Đời sống quanh ta

phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by phidao »

‘Tôi không chích ngừa, thì sao?’: 99% bệnh nhân nằm phòng cấp cứu
August 5, 2021

Đoan Trang/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – “Nếu tôi không chích ngừa thì sao?,” Bác Sĩ Tiffani Jenae Johnson, thuộc Bệnh Viện Nhi UC Davis Health Children’s Hospital, đặt câu hỏi. Nhưng đó không phải là câu hỏi của bà, mà là của rất nhiều người chưa muốn đi chích ngừa.
Image
Các chuyên gia y tế đều khẳng định vaccine COVID-19 là an toàn và hiệu quả. (Hình minh họa: Jakayla Toney/Unsplash)

Bác Sĩ Johnson tiết lộ trong cuộc họp do tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (Ethnic Media Sevices – EMS) tổ chức trực tuyến hôm 30 Tháng Bảy, rằng những phát hiện mới về biến thể Delta, cho thấy vaccine bảo vệ tới 90% ngay cả khi đó là biến thể Delta.

Cuộc họp có gần 90 người tham dự, tập trung về các vấn đề liên quan đến hiệu quả của vaccine COVID-19, tiến độ chích vaccine khi đại dịch đang tái hoành hành với sự càn quét của biến thể Delta; và làm thế nào để tăng tốc độ chích ngừa.

Mặc dù Bác Sĩ Johnson cho rằng nếu bị nhiễm biến thể Delta dù đã được chích ngừa, những người này vẫn lây truyền virus cho những người chưa chích. Tuy nhiên, bà khẳng định: “Chích ngừa là để bảo vệ cho chính mình và cho những người thân yêu của mình.”

Bác Sĩ Tiffani Jenae Johnson hỏi tiếp: “Bạn cứ hay nói ‘Hey baby, I love you’ (Cưng à, anh yêu em lắm!), nhưng bạn có muốn chứng kiến người thân của mình bị ho, bị sốt, bị đau không?”

Trong khi đó, Giáo Sư, Bác Sĩ Monica Gandhi, thuộc UC San Francisco’s School of Medicine, khẳng đinh ngay từ đầu phiên họp, rằng vaccine là rất quan trọng trong việc đẩy lùi bệnh dịch nguy hiểm chết người này.

“Vaccine rất hiệu quả,” Giáo Sư Gandhi nói. “Hiện nay tỷ lệ chích ngừa trên toàn quốc vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Biến thể Delta lại rất kinh khủng, nó đang lây truyền rất nhanh những nơi có nhiều người còn lưỡng lự chưa chịu đi chích ngừa. Thực tế rất rõ ràng với tỷ lệ nghịch, là nơi nào có tỷ lệ chích ngừa thấp thì có nhiều người nhiễm bệnh.”

Bác Sĩ Gandhi cũng nêu “đích danh” một số tiểu bang đang gia tăng các ca nhiễm mới như Arkansas, Florida, Louisiana, Missouri và Nevada. Tuy vậy, số người đi chích ngừa ở những tiểu bang này đang “nhích” lên trong những ngày qua.

Câu hỏi xuất hiện trong “phòng chat” của cuộc họp: “Bác Sĩ Gandhi, bà nghĩ sao khi chỉ trong một ngày, ở Massachusetts có tới 6,373 người đã chích ngừa đầy đủ mà vẫn bị nhiễm COVID-19? Chích ngừa bị tác dụng phụ, đó là lý do nhiều người còn lưỡng lự.”

Bác Sĩ Gandhi cho rằng vaccine có khả năng chống lại biến thể Delta, nên dù thế nào, có vaccine vẫn tốt, vì nếu không, tình hình có thể còn tồi tệ hơn.

Không khí giãn hơn khi có người nhắc tới chính sách “cà rốt” của Tổng Thống Joe Biden, là ai đi chích ngừa được thưởng $100. “Xin đừng chờ đợi nữa, mà hãy mau đi chích ngừa,” Bác Sĩ Gandhi nói.

Các diễn giả tại cuộc họp (từ trái sang, từ trên xuống): Giáo Sư, Bác Sĩ Monica Gandhi, Bác Sĩ Tiffani Jenae Johnson, Tiến Sĩ Benjamin Neuman, Giáo Sư, Bác Sĩ Dali Fan. (Hình: Chụp qua màn hình Zoom)

Diễn giả thứ ba, Tiến Sĩ Benjamin Neuman, trưởng nhóm virus học, tổ hợp Nghiên Cứu Sức Khỏe Toàn Cầu tại Texas A&M (The Global Health Research Complex at Texas A&M), trình bày các nghiên cứu về vaccine ở Anh, Israel, Canada, Scotland.

Tiến Sĩ Neuman đưa ra kết luận rằng những phát hiện của các nghiên cứu từ Anh và Israel xác định vaccine kém hiệu quả hơn trong việc chống lại sự lây lan của biến thể Delta.

“Mặc dù vậy vaccine vẫn có khả năng bảo vệ cao trước những kết quả xấu nhất,” Tiến Sĩ Neuman cho biết. “Nhưng dữ liệu mới có thể có ý nghĩa đối với khả năng miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ 80-90% người được chích ngừa là đạt ngưỡng để ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng. Có như vậy chúng ta mới kiểm soát được dịch bệnh.”

Bác Sĩ Dali Fan, giáo sư đại học University of California, Davis ở Sacramento, diễn giả cuối cùng của buổi họp. Ông khẳng định, 99% bệnh nhân phải nằm phòng cấp cứu trong những ngày qua đều chưa chích ngừa. “Nếu bạn chưa chích ngừa, hãy mau làm việc này,” Giáo Sư Fan nói.

Ông cũng nhắc lại kiến thức cơ bản, rằng vaccine không diệt virus, mà chỉ tạo ra hệ miễn dịch để kháng virus.

Một nhà báo nêu ra vấn đề được xem là nhức nhối: Hiện nay, với một bộ phận không nhỏ cư dân trên toàn quốc, vaccine vẫn là một câu hỏi lớn. Nhiều người lưỡng lự khi thấy vaccine gây tác dụng phụ, thậm chí có những người trong ngành y cho rằng vaccine không an toàn. Mới năm ngoái còn được gọi là “anh hùng” nhưng nay sẽ có nguy cơ bị sa thải nếu từ chối chích ngừa. Điều này sẽ gây hoang mang, nếu áp dụng chính sách “cây gậy” của Tổng Thống Biden, là phạt nặng người không chịu đi chích ngừa, kể cả người trong ngành y.
Image
Việc nghiên cứu về vaccine COVID-19 vẫn đang được thực hiện ở các quốc gia. (Hình minh họa: Steven Cornfield/Unsplash)

Giáo Sư Fan cho biết, tất nhiên vẫn còn cần thêm dữ liệu, nhưng điều không ai có thể phủ nhận là dịch bệnh đã được đẩy lùi khi có nhiều người được chích ngừa.

Cùng với các chính sách “cà rốt và cây gậy” của chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ chích ngừa để đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, các chuyên gia y tế nhắc đến chiếc khẩu trang.

Đeo khẩu trang sẽ tránh, ngăn cản virus lan truyền cho người khác, gồm cả những người thân yêu chưa được chích ngừa trong gia đình, hoặc bạn bè.

Mỹ là một trong những quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Chích ngừa và đeo khẩu trang là cách để bạn có thể giữ an toàn cho mình và người thân, trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này. [qd]
caubennoc
Posts: 535
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by caubennoc »

Sài Gòn hôm nay

Image
Đây là một bài viết của FB Nguyễn Văn Lân gây nhiều xúc cảm cho bạn đọc.

Vâng, mình đã hứa chiều nay giờ mình sẽ viết. Viết cho những gì chứng kiến trưa nay lúc 12h30 phút trên đoạn đường về nhà.

Cái tính mình tưng tửng, do đó cái tít bài cũng rất cà tửng nhưng thật ra đó là một buổi trưa quá buồn.

Gần hai chục năm kiếm ăn ở đất Saigon, chưa bao giờ mình chứng kiến không khí ảm đạm, thê lương như lúc này. Anh làm to "chết" theo kiểu anh làm to, anh làm nhỏ "chết" theo kiểu anh làm nhỏ. Khắp mọi nơi nhà nhà đóng cửa, hàng quán đóng cửa. Cả một quãng đường đi làm thường ngày mình phải mất 1h15' lái xe, nay chỉ cần thong thả 40 phút là đến nơi. Mật độ giao thông ở Saigon lúc này chỉ còn khoảng độ 5-10% so với ngày thường. Ơn trời, cái nghề gas tưởng như xa xôi, không duyên nợ nay lại là một trong những ngành nghề thiết yếu còn được phép ra đường. Ế, là một từ duy nhất cho các công ty gas lúc này dù vẫn còn thoi thóp so với các nghề khác. Ế nhưng dù sao vẫn kiếm được tí cháo, vẫn cố duy trì được hệ thống vận hành và nuôi được các nhân viên còn gắn bó với công ty. Ế, tất nhiên sẽ rảnh, rất rảnh là đằng khác. Các anh chị khoan hãy thả icon haha bởi mỗi người sẽ chọn lựa việc sẽ làm lúc mình rảnh.

Trưa nay đúng là rảnh thực sự. Sau khi điều phối cho các em giao hàng buổi chiều, mình lên xe về nhà. Ngang qua ngã tư Âu Cơ- Lạc Long Quân tự nhiên thấy một bạn "shipper" trong đồng phục trắng tinh. Phía sau là một cần xé nhựa chất 3 lớp hủ đựng cốt hỏa thiêu. Vội thoáng nghĩ, cha nội này giờ làm ăn phát tài nhỉ! Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trên mỗi hủ sành lại có dán một nhãn tem ghi họ tên. Thế là tò mò, thông chốt chạy theo. Em ấy bỗng chạy chậm lại, móc điện thoại gọi cho ai đó. Thì ra em ấy đang chở 27 hủ cốt đi giao cho các gia đình không may có người chết trong dịch bệnh Covid này. Mình rà xe lẽo đẽo bám sau. Trên một đoạn chưa đầy 2km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú mà em ấy đã giao hết một nửa. Phần lớn là dừng xe trước mỗi đầu hẻm nhỏ bị giăng dây cách ly phong tỏa. Rất thành thạo y như giao một món hàng bình thường. Em ấy dừng xe, móc điện thoại gọi ai đó, chờ, khoảng 3 phút sau là có người ra ký nhận vô cái biên bản in sẵn. Mình vẫn lẽo đẽo theo sau. Đến hẻm 42 Âu Cơ, hẻm cũng bị giăng dây. Mình đứng bên này đường quan sát. Trước hẻm chỉ có một vị cựu chiến binh mang hàm thượng tá trông coi. Thấy em "shipper" trao đổi gì đấy, vị cựu binh dạt ra xa lên hiên nhà. Em "shipper" hình như sau một hồi cố phân trần nhưng vị kia vẫn khoát tay lia lịa. Hơn 10 phút trôi qua, mình xuống xe băng ngang đường hỏi lý do. Thì ra vị cựu chiến binh cũng có lý khi hai hủ cốt không có người đủ trách nhiệm nhận bởi cả gia đình trong hẻm kia đều rất hoàn cảnh. Mình chợt xen vô đề nghị vị ấy gọi cho cảnh sát khu vực nhưng rất tiếc khi biết anh công an kia cũng đang là F1, bị cách ly rồi. Tội nghiệp anh "shipper" đang lo lắng vì trên xe còn đến hơn chục hủ, sợ không hoàn thành chỉ tiêu.

Bất chợt từ bên trong có thằng bé tầm 10-12 tuổi đi cùng một bà già tiến ra đầu hẻm. Bà già vội vắn tắt giới thiệu mà nghe rùng mình: Giờ nhà còn nó một mình ở đây thôi đó, đi cách ly hết rồi. Hôm trước hai hủ của ông bà nội nó mang về đã thờ tự được gì đău, vẫn để tạm trong nhà. Nay tui dẫn nó ra nhận thêm hai hủ này nữa, cha mẹ nó đó, chắc mang vô tạm rồi sau dịch tính tiếp. Vậy là bà hàng xóm ấy bất đắc dĩ phải thò bút ký nhận vì thằng bé không biết chữ. Mặt nó trông vô hồn khi hai tay xách hai hủ cốt như cách người ta bỏ trái dừa trong bao ni lông lẽo đẽo theo bà già quay trở vô. Mình quay qua hỏi vị cựu binh đang đứng xa trên hiên nhà: "Ủa, đ/c không ở địa bàn này à?". "Có đâu! Tui ở khu phố khác, hội cựu chiến binh phường mới điều tôi về canh hẻm này từ hôm qua, các vị canh giữ đây giờ đi cách ly hết rồi...", ông ấy trả lời một tràng như phân trần khi thấy mình đưa máy lên chụp hình.

Trời chợt đổ cơn giông, mình vội vàng giúp em "shipper" lấy tấm áo mưa che tạm cho mười mấy hủ cốt chưa giao kịp. Liếc vội vào những cái tem dán sẵn, đa số còn rất trẻ, địa chỉ Tân Phú, Tân Bình. Núp dưới hiên nhà hút thuốc chờ mưa tạnh, em "shipper" chợt hỏi: Anh làm nghề gì mà rảnh dữ vậy? Đưa số điện đây, mai mốt tui gọi đi theo chứng kiến nhiều câu chuyện buồn hơn lúc nãy nhiều!

Mình không trả lời, chỉ thầm nghĩ, ờ anh đang rất rảnh, rảnh lắm, rảnh để nhìn một Saigon đang rất ảm đạm, buồn thương hơn lúc nào hết đây em ạ.

. . .

Có ai nghĩ được rằng đưa cha mẹ, người thân vào bịnh viện để cấp cứu rồi một vài ngày sau nhận được một hũ cốt trả lại như vậy. Thật bi thương đau xót quá ��
thuytrieu
Posts: 90
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:09 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by thuytrieu »

Đảng ta ra sức trồng người, hay âm mưu trồng “ngợm”?
Hạ Trắng
6 tháng 8, 2021

Image
Vụ một phụ nữ ở Thái Bình bị hành hung man rợ đã gây bàng hoàng dư luận

Bằng tất cả sự khiêm tốn của một công dân nước CHXHCN Việt Nam, tôi cứ phải thẳng thắn thừa nhận như thế. Rằng sự nghiệp “trồng ngợm” của đảng ta từ thời mồ ma bác Hồ đến nay, đã đạt được những thành công tốt đẹp.

Giờ mà liệt kê thành tích suốt mấy chục năm theo chiều dài lịch sử, chắc cả ngàn cuốn sách cũng không hết. Gớm, riêng cái vụ “Cải cách ruộng đất” kể mãi đã hết đâu: Con tố cha, vợ tố chồng, mẹ chửi con, con giết mẹ… Người trong gia đình, làng xã buộc phải coi nhau là kẻ thù, phải giết người ta trước để giữ lại cơ hội sống cho mình. Những vụ chôn sống, những pha giết chóc dã man nhân danh “cách mạng” đã làm nên số phận bất hạnh, đau thương đến kỳ lạ của đất nước này. Kinh hoàng đến nỗi bốn chữ “Cải cách ruộng đất” sau sáu thập niên vẫn khiến người ta nổi da gà mỗi khi nhắc lại. Mà có nhắc, cũng phải vụng trộm, thì thầm khe khẽ kẻo mang vạ vào thân.

Để khỏi mất thì giờ liệt kê dài dòng, và bảo đảm tính thời sự, chỉ xin kể ra đây ba vụ việc tiêu biểu trong vô vàn thành tích biến người thành “ngợm” của đảng ta.


Ngày 27 Tháng Ba 2021, một vụ tra tấn kiểu Trung cổ và chôn sống người xảy ra ngay trên đất Nghệ An, quê hương “bác Hồ” vĩ đại. Một nhóm nam thanh niên đào hố chôn sống một thanh niên khác sau khi đã thi nhau đánh đập nạn nhân một cách tàn nhẫn. Hình ảnh từ video cho thấy nạn nhân bị lột quần áo, hai tay bị trói ra phía sau, đầu trùm một tấm vải trắng, quỳ dưới đất trong sự sợ hãi tột độ. Nạn nhân sau đó được xác định là N. Q. V, quê Hà Tĩnh trong khi đám hung thủ đều là dân Nghệ An.

Sau khi đánh đập N.Q.V, nhóm thanh niên này đào hố, đẩy nạn nhân xuống, vùi đất kín người, chỉ chừa lại phần đầu (vẫn đang bị phủ kín bằng tấm vải trắng) trước khi tha mạng cho nạn nhân. Cuộc hành hình được diễn ra trong sự reo hò, cổ vũ và được ghi lại bằng điện thoại do chính các hung thủ thực hiện. Công luận chỉ biết đến sự việc kinh hoàng này khi nhóm hung thủ tự tung clip lên mạng. Vì thế, công an Nghệ An mới hay tin để vào cuộc. Mười một tên đã bị bắt giữ để điều tra. Điều đáng chú ý khác là nhóm thanh niên này khai đã được chính mẹ của nạn nhân thuê, “để răn đe con trai đỡ chơi bời”. Tuy nhiên, mẹ nạn nhân phủ nhận cáo buộc trên.

Vụ việc khác xảy ra vào tối 22 Tháng Bảy tại Thái Bình. Ba cô gái là Thư, Hương và Hà đã hiệp sức, “đánh hội đồng” bạn mình là V.T.H.T. Nạn nhân bị lột quần áo, nhét giẻ vào miệng, đổ bột giặt, dội nước lên đầu và bị đánh liên tục vào mặt, vào đầu. Trong khi tra tấn, đám người này lên tục chửi bới nạn nhân. Báo Công an nhân dân đưa tin: “Trong lúc đánh V.T.H.T, Hà nhờ Lộc và Trần Ngọc Nhất (SN 2005, trú tại xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà) đang thuê phòng ở cạnh phòng trọ của Hà dùng điện thoại quay video. Sau khi đánh xong, cả nhóm rủ nhau đi chơi và khóa cửa để V.T.H.T ở lại trong phòng. Do sợ sẽ bị đánh tiếp nên V.T.H.T đã trèo qua ô cửa thông gió của phòng trọ trốn ra ngoài”.

Sự việc mới nhất diễn ra tại Nhật Bản hôm 2 Tháng Tám 2021. Lần này thì có án mạng (hẳn hoi). Một công dân Việt Nam bị sát hại ở khu vực trung tâm thương mại Namba thành phố Osaka. Ngày 5 Tháng Tám, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ Cruz Cabrera Brian Alberto, 26 tuổi, một người có quốc tịch Cộng hòa Dominica để điều tra tình nghi là thủ phạm gây ra vụ giết người trên. Điều đáng nói, ngay đêm xảy ra vụ án mạng kinh hoàng, hình ảnh nạn nhân bị đánh đập, bị ném xuống sông được nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Tài khoản Facebook đầu tiên đăng tải hình ảnh vụ án mạng là của người Việt và mục đích của việc phổ biến trên là để… câu like.

Có một điểm chung là cả ba vụ việc kinh hoàng trên đều được chính hung thủ, hoặc kẻ chứng kiến quay clip sau đó đưa lên mạng như một kiểu khoe chiến tích, thể hiện đẳng cấp cá nhân trước công luận. Hai vụ án đầu, nếu kẻ ác không đưa video lên mạng, thì liệu công an nhà sản (vốn luôn tự nhận là điều tra giỏi nhất thế giới) có biết để “nhảy vào cuộc” không? Còn bao nhiêu vụ án giết người, hành hung, tra tấn, đánh đập, bao nhiêu tội ác không được tìm ra vì thủ phạm không tự tố cáo mình trên mạng xã hội? Vụ giết người ở Nhật Bản, nếu kẻ chứng kiến thay vì đứng quay video, nhấc máy cầu cứu cảnh sát hoặc tri hô, hỗ trợ nạn nhân thì có lẽ đã cứu được một mạng người.

Điều đáng sợ khác, những kẻ thủ ác tuổi đời đều còn rất trẻ, và cái ác không còn là “đặc quyền” của phái mạnh nữa. Những cô, những chị, những em giờ đây cũng say máu với việc hành hạ kẻ yếu hơn mình như một thú vui thời thượng.

Hàng ngày, trên khắp các diễn đàn của người cộng sản, từ đài báo, truyền hình đến những buổi họp hành, hội nghị, đâu đâu cũng thấy rao giảng về đạo đức, về tình thương yêu và lòng nhân ái. Đấy là chưa kể môi trường giáo dục, từ mẫu giáo đến tiểu học, rồi bậc đại học, người ta nhắc tới việc giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên như một nhiệm vụ cách mạng. Nhưng nhân cách, tính thiện lương của con người không thể được tạo ra nhờ những lời tuyên thệ, những cái nắm đấm giơ thẳng lên trời với gương mặt cứng đơ vô cảm. Người cộng sản cai trị dân chúng bằng bạo lực, giả dối, bằng súng đạn và nhà tù, đương nhiên sẽ tạo nên một xã hội nhiễu nhương với những con người bệnh hoạn, hung ác và đớn hèn.

Viết đến đây, chỉ còn biết buông tiếng thở dài mà than rằng, cộng sản đã thành công trong sự nghiệp trồng “người” ra “ngợm”. Rồi có khi chẳng bao lâu nữa và chưa cần đến “trăm năm”, đảng cộng sản sẽ khiến “người” hóa “quỷ”.
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by tramthaiha »

Bí quyết phân loại đồ dùng trước khi chuyển nhà
August 16, 2021
Chuyển nhà là một việc tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng sẵn sàng chuyển đến ngôi nhà mới.

Bắt đầu với các đồ vật nặng nhất
Image
Nhà bếp là nơi cần dành nhiều thời gian khi dọn dẹp để chuyển nhà. (Hình minh hoạ: Getty Images)
Khi đóng gói, trước tiên hãy bắt đầu với những món đồ nặng nhất. Tìm cách tháo rời hay chia nhỏ chúng. Càng giảm trọng lượng các vật dụng nặng trong nhà, càng dễ di chuyển. Chuyển ít đồ nặng hơn giúp tiết kiệm tiền công vận chuyển hơn.

Sách là một trong những món đồ nặng nhất trong nhà, chúng có thể chia thành những thùng nhỏ. Thêm vào đó, những cuốn sách trong tình trạng tái sử dụng có thể được hiến tặng.

Đừng quên tủ bếp

Khi quá tập trung thu dọn phòng khách, phòng làm việc và phòng ngủ, dễ có xu hướng bỏ quên nhà bếp. Tuy nhiên, nên dành thời gian dọn dẹp tủ bếp và tủ lạnh.

Trước hết, hãy loại bỏ mọi thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Sau đó, xem qua tủ đựng thức ăn để tìm các mặt hàng không dễ hư hỏng như pasta, gạo, thực phẩm đóng hộp, trái cây khô và các loại hạt.

Những thứ không ăn trước khi chuyển nhà đều có thể được quyên góp cho ngân hàng thực phẩm địa phương.

Phân loại các đĩa DVD, CD và băng hình

Không thể phủ nhận rằng với các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Hulu, Spotify và Pandora, các loại hình đa phương tiện cũ ngày càng ít được sử dụng hơn. Vì vậy, hãy xem qua các đĩa DVD, CD và băng hình để xác định những món đồ không cần thiết phải mang đến nhà mới. Bất kỳ vật phẩm nào không cần thiết, hãy mang cho hoặc tái chế.

Quần áo

Quần áo có thể trở nên nặng và cồng kềnh một cách đáng ngạc nhiên khi chuyển nhà. Quần áo trong tình trạng tốt có thể . Vì vậy, trước khi chuyển đến nhà mới, hãy phân loại quần áo trong nhà. Những món đồ không còn vừa hoặc không mặc hơn một năm sẽ không đáng để mang theo.

Mỹ phẩm, thuốc và đồ vệ sinh cá nhân

Các vật dụng hết hạn trong phòng tắm chiếm nhiều không gian hơn chúng ta tưởng. Việc bỏ đi mỹ phẩm và đồ vệ sinh cá nhân cũ hoặc không còn sử dụng nữa, sẽ giảm trọng lượng di chuyển một cách đáng kể.

Dọn dẹp nhà cửa ngay bây giờ, trước khi chuyển nhà sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc. Không cần phải mang theo những vật dụng không mong muốn vào ngôi nhà mới. Vì vậy, hãy tiếp tục và bắt đầu sắp xếp ngay bây giờ rồi bạn sẽ cảm ơn chính mình vì quyết định đúng đắn. (Ng.Tr) [kn]
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by bichphuong »

Sài Gòn ‘thiết quân luật’ và những điều khó hiểu của chính quyền
Đình Ngọc
20 tháng 8, 2021

Image
Người vợ đau đớn lạy tiễn biệt chồng trên đường phố Sài Gòn – Chụp màn hình video

Dù Sài Gòn đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhưng tỷ lệ F0 trong cộng đồng vẫn tăng cao từng ngày, và ngày 20 Tháng Tám là ngày tăng cao nhất trong bốn ngày qua.

Sài Gòn đang trong cơn vật vã. Một đoạn video quay cảnh người đàn ông vô gia cư chết ngoài đường khi trên tay vẫn còn cầm một hộp cơm thiện nguyện, không làm cho người ta khóc thêm được nữa. Ông chết trên chiếc xe lăn, không kịp ăn miếng cơm cho đỡ đói. Người vợ già ngồi bệt xuống lề đường bất lực, nhìn nhân viên y tế khử trùng, bọc ông lại trong ba lớp nylon, rồi mang đi.

Hình như bà có khóc, nhưng không thành tiếng. Nỗi đau quá lớn khiến tiếng gào thét tắt lịm. Chưa bao giờ người Sài Gòn chứng kiến cảnh người sống đưa tiễn người chết vội vàng và đau xót như thế. Một cái lạy khan, trả nghĩa 50 năm chung sống. Không nhang, không cơm, không trứng, người đàn ông trở thành con ma đói, lại tiếp tục vất vưởng nơi đầu đường xó chợ như lúc sinh tiền.

Một số người đi dường dấm dúi cho bà vợ ông ít tiền trong niềm thương cảm. Thôi hãy ráng vượt qua nỗi đau mà sống, dù chẳng biết bà sẽ sống ra sao.

Đó chỉ là một trong nhiều mất mát của người dân Sài Gòn trong những ngày qua. Ngày 16 Tháng Tám, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Sài Gòn cho biết cứ sáu phút trôi qua, có một người ở Sài Gòn nằm xuống. Bầu trời Sài Gòn trắng khăn tang, và chưa bao giờ câu hát:

“Xác người nằm bơ vơ,
dưới mái hiên chùa,
trong giáo đường thành phố,
trên thềm nhà hoang vu…”
lại đúng như lúc này.

Nhưng chỉ một ngày sau, sáng ngày 17 Tháng Tám, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), trụ sở chính tại Hà Nội, tổ chức họp báo trực tuyến giới thiệu về hai cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Giai điệu nơi tuyến đầu” và cuộc thi video clip trực tuyến trên nền tảng TikTok với chủ đề “Thời khắc khó quên”.
Image
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi họp báo – Ảnh: Hà Anh/Lao Động

Hai cuộc thi chỉ kéo dài đến cuối Tháng Chín, với tổng giá trị tiền thưởng lên tới 700 triệu đồng, chưa tính chi phí tổ chức.

Không riêng gì người Sài Gòn, người dân cả nước nhìn Tổng LĐLĐVN với ánh mắt khinh bỉ. “Chẳng lẽ chúng từ địa ngục lên đây tổ chức ‘hát trên những xác người’?” Một người có nick name Nam Trần viết như thế trên Facebook.

Duyên Lê viết: “Không thể hiểu nổi tư duy những người này. Họ bị khuyết tật giác quan hay sao chứ!”

Nhà báo Trần Thị Sánh viết: “Trong lúc đau thương mất mát của đồng loại, của người dân, hàng triệu người không có việc làm và thu nhập, trong lúc cách ly, phong tỏa, cái gì cũng thiếu, đường phố như chết lặng, buồn thương, xót xa… ai còn cảm xúc, còn vui vẻ, bụng dạ nào mà sáng tác nhạc và nghe các ông hát?”

Cũng tại Hà Nội, trong một động thái hoàn toàn bất ngờ, ngày 20 Tháng Tám, Bộ Chính trị đảng CSVN vừa “có quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương”.

Điều này có nghĩa là ông Phong bị cách chức ngay lập tức cả hai vị trí quan trọng: Phó Bí thư Thành ủy, và Chủ Tịch thành phố.

Chưa biết tại sao Bộ Chính trị đảng CSVN lại có quyết định quan trọng trong tình hình này, nhưng rõ ràng, trong bối cảnh Sài Gòn đang tập trung toàn lực chống dịch, sinh mạng chính trị của ông Phong “lành ít, dữ nhiều”, khi bị điều chuyển về Ban Kinh tế Trung ương, y như nhân vật Đinh La Thăng và nhiều nhân vật trước đó.
Image
Ông Nguyễn Thành Phong vừa bị cách chức Phó Bí thư Thành ủy, và Chủ Tịch thành phố Sài Gòn – Ảnh: Tuổi Trẻ

Cũng trong ngày 20 Tháng Tám, người dân Sài Gòn xôn xao và lo lắng khi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố đã thông báo các giải pháp mới, theo đó kể từ ngày Thứ Hai, 23 Tháng Tám, người dân ở Sài Gòn phải bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố,…”

Theo báo Tuổi Trẻ, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Sài Gòn cho biết trong hai tuần tới, 100% nhu yếu phẩm sẽ được lực lượng chức năng đảm nhiệm và tiếp cận đến từng người dân.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết quân đội sẽ tăng cường kiểm soát việc thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng bộ đội sẽ đi chợ mua nhu yếu phẩm giúp cho các hộ gia đình.

Điều này có nghĩa Sài Gòn sẽ bị “thiết quân luật”.

Theo Wikipedia, “Thiết quân luật là sự áp đặt kiểm soát quân sự trực tiếp đối với các chức năng dân sự thông thường hoặc đình chỉ luật dân sự của chính phủ, đặc biệt là để đối phó với tình trạng khẩn cấp tạm thời khi lực lượng dân sự bị áp đảo, hoặc trong một lãnh thổ bị chiếm đóng. Thiết quân luật có thể được tuyên bố trong các trường hợp thiên tai lớn; tuy nhiên, hầu hết các quốc gia sử dụng một cấu trúc pháp lý khác nhau, chẳng hạn như tình trạng khẩn cấp”.

Theo tin từ Reuters, cũng trong ngày 20 Tháng Tám, xe công an với loa phóng thanh đã vòng quanh các khu phố để kêu gọi người dân tuân thủ lệnh mới và bảo đảm là lương thực sẽ được cung cấp đầy đủ. Một tài liệu mà Reuters đọc được cho biết là cuối tuần này Bộ Quốc phòng sẽ gởi 1,000 bác sĩ quân y và thiết bị y tế đến Sài Gòn.

Chính quyền Sài Gòn đã giao Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố thành lập khoảng 200 “đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân”.

Một số nguồn tin không chính thống cho rằng việc ông Nguyễn Thành Phong vừa bị cách chức với tin Sài Gòn bị “thiết quân luật” vào tuần tới, có liên hệ mật thiết với nhau. Có thể đây là việc “thanh trừng nội bộ triệt để” khi ông Phong không đồng ý đưa quân đội vào kiểm soát toàn bộ hoạt động của thành phố.

Điều này cũng đang dấy lên nhiều lo ngại cho các nhà hoạt động dân chủ tại Sài Gòn. Họ có thể bị vu khống chống lệnh “thiết quân luật” và bị quân đội “xử lý mạnh tay” một cách cố ý, thậm chí quân đội cũng có thể dùng súng đạn để trấn áp dân chúng.

Không chừng, những ngày tới, Sài Gòn không chỉ mang khăn tang cho những người chết vì Covid mà thôi.

Cầu cho Sài Gòn sớm thoát khỏi kiếp nạn này.
tiendung
Posts: 874
Joined: Tue Jun 19, 2007 7:47 am
Location: Paris
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by tiendung »

Nấu Nướng Giản Dị: Mười Món Cơm Nổi Tiếng Trong Ẩm Thực Việt Nam

Cơm với người mình không những là một loại thức ăn mà còn là món chủ lực để ấm bụng trong các bữa ăn. Tùy vùng miền có rất nhiều loại cơm do từ biến thể của cách nấu.
Image
1. Cơm gà – Hội An.

Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới Hội An. Cách nói có phần lối ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà – một thứ hương vị quê nhà bình dị, khó quên của người dân phố Hội.
Cơm gà đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc nhưng cái đặc sắc là những yếu tố trong món ăn bình dị này như cơm, gà, nước chấm, đồ chua ăn kèm đều mang hương vị, phong cách ẩm thực rất riêng của miền Trung. Đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.
Nước dùng gà được dùng để nấu cơm nên hạt cơm không trắng mà ánh một sắc vàng nhẹ, căng tròn, ngọt lịm vị gà. Với phong cách nhỏ nhẹ của người miền Trung, món cơm gà được bày trong chiếc đĩa nhỏ chỉ đủ làm lưng bụng thực khách. Đĩa cơm thường trang trí thêm ít lá bạc hà, rau răm, những lát hành tây trắng nõn, tương ớt đỏ tươi, muối tiêu lấm chấm, ăn kèm với loại tương ớt sền sệt, cay xé lưỡi theo khẩu vị của người địa phương.
Có một cách khác làm món cơm gà, nhưng người vùng Tam Kỳ - Quảng Nam hay Đà Nẵng mới thường chế biến theo cách này. Thịt gà không xé sợi mà chặt thành từng miếng vừa phải, vàng ươm. Gà không chỉ luộc, đôi khi còn được chiên giòn.
Image
2. Cơm Ghẹ - Phú Quốc

Cơm ghẹ là món ăn ngon, giàu chất đạm, vị lạ đặc trưng rất ấn tượng và cũng rất khó quên khi đặt chân đến Phú Quốc.
Thành phần chính của cơm xào ghẹ Phú Quốc là cơm trắng, thịt ghẹ bóc sẵn, hành tây xắt lát mỏng, tỏi, ít tương cà vàng, dầu ăn. Thịt ghẹ bỏ vào chảo xào sau khi phi tỏi vàng cùng với hành tây, cơm trắng. Tương cà giúp cho món ăn có màu sắc đẹp, nêm gia vị vào để có hương vị ngon. Cơm xào ghẹ Phú Quốc khi chế biến có màu vàng ươm cũa tơ vàng óng ánh rất đẹp. Cơm khi xào xong được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn, rau tươi, cà chua xắt lát dùng với nước mắm pha chế sẵn.

Image
3. Cơm hến – Huế


Người Việt Nam bao giờ cũng ăn cơm nóng, còn cơm hến của xứ Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi nhưng cơm hến được nấu từ thứ gạo ngon nên vẫn mềm dẻo. Ăn cơm hến tưởng như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản như hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, khế chua, rau răm...
Cơm hến hòa cùng vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, vị đậm đà của mắm ruốc, tạo nên một món thanh đạm. Cơm hến là món khá cay, có mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ... Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi" rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon của cơm hến.
Image
4. Cơm Âm phủ - Huế


Cơm Âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của đất cố đô, rất đậm “chất Huế” gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, đa màu đa sắc nhưng lại rất bình dân. Cái tên nghe rất lạ, tạo cho thực khách vẻ “sờ sợ” nhưng lại là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế.

Cơm Âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... Cách làm cũng khá công phu. Cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt.

Cơm Âm phủ có trong bốn mùa. Nếu có dịp đến thành phố Festival Huế, đắm chìm trong khung cảnh thơ mộng của nơi đây, du khách hãy thưởng thức món cơm đậm chất Huế này.
Image
5. Cơm Tấm – Sài Gòn

Cơm tấm vốn là món đặc sản truyền thống của người dân miền Nam mà đặc biệt là người Sài Gòn. Xưa kia, người dân thường sử dụng món ăn này trong bữa sáng, vừa đơn giản mà thuận tiện. Nhưng nay, món cơm tấm độc đáo này được dùng trong nhiều cửa hàng, quán xá, nhà hàng, khách sạn như một món cơm chính trong bữa trưa, tối…
Cơm tấm là món ăn độc đáo bởi lẽ đây thứ cơm được nấu từ những hạt gạo vỡ nhỏ, vụn. Những mảnh hạt gạo vỡ được sàng riêng và nấu chín lên bằng bếp củi.


Cơm tấm có hương vị thật nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt và hấp dẫn người thưởng thức. Một đĩa cơm tấm ăn kèm với sườn, bì, chả, trứng và nước mắm sẽ khiến cho các vị giác của bạn phải trầm trồ bởi vị ngon mà không ngấy.

6. Cơm cháy - Ninh Bình

Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19), do một chàng thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa, sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở Hà Nội lẫn Ninh Bình. Từ đó món cơm cháy được lưu truyền, phát triển và trở thành một đặc sản của vùng đất Cố đô.
Để làm món cơm cháy thơm ngon, người Ninh Bình dùng gạo nếp hương, chọn hạt gạo tròn và trong để nấu. Khi nấu phải nấu bằng than củi và dùng nồi gang thì mới có miếng cơm cháy vàng thơm, vừa dẻo vừa ngon. Cháy lấy ra từ nồi mang ra phơi từ hai đến ba nắng. Cơm cháy cần được bảo quản nơi kho dáo, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn thì mới mang ra chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi hay qua ngày thì cơm đều bị hôi dầu, ăn sẽ không ngon.
Ăn cùng cơm cháy có thể là thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua… ăn đến đâu, chan lên miếng cơm cháy đến đó. Miếng cơm kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn, cơm giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt mà đậm đà.
Image
7. Cơm Dừa – Bến Tre

cơm dừa bến treXứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, qua bàn tay
tinh tế của người dân nơi đây biến món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản
lạ lẫm với người ăn bằng món cơm dừa.

Để được món cơm dừa ngon phải mất gần hai giờ đồng hồ. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để
đậy lại. Gạo ngon vo sạch bằng nước rồi sau đó vo lại nước cuối cùng bằng nước dừa, để
ráo nước. Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín.

Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do bị thấm hơi dầu từ
cơm quả dừa. Cơm dừa ăn có vị beo béo nên ăn nóng mới ngon.

Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.
Image
8. Cơm lam

Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa.
Cơm lam bỏ trong những ống tre, đốt trực tiếp trên lửa, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Cơm lam ăn ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường, chỉ cần bỏ ống cơm ra đó thấy mùi thơm rất hấp dẫn. Bẻ miếng cơm lam, chấm muối vừng hoặc muối lạc cho vào miệng, ta sẽ thấy ngon, thơm, dẻo, rất đậm đà, ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị thơm thơm của nứa rừng qua lửa. Cơm Lam là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên.
Image
9. Cơm niêu đập


Theo văn hóa của người Việt cho rằng nồi đất là nồi nấu ăn ngon nhất. Gạo Tám mà nấu bằng nồi đồng hoặc bằng các thứ nồi khác đều không thể có hương vị như nấu bằng niêu đất.

Cái niêu đất nung nâu sẫm be bé, miệng hơi khum to hơn tô canh một chút đậy nắp kín với đôi đũa cả gác một bên. Ăn cơm đập ở các nhà hàng, khi niêu cơm được bê lên, người phục vụ mới gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu, những mảnh đất nung vỡ vụn rơi xuống đất còn lại trên tay là ổ cơm chín mịn màng ở giữa nhưng chung quanh là một lớp cháy giòn đều vàng mỏng.

Thường cơm niêu được ăn kèm với cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi….
Image
10. Cơm nị

Cơm nị một món ăn truyền thống của người Chăm, Châu Giang, An Giang. Cơm nị thường là gạo nấu với sữa nhưng có người lại thích thêm nho khô vào để tăng thêm khẩu vị.
Người Chăm hay ăn Cơm nị với cà púa là món ăn được chế biến từ thịt bò rất độc đáo. Hai món ăn này thường bổ sung cho nhau tạo nên hương vị độc đáo và cầu kỳ mang khẩu vị người Chăm.
Cơm nị - cà púa mang mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt, vị ngọt của nho khô làm ngẩn ngơ lòng thực khách. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán.
hoangphong
Posts: 364
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by hoangphong »

Image

Những đêm Saigon
Nguyễn Trường Trung Huy
29 tháng 8, 2021

Có bao giờ bạn đọc một đoản văn/ tùy bút mà cảm thấy rưng rưng và muốn khóc?
Có bao giờ bạn cảm thấy yêu một thành phố như yêu một người tình?
Có bao giờ bạn lắng nghe tiếng im của một thành phố?

NHỮNG ĐÊM SAIGON – lần đầu xuất hiện trên tạp chí Trẻ với phần hình ảnh phơi sáng rất ấn tượng của nhiếp ảnh gia Mạnh Đan (sau in lại trong Căn nhà vùng nước mặn, An Tiêm xb 1966, tr.145-162) là một tùy bút khiến bạn trả lời “có” cho những câu hỏi trên.

Sài Gòn 2021 – thành phố đang đau nặng, chưa bao giờ Sài Gòn lại vắng lặng đến thế! Chưa bao giờ “Sài Gòn không buổi tối” kinh hoàng đến thế! Trong không khí nghẹt thở và thảm thương này, đọc lại những gì về Sài Gòn cũng khiến lòng dạ ray rứt, nhất là lại đọc Mai Thảo…

Với ngòi bút đặc sắc và những quan sát tỉ mỉ của mình, Mai Thảo dựng nên một đêm Sài Gòn thật tráng lệ và sinh động, một Sài Gòn tình cảm và nồng hậu. Đủ để bất cứ ai đọc cũng sẽ nhớ về một phút giây nào đó của mình trong vòng tay Sài Gòn đêm, hay ít ra, cũng nhớ về một chút Sài Gòn yêu mến.

Khác với hình ảnh “Sài Gòn là thành phố của những bước chạy theo ngày” của nhà văn Bửu Ý; Sài Gòn của Mai Thảo là những đêm xuống phố lúc hai giờ sáng… để nghe, để thấy và viết lại… về những im lặng Sài Gòn đang mang trong lòng, “dữ dội” mà cũng rất dịu dàng… Đó là những lời im lặng… đa ngôn; im lặng để lắng nghe, im lặng để nhìn lại… Cũng như Duyên Anh từng viết về Sài Gòn: “Hãy thinh không nhé, hãy trùng khơi/ Hãy im lặng đến thời lên tiếng/ Vì tiếng em cao vọng tuyệt vời”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo “ánh lên một nét đẹp khác, hoang đường và thần thoại. Tất cả tạo thành một vũ trụ yên lặng, cái mà tôi gọi là “những sự thật yên lặng” của Sài Gòn. Chúng gợi cảm. Chúng nói lên.”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo “mở ra, thư thái, trong sạch, nguyên khối, rất xa rất khác với cái phần ngày vừa qua của nó”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo “như một bàn tay dịu hiền đặt trên một vùng trán lửa”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo có những “người áo ngắn là những vị hoàng đế làm chủ cả thành phố”: “Có những thằng bán kẹo vừa câm vừa điếc và gã coi xe đọc thơ lục bát trước vũ trường Văn Cảnh. Hai chị em đứa nhỏ trên vỉa hè Tự Do với vòng hoa nhài trắng muốt đeo trên cổ nhỏ, cái khay thuốc lá trước ngực to hơn người chúng. Người tẩm quốc mù góc đường Bùi Viện. Người đàn bà có mang bán trứng vịt lộn đêm đêm vượt cầu Khánh Hội vào quận Nhất với tiếng rao hàng ngân dài lanh lảnh như một điệu hò Huế. Hai vợ chồng ông lão già những đêm mưa lớn về ôm nhau ngủ trên chiếc ghế bố dưới mái hiên một tiệm điện đầu đường Nguyễn Văn Sâm. Người Tây già trong quán phở ngõ hẻm Tôn Thất Đạm”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo “đắm mình hẳn vào nếp sống đất nước quê hương. Qua phiên chợ cá mở giữa trung tâm của nó, thành phố có cái không khí thân mến vui ấm, một tâm tình thuần hậu khoan dung như vậy đó”

***

Cùng đi lại “một chút” Sài Gòn, cùng thở với “đêm Sài Gòn”, cùng vương lại chút gió Sài Gòn, cùng đi qua “những lòng đường cánh tay. Những ngã tư tâm hồn” trong Sài Gòn đêm… để đón chờ một rạng đông rồi cũng sẽ phải ở phía trước.

Sài Gòn đêm hay Sài Gòn ngày, rồi cũng sẽ hồi sinh, cũng sẽ náo nhiệt, cũng sẽ chan chứa, cũng sẽ Sài Gòn vì Sài Gòn dù trong bóng tối hay ánh sáng đều là một thành phố để quay về nương náu.

Nguyễn Trường Trung Huy
Sài Gòn Tháng Tám/2021

*****
NHỮNG ĐÊM SAIGON

Mai Thảo
(Tạp chí Trẻ – số 6, năm 1959)
Khu phố tôi ở, thuộc Quận Nhì, có con chim trên một tầng gác cao đêm nào cũng cất tiếng hót vào lúc hai giờ sáng. Tiếng hót ấy đêm nào cũng lọt vào căn buồng nhỏ của tôi, đánh thức tôi dậy. Không ngủ lại được, tôi mặc quần áo, mở cửa xuống đường. Đời tôi đã có hàng nghìn đêm xuống đường như vậy, giữa một giờ không mặt trời, chỉ có thành phố đứng dưới vòm trời sao, và những sự vật hiện hình trong cái thế giới ban ngày náo nhiệt bề ngoài bây giờ dàn rộng giữa những bến bờ yên lặng.


Hồi còn ở ngoài Hà Nội, tôi đã đi xuống những lòng đường Hà Nội để mà yêu những đêm Hà Nội. Con người ban đêm trong tôi còn ghi đậm trong tâm tưởng luyến nhớ từng nét đẹp của từng đêm Hà Nội cũ: những vỉa hè ngủ dưới mưa phùn trắng xóa, những cửa ô bồng bềnh sương, cái gió Hồng Hà nườm nượp tuôn đầy mình Hà Nội, ánh lửa hàng rong ở đầu ngã tư, những ngọn điện đường, những vòng tròn ánh sáng, những bóng tối cuối đầu, tiếng chân người dạo trên phố khuya, bóng mái, bóng tường, những cái đã ngủ yên, những cái vừa thức dậy, và Hà Nội mở những cửa ngõ thăm thẳm cho tôi bắt gặp cái thế giới tĩnh tại, cái phần tâm hồn, cái cõi tiềm thức của Hà Nội.

Nhưng với Hà Nội, thế giới ban đêm thực ra vẫn chỉ là hình thái của sinh hoạt ban ngày tiếp diễn. Bóng tối có khơi thêm những tầng đáy, mở thêm những chiều sâu, yên lặng có làm nổi bật hình thể, tâm tư sự vật, nhưng cuộc sống Hà Nội với cái chu kỳ bốn mùa của thời tiết, tác động của tương phản chỉ rõ nét chữ sự đi và đến của từng mùa không có những khác biệt căn bản sâu đậm giữa đêm và ngày. Với Hà Nội là tháng này tháng khác của một năm. Sài Gòn trái ngược bao nhiêu, chỉ 24 giờ đồng hồ, cái mực thủy ngân lên xuống ở bản thử biểu đã như chia ngày và đêm thành hai thế giới.

Ngày, nắng lớn. Sự có mặt thường trực của mặt trời. Dưới một thiên nhiên chói chang cuộc sống quay nhanh ngọn triều vĩ đại. Ngày, hàng triệu bước chân, bánh xe, tiếng động, tiếng nói, thân thể thành phố bốc lửa và con người và cảnh vật và cuộc sống cũng bừng bừng cũng bốc lửa theo. Đêm, khi những ngọn triều vĩ đại ấy rút đi, khi những ngọn gió Bạch Đằng thổi qua mình thành phố đã làm mát lại những lớp da đường, người ta mất, mất hẳn cái cảm giác, cái ý niệm mặt trời, mất luôn cả cái cảm giác cái ý niệm về những hình thái sinh hoạt choáng váng dưới cái mặt trời kia.

Cho nên nửa đêm thức dậy dưới tiếng chim kêu trên đầu mái nhà, mắt tôi đã mở ra trước những sự kiện mới, ngực tôi đã thở những thước không khí mới, tai tôi đã nghe những tiếng động mới và đặt chân xuống lòng đường, lòng đường đã dẫn những bước chân tôi đi vào cái thế giới mới của đêm Sài Gòn vừa dựng lên. Tôi thấy tôi yêu những đêm Sài Gòn, trước hết bởi sự lĩnh hội vào nội giới, cái cảm giác tươi mát khởi đầu ấy. Tiếng chim kêu hai giờ sáng vui như tiếng hót lúc bình minh. Đêm Sài Gòn mở ra, thư thái, trong sạch, nguyên khối, rất xa rất khác với cái phần ngày vừa qua của nó. Từ ngột ngạt tới nhẹ thoáng. Từ vàng diệp của nắng tới xanh biếc của sương, ngày mùa hạ và đêm mùa thu. Thành phố như tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi giờ có tấm chăn mỏng ấm vừa trên ngực.


Tôi sống một cảm giác cực đoan và cũng không hề tạo cái cảm giác này bằng tưởng tượng. Những cái tốt đẹp trên những con đường đêm của Sài Gòn, không thấy có mặt ở ngày. Tưởng như đêm vừa sáng tạo ra chúng. Nếu có, cũng dưới một hình thái, một màu sắc, một điệu dáng khác. Tưởng như đêm tối màu nhiệm và thành phố đã hóa thân. Vị trí địa điểm hình thể ban ngày còn nguyên trong những giới hạn cũ, nhưng hơi thở Sài Gòn thở, giòng máu Sài Gòn đập, hơi thở ấy, tiếng máu đập ấy về đêm đã không còn mấy cái dấu tích của ngày. Tôi còn yêu những đêm Sài Gòn qua một một ý niệm về chính phần bản thể cá nhân của mình nữa. Nhập thành cảm giác, ý niệm đó là một cảm giác hiện hữu và tư hữu. Nó làm tôi gần với thành phố ban ngày nhiều lúc cảm thấy như một người lạ mặt.


Với một dân số gần ba triệu, cái ba triệu ấy lại đầy ngập, quay múa, biến chuyển không ngừng, con người thành phố trong tôi dẫu có một chủ quan mạnh mẽ nhiều khi cũng cảm thấy mình chỉ còn là một đơn vị bé nhỏ vô nghĩa. Một giọt nước trong cái bể người ngoài nhòa. Một con số trong cái ba triệu con số. Một dấu chân chìm dưới muôn triệu dấu chân. Thêm vào là cái cảm giác bị xô đẩy, chen lấn, đồng hóa. Ngày, tôi chỉ là một người qua đường không tâm sự, thành phố trùng điệp vây quanh nhưng thành phố không là của tôi. Do đó, lối sống chỉ là biểu tỏ tức khắc của phản ứng. Tương quan giữa tôi và thành phố chỉ là những sự kiện cụ thể, cái trên mặt cái bên ngoài.

Ngày Sài Gòn, tôi sống thuần bằng lý trí. Đêm Sài Gòn, mới là cái đất cái mặt đàn cho tâm hồn tôi có chỗ rung lên. Thí dụ, cái mặt Hồ Gươm ngoài Hà Nội, tôi có thể đứng ngắm nó buổi trưa, ban đêm. Tôi không thể đứng ngắm cái bến Bạch đằng dưới khối mặt trời rót lửa xuống đỉnh đầu. Những nét đẹp chỉ còn là những bông hoa chết héo. Nắng đốt cháy. Nắng làm chủ cái sức chi phối mãnh liệt. Trên trời, dưới đất, bên trong, bên ngoài chỉ còn có nắng. Sài Gòn ban ngày có ai dừng chân giữa một hè phố ngút nắng để mà chiêm ngưỡng một nét phố đẹp? Người ta lau mồ hôi. Người ta tìm những khoản rợp.

Nhưng đêm Sài Gòn đến đã làm đầy trong tôi sự thiếu thốn kia về cảm xúc, lấy lại cho tôi một thể quân bình trong nội tâm, tạo lại cho tôi cái tâm sự ban đêm của Hà Nội, hiến dâng cho tôi những phút suy tưởng kỳ thú, đem lại – bởi con mắt, cái tai, bước chân của một cảm quan để bén nhậy trở lại – những phút nhìn ngắm khám phá thành phố và luôn thể nhìn ngắm khám phá chính cái bản thân, cái nội giới của con người mình ánh lên trong đó. Cái thế giới nhỏ trong tôi mở ra trong cái thế giới lớn của đêm Sài Gòn.


Cho nên khi tiếng chim kêu trên đầu mái nhà, tôi đã thức dậy với một cảm giác thật vui. Vui muốn huýt sáo, muốn hát nhỏ. Và mỗi bước chân tôi xuống với đường đêm lúc đó, mới thực sự là những bước chân khám phá Sài Gòn. Không gì thích thú bằng sự được ngắm nhìn thành phố như một sinh vật khổng lồ sống hết tốc độ, hết sức mạnh của nó. Đã tăng lên gấp trăm nghìn lần nỗi thích thú được nhìn ngắm cái sức sống vĩ đại ấy trong nghỉ ngơi. Thành phố lúc đó như một tấm thủy tinh trong veo, một khối óc trinh bạch. Tôi thở không khí nhẹ và trong cái hệ thống ánh sáng và bóng tối lẫn lộn mắt tôi nhìn lại như thấy sự vật hiện lên đúng và thực hơn.

Tôi thấy nhiều điều. Thấy đại lộ hàm Nghi, đại lộ Lê Lợi, hai con đường mà như hai con thuyền, những ngọn cây là buồm đang chở dần từng chuyến một, cái gió Chương Dương Bạch Đằng mát lạnh hơi nước vào những khu phố bên trong. Thấy những ngọn điện và những hàng cây chụm đầu tâm sự. Thấy cái mặt người trong tấm biển quảng cáo phía hông chợ Bến Thành ngó tôi cười lớn. Thấy những khung cửa lấp lánh đang đo từng chiều cao những căn nhà chọc trời.

Thấy những nhân vật ban đêm của Sài Gòn: thằng bán kẹo vừa câm vừa điếc và gã coi xe đọc thơ lục bát trước vũ trường Văn Cảnh. Hai chị em đứa nhỏ trên vỉa hè Tự Do với vòng hoa nhài trắng muốt đeo trên cổ nhỏ, cái khay thuốc lá trước ngực to hơn người chúng. Người tẩm quốc mù góc đường Bùi Viện. Người đàn bà có mang bán trứng vịt lộn đêm đêm vượt cầu Khánh Hội vào quận Nhất với tiếng rao hàng ngân dài lanh lảnh như một điệu hò Huế. Hai vợ chồng ông lão già những đêm mưa lớn về ôm nhau ngủ trên chiếc ghế bố dượi mái hiên một tiệm điện đầu đường Nguyễn Văn Sâm. Người Tây già trong quán phở ngõ hẻm Tôn Thất Đạm.
Image
Sài Gòn, khoảng năm 1956 (ảnh: Three Lions/Getty Images)
Chỉ đêm mới thấy, hiện hình và biến mất trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nhân vật dã sử của thành phố di chuyển đây đó như những vì sao lạc lầm than và Sài Gòn đã ánh lên một nét đẹp khác, hoang đường và thần thoại. Tất cả tạo thành một vũ trụ yên lặng, cái mà tôi gọi là “những sự thật yên lặng” của Sài Gòn. Chúng gợi cảm. Chúng nói lên. Cái yên lặng của hành lang tối với những tấm lưới sắt buông kính ở hẻm Eden nói lên một hình thái thương mại mới. Những chiếc chìa khóa lớn treo trên những cửa hàng trong chợ Cầu Ông Lãnh nổi lên – rõ hơn vô hạn – cái tính chất riêng của những cửa tiệm tạp hóa nhỏ ấy. Rác rưởi, giấy má ngập ngụa khu Chợ Cũ nói lên cái xô bồ của những cái quán Trung Hoa khu ấy lúc ban ngày.

Đêm Sài Gòn thưa vắng bóng người và tiếng động, những dấu tích điển hình còn vương lại một hẻm cống, một chân tường, những cái vụn vặt ấy, trên một thành phố ngủ, biểu hiện rõ rệt gấp bao nhiêu lần cuộc sinh hoạt toàn diện của thành phố cả phần ngày lẫn phần đêm, tạo thành những tài liệu quý giá dư thừa cho những ai muốn tìm hiểu chân tướng thành phố, bộ mặt thực, cái bên trong của nó. Trái với những đêm Hà Nội khép kín, che đậy và chứa dấu, những đêm Sài Gòn mở rộng phơi phới như cái ngọn gió thổi suốt đêm trên thân thể của Saigon. Cái đẹp của những đường thẳng, những nét song hàng, những vòng tròn rộng. Cái đẹp của rõ rệt, của thư thái, của hồn nhiên – mặc dầu không thiếu những chiều sâu và những chứa đựng – cái đẹp của bình yên của nghỉ ngơi nó khiến cho tôi ở những đêm khuya vắng nhất của Saigon cũng không hề bao giờ cảm thấy vây hãm bởi bóng tối, sự cô độc.

Image
Sài Gòn, Tháng Bảy 1959 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images)
Trong lòng đêm Saigon, thành phố, và chính tôi thực đã thuộc về mình. Giữa người và Saigon đêm làm thành một toàn thể hòa đối, tôi không được sống những đêm Saigon cũ, hồi Kim Chung, Đại Thế Giới còn mở cửa để được biết – theo như Thanh Nam, Trần Lê Nguyễn thuật lại – cái không khí rã rượi choáng váng của những trận tiền đổ mưa lên chiếu bạc, những tiệm cầm đồ, những thây người ngủ gục dưới chân bàn ru-lét. Những đêm đau yếu của Saigon. Bây giờ, âm nhạc buổi tối và những thước không khí trong như ngọc thạch đã thay thế tiếng tiền ngày cũ. Những bước chân đêm của tôi bây giờ chỉ còn gặp những hình ảnh những ấn tượng bình yên. Những chiếc xích-lô buông mui ngủ dưới những gốc cây. Những người phu xe chụm đầu dưới ánh sáng điện đánh ván cờ tướng. Những chiếc xe bán bánh mì lăn thong thả giữa long đường.

Từ mấy tháng nay, những tiệm nhẩy đã đóng cửa từ 12 giờ. Hai, ba giờ sáng, thành phố mênh mông chỉ còn một vài tiệm ăn đêm là còn sáng đèn, nơi họp mặt của những nhạc sĩ vừa rời khỏi những dàn nhạc, những vũ nữ vừa rời khỏi sàn nhảy, trở về sau một cuộc dạo mát ban đêm trên đường Biên Hòa – Thủ Đức. Thành phố im vắng bấy giờ là khung cảnh lý tưởng cho một nhà văn, một nhà thơ trước một sáng tác đang thành hình, cho một bước chân và tâm hồn tôi chuyển đều đặn trên mặt đường, cho đầu óc tôi mà sinh hoạt ban ngày của Saigon làm sao động như mặt biển lớn – được trầm tĩnh và lắng đọng xuống. Đêm Saigon, lấy ngày Saigon làm đối tượng, có như một bàn tay dịu hiền đặt trên một vùng trán lửa. Một liều thuốc an thần. Và với chính thành phố, đêm là khoảng cách biệt thiết yếu cho sự sửa soạn của nó trở lại với ngày hôm sau.
Image
Sài Gòn, Tháng Bảy 1959 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images)

Tôi yêu những phút sửa soạn ấy. Tôi yêu những lúc Saigon cựa mình thức dậy. Khoảng 3 đến 4 giờ sáng. Từ các vùng ngoại ô: Khánh Hội, Gia Định, Gò Vấp, Phú Nhuận, Phú Thọ, những chiếc xe thổ mộ – điển hình đặc biệt nhất của Saigon về sáng – bắt đầu lên đường tiến vào những trung tâm thành phố. Ngày, chúng chỉ là những phương tiện chuyên chở chậm chạp. Đêm, những chiếc xe bánh gỗ ngựa kéo ấy đã biểu hiện cái sắc thái độc đáo của sinh hoạt quần chúng trong đời sống phường phố. Tiếng xe lăn ban ngày động cơ át mất, ban đêm nổi lên lọc xọc, mồn một trên mặt nhựa là cái tiếng đêm thân thuộc nhất của tất cả những người Saigon.

Con ngựa già yếu, ngọn đèn lắc lư, khung xe cồng kềnh, thành phố tráng lệ xa hoa khởi đầu bằng một hình ảnh dân tộc thuần túy. Nhà tôi ở gần khu Cầu Ông Lãnh. Ban đêm xe thổ mộ lăn qua cửa vòng quay bùng binh đổ người và hàng hóa xuống cái chợ cá mới họp bên hông chợ Bến Thành. Đồng Xuân Hà Nội có chợ rau đêm. Bến Thành Sài Gòn có chợ cá đêm. Nhưng chung quanh sinh hoạt của chợ sớm vẫn chỉ là sự thức dậy, sự có mặt của những con người ngày đêm lao động sống chết với mặt đường: chị bán hàng rong, anh phu xích lô, anh công nhân. Những quán nước lộ thiên trên vỉa hè. Những ngọn đèn dầu hỏa. Ly cà phê đen. Hơi thuốc thứ nhất. Nhiều đêm la cà tới sáng, tôi đã đến hòa lẫn cái chủ quan thích thú con mắt bỡ ngỡ của mình vào một phiên chợ cá họp dưới ánh lửa điện.
Image
Sài Gòn, Tháng Bảy 1959 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images)


Nếu những ngọn rau cỏ xanh um cả một khu chợ Đồng Xuân đêm nào còn nhắc nhở cho tôi, qua một quá khứ đầy kỷ niệm, đến cái triều tươi non những vùng ngoại ô Yên Phụ, Nghi Tàm ngoài Hà Nội, bầy cá tươi sống ở đây đã là một liên tưởng đằm thắm đến cái hệ thống sông ngòi kinh rạch phong phú miền Tiền Giang lục tỉnh. Nửa đêm về sáng, Saigon đắm mình hẳn vào nếp sống đất nước quê hương. Qua phiên chợ cá mở giữa trung tâm của nó, thành phố có cái không khí thân mến vui ấm, một tâm tình thuần hậu khoan dung như vậy đó. Những lòng đường cánh tay. Những ngã tư tâm hồn. Và Saigon chưa là một guồng máy, một con quái vật. Nó chưa nghiền nát, xô đẩy, đồng hóa. Nó chưa đặt những điều kiện sống còn ghê gớm cho người. Nó chưa đi theo cái luật rừng hung dữ.

Chính trong cái vẻ quê mùa và thành thị pha lẫn này, Saigon thực đã là một thành phố lớn theo ý tôi: không chỉ là hè phố mái nhà, không chỉ biểu hiện những nếp sinh hoạt thuần túy đô thị, mà còn là cái ngã tư họp mặt, trung tâm phát huy mọi hình thái sinh hoạt đổ về từ khắp các miền đất nước nữa. Bỏ chợ, tôi đến ngồi xuống chiếc ghế thấp đầu nhà Ga chính. Cảnh binh, phu xe, chủ quán vây quanh cái quán nước vỉa hè này và tôi cũng vui miệng đấu tiếng vào câu chuyện của một người. Phút này, Saigon ánh lên một nét đẹp đơn giản bằng hữu. Khách sạn, dinh thự, nhà máy lớn: những khối tĩnh vật ngủ. Đời sống là mặt đường, vỉa hè. Và những người áo ngắn bấy giờ là những vị hoàng để làm chủ cả thành phố.
Image
Sài Gòn, Tháng Bảy 1959 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images)
Nhưng đêm Saigon đã bắt đầu suy tàn hẳn. Những lòng đường hư ảo hơn, sương đặc lại, không khí lung linh. Sau lớp thổ mộ, những loại xe khác từ các ngã xuất hiện. Taxi rồ máy dưới những cây xăng. Từng đoàn xe vận tải cồng kềnh nối đuôi nhau chạy tới những kho hàng. Xe ba bánh trườn yên lặng. Xe máy dầu ầm réo. Vỉa hè đại lộ Lê Lợi; người bán báo ngồi sổm giữa những chồng báo thứ nhứt. Bến xe lục tỉnh, một người khách sớm bước lên chuyến xe hành khởi hành trước ngày. Đoàn xe buýt ầm ầm vào bến. Những ngã tư xôn xao. Những tiệm ăn Trung Hoa vừa mở cửa đã đông đặc. Người Sài Gòn vẫn điểm tâm sớm hơn người Hà Nội. Cà phê sữa, hủ tiếu, cơm đĩa và thuốc lá bán lẻ. Tiếng bát đũa và chạm lách cách. Những tiếng ho khàn khàn. Vẫn còn những tiếng khạc nhổ và cái kiểu ngồi “nước lụt” hai chân thượng cả lên ghế…
Image
Sài Gòn 1967 (ảnh: Getty Images)
… Năm giờ sáng. Những vệt hồng hồng khởi sự từ phía sau tòa nhà Quốc Hội đi dần lên một vòm trời đang tan loãng những tản bóng tối cuối cùng. Những ngọn lửa nhấp nháy suốt đêm đổi thành những điểm xanh đỏ. Cái vòng tròn ánh sáng đánh đai lấy chiếc đồng hồ ba mặt treo trên nóc chợ Bến Thành vụt tắt. Những đoàn xe đổ xuống đại lộ Trần Hưng Đạo. Trong kia Chợ Lớn Cũ và Chợ Lớn Mới cũng đã thức dậy. Tôi đi bộ trở về căn buồng nhỏ của tôi lúc trời gần sáng rõ. Con chim đêm trên mái đầu nhà đã im tiếng. Cái thế giới ban đêm của Saigon đã đóng lại. Một vệt nắng óng ánh trên đỉnh thu lôi một nhà chọc trời. Rồi những phiến nắng hạ thấp xuống cắt ngang những bờ tường. Một thoảng, nắng đã lọt hẳn xuống những lòng phố. Dưới một hình cây đổ nghiêng, nắng kéo dài những cái bóng cyclo đi. Ngày Saigon bắt đầu.
hoangphong
Posts: 364
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by hoangphong »

Image


IM LẶNG…một nghệ thuật sống
Im lặng là vàng. Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý.
Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.


Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng.
Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng khi nào nên im lặng?

1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ

Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.

2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc

Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

3. Khi người khác không hiểu mình

Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.

4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu

Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.

5. Khi người khác khoe khoang, lý sự

Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình.

6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến

Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng.
Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.
Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.
Nói ra được thì tốt nhưng có khi im lặng lại tốt hơn. Ta nên học lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương. Nhưng khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai đã biết buông bỏ ngạo mạn, biết đời sống là vô thường bất chợt.

Vừa rồi trò chuyện với người bạn, anh ta nói: trong cuộc sống, rất ít người chịu học lắng nghe và im lặng. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm cung để nghe rõ những gì người khác nói. Thậm chí, họ giành nói như để tận dụng hết thời gian gặp nhau, sợ thiệt thòi khi ra về mà đối phương chưa rõ hết câu chuyện. Thì vậy, cuộc sống là muôn màu!
Ngày xưa, ngay chính ta cũng ham nói, vào cuôc họp cứ uyên thuyên bất tận, ra café với bạn thì lắm nỗi niềm… Lúc nào cũng muốn nói ra, muốn trút xuống, có khi quá cao trào bi đát, khóc thương. Nghĩ lại, ngày xưa ta ích kỷ thật, chỉ muốn nói cho thỏa. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan điểm. Người sai rồi, ta đúng! Rồi… ta đã được gì trong “đúng – sai” đó?
Thật vậy, nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng để làm người hứng chịu và biết lắng nghe, đếm được mấy người? Cảm xúc con người vô cùng phức tạp, tuổi càng cao, trái tim càng thu nhỏ, dù đã được bao bọc rất kỹ nhưng chỉ cần một lời nói vu vơ cũng có thể như mũi nhọn xé nát lòng người. Thành ra, người lớn chỉ nghĩ mà không cần nói, còn người trẻ thì cứ nói mà không cần nghĩ!
Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới tìm, rồi thở dài… Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng!
Ta ví cuộc đời như trò chơi xếp chữ. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong đâu đó.
Đa phần người ta than thở hoặc nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả vào nhau, rối tung, mệt mỏi, chán nản, trách đời bất công, sao ông trời khó khăn với người này, dễ dãi với người kia?
Chỉ có những ai đi đến cuối cùng của sự tận tụy mới nhận ra bức tranh cuộc sống thật đẹp, thật xứng đáng. Và có khi để hoàn thành nó, người ta đã âm thầm đi tìm, luôn kiên nhẫn và im lặng. Người ta phải nhẹ nhàng tìm kiếm, kể cả chẳng may ghép vài lần mà không đúng.

Thì đã sao? Ta có 1.000 cơ hội kia mà. Lần này chưa được, lần sau sẽ được, chỉ cần bạn đủ niềm tin. Vì tin sẽ thấy, tìm sẽ gặp. Nếu ta tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc thì đã có hạnh phúc rồi đấy.
Hạnh phúc ngay giây phút này đây, yên bình và thanh thản. Không một chút quấy rầy, không chết chóc hay chiến tranh. Đẹp quá phải không? Nếu có nhiều hạnh phúc hơn thế, hãy mang chia sớt nhé nhưng nhớ lặng thầm. Khẽ thôi, họ sẽ biết cảm nhận. Yên tâm…!!!

Post By Hoang Phong
MatVit
Posts: 1309
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:10 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by MatVit »

Image

Đời Người Như Chiếc Lá
LM. Nguyễn Hữu An
Nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng khắp nghĩa trang, tôi nghĩ về mùa thu, nghĩ về đời người và chiếc lá. Màu vàng của lá, màu úa của cỏ, nắng nhạt gió ciều là hình ảnh đặc trưng của mùa thu. Mùa “chịu tang” của những chiếc lá vàng.

Nhớ bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư:

Em nghe không mùa thu.
Lá thu rơi xào xạc.
Con nai vàng ngơ ngác.
Đạp trên lá vàng khô. (Tiếng Thu)


Ngồi nhìn lá rơi, mỗi chiếc lá chọn cho mình một cách “chia tay”. Có những chiếc lá ra đi trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng bịn rịn như thể không muốn lìa cành; có những chiếc lá “hấp hối” loạng choạng buông mình một cách nặng nề nghiêng ngả trên mặt đất.

Lại có những chiếc lá ra đi một cách nhẹ nhàng trong dáng điệu thướt tha, buông mình theo gió. Những chiếc lá khác không bàng hoàng hối hả mà chậm rãi, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể mộbông hoa say trong giấc ngủ yên lành.

Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng xuống. Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành. Đời người có khác chi một chiếc lá cuối thu. Có những người ra đi trong bấn loạn, hối tiếc, khổ đau, nặng nhọc. Lại có người ra đi về với cội nguồn một cách nhẹ nhàng, thanh thản. “Lá rụng về cội”. Lá rơi bên gốc cây. Lá chờ đợi một quá trình sinh học để trở thành dinh dưỡng nuôi cây. Lá góp thân xác tàn úa để trả ơn cho cây. Đời lá ngắn ngủi mà đầy ý nghĩa nhân sinh.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ “bài học quét lá” mà thầy dạy thuở nào:

“Vâng lời thầy con đi quét lá,
Lá vàng rơi lả tả khắp nơi.
Lá khô rơi như kiếp một con người,
Giờ phút cuối là về cùng cát bụi…

Con vừa quét sạch một gốc cây,
Quay trở lại đã thấy đầy lá rụng.
Con hỏi : nếu như gió đừng rung động,
Thì lá kia hẳn còn ở trên cành?

Một kiếp người cũng thế: quá mong manh,
Một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa!
Tạ ơn thầy đã cho con bài học nhỏ,
Mà thâm sâu như một triết lý khôn cùng.” (Diệu Nhân)


Đời người như chiếc lá mỏng manh, ngắn ngủi.Chỗ dựa trần gian chẳng an toàn vững chắc. Tiền bạc vật chất, bằng cấp, kiến thức, chức quyền đều chóng tàn phai. Sức khỏe, sắc đẹp hao mòn rồi rệu rã theo tuổi đời năm tháng.


Nhìn lá vàng rơi, ta nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết. Nó chẳng từ ai, chẳng thương tiếc ai. Nó đến bất ngờ làm ta bàng hoàng. Phải bỏ lại tất cả mọi thứ ta gắn bó và gom góp suốt đời để ra đi với hai bàn tay trắng. Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng. Một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.


Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, một chuyến đi nghỉ hè đôi ba ngày… tôi đã phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần… Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi? Chúng ta có nỗ lực để sắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Phật dạy: “Mạng sống con người rất mong manh, chỉ trong một hơi thở, thở ra mà không thở vào là kết thúc kiếp người”. Dù văn minh đến đâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu… ai ai rồi cũng phải chết.

Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết. Suy tư về cái chết là suy tư về sự sống. Chết là một phần của sự sống bởi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa dòng nước vào nguồn biển rộng. Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người. Không ai có thể sống mãi mà không chết. Các vua chúa ngày xưa đã cố công đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng chết. Để sống cách trọn vẹn, phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.

Nhìn lá vàng rơi ta nghĩ về cuộc đời lữ thứ. Xin đừng mưu mô tính toán mà làm gì. Xin đừng chia rẽ và thù ghét làm chi. Cuộc đời này thật ngắn, tiền bạc trên thế gian này nhiều lắm, bàn tay ta có tham mấy cũng chẳng vơ vét hết được. Rồi đến lúc bàn tay xuôi xuống, lạnh cóng, cô đơn, chẳng nắm giữ được gì.

Để có được sự ra đi trong thảnh thơi nhẹ nhàng và đong đầy niềm tin hy vọng ngày mai tươi sáng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”. Ta hãy chọn phương châm “sống với” chứ đừng “sống vì”. Thấu hiểu được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền. Như ai đó đã từng nói: “Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười ta khóc. Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc ta cười”.

Linh mục Nguyễn Hữu An
bichphuong
Posts: 620
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by bichphuong »

NHỮNG BỆNH... VÔ DUYÊN!
BS Ðỗ Hồng Ngọc

Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh... vô duyên. Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364).

Những bệnh... vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu "nước mát" uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm "nước mát"! Thì ra "rễ tranh, mía lau, mã đề" là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).
Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoil, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp...
Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt...
Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay.
Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao?
Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh.... vô duyên đáng tiếc.
Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ.
Báo Paris Match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo...
Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp.
Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả!
Tây gọi những người sính xét nghiệm là "examinite".
Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over - investigation, "thăm dò quá mức cần thiết" này (Health of the Elderly, WHO, 1989).
Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn... hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo... không phải là không có nguy cơ.
Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để... thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.

Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói!
Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự "dán nhãn" (labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà "phán" cho một cái chẩn đoán kiểu như "nghi ung thư", "hơi bị lớn tim", hoặc một từ mơ hồ như "máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật"... hoặc "bị thư phù, bị người cõi trên nhập...." đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được!
Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh.
Ðáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm bênh viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức... khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.

Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như bao đảm sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe.
Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh... vô duyên!
phidao
Posts: 134
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by phidao »

Moderna vừa đưa ra thông báo quan trọng về vaccine COVID
Đằng Vân
14 tháng 9, 2021

Image
Minh họa: Big Stock
Vào Tháng Tám, nhà sản xuất vaccine Moderna đã hoàn thành việc đệ trình để nhận được phê duyệt đầy đủ đối với vaccine của họ với những người từ 18 tuổi trở lên, từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Sau đó, vào đầu Tháng Chín, Moderna đã nộp một đơn xin tiêm liều tăng cường khác, yêu cầu ủy quyền cung cấp một nửa liều cho công chúng như một mũi thứ ba bổ sung. Hiện tại, Moderna đang có kế hoạch phát triển vaccine COVID của mình theo một cách khác.

Vào ngày Chín Tháng Chín, Giám đốc điều hành của Moderna, Stéphane Bancel cho biết trong một tuyên bố,: họ đang phát triển loại vaccine một liều bảo vệ chống lại cả COVID và bệnh cúm theo mùa.

Theo thông báo, loại vaccine mới này có tên là mRNA-1073, sẽ kết hợp vaccine COVID hiện có của Moderna và ứng cử viên vaccine cúm của nó, hiện đang được phát triển và sẽ sớm bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm.

Bancel tin rằng đây chỉ là sự khởi đầu của kỷ nguyên mới của các loại thuốc dựa trên thông tin. Ông nói:

“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm tại Moderna thực sự là tiêm vaccine cúm tại phòng khám trong năm nay và sau đó kết hợp vaccine cúm với vaccine COVID của chúng tôi, để bạn chỉ phải tiêm một lần tăng cường tại cửa hàng CVS địa phương của bạn… mỗi năm”.

Diễn biến mới này được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia dự đoán rằng dịch cúm mùa sẽ quay trở lại mạnh hơn trong năm nay. Theo The Wall Street Journal, các ca bệnh cúm ở mức thấp nhất mọi thời đại vào mùa trước, chỉ với khoảng vài nghìn ca so với con số ước tính 38 triệu ca hai năm trước. Nhưng những con số thấp hơn này sẽ không kéo dài. Các bác sĩ và nhà nghiên cứu nói rằng sự kết hợp của các yếu tố có nghĩa là mùa cúm sắp tới không chỉ nghiêm trọng hơn năm ngoái mà còn có thể xảy ra sớm hơn bình thường.

(Theo Best Life)
caolynh
Posts: 317
Joined: Wed Dec 17, 2008 7:21 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by caolynh »

Bảo vật để lại

Image
Hình minh hoạ, FreePik
Mùa hè, giữa những chùm hoa nắng lung linh, giữa những trái táo chín đỏ, trái cam ngọt lừ, giữa tiếng ong vo ve, tiếng chim ríu rít, tiếng lao xao rất nhẹ của cánh bướm muôn màu, có người kể tôi nghe một câu chuyện:

Một tai nạn giao thông xảy ra, người đàn ông qua đời ở tuổi bốn mươi. Lục phủ, ngũ tạng anh không hề tổn thương, nhưng bộ não bị chấn thương mạnh đã đưa anh tới cái chết.

Người mẹ già, ôm thân thể bất động của người con trai duy nhất, không khóc được nữa. Bà như đang chết cùng với con, con bà tách khỏi đời sống bà từng mảnh, từng mảnh.


Anh đã hiến tặng tất cả nội tạng của anh cho những người đang cần để nối tiếp cuộc sống của họ.

Bà biết hai lá phổi của con đã đặt vào một lồng ngực con của người khác. Bà nghe thêm: trái tim cũng đã mang đi, đập thổn thức trong một khung ngực lạ. Rồi hai quả thận, nhiều người đang xếp hàng, nó sẽ làm công việc thật tốt đẹp cho một người phải ra vào bệnh viện thường xuyên trong cả mấy năm nay để lọc máu. Nó rất hữu ích và hiền lành. Lá gan của con bà có hai thùy, thì một thùy đã được mang thay thế cho người có một bên gan hư hại. Bây giờ còn lại một thùy gan, chắc chỉ nay mai sẽ có người tới nhận.

Đôi mắt là phần cuối cùng cũng sẽ được cho đi. Chao ôi! Đôi mắt của con bà, đôi mắt biết cười, đôi mắt cười trước khi môi nhếch lên. Bà yêu đôi mắt đó vô cùng.

Đôi mắt từ tuổi thơ ngây cho đến lúc trưởng thành lúc nào cũng cười với bà, làm sao bà không tiếc. Người ta nói với bà là đôi mắt cũng đã được xếp đặt để mang đi, trong một sớm mai, có một người con của ai đó sẽ được hưởng đôi mắt của con bà. Không, bà không muốn, bà nhất định không muốn cho đôi mắt đó.

Nhưng chao ôi! Dù không cho đi bà cũng làm sao mà giữ lại. Đôi mắt đó sẽ thành tro ngay lập tức nếu bà hỏa thiêu thân xác con, hay đôi mắt đó sẽ mục nát trong lòng đất nếu bà chôn con xuống đất. Hình như có một vòng tay của ai đó đang ôm đầu bà vào lòng vỗ về: “Đôi mắt biết cười của con sẽ lại tiếp tục cười trên một khuôn mặt khác.Cho đi, cho đi mẹ ơi!”

Mai đây, trong những ngày tháng còn lại của đời người có khi nào bà mẹ này bâng khuâng tự hỏi: “Tim, phổi của con tôi, đôi mắt của con tôi hiện đang ở trong thân thể ai, hiện đang ở đâu trên mặt đất này?” Rồi bà ngơ ngác đi tìm, đi nhìn vào từng lồng ngực, từng cặp mắt của mỗi người trên quãng đường bà qua.

Mùa thu với lá phong đỏ, với sóc nâu, với hạt bồ đào, với cá Hồi đang từ biển tìm về dòng suối cũ để sinh nở, sinh xong cá mẹ sẽ lìa đời. Giữa sự hồi sinh và hy vọng có người kể tôi nghe một câu chuyện khác về cái chết, về tình mẫu tử, về sự trao tặng nội tạng.

Người con trai 19 tuổi, trong một phút bất mãn với cuộc đời, anh tự hủy mạng sống mình. Sau cái chết đó anh cũng để lại nội tạng của mình cho những người không may mắn. Người mẹ chỉ giữ được hũ tro của phần thân thể con còn lại. Biết con khi còn sống ôm mộng được du lịch vòng quanh thế giới. Ba năm sau cái chết đau thương đó, người mẹ đã tìm cách liên lạc được với những người trên mạng xã hội nhờ họ mang tro của anh đi rải bất cứ nơi nào trên thế giới. Khi có một người bằng lòng, bà lấy một phần tro, cho vào một cái túi nhỏ, kèm theo một lá thư và bức ảnh của anh gửi tới họ. Thân xác tro bụi của anh đã được mang rải vào lãnh thổ của 100 quốc gia trên thế giới. (*)

Người mẹ đó tin rằng, làm như thế, anh sẽ được di du lịch khắp thế giới như khi còn sống anh từng mong ước.

Nghĩ xa thêm một chút thì chắc bà sẽ thấy: Thân thể của anh phải chăng chỉ là một cái hộp vô tri, dùng để cất giữ những nội tạng của anh mà thôi. Những nội tạng này đã hiến dâng cho người khác, đang mang sự sống mới đến cho người khác, mới là những bảo vật quý giá nhất. Những người được nhận các bảo vật này, họ chắc không bao giờ quên người đã hiến tặng.

Mùa xuân vào tuần lễ có rất nhiều hoa đào nở hai bên đường, có áo len mỏng đi trong gió, có những buổi sáng lất phất mưa xuân tạt ở hiên nhà, tạt cả vào những ly cà phê còn bốc khói, có những buổi chiều mưa rắc nhẹ trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng, tôi cũng được nghe những câu chuyện xúc động của cha mẹ sẵn sàng cho đi nội tạng của đứa con bất hạnh còn rất bé của mình cho đứa bé khác. Có khác chi mẹ nói: “Chia cho em đi con, món đồ chơi này con không còn chơi nữa, chia cho bạn đi con.”

Phải là người có trái tim bao dung nhân hậu lắm, thương yêu con người như con mình, mới làm được những việc cao cả đó.

Rồi cả bốn mùa tôi được nghe những câu chuyện người này được lắp bàn tay, người kia được thay bàn chân. Giống như những phép lạ trong truyện cổ tích, có bà tiên cầm chiếc gậy thần, quơ lên một cái, cho người sắp chết được sống, người tàn tật trở thành bình thường.

Thế rồi, xuân tàn, hạ qua, thu chết, đông ngưng, nhưng dòng đời vẫn chảy, sinh tử vẫn nối tiếp theo nhau. Tôi lại được nghe, một nhân viên làm việc trong cơ quan phụ trách phân phối nội tạng đã nói với đôi mắt rớm lệ:

“Cái xác người nằm đó, hiến tặng nội tạng của họ cho những người đang cần. Cho dù khi sống họ có làm điều gì nhầm lẫn tới đâu, tôi cũng chắc Thượng Đế sẽ tha thứ hết cho họ.”

Thượng Đế tha hết những lỗi lầm thế gian của người hiến tặng nội tạng và những người nhận tặng vật mang mãi cái ơn trong lòng họ đi suốt đời người.

Có bao giờ người ta nghĩ tới, ở mỗi nghĩa trang, nên dựng một tấm bia ghi ơn cho những người hiến dâng nội tạng. Vì chắc chắn trong bất cứ nghĩa trang nào cũng có những cái hộp thân thể đã chôn xuống đất, nhưng những bảo vật trong đó đã để lại dương trần cho người khác thừa hưởng, một người họ chưa gặp bao giờ.

Trần Mộng Tú
nguyenvsau
Posts: 1134
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by nguyenvsau »

Nghiên cứu CDC: Vaccine Moderna hữu hiệu lâu dài hơn Pfizer-BioNTech
September 17, 2021

WASHINGTON, DC (NV) – Kết quả một cuộc nghiên cứu mới được thực hiện gần đây, do Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Chín, cho thấy vaccine COVID-19 do Moderna chế tạo có sự hữu hiệu lâu dài hơn Pfizer-BioNTech để bệnh không phát triển trầm trọng đến nỗi phải vào bệnh viện.

Theo bản tin của hãng thông tấn AFP, các nhà nghiên cứu tại CDC có cuộc phân tích khoảng gần 3,689 trường hợp người lớn bị nhiễm COVID-19 và bệnh tình trầm trọng khiến phải vào bệnh viện, trong thời gian từ 11 Tháng Ba cho tới 15 Tháng Tám, 2021, khoảng thời gian trước và sau khi biến thể Delta trở thành nguồn lây bệnh chính.
Image
Vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech. (Hình minh họa: Hazem Bader/AFP via Getty Images)
Nói chung, có 12.9% người trong số này được hoàn toàn chích ngừa với vaccine Moderna, trong khi 20% được chích vaccine Pfizer-BioNTech, và 3.1% với vaccine Johnson & Johnson.

Trong cả thời gian nêu trên, vaccine Moderna có hiệu năng tới 93%, giúp không phải vào bệnh viện, trong khi ở Pfizer là 88% và J&J là 68% hiệu quả.


Mức độ mất hiệu năng để không phải vào bệnh viện được thấy rõ ở vaccine Pfizer: bị giảm từ 91% trong thời gian từ 14 ngày đến 120 ngày sau khi chích, xuống còn 77% sau khi đã chích được hơn 120 ngày.

Trong khi đó, Moderna giảm từ 93% xuống còn 92% khi so sánh trong cùng cả hai thời gian.

Vaccine do Moderna sản xuất cũng thấy tạo ra nhiều kháng thể hơn là của Pfizer và J&J.

Hiện đang ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine Moderna cao hơn của vaccine Pfizer.

Lý do vì sao có việc này hiện chưa được biết rõ, nhưng đây có thể là vì liều lượng của Moderna cao hơn, dùng tới 100 microgram so với 30 microgram của Pfizer.


Và điều này cũng có thể vì khoảng cách thời gian giữa hai mũi chích. Với Pfizer, người ta chỉ đợi có ba tuần, trong khi Moderna cách nhau bốn tuần.

Hôm Thứ Sáu, Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) có cuộc họp của các chuyên gia hàng đầu để bàn thảo về việc có nên chích mũi vaccine Pfizer thứ ba cho tập thể dân chúng hay không, chứ không riêng gì những người có sức đề kháng yếu, và đã đi đến kết luận là bác bỏ việc này. (V.Giang) [qd]
lilac2010
Posts: 76
Joined: Sun Mar 21, 2010 10:45 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by lilac2010 »

Đừng trông chờ vào con cái,
3 điều sau đây mới là chỗ dựa cho bạn khi về già

1. Thân thể khỏe mạnh

Ở đời, quan trọng nhất là phải có sức khỏe. Bởi vì con người còn sống là còn có hy vọng, có sức khỏe mới có khả năng làm mọi chuyện. Nếu chỉ có tiền bạc, địa vị mà không có một cơ thể khỏe mạnh, thì tất cả cũng chỉ là vô nghĩa.

Khi về già, bạn càng phải quý trọng sức khỏe hơn. Tuổi tác càng cao, cơ thể càng yếu đi. Con cái hiếu thuận thì có thể ở bên chăm sóc bạn, nhưng ngộ nhỡ gặp phải con cái bất hiếu, hoặc có lòng nhưng không có sức, bận rộn quá nhiều việc thì bạn phải làm sao đây? Chưa kể không có sức khỏe, không có khả năng lao động hay chí ít là khả năng tự chăm sóc bản thân, bạn sẽ trở thành gánh nặng cho người khác. Có người “gánh” bạn cũng chẳng sống vui vẻ được, nữa là không có ai “gánh”.


2. Bạn đời bầu bạn

Khi về già, bạn sẽ rất dễ cảm thấy cô đơn. Nếu chỉ có một mình, thì dù ngoài miệng không nói, đến lúc đêm hôm yên tĩnh, tất cả cay đắng đều sẽ hiện ra rõ ràng. Kể cả khi có con cái bầu bạn, chúng cũng vẫn có cuộc sống của riêng mình, cũng phải nỗ lực cải thiện cuộc sống. Để con cái vì phải chăm sóc bạn mà gánh chịu áp lực nặng nề cũng đâu phải điều bạn muốn. Cho nên con người ta về già tốt nhất là có bạn đời ở bên. Ít nhất khi cô đơn còn có một bờ vai để dựa vào, khi buồn chán còn có người trò chuyện cùng, sống vui vẻ hơn một chút.

Con cái có hiếu thuận đến đâu cũng không thể ở bên cha mẹ mãi được. Cho nên, vì hạnh phúc của mình, cũng để không làm phiền đến con cái, tốt nhất là có một người bạn đời ở bên.


3. Tiền dưỡng lão

Tuổi càng cao, bạn sẽ gặp phải rất nhiều chuyện nằm ngoài dự liệu. Không ai biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, chuyện duy nhất bạn phải làm là sống tốt mỗi ngày. Già rồi, sức khỏe không được như người trẻ tuổi, hiệu quả công việc và tiền kiếm được cũng sẽ ít hơn. Bạn nhất định phải tích cóp cho mình một khoản tiền dưỡng lão. Ít nhất là phải đủ để nuôi bản thân sống qua ngày.

Con người ai cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử, lớn tuổi nhiều bệnh, con cái dốc lòng chăm sóc sẽ khiến bạn thấy tội nghiệp cho chúng, mà con cái lạnh lùng bỏ bê thì bạn khổ không để đâu cho hết. Cho nên không thể không có tiền dưỡng lão, có tiền rồi, ít nhiều gì cũng không cần nhìn sắc mặt người khác mà sống.

Mọi người vẫn hay bảo, phải có con cái để về già có người chăm sóc, nhưng thực ra sự đời khó đoán, điều tốt nhất bạn có thể làm là không liên lụy người khác, không tổn thương bản thân. Hãy có chuẩn bị từ trước, cả đời chỉ dựa vào bản thân mình, ấy cũng là một loại hạnh phúc.

Sưu tầm
hoanghoa
Posts: 2260
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Đời sống quanh ta

Post by hoanghoa »


3 loại trái cây nằm trong "danh sách đen" có thể nuôi dưỡng tế bào ung thư


10-02-2021
Đừng vô tư mà ăn những loại trái cây dưới đây nếu bạn không muốn ung thư có cơ hội xâm nhập vào cơ thể nhé!

Cũng giống như rau, trái cây là loại thực phẩm tương đối tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nếu thường xuyên ăn trái cây thì bạn có thể nâng cao khả năng miễn dịch, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Ngoài ra, một số loại trái cây còn chứa nhiều chất đặc biệt có hoạt tính sinh học. Khi ăn thường xuyên có thể ngăn ngừa hiệu quả sự xuất hiện của các bệnh về ung thư.

Tuy nhiên, không phải loại trái cây nào cũng tốt cho sức khỏe. Nếu trái cây đã mất đi độ tươi ngon và thậm chí còn chuyển sang giai đoạn nẫu, hỏng thì bạn tuyệt đối không nên động vào.

Dưới đây chính là 3 loại trái cây cần vứt đi ngay mà bạn nên chú ý!

1. Táo hư, thối

Táo tươi có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất như vitamin A, C, E, kali và canxi có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể và kiểm soát cân nặng. Bên cạnh đó, loại quả này còn chứa pectin và các nguyên tố vi lượng khác nhau như crom. Nếu ăn thường xuyên không chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình cân bằng lượng đường trong máu mà còn làm giảm hàm lượng lipid máu trong cơ thể và ngăn ngừa sự xuất hiện của cholesterol.

Nhưng một khi quả táo đã bắt đầu có dấu hiệu hư, thối thì nó sẽ dễ sinh ra nấm mốc và một số độc tính. Khi bạn ăn loại táo này thường xuyên có thể gặp phải tình trạng đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy. Trong trường hợp nặng, nó thậm chí còn gây ra cảm giác khó chịu và dễ dẫn đến nguy cơ ung thư.
Image
2. Xoài chín, nẫu

Xoài chứa nhiều hợp chất oxy, có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và cũng góp một phần nhỏ chống ung thư hiệu quả. Ngoài ra, loại quả này cũng rất giàu vitamin C. Nếu ăn thường xuyên có thể làm giảm cholesterol và ngăn ngừa các bệnh tim mạch hiệu quả.

Thế nhưng, có nhiều tiểu thương vì mục đích kiếm tiền mà sẵn sàng tìm mọi cách để làm xoài chín sớm. Nếu ăn phải loại xoài này sẽ gây kích ứng dạ dày rất lớn, lâu dần còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Do đó, khi mua loại quả này, bạn hãy ngửi thử trước và sờ thấy quá chín, nẫu thì tuyệt đối không được ăn.
Image
3. Chuối thâm, hỏng

Chuối cũng chứa nhiều loại vitamin, có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và duy trì nhu động ruột. Hơn nữa, loại quả này còn chứa một lượng lớn kali, có thể điều chỉnh huyết áp ở một mức độ nhất định.

Không chỉ vậy, chuối còn chứa nhiều carbs, chất xơ, vitamin B và vitamin C… có tác dụng nâng cao khả năng tự miễn dịch và giảm hấp thu các chất độc hại của cơ thể, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Dù vậy, cũng tương tự xoài, có nhiều nơi thường tìm cách thúc chuối chín sớm. Nếu ăn phải loại chuối này thường xuyên thì dễ khiến cơ thể bị kích thích các chất độc hại, từ đó sinh ra tế bào ung thư.
Image
Nguồn: Sohu, Healthline; Ảnh: Internet

Theo Mẫn Nhi
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests