Thời Sự, Bình Luân

hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Châu Âu phô diễn sức mạnh, thách thức Trung Quốc ở Biển Đông
Anh, Pháp tham gia tập trận với Hoa Kỳ và các đối tác ngay cửa ngõ Biển Đông

Hiếu Chân

Image
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang đi qua Eo biển Malacca trong lúc khinh hạm HMS Richmond trong nhóm tác chiến phối hợp huấn luyện với Hải quân Hoàng gia Malaysia và Hải quân Singapore. Ảnh Royal Navy, Anh.

Sau khi đến Biển Đông gần đây, nhóm tác chiến tàu sân bay mới, lớn nhất của Vương quốc Anh – HMS Queen Elizabeth – sẽ cùng với Mỹ, Nhật Bản, Úc và New Zealand, và với một cường quốc châu Âu khác là Pháp, tham gia các cuộc tập trận trên biển Philippines.

Bước đột phá của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là một phần trong xu hướng của các nước lớn ở châu Âu gửi hỏa lực hải quân đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện sự ủng hộ nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Anh và Pháp đã cùng với Mỹ và Nhật Bản cho rằng các tuyên bố chủ quyền và hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

“Khi chứng kiến cán cân quyền lực nghiêng về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chúng tôi đã cam kết làm việc với các đối tác của mình ở đây để bảo vệ các giá trị dân chủ, giải quyết các mối đe dọa chung và giữ an toàn cho quốc gia của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong một thông cáo báo chí hồi Tháng Bảy.

Tàu sân bay của Anh khởi hành vào Tháng Năm và tham gia các cuộc tập trận với Hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương vào Tháng Bảy trước khi quá cảnh qua eo biển Luzon phía Nam Đài Loan hôm Chủ nhật. Sau các cuộc tập trận trên biển Philippines, tàu ​​sẽ cập cảng Nhật Bản vào Tháng Chín.

Hồi Tháng Năm, Pháp đã điều một tàu khu trục nhỏ và một tàu tấn công đến gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ quân sự. Một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp cũng đã đi qua Biển Đông vào đầu năm nay, các máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của Pháp cũng sẽ tham gia tập trận trong tháng này trên khu vực Đông Nam Á, trong một khu vực chạy từ Ấn Độ đến Úc.

Tàu khu trục nhỏ Bayern của Đức đã khởi hành hôm Thứ Hai trên đường đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với 230 thành viên thủy thủ đoàn. Con tàu sẽ đi qua Biển Đông vào cuối năm nay, ghé thăm các hải cảng ở Úc, Việt Nam, Nam Hàn và Nhật Bản.

Châu Âu không hẳn là một lực lượng quân sự đáng kể ở châu Á. Vương quốc Anh chẳng hạn, chỉ có tổng cộng khoảng 340 quân nhân thuộc lực lượng chính quy ở châu Á, chiếm 0,2% lực lượng chính quy của Anh và 6% hoặc lực lượng Anh được triển khai ở nước ngoài.


Tuy nhiên sự tham gia ngày càng sâu rộng của Anh, Pháp và Đức ở một nơi xa xôi của thế giới mà họ có ít quyền lợi trực tiếp phản ánh quan niệm rằng tầm ảnh hưởng quốc tế của một quốc gia luôn gắn liền với sự hiện diện của quốc gia đó ở châu Á, châu lục đang phát triển nhanh. Điều đó đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc, cường quốc kinh tế lớn nhất khu vực, đang cố mở rộng ảnh hưởng thông qua việc đe dọa, mua chuộc và cưỡng bức các nước trong khu vực.

Cho dù Anh và Pháp chỉ có lực lượng quân sự hạn chế ở châu Á, tư cách thành viên thường trực, có quyền phủ quyết của họ trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể là một vị thế ngoại giao quan trọng mà Trung Quốc không thể coi thường; và vị thế đó cung cấp một “quân bài” để chơi trong các cuộc đàm phán kinh tế với Bắc Kinh.

Các động thái của Anh, Pháp và Đức tất nhiên đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ.

Trong một bài xã luận tuần trước tờ Thời báo Hoàn cầu trực thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo: “Trung Quốc đang tăng cường khả năng quân sự của mình ở Biển Đông và các tàu sân bay do Mỹ và các đồng minh triển khai sẽ rất dễ bị tổn thương trước các cuộc xung đột quân sự cực đoan”. Tờ báo này cho rằng hành động của Anh và Pháp đưa chiến hạm vào Biển Đông có thể gây tai hại cho quan hệ giữa chính phủ hai nước này với Bắc Kinh. Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu nói rằng cả Anh, Pháp và Đức đều “không đủ sức mạnh để đánh nhau với Trung Quốc trên Biển Đông”. “Và tôi tin họ hiểu rõ điều đó,” Hồ nói.

Quân đội Trung Quốc có kế hoạch tập trận ở Biển Đông từ Thứ Sáu đến Thứ Ba tuần sau.

Ở các nước Đông Nam Á có những ý kiến ngược nhau về diễn biến trên biển. Tại Indonesia, những người có quan điểm tích cực cho rằng, việc các nước châu Âu phái tàu chiến đến khu vực là “một phản ứng cho Trung Quốc thấy rằng Biển Đông không thuộc về nước họ.” Nhưng cũng có ý kiến khuyên can “Mỹ và châu Âu nên kiềm chế trước những hành động có thể kích động Trung Quốc một cách thái quá.”

Nick Childs, chuyên gia cấp cao về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, cho biết động thái của các nước châu Âu ở châu Á là “phản ánh thực tế trọng tâm kinh tế đang chuyển sang phần đó của thế giới… Ngoài ra, các quốc gia khác nhau có các chính sách và cách tiếp cận hơi khác nhau”, ông nói thêm.

(theo Asia Nikkei Review)
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Tại sao Bộ Tứ (Quad) làm Trung Quốc hoảng sợ
Thành công của Bộ Tứ đặt ra một mối đe dọa lớn đối với tham vọng của Bắc Kinh
Hiếu Chân dịch, Kevin Rudd (*)
7 tháng 8, 2021

Image
Hải quân Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) tham gia tập trận Malabar tháng 11- 2020 trên Ấn Độ Dương. Ảnh U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Elliot Schaudt.
Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mời các quan chức Bộ Tứ (the Quad), gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ gặp mặt tại thủ đô Manila của Philippines Tháng Mười Một 2017, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thấy có lý do gì để lo lắng. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) chế giễu lần tập hợp của Bộ Tứ chỉ là “một ý tưởng gây chú ý của truyền thông”. “Chúng giống như bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương: Gây được một số sự chú ý nhưng sẽ sớm tan biến”, Vương nói.

Bắc Kinh có một số lý do để coi thường như vậy. Các nhà chiến lược Trung Quốc đánh giá các thành viên của Quad có quyền lợi quá khác biệt nhau nên khó tạo ra sự thống nhất thực sự. Dù thế nào thì nhóm Bộ Tứ đã được thử nghiệm hơn một thập niên trước mà có rất ít kết quả thực.

Tuy nhiên, chỉ trong vài năm kể từ cuộc họp Tháng Mười Một 2017 đó, Bắc Kinh đã bắt đầu suy nghĩ lại sự coi thường ban đầu của mình. Đến Tháng Ba năm nay, khi Bộ Tứ tổ chức hội nghị thượng đỉnh cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên và phát hành thông cáo chung cấp lãnh đạo đầu tiên, các quan chức Trung Quốc bắt đầu nhìn Bộ Tứ với mối quan tâm ngày càng tăng. Kể từ đó, Bắc Kinh kết luận rằng Bộ Tứ đại diện cho một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với tham vọng của Trung Quốc trong những năm tới.



Khi cuộc “cạnh tranh chiến lược” với Trung Quốc trở thành điểm hiếm hoi nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cảnh báo rằng đất nước của ông ta đang đối mặt với một “cuộc chiến đấu vì tương lai của trật tự quốc tế” với một Hoa Kỳ quyết tâm ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Tập tin rằng Bắc Kinh có cơ hội từ nay đến năm 2035 để biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế, công nghệ và thậm chí cả về quân sự hàng đầu thế giới. Một bộ phận hữu cơ của cuộc chuyển hóa này là thuyết phục các quốc gia ở châu Á và thế giới rằng sự thống trị của Trung Quốc là không thể tránh khỏi và do đó các nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo các yêu cầu của Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép Trung Quốc viết lại các luật lệ của trật tự quốc tế – và giành lấy vị trí lãnh đạo toàn cầu – mà không cần phải nổ súng.

Bộ Tứ là vấn đề thách thức độc đáo đối với chiến lược của Trung Quốc vì mục tiêu của Bộ Tứ là thống nhất một liên minh kháng cự đa phương có khả năng làm cứng xương sống của toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và có thể xa hơn nữa. Đối với ông Tập, câu hỏi quan trọng là liệu Bộ Tứ sẽ phát triển đủ lớn, đủ chặt chẽ và toàn diện để cân bằng thế lực chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả; từ đó làm suy yếu mọi ý nghĩ rằng sự thống trị của Trung Quốc, ở châu Á hay toàn cầu, là không thể tránh khỏi. Cho đến nay, Bắc Kinh đã phải vật lộn để có được một phản ứng hiệu quả chống lại thách thức của Bộ Tứ. Liệu các quan chức Trung Quốc có tìm được một chiến lược thành công để phá hoại sự tiến bộ của Bộ Tứ hay không sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung — và số phận của tham vọng toàn cầu của Trung Quốc nói chung — trong cái đã trở thành một “thập niên sống nguy hiểm.”

Hãy đến cùng nhau

Nỗ lực đầu tiên của ông Abe để khởi động Bộ Tứ là sau vụ sóng thần năm 2004, khi Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng hợp tác ứng phó với thảm họa. Ông Abe coi Bộ Tứ là một cách để xây dựng năng lực của bốn quốc gia trong việc cùng nhau đáp ứng các thách thức an ninh chung trong khu vực. Nhưng các thủ đô khác chỉ phản ứng hời hợt.

Tại Washington, Tổng thống George W. Bush lo rằng sự hợp tác như vậy sẽ khiến cho Trung Quốc xa lánh Hoa Kỳ một cách vô ích trong khi Mỹ cần có Bắc Kinh trong “cuộc chiến chống khủng bố”. Trong vòng vài năm, như các bức điện do WikiLeaks phát hành sau này cho thấy, chính quyền Bush trong chốn riêng tư đã bảo đảm với các chính phủ khu vực rằng Bộ Tứ sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Tại New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh liên tục loại trừ mọi hợp tác an ninh thực sự với nhóm Bộ Tứ và coi mối quan hệ với Bắc Kinh là “sự cần thiết bắt buộc”. Còn tại Canberra, chính phủ bảo thủ của Thủ tướng John Howard lo lắng về sự xói mòn các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc đang rất có lợi, và cũng phản đối sự mở rộng mối hợp tác ba bên đang có với Hoa Kỳ và Nhật Bản bằng cách thêm Ấn Độ vào. Vào Tháng Bảy năm 2007, Úc chính thức rút lui khỏi Bộ Tứ và công bố quyết định tại Bắc Kinh ngay sau đó (do ông Kevin Rudd, tác giả của bài này, khi đó mới trúng cử thủ tướng Úc, công bố – ND). Khi ông Abe – động lực đằng sau việc thành lập Bộ Tứ – bất ngờ từ chức vào Tháng Chín năm 2007 (trước khi trở thành thủ tướng một lần nữa vào năm 2012), người kế nhiệm ông, Thủ tướng Yasuo Fukuda, chính thức ném Bộ Tứ vào thùng rác của lịch sử.

Khi ông Abe tập hợp Bộ Tứ trở lại một thập niên sau đó, hoàn cảnh chiến lược đã thay đổi đáng kể. Sau nhiều năm quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc ngày càng căng thẳng, hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và các cuộc đụng độ lặp đi lặp lại giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo biên giới còn tranh chấp trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, ở tất cả các thủ đô của Bộ Tứ, các tính toán chiến lược về Trung Quốc được phát triển hoặc điều chỉnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng họ không có lý do gì để lo lắng sau khi Bộ Tứ tái hợp vào Tháng Mười Một năm 2017: Đã có một cuộc họp của các nhà ngoại giao bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Manila. Cuộc họp không đưa ra được một thông cáo chung, không vạch ra được một mục đích chiến lược chung, thay vào đó chỉ phát hành các tuyên bố riêng lẻ không có sự phối hợp, chủ yếu để làm nổi bật sự khác biệt giữa các nước về các mối quan tâm chính. Bắc Kinh vẫn tỏ ra thờ ơ ngay cả sau cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng ngoại giao của Bộ Tứ vào Tháng Chín năm 2019 tại New York, và ngay cả sau khi các bộ trưởng đã đồng ý làm việc cùng nhau về điều sẽ trở thành câu thần chú của Bộ Tứ: “Thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”



Thế rồi, vào Tháng Sáu năm 2020, các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ dọc theo biên giới chung của hai nước khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và làm cho New Delhi, trước đây là thành viên miễn cưỡng nhất của Bộ Tứ, phải đánh giá lại các ưu tiên chiến lược của mình và thể hiện quyết tâm mới nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc. Khi các bộ trưởng ngoại giao của Bộ Tứ họp lại vào Tháng Mười năm 2020 tại Tokyo, Bắc Kinh bắt đầu chú ý. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố thẳng thừng rằng mục tiêu của Washington là “thể chế hóa” Bộ Tứ, “xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự” và thậm chí sẽ mở rộng nhóm vào “thời điểm thích hợp” để “chống lại thách thức mà đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra cho tất cả chúng ta.” (Ông Pompeo trước đó đã mời New Zealand, Nam Hàn và Việt Nam tham gia cuộc đàm phán Bộ Tứ mở rộng (“Quad Plus”) bàn về thương mại, công nghệ và an ninh chuỗi cung ứng.)

Sau cuộc gặp tại Tokyo, Ấn Độ đã mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm được tổ chức cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây là điều rất đáng chú ý vì trước đó Ấn Độ đã từ chối cho phép Úc tham gia các cuộc tập trận vì sợ gây phản ứng của Bắc Kinh. Bây giờ, nhờ vào cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc vào Tháng Sáu năm 2020, Delhi đã không còn do dự nữa. Từ quan điểm của Bắc Kinh, bàn cờ địa chính trị đột nhiên có vẻ kém thuận lợi hơn hẳn.

Từ chia rẽ đến tấn công

Lúc đầu, các chiến lược gia Trung Quốc dường như nghĩ rằng có một giải pháp tương đối đơn giản cho thách thức mới từ Bộ Tứ: Sử dụng sự kết hợp củ cà rốt và cây gậy để chèn một cái nêm vào giữa lợi ích kinh tế và an ninh của các thành viên Bộ Tứ. Bằng cách nhấn mạnh sự phụ thuộc quá lớn của mỗi quốc gia vào thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh hy vọng sẽ phá vỡ Bộ Tứ.

Sau cuộc họp các bộ trưởng Bộ Tứ vào Tháng Mười năm 2020 và các cuộc tập trận hải quân Malabar sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phải thay đổi giọng điệu một cách đáng chú ý, bắt đầu đả kích những nỗ lực xây dựng một “NATO khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương” và gọi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Bộ Tứ là “một mối đe dọa an ninh tiềm tàng” đối với khu vực. Bắc Kinh cũng chọn một mục tiêu để tấn công. Truyền thống chiến lược của Trung Quốc dạy các chính trị gia “phải giết một để cảnh cáo một trăm”. Trong trường hợp này, ý tưởng của họ là giết một (Úc) để cảnh cáo hai (Ấn Độ và Nhật Bản).

Bắc Kinh trước đó dường như có ý định cải thiện quan hệ với Canberra. Nhưng không có lời giải thích cụ thể, Trung Quốc đột ngột áp đặt các hạn chế lên việc nhập cảng than đá của Úc – và sau đó là thịt bò, bông vải, len, lúa mạch, lúa mì, gỗ, đồng, đường, tôm hùm và rượu vang. Theo đánh giá của Bắc Kinh, với tư cách là nền kinh tế nhỏ nhất trong số bốn nền kinh tế của Bộ Tứ, Úc sẽ là nước dễ bị tổn thương nhất trước áp lực kinh tế của Trung Quốc (và do sự khác biệt quá lớn về quy mô và khoảng cách địa lý, Úc ít đe dọa đến lợi ích an ninh của Trung Quốc). Đồng thời, Trung Quốc cố gắng sửa chữa quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản. Sau nhiều năm nỗ lực cải thiện quan hệ với Tokyo, Bắc Kinh đã cố gắng hoàn tất chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập, gặp gỡ người kế nhiệm của ông Abe là Thủ tướng Yoshihide Suga (Cho đến nay chưa có cuộc gặp nào giữa Tập và Suga – ND). Và Bắc Kinh cũng tìm cách giảm căng thẳng với Ấn Độ bằng việc đàm phán một thỏa thuận rút quân khỏi khu vực đã xảy ra đụng độ và âm thầm vận động để Ấn Độ thả một lính đặc nhiệm Trung Quốc bị bắt nhằm tránh châm ngòi cho một cơn bão chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Nhưng Bắc Kinh đã đánh giá thấp tác động của các hành động của họ đối với sự đoàn kết của Bộ Tứ và cả hai củ cà rốt đều không có tác dụng như dự tính. Tại Tokyo, tính chất trầm trọng của sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, cùng những lo ngại về nhân quyền và Hong Kong đã bắt đầu khiến mối quan hệ Bắc Kinh-Tokyo rơi vào tình trạng băng giá. Tại New Delhi, sự cảnh giác với Trung Quốc đã ăn rất sâu, bất kể sự bế tắc trước mắt đã được giải quyết. Như Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar giải thích, các cuộc đụng độ biên giới đã tạo cho Delhi một “mức độ thoải mái” hơn trong việc “gắn kết sâu hơn vào các vấn đề an ninh quốc gia” với Washington và các đối tác khác. Sự xuất hiện của một chính phủ mới ở Washington – một chính quyền quay lại tập trung vào sự gắn bó với các đồng minh, khu vực và đa phương, đồng thời nhanh chóng giải quyết các tranh chấp thương mại và quân sự thời Trump với các đồng minh châu Á, đã tạo thêm một trở ngại cho kế hoạch của Bắc Kinh.

Đầu năm nay, các quan chức Trung Quốc đã hiểu ra rằng không mưu toan nào trong việc phớt lờ hoặc chia rẽ Bộ Tứ có thể thành công. Vì vậy, Bắc Kinh chuyển sang lựa chọn thứ ba: Tấn công chính trị toàn diện.

Cuộc họp Tháng Ba 2021 giữa các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ đã xác nhận những lo ngại ngày càng tăng của Trung Quốc về tầm quan trọng của nhóm. Bằng cách lần đầu tiên triệu tập các nguyên thủ quốc gia và rất sớm ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã báo hiệu rằng Bộ Tứ sẽ là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của ông. Và lần đầu tiên, cuộc họp đã đưa ra một thông cáo chung thống nhất cam kết thúc đẩy “một trật tự tự do, cởi mở, dựa trên luật lệ, bắt nguồn từ luật pháp quốc tế” và bảo vệ “các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ”. Bộ Tứ cũng cam kết hợp tác sản xuất và phân phối một tỷ liều vaccine COVID-19 trong toàn khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói ra những gì có thể là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của Bắc Kinh khi ông tuyên bố: “Cuộc họp thượng đỉnh hôm nay cho thấy Bộ Tứ đã đến tuổi [trưởng thành]. Bây giờ nó là một trụ cột quan trọng cho sự ổn định của khu vực.”



Kể từ đó, đã có một sự bùng nổ trong những lời lên án của Trung Quốc nhắm vào Bộ Tứ, chẳng hạn như gọi đây là một “nhóm nhỏ” các nước đang cố “bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Hồi Tháng Năm, Tập đã lên án những nỗ lực sử dụng “chủ nghĩa đa phương như một cái cớ để hình thành các nhóm nhỏ hoặc kích động sự đối đầu về ý thức hệ”. Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện là người ủng hộ “chủ nghĩa đa phương chân chính” và là người bảo vệ hàng đầu của hệ thống Liên Hiệp Quốc. Ông Tập và các quan chức Trung Quốc khác đã bắt đầu nói thường xuyên hơn về “trách nhiệm của cường quốc” và vị thế của Trung Quốc với tư cách là “cường quốc có trách nhiệm”. Bắc Kinh cũng đang tăng gấp đôi nỗ lực phát triển các khuôn khổ thương mại thay thế bằng cách thúc đẩy tư cách thành viên của mình trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nỗ lực hoàn tất thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc và tán thành ý tưởng tham gia CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, phát triển từ các cuộc đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP – do Hoa Kỳ thúc đẩy trước đây). Hy vọng của Bắc Kinh là có thể cô lập và loại trừ Bộ Tứ bằng cách vươn xa hơn Bộ Tứ về mặt ngoại giao và thương mại trên trường toàn cầu.

Tuy nhiên, những lời lên án của Bắc Kinh cho đến nay hầu như không ngăn cản được tiến bộ của Bộ Tứ. Chuyến đi vào Tháng Sáu của ông Biden tới châu Âu — nơi Úc và Ấn Độ được mời tham gia nhóm G7, các cuộc thảo luận của Hoa Kỳ với EU và NATO, trong đó Trung Quốc là chủ đề chính — đã củng cố lo ngại của Bắc Kinh rằng Bộ Tứ có thể tự tích hợp vào một liên minh chống Trung Quốc rộng lớn hơn. Và các mối tương tác giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn, bao gồm cả chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Washington hồi Tháng Năm, củng cố mối lo ngại rằng Bộ Tứ có thể kết nạp thêm Nam Hàn và trở thành “Bộ Ngũ”, dù Seoul thường miễn cưỡng đứng về phía Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc một cách rõ ràng. Thế nhưng tuyên bố chung của hai nước đã nhất trí rằng họ “công nhận tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương khu vực cởi mở, minh bạch và bao trùm, bao gồm cả Bộ Tứ”.

Lý do để lo lắng

Trung Quốc có lý do đáng kể để lo lắng về những diễn biến như vậy và ý nghĩa của chúng đối với triển vọng toàn cầu và khu vực của Trung Quốc. Ví dụ, trên mặt trận an ninh, Bộ Tứ làm thay đổi suy nghĩ của Bắc Kinh về các kịch bản khác nhau ở eo biển Đài Loan và Biển Đông và ở mức độ thấp hơn ở Biển Hoa Đông, khi Trung Quốc ngày càng ý thức được khả năng quân đội Úc, quân đội Ấn Độ hoặc quân đội Nhật Bản có thể can dự vào bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Hoa Kỳ. Đặc biệt quan trọng sẽ là sự phối hợp của Bộ Tứ với Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative) của Hoa Kỳ. Một mạng lưới phân tán các hỏa tiễn chống hạm đặt trên đất liền và các năng lực tấn công chính xác khác đặt tại các nước đồng minh trong khu vực có thể cản trở việc Bắc Kinh đe dọa Đài Loan bằng các cuộc xâm lược đổ bộ, bao vây phong tỏa hoặc sử dụng hỏa tiễn trên mặt đất — mặc dù còn lâu mới có được thỏa thuận chính trị về việc bố trí hỏa tiễn như vậy trong các quốc gia riêng lẻ của Bộ Tứ. Một mối quan tâm khác của Trung Quốc là Bộ Tứ sẽ tiến tới một thỏa thuận với đối tác tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) để chia sẻ thông tin tình báo, cho phép thông tin nhạy cảm về chiến lược và hành vi của Trung Quốc được phổ biến rộng rãi hơn.

Nhưng tình huống xấu nhất theo quan điểm của Bắc Kinh là Bộ Tứ có thể đóng vai trò nền tảng cho một liên minh chống Trung Quốc toàn cầu rộng lớn. Nếu Bộ Tứ lôi kéo các quốc gia châu Á khác, EU và NATO vào nỗ lực đối đầu hoặc làm suy yếu tham vọng quốc tế của Trung Quốc, thì theo thời gian, nó có thể xoay chuyển cán cân quyền lực tập thể chống lại Trung Quốc một cách dứt khoát. Bộ Tứ cũng có thể đặt nền tảng cho một liên minh kinh tế, hải quan và tiêu chuẩn rộng lớn hơn, có thể định hình lại mọi thứ từ tài trợ cơ sở hạ tầng toàn cầu đến chuỗi cung ứng cho đến các tiêu chuẩn công nghệ. Ông Kurt Campbell, quan chức cấp cao về châu Á của chính quyền Biden, đã nói về sự cần thiết phải đưa ra “tầm nhìn kinh tế tích cực” cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; Bắc Kinh lo ngại rằng Bộ Tứ có thể trở thành điểm tựa cho một nỗ lực như vậy.

Một điểm sáng theo quan điểm của Bắc Kinh là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có khả năng sẽ giữ một khoảng cách với Bộ Tứ, như là một phần trong quan điểm trung lập của ASEAN về căng thẳng Mỹ-Trung. Các quan chức Trung Quốc cũng cảm thấy an ủi khi tâm lý bảo hộ tiếp tục hiện diện ở cả Washington và Delhi, có nghĩa là cả hai nước này đều sẽ không sớm tham gia CPTPP (hoặc thậm chí RCEP). Thật vậy, lực hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là công cụ lớn nhất để làm suy yếu Bộ Tứ và đảo ngược các nỗ lực chống Trung Quốc trên phạm vi rộng: Đối với Bắc Kinh, tăng trưởng kinh tế tiếp tục kéo dài của Trung Quốc và tỷ trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn là những lợi thế chiến lược quan trọng nhất của họ, cũng như trong quá khứ.

Trung Quốc cũng sẽ tăng gấp đôi hợp tác chiến lược và quân sự với Nga. Moscow và Bắc Kinh đã cam kết mở rộng hợp tác năng lượng hạt nhân song phương, và trong cuộc điện đàm hồi Tháng Năm với ông Tập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi mối quan hệ Trung – Nga là “tốt nhất trong lịch sử”. Từ quan điểm của Trung Quốc, Nga đóng vai trò là một đối tác quân sự hữu ích, còn liên quan tới Bộ Tứ, Nga sẽ cung cấp một con đường để mở rộng lĩnh vực lựa chọn chiến lược của Trung Quốc về mặt địa lý. Ví dụ, sự gần gũi của Nga với Nhật Bản và việc Nga tiếp tục chiếm đóng các Lãnh thổ phía Bắc của Nhật Bản có thể khiến Tokyo phải suy nghĩ kỹ trước khi tham gia với Hoa Kỳ trong bất kỳ kịch bản quân sự nào liên quan đến Trung Quốc trong tương lai.

Việc tiếp tục hợp nhất Bộ Tứ cũng sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự. Ngay cả khi một số nhà phân tích Trung Quốc nghi ngờ tác động thực tế của Bộ Tứ tới khả năng xảy ra chiến tranh, các quan chức quân sự vẫn lập luận rằng họ phải sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất liên quan đến Bộ Tứ. Các quan chức Trung Quốc đang lo sẽ lặp lại sai lầm của Liên Xô trong việc tăng cường quân sự quá mức gây thiệt hại cho nền kinh tế dân sự. Nhưng nếu họ nhận thấy tương quan lực lượng với Hoa Kỳ và các đồng minh đang chuyển theo hướng có hại cho Trung Quốc, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ tăng lên tương ứng, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang khu vực ở châu Á.

Cuối cùng, câu hỏi lớn nhất là tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với ông Tập, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào mùa Thu năm 2022, đại hội mà ông Tập hy vọng sẽ bảo đảm được sự thống trị chính trị lâu dài của mình. Có một số khả năng là sự tiến bộ của Bộ Tứ sẽ cung cấp cho những người gièm pha ông Tập thêm bằng chứng về xu hướng tiếp cận chiến lược quá đáng của ông ta. Tuy nhiên, nhiều khả năng là ông Tập cuối cùng sẽ củng cố bàn tay cai trị của mình bằng cách chỉ vào Bộ Tứ như là bằng chứng rằng các đối thủ của Trung Quốc đang bao vây tổ quốc của họ, qua đó củng cố hơn nữa việc nắm giữ quyền lực của ông.

(*) Kevin Rudd là cựu Thủ Tướng Úc; hiện là Chủ tịch Asia Society – một think-tank nổi tiếng ở New York.

Nguồn: The Foreign Affairs ngày 6 Tháng Tám 2021
bichphuong
Posts: 633
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by bichphuong »

Phóng sự ảnh: Kabul thất thủ!


Binh lính Taliban hoàn toàn làm chủ Kabul (ảnh: Haroon Sabawoon/Anadolu Agency/Getty Images)
16 tháng 8, 2021

Thứ Hai 16 Tháng Tám 2021, hàng ngàn người đã chen lấn hoảng loạn vào Phi trường Quốc tế Hamid Karzai vì sợ Taliban giết hại. Một số video cho thấy hàng trăm người đã chạy đuổi hòng leo lên được chiếc vận tải cơ C-17 của quân đội Hoa Kỳ. Một số người thậm chí bám lên cạnh thân của máy bay; một số người khác rơi từ không trung khi máy bay cất cánh – theo AP.

Cảnh hỗn loạn đã khiến bảy người chết, trong đó có vài rơi khi cố bám vào máy bay. Nhân viên-viên chức tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã được di tản; cờ Mỹ đã hạ xuống. Các ngoại giao đoàn khác cũng tiến hành nhanh chiến dịch di tản. Trả lời phỏng vấn truyền hình, Cố vấn an ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan trách quân đội chính quy Afghanistan đã không nỗ lực chiến đấu…

Image
Không chỉ đường phố, Taliban đã kiểm soát cả Dinh Tổng thống và Dinh Thủ tướng (ảnh: Sayed Khodaiberdi Sadat/Anadolu Agency/Getty Images)

Image
Đường phố Kabul ngày 16 Tháng Tám 2021 (ảnh: Sayed Khodaiberdi Sadat/Anadolu Agency/Getty Images)

Image
Kabul rơi vào tay Taliban một cách chóng vánh (ảnh: Sayed Khodaiberdi Sadat/Anadolu Agency/Getty Images)

Image
Taliban tịch thu nhiều quân trang quân dụng của quân đội chính quy Afghanistan (ảnh: Sayed Khodaiberdi Sadat/Anadolu Agency/Getty Images)

Image
Taliban tịch thu nhiều quân trang quân dụng của quân đội chính quy Afghanistan (ảnh: Sayed Khodaiberdi Sadat/Anadolu Agency/Getty Images)

Image
Lực lượng Taliban đã làm chủ Kabul. Trong ảnh là chiến binh Taliban gần khu vực Phi trường quốc tế Hamid Karzai ngày 16 Tháng Tám 2021 (ảnh: Haroon Sabawoon/Anadolu Agency/Getty Images)

Image
Hàng ngàn người Afghanistan chen lấn và leo rào để vào Phi trường quốc tế Hamid Karzai trong cuộc tháo chạy hỗn loạn (ảnh: Haroon Sabawoon/Anadolu Agency/Getty Images)
bichphuong
Posts: 633
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by bichphuong »

Sự sụp đổ tất yếu của Kabul bắt đầu từ khi nào?
Minh Đăng
15 tháng 8, 2021


Image
Lực lượng an ninh quốc gia tuần hành đường phố Kabul ngày 15 Tháng Tám 2021, khi Taliban bắt đầu tràn vào thủ đô “không bằng vũ lực hoặc chiến tranh mà chỉ thương lượng với phía bên kia để vào thành phố một cách hòa bình” – như lời một phát ngôn viên Taliban (ảnh: Haroon Sabawoon/Anadolu Agency via Getty Images)

New York Times đã điểm lại một số “lỗi kỹ thuật” chết người trong cuộc chiến Afghanistan. Và hậu quả là như đang thấy: Kabul thất thủ, vào ngày 15 Tháng Tám 2021! Mỹ hoàn toàn thất bại!

Một năm sau khi Taliban bị quét khỏi Kabul, một nhóm đại sứ các nước NATO, với dẫn đầu của nhà ngoại giao Mỹ R. Nicholas Burns, đã đến thủ đô Afghanistan để thị sát tình hình. Trên trực thăng Black Hawk, họ đến nhiều vùng Afghanistan; đi bộ tại những khu phố vắng vẻ Kandahar và nhấm trà với các thủ lĩnh sắc tộc địa phương. Báo cáo từ Bộ tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết Taliban chỉ còn là một lực lượng tan nát. “Vài người trong chúng tôi bảo: Không thể nhanh như thế được” – lời kể của Burns. Sự hoài nghi tương tự không tồn tại ở Washington. Khảo sát CIA cùng thời điểm cũng lạc quan cho biết Taliban đã bị giập tơi tả đến nỗi không thể trở thành mối đe dọa. Quân đội Mỹ tự tin đến mức bắt đầu rút lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ khỏi Afghanistan để chuẩn bị đưa đến Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, Donald Rumsfeld, đã không bổ sung quân đội Mỹ để củng cố an ninh Afghanistan, như đề nghị từ Ngoại trưởng (lúc đó) Colin Powell.

Sau khi lật đổ chính thể Taliban Tháng Mười Hai 2001, Ngoại trưởng Colin Powell và Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice đã tranh luận đốp chát đề tài mang nội dung củng cố hình ảnh Mỹ trên trường thế giới bằng cách không thể để mất Afghanistan. Tháng Hai 2002, tại Phòng tình huống, Powell đề nghị quân đội Mỹ nên gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế trong chiến dịch tuần hành Kabul đồng thời giúp chính quyền của Tổng thống đầu tiên (giai đoạn “hậu Taliban”) – Hamid Karzai – mở rộng quyền lực khỏi phạm vi thủ đô. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cho rằng nếu Mỹ bày tỏ dấu hiệu ủng hộ, quân đội các nước đồng minh NATO sẽ không tăng quân số mà đùn trách nhiệm cho Mỹ. Năm 2002, Mỹ bắt đầu đưa 8,000 quân đến Afghanistan, chỉ nhằm săn lùng tàn quân Taliban và Al-Qaeda chứ không tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; trong khi đó, 4,000 lính lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế lại hiếm khi đi khỏi ranh giới Kabul!



Chủ trương Mỹ là chỉ hỗ trợ Afghanistan tự xây dựng quân đội. Phần trách nhiệm trên tổng thể cấu trúc tái thiết được chia như sau: Mỹ sẽ huấn luyện 70,000 lính cho Afghanistan; Nhật chịu trách nhiệm giải giáp khoảng 100,000 chiến binh (tàn quân Taliban); Anh lãnh phần kiểm soát, ngăn chặn canh tác-chế biến thuốc phiện; Ý giúp xây dựng bộ máy tư pháp; và Ðức đào tạo 62,000 cảnh sát. Sự phân chia cho thấy chẳng ai chịu trách nhiệm chung và làm lộ ra nhiều lỗ hổng.

Thời điểm đó, tại Afghanistan, có rất ít viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ngũ Giác Đài đến nỗi 13 nhóm CIA với nhiệm vụ chính thật ra là săn lùng tàn quân Taliban lại bị yêu cầu phải cắm chốt tại nhiều tỉnh xa nhằm giúp duy trì công tác xây dựng chính trị – như tiết lộ của cựu Phó giám đốc CIA John E. McLaughlin. Do tập trung vào Iraq, tiến trình tái thiết Afghanistan cũng bị ngó lơ. Ðến khoảng đầu năm 2003, văn phòng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Afghanistan mới sắp xếp xong nhân sự với ban bệ ít ỏi.
Image
Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Kabul, Afghanistan, mở cửa ngày 17 Tháng Mười Hai 2001 lần đầu tiên kể từ năm 1989 (ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

Ngày 1 Tháng Năm 2003, khi Tổng thống Bush xuất hiện trên một hàng không mẫu hạm với phát biểu cuộc chiến Iraq xem như đã hoàn thành, Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld có mặt tại buổi họp báo với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tại Kabul cũng hồ hởi nhận định tình hình lạc quan cho Afghanistan. Ba tuần sau, nhiều công nhân viên chức nhà nước Afghanistan bị “bỏ đói” vì không nhận được lương trong nhiều tháng đã biểu tình tại Kabul, đòi Karzai từ chức. Cùng lúc, việc đào tạo quân đội Afghanistan bắt đầu cho thấy khó khăn hơn được nghĩ. Liên tục chứng kiến tình trạng đào ngũ, quân đội Afghanistan lúc đó chỉ vỏn vẹn 2,000 lính. Nỗ lực xây dựng lực lượng cảnh sát của Ðức thậm chí còn chậm hơn; và cố gắng của Anh trong hạn chế tình trạng canh tác anh túc cũng thất bại. Tàn binh Taliban lẩn sang Pakistan trước đó nay bắt đầu lẻn vào và giết các nhân viên thiện nguyện, khiến chiến dịch tái thiết miền Nam Afghanistan bị trì hoãn…

Một thay đổi nhân sự đã làm thay đổi chính sách Afghanistan của Mỹ, khi Zalmay Khalilzad (người Mỹ gốc Afghanistan, viên chức cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ) được bổ nhiệm Đại sứ Afghanistan. Thuộc “trường phái” tân bảo thủ, Khalilzad đến Kabul vào dịp Lễ Tạ ơn 2003, mang theo gần $2 tỉ để thực hiện chương trình tái thiết (quân đội Mỹ giúp xây trường học…). Tháng Một 2004, Afghanistan đạt đến sự dàn xếp trong thiết lập Hiến pháp mới. Tháng Mười cùng năm, Karzai đắc cử tổng thống, vào thời điểm NATO bắt đầu tăng quân số. Cơ cấu chính trị xem như đã thiết lập xong nhưng tình hình cũng chẳng mấy lạc quan. Tàn binh Taliban tiếp tục rỉ rả tấn công.

Tháng Chín 2005, khi các bộ trưởng quốc phòng NATO họp tại Berlin để bàn kế hoạch củng cố an ninh Afghanistan, Ngũ Giác Đài bất ngờ thả một “quả bom” khi cho biết đang xem xét rút 3,000 lính Mỹ (20% quân số Mỹ) khỏi Afghanistan, ở thời điểm mà tướng Tư lệnh trưởng Bộ binh Mỹ tại Afghanistan, Karl W. Eikenberry, đề nghị chuyển quân đến phía Ðông để chặn đứng dấu hiệu trở lại từ Taliban. Ðề xuất đã không được thực hiện. Ba tháng sau khi Ngũ Giác Đài “hù” rút quân, Phòng ngân sách-quản lý Toà Bạch Ốc cắt 1/3 viện trợ Afghanistan. Viện trợ Mỹ cho Afghanistan giảm 38%, từ 4.3 tỉ USD năm tài khóa 2005 còn 3.1 tỉ USD năm tài khóa 2006.



Tháng Hai 2006, Ronald E. Neumann (người thay Zalmay Khalilzad tại Kabul; từ chức vào Tháng Sáu 2007) – khi dự báo một cuộc tấn công qui mô từ Taliban – đã gửi điện tín khẩn về Washington nhưng thông tin không được quan tâm đúng mức. Mùa Xuân 2006, Taliban mở cuộc tấn công bạo nhất kể từ năm 2001, đánh quân Anh, Canada, Hà Lan túi bụi tại khu vực Nam Afghanistan. Số vụ khủng bố liều chết tăng gấp năm (136 vụ) và số vụ cài bom vệ đường tăng gấp đôi… Sau khi cắt ngân sách viện trợ Afghanistan năm 2006, Washington dự tính bơm $9 tỉ cho Afghanistan năm 2007. Tuy nhiên, vấn đề cực kỳ quan trọng thời điểm đó là sự chia rẽ trong hàng ngũ NATO. Washington than phiền đồng minh NATO không sẵn sàng liều mạng đối mặt Taliban; tại châu Âu, các thành viên NATO kêu rằng Mỹ chưa bao giờ tập trung vào chiến dịch tái thiết; và hơn nữa, các cuộc oanh kích làm thiệt mạng thường dân càng khiến người Afghanistan thù ghét phương Tây…

Đến thời Barack Obama, một trong những chuyển biến trong chính sách là thái độ không ủng hộ Karzai (trong ấn bản ngày 9 Tháng Hai 2009, tờ Newsweek từng giật tít bài viết mang tựa “Obama’s Vietnam”). Chính phủ Obama cho rằng Karzai không chỉ bất lực trong cuộc chiến tiêu diệt Taliban mà còn để đất nước ngập trong tham nhũng (tân Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong diễn văn nhậm chức, gọi Afghanistan là “quốc gia thuốc phiện” – narcostate).

Trong quyển In the Graveyard of Empires (phát hành năm 2009), Seth Jones – nhà phân tích chính trị thuộc RAND Corporation, Giáo sư Đại học Georgetown và Naval Postgraduate School – chỉ ra rằng cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan chỉ mang lại tổn thất bởi nhiều yếu tố, từ việc các căn cứ quân sự Al-Qaeda nằm tại Pakistan (chứ không phải Afghanistan) đến căn bệnh ung thư tham nhũng với di chứng nghiêm trọng trong bộ máy chính quyền sở tại Afghanistan, từ vấn đề tôn giáo đến truyền thống sắc tộc phức tạp nước này…

Có thể rút ra một số nguyên nhân chính khiến cuộc chiến Afghanistan thất bại:

1/ Chủ quan, khinh địch;

2/ Thất bại trong việc sử dụng Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf và không lột tả được chính xác bức tranh tôn giáo chính trị hóa nước này (Taliban luôn được Hồi giáo Pakistan ủng hộ);

3/ Thất bại trong việc xây dựng cảm tình đối với người địa phương Afghanistan;

4/ Thất bại trong việc xây dựng chính phủ đầu tiên Hamid Karzai để họ có thể tự bươn chải và phủ sóng quyền lực để ngăn chặn ảnh hưởng Taliban;

5/ Sự bất hòa giữa Mỹ và các thành viên NATO;

6/ Cuối cùng, đó là sự bất hòa trong nội bộ Mỹ đối với chính sách Afghanistan, giữa Quốc hội và Tòa Bạch Ốc; giữa Dân chủ và Cộng hòa và giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Phát biểu của tổng thống Joe Biden về Afghanistan

Chiều hôm nay, ngày 16 tháng 8, Tổng Thống Joe Biden đã xuất hiện trên các hệ thống truyền hình quốc gia để trình bày vấn đề Afghanistan đến người dân Mỹ, trong đó ông đưa ra các lý do cùng quyết định tại sao ông đã chọn rút quân khỏi Afghanistan cùng việc di tản tại Kabul hiện nay.

Bên dưới là trích đoạn một vài điểm đáng chú ý từ phát biểu của tổng thống Joe Biden.

"Chúng ta đến Afghanistan 20 năm trước với những mục đích rõ ràng là truy tìm những kẻ tấn công chúng ta trong vụ 911 và không để al Qaeda dùng Afghanistan để tấn công Mỹ lần nữa. Chúng ta đã làm được. Đã hạ al-Qaeda và tiêu diệt bin Laden cách đây một thập niên. Nhiệm vụ của chúng ta chưa bao giờ nhằm để xây dựng hay kiến tạo một nền dân chủ thống nhất và tập trung tại đất nước này.

-Khi tôi nhậm chức thì tổng thống Trump đã để lại một thỏa thuận với Taliban là rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 1 tháng Năm, chỉ hơn ba tháng sau khi tôi nhậm chức.

-Chỉ có một thực tế lạnh lùng, hoặc là rút quân theo thỏa thuận hoặc gởi thêm hàng ngàn quân đến chiến đấu tại Afghanistan, kéo cuộc xung đột này qua thập niên thứ ba.

-Tôi dứt khoát đưa ra quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi đã biết được một điều là chẳng bao giờ là thời điểm thích hợp để rút quân. Tôi đã luôn hứa là sẽ luôn thẳng thắn với người dân thì sự thật là, điều này đã diễn ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán.

- Điều gì đã xảy ra? Các nhà lãnh đạo Afghanistan đã bỏ cuộc và trốn chạy khỏi đất nước họ, còn quân đội Afghanistan sụp đổ, không cố gắng chiến đấu. Lính Mỹ không thể và không nên tham gia và chết trong một cuộc chiến mà các lực lượng Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu cho chính họ.

-Chúng ta đã chi hơn một ngàn tỉ đô la, huấn luyện và trang bị cho họ 300 ngàn quân có đầy đủ vũ khí, còn lớn hơn cả quân đội của một số đồng minh NATO chúng ta. Cung cấp mọi thứ họ cần, trả lương cho họ, cho họ mọi cơ hội để quyết định tương lai của mình, chỉ không thể cho họ một ý chí chiến đấu cho cái tương lai đó.

-Tôi cũng kêu gọi họ vận động ngoại giao, tìm kiếm dàn xếp chính trị với Taliban nhưng lời khuyên này đã bị từ chối thẳng thừng. Tổng thống Ghani khẳng định là lực lượng Afghanistan sẽ chiến đấu, nhưng rõ ràng ông ta đã sai.

-Vì vậy, tôi để câu hỏi này lại với những người đang tranh luận là chúng ta nên ở lại: Các bạn muốn tôi gởi thêm bao nhiêu thế hệ con cái chúng ta để chiến đấu cho người Afghanistan, còn họ thì không? Cần bao nhiêu sinh mạng người Mỹ nữa, điều có đáng làm hay không? Còn muốn bao nhiêu dãy bia mộ tại nghĩa trang quốc gia Arlington nữa?

-Tôi rất rõ ràng với câu trả lời của mình là, tôi sẽ không lặp lại những sai lầm mà chúng ta đã mắc phải trong quá khứ, sai lầm khi sa lầy và chiến đấu vô thời hạn trong một cuộc xung đột không vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

-Tôi biết rằng có những thắc mắc về việc tại sao không di tản các thường dân Afghanistan sớm hơn. Một phần vì một số người Afghanistan không muốn di tản sớm hơn vì họ vẫn còn hy vọng vào quốc gia của mình. Phần khác là chính phủ Afghanistan không để chúng tôi thực hiện cuộc di tản quy mô vì lo sợ gây hoảng loạn.

-Lính Mỹ đang thực hiện cuộc di tản này một cách chuyên nghiệp và hữu hiệu vốn dĩ, dù không phải không nguy hiểm. Chúng tôi đã cảnh cáo Taliban rằng, nếu tấn công vào người hay làm gián đoạn việc di tản này thì lính Mỹ sẽ có mặt lập tức và trả đũa mạnh mẽ. Chúng ta sẽ bảo vệ công dân của chúng ta bằng loại vũ lực dữ dội nhất nếu cần thiết.

-Những gì đang xảy ra bây giờ có thể đã dễ dàng xảy ra năm năm trước hoặc 15 năm sau. Chúng ta phải thành thật là nhiệm vụ của chúng ta tại Afghanistan đã có nhiều sai lầm trong hai thập niên vừa qua. Tôi là tổng thống thứ tư, hai Cộng Hòa và hai Dân Chủ, tôi sẽ không để lại trách nhiệm này cho tổng thống thứ năm.

-Kéo dài cuộc chiến không vì quyền lợi quốc gia, không phải điều người dân mong muốn và không phải điều mà người lính chúng ta đã hy sinh quá nhiều trong hai thập niên qua, phải gánh chịu thêm.

-Tôi biết quyết định của mình sẽ bị chỉ trích, nhưng tôi thà nhận tất cả những chỉ trích đó còn hơn là để quyết định này lại cho một tổng thống Mỹ khác. Bởi đây là quyết định đúng đắn, là lựa chọn thích hợp cho nước Mỹ.

Nhã Duy chuyển dịch

Video Tổng thống Joe Biden phát biểu từ Bạch Ốc



Image
Ảnh: Tổng Thống Joe Biden thăm binh lính Mỹ tại Afghanistan khi ông là phó tổng thống
bichphuong
Posts: 633
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by bichphuong »

Chia rẽ trầm trọng giữa những người Mỹ gốc Việt vì Trump?
August 20, 2021



Là người Mỹ gốc Việt, sống trên xứ sở này, chúng ta cần nhìn nhận một sự thật đau lòng, rằng di sản tệ hại và đau khổ của chiến tranh Việt Nam đã và đang định hình nhiều lựa chọn của người Mỹ gốc Việt trong những cuộc bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống tại Hoa Kỳ, rất dễ để nhận thấy sự phân cực chính trị ngay bên trong lòng cộng đồng người Việt tại Mỹ nhất là từ cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Ngày nay, có hơn hai triệu người Mỹ gốc Việt – những người tị nạn trước đây và con cháu của họ – đang sống tại Hoa Kỳ. Họ là nhóm người Mỹ gốc Á lớn thứ tư tại Hoa Kỳ.

Trong nhiều năm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Mỹ gốc Việt – đặc biệt là thế hệ những người già, thế hệ đầu tiên mà đến nay, người trẻ nhất theo tôi nghĩ, cũng phải vào khoảng 70 – thường liên kết với đảng Cộng hòa vì lập trường chống cộng nhiệt thành của đảng này từ thời chiến tranh khoảng thập niên 70 – 80.

Nhưng nếu nói cho tận tường, thì cũng có một số không nhỏ những người già, với nhận định hời hợt, không tìm hiểu cặn kẻ chỉ biết ủng hộ đảng Cộng Hòa, chỉ đơn giản là vì tên của đảng này có hai chữ Cộng Hòa, và miền Nam Việt Nam trước kia dưới chính thể cũng có hai chữ Cộng Hòa, vì thế tôi ủng hộ đảng Cộng Hòa, đơn giản và hoàn toàn sai lầm đến tội nghiệp.

Từ ngày đất nước này có một tên rối loạn nhân cách xuất hiện, học đòi làm chính trị, và gia nhập đảng Cộng Hòa năm 1987, đến năm 1999 thì thay đổi đảng phái, gia nhập đảng Độc Lập của New York, chỉ 2 năm sau đó, vào tháng 08.2001 thì gia nhập vào đảng Dân Chủ, rồi 8 năm sau, tên 45 lại quay trở lại với đảng Cộng Hòa vào tháng 09.2009, nhưng cũng chỉ 2 năm, đến tháng 12.2011, tên 45 rời bỏ đảng Cộng Hòa, tuyên bố không có đảng phái, hoạt động độc lập, rồi 2 năm sau, 04.2012, Trump gia nhập trở lại Đảng Cộng Hòa.


Nói đến tiểu sử hoạt động chính trị của tên 45 thì tôi cũng tự hỏi mình, nếu năm 2012, tên 45 này gia nhập đảng Dân Chủ, thì một số người Mỹ gốc Việt tại Mỹ và một số người Việt trong nước nếu điên cuồng, nhắm mắt ủng hộ tên 45 thì sẽ ủng hộ đảng Dân Chủ, có phải như vậy không?

Và như vậy, một số người Mỹ gốc Việt sẽ không ủng hộ tên 45 vì đảng chính trị mà tên này đang theo không có hai chữ Cộng Hòa trong đó? Nếu vậy đảng Dân Chủ đã thiếu may mắn khi tên 45 đã không gia nhập đảng này năm 2012 thay vì đảng Cộng Hòa?

Không chỉ cùng một thế hệ mà người Mỹ gốc Việt đã có những bất đồng sâu sắc bởi người bênh kẻ chống, người ủng hộ đảng Dân Chủ kẻ ủng hộ đảng Cộng Hòa, người theo Trump kẻ theo ông Biden mà còn có sự chia rẽ giữa thế hệ thứ nhất và những thế hệ thứ 2, thứ 3.

Vậy thì, với câu hỏi, tên 45 đã hứa những gì khi tranh cử, đã làm được trong 4 năm qua mà khiến một số người Mỹ gốc Việt tại Mỹ và khá đông những người Việt trong nước điên cuồng ủng hộ, tôi dùng chữ điên cuồng là chính xác không sai, vì chỉ có những cái đầu điên cuồng, ủng hộ vô điều kiện một con người bị rối loạn nhân cách, phân biệt chủng tộc, kỳ thị chính những kẻ đang điên cuồng ủng hộ mình, họ không chịu tìm hiểu cặn kẻ về con người này.

Một thí dụ rõ nhất mà tôi rất lấy làm ngạc nhiên, khi một số người Việt cuồng tên 45 đã bất chấp các chính sách chống nhập cư hà khắc của tên 45 đang nhắm vào các cộng đồng thiểu số, có cả người Việt, vậy mà tên 45 vẫn giành được sự ủng hộ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt và tăng sự ủng hộ trong năm nay lên 48%, tăng 16% so với năm 2016.

Đúng là thực sự khó hiểu!

Khi Trump đang cố gắng bằng mọi cách tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ để chấm dứt Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, mà chúng ta hay gọi là Obamacare, thì trong số gần 150.000 người Mỹ gốc Việt đang được hưởng những lợi ích với bảo hiểm y tế theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng thì họ vẫn ủng hộ tên 45 mà không hề nghĩ đến, nếu đạo luật y tế này bị bỏ thì họ sẽ dựa vào đâu để sống, để được chữa bệnh, và vấn đề này lại càng làm cho tôi trở nên thực sự khó hiểu hơn về những người cuồng Trump bất chấp, người ta muốn đốt nhà mình, muốn đuổi mình ra đường mà vẫn quỳ lạy xì xụp, tôn thờ hơn cả ông bà tổ tiên cha mẹ.

Một số người Mỹ gốc Việt thường dựa vào những lời lẽ hùng biện và thông điệp chống cộng ‘cứng rắn với Trung Quốc’ của tên 45 đã gây được tiếng vang với một cộng đồng bảo thủ vốn xem chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc là những kẻ thù không đội trời chung, nhưng ngưng ở đây, tôi muốn hỏi một số người Việt cuồng Trump, tên 45 chống Trung Quốc chổ nào, quý vị có thể đưa ra dẫn chứng được không?


Quý vị có biết Trump và con gái Ivanka Trump đang có hàng trăm cơ sở làm ăn, resorts, sân chơi golf, thương hiệu quần áo, đồ gia dụng, khách sạn tại TQ, chống cái gì, nếu Tập Cận Bình chỉ cần ho lên một tiếng là tất cả business của tên 45 và con gái phải đóng cửa, tên 45 đã làm suy suyển, sứt mẻ gì để TQ hay chưa, có bắn chìm chiếc tàu, chiếc máy bay nào của TQ chưa? Hay tên 45 chỉ nhận được những hồng ân của Tập Cận Bình ban phát qua việc để các nhà bank tại lục địa cho tên 45 vay để xây khách sạn, resorts mà tên 45 không cần phải bỏ ra một đồng vốn nào.

Các vị cuồng Trump nào còn nghĩ tên 45 đánh thuế TQ mạnh mẽ, là việc mà chưa có vị TT Mỹ nào trước đây dám làm, có đúng vậy không?

Nhưng các vị cuồng Trump quên rằng, TQ chẳng có trả thêm đồng xu thuế nào mà Mỹ đánh lên hàng hóa nhập khẩu của TQ vào Mỹ cả, đánh thuế cao bao nhiêu thì các nhà xuất khẩu của TQ tăng giá lên bấy nhiêu, còn các nhà nhập khẩu của Mỹ, muốn nhập hàng vô với giá mắc hơn thì khi bán ra, họ bắt buộc phải nâng giá bán lên, và người tiêu dùng Mỹ chính là những người phải trả số tiền chênh lệch với giá mua cao hơn trước, vậy ai là người phải trả tiền áp thuế Mỹ đánh lên hàng xuất khẩu của TQ vào Mỹ, đó là người tiêu dùng Mỹ, trong đó có chúng tôi và một số người Việt cuồng tên 45.

Và một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt với sự lầm tưởng rằng, thượng nghị sĩ Joe Biden trước đây đã từng phản đối việc tiếp nhận người tị nạn Việt Nam sau chiến tranh. Vào tháng 10.2020, ông Biden đã giải quyết quan niệm sai lầm này trong một bài viết trên một tờ báo Việt ngữ nổi tiếng.

Nhưng đối với nhiều người Việt Nam lớn tuổi, cổ hủ và cố chấp, điều đó là không đủ để thay đổi quan điểm của họ. Lỡ cuồng tên 45 thì phải tiếp tục cuồng, bất kể tên cuồng có tệ hại đến đâu.

Ngoài ra, với tư duy thiển cận, không chịu đọc tin tức tiếng Anh, báo chí nước ngoài, một số người Việt lớn tuổi chỉ đọc báo tiếng Việt của Epoch Times tức Đại Kỷ Nguyên với những tin tức một chiều từ nhóm thuyết âm mưu QAnon, kiến thức không có, lại dễ bị nhồi sọ bởi những tờ báo như Đại Kỷ Nguyên khiến họ mất đì tính tự chủ, tự tìm hiểu, tự học hỏi.

Trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2020, một người Mỹ gốc Việt, 54 tuổi, đã trả lời phóng viên khi được hỏi, anh sẽ bầu cho ai và đảng nào?

Người đàn ông tên Matthew Trương, trả lời không một chút ngần ngại, tôi ủng hộ ông Trump, vì ông ấy chống TQ giúp VN và tôi không muốn thấy Hoa Kỳ trở thành một nước cộng sản.

Phóng viên hỏi ngược lại, ông Trump làm điều gì mà anh cho là ông ấy giúp TQ? Tại sao nước Mỹ sẽ trở thành cộng sản, nếu ông Biden và đảng Dân Chủ thắng? Người đàn ông không thể trả lời những câu hỏi này để khẳng định lập trường, quan điểm của mình.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người thuộc làn sóng nhập cư đầu tiên đến Hoa Kỳ thuộc thế hệ thứ nhất, cứ cho rằng các chính sách Trung Quốc của Trump phục vụ lợi ích của họ ở quê hương, đó là một lý do họ theo đuổi, nhưng nếu chỉ tập trung vào vấn đề này có nghĩa là họ sẽ nhắm mắt bỏ qua các khía cạnh xấu xí tệ hại về nhân cách, bản tính khác trong con người của một kẻ nham hiểm, gian hùng.

Và đây là một xu hướng đáng lo ngại: Nhiều người Mỹ gốc Việt – đặc biệt là thế hệ thứ nhất, những người nhập cư lớn tuổi với trình độ tiếng Anh thấp – đã trở nên ngày càng bảo thủ triệt để hơn, hoặc tỏ ra đồng cảm với những quan điểm đến từ nhóm thuyết âm mưu QAnon và các đảng viên Cộng Hòa cực đoan để ủng hộ Trump.

Vấn đề chống cộng sản hay chống Trung Quốc đã đè nặng lên tâm trí của những người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ đầu tiên. Nhiều người đã tham gia vào chính trị khi có các tổng thống của Đảng Cộng hòa, đó là điều khiến họ quan tâm đến chính trị. Họ coi GOP là bảo thủ xã hội và chống cộng, điều này phù hợp hơn với các giá trị của họ.

Sau khi bỏ lại một đất nước do cộng sản nắm quyền, họ có thể không màng đến chính trị mà chỉ tập trung vào đời sống và tương lai của con cháu. Tuy nhiên, họ đang bị dẫn dắt bởi làn sóng thông tin sai lệch bằng tiếng Việt và tiếng Anh, những quan điểm cánh hữu cực đoan này hiện đang bị một thiểu số không đáng kể âm thầm nắm giữ, chúng là ai?

Việt Linh
phidao
Posts: 140
Joined: Sun Sep 30, 2012 7:29 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by phidao »

Chính trị hóa đời sống của đảng Cộng hòa tiếp tục dìm nước Mỹ trong đại dịch

Jackhammer Nguyễn

Canada đã vượt qua Mỹ về tỷ lệ chích ngừa chống Covid-19, mặc dù nước này khởi đầu việc chích ngừa khó khăn hơn do thiếu vaccine.

Các phân tích và khảo sát cho thấy, hai lý do làm cho Canada đang thành công hơn so với Mỹ trong việc chích ngừa

Canada had a 'slow start'; now inoculation rates are surpassing the U.S.
"I think the key thing is there has been less politicization of the vaccine rollout," said Dr. Jesse Papenburg, ...


, thứ nhất là nước này ít tin vịt hơn, thứ hai là nước này ít bị chia rẽ và chính trị hóa như nước Mỹ.
Trong hai lý do này, lý do chính trị hóa là quan trọng hơn. Dĩ nhiên, cuộc sống thì không thể tách rời khỏi chính trị, chính sách, nhưng khi nói chính trị hóa, chúng tôi không nói đến những vấn đề liên quan đến ý thức hệ, quan điểm phát triển, quan điểm đạo đức… chưa biết là đúng hay là sai, chẳng hạn như chuyện phá thai, chuyện đồng tính, chuyện trợ cấp xã hội…

Chính trị hóa mà chúng tôi muốn nói ở đây là những vấn đề mà bất cứ đảng phái chính trị nào cũng phải công nhận, cho nên nó không còn là chính trị nữa, chẳng hạn như công thức hóa học của nước là H2O (hai nguyên tử hydro và một nguyên tử ô xy tạo thành một phân tử nước), hay Covid-19 gây ra đại dịch chết người… là những điều hiển nhiên.

Thế nhưng, điều kỳ lạ đã diễn ra khi đại dịch Covid-19 lại trở thành chính trị. Đeo khẩu trang và đi chích ngừa là biểu hiện của đảng Dân chủ, còn ngược lại là đảng Cộng hòa. Một vấn đề thuần túy khoa học, phi chính trị, phi đảng phái đã trở thành chính trị.

Có hai nguyên nhân của vụ việc này.

Thứ nhất là khả năng điều hành quốc gia kém cỏi của Donald Trump, một kẻ dân túy bất tài. Ông ta nhìn vào chỉ số chứng khoán, xem nó là yếu tố duy nhất biểu hiện sự thành công, để lấy điểm với người Mỹ. Ông ta sợ rằng nếu công bố đại dịch lúc nó mới bắt đầu lan tỏa, sử dụng biện pháp như cách ly, sẽ làm cho chỉ số chứng khoán bị sụt giảm, ảnh hưởng đến hình ảnh cầm quyền của ông ta. Từ đó sinh ra việc phủ nhận dịch bệnh (gọi Covid-19 là giả tạo do đảng Dân chủ đối lập dựng nên), từ phủ nhận dịch bệnh đưa đến những hành động quái gỡ như chế giễu những người đeo khẩu trang.

Càng quái gỡ hơn nữa là, một mặt ông ta tuyên bố mình có công trong chuyện sản xuất ra vaccine (công trạng trong chuyện này là của các nhà khoa học), mặt khác, ông ta không thúc đẩy nhóm cử tri “ruột” của mình đi chích ngừa, vì biết rằng nhóm này chống vaccine, và bản thân ông ta cũng đã chích ngừa, nhưng lén lút chích.

Nhưng yếu tố Trump chỉ là nguyên nhân gần của những chuyện chính trị hóa quái gỡ đời sống Mỹ. Nguyên nhân quan trọng là sự phân cực trong chính bản thân nước Mỹ, giữa các vùng bờ biển trù phú và các bang ở giữa nghèo nàn hơn, giữa những đại đô thị và những vùng thôn quê. Toàn cầu hóa và tự động hóa trong mấy chục năm qua làm cho sự phân rẽ này càng lớn.

Điều đáng tiếc là, có vẻ như nhóm người Mỹ quan tâm đến những thay đổi mạnh do toàn cầu hóa và tự động hóa gây ra, lại nằm về một phía của chính trị Mỹ là đảng Dân chủ. Đảng này hay nói về những chuyện thay đổi đó, như là sự thay đổi của khí hậu, đòi hỏi phải có cách sống khác đi, không đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch nữa, hay là việc làm ngày càng ít so với dân số cần phải thiết lập một hệ thống an sinh xã hội.

Dân chúng sớm hay muộn cũng phải quan tâm đến những vấn đề nói trên, nhưng đảng Cộng hòa lại không biết bàn đến những vấn đề đó, mà chỉ loay hoay với những cái gọi là “giá trị” cũ kỹ, như là tự do phát biểu (có ai cấm đâu?), tự do súng ống (đánh với quân đội Mỹ ư?)… Từ đó sinh ra những phát biểu ngô nghê, những hành động lạ lùng của các nhân vật Cộng hòa, chẳng hạn như khi Hạ viện ra quy định đeo khẩu trang trở lại vì dịch bùng phát, nhóm Cộng hòa bèn nhặng xị chỉ trích, hay là nữ dân biểu Marjorie Greene nói là cháy rừng tại California do Bill Gates thí nghiệm tia laser bắn lên vũ trụ (sic)…

Vì không còn những gì cần thiết cho đời sống dân chúng hiện nay, các nhân vật Cộng hòa sợ mình thua trong cuộc cạnh tranh chính trị, bèn hành động phá hoại chính nền dân chủ của nước Mỹ như là hùa với Trump la lối rằng, bầu cử 2020 là gian lận (nơi nào họ thắng thì không gian lận), dẫn đến cuộc bạo loạn 6/1, tấn công điện Capitol.

Những hành động này tạo tiền lệ rất xấu cho nước Mỹ, kể từ nay, hễ đảng chính trị nào thua cuộc thì cứ la toáng lên là bị gian lận. Hành động của họ đả phá cả thế độc lập của nền tư pháp Hoa Kỳ vì toàn bộ các tòa án từ cấp tiểu bang, đến Tối cao Pháp viện đều phủ nhận chuyện gian lận bầu cử.

Họ đi đến cả việc ra những luật rất phản động để hạn chế tự do bầu cử của dân chúng ở những vùng mà họ kiểm soát.

***

Ở Việt Nam, đảng Cộng sản cũng chính trị hóa đời sống của đất nước từ khi họ mới cầm quyền, học sinh từ tiểu học đã bắt đầu học chính trị, và các lĩnh vực lịch sử, khoa học xã hội, thực chất đều là những bài học chính trị.

Có những so sánh thú vị về chính trị hóa đời sống Mỹ và chính trị hóa ở Việt Nam.

Nếu chính trị hóa tại Việt Nam là chính sách của một nhà nước độc đảng, thì chính hóa tại Mỹ là của một đảng đang thất thế.

Chính trị hóa ở Việt Nam tạo một phản ứng là dân chúng không màng đến chính trị nữa, rất phù hợp với mong muốn của đảng Cộng sản, nhưng có hại về lâu dài cho quốc gia.

Chính trị hóa chuyện dịch bệnh của đảng Cộng hòa ở Mỹ thì đang dẫn đến con số nhập viện và chết chóc ở những vùng họ kiểm soát tăng lên, vì dân chúng không chịu chích ngừa, và vì thế, đại dịch kéo dài chưa biết đến khi nào mới kết thúc.
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Phi trường Kabul bị tấn công bằng rốc két trong lúc Mỹ sắp hoàn tất rút quân
August 30, 2021
KABUL, Afghanistan (NV) – Một số quả đạn rốc két đã bắn về hướng phi trường Kabul vào lúc sáng sớm ngày Thứ Hai, 30 Tháng Tám, trong lúc quân đội Mỹ đang có các nỗ lực sau cùng để hoàn tất cuộc di tản và rút quân khỏi Afghanistan, dự trù kết thúc vào ngày Thứ Ba.

Theo bản tin của hãng thông tấn UPI, Tòa Bạch Ốc trong bản thông cáo ngắn cho biết là cố vấn an ninh Jake Sullivan và Chánh Văn Phòng Ron Klain đã báo cáo cho Tổng Thống Joe Biden hay về cuộc tấn công bằng rốc két nhắm vào phi trường Hamid Karzai International.
Image
Các quân nhân Mỹ lên phi cơ ở phi trường Kabul. (Hình: Aamir Qureshi/AFP via Getty Images)
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói rằng: “Tổng Thống được báo cáo rằng hoạt động tại phi trường Kabul vẫn tiếp tục, và ông đã tái xác nhận lệnh cho các cấp chỉ huy là phải gia tăng nỗ lực làm tất cả những gì có thể làm được để bảo toàn lực lượng.”

Hiện chưa rõ là cuộc pháo kích có gây tổn thất gì không. Có tin nói rằng rốc két phóng đi từ dàn phóng lưu động, đặt trên một chiếc xe dân sự.
Image
Các giới chức Taliban xem xét chiếc xe tình nghi được sử dụng làm dàn phóng rốc két lưu động. (Hình: Wakil Kohsar/AFP via Getty Images)
Phi trường Kabul đầy sự hỗn độn trong hai tuần qua, nơi có cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, sau khi Taliban nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát thủ đô Afghanistan hồi giữa tháng này.

Quân đội Mỹ đã lập cầu không vận, di tản công dân Mỹ, người dân Afghanistan làm việc cho chính phủ và quân đội Mỹ, cùng là những người Afghanistan khác có thể bị đe dọa tính mạng, từ phi trường Kabul ra khỏi quốc gia này. Cho tới nay, số di tản là hơn 100,000 người và Tổng Thống Biden giữ nguyên hạn định rút quân là ngày 31 Tháng Tám.


Vào chiều tối ngày Chủ Nhật, Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra thông cáo nói rằng Taliban đã hứa hẹn để cho tất cả các công dân ngoại quốc cũng như bất cứ người dân Afghanistan nào được ngoại quốc đón nhận, có thể ra đi mà không bị cản trở.
Image
Các ống, tình nghi dùng để phóng rốc két, đặt trong chiếc xe. (Hình: Wakil Kohsar/AFP via Getty Images)

Có gần 100 quốc gia loan báo sẽ tiếp tục có nỗ lực bảo đảm việc ra đi an toàn khỏi Afghanistan của các công dân, nhân viên, người Afghanistan bị đe dọa và những người đã làm việc cho họ trong suốt 20 năm chiến tranh vừa qua.

Bản thông cáo này nói sẽ tiếp tục cấp giấy tờ di chuyển cho những người dân Afghanistan hội đủ điều kiện và cũng đã “có sự hứa hẹn rõ ràng từ phía Taliban là những người này có thể đến quốc gia chúng tôi.”

Trong ngày Chủ Nhật, một cuộc không tập bằng drone của Mỹ tại Kabul đánh trúng một xe chở chất nổ gần phi trường. Cuộc tấn công này xảy ra ít ngày sau khi có 13 quân nhân Mỹ và gần 200 người Afghanistan thiệt mạng trong cuộc nổ bom tự sát của khủng bố tại cổng vào phi trường.

Thành phần ISIS tại Afghanistan, có Islamic State -Khorasan (ISIS-K) nhận trách nhiệm về vụ nổ bom.

Vào tối ngày Chủ Nhật, phát ngôn viên Bộ Chỉ Huy Trung Bộ Mỹ (USCENTCOM), Đại Tá Bill Urban, nói quân đội Mỹ có biết về báo cáo tổn thất nhân mạng thường dân, có thể từ cuộc không tập này.

Một số nguồn tin tại chỗ nói rằng chiếc drone phóng hỏa tiễn, đánh trúng chiếc xe chở chất nổ, và có thể có cả các tay nổ bom tự sát ngồi trong. Tuy nhiên, do có quá nhiều thuốc nổ nên có thể đã gây vạ lây cho thường dân. (V.Giang)
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Covid và Hà Nội – Sài Gòn
Huy Đức
9-9-2021
Ngoài 500 nghìn liều Sinopharm cho Hải Phòng mượn, trong tổng số 5 triệu liều Sinopharm có được, Thành phố Hồ Chí Minh đã chia cho Bình Dương 1 triệu liều; Đồng Nai 500 ngàn liều (tỉnh này đang đề nghị thêm 500 ngàn); Long An 500 ngàn liều; Tây Ninh 200 ngàn liều.


Thái độ của người dân Sài Gòn với Sinopharm có thể cũng là một lý do. Nhưng tôi nghĩ, lãnh đạo Thành phố nhìn thấy vấn đề ở khía cạnh lớn hơn như thế.

Đầu tháng 6-2021, khi Đồng Nai quyết định cách li 21 ngày với những người về từ Sài Gòn, khủng hoảng nhân sự lập tức xảy ra cho Thành phố. Không chỉ 3 tỉnh giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… nếu nguồn cung ứng nhân lực và hàng hoá từ các địa phương khác không thể đến Sài Gòn, Thành phố sẽ bị cô lập và có khả năng tê liệt. Cả trong chống dịch, Sài Gòn không thể “sống sót” một mình.

Lâu nay, kết nối vùng diễn ra theo những quy luật tự nhiên của thị trường và xã hội. Giờ đây, các quy luật đó đang bị vô hiệu hóa bởi Covid, muốn cùng thoát ra khỏi dịch, cần có những nhà lãnh đạo nhận thấy, khởi xướng, để cùng chống dịch bằng sức mạnh của vùng.

Hy vọng, sau khi thiết lập được trạng thái bình thường, những lãnh đạo ít bị tác động bởi lợi ích cá nhân như Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận ra thêm, ngay cả các tỉnh đã không thể nào cát cứ, nói chi tới trong một đô thị lại có thể cát cứ từng phường, từng quận. Hy vọng là ông sẽ có cách tiếp cận mới hơn để xây dựng chính quyền đô thị ở Sài Gòn, coi Sài Gòn như đô thị. Hy vọng ông cũng có hướng xử lý cái “quái thai” được gọi là “thành phố Thủ Đức”, một kiểu tư duy hành chánh và phân chia dự án như thời nhập Hà Tây vào Hà Nội.

Chính quyền TP.HCM không phải ban đầu không có những sai lầm, rất tiếc là Hà Nội đi sau đã không hề rút ra những bài học mà TP.HCM đã sửa.

Chiều qua, người ta cho khóa kín ngõ 56 Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai, nơi có 10 gia đình đang sống. Và, hơn hai tuần trước, một hàng rào tôn được dựng lên trong đêm, dài 200m, cách ngăn thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) với phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Rất may là nó chỉ tồn tại không quá 50 tiếng.

Con Covid và cả cư dân đô thị không bao giờ phân biệt ranh giới phường hay quận. Trên cái ngõ 54 Ngọc Hồi từng bị ngăn cách bởi bức tường tôn ấy, dân chúng từ bên này đường có thể sang bên kia mua tạp hóa hay mua thuốc khi ốm đau, họ không quan tâm là đang đi từ quận Hoàng Mai qua tới Thanh Trì. Có khi cùng quận cùng phường mà xa vùng dịch hơn là người cư ngụ trên phần đất của phường và quận khác.

Sở dĩ Hà Nội bị băm nát như hiện nay còn vì sự sợ hãi và máy móc của lãnh đạo quận, phường. Khi cấp trên nói “phường xã là pháo đài”, thay vì hiểu theo nghĩa phải đảm bảo tính vững chắc của những vùng an toàn, lại hiểu rất… thành thật, “pháo đài là lô cốt”. Khi lãnh đạo cấp trên bắt đầu tính đến việc tham khảo những bài học chống dịch của nước ngoài, lãnh đạo cơ sở có lẽ đã dịch tiếng Anh “lockdown” là… khóa tuốt.

Xin nói chuyện trách nhiệm các quyết sách đưa ra từ Trung ương vào một dịp khác để ta trở lại với Hà Nội – Sài Gòn.

Nhìn những làn xe containers nối đuôi nhau chờ xét giấy ở Pháp Vân, tự hỏi, sao Hà Nội không nhìn thấy dòng hàng hóa đang lưu thông đó là một phần trong nhịp sống của mình. TP.HCM chia sẻ vaccine với các tỉnh giáp ranh không phải là một lựa chọn khó khăn. Cái khó khăn lớn hơn là không để tư duy mình bị lô cốt hóa trong một địa phương, không đặt lên đầu mình cái ghế.
Image
Ảnh trên mạng
Cầu mong Hà Nội không phải đối diện với thảm họa như Sài Gòn. Nhưng, hãy nhớ “thành tích” chống dịch năm qua, để thấy, không phải nơi nào dịch không tàn phá cũng do những gì bây giờ đang làm là đúng.
hoanghoa
Posts: 2277
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Hai Mươi Năm Sau Ngày 11 Tháng 9:
Ký Ức, Đổi Thay Và Thơ

10/09/2021

Huỳnh Kim Quang
20 nam ngay 11 thang Chin 01
Image
Tòa tháp đôi World Trade Centers tại Thành Phố New York bị khủng bố tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. (nguồn: www.aarp.org)

Ngày 11 tháng 9 năm nay 2021 đánh dấu 20 năm sau ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử gần hai trăm rưởi năm lập quốc khi tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda dùng máy bay dân sự chở đầy xăng và hành khách làm vũ khí lao vào các mục tiêu tấn công, gồm World Trade Center tại New York, Ngũ Giác Đài tại Thủ Đô Washington và một nơi nào đó nhưng đã bị những hành khách Mỹ yêu nước phản kháng một cách bi hùng trên chuyến bay United Flight 93 bị khủng bố cướp đã cất cánh từ Phi Trường Newark của New Jersey trên đường đến San Francisco đã lao xuống một nơi hoang dã tại Shanksville, Pennsylvania làm gần 3,000 người thiệt mạng.

Cảnh tượng tòa tháp đôi World Trade Center tại Thành Phố New York, biểu tượng của trung tâm tài chánh phồn thịnh nhất thế giới, bị hai chiếc máy bay dân dự đâm thẳng vào với ngọn lửa đỏ rực bùng lên giữa nền trời xanh của một ngày cuối hạ, 11 tháng 9, và sau đó sụp đổ hoàn toàn thành bình địa đã trở thành hình ảnh kinh hoàng của thời đại khủng bố. Khó ai có thể nghĩ ra được cách hành động tàn bạo và dã man hơn là nhóm khủng bố al-Qaeda này khi dùng những chiếc phi cơ dân sự chở người để làm vũ khí tấn công. Bằng hành động cực kỳ tàn ác đó, nhóm khủng bố đã biến nỗi kinh hoàng và sợ hãi lan ra khắp hành tinh. Sau biến cố này nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã có nhiều thay đổi sâu xa.

Biến cố ngày 11 tháng 9 đã làm thay đổi sâu xa nước Mỹ

Các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã tạo động lực cho Hoa Kỳ xâm chiếm Afghanistan và Iraq. Nó cũng đưa tới việc tạo ra Bộ Nội An và một cơ quan liên bang để thực hiện việc kiểm tra gắt gao hơn nhiều tại các phi trường.

20 nam ngay 11 thang Chin 02
Image
Đặt hoa tưởng niệm năm thứ 19 cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 tại nền cũ của Tòa Tháp Đôi World Trade Center, New York. (nguồn: https://www.amny.com)
Bộ máy an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã thay đổi đáng kể sau ngày 11 tháng 9. Bộ máy chống khủng bố rộng lớn đã được tạo ra sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 là thay đổi lớn nhất và lâu dài nhất, theo chuyên gia về đối ngoại Bruce Hoffman tại Hội Đồng Đối Ngoại cho biết trong bài viết hôm 12 tháng 8 năm 2021 được đăng trên trang mạng của hội đồng này www.cfr.org. Thí dụ, cuộc điều tra của Báo Washington Post năm 2010 cho thấy một tập họp chống khủng bố rộng lớn của khoảng 1,271 cơ quan chính phủ và 1,931 công ty tư nhân tập trung vào việc chống khủng bố. Cuộc chiến tranh chống khủng bố cũng đã đòi hỏi phải gia tăng số người được cấp thẩm quyền an ninh tối mật lên tới 854,000 và việc xây dựng thêm văn phòng và các cơ sở an ninh để họ làm việc -- các cơ sở này tương đương với “3 Ngũ Giác Đài hay 22 tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ -- khoảng 17 triệu feet vuông.”

Cũng theo tài liệu nói trên, sau 20 năm mối đe dọa khủng bồ đối với Hoa Kỳ đã chuyển từ bên ngoài sang bên trong, khi các cuộc bạo loạn tại Tòa Nhà Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 nổ ra. Nhưng các mối đe dọa từ Nhà Nước Hồi Giáo và al-Qaeda cũng vẫn chưa hết mà cụ thể là sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8 năm nay đã có thể biến mảnh đất từng chứa khủng bố này trở lại dung dưỡng cho các tổ chức khủng bố hoạt động.

Thách thức đối với Hoa Kỳ là việc hình thành khả năng chống khủng bố đủ nhanh nhẹn và thuận cả hai tay để chống lại các mối đe dọa khủng bố từ bên ngoài và bên trong mà chắc chắn sẽ còn tồn tại. Cả Chiến Lược Quốc Gia Chống Khủng Bố năm 2018 và Chiến Lược Quốc Gia Đầu Tiên Chống Khủng Bố Nội Địa, đều đã công bố vào tháng 6 năm 2021, cung cấp các giải thích rõ ràng về biện pháp toàn diện cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi bị khủng bố.

Nhưng, sự chia rẽ đảng phái sâu nặng hiện hữu tại Hoa Kỳ ngày nay có thể phá hoại sự thực thi của chiến lược chống khủng bố toàn diện nói trên. Đoàn kết, mục tiêu chung, và chia xẻ số phận đã đưa đất nước ngồi lại với nhau sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 không còn nữa. Ngược lại, bầu không khí phân cực đảng phái chính trị hiện nay có thể làm tê liệt chính quyền trong việc chuẩn bị đối với sự phát sinh các mối đe dọa kế tiếp.

Đó là sự thay đổi về mặt an ninh của nước Mỹ, nhưng biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 cũng mang đến sự thay đổi vĩnh viễn trong cuộc sống người dân Mỹ, theo hai ký giả Susan Page và Sarah Elbeshbishi của Báo USA Today cho biết trong bình luận đăng trên báo này hôm 2 tháng 9 năm 2021.

Ngay cả những người từng là trẻ em cũng có thể nhớ lại ngay lập tức khi họ nghe tin tức về các cuộc tấn công tại New York và Ngũ Giác Đài và cảm nhận của họ ra sao. Gần như mọi người đều nhớ lại sự sửng sốt và sợ hãi, ý thức về nguy cơ quốc gia và đoàn kết quốc gia. Hầu hết mọi người đều nói nguy cơ vẫn còn, nhưng sự đoàn kết thì đã bị rạn nứt.

“Vẫn còn khó khăn để nói về điều đó,” theo Angela Everhart, 41 tuổi, người lúc đó là một sinh viên đại học tại Ohio. Trước giây phút đó, cô đã không có ý tưởng về khủng bố. Cô đã gọi cho mẹ cô, và nói chuyện với người cha kế, là một Thủy Quân Lục Chiến. “Ông ấy làm tôi có cảm nghĩ như là sắp bắt đầu một cuộc chiến tranh mới mà sẽ lớn hơn rất nhiều so với ngày hôm đó.”

Cô nói, “Tôi còn nhớ tất cả về điều ấy.”

Gần như mọi người ở tuổi ít nhất 15 vào năm 2001 đều có ký ức về ngày đó, theo thăm dò cho thấy. 85% nói rằng nó có ảnh hưởng lớn lên thế hệ của họ. Khoảng 2/3 nói rằng nó có ảnh hưởng lên trọn đời họ.

Khoảng 22% người được USA Today thăm dò nói rằng các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 đã thay đổi vĩnh viễn cách người Mỹ sống. Đối với những người lúc đó trẻ hơn, hay ngay cả chưa sinh ra đời, nói rằng họ cảm thấy thay đổi mạnh nhất.

Matthew Hernandez, người lúc đó học ở trường trung học đệ nhất cấp tại thành phố Jacksonville, Florida, một thành phố với căn cứ không quân hải quân lớn, đã chứng kiến sự ảnh hưởng của ngày 11 tháng 9 đối với các chọn lựa nghề nghiệp của những bạn học của anh. “Nhiều người mà tôi đã quen biết trong trường, như, quá yêu nước,” theo Hernandez, 34 tuổi, là giám đốc lập trình cho Street Poets, một nhóm bất vụ lợi tại Los Angeles, cho biết. Anh cho biết trong cuộc thăm dò qua điện thoại, “Tôi nói có thể hơn 50% những người bạn học của tôi đã gia nhập vào quân đội, và nhiều người trong số đó là vì những gì đã xảy ra vào ngày 11 tháng 9.”

Trong vòng mấy tuần các cuộc tấn công khủng bố bằng cách cướp máy bay lao vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và Bộ Quốc Phòng, Tổng Thống George W. Bush đã ra lệnh ném bom các căn cứ đóng quân của al-Qaeda tại Afghanistan và mở cuộc tấn công hạ bệ chính quyền Taliban dung dưỡng cho khủng bố. Tổng Thống Joe Biden, vị tổng thống đời thứ 4 trong cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, đã đưa ra hạn chót rút toàn bộ quân đội Mỹ vào ngày 31 tháng 8 năm 2021. Việc rút quân đã tạo ra một cuộc hỗn loạn sau cùng đối với cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Còn những nhà thơ đã phản ứng vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 như thế nào?

Ngày 11 tháng 9 trong thơ

Nhà thơ người Mỹ William Stanley Merwin (sinh ngày 30 tháng 9 năm 1927 và qua đời ngày 15 tháng 3 năm 2019), người đã xuất bản hơn 50 tuyển tập thơ và tác phẩm văn xuôi và các dịch phẩm, là một Phật tử, đã phổ biến bài thơ “To The Words” vào tháng 10 năm 2001 viết về biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Khi nó xảy ra bạn không ở đó
ồ, bạn ở bên kia những con số
bên kia ký ức
chuyền từ hơi thở này sang hơi thở khác
lại nữa
từ ngày này sang ngày kia từ thời này
sang thời nọ
bị nhồi nhét kiến thức
hiểu biết chẳng có gì
những trưởng lão thờ ơ
bức bách và mất ngủ
những người giữ tên của chúng ta
trước khi chúng ta đến
để được họ gọi
bạn lúc đó
định hình để bắt đầu
bạn lúc đó gào thét
bạn lúc đó lên tiếng
để bắt đầu
nói điều không thể nói được
những thứ quý giá cũ rích
và vô dụng
nói đi


Nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia và nhà văn người Mỹ Joy Harjo sinh ngày 9 tháng 5 năm 1951. Bà là người Mỹ Bản Địa (Native American) đầu tiên được giải thưởng vinh danh là Quán Quân Nhà Thơ Hoa Kỳ - United States Poet Laureate. Bà là nhân vật quan trọng trong làn sóng văn học thứ hai Sự Phục Hưng Người Mỹ Bản Địa [Native American Renaissance] vào cuối thế kỷ thứ 20. Sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 bà đã làm bài thơ “When the World as We Knew It Ended” [Khi Thế Giới Mà Chúng Ta Đã Biết Kết Thúc]. Bài thơ này được in trong tuyển tập thơ của bà “How We Became Human: New and Selected Poems:1975-2001” [Cách Chúng Ta Trở Thành Con Người: Những Bài Thơ Mới và Chọn Lọc] được xuất bản năm 2002.

20 nam ngay 11 thang Chin 03
Image
Hình chụp từ trên không một phần của Ngũ Giác Đài bị máy bay khủng bố đâm vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. (nguồn: www.en.wikipedia.org)

Chúng ta đã mơ trên hòn đảo bị chiếm ở bờ rìa xa lắc xa lơ của đất nước đang run rẩy khi nó sụp đổ.

Tòa tháp đôi vươn lên từ hòn đảo thương mại phía đông và đụng tới trời xanh. Những người đàn ông đã đổ bộ lên mặt trăng. Dầu hỏa bị hút cạn
bởi hai anh em. Rồi nó sụp đổ. Bị nuốt chửng
bởi con rồng lửa, bởi xăng dầu và nỗi sợ hãi.
Bị nuốt trọn.

Nó đã đến.

Chúng tôi đã quan sát từ đêm trước của những nhà truyền giáo trong những bộ áo quần dài và trang trọng của họ, để xem điều gì sẽ xảy ra.

Chúng tôi đã thấy nó
từ cửa sổ nhà bếp qua cái bồn rửa chén
khi chúng tôi pha cà phê, nấu cơm và
khoai tây, đủ cho một đội quân.

Chúng tôi đã thấy hết, khi chúng tôi thay tã và đút
cho em bé ăn. Chúng tôi đã thấy nó,
qua những nhánh
của cây hiểu biết
qua những vì sao, qua
mặt trời và những trận bão từ đầu gối của chúng tôi
khi chúng tôi tắm và rửa
những sàn nhà.

Đàn chim đã cảnh báo chúng ta, khi chúng bay qua
những khu trục hạm ở hải cảng, đã đậu ở đó kể từ lần đầu chiếm ngự nơi đây.
Nhờ giọng hót và chuyện trò của chúng mà chúng tôi đã biết khi nào sẽ bay lên
lúc nhìn qua cửa sổ
sự chấn động đang diễn ra –
từ trường của sự đau khổ ném ra.

Chúng tôi đã nghe nó.
sự náo động ở mọi nơi trên thế giới. Khi
khao khát chiến tranh vùng dậy trong những người ăn cướp để làm tổng thống
để làm vua hay hoàng đế, để chiếm hữu cây, đá, và mọi thứ
khác mà chuyển động chung quanh trái đất, bên trong trái đất
và bên trên nó.

Chúng tôi đã biết nó đến, nếm trải những cơn gió thu thập tin tình báo
từ mỗi chiếc lá và cánh hoa, từ mọi ngọn núi, biển,
và sa mạc, từ mỗi tín đồ và bài hát khắp vũ trụ nhỏ bé này
đang trôi trên những bầu trời vô tận
hiện hữu.

Và rồi nó sẽ chấm dứt, thế giới mà chúng ta được nuôi dưỡng để yêu thương
những ngọn cỏ ngọt ngào, những con ngựa sắc màu
và những con cá, những khả tính lung linh
trong ước mơ.

Nhưng rồi có những hạt giống để trồng và những em bé
cần sữa và sự vỗ về, và người nào đó
cầm lấy cây đàn lục huyền cầm hay cây đàn bốn dây từ đống đổ nát
và bắt đầu hát về ánh sáng lung linh
sức bật bên dưới làn da của trái đất
chúng tôi cảm thấy điều đó, bên dưới chúng tôi

một động vật ấm áp
một bài ca được ra đời giữa hai chân của nàng:
một bài thơ.


Hai mươi năm trôi qua như một giấc mộng. Mọi thứ trên đời này đều đổi thay từng khoảnh khắc. Những đứa bé mới sinh ra vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 thì nay đã là những thanh niên nam nữ ở tuổi đôi mươi. Nhưng có lẽ trong ký ức của mọi người Mỹ về biến cố đau thương khốc liệt này vẫn còn đó như một hiện thực tồn tại vượt thời gian. Cho dù trong lòng người, những hận thù cay nghiệt đã nhạt phai theo năm tháng nhưng ký ức về sự kiện đó sẽ không bao giờ mất đi. Cứ mỗi năm đến dịp tưởng niệm ngày 11 tháng 9 thì những hình ảnh kinh hoàng năm xưa lại hiện ra. Nó đã biến thành một thứ ký ức cộng đồng đi vào lịch sử. Nó sẽ tồn tại với lịch sử nước Mỹ.
duynga
Posts: 128
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by duynga »

Chuyện về ông Phùng Quang Thanh và kỹ nghệ bơm, thổi ở Việt Nam
Blog VOA

Trân Văn
13-9-2021

Image
Ông Phùng Quang Thanh.

Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thường xuyên bị ám ảnh về sự tin yêu của dân chúng dành cho mình nên mới nói đi, nói lại về điều này vô số lần trong bảy thập niên vừa qua…

Dường như nhận thức rất rõ, rằng sự tin yêu mà dân chúng dành cho họ là… quí, hiếm nên tuyên truyền đã, đang và có lẽ sẽ còn là một trong những hoạt động quan trọng nhất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam…

Đáng tiếc là tin yêu không thể hình thành từ… bơm, thổi. Đặc biệt là khi tìm kiếm tri thức, tra cứu, kiểm chứng thông tin càng ngày càng đơn giản, dễ dàng, có nâng bơm, thổi thành… công nghệ trong tuyên truyền thì hiệu quả vẫn càng ngày càng… giảm!

***

Ông Phùng Quang Thanh (cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam) vừa từ trần. Sinh tiền, ông tướng thường được ca ngợi từng “Nam chinh, Bắc chiến” này đã nhiều lần khuấy động dư luận vì những ý kiến kiểu như: Nên phong tướng để anh em khỏi… tâm tư (1)! Chuyện từ trẻ con đến người già ghét Trung Quốc là đáng lo. Nói điều gì tích cực về Trung Quốc cũng ngại. Thực trạng này nguy hiểm cho dân tộc. Phải vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị (2)!

Đó cũng là lý do thiên hạ không quên được ông Thanh dù ông đã về hưu cách nay năm năm. Tuy hệ thống truyền thông chính thức chẳng còn đả động gì tới ông nhưng thỉnh thoảng, thời cuộc buộc người ta phải nhớ, phải bàn luận về những tuyên bố loại như vừa dẫn của ông Thanh… Mới đây, sau khi ông Thanh mệnh một, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam mới nhắc đến ông. Tuy nhiên việc kể lại một số câu chuyện từng được dùng để ca ngợi ông Thanh khi ông còn tại chức dường như là… hại nhiều hơn lợi!

Chẳng hạn tờ Dân Trí trích dẫn sách báo viết về Anh hùng LLVT Phùng Quang Thanh hồi 1971 – lúc xảy ra xung đột giữa quân Giải phóng miền Nam với quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Nam Lào (“ta” gọi là Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, còn “địch” gọi là Hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào). Theo đó, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đang bị thương vẫn nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn đeo quanh người, rồi dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn một đại đội địch (3)…

Thường thì lựu đạn không có… “nắp” nên tình tiết… tháo “nắp” dễ khiến thiên hạ hoài nghi nhưng trong chiến tranh Việt Nam, có một dạo, “ta” dùng lựu đạn chày – loại lựu đạn cán gỗ, cuối cán có nắp chống ẩm. Có thể Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã nhờ đồng đội tháo… “nắp” 17 quả lựu đạn chày (4) do “ta” sản xuất. Song việc Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh bị thương tới mức phải nhờ đồng đội tháo… “nắp” 17 quả lựu đạn chày rồi đeo quanh người vẫn gây hoang mang…

Khi chỉ còn tay phải (tay trái đã quấn băng, phải dùng dây choàng qua cổ để đỡ), liệu Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh có thể vừa dùng tay phải ôm súng, vừa dùng tay phải gỡ lựu đạn ra khỏi người và cũng dùng chính cánh tay đó vừa giữ lựu đạn, vừa giật nụ xòe (kích lửa đốt dây cháy chậm) và liệng trước khi lựu đạn phát nổ (trong vòng bốn đến năm giây) để chỉ huy tiểu đội phối hợp đơn vị bạn diệt địch?

Thiên hạ chỉ biết vào ngày 11/2/1971, lần đầu, trung đội do ông Phùng Quang Thanh chỉ huy diệt 38 tên, riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên, đẩy lùi địch ra xa. Lần hai, tiểu đội do Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh chỉ huy diệt 37 tên, bắt một tên, thu hai súng và không biết lần sau ông Thanh diệt thêm được mấy tên nhưng ông trở thành Anh hùng LLVT nhờ tình tiết… đang bị thương vẫn nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn đeo quanh người, rồi dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, phối hợp với đơn vị bạn…

***

Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều “anh hùng” mà những hành động giúp họ trở thành “anh hùng” luôn làm thiên hạ hoang mang vì không thể hiểu nổi tại sao những hành động đó lại lạ thường đến mức không người bình thường nào có thể tin được như trường hợp Anh hùng LLVT Phùng Quang Thanh. Có thể lấy trường hợp Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy – phi công Không quân nhân dân Việt Nam, bắn rơi bảy phi cơ của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam – làm ví dụ minh họa thêm…

Theo “ta”, lúc tập kết ra Bắc, ông Bảy chỉ mới học tới lớp ba nhưng khi được chọn làm phi công, ông chỉ học bảy ngày là xong… bảy lớp của chương trình trung học 10 năm thời ấy! Ông Bảy cũng là người lái Mig-17, tắt máy, “núp” trong mây, chờ chiến đấu cơ của Mỹ bay ngang là… xông ra bắn hạ! Trong một trận không chiến, phi cơ ông lái bị hư, ông vừa dùng tay bịt… lỗ thủng, vừa dùng tay điều khiển phi cơ hạ cánh an toàn… Cho dù thiên hạ không tin, “ta” chẳng bao giờ phủ nhận chính ta. Ông Bảy cũng vậy!

Năm 2019, khi ông Bảy qua đời, một chiến hữu của ông Bảy mới nửa đùa, nửa thật rằng: Ông Bảy hồn nhiên đúng chất Nam bộ và cũng do được đào tạo kiểu “đi tắt, đón đầu” nên mới sinh ra những… giai thoại như lấy tay bịt lỗ thủng máy bay (4).

***

Thời chiến đã thế, thời bình cũng vậy! Người Việt vẫn còn chưa hết hãi hùng về mức độ vô liêm sỉ khi phải nghe kể, thuở còn hàn vi, ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, do nhà nghèo nhưng hiếu học nên bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học thì đã nghẹn lời… bởi sau ông Quang, phải nghe khoe thêm, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cũng… thế. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ, ông Huệ bỏ đom đóm vào… quả cà rỗng để học (5)…

Đã có không ít phân tích cặn kẽ về mặt khoa học để chứng minh không ai có thể đọc gì, làm gì dưới ánh sáng của đom đóm (6) nhưng hệ thống truyền thông chính thức vẫn làm ngơ để tiếp tục bơm, thổi các viên chức lãnh đạo (7).

Bơm, thổi giờ đã mở rộng đến cả sản phẩm, dịch vụ. Tuần rồi, thiên hạ chưng hửng khi báo Công an nhân dân (CAND) – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, viết như thế này về vaccine có tên là Hayat-Vax:

… Có thể nói rằng, Hayat-Vax vaccine của sự sống, đã xuất hiện với vai trò của một sứ mệnh lịch sử, đặt trọng trách gánh vác nhiệm vụ bảo vệ toàn nhân loại, tại UAE nơi mà cuộc sống được thể hiện trọn vẹn ý nghĩa là món quà của tạo hoá.

Sự có mặt của vaccine Hayat-Vax chính là sự phản hồi tiếng gọi từ vũ trụ, trong nỗ lực và khát vọng tìm kiếm tấm khiên chiến binh anh hùng của loài người, trong cuộc chiến với đại dịch. Một sản phẩm nhỏ bé nhưng kết tinh đủ đầy giá trị của trí tuệ và sức mạnh, là dấu ấn trưởng thành của Con Người, ghi khắc đầy tự hào vào bước tiến hoá của lịch sử thời gian.

Báo CAND chỉ giới thiệu Hayat-Vax là vaccine do tập đoàn lớn mạnh nhất của Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) sản xuất và là loại vaccine thứ bảy được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt, cho phép sử dụng trường hợp khẩn cấp.

Sau khi bị công chúng chỉ trích dữ đội vì tâng bốc Hayat-Vax thái quá và vì thiếu trung thực trong thông tin, báo CAND đã đục bỏ tin có nội dung bơm, thổi như vừa trích dẫn (8) và thay bằng một tin khác, đầy đủ hơn: Hayat – Vax là vaccine do Công ty Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất dưới dạng bán thành phẩm ở Trung Quốc, sau đó Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đóng gói và xuất xưởng (9)!

***

Ở Việt Nam, là đồng bào mà không tin yêu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì hoặc là… phản động hay nhẹ dạ bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc, còn nếu là đồng chí thì đã… tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái về tư tưởng chính trị.

Làm người ở Việt Nam rõ ràng khó hơn những nơi khác dưới gầm trời này rất nhiều. Nghe, nhìn bơm, thổi liên tục như thế suốt từ khi ra đời cho tới lúc xuôi tay mà còn tin yêu thì rõ ràng không bình thường. Còn xử sự như bình thường thì không có đất sống!

Chú thích

(1) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-tu ... t151969.gd

(2) https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-n ... 84289.html

(3) https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-tuong- ... 646093.htm

(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Lựu_đạn

(5) https://tuoitre.vn/nhung-huyen-thoai-cu ... 032857.htm

(6) https://tramsach.com/den-dom-dom-mac-di ... ong-tuong/

(7) https://www.phunuonline.com.vn/vinh-bie ... 71784.html

(8) https://cand.com.vn/error?aspxerrorpath ... x-i624743/

(9) https://cand.com.vn/Xa-hoi/bo-y-te-phe- ... e-i627674/
TranAnhDung
Posts: 292
Joined: Tue Oct 28, 2008 7:43 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by TranAnhDung »

Trĩu nặng một Sài Gòn tháng 9 và những “bí ẩn”… ai cũng biết

Cù Mai Công
14-9-2021
Chiều 13-9-2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi họp báo thông tin chính thức: TP.HCM đã ghi nhận những tín hiệu đáng mừng, tích cực. Tuy nhiên để đảm bảo chống dịch bền vững hơn, hài hòa, an toàn và nhu cầu mở lại một số hoạt động, TP.HCM sẽ giãn cách xã hội thêm một thời gian.

Bắt đầu từ 31-5 với chỉ thị 10, 15 cho tới nay, mức độ giãn cách ở TP.HCM ngày càng nghiêm ngặt hơn với 12, 16, 16+. Đặc biệt từ 23-8 “ác liệt” nhất với hàng vạn bộ đội, dân phòng “tham chiến” việc “chống dịch như chống giặc” với tuyên bố của bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Không thắng không về”. Na ná như hai lần cựu Phó thủ tướng Trương Hòa Bình “ra hạn” kiểm soát dịch trong 15 ngày cho TP.HCM. Một vài quan chức khác ở TP.HCM cũng từng nói về “thi đua 15 ngày”.

Tháng 7 vừa rồi, ông Trương Hòa Bình thôi giữ chức phó thủ tướng và nghỉ hưu theo chế độ – giữa lúc dịch Covid ở TP.HCM bước vào cao điểm, lao đao từ ngành y, chính quyền đến dân suốt tháng 8 cho tới nay.

Từ 23-8, dân cũng hy vọng 15 ngày sau dễ thở hơn, tức 6-9; rồi lại kỳ vọng 15-9. Giờ lại hết tháng 9. Hy vọng, kỳ vọng liên tục nhưng mục tiêu 15 ngày cứ như “đã xa rồi còn đâu”. Một người bạn của tôi kể đêm nào cũng ngủ mơ thấy Sài Gòn kẹt xe, quán xá, hàng rong vỉa hè nhộn nhịp…

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-1 sáng 11-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra nhiều hạn chế trong công tác chống dịch thời gian qua.

Những thông tin cảnh giác về Covid liên tục suốt mấy tháng nay ít nhiều góp phần tạo hoảng sợ cho xã hội, mặt trái của yêu cầu cảnh giác. Cảnh giác không đồng nghĩa với tác động dồn dập gây hoảng sợ và hành xử cực đoan, rối rắm, sai sót; thậm chí mâu thuẫn với yêu cầu tối thượng trong phòng chống Covid là giãn cách. Gây hậu quả dịch phát triển mạnh hơn. Hàng loạt quyết định liên quan Covid phải thay đổi ngay sau đó là một ví dụ.

Tới giờ vẫn còn nhiều bất hợp lý, dẫm chân, chồng chéo, thậm chí ngược nhau trong cách phòng chống. Nay đo mai bỏ đo huyết áp (vừa không khoa học, thực tế lẫn nguy cơ lây nhiễm) là một ví dụ. Ngay ở phường tôi, tất cả thành viên trong nhà ăn uống, ngủ nghỉ cùng nhau mấy tháng rồi mà vẫn test từng người có là phí sức, tốn tiền? Test xong, anh ngoáy mũi còn “hăm”: “Ba ngày test một lần nhá chú”. Nhà tôi không ở vùng đỏ, tôi cũng không phải… shipper, sao lại test nhiều vậy nhỉ? Có điều sau đó, tới giờ hơn ba ngày rồi, không thấy nhân viên test nào lai vãng (!)…

Có lẽ cái điên đầu, phức tạp nhất hiện nay là mấy cái app quản lý người đi đường, xác nhận “thẻ xanh”, “thẻ vàng”, “hành trình di chuyển”… gì gì đó. Hiện đã có 20 app quản lý – chưa tính app mới nhất VNEID.

Chỉ một app thôi, ví dụ theo thông tin từ đơn vị cung cấp phần mềm “Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19”, trong bốn ngày vừa qua, cổng thông tin này có 800.000 người phản ảnh có rắc rối khi sử dụng cổng này truy vấn thông tin và hiện vẫn còn khoảng hai triệu mũi chưa nhập liệu hoặc nhầm lẫn dữ liệu.

Thủ tướng cũng chịu không nổi, chỉ đạo trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 11-9: “Từ hôm nay trở đi, tôi đề nghị anh Hùng (Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng) công bố và hướng dẫn công nghệ, thống nhất một app lấy tên là PC Covid (Phòng chống Covid-19) để nhân dân chỉ vào một app”.

Nếu may mắn việc này có sớm và quan trọng hơn là đơn giản, xài được, xài dễ thì cũng chưa hết chuyện đâu. “Thẻ xanh” qua app có cản hàng trăm ngàn ông bà cụ, trẻ nhỏ, người nghèo… không xài, không có smarphone đã chích đủ hai mũi ra đường?

Và các chốt giăng giăng từ đường chính đến hang cùng ngõ hẻm chặn người. Không hiếm chốt, như ở Gò Vấp, thật sự như pháo đài theo nghĩa đen: tôn dựng kín mít, cao hai, ba mét. Nhiều con hẻm tiếp tục bị giăng dây, rào kẽm gai, dựng bàn ghế tủ… như chiến lũy. Ở một đường nhánh dẫn vào một khu dân cư cao cấp trên đại lộ Mai Chí Thọ, có lẽ để chặn người giao hàng, kẽm gai, barie dựng ba lớp, mỗi lớp cách nhau bốn, năm mét. Kiểu này thì shipper cũng bó tay.

Chặn người đi đường nhưng có chặn được Covid hay không vẫn còn là những tranh cãi như “cánh đồng bất tận”.

Cũng nên ít nhiều chia sẻ với các nhà quản lý, họ đang trong núi việc, khó tránh khỏi lúng túng và ít nắm thực tế cụ thể. TP.HCM vừa đưa ra kế hoạch ba giai đoạn của TP.HCM, giai đoạn nào cũng có câu thòng đại ý “nếu dịch không giảm”. Không có câu thòng “nếu dịch giảm mạnh hơn sẽ…”.

Từ cực đoan quá tự tin, mất cảnh giác hồi 30-4, 1-5 mà Thủ tướng trước dịp lễ 2-9 cảnh báo không để lặp lại, giờ có vẻ chuyển sang một thái cực khác: thiếu tự tin, tiếp tục kiểm soát mạnh; cho mở cửa hàng, sắp tới sẽ mở chợ, mà “con đường xưa em đi” vẫn đầy dây chì ngáng – dù thông tin chính thức cho thấy giữa tháng 9-2021, tình hình dịch giã ở TP.HCM có vẻ khả quan khi số ca nhiễm lẫn ca tử vong ở TP.HCM đang giảm khá rõ.

Như stt trước đã nói: không một sinh mạng nào không vô giá, không cuộc ra đi nào không đau khổ khôn cùng với người ở lại. Nhưng chúng ta đành, buộc phải chấp nhận nỗi đau đó và có cái nhìn toàn cảnh hơn. Để bình tĩnh hơn khi thực tế đại đa số ca nhiễm đã qua khỏi.

Chỉ trong bộ phận tôi đang làm việc, ít nhất ba gia đình đã là F0, rồi một gia đình bảy người gần nhà tôi, trong đó có bà cụ 85 tuổi… tự điều trị ở nhà; lần lượt khỏi bệnh. Ai cũng có thể thấy, biết thực tế vô số này khi đại đa số người nhiễm Covid đã qua khỏi. TP.HCM tới giờ đã hơn 120.000 người F0 khỏi bệnh rồi; thành phố còn kêu gọi họ hỗ trợ công việc phòng chống, có trả lương hẳn hoi.

Dù thế nào thì sự bình tĩnh bao giờ cũng tốt hơn hoảng sợ, thậm chí đã có nơi biểu hiện hoảng loạn. Để bớt rơi vào cực đoan trong ứng xử, đối phó, phòng chống Covid.

Hơn 100.000 F0 đang được điều trị tại nhà (hầu hết lần lượt khỏi bệnh) đã giảm tải rất mạnh cho các bệnh viện. Tôi vẫn thầm nghĩ: giá mà thành phố áp dụng sớm chiến lược này như nhiều nước khác và cả góp ý trong nước, có lẽ bớt hao tổn quá lớn sức người, sức của và cả sinh mạng người bệnh.

Vừa qua, một con số đáng lo thật sự được người có thẩm quyền công bố chính thức: mỗi bác sĩ ở TP.HCM phải lo cho 120-140 người bệnh. Tỉ lệ này thì làm sao lo nổi. Thà để người nhiễm Covid không triệu chứng (chưa hẳn là bệnh nhân), người bệnh nhẹ… ở nhà cho gia đình lo, tốt hơn ở bệnh viện nhiều.

Khi số ca bệnh trong các bệnh viện xuống dưới 30.000 ca = 60-70% giường bệnh ở TP.HCM là có thể mở mạnh hơn, theo nguyên tắc ở các nước chọn sống chung: QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT ĐỘ GIÃN CÁCH NGƯỜI – NGƯỜI CHỨ KHÔNG QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT LUỒNG ĐI, gây bao hệ lụy, phiền toái, đình đốn kinh tế cực kỳ nghiêm trọng đến từng con người, trong đó có anh em chúng ta.

Bao nhiêu anh em dầm mưa dãi nắng gác chốt (bộ đội, công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên…), tổ trưởng, người đi chợ hộ đã là F0, đã thành nguồn lây nhiễm và chưa chích hai mũi? Bóng tối có ngay chân chiếc đèn dầu?

Và sau ba tháng rưỡi, giá cả thực phẩm, hàng hóa ở TP.HCM vẫn cao trong khi thu nhập ai cũng giảm. Thực tế các chốt hiện nay vẫn chốt nhưng hầu như qua lại khá dễ. Họ cũng có gia đình, gia đình họ vẫn phải đi lại. Nhiều khu lao động vùng ven như Hóc Môn, quận 4, 6, 8, Bình Tân…, khi đi làm từ thiện, tôi thấy tận mắt hàng quán mở len lén, bán đủ hủ tíu, mì quảng, phở bò…; hàng rong bán đủ thịt cá, rau củ… trên các tấm nylon. Siêu thị nguyên tắc chỉ bán cho phường, công an, y tế…, thực tế… bán láng cho khách lẻ. Một tiệm bánh lớn giữa Sài Gòn hôm qua tôi ghé mua cũng vậy, dù công an phường đứng cạnh bên kiểm soát có vẻ cũng… lờ khi khách lẻ như tôi vô mua. Trái tim anh em cũng không gỗ đá. Họ đồng cảm những thiếu thốn trong dân hôm nay.

Đừng sợ bà con mình “thiếu ý thức”. Giờ tôi “thách” ai ở TP.HCM không sợ con Covid. Mấy sạp vỉa hè bán chui trên đường Tân Hòa Đông (quận 6, Bình Tân) ngồi xa nhau cả chục mét. Khách lẫn chủ đứng quá tầm với. Còn shipper giao hàng, anh chị nào cũng đứng xa, giao nhanh, rút lẹ…

Mô hình “đi chợ hộ” qua thực tế cho thấy không hiệu quả lắm và dân sau mấy tháng siết mua bán đã tự bung ra như hồi bao cấp thiếu thốn. Vô số trang fanpage tự lập, mua bán í xèo, “dân tự cứu dân”. Ở đó, hàng hóa đầy đủ và rẻ hơn hẳn siêu thị. Xin được nói thật: chính những động tác từ trong dân này đã giải quyết cực mạnh việc thực phẩm, “hàng hóa thiết yếu” thiếu thốn nặng nề những ngày trước. Giá cả rõ ràng đã giảm. Nhiều món bằng trước giãn cách.

“Thẻ xanh” còn rối tung về danh sách, lực lượng kiểm tra lẫn trình độ sử dụng, điện thoại không phải ai cũng có. “Thẻ vàng” theo tôi là hơi “kỳ lạ” vì tới giờ hơn 85% dân TP.HCM từ 18t trở lên đã chích ít nhất một mũi. Trong tháng 9 này sẽ 100% số dân chích ít nhất một mũi thì cần gì “thẻ vàng” nữa, phiền phức cho cả dân lẫn chính quyền. Kiểm tra chỉ kéo gần giãn cách, tăng Covid.

Mai kia, theo chính thông tin chính thức của chính quyền thành phố và ngành chức năng, vaccine đang về Việt Nam, về TP.HCM khá nhiều nếu không muốn nói là khá dư giả, khả năng phủ kín hai mũi cho bà con TP.HCM rất rõ. Có lẽ không lâu đâu. Khi 100% người trên 18 tuổi đủ hai mũi, “thẻ xanh” nói gì thì nói đang có khá nhiều rắc rối hiện sẽ thôi gây phiền toái, mệt mỏi cho cả chính quyền lẫn dân? Ai cũng hai mũi rồi thì nó liệu có nên tồn tại?

Và liệu có nên tồn tại những tấm bảng “vùng xanh”, “vùng đỏ” khắp nơi ở TP.HCM hiện nay khi mà vùng nào cũng như nhau: đều bị kiểm soát thắt ngặt?

.. Vậy là Sài Gòn “giãn cách nghiêm” hết tháng 9, hơn nửa tháng nữa. Tổng cộng bốn tháng, đô thị có số dân 9,3% cả nước, đóng góp bình quân 27% thu ngân sách cả nước, GRDP chiếm bình quân 23% GDP này mất 1/3 quãng thời gian một năm dịch vụ, sản xuất đình đốn; mấy triệu người thất nghiệp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: Hai đợt 1, 2, TP.HCM đã cấp gần 6.500 tỉ đồng, trong đó có kinh phí xã hội hóa 1.400 tỉ. Dự kiến gói hỗ trợ thứ 3 gần chục ngàn tỉ, vượt rất nhiều khả năng ngân sách.

16.000 tỉ đồng nghe lớn, nhưng với năm, bảy triệu người khó khăn ở TP.HCM suốt mấy tháng nay thì không khó để thấy số tiền hỗ trợ “vượt rất nhiều ngân sách” thành phố ấy chỉ như “tạm sống qua ngày”. Với điều kiện không bệnh (thông thường, không phải Covid), điện nước trong nhà không hư, tiền điện nước khỏi trả, sinh viên học sinh khỏi đóng học phí, tắm giặt không cần xà bông, bột giặt, trẻ con không cần uống sữa… và giá một ký rau, củ không 25-40.000 đồng, một lạng hành tỏi không 6.000-10.000 đồng… như suốt mấy tháng nay cho tới giờ.

Vậy nên khi tôi gởi P.Q., sinh viên gốc tỉnh, học ngành Điện – điện tử trường Cao đẳng Lý Tự Trọng tiền đóng học phí học thêm khóa tiếng Anh cuối cùng trước khi muốn tốt nghiệp, một ít tiền cho mẹ con P.Q. sống tạm bợ chờ hết tháng 9, cả nhà lặng đi. Anh nhân viên ăn ngủ ở một công ty trên đường Hoàng Văn Thụ nhận bình nước nóng siêu tốc tôi gửi, bảo: “Tối nay mình có nước nóng trụng mì gói được rồi”…

Và khi gởi ít thịt thà, gói rau củ thập cẩm đông lạnh, bịch xúc xích, ít tiền… cho một gia đình bốn người ở chung cư cũ số 5 Cao Thắng (quận 3), ngay lập tức, bà mẹ chiên ba khúc xúc xích cho con gái một tuổi rưỡi và bé ăn hết ngon lành. Gói bánh Karo trứng tươi – chà bông, bé ôm khư khư: “Của con, của con…”. Khu chung cư này ba tầng dưới đã có F0, “công chúa nhỏ” của gia đình trước dịch bán hàng vỉa hè này ở tầng 4, chỉ thèm bữa cơm, bữa cháo có thịt.

… Đó chỉ là một góc rất nhỏ, nhỏ li ti của nhịp sống vô số bà con thành phố trong Covid hôm nay. Tôi ghé đến những góc nhỏ ấy, lòng trĩu nặng một Sài Gòn tháng 9-2021.
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Trước Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Biden kêu gọi thế giới đoàn kết
Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, lên $11.4 tỷ mỗi năm.

Bình Phương
21 tháng 9, 2021

Image
Tổng thống Joe Biden đọc diễn văn trước kỳ họp thứ 76 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York sáng thứ Ba 21 tháng Chín. Ảnh Eduardo Munoz-Pool/Getty Images

Tổng thống Biden đã có bài phát biểu đầu tiên trước cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hiệp Quốc vào Thứ Ba 21 Tháng Chín, khẳng định Hoa Kỳ vẫn là một đối tác quốc tế tin cậy sau bốn năm đặt “Nước Mỹ trước hết” thời Tổng thống Trump.

Phát biểu trước một lượng khán giả nhỏ hơn bình thường do đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, ông Biden kêu gọi một kỷ nguyên đoàn kết thống nhất toàn cầu chống lại các mối đe dọa đang nổi lên như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, tình trạng lạm dụng nhân quyền v.v… Ông công khai chỉ trích các cuộc xung đột quân sự và nhấn mạnh Hoa Kỳ không tìm kiếm “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc dù cảnh báo ảnh hưởng ngày càng mở rộng của các quốc gia chuyên quyền như Trung Quốc và Nga.

Ông Biden nói: “Dù cho những vấn đề chúng ta mà phải đối mặt khó khăn hay phức tạp đến mức nào, chính phủ do dân và vì dân vẫn là cách tốt nhất để mang lại lợi ích cho tất cả người dân của chúng ta”, ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây sẽ vẫn là đối tác quan trọng. “An ninh của chúng ta, sự thịnh vượng của chúng ta và các quyền tự do của chúng ta được kết nối với nhau với mức chưa từng có trước đây, theo quan điểm của tôi,” ông Biden nói.


Ông Biden bảo vệ quyết định rút quân và chấm dứt cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Afghanistan và kêu gọi thế giới chỉ nên sử dụng vũ lực như là “công cụ cuối cùng chứ không phải đầu tiên của chúng ta”. “Ngày nay, nhiều mối quan tâm lớn nhất của chúng ta không thể được giải quyết hoặc thậm chí không thể ứng phó bằng vũ lực. Bom đạn không thể chống lại Covid-19 hoặc các biến thể trong tương lai của nó,” ông Biden nói.

Nhưng những nỗ lực của ông Biden đưa nước Mỹ vượt qua các chính sách đối đầu diễn ra trong bối cảnh các đồng minh ngày càng thất vọng với cách tiếp cận ngoại giao của chính quyền ông.

Chính phủ Pháp vừa triệu hồi đại sứ của họ tại Washington về nước để biểu thị sự phẫn nộ – không chỉ vì mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hơn $60 tỷ với Úc, mà vì việc ký kết liên minh quân sự AUKUS (Úc-Anh-Mỹ) cho thấy rõ Pháp không phải là đồng minh thân cận của Mỹ nữa.

***

Ông Biden và các nhà lãnh đạo khác cũng phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc, quan hệ giữa các cường quốc bị phân cực và đại dịch tàn khốc đã làm trầm trọng thêm sự phân chia giàu nghèo trên toàn cầu.

Ông Biden là một trong những người đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên; trong số những người cuối cùng phát biểu có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, qua đoạn video được ghi âm trước, kết thúc một ngày với quan điểm cạnh tranh của hai quốc gia quyền lực nhất thế giới.

Ông Biden nhận định thế giới đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa các giá trị dân chủ được phương Tây tán thành còn Trung Quốc và các chính phủ độc tài khác coi thường chúng.

Ông nói: “Tương lai thuộc về những người mang lại cho người dân của họ khả năng hít thở tự do chứ không phải những người tìm cách bóp nghẹt người dân của họ bằng một chủ nghĩa độc đoán bàn tay sắt. Những kẻ độc đoán trên thế giới tuyên bố thời đại dân chủ đã kết thúc, nhưng họ đã sai.”

Nhưng Tổng thống Biden thề sẽ không theo đuổi một kỷ nguyên xung đột kéo dài với các nước như Trung Quốc, ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ và dẫn đầu bằng các giá trị và sức mạnh của chúng ta để đứng lên vì các đồng minh và bạn bè của chúng ta”. “Chúng tôi không tìm kiếm – nói lại lần nữa, chúng tôi không tìm kiếm – một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay một thế giới bị chia cắt thành các khối cứng nhắc,” ông nói. Đáng chú ý là trong bài diễn văn dài 34 phút, ông Biden không hề nhắc tới Trung Quốc một lần nào.

Biến đổi khí hậu và đại dịch cũng là trọng tâm, và ông Biden đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Covid bên lề hội nghị Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy các nước khác tăng cường năng lực sản xuất vaccine cho các nước nghèo. Ông Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động nhanh chóng hơn để kiềm chế đại dịch đã giết chết hàng triệu người. “Chúng ta cần hành động khoa học và ý chí chính trị tập thể. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ để có được những mũi tiêm vào cánh tay càng nhanh càng tốt và mở rộng khả năng tiếp cận với ô-xy, các xét nghiệm, phương pháp điều trị, để cứu người trên khắp thế giới.”

Ông Biden nói: “Năm nay cũng đã mang đến cái chết và sự tàn phá lan rộng từ cuộc khủng hoảng khí hậu không biên giới. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta đã thấy ở mọi nơi trên thế giới – và tất cả các bạn đều biết và cảm nhận được điều đó – đại diện cho điều mà ông Tổng Thư ký [Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres] đã gọi đích danh là ‘Báo Động Đỏ” cho toàn nhân loại”. Ông nói với Đại Hội Đồng rằng ông sẽ làm việc với Quốc Hội Mỹ để tăng gấp đôi khoản ngân sách trợ giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, lên mức $11.4 tỷ mỗi năm từ năm 2024.

Sau khi phát biểu tại Đại Hội Đồng, Tổng thống Biden đã có một cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Úc Scott Morrison rồi quay về Tòa Bạch Ốc, nơi ông dự định sẽ đón tiếp Thủ tướng Anh Boris Johnson và thu xếp một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người không đến New York dự hội nghị Liên Hiệp Quốc.
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Hội chứng về quê và khủng hoảng lòng tin

Đỗ Duy Ngọc
3-10-2021

Image
Sau đợt người dân lũ lượt theo nhau về quê đêm 30.9 rạng sáng 1.10.2021 gây tắc nghẽn ở cửa ngõ Long An. Dù chính quyền tìm mọi cách ngăn cản và thuyết phục, làn sóng người vẫn không đồng tình.

Cuối cùng, chính quyền phải sắp xếp cho dân về theo nguyện vọng. Tiếp theo đó, tối 2.10, bà con lao động miền Tây lại đi xe máy rầm rộ nối nhau từ Bình Dương về thành phố để hồi hương. Lãnh đạo tỉnh lại kêu gọi bà con ở lại nhưng cũng chẳng ai nghe, ai cũng chỉ có một mong muốn là trở về. Tất cả hướng ra quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn. Hàng ngàn chiếc xe rú trong đêm quyết chí ra đi.

Từ khi dịch bùng phát ở thành phố và một số tỉnh lân cận, đã có mấy đợt di tản như thế này. Bắt đầu là những người quê ở miền Trung và miền Bắc, đường xa hàng ngàn cây số, họ vẫn liều lĩnh quay đầu đi về. Rồi đến mấy đợt người miền Tây. Tất cả đã đến giới hạn của sự chịu đựng.

Trước đây, Sài Gòn đất lành chim đậu. Họ bỏ quê, bỏ ruộng vườn vào đây, lên đây kiếm kế sinh nhai. Đất Sài Gòn bao dung và rộng mở. Họ cũng đã trở thành dân Sài Gòn. Họ làm đủ nghề để sống và gởi tiền về nuôi con đi học, cho cha mẹ già viên thuốc lúc ốm đau. Thợ hồ cũng kiếm được một, hai trăm ngàn một ngày. Bán vé số được trăm tờ cũng có được trăm ngàn. Làm thúng xôi đầu hẻm, xe bánh mì đầu đường, gánh bún riêu trong ngõ cũng sống được qua ngày. Cùng chiếc xe đạp rong ruổi mua phế liệu, lượm ve chai cũng nuôi được gia đình. Làm công nhân trong hãng xưởng, bát cơm có thêm miếng thịt cá, con sinh ra có được hộp sữa để lớn. Họ an tâm sống và lao động trên đất này với chút hi vọng thế hệ tiếp nối sẽ có cuộc sống tốt hơn, tương lai sẽ hạnh phúc hơn.

Nhưng rồi đất không còn lành khi cơn đại dịch thổi tới. Những chỉ thị, văn bản, nghị quyết, biện pháp lần lượt ra đời. Đường phố không người đi, xóm làng giăng dây, căng kẽm. Nhà máy đóng cửa. Mọi hoạt động đông cứng lại và họ trở thành người thất nghiệp. Số tiền nhỏ nhoi để dành cạn dần. Viễn cảnh chết đói đến gần đe doạ cuộc sống của vợ con.

Họ nghe và tin những lời hứa của chính quyền, của nhà nước là không để một ai phải đói, không để ai bị bỏ lại phía sau. Họ tin và họ chờ. Nhưng rồi khi trong nhà không còn hạt gạo, khi sữa cũng chẳng có tiền mua cho con nhỏ, đến bữa không còn có bát cơm vẫn thấy mình bị bỏ quên, vẫn biết mình đang bị bỏ lại. Bốn tháng trông đợi, 120 ngày cầm cự bữa đói bữa no sống nhờ cơm từ thiện, họ bắt đầu tuyệt vọng.

Gói hỗ trợ lần 1, rồi lần 2, thủ tục rườm rà, khai báo đủ kiểu nhưng người có kẻ không. Ở trên thì bảo trợ cấp cho từng người, ở dưới lại cho là cấp cho từng hộ. Số tiền hỗ trợ có nơi nhận, có chỗ chờ hoài không thấy. Có khi được cho bó rau, mấy củ lại cấp cho cả chục người trong nhà trọ, biết chia làm sao để ăn cho đủ. Bốn tháng tiền nhà, không tiền đóng, chủ đuổi. Bốn tháng tiền điện nước, cũng không đủ tiền trả, điện cắt, nước cắt, sống làm sao? Cuối cùng là bị đuổi ra khỏi phòng trọ, ra ở vỉa hè mà sống sao?

Hàng ngày lại phải chứng kiến biết bao người lần lượt vào bệnh viện và chết trong lặng lẽ, biết bao hủ cốt lần lượt xuất hiện trên bàn thờ tạm bợ trong phòng trọ, biết bao tin người nhiễm bệnh không có ai chăm sóc. Mấy trăm hũ tro cốt cũng vừa đem về miền Tây vì không có địa chỉ rõ ràng ở thành phố.

Thế nên đành phải về thôi. Chỉ còn một con đường sống là quay lưng lại nơi chốn đã từng nuôi sống mình, gạt nước mắt mà ra đi. Ngày xưa đến đây vì tương lai và giờ đây cũng vì mốt mai mà đành phải lìa bỏ. Trách nhiệm thuộc về ai? Chính quyền không lo được cho dân thì không có gì để níu giữ họ lại.

Hiểu được nỗi lòng của những người chấp nhận, liều lĩnh ra về vì đã cùng đường mới thông cảm cho họ khi họ có lúc đã điên cuồng bạo loạn. Có đồng cảm với những bí bách của họ mới thấy thương cho cảnh họ quỳ với bó nhang giữa lộ mà vái với thinh không. Họ không quỳ lạy các lực lượng công an, cảnh sát cơ động, dân phòng đang đóng nơi chốt chặn họ lại. Bởi họ biết rõ lực lượng này chỉ chấp hành lệnh. Lệnh trên bảo cấm là cấm, thả là thả.

Họ vái lạy bởi họ chỉ còn một con đường duy nhất. Họ vái lạy bởi họ chẳng còn biết tin ai. Họ vái lạy trời, lạy đất, lạy âm binh, ma quỷ, thành hoàng mở cho họ một con đường để được sống. Họ vái lạy như là một hành động cầu may để có một con đường thoát.
Họ cần một sinh lộ bởi họ không còn tin vào những lời hứa của con người nữa.

Trước tình trạng người dân rời thành phố về quê, lãnh đạo thành phố phát biểu thấy có trách nhiệm chưa chăm lo chu đáo cho bà con. Đại diện cho chính quyền thành phố còn cho rằng bất cứ người dân nào đến với thành phố vì bất cứ lý do nào, thành phố đều trân trọng đón tiếp và thực sự chăm sóc để họ có điều kiện tốt nhất khi ở đây. Đối với người lao động, thành phố lại càng trân trọng vì chính họ góp phần phát triển kinh tế thành phố. Vì vậy, thành phố luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, luôn tìm những giải pháp tốt nhất để chăm lo cho người lao động, vì họ xứng đáng được như thế. Thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho người dân các tỉnh ở lại.

Nói hay quá, tình cảm quá, xúc động quá. Nhưng rất tiếc, dân nghe những lời như thế nhiều lần quá rồi. Dân đã chờ, dân đã mong, dân đã đợi chính quyền thực hiện những điều đã nói bằng hành động. Nhưng làm không tròn, nhưng không đúng như lời hứa. Nên dân chẳng còn tin, dân không còn sức đâu để đợi, nên dân phải dứt áo ra về. 120 ngày chờ mong sự giúp đỡ mà không thấy. Giờ với lời hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất sẽ chờ đến thêm bao tháng nữa? Nằm ở vỉa hè chờ sao? Nhịn ăn để chờ sao? Tin được nữa không?

Nhiều người đi về khi trong túi chỉ còn 50.000 đồng sau khi đã tốn hết tiền xét nghiệm để có tấm giấy đi đường. Có cặp vợ chồng, vợ mang bầu 8 tháng chở nhau về trên chiếc xe đạp với con đường hàng trăm cây số với vẻn vẹn có 100.000 đồng làm lộ phí. Không biết người sản phụ ấy có đẻ rớt con giữa lộ không nếu như không gặp người thấy tình cảnh của họ mà gởi cho 5 triệu đồng.

Vợ chồng, con cái đèo nhau trên một chiếc xe với lỉnh kỉnh đồ đạc, tiền cũng đã cạn rồi, con đường về còn xa, còn qua biết bao nhiêu trạm, không biết rồi có về được quê nhà không? Những đứa trẻ đang còn ẵm ngửa vẫn phải chịu đựng với nắng mưa và gió bụi. Gia tài nhiều khi chỉ là cái quạt máy hay chỉ là đống móc áo. Gia sản chỉ gói gọn trên chiếc xe. Có người còn đạp xe đạp để làm chuyến đi về.

Họ biết bao gian nan, nguy hiểm trên đường đang chờ chực nhưng vẫn quyết đi vì không còn con đường nào khác.

Từ cuộc chiến tranh chống Pháp cho đến chiến tranh Nam Bắc kéo dài mấy chục năm. Người Việt đã bao lần tản cư, di cư, sơ tán rồi di tản. Tất cả đều tránh né để trốn chạy đạn bom, để tìm một nơi chốn yên bình trong thời chiến. Giờ đây, chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ rồi, thời đi ra biển để tìm bến bờ khác cũng chấm dứt lâu rồi.

Thế nhưng người ta vẫn chứng kiến những đợt di tản nối tiếp nhau trong cơn đại dịch. Những cuộc trở về để sinh tồn, để được còn được miếng ăn, được sống cùng gia đình, người thân, với ruộng đồng ao cá dù giờ đây làng xóm chẳng còn được như xưa. Về để quên đi những lời hứa vì chẳng còn hi vọng, để trốn chạy những thực tế phũ phàng. Đó cũng là hình thức phản kháng của người dân khi mất lòng tin.

Trong cơn đại dịch đã mang lại biết bao đau thương và mất mát. Cơn đại dịch cũng còn mang đến hội chứng về quê và sự khủng hoảng lòng tin. Suy sụp kinh tế rồi thời gian sẽ phục hồi. Mất lòng tin khó lòng lấy lại.
bichphuong
Posts: 633
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:13 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by bichphuong »

Image

Giải Nobel Hòa Bình 2021
dành cho nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận

Nhã Duy

Trong vài thập niên vừa qua, giải Nobel Hòa Bình và Văn Chương được xem là một tuyên ngôn của ủy ban giải Nobel về các vấn đề thời cuộc quan trọng trong (những) năm trước và năm 2021 này cũng không là ngoại lệ.

Giải Nobel Văn Chương năm nay được trao cho nhà văn lưu vong gốc Tazania - một quốc gia Châu Phi, là Abdulrazak Gurnah "vì sự thẩm thấu kiên định và bác ái của ông đối với những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong vực sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa". Cũng vậy, giải Nobel Hoà Bình đã dành cho hai ký giả Maria Ressa của Phi Luật Tân và Dmitry Muratov của Nga "vì những nỗ lực bảo vệ sự tự do ngôn luận, vốn là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và sự hòa bình lâu dài".

Ủy ban Nobel Hòa Bình Na Uy còn nói thêm rằng, "họ đại diện cho tất cả các ký giả đang tranh đấu cho lý tưởng này, trong một thế giới mà nền dân chủ và tự do báo chí đang đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi" và cho "nền báo chí tự do, độc lập và dựa vào dữ liệu đang hoạt động nhằm chống lại sự lạm dụng quyền lực, những dối trá và sự tuyên truyền cho chiến tranh".

Đã có một vài chính khách hay nhà hoạt động xã hội kiêm ký giả được trao giải Nobel Hòa Bình trong 120 năm qua kể từ khi giải Nobel Hòa Bình lần đầu tiên được trao giải vào năm 1901, tuy nhiên đây là dịp hiếm hoi trong nhiều thập niên vừa qua mà Ủy Ban Nobel đã vinh danh những hoạt động báo chí thuần túy cùng giới ký giả qua giải thưởng trao cho bà Maria Ressa và ông Dmitry Muratov .

Sinh năm 1963, bà Maria Ressa là nhà sáng lập, kiêm Tổng Quản Trị của Rappler, một trang mạng tin tức tiếng Anh nổi tiếng tại Phi Luật Tân. Tốt nghiệp tại đại học Princeton và từng là một nhà báo phóng sự điều tra cho CNN trong gần hai thập niên, bà Ressa từng nằm trong nhóm ký giả được tạp chí Time bầu chọn là "Nhân Vật Trong Năm" vào năm 2018 cũng như được trao giải thưởng "Tự Do Báo Chí" của UNESCO vào tháng Tư năm nay.

Theo trả lời của bà Ressa trong một cuộc phỏng vấn cùng Democracy Now!, trang mạng Rappler cũng bị Tổng Thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân cáo buộc là trang "tin giả" chỉ sau một tuần lễ Tổng Thống Donald Trump tấn công CNN và The New York Times là các hãng tin giả tại Mỹ. Bà bảo đó là một thời điểm tồi tệ cho thế giới khi ngọn hải đăng trước đây của nền dân chủ, từng là nhà đấu tranh cho tự do báo chí và nhân quyền như Hoa Kỳ lại rõ ràng bị vắng bóng, đồng thời các tập đoàn kỹ nghệ Mỹ đã cho phép các đội quân rẻ tiền trên mạng xã hội làm suy yếu nền dân chủ và sử dụng nó như một loại vũ khí mới để tấn công các nhà báo. Có những ngày mà điện thoại của bà nhận được khoảng gần 100 lời hăm dọa hay mạ lỵ mỗi giờ.

Bà đã nhiều lần bị bắt giữ bởi chính phủ Rodrigo Duterte cùng những lời đe dọa đóng cửa trang Rappler. Bà đối diện với sự nguy hiểm tột bậc và khó ai có thể đoán được chuyện gì có thể xảy ra cho bà bởi năm 2016, tổng thống Duterte từng hăm dọa giới báo chí rằng "không vì là nhà báo mà thoát khỏi chuyện ám sát" (Just because you’re a journalist you are not exempted from assassination). Các giải thưởng báo chí cùng giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay trao cho ký giả Maria Ressa về hoạt động báo chí can đảm và không mệt mỏi của bà như vậy, cũng như bà như một đại diện và khuôn mẫu cho giới ký giả trong cuộc chiến bảo vệ sự thật đầy cam go hiện nay, trong đó ắt không thiếu những nhà báo Việt Nam đã từng hay đang bị nhà cầm quyền giam giữ.

Ông Dmitry Muratov, 61 tuổi là nhà đồng sáng lập kiêm chủ bút tờ báo cổ vũ dân chủ Novaya Gazeta. Tờ báo tiếng Nga này được biết đến qua việc đưa tin về các vấn đề chính trị xã hội nhạy cảm như tham nhũng của chính phủ và vi phạm nhân quyền tại Nga. Theo Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả CPJ, đây là tờ báo bình luận duy nhất thực sự có tầm ảnh hưởng quốc gia tại Nga hiện nay. Sáu trong số các ký giả của tờ báo này đã bị giết kể từ khi nó được thành lập, bao gồm cả ký giả Anna Politkovskaya vào năm 2006, người chỉ trích gay gắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và chiến tranh Chechnya.

Trả lời trên Rappler.com sau khi nhận được thông báo từ Ủy Ban Nobel, bà Maria Ressa bảo rằng, kể từ năm 2016, họ đã nói một điều từ khá lâu là, họ đang chiến đấu cho sự thật. "Trong một thế giới mà sự thật bị gây tranh cãi, khi một hệ thống cung cấp tin tức lớn nhất thế giới (có thể là bà muốn nói đến facebook) lại ưu tiên quảng bá những lời dối trá, những điều chứa đựng sự phẫn nộ và hận thù, lan truyền chúng nhanh và đi xa hơn sự thật, thì báo chí sẽ trở thành một phong trào hoạt động. Làm thế nào để các nhà báo có thể tiếp tục sứ mạng báo chí? Tại sao lại quá khó khăn để tiếp tục nói về thông tin xác thật với cộng đồng, với thế giới? Vì vậy, trong cuộc chiến giành sự thật, Ủy ban Nobel Hòa bình đã nhận ra rằng một thế giới không có sự thật có nghĩa là một thế giới không có chân lý và niềm tin. Và nếu các bạn không có bất kỳ điều nào như vậy, các bạn chắc chắn không thể chiến thắng coronavirus, các bạn không thể chiến thắng trong việc biến đổi khí hậu. Giống như vua Sisyphus lăn tảng đá lên đồi, khi bạn bị tấn công trong quá trình cố gắng lăn tảng đá lên đồi, bạn chỉ cần né qua để tiếp tục đi. Các bạn cứ tiếp tục đi... Tự do báo chí không chỉ dành cho các nhà báo. Tôi nghĩ đây là thời điểm quan trọng đối với nền dân chủ trên toàn thế giới, cả tại Phi Luật Tân và tại Hoa Kỳ. Các bạn phải tranh đấu cái quyền của mình khi có thể". (*)

Tổng thống Joe Biden đã tham gia cùng các lãnh đạo thế giới trong việc chúc mừng hai ký giả được giải Nobel Hòa Bình năm nay. Trong thông báo được Bạch Ốc đưa ra, Tổng Thống Biden đã ca ngợi họ rằng, "Tựa như rất nhiều ký giả trên khắp thế giới, Ressa và Muratov đã theo đuổi sự thật một cách không mệt mỏi và không sợ hãi. Họ đã làm việc để kiểm soát việc lạm dụng quyền lực, vạch trần tham nhũng và đòi hỏi sự minh bạch" cũng như "cam kết với các nguyên tắc căn bản của báo chí tự do, những nguyên tắc không thể thiếu để có một nền dân chủ lành mạnh". (**)

Nền báo chí nhân bản nhưng không khuất phục trước bạo quyền là một phần quan trọng của tiến trình và xã hội dân chủ. Khi mà cuộc chiến chống tin giả và những dối trá, hận thù vẫn đang tiếp diễn một cách đầy thách đố, tuyên ngôn cùng sự vinh danh của Ủy Ban Nobel Hòa Bình đến báo chí cùng hai ký giả Maria Ressa và Dmitry Muratov là sự tái khẳng định và kỳ vọng vào vai trò cùng sứ mạng của nền truyền thông chân chính trong việc mang lại sự thật cho công chúng trên toàn thế giới.

Nhã Duy
(*)
(**) https://www.whitehouse.gov/.../statement-by-president.../
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests