Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Tin trong và ngoài nước, tin Cộng Đồng ...
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by TranAnhDung »

Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện sau hơn 20 ngày, chúc Tết người Việt hải ngoại
February 7, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau hơn 20 ngày vắng mặt bất thường kể từ lần xuất hiện tại phiên họp bất thường của Quốc Hội Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư CSVN, bất ngờ hiện diện tại buổi chúc Tết đồng đảng và người dân hôm 7 Tháng Hai.

Theo hình chụp do báo VietNamNet đăng tải, ông Trọng có vẻ khỏe khoắn hơn lần trước, không còn phải vịn tay “tam trụ” khi bước vào hội trường.
Image
Ông Nguyễn Phú Trọng (hàng đầu, thứ ba từ trái qua), tổng bí thư CSVN, trong ảnh được cho là chụp hôm 7 Tháng Hai (28 Tháng Chạp Âm Lịch. (Hình: VietNamNet)

Tuy vậy, trong tấm ảnh “tứ trụ” nâng ly chúc mừng năm mới, người ta thấy ông Trọng vẫn phải dùng tay trái vịn vào bàn, trong lúc có một lẵng hoa to trước mặt được sắp đặt để che chi tiết này.


Bên cạnh đó, khác với ba người còn lại trong “tứ trụ,” ông Trọng mặc thêm áo gi lê bên dưới áo vest để giữ ấm.


Trong lời phát biểu chúc Tết được báo VietNamNet đăng nguyên văn, ông Trọng gửi “lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết, chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất” đến cả “đồng bào ta ở ngoại quốc.”

Ông cũng tranh thủ hô khẩu hiệu dài dòng như mọi lần: “…Toàn dân, toàn quân ta cần tăng cường đoàn kết; đã đoàn kết rồi, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm rồi, càng quyết tâm cao hơn nữa; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, truyền thống văn hiến và anh hùng của dân tộc…”

Bài phát biểu mừng Xuân Giáp Thìn 2024 của ông Nguyễn Phú Trọng kết thúc với câu: “Năm mới có nhiều thắng lợi mới!”

Hai ngày trước lần xuất hiện này, người ta thấy ông Trọng cử ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, thay mình thắp nhang cho ông Hồ Chí Minh trong khuôn viên phủ chủ tịch.

Mọi năm, đây là nghi thức mà ông Trọng thường giành làm với tư cách người đứng đầu đảng.


Trong hơn 20 ngày vắng mặt, không tiếp khách quốc tế, trên mạng xã hội lại dấy lên thông tin cho rằng ông Trọng “bị bệnh về đường hô hấp” và “phải nhập viện tại bệnh viện 108, phòng cách ly để tránh không khí lạnh và nhiễm khuẩn.”
Image
Ông Nguyễn Phú Trọng. (Hình: VTV)

Trong thời gian đó, các báo ở Việt Nam liên tục trích dẫn phát ngôn, chỉ đạo của ông Trọng, thậm chí đưa tin về hai cuốn sách của ông vừa ấn hành dịp Tết.

Hiện chưa rõ ông Nguyễn Phú Trọng có giành việc xuất hiện trên kênh VTV (Truyền Hình Việt Nam) để chúc Tết người dân vào đêm Giao Thừa thay cho ông Võ Văn Thuởng, chủ tịch nước, hay không. (N.H.K)
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by bichphuong »

Người Sài Gòn tấp nập đi lễ chùa nơi Tổng Thống Obama từng ghé thăm
February 11, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mùng Một đầu năm Giáp Thìn 2024, đông đảo người dân Sài Gòn vào chùa Ngọc Hoàng, quận 1, để dâng lễ mong làm ăn suôn sẻ, bình an. Ngôi chùa này từng được ông Barack Obama, tổng thống Mỹ, ghé thăm.

Báo VNExpress ghi nhận sáng 10 Tháng Hai (Mùng Một Tết), nhiều người đổ về chùa Phước Hải, còn gọi là chùa Ngọc Hoàng ở đường Mai Thị Lựu, quận 1, đi lễ đầu năm.
Image
Sáng Mùng Một Tết, chùa Ngọc Hoàng, quận 1, đông người dân tới thăm viếng, cầu bình an cho năm mới. (Hình: Quỳnh Trần/VNExpress)

Trong sân chùa, nhiều người dân cúng bái. Bên trong chánh điện đông đúc người làm lễ. Càng về trưa, chùa Ngọc Hoàng thêm đông khách tới thăm viếng. Đường Mai Thị Lựu trước cổng chùa luôn kín người ra vào. Lực lượng dân phòng, công an túc trực để điều tiết giao thông.


Hầu hết người dân đều dùng đèn cầy (nến) để cầu nguyện, không dùng nhang tránh khói ngạt. Bảo vệ túc trực ở bốn góc nhắc nhở khách hành hương xếp hàng, không đi ngược chiều và làm lễ quá lâu.

Ở những điện thờ nơi đâu cũng đông nghịt người, ai cũng cố gắng sờ vào tượng ngựa và rung chuông.

Nhiều người cầm theo lộc từ nhà chùa và hơ tay lên ngọn lửa thờ để mong vạn sự tốt lành trong năm mới.

Ngoài cúng bái, khách lễ chùa đều dâng lễ cho Ngọc Hoàng, trong đó rót dầu là nghi thức quan trọng nhất. Những chai dầu ăn được rót vào đèn thờ trước điện và luôn có người đứng để rót vào ngọn đèn cúng.
Image
Nhà chùa liên tục phát loa kêu gọi bà con chỉ cắm một cây nhang ngoài sân, không mang vào chánh điện. (Hình: Quỳnh Trần/VNExpress)

Ông Quách Minh, 53 tuổi, ở quận Bình Thạnh, cho biết: “Việc châm dầu ăn mang ý nghĩa cho mọi điều trong cuộc sống luôn suôn sẻ, trơn tru. Người cúng sẽ nói tên và điều mình mong cầu trong lúc rót.”

Anh Huỳnh Khôi, ở quận 10, nói với VNExpress: “Năm nào vào dịp Tết, nhà tôi đều đến chùa Ngọc Hoàng, chạm nhẹ vào tượng, hy vọng gặp nhiều may mắn.”

Chùa vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, do người Hoa xây dựng đầu thế kỷ 20, nơi Tổng Thống Barack Obama từng viếng thăm trong chuyến đến Việt Nam hồi Tháng Năm, 2016. (Tr.N) [qd]
khieulong
Posts: 3553
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by khieulong »

Tại sao ‘con lạc đà Vạn Thịnh Phát chui qua được lỗ kim’ như thế?

Trần Hiếu Chân
8-3-2024

Image
Bà Trương Mỹ Lan (giữa) ra tòa án thành Hồ ngày 5/3/2024. Nguồn: AFP
“Chưa bao giờ đất nước ta có được… uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Tuyên bố nằm lòng và quen thuộc ấy của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng trúng phóc khi người dân cả nước những ngày này ‘tin tưởng, hồ hởi và phấn khởi’, đang theo dõi phiên tòa xét xử vụ gian lận tài chính lớn nhất nước, được bắt đầu vào ngày 5/3 và dự kiến kéo dài cho đến 29/4.

Theo Reuters, nếu các cáo buộc được chứng minh là đúng, đây có thể là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất châu Á. Vì vụ bê bối tham nhũng đình đám 1MDB (1Malaysia Development Bhd) của Malaysia năm nào cũng chỉ liên quan đến khoảng 4,5 tỷ USD, còn vụ này trị giá trên 12 tỷ USD, chiếm khoảng 3% GDP Việt Nam. Phiên tòa xử nữ Chủ tịch của Tập đoàn phát triển bất động sản Vạn Thịnh Phát (Van Thinh Phat Holdings Group) Trương Mỹ Lan chưa từng có tiền lệ về quy mô, tầm mức gây hại, với hàng ngàn người bị / được triệu tập và khoảng hơn hai trăm luật sư tham gia tố tụng (1).


Mà không chỉ lớn nhất châu Á, việc xử một phụ nữ ngày nào còn bán vải ở chợ An Đông (TP. Sài Gòn) chắc hẳn sẽ được xếp vào một trong những vụ án lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới, có thể ‘sánh vai’ cùng những Enron, Madoff và Barings ở Mỹ… (2). Nhưng Van Thinh Phat Holdings Group còn ‘trên tài’ các ‘siêu lừa thế kỷ’ trên đất Mỹ ở chỗ, các bậc đàn anh kia bị các cơ quan công quyền phát hiện ngay trong một thời gian ngắn. Còn cô gái người Việt gốc Hoa từ chợ An Đông, chỉ mới tốt nghiệp trung học ngày nào, đã nhanh chóng mọc đủ nanh vuốt để khuynh đảo thương trường và chính trường trong cả nước suốt gần hai chục năm trời. Mà quá trình khuynh đảo ấy lại diễn ra dưới con mắt giám sát và theo dõi chặt chẽ của guồng máy công an khét tiếng trong chế độ toàn trị. Mọi nhất cử nhất động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không thể nào lọt qua cặp mắt nghiệp vụ của ‘các đồng chí an ninh’. Mạng lưới ‘điệp ngầm’ ở Việt Nam ‘nằm vùng’ trong mọi cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại là dày đặc, thậm chí họ còn theo dõi lẫn nhau. Vậy sao lại để ‘con lạc đà Vạn Thịnh Phát chui lọt qua được lỗ kim’ như thế?  


Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ còn xử vụ này trong vòng 60 ngày, nhưng chỉ mới sau ngày đầu tiên, hôm 6/3/2024, Bí thư thành ủy Sài Gòn Nguyễn Văn Nên đã vội vã đưa ra lời cảnh báo, rằng đây là một vụ án lớn… có yếu tố nước ngoài. Rồi ông Nên kêu gọi mọi người phải kịp thời phát hiện, phòng ngừa âm mưu phá hoại, vì liên quan đến rất nhiều người dân, trên 30.000 người (3).

Không rõ, ông Bí thư sợ cái gì từ những người dân tay không, theo dõi vụ án mà công an và mật vụ canh gác nghiêm ngặt cả vòng trong lẫn vòng ngoài? Tại sao suốt cả chục năm trời, ông không thấy sợ và không ‘nêu cao cảnh giác’ với chính những kẻ trong Đảng của ông từng ‘nuôi án’ từ thời Vạn Thịnh Phát ‘phất lên như diều gặp gió’? Chắc chắn là ông chả lạ lẫm gì những kẻ giấu mặt này, nhưng tại sao ông không giúp Đảng xử lý được chúng? Một số kẻ trong đường dây mafia này, như ông biết, hiện vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, kể cả một vài ‘hung thần trùm cuối’ của vụ án, mà người dân Sài thành cũng như người dân trong cả nước, ai cũng có thể vạch mặt chỉ tên! Chả nhẽ dân thường biết mà ông Bí thư không biết? Hay ông biết nhưng đành thúc thủ? 
Image
Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát RFA edit

Nói người dân ‘tin tưởng, hồ hởi và phấn khởi’ theo dõi phiên tòa chẳng qua là người viết chú ý tới cái ‘tâm lý đám đông’ thôi, thưa đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Nên. Dân bây giờ giác ngộ lắm. Hình như chính TBT Nguyễn Phú Trọng cũng có lần đã phải thừa nhận thế. Người dân họ biết tuốt. Họ biết, có thể không chính xác đúng như con số thống kê, từ khi ông Trọng trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (4). Quả thực đây là một thành tích ‘vĩ đại’ của công cuộc ‘đốt lò’. Nhưng tại sao thành tích lớn như vậy nhưng ‘chủ lò’ vẫn băn khoăn tự hỏi: ‘Chúng ta đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn… Có phải do cán bộ không biết sợ?

Không phải đâu, thưa ngài Tổng bí thư! Chính vì sợ nên Trương Mỹ Lan đã tung nhiều chiêu khá độc. Thị đã từng nhờ Dương Chí Dũng chuyển lên Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ một triệu USD ‘để bôi trơn’ (5). Nhưng dù có mánh lới và quỷ quyệt đến mấy thì Trương Mỹ Lan và đồng phạm cũng chưa thể là đối thủ của hệ thống ‘chuyên chính hữu sản’ trên đất nước này. Vậy tại sao bà Trương Mỹ Lan lại có thể tự tung tự tác để thâu tóm tiền bạc trái pháp luật suốt bao nhiêu năm trời, công khai trước bộ máy công an và chính quyền? FB Võ Xuân Sơn đã đưa ra câu trả lời chính xác. Đó là do cái định chế của nhà nước này sinh ra vốn để kiểm soát bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn đã thoái hóa, thối nát đến cùng cực. Nguyên một đoàn thanh tra gồm các thành viên Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, các thành viên của Kiểm toán Nhà nước, các thành viên của Thanh tra Chính phủ, các thành viên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, và hàng loạt cán bộ cao cấp của Ngân hàng Nhà nước… Tất cả đều nhận hối lộ và đều đồng ý ký vào các Biên bản thanh tra, để bao che cho sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và ngân hàng SCB (6). Vậy thì liệu sau gần hai tháng xử, các ông có chắc, Tòa TP. Hồ Chí Minh sẽ bóc tách được mọi đầu mối của đường dây mafia này không?
Image
Ông Dương Chí Dũng (giữa) ra tòa ở Hà Nội hôm 16/12/2013. AFP

Người viết bài này không tin rằng sau 60 ngày, Tòa án TP. Hồ Chí Minh sẽ trả lời được những câu hỏi hóc búa nêu trên. Bởi vì, như đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) mới đây vừa phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội, các vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt cũng như số lượng tiền bị chiếm dụng trong vụ Vạn Thịnh Phát là nhiều nhất từ trước đến nay, nhưng ‘tất cả cũng chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, vẫn còn những tảng băng khác chưa bị vỡ’. Phát biểu của vị đại biểu này đặt ra vấn đề, sau khi cắt ‘đỉnh tảng băng’, ai sẽ là người đủ thẩm quyền để xử tiếp ‘phần chìm bên dưới những tảng băng khác chưa vỡ’? (7). Hơn nữa, số tiền bà Lan chiếm đoạt ‘khủng’ tới mức nếu quy đổi ra tiền 500 nghìn đồng thì nó nặng tới 68 tấn và khi trải ra thì có thể dài tới 10.366 cây số. Khối lượng tiền tương đương với tổng tài sản của năm đại gia giàu nhất Việt Nam hiện nay, lên đến khoảng từ 12 đến 13 tỷ USD (8). Lại nữa, chồng bà Mỹ Lan là ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee, 68 tuổi), mang hộ chiếu Hong Kong (Trung Quốc). Vậy thì với ‘yếu tố nước ngoài’ này, hàng chục tỷ USD ‘thụt két’ hiện đang nằm ở đâu? Vẫn còn ở trong hay đã được chuyển ra ngoài Việt Nam?

Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, từ Vạn Thịnh Phát nhìn lại các đại án tham nhũng chấn động mấy năm trở lại đây, đại chúng có thể thấy một mẫu số chung khá khôi hài. Chia sẻ với nick name @trunghieuphan554 trên một YouTube: ‘Các quan lớn, quan nhỏ cứ tham nhũng vô tư, nếu bị phát hiện thì trả lại ‘một mớ’ là án được giảm nhẹ. Sau khi đem tiền nộp tại Tòa xong thì tiếp đến ‘màn’ khóc lóc kể khổ, kể hoàn cảnh gia đình, kể công trạng đóng góp cho cách mạng, trưng ra các bằng khen, giấy khen, các loại huân huy chương… Mà những công trạng này vốn đã được ghi nhận, đã được tưởng thưởng trước đây thông qua nâng lương, hay phong cấp phong hàm. Nay ra tòa còn đòi được ghi nhận tiếp các công trạng ấy để giảm án’ (9). Giảm vì thành tích gì? Chẳng nhẽ vì thành tích ‘tham nhũng xuất sắc’? Chống tham nhũng kiểu ‘‘Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín’ như thế thì khác nào khuyến khích các đại quan cứ tha hồ đục khoét (10). Người dân có quyền đặt vấn đề, phải chăng hàng trăm tập đoàn, hàng ngàn công ty ngoài kia đang vận hành có khác gì những kẻ đứng trước ‘vành móng ngựa’, nhưng chẳng qua họ biết ‘ăn chia đúng và đủ’ cho các ‘đồng chí đang mai phục trong đống rơm’ nên vẫn tha hồ bòn rút tài sản công và tiền thuế của dân một cách vô tội vạ?

Tham khảo:

(1) https://www.reuters.com/world/asia-paci ... 024-03-05/

(2) https://economictimes.indiatimes.com/ma ... s?from=mdr
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by lengoi »

Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Vĩnh Phúc, bị bắt ‘vì nhận hối lộ’
March 8, 2024

VĨNH PHÚC, Việt Nam (NV) – Bà Hoàng Thị Thúy Lan, 58 tuổi, bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, bị bắt, khởi tố hôm 8 Tháng Ba với cáo buộc nhận hối lộ của tập đoàn Phúc Sơn.

Báo Thanh Niên đưa tin này nhưng không cho biết cụ thể số tiền mà bà Lan nhận hối lộ.
Image
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Vĩnh Phúc. (Hình: Tin Tức)

Theo bản tin, Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng, Kinh Tế và Buôn Lậu, thuộc Bộ Công An, đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của bà Lan và mở rộng điều tra, làm rõ các sai phạm của tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương.

Cùng với vụ bắt bà Lan, Bộ Công An được cho là “áp dụng các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước.”


Biện pháp này đồng nghĩa với việc bà Lan sẽ phải nộp tiền “khắc phục hậu quả” hoặc bị phong tỏa tài sản.

Cáo buộc ban đầu của Bộ Công An cho rằng, trong hai dự án khai triển ở tỉnh Vĩnh Phúc, tập đoàn Phúc Sơn đã bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế.

Ngoài ra, một số dự án bất động sản của doanh nghiệp này tại tỉnh Vĩnh Phúc được xác định là “chưa đủ điều kiện bàn giao” nhưng đã bán và thu tiền, không giao đất cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho người dân.

Mỉa mai là ba tháng trước khi bị bắt, theo ghi nhận của báo Nhân Dân, bà Hoàng Thị Thúy Lan là quan chức đứng đầu về số phiếu “tín nhiệm cao” của tỉnh Vĩnh Phúc.

Hồi năm 2021, bà Lan gây bàn tán khi sắp ghế con gái ruột, Trần Huyền Trang, thời điểm đó 31 tuổi, làm phó giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư Tỉnh Vĩnh Phúc.


Bà Trang về công tác tại sở nêu trên ở vị trí chuyên viên, sau đó “leo” lên ghế phó phòng, trưởng phòng, trước khi được mẹ mình chỉ định làm phó giám đốc.
Image
 


Do công luận chỉ trích vụ “mẹ bổ nhiệm con,” bà Trang mất ghế phó giám đốc sở sau ba tháng.

Theo báo Tiền Phong hồi Tháng Sáu, 2021, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương lệnh cho tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi quyết định bổ nhiệm bà Trang vào ghế phó giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh này, do “cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.”

Thời điểm bà Trang làm “phó giám đốc sở trẻ nhất,” các báo ở Việt Nam mô tả bà Trang “tốt nghiệp đại học chuyên ngành về kinh tế ở Trung Quốc, bắt đầu công tác tại Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2013, từng được cử sang học tại Singapore,” nhưng không dám ghi rõ bà Trang là con bà Hoàng Thị Thúy Lan. (N.H.K) [qd]



 
 
 
duynga
Posts: 114
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by duynga »

Thưởng sắp xuống, Lâm sắp lên?
Bùi Thanh Hiếu
11 tháng 3, 2024

Image 
(ảnh FB)

Tô Lâm sắp thay Võ Văn Thưởng, để ghế bộ trưởng cho Lương Tam Quang?

Nếu Võ Văn Thưởng phải về bây giờ, người thay thế chỉ có duy nhất Tô Lâm, trừ khi ông này không muốn nhận.

Hậu Pháo từ năm 2012 có được nhiều dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Văn Hậu tức Hậu Pháo đã hối lộ các quan chức đầu tỉnh để có được những dự án này. Hiện công an còn đang tiếp tục xác minh tài liệu thể hiện quá trình phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện đầu tư…


Mặc dù Bộ Công an nói rằng việc đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cung cấp thông tin để xác minh dấu hiệu sai phạm về thuế, đầu tư, kế toán, thực hiện công trình, nhưng vẫn đòi hỏi tài liệu thể hiện quá trình phê duyệt chủ trương.

Phê duyệt chủ trương tức vai trò có bí thư Quảng Ngãi lúc đó là Võ Văn Thưởng.

Một người đồng hương của Thưởng ở Mang Thít, Vĩnh Long cũng bị bắt trong vụ việc trên là ông Đặng Trung Hoành chánh văn phòng huyện ủy Măng Thít với tội danh là lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ để trục lợi.

Hiện có hai người có thể ông Hoành lợi dụng ảnh hưởng quen biết để trục lợi là ông Trần Văn Rón, phó thường trực ủy ban kiểm tra trung ương (trước kia là bí thư Vĩnh Long) và Võ Văn Thưởng. Nhưng do liên quan đến Hậu Pháo ở Quảng Ngãi, cho nên khả năng ông Hoành lợi dụng quen biết với Thưởng là đúng hơn, bởi thời điểm Thưởng làm bí thư Quảng Ngãi trùng với thời điểm Hậu Pháo có dự án ở đây và có hành vi hối lộ quan chức đầu tỉnh.

Hướng điều tra của Bộ Công an rõ ràng đang hướng tới Võ Văn Thưởng, nhưng thể hiện chưa rõ ràng có thể là lý do việc này sẽ phải do Bộ Chính trị định đoạt, cần xem xét thảo luận vì liên quan đến nhân sự cấp cao. Trường hợp Thưởng nhận khuyết điểm và xin rút lui khỏi quyền lực, về hưu non thì phương án thay thế sẽ như nào.

Khả năng Bộ Chính trị xem xét và mọi việc chỉ dừng lại đến đây là khó xảy ra, nếu như chỉ bắt các quan chức Quảng Ngãi thôi thì có thể dừng đến đó. Nhưng việc bắt ông Hoành và quy tội luôn như vậy, nếu không làm rõ thì dư luận sẽ thắc mắc việc ông Hoành ở tít tận Mang Thít thì liên quan gì, quen biết ai mà ảnh hưởng đến dự án ở Quảng Ngãi.

Cơ hội thoát của Thưởng là Đặng Trung Hoành nhận tội là tự ý lấy mác đồng hương với ông Thưởng ra vòi tiền Hậu Pháo, tiền đó Hoành đem hết về cho mình, Thưởng “không hề biết và không hề nhận lại đồng nào từ tay ông Hoành.”


Đại hội 14 là đại hội cực kỳ nhạy cảm, tại đại hội này sẽ có sửa đổi điều lệ về tổ chức nhân sự, đại hội này khả năng Trọng sẽ về hưu và để lại khoảng trống quyền lực rất lớn, ai cũng muốn mình có được phần nhiều trong khoảng trống do Trọng để lại. Nhất là phần lớn các ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đều quá tuổi, cho nên suất trường hợp đặc biệt càng phải nắm lấy, bởi trường hợp đặc biệt quá tuổi ở lại chỉ có trong tứ trụ.

Đến đây thì cần đặt trường hợp giả dụ Võ Văn Thưởng vì liên quan đến dự án của Hậu Pháo ở Quảng Ngãi phải về hưu. Ai sẽ là người thay thế ông làm chủ tịch nước?

Một nguyên tắc của tổ chức đảng CSVN là phải trọn một khóa làm ủy viên Bộ Chính trị mới đủ tiêu chuẩn bầu vào tứ trụ. Chức chủ tịch nước phải là người đã có trọn một khóa trước đó là ủy viên.
Xét theo tiêu chí này, thì việc Thưởng phải về bây giờ, người thay thế ông chỉ có duy nhất Tô Lâm. Trừ khi Tô Lâm không muốn nhận.

Tô Lâm nếu nhận, cơ hội ông ở lại khóa 14 để tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa ở trường hợp người đặc biệt quá tuổi làm chủ tịch nước rất lớn, vì tiền lệ đã có Nguyễn Xuân Phúc. Đương nhiên là Tô Lâm muốn nhận.

Nhưng bài học đứt gánh giữa đường của Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và có thể là Võ Văn Thưởng bây giờ sẽ khiến Tô Lâm cảnh giác, phải đảm bảo người giữ chức bộ trưởng công an phải là người ông lựa chọn.

Trong ba thứ trưởng công an hiện nay có khả năng là ứng cử viên chức bộ trưởng công an thay Tô Lâm là Trần Quốc Tỏ, Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc thì Quang là người có khả năng nhất, vì học vấn trình độ xuất thân cao hơn hai ông kia. Lương Tam Quang là người khéo léo, thể hiện biết giữ mình.

Tô Lâm cũng có thiện cảm với Lương Tam Quang hơn với Tỏ và Ngọc.

Có một chuyện thắc mắc là Thưởng hồi mới về làm bí thư Quảng Ngãi thì Hậu Pháo mò đến đây làm dự án và được duyệt. Trước đó ông Thưởng làm bí thư quận 12, TP.HCM, việc có thân thiết với Hậu Pháo từ trước là không có cơ sở.

Lý giải điều này chỉ có giả thuyết Trịnh Đình Dũng nắm chức bộ trưởng xây dựng vào năm 2011 đã thiết kế cho Hậu Pháo và tỉnh Quảng Ngãi những dự án trên, để mở đường cho Hậu Pháo tiến vào Nam.

Thưởng là hạt giống đỏ, tương lai phía trước của ông lúc đó còn lớn. Sự việc Hậu Pháo ở Quảng Ngãi năm xưa dường như là tai nạn do còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm quản lý địa phương, trước đó chỉ quản lý trong lĩnh vực đoàn thanh niên, rồi chuyển sang làm bí thư quận 12.

Nhưng khi vào đến tứ trụ rồi, thì câu chuyện dù thế nào cũng không thể thông cảm được, trừ khi ông mạnh hơn người ta.
duynga
Posts: 114
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by duynga »

Vụ 4 tiếp viên hàng không Việt Nam xách ma túy: Số bị can tăng lên 600 người
March 27, 2024


SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Liên quan đến vụ bốn nữ tiếp viên hàng không Việt Nam xách ma túy “lớn nhất lịch sử,” đến cuối Tháng Tư tới sẽ khởi tố 600 bị can.

Thông tin trên được ông Mai Hoàng, phó giám đốc Công An ở Sài Gòn, phúc trình tại “Hội nghị lần thứ 28, Ban Chấp Hành Đảng Bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025,” hôm 27 Tháng Ba.

Image
Lực lượng hữu trách khám xét, phát hiện số lượng lớn ma túy trong hành lý do các nữ tiếp viên Vietnam Airlines mang theo. (Hình: VOV)
“Chỉ tính riêng vụ án liên quan đến bốn tiếp viên hàng không Việt Nam bị lợi dụng vận chuyển ma túy tổng hợp từ Châu Âu về Sài Gòn, đến nay đã triệt phá 180 đường dây, khởi tố 543 bị can, truy xét, thu giữ hơn 212 kg ma túy các loại, 10 khẩu súng… Với các tài liệu mà Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thu thập được, đến 30 Tháng Tư tới sẽ khởi tố 600 bị can,” báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Mai Hoàng.


“Bước đầu chứng minh những người bị bắt giữ đã giao dịch mua bán ma túy với số tiền trên 25,000 tỷ đồng ($1 tỷ),” ông Mai Hoàng cho biết thêm.


Trước đó, sáng 16 Tháng Ba, 2023, hải quan cửa khẩu phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện “dấu hiệu bất thường” trong hành lý của bốn nữ tiếp viên của Vietnam Airlines gồm Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Phương Vân, Trần Thị Thu Ngân và Võ Tú Quỳnh, đi chuyến bay VN10 từ Pháp về Sài Gòn.

Theo báo Thanh Niên, khi kiểm tra, lực lượng hữu trách tìm thấy tổng cộng hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg cocain, ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất) trong vali của các nữ tiếp viên trên.

Theo lời ông Nguyễn Hữu Hiệp, cục phó Hải Quan ở Sài Gòn, bà Thủy, tiếp viên trưởng, và các nữ tiếp viên “tỏ ra sửng sốt” khi biết có ma túy trong kem đánh răng. Bốn người khóc lóc, khai rằng khi ở Pháp, họ được một người chưa rõ danh tính, nhờ xách tay một số hàng hóa về nước và trả thù lao 10 triệu đồng ($410).

VNExpress cho biết thêm, khi nhóm nữ tiếp viên Vietnam Airlines ra phi trường Paris-Charles de Gaulle để về Việt Nam, nhà chức trách Pháp “không phát hiện trong hành lý của nhóm này có ma túy.”
Image
Ông Mai Hoàng thông tin về tiến độ xử lý vụ án bốn tiếp viên hàng không Việt Nam vận chuyển ma túy. (Hình: Thuận Văn/Pháp Luật TP.HCM)

Điều bất ngờ là đến tối 22 Tháng Ba, 2023, sau sáu ngày điều tra, Công An ở Sài Gòn đã trả tự do cho bốn nữ tiếp viên, song khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma túy,” đồng thời tạm giữ hai nghi can liên quan việc vận chuyển số ma túy trên từ Pháp về Việt Nam.

Cũng theo ông Mai Hoàng, tội phạm ma túy tại Sài Gòn đang “diễn biến ngày càng phức tạp.” Chỉ trong quý 1, 2024, Công An Thành Phố này đã phát giác 813 vụ với 2,019 nghi can, thu giữ 15.63 kg ma túy, hơn 64 kg cần sa, 249 kg ma túy tổng hợp và 14 khẩu súng…

Con số này tăng gấp đôi cả về số vụ và số nghi can bị bắt giữ so với cùng kỳ năm ngoái. (Tr.N) [qd]
 
buikiem
Posts: 503
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by buikiem »

Bà Trương Mỹ Lan bị công khai đòi tiền chạy án trước tòa
Trần Anh Quân
3 tháng 4, 2024

 Image
Bà Trương Mỹ Lan trước tòa (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSNDTC) trơ trẽn tới mức ở trước toà kỳ kèo, mặc cả, ép các bị cáo phải chung thêm tiền chạy án. Dường như công lý chỉ là một phần, xoay được tiền – mà như vụ Việt Á hay chuyến bay giải cứu, tiền đòi được chưa bao giờ là dành cho các nạn nhân, mới là chuyện chính.

Trong phiên toà ngày 19 Tháng Ba, VKSNDTC đề nghị tử hình bà Trương Mỹ Lan với ba tội danh gồm: đưa hối lộ, vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, và tham ô tài sản. Thế nhưng đến ngày 1 Tháng Tư, họ lại cho biết đang tính thiệt hại theo hướng có lợi cho bà Trương Mỹ Lan.

Báo điện tử Vnexpress dẫn lời VKSNDTC tại phiên toà: “Nếu vụ án không bị phát hiện thì hành vi của bị cáo còn tiếp diễn. Hiện, SCB quản lý một số tài sản có khả năng khắc phục hậu quả. Vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, các tài sản này sẽ được dùng để loại trừ một phần trách nhiệm hậu quả.”


“Nếu Viện Kiểm sát (VKS) áp dụng mức thiệt hại của vụ án là hơn 670,000 tỷ (Việt Nam Đồng) thì mức hình phạt đề nghị đối với các bị cáo sẽ khác. Còn hội đồng xét xử có chấp nhận quan điểm của VKS hay không, hay xác định thiệt hại là 670,000 tỷ làm căn cứ xác định mức hình phạt, thì do tòa quyết định,” đại diện VKS nói.

Tại phần này, có thể thấy VKSNDTC muốn bà Lan chi tiền để được giảm án, loại trừ trách nhiệm và áp dụng các nguyên tắc có lợi. Nhưng chi tiền cho VKS thì không đủ, phải chi thêm cho hội đồng xét xử thì toà mới chấp nhận quan điểm của VKSNDTC.

Nhưng bà Lan cho rằng khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng SCB thì bà đã đưa nhiều tài sản vào SCB “khiến cả gia tộc mất hết tài sản.” Đây có vẻ như là lời từ chối lo lót thêm tiền chạy án của bà trước những đòi hỏi vô lý của VKS.

Thế nhưng phản biện lại lập luận của bà Lan, VKS cho rằng “bà Trương Mỹ Lan không mất hết tài sản của gia tộc,’ mà chỉ có 60 trong số 1,169 tài sản bị kê biên là hình thành trước thời điểm hợp nhất SCB, còn lại có được trong thời gian phạm tội”.

Tức là VKS biết bà Lan vẫn còn tiền, và đòi phải chi thêm. Sau đó xảy ra đôi co giữa hai bên và bà Lan tỏ ra cứng rắn trong việc không chấp nhận đòi hỏi, thì đại diện VKS lại đánh giá rằng “bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không dám chịu trách nhiệm, thể hiện sự ngoan cố của bị cáo.”


Không chỉ vậy, phía VKSNDTC còn nói thẳng rằng các luật sư (của bà Lan) trong phần tranh luận chưa thật sự nghiêm túc, luận cứ đưa ra không bám sát diễn biến của phiên tòa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo.

Tổng kết lại diễn biến có thể thấy rằng đầu tiên VKSNDTC đưa ra khung hình phạt cao nhất; sau đó tuyên bố sẽ tính thiệt hại theo hướng có lợi cho bị cáo, với điều kiện là phía bà Lan phải chấp nhận lấy tài sản để khấu trừ trách nhiệm. Nhưng bà Lan từ chối, Viện tiếp tục mặc cả việc kê biên tài sản. Bà Lan vẫn cứng rắn từ chối chung chi, nên bị VKSNDTC nhận xét là ngoan cố và mấp mé vấn đề “ảnh hưởng quyền lợi của các bị cáo.”

Chung tiền chạy án là câu chuyện quen thuộc trong mỗi vụ án tại Việt Nam, nơi mà công lý thuộc về kẻ có tiền, có quyền và có mối quan hệ.

Trước đây, tội phạm phải âm thầm chung chi cho điều tra viên, công an, toà án và VKS. Điển hình như vụ Việt Á, ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc bệnh viện Thủ Đức bị phát hiện đã chi $2.2 triệu cho cán bộ thuộc cơ quan cảnh sát điều tra (C03) để chạy án. Hoặc vụ “chuyến bay giải cứu,” phía công ty Blue Sky muốn chạy án đã chi $2.6 triệu cho Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám Đốc Công An Hà Nội) và Hoàng Văn Hưng, trưởng phòng 5, cục An Ninh Điều Tra.

Còn vụ Vạn Thịnh Phát này, VKSNDTC trơ trẽn tới mức ở trước toà để kỳ kèo, mặc cả, ép các bị cáo phải chung thêm tiền để được giảm án.

Đặc biệt, những lời này không phải do VKS ở cấp huyện, cấp tỉnh, cấp thành phố, mà là từ VKS tối cao nói ra, cho thấy luật pháp của nhà nước CSVN nhìn vào là có vẻ nghiêm minh, nhưng luật bất thành văn và công khai là cứ nộp tiền thi được giảm án.

Nộp càng nhiều, án càng nhẹ đi. Sợ bà Trương Mỹ Lan không hiểu, nên đại diện VKS mới nói toẹt, và có phần đe dọa.

Đúng là công lý cộng sản.
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by caubennoc »

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình, chồng 9 năm tù, cháu gái 17 năm
April 12, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bị cáo Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị kết án tử hình, do bị ba cáo buộc “tham ô tài sản,” “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”

Theo báo Thanh Niên hôm 11 Tháng Tư, phán quyết nêu trên được tuyên sau khi Hội Đồng Xét Xử bị cáo Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91.5% cổ phần của ngân hàng SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB, cũng như toàn quyền tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại nhà băng này.
Image
Bị cáo Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tại phiên tòa hôm 11 Tháng Tư. (Hình: ZNews)

Hội Đồng Xét Xử cho rằng không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan cũng như các luật sư về việc bà này chỉ có 15% cổ phần, bao gồm của mình và hai người con gái.


Theo kết luận của tòa, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên giùm bị cáo Trương Mỹ Lan.

Cũng theo phán quyết của tòa đăng trên báo Dân Trí, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra-Giám Sát của Ngân Hàng Nhà Nước, lãnh án chung thân, do nhận hối lộ $5.2 triệu của bị cáo Lan để bỏ qua sai phạm của SCB.


Ba bị cáo khác cùng lãnh án chung thân là Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB), Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng (đều là cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị SCB).

Bị cáo Trương Huệ Văn, cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan và là tổng giám đốc tập đoàn Bất Động Sản Winsor, bị kết án 17 năm tù.

Bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ), quốc tịch Hồng Kông, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan và là chủ tịch công ty Times Square, lãnh án chín năm tù.

Đáng lưu ý, có tổng cộng 10 bị cáo được trả tự do ngay tại tòa, trong đó hầu hết là cán bộ của Ngân Hàng Nhà Nước, số còn lại là thuộc cấp của bị cáo Lan tại nhà băng SCB.

Hồi giữa Tháng Mười Hai năm ngoái, người thân của bà Trương Mỹ Lan được ghi nhận nộp 1,000 tỷ đồng ($41.2 triệu) tiền “khắc phục hậu quả.”

Tiền “khắc phục hậu quả” được hiểu là tiền do thân nhân của bị can, bị cáo nộp để đổi lại bản án nhẹ hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm Sát khi phiên tòa diễn ra.


Bị cáo Trương Huệ Vân được ghi nhận nộp 1,063 tỷ đồng ($43.7 triệu) và $3,000.
Image
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra-Giám Sát Ngân Hàng, thuộc Ngân Hàng Nhà Nước. (Hình: ZNews)

Bị cáo Chu Lập Cơ nộp 1 tỷ đồng ($41,194).

Ngoài ra, các bị cáo khác trong vụ này cũng nộp tiền “khắc phục hậu quả” lên đến hàng triệu đô la.

Trong số đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nộp $4.8 triệu và 10 cuốn sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng ($411,947). (N.H.K) [qd]
lilac2010
Posts: 76
Joined: Sun Mar 21, 2010 10:45 pm
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by lilac2010 »

Việt Nam thực hiện cuộc giải cứu trị giá 24 tỷ USD ‘chưa từng có’ cho ngân hàng đang bị dính vào một vụ lừa đảo khổng lồ

Tác giả: Francesco Guarascio
Cù Tuấn, biên dịch
17-4-2024
HÀ NỘI, ngày 17 tháng 4 (Reuters) – Việt Nam tiến hành một cuộc giải cứu “chưa từng có” đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ngân hàng đang bị dính vào vụ lừa đảo tài chính lớn nhất cả nước, theo ba tài liệu ngân hàng và thông tin chính thức mới được cung cấp cho Reuters bởi một chuyên gia có quyền xem tài liệu này.

“Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ”, theo thông tin mới cung cấp cho Reuters. “Nếu tiếp tục cho vay, kho bạc quốc gia sẽ dần cạn kiệt”.

Reuters không xác định nguồn cụ thể hơn do tính nhạy cảm của vấn đề.


Thông tin mới cũng mô tả tình huống này là “chưa từng có” về khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, mức độ phức tạp của hoạt động trên và quy mô thiệt hại hiện tại cũng như tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

Reuters không thể xác định liệu các kết luận về tác động đối với kho bạc nhà nước có được các quan chức khác hiện đang tham gia giám sát SCB đồng tình hay không.

Nợ công của Việt Nam năm ngoái ổn định ở mức 37% tổng sản phẩm quốc nội, trong khi thâm hụt ngân sách tăng nhẹ lên 4,4% GDP. Theo Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm nay. Con số này tăng từ khoảng 90 tỷ USD vào cuối tháng 10, theo Văn phòng Nghiên cứu và Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 của cơ quan giám sát độc lập khu vực.


Tính đến đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước của quốc gia Đông Nam Á này đã bơm “khoản vay đặc biệt” trị giá 24 tỷ USD vào SCB, theo một trong những tài liệu ngân hàng mà Reuters đã xem, cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày kể từ ngày 29 tháng 3 về tổng số tiền bơm từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo tài liệu đó, lượng tiền đổ vào đã chậm lại một chút nhưng đạt trung bình hơn 900 triệu USD một tháng trong 5 tháng qua, tài liệu thứ hai cập nhật từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 20 tháng 3 và tài liệu thứ ba từ tháng 11 với các cập nhật hàng tháng từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 10 năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước đã không trả lời yêu cầu bình luận về nỗ lực giải cứu. Bộ Tài chính đã chuyển câu hỏi tới Ngân hàng Nhà nước. SCB ban đầu nói với Reuters rằng họ sẽ lưu hành yêu cầu bình luận của hãng tin này, nhưng không trả lời các email tiếp theo. Một quan chức SCB từ chối bình luận khi liên lạc qua điện thoại.

CUỘC ĐUA RÚT TIỀN KHỎI SCB SAU KHI BÀ LAN BỊ BẮT

Khoản bơm tiền mặt chưa được báo cáo trước đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào SCB lên tới 5,6% sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia, hay khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước đã đặt SCB dưới sự giám sát của mình để ngăn chặn tình trạng tháo chạy khỏi ngân hàng gây ra bởi vụ bắt giữ bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan vào tháng 10 năm 2022. Kể từ đó, SCB đã sử dụng số tiền này để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một trong những tài liệu ngân hàng mà SCB đã gửi cho Ngân hàng Nhà nước vào tháng 11 để giải thích cho việc sử dụng các khoản vay.

Theo thông tin chính thức mới từ nguồn tin, sau khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, tiền gửi của SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ USD vào tháng 12 năm 2023. SCB có thể hết sạch tiền gửi vào giữa năm với tốc độ hiện tại và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB tính đến tháng 10.

Trương Mỹ Lan, bà trùm bị bắt vào tháng 10 năm 2022, gây ra vụ tháo chạy ngân hàng, đã bị kết án tử hình hôm 11/4 sau khi bị kết tội chủ mưu vụ lừa đảo. Bà đã không nhận tội tham ô và hối lộ vì bị cáo buộc bòn rút khoản vay 12,5 tỷ USD từ SCB cho các công ty vỏ bọc trong khi kiểm soát SCB một cách hiệu quả thông qua các cá nhân được ủy quyền.

Bà Lan, trước đây là một nhân vật nổi bật trong giới tài chính Việt Nam, sẽ kháng cáo bản án của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những luật sư của bà cho biết.

Theo thông tin mới, bất chấp sự hỗ trợ chính thức, tính đến tháng 12, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và đôi khi phải vật lộn để giải quyết các khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang các ngân hàng khác và xử lý thanh toán qua hệ thống thanh toán bù trừ chính của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến “tâm lý” khách hàng và tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp cho SCB, trước đây từng là một trong những tổ chức cho vay thương mại lớn nhất nước thông qua tiền gửi, một số tiền là 592,7 nghìn tỷ đồng (23,72 tỷ USD) dưới dạng “khoản vay đặc biệt” tính đến ngày 2 tháng 4, theo một bản cập nhật gần đây do ngân hàng đưa ra về vấn đề này.

Con số này tăng so với mức 478 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 10, theo văn bản SCB gửi Ngân hàng Nhà nước. Điều đó cho thấy, lượng bơm vào là 23 nghìn tỷ đồng (910 triệu USD) mỗi tháng kể từ tháng 11.

Tài liệu ngân hàng cho thấy, điều này đã chậm lại so với mức trung bình ban đầu là 3,7 tỷ USD mỗi tháng mà Ngân hàng Nhà nước đã bơm vào tháng 10 và tháng 11 năm 2022 và tốc độ hàng tháng gần 1,2 tỷ USD từ đó đến tháng 10 năm 2023.

CẦN TÁI CƠ CẤU NGÂN HÀNG SCB

Ngành ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao do tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản. Việc truy tố gian lận là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” của chính quyền, gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản, gây áp lực mạnh lên nền kinh tế và làm lu mờ triển vọng của các ngân hàng.

Truyền thông nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước và chính phủ đã nhiều lần tìm kiếm sự giúp đỡ cho SCB từ khu vực tư nhân, đặc biệt kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp những hạn chế như trần 30% về tổng sở hữu vốn nước ngoài của các ngân hàng Việt Nam.


Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho công ty bất động sản tư nhân Sungroup xây dựng kế hoạch tái cơ cấu SCB, theo thông tin gần đây từ nguồn tin và ba người quen thuộc với kế hoạch này. Sungroup đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Reuters không thể xác định liệu kế hoạch của Sungroup có được thông qua hay không.

Bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nào cũng sẽ xoay quanh việc đánh giá tài sản bất động sản mà Trương Mỹ Lan và các công ty của bà sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, nhưng tình trạng pháp lý của những tài sản đó thường không rõ ràng, vì nhiều dự án trong số này vẫn đang xin giấy phép trong khi một số vi phạm các quy định về đất công hoặc giấy phép, theo thông tin mới.

Một số tài sản bao gồm bất động sản có giá trị tại các quận cao cấp ở TP.HCM nhưng phần lớn là những dự án chưa hoàn thiện.

Gia đình bà Lan ước tính tổng tài sản của bà ở mức 30 tỷ USD, một đại diện của gia đình nói với Reuters trong tháng này, trong khi công ty thẩm định thị trường Hoàng Quân, được Ngân hàng Nhà nước thuê để định giá, định giá tổng tài sản của bà khoảng 12 tỷ USD, theo một tài liệu công khai tháng 11 từ cơ quan điều tra, trong đó nêu chi tiết hành vi sai trái của bà Lan.

Reuters đưa tin hồi đầu tháng này rằng, một số đối tác kinh doanh ở Hồng Kông của bà Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến tài sản này. Họ không trả lời yêu cầu bình luận thêm về các lợi ích của họ đối với tài sản sau bản án xét xử bà Lan.
 
hoangphong
Posts: 360
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Tin Tức Việt Nam Hàng Ngày

Post by hoangphong »

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức vì bị điều tra tham nhũng

Trúc Lam chuyển ngữ
26-4-2024

Image
Chủ tịch TQ Tập Cận bình (trái) bắt tay Chủ tịch QH Vương Đình Huệ tại Hà Nội ngày 13-12-2023. 
Nguồn: AP/ Minh Hoang

HÀ NỘI, Việt Nam (AP) – Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đã từ chức, theo truyền thông nhà nước, khiến ông trở thành thành viên cấp cao mới nhất của chính phủ rời nhiệm sở, trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra làm chấn động giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của đất nước.

Việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức càng làm tăng thêm tình trạng bất ổn trong nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức hồi tháng 3 – Chỉ hơn một năm sau khi cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức để chịu trách nhiệm chính trị về vụ bê bối tham nhũng trong đại dịch.


Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: “Điều này làm nổi bật sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường được ca ngợi về sự ổn định của nó, khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu bị sa thải chỉ trong một năm”.

Theo tờ báo nhà nước VnExpress, việc từ chức của ông Huệ diễn ra vài ngày sau khi trợ lý của ông là Phạm Thái Hà bị bắt vào ngày 21/4, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi.

Tin tức ban đầu không nói ông Huệ dính líu đến tham nhũng, nhưng lưu ý rằng các nhà điều tra phát hiện lãnh đạo Quốc hội đã “vi phạm các quy định của Đảng và những vi phạm của ông đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và của chính ông”. Theo VnExpress, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận điều mà họ gọi là tự nguyện từ chức của ông Huệ.


Ông Huệ năm nay 67 tuổi, đã giữ chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hơn ba năm qua. Điều đó khiến ông trở thành chính trị gia quan trọng thứ tư ở Việt Nam, cùng với Chủ tịch nước, Thủ tướng và người đứng đầu Đảng Cộng sản.

Bất ổn chính trị có thể đe dọa tham vọng kinh tế của Việt Nam khi nước này nỗ lực trở thành đối tác thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng này, CEO Tim Cook của Apple cho biết, ông muốn tăng cường hơn nữa việc đầu tư vào nước này.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô An Xô, cho biết, vụ bắt giữ ông Hà là kết quả của việc mở rộng cuộc điều tra đang diễn ra đối với Tập đoàn Thuận An. Chủ tịch công ty Nguyễn Duy Hưng và một số người khác đã bị bắt hồi đầu tháng Tư.

Chiến dịch Đốt Lò đã thiêu rụi nhiều doanh nghiệp, dẫn đến bản án tử hình chưa từng có đối với bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan trong vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Nhà phân tích Nguyễn Khắc Giang cho biết, ông Huệ trước đây được coi là người có khả năng kế nhiệm Trọng. Ông Giang nói: “Sự ra đi của ông ấy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam”.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ triệu tập Đại hội Đảng Cộng sản kế tiếp vào đầu năm 2026.

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, các đối thủ đang tranh nhau để giành vị trí người kế nhiệm ông Trọng, là người được chọn để nắm chức Tổng bí thư hồi năm 2021, trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ. Ở độ tuổi của ông Trọng, các chuyên gia cho rằng, khó có khả năng ông sẽ tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa.
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 4 guests