Bình Luận , Quan Điểm

khieulong
Posts: 3554
Joined: Sat Jun 02, 2007 9:30 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by khieulong »

Thói hoạnh họe của Đức thật đáng xấu hổ

Tác giả: Maximilian Popp
Hiếu Bá Linh, dịch

14-4-2022

Image
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Nguồn: Sergei Supinsky / AFP
Thay vì khiển trách giới lãnh đạo Ukraine, chính phủ Đức nên tự hỏi mình rằng nguyên nhân Kyiv không tin tưởng Đức đến từ đâu và Ukraine có thể được giúp đỡ như thế nào.

Ukraine đang chiến đấu vì sự sống còn của mình. Các thành phố của họ đang bị không quân Nga ném bom, công dân của họ đang bị thảm sát, hãm hiếp và bắt cóc bởi binh lính Nga. Từ những nơi như Bucha, Irpin hay Mariupol, các tường thuật mới về những hành động tàn bạo của quân đội Nga được đưa ra công luận mỗi ngày.

Và Đức làm gì?

Họ liên tục soi mói, bắt bẻ chính phủ Ukraine, nơi đang kháng cự lại tội ác chống lại loài người này.

Chẳng hạn, nghị sĩ đảng SPD Axel Schäfer đã nói với SPIEGEL về một “sự sỉ nhục không thể tưởng tưởng nổi” chỉ vì Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, công khai không mong muốn tiếp người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier (thuộc đảng SPD) ở Kyiv. Lãnh đạo Khối nghị sĩ đảng SPD Rolf Mützenich không chấp nhận “sự can thiệp quá mức vào chính trị nội bộ của đất nước chúng tôi” của các đại diện ngoại giao Ukraine. Và trên Twitter, thành viên Ban chấp hành đảng SPD, Aydan Özoğuz, phàn nàn rằng chính phủ Ukraine “đòi hỏi khá nhiều mọi thứ từ chúng tôi, nhưng lại không muốn gặp Tổng thống chúng tôi“.


Đôi khi có vẻ như các chính trị gia hàng đầu của đảng SPD có thể bị xúc phạm bởi sự từ chối đón tiếp của Zelensky hơn là bởi cuộc chiến xâm lược của Putin.

Ngay cả trong thời bình, chủ nghĩa gia trưởng (paternalism) của người Đức thật là kỳ lạ, bây giờ chiến tranh đang hoành hành ở giữa châu Âu thì nó thật đáng xấu hổ. Thay vì khiển trách giới lãnh đạo Ukraine, chính phủ Đức nên khiêm tốn và tự hỏi mình rằng sự không tin tưởng của Kyiv (và những người Đông Âu khác) thực sự nguyên nhân đến từ đâu.

Trong nhiều năm, Berlin đã xu nịnh nhà độc tài Nga Vladimir Putin, bất chấp tội ác chiến tranh của Nga ở Syria, bất chấp việc sáp nhập Crimea và cuộc chiến ở miền đông Ukraine.

Các chính trị gia của chính phủ Đức muốn giữ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ngay cả sau khi Nga đã từ lâu điều động hơn 100.000 binh sĩ tới biên giới với Ukraine. Cùng với bà Thủ tướng Angela Merkel, kiến ​​trúc sư của chính sách nước Nga sai lầm này trong nhiều năm là Frank-Walter Steinmeier.

Chỉ dưới tác động của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chính phủ Đức mới chỉnh sửa lại chính sách của mình. Với nhiều xúc cảm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố về một “bước ngoặt“ tại Quốc hội Đức vào ngày 27-2. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, điều đó chính xác có nghĩa gì.

Chắc chắn, chính phủ Đức đã nói lời từ biệt với một số điều tin chắc trước đây. Sau một thời gian dài do dự, nay Đức cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đức muốn ít phụ thuộc hơn vào dầu khí của Nga. Tuy nhiên, chính sách của Đức dường như vẫn nửa vời đối với Ukraine và nhiều đối tác châu Âu. Và Berlin chủ yếu phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Một lệnh cấm vận khí đốt có thể khó khăn, nhưng tại sao chính phủ Đức ít nhất không thúc đẩy nhanh chóng quá trình loại bỏ dầu khí của Nga? Tại sao Berlin không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine? Có thể có câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng Scholz im lặng. Ông ta làm như rằng đó là một sự xúc phạm khi đặt ra những câu hỏi đó.

Giúp đỡ Ukraine không chỉ là một mệnh lệnh đạo đức. Mối quan tâm sâu sắc nhất về an ninh của Đức là Putin phải thua trong cuộc chiến này.

Chừng nào các chính trị gia của chính phủ Đức còn khó chịu về những dòng tweet từ Đại sứ Ukraine hơn là về việc bà Manuela Schwesig, Thống đốc bang Mecklenburg-Vorpommern, đã biến tiểu bang của mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ Gazprom, thì vẫn còn nghi vấn liệu họ có sẵn sàng bảo vệ lợi ích an ninh của Đức hay không.

_______

Nguồn: https://www.spiegel.de/ausland/ukraine- ... 5d007ec3d2
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by TranAnhDung »

30/4: Tháng Tư, nói chuyện tị nạn
April 30, 2022

Image
Tàu HQ-504 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đón người tị nạn Cộng Sản tại cảng Vũng Tàu ngay khi Sài Gòn sụp đổ. (Hình minh họa: STAFF/AFP via Getty Images)

KENNEDALE, Texas – “Không có tị nạn hòa bình; chỉ có tị nạn chiến tranh. Không có ‘tị nạn tư bản’ hay ‘tị nạn dân chủ;’ chỉ có ‘tị nạn Cộng Sản.’ Một nước Cộng Sản là một nước xuất cảng người tị nạn.”

Lại Tháng Tư!

Tị nạn này nhắc đến tị nạn kia! Ukraine 2022 chọc sâu vào vết thương 1975 Việt Nam.

Tháng Ba, Tháng Tư, 2022, cả nước Ukraine chạy! Từng đoàn rồi từng đoàn rồi từng đoàn đàn bà, người già, trẻ con nối đuôi nhau ngơ ngác, bơ vơ, bất kể ngày đêm, bất kể hiểm nguy, bỏ lại đằng sau tất cả để đi vào một nơi xa lạ. Đi cái đã. Miễn là thoát. Trước mặt thì mênh mông, vô danh, vô định, nhưng vẫn có chút ánh sáng còn hơn là ở lại quê nhà, một quê nhà thân yêu đột nhiên trở thành hiểm địa. Với tình hình không lối thoát hiện nay, những tháng, những năm trước mặt, có lẽ người Ukraine sẽ vẫn tiếp tục ra đi! Họ trốn chiến tranh, mà thực ra cũng là trốn một đất nước có thể bị Putin chiếm đoạt để biến một Ukraine dân chủ thành một chư hầu độc tài.

Tháng Ba, Tháng Tư, 1975, cả miền Nam ùn ùn “chạy.” Đi bộ, đi xe, đi thuyền, đi tàu, đi máy bay, đi, đi, đi, đi bất cứ đâu, miễn là thoát khỏi Cộng Sản. Chỗ nào bộ đội Cộng Sản tiến vào là chạy. Từ cao nguyên chạy về đồng bằng, từ Bắc chạy vào Nam, từ các tỉnh chạy về Sài Gòn. Mất Sài Gòn, lại tiếp tục chạy, từ đất liền ra biển, từ Việt Nam chạy đến các nước khác. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ấy, người Việt vẫn còn tìm cách chạy khỏi đất nước, dù kiểu chạy bây giờ có khác hơn xưa: du học, bảo lãnh, lấy vợ lấy chồng…

Tị nạn này là bản sao của tị nạn kia. Chế độ ở quê nhà là “nạn,” nên đành phải “tị:” bỏ quê nhà, ra đi lánh nạn.
Image
Tàu HQ-504 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đón người tị nạn Cộng Sản tại cảng Vũng Tàu ngay khi Sài Gòn sụp đổ. (Hình minh họa: STAFF/AFP via Getty Images)

Nếu tị nạn người Việt 1975 đã đánh động lương tâm toàn nhân loại, thì tị nạn người Ukraine 2022, theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn (UNHCR), có thể trở thành “cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ này.” Tính đến ngày 19 Tháng Tư, 2022, có đến hơn 5 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước để đến tị nạn tại các nước Châu Âu, trong số đó Ba Lan đã tiếp nhận nhiều nhất: hơn 2.8 triệu người; Romania: 757,000; Hungary 471,000; Moldova: 426,000; Slovakia: 342,000.

Cùng với việc tiếp nhận, các quốc gia ở Châu Âu cũng đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ người tị nạn. Ba Lan đã thiết lập các trung tâm tiếp nhận dọc biên giới với Ukraine để hỗ trợ người tị nạn về thức ăn, chỗ ở và y tế và cấp số định danh cho những người tị nạn để họ có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội và phúc lợi cũng như dễ tìm việc làm. Chính quyền Đức cho mở lại các trại tị nạn vốn được sử dụng trong giai đoạn 2015-2016 khi tiếp nhận các di dân Syria, Afghanistan và Iraq. Người dân Đức cũng đã đổ xô đến nhà ga trung tâm Berlin để cung cấp thức ăn và chỗ ở cho những người tị nạn từ Ba Lan đổ về. Các nước Châu Âu khác, ở xa Ukraine hơn, cũng đã sẵn sàng nhận người tị nạn, quyết định miễn thị thực, cho phép những người tị nạn có thể sống và làm việc tại nước họ trong thời gian ba năm hoặc lâu hơn nữa.

Trong số những nước nhận người tị nạn, có cả Nga, là nước tiến hành cuộc xâm lăng không-nguyên-cớ, trực tiếp gây ra thảm kịch tị nạn Ukraine: 550,000. Tại sao có hiện tượng trái khoáy này? Có hai lý do:

-Một là, theo thống kê dân số, có đến 17% dân Ukraine là người gốc Nga. Ngoài ra, sau nhiều thế kỷ bị Nga thống trị, nhiều gia đình người Ukraine có thân nhân sinh sống ở Nga. Cho nên, chẳng lạ gì, giải pháp an toàn nhất của thành phần này là chuyển về lánh nạn ở Nga.
Image
Hơn 5 triệu người Ukraine phải bỏ nước ra đi sau khi Nga xâm lược. Hình AP

-Hai là, nhiều người gọi là tị nạn ở Nga, thực ra, là những người Ukraine bị quân đội Nga bắt đi bằng võ lực. Bà Iryna Vereshchuk, phó thủ tướng Ukraine, cho biết người Nga đã chuyển hàng chục ngàn dân Ukraine đến các trung tâm thanh lọc ở những vùng do Nga kiểm soát mà không hề liên lạc với chính quyền Ukraine. Theo bà, chính quyền Nga đã lập lại chính sách mà họ đã áp dụng thời Nga xâm lăng Chechnya, một nước láng giềng khác của Nga, mấy thập niên trước: hàng ngàn người Chechen đã bị thẩm vấn và hành hạ ở các trung tâm thanh lọc và rồi sau đó biến mất. Truyền thông Nga cũng đã tường trình những chuyến tàu chở hàng ngàn dân Ukraine bằng tàu hỏa đến định cư ở các vùng Yaroslavi và Ryazan, miền Bắc nước Nga hay xa hơn về vùng viễn đông. Mới đây, trong cuộc tấn công vào thành phố Mariupol, chính quyền Nga cũng đã ép buộc hàng ngàn người dân rời khỏi thành phố Mariupol, tập trung tại một trại tạm thời thiết lập ở Bezimenne, phía Đông Mariupol (1). Theo tạp chí Business Insider, nhiều gia đình bị chuyển đến tận Vladivostok, nằm ở biên giới Nga-Bắc Hàn, cách chỗ ở của họ gần 6,000 km.

Thế nhưng, điều trái khoáy nhất là một hiện tượng ít ai ngờ tới: “người Nga chạy trốn khỏi đất nước mình,” tìm cách đến các nước phương Tây để xin tị nạn. Theo nhà báo và nhà văn Nga Mikhail Viktorovich Zygar, trong bài viết “The Intellectual Exodus from Russia/Escaping Putin,” thì “Nước Nga hiện đang trải qua một cuộc tháo chạy mang tính vô hình nhất trong lịch sử – cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, các nghệ sĩ và các thảo chương viên. Họ là một phần của truyền thống lâu đời của những người trí thức đã buộc phải chạy trốn khỏi sự cai trị thô bạo của Moscow.”

Theo ông: “Khi cả thế giới tập trung vào cuộc chiến kinh hoàng ở Ukraine, một cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, nghệ sĩ, diễn viên và lập trình viên Nga đã bắt đầu. Theo ước tính sơ khởi của chính quyền Georgia, khoảng 20,000 đến 25,000 người Nga đã đến Tbilisi kể từ khi chiến tranh bắt đầu. (…) Trí thức của Nga bay loạn ra mọi hướng, đi những đường vòng kỳ lạ nhất. Thật vậy, sự sợ hãi về những biên giới bị đóng cửa vẫn là một trong những nỗi ám ảnh dai dẳng nhất của tất cả các cư dân cũ của Liên Xô. Trong hơn 20 năm Putin làm tổng thống, khi sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận tiếp tục bị suy giảm, nhiều người Nga đã thiết lập một đường ranh giới đỏ cho chính mình, vượt qua đường biên đó họ sẵn sàng di cư: nếu biên giới bị đóng lại.”

Tại sao? Tại nỗi ám ảnh: chủ nghĩa Cộng Sản sẽ tái xuất hiện ở nước Nga. “Vào Tháng Mười, 1917, những người Bolshevik tổ chức một cuộc đảo chính và lật đổ chính phủ lâm thời cấp tiến. Vài tháng sau, họ đóng cửa các biên giới, cấm việc đi ra nước ngoài, việc xuất cảng tiền và vật dụng có giá trị ít hẳn lại. Giới quý tộc Nga, các nhà thơ của Thời Đại Bạc (Silver Age), các nghệ sĩ tiên phong xuất chúng, các vũ công múa ba lê Nga, các nhà khoa học, các nhà văn và các nhà báo buộc phải tìm cách trốn chạy, từ bỏ tất cả của cải tài sản của mình.” (2)

Ông Zygar gọi đó là “một cơn chấn thương lịch sử mà xã hội Nga vẫn chưa vượt qua được, dù nó đã nằm ở đấy trong quá khứ hơn một trăm năm.” Chính quyền Cộng Sản Nga Xô Viết là chính quyền đầu tiên xuất cảng người tị nạn vào đầu thế kỷ 20.

Những người tị nạn đi đâu? Tất cả đều chạy qua các nước tư bản. Và điều này trở thành truyền thống.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi các nước Đông Âu nằm dưới các chính quyền Cộng Sản, thì người dân Đông Âu chạy trốn qua các nước Tây Âu.

Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, dân Bắc Hàn chạy vào Nam Hàn.

Khi cuộc nội chiến Trung Hoa chấm dứt, dân lục địa chạy ra Đài Loan, chạy đến Hồng Kông.

Khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng, dân Tây Tạng trốn qua Ấn Độ.

Khi Hiệp Định Genève ký kết, 1 triệu dân miền Bắc chạy vào miền Nam Việt Nam. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, bất cứ nơi nào quân Cộng Sản đến thì dân chúng chạy vào những vùng có quân đội Việt Nam Cộng Hòa hay Mỹ kiểm soát. Trong cuộc chiến 1975, hễ vùng nào Cộng Sản chiếm là dân chúng luôn bỏ chạy về vùng quốc gia.

Khi Cộng Sản chiếm Sài Gòn, dân miền Nam và cả dân miền Bắc chạy ra biển. Đi đâu? Đi Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Philippines, đi Anh, Pháp, đi Mỹ, Canada, Úc, đi Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Tây Đức…

Không ai đi Nga, Trung Quốc, hay đi Bắc Hàn, Cuba; cũng không ai đi những nước Đông Âu Cộng Sản như Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania, Đông Đức. Mà có chạy đến, các chính quyền Cộng Sản ở đó cũng không nhận.

Ấy thế mà bây giờ dân Ukraine lại chạy qua tị nạn tại các nước Đông Âu và được chính quyền và nhân dân các nước này đón tiếp họ một cách ân cần và nồng hậu. Tại sao? Rất đơn giản: các nước Đông Âu đã là những nước dân chủ. Cũng đất nước đó, cũng nhân dân đó, trước đây, đã từng xua người đi bây giờ lại đón người vào! Những trái tim sắt đá bỗng trở thành những trái tim nhân hậu.

Hóa ra, chỉ có những nước dân chủ tự do, những nước tư bản mới sẵn sàng đón nhận và cưu mang người tị nạn. Dù bị những người Cộng Sản lên án là bóc lột, đàn áp, không hề có hiện tượng “tị nạn tư bản,” “tị nạn tự do” hay “tị nạn dân chủ:” không ai trốn chạy khỏi các nước tư bản hay các nước theo chế độ dân chủ để đến xin tị nạn ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn hay Miến Điện! Chỉ có tị nạn độc tài, tị nạn Cộng Sản.

Có phải người dân ở các nước Cộng Sản không có lòng nhân hậu? Không! Chính người cầm quyền, hay nói cho rõ ràng, chính đảng Cộng Sản là kẻ triệt tiêu lòng nhân hậu. Cách cư xử của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối với công dân của họ trong cái gọi là “chiến dịch giải cứu” đồng bào bị kẹt ở nước ngoài trong cơn đại dịch vừa qua, cho ta một bằng chứng hết sức cụ thể.

Một tạp chí trong nước, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tóm tắt “chiến dịch” đó như sau: “Trong khi chính phủ các quốc gia khác, kể cả những lân bang với Việt Nam như Thái Lan mua lại chỗ trên những chuyến bay không tải vào Thái để đưa công dân Thái hồi hương thì Việt Nam không… thèm làm như thế. Việt Nam tổ chức những chuyến bay không tải từ Việt Nam đi một số nơi để đưa công dân Việt Nam hồi hương và bắt họ trả chi phí gấp bốn, năm lần mức bình thường!”

Nhiều viên chức cao cấp Cộng Sản đã bị bắt: Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh Sự thuộc Bộ Ngoại Giao; Đỗ Hoàng Tùng, phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh, chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng, phó Phòng Bảo Hộ Công Dân của cục này. Và mới đây là Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao.

Họ là những cá nhân riêng lẻ phạm tội một cách riêng lẻ? Không! Cũng như hàng ngàn vụ việc tày trời khác đều đặn diễn ra hết năm này qua tháng khác: cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, biến cố Mậu Thân, lao động cải tạo, kinh tế mới, bài trừ văn hóa đồi trụy, Vinashin, Đồng Tâm, Việt Á… vân vân và vân vân. Họ là con đẻ vô tâm của một cơ chế vô tâm. Một cơ chế chỉ để sản xuất ra người tù và người tị nạn. (N/V)

Chú thích:

(1) BBC: Laurence Peter, Russia transfers thousands of Mariupol civilians to its territory; www.bbc.com/news/world-europe-60894142

The Guardian: Hundreds of Ukrainians forcibly deported to Russia, say Mariupol women; www.theguardian.com/world/2022/apr/04/h ... upol-women

(2) Mikhail Viktorovich Zygar, The Intellectual Exodus from Russia/Escaping Putin,

Bùi Vĩnh Phúc dịch “Cuộc tháo chạy khỏi nước Nga của giới trí thức; https://damau.org/73208/cuoc-tho-chay-k ... oi-tr-thuc
buikiem
Posts: 503
Joined: Sat Sep 22, 2012 12:45 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by buikiem »

Nga – Từ kẻ săn mồi sắp trở thành con mồi
Đỗ Ngà

Dù là mãnh hổ hay mãnh sư mà nếu bị cắt đứt nguồn thức ăn, nó cũng sẽ là miếng mồi ngon cho kền kền hoặc thậm chí là mồi cho những con vật nhỏ nhất như ruồi hoặc giòi bọ. Đó là quy luật, quy luật này được con người áp dụng vào những cuộc chiến để thay đổi cục diện. Chính nhờ nó mà nhiều kẻ yếu đã quật ngã những tên khổng lồ hơn mình gấp nhiều lần.

Năm 220, tại trận chiến Quang Độ, Tào Tháo dùng 7 vạn quân đánh bại Viên Thiệu 70 vạn quân trong tay. Đây là cuộc chiến không cân sức nhưng kẻ thắng lại là kẻ yếu hơn. Nguyên nhân là do Tào Tháo phá được kho lương của địch. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Dù thời nào, thì kế hoạch cắt nguồn lương thực của địch luôn là kết hoạch hiệu quả để triệt hạ sức mạnh kẻ thù. Việc quân đội Ucraina đánh vào các căn cứ hậu cần của quân Nga tại nước Nga cũng là chiến thuật đấy. Và hiệu quả trông thấy, quân Ucraina ngày càng chủ động hơn trong cuộc chiến không cân sức.

Ở tầm cao hơn, nước Mỹ cũng đang dùng cấm vận để “bóp bao tử” người Nga. Khi kinh tế Nga kiệt quệ thì nguồn tiền nuôi sống chính quyền Nga và nuôi sống quân đội Nga cũng bị bóp lại. Đây là cách gián tiếp làm suy yếu nội lực của quân đội Nga. Quân đội đã rệu rã, vũ khí đã lạc hậu, cần rất nhiều tiền để hiện đại hóa, tuy nhiên với việc bị “đói triền miên” thì quân đội Nga khó có cơ hội hiện đại hóa để theo kịp các cường quốc khác được. Trên cuộc đua này, Nga sẽ bị bỏ lại phía sau.


Hiện giờ Nga đang dùng lợi thế dầu mỏ để làm cho Phương Tây và Mỹ chưa thể cấm vận hoàn toàn nền kinh tế Nga vì nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào nguồn khí đốt nước này. Nếu ngưng mua khí đốt của Nga, nền kinh tế Đức đang bị mắc kẹt. EU đang tiến tới cấm vận hoàn toàn đối với nước Nga theo lộ trình. Các quốc gia nhỏ trong EU tiêu thụ năng lượng ít nên việc chuyển đổi nguồn cung không khó khăn gì. Vấn đề lớn nhất là nước Đức – nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, muốn cắt đứt nguồn cung khí đốt từ Nga, nước Đức phải có lộ trình.

Hiện nay, Đức đang rất nỗ lực để thực hiện điều đó. Vào ngày 24/2, ngày mà Nga xâm lược Ucraina, trên 50% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức là từ Nga. Tuy nhiên, đến nay Đức chỉ còn nhập của Nga khoảng 35% và đang điều chỉnh giảm dần. Bù vào phần khí đốt đó, Na Uy và Hà Lan sẽ thay thế. Với nguồn dầu mỏ, thì ngày 24/2, Đức nhập từ Nga 12% nhưng nay giảm xuống chỉ còn 8%. Đến cuối tháng 5, Đức sẽ ngưng nhập hoàn toàn nguồn dầu mỏ từ Nga.


Khi EU giải quyết xong tài toán năng lượng thì lúc đó nước Nga sẽ bị cấm vận hoàn toàn. Khi đó, nền kinh tế Nga sẽ kiệt quệ chứ không được thong thả như bây giờ. Sợi dây thòng lọng kinh tế đang siết, và sức mạnh “cơ bắp” của Nga đang giảm đi một cách rõ rệt. Chỉ mới hơn 2 tháng mà từ vị trí kẻ săn mồi, nước Nga của Putin đang trở thành con mồi trong chiến lược của nước Mỹ và Phương Tây.

Ngay từ đầu, khi Nga hung hăng tấn công Ucraina, NATO phản ứng rất thận trọng, thậm chí có phần thờ ơ. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng, khi mà sức mạnh Nga thực sự được định vị là “con hổ giấy”, đồng thời quân Nga bị tiêu hao sinh lực khá nhiều thì NATO tiến thêm bước nữa là áp sát biên giới Nga bằng cách tập trận chung với Ba lan, Phần Lan, Estonia, Litva. NATO đang sẵn sàng chia lửa với Ucraina.

Ở mũi tấn công chính, Mỹ thông qua luật Lend and Lease (mượn và cho thuê) vũ khí. Song hành với đó, Mỹ bung gói viện trợ 33 tỷ đô. Mục đích là chuẩn bị cho quân Ukraine mở đòn phản công lại lực lượng Nga. Bên mạn đông, Nga bị NATO áp sát, với động thái này của NATO thì Nga không thể không điều quân đồn trú nơi đó để phòng ngừa.

Đấy là cách NATO phân tán sức mạnh quân đội Nga. Ở mặt trận chính, Ucraina đang được chiến đấu bằng vũ khí của Mỹ rất hiện đại và rất dồi dào. Chính vì thế, cố vấn của Tổng thống Ukraine – Volodymyr Zelensky đã không ngần ngại công bố ra toàn thế giới rằng “từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 Ucraina sẽ chuyển từ phòng thủ sang phản công”.


Thời gian tới, quân Nga khó tránh khỏi thân phận con mồi trước quân đội Ucraina. Trên bình diện quốc tế, nước Nga của Putin từ chỗ muốn nuốt chửng những quốc gia hướng đông của NATO và EU để hòng giành lấy vị thế cân bằng trước Mỹ thì nay đang trở thành con mồi của họ. Rồi sau chiến tranh, đẳng cấp của quân đội Nga bị giáng, cùng với đó, sức mạnh nền kinh tế Nga cũng bị hạ bệ nốt. Một cường quốc hung hăng như nước Nga cần phải hạ bệ nó thì thế giới tiến bộ được bình yên.

Putin là một kẻ vừa không biết người mà lại không biết ta, thì sẽ trăm trận trăm bại. Ảo tưởng sức mạnh cường quốc số 2 thế giới, Putin vác súng đi săn mồi nhưng cuối cùng ông ta trở thành con mồi cho kẻ khác. Chính Putin đã trao cho Mỹ cơ hội hạ bệ nốt vai trò cường quốc quân sự mà Nga đã thừa hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ.

Năm 1991, Mỹ đánh sập chủ nghĩa CS ở Nga, đến hơn 30 năm sau, Mỹ hạ bệ vai trò cường quốc của nước Nga. Đây là thông điệp hay nhất mà Mỹ muốn gởi tới anh cường quốc mới nổi Trung Quốc. Như lời của bà Ngoại trưởng Anh Liz Truss gởi thông điệp đến Trung Quốc hôm ngày 27/4 rằng: “muốn trỗi dậy thì phải biết chơi theo luật”.

Vâng! Đấy cũng là thông điệp của Mỹ, và Mỹ làm thật chứ không phải chỉ nói bằng mồm. Trung Quốc nhìn “vật thí nghiệm Nga” mà biết tự lượng sức mình.
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by MatVit »

Nước Nga suy vong, xu thế khó cưỡng
Đỗ Ngà
May 10-2022
Xuất khẩu năng lượng của Nga chiếm đến 47,29% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, xuất dầu thô là 22,5%, xuất dầu thành phẩm là 14,5%, và xuất than 4,4%, còn lại giá trị khí đốt chỉ là 5,98% mà thôi. Hiện nay các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga hầu như đều bị chặn đứng, phần còn lại là năng lượng. Các mặt hàng năng lượng như dầu thô, dầu thành phẩm và than, chậm nhất là cuối năm 2022 là bị chặn hoàn toàn. Khí đốt thì phải đến 2024 nước Đức mới tìm nguồn thay thế cho nguồn khí đốt đến từ Nga.

Như vậy, dù cho EU có để kẽ hở cho Nga xuất khí đốt thì khoản tiền mà nước Nga thu về là không đáng kể. Tình hình kinh tế Nga vào cuối năm nay hứa hẹn sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với hiện tại. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Nga.


Ảnh minh họa. Nguồn: Christina Animashaun/ Vox
Khi Mỹ cắt các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT thì nền kinh tế Nga bị khó khăn ngay lập tức, đồng ruble giảm giá ngay sau đó. Tuy nhiên, sau đó Nga lấy lại sức mạnh cho đồng ruble nhờ áp dụng những biện pháp kịp thời. Ngoài những giải pháp hợp lý thì của chính quyền Nga thì việc Mỹ và EU chừa lại kẽ hở để Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Nga có dư địa để xử lý khủng hoảng. EU vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng Nga nên không thể cấm vận hoàn toàn mà chỉ cấm vận được một phần. Muốn cấm vận hoàn toàn phải có lộ trình.

Từ nay đến cuối năm 2022 thì nguồn thu nhờ xuất khẩu năng lượng Nga giảm bị chặn gần hết, chỉ còn lại nguồn khí đốt. Được biết, nguồn khí đốt Nga chỉ chiếm 12,5% tổng thu xuất khẩu năng lượng nên đến cuối năm khe hở mà lệnh cấm vận tạo ra không còn rộng như hiện tại. Khi đó Nga thực hiện chính sách tiền tệ để ổn định đồng ruble lại càng khó khăn hơn nữa.



Trong các thị trường mà Nga xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 14,9% tổng kim ngạch. Như vậy đến cuối năm, Nga sẽ chỉ cậy vào thị trường Trung Quốc mà thôi. Chính quyền Bắc Kinh vẫn giang tay chào đón, tuy nhiên, những ông lớn công nghệ Trung Quốc đang dần tháo chạy khỏi thị trường Nga. Nguyên nhân là họ lo sợ Mỹ sẽ trừng phạt giống như Trump đã trừng phạt Huawei trước đây. Lúc đó Huawei mới vừa vượt Samsung về doanh số điện thoại, lập tức bị tụt lại phía sau đối thủ Hàn Quốc sau lệnh trừng phạt. Thị trường Nga rất nhỏ bé so với thị trường Mỹ, vậy nên các ông lớn công nghệ Trung Quốc không dại gì chọn Nga bỏ Mỹ. Tương tự như vậy, những nhà nhập khẩu hàng Nga nào mà có làm ăn với Mỹ, cũng sẽ giảm dần việc làm ăn với Nga.

Như vậy, dù cho chính quyền Trung Quốc không cấm các doanh nghiệp của họ làm ăn với Nga, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng tự co vòi để đảm bảo an toàn. Khi lệnh cấm vận thít chặt, dù có muốn dựa Trung Quốc để tồn tại, thì khả năng của Trung Quốc cũng chỉ có giới hạn. Lệnh cấm vận ảnh hưởng đến nước Nga từ mọi hướng. Nước Nga giờ đang vùng vẫy trong khuôn khổ rất hẹp, mà cái khuôn đó là ngày càng teo lại, nền kinh tế Nga chẳng có gì sáng sủa.



Lộ trình cấm vận Nga được EU lên kế hoạch thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Cụ thể là Đức, phải cần đến 2 năm sau mới cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga. Điều này có nghĩa là, khi Nga rút quân khỏi Ucraina chưa chắc gì Mỹ và EU dỡ bỏ lệnh cấm vận. Nguyên nhân? Nguyên nhân là, dù Nga rút quân thì tính hung hăng vẫn còn. Nên nhân cơ hội này tròng vào cổ nước Nga cái thòng lọng kinh tế để hạn chế sự điên cuồng của nó.

Hiện nay Phần Lan và Thụy Điển đang có kế hoạch gia nhập NATO, nếu không dùng chính sách cấm vận làm cho Nga thấm đòn thì các nước thành viên mới của NATO chưa chắc gì yên thân. Putin tưởng rằng sẽ lấn tới đe dọa NATO nhưng ngược lại, NATO tương kế tựu kế, chớp thời cơ lấn sang hướng Đông, và tròng cái thòng lọng kinh tế vào cổ Nga Ngố của Putin.

Nước Nga đang suy vong. Từ cường quốc lớn, Nga đang lùn dần và khi kết thúc triều đại Putin, Nga sẽ không còn tư cách để để đứng thành một cực ở Âu châu nữa. Không có một điểm sáng nào cho thấy nước Nga có thể duy trì vị thế cường quốc của nó nữa.

________

Tham khảo:

https://oec.world/en/profile/country/rus/

https://thesaigontimes.vn/cac-cong-ty-c ... -sang-nga/
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by TranAnhDung »

Ukraine: Di tản chiến binh khỏi nhà máy thép ở Mariupol
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết đã có 264 chiến binh được di tản khỏi cứ điểm nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.
Bình Phương
16 tháng 5, 2022


Image
Ảnh vệ tinh của Maxar ngày 9 Tháng Tư 2022 cho thấy Mariupol đã bị quân Nga san thành bình địa. Thành phố Mariupol đã trở thành biểu tượng hùng hồn cho nỗi đau khổ mà Nga gây ra và lòng dũng cảm kiên cường của các lực lượng phòng thủ Ukraine.
[Satellite image (c) 2022 Maxar Technologies/Getty Images]
Nhà chức trách Ukraine vào cuối ngày thứ Hai đã thông báo chấm dứt hoạt động chiến đấu và di tản các chiến binh ra khỏi thành phố Mariupol bị bao vây, sau 82 ngày cầm cự dưới làn mưa bom đạn của Nga.

Trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Hai 16 tháng Năm, Bộ Tổng tham mưu Ukraine nói rằng đơn vị đồn trú Mariupol đã “hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu” và ra lệnh cho những binh sĩ còn đang trú ẩn bên dưới nhà máy thép Azovstal trong thành phố hãy tập trung vào nỗ lực “cứu sống các thành viên”.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có thể cứu sống những người của chúng tôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Ukraine cần những anh hùng Ukraine còn sống,” Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong một bài phát biểu video vào đêm muộn.


Nhà máy thép Azovstal – cứ điểm cuối cùng của quân kháng chiến Ukraine trong thành phố Mariupol đã bị tàn phá – đã trở thành biểu tượng hùng hồn cho nỗi đau khổ mà Nga gây ra và lòng dũng cảm kiên cường của các lực lượng phòng thủ Ukraine.

Các quan chức Ukraine nói việc di tản khỏi nhà máy thép Azovstal đã bắt đầu. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar cho biết 53 binh sĩ bị thương đã được đưa đến bệnh viện ở thị trấn Novoazovsk do Nga kiểm soát, cách đó khoảng 32 km (20 dặm) về phía đông; 211 người khác đã được đưa đến thị trấn Olenivka, trong khu vực do phe ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát. Bà nói thêm, tất cả những người di tản sẽ được trả lại cho Ukraine trong một cuộc trao đổi tù binh với Nga sẽ diễn ra sau này.

Phóng viên hãng tin Reuters đã thấy năm xe buýt chở quân từ nhà máy thép Azovstal đến Novoazovsk vào cuối ngày thứ Hai. Một số quân nhân bị thương được cáng ra khỏi xe buýt.

Thông báo của Ukraine được đưa ra vài giờ sau khi truyền thông Nga đưa tin rằng các xe buýt của quân nhân Ukraine đang được di tản khỏi nhà máy thép gần trung tâm Mariupol, vùng lãnh thổ cuối cùng trong thành phố không rơi vào tay quân đội Nga.

Không rõ có bao nhiêu binh sĩ còn lại bên trong nhà máy; các quan chức và người thân của các chiến binh cho biết những ngày gần đây con số này có thể lên tới 2,000 người, trong đó có hàng trăm người bị thương. Bộ Tổng tham mưu của Ukraine cho biết “các biện pháp để cứu những người bảo vệ còn lại trên lãnh thổ của Azovstal đang được tiến hành.”


Ngày 8 tháng Năm, ông Zelensky thông báo hơn 300 dân thường đã được Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ thập Đỏ quốc tế di tản. Đàm phán về hành lang an toàn cho những người lính bị mắc kẹt, hầu hết trong số họ là thuộc trung đoàn Azov tinh nhuệ của Ukraine, tỏ ra khó khăn hơn. Vợ và người thân của các chiến binh đã đến tận Vatican để diện kiến Đức Giáo Hoàng và tới Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ để khẩn thiết cầu xin sự hỗ trợ.


Cộng đồng người Ukraine ở Hà Lan biểu tình đòi di tản những chiến binh phòng thủ nhà máy thép Azovstal hôm qua 15 tháng Năm, Ảnh Romy Arroyo Fernandez/NurPhoto via Getty Images.
Đến sáng nay thứ Ba 17 tháng Năm giờ địa phương, chi tiết của kế hoạch di tản vẫn còn mờ mịt.

Từ nơi trú ẩn dưới hầm nhà máy thép Azovstal, Trung tá Denys Prokopenko, chỉ huy của lực lượng phòng thủ, cho biết trong một thông báo đăng trên kênh Telegram chính thức vào tối thứ Hai rằng “Để cứu mạng sống, toàn bộ đơn vị đồn trú Mariupol đang thực hiện quyết định đã được phê duyệt của Bộ Chỉ huy Quân sự Tối cao và hy vọng nhận được sự ủng hộ của người dân Ukraine,” nhưng không nói rõ quyết định đó là gì.

Các tài khoản mạng xã hội thân Nga suy đoán rằng các binh sĩ Ukraine sẽ được trao đổi lấy tù binh của Nga, nhưng không có tuyên bố chính thức về các điều khoản đầy đủ của bất kỳ thỏa thuận nào. Các tài khoản mạng xã hội thân Nga khác đã ca ngợi cuộc di tản của quân Ukraine như một chiến thắng sẽ giáng một đòn mạnh vào tinh thần của quân đội Ukraine đang chiến đấu trong khu vực.

Kể từ khi thành phố cảng bị quân Nga bao vây vào đầu tháng Ba, các nhà phân tích quân sự đã dự đoán những người lính sẽ bị đánh bại hoặc bị giết bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, họ đã chiến đấu ngoan cường cho đến nay trong hoàn cảnh thiếu thốn đạn được, thuốc men và thiếu cả thực phẩm và nước uống.

Các lực lượng Nga vẫn tiếp tục dội bom và pháo xuống khu vực rộng bốn dặm vuông từng là một trong những nhà máy thép lớn nhất của đất nước.

Trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang thực hiện kế hoạch di tản binh sĩ Ukraine bằng đường biển nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga chấp nhận nghị đó và các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt.
hoangphong
Posts: 364
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Biden: Chiến tranh Ukraine là vấn đề toàn cầu
Bình Phương
23 tháng 5, 2022


Image
Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm QUAD khai mạc sáng 24 tháng Năm 2022 tại Tokyo, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Từ trái sang tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự hội nghị QUAD. Ảnh Yuichi Yamazaki/Getty Images.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm Thứ Ba cho biết cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một vấn đề toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

“Đây không chỉ là vấn đề của châu Âu mà là vấn đề toàn cầu”, ông Biden nói về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine – một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Bảo vệ luật pháp quốc tế ở mọi nơi

Tổng thống Biden đang ở Nhật Bản trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. Bình luận nói trên của ông Biden được đưa ra tại buổi khai mạc hội nghị “Bộ Tứ” (QUAD) các nhà lãnh đạo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) ở Tokyo vào sáng nay Thứ Ba 24 Tháng Năm, giờ địa phương, theo tin của hãng Reuters.


Trong bài phát biểu khai mạc, ông Biden nhấn mạnh Washington sẽ sát cánh cùng các đồng minh để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. “Luật pháp quốc tế, nhân quyền phải luôn được bảo vệ bất kể chúng bị vi phạm ở đâu trên thế giới”, Tổng thống Biden nói.

Trước đó hôm Thứ Hai tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thụy Sĩ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu qua video rằng thế giới phải gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga để ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng vũ lực cho mục đích của họ.

Từ Nhật Bản, trong một phát biểu khá bất ngờ, ông Biden nói Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này bằng vũ lực. Ông cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện “phải trả giá rất đắt cho hành động tàn bạo của ông ta tại Ukraine” là để Trung Quốc và các nước khác hiểu rằng, một hành động xâm lược như vậy là không thể chấp nhận được.

EU sắp cấm nhập dầu Nga – Moscow tăng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh

Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ đồng ý thực thi lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu của Nga “trong vòng vài ngày tới”, thành viên lớn nhất của EU là Đức cho biết trong khi Moscow nói quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc sẽ phát triển trong bối cảnh Nga bị phương Tây cô lập sau cuộc xâm lược Ukraine.

Trong số 27 quốc gia thành viên của EU có nhiều nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng của Nga, và không muốn cắt đứt ngay lập tức nguồn cung cấp này. Đó là lý do Kyiv thường chỉ trích khối EU đã hành động không đủ nhanh để cắt nguồn ngân sách tài trợ chiến tranh của Nga. Được biết mỗi ngày EU phải trả cho Nga gần $1 tỷ để nhập cảng dầu và khí đốt.


Hungary – một thành viên EU gần gũi với Nga – đang đòi EU phải đầu tư vào năng lượng trước khi nước này đồng ý cấm vận dầu khí của Nga. Lập trường của Hungary gây trở ngại cho các quốc gia EU khác muốn đẩy nhanh chóng việc phê chuẩn lệnh cấm vận. EU đã đề nghị chi ra 2 tỷ euro ($2.14 tỷ) cho các quốc gia miền Trung và miền Đông hiện thiếu nguồn cung cấp dầu khí bên ngoài nước Nga.

“Chúng tôi sẽ đạt được một bước đột phá trong vòng vài ngày tới”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, nói với đài truyền hình ZDF, nhưng không cho biết chi tiết EU sẽ giải quyết sự phản đối của Hungary như thế nào.

Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Kremlin sẽ tập trung phát triển quan hệ với Trung Quốc khi các liên kết kinh tế với Hoa Kỳ và châu Âu bị cắt đứt. “Nếu họ (phương Tây) muốn đưa ra một điều gì đó nhằm nối lại quan hệ, thì chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét liệu chúng tôi có cần quan hệ với họ hay không”, ông Lavrov nói trong một bài phát biểu, theo bản ghi trên trang web của Bộ Ngoại giao.

“Giờ đây, khi phương Tây đã trở thành ‘nhà độc tài’, quan hệ kinh tế của chúng tôi với Trung Quốc sẽ phát triển nhanh hơn”, ông Lavrov nói thêm.

Zelenskiy thúc giục trao đổi tù binh

Cuộc xâm lược kéo dài ba tháng của Nga, cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ năm 1945, đã làm ​​hơn 6.5 triệu người Ukraine bỏ nhà cửa chạy ra nước ngoài, biến nhiều thành phố thành đống đổ nát, và khiến phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga.

Ông Zelenskiy hôm Thứ Hai kêu gọi các đồng minh của Ukraine gây áp lực buộc Moscow phải trao đổi tù nhân.

“Trao đổi con người – đây là một vấn đề nhân đạo ngày nay và là một quyết định rất chính trị phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhiều nước. Chúng tôi không cần lính Nga, chúng tôi chỉ cần chúng tôi. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc trao đổi ngay cả trong ngày mai”, ông Zelenskiy nói trong một video hỏi đáp với khán giả tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Được biết Liên Hiệp Quốc, Hội Chữ thập Đỏ quốc tế và Tổng thống Zelenskiy đã có một thỏa thuận ngầm với Moscow để các chiến binh Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol buông vũ khí, ra đầu hàng để được trao trả tù binh cho Ukraine, nhưng sau đó phía Nga không chịu trao đổi mà cố ghép các chiến binh này vào tội khủng bố.


Đan Mạch cung cấp hỏa tiễn Harpoon cho Ukraine

Sau khi tàn phá và chiếm được thành phố cảng Mariupol vào tuần trước sau một cuộc bao vây kéo dài nhiều tháng, các lực lượng Nga hiện đã kiểm soát một vùng rộng lớn không bị gián đoạn ở phía Đông và Nam Ukraine.

Hiện quân Nga đang cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine và đánh chiếm hoàn toàn các tỉnh Lugansk và Donetsk, tạo nên khu vực phía Đông Donbass, nơi Moscow hậu thuẫn cho lực lượng ly khai trong cuộc nội chiến kể từ năm 2014. Thống đốc khu vực Donbass Serhiy Gaidai cho biết có tới 12,500 lính Nga đang cố gắng chiếm Lugansk, phá hủy thị trấn Severodonetsk, nhưng Ukraine đã buộc quân Nga rút khỏi Toshkivka về phía Nam.

Tổng thống Zelenskiy tiết lộ Ukraine bị thiệt hại quân sự tồi tệ nhất vào hôm qua Thứ Hai, nói rằng 87 người đã thiệt mạng vào tuần trước khi quân Nga tấn công một doanh trại tại một căn cứ huấn luyện ở phía Bắc.

Đan Mạch đã cam kết gửi tên lửa diệt hạm Harpoon và một bệ phóng tới Ukraine – thông tin được Mỹ công bố hôm thứ Hai, là dấu hiệu đầu tiên cho thấy kể từ khi Nga xâm lược rằng Ukraine sẽ nhận được vũ khí do Mỹ sản xuất, giúp mở rộng đáng kể phạm vi tấn công của quân Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ông “đặc biệt biết ơn người Đan Mạch hôm nay đã công bố sẽ cung cấp một bệ phóng và hỏa tiễn Harpoon để giúp Ukraine bảo vệ bờ biển”.

Hỏa tiễn Harpoons, do Boeing chế tạo, có thể được sử dụng để đẩy hải quân Nga ra khỏi các cảng của Ukraine ở Hắc Hải, cho phép tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Bản án đầu tiên về tội ác chiến tranh

Trong phiên tòa đầu tiên, có thể mở đầu cho nhiều phiên tòa khác xét xử tội ác chiến tranh phát sinh từ cuộc xâm lược, một tòa án ở Kyiv đã kết án tù chung thân không ân xá một chỉ huy xe tăng trẻ tuổi của Nga vì đã giết một thường dân không vũ trang. Vadim Shishimarin, 21 tuổi, đã nhận tội bắn chết ông Oleksandr Shelipov, 62 tuổi, trong làng Chupakhivka ở miền Bắc Ukraine hôm 28 Tháng Hai, chỉ bốn ngày sau khi chiến tranh bùng nổ.

Ukraine đang điều tra hơn 13,000 người bị cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga, theo trang web của Tổng công tố viên Ukraine. Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc liên quan đến tội ác chiến tranh.

Đọc thêm:

Biden: Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan
Mỹ viện trợ hỏa tiễn diệt hạm giúp Ukraine chống phong tỏa
duynga
Posts: 116
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by duynga »

Gương mặt Chủ nghĩa Xã hội của Việt Nam?
Mạc Văn Trang

Những lời lẽ tuyên truyền về Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) thì rất tuyệt vời: Không còn người bóc lột người; mọi người đều tự do, bình đẳng; làm theo năng lực, hưởng theo lao động; mình vì mọi người, mọi người vì mình; người với người là bạn, là đồng chí anh em; chính quyền của dân, do dân, vì dân; Đảng và Nhà nước chăm lo cho mọi người dân, “không để ai tụt lại phía sau”…

Đặc biệt bộ mặt của CNXH: Giai cấp Công nhân là giai cấp lãnh đạo, Nông dân là chủ lực được đề cao trên biểu tượng cờ Búa- Liềm và trong đời sống xã hội; Giáo dục, Y tế bình đẳng cho mọi người và miễn phí.

Thời bao cấp, Chính phủ đi “ăn xin” khắp thế giới, cả nước ăn bo bo nhưng Giáo dục và Y tế vẫn phục vụ người dân thực sự; hầu hết các xã đều có trạm Y tế, có y sĩ, y tá phục vụ dân vô điều kiện; có trường cấp 1, cấp 2, học sinh học miễn phí. Giáo viên cũng nghèo khổ, nhưng khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” là sự thật!


Nhớ thời đó, bác Nguyễn Khắc Viện rất chịu khó rủ anh em Viện Khoa học giáo dục chúng tôi đi thực tế các trường học ở nông thôn, vùng sâu xa. Cụ bảo Việt Nam chẳng có cái gì tuyên truyền về CNXH ra thế giới, ngoài Y tế và Giáo dục. Đây được coi là “Hai bông hoa của chế độ”. Cụ viết nhiều bài giới thiệu ra thế giới về trường Bắc Lý, trường Thanh niên lao động XHCN Hoà Bình, trường phổ thông công nghiệp, trường phổ thông nông nghiệp, trường dân tộc miền núi, giáo dục mầm non; giới thiệu mô hình Y tế cộng đồng của các trạm Y tế xã… Cụ bảo dù ta còn rất nghèo, xã hội có nhiều vấn đề, nhưng nhìn vào Y tế, Giáo dục khiến người ta thấy có bộ mặt của CNXH.

Nay Việt Nam vẫn khẳng định mạnh mẽ xây dựng CNXH nhưng những gì là “bộ mặt của CNXH” hình như biến dạng hết:

– Giai cấp Công Nhân, lực lượng lãnh đạo cách mạng thì bị bóc lột với đồng lương rẻ mạt, điều kiện sống nhiều nơi chả khác gì “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” mà F. Engels mô tả năm 1848 (1).

Chính phủ quy định bảng lương tối thiểu trả cho công nhân mức thấp để thu hút các nhà Tư bản, giúp họ có lợi nhuận cao, vậy là phần thua thiệt người công nhân phải gánh chịu (2)

Công nhân là giai cấp lãnh đạo, vậy có mấy công nhân vào Ủy viên Trung ương Đảng hay Bộ Chính trị không nhỉ? Thành phần Công nhân trong Quốc hội mấy phần trăm? Như vậy “lý luận công nhân là giai cấp lãnh đạo” xã hội có còn giá trị?

– Nông dân thì khốn khổ trăm bề. Luật quy định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, nên thực chất nông dân lo ngay ngáy, vì cái tư liệu sản xuất sống còn đó có thể bị chính quyền “thu hồi” bất cứ lúc nào. Bao nhiêu dân oan mất đất điêu đứng, kể cả vì giữ đất mà bị giết, bị tù tội đau thương. Về nông thôn thấy có nhiều nhà xây, thấy “nông thôn mới”, nhưng không phải nông dân khá lên từ nông nghiệp, mà do tha phương cầu thực, đi làm thuê, làm mướn khắp nơi trong nước, ngoài nước, kể cả làm điếm, gửi tiền về cho cha mẹ mua xe máy, xây nhà… Câu chuyện đau lòng về 39 người chết trong xe đông lạnh tại Anh (3) đã nói lên một phần sự thật về thân phận người nông dân trong quá trình Việt Nam “Tiến lên CNXH”!

– Ngành Y tế chỉ qua vụ lãnh đạo Bộ Y tế từ Bộ trưởng đến Thứ trưởng, Cục trưởng dung túng cho VN Pharma buôn bán thuốc giả, gây nên biết bao hậu quả không thể tính được; tiếp đó là vụ Việt Á đã tàn phá cả bộ máy ngành Y tế từ trung ương đến cơ sở (4). Nhưng tất cả tai ương đều đổ vào đầu người dân gánh chịu.

– Giáo dục thì không còn gì để nói. Luật phổ cập giáo dục đến THCS được ban ra, nghĩa là trẻ em trong độ tuổi đó phải/được đi học miễn phí, nhà nước sẽ chăm lo cho mọi trẻ em được học hành, ai, kể cả cha mẹ trẻ em, gây cản trở việc học hành của trẻ sẽ bị pháp luật xử lý.

Nhưng thực tế, học sinh từ lớp Một phải mua hàng chục cuốn sách giáo khoa với giá đắt gấp 2-3 lần giá bình thường; học sinh phải đóng đủ thứ tiền: Tiền học, tiền ăn, tiền phí dịch vụ, tiền học thêm. Không thể hiểu nổi, tại sao trường công lại phải đóng học phí và tăng gấp 5 lần?! (5)

Đời sống giai cấp Công – Nông khốn khổ, Giáo dục và Y tế ngày càng chi phí cao thì tăng trưởng GDP 6 – 7% tiền đi đâu, vào túi ai, chi cái gì? Nhà nước sinh ra để quản lý xã hội, điều tiết các nguồn lực và đảm bảo cho phúc lợi xã hội ngày càng cao hơn, tốt hơn, nhất là về Y tế, giáo dục và hỗ trợ nhóm người yếu thế.

Nhưng nhìn vào bộ mặt xã hội của Việt Nam thấy thật xa lạ với mục tiêu, lý tưởng của CNXH; nó cũng đi ngược với các nước vốn là CNXH chuyển sang chế độ dân chủ như ở Đông Âu; nó cũng không giống sự phát triển tuần tự của các nước tư bản như Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc.

Có lẽ nó đúng như cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói nhân dịp nguyên UVBCT Việt Nam Đinh Thế Huynh thăm Mỹ: Tôi không thấy Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam, mà chỉ thấy chủ nghĩa tư bản sống động (6).

Nhưng có lẽ “chủ nghĩa tư bản sống động” ở Việt Nam lại theo định hướng XHCN nên bộ mặt của nó méo mó, kỳ cục, không giống ai?


THAM KHẢO:

1. https://baoholaodongvn.com/can-canh-doi ... -nhan.html

2. https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/th ... u-can-biet

3. https://thanhnien.vn/39-nguoi-chet-tron ... 98154.html

4. https://plo.vn/58-can-bo-bi-khoi-to-bat ... 82254.html

5. https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sa ... 045407.ldo

6. https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-tr ... 74452.html

Bình Luận từ Facebook
hoangphong
Posts: 364
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Cựu Tổng thống Trump có thể bị truy tố hình sự không?
Ông Trump có bị truy tố trước tòa án hình sự vì những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bác bỏ ý chí của cử tri và bám giữ quyền lực hay không?
Hiếu Chân
12 tháng 6, 2022

Image
Màn hình chiếu hình ông Trump trong phiên điều trần của Ủy ban Hạ viên điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng 2021. Câu hỏi đặt ra là với những bằng chứng như thế, liệu ông Trump có bị truy tố hình sự hay không. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Phiên điều trần công khai đầu tiên của Ủy ban Hạ Viện Điều tra cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 tại Điện Capitol Hoa Kỳ, được truyền hình trực tiếp trong giờ vàng tối thứ Năm vừa qua, đã đụng vào câu hỏi rất căn bản ám ảnh cựu Tổng thống Donald Trump từ ngày ông rời Tòa Bạch Ốc: Ông có bị truy tố trước tòa án hình sự vì những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bác bỏ ý chí của cử tri và bám giữ quyền lực hay không?

Có bằng chứng tội hình sự?

Bài phát biểu mạnh mẽ của Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) mở đầu phiên điều trần nghe rất giống lời khai mạc của luật sư giữ vai trò công tố tại một phiên tòa hình sự; trong đó nêu bật từng chi tiết cái kế hoạch gồm bảy phần, “phi pháp” và “vi hiến”, của ông Trump để ngăn cản cuộc chuyển giao quyền lực. Ông Trump đã nhiều lần được các cố vấn của ông khuyên rằng ông đã thua trong cuộc bầu cử nhưng ông nhiều lần lừa dối đất nước bằng lời tuyên bố rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp. Ông đã gây sức ép buộc các viên chức liên bang và tiểu bang, các thành viên Quốc Hội và cả Phó Tổng thống Mike Pence bỏ qua kết quả kiểm phiếu ở một số tiểu bang chiến trường. Ông khích động đám đông do các nhóm cực đoan như Proud Boys bạo loạn, đồng thời không có hành động nghiêm chỉnh để ngăn cản vụ tấn công sau khi nó đã bắt đầu. (xem thêm các bài tường thuật phiên điều trần: 1/Cú lừa vĩ đại! 2/Điều trần về vụ bạo loạn 6-1-2021: Donald Trump là kẻ đốt lửa! )
Image
Trung sĩ Aquillino Gonell của đơn vị cảnh sát bảo vệ Quốc Hội bật khóc khi điều trần trước Hạ Viện về những điều họ trải qua khi ngăn chặn cuộc tấn công của đám đông bạo loạn ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc Hội. Ảnh Jim Lo Scalzo-Pool/Getty Images
Tổng kết các hành vi của ông Trump, bà Cheney nói công chúng Mỹ nên nhớ rằng “Bộ Tư pháp hiện đang làm việc với các nhân chứng hợp tác và cho đến nay chỉ tiết lộ một số thông tin mà họ đã xác định được từ các liên lạc được mã hóa và các nguồn khác.” Thông tin đó đã được tiết lộ trong nhiều cáo trạng khác nhau, nhưng đề cập đến chúng trong bối cảnh của vụ ông Trump, bà Cheney dường như ám chỉ rằng nó có liên quan đến câu hỏi về khả năng phạm tội của ông ta.

Sau phiên điều trần, một số cựu công tố viên và luật sư lão thành nói rằng, cuộc điều trần đã cho thấy hình dáng một vụ tội phạm hình sự về tội âm mưu lừa đảo hoặc cản trở công việc của Quốc Hội. Luật sư Neal Katyal, cựu cố vấn pháp lý (solicitor general) của chính phủ Obama nói: “Tôi nghĩ Ủy ban, đặc biệt là bà Liz Cheney, đã tóm tắt một trường hợp phạm tội hình sự rất mạnh chống lại ông cựu tổng thống. Một tội hình sự đòi hỏi hai yếu tố – một hành vi xấu và một ý định phạm pháp”, ông Katyal nói, và ủy ban đã xử lý được cả hai yếu tố đó.

Về phần mình, các đồng minh của ông Trump nói rằng các cuộc điều trần là một nỗ lực của đảng Dân Chủ để gây hại cho ông ta trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 mà ông Trump có thể ra tranh cử lần nữa. Các luật sư biện hộ cho ông Trump thì nói các dữ kiện được trình bày không ủng hộ các kết luận mà ủy ban đưa ra. “Trừ phi có thêm nhiều bằng chứng mà chúng tôi chưa biết, tôi không thấy có vụ án hình sự chống lại cựu tổng thống,” luật sư Robert W. Ray – công tố viên độc lập trong vụ điều tra Tổng thống Bill Clinton và luật sư biện hộ cho ông Trump tại phiên luận tội lần thứ nhất của Thượng Viện, nói.

Tuy nhiên, cuộc điều trần tại Quốc Hội không phải là một phiên tòa, Quốc Hội không xử án, nên thẩm quyền truy tố thuộc về Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland. Với ngày càng nhiều bằng chứng về các hành vi phạm tội liên quan đến nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020, Bộ trưởng Garland đang phải đối mặt với một quyết định cực kỳ khó khăn: có nên truy tố ông cựu tổng thống hay không, việc truy tố đó có vì lợi ích quốc gia hay không.

Cân nhắc hậu quả

Bên cạnh những yêu cầu pháp lý của một vụ truy tố hình sự, việc buộc tội một cựu tổng thống cũng có thể gây ra những tác động sâu sắc và những hậu quả rộng lớn. Dẫn một nguồn tin nội bộ, đài NBC News cho biết đã có các cuộc thảo luận bên trong Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về tác động sâu rộng của một vụ kiện hình sự chống lại cựu tổng thống, dù cho đến nay, chưa có một dấu hiệu công khai nào cho thấy ông Trump đang bị nhắm mục tiêu.

Khác với Nam Hàn, Đài Loan, Pháp và một số nền dân chủ khác, cho đến nay chưa có cựu tổng thống Mỹ nào bị truy tố hình sự. Và chính quyền của một tổng thống thuộc đảng cầm quyền buộc tội tổng thống của một đảng khác – cho dù các công tố viên khẳng định quyết định được đưa ra dựa trên sự thật và luật pháp – sẽ tạo ra một tiền lệ rất khó chịu và nguy hiểm. Nó có thể thổi bùng lên ngọn lửa đã làm chia rẽ đất nước. Nó có thể thu hút sự quan tâm của quốc gia trong nhiều tháng hoặc lâu hơn nữa, và có tiềm năng đặt ra một tiền lệ cho các vụ án chống lại các tổng thống tương lai do những người kế nhiệm thuộc đảng đối lập thực hiện, theo nhận định của tờ The New York Times.


Bà Barbara McQuade, chuyên gia phân tích pháp lý của đài NBC và là một cựu công tố viên liên bang, cho rằng, việc truy tố hình sự chống lại ông Trump liên quan đến nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử của ông ta “rất có thể sẽ gây ra bất ổn dân sự và thậm chí có thể gây ra nội chiến”. Nhưng “Tôi nghĩ nếu không truy tố thì thậm chí còn tồi tệ hơn, bởi vì không truy tố có nghĩa là chúng ta đã không thể quy trách nhiệm hình sự một người đã cố gắng phá hoại nền dân chủ của chúng ta”, bà McQuade nói. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn trở thành loại quốc gia mà chuyện này xảy ra thường xuyên.” McQuade nói thêm.

Truy tố hay không truy tố – “Đó là một quyết định quan trọng và chưa từng có tiền lệ chứ không dễ dàng như một số người có thể tưởng tượng”, ông Chuck Rosenberg, nhà phân tích pháp lý của NBC News, cũng từng là công tố viên liên bang và lãnh đạo Cục Chống Ma túy (DEA), cho biết.

Gánh nặng của Bộ trưởng Garland
Image
Bộ trưởng Tư pháp Merrick Gerland (giữa) và người phó ngồi bên tay phải của ông, Thứ trưởng Lisa Monaco – người chủ trì cuộc điều tra vụ tấn công ngày 6 tháng Giêng 2021, họp báo công bố thành lập đơn vị điều tra vụ thảm sát trường tiểu học ở Uvalde, Texas hôm 24 tháng Năm. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Trái bóng đang ở trong chân của Bộ trưởng Garland, một người điềm tĩnh, cựu chánh án tòa phúc thẩm liên bang có thói quen giấu kín suy nghĩ của mình. Một phát ngôn viên Bộ Tư pháp cho biết Bộ trưởng theo dõi phiên điều trần, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Người phó của ông, bà Lisa Monaco, xác nhận các công tố viên đang xem xét các tác động pháp lý đối với những người tham gia vào các âm mưu dàn dựng các Cử tri Đoàn giả mạo tuyên bố Trump thắng ở các bang mà ông Joe Biden mới thực sự là người trúng cử.

Các đảng viên Dân Chủ phê phán Bộ Tư pháp đã không xử tội ông Trump dù hồi tháng Ba, trong một phán quyết của một vụ án dân sự, một thẩm phán liên bang đã quyết định rằng ông Trump “có nhiều khả năng hơn là không” phạm tội liên bang trong việc tìm cách cản trở việc kiểm phiếu của Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021. Thẩm phán này trích dẫn hai đạo luật: cản trở một thủ tục chính thức của chính quyền, và âm mưu lừa đảo nước Mỹ. Tại thời điểm đó, một phát ngôn viên của ông Trump gọi những lời khẳng định trên của vị thẩm phán là “vô lý và vô căn cứ.” Ông Trump đã liên tục phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Bộ trưởng Garland có lần nói vụ điều tra cuộc tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng là công việc khẩn cấp nhất trong lịch sử của bộ tư pháp, nhưng ông từ chối dự đoán cuộc điều tra sẽ dẫn tới đâu trong lúc các điều tra viên vẫn tiếp tục thu thập và đánh giá các chứng cứ. “Chúng tôi không tránh né những vụ án mang tính chính trị, những trường hợp nhạy cảm hoặc gây tranh cãi. Điều mà chúng tôi tránh là đưa ra quyết định dựa trên nền tảng chính trị hoặc nền tảng đảng phái”, ông Garland nói với đài NPR hồi tháng Ba. Đọc diễn văn tại buổi lễ ra trường của sinh viên Đại học Harvard tháng trước, Bộ trưởng Garland nói: “Chúng tôi sẽ đi theo các sự kiện đến bất cứ nơi nào sự kiện dẫn dắt”. Nhưng những sự kiện được trình bày rõ ràng trong các phiên điều trần công khai ở Quốc Hội có dẫn dắt ông đến ông Trump không thì chưa ai biết được.

Bà Joyce Vance, cựu luật sư, chuyên viên phân tích pháp lý của đài NBC nói có một thời gian, có vẻ như ông Garland đã kết luận việc truy tố ông Trump là một sai lầm, nhưng “sau đó khi bằng chứng ngày càng trở nên tồi tệ, vượt qua điểm giới hạn thì [ông ấy] nhận ra là phải điều tra.” Và bà – cũng như một số luật sư khác – cho rằng điều tra tội hình sự của ông Trump là việc làm đúng.

Vai trò của Tổng thống Biden

Một vấn đề nữa là liệu ông Garland sẽ tự mình đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên truy tố ông Trump hay không, hay ông sẽ tham khảo ý kiến ​​của Tổng thống Joe Biden, người đã cam kết không can thiệp vào các công việc của Bộ Tư pháp.

Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland tại Tòa Bạch Ốc. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images
Theo truyền thống, Bộ Tư pháp đưa ra các quyết định buộc tội hình sự độc lập với tổng thống, nhưng trong những trường hợp liên quan đến ngoại giao Mỹ hoặc an ninh quốc gia, cơ quan hành pháp có thể và thực sự cân nhắc cẩn thận. Ông Biden có thẩm quyền pháp lý để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có truy tố hay không, nhưng các chuyên gia vẫn chia rẽ ý kiến về chuyện liệu ông Biden có nên tham gia hay không.

“Tôi cảm thấy tổng thống sẽ phải cân nhắc nhiều. Chúng ta đang nói về một quyết định có tính chất lịch sử. Ông Biden là người được dân bầu, không phải ông Garland. Tại một thời điểm nào đó, chuyện này trở thành một vấn đề chính sách chứ không đơn thuần là một vấn đề pháp lý nữa”, ông Eliason – một cựu công tố viên liên bang và hiện là giảng viên Trường Luật Đại học George Washington, nhận xét.

Nếu vụ truy tố được xúc tiến, ông Biden có thể phải đối mặt với quyết định của chính ông: liệu việc ông sử dụng quyền ân xá của tổng thống – như Tổng thống Gerald Ford đã làm trong trường hợp của Tổng thống Richard Nixon – thì điều đó có vì lợi ích quốc gia hay không.

Ông Nixon từ chức tổng thống năm 1974 khi cuộc luận tội đến gần, và đại bồi thẩm đoàn liên bang đang chuẩn bị truy tố ông với tội danh hối lộ, âm mưu, cản trở công lý và cản trở cuộc điều tra tội phạm. Ông đã được Tổng thống Ford ân xá, và việc ân xá của ông Ford đã bị chỉ trích gay gắt vào thời điểm đó. Các nhà sử học tin rằng ông Ford đã phải trả giá cho quyết định ân xá ông Nixon bằng thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1976.

Nhưng đến năm 2001, ở tuổi 87, ông Ford đã được Thư viện John F. Kennedy trao giải thưởng Nhân Vật Can Đảm (Profiles in Courage Award). “Lúc đó, tôi là một trong những người đã lên tiếng phản đối hành động [ân xá] của ông ấy. Nhưng thời gian có cách làm sáng tỏ và bây giờ chúng ta thấy rằng Tổng thống Ford đã đúng. Lòng dũng cảm và sự cống hiến của ông cho đất nước chúng ta đã giúp chúng ta có thể bắt đầu quá trình hàn gắn và gạt bỏ thảm kịch Watergate lại sau lưng chúng ta”, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy nói trong buổi lễ trao giải thưởng cho ông Ford.
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by caubennoc »

Mỹ: Ủng hộ Nga, Trung Quốc đi ngược với lịch sử
Bình Phương
19 tháng 6, 2022

Image
Putin và Tập Cận Bình, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Mỹ cho rằng Trung Quốc ủng hộ cuộc xâm lược của Putin là đi ngược với lịch sử. Ảnh Mikhail Svetlov/Getty Images.

Trong cuộc điện đàm ngày Thứ Tư 15 Tháng Sáu với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ “chủ quyền và an ninh” của Nga khiến Hoa Kỳ nhanh chóng lên tiếng chỉ trích rằng các quốc gia đứng về phía nhà lãnh đạo Nga trong cuộc chiến Ukraine là “đi vào phía sai lầm của lịch sử”.

Kể từ khi quân đội của ông Putin tiến vào Ukraine ngày 24 Tháng Hai cho đến nay, Bắc Kinh vẫn luôn từ chối lên án cuộc xâm lược. Thay vào đó, ông Tập tìm cách đu dây giữa việc duy trì mối quan hệ với Nga, đối tác chiến lược quan trọng nhất của Bắc Kinh, vừa cẩn thận để không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Hôm Thứ Tư, ông Tập nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng họ sẽ tiếp tục giữ quan hệ với Moscow. Ông nói Trung Quốc “sẵn sàng làm việc với Nga để tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau về lợi ích cốt lõi của hai bên, liên quan đến chủ quyền và an ninh”, theo bản ghi chép cuộc điện đàm được hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, đăng tải.



Nga tuyên bố một cách vô căn cứ rằng họ thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine để ngăn chặn “cuộc diệt chủng” những người nói tiếng Nga. Ông Putin từ lâu đã coi Ukraine là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nga, và các đồng minh của ông đã tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế rằng Ukraine không thực sự là một quốc gia có chủ quyền.

Lời tường thuật của Kremlin về cuộc điện đàm cho biết ông Tập “ghi nhận tính hợp pháp của các hành động mà Nga thực hiện để bảo vệ các lợi ích quốc gia căn bản trước những thách thức an ninh của nước này do các thế lực bên ngoài tạo ra”.

Trong khi đó, từ Washington, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Hơn ba tháng sau cuộc xâm lược tàn bạo của Nga, Trung Quốc vẫn đứng bên cạnh Nga. Bắc Kinh vẫn tiếp tục tuyên truyền các luận điệu của Nga ra khắp thế giới… Bắc Kinh vẫn phủ nhận hành động tàn bạo của Nga ở Ukraine bằng cách nói rằng các tội ác đó đã được dàn dựng. Các quốc gia sát cánh với Vladimir Putin chắc chắn sẽ thấy mình đã đi ngược lại với lịch sử”.

Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý ông Putin và ông Tập đã gặp nhau tại Bắc Kinh vào Tháng Hai, khi các lực lượng Nga đã tập trung đông đảo ở biên giới Ukraine và cuộc xâm lược sắp diễn ra. Tại thời điểm đó, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung ra tuyên bố chung phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO và cam kết xây dựng một quan hệ đối tác “không có giới hạn”.

Tháng trước, Nga và Trung Quốc đã phối hợp đưa các oanh tạc cơ chiến lược bay trên Biển Nhật Bản, còn được gọi là Biển Đông và Biển Hoa Đông đúng lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có mặt ở Tokyo, chuẩn bị kết thúc chuyến công du đầu tiên tới Đông Á. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên của hai nước Nga và Trung Quốc kể từ khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine và là một tín hiệu rõ ràng về quan hệ đối tác đang được đẩy mạnh giữa Moscow và Bắc Kinh.

“Trung Quốc vẫn tuyên bố là trung lập, nhưng hành vi của họ cho thấy rõ ràng rằng Bắc Kinh vẫn đang đầu tư vào các mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Hoa Kỳ và châu Âu đã cảnh báo Trung Quốc không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga hoặc hỗ trợ nước này tránh né các lệnh trừng phạt. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Trung Quốc, quốc gia cũng có quan hệ lâu đời với Ukraine, đã kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối cùng các nước trên thế giới áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, thay vào đó họ đổ lỗi cho việc Hoa Kỳ và NATO mở rộng ở châu Âu là nguyên nhân thúc đẩy cuộc xung đột.

Ông Tập nói với ông Putin hôm Thứ Tư rằng “tất cả các bên nên thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine một cách có trách nhiệm”, theo bản tin của Trung Quốc.

(theo The Washington Post)

Đọc thêm:

Nga-Trung Quốc khánh thành cây cầu “hợp tác”
Trung Quốc muốn triệt hạ hệ thống vệ tinh Starlink
Trung Quốc học gì từ chiến tranh Ukraine?
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by caubennoc »

Vân Phong xuất hiện cột mốc ghi chữ Tàu
Đỗ Ngà
24 tháng 6, 2022

Image
Cọc nhựa ghi chữ Trung Quốc tại bán đảo Đầm Môn thuộc vịnh Vân Phong. Nguồn: Facebook Mai Thanh Hải

Nói đến căn cứ Hải Quân tốt nhất Việt Nam thì người ta nghĩ ngay đến Cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Theo đặc điểm địa hình thì Cảng Cam Ranh nằm trong Vịnh Cam Ranh. Vịnh Cam Ranh được hình thành từ một bán đảo có dãy núi chắn ngang hướng nhìn ra Biển Đông. Cửa chính ra vào cảng khoảng 4,000 m đủ cho hàng không mẫu hạm ra vào hoặc có thể cho phép 10 đến 20 tàu cùng ra vào một lúc. Một tàu lắp động cơ diesel chạy với vận tốc tối đa là 10 tới 15 km/h, từ vịnh ra cửa chỉ mất một khoảng thời gian ngắn ra tới Biển Đông. Tương tự như vậy, tàu ngầm cũng có thể nhanh chóng vượt ra Biển Đông, Thái Bình Dương.

“Dễ thủ khó công” là cách đánh giá địa hình chiến lược thời xưa và cả thời nay. Nghĩa là đối với quân ta thì dễ thủ nhưng đối với quân địch thì khó công. Trên chiến trường, các nhà quân sự thường hay dựa vào thế núi, thế thành sao cho thỏa mãn điều kiện như thế để thiết lập thế vững chắc trong trường hợp bị tấn công. Cảng Cam Ranh cũng thuộc vào loại địa hình như thế, đồng thời nó là một cảng nước sâu nên rất thuận tiện để đặt căn cứ Hải quân nơi đây.
Image
Vịnh Vân Phong, vừa giống Vịnh Cam Ranh vừa giống Vịnh Subic. Hình cắt từ Google Maps

Khánh Hòa không chỉ có vịnh Cam Ranh mà tỉnh này còn có một vịnh khác cách đó không xa về hướng Bắc, với địa hình tương tự. Đó là vịnh Vân Phong. Vịnh Vân Phong có bán đảo Đầm Môn chắn ngang hướng Đông tạo cho cảng Vân Phong một vị thế “dễ thủ khó công” như bán đảo Cam Ranh. Cửa biển vào vịnh Vân Phong rộng hơn cửa vào vịnh Cam Ranh. Nếu biến cảng Vân Phong thành cảng quân sự thì Vân Phong có thể quan sát động tĩnh Cam Ranh rất dễ dàng.



Năm 2018, Quốc hội Việt Nam dự tính đưa Luật Đặc Khu ra quyết, trong đó có chủ trương cho “nước ngoài” thuê ba đặc khu 99 năm. Ba đặc khu đó là: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Ba vị trí rải đều trên dải đất Việt Nam. Vân Đồn là cửa ngỏ nước “Phương Bắc” vào Việt Nam, Vân Phong thì có thể thay thế cam Ranh kiểm giám sát khu vực Biển Đông và Phú Quốc kiểm soát khu vực Vịnh Thái Lan.

Năm 2018, Luật Đặc Khu bị người dân phản đối quá rát nên chính quyền Cộng Sản cho tạm hoãn. Hoãn chứ chưa hủy. Người dân Việt Nam lo ngại với Luật đặc khu, Trung Quốc có thể “thuê” 99 năm như Anh Quốc thuê Hong Kong thì Việt Nam gặp nguy hiểm. Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính quyền CS hy sinh an ninh quốc gia vì lợi ích chính trị của họ hoặc vì lợi ích kinh tế trước mắt.

Bị vấp phải phản ứng của người dân Việt Nam, Trung Quốc chưa thuê được 99 năm các khu vực mang tính chiến lược này, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thoái lui hay họ tìm giải pháp thay thế? Chưa đặt chân lên Phú Quốc – Việt Nam thì Trung Quốc lại Campuchia để lập Căn cứ Hải quân Ream tại Sihanoukville như là giải pháp thay thế Phú Quốc. Trung Quốc đã tìm giải pháp thay thế thay vì thoái lui. Cẩn thận với Trung Quốc không bao giờ thừa.
Image
Vịnh Cam Ranh, hình cắt từ Google Maps

Vào sáng ngày 23 Tháng Sáu, Facebook “Mai Thanh Hải” cho biết có thấy vật thể lạ, cao khoảng 40cm, làm bằng nhựa đặc, hình thù nom giống cái cọc tiêu, bốn mặt và trên đỉnh cọc khắc chữ Trung Quốc rõ ràng rành mạch “Thổ địa giới tiêu” (mốc giới đất đai), tại Đầm Môn thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Chủ tài khoản có hỏi chủ nhà có cây cọc trên thì được trả lời là “Mấy thứ này dạt vô bãi cát miết. Bà vợ tui nhặt, đóng xuống cát làm cọc để buộc dây bò, làm hàng rào chắn gà vịt khỏi vào phá vườn… cũng tiện ra phết!”. Nghĩa là cây cột này không phải là duy nhất. Điều đáng nói hơn là ông chủ nhà ấy lại cho biết “Biên phòng đi qua, ghé đây nhậu suốt, mà có nói gì đâu?”, tức là lực lượng biên phòng Việt Nam đã làm ngơ dù đây là trường hợp bất thường.

Bài của Mai Thanh Hải hiện có khoảng 1,400 likes và 433 lượt share, chứng tỏ người dân rất quan tâm về vấn đề này. Tuy nhiên, nhà cầm quyền lại dùng truyền thông trấn an khi cho báo chí đồng loạt đăng tin rằng, họ đã cho thu hồi chiếc cọc và nói rằng “đó không phải là cọc chủ quyền”. Lại nói về thái độ của chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Tháng Năm 2012, người dân phát hiện người Trung Quốc thuê bè nuôi cá trên khu vực thuộc vịnh Cam Ranh. Đáng nói là họ làm hàng chục năm mà chính quyền địa phương “không hề hay biết”. Chỉ cần một người lạ xuất hiện lập tức công an khu vực biết ngay nhưng họ lại “không phát hiện” người Trung Quốc nuôi cá bè hàng chục năm gần cảng quân sự Việt Nam? Thái độ phía chính quyền tỉnh Khánh Hòa lúc này cũng không khác gì cách đây 10 năm khi xảy ra vụ người Trung Quốc nuôi cá bè tràn lan tại Vịnh Cam Ranh.
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by bichphuong »

Sự cần thiết của công lý

Nhã Duy

Image
Cô assidy Hutchinson. Ảnh trên mạng

Khi đưa tay tuyên thệ sẽ nói sự thật, những cá nhân ra điều trần trước Quốc Hội hay trước các viên chức công lực liên bang hiểu rằng họ đang ký kết một ràng buộc pháp luật để chỉ khai sự thật. Nếu bị chứng minh là man khai, họ sẽ phải diện tội đại hình với án tù có thể đến năm năm và sự nghiệp cùng đời sống xem như bị tiêu tan. Ai là người dám đánh cược với những rủi ro đó?


Đó là câu chuyện của Cassidy Hutchinson, cô gái 25 tuổi từng là phụ tá cho cựu Chánh Văn Phòng Bạch Ốc Mark Meadows. Ở cương vị này, cô là một nhân chứng sống thực tiếp xúc với cựu tổng thống Donald Trump cùng những nhân vật đứng đầu nội các, kể cả các dân biểu Quốc Hội để trở thành một nhân chứng đầy khả tín với các lời khai xác thực.



Những lời chứng của Cassidy cùng những nhân vật từng làm việc trong nội các chính phủ tiền nhiệm đã cho thấy thêm nhiều chi tiết và sự thật cùng các bằng chứng quan trọng về một kế hoạch có tính toán nhằm lật đổ kết quả cuộc bầu cử tổng thống hợp pháp, mà những người trong cuộc cũng thừa hiểu là hành động của họ là bất hợp pháp. Hay khác hơn là họ đang làm điều phi pháp. Đó là lý do những kẻ dự phần đã xin ân xá dù chưa bị kết tội. Chính họ tự hiểu rằng mình đang phạm tội nên cần được nắm trong tay lệnh ân xá trước khi bị kết tội.

Đây là những kẻ không thể khai sự thật nên đã hoặc từ chối ra điều trần, chịu rủi ro có thể bị ghép vào khinh tội, hoặc viện dẫn Tu chính án số 5 để không trả lời các câu hỏi, dù một khi sử dụng quyền im lặng này thì họ cũng không được quyền có những nhân chứng bảo vệ mình một khi bị truy tố và đưa ra xét xử.



Qua sáu cuộc điều trần tại Quốc Hội, người dân Mỹ và thế giới đã thấy những âm mưu, những tính toán bất chấp hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ, kích động những kẻ quá khích tấn công vào công sở chính phủ hay âm mưu thủ tiêu những viên chức cao cấp chính phủ cho đến các nhà lập pháp đảng đối lập như thế nào.

Ủy ban điều tra vụ bạo loạn đang thực hiện vai trò và bổn phận của cơ quan lập pháp trong việc giám sát các hoạt động hành pháp, bất kể với nội các đương nhiệm hay tiền nhiệm. Đây là ủy ban có chính danh và hợp lệ bởi nếu nhìn lại phán quyết của Tối Cao Pháp Viện buộc Donald Trump phải giao nộp các hồ sơ cho ủy ban điều tra hồi đầu năm nay, đã xác định điều này.

Vẫn còn một đôi cuộc điều trần trong tháng Bảy tới đây, tuy nhiên với những gì mà người dân Hoa Kỳ nghe và xem được cho đến nay đã quá đủ các yếu tố tạo thành một vụ án hình sự để truy tố những kẻ chủ mưu và tòng phạm.

Điều còn lại là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tư Pháp. Dù có thể nhiều người đang mất kiên nhẫn tuy nhiên sự thận trọng của Bộ Tư Pháp trong việc thu thập và đưa ra các chứng cứ không thể chối bỏ một khi đưa ra quyết định truy tố cũng là điều cần thiết của một hệ thống pháp luật công minh và công bằng. Mặt khác, sự vội vàng cũng có thể tạo ra một tình trạng bất ổn trong xã hội cùng những cuộc bạo loạn tương tự tái diễn nếu những kẻ cực đoan lại bị kích động.

Không ai có thể tin chắc điều gì kế tiếp sẽ xảy ra nhưng nhiều người dân vẫn mang hy vọng rằng hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ sẽ không làm một thiếu nữ trẻ như Cassidy Hutchinson phải thất vọng khi đã đối diện nguy hiểm để ra điều trần và khai thêm nhiều sự thật quan trọng trong ngày hôm qua.

Những điều đang xảy ra tại nước Mỹ hôm nay không chỉ nhằm truy tố một cá nhân hay một băng đảng tội phạm, mà còn là sự cần thiết của một hệ thống công lý công minh và để tái lập niềm tin của người dân.

Chiếc đồng hồ vẫn đang chạy.

Bình Luận từ Facebook
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by TranAnhDung »

Mafia đỏ Việt Nam

Lâm Bình Duy Nhiên
12-7-2022
Đằng sau mỗi tay triệu/tỷ phú đỏ Việt Nam là một thế lực chính trị tại Hà Nội.
Cho nên cứ mỗi khi có tranh giành quyền lực là có chuyện một tay triệu/tỷ phú đi tù.

Không biết có ai còn nhớ tay bầu Kiên làm bóng đá đình đám, tự tin và huênh hoang một thời? Anh chàng này vẫn đang ở tù đó thôi.

Riêng bầu Đức cũng ồn ào không kém nhưng có lẽ biết thân, biết phận nên im re dạo này.

Cướp, cưỡng chiếm đất đai. Tàn phá, đốn chặt rừng để thực hiện các dự án tiền tỷ bất chấp môi trường sinh thái bị đe doạ. Kết cấu với nhau để thao túng thị trường chứng khoáng hay kinh doanh bất động sản, phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản,… đó chỉ là bề nổi của tản băng tội phạm mà giới mafia tài chính Việt Nam bị truy tố bởi luật rừng, bởi sự thanh trừng lẫn nhau, dưới cái gọi là chống tham nhũng.

Đừng nguỵ biện nói đến sự thành công từ những ý tưởng hơn người của giới tỷ phú Việt Nam. Trong một môi trường tù tội, một cơ chế cứng nhắc và tham nhũng, không thể có tự do sáng tạo để khơi dậy những ý tưởng siêu việt như tại Silicon Valley chẳng hạn.

Hãy thử nhìn lại những ý tưởng của Phạm Nhật Vượng và Elon Musk thì ắt chúng ta sẽ rõ giá trị của sự thành công của họ.

Cái tài của giới tỷ phú đỏ Việt Nam là mánh mung, là xảo trá và biết chớp lấy cơ hội để chiếm đoạt và gây dựng ảnh hưởng chính trị.

Trong một môi trường tiến bộ, đó là tất cả những gì mà xã hội tẩy chay và lên án.


Những Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) hay Trịnh Văn Quyết (FLC) đang trong tù cũng như tất cả các triệu/tỷ phú Việt Nam khác có thể cũng đang lo lắng chờ đợi đến lượt mình…

Khó có thể hình dung những tay tội phạm kinh tế, tài chính ấy có thể đơn thân hành động, lũng đoạn nền kinh tế và làm giàu một cách bất chính nếu không có sự yểm trợ và bảo kê của các thế lực chính trị đằng sau.

Số tài sản kếch xù được cho là của họ nhưng chắc chắn rằng không ít cũng thuộc về các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Những khối tàn sản khổng lồ ấy, đôi khi được cướp đoạt từ xương máu và công sức lao động của người dân nghèo, có lẽ cũng đã được tẩu tán ra ngoài, nơi các thiên đường quốc tế về rửa tiền. Bọn tội phạm kinh tế chắc chắn đã toan tính và dự trù những kịch bản tệ hại nhất trong cuộc tranh giành quyền lực này.

Và một khi đã làm giàu một cách bất hợp pháp thì các tranh chấp tài sản, quyền lực sẽ rất tàn bạo và không còn chỗ cho tình đồng chí chuyên chính vô sản gì cả!

Họ thanh trừng nhau, bất chấp đời sống nghèo khổ của người dân lương thiện trong một xã hội đầy bất công và dối trá!

Bình Luận từ Facebook
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by TranAnhDung »

Mafia đỏ Việt Nam

Lâm Bình Duy Nhiên
12-7-2022
Đằng sau mỗi tay triệu/tỷ phú đỏ Việt Nam là một thế lực chính trị tại Hà Nội.
Cho nên cứ mỗi khi có tranh giành quyền lực là có chuyện một tay triệu/tỷ phú đi tù.

Không biết có ai còn nhớ tay bầu Kiên làm bóng đá đình đám, tự tin và huênh hoang một thời? Anh chàng này vẫn đang ở tù đó thôi.

Riêng bầu Đức cũng ồn ào không kém nhưng có lẽ biết thân, biết phận nên im re dạo này.

Cướp, cưỡng chiếm đất đai. Tàn phá, đốn chặt rừng để thực hiện các dự án tiền tỷ bất chấp môi trường sinh thái bị đe doạ. Kết cấu với nhau để thao túng thị trường chứng khoáng hay kinh doanh bất động sản, phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản,… đó chỉ là bề nổi của tản băng tội phạm mà giới mafia tài chính Việt Nam bị truy tố bởi luật rừng, bởi sự thanh trừng lẫn nhau, dưới cái gọi là chống tham nhũng.

Đừng nguỵ biện nói đến sự thành công từ những ý tưởng hơn người của giới tỷ phú Việt Nam. Trong một môi trường tù tội, một cơ chế cứng nhắc và tham nhũng, không thể có tự do sáng tạo để khơi dậy những ý tưởng siêu việt như tại Silicon Valley chẳng hạn.

Hãy thử nhìn lại những ý tưởng của Phạm Nhật Vượng và Elon Musk thì ắt chúng ta sẽ rõ giá trị của sự thành công của họ.

Cái tài của giới tỷ phú đỏ Việt Nam là mánh mung, là xảo trá và biết chớp lấy cơ hội để chiếm đoạt và gây dựng ảnh hưởng chính trị.

Trong một môi trường tiến bộ, đó là tất cả những gì mà xã hội tẩy chay và lên án.


Những Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) hay Trịnh Văn Quyết (FLC) đang trong tù cũng như tất cả các triệu/tỷ phú Việt Nam khác có thể cũng đang lo lắng chờ đợi đến lượt mình…

Khó có thể hình dung những tay tội phạm kinh tế, tài chính ấy có thể đơn thân hành động, lũng đoạn nền kinh tế và làm giàu một cách bất chính nếu không có sự yểm trợ và bảo kê của các thế lực chính trị đằng sau.

Số tài sản kếch xù được cho là của họ nhưng chắc chắn rằng không ít cũng thuộc về các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Những khối tàn sản khổng lồ ấy, đôi khi được cướp đoạt từ xương máu và công sức lao động của người dân nghèo, có lẽ cũng đã được tẩu tán ra ngoài, nơi các thiên đường quốc tế về rửa tiền. Bọn tội phạm kinh tế chắc chắn đã toan tính và dự trù những kịch bản tệ hại nhất trong cuộc tranh giành quyền lực này.

Và một khi đã làm giàu một cách bất hợp pháp thì các tranh chấp tài sản, quyền lực sẽ rất tàn bạo và không còn chỗ cho tình đồng chí chuyên chính vô sản gì cả!

Họ thanh trừng nhau, bất chấp đời sống nghèo khổ của người dân lương thiện trong một xã hội đầy bất công và dối trá!

Bình Luận từ Facebook
hoanghoa
Posts: 2260
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoanghoa »

“Vắt chanh bỏ vỏ”, sự tráo trở mang tên… Trung Quốc
Lương Thái Sỹ
21 tháng 7, 2022

Image
Trong nhiều năm, Sri Lanka đã bị Trung Quốc “đường mật” đưa vào bẫy nợ ngập đầu
(ảnh: Hiroki Yamauchi – Pool/Getty Images)

Việc Trung Quốc bỏ rơi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa được xem là bài học cho các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc trên thế giới.

Bản chất lật lọng của Bắc Kinh

Trung Quốc chỉ đưa ra những nhận xét chung chung về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra ở Sri Lanka và đặc biệt là không hề có dấu hiệu ủng hộ Gotabaya Rajapaksa, “người bạn thân” của Bắc Kinh tại Sri Lanka. Sự việc cho thấy, bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào có khuynh hướng thân hoặc tin Trung Quốc phải hiểu rằng việc phát triển mối quan hệ cá nhân với Bắc Kinh không có nghĩa “bạn bè” sẽ giúp nhau khi cần thiết, vì Trung Quốc xem việc “thích nghi với tình hình mới” quan trọng hơn là chăm sóc bạn bè hay chế độ mà họ từng lôi kéo dụ dỗ đi theo quỹ đạo của họ.

Gia đình Rajapaksa cai trị Sri Lanka như “nhà riêng” của mình đã đối mặt với sự mất quyền lực đầy ô nhục. Cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa phải từ chức giữa làn sóng biểu tình giận dữ. Tổng thống Rajapaksa ra đi trong một động thái không tự nguyện khi những người biểu tình giận dữ xông vào Dinh Tổng thống và đòi ông ta từ chức ngay lập tức. Con người tham quyền lực này chỉ từ chức bằng email gửi cho Chủ tịch Quốc hội sau khi đã chạy trốn khá vất vả ra nước ngoài.



Điều nổi bật trong nỗi ô nhục của Rajapaksa là sự thờ ơ bất ngờ và gây sốc của Trung Quốc. Rajapaksa đã vun đắp mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc trong hai năm rưỡi qua, nay bị đồng minh lạnh lùng ngoảnh mặt vào thời điểm mà ông cần hỗ trợ. Không chỉ Trung Quốc, Nga cũng ngó lơ Rajapaksa. Đây là bài học cho các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc trên thế giới về hệ quả sẽ xấu thế nào cho họ nếu làm bạn và chung tay thao túng quyền lực với sự giúp đỡ Bắc Kinh.

Cần nhắc lại, Rajapaksa đã tìm đường thoát thân khi vẫn là tổng thống để hưởng quyền miễn truy tố đối với tổng thống đương nhiệm theo Hiến pháp. Điểm đến đầu tiên của ông là quần đảo Maldives cùng vợ trên một chiếc máy bay quân sự với hai cận vệ. Trước đó, Rajapaksa cố rời đất nước bằng một chuyến bay dân dụng nhưng bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và hành khách chặn lại tại nhà ga.

Chính quyền Maldives nói rõ nơi này chỉ là điểm trung chuyển để Rajapaksa đến một nơi khác. Trong khi đó, Mỹ từ chối cấp thị thực cho ông ta (đương sự từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ từ năm 2003 để tranh cử tổng thống năm 2019). Sau đó, Rajapaksa được phép vào Singapore nhưng chính phủ đảo quốc này không cấp quy chế tị nạn. Hãng tin AFP dẫn lời Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận Rajapaksa đã đến Singapore với “tư cách cá nhân”, không phải với tư cách nguyên thủ.
Image
Tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe (ảnh: Pradeep Dambarage/NurPhoto via Getty Images)

Hối không còn kịp

Những quyết định của Ấn Độ, Mỹ, Maldives hay Singapore không hề gây ngạc nhiên vì không ai nghĩ các quốc gia này giúp đỡ Rajapaksa hoặc phải bảo vệ ông ta. Tất cả đều hướng về Trung Quốc, nơi gia đình Rajapaksa đã dễ dãi “trao tặng” nhiều dự án chiến lược mà không hề xem xét kỹ tác hại cho đất nước mình! Tuy nhiên, Bắc Kinh chẳng thèm bận tâm đến số phận chính trị te tua của Rajapaksa!

Khi được hỏi về các cuộc biểu tình công khai buộc Rajapaksa phải rời khỏi đất nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói: “Với tư cách là một người bạn, láng giềng và đối tác, Trung Quốc chân thành mong muốn tất cả mọi người ở Sri Lanka sẽ vì lợi ích đất nước, nhân dân để đoàn kết cùng vượt khó khăn, phấn đấu sớm khôi phục, ổn định và phục hồi kinh tế và cải thiện dân sinh”.



Trung Quốc cũng phản ứng tương tự trước vụ từ chức của (cựu) Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, anh của Rajapaksa. Trung Quốc không chỉ tránh đề nghị cho họ tị nạn hoặc công khai ủng hộ anh em nhà Rajapaksa, mà còn không có chút thiện ý nào muốn cứu nền kinh tế Sri Lanka thoát khỏi khủng hoảng. Trước đó, khi chế độ Rajapaksa cố kiểm soát tình hình bằng tất cả phương cách để giá nhiên liệu và lương thực tăng cao không kích động cơn giận dữ của người dân và biến thành bạo động lật đổ, thì Trung Quốc đã chặn không cho Colombo vay $1.5 tỷ như cam kết.

Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ chế độ gia đình trị độc đoán và tham nhũng của gia tộc Rajapaksa. Ngay cả trước khi Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) có hiệu lực, Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án như Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa ở miền Nam Sri Lanka, được xây dựng bằng khoản vay lãi suất cao nhưng thua lỗ nặng ngay từ lúc đi vào hoạt động. Năm 2015, các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc đã đóng góp hàng triệu đôla cho chiến dịch vận động của Mahinda Rajapaksa và tặng những món quà trị giá hàng trăm ngàn đôla cho những người ủng hộ gia tộc Rajapaksa.

Đổi lại, Trung Quốc được phép đầu tư vào những dự án “vô bổ” sử dụng các khoản vay lãi suất cao của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc như dự án cảng Hambantota. Khi Colombo không trả được nợ cho dự án thua lỗ này, Bắc Kinh cũng kết thúc thoả thuận hợp thuê cảng 99 năm để… thu hồi nợ. Đáng buồn là ngay cả khi thế giới bàn tán về sự thất bại của cảng Hambantota, Rajapaksa vẫn cho phép Bắc Kinh đầu tư vào dự án Thành phố Cảng Colombo, để rồi nó cuối cùng cũng trở thành một “ác mộng” khác cho nền kinh tế Sri Lanka.

Sri Lanka là một bài học cho tất cả các nhà lãnh đạo thế giới có xu hướng đổ tiền vào các khoản đầu tư bằng tiền vay Trung Quốc. Thực tế cho thấy các khoản đầu tư của Trung Quốc không chỉ khiến đất nước họ mắc kẹt trong bẫy nợ, mà Trung Quốc cũng sẵn sàng hy sinh tất cả mối quan hệ “thắm thiết” với một cá nhân hoặc một gia đình. Các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc ở Đông Nam Á và châu Phi phải hiểu rằng việc phát triển mối quan hệ cá nhân với Bắc Kinh có thể là cách “tự giết mình”.

Sri Lanka, đất nước từng có Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index-HDI) tốt nhất trong vùng và thu nhập bình quân đầu người cao hơn 50% so với Ấn Độ, đã lâm vào cảnh túng quẫn vì các chính sách sai lầm của gia tộc Rajapaksa sau khi đánh bại lực lượng Hổ Tamil (LTTE) trong cuộc nội chiến kết thúc năm 2009.

Những lợi ích thu được từ sự bùng nổ kinh tế đã giúp Sri Lanka tăng gấp đôi thu nhập trong sáu năm, nhưng lại sớm trở thành quốc gia thất bại khi bị Trung Quốc cho ăn bánh vẽ để theo đuổi các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém. Năm 2015, khi gia đình Rajapaksa bị lật đổ lần đầu, nợ công đã vượt qua 4/5 GDP. Năm 2016, IMF đồng ý cứu Sri Lanka. Tuy nhiên, sự trở lại của gia tộc Rajapaksa vào năm 2019 đã đưa ​​nền kinh tế xuống dốc một lần nữa với sự “cố vấn” tích cực của “thầy dùi” Trung Quốc.
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by tranphuongdong »

Tờ New York Post của Murdoch chê Trump:
“không xứng đáng để trở thành tổng thống một lần nữa”

July 23, 2022

Image

Cali Today News – Một trong những tờ báo yêu thích của Donald Trump – do đồng minh truyền thông Rupert Murdoch của ông ta kiểm soát – đã nói rằng Trump “không xứng đáng để trở thành tổng thống của nước này một lần nữa.”

Những lời đó, trên tờ New York Post cuối tuần này, có thể là lời chỉ trích mạnh mẽ nhất của tờ báo này đối với Trump.

Nó được xuất bản trực tuyến vào tối thứ Sáu, cùng thời điểm với một ấn phẩm khác của Murdoch, Wall Street Journal, cũng đăng một bài xã luận chỉ trích gay gắt cựu tổng thống.


Tạp chí này đã gọi ông là “Tổng thống dẫm đạp vào ngày 6 tháng 1” và ca ngợi Phó Tổng thống Mike Pence. “Nhân vật được tiết lộ trong một cuộc khủng hoảng, và ông Pence đã vượt qua phiên tòa xét xử vào ngày 6 tháng 1. Ông Trump hoàn toàn thất bại”, bài xã luận của Tạp chí nêu rõ.

Cả hai tờ báo đều chỉ trích Trump nhiều đáng kể so với chiếc loa phóng thanh lớn nhất của Murdoch, truyền hình Fox News, mặc dù những người xem thân thiết cũng đã nhận ra một số dấu hiệu cho thấy Fox có thể đang chán ghét Trump.

Ví dụ, mạng lưới cánh hữu không còn đăng các cuộc biểu tình của ông ta nữa. Ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2024 Ron DeSantis, thống đốc Florida, là khách mời nổi bật trên Fox trong khi Trump tổ chức một cuộc biểu tình vào tối thứ Sáu.

Cả Post và Journal đều có các ban biên tập bảo thủ được cho là phản ánh quan điểm của Murdoch. Murdoch nói vào mùa thu năm ngoái rằng những người bảo thủ phải đóng một vai trò tích cực trong cuộc tranh luận chính trị của Mỹ, “nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu Tổng thống Trump vẫn tập trung vào quá khứ.”

Nếu Murdoch cố gắng đưa ra lời khuyên cho Trump, nó đã không thành công. Trump đã tiếp tục phát tán những lời nói dối về cuộc bầu cử năm 2020 và phá hoại cuộc điều tra của Hạ viện về cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1.

Sau phiên điều trần lần đầu tiên của ủy ban Hạ viện vào tháng trước, ban biên tập của Tạp chí cho biết bằng chứng này là một lời nhắc nhở rằng “Trump đã phản bội những người ủng hộ mình.”



Trong khi các biên tập viên vẫn nghi ngờ ủy ban Hạ viện và chỉ trích việc thiếu kiểm tra chéo nhân chứng, họ đã viết như sau vào thứ Sáu, sau phiên điều trần lần thứ hai: “Bất kể quan điểm của bạn về ủy ban đặc biệt vào ngày 6 tháng 1, Sự thật mà nó được đưa ra trong các phiên điều trần là rất nghiêm túc. Điều kinh hoàng nhất cho đến nay là vào thứ Năm trong phiên điều trần về hành vi của Tổng thống Trump khi bạo loạn bùng phát và ông ấy ngồi xem TV, đăng những dòng tweet gây khó chịu và từ chối gửi sự trợ giúp. “

Thay vì bào chữa hoặc thay đổi chủ đề, như một số nhà bình luận bảo thủ đã làm, bài xã luận của Tạp chí cho biết Trump “không thực hiện được” nhiệm vụ của mình với tư cách là tổng tư lệnh.

Trang xã luận của The Post, tháng trước đã viết rằng “chúng ta cần một khởi đầu mới” với “một nhóm bảo thủ mới”, đã đi xa hơn trong bài xã luận của mình sau phiên điều trần vào ngày thứ Năm.

“Việc quyết định xem đây có phải là tội phạm hay không là tùy thuộc vào Bộ Tư pháp.” “Nhưng về nguyên tắc, về tính cách, Trump đã chứng tỏ mình không xứng đáng trở lại vị trí tổng thống của đất nước này một lần nữa.”

ND
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests