Bình Luận , Quan Điểm

duynga
Posts: 116
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by duynga »

Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng nghĩa với sự sụp đổ của Hoa Kỳ?
Nghiên cứu Việt – Mỹ

Vũ Văn Lê, dịch từ Paul Kennedy/The Economist
10-9-2021
Những thay đổi chính trị, quân sự, và kinh tế toàn cầu, có nghĩa là Mỹ có một đối thủ mới tranh dành vị thế độc tôn.

Trong những năm qua, không có gì hao tâm tổn trí cho các nhà tư tưởng hơn là câu hỏi liên quan đến đối ngoại: “liệu rằng chuyện thoái hóa khiến Hoa Kỳ mất vị thế độc tôn, phải chăng là điều không thể lật ngược?” Các sự kiện gần đây ở Afghanistan, đánh dấu một cuộc rút lui khác của người Mỹ khỏi Trung Á, chắc chắn sẽ nuôi dưỡng tin tưởng đó. Song, đối với giới hoạch định chính sách Mỹ, vấn đề trường kỳ chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ của quyền lực Trung Quốc.

Phải chăng nước Tầu sắp vượt qua được Mỹ? Dựa trên tiêu chí kinh tế và quân sự nào để đo lường một chuyển đổi ở thế giới? Liệu Trung Quốc không bị đe dọa bởi các vấn đề nội bộ của một chế độ độc tài, vốn thường được che dấu khéo léo trong quan hệ với quần chúng? Hay kỷ nguyên Pax Americana đã kết thúc, sẽ được thay thế bằng kỷ nguyên châu Á?

Sẽ là vô cùng thiếu khôn ngoan nếu vội vã trả lời ngay câu hỏi cuối kể trên là “Đúng”. Bởi lẽ, hầu hết mọi sự về nước Mỹ và thế giới vẫn giống hệt thời 1980’s lúc tôi viết chương cuối của cuốn “The Rise and Fall of the Great Powers” (“Sự Trỗi Dậy và Sụp Đổ của các Siêu Cường. Random House, 1987). Thật sự là trong 40 năm qua, có nhiều lúc vị thế tương đối của Hoa kỳ đã vượt trội trở lại, như giữa thập niên 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, và năm 2003 sau khi quân lực Mỹ nghiền nát Saddam Hussein, nhà độc tài Iraq. Tuy nhiên, sự phục hồi trong những giai đoạn đó rất ngắn ngủi, so với nhiều thay đổi lớn khác, vô cùng bất lợi cho Hoa Kỳ. Hãy xem xét những biến đổi trường kỳ đáng kể hơn trong ba lãnh vực: quan hệ quốc tế, sức mạnh quân sự, và quyền lực kinh tế.

Một là, tương quan chiến lược-chính trị của các thế lực đã thay đổi hẳn kể từ thời thế giới lưỡng cực, lúc chiến tranh lạnh cách đây nửa thế kỷ trước, khi Hoa kỳ chỉ phải đương đầu với một Liên Xô đang tàn lụi. Hiện nay, hệ thống quốc tế bao gồm bốn hoặc năm đại cường với một thực trạng là, không có nước nào có thể sử dụng võ lực hay nhu quyền để cưỡng hành áp chế nước khác những điều mà họ không muốn.

Hiển nhiên là khi tôi đang soạn thảo chương cuối cùng của cuốn “Rise and Fall” (“Trỗi dậy và Sụp đổ”) vào giữa thời 1980, thế giới đã có những dấu hiệu đang chuyển sang đa cực. Và hiện thời, trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, bối cảnh toàn cầu đã rõ ràng trở thành đa dạng, với một số quốc gia lớn đứng đầu là Trung Quốc, Hoa kỳ, Ấn Độ và Đại Nga, tiếp theo là Liên minh Âu châu và Nhật Bản, thậm chí kể cả Indonesia và Iran.

Sự thể này rất quan trọng vì đánh dấu sự tái phân quyền lực ở thế giới. Cho nên sẽ không đầy đủ, dù vẫn có thể rất đúng, nếu cứ khẳng định Mỹ là số một. Bởi lẽ, dù là khỉ đột lớn nhất trong rừng, thì cũng vẫn chỉ là một trong số những khỉ đột! Và lập luận cho rằng vị thế của Nga đã co cụm nhiều hơn so với Mỹ là điều không khách quan, trong khi cả hai đều tương đối mất ngôi vị đúng theo lí thuyết hiện thực về cường quốc.

Hai là, quân lực Hoa kỳ đã nhỏ hơn và cũ kỹ hơn nhiều so với hồi 1980’s. Không hiểu những oanh tạc chiến lược B-52 70 tuổi đời cũ kỹ của không lực Mỹ, già nua hơn cả phi hành đoàn sẽ còn hoạt động được bao lâu nữa? Và khi nào thì Hải quân Mỹ mới tân trang thay thế được các tàu khu trục Arleigh Burke đã cổ lỗ 30 năm? Dù cho đó chỉ là một bối rối tạm thời, hồi tháng 5 năm ngoái phía tây Thái Bình Dương đã hoàn toàn bỏ ngỏ, không có hiện diện của bất cứ Hàng không Mẫu hạm Mỹ nào, khi chiếc USS Eisenhower bất thần được huy động để hỗ trợ cuộc rút quân khỏi Afghanistan, một điển hình cho thực trạng Hải lực Mỹ ngày nay có ít tàu sân bay hoạt động hơn so với 40 năm trước.

Bởi Lầu Năm Góc phải thường xuyên huy động chiến hạm đến những khu vực khác nhau, nên đơn giản là Hoa kỳ không có đủ chiến hạm phù hợp với nhiều cam kết toàn cầu. Vì vậy, đối với các nhà sử học, nước Mỹ hiện giống hệt như Habsburg ngày xưa, sở hữu nhiều lực lượng vũ trang lớn, nhưng mệt mỏi, ôm đồm trải dài trên quá nhiều khu vực. Và thất bại của Mỹ ở Afghanistan, để lại mọi thiết bị quân sự rải rác trên phần lớn đất nước đó, cũng mang nhiều tính Habsburgian ngày xưa cũ. (Chú thích: Hasbsburg là Đế chế Áo-Phổ ngự trị Âu Châu và nhiều nước ở châu Mỹ la tinh từ Thế kỷ 16 đến Thế kỷ 18)

Trong khi đó, Trung Quốc đang tung hoành biểu dương cơ bắp ở khắp nơi. Và đằng sau câu hỏi về quy mô lực lượng vũ trang của Mỹ, còn ẩn chứa một vấn đề lớn hơn: liệu thời đại của các loại vũ khí như máy bay có người lái và tàu chiến siêu lớn trên đại dương sẽ không lỗi thời, dù nhiều cơ cho thấy chúng sẽ biến hết vào năm 2040? Người ta có linh cảm trong một số chiến trường tương lai, mà ngự trị sẽ đến từ máy bay không người lái, hoặc thống trị đại dương sẽ do pulsar kiểm soát, tỷ lệ chênh lệch giữa Mỹ và các đối thủ như Trung Quốc, Nga hoặc Iran, có thể sẽ thay đổi, bởi lẽ, ưu thế đào tạo huấn luyện quân sĩ ngoại hạng không còn đóng vai trò quan trọng. Trong quá khứ, các cuộc cách mạng quân sự thường đem lại nhiều lợi thế cho Hoa Kỳ; nhưng, những đổi thay trong tương lai có thể khiến nước Mỹ không còn ưu thế đó.

Liệu nước Mỹ có thể sẵn sàng trả giá đắt để giữ thế ưu việt? Hoa kỳ cần thành thật tự vấn, sẽ cần phải chi bao nhiêu phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để có một quân lực thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ cho đất nước? Hiện thời chi tiêu quốc phòng khoảng 3,5% GDP. Thậm chí 4% GDP vẫn không đủ, phải cần tới 6% mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Đó sẽ là một mức chi khổng lồ mà chỉ nghe thôi, các giới kinh tế gia, dân biểu nghị sĩ Quốc hội đã bật khóc thét.

Nhưng một chính quyền tương lai của Mỹ có thể làm gì khác nếu suy nghĩ sai lầm, ít được thảo luận này, là Trung Quốc quyết định tăng chi quốc phòng thật nhiều, nhiều hơn gấp bội? Điều gì sẽ xảy ra nếu đấng lãnh đạo chuyên quyền Tập Cận Bình nẩy ý, quyết định đã đến lúc Bắc kinh gia tăng ngân sách quốc phòng ít nhất là 5% để tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang của họ? Đây là một kịch bản không thể nào xảy ra cách đây nửa thế kỷ, và hiện thời ở Hoa Thạnh Đốn không ai muốn đả động tới.

Sự thể này nảy sinh ra thay đổi thứ ba, vốn luôn là yếu tố quan trọng nhất của quyền lực, đó là sức mạnh kinh tế. Sự chuyển đổi toàn cầu lớn nhất kể từ thời 1980’s là nền kinh tế qui mô, mạnh mẽ, và lớn rộng ngày nay của Trung Quốc so với Hoa kỳ. Bất cứ thắc mắc nào ngờ vực về sức mạnh kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn như số liệu thống kê không đáng tin cậy, lực lượng lao động tương lai đang bị thu hẹp, v.v., thì thực cảnh kinh tế TQ vẫn tiếp tục phát triển rộng khắp với tốc độ nhanh chóng hơn, cả trước lẫn sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế Trung quốc, được đo bằng GDP điều chỉnh theo sức mua tương đương, đã lớn ngang ngửa với kinh tế Hoa kỳ.

Đây là một sự thực vô cùng kinh ngạc, hàm chứa một chuyển đổi không hề có kể từ những năm 1880’s, khi kinh tế Hoa kỳ vượt qua kinh tế Anh quốc. Trong suốt thế kỷ 20, nền kinh tế Mỹ đã to lớn hơn bất kỳ kinh tế cường quốc nào, ít ra là từ 2-4 lần. Kinh tế Hoa kỳ lớn gấp mười kinh tế Nhật bản khi Trân Châu Cảng bị tấn công, và lớn hơn gấp ba kinh tế Đức khi Hitler hấp tấp tuyên chiến.

Tình trạng đặc biệt đó đang kết thúc, và sự chuyển đổi thần sầu đang diễn ra trong hoạt cảnh thế giới, do sự kết hợp của một dân số vĩ đại và tình trạng thịnh vượng ngày càng tăng của nước Tầu. Với dân số 1,4 tỷ so với 330 triệu của Mỹ, dân Tầu chỉ cần đạt được một nửa số thu nhập của dân Mỹ trung bình, cũng khiến tổng thể kinh tế của Trung quốc to lớn gấp đôi của Hoa kỳ. Viễn tượng này sẽ mang lại cho Bắc kinh một ngân quỹ khổng lồ cho ngân sách quốc phòng tương lai. Như thế, một vị tổng thống Dân chủ hay Cộng hòa, đều không thể làm gì nhiều đối với hiểm họa đó.

Từ đó, sự phục hận sẽ là một tập phim khác trong “Sự Trỗi Dậy và Sụp Đổ của các Siêu Cường quốc.” Những gì Tập Cận Bình cần làm để tránh mọi sa sẩy, là noi gương Đặng, để nền kinh tế và năng lực quân sự Trung Quốc phát triển tuần tự, từ thập kỷ này tới thập kỷ khác. Và đó chính là thách thức lớn nhất mà Hoa kỳ phải đương đầu đối mặt với một đối thù ngang tầm vóc
hoanghoa
Posts: 2260
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoanghoa »

Mỹ, Anh, Úc liên minh quân sự chống mối đe dọa Trung Quốc
17 tháng 9, 2021
Image
Một tàu ngầm tấn công lớp Trafalgar của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Triumph – con tàu được đóng theo thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử giữa Anh và Hoa Kỳ.
Ảnh Royal Navy.

Một liên minh quân sự mới ra đời với tên gọi tắt là AUKUS – gồm ba nước Anh, Úc và Mỹ – nhằm chống lại mối đe dọa tiềm tàng nhưng rất thực tế từ Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden đã công bố hiệp ước liên minh quân sự mới vào chiều Thứ Tư 15 Tháng Chín trong một tuyên bố chung với Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Kế hoạch AUKUS giữa ba nước nói tiếng Anh và cùng có gốc Anglo-Saxon đã được hình thành trong bí mật kể từ khi ông Biden nhậm chức, nhưng việc công bố hôm nay phù hợp với mục đích của ông Biden là cho thế giới thấy Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh quân sự mạnh mẽ, bất chấp cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan cuối tháng trước.



Ông Biden, đứng giữa hai màn hình video chiếu hình ảnh của hai thủ tướng Anh và Úc, cho biết mục tiêu của liên minh là tăng cường “sự ổn định chiến lược” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Tất cả chúng tôi nhận ra rằng, điều bắt buộc là bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong dài hạn. Chúng tôi cần có khả năng xử lý cả môi trường chiến lược hiện hành trong khu vực lẫn xu thế phát triển của nó bởi vì tương lai của mỗi nước chúng ta, của cả thế giới, phụ thuộc vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kiên trì và phát triển trong nhiều thập niên sắp đến,” ông Biden nói từ Tòa Bạch Ốc.

Ông không đề cập đến Trung Quốc, dù ai cũng biết mối đe dọa quân sự của Bắc Kinh đã kích thích nỗ lực hợp tác và chia sẻ công nghệ quân sự nhạy cảm của Mỹ với hai đồng minh quan trọng.

Mục tiêu ngắn hạn của liên minh AUKUS là hỗ trợ công nghệ trong vòng 18 tháng tới để giúp Úc đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân – một loại bệ phóng vũ khí tàng hình, hoạt động dưới đáy biển vào thời điểm các tàu chiến nổi trên mặt nước ngày càng dễ bị Trung Quốc tấn công bằng hỏa tiễn chống hạm. Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết Úc có thể xây dựng tới một chục tàu ngầm như vậy trong vòng hai thập niên tới.

Ngoài dự án tàu ngầm nguyên tử, ba nước sẽ hợp tác trên một loạt các công nghệ quân sự mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, hỏa tiễn siêu thanh, vũ khí mạng và các hệ thống ngầm dưới biển mới.

Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đòi hỏi những công nghệ phức tạp mà Hoa Kỳ chỉ chia sẻ với Anh theo một thỏa thuận năm 1958.


Liên minh mới nhằm hỗ trợ các đồng minh ở châu Á, bắt đầu là Úc rồi đến các nước khác. Úc đang phải đối mặt với sức ép dữ dội từ một nước Trung Quốc đang tìm kiếm sự thống trị trong khu vực. Khi Úc chống lại mưu toan đó, Bắc Kinh đã phản ứng bằng các đòn trả đũa kinh tế sắc bén và can thiệp vào chính trị Úc. Ngay sau lễ nhậm chức của Biden, Úc đã thúc giục chính phủ Mỹ: “Đừng để chúng tôi một mình trên sân đấu”. Sau khi tham khảo ý kiến ​​của lãnh đạo Anh quốc Boris Johnson – người đang thúc đẩy chiến lược nước Anh vươn ra toàn cầu (Global Britain) – ông Biden đã nhanh chóng đề xướng liên minh quân sự AUKUS.

Ngoài liên minh AUKUS, chính quyền Biden cũng có kế hoạch làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác chiến lược trong “Bộ Tứ” (Quad), bao gồm Ấn Độ và Nhật Bản bên cạnh Úc và Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo của bốn nước Quad sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh vào tuần tới do Tổng thống Biden chủ trì.

Chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc có hai mặt, giống như lập trường của Trung Quốc đối với phương Tây. Về mặt hòa giải, ông Biden đã gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào Thứ Năm tuần trước để truyền đạt mong muốn của Hoa Kỳ hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà lợi ích của hai bên hội tụ với nhau, chẳng hạn như vấn đề biến đổi khí hậu và ngừng phổ biến vũ khí hạt nhân. Còn về mặt cạnh tranh, ông Biden công bố một liên minh quân sự mới nhằm ngăn chặn sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

***

Chính quyền Biden hy vọng, liên minh quân sự mới sẽ thúc đẩy ngành công nghệ và công nghiệp quốc phòng đang bị coi là chậm chạp và không thay đổi kịp thời của Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia quân sự, đôi khi người Mỹ có vẻ nghiện các hệ thống vũ khí cũ, chẳng hạn như các hàng không mẫu hạm và chiến đấu cơ các loại. Những loại vũ khí này ngày càng giảm hiệu năng khi đương đầu với quân đội công nghệ cao của Trung Quốc. Tuần trước, tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã phàn nàn trong một cuộc họp tại Viện Brookings rằng Ngũ Giác Đài đã “chậm đến mức khó tin” trong việc hiện đại hóa quân đội.

Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng sự chậm chạp này xuất phát từ mong muốn của các nhà chỉ huy quân đội, các nhà thầu quốc phòng và các thành viên Quốc Hội muốn bảo vệ các hệ thống hiện có và các công ăn việc làm do chúng tạo ra. Trong khi đó, Trung Quốc đang chạy đua “hiện đại hóa vũ khí chưa từng có”, liên tục cho ra những hệ thống vũ khí trên không, trên bộ, trên biển và cả trên vũ trụ.

Kế hoạch phát triển vũ khí chung của liên minh AUKUS được ông Christian Brose, cựu Giám đốc tham mưu của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, hoan nghênh. “Chúng ta cần coi sáng kiến ​​này như một cơ sở quốc phòng-công nghiệp-công nghệ chung… Cách duy nhất của chúng ta trong trò chơi này là tiến nhanh hơn, phối hợp với các đồng minh của chúng ta,” ông Brose nói.

Không giống như một số chính sách của ông Biden, kế hoạch liên minh AUKUS và hiện đại hóa vũ khí có khả năng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng trong Quốc hội. Ông Matt Pottinger, người từng là Phó Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống Donald Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Đây là những tín hiệu mạnh mẽ giúp làm rõ ràng hơn cam kết của chính quyền Biden về việc tăng cường khả năng răn đe của chúng ta ở Tây Thái Bình Dương sau thảm họa rút quân từ Afghanistan.”

Ông Biden đã nhiều lần nói Trung Quốc mới là đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ, và việc rút quân khỏi Afghanistan và các nơi khác còn nhắm tới mục tiêu tập trung lực lượng vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, ứng phó với sức mạnh đang tăng nhanh của Trung Quốc. Cuộc rút lui lộn xộn từ Kabul làm cho chính quyền của ông Biden mất uy tín rất nhiều trong mắt các đồng minh nhưng sự ra đời của liên minh quân sự mới chứng tỏ đường lối của Biden là khá mạch lạc và nhất quán.

(theo Washington Post)
hoangphong
Posts: 364
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Tương lai của lăng tẩm và mồ mả các lãnh đạo Cộng sản
Trần Trung Đạo
18 tháng 9, 2021

Như người viết phân tích trong bài “Tác Dụng Của Tầm Nhìn Chính Trị”, nhìn xa là một đặc điểm cần thiết của những người lãnh đạo đất nước. Các lãnh đạo cộng sản cũng biết nhìn xa, nhưng không phải nhìn xa cho đất nước mà nhìn xa cho phần hậu sự của chính bản thân họ.

Võ Nguyên Giáp nghĩ tới hậu sự khi chọn một nơi hoang sơ, hẩm hiu, phải vượt suối băng đèo mới tới được là Vũng Chùa, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để làm nơi chôn xác mình. Được biết Vũng Chùa kín đáo đến nỗi gió cũng không thể lọt vào được nên mới được gọi là vũng.

Trường hợp của Võ Nguyên Giáp khá rõ. Ngay cả khi còn sống Võ Nguyên Giáp biết mình đã ‘chết’ từ nhiều năm trước. Ngày chết ghi trong giấy tờ của Võ Nguyên Giáp là ngày 18 tháng 4 năm 1984 chứ không phải 4 tháng 10 năm 2013.


Giấy khai tử của Võ Nguyên Giáp do Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng ký trong quyết định 58/HĐBT. Theo nội dung quyết định, Võ Nguyên Giáp không phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đã lọt vào tay Văn Tiến Dũng), không phải Bí thư Quân ủy Trung ương (đã lọt vào tay Lê Duẩn) mà là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có Kế hoạch, một chức vụ dân sự, không liên quan trực tiếp hay gián tiếp gì với quân đội hay hiểu biết của Võ Nguyên Giáp.

Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thay vì đặt để họ Võ vào những chức vụ dễ nghe, không phải cúi gầm mặt xuống khi được xướng danh, đã cố tình hạ nhục bằng việc giao cho ông ta lo bộ phận sinh đẻ. Việc sinh đẻ là quan trọng nhưng đó là công việc của các nhà y tế học, dân số học, xã hội học chứ không phải của Võ Nguyên Giáp với toàn bộ quá trình hoạt động không có một chữ nào bà con xa gần với sinh đẻ.

Bộ máy tẩy não của Cộng sản (CS) nặn ra những con vẹt có cảm xúc rất giống người qua những cảnh quỳ khóc khi xe tang Võ Nguyên Giáp đi qua hay ôm cột nhà khóc khi nghe tin Võ Nguyên Giáp qua đời. Những người đó không biết rằng, nếu Võ Nguyên Giáp chết trong thời kỳ Lê Duẩn làm Tổng bí thư thì ngay cả những người làm nghề khóc mướn cũng không dám nhận khóc.

Hai năm trước, Chủ tịch nhà nước CS Trần Đại Quang nhìn xa khi chọn một nơi an táng riêng thay vì nghĩa trang Mai Dịch, nơi chôn các lãnh đạo CSVN như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Khả Phiêu v.v…

Mới đây, Phùng Quang Thanh cũng biết nhìn xa cho bản thân mình khi chọn nơi chôn cất tại nghĩa trang dòng họ Phùng. Khi còn sống họ đoàn kết nhau để giữ chiếc ghế quyền lực nhưng khi sắp chết họ muốn tránh nhau càng xa càng tốt.

Trần Đại Quang và Phùng Quang Thanh muốn một mình một cõi nguy nga như lãnh chúa. Nhưng cả hai quên rằng dù chôn trong vũng như Võ Nguyên Giáp hay chôn trong đất riêng, tội ác vẫn là tội ác.

Lăng mộ Hoàng Cao Khải là một công trình đồ sộ với kiến trúc tân kỳ của thời đó và vẫn còn được duy trì đến nay nhưng hoang tàng vì không ai muốn đến nhìn dấu tích của một kẻ phản quốc. Trong khi đó, khu Lăng mộ Phan Đình Phùng tại Hà Tĩnh đông đảo người thăm viếng dù chỉ là khu tưởng niệm hơn là một ngôi mộ. Thân xác ông đã bị Nguyễn Thân ra lệnh đốt thành tro nhưng ngày nào dân tộc Việt Nam còn có mặt trên trái đất này, trong tim của từng người Việt vẫn có một ngôi mộ mang tên Phan Đình Phùng.

Những sự kiện lăng mộ các lãnh đạo CS bị dời đi, lăng bị san bằng hay xác bị đào lên lấy sọ không phải là chuyện thời phong kiến hay quân chủ chuyên chế mà vừa xảy ra cách đây không lâu tại nhiều nước CS trên thế giới.

Chuyện dời xác Stalin đã được nói đến nhiều nhưng chuyện giật sập lăng Georgi Dimitrov, Tổng bí thư CS Bulgary hay chuyện đào mả lấy xương sọ của Janos Kadar, Tổng bí thư CS Hungary, chắc ít người biết.
Image
Chuyện giật sập lăng Georgi Dimitrov.

Dimitrov là lãnh tụ đảng CS Bulgaria và là nhà hoạt động CS châu Âu nổi tiếng. Ông ta là cộng sự viên đắc lực của Stalin sau khi bị trục xuất từ Đức sang Liên Xô năm 1934. Trong thời điểm này, Stalin cử Dimitrov vào chức vụ Tổng bí thư của Đệ Tam Quốc Tế CS (Comintern).

Dimitrov chết bất ngờ tại Liên Xô ngày 2 Tháng Bảy 1949. Thi hài được đưa từ Liên Xô về Bulgary để ướp và trưng bày trong Lăng Georgi Dimitrov ở Prince Alexander of Battenberg Square, giống như Ba Đình của Việt Nam, tại thủ đô Sofia.

Tháng Tám 1999, khi Bulgary trở thành một nước theo chế độ cộng hòa, thi hài của Dimitrov bị đưa ra khỏi lăng và hỏa thiêu. Tro của Dimitrov thay vì được đem rắc đâu đó lại được đem về chôn ở nghĩa trang Sofia. Việc đưa xác của Dimitrov ra khỏi lăng để đi thiêu phải thực hiện một cách kín đáo lúc nửa đêm để tránh dân chúng từng là nạn nhân của chế độ CS đến đòi nợ máu xương.

Chôn cất Dimitrov là một quyết định không quá khó nhưng san bằng lăng Dimitrov là một công việc nặng nề. Các chuyên viên cho nổ ba loạt mìn có sức công phá mạnh nhưng vẫn không giật sập hết lăng. Lần thứ tư họ vừa dùng mìn vừa dùng xe xúc lớn mới giật sập được cái lăng mộ màu trắng của cựu Tổng bí thư Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản.

Chuyện đào mả Janos Kadar

Janos Kadar, nguyên Tổng bí thư đảng CS Hungary và là một kẻ phản quốc theo Liên Xô để tàn sát đồng bào mình sau cuộc Nổi Dậy Hungary 1956. Sau 1960, Janos Kadar thay đổi đường lối cai trị bằng các chính sách ôn hòa hơn nhưng tội ác do y gây ra không vì thế mà được quên đi. Janos Kadar chết ngày 6 Tháng Bảy, 1989, ba tháng trước khi chế độ CS tại Hungary sụp đổ.

Ngày 2 Tháng Năm, 2007, mộ của Kadar đã bị đào lên, nhiều xương cốt kể cả xương sọ của ông ta bị lấy đi và một dòng chữ trích từ một bản nhạc Rock như một bản án được để lại bên cạnh mộ: “Những kẻ sát nhân và phản bội không được yên nghỉ trong vùng đất thánh 1956-2006” (Murderers and traitors may not rest in holy ground 1956–2006).

Tờ The Guardian tường thuật trong số báo ngày 3 Tháng Năm 2007: “Hôm qua, cảnh sát Budapest cho biết sọ và một số bộ xương khác của lãnh đạo CS Hungary Janos Kadar và chiếc bình đựng tro cốt của vợ ông đã bị đánh cắp khỏi mộ của ông.”

Người viết không có ý nguyền rủa hay trù ẻo gì ai và cũng không tiên đoán những gì sẽ xảy ra cho lăng tẩm hay phần mộ các lãnh đạo CSVN. Những sự kiện vừa nêu vẫn còn mang tính thời sự chứ không cần ai tiên đoán. Ngày nào trái đất còn xoay, sự thật sẽ còn cơ hội được soi sáng và lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng.

Trong mỗi khoảnh khắc đi qua trong cuộc đời, chính chúng ta chứ không ai khác gieo một nhân cho tương lai mình. Tương lai có thể là ngay trong phút tới, giờ tới, ngày mai, sang năm hay nhiều năm nữa nhưng nếu gieo nhân ác sẽ phải gặt quả ác dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, một điều mà ai cũng nên biết là không bao giờ quá trễ cho một người để thay đổi tương lai.
lengoi
Posts: 486
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by lengoi »

Sài Gòn: Từ cách chống dịch kiểu Tàu, sang sống chung như Tây

Cù Mai Công
3-10-2021
“Miễn dịch cộng đồng” là bất khả?

Hôm nay 3-10 là ngày thứ ba, TP.HCM nới lỏng giãn cách hết sức khắc nghiệt theo chỉ thị 16+ với sự nhập cuộc của quân đội, rào chắn, chốt chặn nơi, dân tuyệt đối trong nhà, “đi chợ hộ” – không khác gì cách Vũ Hán chống dịch năm trước.


Nhịp sống Sài Gòn chưa hẳn như xưa. Nhưng ngay lập tức, nó đã bật dậy: hàng quán mở cửa khắp nơi sau mấy tuần một số tiệm đã hoạt động… “chui”. Nhà hàng lớn giữa trung tâm thành phố sáng đèn, hàng rong trong hẻm nhỏ rao bán. Dịch vụ như sửa xe, sửa máy lạnh, hớt tóc… bung cửa, thợ làm không ngớt tay, phải xếp lịch khách.

Ở mộ số cửa hàng ở trung tâm thành phố , tôi thấy treo bảng tuyển người. Góc Hai Bà Trưng – Điện Biên Phủ, một cửa hàng điện thoại di động treo băng-rôn: “Hết giãn cách – giảm thả ga”. Thành phố chưa cho quán ăn tiệm nước cho khách ngồi tại chỗ, nhưng tôi thấy có tiệm cà phê “bán mang đi” có mấy vị khách mượn ghế của quán, ngồi ra vỉa hè gần đó uống, tám chuyện Covid.

Lịch sử mấy trăm năm nay, “đầu tàu” kinh tế Sài Gòn luôn là sự trỗi dậy mạnh mẽ. Bốn tháng buộc chân bó tay, nó càng bật mạnh. “Ăn không ngồi rồi” mấy tháng, tiền bạc cũng hao hụt quá rồi, dân Sài Gòn vốn không cam chịu “kiếp nghèo”.

Buồn thay, ngay sau khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nới lỏng giãn cách, hàng vạn bà con nhập cư đã lũ lượt đổ về quê, cỡ nào cũng về. Tối 2-10, bà con miền Tây đi xe máy nối đuôi nhau hàng đoàn từ Bình Dương qua TP.HCM để về quê. 500 người, xe định thông chốt khi bị chặn lại ở Bình Dương. Lúc cao trào nóng giận, bức xúc, có nhóm quỳ lạy, có nhóm ném đá anh em trực chốt.

Dù trước đó ra chỉ thị kiểm soát chặt việc đi lại ở bốn tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Đông Nai, Long An, nhưng thủ tướng Phạm Minh Chính chiều tối 2-10, sau khi lưu ý các địa phương tuyên truyền vận động người dân ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát. Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn. Và đêm qua 2-10, rạng sáng 3-10, Cảnh sát đã dẫn đường gần 8.000 người từ Đồng Nai, Bình Dương đi xuyên đêm về Tây Nguyên.

Thực trạng này khả năng vẫn còn tiếp diễn vài ngày nữa. Bốn tháng giãn cách, nhất là từ hôm TP.HCM “thiết quân luật” 23-8, đường mưu sinh của hàng triệu bà con rõ ràng đã tuyệt lộ. Xin 28.000 tỉ đồng, Trung ương cho 2.000 tỉ đồng, dù cố gắng đến âm ngân sách, ba gói chi hỗ trợ 16.000 tỉ đồng của thành phố chỉ như muối bỏ bể.

Một gia đình lao động bốn người, nếu may mắn, được ưu tiên nhận đủ cả ba lần hỗ trợ (1,5 triệu đồng + 1,5 triệu đồng + một triệu đồng/người) tổng cộng là 7,5 triệu đồng cho ba tháng rưỡi. Hơn 100 ngày, mỗi ngày cả gia đình bốn người ấy chỉ có hơn 70.000 đồng cho gạo muối mắm, thịt cá, điện nước, rau củ quả, xà bông, điện nước… thì sống làm sao? Nếu gọi ship thì tiền đó chưa đủ trả tiền ship. Đó là chưa nói giá cả hôm chưa bỏ giãn cách, một bó rau 30-35.000 đồng, chục trứng 40.000 đồng.

Nhiều hứa hẹn lo cho bà con đầy đủ, miễn giảm tiền nhà trọ, điện nước… trật vuột hoài. Lãnh đạo thành phố chiều 1-10 đã thừa nhận có lỗi với bà con, mong bà con ở lại.

Tiếc thay, niềm tin đã ít nhiều phai nhạt. Về quê, dẫu cũng là tương cà mắm muối cũng còn gia đình, cha mẹ, anh em…; vẫn còn có tự do. Một buối tối “giới nghiêm” im lặng, tôi bỗng nghe một tiếng than như tiếng thét vang trên đường, ngay trước một chốt dân phòng phường 3, Tân Bình của tôi: “Thời bao cấp không có tiền nhưng còn đi lại được; còn bây giờ, đã hết tiền còn bị nhốt ở nhà”.

Nghệ sĩ Quyền Linh, một nhân cách đẹp hiện nay “nói thiệt lòng: mừng thì có mừng, nhưng cũng lo cho bà con mình lắm. Kiểu hết chuyện này rồi chuyện khác cứ ập đến, có cảm giác tất cả chúng ta ai cũng phải liên tục thích nghi, liên tục thay đổi để theo kịp tình hình”.
Thiếu bà con nhập cư là kinh tế Sài Gòn – một đô thị thuở giờ của người nhập cư – lao đao, lảo đảo.

39 ngày chống dịch khắc nghiệt kiểu Tàu, TP.HCM cơ bản ngày vẫn 4.000 – 5.000 – 6.000 ca, ngày 3-9 cao nhất với 8.499 ca; chết trung bình vài trăm ca/ngày.

Kinh tế suy sụp, lòng dân tơi bời. Ở những stt cách đây hai tháng, tôi đã lo ngại chuyện “sẽ thiệt hại kinh tế khôn lường” nếu cứ chống dịch kiểu này.

Vừa qua, khá hiều bậc trí thức, giáo sư, tiến sĩ đã phản biện cách chống dịch “cơ bắp”, “biển người” này. Nhiều vị còn gửi thư ngỏ lẫn thư riêng lên thủ tướng, bí thư Thành ủy. Thật ra, không chỉ chính quyền, ngành chức năng, không hiếm người vẫn suy nghĩ “cơ học” rằng nhờ cách ly, phong tỏa, xét nghiệm đại trà… vậy mà số ca nhiễm giảm -> số ca nặng giảm – ngành y không quá tải – bớt số người chết.

Khó mà tranh luận được với giả thiết, với “nếu”, dù rằng không thể phủ nhận cách làm ấy không có hiệu quả nhất định. Nhưng cũng khó phủ nhận thực trạng “lây nhiễm chéo” ở các khu phong tỏa, cách ly, thậm chí cả khi xét nghiệm ồ ạt. Liệu có sai lầm khi đã cách ly mà còn tập trung – nó mâu thuẫn rành rành với mục tiêu tối thượng trong phòng chống Covid: giãn cách.

Sài Gòn mỗi ngày hiện nay vẫn 3.000 – 4.000 ca, trên dưới 100 người chết. Nhưng chỉ thị 18 đã mở khá mạnh, không rào, phong tỏa nơi nào – kể cả khu vực có F0. Nhà nào F0 thì rào nhà đó, nhà bên cạnh vẫn có thể tiếp tục bán bún bò mang về. Không còn chuyện một căn hộ chung cư có F0 là cả chung cư “nội bất xuất, ngoai bất nhập”, sống dở chết dở cả ngàn hộ trong đó.

Đó không phải là sống chung với Covid theo kiểu Mỹ thì là gì. Mỹ chấp nhận thực trạng không thể không sống chung với con virus biến hóa khôn lường này, dù hôm qua 2-10, thêm 41.792 người Mỹ nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên gần 44.500.000 ca và đã có 720.000 người ra đi.

Không chỉ Mỹ, một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và cả Úc, vốn cũng chống dịch na ná kiểu Tàu (nhưng không khắt khe như ở TP.HCM vừa qua) đã suy nghĩ lại, hành động lại. Ở Thái Lan, giới nghiêm ban đêm đã rút ngắn một giờ, bắt đầu từ 22 giờ đêm; thư viện và bảo tàng được mở cửa; có thể đi spa, nhưng phải đặt chỗ trước và phải có xét nghiệm Covid âm tính. Khách du lịch tiêm đủ hai mũi giờ chỉ cần cách ly một tuần thay vì hai. Một số biện pháp nới lỏng khác sẽ được thực hiện tháng 11.

Ông hàng xóm Indonesia còn chơi bạo tay khi “ thử” sống chung với Covid-19 bằng sự kiện một 10.000 người: Tuần lễ Đại hội Thể thao Quốc gia Indonesia khai mạc hôm qua 2-10 tại sân vận động Lukas Enembe, phía đông thành phố Jayapura, tỉnh Papua.

CƠ SỞ SỐNG CHUNG: “ZERO COVID”, MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG LÀ BẤT KHẢ?

Cơ sở khoa học thực nghiệm đó là những nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy việc miễn dịch cộng đồng gần như bất khả, dù đã tiêm đủ hai liều vắc xin cho 100% số dân.
Cụ thể với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, mọi tính toán trước đây về “miễn dịch cộng đồng” dựa trên tỉ lệ phủ vaccine của dân số nay xem chừng đã không thực tế.

Theo chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi, sống và làm việc tại tỉnh/bang British Columbia (BC), Canada, miễn dịch cộng đồng phụ thuộc ba yếu tố: chủng virus (thể hiện qua hệ số lây lan gốc, Ro), tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine (T) và hiệu quả vaccine (Ve).

Ông cho biết: “Giáo sư, bác sỹ Ellie Murray của Đại học Boston (Mỹ) đưa ra công thức tính hệ số lây nhiễm thực (Rt) trong cộng đồng như sau: Rt = Ro x (1 – T x Ve).

Miễn dịch cộng đồng đạt được khi hệ số lây nhiễm thực nhỏ hơn hoặc bằng 1, nghĩa là một người bị nhiễm virus sẽ lây cho tối đa một người khác. Lúc đó, tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine kỳ vọng để đạt miễn dịch cộng đồng là T = (1 – 1/Ro)/Ve (quy ra từ công thức trên với Rt = 1).

Theo số liệu của CDC Mỹ, với chủng virus corona gốc (SARS-CoV-2), hệ số lây lan gốc “chỉ” trong khoảng từ 2-3, tức một người nhiễm virus có khả năng lây cho 2-3 người, lấy trung bình Ro = 2,5. Hiệu quả vaccine lấy trung bình Ve = 85%. Từ công thức T = (1 – 1/Ro)/Ve ta có T = 71%.

Nghĩa là, với chủng virus corona gốc, ước tính khoảng 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine là đạt miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu tiêm 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng mà Bộ Y tế Việt Nam đưa ra theo cách tính này.

Nhưng cách ước tính trên không còn giá trị với biến thể Delta. Cũng số liệu của CDC Mỹ cho thấy hệ số lây lan gốc của chủng Delta hiện nay trong khoảng 6-9, lấy trung bình Ro = 7,5. Giả sử 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine (T = 70%) và cho rằng hiệu quả vaccine lên đến 95%, lúc đó hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 70% x 95%) = 2,5.

Kết quả cho thấy rằng với chủng virus Delta, hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = 2,5 ngay cả khi 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine và hiệu quả vaccine lên đến 95%. Nghĩa là một người bị nhiễm vẫn sẽ lây cho 2,5 người khác dù cộng đồng đã được phủ vaccine và hiệu quả vaccine đạt mức tối đa.

Trong thực tế, vì Việt Nam sử dụng nhiều loại vaccine khác nhau và chỉ có Moderna hay Pfizer đạt hiệu quả tối đa 95%, trong khi hiệu quả của AstraZeneca chỉ khoảng 70% và của Sinopharm (Vero Cell) thậm chí còn thấp hơn nên hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân số được tiêm không thể nào đạt mức 90%, thậm chí thấp hơn 85%.

Mà ngay cả khi tiêm 100% dân số (điều không thể đạt được trong thực tế) và hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân là 85% (mức cực kỳ lạc quan) thì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 100% x 85%) = 1,125.

Vì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng vẫn lớn hơn 1, nên miễn dịch cộng đồng không thể đạt được chỉ nhờ phủ vaccine. Để đưa giá trị hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng càng thấp càng tốt và tối ưu nhất là thấp hơn 1, ngoài vaccine phải áp dụng thêm các giải pháp thuộc nhóm can thiệp không dùng thuốc (NPI) để ngăn ngừa sự lây lan của virus, ví dụ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Nói cách khác, đó là cách mà loài người sống chung với virus ngay cả khi được tiêm đủ vaccine.

Sự khác biệt của hệ số lây lan gốc giữa hai chủng virus corona gốc và Delta là vô cùng lớn. Ví dụ, với chủng virus corona gốc, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu hai người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 4 (bằng 2 x 2). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 8 (2 x 2 x 2)… Với chủng Delta, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu 6 người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 36 (bằng 6 x 6). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 216 (6 x 6 x 6)… Nghĩa là chỉ qua ba chu kỳ, số ca nhiễm do biến thể Delta đã cao gấp 27 lần chủng corona gốc.

Điều đó giải thích cho những trận “cuồng phong” lây nhiễm do biến thể Delta tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… và nhiều quốc gia khác trên thế giới”.

TP.HCM đã thực nghiệm hóa sống chung với Covid bằng chỉ thị 18. Hầu hết dân ủng hộ. Thực tế sẽ trả lời cách này ra sao so với kiểu Tàu.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM) dự báo sắp tới: “Số ca mắc có thể tăng, ca tử vong sẽ giảm”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch Hội Ngành nghề y tư nhân, Sở Y tế TP.HCM): “Yên tâm với sức đề kháng vô hình: Ứng xử của từng cá nhân với dịch bệnh thay đổi rất khác. Họ sống chậm hơn, tuân thủ đầy đủ các biện pháp 5K, hiếm thấy sự coi thường trước dịch bệnh”.

Một, hai tuần, một tháng mà dự báo đó đúng thì mô hình kiểu đó đúng. Với chủ quan cá nhân, tôi luôn tin bà con mình.

Còn ai chưa đồng ý sống chung với Covid hoàn toàn có quyền ở nhà tiếp, nhà nước không hề cấm và buộc ra đường. Nếu tiền bạc còn thoải mái, đồng ý sống chung hay không thật sự thuộc về quyền và tự do chọn lựa của mỗi người.
tranphuongdong
Posts: 524
Joined: Wed May 30, 2007 2:08 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by tranphuongdong »

Chủ nghĩa nào đã làm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975?
Nguyễn Quang Duy
Gửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ Melbourne, Australia
17 tháng 5 2021

Image

Y tá Mỹ chăm sóc thương binh trước khi phi cơ bay khỏi Tân Sơn Nhất: Với người Mỹ, cuộc chiến ở Nam VN chấm dứt ngày 30/04/1975 nhưng các vấn đề của người VN với nhau thì đến nay vẫn còn chưa ngã ngũ
Sau 46 năm chấm dứt chiến tranh, nhiều người, kể cả những học giả ngoại quốc, vẫn tin rằng cuộc chiến tại miền Nam VN là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ quốc gia và cộng sản.

Nhưng ý thức hệ quốc gia hay chủ nghĩa quốc gia Việt Nam là gì và lý do ý thức hệ cộng sản thắng thế vẫn chưa được tìm hiểu và phân tích cặn kẽ để biết đâu là sự thật.

Chủ nghĩa quốc gia đến với Việt Nam

Trước thế kỷ thứ 20, nước là của vua, dân là con vua, việc bảo vệ và mở mang bờ cõi là trách niệm của nhà vua, làm dân có bổn phận phải trung thành với vua và sẵn sàng chết theo lệnh của nhà vua.

Cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu là hai trong số những người Việt quốc gia đầu tiên, một người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa quốc gia Pháp còn một người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa và Nhật Bản, nên có hai khuynh hướng phụng sự quốc gia rất khác biệt.

Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học (Quốc Dân Đảng), Đức Huỳnh Phú Sổ (đạo Hòa Hảo), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (đạo Cao Đài), Vua Bảo Đại, ông Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình Diệm, ông Trần trọng Kim, học giả Lý Đông A (đảng Duy Dân), ông Trương Tử Anh (đảng Đại Việt) và rất nhiều người khác là những người Việt quốc gia của thời kỳ tiếp theo.

Những người kể trên về mặt tư tưởng họ khác nhau một trời một vực, có khi còn đối chọi với nhau, cho thấy ở thời điểm 1945 vẫn chưa có một hệ tư tưởng có thể coi là hệ tư tưởng quốc gia hay chủ nghĩa quốc gia.

Năm 1949 khi người Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, Quốc trưởng Bảo Đại đặt tên nước là Quốc Gia Việt Nam, lập Quân Đội Quốc Gia, Chính Phủ Quốc Gia, và cờ vàng ba sọc đỏ được gọi là cờ Quốc Gia.

Vua Bảo Đại từ lâu đã muốn xây dựng một chủ nghĩa quốc gia riêng cho Việt Nam, nhưng vì hoàn cảnh đất nước chưa hoàn toàn độc lập và vẫn còn chiến tranh nên không thực hiện được ý muốn.

Chủ nghĩa quốc gia là gì ?

Đây là hệ tư tưởng soi sáng và hướng dẫn chúng ta làm những việc có ý nghĩa, có đạo đức, biết việc gì cần làm và tạo cho chúng ta sáng kiến đạt được kết quả tốt nhất trong cạnh tranh sinh tồn và phát triển đất nước.

Mỗi quốc gia đều có những khác biệt về lịch sử, sắc tộc, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, bởi thế chủ nghĩa quốc gia Việt Nam phải khác hẳn với chủ nghĩa quốc gia ở các quốc gia khác.

Chủ nghĩa quốc gia Việt Nam phải nối kết được những tư tưởng, những tình cảm, những truyền thống, những ước mong, những ý hướng trong tâm trí của mọi người thuộc mọi sắc tộc sống trên đất nước Việt Nam.

Có chủ nghĩa quốc gia mới có thể định hình được một cách rõ rệt những khái niệm về tổ quốc, về nòi giống, về lòng yêu nước, về tình đồng bào, xây dựng lý tưởng làm chuẩn mực cho đời sống của người Việt Nam.

Chủ nghĩa quốc gia chính là những nguyên tắc căn bản để chính phủ đề ra những chiến lược và đường lối kinh tế, văn hóa, xã hội hợp lòng dân và để người dân biết cách suy nghĩ và hành động vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Việt Nam chưa có hệ tư tưởng quốc gia

Tháng 8/1945, đảng Cộng sản nổi dậy cướp chính quyền. Đến năm 1947 khi những người Việt quốc gia muốn ôn hòa giành lại độc lập phải cộng tác với người Pháp thì đảng Cộng sản đã hạ luôn cả chính nghĩa quốc gia.
Image
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thăm quân đội, phía sau ông là thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống, đeo kính đen - ảnh chụp năm 1971. VNCH có báo chí tự do nên tổng thống thường xuyên bị chỉ trích công khai
Trong hoàn cảnh chiến tranh những người Việt quốc gia chỉ duy trì tinh thần quốc gia rời rạc, không thể kết lại một cách chặt chẽ như một ý thức hệ hay một hệ tư tưởng có luận lý (lô gích), có đạo đức, dựa trên lợi ích quốc gia và dân tộc.

Vì thiếu một ý thức hệ quốc gia làm căn bản nên người quốc gia và các đảng phái quốc gia liên tục chia rẽ không thể tập trung được sức mạnh chiến đấu và tồn tại trong hoàn cảnh chiến tranh 1945-75.

Xem lại Đệ Nhất Cộng Hòa

Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa thay vì tìm cách xây dựng ý thức hệ quốc gia, lại lo xây dựng chủ nghĩa nhân vị. Ông Cao Xuân Vỹ, thủ lãnh Phong trào Thanh niên Cộng Hòa từng nghe Tổng thống Ngô Đình Diệm than phiền:

"Ngay cả đến các vị Bộ trưởng cũng không hiểu được (chủ nghĩa) nhân vị là gì, thì làm sao mà chúng ta thực hiện được cuộc cách mạng quốc gia?"

Ông Diệm nói rất đúng vì khi tầng lớp lãnh đạo không hiểu được đường lối chiến lược quốc gia thì làm sao tầng lớp cán bộ có thể hiểu được để truyền bá chính nghĩa (việc làm đúng).

Và làm sao người dân, nhất là những nông dân chiếm đến 90% dân số lại có thể biết đến đường lối, chiến lược và viễn kiến của tầng lớp lãnh đạo quốc gia.

5 năm vàng son 1955-60 nhanh chóng trôi qua, khi các lực lượng cộng sản từ miền Bắc bắt đầu xâm nhập và cộng sản ở miền Nam nổi dậy, thì rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa không có một chủ nghĩa đúng mức để vừa giữ được đất, vừa giữ được dân.

Chính phủ Mỹ sợ cộng sản thắng thế, nên muốn trực tiếp mang quân vào tham chiến. Bị Tổng thống Ngô Đình Diệm phản đối, họ mới nhúng tay vào cuộc đảo chánh 1/11/1963 lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

Mỹ hóa chiến tranh

Miền Nam lọt vào vòng khủng hoảng chính trị, đảo chánh này sang đảo chánh khác, miền quê càng ngày càng mất an ninh, nhiều địa phương sáng quốc gia đêm cộng sản.

Ngày 8/3/1965, Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, người Mỹ mở rộng chiến tranh thả bom miền Bắc và trực tiếp điều khiển chiến tranh từ Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài.

Người Mỹ nhúng tay đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm đã là một sai lầm lớn, việc Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam là sai lầm lớn hơn khiến họ phải trả một giá rất đắt về sinh mạng và tiền bạc.

Cho đến phút cuối người Mỹ vẫn không hiểu người Việt cả phía quốc gia lẫn bên cộng sản, nên trong chiến tranh Việt Nam người Mỹ liên tục mắc sai lầm là nguyên nhân chính dẫn đến ngày 30/4/1975.

Chiến tranh càng leo thang, người miền Nam càng phải tập trung bảo vệ miền Nam, nên càng ít quan tâm đến mặt lý thuyết xây dựng một ý thức hệ quốc gia.

Nói về chủ nghĩa tự do

Khi ý thức hệ quốc gia chưa hình thành và khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ đã phát triển một cách vô cùng mạnh mẽ.

Trong thời chiến cá nhân cần đặt lợi ích quốc gia và dân tộc bên trên, thì chủ nghĩa tự do lại dựa vào cá nhân để phát triển từ văn hóa, xã hội, kinh tế và nhất là chính trị (thể chế dân chủ pháp trị).

Một số thí dụ dưới đây cho thấy phần nào chủ nghĩa tự do đã dẫn đến ngày 30/4/1975.

Ở miền Nam tự do báo chí không khác gì ở Mỹ các nhà lãnh đạo thường xuyên được đưa lên mặt báo.

Tờ Tin Sáng là nhật báo đối lập với Chính phủ có mục "Tin Vịt" do "Tư trời biển" viết nêu đích danh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tham quyền cố vị, hiếu chiến, thất học, tham nhũng, bất tài hay gọi ông là "Tổng Thẹo", "Sáu Thẹo"…

Báo chí có quyền chỉ trích Chính phủ và chỉ trích cá nhân các nhà lãnh đạo miễn là không nhằm mục đích tuyên truyền cho cộng sản, nhưng các tờ báo vẫn thường dịch các bài viết từ phe cánh tả chống chiến tranh thì có khác gì tiếp tay tuyên truyền cho cộng sản.

Báo chí ngoại quốc cũng được tự do xuất bản tại miền Nam, người Việt vốn suy nghĩ người ngoại quốc đưa tin khách quan và trung thực, nên nhiều bài viết thuộc phe cánh tả chống chiến tranh cũng được rất nhiều người đọc và tin theo.

Về truyền hình thì có đài Quân đội Hoa Kỳ phát trên băng tần số 11 đưa những hình ảnh chiến trường mà lính Mỹ có trận phải chạy lên trực thăng, những hình ảnh này ảnh hưởng nặng đến tâm lý người Việt và rất có lợi cho phe cộng sản.

Giáo dục thì phi chính trị nên học sinh và sinh viên đều ít quan tâm đến tình trạng đất nước, một số còn xuống đường biểu tình chống chiến tranh hay leo núi theo cộng sản, số khác sống phóng túng, đua đòi theo cách sống Hippie kiểu Mỹ…

Văn học, âm nhạc, nghệ thuật ở miền Nam bao gồm đủ mọi khuynh hướng, từ tự do cá nhân, đến chuyện đất nước, tình tự dân tộc, nhân bản, khai phóng, hiện thực, chống chiến tranh và chống cả chính phủ.

Kinh tế thì tự do nên vì tiền mà một số thương gia sẵn sàng cung cấp hàng hóa cho cộng sản hay đầu cơ tích trữ phá hoại thị trường và cũng vì tiền mà một số giới chức tham nhũng đã tiếp tay với gian thương nuôi dưỡng cộng sản.

Ngay trong Quốc Hội, Khối Đối Lập liên tục chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, họ còn chủ trương nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản), chính trị miền Nam không khác gì sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ.
Image
Mục sư nổi tiếng Martin Luther King tại cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của chính quyền Mỹ tại Nam VN trong tháng 3/1967 ở New York
Image
18/4/1968: Thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh
Có phải Tự do thua Cộng sản?

Một số người quan sát cuộc chiến ở miền Nam rồi vội vã cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã thắng chủ nghĩa tự do.

Nhưng nếu so Tây Đức và Đông Đức, Nam Hàn và Bắc Hàn, Trung Quốc và Đài Loan, Khối Tự Do chống lại Khối Cộng Sản thì rõ ràng ý thức hệ tự do đã là bên thắng cuộc.

Đại Hàn và Đài Loan là hai quốc gia Á châu bị phân đôi, chủ nghĩa quốc gia ở đó đã phát triển thành những ý thức hệ có thể đón nhận và hài hòa chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ.

Sau một quá trình chọn lọc nhiều thập niên cho mãi đến những năm đầu của thập niên 1990 Đài Loan và Nam Hàn mới tiến hành dân chủ hóa đất nước của họ.

Còn Việt Nam Cộng Hòa vì chưa có được một chủ nghĩa quốc gia, một ý thức hệ quốc gia, một hệ tư tưởng hướng dẫn, nên chủ nghĩa tự do đã phản tác dụng phá hoại và tiêu hủy nền Cộng Hòa non trẻ ở miền Nam Việt Nam.

Theo tôi, đây là bài học cho cả hôm nay: Việt Nam vẫn đang cần chủ nghĩa quốc gia

Chiến tranh đã chấm dứt hơn 46 năm, so với các quốc gia trong vùng, Việt Nam vẫn thua kém cũng vì thiếu một chủ nghĩa quốc gia đúng đắn.

30/4: Việt Nam hóa và bài học chơi với Mỹ

Lịch sử có nợ gì Tướng Dương Văn Minh?

Sau câu 'Đảng thật vĩ đại', TBT Trọng ví văn kiện Đảng với văn bia

4 điều có thể bạn chưa biết về Mậu Thân 1968

Trước thời chiến tranh Đài Loan và Đại Hàn về kinh tế chỉ tương đương với Việt Nam, nhưng ngày nay hai quốc gia này đã vượt xa chúng ta.

Đài Loan và Hàn Quốc áp dụng chiến lược xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng (export led growth strategy), nhưng nhờ họ có được hệ tư tưởng quốc gia vững chắc, nên có được chiến lược xây dựng kinh tế dựa trên nội lực quốc gia và kết quả tăng trưởng kinh tế thuộc về người dân của xứ họ.

Hà Nội cũng áp dụng chiến lược xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng nhưng lại xây tổ đón phượng hoàng xứ người, nên người Đài Loan và người Hàn nay đã trở thành những ông chủ, những con phượng hoàng trên đất nước Việt Nam.

Còn người Việt phải làm công bộc cho chủ nhân ngoại quốc hay phải sang tận xứ người để làm công cho họ.

Chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất cảng biến Việt Nam thành một quốc gia lắp ráp trong chuỗi dây chuyền sản xuất của các công ty đa quốc gia.

Việt Nam được giao cho sản xuất các mặt hàng dựa trên lao động tay chân mang lại rất ít giá trị gia tăng cho quốc gia.

Các nghiệp đoàn tự do bảo vệ quyền lợi công nhân thì chưa có nên người Việt làm công nhận được một mức lương thật thấp, thậm chí không đủ sống qua ngày, còn lợi nhuận thì vào tay tư bản ngoại quốc và được họ đưa về chính quốc.

Dựa trên tỉ lệ thương mãi xuất và nhập cảng, Việt Nam nay là nước có mức độ toàn cầu hóa cao nhất thế giới, nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nhập cảng từ Trung Quốc và sản phẩm sản xuất thì chủ yếu xuất cảng sang Mỹ.

Chủ quyền kinh tế nay phụ thuộc nặng nề vào hai quốc gia này, Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt kinh tế cũng sợ, mà Trung Quốc đe dọa trừng phạt kinh tế thì cũng lo.

Nếu các hãng xưởng Đài Loan và Hàn Quốc rút khỏi Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam xem như sụp đổ, rõ ràng chủ quyền quốc gia Việt Nam đã bị lệ thuộc quá nặng vào ngoại bang.

Còn các mặt khác như văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị, và cả quân sự Việt Nam đều thua xa hai quốc gia Đài Loan và Hàn Quốc.
Image
Tác giả cho rằng sau chiến tranh VN nhiều năm, kinh tế VN vẫn lại phụ thuộc vào đầu tư Hàn, Đài và người dân vẫn ở phận làm thuê
Ở trong nước ai biểu lộ bất đồng chính kiến thì bị đảng Cộng sản cho công an cô lập và đàn áp.

Người Việt hải ngoại sống trong môi trường tự do nhưng vì thiếu một chủ nghĩa quốc gia dẫn dắt nên người đấu tranh luôn bị động, chẳng ai nghe ai, càng ngày càng chia rẽ và càng xa lìa chính những đồng hương đang sống ở hải ngoại.

Ôn lại lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và nhìn vào hiện tình đất nước, người Việt muốn giữ được chủ quyền quốc gia vẫn cần phải xây dựng một hệ tư tưởng cho chính người Việt Nam, một chủ nghĩa quốc gia Việt Nam vẫn thật sự cần thiết.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Úc.

Xem thêm:
Phong trào phản chiến Mỹ sau Tết Mậu Thân
Trần Bạch Đằng tin đô thị miền Nam 'sẽ nổi dậy'
Trận Mậu Thân 1968 qua nguồn từ điển
lilac2010
Posts: 76
Joined: Sun Mar 21, 2010 10:45 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by lilac2010 »

Xấu hổ và đau xót

Mạc Văn Trang
17-10-2021

Đọc xong bài báo: “Hai nhà báo đoạt giải Nobel Hòa bình 2021” đăng trên VNExpress, tôi chợt nghĩ đến nhà báo Phạm Đoan Trang mà thấy xấu hổ và đau xót. Bài báo viết:

“Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì “nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận”.

Tự do ngôn luận “là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài”, Ủy ban Nobel Na Uy ra tuyên bố hôm nay, khi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.

Ressa và Muratov được trao giải thưởng “vì sự đấu tranh dũng cảm cho tự do ngôn luận ở Philippines và Nga. Đồng thời, họ là đại diện của tất cả nhà báo đứng lên vì lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi”, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen nói trong cuộc họp báo tại Oslo”…

Tôi thấy XẤU HỔ vì hai nhà báo kia lập ra hai tờ báo, thực hiện quyền TỰ DO NGÔN LUẬN để phê phán các sai lầm của chính quyền, lên án tệ tham nhũng, lạm quyền và các tệ nạn xã hội, vậy mà khi họ được công khai, đàng hoàng hoạt động; được công chúng tin cậy và khi được Giải thưởng Nobel Hòa bình, chính quyền không những không ngăn cản đến nhận mà còn tự hào và chúc mừng họ. Mà chính quyền Duterte ở Philippine và chính quyền Putin ở Nga vẫn bị coi là độc tài đấy.

Trong khi đó Tự do ngôn luận của Việt Nam được ghi trong Hiến pháp nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Hàng loạt nhà báo, blogger bị bắt, bị tù đày. Các nhà báo nói lên sự thật phê phán những sai trái của chính quyền một cách ôn hoà cũng bị coi là “thế lực thù địch”! Điển hình là chính quyền bắt giam một năm nay và sắp đưa xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.

ĐAU XÓT vì so sánh hai nhà báo này với Phạm Đoan Trang thì nhà báo Phạm Đoan Trang có kém gì đâu, mà bị khủng bố, bôi nhọ, bắt bớ, tù đày! Phạm Đoan Trang một nhà báo yêu nước, có trách nhiệm xã hội rất cao và đặc biệt một tài năng hiếm có. Trong vòng vài năm, cô đã xuất bản mấy cuốn sách: “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù”, Báo cáo “Toàn cảnh thảm hoạ môi trường Việt Nam”, “Báo cáo về Đồng Tâm”…, thành lập trang web ‘Luật Khoa tạp chí‘ với tư cách là một hình thức báo chí độc lập tại Việt Nam để phổ biến chủ yếu về lĩnh vực pháp luật.

Tất cả những tác phẩm của Phạm Đoan Trang đều nhằm KHAI DÂN TRÍ VỀ CHÍNH TRỊ. Đúng như nhiều người nhận xét: Dân trí về Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cũng bị kìm kẹp, kém phát triển, nhưng tệ hại nhất là dân ta rất kém hiểu biết về Khoa học Chính trị, về quyền Công dân, về Dân chủ, Nhân quyền… Phạm Đoan Trang đã dồn hết tâm trí vào lĩnh vực này. Phạm Đoan Trang không hề chửi bới, kích động “chống phá chính quyền”, thậm chí cô luôn nhắc “Phi bạo lực! Phi bạo lực! Phi bạo lực!”.

Sách của Phạm Đoan Trang cung cấp những tri thức rất cơ bản, hiện đại, thực tế; cách viết bình dân, chân thực, giản dị, hướng dẫn cho người dân có nhận thức, thái độ, hành động đúng mực để thực hiện các quyền cơ bản được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Tôi thách Quốc hội Việt Nam tốn nhiều tỉ để ra được một cuốn sách phổ cập kiến thức Chính trị cho các Đại biểu Quốc hội và cho người dân đạt trình độ như sách “Chính trị bình dân” (hơn 500 trang) như của Phạm Đoan Trang.

Một người yêu nước, một tài năng quý giá như thế mà đem huỷ hoại đi! Thật ác độc! Thật đau xót cho đất nước này!

Bình Luận từ Facebook
lilac2010
Posts: 76
Joined: Sun Mar 21, 2010 10:45 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by lilac2010 »

Quân đội Trung Quốc mạnh cỡ nào?
Hiếu Chân
30 tháng 10, 2021

Image
Đội danh dự quân đội Trung Quốc PLA tại lễ kỷ niệm thành lập PLA ngày 1 tháng Tám 2021 trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ảnh VCG via Getty Images

Những hành động hung hăng của Trung Quốc như phái chiến đấu cơ liên tục xâm nhập Đài Loan, quấy nhiễu vùng biển quần đảo Senkaku của Nhật, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đụng độ với Ấn Độ và mới đây là thử hỏa tiễn siêu thanh từ quỹ đạo trái đất, Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của thế giới tới việc hiện đại hóa quân đội của nước này và theo đuổi những công nghệ vũ khí ngày càng tinh vi hơn. Một câu hỏi được đặt ra là quân đội Trung Quốc mạnh đến mức nào và có tác động như thế nào tới cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện đại hóa quân đội bằng mọi cách, mọi giá

Mao Trạch Đông – người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản Trung Quốc – từng có câu nói để đời: “Súng đẻ ra chính quyền”. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của đảng và chính phủ Trung Quốc suốt mấy chục năm qua là xây dựng quân đội và công an ngày càng đông đảo, mạnh mẽ.

Các lực lượng “cầm súng” này không chỉ lo bảo vệ đất nước Trung Quốc mà chủ yếu là bảo vệ quyền lực của đảng Cộng sản, chính quyền Trung Quốc và xác lập vai trò thống trị của Trung Quốc trên thế giới. “Chiến công” lớn nhất của đội quân này trong hơn bảy mươi năm tồn tại của nhà nước Trung Quốc có lẽ là việc sử dụng xe tăng để đè bẹp cuộc biểu tình phản kháng của sinh viên Trung Quốc ở Quảng trường Thiên An Môn Tháng Sáu 1989.



Từng được đảng Cộng sản ca ngợi một cách huênh hoang là “đội quân bách chiến bách thắng”, đã đánh bại những kẻ thù trong quá khứ chỉ bằng “gậy tầm vông với súng trường”, quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) hiện đã phát triển thành lực lượng chiến đấu lớn nhất thế giới với hơn hai triệu quân nhân.

Tuy nhiên, thất bại cay đắng của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 đã buộc Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ Trung Quốc khi đó, phải đặt nhiệm vụ canh tân quân đội lên hàng đầu. Sức mạnh của các loại vũ khí hiện đại mà Mỹ thi triển trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 để giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lược và chiếm đóng của Iraq đã làm cho các nhà chiến lược Trung Quốc kinh hoàng và thức tỉnh. Bị phương Tây cấm vận vũ khí sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc đã dựa hẳn vào nước Nga dưới quyền Tổng thống Vladimir Putin, mua sắm các loại vũ khí tối tân, hợp tác sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ để tự làm ra những loại máy bay, tàu chiến mới.

Tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, kéo dài nhiều thập niên, giúp Bắc Kinh có được nguồn tài chính dồi dào để mua và chế tạo vũ khí mới. Những thủ đoạn gián điệp mạng, mua chuộc các nhà khoa học từ các nước phát triển cũng giúp Trung Quốc chiếm được những bí quyết công nghệ tân tiến trong lĩnh vực quân sự.

Trung Quốc không ngần ngại sử dụng các thủ đoạn lừa đảo để đạt mục đích mà vụ hàng không mẫu hạm (HKMH) Liêu Ninh là ví dụ. Chiếc HKMH Varyag của Ukraine đang đóng dở dang thì khối cộng sản Liên xô sụp đổ. Bắc Kinh, thông qua một công ty bình phong ở Hong Kong, đề nghị mua lại chiếc HKMH mới chỉ có phần vỏ tàu này, lý do là để làm một sòng bài nổi phục vụ khách du lịch trên bến Hong Kong. Người bán tưởng như vậy, thế giới cũng tưởng như vậy, cho đến khi chiếc Varyag được kéo về Trung Quốc, thay vì cập cảng Hong Kong để làm sòng bài thì nó vào cảng Thiên Tân để được cải tạo lại thành chiếc HKMH đầu tiên của Trung Quốc, mang tên Liêu Ninh.

Sang thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn về mặt ngoại giao và ngày càng sẵn sàng củng cố các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp bằng cách thể hiện sức mạnh quân sự, gây lo lắng cho các nước láng giềng và cả Hoa Kỳ.

Doãn Đông Ngọc (Yin Dongyu), một nhà phân tích về quân đội Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận xét với báo Al Jazeera: “Những tiếng nói báo động ngày càng lớn về một cuộc xung đột Trung-Mỹ tiềm tàng ở Biển Đông chủ yếu xuất phát từ thực tế là Hoa Kỳ đang coi Trung Quốc như một đối thủ ngang hàng. Và đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.”

PLA ngày càng mạnh

Quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh là một thực tế khó có thể phản bác, thể hiện ở sự mở rộng nhanh chóng các lực lượng hải quân, không quân và hỏa tiễn chiến lược.

Lục quân Trung Quốc vẫn là lực lượng nền tảng của PLA để khẳng định sức mạnh trong khu vực. Lục quân PLA đã dẫn đầu cuộc đụng độ với Ấn Độ tại biên giới Himalaya của hai quốc gia gần đây là một ví dụ. Theo báo cáo mới nhất của Ngũ Giác Đài về Sức mạnh Quân sự Trung Quốc, lục quân PLA có hơn 915.000 quân nhân tại ngũ, gấp đôi Mỹ, quốc gia có khoảng 486.000 quân nhân tại ngũ.

Điểm mới là trong những năm gần đây, PLA tích cực gia tăng kho vũ khí với các loại vũ khí công nghệ ngày càng cao.

Năm 2019, PLA có được tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong 41 (DF-41) được các chuyên gia cho rằng có thể bắn tới bất kỳ điểm nào trên địa cầu. DF-41 được công bố lần đầu trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc 1-10-2019; nhưng tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung Đông Phong 17 (DF-17) mới thực sự thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng mang theo một tên lửa trượt (glide vehicle) có thể trượt trong không khí với tốc độ siêu thanh.

Cả hỏa tiễn DF-41 và DF-17 đều có khả năng mang đầu đạn nguyên tử lẫn đầu đạn thông thường.
Image
Hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Đông Phong 17 (DF-17) của Trung Quốc được gắn một tên lửa dạng trượt (glide vehicle) có thể đạt tới tốc độ siêu thanh, được trưng bày trong cuộc diễn hành kỷ niệm 70 năm thành lập Trung Quốc 1-10-2019. Ảnh Zoya Rusinova\TASS via Getty Images
Mới đây, có thông tin Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh hai lần – một lần vào tháng Bảy và một lần vào tháng Tám. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của Mỹ mô tả bước thử nghiệm này gần như là một “khoảnh khắc Sputnik”, đề cập đến vụ phóng vệ tinh năm 1957 của Liên Xô, kích hoạt một cuộc chạy đua về công nghệ không gian giữa Mỹ và Liên Xô kéo dài hơn 10 năm sau đó.

Với việc Biển Đông nổi lên thành điểm nóng, PLA cũng đầu tư phát triển mạnh lực lượng hải quân.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, tranh chấp chủ quyền với Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Theo sách trắng quốc phòng của chính phủ Bắc Kinh, Hải quân PLA (PLAN) hiện là hải quân lớn nhất thế giới, có nhiều chiến hạm nhất thế giới và các tàu ngầm của lực lượng này có khả năng phóng tên lửa hạt nhân.

Về số chiến hạm trên mặt nước, PLAN có nhiều tàu hơn hải quân Mỹ – với 360 tàu – nhưng hạm đội Trung Quốc chủ yếu bao gồm các tàu cỡ nhỏ hơn. PLAN chỉ có hai tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông – do Trung Quốc tự đóng, mô phỏng thiết kế của tàu Liêu Ninh, tức là HKMH Varyag lớp Kuznetsov của Liên Xô cũ mà Trung Quốc mua lại như đã nói trên. Một tàu sân bay thứ ba Type 003 đang được đóng. Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào.

Để hỗ trợ hải quân, Trung Quốc còn có cái gọi là “lực lượng dân quân hàng hải”, do chính phủ tài trợ và kiểm soát. Được gọi là “những người lính nhỏ màu xanh”, đội dân quân hàng hải hoạt động ở Biển Đông, chuyên cản trở, quấy nhiễu ngư dân và các phương tiện thăm dò tài nguyên biển của các nước láng giềng ở Biển Đông. Trung Quốc còn có một lực lượng cảnh sát biển (hải cảnh) hùng hậu mà số lượng tàu thuyền của nó còn đông hơn nhiều so với lực lượng hải quân của một số nước khu vực. Năm nay Bắc Kinh cho phép lực lượng hải cảnh bắn vào các tàu nước ngoài, đặt ra rủi ro xung đột quân sự.

Ông Doãn nói: “Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể nhờ một số lượng lớn vũ khí mới được bổ sung vào kho vũ khí, đặc biệt là trong lực lượng Hải quân. Đó là nơi quân đội của đất nước đang thể hiện một số tốc độ phát triển nhanh nhất.”

Lực lượng không quân PLA cũng đã phát triển thành lực lượng lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và lớn thứ ba trên thế giới với hơn 2,500 phi cơ, trong đó có khoảng 2,000 phi cơ chiến đấu, theo một báo cáo hàng năm của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố năm ngoái. .

Đáng chú ý nhất, không quân PLA hiện sở hữu một đội máy bay chiến đấu tàng hình, bao gồm cả J-20, máy bay chiến đấu tân tiến nhất của Trung Quốc, nhắm cạnh tranh với F-22 của Mỹ.

Hiện đại hóa quân đội để làm gì?

Như đã nói trên, Trung Quốc không có nguy cơ bị các nước láng giềng hay Hoa Kỳ xâm lược, bây giờ và cả trong tương lai. Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc suốt mấy thập niên qua, từ khi Đặng Tiểu Bình khởi đầu cái gọi là “đổi mới, mở cửa”, một phần quan trọng là nhờ môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ xây dựng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Vì vậy, việc Trung Quốc cố gắng hết sức để đẩy nhanh cuộc hiện đại hóa quân đội đã khiến nhiều người phải đặt nghi vấn về ý định thực sự của Bắc Kinh. Để làm gì?



Mục tiêu lớn nhất của Bắc Kinh có thể là bành trướng ảnh hưởng, chiếm lại những vùng đất mà Trung Quốc cho là thuộc về đế quốc Trung Hoa dưới các triều đại phong kiến xa xưa. Các quần đảo Đài Loan, đảo Đông Sa (Pratas) thuộc Đài Loan, Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa), Senkaku của Nhật Bản (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), cũng như các vùng đất trên dãy Himalaya của Ấn Độ (mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng)… đều bị Bắc Kinh nhắm tới với âm mưu “tái chiếm” bằng vũ lực một ngày nào đó trong tương lai. Âm mưu “tái chiếm” này không thể chấp nhận được, vì nếu các quốc gia được phép xoay ngược chiều thời gian, lật lại lịch sử thì thế giới sẽ hỗn loạn và tan rã; ngay cả Trung Quốc vào thế kỷ 15 cũng chỉ là một phần lãnh thổ gọi là triều Nguyên trong đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, gần đây nhất cũng chỉ là một phần lãnh thổ của Mãn Châu dưới triều Thanh, hay Tây Tạng là một quốc gia độc lập mới bị Trung Quốc xâm chiếm và sáp nhập dưới thời cộng sản.

Một trong những mục tiêu của sự hiện đại hóa PLA là để phục vụ mục đích xuất cảng vũ khí. Trên toàn cầu, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất cảng vũ khí sang các nước đang phát triển khác, vừa để thu lợi vừa để phát triển mối quan hệ nồng ấm hơn, tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, Nga, Do Thái và một số nước châu Âu.
Image
Không quân Trung Quốc bay biểu diễn khai mạc Triển lãm hàng không và không gian quốc tế 2021 (Airshow China 2021) ngày 2 Tháng Mười tại Chu Hải tỉnh Quảng Đông. Ảnh VCG via Getty Images

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất cảng vũ khí của Trung Quốc chủ yếu chỉ đến được Pakistan, Bangladesh và Algeria trong thập niên qua. Do nhiều nước không tin cậy ý đồ chiến lược của Bắc Kinh nên không mua vũ khí Trung Quốc, dù các máy bay, tàu chiến, hỏa tiễn Trung Quốc có giá rẻ hơn rất nhiều so với vũ khí của Nga hay Mỹ.

Hiện mặt hàng vũ khí bán chạy của Trung Quốc là máy bay không người lái có vũ trang (UAV), và Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất – xuất cảng lớn nhất thế giới mặt hàng này; khách hàng bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi, theo SIPRI. Sở dĩ mặt hàng UAV của Trung Quốc bán chạy vì Hoa Kỳ và các nước phát triển ở phương Tây cấm xuất cảng loại vũ khí có thể được các chính quyền chuyên chế sử dụng để đàn áp các cuộc biểu tình, vi phạm nhân quyền. Ông Doãn Đông Ngọc của Bắc Kinh nói: “Bạn có thể thấy vô số UAV được xuất khẩu sang vùng Vịnh vì Quốc hội Mỹ cấm nhiều quốc gia mua chúng từ Mỹ và Trung Quốc đang sớm lấp đầy khoảng trống đó”.

Những vấn đề của quân đội Trung Quốc

Nhưng kho vũ khí tân tiến và sự phát triển quân sự của Trung Quốc dường như không thể che đậy một hệ thống chỉ huy không rõ ràng, nạn tham nhũng phổ biến và nghi vấn về phẩm chất của những người lính.

Tình trạng tham nhũng trong quân đội PLA phần lớn bắt nguồn từ truyền thống chuyên quyền và thiên vị, thiếu sự giám sát, trong khi việc tuyển dụng binh lính đang gặp nhiều khó khăn. Bất chấp một số ưu đãi, những người Trung Quốc trẻ tuổi, được giáo dục tốt – và là con trai một, nối dõi tông đường của gia tộc – mà quân đội muốn tuyển lại bị thu hút vào khu vực kinh tế tư nhân và chẳng mặn mòi với việc gia nhập quân đội.

Điều đó đã khiến PLA phụ thuộc vào chế độ quân dịch. Mỗi tỉnh đều có chỉ tiêu “nghĩa vụ quân sự” hàng năm, mỗi người lính nghĩa vụ phải hoàn thành hai năm quân ngũ. Năm nay, sau một thời gian trì hoãn vì đại dịch COVID-19, quân đội PLA bắt đầu tổ chức tuyển mộ hai lần một năm thay vì một lần.

Và mặc dù tích lũy nhiều vũ khí tân tiến hơn trong những năm gần đây, PLA vẫn còn một lượng lớn thiết bị lạc hậu, một số chiến đấu cơ và tàu chiến được chế tạo bằng công nghệ của Liên Xô cách đây hơn 30 năm, theo các nhà phân tích.

Ngoài ra, việc thiếu đào tạo để vận hành và bảo trì các loại vũ khí mới được phát triển cũng đã cản trở khả năng đạt được “tính liên kết” của quân đội, tức là khả năng chỉ huy liên kết các lực lượng khác nhau đồng thời để đạt được các mục tiêu chung, theo một báo cáo năm 2018 của RAND Corporation, một tổ chức tư vấn về an ninh có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Thạch Dương (Shi Yang), một nhà phân tích quân sự Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận xét: “Tham nhũng và cơ cấu chỉ huy lỗi thời đã tác động tiêu cực đến quân đội. Số lượng lớn vũ khí tương đối lỗi thời cũng hạn chế khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc.”

Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, PLA phải đối mặt với nhiều vấn đề tiềm ẩn.

Đầu tiên là thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Cuộc chiến ở biên giới Việt-Trung năm 1979 là lần mới nhất mà quân đội Trung Quốc tham gia chiến đấu trong thực địa và đến nay tình hình đã thay đổi rất nhiều.

Các đơn vị quân đội PLA vẫn tổ chức các cuộc diễn tập khác nhau giống như thực chiến. Ví dụ, vào đầu tháng này, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, tổ chức các vụ xâm nhập ồ ạt của chiến đấu cơ các loại vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Trong cùng thời gian, lục quân PLA cũng tập trận trên bộ ở phía đông nam tỉnh Phúc Kiến – ngay phía bên kia eo biển Đài Loan – trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lớn tiếng khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.
Image
Đội chiến hạm Trung Quốc tham gia tập trận với hải quân Nga gần vịnh Peter Đại đế của Nga hôm 15 tháng Mười 2021. Ảnh Sun Zifa/China News Service via Getty Images.

Một số người nói rằng việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu trong thế giới thực không hẳn là điều bất lợi. Theo ông Thạch Dương, việc thiếu kinh nghiệm “sẽ không làm xói mòn sức mạnh quân sự của Trung Quốc”. “Sức mạnh của quân đội Trung Quốc trong cuộc xung đột hiện đại chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ, mà Trung Quốc đã phát triển công nghệ quân sự theo hướng đúng,” ông Thạch nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thực hiện một số bước nhằm khắc phục một số thiếu sót của quân đội PLA. Ông đã thiết lập một cơ cấu chỉ huy mới, trao cho Quân ủy Trung ương, do Tổng Bí thư đảng làm chủ tịch, có quyền lãnh đạo trực tiếp các lực lượng vũ trang.

Năm bộ tư lệnh quân khu, có vị trí địa lý trên khắp đất nước, được thành lập vào năm 2016. Các sư đoàn Lục quân, Hải quân và Không quân ở mỗi quân khu báo cáo trực tiếp với bộ tư lệnh quân khu nhằm bảo đảm hoạt động của các binh chủng được tích hợp hiệu quả hơn.

Giải quyết tham nhũng là nền tảng trong nhiệm kỳ chủ tịch của ông Tập. Hàng trăm quan chức, tướng tá quân đội đã bị cáo buộc nhận hối lộ và các hình thức tham nhũng khác.

Ông Tập cũng chi nhiều tiền hơn cho các lực lượng vũ trang với ngân sách quốc phòng lớn hơn bao giờ hết. Trong năm tài chính 2021, có 1.36 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng $209.16 tỷ) được phân bổ cho quốc phòng – tăng hơn 6.8% so với năm ngoái. Đó là con số lý thuyết. Theo nhiều nhà quan sát, con số thực có thể cao hơn rất nhiều, dựa vào tốc độ mua sắm và chế tạo vũ khí hạng nặng của Trung Quốc.

Chạy đua vũ trang khu vực và hậu quả khó lường
Công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là yếu tố chính kích thích một cuộc chạy đua vũ trang trong toàn khu vực. Do Bắc Kinh thường xuyên cậy sức mạnh để đe dọa, chèn ép và xâm lấn, các nước láng giềng buộc phải gia tăng đầu tư mua sắm vũ khí tân tiến để đề phòng tình huống bất trắc.

Hồi tháng 10, Hoa Kỳ đã công bố AUKUS – một liên minh an ninh mới với Anh và Úc – trong đó hoạt động sớm nhất là cung cấp cho Úc các loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ.

Washington cũng đã tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, quốc gia đang hiện đại hóa quân đội và phát triển cái gọi là khả năng tác chiến phi đối xứng để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào từ Bắc Kinh.

“Nhiều quốc gia trong khu vực đã coi Trung Quốc là một mối đe dọa và Mỹ cũng nằm trong nhóm đó, vì vậy với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, các nước khác, với sự giúp đỡ từ Mỹ cả rõ ràng và bí mật, đang cố gắng bắt kịp. Với thái độ quyết đoán hơn của Trung Quốc trong các yêu sách lãnh thổ của họ, tôi không thấy cuộc chạy đua vũ trang này sẽ sớm kết thúc”, ông Doãn Trung Ngọc nói về cuộc chạy đua vũ trang leo thang.

Trong khi đó, được chính quyền Bắc Kinh coi trọng và đầu tư ngày càng lớn, quân đội Trung Quốc ngày càng ảnh hưởng lớn tới chiến lược chính trị của nước này. Các tướng lĩnh đương nhiệm và đã nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, báo chí và mạng xã hội, đưa ra các bình luận “diều hâu” về tình hình quốc tế và khu vực, kêu gọi chiến tranh “thống nhất Đài Loan”, thậm chí đối đầu với Hoa Kỳ, thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng Trung Quốc.

Các quan sát viên quốc tế lo ngại, một lúc nào đó, tâm lý nôn nóng “lập công”, “thể hiện sức mạnh” của giới chức lãnh đạo quân đội Trung Quốc sau khi đã tiêu tốn nhiều tiền của của quốc gia, sẽ dẫn tới những tính toán sai lầm, những tình huống va chạm bất ngờ có thể làm bùng phát cuộc chiến tranh nóng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ hoặc các nước lân cận, dẫn tới những hậu quả hết sức khủng khiếp.

“Không ai có thể nói chắc liệu Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra xung đột thực sự về Đài Loan hay Biển Đông hay không, nhưng với quân đội ngày càng mạnh của Trung Quốc, không ai muốn thấy điều đó xảy ra,” ông Doãn nói thêm.
hoangphong
Posts: 364
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »


Image

Pence: chính James Madison và Kinh thánh đã giúp ông chứng nhận kết quả bầu cử
November 5, 2021

Khi được hỏi vào tối thứ Hai rằng ai đã khiến ông “phản đối” mong muốn của Donald Trump và chứng nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cựu phó tổng thống Mike Pence nói với một nhóm bảo thủ trẻ rằng ông đã tìm đến những lời dạy của James Madison và Kinh thánh để giúp ông bất chấp Trump vài giờ sau cuộc bạo loạn ủng hộ Trump chết người tại Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1.

Phát biểu tại một sự kiện của Tổ chức Young America tại Đại học Iowa, Pence đã được hỏi bởi một khán giả chỉ được xác định là Jared liệu “ai đó trong Tòa Bạch Ốc thuyết phục ông rằng nếu ông tuân theo áp lực của Trump không chứng nhận kết quả bầu cử ở Arizona và các tiểu bang khác thì sẽ cản trở hy vọng trở thành tổng thống của ông”

“Câu hỏi của tôi là tên của người đã nói với ông để chống lại kế hoạch của Tổng thống Trump và chứng nhận các phiếu bầu là ai?”

Pence, người đã trốn khỏi một đám đông bạo động Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 khi một số người hô vang “Treo cổ Mike Pence”, đã trả lời, chính “James Madison” – tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, người được gọi là “cha đẻ của Hiến pháp.”

Cựu phó tổng thống, đã nhận được tràng pháo tay từ khán giả thành phố Iowa và ông phủ nhận rằng việc ảnh hưởng đến cơ hội tranh cử tổng thống nếu ông tuân theo kế hoạch của Trump.

“Tất cả những gì quý vị đọc liên quan đến tôi đều là sai sự thật,” ông nói với người tham dự

Pence, đề cập đến lời tuyên thệ mà ông đã tuyên bố để bảo vệ Hiến pháp, cũng trích dẫn một câu Kinh thánh mà ông nói rằng ông dựa vào: “Thi thiên 15 nói rằng Ấy là kẻ đi theo sự ngay thẳng, làm điều công bình, và nói chân thật trong lòng mình“

Pence thừa nhận rằng ông đã viết một lá thư cho Quốc hội về những lo ngại của mình đối với việc bỏ phiếu, và rằng ông vẫn còn lo ngại về “những bất thường” ở các bang như Arizona và Georgia. Không có bằng chứng về việc gian lận cử tri phổ biến trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, mặc dù Trump và một số đảng viên Cộng hòa khác tiếp tục đưa ra tuyên bố sai lầm đó.

Nhưng Pence, người được coi là ứng cử viên GOP tiềm năng cho chức tổng thống vào năm 2024, nhấn mạnh rằng ông đứng trước quyết định vào tháng Giêng của mình, nói rằng, “Vai trò duy nhất của chính phủ liên bang là mở và kiểm đếm các phiếu đại cử tri do các bang gửi đến. ”

Bình luận của cựu phó tổng thống được đưa ra vài ngày sau khi The Washington Post đưa tin rằng một luật sư của Trump đã gửi email cho phụ tá hàng đầu của Pence vào ngày 6 tháng 1 để nói rằng Pence đã gây ra bạo lực tại Điện Capitol bằng cách từ chối chặn chứng nhận kết quả bầu cử. Luật sư, John C. Eastman, tiếp tục thúc ép Pence hành động ngay cả sau khi những người ủng hộ Trump đã tấn công Điện Capitol –

Trump đang tìm cách giữ lại gần 800 trang tài liệu từ ủy ban đặc biệt Hạ viện điều tra cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1, theo một hồ sơ tòa án vào cuối tuần. Cựu tổng thống đang cố gắng khẳng định đặc quyền hành pháp liên quan đến 46 trang hồ sơ từ hồ sơ của cựu chánh văn phòng Mark Meadows, cựu cố vấn cấp cao Stephen Miller, cựu phó cố vấn Patrick Philbin và Brian de Guzman, cựu giám đốc dịch vụ thông tin của Tòa Bạch Ốc, theo tuyên bố tuyên thệ từ John Laster, giám đốc bộ phận liên lạc của Tòa Bạch Ốc tại Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia.

Vào cuối bài nói chuyện của mình, ông ấy cảm ơn đám đông vì “những lời khẳng định ủng hộ” nhiều tháng sau khi ông ấy rời nhiệm sở.

“Nó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi,” Pence nói.

TH
hoangphong
Posts: 364
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoangphong »

Tô Lâm và những bế tắc mang tính hệ thống của độc tài công an trị
Đào Tăng Dực

13-11-2021
Thứ Bảy ngày 6 tháng 11, 2021, báo chí tây phương, từ Âu Châu, Mỹ Châu đến tận Úc Châu tràn ngập tin tức và hình ảnh về Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, trong lúc tháp tùng phái đoàn của Thủ Tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị về khí hậu toàn cầu COP26 tại Glasgow, đã cùng đàn em ăn tiệc tại một nhà hàng nổi tiếng bao gồm thịt bò dát vàng của đầu bếp quốc tế Thánh Rắc Muối Salt Bae.

Chi phí cho buổi ăn này của vị Bộ trưởng Công an lên đến khoảng 50.000 Mỹ Kim. Số tiền này có thể nuôi nhiều gia đình lao động nhiều năm để sống còn qua cơn đại dịch.

Trong khi sự kiện không thể chối cãi này tràn ngập không gian mạng và gây phẫn nộ trong quần chúng thì báo chí quốc doanh trong nước im thin thít. Cả Bộ Chính Trị, Chính phủ và tứ trụ bao gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều nhất tề bặt vô âm tín.

Công luận đều đồng ý rằng tác phong này của Tô Lâm và đàn em là vô cùng bại hoại. Nhưng đây thực sự chỉ là đỉnh của một tảng băng sơn. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thực sự trong bản chất chỉ là một chế độc tài độc đảng mang tính công an trị. Hệ lụy đương nhiên là quyền lực của công an, qua hình ảnh của Tô Lâm, không những là nền tảng của chế độ, mà còn có khả năng bao trùm đảng, nhà nước và toàn thể xã hội dân sự. Chính vì thế cả Bộ Chính Trị và Tứ Trụ triều đình không thể thốt nên lời.

Tính công an trị của chế độ không những là hậu quả của mô hình nhà nước Mác-Lê mà còn là nguyên nhân đưa dân tộc Việt rơi vào những bế tắc mang tính hệ thống.

Những bế tắc này phát xuất từ nhu cầu của nhà nước nuôi dưỡng một hệ thống công an mật vụ khổng lồ, vượt ra ngoài khả năng tài chánh của một quốc gia nhược tiểu.

Thật vậy, khi chúng ta so sánh ngân sách của CSVN và ngân sách các quốc gia dân chủ, chúng ta sẽ nhận diện rõ rệt tính trầm trọng của các bế tắc này:

Theo Wikipedia(1) thì ngân sách cho Bộ Công An năm 2021 là 4,19 tỷ Mỹ Kim. Nhân số công an chính quy giữ bí mật. Nhân số công an bán chuyên trách là 2 triệu. Đây thật sự là một con số giả dối đánh lừa nhân dân và quốc tế.

Thật vậy, theo cơ quan chuyên môn quốc tế Salary Expert, về lương bổng trung bình của một công an Việt Nam (2) thì mỗi công an lãnh lương hằng năm là 169,7 triệu đồng và 3,9 triệu bonus. Tổng cộng lương bổng là 173,6 triệu đồng mỗi năm tương đương với khoảng 7,647 Mỹ Kim.

Nếu số chính quy tương đương với số công an bán chuyên trách thì Việt Nam có khoảng 4 triệu công an. Như vậy, chỉ tính lương bổng thôi thì chi phí nhân dân phải trả cho công an là 30,58 tỷ Mỹ Kim.

Đây chỉ là con số chi phí cho lương bổng mà thôi. Tổng chi cho công an CSVN là một bí mật quốc gia. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán. Khác với các quốc gia dân chủ, không một công dân nào được quyền biết đến ngân sách CSVN dành cho công an là bao nhiêu. Tuy nhiên chúng ta có thể suy diễn từ một số thống kê quốc tế.

Theo các thống kê của chính phủ New South Wales, tiểu bang lớn nhất Úc Đại Lợi. Ngân sách cho cảnh sát NSW là 4,7 tỷ Úc Kim cho tài khóa 2020-2021(3). Số nhân viên cảnh sát là 21.455 người. Lương bổng mỗi năm là 82,766 Úc Kim. Như vậy tổng chi cho lương bổng là khoảng 1,776 tỷ Úc Kim, tương đương với khoảng 38% ngân sách.

Nếu một tỷ lệ tương đương áp dụng cho Việt Nam thì ngân sách tổng cộng bộ công an, dưới quyền điều khiển của Tô Lâm sẽ là một con số khủng khiếp: Khoảng 80 tỷ Mỹ Kim, vượt trội 3 lãnh vực trọng yếu nhất của quốc gia là Y tế, Giáo dục và Quốc phòng.

Trong khi ngân sách chính thức về Y Tế của Việt Nam là 17 tỷ Mỹ Kim năm 2017 và dự chi cho 2022 là 24 tỷ (4) và theo World Bank thì năm 2019 Việt Nam chi phí 4.1% GDP cho ngân sách Giáo Dục. GDP của Việt Nam năm 2020 khoảng 340 tỷ Mỹ Kim. Như vậy chi phí cho nhân sách giáo dục của CSVN khoảng gần 14 tỷ Mỹ Kim.

Theo tài liệu của chuyên gia Minh Ngọc Nguyễn cung cấp ngày 21 tháng 5, 2021 thì chi phí quốc phòng của CSVN trong năm 2019 là 6.7% của ngân sách quốc gia tức 4,7 tỷ Mỹ Kim (5)

Tại những quốc gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, các chi phí y tế và giáo dục chiếm phần lớn tỷ lệ ngân sách vì chính quyền luôn chăm sóc cho sức khỏe hiện tại của nhân dân, đồng thời đào tạo một thế hệ tương lai đất nước qua một nền giáo dục vững mạnh. Riêng Việt Nam, qua nhiều thiên niên kỷ phải chiến đấu sống còn với kẻ thù phương Bắc, cần một quân lực hùng mạnh để bảo vệ sơn hà.

Tuy nhiên khi chúng ta cộng cả 3 lãnh vực hệ trọng nêu trên của vận mệnh quốc gia, thì ngân sách cả 3 chỉ gần bằng một nửa ngân sách chi phí cho Bộ Công an do Tô Lâm kiểm soát.

Đồng ý rằng con số chính xác về chi phí quốc phòng lẫn công an tại các quốc gia công an trị như Việt Nam hoặc Trung Quốc đều là bí mật quốc gia, không người dân nào được biết. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng chi phí cho guồng máy công an không những cao hơn Y tế, Giáo dục, mà còn có xác xuất cao hơn lãnh vực Quốc phòng, dù con số thực sự về quốc phòng có thể cao hơn 4,7 tỷ Mỹ Kim.

Từ con số chi khủng cho công an CSVN nêu trên, chúng ta có thể rút các kết luận như sau:

1. Chuyện Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng chỉ là chuyện nhỏ. Thực trạng công an trị là một căn bệnh trầm kha có tính hệ thống. Mỗi đồng tiền chi phí cho công an là một đồng bòn rút từ hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. Sự kiện tỷ lệ tử vong của người Việt trong đại dịch Vũ Hán cao hơn những quốc gia khác và hệ thống y tế rách tả tơi là kết quả trưc tiếp của sự bòn rút này.

2. Mỗi đồng tiền chi phí cho công an là một đồng bòn rút từ hệ thống giáo dục, phương tiện và sách vở cho các con em Việt Nam tương lai của đất nước. Các em học sinh khố rách áo ôm tại những vùng quê hay cao nguyên cũng là nạn nhân trực tiếp của Tô Lâm và bè lũ.

3. Hệ thống công an trị với chi phí và bổng lộc như thế là một con ký sinh trùng khổng lồ, hút máu nhân dân làm suy kiệt nguyên khí quốc gia. Nền kinh tế của quốc gia không thể hóa rồng, bắt kịp các quốc gia dân chủ trong vùng vì phải gồng gánh trên vai một giai cấp hung ác, phè phỡn, chỉ biết nghe lệnh đảng, đàn áp nhân dân và không hề góp phần cho tiến trình sáng tạo của cải (wealth creation) trong xã hội.

Trước tình trạng đó, chúng ta phải làm gì? Toàn dân từ lâu đã có câu trả lời:

Công an là thanh kiếm và lá chắn của đảng.

Công an là lực lượng “còn đảng còn mình”.

Đảng CSVN thà mất nước còn hơn mất đảng.


Đảng CSVN nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch, vì đối với đảng, thành phần phản động nguy hiểm nhất chính là nhân dân Việt Nam.

Chỉ có công an dưới trướng của Tô Lâm là sẵn sàng dẫm nát nhân dân, hầu bảo vệ cho sự sống còn của đảng.

Vì tính hệ thống của mô hình nhà nước công an trị, lối thoát duy nhất của dân tộc là đạp đổ bạo quyền CSVN, hầu xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho đất nước.

_____

*Ghi chú:

(1) (https://en.wikipedia.org/wiki/Ministry_ ... _(Vietnam)

(2) (https://www.salaryexpert.com/salary/job ... -minh-city)

(3) (https://www.budget.nsw.gov.au/sites/default/files)

(4) (https://www.trade.gov/healthcare-resource-guide-vietnam)

(5) (https://www.statista.com/…/vietnam-government-defense…/)

Bình Luận từ Facebook
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by MatVit »

Image

NHẮM MẮT, BỊT TAI và MÙ QUÁNG mới không biết TẠI SAO.


- Năm 1980 ứng cử viên Cộng Hòa Ronald Reagan tranh cử, thắng ứng cử viên Dân Chủ Jimmy Carter. Sau khi có kết quả, người thua không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có 1 vụ bạo động.

- Năm 1984 ứng cử viên Cộng Hòa Ronald Reagan tái tranh cử, thắng ứng cử viên Dân Chủ Walter Mondale. Sau khi có kết quả, người thua không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có 1 vụ bạo động.

- Năm 1988 ứng cử viên Cộng Hòa George H. W. Bush tranh cử, thắng ứng cử viên Dân Chủ Michael Dukakis. Sau khi có kết quả, người thua không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có 1 vụ bạo động.

- Năm 1992 ứng cử viên Dân Chủ Bill Clinton tranh cử, thắng ứng cử viên George H. W. Bush. Sau khi có kết quả, người thua không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có 1 vụ bạo động.

- Năm 1996 ứng cử viên Dân Chủ Bill Clinton tái tranh cử, thắng ứng cử viên Cộng Hòa Bob Dole. Sau khi có kết quả, người thua không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có 1 vụ bạo động.

- Năm 2000 ứng cử viên Cộng Hòa George W. Bush tranh cử, thắng ứng cử viên Dân Chủ Al Gore, mặc dù Al Gore hơn George W. Bush 543 ngàn 835 phiếu phổ thông (543,835 phiếu) nhưng sau khi có kết quả, người thua không hề tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có, dù chỉ 1 vụ bạo động.

- Năm 2004 ứng cử viên Cộng Hòa George H. W. Bush tái tranh cử, thắng ứng cử viên Dân Chủ John Kerry. Sau khi có kết quả, người thua không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có 1 vụ bạo động.

- Năm 2008 ứng cử viên Dân Chủ Barack Obama tranh cử, thắng ứng cử viên Cộng Hòa John McCain. Sau khi có kết quả, người thua không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có 1 vụ bạo động.

- Năm 2012 ứng cử viên Dân Chủ Barack Obama tái tranh cử, thắng ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney. Sau khi có kết quả, người thua không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, không hề có 1 vụ bạo động.

- Năm 2016 ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump tranh cử, thắng ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton. Mặc dù Hillary Clinton hơn Donald Trump gần 3 triệu phiếu phổ thông (2,868,686 phiếu) nhưng KHÔNG HỀ THAN KHÓC BẦU PHIẾU GIAN LẬN và sau khi có kết quả, người thua cũng không tranh cãi, không ghen tỵ, tân tổng thống lên nhậm chức, xã hội vẫn trật tự và bình an, không hề có, dù chỉ 1 vụ bạo động.

*** Cho đến năm 2020 ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump tái tranh cử với ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden. Mặc dù chưa đến ngày bầu cử, Donald Trump đã lớn tiếng bô lô ba la: SẼ KHÔNG CHẤP NHẬN THUA "vì ông ta biết trước là sẽ có gian lận" �� và những người cuồng ông ta cũng bô lô ba la y chang như thế.


Đã vậy, ông ta còn xúi dục những hội nhóm Da Trắng Cực Đoan, Da Trắng Kỳ Thị và những thành phần khủng bố nội địa, mang súng ống đến những nơi bầu cử để hăm dọa cử tri đi bỏ phiếu, trong số này còn có cả người Việt nữa mới kinh.

Đếm phiếu chưa xong, trong đêm 3 tháng 11 năm 2020, Donald Trump đã cố tình vội vàng lên TV bô lô ba la, hồ hởi phấn khởi, tuyên bố ĐÃ THẮNG, nhằm mụ mị những người cuồng ông ta và để gây mầm bệnh truyền nhiễm cho cái gọi là “Sì Tốp Đờ Sì Tiêu Xạo Láo” sau này.

Sau khi các cuộc kiểm phiếu gần như hoàn tất và thấy rằng Donald Trump không còn bất kỳ hi vọng gì để thắng cử, đài Fox News của đảng, tuyên bố Joe Biden thắng cử, mà không phải thắng ít, thắng hơn 7 triệu phiếu phổ thông (7,059,547 phiếu) vào ngày 5 tháng 11 năm 2020.

Chúng ta, người dân ở Mỹ và mọi người dân trên toàn thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử, đã chứng kiến cuộc bạo loạn 6 tháng 1, cái ngày mà DONALD TRUMP và BÈ LŨ NỔI LÊN CƯỚP CHÍNH QUYỀN, để rồi phải chịu thất bại nhục nhã, dẫn đến hơn 600 phiến quân phải ra tòa và cuộc điều tra của Hạ Viện đang diễn ra hiện nay.

Kết quả là, lần đầu tiên trong lịch sử ở Hoa Kỳ, ít là trong khoảng hơn một thế kỷ qua, chưa từng có một cuộc bầu cử nào, mà người bại trận, lại không chịu bàn giao chính quyền ngoại trừ Donald Trump. Và cũng chưa bao giờ có trong lịch sử của Hoa Kỳ, đương nhiệm tổng thống lại xúi bọn bạo loạn tấn công điện Capitol đòi treo cổ chính phó tổng thống của mình. Những câu reo hò sắt máu "hang Mike Pence - treo cổ Mike Pence" trong ngày 6 tháng 1 dường như vẫn còn vang vọng đâu đây ...

Chẳng những thế, suốt thời gian gần 1 năm qua, Donald Trump luôn MồM kêu gào “Gian Lận Bầu Cử” một cách nhục nhã và đê hèn như một đứa con nít thua games. Đã vậy, suốt thời gian gần 1 năm qua, Donald Trump và bè đảng CHƯA HỀ TÌM RA ĐƯỢC, DÙ CHỈ 1 PHIẾU GIAN LẬN ... của Joe Biden và đảng Dân Chủ ở bất cứ đâu và "ngay cả ở trong lòng những căn cứ của quân ta" �� .

Toàn thấy tung ra những thuyết âm mưu vô cùng ấu trĩ và hài nhảm như: tín hiệu xẹt từ phi thuyền của Trung Quốc ở trên trời vào các máy đếm phiếu, hoặc xẹt ra từ những bộ điều khiển khí hậu trong hội trường bầu phiếu, hoặc giấy bầu phiếu in bằng nguyên liệu tre gởi qua ngả Canada và Mexico, đến từ Trung Quốc và nhất là vẫn chưa tìm ra được 1 lỗi lầm nào từ hệ thống kiểm phiếu Dominion cả.

Vậy mà Donald Trump và bè đảng, nhất là những người nhắm mắt bịt tai ngây thơ Yêu Donald Trump một cách mù quáng, vẫn to MồM, vẫn trung kiên, một lòng một dạ sắt son tin vào ngài và vẫn bô lô ba la rằng có “Gian Lận Bầu Cử” mà không hề biết ngượng. Hơn 46 năm ở Mỹ, lần đầu tiên, những người trẻ của thế hệ thứ 2 và thứ 3 trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, được tận mắt chứng kiến cha ông họ, nhiễm phải một loại vi rút cực độc, không có vắc xin để chữa: Trump Vi Rút. Chỉ có,

NHẮM MẮT, BỊT TAI và MÙ QUÁNG mới không biết TẠI SAO.

*** Sống ở một đất nước được cho là “tân tiến và văn mình hàng đầu của thế giới”, vậy mà cứ bô lô ba la gian lận này kia nhưng lại không hề trưng ra được bất kỳ bằng chứng nào. Nên nhớ, có tổng cộng trên 150 triệu lá phiếu, ở 50 tiểu bang trên đất Mỹ, gian lận kiểu gì mà tài tình dữ vậy ta, tìm không ra 1 bằng chứng gian lận luôn mới ghê.
Ở cái thời đại mà Trung Quốc cũng đã cho người lên mặt trăng đi dạo mấy vòng rồi về, vậy mà những người Yêu Trump cũng vẫn “Sì Tốp Đờ Sì Tiêu”, vẫn ứng xử bằng mồm như “thời bao cấp còn ở Việt Nam” vậy. Và hễ đề cập đến thì “tài liệu đã bị thế lực ngầm xóa”, “chứng cớ đã bị lấy mất hoặc thủ tiêu”, nghe sao giống như đang ở với Việt Cộng không bằng.

Để qua nói nghe nè: Sau hơn 7 tháng kiểm có hơn 2 triệu lá phiếu bầu ở quận Maricopa, Arizona, đám tay trong của Donald Trump và đảng Cộng Hèn, chỉ tìm ra được thêm hơn 300 phiếu nữa, nhưng mà là phiếu bầu cho Joe Biden “để lộn qua cho Donald Trump” thôi nha mấy má.
Viết nhân dịp chuẩn bị cho ngày giỗ 1 năm của cái linh hồn chưa được siêu thoát ... ��

Pham Thanh Giao
hoanghoa
Posts: 2260
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by hoanghoa »

Thanh trừng nội bộ đảng Cộng…

Phạm Thanh Giao

15-11-2021
Đến nay, chẳng còn nghi ngờ gì nữa về việc đảng thanh trừng nội bộ trong phương sách còn đảng còn mình theo cương lĩnh của đảng Cộng sản Quốc tế. Tuy nhiên, điều này, xưa giờ, chúng ta chỉ thấy có ở đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam mà thôi, nhưng ngày nay, đảng “Cộng Hòa Biến Thái” ở Hoa Kỳ dưới thời và sau thời Donald Trump đã và đang áp dụng triệt để.

Chỉ trong 4 năm, Donald Trump đã khéo léo tạo lập vây cánh, kêu gọi sự ủng hộ của những phần tử lãnh đạo kém đức, kém tài, một lòng trung thành tuyệt đối với ông ta và với đảng “Cộng Hòa Biến Thái”, Đảng Trump của ngày hôm nay. Một là chọn việc tận trung, phục vụ đảng Trump bằng mọi giá, hai là phải từ bỏ đảng, bằng không sẽ bị khai trừ và thanh trừng.

Chúng ta, người dân ở Mỹ cũng như người dân ở trên khắp thế giới, đã được tận mắt chứng kiến sự kiện không cúc cung phục vụ đảng thì sẽ bị thanh trừng kiểu này qua suốt 4 năm, từ năm 2017-2020 và vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay, một năm sau khi Donald Trump bị mất chức. Chẳng những thế, nó còn được phổ biến rộng rãi và trắng trợn từ địa phương lên đến … trung ương.

Gần đây, sự kiện đáng báo động hơn cả là việc 13 lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu thuận cho dự luật Infrastructure Bill đang bị tấn công dữ dội từ chính những đồng nghiệp lãnh đạo của họ. Họ bị cáo buộc và lên án là những kẻ phản bội. Phản bội ở đây, là phản bội lại chính sách của đảng và chính sách phá hoại của Donald Trump, trùm mền núp ở phía sau thúc đẩy.

Infrastructure Bill là một dự án xây dựng và củng cố lại hạ tầng cơ sở của Hoa Kỳ và ở ngay trên chính đất nước này mà bất kỳ người dân Mỹ, cho dù có theo đảng nào đi chăng nữa, thì vẫn được hưởng. Sự chấp thuận cái Infrastructure Bill này, được những đảng viên Cộng hòa “Còn Đảng Còn Mình” và Donald Trump sử dụng như một lá bài chính trị để thử thách lòng trung thành tuyệt đối với Donald Trump, không hơn không kém.

Dân biểu Fred Upton (Cộng hòa – Michigan) đã nhận được lời đe dọa “xử chết” vì lá phiếu “đồng ý – yes” của mình. Các đảng viên trung thành “Còn Đảng Còn Mình” thuộc đảng Cộng hòa ở Quốc hội đang bàn về việc tước bỏ nhiệm vụ ủy ban của 13 lãnh đạo Hạ viện ủng hộ đạo luật này hoặc ít ra cũng tạo ra những khó khăn và thách thức trong kỳ bầu cử sơ bộ sắp tới nhằm triệt hạ họ.

Một số lãnh đạo hung hăng hơn, thậm chí còn đề thay thế Chủ tịch Nhóm Thiểu số tại Hạ Viện của đảng Cộng Hòa, Kevin McCarthy (Cộng hòa – California) vì đã để “sự kiện” này xảy ra, có lợi cho đảng Dân chủ và tổng thống Joe Biden trên mặt trận chính trị.

Donald Trump còn đi xa hơn một bước, tấn công Chủ tịch Nhóm Thiểu số ở Thượng viện của đảng Cộng hòa, Mitch McConnell vì “tội thông đồng” với đảng Dân chủ trong việc thông qua dự luật này.

Đây không phải là một cuộc tấn công DỰA TRÊN NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC, lấy tôn chỉ lợi ích cho dân chúng làm đầu của những nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa, vào một dự án vô bổ, phí phạm tiền thuế của dân do đảng Dân chủ đề ra. Thế nhưng, cuộc tấn công này, cũng như việc sử dụng đại dịch COVID-19 và vaccines, được họ dùng như một trò chơi trong việc khuynh đảo chính trị, bất kể thiệt hại đến cho người dân và đất nước ra sao.

Những nhà lãnh đạo của đảng “Cộng Hòa Biến Thái” này, dưới sự “chỉ đạo” của Donald Trump, tấn công vào bất kỳ dự án nào mà đảng và tổng thống Dân chủ đề ra, với một mục đích duy nhất:

PHỤC VỤ ĐẢNG TRUMP BẰNG MỌI GIÁ qua PHƯƠNG SÁCH CÒN ĐẢNG CÒN MÌNH, rút ra từ kim chỉ nam của đảng Cộng Sản Quốc Tế, không hơn không kém.

_____
Image

Image

Ảnh chụp màn hình hai bài báo nói về sự đe dọa trả thù và dọa giết chết những người Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật Cơ sở Hạ tầng.
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by TranAnhDung »

Có phải ông Thưởng đang ám chỉ về phương thức… ‘xử lý’ Tô Lâm?
Blog VOA

Trân Văn

Hôm qua (23/11/2021) khi gặp gỡ đại diện dân chúng Đà Nẵng trong vai đại biểu của họ tại Quốc hội khóa 15, ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trường trực Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN – bảo rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đang… “hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng”.

Ông Thưởng nói ngoa như thế sau khi một số cử tri tại Đà Nẵng bất bình về thực trạng tham nhũng và hiệu quả phòng – chống tham nhũng: Lửa vẫn cháy, lò vẫn nóng nhưng củi ướt, khói nhiều, sức nóng không đủ để củi cháy hết. Luật phòng chống tham nhũng không đủ chế tài, sức răn đe nên hạn chế kết quả. Phòng – chống nhưng tham nhũng vẫn trầm trọng, chẳng hạn phải xử lý một… tiểu đội… tướng lĩnh của Cảnh sát biển…

Giống như nhiều viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, ông Thưởng tiếp tục nhấn mạnh: Phòng – chống tiêu cực, tham nhũng là vấn đề đảng rất quan tâm bởi đó là chuyện có tính sống còn với vận mệnh của đảng, nhà nước và chế độ! Để chứng minh, ông dẫn chứng đảng của ông… đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ vừa được bầu vào BCH TƯ đảng khóa này, nhiều tướng lĩnh cao cấp…

Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: Những quy định sau Đại hội 13 của đảng CSVN đã đổi mới, rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao. Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ (1)...

***

Từ thực tế như đã biết và đang thấy, rõ ràng ông Thưởng thiếu kiến thức và thiếu suy nghĩ. Ủy viên Bộ Chính trị mà không biết đối tượng nào chọn “nhiều cán bộ vừa được bầu vào BCH TƯ đảng khóa này” để sau đó phải… “xử lý nghiêm” vì từng đục khoét của công! Thường trực Ban Bí thư mà không rõ đối tượng nào phong tướng cho những sĩ quan biến chất, đối tượng nào từng mặc kệ những viên tướng đó khi chúng câu kết nhũng lạm?

Vì sao… “đã đổi mới, rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao” mà lại như thế? Thực tế đã như thế lại còn khẳng định như thế thì bao nhiêu người tin? Đến giờ, ông Thưởng vẫn không nhận ra tiếp tục nói ngoa như thế vừa hủy hoại uy tín cá nhân, vừa khiến thiên hạ thêm chán ngán bởi ông và đảng của ông đã gian lại còn dại, mãi luẩn quẩn, loanh quanh với thói nói lấy được!

Giống như các đồng chí của ông, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tiếp tục quảng bá… nghiêm minh. Trong lịch sử nhân loại, có thời nào, ở xứ nào mà… nghiêm minh là… “khuyến khích… cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút… từ chức”, nếu không thì… “tổ chức đảng và cơ quan tạo ra áp lực chính trị để cán bộ từ chức chứ không chờ hết nhiệm kỳ”? Còn gì khôi hài hơn thế?

Hay là ông Thưởng nói xa, nói gần về trường hợp ông Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an – điển hình cao nhất, mới nhất về việc… “có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút”? 17 thành viên còn lại của Bộ Chính trị đang… tạo ra áp lực chính trị để ông Tô Lâm… “từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ”? Nếu điều đó đúng thì cũng không thể xếp loại… áp lực chính này vào diện… nghiêm minh!

***

Trong vài năm gần đây, sau khi nghe thiên hạ kháo với nhau về phương thức phòng – chống tham nhũng của Singapore khiến các viên chức của họ “không dám, không thể, không cần, không muốn” tham nhũng, các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bắt đầu bi bô về “bốn không” như sáng kiến riêng của đảng CSVN quang vinh!

Singapore phòng – chống tham nhũng có hiệu quả vì phương thức quản trị – điều hành tại đó buộc các viên chức của họ nhận thức, tham nhũng đồng nghĩa với mất lớn hơn được. Thậm chí nếu vẫn muốn, các viên chức ở Singapore cũng không thể tham nhũng vì việc kiểm soát tài sản, thu nhập của họ được thực hiện rất chặt chẽ. Tham nhũng ở Singapore đồng nghĩa đối diện với đủ thứ phiền toái, chưa kể thiệt đơn, thiệt kép…

Cho dù đã nói ngoa và nói điêu từ lâu, nói ngoa nhiều lần về “bốn không” nhưng các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đều giống như ông Thưởng, chỉ cho biết đang… “hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng”! Tự thân hai từ… “hướng tới” có lẽ là đủ để xác định sự trâng tráo của những kẻ lập ngôn ở mức nào.

Chú thích

(*) https://tuoitre.vn/lam-sao-de-can-bo-kh ... 221495.htm
TranAnhDung
Posts: 288
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by TranAnhDung »

Biến thể Omicron gây kinh động toàn cầu
Mỹ Anh
28 tháng 11, 2021

Image
Biến thể coronavirus mới, Omicron, lại gây hỗn loạn toàn cầu những ngày cuối năm (ảnh: Pixabay)
Hôm nay 28 Tháng Mười Một 2021, chính phủ Israel đã ban lệnh cấm tất cả công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này và khôi phục chương trình giám sát nghiêm ngặt để theo dõi diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Úc, Áo, Anh, Đức, Bỉ, và Ý cho biết, họ đã ghi nhận những trường hợp dương tính đầu tiên liên quan Omicron. Cũng hôm nay, các cơ quan y tế Hà Lan cho biết họ đã xác nhận 13 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong số 61 trường hợp xét nghiệm dương tính với Covid-19 từ các hành khách trên hai chuyến bay đến Hà Lan từ Nam Phi hôm Thứ Sáu. Tại Mỹ, Thống đốc New York đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chuẩn bị cho đợt tăng Covid-19 có thể xảy ra từ biến thể Omicron.

Sự xuất hiện Omicron tiếp tục đặt ra câu hỏi về việc liệu một biến thể mới dễ lây lan có làm trầm trọng thêm làn sóng Covid-19 vào mùa Đông, khiến giới hoạch định chính sách lại phải lựa chọn khó khăn về chính trị lẫn xã hội. Gần hai năm sau khi Covid-19 bùng phát lần đầu tiên được xác nhận ở Trung Quốc, sự lây lan nhanh chóng biến thể Omicron ở Nam châu Phi cho thấy cơn ác mộng COVID-19 không hề biến mất. Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố một báo cáo nói rằng nước này có thể đối mặt hơn 630,000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày nếu họ bỏ các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt.

Nhiều quốc gia lại nhốn nháo “đóng cửa”, đặc biệt hạn chế hoặc cấm du lịch từ các quốc gia Nam châu Phi, đặc biệt Nam Phi – trong đó có New Zealand, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Maldives, Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; cùng với Brazil, Canada, EU, Iran và Hoa Kỳ. Chính phủ Nam Phi đã phản ứng giận dữ trước các lệnh cấm nhập cảnh từ nước họ. Vương quốc Anh hôm Thứ Bảy 27 Tháng Mười Một đã thắt chặt các quy định về đeo khẩu trang và kiểm tra kỹ hơn du khách nước ngoài, sau khi phát hiện hai trường hợp Omicron. Tây Ban Nha tuyên bố, từ ngày 1 Tháng Mười Hai, họ không nhận những du khách Anh chưa được tiêm phòng. Ý đang xem xét danh sách hành khách hàng không đã đến trong hai tuần qua sau khi một doanh nhân trở về từ Mozambique và hạ cánh xuống Rome vào ngày 11 Tháng Mười Một được xét nghiệm dương tính với Omicron.

Việc tiêm phòng vaccine chẳng hiệu quả tí ti nào đối với Omicron sao? Có hiệu quả nhưng chưa đủ mạnh và chưa “bắt kịp” mức độ và tốc độ của các dòng biến thể. Một cách chính xác, vẫn chưa biết liệu ba loại vaccine hiện sử dụng ở Mỹ có hiệu quả trong chống lại Omicron hay không.

Các nhà sản xuất vaccine nói rằng họ đang ráo riết nghiên cứu để xem tác động của Omicron đối với vaccine của họ ra sao. Pfizer và BioNTech nói với Reuters rằng họ hy vọng thu thập thêm dữ liệu về biến thể Omicron trong vòng hai tuần. Thông tin đó sẽ giúp xác định xem họ có cần điều chỉnh công thức vaccine hiện tại hay không. Pfizer và BioNTech nói thêm rằng, một loại vaccine được điều chỉnh cho biến thể Omicron, nếu cần, có thể sẵn sàng xuất xưởng sau khoảng 100 ngày.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho WHO là vào ngày 24 Tháng Mười Một, WHO cho biết. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể này làm tăng nguy cơ tái nhiễm do số lượng lớn các đột biến.

Tại Mỹ, dữ liệu mới nhất từ ​​CDC cho thấy hơn 196 triệu người Mỹ, tương đương 59% dân số, đã được tiêm đầy đủ; và gần 37.5 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường. Ngay thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn đang phải chứng kiến sự gia tăng của biến thể Delta – một biến thể mà CDC nói là dễ lây lan như bệnh thủy đậu. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong hàng ngày trung bình tại Mỹ hiện là hơn 1,000 người và số ca nhập viện ở 16 tiểu bang đã tăng hơn 50% trong tuần qua so với tuần trước. Hôm nay, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health-NIH), tiến sĩ Francis Collins, nhấn mạnh rằng sự xuất hiện Omicron khiến nước Mỹ “phải tăng gấp đôi” nỗ lực tiêm chủng và cần phải hành động ngay để tránh “một tình huống khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.

ĐỌC THÊM:

Cảnh báo Omicron sắp ‘xuất hiện’, New York ban bố tình trạng thảm họa khẩn cấp

Những điều cần biết về biến thể mới Omicron
dailien
Posts: 2458
Joined: Sun Jun 03, 2007 3:37 am
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by dailien »

Từ “Luận cương” đến “Bò dát vàng”,
con đường máu của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trần Trung Đạo
4-12-2021
Ngày 24 tháng 9 năm 2017, ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ CSVN tại Thái Lan phổ biến một “thư kiến nghị” mà ông gọi là “kiến nghị tâm huyết” gởi trung ương đảng CSVN.

“Tâm huyết” vì trong “kiến nghị” khá dài đó ông đã trình bày một cách chi tiết các lý do lịch sử, các yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng đất nước đầy dẫy những thất bại và kết luận bằng những điểm cần phải làm ngay.

Trong khoa học xã hội, có hai phương pháp để trình bày ra một luận cứ. Phương pháp thứ nhất nhằm chứng minh mình đúng và mọi quan điểm khác sai, và phương pháp thứ hai nhằm phân tích tình trạng bế tắc trước khi đưa ra một giải pháp dung hòa. Ông Nguyễn Trung chọn phương pháp thứ hai khi viết “thư kiến nghị”.

Thất bại lớn nhất của đảng theo ông Nguyễn Trung là thất bại “của 42 năm đầu tiên độc lập thống nhất đất nước phải hứng chịu về nhiều mặt chính là thất bại của việc lấy chủ nghĩa chà đạp trí tuệ và các giá trị của tự do – dân chủ – quyền con người, là do người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng phải hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc, là thất bại của xây dựng chủ nghĩa xã hội – với kết quả gặt hái được là để mọc lên trên đất nước ta hôm nay một chế độ toàn trị khắc nghiệt, nhưng đối với bên ngoài độc lập 42 năm mà vẫn chưa độc lập! “

Kết luận, ông cựu đại sứ đề nghị thẳng cho Nguyễn Phú Trọng, “với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng” chuyển đổi đảng CSVN thành “đảng của dân tộc”.

Trước hết người viết công nhận ông Nguyễn Trung đã dành hết tâm huyết để viết bản kiến nghị dài. Độc giả có thể đọc “thư kiến nghị” của ông bằng cách google tựa đề “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới.“

Trước khi bàn đến chuyện đúng hay sai, phải thừa nhận ông Nguyễn Trung, 82 tuổi khi viết “thư kiến nghị”, là một người đáng kính trọng. Trong lúc hàng vạn “tiến sĩ”, “trí thức”, “giáo sư”, “nhà văn”, “nhà thơ”, “nhà báo” nằm im như hến trong rổ của mấy bà ngoài chợ, ông Trung đã cất lên tiếng nói bằng tâm huyết của một người ưu tư đến vận nước.

Rất tiếc ông Trung sai về cả lý luận lẫn thực tế.

Về lý luận, sự ra đời của các nhà nước CS trên thế giới không phải là kết quả của một tiến trình chuyển hóa xã hội theo lý luận “năm hình thái sản xuất”.

Theo Mác, cách mạng bùng nổ do các mâu thuẫn đối kháng trong xã hội không còn có thể khoan nhượng mà chỉ còn cách triệt tiêu nhau. Friedrich Engels gọi đó là “quy luật lượng chất” trong triết học duy vật lịch sử. Tuy nhiên, chưa có một nhà nước CS nào, kể cả Nga, ra đời như kết quả của cách mạng vô sản trong đó giai cấp vô sản tiên tiến chiếm số đông và một nền kinh tế tư sản phát triển đạt đến một mức xã hội hóa cao chín muồi cho cách mạng vô sản.

Chính bản thân ông tổ của chủ nghĩa Lenin, một tháng trước “Cách Mạng Tháng Mười” còn chưa biết “cách mạng” sẽ bùng nổ tại Nga. Milovan Djilas viết trong Giai Cấp Mới trích dẫn từ Lenin Toàn Tập, Lenin nói như trối trước các đảng viên đảng Xã Hội Thụy Sĩ vào tháng Giêng, 1917 như sau: “Những người già cả như tôi sẽ không được nhìn thấy những trận chiến quyết định của cuộc cách mạng tương lai”.

Nhưng sự thất bại của Nga Hoàng trong Thế Chiến Thứ Nhất, khủng hoảng chính trị sau “Cách Mạng Tháng Hai” dựng nên “chính phủ lâm thời” do Aleksandr Kerenskii lãnh đạo, đã giúp Lenin nhiều cơ hội và ông ta chụp lấy cơ hội một cách nhanh chóng để làm nên “Cách Mạng Tháng Mười” theo lịch Julian tức tháng 11, 1917 Dương Lịch.

Như vậy có thể nói, sự thành công của “Cách Mạng Tháng Mười” là kết quả của cơ hội chủ nghĩa, bộ máy tuyên truyền tinh vi và chính sách khủng bố không nhân tính theo sau.

Về mặt thực tế, chưa có một đảng CS nào tự nguyện thay tên đổi họ thành “đảng dân tộc” một cách hòa bình để “cùng với nhân dân mở ra trang sử mới đổi đời này của đất nước” như ông Nguyễn Trung mong muốn.

CS Đông Đức sụp theo “Bức tường Berlin”, CS Ba Lan sụp nhờ cuộc đấu tranh bền bĩ của Công Đoàn Đoàn Kết, CS ba nước vùng Baltic sụp do phong trào độc lập “thoát Liên Xô”, CS Tiệp sụp nhờ Cách Mạng Nhung, CS Hungary, CS Bulgary và CS Albany sụp vì sức đẩy của phe đối lập mạnh hơn khả năng bám vào quyền lực của đảng CS, CS Romania sụp sau cái chết của vợ chồng Nicolae Ceaușescu, CS Mông Cổ sụp do các cuộc biểu tình của các bạn trẻ trong phong trào dân chủ, CS Ethiopia sụp sau khi nhà độc tài Haile Mariam Mengistu bị lực lượng của Mặt Trận Dân Chủ Ethiopia đánh bại và phải bỏ trốn khỏi thủ đô Addis Ababa.

Tóm lại, các chế độ CS chỉ có thể bị lật đổ bằng cách này hay cách khác chứ chưa có một lãnh đạo CS nào tự nguyên bước xuống khi họ đang trong thế mạnh.

Ngay cả Mikhail Gorbachev, một lãnh đạo có đầu óc tiến bộ được cả thế giới ca ngợi nhưng khi còn là tổng bí thư CS Liên Xô cũng tìm nhiều cách để bảo vệ Liên Xô chứ không nghĩ đến việc từ chức sớm, thay đổi tên đảng hay giải tán đảng CS để thành lập một đảng khác. Ông ta chỉ từ chức khi Liên Xô, một liên bang rộng nhất thế giới đã không còn một tấc đất cắm dùi. Ngay cả căn phòng, chiếc bàn, cái ghế nơi ông ngồi tuyên bố từ chức hôm đó cũng đã thuộc vào Cộng Hòa Nga.

Trong buổi phỏng vấn dành cho ký giả Jonathan Steele của báo The Guardian nhân dịp đánh dấu 20 năm sụp đổ của Liên Xô, khi được hỏi điều gì đã làm ông hối tiếc nhất Gorbachev trả lời lẽ ra ông nên rời bỏ đảng CS sớm hơn.

Cũng theo báo The Guardian “Gorbachev nói, lẽ ra ông nên từ chức vào tháng 4 năm 1991 và thành lập một đảng dân chủ cải cách.”
Sau hai mươi năm suy nghĩ Gorbachev mới biết chọn lựa ông đã nên làm. Trong hồi ký xuất bản năm 1996, Gorbachev không viết về điểm này.

Một lãnh đạo tiến bộ và có tầm nhìn rộng như Gorbachev đã không nghĩ ra lúc đó. Lý do là quyền lực. Con sâu quyền lực đục vào tận xương tủy của các lãnh đạo CS dù người đó là ai. Gorbachev chỉ là con người và hơn ai hết ông biết có quyền lực là có tất cả. Trong thời điểm Liên Xô đang dầu sôi lửa bỏng mà Gorbachev vẫn dắt gia đình đi nghỉ mát để rồi sự nghiệp suýt tan thành mây khói nếu không có Boris Yeltsin cứu vãn. Sau này ông cũng hối hận về chuyến đi nghỉ mát này.

Trong các đảng CS trên toàn thế giới, đảng CSVN là đảng chịu đựng nhiều thiệt hại nhất để chiếm được quyền lực trên phạm vi cả nước Việt Nam ngày 30 tháng 4, 1975.

Con đường của đảng CSVN bắt đầu từ luận cương của Lenin và luận cương Trần Phú cho đến thời kỳ hưởng thụ như Tô Lâm và giới CS cai trị tại Việt Nam đang làm đã được tưới bằng máu không chỉ của các thế hệ đảng viên CS mà cả máu của nhiều triệu người Việt do bùa mê “chống Mỹ cứu nước” gây ra.

Dù trải qua con đường máu rất dài, từ 1975 giang sơn Việt Nam này đã thuộc vào đảng và dân tộc Việt Nam này đã thuộc vào quyền sinh sát của đảng.

Ngày nay, các thế hệ lãnh đạo CSVN đang sống trong thời kỳ hưởng thụ. Những người như Tô Lâm, 18 tuổi vào năm 1975 và có cha là “anh hùng các lực lượng võ trang nhân dân”, thừa hưởng gia sản của các lớp CS đi trước.

Các lãnh đạo CSVN ngày nay chẳng quan tâm và chưa chắc đã biết gì nhiều về những vấn đề thuộc phạm vi ý thức hệ. Với họ Mác, Lenin, Mao, Hồ đều chết hết chỉ những ông chủ, bà chủ ngân hàng là còn sống.

Trách nhiệm của ban tuyên giáo là để tẩy não các em nhỏ như hoa hậu Đỗ Thị Hà chứ không phải họ. Họ có thể đọc, có thể xem bất cứ sách vở, nguồn tin, báo chí, phim ảnh nào họ muốn. Vợ con họ đi Mỹ, đi Pháp như đi chợ và mua sắm tại những tiệm đắt giá nhất thế giới.

Việc đặt vòng hoa trên mộ Mác của Tô Lâm chỉ là đóng kịch. Cách ăn uống tối hôm sau mới là đời sống thật của giai cấp chủ nô đỏ tại Việt Nam. Do đó, nói chuyện “buông đao thành Phật” với họ chẳng khác chi “nước đổ đầu vịt”.

Một thành phần không nhỏ trong 97 triệu dân Việt ngày nay là nô lệ sống nhờ sự bố thí của đảng. Thời nô lệ ở Mỹ có “Luật Đen” (Black Codes), thời CSVN có “Luật Hình Sự”. Cả hai đều do giới cai trị đặt ra để trừng phạt những người bị trị.

Nhìn cảnh hàng trăm ngàn người Việt thất tha thất thểu trên đường tay ẵm em bé mới sinh còn đau lòng hơn nhìn những bức ảnh của người nô lệ da đen ở Mỹ 400 năm trước đây. Người nô lệ ở Mỹ mất quê hương và người Việt cũng thế, khác chăng người Việt mất quê hương ngay trên chính quê hương mình.

Trong mùa dịch, trên thế giới có hàng trăm chính khách, nghị sĩ, bộ trưởng, thứ trưởng bị mất chức, bị phê bình hay phải từ chức chỉ vì mắc phải những lỗi lầm rất nhẹ như dắt con cái đi tắm biển vào ngày các con được nghỉ học. Việt Nam thì khác. Tô Lâm ăn “thịt bò dát vàng” với hóa đơn lên đến hàng chục ngàn bảng Anh xong về lại Việt Nam tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra.

Càng mỉa mai hơn vài hôm sau chính Tô Lâm lại đăng đàn hô hào chống tham nhũng. Một người có thể tự chửi mình một cách công khai như thế chỉ có ở Việt Nam.

Sở dĩ Tô Lâm nói không ngượng miệng bởi vì đám “cán bộ chống tham nhũng” ngồi nghe bên dưới cũng đều là những diễn viên trong các vai phụ trên sấu khấu chính trị đầy chất bi hài, băng hoại và thối nát của Việt Nam thời CS.

Cung đình của tổng bí thư gốc thợ rừng Nông Đức Mạnh, biệt thự của tổng bí thư gốc nông dân Lê Khả Phiêu, khu mộ 55 ngàn mét vuông của Trần Đại Quang là những điều dễ thấy, dễ chứng minh cho tội ác của đảng CS. Rất nhiều thứ khác như bất động sản giấu tên hay những con số trong ngân hàng ở ngoại quốc chỉ có thể được công khai hóa sau khi chế độ cáo chung.

Dù sao người viết cũng cám ơn ông Tô Lâm đã xát muối vào vết thương của những người Việt còn chút lương tâm, còn biết đau cho số phận của đồng bào bất hạnh, còn quan tâm đến tương lai dân tộc để hy vọng từ đó họ sẽ có một thái độ dứt khoát, một hướng đi phù hợp với thời đại và nhất là đừng kỳ vọng gì vào sự thay đổi của đảng CSVN.
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Bình Luận , Quan Điểm

Post by caubennoc »

Trump ngưỡng mộ Obama là người ‘thông minh và sắc sảo’, sau nhiều năm chỉ trích và xúc phạm
December 12, 2021

Image
Photo Credit: Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images

Donald Trump bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Barack Obama tại một sự kiện vào tối thứ Bảy, sau nhiều năm chỉ trích và xúc phạm ông.

Trump đã đưa ra nhận xét với Bill O’Reilly vào đêm đầu tiên của Chuyến tham quan lịch sử bốn ngày của họ ở Sunrise, Florida.

“Tôi thích ông ấy,” Trump nói về cựu Tổng thống Obama, theo The Sun Sentinel , bất chấp đám đông la ó tên Obama.

Trump nói thêm rằng Obama là “thông minh và sắc sảo”, tờ báo viết.

Mặc dù được khen ngợi về người tiền nhiệm của mình, ông cũng chỉ trích các đường lối của ông và đổ lỗi cho ông đã gây ra “sự chia rẽ to lớn” và hận thù trong nước, theo tờ báo.

Ông nói thêm rằng, Obama đang bí mật điều hành đất nước thay cho Biden, theo tờ báo.

Những bình luận của Trump được đưa ra sau nhiều năm bất hòa giữa hai người.

Khi vẫn còn là một doanh nhân, Donald Trump đã dành nhiều năm để quảng bá một thuyết âm mưu vô căn cứ rằng Obama không sinh ra ở Hoa Kỳ, và do đó không đủ điều kiện để trở thành tổng thống.

Trump tiếp tục công kích Obama sau khi chuyển sang chính trị, tuyên bố rằng ông là “người sáng lập ISIS” , và “một trong những tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.”

Bất chấp mối quan hệ gây tranh cãi của họ, Obama đã viết cho Trump một bức thư Ngày nhậm chức vào năm 2017 và để nó trong ngăn bàn trong Phòng Bầu dục, và Trump nói rằng nó “rất đẹp”.

TH
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests