Thơ Tình

Thơ nhạc trữ tình, thơ nhạc lính, video...
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by thienthanh »

Image

Lục bát cho tình xưa

Bâng khuâng nhìn xuống đời mình
Nghe trong sâu lắng chút tình yêu xưa
Tôi còn giữ
một chiều mưa
Của mùa mưa cũ em vừa lãng quên

Chạnh lòng
rồi chạnh nhớ em
Đành mang một giọt mưa riêng cho người
Nghìn trùng
còn thương khôn nguôi
Em chia tay bỏ nụ cười lại đây

Câu thề bay như gió bay
Qua vườn tôi dụ dỗ bầy chim di
Lời hứa theo em ra đi
Về nơi đắm đuối xá gì phù vân

Tình buồn suốt cõi trăm năm
Một mai hoá đá ăn trầm như không
Thì thôi ừ em sang sông
Thì thôi biền biệt hoa hồng vỡ tan.


Vũ Xuân Chinh
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by tiendung »

Image

bụi phủ trang thơ


cũng rồi bụi phủ trang thơ
ngày sau đã mất
ngày xưa chẳng còn
có khi em phải đau buồn
thì thôi
đã rõ ngọn nguồn
thì thôi

theo về
với bóng trăng soi
cũng ta một bóng dưới trời hợp tan
mỏng manh em của dương trần
câu thơ quên lãng giữa đường
thì thôi.



hoàng lộc
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by bichphuong »

Image

Hỏi gió

Gío ơi, gío tự phương nao?
Gío về cho lá lao xao gọi buồn,
Gío lay, giao động cội nguồn,
đong đưa chiếc lá rơi buông não nề.

Sao gío lôi cuốn người về?
Lòng ta đã quyết lời thề năm xưa,
thề cùng với nắng, với mưa,
ngàn năm ôm hận cho vừa tình si,

hận ai bội bạc ra đi,
để ta cô quạnh ướt mi thương mình.
Gío đừng khơi lại cuộc tình,
bao năm khép kín lặng thinh quanh đời.

Gío ở đây nhé, gío ơi,
gío ngưng, lá đợi, chưa rơi về nguồn


Thạch Bích
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by caubennoc »


Image

Không Chủ nhật

Không Chủ nhật để không còn nhau nữa
Tượng chúa buồn bên khung cửa mùa thu
Lá hắt hiu tràn ngập phố sương mù
Như những lá thư tình không kỷ niệm

Không Chủ Nhật không còn gì hoài niệm
Sân giáo đường mờ dấu bước em qua
Chiều chợt mưa cho yêu dấu nhạt nhòa
Đưa em về khu phố xưa lần cuối

Không Chủ Nhật quên đi tình đắm đuối
Không loài người riêng chỉ có em thôi
Tình yêu nào ứa máu ngọt bờ môi
Hồn lên cao bồng bềnh trong tan vỡ

Không Chủ Nhật mắt không còn bỡ ngỡ
Trộm nhìn nhau nghe lòng thấy bâng khuâng
Tiếng kinh cầu xóa tan dấu ái ân
Anh cúi đầu hiến dâng lời sám hối


Khiếu Long

 
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by bichphuong »

Image

Cứ vờ như quên


Ai treo trái nhớ trên cây
Và ai ngồi đếm tháng ngày vụt qua
Hạc vàng mất hút trời xa
Lầu xưa sót lại mình ta, ngồi buồn.

Bạn bè trăm nhánh, mười phương
Kẻ còn, người mất, tủi hờn chất cao
Thuyền trôi ra biển, bến nào?
Bến nào rồi cũng tan vào hư vô

Ừ ta 77, không ngờ
Dù quên hay nhớ cứ vờ như quên.


Ngoc Hoài Phương
 
thienthanh
Posts: 3386
Joined: Thu Jun 07, 2007 4:14 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by thienthanh »

Image

Vàng Bóng Cờ Bay

Đất nước ngày mai em trở lại
Với luồng gió mới ngược Trường Sơn
Mang màu nắng ấm xuôi thành phố
Sưởi ấm bao lòng đang héo hon

Mai mốt em về đòi lại nợ
Muôn hồn oan nghiệt đáy trùng dương
Những lời trăn trối nơi tù ngục
Chẳng thấu tai người thân nhớ thương ..

Mai mốt em về xin gạn hỏi
Giống dòng Hồng Lạc của mình đâu
Vì sao từng bước dâng Tàu Cộng
Để được phì thân vững tước Hầu ..

Mai mốt khi về em có nhớ
Những lòng chiến sĩ chốn xa xôi
Thân tàn xứ lạ hồn mơ mãi
Vàng bóng cờ bay rợp đất trời


Nhược Thu
 
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by bichphuong »

Image
 
Tháng 4 đọc thơ Trần Mộng Tú, mấy câu đẹp giữa lạ thường.
(Uyên Nguyên)

Hình như lần nào về thăm Little Sàigòn, nhà thơ Trần Mộng Tú đều ghé đến tòa soạn. Từ chỗ tôi ngồi, nghe đâu đó giọng cười giòn giã, tự nhiên của Chị cùng bằng hữu qua một vài mẫu chuyện. Thảo nào, tôi nghĩ thơ Trần Mộng Tú vì vậy, nhất là những bài tưởng theo vần câu ba, bốn, hay năm, thì khi đọc nghe như một bài kệ nơi cửa Phật:

Tôi vào chùa
Qua tam quan
Phật ngồi im lặng
liễu bàng hoàng xanh.
Tôi vào chùa
lật trang kinh
ngón tay Phật chỉ
lung linh ánh vàng.

Tôi vào chùa
xuống hậu liêu
miếng cơm chay
cũng đăm chiêu… đũa cầm
Tôi vào chùa
Tâm phân vân
tiếng chuông
vỡ giữa thực, không đôi bờ…

(THỰC, KHÔNG ĐÔI BỜ, 1998)

Bài thơ quả thật tài tình, một cách thong dong, nhẹ, thơ chuyển động hai chiều từ câu ba, về thành sáu, rồi đóng lại ở câu tám, nghĩa là trở về nguyên thủy một thể ca dao óng mượt tình quê, nếu người đọc không ngắt câu như cách trình bày của bài trong tập:

Tôi vào chùa Tâm phân vân
tiếng chuông vỡ giữa thực, không đôi bờ.
Khi đi bụi phũ vai gầy
Khi về ôm một vạt đầy cánh sen…

(THỰC, KHÔNG GIỮA ĐÔI BỜ, 1998)

Mà dù đọc theo cách nào bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn ý. Riêng đặc biệt trường hợp của bài thơ này, nếu phải theo cách ngắt câu chủ ý của tác giả, thì ca dao biến thể để lúc vừa đọc lên, phảng phất âm điệu một bài Haiku, câu chữ dứt khoát, ý từ cô đọng mà đủ cho ta thấy cửa Thiền thấp thoáng, bóng Phật như nhiên đĩnh tọa trên ba đào triền phược.

Phật ngồi im lặng
liễu bàng hoàng xanh.



Bất giác, nhành liễu mong manh xanh xao, tượng hình cho thân phận của người con gái Việt Nam, thơ vì đó mà chỡ đầy nữ tính như chính tác giả, đã dệt nên những câu thơ đẹp giữa lạ thường. Cái lạ thường tôi đang muốn chia sẻ là trong bầu không khí giãy đau của một dân tộc mà trên suốt dòng sử khai, dựng và giữ nước, dù vào thời cực thịnh, thì người Việt hình như lúc nào cũng sống với chiến tranh. Câu hát nghe quen như một dấu ấn khắc sâu trên tấm thân cong hình chữ S, thật chăng đã thành truyền thuyết truyền tụng trong dân gian: “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của Mẹ để lại cho con, gia tài của Mẹ, là nước Việt buồn” (GIA TÀI CỦA MẸ – Trịnh Công Sơn). Dù vậy, thơ của Trần Mộng Tú, vẫn cứ nồng nàn, nồng nàn ngay cả lúc vệt máu loang chưa kịp khô, trong cơn hấp hối, giữa sự mất mát bi thương ở những ngày khói lửa chiến chinh:

Em tặng anh tuổi ngọc
của những ngày yêu nhau
đã chết ngay từ đầu
em nhận được tin sầu.
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương.


Chiến tranh không có mắt nhìn, kẻ thân – thù một lúc nào buông tay súng, là đôi môi không cười, bàn tay thôi nắm, là hình hài bất động, thì nghĩa là hết:

Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm,
Anh tặng mắt không nhìn
một hình hài bất động

(QUÀ TẶNG TRONG CHIẾN TRANH, 1969)

Mà có hết không, hay vẫn còn lại người con gái Việt Nam chít kín vành khăn tang, xanh xao giữa tháng ngày như vạt cỏ phủ dầy trên những phần mộ mới:

Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lồng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
phủ trên nấm mộ xanh…

(QUÀ TẶNG TRONG CHIẾN TRANH, 1969)

Song, hình ảnh người con gái của Sài gòn thuở ấy hiện lên trong thơ Trần Mộng Tú, vẫn cứ dịu dàng, thanh thoát, ngây ngô. Lời thơ đầm đầm, người đọc nghe ra niềm đau rã rượi, mà vẫn đủ bình thản, không náo động như sự chết bất ngờ ùa đến, vừa cướp đi những người thân yêu. Sàigòn bấy giờ “… ngày ấy trắng toát khăn tang, những cô trẻ lắm mắt đẫm lệ, theo tay ai dắt vào nghĩa trang” (CÓ PHẢI TÔI KHÔNG?, 2009). Và, vì Sàigòn của ngày chiến chinh, của những mùa trắng toát khăn tang, phố – người không còn sự chọn lựa, tên của cô gái cũng vì vậy đã được nhà thơ khẽ gọi là: “Trần – Thị – Chiến – Tranh”.
Người ta không chỉ tìm thấy vết tích cuộc chiến trên những khuôn mặt của người góa phụ, mà ở đâu đó trên từng góc phố im lìm như nỗi chết của vùng nắng trưa xích đạo, lập loè những ngọn nến như rừng lệ rưng rưng:

Buổi trưa trong thành phố
lười biếng chẳng ai làm
kẻ duy nhất chăm chỉ
người thợ đóng áo quan

Buổi trưa trong thành phố
Không tiếng chim bay đi
tiếng đau thương duy nhất
nến khóc trên quốc kỳ.

(TRƯA TRONG THÀNH PHỐ, 1970)

Rồi từ đó, giữa hoang tàn người ra đi, đi mãi không quay trở về, người ở lại từng ngày xanh xao quạnh quẽ. Quê hương khao khát hòa bình, niềm hy vọng lớn nhanh, khiến người từng đêm choàng dậy giữa những giấc mơ, ngơ ngác, nghe hòa bình là tiếng vọng xa xa:

Khi em còn bé dại
mẹ thì thầm lời ru
chiến tranh không còn nữa
khi con biết nói cười.
Em đã lớn khôn rồi
Và mẹ già theo tuổi
chiến tranh thì trẻ mãi
vẫn hấp dẫn loài người.

Em ngây thơ yêu anh
Mong đất nước hòa bình
tiễn anh vào lửa đạn
em còn nấm mộ xanh.

(CÁI BẪY HÒA BÌNH, 1970)

Lời đó thốt lên nghe có oán chăng, như góa phụ vừa mất người tình vĩnh viễn, song lời thơ của Trần Mộng Tú lúc diễn đạt thì nghe ra dạt dào, nhẹ nhàng và tỉnh táo:

Em mất anh vĩnh viễn
Hai ta mất mối tình
một mình em vướng lại
trong cái bẫy hòa bình.

(CÁI BẪY HOÀ BÌNH, 1970)

Bốn mươi năm qua rồi, giữa mùa tháng Tư, giữa muôn ngàn câu thơ của triệu triệu người ngút lời ân, oán. 40 năm hình như là, cuộc chiến, chỉ thay son đổi phấn trên quê hương tôi chứ chưa hề chấm dứt. Bộ mặt của chiến tranh, bấy giờ như lời nhà thơ nói:

Loài người không thành thật
Giăng cái bẫy hòa bình
để có cớ chính đáng
nuôi dưỡng mãi chiến tranh.

(CÁI BẪY HÒA BÌNH, 1970)

Vì hôm nay hòa bình rồi đó, hòa bình nhưng sao mà:

Em gọi mưa trên trời rơi xuống
Trời khóc thương anh khóc thương em
Trời khóc thương cả hai miền.
Trời khóc thương người Mẹ miền Bắc
sống cô đơn trong túp lều mục nát
thương những người con đi xẻ Trường Sơn
một ngày mẹ nhận được mảnh giấy Ghi Ơn
và xác con mất tích
hòa bình rồi mẹ chống gậy khom lưng
đi hỏi từng người
đường đến Đài Tổ Quốc Ghi Ơn…
Đất nước mình sao buồn bã thế
tiếng súng ngưng lâu lắm rồi
sao khói súng còn bay…

(TIẾC THƯƠNG, 2007)

Bấy giờ, trên quê hương tôi, người vẫn còn khao khát hòa bình, vẫn khản “gọi một hòa bình không có đích danh”. Bốn mươi năm rồi đó, chiến tranh đồng nghĩa hòa bình, như “cái bẫy”, chỉ được xem là loại mặt hàng mà những siêu cường quốc rao bán trên mảnh đất Việt Nam, nhưng được trả giá bằng xương máu của những đứa con cùng Mẹ.

Bốn mươi năm rồi đó, giữa trăm trang Thơ Trần Mộng Tú ( tuyển tập 1969-2009), còn vọng lên lời bi thống của những ngày Sàigòn trắng toát khăn tang, Sàigòn có ngàn ngàn cô gái mang tên Trần Thị Chiến Tranh. Song nét đẹp trong thơ của Trần Mộng Tú, giữa dư âm tiếng nổ rền khói đạn, của huyết lệ và lòng oán cừu chưa nguôi, thơ vẫn toát lên lời nhân ái. Ít ra cũng là niềm an ủi cho những NGƯỜI thật sự đã nằm xuống VÌ NÚI SÔNG.

Cuối cùng, chỉ riêng với tác giả, chiến tranh rồi hòa bình, cũng xóa mờ vào giữa một vết thương, “vết thương trong suốt” (LỜI MỞ của THI TẬP 40 NĂM)

Anh ạ! tháng Tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi ngã về.


(VẾT THƯƠNG, 1991)


Thơ của nhà thơ Trần Mộng Tú đẹp, vì thắp sáng lòng nhân!
* Uyên Nguyên - Dao Thuy
hoanghoa
Posts: 2259
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoanghoa »

Image

Tháng Mưa Về
 
em về qua phố chợ đông
cơn mưa đổ giọt mù không sợi buồn
gió theo chân chảy xa nguồn
lòng thêm ướt mấy đoạn đường mới quen

mưa lênh láng mưa mù tên
gọi em tiếng gọi thân quen mịt mờ
theo đời lạnh đến bơ vơ
lá nghiêng mưa đổ lượn lờ lên tay

ngó em ngó mãi tóc gầy
ngỡ như đếm được sợi bay rơi cùng
mưa trùng trùng mưa ung dung
để run tiếng đập qua thung vẫn chờ

mưa che ánh mắt xa mờ
mưa xao xuyến mưa hững hờ tằm dâu
ai làm vương vấn trời sâu
cho mưa phải lỗi nhịp cầu em đi

qua đông mùa lúa chín thì
trời xanh em hẹn sầu bi cùng về
anh ra đứng ngoài sơn khê
hỏi em vọng lại mưa mê mãi hoài.


Huỳnh Liễu Ngạn
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by tiendung »

Image

HOA THÁNG TƯ

Em hỏi làm chi chuyện nắng mưa
Tháng Tư buồn lắm , nắng quên mùa
Gió mưa là lệ người thiên cô?
Nhỏ xuống thay người vận nước thua

Mộng cũ biết rằng đã ngã nghiêng
Thân trai đâu để chí trai hèn
Mười năm nếm mật đầy cay đắng
Có sá gì đâu chút nỗi riêng ...

Em hoa đời nở mùa xuân ngát
Chưa thắm hương yêu đã nhuốm phiền
Tay súng anh buông giờ phút cuối
Hoa lòng lịm chết tháng Tư điên

Em xa quê mẹ từ hôm đó
Mắt ngọc còn điêu khắc bóng xưa
Ròng rả hơn phần tư thế ky?
Bỗng dưng gặp lại , lạ không ngờ ..

Mưa nắng cũng còn thay đổi thôi
Chúng mình là những giọt mưa rơi
Mưa vương trên má em ngày cũ
Đã hóa thành mây mất kiếp rồi ...


Nhược-Thu
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by khieulong »

Image

Tháng tư uống rượu cùng bè bạn

Uống đi chén rượu nghĩa tình
Uống đi để thấy đời mình có nhau,
Quê Hương , Tổ Quốc niềm đau
Uống đi ngạo nghể với màu cờ xưa

Uống đi rừng vẫn giăng mưa,
Uống đi khóc bạn mới vừa ngủ yên
Hình như có giọt sầu miên
Rớt rơi trên đỉnh muộn phiền đời ta.

Uống đi kỷ niệm phôi pha
Uống đi năm tháng nhớ nhà xanh xao
Ta người lính cũ hư hao
Rút dao đâm ngực máu trào hờn căm

Uống đi tù ngục xa xăm
Uống đi nước mắt âm thầm lặng rơi
Bạn bè chiến trận thây phơi
Bỏ ta còn lại , giữa đời xót xa.

Uống đi em giết tình ta,
Uống đi ân ái mặn mà nồng cay
Mưa trên thành phố vẫn bay,
Ta ngơ ngác giưã tháng ngày phiêu du


Khieu Long
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thơ Tình

Post by hoangphong »

Image

Màu Nắng Tháng Tư

Nhạt nhoà màu nắng tháng tư
Người đi ngõ nhỏ buồn như lòng người
Tóc dài hờ hững buông lơi
Tôi ngồi đếm lá vàng rơi mà chờ

Thương người lỡ nhịp câu thơ
Thương tôi ngõ vắng đợi chờ bóng ai
Bây giờ thu vẫn chưa phai
Con đường kỷ niệm còn hoài dấu xưa

Ngõ buồn sớm nắng chiều mưa
Bóng thời gian chẳng bao giờ nguôi quên
Mấy mùa lá rụng bên thềm
Mấy mùa rừng vẫn đợi chim bay về

Chim bay chim quên lời thề
Còn tôi vẫn đợi người về ngõ quen.


Đặng Thanh Liễu
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 2 guests