầy bão rớt?
Có bao nhiêu chiếc lá khẽ đậu xuống bàn tay như những câu thơ đậu xuống trang giấy lòng đêm nay? Và trên xứ người tạm dung có làm ai khao khát một cơn mơ rất vội. Trong đó, một người đang té vào nỗi nhớ. Té vào những yếu đuối già nua…
 
Tháng Chín, 2023
Phạm Ngũ Yên
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests