Thời Sự, Bình Luân

hoanghoa
Posts: 2277
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Image

Diễn lại vở kịch cũ

Trần Mai Trung
(Danlambao) - Sau khi Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh bất ngờ biến mất vì "bệnh lạ", Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đưa Trần Quốc Vượng lên thay thế. Trọng công khai vận động để Vượng làm TBT khi Trọng về hưu, nhưng các đồng chí trong đảng không đồng ý việc này, họ muốn giành cái ghế TBT cho phe nhóm của họ.

Đảng CSVN có nhiều phe nhóm? Đảng không đoàn kết? Đúng vậy, nhìn lại lịch sử của đảng, mỗi khi phân chia các chức vụ thì các đồng chí để lộ ra bộ mặt thật của họ. Đấm đá, giành giật, nói xấu nhau để giành quyền lợi về cho cá nhân mình, phe nhóm mình.

Năm 1988, Thủ tướng Phạm Hùng bị chết bất ngờ, có người nói vì đau tim, có người nói là chết trên giường vì thượng mã phong. Phó thủ tướng thường trực Võ Văn Kiệt lên thay. Ngồi được 3 tháng thì Đỗ Mười hợp tác với Nguyễn Văn Linh hất Kiệt ra để giành ghế Thủ tướng.

Giữa năm 1996, đảng CS có đại hội 8, Mười đang làm TBT, 79 tuổi. Mười muốn Đào Duy Tùng kế nhiệm mình, nhưng các đồng chí trong đảng không đồng ý vì Tùng là người giáo điều. Lúc đó Kiệt là ngôi sao đang lên, có hi vọng giành được ghế TBT. Mười không muốn người đồng chí địch thủ lên làm đảng trưởng nên cho Nguyễn Hà Phan đi các nơi nói xấu Kiệt.

Phe nhóm Kiệt phản công, đưa ra hồ sơ Phan bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vào năm 1958, Phan đã thành khẩn khai báo làm cho nhiều đồng chí bị bắt vào tù. Phan cũng ngầm hợp tác với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà sau khi được thả ra. Các phe nhóm trong đảng đánh nhau, Tùng và Phan bị loại ra khỏi Bộ chính trị. Mười bó tay không biết làm gì, Ban cố vấn Trung Quốc ở 46 Hoàng Diệu bày mưu cho Mười sắp xếp bầu cử để không có ai đạt được đa số phiếu, tạo lý do cho Mười tiếp tục làm TBT.

Phe tao không được nắm quyền thì tao ngồi tiếp, chứ không nhường cho phe kia. Chấm dứt phần 1 của vở kịch.

Sang phần 2, Ban cố vấn "giới thiệu" Lê Khả Phiêu làm Thường trực Bộ chính trị mặc dù Phiêu mới vào Ban chấp hành trung ương 1 khóa. Một năm rưỡi sau, Mười ép buộc Kiệt và Anh phải cùng về hưu để Phiêu lên làm TBT. Phiêu có một phe nhóm nhõ, nên khi lên chức Phiêu đưa nhiều đồng hương Thanh Hóa về nắm các chức vụ ở Hà Nội để xây dựng thế lực.

Việc làm này đụng chạm tới quyền lợi của các phe nhóm khác trong đảng, Mười và Anh quay lại gây khó khăn cho Phiêu. Không chịu thua, Phiêu qua mặt đàn anh, liên lạc thẳng với quan thầy Trung Quốc để giữ địa vị của mình. Phiêu hối thúc Ban biên giới CSVN nhượng bộ để ký Hiệp định Biên giới Trung-Việt năm 1999 và Hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, làm mất nhiều đất và biển của Việt Nam cho Trung Quốc.

Nếu phần 1 cho thấy sự tham lam, tranh giành của các đảng viên CS thì phần 2 cho thấy sự độc quyền lãnh đạo của đảng CS làm thiệt hại đến quyền lợi và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

Đầu năm 2021, đảng CS có đại hội 13, Trọng sắp xếp cho Vượng kế nhiệm mình nhưng thất bại vì có phe nhóm khác muốn giành ghế đó. Không thấy Trọng đi tới đi lui xoay xở, chỉ thấy Trọng ngồi lì trên ghế và không biết làm gì. Ban cố vấn ở 46 Hoàng Diệu bày mưu cho Trọng diễn lại vở kịch cũ, sắp xếp bầu cử với luật lệ phức tạp để không có ai đạt được đa số phiếu, rồi Trọng ngồi tiếp.

Phần 2 của vở kịch đại hội 13 sẽ nguy hiểm cho tương lai của nước Việt Nam, Ban cố vấn "giới thiệu" Phạm Minh Chính làm Thủ tướng và Võ Văn Thưởng làm Thường trực Ban bí thư.

Trong thế kỷ 19, Anh Quốc và Trung Quốc đánh nhau. Trung Quốc bị thua, triều đình nhà Thanh phải để HongKong cho Anh Quốc thuê 99 năm, đó là một mối nhục của người Trung Quốc. Năm 2013, Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, đề xuất cho nước ngoài thuê đất 120 năm khi trả tiền một lần. Đây là số tiền mới hay chỉ là nợ cũ gán qua? Tức là bán đất 120 năm để trả nợ, đó là một mối nhục của người Việt Nam.

Bị nhân dân biểu tình phản đối, đảng CS thay đổi từ 120 năm xuống 99 năm. Đề xuất bán đất 120 năm cho thấy Chính sẵn sàng làm vui lòng quan thầy Trung Quốc hơn cả Phiêu khi xưa. Chính có một phe nhóm nhõ, các anh chị trong Ban cố vấn sẽ giúp Chính xây dựng thế lực. Đổi lại thì sẽ có thêm đất đai, biển đảo của Việt Nam bị bán rẻ.

Thưởng làm nghề đảng viên 30 năm qua. Suốt thời gian dài, Thưởng không thực hiện được việc gì đặc biệt, chỉ theo đuôi các đàn anh. Mới đầu Thưởng đi theo Nguyễn Thành Phong, rồi theo Lê Thanh Hải, rồi theo Nguyễn Phú Trọng. Thưởng cũng thuộc gia đình có công với cộng sản, nhưng không biết là con đồng chí nào? Thưởng là người thiếu tự tin nên giấu kín tên cha mẹ.

Trong quá khứ, Thưởng đi theo phe nhóm này, phe nhóm kia. Bây giờ có chức lớn, Thưởng phải tạo dựng thế lực để lên làm lãnh tụ, nhưng Thưởng không có khả năng làm chuyện đó. Đàn anh Trung Quốc rất thích mẫu người của Thưởng, họ sẽ giúp Thưởng củng cố địa vị, phe nhóm, và họ cũng dễ dàng điều khiển Thưởng theo ý của họ.

Trọng già yếu, không còn sức làm việc. Thưởng tầm thường, không có khả năng. Chính thì đi sang Trung Quốc giống như trở về nhà, sẵn sàng bán đất đai của tổ tiên cho ngoại bang 120 năm. Bộ ba Trọng-Chính-Thưởng là "ê kíp" lý tưởng để Trung Quốc khuynh đảo Việt Nam. Tương lai đất nước chúng ta sẽ đi về đâu?

Tháng 2, 2021
Trần Mai Trung
hoanghoa
Posts: 2277
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »


Áp lực đè nặng nhà kế toán của Trump trong vụ ‘phạm luật tài chánh’

Mar 7, 2021 cập nhật lần cuối Mar 7, 2021
NEW YORK, New York (NV) – Hơn một thập niên trước, nhà tỷ phú chỉ tay vào nhà kế toán Allen Weisselberg lâu năm của mình để trả lời cho câu hỏi “ai là người chịu trách nhiệm đánh giá trị các bất động sản đặc trưng cho tên tuổi Donald Trump,” theo Reuters loan tin ngày Chủ Nhật, 7 Tháng Ba.

Nhà kế toán Weisselberg, 73 tuổi, giám đốc tài chánh Trump Organization, là một trong vài người có hiểu biết rất sâu về tình trạng tài chánh và thương mại của nhà tỷ phú.

Image
Nhà kế toán Allen Weisselberg (đứng sau hai cha con ông Trump), giám đốc tài chánh Trump Orgarnization. (Hình: TIMOTHY A. CLARY/AFP via Getty Images)

“Tôi không bao giờ can thiệp vào chuyện đánh giá tài sản, ngoại trừ việc chỉ ra đưa ý kiến,” ông Trump trả lời trong hồ sơ tòa liên quan đến một vụ kiện do ông khởi xướng.

Câu trả lời trên được đưa ra trong vụ kiện hồi năm 2007 khi mà nhà tỷ phú đưa một nhà báo ra tòa đòi bồi thường vì phỉ báng khi cho rằng ông Trump đã thổi phồng số tài sản của mình.

Tòa bác đơn kiện của nhà tỷ phú, nhưng “ngón chỉ tay” năm xưa của ông đã đặt sức nặng lên nhà kế toán thân cận trong cuộc điều tra hiện nay của tiểu bang New York về việc liệu cựu tổng thống vừa mãn nhiệm và tổ chức thương mại của ông có vi phạm luật tài chánh hay không.

Cách đây gần nửa thế kỷ, từ năm 1973, ông Weisselberg bắt đầu làm việc cho ông Fred Trump, thân phụ của cựu tổng thống, có trách nhiệm trả các hóa đơn và theo dõi sổ sách của người thuê các căn chung cư của gia đình Trump.

Các chuyên gia luật pháp và nguồn tin thân cận với văn phòng của ông Cy Vance, chánh biện lý tiểu bang đia hạt Manhattan, cho biết ông Weisselberg là mục tiêu của các biện lý để tìm sự hợp tác trong vụ điều tra vi phạm luật tài chánh của ông Trump.

Vị trí độc nhất của nhà kế toán trong “đế chế” thương mại của ông Trump khiến ông Weisselberg trở thành một trong vài người có thể cung cấp những bằng chứng cố tình khai gian của nhà tỷ phú, điều rất quan trọng cho các biện lý trong vụ điều tra.

Các chuyên gia luật pháp cho rằng ông Trump có thể tiếp tục sử dụng chiến thuật “chỉ ngón tay” sang nhà kế toán thân cận như năm 2007, tuy nhiên, tình hình đã khác rất nhiều vào thời điểm năm 2021, khi Tối Cao Pháp Viện chính thức cho phép các nhà điều tra toàn quyền xem xét hồ sơ khai thuế trong nhiều năm của cựu tổng thống.
Image
Một người biểu tình kêu gọi điều tra tổ chức Trump Orgaization cầm biểu ngữ viết tên ông Allen Weisselberg, nhà kế toán thân cận của gia đình Trump.(Hình: Stephanie Keith/Getty Images)
Nếu những lời khai của ông Weisselberg để bảo vệ cho thân chủ có sơ hở so với hồ sơ thuế gốc mà các nhà điều tra có trong tay, nhà kế toán thân cận này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho lời nói của mình trước luật pháp.

Nhưng chính ông Weisselberg lại là người làm việc kê khai các con số trên các bản khai thuế, và quan trọng hơn nữa, liệu ông sẽ trả lời chính ông là người đánh giá trị các tài sản của nhà tỷ phú trong các hồ sơ khai khống để mượn nợ, theo tố cáo, hay làm theo lệnh của ông Trump.
Image
Người biểu tình chống cựu tổng thống tại khách sạn mang tên ông Trump Tower ở New York. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)
“Nếu ông Trump khai chỉ dựa vào lời cố vấn nhà kế toán và các luật sư trong các lần khai về giá trị tài sản, ông Weisselberg có thể bị rơi vào hoàn cảnh phải chịu trách nhiệm toàn bộ về những việc khai khống tài sản của Trump Organization,” Luật Sư Michael Bachner, từng là biện lý làm việc chung với ông Vance, người đang thụ lý vụ điều tra.

“Nếu tôi là ông Trump, tôi sẽ vô cùng lo lắng,” ông Bachner nhận xét.

Chưa hết, hai con trai của nhà kế toán là Jack Weisselberg và Barry Weisselberg đều có dính dáng đến những hoạt động thương mại và tài chánh với công ty của ông Trump.
Image
Ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Donald Trump, trong phiên điều trần hồi Tháng Hai, 2019. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)
Hồi Tháng Hai, 2019, ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của nhà tỷ phú, khai trước cuộc điều trần tại Hạ Viện liên bang rằng ông Weisselberg có dính dáng đến việc chi tiền trong vụ “bịt miệng” cô đào khiêu dâm Stormy Daniels, người tố cáo cựu tổng thống có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.

Theo các chuyên gia, Chánh Biện Lý Vance có thể xin trát đòi ông Weisselberg ra điều trần đối chất những lời khai của cựu luật sư Cohen.

Trong vụ điều trần năm 2019, khi Dân Biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) hỏi “ai là người có thể trả lời việc ông Trump khai giảm giá trị tài sản để tránh thuế?”

Ông Michael Cohen trả lời ngắn gọn: “Allen Weisselberg.” (MPL) [kn]
duynga
Posts: 128
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by duynga »

Biden gặp các nhà lãnh đạo ‘Bộ tứ’ khi Mỹ, đồng minh tăng cường nỗ lực chống lại Trung Quốc
March 12, 2021


Image

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu đã tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo liên minh quốc tế không chính thức được gọi là “Bộ tứ” khi chính quyền của ông tăng cường nỗ lực đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc .

Nhóm tham dự, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Các cuộc họp đều qua Internet do dịch bệnh Coronavirus

Biden bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” .

Ông nói: “Hoa Kỳ cam kết làm việc với các đồng minh, các đối tác của chúng tôi trong khu vực, để đạt được sự ổn định.”

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, bốn nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết hợp tác về Covid-19, các thách thức an ninh và biến đổi khí hậu.

“Hôm nay, chúng tôi cam kết ứng phó với các tác động kinh tế và sức khỏe của COVID-19, chống lại biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức chung, bao gồm trong không gian mạng, công nghệ, chống khủng bố, đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai như cũng như các lĩnh vực hàng hải, “

Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên và đồng ý rằng các quốc gia của họ sẽ thành lập một “nhóm làm việc chuyên gia về vắc xin” để giúp phân phối Covid-19, trong số những việc khác.

Bốn nước đã cam kết hôm thứ Sáu sẽ cung cấp tới 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các nước Ấn Độ-Thái Bình Dương vào cuối năm 2022 bằng cách sử dụng sản xuất của Ấn Độ, tài trợ của Mỹ và Nhật Bản và hậu cần của Úc, cố vấn an ninh Jake Sullivan nói với các phóng viên tại một cuộc họp của Tòa Bạch Ốc

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ned Price nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng: “Các nước được thành lập không phải để chống lại một mối đe dọa hoặc tập trung vào một vấn đề duy nhất , mà là để giới thiệu những gì các nền dân chủ có thể cùng nhau mang lại, cho cả dân số của chúng ta và cho thế giới rộng lớn hơn. “

Bất chấp những phản đối này, liên minh được nhiều người coi là nỗ lực nhằm chống lại sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Tác giả kiêm nhà phân tích Trung Quốc Bill Hayton nói với NBC News: “Đó là một nhóm các quốc gia đều lo ngại về Trung Quốc và tất cả đều cố gắng giữ vững lập trường cho một con đường cởi mở, dân chủ phi Trung Quốc.”

Tuy nhiên, ông nói thêm, “Bộ tứ” không phải là một liên minh chính thức giống như NATO và do đó không có nghĩa vụ nghiêm ngặt để bảo vệ lẫn nhau.

Nhưng nhóm này đã được hồi sinh bởi cựu Tổng thống Donald Trump , trong đó cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tham dự các cuộc họp khi Washington tìm cách phục hồi liên minh trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh leo thang.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi với những xung đột về thương mại , Covid-19 , quyền tự trị của Hồng Kông , Đài Loan và cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương .



Trong một dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden sẽ tiếp tục có lập trường cứng rắn, Ngoại trưởng Antony Blinken gọi Trung Quốc là “thử nghiệm địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21” của Trung Quốc .

Tuy nhiên, không chỉ có Mỹ đang xung đột với Trung Quốc. Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đều đã phải đối mặt với những thách thức an ninh của riêng họ, tăng cường mối quan tâm của họ đối với liên minh bốn quốc gia.

Nhật Bản đã có những bất bình từ lâu về các đảo và yêu sách hàng hải đang tranh chấp , trong khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tham gia vào các cuộc đụng độ biên giới chết người trên lãnh thổ tranh chấp trên dãy Himalaya vào năm ngoái.

Australia đã phải đối mặt với áp lực thương mại từ Bắc Kinh và Thủ tướng Scott Morrison cho biết cuộc họp “Bộ tứ” hôm thứ Sáu là “thời điểm lịch sử” và là cơ hội để “tạo ra một mỏ neo mới cho hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhà phân tích Hayton về Trung Quốc cho biết, để nhóm này đưa ra một biện pháp đối phó hiệu quả với một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán, chính quyền Biden nên cố gắng đưa ra nhiều điều hơn như xem xét “cam kết toàn diện” mà Trung Quốc cung cấp cho các nước trong khu vực, chẳng hạn như viện trợ và vắc-xin

Để đạt được mục tiêu đó, các nhà lãnh đạo dự kiến ​​sẽ công bố kế hoạch tăng cường khả năng sản xuất vắc xin coronavirus của Ấn Độ, diễn ra khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách của riêng mình về cái gọi là ngoại giao vắc xin trên toàn thế giới.

Các viên chức Trung Quốc đã không trực tiếp bình luận về cuộc họp hôm thứ Sáu nhưng trước đó đã tố cáo nhóm này và cảnh báo về “bè phái độc quyền”.

Michael Shoebridge, giám đốc quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, một tổ chức tư vấn cho biết: “Đối với Bắc Kinh, đây hoàn toàn là một tin xấu.”

“Chương trình nghị sự của Bộ tứ … chính xác là kiểu hợp tác đa phương mà Bắc Kinh lo ngại.”

TH
lengoi
Posts: 492
Joined: Sat Oct 23, 2010 7:17 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by lengoi »

Nga triệu hồi đại sứ sau khi Biden cảnh cáo ‘Putin phải trả giá’
Mar 17, 2021 cập nhật lần cuối Mar 17, 2021

MOSCOW, Nga (NV) – Nga triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ hôm Thứ Tư, 17 Tháng Ba, sau khi Tổng Thống Joe Biden cảnh cáo lãnh đạo nước Nga, Tổng Thống Vladimir Putin, phải trả giá vì can thiệp bầu cử năm 2020.

Trang mạng của Bộ Ngoại Giao Nga đưa ra thông báo xác nhận ông Anatoly Antonov, đại sứ nước này tại Mỹ, được triệu hồi về Moscow và cảnh báo về một “mối quan hệ xấu đi không thể đảo ngược” sẽ gây ra hậu quả giữa Hoa Kỳ và Nga.

Image
Tình báo Mỹ nhận định ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, cho phép các hoạt động phá hoại bầu cử năm 2020 để ủng hộ cho ông Donald Trump. (Hình: Mikhail Klimentyev/Sputnik/AFP via Getty Images)
“Điều tối quan trong đối với chúng tôi là xác định giải pháp để sửa chữa mối quan hệ giữa hai quốc gia, mà trong lúc này là Washington đang trong tình thế khó khăn, đang trong ngõ cụt. Nước Nga chú trọng hơn về việc tìm cách ngăn cản đừng để xảy ra ‘tình trạng tệ hại mà không thể nào đảo ngược’ trong quan hệ song phương, hy vọng phía Mỹ cũng ý thức được hậu quả này,” bản thông báo của Bộ Ngoại Giao Nga viết.

Tổng Thống Biden tuyên bố trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ABC News sáng Thứ Thư: “Ông Putin phải trả giá.”

“Tôi và ông Putin đã nói chuyện với nhau, một cuộc đối thoại kéo dài rất lâu. Tôi hiểu khá rõ về ông ấy. Ngay từ lúc bắt đầu, tôi nhấn mạnh rằng chúng ta đã biết lẫn nhau, nếu tôi đã lên tiếng, hãy lo chuẩn bị.”

Khi được hỏi về phản ứng của Mỹ về báo cáo Nga can thiệp bầu cử 2020 trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, hôm Thứ Tư, bà Jen Psaki, phát ngôn viên chính phủ, trả lời: “Chính phủ hiện tại sẽ hành xử khác trong quan hệ ngoại giao với Nga, khác hẳn chính phủ tiền nhiệm.”

Nga và Iran cùng can thiệp nhằm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 giữa ông Joe Biden và ông Donal Trump, báo cáo của tình báo Mỹ cho biết như vậy, theo CNBC hôm Thứ Ba, 16 Tháng Ba.

Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc và các quốc gia khác “dính líu” đến việc can thiệp vào cuộc bầu cử nêu trên, cũng theo bản báo cáo.

Theo bản báo cáo, Tổng Thống Putin cho phép “các hoạt động gây ảnh hưởng như bôi nhọ Tổng Thống Biden và đảng Dân Chủ, ủng hộ cựu Tổng Thống Trump, làm suy yếu niềm tin của công chúng vào cuộc bầu cử năm 2020 nhằm tăng sự chia rẽ chính trị xã hội ở Mỹ.”

Trong khi đó, Iran thực hiện một chiến dịch gây khó dễ cho việc tái đắc cử của cựu Tổng Thống Trump, mặc dù “không trực tiếp ủng hộ các đối thủ của ông.”

Trung Quốc, trước đây được cho là cố gây ảnh hưởng đến Mỹ, cuối cùng đã không “đụng” đến kết quả của cuộc bầu cử. (MPL) [qd]
hoanghoa
Posts: 2277
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Màn ‘đấu khẩu’ mở màn cuộc họp ngoại giao Mỹ-Trung đầu tiên thời Biden
Mar 18, 2021 cập nhật lần cuối Mar 18, 2021

ANCHORAGE, Alaska (NV) – Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai phái đoàn ngoại giao Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Biden tại thành phố Anchorage, Alaska, ngày Thứ Năm, 17 Tháng Ba,
diễn ra trong bầu không khí căng thẳng “lời qua tiếng lại” giữa đôi bên, theo ghi nhận của Reuters.

Tham gia cuộc họp, về phía Hoa Kỳ có Ngoại Trưởng Antony Blinken và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan;
còn phía Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, ủy viên trung ương đảng đặc trách ngoại giao, và Ngoại Trưởng Vương Nghị.

Image
Hai phái đoàn ngoại giao Mỹ và Trung Quốc gặp nhau lần đầu tiên dưới thời chính phủ Biden. (Hình: Frederic J. Brown/Pool/AFP via Getty Images)

Ngoại Trưởng Mỹ Blinken trong tuyên bố mở đầu ngay lập tức tấn công Trung Quốc không tôn trọng các quy tắc ngoại giao khi gặp gỡ và đưa ra những lo ngại sâu sắc về cách hành xử “nước lớn” của Bắc Kinh trên khắp thế giới.


“Chúng ta sẽ thảo luận về những vấn đề mà Mỹ quan tâm sâu sắc như Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, tấn công hệ thống mạng nước Mỹ, chèn ép kinh tế các đồng minh của chúng tôi,” ông Blinken thẳng thừng chỉ trích.

“Những hành động của chính phủ Trung Quốc đe dọa những nguyên tắc căn bản để duy trì hòa bình và ổn định thế giới. Không phải chỉ là vấn đề nội bộ, và nước Mỹ cảm thấy cần phải nêu ra những vấn đề đó ngay tại đây, và trong ngày hôm nay,” ông nói.

Trước đó, Trung Quốc nại cớ vấn đề nội bộ, đòi hỏi tại cuộc họp ngoại giao song phương này không được nhắc những chủ đề Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, và Đài Loan.

Ông Dương Khiết Trì, viên chức ngoại giao cao cấp nhất nằm trong Trung Ương Đảng, đáp trả trong 15 phút rằng: “Mỹ không có quyền can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc, không có quyền nói giùm cho nước khác, chính Mỹ mới là ‘nhà tin tặc vô địch’ thế giới.”

Ông Dương còn nhạo báng sự ổn định chính trị và hồ sơ nhân quyền của nước Mỹ qua phong trào tranh đấu của người da màu: “Nước Mỹ cần xem lại dung mạo và ngừng việc rêu ra nền dân chủ của mình trên thế giới.”

“Ngay cả nhiều người Mỹ không còn tự tin vào nền dân chủ của họ, trong khi đó, các lãnh đạo của Trung Quốc nhận được sự hậu thuẫn rộng rãi của dân chúng,” ông Dương nói kháy về những bất ổn chính trị trong cuộc bầu cử tại Mỹ vừa qua.
Image
Ngoại Trưởng Antony Blinken chỉ trích thẳng thừng các hồ sơ Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, và Đài Loan trong cuộc họp với Trung Quốc đầu tiên. (Hình: Andrew Caballero-Reynolds/Pool via AP)

Các buổi họp ngoại giao giữa các quốc gia, tại phút mở đầu có sự hiện diện của báo chí, thường thì đại diện phái đoàn mỗi bên chỉ nói 2 phút, nhưng lần này ông Dương nói đến 15 phút.

Do đó, Ngoại Trưởng Blinken, giữ các phóng viên lại để hồi đáp những gì ông Dương phát biểu: “Các giới chức Trung Quốc kéo dài phần giới thiệu, bây giờ, cho tôi hồi đáp.”

“Chúng tôi, người Mỹ, cũng gây lỗi lầm. Nhưng chúng tôi biết lùi lại và sửa sai, trong lịch sử, chúng tôi không che giấu những thiếu sót mà công khai, minh bạch và qua đó chúng tôi càng lúc càng mạnh hơn, tốt hơn, và đoàn kết hơn nữa,” ông Blinken khẳng định.

“Khi tôi nói chuyện với gần 100 ngoại trưởng các quốc gia khác, tất cả đều mừng vui khi nước Mỹ trở lại với thế giới, trong khi đó, họ e ngại cách hành xử của Trung Quốc,” Ngoại Trưởng Blinken nói thẳng.
Image
Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia, phát biểu trong cuộc họp ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc tại Anchorage, Alaska. (Hình: Frederic J. Brown/Pool/AFP via Getty Images)

Cuộc họp ngoại giao trong hai ngày tại Alaska được mở đầu với những đối đáp không khoan nhượng như trên cho thấy chính phủ Biden không thay đổi quan điểm cứng rắn với Trung Quốc giống như chính phủ tiền nhiệm mà còn cứng rắn hơn.

So với chính sách tách riêng “America First” của thời Donald Trump, chính quyền Biden áp dụng chính sách liên kết với các đồng minh trên toàn thế giới để cùng khống chế Trung Quốc. (MPL) [qd]
caubennoc
Posts: 546
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by caubennoc »

Image

Hoài Nghi Tin Vịt và Sự Thật
21/03/2021

Phan Thanh Tâm


Thế kỷ 21 nhân loại bị hai nạn dịch: Corona-19 và dịch Fake news, tin vịt. Tuy không sắc, không mùi, Covid-19 hay vi khuẩn Vũ Hán đã làm thế giới đảo điên. Sinh hoạt toàn cầu xáo trộn tận gốc. Hiện có trên trăm triệu người mắc bệnh và gần ba triêu người chết; trong đó có hơn nửa triệu người ở Mỹ; nhiều hơn số người Mỹ tử trận trong chiến tranhViệt Nam (58,000), Triều Tiên (36,000) và Thế chiến II (405,000) cộng lại (495,000). Toà Bạch ốc đổi chủ một phần vì đạo quân quá lạ kỳ. Theo khám phá của các nhà bào chế thuốc chống dịch, vi khuẩn này là một tế bào có gai lởm chởm, cực kỳ mạnh, khó trị.


Còn dịch Fake news, Tin vịt thì như những cơn lũ tràn lên trên mạng xã hội, báo nói, báo in, báo hình và lời đồn đại mang theo một loại virus không tên, không dáng, không màu, không mùi gieo rắc tính hoài nghi. Đây không phải hoài nghi cha đẻ phát minh (Doubt is the father of invention) của nhà thiên văn học, vật lý học, toán học, triết học người Ý Galileo galilei (1564 - 1642) từng nói; mà là bệnh hoài nghi dễ sinh ra vô cảm, ngờ vực, đưa đến trầm cảm, hoang tưởng, vẽ ra mưu này, kế nọ, và có thể khiến mức tin cậy nơi báo chí bị suy giảm.


Lịch sử loài người đã trải qua nhiều trận đại dịch: sốt da vàng ở Philadelphia, đại dịch cúm năm 1889-1890, dịch bại liệt ở Mỹ năm 1916, dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1920, dịch cúm Á Châu 1957-1958, bệnh Aids năm 1981, dịch H1N1 2009-2010, dịch Zika 2015 và ngày nay dịch Covid-19 hay cúm Tàu. Trước sau gì chúng cũng bị các nhà khoa học truy diệt. Riệng bệnh hoài nghi thì chỉ có tự chữa, tự biết loại trừ giữa thật và giả, biết truy tầm nguồn tin đáng tin cậy. Khốn nỗi, thời đại này là thời đại đồ giả lộng hành: bác sĩ giả, vaccine giả, khẩu trang giả, bằng giả, vú giả, phi công giả, gạo giả, trai giả, gái giả… Tin tức thì ít xít ra nhiều, cắt xén, thêm mắm muối, kèm theo lời bàn khiến người đọc phân vân: có những chuyện khó tin nhưng là thật; thật nhưng lại khó tin.

Trong dân gian đã có câu làm báo nói láo ăn tiền. Đài nói láo, báo nói thêm. Nay còn bị tố: truyền thông thổ tả, kẻ thù của nhân dân. Báo chí bị liệt vào loại báo hại, báo đời, báo cô; không còn là báo bổ nữa. Mấy chữ fake news, tin vịt đã có từ lâu, được Tổng Thống Trump nhắc hằng ngày để chỉ trích báo giới. Đối lại, ông bị tờ Washington Post gán cho là “bậc thầy nói dối”. Cuộc tranh cãi giữa Tổng Thống Trump và quyền lực thứ tư gay go đến nỗi Thống Đốc Dân Chủ ở New York Andrew Cuomo phải phê bình về những giọng điệu của nhà báo với một Tổng Thống. Sự kiện đám đông tràn ngập Quốc Hội ngày 01/06/21 đã khiến các mạng xã hội Twitter, Instagram, Facebook và Youtube nhập cuộc, áp lệnh cấm đối với tài khoản của Donald Trump vì ông đã có những lời lẽ kích động đám đông.

Tại sao goị là tin vịt?

Kể từ khi Tống Thống Donald Trump rớt đài, mất ghế, các đợt sóng fake news, tin vịt lắng đi. Fake news là gì? Là tin giả không được kiểm chứng. Tin vịt cũng là tin giả nhưng sao gọi là tin vịt? Số là con này chạy vô văn hoá nhật trình Saigon hồi thế kỷ 19 thời Pháp thuộc qua chữ canard (tiếng Pháp là con vịt). Theo Wikipedia nó khởi từ Châu Âu ở thế kỷ 17; những tin chưa tra cứu đủ được ghi chú ở cuối bài hai chữ NT, viết tắt của non testatum tiếng Latin và tiếng Anh là not testified hoặc not true. NT đọ theo tiếng Đức âm nghe như con vịt. Từ đó hễ những tin ba xạo, vui, chưa kiểm chúng đều thuộc loại tin vịt. Làng báo Saigon trước năm 1975 có mục Ao thả Vịt nuôi toàn vịt cồ hay chuyện tào lao xịt bộp, nghe qua rồi bỏ. Còn tin thật là những điều có lợi ich chung, được kiểm chứng là đúng và ngay tình, đáng được phổ biến.

Tiếng Mỹ thật kỳ diệu. Tin là NEWS nó gồm những gì New (mới) có thể đến ở bất cứ phương hướng nào North (bắc), East (đông), West (tây), South (nam). Nội dung bản tin phải có những sự kiện trả lời được mấy câu hỏi mà nhà báo thường gọi là 5Ws, một H: ở đâu (where), lúc nào (when), ai (who),cái gì (what), tại sao (why), thế nào (how). Đó là sáu đinh vít giữ bản tin - bức tranh, bức hình bằng lời - đứng vững và xác nhận chính xác.Tin không đạt đươc tiêu chuẩn thì người đọc nên hoài nghi là người viết đẻ ra hay họ chỉnh sửa bài viết. Hình ảnh xử bắn một Việt Cộng ở Saigon năm Tết Mậu Thân 1968 gây chấn động dư luận toàn cầu. Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị tố là kẻ sát nhân vì báo giới Tây phưong chỉ phổ biến có nửa sự thật. Họ lờ đi chi tiết tại sao Tướng Loan hành xử như vậy. Sau này mới lộ ra kẻ bị xử tử có liên hệ trực tiếp tới một gia đình già trẻ lớn bé bị tàn sát.

Ngoài ra, mấu chốt để xác định giá trị một bản tin là nguồn tin. Nói có sách, mách có chứng; không thể nói khơi khơi. được Tin này phát xuất từ đâu? Các cơ quan, phủ, bộ hay đoàn thể thường có nhân viên đảm nhận việc phổ biến hoạt động của mình. Đó là nguồn tin chính thức. Các hãng thông tấn như AP, Reuter, AFP, UPI..vì là cơ quan bán tin nên họ rất thận trọng trong việc đưa tin. Báo lớn phần nhiều sống nhờ quảng cáo nên tin của họ không tin cậy bằng nguồn tin từ các hãng thông tấn. Nói chung, khi đọc báo, nghe đài về những tin sốt dẻo thì nên thận trọng. Hoài nghi đây không phải hoài nghi để gạt bỏ, loại trừ mà hoài nghi để tra hỏi, kiểm chứng; như thi sĩ Bùi Giáng nói “đừng tưởng cứ trọc là sư”. Trực giác, linh tính của người đọc sẽ báo cho người đọc nhận thức ngay về sự việc xảy ra; vì không hẳn những gì loan tải đều đúng hay đều bậy, đều phịa để câu khách.

Giữa mùa tranh cử gay go năm 2020 tờ New York Times- đặt tiêu chuẩn chỉ đăng những gì đáng đăng “all the news that‘s fit to print”- tung ra tin về việc Nga treo thưởng nếu Taliban gây thiệt hại cho Mỹ. Báo dẫn nguồn từ các viên chức ẩn danh, cho biết ông Trump đã được báo cáo về chuyện trên từ hồi tháng 3/2020 nhưng không có quyết định gì.Tòa Bách ốc hôm sau ngày 27/6/2020 phản ứng ngay cho rằng tin của báo thiếu chính xác. Ứng cử viên Joe Biden, cũng trong ngày chỉ trích Tổng Thống Trump đã thất bại vì không trả đũa Nga. Taliban bác bỏ tin trên và khẳng định đa số thương vong của Mỹ là do tự họ gây ra. Nga cũng phủ nhận thông tin của New York Times và nói tin này đã đe dọa trực tiếp đến cán bộ làm việc tại các sứ quán Nga ở Mỹ và Anh.

Thức ăn cần thiết

Chuyện Nga treo giải thưởng nói trên nẩy sinh ra nhiều tin liên hệ. Tin tức như sóng ngoài biển khơi hết đợt này tiếp nối đợt khác. Đôi khi dâng lên những cơn sóng dữ, những đợt sóng thần. Có những tin xe cán chó, vô hại, nhưng cũng có những tin giật gân, nóng hổi, nổ to hơn tạc đạn, gây hậu quả khôn lường. Tin của hai ký giả năm 1972 trên The Washington Post, Bob Woodward và Carl Bernstein đã quật ngã Tổng Thống Richard Nixon.Tin hình tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Nha Cảnh Sát Quốc Gia của VNCH xử tử đặc công Việt Cộng Tết Mậu Thân năm 1968 ở Saigon của phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams và bức hình em bé Napalm Phan Thị Kim Phúc ở Tây Ninh năm1972 của nhiếp ảnh gia Nick Ut đã thổi bùng phong trào phản chiến, góp phần làm Saigon mất tên năm 1975.

Ngày nay, tin tức trở nên cần yếu như thức ăn hằng bữa; hết tin thời tiết đến tin điạ phương, tin quốc tế, tin giao thông, tin văn nghệ, tin thể thao, tin chứng khoán, tin mỗi đầu giờ ở các đài phát thanh, tin đặc biệt breaking news khi có biến cố lớn và tin giờ chót. Lại thêm, các chương trình trực tiếp truyền thanh, truyền hình để khán thính giả tai nghe, mắt thấy tại chỗ các diến biến đang diễn ra và còn có các mục bình luận hay phân tích thời sự nhằm làm sáng tỏ tin tức trong tuần hay trong ngày.Tin đồn cũng dễ sợ, ảnh hưởng to rộng không ít. Cổ học tinh hoa có chuyện bà mẹ chạy trốn vì lời đồn về Tăng Sâm đứa con hiền hoà của mình giết người. Bất luận tin gì hay lời bàn nào khi nghe, đọc hay coi mà cảm thấy không ổn thì nên dè dặt đón nhận để tìm hiểu thêm ngọn nguồn về khuynh hướng chính trị, tôn giáo nơi phát xuất những điều đó.

Đệ tứ quyền gồm báo giấy, báo nói, báo hình giám sát quyền tư pháp, hành pháp và lập pháp. Ba phương tiện truyền thông là tấm gương phản ảnh mọi sinh hoạt xã hội, ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống. Ngày nay, các nhà báo đều chuyên nghiệp; được huấn luyện hẳn hòi. Là những người tôn trọng sự thật nên bài viết của họ phải làm cho độc giả có lòng tin. Châm ngôn của CNN: chỉ có sự kiện, dẫn đầu trên thế giới về tin tức (facts first; the worldwide leader in news). Châm ngôn của Foxnews: công bằng và cân bằng (fairness and balance). Khách hàng của CNN thuộc thành phần cấp tiến. Còn khán thính giả của Foxnews thuộc giới bảo thủ. Cả hai đài truyền hình CNN và Foxnews đều đề cao sự trung thưc, khách quan, không thiên vị và trách nhiệm.

Dù vậy, nếu theo dõi các bài tường thuật về buỏi nói chuyện của cựuTổng Thống Trump ngày 28/2/21 trong lễ bế mạc hội nghị phong trào bảo thủ ở Mỹ thì thấy khác biệt một trời một vực. CNN chạy tít: phát biểu của Trump toàn là láo xạo (Trump delivers CPAC speech filled with lie).Trump cứ lập lại cuộc bầu cử vừa rồi bị đánh cắp.Tin của Foxnews: ôngTrump nói về tương lai của đảng Cộng Hoà; chỉ trích Ông Biden đưa nước Mỹ đầu tiên đi đền nước Mỹ cuối cùng (we have gone from America First to America Last). Đúng là ông bảo gà, bà bảo vịt. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Blaise Pascal (1623-1662) nhà vật lý và toán học Pháp có lý khi nói “Sự thật nằm ở bên này dãy núi Pyrénées, qua bên kia là sai lầm” (vérité en deçà des Pyrénées, erreur au delà).

Rối loạn thông tin

Tin chính trị của hai đài CNN và Foxnews thường đối nghịch như lửa với nước. Họ ngụy tạo hay bẻ quanh quẹo các sự kiện trong phát biểu của cưu Tổng Thống Trump? Không. Họ chắt lọc sự kiện rồi loan tải những gì hợp với tôn chỉ của đài và thuận với cảm tỉnh cùng quan điểm độc giả của họ. Báo chí là thức ăn tinh thần. Cơ quan ngôn luận nào cũng như một tiệm phở. Mỗi tiệm có riệng mùi vị và thành phần khách hàng quen thuộc. Bá nhơn, bá tánh, bá cái đầu. Để cung ứng thị trường chữ nghĩa báo chí có đủ loại, đủ khuynh hướng.Với sự cổ xúy mỗi người là một nhà báo cùng với công nghệ truyền thông mới khiến cho việc “thao túng và chế tạo nội dung” tin tức trở nên dễ dàng, Mạng xã hội, coi như quyền lực thứ năm, tiếp tay khuếch đại các sản phẩm đó, tạo ra tình trạng “rối loạn thông tin của thế kỷ 21”.



Chương trình Quốc tế Phát triển Truyền thông IPDC (International Programme for the Development of Communication) của UNESCO đã soạn một cuốn sổ tay giúp phản công cuộc khủng hoảng này. Cuốn sổ tay có mục đích trở thành một giáo trình mẫu trên phạm vi quốc tế, cho phép áp dụng hoặc sửa đổi, để đáp trả vấn nạn tin xuyên tạc đang nổi lên trên toàn cầu. Theo Unesco, tin có nghĩa là thông tin có thể kiểm chứng vì lợi ích công, nên những thông tin không đáp ứng được tiêu chuẩn này không xứng đáng được gọi là tin. Còn tin giả là tin “phá hoại tính tin cậy của những thông tin thật sự chạm đến ngưỡng cửa của khả năng có thể kiểm chứng và lợi ích công: tin tức thật”. Cuốn sổ tay đươc phổ biến bằng 21 thứ tiếng trên mạng.

Cũng theo Unesco, tin sai là thông tin không đúng sự thật, nhưng người phát tán nó lại lầm tưởng nó là thật. Tin xuyên tạc là thông tin không đúng sự thật, và người phát tán nó biết rõ điều này.Tin xuyên tạc là một lời nói dối cố ý, có chủ đích, nhằm vào những người bị những kẻ ác ý chủ động lừa dối. Một phạm trù thứ ba có thể gọi là tin nguy hại; thông tin, dựa trên hiện thực, nhưng được dùng “để gây hại cho một cá nhân, tổ chức hay quốc gia”. Cảc tin này đều khác với báo chí (chất lượng) vì báo chí tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp.Tin xuyên tạc và tin sai ngày nay có thể khiến công chúng hoài nghi những gì loan qua báo chí. Moi người sẽ dễ tin tưởng bất cứ nội dung gì trên các mạng xã hội nếu phù hợp với cảm xúc của họ. Ấn phẩm kêu gọi báo chí “tránh xuất bản thông tin không được kiểm chứng”.

Bài giới thiệu trong cuốn sổ tay có lời báo động “tin xuyên tạc thật sự là một vấn đề toàn cầu”. Nó đã trở thành một thuật ngữ đầy cảm tính. Sự thao túng thông tin đã có từ xa xưa, trước khi báo chí hiện đại thiết lập các tiêu chuẩn về tin và sự liêm chính. Tài liệu Unesco còn cho biết các chính trị gia và các cơ quan chính sách công ở các quốc gia từ Úc đến Philippines, Canada, Pháp, Vương quốc Anh, Brazil, Indonisa và Ấn Độ đã dự tính họ phải làm gì để phản hồi. Về mặt luật pháp, Đức là nước đầu tiên ban hành một luật mới để xử phạt các nền tảng kỹ thuật số nếu họ không xóa “nội dung bất hợp pháp”, bao gồm “tin giả” và phát ngôn gây thù hận, trong vòng 24 giờ sau khi bị báo cáo.

Giáo trình được khởi thảo vào đầu năm 2018. Cuốn sổ tay có các đề mục: Tại sao quan trọng: sự thật, lòng tin và báo chí; Suy nghĩ về “rối loạn thông tin”: các hình thức tin sai và tin xuyên tạc; Sự biến chuyển của ngành công nghiệp tin tức: công nghệ số, các nền tảng xã hội và sự lan truyền tin sai và tin xuyên tạc; Kiến thức Truyền thông và Thông tin ”. Theo ấn phẩm, quyền lực thứ năm – các trang mạng xã hội, các blogger - đã báo cho biết nhiều chuyện đang xảy ra đáng để theo dõi và thổi còi vạch ra những sai trật của đệ tứ quyền. Cũng chính các trang mạng lại là tác giả thả tin vịt và chuyện ba trợn, tào lao chạy cùng khắp thế giới chỉ bằng một cái nhắp chuột.

Phan Thanh Tâm
Cali, 3/2021
vuongquan
Posts: 275
Joined: Mon Mar 14, 2016 4:15 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by vuongquan »


Chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang thay đổi mạnh

25/03/2021

Jackhammer Nguyễn

Image
Hàng trên, từ trái: Dân biểu Stephanie Murphy (Florida – DC), Rochelle Nguyễn (Nevada – DC), Trâm Nguyễn (Massachusetts – DC). Hàng dưới, từ trái: Thái Mỹ Linh (Washington – DC), Bee Nguyễn (Florida – DC), Hubert Võ (Texas – DC). Ngoại trừ cô Murphy là dân biểu liên bang, các dân biểu còn lại là dân biểu tiểu bang.
Khoảng cách thế hệ

Khuynh hướng chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thay đổi, được dự báo từ lâu, với khoảng cách một thế hệ đáng kể. Cử tri gốc Việt thuộc thế hệ sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ, quan tâm đến những vấn đề xã hội ở nơi họ sống nhiều hơn cha ông họ, thế hệ tỵ nạn đầu tiên đến Mỹ sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam sụp đổ.

Từ sự quan tâm đó, giới trẻ sinh ra hoặc trưởng thành ở Mỹ, có khuynh hướng bầu cho đảng Dân chủ và ông Biden trong kỳ bầu cử vừa qua. Ngược lại, những người lớn tuổi, cha ông của họ thì bầu cho đảng Cộng hòa và ông Trump, theo ghi nhận từ các cuộc khảo sát.

Bốn năm qua, đặc biệt năm 2020, là năm tổng tuyển cử với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có thể là giai đoạn cử tri Mỹ gốc Việt thay đổi một cách rõ ràng. Thời gian này có nhiều chất xúc tác đẩy mạnh sự phân hóa chính trị trong cộng đồng và có khả năng để lại nhiều ảnh hưởng trong tương lai của cộng đồng này đối với tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

Theo ghi nhận của ông Bùi Văn Phú, từ San Francisco, khảo sát sau ngày bầu cử 3/11/2021 của tổ chức Giáo dục và trợ lý pháp lý cho người Mỹ gốc Á, cho thấy, có đến 57% cử tri người Việt bầu cho Donald Trump, trong khi chỉ có 41% bầu cho Joe Biden, một cách biệt khá lớn. Khảo sát này phù hợp với trường hợp cụ thể của gia đình tôi ở California, với đa số các thành viên bầu cho ông Trump.

Nhưng, cũng theo ghi nhận của ông Bùi Văn Phú, đa số các vị dân cử gốc Việt, từ cấp tiểu bang đến liên bang, là người của đảng Dân chủ, trong đó, vị trí cao nhất là bà Đặng Thị Ngọc Dung (Stephanie Murphy) dân biểu liên bang từ Florida.

Sự trái ngược này nói lên điều gì? Có thể nói lá phiếu của đa số cử tri người Việt (ít nhất trong kỳ bầu cử năm 2020) không liên quan nhiều đến các vị dân cử gốc Việt trong dòng chính của chính trị Mỹ. Tức là khoảng cách thế hệ càng rõ nét, hầu hết các vị dân cử gốc Việt trưởng thành ở Mỹ, trong khi đa số cử tri đi bầu thuộc nhóm người Mỹ gốc Việt lớn tuổi lại không bầu cho các dân biểu gốc Việt.

Đó là về những con số. Ngoài ra còn có những biểu hiện cho thấy cấu trúc chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thay đổi sâu sắc.

Trong một bài viết mới đây của tôi trên Tiếng Dân, “Lá cờ vàng ở đâu trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc”, ở mục phần bình luận, có những ý kiến đáng chú ý thể hiện một quan niệm rất lạ của một số người Mỹ gốc Việt. Họ cho rằng, đấu tranh cho bình quyền và công bằng xã hội ở Mỹ, không liên quan gì đến công cuộc đấu tranh chống cộng sản ở Việt Nam!

Họ chống cộng sản kiểu gì mà không quan tâm đến công bằng xã hội? Điều này phải chăng là họ chấp nhận nước Mỹ một cách vô điều kiện?

Đáng chú ý là có rất đông những người Việt gắn liền với lá cờ Việt Nam Cộng hòa trước kia, ủng hộ Donald Trump và các hành vi phản dân chủ của ông ta. Một số người này tham gia vào cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại điện Capitol. Điều này có nghĩa là, họ không chấp nhận nước Mỹ vô điều kiện, vì họ không chấp nhận Joe Biden làm tổng thống. Có phải vậy không? Có lẽ phải cần những phân tích sâu hơn để hiểu những ý tưởng rất lạ này.

Ngoài ra, trong bốn năm qua, có thể thấy sự dấn thân chính trị của những người Mỹ gốc Việt thuộc đảng Dân chủ trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này đã đưa đến sự thành công của các vị dân cử gốc Việt mà nhà báo Bùi Văn Phú đề cập.

Có những người Việt trong dòng chính của chính trị Mỹ chuyển từ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ, vì thất vọng trước sự tệ hại của Donald Trump, như các ông Vũ Bảo Kỳ ở Georgia, Diệp Thế Lân ở California.

Cô Bee Nguyễn, một dân biểu trẻ của đảng Dân chủ ở tiểu bang Georgia, đứng đầu một tổ chức thúc đẩy người da màu đi bầu cử, góp phần giành chiến thắng cho ông Joe Biden tại tiểu bang này.

Một tổ chức có tên PIVOT của những người Mỹ gốc Việt theo khuynh hướng cấp tiến được thành lập khoảng năm 2017, hiện đang hoạt động rất mạnh, thúc đẩy những chương trình hành động của đảng Dân chủ.

Qua những dẫn chứng ở trên, có thể thấy, mặc dù là theo con số khảo sát sau bầu cử 2020, số cử tri gốc Việt bầu cho ông Biden thua xa số cử tri bầu cho ông Trump, nhưng con số này sẽ thu hẹp nhanh trong tương lai, vì nhóm bầu cho đảng Dân chủ có một lợi thế vô cùng mạnh mẽ là họ trẻ hơn.

Trong tương lai, cộng đồng người Việt ở Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với phong trào dân chủ hóa trong nước?

Cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài đảng trị trong nước, cho tới hôm nay có vẻ như được dẫn đầu bởi nhóm cử tri bầu cho Donald Trump, qua hình ảnh lá cờ vàng họ độc chiếm trong các sự kiện biến động vừa qua. Cuộc đấu tranh này, theo ý kiến chủ quan của tôi, không dẫn tới thành công nào đáng kể, từ những toan tính đấu tranh bạo động đầu thập niên 1980, cho đến hàng loạt tổ chức, hội đoàn, chính phủ lưu vong…

Liệu nhóm người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi hơn sẽ thay thế nhóm lớn tuổi, tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa trong nước? Có vẻ như thế hệ trẻ gốc Việt hiện đang vướng bận rất nhiều vào tình hình biến động xã hội của nước Mỹ. Người ta ít thấy tuyên bố của các vị dân cử Mỹ gốc Việt trẻ tuổi về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.

Nhưng nếu quan sát kỹ, có thể thấy rằng, họ vẫn quan tâm đến tình hình trong nước, như trường hợp anh Will Nguyễn, là người bị bắt khi tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 6/2018 ở Việt Nam, hay chị Grace Bui, một nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam rất tích cực, cũng từng bị nhà cầm quyền Việt Nam câu lưu. Cả hai người này đều thuộc nhóm người Việt chống lại sự độc tài, phản dân chủ của Donald Trump. Ngoài ra, các tổ chức có quy cũ nhất của người Việt ở Mỹ, hướng về trong nước, cũng là những tổ chức có nhiều người trẻ tuổi và có khuynh hướng cấp tiến, tham gia.

Những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi có khuynh hướng cấp tiến, đấu tranh cho các giá trị Mỹ, là nền tảng dân chủ ở Mỹ, họ luôn biết rằng, họ đến từ đâu và vì sao họ có mặt trên đất Mỹ, chắc chắn họ sẽ không bỏ qua quá trình dân chủ hóa bên trong Việt Nam.
caubennoc
Posts: 546
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by caubennoc »

Image

Việt Nam cần 15 năm vượt khó mới tới công nghệ cao
Trần Nguyên Thao
(Danlambao)

- Chế độ cực kỳ yếu kém do tham nhũng.
- Cơ cấu kinh tế vỹ mô và cơ cấu các ngành chưa gắn với giáo dục.

Ngân Hàng Thế Giới (World Bank - WB) vừa công bố (3) khó khăn, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo: (i) Nguồn lao động tuy đông đảo, nhưng lại kém chuyên môn; (ii) 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa sẵn lòng đổi mới tư duy để bắt kịp trào lưu công nghệ mới; và (iii) những bất cập trong việc triển khai các hiệp định thương mại để doanh nghiệp nhận thức được và tham gia vào sinh hoạt thương mại toàn cầu.

Tham gia trực tuyến buổi công bố báo cáo này của WB, Tiến Sỹ Nguyễn Đức Kiên, Trưởng Nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ 3 khó khăn, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo và thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Những gì WB đưa ra được giới chuyên ngành của Việt Nam nồng nhiệt khai triển, trong lúc nghị quyết của đại hội đảng CSVN lần thứ XIII gần như vẫn huênh hoang đòi “đội đá vá trời”, đặt chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân mỗi năm từ 6,5-7%.
Image

Theo nhận xét của TS Kiên, nguồn lao động đông đảo, dồi dào, vừa là một lợi thế nhưng cũng là hạn chế khi nguồn lao động này lại thiếu chuyên môn sâu và trình độ công nghệ cao để có thể chủ động áp dụng được đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu muốn đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thì phải dịch chuyển cơ cấu kinh tế vỹ mô và cơ cấu kinh tế nội ngành toàn diện gắn với giáo dục. Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo công nhân có tay nghề đáp ứng được với công nghệ mới và gắn việc đào tạo công nhân có tay nghề với các nhu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp. Những chính sách này đòi hỏi Việt Nam phải có một quãng thời gian khoảng 10-15 năm.

Mục tiêu cao nhất của năm đầu (2021) trong nhiệm kỳ 5 năm của nhiệm khóa XIII là mã số hóa từng người dân để dễ theo dõi, trấn áp. Về kinh tế, đảng hứa tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 6,5%, GDP bình quân đầu người lên khoảng 3.700 Mỹ kim. Đến cuối nhiệm kỳ 5 năm (2025) sẽ đưa người dân vượt qua mức trung bình thấp. CSVN lại hứa đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành “nước phát triển và có thu nhập cao” – tương đương những con hổ châu Á khác như Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan hay Singapore.

Nhưng mọi hứa hẹn, theo phía Công An đều phải dành cho “ưu tiên bảo vệ đảng”, được Công An xác định, “lực lượng công an sẽ theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hợp tác đầu tư phát triển kinh tế để tiến hành chuyển hóa về chính trị, lũng đoạn về kinh tế”. Nhóm chữ “lợi dụng đầu tư để chuyển hóa chính trị” như sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp không có “chức năng sân sau”.

Trong hoàn cảnh Kinh Tế cả thế giới đối mặt với hậu quả của Virus Vũ Hán, thì Việt Nam vẫn cho lệnh báo chí Nhà Nước “tô vẽ”, ca ngợi như kiểu “mò cua trong lỗ” lập lờ “đánh lận con đen”.

Hôm 05/03 đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA) lật tẩy căn bản lươn lẹo của CSVN [1] qua bản tin nói rằng, phóng viên Đài Á Châu Tự Do phát hiện chỉ số mà tổ chức của Anh Quốc New Economics Foundation (NEF) thăm dò từ năm 2016 và đến giờ chưa có cập nhật gì thêm, được báo chí của đảng CSVN lập lại thông tin cũ với cách viết rất mập mờ, không nói rõ ngày tháng, làm như bản lượng giá mới ra lò, nói là của NEF "vừa công bố" về "Chỉ số hành tinh hạnh phúc", trong đó Việt Nam đứng thứ 5 thế giới vượt qua cả Bhutan (*)

Quỹ Di sản (Heritage Foundation) vừa công bố Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 cho thấy, điểm số tự do kinh tế của Việt Nam là 61.7. Điểm số này giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng năm nay. Và là nước đứng thứ 17 trong số 40 quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; có điểm tổng thể cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.


Heritage Foundation chỉ ra trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam vẫn là chế độ pháp quyền cực kỳ yếu kém của đất nước do tham nhũng trong cơ quan tư pháp cấp thấp và trong nhiều doanh nghiệp nhà nước không được cải tổ và kém hiệu quả. .[2]

WB lượng giá, so với các nền kinh tế tiên tiến về độ phủ và cường độ sử dụng công nghệ mới, thì Việt nam cũng nằm trong số các nước Đông Nam Á chẳng những chưa đạt tới ranh giới công nghệ cao, mà gần như cả khu vực này đang tụt hậu.

Lâu nay CSVN vẫn hãnh diện về một Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, làm việc chăm chỉ và nhiều nhân tài. Theo báo chí Nhà Nước, mỗi năm Việt Nam đào tạo ra 1500 Tiến Sỹ, 36 ngàn Thạc Sỹ, còn văn bằng cử nhân thì vô số kể, thống kê cho biết, 5 năm trước (2016) Việt Nam đã có 192,500 cử nhân.

Việt Nam đặt Giáo Dục một phần vào lý thuyết Mác-Lê trong đó chưa đặt thành ưu tiên huấn luyện sinh viên phục vụ nhu cầu phát triển Kinh Tế quốc gia, nên mới nảy sinh nhiều sự việc đau lòng: học trò đánh thầy, học sinh trấn lột nhau quay videos bỏ lên mạng khuyến khích tính dã man trong chính sách “đấu tố” của Giáo Dục. Báo Hanoi Mới hôm 19/03 còn đăng tin Công an tạm giam Giảng Sư Đai Học tên HXH can tội “cầm đầu đường dây mua bán ma tuý liên tỉnh”.

Việc mua điểm trở thành bình thường đối với những cán bộ quý tộc. Kỳ thi Trung Học Phổ Thông toàn quốc năm 2018 tỉnh Hà Giang có 309 bài thi của 107 thí sinh được can thiệp nâng điểm. Tương ứng với số này là 210 bố, mẹ của thí sinh được xác định có liên quan việc nâng điểm.

Trên bậc Đai Học, theo danh sách của bộ Công an, 5 trường hợp đã sử dụng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Hà Nội, 2 người dùng giấy tờ giả để học nghiên cứu sinh ở đại học Khoa học xã hội và nhân văn tại Saigon. Gần đây mới chỉ một Đại Học Đông Đô bị phanh phui, đã cấp tới 203 văn bằng giả hay không đủ tiêu chuẩn.

Từ năm 2014, báo VietnamNet đã khoe Việt Nam có 24,300 Tiến sỹ [3]. Nếu chia đều cho 63 Tỉnh, Thành thì 7 năm trước mỗi nơi đã có gần 400 vị Tiến sỹ và gần 600 vị Thạc sỹ. Số lượng khoa bảng ở Việt Nam nhiều như vậy, cho nên dân đen lam lũ mỗi khi có việc phải ra Tỉnh, gặp bất cứ ai cũng phải cung kính chào Tiến Sỹ mới không thất lễ!

Ngân hàng Phát Triển Á Châu (ADB) nhận đinh, Việt Nam cần tăng cường phát triển kỹ năng nhằm phục vụ chuyển đổi sang cách mạng công nghệ 4.0. Mặc dù 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam báo cáo rằng họ đã được trang bị tốt cho cách mạng công nghệ 4.0, số liệu này vẫn thấp hơn so với Campuchia (73%), Philippines (81%) và Indonesia (95%) [4].

Thống kê từ TopDev, trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm, cho thấy nhu cầu nhân lực Công Nghệ Thông Tin (CNTT) tăng nhưng thị trường lao động lãnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm 2021, số lượng nhân lực CNTT cần là 500.000 người và thiếu hụt 190.000 người.[5] Công việc chuyên môn cao với lương tháng 100 triệu trở lên bị lọt vào tay người ngoài.


Theo số liệu của phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95%. Các DNNVV đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách hàng năm và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Các doanh nghiệp lớn lại phụ thuộc quá mức vào vốn đầu tư nước ngoài (70% vốn FDI) làm cho xuất cảng cũng lệ thuộc và gây cản trở cho sự phát triển của ngành công nghiệp nội địa, đưa số lượng cử nhân ngày càng tăng hiện đang phải làm việc vất vả tại những nhà máy cho người ngoài.

Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư (KH&ĐT) cho biết, DNNN số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh... Nhưng Bộ KH&ĐT quên không nhìn nhận, khối DNNN “ù lì” và kém hiệu quả.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá nhiều doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, kể cả các DN hàng đầu, hiện chưa có ý thức rõ ràng về việc chuẩn bị các chiến lược dài hạn. Thành ra việc chuyển giao quyền điều hành công ty cho thế hệ trẻ hơn đang “bỏ ngỏ”.

Sơ lược trên đây cho thấy những khó khăn dài hạn, nhưng ngay trước mắt khi lãi suất trái phiếu của Mỹ mới tăng, thì thị trường chứng khoán mới nổi như Việt nam sẽ đối mặt với nguồn vốn thuộc khối ngoại lần lượt ra đi : tuần trước Dragon Capital có 25 năm kinh nghiệm tham gia thị trường Việt Nam đã quyết đinh thoái vốn, bán 100 triệu cố phiếu, thu vốn 3000 tỷ đồng. Việt nam có thể chịu lệnh trừng phạt “thao túng tiền tệ” của Mỹ trong tương lai không xa, vì Ngân Hàng Nhà Nước kìm hãm tỷ giá. Lạm phát có dấu hiệu tăng cao đáng kể, ngày 14/03 giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới gần 9 triệu đồng 1 lượng (trên 16%). [6]

Từ tháng 11/2020 đến nay, xăng đã tăng giá 7 lần. Lần tăng mới đây là ngày 12/03, xăng Ron95-III giá 18, 881 đồng mỗi lít, tăng khoản 800 đồng. Tính chung 7 lần tăng giá xăng thì mỗi lít xăng đã tăng 3.800 đồng, khoảng 21%. [7]

Bao lâu, CSVN còn khăng khăng giữ lề thói điều hành Kinh Tế bằng định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, vẫn chỉ kết nạp những người thiếu năng lực, và ra sức “chèo kéo” không cho thị trường vận hành tự do thì đương nhiên Kinh Tế, Tài Chánh kéo dài trong khủng hoảng, đưa đến doanh nghiệp đinh đốn, tỷ lệ thất nghiệp cao, kinh tế suy thoái, lạm phát cao. Khi giới chuyên ngành lên tiếng bênh vực quyền lợi người dân thì lại bị chế độ “dán nhãn” là chuyên gia “làm khó” chính phủ.

19 March 2021

Tham khảo:

[1] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vie ... 65026.html

[2] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vie ... 63653.html

[3] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/24-00 ... 64238.html

[4] https://theleader.vn/cach-mang-40-doi-h ... 192775.htm

[5] https://thanhnien.vn/giao-duc/nganh-con ... 44497.html

[6] https://tintuconline.com.vn/mua-sam/gia ... 72227.html

[7]https://thethaovanhoa.vn/ban-can-biet/g ... 322527.htm

(*) Vương Quốc Bhutan thuộc Nam Á : diện tích 38,394 km2; dân số 741.700 người. GDP (PPP) 7,045 tỷ Mỹ Kim. Bình quân đầu người 8,762 Mỹ kim. Nhà Vua của Bhutan quan niệm rằng "Tổng Hạnh phúc Quốc gia còn quan trọng hơn Tổng Sản phẩm Quốc nội”

https://zingnews.vn/pho-chu-tich-tinh-h ... 58058.html


Trần Nguyên Thao
duynga
Posts: 128
Joined: Sat Oct 13, 2012 2:40 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by duynga »


So sánh công lý tại Hoa Kỳ và Công lý tại Việt Nam

Luật Sư Đào Tăng Dực
(Danlambao) - Trong tháng 3 năm 2021, có 2 sự kiện pháp lý diễn ra tại 2 quốc gia trên thế giới. Sự kiện đầu tiên diễn ra ngày 8 tháng 3 tại Việt Nam là một quốc gia đảng trị độc tài chuyên chế và sự kiện thứ nhì diễn ra ngày 16 tháng 3 tại Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

Bản chất của 2 sự kiện tương đồng vì các pháp đình liên hệ phải giải quyết xung đột giữa các lực lượng trị an gồm cảnh sát Hoa Kỳ cũng như công an CSVN bên này và người dân Hoa Kỳ cũng như người dân Việt Nam bên kia.

Tuy nhiên kết quả và những hệ lụy của 2 tiến trình pháp lý hoàn toàn khác biệt.

Tại Hoa Kỳ thì tương quan giữa cảnh sát và dân chúng là một tương quan có sự giám sát của tòa án (như là một định chế trong hệ thống tam quyền phân lập) và những định chế độc lập khác, nhất là hệ thống truyền thông tư nhân. Tại Việt Nam thì tương quan giữa công an và nhân dân là tương quan giữa chủ nhân ông và những nô lệ trong đó công an có quyền sinh sát tuyệt đối.

Thật vậy, tại Việt Nam, trong 2 ngày chóng vánh, trong phiên xử phúc thẩm, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Hà Nội đã y án cho 6 dân làng trong vụ án công an CSVN tấn công người dân xã Đồng Tâm, kể luôn 2 án tử hình cho 2 người con Cụ Lê Đình Kình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức.

Sự kiện là ngày 9 tháng 1 năm 2020, vì tranh đoạt đất đai của dân Đồng Tâm, Bộ Công An CSVN đã huy động một lực lượng vũ trang áp đảo, trang bị vũ khí tối tân, tấn công vào lúc 3 giờ sáng vào dân xã Đồng Tâm với dân số khoảng 9,000 nhân mạng bao gồm nam, phụ, lão, ấu. Công An CSVN xông vào nhà và bắn chết cụ Lê Đình Kình là lãnh tụ dân làng. Trong khi tấn công nhân dân của mình thì có 3 công an tử thương.

Cuộc tấn công xã Đồng Tâm, trên phương diện Công Pháp Quốc Tế, hội đủ các yếu tố để truy tố và kết án công an CSVN liên hệ với tội danh “tội ác chống nhân loại” (Crime against humanity) dưới Bộ Luật La Mã 1998 của Tòa Hình Sự Quốc Tế (Rome Statute of the International Criminal Court).

Tội ác chống nhân loại không phải là những tội giết người, diệt chủng bình thường mà phải hội đủ những yếu tố sau đây:

1. Hành động tội ác phải có yếu tố tấn công (attack)

2. Sự tấn công phải phổ quát (widespread) hoặc có hệ thống (systematic) và

3. Nhắm vào một số người dân sự (civilian population)

Tuy nhiên, dưới cái gọi là Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa, thay vì các thành phần công an bị truy tố, thì chính 29 dân làng bị truy tố về các tội giết người và chống người thi hành công vụ. Họ bị kết án từ tử hình cho đến chung thân và tù giam.

Cùng thời điểm đó tại Hoa Kỳ, ngày 16 tháng 3, 2021 Tòa Án cũng đăng đàn phán xét Cựu Cảnh Sát Viên Derek Chauvin bị truy tố tội cố sát một người da đen tên George Floyd.

Sự kiên là vào ngày 25 tháng 5, 2020, George Floyd bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi sử dụng bạc giả. Cảnh sát viên Derek Chauvin bị tố cáo là chèn đầu gối trên cổ của George Floyd trong vòng 8 đến 9 phút và gây ra tử vong.

Vì đây là một phiên xự liên hệ đến án tử hình, toàn án thẩm định cần phải có ít nhất 3 tuần để chọn bồi thẩm đoàn và ít nhất cũng đến 29 tháng 3 các phe công tố viện và bị cáo mới có thể mở đầu phiên tòa. Không thể qua loa chóng vánh như dưới Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa được.

Trong khi đó, Tòa Đô Chánh thành phố Minneapolis, tiểu bang Minesota, cũng đã công bố một thỏa thuận bồi thường cho gia đình của George Floyd số tiền 27 triệu Mỹ Kim trên phương diện dân sự. Sự bồi thường dân sự này hoàn toàn khác biệt với phiên xử hình sự vì theo luật pháp tại các quốc gia theo hệ thống Common Law như Anh Quốc, Hoa Kỳ hoặc Úc Đại Lợi, tiêu chuẩn thắng kiện dân sự dễ dãi hơn ở mức độ “có xác xuất phải chăng” (“On the balance of probability”). Tiêu chuẩn kết tội hình sự cao hơn ở mức độ “Không còn lý do chính đáng để nghi ngờ” (“beyond reasonable doubt”).

Hậu quả là Derek Chauvin vẫn có cơ hội trắng án trên bình diện hình sự.

Khi chúng ta so sánh số phận của George Floyd và gia đình với số phận cụ Lê Đình Kình, gia đình và nhân dân xã Đồng Tâm, chúng ta mới thấy sự vận hành của công lý trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên khác với sự vận hành của cái gọi là công lý dưới Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa khác nhau biết chừng nào.

Tội ác của công an CSVN tại Đồng Tâm lớn lao và có hệ thống hơn hành vi có tính cá nhân đơn lẻ của cảnh sát viên Derek Chauvin và nên nhớ Derek Chauvin chưa chắc sẽ bị kết án về hình luật.

Nếu gia đình George Floyd được bồi thường 27 triệu Mỹ Kim thì thử hỏi đảng CSVN sẽ phải bồi thường bao nhiêu cho gia đình Cụ Lê Đình Kình, gia đình các anh Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Bùi Quốc Tiến (đều bị kết án 16-18 năm tù) để bù đắp những đau thương và tai họa họ gieo rắc cho nhân dân Đồng Tâm.

Lịch sự rồi sẽ sang trang. Vụ án Đồng Tâm vẫn còn đó. Trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, trước một tòa án công khai và công bằng, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, các ủy viên Bộ Chính Trị liên hệ và đồng bọn trong chiến dịch thảm sát Đồng Tâm sẽ là những bị cáo trước vành móng ngựa. Công lý sẽ được thực thi và nhân dân Đồng Tâm sẽ được bồi thường xứng đáng.

Luật Sư Đào Tăng Dực
hoanghoa
Posts: 2277
Joined: Wed Jun 06, 2007 11:50 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoanghoa »

Myanmar: quân đội tiếp tục giết người biểu tình
THỜI SỰTIN THẾ GIỚI
On Apr 10, 2021
H.C.

Lực lượng an ninh Myanmar đã dùng súng phóng lựu bắn vào người biểu tình ở thị trấn Bago gần Yangon hôm qua thứ Sáu 09-04-2021, khiến hơn 80 người thiệt mạng, nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) và một hãng tin trong nước cho biết.

Myanmar: Quân đội tiếp tục bắn giết dân thường, thế giới vẫn im lặng

Thị trấn Bago nằm về phía đông bắc của Yangon, cách khoảng 90 km, là một điểm du lịch nổi tiếng. Theo các nhân chứng và truyền thông trong nước, thông tin về vụ thảm sát người biểu tình lúc đầu bị bưng bít vì lực lượng an ninh Myanmar chất đống thi thể trong khuôn viên chùa Zeyar Muni và phong tỏa khu vực.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ tổ chức AAPP và trang tin Myanmar Now hôm nay thứ Bảy cho biết 82 người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính. Vụ bắn giết bắt đầu trước rạng sáng ngày thứ Sáu và kéo dài tới buổi chiều. “Nó giống như một cuộc diệt chủng. Họ bắn vào mọi bóng người”, hãng tin này dẫn lời một người tổ chức biểu tình tên là Ye Htut nói. Nhiều cư dân của thị trấn đã chạy trốn, theo các tài khoản trên mạng xã hội.

AAPP, tổ chức kiểm đếm hàng ngày số phận những người biểu tình bị lực lượng an ninh giết và bắt giữ, trước đó cho biết có 618 người đã chết kể từ cuộc đảo chính. Trong khi đó phía quân đội nói rằng họ đã thực hiện cuộc đảo chính vì cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái mà đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng đã bị gian lận. Ủy ban bầu cử quốc gia Myanmar bác bỏ khẳng định này.

Trong một cuộc họp báo hôm qua thứ Sáu tại thủ đô Naypyidaw, phát ngôn viên của tập đoàn quân sự cầm quyền (Junta), thiếu tướng Zaw Min Tun, nói rằng quân đội ghi nhận 248 dân thường và 16 cảnh sát thiệt mạng, đồng thời cho biết lực lượng an ninh không hề sử dụng vũ khí tự động.

Truyền thông trong nước cho biết, một liên minh quân đội các sắc tộc ở Myanmar phản đối chiến dịch đàn áp của quân đội đã tấn công đồn cảnh sát tại Naungmon ở bang Shan phía đông Myanmar và ít nhất 10 cảnh sát thiệt mạng. Lực lượng tấn công bao gồm các chiến binh của Quân đội Arakan, Quân Giải phóng Quốc gia Ta’ang và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar; cuộc tấn công diễn ra vào sáng sớm hôm nay thứ Bảy.

Shan News cho biết ít nhất 10 cảnh sát đã thiệt mạng, trong khi hãng tin Shwe Phee Myay đưa ra con số thiệt mạng là 14 người.

Các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar cho biết hôm thứ Sáu rằng các cuộc biểu tình phản đối sự cai trị của họ đang giảm dần vì người dân muốn hòa bình và họ sẽ tổ chức bầu cử trong vòng hai năm.

Hôm thứ Sáu các nhà lập pháp Myanmar bị lật đổ đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có hành động vì tình hình bạo lực ở Myanmar đang ngày càng khốc liệt. Bà Zin Mar Aung, người được một nhóm các nhà lập pháp bị lật đổ bổ nhiệm làm quyền ngoại trưởng, cho biết: “Người dân chúng tôi sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để lấy lại quyền và tự do của họ”. Bà kêu gọi các thành viên Hội đồng áp dụng cả áp lực trực tiếp và gián tiếp lên chính quyền quân phiệt Myanmar.
tramthaiha
Posts: 453
Joined: Tue Sep 08, 2009 7:54 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by tramthaiha »

Image

Biden chuẩn bị chấp thuận bán vũ khí đầu tiên cho Đài Loan giữa mối đe dọa từ Trung Quốc
April 20, 2021

Tổng thống Joe Biden chuẩn bị thông qua việc bán vũ khí đầu tiên của chính quyền ông cho Đài Loan , theo các báo cáo trong tuần này.

Đại sứ quán của Hoa Kỳ tại Đài Bắc, nói với chính quyền của Tổng thống Tsai Ing-wen vào tháng 3 rằng Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) của Ngũ Giác Đài sẽ sớm thông báo cho Quốc hội về thỏa thuận này, United Daily News đưa tin vào ngày Chủ nhật.

Theo một nguồn tin cấp cao của chính phủ, thỏa thuận dự kiến ​​sẽ bao gồm 40 xe pháo tự hành M109A6 “Paladin” và các thiết bị liên quan.

Trước phiên điều trần lập pháp hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng xác nhận rằng yêu cầu mua M109A6 của nước này đã được thực hiện trong một thời gian, đồng thời cho biết thêm rằng Đài Bắc vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về sự chấp thuận từ Washington.

Chiu là một trong số các viên chức cấp cao của Đài Loan đến gặp một phái đoàn Hoa Kỳ do Tổng thống Biden cử tới Đài Bắc vào tuần trước. Bộ trưởng cho biết các cuộc thảo luận tập trung vào an ninh khu vực và hợp tác sau đại dịch, nhưng các thỏa thuận vũ khí không được đề cập.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là thương vụ bán vũ khí đầu tiên của chính quyền Biden cho Đài Loan, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump trừng phạt 11 hợp đồng mua bán vũ khí với hòn đảo này trong 4 năm cầm quyền, trong đó có 6 thương vụ trong bối cảnh căng thẳng quân sự ở eo biển Đài Loan leo thang rõ rệt.

Theo United Daily News , các cuộc thảo luận xung quanh việc mua sắm M109A6 đã bắt đầu dưới thời chính quyền Trump, nhưng thỏa thuận bị trì hoãn do những phức tạp trong việc tìm nguồn cung cấp đạn pháo dẫn đường M982 Excalibur. Tờ báo cho biết Thụy Điển, nước tham gia nghiên cứu và phát triển vũ khí chính xác 155 mm, phản đối việc bán.

Viên chức chính quyền Tsai được trích dẫn trong báo cáo không cho biết liệu Đài Loan có thể mua được đạn pháo M982 Excalibur hay không, chỉ biết rằng quá trình mua bán đang diễn ra.

Các loại vũ khí hỗ trợ M109A6 sắp tới sẽ được giao cho Quân đội c và bổ sung cho các loại pháo tự hành M109A2 và M109A5 cũ của lực lượng này, loại nhỏ nhất đã phục vụ được 21 năm, theo Hãng thông tấn Trung ương do chính phủ Đài Loan tài trợ.

Các nhà phân tích quân sự trên đảo đã ghi nhận hệ thống điều khiển hỏa lực tự động vượt trội của Paladin, cho phép nó bắn quả đạn đầu tiên trong vòng 60 giây sau khi thiết lập với tốc độ trung bình 8 quả đạn mỗi phút.

Sau chiến thắng bầu cử của Tổng thống Biden vào tháng 11 năm ngoái, các nhà phân tích ở cả Đài Bắc và Bắc Kinh đều dự đoán việc bán vũ khí cho Đài Loan sẽ tạm lắng đáng kể khi chính quyền mới xem xét lại chính sách Trung Quốc của Mỹ.

Mặc dù vẫn chưa được Ngũ Giác Đài xác nhận, các báo cáo trong tuần này đã dẫn ra phản ứng từ tờ Global Times của Trung Quốc, cho rằng thỏa thuận vũ khí sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” cho mối quan hệ xuyên eo biển vốn đã căng thẳng và Mỹ-Trung.

Tháng 12 năm ngoái, DSCA đã công bố số liệu cho thấy doanh thu quân sự nước ngoài hàng năm đạt tổng cộng 50,78 tỷ USD cho năm tài chính. Đài Loan là nước nhận vũ khí và thiết bị do Mỹ sản xuất lớn nhất, mua hàng hóa quân sự trị giá 11,8 tỷ USD vào năm 2020

Viên chức quốc phòng Đài Loan Lee Shih-chiang, người đứng đầu kế hoạch chiến lược, nói với các nhà lập pháp hôm thứ Hai rằng nước này vẫn đang trong quá trình mua hỏa tiễn hành trình tầm xa AGM-158 JASSM.

TH
caubennoc
Posts: 546
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:43 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by caubennoc »

Indonesia loan báo tìm thấy xác tàu ngầm, thủy thủ đoàn 53 người đều thiệt mạng
Apr 25, 2021 cập nhật lần cuối Apr 25, 2021
BANYUWANGI, Indonesia (AP) — Quân đội Indonesia hôm Chủ Nhật, 25 Tháng Tư, chính thức loan báo tất cả 53 người thuộc thủy đoàn chiếc tàu ngầm bị chìm đều đã thiệt mạng và các toán tìm kiếm đã thấy được xác tàu, nứt làm mấy mảnh, dưới lòng đại dương.

Loan báo buồn thảm này được đưa ra một ngày sau khi Indonesia nói chiếc tàu ngầm coi như bị chìm, chứ không chỉ là mất tích, nhưng không nói rõ là thủy thủ đoàn có sống sót hay không. Giới hữu trách trước đó nói chiếc KRI Nanggala 402 coi như cạn dưỡng khí vào sáng sớm ngày Thứ Bảy, ba ngày sau khi chiếc tàu mất tích ngoài khơi đảo Bali.
Image
Hình ảnh thu được dưới lòng biển cho thấy một phần của chiếc tàu ngầm gặp nạn. (Hình: Indonesian Navy via AP)
Tham mưu trưởng quân đội Indonesia, Tướng Hadi Tjahjanto, nói với báo chí tại Bali hôm Chủ Nhật rằng: “Chúng tôi có được các hình ảnh dưới lòng biển cho thấy các phần của chiếc tàu ngầm, gồm bánh lái phía sau, mỏ neo, phần vỏ ngoài và các phần khác của chiếc tàu.”

Tướng Tjahjanto nói thêm rằng với các chứng cớ được xác nhận này, quân đội Indonesia nay xác nhận tàu ngầm KRI Nanggala 402 đã chìm và toàn thể thủy thủ đoàn đều thiệt mạng.
Image
Hình ghi lại một phần bị nứt bể của chiếc tàu ngầm Hải Quân Indonesia KRI Nanggala 402 bị chìm ngoài khơi đảo Bali. (Hình: Indonesian Navy via AP)
Một tàu robot lặn ngầm đáy biển, có trang bị máy ghi hình, cho thấy chiếc tàu ngầm bị bể ra làm ít nhất là ba mảnh, ở độ sâu khoảng 838 mét (chừng 2,750 foot), theo lời Tham Mưu Trưởng Hải Quân Indonesia, Đô Đốc Yudo Margono.

Chiếc KRI Nanggala 402 chỉ có thể lặn sâu tới mức 200 mét (655 foot), nếu xuống sâu hơn nữa thì vỏ tàu sẽ không chịu được sức ép của nước.

Hiện chưa rõ vì sao chiếc tàu bị chìm. Hải Quân Indonesia trước đó nói rằng có thể do bị mất điện bất ngờ nên thủy thủ đoàn không thể tiến hành các biện pháp thoát hiểm khẩn cấp.
Image
Chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402 tại bến ở Surabaya, East Java, Indonesia năm 2014.(Hình: AP Photo)
Đô Đốc Margono nói các bộ đồ thoát hiểm, vốn thường được giữ trong hộp, đã thấy trôi dưới đáy biển, chỉ dấu cho thấy thủy thủ đoàn có thể tìm cách mặc vào trong lúc tàu gặp nạn.

Hải Quân Indonesia sẽ tìm cách đưa xác tàu lên khỏi mặt nước để thu hồi thi hài của thủy thủ đoàn, theo Đô Đốc Margono. (V.Giang)
hoangphong
Posts: 381
Joined: Tue Feb 12, 2019 6:49 am
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by hoangphong »

Image

Thuyền trưởng Joe Biden, người ra khơi giữa cơn bão
Nhã Duy

Cột mốc 100 ngày của tân nội các tổng thống Joe Biden quả khó làm mỗi người xác định chính xác về ý niệm thời gian. Một mặt nó tạo phản xạ thói quen rằng, 100 ngày có vẻ như đến quá nhanh. Nhưng đồng thời nó cũng cho người ta một cảm giác ngỡ như ông đã nhậm chức từ rất lâu, khi nhìn vào biết bao nghị trình, cải đổi liên tục được đưa ra, cùng các công việc đã làm. Suy nghĩ và cảm xúc thế nào trong mỗi cá nhân, thì vâng, đã tròn 100 ngày nhậm chức của tổng thống Joe Biden để nhìn lại dăm điều.

Khi tổng thống Joe Biden bất ngờ qua mặt các ứng viên đảng Dân Chủ trong vòng bầu cử sơ bộ để trở thành ứng viên tổng thống đối đầu cùng Donald Trump, có lẽ không ít cử tri Dân Chủ đã cảm thấy phân vân và nghi ngờ về khả năng của ông, đặc biệt nơi giới trẻ và những người cấp tiến đang ủng hộ các ứng viên khác. Một nhóm cử tri khác thì ủng hộ ông chỉ vì họ muốn truất phế Trump, bất kể ai được đề cử.

Có thể tổng thống Joe Biden không phải là ứng viên sáng giá nhất của những thế hệ như tổng thống John F. Kennedy, Bill Clinton hay Barack Obama, những chính khách trẻ trung, trí tuệ và đầy sức thu hút cử tri. Nhưng trong số hàng chục ứng viên khác, ông lại là người có nhiều cơ hội đánh bại được Donald Trump. Chiến thắng của ông đã cho thấy chọn lựa chiến lược của đảng Dân Chủ là đúng đắn và thành công. Với người dân Mỹ, ít ra cũng đã cảm ơn ông vì đã giúp họ thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài từ Donald Trump.

Nhưng rồi 100 ngày đầu tiên với lời nói và hành động của tổng thống Joe Biden ắt đã làm thay đổi suy nghĩ của vô số người. Bởi đó là chân dung và phẩm cách của một lãnh đạo vô cùng cần thiết cho nước Mỹ hiện nay: kinh nghiệm, bản lãnh và trách nhiệm, là một cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến lợi ích quốc gia và người dân.

Trong cuốn hồi ký "A Promise Land", tổng thống Obama đã kể lại chi tiết lý do tại sao ông đã cân nhắc chọn Joe Biden để làm phó trong liên danh của mình. Tổng thống Obama kể rằng, nếu có những cử tri còn phân vân với những người mới và trẻ như ông thì họ có thể tin vào Joe Biden, một thượng nghị sĩ với hơn 35 năm chính trường, có kinh nghiệm đối ngoại sâu rộng, một con người nghị lực và đầy quyết tâm, can cường và bền bỉ vượt lên thử thách. Và hơn hết là một con người chính trực, chân thật và yêu nước, quan tâm đến người khác. TT Obama đã không sai lầm vì đó là những phẩm hạnh thật sự của tổng thống Joe Biden mà người dân có thể thấy được hiện nay.

Với đại dịch Covid-19, khi TT Biden đưa ra mục tiêu sẽ chủng ngừa 100 triệu liều trong 100 ngày đầu tiên, đó là con số gây hồi hộp cho những người ủng hộ ông. Nhưng "under promise and over delivery", hứa ít làm nhiều, ông đã đạt đến con số 200 triệu liều trước thời hạn, khống chế dịch bịnh và hứa hẹn đưa đời sống người dân cùng các hoạt động kinh tế quốc gia sớm trở lại bình thường. Thực hiện cuộc chủng ngừa toàn dân với một quy mô chưa từng có trong lịch sử đã cho thấy khả năng tổ chức và điều hành của nội các TT Joe Biden như thế nào.

Song song chiến dịch phòng chống Covid hữu hiệu là gói cứu trợ kinh tế 1.9 ngàn tỉ của ông sẽ giúp hồi phục nền kinh tế đình trệ do đại dịch gây nên và được các chuyên gia dự đoán sẽ đưa tỉ lệ phát triển kinh tế Mỹ lên cao nhất trong vòng vài chục năm qua. Không dừng ở đó, kế hoạch tạo công ăn việc làm qua chương trình đầu tư và tái thiết hạ tầng cơ sở hứa hẹn sẽ tạo thêm công ăn việc làm và chăm lo cho ích lợi người dân Mỹ, tái củng cố vai trò lãnh đạo nước Mỹ.

Nếu phía Cộng Hòa và những người ủng hộ Donald Trump chưa bao giờ đặt vấn đề nợ công và thâm thủng do Trump gây ra, trên thực tế là ít nhất hơn 8,000 tỉ đô la theo các số liệu, thì hà tất gì TT Joe Biden lại e ngại với số tiền cứu vãn một cuộc khủng hoảng kép do Trump để lại, lẫn cho việc đầu tư vào tương lai nước Mỹ với ngân sách chưa bằng phân nửa?

Những tưởng những cấp bách của việc đối phó dịch bịnh và kinh tế sẽ làm ông tập trung hơn vào vấn đề đối nội nhưng kinh nghiệm và bản lãnh của một chính khách từng nắm vai trò lãnh đạo ủy ban đối ngoại Thượng Viện đã cho thấy một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn với kẻ thù và nỗ lực hàn gắn lại mối quan hệ đã bị sứt mẻ với đồng minh. Các cuộc họp theo phương thức 2+2, cả bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng với các đồng cấp của các quốc gia đồng minh cho thấy chính sách ngoại giao mềm dẻo đi kèm theo quân sự cứng rắn trong trường hợp cần thiết phải sử dụng, đã tái trấn an đồng minh về vai trò và sự hậu thuẫn dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Riêng với Trung Cộng, nếu cuộc chiến chống khủng bố lẫn hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan chưa cho phép tổng thống Barack Obama thực hiện trọn vẹn chiến lược chuyển trục Á Châu thì nội các TT Joe Biden xem ra đã cứng rắn và quyết tâm hơn trong sự đối đầu với Trung Cộng, khi ông thừa bản lĩnh và kinh nghiệm để hiểu về một Trung Cộng thủ đoạn thế nào. Điều đáng ghi nhận là việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ, một nghị sự cốt lõi trong chính sách ngoại giao hiện nay của nội các TT Biden. Đó là một quyền lực mềm về vai trò lãnh đạo nước Mỹ, đã hoàn toàn bị bỏ qua trong bốn năm qua. Liệu đó không phải là tin vui với những người đang cổ vũ hay dự phần vào phong trào dân chủ và nhân quyền thế giới?

Không hẳn mỗi chính sách hay quyết định của TT Joe Biden sẽ được ủng hộ hay thỏa mãn kỳ vọng của mỗi người. Các vấn đề quốc gia mà mỗi đời tổng thống Mỹ luôn đối diện như chính sách di dân, xung đột sắc tộc, đối cực đảng phái, ngoại giao ... sẽ là những thách thức kéo dài trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông, không dễ dàng có giải pháp tốt nhất trong một sớm chiều so với những nghị sự ưu tiên khác. Tuy nhiên chưa hề có bất cứ lời nói hay hành động chia rẽ quốc gia nào, những người chống đối tổng thống Biden chỉ vì chọn lựa sự phủ nhận, thái độ bất hợp tác và không muốn hàn gắn của họ.

100 ngày đầu tiên không phải thời gian để lưu lại hay thể hiện trọn vẹn một nhiệm kỳ tổng thống nhưng có thể cho người dân ý niệm định hình rõ ràng về một tính cách cùng các chính sách và đường hướng nghị sự của người lãnh đạo quốc gia. Thị trường gia tăng, thất nghiệp giảm, kinh tế có triển vọng trên đà phục hồi. Với tỉ lệ hài lòng của người dân gia tăng đến 59%, theo như thăm dò mới nhất từ Pew Research Center (*) trong tình trạng phân cực mạnh mẽ hiện nay, tổng thống Joe Biden không những đang đi đúng hướng mà ngày càng được tin tưởng, quý mến nhiều hơn. Đặc biệt với sự hài lòng và lạc quan của giới trẻ, cái xương sườn và tương lai của nước Mỹ.

Tổng thống Joe Biden như một người thuyền trưởng, nắm con thuyền quốc gia giữa cơn bão dữ. Chỉ trong cơn sóng lớn mới thấy được khả năng người lèo lái. Những thách thức vẫn còn trước mặt, nhưng con thuyền quốc gia hứa hẹn sẽ đến được chân trời rộng mở. Sự lãnh đạo và phục vụ thầm lặng, bền đỗ cho quốc gia và người dân của tổng thống Joe Biden đã được chứng minh bằng kết quả hiển hiện trong 100 ngày vừa qua.
Xin chúc mừng tổng thống Joe Biden và chúc mừng nước Mỹ!

04/2021
Nhã Duy
https://www.pewresearch.org/.../biden-n ... 0-day-mark.../
nguyenvsau
Posts: 1138
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by nguyenvsau »

Trung cộng, đừng đánh cược chống lại Hoa Kỳ
01/05/2021

Nhã Duy


Khi nhắc về Trung Cộng trong diễn từ tại Quốc Hội Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden đã khẳng định rằng, trong khi chào đón sự cạnh tranh và không tìm kiếm xung đột nhưng sẽ tuyệt đối bảo vệ quyền lợi quốc gia trên mọi phương diện, cũng như Hoa Kỳ sẽ duy trì hoạt động quân sự tại vùng biển Indo-Thái Bình Dương để ngăn chận việc xảy ra xung đột. Ông cũng cho biết thêm là Hoa Kỳ cũng sẽ không quay lưng với cam kết cùng thế giới trong vấn đề nhân quyền cùng các quyền tự do căn bản, không có một tổng thống Mỹ có trách nhiệm nào có thể lại im lặng khi nhân quyền bị vi phạm.

Khác với thái độ phi ngoại giao và lên giọng tại hay sau cuộc hội đàm cấp cao giữa giới chức ngoại giao hai quốc gia, Trung Cộng dường như đã né tránh việc bày tỏ thái độ theo sau diễn từ này. Lướt qua các trang mạng của những cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Cộng như Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo, Quân Đội Giải Phóng (PLA), Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times)… trong vài ngày qua, đã không có các bài xã luận cứng rắn đáp trả thông thường, ngoài các bản tin mang tính tường trình sự kiện, khai thác sự chia rẽ giữa Dân Chủ và Cộng Hòa, cùng vài clip ngắn, phỏng vấn một số người dân Mỹ về 100 ngày đầu tiên của tổng thống và nội các Biden.

Theo sau một đôi cuộc hội đàm giữa các cấp lãnh đạo hai quốc gia, có lẽ Trung Cộng phần nào đã rõ thái độ dù điềm tĩnh và chuyên nghiệp nhưng rất thẳng thắn, rõ ràng và cương quyết của nội các TT Biden. Hoa Kỳ đang thực hiện đối sách chiến lược mà Trung Cộng e ngại: Tái củng cố một liên minh để sẵn sàng cho một cuộc đối đầu nếu thật sự cần thiết và khi xảy ra. Bên cạnh đó, Trung Cộng cũng thấy rằng, nếu phía Cộng Hòa có thể bất hợp tác với TT Biden vô số điều, thì đó không phải là việc đối phó với Trung Cộng, bởi các nghị quyết hay dự luật liên quan đến các chế tài Trung Cộng luôn đạt được sự đồng thuận cao.

Tuyên bố chính thức và duy nhất từ Trung Cộng có lẽ ở những câu trả lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng trong cuộc họp báo ngày 29 tháng 4, vài giờ sau bài phát biểu của TT Biden. Ký giả của hãng thông tấn AFP đã lặp lại các phát biểu nói trên cùng cam kết hiện diện quân sự tại vùng biển Đông, hỏi về thái độ của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng. Để tường tận hơn về thái độ của Trung Cộng, có thể tóm tắt trả lời của Uông Văn Bân (Wang Wenbin), đăng trên trang mạng Bộ Ngoại Giao Trung Cộng theo sau:

Thứ nhất, Wang cho rằng Trung Cộng đi theo con đường “phát triển và cổ vũ hoà bình thế giới, cam kết nối quan hệ không xung đột và tránh đối đầu với Hoa Kỳ theo sự hợp tác đôi bên cùng có lợi (win-win solution).

Thứ nhì là vấn đề dân chủ là thuộc quyền tự quyết và tùy thuộc thực tế mỗi quốc gia, không riêng nước nào xem như một “sản phẩm cầu chứng”.

Thứ ba là hai bên cần có sự cạnh tranh công bằng, tránh việc sống thác (zero-sum game). Và cuối cùng Uông cũng không quên chỉ trích Hoa Kỳ mới là quốc gia phạm luật chơi, cổ vũ cho cuộc chiến tranh lạnh và định kiến về ý thức hệ.

Tất nhiên Trung Cộng luôn có những điều để chống chế và phản bác Hoa Kỳ kiểu này nhưng các điều trả lời như đang nói về chính họ. Bởi trên thực tế thì thế giới cũng thấy rõ mưu đồ cùng tham vọng của Trung Cộng ra sao. Một kẻ bắt nạt, hiếp đáp nước khác lại tự nhận đang “cổ vũ cho hòa bình”. Kẻ tận dụng mọi thủ đoạn để thủ lợi và đi ra ngoài luật chơi lại kêu gọi “cạnh tranh công bằng”. Là gì thì rõ ràng Trung Cộng cũng không muốn và không thể đối đầu với Hoa Kỳ cùng khối đồng minh.

Tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện khá hiếm hoi trong những năm qua tại vùng Vịnh, khi hải quân Hoa Kỳ đã bắn cảnh cáo các chiếc thuyền Iran tiến gần đến chiến thuyền của mình hồi tuần trước. Phát ngôn viên của Hạm Đội Năm tại Trung Đông tuyên bố các tàu thuyền Iran “cần hoạt động đúng mức cho sự an toàn của các tàu thuyền theo luật quốc tế”. Liệu việc này sẽ tái diễn tại vùng biển Thái Bình Dương khi các tàu Trung Cộng sẽ lại áp sát chiến thuyền Mỹ như trước kia?

Trung Cộng vừa phản đối các chiến thuyền của hải quân Hoa Kỳ đã gia tăng tuần tra khu vực tại gần hải phận của họ đến 20% và gia tăng hoạt động chiến đấu cơ đến 40% so với cùng thời gian năm trước, gây trở ngại cho các cuộc tập trận của họ. Cơ quan think tank tại đại học Bắc Kinh là South China Sea Strategic Situation Probing Initiative đưa ra kết luận trong báo cáo 38 trang của mình rằng, hoạt động quân sự của Hoa Kỳ “đã gây sức ép tối đa tại biển Đông, hiếm thấy trong những năm gần đây và đưa ra sự răn đe chưa từng có với Trung Quốc”.

Những màn tung hô, ca ngợi, trải thảm đỏ đón tiếp tưng bừng lẫn nhau không có chỗ trong quyết sách ngoại giao của nội các tổng thống Joe Biden. Hoa Kỳ không cần thảm đỏ, yến tiệc trong vuốt ve đơn giản của Trung Cộng mà đang vẽ lại đường ranh cho luật chơi để buộc Trung Cộng sẽ phải kiêng dè, cân nhắc hơn trong mỗi chuyển động của mình tại vùng biển Đông.

Có lẽ cả Trung Cộng lẫn Hoa Kỳ đều không mong muốn việc khơi mào cho một cuộc xung đột vũ trang, nhưng trước thái độ xác quyết của tổng thống Joe Biden, Trung Cộng hiểu rằng họ đang đối đầu với một đối thủ nguy hiểm gấp bội lần so với những năm qua. “Chưa bao giờ là cú đánh cược hay khi chống lại Hoa Kỳ. Và nó vẫn không phải vậy với hiện nay“, đó là lời tái nhắc nhở của tổng thống Joe Biden trong kết thúc diễn từ của mình.

Bình Luận từ Facebook
nguyenvsau
Posts: 1138
Joined: Thu Jul 08, 2010 11:25 pm
Contact:

Re: Thời Sự, Bình Luân

Post by nguyenvsau »

Image

Hót vang trên bầu trời tự do

Trần Quốc Việt
(Danlambao) - Tiếng hót của con chim tự do hay hơn tiếng hót của con chim trong lồng. Lời nói của người tự do dù là với tư cách bị cáo hay hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều những người bên ngoài. Bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư đã thể hiện tinh thần tự do đích thực trước cường quyền. Lời nói họ và thái độ họ, đặc biệt cái khoanh tay của bà, đã đi vào lịch sử vì lần đầu tiên hai người dân bình thường đã kết án ngắn gọn nhất và đanh thép nhất chế độ cộng sản ngay tại toà.

Trong xã hội nơi mọi người chọn an phận, họ chọn đấu tranh. Trong xã hội nơi mọi người có thể ý thức về nhân quyền nhưng chọn không hành động. Còn họ biến ý thức ấy thành hành động ở ngoài đời, trong nhà tù, và đặc biệt tại toà. Họ đã khái quát hoá thân phận của tất cả người Việt đều là nạn nhân của cộng sản và thay cho muôn triệu người hô vang khẩu hiệu đả đảo cộng sản công khai ngay tại toà. Chiến tuyến đầu tiên đã vạch ra giữa chế độ độc tài và người dân bị trị bắt đầu từ chính vành móng ngựa này.

Ngày hôm qua nền móng chế độ đã bắt đầu lung lay. Chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô, xét cho cùng, sụp đổ chính từ bên trong khi dân chúng bắt đầu ý thức về các giá trị nhân quyền phổ quát. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi dòng người Việt đấu tranh tất yếu sẽ theo bước chân can đảm và quyết liệt của hai người áo vải này để đưa mình và đất nước đi đến tương lai của nhân quyền và tự do. Những cánh chim trong lồng bắt đầu muốn hót vang trên bầu trời tự do.

Vì lẽ ấy ngày hôm qua là ngày hy vọng và là ngày lịch sử bắt đầu quá trình sang trang.


Trần Quốc Việt
Post Reply

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 0 guests